Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Bị Thư

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bị Thư

    ......Sáng sớm đọc được truyện này, thấy vui vui, mời các bạn cùng đọc với VT :


    BỊ THƯ
    Thời còn ở quê nhà, thỉnh thoảng có nghe nói đến chuyện...thư. Người bị thư thường là người Kinh. Chuyện cũng dễ hiểu, bởi vì khi người Kinh bị thư thì mới có đồn đãi trong xã hội người Kinh, chứ người Thượng mà bị thư thì có can hệ gì đến người Kinh đâu mà đồn với đãi?
    Đa số những quân nhân đồn trú ở Cao nguyên, không nhiều thì ít đều có nghe kể qua những chuyện bí kỳ bí nầy. Như ông Ba bị thư cả chục cây đinh trong bụng, bà Năm bị thư một lọn tóc rối ở dạ con v.v...

    Những nạn nhân bị thư thường không được báo... trước, nên không hề biết một li ông cụ về chuyện kinh khủng nầy, do đó vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng càng ngày càng yếu dần, biếng ăn nhác uống, xuống cân, xanh xao vàng vỏ. Người nhà chở đi hết bác sĩ nầy đến nhà thương nọ, chẩn đoán, thử nghiệm, rọi kiến, chụp hình đủ các cái mà vẫn không sao tìm ra bệnh lý căn nguyên.
    Bộ đành bó tay sao?
    Không, còn nước còn tát chứ!
    Thế rồi, tùy theo tín ngưởng của bệnh nhân mà gia đình mời thầy về nhà tụng kinh cầu an hay rước cha về đọc kinh làm phép.
    Bệnh vẫn không thuyên giảm mới đâm...lo!
    May quá, người nầy mách thầy Tàu châm cứu hay, tìm đến! Người kia giới thiệu khoa điện công yoga thần dược, thử xem! Có người cho rằng phải cúng sao giải hạn, thì cúng!
    Tát đã khô quắt khô queo cả nước mà có được cái... nước mẹ gì đâu?
    Đã tận nhân lực rồi, đành tri thiên mệnh vậy. Ông Trời gọi ai nấy dạ. Cùng thì phải biến. Có biến ắt có...thông! Có thể bệnh nhân tịch đêm nay. Cũng có thể sau một đêm trằn trọc, ngày mai bệnh nhân đội nón đi dạo bãi... biển chói chang nắng hè!...Biết đâu, thông nào mà chẳng là thông?

    Niên trưởng Lưa Thưa là nhân vật thứ hai trong bốn vị sĩ quan được điều lên Pleiku để thành lập Không Đoàn 72 Chiến Thuật. Đứng đầu là ông Bá Chủ, thứ ba là ông Bá Đạo, cuối cùng là ông Tây Độc Lưu Đức Thanh. Thời đó dân không quân Pleiku gọi bốn vị nầy là Tứ Trụ Triều Đình.
    Niên trưởng Lưa Thưa từng tốt nghiệp khóa hoa tiêu trực thăng tại Marakech bên xứ Maroc. Khi về nước, ông chỉ huy nhiều phi đoàn trực thăng, từ loại cổ lổ sĩ đến loại tân kỳ và tham dự hầu hết các cuộc hành quân không trợ từ bắc chí nam.

    Ông gốc miền trung nghèo khó, chó ăn đá gà ăn muối, nhưng ông chỉ ăn thịt cá bổ dưởng nên vóc dáng của ông cao lớn dềnh dàng. Nghe giọng nói và nhìn vóc dáng đó, dù tối dạ cách mấy cũng nghĩ rằng, gia đình ông thuộc giai cấp phú nông địa chủ, chứ không thuộc tầng lớp còi cọc hay eò uột gì đâu. Niên trưởng Lưa Thưa còn một đặc điểm khác rất dễ nhận, đó là bộ ria. Bộ ria không lấy gì gọi là rậm cho lắm, có thể đó là lý do để ông không ngó ngàng đếm xỉa đến nó cũng nên. Có một điều an uỉ là, râu ông thuộc loại râu... thơm, nhờ ông ghiền hút ống vố nên mới hưởng được chút phúc lợi nầy.

    Ở các quân trường thường treo câu khẩu hiệu : Nhìn quân phục biết tư cách. Ông bà mình thì thâm thúy hơn : Cái râu cái tóc là góc con người. Cứ đem hai câu châm ngôn ngạn ngữ nầy chiếu rọi vào niên trưởng Lưa Thưa thì thấy rõ bóng dáng của Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 72 Tác Chiến tân lập ngay.

    Ông là típ người xuề xòa, nhẹ phần trình diễn. Tóc húi cua. Quần áo không cần thẳng nếp, miễn sạch là đã qúy lắm rồi. Trước khi lên Pleiku, ông phục vụ ở Nhatrang. Sau giờ làm việc, ông thường mặc quần xà lỏn đi bộ từ cư xá ra biển tắm. Lúc đi ông hồn nhiên đã đành, mà lúc về, quần ướt dính sát da, ông vẫn hồn nhiên cuốc bộ về. Ông nghĩ rằng, ông không làm phiền đến ai thì có điều gì mà bận lòng chứ!
    Hễ ai coi nhẹ hình thức ắt phải coi trọng nội dung. Niên trưởng Lưa Thưa rất nặng phần bay bỗng, nặng tình đồng đội nghĩa bạn bè. Ông là một Kitô hữu thuần thành và là một cây viết có hạng trong không quân.

    Bao nhiêu năm trong quân ngủ, tiền lính tính liền nhưng ông bà Lưa Thưa dành dụm được chút đĩnh, bèn mua một miếng đất cất một cái nhà làm tổ ấm cho gia đình gồm năm người. Ông đang an cư lạc nghiệp ở miền thùy dương cát trắng thì được lệnh chuyển lên xứ Thượng để thành lập đơn vị mới. Trước đây, hể ông đi đâu là bà theo đó, nhưng lần nầy bà để ông đi một mình. Bởi vì, Nha Trang cách Pleiku không mấy bao xa, hơn ba mươi phút bay là cùng.

    Sau chừng bốn tháng bổ sung tổ chức huấn luyện, bộ mặt Không Đoàn 72 Chiến Thuật thành hình, gồm một phi đoàn khu trục A1H, hai phi đoàn trực thăng và một phi đội tải thương HU1B, và một phi đoàn quan sát với 3 loại phi cơ O1, U17 và O2. Không Đoàn bắt đầu xung trận thì ông Chỉ huy trưởng Liên đoàn 72 Tác Chiến, tức niên trưởng Lưa Thưa lâm trọng bệnh. Bác sĩ phi hành Lê Khanh đích thân khám cả tuần mà đành bó tay, bèn chuyển bệnh nhân qua Quân Y Viện Pleiku để hợp chẩn. Thời đó, giới bác sĩ quân y và không quân rất thân, đặc biệt ở cái xứ heo hút cận kề với nỗi chết, thì sự thân thiết có phần đậm đà hơn. Bao giờ cũng vậy, có qua có lại mới toại lòng nhau...

    Khi niên trưởng Lưa Thưa nhập viện thì từ y sĩ trưởng đến y sĩ điều trị, ai cũng... mừng. Có mấy khi mới được dịp điều trị cho ông Liên đoàn trưởng Tác chiến có đủ các loại máy bay trong tay chứ? Nhưng sau hai tuần hợp chẩn, mấy lương y dày dạn kinh nghiệm lại đâm... buồn vì không tìm ra bệnh, mà bệnh nhân thì càng ngày càng yếu thấy rõ. Quý lương y không những buồn mà còn ấm ức thế nào ấy!
    Một tuần sau ngày ngã bệnh, niên trưởng yêu cầu bà nhà lên chăm sóc. Chăm sóc cả tháng trời mà chẳng thấy khá, lại có chiều xấu hơn nên bà Lưa Thưa có ý muốn đưa chồng về Nhatrang để dễ bề chạy chữa.

    Ngay chiều đó, chính ông Bá Chủ, Không đoàn trưởng, lái trực thăng qua Quân y viện đón ông bà Lưa Thưa và bay thẳng về NhaTrang. Ông nghỉ đêm ở đây để lo sắp xếp mọi việc cho chiến hữu của mình rồi bay về nhiệm sở sáng hôm sau. Suốt chuyến bay về, ông cắn ống vố nghĩ ngợi lung lắm. Trước khi đáp, ông nhờ Đài kiểm báo gọi ông Bá Đạo đón ông ở parking trực thăng. Hai ông lái xe thẳng về War Room ( Phòng Hành Quân Chiến Cuộc) xem xét tình hình chiến sự, xong đâu đó mới về Bộ Chỉ Huy Không Đoàn. Ông Bá Chủ vừa pha cà phê vừa đặt vấn đề với ông Bá Đạo :
    - Tôi thấy bịnh tình của ông Lưa Thưa kỳ lắm, theo chú, chú thấy thế nào?
    - Hy vọng Quân y viện Nguyễn Huệ Nha Trang có đầy đủ máy móc tối tân sẽ tìm ra căn bệnh của Niên trưởng Lưa Thưa...
    - Thì tôi cũng mong như vậy mà...cũng không mấy tin tưởng...
    Và ông Bá Chủ bày tỏ lòng thương bạn theo cách riêng của ông...
    Một buổi chiều đẹp trời, ông cho mời hạ sĩ nhất Y Cà Pháo thuộc Đoàn Phòng Thủ, lên văn phòng hội kiến. Cà Pháo sinh trưởng trong một gia đình danh giá thuộc bộ tộc Rhadê, lập nghiêp ở Cao nguyên nầy từ nhiền đời qua. Y đi lính cho Pháp, sau đó chuyển qua Quân Đội Cộng Hòa và nói được chút đỉnh Pháp, kha khá tiếng Việt và dĩ nhiên rất rành tiếng...Rhadê!

    Hạ sĩ nhất Y Cà Pháo là niềm kiêu hãnh của bộ tộc mình.
    Cuộc hội kiến kéo dài đến tối mịt. Sau đó thấy hai người phóng xe ra phố. Chắc là đi ăn tối, bởi vì ai cũng biết, khi nhậm chức ở Pleiku, ông Bá Chủ độc thân tại chỗ!
    Do đề nghị của Trung Tá Không Đoàn Trưởng 72 Chiến Thuật, hạ sĩ nhất Cà Pháo được nghỉ phép hai ngày tại gia để chuẩn bị các cái và sau đó sẵn sàng hành trang theo ông Bá Chủ đi công tác Nha trang.

    Cư xá KQ Vảng Lai ở số 50 Duy Tân Nha Trang ngay sát bờ biển dành một xe jeep và một phòng ngủ hai giường cho khách quý từ Pleiku về.
    Ổn định chỗ nghỉ ngơi xong, ông Bá Chủ chở Y Cà Pháo trực chỉ nhà niên trưởng Lưa Thưa. Vì được báo trước nên gia đình tụ tập đông đủ đón chào. Có thể do tò mò. Sau màn giới thiệu chủ khách và nói rõ lý do công tác của phái đoàn đặc nhiệm, thì bỗng nghe tiếng rên rĩ từ phòng trong. Hạ sĩ nhất Cà Pháo thì thầm bên tai ông Bá Chủ, sau đó ông yêu cầu mọi người ra khỏi phòng người bệnh, kể cả bà Lưa Thưa.

    Khi chỉ còn ba người, Cà Pháo bắt đầu mở túi xách lấy đồ nghề gồm một cái phèn la, một mớ lá và rễ cây, một chai rượu trắng và một cái nanh heo rừng. Tất cả bày dưới chân người bệnh. Riêng tấm lụa điều thì Cà Pháo quấn quanh đầu và bắt đầu đọc lâm râm, dĩ nhiên là bằng tiếng...Rhadê! Y hốt một nắm lá và rễ cây nhai ngồm ngoằm, tu một hớp rượu rồi phun khắp người niên trưởng làm ông hét lên một tiếng, không hiểu vì tác dụng của thuốc hay vì...hãi quá!

    Cà Pháo nhắm mắt và tiếp tục đọc lâm râm thổ ngữ, có thể là thần chú. Toàn thân Niên trưởng Lưa Thưa bắt đầu run lên. Cà Pháo từ từ tháo tấm vải lụa điều và nhẹ nhàng phủ lên người bệnh, làm ông nầy khóc thét như thể có vật kim khí nhọn đâm vào người vậy. Sắc mặt niên trưởng bổng tái mét và mồ hôi toát ra. Ông rên la quăn quại trông tội nghiệp.

    Cà Pháo thong thả nhặt cái nanh heo rừng đưa lên ngang mày và lớn giọng như thể ra lệnh hoặc nạt nộ ai. Sau đó, ông nắm chặt cái nanh như nắm chặt một con dao, lòn vào tấm lụa điều và bắt đầu...giải phẩu cái bướu độc căng phình bên phải bụng niên trưởng Lưa Thưa.

    Không một giọt máu đổ ra mà sao người bệnh kêu la như thể mổ mà không đánh thuốc mê vậy đó. Hai mắt Cà Pháo đỏ ngầu. Y lại nhai một ngụm rễ lá, lại tu một ngụm rượu và lại phun vào chỗ đau của người bệnh.

    Niên trưởng Lưa Thưa ngất lịm mê man.
    Cà Pháo tung tấm lụa điều ra, để lộ trên chiếu một nắm đinh ba phân đã rỉ sét! Y thở phào một cái và xách phèn la gõ một tràng như thể tạ ơn sư tổ và báo tin mừng.
    Công tác đặc nhiệm hoàn tất mỹ mãn!
    Trong bửa cơm do gia đình khoản đải, hạ sĩ nhất Y Cà Pháo tiết lộ câu chuyện mười năm trước...
    Trong một phi vụ yểm trợ quân bạn vùng Tây Nguyên, chiếc L19 của Thiếu úy T bị trúng đạn bể hộp dầu và bể bắp...chuối, phải đáp khẩn cấp cạnh một buôn Thượng vùng Plei Mơrông, thuộc tỉnh Pleiku. Ông may mắn được một gia đình người Thượng chăm sóc. Cảm kích trước lòng tốt và chơn chất nầy, ông đã tặng gia đình đồng hồ đeo tay, bút máy và ít hiện kim. Lòng tri ân và hào hiệp của một không quân đã lọt vào mắt xanh của sơn nữ Cà Pha, là trưởng nữ của gia đình. Sơn nữ thì phải lòng chàng rồi đó, ngược lại, lòng chàng cũng xao xuyến trước đóa phong lan mộc mạc rắn chắc của núi rừng. Sơn nữ từng dìu chàng qua khu nghĩa địa đến thăm con tàu bị nạn, thu nhặt những những gì cần thiết. Giữa núi rừng thênh thang hoang vắng mà hữu tình, chắc gì lòng Thiếu úy T không rung cảm? Chắc gì Thiếu úy T không biểu lộ những động tác yêu thương trong những ngày chờ đơn vị gởi trực thăng lên đón chàng về?

    Không biết Thiếu úy T có hứa hẹn gì không mà Sơn nữ Cà Pha hóa đá đợi chàng ròng rã mười năm...
    Kỳ hạn mười năm đã đến, mà người xưa không thấy vè, Cà Pha bèn chôn vùi khối tình xuân, quyết tâm trừng trị kẽ đã bội câu thề bằng cách...thư vào bụng chàng một nắm đinh cho bỏ ghét!

    Sơn nữ Cà Pha và hạ sĩ nhất Y Cà Pháo là chỗ bạn...tình! Cà Pháo yêu say đắm Cà Pha, nhưng luật của bộ lạc cấm người trong huyết tộc lấy nhau, chàng bèn ôm mối tình tuyệt vọng bấy nay nhưng lúc nào cũng sẵn sàng giúp đở hay bảo vệ nàng. Đúng ra Cà Pháo không dính vào vụ thư nầy. Ngay sau khi đáp khẩn cấp xuống bãi đất trống gần nghĩa địa, thiếu úy T đã tè vào một bụi rậm mà không biết đó là ngôi mộ của một Thầy Mo danh tiếng và là Sư phụ của mình, Cà Pháo đã bỏ qua. Nhưng khi biết Thiếu úy T phản bội lời thề, gây đau khổ cho người mình yêu, chàng mới ra tay theo yêu cầu của Cà Pha, là thư một nắm đinh vào bụng ông Thiếu úy để trừng trị cái tật đái...bậy và cái tội hứa...lèo!
    Thiếu úy T đó tức là niên trưởng Lưa Thưa trong câu chuyện nầy.
    Mới hay quả đất tròn.
    Mới hay gieo nhân nào gặt quả đó.
    Mới hay ở hiền gặp lành...
    Số niên trưởng còn hên vì gặp một ông xếp thuộc loại rành rẽ chuyện huyền bí phù phép bùa ngãi đường rừng. Sau một tuần nhập viện mà không thấy khá, là xếp bắt đầu nghi ngờ về chứng bịnh bí hiểm mà cả đông hoặc tây y không thể nào chữa khỏi, ngoại trừ một Thầy Mo cao tay ấn như hạ sĩ nhất Y Cà Pháo. Và nếu không là ông Bá Chủ yêu cầu, thì chưa chắc gì Cà Pháo nhận chữa bệnh ca nầy. Một điều hên nữa là, khi ông Bá Chủ đưa ý kiến mời một Thầy Mo từ Pleiku về Nha trang chữa bịnh cho niên trưởng thì cả nhà ai cũng tỏ ý nghi ngờ và tỏ ý ngầm phản đối. Gia đình trình chuyện nầy lên thỉnh ý Cha Xứ, thì Cha Xứ lại bất ngờ bằng lòng (có thể Cha thấy không còn cách nào khác chăng?) .

    Nhờ vậy mà danh tánh của niên trưởng Lưa Thưa mới được xóa bỏ trong sổ phong thần!!
    Mấy tháng sau, Cà Pháo được thăng cấp Trung sĩ do đề nghị của Trung tá Lưa Thưa. Mọi lỗi lầm của tuổi trẻ coi như xí xóa.
    Hiện nay hai niên trưởng Bá Chủ và Lưa Thưa đã quá tuổi nghỉ hưu. Một ông ở Bắc Cali, một ông ở Dallas. Cả hai đều khỏe mạnh. Riêng Trung sĩ Cà Pháo thì không biết sống chết ra sao. Nhưng dù biển dâu thế nào thì cũng không sợ tiệt giống...Thầy Mo, vì lúc còn mang lon hạ sĩ, Cà Pháo đã có đến ba bà vợ với trên một tiểu đội con, thì thế nào cũng có đứa nối nghiệp cha.

    Và ngày nay, trong số ba triệu người Việt lưu vong trên khắp thế giới, nếu ai biết có người nào bỗng biếng ăn nhác uống, tây y không cách nào tìm ra căn bệnh, thì có thể nhi ngờ rằng, người đó bị...thư! Người chủ tâm thư không phải người Thượng da đỏ, mà người bệnh tự mình thư mình bằng cách... chửi bậy! (chứ đái bậy là ăn còng số 8 ngay). Chửi vô tội vạ, chửi vô căn cứ, chửi kiểu chụp mủ xuyên tạc và ác tâm.

    Không phải đóng cửa lại rồi chửi, mà chửi công khai trên báo, trên đài, trên cả mạng lưới thông tin toàn cầu.
    Không phải chửi kẻ thù mà chửi đồng đội anh em, vì lý do đơn giản: nhỏ nhen, ganh tị hoặc đồng đội anh em không đồng ý với mình về một điểm nào đó...
    Trong bụng người nầy chứa nhiều tạp khí và uế chất mà máy móc tân kỳ và dược phẩm tối tân hiện đại cách mấy cũng không thể phát hiện và trục nó ra khỏi thân thể được, ngoại trừ một thầy mo cao tay ấn như Trung sĩ Y Cà Pháo.
    Nếu bệnh nhân và thân nhân muốn chữa bịnh theo phương pháp huyền bí của Thầy Mo, ta cũng nên làm phước bằng cách là, đề nghị họ tìm gặp hai niên trưởng Bá Chủ và Lưa Thưa như là hai nhân chứng, trước để tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, rồi sau đó tùy nghi, hoặc rước Thầy Mo qua đây, hoặc đưa người bệnh về Pleiku chữa trị.
    Mong sao phước chủ may người...viêt!!!

    Bắc Đẩu Võ Ý

    ( Trích trong tập truyện Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo)

    Ai cũng cần có khiếm khuyết,
    để bớt phần kiêu ngạo...(ST)


    sigpic

  • #2
    bác VT

    Comment

    Working...
    X