Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Hai người trên đảo Không Tên

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hai người trên đảo Không Tên

    Sưu tầm
    Hai người trên đảo Không Tên

    Sơ lược tiểu sử về nhà văn Dưc Huệ


    Sức hấp dẫn của cuốn sách không phải ở sự khai thác một đề tài mới lạ hay tạo dựng cốt truyện dài hơi, ngồn ngộn vốn sống với vô số những tình tiết ly kỳ, mà thể hiện ở nghệ thuật dẫn chuyện và phương thức mà nhà văn cấu trúc nên tác phẩm.

    *Ai đó đã nói rằng, viết tiểu thuyết cũng như là lái xe đêm, bạn chỉ nhìn thấy
    đường trong vòng ánh sáng đèn pha, nhưng bằng cách đó, bạn vẫn đi hết cuộc hành trình. 17 chương của cuốn tiểu thuyết này là một cuộc hành trình như vậy. Những số phận con người, những đổi thay của một vùng đất, tình yêu và sự chia ly, tan hợp… tất cả được soi chiếu bằng một vệt sáng xuyên qua màn đêm mờ ảo mịt mùng, thoắt ẩn thoắt hiện, khiến cho tác phẩm có vẻ hơi tản mạn tuỳ hứng nhưng lại được liên kết bởi một sức hút vô hình, sức hút của những ảo ảnh và hoài nghi về những điều rất thực luôn hiện hữu và dịch động trước mắt ta.

    Đúng như cái tên của nó, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này chỉ có hai người, hai người trên một hòn đảo vắng, không tên. Toàn bộ câu chuyện diễn ra trong một đêm nhưng lại có độ dài bằng cả đời người, trải qua nhiều biến cố trong suốt nửa thế kỷ, từ thời Pháp thuộc cho đến những năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước với một thế giới nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong các mối quan hệ đa chiều. Trong có không ít nhân vật gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc như: nhà cách mạng lão thành Lê Thông, ông giáo Nghĩa, viên đồn trưởng người Pháp Francois, rồi những người trong gia đình ông Lê Thông, gia đình ông Nghĩa, chàng kỹ sư trưởng I Van Ivanop đến từ nước Nga, cô gái Lyda người Pháp, cặp vợ chồng Sanh, Quế được sinh ra và lớn lên trong khói bom đất Quảng, sau này sang lập nghiệp tại Paris… Đặc biệt là hai nhân vật chính: Tôi và Linh với mối tình tuyệt đẹp trên vùng biển đảo........

    Nếu câu chuyện được kể theo lối truyền thống thì chắc hẳn cuốn sách sẽ trở thành một tác phẩm sử thi đồ sộ, kiểu “tràng giang tiểu thuyết”. Nhưng có lẽ tác giả không có tham vọng đó, hoặc không muốn làm như vậy, vì thế câu chuyện đã không diễn tiến theo trình tự thời gian tuyến tính mà đan xen, đồng hiện quá khứ, hiện tại và tương lai với một văn phong linh hoạt và súc tích.

    Mở đầu bằng việc nhà báo Nguyễn tình cờ nhặt được cuốn Nhật ký, và như một tia chớp vụt loé lên giữa đêm thâu, nó đã vô tình thức tỉnh trong anh một điều gì đó. Tác giả đã dành ít nhất ba chương trích nội dung cuốn Nhật ký vào tiểu thuyết. Cuốn Nhật ký bỗng nhiên trở thành vật trung gian kết nối các biến cố, các tình tiết khiến cho câu chuyện dần dần hé lộ, để rồi tưởng như mọi thứ đã định hình lại đột nhiên tan biến mất. Đúng như nhà văn Lê Minh Khuê đã viết trong “Lời vào sách” cho tác phẩm này: Những con người đó tồn tại mà như ở một thế giới khác, được tác giả khắc họa rõ nét như ở trước mắt mà lại không tìm thấy. Một cuốn Nhật ký nằm trong một cuốn tiểu thuyết, những ký ức này lồng trong một ký ức khác, đã đưa người đọc vào một thế giới nửa hư nửa thực…

    Lối cấu trúc đa tuyến này cho phép tác giả sử dụng nghệ thuật tự sự đa thanh như một bản tổng phổ được hoà âm với nhiều cung bậc. Ngoài lời dẫn truyện của tác giả với tư cách là một chủ thể sáng tạo, tác phẩm còn có những chương khá đặc sắc thể hiện những xúc cảm của nhân vật trữ tình được biểu đạt qua lời văn Nhật ký, những chương được kể dưới dạng hồi ức của nhân vật Tôi với người con gái anh ta yêu về những thăng trầm của cuộc đời mà anh ta từng nếm trải. Xen vào đó là những chương kể về giấc mơ kỳ lạ của nhà báo Nguyễn, về những công việc thường nhật của anh ở một vùng đất vừa thơ mộng vừa khắc nghiệt, việc anh cất công đi tìm lại các nhân vật đã ám ảnh anh từ cuốn Nhật ký kia… Sự lồng ghép đó vô hình trung đã lôi cuốn người đọc vào một cuộc chơi trí uẩn, một cuộc tìm kiếm miên man, vô tận xuyên suốt các chiều kích không gian, thời gian, chiều kích của những giấc mơ, ẩn ức, chạm đến những mảnh đời, những thân phận khác nhau, tạo ra một thứ hiện thực ảo: Cái hữu hình ấy có khi là vô hình, cái hữu thanh ấy có khi là vô thanh, cái hữu thể ấy có khi là vô thể… Thậm chí, đôi khi người ta cảm thấy tất cả hình như chỉ là cái hư vô, trên dưới trước sau đều chẳng có gì, như tác giả từng viết trong cuốn sách : Phải chăng cái “không có gì” mà ám ảnh suốt đời ta ấy, cái mà ta thấy rất lung linh được phát lộ từ cái “không có gì” này, mới chính là cái của riêng ta, cái mà nếu ta không nói ra sẽ không ai thấy được, và nó mãi mãi là một điều bí ẩn?… (Trang 125).

    Trong thời đại thông tin đầy ắp như ngày nay, khi các phương tiện thông tin hiện đại đang mặc nhiên lấn sân văn hoá đọc, lượng người tâm đắc với văn chương có nguy cơ thưa vắng, lối viết tinh giản với sức tưởng tượng phong phú, tiết chế tối đa từ ngữ và kìm nén cảm xúc (Lê Minh Khuê) như tác phẩm này, có thể xem là một sự tìm tòi đáng kể của Nguyễn Đức Huệ nhằm kích hoạt bạn đọc bằng một văn bản đồng sáng tạo. Cuốn tiểu thuyết Hai người trên đảo Không Tên không dài, chưa đầy 270 trang in, nhưng lại hàm chứa một dung lượng lớn, trong đó có biết bao nhiêu cuộc tìm kiếm ở bên trong và bên ngoài tác phẩm. Tìm kiếm quá khứ, tìm kiếm tình yêu, tìm kiếm lẽ sống ở đời, tìm kiếm những nỗi niềm còn ẩn giấu, tìm kiếm đức tin và sự cứu rỗi cho con người ở ngay trong những hành vi của con người, như tìm kiếm một hòn đảo không tên mà lại thành tên ở một vùng sóng nước cơ man nào là đảo… Và cuối cùng, cuộc tìm kiếm của nhân vật nhà văn Nguyễn về một sự sáng tạo nghệ thuật đích thực phải chăng cũng chính là những trăn trở của tác giả khi viết nên cuốn sách này?

    còn tiếp
    Văn Giang ngày./../..
    Last edited by thuy08; 08-06-2008, 03:15 AM.

  • #2
    chương 1
    HAI NGƯỜI TRÊN ĐẢO KHÔNG TÊN

    tiểu thuyết

    GIẤC MƠ

    *Khuya lắm rồi, Nguyễn vẫn ngồi yên lặng trước màn vi tính, lúc đặt tay lên con chuột trên bàn, lúc lại buông ra. Và như một lời nhắc nhở âm thầm, trang viết lúc hiện trên màn hình, lúc lại biến đi, nhường chỗ cho những hình ảnh khá vui mắt được cài đặt sẵn trong bộ nhớ. Nguyễn hết nhìn những hình ảnh đó lại lướt qua từng trang viết của mình, không biết nên quyết địnhthế nào, xóa đi hay để lại. Nếu xóa đi thì đơn giản lắm, chỉ cần vài thao tác là xong, nhưng...
    Xóa đi thì tiếc!
    Sự lao tâm khổ tứ đã đành, còn những trang văn đầy tâm huyết, những trang viết xuất thần mà Nguyễn cho rằng người đọc sẽ không thể bỏ qua, có khi còn phải giơ lên ánh sáng để xem có gì ẩn tàng trong đó không mà lại hay đến thế. Đấy là nói theo cách của M.Gooki, tổ sư của một nền văn học mà người ta đã dạy dỗ anh thời trẻ, còn như các đồng nghiệp của Nguyễn thường hay cao đàm khoát luận,, rằng mỗi chữ trong tiểu thuyết có thể ví như một tên lính trong trận đánh to thì việc xóa đi cả ngàn vạn chữ mà anh đã cặm cụi gõ ra trong suốt một năm ròng khác nào phút chốc đem nướng sạch cả binh đoàn tinh nhuệ, chứng tỏ nỗi bại vong của viên tướng bất tài, và viên tướng ấy là anh.
    Trang viết lại hiện trên màn hình, như chờ đợi như trách móc như thách thức như giễu cợt.
    Nguyễn đặt tay lên con chuột trên bàn, lại buông ra. Tất cả là tại hắn. Nguyễn nhìn con rubic đang quay lộn trên màn hình, lắc đầu tự nhủ. Hắn muốn mình phải múa may biến hóa như con rubic kia chăng, hay hắn muốn mình chỉ đúng là mình, không cần phải múa may biến hóa? Công nhận hắn có cái mũi thính, ngửi được văn, hệt như ông thày bói trong câu chuyện tiếu lâm mà mình đã nghe kể từ thưở bé. Nhưng hắn không phải ông thày bói xa xưa mà là con người của thời hiện đại, cople. calavat đàng hoàng, có vẻ rất phong lưu anh chị nhưng hành động lại không khác gì một tên cướp biển. Nửa đêm hắn đột nhập vào phòng Nguyễn trong lúc anh đang mải mê làm việc, không nói không rằng, chộp luôn tập bản thảo hơn bốn trăm trang vi tính mà Nguyễn vừa mới in xong rồi chạy biến. Nguyễn lập tức rượt theo. Hắn chạy ra bãi biển, rồi lao xuống biển. Nguyễn cũng lao theo, bám riết không rời. Hai người cứ thế đuổi nhau trên mặt nước nhiư đi trên cạn, bước trên đầu những con sóng nhấp nhô như bước qua những vồng khoai giữa cánh đồng. Không hề thấy lạ vì chuyện đó, Nguyễn chỉ buồn cười vì tên cướp vào nhà chẳng cướp gì mà lại cướp văn. Thời buổi này còn có kẻ quý văn chương đến thế thì hay thật. Đứng lại, đồ kẻ cướp! Nguyễn hét lên, khoái trá nhiều hơn là tức giận. Bất đồ tên cướp hắt tung tập bản thảo lên cao, làm nó rơi lả tả trên sóng nước. Nguyễn giận điên người, lao vào hắn nhưng không biết bằng phép lạ thế nào, hắn khẽ huơ tay một cái làm anh chết lặng, đứng trơ như tượng trên mặt biển. Bấy giờ hắn mới quay lại nhìn anh với nụ cười ngạo nghễ. Ngươi tưởng cái của nợ này báu lắm sao? Hãy nghe ta nói đây này. Hắn làm phép cho Nguyễn trở lại trạng thái bình thường rồi nói một thôi về tác phẩm của anh, nói vanh vách như đã từng được đọc, thậm chí thuộc từng câu từng chữ. Thấy Nguyễn ngớ ra, hắn cười khâng khấc, bảo rằng tác phẩm này anh nặn ra chứ không phải viết, rằng các nhân vật ở đây là con rối chứ không phải con người, rằng muốn thành công thì nhất định anh phải viết khác đi mới được... Vậy theo ông, tôi phải viết thế nào mới được? Đấy là việc của người, ta chỉ biết là không nên viết thế. Chắc trong này có gì động đến ông, nên ông chạm nọc chứ gì? Đừng cao ngạo thế, anh bạn. Nên biết rằng ta là người ở chân trời khác, chẳng liên quan gì đến xứ sở này đâu. Thế thì ông thò mũi vào việc của tôi làm gì nhỉ? Vì ta là người đọc. Chả lẽ người không hiểu rằng nghệ thuật là của chung tất cả, và một khi tác phẩm văn chương còn để lộ bàn tay dàn dựng, nhân vật không sống chính cuộc đời của nó tức là tác giả rất coi thường bạn đọc hay sao, và như thế đâu phải là sáng tạo? Nghĩa là ông cho rằng người viết cứ tự nhiên nhi nhiên, trực giác một cách hoàn toàn vô thức mới thực sự là nghệ sỹ? Đó là nét đáng yêu của những nghệ sỹ vườn, người nghệ sỹ ở mức cao không bao giờ chỉ dựa vào trực giác, nhưng sự soi sáng của trí tuệ phải được biến thành ánh sáng tự nhiên, như thế may ra mới chạm đến cõi vô thức để rồi hé mở cho người đọc có cái cảm giác kì diệu về chiều đo thứ tư của công trình đằng sau cái không gian ba chiều như mọi người thường thấy. Điều này chỉ có thể đạt được khi người viết dám đuổi theo nhân vật chứ không phải bắt nhân vật chạy theo mình. Hãy coi tác phẩm như một sự chơi để tha hồ phóng bút mà không lệ thuộc vào bất kì một sự ức chế nào, cũng đừng bao giờ xem tác phẩm của mình như một thứ vũ khí gì ghê gớm lắm, làm thế sẽ không tránh khỏi công thức sáo mòn khiến những gì ta viết ra chỉ trượt trên bề mặt mà thôi... Không, không thể, không có lẽ... Hãy về đọc lại những gì mình đã viết. Hãy nhìn lại mình để hiểu mình hơn. Tạm biệt!
    Hắn bỏ đi. Cứ lừng lững đi ra biển, mãi không khuất bóng. Rồi trong chớp mắt, Nguyễn không thấy mình đứng trên biển nữa mà đang ở trong phòng viết của mình, lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế xoay, nheo mắt nhìn con rubic đang quay lộn trên màn vi tính. Mình mơ ngủ chăng?Anh tự hỏi và đưa mắt nhìn quanh. Điện vẫn sáng. Mọi vật trong phòng vẫn y nguyên. Giá sách, tranh treo tường, điện thoại bàn, máy in vi tính, băng đĩa nhạc...Tất cả vẫn y nguyên không suy chuyển chút nào, nhưng tập bản thảo vừa mới in xong thì không thấy nữa. Hay hắn ta vứt của mình đi thật, hay mình chưa in mà cứ tưởng in rồi, hay là in lại thử xem, hay là xóa đi viết lại theo lời khuyên của hắn? Quả thực đằng sau những lời hắn nói, hình như còn có một cái gì. Chính điều này mới cần phải giơ lên ánh sáng mà soi đấy. Nguyễn lại đặt tay lên con chuột trên bàn. Có lẽ phải xóa đi làm lại thật. Tính anh vốn thế, chuyện gì có thể cho qua, riêng chuyện bút mực, một khi đã ngộ ra một điều gì đó là anh sẵn sàng vứt bỏ hết để làm lại từ đầu, dù chưa chắc đã thành công. Vả chăng với mỗi người cầm bút, việc phá đi làm lại hoàn toàn không phải do non kém mà là biểu hiện cao nhất của lòng tự trọng?
    Một vì sao bất ngờ xuất hiện ngoài cửa sổ, như ánh mắt ai mời gọi, giục Nguyễn ra khỏi căn phòng nhỏ. Anh bước ra sân, ngước nhìn trời, chẳng thấy vì sao đâu nữa. Bầu trời vần vụ như sắp có giông, ngoài biển xa có tiếng sấm ì ầm và đôi lúc lóe lên vài ánh chớp rồi tất cả lại chìm trong im lặng. Xem chừng còn lâu trời mới sáng, nhìn ra chỉ thấy quanh mình sông núi mông lung mờ ảo làm Nguyễn như ngợp đi giữa âm dương trùng điệp. Ngôi sao ban nãy biến đi, lại đột nhiên xuất hiện trong phòng, tỏa ánh hào quang lấp lánh. Nguyễn vội chạy vào. Thì ra cái gáy bọc nilon một cuốn sổ tay, do ánh điện bàn hắt lên phát sáng. Một cuốn Nhật ký. Không phải của anh. Hoàn toàn không phải. Nguyễn chưa hề ghi Nhật ký bao giờ. Cái cần nhớ thì sẽ nhớ, ghi làm gì cho mất thời gian. Vậy sao... Nguyễn sực nhớ ra, trong một chuyến đi công tác vùng biển đảo, tình cờ anh vớ được của báu này, định về nhà đọc ngay xem nó là của ai thì đem gửi trả, thế mà quên khuấy mất. Cuốn Nhật ký không dày trang nhưng chữ thì dày đặc, đáng tiếc không có lời phụ đề, không có tên người viết, ngày tháng năm thì nhảy cóc lung tung, chẳng ra hệ thống gì nhưng đọc thử vài trang, rất thú.
    Hay là của hắn? kẻ mà anh vừa gặp trong mơ? Có gì liên quan giữa giấc mơ kia với cuốn sổ này? Lật tiếp vài trang thấy một bài thơ không đề. Đọc câu đầu tiên, cảm thấy từ đâu vọng đến bên tai một giọng trầm u uẩn:

    Có một đêm vô tình
    dạo chơi mà lạc lối
    bỏ đường to vào núi
    thấy một vì sao xa

    Khuất nẻo có mình ta
    cớ chi mà ẩn hiện
    và khi ta kịp đến
    lại xa dần... thôi miên?


    Hỡi người xứ Vô Biên
    đến đây thành tri kỷ
    biết chăng hồn thi sĩ
    luôn hướng về thiên thu?


    Ta như kẻ mộng du
    xuyên đại ngàn đi mãi
    in dấu chân khờ dại
    hóa con đường sao xa...

    Phải giọng hắn không? Không nhớ. Không biết! Giấc mơ có âm thanh không nhỉ? Sao như có ai đang ở bên mình? Nguyễn lại đưa mắt nhìn quanh, cảm thấy toàn thân nổi gai lên, sống lưng rờn rợn...

    Comment


    • #3
      Chương 2: Trên biển vắng

      [QUOTE=thuy08;149579]chương 1
      HAI NGƯỜI TRÊN ĐẢO KHÔNG TÊN

      tiểu thuyết


      Chương 2.
      Trên đảo vắng.

      "Nàng vẫn như xưa. Còn quyến rũ hơn xưa bởi sự hoà trộn bản tính tươi trẻ hồn nhiên với vẻ kiêu sa đài các của một phu nhân quyền quý đã quen được người đời kính nể. Có lẽ vì thế ở nàng toát lên một cái gì đó luôn biến ảo, cả trong giao tiếp lẫn ngoại hình, tạo nên sức hút tự nhiên, như một thứ bùa mê vậy. Và nàng tỏ ra kiêu hãnh một cách vênh vang khi biết mình nhận ra điều đó."
      Anh mỉm cười, ngắm nhìn chị từ phía sau. Khác với hôm đón tiếp anh tại nhà riêng, rất lộng lẫy trong bộ váy áo dạ hội, lúc này chị vận bộ đồ thể thao trắng tinh, để lộ thân hình thon thắn với đôi cánh tay trần chắc khoẻ. Và tuy đang mải cho chiếc xuồng lượn vòng qua mấy khúc quanh giữa những hòn đảo đá lô nhô trên vịnh, để lại sau lưng một vệt sáng ngoằn ngoèo, hình như vẫn biết được anh nghĩ gì, chị ngoái lại lườm anh một cái. Trong ánh hoàng hôn chấp chới trên sóng nước, anh nhận ra đôi má chị hơi ửng đỏ.
      - Mình đi đâu đây?- Anh hỏi.
      - Ra đảo. - Chị đáp - Hòn đảo ngày xưa ấy.
      - Đảo Không Tên?
      Chị khẽ gật đầu, tiếp tục lướt mũi xuồng bên vách đảo. Một cánh chim âu chói sáng vụt qua như tia chớp, thoắt gợi lên ký ức xa vời. Chị cố xua đi bằng cách cho xuồng tăng tốc. Một cú xóc nảy người. Những vạt nước rào rào táp lên tấm meca chắn trước cabin khiến chị phải ngoái lại nhìn anh lần nữa. Ngay sau đó, đảo Không Tên đột ngột hiện ra trong ánh chiều vàng rực, giữa vùng non nước mênh mông. Một hòn đảo lớn với mấy xóm chài ngụ cư từ đã lâu đời, gần đó có bãi tắm tự nhiên rất đẹp, được bao bọc bằng nhiều đảo đá nối tiếp nhau như bức tường thành, tạo nên một cái hồ khá rộng. Giữa hồ có một cồn đá nhỏ, được kết lại bằng nhiều khối đá quây tròn trông giống hình một đài hoa, trên đó có một thảm cỏ xanh quanh năm tươi tốt. Đây là nơi ngày xưa hai người đã bao lần hò hẹn. Bây giờ vẫn còn nguyên, không thay đổi chút nào.
      Đã hai mươi năm rồi.
      Chị neo xuồng vào một chỗ rồi vẫy anh lên đảo, dẫn anh đến một ngôi nhà nhỏ nằm giữa khu vườn rộng đầy hoa trái. Đây là ngôi nhà của ông bà ngoại chị ngày xưa. Ngày xưa, thi thoảng chị vẫn đưa anh đến nơi này và hai người thường ở chơi với ông bà suốt buổi. Về sau, khi ông bà mất, bố mẹ chị nghỉ hưu, lại về đây ở. Chị cho anh biết thêm như vậy. Bất giác anh đưa mắt nhìn về thành phố, nơi có chiếc cột sóng viba nổi bật trên những ngôi nhà cao tầng đang toả sáng bởi những chùm đèn giăng chi chít như sao.
      - Có lẽ các cụ không thích ở nơi đô hội?
      - Có lẽ thế
      - Vậy hôm nay các cụ đi đâu vắng?
      - Hai cụ đi ăn giỗ ở mãi ngoài đảo xa, ngày mai mới về. Các cụ nhắn người bảo em ra trông nhà hộ một đêm. Vì thế...
      Chị đột nhiên im bặt. Anh mỉm cuời tiến lại gần, ôm lấy chị. Chị khẽ đẩy anh ra. Từ từ đã anh, để em làm cái gì ăn đã.
      Đêm xuống. Nước cường. Sóng tung bọt trắng trên kè đá, lay động chiếc xuồng con trơ trọi. Sóng tràn lên dải cát mịn màng, phát ra ánh lân tinh lấp lánh. Biển hoá thành vũ trường rộng lớn, gần xa phấp phới xiêm y trong vũ điệu tưng bừng, như chào đón hai vị khách bất ngờ của nó.
      Đang mùa làm ăn, dân chài đi biển hết, lúc này dường như chỉ có hai người trên đảo. Nhưng chính sự vắng vẻ lại sinh nhiều e ngại, họ lặng lẽ rời khỏi ngôi nhà, sóng đôi ra bãi biển, dùng xuồng bơi ra cồn đá giữa hồ, lúc này nó chỉ còn là một khối đen, trông tựa chiếc dương cầm đang hoà tấu cùng dàn nhạc trong giai điệu sôi nổi ngân vang giữa vô vàn những vòng tay trắng muốt.
      Trời đầy sao, lung linh trong mắt chị. Anh từ từ cúi xuống. Một làn hương ngọt ngào phảng phất toả ra từ khuôn ngực căng tròn, làn da mát rượi. Đôi môi họ chạm nhau, chậm rãi rồi cuống quýt. Người chị mềm đi dưới tay anh, ẩm ướt và nóng hổi. Chị cảm thấy mình đang trôi dần xuống nước, chìm ngập trong từng đợt sóng sôi trào.
      "Người đàn bà đang độ hồi xuân thường ẩn chứa nguồn sinh lực dồi dào sung mãn. Nhưng nàng không chỉ vậy. Có cảm giác từ lâu nàng không hề phung phí. Nàng để dành cho đến hôm nay? Sau cái giây phút hiến dâng và thụ hưởng một cách thành thực đến man dại, nàng dường như vẫn chưa thấy thoả, nằm sấp trên người mình, chậm rãi hôn khắp mặt mình, nhấm nhấm hàng ria trên mép mình, như chú thỏ nhấm hạt sương sớm trên ngọn cỏ. Mình bật cười. Nàng cũng cười theo, rúc rích như hồi trẻ. ở bên nàng mình thấy thật yên tâm, thanh thản, mọi thứ giàng buộc từ cuộc sống thường nhật hoàn toàn được giải toả, thậm chí không còn ý nghĩa gì. Tất cả những gì diễn ra, dù chỉ một ngày hay một giờ trước đó, đều lập tức chìm đi khi nàng xuất hiện, dường như chỉ có nàng hiện hữu trên cõi đời này, ngoài ra chẳng còn gì hết."
      Sau này anh có ghi lại trong nhật ký của mình như vậy.
      - Chuyện bên kia thế nào? - Chị hỏi, cắt ngang dòng suy nghĩ của anh.
      Anh lắc đầu cười:
      - Dài tập lắm.
      - Mình có cả đêm nay mà anh?
      - Đêm nay dành cho chuyện chúng mình.
      - Thế thì còn dài tập nữa.
      - Vậy tốt nhất là không nói gì hết cả. Cứ im lặng thế này thôi. Em đồng ý chứ?
      - Đồng ý.
      Chị đáp và rúc đầu vào ngực anh. Nhưng đúng như anh dự đoán, chị không im lặng được lâu, chưa đầy nửa phút sau lại hỏi:
      - Anh về làng thấy thế nào, khác xưa nhiều chứ?
      - Khác nhiều. ở đây cũng vậy. Tất cả đều đổi khác. Chỉ có em là vẫn như xưa.
      - Thật thế à?
      - Thật thế.
      - Còn anh thì em lại thấy khác đi nhiều lắm. Thành ông chủ này, lắm tiền nhiều của này, phong cách đặc Tây này, về làng không khéo khối cô chết mệt.
      Chị lại cười. Còn anh im lặng. Thực ra người nông thôn rất chóng già. Về làng anh không còn nhận ra ai nữa. Bạn bè học với nhau cùng lớp hồi phổ thông đều đã lên ông lên bà cả. Và ai cũng đông con nhiều cháu, lốc nhốc theo nhau trong cái vòng luẩn quẩn "tậu trâu, lấy vợ, làm nhà", đời người cứ mặc nhiên co ngắn lại. Bao thế hệ nối tiếp nhau vẫn thế, dường như không bao giờ thay đổi. Và mặc dù giờ đây nó thực sự đang vận động, muốn bứt ra khỏi sức ỳ của nền văn minh lúa nước nhưng vẫn chưa tiến triển được bao nhiêu mà lại để mất đi nhiều nét đẹp cổ sơ, đến mức về làng anh cảm thấy xót xa, nuối tiếc. Hồi anh còn ở nhà, đường ngang ngõ tắt trong làng hầu hết được xây bằng gạch xếp nghiêng từ lâu lắm, hai bên cây cối um tùm, bờ luỹ ken dầy bên con sông đào xanh biếc len lỏi quanh thôn xóm. Đình chùa đền miếu rêu phong cổ kính với những cây cổ thụ xoè tán rộng che khuất nửa đầu đao đỉnh nóc, toát lên vẻ trang nghiêm bí ẩn. Những đêm trăng sáng cảnh tượng càng trở nên thơ mộng. Ao làng long lanh cá quẫy. Đây đó ran ran tiếng trẻ nô đùa. Tiếng sáo diều lơ lửng trên không... Tất cả đều in đậm trong anh từ thưở ấu thơ để rồi khi sống trên đất khách quê người, nó thường hiện lên không chỉ trong mơ mà cả trong những buổi chiều mưa sầu xứ, đến nỗi nhiều khi anh phải đấm mạnh tay vào tuờng cho thật đau để quên đi. Vậy mà giờ đây dường như chẳng còn gì. Nhìn quanh chỗ nào cũng trống hơ trống hoác. Xe máy chạy rầm rầm trên những đoạn đường bê tông thẳng đuỗn, bên cạnh đàn trâu bò khắp mình lấm láp bùn phân vừa ở đồng về. Nhà cao tầng mọc lên giữa những hàng cau, vườn chuối. Ao chuôm ngòi rạch vẫn còn nhiều nhưng vây quanh chúng không phải những rặng tre ngà óng chuốt mà là các cửa hàng cửa hiệu với tiếng nhạc xập xình bên những biển quảng cáo trưng ra loè loẹt, trông dở quê dở tỉnh...
      Gia đình anh vẫn ở thổ đất cũ nhưng đã không còn mái tranh xưa, thay vào đó là mấy ngôi biệt thự sân vườn đứng cạnh nhau với những cái chóp nhọn bằng ngói dán, có ô thoáng lượn tròn trông như cái chuồng chim. Kết quả này cũng do mình trợ giúp một phần đây, thôi thì cũng bù lại cho cái tội bỏ nhà đi biệt xứ, ý nghĩ đó khiến anh cảm thấy vui lên khi bước vào sân nhà bác cả. Phải đến hơn một phút mọi người mới nhận ra anh. Đầu tiên là bác cả giai. Chú ba đấy phải không? Đúng chú ba rồi! Tôi nói có sai đâu, dịp này thế nào chú cũng về mà. Nhưng sao về mà không báo trước để anh đi đón? Cả nhà lập tức ào ra. Ông trẻ ba về! Ông trẻ ba về! Mấy nhà bên chú bác cô dì (của con anh) cũng xô cả đến. Ông anh họ đi cày về qua thấy thế cũng rẽ vào. Loáng cái đầy cả sân. Người lớn trẻ con ríu ra ríu rít. Quà cháu đâu, quà cháu đâu? Bây giờ mới biết mặt ông trẻ ba đấy nhé! Ông trẻ ba đấy, chúng mày xem có giống cụ không? Giống lắm. Mỗi tội không có râu thôi. Ôi, ông trẻ có cái va ly đẹp thế! Lui ra nào, lui ra nào, để ông hỏi chuyện ông trẻ đã. á à, đi Tây có khác, cao to nhỉ? Nom chẳng già đi tí nào. Nghe nói ở bên đó làm ăn khá, thành ông chủ rồi, có phỏng? Sao không cho cả mẹ con nó về luôn thể? Mấy đứa này, lục lọi gì thế hả? Gượm đã nào. Hãy đi gọi cụ về đi, cụ đang đánh tổ tôm ở ngoài đình ấy. Gọi sao được cụ, một khi cụ đã ngồi vào chiếu thì có mà... Cứ đi đi, bảo chú ba về. Biết chú ba về thì dù có sắp ù thông tôm lèo, cụ cũng bỏ cuộc luôn. Thôi nào, mặc cô cháu nó, ta vào nhà đi chú, vừa đợi cụ về vừa nói chuyện. Đứa nào pha hộ bố ấm trà...
      Lâu lắm rồi anh mới được sống trong không khí sum vầy đầm ấm thế. Cảnh sinh hoạt ở bên kia khác hẳn. Người lớn đi làm, trẻ con đi học, cả nhà chỉ gặp nhau vào bữa tối, vừa ăn vừa trao đổi chuyện trò, sau đó ai về phòng nấy. Ngay cả những ngày nghỉ cuối tuần mỗi người đều có mối quan tâm riêng, không mấy khi can thiệp vào chuyện riêng của nhau nếu thấy không cần thiết. Nếp sống công nghiệp như một guồng quay lớn mà trên đó, mỗi mắt xích đều có vai trò riêng trong sự vận hành, nó hầu như không có thời gian trống, buộc người ta phát triển tính độc lập cao ngay từ nhỏ. Tình cảm cộng đồng không thể hiện trên bề mặt như ở đây nên cũng ít những thú vui nho nhỏ hàng ngày.
      - Bố anh chắc mừng lắm nhỉ?
      - Tất nhiên rồi. Nhất là khi anh kể cho cụ nghe chuyện anh gặp lại ông sỹ quan người Pháp ấy.
      - Ông sỹ quan người Pháp?
      - Anh chưa kể với em sao?
      - Chưa. Chuyện thế nào, kể cho em nghe đi.
      - Cũng khá dài tập đấy. Nếu muốn rõ ngọn ngành thì phải bắt đầu từ khi anh mới đẻ kia.
      - Anh đẻ á?
      - Mẹ anh đẻ anh ra. Hơi tý thì bắt bẻ. Thôi, đã thế thì anh không kể nữa.
      Họ lại rúc rích cười với nhau, lại cuốn vào nhau... Trời khuya sao càng sáng. Sóng biển cuộn lên dồn dập. Hơi thu lành lạnh toả lan khắp đảo. Đôi chỗ sương giăng trắng xoá. Duy có thảm cỏ xanh trên cồn đá giữa hồ thì luôn ấm nóng. Có lẽ nhiệt lượng trái tim yêu còn mạnh hơn năng lượng mặt trời.

      Comment


      • #4
        duchue

        Chương 3. Ký ức người cha.

        Cặp mắt xanh như nước biển sau mưa, viên đồn trưởng Pháp Francois chăm chú nhìn ông giáo Nghĩa, tuy hơi dò xét nhưng không có vẻ gì là thù địch. Điều đó làm ông giáo vững tâm hơn. Ông cũng bình thản nhìn lại y, chờ đợi.
        - Bản chức đây được biết ông nói tiếng Pháp rất tốt. Phải vậy không? - Viên đồn trưởng hỏi bằng tiếng Pháp.
        - Tạm được, thưa ngài. - Ông giáo đáp bằng tiếng Việt.
        - Sao ông không nói tiếng Pháp? - Viên đồn trưởng hỏi bằng tiếng Việt.
        - Vì ngài biết tiếng Việt mà. - Ông giáo đáp bằng tiếng Pháp.
        Viên đồn trưởng bật lên cười ha hả:
        - Tuyệt lắm! Ông quả là người biết cách đùa. Bây giờ bản chức muốn đề nghị ông một việc. Hiện chúng tôi đang cần một thư ký kiêm phiên dịch. Ông vui lòng cộng tác với chúng tôi được chứ?
        Ông giáo ngồi im. Francois quan sát thái độ ông, nói thêm rằng y được biết ông là người có khả năng nhiều mặt, đặc biệt là việc dịch thuật và soạn thảo các văn bản giấy tờ. Tiếp kiến ông y càng tin điều đó và rất lấy làm vinh hạnh nếu thường xuyên được gặp gỡ ông tại văn phòng đồn trưởng.
        - Xin ngài cho thư thả ít hôm, để tôi về xin phép...
        - Nhà trường ông không phải lo. Tôi đã có lời với ngài Hiệu trưởng rồi. Chắc ông ta sẽ ủng hộ thôi.
        - Nhưng thưa ngài, tôi cũng muốn bàn với gia đình một chút.
        - Ông không tự quyết được sao?
        - Thưa ngài, người Việt chúng tôi có thói quen như vậy. Làm cái gì cũng phải bàn kỹ với gia đình đã.
        -"Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn", phải vậy không?- Viên đồn trưởng mỉm cười, có vẻ đắc ý vì thông thạo ngôn từ bản địa. - Được thôi. Mong ông trả lời sớm để bản chức còn thu xếp.
        Rời khỏi đồn Tây, ông giáo Nghĩa đạp xe về thẳng nhà, không vào trường nữa. Mấy tiết học sau chắc có người dạy thay rồi, vả lại có vào trường thì ông cũng chẳng còn tâm trí nào mà dạy. Thực lòng ông hoàn toàn không muốn nhận lời đề nghị của viên đồn trưởng, dù hắn có trọng vọng ông đến mấy. Làm việc cho Tây tức là làm tay sai cho giặc, thế nào ông cũng bị bà con ghẻ lạnh, học trò nghi kỵ, coi thường. ở vào thời buổi rối ren, trong làng thì lập tề, ngoài phố thì giặc chiếm, là một nhà giáo bình dân, lương thiện, ông chỉ muốn sống sao cho yên ổn để dốc hết tâm lực vào việc nghiên cứu sách vở và dạy dỗ đám học trò mà ông yêu quý, ngoài ra lo tổ ấm gia đình, không hề muốn quan hệ với ai, huống hồ quân cướp nước. Tuy nhiên, từ chối chúng cũng không phải không nguy hiểm. Thật là rắc rối. Không biết kẻ nào chỉ điểm cho bọn chúng túm gáy mình như vậy? Chắc không phải ông Hiệu trưởng trường, khi đột ngột biết tin ông Nghĩa phải lên đồn gặp quan Tây, ông ta có vẻ hơi bực dọc. Dù sao ông ta cũng chẳng muốn nhà trường mất một ông giáo giỏi. Phải tìm cách gỡ thôi, không thì phiền lắm, mình lại chẳng biết quái gì về súng đạn, nhỡ xảy ra chuyện gì thì khốn... Vừa đi vừa nghĩ, ông giáo quên cả ngõ nhà mình, phóng vọt qua rồi lại lật đật dắt xe trở lại. Lúc này bà giáo đang ngồi bên chiếc máy khâu, thấy ông về sớm hơn thường lệ, vội dừng công việc, chạy ra mở cổng.
        - Mình sao thế, sao mặt mũi trông nhớn nhác thế kia?
        Ông giáo dắt xe đạp vào sân, khẽ bảo các con ra ngoài chơi rồi thông báo cho vợ ông biết chuyện.
        - Thì mình cứ từ chối phắt đi, rồi mách cho họ tìm người khác. - Bà giáo nói - Thị trấn này thiếu gì người biết tiếng Tây mà.
        - Cái thứ tiếng bồi ấy thì dùng sao được. Dân tình ở đây, bọn chúng còn nắm rõ hơn mình ấy chứ. Một khi chúng đã chỉ định ai thì...
        - Hay là mình tạm lánh ra vùng tự do, đợi họ thay người khác hãy về?
        Ông giáo nhìn hai đứa trẻ đang dạy nhau tập xe bên lối ngõ, lại nhìn cái bụng lùm lùm của vợ, khẽ lắc đầu. Tôi đi, mẹ con mình sống thế nào. Nay mai còn sinh nở nữa. Mà đã đi còn về sao được. Phương sách ấy hãy từ từ đã. Trước mắt tôi với mình phải đến kêu cụ Đốc, nhờ cụ nói hộ với ngài đồn trưởng, vin cớ gì cho hợp lý, rồi tiến cử luôn người khác kế vào. May ra mới được.
        Ông giáo bàn với vợ như vậy và ngay tối hôm đó, tiến hành luôn. Hai người dắt díu nhau mua quà cáp đến nhà ông Đốc học. Thực ra ông này chỉ hơn ông giáo có dăm bẩy tuổi, nhưng vì làm quan to nên mới được kêu bằng cụ. Nghe vợ chồng ông giáo giãi bày xong, Cụ Đốc một mực lắc đầu :
        - Không được, không được! Ông bà phải biết đây là luật nhà binh, người ta đã tuyển chọn kỹ càng, đâu phải chuyện thay ai cũng được.
        - Mong cụ nói giùm cho, quả thực anh ấy nhà con không quen làm việc đó...
        - Tôi lại nghĩ việc đó rất thích hợp với ông nhà đấy.
        - Nhưng thưa cụ...
        - Ông bà này hay nhỉ? Chọn cho chỗ sướng không làm, lại cứ thích bám vào đường khổ. Cái trường tư thục của ông thì báu cái gì mà cứ...
        Xem chừng cụ Đốc nổi nóng đến nơi, vợ chồng ông giáo nhìn nhau, đành từ tạ lui về. Đêm ấy hai người thao thức mãi không ngủ được.
        Sáng hôm sau, vừa đạp xe đến sân trường, ông giáo lại được tin cụ Đốc có lệnh gọi lên công đường bàn việc. Ông buồn rầu quay xe ngược lên thị trấn, đến văn phòng Đốc Học ở trung tâm phố huyện. Khác với lần trước, cụ Đốc đón tiếp ông một cách ân cần, niềm nở. Sau vài lời thăm hỏi chân tình, cụ gọi viên thư ký vào, dặn nhỏ anh ta điều gì đó rồi khép chặt cửa phòng, cài chốt lại.
        - Tôi hỏi thật nhé - Cụ Đốc mỉm cười vui vẻ - Vì sao chú cứ một mực từ chối lời đề nghị của ngài đồn trưởng? Chú nên biết họ trả lương rất hậu, nếu so với mức lương của chú hiện giờ, tăng gấp nhiều lần đấy.
        - Dạ vâng, tôi biết ạ, nhưng...
        - Hồi tổ chức bình dân học vụ, tôi thấy chú tham gia hăng hái lắm, sao bây giờ lại trùm chăn như vậy?
        - Dạ, thưa cụ Đốc...
        - Chớ nên khách sáo thế. Chúng mình là anh em đồng nghiệp với nhau, có vướng mắc gì cứ nói, việc gì phải e dè.
        - Dạ vâng...
        Cuộc trò chuyện giữa hai người diễn ra ngắn ngủi, chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ, nhưng đã biến ông giáo thành một con người khác. Từ đó, ông vui vẻ lên đồn nhận việc.
        Ông giáo Nghĩa làm thư ký kiêm phiên dịch cho viên đồn trưởng Pháp được gần hai năm thì du kích đánh đồn, giải phóng thị trấn và các vùng lân cận. Trong thời gian đó ông luôn giữ mối liên lạc chặt chẽ với ông Đốc học, vốn là một cán bộ Việt Minh bí mật nằm vùng. Nhờ đó mạng lưới hoạt động của tổ chức kháng chiến trong lòng địch được khơi thông và đem lại nhiều hiệu quả.
        Đó là nội dung bản xác nhận của đồng chí Lê Thông, tên thật của ngài Đốc học thời Tây, sau này là một trong những nhà lãnh đạo cao nhất vùng duyên hải.
        Vậy mà ở địa phương, chính quê ông giáo Nghĩa, người ta vẫn không công nhận điều này. Và tuy không bắt giam ông, họ vẫn kiên quyết quy cho gia đình ông thuộc thành phần phản động, buộc ông phải đưa vợ con rời thị trấn về làng để cải tạo lao động, tức là không được dạy học nữa mà chuyển sang làm ruộng ở quê. Ngoài ra ông còn bị người ta thường xuyên giám sát, thỉnh thoảng mấy ông xã uỷ lại gọi lên cật vấn đủ điều.
        - Thế nghĩa là sao ạ? - Một lần anh hỏi bố.
        Ông giáo khẽ thở dài:
        - Chuyện hơi dài tập đấy, nhưng để cho con dễ hiểu, bố chỉ kể lại vắn tắt thế này thôi: Khi được "cụ Đốc", tức bác Lê Thông kéo ra khỏi "tháp ngà", giúp bố hiểu rằng không riêng gì bố mà mọi người dân ở thị trấn này chẳng ai muốn cộng tác với bọn thực dân xâm lược, lại chỉ ra cho bố thấy cái xu thế tan rã tất yếu của chính quyền Bảo hộ và bọn bù nhìn, khiến bố như được tiếp thêm sức sống, thoát ra khỏi mối âu lo luẩn quẩn và thực sự muốn làm một điều gì đó cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Thế là bố tình nguyện tham gia hoạt động bí mật dưới cái vỏ bọc là thư ký kiêm phiên dịch cho viên đồn trưởng Pháp. Nhiệm vụ của bố lúc bấy giờ là chuyên thu thập các thông tin mới nhất trong đồn Tây rồi bí mật chuyển cho "cụ Đốc". Bố đã làm rất tốt việc này và luôn được bác Thông khen ngợi. Thậm chí đôi khi bố còn làm được việc lớn hơn. Ví dụ...
        Ông giáo trầm ngâm một lát như nhớ lại rồi kể tiếp:
        - Bấy giờ mẹ con vừa sinh đứa thứ ba... Là đứa nào nào? Phải, chính là con đấy! Chuyện xảy ra đúng vào hôm đó, vào cái ngày đầu tiên con cất tiếng khóc chào đời. Buổi chiều hôm ấy, sau khi bố đón hai mẹ con từ nhà hộ sinh về được một lát thì Francois, như đã hẹn với bố từ trước, kéo một đám sỹ quan đến chúc mừng với một lẵng hoa rất đẹp. Nhân đó, theo mật lệnh của bác Thông, bố giữ ông ta cùng đám tuỳ tùng lại bằng cách mời họ dự bữa cơm thân mật với gia đình. Nhưng thật không may, đúng vào lúc mọi người đang chuyện trò rôm rả quanh chiếc bàn ăn thì còi báo động rít lên ầm ĩ. Có tin báo Việt Minh vượt ngục. Viên đồn trưởng Pháp hốt hoảng đứng bật lên, ra lệnh đánh xe về, sau đó dẫn quân đi lùng sục khắp nơi, làm cả phố phường náo loạn. Niềm vui của gia đình ta vì thế cũng mất luôn. Riêng bố thì như ngồi trên đống lửa, không hiểu sao đã cùng "cụ Đốc" bàn kế hoạch khít khao đến thế mà lại để lộ ra như vậy. Ngồi đứng không yên, bố hết ngóng ra lại ngóng vào, chỉ lo chúng bắt được đồng chí ấy. Thế rồi chẳng hiểu cuộc đuổi bắt diễn ra thế nào mà bất ngờ người vượt ngục từ phía chợ Xanh lao thẳng đến nhà mình, lúc bấy giờ là ngõ số năm ở cuối đường trục chính. Cố nhiên bố phải lập tức cứu nguy cho đồng đội. Bố đẩy anh ta vào buồng của hai mẹ con rồi sập cửa vào, vừa lúc Francois dẫn quân ập đến, hỏi rằng có thấy người nào chạy đến đây không. Bố đáp không. Nhưng một tên lính lại khẳng định rằng chính mắt hắn nhìn thấy người kia chạy đến ngõ này. Francois đưa mắt nhìn quanh. Đây là ngõ cụt, đến đây là kết thúc, nếu không ở nhà này thì còn chạy đi đâu? Y đứng trên mảnh sân trước hiên nhà, nhìn đăm đăm vào cửa buồng khép chặt, rồi nhìn lẵng hoa tươi đặt trên chiếc bàn con gần đó. Cuối cùng y nhìn bố. Bố cũng nhìn y. Hai bên nhìn thẳng vào mắt nhau, nhìn sâu vào mắt nhau trong khoảng không tối sáng. Một cái gì đó như là tiếng nói chung không phát thành lời, nhưng cả hai đều hiểu. Sau đó, viên đồn trưởng Pháp không nói không rằng, quay gót trở ra, vừa đi vừa hất đầu ra hiệu cho bọn lính di chuyển theo hướng khác.
        - Ông ta không hạ lệnh khám nhà sao?
        - Không.
        - Vì sao ạ?
        - Bố cũng không biết nữa. Có lẽ Francois nể mặt bố nên không nỡ thế chăng? Khi người ta sống có tình với nhau thì...Về chuyện này, bố cần phải diễn giải thêm một chút: Ngay từ những ngày đầu làm thư ký kiêm phiên dịch cho Francois, bố thấy y hoàn toàn không giống những tên sỹ quan Pháp khác. Y vốn là người có học, do hoàn cảnh thế nào đó phải đăng lính rồi bị điều sang xứ sở này. Biết bố có tủ sách quý với rất nhiều tác phẩm Đông Tây kim cổ, trong đó phần lớn là tác phẩm văn học Pháp với những tên tuổi lẫy lừng, y rất thích và tỏ ra nể trọng, thậm chí còn coi bố như một người thầy và trên thực tế, y vẫn thường xưng hô với bố theo cách đó. Người ngoài nghe cũng không mấy ngạc nhiên vì bố thường bổ túc cho y tiếng Việt mà. Và qua một vài lần trao đổi xung quanh những ông khổng lồ của thế kỷ ánh Sáng, bố nhận thấy Francois quả thực là một chàng trai có tâm hồn đẹp và trí tuệ hơn người. Y hoàn toàn không có khát vọng leo cao trong cuộc đời binh nghiệp mà ngược lại, vô cùng chán ghét chiến tranh, chỉ mong nó sớm kết thúc để trở về cuộc sống đời thường, làm được việc gì hữu ích. Chính vì vậy những công việc trên đồn y chẳng tha thiết lắm, chỉ cốt sao giữ được cái đầu và không để cấp trên quở trách là xong, ngoài ra phó thác cho bố hết. Đó là một thuận lợi cơ bản để bố hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
        - Vậy sao người ta lại kết tội bố là phản động? Họ vu oan cho bố hay sao?
        - Họ nói không ngoa đâu con ạ. Xét về lý thì quả là bố có can tội thật. Chuyện là thế này: Khi bố làm việc ở đồn Tây được gần hai năm thì tình hình chiến sự trong phạm vi cả nước đã có nhiều biến chuyển. Quân ta thắng lớn ở nhiều mặt trận và đang dần dần khép chặt vòng vây tại cứ điểm Điện Biên. Sau khi nhận định tình hình toàn cục, thấy điều kiện và thời cơ đã chín muồi, bác Lê Thông liền xin chỉ thị của cấp trên rồi quyết định cho quân ta tổ chức đánh đồn, giải phóng hoàn toàn thị trấn. Trước khi triển khai việc đó vài giờ, "cụ Đốc" đã báo cho bố biết, dặn rằng tối hôm ấy phải bằng mọi cách tránh đi, không được lên đồn. Bố đã thu xếp xong xuôi, chỉ đợi đến hết giờ làm việc là chuồn thẳng. Nhưng không biết do linh cảm thế nào, viên đồn trưởng Pháp bỗng dưng trở nên bẳn tính, suốt ngày gắt gỏng. Cuối giờ chiều, khi bố đang chuẩn bị ra về, y đột nhiên giữ lại, đuổi hết bọn lính ra ngoài rồi mở chai cô nhắc, mời bố cụng ly. Thoạt tiên bố hơi chột dạ, nhưng khi nghe Francois phàn nàn rằng không hiểu sao từ sáng đến giờ cứ thấy bụng dạ bồn chồn, khó ở, như muốn thanh minh với bố về sự ứng xử có phần bất nhã của y trước đó, bố mới thật yên tâm. Và không biết có phải vì ngấm chút hơi men hay vì lẽ gì, tự nhiên bố sinh lòng trắc ẩn, sực nhớ chuyện xảy ra năm trước, vào cái hôm mẹ mới sinh con, may làm sao viên đồn trưởng không quyết định khám nhà, bố giúp được đồng chí ta thoát ra khỏi vòng vây của chúng. Lại nghĩ rằng chỉ vài giờ nữa thôi, quân ta sẽ công đồn và... Bố cứ nghĩ vẩn vơ như vậy và cứ cảm thấy việc mình làm như có lỗi với ai. Rồi bất ngờ bố nảy ra ý định mời Francois đến chơi nhà, viện cớ sinh nhật con. Thực ra ngày sinh nhật con đã qua mấy hôm rồi, nhưng bố không tổ chức, trước đó có bao giờ bố tổ chức đâu, vì thế chẳng ai biết cả. Francois cũng không để ý, khi nghe bố nói, y mới ồ lên một tiếng ngạc nhiên, xem ra y có vẻ rất vui khi biết việc này, còn trách bố sao không báo trước để y chuẩn bị quà kỷ niệm. Bố đáp rằng trong thời buổi không lấy gì làm sáng sủa này, chẳng nên bày biện gì to tát, moa chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình và chỉ muốn mời riêng toa đến dự thôi. Francois gật đầu ưng thuận. Thế rồi ngay sau đó, y đích thân đánh xe đưa bố về nhà. Khác với lần trước, lần này bố thực sự ra tay, quyết giữ bằng được viên đồn trưởng Pháp trong căn nhà bé nhỏ của mình, tạo điều kiện cho quân ta dễ bề chiến thắng đồng thời cũng cứu y thoát khỏi vòng lửa đạn.
        - Vậy lúc quân ta tấn công đồn, ông ấy không phản ứng gì sao?
        - Có chứ! Ngay khi nghe tiếng súng tấn công của quân ta, Francois đã lao vọt ra, định đánh xe về, nhưng bố đã chặn ông ta lại. Bố chĩa súng vào y, buộc y quay trở lại nhà và sau khi tước vũ khí của ngài đồn trưởng, liền ra lệnh cho y phải ngồi yên một chỗ, không được đi đâu cả. Đấy là lần đầu tiên kể từ khi làm việc tại đồn Tây, bố phải dùng đến súng. Cố nhiên nếu sau đó bố bắt y đem nộp cho quân ta thì được thưởng to rồi, nhưng bố đã...
        - Giúp ông ta trốn thoát?
        - Đúng vậy.
        - Bố hay thương người quá.
        - Một phần như vậy.Nhưng cái chính là bố nghĩ viên đồn trưởng Pháp này không đáng chết. Lúc bấy giờ để rơi vào tay các bố du kích nhà ta thì không chừng chết với họ ngay. Toàn những nhân vật hơi tí thì hỏi giấy như của Nam Cao thì khiếp lắm.
        Ông giáo mỉm cười kết thúc câu chuỵện:
        - Quả đúng như có người phát giác, bố đã giúp Francois thoát nạn, bị coi là phần tử xấu cũng phải thôi, không thể trách ai được cả. Dù sao thì bố vẫn thấy lòng mình thanh thản lắm, tuy mình phải chịu tội với tổ chức, nhưng quyết không phải tội với giời.


        Còn Tiếp

        Comment


        • #5
          duchue
          05/11/2008


          Chương 4. Trích Nhật ký

          Đội công trình Duyên Hải. Ngày...
          Gặp Linh trong đám cưới. Anh trai Linh lấy vợ. Anh là kỹ sư nhà máy, con thứ ba của bác Lê Thông. Đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới, liên hoan văn nghệ tại hội trường của tỉnh. Mình cũng được mời. Phần do nghĩa cũ tình xưa, phần vì trước đó mình đã đem quân đến sửa giúp ngôi nhà cho gia đình bác ấy. Gọi là sửa nhưng thực ra xây lại từ đầu. Nhà cấp bốn thôi nhưng rộng rãi khanh trang, vôi ve tử tế, cả nhà bác Lê Thông ai cũng hài lòng.
          Mình đi dự cưới cùng một người bạn trong đơn vị. Hai thằng ngồi ở dãy bàn sau, chăm chú xem anh chàng chủ hôn thể hiện tài nghệ của mình. Sau khi kính thưa kính gửi linh tinh một loạt, trong đó có nhiều ông chức tước rất dài mà vẫn thuộc làu, không phải nhìn vào giấy, anh ta vận mấy câu thơ ca ngợi Đảng để khuyên cô dâu chú rể "vui duyên mới không quên nhiệm vụ" rồi pha trò rất nhộn làm cả đám đông phá ra cười ngả ngốn, tạo nên không khí khá là sôi nổi. Phải cái hội trường đông, ngồi trong nóng quá. Không hiểu sao anh chị này lại cưới nhau vào giữa mùa hè như vậy? Đang tính bài chuồn sớm thì chợt nghe một tiếng nói cất lên, nhỏ nhẹ thôi nhưng có độ ngân vang, trong trẻo như chim hót. Mình ngạc nhiên ngoái lại. Một cô gái trẻ, gương mặt thanh tú, dáng người thon thả trong tấm áo dài trắng muốt. Cô hơi nghiêng người len qua mấy dãy bàn, niềm nở mời mọi người hút thuốc, ăn bánh kẹo rồi nhẹ nhàng lướt đi, sang dãy bàn bên cạnh. Và không biết vô tình hay cố ý, bàn tay cô khẽ chạm vai mình. Tự nhiên mình cảm thấy có một cái gì đó thật khác thường, như một luồng điện bất ngờ truyền qua cơ thể khiến toàn thân mình nổi gai lên. Chừng đoán ra điều gì đó ở mình, anh bạn ngồi bên cười tít. Xinh quá nhỉ? Ai cơ? Cô sinh viên Nga văn chứ còn ai, chỉ khéo vờ. Đã đến xây nhà cho bố người ta lại còn... ồ, cô Linh đấy sao, tưởng đang học trên Hà Nội kia mà? Tất nhiên! Nhưng cưới anh trai thì phải về chứ cậu? ừ nhỉ. Mình ngố thật. Sao mình không nhận ra cô ấy nhỉ? Lúc này Linh đã đi mời hết một vòng, đang đứng bên chiếc bàn nước kê sát cửa. Không riêng gì mình mà rất nhiều ánh mắt cũng hướng ra phía đó. Đám thanh niên lao xao bình phẩm về nàng, quên cả sự ra mắt của cô dâu chú rể, cả việc vỗ tay khi bác Lê Thông kết thúc bài phát biểu của mình.
          Rồi đột nhiên mình bắt gặp ánh mắt Linh. Đôi mắt nàng tuyệt đẹp, khiến mình không còn thấy gì xung quanh nữa. Trước mặt mình chỉ có nàng thôi, và nàng đang thì thầm trò chuyện với mình. Dù thi thoảng bị người nhà làm ngắt quãng, câu chuyện không lời ấy vẫn không lỡ nhịp. Có lúc nàng tỏ ra hốt hoảng khi thấy mình đột ngột biến đi, thực ra mình cố tình chuyển chỗ, thử xem có bị nhầm không và mình thực sự sướng vui khi biết rằng mình đã không nhầm. Trò thử nghiệm này đã không lọt qua cặp mắt tinh tường của anh bạn cùng đi, cậu ta cứ bưng miệng cười khúc khích.
          Đêm. Trăng rất sáng. ở đám cưới về, mình không ngủ được, lững thững đi dạo trên bãi biển. Bãi biển mùa này người ta tụ tập suốt đêm, chỗ nào cũng ran ran tiếng nói cười. Vừa đi mình vừa nghĩ về Linh, về những lời nàng âm thầm gửi gắm trong đám cưới. Đôi mắt nàng nói rằng ngày ấy, trước khi anh lên đường nhập ngũ, lần đầu gặp nhau em đã thương anh. Có đúng thế không hay mình suy diễn? Khi ấy Linh còn nhỏ lắm, còn chưa thành thiếu nữ kia mà? Nhưng đôi mắt thì quả thực đã trưởng thành rất sớm. Đôi mắt nhìn ai cũng nói được nhiều điều. Và với riêng mình thì...
          Mải nghĩ, mình cứ thế đi trên doi cát, dưới rặng phi lao vi vút gió hè, ánh trăng đan giữa những cành xanh mềm mại, óng ánh như kim tuyến. Đang ao ước giá lúc này có Linh thì tuyệt biết bao, không ngờ Linh đến thật. Nàng mặc đồ tắm, khoác phao bơi, từ lối nhỏ trong sườn đồi đi tới. Té ra mình đã dừng chân ngay trước ngõ nhà nàng. Linh phải không? Mình sung sướng reo to. Nàng cũng ngạc nhiên không kém. Sao anh lại ở đây? Vì anh biết thế nào em cũng ra đây tắm biển mà. Thật không? Thật! Linh cảm của anh nhạy lắm. Lúc nãy trong đám cưới, anh nhận ra em ngay từ phút đầu tiên, nhưng thấy em mắc bận, không tiện hỏi. Linh khẽ gật đầu. Bận tíu tít suốt ngày, giờ mới được ngơi tay anh ạ. Anh có biết bơi không? Bộ đội thì cái gì chả biết, đúng không nào? Xuống bơi với em đi. Nàng ném chiếc phao xuống trước rồi chạy ào theo, bơi ra mãi ngoài xa, giơ cánh tay trắng muốt lên vẫy vẫy. Không chút ngại ngần, mình cũng lột phăng quần áo, đánh độc chiếc quần đùi, lao xuống biển. Hai đứa dập dìu bên chiếc phao bơi, mặc cho sóng đưa đến đâu thì đến. Em khác xưa nhiều quá, làm anh cứ ngỡ ngàng, mãi sau mới nhận ra. Thế mà vừa nãy bảo là anh nhận ra ngay? à, đấy là vì...Nghe nói em hát hay lắm hả? Hát cho anh nghe bài hát Nga đi. Kachiusa. ở mặt trận bọn anh hay hát bài ấy lắm. Không, ở bên biển không cần phải hát. Chẳng ai hát hay bằng biển. Nghe nàng nói, tiếng sóng lập tức chen vào câu chuyện. Cả hai im lặng lắng nghe. Lời của sóng sao mà rào rạt thế, cứ như muốn dồn hai đứa lại với nhau, khiến Linh có vẻ hơi e thẹn. Đêm nay trăng sáng quá. Giá không có trăng có lẽ sóng không to thế này đâu anh nhỉ? Mình gật đầu. Quả là sóng hơi to thật. Chiếc phao bị sóng đánh dần dần trở lại bờ. Hai đứa nằm ngả người trên mép nước. Qua làn nước trong suốt, long lanh dưới ánh trăng, mình thấy đôi chân trần của Linh tuyệt đẹp, không thể không nhìn, và mình đâm bối rối khi bắt gặp nụ cười tinh quái thoáng hiện trên môi người con gái. Mình quay nhìn ra biển, hỏi Linh có nhớ lần đầu gặp nhau không. Nàng hơi nghẹo đầu sang một bên, tỏ ý đợi mình nói tiếp. Có nhớ bấy giờ em tiễn anh đến đâu không? Đến ngã ba đường. Thế rồi sau đó? Sau đó thì sao? Hình như em có nói câu gì thì phải? Câu gì? Em không nhớ sao? Không! Em không nhớ, không nhớ! Nàng đứng vụt lên, chạy trên doi cát. Mình vội đuổi theo. Tiếng cười lanh lảnh ngân vang. Kìa cái phao. Trôi mất bây giờ. Mặc kệ. Em bắt đền anh đấy! Được, anh sẽ đền. Sẽ đền ngay. Cả hai ngã lăn trên cát. Câu nói của em hôm ấy, anh đã ghi vào nhật ký rồi. Đáng tiếc là nó đã mất trong chiến trận. Nhưng em biết không, lời của em đã ở trong này. Trong trái tim này. Bây giờ anh muốn em nhắc lại, được không? Không không, em không nhớ đâu mà. Vậy để anh nói nhé, anh nói nhé! Thế nào ấy nhỉ? Tự nhiên lại quên khuấy mất. Quên! Thế mà bảo người ta là ở trong này... A, anh nhớ ra rồi, lúc ấy em có nhắn nhủ rằng :"Anh đi, nhớ viết thư về. Em đợi.". Phải vậy không? Em không biết! Không nhớ! Nàng lại vùng lên, bỏ chạy. Mình lại đuổi. Không nhớ thật à? Không! Chạy vòng quanh. Xoay người lại đón đầu. Bắt được rồi. Nào, bây giờ thì đã nhớ chưa? Nhớ chưa nào? Đừng anh... Một thoáng ghì xiết mạnh. Một thoáng chạm môi nhau. Linh run bắn người lên, không biết vì lạnh hay sợ hãi. Nàng đẩy mạnh mình ra, chạy lên bờ, bỏ lại chiếc phao bơi từ nãy vẫn dập dềnh trên sóng nước.
          Ngày...
          Chủ nhật. Đã sang thu rồi. Ngày nghỉ mọi người đi chơi hết. Mình biết đi đâu? Từ sau đêm ấy không gặp lại Linh. Nghe nói nàng đi theo đoàn chuyên gia thực tập, chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp. Không biết nàng nghĩ gì về mình, và có nghĩ đến mình không? Sao hôm ấy nàng lại run bắn lên thế nhỉ? Hay mình nhầm? Biết đâu người ta chỉ coi mình như anh trai nhưng mình ngộ nhận?
          Đọc sách không vào. Vùng dậy đi ra. Trời không nắng nhưng mây rất sáng. Không gian như trải rộng thêm ra. Có cơn gió chạy lang thang đây đó, như một con chim lớn vô hình vụt đến vụt đi, đùa nghịch với hàng cây bên bờ biển. Vui chân đi mãi. Rồi chẳng biết thế nào lại đi về phía nhà Linh. Đi với tâm trạng bồi hồi, khắc khoải. Một khu vườn râm mát. Đi qua vườn sẽ đến nhà Linh. Bước chân ríu vào nhau, ngần ngại. Đến hai lần rồi không gặp, chẳng lẽ cứ quấy rầy gia đình người ta mãi? Định quay về, chợt nghe tiếng chim lích tích đâu đây, như nhắc bảo điều gì đó. Dừng lại nhìn quanh. Ai kia, bên khóm chua me đất cuối vườn? Dáng hình ấy, mái tóc ấy. Mình từ từ tiến lại. Đúng Linh rồi! Nàng đang mải mê trò chuyện với cỏ cây, mình đến tận nơi vẫn không hay biết. Một cơn gió từ đâu bất ngờ thổi tới. Linh ngẩng lên và quay người lại. Thấy mình, nàng sững sờ đứng lặng, để mặc cho làn gió cuốn tung những bông hoa nhỏ trên tay. Mình mạnh dạn cầm tay Linh. Nàng để yên không rút lại. Nhìn nhau. Mãi sau mới nói. Sao biết em về? Mình không đáp, chỉ lặng lẽ đặt tay nàng lên ngực, nơi trái tim mình đang loạn nhịp vì yêu. Linh chúm môi cười. Một giọt nắng đậu trên mái tóc. Và tiếng chim lích tích đâu đây như vui đùa, trêu chọc. Mình đi chơi đi. Đi đâu? Ra đảo. Gần thôi anh ạ. Giờ này có tầu không? Không cần đâu. Em sẽ chèo thuyền. Chúng mình sẽ đi tắt ở quãng gần bờ nhất.
          Eo biển này hẹp thật, hai bờ chỉ cách nhau chừng hơn cây số. Linh mượn thuyền của người quen làm nghề chài lưới, đưa mình ra đảo. Em chèo giỏi quá! Mình khen. Anh khen phò mã tốt áo. Em là dân đảo chính gốc mà. Làng đảo có cô gái như em thì lạ thật. Nhiều người cũng nói như anh đấy. Lũ bạn trường em hồi mới gặp cứ nhất định cho là em nói dối, dứt khoát bảo em là người thành thị, còn nói là người Hà Nội hẳn hoi nữa chứ. Rất buồn cười. Nhưng xét ra tụi nó nói không ngoa, gia đình em có nguồn gốc từ Hà Nội thật. Chắc hồi xưa bố em đi hoạt động cách mạng, rồi giạt đến vùng này? Anh đoán không sai. Có thời kỳ bố em bị giặc truy lùng, trốn ra ngoài đảo, được ông bà ngoại em giúp đỡ, nuôi giấu trong nhà, rồi lấy mẹ em. Hiện nhà ngoại em vẫn ở trên đảo đấy.
          Mình hỏi Linh tên đảo là gì. Nàng đáp rằng nó không có tên, vì thế người ta thường gọi là đảo không tên, lâu ngày thành quen, Không Tên trở thành tên của nó.
          Một lát sau thuyền ra tới đảo, nhưng Linh không ghé vào bờ mà hướng mũi thuyền ra phía một chiếc hồ rộng lớn, neo đậu bên một cồn đá nhỏ. Cồn đá trông xa giống hình một đài hoa với những tảng đá tròn quây lại thành nhiều múi, trông rất đẹp. Linh dắt tay mình lần theo từng bậc đá leo lên, mình rất ngạc nhiên thấy trong lòng nó một thảm cỏ xanh rờn. Cỏ mọc trên đá thì tài thật. Anh thấy thích không? Thích chứ. Một cái gường thiên nhiên tuyệt diệu. Ngày bé em thường cùng lũ bạn thi bơi từ đảo lớn ra đây, rồi nằm nghỉ trên chiếc giường này đấy. Thế bây giờ? Đừng có gian! Cười. Kéo nhau ngã xuống, nô nghịch trên đệm cỏ. Nụ hôn đầu tiên. Hay thứ hai? Không, đầu tiên chứ, bởi vì đâu có như lần trước, không chỉ chạm nhau mà cuốn vào nhau. Đam mê. Cuồng nhiệt. Biển xanh, mây trắng nghiêng chao. Chiếc giường đá tự nhiên nhẹ bỗng, bay lên, bồng bềnh giữa trời mây non nước. Linh ơi! Anh! Linh ơi! Anh! Linh ơi! Anh! Kìa anh! Sao lại thế? Không được. Em bực đấy! Nàng vùng dậy, đẩy mình ra. Bực thật chứ không phải làm ra vẻ. Mình đâm ngượng. Anh xin lỗi. Xin lỗi em. Đừng giận anh. Anh khóc mất. Anh mà khóc thì lụt to, nước sẽ dâng lên chìm mất cái giường này đấy. Lại nhoẻn cười. Cái miệng cười duyên thế, làm người ta chỉ muốn cắn thôi.
          Hôm nay là ngày đẹp nhất của đời mình. Trở về khu tập thể công trường, lòng mình phơi phới một niềm vui. Mình ngắm rừng ngắm biển, ngắm nhìn những cánh hải âu chao liệng trên đỉnh cột buồm, chỉ muốn cất lên tiếng hát. Nàng không chỉ là cô gái đẹp nhất vùng mà còn có một cái gì rất lạ toát ra tự bên trong. Một cái gì pha trộn giữa vẻ quý phái kiêu sa của người thành thị với nét hồn nhiên khoẻ khoắn của người miền biển. Mình nguyện sẽ suốt đời gắn bó với nàng, gắn bó với mảnh đất này. Mảnh đất đã cho mình một tình yêu tuyệt diệu.

          Comment


          • #6
            duchue
            05/11/2008

            Chương 5. Trích tiếp Nhật ký
            Trại tỵ nạn Hồng Công. Ngày...
            Người ta phát cho mỗi người một tờ khai, như một thứ "sơ yếu lý lịch", yêu cầu trước khi nêu nguyện vọng sang nước thứ ba, phải ghi rõ lý do vì sao di tản. Mấy cậu cùng đi hỏi mình nên viết thế nào. Nghe đâu muốn được giải quyết nhanh thì phải có ít nhất vài dòng lên án chế độ ta mới được. Mình đáp rằng tớ còn đang nghĩ. Thực ra mình đâu có nghĩ gì. Đã đến đây rồi thì họ bảo thế nào cũng phải theo thôi.
            Tuy vậy nhưng khi cầm bút viết lại sinh nghĩ ngợi. Lên án cái gì? Cuộc chiến ba ngàn ngày kết thúc, Việt Nam trở thành biểu tượng anh hùng của toàn nhân loại. Đó là điều không ai bác bỏ được. Mình lại là một chiến binh, từng tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận, không lẽ bây giờ tự phủ nhận mình? Thời hậu chiến cố nhiên đầy dẫy khó khăn, đất nước nào chả vậy, kêu la về chuyện đó thì hèn quá. Lý do riêng? Chuyện hơi dài, kể sao hết được, tóm gọn lại thì chẳng ai hiểu cả. Vậy thì viết gì đây?
            Nhớ hôm họp xét kỷ luật mình. Người ta dứt khoát kết tội mình theo đuôi tư bản, tạm thời đình chỉ công tác, mọi việc giao cho đội phó điều hành. Mình không kêu oan, cũng chẳng thiết điều trần gì hết, họ muốn thế nào cũng được. Bài học của bố ngày xưa đã khiến mình có được sự bình thản đó. Chuyện xảy ra với mình tuy có khác trường hợp ông hồi ấy, nhưng cũng xuất phát từ lòng thương người mà trở nên đắc tội. Làm cái anh đội trưởng công trình, công nhân phần lớn từ bộ đội chuyển sang, trong đó có khá nhiều đồng đội cũ, không thương họ thì còn ra mặt mũi gì? Kể cũng lạ, người lính khi ở chiến trường thì xả thân, bất chấp, gian khổ bao nhiêu cũng qua được hết, thế mà về đây hơi một tý là kêu. ăn cơm độn mạch thì kêu rằng đây là cái thứ người ta trồng cho ngựa ăn, họ nhập về cho người ăn có khác gì coi chúng mình như ngựa? Đến kỳ lương thì chửi toáng lên cái bọn nào cải cách tiền lương sao mà ngu thế, để đồng tiền mất giá thế này! Trông thấy mấy cậu con ông "cốp" phóng xe máy đi qua, ngứa mắt thế nào, cũng chửi. Mẹ kiếp! Hồi chúng bố còn đang chiến đấu trong kia, chúng mày trốn chỗ đéo nào, sao bây giờ vênh mặt lên thế hả? Chửi thì chửi vậy nhưng khi vào việc vẫn hăng hái nhiệt tình, không quản nắng mưa khó nhọc. Lính là thế đấy, mình chẳng bận tâm nhiều. Nhưng đến đận các bố cả gan đổi vật liệu của công trình lấy thuốc lá đem về hút với nhau thì nguy hiểm quá. May mà chuyện này chỉ có mình và cậu tổ trưởng biết thôi, không thì rách việc. Tức mình gọi cả bọn lên, toan xạc cho một mẻ rồi bắt phải bồi thường, nhưng trông thằng nào thằng nấy co ro cúm rúm, không nỡ làm to chuyện. Thức trắng đêm nghĩ ra một cách. Nhận thêm công trình, chia quân khoán gọn. Người ở nhà gánh thêm phần việc người đi. Lương tăng thêm chia theo mức khoán, nhiều ít tuỳ công sức mỗi người. Biện pháp đưa ra ai cũng đồng tình. Mấy tháng đầu mọi việc xem chừng xuôn xẻ. Lương tăng cao, cả đội đều phấn khởi, công trường như được thổi một luồng sinh khí mới. Khoái nhất là tiến độ thi công các công trình không vì thế chậm đi mà ngược lại, càng tăng nhanh trông thấy. Mấy ông lãnh đạo Công ty có lần đi đâu đó tạt qua, có vẻ rất hài lòng. Thì ra trước đây do tình trạng thả nổi nhiều bề, cha chung không ai khóc, người ta lãn công nhiều, cường độ lao động của mỗi người trong mỗi ngày chỉ bỏ ra một nửa. Cách làm này ít nhiều đã khai thác được cái sức mạnh tiềm ẩn đó. Họ gật gù nói vậy, tưởng về sẽ biểu dương, nhân điển hình như cách làm thường thấy. Không ngờ cấp trên tuýt còi, họ xoay ra nện mình luôn. Nào tự ý làm không xin phép, nào hành vi bóc lột sức lao động của công nhân, nào cắm đuôi tư bản...
            Mình chẳng cần. Họ nói gì cũng mặc. Nhưng ngồi chơi xơi nước vài hôm chán quá, tự nguyện ra hiện trường lao động với anh em. Trước đây chả thế, tiếng là đội trưởng công trình, chỉ huy hơn một trăm quân, có mấy khi mình không trực tiếp xắn tay làm với họ? Miễn là anh em đồng đội vẫn quý mình, thông cảm với mình là được. Chẳng có gì phải cay ca hết.
            Chỉ thương Linh. Vừa mới ra trường, còn đang chờ được phân công công tác thì xảy chuyện. Giá nàng không xông vào can thiệp thì còn đỡ, đằng này... Khi biết Linh có quan hệ với mình, bác Lê Thông không những không bênh vực mà ngược lại, còn lớn tiếng mắng cô con gái rượu, cấm từ rày hai đứa đi lại với nhau. Nghe đâu bác ta sắp đến tuổi hưu, nhưng vẫn muốn làm khoá nữa, dính vào "phần tử phá hoại" này thì hỏng hẳn. Linh khóc lóc, kêu van rồi đấu tranh quyết liệt, nhưng vẫn không sao lay chuyển nổi ý chí kiên cường của nhà cách mạng lão thành. Mình khuyên nàng ráng chịu, rồi sẽ thuyết phục dần. Chẳng qua lúc này cụ đang say chức quá đấy thôi, vài năm nữa hưu rồi sẽ khác. Nhưng hình như bố em còn muốn lên cao hơn nữa cơ, không khéo lôi cả nhà lên theo đấy. Thế càng tốt chứ sao? Tốt cái gì. Càng lên cao càng dở. Em chả thiết. Anh đừng có mà... Bình tĩnh em. Anh chỉ đùa một tí cho vui thôi, thực tình cũng lo lắm chứ. Nhưng không sao, chúng mình sẽ cùng nhau tìm cách gỡ, anh tin rồi đâu sẽ vào đó thôi mà.
            Không biết bố Linh còn định leo cao đến tận đâu mà bác ta làm dữ với mình đến thế. Ngay sau đó, mình nhận được quyết định kỷ luật. Ngoài cái tội tự ý nhận việc ngoài kế hoạch được giao, còn bị người ta phát giác về chuyện dung túng cho đồng đội cũ làm càn, xâm phạm tài sản nhà nước. Đúng là giậu đổ bìm leo, vài bao xi măng thừa mà cũng thành to chuyện. Nhưng đã cách chức rồi thì thôi, lại còn trả về địa phương nữa chứ! Thật là quá đáng! Đến nước này thì không chịu nổi, mình xông thẳng lên trụ sở Công ty, nói một hồi. Lại xông thẳng lên chỗ bác Lê Thông, nói một hồi. Lại về tập trung anh em toàn đội, nói một hồi. Nói đến ba hồi mà chẳng ăn thua. Lãnh đạo Công ty cười xuê xoa, đây là ý kiến cấp trên, chứ bọn mình với cậu thì... Bác Thông cũng cười cười, đây là quyết định của tập thể, chứ bác thì... Chỉ có anh em trong đội là chịu khó nghe mình, nhưng họ chỉ biết nghe thôi, không dám nói.
            Và không hiểu sao Linh đột nhiên biến mất, suốt cả tuần không thấy bóng nàng. Mấy lần đến nhà không gặp. Hai bác hình như muốn tránh mặt mình, cũng đi vắng suốt. Nhà chỉ còn mỗi cặp vợ chồng mới cưới, ngồi lâu không tiện. Lần cuối cùng cũng vậy, vẫn bà chị dâu ra mở cổng. Em nó đi công tác chưa về. Hai bác có nhà không ạ? Bố tôi đi họp trên Hà Nội, mẹ tôi ra ngoài đảo, bà ngoại ốm. Chú cần gì nhắn lại, khi nào mọi người về tôi sẽ nói cho. Dạ, không có gì đâu ạ. Em sắp về quê, định đến chào hai bác thôi mà. Chú vào nhà chơi đã. Thôi, em xin phép! Lầm lũi đi xuống dốc, rồi lang thang bãi biễn đến khuya.
            Về làng ư? Làm ruộng cũng chẳng sao, nhưng cứ nghĩ đến chuyện hàng tuần bị mấy ông xã uỷ gọi lên mà sợ. Không phải sợ họ đâu mà sợ chính mình, sợ không nhẫn nhục được như bố mình, không chừng đấm vỡ mõm thằng nào thì thật là tai vạ.
            Có ai đó đưa thuyền vào bến. Một bàn tay vẫy gọi. Linh chăng? Đúng Linh rồi! Mình vội vàng lao tới. Lên thuyền đi anh. Linh khẽ nói và ra hiệu bảo mình im lặng, bãi biển lúc này vẫn đông người, ánh lửa chài lấp loé gần xa. Linh nhanh nhẹn cho thuyền quay mũi, hướng ra phía đảo. Chỉ khi đã leo lên cồn đá giữa hồ, ngồi bên nhau trên "chiếc giường xanh" giữa biển, Linh mới tiết lộ cho mình biết mấy hôm nay nàng bị giam lỏng ở ngoài này. Bố nàng lấy cớ bà ngoại ốm, đưa hai mẹ con ra chăm cụ. Bà mệt thế nào em? Cảm sốt qua loa, nói chung không có vấn đề gì. Em đoán anh sốt ruột đi tìm, mấy lần cứ định liều về nhưng không dám. Tối nay nhân có cô bạn thân ở làng đảo đến chơi, em liền theo luôn về nhà nó, bí mật mượn thuyền vào trong đó tìm anh, may sao lại gặp. Giờ mọi người đang ngon giấc cả rồi, chúng mình cứ yên trí ở đây đến sáng. Trời! Thế mà anh cứ tưởng... Mình ôm riết Linh vào lòng. Em tốt quá. Dịp này mà không gặp được em không khéo anh phát điên lên mất. Em cũng thế. Mấy ngày qua cứ thơ thẩn cả người, đụng đến vật gì cũng vỡ. Mẹ có biết không? Chắc biết, nhưng mẹ không nói gì. Mẹ ủng hộ chúng mình, nhưng sợ bố, toàn phải làm theo ý bố thôi. Mà bố em thì quá lắm, cứ nói là tất cả vì con, nhưng đâu có chịu hiểu con... Thế việc của anh thế nào rồi? Mình kể cho Linh về quyết định kỷ luật. Vậy bây giờ anh định ra sao? Biết làm sao được? Không ngờ sự việc lại trở nên nghiêm trọng thế. Linh, em có nghĩ anh là kẻ xấu không? Chỉ cần em không nghĩ xấu về anh là được. Có em anh sẽ vượt qua tất cả, anh sẵn sàng làm lại từ đầu, em có tin như vậy không? Nàng khẽ gật đầu, mắt lim dim chờ đợi. Hôn nhau thật lâu. Nàng như mê đi trong vòng tay âu yếm. Mình thận trọng đặt nàng trên thảm cỏ, lần mở từng chiếc cúc... Trăng hạ tuần mờ ảo trong mây, như bức rèm che tấm thân nà nuột, cặp vú non tơ, mùi hương quyến rũ. Mình ngụp trên người nàng với tất cả niềm si mê rạo rực. Nhẹ thôi anh! Nàng cong người lên, ôm riết lấy mình, bàn tay xoa nhẹ lên lưng mình. Linh của anh, anh yêu em vô cùng. Nếu em làm vợ anh, anh sẽ rất chiều em, sẽ hết lòng vì em, sẽ... Kìa, sao em lại khóc? Đừng khóc em. Mình hôn giọt nước mắt lăn trên má nàng, hôn lên khắp mặt nàng, gắn chặt lấy môi nàng, rồi toàn thân mình gắn chặt vào nàng. Linh thốt kêu lên khiến mình ngưng lại bởi một ý nghĩ tội lỗi: Đêm tân hôn ngoài luật lệ? Không sao, có trời chứng giám, sợ gì! Chỉ sợ làm nàng đau, mình phải cố nằm yên, không dám động. Lát sau nàng bắt đầu hồi lại và ngoan ngoãn chiều mình. Dần dần bạo liệt hơn, nàng ghì chặt lấy mình, quẫy đạp như một con cá lớn trong tay chàng chã phang khờ khạo. Cái cổ cao xinh xắn nghẹo sang bên, thoáng nét nhăn khổ hạnh và sung sướng, khiến mình, trong niềm yêu cháy bỏng pha chút kiêu hãnh bâng qươ, cảm thấy sự dướn lên cấp tập không chỉ vì lạc thú vô biên mà hình như còn vươn tới đỉnh điểm càn khôn đang hiện hữu qua nàng...
            Mình thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh ra Linh đã biến đi đằng nào mất. Chắc nàng trở lại nhà bà ngoại, lát nữa thế nào cũng ra thôi, mình cứ yên trí ngồi đây ngắm cảnh. Quãng biển này đẹp thật. Không phải hồ mà là một giếng Tiên, nhìn ra đảo đá điệp trùng thấp thoáng màu xiêm áo. Có cảm giác không phải nước biển xanh mà là cái gì đó biếc xanh chìm nổi trong lòng giếng, càng nhìn càng thăm thẳm. Gió thu man mác gợn lên những làn sóng nhẹ, vỗ lóc bóc vào chân cồn đá, nghe thật vui tai.
            Và Linh lại đến. Chiếc thuyền lướt qua vệt nắng ban mai, trông tựa giải ngân hà trên biển. Những vì sao chi chít bám quanh nàng, như những cánh hoa rắc trong ngày cưới. Mình chạy xuống dắt nàng lần theo bậc đá lên cồn. Nàng đem đến rất nhiều đồ ăn. Cua bể, tôm hùm, sò huyết, cả bia hộp nữa. Linh bày mọi thứ ra một tờ báo và, như mẹ nàng ngày trước, tự tay bóc vỏ tôm, cua bỏ vào bát cho mình. Mình cảm động nhìn Linh. Hình như nàng có nét gì khang khác? Có thể do cách ăn mặc của nàng không giống hôm qua, thay cho bộ bò Jean bó sát người như thường thấy là bộ quần áo bằng lụa mỏng làm nổi bật nước da trắng mịn. Người nàng như đậm hơn một chút, gương mặt trái xoan thanh thoát cũng đầy đặn hơn. Cái vẻ tinh nghịch thường ngày biến mất, nàng trở nên mềm mại, nền nã và hơi phảng phất buồn, trông hiền thục như người vợ, chăm chút như người mẹ và ngoan ngoãn dễ thương như một cô em gái. Dường như những gì đẹp nhất của phái đẹp đều hội tụ trong nàng. Ta là người hạnh phúc nhất trần gian! Mình buột miệng thốt lên. Anh bảo gì cơ? Không! Em vừa nghe thấy anh nói gì mà? à, anh nói là có lẽ ngày xưa mẹ nuôi bố hoạt động bí mật cũng thế này đấy nhỉ? Linh nguýt dài. Chỉ được cái nói gian. Em muốn bàn với anh một việc... Thì ra Linh muốn đưa mình về thưa chuyện với gia đình, nói rõ cho bố nàng biết về quan hệ của hai đứa để ông không còn hy vọng tách ra. Nếu bố em chấp nhận thì xin trả anh về đội công trình, bằng không sẽ kéo nhau bỏ đi nơi khác. Linh bảo vậy. Mình khẽ lắc đầu. Đừng em, làm thế khác gì lửa tưới thêm dầu, việc này phải từ từ mới được. Anh muốn theo hướng khác. Anh tính sẽ không về làng mà xin việc quanh đây, tạm thời giãn ra một thời gian đã. Sau đó, khi việc bầu bán của bố em hoàn tất, chắc thế nào cụ cũng trúng thôi, nhân lúc bố đang vui, ta xin phép nói về chuyện chúng mình mới thuận. Thế bây giờ anh định xin việc ở đâu? Anh đang định nhờ em đấy! Nhờ em? Đúng thế! Hôm qua em chả nói có cô bạn làm ở Hợp tác xã đánh cá trên làng đảo đấy thôi, xin cho anh một chân vào đấy mà chẳng tốt chán à? Nhưng anh có làm được việc đó không? Làm được hết. Em quên rằng anh là bộ đội sao? Vậy anh cứ chờ ở đây, để em đi hỏi xem đã nhé. Thôi, nằm hầm bí mật thế này ngại lắm, anh muốn tranh thủ về thăm nhà ít bữa, xem động tĩnh thế nào. Nhỡ anh về làng bị người ta bắt lại thì sao? Không sao! Mình đâu có phạm tội gì ghê gớm mà lo. Anh tin là sẽ không có chuyện gì đâu. Em cứ đi xin việc hộ anh đi, một hai ngày nữa mình gặp lại.
            Đường về quê không xa mấy, chưa đầy hai giờ sau đã trông thấy cánh đồng làng. Dịp này lúa đang thì con gái, bà con đi làm cỏ đầy đồng, vui như hội. Mình xuống xe gần chỗ trạm bơm, đi dọc theo mương nước về làng, gặp ai cũng thấy chào hỏi niềm nở lắm, xem ra không có ý tứ gì. Mình vững tâm hơn. Chỉ khi về đến nhà mới biết. Té ra người ta đã tư giấy về uỷ ban xã từ tuần trước, nhưng may có ông anh họ bây giờ làm thường trực, giấu biệt đi rồi bí mật cầm về đưa cho bố mẹ mình, làm cả nhà phát hoảng. Tuy thế, khi nghe mình kể lại đầu đuôi câu chuyện, bố mình chỉ vuốt râu cười, như thể ông đã biết trước sự việc sẽ xảy ra như vậy. Còn mẹ thì lắc đầu trách móc. Đúng là làm phúc phải tội, mày chẳng khác bố tí nào, cả người lẫn nết.

            Comment


            • #7

              Chương 5. Trích tiếp Nhật ký

              Riêng anh cả thì tỏ ra bực dọc. Mình rất hiểu tính anh. Một khi anh đã bực chuyện gì thì chắc chắn sẽ có điều không ổn. Anh là người thông minh, sắc sảo, từng trải và quyết đoán, được bố mình coi như cây cột chống trong nhà, là chỗ dựa cho tất cả các em, các cháu. Với bà con xóm láng, anh cũng được người ta tin như vậy. Hồi chiến tranh, anh là người đầu tiên ở làng xung phong nhập ngũ, và như để bù lại những thiệt thòi cho bố ngày xưa, anh đã ra sức lập công trong nhiều trận đánh, được kết nạp Đảng ngay trên trận địa, tiếng thơm bay về đến tận nhà. Khi phục viên về xã, chiến công đó cộng với sự giỏi giang mọi việc, miệng nói tay làm, anh được người ta tín nhiệm, mấy lần định giới thiệu vào cấp uỷ, giữ chức gì đó trong bộ máy lãnh đạo địa phương, nhưng anh toàn xin rút, cùng lắm chỉ nhận làm chân phụ trách Nông giang, gọi là có tham gia hoạt động, ngoài ra chẳng thiết tha gì. Có lẽ anh đã chứng kiến quá nhiều cuộc tranh giành vị thế ở làng nên chẳng muốn giây vào đó?
              Tuy nhiên, ngoài công việc đồng áng thường ngày, anh cũng có một niềm vui riêng, đó là việc trồng hoa. Nhà mình có một khu vườn rộng, từ dạo anh ở bộ đội về, đầu tư trồng đủ các loại hoa, nở rộ cả bốn mùa, trông rất thích. Ngày rằm mồng một dân làng đến mua đông lắm, thành thử quanh năm ngày tháng tuy không lấy gì làm dư giả, nhưng trong nhà lúc nào cũng có đồng ra đồng vào. Nhiều người khen anh có óc vận trù, vừa làm đẹp cửa nhà vừa tăng thu nhập. Riêng mình nghĩ không hoàn toàn như vậy, ý tưởng của anh còn cao hơn thế, nó là cả một niềm đam mê, như một sự kiếm tìm lẽ sống. Không biết anh sưu tầm ở đâu mà am hiểu về các loài hoa nhiều đến thế, từ loài quý hiếm như Tuy Líp, Địa Lan đến loài thông dụng như hoa Cúc, hoa Hồng. Loài hoa gì chăm sóc kiểu gì, chiết cành nhân giống ra sao, loài nào ưa nước, loài nào ưa khô, loài nào phải lợp mái che bằng kính, loài nào trồng ngoài vườn để cắm vào bình, loài nào trồng trong chậu cảnh... anh đều thuộc kĩ. Anh bảo rằng hoa cũng như người, mỗi loài đều có tính khí riêng của nó, có loài dễ tính, có loài ương ngạnh, có loài đỏng đảnh khó chiều, nhưng nếu biết cách chăm thì nó đều phù cho chủ. Nghĩa là chúng sẽ thi nhau nở, khoe sắc đua hương suốt quanh năm ngày tháng. Người sành chơi hoa là phải hiểu tính hoa. Hiểu tính hoa sẽ hiểu tính người, sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm trong cách ứng xử với mỗi con người, mỗi hạng người trong từng hoàn cảnh. Nghe anh nói mình lấy làm lạ lắm. Tiếc rằng mình không có điều kiện để tìm hiểu sâu về cái đề tài lý thú này.
              Không biết hoa Thạch Thảo có đặc tính gì mà anh cả lại ví mình với nó. Loại hoa này mình đã thấy ở vùng biển đảo, thân cứng, hoa mềm màu tím biếc, thường mọc trên vách đá cheo leo, xem ra chẳng có gì đặc biệt. Nhưng chuyện đó để sau, trước mắt phải tìm hiểu xem anh khó chịu với mình vì lý do gì đã. Ông bà đừng có khen chú ấy nữa đi. Con thì không đời nào chấp nhận cái trò chơi trội ngu ngốc ấy. Nghe anh nói, mình vừa ngạc nhiên vừa bực. Anh cho đó là chơi trội sao? Chứ còn gì! Chú tưởng thế là hay lắm hả? Tầm cỡ như ông Bí thư tỉnh uỷ vùng Trung Du mà còn bị người ta hành cho lên bờ xuống ruộng kia kìa! Nhưng em làm việc đó chỉ vì thương đồng đội mình thôi, đâu dám nghĩ nó to tát thế? Vì thế tôi mới bảo chú là chơi trội. Chú tưởng thương người dễ lắm sao? Mình là ai mà được phép tỏ ra thương họ? Họ là cán bộ, công nhân nhà nước, là người chủ công trường chứ đâu phải người của chú? Chỉ riêng cái thái độ ấy thôi cũng đủ làm người ta ghét chú rồi. Đó chính là mầm mống của việc "giậu đổ bìm leo" đấy! Thế việc ngày xưa bố giúp ông đồn trưởng Pháp thì sao, nói như anh chẳng hoá ra việc làm nhân đạo ấy cũng là chơi trội chắc? Không phải thế. Không phải hồi ấy ông cụ nhà mình chơi trội, mà là chưa có tầm nhìn, hành xử theo cảm tính. Nếu là tôi, tôi sẽ giao hẳn ông ta cho bác Lê Thông, bác ấy hiểu rất rõ về chính sách ngoại giao, không đời nào dại dột làm cái việc đem tù binh ra xử bắn. Như thế sẽ đảm bảo an toàn cho cả hai và người ta cũng không có cớ gì để kết tội ông cụ được. Tuy nhiên chuyện của bố dù sao cũng thuần tuý là tình cảm, và chỉ tình cảm với một người thôi, còn việc của chú thì khác hẳn. Nó là cả một đám đông. Bắt cả một đám đông làm theo cách của mình, bất chấp mọi phép tắc, đó là tội tầy đình. Tôi nói thật, người ta xử chú như thế là còn nhẹ đấy! Nhưng em đâu có bắt buộc ai, họ hoàn toàn tự nguyện kia mà? Họ tự nguyện vì thấy lợi, ngoài ra có ai hiểu rõ ngọn ngành sự việc đâu. Vì thế khi chú bị đòn, dù biết mười mươi chú là người tốt, hết lòng vì đồng đội nhưng chẳng ai dám lên tiếng bênh vực cả. Kết cục là chú chỉ ôm rơm rặm bụng mà thôi. Nhưng anh thử nghĩ xem, chả lẽ cứ để tình trạng trì trệ kéo dài như thế mãi, trong khi tất cả đều đói khổ? Đấy là việc triều đình, không phải việc chúng ta. Khổ mấy cũng phải cắn răng mà chịu. Chú thử hình dung xem, một ông vua mắc chứng bệnh nan y, nhưng không chịu tìm cách chữa trị mà lại cố tình che giấu bằng cách khoác lên mình chiếc áo bào rực rỡ, và trong khi lũ ròi bọ đang thả sức đục khoét trong cơ thể, ông ta vẫn cao giọng tuyên bố rằng mình rất khoẻ, có thể đánh bại bất kỳ một đối thủ nào, thử hỏi ai còn dám ho he? Đấy, chuyện nó là thế đấy. Chớ có cầm đèn chạy trước ô tô mà dại!
              Mình cúi đầu, không dám cãi câu nào nữa. Thấy thế, bố mình vội xua tay. Thôi thôi, tranh luận về chuyện đó làm gì, điều quan trọng bây giờ là bàn xem nên giải quyết việc của em nó ra sao. Liệu về làng có ổn không. Nào, con nói đi, giờ con định thế nào?
              Không tiện thưa với bố mẹ chuyện riêng, mình chỉ nói ra ý định đi tìm việc khác như đã bàn với Linh ngoài đảo. Nghe xong anh cả gật đầu ngay. Phải đấy! Tôi cũng đang nghĩ thế. Trong tình thế này, chú không nên về đây làm gì cả, cứ xin việc ở ngoài ấy mà làm, coi như không có chuyện gì xảy ra, đỡ gây phiền nhiễu. Còn trong khi chờ đợi thì cứ nói là mình đang nghỉ phép, thế thôi, không có gì phải bàn nhiều.

              Comment

              Working...
              X