KIẾP NÀO YÊU NHAU
Đinh Lâm Thanh
Đinh Lâm Thanh
Mùa hè 1972, Quang cùng đơn vị lên Pleiku yểm trợ chiến trường Tây Nguyên theo kế hoạch hành quân của quân đoàn. Ban chỉ huy đóng ngay bên cạnh bộ tư lệnh, ngoài giờ làm việc cũng như những lúc không bận công tác khẩn cấp, Quang gần như có mặt thường xuyên ngoài phố, từ các nhà hàng phòng trà đến quán café, bia rượu. Chuyên viên ngành tiếp vận nhưng Quang thường kết thân với tất cả anh em đủ binh chủng đến tăng phái cũng như về dưỡng quân sau thời gian dài hành quân từ vùng tam biên.
Quang yêu Pleiku hơn Đà lạt. Thủ đô lính với những đường dốc bùn lầy đất đỏ, phố xá thô sơ nghèo nàn nhưng thật ấm cúng, thiết tha, sâu đậm và thiêng liêng như tình yêu quê mẹ đối với bất cứ những ai đã một lần ghé qua. Thành phố nhỏ, quanh quẩn chỉ vài con đường ngắn, đi dăm phút đã về chốn cũ, nhưng quyến rũ với những quán ăn, quán bia phòng trà mang hình ảnh lính ồn ào náo nhiệt nhưng thật hiền hòa như tình người địa phương. Cuộc sống bình thản không vội vã, không hoảng sợ, mặc dù các trận đụng độ ác liệt đang sát bên cạnh và pháo địch thường xuyên rót vào khu vực phi trường nằm kế cận trung tâm thành phố. Ở đây người dân xem hình ảnh chiến tranh như một cái gì gần gũi quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Họ mở rộng vòng tay chào đón các đoàn quân vội vã đi ngang, đôi lúc dừng lại vài giây lát ăn vội bữa cơm, uống ly café nóng hay chỉ kịp mua gói thuốc rồi tiếp tục lên đường.
Trời về chiều sương mù phủ xuống thành phố một màu trắng nhạt trông trời đất như đang quyện vào nhau, phố xá thưa dần bước chân, sinh hoạt còn lại là những quán ăn náo nhiệt, phòng trà ấm cúng và những quán café trữ tình là nơi tiếp tục mở cửa để sưởi ấm những chiến binh trở về từ mặt trận, tìm quên mệt mỏi, trút bỏ đau thương và xóa tan những hình ảnh chết chóc. Pleiku đất đỏ sương mù không có gì quyến rũ nhưng bất cứ người nào đã rời khỏi nơi đây đều mang theo trong lòng những kỷ niệm sâu đậm, phải chăng là nhờ phố xá không xa nên phố tình thâm hay những nàng thiếu nữ da trắng, má đỏ môi hồng, tóc em uớt và mắt em ướt nên em mềm như mây chiều đông đã trói chặt bước chân người lãng tử. Pleiku, thành phố lính, thành phố của những chàng trai khoác áo chiến binh một khi rời khỏi đây đều vương vấn một mối tình.
Quang cũng không thoát khỏi thường tình của một chàng trai hai mươi lăm tuổi.
Từ khi gặp được hai người bạn, Quang không còn lang thang những ngày cuối tuần, chàng tìm đến với Yên và Phúc, cả hai đang dạy ban văn chương tại trường trung học. Phúc, một thi sĩ nổi tiếng, thường tổ chức những buổi đọc thơ cuối tuần và trong dịp nầy, ánh mắt của một nữ sinh ban văn chương đã hớp hồn chàng ngay trong buổi đầu gặp gỡ. Yên và Phúc cho biết, nàng tên Dung, con của một công chức cao cấp của tỉnh. Dung ngây thơ, trong sáng với mái tóc dài phủ xuống lưng, làn da trắng như tuyết, mắt nâu màu hạt dẻ mở lớn, ngơ ngác như nai, đôi gò má núm đồng tiền lúc nào cũng đỏ ửng và làn môi hồng cười lộ đôi hàm răng trắng Nàng lãng mạng yêu thơ, thích nhạc, cởi mở, nhưng nàng trong sáng quá. Đã là bạn với Yên và Phúc xem như đứng vào hàng thầy cô hoặc chú bác. Đời binh nghiệp, khoác chiếc áo trận nay đây mai đó, trên lưng vỏn vẹn chiến balô, cuộc sống bấp bênh chưa biết thương tật sống chết bất chợt đến giờ nào, nhiều lần tự vấn lương tâm nhưng Quang không thể tiến tới dù biết Dung có thể ngã vào vòng tay Quang một khi chàng tỏ tình. Chàng đành ôm mối tình câm và hy vọng một ngày nào đó
Ngày được lệnh di tản, thu xếp xong công việc Quang vội vã đến đón Dung đi theo đoàn xe đơn vị rời Pleiku chạy xuống Quy Nhơn, nhưng đã trễ, gia đình đã tự túc khởi hành từ lúc sáng sớm. Từ đó Quang mất hẳn liên lạc với Dung, cho đến mùa thu năm 1978 Quang gặp lại nàng trong trại tỵ nạn ở Mã lai. Đến lúc nầy Quang mới biết mặt cha mẹ Dung và người em gái, cả nhà đối xử thật tốt với Quang nhưng đối với nàng hình như đang bị một cái gì ngăn trở. Trao đổi bình thường Dung rất nhiệt tình nhưng khi đề cập đến vấn đề tình cảm thì nàng lẩn tránh và không bao giờ cho biết rõ lý do. Chừng sáu tháng sau, Quang được tòa lãnh sự Mỹ cấp giấy nhập cảnh, lúc đến chào từ giã lần đầu tiên Dung ngã vào người Quang nức nở khóc. Quang vỗ về an ủi và hứa qua đến Mỹ sẽ tìm đủ mọi cách để sống gần nhau. Nhưng Dung chỉ lắc đầu từ chối và không một lời giải thích gì thêm.
Dung không trả lời Quang mặc dù Dung đã nhận được gần hai chục lá thư kể từ lúc Quang đặt chân lên đất Mỹ và sau đó cắt hẳn liên lạc với Quang khi gia đình nàng lên đường định cư tại một nước thứ ba.
Sau ba năm vừa làm vừa học, Quang ra trường với mảnh bằng kỹ sư vi tính và ổn định ngay với một chức vụ quan trọng trong công ty phần mềm của người Mỹ. Sau đó một năm Quang kết hôn với Chi, con gái út của một gia đình nổi tiếng giàu có từ trước, đến định cư giữa năm 1975. Chi tốt nghiệp ngành địa ốc và được gia đình giúp vốn để mở một văn phòng lớn tại quận Cam.
Một cặp vợ chồng thật lý tưởng và xứng đôi, Quang đẹp trai, cao lương và được xã hội ưu đãi. Chi điều hành một hoạt động hái ra tiền một cách dễ dàng. Họ có đời sống vật chất thật cao, hai ngôi nhà đáng giá cả triệu, vợ chồng mỗi người một chiếc xe đua, chi tiêu không bao giờ tính toán đến tiền bạc. Hai người kết hôn đã lâu nhưng vẫn chưa có con. Có lần Quang đưa Chi đến một bệnh viện chuyên nghiệp sản khoa, ở đây bác sĩ cho biết họ cần một thời gian theo dõi để biết nguyên nhân từ người vợ hay do người chồng. Nghe qua, hai người đều cho rằng con cái chưa quan trọng trong lúc nầy đối với một cặp vợ chồng trẻ, hơn nữa họ đang cần thời giờ dành cho việc kiếm tiền quá dễ dàng và nhanh chóng. Nhìn bên ngoài đôi vợ chồng sống thật đầm ấm hạnh phúc, nhưng đi sâu vào đời sống riêng tư, cũng như gia đình khác, vẫn có những khúc mắc thầm kín. Chi, con người của thực tế, suốt ngày chỉ có con số, tính toán lúc nào cũng nằm sẵn trong đầu. Quang thì thờ ơ với tiền bạc, thường lái câu chuyện qua thơ văn mỗi khi chuyện trò với vợ. Do đó đối thoại giữa hai người thường đi vào bế tắc. Vì tôn trọng đời sống riêng tư của nhau, sau bữa cơm tối, vợ theo dõi báo chí, thị trường địa ốc, tin tức vật giá trong ngày. Quang một mình đọc sách nghe nhạc, đến chừng mệt mỏi hai người vào phòng thì giấc ngủ giờ đó quyến rũ hơn những vấn đề khác. Hai người đều quên rằng việc ái ân giữa vợ chồng cũng đòi hỏi có sự hòa hợp, hai người phải tạo cơ hội và khuyến khích lẫn nhau để đi đến tận cùng của yêu đương. Không thể một người sẵn sàng trong lúc người kia chưa chuẩn bị.. Những trục trặc nho nhỏ đưa dần đến sự lạnh nhạt hay nhàm chán cuối cùng đi đến quên lãng bổn phận vợ chồng.
Bận công việc, bận xem sách đọc báo, vào giường ngủ không cùng lúc cùng giờ là những lý do đã tách rời đời sống vợ chồng Quang. Từ chỗ không hòa hợp trong nhiều khía cạnh, việc gối chăn từ đó vắng dần nhưng hai người vẫn một mực yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Giữa hai vợ chồng chưa bao giờ lớn tiếng về bất cứ một bất đồng nhỏ nào nhưng những khác biệt trong cuộc sống thường nhật cứ lớn dần trong im lặng.
Cho đến một ngày Quang tâm sự với Chi:
- Em à, cuộc sống chúng mình đầy đủ, tình yêu hai đứa trọn vẹn nhưng anh vẫn thấy có một cái gì càng ngày càng ngăn cách chúng ta.
Chi đáp không suy nghĩ:
- Có lẽ đúng vậy, bên ngoài ai cũng ganh với vợ chồng mình đủ mọi phương diện, nhưng giữa chúng ta có thật sự hạnh phúc hay không? Tình yêu thuần túy chưa hẳn là điều kiện chính để tạo hạnh phúc mà phải có sự hòa hợp trong cuộc sống chung đụng giữa vợ chồng.
- Anh đồng ý với em nên muốn cùng em hôm nay phân tách để chúng ta cùng tìm một lối thoát.
Chi hơi ngạc nhiên:
- Lối thoát gì?
- Anh nói lối thoát có nhiều khía cạnh: Tổ chức lại cuộc sống, cho ra đời một đứa con, bỏ bớt những đam mê suy tư hay công việc cá nhân để dành nhiều thời giờ cho nhau. Nếu những phương cách trên không thể cứu vãn thì trả lại tự do ban đầu cho nhau.
Vài phút suy tư, Chi đặt hỏi lại:
- Nghĩa là nếu các giải pháp trên không đưa đến tiến bộ nào trong đời sống riêng tư chúng ta thì ly dị?
Quang gật đầu:
- Có thể như vậy, để trả lại sự tự do cho nhau còn hơn ràng buộc để gây đau khổ.
- Đồng ý với anh. Bây giờ theo ý anh, tổ chức lại cuộc sống như thế nào? Suốt tuần hai đứa đi làm, về đến nhà chỉ còn lại chút thời giờ lo ăn uống rồi chuẩn bị đi ngủ. Cuối tuần đi chợ mua sắm để chuẩn bị cho tuần tới. Nếp sống Mỹ đã vạch cho chúng ta chương trình làm việc, sinh hoạt, ăn ngủ như chiếc máy không thể thay đổi gì được ngoại trừ trường hợp thất nghiệp hay đã nghỉ hưu.
- Em có nghĩ chúng ta nên có con?
- Em cũng muốn con, nhưng có lẽ chưa phải lúc nầy. Vả lại chưa biết trường hợp của chúng ta thế nào, phải mất một thời gian khám nghiện chữa trị mới biết. Còn phương cách thứ ba?
- Đời sống tinh thần rất quan trọng, không thể gạt qua một bên hoặc từ bỏ hẵn trong cuộc sống phàm tục. Mỗi người cần phải có một chí hướng, một đam mê, dù tốt hay xấu, mới thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, từ đó họ sẽ ham sống và hăng say trong công việc. Trong cuộc sống lứa đôi, cũng khó buộc người bạn đời của mình phải dứt bỏ đam mê của họ nhất là những đam mê hữu ích và vô hại.
Chi lơ lửng đặt câu hỏi:
- Nếu vậy, ly dị là giải pháp tốt nhất?
- Có thể như vậy, có nhiều lý do và hình thức ly dị đặc biệt cho mình.
- Lý do?
- Vì hai đứa mình vẫn thương yêu và kính trọng nhau, ly dị để trả lại, có thể tạm thời, tự do cho nhau.
- Sao gọi là tạm thời?
- Anh nghĩ rằng có thể một ngày nào đó, khi chim mỏi cánh hoặc hai đứa đều nhận thấy sự cần thiết của nhau trong đời thì " châu về hiệp phố ".
- Cũng có nghĩa là tình yêu cũng như thể xác con người, cần nghỉ hè để lấy lại thăng bằng hay tân trang vô dầu mở kiểm tra kỹ thuật như cái máy?
Quang cười lớn:
- Gián đoạn công vụ thì đúng hơn.
- Anh nghĩ thế nào cũng được, nhưng tại sao quan niệm như vậy?
- Tình yêu cũng như một món đồ, có thể nhàm chán và bị bỏ quên nhưng một ngày nào đó bắt gặp lại, nó sẽ trở nên mới và quý giá. Con người cũng thế, đã là của riêng và thường xuyên ở sát bên cạnh, đôi khi mình không hoặc chưa biết giá trị thật của người bạn đồng hành. Hai người cần phải cách xa một thời gian và phải va chạm những gì mình hằng mơ tưởng, lúc đó mới thấy được cái đáng yêu và giá trị của những gì mình đã có trong tay mà từ lâu chưa biết hay không biết đến.
- Như vậy ý anh muốn tình yêu chúng mình cần phải trải qua một thời gian gián đoạn xem như thời kỳ thử thách mới có thể nhìn thấy giá trị tiềm ẩn bên trong. Em đồng ý, nhưng nếu một trong hai nguời tìm được một nguồn hạnh phúc mới?
Quang cười:
- Thì cầu chúc hạnh phúc cho nhau.
- Còn người kia?
- Không thể trở về bến cũ thì kiếm con đò khác. Đàng nào hai người cũng tạo được hạnh phúc mới, như vậy vấn đề ly dị chính là một giải pháp đẹp cho nhau trước một tình yêu vợ chồng gò bó không lối thoát.
Chi im lặng một lúc rồi trở lại đề nghị của Quang:
- Anh nói hình thức ly dị đặc biệt là thế nào?
- Chắc em công nhận với anh, suốt trong thời gian chung sống giữa chúng ta, tuy có những cách biệt nhưng chưa bao giờ gây gổ về chuyện gia đạo, tiền bạc, cũng như cho đến giờ nầy chưa có một hình bóng người nào trong đời sống tình cảm của anh cũng như của em. Như vậy chúng ta ly dị trong sự hiểu biết và tình yêu thương.
- Nghĩa là?
- Ra tòa ly dị không tranh chấp, không phân chia tài sản và cũng không quy trách nhiệm cho ai. Anh chỉ lấy lại ngôi nhà của anh cho mướn và về đó ở.
- Viện cớ gì để xin ly dị?
- Trục trặc chăn gối. Đây là lý do hữu hiệu và nhanh chóng nhất.
Bạn bè đều nhận được lời mời dùng cơm thân mật tại nhà vợ chồng Quang. Không người nào thắc mắc gì vì trong đám bạn bè của Quang cũng như Chi đều có thói quen luân phiên dùng cơm tại nhà nầy hay nhà khác. Nhưng hôm nay, khi tất cả đến đây họ nhận được ba chuyện lạ, số khách mời đông hơn thường lệ trong đó có những người không quen thân lắm, các món ăn đều được nhà hàng mang đến phục dịch và vợ chồng Quang ăn mặc thật chỉnh tề như ngày đại lễ.
Mở đầu câu chuyện Vinh vào đề trước:
- Có gì lạ mà hôm nay ông bà trịnh trọng vậy?
Chi cười bí mật:
- Chút nữa sẽ biết, bây giờ cứ tự nhiên, hôm nay là ngày đại lễ.
Tất cả vào bàn vui vẽ với nhiều món ăn đúng như lời Chi vừa nói. Cuối bữa tiệc, Quang đưa ra một thùng rượu champagne đã ướp lạnh, Chi bưng chiếc bánh ba từng theo sau, Quang kéo Chi vào lòng:
- Hôm các bạn phải uống hết thùng rượu nầy mới được ra khỏi nhà. Ngày vui của hai vợ chồng tôi.
Tất cả vỗ tay chúc mừng. Có nhiều người lên tiếng hỏi:
- Có chuyện gì vui tuyên bố ngay đi !
Chi rót rượu cười tươi:
- Phải qua xong một vòng rượu trước chúng tôi sẽ nói lý do sau.
Xong đợt rượu đầu tiên, Chi đứng dậy, Quang ép sát vào người và vòng tay qua lưng Chi, rồi trịnh trọng:
- Hôm nay là ngày chúng tôi chính thức ly dị với nhau !
Tất cả đều chưng hửng trước câu tuyên bố của vợ chồng Quang. Mọi người để ly rượu xuống, căn phòng rộng lớn với trên hai chục người khách hoàn toàn trở nên im lặng. Bỗng có tiếng trong nhóm khách:
- Đừng đùa, coi chừng xảy ra chuyện thật thì mệt lắm !
Chi tươi cười lặp lại:
- Đã suy nghĩ và bàn tính với nhau từ lâu, hôm nay chúng tôi quyết định mời các bạn đến đây dự lễ ly dị !
Vừa dứt lời Chi cởi chiếc nhẩn cưới trên ngón áp út và trao lại cho Quang, đồng thời lấy trong bóp xách tay tờ phán quyết cho phép ly dị của toàn án. Hai người quay lại ôm nhau hôn môi một cách nồng nàn thắm thiết như nụ hôn lần đầu họ đã trao cho nhau ngày cưới.
Bây giờ thì khách mời ngẩn ngơ và không cách nào hiểu được hai người đang diễn một hoạt cảnh gì. Các bà ngạc nhiên tột độ, miệng há hốc, mắt nhìn không chớp vào hai vợ chồng Quang, trong lúc các ông vỗ tay cổ võ.
Khi hai người buông nhau, Quang cười với khách:
- Đây là nụ hôn chia tay của tình vợ chồng tôi, có thể là vĩnh viễn và cũng có thể là giai đoạn.
Kha đánh tan bầu không khí đang căng thẳng:
- Tại sao làm vậy? Chúng ta tất cả đều bạn thân, chúng tôi không hiểu, hai người có thể cho một vài giải thích.
Vợ chồng Quang đồng cười:
- Dĩ nhiên, chúng tôi không dấu gì, nhưng để chúng tôi trình bày xong các bạn cứ đóng góp ý kiến. Tôi nhắc lại là đóng góp ý kiến cho vui thôi chứ chúng tôi đã quyết định và chuyện đã rồi không thể quay lại.
Chưa ai có ý kiến gì, Chi trình bày trước:
- Chúng tôi ly dị vì yêu thương nhau thì đúng hơn. Ra tòa không tranh chấp, không phân chia tài sản, vẫn quý mến nhau và có thể một ngày nào đó sẽ quay trở lại sum hợp với nhau.
Từ ngạc nhiên nầy đến thắc mắc khác đã thúc đẩy khách mời tranh nhau nhiều câu hỏi. Quang và Chi không che dấu một điều gì, hai người trình bày những gì đã thảo luận và tính toán với nhau từ trước. Những lời giải thích tuy chưa chấm dứt nhưng đã chia người nghe thành hai nhóm, các ông đa số ủng hộ ngược lại các bà phần đông ra mặt chống đối. Nhưng dù ủng hộ hay chống đối, trong tình cảnh nầy tất cả đều cảm thấy mùi vị champagne quen thuộc bỗng trở nên đắng nghét ở trong cổ họng, họ được mời đến để chứng kiến một đổ vỡ, không biết nên vui hay buồn cho hai người bạn trước một quyết định quá mới và táo bạo.
Comment