thanks a lot !!!
Thông Báo
Collapse
No announcement yet.
Sát đát nhân
Collapse
This topic is closed.
X
X
-
Chương 24
Phăng lần manh mối
Thời Đinh Lê gọi là Hoan Châu, thời Lý đổi thành Nghệ An trại rồi tới đời Trần lại gọi là Nghệ An lộ; tuy nhiên dù với tên gọi nào Nghệ An vẫn là vùng đất quan trọng của miền nam Đại Việt. Lắm rừng nhiều núi thêm biển rộng sông dài khiến cho Nghệ An có đủ cả lâm, thổ và hải sản. Bắc có Giăng Màn, Hồng Lĩnh; nam có Lam Giang và Hoành Sơn; tây giáp Ai Lao, đông thông ra đông hải; ngần thứ đó biến Nghệ An thành ải địa đầu của Đại Việt trong hai nhiệm vụ chính yếu là ngăn chận Chiêm Thành đồng thời bành trướng lãnh thổ của nước ta xuống hướng nam hầu giải tỏa áp lực nặng nề của kẻ thù phương bắc.
Ngọc Diện Công Tử và Bất Lưu Thủ lầm lủi bước trên quãng đường thiên lý nằm trong địa phận huyện Thổ Thành thuộc lộ Diễn Châu. Mưa bay lất phất. Gió đông lạnh căm. Mặc áo tơi, đội nón rơm che kín mặt mày hai người bước nhanh dường như cố thu ngắn quãng đường dài để kiếm một chỗ nào nghỉ ngơi trước khi trời xụp tối.
- Ê Ngọc Diện... Ngươi biết mình đang ở đâu?
Ngọc Diện Công Tử chưa vội trả lời mà ngước nhìn quang cảnh trước mặt. Một ngọn núi nhô lên trên nền trời mờ mờ trong làn mưa bụi giăng giăng. Quay đầu nhìn về sau lưng của mình y hắng giọng:
- Hồi nãy mình ăn trưa ở chợ Thổ Thành cho nên bây giờ mình sắp tới đền vua Thục. Trước mặt là núi Mộ Dạ...
Giơ tay chỉ ngọn núi xanh mờ y tiếp bằng một câu hỏi:
- Ngươi sinh ở đâu?
Bất Lưu Thủ cười hí hí.
- Quê nội ta ở Bắc Giang, quê ngoại ta ở Ninh Bình thành ra ta sinh ra ở giữa đường...
Ngọc Diện Công Tử trợn mắt nhìn bạn như chờ giải thích song Bất Lưu Thủ lại giơ tay chỉ về đằng trước.
- Sinh ra ở Nghệ An vậy chứ ngươi biết núi Mộ Dạ còn có một cái tên khác nữa là...
Ngọc Diện Công Tử lớn tiếng cười:
- Ngươi đố ai chứ đố ta là ngươi thua rồi. Nằm cách huyện Thổ Thành mười tám dặm về hướng nam núi Mộ Dạ mà có người còn gọi là Dạ Mỗi. Xung quanh núi cây cỏ tươi tốt và rậm rạp khiến cho muông thú nhất là công kéo tới sinh sống bởi vậy đền thờ vua Thục còn được dân chúng quanh vùng gọi là đền Công...
Bất Lưu Thủ tặc lưỡi:
- Tại sao người ta gọi là Dạ Mỗi?
Ngọc Diện Công Tử chép miệng:
- Ai mà biết... Ông bà mình gọi như vậy thời mình gọi như vậy...
Dường như muốn lãng sang chuyện khác y tiếp nhanh:
- Đã vào tháng giêng rồi mà trời vẫn còn lạnh...
Bất Lưu Thủ cười cười:
- Không biết thời ngươi cứ nói không biết chứ đừng có vin vào câu ông bà mình gọi như vậy. Ta nghe người ta đồn vì bị mất nỏ thần nên An Dương Vương Thục Phán bị Triệu Đà đánh bại phải cùng với con gái là Mị Châu cỡi ngựa chạy trốn. Vì lẽ đó cho nên ông ta cứ hỏi con gái là có quân địch đuổi theo không. Cứ mỗi lần ông ta hỏi là Mị Châu lại trả lời rằng: " Dạ mỗi mình con..." Nàng dấu không cho cha biết là đã rắc lông ngỗng làm dấu chỉ đường cho Trọng Thủy đuổi theo. Tới núi Mộ Dạ thời An Dương Vương mới khám phá ra chuyện đó bèn rút gươm chém chết con gái rồi tự tử luôn. Dân gian sau này mới lấy câu nói của nàng mà đặt thêm tên cho núi Mộ Dạ thành ra Dạ Mỗi...
Ngọc Diện Công Tử quay nhìn người bạn đồng hành lom lom xong mới nghiêm giọng:
- Chuyện đó có thật hay là ngươi phịa ra. Ta đâu có nghe ai nói như vậy...
Bất Lưu Thủ cười rè không lên tiếng thừa nhận mà cũng không phủ nhận. Liếc nhìn trời y nói lớn:
- Trời sắp tối rồi... Ta với ngươi chắc phải ghé đền vua Thục ngủ đêm nay...
Ngọc Diện Công Tử gật đầu làm thinh. Lát sau Bất Lưu Thủ mới quay qua hỏi:
- Ngươi biết vì lý do gì mà Hà muội phái chúng ta vào Diễn Châu?
Ngọc Diện Công Tử đáp không do dự:
- Có hai lý do... Thứ nhất là do lời yêu cầu của Lê Ánh. Y cần thêm cao thủ để chống lại tụi do thám Mông Cổ đang có mặt ở Diễn Châu. Còn một lý do nữa mà Hà muội dặn ta phải làm là thu lượm tin tức về các hành vi của Trần Huệ Nghĩa, Trần Quốc Trinh và nhất là Trần Kiện. Dường như y có các hành vi đáng nghi ngờ như móc nối hay thồng đồng với nhân viên do thám địch...
- Trần Kiện... Có phải là vị quan trấn thủ Diễn Châu hông?
- Ngươi nói đúng đó... Hắn là hoàng thân quốc thích của Trần triều. So về vai vế thời hắn là anh bà chú bác với vua Nhân Tông...
- Bà con chú bác. Hắn là con ai mà bà con chú bác với ông vua Nhân Tông...
Ngọc Diện Công Tử tặc lưỡi.
- Trần Kiện là con của Trần Quốc Khang, anh một mẹ khác cha với vua Trần Thánh Tông... Số là vua Thái Tông lấy vợ đã lâu mà không có con nên ổng phải lấy vợ kkác để có con trai mà nối ngôi của mình...
Ngừng lại giây lát Ngọc Diện Công Tử cười nói nửa đùa nửa thực.
- Cái này ta nghe Bất Bình Thời Cuộc kể lại mà không biết có đúng với sự thực hay là không. Vả lại nó đụng chạm với vua chúa nên ngươi nghe lỗ tai bên này thời cho nó lọt qua lỗ bên kia rồi quên luôn nghe chưa. Ngươi đi nói lại cho người khác nghe là ngươi sẽ mất chỗ đội nón. Vua Thái Tông của nhà Trần tên cúng cơm là Trần Cảnh với An Sinh Vương Trần Liễu là anh em ruột với nhau. Trần Cảnh lấy Chiêu Thánh công chúa hay là Lý Chiêu Hoàng làm vợ. Lý Chiêu Hoàng là vị vua cuối cùng của nhà Lý. Sau khi lấy chồng rồi thời bà ta bị dụ khị để nhường ngôi cho chồng. Còn Thuận Thiên công chúa là chị của Lý Chiêu Hoàng. Bà ta là vợ của Trần Liễu. Như vậy Trần Cảnh và Trần Liễu vừa là anh em ruột vừa là anh em cột chèo với nhau... Ngươi hiểu chưa?
Bất Lưu Thủ trợn đôi mắt trắng dã nhìn bạn.
- Ngươi nói tiếng nôm chứ có phải ngươi nói tiếng Quảng, tiếng Hẹ, tiếng hành gì đâu mà ta hỏng hiểu...
Ngọc Diện Công Tử chắt lưỡi.
- Ậy thời ta phải hỏi. Bởi vì cái chuyện vợ con của vua Thái Tông nhà Trần nó rắc rối tùm lum tà la... Vua Thái Tông lấy bà Chiêu Hoàng đã lâu mà chưa có con cho nên ông Trần Thủ Độ... Ngươi biết ông Trần Thủ Độ này là ai không?
Bất Lưu Thủ gật đầu lia lịa.
- Ông này thời ta biết vì sư phụ của ta có kể cho ta nghe về chuyện ổng chôn sống đám con vua cháu chúa của nhà Lý ở Hoa Lâm...
Gật đầu Ngọc Diện Công Tử tiếp.
- Đúng đó. Trần Thủ Độ mới ép Trần Cảnh lấy chị dâu của mình là vợ của Trần Liễu về làm vợ...
Bất Lưu Thủ buột miệng.
- Sao kỳ vậy... Lấy ai hổng lấy mà lại lấy chị dâu của mình. Cái này là chơi bứt gân Trần Liễu rồi...
Ngọc Diện Công Tử bật cười ha hả khi nghe Bất Lưu Thủ lên tiếng.
- Sở dĩ Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh phải lấy chị dâu của mình vì lý do là vợ của Trần Liễu đang có thai cho nên lấy bà ta chắc là sẽ có con...
Bất Lưu Thủ lắc đầu quầy quậy.
- Cái đó trật lất rồi. Không có con chưa chắc do bà vợ mà có khi lại do ông chồng. Cũng như sinh trai hay gái chưa chắc là lỗi của đàn bà... Cái ông Trần Thủ Độ này coi bộ ta ưa ổng hổng nổi rồi...
Ngọc Diện Công Tử cười sằng sặc.
- Khi về làm vợ của Trần Cảnh thời bà chị dâu của ông ta đã có thai mấy tháng rồi. Cái thai bà ta mang chính là con ruột của Trần Liễu và là Trần Quốc Khang...
Bất Lưu Thủ làm thinh như suy nghĩ chuyện gì. Giọng của Ngọc Diện Công Tử vang vang trên con đường cái quan vắng không bóng người.
- Chuyện tình duyên gia đạo của nhà Trần nó rối còn hơn tơ vò. Ngươi biết quan Tiết Chế Trần Quốc Tuấn rồi chứ gì?
- Ta chỉ nghe nói thôi chứ chưa gặp mặt...
Ngọc Diện Công Tử buông một câu mà khi nghe xong Bất Lưu Thủ phải la làng.
- Thiên Thành công chúa, vợ của Trần Quốc Tuấn chính là em bà con chú bác của ông ta... Có người còn đồn là cô ruột của ông ta nữa. Ta hổng biết ai nói đúng ai nói sai…
- Chu choa... làng nước cha mẹ ơi... Sao kỳ cục dậy... Ta nghe nói ổng ngon lành lắm mà...
Ngọc Diện Công Tử cười cười.
- Thì ổng ngon lành về cái vụ đánh giặc nhưng cái vụ vợ con của ổng thì hơi rối một chút. Thiên Thành công chúa là con của Trần Cảnh, còn Trần Quốc Tuấn là con của Trần Liễu. Có người còn nói Thiên Thành công chúa là em của Trần Liễu và Trần Cảnh. Không biết người nào đúng người nào sai. Nếu bà ta là em Trần Liễu thời chính là cô ruột của Trần Quốc Tuấn...
Bất Lưu Thủ chắt lưỡi.
- Nếu bả là cô thời còn bậy hơn nữa. Anh chị em bà con mà lấy nhau thời còn châm chế chút đỉnh...
Ngước nhìn trời Ngọc Diện Công Tử nói tiếp.
- Anh em bà con nên hai người sàng sàng tuổi với nhau, gặp gỡ nhau hoài đâm ra thương nhau. Rồi khi lớn lên Thiên Thành được vua Trần Thái Tông gã cho một người tên Trung Thành Vương. Bí quá ông Quốc Tuấn mới vấn kế một bà cô tên Thụy Bà công chúa. Bà này là chị của Trần Cảnh và Trần Liễu đồng thời cũng là mẹ nuôi của Quốc Tuấn vì lúc đó Trần Liễu mất rồi.
Bất Lưu Thủ tặc lưỡi.
- Chắc ổng buồn về vụ bị em mình chôm vợ nên chết sớm...
Ngọc Diện Công Tử cười cười.
- Chắc là vậy. Thương cháu ruột đồng thời là con nuôi của mình, Thụy Bà công chúa bèn xúi Quốc Tuấn chun dô giường của cô em họ... ủa quên nói đúng sử sách là chun dô phòng...
Bất Lưu Thủ bật cười.
- Hí...hí...hí... Ngươi khỏi cần đính chánh. Đàn bà con gái mà để cho đàn ông con trai chung dô phòng thời chém chết trước sau gì cũng phải cho chun dô giường... mà hể chun dô giường rồi thời sớm muộn gì cũng có cái vụ ấy...
- Chuyện Quốc Tuấn chung dô giường cô em họ của mình đổ bể ra làm cho bên đàng trai phải hồi hôn. Thế là ông tiết chế nhà Trần được vợ mà không tốn xu teng nào lại còn được bên đàn gái tặng của hồi môn...
Bất Lưu Thủ thở khì lắc lắc đầu.
- Lộn xộn quá... Nghe mà nhức đầu...
- Chuyện tình duyên gia đạo của nhà Trần nó lộn xộn lắm. Như ông Trần Thủ Độ lại lấy người em hay chị bà con của mình làm vợ...
- Nữa... Bộ hết người rồi sao mà cứ nhè chị dâu, em bà con, cháu chắt mà lấy... Nếu dân gian mà làm vậy thời ủ tờ còn vua chúa thời tha hồ làm mà chẳng ai dám nói năng gì hết...
Bất Lưu Thủ lắc đầu lên tiếng. Ngọc Diện Công Tử cười ha hả.
- Số là thái tử Sam nhà Lý, sau này là vua Huệ Tông, cha vợ của Trần Cảnh, vì bị giặc đánh chiếm thành Thăng Long nên ông ta phải lánh nạn xuống miệt Thiên Trường rồi quen biết với Trần Lý, tức là cha của Trần Thừa. Thấy con gái của Trần Lý tên Trần Thị Dung xinh đẹp nên ông ta bèn lấy làm vợ. Bà này sinh cho ông ta hai đứa con gái sau trở thành vợ của Trần Cảnh và Trần Liễu như ta đã nói ở trên. Theo gia phả của họ Trần thời Trần Quốc Kinh dời nhà tới hương Tức Mặc, lấy vợ rồi sinh ra Trần Hấp. Ông này có hai người con trai là Trần Lý và Trần Hoằng Nghi. Trần Lý có hai người con trai là Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Còn Trần Hoàng Nghi sinh ba người con trai là Trần An Quốc, Trần An Bang và Trần Thủ Độ. Trần Thừa có hai người con trai là Trần Cảnh và Trần Liễu. Xem ra thời Thủ Độ là anh hay em của Trần Thị Dung. Sau khi nhà Trần lấy được ngôi của nhà Lý thời vợ của Huệ Tông bị giáng chức và gã cho Trần Thủ Độ...
Bất Lưu Thủ chắt lưỡi.
- Cái ông Trần Thủ Độ này khôn quá xá mạng. Vừa giựt được ngai vàng của người ta mà còn vớt luôn bà vợ...
Cười ha hả Ngọc Diện Công Tử lên tiếng.
- Trần Kiện là con của Trần Quốc Khang nên mới được làm quan trấn thủ Ái Châu...
- Bà con của vua mà lại thông đồng với tụi Mông Cổ... Chuyện này khó tin quá...
Bất Lưu Thủ than còn Ngọc Diện Công Tử chép miệng:
- Chuyện đó có gì lạ đâu... Bác ruột của vua còn thông đồng với giặc huống hồ gì anh bà con... Ta nghe lóm Hà muội nói với Vô Danh Hiệp về chuyện Trần Ích Tắc bí mật gặp gỡ nhân viên do thám cao cấp của đoàn do thám viễn chinh Mông Cổ. Đó là chuyện của triều đình. Còn chuyện của ta với ngươi là phụ Lê Ánh dò tìm ra xem đám con cái của Trần Quốc Khang liên lạc với ai và bằng cách nào rồi báo cáo về tổng đàn để Hà muội nghĩ ra cách thức đối phó...
- Tuy chưa gặp mặt hoặc so tài song ta có nghe tiếng Lê Ánh. Giang hồ đồn võ của y là võ gia truyền nhất là pho Hắc Hổ Quyền...
Bất Lưu Thủ cười nói và Ngọc Diện Công Tử gật gù thốt:
- Ta cũng có nghe nói... Lê Ánh là em bà con chú bác với Lê Hành. Dường như rất nhiều người trong dòng họ hoặc quen biết của Lê Hành là nhân viên của đoàn do thám ví dụ như Tam Ca Lê Ánh, Mai Côn Vũ Bạch hoặc Thất Lạc Quyền Lê Huy...
- Ta chưa nghe tên đó à nghen...
Bất Lưu Thủ lên tiếng như có vẻ nghi ngờ về lời noí của bạn. Ngọc Diện Công Tử liếc nhanh bạn đồng hành xong cười cười:
- So với Lê Huy thời ta thuộc vào hạng tiểu bối còn ngươi lại thuộc vào hàng tiểu tiểu bối...
Bất Lưu Thủ cười ha hả một cách vui vẻ. Dường như y không hề giận hờn hay phật lòng vì lời nói đùa của người bạn đồng hành lớn tuổi hơn mình.
- Lê Huy nổi tiếng giang hồ cách đây hơn ba chục năm. Lúc đó ta chưa nhập giang hồ nhưng được sư phụ kể cho nghe về thuật múa quyền siêu đẳng của y…
Trời mùa đông mặt trời lặn sớm. Bóng tối đổ xuống thật nhanh làm nhòa đi cảnh vật. Quay nhìn khu rừng thưa bên tay phải của mình từ từ đổi thành màu đen thẳm Bất Lưu Thủ nói lớn:
- Tối rồi...
Dứt lời y băng mình chạy trước khiến cho Ngọc Diện Công Tử cũng phải triển thuật phi hành chạy theo. Chừng tàn nén nhang cả hai thấy ánh đèn thấp thoáng sau rừng cây rồi đền vua Thục hiện mờ mờ trong rừng cây thưa thớt. Đứng nơi mé lộ cả hai im lặng nhìn ngôi miếu thờ sáng ánh đèn. Không nói tiếng nào Ngọc Diện Công Tử khoa chân bước trên con đường nhỏ dẫn vào đền vua Thục nằm cách lộ chừng vài chục bước. Đang đi đầu Ngọc Diện Công Tử dừng lại.
- Ngươi có nghe gì hôn?
Bất Lưu Thủ trả lời liền.
- Dường như có tiếng người nói chuyện...
Ngọc Diện Công Tử cau mày ngưng thần lắng tai nghe ngóng rồi gật đầu.
- Ngươi nói đúng... Có tiếng nói chuyện... Hổng lẽ...
Bất Lưu Thủ thì thầm.
- Ai? Mông Cổ hả...
- Ta cũng nghĩ như vậy...
Dứt lời Ngọc Diện Công Tử tạt bộ vào trong bóng tối. Hai nhân viên của đoàn do thám Thăng Long âm thầm tiến vào ngôi đền thờ. Nấp sau thân cây cổ thụ to cỡ người ôm không hết họ thấy hai người đang đứng nói chuyện. Nhìn thoáng qua quần áo cũng như nghe loáng thoáng tiếng xí xô xí xào lạ tai, chín phần mười họ đoán kẻ lạ là Mông Cổ. Suy nghĩ giây lát Ngọc Diện Công Tử thì thầm vào tai bạn.
- Ta giữ chân một đứa để cho một đứa chạy thoát và ngươi theo dấu hắn...
Hiểu ý Bất Lưu Thủ gật đầu xong hỏi nhỏ.
- Ta gặp ngươi ở đâu?
- Tại chỗ của Lê Ánh...
Thân hình của Ngọc Diện Công Tử vụt trôi đi băng băng về phía cửa của đền thờ. Ánh kiếm nháng lên sáng rực cùng với tiếng la hét. Vừa lúc đó Bất Lưu Thủ thoáng thấy một bóng người xẹt qua mặt của mình. Đợi cho bóng đen chạy trước một quãng xa xa Bất Lưu Thủ bám theo liền. Nhờ thân thủ linh hoạt, kinh nghiệm giang hồ dồi dào cộng thêm những hiểu biết sau khi thụ huấn một khóa cấp tốc dành cho nhân viên do thám nên y chỉ theo sau kẻ lạ một khoảng cách vừa đủ để không bị mất dấu và cũng không bị bại lộ hành tung. Dù đêm tối song y cũng nhận ra tên do thám Mông Cổ chạy ngược về hướng Diễn Châu. Nhờ đêm tối thêm thuật phi hành cao siêu nên y bám theo mà kẻ địch không biết. Được hơn mười dặm đường y thấy tên do thám Mông Cổ dừng lại. Đứng ngó quanh quất xong hắn mới bước vào ngôi nhà sơn trắng cất bên đường. Đó là dịch trạm, nơi nghỉ ngơi cho bộ hành lúc ban ngày nóng nực hoặc ban đêm cho người lỡ độ đường.
Nương theo bóng đêm và các thân cây rừng to lớn Bất Lưu Thủ lần tới sát vách của dịch trạm để nghe ngóng. Xuyên qua khe hở của vách ván y nghe tiếng người nói chuyện rì rầm. May mà người ở trong nhà nói lớn và nói bằng tiếng Tàu nên y dù không hiểu hết nhưng cũng hiểu được khá nhiều.
- Ngươi nói là ngươi đã chạm trán với một thằng do thám An Nam...
- Trình tổ trưởng đúng như vậy... Thằng 5 còn đang đánh nhau với địch và nó bảo tôi chạy về báo cáo...
Bất Lưu Thủ nghe có tiếng hừ nhạt rồi một giọng nói khàn khàn của một người có tuổi vang lên.
- Ngươi ngu quá mạng. Ngươi chạy về đây là dẫn đường cho địch theo tới đây... Ta...
Vừa nghe hết tiếng '' ta '', như động tâm cơ Bất Lưu Thủ chỏi chân xuống đất lấy đà. Thân hình của y bắn ngược về ngay gốc cây to lớn. Chân chưa chạm đất y xoay mình rồi thân hình bốc tà tà lên một cành cây rậm rạp. Ở trên cao nhìn xuống y thấy hai người nhảy ra sân đứng nhìn quanh quất rồi xí xô xí xào mấy câu xong băng mình chạy đi. Đợi cho hai bóng người thấp thoáng xa xa Bất Lưu Thủ mới nhảy xuống đất theo sau hai tên do thám Mông Cổ.
Comment
-
Chương 25
Đụng Chạm Dài Dài
Đêm mồng năm không có trăng. Sao sáng mờ mờ. Một lão già ngồi im lặng trong ngôi nhà nhỏ thuộc phường Nhật Tân. Nến cháy leo lét chập chờn lay động vì cơn gió đông thỉnh thoảng lùa qua khung cửa sổ mở rộng. Chén trà nguội đã cạn nhưng lão không buồn châm thêm. Ánh mắt sáng rực của lão nhìn đăm đăm vào màn đêm thâm u và tịch mịch. Vầng trán của lão cau lại như có điều gì nan giải cần phải suy nghĩ. Lão già đó chính là Hữu Đại Khan, thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ trong cuộc xâm lăng vào Đại Việt. Mặc dù tình hình chiến trận đã nghiêng phần thắng lợi về cho quân nhà nhưng xuyên qua kinh nghiệm lão không có thái độ lạc quan như các vị đại tướng cầm quân nhất là với chủ tướng của mình là thái tử Thoát Hoan. Tuy phải rút bỏ các cứ điểm chiến lược quan trọng như Chi Lăng, Nội Bàng song quân chủ lực của Trần Quốc Tuấn vẫn còn nguyên vẹn. Điều khiến cho Hữu Đại Khan quan tâm và ngấm ngầm lo âu là địa thế hiểm trở của vùng giao tranh lại bất lợi cho kỵ binh nhà. Kỵ binh Mông Cổ sở trường về tính chất di động nhanh, biến hiện vô lường rồi sau đó tấn kích ào ạt vào địch quân. Sở trường này tỏ ra không hiệu quả trên đất Đại Việt lắm rừng núi, lau lách, sình lầy và sông ngòi. Nếu lão biết rõ điều này thời vị đại tướng tổng chỉ huy binh đội của Trần triều cũng biết và còn biết nhiều hơn lão nữa. Vị tiết chế họ Trần, dù đã thua mấy trận song vẫn bình tịnh đối phó bằng phương cách ém quân và giấu quân. Nhắm đánh được thời đánh bằng không sẽ rút lui chờ dịp khác. Rút lui không có nghĩa bại mà rút lui là dẫn dụ địch quân vào sâu trong đất của mình để rồi phải chấp nhận một chiến trường do mình chọn lựa và chuẩn bị. Hữu Đại Khan đã trình bày ý kiến của mình với A Lý Hải Nha. Vị quân sư của Thoát Hoan cũng có cùng nhận xét như vậy. Sau khi họp bàn suốt nửa ngày A Lý Hải Nha và Thoát Hoan đã chấp thuận ý kiến của Hữu Đại Khan là lão sẽ đích thân chỉ huy nhân viên do thám dưới quyền bí mật xâm nhập vào trong thành Thăng Long với hai mục đích. Thứ nhất bắt liên lạc với nhóm hoàng thân quốc thích của Trần triều để thu lượm tin tức quan trọng đồng thời dùng họ làm kẻ nội ứng. Có nội ứng giúp đỡ nhân viên do thám của lão đủ khả năng ước đoán ra những biến chuyển trong nội tình của Đại Việt. Thứ nhì tìm cách ám sát vua quan nhà Trần như vua Thánh Tông, Nhân Tông, tiết chế Trần Quốc Tuấn và thái sư Trần Quang Khải. Nếu giết chết được một trong bốn người đó lão hi vọng quân Đại Việt sẽ xuống tinh thần và có cơ tan rã.
- Áo Bát Hoa…
Hữu Đại Khan lớn tiếng gọi vị trưởng ban tin tức đồng thời cũng là thủ hạ tin cẩn của mình.
- Trình thủ lĩnh có điều chi sai khiến…
Áo Bát Hoa hiện ra nơi cửa kèm theo câu nói. Hữu Đại Khan gật đầu.
- Ngươi có bao nhiêu nhân viên ở Thăng Long?
- Trình thủ lĩnh. Tổng cộng ta có 150 nhân viên nổi còn nhân viên chìm thời gần bảy chục…
Hơi gật đầu trầm ngâm giây lát lão thủ lĩnh đoàn do thám viễn chinh Mông Cổ hỏi tiếp.
- Thập Nhị Nhân đang ở đâu?
- Trình thủ lĩnh. Do sự yêu cầu của đệ nhị phó thủ lĩnh nên mạt chức đã ra lịnh cho Thập Nhị Nhân tham gia vào vụ đánh cướp kho tàng của địch ở Tản Viên…
Nghe tới đó Hữu Đại Khan hơi nhỏm người dậy một chút. Nhấc lấy chén trà lên nhấp ngụm nhỏ xong lão tằng hắng.
- Sau hai lần thất bại, vụ cướp kho tàng đi tới đâu rồi?
- Theo báo cáo của đệ nhị phó thủ lĩnh về tổng đàn, ta thiệt mất mười mấy nhân viên mà cũng chưa lấy được viên ngọc nào…
Hữu Đại Khan hừ tiếng nhỏ. Lão lẩm bẩm trong trí của mình vì thế mà Áo Bằng Hoa không thể nào nghe được.
- Hay là chúng lộng giả thành chân làm cho mình tưởng thật rồi đem chôn vào một chỗ khác. Thảo nào…
Lẩm bẩm tới đó lão nghiêm giọng bảo thuộc hạ.
- Ngươi đem lệnh của ta tới bảo đệ nhị phó thủ lĩnh lập tức triệt thoái về tổng đàn…
- Bỏ cuộc cướp kho tàng. Ta sắp sửa…
Áo Bát Hoa kêu lên. Hữu Đại Khan cười nhạt.
- Mau lên… Ta mắc mưu của địch rồi… Không khéo… Mau lên còn kịp…
Lãnh lệnh Áo Bằng Hoa bước lẹ ra ngoài. Còn lại một mình trong phòng lão thủ lĩnh đoàn do thám viễn chinh Mông Cổ thong thả dạo từng bước trong phòng. Bằng kinh nghiệm của một nhân vật từng trải trong nghề do thám mấy mươi năm, lão biết mình đang gặp một kỳ phùng địch thủ. Nửa tháng trước đây ở ải Chi Lăng lão đã so tài với vị thủ lĩnh của đoàn do thám An Nam. Dù chỉ là cuộc so tài ngắn ngủi nhưng cũng cho lão biết về trình độ vũ thuật cao thâm của đối thủ. Ngoài ra các nhân viên ngầm nằm trong lòng địch còn báo cáo thêm là kẻ chỉ huy đoàn do thám An Nam lại là một cô gái tuổi còn trẻ măng tên Hà Phương. Dù phận quần thoa, dù không biết võ nghệ; nhưng cô nàng lại có một trí óc siêu việt. Cái trí óc đó mạnh hơn trăm vạn quân, dũng mãnh hơn trăm viên tướng mạnh và tài giỏi hơn mấy trăm nhân viên do thám đầy kinh nghiệm. Bởi vậy cô nàng mới có thể khuất phục được hàng ngàn cao thủ giang hồ, điều động mấy ngàn nhân viên do thám đối đầu lại với lão. Hai tay chấp sau lưng, đầu hơi cúi xuống, Hữu Đại Khan dạo từng bước quanh phòng không biết bao nhiêu vòng để suy nghĩ hầu tìm ra một giải đáp. Hơn ai hết lão biết trong cuộc chinh nam này, đoàn do thám lừng danh tứ xứ, từng tung hoành ngang dọc đang đụng phải một đối thủ, thoạt nhìn nhỏ bé, yếu đuối nhưng lại ẩn tàng một sức chịu đựng kiên cường và một ý chí quyết thắng có thể dời sông lấp biển. Lão biết nơi xó trời hẻo lánh này lão không thể chỉ dụng lực mà phải dùng trí với lực mới có thể thắng được một cuộc chiến âm thầm đang diễn ra trong bóng tối nhưng đủ sức làm thay đổi cục diện của cuộc xâm lăng vào Đại Việt. Đánh rắn phải đập đầu. Ý nghĩ đó lởn vởn trong trí vị thủ lĩnh. Mình phải làm gì? Bằng cách nào? Tung toàn lực của mình vào cuộc săn tìm và tiêu diệt các nhân vật đầu não của địch. Giết được Hà Phương là diệt được cái hồn của đoàn do thám địch. Hạ sát được lão Trần Quốc Tuấn là triệt hạ được binh đội An Nam. Giết được hai vua Trần là làm nhụt đi ý chí chiến đấu của quân và dân Nam. Nói thì dễ mà làm mới khó. Thành Thăng Long hào sâu tường cao. Quân với dân mấy chục vạn. Nhà cửa như bát úp. Đền đài, dinh thự trùng điệp. Ngay cả dân cư ngụ còn chưa biết hết ngõ ngách, đường lối huống hồ gì kẻ xa lạ như lão và nhân viên. Dễ gì đụng tới móng tay của các nhân vật quan trọng được bảo vệ năm ba lớp bởi nhân viên do thám và các đội hộ vệ quân. Tuy nhiên xuyên qua kinh nghiệm nghề nghiệp lão biết rằng nhân viên do thám vẫn có thể tìm ra sơ hở để xâm nhập vào tận cung cấm của các vua chúa.
- Áo Bằng Hoa…
Đang chực sẵn ở ngoài họ Áo bước vào phòng khi nghe thủ lĩnh gọi. Không để cho nhân viên lên tiếng Hữu Đại Khan bước tới thì thầm vào tai nhân viên của mình. Không biết lão truyền lệnh gì chỉ thấy Áo Bằng Hoa dạ dạ xong hộc tốc rời khỏi phòng. Còn lại một mình Hữu Đại Khan vẫn thong thả dạo quanh phòng. Lão bước đi không mau không chậm, không vội vàng cũng không trì trệ. Lão cứ bước không màng tiếng trống canh của thành Thăng Long vọng vang báo hiệu canh ba bắt đầu.
Mấy chục người ngồi vây quanh bốn chiếc bàn được kê sát lại với nhau. Sát Ác Nhân Chủ Tiệm ngồi ghế chủ vị. Chiếc ghế bên trái của Hà Phương đưọc bỏ trống. Dù vết thương chưa lành hẳn song họ Bất Bình Thời Cuộc vẫn không chịu nằm dưỡng thương mà lại mò ra tham dự cuộc họp.
- Theo báo cáo của nhân viên do thám nằm trong lòng địch thời có nhiều nhân viên do thám Thát Đát hoạt động trong thành Thăng Long mà tổng số lên tới mấy trăm...
Ngừng nói vị tân thủ lĩnh đoàn do thám Đại Việt nhìn một vòng các nhân viên của mình. Y thấy đa số là nhân viên của Sát Ác Nhân Tiệm. Thấy mọi người im lặng y thong thả tiếp:
- Mấy trăm nhân viên do thám địch chia nhau trú ẩn trong các chùa chiền, đền đài, dinh thự rải rác khắp trong mấy chục phường của nội và ngoại thành Thăng Long như Nhật Chiêu, Quảng Bá, Tây Hồ, Nghi Tàm, Hoè Nhai, Hà Khẩu, Đông Các, Vĩnh Xương, Thịnh Quang, Yên Thọ...
Nói tới đó vị thủ lĩnh dừng lại nhìn mọi người. Đưa tay nhấc lấy chén nước trà y hớp ngụm nhỏ xong mới hắng giọng tiếp.
- Chúng ta có mười toán, mỗi toán có hai mươi cao thủ được nhân viên do thám dẫn đường tới các nơi địch trú ẩn để ra tay tiêu diệt chúng. Trước khi rời Thăng Long Hà muội nói cho tôi biết là đã hội họp với mười trưởng toán và phân bố công việc rồi. Bây giờ chư huynh cứ theo đó mà làm. Phần tôi sẽ ở tại tổng đàn để tiếp khách quí…
Thiết Tâm vọt miệng hỏi liền.
- Ai vậy. Có tiệc tùng gì hôn?
Sát Ác Nhân Chủ Tiệm bật cười nói với anh chàng họ Thiết.
- Nếu ngươi muốn thời ở lại đây với ta. Tuy không có ăn nhậu song cũng có trò vui… Lâu lắm rồi không có người chém chắc ngươi ngứa lưng lắm…
Thiết Tâm cười hề hề.
- Ngươi nói đúng ý của ta. Mà ai vậy?
- Hữu Đại Khan. Lão thủ lĩnh đoàn do thám Mông Cổ sẽ tới đây…
Nghe nói tới tên Hữu Đại Khan mọi người đều có cử chỉ không được bình thường.
- Sao ngươi biết lão sẽ tới?
Bất Bình Thời Cuộc hỏi và Sát Ác Nhân Chủ Tiệm cười cười.
- Trước khi vào Nghệ An Hà muội đã đoán như vậy. Chư huynh cũng biết Hà muội ít khi đoán sai lắm…
Đa Cùn Kiếm gật đầu tợp ngụm nước trà nguội.
- Nếu Hà muội nói thời tất đúng. Rồi ngươi làm gì để đón tiếp lão họ Hữu?
Vị thủ lĩnh đoàn do thám nói bằng giọng thản nhiên.
- Chờ… Lấy bất biến ứng vạn biến… Lấy tịnh chế động… Lấy khỏe đánh mệt…
Quay qua Thiết Tâm y cười tiếp.
- Gọi là không có ăn nhậu nhưng sẽ có rượu cho ngươi uống. Mà ngươi uống không được say nghe chưa…
Thiết Tâm cười ha hả.
- Nếu trên đời này có thứ gì làm ta say thời chắc không phải rượu…
Vừa nói y vừa nhìn Xú Mỹ Nhân khiến cho nàng đỏ mặt nguýt y một cái. Bất Bình Thời Cuộc tủm tỉm cười nói với Xú Mỹ Nhân.
- Ai bảo ngươi dạy cho hắn học dê gái làm chi…
Mọi người nghe nói đều cười xòa. Họ ngồi bàn bạc hồi lâu rồi ai đi lo chuyện của người đó. Căn phòng họp rộng còn trơ lại bốn người ngồi vừa uống trà vừa bàn luận.
Đoàn xe ba chiếc chậm chạp lăn bánh trên con đường độc đạo xuyên giữa, một bên là rừng già âm u còn một bên là đồng cỏ cao xanh rì. Ngồi trên chiếc xe dẫn đầu Tây Hồ Cổ Kiếm đưa mắt quan sát phong cảnh. Xa xa Tản Viên Sơn vọt lên nền trời. Rừng cây ngút ngàn. Đồi cao, đồi thấp nối tiếp nhau chập chùng. Một bên đường cây cối rậm rạp. Nhiều thân cây to cả người ôm không hết. Cành lá rườm rà nhánh de ra tận đường.
- Tại sao Phương muội lại chọn con đường này?
Tây Roi Hồ Dũng lẩm bẩm. Dù y lẩm bẩm song ngồi bên cạnh Tây Hồ Cổ Kiếm cũng nghe được. Quay nhìn ra hai chiếc xe đằng sau y cười thốt.
- Có trời mới hiểu được Phương muội tính toán cái gì. Con nhà võ như chúng ta, vốn đầu óc giản dị thời đừng có mong đoán được ý của cô đó...
Lõng tay cương để mặc cho bốn con ngựa đi thong thả vị trang chủ của Bờ gia trang cười ha hả nói vọng vào trong xe.
- Đại sư và Trịnh huynh có muốn ra ngoài ngồi ngắm cảnh rừng núi không?
Từ trong lòng xe vang lên tiếng cười cùng với giọng nói trẻ trung.
- Chắc vậy rồi. Tôi với sư Bảo Quốc cũng tính ra nhưng còn ngại Hồ huynh và Tây huynh không chịu nhường chỗ...
Tây Hồ Cổ Kiếm bật cười vang vang rừng cây.
- Trịnh hiền đệ thời tôi không dám bảo đảm nhưng vị phương trượng tiếng tăm lừng lẫy thời tôi có sẵn chỗ ngồi...
- A Di Đà Phật. Đa tạ Tây thí chủ có lòng trọng đãi bần tăng...
Nói chưa dứt lời sư Bảo Quốc chui ra ngồi cạnh Tây Roi Hồ Dũng còn Bạch Kiếm Trịnh Phương cũng ra ngồi cạnh bên Tây Hồ Cổ Kiếm. Ngắm cảnh trí hồi lâu sư Bảo Quốc nói trong tiếng thở dài.
- Nhìn cảnh bần tăng nhớ tới sư phụ. Năm ngoái bàn tăng được tháp tùng theo người đi lên núi Tản Viên. Cảnh không có gì khác mà người thời đã về tây phương...
Tây Hồ Cổ Kiếm mỉm cười ghẹo sư Bảo Quốc.
- Đại sư tu hành hai mươi năm, thất tình lục dục đã dứt mà tại sao còn buồn về cái chết của sư phụ...
Sư Bảo Quốc thở dài.
- Mặc dù không còn thất tình lục dục song bần tăng vẫn là con người. Hễ là con người thời có tình cảm dù ít hay nhiều...
Bạch Kiếm Trịnh Phương xen vào.
- Đại sư nói đúng. Nếu là kẻ vô tình thời chắc đại sư không tham dự vào chuyện chống Mông Cổ...
- Bần tăng nghe đồn Mông Cổ tàn ác lắm. Ai mà chống cự lại là chúng tàn sát không chừa cả gia súc và cây cỏ. Nghĩ tới trăm vạn sanh linh, mấy nghìn đệ tử mà bần tăng phải ra tay cứu nước…
Tây Roi Hồ Dũng cười ha hả góp chuyện.
- Đại sư dạy chí phải. Ngay cả như các vị tiền bối đã qui ẩn giang hồ mấy chục năm cũng bắt đầu lộ diện…
Bạch Kiếm Trịnh Phương xen lời.
- Hồ huynh muốn nhắc tới Lưỡng Xúc Thư Sinh lão tiền bối…
Tới phiên Tây Hồ Cổ Kiếm nhập vào câu chuyện.
- Tôi nghe Lê Hành thuật lại y đã gặp một kỳ nhân dị sĩ thuộc phe hiệp đạo mà y ngờ là Vô Gia Tử…
Bạch Kiếm Trịnh Phương và Tây Roi Hồ Dũng im lặng vì có lẽ họ không biết gì về vị tiền bối này. Hoặc họ không dám nói ra vì nghĩ mình trẻ tuổi không biết nhiều bằng hai người lớn tuổi hơn họ là sư Bảo Quốc và nhất là Tây Hồ Cổ Kiếm. Lát sau vị trang chủ của Dâm Đàm mới thủng thẳng lên tiếng.
- Chuyện này xảy ra cách đây khoảng năm mươi năm rồi. Lúc đó vào những năm đầu của vua Thái Tông nhà Trần. Vì bênh vực cho tôn thất nhà Lý đang bị đoàn do thám Thăng Long truy tầm nên một nhóm cao thủ hiệp đạo đã chống lại nhà Trần hay đúng hơn là đoàn do thám dưới quyền chỉ huy của Trần Thủ Độ. Hai phe đánh nhau nhiều lần cuối cùng pha hiệp đạo bị thua, bị chết phải qui ẩn giang hồ…
Tới lúc này Tây Roi Hồ Dũng mới lên tiếng.
- Tôi có nghe nội tổ kể lại cố sự này. Ông nội của tôi có đề cập tới tên Hoàng Sa Quái Khách…
Sư Bảo Quốc đột ngột lên tiếng.
- Mô Phật… Người mà thí chủ nói đó chính là vị chúa đảo Hoàng Sa. Còn vị chúa đảo Bạch Long Vỉ thời đó mang tên Hải Âu Xứ Kiếm…
Tây Hồ Cổ Kiếm gật đầu lên tiếng.
- Nhóm hiệp đạo đó gồm có bảy người chủ chốt là Lãng Thư Sinh, Hoàng Sa Quái Khách, Hải Âu Xứ Kiếm, Vô Gia Tử, Tam Đảo Kiếm Nguyễn Tam Sơn, Lưỡng Xúc Thư Sinh và một cô gái tên là Phá Thiên Lôi…
Bạch Kiếm Trịnh Phương bật cười ha hả.
- Con gái mà có biệt hiệu Phá Thiên Lôi. Chắc cô này dữ hơn bà chằng…
Tây Hồ Cỗ Kiếm lắc đầu cười.
- Sở dĩ cô ta có biệt hiệu là Phá Thiên Lôi vì sở trường của cô ta là lôi hỏa đạn, một thứ ám khí bằng chất nổ… Tôi biết khá rõ về cô ta vì gia đình của cô ta có liên hệ xa gần với gia trang của tôi…
Nói tới đó Tây Hồ Cổ Kiếm chợt dừng lại khi thấy một bóng ngựa hiện ra trên đồng cỏ xanh phía tay mặt của mình.
- Chắc là nhân viên do thám của ta…
Lát sau khi ngựa tới gần bốn người đều nhận ra kỵ mã chính là nhân viên do thám của triều đình. Kè ngựa sát bên hông chiếc xe dẫn đầu, gã nhân viên của đoàn do thám Thăng Long nghiêng mình chào bốn người ngồi trên xe xong nói với Tây Hồ Cổ Kiếm.
- Thưa Tây đại hiệp. Nhân viên do thám của ta báo cáo phát hiện nhân viên do thám Mông Cổ cách đây mươi dặm đường…
Liếc nhanh đồng bạn vị trang chủ của Tây Hồ trang ở Dâm Đàm hỏi nhanh.
- Huynh có thấy Lê phó thủ lĩnh?
Gã nhân viên do thám lắc đầu.
- Hồi sáng này Lê phó thủ lĩnh đi cùng với Diệu lão tiền bối tới núi Vua. Tôi chỉ biết vậy thôi…
Tây Hồ Cổ Kiếm không hỏi nữa. Y biết qui luật của đoàn do thám. Hơn nữa gã nhân viên này chức vụ nhỏ do đó không biết gì nhiều. Nhìn theo bóng của hắn khuất trong đồng cỏ cao y lên tiếng.
- Thế nào tụi Mông Cổ cũng sẽ đánh đoàn xe chở kho tàng lần nữa. Tôi đi báo cho mọi người chuẩn bị…
Tây Roi Hồ Dũng cười cười.
- Có gì đâu mà chuẩn bị. Hể chúng xuất hiện thời ta đánh. Chúng đâu có dám đụng tới ngọc ngà châu báu đã bị hạ độc…
Mặc dù Hồ Dũng nói vậy song Tây Hồ Cổ Kiếm vẫn nhảy xuống xe rồi chạy ngược về ba cổ xe ở đàng sau rồi mới trở lại. Nhảy lên xe ngồi y cười nói.
- Xong rồi… Tụi do thám Mông Cổ xuất hiện là ta cứ đánh…
Chiếc thuyền lớn từ từ cập vào cây cầu gỗ nơi có Lê Bách Chiến và Trần Gia Mạnh đang đứng. Cả hai nghiêng mình chào khi thấy Hà Phương bước ra bong thuyền.
- Cô nương được bình an?
Lê Bách Chiến cười hỏi. Vén mấy sợi tóc lòa xòa trên trán Hà Phương cười nhẹ.
- Đa tạ Lê phó thủ lỉnh hỏi thăm. Tình hình ra sao rồi?
- Trình cô nương… Cô nương liệu việc như thần. Quân do thám địch đã bí mật phục kích đoàn xe…
Bước lên cầu gỗ Hà Phương hỏi nhanh.
- Nội tổ của tôi hiện giờ đang ở đâu?
- Thưa cô nương… Diệu tiền bối đang ở tại chân núi Vua…
Ngước nhìn mặt trời tà tà ngã về tây Trần Gia Mạnh trả lời.
- Chắc giờ này việc di chuyển kho tàng vào hang đã xong rồi…
Gật gật đầu Hà Phương lại hỏi.
- Quân binh của ta sẵn sàng chưa?
- Trình cô nương… Hai đạo quân bộ và quân kỵ đã sẵn sàng can thiệp khi có lệnh của cô nương…
Bước vài bước trên cây cầu gỗ, đầu hơi cúi xuống Hà Phương nói nho nhỏ chỉ vừa đủ cho hai cộng sự viên của mình nghe.
- Cứ để cho địch xuất hiện và giao đấu với các trang chủ của mười hai đại trang rồi sau đó quân binh sẽ bao vây tiêu diệt địch… Khi nào quân binh bao vây địch xong nhị vị cũng như toàn thể nhân viên tham dự cuộc di chuyển kho tàng hãy cấp tốc trở về tổng đàn ngay. Nhiệm vụ của họ đã xong. Tôi có chuyện cho nhị vị làm ở tại tổng đàn…
- Ủa cô nương đi đâu?
Trần Gia Mạnh buột miệng hỏi. Hà Phương cười trả lời.
- Tôi đi Thanh Hóa, Diễn Châu và Nghệ An… Theo tin mật báo thời mấy vạn quân Mông dưới quyền chỉ huy của tướng Toa Đô đang đánh phá Chiêm Thành…
- Cô nương nghĩ là chúng chiếm được Chiêm Thành?
Hà Phương trầm ngâm. Lát sau nàng mới lên tiếng.
- Chuyện đó tôi chưa có câu trả lời dứt khoát. Theo thiển ý của tôi thời Toa Đô đánh chiếm nước Chiêm nhằm ý định ép ta vào thế lưỡng đầu thọ địch. Nếu hắn lấy được Chiêm Thành càng tốt, bằng nếu không lấy được hắn cũng sẽ dùng thuyền ngược ra bắc rồi đổ quân lên đánh lấy Nghệ An hay Thanh Hóa để bắt tay với Thoát Hoan. Bởi vậy mà tôi phải vào Thanh Nghệ…
Lê Bách Chiến cười hỏi.
- Cô nương cần người tháp tùng...?
Hà Phương chưa kịp trả lời, Trần Gia Mạnh xen vào.
- Đường từ đây vào Nghệ An xa diệu vợi... Trong thời bình thì không nói làm chi nhưng bây giờ đang buổi chiến chinh. Do thám Mông Cổ nhiều như rươi. Nếu chúng biết tin...
Dù họ Trần không nói hết câu nhưng Hà Phương hiểu.
- Đa tạ sự lo lắng của hai vị. Tôi không đi một mình đâu. Có Thất Sát Thủ và Tam Nhân Đồng Hành theo hộ vệ thì tôi nghĩ...
Lê Bách Chiến gật đầu nhìn Trần Gia Mạnh.
- Được hai nhóm đó bảo vệ thì tôi an lòng. Tôi sẽ chim bồ câu đưa tin để các vị lộ trưởng và các trấn, trại biết để đón tiếp. Vừa đi vừa về chắc phải hơn tháng trời...
. Hà Phương nhìn hai cộng sự viên của mình rồi thong thả lên tiếng..
- Sát thủ lĩnh cần nhị vị hơn tôi. Nhị vị hãy mau trở về tổng đàn để phụ với thủ lĩnh mở cuộc truy lùng và tiêu diệt hết nhân viên do thám địch đang ẩn tàng trong nội thành Thăng Long… Tôi biết nhị vị nóng lòng muốn gặp lão Hữu Đại Khan…
Đang nói chuyện ba người vội ngước lên khi nghe tiếng vó ngựa dồn dập. Thấy một cỗ xe tứ mã đang phóng tới Hà Phương quay qua nói với Trần Gia Mạnh.
- Tôi đi đây… Nhị vị khá tua cẩn thận…
Hà Phương vẩy tay cho đứa nữ tì thân tín xách bọc hành trang cùng nàng leo lên xe ngựa. Cỗ xe do bốn con ngựa kéo chạy vụt đi.
Tây Roi Hồ Dũng ghìm cương ngựa lại khi thấy từ trong bìa rừng ba bóng người nhảy ra cản đầu ngựa. Y chưa kịp hành động năm bảy người nữa nhảy ra bao vây lấy chiếc xe chở kho tàng.
- Đánh…
Lồng trong tiếng nói Tây Hồ Cổ Kiếm lao mình xuống đất. Rẹt… Người chưa tới bóng kiếm chớp chớp. Máu bắn tứ tung cùng với tiếng la rú của những kẻ bị thương. Được dịp trổ tài nên Bạch Kiếm Trịnh Phương lẽ nào bỏ qua. Quăng mình xuống đất y chạm đúng một đối thủ xử kiếm như mình. Chân đạp đinh tấn, tay bồng kiếm, mũi kiếm nhọn hoắt chĩa lên trời, vị trang chủ trẻ tuổi của Đoan Hùng Trang ở Phú Thọ, khai mở chiêu kiếm ban đầu một cách trầm ổn và vững vàng. Một điều mà họ Trịnh không biết là y đang đối đầu với Nhị Đao, nhân vật đứng vào hàng thứ nhì của nhóm Thập Nhị Nhân.
Thõng tay nhìn đối thủ đang đứng trước mặt của mình Nhị Đao cười nhạt cất giọng cười khành khạch.
- Hà… hà… hà… Nhãi con… Ngươi buông kiếm đi thời ta còn nể tình. Bằng chống lại ta sẽ chém bay đầu ngươi trong vòng ba mươi chiêu…
Nóng mặt vì lời miệt thị này Bạch Kiếm Trịnh Phương hất tay về sau vai ngay chỗ chuôi kiếm ló lên. Rẹt... Âm thanh của kiếm rút ra khỏi vỏ bật lên cùng lúc với mũi kiếm nhọn hoắt chập chờn nơi huyệt thần tàng của địch thủ. Nhị Đao sảng hồn vì thủ thuật phóng kiếm thần tốc và độc hiểm của đối phương. Hắn đâu có ngờ một thanh niên tuổi mới ngoài hai mươi lại có thể thi triển một chiêu kiếm lấy mạng người nhanh hơn chớp mắt. Không diên trì tay đao đứng hàng thứ nhì trong nhóm Thập Nhị Nhân của đoàn do thám Mông Cổ tức tốc giải đòn chết. Rẻng... Âm thanh của đao rút ra khỏi vỏ bật lên lanh lảnh. Lưỡi đao đúc bằng thép ròng bắt từ trái chém vù sang mặt cốt ý chặt gãy lưỡi kiếm mỏng manh của đối thủ. Tuy nhiên hắn không biết mình đang chạm đúng một đối thủ trẻ tuổi song tôi luyện được thuật xử kiếm độc địa. Đòn ra được nửa chừng hắn thoáng thấy mũi kiếm biến mất cùng với tiếng xoẹt rồi một tiếng xoẹt thứ nhì khẽ vang lên với đầu mũi kiếm nhọn hoắt lập lờ nơi huyệt nhũ trung bên ngực trái của mình. Sảng hồn vì kiếm thuật quái đản Nhị Đao tức tốc chuyển bộ né tránh. Tuy nhiên dù thi triển bộ pháp để hóa giải rốt cuộc hắn vẫn thấy mũi kiếm nhọn lễu lập lòe chực đâm vào các yếu huyệt của mình cùng với tiếng kêu xoèn xoẹt vang lên tựa như thứ âm thanh quái đản đâm chích vào da thịt của mình.
Dĩ nhiên Nhị Đao chưa từng chạm trán với bất cứ nhân vật nào của Đoan Hùng Trang ở Phú Thọ do đó hắn không biết gì về thuật xử kiếm độc địa của gia trang này. Giới giang hồ Đại Việt có lắm người xử kiếm vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất là bề ngoài. Mặc võ phục mà mang kiếm nhìn đẹp mắt hơn tất cả mọi thứ vũ khí khác. Thứ nhì là kiếm không cồng kềnh và nặng nề như đao, côn, roi hoặc thương nên mang kiếm đi lại dễ dàng hơn. Thứ ba là kiếm được xem như là thứ vũ khí đứng đầu của tất cả mọi thứ khí giới. Khoảng thời gian gần đây trong giới giang hồ Đại Việt nảy sinh ra một thuật xử kiếm lạ lùng và độc địa vô cùng. Đó là thuật xử kiếm lấy nhanh làm chuẩn. Những người luyện theo thuật xử kiếm này đâm chứ không chém như thuật xử kiếm đã có sẵn. Họ quan niệm rằng nếu rút kiếm đâm chết đối thủ trước khi đối thủ ra tay thì không cần phải rèn luyện kiếm pháp làm chi cho mất thời giờ và công sức. Vô Lưu Huyết là một kiếm thủ đại diện cho phe này. Bằng với kiếm thuật kỳ bí này y đã đâm chết các thủ lĩnh Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa và Thăng Long để trở thành thủ lĩnh của phe hắc đạo. Gần đây nhất cũng bằng với kiếm thuật độc địa này y đã đâm chết Bảo Quốc đại sư, Trúc Kiếm Tiên Sinh và mấy người nữa trong đại hội giang hồ ở núi Tản Viên. Có thể nói trong giang hồ hiện nay chỉ có một người hóa giải được thuật xử kiếm này và người đó không ai khác hơn Sát Ác Nhân Chủ Tiệm. Trịnh Phương, do ở tuổi còn trẻ nên thủ thuật phóng kiếm chưa điêu luyện so với Vô Lưu Huyết, bằng không chỉ một chiêu thôi y có thể giết chết Nhị Đao. Tuy nhiên dù không đâm chết họ Trịnh vẫn làm cho địch thủ phải chật vật lắm mới tránh né hay đón đỡ được. Riêng Nhị Đao thì càng giao đấu lâu chừng nao hắn càng thêm kinh ngạc nhiều chừng đó vì thuật xử kiếm quái đản và cực cùng hiểm độc của đối phương. Dù hắn triển khai đao pháp thành bức màn che kín thân thể song vẫn cảm thấy mũi kiếm nhọn hoắt cứ nhằm các khe hở của đao pháp mà công kích vào. Thêm nữa là âm thanh của kiếm rút ra rồi tra vào vỏ tạo thành tiếng kêu xòen xọet ghê rợn. Mũi kiếm thoắt biến thoắt hiện, chợt tắt chợt nổi, mịt mờ giăng mắc khắp nơi khiến cho hắn chật vật lắm mới đón đở được. Nếu tình trạng này kéo dài thời hắn sẽ bị địch thủ đâm chết hoặc bị thương. Bựt... Nhị Đao bắn người lùi lại. Mũi kiếm của Trịnh Phương đâm trúng huyệt ốc ế của hắn sâu hoắm. Máu từ đó phun ra đỏ lòm. Giận dữ lẫn kinh sợ tay đao hạng nhì của nhóm Thập Nhị Nhân gầm tiếng lớn loang đao nhảy sổ vào liều sống chết với kẻ địch. Tuy nhiên chưa kịp xuất thủ hắn lại thấy điểm sáng chập chờn trước ngực của mình. Toàn thể các yếu huyệt thuộc đốc mạnh như thiên đột, toàn cơ, hoa cái, ngọc đường, đản trung, trung đình, cửu vỹ, cự khuyết cũng như các huyệt đạo của mười hai chính kinh đều có mũi kiếm nhọn hoắt công kích vào. Bựt... Nhị Đao loạng choạng lùi lại vì trúng thêm một kiếm vào huyệt hoa cái.
- Các hạ về đi thôi... Nếu không nghe lời ta thì Đại Việt sẽ là mồ chôn của các hạ đấy...
Bạch Kiếm Trịnh Phương lên tiếng. Dù có nghiêm lệnh phải hạ sát kẻ địch nhưng y không chịu làm. Tính hào hiệp của một vũ sĩ giang hồ khiến cho y không thể giết người đã bị thương dù người đó là kẻ thù của mình. Không nói tiếng nào Nhị Đao lao vào vòng chiến. Vì sĩ diện và nhất là qui luật khắt khe của đoàn do thám cho nên y không thể chạy trốn. Cười hực một tiếng Trịnh Phương hất tay ra sau vai. Âm thanh của kiếm rít lên và Nhị Đao đổ xuống nền đất nhầy nhụa máu.
Phía bên kia cách chừng mươi bước Hắc Bút Trần Chí Lan đang đứng im triển công phu trầm tịnh. Đứng đối diện với y là Nhất Kiếm, nhân vật được xem như là thủ lĩnh của nhóm Thập Nhị Nhân. Kiến thức vũ học quãng bác lại thêm giàu kinh nghiệm giao tranh hắn sớm nhận ra mình đang đụng nhằm một đối thủ tuy trẻ tuổi nhưng có bản lĩnh cao thâm xuyên qua hai điểm. Đầu tiên là thế tấn. Gọi là tấn cũng không đúng vì đối thủ không đứng theo một bộ tấn như đinh tấn, trung bình tấn, chảo mã tấn hay bất cứ bộ tấn nào mà hắn đã thấy của các cao thủ vũ lâm Trung Hoa, Mông Cổ, Tây Hạ, Ba Tư, Hồi Quốc... Điều thứ nhì chính là thứ công phu trầm tịnh. Ngoài vẻ an nhiên tự tại, trầm ổn vững vàng, tự người đối thủ toát ra một niềm tự tín mãnh liệt. Những thứ đó tạo ra cái khí thế, cái uy phong trấn áp người.
- Xin thất lễ...
Vừa nghe địch thủ lên tiếng Nhất Kiếm thoáng thấy một vật đen ngời vút tới. Có thể nói vũ khí ra sau nhưng lại tới trước khiến cho hắn vừa nghe tiếng cuối thời thứ vũ khí quái lạ đã cận kề mục tiêu gang tay. Kình lực đủ, tốc độ nhanh, mục tiêu chuẩn xác biến đòn tấn công của địch thủ trở thành đòn chết.
- Hay a...
Gã cao thủ có hạng của đoàn do thám Mông Cổ dịch bộ sang trái. Có lẽ muốn khám phá ra sát thủ ẩn tàng trong chiêu thức của kẻ địch do đó Nhất Kiếm xử dụng bộ pháp để né tránh hơn là phản đòn. Cười hực vị trang chủ của Trần gia trang ở Đông Triều gặt mạnh cổ tay. Lưỡi bút chì, như có mắt đột ngột chuyển hướng xẹt thẳng vào vũ khí của địch thủ thay vì đánh vào người. Thoạt đầu Nhất Kiếm hơi thắc mắc về lối đánh này nhưng sau đó hắn nhận ra thâm ý của kẻ địch. Ở trong một cuộc tử đấu nếu không có vũ khí thời hắn cầm bằng chết tới bị thương trừ khi hắn phải có bản lịnh cao siêu gấp bội địch thủ. Dù mới giao tranh nhưng hắn cũng biết trình độ vũ thuật của địch thủ cũng không kém mình bao nhiêu. Có kém họa chăng là kém về kinh nghiệm giao tranh hay các mánh khóe hoặc đòn phép giang hồ. Hắn xử kiếm, là một vật mỏng manh cho nên nếu va chạm với vũ khí của đối phương sẽ dễ dàng bị sứt mẻ hay gãy vỡ. Huống hồ gì địch thủ lại đánh vào ngay giữa thân kiếm là nơi dễ gãy nhất. Hắn chưa kịp phản đòn thì thoáng thấy lưỡi bút chì trôi phăng phăng xuống tay cầm kiếm của mình. Biến thế này làm cho Nhất Kiếm giật mình. Nếu không hóa giải hắn biết bàn tay cầm vũ khí sẽ bị tiện đứt. Tới đây dù muốn hay không muốn hắn cũng phải phản công hầu chiếm lấy ưu thế. Nạt tiếng trầm trầm gã nhân viên do thám dịch bộ một bước cùng lúc theo đà của bước chân mũi kiếm thọc nhanh vào huyệt hoàn khiên của kẻ địch. Đây là một huyệt đạo tê mỏi, chỉ cần đụng nhẹ thôi cũng đủ làm cho tay chân tê bại nhất là hai chân không cử động được.
Hò tiếng lớn như để trợ oai Trần Chí Lan đạp bộ tới trước một bước cùng lúc rung cổ tay. Giới giang hồ Đại Việt không ai không biết Trần gia trang nổi danh về lối đánh bút chì. Tuy nhiên điều mà ít người am tường là thủ thuật bí truyền của dòng họ Trần. Cũng chính thủ thuật bí truyền này đã biến ngọn bút chì trở thành thứ vũ khí độc đáo của nền vũ thuật của nước ta vì bút chì không phát xuất từ mười tám môn võ nghệ có nguồn gốc ở bên Tàu. Gọi văn hoa là bút chì nhưng cũng có người gọi nôm na là đánh xuổng. Muốn đánh xuổng trước nhất người ta phải luyện cánh tay bao gồm vài động tác căn bản như gặt, rung, vặn, xoay cổ tay và khuỷu tay. Ngoài ra người ta phải có nội lực thâm hậu để phổ vào cán bút chì biến nó khi mềm khi cứng, lúc dài lúc ngắn. Cũng vì những lý do đó mà luyện bút chì phải mất nhiều thời giờ và công sức mới thành tựu được.
Qua hai mươi chiêu thăm dò Nhất Kiếm nhận ra khuyết điểm của lối đánh bút chì của kẻ địch. Sở dĩ lưỡi bút chì tỏ ra linh hoạt và biến hiện vô lường nhờ sợi dây tơ buộc cái lưỡi vào bàn tay của người điều khiển. Muốn phá lối đánh kỳ ảo này hắn phải chặt đứt sợi dây. Ý định vừa nảy sinh ra Nhất Kiếm tức tốc phản công. Lưỡi kiếm trong tay hắn biến thành tia sáng xanh mờ quấn lấy lưỡi bút chì. Âm thanh chạm nhau chát chúa và lửa bắn tứ tung. Lưỡi kiếm của hắn như có mắ cứ bám theo sợi dây tơ mà chém. Biết được ý của địch thủ Trần Chí Lan trổ liền sát thủ. Ngay khi lưỡi kiếm vừa chạm vào sợi dây tơ họ Trần bèn gặt mạnh cổ tay. Lưỡi bút chì đột nhiên đổi hướng xoay tít mấy vòng giữ chặt lưỡi kiếm của địch thủ lại đoạn gặt mạnh cổ tay lần nữa khiến cho lưỡi bút quay ngược vòng xong bắn vút vào ngực địch thủ. Đây chính là bí thuật của Trần gai trang trong lối đánh bút chí chuyên dùng để phá thế và tấn công địch thủ vào lúc bất ngờ nhất. Nhất Kiếm hoàn toàn không ước đoán được phá thế của địch thủ nhưng nhờ kinh nghiệm giao tranh dồi dào và tài ứng biến lanh lẹ nên hắn chỉ bị thương nhẹ. Ngay lúc mà lưỡi kiếm bị sợi dây tơ quấn chặt không nhúc nhích được hắn biết mình bị lừa. Vì lưỡi kiếm bị dính cứng do đó hắn không còn cách nào khác hơn là chuyển bộ né tránh mũi bút chì bắn tới ngay ngực của mình. Bựt... Mũi bút chì chém một đường sâu cả tấc khiến cho máu bắn tung tóe. Hồi bộ ba bước dài hắn chưa kịp nhìn tới vết thương đã thấy ánh kim khí chập chờn nơi ngực. Nạt tiếng trầm trầm hắn loang kiếm một vòng. Vũ khí chạm nhau tóe lửa. Hai đối thủ lại mở cuộc giao đấu cực kỳ gay cấn.
Đang cùng với địch thủ giao tranh ác liệt Nhất Kiếm chợt nghe tiếng kèn và tiếng trống thúc quân nổi lên rền trời. Mặt đất dưới chân hắn rung chuyển vì vó ngựa nện rầm rập. Không biết chuyện gì hắn bắn người lùi lại ba bước rồi dương mắt nhìn. Từ trong rừng cây, hẻm núi, hốc đá quân binh hiện ra trùng điệp. Cờ của Đại Việt bay phất phới. Một vị tướng, mặc giáp mây, đầu vấn khăn ngồi trên lưng con ngựa ô cao lớn. Theo sau lưng của ông ta là một toán quân bộ ước ngàn người. Quân tuy ít nhưng di chuyển nhịp nhàng và rập theo trận pháp. Vừa tới nơi viên tướng phất cờ. Đoàn quân bộ rẽ làm hai hướng rồi lát sau biến thành vòng tròn vây chặt đoàn xe chở kho tàng vào giữa. Vừa lúc đó đoàn quân thiết kỵ ào ào tiến tới. Hai ngàn quân, nửa bộ nửa kỵ chia nhau vây chặt lấy kẻ địch.
Thấy quân binh xuất hiện Hắc Bút Trần Chí Lan bắn người lùi lại. Phía bên kia Bách Kiếm Trịnh Phương và đồng bạn cũng rút lui nhường chỗ cho quân binh kịch chiến với nhân viên do thám Mông Cổ. Đứng bên ngoài quan sát giây lát Trần Bách Chiến nói với Tây Hồ Cổ Kiếm.
- Hà cô nương truyền lệnh cho chúng ta mau trở về Thăng Long để phụ với thủ lĩnh đón tiếp lão Hữu Đại Khan...
Comment
-
Chương 26
Đường Roi Họ Đinh
Cổ xe tứ mã dừng lại nơi Hoàng Long đại khách sạn tại bến đò Gián Khẩu. Con tì nữ Linh Linh bước xuống đất trước xong đưa tay đỡ chủ nhân.
- Mình nghỉ đêm ở đây hả cô nương?
Tuy là phận tôi tớ nhưng vì tuổi ngang nhau vả lại theo hầu chủ nhân từ lúc còn nhỏ cho nên nó được Hà Phương đối đãi như chị em.
- Ngồi xe suốt ngày ta mệt rồi nên mình sẽ nghỉ tạm ở đây…
Hà Phương cười nói. Một nhân viên do thám mặc sắc phục từ trong khách sạn bước ra. Nghiêng mình thi lễ với Hà Phương gã cười nói.
- Mạt chức là Đinh Thế Anh. Vì tin tới trễ nên mạt chức không tổ chức được chu đáo, mong cô nương lượng thứ…
Hơi nghiêng mình chào trả lễ Hà Phương cất giọng thánh thót.
- Vì công việc cấp bách nên tôi không có thông báo trước. Đinh lộ trưởng khách sáo làm chi…
Cười cười Thế Anh hắng giọng.
- Kính mời cô nương theo chân thuộc chức…
Hà Phương song hành với Đinh Thế Anh vào cửa. Tinh ý nàng nhận thấy có mấy người lạ mặt đứng ngồi khắp nơi. Như biết được ý nghĩ của nàng họ Đinh cười lên tiếng.
- Thuộc hạ nhận được chim bồ câu đưa thư của Trần phó thủ lĩnh dặn dò về chuyện bảo vệ an ninh cho cô nương nên...
Hiểu ý Hà Phương nói nhỏ.
- Đa tạ Đinh lộ trưởng có dạ quan hoài...
Ninh Bình không xa đế đô là mấy nên Thế Anh cũng được nghe danh biết tiếng của cô gái đang nắm quyền chỉ huy đoàn do thám triều đình. Y không ngờ Hà Phương lại là một thiếu nữ xinh đẹp, ăn nói nhu mì và không có dáng vẻ gì của một nhân vật xuất thân từ giới giang hồ xứng với danh vị Hà Phương nữ hiệp mà người ta xưng tụng.
Hai người bước vào một căn phòng rộng lớn trần thiết trang nhã và tinh khiết. Mùi trầm hương bay thoang thoảng.
- Vùng này thô lậu không bằng được đế đô do đó không được lịch sự cho lắm...
Hiểu ý Hà Phương mỉm cười cất giọng thánh thót.
- Phòng này còn đẹp hơn phòng của tôi ở trong tổng đàn do thám... Tôi chỉ nghỉ tạm một đêm...
Nhìn thấy gã phu xe bước vào, tay xách cái hòm gỗ to tướng Đinh Thế Anh hơi gật đầu chào. Y chưa kịp nói gì Hà Phương lên tiếng.
- Mã đại huynh nên nghỉ ngơi đi. Huynh đánh xe cả ngày...
Mã Phu, nhân vật đứng hàng thứ ba của nhóm Tam Nhân Đồng Hành cười ha hả.
- Hà muội mệt chứ ta đi suốt đêm cũng chưa thấm vào đâu... Muội an lòng ngủ một giấc cho tới sáng... Ta và Thất Sát Thủ sẽ canh cho muội suốt đêm...
Quay sang Đinh Thế Anh đang đứng trong phòng Mã Phu cười hà hà.
- Hân hạnh được gặp thế huynh... Dám hỏi huynh đây tên tuổi là gì?
Dù không biết Mã Phu là ai nhưng thấy y đồng hành và gọi Hà Phương bằng em, Thế Anh đoán chắc cũng là cao thủ giang hồ nên y vội vòng tay thi lễ.
- Đa tạ... Tại hạ chỉ là kẻ thô lậu ở vùng rừng sâu núi thẳm...
Nghe hai bên nói lời khách sáo với nhau Hà Phương cười xen vào.
- Nhị vị khách sáo thì thôi. Để tôi giới thiệu cho hai huynh biết nhau...
Chỉ vào Mã Phu nàng cười nói với Đinh Thế Anh.
- Vị này có tự danh Mã Phu, một nhân vật trong Tam Nhân Đồng Hành...
Quay qua Mã Phu nàng cười thánh thót.
- Còn Trương lộ trưởng đây là dòng dõi của Kim Côn Tướng Đinh Điền, một vị võ tướng lừng danh thời mười hai sứ...
Vốn trực tánh nên Mã Phu cười ha hả bước tới vỗ vai Đinh Thế Anh.
- Thật là vạn hạnh. Tuy là kẻ võ biền vô học song ta cũng được nghe ông bà kể về huyền thoại của Đinh anh hùng với tài múa côn...
Nháy mắt với Hà Phương Mã Phu cười tiếp.
- Ta nghe đồn Đinh thế huynh học toàn bộ công phu bí truyền của Đinh đại anh hùng nên rất mong được thưởng lãm...
- Mã đại huynh quá khen. Tôi bị phụ thân bắt học múa roi chỉ nhằm mục đích làm cho bí thuật của dòng họ khỏi thất truyền chứ tài bộ làm sao dám sánh...
Mặc dù Đinh Thế Anh cố chối từ song Mã Phu cứ nài nỉ. Họ Mã nói chỉ đấu thử chơi vài hiệp thôi. Thấy vậy Hà Phương mới lên tiếng.
- Tôi cũng nghe đồn Đinh lộ trưởng là tay roi hạng nhất của đoàn do thám mà chưa được thưởng thức...
Hiểu ý của Hà Phương Đinh Thế Anh cũng không tiện chối từ nên quay qua cười nói với Mã Phu.
- Cung kính không bằng tuân mạng. Tôi xin Mã đại huynh nhẹ đòn cho...
Tuy là gái song Hà Phương lại có tính háo võ do đó nàng cười nói.
- Tôi cũng muốn xem hai vị so tài với nhau... Nội tổ tôi thường dặn là chớ có bỏ qua dịp may...
Cười ha hả Mã Phu kéo Đinh Thế Anh ra sân trước của khách sạn. Hà Phương theo sau. Nghe nói có cuộc đấu võ khách ngụ trong quán và dân chúng nô nức đi xem. Đứng chính giữa Trạo Phu và Tiều Phu im lặng nhìn hai đối thủ đang triển công phu trầm tịnh Hà Phương lên tiếng.
- Đinh Thế Anh quả nhiên đã lĩnh hội được toàn bộ công phu của dòng họ. Tôi nghe tổ phụ nói dòng dõi của Đinh Điền không còn dùng côn nữa mà thay bằng roi. Cây roi bằng tre của y là vật tổ truyền hai trăm năm đó...
Tiều Phu gật đầu.
- Trong mười hai đại trang của giới giang hồ nước ta có Lê gia trang ở Lạng Sơn và Hồ gia trang ở Chợ Bờ giỏi nhất về thuật múa roi. Phải chi hai tay roi này đụng nhau...
Trạo Phu cười nhẹ đỡ lời.
- Mã huynh cũng là tay xử roi có hạng bởi vậy y mới ép Đinh Thế Anh trổ tài...
Đưa tay vuốt mấy sợi tóc xỏa trên trán Hà Phương mỉm cười.
- Tôi phải nói thêm Thế Anh mới chịu đấu đó. Tôi ra lịnh ngầm cho y...
- Tại sao hiền muội lại bảo y đấu võ?
- Tôi muốn biết võ nghệ của y cao tới bực nào mà được Vô Danh Hiệp cho giữ một chức vụ quan trọng của đoàn do thám là Lộ Trưởng lộ Trường Yên. Hai huynh nên biết Trường Yên là cửa ngõ của Thăng Long ở phía nam. Nếu Toa Đô từ miệt Nghệ An dùng đường bộ kéo ra bắc để đánh ta thì hắn phải đi qua hai vùng Thanh Hóa và Trường Yên. Quê hương của người anh hùng họ Đinh có sông Đáy làm rào cản thiên nhiên lại thêm rừng núi trùng điệp nên rất thuận tiện cho ta chiếm những chỗ hiểm yếu chận không cho hắn bắt tay với Thoát Hoan được...
Trạo Phu và Tiều Phu im lặng nghe Hà Phương giảng giải trong lúc mắt không rời hai đối thủ. Chân đạp tấn đinh, tay tả án hờ lên đan điền, tay mặt cầm lấy ngọn roi tre dựng thẳng băng lên trời, Đinh Thế Anh triển chiêu Nhất Trụ Kình Thiên, một chiêu thức khởi đầu trong thuật xử roi bí truyền của dòng họ. Trải qua thời gian dài hơn hai trăm năm, côn pháp của Kim Côn Tướng Đinh Điền đã biến dạng đi rất nhiều. Tính chất cương mãnh, nặng nề của thứ vũ khí chuyên dùng để đánh trận không còn nữa mà thay vào những chiêu thức tinh xảo, biến hóa và nhẹ nhàng hầu thích hợp với thanh roi tre vốn là thứ khí giới nhẹ, yếu và mỏng manh.
Mã Phu nhìn không chớp mắt thế thức khởi đầu của Đinh Thế Anh. Cũng là tay xử roi có hạng trong giang hồ cho nên y biết thế thức khởi đầu của đối thủ tàng ẩn những biến hóa tinh diệu cực cùng. Đang ở trong thế chỉa lên trời thanh roi tre trong tay của Đinh Thế Anh chợt nhích động nhanh hơn chớp mắt. Đầu roi tre chúc xuống với tốc độ nhanh khủng khiếp mà mục tiêu của nó chính là huyệt nhũ trung. Không cần điểm trúng huyệt đạo vì kình lực tỏa ra cũng đủ làm đối thủ bị thương vong tức khắc. Mã Phu dịch bộ nửa bước để tránh đòn cùng lúc đầu roi tre của y xẹt tới khúc trì huyệt bên tay mặt của đối thủ. Đây là một huyệt đạo mà nếu bị điểm trúng cánh tay sẽ tê liệt ngay tức khắc vì vậy Đinh Thế Anh phải trầm khuỷu tay xuống cùng với cổ tay rung mạnh một cái khiến cho đầu roi tre nhích tới khúc trì huyệt của đối thủ nhanh hơn chớp giật. Qua một đòn hai người đều biết mình đã gặp đối thủ đồng cân lượng do đó không ai dám khinh xuất. Họ xuất chiêu, giải thế, biến thức, kèn cựa nhau từng đòn để dồn ép đối thủ phải lâm vào thế hạ phong hầu kết thúc cuộc giao tranh càng ngày càng trở nên gay cấn.
Đang đánh nhau Đinh Thế Anh đột nhiên bắn người lùi lại. Vòng tay bái tổ y cười nói lớn.
- Mã đại huynh bản lĩnh cao siêu tôi rất khâm phục...
Mã Phu cười ha hả bước tới vỗ vai Đinh Thế Anh.
- Hiền đệ trẻ tuổi mà tôi luyện được thuật múa roi đặc dị khiến cho ta đây rất hâm mộ. Mình đi uống vài chén rượu và đàm đạo đôi câu...
Biết cuộc thử tài đã xong Hà Phương trở về phòng nghỉ ngơi trong lúc Đinh Thế Anh và nhóm Tam Nhân Đồng Hành kéo nhau đi uống rượu.
Tam Ca Lê Ánh ngồi đối diện với Ngọc Diện Công Tử qua chiếc bàn làm bằng gỗ đàn hương vừa rộng vừa dài. Trên bàn đặt một bình trà và hai cái chén.
- Ngọc đại hiệp hẹn y ở tại đây?
Đưa chén trà lên hớp ngụm nhỏ Ngọc Diện Công Tử cười rè.
- Lê thế huynh khách sáo quá. Cái gì là Ngọc đại hiệp. Không biết thì thôi mà biết nhau rồi thì xưng hô anh em đi. Gọi đại hiệp ta nghe mệt quá...
Lê Ánh cười ha hả.
- Huynh đã dạy tôi xin dâng. Bất huynh đi lâu quá tôi e có chuyện...
Nhìn ra ngoài cửa Ngọc Diện Công Tử chép miệng.
- Ta cũng lo nhưng ta nghĩ nếu đánh không lại thời hắn chạy mà hắn chuồn thì ta nghĩ trên đời này khó có ai giữ hắn lại được...
- Bất Lưu Thủ xuất thân từ phái nào vậy huynh?
Nghe Lê Ánh hỏi chàng công tử có mỹ hiệu Ngọc Diện cười hà hà trả lời bằng câu hỏi.
- Ta hỏi Lê hiền đệ là trong vòng mấy chục năm nay ai là người giỏi về thuật phi hành nhất trong giang hồ nước ta...
Trầm ngâm suy nghĩ giây lát Lê Ánh mới hắng giọng.
- Tôi biết có ba người. Thứ nhất là Lưỡng Xúc Thư Sinh lão tiền bối, thứ nhì là Vô Gia Tử lão tiền bối còn người thứ ba là...
Lê Anh do dự không nói. Hiểu ý Ngọc Diện Công Tử cười hà hà tợp ngụm nước trà.
- Thứ ba là Vạn Lý Câu Lê Hành...
Lê Ánh cũng cười lớn như thừa nhận. Ngọc Diện Công Tử chép miệng.
- Bất Lưu Thủ là học trò của Vô lão tiền bối đó... Bởi vậy chạy là nghề của y mà... Ta nói có sai đâu...
Ngọc Diện Công Tử nói lớn khi thấy bóng của Bất Lưu Thủ thấp thoáng ngoài đường cái. Ngay cả Tam Ca Lê Ánh cũng nhận ra gã đồ đệ của Vô Gia Tử, vị đại hiệp đã giúp y bắt tên do thám Mông Cổ khi y hộ tống các bô lão ra đế đô tham dự hội nghị Diên Hồng. Cảm cái ơn đó cho nên khi thấy Bất Lưu Thủ y vội bước ra cửa chào đón.
- Tôi hân hạnh được gặp Bất huynh...
Nghe Lê Ánh nói câu khách sáo Bất Lưu Thủ cười hí hí.
- Thôi dẹp cái giọng quan quyền của ngươi đi. Ta với ngươi là bạn giang hồ vậy thì có cơm rượu gì đem ra đây cho ta ăn. Suốt đêm hôm qua ta dầm sương lạnh muốn chết...
Không đợi ai mời mọc họ Bất xề vào bàn, tự động rót nước trà vào chén ực một hơi mới cười hí hí nói với Ngọc Diện Công Tử.
- Ngươi khôn quá... Giao cho ta cái việc cực khổ, nằm nóc nhà hứng sương tắm gió còn ngươi ở đây ăn nhậu lè phè...
Ngọc Diện Công Tử cười hì hì nhìn Lê Ánh trong lúc nói với Bất Lưu Thủ.
- Nghề đào tường khoét vách là nghề của ngươi mà. Ngươi nghe được cái gì?
Dù biết mình đang ngồi trong một chỗ an ninh là căn cứ của đoàn do thám ở Diễn Châu mà Bất Lưu Thủ cũng liếc một vòng xem có ai lảng vãng ở gần chỗ mình ngồi xong thấp giọng như chỉ muốn cho hai người nghe là Lê Ánh và Ngọc Diện Công Thử.
- Ta nghe lén được tin này ngộ lắm. Có rượu hôn...
Hiểu ý Lê Ánh bảo nhân viên đem ra vò rượu cho Bất Lưu Thủ xúc miệng. Ực một hơi cạn ba chén rượu tăm họ Bất mới lè nhè.
- Ta nghe mấy thằng do thám Mông Cổ nói chuyện với nhau là chúng có bổn phận phải thiết lập một đường dây liên lạc mới từ Nghệ An ra tận Thanh Hóa. Đường dây trước của chúng đã bị ta diệt rồi nên chúng cần một đường dây mới...
Lê Anh cười gật gù.
- Sau khi bắt sống được tên A Bát Lê trưởng ban đã tra hỏi hắn. Tên A Bát khai hết nhờ vậy ta mới tiêu diệt được các tổ do thám dưới quyền chỉ huy của hắn. Riêng các tổ lượm tin do tên A Hoàng chỉ huy thời chưa tìm ra...
Bất Lưu Thủ cười hì hì.
- Thằng mà ta đã gặp có thể là A Hoàng... Dường như hắn nhận lệnh từ một người nào trong thành Nghệ An...
Ngọc Diện Công Tử liếc nhanh Lê Ánh và bắt gặp họ Lê cũng đang nhìn mình. Cuối cùng Lê Ánh lên tiếng.
- Tôi đoán có một nhân viên cao cấp của đoàn do thám Mông Cổ đã đột nhập vào Nghệ An. Có thể hắn đã bắt liên lạc với các tổ do thám đã nằm lì từ trước... Có thể hắn đã bắt liên lạc với Trần...
Nghe Tam Ca Lê Ánh úp mở Ngọc Diện Công Tử xì ra liền.
- Trần nào... Ngươi muốn nói là Chương Hiến Hầu Trần Kiện chứ gì. Tổng đàn phái hai ta vào cũng vì tin hắn thông đồng với Mông Cổ...
Hớp ngụm nước trà Lê Ánh cười cười.
- Chính tôi đã báo cáo cho Lê trưởng ban biết vì việc này khá tế nhị và phức tạp. Chương Hiến Hầu Trần Kiện là hoàng tộc do đó tôi không dám đụng tới mà chỉ âm thầm theo dõi. Nhân viên của tôi tiềm phục trong dinh của ông ta đã báo cáo sự có mặt của vài người lạ mặt mà y hồ nghi là nhân viên của đoàn do thám Mông Cổ...
Nói tới đó Lê Ánh ngừng lại khi thấy một người thanh niên đi vào. Chỉ cần nhìn bước chân nhẹ êm, thong thả và đều đặn của y Ngọc Diện Công Tử và Bất Lưu Thủ đều biết đó là một cao thủ hữu hạng giang hồ. Thanh niên vòng tay chào hai người khách xong thì thầm vào tai của Lê Ánh mấy lời. Không biết y nói gì mà thấy nét mặt của Lê Ánh rạng rỡ lên. Quay qua hai người bạn y cười lên tiếng.
- Tôi có tin vui... Tổng đàn đã dùng chim bồ câu báo tin Hà cô nương đang trên đường vào đây. Có lẽ chừng ba bốn ngày nữa Hà cô nương sẽ hiện diện ở Nghệ An...
Bất Lưu Thủ cười rè.
- Khỏe re... Ta cứ ăn nhậu chờ Hà muội vào là xong hết mọi chuyện...
Quay qua thanh niên mới vào Lê Ánh giới thiệu.
- Đây là Thiết Thủ Nguyễn An, phụ tá của tôi...
Ngọc Diện Công Tử bật lên tiếng kêu vì ngạc nhiên.
- Chú em bà con chi với Đào Hoa Quyền Nguyễn Vị?
Nguyễn An cười trả lời.
- Thưa đại huynh đó là huynh trưởng của tôi...
- Vậy à... Chú em ngồi xuống đây đàm đạo đôi câu. Lâu quá rồi ta không có gặp huynh trưởng của chú em. Không biết bây giờ y làm gì?
Lê Ánh xen lời.
- Nguyễn Vị là bạn thân với tôi. Y đang coi trạm do thám trong thành Nghệ An...
Bất Lưu Thủ chợt lên tiếng.
- Ta ngồi đây uống rượu mà chờ Hà muội vào cũng vô tích sự. Chi bằng ta đi đón. Gặp mặt rồi vừa đi vừa bàn chuyện đỡ mất thời giờ hơn.
Nghe Bất Lưu Thủ nói có lý nên Ngọc Diện quay qua nhìn Lê Ánh như thăm dò. Hiểu ý họ Lê cười.
- Nhị vị muốn đi thì tôi xin tháp tùng. Ta cởi ngựa thì đi nhanh hơn và đỡ cực hơn...
Dặn dò Nguyễn An ở lại thu xếp chỗ nghỉ ngơi cho Hà Phương xong Lê Ánh cùng với Ngọc Diện Công Tử và Bất Lưu Thủ ngược đường ra Thanh Hóa.
Cổ xe buông rèm kín mít do bốn con ngựa kéo chạy bon bon trên đường thiên lý nằm trong địa phận huyện Cổ Chiến ( bây giờ là huyện Tĩnh Gia ) thuộc trấn Thanh Hóa. Ngồi trên băng trước là Mã Phu, tay vung vẩy ngọn roi da thúc bốn con chiến mã phi hết tốc lực. Đằng trước cổ xe cách vài chục thước là Tiều Phu và Trạo Phu cởi ngựa dẫn đường. Theo bảo vệ phía sau cổ xe cách chừng quãng xa xa là bảy cao thủ của nhóm Thất Sát Thủ.
Mặt trời lên ngang đỉnh đầu. Vén rèm ra quan sát cảnh vật hai bên đường giây lát xong Hà Phương mới ló đầu ra hỏi Mã Phu.
- Mình đang ở đâu vậy Mã đại huynh?
Tay vung vẩy chiếc roi da Mã Phu nói lớn.
- Chúng ta đang ở trong địa phận huyện Cổ Chiến. Ta ráng cho ngựa chạy nhanh để tới Diễn Châu kịp lúc trời vừa tối...
Vì muốn giữ bí mật cho chuyến đi của mình do đó Hà Phương không có thông báo cho quan quyền sở tại biết. Ngoại trừ nhân viên do thám ở các lộ Thanh Hóa, Diễn Châu và Nghệ An biết rõ cuộc hành trình còn ngoài ra thì quan quyền địa phương kể cả vị quan trấn thủ Thanh Hóa cũng không tường về chuyến đi của nàng. Xe vừa vào địa phận Diễn Châu chừng mươi dặm Trạo Phu và Tiều Phu đi trước mở đường chợt nghe tiếng vó ngựa nổi lên trên đường thiên lý. Hai người vội ghìm ngựa lại và chuẩn bị. Lát sau họ thấy ba thớt ngựa phóng tới như bay. Tiều Phu đưa còi lên hú tiếng báo động cho đoàn xe ở phía sau. Thuở bấy giờ dân lành ít khi dùng ngựa vì không có tiền mua. Chỉ có nhà giàu hoặc quan binh mới dùng ngựa để đi lại còn dân thường chỉ có cuốc bộ. Ba bóng ngựa hiện rõ dần dần. Tinh mắt Tiều Phu nhận thấy đó là ba kỵ sĩ đều có mang vũ khí. Rồi lát sau y vội la lớn với giọng mừng rỡ.
- Ta tưởng ai té ra là Ngọc Diện và Bất hiền đệ...
Trạo Phu gật đầu góp lời.
- Chắc họ nhận được tin Hà muội xuôi nam nên đi đón...
Khắc sau Tam Ca Lê Ánh, Ngọc Diện Công Tử và Bất Lưu Thủ tới nơi. Mở cửa xe Hà Phương ló đầu ra. Lê Ánh vội vã thi lễ với Hà Phương.
- Tôi được tin báo từ tổng đàn nên kíp đi đón. Cô nương không ngại đường xa vào Nghệ An giúp đỡ nên Ánh tôi vô cùng hân hạnh...
Hà Phương thi lễ cùng Lê Ánh xong mới vui vẻ lên tiếng.
- Biết tình thế của vùng Nghệ An, Diễn Châu rất quan trọng nên tôi hấp tấp vào xem có giúp ích gì cho Lê lộ trưởng không...
- Đa tạ... Có cô nương rồi thời tôi đỡ lo lắng. Tình hình của miền nam ngày càng thêm phức tạp... Có chuyện vượt quá quyền hạn của tôi...
Hà Phương hiểu ý của Lê Ánh. Dù chỉ huy toán do thám ở Diễn Châu và Nghệ An, phẩm trật của Lê Ánh rất thấp so với hai vị quan quyền sở tại nhất là so với Chương Hiến Hầu Trần Kiện, một vị hoàng tộc. Do đó y cần có một nhân vật cao cấp của tổng đàn do thám ra chỉ thị và quyết định những việc có thể sẽ đụng chạm tới thế lực và ảnh hưởng của quan chức địa phương. Cũng vì hiểu được sự tế nhị đó mà nàng phải thân hành vào Nghệ An để đối phó với tình trạng phức tạp này. Ngay cả nàng cũng không thể ra bắt Trần Kiện. Muốn bắt y nàng phải xin phép vua Nhân Tông và phải được sự chấp thuận của ông ta bằng không nàng sẽ bị nhà vua khiển trách.
Đoàn người ngựa vừa đi vừa trò chuyện vì muốn tới Diễn Châu kịp lúc trời tối. Sau ba lần đổi ngựa, Lê Ánh hướng dẫn họ tới một gia trang nhỏ, vắng vẻ và yên tỉnh nằm cạnh đường cái quan chừng trăm bước.
- Sáng mai đúng 9 giờ tôi sẽ mở cuộc họp để nghe Lê lộ trưởng trình bày về tình hình miền nam và sau đó tôi sẽ có quyết định...
Hà Phương nói trong khi bước xuống xe. Mọi người chia nhau đi làm phận sự của mình cũng như nghỉ ngơi chờ tới ngày mai.
Comment
-
Nguyên Văn Bài Viết Của chu sa lan View PostVì lý do sức khỏe nên tôi phải tạm ngưng quyển tiểu thuyết kiếm hiệp Sát Đát Nhân cho tới khi nào sức khỏe cho phép. Xin cáo lỗi cùng anh chị em đã theo dõi. Kính. chu sa lan.
Ui,....bác CSL bịnh gì thế.....chúc bác mau lành bịnh để vui chơi cùng ACE nha....
Thân,
Nahoku
Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:
Comment
Comment