thu chưa tới sao đã già
chắc đến lúc bóng nhạn sa lưng đồi
( Vô Danh )
1.
Ngồi trên chiếc ghế da cũ đặt tại phòng khách, Nhẫn im lặng nhìn ra ngoài rừng cây xanh xa xa phía lưng chừng núi. Mùa thu năm nay hình như tới sớm hơn. Giữa tháng 9 mà cây trong rừng, một vài loại cây thôi đã đổi màu vàng mặc dù lá chưa rụng. Sự chuyển mùa này chỉ là sự cảm nhận riêng của anh và những con thú quanh nhà như sóc, nai và chim chóc. Những con vật hoang dã này sống thuần bằng cảm tính, do đó chúng nhận ra sự biến dịch, thay đổi của trời đất chính xác hơn con người vốn sống và nhận xét phụ thuộc phần lớn vào lý trí và máy móc. Anh hướng đôi mắt của mình về mấy chú sóc nhỏ đang lon ton chạy tới lui trên mặt đất lác đác những trái dẽ, trái sồi, trái thông hay các loại trái cây khô khác mà anh không biết hoặc biết mà bây giờ lại không nhớ tên. Hằng năm, tới độ thu về, mấy chú sóc nhỏ quen thuộc lại đi lượm những trái cây khô đem chôn giấu để dành làm thức ăn cho mùa đông. Anh cũng cảm được cơn gió rừng lùa qua kẻ lá xạc xào thứ âm thanh nghe hoài mà cũng không thể diễn tả như thế nào cho đúng. Cơn gió rừng từ vùng Cumberland Plateau hun hút kéo về mang theo chút hơi lạnh, không nhiều song cũng đủ làm cho người già yếu, bệnh hoạn như anh phải co ro và gai gai sốt. Vùng cao nguyên này núi và đồi không cao lắm mà thành phố anh cư ngụ lại nằm dưới thung lũng sâu nhiều cây cối vì vậy núi thấp đồi lùn cũng vừa đủ khuất tầm mắt nhìn. Mùa giông bão, trời đang nắng đẹp bỗng mây đen lặng lẽ xuất hiện trên chót đỉnh núi lan dần dần xuống khu rừng hoang rồi tối sầm lại kèm với mưa gió ào ào và lát sau mưa tạnh. Mưa không dai dẳng mà mưa hoài. Mưa bất chợt đến nhanh rồi cũng vội vàng đi như người ta. Có tiếng điện thoại réo. Nhẫn liếc nhanh đồng hồ treo trên tường.
- Giờ này chỉ có quảng cáo…
Lẩm bẩm mấy tiếng đó anh vẫn ngồi yên trên ghế mà hổng thèm trả lời điện thoại vì biết những cú điện thoại đó chẳng ăn nhập tới mình. Đâu có ai điện thoại cho anh. Bạn lính lớp già hơn chết hết rồi; nếu sống thì tình trạng sức khỏe còn bết bát hơn anh nên ai lo phần người đó hoặc trời kêu ai nấy dạ. Còn lớp trẻ hơn vài tuổi thì ngơ ngơ ngác ngác thấy người đi trước nghĩ tới phiên mình nên rút vào xó tối yên lặng chứ ít khi chịu liên lạc với người khác. Đành rằng ai cũng một lần đi xuống đất nhưng nằm xuống nơi xứ lạ quê người thì ít có người muốn. Mấy tiếng '' xứ lạ quê người '' khiến cho Nhẫn lắc đầu cười. Hơn bốn mươi mốt năm sống và sẽ chết ở xứ này, thế mà anh cũng không muốn nhận nó làm quê hương của mình. Lắm khi lẩn thẩn nghĩ quanh nghĩ quẩn, anh ví nước Mỹ như cô tình nhân trẻ đẹp giàu sang còn Việt Nam như người vợ xấu xí và già nua. Người tình Mỹ cho anh đủ mọi thứ. Tự do. Nhà lầu. Xe hơi. Thức ăn nước uống ê hề. Đời sống dư thừa tiện nghi. Nhưng sao anh vẫn thờ ơ, lạnh nhạt và lắm khi còn hằn học với người tình '' blue eyes ''; trong lúc đó lại nhung nhớ người vợ già nua xấu xí chờ hoài một người đi chưa trở lại. Phải chăng lòng chung thủy làm cho anh nhớ hoài không quên. Phải chăng dù trẻ đẹp sang giàu, cô tình nhân tóc vàng mắt xanh chỉ là thứ người tình giai đoạn nhiều mặn nồng mà bội bạc cũng không kém. Hơi cựa mình khi nghe có tiếng chuông rồi chừng vài giây sau có tiếng cửa mở, anh biết cô y tá của nhà thương tới thăm mình. Sau cú '' stroke '' phải nhập viện mấy ngày, anh được cho về nhà. Vì lý do anh sống một mình mà tạm thời không được phép lái xe nên nhà thương, vào ngày thứ sáu mỗi tuần sẽ gởi y tá tới nhà theo dõi bệnh trạng của anh. Hôm nay là lần đầu tiên cô y tá tới nhà thăm bệnh. Sở dĩ anh biết vì cô đã gọi báo trước khi tới.
- How are you doing Mr. Tran?
Cô y tá cười hỏi trong lúc bước lên cầu thang năm bậc.
- I'm fine. Thank you…
Nhẫn lên tiếng chậm. Đợi cho cô y tá tới ngay đầu cầu thang anh mới quay đầu nhìn và ngạc nhiên chút chút vì tưởng mình sẽ gặp một cô gái tóc vàng mắt xanh chứ hổng ngờ đứng trước mặt mình là một người đàn bà Á Đông. Thoạt nhìn cô ta có thể là người Hoa, Nhật hay Việt Nam. Cũng là dân châu Á song người Hoa khác với người Nhật và người Nhật lại khác với người Việt. Mỗi sắc dân có nét đặc thù riêng của họ. Khi nhìn thấy cô y tá, Nhẫn ngờ ngợ cô là người Việt bởi vì khuôn mặt của cô làm anh liên tưởng tới một người. Dù có nhiều thắc mắc song vì lịch sự anh không tiện hỏi về đời tư của cô y tá mới gặp lần đầu. Tuy không mở miệng hỏi song anh cũng thầm quan sát. Cô ta không còn trẻ. Có thể đã qua bốn mươi. Mái tóc huyền bóng mượt được cắt ngắn và uốn cong cong. Khuôn mặt thanh tú. Mũi cao. Đôi mắt đen với hàng mi cong long lanh ẩn ước nụ cười. Miệng hơi rộng. Người đàn bà này làm cho anh cảm thấy thân thiện và gần gụi. Tới ngồi nơi chiếc ghế đối diện với anh, cô nở nụ cười như thay cho lời chào hỏi. Lần nữa nụ cười của cô y tá phảng phất nét cười của một người nào đó trong quá khứ lộn xộn hình ảnh của anh.
- My name is Jackie…
Nhẫn cười đưa tay ra bắt tay cô y tá tên Jackie. Anh hổng cần giới thiệu vì biết Jackie đã đọc hồ sơ bệnh lý tất phải biết họ tên của mình.
- Tên của ông là gì? Nhàn, Nhân hay Nhẫn?
Jackie phát âm mấy cái tên đó nghe rất rõ ràng y chang như lối phát âm của một người Việt Nam. Không nhịn được Nhẫn bật lên câu hỏi bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
- Cô là người Việt Nam?
Cười như xác nhận xong Jackie mới hỏi lại bằng tiếng Việt.
- Làm sao ông biết tôi là người Việt?
Nhẫn bật lên tiếng cười nhỏ.
- Cô phát âm tên Nhẫn của tôi y chang như người Việt Nam. Nó trơn tru chứ hổng có ngọng nghịu hay trọ trẹ…
Jackie bật tiếng cười hăng hắc. Lần nữa giọng cười của cô làm Nhẫn nhớ tới một người.
- Vậy bây giờ tôi gọi cô là Jackie hay là… là…?
Hiểu ý của Nhẫn, Jackie cười nhẹ trả lời bằng tiếng mẹ đẻ.
- Dạ ở nhà má cháu kêu cháu là Nhịn…
Sau khi nói Nhịn thong thả làm công việc của một y tá như chăm chú đọc hồ sơ bệnh trạng của Nhẫn, đo thân nhiệt, huyết áp, lấy nhịp tim đập, hỏi xem bệnh nhân có uống thuốc đúng giờ không, có cảm thấy triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, đau nhức thân thể hay bất cứ cái gì khác lạ. Từ khi nhận đồng bào thì hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên đâm ra thân thiện và dễ dàng thông cảm hơn.
- Bác không có trí nhớ tốt mà bây giờ bị thêm stroke thành ra thường hay quên uống thuốc đúng giờ. Có khi bác tự hỏi mình đã uống thuốc chưa… Có khi bác uống thuốc này quên thuốc kia…
Ngẫm nghĩ giây lát Nhịn ra xe giây lát rồi trở vào nhà đưa cho Nhẫn cái hộp tròn có nhiều ngăn, trên mỗi ngăn đều có đề Mon, Tue, Wed… Lấy mấy lọ thuốc của Nhẫn, cô bỏ bỏ mấy viên thuốc đủ màu, đủ kích thước vào trong đó xong đưa cho anh và ân cần dặn dò.
- Dạ bác… Đây là cái hộp đựng thuốc có đề sẵn ngày rồi. Bác cứ theo đó mà uống thì không sợ quên là bác chưa uống thuốc. Mỗi thứ sáu tới thăm bệnh cháu sẽ bỏ vào đó cho bác uống đủ bảy ngày. Mấy thứ thuốc mà bác sĩ cho bác uống mỗi ngày chỉ uống có một viên thôi, nên hễ thấy ngăn trống trơn là bác biết mình đã uống rồi…
Đưa tay xem đồng hồ, Nhịn cười tiếp.
- Xin lỗi cháu phải đi… Cháu còn vài bệnh nhân nữa phải làm cho xong ngày hôm nay. Cháu cho bác số điện thoại riêng của cháu. Nếu có gì bác gọi thẳng cho cháu cũng được. Bác đừng ngại… Cháu biết bác sống có một mình…
Thấy Nhẫn định đứng lên tiễn mình ra cửa, Nhịn đưa tay ngăn lại.
- Bác còn yếu cứ nằm nghỉ. Thứ sáu tuần sau cháu sẽ tới thăm bác…
Tiếng cửa khép lại, tiếng máy xe nổ và Nhẫn thấy bóng xe lướt qua khung cửa sổ chỗ mình ngồi. Tựa lưng vào ghế, nhắm mắt lại anh mơ hồ thấy khuôn mặt của một cô gái bốn mươi lăm năm về trước.
2.
Đại úy Hậu, phó trưởng phòng nhân viên ngước lên khi nghe có tiếng chân bước vào phòng làm việc của mình. Thấy Nhẫn, ông ta tươi cười lên tiếng trước khi anh kịp đứng nghiêm chào kính. Giọng nói của ông ta thân tình như nói với anh em trong nhà chứ không phải cấp trên ra lệnh cho cấp dưới.
- Bên hải quân họ xin mình biệt phái một sĩ quan làm huấn luyện viên...
Thấy Nhẫn có vẻ không hiểu mình nói gì, Hậu vui vẻ giải thích.
- Bộ Chỉ Huy Vùng 4 Duyên Hải của Hải Quân ở Phú Quốc muốn thành lập một đơn vị tác chiến lấy tên là Đại Đội Xung Kích. Họ nhờ mình...
Nhẫn rụt rè lên tiếng.
- Thưa đại úy tại sao họ không nhờ bên Thủy Quân Lục Chiến. Tôi nghĩ...
Hậu cười hiểu ý của Nhẫn. Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến có liên hệ với nhau nhiều hơn vì Thủy Quân Lục Chiến từng trực thuộc Hải Quân trước khi tách ra thành binh chủng độc lập.
- Điều đó thời anh không rõ lắm. Dường như ông tư lệnh hay ông tướng nào đó của Hải Quân có quen biết với chỉ huy trưởng của mình...
Nhẫn gật đầu tỏ vẻ hiểu. Hớp ngụm cà phê nguội ngắt, Hậu thong thả tiếp.
- Ở bộ chỉ huy thời đang neo người. Sĩ quan tác chiến không có ai nên anh mới chỉ định em...
- Dạ... mà tôi không phải là sĩ quan có nhiều kinh nghiệm tác chiến thưa đại úy...
Rời chỗ ngồi, bước tới vỗ vai Nhẫn, đại úy Hậu cười hà hà.
- Không sao... Tuy là hạ sĩ quan nhưng em đã từng làm trung đội trưởng. Có lúc em làm đại đội phó phải không?
Nhẫn cười khẽ gật đầu. Gật gù Hậu tiếp trong lúc quay trở lại bàn làm việc.
- Về kinh nghiệm tác chiến và chỉ huy em có thừa... Như vậy cũng đủ rồi…
Ngồi xuống ghế, Hậu chìa tờ giấy ra.
- Đây là lệnh công tác...
Nhận tờ giấy, liếc nhanh hàng chữ, Nhẫn ngước lên tính mở miệng nói điều gì. Hiểu ý thuộc cấp, Hậu nói liền.
- Để cho dễ làm việc, với sự chấp thuận của chỉ huy trưởng, em tạm thời được thăng cấp thiếu úy... Thiếu úy giả chứ hổng phải thiệt à nghen...
Nhẫn bật cười. Đại úy Hậu được mọi người kính mến vì tính tình bình dân và vui vẻ. Đối với ông ta, người lính nào nhỏ tuổi và nhỏ cấp bậc đều được ông ta đối xử thân thiện như em út.
- Về nhà chơi ba ngày rồi em trình diện Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở bến Bạch Đằng để họ cấp phương tiện cho em ra Phú Quốc. Em muốn đi tự túc cũng được. Đón xe đò xuống Rạch Giá xong đón tàu ra Phú Quốc...
Cầm lệnh công tác, giơ tay chào thượng cấp, Nhẫn bước ra khỏi phòng. Vừa đi anh vừa suy nghĩ.
- Kệ tới đâu hay tới đó... Coi như mình đi phép...
*****
Nhẫn thở phào khi chiếc xe đò ngừng lại. Từ sáng tới xế chiều ngồi túm rụm trên xe đò làm cho anh bực bội và mệt đừ. Rạch Giá-Kiên Giang đây rồi. Lẫn trong gió anh nghe như có mùi rong rêu và muối mặn. Xách cái túi quân trang nằng nặng anh chậm chạp xuống xe. Thành phố Rạch Giá cũng không khác mấy so với vài tỉnh lỵ của miền lục tỉnh mà anh đã có dịp đi qua như Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Cà Mau. Dù sao Rạch Giá cũng có nét đặc thù của thành phố nằm sát biển. Nhà có ngói mái đỏ, mái rêu phong. Thực ra thời mái ngói có màu rêu mốc nhưng anh lại thích hai tiếng rêu phong hơn. Khu nhà lồng chợ rác rưởi bốc mùi tanh tanh của cá biển lẫn cá đồng. Ngoắc chiếc xe lôi anh nói với ông tài xế tóc lốm đốm bạc.
- Bác làm ơn chở tôi tới căn cứ hải quân...
Ông xe lôi gò lưng đạp. Xe chầm chậm lăn bánh rồi lát sau leo lên dốc cây cầu thấp màu trắng bắc ngang qua con rạch nhỏ đầy nước đục. Xuống dốc cầu xe quẹo trái vào con đường tráng nhựa mà mãi sau này Nhẫn mới biết đó là đường Nguyễn Trung Trực. Xe chạy ngang qua ngôi đền thờ khá lớn có tấm biển đề '' Đền thờ Nguyễn Trung Trực ''. Lát sau chiếc xe lôi quẹo phải vào con đường nhựa lồi lỏm đoạn dừng trước căn nhà gạch có hàng chữ lớn '' Hậu Trạm Kiên Giang ''. Đưa cho bác tài xế tờ giấy hai trăm đồng, nhảy xuống xe, tay xách túi quân trang, Nhẫn đứng nhìn quanh quất rồi mới thong thả đi vào ngôi nhà gạch màu trắng. Nghe tiếng động người lính hải quân đang đánh máy ngước lên.
- Chào thiếu úy... Nếu tôi không lầm thời thiếu úy chính là thiếu úy Trần Trọng Nhẫn thuộc Biệt Động Quân...
Nhẫn cười nghĩ thầm trong đầu của mình: '' Hải quân làm việc nhanh thật. Mình...''
Đưa tay ra bắt tay Nhẫn, người lính hải quân tự giới thiệu.
- Tôi là trung sĩ Quýnh, trưởng ban văn thư của Hậu Trạm Kiên Giang. Công điện của bộ tư lệnh hải quân ở Sài Gòn gởi bộ chỉ huy vùng 4 duyên hải, cho biết thiếu úy đi ra Phú Quốc bằng phương tiện tự túc...
Nhẫn gật đầu cười thốt.
- Tôi cũng muốn có ba ngày vui với gia đình nên xin đi tự túc...
Quýnh cười nhẹ gật đầu.
- Tôi hiểu... Gặp tôi thì tôi còn ở nhà lâu hơn nữa…
Nhẫn cười nói một câu xã giao.
- Hân hạnh được biết trung sĩ. Chừng nào mới có tàu cho tôi đi Phú Quốc?
Quýnh trả lời không do dự.
- Trưa mai có một chiếc ghe chủ lực ghé Kiên Giang. Nếu muốn thiếu úy có thể quá giang ghe này về An Thới. Còn nếu thiếu úy muốn ở lại thăm Rạch Giá một hai ngày cũng được...
Nhẫn cười nghĩ hải quân thật tà tà. Bởi vậy ai ai cũng nói đi hải quân sướng.
- Chắc tôi đi An Thới ngày mai. Tôi nghĩ tôi chơi đủ rồi…
Quýnh bật cười vì câu nói của Nhẫn. Anh thầm nghĩ " Ông thiếu úy này coi bộ chịu chơi…''
- Vậy để tôi liên lạc với bộ chỉ huy ghé đón thiếu úy ngày mai. Trung úy Đan mong thiếu úy lắm. Ngày nào ông cũng gọi máy hỏi thiếu úy tới chưa...
Nhẫn cười lớn. Anh thích tính tình vui vẻ và ân cần của người trưởng ban văn thư Hậu Trạm Kiên Giang.
- Hậu trạm có giường cho thiếu úy ngủ tạm đêm nay. Phần cơm nước thời tự túc. Chợ Rạch Giá không xa...
Nhẫn gật đầu. Rời khỏi ghế Quýnh bước vào căn phòng mà đứng ngoài nhìn vào Nhẫn thấy mấy chiếc giường nệm có người ngồi nằm rải rác. Bước tới đứng cạnh giường còn trống, Quýnh quay lại cười nói với Nhẫn.
- Thiếu úy ngủ tạm... Không được sạch sẽ lắm...
Đặt cái túi quân trang nặng chĩu lên mặt nệm cũ và vàng ố, Nhẫn cười nói với mấy người lính ở trong phòng như có ý làm quen.
- Không sao… Như vầy còn sang gấp mấy lần so với mền trời chiếu đất của biệt động...
Ngừng lại liếc một vòng căn phòng anh cười tiếp.
- Tôi quen nằm đất rồi...
Hai người trở ra cửa. Đứng nhìn ra ngoài trời đầy nắng, Nhẫn nói trổng với Quýnh.
- Có làm gì không. Tôi với trung sĩ ra chợ lai rai...
Quýnh cười lắc đầu.
- Cám ơn thiếu úy. Tôi còn mấy cái văn thư phải thảo cho xong. Với lại tôi mà nhậu thời bà xã cằn nhằn chịu hổng nổi... Thiếu úy chịu khó đi một mình vậy... Ngoài chợ có cá lóc nướng trui hết sẩy...
Bật cười Nhẫn bước nhanh ra cửa. Tới đầu đường Nguyễn Trung Trực anh dừng lại ngắm nghía. Bên tay mặt của anh biển mặn đục ngầu. Xa xa có hòn đảo nhô lên. Sau này anh mới biết đó là Hòn Tre hay còn gọi là Hòn Rùa. Vài chiếc ghe đánh cá có hình thù lạ mắt mà dân chúng đặt tên là ghe Kiên Giang. Gió từ ngoài khơi thổi vào man mát. Đứng ngắm cảnh giây lát anh ngược đường lên chợ. Cây cầu xi măng sơn trắng bắc ngang qua con rạch đục nước. Tiếng xe gắn máy nổ ầm ỉ. Khoảng 1970, 1971 Rạch Giá cũng có nhiều loại xe gắn máy của Nhật như Honda, Suzuki, Kawasaki. Ngoài ra thiên hạ vẫn còn dùng các chiếc xe gắn máy cũ có từ thời Pháp. Người dân ưa cuốc bộ nhiều hơn vì thành phố không lớn lắm. Chỉ năm bảy con đường. Một hai phòng ngủ. Bệnh viện. Chợ. Quán ăn. Còn thức ăn Việt thời bán trong nhà lồng chợ nhiều hơn. Cũng có vài quán cà phê song chủ yếu là cà phê và nghe nhạc dành cho giới trẻ. Đứng trên cầu anh chăm chú vào những chiếc ghe có hình dáng đẹp và lạ lùng ít khi thấy ở Sài Gòn. Được gắn máy đuôi tôm ở sau lái loại ghe này chạy khá nhanh có lẽ vì vậy nó mới được đặt tên vỏ vọt.
Mùi thơm của thức ăn từ nhà lồng chợ khiến cho Nhẫn quay nhìn về phía đó. Anh cảm thấy kiến cắn bụng. Từ sáng tới giờ anh toàn gặm bánh mì. Thứ này dễ nuốt, ngon miệng song lại mau tiêu.
- Rạch Giá có cái gì ngon ta?
Chân bước chậm, Nhẫn lẩm bẩm với chính mình. Lâu lâu mới có được dịp may được hưởng nhàn, anh muốn tận dụng quãng thời gian hiếm hoi đối với một người lính chiến. Sau khi xuất viện anh được lưu lại tại bộ chỉ huy trung ương để chờ trở lại đơn vị cũ. Nhân có sự yêu cầu của hải quân, thượng cấp bèn gởi anh ra Phú Quốc làm huấn luyện viên tác chiến cho một đơn vị xung kích của hải quân vùng 4 duyên hải. Dù thắc mắc về chuyến biệt phái ngắn hạn cũng như nhiệm vụ của mình, song là một quân nhân quen tuân lệnh anh vui vẻ thi hành. Đại úy Hâu, trưởng ban nhân viên cho biết anh chỉ biệt phái có ba tháng thôi rồi sau đó trình diện bộ chỉ huy để được về lại đơn vị cũ. Húp xong tô cháo cá, cảm thấy chỉ lưng lửng bụng, anh bèn gọi tiếp nửa chục hột vịt lộn và chai bia lớn để ăn cho no. Ăn nhậu một mình anh nghe tẻ nhạt. Đời lính chiến cần có bạn bè và thêm một chút bóng dáng giai nhân, dù lắm khi giai nhân chỉ là hình bóng của cô học trò tỉnh lỵ tình cờ đi ngang qua quán rượu hoặc ánh mắt và nụ cười của bà chủ quán còn trẻ. Những cơn nhậu tối xả láng sáng đi sớm. Tối hôm qua cố uống say cho đã ghiền, để rồi sáng mai thức dậy sớm, ngồi ngủ gà ngủ gật trên chiếc GMC chở mình đi về nơi nào không biết và không cần biết. Nhẫn thở dài. Anh biết, sau hai năm ở lính anh có tật thở dài, thứ thở dài vô duyên cớ. Dường như có điều gì bất ổn. Có điều gì buồn bã. Có điều gì không vừa ý… Uống một hơi cạn ly bia, trả tiền, anh rời nhà lồng chợ đi bộ về Hậu Trạm Kiên Giang. Mùi gió biển ngai ngái rong rêu và bùn sình. Ánh mặt trời của buổi chiều chiếu xiên xiên qua ngọn cây dừa dọc theo con rạch. Ngang qua đền thờ Nguyễn Trung Trực, anh dừng lại ngắm nghía. Trong dòng lịch sử đấu tranh của dân tộc, vị anh hùng họ Nguyễn này chiếm một địa vị khiêm tốn, nhưng trong lòng dân chúng của miền Nam hình ảnh của ông ta sáng rực thứ lửa hào hùng và bất khuất được diễn tả bằng hai câu thơ '' Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa... Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỉ thần...''. Anh muốn vào thăm đền vị anh hùng chài lưới này song do dự và cuối cùng đi về ngôi nhà của hải quân.
*****
Chiếc ghe chủ lực cặp vào cây cầu làm bằng gỗ. Nhấc lấy túi quân trang, Nhẫn chậm rãi leo lên. Điều mà anh cảm nhận trước nhất là trong không khí là cái mùi thum thủm, không nồng nặc lắm mà chỉ thoang thoảng thôi khi có lúc không, khi theo cơn gió biển quyện vào mũi của mình.
- Mùi gì lạ quá ta…
Nhẫn lẩm bẩm. Đi bên cạnh, người lính hải quân chợt lên tiếng.
- Nước mắm đó thiếu úy… Ở An Thới là thiếu úy ngửi nó suốt ngày suốt đêm luôn…
Nhẫn cười bắt chuyện.
- Vậy à… Nước mắm ăn thì ngon mà ngửi sao thúi quá…
Đứng im anh phóng mắt nhìn bao quát căn cứ hải quân mang cái tên: Bộ Chỉ Huy Vùng 4 Duyên Hải. Hít hơi dài không khí trong lành của buổi xế chiều, anh bước từng bước trên cây cầu làm bằng những thanh gỗ màu đen bốc mùi dầu hăng hắc. Mười phút sau anh dừng lại tại đầu cầu trước khi giẫm chân lên nền cát mịn màu trắng ngà. Cát phẳng phiu có lẽ vì ít ai đi lại. Trên đầu anh trời xanh ngắt một màu xanh lềnh bềnh vài tảng mây trắng. Gió từ ngoài khơi lùa vào man mát làm cho anh cảm thấy dễ chịu. Theo lời chỉ dẫn của người thuyền trưởng chiếc ghe chủ lực, anh nhắm hướng dãy nhà tôn nằm bên trái đi tới. Lát sau anh dừng trước cánh cửa có tấm biển nhỏ viết ba chữ '' Phòng Nhân Viên ''. Hơi mỉm cười anh bước vào cửa. Vừa thấy anh, một người lính mà anh đoán là hạ sĩ quan vì có mang lon trên vai áo, cười lên tiếng.
- Thiếu úy chắc là thiếu úy Trần Trọng Nhẫn bên biệt động quân biệt phái cho vùng 4 duyên hải...
Khẽ gật đầu, Nhẫn cười nói gọn.
- Chính tôi...
Nhẫn chìa lệnh công tác của mình ra. Liếc nhanh mấy dòng chữ như để xác nhận, người hạ sĩ quan trả lại lệnh công tác cho anh sau khi sao y bản chánh.
- Tôi là trung sĩ nhất Tiệp, trưởng ban văn thư. Để tôi điện thoại cho trung úy Đan sang gặp thiếu úy. Mời thiếu úy ngồi...
Thái độ của trung sĩ nhất Tiệp đầy niềm nở và kính nể. Bây giờ Nhẫn mới thấy đại úy Hậu có lý khi trong lệnh công tác đã ghi tên anh với cấp bậc thiếu úy. '' Thiếu úy cho em dễ làm việc hơn...'' Đó là lời nói đùa mà cũng là lời dặn dò của người sĩ quan nhiều kinh nghiệm.
- Cám ơn trung sĩ...
Nhẫn ngồi xuống ghế. Vài phút sau nhìn ra cửa, Nhẫn thấy một sĩ quan hải quân bước trên lối đi bằng xi măng tiến về chỗ mình ngồi. Nhẫn đoán ông ta chính là trung úy Đan, vị chỉ huy của mình trong suốt thời gian biệt phái ở Phú Quốc. Đợi cho trung úy Đan gần tới cửa Nhẫn mới đứng lên.
- Xin lỗi để thiếu úy chờ lâu...
Trung úy Đan tự giới thiệu xong đưa tay ra bắt tay Nhẫn. Hai sĩ quan của hai quân binh chủng bắt tay nhau thật chặt, hứa hẹn một hợp tác lâu dài. Nhìn bộ quân phục rằn ri có thêu hình con cọp của Nhẫn, Đan cười nhẹ nói lời khách sáo.
- Cám ơn thiếu úy chịu khó lặn lội xuống hòn đảo xa đất liền này để giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ...
Hơi mỉm cười, Nhẫn cũng buông lời khách sáo.
- Không có chi thưa trung úy. Tôi nghe Phú Quốc phong cảnh hữu tình mà chưa có dịp may thăm viếng. Nhờ trung úy tôi sẽ có thời giờ câu cá và tắm biển...
Trung úy Đan bật cười vui vẻ. Vỗ nhẹ lên vai Nhẫn, ông ta nói gọn.
- Để tôi đưa thiếu úy về phòng sĩ quan độc thân. Sau đó tôi mời thiếu úy bữa cơm tối... Xin nói trước bà xã tôi nấu ăn tệ lắm...
Tới phiên Nhẫn bật cười.
- Tôi nghĩ không tệ như cơm lính đâu...
Hai người lính bước song song trên lối đi tráng xi măng. Mình ở đây bao lâu? Làm gì ở hòn đảo xa xôi này? Nhẫn tự hỏi và không có câu trả lời dứt khoát. Anh biết chỉ có người đi bên cạnh mới giải đáp được thắc mắc của mình, song anh ráng dằn lòng không hỏi. Ba má anh đặt tên cho anh là Nhẫn, do đó anh phải tập tành cho đúng với cái tên của mình.
8 giờ sáng. Cười thầm, Nhẫn kín đáo quan sát bốn mươi quân nhân của đơn vị mang tên Đại Đội Xung Kích. Tên nghe kêu lắm mà thực sự thì chẳng ra cái quái gì hết. Quân phục xốc xếch, tóc tai bù xù, giầy vớ luộm thuộm, súng ống thời ôi thôi, nếu bóp cò chưa chắc đã nổ. '' Lính này đánh với đàn bà còn thua nữa…'' Quan sát kỹ lưỡng Nhẫn biết nhiệm vụ của anh khá nặng nhọc và chắc phải ở lại đây lâu hơn. Thứ lính kiểng, lính làng, lính ấp này mà muốn trở thành lính chiến thời đúng ra phải quẳng họ vào Đồng Đế, Vạn Kiếp, Chi Lăng hoặc các trung tâm huấn luyện khác của quân lực hơn là một khóa huấn luyện ngắn hạn lại thiếu thốn đủ mọi phương tiện. Nhưng anh không có chọn lựa nào khác hơn mà phải thi hành nhiệm vụ của thượng cấp đã giao phó. Dù sao anh cũng có được an ủi là những người lính này cũng biết bóp cò. '' Họ mà chỉ biết bóp cò cây súng nước của họ thời phiền lắm…''. Nhẫn lẩm bẩm với chính mình. Ở lâu trong lính anh sinh ra tật hay khôi hài người khác và với chính mình. Có lẽ đoán ra ý nghĩ của vị sĩ quan biệt động, trung úy Đan lên tiếng.
- Thiếu úy cũng biết anh em tụi tôi không phải là biệt động à nghen...
Câu nói đùa của ông ta làm cho Nhẫn bật cười. Nhìn hàng quân đang đứng nghiêm trước mặt mình, anh gật đầu cười.
- Tôi cũng nghĩ như vậy...
Quay sang trung sĩ nhất Linh, hạ sĩ quan phụ tá của trung úy Đan, Nhẫn tiếp nhanh.
- Trung sĩ cho đại đội giải tán xong tôi xin phép được bàn luận với trung úy và trung sĩ vài chuyện cần thiết...
Hiểu ý, Linh ra lịnh cho lính giải tán. Còn lại ba người, Nhẫn nói với trung úy Đan.
- Trước khi đi vào việc huấn luyện kỹ thuật tác chiến, tôi cần trung úy làm cho ba điều chính. Thứ nhất là quân phục tác chiến. Nếu không có được quần áo ngụy trang thời ka ki cũng được. Điều thứ nhì là súng ống. Thứ ba là quân phong quân kỹ...
Trung úy Đan mỉm cười. Chính ông ta cũng có cùng ý nghĩ nhưng chưa muốn nói ra trước mà để xem ông lính biệt động này có biết cách thức huấn luyện không. Ngay khi gặp mặt ngày hôm qua, ông ta hơi băn khoăn vì bộ vó thư sinh của vị sĩ quan mà bộ chỉ huy biệt động khoe đánh giặc tới nhất của họ.
- Quân phục rằn ri thời tôi có thể xin được. Cố vấn Mỹ họ sẽ thỏa mãn yêu cầu của ta. Vũ khí thời thiếu úy muốn thứ nào?
- Tôi thấy Carbine M2 tiện nhất vì anh em có sẵn. Mình là đơn vị xung kích, đánh nhanh dọt lẹ thời không cần súng nặng. Nếu có thể trung úy xin ba khẩu M79 và hai khẩu M60…
Quay sang trung sĩ Linh, Nhẫn cười tiếp.
- Nhờ trung sĩ ra lo về quân phong quân kỹ của anh em. Tôi nhận thấy...
Nhẫn ngừng nói khi thấy trung sĩ Linh quay qua nhìn trung úy Đan như hỏi ý trước khi thi hành lời yêu cầu của mình. Hơi mỉm cười nhìn Nhẫn, trung úy Đan rắn giọng với Linh.
- Anh cứ thi hành lệnh của thiếu úy Nhẫn. Kể từ giờ phút này, ông ta là cấp chỉ huy trực tiếp của anh...
Trung sĩ nhất Linh hơi đổi nét mặt song lấy lại vẻ tự nhiên thật nhanh. Riêng Nhẫn thầm cám ơn sự tế nhị của trung úy Đan. Câu nói của ông ta đã tạo cho anh có thực quyền chỉ huy. Như vậy công việc của anh sẽ dễ dàng hơn.
- Tôi đi lo vụ quân trang, súng ống và tập họp anh em lại để bảo họ hớt tóc...
Dứt lời trung sĩ Linh quay lưng đi. Nhẫn nói vói theo.
- Hớt ngắn được rồi không cần phải ba phân đâu...
Còn lại hai người, trung úy Đan cười thốt.
- Tôi giao cho ông trọn quyền điều động. Mình cần gấp lắm...
- Để làm gì hả trung úy?
Trầm ngâm giây lát, Đan mới thong thả lên tiếng.
- Sau vụ Tết Mậu Thân, địch gia tăng quấy rối đảo Phú Quốc bằng cách pháo kích vào quận lỵ Dương Đông, trại tù Đất Đỏ và căn cứ hải quân. Tháng trước chúng pháo kích năm lần vào đây. Tôi nhờ ông rinh mấy khẩu pháo của chúng về đây triển lãm...
Ngưng lời, Đan cười nhìn Nhẫn.
- Ông mà làm được tôi mở bia mời ông. Điều thứ nhì, đại tá Thanh, chỉ huy trưởng của tôi muốn lấy điểm với bộ tư lệnh ở Sài Gòn nên ra lệnh cho tôi thành lập toán xung kích. Có điểm tốt ổng mới bắt sao được.
Nhẫn cười hà hà nhìn Đan.
- Ổng mà bắt được sao thì trung úy chắc cũng nắm được ba mai. Được rồi... Tôi cố gắng hết mình...
Khẽ gật đầu Đan cười nói.
- Tôi phải đi họp. Ông muốn gì cứ cho tôi biết...
Thấy Đan dợm bước, Nhẫn nói liền.
- Tôi muốn biết tin tức tình báo...
Đan đưa tay chỉ về ngôi nhà ngói nằm lẻ loi một góc dưới hàng cây dương.
- Phòng 2 đó… Muốn gì ông cứ tới hỏi họ...
Gật đầu Nhẫn băng ngang bãi cát vàng tới phòng 2. Tại đây, anh được thượng sĩ Tánh, nhân viên của phòng 2 thuyết trình về tình hình an ninh của hòn đảo xa đất liền trăm cây số.
- Phú Quốc là hòn đảo có diện tích hơn 400 cây số vuông. Đa số là rừng núi. Nó được phòng an ninh của hải quân chia thành ba khu vực. Miền bắc là khu quận lỵ Dương Đông. Khu chính giữa là trại tù Đất Đỏ. Khu nam là căn cứ hải quân Cây Dừa hay An Thới. Hai vùng bị áp lực địch đè nặng là quận lỵ Dương Đông và An Thới vì có dân cư ngụ... Hàm Ninh cũng có ít dân đánh cá ở...
- Thượng sĩ biết gì về lực lượng của địch?
Nhẫn ngắt lời thượng sĩ Tánh. Ông thượng sĩ già tuổi trong ngành an ninh trả lời không do dự.
- Theo tin tức phòng an ninh và tình báo nhân dân của chi khu Dương Đông thời địch có độ một đại đội trừ. Súng ống của chúng cũng không tối tân lắm. Điều mà tôi lưu ý thiếu úy là chúng có mấy khẩu 82 dùng để pháo kích vào phi trường Dương Đông, phi trường An Thới, trại tù và bộ chỉ huy hải quân...
Nhẫn gật gù chăm chú nhìn vào các vòng tròn màu đỏ của chiếc bản đồ hành quân khá lớn treo trên tường. Đó là các địa điểm mà phòng 2 nghi ngờ địch đặt súng 82 hoặc có thể là căn cứ của địch. Nghĩ mình biết những gì cần thiết cho công việc Nhẫn cám ơn thượng sĩ Tánh. Bước từng bước trên nền cát trắng mịn anh cảm thấy lòng nhẹ nhàng vì tiếng gió rì rào hàng dương và mùi nước mắm tan loảng trong không khí. Không gian vắng lặng. Tuy mới ở đây ngày thứ nhì song anh cảm thấy vùng đất quê mùa này có cái gì níu chân mình lại. Ban đêm không có thú vui gì hết ngoài đọc sách hoặc nghe chương trình phát thanh của đài Sài Gòn hoặc quân đội xuyên qua cái radio mà trung úy Đan có nhã ý cho anh mượn để giải sầu. 9 giờ tối, mọi sinh hoạt ngưng đọng khi cổng chính của bộ chỉ huy khép lại. 10 giờ đèn trong căn cứ tắt. Anh đọc Ai Hát Giữa Rừng Khuya qua ánh đèn ngủ lù mù và có cảm tưởng mình đang sống ngược thời gian ở nơi nào hoang vu rừng rú. Chiến tranh bị đẩy lùi và hầu như tạm thời được quên lãng trong buổi sáng sớm ngồi uống ly cà phê đen nhìn màn sương mỏng giăng giăng trên mặt biển của vịnh An Thới.
*****
Sân bắn dã chiến được thiết trí mau lẹ nơi Mũi Ông Đội. Mấy tấm bia dựng trên bãi cát dựa lưng vào vách đá cao. Nhẫn bắt tay người cố vấn Mỹ mang cấp bậc trung sĩ có cái tên ngắn gọn Don. Hai trung đội, lần lượt ba người một toán thi nhau tập bắn. Điều khiến cho Nhẫn hài lòng là súng ống, quần áo và tóc tai đều đúng theo điều anh mong muốn. Chỉ có điều lính biết bóp cò mà lại không biết bắn. Thiếu kinh nghiệm nên họ bắn chim hơn là bắn trúng tấm bia đặt cách họ hai mươi thước. Trong số 40 người lính chỉ có chừng chục người tạm gọi là biết bắn mà hai người bắn khá nhất là hạ sĩ Ba và Đực, người lính trẻ tuổi. Sau khi toán cuối cùng bắn xong, trung sĩ Linh cho thay bia mới. Nhẫn cầm lấy khẩu M2 của mình. Bước vào vị trí tác xạ, anh nói lớn.
- Anh em phải nhắm cho kỹ. Mắt đặt vào lỗ châu mai, từ lỗ châu mai tới đỉnh đầu ruồi và mục tiêu phải nằm trên một đường thẳng. Bằng... Bằng... Bằng... Nhẫn bắn từng phát một. Don cười nói bằng Anh ngữ với trung sĩ Linh khi thấy hồng tâm có dấu đạn ngay chính giữa.
- He's good... very good...
Hạ sĩ nhất Ba, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 cười phụ họa.
- Thiếu úy bắn chì thật...
Nhẫn biết muốn chỉ huy đám lính ô hợp này, anh phải làm cho họ nể và phục mình bằng cách trổ tài tác xạ. Bắn ngồi, bắn nằm, vừa chạy vừa bắn được anh làm nhiều lần. Tiếng vỗ tay hoan hô của lính vang lên. Bắt tay vị sĩ quan mới biết lần đầu một cách thân mật và vồn vả, Don nói trọ trẹ bằng tiếng Việt.
- Thiếu úy bắn giỏi quá... Thiếu úy muốn thử khẩu M16 của tôi...
Nhận khẩu M16 từ tay Don, Nhẫn xem xét qua loa. Vào khoảng năm 1970, khẩu súng này không còn mới lạ đối với lính biệt động. Tuy nhiên anh biết nó không là khẩu súng mà mình sử dụng hằng ngày. Không quen với khẩu súng thì khó mà bắn chính xác lắm. Don gật gù cười khi thấy Nhẫn kéo cơ bẩm, mở khóa an toàn và bắn liền năm phát vào tấm bia. Cài khóa an toàn trước khi trả khẩu súng lại cho chủ nhân, nháy mắt với trung sĩ Linh, Nhẫn cười nói với Don.
- Nếu toán xung kích mà có vài khẩu súng mới này thời tốt lắm...
Hiểu ý, Don nói với Nhẫn.
- Tôi không dám hứa song tôi sẽ cố gắng kiếm cho thiếu úy...
Lính hò la vỗ tay ầm ỉ. Họ biết tính của vị cố vấn Mỹ. Tuy nói là không dám hứa song ông ta sẽ làm. Sở dĩ ông ta nói như vậy do tính cẩn thận và khiêm nhường.
Comment