Hồi đó tôi đi bộ dài dài không nghe ai khen. Bây giờ thì người này người kia trầm trồ như một kỳ tích. Nói thẳng là không có kỳ tích gì, chẳng qua vì mình ít tiền. Dân thầy chú Sài Gòn mới có tiền mua xe hơi, mướn sốpphơ. Viết báo lượm bạc cắc như tôi làm sao dám ngó tới xe hơi. Nhưng nói thiệt tôi cũng chẳng đi bộ bao nhiêu, mình cũng mỏi cẳng như ai. Năm tôi ra Sài Gòn (cuối 1954) xe điện đã bị dẹp bỏ từ lâu, nhưng xe buýt thì rất sẵn, đi khắp nội thành. Xe buýt có đâu từ đầu những năm 1930 (thế kỷ trước). Bến Thành – Bình Tây: 2 đồng, nhưng xuống dọc đường trước khi qua Nancy (Nguyễn Văn Cừ ngày nay), tính 1 đồng. Một cái truyện ngắn đăng báo tôi được trả chừng 200 đồng, mặc sức mà đi. Xe chạy đúng giờ, ghé đúng bến, nhân viên xe mặc đồng phục, ăn nói nhã nhặn. Họ là người làm công, rất sợ mất sở, dù là sở tư. Hồi đó có sở làm, coi như dân trung lưu. Lương thầy giáo trường tư cũng đủ nuôi cả nhà, cuối tuần có thể dẫn vợ con đi ăn cơm tiệm. Không chỉ xe buýt, còn có xe lam, xe lô (gọi là location) chạy theo bến. Gặp bữa nào lỡ nhậu say với bạn thì chơi sang gọi bác xích lô. Còn thì hôm nào không hẹn hò công việc, trời không nắng, không mưa, thả bộ ngó cây, ngó xe, ngó người, tạt vô quán cà phê lề đường, ngồi cùng bàn với những người chưa bao giờ quen, nghe được đủ chuyện, nghĩ được đủ điều, cũng là một thú phong lưu.
Sài Gòn ngày đó được coi là nơi đô hội, dân đông nhứt nước, nhưng phần nhiều là dân cố cựu. Dân di cư từ Bắc vô, chỉ nhóm người có máu mặt về tiền bạc và học thức, dân làm chánh trị mới trụ lại Sài Gòn, kỳ dư chánh quyền ông Diệm đưa đi lập nghiệp ở vùng Hố Nai (Biên Hoà) hay Cái Sắn (Rạch Giá) và nhiều nơi khác. Chợ Tân Định hồi đó là chợ của người khá giả, bán đủ món ngon vật lạ nhưng giá cả thì cao hơn nơi khác. Mấy bà tới chợ thường đi xích lô, thủng thẳng chọn lựa tới khi nắng lên cao, bỏ đồ lên xe cho anh xích lô chở về nhà trước, đôi khi chỉ một cái giỏ mây nhỏ, còn mình thì đủng đỉnh tấp vô dãy hàng quán hai bên hông chợ để ăn hàng. Chè thưng, sâm bổ lượng, bò bía v.v... cùng đủ thứ món ngon rất dễ làm tăng cân, nhưng hồi đó hình như chuyện dư mỡ, chuyện giữ eo, giữ co của các bà, các cô không thành vấn đề. Tới khi bác xích lô trở lại đón về thì xe đã có phần nặng hơn…
Hồi đó, dân ký giả, dù không làm chánh thức cho báo nào, cũng được coi là người có sở làm. Những quán cà phê, quán ăn, quán bia (gọi là lade, từ phiên âm từ tiếng la bière của Pháp) trước những toà báo sẵn sàng mở sổ cho đám ký giả ghi nợ, hoặc anh nào lãnh được tiền thì có thể gởi chủ quán vài trăm, sau đó trừ dần. Chủ không hề và cũng không cần biết nhà mấy ông khách này ở đâu. Mỗi sáng chỉ cần 2 đồng thịt quay, 1 đồng bánh mì hay bánh hỏi là đủ no tới trưa. Bây giờ có nhiều lời kêu ca chuyện người Sài Gòn uống quá nhiều bia như là một “vấn nạn”. Kỳ thật, ngày xưa uống lade kêu hàng kết cũng là chuyện thường. Dân Tây, dân Tàu buôn, dân xì thẩu từ Hong Kong, Singapore từ lâu đã nườm nượp ở cái thành phố quanh năm nóng bức này, thành ra bia vừa là nước giải khát vừa là chất gây hưng phấn.
Dân Bắc hồi mới vô, tới mấy quán loại sang, như quán Thanh Thế trên đường Nguyễn Trung Trực, họ thấy ngỡ ngàng. Ở góc quán sáng nào cũng thường trực một ông trịnh trọng trong comlê, giày Tây, chú mục vào cuốn sách dày cộp, như chẳng hề thấy món thức ăn bồi bàn vừa dọn ra, đó là ông Thanh Nghị làm tự điển nổi danh. Nhưng góc kia lại là một tốp thanh niên nói năng rổn rảng, ăn mặc cẩu thả như dân xích lô. Thế mà bồi bàn vẫn cứ niềm nở với hết thảy, vì tất cả đều… trả tiền sòng phẳng. Một món điểm tâm “nhẹ” nhứt ở đây cũng gần chục bạc.
Nói tới chuyện ăn mặc đúng điệu thì phải nói tới Sài Gòn. Chợ Lớn là chốn tiền bạc lưu chảy, nơi có những căn phố mới ngó chỉ thấy xập xệ, luộm thuộm mà ít ai ngờ đó là những lối chui vô của tiền bạc. Nhưng để có một bộ đồ, một đôi giày, một chiếc cà vạt cho đúng điệu, thì những đại gia Chợ Lớn cũng phải sắm nó ở Sài Gòn. Dân sành điệu nhìn vào chiếc áo vét là biết nó đã ra đời ở hiệu may nào. Dù cũng bị nô lệ, nhưng dù sao cũng có gần ngót thế kỷ dân Sài Gòn có kinh nghiệm “điểm trang” cho cái bề ngoài của “nhan sắc” thuộc địa.
Để có sự thanh lịch thì cần phải có tiền. Nhưng không chắc đã có tiền thì ra người thanh lịch. Sự thanh lịch còn phụ thuộc rất nhiều vào cái nền nếp lâu đời thành ra thói quen của người sinh sống trong một thành phố có được sự ổn định về việc đi lại, tiện nghi điện nước, học hành, chữa bệnh, cả việc có chỗ để bỏ rác mà không thành xả rác. Nhưng cơ bản hơn là một đời sống mà ai cũng có thể kiếm được đồng tiền chơn chính.
Nguyễn Trọng Tín (ghi)
[img]http://www.sgtt.com.vn/HTMG/2008/0430/33565/01.jpg[/img]
Cà phê lề đường ở Sài Gòn là nơi để nghe được đủ chuyện, nghĩ được đủ điều, cũng là một thú phong lưu. Ảnh: Trần Việt ĐứcSài Gòn ngày đó được coi là nơi đô hội, dân đông nhứt nước, nhưng phần nhiều là dân cố cựu. Dân di cư từ Bắc vô, chỉ nhóm người có máu mặt về tiền bạc và học thức, dân làm chánh trị mới trụ lại Sài Gòn, kỳ dư chánh quyền ông Diệm đưa đi lập nghiệp ở vùng Hố Nai (Biên Hoà) hay Cái Sắn (Rạch Giá) và nhiều nơi khác. Chợ Tân Định hồi đó là chợ của người khá giả, bán đủ món ngon vật lạ nhưng giá cả thì cao hơn nơi khác. Mấy bà tới chợ thường đi xích lô, thủng thẳng chọn lựa tới khi nắng lên cao, bỏ đồ lên xe cho anh xích lô chở về nhà trước, đôi khi chỉ một cái giỏ mây nhỏ, còn mình thì đủng đỉnh tấp vô dãy hàng quán hai bên hông chợ để ăn hàng. Chè thưng, sâm bổ lượng, bò bía v.v... cùng đủ thứ món ngon rất dễ làm tăng cân, nhưng hồi đó hình như chuyện dư mỡ, chuyện giữ eo, giữ co của các bà, các cô không thành vấn đề. Tới khi bác xích lô trở lại đón về thì xe đã có phần nặng hơn…
Hồi đó, dân ký giả, dù không làm chánh thức cho báo nào, cũng được coi là người có sở làm. Những quán cà phê, quán ăn, quán bia (gọi là lade, từ phiên âm từ tiếng la bière của Pháp) trước những toà báo sẵn sàng mở sổ cho đám ký giả ghi nợ, hoặc anh nào lãnh được tiền thì có thể gởi chủ quán vài trăm, sau đó trừ dần. Chủ không hề và cũng không cần biết nhà mấy ông khách này ở đâu. Mỗi sáng chỉ cần 2 đồng thịt quay, 1 đồng bánh mì hay bánh hỏi là đủ no tới trưa. Bây giờ có nhiều lời kêu ca chuyện người Sài Gòn uống quá nhiều bia như là một “vấn nạn”. Kỳ thật, ngày xưa uống lade kêu hàng kết cũng là chuyện thường. Dân Tây, dân Tàu buôn, dân xì thẩu từ Hong Kong, Singapore từ lâu đã nườm nượp ở cái thành phố quanh năm nóng bức này, thành ra bia vừa là nước giải khát vừa là chất gây hưng phấn.
Dân Bắc hồi mới vô, tới mấy quán loại sang, như quán Thanh Thế trên đường Nguyễn Trung Trực, họ thấy ngỡ ngàng. Ở góc quán sáng nào cũng thường trực một ông trịnh trọng trong comlê, giày Tây, chú mục vào cuốn sách dày cộp, như chẳng hề thấy món thức ăn bồi bàn vừa dọn ra, đó là ông Thanh Nghị làm tự điển nổi danh. Nhưng góc kia lại là một tốp thanh niên nói năng rổn rảng, ăn mặc cẩu thả như dân xích lô. Thế mà bồi bàn vẫn cứ niềm nở với hết thảy, vì tất cả đều… trả tiền sòng phẳng. Một món điểm tâm “nhẹ” nhứt ở đây cũng gần chục bạc.
Nói tới chuyện ăn mặc đúng điệu thì phải nói tới Sài Gòn. Chợ Lớn là chốn tiền bạc lưu chảy, nơi có những căn phố mới ngó chỉ thấy xập xệ, luộm thuộm mà ít ai ngờ đó là những lối chui vô của tiền bạc. Nhưng để có một bộ đồ, một đôi giày, một chiếc cà vạt cho đúng điệu, thì những đại gia Chợ Lớn cũng phải sắm nó ở Sài Gòn. Dân sành điệu nhìn vào chiếc áo vét là biết nó đã ra đời ở hiệu may nào. Dù cũng bị nô lệ, nhưng dù sao cũng có gần ngót thế kỷ dân Sài Gòn có kinh nghiệm “điểm trang” cho cái bề ngoài của “nhan sắc” thuộc địa.
Để có sự thanh lịch thì cần phải có tiền. Nhưng không chắc đã có tiền thì ra người thanh lịch. Sự thanh lịch còn phụ thuộc rất nhiều vào cái nền nếp lâu đời thành ra thói quen của người sinh sống trong một thành phố có được sự ổn định về việc đi lại, tiện nghi điện nước, học hành, chữa bệnh, cả việc có chỗ để bỏ rác mà không thành xả rác. Nhưng cơ bản hơn là một đời sống mà ai cũng có thể kiếm được đồng tiền chơn chính.
Nguyễn Trọng Tín (ghi)