CÁNH TAY NỐl DÀI
Rồi tôi xuống nhà ngang xem dệt cửi. Qua câu chuyện với bà cụ tôi được biết cụ chỉ ao ước anh qua được tú tài lên bậc sinh viên.
Tôi nhớ dạo đó âm hưởng hai chữ " Sinh viên " gợi lên một cái gì rất là... thần tượng. Tôi biết chính Tiến cũng tha thiết ưng đạt tớiđích đó lắm. Có lần tôi cùng anh đạp xe xuống Bạch Mai rồi theo anh rẽ vào khu Đông Dương Học Xá. Anh ngẩng nhìn những dãy nhà bốn tầng mái cong kiểu Đông phương bằng con mắt thèm muốn đến như ngây như dại. Anh nói cho tôi biết mỗi sinh viên được ở một phòng tầng dưới có phòng tiếp khách chung.
Vừa lúc đó từ một phòng khách có tiếng dương cầm vẳng ra, đúng bản hôm nọ Tiến chơi trên đàn thập lục. Anh nói thêm cho tôi biết tại mỗi phòng tiếp khách ở tầng dưới của mỗi căn nhà có một chiếc dương cầm như vậy.
Một thiếu nữ đẹp, còn cặp tóc, tay cầm nón e lệ bước lên bực đi vào phòng khách. Tiếng dương cầm bên trong bỗng thánh thót như điểm theo nhịp " gót sen vàng ".
Tiến ghé vào tai tôi nói thầm: " Chắc lại một nữ sinh Đồng Khánh đến thăm người yêu. " Khi tôi quay lại nhìn Tiến, tôi thấy khuôn mặt anh thờ thẫn hẳn đi.Tôi biết không phải chỉ riêng thờ thẫn vì sắc đẹp dịu dàng kia, mà thờ thẫn vì cả hình ảnh thần tượng của cuộc đời sinh viên. Tôi hiểu ý nghĩ anh lắm. Là sinh viên là cả một khối hy vọng mát như gió sớm mùa hè, lãng mạn như trăng vàng nước biếc mùa thu. Các nữ sinh Đồng Khánh đẹp đài các, đẹp " thâm nghiêm kín cổng cao tường ", nữ sinh Đồng Khánh là mộng của đời, mà sinh viên lại là mộng của nữ sinh Đồng Khánh. Sinh viên là một kho tàng lộng lẫy, là cả một két vàng két bạc chưa tiêu vào việc gì nên mua gì cũng được và vì vậy người ta có cảm tuởng như có khả năng mua được cả thế giới.
Khi Tiến đạp xe tới đầu một căn học xá anh bỗng " phanh " xe lại. Tôi nhìn theo anh. Qua cửa sổ phòng ăn, chúng tôi thấy những người hầu bàn bận đồ trắng sạch sẽ đương sửa soạn bàn ăn. Từng bàn có khăn giải trắng tinh, những bát mẫu men xứ Giang Tây để các sinh viên dùng cơm được úp một cách trịnh trọng trên một chiếc đĩa cũng thuộc loại xứ Giang Tây.
Lúc đó trong trí tôi có thoáng ôn lại mâm cơm thường nhật của gia đình tôi. Nồi cơm được bắc lên cạnh mâm cơm bằng gỗ hình chữ nhật và có bốn chân ở bốn góc, thức ăn trên mâm thường là một đĩa đậu kho tương, một đĩa rau muống luộc, một đĩa cà, một đĩa muối vừng, một bát chiết yêu nước canh rau luộc. Gia đình tôi đông anh em nên thầy tôi thường nói " nhà đông con của không ngon cũng hết ". Quả có thế!
Gia đình Tiến chỉ có anh và bà mẹ, tuy ít người nhưng mâm cơm chắc cũng chẳng hơn gì mâm cơm nhà tôi. Đâu có quý phái, trịnh trọng ngồi ăn bàn, khăn trải trắng tinh, bát mẫu, đĩa sứ, đủa mun và kẻ hầu người hạ tưng bừng như kia (những người bồi bàn đó lồ lộ vẻ kiêu hãnh được hầu hạ sinh viên).
Trên đường về tôi nhớ Tiến còn thảo luận về sinh viên và anh kết luận: " Ấy cái anh sinh viên trường thuốc khi đã ra bác sĩ, cái anh sinh viên trường Luật khi vợ con đề huề rồi lại mất thú. Thú nhất chỉ là cái đời sinh viên độc thân ở Đông Dương Học Xá có ngày đi học, có ngày đợi người yêu (nữ sinh Đồng Khánh hoặc các thiếu nữ con nhà triệu phú ở Hàng ngang, Hàng Bạc, Hàng Đào).
Cuối năm đó, cay đắng chưa, anh bị mẹ cương quyết bắt lấy vợ. Cụ vẫn một lòng cầu Trời khấn Phật cho anh sau này học lên đến sinh viên nhưng vì chỉ có một mẹ góa một con côi, cụ muốn con độc cháu đàn... Cụ cương quyết, cụ dằn dỗi, cụ khóc... Tiến đành phải nhượng bộ. Anh buồn đến suốt một năm học về chuyện đó. Sau này- hẳn anh nghĩ - lên sinh viên, đến ở Đông Dương Học Xá, vợ sờ sờ ra đó ở nhà quê, rồi còn có con nữa chứ, hỏi nữ sinh Đồng Khánh nào thèm mộng đến anh, làm sao mà có được hình ảnh khép nép của người đẹp tay cầm nón rón rén bước lên bực vào phòng khách chờ được gặp mặt người yêu là anh?
Còn ba năm nữa mới thi tú tài phần một mà anh luôn luôn tưởng như mình đã là sinh viên đến nơi rồi. Tuy nhiên không phải là anh không yêu vợ, chứng cớ chừng hơn mười tháng sau anh đã có đứa con giai đầu lòng, đúng như lời chúc ngày cưới "chưa đầy năm mẹ đã đầy tháng ". Là bạn học thân, tôi có đi phù rễ nên được biết mặt chị. Chị là một có gái quê vào hạng hoa khôi ở làng mà lại nổi tiếng là đảm đang nữa. Khuôn mặt chị tròn phúc hậu, nước da trắng hồng, miệng cười tươi, rất tươi, răng đen hạt huyền.
Và cũng vào dịp đi phù rể này tôi có may mắn được quan sát lễ nghi cưới xin cổ truyền. Ở làng tôi cũng thời ấy sao mà những lễ nghi đó chỉ còn là một thứ vang bóng một thời? Nguyên do có lẽ là làng tôi đã ở sát Hà Nội lại lắm công chức, học sinh...nhà buôn, nên chi làn sống tân thời tràn tới xóa mờ mọi tập tục cũ ; trong đám cưới chú rễ nhiều khi mặc smoking. Trái lại làng Tiến xa Hà Nội, xa đường cái lớn, như chiếc đảo nhỏ bỏ quên giữa khoảng mênh mông của cánh đồng chiêm nên nếp sống còn giữ nguyên sắc thái cổ của dân tộc.
Khi nhà giai tới đón dâu, chủ rể Tiến trước hết phải tới nhà thờ đại tôn (trưởng họ) lễ tổ, tiếp đó đến lễ trước bàn thờ nhà ông trưởng chỉ sau cùng mới về lễ trước bàn thờ nhà cô dâu. Trong khi đó các có phù dâu trong buồn đã têm giúp cô dâu đủ trăm miếng trầu - gọi là trầu trăm. Trầu này mang về nhà trai đặt lên bàn thờ tế tơ hồng rồi không phải để mời họ hàng mà dành riêng cho cô dâu chú rể ăn dần cho thắm nhân duyên. Trước khi ở nhà gái đi bố mẹ gọi cô dâu chú rể lại cho tiền lót rương. Ở cô dâu cái gì cũng mới, khăn nhiễu mới, áo tứ thân mới, thắt lưng lượt mới, váy sồi mới và đôi dép cong mới. Đặc biệt áo tứ thân ngày cưới không phải là áo đón thân ngày thường. Áo đón thân là áo mà hai thân phía lưng đều can ngang, phần trên thường cũ và rách trước, khi đó người ta chỉ việc tháo chỉ mà thay vải mới. Áo tứ thân ngày cưới, hai thân sau là hai mảnh vải liền không cắt ngang.
Cuộc rước dâu khởi hành vào đúng giờ hoàng đạo (ngày hôm đó vào khoảng mười một giờ). Họ nhà trai đi trước một quãng đến họ nhà gái. (Cha mẹ không bao giờ đưa con gái về nhà chồng). Tôi quay lại nhìn cô dâu đằng xa, nón thúng quai thao, đi
khép nép giữa mấy cô phù dâu, hai bên đường làng nam phụ lão ấu đổ ra xem, nói nói cười cười chế riễu một cách thân mật...cảnh đó cho đến nay vẫn còn hiển hiện trong trí tôi đẹp như một giấc mơ đẹp hiền hòa. Khi cô dâu bước qua hỏa lò vào nhà, bà mẹ chồng phải trốn đi - để gia đình giữ mãi hòa khí sau này tránh được cảnh mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.
Bàn thờ tơ hồng ở giữa trời hướng vẻ Đông Nam lúc tế tơ Hồng chú rể lễ ở chiếu trên, cô dâu lễ ở chiếu dưới. Khi Tiến lùi xuống để đi sóng vai với có dâu tôi thấy anh có đưa mắt nhìn cái váy sồi của chị rồi khẽ lắc đầu nhường như thứ đó làm anh thất vọng hơn cả. Riêng bà cụ tỏ vẻ hài lòng hoàn toàn (lúc đó đã tế tơ hồng xong cụ không phải tránh mặt con dâu nữa). Cách cưới theo đúng lễ nghi cổ, cách có dâu ăn mặc thuần thục theo lối cổ khiến cụ có cảm tưởng đám cưới của thằng con giai độc nhất của cụ đáng làm gương cho hàng tổng noi theo. Trước mặt đông đủ hai họ, cụ gọi con dâu đến và cho một số tiền gọi là tiền ra vốn (để cộng thêm với số tiền lót rương).
Trưa mùng một Tết năm đó tôi cao hứng đạp xe đến làng Tiến rồi ở lại đến chiều tối mới về. Cũng vào dịp này tôi được dịp ghi nhận thêm nhiều mỹ tục cổ kính tại làng Tiến mà tại làng tôi có lẽ vì gần Hà nội quá nên đã bị mai một đi từ lâu rồi. Tôi có theo anh đến lễ Tết tại nhà ông bác họ anh, một bậc danh nho đỗ phó bảng đời Thành Thái; năm đó cụ có vẻ hỉ hả lắm vì đã sang tận quê ngoại làng bên xin được cây tre dài tới hai chục đốt làm cây nêu cao nhất làng ; đêm hôm trước - đêm ba mươi tết - cụ tắm nước rau mùi rồi đích thân rắc vôi bột hình cung tên để bắn trừ ma quỷ, đích thân dán hai tờ giấy hồng điều lấp lánh kim nhũ với hai dòng chữ đối nhau " Tam dương khai thái - Ngũ phúc lâm môn ". Chị Tiến cô dâu mới được mẹ chồng quý lắm, đích thân may thêm cho chiếc áo vóc mới, cắt rất khéo đối hoa cẩn thận, và đêm giao thừa nam đó - như lời Tiến thuật lại với tôi - chị mặc chiếc áo vóc đó cùng Tiến marg đồ lễ gà, oản ra đình lễ thành hoàng rồi hái lộc như nhiều người làng khác.
Công, dung, ngôn, hạnh vẹn tuyền, chị Tiến chính là người đàn bà lý tưởng của những thế hệ trước đây còn sót lại và chị vẫn còn là nguời đàn bà lý tuởng đương thời nếu Tiến đừng quá nệ vào cách ăn mặc cổ của chị, đừng quá mê mẫn nghĩ đến cuộc đời sinh viên hào nhoáng đầy quyến rũ mai hậu mà anh quyết tâm đạt tới. Nhưng rồi tôi thấy Tiến cứ đều đặn sản xuất... " tí nhau " Ba năm đôi. Đúng thế, vì năm tôi đậu tú tài phần thứ nhất (anh trượt) thì anh vừa có hai con (đúng vào năm có cuộc cách mạng tháng tám 1945). Năm sau -1946 - tôi đỗ tú tài phần hai, anh vẫn trượt tú tài một, thì chị đã có mang cháu thứ ba. Tôi khỏi phải nói ra đây sự thèm thuồng của Tiến đối với địa vị tôi khi đó đã bước vào nguỡng cửa đời sống sinh viên, đời sống lý tưởng mà anh hằng ấp ũ mơ ước bao năm nay. Nhưng tôi phải nói rõ là tính tình Tiến vẫn thật thà trung hậu nên sự thèm thuồng của anh cũng chỉ tác động với riêng anh thôi và không hề biểu lộ thành thái độ ghen ghét.
Thấy tôi đã ghi tên học Thuốc mà vẫn chưa làm đơn xin buồng ở Đông-Dương Học Xá, anh cau mày trợn tròn mắt ngạc nhiên hỏi như gắt:
- Trời ơi, sao cậu lại chưa xin vào ở Đông Dương Học Xá là thế nào?
Tôi đáp:
- Thôi, nhà tôi cũng ở gần Hà Nội, sau buổi học về gặp mẹ, gặp các em, vui không khí gia đình cũng có cái thú đặc biệt.
Tiến chậc lưỡi phản đối:
- Thí dụ cậu không ở thường xuyên tại đó, cậu vẫn nên chiếm một phòng, buổi trưa cậu có thể về đấy nghỉ và học cho tĩnh.
Tôi mỉm cười:
- Và nhỡ có muốn hò hẹn với một cô Đồng Khánh nào...
Tiến cười thông cảm. Mấy hôm sau anh thúc tôi đi chụp ảnh, thúc tôi làm mọi giấy tờ cần thiết để xin buồng Đông Dương Học Xá. Nhưng tôi không được ở Đông Dương Học Xá một ngày nào để anh hả lòng vì sau đó kháng chiến bùng nổ.
Năm 1951 tôi về thành. Trường Đại Học Văn Khoa mới lập được một năm, tôi ghi tên và vui chưa, lại được gặp Tiến cùng theo lớp dự bị ! Tiến về thành trước tôi một năm. Sau sáu năm xa cách, ngày nay trông Tiến già đi nhiều. Da anh đen xạm, má có hóp đi nhưng anh cố làm dáng để chống với thời gian
Mái tóc đen, dầy và cứng của anh được chải mượt brillantine, phía trước anh lại có ý chải hơi bồng một chút khiến trán anh vẫn đã thấp lại càng thấp, Khi nói chuyện với tôi, cử chỉ và lời nói của anh rất là trịnh trọng, xen vào rất nhiều chữ Pháp. Ở anh toát ra một cuộc đấu tranh khá gay gắt của một người nông dân tuy không hề rẻ rúng giai cấp mình, nhưng luôn luôn cố gắng muốn thoát ly khỏi đó để lên gặp giai cấp thượng lưu trí thức. Vì anh còn giữ được cái bản sắc thực thà trung hậu nên cuộc đấu tranh tuy gay gắt mà ngộ nghĩnh đáng yêu.
Khi chia tay lần thứ nhất cùng tôi anh khẽ nhún vai nói:
- Mình bây giờ đi học chỉ cần chú trọng đến culture (văn hóa), chứ văn bằng mà làm gì.
Mấy lần sau gặp nhau nữa tôi mới hiểu rõ ý câu học cốt lấy văn hóa chứ không cần văn bằng: thì ra Tiến vẫn chưa đỗ tú tài. Dạo đó Đại Học Văn Khoa mới mở, điều kiện văn bằng không ráo riết chỉ khuyến khích mọi người vào học. Những người chưa có tú tài có thể cứ học hết năm dự bị rồi tiếp tục học lên các chứng chỉ cho đến khi đỗ xong tú tài thì chỉ việc hợp thức hóa những chứng chỉ trên và có thể được cấp bằng cử nhân văn khoa nếu đương sự đã đỗ xong bốn chứng chỉ.
Trong câu chuyện với tôi Tiến luôn luôn dùng xen chữ Pháp tựa như để tự giải tỏa mọi mặc cảm về trí thức (lẽ cố nhiên theo quan niệm của anh ở vào hoàn cảnh ngày đó trình độ trí thức nhất định phải đo bằng năng lực Pháp ngữ). Nhưng có một
Hôm anh không dùng xen từng chữ Pháp nữa mà nói cả câu tiếng Pháp để diễn đạt mội tư tưởng triết lý theo ý anh. Nghe xong câu nói ngắn đó tôi sững ờ' giây lâu và tôi hiểu tại sao anh thi trượt hoài tú tài trong khi bài thi Pháp văn còn giữ hệ số ba.
Một buổi sáng chủ nhật tôi lại theo đuờng về phía Ô Cầu Rền đạp xe tiến sâu vào con đường đất thật xa...thật xa cửa ô để đến thăm Tiến tại quê anh.
Chị Tiến vẫn xinh xắn với dáng điệu đảm đang thuần thục đặc biệt của người đàn bà vùng quê. Nước da chị vẫn trắng mát, dáng người nhỏ nhắn, chị thuộc vào loại các cụ ngày xưa gọi là "nhỏ xương " vì vậy trẻ rất lâu. Trái lại Tiến thuộc loại lớn xương lại thêm nước da đen xạm nên anh già rất chóng. Điều đặc biệt nữa là chị Tiến vẫn mặc váy. Bà cụ thân sinh ra anh Tiến còn sống, chính cụ chủ trương giữ nguyên lề lối ăn mặc cổ như vậy. Có vài lần Tiến đề nghị với mẹ cho vợ mặc quần gọi là thay đổi y phục chút ít, cụ cương quyết, chối từ. Thì ra trước đây cụ mong cho con học chóng lên đến sinh viên là cụ chỉ chú trọng đến nội dung sự học chứ không chú trọng đến hình thức ăn mặc mà nội dung kia đòi hỏi đến cả người thân của kẻ cầm sách. Lần sau cùng cụ bảo Tiến: "cách ăn mặc này là của cha mẹ tao, của ông bà ông vải tao và cũng là tiền bối của mày, chúng tao noi theo lề lối của các người, không việc gì đến mày." Tiến giơ tay lên gãi tai toan nói rồi lại thôi. Anh nghĩ y phục cũng biến đổi với thời gian, giờ đây các cô ăn mặc quần trắng áo màu vẫn đẹp và đâu có mất tính cách Việt Nam? Nhưng anh không cãi mẹ vì anh giữ đạo hiếu cũng có, mà sự thực trong thâm tâm anh cũng có phần nào đồng ý với mẹ ở điểm cách ăn mặc cỗ đó hợp với nếp sống, với tâm hồn của vợ anh. Anh cứ nghĩ giá người vợ xinh hiền thục của anh kia mà giờ đây ăn mặc quần trắng, áo màu, cổ quấn " san " lụa, nó cũng...thế nào ấy và hình thức tân thời đó có làm mất mát đi rất nhiều cái gì mà anh cảm thấy là quý giá.
Lần đó về quê thăm anh tôi mới hỏi thêm về tin tức con anh. Thằng bé đầu lòng lên mười rồi, chóng thế ! Khi ra đi chạy loạn anh đã có ba cháu: hai trai đầu lòng và một gái. Suốt thời gian sáu năm chạy loạn anh giữ nguyên số lượng cũ và chỉ chú trọng đến chất lượng nghĩa là chăm nom cho những đứa trẻ được ăn học sao cho đến nơi đến chốn. Anh nói khẽ với tôi là anh theo phương pháp Ogino. Khi chạy loạn về anh vẫn quyết tâm theo phương pháp Ogino, vì dầu sao như thế cũng là "nếp tẻ có đủ rồi." (lời anh nói với tôi), vả bây giờ cuộc sinh sống khó khăn, có nhiều con lo mệt lắm. Nhưng chẳng hiểu vì một sự tinh toán sai lầm nào đó nên hiện giờ chị đã lại có mang được ba tháng. Anh vẫn tiếp tục đi học và sự giao thiệp của anh ngày một rộng, toàn là trong giới sinh viên thôi. Mỗi lần gặp tôi anh lại khoe hoặc vừa đi chơi cùng thằng N. năm thứ năm Y Khoa, hoặc vừa đến thăm chị H. năm thứ ba Dược Khoa bị ốm, hoặc vừa đến thăm chị Kh. đương theo chứng chỉ Sử Địa Văn Khoa... để hỏi thăm về tin tức thi cử kỳ tới.
Tôi biết Tiến có đến thăm các chị H. và Kh. Ngày nay nền đại học đã được bình dân hóa nên số sinh viên nhiều gấp bội và rồi cả sinh viên lẫn những người chưa là sinh viên cùng thấy học tới sinh viên không phải là một cái gì ghê gớm như xưa. Nam nữ giao thiệp rộng rãi, có chị mời hẳn các bạn trai cùng lớp đến nhà dự tiệc trà, hoặc các anh tự ý đến thăm các chị không phải nghi ngại điều gì. Việc nên năng đến thăm các chị, ngoài việc để anh cảm thấy thấm nhuần không khí sinh viên (mà than ôi, anh chưa phảỉ là thực thụ) còn giúp anh giải quyết một mặc cảm: thèm muốn gần gũi những người tân thời áo màu, quần lụa, khăn san (tuy anh vẫn một lòng yêu vợ quý con). Mái tóc đen, dầy và cứng của anh được chải cẩn thận bằng brillantine lý do cũng là thế. Vì là sinh viên năm dự bị Văn Khoa nên tuy không có tú tài anh vẫn được một hiệu trưởng tư thục kia mời phụ trách cho mấy giờ Việt văn lớp đệ tứ. Việc dạy tư chắc chắn có giúp anh khá nhiều trong việc giải quyết vấn đề sinh kế dạo đó. Bẵng đi một dạo tôi không gặp anh vì tôi cũng mải về sinh kế mà bỏ dở Văn Khoa. Hai năm sau - 1953- có một lần gặp anh ở Hàng Bông, anh nói:" Mình vừa đến thăm thằng Hạ năm thứ hai trường Luật. " Sang năm sau - 1954, năm di cư - tôi trở lại Văn Khoa để di cư với các sinh viên khác cùng một chuyến máy bay và đựợc gặp lại Tiến ngày đó. Anh cho tôi hay bà cụ đã mất. Chị và bốn cháu (sau đứa thứ tư là gái, anh lại theo đúng Ogino) anh cho xuống Hải Phòng di cư bằng đường thủy. Kể ra trên chuyến phi cơ đó cũng có mấy tiểu gia đình sinh viên (kể cả tiểu gia đình tôi) nhưng tôi biết anh tránh đem vợ con cùng đi vì chị là người quê mùa. Tôi lại hỏi khéo anh về y phục của chị, thì anh cho hay đã có một sự thay đổi nhỏ để thích ứng với thời thế: chị đã dùng quần thay váy và chính anh cũng chủ trương ngừng lại ở đó không thay đổi gì hơn nữa. Việc anh quay trở về bảo thủ dĩ vãng như vậy khiến tôi sau này có ý kiến ngộ nghĩnh ví anh với một phi đạn có ba tầng. Hai tầng dưới tới một cao độ nào thì kế tiếp nhau rớt xuống chỉ còn tầng thứ ba, chủ não của phi đạn, là vượt lên thượng từng không khí ngao du quanh trái đất, tầng thứ ba đó là ý nguyện dai dẳng của anh những mong ước sống cuộc đời sinh viên thực sự.
Vào đến Saigon, anh sang được căn nhà gỗ lợp tôn ở xóm ra Oẹc (E. des Vergues - Trương Minh Giảng bây giờ) cho vợ con ở, còn chính anh vẫn sống với đoàn sinh viên Đại-Học Hà-Nội di cư, thoạt ở trường Gia-Long, rồi ở khu Thăng-Long (khu lều vải trên nền khám lớn cũ, ngày nay xây giảng đường Đại Học Văn Khoa). Khi ở trường Gia Long cũng như khi ở lều có mấy lần anh nói với tôi: "Đông Dương Học Xá của chúng mình đây! " Thì ra được ở Đông-Dương Học Xá vẫn là cái ám ảnh lớn của anh.
Tuy phải ở lều thực mà sinh viên vẫn cảm thấy được dân tộc nâng niu chìu chuộng vì là thành phần ưu tú của đất nước. Chúng tôi có một lều riêng để tiếp khách, tại lều này có điện thoại, lại có một lều riêng khác để hội họp. Ống nước được dẫn vào nhà bếp, nhà tắm, nhà giặt, cầu tiêu máy.. Chúng tôi tưng bừng hoạt động ở mọi ngành, chúng tôi gặp ông Tổng trưởng này, ông đổng lý văn ^hòng nọ để điều đình các công
việc kia khác có lợi cho sự thâu hồi trọn vẹn chủ quyền đất nước tự tay người Pháp. Sự xưng hô giữa các người cao cấp chính quyền với chúng tôi rất gần gũi thân thiết, nghĩa là " anh anh, tôi tôi ". Bầu không khí bình dân cởi mở, thành thật vì chung niềm đau sót của dân tộc đó đến nay còn xúc động tôi mỗi khi tôi gục đầu trên bàn viết ôn lại thuở ban đầu cách mạng này. Tại lều có sinh viên đủ các ngành nên chúng tôi vẫn thường nói đùa sinh viên có thừa sức đứng ra thành lập một chính phủ. Chúng tôi tiễn một số anh em đi du học nước ngoài, chúng tôi đón tiếp ủy hội quốc tế, đón tiếp phái đoàn thanh niên quốc tế, phái đoàn sinh viên quốc tế. Các anh, các chị sinh viên Tây Phương đến dự cơm thân mật với chúng tôi ở dưới lều. Chính nghĩa quốc gia vươn mình trong khát vọng độc lập hoàn toàn, lớn mạnh trong một ý chí thống nhất, vô tư, trong sạch làm tôi có cảm tưởng tất cả anh chị em sinh viên cũng như toàn thể đồng bào ai nấy rờn rờn đẹp như thiên thần.
Trở lại chuyện Tiến. Trừ những giờ đi dạy học, những buổi về thăm qua vợ con ở xóm Oẹc và một đôi giờ đi lấy cours (bây giờ anh ghi tên theo " khả năng luật học " để đổi món) anh trở về lều hoàn toàn hòa với đời sống sinh viên. Trong khi một số chúng tôi xúm nhau lại điều khiển tờ bán nguyệt san Lửa Việt, cơ quan ngôn luận của Đoàn Sinh viên Đại Học Hà Nội - thì anh tham gia tổ chức các cuộc biểu tình phản đối điều này, ủng hộ điều nọ ... đúng với chủ trương của ban chấp hành.
Đêm giao thừa năm di cư đầu tiên này tại khu lều Thăng Long có tổ chức một buổi lửa trại. Tới dự có đông đủ anh em sinh viên, một số lớn giáo sư đại học, và một số nhân sĩ tại đô thành. Trong buổi lửa trại đó Tiến đã hiến khán giả một trò vui "tủ" của anh mà tôi đã được thưởng thức từ ngày cùng anh ở trung học, đó là một bài hát hài huớc theo thể (tạp pí lù) gồm nhiều đoạn trích ở nhiều bài khác nhau, lời ca lai căng Việt có, Pháp có, Anh có. Anh đã thành công rực rỡ, anh em và quan khách nhiệt liệt vỗ tay hoan hô. Tôi biết điều làm anh cảm động hơn cả là lời giới thiệu của anh chủ tịch trước khi anh ra làm trò: " Thưa quý vị giáo sư, thưa quý vị quan khách, thưa toàn thể các anh chị em, tôi xin giới thiệu đây là một numéro vui nhộn và phong phú của một anh bạn chúng tôi đại diện cho toàn thể anh chị em sinh viên Luật học. "
Dạo đó việc học bắt đầu phồn thịnh, các trường tư đua nhau mọc lên như nấm, giáo sư Việt văn rất khan hiếm, và đặc biệt về môn này các giáo sư người Bắc rất được tín nhiệm. Anh Tiến đã được mời dạy đến hơn ba mươi giờ một tuần, tiền của kiếm vào như nước, chả thế mà căn nhà sang ở xóm Oẹc nay anh đã mua hẳn. Và các con của anh đều có gia sư tối tối đến kèm.
Khu Đại Học Xá đường Minh Mạng Chợ lớn đã hoàn thành gồm tám dãy cho sinh viên ở mà hai dãy ngoài cùng dành cho hai mươi tiểu gia đình sinh viên (sinh viên có vợ và có một hoặc hai con).
Trước hôm dọn đến Đại Học Xá mấy ngày tôi có bá vai Tiến và nói tưng bừng:
- Thôi chuyến này chúng ta từ giã lều vải về nhà mới, tường gạch, mái ngói, có nhà ăn, nhà đọc sách, câu lạc bộ, buồng tắm riêng, cầu tiêu riêng.. tha hồ thích nhé.
Khuôn mặt Tiến vẫn buồn thiu, anh nói:
- Mình phải về ở với tiểu gia đình ở xóm Oẹc. chẳng có... không tiện.
Tôi vừa toan nói: " có gì là không tiện, cũng như từ trước cậu vẫn ở lều chứ sao " thì may thaytôi nhớ ra ngay, nhớ ra ngay nội quy Đại Học Xá chỉ chấp nhận sự cư trú cho những sinh viên thực thụ.
Tuy nhiên ngày chúng lôi " giọn nhà " Tiến có tiễn chúng tôi xuống tận Đại Học Xá và ở lại phòng tiểu gia đình suốt ngày hôm đó.
Tiến cùng tôi đi thăm anh em suốt tám dãy nhà, thăm phòng tập thể dục có parallèles, có ngựa gỗ có bục vải để học judo, có tạ đủ các cỡ... và ở cuối phòng có treo tấm gương lớn để các lực sĩ soi vào đấy mà tập cho đúng. Chúng tôi thăm phòng thuốc sinh viên do một bác sĩ đứng đầu với ba nữ y tá giúp việc. Chúng tôi thăm thư viện trong đó sách y khoa nhiều nhất, còn báo chí thì có đủ các loại với đủ các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức. Chúng tôi thăm câu lạc bộ sinh viên ở ngay sát phòng ăn, câu lạc bộ này do hảo tâm của báo Figaro xây tặng sinh viên Việt Nam. Trong câu lạc bộ có một khoảng xây cao có thể dùng làm sân khấu, góc đối diện với sân khấu là quầy hàng bán các đồ giải khát. Khoảng giữa rộng thênh thang là ba bộ sa lông kiểu tối tân kê bên dưới ba chiếc quạt trần Marelli. Máy phóng thanh mắc bốn góc tường. Sinh viên có thể ngồi trên chiếc ghế cao lênh khênh mà dùng đồ giải khát ở ngay quầy, hoặc nếu có bạn thì " com măng " những thứ đó ra sa lông. Phòng ăn công cộng lớn gấp hai câu lạc bộ với ba hàng bàn ghế dài như bất tận. Nhà bếp ở ngay sát bên với màu gạch tráng men trắng tinh. Với những chảo gang lớn và những soong lớn nhỏ bóng loáng. Một anh bạn sinh viên Luật khoa được cử làm quản lý, một anh bạn sinh viên Y khoa được cử làm cố vấn để thực đơn hàng ngày cung cấp đủ chất bổ chất tươi. Cả hai bữa trưa chiều Tiến cùng dùng cơm với tiểu gia đình tôi tại phòng ăn công cộng nhưng sự buồn nản hiện rõ trên nét mặt anh. Tôi biết anh tự coi anh là người ngoại cuộc giữa cuộc đời đầy đủ tiện nghi đó. Đã có những bóng người đẹp đến thăm sinh viên "xê li bạt", Tôi những muốn nói đùa với anh là " người đẹp đến thăm sinh viên ngày nay không chỉ riêng có nữ sinh Trưng Vương (Đồng Khánh) mà thành phần phức tạp hơn nhiều, nhưng tôi không dám nói, vì nhắc lại kỷ niệm xưa trong khi anh đương trạnh buồn vì niềm mong ước không thành tựu có khác chi một lời riễu cợt vô ý thức? Chạp tối, khi ánh đèn Đại Học Xá bật sáng, anh từ biệt chúng tôi trở về xóm Oẹc của anh. Tôi cố giữ anh lại vì tối hôm đó có buổi chiếu bóng riêng cho sinh viên xem tại câu lạc bộ, nhưng anh một mực khước từ. Tôi tiễn anh ra cửa Đại Học Xá rồi nhìn bóng anh trên chiếc mô by lét, mất hút dưới rặng cây sao cao vút mà có cảm tưởng anh như một tông đồ ngoan đạo bị phóng trục oan ra khỏi giáo hội khiến anh phải sượng sùng lẩn trốn cho sớm khuất mắt các đạo hữu. Từ hôm đó tới hai năm sau tôi không được gặp anh. Số sinh viên tốt nghiệp ra khỏi trường khá nhiều. Lẽ cố nhiên các trường tư chuộng những người này hơn. Không dạy ở Saigon, anh phải nhận dạy ở các tư thục tỉnh nhỏ. Anh như một ngôi sao già bị quên lãng đương văng dần ra biên giới xa xăm của vũ trụ. Lần gặp lại anh, cách đó hai năm sau ở giửa chợ Bến Thành. Anh già đi rất nhiều, quầng mắt sâu, má hóp, râu mép râu cằm đâm ra tua tủa mà anh trễ nải chẳng buồn cạo, mớ tóc đen dầy và cứng của anh được chải lật một cách sơ sài và không có brillantine. Anh cho tôi biết anh hiện dạy ở một trung học tư thục tận Long Xuyên. Ở đó người ta xếp giờ cho anh dạy ba ngày liền rồi anh lại về Sài-gòn trông nom giúp đỡ gia đình. Chị hiện buôn hàng tấm bán ở chợ Trương Minh Giảng gần đấy và kiếm cũng đủ tiêu. Anh có hỏi tôi về Đại Học Xá về các anh em còn ở đấy, về câu lạc bộ, về phòng ănv...v... nhưng tia nhìn của anh nhường như gửi vào một cái gì... một kỳ vọng gì trong tâm tưởng. Tôi biết khuôn mặt anh già đi nhiều, y phục của anh cẩu thả đi nhiều như kia, không phải vì anh túng (đành rằng cách làm ăn có vất vả), mà là vì anh đã hoàn toàn từ bỏ giấc mộng sinh viên, chẳng còn gì kích thích anh làm dáng! Nhưng khi chia tay anh nắm tay tôi rất chặt, anh nhìn thẳng vào tôi như muốn trao đổi tâm hồn, hai hàm răng nghiến lại, khuôn mặt có đỏ lên vì một tình cảm xấu hổ nào bên trong và anh nói: "Mình chỉ cần chịu khó vất vả hai năm nữa thôi cậu ạ! " Sau câu nói, anh cười, nụ cười nửa xao xuyến, nửa gay gắt.
Sao lại hai năm nữa thôi? Tôi tự hỏi khi đã chia tayTiến. Rồi tôi thắc mắc, thường cứ hai ba tháng lại sực nhớ đến câu nói của Tiến. Nhiều khi đi trên các ngả đường Sài-gòn tôi muốn được gặp Tiến để hỏi xem tại sao anh chi cần chịu khó vất vả hai năm nữa. Nhưng Saigon rộng gấp năm gấp sáu Hà-Nội, dân Sàigòn đông gấp bảy gấp tám Hà-Nội thì niềm hy vọng được bất chợt gặp nhau cũng loãng đi đến bảy tám mươi lần ...Chẳng sao gặp được Tiến, tôi tư trách đã không hỏi rõ địa chỉ để đến thăm tiểu gia đình anh. Nói là xóm Oẹc thôi thi đi đến đấy cũng như đi vào Bàn Cờ biết đâu mà tìm.
Thế rồi, có lẽ đúng hai năm qua đi, một buổi sáng chủ nhật kia vào hồi mười giờ, tôi thoáng thấy một bóng người bước qua cửa Đại Học Xá. Mắt tôi sáng lên vui mừng nhận ra người đó chính là Tiến. Tiến cũng đã trông thấy tôi và rảo cẳng bước lại Anh không tiều tụy như ngày nào gặp nhau giữa chợ Bến thành nhưng anh cũng không có vẻ chú ý đến việc chải chuốt bề ngoài, trông anh bây giờ đạo mạo ra.
Anh bắt tay tôi lắc lắc mạnh:
- Dạo này cậu viết văn nhiều lắm hả? Thế mà chẳng tặng sách anh em.
Tôi đáp:
- Muốn tặng sách anh nhưng nào có gặp anh đâu!
Anh cười:
- Còn nghỉ hè chắc cậu viết dữ? Thôi được, bây giờ cậu tặng tôi đi, phải đủ bộ đấy.
Tôi mời anh vào, khi đó chỉ có mình tôi ở nhà vợ tôi đã mang các con sang Khánh Hội thăm thằng em họ tôi từ sớm. Tôi nói với anh:
- Đủ bộ thì quả thực không có, hiện trong nhà chỉ còn tác phẩm cuối cùng biếu anh.
Tôi phải thanh minh ngay rằng không phải sách tôi bán chạy đến thế mà vì stock ế nhà xuất bản đã cho bán cân hết cả, hiện giờ nếu qua đường Lê Lợi anh sẽ thấy tên tôi nhan nhản bầy ở vỉa hè.
Đúng lúc đó anh K. sinh viên sư phạm ở buồng bên cạnh sang thăm tôi. Tôi giới thiệu. K. và Tiến bắt tay nhau.
K. nói với tôi:
- Này cậu, bà đầm tôi hôm qua đi khắp đường Lê Lợi để xem cô nào là dược sĩ.
Tôi biết là K. nói đến một nhân vật trong tác phẩm mới của tôi. Chị K. bên kia đường cười khanh khách, chị nói với sang:
- Em biết là chuyện ấy có thực, em phải tìm cho ra cô dược sĩ đó.
Anh K. cười riễu vợ:
- Bu nó kém quá, tiểu thuyết là gì? Là cuộc đời cộng với nghệ thuật. Đã đành cũng có một phần sự thực nhưng phần sự thực đó cũng đã thêm mắm thêm muối để biến dạng đi rồi còn đâu.
Chị K. cương quyết :
- Đấy rồi anh xem em sẽ tìm ra bằng được cô dược sĩ đó.
Tôi chỉ biết cười và ký tặng Tiến một cuốn.
Khi K. về. Tiến hỏi tôi:
- Cậu đã có đủ số chứng chỉ?
Tôi gật đầu, Tiến lại hỏi:
- Thế cậu còn ở đây làm gì?
Tôi cười và đáp anh thẳng thắn:
- Vì một lẽ giản dị là lương giáo sư của tôi, tháng nào vừa soẳn tháng ấy, tiền đâu mà mua nhà !
- Thế còn tiểu thuyết của cậu?
Tôi cười càng lớn:
- Mời anh lên đường Lê Lợi, Bonard cũ !
Tiến kéo tôi ra khỏi phòng. Tôi vừa theo anh (mà cũng chẳng biết là anh sẽ đưa tôi đi đâu) vừa giải thích thêm:
- Anh em lớp cũ ở lều với chúng mình ngày xưa chẳng còn mấy nữa. Anh thì tậu được nhà, anh thì đỗ xong bị đổi đi xa... Hiện nay một mình tôi ở ba phòng.
Tiến trợn mắt:
- Ba phòng?
- Thì các bạn cũ tuy đổi đi nhưng vẫn gửi phòng để thinh thoảng về Sài-Gòn có chỗ trú chân. Tôi giữ hộ. Hàng năm tôi ghi một chứng chỉ Văn khoa, ghi để đấy không học mà cũng không thi, tuy nhiên mỗi năm ghi một chứng chỉ, tôi cũng còn được ở Đại Học Xá, chừng hai mươi năm nữa.
Tiến cười:
- Cậu nhất định sẽ mọc rễ ở đây thành một thứ cổ thụ sinh viên?
Tôi gật đầu cười theo anh và nhận thấy khuôn anh có một cái gì trang trọng hẳn như một trái cây rầu rãi dưới nắng hè vừa gặp lúc chín tới ! Tôi nhắc vội lại vài nét kỷ niệm thuở ở lều cũng là gián tiếp nhắc lại bầu không khí bình dân, cởi mở, thành thực thuở cả một phần dân tộc miền tự do tập trung ý lực vào niềm đau sót.
Anh quả là một trái chín, anh hiểu ý nghĩ của tôi, cả khuôn mặt anh như thoáng rợp một làn mây suy tư, rồi bỗng anh ngẩng lên nhìn tôi vẫn đi sát bên anh và hỏi:
- Các anh em sinh viên vẫn xứng đáng là... sinh viên?
- Nói về tâm hồn - tôi đáp - nói về nguyện vọng thì bao giờ các anh em cũng xứng đáng. Nhưng ngày nay mỗi người chúng tôi sống gập vào mình như một thứ cây trinh nữ tinh thần khép lại vì thoáng có hơi tay. Hầu hết các anh em cảm thấy chua xót, những đặc quyền vật chất ở Đại Học Xá vẫn còn, nhưng
nhiều anh tự thú không muốn hưởng vì những thứ đó không còn lý do tồn tại nữa. Tôi nói là các anh em sinh viên vẫn xứng đáng, anh hiểu chứ?
Tiến gật đầu và kéo tôi rẽ ngang vào dãy cuối cùng - chúng tôi đã đến dãy cuối cùng. Đi được mấy bước tôi giật mình nghe có tiếng reo:
- A ba đến!
Một sinh viên trẻ chỉ chừng mười tám bay mười chín ở phòng số bốn nhô ra reo vui như vậy.
Tiến cười, chỉ vào anh sinh viên giới thiệu:
- Minh, đứa cháu lớn của tôi đấy anh ạ.
Minh khẽ cúi đầu chào tôi kính cẩn.
Vừa lúc đó có tiếng một anh bạn gọi, tôi tạm để Tiến lại với con và hẹn với anh: "Tôi chờ anh ở phòng tôi nhé". Người gọi tôi là T, anh bạn cùng dãy. T. học năm thứ tư Y Khoa. Anh có cái đặc biệt là trong ba năm y khoa vừa qua năm nào anh cũng học "đúp" và thi đủ bốn khóa. Kể cả năm thứ ba là năm từ xưa đến nay chưa có ai phải " đúp" mà anh vẫn "đúp" như thường và cũng thi đủ bốn khóa như thường. Lần nào thi thoát khóa thứ tư anh cũng suýt xoa kêu " hú vía" và cười khanh khách rồi làm một bữa tiệc mừng mời anh em cùng dãy.
Có lần T. nói với tôi:
- Ở Y khoa chúng tôi không như ở Văn khoa các anh. Ở Văn khoa anh muốn ghi chứng chỉ nào thì ghi và năm năm vẫn gặp, vẫn chung sống, vẫn cảm thông với các bạn cũ theo học chứng chỉ khác. Ở Y khoa chúng tôi, chậm một năm là lớp bạn cũ như biến mất đi đằng nào và mình cảm thấy cô độc bỡ ngỡ trước làn sóng mới ùa tới (đến đây anh cười, vỗ tay vô cớ), nhưng rồi mấy năm sau tôi cũng quen đi. Đấy rồi anh xem, năm năm médecine tôi sẽ học đủ thành mười năm!
Tôi cười vui vẻ đáp lời anh lần đó:
- Học médecine càng nhiều năm càng đầy kinh nghiệm chứ sao..
Tôi biết không phải anh không có khiếu về Y kboa, trái lại nữa, nhưng vì anh bận nhiều thứ quá. Anh bận dạy học tư ngoài để chu cấp cho tiểu gia đình anh. Chị T, chiếm kỷ lục ở Đại Học Xá về phương diện sòn sòn năm một. Lần thứ hai lên bàn đẻ chị đau ngất đi. Mấy ngày hôm đó T đi đi lại lại băn khoăn và tuyên bố với chúng tôi là nhất định " tốp" ! Nhưng chỉ chừng ba tháng sau đã thấy các chị cùng dãy khúc khích cười loan báo tin: "Bà T. đã lại có bầu rồi " T. là người thứ hai chiếm ba buồng Đại Học Xá như tôi. Ngoài việc dạy học kiếm tiền lo chu cấp cho gia đình, T. còn phụ trách tổ chức mấy trường kỹ thuật cho người bình dân tới học. Vì vậy năm Y khoa nào anh cũng bị "đúp" và thi đủ bốn khóa. Chúng tôi vẫn gọi đùa anh là: "T. bốn khóa!"
T. là bạn nối khố với tôi về xi nê. Tôi thường ngồi sau chiếc Lambretta xanh của anh để cùng đi thưởng thức những phim hay. Gặp buổi chủ rạp mời nhà báo xem trước một phim nào đặc biệt để quảng cáo, tôi cũng kéo T. đi theo. Lần này T. gọi tôi cũng không ngoài mục đích kéo tôi đi xi nê. Tôi xin lỗi anh nói là có Tiến đến chơi. Tôi nhắc đến Tiến hồi ở lều. T. gật gật đầu:
- A Tiến, tôi có nhớ!
Nhưng Tiến không phải là chỗ quen thân với T. nên anh chào tôi rồi đi xi-nê ngay.
Tôi về phòng, nửa giờ sau Tiến trở lại.
- Mới ngày nào anh Tiến nhỉ - tôi nói - tôi đi phù rể anh, chưa đầy năm sau anh có cháu giai đầu lòng, rồi năm 1951 gặp nhau, thằng cháu đó lên mười mà bây giờ nó đã học xong tú tài, lên sinh viên. Minh vừa được xin vào đây?
- Phải cháu nó vừa xin được vào đây - Tiến đáp - Cháu nó ghi tên học ban Toán.
- Minh năm nay mười chín đấy anh nhỉ?
- Vâng cháu mười chín tuổi ta.
- Trời, mười chín tuổi ta mà đã đỗ xong tú tài, lên sinh viên.
- Thì anh bảo chúng nó bây giờ học tiếng mẹ đẻ đỡ được nửa đoạn trường, đâu như bọn mình ngày xưa. Nhiều gia đình có con mười tám đã đỗ tú tài.
Thấy tôi mỉm cười, anh hỏi:
- Cậu cười gì?
- Trong gia đình văn nghệ - tôi đáp - tôi cũng gặp hoàn cảnh này. Ông bạn già của tôi chừng năm mươi tuổi là một nhà văn lão thành thời tiền chiến, con anh năm nay chừng hai mươi nhăm tuổi cũng có mặt trong làng văn nghệ trẻ, đều là chổ quen biết với tôi cả. Mỗi khi tôi đến thăm ông bạn già nói chuyện với bố cũng "anh anh tôi tôi " quay sang đàm thoại với ông con cũng " anh anh tôi tôi". Thượng hạ bằng đẳng I Bây giờ gặp anh cũng vậy, Minh đã là sinh viên rồi.
Tiến " ồ "một tiếng lớn do phản kháng và anh nói:
- Cậu cứ gọi thằng Minh là cháu chứ sao? Thì cậu đã từng đi phù rể bố nó kia mà.
Tới đó Tiến đứng dậy từ biệt tôi ra về, ân cần dặn tôi chiều thứ bảy lại xóm Oẹc thăm vợ chồng anh- Anh đã ghi lại trên bàn viết của tôi cả một bức họa đồ để tôi dễ tìm nhà. Tôi nhận lời. Ngay hôm sau tôi đến thăm Minh tại buồng. Minh ở cùng mấy sinh viên trẻ chỉ hơn Minh chừng hai, ba tuổi, trong số có mấy anh quen tôi. Thấy tôi đến một anh reo :
- A anh Sơn đến chơi! Thế nào số báo sau anh có sáng tác nào thế?
Tôi vừa cười vừa trả lời anh bạn vừa đưa mắt nhìn Minh. Anh chàng khẽ cúi đầu chào tôi nhưng lúng túng chưa biết kêu tôi là gì. Tôi vỗ vai hắn nói :
- Thôi, cậu cứ gọi tôi là anh cho tiện. Anh em với nhau cả mà.
Thế là hắn gọi tôi bằng anh và xưng em. Người hắn nhỏ nhắn da trắng giống mẹ, trông đúng là sinh viên... sữa!
Đúng chiều thứ bảy tôi y ước đến xóm Oẹc thăm gia đình Tiến. Tôi đến vừa lúc chị Tiến ở chợ Trương Minh Giảng về, chị ngồi trên chiếc xích lô máy, phía trước là hàng vải của chị chất lên khá cao. Chị nhận ra tôi ngay.
- Giời ơi - chị nói - từ năm nào còn ở Hà nội đến giờ mới gặp anh.
Tôi vừa đáp là nhiều lần có ý muốn đến thăm anh chị mà không có địa chỉ rõ ràng, vừa để ý quan sát sự thay đổi y phục của chị. Chị mặc quần hàng Mỹ A, một thứ lụa đặc biệt của Cao Mên dệt hằng tơ tằm mà bóng như lĩnh và rất bền. Áo trong chị mặc là thứ áo cánh dài tay cổ tròn bằng phin nõn, ngoài cùng chị mặc chiếc áo dài cài khuy dệt bằng tơ ta màu mỡ gà. Kể ra ở vào một thời đại đô thành chịu ảnh hưởng quá đậm đà màn ảnh Âu Mỹ mà còn một người đàn bà trẻ ăn mặc nhũn nhặn thế cũng là hiếm lắm rồi. Tuy nhiên khi đã vào trong nhà, có một mình tôi và Tiến, tôi còn nói đùa:
- Gớm, anh để chị ấy ăn mặc tân thời đến thế kia à? Thay đổi hẳn đi so với ngày nào.
- Cậu tinh - anh đáp với nụ cười thân thiết, tay phải vung lên - nhà tôi đi bán hàng tấm như xưa, thành phố Saigon lại là thành phố quốc tế đâu có như chợ Quang, chợ Tó ở Hà Đông, chợ Noi, chợ Bưởi ở gần Hà Nội mà bảo ăn mặc như xưa được.
Anh nói tiếp, sẽ hơn một chút vì thấp thoáng bóng chị ở buồng sắp ra.
- Lắm khi nghĩ lại cách phục sức của nhà tôi xưa, mình vẫn thấy nhớ... nhớ một thời dĩ vãng êm đềm hơn, hiền lành hơn.
Chị đã ra, chỉ còn mặc áo cánh, Tiến cười lớn tiếp nối câu chuyện một cách ồn ào vì điểm chính cần dắu đã dấu xong:
- Không hiểu có phải mình bây giờ đã đến đã đến tuổi hướng về dĩ vãng hay không. Tôi chỉ hơn cậu chừng bốn, năm tuổi mà sao tôi có cảm tưởng gìà hơn cậu đến gấp bốn lần số tuổi đó.
- Có lẽ tại tôi sống giữa cuộc đời sinh viên.
Chị Tiến lên tiếng:
- Nhà tôi bây giờ già thật kia, tính tình như ông cụ. Những ngày nghỉ là họp liền với mấy ông bạn rung đùi đánh chắn.
- Chứ sao - anh Tiến nói.
- Ông ấy ham chắn - chị tiếp tục kể tội anh - đến nỗi ông ấy nói giá có quyền sẽ cho lập một tỉnh chuyên đánh chắn.
Cả ba chúng tôi cùng cười. Tôi hỏi Tiến:
- Giờ anh dạy ở đâu?
- Tôi nhận dạy mấy lớp Việt văn ở Thủ Đức gần đây thôi. Già rồi, chả tội gì lặn lội đi đâu xa nữa.
Tôi gật đầu hưởng ứng:
- Vả lại chị đi buôn vải thế kiếm cũng đủ,
- Đúng thế - anh đón lấy lời tôi - sở dĩ tôi dạy cũng là để cho đỡ buồn. Thằng Minh nhà tôi đã biết họp với mấy anh em mở lớp Toán Lý Hóa luyện thi Trung Học Phổ Thông.
Anh gật dầu hỉ hả:
- Cuối tháng nó vẫn biếu tôi một số tiền nhỏ để dùng làm vốn chắn. Em thằng Minh là thằng Mẫn cuối niên học sang năm đã thi tú tài một rồi; con Khanh, đứa thứ ba nữ sinh Trưng Vương, thì cũng cuối niên học sang năm thi Trung Học Phổ Thông ; con Liễu, con bé út,còn ở dưới tiểu học. Ấy chiều hôm nay chúng nó đi xi-nê cả. Tôi giao cho thằng Minh là con chim đầu đàn phải trông
nom việc học cho các em, giờ đây tôi mũ ni che tai...
- ... Để đánh chắn - chị tiếp lời anh, giọng riễu cợt - tôi lạy giời có hôm cảnh binh bắt được...
- Cảnh binh nào mà vào cái xóm khỉ này, sâu thăm thẳm như giếng - Anh cau mày một cách vui vẻ ngắt lời chị như vậy.
Tôi nói với anh:
- Bây giờ thì tôi hiểu câu anh nói với tôi lúc chia tay hai năm trước đây ở chợ Bến Thành: " Mình chỉ cần chịu khó vất vả hai năm nữa thôi cậu ạ ".
Anh giơ tay như để đánh dấu câu tôi nói, vẻ mặt thoáng buồn và đáp:
- À đúng, cái dạo ấy tôi đang "bi" (anh chậc lưỡi) cũng không phải là bi lắm đến sợ đói, trong này thì đói thế nào được... Dạo đó tôi đương cần kiếm tiền để thằng Minh ăn học đến nơi đến chốn. Một năm trước đó nhà tôi đã quyết định trở lại nghề hàng tấm. Cũng may nhờ được mấy thằng bạn sinh viên quen giới thiệu cho biết chỗ buôn, thuê giúp quầy hàng ở chợ Trương Minh Giảng... Chúng tôi quyết định thằng Minh phải học đến nơi đến chốn, phải học xong tú tài!
Tôi mỉm cười hiểu ý nhưng vội quay đi.
Vừa lúc đó Mẫn, Khanh, Liễu đi xi nê về.Chúng chào tôi " Lạy bác ạ" miệng dẻo như kẹo. Riêng với Mẫn tôi nói:
- Ừ hai năm nữa cháu vào Đại Học Xá sẽ gặp bác!
Tôi nghĩ thầm tiếp ngày đó bác sẽ lại bảo cháu: "Thôi cứ gọi tôi bằng anh cho tiện, anh em cả mà!"
Tôi nhận lời ở lại ăn cơm chiều với gia đình Tiến. Trong bữa ăn Tiến tự nhiên nói về ý kiến sáng tạo. Khuôn mặt anh suốt trong câu chuyện trở lại trang trọng hẳn.
Anh nói:
- Tôi đã từng lặn lội đi tận Long Xuyên, Rạch Giá " làm ăn", cố cho thằng lớn học hành đến nơi đến chốn. Tôi không sáng tạo gì cho chính bản thân tôi nhưng tôi đã sáng tạo tương lai cho con tôi. Thằng lớn nay đã thành đạt, nó sẽ vào đời, đau khổ với đời, tranh đấu với đời, uốn nắn sửa chữa phản ứng lại đời... Nó thắng lợi là tôi thắng lợi phải không cậu? Tôi đã đọc tập sách cậu tặng hôm nọ. Hãy là xếp những câu khen chê sáo ngữ đi, nhưng không ai phủ nhận rằng trong hoàn cảnh này kẻ cầm bút như cậu không thể không mang nặng niềm ước vọng chân thành sáng tạo để nói lên cái gì u uất trong lòng, trong khi quanh chúng ta biết bao cảnh nửa người nửa ngợm, lửa tham vọng đốt cháy tình cảm chỉ còn khói khét bốc lên và lũ hầu hạ ôm đàn lên ca ngợi hình ảnh sương khói thơ mộng mùa thu.
Xong bữa cơm dễ thường đến mười giờ khuya, tôi rủ Tiến xuống Đại Học Xá thăm "cháu Minh". Anh bằng lòng. Tôi từ biệt chị Tiến cùng anh lên tắc xi.
Tiến ngồi bên tôi im lặng không nói gì nữa. Tôi đưa mắt ngắm nét mặt thoải mái của anh trong bóng tối lờ mờ. Con anh quả đã là cánh tay nối dài của anh để hái một trái mộng, mộng sinh viên.
Mới hơn mười giờ khuya mà Đại Học Xá đã khá im lặng. Những sinh viên đổ khóa đầu thì đi nghĩ mát xa, những sinh viên phải thi khóa hai thì bắt đầu "cầy". Đi qua phòng ! (phòng anh ở ngay đầu dãy) tôi nghe tiếng anh vỗ đùi kêu: "Thôi chết rồi, còn chưa đầy một tháng nữa thi mà bồ ấy chưa giả cuốn Pathologie có chết không".
Tới phòng Minh ở Tiến rón rén bước rồi dừng lại, để một ngón tay lên miệng ra hiệu cho tôi đừng theo. Bên trong, dưới ánh đèn nê ông sáng xanh, Minh đương chăm chú cúi đầu xuống trang sách. Tóc hắn đen, da hắn trắng, càng trắng dưới ánh đèn nê ông.
Tiến ghé vào tai tôi nói khẽ:
- Thôi chúng ta rút lui để cho cháu nó học.
Khi đã ra xa, Tiến nêu một nhận xét rõ ra là một cựu sinh viên Văn khoa
- Cậu có thấy không - nhận xét của anh - nhìn một sinh viên chăm chú đọc sách dưới vũng ánh sáng xanh, bên ngoài bóng tối vây bọc, tôi nghĩ đến ánh đèn của những thư sinh trong Liêu Trai.
Tới cỗng Đại Học Xá tôi muốn kéo Tiến về phòng tôi, anh nói (khuôn mặt, ánh mắt của anh dưới ánh đèn khi đó vui như trẻ thơ):
- Thôi lần này chúng ta hết chuyện rồi, cậu cho tôi về.
Tôi tiễn anh ra ngoài cổng, đường Minh Mạng gìờ này vắng tanh, thỉnh thoảng một chiếc tắc xi có khách vụt qua. Bóng ngôi nhà thờ gần đấy đượm vẽ trầm mặc với gác chuông rao vút ngang với hai hàng cây sao. Chiếc xích lô máy bè bè, bóng anh xích lô lực lưỡng ngồi cao lênh khênh che lấp bóng Tiến mà tôi biết cũng vào hạng lực lưỡng, chiếc xe rồ máy rồi tiến vun vút dưới hai hàng cây sao đổ bóng xuống con đường vắng lặng lốm đốm ánh điện. Chiếc xe khuất sau đầu đường Ngã Sáu như mang đi một thế hệ cũ với những ước vọng thắc mắc cũ đã một phần nào được giải quyết. Thế hệ đó ra đi để lại đằng sau một thế hệ mới với những ước vọng thắc mắc mới trong một hoàn cảnh mới. Tôi là cái gạch nối. Bầu không khí u uất - Cơn giông - Một trận mưa đổ xuống cho trời rạng dần - Tôi vẫn có ý nghĩ lạc quan thế để cười vào mặt mọi điêu bạc, hèn hạ, ngu xuẩn của đời.....
Comment