Hồi 18
Đế đô Quốc Khố truy phi tặc
Nam Lĩnh từ trung ngộ kiếm chiêu
Chàng định một mình hồi kinh nhưng Huệ Chi năn nỉ mãi, đành phải cho nàng theo.
Đầu canh năm, sau khi dặn dò Cô Hạc và Tất Khánh xong, Thiên Vũ đưa ái thê và Phi Hồ vượt qua Trường Giang sang đất Giang Lăng. Nơi đây có đường quan đạo chạy dọc sông về thẳng Nam Kinh.
Trời cuối năm rét đậm. Ngọn Bắc phong mang theo những bông tuyết nhỏ thổi rát mặt ba người khách lữ hành. Áo lông cừu của ba người ướt đẫm vì mưa rồi lại khô nhờ gió. Sau bốn ngày đêm, phu thê Thiên Vũ đã đến Nam Kinh. Chàng quyết định ghé vào Vương phủ của Tứ hoàng huynh trước để tắm gội.
Mặt trời mùa đông lặng sớm nên mới cuối giờ Thân mà như sắp tối. Thiên Vũ dừng cương trước cổng Vương phủ, đưa tay lột mũ lông cáo. Toán quân gác cổng mừng rỡ sụp xuống tung hô :
- Ngũ vương gia vạn an.
Chúng không biết Huệ Chi là ai nên chẳng dám hô bừa. Thiên Vũ trao cương ngựa cho chúng rồi dẫn nương tử bước vào trong. Không ngờ Tứ vương gia đang ngồi với Tam vương gia. Nhận ra chàng, họ mừng rỡ đứng dậy chào đón :
- Ngũ đệ quả là thông linh như Bồ Tát. Chúng ta đang nhắc đến ngươi đây.
Huệ Chi nghiêng mình thi lễ :
- Tiện thiếp Dương Huệ Chi xin bái kiến nhị vị Hoàng huynh.
Hai người sửng sốt trước nhan sắc tuyệt trần của nàng. Tam vương gia Chu Thư bật cười ha hả :
- Nhờ có Ngũ đệ mà ta mới được chiêm ngưỡng dung nhan thiên kiều bá mỵ của Vương phị Xin đừng quá đa lễ.
Nàng thẹn thùng cùng Thiên Vũ ngồi xuống ghế. Tứ vương gia Chu Hồng không phải là người háo sắc nhưng vẫn choáng váng, buông lời ca ngợi :
- Hoàng tức muội quả là tiên nữ giáng trần. Ngũ đệ tu chín kiếp mới có được một vị phu nhân như vậy.
Huệ Chi thẹn thùng thỏ thẻ :
- Nhị vị Hoàng huynh quá lời. Ngũ vương gia còn đến năm vị phu nhân trẻ đẹp ở Hà Nam.
Chu Thư tròn mắt kinh ngạc :
- Thật thế ư? Lẽ nào trên đời lại có người đẹp hơn nàng?
Thiên Vũ cười xòa nói :
- Hoàng huynh anh minh, bình phẩm không sai. Huệ Chi đẹp nhất và cũng giỏi võ nhất trong các vị phu nhân của tiểu đệ. Nhưng xin gác lại chuyện nữ nhân qua một bên. Tiểu đệ nóng lòng muốn biết đại sự triều đình.
Chu Hồng gật đầu trầm giọng kể :
- Cuối tháng trước, quan Thái Bộc Tự Thiếu Khánh Trần Trung, Tổng quản Quốc Khố, hớt hải vào triều tâu rằng đêm qua Quốc Khố đã bị đạo tặc thâm nhập, lấy đi một số ngân phiếu và châu báu trị giá gần trăm vạn lượng hoàng kim, bằng một nửa Quốc Khố. Chúng ta và Cửu Môn Đề Đốc đến tận nơi xem xét thấy ổ khóa vẫn còn nguyên, không có dấu cạy phá, chứng tỏ hung thủ thiện nghề mở khóa và khinh công xuất chúng mới có thể qua mặt được hàng trăm thị vệ canh gác. Mấy ngày nay, thị vệ và bộ đầu tra xét khắp cùng Đế đô mà không tìm ra manh mối. Lúc đầu Thánh thượng nổi lôi đình, định xuống chỉ tống giam Trần Trung, Chu Nguyên và đội thị vệ vào thiên lao. Ta bèn nhắc đến Ngũ đệ, Thánh thượng mới bình tâm lại, viết chiếu thông tri cho các phủ huyện tìm cho được Ngũ vương gia.
Tam vương gia cắt lời Chu Hồng :
- Tứ đệ nói thế là đủ rồi, hãy để Ngũ đệ và Hoàng tức muội vào trong tắm gội rồi dự yến tẩy trần.
Phi Hồ đã từng tham gia việc cứu giá Tứ vương gia và có ở Vương phủ mấy ngày nên rất quen thuộc. Khi Thiên Vũ vào khách sảnh thì gã đi ngay vào hậu viện bái kiến Tứ vương phi và chào hỏi các gia nhân.
Ba người tắm gội xong, y phục chỉnh tề lên khách sảnh dự yến. Tứ vương phi nghe Phi Hồ tâu lại rằng Thiên Vũ có đưa nương tử về cùng, bà bèn ra sảnh xem mặt chứ không chờ nàng vào bái kiến.
Thiên Vũ và Huệ Chi nghiêng mình chào Tứ vương phị Bà chăm chú quan sát Huệ Chi, hân hoan bước đến nắm tay nàng :
- Hoàng muội xinh đẹp dường này khiến ta muôn phần yêu mến.
Hai vị Vương phi ngồi cạnh nhau chuyện trò vui vẻ. Tứ vương gia thấy mặt Phi Hồ, mừng rỡ bước đến ôm gã vào lòng :
- Bổn Vương gia vẫn khao khát gặp lại tráng sĩ. Xin đừng đa lễ mất vui. Chúng ta đều là người nhà cả.
Luật lệ nhà Minh quy định bá quan phải đến chầu sáng vào đầu giờ Mão. Sáng ngày bảy tháng chạp, quần thần tề tựu đông đủ bỗng thấy năm chiếc kiệu son dừng bước trước thềm điện Thái Hòa. Họ rất ngạc nhiên vì trong kinh chỉ có bốn người đươc hưởng đặc ân dùng loại kiệu này. Đó là Tam, Tứ vương gia và nhị vị Vương phi.
Hai nữ nhân từ trong kiệu bước ra. Một người là Tứ vương phi, còn người kia là một nữ lang mặc võ phục trắng, mắt phượng, mày ngài, ngực nở, lưng ong, xinh đẹp vô cùng. Nàng thân mật nắm tay Tứ vương phi đứng chờ.
Ba người trong kiệu còn lại cũng bước ra. Tam, Tứ, Ngũ vương gia đều đủ cả.
Cửu Môn Đề Đốc Chu Nguyên thấy cứu tinh của mình xuất hiện, gã mừng khôn xiết, chạy đến ra mắt :
- Điệt nhi bái kiến Ngũ Hoàng thúc.
Tam vương gia nói đùa :
- Đã có Ngũ vương gia ở đây thì cái đầu trên cổ ngươi có cơ may giữ được.
Chu Thư vào trước, Tứ vương gia và Vương phi theo sau, rồi đến Thiên Vũ và Huệ Chị Lúc này mọi người mới biết mỹ nhân là Ngũ vương phi.
Chu Nguyên vỗ trán tự trách :
- Ta thật là sơ xuất, chưa kịp bái kiến Ngũ vương phi.
Biểu tấu từ các nơi gởi về đã khiến uy danh Ngũ vương gia lừng lẫy Đế độ Uy tín của triều đình được củng cố. Bách tính tin rằng Thánh thượng anh minh đã cử Ngũ vương gia đi tuần sát thiên hạ, trảm tham quan, giải oan cho lê thứ. Bọn quan lại các nơi đều sợ hãi mà không dám lộng hành. Nhờ vậy, triều cương được vững vàng, vương pháp được tôn nghiêm.
Bá quan xúm lại chào hỏi và ra mắt Ngũ vương gia. Huệ Chi không tường triều lễ nên chẳng dám nói gì, chỉ mỉm cười. Nhưng nụ cười của nàng còn hơn cả ngàn lời nói, làm cả triều đình say đắm, mùi u hương từ cơ thể nàng tỏa ra thoang thoảng.
Tứ vương phi nói nhỏ :
- Cũng may Thánh thượng đã già yếu. Nếu không ta chẳng dám đưa hoàng muội vào chầu. Từ ngàn xưa, chẳng vị vua nào mà không háo sắc.
Huệ Chi thẹn thùng cúi mặt.
Qua đầu giờ Mão một khắc, Minh Mục Tôn giá lâm. Ngài thấy mặt Ngũ vương gia, hớn hở phán :
- Trẫm mong chờ Ngũ đệ từng ngày. Mau lên đây cho trẫm hỏi đôi điều.
Ngài chợt thấy người ngọc đang đứng cạnh chàng. Dù tuổi đã già, mắt đã kém nhưng vẫn nhận ra nữ lang này cực kỳ xinh đẹp.
Mục Tôn hỏi :
- Chẳng hay nữ nhân kia là ai? Sao khanh không giới thiệu cho trẫm rõ?
Huệ Chi bước đến trước bệ rồng quỳ xuống nhưng chẳng biết phải xưng hô thế nào. Tứ vương phi vội bước đến tấu rằng :
- Khải tấu Hoàng thượng, đây là Dương Huệ Chi, chính thất của Ngũ vương gia.
Thánh Hoàng bật cười phán :
- Hoàng tức muội bình thân. Nhi nữ giang hồ không tường nghi lễ là chuyện thường tình, đừng e ngại.
Huệ Chi lạy tạ long ân rồi lui về đứng bên Thiên Vũ.
Thánh Hoàng vuốt râu hỏi :
- Việc Quốc Khố bị mất trộm chắc Tứ Hoàng đệ đã nói cho khanh biết rồi chứ?
Thiên Vũ kính cẩn tâu :
- Hạ thần xin được đến Quốc Khố điều tra xem xét rồi mới có thể phúc đáp Thánh thượng.
Mục Tôn chuẩn tấu. Thiên Vũ cùng Huệ Chi vái tạ rồi lui ra. Thánh hoàng bỗng hỏi quần thần :
- Này chư khanh, sao sáng nay trẫm nghe trong sân chầu có mùi thơm phảng phất, không phải hương hoa mà cũng chẳng phải son phấn.
Bá quan đều biết nhưng không ai dám trả lời.
Phần Thiên Vũ, bước ra khỏi điện Thái Hòa, thấy Phi Hồ đang tán gẫu cùng bọn khiêng kiệu. Chàng gọi gã cùng đi theo Cửu Môn Đề Đốc Chu Nguyên.
Quốc Khố nằm không xa điện Thái Hòa, tường dày hơn thước, trần và sân đều lót những tấm đồng dày. Cánh cửa bằng gỗ quý, đai sắt vững chắc, ổ khóa được chế tạo rất tinh xảo.
Quan Thái Bộc Trần Trung đang thiểu não ngồi cạnh cửa. Từ ngày mất trộm, ông không dám về nhà nữa mà ở luôn trong cung, đêm ngủ dưới mái hiên Quốc Khố. Thấy Ngũ vương gia xuất hiện, lão mừng đến sa lệ, sụp xuống kêu oan :
- Xin Vương gia ra tay tế độ, tìm cho được hung thủ. Nếu không lão thần chết mà chẳng nhắm mắt.
Thiên Vũ đỡ lão lên, an ủi :
- Ta sẽ tận tâm tra xét, Trần khanh chớ nên bi lụy như vậy.
Chàng gọi Phi Hồ đến cùng xem ổ khóa. Lăng Thu lấy trong mình ra một chùm những thanh thép mỏng có răng, cố mở thử. Một khắc trôi qua mà ổ khóa vẫn trơ trơ.
Thiên Vũ hỏi Chu Nguyên :
- Cứ bao lâu thì toán thị vệ tuần tra đi ngang qua cửa này?
Họ Chu vội đáp :
- Bẩm Hoàng thúc, đúng một phần ba khắc thời gian.
Chàng gật đầu bảo Trần Trung :
- Lăng huynh đây là đệ nhất thần thâu, mà hơn một khắc vẫn chưa mở được, có nghĩa là hung thủ không vào bằng đường này. Trần lão hãy dùng chìa khóa mở cửa cho ta vào trong xem sao.
Trần Thái Bộc mau mắn rút chìa khòa trong lưng ra mở. Tay lão khum khum như muốn dấu cả Vương gia, không muốn chàng nhìn thấy hình dạng của chìa. Thiên Vũ nhận ra lão này rất cẩn thận.
Trong kho không có cửa sổ mà chỉ có những ô tròn trên vách, nhỏ bằng miệng tô canh. Chàng bảo Huệ Chi và Phi Hồ phụ với Chu Nguyên khiêng các rương hòm châu báu, vàng bạc dời chỗ để chàng quan sát nền nhà.
Trần Trung thấy Huệ Chi là nữ nhi mà xách hòm vàng nặng mấy trăm cân một cách dễ dàng nên lão phục sát đất.
Mặt nền bằng tấm đồng dầy, vẫn y nguyên không có vết cắt. Thiên Vũ tung người lên nóc Quốc Khố, dán chặt thân mình vào lớp kim loại, trườn đi như thằn lằn. Cuối cùng, cũng chẳng thấy gì khả nghị Chàng lại dùng công phu Bích Hổ Du Tường, đi quanh vách, quan sát các lỗ thông hơi. Đến một lỗ phía tây, chàng dừng lại rất lâu, nhìn ra ngoài rồi tung mình rơi xuống hỏi Trần Trung :
- Đằng sau bức vách phía tây là gì?
- Khải bẩm Vương gia, cách vách tây Quốc Khố hai trượng là một bức tường cao chín thước. Bên kia tường là khu nuôi thú của hoàng cung. Nhưng khoảng cách giữa hai bức tường rất xa, và cũng như cửa chính, cứ một phần ba khắc là toán thị vệ tuần tra lại đi ngang qua đường ấy.
Thiên Vũ không nói gì, dẫn mọi người bước ra ngoài, bảo Trần Trung khóa cửa lại.
Chàng vòng ra phía sau vách tây, trèo lên quan sát lỗ thông hơi chính giữa. Chàng nhặt lấy vật gì đó, tuột xuống, qua bức đối diện, bò lên qua sát đầu tường nhưng không để người bên kia nhìn thấy. Có lẽ đã tìm thấy dấu vết, Thiên Vũ buông mình rơi xuống đất, hỏi Chu Nguyên :
- Hoàng điệt có chắc chắn rằng từ ngày xảy ra vụ trộm, không có vật gì ra khỏi hoàng cung mà không bị xét chứ?
Chu Nguyên sợ hãi thưa :
- Điệt nhi xin lấy đầu bảo chứng.
Chàng nghiêm mặt nói :
- Ngươi mau điều năm trăm thị vệ âm thầm vây chặt khu nuôi thú của ngự hoa viên cho tạ Nhưng tuyệt đối không để những người trong ấy biết.
Chu Nguyên phụng ý thi hành.Thiên Vũ xòe tay cho Huệ Chi và Phi Hồ thấy vật mà chàng mới tìm được. Đó là những sợi lông nhỏ màu vàng nhạt của một loại thú nào đó.
Thiên Vũ hỏi Phi Hồ :
- Lăng đại ca, trong giới diệu thủ không không có cao thủ nào thường đem theo một con vật rất nhỏ lông màu vàng hay không?
Lăng Thu giật mình vỗ trán :
- Đúng vậy. Sao ta lại không nhớ ra tên cẩu tặc này chứ nhỉ. Vũ đệ quả là thông minh. Trên giang hồ có một tay đạo chích danh gọi Tiểu Hầu Nhị Không phải vì hắn có phần giống khỉ mà vì lúc nào hắn cũng kè kè một con khỉ lông vàng rất nhỏ, nhỏ đến mức có thể đứng gọn trong lòng bàn tay của gã. Nhưng cách đây năm năm, linh hầu của gã lâm bệnh chết. Từ đó không thấy gã xất hiện nữa.
Thiên Vũ hài lòng bảo :
- Như vậy đã rõ. Tiểu đệ sẽ cho đại ca hội kiến cố nhân.
Chàng dẫn hai người vòng ra cửa ngự hoa viên, ung dung đi vào làm như ngoạn cảnh. Họ đi dần đến chuồng thú. Nơi đây không nuôi thú lớn mà chỉ có những con vật nhỏ bé, xinh xắn như: gấu trúc, thỏ, chồn, chim các loại... và đặc biệt có một chuồng khỉ, những con khỉ nhỏ xíu, có thể chui lọt lỗ thông hơi.
Cạnh chuồng là một hán tử thấp nhỏ, còn lùn hơn cả Nhật Phi Hồ. Gã đang chú tâm chăm sóc bầy khỉ nên không phát hiện có người đến.
Lăng Thu cất tiếng gọi :
- Tiểu Hầu Nhi, dạo này ngươi làm ăn phát tài chứ?
Gã giật mình quay lại, thấy cố nhân biết ngay chuyện đã lộ, lập tức tung mình đào tẩu. Nhưng một đạo chỉ phong đã xạ trúng huyệt Ngưu Tỵ nơi đầu gối khiến gã rơi xuống, dương đôi mắt căm hờn nhìn Phi Hồ mắng rằng :
- Ta với ngươi là đồng đạo, sao ngươi lại bán đứng ta.
Nhật Phi Hồ thản nhiên đáp :
- Ngươi sai rồi. Ta chỉ giỏi nghề đạo chích chứ đâu đủ tài truy án. Người tìm ra thủ phạm chính là Ngũ vương gia đây. Hơn nữa ta và Kinh Hạo chưa bao giờ xem ngươi là đồng đạo. Chúng ta dù là đạo chích cũng không táng tận lương tâm trộm đến đồng cuối cùng của người nghèo như ngươi.
Thiên Vũ nghiêm giọng bảo :
- Trượng phu dám làm dám chịu. Nếu ngươi thành thật khai báo nơi cất giấu tài sản, ta sẽ tâu với Hoàng thượng cho ngươi được chết toàn thây và không bắt tội gia quyến. Ngươi nên biết rằng kẻ trộm Quốc Khố sẽ bị tru di tam tộc.
Tiểu Hầu Nhi suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời :
- Được. Ta bằng lòng giao lại tang vật nhưng xin Ngũ vương gia giữ lời.
Gã khập khiễng đi vào vườn thượng uyển, chỉ một ngọn giả sơn rồi nói :
- Tất cả đều nằm trong ấy, không mất một ly.
Nhật Phi Hồ tức tốc chui vào hốc đá của ngọn giả sơn, lát sau đem ra một bọc nặng.
Thiên Vũ cất tiếng gọi :
- Thị vệ đâu?
Chu Nguyên và đội thị vệ lập tức xuất hiện. Chàng bảo Chu Nguyên :
- Ngươi giao tên này cho thuộc hạ đưa xuống thiên lao giam giữ rồi theo ta vào chầu Thánh thượng.
Chu Nguyên giao Tiểu Hầu Nhi cho bọn thị vệ rồi xách túi tang vật chạy theo Thiên Vũ.
Hoàng thượng cùng bá quan thấy khuôn mặt rạng rỡ của Cửu Môn Đề Đốc và túi vải trên vai, biết ngay đã tìm được của cải.
Họ Chu đặt túi xuống, mở ra rồi quỳ trước bệ rồng tâu :
- Khải tấu Thánh thượng, nhờ tài trí của Ngũ vương gia, hung thủ đã bị bắt, tài sản Quốc Khố đã thu hồi.
Quan Thái Bộc Trần Trung nghe anh em thị vệ nói Ngũ vương gia đã thành công, lão mừng rỡ chạy vào điện Thái Hòa, quỳ xuống tung hô vạn tuế rồi quay sang kiểm tra túi vải. Cuối cùng lão thở phào nhẹ nhỏm, rưng rưng nước mắt, sụp xuống lạy tạ Thiên Vũ :
- Lão thần đội ơn Vương gia đã cứu giúp.
Chàng đỡ lão dậy rồi hướng về Minh Mục Tôn thưa :
- Khải tấu Thánh thượng, để việc truy tìm tài sản được dễ dàng, nhanh chóng, hạ thần đã hứa với tên đạo tặc rằng sẽ bảo tấu xin Thánh thượng khai ân, không bắt tội gia quyến của hắn.
Thánh Hoàng hoan hỉ nói :
- Lời của khanh cũng là ý của trẫm, chỉ cần chém chết hắn là đủ.
Tam vương gia cười khà khà :
- Cũng may Ngũ đệ về kịp, nếu không tháng này lấy gì mà phát lương bổng cho bá quan đây.
Quần thần xúm lại tán tụng Ngũ vương gia. Mục Tôn cười hỏi :
- Làm thế nào mà Ngũ Hoàng đệ có thể tìm ra thủ phạm nhanh như vậy?
Chàng cung kính đáp :
- Khải tấu Thánh thượng, sau khi quan sát sàn và trần Quốc Khố, cũng như ổ khóa và lịch tuần tra, hạ thần đoán rằng tên trộm chỉ có lỗ thông hơi trên vách là nơi duy nhất có thể vào được. Trong võ lâm có một loại công phu gọi là Xúc Cốt đại pháp, người luyện môn này đến mức đại thành thì có thể thu nhỏ thân xác bằng một con khỉ nhỏ. Nhưng đó chỉ là giả thiết vì Xúc Cốt Công rất khó luyện. Ai ngờ, hạ thần phát giác ra trên lỗ thông hơi vách tây có dấu dây thừng cọ sát và mấy cọng lông thú màu vàng.
Trên đầu bức tường hoa viên cũng có dấu tương tự. Như vậy hạ thần kết luận rằng tên đạo tặc đã cột vật nặng, ném qua lỗ thông hơi, căng dây cho tiểu hầu xâm nhập Quốc Khố lấy từ từ từng món, chủ yếu là vật nhẹ như ngân phiếu và châu báu. Đến khi được biết bên kia tường là chuồng nuôi thú cảnh và giang hồ có tên trộm Tiểu Hầu Nhi, chuyên nuôi dưỡng tiểu hầu làm phương tiện trộm thì hạ thần đoán chắc hắn là thủ phạm.
Minh Mục Tôn vỗ long án khen chàng :
- Trẫm rất đẹp dạ khi có được một bầy tôi tài ba lỗi lạc như khanh.
Bá quan văn võ ai nấy đều bái phục.
Tam vương gia cất tiếng hỏi :
- Ta nghe Tuần phủ Hồ Nam dâng biểu tấu rằng Ngũ Hoàng đệ gặp cơn gia biến, nhà cửa tan nát, chẳng hay sự việc thế nào?
Thiên Vũ cười đáp :
- Đa tạ Hoàng huynh đã có dạ quan hoài. Tiểu đệ đã cứu được song thân và thê tử. Phủ đệ đã được xây lại.
Mục Tôn kinh ngạc :
- Té ra khanh đã dùng tài sản riêng để xây Vương phủ. Trẫm thật có lỗi khi không kịp nghĩ đến chuyện này. Để trẫm truyền Bộ Công hoàn lại chi phí cho khanh.
- Muôn tâu, tài sản trong thiên hạ đều là của Thánh thượng, hạ thần chẳng dám nghĩ đến chuyện riêng chung. Nếu không có Thánh thượng anh minh, uy vũ, khiến cho ngoại bang sợ hãi, chẳng dám đem quân xâm chiếm thì liệu của cải chư quan và bá tánh có giữ được chăng?
Thánh Hoàng vô cùng đẹp dạ phán :
- Nếu bá quan đều có được tâm địa như khanh thì Đại Minh ta sẽ ngàn năm bền vững.
Quần thần sợ hãi đồng thanh tấu rằng :
- Chúng thần một lòng noi gương Ngũ vương gia.
Tứ vương gia Chu Hồng hỏi Lễ Bộ Thượng Thư Triệu Hải :
- Thánh thượng đã truyền chỉ cho khanh viết biểu sắc phong hai họ Thương, Lục, việc ấy đến đâu rồi?
Triệu Hải vội đáp :
- Khải bẩm Vương gia, sắc biểu phong tặng Trung Liệt Bá Thương Thiên Long và Thành Ý Bá Lục Thám Vi đã viết xong, chỉ còn chờ tính danh của Vương phủ để điền vào sắc biểu phong tặng tước Vương gia.
Tam vương gia mỉm cười hỏi lại :
- Phần danh tự Vương phi ta chỉ sợ sắc chỉ không đủ chỗ vì Ngũ vương gia có đến sáu vị chính thất.
Comment