Ma Nữ Đa Tình
Tác giả: Đào Vũ Anh Hùng
Đây là một chuyện ma. Chuyện ma này có thật, nhẹ nhàng thôi, không phải thứ chuyện ma rùng rợn nhảm nhí, chuyện ma vớ vẩn để hù dọa con nít hay mấy chị đàn bà yếu bóng vía nhưng hết sức kỳ khôi, chồng không thèm sợ, bầy đặt sợ ma, sợ gián và sợ mấy con chuột bọ này kia...
Chuyện ma này có thể coi là chuyện Liêu Trai tân thời. Con ma này tôi gọi là "Ma Nữ Đa Tình" nhưng thú thực, cho đến bây giờ tôi vẫn không dám đoan chắc người con gái đó là người thật hay là ma? Vì ma, khi hiện ra thì thấy, có thể thấy rõ ràng hình nét, hay chỉ lờ mờ nhân ảnh và khi biến đi thì biến mất tiêu. Còn cái em ma nữ đa tình này sống sờ sờ giữa cõi chúng ta, vẫn ăn, vẫn thở, biết nhảy đầm vung vít, biết yêu đương, có khả năng lấy chồng, đẻ con như tất cả các đấng đàn bà con gái bình thường khác trên cõi đời này. Nàng là một thực thể và một thực tế ta có thể sờ mó được, có thể hôn hít được, có thể ôm gọn trong vòng tay rất "đã" như ôm một người tình.
Mới nghe thì tưởng tôi chế ra chuyện ma mãnh để tếu chơi. Nhưng không, tôi khẳng định hoàn toàn không chế phịa một tí gì trong chuyện này. Tôi còn có nhân chứng sống và cả nhân chứng… chết nữa bảo đảm cho câu chuyện sắp kể ra đây là có thực. Nhân chứng sống gồm có hai người: Người thứ nhất là đàn anh "Bỏ Đầu Cành", tức "Cảnh Đầu Bò" hay "Le Boeuf Qui... La", cựu phi công A-37 của Phi đoàn 524, nhân vật nổi tiếng của hội Không quân Đông Bắc Hoa Kỳ. Nhân chứng sống thứ hai là nhà văn, nhà thơ, luật sư Dương Kiền, Ủy viên Tòa án Quân sự Mặt Trận Vùng II ở Nha Trang, định cư ở Na-Uy. Nhân chứng chết là Trung "Gà" phi đoàn 524, đã tử nạn trên chiếc A-37 ở Utapao trong ngày di tản.
Ngày đó tôi đem chuyện "ma nữ" ra kể cho Dương Kiền nghe và hỏi ý kiến, Kiền nói với tôi thế này:
- Cô ta là ma mà không phải là ma. Là người mà không phải là người. Tôi nhớ có đọc một cuốn sách nói về những chuyện huyền bí, siêu hình, những chuyện khó tin mà có thật, khoa học không thể giải thích được – của một bác sĩ người Đức. Ông ta viết khá nhiều về những "người ma" ấy. Đại khái, ông ta nói trong thế giới này, có những loại người "nửa người nửa ma" sống lẫn lộn với chúng ta. Họ cũng ăn, cũng ngủ, cũng sinh hoạt bình thường như tất cả chúng ta. Cũng lấy vợ, lấy chồng, đẻ con... nghĩa là không khác gì chúng ta cả. Nhưng họ thuộc một thế giới khác với chúng ta, "thế giới bên kia", không phải thế giới loài người!
Xong Kiền cười, nheo mắt dọa tôi:
- Ông coi chừng. Họ cũng biết yêu. Yêu ghê gớm và cũng biết ghen, ghen ghê gớm đấy nhé!
Trên đời này, cái giống "nửa người nửa ngợm" thì nhiều nhan nhản. Nhưng "nửa người nửa ma" thì đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến. Tôi nhợn nhưng kiểm điểm lại cuộc tình, thấy mình vô tội. Sự giao du giữa tôi với ma nữ đa tình chưa tới hồi thân mật gay cấn, còn trong vòng lễ giáo, đâu đã có gì lạng quạng kiểu "trên bộc trong dâu" mà lo sợ? Cô nàng mết tôi không dấu diếm. Còn tôi, tôi vẫn giữ thái độ lửng lơ con cá vàng bởi tôi rất ghét những cuộc yêu đương kiểu chụp giựt, kiểu yêu cuồng sống vội của mấy ông tự cho mình là lính hào hoa, đi đâu cũng mò mẫm sục sạo như chó mò thùng rác, tìm kiếm những mối tình lẻ để yêu vung vít và làm thơ ca tụng vung vít, trong đó có câu "Mỗi phi trường là một bến yêu đương" nghe cải lương, rẻ tiền không chịu được. Tôi không muốn góp phần làm mang tiếng cho đám lính tàu bay. Tôi làm quen với nàng chỉ vì háo thắng, nhận lời thách đố của hai chị em bà Yến, bà Sâm...
Dân Không quân ở Không đoàn 62 Chiến thuật và bên Trung tâm Huấn luyện Nha Trang của những năm 60 và đầu 70, mấy ai mà không biết hai chị em bà Yến, bà Sâm, chủ quán Café Trang, số 6 đường Bạch Đằng, khu Phước Hải? Ngày đó tôi sống cu ki ở Nha Trang như một anh thầy tu, sáng xách nón bay đi, tối xách về, giao du giới hạn, ra phố chỉ để đi ăn, mua sách báo rồi về nằm khoèo trong cư xá nghe nhạc, đọc sách, viết lách vớ vẩn, chả quen cô nào và cũng chẳng muốn cô nào quen cho mệt vì tôi đã có "nàng" ở Saigon, đẹp, xinh, ngoan, hiền thục, dễ thương và tôi đã thương, nhất định sẽ cưới nàng. Tôi sống ngoan và hiền đến độ có đứa xấu mồm ra phố gặp mấy nàng kiều Nha Trang hỏi han về tôi, ganh và ghen, chúng nó rỉ tai các nàng rằng tôi bị… liệt dương! Những lời vo ve xàm tấu trong dư luận có bay đến tai tôi nhưng tôi tỉnh bơ, coi chuyện liệt dương liệt âm hay liệt gì nữa đều là chuyện riêng của mấy đứa... liệt, chẳng mắc mớ chi tới mình. Để cho chắc ăn, tôi sắm một cái nhẫn ma-dê đeo cho các mợ tưởng mình là hoa có chủ, thôi quấy rầy làm mất thì giờ, rủ rê sa ngã vào những mảnh lưới tình lẩm cẩm giăng cùng thành phố lính, như thiên la địa võng.
Đàn bà con gái hay thiệt. Giác quan thứ sáu của họ bén nhạy vô cùng. Liếc mắt một cái là biết ngay cu cậu nào ván đã đóng thuyền rồi, chú em nào còn thơ thới độc thân hay con cái đùm đề. Tôi đã ngụy trang phòng thủ kỹ như vậy mà các nàng nhất định không tin tôi là trai tơ có vợ. Linh tính đàn bà hay dễ sợ. Đó là tôi nói cách chung, chị nào vớ lầm các đấng phi công họ Sở để phải cười đau khóc hận chính là mợ ấy hoặc không có linh tính hay không có giác quan thứ sáu hoặc mê quá hóa khờ, thành người mất trí mà thôi. Nhưng đó là chuyện khác. Trở lại chuyện "ma nữ đa tình", nó khởi đầu như thế này...
Một hôm, như thường lệ, tôi ra Café Trang kèm cho thằng cháu con chị Yến học. Lúc đó khoảng 6 giờ chiều, quán chưa có khách. Vĩnh đi cắm trại về, than nhức đầu xin nghỉ học một bữa. Bà Sâm hỏi tôi vài ba câu vớ vẩn rồi chợt kêu lên:
- Ê, bồ muốn không, để tớ giới thiệu cho em này. Em trông rất "được" nhưng khó lắm. Mấy tay thiện xạ Không quân chưa tên nào cua được em… Bồ nhào vô thử đi!
Tôi khủng khỉnh lắc đầu:
- Dẹp đi. Tớ nhất định "thủ tiết". Bộ muốn phá gia cang người ta sao đây?
Chị Sâm ngắt lời tôi:
- Khỉ ạ! Để yên người ta nói cho mà nghe. Ai bảo "dính" thật đâu mà sợ? Em con nhà lành nhưng kiêu kỳ lắm. Cỡ Trung "Gà" với Yên "Khỉ", Cảnh "Đầu Bò" mà không "cua" được, đủ biết em khó tới cỡ nào! Nhưng tớ nghĩ bồ nhào vô chắc được. Tớ treo giải, tên nào cua được em, làm cho em "chịu", đem bao nhiêu bạn bè đến đây tớ cũng bao uống cà phê quanh năm.
Chị Yến chen vào:
- Cậu hôm nay ở đây lâu lâu một tí đi. Chút xíu nữa em đến, gặp rồi biết. Em này đặc biệt lắm, tớ nghĩ cậu chắc cua được vì em sính nói chuyện văn chương thơ thẩn mà mấy ông nội kia chỉ lăm le nói chuyện bằng tay nên em không chịu. Tớ nói thật đấy, cậu mà cua được em, tụi tớ bao uống cà phê thả dàn.
Rồi hai chị em Hải Yến, Hải Sâm kể cho tôi nghe về người em gái hậu phương có hành tung kỳ bí. Em mới đến Café Trang chừng một hai tuần, đi một mình và chỉ đến khi trời tối. Em lúc nào cũng chọn cái bàn thấp sát tường, nơi góc khuất có nhiều bóng tối hơn những bàn khác. Quán Café Trang tường quét vôi màu tím hồng, trang trí thanh nhã, có những bóng đèn lờ mờ mỹ thuật gắn trên tường và có dàn nhạc với âm thanh hết sảy. Hồi đó mà sắm được một dàn máy Aikai cỡ đó cũng bộn bạc. Chị em bà Yến lại là những tay sành nhạc nên ngồi uống cà phê, nghe nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn thời thượng với giọng hát Khánh Ly, Lệ Thu, cứ gọi là "phê" tới cõi thiên tiên ấy chứ. Em gái này có mái tóc dài chảy xuống ngang lưng, xõa che một phần gương mặt trái soan đều đặn trông rất liêu trai, rất Huế!
Em ngồi đấy, trầm lặng một mình. Ngồi hàng giờ với tách cà phê đen và cái gạt tàn thuốc thủy tinh. Bà Sâm bảo em không hút thuốc nhưng lần nào cũng đem theo một gói Salem, đốt một lúc bốn điếu để vào cái gạt tàn, đều bốn góc. Những điếu thuốc có đầu lửa châu vào nhau, khói quyện bay dìu dặt trong không khí và em cứ ngồi câm lặng như thế, chiêu niệm vong linh ai đó, giờ này qua giờ khác, buồn bã nhìn đăm đăm vào những điếu thuốc, canh cho cháy đến khi tàn để đốt bốn điếu khác. Cô nàng ngồi thinh lặng, nét mặt âm u, như người đồng nữ trang nghiêm hành lễ, như phù thủy ngồi điểm danh lũ âm binh vô ảnh vô hình, không hề bận tâm tới những bàn chung quanh, những người chung quanh.
- Tớ có lần hỏi em ở đâu, em trả lời ở gần đây. Em bao giờ cũng chỉ gọi có một ly cà phê đen và ngồi đó có khi đến ba, bốn tiếng đồng hồ với chỉ một ly cà phê đó, cho đến lúc không còn điếu thuốc nào để đốt mới ra về.
Bà Sâm kể tiếp:
- Cũng có vài lần em gọi thêm. Nhưng em uống chịu, hôm sau có tiền đem trả sòng phẳng. Tớ nghĩ có lẽ em… ăn bớt tiền chợ, trốn ông bà già đi uống cà phê, cũng tội. Tớ có hôm không tính tiền nhưng em cứ nằng nặc trả. Chắc em thất tình, tâm sự buồn chán lắm?
Tôi cười:
- Em này "bệnh" đấy. Bệnh "lập dị" chứ có lạ gì đâu.
- Cậu phải gặp con bé đó mới được. Không lẽ Không quân các cậu "yếu" thế à?
Tôi thấy chị em bà Yến bà Sâm có vẻ hối thúc quá, nên tò mò muốn biết người con gái này đặc biệt ra sao chứ tôi đâu có ghiền cà phê mà ham lãnh giải?
Đêm đó, khoảng gần 8 giờ nàng đến. Lúc đó tôi ở dưới nhà sau. Đây là cái biệt thự, phòng khách chính dùng làm phòng trà, bán cà phê. Chị Yến chạy xuống ríu rít gọi tôi. Tôi theo chị lên quày tính tiền. Bà Sâm ghé tai tôi nói thầm:
- Đấy, em đấy! Bồ ra ngồi với em đi.
- "Nó" có cho ngồi không mà ngồi? Nó lại la làng hay đuổi đi thì quê. Có khi lại gần nó dám "ếm" lắm ạ!
Nói vậy nhưng tôi cũng đến bàn cô gái. Nàng ngước nhìn tôi bằng đôi mắt lạnh và hết sức thờ ơ. Tôi nói:
- Tôi mới được nghe chị Yến, chị Sâm nói cô "khó" lắm, không ai làm quen được. Tôi muốn thử. Cô nên cho tôi làm quen vì các bà ấy treo giải ai làm quen được với cô, sẽ cho uống cà phê không phải trả tiền, bạn bè muốn mời ai cũng được, suốt năm. Tôi muốn cô không phải trả tiền kể từ đêm nay.
Cô nàng dường như có hơi nhếch mép nhưng không nói gì. Tướng nàng chẳng có vẻ gì là ghê gớm khó khăn, chỉ có nét lầm lì kênh kiệu thôi. Nhan sắc trên trung bình, theo cái nhìn đầu tiên của tôi lúc tranh tối tranh sáng. Tôi tự mình kéo ghế ngồi xuống. Bà Sâm đem ra bàn cho tôi một phin cà phê, miệng tủm tỉm cười. Tôi cũng cười, ra cái điều "nó" không cắn, không đuổi đi chỗ khác chơi, việc gì phải sợ? Bà Sâm khều lưng tôi ra ý khích lệ. Nàng mặc tôi ngồi đối diện, vẫn chăm chăm nhìn vào mấy điếu Salem cháy trong cái gạt tàn, coi đứa anh trai như cục đất. Tôi nói:
- Tôi không hút Salem, nên cô đốt bao nhiêu tôi cũng không thấy phí và tiếc. Nhưng cô làm cái chuyện lập dị này để làm gì cho phí tiền?
- Kệ tôi!
A, nàng cóc đã mở miệng! Có lẽ nàng nổi sùng vì hai chữ "lập dị". Mắt nàng quắc lên, vừa dữ vừa đẹp. Tôi cười:
- Tất nhiên là tôi kệ cô. Cô có đốt cháy tiêu nhà người ta tôi cũng kệ cô. Cô bị đi tù tôi cũng kệ cô. Nhưng mà thôi, trêu cô cho vui chứ nhìn cô tôi biết cô là một con người nghệ sĩ, hay ít nhất cũng có dáng nét của một nghệ sĩ , tôi không lấy chi làm lạ vì tôi có nhiều bạn trong giới văn nghệ nên tôi hiểu.
Chả là bà Yến với bà Sâm có cho tôi biết em này thích dở chuyện văn chương ra nói với mấy đấng đàn anh hiệp sĩ Thiên Lôi 524 chỉ biết chuyện "ấy", chuyện đánh đấm với vật lộn trên giường thôi nên tôi đoán các đàn anh chán quá không thích nói chuyện với em, hắt hủi em để em phải ngồi buồn chiêu niệm những cuộc tình đã qua, tạo ra hình ảnh ma quái như thế. Tôi đánh đúng target ngay trái bom đầu, tuy không là hoa tiêu khu trục. Thế là từ đó nhé, chuyện cứ gọi là liên miên như hai cụ Bá Nha, Tử Kỳ khảy đờn cho nhau nghe rất là tương đắc. Bà Sâm xí xọn thỉnh thoảng lại làm bộ ghé hỏi có uống cà phê nữa không để nghe xem chuyện chi mà cô cậu tâm đầu ý hiệp thế. Mới qua năm phút trò chuyện sơ sơ đứng đắn, ong bướm không hề lơi lả, tôi biết em này chẳng có một ly ông cụ nào gọi là ghê gớm cả. Em là nữ sinh, có lẽ mới lên đại học, có chân trong một thi văn đoàn nào đó, thích làm dáng văn chương. Mấy đàn anh đi trước đã đi vội quá, quên không nghiên cứu địch tình và mang theo bí kíp nên nản và bỏ cuộc.
Em thuộc týp nữ sinh mê văn chương Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy, thích Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, khoái Nhã Ca, Thụy Vũ, Lệ Hằng cùng vài nhân vật văn chương tên tuổi khác. Em "hù" tôi, nói y như em quen thân với những ông bà nhà văn nhà báo nổi tiếng. Rồi em nói đến cả hội họa, trường phái này, trường phái kia líu lo. Gì chứ mớ đề tài này tôi không thiếu. Bởi ở trong làng văn làng báo trước khi vào Không quân, tôi đâu có nghèo chi tiết văn chương nghệ thuật để đem ra tán dóc? Nàng nói chuyện với tôi bằng thứ văn hoa thời thượng mà tôi nghe nhiều lúc phải nén cho khỏi phọt ra mà cười! Thí dụ như "Nhiều khi Lan thấy tâm hồn trống vắng…" hay "Lan có những nỗi buồn không tên len lỏi trong tiềm thức" hoặc "Lan thường ôm giữ những mảnh hành trang còn hằn in dấu vết kỷ niệm..." Tôi kiên nhẫn nghe, gật gù ra cái điều khâm phục nàng ít tuổi mà quen biết nhiều, ăn nói hay như người ta viết văn vậy.
Nàng cỡ mười mí, hai mươi là cùng, tên gì bây giờ tôi không nhớ, có lẽ là Lan, nên tôi gọi đại là Lan cho tiện. Tôi nói với nàng rằng tôi không có hân hạnh quen với những bậc tài danh nghệ sĩ đó. Tôi chỉ quen biết những nhân vật văn nghệ "đầu đường xó chợ" như ngài "Bồ Tát Vỉa Hè" Anh Hợp, thi sĩ điên Bùi Giáng, nhà văn "Hít tô phe" Ngọc Thứ Lang, người phóng tác truyện "Bố Già" bán chạy hơn điệp viên Văn Bình Z-28 của ông Nguyễn Anh Tuấn, vậy mà sống đọi, thường xin tôi tiền lẻ đi đò về Thủ Thiêm e lớ quớ vi phạm giờ giới nghiêm bị lính mã tà của ông cò Công bắt bỏ bóp. Tôi kể cho em nghe chuyện nhà văn Không quân thân mến của chúng ta, ông Nguyễn Đình Thiều (dám mặc đồ bay cam lắm) vào nằm vùng trong đám hành khất chợ Vườn Chuối để lấy chất liệu viết phóng sự "Tôi Đi Ăn Mày". "Anh Hai" Nguyễn Đình Thiều đẹp trai có hạng, được mấy mợ ăn mày yêu kể gì, ghen nhau, giành nhau đòi lấy làm chồng, coi anh hai như Vua, năn nỉ "anh hai" cứ việc ở nhà (!) coi con cho em đi "lạy ông đi qua, lạy bà đi lại" xin tiền bá tánh về nuôi anh hai ăn nhậu suốt đời! Mấy chị ghen nhau, uýnh nhau, chửi bới om xòm, loạn cào cào khu chợ Vườn Chuối khiến "anh hai" sợ quá, ôm bị gậy chạy có cờ!
Tôi cũng kể cho nàng nghe những chuyện vui về ngài ký giả mô-bi-lét Chàng Phi, về ký giả Văn Đô chuyên săn tin "Từ Thành Đến Tỉnh", về nhiếp ảnh gia Lỗ Vinh mỗi lần vác máy đi chụp đám biểu tình xuống đường là mỗi lần bị bạn dân vác dùi cui khện vỡ đầu. Chuyện chí sĩ Minh Vồ chủ nhiệm báo Con Ong... Tôi nói lung tung về những nhân vật truyền kỳ của đám văn chương, hội họa và cả điện ảnh nữa. Tôi cho nàng biết tôi quen với họa sĩ Hĩm, mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhúm, Dương Hùng Cường hễ gặp là kêu thấy mặt mày là tao nhớ ngay đến cái "hĩm"ụ! Giới điện ảnh có đạo diễn quốc tế Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Long, Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh… Nàng nghe tôi tán phét có lúc cười rinh rích, mất tiêu đâu vẻ lãnh cảm lúc ban đầu. Nàng phục tôi y như tôi phục nàng. Chúng tôi phục nhau vung vít ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên. Đêm đó, đôi trẻ ngồi nói chuyện rù rì cho đến giờ giới nghiêm mới bịn rịn chia tay. Tôi đưa nàng về trên chiếc Honda 50 phân khối còn mới, chạy êm như đi trên mây.
Những ngày sau đó tôi gặp nàng thường hơn. Biết tôi hay ra ăn cơm với gia đình chị Yến và kèm hai thằng cháu học, nàng bỏ thói quen xuất hiện ban đêm, không còn ngồi đốt thuốc lá, không còn ngồi lầm lì biểu diễn bộ mặt khó đăm đăm như trước. Nàng đến sớm và có lần nằng nặc đòi theo tôi vào cư xá nằm nghe nhạc êm dịu ngoại quốc vì bà Sâm khai tôi có cái máy hát Guarrat với chồng đĩa 33 tua đem từ Mỹ về khi du học. Tôi nghiêm trang nói:
- Anh ở cư xá độc thân, em muốn vào phải để cho an ninh Không quân điều tra vài ba tháng mới có giấy phép. Em phải đưa cho anh sổ gia đình, thẻ căn cước, giấy bảo đảm của cha mẹ nếu dưới tuổi vị thành niên, chứng chỉ học trình, 12 tấm ảnh 4x6 vv... để anh đem nộp. Mấy thằng an ninh nó mà vồ được em để điều tra lý lịch là chúng nó vui lắm, em chỉ có chết!
Cô nàng biết tôi xạo, cằn nhằn tôi làm khó. Lại còn bầy đặt ghen, nói chắc anh để hình ai trên bàn nên không muốn em thấy chứ gì. Sau đó rồi cũng thôi. Nàng săn tôi như săn mễn, hễ gặp là xoắn lấy như cặp tình nhân đang mùa ríu rít. Đêm nào tôi cũng chở nàng về khi gần đến giờ giới nghiêm. Nàng bắt tôi đậu xe ở đầu ngõ để đi bộ về nhà, nhất định không cho tôi biết cái tổ chuồn chuồn, viện cớ ông bà già rất khó. Bữa nào ra Café Trang không thấy tôi, nàng hỏi săn hỏi đón mọi người, tự cho mình quyền xuống nhà sau kiếm bà O và mấy đứa cháu để điều tra lý lịch tôi. Nàng không phải trả tiền cà phê nữa và thân mật với bà Yến bà Sâm như người trong nhà. Có lần chị Yến khoe với tôi:
- Con nhỏ này... ghê quá bồ ạ! Cái tay nó lúc nào cũng lạnh, cũng mềm oặt như làm bằng cao su, nó bẻ gập từng ngón ngược ra đằng sau. Tớ thấy nó là lạ thế nào... khiếp, như tay ma ấy!
Một chiều cuối tuần, tôi đến, thấy Lan và hai chị em bà Yến ngồi trước hiên nhà, dưới giàn hoa giấy bông đỏ, trò chuyện. Lan đang xem chỉ tay cho chị Yến. Tôi ngồi xuống một bậc thềm. Lan bảo đưa tay cho cô bé bói cho. Tôi chìa tay ra. Quả nhiên như lời chị Yến nói, bàn tay Lan mềm nhũn và lạnh như không có sinh nhiệt. Lúc đó trời bắt đầu nhá nhem, tôi cũng có cảm giác nhờn nhợn thế nào nhưng trấn tĩnh. Nhớ đến cái trò bẻ tay do Hải Sâm kể lại mà tôi cho rằng chỉ là chút khả năng đặc biệt luyện tập như những người hát xiệc, tôi bảo Lan biểu diễn cho xem. Lan bẻ ngược từng ngón, rồi cả năm ngón tay sát mu bàn tay, sau đó bẻ nguyên bàn tay quặt ngược lên trời rồi gập xuống sát lưng cánh tay. Tôi chưa từng thấy một ai làm được như vậy bao giờ. Lan làm dễ dàng như bàn tay đó là của một con búp bê bằng vải hay bằng cao su mềm không có lấy một mẩu xương!
Một đêm trời có trăng tôi đưa Lan về sớm, vòng qua đường biển. Tôi cho xe chạy với một vận tốc đều, không nhanh, không chậm, vừa chạy vừa nói chuyện. Có một lúc tôi đang nói bỗng có cảm giác như nói một mình, bốn bề thinh lặng, chỉ có tiếng mình, không nghe tiếng Lan cười khúc khích hay trả lời như thường khi. Tôi lại có cảm tưởng như Lan không còn ngồi ở sau lưng tôi nữa. Cảm giác này rõ rệt quá, đến độ làm tôi giật mình, tưởng đã làm Lan rớt xuống đường khi nào không biết. Tôi có cảm tưởng như chiếc Honda nhẹ hẩng và phía sau gáy thấy lạnh một cách rờụn rợn khiến tôi nổi gai ốc. Tôi hỏi Lan còn nghe tôi nói không. Lan không trả lời. Tôi đưa tay xuống tìm bàn tay Lan thường ôm eo ếch nhưng không thấy. Tôi với tay ra phía sau, nhân tiện quờ quạng tìm ngực nàng. Tay tôi khoắng vào khoảng không. Lan không ngồi sau lưng tôi nữa và tay nàng không ôm eo tôi nữa!
Tôi chới với. Vì với vận tốc đó, nếu tôi làm rớt cô gái dọc đường, có thể nàng đã ngã vỡ đầu, bể sọ dám chết được lắm. Tôi là thằng không biết sợ ma, không sợ xác chết, dù xác chết đó ghê gớm đến thế nào. Hồi đi học tôi còn dám ra nghĩa địa nhảy xuống hầm chứa xương người chết lấy ván hòm đem về đẽo trái tim cho mấy mợ học trò gái lớp tôi cầu cơ, mời ông này bà kia về hỏi chuyện thi cử đứa nào đậu rớt, cãi cọ om xòm. Aáy thế mà đêm hôm đó, cho dù cô gái ngồi sau lưng tôi trên cái Honda 50 phân khối có rớt xuống thật cũng đâu khiến cho tôi phải sợ đến thế. Cảm giác đó không phải là sự sợ hãi hay hốt hoảng. Nếu ta biết chuyện gì xảy ra làm cho ta sợ hãi và hốt hoảng, ta vẫn có thể kiểm soát được phản ứng của mình, kiềm chế được sự xúc động và có thể lấy lại được bình tĩnh. Nhưng đây là cảm giác lạnh lẽo kỳ lạ lắm. Phía sau ót tôi nổi da gà. Tôi quay ngoắt lại. Lan quả thật không còn ngồi yên sau chiếc Honda. Cô gái đã biến mất hay rớt mất tự lúc nào, tôi hoàn toàn không hay biết! Tim tôi đập thình thịch nhịp hốt hoảng. Tôi quay lại nhìn lần thứ hai cho kỹ vì không tin ở mắt mình, dù là mắt tốt 20 trên 20. Tôi nghĩ lần đầu tôi chỉ nhìn thoáng qua, có lẽ không thấy rõ.
Trời sáng trăng. Vạn vật như sáng bạc. Con đường biển sáng ngời ngợi. Bãi cát cũng sáng màu trắng ngà. Sóng biển gợn lên trùng trùng hoa sóng sũng sĩnh ánh trăng. Trăng rải trên rặng thùy dương, trên những ngọn dừa ẻo lả. Đêm trăng đẹp kỳ ảo, bởi thế tôi đã chạy xe đi vòng đường biển để cùng nàng ngắm trăng đêm. Nhưng bây giờ thì cô bạn gái của tôi đã rơi đâu mất! Tôi toan quành xe lại tìm nàng nhưng lúc đó tôi có cảm tưởng như xe mình nằng nặng và dường như nàng áp má dựa vào lưng tôi, cảm giác êm êm quen thuộc. Tôi quay lại. Trời ạ!… Lần này tôi thấy cô gái ngồi phía sau. Nàng cúi xuống, mái tóc lộng tung vì gió biển, lòa xòa che nửa mặt. Tôi giật mình, gọi, và nàng nhìn lên...
Dưới ánh trăng, tôi thấy rõ ràng là nàng nhưng không phải gương mặt người con gái tên Lan. Mà cũng không phải gương mặt của bất cứ ai tôi đã gặp trên cõi đời này. Đó không phải là mặt người, mặt khỉ hay mặt dã nhân. Nó là một khuôn mặt ai trông thấy một lần phải ghi nhớ đến suốt đời! Nó phẳng lì, trơn nhẵn, nhợt nhạt dưới ánh trăng khô lạnh. Một khuôn mặt nhẵn thín, không có mắt, không có mũi, không có miệng, không có lông mi, lông mày gì hết. Nó là một phiến thịt hình trái soan, đóng khung bằng mớ tóc đen huyền có màu tương phản nên cái mặt càng nhợt nhạt hơn lên!
Tôi nghe một luồng điện chạy nhanh trong tủy sống và quay đi. Nhưng ngay sau đó, tôi lấy lại bình tĩnh, cho rằng cũng như lần nhìn trước – không thấy Lan ngồi sau – chẳng qua chỉ là cái giây phút "thần hồn nát thần tính" do cảm nhận sai lầm của thị giác mà thôi. Tôi lên tiếng hỏi một câu nữa. Cô gái trả lời gì đó tôi không nghe rõ. Tôi quay lại nhìn thì gương mặt đó lại là gương mặt bình thường quen thuộc của Lan. Tôi cho là mình bị ảo giác, bị quáng gà, ba chớp ba nhoáng, thở phào ra một hơi, đưa nàng về nhà rồi quay về cư xá bằng con đường cũ, cứ băn khoăn suy nghĩ về hiện tượng kỳ quái và cảm giác kỳ quái hồi nãy nhưng tôi không hề nghĩ gì đến chuyện ma mãnh liêu trai. Những ngày kế đó tôi vẫn gặp Lan bình thường và quên luôn, không nói với một ai về chuyện lăng nhăng vớ vẩn ấy.
Chừng hơn một tuần sau, tôi đến Café Trang, đụng đầu với hai ông Pilot 524 là Trung Gà và Cảnh Đầu Bò ở đó. Thấy tôi vào, bà Sâm oang oang:
- Này, khu trục gì mà "yếu" quá! Em chịu đèn anh Pilot 215 rồi. Cậu Cảnh cậu Trung buồn năm phút.
Đàn anh Cảnh Đầu Bò hỏi:
- Em nào?
- Cái em vẫn ngồi đây đốt thuốc lá mà hôm nọ cậu Cảnh đưa em về đó.
Nghe Sâm nói, ông Cảnh quay sang tôi xua tay lia lịa:
- Ấy ấy!… Cậu Cảnh xin lạy cả nón, không dám đụng đến đâu. Đụng đến em có ngày bỏ mạng. Ông ngon ông cứ việc nhào vô tự nhiên, đừng làm khách. Còn tôi, tôi chả dám. Nó không phải là người đâu. Nó là... ma đấy ông ạ.
Trung Gà nhìn tôi cười cười. Tôi nghe đàn anh Lưu Huy Cảnh nói, giật bắn mình nhưng làm bộ tỉnh:
- Ông mà cũng sợ ma cơ à? Hay dọa tôi thì bảo, để tôi đi chỗ khác chơi cho ông rộng đường xa lộ?
- Không. Moa nói thật đấy. Ghê lắm! Có một hôm moa chở em về, đang đi nghe ớn lạnh ở gáy, nhìn lại đằng sau moa muốn quẳng xe ù té chạy vì... eo ơi, nó không có mắt mũi gì cả, nhẵn thín như mặt cái thớt, trông rùng rợn lắm. Tim moa đập thình thịch vì sợ. Rồi moa nhìn lại, thấy nó vẫn như thường, mặt mũi đủ cả. Nhưng thôi, từ đó moa nghỉ chơi luôn.
Tôi nghe đàn anh Cảnh Đầu Bò nói, mặt cứ đần ra, tim đập thình thịch nhớ lại cái đêm hôm ấy và chắc chắn chỉ có tôi là tin Cảnh Đầu Bò nói thật. Sau đó tôi mới kể cho mọi người nghe cái đêm ngắm trăng trên đường biển. Bà Sâm thì cho rằng tôi hùa với ông Cảnh Đầu Bò để dọa chơi. Nhưng tôi nói thật. Chính tôi là người cũng đã nhìn thấy sau Cảnh, cái gương mặt ma quái rùng rợn ấy và không hề hé môi nói với một ai, cho đến ngày hôm đó tình cờ Cảnh đã kể ra trước.
Sau này tôi gặp "ma nữ" mấy lần nhưng hết dám chở nàng về và tìm cách phú lỉnh. Tôi dặn chị Yến chị Sâm, bà O và mấy đứa cháu, bảo nàng rằng tôi đi biệt phái hay về Saigon. Nàng đến quán tìm tôi cả chục lần, nhắn người cùng phi đoàn bảo tôi ra cho nàng gặp nhưng tôi nhất định dứt đường tơ, cắt đứt mọi liên lạc. Nàng chán quá cũng thôi truy lùng tiếp và cũng không đến Café Trang nữa. Có một lần sau đó khá lâu, tôi qua Trung tâm Huấn luyện Hải Quân dự một lễ mãn khóa, thấy cô nàng cặp tay một anh lính thủy, nhảy nhót tưng bừng...
Năm đó là năm 1969 hay 1970, đến nay đã hơn 30 năm nhưng tôi thỉnh thoảng vẫn nhớ lại chuyện xưa, nhớ lại đêm trăng trên con đường biển Duy Tân nơi thị xã Nha Trang với biết bao kỷ niệm. Tôi nhớ lời giải thích của Dương Kiền, cứ băn khoăn không biết nàng Lan, dù là ma hay là người nhưng em cũng có tay ngà chân ngọc, môi hồng mắt biếc, tóc mây sợi ngắn sợi dài như ai. Em có bị lũ khỉ rừng xanh bắt đi đào kinh thủy lợi, bùn sình, đỉa bám đầy chân, phải dầm mưa giãi nắng khiến người hôi khét mà động lòng thương hoa tiếc ngọc? Em ơi, "ma nữ đa tình" của tôi ơi, em còn sống hay đã đi về "cõi của em"? Em có lấy chồng, có đẻ con? Khi miền Nam thất thủ, em có bị mấy thằng mất dạy nó đì? Em có bị đói khổ, có bị rách rưới, có bị chúng nó đuổi đi vùng kinh tế mới? Em có chồng chưa, chồng em lính tráng hay thường dân? Em có phải đường trường lặn lội thăm nuôi chồng học tập?
Và có bao giờ em trở lại thăm quán Café Trang, nơi chúng ta đã gặp nhau? Nhớ ông Cảnh Đầu Bò, nhớ Trung Gà, nhớ đến anh, người tình vớ vẩn của một thời yêu đương vớ vẩn chẳng ra làm sao cả, bởi đêm trăng đó em đã làm anh... sợ!
Đào Vũ Anh Hùng
Comment