Miễu Bà Chúa Xứ, Ðìa Gừa, Gò Mả Lạn... phải qua những chòm cây cổ thụ, những vùng lau sậy hoang vu ấy rồi mới đến nhà ông Tư Ðạt.
Trời đã quá chạng vạng. Ánh nắng thoi thóp, đỏ khé. Trong giây phút trở sang màu tím bầm. Muỗi dậy ổ, kêu vo ve khắp gần xa. Loài ếch nhái, côn trùng bắt đầu lên tiếng, chào mừng bóng tối đang tràn ghập qua nhanh chóng.
Cô đơn làm sao, căn nhà giữa đồng này! Gió thổi lành lạnh. Tôi rùng mình:
- Thưa ông, cháu về.
Ông Tư Ðạt cười ngất:
- A ha! Ðứa cháu này sợ ma. Nãy giờ tôi quên. Vô đây, đốt thêm ngọn đèn nữa. Phải rồi, đèn lu quá! Sợ ma sao? Ở đây chơi mà!
Tôi trả lời, ấp úng:
- Dạ, cũng hơi sợ. Thiên hạ nói ở Ðìa Gừa, ở Gò Mả Lạn này...
Ông Tư nói nhanh:
- Có ma hả? Hơi đâu mà tin. Họ nói ma buông xuống lòng thòng từ cánh tay, từ bàn chơn, cái đầu rồi ráp lại. Họ nói ma ở truồng bỏ tóc xõa, đứng trên ngọn cỏ mà múa. Mình hú, nó hú trả lời. Mình chạy, nó rượt theo. Nhưng tôi nhứt quyết xứ này không có loại đó. Xứ này, cháu biết không, là xứ của ma...
Tôi trầm ngâm suy nghĩ: Tại sao ông Tư Ðạt nhìn nhận có ma rồi bảo rằng không có? Chớ ma ở gò mả này thuộc về loại nào? Dầu sao vẻ mặt trầm tỉnh, can đảm của ông cũng làm cho tôi được yên tâm chút ít:
- Thiên hạ đồn đãi nhiều. Cháu phải sợ theo.
Ông Tư khêu ngọn đèn rồi vào trong đem ra một chai rượu đế:
- Uống đi cháu. Thủng thỉnh tôi nói qua chuyện khác vui hơn... Ðồn đãi là một chuyện. Nhưng sự thật lại khác. Cái gì được người ta lặp đi lặp lại nhiều lần bằng câu hát đưa em? Vậy mà có người không hiểu rõ. Thí dụ như:
Một mai thiếp có xa chàng
Ðôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
Tại sao đôi bông thiếp trả, đôi vàng thì xin? Không lẽ người đàn bà nước mình mang thói tham lam? Sự thiệt nó có tích như vầy: đôi bông là vật cha mẹ chồng cho nàng dâu hồi đám nói; đôi vàng là của riêng mà hai vợ chồng trẻ nhờ dành dụm sắm được lúc sau. Nàng dâu than vãn bà mẹ chồng khắc nghiệt, sẵn sàng “trả đôi bông” lại cho mẹ chồng. Nhưng nàng vẫn thương chồng – “xin giữ đôi vàng” – nài nỉ chồng cất nhà ở riêng để thoát ách. Câu hát đó cao sâu lắm! Hồi xưa, khách qua đường hễ nghe nó là hiểu được tánh tình của bà mẹ chồng trong nhà như thế nào. Bởi vậy người hát phải biết hát, người nghe phải biết nghe. Cái chuyện ma ở Gò Mả Lạn này cũng như câu hát đó. Lâu ngày, thiên hạ không hiểu, họ nói xàm, làm mất phẩm giá người đời xưa rồi đâm ra sợ sệt vô lý. Chung quanh nhà này có ma thiệt...
- Ghê quá vậy ông!
- Phải! Ðó là hồn oan. Mình phải thấy rõ họ, mình phải thương họ. Thường bữa, họ tới lui, muốn làm quen với mình nữa. “Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn” mà...
o0o
Non 80 năm về trước, hồi đó ở tại Gò Mả Lạn này xóm nhà đông đúc hơn bây giờ. Họ sống về nghề ruộng rẫy, giăng câu, bắt rắn. Giặc Tây đến. Chúng đóng binh ở ngoài huyện Kiên Giang. Binh sĩ của ông Nguyễn Trung Trực lén kéo về châu thành để công kích. Dân chúng nghe tiếng súng, nửa mừng nửa sợ. Tới một đêm đó, nhiều loạt súng nổ chát chúa ngay đầu xóm, tại Ðìa Gừa.
Không ai dám bước khỏi nhà. Họ đoán rằng có người bị giết và tiếng súng sát nhơn nọ là của Tây. Sáng hôm sau, vài người bạo dạn ra dò xét. Họ kéo mấy cái thân người dưới đìa đem lên, chôn chất kỹ lưỡng gần bờ thềm.
Từ đó, đêm nào đêm nấy giống nhau. Cứ quá nửa đêm dân chúng phải cắn răng, nuốt lệ mà nghe súng nổ. Khi thì nghe tiếng kêu rú. Khi thì nghe thêm tiếng chim bay.
Nước dưới đìa lần lần đen ngầu, hôi tanh. Cỏ bên bờ ngày một cao vì dân làng không còn ai lui tới để gánh nước như trước. Trong khi đó, con đường từ thềm đìa ra ngoài lộ cái trở nên mòn lẵn vì dấu chân của bọn đao phủ Tây tà và của những nghĩa quân, lương dân vô tội từ nơi xa lạ dẫn tới.
Dân làng quá đỗi hiền lương, hằng đêm, họ thức để chờ nghe tiếng súng đầu tiên nổ ngoài bờ giếng. Rồi họ cúi đầu lầm thầm đọc kinh vãng sanh, cầu nguyện cho người quá cố.
Trưa đó ngày mùng 7 tháng chạp, bất thường giặc kéo nhau tới bờ Ðìa Gừa. Chúng đứng lại nhìn xuống đìa, đếm mấy gò mả xung quanh. Nào ai dám hó hé! Chập sau, chúng rút lui. Một thằng bé chăn trâu được may mắn núp ở gần bờ đìa, khi nãy. Nó về xóm thuật lại:
- Tui thấy ông Tây này cười, ông kia la hét, ông Tây nọ gật đầu. Mấy ổng dòm vô xóm mình...
Ðiềm lành, điềm dữ hay là không có điềm gì hết? Không ai đoán trúng cả. Vì đó là một diềm dữ, nhưng dữ quá mức tưởng tượng của họ.
Ðêm ấy cả xóm đều bị bao vây.
Nhờ ngủ ngoài chuồng trâu, đứa bé chạy thoát được. Nó qua xóm kế bên cầu cứu trong khi súng nổ liên hồi, lửa bốc cháy.
Ðầu canh năm, tiếng súng vẩn còn thưa thớt. Mặt trời gần mọc, chừng đó dân làng kế bên mới dám đi qua cứu giúp.
Người chết quá nhiều. Người còn sống quá ít. Làm sao mà chôn? Ban đầu còn bó thây bằng chiếu, mỗi hầm chôn một người. Sau cùng, cứ chôn chung một hầm, đủ già trẻ bé lớn. Khiêng nhiều chuyến quá sanh ra mệt mõi! Họ khiêng bằng võng, đặt hai xác chết trên một võng, người trở đầu phía trước, người trở đầu phía sau.
o0o
- Ðúng vậy! Hồi đó hai người nằm một võng, theo kiểu hai đứa con nít ngủ trưa như bây giờ thiên hạ đưa con.
Ðêm về khuya. Chai rượu gần cạn. Ðứa bé chăn trâu thưở trước là ông Tư Ðạt ở Gò Mả Lạn buổi này, nói tiếp:
- Lâu quá rồi! Thiên hạ chết oan! Cả xóm chết giống nhau. Không một người khóc. không một miếng khăn tang. Cả tháng sau, quạ còn bay đen trời như tàn nhà cháy... Tôi là người quen với họ, họ thương tôi lắm. Tôi không sợ ma, nhờ đó mà ít gặp ma. Vậy mà không hiểu can cớ gì buổi trưa đó tôi gặp họ.
- Ban ngày hả ông?
Ông Tư Ðạt nói:
- Chánh hiệu là... ban ngày. Ði gặt về, dọc dường tôi ghé lại bờ Ðìa Gừa. Thấy nước trong quá, tôi nhảy xuống tắm rồi ngắt một cọng bông súng. nhai vô miệng cho mát. Tôi nhớ rõ: cọng bông súng dài lắm. Nhai một hồi, bỗng nhiên thấy một ông già hiện ra, đâu mặt với tôi, miệng ổng thì nhai đầu kia của cọng bông súng. Sợ quá, tôi nhả ra nhưng không được. Hàm răng của tôi cứng lại rồi... đánh bùa cạp. Sau rốt, ông già nọ nhai lần cọng bông súng đến gần mặt tôi, hai mặt đụng nhau, sát rạt, lạnh ngắt.
Ông già nọ hỏi tôi:
- Cái thằng Ðạt chăn trâu! Nhớ ta đây không?
- Ông là ai?
- Bà con mà! Mấy chục năm nay, mày làm ăn thế nào?
- Dạ nghèo quá!
- Vậy thì thằng Ðạt mày còn sống tới bây giờ cũng không sung sướng gì hơn mấy người chết yểu cả xóm hồi đó. Nhớ không Ðạt? Bà con chết đêm mùng 7 tháng chạp. Phải cúng kiến chớ! Có thịt ăn thịt. Có muối ăn muối. Rồi cất nhà cho bà con mày ở. Nhớ thắp nhang.
Ông Tư Ðạt nói tiếp câu chuyện:
- Ðêm đó, về nhà tôi ngủ không yên. Sau rốt, tôi kêu gọi bà con lối xóm cất một cái miễu. Hương chức hội tề hỏi tại sao cất miễu mà không xin phép; tôi trả lời đó là miễu thờ Bà Chúa Xứ, nào dám nói sự thật, sợ mình bị buộc vô tội làm quốc sự. Bởi vậy cháu hiểu vì đâu tôi giữ nhang khói ở miễu này, vì sao ở sát Gò Mả Lạn mà tôi không sợ ma. Ba bốn mươi năm nay, ruộng nương thất bát, có một lần bỏ xứ mà đi nhưng buồn bực quá, tôi trở về nền nhà cũ. Tôi nghĩ: Mình ở đây nghèo, nhưng mà vui. Nhiều đêm tôi nằm nói thơ Vân Tiên một mình mà không đỡ buồn. Tôi đứng nhìn trời đất đồng ruộng ở ngoài. Tối thui vậy mà vui quá! Cháu ra đây coi thử...
Ông Tư Ðạt bước ra cửa, đưa tay làm dấy hiệu bảo tôi đi theo. Ðồng ruộng mơ hồ. Trăng non chưa hé. Ðám lau sậy mịt mùng chạy dài như bức trường thành, nối liền Gò Mả Lạn qua Ðìa Gừa, tiếp đến miễu Bà Chúa Xứ đằng xa.
Ông lẩm bẩm:
- Không riêng gì ở Gò Mả, ở Ðìa Gừa... Rải rác đầy ruộng nương, hồi đó ở đâu cũng có mả, có xương người. Kìa, cháu thấy không? Sao trên trời xẹt xuống một đốm... hai đốm. Rồi đất ruộng rung rinh, lúa mới cấy dợn đều như sóng dậy ngoài biển. Cháu thầy không?
Tôi lạnh người. Gió thổi hiu hiu. Phải chăng oan hồn thuở trước đang về đây? Họ trở thành cát bụi, đang thu hình vào rễ lúa để vương lên mặt đất, đòi đơm bông kết trái?
Hay là họ buồn rầu khi nhìn cậu bé chăn trâu còn sống sót thuở nọ giờ đây sống hẩm hiu. Từng vệt sao rơi, phải chăng đó là những niềm tin tưởng soi sáng quyển sử trường cửu của đất nước, một quyển sử không có số trương mà mỗi luống cày là một tờ giấy bao la, mỗi bụi lúa là một nét chữ không nhòa, muôn năm linh động?
Ông Tư Ðạt vỗ vai, bảo với tôi:
- Bây giờ cháu thấy ma chưa? Không thấy thì ráng đứng hoài cho tới chừng nào thấy rõ. Ông ở đây mấy chục năm rồi mà chưa biết đủ mặt người. Bởi vậy đêm nào ông cũng thức, cũng nhìn...
Trời đã quá chạng vạng. Ánh nắng thoi thóp, đỏ khé. Trong giây phút trở sang màu tím bầm. Muỗi dậy ổ, kêu vo ve khắp gần xa. Loài ếch nhái, côn trùng bắt đầu lên tiếng, chào mừng bóng tối đang tràn ghập qua nhanh chóng.
Cô đơn làm sao, căn nhà giữa đồng này! Gió thổi lành lạnh. Tôi rùng mình:
- Thưa ông, cháu về.
Ông Tư Ðạt cười ngất:
- A ha! Ðứa cháu này sợ ma. Nãy giờ tôi quên. Vô đây, đốt thêm ngọn đèn nữa. Phải rồi, đèn lu quá! Sợ ma sao? Ở đây chơi mà!
Tôi trả lời, ấp úng:
- Dạ, cũng hơi sợ. Thiên hạ nói ở Ðìa Gừa, ở Gò Mả Lạn này...
Ông Tư nói nhanh:
- Có ma hả? Hơi đâu mà tin. Họ nói ma buông xuống lòng thòng từ cánh tay, từ bàn chơn, cái đầu rồi ráp lại. Họ nói ma ở truồng bỏ tóc xõa, đứng trên ngọn cỏ mà múa. Mình hú, nó hú trả lời. Mình chạy, nó rượt theo. Nhưng tôi nhứt quyết xứ này không có loại đó. Xứ này, cháu biết không, là xứ của ma...
Tôi trầm ngâm suy nghĩ: Tại sao ông Tư Ðạt nhìn nhận có ma rồi bảo rằng không có? Chớ ma ở gò mả này thuộc về loại nào? Dầu sao vẻ mặt trầm tỉnh, can đảm của ông cũng làm cho tôi được yên tâm chút ít:
- Thiên hạ đồn đãi nhiều. Cháu phải sợ theo.
Ông Tư khêu ngọn đèn rồi vào trong đem ra một chai rượu đế:
- Uống đi cháu. Thủng thỉnh tôi nói qua chuyện khác vui hơn... Ðồn đãi là một chuyện. Nhưng sự thật lại khác. Cái gì được người ta lặp đi lặp lại nhiều lần bằng câu hát đưa em? Vậy mà có người không hiểu rõ. Thí dụ như:
Một mai thiếp có xa chàng
Ðôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
Tại sao đôi bông thiếp trả, đôi vàng thì xin? Không lẽ người đàn bà nước mình mang thói tham lam? Sự thiệt nó có tích như vầy: đôi bông là vật cha mẹ chồng cho nàng dâu hồi đám nói; đôi vàng là của riêng mà hai vợ chồng trẻ nhờ dành dụm sắm được lúc sau. Nàng dâu than vãn bà mẹ chồng khắc nghiệt, sẵn sàng “trả đôi bông” lại cho mẹ chồng. Nhưng nàng vẫn thương chồng – “xin giữ đôi vàng” – nài nỉ chồng cất nhà ở riêng để thoát ách. Câu hát đó cao sâu lắm! Hồi xưa, khách qua đường hễ nghe nó là hiểu được tánh tình của bà mẹ chồng trong nhà như thế nào. Bởi vậy người hát phải biết hát, người nghe phải biết nghe. Cái chuyện ma ở Gò Mả Lạn này cũng như câu hát đó. Lâu ngày, thiên hạ không hiểu, họ nói xàm, làm mất phẩm giá người đời xưa rồi đâm ra sợ sệt vô lý. Chung quanh nhà này có ma thiệt...
- Ghê quá vậy ông!
- Phải! Ðó là hồn oan. Mình phải thấy rõ họ, mình phải thương họ. Thường bữa, họ tới lui, muốn làm quen với mình nữa. “Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn” mà...
o0o
Non 80 năm về trước, hồi đó ở tại Gò Mả Lạn này xóm nhà đông đúc hơn bây giờ. Họ sống về nghề ruộng rẫy, giăng câu, bắt rắn. Giặc Tây đến. Chúng đóng binh ở ngoài huyện Kiên Giang. Binh sĩ của ông Nguyễn Trung Trực lén kéo về châu thành để công kích. Dân chúng nghe tiếng súng, nửa mừng nửa sợ. Tới một đêm đó, nhiều loạt súng nổ chát chúa ngay đầu xóm, tại Ðìa Gừa.
Không ai dám bước khỏi nhà. Họ đoán rằng có người bị giết và tiếng súng sát nhơn nọ là của Tây. Sáng hôm sau, vài người bạo dạn ra dò xét. Họ kéo mấy cái thân người dưới đìa đem lên, chôn chất kỹ lưỡng gần bờ thềm.
Từ đó, đêm nào đêm nấy giống nhau. Cứ quá nửa đêm dân chúng phải cắn răng, nuốt lệ mà nghe súng nổ. Khi thì nghe tiếng kêu rú. Khi thì nghe thêm tiếng chim bay.
Nước dưới đìa lần lần đen ngầu, hôi tanh. Cỏ bên bờ ngày một cao vì dân làng không còn ai lui tới để gánh nước như trước. Trong khi đó, con đường từ thềm đìa ra ngoài lộ cái trở nên mòn lẵn vì dấu chân của bọn đao phủ Tây tà và của những nghĩa quân, lương dân vô tội từ nơi xa lạ dẫn tới.
Dân làng quá đỗi hiền lương, hằng đêm, họ thức để chờ nghe tiếng súng đầu tiên nổ ngoài bờ giếng. Rồi họ cúi đầu lầm thầm đọc kinh vãng sanh, cầu nguyện cho người quá cố.
Trưa đó ngày mùng 7 tháng chạp, bất thường giặc kéo nhau tới bờ Ðìa Gừa. Chúng đứng lại nhìn xuống đìa, đếm mấy gò mả xung quanh. Nào ai dám hó hé! Chập sau, chúng rút lui. Một thằng bé chăn trâu được may mắn núp ở gần bờ đìa, khi nãy. Nó về xóm thuật lại:
- Tui thấy ông Tây này cười, ông kia la hét, ông Tây nọ gật đầu. Mấy ổng dòm vô xóm mình...
Ðiềm lành, điềm dữ hay là không có điềm gì hết? Không ai đoán trúng cả. Vì đó là một diềm dữ, nhưng dữ quá mức tưởng tượng của họ.
Ðêm ấy cả xóm đều bị bao vây.
Nhờ ngủ ngoài chuồng trâu, đứa bé chạy thoát được. Nó qua xóm kế bên cầu cứu trong khi súng nổ liên hồi, lửa bốc cháy.
Ðầu canh năm, tiếng súng vẩn còn thưa thớt. Mặt trời gần mọc, chừng đó dân làng kế bên mới dám đi qua cứu giúp.
Người chết quá nhiều. Người còn sống quá ít. Làm sao mà chôn? Ban đầu còn bó thây bằng chiếu, mỗi hầm chôn một người. Sau cùng, cứ chôn chung một hầm, đủ già trẻ bé lớn. Khiêng nhiều chuyến quá sanh ra mệt mõi! Họ khiêng bằng võng, đặt hai xác chết trên một võng, người trở đầu phía trước, người trở đầu phía sau.
o0o
- Ðúng vậy! Hồi đó hai người nằm một võng, theo kiểu hai đứa con nít ngủ trưa như bây giờ thiên hạ đưa con.
Ðêm về khuya. Chai rượu gần cạn. Ðứa bé chăn trâu thưở trước là ông Tư Ðạt ở Gò Mả Lạn buổi này, nói tiếp:
- Lâu quá rồi! Thiên hạ chết oan! Cả xóm chết giống nhau. Không một người khóc. không một miếng khăn tang. Cả tháng sau, quạ còn bay đen trời như tàn nhà cháy... Tôi là người quen với họ, họ thương tôi lắm. Tôi không sợ ma, nhờ đó mà ít gặp ma. Vậy mà không hiểu can cớ gì buổi trưa đó tôi gặp họ.
- Ban ngày hả ông?
Ông Tư Ðạt nói:
- Chánh hiệu là... ban ngày. Ði gặt về, dọc dường tôi ghé lại bờ Ðìa Gừa. Thấy nước trong quá, tôi nhảy xuống tắm rồi ngắt một cọng bông súng. nhai vô miệng cho mát. Tôi nhớ rõ: cọng bông súng dài lắm. Nhai một hồi, bỗng nhiên thấy một ông già hiện ra, đâu mặt với tôi, miệng ổng thì nhai đầu kia của cọng bông súng. Sợ quá, tôi nhả ra nhưng không được. Hàm răng của tôi cứng lại rồi... đánh bùa cạp. Sau rốt, ông già nọ nhai lần cọng bông súng đến gần mặt tôi, hai mặt đụng nhau, sát rạt, lạnh ngắt.
Ông già nọ hỏi tôi:
- Cái thằng Ðạt chăn trâu! Nhớ ta đây không?
- Ông là ai?
- Bà con mà! Mấy chục năm nay, mày làm ăn thế nào?
- Dạ nghèo quá!
- Vậy thì thằng Ðạt mày còn sống tới bây giờ cũng không sung sướng gì hơn mấy người chết yểu cả xóm hồi đó. Nhớ không Ðạt? Bà con chết đêm mùng 7 tháng chạp. Phải cúng kiến chớ! Có thịt ăn thịt. Có muối ăn muối. Rồi cất nhà cho bà con mày ở. Nhớ thắp nhang.
Ông Tư Ðạt nói tiếp câu chuyện:
- Ðêm đó, về nhà tôi ngủ không yên. Sau rốt, tôi kêu gọi bà con lối xóm cất một cái miễu. Hương chức hội tề hỏi tại sao cất miễu mà không xin phép; tôi trả lời đó là miễu thờ Bà Chúa Xứ, nào dám nói sự thật, sợ mình bị buộc vô tội làm quốc sự. Bởi vậy cháu hiểu vì đâu tôi giữ nhang khói ở miễu này, vì sao ở sát Gò Mả Lạn mà tôi không sợ ma. Ba bốn mươi năm nay, ruộng nương thất bát, có một lần bỏ xứ mà đi nhưng buồn bực quá, tôi trở về nền nhà cũ. Tôi nghĩ: Mình ở đây nghèo, nhưng mà vui. Nhiều đêm tôi nằm nói thơ Vân Tiên một mình mà không đỡ buồn. Tôi đứng nhìn trời đất đồng ruộng ở ngoài. Tối thui vậy mà vui quá! Cháu ra đây coi thử...
Ông Tư Ðạt bước ra cửa, đưa tay làm dấy hiệu bảo tôi đi theo. Ðồng ruộng mơ hồ. Trăng non chưa hé. Ðám lau sậy mịt mùng chạy dài như bức trường thành, nối liền Gò Mả Lạn qua Ðìa Gừa, tiếp đến miễu Bà Chúa Xứ đằng xa.
Ông lẩm bẩm:
- Không riêng gì ở Gò Mả, ở Ðìa Gừa... Rải rác đầy ruộng nương, hồi đó ở đâu cũng có mả, có xương người. Kìa, cháu thấy không? Sao trên trời xẹt xuống một đốm... hai đốm. Rồi đất ruộng rung rinh, lúa mới cấy dợn đều như sóng dậy ngoài biển. Cháu thầy không?
Tôi lạnh người. Gió thổi hiu hiu. Phải chăng oan hồn thuở trước đang về đây? Họ trở thành cát bụi, đang thu hình vào rễ lúa để vương lên mặt đất, đòi đơm bông kết trái?
Hay là họ buồn rầu khi nhìn cậu bé chăn trâu còn sống sót thuở nọ giờ đây sống hẩm hiu. Từng vệt sao rơi, phải chăng đó là những niềm tin tưởng soi sáng quyển sử trường cửu của đất nước, một quyển sử không có số trương mà mỗi luống cày là một tờ giấy bao la, mỗi bụi lúa là một nét chữ không nhòa, muôn năm linh động?
Ông Tư Ðạt vỗ vai, bảo với tôi:
- Bây giờ cháu thấy ma chưa? Không thấy thì ráng đứng hoài cho tới chừng nào thấy rõ. Ông ở đây mấy chục năm rồi mà chưa biết đủ mặt người. Bởi vậy đêm nào ông cũng thức, cũng nhìn...