Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

N g ô i C ổ M ộ N h à H ọ H ứ a

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • N g ô i C ổ M ộ N h à H ọ H ứ a


    N g ô i C ổ M ộ N h à H ọ H ứ a - Phạm Phong Dinh




    Phần 1


    Từ xa lộ Đại Hàn đi Thủ Đức, có những con hương lộ nhỏ chạy sâu vào khu đất đỏ thưa người, cho đến khi chúng mất hút vào trong những khóm cao su xanh thẫm. Theo con đường mòn cắt ngang một khu rừng cao sunhỏ đi mãi về hướng quốc lộ một, thì người ta sẽ trông thấy một cái đồi thấp nằm giữa những rặng cây. Đất đồi cằn cỗi nên những loại cây lớn không mọc nổi, chỉ có những lùm bụi còn gượng sống rải rác trên triền đồi.

    Một vài loại cây xương rồng lạc loài vươn mình lên trên trời cao giữa những tàng lá thấp lè tè và tròn như những cái mũ nấm. Gọi là đồi, nhưng cái đỉnh của nó xoải rộng và chạy dài thoai thoải, có lẽ phải gọi là cái giồng đất mới đúng. Nhờ địa hình khá là bằng phẳng đó, nên từ mấy mươi năm trước, người Hoa sinh sống ở gần đó, thậm chí ở mãi tận Chợ Lớn, đã đem thân nhân qua đời lên mai táng ở đấy, dần dà, ngọn đồi đã trở thành cái nghĩa trang riêng của người Hoa lúc nào chẳng rõ. Nếu xuyên qua hết cánh rừng ra đến xa lộ đi Biên Hòa, thì người ta sẽ lại trông thấy một cái nghĩa trang khác to lớn và bề thế hơn nhiều, mà ai cũng biết đó là Nghĩa Trang Quân Đội, nơi an táng những người lính đã hy sinh ở mặt trận. Nằm ở một vị trí biệt lập và hẻo lánh, mười mấy năm sau ngày đất nước đổi chủ, cái nghĩa trang ở giữa rừng cao su dường như đã trở thành một bãi tha ma hoang phế, cỏ tranh lau lách mọc um tùm. Có thể là những thân nhân còn sống của những người chết nằm dưới đáy mộ đã di tản đi nước ngoài hết rồi, hay là đã trôi dạt dật dờ lên những vùng đất hoang vu hẻo lánh nào đó, để gọi là làm lại một cuộc sống mới.

    Mỗi năm vào Tiết Thanh Minh, người Hoa có tục đi tảo mộ đông đảo là thế, nhưng mà ở cái nghĩa trang này, họa hoằn lắm chỉ thấy lác đác không quá mươi người, trông thật là đìu hiu và buồn thê thiết làm sao. Ở giữa gần trăm ngôi mộ, chỉ thấy vài con người cúi lom khom cắm nhang khấn vái qua loa, để gọi là tỏ lòng còn nhớ đến người đã chết. Khói nhang ẻo lả quyện trong không khí cùng với mùi đất và mùi cỏ úa hăng hăng, tạo nên thành một thứ hương trầm kỳ bí dễ gợi cho người ta những ảo giác u ám trong một cõi không gian đẫm đầy một thứ âm khí lạnh lẽo. Những tờ giấy tiền âm phủ được phết bằng loại kim nhũ vàng và trắng rải đầy trên những nấm mồ bị những cơn gió trên đồi thổi bay lả tả, trông như những con bướm chập chờn. Thỉnh thoảng từ trên những tàng cây cao su, có tiếng những con chim lạ rúc lên những tràng dài kinh dị. Người giàu óc tưởng tượng sẽ nghĩ rằng chúng đang gọi hồn người chết trở về, để thụ hưởng những vật thực được bày biện trong những chiếc dĩa sứ. Cũng có thể chúng là những con chim đã đánh hơi thấy mùi thức ăn, nên ríu rít gọi nhau đến chia phần. Rồi những con người sống ấy, có lẽ hãi sợ cái cảnh u ám xám xịt của những nấm mồ hoang bia đá ngã nghiêng lẩn khuất giữa những khóm cỏ vàng vọt, đã dắt díu nhau đi nhanh ra khỏi bãi tha ma, leo lên một chiếc xe lam đang nổ máy chờ sẵn bên bìa rừng. Người tài xế bẻ tay lái quày đầu xe, rú ga phóng ra hướng xa lộ Đại Hàn, để lại đằng sau một đám bụi đỏ mù mịt.

    Những con quạ đói chỉ chờ có thế, mỗi năm cứ đến ngày này, chúng kéo về đây chực chờ ăn tiệc, một bữa tiệc giữa những nấm mồ, trên những bộ xương mục rã dưới lòng đất. Mấy mươi con quạ giang rộng những chiếc cánh đen mốc, sù sì hối hả sà xuống những dĩa thức ăn tranh nhau mổ trong những tiếng kêu the thé. Giữa một buổi chiều nắng tàn, bầy quạ đen xúm xít tranh ăn trên những nấm mộ cỏ úa, tiếng kêu rít của chúng ngân nga rền rền trên trên đỉnh đồi, vừa buồn ảo não vừa dị thường như một chuỗi âm thanh từ một thế giới kỳ bí ma quái nào đó vọng về.

    Người Hoa không xây nấm mộ bằng xi măng kiên cố gọi là kim tĩnh như người Việt. Những nấm mộ trên đồi chỉ được đấp đất thấp bè bè nhưng phình to ra như một cái mu rùa. Đầu cái nấm đất được khoét sâu vào ở giữa, làm hai bên mộ khuỳnh khuỳnh giống như hai cánh tay khoanh tròn, ôm ấp một tấm bia xây bằng xi măng theo hình cánh cung, trên mặt bia có cẩn những hàng chữ Tàu đỏ chóe chạy dọc xuống, chẳng rõ mang mển ý nghĩa gì, nếu người ta không hiểu được Hán tự. Người Tàu cũng hiếm khi xây nhà mồ, nhưng ở cái nghĩa trang này, trong một góc hẻo lánh nhất gần tận bìa rừng cao su phía bên kia triền đồi, thật lạ lùng, có một cái nhà mồ khá là bề thế bằng đá hoa với những hàng cột và mái ngói được xây theo kiểu đền miếu Trung Hoa.

    Không biết ngôi nhà mồ này được kiến trúc từ lúc nào, nhưng chắc phải là lâu lắm, vài ba mươi năm là ít, vì những vết rạn nứt chạy dài trong những khối gạch đá bủng nát, mái ngói phủ màu xanh mốc của những tảng rêu, đã chứng minh được sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian. Ở giữa ngôi cổ mộ, trên nền xi măng nổi lên một cái nấm mộ khá lớn làm bằng loại đá vân cẩm thạch quý, mà chỉ ở mãi tận ngoài xứ Quảng mới có. Thân nhân của người quá cố chắc phải thuộc giới giàu có tột bậc, mới có thể đặt mua thứ đá quý này. Mỗi năm vào Tiết Thanh Minh, có một bà già người Hoa cùng với, có khi là một cô cháu gái, có khi là một thiếu phụ đứng tuổi mang mấy cái giỏ xách đựng giấy tiền vàng bạc, hương hoa, nhang đèn và thức ăn đến tảo mộ. Ngôi nhà mồ đã lâu không ai chăm sóc nên cỏ tranh mọc phủ bịt bùng chung quanh, mấy người đàn bà phải vẹt cỏ đi vào. Những lá cỏ cao gần tới đầu người cứng và sắc, nếu không mặc áo tay dài sẽ bị cứa rất đau rát, hợp với lùm bụi um tùm làm cho ngôi cổ mộ chìm trong một cõi mờ nhạt xám xịt.

    Giữa ban ngày mà bên dưới cái mái ngói nhập nhoạng một thứ ánh sáng sâm sẩm làm cái nấm mồ đá hoa như tắm trong cõi u minh. Bà già và người cháu gái lể mể bày biện đồ cúng trước cái bia mộ dầy đặc những hàng chữ Tàu được khắc bằng kim nhũ, tuy lâu năm mà chất vàng vẫn còn lóng lánh. Họ thì thụp chấp tay van vái trước tấm bia đá hoa, nhưng đôi mắt của họ thì dáo dác nhìn quanh như e sợ một điều gì. Đôi môi lẩm nhẩm những câu kinh niệm Phật, mà trong lòng họ đang dậy lên một trạng thái bồn chồn xốn xang, chỉ muốn đứng dậy đi nhanh ra khỏi nơi cô liêu trầm mặc đó. Có một năm, bà già đã để ý rằng, bỗng dưng khung cảnh trong ngôi cổ mộ sáng bừng lên. Ánh mặt trời làm thành một dải tơ vàng lóng lánh vắt lên chóp nấm mồ. Những người đàn bà đã nhận ra rằng, đám cỏ tranh đã bị những người nào đó chém phạt xuống tận gốc, nhưng chúng vẫn không chịu khuất phục, những mầm non màu lá mạ nhú lên như những mũi kim nhọn. Bà già cùng cô cháu gái xách giỏ bước vào bên trong ngôi nhà mồ.

    Bà lão ngồi xuống bên nấm mồ lúi húi sắp xếp lễ vật, bỗng bà thét lên một tiếng kinh hoàng:

    - Á...

    Tội nghiệp bà già, bà ngã ngửa người ra sau tựa vào ngực cô cháu gái. Cô gái cất tiếng muốn hỏi, nhưng nàng cũng tái mặt hoảng vía ú ớ, khi nàng trông thấy hai cái hình thù gì đó nằm lù lù như hai cái khối đen phía bên kia cái nấm đá hoa, ở góc tận cùng tối tăm của ngôi nhà mồ sau những hàng cột cũ kỹ.

    Hai bà cháu ôm nhau vừa lê lết ra bên ngoài vừa kêu cứu bằng một chuỗi âm thanh khằng khặc quến nghẹn trong cổ họng, mà chắc chẳng ai nghe thấy: - Bớ... người ta... cứu... con m... m...a... Hai cái khối đen bỗng, trời ơi, chúng nó chồm dậy bò... theo, hai bà cháu người Tàu run bây bẩy vừa bò vừa chấp tay niệm Phật, vừa khóc:

    - Nam Mô A Di Là Phật ... Nam Mô... Quan Thế Âm Bồ Tát... Nam Mô... Nam Mô...

    Thật rùng rợn, hai bà cháu càng niệm Phật thì hai con ma càng lết nhanh tới... Hai bà cháu thụp xuống lạy như tế sao trên trời: - Nam Mô... Nam Mô... xin tha mạng... xin hồn ma tha mạng...

    Một trong hai con ma bỗng lên tiếng hỏi bằng một âm thanh ồm ồm pha nhiều ngạc nhiên:

    - Bà ngoại ơi, bà làm gì vậy, tụi tui là người đây mà? Ma cỏ gì! Cái bóng đen chồm tới nắm lấy cánh tay bà lão, bà già trợn trừng mắt ngã lăn quay nằm trên nền gạch co rúm người trong một nỗi sợ hãi tận cùng.

    Cái con ma nhún vai chịu thua, nó quay sang cô gái mà đang mở to mắt nhìn trừng trừng vào mặt nó:

    - Cô ơi, tụi tui là người ta mà...

    Cái bóng đen thứ nhì nhỏ nhẹ tìm cách giải thích cho cô gái hiểu:

    - Tụi tui không nhà cửa nên vào ngủ tạm trong này, bà và cô không có gì phải sợ. Đến bây giờ thì cô gái đã có thể nhận rõ, hóa ra hai con ma chỉ là hai con người trong những mảnh quần áo tồi tàn, mái tóc dài lâu ngày không cắt phủ xuống khuôn mặt đen nhẻm với chỏm xương gò má nhô cao thật thảm hại. Cô gái kêu lên trong lòng. Trời đất, bọn ăn mày, họ ăn mặc rách rưới thảm hại như thế kia. Từ cơn sợ tê điếng, trong lòng cô gái chợt dậy lên một trạng thái nửa khinh thường nửa thương hại. Bỗng nhiên nàng đưa tay lên che miệng cười khì:

    - Hà, mấy nị làm ngộ giựt mình muốn chết luôn, tưởng mấy nị là ma...

    Con ma thứ nhất cười hì hì:

    - Hà, nị cũng làm ngộ té lái chong quần á!

    Con ma thứ nhì khoát tay lên nghiêm giọng ngăn bạn:

    - Hậu, mày đừng có nham nhở với người ta!

    Anh chàng nham nhở quay lại gãi đầu:

    - Giỡn chút chút cho vui mà ông thầy...

    Không để ý đến sự giễu cợt của mấy người khách lạ, cô gái cúi xuống lắc vai bà lão:

    - A phò... A phò... tỉnh dậy li, người ta hỏng phải ma...

    Bà già lồm cồm ngồi dậy, đôi mắt vẫn còn vẻ thất thần, bà nhìn chăm chăm về phía hai con người rách rưới:

    - Mấy nị là ai vậy, ở lâu vô lây nằm ngủ hả?

    Hậu nhanh nhẩu trả lời:

    - Chào a phò, tụi tụi là lính bị thương tàn tật hỏng có nhà vô đây nằm ngủ, a phò đừng có rầy...

    Bà lão là người có lòng từ tâm, bà cảm động hỏi:

    - Mấy nị tàn tật làm sao lưa cho ngộ coi coi...

    Từ những con ma ghê rợn biến thành con người, bà lão bỗng có nhiều cảm tình với hai anh chàng lạ mặt mà có vẻ hiền lành này.

    Hậu ngại ngần vén chiếc áo ka ki bạc màu che phủ một nửa con người anh lên. Bà già và cô gái cùng kêu lên thảng thốt:

    - Á...

    Hậu ngượng nghịu cúi nhìn xuống hai khúc chân cụt gần tới háng, chỗ bị cắt được bó tròn như những khúc thịt nguội đỏ hỏn nhú ra từ chiếc quần xà lỏn ngắn. Cái mông xương xẩu của anh đang tọa trên một cái ghế nhỏ thấp, bên dưới có gắn bốn cái bánh xe đã mòn cũ. Bà già đặt bàn tay lên chỏm vai gầy của người lính đôi mắt cảm động nhíu lại:

    - Tội nghiệp lị quá, chắc lau lắm hả? Hậu lắc đầu:

    - Lâu quá hết lau dồi! Người được gọi là ông thầy kêu lên:

    - Hậu, mày lại giỡn nữa!

    Bà lão quay sang anh:

    - Còn nị làm sao, cho ngộ coi coi... Cô gái nhìn thấy một nỗi buồn ánh lên thê thiết trong chiếc thủy tinh sâu thăm thẳm của anh. Nàng cắn môi, cảm xúc nhận ra rằng, anh đã bị hư hết một bên mắt. Con mắt sâu hun hút như một cái hang đen ngòm, hai mi mắt giờ đây chỉ còn là hai mảnh da vô hồn không còn bao giờ có thể hấp háy được nữa. Anh đang mặc một chiếc quần vải đen dài, che phủ phần chân trái đã bị cắt mất quá đầu gối, giọng buồn thiu:

    -Tôi cụt chân chỗ này. Bà với cô tha lỗi, tụi tui nghèo quá không có nhà, xin đừng đuổi. Bà với cô nhìn xem, anh em tụi tui dọn dẹp sạch sẽ bên ngoài lẫn bên trong để gọi là tỏ lòng cảm ơn...

    Bà lão thở dài sườn sượt:

    - Thôi lược, mấy nị cứ ở, ông bà chủ cũng li hết dồi, lâu còn ai nữa. Ngộ cám ơn mấy nị mới phải. Bà cho tay vào chiếc áo mỏng sau chiếc áo xẩm cài nút một bên lục tìm trong túi, bà lấy ra mấy tờ giấy bạc trao cho người cụt một chân:

    - Có mấy nị ở lây ngộ cũng yên lòng, mấy nị lấy cái nầy dồi coi cái mả giùm ngộ, lừng cho mấy đứa nhỏ chăn bò vô lây phá, ngộ cám ơn.

    Bà hân hoan bảo cô cháu gái:

    - Xiểu Làn, mày dọn lồ ra cúng li.

    Quay lại hai thầy trò người lính cụt chân bà ngọt ngào:

    - Lát nữa hai nị cứ lấy lồ cúng ăn há, lỗ bỏ cũng uổng! Hai người lính thương phế nhìn nhau cười buồn. Ngày xưa, lúc còn lành lặn thân thể và còn vẫy vùng dọc ngang trên bốn vùng chiến thuật, họ đâu có bao giờ nghĩ đến một ngày được người ta mời ăn đồ cúng một cách đau lòng như thế này. Bà già không biết cách nói, bà không biết lựa lời trau chuốt mà chỉ nói một cách thành thật từ đáy lòng. Bọn chàng hiểu chứ. Nhưng... cho dù đang đói rã ruột, đầu váng mắt hoa, bao tử cồn cào như muối xát mà bà già đồng hóa cái sự ăn uống của bọn chàng ngang hàng với của đổ bỏ, thực không còn nỗi đau nào hơn nỗi đau này. Có tiếng gọi nhau của những người đi tảo mộ báo giờ về, bà già chấp tay vái cái bia đá mấy cái, miệng lẩm nhẩm mấy câu tiếng Quảng Đông, chắc là xin phép cáo biệt vong hồn.

    Bà lão xách chiếc giỏ nhựa lên giã từ hai người ăn xin:

    - Thôi ngộ về à, mấy nị ở lại mạnh giỏi. Xiểu Làn quay nhìn hai người lạ một lần cuối, trong lòng nàng dậy lên một nỗi vương vấn bùi ngùi, thật lạ lùng, chính nàng cũng không hiểu vì sao. Có lẽ là vì những đôi mắt đó ánh lên nỗi buồn thăm thẳm mà nàng chưa từng thấy trong đời bao giờ. Trong lúc đỡ bà lão leo lên chiếc băng sau của chiếc xe lam, bỗng dưng một cơn gió lạnh buốt xương, dù rằng đang giữa mùa xuân nắng ấm, từ trên bãi tha ma kéo theo một đám bụi đỏ như máu phủ trùm lên người nàng một mùi tanh tưởi dị kỳ, rất giống mùi thối rữa của xác chết. Xiểu Làn bủn rủn tay chân, nàng trông thấy hàng vạn đóa hoa nhiều màu sắc nhảy múa trước mắt và trời ơi, dường như trong đó có một cái gì giống như một chiếc áo trắng ẻo lả mông lung như một làn khói, nó áp tới gần nàng và mở rộng ra như một tấm vãi rộng thùng thình. Xiểu Làn nghiến răng cố nắm lấy thành chiếc xe lam để khỏi ngã xuống.

    Bà già hoảng hốt nhoài người ra nắm lấy tay cô cháu kéo lên:

    - Xiểu Làn, mày làm sao...

    Cô gái chẳng nói năng gì, nàng chỉ ngước mắt lên nhìn bà lão trừng trừng... Đột nhiên bà lão thấy lạnh toát cả người. Quỷ thần ơi, cái đôi mắt này với con ngươi nhỏ bằng hạt đậu đen và cái tròng trắng nở lớn hết mức, bà đã từng trông thấy nó nhiều lần, chỉ có thể là của... Bà già và cô cháu gái đã từ giã ra đi từ lâu rồi mà hai người phế nhân vẫn ngồi tựa vào thành nấm mộ lặng thinh không nói năng gì. Mấy cây nhang trong chiếc bình nhỏ cháy tàn còn phảng phất chút hương trong ngôi nhà mồ. Bà già tử tế để lại một chai rượu trắng nhỏ, mấy cái chung, vài ba cái chén và dĩa đựng một ít thịt quay, gà hấp, vài cái trứng vịt luộc vỏ tẩm màu xanh, một ổ bánh mì. Một bữa tiệc thịnh soạn cho những người đói ăn kinh niên như hai con người rách rưới này.

    Hậu nhìn chai rượu chép miệng ướm lời:

    - Sao, ông thầy, nhậu không?

    - Thầy chú gì nữa mầy ơi, mầy cứ gọi tên tao là được rồi.

    Hậu xua tay lia lịa:

    - Đâu có được ông thầy, phải có tôn ti trật tự chớ.

    Người phế nhân rơm rớm nước mắt nắm tay người mà anh vô cùng thương kính:

    - Hồi đó nếu ông thầy không bò vô kéo em ra thì em đâu có còn sống tới bây giờ. Em đã bảo để em chết, mà ông thầy cứ nắm áo em kéo, rồi ông thầy cũng dính luôn. Đù má, chúng nó chơi ông thầy đi cha nó con mắt và cái giò, em thề sẽ không bao giờ quên...

    Ông thầy cười cay đắng:

    - Mày không quên thì mày làm được đếch gì chúng nó?

    Hậu nhân cơ hội đó lái trở lại cái vụ rượu liền:

    - Bởi vậy mình phải uống cho nó quên sầu ông thầy! Hai thầy trò ngồi đối ẩm với nhau trước tấm bia mộ của con người nằm dưới lòng đất.

    Hậu rót rượu, hai tay nâng cái chung nhỏ trịnh trọng nhìn vào tấm bia:

    - Xin phép vong hồn ai dưới mồ cho phép hai thầy trò tui hưởng đồ cúng, Nam Mô A Di Đà Phật...

    Người được gọi là ông thầy gượng gạo nhấp mấy ngụm rượu cho thằng em nó vui, chứ trong lòng chàng đang quặn thắt một nỗi buồn. Ôi, không biết đã bao nhiêu năm qua rồi, mà vết thương trong tim chàng vẫn còn sưng tấy và đọng đầy những mủ máu từ một niềm tủi nhục mà chàng biết không bao giờ vơi, dù cho thời gian có kéo dài đến bao lâu đi nữa. Gắp một miếng thịt đưa vào miệng mà chàng nghẹn ngào liên tưởng đến những mảnh thịt đỏ lói, rách nát, đen đặc bụi và ruồi trên những cái thân thể tàn tạ, cái ngày mà chàng với Hậu và nhiều người thương phế khác bò ra khỏi cổng quân y viện, người nào người ấy khóc ròng, khóc ngon lành như những đứa trẻ. Vì đau đớn cũng có, nhưng mà là nhục nhã và tức uất thì đúng hơn. Không biết nhờ phép lạ nào mà hai thầy trò chàng còn sống được đến tận bây giờ.

    Ngày đó, lúc chiều gần tàn, có một người chạy xe ba gác còn dám xịch xe lại, anh cẩn thận nhìn trước sau rồi cúi xuống hỏi nhỏ:

    - Mấy anh muốn đi đâu tui chở cho, không lấy tiền.

    Lúc ấy, nghĩ đến cái chết, nên chàng rầu rầu trả lời:

    - Cám ơn anh quá, nhờ anh chở tụi tui lên Nghĩa Trang Quân Đội được không?

    Cho xe đậu cấn lên bãi cỏ bên lề, anh xe ba gác tận tụy vác hai thầy trò chàng ngồi dựa vào cái bệ dưới chân tượng Người Lính Tiếc Thương, rồi tần ngần bước đi. Được mươi bước anh quay lại chặc lưỡi. Anh nghèo quá, vợ con nheo nhóc, muốn cho hai người lính ít tiền mà trong túi của anh cũng chẳng còn gì. Định tự tử chết, nhưng suy nghĩ mãi người phế binh vẫn không biết làm cách gì để chết. Nếu còn một cây súng với một viên đạn thì dễ quá. Đau đớn, mệt mỏi, chàng với Hậu nằm ngủ mê man dưới chân bức tượng đồng. Đến nửa đêm khát nước, người phế binh giật mình mở mắt định bò đi kiếm chút gì để uống, thì chàng nhìn thấy một bóng đen trông rất giống một người lính đang ngồi dựa lưng gần đó hút thuốc. Trong bóng tối, ánh lửa từ điếu thuốc như một con đom đóm nhấp nháy chập chờn theo những cái rít thuốc liên tục của anh ta. Người phế binh rên lên trong lòng. Giờ này mà còn đội nón sắt nữa sao ông, có còn gì nữa đâu. Chà chà, còn cây súng gác trên đùi nữa chứ. Được một lúc, anh ta tháo chiếc bi đông nước đưa cho người phế binh, lặng lẽ không nói gì. Rồi anh đứng dậy bước đi, không buồn đòi lại vật sở hữu của mình. Người phế binh ngẩn ngơ nhìn theo cái dáng gầy gò của người lính khuất dần trong cõi đêm mờ mịt. Anh có biết đâu rằng, nếu tình cờ nhìn lên cái bệ chỗ bức tượng Tiếc Thương ngồi ôm súng trên cao kia, thì anh sẽ thấy nó, trời đất, đã... biến mất. Sau này chàng nghe dân sống quanh đó kể rằng, đêm đêm vẫn luôn có một người lính gõ cửa từng nhà xin nước uống, nhưng người ta sợ quá không ai dám ra cho nước cả. Người ta đồn hồn ma của bức tượng Tiếc Thương hằng đêm vẫn lang thang đi vòng quanh nghĩa trang đến thăm từng tấm bia mộ của những tử sĩ nằm trong đó. Người ta cũng nói cho nhau nghe rằng, cái anh lính làm người mẫu để đúc tượng cũng đã hy sinh trên chiến trường. Hồn của anh đã trở về nhập vào bức tượng đồng, để mỗi đêm đứng dậy bước đi...​


  • #2



    Phần 2

    Từ đó, hai thầy trò chàng ban ngày ra những cái xóm bên xa lộ ca hát ăn xin, ban đêm bò về ngủ dưới chân bức tượng. Được một thời gian, người ta cho xe đến chở bức tượng Tiếc Thương đi đâu chẳng biết nữa. Hai thầy trò lết vào tận bên trong nhà quàn xác nhưng thấy trống trải quá không thể ở lâu dài. Một hôm có một chiếc xe bò chở củi đi qua Thủ Đức, hai thầy trò xin quá giang. Chiếc xe bò cọc cạch lăn bánh xuyên qua cánh rừng cao su dưới chân ngọn đồi có bãi tha ma.

    Nhìn thấy ngôi cổ mộ, chàng đã xin cho xuống. Chàng biết, ở nơi âm u hẻo lánh đến ghê rợn này, thì không còn ai mò vào để xua đuổi bọn chàng đi đâu nữa. Hàng ngày, hai người phế nhân vác chiếc đàn cũ, với những sợi dây đàn làm bằng những sợi dây cước thắng xe đạp, ra ngồi ở ngã ba đường mòn xin quá dang ra xa lộ Đại Hàn hay xa lộ Biên Hòa ca hát nuôi thân. Người phế binh còn nhớ có một lần chàng cúi đầu cám ơn gọi là ân nhân một thiếu phụ mặc áo bà ba đen đã hào phóng cho chàng tờ giấy năm đồng, chàng thấy mắt nàng đỏ hoe:

    “Đừng cảm ơn tôi, chúng tôi phải cảm ơn mấy anh mới đúng, mấy anh mới chính là ân nhân của chúng tôi”. Uống gần cạn chai rượu đế,

    Hậu bắt đầu nhụ nhựa:

    - Ông Tính, chừng nào ông mới về quê của ông? Tính gục đầu xuống nhìn cái đầu gối cụt của mình buồn rầu thở dài: - Tao đâu có quê, tao mồ côi cha từ nhỏ, ba tao đi lính đánh trận chết, má tao xin cho tao vô học trường Thiếu Sinh Quân, rồi bà cũng bịnh mất bỏ tao một mình trên đời. Nửa chai rượu đã ngấm sâu vào những mạch máu, một nỗi buồn da diết xốn xang dậy lên trong lòng chàng. Trong ký ức đã quá mờ mịt, Tính chỉ còn hình dung được phảng phất khuôn mặt rắn rỏi đỏ au như màu bức tượng đồng của cha chàng, và đôi mắt đẫm đầy lệ của mẹ khi bà xoa đầu giã từ Tính trong ngày chàng nhập học: - Tính, con ráng học giỏi nha con, cho ba con được vui lòng. Lâu lâu má lên thăm con. Hơi rượu từ bụng cuộn lên làm Tính ụa một cái dài, nhưng chàng biết nó thay cho tiếng nấc của mình. Chàng nhớ cha, nhớ mẹ quá đi. Làm gì còn có ngày mẹ lên thăm chú bé con tên Tính nữa. Khổ đau vì nhớ chồng, nghèo đói và cô đơn đã nhanh chóng làm cạn kiệt những mạch sống vốn đã lụn tàn từ lâu trong cơ thể, bà nhuốm bệnh nặng và ra đi. Tính ngước đôi mắt đã đỏ khé và lờ đờ lên nhìn Hậu: - Còn mày, sao không về với vợ con, ở đây làm gì, muốn sống với ma à? Hậu đưa tay quẹt nước mắt đã ngân ngấn ở khóe: - Ông coi thân thể tui... Rượu thường hay khiến cho con người dễ sầu bi, đột nhiên Hậu ôm chầm lấy Tính khóc lớn, như một đứa trẻ bị mẹ đánh đòn oan:

    - Ông Tính ơi, tui nhớ má con tụi nó quá, hu hu... Mà thôi đi, hức... hức..., để cho má nó lấy chồng khác làm ăn, chớ tui còn nước non gì nữa, hai cái giò cụt như vầy chỉ... hức..., làm khổ má nó, hu... hu... Cơn tủi nhục đớn đau chất chứa từ mười mấy năm qua theo hơi rượu vỡ bùng nên thành những tiếng khóc nỉ non ai oán.

    Tính không nhịn được, chàng cũng khóc mùi mẫn. Ở giữa đất trời hoang vắng, trên đỉnh đồi với hàng trăm nấm mồ hoang, tiếng khóc của hai con người đau khổ đó rền rền như tiếng ma kêu hú vọng lên từ đáy huyệt. Nước mắt nước mũi đầy mặt, hai thầy trò ôm nhau đổ gục xuống nền xi măng. Chẳng mấy chốc mà hồn phách của hai người phế nhân đã thăng lên trong cõi đêm trên cánh rừng cao su đã ngả sang màu đen đặc. Lũ muỗi rừng khi bóng đêm buông xuống, chúng vo ve kéo nhau đến tổ chức một bữa tiệc máu linh đình trên hai cái xác thân ốm đói còm cõi chỉ còn da bọc xương...

    Đến nửa đêm, Tính đang mơ màng, thì bỗng nhiên một bàn tay nắm lấy vai chàng lay mạnh. Tính giật mình mở mắt xoay đầu ngơ ngác nhìn quanh để trông thấy đôi mắt của Hậu trong bóng đêm đang ánh lên một thứ tia sáng kỳ lạ. Tính buột miệng toan hỏi, thì Hậu đã áp sát miệng vào vành tai Tính run run nói thật khẽ :
    - Ông thầy... suỵt đừng nói lớn, ông coi kìa, ngoài kia...

    Tính nhìn theo hướng tay của Hậu. Phía bên kia đỉnh đồi, chiếc mặt trăng hình lưỡi liềm đang treo lơ lửng trên đầu những ngọn cây cao su, đang rải chùm sáng nhạt mềm mại như một dải tơ vàng. Ngọn đồi đang chìm trong một đám sương mù màu trắng lãng đãng như những sợi khói mỏng. Một cơn gió nhẹ dìu dặt thổi lên đỉnh đồi đùa vào những đám mây làm chúng tan loãng nên thành những hình thù quái dị. Những nấm mồ thấp thoáng ẩn hiện sau làn sương với những tấm bia đá đen sẫm hình cánh cung, thoạt trông như những cái bóng đen đang lom khom trồi lên từ đáy huyệt. Có tiếng rúc rù rù của một con cú đêm, hợp cùng với bọn dun dế đang rỉ rả khúc nhạc đêm trường. Chỉ có thế. Tính chẳng nghĩ rằng những linh ảnh quen thuộc hằng đêm đó chứa đựng những mối hăm dọa nào để Hậu phải lo sợ đến thế.

    Nhưng... Tính đã kịp nhận ra một cái gì đó rất giống như một cái bóng người, hay là bóng ma cũng không biết chừng, chiếc áo trắng của nó phủ tới tận gót chân đang phấp phới phiêu phưởng lướt trên đầu những ngọn cỏ. Trống ngực của Tính đánh thình thình. Cái bóng trắng đó chập chờn pha trộn với khối sương mù dưới ánh trăng tờ mờ, khi hiện ra khi biến mất. Tính chỉ có thể phân biệt được cái ảo hình ấy trong màn khói trắng từ mái tóc đen dài thậm thượt xõa xuống tận đầu gối. Những cơn gió thỉnh thoảng cuốn mái tóc ấy ngược về phía sau như một dải băng đen ma quái, để lộ ra một khuôn mặt trắng toát, mà Tính không thể nhìn rõ được trong một khoảng cách mấy mươi thước, dưới bóng đêm đen mờ mịt. Tính cảm thấy mấy ngón tay của Hậu bấu mạnh vào da thịt chàng, hắn thì thào đứt quãng:
    - Ma... ông thầy!

    Bất chợt Hậu nép sát vào Tính, mà chàng có thể cảm nhận được những cơ thịt của anh ta đang run lên dưới làn vải áo. Tính rùng mình. Một luồng gai lạnh chạy dọc theo xương sống, những mạch máu trong cơ thể chàng có lẽ đã đông cứng lại thành những phiến nước đá. Tính ở trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, toàn bộ sức nặng thân thể chàng tựa trên cái khuỷu tay chống. Tính nhìn trừng trừng vào màn sương. Trời ơi, cái bóng trắng dị kỳ đó dường như nó đang xê dịch về hướng... ngôi nhà mồ. Nó đã đi loanh quanh trên đầu những nấm mộ, không biết để tìm kiếm cái gì, và giờ đây nó tiến vào cái chỗ bề thế nhất trong bãi tha ma. Hậu co rúm người rúc đầu trốn vào hai cánh tay như một đứa trẻ con nghe kể chuyện ma đến lúc ghê rợn nhất, con ma hiện ra thè chiếc lưỡi dài đỏ hỏn rồi vươn cánh tay khẳng khiu dài thượt với những cái móng nhọn hoắt bấu vào cổ nạn nhân...

    Hậu nhắm nghiền mắt úp mặt xuống mặt gạch, anh không còn can đảm nào nhìn vào cái bóng trắng ấy. Tính từ từ ngã xuống sàn gạch, mắt vẫn không rời khỏi tà áo trắng rộng thùng thình ẻo lả trong gió. Dưới ánh trăng, đôi mắt to đen, sâu hun hút như những con đường hầm chằm chằm nhìn về phía căn nhà mồ. Không phải. Tính rên lên trong lòng. Nó đang nhìn... chàng. Hai tia sáng xanh biếc như mắt những con mèo hoang vẫn thường kêu eo éo hằng đêm trên những chòm mả chiếu thẳng vào Tính, để cho chàng có thể trông thấy một khuôn mặt trắng bệch và phẳng lì như một tờ giấy. Cái bóng đã đặt chân lên cái bệ tam cấp dẫn vào ngôi cổ mộ, mái tóc đen rũ rượi của nó phủ lấp khung cửa, làm cho bên trong nhà mồ tối sầm. Một mùi hương dị kỳ nồng nặc âm khí, không hẳn là mùi thối của xác hết, mà là một thứ mùi hăng hăng mục rữa của cây cỏ quyện với thứ hương nặng mùi, mà trời ơi, Tính đã nhận ra, đó chính là mùi của những nén nhang người ta đốt cắm trong những cái bình đặt trước những cái quan tài quàn thây những người chết. Trong khoảnh khắc của màu đen đặc đó, Tính kinh hãi nhắm nghiền mắt và ép chặt càm xuống tận ngực để khỏi phải đối diện với đôi mắt của con ma. Phải, bây giờ thì Tính đã có thể biết chắc, cái bóng trắng tóc dài tới gối ấy chính là một con ma, một vong hồn trồi lên từ một trong những nấm mộ ở đây. Hay cũng có thể nó chính là vong hồn của cái... bộ xương đang nằm trong ngôi cổ mộ này.

    Trời mùa hè mà từng cơn gió lạnh cứ thỉnh thoảng nhè nhẹ lùa vào bên trong ngôi nhà mồ, làm da dẻ của Tính nổi đầy những cái gai tròn lăn tăn. Một sự im lặng rùng rợn bao trùm cái khoảng không gian nhỏ bé dưới mái cổ mộ. Con ma đó nó đã đi đến đâu rồi. Được một lúc, Tính mím môi hé một chút xíu mí mắt nhìn lên. Suýt chút nữa Tính đã buột miệng kêu lên một tiếng hãi hùng, và ngất xỉu, vì chàng trông thấy cái tà áo trắng của con ma lấp ló mười ngón chân đen như mực tàu đang đứng sát ngay bên mũi chàng. Tính kêu lên trong lòng. Thằng Hậu đâu rồi. Hay là nó đã bể tim chết rồi cũng không chừng. Tính nằm cứng đờ như một khúc gỗ, đôi mí mắt chằng đã đông cứng trong vị thế cái khe hở một milimét, nên chàng không muốn nhìn hai bàn chân của con ma cũng không được. Nó đứng đó, mà Tính biết chắc rằng từ trên cao con ma đang trừng trừng nhìn xuống hai cái thân thể thảm thương của thầy trò chàng.

    Thời gian không biết đã trôi được một quãng dài nào rồi, mà Tính thấy ngưng đọng như hàng thế kỷ. Đột nhiên hai bàn chân đen từ từ xoay về một hướng khác, cái vạt áo trắng lung linh chập chờn như khói. Con ma từ từ, nhẹ nhàng lướt về phía cái nấm mộ. Tính khẽ xoay đầu nhìn theo. Cái bóng trắng đứng lặng lẽ một lúc lâu trước tấm bia đá khắc những hàng chữ Tàu. Bỗng nó há cái miệng thật to, mà Tính có thể trông thấy cái vòm họng đỏ khé những máu. Con ma cất lên một tiếng tru dài như tiếng quỷ gọi hồn từ dưới đáy địa ngục, rồi nó sụp xuống ôm lấy tấm bia mộ rú lên những tiếng khóc lanh lảnh buốt óc, như tiếng những sợi dây đàn bị vuốt mạnh dưới những cái móng dài. Nhanh như một tia chớp, con ma bất ngờ quay lại nhìn Tính cười khằng khặc. Tính không kịp quay mặt tránh, chàng hãi hùng trông thấy một khuôn mặt tím bầm, lở lói, thịt da nhầy nhụa, máu tươi nhỏ ròng ròng xuống tấm bia đá. Con ma nhoài người bò tới, hai cánh tay nồng nặc mùi thối rữa ôm choàng lấy Tính. Tính thét lên một tiếng kinh hoàng, nhưng vòng tay con ma đã ôm chặt ngực chàng và cái mặt lở loét nhung nhúc dòi bọ của nó áp sát vào mặt chàng cười sằng sặc trong một chuỗi âm thanh ồm ồm như muốn nắm bắt lấy linh hồn chàng:

    - Tính... Tính

    Khi đã đạt đến cái mức tận cùng của sự sợ hãi, thì người ta thấy mình không còn sợ hãi nữa, vì không còn gì để mất, người ta rơi vào trạng thái đối cực với cái sợ. Đó là lòng can đảm, hay sự bất chấp. Tính tống vào mặt con ma một quả đấm làm nó kêu ối một tiếng đau đớn, rồi chàng vùng dậy bỏ chạy.

    Nhưng con ma nó đã ôm chặt lấy cái chân còn nguyên của Tính kêu ầm lên:

    - Ông thầy, ông thầy... tỉnh dậy... tỉnh dậy...

    Tính mở choàng mắt ra, chàng bần thần trông thấy ánh mắt lo lắng thiết tha của Hậu đang đăm đăm nhìn chàng. Mồ hôi rịn ướt đẫm trán Tính.

    Hậu đưa tay xoa má càu nhàu:

    - Ông thấy cái con gì mà ông dộng tui một cú quá mạng vậy ông?

    Tính ngơ ngác nhìn quanh. Hóa ra chàng vừa ở trong một cơn ác mộng hãi hùng... Sáng hôm sau, trước khi “đi làm”, có nghĩa là xách đàn đi ca hát rong xin từng xu lẻ của người đời, Tính móc túi lấy ra một tờ giấy cũ và một mảnh viết chì ngắn, chàng ngồi tẩn mẩn vẽ lại tất cả những hàng Hán tự trên tấm bia mộ. Tính không biết chữ Tàu, nhưng chàng nghĩ, cứ đồ y hệt từng nét một thì chúng cũng chẳng sai lệch là mấy.

    Hậu chống tay ngồi trên chiếc ghế có bốn cái bánh xe lạ lùng nhìn Tính:

    - Ông làm gì kỳ vậy?

    Tính mỉm cười gục gặc đầu không trả lời, chàng xách cây đàn lên, vói tay lấy cây nạng gỗ :

    - Thôi mình đi, hôm nay bọn mình đi tới chợ Thủ Đức.

    - Đi chi xa vậy ông?

    - Mày còn đủ tiền đi xe lam không?

    Hậu gãi đầu:

    - Còn thì còn, nhưng mà hôm nay không ai cho tiền thì uống nước trừ cơm nghe ông thầy!

    Tưởng là phải xài đến số tiền “dự trữ” cho những ngày ế ẩm và có nguy cơ nhịn đói trong ngày hôm đó, nhưng thật may mắn cho hai thầy trò Tính, trong quân đội ngày xưa những người lính vẫn hay gọi cấp chỉ huy của họ là đại bàng hay ông thầy, bác tài xế xe lam tốt bụng đã không lấy tiền xe. Người tài xế xốc nách Hậu bồng anh xuống một cách dễ dàng như một nhúm bông gòn, vì Hậu có còn gì mà nặng nữa. Bác lắc đầu cảm động xua tay nhìn những đồng tiền giấy đã gần rách nát mà Hậu kéo từ trong thắt lưng ra:

    - Thôi, cho mấy chú em đi nhờ. Hậu ngước mắt lên nhìn ông già, đôi mắt đỏ hoe.

    Tính dặn dò Hậu:

    - Mày vào góc chợ ngồi đó chờ tao, cứ ca hát kiếm được đồng nào hay đồng đó.

    - Ông đi đâu vậy?

    - Để về “nhà” tao kể cho mầy nghe... Thỉnh thoảng hai anh em đi hát ca xin tiền ở chợ Thủ Đức, Tính nhớ là có một ông thầy bói già ngồi trên một chiếc chiếu nhỏ, với những cái mu rùa đen ngòm, những lá bùa bằng vải vàng và những tấm liễn giấy đỏ vẽ chữ Tàu bằng mực đen. Cũng có thể không phải, chúng giống loại chữ Ả Rập hay chữ Miên thì đúng hơn. Cách phục sức của ông thầy bói toát ra một vẻ cũ kỹ xa xưa như từ nhiều thế kỷ trước. Ông mặc một chiếc áo the đen mỏng cho thấy chiếc áo lụa trắng nhưng đã ngả màu vàng ố bên trong. Lúc nào Tính cũng thấy ông lão đội trên đầu chiếc nón xếp đen đã mòn cũ. Ông trông thật giống một ông đồ già còng lưng ngồi hí hoáy viết liễn Tết, mà chàng còn nhớ bài thơ miêu tả của thi sĩ Vũ Đình Liên, hồi chàng còn ngồi ghế nhà trường. Để tăng thêm liều lượng thuyết phục khách hàng, ông thầy bày trước mặt năm ba cái khung kiếng lộng trong đó những giấy chứng nhận và khen ngợi của những tai to mặt lớn nào đó, mà có trời mới biết chúng xuất xứ từ đâu.

    Người ta đọc thấy hàng chữ lớn: TỬ VI GIA HUỲNH BÁ, BÓI TOÁN NHƯ THẦN, BÓI ĐÂU TRÚNG ĐÓ. ĐÃ TỪNG BÓI CHO NHIỀU YẾU NHÂN CHÍNH PHỦ VÀ ĐƯỢC TƯỞNG THƯỞNG HUY CHƯƠNG QUỐC GIA. Bọn chàng đến chợ hơi sớm, ông thầy bói đang ngồi một chân xếp bằng một chân chỏi, cùi chỏ cánh tay phải của ông chống lên cái đầu gối, trong khi bàn tay ông tựa vào cằm, có vẻ như trong tư thế một con người đang ngủ gà ngủ gật. Tính khập khễnh chống nạng nhẹ nhàng ngồi xuống. Nghe tiếng động, ông già mở choàng mắt nhìn.

    Tính mở nụ cười tươi khẽ cúi đầu:

    - Chào bác.

    - À, là chú em... hổm rày mạnh giỏi không, sao không thấy ra đây?

    Ông lão đã nhận ra anh chàng phế nhân nhạc sĩ với cây đàn tơi tả hay ngồi hát nghêu ngao những bài nhạc cũ giữa chợ với một anh bạn nào đó, với một chiếc nón vải kaki cũ trước mặt để đựng tiền xót thương của thiên hạ.

    - Dạ cảm ơn bác, cũng khỏe, còn bác dạo này làm ăn phát tài chưa?

    Ông già ngáp dài ngao ngán:

    - Phát cái khỉ khô, ế muốn chết. Đôi mắt của ông lão nhìn chằm chằm vào con người Tính, như để tiên đoán những ý nghĩ thầm kín của chàng :

    - Sao, chú em muốn coi một quẻ hả?

    - Dạ, cũng gần gần như vậy... Ông già tươi tỉnh ngay, ông kéo cái chân chống xuống, hai tay lục lọi mấy cuốn sách cũ mèm ra vẻ sẵn sàng làm việc. Ông giở cái mu rùa lật ngửa lên để chuẩn bị gieo quẻ. Tính ngồi nhích lại gần hỏi:

    - Bác với thầy Huỳnh Liên ở Sài Gòn có quen biết nhau không bác? Ông thầy bói vểnh cặp râu cá chốt lên, ưỡn ngực khoe:

    - Nó là học trò của tui đó!

    Tính không khỏi không cười thầm. Ông thầy coi bộ rách nát quá, trong khi ông học trò ở Sài Gòn nghe nói giàu có lắm, áo mão xênh xang, xe hơi, nhà lầu, khách muốn coi bói phải lấy hẹn trước. Chàng nhớ mấy số báo xuân xuất bản ở Sài Gòn năm nào cũng có bài viết của “thầy” Huỳnh Liên về những chuyện đường rừng, với những con ma lai, ma xó trên miền thượng du Bắc Việt, những cuộc tình lãng mạn giữa người và ma. Tính hỏi tiếp:

    - Đặt một quẻ bao nhiêu bác? Ông thầy bói rà cặp mắt từ trên mái tóc dài thượt của Tính xuống đến ống chân cụt của chàng, rồi nhìn sang cái nạng gỗ chằm vá, như để lượng định túi tiền của thân chủ:

    - Với chú em thì tui lấy rẻ, chú em muốn đặt bao nhiêu thì tùy, không chê nhiều ít, coi như xính xái mở hàng. Tính rút ra hai tờ giấy hai đồng cung kính đặt lên giữa chiếc dĩa sứ nhỏ nước men lên màu xanh biếc. Ông lão khẽ tằng hắng. Ái chà chà, cái anh chàng ăn xin này đặt tiền quẻ coi bộ cũng xôm tụ quá chứ. Hồi đó lương công nhân ba chục đồng một tháng, bốn đồng đâu phải ít. Ông lão phấn chấn lấy xâu đồng xu Quang Trung Thông Bảo vừa hỏi liên thanh theo thói quen nghề nghiệp:

    - Rồi, chú em muốn coi gì, cầu tài cầu lộc, cầu tình duyên, cầu gia đạo, làm ăn buôn bán, thăng quan tấn chức, cất nhà, hướng cửa, phong thủy, xây mồ...

    Tính cười hì hì ngắt lời ông già:

    - Bác ơi, con trên răng dưới quần xà lỏn, coi mấy thứ đó làm gì! Chàng móc trong túi tờ giấy chữ Tàu trao cho ông lão:

    - Bác làm ơn đọc và giảng nghĩa cho con biết coi trong này nói cái gì. Ông già đeo cặp kính lão lên trề môi chăm chú đọc. Đột nhiên ông vỗ đùi một cái tỏ vẻ rất thích thú:

    - À, à, hay đây... Tính nôn nao áp vào gần hỏi dồn:

    - Sao, bác đọc cho con nghe đi. Giọng ông già khề khà nhừa nhựa: - Ai mà viết chữ Tàu như gà bới vậy kìa, đọc khó quá. Để coi, à... Ái nữ Hứa... Phươ... Phương chi mộ, sinh xuất nhị thập nhất nhựt, đệ tứ nguyệt, Bảo Đại niên 1932, tức là ngày 21 tháng 4 năm 1932. Mệnh chung đệ lục nhựt, đệ bát nguyệt, Bảo Đại niên 1953. Hứa gia Bổn Hòa thiết lập. Sài Côn, Việt Nam Quốc... Ông thầy bói vỗ đùi đánh bốp một cái ra vẻ thích thú lắm:

    - Hay lắm, Chú Hỏa với con ma nhà họ Hứa đây mà!

    Tính giật mình kinh hãi:

    - Bác nói sao, cái gì mà có chuyện ma quỷ trong này? Ông lão kéo cặp kiếng trệ xuống chỏm mũi trợn mắt nhìn Tính:

    - Chú em mày không biết danh tiếng Chú Hỏa ở Chợ Lớn hả? Tính ngẩn ngơ lắc đầu. Tình thật thì chàng không biết chút xíu nào về Chú Hỏa hay con ma họ Hứa gì gì đó. Từ nhỏ đến lớn, sau khi cha mẹ chàng qua đời, thì chàng sống trong khuôn viên Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, rồi đi lính nay đây mai đó. Lớp hậu sinh như Tính làm sao có thể biết được câu chuyện Chú Hỏa của mấy mươi năm trước. Chẳng lẽ... con ma mặc áo trắng ngồi than khóc trong ngôi nhà mồ là cô gái với cái tên Hứa Phương sao. Ông thầy bói lấy cái bình thủy rót ra một ly nhỏ cà phê đen gục gặc đầu coi bộ hân hoan lắm:

    - Chú em uống cà phê hông? Tính làm bộ gãi đầu đẩy đưa:

    - Da, nếu không phiền bác,ï con xin một chút xíu thôi. Ông già hào phóng trao cho Tính một ly cà phê:

    - Phiền hà gì. Bây giờ còn sớm, để lão kể chuyện con ma nhà họ Hứa cho chú em nghe. Mà... chú em mầy có thích nghe không hả?
    Trời ơi, cái lý do mà chàng rút ruột cúng cho ông thầy bốn quan tiền chính là nhắm vào cái chuyện ly kỳ này, làm sao Tính có thể không nghe chứ. Tính nhấp một ngụm thứ chất lỏng đen đặc, mẹ ơi, đắng quá, chẳng có chút mùi thơm của cà phê, toàn là mùi bắp rang thôi. Nhưng chẳng sao, có còn hơn không... Sài Côn, danh xưng của vùng Chợ Lớn những năm đầu thế kỷ thứ 20. Lúc ấy, thành phố Chợ Lớn đã phát triển thành một khu vực buôn bán khá sầm uất và sẽ còn phát triển, để nửa thế kỷ sau nó đã trở thành một trung tâm tài chánh, thương mại lớn nhất Đông Nam Á sau Hương Cảng. Người Hoa từ lục địa mẫu quốc vì nhiều lý do, hoàn cảnh, đã gồng gánh trôi dạt xuống phương Nam lập nghiệp. Khi một người làm ăn khấm khá lên thì họ nhắn tin cho thân quyến tiếp tục di cư xuống. Rất nhiều người đàn ông Tàu sang nước Nam lấy vợ Việt, nhưng khi sinh được con trai thì họ lại gởi ngược chúng trở về Trung Hoa cho bà vợ... lớn nuôi, mặc nhiên chúng trở thành dân ba Tàu chính gốc sau này để nói dõi tông đường. Tại sao gọi là ba Tàu nhỉ.

    Theo những cụ cao niên kể lại, thì ngày xưa, khi chạy trốn nhà Thanh, nhiều tướng lãnh triều mạt Minh đi tàu sang xin chúa Trịnh và chúa Nguyễn cho tá túc. Người Việt Nam trông thấy ba chiếc tàu cặp bến, rồi xuất hiện những con người với chiếc đầu trọc và cái bím tóc dài lạ lùng, đã gọi họ là người của ba chiếc tàu. Dần dà, theo thời gian, cái gì cũng được nói ngắn gọn cho tiện, người Minh được gọi là người Ba Tàu, hay người Minh hương, có nghĩa là người quê quán ở nước Minh. Người Minh hương khi lập nghiệp ở khu vực cực Nam Việt Nam như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, lúc kết duyên với những phụ nữ người Miên, nếu sinh con trai thì không có gì đặc biệt, nhưng sinh con gái thì chúa ơi, chẳng hiểu sao cô nào cô ấy đẹp não nùng. Những chàng trai Việt chết mê chết mệt những thiếu nữ Minh hương là thế. Đã gọi là ba Tàu, thế nhưng tại sao còn gọi con cháu ông trời là Chệt nhỉ.

    Các cụ kể rằng, hồi mới qua Việt Nam quốc, người Hoa còn nghèo, họ sống trong những căn nhà thấp lè tè gọi là nhà trệt, để dần dần biến thành người Chệt hồi nào chẳng rõ. Chú Chệt Hứa Bổn Hòa theo đoàn dân Tàu sang nước Nam sinh sống, chú đi mãi, đi mãi đến tận vùng Chợ Lớn ngày nay, trong khi nhiều người gốc Triều Châu tiếp tục đi xuống đến miệt Bạc Liêu, Rạch Giá buôn bán và làm rẫy. Ở đâu cũng thấy người Triều Châu đầy dẫy, nên trong dân gian có câu ca dao: Bạc Liêu là xứ cơ cầu, Dưới sông cá chốt, Triều Châu trên bờ Sang đất nước người ta mà chú Chệt Hòa chỉ trần thân từ đầu tới chân có một bộ quần áo dính da. Chú Hòa suy nghĩ mãi mới tìm thấy một cái nghề rất thích hợp mà chẳng tốn bao nhiêu vốn. Chú sắm một cặp cần xé nhỏ và một cái đòn gánh, bắt đầu cuộc đời mới bằng cái nghề mua bán ve chai, sắt vụn cùng đủ thứ hằm bà lằng, bất cứ cái gì người ta muốn vứt đi.

    Thuở đó, nghề phu kéo xe và bán ve chai là những cái nghề mạt hạng nhất trong xã hội, không ai muốn làm. Nghề phu xe thì cứ y như là muôn năm nghèo rách mồng tơi chẳng ngóc đầu lên nổi, nhưng nghề bán ve chai thì chưa chắc. Với con mắt tinh tường biết nhìn những món vật quí mà người ta không biết, Chệt Hứa đã trúng nhiều mối lớn một cách bất ngờ. Có lúc một gia đình nghèo gọi chú vào bán cho một cái bình bông thời Càn Long với giá năm mười đồng, để sau đó chú bán lại cho người giàu bạc ngàn, chứ đâu có nhiều nhặn gì cho cam. Một cái ống sắt cũ trị giá chỉ có mấy xu, nhưng khi cần thay một đoạn ống nước, thì phải chạy tới nhà chú Hòa mua lại nó với giá gấp mười lần hơn.

    Cái lều nhỏ của chú Chệt Hòa ngổn ngang đủ thứ chai lọ, sắt vụn, nylon, rác rến, bù lon, đinh ốc tràn ngập chỉ chừa có một lối đi nhỏ chừng nửa thước. Với cái đà làm ăn một vốn một trăm lời đó, chẳng mầy lúc mà Chệt Hứa đã trở thành một ông nhà giàu sụ, có thể gọi là nhất vùng Chợ Lớn. Cái lều nhỏ ngày xưa biến mất để nhường chỗ cho những khu nhà lầu cao sang trọng. Có nhiều vốn, Chệt Hòa bành trướng ra nhiều nghề khác nữa. Chú cất nhiều dãy phố cho dân ba Tàu mướn buôn bán. Mỗi tháng chú Chệt Hòa cứ tà ngồi rung đùi thu tiền mướn nhà cũng đủ ăn mệt nghỉ. Cho nên cái bụng của chú ngày càng to tê lên theo cùng với công cuộc làm ăn. Thôi thì tay gấu, nem công, chả trĩ, nhung hươu, cao hổ cốt cái gì chú cũng hưởng đủ và quá dư thừa.
    Tiền đẻ ra tiền, Chệt Hòa còn mở thêm nhiều cái vựa chứa hàng mà giới thương nhân Tàu gọi là chành. Hàng hóa của thương nhân gởi cho chành coi như được bảo đảm trông coi và an toàn tuyệt đối, trong khi họ chỉ phải trả một số tiền ký gởi và “bảo tiêu” với giá rất phải chẵn. Mỗi nhân viên trông coi một chành gọi là tài phú. Vì tên Chệt Hứa là Hòa, đọc âm Trung Hoa là Hỏa, nên người ta thường gọi Chệt Hòa là Chú Hỏa. Từ đó, cái tên Chú Hỏa vang lừng khắp Chợ Lớn – Sài Gòn, không ai là không biết, mãi tận bên Hương Cảng, Tân Gia Ba người ta cũng biết, vì công cuộc làm ăn của chú vươn rộng ra khắp vùng Đông Nam Á. Tuy đã là một ông nhà giàu sụ nhất nhì Chợ Lớn, nhưng người ta vẫn cứ gọi Chệt Hòa là Chú Hỏa.

    Comment


    • #3




      Phần 3

      Chú Hỏa đã thụ nhận quá nhiều ân sủng từ thượng đế, giàu sang, tài sản, con cái, cháu chắt đầy nhà. Thế nhưng theo lẽ dịch lý âm dương của trời đất, trong cái quá thịnh cũng có cái suy, mà đã làm cho vợ chồng chú Hỏa phải trăn trở buồn đau đến suốt đời. Có một ngày, người nhà Chú Hỏa được lệnh tìm một người giúp việc.

      Người ta mướn được một thím xẩm chừng ba mươi tuổi, tính tình hiền hậu, rất tận tụy. Nhưng thím có một đức tính làm cho nhà họ Hứa rất hài lòng, là không nhiều... chuyện. Thím ít nói, ăn ít, làm nhiều, không tò mò và không hay ngồi lê la bàn tán đủ thứ chuyện trên đời như những người làm công khác. Thím xẩm được giao cho một công việc rất nhẹ nhàng nhưng thật đặc biệt, vì nó rất kỳ quái. Hàng ngày thím phải quét dọn sạch sẽ một căn nhà lầu dường như rất ít người ở, vì thím không thấy bóng dáng ai trong đó. Ngày ba lần, trong mỗi bữa ăn sáng, trưa và tối, thím bưng một cái khay bằng vàng đựng những chén dĩa thức ăn và nước uống đem lên tầng lầu đặt trên một cái bàn gỗ mun tròn đã lên nước đen bóng. Đặt khay lên bàn xong, thím xẩm phải lui xuống ngay, không được lén lút dòm ngó. Đến bữa ăn kế, thím đem cái khay mới lên và lấy cái khay cũ xuống. Có một bí mật mà chỉ trong gia đình chú Hỏa biết cùng nhau.

      Thời đó vùng Chợ Lớn còn hoang vu lắm, Chú Hỏa cất nhà trên một khoảnh đất lớn có nhiều cây cổ thụ xum xuê. Chú Hỏa cho xây căn nhà lầu đặc biệt ấy nằm mãi tận ở góc xa nhất của miếng đất, chung quanh có một cái hàng rào cao quá đầu người với những khóm cây dâm bụt che khuất tầm nhìn của người ngoài. Chú Hỏa còn tìm những loại dây leo cho hoa rất đẹp như loài hoa móng bò, mà rất hợp với phong thổ vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, cho chúng bám vào một cái giàn gỗ cao lên đến tận khung cửa sổ tầng lầu trên. Hoa móng bò nở màu tím, cánh lớn bằng bàn tay, có hình giống như cánh bướm rất đẹp, không thua gì hoa lan. Lẽ ra người ta phải đặt cho nó cái tên nào gợi cảm và đầy chất thơ hơn chứ, như tử hoa hay hồ điệp hoa, sao lại là móng bò, làm mất nguồn cảm hứng của thi sĩ quá đi. Căn lầu hoang vắng đến rợn người, những tấm màn the trắng chập chờn lay động theo từng cơn gió, những chùm kim khí sáng loáng treo trong phòng dậy lên những âm thanh leng keng buồn nản và thê thiết, như vọng về từ một thế giới xa xăm nào. Chỉ có một chiếc ghế duy nhất bên cạnh chiếc bàn gỗ mun, để thím xẩm đoán chắc được rằng, có một người ẩn mặt sống trên căn lầu này.

      Thím nghe người ngoài xóm sầm xì đồng với nhau rằng căn nhà đó có... MA, vì có người quả quyết rằng ban đêm đã tình cờ trông thấy một cái bóng người tóc dài tận lưng trong chiếc áo trắng đứng tựa cửa sổ, hay đi qua đi lại dưới ánh trăng rọi vào phòng, nhẹ nhàng, phiêu phưởng như một con ma. Một anh làm vườn kể rằng, một đêm anh có chuyện cá nhân cần giải quyết ngoài vườn giáp giới với vùng đất phía sau căn nhà lầu. Đứng dưới gốc cây sao làm cái chuyện phóng chất thải, anh đã nghe thấy, trời ơi, dường như là tiếng khóc ai oán của con ma. Anh không bao giờ quên được chuỗi âm thanh nức nở uất nghẹn như của một vong hồn còn nhiều mối oan khiên chưa được rửa sạch, và tiếng rú cao vút chói buốt như một mũi dao nhọn xoáy vào tai, mà chỉ có... ma quỷ mới có được tiếng rú rùng rợn đó.

      Câu chuyện con ma áo trắng trên lầu được thêu dệt dần qua nhiều cái miệng người đời, càng ngày càng kinh khủng, nên không ai dám nhận công việc quét dọn và đem thức ăn trong căn nhà ma quái đó. Nhiều thím xẩm được mướn đến làm, nhưng chỉ có một ngày, người nào gan dạ lắm là một tuần, đều xin nghỉ cả. Thật may mắn, một thím xẩm từ mãi tận miền Sóc Trăng lên thăm một người bà con trong nhà Chú Hỏa, tình nguyện nhận việc làm. Ngày đầu tiên cầm chổi lên lầu, thím thấy ớn lạnh vì mùi ẩm mốc của một căn lầu quá rộng mà ít người ở. Không được phép vén màn cửa lên, dù ngày hay đêm, thím xẩm thấy mình lúc nào cũng chìm đắm trong một vùng ánh sáng xám xịt, tờ mờ. Căn phòng không có sinh khí của con người nên thím thấy da dẻ lành lạnh, gai gai. Tiếng chổi kéo xoèn xoẹt lên trên sàn gạch bông tạo nên thành những chuỗi âm vang khô khan, buồn nản. Lui cui quét dọn từng ngóc ngách, nhiều lúc thím xẩm phải dừng chổi bất thần quay lại, vì thím có cái cảm giác rờn rợn rằng có một cái gì đó dị kỳ lắm đang theo dõi, đang quan sát thím từ phía sau. Nhưng khi thím xoay người lại thì... chẳng có gì cả.

      Thím xẩm bạo gan lắm mà nhiều lúc cũng thấy tim đập thình thình trong lồng ngực. Thím vững tin vào miếng vải nhỏ màu đỏ gói một lá bùa trị tà ma của một ông lục Miên ở Sóc Trăng cho thím, mà lúc nào thím cũng đeo trên cổ cùng với một sợi dây chuyền và miếng cẩm thạch tạc hình Đức Phật Bà Quan Âm. Buổi tối càng thê lương tịch mịch và đầy vẻ hăm dọa hơn, khi căn lầu nhỏ chỉ được treo có một chiếc bóng đèn vàng. Ánh sáng nhạt của nó không đủ soi sáng hết căn lầu rộng, làm thành một khối cầu vàng phủ xuống chiếc bàn ăn nhỏ. Ngoài vầng sáng đó là cõi đen đặc, dễ khiến cho những người yếu bóng vía tưởng tượng ra đủ thứ hình ảnh vong hồn hiện diện trong từng ngõ ngách sâu thẳm nhất của căn lầu. Đặt chiếc mâm vàng lên bàn, thím xẩm rùng mình linh cảm rằng, cái con vật, con ma hay con người nào đó từ trong bóng tối đang chằm chằm quan sát thím, và biết đâu, một cánh tay xương xẩu sẽ thò ra nắm lấy thím kéo vào cái cõi đen âm u đó. Chỉ vừa nghĩ đến đó là thím đã thấy chân tay lạnh buốt. Là con người chớ có phải Phật Bà đâu mà không biết sợ ma, thím xẩm chụp lấy chiếc mâm vàng buổi trưa với những chén dĩa còn chút thức ăn dang dở quay mình chạy ù xuống thang... Cẩn thận đóng chặt cánh cửa, thím xẩm ngã người lên giường, nhưng đôi mắt vẫn lo âu nhìn về hướng cửa. Đằng sau cánh cửa đó là cõi đêm, là thế giới của cõi âm, của những vong hồn trong những mảnh áo trắng lang thang trên trần thế. Thím xẩm ở trong một căn nhà nhỏ lợp tôn đầy đủ tiện nghi bếp núc cất gần bên căn nhà lầu.

      Cái gạch nối duy nhất của thím xẩm với thế giới con người sống là chú Cẩu. Chú có nhiệm vụ cung cấp thực phẩm tươi sống cho thím xẩm mỗi ngày, để thím nấu nướng cho cái con người bí mật trên lầu. Thím cần gì thì chú Cẩu mua đầy đủ ngần ấy cho thím. Nhưng có một điều rất lạ là, hằng ngày chú Cẩu đem đến cho thím xẩm những ly bằng vàng có chứa một thứ nước nào đó đặt lên khay, hỏi mãi chú Cẩu mới miễn cưỡng cho biết đó là nước nấu từ những lá vàng y. Thím xẩm ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, uống nước nấu bằng vàng ròng làm gì vậy kìa. Mỗi đêm nằm gác tay lên trán, thong thả ôn lại từng sự kiện một trong căn nhà hoang, tổng hợp những hiện tượng bình thường lẫn bất bình thường, thím xẩm tự đi đến một kết luận, rằng cái con ma tóc dài trên lầu không phải là ma, vì ma làm gì mà ăn được thức ăn phàm tục. Những ông sư giảng đạo đã chẳng từng nói ma quỷ chỉ “ngửi” mùi thức ăn, coi như chúng đã “ăn” cái tinh túy của vật thực, vì bản thân chúng là một loại chúng sinh trong cái thể phi vật chất. Cho nên những sư theo phái khất thực chỉ độ buổi trưa và không ăn sau giờ ngọ, tức là mười hai giờ trưa, vì các sư tin tưởng rằng, sau giờ đó mà chúng ta ăn uống, bọn ma quỷ đói khát với những cái miệng nhỏ xíu như những lỗ kim sẽ kéo tới hối hả hưởng lấy cái tinh túy của thức ăn, thậm chí liếm môi miệng chúng ta, mà chúng ta nào hay biết. Với suy nghĩ rằng con ma là con người sống trên căn lầu hoang, thím xẩm quyết tìm ra sự thực...

      Một đêm trời không có trăng và sao, không gian chỉ còn là một khối đen đặc như mực. Những con người trong những căn nhà im ắng trên đường phố bên ngoài đã chìm vào giấc ngủ đậm sâu. Nửa đêm, thím xẩm mặc bộ quần áo đen rón rén mở cửa bước vào bên trong căn nhà hoang. Thím run dữ lắm, bàn tay nắm chặt lấy gói bùa trên cổ để tìm kiếm sự bảo vệ của nó. Thím đứng lặng thinh dưới gầm thang lầu, cố gắng thở từng hơi ngắn và nhẹ. Chung quanh thím là một màn tối mù, đến đưa tay ra cũng không thấy. Chẳng biết đã đứng đó được bao lâu, thím xẩm gà gật trong cơn mơ màng, nửa tỉnh nửa mê, thì bỗng dưng, thím nghe có tiếng động nhẹ trên tầng lầu. Thím xẩm giật mình tỉnh hẳn ngủ, lòng dậy lên một nỗi nôn nao lo lắng. “Nó”, cái con ma tóc dài áo trắng đó đã hiện ra rồi. Thím nghiêng đầu cố lắng nghe tiếng bước chân của nó lướt trên sàn nhà. Con ma đó nó có một cái tâm sự gì đó, mà sao nó cứ đi tới đi lui không ngừng nghỉ trên đó vậy kìa. Ánh đèn vàng từ trên lầu hắt xuống thang lầu thành một vệt sáng mờ. Thím xẩm nhẹ nhàng bước đến chân cầu thang. Do dự một chút, thím quyết định bò lên, nhẹ nhàng và thận trọng như một con rắn săn mồi đêm. Bò được vài bậc thang, đột nhiên thím xẩm nghe, dường như có tiếng khóc nỉ non, ai oán của một con người, âm thanh trong trẻo, phải là của một cô gái còn trẻ. Giữa đêm trường, tiếng khóc xì xụt rất khẽ của con người đó vẫn xoáy rõ vào thính giác thím những âm thanh dị kỳ, làm thím rùng mình liên tưởng đến tiếng rên than của những hồn ma giữa đêm trường tịch mịch. Thím xẩm đã trườn người lên đến bậc thang chót, một nửa cái đầu của thím nhú lên cao vừa phải, cho phép thím nhìn thấy quang cảnh tầng lầu. Suýt nữa, thím xẩm đã kêu lên một tiếng kinh hoàng, nhưng thím đã kịp lấy tay ép chặt môi mình. Trời ơi, thím thấy gì. Một con người, không một người đàn bà, hay một cô gái, vì mái tóc dài đen nhánh đã nói điều đó, đang ngồi gục đầu thổn thức bên chiếc bàn tròn.

      Nhưng... toàn bộ khuôn mặt của nàng đang quấn vải trắng kín mít, chỉ chừa có đôi mắt và một khe hở để thở. Thím xẩm lặng người bàng hoàng không biết phải lý giải hình ảnh đó nó mang mển một ý nghĩa gì. Câu trả lời đã đến ngay với thím. Con người tóc dài trong chiếc áo trắng vừa khóc vừa đưa tay lên tháo những mảnh băng trên mặt mình. Thím xẩm đưa tay lên ngực nghẹn thở. Thím sắp sửa thấy được khuôn mặt của “nó”. Cô gái ngồi bên dưới ánh đèn, nên thím xẩm có thể nhìn thấy từng lọn tóc đen của nàng lả tả rớt theo mỗi vòng vải trắng. Cô gái nắm lấy những mảnh tóc khóc nấc lên, làm thím xẩm cũng bùi ngùi trong lòng. Một vòng, hai vòng... rồi ba vòng,... vầng trán của cô gái đã lộ ra, đến cặp mắt đen láy, lóng lánh như ánh sao trời dưới ánh đèn mờ. Nhưng... khi cô gái lột mấy vòng băng quanh đôi gò má, thím xẩm đưa tay lên miệng ú ớ trong một cơn hãi hùng, thím gục đầu xuống cố kìm một cơn nôn mửa đang quặn lên từ đáy bao tử. Trời ơi, một khuôn mặt lở lói của một con... quỷ. Toàn bộ khuôn mặt của cô gái chỉ là những mảnh thịt bầy nhầy, rỉ máu và mủ. Chiếc mũi bị hỏm xuống như một cái hố sâu thẳm, đôi môi của nàng, ôi chỉ còn là hai miếng thịt vụn bị bằm nát, để lộ hàng răng trắng đều như hai hàng hạt bắp. Mùi tanh hôi tỏa ra khắp căn phòng thím xẩm thấy choáng váng mày mặt. Đầu óc thím quay vòng vòng. Bây giờ thì thím xẩm đã kịp trông thấy hai bàn tay của cô gái với những ngón tay sưng phù, lở loét và đã cụt hết một nửa. Thím xẩm rên lên trong lòng. Trời phật ơi, một cô gái cùi. Bất chợt, linh tính báo cho biết có người nhìn lén, cô gái ngừng khóc ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm về phía cầu thang, ánh mắt chứa đầy vẻ giận dữ. Thím xẩm chết điếng ngã người vào tay vịn cầu thang nhắm nghiền mắt nín thở. Thật may mắn cho thím, một con mèo hoang từ dưới phóng lên đuổi bắt một con chuột, nó gào lên một tràng tiếng eo éo ghê rợn . Cô gái thôi không khóc nữa, nàng lấy ra một cuộn băng mới quấn những mảnh băng trắng bao phủ khuôn mặt của mình. Nàng chậm rãi đứng lên muốn bước đến cầu thang, nhưng nghĩ sao, nàng lại quay trở vào trong căn phòng phía sau những tấm màn trắng đang chập chờn ẻo lả theo những cơn gió đùa từ trên những tàng cây cổ thụ. Thím xẩm kiên nhẫn chờ một khoảng thời gian thật lâu, để tin chắc rằng cô gái đã ngủ say, thím chầm chậm, nhè nhẹ trườn xuống thang lầu. Chạy nhanh vào phòng, thím xẩm chỉ kịp gieo người lên chiếc giường nệm, thím úp mặt xuống gối ngất xỉu mê man không còn biết gì nữa...

      Không biết thím xẩm đã chìm trong cõi vô thức đến bao lâu, đến một lúc thím bỗng giật mình mở mắt ra nhìn. Một cái khối gì trắng tròn đang áp xuống gần mặt thím xẩm, thím xẩm há to miệng hét lên một tiếng kinh hoàng:

      - Á...

      Nhưng một bàn tay quấn đầy vải đã kịp bịt chặt lấy miệng thím. Thím xẩm cứng người như một khúc gỗ trong cơn hãi hùng, thím chỉ còn biết đưa mắt trợn trừng nhìn cái khối trắng trong vùng ánh sáng đen thẫm. Trời ơi, nó, cô gái cùi, nó sẽ làm gì mình. Thím xẩm trông thấy đôi mắt bên trong khối băng trắng của cô gái nhìn thím với ánh mắt hiền dịu, ngân ngấn những hạt lệ. Thím xẩm nghe một tiếng nói trong trẻo, êm ái thì thào bên tai:

      - Thím ơi, đừng sợ, con là người chứ không phải ma! Thím xẩm hoàn hồn gật đầu, cô gái rút bàn tay về, thím xẩm ú ớ:

      -Tiểu thơ... tiểu thơ... là... là...

      Cô gái u sầu cúi đầu xuống nghẹn ngào:

      - Con là con gái... của Hứa gia gia... Con bị bệnh... Thím xẩm chồm dậy ôm lấy cánh tay cô gái khóc òa:

      - Trời ơi, tiểu thơ... ngộ lâu có ngờ... Hứa tiểu thơ đưa tay bịt miệng thím xẩm lần nữa, lo lắng nhìn ra ngoài: - Thím đừng làm kinh động! Thím xẩm vẫn ôm lấy cô gái nghẹn giọng:

      - Từ nay tiểu thơ muốn ăn cái gì ngộ nấu ngon ngon cho tiểu thơ.

      Cô gái nhè nhẹ lắc đầu:

      - Con không muốn ăn nữa thím à... Chợt nàng ngã vào lòng thím xẩm sụt sùi:

      - Thím ơi, đã đến lúc con phải đi rồi! Thím xẩm kinh hãi kêu lên, thím mường tượng hiểu cô gái muốn nói gì:

      - Tiểu thơ li lâu, không... tiểu thơ còn trẻ lắm mà. Cô gái càng khóc nức nở:

      - Thím đã thấy hết rồi mà... Con đã yếu lắm rồi...Con thấy... có nhiều người... Ở trên đó một mình... con sợ lắm... Nàng ôm chặt lấy thím xẩm nhìn trừng trừng vào khoảng tối đen trước mặt run rẩy:

      - Trời ơi, nhiều người ghê lắm..., họ đến bắt con phải đi... Họ đứng ngoài cửa đợi con kia kìa. Cô gái nói tới đâu, thím xẩm lạnh mình tới đó. Nhưng nào thím có thấy gì đâu...

      Thím vỗ về cô gái:

      - Tiểu thơ cứ li ngủ li, để ngộ canh chừng ở ngoài cho. Thím xẩm dìu cô gái trở về căn lầu, cái thân thể nhỏ nhắn gầy ốm của nàng run rẩy từng lúc. Nàng đã yếu lắm, đôi chân chỉ muốn khuỵu xuống, thím xẩm không đỡ một bên, chắc nàng đã ngã rồi.

      Đêm hôm đó, Hứa tiểu thơ ngủ một giấc thật say. Bên ngoài, thím xẩm gối đầu lên hai cánh tay gác trên chiếc bàn nhỏ chập chờn đến tận sáng. Từ đó, mỗi đêm thím xẩm đều lên lầu lắng nghe tâm sự ai oán của Hứa tiểu thơ và ngồi canh giấc ngủ cho nàng. Nhưng cũng không được bao lâu...

      Ngày hôm sau, khi lên lầu dọn chén dĩa, thím xẩm nhận ra rằng, thức ăn vẫn còn nguyên chưa được đụng tới. Có nghĩa là, Hứa tiểu thơ đã bỏ ăn và... nàng thật sự đã lâm bệnh nặng, rất nặng. Không còn e ngại phiền nhiễu cô gái, thím xẩm buộc phải gõ cửa phòng nàng:

      - Tiểu thơ... tiểu thơ... ngộ vào lược không?

      Chỉ có tiếng gió lùa qua khung cửa sổ đùa những tấm màn bay phấp phới thay cho câu trả lời. Nguy ngập lắm rồi, linh cảm chuyện không lành, thím xẩm xô cửa bước vào phòng. Một mùi tanh lợm giọng xộc vào mũi thím xẩm. Căn phòng tối mờ, nhưng thím cũng nhận ra một con người nằm dài trên chiếc giường gỗ quý được chạm trổ rất đẹp theo kiểu cung đình Trung Hoa. Hứa tiểu thơ vận một bộ trang phục bằng gấm màu hồng, nàng đang nằm bất động. Thím xẩm run rẩy nghĩ đến một cái xác chết đang thối rữa dần. Trên vách phía bên trái chiếc giường, thím xẩm trông thấy một cái khung hình lớn, một cô gái thật trẻ và tuyệt đẹp đang nhìn thím mỉm cười. Thím xẩm biết ngay rằng, đó chính là Hứa tiểu thơ trong những ngày phơi phới mạch sống xuân thì, lúc chưa vướng phải cơn bệnh phong cùi. Một cô gái có hai cái bím tóc xinh xắn với chỏm tóc cắt ngang xõa xuống trán theo lối của những cô gái khuê môn. Đôi mắt của nàng rất tinh anh, pha chút ranh mãnh và lóng lánh một niềm yêu đời chứa chan. Đôi môi nhỏ chúm chím của nàng được tô điểm thêm hai cái lúm đồng tiền trên đôi má tươi hồng.

      Hứa tiểu thơ mặc một chiếc áo xẩm bằng tơ nhẹ màu xanh lá non có thêu hoa, nút cài một bên, hai bàn tay trắng muốt như ngọc của nàng đan vào nhau làm cái giá đỡ cho chiếc càm tròn mỏng tựa vào, khiến cho thím xẩm nghĩ đến nét đẹp của những cô đào màn ảnh Trung Hoa. Thím xẩm thở dài, thím biết đôi mắt của mình đã rớm đầy lệ. Một cô gái đẹp xinh trong tuổi mộng mơ, nàng có tội tình gì để chịu kiếp đày đọa như thế chứ. Hóa ra từ lâu, nhà họ Hứa đã mang mễn một nỗi bất hạnh, khi người ta phát giác Hứa tiểu thơ đã mang bệnh cùi. Cả nhà cuống cuồng mời không biết bao nhiêu là danh y mãi tận bên mẫu quốc, Hương Cảng, Tân Gia Ba, nhưng bệnh tình cô gái ngày càng nặng, da dẻ nàng sần sùi và đỏ ửng lên dần, những ngón tay đã co quắp lại, toàn thân nàng ngứa ngáy trong những đêm trăng tròn. Những lúc ấy, tiếng khóc cùng tiếng kêu rú tức uất của tiểu thơ vọng ra từ trong căn phòng kín như tiếng ma quỷ vọng về từ đáy địa ngục. Chú Hỏa chẳng biết tính sao, đành phải cất một căn nhà lầu trong góc vườn thật vắng vẻ đem nàng ra ở ngoài đó. Hằng ngày, theo lời những Đông y sĩ, người nhà nấu vàng lấy nước cho tiểu thơ uống, nhưng làm sao mà chất nước đó có thể giết chết được những con vi trùng Hansen quái ác ấy được chứ. Thím xẩm hồi hộp vạch tấm màn mỏng che giường sang một bên, cúi xuống nhìn vào cái đầu quấn băng trắng toát của cô gái, thím giật mình khi trông thấy đôi mắt của nàng hấp háy nhìn thím, lờ đờ và mệt mỏi. Tiểu thơ vẫn còn sống.

      Thím xẩm kêu nhỏ:

      - Tiểu thơ... tiểu thơ, trong người làm sao? Cô gái ứa lệ mấp máy môi, âm thanh vo ve như tiếng muỗi kêu:

      - Con... sắp đi rồi... làm ơn mời cha... mẹ... nhanh... Thím xẩm vừa khóc vừa chạy nhào sang ngôi nhà lớn, va phải chú Cẩu đang ôm một cái cần xé nhỏ chứa hàng, thím hổn hển:

      - Ông chủ lâu... chết dồi... tiểu thơ... chết... Nghe tiếng được tiếng mất, chú Cẩu hoảng kinh quăng cái giỏ xuống đất hỏi dồn:

      - Cái gì, thím nói cái gì, tiểu thơ làm sao ?

      - Hừ... hừ... tiểu thơ nguy dồi, mau kêu ông bà chủ li... Đến lượt chú Cẩu ba chân bốn cẳng chạy đi tìm Chú Hỏa. Ông chủ đang ngồi trầm ngâm ngoài đại sảnh bên chiếc bàn gỗ cẩn một phiến cẩm thạch tròn vân trắng, bên trên một chiếc ấm trà bằng đất nung đỏ và một cái chung trà đang nghi ngút khói. Chú Cẩu lắp bắp chấp tay nói:

      - Ông chủ... ông chủ... Hứa tiểu thơ nguy dồi, chết... ông chủ mau li xem...

      Một con người từng trải qua biết bao sóng gió trong cuộc đời và trong thương trường đầy dẫy những sự canh tranh khốc liệt, vậy mà Chú Hỏa vẫn quýnh quáng gạt chiếc ấm trà và cái chung rớt xuống đất vỡ loảng xoảng, chú đứng dậy phất tay áo ra lệnh:

      - Đi! Chú kêu bà chủ qua luôn...

      * Đám tang của Hứa tiểu thơ được thực hiện trong âm thầm và cô quạnh. Tiễn đưa cô gái bất hạnh chết giữa tuổi thanh xuân đi vào lòng đất lạnh chỉ có cha mẹ, anh em nàng cùng một vài người thân tín như chú Cẩu và thím xẩm. Một chiếc xe hơi mai táng màu đen bóng loáng kín mít của một hãng Pháp, đã lặng lẽ đem chiếc quan tài gói cái xác lở lói nham nhở của tiểu thơ đi đến một nơi chốn mà chỉ có những người tháp tùng biết mà thôi.

      Ông bà chủ không dặn dò đi nữa, thì dù có kề dao vào cổ, chú Cẩu và thím xẩm cũng không bao giờ hé một lời. Cái địa điểm bí mật và vô danh ấy chính là ngôi cổ mộ nằm trên ngọn đồi giữa cánh rừng cao su, là nơi dung thân qua đêm của hai người lính thương phế. Vẫn lo sợ có người đến quấy phá phần mộ con gái, Chú Hỏa cho xây một ngôi nhà mồ khác khá là bề thế tọa lạc ở một địa điểm rất dễ nhận biết ngay ngoài ngoại ô Sài Gòn. Dư luận công chúng thời đó hết sức ngạc nhiên về cái chết đột ngột của ái nữ nhà họ Hứa, người ta chỉ biết phong phanh rằng nàng chết vì một cơn bạo bệnh vậy thôi, chứ không ai có thể nghĩ ra được rằng, con gái một nhà cự phú vẫn phải chịu mang chứng bệnh nan y ghê sợ nhất trần đời, mà không vàng bạc châu báu nào có thể chữa nổi. Đoán già đoán non rằng nhà giàu thế nào cũng chôn của quý đi theo, một đêm mưa gió ầm ầm, có hai tên trộm rủ nhau xâm nhập vào ngôi nhà mồ giả của Hứa Phương tiểu thơ.

      Lúc ấy là giữa mùa hè, Sài Gòn thường có những trận mưa giông rất lớn, những tia chớp lóe sáng giữa không trung vạch thành những đường ngoằn ngoèo gai góc trong những tiếng sấm đùng đùng kinh hồn. Hổ và Mẹo, hai tên trộm đem theo những đồ nghề cần thiết để đập phá bê tông và cạy hòm người chết, chúng khoác lên người chiếc áo mưa làm từ chiếc poncho màu xanh ô liu phế thải của lính Pháp, trông giống như hai con dơi khổng lồ lò mò dưới những lằn sáng chớp rực trời. Mưa xối xả, điên cuồng, hàng trăm ngàn giọt nước mưa rơi chéo xuống quất mạnh vào mặt những người lỡ bước trong đêm rát rạt. Mẹo và Hổ đốt thuốc hút cho ấm lòng, nhưng mưa nặng hạt quá, cái quẹt lửa không bừng lên nổi trước những cơn gió mạnh.

      Con đường mòn dẫn vào khu nhà mồ trơn như mỡ, đất đỏ mủn ra chảy rào rào thành dòng xuống cái rảnh bên đường, trông như một con suối máu. Lớp đất sét bị giẫm lên dẻo quánh, hai tên trộm trợt ngã mấy lần, chẳng mấy chốc mà chiếc áo mưa của chúng đã lấm lê toàn một màu đỏ của bùn. Hổ cộc cằn chửi đổng:

      - Má nó, khổ như con chó! Mẹo vỗ vai bạn an ủi:

      - Ráng chút mày, rồi đời mình sáng tươi liền ...

      Hổ càu nhàu:

      - Sáng đâu không thấy, chỉ thấy tối thui trước mặt.

      - Ậy, tối vậy tụi mình mới làm ăn được chớ, sáng quá cho phú lít nó còng đầu mày à! Hổ không có được cái gan góc và quyết chí như bạn, thêm cái bản tính rất sợ ma, hắn chết khiếp khi nghe Mẹo rủ rê đi đào mả nhà họ Hứa:

      - Thôi đi, đào mồ cuốc mả người ta tổn đức lắm.

      Mẹo cười hì hì:

      - Sợ ma thì nói là sợ ma đi, mày làm gì có đức mà tổn. Mày muốn có tiền nuôi vợ yếu con đau không thì nói. Hổ gãi đầu bối rối. Tiền thì ai không muốn, nhưng mà hắn nghe nói con gái chết trẻ thường hay thành ma hiện về bóp cổ người ta lắm. Mẹo búa thêm một búa nữa để khêu gợi lòng tham của Hổ:

      - Chú Hỏa giàu lắm mày ơi, tụi mình làm cú này ăn ba năm chưa hết. Mày không nghe giới trộm cắp có câu “Con ơi nhớ lấy lời cha, Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm” sao?

      - Một đêm ăn trộm bằng ba năm tù thì có! Nói là nói vậy nhưng Hổ vẫn vác đồ nghề theo Mẹo.

      Giờ đây, hai tên ăn trộm đã trông thấy cái mái nhà mồ nổi lên đen sẩm trong màn mưa. Ngoại ô Sài Gòn giữa khuya trong cơn mưa giông không một bóng người, Hổ rùng mình ớn lạnh, nhưng không dám nói vì sợ Mẹo chê cười. Chung quanh ngôi nhà mồ chỉ thấy đồng không mông quạnh, xa xa lấp lóe vài ánh đèn èo ọt, càng làm máu trong người Hổ đông cứng thành từng mảnh. Hai gã trộm cẩn thận nhìn trước sau không thấy ai, bèn tuồn lẹ vào bên trong ngôi nhà mồ. Vẫn chưa hành sự vội, hai đứa lấy thuốc ra đốt hút cho đỡ lạnh, mà cũng bớt căng thẳng. Vừa hút thuốc Mẹo vừa quan sát cái nấm mả suy nghĩ cách hành động. Mẹo gật gù. Đập phá cái khối mả này thì tới sáng cũng chưa chắc xong, nhưng cứ đi một đường vòng quanh cái chân mả rồi lấy xà beng nạy nó lên, là ăn tiền. Mẹo gục gặc đầu đắc ý với kế hoạch của mình. Quả nhiên, đúng với dự tính, những miếng gạch bông chung quanh chân nấm mả chỉ mỏng chừng hơn một phân được khằn dính vào chân mả, bên dưới lại là lớp cát, nên hai đứa hì hục cạy một vòng chung quanh chân mả cho lớp khằn xi măng vỡ ra, xeo gạch bông lên, trong vòng không quá một tiếng rưỡi đồng hồ là đã thấy được lớp cát. Mẹo lấy ra hai cục gạch tiểu làm điểm tựa và bảo Hổ:

      - Tao đằng đầu, mày đằng chân, một, hai, ba cùng xeo lên cho cái núm chuyển lần lần qua một bên.

      Hai tên trộm tuy chưa từng đào mồ ai bao giờ, nhưng cái máu trộm cướp trong người cộng với kinh nghiệm và tính thông minh láu cá thiên bẩm, chẳng mấy lúc chúng đã đẩy cái nấm mả bê tông qua một bên. Một mảnh đất hình chữ nhật lấp đầy cát, chung quanh là một cái vòng thành bằng xi măng hiện ra trước mặt hai đứa. Mỗi tên rút ra một cái xẻng nhà binh lúi húi đào, xúc tới đâu chúng hất cát văng ra ngoài nhà mồ để cho cát bị nước mưa cuốn đi biệt tăm. Chúng chỉ chừa một số lượng cát vừa phải để lấp trở lại, rồi dần cái mả lên như cũ. Thật là một mưu kế thần sầu, đến đại sư tổ chúng là Đạo Chích thời Xuân Thu cũng phải chào thua... Được một lúc, bỗng Mẹo nghe Hổ run giọng thì thào:

      - Mẹo, hình như tao đụng nắp hòm!

      - Ừ, đào tiếp, gần tới mức ăn thua rồi em ơi...

      Comment


      • #4

        Phần 4

        Đến lúc này Mẹo mới dám đốt chiếc đèn dầu nhỏ, vì dưới huyệt sâu chẳng sợ ai trông thấy. Thỉnh thoảng, những tia sét lóe lên, tuy là chỉ trong vài giây, nhưng cũng đủ soi sáng một phần huyệt.

        Dưới ánh đèn vàng vọt, Hổ trông thấy một khoảng gỗ nổi u lên. Người Việt và người Tàu thích loại hòm nắp vung tròn. Nhà nghèo thì sắm loại hòm gỗ dầu hay gỗ tạp lắp ghép với nhau. Nhà giàu thì đặt hòm làm bằng gỗ huỳnh đàn, loại gỗ cho mùi hương dìu dịu, sớ gỗ màu vàng và rất cứng, không sợ mối mọt ăn và chịu đựng được vài ba chục năm vẫn chưa mục. Nhưng dù là loại gỗ nào đi nữa, thì cái hòm Á đông vẫn rất nặng, mười người đạo tì mạnh khỏe khiêng đến còng lưng, chứ đâu phải dễ dàng như loại hòm Tây nhỏ xíu và nhẹ tênh. Vẫn chưa hết, để làm cho trọng lượng cái quan tài trở nên tối đa, người sống nhồi nhét vào đó đủ thứ vải vóc, của quý, bó người chết trong hàng chục vòng gấm lụa hay vải thô tùy theo sang hay hèn. Nếu may mắn có sống dậy, người chết vẫn phải... chết vì ngộp.

        Để làm cho người chết được chết chắc chắn không còn có thể giở nắp qua tài hù nhát người sống, lúc tẩn liệm người ta còn cố nhét hàng chục ký trà thơm phủ lên trên, rồi mới đóng nắp quan tài bằng thứ đinh dài một tấc. Dracula dù cho có sống dậy cũng đành chịu thua, khó có thể bung nắp hòm ra được lắm, chứ nào đâu được nằm thong dong thảnh thơi trong chiếc hòm trống rỗng kiểu Tây. Dần dần thì nguyên cái hòm của con gái nhà họ Hứa đã nằm phơi bày im lìm trước mặt hai tên ăn trộm. Cái nắp tròn màu vàng sậm của nó nổi vun lên cao trong một dáng vẻ đầy hăm dọa. Mẹo lấy một mũi đục, dùng búa đóng nó sâu vào lớp gỗ để có chỗ đưa xà beng vào nạy đinh. Bỗng trên bầu trời nhoáng lên một tia chớp, tiếp theo tiếng sấm nổ đùng như tiếng súng, làm Hổ giật mình ngã ngồi lên đáy huyệt. Hắn trầm nửa người trong khối nước đọng dưới đáy do những dòng nước mưa chảy tràn xuống từ miệng huyệt. Mẹo đứng ở đầu chiếc quan tài gắt gỏng: - Nhát như thỏ đế mà đòi đi ăn trộm, mày phụ tao nạy cái nắp lên mau... Vừa sợ vừa lạnh, Hổ run rẩy cầm cây xà beng xắn vào lớp gỗ nghiến răng nạy mạnh. Những cây đinh dài kêu răng rắc trong những sớ gỗ cứng. Hai gã đạo chích hè hụi gần một tiếng đồng hồ nữa mới mở hé được cái nắp hòm. Mẹo hân hoan xoa tay:

        - Mình giàu rồi Hổ ơi, bây giờ tao giở cái nắp hòm lên, mày chun vào có cái gì thì móc thảy ra cho tao. Nghe thằng bạn bảo chun vào quan tài, Hổ tê tái lùi lại lắp bắp:

        - Cái gì... tao... không... tao sợ xác chết lắm... mày làm đi.

        Mẹo chửi thề:

        - Mầy nhát quá, lần sau tao đi một mình! Nói cứng như thế, chứ trong lòng Mẹo cũng ớn lắm. Cái thây ma chết gần tháng chắc đã nhũn nát và thối lắm. Lạ thật kìa, sao chẳng ngửi thấy mùi mẽ gì hết, cái cô tiểu thơ này được người ta xức dầu thơm chắc. Cái viễn ảnh những món báu vật, vàng bạc, ngọc ngà trong hòm và cuộc sống thảnh thơi đã tăng thêm sự gan lỳ của hắn, nên Mẹo chống cây xà beng vào cái nắp hòm, rồi hắn nhoài nửa người vào bên trong. Hổ thu người co rút trong góc huyệt cầm chiếc đèn dầu trợn trừng mắt theo dõi thằng bạn. Mẹo chúi đầu xuống trong đống trà giờ đây đã ướt mèm, hai tay hắn bới sâu xuống đáy hòm lục lọi. Đêm tối quá, ánh đèn dầu không đủ soi sáng cho Mẹo nhìn thấy rõ bên trong, nên hắn chỉ còn trông cậy vào mỗi hai bàn tay. Nhưng thật lạ quá, mò mẫm mãi, từ đầu hòm xuống chân hòm chỉ toàn những đống vải nhùng nhằng trộn lẫn cùng xác trà, đáng lẽ ít nhất cũng phải mò đụng cái xác chết chứ.

        Mẹo gọi Hổ:

        - Mày rọi đèn vào đây cho tao xem. Chiếc đèn dầu hắt ánh sáng vàng vào bên trong đáy quan tài, Mẹo bới đám vải loạn lên.

        Chẳng có gì cả. Trời mưa dầm dề mà mồ hôi của Mẹo rướm đẫm ướt trán, hắn chui trở ra ngoài ngồi tựa lên thành hòm chửi đổng:

        - Mẹ nó, cái hòm không, hóa ra công tụi mình là công dã tràng... Mẹo và Hổ nhảy lên khỏi huyệt. Lại hì hục đùa cát xuống lấp kín chiếc quan tài, è ạch dần cái nấm mả trở về chỗ cũ. Mẹo thất vọng lắm. Cơn ảo vọng làm giàu đã tiêu tan theo bọt bong bóng nước mưa. Nhưng Hổ thì mừng thầm trong lòng, hắn cứ ngai ngái sợ tổn đức và sợ con ma dưới đáy mộ vật chết.

        Trở về nhà, Hổ thề giải nghệ trộm cắp. Một thời gian sau, Hổ xin làm phu khuân vác ở bến Bình Đông trong Chợ Lớn. Tuy rằng nghèo, ngày đói hôm no, nhưng làm nghề lương thiện, Hổ thấy trong lòng thanh thản lắm. Mẹo vẫn theo nghề cũ không chịu hoàn lương. Có một ngày hắn mò vào đúng vào nhà một tên cò Tây ăn trộm, bị chủ nhà bắn chết ngay giữa sân. Cái bí mật ngôi nhà mồ ái nữ nhà họ Hứa với chiếc quan tài trống rỗng đã theo cùng Mẹo xuống lòng đất ...

        Tính không có thể nào tin rằng chàng vừa được nghe kể một câu chuyện thật lạ lùng, thật quá thương tâm với cái chết ở tuổi còn xuân của một cô tiểu thư con nhà giàu mang chứng bệnh phong cùi, được tô điểm thêm bằng những chi tiết ma quái ghê rợn trên căn nhà lầu hoang. Có phải chăng cái chết oan khiên đó đã khiến cho linh hồn của Hứa tiểu thơ chưa được siêu thoát, nên nàng vẫn còn lang thang vất vưởng ở chốn trần ai, rồi chính Tính đã gặp được nàng, dù là trong một cơn ác mộng hãi hùng. Tính nghe trong lòng dấy lên những con sóng xao động, như mặt hồ thu có những chiếc lá vàng rơi, làm nên thành những cái vòng nước nhấp nhô và bất tận, mà chàng chẳng biết phải định nghĩa là gì. Chàng cảm thương cuộc đời của một cô gái non trẻ phải mang mễn một số phận nghiệt ngã. Lẽ ra nàng được quyền sống, được hưởng những vị ngọt của tình yêu và hơi ấm của một gia đình bên người đàn ông mà nàng hoàn toàn trao trọn trái tim hồng. Chàng chập chờn nhớ lại từng chi tiết trong cơn mộng, cái dáng thon thả như sương khói của cô gái, với mái tóc dài đen nhánh, khuôn mặt lở lói, nhưng đôi mắt thì dịu dàng trong sáng biết bao. Tính tự hỏi với lòng, bọn chàng đã làm gì phiền đến, để nàng phải giận dữ hiện ra trong giấc ngủ của chàng. Hay là cô tiểu thơ ấy không muốn sự hiện diện dơ bẩn và trần tục của bọn chàng trong căn nhà mồ, nơi nàng đã yên giấc ngàn thu. Có phải đó là dấu hiệu, rằng chàng và Hậu phải ra đi tìm một chốn nương náu khác. Một cơn quặn thắt đang bóp chặt trái tim Tính. Trời ơi, bọn chàng còn có chỗ nào nữa để dung thân, ngoài những bãi tha ma, những gầm cầu, hay những ống cống, mà ở đó những con người cùng khổ như bọn chàng sống chui rúc chung với chuột, gián, rác rến và thây thú vật chết người ta thảy vào.

        Tính chậm rãi chống chiếc nạng gỗ cùn của chàng đi tìm Hậu, định bụng bàn với hắn tìm một chỗ nào đó và vĩnh viễn giã từ ngôi nhà mồ. Chàng trông thấy Hậu đang ngồi trước một cái tiệm sửa xe gắn máy hí hoáy làm cái gì đó. Tính mở mắt nhìn cho rõ. Trời đất, nó đang sửa xe cho người ta, chàng có nhìn lầm không. Trông thấy Tính, Hậu nhe răng cười tươi, đưa tay lên chào:

        - Ông thầy... qua đây, qua đây!

        Tính ngẩn ngơ tự hỏi không biết thằng này nó đang làm cái trò gì. Hậu nhoài người kéo một chiếc ghế thấp cho Tính ngồi, bàn tay quẹt mồ hôi nhễ nhại trên trán:

        - Tin mừng, tin mừng ông thầy... Tính vẫn trợn mắt nhìn thằng em nhún vai không hiểu, Hậu chỉ một người đàn ông đứng tuổi ngồi trong tiệm:

        - Có ăn rồi ông, từ nay thầy trò mình khỏi đi xin ngoài chợ nữa ...

        - Mày nói chuyện thần thoại!

        - Không, ông thầy thấy em đang sửa xe không, thợ xịn nghe ông thầy! Tính ngạc nhiên cùng cực:

        - Mầy là thợ sửa xe? Hậu vênh mặt lên kiêu hãnh:

        - Chớ sao! Hắn đưa tay vẫy ông chủ tiệm: - Ê, ông chủ, ông thầy mà tui nói đó... Người đàn ông bước vội ra ngoài miễn cưỡng bắt tay Tính:

        - Chào anh! Anh là anh Tính?

        - Phải tôi, ơ... Ông chủ tiệm sửa xe ngồi xuống kể vắn tắt:

        - Tôi đã mướn anh Hậu làm thợ sửa xe, nhưng anh Hậu ra điều kiện phải mướn luôn anh thì anh ta mới chịu làm cho tôi. Tính nào đâu biết một sự tình cờ ngộ nghĩnh xảy ra với Hậu, trong lúc chàng còn đang ngồi nghe ông thầy chiêm tinh gia Huỳnh Bá kể chuyện con ma nhà họ Hứa. Hậu đang ngồi gà gật trong một góc chợ, thì anh bỗng trông thấy một người nhăn nhó dắt chiếc Honda ghé vào cái tiệm sửa xe bên hông nhà lồng chợ. Hậu lắng nghe câu chuyện trao đổi giữa ông chủ tiệm và người chủ xe, thì anh biết rằng, hôm nay anh chàng thợ chính bỗng dưng giở chứng chẳng thèm ló mặt tới, làm ông chủ tiệm lúng túng như gà đạp phải tóc, vì ông đâu có biết sửa xe. Ông chỉ biết ngồi bên trong tính tiền, thường thường là chặt khá đẹp, và bán đồ phụ tùng cho khách hàng. Hậu lò mò lăn cái ghế sang đề nghị để cho anh giúp một tay. Ông chủ nhìn anh chàng tóc dài trong chiếc áo kaki vá víu từ đầu tới chân, như để lượng định mức độ khả tín của lời đề nghị đó. Nhưng, chặc, thà có còn hơn không, hắn biết sửa xe thì hắn mới dám bò tới chứ, cho hắn thử thì có chết thằng Tây nào đâu. Ông chủ tiệm xách thùng đồ nghề ra ngồi một bên Hậu quan sát, và cũng để làm người cho Hậu sai vặt. Hậu mở cái nắp bộ phận đánh lửa bên hông máy xe ra quan sát. Anh chu môi áp mặt vào nhìn hay ngửi chẳng biết. Bỗng Hậu gục gặc đầu cười. Có gì đâu, cái bugi đã quá mòn, thay cái mới, chỉnh lại lửa cho đúng thì là ăn tiền. Hậu lục trong thùng đồ nghề những dụng cụ anh cần. Đôi bàn tay của Hậu vờn chiếc Honda khéo léo như người nghệ sĩ nhấn những ngón tay mượt mà trên phím đàn dương cầm. Chỉ trong vòng mười lăm phút, chiếc xe nổ giòn giã, ông chủ xe nhảy lên phóng vù một cái thật ngon lành.. Ông chủ tiệm rút ra tờ năm đồng trao cho Hậu:

        - Đây tiền công của anh. Hậu tiếp lấy, nói cảm ơn và định bò đi, thì bỗng ông chủ tiệm níu anh lại:

        - Hay là... mỗi ngày anh ra đây phụ tôi sửa xe, tôi trả công cho anh. Hồi tưởng lại những ngày còn là một anh sửa xe, trước khi lên đường tòng quân đánh giặc, Hậu biết cách mặc cả với tư cách một anh thợ xịn: - Nói thẳng để ông khỏi mất lòng, chủ và thợ chia bảy ba, cơm chủ chịu. Cà phê cà pháo thì tui tự móc tiền túi, ông nghĩ sao? Ông chủ gãi đầu, trong lòng do dự, vì có một chút nhói đau trong tim. Mẹ, nó ra giá y như một thằng thợ sửa xe chuyên nghiệp.

        Hậu bồi thêm:

        - Ông không thiệt thòi đâu, tôi bảo đảm tiền vô như nước, ông chưa biết thằng Hậu Xoáy Nòng ở Long Xuyên này đâu... Nghe nói tới tiền, mắt ông chủ tiệm sáng lên, ai mà không thích tiền vào nhà như nước chứ:

        - Thôi được, anh làm việc luôn ngày hôm nay có được không? Hậu vò bụng nhăn nhó:

        - Được chớ! Ông chủ làm gì không hiểu ý động tác nhiều ngụ ý đó, ông chạy vào nhà chợ mua cho Hậu một dĩa cơm tấm sườn bì và một ly cà phê bốc khói thơm lừng. Hậu vừa dùng xong bữa ăn sáng thịnh soạn và ly cà phê, ôi cha, ngon ơi là ngon, thì bỗng nhiên hôm nay thiên hạ điên hết hay sao, cứ tới tấp dẫn xe vào cửa tiệm. Hậu làm không xuể, phải nhờ ông chủ chạy ra chạy vô lấy đồ và phụ tiếp. Đúng lúc Tính lò cò ra đến. Theo “hợp đồng” giữa ông chủ và Hậu, thì Tính sẽ là người phụ việc cho thợ chánh, tức Hậu. Phụ việc không có lương, nhưng được ăn cơm chùa của chủ. Thời buổi thiên hạ ăn khoai mì như điên, ăn cơm chùa ngày hai buổi cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Hậu giảng giải:

        - Em sẽ dạy ông thầy thành thợ như em... Tính gãi đầu bối rối:

        - Vậy hóa ra từ giây phút này, người được gọi là ông thầy chính là mày, chứ không phải là tao nữa? Hậu cười rè:

        - Hì hì, chớ còn sao nữa! Làm việc một ngày mệt mỏi, nên khi hai thầy trò mò về đến ngôi nhà mồ, cả hai đã ngã lăn đùng ra ngủ như chết, mặc cho lũ muỗi đói cấu xé thịt da. Tính quên mất chuyện rời bỏ ngôi cổ mộ.

        Đến nửa đêm, bỗng Tính giật mình, Hậu lắc nhẹ cánh tay chàng run giọng thì thào:

        - Ông thầy... ma ... Tính rên lên. Trời ơi, cũng ma nữa. Chàng lại lạc vào một cơn ác mộng khác, giống hệt như đêm hôm qua. Để chắc chắn rằng chàng đang ở trong thực tại, chứ không phải mộng mị, Tính nghiến răng véo mạnh da bắp đùi. Chàng thấy đau lắm, như vậy đêm nay chàng đang tỉnh thức, chứ không phải mê ngủ. Hai thầy trò nhích dần ra ngoài rìa ngôi cổ mộ để nhìn cho rõ. Dưới ánh trăng mờ, Tính trông thấy một cái bóng trắng đang đi vòng quanh những nấm mồ, tà áo dài bay phấp phới theo từng cơn gió đùa. Một con cú đậu trên chòm cây cao su rúc lên một tràng dài kinh dị. Có lẽ là nó đã trông thấy chiếc áo trắng ma quái chập chờn giữa những nầm mồ hoang.

        Ngổ ngáo chẳng biết sợ trời sợ đất là gì như Hậu, mà hắn cũng run run nép vào người Tính lạc giọng:

        - Phải ma không... ông...

        - Tao không biết, nhưng không phải ma thì ai dám đi chơi nửa đêm ngoài chòm mả hả. Hậu bỗng ú ớ:

        - Ông... ông... thầy... nó... nó... đi vô... đây... Hậu chúi đầu trốn trong hai cánh tay, không dám nhìn cái bóng trắng đang lướt trên ngọn cỏ, nhẹ nhàng tiến về ngôi nhà mồ. Tính rùng mình ớn lạnh, tóc tai dựng đứng lên, nhưng chàng còn gượng trấn tĩnh để kéo Hậu rút trở vào cái góc tối nhất, với một hy vọng mỏng manh rất phi lý, rằng con “ma” nó sẽ không trông thấy hai thầy trò chàng. Tính đã quên mất rằng, đã là ma thì chỗ nào mà nó không nhìn thấy và không đi đến được chứ. Tính đẩy Hậu vào bên trong, chàng nằm ngoài để che chở cho hắn. Tính nghe Hậu rên khừ khừ. Một làn hơi lạnh buốt sặc mùi âm khí lùa vào bên trong ngôi nhà mồ. Tính tê điếng nhắm nghiền mắt úp mặt vào hai lòng bàn tay. Tấn kịch ma quái của đêm qua lại tái diễn nữa rồi. Tính hãi hùng lắng nghe tiếng bước chân của “nó” đang từ từ xê dịch về hướng... chàng.

        Thân thể Tính cứng đặc như một tảng đá, khi chàng nghĩ đến cái vòm họng đỏ lòm và những mảnh thịt lở lói của con ma sẽ áp sát vào khuôn mặt của chàng. Tính có một ước mong điên rồ là phải chi chàng cứ ở trong mộng vẫn hay hơn. Tỉnh thức với đầy đủ những giác quan đối diện tà áo trắng của con ma phất phơ ngay trước mũi với những ngón chân đen như mực của nó, là một cực hình ghê rợn. Con ma nó đã đứng ngay sát bên chàng rồi. Tính đã có thể nghe rõ hơi thở nhè nhẹ của nó nữa. Được một lúc, Tính có cái linh cảm rằng con “ma” nó đã từ từ ngồi phệt xuống, mẹ ơi, ngay trước mặt chàng, và có lẽ nó đang giương mắt trừng trừng nhìn. Hậu lặng thinh, hay có lẽ sợ quá nó đã xỉu rồi. Đột nhiên, Tính rụng rời cảm biết có một bàn tay của ai đó đang run rẩy, mơn man trên đầu chàng, nó vuốt nhè nhẹ xuống gáy chàng. Một bàn tay khác lạnh buốt như nước đá nắm lấy hai bàn tay của Tính kéo rời ra, để bàn tay kia có thể vuốt ve má chàng. Tính kinh hoàng chết lịm, chàng đang ở trên cái ranh giới mỏng mảnh như một sợi chỉ, giữa sự sống và sự chết. Nếu tin rằng con ma nó có quyền năng bắt hồn người sống, thì Tính tin rằng đây chính là khoảnh khắc linh hồn chàng sẽ bị nó rứt ra khỏi cái thể xác còm cõi của mình, và...rồi Tính cũng sẽ biến thành một vong linh phiêu phưởng ai oán như cô gái nhà họ Hứa. Thời gian chỉ có một vài giây thật ngắn mà Tính tưởng chừng như kéo dài đến thiên thu. Chàng lịm dần vào cơn ngất, khi mái tóc của cô gái ma xõa xuống phủ lấy khuôn mặt chàng. Trong cơn chết chập chờn, Tính lạ lùng tự hỏi, ủa, sao tóc nàng thơm dìu dịu như mùi hương dạ lý. Và, hơi thở của nàng phà vào mũi chàng một vị ngọt nồng của một thứ trái cây vừa chín tới. Dường như có mấy giọt nước ấm nhỏ lên trên mặt chàng làm Tính hồi tỉnh, chàng mở bừng mắt ra, trông chờ một khuôn mặt đầy máu và mủ. Nhưng không phải, Tính ú ớ kêu lên, nghèn nghẹn:

        - Trời ơi, là cô... Tính ngồi bật dậy để nhìn cho rõ hơn. Đâu có phải là con ma cùi nhà họ Hứa, mà là... Xiểu Làn, cô gái đi tảo mộ ngày hôm trước với bà già người Tàu đây mà. Xiểu Làn ngơ ngác nhìn Tính, nàng không nhận ra chàng, đôi mắt của nàng mờ đục một cách kỳ dị. Tính nắm lấy bàn tay lạnh giá của Xiểu Làn:

        - Xiểu Làn, cô đi đâu nửa đêm khuya khoắt thế này?

        Xiểu Làn rụt tay về lẩm bẩm:

        - Tôi đói... tôi đói... Một bàn tay thò ra từ phía sau đưa cho Tính một gói xôi, chàng đón lấy. Chắc là anh chàng Hậu đã hoàn hồn rồi. Tính trao gói xôi cho cô gái:

        - Cô ăn đi. Xiểu Làn thờ thẫn cầm lấy gói xôi, đôi mắt đăm đăm nhìn Tính, nhưng mà chàng cứ ngỡ là nàng nhìn xuyên suốt vào khoảng không gian diệu vợi nào đó. Nàng đưa nắm xôi lên miệng nhai chậm rãi như trong một cơn vô thức. Được một lúc, Xiểu Làn kêu khẽ:

        - Nước, tôi khát... Tính đưa cho nàng chiếc bình đông nước. Nàng hớp một ngụm nước và trả cái bình lại cho chàng:

        - Cám ơn... cám ơn... anh... Xiểu Làn vén áo đứng lên:

        - Chào anh... tôi về nhà, tôi đi ngủ đây... Ngạc nhiên lẫn sửng sốt đến cùng cực, Tính chống nạng đứng lên theo can ngăn: - Xiểu Làn, không được đâu, khuya rồi... cô đi đâu chứ, nguy hiểm lắm! Xiểu Làn lắc đầu ngơ ngác:

        - Tôi ở đây, nhà tôi ở đây... tôi còn đi đâu nữa... Nàng chầm chậm quay mình đi về phía cái nấm mả nằm ở giữa căn nhà mồ, những bước chân cứng đờ như trong cơn mộng du... Tính rùng mình nhìn nàng ngồi xuống trước tấm bia mộ. Trời ơi, đêm hôm qua chàng đã mơ thấy nàng đã làm như thế này. Có lẽ nào Xiểu Làn không còn là Xiểu Làn nữa, mà chính thân xác của nàng đang mang mển một cái vong hồn chưa siêu thoát. Làm sao mà một cô gái nhỏ bé như thế này dám lang thang giữa cánh rừng cao su, trên một ngọn đồi đầy những nấm mồ hoang phế ghê rợn chứ. Không hiểu bằng cách nào mà Xiểu Làn có thể vượt một chặng đường dài đến gần hai mươi cây số từ Chợ Lớn để đến được nơi này trên đôi bàn chân trần của nàng. Chàng biết chắc, chỉ trong vài giây phút nữa thôi, nàng sẽ... há miệng với chiếc lưỡi đỏ khé dài thườn thượt như lưỡi một con rắn, đôi mắt rực một ánh lân tinh xanh biếc, rồi nàng sẽ rú lên một tràng âm thanh rền rền như tiếng quỷ hú từ đáy địa ngục.

        Xiểu Làn ôm lấy tấm bia mộ kêu khóc thảm thiết:

        - Tôi sắp đi rồi... tôi sắp đi rồi... Đêm mùa hè oi bức lạ thường, Tính cảm thấy một luồng hơi lành lạnh đùa vào trong ngôi cổ mộ. Những đám mây đen đã bao kín không gian, bầy sao và vầng trăng đã chìm mất vào cái vực vũ trụ tối đen, báo trước một cơn mưa giông kinh hồn. Một tia chớp lóe sáng trên những tàng cây cao su kêu xoèn xoẹt như tiếng lụa xé, đánh ầm xuống gần mái hiên ngôi nhà mồ, tiếp theo sau, một tiếng sấm nổ đùng như tiếng trống. Xiểu Làn co rúm người ôm lấy tấm bia đá ngước mắt sợ hãi nhìn lên nóc mộ. Tính chống nạng đến bên cô gái ra dáng chở che: - Xiểu Làn, đừng sợ... Cô gái ngước nhìn Tính bằng một ánh mắt lạ thường, vừa dịu dàng vừa nghi kỵ. Chợt nàng vẫy Tính:

        - Ngồi xuống, anh ngồi xuống đi... Nàng nắm tay Tính thì thầm, chàng nghe tiếng được tiếng mất giữa tiếng gió ào ạt dậy lên từ đỉnh đồi:

        - Anh hãy chăm... só... Xiểu Làn... nó... người tốt... Tính tê tái rên lên. Trời ơi, có phải đây là lời trối trăn cuối cùng của Hứa tiểu thơ, trước lúc nàng vĩnh viễn lìa bỏ cõi trần gian này. Đến bây giờ thì Tính đã chắc chắn rằng, hồn oan của Hứa Phương đang ở trong thân xác của Xiểu Làn. Mắt đẫm đầy lệ, Hứa Phương ấp ủ bàn tay của người lính thương phế trong những ngón tay lạnh giá của nàng, nhắn nhủ bằng một chuỗi âm thanh thê lương:

        - Hãy... yêu... thương nhau...duyên nợ... kiếp trước... Tính cười khổ. Làm sao mà một con người phế nhân cùng cực như chàng có thể đem đến hạnh phúc và cuộc sống tốt lành cho một cô gái chứ. Áo quần rách rưới, cơm không đủ no, không có hiện tại, không cả tương lai, không có gì hết. Làm sao chàng dám mơ tưởng đến một mái ấm gia đình đây hỡi trời. Cô gái nhà họ Hứa ơi, cô đùa làm gì, tội nghiệp tôi lắm cô ơi.

        Đột nhiên Xiểu Làn bấu chặt lấy bàn tay người lính, đôi mắt trừng trừng nhìn ra ngoài màn đêm. Cơn giông tố đã nổi lên rồi. Luồng gió mạnh quật một màn nước xiên chéo vào trong ngôi cổ mộ, mái ngói vặn mình rào rào. Tính đứng che cho cô gái, quần áo chàng ướt đẫm, nước mưa chảy ròng ròng xuống sàn cổ mộ. Xiểu Làn chợt ôm ngực gào lên hãi hùng:

        - Đó... đó... người ta đã tới... ghê quá...tôi phải đi đầu... thai...tôi không... muốn đi... Nàng xô mạnh vai chàng trai: - Đi đi... hãy ra khỏi cái nhà mồ này... mau lên! Xiểu Làn trợn mắt kêu òa một tiếng dị kỳ, nàng ngã vào vòng tay khiếp đảm của Tính ngất đi. Một màn nước ào vào phủ lấy hai người, cái lạnh bất ngờ đã đánh thức Xiểu Làn. Mở mắt bừng tỉnh sau một cơn mê dài, Xiểu Làn nhìn quanh ngơ ngác, lạc giọng trong tiếng sấm rền:

        - Sao... sao... tôi ở nơi này?

        Tính kéo tay Xiểu Làn gào to gọi Hậu:

        - Hậu, chạy mau! Vừa dắt Xiểu Làn khập khễnh chạy, Tính vừa ngoái nhìn góc nhà mồ để chắc rằng chàng đã thấy Hậu đang bò bằng hai tay trên mặt sàn đá đẫm đầy nước. Xiểu Làn run rẩy trong vòng tay của Tính, nàng e thẹn xô nhẹ chàng qua một bên:

        - Cái ông này... lạ... Tính chẳng nói năng gì, vì chàng không có thì giờ giải thích. Chàng nghiến răng kéo Xiểu Làn đi thật xa ra khỏi ngôi nhà mồ. Chiếc nạng gỗ chẳng giúp đỡ được gì nhiều cho chàng giữa cơn mưa giông điên cuồng. Đất đã nhão nhoẹt dưới chân Tính. Dưới ánh chớp, Tính loáng thoáng thấy con đường mòn giữa hai đám cỏ tranh đã ngập đầy nước. Bất chợt, cả Tính và Xiểu Làn cùng trợt ngã sóng soài trên mặt bùn. Tính nổi gai ốc khi một bàn tay nắm lấy bắp chân chàng.

        Nhưng chàng đã nghe tiếng Hậu kêu gào:

        - Ông thầy... ông thầy... Ba con người nằm giữa đám cỏ tranh, đắm mình trong dòng nước chảy trên con đường mòn.

        Xiểu Làn run cầm cập trong chiếc áo trắng mỏng phong phanh, nàng không thể không tựa vào người đàn ông để tìm sự che chở và chút hơi ấm. Tính đưa tay lên vuốt nước mưa trên mặt, chàng cố ngoáy nhìn vào trong nhà mồ. Trái tim Tính giật thót lên trong một cơn kinh hoàng. Chàng thấy... một cái bóng trắng đứng bên ngôi mộ Hứa tiểu thư lặng lẽ nhìn, mà Tính biết chắc ánh mắt của nàng đang hướng về chàng. Bỗng, Tính trông thấy, trời ơi, Hứa tiểu thơ đang đưa hai tay lên trong tư thế chống cự một quyền lực nào đó. Nhiều sinh vật kỳ dị trong những chiếc áo đen xúm xít chung quanh cô gái lôi kéo nàng đi. Một tia chớp lóe sáng giữa bầu trời đen. Tính rụng rời nhìn màu áo trắng của cô gái cùi bất hạnh ẩn hiện giữa những cái bóng xám mờ, tất cả hối hả cất lên không trung. Một dòng nước tràn lên đôi má héo hắt của Tính, chẳng biết là nước mưa hay là nước mắt của chàng khóc thương cảm số phận nghiệt ngã của cô gái nhà họ Hứa. Nàng đã cố nấn níu ở lại trên cõi trần này mấy mươi năm trong linh ảnh của một hồn ma để làm gì chứ. Lẽ ra nàng đã chịu chấp nhận kiếp luân hồi để tái sinh thành một con người có một thể phách khác, cuộc sống khác nhiều hạnh phúc hơn. Tính sẽ không bao giờ biết được tại sao, Hứa Phương đã liều lĩnh trốn tránh luật trời để chịu làm kiếp ma hoang. Chàng ngậm ngùi nhìn theo chiếc áo trắng của nàng dần dần chìm mất vào cõi đen. Một màn nước chụp xuống, Tính vội vã đưa tay vuốt mắt để nhìn. Không còn gì hết...

        oOo

        Trong phòng khách bày biện đẹp mắt và sang trọng của một ngôi nhà khang trang nằm bên một con đường lớn có những cây cọ xanh mướt, tàng lá cao vút lên bầu trời trong xanh, một người đàn ông tuổi ngoài ba mươi ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế da bóc từng tấm hình từ trong một chiếc bao thư, mà chàng mới vừa lấy trong thùng thư.

        Một thiếu phụ xinh xắn, đôi mắt ngời sáng ánh hạnh phúc từ nhà bếp bước ra ngồi lên chỗ gác tay của chiếc ghế âu yếm gọi:

        - Anh, cơm xong rồi, xực phàn! Nàng tò mò nhìn hai bàn tay của chồng:

        - Hình ai vậy anh?

        Trong tấm hình, một người đàn ông đã cụt hết hai chân cười tươi ngồi trong chiếc xe lăn, hai tay anh choàng hai bên một người đàn bà và một chàng thiếu niên, mặt mũi trông giống hệt anh. Cả ba người với khuôn mặt hân hoan ngồi chụp hình trước một cái hậu cảnh là một căn nhà nhỏ nhưng tươm tất. Một tấm bảng treo trên cao với hàng chữ sơn màu: HẬU SỬA XE GẮN MÁY.

        Thiếu phụ reo lên:

        - A, em nhận ra rồi, anh Hậu đây mà! Người chồng gục gặc đầu thích thú, chàng lật phía sau tấm hình để xem có gì nữa. Một hàng chữ nguệch ngoạc: Ông thầy kính mến. Gia đình sum họp của em. Cám ơn số tiền tình nghĩa của ông thầy nhiều lắm. Nhờ vậy mà em mở được cửa hàng này. Chúc hai ông bà và các cháu vạn sự an lành. Kính thơ, “Sư phụ” của ông thầy. Hậu. Tính trao tấm hình cho vợ. Xiểu Làn ngước nhìn chồng bằng ánh mắt thương yêu trong màn lệ:

        - Anh thật là người tốt... Nàng vòng tay quanh cổ Tính, cúi xuống hôn một cái thật dài lên trán chàng. Tính tinh nghịch chìa môi ra. Xiểu Làn cười hinh hích vả nhẹ những ngón tay tròn nhỏ mũm mĩm lên má chồng:

        - Thôi đừng có tham, đi ăn cơm với ngộ li! Tính ghì lấy cái hông mềm dịu của vợ, gục đầu vào vùng ngực thơm ngát của nàng:

        - Anh yêu em... Chàng không bao giờ quên được những ngày tháng dài chàng đứng bên chiếc xe ép nước mía, đôi cánh tay rắn chắc của chàng kéo cái vòng quay giống như cái tay lái của những chàng thủy thủ, dòng nước mía xanh biếc như ngọc chảy tràn xuống chiếc thố thủy tinh. Xiểu Làn múc nước mía cho vào những cái ly đầy nước đá để mang ra cho khách. Một căn nhà nhỏ đơn sơ, năm bảy cái bàn thấp lè tè với những chiếc ghế đẩu thấp, và một chiếc xe nước mía. Nhưng mà đối với Tính, những thứ đó to lớn quá, xa xỉ quá, dường như không phải là thật, đến nỗi chàng luôn tự hỏi, có phải mình đang đắm trong một cơn mộng đẹp dài. Chàng nguyện cầu phật trời xin đừng cho chàng tỉnh giấc, để chàng cứ tiếp tục sống đời hạnh phúc với Xiểu Làn đến ngày chàng và nàng cùng xuống mộ.

        Có một ngày, bà lão a phò của Xiểu Làn gọi hai người vào một chỗ kín vắng hỏi:

        - Hai lứa bây có tính li chưa? Xiểu Làn nhìn bà ngoại lạ lùng:

        - Đi đâu a phò? A phò trợn mắt:

        - Thì li Mỹ chớ li lâu?

        - Đi Mỹ phải có tiền nhiều nhiều đó a phò! Bà lão xua tay:

        - Ai dà.. Có ngộ mới hỏi hai lứa chớ, sửa soạn li li... Bà già Tàu mò mẫm trong một cái ngăn bí mật sau bức vách lấy ra một cái hộp gỗ nhỏ chạm trổ rất đẹp, hai tay bà run run vì một cơn xúc động:

        - Cái này là của Hứa tiểu thơ cho ngộ, bây giờ tao cho hai lứa bây... Xiểu Làn ôm lấy người bà khóc nấc lên:

        - Xiểu Làn không đi đâu, Xiểu Làn ở đây với a phò ... Bà lão hấp háy đôi mắt, làn da mặt nhăn nheo co rúm lại:

        - Ai da, cứ li li, tụi bây ở lây khổ quá, ngộ chịu không nổi!

        Suốt cuộc đời chàng, Tính biết chàng sẽ không bao giờ quên được cái dáng nhỏ thó với đôi vai co rút và chiếc lưng còng của a phò lúc tiễn đưa vợ chồng chàng xuống bến ra đi. Một cuộc vĩnh biệt biết có ngày tương phùng hay không. Tính cảm khái nhìn qua khung cửa sổ. Hai con sóc đang đuổi bắt nhau chạy trên cành. Mấy con chim se sẻ ríu rít nhảy trên sân nhặt những hạt cỏ. Tính biết, rồi có ngày chàng cũng sẽ trở về tìm kiếm lại những hình ảnh thân thương của thời quá khứ. Ngôi cổ mộ nhà họ Hứa bây giờ đã ra sao rồi. Nó có còn nằm nép mình giữa đám cỏ tranh trên đồi, hay đã bị đập phá để nhường chỗ cho những đổi thay dâu bể. Nhưng Tính vẫn chưa biết ngày đó là ngày nào. Chàng chỉ sợ rằng, cái ngày chàng đặt chân trở về quê hương, thì có lẽ xác thân của a phò đã mục rữa dưới lòng đất lạnh mất rồi.

        Hết

        Nguồn: Việt Nam Daily

        Comment


        • #5
          Trước 75, người ta có làm phim “Con ma nhà họ Hứa “ nghe nói cũng ghê lắm không biết người ta có post trên YouTube không?🤔
          "Life is like a river, let it flow.
          Cuộc đời giống như một dòng sông. Cứ để nó trôi."

          Comment

          Working...
          X