Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Hạt bụi tật nguyền

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hạt bụi tật nguyền

    Có nhiều chuyện như vầy xảy ra sau năm 1977 đều có thật....!


    Mỗi lần tới nhà chị Thềm, tôi cố né cái lề đường gần nhà chị. Nơi đó thường dội vô đầu tôi một câu hỏi. Liệu ở cái cõi vô thường đầy bất trắc này, có ai bào chế được loại thuốc lãng quên những cơn đau ở sâu trong lòng không?

    Chị Thềm vừa đi đâu mới về. Cô gái đi cùng xe với chị bước ra chào tôi. Cô khom người với lấy cái áo khoác đưa chị. Chỗ trễ quần là một khúc da trắng nõn. Rãnh của hai đồi mông là hình xăm một con mèo đen… Tôi mím môi trong khi cô gái vào lại xe và giơ tay lên tạm biệt chúng tôi.

    - Chị có biết cô đó là người của tổ chức Mèo Đen không?

    - Có, chị cũng là thành viên của họ mà.

    Tôi thấy có một cái gì đó vừa chụp xuống đầu mình. Nặng một đội. Gan ruột tan đâu hết, chỉ còn một khoảng trống làm cho mình hoang hoải. Tổ chức Mèo Đen tập hợp những người sống “mới”, y như thuở hồng hoang. Những thành viên trong đó có thể làm tình theo kiểu bầy đàn. Điều họ thích nhất là “bắt cặp” giữa tập thể. Một đôi gây cảm hứng. Những thành viên còn lại mời nhau như chọn bạn nhảy trong vũ trường, không phân biệt tuổi tác, giới tính.



    Tranh : Vũ Xuân Hoàn

    - Chị có thể lột sạch mình trước mặt bất cứ người nào. Có thể lên giường với bất kỳ ai, kể cả em…

    - Chị…?

    - Tổ chức này đã giúp chị nhìn điều đó một cách nhẹ nhàng. Người ta đói thì ăn, bất cứ món nào, bất cứ khi nào. Ở đây, đàn ông đàn bà là bình đẳng nhau nhất. Không có chuyện vinh nhục trong tình dục. Chỉ có cảm thông và tận hưởng.

    Tôi bước khỏi nhà chị, những bước chới với. Giống như hôm nay một cái chân mình bị chặt cụt bớt mấy phân. Hình như bị chặt thiệt. Bằng cái loại dao cùn, cứa nhậm nhày. Chắc chắn anh Lâm phải biết chị Thềm đang làm cái gì. Chị đâu có giấu đút gì. Còn anh thì ngày nào cũng kẹp sẵn vài lát bánh mì, pha ly cà phê, ngồi trên xe trước lề đường đối diện nhà chị. Chỉ để nhìn thấy chị một chút rồi đi làm.

    Thật là tự do.

    Tôi cũng thả nỗi buồn mình cho nó tung tẩy đầy trên đầu, trước mặt sau lưng. Chỉ có không dám giẫm lên nó để bước tới. Hồi còn ở bên nhà, ức lòng quá thường ao ước, mình sẽ vượt biên, mình sẽ tìm một vùng đất mới. Giờ thì chỉ mong được làm một hạt bụi thiệt nhỏ. Khi đó, ai muốn giẫm đạp giày xéo hay là có bị giông bão cuốn đi bất cứ phương trời nào cũng không hề hấn… Mà liệu bụi bặm có đẩy nổi ký ức ra khỏi cái hình thể quá nhỏ nhoi của nó không?
    *

    Tôi không ý thức mình sẽ mãi mãi xa nơi mình lớn từng ngày. Chỉ thấy một cơn xúc động chực tới, chực đi. Thấy bụng dạ mình nó hỗn độn một đám. Dường như không còn phân biệt được đâu là nỗi buồn sinh ly, đâu là nỗi hoang mang trước một bến bờ lạ lẫm. Biên giới, quê hương, mơ hồ như là sự có mặt của tôi trên mặt đất này. Ý nghĩ đó đeo đẳng suốt đoạn đường tôi cong mình dưới khoang ghe...

    Cái ghe nhỏ rời bến lúc chạng vạng. Trên đó có sáu thân phận. Chị Thềm anh Lâm bỏ xứ với ao ước được sống mãi bên nhau. Tiện có mặt trong vai trò người dẫn đường thuê. Vợ chồng Đảo là câu chuyện dài.

    Đảo cùng xóm với tôi. Anh giỏi buôn bán. Hồi mới mười ba tuổi anh đã một mình qua Nam Vang mua tạp hóa về bán. Lớn lên buôn khắp xứ. Vậy mà đùng một cái không cho hàng hóa lưu thông. “Chỗ ăn không hết chỗ lần không ra”. Nhà nào trồng đậu trồng cà bị nhổ. Nuôi gà cũng không cho nói là do gà ăn mà lương thực bị hao hụt. Vậy mà lúa thu mua của nông dân với giá rẻ mạt, đem chất đầy kho, không phơi phóng. Khi khui ra, hơn phân nửa đã thành rác. Những đống lúa bốc khói, đầy mé sông, trong khi khá nhiều người phải ăn độn. Anh Đảo biết mình không thể sống được nơi này. Điều anh sợ nhất không phải là cực khổ đói nghèo. Hồi nhỏ nhà anh đã nghèo lắm. Buôn bán nhiều năm mới giàu có. Anh sợ những con người nhởn nhơ sai lầm, tìm đủ phương kế để lấp liếm hậu quả... Anh lần dò kiếm đường đi. Một lần mới tới biên giới thì bị bắt lại. Không đủ bằng chứng về tội vượt biên, anh bị giam mấy ngày. Lần thứ hai định đi thì vợ có bầu. Người dẫn đường không dám nhận. Họ ở lại sanh con nhưng đứa nhỏ chết yểu vì ban đen. Nhiều lần trật vuột, anh biết hết những cam go của đường đi. Có lúc anh định không dắt vợ theo. Nhưng vợ anh hồi nhỏ tới lớn chưa từng bươn chải. Giờ bỏ lại chị sẽ rầu mà chết…

    So với bốn người họ, chuyện ra đi của tôi coi ra tủi phận hơn nhiều. Tôi bị tình phụ dù chỉ mới mười mấy tuổi. Tôi đang muốn kiếm chỗ làm giàu để con Hí sáng mắt. Ngay lúc đó tình cờ nghe anh Lâm chị Thềm bàn chuyện bỏ đi, tôi quyết định theo họ. Tôi trốn dưới sạp sau lái, ngay chân người đứng chèo.

    Lên tới sông biên giới tôi nghe Tiện thúc mọi người đem đồ đạc lên để anh ta trả ghe. Tôi tốc ván chồm lên kêu tên anh Lâm như trối chết.

    Mọi người nhìn thấy tôi vừa giận vừa bối rối.

    Lâm đứng nhíu mày nhìn tôi khá lâu. Biết không thể bỏ tôi ở lại càng không thể đưa tôi quay về. Anh cho tôi đi, cũng gấp như khi tôi quyết định theo anh.

    Đêm đầu chúng tôi ngủ lại nhà một người quen của Tiện khi cả đoàn qua được biên giới. Nguyên nhà chỉ có hai cái giường. Đàn ông một giường, đàn bà một giường.

    Đêm thứ hai cả đám ở gọn trong một căn gác. Anh Đảo thúc anh Lâm cưới. Chị Thềm giật mình, nhìn như hỏi “được sao?” Mắt chứa chan buồn tủi lẫn nôn nao. Chị đã bỏ lại cha mẹ, xóm làng, rất đông ánh mắt ngấp nghé của mấy chàng trai cùng lứa để có đám cưới này. Anh Lâm vuốt tay chị.

    - Qua bển, mình làm một cái đám cưới thiệt lớn, hé em?

    Chị cười, khẽ khàng nép vào anh. Ở đất nước xa lạ, cái đám cưới cỡ nào cũng quá lớn so với cái nhóm ba người chúng tôi.

    Đảo lớn tiếng.

    - Đừng có cãi, cưới liền đi. Rồi sống chết có nhau. Đường đi… ai mà biết được!

    Anh Đảo quá nhiệt tình? Lâm nhờ Tiện mua ít món để bày ra. Chị Thềm cùng anh Lâm hướng về phía Việt Nam lạy ba má. Tôi cũng nhìn về hướng nhà mình. Bụng nhướng nháy với con Hí. Nó chắc không hình dung nổi tôi đang ở chỗ nào. Mai mốt về, tôi sẽ giàu hơn nhà thằng Tắng có người bên Mỹ. Tôi sẽ mua một cái ti vi màu, đem tới nhà con Hí tặng nó, nhìn hai mắt chớp chớp đầy xúc động của nó một chút rồi nhích mép quay mặt bỏ đi. Nó sẽ ngồi đó, ôn lại ký ức và đối đầu với cơn hối hận “phải chi hồi đó mình đừng chê ảnh!” Ai biểu nó ham giàu (sau này tôi mới thấy mình lãng, ai mà không ham tiền).

    Con Hí, mắt một mí nhưng hai gò má mướt rượt, nhìn muốn hun. Nó chơi chung với tôi hồi bốn năm tuổi. Mấy tháng trước chị Năm thằng Tắng xuất ngoại gởi tiền về, thành giàu có nhất xóm, Hí trở mặt như người ta nướng bánh phồng.

    Cả xóm chỉ có nhà thằng Tắng có vô tuyến. Chiều thứ bảy con nít trong xóm rủ nhau đeo cửa sổ nhà nó coi ké cải lương. Thằng Tắng mở cửa kêu con Hí vô một mình rồi quay màn hình hướng khác. Mấy đứa con nít nghe tiếng Thanh Kim Huệ ngọt ngây trong tuồng Đôi tay vàng mà không nhìn thấy mặt. Tức óc ách, có đứa ỉa vô lu nước nhà thằng Tắng để ngoài hàng hiên. Tôi đã bỏ về từ đầu. Coi gì nổi khi hình dung giờ này chắc con Hí đang bẽn lẽn đầy hãnh diện. Thằng Tắng đang rất oai phong. Mấy ngày sau tôi kiếm, nó nói tao mắc đi chơi với thằng Tắng. Tôi ước mình được giàu. Phải trả thù con Hí. Cũng lạ. Sao mà tôi thù thằng Tắng ít hơn con Hí.


    Anh Lâm cám ơn mọi người. Anh Đảo buộc cô dâu chú rể phải ôm nhau. Họ lượng sượng nhưng mắt tôi có thể nếm được mật ngọt tứa ra từ cái hôn đầu của họ. Tôi vui, nôn nao. Khởi đầu của một cuộc đổi đời thật hạnh phúc. Tôi hình dung lúc được nhìn thấy họ chung một ngôi nhà đàng hoàng. Anh Lâm lo no ấm cả nhà. Chị Thềm đẻ những đứa con dễ thương. Tụi nó kêu tôi bằng chú. Không có ai ức lòng phải tìm đến rượu mỗi ngày. Người mẹ có thể ôm con hun khi thấy từng sợi tóc, nụ cười kiểu ăn kiểu ngủ của nó giống cha. Đứa nhỏ có thể tự hào khi bị chửi “mầy y rang thằng cha mày”. Nó không phải cầm roi quất vào quá khứ, cái khúc nó mới là một cái trứng… Tôi ước mai mốt lớn gặp được một cô đẹp, chung tình như chị Thềm. Vui, tôi quên ba má ở nhà. Không để bụng nghĩ họ sẽ lo lắng hay hờn giận cỡ nào.



    Tối đó sáu người ngủ chung một cái mùng lớn. Đảo ra lệnh hai vợ chồng Lâm phải động phòng. Anh Lâm vừa cười vừa nhăn. Chị Thềm nhìn nhanh một lượt rồi rút vai. Cả nhóm thấy nhột nhạt trong mình.

    Nhớ hồi còn ở nhà, lúc tối trời, tụi tôi hay rủ nhau rình “ếch bắt cặp” sau đình. Ở đó có mấy cô hẹn người yêu. Có những cặp chỉ ngồi nói chuyện. Nhưng có cặp đã hun sanh tử lửa, đè nhau trên mặt đất. Đình xứ tôi nghe đồn linh thiêng lắm. Không ai dám đứng đái bậy vì sợ bị bẻ... Mà, “ếch” lại khoái bắt cặp chỗ này. Có lẽ do chỗ đó ít ai lui tới. Đám “cô hồn sống” là tụi tôi vừa thấy họ đè nhau nhào la ré. Vậy là, dù có đang thèm muốn cỡ nào cũng phải lồm cồm bò dậy rồi mạnh ai nấy lủi.

    Anh Lâm là người ghét mấy cảnh đó nhất. Hình như anh nghĩ má tôi và ba anh đã làm y vậy để sanh ra anh. Anh sắm một cây roi mây, những tối không trăng đi lòn theo mấy lùm cây. Gặp cảnh đó anh quất đại. Những đường roi rót ngang da… Tôi hình dung chỗ đó có thể tứa máu. Khi gặp anh, họ run vì thù, nhưng không dám nói gì.

    Má tôi thường ngồi bần thần khi anh cầm roi ra khỏi nhà. Mỗi nhát anh đánh ai đó giống như xẹt ngang tim, róc vào cái thời con gái của bà. Bà muốn khuyên anh một câu nhưng lại thấy mình không xứng đáng. Dạo sau, ngày nào anh cũng cầm roi đi ngất ngưởng ngang má. Má bậm gan cản anh.

    - Gieo thù chuốc oán chi con. Mai mốt tụi nó hè nhau trấn nước mày ai can?

    - Vậy cũng được. Còn đỡ hơn để tụi nó đẻ bậy…

    - Mày muốn ám chỉ gì thì nói đi thằng thú vật. Dù có hư thúi gì tao cũng là mẹ của mày. Tao đẻ mày mà. Cha mày báo tao cỡ đó mày còn chưa vừa bụng sao?

    - Má đẻ kiểu này thà đừng đẻ!

    Tới đây thì má nín dứt, nước mắt lăn lăn. Anh Lâm sợ cái vụ nước mắt. Anh ít nói chuyện với má. Vì hầu như anh không nói được lời nào nghe lọt lỗ tai. Nên tối ngày anh chỉ chơi với cuốc leng, đèn soi nhái, thùng xách nước. Công việc cực nhọc thì anh lầm lũi gánh hết. Nhà tôi có của ăn của để hơn mấy nhà trong xóm nhờ một tay anh.

    Con gái trong xóm ham có chồng giỏi như anh nhưng ai cũng né. Sợ cái giống Sở Khanh của ba anh truyền lại, nhưng ngán tánh hung dữ nhiều hơn. Chỉ có thị Thềm đẹp nhất xóm lại “khùng không sợ ma”. Chị giựt cây roi từ tay anh rồi giấu biệt.

    - Khi người ta muốn, anh cản có được không. Tội nghiệp, mấy người đó họ thương nhau thiệt…

    Anh không đòi lại cây roi không phải vì động lòng mấy cặp ếch. Mà vì, cặp mắt biết nói của người con gái cùng xóm. Mắt đó cho anh biết. Nếu có ai cầm roi biểu mày đừng thương thằng Lâm, chị cũng cắm đầu thương. Anh thờ phụng tình yêu đó. Chưa lần nào anh dám hò hẹn với chị Thềm sau hè đình. Canh lúc không người, họ đi ngang mặt nhau, ngừng trong tích tắc. Nói nhanh mấy câu:

    - Bữa nay cái mặt ốm nhom?

    - Hồi tối chiêm bao thấy…

    - Có mua cái nón đi đồng treo ngoài nhánh tre, nhớ lấy…

    Chính vì ít ỏi mà nó nung nấu, nó ngún khói, thèm phực lửa. Coi kiểu họ nhìn nhau ai cũng thấy tuốt mị ruột gan họ… Sóng gió dậy lên cũng từ đó.

    Anh Đảo thấy Lâm chỉ ôm người yêu nằm im re liền thúc.

    - Thằng nhỏ mầy liệt rồi hả?

    - Bậy bạ.

    - Hồi nhỏ, có lần tao đi chuyến tàu từ Phan Rang về Sài Gòn. Trên tàu người ta ngồi nằm chen chân không lọt. Vậy mà giữa trưa nắng chang chang, tàu hầm như lò nướng, có hai đứa “dứt” trước mặt mọi người…

    - Ai làm kỳ vậy.

    - Có gì mà kỳ. Họ đâu có biết chút nữa đây tàu họ có bị “kích” không. Chiến sự mà. Chết mà còn ấm ức thì chết không nhắm mắt. Mày nghe lời tao. Đêm nay dứt khoát phải đã thèm.

    Đêm đó vợ chồng anh Đảo rọ rạy một chặp. Căn gác rung rinh. Ai cũng nghe hơi thở anh Đảo. Tôi mường tượng thật rõ gương mặt anh. Nhưng không biết lúc này nó giống lúc anh ăn được miếng thịt ngon, hay giống lúc anh Lâm hôn chị Thềm, hoặc là giống lúc mấy người đàn ông đứng chĩa vô bụi chuối… Anh Lâm nằm cạnh tôi ôm cứng vợ mà không dám rục rịch. Anh Đảo xong việc, nói nhỏ vô tai anh Lâm.

    - Ra ngoài bìa nè.

    Anh Lâm lắc đầu. Đêm đó tất cả mọi người đều không ngủ được trừ vợ chồng Đảo.


    Ra khỏi thành phố, chúng tôi lên xe chung với mấy người buôn lậu. Đi nửa ngày đường, Tiện kêu xe ngừng, kéo cả đoàn hướng một lối mòn dẫn sâu vô rừng. Anh Đảo chần chừ. Tiện nói khúc này xe nào cũng bị chặn, đi bộ cũng không qua lọt. Không ai dám rời bóng Tiện. Anh ta chỉ mấy con đường chúng tôi bỏ qua “coi nó trống trải vậy đó, nhưng đi một hồi sẽ ịnh, không tan xác cũng cụt giò”. Những bãi mìn nằm chằng chịt như cây rừng. Hai phe mạnh ai nấy gài để an toàn nơi đóng quân. Bộ đội muốn qua phải đặt mấy giá mìn, thổi mở đường. Cạnh lối chúng tôi đi, những nhánh cây lớn bị treo ngược quặt quại, chết khô trên cao. Những cái chết đạn. Chúng làm tôi rùng mình. Tiện tỉnh khô. Anh ta thuộc rừng như lòng bàn tay. Tôi ngưỡng mộ trí nhớ của anh ta.


    Tranh : Vũ Xuân Hoàn
    Tôi đi sau nhìn kỹ tướng Tiện. Dáng cao, lưng tôm phần trên nhưng rất khỏe và khéo léo. Anh ta mặc cái áo thun ngắn tay để lộ hai bắp tay rạm nắng, chắc như củi. Trên cánh tay chỗ gần cùi chỏ một nốt ruồi lớn đen kịn. Tự nhiên nhìn nốt ruồi tôi thấy có gì đó gớm gớm Tiện. Nó đen quá, lông lá bùm xùm, thấy tay Tiện giống như tay của con gì chớ không phải người. Được cái, đi giữa rừng với anh ta thật yên tâm. Chúng tôi hình như đang lên dốc. Tôi cảm nhận bước của mình ngày càng nặng. Rừng vẫn giăng đầy, có cảm giác đi cả đời mình thì cũng chỉ thấy rừng. Đêm nay chúng tôi phải ngủ giữa cái đám chằng chịch cây cối? Nghe nói cánh này muỗi sốt rét thành ổ. Tôi vừa cầu cho mình sẽ đi bộ suốt đêm. Lại vừa thèm được nằm đại xuống lối đi. Theo lệnh của Tiện, chúng tôi ngừng lại, giở mấy nắm cơm ra ăn. Tiện chia nước cho mọi người. Ăn cơm xong, tôi nhướng mắt không lên. Ngồi dựa lưng một gốc dầu, tôi thấy trước mặt mình mờ mờ. Đầu óc tôi lộn xộn những hình ảnh về xe, về cây, cả cái rung nhịp nhàng của căn gác. Có âm thanh gì bên tai. Tôi thấy mấy con muỗi bu khắp mình. Nó bằng nắm tay. Mấy cái vòi của nó tủa dài ra, quấn quanh người, chĩa về phía mặt tôi ghim thẳng. Tôi hét lớn. Mới hay mình vừa tỉnh sau một cơn mê ngủ. Tay chân mình đã bị trói cứng. Bên cạnh tôi, Tiện và Đảo bị trói nằm cong như con tôm luộc. Hai tên đang trói anh Lâm. Anh vùng vẫy mạnh quá. Chúng đè anh xuống, siết những vòng dây mạnh tới độ tôi thấy thịt da anh bị lún sâu. Anh cắn răng lại, mặt nhăn như là sắp than tiếng gì đó. Nhưng môi anh chỉ mím lại. Anh Lâm và anh Đảo căng mắt ra nhìn họ. Không biết là người nước nào, dân tộc nào. Vì khi thì họ nói tiếng nước này, lúc lại nói tiếng nước kia. Tất cả sáu tên, thủng thẳng như là đã quen thuộc với cảnh tượng này. Những thân hình gân guốc bầy hầy của họ từ từ lại gần hai người phụ nữ. Chị Xíu vợ anh Đảo, vừa nhìn mắt họ vừa thụt lùi cho tới khi đụng một người sau lưng. Chị Thềm né nhanh người nhào về phía anh Lâm. Nhưng một tên đã chộp được ngang eo chị. Chị Thềm thét rất dữ. Tôi nhìn thấy hai chân của chị chòi đạp. Anh Lâm ngả người về phía họ, lấy vai hất mạnh tên đang đè chị Thềm. Những tên đứng bên ngoài nắm hai khủy tay anh kéo ra. Anh vừa chửi thề vừa lấy vai hất hai tên đang cố giữ anh. Anh càng hất chúng càng siết mạnh tay. Anh ngửa đầu mình đập đầu một tên. Cả anh và tên đó cùng nhăn nhó. Nó đứng thẳng dậy, đá vô bụng anh. Anh ngã nhào xuống. Tên đó tiếp tục nhồi tới tấp... Tôi nhào giữa anh Lâm và tên cướp, cắn ngập răng ngay bắp chân nó. Nó đá bật một cái tôi tưởng cổ mình bị gãy. Một tên ngồi lên người tôi kìm cứng. Tôi nghe cơn nhói tràn qua tim khi bên tai từng tiếng hự hự của anh Lâm tuôn dài theo những cú đá. Chị Thềm nhìn theo anh Lâm, vừa kêu tên anh vừa chửi mắng chúng nó. Chị gào thét giống một người mê sảng. Tiếng lanh lảnh như những nhát dao rạch ngang tai, xẹt ngang tim gan. Chị lè lưỡi mình định cắn. Một tên chộp nhanh cái nón mềm bóp miệng chị nhét đầy… Anh Lâm lặng người. Những cú đá vẫn dội dồn dập nhưng tôi không còn nghe phản ứng của anh. Bất thần anh hất văng mấy thằng lực lưỡng quanh mình, nhào tới bên chị Thềm. Nước mắt chị chảy ròng. Đôi mắt chị mở trừng, rung lên trong màn nước. Ngay lúc anh Lâm lại bị hất ngược ra sau. Bọn chúng đè anh nằm sấp trên đất. Mặt anh đỏ tới độ tôi có thể nhìn thấy máu đang dồn, đầy hai tròng mắt, hình như từng mạch máu trong người anh đang bể tan ra. Anh gồng lên. Lại bị đè xuống, bị trấn chỏ. Da mặt anh bị rách mấy chỗ. Tôi cắn môi nhìn hướng khác. Chị Xíu không còn một phản kháng nào. Cơ thể trắng bệch vì ít ra nắng của chị bị lún giữa đất và cỏ. Mắt chị mở lớn kinh hãi, như là đang chết, đã chết. Anh Đảo ngồi rúm người bên một gốc cây. Anh gục đầu im lìm như đang cúng bái gì đó. Nhưng tôi biết tai anh đang nghe rành rọt, mắt anh mường tượng rõ ràng những gì diễn ra xung quanh. Thỉnh thoảng anh lại giật mình như ai đang đâm lén đâu đó. Nhìn dáng chị Xíu mỏng manh nhàu nát dưới mấy bàn tay thú, nếu không bị trói, tôi co giò đạp anh Đảo một cái. Tôi đủ lớn để biết được anh Đảo sợ chết, sợ đau. Nếu là tôi, thà chết chớ không khi nào ngồi nhìn trơ trơ như thế. Anh ta ngồi im lắc cho nới dây trói ở tay. Tôi thấy sợi dây lỏng từ từ. Anh ta không có động tĩnh gì sau khi nới được dây trói. Điều này làm tôi khinh bỉ anh ta nhiều hơn. Tôi nhìn Tiện cầu cứu. Anh ta là người dẫn đường, phải lường trước cảnh này. Tiện đang cắm mắt chỗ chị Thềm. Mặt của anh ta đờ đẫn như mất hết trí khôn. Tôi thấy mình mẩy anh ta như co giựt theo những gì anh ta thấy. Tôi gom hết cái nhìn rọi thẳng mặt anh ta. Bị ám mấy “cặp ếch” ngoài đình. Tôi rủ nhỏ Hí chơi trò cô dâu chú rể. Tôi không thích lúc nó làm cô dâu, gắn bông tùm lum nhìn giống bà khùng. Nôn nao chờ cái khúc hai đứa sẽ chui vô nhà chòi riêng... Nhưng cảnh đó không được vì con Hí nó nói “Ba má tao dặn con trai với con gái mà làm chuyện đó bị mắc tiêm la cho coi”. Nó sợ lắm. Tôi cũng bắt đầu thấy sợ cây roi mây của anh Lâm, sợ cảnh con Hí dính bầu... Nhưng cảm giác thèm đó vẫn còn. Vô tình nếu thấy một cảnh gì đó giống giống như vậy, kể cả cảnh hai con chuồn chuồn vừa bay vừa cong đuôi cưỡi nhau tôi tưởng tượng đủ thứ. Thấy người mình nóng ngây ngây… Tiện thấy tôi ngó lom lom, anh ta đổi sắc mặt nhanh, nháy mắt hiệu cho tôi lết lại gần. Tôi đưa mối dây tới gần tay Tiện. Anh ta lần dò gỡ. Chúng trói tôi với anh Lâm siết cứng. Tiện lại gỡ quẹt quẹt như giả bộ. Vừa lúc đó, một cú đạp mạnh, hất tôi lật ngang. Tôi nằm im. Phía trước mặt, mấy tên sau cùng đang được hưởng phần. Có tên vừa từ chỗ chị Xíu xong, ngồi một chút lại tràn qua chị Thềm. Cũng dễ hiểu. Chị đang yêu. Thể xác vừa tỉnh giấc sau cái tuổi dậy thì, đang thèm được hưởng mật ngọt của yêu thương. Nó nói tiếng mời mọc. Lời mời dành cho Lâm, nhưng mấy tên cướp nghe lọt tai, nhìn ngứa mắt. Chúng say sưa băm vằm tuần trăng mật của người con gái... Sáu tên dường như đã no nê. Chúng đứng ngồi đủ kiểu quanh bọn tôi. Chị Thềm như con cá bị đập đầu, nằm gọn trên thớt, trụi vảy, nhàu nát, như vừa được lôi ra từ một đống nùi giẻ ủ lâu ngày. Dáng chị vẫn còn đầy đặn săn chắc nhưng nằm im như chết. Chị Xíu nhìn tướng rệu rã hơn nhưng còn dậy được, đảo mắt kiếm quần. Anh Lâm mặt đầy máu, không cục cựa nổi. Có khi là anh không muốn động đậy, không muốn hít thở khí trời. Tôi không tin anh còn sống. Sụp tối. Tôi thấy tay chân đầu óc mình bồng bồng, như đang ngồi trên sóng. Dật dờ như đang chết. Chúng đem tới cho chúng tôi mấy vắt cơm gói trong lá. Trong cơm đầy cứt gián và cứt chuột. Chị Xíu đút cơm cho chồng. Anh Đảo nhai như bò nhai rơm. Tôi hỏi anh bằng mắt, mùi vị miếng cơm nó ra làm sao? Anh Lâm và chị Thềm không ăn gì. Tôi được mở trói tay lết lại kêu tên hai người. Họ thả ra cái làn hơi khô khào, yếu ớt. Tôi chùi máu và đất trên mặt họ, lấy nước nhỏ từng giọt vào miệng họ… Liệu họ có sống được không? Ý nghĩ này làm tôi hoảng loạn. Tôi gục đầu lên người anh Lâm mặt kệ cho nước mắt tuôn. Đêm chúng trói tất cả mấy người đàn ông vô gốc cây. Hai người phụ nữ không bị trói “Nếu đứa nào trốn tao cắt cổ mấy thằng này”. Không lâu sau tôi lại bị chìm trong một cơn mê khác. Dường như trong thức ăn hay nước uống của chúng tôi có thuốc mê. Tôi tỉnh dậy giữa ruột bóng tối. Nhìn kỹ tôi mới thấy mọi thứ qua một màn mờ mờ đen đặc. Tiếng la của một người phụ nữ vẳng trong đêm. Tiếng của chị Thềm. Chỗ anh Lâm nằm hình như không động tịnh. Tôi nghiêng qua kiếm Tiện để hỏi chuyện gì. Tôi kêu khe khẽ cũng không ai trả lời. Lẽ nào Tiện đã ngủ mê rồi. Sao mấy tên cướp lại lôi chị Thềm đi xa vậy? Chị Thềm được trả về. Tiếng người chị nhập xuống đất nặng nề. Tên kè chị cao lớn. Lúc hắn quay ngang, tôi thấy khúc trên của cái lưng vòng một đường cong… Có hai bóng đen làm gì đó ở gần tôi. Không thấy rõ mặt nhưng tôi có thể biết, một người đang trói một người. Sáng, những vết bầm trên mặt anh Lâm bắt đầu sưng, ngả qua màu tím. Những vết thương khô máu. Sáu tên lại lột trụi hai người phụ nữ. Mắt chị Thềm đầy căm phẫn nhưng chị không giẫy giụa nữa. Hai mắt chị nhìn trừng trừng lên trời. Anh Lâm ngồi dựa một gốc cây. Hình như anh đang mê sảng. Mắt nhắm hờ, miệng lảm nhảm. Lâu lâu anh mở được mắt nhìn đâu đó. Rồi anh lại nhắm mắt rên hừ hừ. Tiện vẫn nằm cong queo trong dây trói. Tôi thấy cái nốt ruồi chỗ tay anh ta rớm máu, cạnh đó có mấy đường trầy sướt. Đâu có ai đánh đấm cũng đâu thấy anh ta giẫy giụa…? Anh Đảo nằm cạnh tôi lẩm nhẩm cầu trời. Tối đó anh Lâm mệt hơn. Chị Thềm mặt sưng húp nhưng lại tỉnh hơn hôm trước. Mắt chị ráo hoảnh tưởng như những vết thương của chị chỉ là do xô xát với chồng. Chị kiếm cách đút cho anh Lâm từng hớp nước. - Ráng đi anh. Mình không thể chết như vầy… Anh động đậy môi yếu ớt. Nhưng mắt không còn dấu hiệu của tinh anh. Càng về sau chúng tôi càng cảm thấy mất khả năng trốn thoát... Tay anh Lâm đã sưng đỏ phần xung quanh dây trói. Tay tôi đã tê cứng, nặng nề như có treo hàng trăm tấn đá. Chẳng còn ý nghĩ gì rõ rệt. Mười mấy lần chúng trải hai tấm thân chưa bươn chải giữa bụi bùn phơi dưới những con mắt thèm thuồng man rợ. Để rồi xâu xé bằng nguyên sức nặng những cái thây lực lưỡng, cuồn cuộn cơ bắp và cuồn cuộn dâm dục. Hết tên này tới tên khác. Chúng giành nhau như những người đói tranh ăn. Tên này còn đang hì hục rượt theo con vật trong chúng, đã bị tên kia ôm ngang hông thảy qua một bên. Chúng tôi ngồi ngổn ngang đó, cảm thấy mình ngu đi, giống y những bóng cây rừng... Người sống khá thoải mái là Đảo. Anh ta đã nới được dây trói nên không đau. Mắt nhìn đầy khinh miệt. Miệng lầm rầm rủa xả. Như là tự động viên mình. - Chúng mày cứ trổ ra hết những ngón nghề tàn ác của chúng mày đi. Ông trời ở trên cao, người sẽ phân xử. Rồi lúc nào đó chúng mày sẽ tận mắt sự trừng phạt của người. Chỉ có người mới đủ hiểu biết để phán xét, đủ sức mạnh để trừng phạt. Nghe lời nguyền rủa của Đảo. Tôi thấy mắc cười, lòng xót xa kinh khủng. Chúng tôi đang gặp những người gì đây. Lúc này ngôi nhà không bình yên của chúng tôi lại hiện về. Một cơn hối hận lớn ào qua. Má đang làm gì. Má không thể biết hai đứa con của má đang sống dở chết dở. Lúc cho anh Lâm đi má sợ nhất là anh bị bắt trở lại và bị tù. Anh Lâm không sợ gì cả. Miễn là cho anh khỏi trở về nhà, không phải nghe kể về ba anh, không nhìn thấy mặt dượng. Anh đâu ngờ có nhiều lúc, tù tội, chết chóc không nhằm nhò gì. * Dượng. Đó là cái từ anh hay gọi ba tôi khi nói chuyện với tôi. Cái từ gợi cho anh Lâm một mớ hổ lốn. Ân nhân hay thù địch? Dượng là người siêng làm, mạnh ăn, tối ngày cắm mặt xuống đất. Nhưng mỗi lần nhìn thấy anh Lâm, dượng nuốt không trôi cái gì hết. Nếu lúc có rượu, nhìn thấy Lâm, ông sẽ lôi má ra đánh. Anh biết chắc mình không phải con của dượng dù anh vẫn kêu dượng bằng ba. Cái tiếng ba này làm dượng thấy lừng khừng đầu óc. Hồi còn nhỏ, không biết gì, mỗi lần anh kêu “Ba”, dượng “Gì?” một cái muốn chới với. Lớn có khi anh định đổi cách gọi. Mà đổi làm gì. Một năm mười hai tháng dượng có nói chuyện với anh tiếng nào đâu. Kêu bằng gì người ta cũng biết ba anh là một người đàn ông đẹp trai, tướng tá cao ráo. Nghề y tá, ông mượn đất của xóm, cất một phòng mạch. Chích thuốc đắt lắm. Ông có mấy bài thuốc gì đó như thuốc tiên. Hễ đau ở đâu ông chích ngay đó. Chỉ cần chích một lần là giảm triệu chứng. Có những đứa nhỏ tới đây hôm đầu hết bệnh, hôm sau chựng đó. Bệnh trở lại tưởng như rất ngẫu nhiên. Tụi nó “ra đi” nhẹ như chơi. Không ai trách ông. Con nít ở đây đẻ dễ ợt. Một mẹ chín mười con. Hao hụt từ phân nửa trở lên là thường. Ông kiếm tiền giống như ăn cơm. Khi ông xuất hiện, nhiều người hơi khôn khôn một chút ký lên đầu mình “Ngu vậy ta, sao trước giờ mình không nghĩ ra. Chỉ cần biết ít đỉnh về thuốc men thì về đây sống nhàn hạ”.

    Ông ít nói nên tiếng nói quý lắm, nên cũng không thể biết đây là loại người gì. Có ông ta, những người con gái trong xóm khó lấy chồng. Mấy cô thấy en en trong mình chạy re tới phòng mạch. Khi ông bắt mạch, cô nào cũng ửng gò má “Anh khám em kỹ kỹ”. Ông nhìn lâu lâu rồi cười “Đương nhiên, cô bé đáng yêu” bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm cho mấy cô thấy mình thành công chúa, thầm ao ước, giá như mình là nữ chủ nhân của phòng mạch này…

    Khi có anh trai nào đó tới dòm dèm, mấy cô để anh trai đó một bên, bên kia là ông thầy thuốc rồi cân phân. Chỉ cần anh ta được một phần nụ cười mỏng mép có duyên mê hồn hay là giọng nói nhẹ như hơi gió ấm, lập tức ưng liền. Nhưng kiếm đâu ra những chàng như vậy. Họ với ông giống như những sinh vật khác loài. Biểu họ giống ông y như biểu con chó sủa tiếng của chích chòe. Mấy cô thở dài dõi mắt về phía phòng mạch. Cô nào từ phòng mạch bước ra cũng rước vô mình rất nhiều kẻ thù.

    Một bữa có cô Thôi tính hơi tưng tưng, nhà ở xóm Vịnh, băng băng vô phòng mạch như bước về nhà. Khi cô quay ra, nửa miệng chửi, nửa miệng khóc. Cô nói gì đó dính tới bạc tình, dính tới lừa gạt. Nhưng không mấy người nghe. Có cô bụm miệng cười. Con mẹ này si tình tới khùng rồi. Đẹp đẽ khôn lanh như mình mà ảnh còn không dòm tới. Vừa ba trợn vừa vô duyên như mẻ ảnh rớ à? Hai ngày sau, Thôi uống một vốc thuốc ngủ… Chuyện đó đồn rùm. Không biết cô ta kiếm ở đâu ra nhiều thuốc ngủ. Có người nói nếu lỡ bị “thư” lớn bụng thì đẻ thí đại đi, đem thảy đứa nhỏ trước phòng mạch. Mắc mớ gì phải chết. Người ta đem cây chuối hột trồng bên mộ cô ta để hồn cô dựa vô đó đẻ em bé. Nhưng cái chết của Thôi không rung rinh phòng mạch. Tới khi má tôi mang bầu thì có khác.



    Tranh : Vũ Xuân Hoàn

    Phòng mạch đóng cửa ngay sau đó. Mấy người nhanh chân nhất xóm đem về một cái tin. Ông đã có vợ, một bầy con ở miệt sông Tiền rồi. Mấy mũi thuốc ông chích cho những người ở đây toàn thuốc giảm đau đã bị cấm sử dụng. Tiếng thút thít bắt đầu. Người khóc nhớ, người khóc hận, người khóc lỡ làng. Những cô gái vô can đi ngoài đường nghinh mặt lên hãnh diện, ta không bị cám dỗ. Nhưng khi về nhà, ngồi góc nào đó tự thấy bàng hoàng. Trái tim mình từng đập loạn xà ngầu khi nụ cười mê hồn đó kê sát mặt mỗi lần khám bệnh…

    Mấy chàng trai trong xóm bắt mâm nhậu cười đắng nghét. Đố nhau coi ở trong cái xóm nhỏ này, từng đứa con gái đi ngoài đường kia, đứa nào đã bị rờ mó, đứa nào mới đi phá thai về.

    Từ hồi biết chuyện, anh Lâm không muốn nghe ai nhắc về người đàn ông đó. Vậy mà bề ngoài anh giống ông ta như cắt mặt dán qua. Chú tám bán bánh mì cứ nhắm anh mà kêu lộn tên ba anh. Dù chú đã cài vào bộ nhớ tên Lâm kỹ lưỡng để đừng bị người nhà tôi vác chổi rượt. Nhưng anh đã làm bộ nhớ của chú rối tùng phèo. Mỗi lần kêu anh đưa giùm mớ tiền thối cho má, chú phải ngừng lại một chút để chắc ăn mình gọi đúng. Sau khi sàng lọc kỹ lưỡng trí nhớ, chú lại kêu ngay trốc tên… ba anh.

    Những gì trên gương mặt, trên vóc dáng anh gợi ba tôi nhớ cái thời vụng dại của má. Cái thời má đã được ông bà ngoại hứa gả cho ba tôi. Nhưng mỗi lần ba tới nhà chơi má bỏ vô buồng nói là mắc công chuyện. Không ai ngờ má đã lặng lẽ gả mình cho người đàn ông tao nhã bí ẩn kia. Khi ba anh tan cùng gió, má vô buồng ngồi khóc trước chén thuốc rầy. Ông bà ngoại tôi hay được đem đổ chén thuốc. Nhưng chính họ cũng hết ham sống. Để cứu danh dự cho má, giữ mạng cả nhà ngoại, ba tôi nhanh chóng làm chú rể.

    Nghe kể chuyện này tôi nhớ vụ con Hí. Con nhỏ khờ khạo. Hồi nó bốn tuổi, chơi năm mười với tôi. Khi mở mắt ra, tôi thấy nó đứng chỏng khu sau cây chuối. Dù nó nhỏ xíu, cây chuối cũng chỉ đủ che hai mắt nó. Cho nên nó thấy mình đã trốn kín lắm rồi. Khi tôi “tung con Hí chỗ gốc chuối”, nó nói tôi ăn gian, đã mở mắt lúc nó trốn. Tôi ký lên đầu nó cái cốc, chê ngu. Sau, nhớ lại thấy mình ngu hơn nó. Con nít phải khờ như vậy thôi.

    Người lớn có khi còn trốn kiểu vậy. Họ thích che lấp. Càng lấp liếm càng lở lói nhiều hơn.

    Ngày sanh anh Lâm, bà con trong xóm tới đông. Người nào cũng vui từ ngoài mặt tới trong ruột. Họ nói “Thằng Hai coi tướng cục mịch vậy mà được con vợ đẹp như tiên. Đẻ thằng nhỏ sang từ ngón chân tới cọng tóc. Lớn lên thế nào cũng làm… bác sĩ. Mà thằng nhỏ sanh non lại sỏi bân. Y như là nó sanh đúng tháng”. Ba bưng cái nồi xông tới cửa buồng. Má đã nghe mùi thơm lá sả, ngũ chão, bạch đàn... Ba lại bưng nồi xông ngược ra hè, đổ xuống sàn nước. Hơi nóng phừng đầy mặt ba. Má ôm anh Lâm, nước mắt chan dầm gương mặt non nớt của anh. Hình như sớm tắm nước mắt nên gương mặt anh mang cái đẹp u ám, chát ngầm. Nó làm cho má thương anh nhiều hơn, sợ anh nhiều hơn, căm giận cái bộ dạng của ba anh trong anh nhiều hơn.

    Gương mặt anh Lâm làm cho ba thấy mình bất lực. Những lúc vậy, ba kêu tôi đi mua rượu. Rượu làm ba say một, những nét trắng trẻo lanh lịch của anh làm ba say mười. Ba gục gặc nhìn anh “Lịch sự vầy nè. Hèn gì mà bà nhứt quyết không ưng tôi, nhào vô nó. Tới chừng nhão nhề mới tới phiên tôi”. “Hồi đó ông tự nguyện chớ có ai ép ông đâu mà giờ đay nghiến”. “Bà nín. Hư thúi vậy mà còn dám nghinh hả, nghinh hả”. Ba kê sát mặt má, hất hất mặt khiêu khích. Má trả lời một tiếng nữa thôi ba sẵn sàng xâu đầu má kéo nhập xuống đất. Mà, má không nói gì hết, cơn nóng cũng tự nó lớn.

    Tôi biết ba yêu má. Ông cưới má là muốn chứng minh cho bà thấy ông là người đàn ông rộng lượng. Má lấy ba là để nương nhờ cái bụng thơm đó. Nhưng hình như mọi thứ lộn ngược lại hết ngay từ khi mới bắt đầu. “Nếu không có thằng Hậu, tôi đã bỏ ông lâu rồi”. Tôi ra đời thành sợi dây kết nối họ. Đố ai tách họ được. Dù từng ngày sống chung giống như đang trả thù nhau. Tôi không hiểu họ làm sao để… đẻ ra tôi.

    Tôi không hoài nghi về dòng máu ba trong tôi. Mấy lúc ăn cơm, tôi lựa phần ngon nhất trong con cá. Nếu ai đã lỡ ăn mất, tôi bỏ cơm ngồi khóc cả buổi. Trong nhà, kể cả ba má, ai làm hư đồ chơi của tôi là tôi không nhìn mặt người đó. Má đã đánh tôi. “Cái nết mày y rang thằng cha mày. Ích kỷ hẹp hòi” Má không muốn nhìn tới tôi. Mà mấy lúc như vậy nhiều lắm vì tôi giống ba từ trong ra ngoài. Chỉ khác một điều tôi không ghét anh Lâm như ba.

    Tôi theo Lâm đi đồng, đâm chuột, soi ếch. Nếu tôi bị ai ăn hiếp, chạy re về méc anh, sẽ được an ủi. Tôi làm má giận, anh dắt tôi đi chỗ khác, đẽo một chiếc xuồng bằng gòn hay bứt lá me nước cuộc thành tú cầu cho tôi chơi. Anh Lâm là chỗ dựa của tôi. Chỗ để anh ngả lưng cho cái đêm đời u ám của mình là chị Thềm. Những ngày quen chị, tôi thấy anh Lâm không còn nổi khùng khi chú Tám bán bánh mì kêu lộn tên. Tới bữa cơm, anh bẻ cho ba tôi trái ớt. Trong bữa, ép má ăn thêm chén cơm... Hai người lớn trong nhà thấy không quen cảnh này, nhai cơm trợn trạo.

    Cái hạnh phúc sượng ngắt đó không kéo dài lâu. Má chị Thềm bước tới trước cửa nhà tôi, xóm giềng bu đen như coi hội. “Chỉ có má mày hư thúi mới bị gạt. Chớ con gái tao đàng hoàng, dứt khoát không gả cho cái giống con hoang”. Hai bà mẹ mắng nhiếc nhau rồi xáp lá cà. Ba chị Thềm từ ngoài nhào vô bênh vợ. Ông bị dính cái miểng lu trên tay má, để lại một cái thẹo. Từ đó chị Thềm mỗi lần muốn gặp anh Lâm phải mở dây chì vách nhà sau, chỗ buồng ngủ của chị, lách người ra khỏi nhà. Dù chỉ gặp nói với nhau vài câu nhưng khi về chị vẫn bị đòn nhừ tử.

    Lâm nghĩ tới vượt biên. Má rơm rớm nước mắt.

    - Má thấy nhiều người có đi không về. Lớp bị bắn, lớp bị bắt tù tội. Còn bị cướp…

    Anh ngồi gom lại mớ leng xuổng bó thành một bó.

    - Ở đây sướng gì mà đeo thẹo má. Nếu con có bị tù cũng sướng. Nếu tới bển được, con rước má với thằng Hậu qua. Má con mình sẽ hết khổ.

    Má chần chừ, sau đó vừa gật đầu vừa quẹt nước mắt. Bà gom tiền đưa cho anh làm lộ phí.

    *

    Chuyện ở quê chỉ cách có mấy ngày, vậy mà đã lùi xa một nơi tưởng như mình không từng thấy trên đời này.

    Quanh tôi, bọn quỷ đang mở cửa địa ngục.

    Gần mười ngày như vậy. Tới khi thân thể hai người phụ nữ không còn gì nữa để khám phá, chúng bỏ đi, sau khi đã lục tung những túi quần áo, vét sạch mớ tiền chúng tôi đem theo hộ thân… Giống như mấy con hà mã khát nước, ghé một cái giếng, uống, quậy, giậm cho dậy bùn, dậy mùi rồi cong đuôi bỏ đi.

    Tiện tìm cách cởi trói cho cả đám. Lâm không đứng dậy nổi. Tôi phải kè anh đi từng bước. Cả đoàn như những bóng ma lặc lờ. Đi thêm nửa ngày chúng tôi tới bờ sông. Tiện nói chỉ cần lội qua bờ kia là tới đất Thái. Cả bọn nhìn nhau không biết nên cười hay mếu. Nửa ngày đường, chừng mười cây số, mà chúng tôi phải đi gần mười ngày, đi qua cả kiếp người lầy lụa…

    Tiện lòn trong một lùm cây lấy ra năm cái phao nhỏ anh ta đã chuẩn bị từ trước. Chị Thềm nói gì đó vào tai anh Lâm. Khi Tiện trở ra, anh Lâm kín đáo nhìn cánh tay của Tiện. Mặt anh như đang tê cóng. Những thớ thịt trên mặt co giựt như sắp động kinh. Tiện ôm phao xuống bờ sông đưa cho chúng tôi mỗi người một cái.

    Chị Thềm lại gần Tiện cười cười:

    - Giờ chúng tôi đi. Tôi đã được anh đổi đời. Ơn nghĩa này kiếp sau trả…

    Trong lúc đó Lâm đã tới sau lưng Tiện. Bàn tay bị thương tứa mủ, tứa máu siết ngang cổ Tiện. Anh nghiến răng. Mắt anh mở trừng man rợ. Chị Thềm đá như điên dại vào bộ hạ của hắn.

    - Thằng chó đẻ. Mày tưởng mày qua mắt được tao hả. Đêm đó tay tao quào trúng cái mụt ruồi ve chó của mày. Mày có chết mười mạng mày tao cũng chưa hả dạ. Mày chết đi. Đừng có kiếp nào đầu thai trước mặt tao. Thấy sướng không, thấy đã không, thằng mất dạy!

    Đảo định can họ. Tôi chặn đường Đảo. Hai tay Tiện quờ quạng trong không khí được một lúc. Tôi thấy bàn tay có cái mụt ruồi buông thõng…

    Chúng tôi lội qua sông. Bỏ lại bờ bên này cái thây của Tiện. Bỏ lại cánh rừng man rợ và bầy thú… Chúng ở đó, chờ những người như Tiện dắt tới những con mồi mới.

    *

    Ở trại tị nạn, thắt ngặt trăm bề. Đảo có giấu một số tiền. Anh ta lo lót mấy quản lý trại để được ra ngoài làm mướn. Khi bước ra kiếm tiền, Đảo dũng mãnh như hổ gặp rừng, kiểu gì anh ta cũng hái được tiền.

    Tay chân tôi cũng ê ẩm nhưng mau lành lặn hơn. Tôi cũng đi làm mướn.

    Vết thương ở tay anh Lâm bị hoại tử. Năm ba bữa anh lại bị sốt một lần. Anh ngồi bắt những con giòi. Tưởng phải tháo khớp. Chị Thềm nhất quyết không để điều đó xảy ra. Chị chạy vạy tìm thầy, nấu thuốc… Nhìn chị vừa kiếm tiền vừa lo thang thuốc, anh lẳng lặng thở dài. Mấy lúc chị ngủ, anh ngồi kế bên vuốt nhẹ bàn tay chị.

    Vết thương anh lành lặn dường như không phải nhờ thuốc. Khá nhiều thầy thuốc lắc đầu, vừa trị vừa cầu “phước chủ may thầy”. Tấm lòng chị Thềm đã rưới lên đó một sức đề kháng, hiệu quả hơn tất cả các loại thuốc. Anh cũng đi làm. Cả nhà lại nhen lên hy vọng.

    Một bữa trại tị nạn cúp điện tối thui. Anh Lâm chị Thềm mò mẫm kiếm đèn. Trong bóng tối họ lần ra nhau… Thấy hơi ấm tràn về. Lần đầu tiên cởi từng lớp trên người chị, tay anh run run. Anh gần như chưa biết mình sẽ làm gì kế đó. Chỉ biết là háo hức lắm…

    Ngay lúc đó điện bựt lên. Anh đã có thể nhìn cơ thể chị. Rõ tới mức anh nhìn thấy những ngày giữa rừng. Cái dáng non tơ của chị oằn oại dưới những bàn tay man rợ... Anh trân trối nhìn... Như mộng du, như lên cơn thần kinh. Đất trời bị xé vụn ngay lúc đó.

    Tiếng hét của anh đã giết chết cái hạnh phúc chị mong dựa vô đó để chữa lành vết thương. Anh bắt đầu sợ phải nhìn thấy cái cơ thể đẹp anh từng ao ước nâng niu...

    Chúng tôi rồi cũng tới nơi mình muốn tới. Nhờ một tay của Đảo. Trong lúc chúng tôi ứ hự tinh thần, Đảo đã đường hoàng hành lý tới nơi ở mới. Anh gởi tiền qua cho chúng tôi mượn, chỉ cách chạy chọt… Cơn ác mộng bỏ lại sau lưng. Chúng tôi không còn phải kinh sợ cái gì nữa. Nếu ở đây có bị đẩy vô một bãi rác nào đó để bươi quàu kiếm cái ăn, tôi cũng thấy không nhằm nhò gì. Mọi thứ bình yên tới độ anh Lâm, chị Thềm ly hôn mà không rớt một giọt nước mắt nào. Thật ra cũng không phải ly hôn. Họ có chăn gối với nhau lần nào đâu. Thủ tục duy nhất kết nối họ là đám cưới với ít ỏi người chứng kiến.

    Chỗ dựa mới của chị Thềm là Mèo Đen. Chỗ dựa mới của Lâm là những ngày dõi mắt nhìn chị Thềm vật vạ như một con mèo hoang thực thụ.


    Truyện của Võ Diệu Thanh
    Last edited by viet11; 01-06-2012, 04:58 PM.
    Hehe ...Bổng nhiên ta thấy thèm tô phở ...
    Xực tạm hủ tiếu..mì... cũng được mà
    ............



    Can't Live Without...hehe...


    Đời tôi cô đơn nên hai tay ẵm hai Em......:gigg:....
Working...
X