Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Toại Khanh : NGƯỜI ĐÀN BÀ TÔI QUEN

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Toại Khanh : NGƯỜI ĐÀN BÀ TÔI QUEN

    Tôi gọi chị là đàn bà chỉ là để phân biệt với đàn ông. Đến tận giờ, chị vẫn một đời bỏ ngỏ đêm hồng. Cách biệt nhau nhiều phương diện, nhưng tôi vẫn trộm xem chị là bạn, là một người chị ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhiều lúc nghĩ lại mà giật mình, ngoài chị, tôi hình như không còn ai thân quen hơn thế nữa.

    Tết này nữa, tôi bốn mươi rồi. Và không biết nên nói là vui hay buồn khi đến tận tuổi này tôi vẫn không có được một tình bạn đúng nghĩa, đại khái là mình có ra làm sao vẫn thương, vẫn giúp. Ngay trong Tử Vi, các cung Phu Thê hay Tử Tức của tôi cũng tệ lắm. Nhưng may mà làm thầy tu, nên chuyện đó lâu nay coi như chẳng đáng nhớ nữa. Chuyện bạn bè hay vợ con thì là vậy, nhưng tôi may mắn có được vài cuộc gặp gỡ còn đáng hơn hai thứ đó cộng lại. Tôi nhớ từng gọi đó là những cuộc kỳ ngộ, tức những cuộc gặp gỡ ly kỳ với những con người đặc biệt. Chuyện tôi quen biết chị là một trong số một vài cuộc kỳ ngộ đó.

    Nhan sắc không đẹp cũng không xấu, tiền bạc không thiếu nhưng chẳng dư, dở dang đại học nên cũng không phải thứ dốt, cuộc đời và con người của chị không thể xếp hẳn vào loại nào được, bởi nó nằm giữa các cực. Có điều là nói theo người xưa, chị cao số lắm. Tôi biết chị mười năm rồi, từ lúc còn ngó được một tí, đến nay xuống sắc lắm rồi, vẫn vò võ vậy thôi. Nghe đâu trong một lần về thăm Việt Nam mấy năm trước, có kẻ biết chị ở Mỹ và ngỡ là có tiền nên ra sức dòm ngó ít lâu. Sau thấy chị kẹo quá, hắn biến luôn. Chị trở về Mỹ với chút buồn rồi thì đâu lại vào đó.

    Tôi gọi chị là Phật tử vì thấy chị biết đi chùa, biết xưng hô cư xử phải phép với tăng ni. Ngoài ra gì cũng không. Không học đạo, không tu trì gì ráo. Chị là vậy đó, nhưng cứ bắt tôi phải hồ nghi về con người thật của chị. Nửa ma nửa người, nửa tốt nửa xấu, nửa khôn nửa khờ. Những thứ mâu thuẫn đó không phải trước hay sau nhau, mà cùng lúc có mặt. Tôi thấy nhức đầu khi nghe chị nói chuyện, nhưng không thể không suy nghĩ.

    Một ngày, sau gần cả năm không liên lạc, bỗng nhiên chị gọi tôi hỏi thăm vớ vẩn đôi điều, rồi giải thích bâng quơ: Đời người ngắn quá, con sợ mấy chuyện thù tạc vô nghĩa. Hỏi thăm nhau mà chẳng giúp được gì, thôi im cho xong. Lang thang ngoài mấy tiệm sách hay vào Internet đọc cái gì đó còn hay hơn, phải không sư ?
    Tính cách của chị là vậy, ai buồn cũng mặc, nói năng như muốn chửi vô mặt người ta. Nhưng chị có nhiều suy nghĩ lạ lắm. Lần đó ngẫu nhiên tôi hỏi chị chuyện chính trị. Chị phì cười trong phone: Có triều đại hay chính thể nào kéo dài được thiên thu đâu, nói chi là vạn tuế. Hay dở gì cũng phải sụp để cái khác thế vào. Đã vậy nếu có kiếp sau thì ai biết mình sẽ sinh vô dân tộc nào mà kêu gọi yêu nước thương nòi. Quan trọng nhất là kiến thức, dốt quá thì không nghĩ ra được cái gì. Nếu trước và sau 1975 dân miền Nam biết nhiều hơn một tí thì số người khổ nạn sẽ không nhiều như đã…

    Một dạo thiên hạ khắp nơi rộ lên phong trào về nước làm từ thiện, tôi lại nghe chị nói mấy câu thiệt ngộ: Ai có nhiều tiền cứ đưa đây, con về nước làm từ thiện giùm cho. Lấy tiền của thiên hạ để làm nở mặt mình thì khó gì. Nếu thương người, hãy nghĩ cách khác lâu bền và khó gây hiểu lầm một tí.

    Cách đây hai năm, nghe tôi nói muốn có riêng một đạo tràng để làm văn hoá, chị cười không kịp thở: Nếu có lòng thì thời buổi này thiếu gì cách. Coi chừng có cái tư riêng rồi thì lý tưởng thay đổi. Người Mỹ nói tàu nằm ở bến cảng thì luôn an toàn, nhưng sự an toàn nhàn hạ đó không phải lý do để người ta đóng tàu. Có nhiều kẻ trời sanh phải long đong mới dễ thương !

    Giữa năm ngoái, một đêm chị gọi tôi với giọng nói thật lạ và cho hay bác sĩ đang nghi ngờ chị mắc một trọng bệnh hiếm người bị. Tôi chợt lo sợ một chuyện xa xôi, hỏi han lung tung, kể cả việc sẵn sàng bay về với chị vài bữa, rồi tôi gợi ý chị lên West Virginia tham dự một khoá tu ở đó. Tôi thiệt bất ngờ khi trong hoàn cảnh đó còn nghe chị phán mấy câu ráo hoảnh: Sư có biết con sợ thiền sư và sách thiền lắm không, lắm thầy thì nhiều ma. Kinh nghiệm thực tế của mỗi cá nhân thì quý lắm, nhưng nhiều cá nhân quá thì cái cá nhân này có mà chết. Cái gì nguồn cội và nguyên thủy thì đơn giản và chắc ăn hơn. Nhưng con hiểu ý sư rồi, sẽ chọn ngày lên đó một chuyến.

    Đầu năm 2007 tôi có đi Tàu một chuyến. Ngày về tôi đã khoe với chị một bức tượng Phật rất đẹp. Tôi chụp hình bức tượng và gửi qua email rồi hỏi nếu chị thích thì sẽ gửi biếu chị. Chị cảm ơn và câu trả lời làm tôi giật mình: Trong nhà con chỉ thờ những tranh tượng không sợ hư mất. Ngày trước có dạo lên Internet tìm được mấy tấm ảnh Phật đẹp lắm, muốn in ra giấy để thờ, nhưng nếu mai này có đi đâu chẳng lẽ phải mang theo hay sao. Con có cái Laptop, và save sẵn vài tấm hình Phật vừa ý, mỗi lần tụng kinh một mình cứ mở máy ra rồi nhìn vào đó là xong. Nếu không, chỉ cần một tờ giấy trắng với cây bút chì, chỉ chừng 30 giây đồng hồ là có ngay tấm ảnh để lạy rồi !

    Mấy hôm trước khắp nước Mỹ râm ran chuyện bầu cử, tôi hỏi chị chọn ai, chị nói tỉnh như không: Cha nội nào cũng mấy năm thôi, ai cũng được. Con chỉ quan tâm những cuộc “bầu cử” ảnh hưởng cả cuộc đời mình !

    Chị có nhiều cách nghĩ thiệt lạ và buộc tôi nhớ hoài, như nhớ những bài học để sống đời và hành đạo. Câu nói nào của chị cũng có thể hiểu nhiều cách và gợi ý nhiều điều.

    Mùa đông này có vẻ lạnh hơn năm ngoái. Cách đây nửa tháng, chị gọi phone thăm tôi và hỏi có muốn chị gửi đồ ấm. Tôi bảo xứ này thiếu gì mấy thứ đó, chỉ cầm hơn mười đồng là có ngay cái áo mặc ấm chết bỏ. Nếu được chỉ xin chút mứt gừng là quý rồi. Mười ngày trôi qua, tôi nhận được gói quà của chị. Ngoài gói mứt gừng vàng óng như màu mật ong, là hai cái áo lót bằng vải mềm với bốn túi trên dưới, dây kéo (zipper) hẳn hoi. Chị gửi kèm theo đó mấy chữ: Mứt gừng cho mùa đông và hai cái áo mặc mùa nào cũng được, khỏi mang túi hay đeo belt-bag phiền phức.

    Tôi chẳng biết chị mua hai cái áo ở đâu, có vẻ hàng hiếm, may ở Tàu. Chị thiệt thà đến mức để nguyên cả tấm thẻ giá trên đó, mỗi cái áo 9 đồng 99 cent. Chị như nhớ cả size áo của tôi, và cái màu dưa cải thật dịu mắt. Đã bao lâu rồi tôi mới nhận được những món quà kiểu đó. Rẻ mà quý, đơn sơ mà nồng nàn. Như con người và ngôn ngữ của chị, ít mà nhiều, bông lơn mà sâu sắc, giản dị mà cần thiết. Thế thôi, một đời người còn cần gì hơn vậy nữa. Mùa đông này là của chị đấy biết không?

    Santosa 11/24/08

    Toại Khanh
Working...
X