Dịch giả: Phan Võ - Nhữ Thành
Lời Giới Thiệu Cùng với “Thủy Hử truyện” của Thi Nại Am, “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần “Nho Lâm Ngoại Sử” (Chuyện làng nho) của Ngô Kính Tử là một tác phẩm giá trị nhất của tiểu thuyết Trung Quốc. Trong bài tựa viết thời Đồng Trị, một nhà phê bình đã nói: “Tôi khuyên các bạn không nên đọc quyển tiểu thuyết này, vì đọc nó một lần các bạn sẽ cảm thấy rằng mình đã gặp những nhân vật của nó suốt ngày trong đời”. Riêng nhận xét này cũng đủ chứng minh giá trị hiện thực của nó như thế nào. Lỗ Tấn trong “Trung Quốc tiểu thuyết sử lược” khẳng định rằng “Nho Lâm Ngoại Sử” là tiểu thuyết châm biếm xã hội đầu tiên, và về mặt này, từ xưa đến nay nó vẫn vô địch.
I. Tác giả
Ngô Kính Tử (1701 - 1754) tự là Mẫn Hiên, lại có tên tự là Văn Mộc, sinh năm 1701 ở huyện Toàn Tiêu, tỉnh An Huy, phía bắc bờ sông Dương Tử. Gia đình ông mấy đời nổi danh về khoa hoạn. Trong đời cố, có bốn người đỗ tiến sĩ, sang đời ông nội, có người đỗ bảng nhỡn, tiến sĩ. Người cha làm giáo dụ ở huyện được vài năm rồi bị cách chức vì trái ý quan trên, về nhà được một năm rồi mất.
Gia đình ấy để lại cho ông một gia tài giàu có, vô số bà con, bạn bè là quan lại, tiến sĩ, cử nhân, cùng với cái mộng thi đỗ làm quan để nối nghiệp nhà. Nhưng tất cả đều tan rã mau chóng. Năm hai mươi tuổi, Kính Tử thi đỗ tú tài ở phủ, nhưng lên tỉnh thi lại hỏng. Kinh nghiệm thi cử của bản thân cùng với kinh nghiệm làm quan của cha đã làm cho chàng thanh niên chán ngán về con đường khoa hoạn. Ông lại sẵn thói phong lưu, tiêu tiền như rác, nên chẳng bao lâu, gia sản cha ông để lại đều không cánh mà bay. Bấy giờ bạn bè trở mặt, tôi tớ bỏ đi, họ hàng lảng hết, ông phải bỏ nhà lên Nam Kinh.
Cuộc đời ở Nam Kinh là cuộc đời lao động chật vật và khổ cực. Mùa đông không có lửa đốt và nhiều khi phải nhịn đói hai ba hôm liền. Nhưng chính nó đã giúp ông tiếp thu những tư tưởng dân chủ của Cố Viên Võ, Hoàng Tôn Hy, chủ trương chống khoa cử bát cổ, chống lễ giáo và học vấn nhồi sọ của Tống Nho. Nó cũng giúp cho ông thấy rõ bản chất xấu xa của tầng lớp nho sĩ đã cấu kết với ngoại tộc Mãn Thanh gây ra cái tệ quan trường làm xã hội điêu đứng và do đó, ông đã đoạn tuyệt được về tình cảm với giai cấp thống trị và thấy cái đẹp ở quần chúng, ở những người lao động bình thường bị bọn thống trị khinh miệt. Vì vậy, năm ba mươi sáu tuổi, ông được cử lên Bắc Kinh dự vào khoa thi “Bác học hồng từ”, vinh dự lớn nhất của nho sĩ Mãn Thanh, thì ông kiên quyết chối từ, dù rằng ông biết rõ con đường danh lợi đã mở ra trước mắt. Vào khoảng bốn mươi lăm tuổi, ông viết “Nho Lâm Ngoại Sử”; ngoài ra, ông còn viết “Thi thuyết”, “Mộc Sơn phòng tập”. Ông mất ở Dương Châu năm 1754
Cuộc đời của Ngô Kính Tử là cuộc đời của một thứ “ẩn
sĩ”, nhưng tác phẩm mà ông để lại cho đời sau lại là một tác phẩm chiến đấu. Tác giả đã dùng hình tượng nghệ thuật để đả phá chế độ thi cử và chế độ quan trường, và qua đề tài trung tâm ấy, tác giả đã phê phán tầng lớp trí thức phong kiến về tất cả mọi mặt: học vấn, đạo đức, tư cách để làm nổi bật những tư tưởng dân chủ. Đối với văn học “Nho Lâm Ngoại Sử” có ba ưu điểm nổi bật: nội dung hiện thực, tư tưởng dân chủ và nghệ thuật châm biếm sâu
sắc. Chính ba điều đó làm cho ngày nay đọc lại chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì nó mới mẻ lạ thường.
II. Hiện thực tính của tác phẩm
Như Lỗ Tấn nhận định, “sự thực là lẽ sống của văn châm biếm ”Nho Lâm Ngoại Sử" sở dĩ thành tác phẩm châm biếm vĩ đại trong văn học, chính vì nó bám chắc lấy sự thực của xã hội đương thời.
Xã hội được miêu tả lại trong tác phẩm là xã hội đời Thanh ở giữa thế kỉ XVIII. Người Mãn Thanh xâm chiếm Trung Quốc từ 1644. Muốn củng cố sự thống trị, nhà Thanh ra sức thống trị về mặt tinh thần. Một mặt, chúng gây ra những vụ “văn tự ngục” để giết những người viết những điều chống lại nhà cầm quyền. Một mặt, chúng dùng hình thức thi bát cổ để lung lạc trí thức. Bát cổ hay kinh nghĩa là một lối văn có tám vế. Người viết chỉ có thể trích dẫn ở “Ngũ Kinh”, “Tứ Thư”, không được nói gì đến hiện tại. Mưu mô của nhà Thanh đã thành công to lớn. Tất cả bọn nho sĩ đều rơi vào bạm bẫy: ai không làm văn bát cổ thì không phải nhà nho.
Để tránh “ngục văn tự”, Ngô Kính Tử phải đặt câu chuyện vào đời Minh, nhưng tất cả mọi sự việc, nhân vật đều là những sự việc và những nhân vật của đời Thanh. Gia đình họ Đỗ ở Thiên trường là gia đình tác giả, những nhân vật như Ngu Dục Đức, Mã Thuần Thượng, Trì Hành Sơn v.v... đều dựa vào những người bạn của tác giả. Đỗ Thiếu Khanh, anh chàng phá gia chi tử chính là bản thân Ngô Kính Tử. Đối với thời đại tác giả sống, phương pháp thể hiện này là một phương pháp mới mẻ và táo bạo. Tác giả không lấy đề tài trong lịch sử quá khứ, trong truyền thuyết; những nhân vật không phải những vị anh hùng với những tình tiết quái dị. Trái lại, ở đây là cuộc sống bình thường vẫn diễn ra hằng ngày. Đúng như Lỗ Tấn nói: “Những sự việc miêu tả trong sách đều là những sự việc thông thường, ai cũng thấy cả, thường không ai cho là lạ, nên cũng không buồn để ý đến nó. Nhưng ngay bản thân nó đã vô lý, buồn cười, đáng ghét, thậm chí đáng ghê tởm... Bây giờ tác giả nói đến thì mọi người thấy ngay ý nghĩa quan trọng của nó”.
Như mọi người đều thấy, tác giả đã nêu bật một cách rất sinh động và hiện thực, thực chất của chế độ thi cử và chế độ quan trường. Ngay từ hồi thứ nhất, Vương Miện, nhân vật lý tưởng của tác giả, đã nói lên câu nói quán triệt tất cả tác phẩm “Văn nhân thời đại này nguy rồi!”. Và tác giả cũng không hề giấu giếm chủ ý của mình là dùng tác phẩm nghệ thuật để chứng minh cái tai họa mà chế độ khoa cử đã đưa đến cho tầng lớp nho sĩ của thời đại.
Tác giả đã nêu rõ nó chỉ là một thứ trò hề, không dựa vào một tiêu chuẩn gì hợp lý mà hoàn toàn dựa vào chủ quan của người chấm thi. Chu Tiến chấm thi, thấy Phạm Tiến thi đã hai mươi lần vẫn không đỗ nên “thương hại” muốn “thưởng cho cái chí của anh ta”. Chính vì vậy, y chịu khó đọc bài văn của Phạm Tiến đến ba lần và đến lần thứ ba thì thấy “mỗi chữ là một hạt ngọc”. Cũng vì thi cử chẳng qua là một thứ trò hề, cho nên các quan chấm thi chỉ nghĩ đến việc làm sao cho vừa lòng quan thầy. Phạm Tiến muốn hoãn kỳ treo bảng vì chưa tìm được bài của Tuân Mai để cho y đỗ như ý muốn của Chu Tiến. Trường thi là một nơi gian dối, một người đi thi thay người khác như Khuông Siêu Nhân kiếm được hàng trăm lạng. Không những thi cử chẳng có giá trị gì, mà ngay cả những người thi đỗ cũng chẳng có kiến thức gì. Trì Hành Sơn nói: “Bây giờ bọn đọc sách chẳng qua chỉ biết thi cử... Còn như việc lễ nghi âm nhạc, binh pháp, nông nghiệp thì tuyệt nhiên không sờ đến”. Phạm Tiến làm quan chấm thi nhưng vẫn không biết Tô Đông Pha nhà văn hào lớn bậc nhất đời Tống là ai; Thang tri huyện cũng đi chấm thi nhưng vẫn không biết Lưu Cơ, người đã giúp Chu Nguyên Chương đánh đuổi quân Nguyên là ai. Trong con mắt của tác giả, học vấn và khoa cử là hai điều hoàn toàn đối lập.
Trong khi phân tích thực chất của chế độ khoa cử, tác giả đã miêu tả một cách hết sức cụ thể cái tấn bi hài kịch mà nó gây nên ở trong xã hội. Vì đó là con đường tiến thân duy nhất của các nhà nho, cho nên tất cả tầng lớp trí thức đều xô nhau theo con đường ấy. Đại bộ phận suốt đời thất bại, thi hỏng. Bấy giờ họ đành phải sống cuộc đời nghèo khổ cực nhục như Nghê Sương Phong vì đói khổ quá mà phải bán tất cả sáu đứa con của mình. Có một số người lận đận nơi trường ốc hàng chục năm trời mới thành đạt. Trong những hồi đầu ta gặp hai nạn nhân của chế độ khoa cử là Chu Tiến và Phạm Tiến. Ta gặp ông già Chu Tiến thi mãi đến sáu mươi tuổi vẫn hỏng, bị Mai Cửu chế nhạo, Vương Huệ coi thường, mất chức dạy học, phải giữ sổ cho nhà buôn. Con người này vì uất ức quá nên nhìn thấy cái bàn ở trường thi thì “nước mắt giàn giụa, thở dài một cái, đập đầu vào bàn, nằm duỗi thẳng cẳng, bất tỉnh nhân sự”. Quả thực giấc mộng công danh hành hạ con người đến thế là cùng. Ta lại gặp ông già Phạm Tiến ngoài năm mươi tuổi bị lão hàng thịt mắng như tát nước vào mặt, đói quá phải đem con gà độc nhất ra chợ bán. Tác giả trình bày sâu sắc cái cảnh Chu Tiến vì thi hỏng mà chết ngất ở trường thi, cũng như cái cảnh Phạm Tiến thi đỗ mừng quá hóa điên, nên lại càng làm nổi bật sự truỵ lạc về tinh thần của tầng lớp nho sĩ.
Tác giả lại còn cắt nghĩa một cách đúng đắn sự sa đọa về nhân cách của bọn nhà nho đạt vận: Đó là vì họ đã thoát ly hoàn toàn khỏi nhân dân mà bước sang giai cấp thống trị và càng trèo lên cao trong bậc thang xã hội thì nhân cách của họ càng biến đi, để lộ nguyên hình bọn sâu mọt của xã hội. Ở đây sự phân tích những thủ đoạn mà xã hội phong kiến đã dùng để đầu độc trí thức quả thực là chua chát. Con người thi đỗ biến thành một vị thần. Anh tú tài “ngây” Chu Tiến được người ta dựng bàn thờ thờ sống và con người “môi trề ra ngoài (Phạm Tiến) bỗng chốc biến thành Văn khúc tinh. Người ta đua nhau đến biếu bạc vàng, nhà cửa. Kết quả của sự mua chuộc này là người nho sĩ bán rẻ tất cả nhân cách của mình để thành một hạng người hèn hạ. Quá trình biến chất của người trí thức trong xã hội phong kiến biểu hiện rất cụ thể qua nhân vật Khuông Siêu Nhân. Khi ta gặp Khuông, thì Khuông là một chàng bói sáng nghèo khổ, có hiếu, một người đầy những ý nghĩa cao thượng: ”những người giàu là những đứa con bất hiếu, nhưng một người nghèo như ta thì dù muốn có hiếu cũng không làm sao được. Thực là bất công. Cuộc đời hàn vi của Khuông thực là cảm động, Khuông lao động vất vả, yêu quý cha mẹ, ham học. Nhưng từ khi thi đỗ, bản chất của Khuông dần dần thay đổi; Khuông chạy theo Phan Tam, nhúng tay vào những việc bất chính để kiếm tiền, bỏ vợ cũ lấy vợ mới con quan, nghe tin vợ chết không chịu về, ngồi đâu cũng khoe khoang chức tước, tài năng của mình một cách trơ trẽn. Khuông biến thành hạng người vô liêm sỉ, nhưng vẫn luôn luôn tự lừa dối mình bằng những danh từ đạo đức.
Mặc dù khoa cử làm cho tầng lớp trí thức bị điêu đứng nhưng nó vẫn có những con người sùng bái nó một cách tuyệt đối. Với Cao Hàn Lâm và Lỗ Biên Tu thì đó là cách đánh giá duy nhất về con người: “Nếu ông ta có học, thì ông ta đã thi đỗ rồi”. Với Lỗ Tiêu Thư thì không lấy được người chồng cử nhân, tiến sĩ tức là “hỏng cả cuộc đời”. Hạng người mê muội này nhan nhản trong xã hội phong kiến. Tiêu biểu nhất cho hạng này là Mã Thuần Thượng. Với Mã Thuần Thượng nó là tất cả: “Nếu cha mẹ có mang bệnh, nằm trên giường không có ăn mà nghe anh ngâm văn bát cổ thì trong lòng cũng nở dạ vui mừng...” “Khổng Phu Tử sống lại bây giờ thì nhất định ngài cũng phải làm văn chương theo cử nghiệp”. Tất cả tầng lớp nho sĩ chỉ nghĩ đến một điều: phải ra làm quan. Động cơ làm quan chỉ là một động cơ hèn hạ. Tang Đồ nói với Thiếu Khanh: “... Rồi nếu thi đỗ, tôi sẽ được làm tri huyện. Thế rồi tôi sẽ đi giày, ngồi trên công đường, đánh người ta”.
Chính vì vậy, sự phê phán thực chất thối nát của chế độ khoa cử đưa thẳng đến sự phơi bày bộ mặt thực của chế độ quan lại phong kiến. Ở đây sự công kích thực là triệt để. Việc châm biếm, tố cáo một vài cảnh thối nát trong quan trường là một việc thường thấy trong văn học, nhưng việc đào sâu đến tận gốc rễ, phủ nhận nó một cách toàn bộ là việc rất ít có. Ngay từ hồi đầu, trước khi nhắm mắt, bà mẹ của Vương Miện đã nói: “Làm quan không phải là việc làm cho cha ông vinh hiển. Ta thấy những kẻ làm quan đều không được cái gì hay..., Con ơi, nên nghe lời mẹ, sau này lo cưới vợ, đẻ con, giữ mồ mả cho mẹ chứ đừng ra làm quan! Có thế mẹ chết mới nhắm mắt”. Vương Miện là một nhân vật có thực, nhưng trong các sách không hề nói đến việc Vương Miện và mẹ Vương Miện phê bình thi cử và quan trường. Ở đây, tác giả đã biến họ thành những hình tượng nghệ thuật để nói lên sự khinh bỉ của mình đối với mưu mô nô dịch trí thức của bọn vua chúa Mãn Thanh.
Khi trình bày thực chất thối nát của bọn quan lại phong kiến, tác giả không chỉ trình bày hiện tượng mà còn đi sâu hơn tìm ra nguyên nhân. Sự thực, thì làm quan chỉ là một cái nghề kiếm ăn không liên quan gì đến nhân nghĩa, đạo đức. Khi nhận định về người cha của Đỗ Thiếu Khanh, Cao Hàn Lâm nói: “Ông cha của Thiếu Khanh, đỗ tiến sĩ, làm quan đến Thái thú nhưng cũng là một anh ngốc. Lúc làm quan không biết kính trọng quan trên, chỉ cốt làm sao cho vừa lòng dân, cả ngày cứ ngồi mà lo ”hiếu đễ" với “nông tang”. Những cái đó đều là đầu đề để làm văn làm bài. Ông ta tưởng đâu là sự thực". Sự thực, làm quan chỉ là một cái nghề cốt làm sao kiếm được nhiều tiền.
Nghiêm Trí Trung nói: “Như Thang phụ mẫu làm thì chỉ có tám ngàn. Ngày trước, Phạm phụ mẫu làm thì có đến vạn. Nó có những cái lắt léo phải cần những người thành thạo như chúng tôi”. Vương Huệ có thể xem là một thứ quan “thành thạo” vì những cái “lắt léo” của nghề này. Vừa được bổ làm Thái thú Nam Xương, Vương Huệ đã hỏi xem ở đây có những sản vật gì, hay kiện nhau vì những việc gì và đem áp dụng ngay phương châm:
“Ba năm tri phủ thanh liêm,
Mười vạn lạng bạc số tiền cũng to”.
Để làm một ông phủ “thanh liêm”, Vương Huệ “xét xem cái gì có lợi mà còn giấu giếm, vơ vét tất cả về mình”. Y biến công đường thành một nơi chỉ nghe “tiếng cân, tiếng bàn toán và tiếng roi”. “Tất cả phủ đều sợ ông phủ như cọp, lúc nằm chiêm bao cũng vẫn còn sợ”. Nhưng y vẫn không vì thế mà bị khiển trách. Trái lại, “quan trên có nghe đến thì cho Vương là người có năng lực nhất ở Giang Tây. Làm được ba năm, ở đâu cũng khen ngợi”. Bọn quan lại phong kiến là cái ung nhọt của nhân dân. Chúng chỉ muốn lấy tiền, lại đồng thời được quan trên khen ngợi. Chính vì vậy tri huyện Thang đã gông chết ông già hồi giáo, làm cho nhân dân nổi giận, bãi thị, vây thành đòi giết chết người chủ mưu. Đến khi quan trên xét thì tri huyện Thang chẳng bị trừng phạt gì; trái lại, nhân dân lại bị xử phạt nặng nề. Tác giả lại còn phân tích tỉ mỉ tại sao “ông quan làm nhà tan cửa nát” như vậy. Đó là vì xung quanh họ là những bọn xu nịnh hèn hạ chỉ tìm cách dựa vào uy thế của họ để bóc lột nhân dân. Nghiêm Trí Trung và Trương Tĩnh Trai, hai hình ảnh cụ thể của bọn nho sĩ đã biến thành cường hào ở nông thôn. Chúng dựa vào thế lực của quan để cướp đoạt ruộng vườn, đánh người gãy đùi, cướp lợn, đòi tiền, đòi gia tài, lừa lọc mọi người. Gặp ai làm quan hay sẽ làm quan thì chúng xu nịnh, tâng bốc, chỉ muốn bày mưu tính kế đàn áp nhân dân; trái lại, gặp nhân dân thì chúng hống hách, cướp giật, không có điều gì không làm. Không những thế, nha môn của bọn phủ huyện đầy dẫy những bọn thừa kiện, lính hầu, sai nhân v. v... mà thực chất chỉ là một bọn ăn cướp. Có kẻ ăn cướp trắng trợn như Phan Tam. Y là một thứ côn đồ chỉ lo gá bạc, bắt cóc phụ nữ, cho vay nặng lãi, hối lộ quan trường, dìm việc giết người. Có kẻ chỉ lo hăm dọa để kiếm tiền như tên sai nhân đã dọa Cừ Dật Phu tư thông với giặc để nuốt trôi chín mươi lạng bạc của Mã Thuần Thượng. Lại có kẻ tìm mọi cách luồn lọt như tên thư biện nói với Bão Văn Khanh: “Có một việc chỉ mong cụ lớn cho một chữ ”chuẩn" là ông có thể kiếm hai trăm lạng bạc. Lại có một việc đang đưa lên huyện xét, chỉ mong cụ lớn bác đi là ông có thể kiếm ba trăm lạng. Ông Bão: ông làm ơn nói hộ tôi một lời với cụ lớn".
Đối lập lại hình ảnh của bọn nho sĩ mất nhân cách, tác giả đã nêu lên hình ảnh cảm động của những con người bình thường. Tác giả không giấu giếm thiện cảm của mình đối với họ. Câu chuyện mở đầu bằng anh chăn trâu Vương Miện và kết thúc bằng Quý Hà Niên viết thuê, Vương Thái bán giấy vụn, Cái Khoan bán nước chè, Kinh Nguyên thợ may. Bà mẹ Vương Miện, người cha Khuông Siêu Nhân là những nông dân nghèo nhưng biết dặn con đừng ra làm quan. Tác giả thấy ở người hát tuồng Bão Văn Khanh một người “chính nhân quân tử”, tác giả tìm thấy cái chân thật ở trong tình cảm, trong cách cư xử của hai thương nhân nghèo là cụ Ngưu và cụ Bốc. Tác giả đưa họ vào lịch sử làng nho và xem họ là những nhà nho chân chính. Cái nhìn ấy là một cái nhìn hiện thực ít thấy trong văn học.
III. Tư tưởng dân chủ
Ngô Kính Tử trình bày được một bức tranh hiện thực về xã hội đời Thanh không phải là một việc ngẫu nhiên. Đó là vì tác giả đã tiếp thu được những tư tưởng của Hoàng Tôn Hy và Cố Viên Võ. Hai người này là hai học giả lớn của đời Minh đã từng tham dự cuộc kháng chiến chống ngoại tộc Mãn Thanh. Sau khi thất bại, họ rút lui về ở ẩn, mạt sát bọn trí thức đầu hàng Mãn Thanh, nêu lên chủ trương học phải chú trọng thực tiễn và do đó, chống lại Tống nho từ căn bản. Qua thực tiễn của bản thân, họ thấy rõ rằng sự thống trị của chế độ phong kiến là tàn ác và họ có những tư tưởng dân chủ rõ rệt, Vương Thuyền Sơn còn nêu ra kết luận chia đều ruộng đất. Các học giả tiến bộ này chủ trương soạn sách để bảo tồn ý thức dân tộc và cảnh tỉnh nhân dân. Họ đã thoát ly khỏi lập trường của giai cấp họ mà đứng sang lập trường của quần chúng và được nhân dân yêu quý. Ngô Kính Tử đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ cho nên tác phẩm của ông có một giá trị tư tưởng rõ rệt, ta có thể thấy ở đó mầm mống của tư tưởng dân chủ. Nhưng một mặt khác, vì xã hội Trung Quốc vẫn ở trong tình trạng phong kiến không chuyển nhanh thành xã hội tư bản, cho nên tư tưởng phong kiến vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến những người tiến bộ nhất. Họ không thể đề xướng ra được học thuyết duy vật như các học giả tư sản Âu châu mà phải quay trở lại dùng biện pháp của những nhà tư tưởng Trung Quốc từ xưa. Họ chủ trương xây dựng lại đạo đức cũ, lễ nhạc cũ và hi vọng dùng nó để cải tạo xã hội. Cố nhiên cái gọi là đạo đức cũ, lễ giáo cũ chính là những tư tưởng mới, dân chủ, nhưng họ phải khoác cho nó một bộ áo của người xưa. Điều đó đã hạn chế rất nhiều tác dụng của họ. Đó là tấn bi kịch chung của Cố Viên Võ, Hoàng Tôn Hy, Vương Thuyền Sơn và cũng là tấn bi kịch của Ngô Kính Tử.
Tư tưởng dân chủ của Ngô Kính Tử thấy rất rõ qua những nhân vật tích cực của tác giả.
Lý tưởng của tác giả là lý tưởng của Vương Miện, Đỗ Thiếu Khanh. Tác giả gọi Vương Miện là “con người lỗi lạc”. Nhưng thực ra, Vương Miện chẳng làm việc gì phi thường. Vương Miện chỉ là một người chăn trâu, lao động. Điều làm cho Vương Miện lỗi lạc ở chỗ Vương nhất định không chịu hợp tác với chính quyền phong kiến, nhất định không chịu giao du với quan lại phong kiến, thà chịu chết trong núi chứ không ra làm quan. Đề cao một nhân vật như thế ngay trong lúc bọn Mãn Thanh đang ra sức khủng bố, mua chuộc trí thức, phải là một hành động có ý thức và can đảm. Tác giả gọi Đỗ Thiếu Khanh là “con người hào kiệt”. Nhưng thực ra, Thiếu Khanh chẳng làm việc gì oanh liệt. Theo tác giả, Thiếu Khanh là một người hào kiệt chỉ vì ông ta chống lại tất cả lễ nghi, đạo đức, lối sống phong kiến. Bấy giờ là lúc mọi người chạy theo thi cử, tiền tài; trái lại, Thiếu Khanh coi tiền như rác, khinh thường thi cử, coi công danh như đất, không thích giao du với bọn quan lại, cáo ốm không chịu ra làm quan. Bấy giờ mọi người đang sùng bái học thuyết của Chu Hy thế mà Thiếu Khanh lại dám viết một quyển “Thi Thuyết” để giải thích Kinh thi theo tinh thần dân chủ. Bấy giờ đàn bà bị giam hãm trong bốn bức tường, trái lại Thiếu Khanh lại dắt vợ ngao du ngắm xem phong cảnh. Nói chung Thiếu Khanh là cái gai cho trật tự phong kiến. Mọi việc làm của ông đều có chủ trương và đối lập lại lý luận phong kiến. Phong kiến chủ trương đa thê thì Thiếu Khanh chủ trương một vợ một chồng, phong kiến sùng bái thuật phong thủy thì Thiếu Khanh muốn chém cổ bọn thầy địa lý v.v... Con người mà bọn phong kiến mạt sát không tiếc lời gọi là “phá gia”, “ngông nghênh”, “ăn mày” lại được tác giả xem là “hào kiệt”.
Thực ra, con người này chẳng phải ai xa lạ mà chính là bản thân tác giả. Cũng như Thiếu Khanh, Ngô Kính Tử là con một nhà “đại gia”, đã tiêu hết cơ nghiệp trong việc mở rộng sự giao du với bạn hữu, rồi lên Nam Kinh sống cuộc đời nghèo khổ. Cũng như Thiếu Khanh, Kính Tử đã viết “Thi Thuyết”, đã cáo ốm không chịu làm quan, có một người cha bị cách chức và một người con lỗi lạc (con Kính Tử là Ngô Lương, một nhà toán học lớn của Trung Quốc). Qua nhân vật Thiếu Khanh, tác giả đã nói lên những tư tưởng và những tình cảm của mình và hình tượng này đặc biệt thành công đến nỗi nó sống mãi trong óc người đọc.
Tư tưởng dân chủ của tác giả cũng thấy rõ trong thái độ của tác giả đối với phụ nữ. Nhân vật Thẩm Quỳnh Chi là một hình ảnh đẹp. Cha nàng gả nàng cho tên phú thương Tống Vi Phú để làm vợ, nhưng sau mới biết y chỉ định lấy làm thiếp. Quan lại ăn tiền của Tống Vi Phú nên bác đơn kiện của cha nàng. Thẩm Quỳnh Chi bèn bỏ trốn lên Nam Kinh, làm thơ, thêu thùa để sống. Một mình đương đầu với mọi thành kiến, chống lại mọi thế lực và cuối cùng, giành được quyền tự do về mình, Thẩm Quỳnh Chi chính là người con gái đẹp đẽ của nhân dân, xứng đáng với lời khen của Thiếu Khanh: “Bọn buôn muối kia giàu có và lắm uy thế, sống xa hoa đến nỗi bọn sĩ đại phu gặp chúng thì mất hồn bở vía. Nàng là một người con gái nhỏ mà xem chúng như cỏ rác, thực là đáng phục”.
Thái độ của tác giả đối với thực chất giả dối của luân lý Tống Nho biểu lộ rõ rệt tinh thần dân chủ. Tác giả đối lập cái hiếu giả dối của bọn quan lại với lòng hiếu chân thành của nhân dân: Tuân Mai nghe tin mẹ chết vội vàng bảo người nhà giấu bặt điều ấy đi vì sợ lỡ dịp làm quan. Nhưng đến khi thấy đành phải về nhà chịu tang thì lại tổ chức táng lễ linh đình để được tiếng là hiếu. Trái lại, Quách hiếu tử trèo non lặn suối để tìm cha là xuất phát từ tình cảm tự nhiên chứ chẳng phải để mong được người ta khen là hiếu. Tác giả vạch rõ thực chất tàn bạo của chữ “trinh” phong kiến. Con rể của Vương Ngọc Huy chết, con gái Vương Ngọc Huy muốn tuẫn tiết theo chồng. Cả nhà can ngăn, riêng Ngọc Huy lại khuyến khích con: “Con ơi, con đã muốn thế thì sử sách sẽ ghi tên con”. Người con gái nhịn đói chết, Ngọc Huy “ngẩng đầu lên trời cười mà rằng: Chết thế là giỏi! Chết thế là giỏi! Và cười vang, bước từng bước dài ra khỏi phòng”. Chỉ trong mấy chữ, tất cả cái dã man của một thứ luân lý trái với tự nhiên được phơi bày rõ rệt, nó làm người cha biến thành một kẻ giết con, táng tận lương tâm.
Thái độ của tác giả đối với nhà vua là thái độ phủ nhận. Trang Thượng Chí được triệu vào cung gặp mặt vua. Vua hỏi cách trị dân, Trang quỳ xuống định trả lời thì thấy “trên đầu nhức nhối” bèn thoái thác đi về. Về nhà bỏ mũ ra, thấy “trong mũ có một con rết!”. Vương Huệ theo Ninh Vương chống lại triều đình; Ninh Vương bị thua, Vương Huệ bỏ trốn. Cừ thái thú nghe cháu nội nói có gặp Vương Huệ liền trách cháu: “Tuy ông ta phạm tội đối với triều đình, nhưng là chỗ bạn cũ của ta. Sao lại không lấy số tiền đã thu được mà đưa cho ông ta?” Đến khi người cháu trả lời đã cho Vương Huệ tất cả số tiền thì Cừ thái thú mừng rỡ: “Mày thực là con của thầy mày!”.
Xét về mặt đả phá trật tự và đạo đức phong kiến, “Nho Lâm Ngoại Sử”, chứa đựng những yếu tố tiến bộ rất rõ rệt. Nhưng vì hoàn cảnh lịch sử hạn chế, nên tác giả lại đưa ra một giải pháp bảo thủ. Tác giả không thể nghĩ đến việc thay thế xã hội cũ bằng một xã hội mới, mà chỉ nghĩ đến việc quay lưng với nó, đi ở ẩn, đi tu. Tác giả tưởng đâu rằng phục hồi được lễ nhạc cũ là phục hồi được nhân nghĩa, làm cho xã hội được thái bình. Vì vậy, tác giả cố ý tập hợp các nhà nho ở hồi 37 làm lễ tế ở đền Thái Bá. Nhưng lý luận viển vông này đã bị thực tế đập tan. Lễ nhạc cổ vừa mới phục hồi thì đám nho sĩ đã tan tác mỗi người một phương và đền Thái Bá rêu phong cỏ mọc.
IV. Nghệ thuật
Nho Lâm Ngoại Sử đã sử dụng một nghệ thuật châm biếm, về căn bản giống phương pháp hiện thực phê phán của Âu châu ở thế kỉ XIX. Tác giả đã nhìn thẳng vào hiện thực xã hội và miêu tả nó một cách hết sức sinh động. Đoạn tả Mã Thuần Thượng thăm Tây Hồ chẳng hạn, là một đoạn nổi tiếng vì nếu không quen biết với cảnh Tây Hồ thì không thể nào miêu tả nó một cách hiện thực như vậy. Tác giả đã để lại một bức tranh sinh động của một xã hội chạy theo công danh, với một bọn trí thức mất hết nhân cách, quan lại hà hiếp nhân dân, sai nha tống tiền, bọn thương nhân giàu có làm vua làm chúa. Nhưng tác giả không dừng ở hiện tượng mà đi sâu vào bản chất cho nên sự phê phán bắt người ta suy nghĩ. Việc Phạm Tiến đỗ cử nhân đã từng được xem là một kiểu mẫu của nghệ thuật châm biếm: Phạm Tiến là một anh học trò nghèo suốt đời lận đận nơi trường ốc, chịu trăm nghìn tủi nhục, khổ cực. Vì vậy, khi được tin thi đỗ thì phát điên, hết khóc lại cười, người ta phải tát cho một cái mới tỉnh. Từ đó cuộc đời thay đổi một cách đột ngột: ruộng đất, nhà cửa, bạc vàng, kẻ hầu người hạ chẳng thiếu thứ gì. Nó làm cho bà mẹ của Phạm Tiến sửng sốt mà chết. Và Phạm Tiến tuy xác vẫn còn đấy, nhưng thực ra cũng là một người đã chết vì y đã mất hết cả chí khí, nhân cách. Ở dưới cái vẻ hài kịch của những hiện tượng trình bày, là cái tính chất bi kịch nằm trong lòng cuộc sống. Sự phê phán vì vậy không phải là sự phê phán một vài cá nhân mà là sự phê phán những hạng người trong xã hội. Đặc biệt tác giả đã nêu lên được cái xu thế chạy theo khoa cử thành một áp lực xã hội. Cả một xã hội bị nó đầu độc, bắt đầu từ đứa con của Lỗ tiểu thư, mới lên bốn tuổi đã phải học văn bát cổ cho đến nửa đêm. Nó bắt Chu Tiến đập đầu mà khóc, bắt Phạm Tiến hóa điên, bắt Mai Cửu phải nhận mình làm học trò Chu Tiến. nhiều khi sự châm biếm thực là kín đáo. Mã Thuần Thượng là một người tin vào giá trị của khoa cử một cách tuyệt đối và chân thành. Mã chỉ nghĩ đến một việc: làm người tuyên truyền không công cho chế độ khoa cử. Mã đã thuyết phục được Cừ Dật Phu, Khuông Siêu Nhân. Nhưng tác giả lại còn tinh vi ở chỗ nêu bật tính ngây thơ, dễ tin của Mã Thuần Thượng. Tên sai nhân chỉ cần dọa Mã mấy câu là cướp được chín mươi lạng bạc của Mã, và Hồng Hám Tiên chỉ cần đưa cho Mã vài cục than là suýt biến Mã thành tay sai của một tên lưu manh. May sao, Mã thấy được rằng mình bị Hồng Hám Tiên lợi dụng. Nhưng đến chết, Mã cũng không thể ngờ rằng mình đã bị chế độ khoa cử lợi dụng biến thành một thứ Hồng Hám Tiên để lừa dối mọi người.
Vì không nhằm viết lịch sử của một vài nhân vật mà viết lịch sử của tầng lớp nho sĩ, cho nên kết cấu của “Nho Lâm Ngoại Sử” cũng khác kết cấu của các quyển tiểu thuyết khác. Kết cấu không tập trung xung quanh một vài nhân vật chính mà trình bày một cái toàn cảnh của xã hội, tập trung xung quanh một chủ đề rõ rệt. Mục đích của tác giả không phải là nói lên một biến cố của xã hội hay kể lại cuộc đời của một nhân vật mà là nêu lên một vấn đề xã hội. Điều này vẫn không làm giảm giá trị của tác phẩm; trái lại vì đề tài rộng rãi, nhân vật nhiều, không thể làm khác được. Không những thế, nó đã giúp tác giả xây dựng được những nhân vật điển hình bất hủ như Đỗ Thiếu Khanh, Mã Thuần Thượng, Nghiêm Trí Trung, Khuông Siêu Nhân v.v... vẫn thường được nhắc đến trong văn học.
Cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả cũng rất đặc sắc. Đó là những ngôn ngữ của sử gia, chữ nào cũng bao hàm tính chất phê phán, cân nhắc. Câu văn xem bên ngoài khá đơn giản, không có trang sức rườm rà nhưng đọc kĩ thì rất là tinh tế. Trước đây, đó là câu văn của Tư Mã Thiên và sau này, đó là câu văn của Lỗ Tấn. Lối văn đơn giản, mỗi chữ, mỗi ý, lời ít ý nhiều xưa nay vẫn là lối văn khó dịch nhất vì nó quá kín đáo và tế nhị. Vì vậy, chúng tôi có chú thích về một số danh từ ở Việt Nam không quen dùng và thêm một ít nhận xét khi gặp những đoạn văn quá tế nhị sợ không lột được cái dụng ý sâu xa của tác giả. Trong lúc dịch, chúng tôi cố hết sức theo sát nguyên văn với tham vọng diễn đạt trung thành những ý nghĩ của tác giả. Song khả năng có hạn, chúng tôi chưa dám tin là đã lột được hết cái hay của nguyên tác và không khỏi phạm nhiều khuyết điểm.
Chúng tôi hi vọng giới thiệu được phần nào một nhà văn Vĩ đại và một kiệt tác cổ điển của một nền văn học phong phú như văn học Trung Hoa. Trong việc dịch và giới thiệu, chúng tôi đã được sự chỉ giáo của cụ Bùi Kỷ và sự giúp đỡ của các bạn trong Nhà xuất bản. Chúng tôi xin thành thực cảm ơn.
PHAN VÕ và NHỮ THÀNH
Lấy Câu Chuyện Trình Bày Đại Nghĩa
Mượn Người Tài Trau Chuốt Lời Văn Người đời nam bắc đường muôn ngả
Quan, tướng, thần tiên vốn cũng người.
Triều đại hưng vong; sớm lại tối,
Gió sông thổi đổ cây lâu đời.
Công danh, phú quý đều hư ảo!
Chỉ nhọc lòng ta, ngày tháng trôi.
Rượu nâng dăm chén say cho khướt,
Nước chảy, hoa trôi ai biết nơi?
Bài thơ này chẳng qua là một lời sáo ngữ thông thường. Nó cho rằng phú quý, công danh trong đời người ta chung quy là những sự vật ngoài mình. Người đời hễ thấy công danh là cố chết đi tìm cho được. Nhưng khi nắm được trong tay, nó lại hóa thành nhạt thếch. Thế nhưng từ xưa đến nay, mấy ai hiểu được lẽ này!
Tuy nhiên, vào cuối triều Nguyên(#1) cũng xuất hiện một con người lỗi lạc. Người ấy họ Vương, tên Miện, sống trong một làng ở huyện Chư Ký. Khi Vương lên bảy tuổi, cha mất sớm, mẹ lo may vá để kiếm tiền cho con đến trường làng học. Thấm thoát ba năm qua, Vương Miện đã mười tuổi. Người mẹ gọi con đến bảo:
- Con ơi, không phải mẹ cố ý ngăn cản con đâu. Chỉ vì từ khi cha con mất đi, mẹ là đàn bà góa, tiền chỉ có đồng ra mà không có đồng vào. Mùa màng thì không ra gì; gạo, củi lại đắt. Áo quần đồ đạc, cái nào cầm được thì đã cầm rồi, cái nào bán được thì đã bán rồi. Nay nếu chỉ dựa vào món tiền may thuê vá mướn của một mình mẹ thì đủ làm sao cho con ăn học được. Bây giờ chỉ còn cách cho con đi chăn trâu thuê cho nhà hàng xóm. Mỗi tháng có thể kiếm được ít tiền, lại có cơm ăn. Đến ngày mai thì con phải đi.
Vương Miện nói:
- Mẹ nói phải đấy! Con ngồi học, trong lòng cũng áy náy không yên. Đi chăn trâu cho nhà người ta còn hơn. Nếu muốn học, con vẫn có thể mang theo vài quyển sách, học lấy cũng được.
Ngay đêm hôm đó, công việc bàn xong.
Hôm sau, hai mẹ con cùng đến nhà ông hàng xóm là Già Tần. Già Tần giữ mẹ con Vương Miện lại ăn cơm sáng, rồi dắt trâu ra giao cho Vương Miện. Già chỉ ra ngoài cửa nói:
- Từ cửa nhà chạy thẳng ra chừng vài trăm bước là hồ Thất Mão. Ven hồ có cỏ xanh. Nhà nào cũng cho trâu ra nghỉ ở đó. Lại có mấy mươi cây thuỳ dương lớn rất mát. Khi trâu khát thì nó lại bên hồ uống nước. Cháu cứ ngồi chơi ở đây, không phải đi đâu xa. Ngày nào già này cũng lo đủ cho cháu hai bữa cơm rau, mỗi buổi sáng lại dành riêng cho cháu hai đồng tiền để cháu ăn quà. Cháu phải chăm chỉ chớ có biếng nhác đấy nhé!
Mẹ Vương cảm ơn quay về nhà. Vương Miện tiễn mẹ ra cửa. Bà mẹ vuốt áo con và nói:
- Ở đấy con phải chăm chỉ chớ có lời biếng để người ta nói. Sáng đi, chiều về, chớ để mẹ phải lo lắng.
Vương Miện vâng dạ. Bà mẹ ra về, nước mắt giàn giụa.
Từ đấy Vương Miện chăn trâu cho Già Tần. Mỗi khi hoàng hôn xuống, Vương lại về nhà mẹ nghỉ. Khi nào Già Tần cho Vương cá, thịt, muối thì Vương gói trong lá sen, đem về cho mẹ. Vương không ăn quà hàng ngày mà dành dụm số tiền đó lại. Chừng một hai tháng, nhân lúc rảnh, Vương lại chạy đến trường làng, mua vài quyển sách cũ ở hàng sách rong. Ngày ngày buộc trâu xong, Vương lại ngồi dưới bóng cây liễu mà xem sách.
Bấm đốt tay, thời gian thấm thoát đã ba, bốn năm. Vương Miện xem sách bắt đầu hiểu thông mọi lẽ. Hôm ấy, chính mùa hoàng mai(#2), khí trời nóng nực, Vương Miện chăn trâu mệt, ngồi trên bãi cỏ xanh. Một lát, mây đen ùn ùn kéo đến. Mưa rơi rào rào. Những đám mây đen viền mây trắng dần dần tan đi, mặt trời sáng rực hiện ra làm cho cả mặt hồ đỏ chói. Bên hồ, núi chỗ xanh, chỗ tím, chỗ lục. Cây cối trên hồ sau cơn mưa lại càng tươi xanh, càng thêm đẹp mắt. Giữa hồ có mươi cái hoa sen nước rơi lách tách. Trên lá sen những giọt nước như hạt ngọc lóng lánh chạy qua chạy lại. Vương Miện nhìn xem nghĩ bụng:
- Cổ nhân có câu “xem như mình ở trong tranh”, thật là chẳng sai chút nào! Tiếc thay ở đây không có ai là tay họa sĩ để vẽ mấy hoa sen này! Có thế mới thật là thú!
Vương lại nghĩ:
- Trong thiên hạ không có cái gì không học được. Ta có thể học vẽ hoa sen cũng được chứ sao?
Đang suy nghĩ như vậy, xa xa thấy một người vạm vỡ gánh hai hộp đồ ăn, tay xách một bình rượu: ở trên hộp lủng lẳng một cái chăn. Hắn đi đến dưới gốc cây liễu, lấy chăn trải và mở nắp hộp ra. Theo sau là ba người đội mũ vuông: Một người mặc áo sa màu lam, hai người mặc áo màu huyền, tất cả đều từ bốn mươi đến năm mươi tuổi, tay phe phẩy cái quạt giấy trắng. Họ đi thong thả đến gốc cây. Người mặc áo lam béo đẫy. Khi đến gốc cây thì y nhường cho người có râu mặc áo màu huyền ngồi ở trên, còn người gầy gò thì ngồi trước mặt. Chắc y là chủ vì y ngồi ở chỗ thấp hơn và rót rượu.
Ăn được một lát, người béo nói:
- Cụ Nguy đã về rồi. Cái nhà mới tậu của cụ đáng giá hai ngàn lạng bạc lớn hơn cả cái nhà ở đường Chung Lâu ở Bắc Kinh. Thấy cụ muốn mua, nhà chủ bớt cho cụ mấy mươi lạng để mong lấy thể diện. Mồng mười tháng trước, cụ dọn sang nhà mới. Quan huyện, quan phủ đều đến mừng và ở lại uống rượu đến khuya. Khắp phố không ai là không kính phục cụ.
Người gầy nói:
- Quan huyện đỗ cử nhân khoa nhâm ngọ, là học trò cụ Nguy, cho nên phải đến mừng.
Người béo nói:
- Ông thông gia tôi cũng là học trò cụ Nguy. Hiện nay ông làm tri huyện Hà Nam. Hôm trước thằng rể tôi về biếu hai cân thịt nai khô. Thịt ở trên mâm là thịt của nó biếu đấy! Lần này đi, nó sẽ nhờ ông thông gia viết một bức thư tiến cử tôi, để tôi có thể yết kiến cụ. Nếu cụ hạ cố đến làng tôi đáp lễ thì cái bọn trong làng sẽ không còn dám thả lừa, thả lợn vào ăn lúa, ăn má của chúng ta nữa.
Người gầy nói:
- Cụ Nguy thực là một nhà học giả!
Người có râu nói:
- Nghe nói, gần đây, khi rời kinh, Hoàng thượng có thân hành tiễn cụ ra khỏi thành, cầm tay cụ đi đến mười mấy bước. Cụ Nguy phải hai ba lần từ tạ, Hoàng thượng mới lên kiệu về. Xem thế đủ biết thế nào cụ cũng sẽ làm quan to.
Ba người kia cứ người này một câu, người kia một câu, nói mãi không hết.
Thấy trời đã chiều Vương Miện dắt trâu về nhà. Từ đó, Vương không lấy số tiền để dành để mua sách nữa. Vương nhờ người ta ra phố mua các thứ màu, để học vẽ hoa sen. Lúc đầu Vương vẽ không đẹp, nhưng chỉ ba tháng sau, hoa sen vẽ ra đã lột được tất cả tinh thần, màu sắc. Nhìn vào trang giấy có cảm tưởng như thấy hoa sen đang mọc dưới hồ hay người ta hái hoa sen ở dưới hồ lên rồi đặt lên giấy.
Người làng thấy Vương vẽ đẹp, bỏ tiền ra mua. Vương Miện được tiền, mua những đồ vật tốt để kính biếu mẹ. Một truyền hai, hai truyền ba, cả huyện Chư Ký đều biết tiếng Vương là một danh bút về vẽ hoa và tranh nhau mua. Lên mười bảy, Vương không ở nhà Già Tần nữa, mỗi ngày Vương vẽ vài bức tranh và đọc thơ cổ. Dần dần, Vương không phải lo đến việc ăn mặc. Bà mẹ rất vui mừng.
Vương Miện vốn thông minh. Chưa đầy hai mươi mà tất cả kiến thức về thiên văn, địa lý, kinh, sử, đều thông suốt hết.
Nhưng tính Vương không giống như người ta. Vương không thích làm quan, lại không kết bạn, suốt ngày chỉ đóng cửa đọc sách. Thấy trong “Sở từ” có bức tranh vẽ áo mũ của Khuất Nguyên, Vương cũng tự làm lấy một cái mũ hết sức cao, một bộ áo quần hết sức rộng.
Gặp tiết xuân, hoa tươi, liễu tốt, Vương đội mũ cao mặc áo rộng, miệng hát nghêu ngao tay cầm roi, đánh chiếc xe trâu chở mẹ đi dạo chơi quanh xóm và bên hồ. Trẻ em trong xóm tụm năm tụm ba chạy theo Vương mà cười. Vương cũng không buồn để ý. Chỉ có ông hàng xóm là Già Tần, tuy làm nghề cày ruộng nhưng chính là người biết nhìn. Thấy Vương từ bé đến lớn khác người như vậy, Già Tần rất yêu và rất kính, thường mời Vương về nhà cùng nói chuyện chơi.
Một hôm, Già Tần đang ngồi thì thấy ở ngoài có một người đi vào, đầu đội mũ hình miếng ngói, mặc áo lục. Già Tần ra tiếp mời ngồi. Gã này họ Địch, là sai nhân ở huyện Chư Ký đồng thời là tay sai vặt của quan huyện. Vì Tần Đại hán, con của Già Tần, làm con đỡ đầu của hắn, gọi hắn là cha nuôi, nên hắn thường về chơi. Già Tần vội vàng bảo con pha trà, giết gà, nấu để thết, và mời Vương Miện ngồi tiếp. Sau khi mọi người nói qua họ tên, gã họ Địch nói:
- Xin hỏi ông Vương đây có phải là người vẽ hoa không? Già Tần đáp:
- Đúng vậy! Tại sao ông biết?
- Trong huyện ai lại không biết? Hôm trước cụ huyện nhà tôi dặn tôi tìm cho cụ hai mươi bốn bức tranh vẽ hoa để tặng quan trên. Tôi nghe danh ông Vương đã lâu, cho nên đi ngay đến đây. Ngày nay may mắn được gặp ông, mong ông chịu khó múa bút cho, nửa tháng sau tôi sẽ đến lấy. Tiền nhuận bút bao nhiêu tôi sẽ đưa lại.
Già Tần ở bên cạnh ép Vương Miện nhận lời. Vương Miện nể Già Tần, từ chối không được, nên cũng bằng lòng. Về nhà Vương đem hết tâm trí ra vẽ hai mươi bốn bức tranh hoa, mỗi bức đề một bài thơ. Địch đem lên cho quan huyện. Quan huyện là Thời Nhân đưa cho Địch hai mươi bốn lạng bạc. Địch xén mất một nửa, chỉ đưa Vương Miện mười hai lạng. Tri huyện đem tập tranh và những lễ vật khác lên biếu Nguy Tố để làm lễ ra mắt.
Nguy Tố nhận lễ vật, cứ lo nhìn tập trung, ngẩn ngơ không muốn rời mắt. Hôm sau Nguy sai dọn tiệc mời tri huyện Thời đến cám ơn. Sau lúc hàn huyên, uống vài chén rượu, Nguy Tố nói:
- Hôm trước tôi nhận được của ngài một tập tranh. Đó là tranh của người xưa hay tranh của người bây giờ?
Thời tri huyện không dám giấu giếm nói:
- Đó là tranh của anh nông dân huyện tôi, tên là Vương Miện. Anh ta hãy còn ít tuổi. Tôi cho rằng anh ta mới học vẽ qua loa, làm sao mà lọt mắt xanh của ngài được.
Nguy Tố thở dài:
- Ta bỏ nhà ra đi đã lâu. Ở quê có người hiền sĩ như thế này mà ta không biết, thực là xấu hổ. Con người này không những tài cao, mà kiến thức cũng khác thường. Danh tiếng và địa vị của ông ta sau này không kém tôi và ông đâu. Không biết ông có thể mời ông ta lên đây không?
Thời tri huyện nói:
- Khó gì việc ấy. Khi trở về tôi sẽ cho mời anh ta đến. Nghe nói được ngài thương, chắc chắn anh ta sẽ vui mừng khôn xiết.
Nói xong Thời từ giã Nguy Tố trở về nha môn, sai Địch mang danh thiếp đến mời Vương Miện. Địch chạy về làng, đến nhà Già Tần, mời Vương Miện sang. Địch nói việc đó với Vương, Vương Miện cười:
- Như thế này thực là phiền ông; nhờ ông bẩm với quan huyện rằng Vương Miện là một đứa dân cày, không dám mong gặp ngài. Nó không dám nhận tờ thiếp mời này.
Địch trở mặt nói:
- Quan lớn viết thiếp mời, ai lại dám từ chối không đi! Huống chi việc này là việc ta chiếu cố đến anh. Không có ta thì quan lớn làm sao biết anh vẽ hoa giỏi? Đáng lý ra, được gặp quan lớn là anh phải cảm ơn ta mới phải. Đằng này, ta đến đây không được một chén trà, anh lại cứ chối quanh chối quẩn, không chịu yết kiến, là lẽ làm sao? Ta làm thế nào mà thưa lại với quan lớn đây? Quan lớn làm chủ một huyện lại không gọi được một anh dân sao?
- Thưa ông, không phải như vậy! Nếu như tôi có làm việc gì, quan lớn viết giấy gọi, tôi dám đâu không đến! Nhưng nay quan lớn viết thiếp mời tức là không có ý bắt buộc. Tôi không đi chắc ngài cũng lượng thứ.
- Anh nói cái gì chẳng ai hiểu ra sao cả? Có giấy đòi thì đi, có thiếp mời lại không đi, thật chẳng hiểu người ta cất nhắc là cái gì hết.
Già Tần nói: - Thôi ông Vương, quan lớn đã có thiếp mời ông, chắc là có ý tốt, ông cũng nên lên một chuyến. Cổ nhân có câu: “Ông quan làm cửa tan nhà nát”, ông không nên gây chuyện làm gì.
Vương Miện nói: - Cụ Tần ơi! Cụ không biết, xin cụ cho tôi nói một điều. Cụ không biết chuyện Đoạn Can Mộc và chuyện Tiết Liễu(#3) sao? Vì vậy tôi không muốn đi.
Địch nói: - Anh làm thế là rất phiền cho tôi, bây giờ tôi về bẩm gì với quan lớn đây!
Già Tần nói: - Kể thực cũng khó cho cả hai ông! Đi thì ông Vương không muốn, mà không đi thì ông Địch không biết nói gì lúc trở về. Nay tôi có một cách: Trở về, ông không nên nói là ông Vương không chịu đi, cứ nói là ông Vương mắc bệnh ở nhà không đến được, một hai ngày sau khỏe sẽ xin
lên.
Địch nói:
- Nếu mắc bệnh thì phải có hàng xóm chứng nhận mới được.
Bàn bạc với nhau một lát, Già Tần nấu cơm chiều mời hắn ăn. Lại bảo ngầm với Vương Miện ra xin mẹ ít tiền đưa cho Địch làm tiền phí tổn. Bấy giờ hắn mới chịu về bẩm với tri huyện.
Tri huyện nghĩ bụng:
- Thằng này ốm gì mà ốm? Chẳng qua tại cái thằng Địch xuống làng cáo mượn oai hùm, làm nó sợ mất vía chứ gì? Xưa nay nó chưa bao giờ thấy quan, nên nó sợ mà không dám lên chứ gì? Nhưng quan thầy ta thì lại giao cho ta mời nó. Ta không mời được nó thì quan thầy lại bảo ta không làm được việc. Chi bằng ta cứ thân hành đến làng thăm nó. Nó thấy ta chiếu cố, thì hiểu không ai khó dễ với nó làm gì và sẽ có can đảm gặp ta. Ta đưa nó về ra mắt quan thầy, như thế chẳng là làm việc chu đáo sao!
Y nghĩ:
- Mình đường đường một ông quan huyện mà chịu khuất mình đi thăm một anh nông dân ở nơi thôn xóm, nhỡ bọn nha lại nó cười thì thế nào?
Nhưng lại nghĩ:
- Quan thầy ta hôm trước nói đến nó thật là kính trọng! Thầy ta kính nó mười phần, ta lại phải kính trọng nó trăm phần. Vả lại chịu “hạ mình với kẻ tôn quý” biết “kính trọng người hiền”, thì sử sách sau này sẽ dành riêng một chương mà tán tụng ta. Đó là một việc “ngàn năm bất hủ”. Sao lại không được!(#3)
Bèn quyết định đi.
Sáng hôm sau tri huyện cho gọi những người khiêng kiệu đến. Y không đem theo tất cả những thuộc hạ, chỉ có tám người đội mũ màu đỏ viền đen, đi thẳng xuống làng. Địch ta chạy theo sau kiệu.
Nghe tiếng thanh la, dân làng già trẻ dắt nhau ra xem kiệu đi đến cửa nhà Vương Miện thì chỉ thấy bảy tám gian nhà tranh, một tấm cửa mộc đóng kín. Địch chạy đến gõ cửa. Gõ một lát, một bà cụ già ở trong nhà chống gậy ra nói:
- Nó không ở nhà, từ sáng sớm đã dắt trâu đi uống nước, nay vẫn chưa về.
- Quan huyện thân hành đến đây nói chuyện với con cụ. Tại sao cụ lại lẩn thẩn như thế! Nói nhanh đi, ông ta ở đâu để tôi tìm!
- Nó thực không ở nhà, không biết đi đâu.
Bà cụ nói xong đóng cửa đi vào.
Trong khi nói chuyện thì kiệu của tri huyện đến. Địch quỳ trước kiệu bẩm:
- Con đến tìm Vương Miện, anh ta không ở nhà, xin quan lớn cho kiệu đến nhà công quán ngồi một lát, con xin đi tìm.
Rồi hắn dẫn kiệu đi vòng ra sau nhà Vương Miện, ở đấy có mấy đám ruộng, xa xa có một cái hồ, bên hồ trồng mấy cây bưởi, cây dâu. Lại có mấy đám ruộng mênh mông ở bên hồ. Có một trái núi tuy không lớn lắm, nhưng cây cối xanh tốt mọc đầy. Cách một dặm gọi nhau còn nghe tiếng.
Tri huyện đến đó, nhìn xa xa thấy một chú bé cưỡi trâu đi quanh từ chân đồi đến.
Địch chạy đến hỏi:
- Cháu Tần Tiểu Nhị, cháu có thấy ông Vương dắt trâu đi uống nước đây không?
- Hỏi chú Vương à? Chú đã đến uống rượu ở nhà bà con xóm Vương cách đây hai mươi dặm. Trâu này là con trâu của chú đấy. Chú nhờ tôi dẫn nó về nhà.
Địch ta chạy lại bẩm với tri huyện. Tri huyện đổi sắc mặt nói:
- Đã thế thì không cần đến công quán.
Y lập tức về nha môn.
Tri huyện Thời rất tức giận, muốn sai người bắt Vương Miện đem về trị một mẻ. Nhưng lại sợ quan thầy cho mình là nóng nẩy, nên nén giận mà về. Y định về nói với quan thầy rằng con người này không đáng trọng. Sau này ta trị cho nó một mẻ cũng chưa muộn.
Vương Miện không đi đâu xa, ngay sau đó trở về nhà. Già Tần giận lắm, nói:
- Ông cố chấp quá! Người ta làm chủ một huyện, tại sao lại khinh thường như thế?
- Cụ ngồi đây, cháu nói. Tri huyện Thời dựa vào thế lực Nguy Tố, hà hiếp nhân dân, không cái gì không làm. Con người như thế, thì gặp làm gì? Lần này về, nhất định ông ta sẽ nói lại với Nguy Tố. Nguy Tố nổi giận, sẽ kiếm cớ sinh sự với cháu cũng nên. Nay cháu xin từ biệt cụ, đem ít hành lý trốn đi nơi khác thì hơn. Nhưng chỉ ngại một chút, lòng áy náy không yên là còn mẹ cháu ở nhà.
Bà mẹ nói:
- Con ơi, mấy năm nay con bán thơ, bán tranh, nên mẹ cũng dành dụm được dăm ba chục bạc, không phải lo gì đến tiền nuôi nấng nữa. Mẹ tuy già, nhưng cũng không có bệnh tật. Con cứ yên tâm lánh mình một thời gian không ngại gì việc đó. Con chưa phạm tội bao giờ các quan cũng không có lí gì mà bắt bớ mẹ cả.
Già Tần nói:
- Nói thế cũng có lí. Vả chăng, ông mai một ở cái nơi thôn dã này, có tài, có học cũng chẳng ai biết đến. Lần này đến nơi thị thành biết đâu gặp may mắn cũng nên. Còn về việc trong nhà, ông cứ mặc tôi. Tôi sẽ chăm sóc bà cụ thay ông.
Vương Miện bái tạ Già Tần. Già Tần lại trở về nhà tìm rượu, đồ nhắm để thết. Uống rượu đến nửa đêm mới về.
Hôm ấy, canh năm, Vương Miện dậy, sửa soạn hành lý. Ăn sáng vừa xong thì gặp Già Tần đến. Vương Miện lạy từ biệt mẹ, lạy Già Tần hai lạy. Mẹ con chia tay nước mắt ròng ròng.
Vương Miện chân đi dép gai, lưng mang hành lý, Già Tần tay cầm chiếc đèn lồng trắng nhỏ, tiễn chàng ra khỏi làng, rồi từ giã, nước mắt tuôn trào. Già Tần tay cầm đèn, đứng nhìn cho đến khi Vương đi khuất mới trở về.
Vương Miện ra đi, dầm sương dãi nắng, ngày này qua ngày khác. Vương đi thẳng đến phủ Tế Nam tỉnh Sơn Đông. Sơn Đông là một tỉnh gần phía Bắc, nhưng dân cư đông đúc, sản vật dồi dào, nhà cửa san sát. Vương Miện đi đến đây thì tiền đã cạn, liền thuê một gian phòng ở trước một cái am nhỏ. Vương làm nghề xem bói, đoán chữ, lại vẽ hai bức tranh hoa ở đấy để bán cho những khách đi qua. Mỗi ngày bói và bán tranh, khách đến chen chân không lọt.
Thời gian thấm thoát trôi qua. Ở phủ Tế Nam có mấy tên trọc phú thích tranh của Vương thường muốn mua, nhưng không thân hành đến. Chúng sai bọn đày tớ thô bạo động một tí là hò hét, làm cho Vương Miện ngồi không yên. Vương Miện chịu không nổi, liền vẽ một con bò to tướng treo ở đấy, đề mấy câu thơ, có ý châm biếm. Lại sợ người ta sinh chuyện gì lôi thôi, nên định đi nơi khác.
Sáng hôm ấy Vương đang ngồi thì nghe tiếng rên, tiếng khóc ở ngoài đường: Có người mang theo nồi, cũng có người quẩy hai cái thúng trong đó là con mình. Người nào cũng mặt vàng, mình võ, áo quần lam lũ, hết đoàn này qua đến đoàn khác lại, tất cả đường sá đều chật ních. Lại có người ngồi xin tiền ở ngoài đường.
Hỏi tại sao thế, thì họ đều nói họ là những người ở các châu các huyện ven sông Hoàng Hà, nước sông dâng to, nhà cửa ruộng vườn đều ngập hết cả. Nhân dân điêu vong, ly tán, mà quan lại không tính gì đến, cho nên họ đành phải tha phương cầu thực. Vương Miện thấy quang cảnh này thở dài mà rằng: Sông Hoàng Hà chảy về bắc, thiên hạ từ nay sẽ loạn! Ta còn ở đây làm gì? Bèn thu thập ít bạc vụn, mang hành lý trở về nhà. Về đến Chiết Giang, được tin Nguy Tố đã về triều, tri huyện Thời đã bổ đi nơi khác. Vương về nhà, lòng nhẹ nhàng, lạy chào mẹ. Thấy mẹ vẫn mạnh khỏe như thường, Vương rất vui sướng. Bà mẹ lại kể cho Vương biết Già Tần đã ăn ở tốt như thế nào. Vương vội vàng mở hành lý ra, lấy một tấm lụa và một gói bánh đem qua biếu Già Tần để cảm ơn. Già Tần lại dọn rượu mừng. Từ đấy Vương Miện lại ngâm thơ, vẽ tranh và phụng dưỡng mẹ già như cũ. Sáu năm qua, bà mẹ mắc bệnh, Vương Miện tìm mọi cách chạy chữa, nhưng đều vô hiệu. Một hôm bà cụ dặn Vương Miện:
- Mẹ không qua khỏi. Mấy năm nay, người ta nói với mẹ rằng con là người có học vấn, họ khuyên con nên ra làm quan. Nhưng làm quan e cũng không phải là việc làm cho cha ông vinh hiển. Ta thấy những kẻ làm quan rút cục không được cái gì hay, hơn nữa con tính tình ngạo đời, nếu xảy ra tai vạ lại càng không hay. Con ơi nên nghe lời mẹ, sau này lo cưới vợ, đẻ con, giữ mồ mả của mẹ, chớ có làm quan. Có thế mẹ chết mới nhắm mắt(#4).
Vương Miện vừa khóc vừa dạ. Bà mẹ dần dần thở hơi cuối cùng. Vương Miện giậm chân kêu khóc, hàng xóm, không ai không chảy nước mắt. Già Tần ra sức giúp đỡ việc chôn cất, Vương Miện khiêng đất đắp mộ, việc ba năm tang tóc gối đất nằm sương không cần kể lại đây làm gì.
Một năm sau khi hết tang, thiên hạ loạn lạc. Phương Quốc Trân chiếm cứ Chiết Giang, Trương Sĩ Thành chiếm cứ Giang Tô, Trần Hữu Lượng chiếm cứ Hồ Quảng, đều chỉ là kẻ anh hùng nơi thảo dã. Duy có Thái Tổ hoàng đế khởi binh ở Từ Dương, chiếm được Kim Lăng, tự xưng Ngô Vương, quả thực là bậc vương giả. Thái Tổ lại đem quân đánh phá Phương Quốc Trân, bình định toàn Chiết Giang, trong làng xóm cũng như ở thị thành, đều không bị quấy nhiễu gì.
Một hôm vào giữa trưa Vương Miện đi tảo mộ về, thấy độ mười người cưỡi ngựa đi đến làng mình. Người đi đầu chít khăn võ tướng, mang chiến bào hoa đào, mắt sáng, da trắng, râu ba chòm, rõ ràng là tướng mạo đế vương. Người này đến cửa xuống ngựa, vái chào Vương Miện và hỏi:
- Xin hỏi nhà Vương Miện tiên sinh ở đâu?
Vương Miện đáp:
- Tôi chính là Vương Miện, đây là nhà của tôi.
Người ấy cười mà nói:
- Thế thì may quá. Tôi đến đây để yết kiến ngài.
Y bảo người tùy tùng xuống ngựa, đứng cả ở ngoài, buộc ngựa ở cây liễu bên hồ. Một mình y và Vương Miện dắt tay nhau vào nhà,
Khách và chủ ngồi xong, Vương Miện nói:
- Không dám, xin hỏi ngài đại danh là gì, có việc gì khiến ngài hạ cố đến xóm làng hẻo lánh này.
- Tôi họ Chu, trước đây khởi binh ở Giang Nam, gọi là Từ Dương Vương, nay đóng quân ở Kim Lăng gọi là Ngô Vương. Nhân dịp dẹp Phương Quốc Trân tôi đến đây tìm ngài.
Vương Miện nói:
- Kẻ hèn mọn này mắt thịt không biết gì, không biết bậc Vương công. Tôi vốn là một tên dân ngu ở thôn xóm, dám đâu phiền đến ngài phải quá bước đến đây.
Ngô Vương nói: - Tôi là một người thô lỗ, nay được thấy ngài khí tượng nhà nho thì lòng ham muốn công danh lợi lộc tiêu tán đâu cả. Tôi ở Giang Nam mộ đại danh của ngài, đến đây thăm hỏi, mong ngài chỉ giáo: người Chiết Giang làm phản đã lâu làm thế nào cho họ theo mình.
- Đại vương là bậc nhìn xa, thấy rộng, kẻ hèn mọn này không dám nói nhiều. Nếu lấy nhân nghĩa mà làm cho người ta phục, thì ai mà không phục. Nào có phải riêng gì Chiết Giang? Nếu lấy binh lực mà bắt người ta phục, thì người đất Chiết Giang tuy yếu cũng thà chết chứ không chịu nhục. Ngài không thấy gương Phương Quốc Trân sao?
Ngô Vương thở dài gật đầu cho là phải.
Hai người ngồi kề gối nói chuyện đến khi xế chiều. Những người đi theo đều mang lương khô, Vương Miện xuống nhà bếp nướng một cân bánh, xào một đĩa rau hẹ bưng lên và ngồi tiếp. Ngô Vương ăn xong, cảm ơn lời dạy bảo, lên ngựa ra đi. Hôm đó Già Tần ở thị trấn về hỏi có việc gì. Vương Miện cũng không nói đó là Ngô Vương chỉ nói là một viên quan võ trước đây ở Sơn Đông có quen biết nhau, nay đến thăm thôi.
Lời Giới Thiệu Cùng với “Thủy Hử truyện” của Thi Nại Am, “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần “Nho Lâm Ngoại Sử” (Chuyện làng nho) của Ngô Kính Tử là một tác phẩm giá trị nhất của tiểu thuyết Trung Quốc. Trong bài tựa viết thời Đồng Trị, một nhà phê bình đã nói: “Tôi khuyên các bạn không nên đọc quyển tiểu thuyết này, vì đọc nó một lần các bạn sẽ cảm thấy rằng mình đã gặp những nhân vật của nó suốt ngày trong đời”. Riêng nhận xét này cũng đủ chứng minh giá trị hiện thực của nó như thế nào. Lỗ Tấn trong “Trung Quốc tiểu thuyết sử lược” khẳng định rằng “Nho Lâm Ngoại Sử” là tiểu thuyết châm biếm xã hội đầu tiên, và về mặt này, từ xưa đến nay nó vẫn vô địch.
I. Tác giả
Ngô Kính Tử (1701 - 1754) tự là Mẫn Hiên, lại có tên tự là Văn Mộc, sinh năm 1701 ở huyện Toàn Tiêu, tỉnh An Huy, phía bắc bờ sông Dương Tử. Gia đình ông mấy đời nổi danh về khoa hoạn. Trong đời cố, có bốn người đỗ tiến sĩ, sang đời ông nội, có người đỗ bảng nhỡn, tiến sĩ. Người cha làm giáo dụ ở huyện được vài năm rồi bị cách chức vì trái ý quan trên, về nhà được một năm rồi mất.
Gia đình ấy để lại cho ông một gia tài giàu có, vô số bà con, bạn bè là quan lại, tiến sĩ, cử nhân, cùng với cái mộng thi đỗ làm quan để nối nghiệp nhà. Nhưng tất cả đều tan rã mau chóng. Năm hai mươi tuổi, Kính Tử thi đỗ tú tài ở phủ, nhưng lên tỉnh thi lại hỏng. Kinh nghiệm thi cử của bản thân cùng với kinh nghiệm làm quan của cha đã làm cho chàng thanh niên chán ngán về con đường khoa hoạn. Ông lại sẵn thói phong lưu, tiêu tiền như rác, nên chẳng bao lâu, gia sản cha ông để lại đều không cánh mà bay. Bấy giờ bạn bè trở mặt, tôi tớ bỏ đi, họ hàng lảng hết, ông phải bỏ nhà lên Nam Kinh.
Cuộc đời ở Nam Kinh là cuộc đời lao động chật vật và khổ cực. Mùa đông không có lửa đốt và nhiều khi phải nhịn đói hai ba hôm liền. Nhưng chính nó đã giúp ông tiếp thu những tư tưởng dân chủ của Cố Viên Võ, Hoàng Tôn Hy, chủ trương chống khoa cử bát cổ, chống lễ giáo và học vấn nhồi sọ của Tống Nho. Nó cũng giúp cho ông thấy rõ bản chất xấu xa của tầng lớp nho sĩ đã cấu kết với ngoại tộc Mãn Thanh gây ra cái tệ quan trường làm xã hội điêu đứng và do đó, ông đã đoạn tuyệt được về tình cảm với giai cấp thống trị và thấy cái đẹp ở quần chúng, ở những người lao động bình thường bị bọn thống trị khinh miệt. Vì vậy, năm ba mươi sáu tuổi, ông được cử lên Bắc Kinh dự vào khoa thi “Bác học hồng từ”, vinh dự lớn nhất của nho sĩ Mãn Thanh, thì ông kiên quyết chối từ, dù rằng ông biết rõ con đường danh lợi đã mở ra trước mắt. Vào khoảng bốn mươi lăm tuổi, ông viết “Nho Lâm Ngoại Sử”; ngoài ra, ông còn viết “Thi thuyết”, “Mộc Sơn phòng tập”. Ông mất ở Dương Châu năm 1754
Cuộc đời của Ngô Kính Tử là cuộc đời của một thứ “ẩn
sĩ”, nhưng tác phẩm mà ông để lại cho đời sau lại là một tác phẩm chiến đấu. Tác giả đã dùng hình tượng nghệ thuật để đả phá chế độ thi cử và chế độ quan trường, và qua đề tài trung tâm ấy, tác giả đã phê phán tầng lớp trí thức phong kiến về tất cả mọi mặt: học vấn, đạo đức, tư cách để làm nổi bật những tư tưởng dân chủ. Đối với văn học “Nho Lâm Ngoại Sử” có ba ưu điểm nổi bật: nội dung hiện thực, tư tưởng dân chủ và nghệ thuật châm biếm sâu
sắc. Chính ba điều đó làm cho ngày nay đọc lại chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì nó mới mẻ lạ thường.
II. Hiện thực tính của tác phẩm
Như Lỗ Tấn nhận định, “sự thực là lẽ sống của văn châm biếm ”Nho Lâm Ngoại Sử" sở dĩ thành tác phẩm châm biếm vĩ đại trong văn học, chính vì nó bám chắc lấy sự thực của xã hội đương thời.
Xã hội được miêu tả lại trong tác phẩm là xã hội đời Thanh ở giữa thế kỉ XVIII. Người Mãn Thanh xâm chiếm Trung Quốc từ 1644. Muốn củng cố sự thống trị, nhà Thanh ra sức thống trị về mặt tinh thần. Một mặt, chúng gây ra những vụ “văn tự ngục” để giết những người viết những điều chống lại nhà cầm quyền. Một mặt, chúng dùng hình thức thi bát cổ để lung lạc trí thức. Bát cổ hay kinh nghĩa là một lối văn có tám vế. Người viết chỉ có thể trích dẫn ở “Ngũ Kinh”, “Tứ Thư”, không được nói gì đến hiện tại. Mưu mô của nhà Thanh đã thành công to lớn. Tất cả bọn nho sĩ đều rơi vào bạm bẫy: ai không làm văn bát cổ thì không phải nhà nho.
Để tránh “ngục văn tự”, Ngô Kính Tử phải đặt câu chuyện vào đời Minh, nhưng tất cả mọi sự việc, nhân vật đều là những sự việc và những nhân vật của đời Thanh. Gia đình họ Đỗ ở Thiên trường là gia đình tác giả, những nhân vật như Ngu Dục Đức, Mã Thuần Thượng, Trì Hành Sơn v.v... đều dựa vào những người bạn của tác giả. Đỗ Thiếu Khanh, anh chàng phá gia chi tử chính là bản thân Ngô Kính Tử. Đối với thời đại tác giả sống, phương pháp thể hiện này là một phương pháp mới mẻ và táo bạo. Tác giả không lấy đề tài trong lịch sử quá khứ, trong truyền thuyết; những nhân vật không phải những vị anh hùng với những tình tiết quái dị. Trái lại, ở đây là cuộc sống bình thường vẫn diễn ra hằng ngày. Đúng như Lỗ Tấn nói: “Những sự việc miêu tả trong sách đều là những sự việc thông thường, ai cũng thấy cả, thường không ai cho là lạ, nên cũng không buồn để ý đến nó. Nhưng ngay bản thân nó đã vô lý, buồn cười, đáng ghét, thậm chí đáng ghê tởm... Bây giờ tác giả nói đến thì mọi người thấy ngay ý nghĩa quan trọng của nó”.
Như mọi người đều thấy, tác giả đã nêu bật một cách rất sinh động và hiện thực, thực chất của chế độ thi cử và chế độ quan trường. Ngay từ hồi thứ nhất, Vương Miện, nhân vật lý tưởng của tác giả, đã nói lên câu nói quán triệt tất cả tác phẩm “Văn nhân thời đại này nguy rồi!”. Và tác giả cũng không hề giấu giếm chủ ý của mình là dùng tác phẩm nghệ thuật để chứng minh cái tai họa mà chế độ khoa cử đã đưa đến cho tầng lớp nho sĩ của thời đại.
Tác giả đã nêu rõ nó chỉ là một thứ trò hề, không dựa vào một tiêu chuẩn gì hợp lý mà hoàn toàn dựa vào chủ quan của người chấm thi. Chu Tiến chấm thi, thấy Phạm Tiến thi đã hai mươi lần vẫn không đỗ nên “thương hại” muốn “thưởng cho cái chí của anh ta”. Chính vì vậy, y chịu khó đọc bài văn của Phạm Tiến đến ba lần và đến lần thứ ba thì thấy “mỗi chữ là một hạt ngọc”. Cũng vì thi cử chẳng qua là một thứ trò hề, cho nên các quan chấm thi chỉ nghĩ đến việc làm sao cho vừa lòng quan thầy. Phạm Tiến muốn hoãn kỳ treo bảng vì chưa tìm được bài của Tuân Mai để cho y đỗ như ý muốn của Chu Tiến. Trường thi là một nơi gian dối, một người đi thi thay người khác như Khuông Siêu Nhân kiếm được hàng trăm lạng. Không những thi cử chẳng có giá trị gì, mà ngay cả những người thi đỗ cũng chẳng có kiến thức gì. Trì Hành Sơn nói: “Bây giờ bọn đọc sách chẳng qua chỉ biết thi cử... Còn như việc lễ nghi âm nhạc, binh pháp, nông nghiệp thì tuyệt nhiên không sờ đến”. Phạm Tiến làm quan chấm thi nhưng vẫn không biết Tô Đông Pha nhà văn hào lớn bậc nhất đời Tống là ai; Thang tri huyện cũng đi chấm thi nhưng vẫn không biết Lưu Cơ, người đã giúp Chu Nguyên Chương đánh đuổi quân Nguyên là ai. Trong con mắt của tác giả, học vấn và khoa cử là hai điều hoàn toàn đối lập.
Trong khi phân tích thực chất của chế độ khoa cử, tác giả đã miêu tả một cách hết sức cụ thể cái tấn bi hài kịch mà nó gây nên ở trong xã hội. Vì đó là con đường tiến thân duy nhất của các nhà nho, cho nên tất cả tầng lớp trí thức đều xô nhau theo con đường ấy. Đại bộ phận suốt đời thất bại, thi hỏng. Bấy giờ họ đành phải sống cuộc đời nghèo khổ cực nhục như Nghê Sương Phong vì đói khổ quá mà phải bán tất cả sáu đứa con của mình. Có một số người lận đận nơi trường ốc hàng chục năm trời mới thành đạt. Trong những hồi đầu ta gặp hai nạn nhân của chế độ khoa cử là Chu Tiến và Phạm Tiến. Ta gặp ông già Chu Tiến thi mãi đến sáu mươi tuổi vẫn hỏng, bị Mai Cửu chế nhạo, Vương Huệ coi thường, mất chức dạy học, phải giữ sổ cho nhà buôn. Con người này vì uất ức quá nên nhìn thấy cái bàn ở trường thi thì “nước mắt giàn giụa, thở dài một cái, đập đầu vào bàn, nằm duỗi thẳng cẳng, bất tỉnh nhân sự”. Quả thực giấc mộng công danh hành hạ con người đến thế là cùng. Ta lại gặp ông già Phạm Tiến ngoài năm mươi tuổi bị lão hàng thịt mắng như tát nước vào mặt, đói quá phải đem con gà độc nhất ra chợ bán. Tác giả trình bày sâu sắc cái cảnh Chu Tiến vì thi hỏng mà chết ngất ở trường thi, cũng như cái cảnh Phạm Tiến thi đỗ mừng quá hóa điên, nên lại càng làm nổi bật sự truỵ lạc về tinh thần của tầng lớp nho sĩ.
Tác giả lại còn cắt nghĩa một cách đúng đắn sự sa đọa về nhân cách của bọn nhà nho đạt vận: Đó là vì họ đã thoát ly hoàn toàn khỏi nhân dân mà bước sang giai cấp thống trị và càng trèo lên cao trong bậc thang xã hội thì nhân cách của họ càng biến đi, để lộ nguyên hình bọn sâu mọt của xã hội. Ở đây sự phân tích những thủ đoạn mà xã hội phong kiến đã dùng để đầu độc trí thức quả thực là chua chát. Con người thi đỗ biến thành một vị thần. Anh tú tài “ngây” Chu Tiến được người ta dựng bàn thờ thờ sống và con người “môi trề ra ngoài (Phạm Tiến) bỗng chốc biến thành Văn khúc tinh. Người ta đua nhau đến biếu bạc vàng, nhà cửa. Kết quả của sự mua chuộc này là người nho sĩ bán rẻ tất cả nhân cách của mình để thành một hạng người hèn hạ. Quá trình biến chất của người trí thức trong xã hội phong kiến biểu hiện rất cụ thể qua nhân vật Khuông Siêu Nhân. Khi ta gặp Khuông, thì Khuông là một chàng bói sáng nghèo khổ, có hiếu, một người đầy những ý nghĩa cao thượng: ”những người giàu là những đứa con bất hiếu, nhưng một người nghèo như ta thì dù muốn có hiếu cũng không làm sao được. Thực là bất công. Cuộc đời hàn vi của Khuông thực là cảm động, Khuông lao động vất vả, yêu quý cha mẹ, ham học. Nhưng từ khi thi đỗ, bản chất của Khuông dần dần thay đổi; Khuông chạy theo Phan Tam, nhúng tay vào những việc bất chính để kiếm tiền, bỏ vợ cũ lấy vợ mới con quan, nghe tin vợ chết không chịu về, ngồi đâu cũng khoe khoang chức tước, tài năng của mình một cách trơ trẽn. Khuông biến thành hạng người vô liêm sỉ, nhưng vẫn luôn luôn tự lừa dối mình bằng những danh từ đạo đức.
Mặc dù khoa cử làm cho tầng lớp trí thức bị điêu đứng nhưng nó vẫn có những con người sùng bái nó một cách tuyệt đối. Với Cao Hàn Lâm và Lỗ Biên Tu thì đó là cách đánh giá duy nhất về con người: “Nếu ông ta có học, thì ông ta đã thi đỗ rồi”. Với Lỗ Tiêu Thư thì không lấy được người chồng cử nhân, tiến sĩ tức là “hỏng cả cuộc đời”. Hạng người mê muội này nhan nhản trong xã hội phong kiến. Tiêu biểu nhất cho hạng này là Mã Thuần Thượng. Với Mã Thuần Thượng nó là tất cả: “Nếu cha mẹ có mang bệnh, nằm trên giường không có ăn mà nghe anh ngâm văn bát cổ thì trong lòng cũng nở dạ vui mừng...” “Khổng Phu Tử sống lại bây giờ thì nhất định ngài cũng phải làm văn chương theo cử nghiệp”. Tất cả tầng lớp nho sĩ chỉ nghĩ đến một điều: phải ra làm quan. Động cơ làm quan chỉ là một động cơ hèn hạ. Tang Đồ nói với Thiếu Khanh: “... Rồi nếu thi đỗ, tôi sẽ được làm tri huyện. Thế rồi tôi sẽ đi giày, ngồi trên công đường, đánh người ta”.
Chính vì vậy, sự phê phán thực chất thối nát của chế độ khoa cử đưa thẳng đến sự phơi bày bộ mặt thực của chế độ quan lại phong kiến. Ở đây sự công kích thực là triệt để. Việc châm biếm, tố cáo một vài cảnh thối nát trong quan trường là một việc thường thấy trong văn học, nhưng việc đào sâu đến tận gốc rễ, phủ nhận nó một cách toàn bộ là việc rất ít có. Ngay từ hồi đầu, trước khi nhắm mắt, bà mẹ của Vương Miện đã nói: “Làm quan không phải là việc làm cho cha ông vinh hiển. Ta thấy những kẻ làm quan đều không được cái gì hay..., Con ơi, nên nghe lời mẹ, sau này lo cưới vợ, đẻ con, giữ mồ mả cho mẹ chứ đừng ra làm quan! Có thế mẹ chết mới nhắm mắt”. Vương Miện là một nhân vật có thực, nhưng trong các sách không hề nói đến việc Vương Miện và mẹ Vương Miện phê bình thi cử và quan trường. Ở đây, tác giả đã biến họ thành những hình tượng nghệ thuật để nói lên sự khinh bỉ của mình đối với mưu mô nô dịch trí thức của bọn vua chúa Mãn Thanh.
Khi trình bày thực chất thối nát của bọn quan lại phong kiến, tác giả không chỉ trình bày hiện tượng mà còn đi sâu hơn tìm ra nguyên nhân. Sự thực, thì làm quan chỉ là một cái nghề kiếm ăn không liên quan gì đến nhân nghĩa, đạo đức. Khi nhận định về người cha của Đỗ Thiếu Khanh, Cao Hàn Lâm nói: “Ông cha của Thiếu Khanh, đỗ tiến sĩ, làm quan đến Thái thú nhưng cũng là một anh ngốc. Lúc làm quan không biết kính trọng quan trên, chỉ cốt làm sao cho vừa lòng dân, cả ngày cứ ngồi mà lo ”hiếu đễ" với “nông tang”. Những cái đó đều là đầu đề để làm văn làm bài. Ông ta tưởng đâu là sự thực". Sự thực, làm quan chỉ là một cái nghề cốt làm sao kiếm được nhiều tiền.
Nghiêm Trí Trung nói: “Như Thang phụ mẫu làm thì chỉ có tám ngàn. Ngày trước, Phạm phụ mẫu làm thì có đến vạn. Nó có những cái lắt léo phải cần những người thành thạo như chúng tôi”. Vương Huệ có thể xem là một thứ quan “thành thạo” vì những cái “lắt léo” của nghề này. Vừa được bổ làm Thái thú Nam Xương, Vương Huệ đã hỏi xem ở đây có những sản vật gì, hay kiện nhau vì những việc gì và đem áp dụng ngay phương châm:
“Ba năm tri phủ thanh liêm,
Mười vạn lạng bạc số tiền cũng to”.
Để làm một ông phủ “thanh liêm”, Vương Huệ “xét xem cái gì có lợi mà còn giấu giếm, vơ vét tất cả về mình”. Y biến công đường thành một nơi chỉ nghe “tiếng cân, tiếng bàn toán và tiếng roi”. “Tất cả phủ đều sợ ông phủ như cọp, lúc nằm chiêm bao cũng vẫn còn sợ”. Nhưng y vẫn không vì thế mà bị khiển trách. Trái lại, “quan trên có nghe đến thì cho Vương là người có năng lực nhất ở Giang Tây. Làm được ba năm, ở đâu cũng khen ngợi”. Bọn quan lại phong kiến là cái ung nhọt của nhân dân. Chúng chỉ muốn lấy tiền, lại đồng thời được quan trên khen ngợi. Chính vì vậy tri huyện Thang đã gông chết ông già hồi giáo, làm cho nhân dân nổi giận, bãi thị, vây thành đòi giết chết người chủ mưu. Đến khi quan trên xét thì tri huyện Thang chẳng bị trừng phạt gì; trái lại, nhân dân lại bị xử phạt nặng nề. Tác giả lại còn phân tích tỉ mỉ tại sao “ông quan làm nhà tan cửa nát” như vậy. Đó là vì xung quanh họ là những bọn xu nịnh hèn hạ chỉ tìm cách dựa vào uy thế của họ để bóc lột nhân dân. Nghiêm Trí Trung và Trương Tĩnh Trai, hai hình ảnh cụ thể của bọn nho sĩ đã biến thành cường hào ở nông thôn. Chúng dựa vào thế lực của quan để cướp đoạt ruộng vườn, đánh người gãy đùi, cướp lợn, đòi tiền, đòi gia tài, lừa lọc mọi người. Gặp ai làm quan hay sẽ làm quan thì chúng xu nịnh, tâng bốc, chỉ muốn bày mưu tính kế đàn áp nhân dân; trái lại, gặp nhân dân thì chúng hống hách, cướp giật, không có điều gì không làm. Không những thế, nha môn của bọn phủ huyện đầy dẫy những bọn thừa kiện, lính hầu, sai nhân v. v... mà thực chất chỉ là một bọn ăn cướp. Có kẻ ăn cướp trắng trợn như Phan Tam. Y là một thứ côn đồ chỉ lo gá bạc, bắt cóc phụ nữ, cho vay nặng lãi, hối lộ quan trường, dìm việc giết người. Có kẻ chỉ lo hăm dọa để kiếm tiền như tên sai nhân đã dọa Cừ Dật Phu tư thông với giặc để nuốt trôi chín mươi lạng bạc của Mã Thuần Thượng. Lại có kẻ tìm mọi cách luồn lọt như tên thư biện nói với Bão Văn Khanh: “Có một việc chỉ mong cụ lớn cho một chữ ”chuẩn" là ông có thể kiếm hai trăm lạng bạc. Lại có một việc đang đưa lên huyện xét, chỉ mong cụ lớn bác đi là ông có thể kiếm ba trăm lạng. Ông Bão: ông làm ơn nói hộ tôi một lời với cụ lớn".
Đối lập lại hình ảnh của bọn nho sĩ mất nhân cách, tác giả đã nêu lên hình ảnh cảm động của những con người bình thường. Tác giả không giấu giếm thiện cảm của mình đối với họ. Câu chuyện mở đầu bằng anh chăn trâu Vương Miện và kết thúc bằng Quý Hà Niên viết thuê, Vương Thái bán giấy vụn, Cái Khoan bán nước chè, Kinh Nguyên thợ may. Bà mẹ Vương Miện, người cha Khuông Siêu Nhân là những nông dân nghèo nhưng biết dặn con đừng ra làm quan. Tác giả thấy ở người hát tuồng Bão Văn Khanh một người “chính nhân quân tử”, tác giả tìm thấy cái chân thật ở trong tình cảm, trong cách cư xử của hai thương nhân nghèo là cụ Ngưu và cụ Bốc. Tác giả đưa họ vào lịch sử làng nho và xem họ là những nhà nho chân chính. Cái nhìn ấy là một cái nhìn hiện thực ít thấy trong văn học.
III. Tư tưởng dân chủ
Ngô Kính Tử trình bày được một bức tranh hiện thực về xã hội đời Thanh không phải là một việc ngẫu nhiên. Đó là vì tác giả đã tiếp thu được những tư tưởng của Hoàng Tôn Hy và Cố Viên Võ. Hai người này là hai học giả lớn của đời Minh đã từng tham dự cuộc kháng chiến chống ngoại tộc Mãn Thanh. Sau khi thất bại, họ rút lui về ở ẩn, mạt sát bọn trí thức đầu hàng Mãn Thanh, nêu lên chủ trương học phải chú trọng thực tiễn và do đó, chống lại Tống nho từ căn bản. Qua thực tiễn của bản thân, họ thấy rõ rằng sự thống trị của chế độ phong kiến là tàn ác và họ có những tư tưởng dân chủ rõ rệt, Vương Thuyền Sơn còn nêu ra kết luận chia đều ruộng đất. Các học giả tiến bộ này chủ trương soạn sách để bảo tồn ý thức dân tộc và cảnh tỉnh nhân dân. Họ đã thoát ly khỏi lập trường của giai cấp họ mà đứng sang lập trường của quần chúng và được nhân dân yêu quý. Ngô Kính Tử đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ cho nên tác phẩm của ông có một giá trị tư tưởng rõ rệt, ta có thể thấy ở đó mầm mống của tư tưởng dân chủ. Nhưng một mặt khác, vì xã hội Trung Quốc vẫn ở trong tình trạng phong kiến không chuyển nhanh thành xã hội tư bản, cho nên tư tưởng phong kiến vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến những người tiến bộ nhất. Họ không thể đề xướng ra được học thuyết duy vật như các học giả tư sản Âu châu mà phải quay trở lại dùng biện pháp của những nhà tư tưởng Trung Quốc từ xưa. Họ chủ trương xây dựng lại đạo đức cũ, lễ nhạc cũ và hi vọng dùng nó để cải tạo xã hội. Cố nhiên cái gọi là đạo đức cũ, lễ giáo cũ chính là những tư tưởng mới, dân chủ, nhưng họ phải khoác cho nó một bộ áo của người xưa. Điều đó đã hạn chế rất nhiều tác dụng của họ. Đó là tấn bi kịch chung của Cố Viên Võ, Hoàng Tôn Hy, Vương Thuyền Sơn và cũng là tấn bi kịch của Ngô Kính Tử.
Tư tưởng dân chủ của Ngô Kính Tử thấy rất rõ qua những nhân vật tích cực của tác giả.
Lý tưởng của tác giả là lý tưởng của Vương Miện, Đỗ Thiếu Khanh. Tác giả gọi Vương Miện là “con người lỗi lạc”. Nhưng thực ra, Vương Miện chẳng làm việc gì phi thường. Vương Miện chỉ là một người chăn trâu, lao động. Điều làm cho Vương Miện lỗi lạc ở chỗ Vương nhất định không chịu hợp tác với chính quyền phong kiến, nhất định không chịu giao du với quan lại phong kiến, thà chịu chết trong núi chứ không ra làm quan. Đề cao một nhân vật như thế ngay trong lúc bọn Mãn Thanh đang ra sức khủng bố, mua chuộc trí thức, phải là một hành động có ý thức và can đảm. Tác giả gọi Đỗ Thiếu Khanh là “con người hào kiệt”. Nhưng thực ra, Thiếu Khanh chẳng làm việc gì oanh liệt. Theo tác giả, Thiếu Khanh là một người hào kiệt chỉ vì ông ta chống lại tất cả lễ nghi, đạo đức, lối sống phong kiến. Bấy giờ là lúc mọi người chạy theo thi cử, tiền tài; trái lại, Thiếu Khanh coi tiền như rác, khinh thường thi cử, coi công danh như đất, không thích giao du với bọn quan lại, cáo ốm không chịu ra làm quan. Bấy giờ mọi người đang sùng bái học thuyết của Chu Hy thế mà Thiếu Khanh lại dám viết một quyển “Thi Thuyết” để giải thích Kinh thi theo tinh thần dân chủ. Bấy giờ đàn bà bị giam hãm trong bốn bức tường, trái lại Thiếu Khanh lại dắt vợ ngao du ngắm xem phong cảnh. Nói chung Thiếu Khanh là cái gai cho trật tự phong kiến. Mọi việc làm của ông đều có chủ trương và đối lập lại lý luận phong kiến. Phong kiến chủ trương đa thê thì Thiếu Khanh chủ trương một vợ một chồng, phong kiến sùng bái thuật phong thủy thì Thiếu Khanh muốn chém cổ bọn thầy địa lý v.v... Con người mà bọn phong kiến mạt sát không tiếc lời gọi là “phá gia”, “ngông nghênh”, “ăn mày” lại được tác giả xem là “hào kiệt”.
Thực ra, con người này chẳng phải ai xa lạ mà chính là bản thân tác giả. Cũng như Thiếu Khanh, Ngô Kính Tử là con một nhà “đại gia”, đã tiêu hết cơ nghiệp trong việc mở rộng sự giao du với bạn hữu, rồi lên Nam Kinh sống cuộc đời nghèo khổ. Cũng như Thiếu Khanh, Kính Tử đã viết “Thi Thuyết”, đã cáo ốm không chịu làm quan, có một người cha bị cách chức và một người con lỗi lạc (con Kính Tử là Ngô Lương, một nhà toán học lớn của Trung Quốc). Qua nhân vật Thiếu Khanh, tác giả đã nói lên những tư tưởng và những tình cảm của mình và hình tượng này đặc biệt thành công đến nỗi nó sống mãi trong óc người đọc.
Tư tưởng dân chủ của tác giả cũng thấy rõ trong thái độ của tác giả đối với phụ nữ. Nhân vật Thẩm Quỳnh Chi là một hình ảnh đẹp. Cha nàng gả nàng cho tên phú thương Tống Vi Phú để làm vợ, nhưng sau mới biết y chỉ định lấy làm thiếp. Quan lại ăn tiền của Tống Vi Phú nên bác đơn kiện của cha nàng. Thẩm Quỳnh Chi bèn bỏ trốn lên Nam Kinh, làm thơ, thêu thùa để sống. Một mình đương đầu với mọi thành kiến, chống lại mọi thế lực và cuối cùng, giành được quyền tự do về mình, Thẩm Quỳnh Chi chính là người con gái đẹp đẽ của nhân dân, xứng đáng với lời khen của Thiếu Khanh: “Bọn buôn muối kia giàu có và lắm uy thế, sống xa hoa đến nỗi bọn sĩ đại phu gặp chúng thì mất hồn bở vía. Nàng là một người con gái nhỏ mà xem chúng như cỏ rác, thực là đáng phục”.
Thái độ của tác giả đối với thực chất giả dối của luân lý Tống Nho biểu lộ rõ rệt tinh thần dân chủ. Tác giả đối lập cái hiếu giả dối của bọn quan lại với lòng hiếu chân thành của nhân dân: Tuân Mai nghe tin mẹ chết vội vàng bảo người nhà giấu bặt điều ấy đi vì sợ lỡ dịp làm quan. Nhưng đến khi thấy đành phải về nhà chịu tang thì lại tổ chức táng lễ linh đình để được tiếng là hiếu. Trái lại, Quách hiếu tử trèo non lặn suối để tìm cha là xuất phát từ tình cảm tự nhiên chứ chẳng phải để mong được người ta khen là hiếu. Tác giả vạch rõ thực chất tàn bạo của chữ “trinh” phong kiến. Con rể của Vương Ngọc Huy chết, con gái Vương Ngọc Huy muốn tuẫn tiết theo chồng. Cả nhà can ngăn, riêng Ngọc Huy lại khuyến khích con: “Con ơi, con đã muốn thế thì sử sách sẽ ghi tên con”. Người con gái nhịn đói chết, Ngọc Huy “ngẩng đầu lên trời cười mà rằng: Chết thế là giỏi! Chết thế là giỏi! Và cười vang, bước từng bước dài ra khỏi phòng”. Chỉ trong mấy chữ, tất cả cái dã man của một thứ luân lý trái với tự nhiên được phơi bày rõ rệt, nó làm người cha biến thành một kẻ giết con, táng tận lương tâm.
Thái độ của tác giả đối với nhà vua là thái độ phủ nhận. Trang Thượng Chí được triệu vào cung gặp mặt vua. Vua hỏi cách trị dân, Trang quỳ xuống định trả lời thì thấy “trên đầu nhức nhối” bèn thoái thác đi về. Về nhà bỏ mũ ra, thấy “trong mũ có một con rết!”. Vương Huệ theo Ninh Vương chống lại triều đình; Ninh Vương bị thua, Vương Huệ bỏ trốn. Cừ thái thú nghe cháu nội nói có gặp Vương Huệ liền trách cháu: “Tuy ông ta phạm tội đối với triều đình, nhưng là chỗ bạn cũ của ta. Sao lại không lấy số tiền đã thu được mà đưa cho ông ta?” Đến khi người cháu trả lời đã cho Vương Huệ tất cả số tiền thì Cừ thái thú mừng rỡ: “Mày thực là con của thầy mày!”.
Xét về mặt đả phá trật tự và đạo đức phong kiến, “Nho Lâm Ngoại Sử”, chứa đựng những yếu tố tiến bộ rất rõ rệt. Nhưng vì hoàn cảnh lịch sử hạn chế, nên tác giả lại đưa ra một giải pháp bảo thủ. Tác giả không thể nghĩ đến việc thay thế xã hội cũ bằng một xã hội mới, mà chỉ nghĩ đến việc quay lưng với nó, đi ở ẩn, đi tu. Tác giả tưởng đâu rằng phục hồi được lễ nhạc cũ là phục hồi được nhân nghĩa, làm cho xã hội được thái bình. Vì vậy, tác giả cố ý tập hợp các nhà nho ở hồi 37 làm lễ tế ở đền Thái Bá. Nhưng lý luận viển vông này đã bị thực tế đập tan. Lễ nhạc cổ vừa mới phục hồi thì đám nho sĩ đã tan tác mỗi người một phương và đền Thái Bá rêu phong cỏ mọc.
IV. Nghệ thuật
Nho Lâm Ngoại Sử đã sử dụng một nghệ thuật châm biếm, về căn bản giống phương pháp hiện thực phê phán của Âu châu ở thế kỉ XIX. Tác giả đã nhìn thẳng vào hiện thực xã hội và miêu tả nó một cách hết sức sinh động. Đoạn tả Mã Thuần Thượng thăm Tây Hồ chẳng hạn, là một đoạn nổi tiếng vì nếu không quen biết với cảnh Tây Hồ thì không thể nào miêu tả nó một cách hiện thực như vậy. Tác giả đã để lại một bức tranh sinh động của một xã hội chạy theo công danh, với một bọn trí thức mất hết nhân cách, quan lại hà hiếp nhân dân, sai nha tống tiền, bọn thương nhân giàu có làm vua làm chúa. Nhưng tác giả không dừng ở hiện tượng mà đi sâu vào bản chất cho nên sự phê phán bắt người ta suy nghĩ. Việc Phạm Tiến đỗ cử nhân đã từng được xem là một kiểu mẫu của nghệ thuật châm biếm: Phạm Tiến là một anh học trò nghèo suốt đời lận đận nơi trường ốc, chịu trăm nghìn tủi nhục, khổ cực. Vì vậy, khi được tin thi đỗ thì phát điên, hết khóc lại cười, người ta phải tát cho một cái mới tỉnh. Từ đó cuộc đời thay đổi một cách đột ngột: ruộng đất, nhà cửa, bạc vàng, kẻ hầu người hạ chẳng thiếu thứ gì. Nó làm cho bà mẹ của Phạm Tiến sửng sốt mà chết. Và Phạm Tiến tuy xác vẫn còn đấy, nhưng thực ra cũng là một người đã chết vì y đã mất hết cả chí khí, nhân cách. Ở dưới cái vẻ hài kịch của những hiện tượng trình bày, là cái tính chất bi kịch nằm trong lòng cuộc sống. Sự phê phán vì vậy không phải là sự phê phán một vài cá nhân mà là sự phê phán những hạng người trong xã hội. Đặc biệt tác giả đã nêu lên được cái xu thế chạy theo khoa cử thành một áp lực xã hội. Cả một xã hội bị nó đầu độc, bắt đầu từ đứa con của Lỗ tiểu thư, mới lên bốn tuổi đã phải học văn bát cổ cho đến nửa đêm. Nó bắt Chu Tiến đập đầu mà khóc, bắt Phạm Tiến hóa điên, bắt Mai Cửu phải nhận mình làm học trò Chu Tiến. nhiều khi sự châm biếm thực là kín đáo. Mã Thuần Thượng là một người tin vào giá trị của khoa cử một cách tuyệt đối và chân thành. Mã chỉ nghĩ đến một việc: làm người tuyên truyền không công cho chế độ khoa cử. Mã đã thuyết phục được Cừ Dật Phu, Khuông Siêu Nhân. Nhưng tác giả lại còn tinh vi ở chỗ nêu bật tính ngây thơ, dễ tin của Mã Thuần Thượng. Tên sai nhân chỉ cần dọa Mã mấy câu là cướp được chín mươi lạng bạc của Mã, và Hồng Hám Tiên chỉ cần đưa cho Mã vài cục than là suýt biến Mã thành tay sai của một tên lưu manh. May sao, Mã thấy được rằng mình bị Hồng Hám Tiên lợi dụng. Nhưng đến chết, Mã cũng không thể ngờ rằng mình đã bị chế độ khoa cử lợi dụng biến thành một thứ Hồng Hám Tiên để lừa dối mọi người.
Vì không nhằm viết lịch sử của một vài nhân vật mà viết lịch sử của tầng lớp nho sĩ, cho nên kết cấu của “Nho Lâm Ngoại Sử” cũng khác kết cấu của các quyển tiểu thuyết khác. Kết cấu không tập trung xung quanh một vài nhân vật chính mà trình bày một cái toàn cảnh của xã hội, tập trung xung quanh một chủ đề rõ rệt. Mục đích của tác giả không phải là nói lên một biến cố của xã hội hay kể lại cuộc đời của một nhân vật mà là nêu lên một vấn đề xã hội. Điều này vẫn không làm giảm giá trị của tác phẩm; trái lại vì đề tài rộng rãi, nhân vật nhiều, không thể làm khác được. Không những thế, nó đã giúp tác giả xây dựng được những nhân vật điển hình bất hủ như Đỗ Thiếu Khanh, Mã Thuần Thượng, Nghiêm Trí Trung, Khuông Siêu Nhân v.v... vẫn thường được nhắc đến trong văn học.
Cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả cũng rất đặc sắc. Đó là những ngôn ngữ của sử gia, chữ nào cũng bao hàm tính chất phê phán, cân nhắc. Câu văn xem bên ngoài khá đơn giản, không có trang sức rườm rà nhưng đọc kĩ thì rất là tinh tế. Trước đây, đó là câu văn của Tư Mã Thiên và sau này, đó là câu văn của Lỗ Tấn. Lối văn đơn giản, mỗi chữ, mỗi ý, lời ít ý nhiều xưa nay vẫn là lối văn khó dịch nhất vì nó quá kín đáo và tế nhị. Vì vậy, chúng tôi có chú thích về một số danh từ ở Việt Nam không quen dùng và thêm một ít nhận xét khi gặp những đoạn văn quá tế nhị sợ không lột được cái dụng ý sâu xa của tác giả. Trong lúc dịch, chúng tôi cố hết sức theo sát nguyên văn với tham vọng diễn đạt trung thành những ý nghĩ của tác giả. Song khả năng có hạn, chúng tôi chưa dám tin là đã lột được hết cái hay của nguyên tác và không khỏi phạm nhiều khuyết điểm.
Chúng tôi hi vọng giới thiệu được phần nào một nhà văn Vĩ đại và một kiệt tác cổ điển của một nền văn học phong phú như văn học Trung Hoa. Trong việc dịch và giới thiệu, chúng tôi đã được sự chỉ giáo của cụ Bùi Kỷ và sự giúp đỡ của các bạn trong Nhà xuất bản. Chúng tôi xin thành thực cảm ơn.
PHAN VÕ và NHỮ THÀNH
Lấy Câu Chuyện Trình Bày Đại Nghĩa
Mượn Người Tài Trau Chuốt Lời Văn Người đời nam bắc đường muôn ngả
Quan, tướng, thần tiên vốn cũng người.
Triều đại hưng vong; sớm lại tối,
Gió sông thổi đổ cây lâu đời.
Công danh, phú quý đều hư ảo!
Chỉ nhọc lòng ta, ngày tháng trôi.
Rượu nâng dăm chén say cho khướt,
Nước chảy, hoa trôi ai biết nơi?
Bài thơ này chẳng qua là một lời sáo ngữ thông thường. Nó cho rằng phú quý, công danh trong đời người ta chung quy là những sự vật ngoài mình. Người đời hễ thấy công danh là cố chết đi tìm cho được. Nhưng khi nắm được trong tay, nó lại hóa thành nhạt thếch. Thế nhưng từ xưa đến nay, mấy ai hiểu được lẽ này!
Tuy nhiên, vào cuối triều Nguyên(#1) cũng xuất hiện một con người lỗi lạc. Người ấy họ Vương, tên Miện, sống trong một làng ở huyện Chư Ký. Khi Vương lên bảy tuổi, cha mất sớm, mẹ lo may vá để kiếm tiền cho con đến trường làng học. Thấm thoát ba năm qua, Vương Miện đã mười tuổi. Người mẹ gọi con đến bảo:
- Con ơi, không phải mẹ cố ý ngăn cản con đâu. Chỉ vì từ khi cha con mất đi, mẹ là đàn bà góa, tiền chỉ có đồng ra mà không có đồng vào. Mùa màng thì không ra gì; gạo, củi lại đắt. Áo quần đồ đạc, cái nào cầm được thì đã cầm rồi, cái nào bán được thì đã bán rồi. Nay nếu chỉ dựa vào món tiền may thuê vá mướn của một mình mẹ thì đủ làm sao cho con ăn học được. Bây giờ chỉ còn cách cho con đi chăn trâu thuê cho nhà hàng xóm. Mỗi tháng có thể kiếm được ít tiền, lại có cơm ăn. Đến ngày mai thì con phải đi.
Vương Miện nói:
- Mẹ nói phải đấy! Con ngồi học, trong lòng cũng áy náy không yên. Đi chăn trâu cho nhà người ta còn hơn. Nếu muốn học, con vẫn có thể mang theo vài quyển sách, học lấy cũng được.
Ngay đêm hôm đó, công việc bàn xong.
Hôm sau, hai mẹ con cùng đến nhà ông hàng xóm là Già Tần. Già Tần giữ mẹ con Vương Miện lại ăn cơm sáng, rồi dắt trâu ra giao cho Vương Miện. Già chỉ ra ngoài cửa nói:
- Từ cửa nhà chạy thẳng ra chừng vài trăm bước là hồ Thất Mão. Ven hồ có cỏ xanh. Nhà nào cũng cho trâu ra nghỉ ở đó. Lại có mấy mươi cây thuỳ dương lớn rất mát. Khi trâu khát thì nó lại bên hồ uống nước. Cháu cứ ngồi chơi ở đây, không phải đi đâu xa. Ngày nào già này cũng lo đủ cho cháu hai bữa cơm rau, mỗi buổi sáng lại dành riêng cho cháu hai đồng tiền để cháu ăn quà. Cháu phải chăm chỉ chớ có biếng nhác đấy nhé!
Mẹ Vương cảm ơn quay về nhà. Vương Miện tiễn mẹ ra cửa. Bà mẹ vuốt áo con và nói:
- Ở đấy con phải chăm chỉ chớ có lời biếng để người ta nói. Sáng đi, chiều về, chớ để mẹ phải lo lắng.
Vương Miện vâng dạ. Bà mẹ ra về, nước mắt giàn giụa.
Từ đấy Vương Miện chăn trâu cho Già Tần. Mỗi khi hoàng hôn xuống, Vương lại về nhà mẹ nghỉ. Khi nào Già Tần cho Vương cá, thịt, muối thì Vương gói trong lá sen, đem về cho mẹ. Vương không ăn quà hàng ngày mà dành dụm số tiền đó lại. Chừng một hai tháng, nhân lúc rảnh, Vương lại chạy đến trường làng, mua vài quyển sách cũ ở hàng sách rong. Ngày ngày buộc trâu xong, Vương lại ngồi dưới bóng cây liễu mà xem sách.
Bấm đốt tay, thời gian thấm thoát đã ba, bốn năm. Vương Miện xem sách bắt đầu hiểu thông mọi lẽ. Hôm ấy, chính mùa hoàng mai(#2), khí trời nóng nực, Vương Miện chăn trâu mệt, ngồi trên bãi cỏ xanh. Một lát, mây đen ùn ùn kéo đến. Mưa rơi rào rào. Những đám mây đen viền mây trắng dần dần tan đi, mặt trời sáng rực hiện ra làm cho cả mặt hồ đỏ chói. Bên hồ, núi chỗ xanh, chỗ tím, chỗ lục. Cây cối trên hồ sau cơn mưa lại càng tươi xanh, càng thêm đẹp mắt. Giữa hồ có mươi cái hoa sen nước rơi lách tách. Trên lá sen những giọt nước như hạt ngọc lóng lánh chạy qua chạy lại. Vương Miện nhìn xem nghĩ bụng:
- Cổ nhân có câu “xem như mình ở trong tranh”, thật là chẳng sai chút nào! Tiếc thay ở đây không có ai là tay họa sĩ để vẽ mấy hoa sen này! Có thế mới thật là thú!
Vương lại nghĩ:
- Trong thiên hạ không có cái gì không học được. Ta có thể học vẽ hoa sen cũng được chứ sao?
Đang suy nghĩ như vậy, xa xa thấy một người vạm vỡ gánh hai hộp đồ ăn, tay xách một bình rượu: ở trên hộp lủng lẳng một cái chăn. Hắn đi đến dưới gốc cây liễu, lấy chăn trải và mở nắp hộp ra. Theo sau là ba người đội mũ vuông: Một người mặc áo sa màu lam, hai người mặc áo màu huyền, tất cả đều từ bốn mươi đến năm mươi tuổi, tay phe phẩy cái quạt giấy trắng. Họ đi thong thả đến gốc cây. Người mặc áo lam béo đẫy. Khi đến gốc cây thì y nhường cho người có râu mặc áo màu huyền ngồi ở trên, còn người gầy gò thì ngồi trước mặt. Chắc y là chủ vì y ngồi ở chỗ thấp hơn và rót rượu.
Ăn được một lát, người béo nói:
- Cụ Nguy đã về rồi. Cái nhà mới tậu của cụ đáng giá hai ngàn lạng bạc lớn hơn cả cái nhà ở đường Chung Lâu ở Bắc Kinh. Thấy cụ muốn mua, nhà chủ bớt cho cụ mấy mươi lạng để mong lấy thể diện. Mồng mười tháng trước, cụ dọn sang nhà mới. Quan huyện, quan phủ đều đến mừng và ở lại uống rượu đến khuya. Khắp phố không ai là không kính phục cụ.
Người gầy nói:
- Quan huyện đỗ cử nhân khoa nhâm ngọ, là học trò cụ Nguy, cho nên phải đến mừng.
Người béo nói:
- Ông thông gia tôi cũng là học trò cụ Nguy. Hiện nay ông làm tri huyện Hà Nam. Hôm trước thằng rể tôi về biếu hai cân thịt nai khô. Thịt ở trên mâm là thịt của nó biếu đấy! Lần này đi, nó sẽ nhờ ông thông gia viết một bức thư tiến cử tôi, để tôi có thể yết kiến cụ. Nếu cụ hạ cố đến làng tôi đáp lễ thì cái bọn trong làng sẽ không còn dám thả lừa, thả lợn vào ăn lúa, ăn má của chúng ta nữa.
Người gầy nói:
- Cụ Nguy thực là một nhà học giả!
Người có râu nói:
- Nghe nói, gần đây, khi rời kinh, Hoàng thượng có thân hành tiễn cụ ra khỏi thành, cầm tay cụ đi đến mười mấy bước. Cụ Nguy phải hai ba lần từ tạ, Hoàng thượng mới lên kiệu về. Xem thế đủ biết thế nào cụ cũng sẽ làm quan to.
Ba người kia cứ người này một câu, người kia một câu, nói mãi không hết.
Thấy trời đã chiều Vương Miện dắt trâu về nhà. Từ đó, Vương không lấy số tiền để dành để mua sách nữa. Vương nhờ người ta ra phố mua các thứ màu, để học vẽ hoa sen. Lúc đầu Vương vẽ không đẹp, nhưng chỉ ba tháng sau, hoa sen vẽ ra đã lột được tất cả tinh thần, màu sắc. Nhìn vào trang giấy có cảm tưởng như thấy hoa sen đang mọc dưới hồ hay người ta hái hoa sen ở dưới hồ lên rồi đặt lên giấy.
Người làng thấy Vương vẽ đẹp, bỏ tiền ra mua. Vương Miện được tiền, mua những đồ vật tốt để kính biếu mẹ. Một truyền hai, hai truyền ba, cả huyện Chư Ký đều biết tiếng Vương là một danh bút về vẽ hoa và tranh nhau mua. Lên mười bảy, Vương không ở nhà Già Tần nữa, mỗi ngày Vương vẽ vài bức tranh và đọc thơ cổ. Dần dần, Vương không phải lo đến việc ăn mặc. Bà mẹ rất vui mừng.
Vương Miện vốn thông minh. Chưa đầy hai mươi mà tất cả kiến thức về thiên văn, địa lý, kinh, sử, đều thông suốt hết.
Nhưng tính Vương không giống như người ta. Vương không thích làm quan, lại không kết bạn, suốt ngày chỉ đóng cửa đọc sách. Thấy trong “Sở từ” có bức tranh vẽ áo mũ của Khuất Nguyên, Vương cũng tự làm lấy một cái mũ hết sức cao, một bộ áo quần hết sức rộng.
Gặp tiết xuân, hoa tươi, liễu tốt, Vương đội mũ cao mặc áo rộng, miệng hát nghêu ngao tay cầm roi, đánh chiếc xe trâu chở mẹ đi dạo chơi quanh xóm và bên hồ. Trẻ em trong xóm tụm năm tụm ba chạy theo Vương mà cười. Vương cũng không buồn để ý. Chỉ có ông hàng xóm là Già Tần, tuy làm nghề cày ruộng nhưng chính là người biết nhìn. Thấy Vương từ bé đến lớn khác người như vậy, Già Tần rất yêu và rất kính, thường mời Vương về nhà cùng nói chuyện chơi.
Một hôm, Già Tần đang ngồi thì thấy ở ngoài có một người đi vào, đầu đội mũ hình miếng ngói, mặc áo lục. Già Tần ra tiếp mời ngồi. Gã này họ Địch, là sai nhân ở huyện Chư Ký đồng thời là tay sai vặt của quan huyện. Vì Tần Đại hán, con của Già Tần, làm con đỡ đầu của hắn, gọi hắn là cha nuôi, nên hắn thường về chơi. Già Tần vội vàng bảo con pha trà, giết gà, nấu để thết, và mời Vương Miện ngồi tiếp. Sau khi mọi người nói qua họ tên, gã họ Địch nói:
- Xin hỏi ông Vương đây có phải là người vẽ hoa không? Già Tần đáp:
- Đúng vậy! Tại sao ông biết?
- Trong huyện ai lại không biết? Hôm trước cụ huyện nhà tôi dặn tôi tìm cho cụ hai mươi bốn bức tranh vẽ hoa để tặng quan trên. Tôi nghe danh ông Vương đã lâu, cho nên đi ngay đến đây. Ngày nay may mắn được gặp ông, mong ông chịu khó múa bút cho, nửa tháng sau tôi sẽ đến lấy. Tiền nhuận bút bao nhiêu tôi sẽ đưa lại.
Già Tần ở bên cạnh ép Vương Miện nhận lời. Vương Miện nể Già Tần, từ chối không được, nên cũng bằng lòng. Về nhà Vương đem hết tâm trí ra vẽ hai mươi bốn bức tranh hoa, mỗi bức đề một bài thơ. Địch đem lên cho quan huyện. Quan huyện là Thời Nhân đưa cho Địch hai mươi bốn lạng bạc. Địch xén mất một nửa, chỉ đưa Vương Miện mười hai lạng. Tri huyện đem tập tranh và những lễ vật khác lên biếu Nguy Tố để làm lễ ra mắt.
Nguy Tố nhận lễ vật, cứ lo nhìn tập trung, ngẩn ngơ không muốn rời mắt. Hôm sau Nguy sai dọn tiệc mời tri huyện Thời đến cám ơn. Sau lúc hàn huyên, uống vài chén rượu, Nguy Tố nói:
- Hôm trước tôi nhận được của ngài một tập tranh. Đó là tranh của người xưa hay tranh của người bây giờ?
Thời tri huyện không dám giấu giếm nói:
- Đó là tranh của anh nông dân huyện tôi, tên là Vương Miện. Anh ta hãy còn ít tuổi. Tôi cho rằng anh ta mới học vẽ qua loa, làm sao mà lọt mắt xanh của ngài được.
Nguy Tố thở dài:
- Ta bỏ nhà ra đi đã lâu. Ở quê có người hiền sĩ như thế này mà ta không biết, thực là xấu hổ. Con người này không những tài cao, mà kiến thức cũng khác thường. Danh tiếng và địa vị của ông ta sau này không kém tôi và ông đâu. Không biết ông có thể mời ông ta lên đây không?
Thời tri huyện nói:
- Khó gì việc ấy. Khi trở về tôi sẽ cho mời anh ta đến. Nghe nói được ngài thương, chắc chắn anh ta sẽ vui mừng khôn xiết.
Nói xong Thời từ giã Nguy Tố trở về nha môn, sai Địch mang danh thiếp đến mời Vương Miện. Địch chạy về làng, đến nhà Già Tần, mời Vương Miện sang. Địch nói việc đó với Vương, Vương Miện cười:
- Như thế này thực là phiền ông; nhờ ông bẩm với quan huyện rằng Vương Miện là một đứa dân cày, không dám mong gặp ngài. Nó không dám nhận tờ thiếp mời này.
Địch trở mặt nói:
- Quan lớn viết thiếp mời, ai lại dám từ chối không đi! Huống chi việc này là việc ta chiếu cố đến anh. Không có ta thì quan lớn làm sao biết anh vẽ hoa giỏi? Đáng lý ra, được gặp quan lớn là anh phải cảm ơn ta mới phải. Đằng này, ta đến đây không được một chén trà, anh lại cứ chối quanh chối quẩn, không chịu yết kiến, là lẽ làm sao? Ta làm thế nào mà thưa lại với quan lớn đây? Quan lớn làm chủ một huyện lại không gọi được một anh dân sao?
- Thưa ông, không phải như vậy! Nếu như tôi có làm việc gì, quan lớn viết giấy gọi, tôi dám đâu không đến! Nhưng nay quan lớn viết thiếp mời tức là không có ý bắt buộc. Tôi không đi chắc ngài cũng lượng thứ.
- Anh nói cái gì chẳng ai hiểu ra sao cả? Có giấy đòi thì đi, có thiếp mời lại không đi, thật chẳng hiểu người ta cất nhắc là cái gì hết.
Già Tần nói: - Thôi ông Vương, quan lớn đã có thiếp mời ông, chắc là có ý tốt, ông cũng nên lên một chuyến. Cổ nhân có câu: “Ông quan làm cửa tan nhà nát”, ông không nên gây chuyện làm gì.
Vương Miện nói: - Cụ Tần ơi! Cụ không biết, xin cụ cho tôi nói một điều. Cụ không biết chuyện Đoạn Can Mộc và chuyện Tiết Liễu(#3) sao? Vì vậy tôi không muốn đi.
Địch nói: - Anh làm thế là rất phiền cho tôi, bây giờ tôi về bẩm gì với quan lớn đây!
Già Tần nói: - Kể thực cũng khó cho cả hai ông! Đi thì ông Vương không muốn, mà không đi thì ông Địch không biết nói gì lúc trở về. Nay tôi có một cách: Trở về, ông không nên nói là ông Vương không chịu đi, cứ nói là ông Vương mắc bệnh ở nhà không đến được, một hai ngày sau khỏe sẽ xin
lên.
Địch nói:
- Nếu mắc bệnh thì phải có hàng xóm chứng nhận mới được.
Bàn bạc với nhau một lát, Già Tần nấu cơm chiều mời hắn ăn. Lại bảo ngầm với Vương Miện ra xin mẹ ít tiền đưa cho Địch làm tiền phí tổn. Bấy giờ hắn mới chịu về bẩm với tri huyện.
Tri huyện nghĩ bụng:
- Thằng này ốm gì mà ốm? Chẳng qua tại cái thằng Địch xuống làng cáo mượn oai hùm, làm nó sợ mất vía chứ gì? Xưa nay nó chưa bao giờ thấy quan, nên nó sợ mà không dám lên chứ gì? Nhưng quan thầy ta thì lại giao cho ta mời nó. Ta không mời được nó thì quan thầy lại bảo ta không làm được việc. Chi bằng ta cứ thân hành đến làng thăm nó. Nó thấy ta chiếu cố, thì hiểu không ai khó dễ với nó làm gì và sẽ có can đảm gặp ta. Ta đưa nó về ra mắt quan thầy, như thế chẳng là làm việc chu đáo sao!
Y nghĩ:
- Mình đường đường một ông quan huyện mà chịu khuất mình đi thăm một anh nông dân ở nơi thôn xóm, nhỡ bọn nha lại nó cười thì thế nào?
Nhưng lại nghĩ:
- Quan thầy ta hôm trước nói đến nó thật là kính trọng! Thầy ta kính nó mười phần, ta lại phải kính trọng nó trăm phần. Vả lại chịu “hạ mình với kẻ tôn quý” biết “kính trọng người hiền”, thì sử sách sau này sẽ dành riêng một chương mà tán tụng ta. Đó là một việc “ngàn năm bất hủ”. Sao lại không được!(#3)
Bèn quyết định đi.
Sáng hôm sau tri huyện cho gọi những người khiêng kiệu đến. Y không đem theo tất cả những thuộc hạ, chỉ có tám người đội mũ màu đỏ viền đen, đi thẳng xuống làng. Địch ta chạy theo sau kiệu.
Nghe tiếng thanh la, dân làng già trẻ dắt nhau ra xem kiệu đi đến cửa nhà Vương Miện thì chỉ thấy bảy tám gian nhà tranh, một tấm cửa mộc đóng kín. Địch chạy đến gõ cửa. Gõ một lát, một bà cụ già ở trong nhà chống gậy ra nói:
- Nó không ở nhà, từ sáng sớm đã dắt trâu đi uống nước, nay vẫn chưa về.
- Quan huyện thân hành đến đây nói chuyện với con cụ. Tại sao cụ lại lẩn thẩn như thế! Nói nhanh đi, ông ta ở đâu để tôi tìm!
- Nó thực không ở nhà, không biết đi đâu.
Bà cụ nói xong đóng cửa đi vào.
Trong khi nói chuyện thì kiệu của tri huyện đến. Địch quỳ trước kiệu bẩm:
- Con đến tìm Vương Miện, anh ta không ở nhà, xin quan lớn cho kiệu đến nhà công quán ngồi một lát, con xin đi tìm.
Rồi hắn dẫn kiệu đi vòng ra sau nhà Vương Miện, ở đấy có mấy đám ruộng, xa xa có một cái hồ, bên hồ trồng mấy cây bưởi, cây dâu. Lại có mấy đám ruộng mênh mông ở bên hồ. Có một trái núi tuy không lớn lắm, nhưng cây cối xanh tốt mọc đầy. Cách một dặm gọi nhau còn nghe tiếng.
Tri huyện đến đó, nhìn xa xa thấy một chú bé cưỡi trâu đi quanh từ chân đồi đến.
Địch chạy đến hỏi:
- Cháu Tần Tiểu Nhị, cháu có thấy ông Vương dắt trâu đi uống nước đây không?
- Hỏi chú Vương à? Chú đã đến uống rượu ở nhà bà con xóm Vương cách đây hai mươi dặm. Trâu này là con trâu của chú đấy. Chú nhờ tôi dẫn nó về nhà.
Địch ta chạy lại bẩm với tri huyện. Tri huyện đổi sắc mặt nói:
- Đã thế thì không cần đến công quán.
Y lập tức về nha môn.
Tri huyện Thời rất tức giận, muốn sai người bắt Vương Miện đem về trị một mẻ. Nhưng lại sợ quan thầy cho mình là nóng nẩy, nên nén giận mà về. Y định về nói với quan thầy rằng con người này không đáng trọng. Sau này ta trị cho nó một mẻ cũng chưa muộn.
Vương Miện không đi đâu xa, ngay sau đó trở về nhà. Già Tần giận lắm, nói:
- Ông cố chấp quá! Người ta làm chủ một huyện, tại sao lại khinh thường như thế?
- Cụ ngồi đây, cháu nói. Tri huyện Thời dựa vào thế lực Nguy Tố, hà hiếp nhân dân, không cái gì không làm. Con người như thế, thì gặp làm gì? Lần này về, nhất định ông ta sẽ nói lại với Nguy Tố. Nguy Tố nổi giận, sẽ kiếm cớ sinh sự với cháu cũng nên. Nay cháu xin từ biệt cụ, đem ít hành lý trốn đi nơi khác thì hơn. Nhưng chỉ ngại một chút, lòng áy náy không yên là còn mẹ cháu ở nhà.
Bà mẹ nói:
- Con ơi, mấy năm nay con bán thơ, bán tranh, nên mẹ cũng dành dụm được dăm ba chục bạc, không phải lo gì đến tiền nuôi nấng nữa. Mẹ tuy già, nhưng cũng không có bệnh tật. Con cứ yên tâm lánh mình một thời gian không ngại gì việc đó. Con chưa phạm tội bao giờ các quan cũng không có lí gì mà bắt bớ mẹ cả.
Già Tần nói:
- Nói thế cũng có lí. Vả chăng, ông mai một ở cái nơi thôn dã này, có tài, có học cũng chẳng ai biết đến. Lần này đến nơi thị thành biết đâu gặp may mắn cũng nên. Còn về việc trong nhà, ông cứ mặc tôi. Tôi sẽ chăm sóc bà cụ thay ông.
Vương Miện bái tạ Già Tần. Già Tần lại trở về nhà tìm rượu, đồ nhắm để thết. Uống rượu đến nửa đêm mới về.
Hôm ấy, canh năm, Vương Miện dậy, sửa soạn hành lý. Ăn sáng vừa xong thì gặp Già Tần đến. Vương Miện lạy từ biệt mẹ, lạy Già Tần hai lạy. Mẹ con chia tay nước mắt ròng ròng.
Vương Miện chân đi dép gai, lưng mang hành lý, Già Tần tay cầm chiếc đèn lồng trắng nhỏ, tiễn chàng ra khỏi làng, rồi từ giã, nước mắt tuôn trào. Già Tần tay cầm đèn, đứng nhìn cho đến khi Vương đi khuất mới trở về.
Vương Miện ra đi, dầm sương dãi nắng, ngày này qua ngày khác. Vương đi thẳng đến phủ Tế Nam tỉnh Sơn Đông. Sơn Đông là một tỉnh gần phía Bắc, nhưng dân cư đông đúc, sản vật dồi dào, nhà cửa san sát. Vương Miện đi đến đây thì tiền đã cạn, liền thuê một gian phòng ở trước một cái am nhỏ. Vương làm nghề xem bói, đoán chữ, lại vẽ hai bức tranh hoa ở đấy để bán cho những khách đi qua. Mỗi ngày bói và bán tranh, khách đến chen chân không lọt.
Thời gian thấm thoát trôi qua. Ở phủ Tế Nam có mấy tên trọc phú thích tranh của Vương thường muốn mua, nhưng không thân hành đến. Chúng sai bọn đày tớ thô bạo động một tí là hò hét, làm cho Vương Miện ngồi không yên. Vương Miện chịu không nổi, liền vẽ một con bò to tướng treo ở đấy, đề mấy câu thơ, có ý châm biếm. Lại sợ người ta sinh chuyện gì lôi thôi, nên định đi nơi khác.
Sáng hôm ấy Vương đang ngồi thì nghe tiếng rên, tiếng khóc ở ngoài đường: Có người mang theo nồi, cũng có người quẩy hai cái thúng trong đó là con mình. Người nào cũng mặt vàng, mình võ, áo quần lam lũ, hết đoàn này qua đến đoàn khác lại, tất cả đường sá đều chật ních. Lại có người ngồi xin tiền ở ngoài đường.
Hỏi tại sao thế, thì họ đều nói họ là những người ở các châu các huyện ven sông Hoàng Hà, nước sông dâng to, nhà cửa ruộng vườn đều ngập hết cả. Nhân dân điêu vong, ly tán, mà quan lại không tính gì đến, cho nên họ đành phải tha phương cầu thực. Vương Miện thấy quang cảnh này thở dài mà rằng: Sông Hoàng Hà chảy về bắc, thiên hạ từ nay sẽ loạn! Ta còn ở đây làm gì? Bèn thu thập ít bạc vụn, mang hành lý trở về nhà. Về đến Chiết Giang, được tin Nguy Tố đã về triều, tri huyện Thời đã bổ đi nơi khác. Vương về nhà, lòng nhẹ nhàng, lạy chào mẹ. Thấy mẹ vẫn mạnh khỏe như thường, Vương rất vui sướng. Bà mẹ lại kể cho Vương biết Già Tần đã ăn ở tốt như thế nào. Vương vội vàng mở hành lý ra, lấy một tấm lụa và một gói bánh đem qua biếu Già Tần để cảm ơn. Già Tần lại dọn rượu mừng. Từ đấy Vương Miện lại ngâm thơ, vẽ tranh và phụng dưỡng mẹ già như cũ. Sáu năm qua, bà mẹ mắc bệnh, Vương Miện tìm mọi cách chạy chữa, nhưng đều vô hiệu. Một hôm bà cụ dặn Vương Miện:
- Mẹ không qua khỏi. Mấy năm nay, người ta nói với mẹ rằng con là người có học vấn, họ khuyên con nên ra làm quan. Nhưng làm quan e cũng không phải là việc làm cho cha ông vinh hiển. Ta thấy những kẻ làm quan rút cục không được cái gì hay, hơn nữa con tính tình ngạo đời, nếu xảy ra tai vạ lại càng không hay. Con ơi nên nghe lời mẹ, sau này lo cưới vợ, đẻ con, giữ mồ mả của mẹ, chớ có làm quan. Có thế mẹ chết mới nhắm mắt(#4).
Vương Miện vừa khóc vừa dạ. Bà mẹ dần dần thở hơi cuối cùng. Vương Miện giậm chân kêu khóc, hàng xóm, không ai không chảy nước mắt. Già Tần ra sức giúp đỡ việc chôn cất, Vương Miện khiêng đất đắp mộ, việc ba năm tang tóc gối đất nằm sương không cần kể lại đây làm gì.
Một năm sau khi hết tang, thiên hạ loạn lạc. Phương Quốc Trân chiếm cứ Chiết Giang, Trương Sĩ Thành chiếm cứ Giang Tô, Trần Hữu Lượng chiếm cứ Hồ Quảng, đều chỉ là kẻ anh hùng nơi thảo dã. Duy có Thái Tổ hoàng đế khởi binh ở Từ Dương, chiếm được Kim Lăng, tự xưng Ngô Vương, quả thực là bậc vương giả. Thái Tổ lại đem quân đánh phá Phương Quốc Trân, bình định toàn Chiết Giang, trong làng xóm cũng như ở thị thành, đều không bị quấy nhiễu gì.
Một hôm vào giữa trưa Vương Miện đi tảo mộ về, thấy độ mười người cưỡi ngựa đi đến làng mình. Người đi đầu chít khăn võ tướng, mang chiến bào hoa đào, mắt sáng, da trắng, râu ba chòm, rõ ràng là tướng mạo đế vương. Người này đến cửa xuống ngựa, vái chào Vương Miện và hỏi:
- Xin hỏi nhà Vương Miện tiên sinh ở đâu?
Vương Miện đáp:
- Tôi chính là Vương Miện, đây là nhà của tôi.
Người ấy cười mà nói:
- Thế thì may quá. Tôi đến đây để yết kiến ngài.
Y bảo người tùy tùng xuống ngựa, đứng cả ở ngoài, buộc ngựa ở cây liễu bên hồ. Một mình y và Vương Miện dắt tay nhau vào nhà,
Khách và chủ ngồi xong, Vương Miện nói:
- Không dám, xin hỏi ngài đại danh là gì, có việc gì khiến ngài hạ cố đến xóm làng hẻo lánh này.
- Tôi họ Chu, trước đây khởi binh ở Giang Nam, gọi là Từ Dương Vương, nay đóng quân ở Kim Lăng gọi là Ngô Vương. Nhân dịp dẹp Phương Quốc Trân tôi đến đây tìm ngài.
Vương Miện nói:
- Kẻ hèn mọn này mắt thịt không biết gì, không biết bậc Vương công. Tôi vốn là một tên dân ngu ở thôn xóm, dám đâu phiền đến ngài phải quá bước đến đây.
Ngô Vương nói: - Tôi là một người thô lỗ, nay được thấy ngài khí tượng nhà nho thì lòng ham muốn công danh lợi lộc tiêu tán đâu cả. Tôi ở Giang Nam mộ đại danh của ngài, đến đây thăm hỏi, mong ngài chỉ giáo: người Chiết Giang làm phản đã lâu làm thế nào cho họ theo mình.
- Đại vương là bậc nhìn xa, thấy rộng, kẻ hèn mọn này không dám nói nhiều. Nếu lấy nhân nghĩa mà làm cho người ta phục, thì ai mà không phục. Nào có phải riêng gì Chiết Giang? Nếu lấy binh lực mà bắt người ta phục, thì người đất Chiết Giang tuy yếu cũng thà chết chứ không chịu nhục. Ngài không thấy gương Phương Quốc Trân sao?
Ngô Vương thở dài gật đầu cho là phải.
Hai người ngồi kề gối nói chuyện đến khi xế chiều. Những người đi theo đều mang lương khô, Vương Miện xuống nhà bếp nướng một cân bánh, xào một đĩa rau hẹ bưng lên và ngồi tiếp. Ngô Vương ăn xong, cảm ơn lời dạy bảo, lên ngựa ra đi. Hôm đó Già Tần ở thị trấn về hỏi có việc gì. Vương Miện cũng không nói đó là Ngô Vương chỉ nói là một viên quan võ trước đây ở Sơn Đông có quen biết nhau, nay đến thăm thôi.
Comment