Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Truyện DILI

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyện DILI


    Bức tranh và ngôi nhà cổ

    Truyện của Di Li





    Hôm qua lão bạn già gọi cho tôi “Phong, mày qua đây, tao có món đồ này quý lắm”. Tôi đang ngồi trong cuộc họp, thì thào “Tuần này em bận quá”. Lão quát lên giọng ra lệnh “Cái này rất hay. Mày phải đến đây ngay. Tối nay nhá”, rồi cúp máy. Ngoài việc tôi và lão đều chưa vợ và say mê nghiên cứu tử vi, tướng số, còn thì người ngoài thấy tôi thân với lão, lão chơi với tôi đều tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi mới 30, còn tuổi lão gấp đôi. Tôi làm việc trong cao ốc máy lạnh với những hội thảo từ xa, thư tín điện tử, bận rộn với những catalogue chuyển phát nhanh và giải trí bằng trò ma trận trên máy vi tính màn hình tinh thể lỏng, còn lão kỉm kìm kim quanh những cuốn sổ cũ nát hôi xì ghi ký tự cổ và một tách cà phê rẻ tiền trong quán cóc. Tôi sống trong một villa bốn tầng với bộ đồ điện tử hàng hiệu complex còn lão ở căn hộ hai chục mét vuông chót vót tầng bốn thuộc khu chung cư xây từ thời bao cấp. Nhưng hễ lần nào lão gọi, như hôm nay chẳng hạn, là tôi lại cum cúp mò đến. Tôi mê mẩn những quyển sách đen đúa của lão, mà từ đó lão có thể đọc vanh vách tôi được thăng chức vào năm nào, bao lâu sẽ cưới vợ, thậm chí sáng mai không nên khởi hành về hướng Đông vì sẽ ngã vào vũng nước bẩn hết quần áo. Lần này vừa nhìn thấy tôi, lão ngồi bật dậy, vẻ phấn khích rõ rệt “Thằng đểu. Cả tháng nay không nhìn thấy mày”, rồi vội vàng mở nút chai Vodka nội đã bày sẵn. Lão rót rượu ra hai cái chén cáu bẩn “Cứ uống đi đã, rồi tao sẽ cho xem”. Lão lim dim mắt thích thú như để cho tôi phải ngấm sự hồi hộp, nhưng kỳ thực là lão còn sốt ruột hơn tôi, cứ xoay tít thò lò chén rượu. Rồi chừng như không thể chịu đựng hơn được, lão rút phắt miếng vải hoa đậy cái gì đó dựng trên mặt tủ trà, như thể người đi sứ hãnh diện kéo tấm hồng điều trưng bày lễ vật tiến vua. Một bức tranh. Tôi tiu nghỉu “Thì làm sao?”. Lão vẫn giữ nguyên vẻ phấn chấn “Tao có thằng bạn đồng hương. Hôm nọ đến thăm thấy nó vứt cái tranh này trong gara. Thấy tao có vẻ thích, nó tặng luôn, bảo rằng của ai biếu nó không nhớ, mà hình như cái thằng đi biếu đó cũng được ai tặng lại. Thế là tao mang về. Thằng bạn tao làm ăn giỏi nhưng có hiểu đếch gì về nghệ thuật đâu”. Tôi đang định mở miệng đá ông bạn già “Thì may là có ông rước đi cho người ta đỡ chật nhà” nhưng lão đã thì thầm như sợ có kẻ trộm nghe thấy “Có đứa trả năm ngàn đô rồi đấy. Nhưng tao chưa bán, hẵng để đấy cho sang nhà”. Tôi mím môi, thấy thương hại lão. Những kẻ nghèo khó thường hão huyền vào một niềm tin mù quáng và sẵn sàng thể hiện sự giàu sang, sành điệu bất cứ khi nào có thể. Sợ tôi chưa tin, lão chém tay vào không khí “Tao thề đấy. Hôm nọ có đứa buôn tranh trả ba ngàn. Tao sợ hớ mới gọi một thằng chuyên sưu tầm tranh, y như rằng nó phát giá năm ngàn.” Lão nhấp vội chén rượu như để lấy lại bình tĩnh “Tao biết ngay mà. Con mắt am hiểu nghệ thuật của tao chưa bao giờ nhìn nhầm”.

    Tôi ngước nhìn bức tranh, qua ánh sáng của ống đèn tuýp, những gam màu nhợt nhạt, trầm đục phác thành con phố cổ. Phố không một bóng người, những mái ngói nâu xỉn, cây si già vươn cành sang tận cột điện mé bên kia đường. Một bức tranh dập khuôn kiểu Bùi Xuân Phái, nhưng vụng về và thiếu kinh nghiệm. Có lẽ cái tài tình duy nhất của tay họa sỹ là những vết bả sơn dầu trên bức tường lở lói đầy vụn vữa khiến ngôi nhà cổ thêm phần thê lương và hoang tàn. Chiếc khung tranh sơn màu nhũ kim nay đã mốc thếch từng vệt do bị chủ nhân trước ngược đãi. Và hỡi ôi, một sự chưa từng thấy là bức tranh không hề có chữ ký cũng như ngày tháng hoàn thành ở dưới góc như lẽ ra gã thợ vẽ hạng bét nào cũng phải làm thế.

    Tôi vờ tán thưởng “Tranh vẽ được đấy. Bác vớ bẫm nhá”. Lão bạn già của tôi say sưa ngắm bức tranh bằng đôi mắt rực sáng như bị thôi miên mãi cho tới khi tôi đòi về “ Ấy, chưa hết, tao còn cái này nữa”. Lão rút từ giá sách ra một cuốn sổ chép tay bẩn thỉu “Thằng cha Việt kiều này nhất định không cho mượn phô tô nên tao phải ngồi chép tại chỗ. Thuyết thông linh đấy”. – “Là thế nào?”. Lần này thì tôi tò mò thực, nhưng ngay lập tức thất vọng “Tao đang nghiên cứu thuyết này. Của phương Tây. Tụi nó gọi hồn bằng cách nói chuyện qua các tín hiệu gõ, hoặc ghép các chữ cái lại với nhau”. Lão lại lôi một bảng chữ cái kẻ sẵn trải lên bàn, rồi lau chùi một chén rượu úp xuống, đặt vào góc.

    Tôi say mê tử vi, và coi đó là một môn khoa học nghiêm túc, còn mấy trò phù thuỷ kia nhất định là nhảm nhí. Hồi đi học, mấy đứa con gái trong lớp cũng giở trò này mỗi bận cắm trại, vừa để giải trí, dọa cho lũ xung quanh một mẻ sợ chết khiếp khi kỳ thực “bà đồng cốt” tự tay di chuyển chiếc chén, mà cũng là để tự thể hiện mình và gây sự chú ý trong đám đông. Nay ông bạn đầu hai thứ tóc cũng định trộ tôi bằng trò trẻ con này thì thật quẫn hết chỗ nói. Tôi ngửa cổ lên trời theo thói quen tự vận động những lúc làm việc căng thẳng và giả vờ nghe điện thoại “Em có việc phải đi. Hôm nào mời bác sang nhà uống rượu nhé”.

    ... Bẵng đi vài tháng, những chuyến công tác liên miên làm tôi quên mất ông bạn già tội nghiệp. Nhưng một tối nọ, lão lại gọi cho tôi vừa lúc chuông đồng hồ điểm tiếng thứ mười hai. Nhận ra cú điện thoại là của lão, tôi hơi hoảng, ngỡ rằng lão bị cấp cứu trong bệnh viện hay có việc cấp kỳ sao đó mới gọi vào đêm hôm khuya khoắt thế này. Giọng lão là lạ, gấp gáp, như cố nén sự run rẩy, nhưng vẫn không quên thói quen ra lệnh “Mày xuống mở cửa. Tao sắp qua nhà mày bây giờ đấy”, rồi cúp máy. Tôi mặc quần áo, mở sẵn cửa, và ngồi chờ trong phòng khách. Chừng 15 phút sau, tiếng cửa sắt rít lên trong đêm, lão ào vào nhà, ngồi phịch xuống ghế sô pha, người lạnh cóng “Cho tao hớp rượu”. Tôi mở chai cognac mới tinh, rót vào ly cho lão. Lão uống một hơi cạn sạch rồi lại giơ chiếc ly không về phía trước. Bất thần lão mở miệng “Mày còn nhớ chuyện bức tranh không?”. Tôi cáu kỉnh “Lại chuyện gì với bức tranh thổ tả ấy nữa mà bác dựng em dậy vào giờ này”. Lão có vẻ sợ hãi “Hôm trước tao kể với mày đã có thằng trả năm ngàn đô.” – “Thì làm sao?” – “Sau hôm đó có thêm ba người nữa đến xem tranh. Và trả tăng dần lên mười ngàn”. Nhìn vẻ mặt của lão, tôi biết lão không đùa, nhưng tôi cho rằng lão đắm chìm vào những cuốn sách ma thuật nhiều quá nên có thể đã hoá điên thực sự. Tôi thản nhiên “Thì bác bán đi. Lúc nào mà bác chả cần tiền”. – “Tao cũng muốn bán,” lão thú nhận “nhưng không bán được”. Lão uống đến ly cognac thứ năm, như thể uống chè chén vậy, rồi thì thào “Cả năm thằng đến xem tranh của tao... đều bị tai nạn trên đường hẹn đến lấy tranh.” Lão kể lại trình tự rằng kỳ thực lão đã đồng ý bán với giá ba ngàn đô la ngay khi tay buôn tranh đầu tiên đến ngã giá. Thế rồi, gã bị một chiếc xe máy khác tông vào khi đang trên đường đến nhà lão giao tiền. Khách thứ hai, thứ ba cũng vậy, khi mà cái giá họ đưa ra ngày càng làm lão chóng mặt. Những tai nạn ngớ ngẩn không đến nỗi khiến họ nằm viện nhưng thảy đều từ bỏ ý định mua bức tranh xui xẻo ấy. Lần thứ năm, lão không tin nổi vào tai mình nữa, mới xin địa chỉ đến tận nhà bà khách đứng tuổi, là giám đốc một ngân hàng về hưu. Quả nhiên, bà ta ra tiếp lão với cánh tay bó bột trắng toát. Tôi sốt ruột “Thế bây giờ làm thế nào?”. Lão tuyên bố chắc nịch “Có lẽ tao không có duyên với việc bán tranh, nên sẽ gửi mày bán hộ. Với lại treo tranh ở cái phòng khách sang trọng của mày sẽ bán được giá hơn”. Rồi không cần tôi đồng ý, lão xăm xăm bước ra sân trước bê bức tranh bọc vải hoa vào, dựng ở bức tường cạnh ghế sô pha. Lão hấp tấp “Với lại thế này, tao thấy có một số việc quái lạ...” nhưng rồi lão lập cập tu luôn chai rượu đặt trên bàn như thể sợ buột miệng ra điều gì đó khiến tôi có thể gây phiền phức cho bức tranh. Lão lấm lét nhìn miếng vải hoa rồi vội vã bước ra cửa “Thôi tao đi về đây không muộn” mà không buồn dặn dò tôi xem phải bán bức tranh bao nhiêu tiền.

    Tôi nằm cuộn tròn trên ghế sô pha, bật vô tuyến và nhắm mắt lại, hy vọng âm thanh đều đều từ trận đấu bóng trực tiếp phát qua vệ tinh sẽ kéo cơn buồn ngủ đến. Bất chợt, một hơi lạnh buốt khiến tôi rùng mình, cùng lúc đó cánh cửa sắt rít lên như thể ông bạn già của tôi lại vừa đưa tay đẩy cửa. Tôi cao giọng “Bác Chung đấy à? Phải bác không?”. Tôi vớ lấy chiếc đèn pin và lia một vòng quanh sân trước. Không có ai. Đúng là tôi sơ suất thật. Có lẽ vừa rồi một tên đạo chích nào đó trên đường ăn đêm đã hé cửa ra thám thính. Tôi khoá cửa sắt lại và quay vào nhà.

    Bỗng nhiên, giàn hoa giấy trước hàng hiên rung ào ạt và lại một cơn gió lạnh buốt luồn tới. Cơn gió giữa đêm đông không những khiến tôi run cầm cập mà còn thốc mạnh như một cơn lốc xoáy giữa mùa hè. Nó thổi những đám lá rụng dồn vào trong nhà, tung bụi mù mịt lên tủ tường, lên mặt bàn kính bóng lộn và xộc lên ghế sô pha. Tôi vội vàng đóng cửa chính lại và giật mình khi thấy tấm vải hoa ban nãy ông bạn già cuốn rất chặt giờ lăn lóc dưới đất. Đúng là do cơn gió quái ác vừa rồi. Tôi nhắm mắt cố dỗ dành giấc ngủ, nhưng thỉnh thoảng lại liếc về phía bức tranh. Cái suy luận tấm vải hoa bung ra do cơn gió vừa rồi quả vô lý, vì nó đã được cuốn chặt tới mấy vòng cơ mà. Nếu bị gió thổi tung thì bức tranh cũng phải đổ ụp xuống rồi mới phải. Tôi ngắm kỹ bức tranh. Vẫn như lần đầu tiên nhìn thấy nó. Chả hơn gì. Nhưng dường như có điều gì đó không ổn. Tôi dán mắt vào bức tranh. Tay hoạ sỹ vẽ vài ngôi nhà san sát nhau, và đằng sau ngôi nhà, chính giữa là một chóp mái cổ kính cao vống lên xây thành hình tháp. Có vẻ như cái nhà cao ở sân sau này là do hắn tưởng tượng nên vì nó khác hẳn với quần thể khu phố cổ. Tôi tiến lại gần bức tranh để nhìn cho rõ. Và hình như, trên khung cửa sổ của tầng áp mái có một cái gì đó, một vật gì đó, hay một người nào đó. Lần này đôi mắt tôi chỉ cách tầng áp mái có hai mươi phân và cái điều vừa phát hiện ra khiến tôi giật bắn mình.

    Hiển nhiên bức tranh này có người. Nó không vô hồn như tôi tưởng. Một người hẳn hoi. Là bóng một mái tóc dài đen sẫm thả nghiêng trên tấm áo trắng. Qua nét vẽ nguệch ngoạc, tôi hình dung ra cô ta gầy, bé nhỏ và cô đơn trong ráng chiều chạng vạng trên những mái nhà cổ. Nhưng cái cách mà tay họa sỹ thể hiện sự hiện diện của con người ở đây thật kỳ quặc. Cô gái làm gì trên khung cửa sổ bé tí đầy tù túng? Nó chỉ càng tăng thêm phần bức bối, ảm đạm cho bức tranh. Nói chung tôi không thích bức tranh này. Tôi phủ chiếc khăn hoa trở lại rồi tắt vô tuyến, quay về phòng ngủ. Ngày mai, tôi sẽ gọi một gã mê tranh ngớ ngẩn nào đó để tống khứ nó đi với bất kỳ giá rẻ mạt nào. Hoặc giả, trường hợp này nhiều phần xảy ra hơn cả, nếu bức tranh không có ai mua, tôi sẽ vứt nó ra bãi rác và đền cho lão bạn già điên khùng ít tiền đủ để lão trà nước mà nghiên cứu ma thuật.





    Chiều hôm sau, tôi đã thuyết phục được một người đến xem tranh. Ông ta có chân trong hội sưu tầm tranh của thành phố với thâm niên hơn hai chục năm. Tôi kéo bức tranh ra sân, rồi khoanh tay đứng nhìn, lúc này trông nó xộc xệch chẳng khác nào những bức vẽ bày bán ngoài vỉa hè đang chờ các chủ quán cà phê mua về treo cho đỡ trống tường. Nhưng ngạc nhiên thay, nhà sưu tầm tranh dựng bức tranh lên rồi lại vật ngửa nó ra, quay trước quay sau xem xét kỹ càng. Thậm chí lôi cả kính lúp ra soi rồi lấy ngón tay cạ nhẹ vào lớp vữa lở lói trên tường. Sau chừng mươi phút, ông ta đứng thẳng lên “Mười lăm ngàn”. Tôi mỉm cười vẻ hối lỗi, như đã mạn phép làm mất thời gian của một nhà sưu tầm danh tiếng “Tôi biết là ông đang nhạo báng tôi. Nhưng quả thực đây là bức tranh rất quý mà ông chú tôi được thừa hưởng”. Người khách tỏ vẻ căng thẳng, khuôn mặt ông ta đần ra và đôi mắt dán vào bức tranh như bị thôi miên “Thôi được. Tôi trả anh hai mươi ngàn. Anh có thể hỏi tỷ giá đô la ngày hôm nay để quy ra tiền Việt hoặc nhận bằng USD thì tùy anh”. Tôi từng giao dịch những hợp đồng thương mại lớn gấp mười lần thế, nhưng đứng trước cuộc mua bán kỳ lạ như thế này, miệng tôi há ra như con cá bị ném lên cạn không thể thở được bằng mang. Cổ họng tôi khô khốc “Tại sao ông muốn mua bức tranh này. Nó đâu có phải của một hoạ sỹ nổi tiếng”. – “Tôi thích”, ông ta nói giản dị, mắt vẫn không rời bức tranh “giá trị nghệ thuật nhiều khi không thể định nghĩa theo nguyên tắc được”. Tôi tò mò “Theo ông thì bức vẽ được hoàn thành vào thời gian nào”. Người khách vuốt nhẹ lên bề mặt sơn “Cũng chỉ mới đây thôi, quãng hơn một thập kỷ là cùng”. Ông ta hẹn tôi sau ba tiếng nữa sẽ đến giao tiền và nhận tranh. Sau khi chào ông, tôi cuộn bức tranh vào tấm vải hoa, lần này cẩn thận như nâng pha lê quý. Trời ơi, hoá ra lão bạn già của tôi không lên cơn hoang tưởng. Tôi tò mò chạm vào bức tranh. Biết đâu, bức tranh này là của một trong những họa sỹ danh tiếng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương, hay của một danh họa nước ngoài mà tôi không biết, và vì một lý do bí mật nào đó đã không ký tên lên bức vẽ. Rồi sau đó những nhà sưu tầm tranh, những tên buôn tranh sành sỏi đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của tôi và lão bạn già để trục lợi. Tôi vẫn chưa hết choáng váng, định nhấc máy gọi điện cho chủ nhân bức tranh song lại thôi, những muốn tạo một niềm vui bất ngờ cho ông bạn già. “Bác Chung ơi, dù sao hai mươi ngàn đô la cũng là một số tiền lớn, đủ để bác chi tiêu trong suốt quãng đời còn lại”.

    Cả buổi tối, tôi không làm được việc gì, và nhịn luôn bữa vì hồi hộp. Nhưng đã quá hẹn, một tiếng, rồi hai tiếng, vẫn không thấy ông khách kia quay trở lại. Tôi quyết định bấm máy vào số điện thoại in trên các vi dít của ông ta. “Alô”, một giọng phụ nữ trẻ trả lời. Tôi tự giới thiệu và tóm tắt mục đích của cuộc đàm thoại. Đầu dây bên kia chậm rãi “Rất xin lỗi anh. Tôi có biết việc này, nhưng cách đây ba tiếng, cha tôi gặp một tai nạn trên đường đến nhà anh. Ông bị rạn xương bánh chè, không nặng lắm, nhưng cha tôi dặn nếu anh có gọi thì nhắn với anh rằng ông không muốn mua bức tranh ấy nữa”. Tôi cảm thấy ngạt thở. Nhưng lẽ ra phải mở hết các cửa cho thoáng thì tôi khoá chặt cửa phòng ngủ lại, rồi chốt luôn tất cả các cánh cửa sổ. Tôi chui vào chăn, lòng không yên. Theo đúng kế hoạch, ngày mai tôi sẽ quẳng bức tranh quỷ quái cho một mụ đồng nát nào đó. Những sự không đâu liên quan đến bức tranh bỗng dưng lại làm tôi mệt đầu. Trằn trọc mất một lúc, đôi mắt rồi cũng díu lại, và tôi chìm dần vào giấc ngủ khó nhọc.

    Chuông đồng hồ điểm tiếng thứ nhất. Cùng lúc đó, cánh cửa sắt rít lên lạnh lẽo. Tôi giật mình. “Thôi chết. Mình lại quên khoá cửa ngoài”. Tôi bật đèn và mở cửa phòng, nghĩ bụng ngày mai sẽ tra dầu vào cánh cửa chứ để cái âm thanh này dễ gây căng thẳng thần kinh lắm. Đôi chân trần của tôi chạm vào bậc cầu thang lạnh buốt. Hơn nữa hơi lạnh từ đâu cứ thốc tới, như thể hút lên từ một trôn giếng sâu thăm thẳm. Tôi cảnh giác. Trước khi lên phòng gọi điện cho người mua tranh, tôi đã khoá hết cả cửa chính, theo thói quen cửa đóng then cài quanh năm của tất cả những người dân quanh khu vực này, nơi mà những căn nhà đồ sộ cho dù có san sát nhau cũng không nghe nổi bất kỳ âm thanh nào từ hộ kế bên. Tôi bước chậm lại, năm đầu ngón tay bíu chặt vào tay vịn cầu thang để thủ thế. Ánh sáng từ bóng đèn nê ông trong phòng ngủ toả những chùm sáng lờ mờ hắt xuống chân cầu thang, và tia sáng yếu ớt kết thúc đường đi của nó ở phòng khách. Mắt tôi đã quen dần với bóng tối, và dường như... trong phòng khách... cạnh ghế sô pha... rất khó định hình... có một cái gì đó... một vật gì đó... hay một người nào đó. Tim tôi thắt lại. Một mái tóc dài đen sẫm thả nghiêng trên tấm áo trắng. Cái bóng mặc pijama của tôi đổ dài lên những bậc cầu thang, nó tụt xuống chầm chậm và dừng hẳn lại chỗ chiếu nghỉ. Tôi rơi vào trạng thái mơ hồ, không trọng lượng. Là một cô gái. Cô ta mặc chiếc quần hoa màu xanh, áo sơ mi trắng, và... bàn tay tôi bắt đầu nhễu mồ hôi, ướt mèm... chiếc áo trắng của cô ta dính đầy máu tươi, những giọt máu từ từ đen sẫm lại và thấm xuống cổ tay gầy gò. Cô ta đứng nghiêng, cạnh bức tranh, mái tóc dài khuất lấp, lại ở cuối đường ánh sáng nên tôi không tài nào nhìn thấy khuôn mặt. Cô gái bắt đầu rên rỉ, trong khi thân hình bất động. Những tiếng nức nở nổi lên, rõ dần, mới đầu nó thắt lại rồi tỏa ra, âm u như thoát thai từ một hang động bí ẩn dưới lòng đất. Đôi bàn tay giơ về phía tôi cầu cứu “Tôi đau lắm... Tôi bị giam cầm... Tôi bị xiềng xích”. Cô ta bắt đầu di chuyển về phía tôi, đầu vẫn cúi xuống, đầy vẻ nhẫn nhịn, đầy vẻ đe dọa. Đến đúng khoảng sáng trực diện mà ánh đèn phòng tỏa xuống, cô gái ngẩng đầu lên, đối diện với cái bóng của tôi trên chiếu nghỉ. Da mặt cô ta trắng xanh, trong suốt, không có tuổi, đôi mắt sầu thảm “Xin anh hãy giúp tôi. Đừng bán bức tranh đi”. Rồi cô ta gào lên, khuôn mặt đẫm nước mắt và nhăn nhúm khủng khiếp, đôi tay đầy máu vươn dài như muốn níu lấy tôi “Xin anh hãy cứu tôi”. Tôi kinh hoàng lùi dần, lùi dần, và hẫng chân lăn lông lốc xuống từng bậc cầu thang. Cơn đau điếng dọc sống lưng làm tôi, trong khoảnh khắc, quên cả nỗi sợ hãi. Tôi mở mắt, ngạc nhiên thấy mình vẫn ở trên giường, mồ hôi ướt đầm áo. Trong phòng tối đen, vô sự, và cửa phòng vẫn đóng kín. Cơn ác mộng vừa rồi khiến sống lưng tôi nhức nhối, như thể vừa nện lưng xuống chân cầu thang. Tôi nhớ lại khuôn mặt cô gái, nhớ rõ tới từng chi tiết. Thỉnh thoảng, sau những bận làm việc kiệt sức, tôi vẫn nằm mơ thấy người nọ người kia. Nhưng trong những chuỗi sự kiện lộn xộn của giấc mơ, khuôn mặt họ thường vô hình vô ảnh, còn rõ mặt, chỉ có thể là những người tôi đã từng gặp ở đâu đó rồi. Nhưng nếu gương mặt trong giấc mơ chân thật như một bức hoạ truyền thần, lại hoàn toàn xa lạ, liệu có thể là BÓNG MA được không? Nghĩ tới đó, tôi chồm đến chiếc máy điện thoại. Bàn tay để quên ngoài chăn lạnh toát. “Bác Chung à. Bác qua nhà em ngay bây giờ được không”. Giọng ông bạn già có vẻ ngái ngủ “Ngay cũng phải mười lăm phút nữa”. Mười lăm phút trôi qua mà tôi cảm thấy dài như hàng thế kỷ. Và tình bạn quả là vĩ đại, cho dù là tình bạn giữa một già một trẻ, đúng lúc chuông đồng hồ đổ hồi thứ hai, tôi nghe tiếng gọi khe khẽ “Phong ơi, Phong. Chung già đây”. Tiếng gọi của ông bạn bên dưới làm tôi thêm can đảm. Tôi lập cập bước xuống cầu thang và nhắm mắt chạy vù qua phòng khách. Tôi bật hết toàn bộ hệ thống đèn trong nhà, lại mở thêm cả kênh MTV cho không khí thêm phần vui nhộn. Sau ly cognac thứ hai, tôi lấy lại bình tĩnh, kể toàn bộ đầu đuôi câu chuyện cho vị khách thân thiết, và trong suốt thời gian đó, mắt tôi cố gắng tránh không nhìn vào bức tranh. Sau cùng, tôi chú thích “Đây, ban nãy cô ta đứng chỗ này”, rồi nhanh chóng rụt ngón tay lại. Ông bạn già yên lặng nghe tôi nói, rồi cũng như tôi, mắt không nhìn vào bức tranh, ông thì thầm “Tao cũng gặp những chuyện y hệt mày”. Chúng tôi rúm vào nhau, lấm lét liếc bức tranh, và chân tay thừa thãi không biết làm gì. Rất lâu sau, ông rụt rè “Tao có ý kiến thế này...”.

    Tôi đi lấy cho ông một tờ giấy to bản, và tìm mãi mới được chiếc chén hạt mít nhỏ xíu. Ông vẽ vội vàng những ô vuông với 29 chữ cái màu đỏ, rồi lại bảo tôi kiếm một thẻ hương. Giờ phút này, nhất nhất những gì mà thường ngày tôi cho là lố bịch đều được làm theo răm rắp. Trong lúc ông loay hoay xòe diêm châm lửa đốt thì bất thần chiếc chén rung rinh như thể có nam châm ở dưới. Ông hét lên “Mày đặt tay lên chén đi”. Ngón trỏ và ngón giữa của tôi cảm nhận hơi lạnh toát tỏa ra từ chiếc chén. Nó bắt đầu chuyển động và truyền một lực hút rất mạnh kéo theo hai đầu ngón tay. Chiếc chén di chuyển qua những con chữ trong khi ông bạn già run rẩy ghi ra một tờ giấy “Xin hãy cứu tôi”. Ông thì thào “Cô là ai?”. Chiếc chén tiếp tục xê dịch chậm chạp “Tôi đang bị giam cầm” – “Xin cho tôi biết tên” – “Lâu quá rồi. Tôi đã quên mất tên của mình” – “Làm thế nào mà chúng tôi giúp cô được?” – “Hãy tìm đến ngôi nhà trong bức tranh” – “Ngôi nhà đó ở đâu?” – “Tôi không biết. Hắn đã giam cầm tôi qua bao ngày bao tháng. Tôi không được ra ngoài”. Chiếc chén dưới tay tôi bắt đầu run rẩy và làn hơi lạnh buốt quen thuộc trườn đi trườn lại quanh chiếc bàn. Lần này, tôi lên tiếng, khi đã đối diện với nỗi sợ hãi “Vậy làm thế nào mà chúng tôi tìm được cô, và ai đã giam giữ cô?” Chiếc chén đột nhiên chạy vun vút, khiến ông bạn tôi ghi không kịp “Tôi phải đi đây. Tôi vội lắm. Tôi chỉ còn ba ngày nữa thôi. Nếu sau mười năm không được siêu thoát, tôi sẽ bị giam cầm vĩnh viễn. Ngày mai tôi không gặp các ông được nữa vì hắn sẽ cho người dán bùa chú trước cửa”. Chiếc chén dừng lại rồi bất động. Tôi kiên nhẫn đặt tay lên chén chờ đợi nhưng hơi ấm từ ngón tay tôi dần tỏa nhiệt lên men sứ. Chiếc chén bắt đầu ấm nóng. Tôi lẩm bẩm như người mộng du “Cô ta đi rồi. Giam cầm... Ngôi nhà... Hắn. Hắn là ai?”. Chúng tôi ngồi im không nhúc nhích, và khi ánh bình minh đầu tiên vừa ló rạng, ông bạn già của tôi rời chiếc ghế sô pha “Chúng ta sẽ đi tìm ngôi nhà”.




    Gã thợ khóa líu ríu đi theo chúng tôi. Trời rét nên nhà nào nhà nấy đóng chặt cửa lại, thành thử con ngõ nhỏ luồn giữa khu nhà càng trở nên ẩm ướt và âm u như lối vào địa ngục. Từng đàn chuột chạy rúc rích trên trần ngõ như dẫn đường. Chúng cũng ra vẻ hiểu ý leo tuột lên thang gác xoáy trôn ốc. Tôi rọi đèn pin còn lão bạn già giả vờ đứng hút thuốc cách đó mấy bậc. Kỳ thực là trông chừng tay chủ nhà. Chiếc khóa rời trên cánh cửa sắt, gã thợ khóa lành nghề chỉ xử lý trong vòng mươi phút, nhưng ổ khóa chìm mới thực là phức tạp. Nó là loại khóa thửa trên cánh cửa gỗ lim cũ kỹ. Dường như tên chủ nhà đã lường trước được điều này nên chọn loại khóa tốt nhất khiến tay thợ thâm niên cũng phải toát mồ hôi hột. Tôi sốt ruột ngó đồng hồ. Đã gần tiếng trôi qua, và chúng tôi sẽ làm gì nếu tên chủ nhà quay về bất thình lình. Mặc dù đã đặt kế hoạch áp đảo gã, nhưng trong tình thế bị động như thế này, tôi cảm thấy bất an. Cuối cùng chiếc khóa cũng bật được ra. Gã thợ khóa định mở thử cánh cửa nhưng ông bạn già của tôi ngăn lại và dúi cho gã ít tiền. Khi tiếng bước chân của gã nhỏ dần rồi trả lại sự yên tĩnh nguyên sơ cho bóng tối, tôi hít một hơi dài, thì thầm “Bác đã sẵn sàng chưa?” – “Rồi”, giọng ông bạn già khản đặc và đôi tay bíu lấy cổ tôi đẫm mồ hôi.

    Tôi nhìn lại đồng hồ, đã 11 giờ đêm và tên chủ nhà có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Tôi đi trước, đẩy cửa, rọi thẳng đèn pin vào trong nhà. Ánh đèn loáng một quầng chói lòa lên từng góc. Tôi nhìn thấy công tắc đèn, song không dám bật điện. Căn phòng rộng khoảng hai chục mét vuông, không hề có cửa sổ, trần thấp tè một cách đáng ngạc nhiên. Tôi đã tham quan một vài ngôi nhà trong phố cổ, nhà nào trần cũng thấp, song căn phòng này còn thấp hơn nữa, và với chiều cao của tôi, chỉ cần với tay một khoảng là đã có thể chạm trần nhà. Căn phòng khá ngăn nắp, có đầy đủ tủ trà, tủ tường, một chiếc giường con nhưng không có bàn uống nước, điều này dễ hiểu vì chị giúp việc dưới kia nói rằng gã chưa bao giờ có khách. Nhưng điều kinh ngạc nhất là căn phòng không có vô tuyến, radio, điện thoại, sách báo hay bất kỳ một thiết bị văn minh tối thiểu nào. Trên các ô tủ tường, gã bày biện những khuôn mặt tượng sáp, đồng đen hay được tạc bằng gỗ mà khi lia chiếc đèn pin vào, tôi không khỏi rùng mình. Những khuôn mặt nhăn nhúm, khổ sở với đôi mắt hoặc đang kinh hoàng, hoặc đang ai oán. Phía dưới phần cổ của các bức tượng là những cơ thể không mặc quần áo, trong những tư thế quái dị. Tôi mở toang các ngăn tủ, không có gì đặc biệt ngoài mấy món đồ lặt vặt. Chúng tôi sang gian bên cạnh là một ô nhỏ được chia làm buồng tắm và kế đó là bếp. Như vậy, chỉ còn một nơi hy vọng duy nhất là tầng áp mái. Ngay lúc vào, chúng tôi đã nhìn thấy chiếc cầu thang gỗ nhỏ xíu bắc lên tầng trên, nhưng cửa trần được đóng bằng một tấm sắt kín mít. Chúng tôi phát hoảng, ngỡ rằng nó lại bị khóa, nhưng không, chỉ ẩy nhẹ là đã nhấc lên được. Tôi trèo lên trước, rồi kéo ông bạn già lên sau, và ngay lập tức lia đèn pin khắp phòng. Tầng này rộng hơn căn phòng bên dưới một chút, vì còn là trần của chái bếp. Tôi nhận ra ngay ô cửa sổ nơi cô gái trong bức tranh nọ đang xoã tóc. Ánh sáng từ chiếc đèn pin của tôi đi tới đi lui trong căn phòng, có mấy chiếc ghế hỏng, một cái chăn bông cũ, vài loại xoong nồi cũ rích và hàng chục thứ đồ không tên khác. Căn phòng này hẳn là một nhà kho, nó tối tăm, ẩm mốc, và ghê rợn như trong huyệt mộ nhưng tuyệt nhiên không có gì khả nghi. Tôi bật chiếc móc sắt trên cánh cửa sổ và thử mở hé nó ra. Bầu trời bên ngoài tối đen như mực, nhưng tôi vẫn có thể lờ mờ nhận ra những tán si già phía bên dưới, đối diện là cửa hàng tạp hoá giờ đang đóng im ỉm. Cả khu phố cổ đã im lìm trong bóng đêm. Tôi thở dài “Không có gì hết. Mình chuồn thôi không lão về bất chợt”.

    Chúng tôi lò dò lần xuống những bậc thang gỗ. Tôi đỡ ông bạn già xuống rồi liếc nhìn căn phòng lần cuối trước khi bước ra cửa. Thốt nhiên, một luồng hơi lạnh bất thần bao phủ lấy đôi chân tôi. Nó trườn qua trườn lại nhưng không có vẻ gì đặc biệt, nó cũng không khác nào lúc tôi chui vào phòng cơ quan trong một ngày nóng nực rồi với tay bấm nút điều hòa nhiệt độ. Tôi ngạc nhiên lần theo làn hơi lạnh. Hoá ra nó phả ra từ dưới gầm chiếc giường gỗ. Tôi rọi đèn pin. Dưới gầm giường sạch sẽ, và chỉ có duy nhất một đôi giày đặt ngay ngắn. Tôi đặt tay lên mặt sàn gỗ, nó cũng mát lạnh y như mặt sàn trong phòng ngủ nhà tôi đang ngấm nhiệt của mùa đông. Tuy nhiên lúc miết tay lên nó và chà đi chà lại, tôi nhận ra một hơi lạnh khác thường, nó lạnh hơn những chỗ khác và tỏa ra từ một khe sàn. Tôi kêu lên “Dưới này còn một hầm nữa”.

    Lão bạn già ôm chặt lấy lưng tôi. Tôi cảm nhận những nhịp tim dồn dập trong lồng ngực già nua qua ba lần áo dày. Tôi cuống lên “Nhanh lên. Bác giúp em nhấc cái giường này ra”. Chiếc giường một không nặng lắm, và chúng tôi tìm thấy một cái móc sắt to bản phía bên trong. Chúng tôi hè nhau nhấc nó lên và ngay lập tức hơi lạnh ùa ra đặc quánh đến khó thở. Nó ồ ạt tuôn ra như từ một hố băng khổng lồ. Tôi nhận ra cái lỗ sâu hoắm, thực chất cũng là một cầu thang gỗ dẫn xuống bên dưới. Càng lần xuống sâu hơn, xúc giác của tôi càng tê dại. Một thứ mùi rất khó gọi tên, một thứ mùi của chết chóc, của ảo giác, của hư vô xộc lên tận óc. Tôi rọi đèn pin và lần này hồi hộp tới mức quên cả đỡ ông bạn già phía trên.

    Té ra đây là một căn phòng hẳn hoi. Là một tầng bí mật ép giữa tầng trên của gã chủ nhà và tầng trệt của một chủ hộ khác. Có lẽ xưa kia những chủ nhân người Hoa đã làm thêm tầng này để chứa bạc, hút thuốc phiện, buôn bán đồ quốc cấm hay sử dụng cho một mục đích mờ ám nào đó. Những luồng hơi lạnh vẫn ở đâu ào ra bao lấy tôi nhưng lúc này tôi chẳng hề cảm thấy lạnh. Trái lại, cơ thể nóng sốt lên như đang đứng trước một lò luyện thép. Tay tôi chạm vào công tắc đèn trên tường ngay lúc vừa hạ chân xuống mặt đất. Tôi ấn mạnh vào nó, và ánh sáng loà lên khiến đôi mắt chúng tôi vốn đã quen với bóng tối suốt mấy tiếng đồng hồ phải nhắm tịt lại. Khi chúng tôi mở mắt ra, sau vài giây, một điều khủng khiếp khiến hai tiếng thét kinh hoàng bật ra cùng một lúc.

    Căn phòng trống không, nhưng trên chiếc giường bên góc phải là một cái xác với mớ tóc dài, mặc sơ mi trắng và chiếc quần hoa xanh. Trên áo lấm lem những vết đen sẫm. Gương mặt và cổ tay, cổ chân đã khô quắt lại, không còn ra hình người. Lão bạn già của tôi choáng váng ngã khuỵu xuống đất, còn đôi chân tôi trở lại trạng thái đu đưa trên mặt đất như cái đêm tôi đối diện với cô gái trong phòng khách. Cùng lúc đó, có tiếng rít của bản lề sắt gỉ từ phía bên trên. Một vật gì đó thoăn thoắt leo xuống chân cầu thang với dáng điệu hung tợn của một con thú bị thương. Gã chủ nhà vớ chiếc xích sắt to tướng dưới mặt đất, bổ thẳng vào đầu ông bạn già đáng thương của tôi. Tôi sực tỉnh, giật mạnh tay ông bắn sang một góc tường rồi thừa lúc gã chủ nhà chới với vì cú vồ hụt, đấm thẳng vào bộ mặt trắng bệch của hắn. Sức vóc của một gã trai ba mươi, tôi thừa đủ cho gã nằm bẹp dúm dưới sàn và quằn quại trong hơi lạnh. Chỉ mươi phút sau, cảnh sát đã kéo tới đầy nhà, và vụ việc gớm ghiếc này gây náo loạn khu phố yên lặng từ vài thế kỷ.

    ... Tôi đã phải mất tới vài tuần để hồi phục tâm lý. Trong những ngày nhốt mình vào phòng ngủ mà không ăn uống gì, cơ thể tôi gầy xọp đi. Hơn một tháng sau, lão bạn già của tôi mò tới, thân hình còn thảm hại hơn. Lão vẫn tu cognac ừng ực “Cái thằng phi nhân tính đó nhất định không chịu khai gì hết”. Tôi hờ hững nhìn lão, như vô cảm với cái tin mà lão vừa thông báo. Cú sốc vừa rồi khiến tâm thức của tôi trống rỗng. Lão mân mê chai rượu “Người ta đã xác định cái xác được cất giấu dưới hầm khoảng 10 năm”. Lão đặt cái chai rỗng không xuống mặt bàn, đội mũ, dắt xe thẳng ra ngõ, vừa đi vừa lẩm bẩm như người mộng du “Đã mười năm trôi qua, không một ai trong cái thành phố mấy triệu dân này phát hiện ra căn hầm có một không hai ấy. Tại sao người ta lại có thể làm biến mất một con người dễ dàng như thế được?”.

    Sáng sớm hôm sau, tôi bị đánh thức vì những chiếc loa bán báo đang ngược xuôi ngoài phố. Cái giọng quảng cáo đã bị méo mó đi qua âm thanh đặc trưng của chiếc loa rẻ tiền “Báo ra ngày hôm nay... tin cho bạn đọc biết, con quỷ đội lốt người đã tự sát...” Tôi vội vàng xuống mua một tờ báo. Tấm ảnh chân dung của hắn trước khi chết in to tướng trên trang nhất. Hắn hơi mỉm cười, vẫn nụ cười thân thiện như cái lần đầu tiên tôi gặp hắn. Tôi không khỏi rùng mình. Có lẽ những lần đối diện với nỗi sợ hãi trong bao ngày vừa qua cũng không làm tôi ớn lạnh sống lưng như khi nhìn thấy bức ảnh này. Tôi quẳng tờ báo vào sọt rác rồi quay vào nhà. Những dòng trên mặt báo chỉ đưa tin chung chung về cái chết kỳ lạ của hắn. Mặc dù không tìm ra nguyên nhân cũng như bất cứ thứ gì trong phòng giam có thể giúp hắn tự tử, người ta đành đưa ra một kết luận có vẻ hợp lý nhất cho dù là phi lô gich. Khắp thành phố ồn ào lên vì vụ án ly kỳ này. Người ta đặt ra nhiều giả thiết. Cô gái trẻ kia có thể từng là tình nhân của hắn và sau khi cô ta chết, hắn mới nghĩ ra một ý quái đản là vẫn giữ xác chết ở dưới hầm rồi lắp hàng chục cái máy lạnh để bảo quản. Nhiều người còn khẳng định hắn là hậu duệ của một thương gia giàu có người Tàu và vì thực hiện ý nguyện của tổ tiên, đã bỏ đói một thiếu nữ đồng trinh để làm thần giữ của. Thậm chí, một số cho rằng hắn là con yêu râu xanh đã giam giữ cô gái kia dưới hầm như một nô lệ tình dục. Và sau khi hành hạ cô ta cho đến chết, không có cách gì để phi tang, hắn bèn lấy luôn căn hầm làm mồ cho xác ướp. Dù sao, bí mật về cô gái và cái chết của cô đã vĩnh viễn bị chôn vùi. Nhưng chắc chắn rằng, trong một lần hiếm hoi nào đó, tên bệnh hoạn kia đã cho cô gái được hít thở khí trời bằng cách để cô ngồi sau khung cửa sổ trên tầng áp mái, và đó đúng là khoảnh khắc xuất thần mà tay họa sỹ vô danh chớp được, khiến bất kỳ kẻ sành hội họa nào đều mê mẩn bức tranh mà không biết vì lẽ gì. Bức tranh phố cổ, vẫn bất động trên tường, toả màu âm u và hư ảo. Nhiều lần tôi và lão bạn già kiên trì đặt ngón tay lên chiếc chén hạt mít hòng vén bức màn bí mật, nhưng thuyết thông linh của lão dường như đã trở nên vô dụng.

    Một năm sau, cũng trong một đêm đông giá rét và mưa tuôn lất phất, tiếng cửa sắt lại rít lên, lạnh lẽo. Tôi vội vã mở cửa phòng khách và giật mình vì một người đàn ông đã đứng sừng sững ở đó từ bao giờ. Ông ta cao lớn, mặc áo choàng cài kín cổ, đôi tay giấu trong găng da màu đen và chiếc mũ dạ lấp đi nửa khuôn mặt. Người khách lạ cất tiếng, âm vực không rõ ràng “Tôi nghe nói ông có một bức tranh muốn bán?” Bất giác, một làn hơi lạnh toát đã từng rất quen thuộc chợt ùa ra. Nó trườn đi trườn lại, bao quanh tôi như một dải khăn sương giá. Rồi rất từ từ, chậm rãi, chùm hơi lạnh đó lướt đi, tan dần, và hòa lẫn vào bóng đêm. Tôi rùng mình nhắm mắt lại. Khi tôi kịp định hình ảo giác vừa rồi, vị khách kỳ dị đã biến mất như thể chưa từng xuất hiện. Tôi quay vào nhà. Bức tranh không còn ở đó nữa. Tôi chạm tay lên khoảng trống sẫm màu trên tường. Người ta có thể làm biến mất một cái tên, một con người, nhưng vĩnh viễn không thể làm biến mất một linh hồn.


    DILI
Working...
X