Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

M ưa B a y V à o C ử a L ớ p - Hoa Thiên Lý

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • M ưa B a y V à o C ử a L ớ p - Hoa Thiên Lý


    M ưa B a y V à o C ử a L ớ p - Hoa Thiên Lý



    Chương 1



    Ngôi nhà nằm ở khúc quanh một con đường vắng dọc bờ sông. Mái ngói, tường quét vôi màu lá cây. Trước nhà, trong khoảng sân rộng có trồng một cây mận, một cây nhãn, cùng với nhiều khóm hoa dâm bụt. Cửa rào thường đóng kín.

    Có tiếng chuông cửa reo một hồi dài, rồi tiếng chân chạy thình thịch. Cửa mở, một cô gái ló đầu ra.

    Đó là đứa bé trai chừng chín tuổi. Nó đã co chân chạy mất hút. Cô gái định trở vào thì chợt nhìn thấy mấy nhánh phượng lẻ loi nằm dưới đất. Cô bước đến, cuối xuống nhặt lên. Vào cuối tháng tám, đây là những bông hoa nở muộn. Không thắc mắc ai đã bỏ lại, cô gái cầm những cánh hoa bằng cả hai tay, vừa đi vào nhà, vừa ngắm với vẻ thích thú.

    Vào nhà, cô gái đặt những cành hoa trên bàn, rồi ngồi xuống ghế, nhìn ra cửa sổ. Bên kia đường là những cây thông đang lay động cành lá. Xa hơn là dòng sông lặng lẽ trôi. Trên bầu trời trong xanh vời vợi, những cụm mây trắng lững lờ bay. Và đôi mắt của cô gái trở nên xa xăm. Bỗng cô đứng lên, bước về phía tủ lấy ra một quyển sổ dày, bìa bọc nylon có hình một cô ca sĩ nổi tiếng. Quỳ dưới đất , cô gái lật quyển sổ. Ở trang đầu là bốn chữ to, viết nắn nót và được tô đi tô lại đậm nét "LƯU BÚT NGÀY XANH", phía dưới là chữ số 10A2. Ở một trang giấy có ép những bông hoa phượng. Màu thắm của hoa đã hòa lẫn với màu thời gian, trở thành màu sẫm. có một cánh hoa bị gấp lại. Cô gái cẩn thận gỡ ra và vuốt lại cho thẳng. Rồi cô lật trở lại trang đầu, đọc lại những gì mình đã viết đầu hè năm ngoái.

    "Tập sách rồi sẽ ngã vàng màu giấy
    Chữ viết rồi sẽ phai màu mực
    Những hạt bụi phấn rồi sẽ bay về đâu?
    Màu phượng vĩ và tiếng ve sầu mỗi năm mỗi trở lại
    Như lời hứa hẹn không quên
    Và trường lớp, bảng đen, phấn trắng vẫn mãi mãi qua năm tháng
    Nhưng...
    Tuổi học trò rồi sẽ qua đi
    Mỗi dòng chữ sẽ là một bông hoa đẹp mà Q. sẽ trân trọng và gìn giữ suốt cuộc đời như gìn giữ tình thầy trò bè bạn
    Sẽ mãi mãi thắm đỏ trong lòng như màu hoa phượng vào hè."

    Cô gái tiếp tục lật. Đây là tấm hình của Hồng chụp trước cổng trường với khuôn mặt bị vẽ râu (tất cả hình ảnh trong cuốn Lưu Bút đều được vẽ râu, trừ hình của thầy cô). Hồng đang ngồi trên chiếc PC, đằng sau là cặp. Dưới tấm hình là những dòng chữ "Ôi chao! Chưa biệt ly mà đã thấy nhớ Q. ơi..."

    Cô gái lật tiếp. Đây là hình chụp bốn đứa (Do anh chàng "Hải Văn Nghệ" chụp). Trong hình cô đang đứng nghiêng đầu dựa vào gốc phượng, Hồng đứng kế bên hai tay ôm lấy cô. Nhỏ Tuyết thì đang ngồi trên một cành cây. Còn Lan thì đứng cạnh Hồng, hai tay chống nạnh. Tất cả cùng cười... Tấm ảnh này do Tuyết dán vào. Tuyết ghi:

    "Hè đến phượng hồng nở biệt ly
    Mùa thi sắp đến ta hỏi mi
    Bài không học, đứng, ngồi, chi??? Hi... Hi..."

    Còn trang của Lan có vẽ một cành hoa phượng to. Lan viết:

    "Sắc hoa rực rỡ của phượng hồng ngoài cửa lớp nhắc nhở chúng ta một lần nữa mùa hè đã trở lại! Tiếng ve sầu kêu vang báo hiệu phút chia tay. Con tàu mùa hạ chở đầy một năm học đang sầm sập lướt qua. Ôi! Những toa tàu chất đầy kỷ niệm. Lời giảng thầy cô, bút mực học trò, và cả những trái mận của Q. nữa đó..."

    Chợt nhớ lại nồi cơm đang nấu dở. Cô gái bỏ quyển Lưu Bút xuống chạy sang nhà bếp. Trên bếp lửa cháy to ngọn là nồi cơm đang sôi sùng sục. Cái nắp vung mắp máy nhích lên, hơi nóng thoát ra không ngớt. Cô gái đưa tay ra sau, cột lại mái tóc của mình bằng chiếc khăn tay trắng. Rồi chắt nước, bớt lửa. Xong, cô lại chạy lên nhặt quyển sổ, đọc tiếp. Được một lát, cô gái lại chạy đi mở nắp nồi, xới cơm rồi nhắc xuống. Cô bỏ vào lò vài mảnh than, quạt lên, cho thêm củi và bắc cái ấm nước lên. Hơi nóng của bếp lửa hừng hực tỏa ra làm đỏ bừng cả đôi má mịn màng, trắng hồng của cô gái. Mồ hôi làm ước những sợi tóc mai. Quay trở lại, ngang chổ con mèo đang nằm trên đầu tủ, cô gái lấy tay vuốt vuốt đầu nó. Con mèo kêu lên:

    - Meo... meo...

    Cô gái nói:

    - Xong rồi đấy Mêzy, đợi ba về ăn cơm, chị đi giặt đồ đây!

    Rồi cô đi lấy thau, xà bông, những bộ đồ của cô, của ba cô, đi vào nhà tắm.

    Một lát, có tiếng xe máy dừng trước cổng. Cô dừng tay, nhúng vào thau nước rửa vội và chạy lên.

    Mở cửa cô reo như một đứa trẻ:

    - A! Ba về!

    Một người đàn ông chừng ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi, cao và hơi gầy, nước da sạm nắng mặc bộ đồ củ kỹ, áo bỏ trong quần, đẩy chiếc Honda Đam cũng củ kỹ vào sân. Đó là ông Nghĩa cha của cô gái.

    Dựng xe lên, ông Nghĩa như thông lệ hôn lên trán con rồi nói:

    - Ba đói lắm rồi, Quỳnh ạ!

    Quỳnh nắm lấy cánh tay cha. Hai cha con cùng vào nhà.

    Quỳnh nói với cha:

    - Con đã nấu cơm xong, ba nghỉ một chút đi, con dọn cơm. Ba có mua sách cho con không ba?

    Ông Nghĩa gỡ tay con gái ra:

    - Kìa, tay con ướt thế kia, sao không lau khô đi?

    Rồi khi nhìn thấy những bọt xà bông trên áo con, ông dừng lại:

    - Con giặt đồ phải không?... Trước khi tiếp ai, hãy lau tay khô, xem lại áo quần của mình chứ?

    Bị cha rầy, Quỳnh xịu mặt:

    - Ba chứ đâu phải khách!

    - Ba cũng thế!

    Quỳnh đành chịu:

    - Dạ con nhớ.

    Rồi cô xuống nhà, sau khi lau tay, cô mang lên cho cha một cái khăn ướt.

    Trong bữa cơm đó, ông Nghĩa nói là chưa mua được sách. Họ thỏa thuận với nhau là sẽ cùng đi. Và như mọi năm, hai cha con sẽ cùng đến trường vào ngày khai giảng năm học, chỉ còn hai ngày nữa thôi.


  • #2

    Chương 2





    Tay ôm cặp trước ngực, với áo sơ mi trắng tinh may sẵn phù hiệu, với quần tây màu xanh đậm, bộ đồng phục thân thuộc của tuổi học trò. Quỳnh đứng nép vào một bên cổng trường. Trông cô rụt rè bỡ ngỡ như những năm đầu tiên thời thơ ấu. Trở lại trường, dõi mắt tìm kiếm bạn bè, thầy cô cũ, lòng cô bồi hồi xúc động. Thế là đã qua đi một mùa hè nữa. Năm nay Quỳnh bước vào năm thứ mười một của đời học sinh. Sang năm sẽ là lớp mười hai, rồi ra đi, rời xa vĩnh viễn ngôi trường thân thương. Ôi! Sao nhanh quá!

    Trước cổng trường, những dòng người từ hai phía đổ về mổi lúc một nhiều. Ba,n bè gặp nhau, tay trong tay, vai sánh vai, chuyện trò tíu tít, cười đùa giòn giã. Có nhiều người chờ đợi. Quỳnh cũng thế, cô chờ một người.

    Một lát, trong đám đông tụ tập trước cổng, có một cô gái vừa xuống xe PC, vóc người nẩy nở, da trắng, tóc dài uốn mái đằng trước, khuôn mặt đều đặn, khá đẹp, vừa đẩy xe vào cổng, vừa đưa mắt nhìn quanh. Trông thấy cô gái, Quỳnh chạy ra, nắm lấy tay bạn mừng rỡ:

    - Ghét!Quỳnh chờ lâu lắm rồi đó!

    Cô gái dừng xe, nhìn Quỳnh từ đầu đến chân:

    - Ui cha! Nàng công chúa của tôi! Trông em xinh đẹp hơn năm rồi cô bé ạ.

    Quỳnh đỏ mặt, véo vào lưng bạn một cái, nói sang chuyện khác:

    - Hồng về từ bao giờ vậy?

    - Gần một tuần rồi.

    Hai người bạn vừa đi vào cổng vừa nói chuyện.

    - Mấy hôm nay Quỳnh gọi điện thoại cho Hồng mà không gặp.

    - À, về nhà Hồng lại phải mang quà đi biếu bà con.

    - Đi Vũng Tàu vui lắm hả Hồng?

    - Vui lắm! Hồng ở cả một tháng!

    - Hèn chi Quỳnh có lại nhà mấy lần, em Hồng nói Hồng đi chưa về.

    - Quỳnh ơi, Hồng có gặp Tuấn...

    Rồi như lỡ lời, Hồng ngưng lại. Mặt cô đỏ lên, cô giải thích:

    - Tuấn anh bà con của Hồng cũng ở Vũng Tàu đấy!

    Quỳnh không có vẻ gì chú ý đến điều đó, cô nói:

    - Kể cho Quỳnh nghe chuyện Vũng Tàu với nhé... Lâu lắm rồi Quỳnh không được đi Vũng Tàu. Hè này Quỳnh chỉ về quê có một tuần lễ .

    - Đi với "Bố Già" hả?

    - Ờ, Quỳnh đi với ba.

    - Hồng biết mà. Và bữa nay "ông cụ" cũng lại chở Quỳnh đi học chứ gì?

    - Ờ, như mọi năm.

    - Hồng biết vậy nên không đến đón Quỳnh đó.

    Từ nhiều năm nay, ông Nghĩa thường xuyên đưa Quỳnh đi học và đón cô về, trừ khi ông bận công tác. Những lúc như thế, Quỳnh thường đi chung xe với Hồng hoặc đi bộ. Quỳnh và Hồng học chung từ năm lớp sáu đến nay. Nhà Hồng tương đối khá giả. Ba Hồng là chủ một cơ sở sản xuất. Họ chơi với nhau rất thân.

    Bước vào cổng trường, họ đi giữa hai hàng học sinh đồng phục chỉnh tề, nam nữ xen kẽ. Đây là nhóm đại diện cho những học sinh lớp mười hai năm nay, đứng chào quan khách và học sinh lớp sáu vừa mới nhập trường. Những đứa em út của một ngôi trường phổ thông cấp hai và bạ Từ sáng sớm, số học sinh này như những chú chim non, nắm tay cha mẹ, giương đôi mắt nhìn ngôi trường đồ sộ mà các cô các cậu chưa từng thấy, để rồi gắn đời học sinh của mình suốt bảy năm còn lại với ngôi trường này, trước khi bước vào đại học hoặc vào đời lăn lộn kiếm sống. Đáp lại những anh chị "to lớn, đàng hoàng" đang vui vẻ chúc mừng họ với nhừng nụ cười, lời chào hỏi, hoa và nhạc (Các chị cầm hoa vẫy, các anh chơi đàn ghita hoặc mandolin), vào dịp lễ bế giảng cuối năm, đại diện của các cô các cậu lớp sáu sẽ đứng thành hai hàng ở cổng để tiễn đưa các anh chị lớp mười hai rời trường. Đó là một phần của lễ khai giảng và bế giảng, đã trở thành truyền thống của trường này, một trong những ngôi trường to lớn, cổ kính và đẹp nhất của thành phố mang tên vị nữ anh hùng dân tộc Bùi Thị Xuân. Không những tất cả các học sinh đã và đang học tự hào về trường mình, các học sinh học xong cấp một ước ao được vào học, các phụ huynh hết lời khen ngợi, mà các thầy cô trong thành phố cũng nhắc đến tên Bùi Thị Xuân với lòng trân trọng. Bởi vì Bùi Thị Xuân đã nổi tiếng là đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước, vì học sinh ở đây có nề nếp, đạo đức tốt và học giỏi.

    Hầu hết các nam nữ học sinh đang đứng đón ở cổng đều vui vẻ chào Quỳnh và Hồng. Họ nhận ra hai cô gái xinh đẹp và học giỏi nhất nhì trường này. Họ còn biết Quỳnh là học sinh xuất sắc môn văn.

    Một anh nam sinh đứng đầu hàng đập chân vào nhau hô to:

    - Nghiêm!

    Một anh khác hô tiếp theo:

    - Chào hoa khôi, chào!

    Rồi cả bọn cười to. Họ cùng hòa tấu một bài hành khúc.

    Một cô nữ sinh trao cho Quỳnh một cánh hoa, Quỳnh cầm lấy, cúi đầu và nở một nụ cười thật tươi, nói:

    - Dạ cám ơn chị.

    Nhưng không phải tất cả các chị nữ sinh trong hàng đều ái mộ và quý mến Quỳnh. Nếu để ý, người ta sẽ bắt gặp một hai người bĩu môi, quay mặt đi. Hồng và Quỳnh bước qua khỏi hai hàng chào đón mà không để ý điều đó. Đôi bạn đi vào sân trường, Quỳnh ngước lên nhìn những cây sứ, phượng và những cây me, cây dầu cao vút. Rồi cô nhìn những khóm hoa hồng, cúc đang rung rinh trong gió. Tất cả như chào đón cô trở lại.

    Đôi bạn đi vào khu vực để xe cùng gật đầu chào bác bảo vệ:

    - Chào bác, thưa bác khỏe không ạ?

    - Chào hai cô, nhờ trời tôi vẫn khỏe. Chà! Trông hai cô khác hẳn năm rồi đấy nhé.

    - Dạ, năm nay tụi cháu lên lớp mười một rồi.

    Quỳnh chờ Hồng để xe xong, cùng với bạn đi lại các tấm bảng lớn dựng giữa sân. Ở đấy có những đám đông học sinh tụ tập để dò tên mình xem sẽ học ở lớp nào, phòng nào, ai là giáo viên chủ nhiệm. Một tấm bảng khác vẽ sơ đồ các phòng học, một tấm bản kê danh sách giáo viên ở mỗi lớp.

    Đôi bạn chen vào để dò tên. Bỗng Quỳnh bấm vào tay bạn:

    - Tụi mình ở A6 Hồng ơi!

    Hồng vui mừng nói:

    - Ờ, cả Tuyết và Lan nữa!

    Quỳnh kéo Hồng ra khỏi đám đông:

    - Mình đi tìm Tuyết và Lan đi.

    - Ờ!

    Tuy miệng nói ờ, nhưng Hồng lại chần chừ, cô nói:

    - Khoan, chờ chút.

    Hồng chen vào chổ bên cạnh, tiếp tục dán mắt vào các danh sách. Để mặc bạn, Quỳnh dò lại toàn bộ danh sách lớp 11A6. Cô thấy tên Cẩm là trưởng lớp năm rồi. Ngỡ Hồng còn bên cạnh, Quỳnh khều nhẹ vai bạn, cô nói:

    - Hồng... Hồng..., có cả Cẩm trưởng lớp mình.

    Nhưng sau đó cô bắt gặp cái nhìn của một thanh niên xa lạ, Quỳnh thẹn đỏ mặt, cúi đầu xuống nói lí nhí:

    - Xin lỗi...

    Người thanh niên nhìn Quỳnh trong chốc lát, rồi tiếp tục xem danh sách. Còn Quỳnh thì nhìn quanh. Cô thấy Hồng đang đứng trong đám đông:

    - Hồng ơi, có cả "Cẩm Chướng" nữa đó.

    Một lát, cô lại nói:

    - Hồng ơi có cả Dũng, Vũ, Tài, Hải. Hầu như lớp mình đủ cả.

    Hồng bây giờ mới lên tiếng:

    - Biết rồi, bạn ơi... thiệt khổ!Để yên người ta một chút.

    Quỳnh lại bên Hồng hỏi:

    - Mày dò tên ai mà lâu vậy?

    Hồng kéo Quỳnh ra:

    - Gặp rồi, thôi mình đi tìm Tuyết và Lan đi.

    Họ đi về hướng văn phòng thì gặp Tuyết và Lan đang đi tới.

    Hồng nhảy lại ôm Tuyết, Lan nói:

    - Ê, coi chừng rớt cái kính của nhỏ Tuyết!

    Rồi cô lùi lại mấy bước ngắm Quỳnh rồi nói:

    - Ê, tụi bây, nhỏ Quỳnh vẫn đẹp và dễ thương như dạo nào.

    Quỳnh quay mặt đi, nói:

    - Thấy ghét!

    Tuyết lấy tay véo vào chiếc cằm hơi nhọn của Quỳnh:

    - Còn hơn nữa chứ! Nè Quỳnh, bọn này tưởng có người bắt cóc bạn rồi chứ.

    Lan tiếp lời:

    - Thật đấy, nếu Lan là con trai thì Lan đã "đưa nàng về dinh" từ lâu.

    Bốn người bạn cười giòn giã.

    Chợt Tuyết tri hô lên như khám phá điều gì thú vị:

    - A ha! Tụi bây ơi coi nè!

    Rồi Tuyết nắm lấy bàn tay Hồng đưa ra trước đám bạn. Hồng cố rút tay về nhưng Tuyết nắm chặt lấy cho đến khi cả Quỳnh và Lan đều thấy chiếc nhẫn trên tay Hồng và cùng kêu lên "Ồ" Tuyết mới buông tay ra. Cô đứng chống nạnh hai tay trước mặt Hồng hạch hỏi:

    - Hồng đeo nhẫn gì vậy?

    Lan tiếp lời bạn:

    - Bộ Hồng đã...

    Lan bỏ lửng câu nói. Hồng đỏ mặt. Tuy nhiên chỉ một lát sau cô đã có thể giải thích cho các bạn của mình, cô nói:

    - Lan hiểu lầm rồi, đây không phải là nhẫn cưới hay đính hôn đâu.

    Tuyết vẫn chưa buông tha Hồng, cô hất hàm hỏi:

    - Chứ gọi là nhẫn gì hả???

    Lan hùa theo:

    - Ừ, không phải là nhẫn cưới chứ là nhẫn gì?

    Hồng mĩm cười, làm ra vẻ tội nghiệp cho đám bạn ngây thơ của mình. Cô giải thích:

    - Thế này, các cô ơi, nhẫn cưới là nhẫn người ta đeo ở ngón áp út, có nghĩa là "Đã có rồi" và nhẫn hứa hôn thì đeo ở ngón giữa có nghĩa là "Đừng Nói Nữa".

    Cả Quỳnh, Tuyết và Lan đều có vẻ thích thú trước lời giải thích của Hồng. Quỳnh hỏi:

    - Còn Hồng đeo ở ngón này thì có nghĩa là gì?

    - Quỳnh chỉ vào ngón trỏ đang đeo nhẫn của Hồng.

    Hồng ngập ngừng, cô trả lời khác đi:

    - Các bạn biết nếu đeo ở ngón út thì có nghĩa là gì không?

    - Sao hở Hồng?

    - Nghĩa là gì Hồng?

    - Nói đi Hồng.

    Ba người bạn xôn xao. Hồng ra vẻ hiểu biết đáp:

    - Khi một người đeo nhẫn ở ngón út thì đừng có lạng quạng gì với người ấy. Nhẫn đeo ở ngón đó nói lên rằng "Để Tôi Yên".

    - Hay quá! Hay quá!

    Tuyết và Lan cùng reo lên. Rồi Lan xòe bàn tay ra chỉ vào từng ngón lập lại:

    - Giữa: "Đừng nói nữa", áp út: " Đã có rồi", út: "Để tô yên". Hay thật... Mà sao Hồng biết được tất cả những điều này?

    - Một người bạn của Hồng chỉ Hồng.

    Tuyết trở lại thắc mắc của Quỳnh.

    - Nhưng nè cô nương, còn cô nương đeo ở ngón này là sao?

    Hồng xoay xoay chiếc nhẫn không đáp, Lan hối:

    - Nói đi Hồng, còn ngón này có nghĩa là gì?

    Hồng ra điều kiện:

    - Nhưng tất cả phải thề là đừng nói cho ai biết thì Hồng mới nói.

    Tuyết mau mắn nhất, cô đưa tay lên trời thề.

    - Dạ, xin thề, nếu ai sai lời xin xe lửa cán đường rầy.

    Quỳnh nắm tay Hồng lắc lắc.

    - Hồng nói đi Hồng.

    Hồng lúc này mới nói.

    - Ngón này có nghĩa là "Hãy nói đi".

    - Nghĩa là gì?

    - Nói là nói gì Hồng?

    - Nghĩa là "Xin tình yêu".

    Quỳnh đưa ngón tay cái ra hỏi.

    - Còn ngón này có nói gì không hở Hồng?

    - Không.

    Rồi Quỳnh, Tuyết, Lan mỗi cô gái quay mặt về mỗi hướng, xoè bàn tay ra chỉ vào từng ngón, miệng lẩm bẩm như đọc thần chú.

    Bỗng Quỳnh ghé vào tai Tuyết thì thầm. Tuyết như sực nhớ, cô nói:

    - Hồng ơi! Vậy chứ chàng nơi mô mà đi xin tình yêu dzậy?

    Hồng bối rối chưa kịp đáp thì Lan ra hiệu cho cả bọn:

    - Suỵt, Tuyết nhỏ nhỏ thôi, có ông thầy đến kìa.

    Ba người bạn cùng quay ra nhìn, Quỳnh nhận ra ngay người thanh niên lúc nãy. Đó là một thanh niên trẻ mặc áo tay dài xắn cao, quần xanh ủi thẳng nếp, tay cầm một cuốn sách, cử chỉ nghiêm nghị.

    Quỳnh lên tiếng khi người thanh niên vừa đi qua.

    - Quỳnh đã gặp thầy!

    Hồng thắc mắc:

    - Thầy gì trẻ quá vậy?

    Tuyết nhìn theo nói:

    - Có lẽ ổng mới ra trường.

    Họ đang nói chuyện tíu tít thì có một thanh niên khác, mặc áo sơ mi trắng ngắn tay vội vã đi qua và vô tình đụng phải vào vai Quỳnh. Anh ta đứng lại một lát, nói "Xin lỗi em" rồi đi thẳng. Quỳnh và cả nhóm nhìn theo. Rồi bốn người bạn nhìn nhau. Hồng bĩu môi, trợn mắt nhắc lại:

    - "Xin lỗi em"? Ê, anh chàng đó kêu nhỏ Quỳnh bằng em hả?

    Quỳnh cãi lại:

    - Đâu có, Quỳnh đâu có nghe tiếng em.

    Lập tức Tuyết nói:

    - Sao lại không có, tao nghe rõ ràng.

    - Ờ, Lan cũng nghe như thế. Có lẽ anh ta tưởng Quỳnh là con nít.

    Rồi nhóm bạn đổi đề tài, nói chuyện về mấy ông thầy.

    Nắng chói chang trên những chiếc áo trắng.

    Comment


    • #3

      Chương 3





      Bốn người bạn bước vào lớp thì đã có đông học sinh. Họ kéo nhau đi tìm chổ ngồi. Nhưng chỉ có hai chổ trống trong lúc họ muốn cả bốn đều ngồi chung với nhau.

      Nhiều cặp mắt nhìn về phía họ, có vài tiếng gọi, Tuyết khều Quỳnh.

      - Ê! Quỳnh nhìn kìa.

      Quỳnh mải lo tìm chổ ngồi nên không để ý đến lời bạn. Tuyết cũng thôi không nói nữa.

      Cuối cùng bốn người bạn đành chia ra làm ba chổ ngồi. Quỳnh ngồi gần cửa sổ ở bàn thứ sáu phía ngoài, kế bên là Hồng. Tuyết ngồi bên trên họ một bàn, còn Lan thì ngồi trên Tuyết một bàn.

      Tuyết quay xuống hỏi Quỳnh và Hồng.

      - Ê tụi bây, ông nào dạy văn hả?

      Hồng đáp:

      - Thầy Sơn. Tuyết biết ổng không?

      - Không.

      Quỳnh nói:

      - Có lẽ thầy mới đấy, Quỳnh chưa bao giờ nghe tên thầy ấy cả. Các thầy dạy văn Quỳnh đều biết tên.

      - Hồng đọc danh sách giáo viên thấy thầy ấy làm chủ nhiệm lớp mình đó. Rồi quay sang Quỳnh.

      - Hồi nãy mày biết nhỏ Tuyết nói ai đấy không?

      - Quỳnh không để ý.

      - Cái anh chàng mà tụi mình tưởng là thầy giáo đó, ngồi ở bàn trên kia kìa, trên chổ nhỏ Lan một bàn, ở phía trong đó. Lúc nãy chào cờ Hồng cũng thấy anh ta trong hàng ngũ học sinh.

      - Vậy sao? Còn anh chàng Hùng ngồi đâu?

      - Anh ta ngồi ở dãy trong bàn thứ hai, còn "Bà Cẩm" ngồi đầu bàn... kìa kìa. Đào kìa, đang vẫy mình đấy, hắn ngồi mãi bàn chót của dãy giữa, Quỳnh thấy không?

      Quỳnh nhìn thấy Đào cô đưa tay vẫy lại. Vừa lúc đó trống đánh vào học. Lớp đang ồn ào bỗng im lặng. Có tiếng chân ngoài hành lang rồi thầy Đức hiệu phó bước vào cùng với một người trẻ tuổi.

      Cả lớp đồng loạt đứng lên. Thầy hiệu phó ra hiệu cho học sinh ngồi, rồi nói to trước cả lớp.

      - Đây là thầy Sơn, giáo viên văn và là chủ nhiệm lớp này. Thầy Sơn tốt nghiệp đại học sư phạm... Năm rồi dạy ở Lê Quý Đôn và là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

      Cả Hồng và Quỳnh đều suýt kêu lên. Hai người nhận ra ngay thầy chủ nhiệm lớp chính là người đã đụng phải Quỳnh, là người mà họ đều tưởng là học trò.

      Sau khi bắt tay với thầy hiệu phó, thầy Sơn đến đặt túi sách lên bàn, rồi bước xuống các dãy bàn học sinh. Có lẽ thầy muốn nhận diện học trò lớp mình, một lớp mà ban giám hiệu đánh giá thuộc loại khá, nhưng cũng có nhiều tay cá biệt. Hơn nữa qua các khuôn mặt học trò, thầy muốn đoán xem có vị nào tỏ vẻ coi thường thầy không.

      Khi thầy Sơn quay lưng đi trở lại bục giảng có vài tiếng xì xầm "thầy mình trẻ quá ha". Đứng giữa bục giảng, thầy Sơn bắt đầu nói với đám học trò của mình.

      - Rất vui thích được cùng làm việc với các em trong năm nay, những chàng trai và những cô gái thông minh của tôi, những cầu thủ của tôi (có tiếng cười dưới bàn học trò). Rồi thầy Sơn ngưng nói. Đợi cho tất cả các cặp mắt học trò nhìn về phía mình thầy nói tiếp:

      - Có người ví người thầy như người lái đò, tôi thì thích ví người thầy như một người huấn luyện và người bạn. Nếu tôi là huấn luyện viên điền kinh, tôi sẽ hướng dẫn các em cách thức luyện tập: tập thể lực, tập thở, tập chạy... rồi thì ra đường chạy, chính các em chạy chứ không phải tôi. Nếu là huấn luyện viên bóng đá, tôi sẽ hướng dẫn các em luyện tập, vạch ra chiến thuật, chiến lượt chung... để rồi chính các em sẽ chơi bóng chứ không phải tôi. Chính các em là người sẽ sút vào gôn chứ tôi không sút.

      Ngừng thêm một lát thầy Sơn nói tiếp:

      - Nghĩa là kết quả học tập phần lớn là do các em quyết định. Với lương tâm và trách nhiệm của mình, tôi sẽ làm hết sức mình để hướng dẫn các em. Thầy vô tình nhìn Quỳnh nói tiếp, tôi có quyền hy vọng các em sẽ làm như tôi phải không? Và chúng ta sẽ có quyền tin rằng đội của chúng ta sẽ thắng... Nào, ta hãy bắt đầu.


      Comment


      • #4

        Chương 4




        Khi đi ngang qua chổ ngồi của Minh, Quỳnh nhìn quanh thấy không ai để ý liền nhanh tay lấy cây viết máy của anh. Cô giấu nó trong chiếc khăn tay của mình. Lúc vào học, Quỳnh kín đáo liếc nhìn Minh đang tìm kiếm cây viết. Hồng nghiêng đầu nói:

        - Anh chàng "thầy đồ" mất viết Quỳnh ơi.

        Giả vờ như không có gì, Quỳnh nói:

        - Hay là để Quỳnh cho bạn ấy mượn cây viết của Quỳnh nhé.

        Hồng tán thành ngay.

        - Phải đó, nhưng Quỳnh lấy viết đâu mà viết.

        Quỳnh giả vờ lục trong cặp nói:

        - Hôm nay Quỳnh đem theo hai cây.

        Rồi Quỳnh lấy ra cây viết của Minh mà Hồng không biết.

        Hồng định nói gì đó với Quỳnh nhưng Quỳnh đã nhìn thấy thầy dạy Văn đang nhìn về phía hai cô, Quỳnh ra hiệu:

        - Suỵt, ông Văn đang nhìn.

        Đợi cho thầy Văn quay đi, Hồng nói:

        - Làm sao đưa cho hắn?

        Quỳnh làm thinh lấy ra tờ giấy rồi viết "Bạn để quên viết ở nhà phải không? Quỳnh có dư một cây, bạn cứ mượn." Xong cô gói cây viết trong miếng giấy, kín đáo chuyền lên cho Tuyết, Tuyết xem xong đưa lên cho Đào, Đào đưa cho Lan và Lan đưa cho Minh. Thầy Văn vì đang viết trên bảng nên không hay biết gì cả. Minh nhận cây bút chút ngạc nhiên. Rồi anh thấy ngay mảnh giấy với nét chữ mềm mại của Quỳnh. Minh suy nghĩ mất mấy phút mới quyết định nhận cây viết mà viết bài.

        Nhưng trong lúc Minh viết bằng cây viết của Quỳnh tương đối dễ dàng, thì Quỳnh lại không thể nào viết với cây viết của Minh. Cô loay hoay mãi vẫn không ra mực.

        Hồng thấy Quỳnh cứ vẩy vẩy hoài cây viết, thì quay sang hỏi:

        - Viết Quỳnh sao vậy?

        - Quỳnh không biết nữa.

        - Đưa Hồng sửa cho.

        Hồng vẩy vẩy, xoay đủ chiều mà cây viết vẫn không ra mực. Cuốt cùng cô đưa trả lại cho Quỳnh kèm theo cây viết của mình. Cô nói:

        - Quỳnh lấy viết Hồng viết đi, Hồng viết bút chì cũng được.

        Giờ ra chơi lần thứ hai, Quỳnh lén đút cây viết lại ở giữa cuốn tập của Minh (lần này Minh cẩn thận hơn, khi ra chơi anh mang cả cây viết của Quỳnh theo, dắt nó vào túi áo).

        Tiết học sau Quỳnh chú ý xem Minh làm gì. Cô thấy Minh lấy tờ giấy, viết gì trong đó rồi lại cất vào tập. Có lẽ anh ta định gói cây viết lại để trả cho Quỳnh nhưng lại thôi.

        Cuối giờ học chờ cho các bạn ra về gần hết. Minh mới rụt rè đến bên Quỳnh, anh nói:

        - Xin gởi lại cho... chị cây viết... cám ơn.

        Quỳnh chỉ đáp:

        - Dạ.

        Cô định hỏi thêm Minh đã tìm được cây viết chưa, nhưng lại thôi. Còn Minh, anh muốn nói thêm "Tôi đã tìm lại được cây viết của tôi..." Nhưng anh lúng túng không nói được.

        Comment


        • #5

          Chương 5




          Minh đến nhà Hà sớm hơn thường lệ. Anh dựng xe trước nhà, khóa lại, lấy dép ra xách ở tay rồi vào nhà.

          Từ sau nhà, ngăn bởi tấm màn cửa, có tiếng xê dịch của bàn ghế rồi tiếng của ông Bảy (ba Hà).

          - Minh đấy à? Vào đây ăn chén cơm đi con. Cả nhà mới ngồi vào bàn đấy.

          Minh dạ rồi để cặp, dép xuống tự nhiên đi vào trong như nhà mình.

          Bà Bảy (mẹ Hà) xới cơm cho Minh.

          - Ăn đi con.

          Bà đi lại xống chén lấy một trái ớt, đưa cho Minh. Hà đang ăn cơm nhìn Minh nói:

          - Hôm nay nhà tao ăn sớm, mầy đến vẫn kịp lúc. Mẹ lấy tô cơm cho Minh ra mẹ ạ.

          Bà Bảy lật đật đứng lên nói:

          - Ờ, bác quên, lúc nãy có sớt ra để dành cho con một tô. Hôm nay thằng Hà đòi ăn sớm với ba nó, sẵn bác ăn luôn...

          Minh ăn tự nhiên. Nhưng chỉ được một chén thì đứng lên.

          - Dạ con xin thôi.

          Hà cũng đứng lên.

          - Con cũng thôi mẹ ạ.

          - Kìa, sao tụi bây ăn ít vậy? - Bà Bảy hỏi.

          Minh đưa mắt ra hiệu cho Hà rồi trả lời:

          - Dạ, hôm nay tụi con phải đi học sớm, thưa bác.

          Rồi hai người sửa soạn.

          Minh sửa lại cổ áo cho Hà, cầm sách tập lên nói:

          - Thưa hai bác con đi.

          Hà tiếp lời bạn.

          - Thưa ba mẹ con đi học.

          Vừa ra khỏi cửa Minh hối:

          - Lên đi.

          Hà chống nạng dừng lại ở cạnh xe hỏi:

          - Không ra đầu hẻm hả?

          - Đã nói lên mà.

          Hà leo lên. Minh đạp đi, ngoái cổ lại nói:

          - Vịn chắc há.

          Vừa đạp nhanh Minh vừa huýt sáo. Hà hỏi:

          - Có gì vui hả?

          Minh im lặng nửa muốn kể nửa muốn không. Mãi đến gần trường Minh mới nói:

          - Hôm qua Quỳnh cho tao mượn viết.

          - Mầy quên viết ở nhà hả?

          - Không, tao bỏ nó giữa cuốn sách mà tao quên.

          - Sao Quỳnh biết được.

          - Tao cũng không rõ.

          Hà im lặng một lát rồi nói:

          - Có lẽ Quỳnh để ý đến mầy đó.

          Tuy trong lòng rộn lên nhưng Minh vẫn giả vờ.

          - Mầy nghĩ thế hả?

          - Chứ sao Quỳnh biết mầy không có viết?

          Đó là diều mà suốt đêm qua Minh đã trằn trọc tự tìm câu trả lời. Sáng nay chính Hà cũng nghĩ vậy nên Minh càng thấy vui hơn. Hà nói tiếp:

          - Quỳnh nhìn xinh và dễ thương lắm, lại học giỏi nữa.

          Minh nghe không rõ lắm, anh ngoái cổ lại hỏi:

          - Mầy nói gì?

          - Tao nói Quỳnh đẹp mà lại học giỏi, mầy thật có phước được cô ấy kết bạn.

          Minh như mở cờ trong bụng khi thấy Hà khen Quỳnh. Anh nói lớn:

          - Mầy biết không, bạn ấy làm quen với tao ngay từ hôm tựu trường đấy!

          - Vậy à?

          - Để rồi tao sẽ kể cho mầy nghe.

          Đến trường Hà đợi bạn đưa xe vào chổ quy định. Xong cả hai đi về phía lớp thì thấy Quỳnh, Lan từ xa đi lại.

          Thấy Tuyết, Hà bỗng đứng lại định đi sang ngã khác. Hà không thể quên lời nói của Tuyết mà anh đã tình cờ nghe được hôm qua. Lúc đó đang ra chơi, anh chống nạng đi qua chổ Tuyết, Lan, Hồng và Quỳnh đang đứng nói chuyện với nhau. Giống như Minh, không hiểu sao Hà cũng thấy thích bốn người bạn đó. Có lẽ vì họ vui vẻ và doàn kết với nhau, tuy rằng Hà đã sớm nhận ra là bốn người bạn xinh đẹp và học giỏi đó có cái gì ngăn cách với nhiều bạn khác trong lớp. Tuy nhiên Hà vẫn chưa biết đó là cái gì. Có lẽ họ đang bàn nhau về bài toán vì lúc đi ngang qua, Hà nghe Lan nói:

          - Mình sợ hai cái trứng vịt của thầy Toản lắm.Nghe nói ổng chỉ thích cho trứng vịt thôi. Mà trứng vịt to thật to kìa.

          Hồng nói:

          - Cô Hoa thì khác, điểm ít nhất là một trứng vịt và một cây gậy.

          Quỳnh nói:

          - Nhưng dù sao thì Quỳnh cũng vẫn thích trứng vịt nằm sau cây gậy hơn!

          Tuyết nói:

          - Còn chưa ngon, Tuyết thì thích hai cây gậy kia kìa.

          Biết là Tuyết ám chỉ mình, Hà đỏ mặt, chống nạng bước nhanh qua. Anh không thể ngờ một người như Tuyết lại có thể nói một câu như thế. Anh tức đến ức nghẹn trong lòng. Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho Tuyết.

          Thấy Hà bỏ đi Minh cản lại:

          - Sao mầy bỏ đi?

          - Tao... tao không thể gặp các bạn đó.

          Rồi Hà bước nhanh đi. Minh định theo bạn nhưng đã trể. Ba người kia đã đến gần. Minh gật đầu chào và bước nhanh qua họ. Tuy vậy anh cũng kịp nhìn thấy nụ cười của Quỳnh. Và mọi ác cảm đều biến mất. Trái lại, Minh còn nhận thấy quả đúng là ba cô bạn đều đẹp, đều dễ thương, mỗi người một vẻ. Nhưng giữa họ Quỳnh nổi bật hơn cả. Nụ cười của cô rạng rỡ như có ánh hào quang tỏa ra, làm bừng sáng cả bầu trời, cảnh vật.

          Ra chơi, Minh tìm chổ ngồi một mình, nhìn theo Quỳnh. Minh cố tìm một cái cớ nào đó để nói chuyện với Quỳnh nhưng nghĩ mãi không ra. Cuối cùng một dịp may đến với anh. Lan đi một mình đến. Lan nói:

          - Bạn Quỳnh muốn hỏi bạn một việc nhưng bạn ấy ngại, không biết có làm phiền bạn không?

          Minh sung sướng quá không nói nên lời, anh đi theo Lan đến chổ Quỳnh và Hồng. Gặp Minh, Quỳnh nói:

          - Quỳnh chỉ muốn nhờ Minh chuyển lời xin lỗi của Tuyết đến bạn của anh. Chắc bạn ấy giận tụi Quỳnh lắm.

          Hồng nói thêm:

          - Nhỏ Tuyết hay đùa thế thôi chứ không có ý gì đâu.

          Minh lúng túng không biết phải nói sao. Thật ra anh không biết có gì xảy ra giữa nhóm Quỳnh với Hà.

          - Hà à! Chắc nó không giận các bạn đâu.

          Hồng hỏi Minh:

          - Nhà bạn ấy chắc gần nhà Minh?

          - Đúng vậy, năm rồi Minh và nó học chung lớp.

          Quỳnh hỏi:

          - Trường nào vậy hả Minh?

          - Trường Trưng Vương.

          - Bên đó chắc hai người học giỏi lắm?

          - Được thôi...

          - Bài toán Minh đã làm xong chưa?

          - Rồi, không biết có đúng không.

          Quỳnh nghiêng đầu nhìn Minh nói:

          - Chỉ Quỳnh làm với nha?

          Minh nhìn Quỳnh thầm nghĩ Quỳnh thật duyên dáng. Anh đáp:

          - Minh rất vui được giúp Quỳnh.

          - Ra chơi nha?

          - Được.

          Minh liếc nhìn đồng hồ của Hồng. Hồng nói:

          - Tụi mình vào lớp là vừa.

          Rồi họ cùng đi vào lớp. Đi bên Quỳnh, Minh cảm thấy thật sung sướng, anh hỏi:

          - Người đàn ông thường đón Quỳnh là ai vậy?

          Quỳnh đáp nhẹ:

          - Ba! Rồi giải thích. Thường thì Quỳnh đi chung xe với Hồng, nhưng lúc nào rảnh thì ba Quỳnh chở Quỳnh đi học.

          - Quỳnh không có xe đạp sao?

          - Quỳnh không có. Cũng có khi Quỳnh đi bộ...

          - Mỏi chân lắm chắc?

          - Quỳnh đi quen rồi, những năm trước Quỳnh vẫn thường đi bộ đó, Minh tin không?

          - Tin chứ. Nhà Quỳnh xa lắm hả?

          Quỳnh chưa kịp trả lời thì Hồng đã nói:

          - Nhà Quỳnh mãi bên tận Khánh Hội.

          Họ vô tình không để ý một thanh niên khác đang âm thầm nhìn họ. Đó là Chữ.

          Comment


          • #6

            Chương 6




            Tại sao Quỳnh lại cười với mình? Tại sao Quỳnh lại luôn luôn đi chung xe với Hồng? Tại sao gia đình Quỳnh không mua cho Quỳnh xe đạp? Tại Quỳnh không biết đi chăng? Không lẽnào thế? Phải rồi, đơn giản là tại họ thân với nhau thôi. Cũng như mình và Hà vậy. Nhưng đừng so sánh Quỳnh với Hà. Hà thì tàn tật, còn Quỳnh thì đẹp như một bà tiên... Có lẽ cô ấy là hoa khôi của lớp, cô ấy lại học giỏi... Mà tại sao cô ấy lại cho mình mượn viết? Tại sao cô ấy không cho người khác mượn?

            Minh vừa đạp xe về vừa suy nghĩ miên man rối rắm. Lòng anh rộn lên một niềm vui khó tả. Nụ cười và giọng nói của cô bạn học xinh xắn cứ ám ảnh anh, cứ bắt anh phải suy nghĩ...

            Bỗng có tiếng xe thắng gấp. Một người đàn ông dừng xe Honda trước đầu xe Minh, nhìn anh nói:

            - Mơ mộng gì vậy hả? Bộ không thấy đèn đỏ sao?

            Rồi ông ta cho xe dọt đi. Cùng lúc đó là tiếng còi vang lên. Người cảnh sát khoảng chừng 25 tuổi đưa cây đèn "dùi cui" ra hiệu cho Minh dẫn xe lên lề. Khuôn mặt trẻ và nghiêm nghị của anh ta làm cho Minh thấy lo. Anh vừa đẩy xe vào lề thì người cảnh sát đứng nghiêm giơ tay chào kiểu nhà binh, làm Minh thêm bối rối.

            - Cậu vượt đèn đỏ, vi phạm luật giao thông, yêu cầu nộp phạt!

            Vừa nói người cảnh sát vừa mở nắp túi xách màu đen mang bên hông, lấy ra một cuốn biên lai. Kê cuốn biên lai lên túi xách làm chổ tựa anh ta định đặt bút xuống viết nhưng lại ngẩng lên hỏi Minh:

            - Cậu cho biết tên.

            - Dạ em tên Minh. - Minh riu ríu nói.

            - À, học trường Bùi Thị Xuân hả? Người cảnh sát vừa nhìn thấy phù hiệu trên áo của Minh.

            - Dạ...

            - Sao? Cậu nộp phạt chứ?

            - Dạ... dạ... Xin anh bỏ qua cho em... Tại em có việc phải đi gấp ạ.

            - Cậu nói dối. Cậu không có việc gì phải đi gấp cả!

            - Dạ, thật mà anh, một người bạn của em bị bệnh em phải đi thăm...

            Người cảnh sát mỉm cười. Anh ta dường như không chăm chú nghe những lời nói của Minh lắm. Anh không nhìn Minh nữa, mà cầm biên lai đi mấy bước về phía lòng đường, vừa nhìn dòng người và xe qua lại vừa nói:

            - Cứ cho là bạn cậu bị bệnh, nhưng cậu không hề đi gấp, cậu chỉ lo mà ra thôi.

            Minh bước theo.

            - Dạ, xin anh thông cảm tha cho em lần đầu.

            Người cảnh sát không nói gì, dường như anh ta muốn bắt cậu học trò phải suy nghĩ về những lời nói dối vụng về của Minh. Một lát anh ta ngẩng lên:

            - Được rồi, lần này tha cho cậu. Nhưng cậu phải nhớ đang lúc đi đường cần phải luôn luôn chăm chú, không được lơ đễnh dễ xảy ra tai nạn.

            Minh mừng rỡ nói lời lí nhí trong miệng "Cám ơn anh" rồi đến lấy xe đạp đi. Như bị ảnh hưởng bởi việc vừa xảy ra, Minh đạp thật chậm. Một lát bỗng dưng Minh nhấn bàn đạp, vừa đạp nhanh vừa huýt sáo.

            Comment

            Working...
            X