Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Gió Mùa Đông Bắc

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Gió Mùa Đông Bắc

    Gió Mùa Đông Bắc
    BS Trần Nguơn Phiêu



    Nhà văn Phan Lạc Tiếp giới thiệu "Gió Mùa Đông Bắc" BS Trần Nguơn Phiêu , xin đọc tới cuối bài để đọc tác phẩm.


    Gió Mùa Đông Bắc là tên cuốn “tự truyện” của Bác Sĩ Trần Nguơn Phiêu, do nhà xuất bản Hải Mã phát hành. Sách dày 506 trang, gồm 37 chương, in bìa cứng, chữ mạ vàng rất

    trang trọng. Bằng tất cả sự thận trọng và trân quý, chúng tôi đã đọc cuốn sách và có đôi hàng nhận xét về cuốn sách.


    Đây là một cuốn bút ký hiếm quý. Hiếm vì cuốn sách hầu như chứa đựng được hầu hết những biến cố quan trọng của đất nước chúng ta từ sau đệ nhị thế chiến cho đến ngày 30

    tháng 4 năm 1975, đặc biệt ở Miền Nam. Tác giả từng là một thiếu niên tham gia vào những sinh hoạt tranh đấu dành độc lập cho xứ sở. Phụ trách báo Nam Thanh của tổ chức Nam Bộ

    Thanh Niên Kháng Chiến Đoàn. Đã trực tiếp thấy bộ mặt tàn bạo của Cộng Sản, ông bỏ vào thành tiếp tục đi học và trở thành Bác Sĩ Y Khoa Hải Quân. Biến cố nào tác giả cũng có những dữ kiện chứng minh thật cụ thể do chính mình tham

    dự, hay do những nhân chứng đáng tin cậy. Quý, bởi xuyên suốt 500 trang sách ta thấy được tấm lòng tha thiết của tác giả với đất nước, với thân tộc, cũng như với bằng hữu. Có

    người ở phe này, kẻ ở phe kia, khi là người cùng chung sống lúc hàn vi, khi là những kẻ bên kia chiến tuyến. Giữa những cảnh huống éo le, tác giả luôn thể hiện được tấm lòng chung hậu. Và bẳng một bút pháp êm đềm, rộng lượng của Miền

    Nam, tác giả đã cho chúng ta thấy được lòng bao dung, đơn giản của người Miền Nam cùng sự sung túc của đất nước này bao phủ lên mọi cảnh huống của thời cuộc trong hoà bình cũng như trong thời ly loạn. Qua những trang sách ta gặp

    những người từng là danh nhân của thời cuộc, nhưng ta cũng thấy họ từ những ngày còn trẻ thơ, đã được nuôi dưỡng trong những gia đình nề nếp. Riêng với những người cộng Sản thì lại khác. Từ trong trứng nước họ là những người

    khác, suy nghĩ khác, đầy xảo quyệt, dối trá và cực kỳ tàn bạo. Hệt như những người Cộng Sàn ở Bắc, họ đã thẳng tay tàn sát những người tuy cùng chiến đấu chống Pháp, nhưng khác chính kiến với họ. Ta hãy nghe Dương bạch Mai nói với

    Phan văn Hùm: “ ‘Anh Hùm, tôi nhớ lúc ở Côn Đảo, trong những bữa ăn như chiều hôm nay, anh thường ngồi bìa, đưa lưng hứng chịu roi vọt của cai tù để anh em được ăn yên ổn.

    Nhưng nay chúng tôi lãnh đạo cách mạng. Chúng tôi không chấp nhận đường lối: Đánh chung, Đi riêng của các anh’. Sau bữa chiều đó, nhóm chiến sĩ đệ tứ đã bị đưa đi, không còn hiện diện trong trại giam nữa.” ( trang 300). Từ đó người ta

    không ai gặp Phan văn Hùm ở đâu nữa. Những cảnh huống như thế tràn đầy trong sách. Kể từ 30 tháng 4 năm 1975, người Cộng Sản đã tạm thời cướp được đất nước chúng ta.

    Nhưng đất nước sẽ đi về đâu. Ta có thể lấy lời của Giáo Sư Phạm Thiều, một người đã bỏ cả cuộc đời đi theo Cộng Sản, khi về già từ Bắc về lại Miền Nam, ông nhận xét về người Cộng Sản như sau :

    “Dốt mà lãnh đạo nên làm Dại.
    Dại mà muốn thành tích nên báo cáo Dối.



    Dốt, Dại, Dối, đó là ba điều làm cho các nước Xã Hội Chủ Nghĩa sụp đổ, làm cho nước ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác”. ( trang 37).


    Bỏ ra ngoài vấn đề của một thời oan trái, cuốn sách còn lấp lánh những góc cạnh rất đẹp của đời sống. Nói về những kỷ niệm khi còn bé được mẹ dội nước tắm cho, ông viết : “Nắng

    chiều chiếu qua những giọt nước còn đọng trên mi, mặt mẹ Triệu cúi gần mặt Triệu, nên khi mở mắt Triệu thấy hình ảnh mẹ lung linh tuyệt đẹp…” Trong văn chương Việt Nam, có lẽ

    đây là lần đầu tiên hình ảnh người Mẹ được ghi lại thân thương, đơn giản mà đẹp đẽ như thế, khiến “Tám chục năm về sau, mỗi lần tưởng nhớ đến mẹ, Triệu vẫn còn giữ mãi nét mặt của mẹ qua ánh nước long lánh của buổi chiều ngày đó.” (trang 23).

    Và suốt chiều dài của đời sống, từ một ngưởi học trò sống ở vùng quê, mồ côi mẹ rất sớm, lớn lên ở Sài Gòn dưới sự trông nom của ông bà ngoại, rồi đi du học tại Pháp để trở

    thành vị Bác Sĩ Y Khoa của Hải Quân Việt Nam. Với biết bao thay đổi, nhưng dưới nhận xét tinh tế của ông, hầu như không có cảnh trí nào đặc biệt mà ông không ghi nhận. Sống

    ở Bordeaux, Pháp trong 6 năm trời, cái nôi của rượu vang, ta hãy nghe ông nói về cách thưởng thức rượu vang của xứ này : “... Khách sành điệu cần nhìn bề mặt rượu trong ly. Ven bờ

    rượu thấy trong sáng và tròn trịa là rượu còn non ngày tháng. Ven bờ rượu màu hổ phách là rượu đúng tuổi uống.

    Nếu màu ven rượu chuyển sang màu đỏ như gạch thì quả đã quá già ... để biết tuổi rượu là nên nghiêng ly cho rượu sắp trào rổi nhanh nhẹn dựng ly trở lại. Nếu chân rượu rút từ từ xuống ven bờ là độ cồn đã cao, không phải rượu non tuổi.

    Theo chủ quán tiếng nhà nghề gọi là ‘chân rượu’ ( jambe).”

    Những ghi nhận chi ly như thế nhiều lắm. Một ghi nhận khác về Hải Quân, khi ông nhắc đến khiến tôi giật mình. Đó là trên chuyến hải hành vượt Thái Bình Dương của chiến hạm Nhật

    Tảo, HQ 10, kỳ hiệu M được kéo lên trên kỳ đài khi có sự hiện diện của vị y sỹ trên chiến hạm. Điều ấy ai là những sĩ quan Hải Quân cũng biết, cũng được học, nhưng hầu như

    không phải xử dụng bao giờ, nên không nhớ. Và cũng trên hải trình lịch sử từ Mỹ vượt Thái Bình Dương về Việt Nam, tôi cũng đã trải qua. Khi đã ra khỏi eo biển của Phi Luật Tân,

    radio trên tàu HQ 504 đã bắt được làn sóng thân thương của đài Sài Gòn, quê nhà đã gần, bỗng có một nhân viên thần trí bất thường vì những ngày dài hải hành trên đại dương mông

    mênh, bốn phương không bờ bến, nên anh ta phát khiếp, bỗng lấy dao cứa nát bắp tay mình, máu phun như tưới. Anh y tá cuốn chặt cánh tay người bị thương để cầm máu, rồi

    Hạm Trưởng phải liên lạc gấp với Sài Gòn, xin trực thăng bay ra, đáp xuống sân chiến hạm bốc anh ta về bịnh viện Cộng Hoà. Khi ấy, nếu gặp chiến hạm có kéo cờ M (Medecin), thì

    mọi việc đã được giải quyết gọn gàng. Chính ghi nhận này đã chứng tỏ rằng Bác Sĩ Trần Nguơn Phiêu là một người rất chi tiết, ông không bỏ sót một sự kiện gì đáng chú ý trong cuộc

    sống. Song cũng chính suy nghĩ này khiến tôi tìm chưa ra ý nghiã tên sách: Gió Mùa Đông Bắc. Trong 500 trang sách, Mùa Gió Đông Bắc chỉ được ông nhắc đến hai lần. Lần một khi ông tham dự đón đồng bào Miền Trung đi định cư ở Miền

    Nam. Ông đã chứng kiến cảnh sóng gió như thế nào khi Gió Mùa Đông Bắc thổi, khiến mọi người trên tàu nôn mửa, có mấy ngưởi đàn bà đẻ non, được Bác Sĩ Phiêu săn sóc, mẹ tròn con vuông. Và chót hết ở cuối sách ông viết sau khi đã

    thắp hương lên bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật, cung kính khấn lời giã từ, chính lúc ấy đài phát thanh loan tin tức khí tượng và ông đã ghi lại: “Tin tức cho tàu chạy ven biển: Hôm

    nay gió mùa Đông Bắc thổi mạnh trên biển Nam Hải. Trời không nhiều mây nhưng sẽ có mưa rào rải rắc. Biển động mạnh.”

    Cuốn sách đã được đóng lại với hàng chữ này, khiến lòng tôi ngẩn ngơ.

    Phải chăng cuộc đời ông đã bị Gió Muà Đông Bắc mời gọi.

    Ngọn gió làm điêu đứng những người đi biển, những người lính mà ông, tuy không phải dày dạn với gió mưa, nhưng ông đã suốt đời gắn bó với họ qua bao nhiêu nỗi vui buồn. Khi

    vận nước đã khác, như đa số những người lăn lộn với thời cuộc, tất cả đã phải bỏ nước hướng ra biển khơi, không biết ngày mai ra sao. Giữa lúc ấy, cuối tháng 4 năm 1975, là cuối mùa Đông Bắc, “biển động mạnh.”

    Phải chăng đó là kỷ niệm, là nỗi niềm của vị Hải Quân Y Sỹ Đại Tá Trần Nguơn Phiêu, nguyên Trưởng Khối Quân Y Hải Quân, nguyên Cục Phó Cục Quân Y, nguyên Tổng Trưởng Xã Hội của chính phủ VNCH?

    Nghĩ thế, là một người đi biển, người viết xin trân trọng cám ơn Bác Sỹ và luôn nghĩ rằng, ở ngoài tuổi 80, ông đã có một món quà hiếm quý để lại cho mai sau. Một tấm gương trong sáng của người trí thức Miền Nam.




    Phan Lạc Tiếp
    nsvietnam.blogspot
    sigpic


  • #2
    Gió Mùa Đông Bắc

    Gió Mùa Đông Bắc
    BS Trần Nguơn Phiêu



    LỜI NÓI ĐẦU


    Đây chỉ là tiểu thuyết, loại tự truyện, về hành trình của một thanh niên bắt đầu trưởng thành vào lúc đất nước chuyển mình tranh đấu thoát ách thực dân Pháp ngay sau Đệ Nhị

    Thế Chiến. Từ những giai đoạn lúc ban đầu, khi toàn dân một lòng đứng lên quyết tâm chống trả mưu toan trở lại của Đế Quốc Pháp đến những biến thiên hơn ba mươi năm kế tiếp, đây là một đoạn lịch sử cận đại, bối cảnh của cốt truyện.

    Được cơ hội lớn lên vào khoảng đầu Thế chiến Thứ Hai, người viết muốn ghi lại những gì mình đã chứng kiến về các đổi

    thay trọng đại ở miền Nam. Đất nước đã tranh đấu vuợt thoát từ chế độ thuộc địa trở lại vị trí độc lập, nhưng đã phải hứng chịu bao nhiêu biến thiên, đổ nát.

    Truyện được hư cấu căn cứ trên những sự kiện có thật. Nếu trong sách có những trùng hợp về tên tuổi, địa danh, xin người đọc tha thứ, coi đó chỉ là chuyện ngẫu nhiên vô tình.

    Người viết muốn ghi lại cho thế hệ trẻ những sự việc đã đưa đất nước qua những biến đổi đau thương mà những người có trách nhiệm lèo lái quốc gia đã có thể tránh được nếu mỗi khi

    phải chọn lấy một quyết định chánh trị, họ thật sự luôn luôn đặt quyền lợi và hạnh phúc dân chúng làm mục tiêu tối hậu.

    Dân chúng Việt Nam đã hứng chịu bao nhiêu mất mát, khổ cực, điêu linh do một số người nhân danh đảng phái hô hào sẽ đưa toàn dân đến một xã hội tự do, bình đẳng trong một

    thế giới đại đồng. Việc đáng trách là trong khi đó họ cũng đã có cơ hội chứng kiến các thảm bại, khổ cực của dân chúng của các nước đang thực thi chế độ mà họ lại đang mong áp đặt lên dân chúng Việt Nam!

    Người viết muốn ghi lại được phần nào những gì mình đã trải qua trong một thời đất nước chuyển mình.


    Trần Ngươn Phiêu
    dienantheky-net
    sigpic

    Comment


    • #3
      Gió Mùa Đông Bắc

      Chương 1
      Bên Bờ Rạch Cát




      Buổi sáng tinh sương ở Biên Hòa vào khoảng tháng Tám bao giờ cũng lạnh so với các tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi chẳng những ở về phương Bắc lại còn là chốn khởi đầu của núi rừng miền Nam.

      Triệu cùng ông ngoại ra ga Hiệp Hòa để đón chuyến xe lửa sớm buổi sáng đi Sài Gòn. Đây là một nhà ga rất nhỏ, thường được gọi là ga tạm, giữa hai ga lớn là ga Chợ Đồn và ga

      chánh Biên Hòa. Xe lửa Sài Gòn - Biên Hòa chỉ ghé lại ga này vào chuyến sáng sớm và chuyến bảy giờ tối để công chức, công nhân hoặc các bạn hàng có thể đi làm việc hay buôn bán ở Sài Gòn.

      Trời còn sớm, sương vẫn còn trải mờ mờ trên mặt đất. Các công, tư chức làm ở các cơ quan chánh phủ hay các hãng xưởng kể như đều biết nhau vì thường cùng đáp xe hằng ngày nên đã chụm nhau từng nhóm nhỏ cười đùa, bàn

      chuyện thời sự ... Phần đông đều mặc âu phục, cổ thắt cà vạt vì là cách ăn mặc hầu như bắt buộc của các thầy thông phán trước Đệ nhị Thế chiến.

      Trong giới bạn hàng, các phụ nữ chuyên mua bán cá thì rất thong dong vào chuyến sáng vì gánh thúng không, chưa có

      cá, nên họ cười đùa rộn rã. Chỉ có chuyến chiều về thì mới thấy họ mệt lả vì các gánh nặng trĩu, sau khi bổ được cá ở chợ Cầu Ông Lãnh về bán ở các chợ Biên Hòa.

      Từ ngày Triệu về Biên Hòa vì ông ngoại đã về hưu, dọn nhà từ Vĩnh Long về miếng vườn nhỏ ở ấp Phước Lư, bên dòng

      Rạch Cát, một nhánh của sông Đồng Nai, thì mỗi lần ông cháu có việc đi Sài Gòn, đều chọn khởi hành từ ga tạm Hiệp Hòa cho tiện vì gần nhà.

      Từ vườn nhà ra ga không bao xa, nhưng mỗi lần đi Sài Gòn, ngoại thường thức rất sớm, khi tiếng chuông công phu khuya chùa Đại Giác ở Cù lao Phố gióng lên và ngân rền trên sóng

      nước Đồng Nai. Lúc còn ở Vĩnh Long, một tỉnh nhỏ nhưng ở ngay trong thành phố, Triệu thường bị đánh thức khi thành phố bắt đầu rộn rịp xe cộ buổi sáng. Về Phước Lư, nửa tỉnh

      nửa quê, chuông công phu khuya của chùa Đại Giác là đồng hồ báo thức mỗi sáng, nhắc Triệu thức dậy, chong đèn dầu ôn bài để đến trường Tỉnh. Mỗi lần thức dậy, đánh que diêm

      đốt đèn, mùi diêm sinh tỏa trong không khí buổi sáng tinh sương có một hương vị là lạ mà Triệu không bao giờ quên kể như suốt cuộc đời sau này.

      Hôm nay là ngày đặc biệt vì ngoại đã toan tính từ lâu, sau khi Triệu được trúng tuyển và có học bổng nội trú ở Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký. Ngoại rất hãnh diện thấy

      cháu mình thi đậu cao, được tiếp tục học sau khi đậu Sơ học ở trường tỉnh. Triệu mồ côi mẹ lúc lên năm và ngoại đã đem Triệu và em gái Triệu về nuôi vì Ba của Triệu luôn đi làm việc xa ở Cam Bốt.

      Ngoại biết cháu có học bổng, ở nội trú nhưng ngoại muốn đưa Triệu qua Sài Gòn để giới thiệu với bà con, bạn bè xa gần để gởi gắm Triệu trong những ngày sống xa ngoại.


      Ông ngoại của Triệu ngày xưa vốn quê ở Cù lao Phố, một địa danh đặc biệt, đã nổi tiếng một thời khi Trần Thượng Xuyên, một dũng tướng nhà Minh, đã bỏ xứ lưu vong vào lúc Trung

      Hoa bị nhà Mãn Thanh chiếm. Chúa Nguyễn đã chấp nhận cho các danh tướng nhà Minh này vào lập nghiệp và khai khẩn đất miền Nam. Dương Ngạn Địch chọn vùng Định

      Tường (Mỹ Tho) để lập nghiệp. Trần Thượng Xuyên chọn đất Đông Phố và Nông Nại (Cù lao Phố) làm nơi dung thân. Nếu Mạc Cửu là người đã được biết tiếng nhiều nhất vì đã có công

      gầy dựng miền Hà-Tiên thành một miền trù phú, vang tiếng một thời về cả thương nghiệp lẫn văn hóa, thì vùng Sông Phố cũng có một thời rất nổi danh, trước cả Chợ Lớn, Sài Gòn.

      Cù Lao Phố có vị trí biệt lập, dễ cho việc phát triển và cai trị.

      Quốc lộ 1 ngày trước và thiết lộ Sài Gòn-Hà Nội xuyên qua đây bằng hai chiếc cầu lớn: cầu Gành và cầu Rạch Cát. Giới

      giang hồ, trộm cắp ngày trước đều tránh xa, không dám léo hánh đến cù lao này. Dân chúng đều biết mặt nhau và rất đoàn kết trong mọi việc.


      Đang đêm khi nghe có báo động trộm cướp là cả làng thắp đuốc sáng, canh giữ hai cầu và suốt mặt sông. Khi bắt được

      tội phạm, dân đem ra xét xử tại chỗ, xong cột đá vào kẻ cướp và quẳng xuống cầu Gành, không cần báo cáo cho chánh quyền nào khác!

      Nhờ óc kinh doanh người Trung Hoa nên kinh tế vùng Sông Phố phát triển rất mạnh. Ngoài sự trợ giúp tài chánh cho chúa Nguyễn khi còn lập nghiệp trong Nam, các danh tướng Tàu, đặc biệt Trần Đại Định là con của Trần Thượng Xuyên,

      còn trợ giúp chúa Nguyễn về binh bị. Cũng vì thế nên khi Nguyễn Huệ vào Nam đánh thắng Nguyễn Ánh, ông đã căm

      thù sự trợ giúp của người Trung Hoa nên đã tàn sát dân chúng vùng Cù Lao Phố, thây trôi đầy sông, sau bao nhiêu ngày nước mới trong lại được.

      Ngoại ngày xưa cũng là một học sinh xuất sắc, được tuyển chọn theo học trường Bổn Quốc tức Trung học Chasseloup Laubat sau này. Ông thường vẫn nhắc chuyện ngày trước,

      sau khi thi đậu được cấp học bổng, quần áo, giầy vớ đều được trường cấp. Đồng phục màu xanh dương đậm, nút đồng vàng, cũng do trường cho thợ may cắt cấp cho học sinh. Mỗi bận ông nghỉ hè về làng Hiệp Hòa, dân trong làng rất hãnh

      diện có một học sinh vận đồng phục của trường. Vì thuộc gia đình nghèo nên đang học nửa chừng thì tình nguyện sang học và làm việc với sở Địa Chánh Nam Kỳ. Vào thời đó, Pháp

      vừa mới ổn định được phần nào miền Nam nên thấy có nhu cầu phải thiết lập họa đồ chính xác cho toàn miền. Các chuyên viên Pháp thấy nhu cầu cần gấp các trắc lượng viên

      nên đã dành nhiều quyền lợi, lương bổng cho các thanh niên được chọn để huấn luyện về ngành này. Sau khi tốt nghiệp, ông ngoại Triệu đã được gởi đi hầu hết các tỉnh miền Nam để thiết lập địa bộ các làng xã. Nhờ đó, tuy tuổi còn nhỏ nhưng

      Triệu đã biết tên rất nhiều địa danh xa xôi miền Nam vì được nghe ngoại nhắc đến trong các câu chuyện hằng ngày.


      Hôm nay dắt Triệu cùng qua Sài Gòn nhưng như thường lệ, hai ông cháu chọn xuống ga Phú Nhuận, thay vì ra thẳng ga Chợ Bến Thành, vì ngoại muốn luôn dịp ghé thăm các cháu

      nội cư ngụ ở vùng đó. Mỗi lần chuyến xe buổi sáng đến ga Thủ Đức thì khung cảnh trên các toa náo nhiệt hẳn lên, vì các bạn hàng bán các thức ăn cho các chợ Sài Gòn thường lên tàu ở ga này.


      Thủ Đức vốn nổi tiếng từ xưa về sản xuất nem chua và các thức ăn chơi khác như thịt nướng, bún, bánh hỏi. Dân chúng từ Sài Gòn thường đáp xe lên đây vào các buổi chiều để nhàn

      du và thưởng thức các món đặc biệt của địa phương nầy. Bạn hàng Thủ Đức, ban ngày thường có lệ, đáp chuyến tàu sớm này, để bán các đặc sản của họ ở các chợ Sài Gòn. Sau khi

      lên xe suông sẽ, họ thong dong bày dao thớt, tiếp tục chuẩn bị sửa soạn tiếp các món hàng sắp đem ra chợ. Các tay buôn thường là những người lão luyện lâu năm trong nghề. Thấy

      họ cuộn từng bó rau lớn và xắt mỏng thoăn thắt mà phải phục tài. Những người đáp xe chưa ăn sáng thường có cái lệ hay gọi các thức ăn vào khoảng này, trước khi xe đến ga chợ Bến Thành.

      Phú Nhuận vào thời khoảng 1939 là một vùng rất thưa dân cư. Nhà cửa hai bên đường Chi Lăng vào thuở ấy không có các phố xá như hiện nay mà phần nhiều là những mảnh vườn

      nho nhỏ. Nhà phần đông cất kiểu nhà sàn thấp, có lẽ vì đất đai còn rất ẩm. Nước dùng toàn là nước kéo từ các giếng, chưa có nước máy như về sau này. Cậu của Triệu là con trai

      trưởng của ngoại, tốt nghiệp Trường Sư Phạm, gần Sở Thú và được bổ nhiệm hành nghề ở Nha Học Chánh Nam Kỳ ở đường Lê Thánh Tôn. Thay vì chọn chỗ ở gần nơi làm việc,

      cậu Hai của Triệu lại về Phú Nhuận vì thích phong cảnh vườn.

      Phú Nhuận lại là trạm chót của xe buýt từ Sài Gòn vô, lại có trạm gần Nha Học Chánh nên sự di chuyển hằng ngày rất tiện lợi.

      Nơi trạm xe buýt khởi hành từ Phú Nhuận có một quán ăn người Trung Hoa rất nổi tiếng về món thịt bò kho. Vào thời trước, chỉ có Sài Gòn là nơi hằng ngày có bán thịt bò nhiều

      hơn cả, vì phần đông người Pháp và Âu đều tập trung thủ đô miền Nam. Ở các chợ tỉnh nhỏ, các thớt thịt bò rất hiếm vì ít người tiêu thụ, nên khó tìm ra loại thịt để nấu món đặc biệt

      này. Gân, sụn nấu sao cho vừa đủ chín, không còn quá cứng nhưng cũng không quá nhão, để thực khách khi ăn, vẫn còn thưởng thức được cái thú vị đang cắn vào miếng gân, miếng

      sụn. Nghệ thuật là như thế, nên quán chỉ nấu vừa đủ bán cho khách vào buổi sáng. Nếu bán còn dư, phải hâm lại thì món ăn đã biến chất, không còn ngon như mới nấu lần đầu.

      Triệu đã được ngoại giải thích và biết thưởng thức hương vị món bò kho từ thuở đó.

      Riêng về phần Triệu thì mỗi lần ghé Phú Nhuận như vậy, Triệu rất thích thú vì nhà cậu Hai có rất nhiều sách, nhất là sách cho giới trẻ. Triệu đã bắt đầu đọc được sách tiếng Pháp

      nên có thể tha hồ chọn và mượn đem về Biên Hòa đọc. Sách tiếng Việt cho thanh thiếu niên vào thời trước thường rất ít.

      Chỉ có loại Sách Hồng, phỏng theo loại Livres Roses của Pháp.

      Phụng, con trưởng của Cậu và là chị họ lớn hơn Triệu đã biết được sự mê sách của Triệu nên mỗi lần có dịp về thăm ngoại ở Biên Hòa, không bao giờ quên soạn đem về một gói lớn

      sách cho thằng Triệu nó đọc. Chị không may đã mất sớm vì bị bịnh sốt thương hàn. Sau khi cậu Hai của Triệu mất thêm một đứa con trai khác cũng bị nhiễm bịnh ấy, nguyên do vì

      Phú Nhuận vào thời trước chỉ dùng nước giếng, không được khử trùng như nước máy, nên sau cùng phải dọn nhà ra vùng Tân Định. Ngày nay đã trên tám mươi tuổi, hồi tưởng lại

      những ngày thơ ấu, Triệu vẫn nhớ đến nỗi vui mừng mỗi khi đạp xe đạp ra ga nhỏ Hiệp Hòa để đón người chị họ từ Sài Gòn về nghỉ hè, lúc nào cũng lo đem một bọc sách cho thằng em nhà quê !

      Từ Phú Nhuận, hai ông cháu Triệu đáp xe buýt ra vùng Chợ Cũ lựa những món cần mua vì ở Chợ Cũ giá rẻ hơn ở chợ Bến Thành. Triệu cùng ngoại đi trở về Đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ) để vào cửa hàng Charner là nơi chuyên bán

      những vật dụng nhập cảng từ Pháp. Trong bản kê khai vật dụng cá nhân mà Trường Trung học Petrus Ký bắt buộc học sinh nội trú phải sắm, có việc phải gắn số đính bài vào áo

      quần để khỏi nhầm lẫn của nhau. Thuở đó, chỉ có cửa hàng Charner mới nhập cảng loại số thêu này mà thôi. Đó là những cuộn băng vải, có thêu số, chỉ cần được cắt ra, kết vào áo

      quần, khăn, mền để biết sở hữu chủ là ai. Triệu đã được cấp cho số 336, một con số định mạng, vì không hiểu vì sao,

      trong thời gian trưởng thành, mỗi khi Triệu cần được cấp một số hiệu thì y như rằng, thế nào trong số được cấp, bao giờ cũng có con số 3!

      Việc sắm vật dụng để vào học nội trú là cả một vấn đề cho gia đình bên ngoại của Triệu, vì Ông ngoại nay đã về hưu.

      Muốn vào được nội trú học sinh phải có đủ các món đã được ghi trong một bản kê khai dài. Triệu có cái may là được người cô thứ Tư của Triệu đang có một tiệm may ở Long Xuyên hứa sẽ cho những bộ áo quần phải sắm!


      Trưa hôm ấy ngoại đưa Triệu đến thăm giáo sư Cẩm là người bà con xa trong họ, đang là giáo sư Toán của trường Petrus Ký. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, người gốc

      Thủ Dầu Một, nét mặt rất cương nghị. Khi Triệu đến, gặp lúc ông đang loay hoay với máy vô tuyến điện để tìm bắt tin tức các đài ngoại quốc. Ở Việt Nam thời bấy giờ, các nhà buôn

      Pháp mới bắt đầu nhập cảng máy vô tuyến truyền thanh nên người có máy còn rất hiếm. Đài phát thanh “Radio Sài Gòn” lúc đó chưa có, nên nhà buôn Boy Landry tự đảm nhiệm luôn

      chương trình phát tuyến cho dân chúng. Chương trình Pháp ngữ thường tiếp vận các đài bên Pháp nên khá đầy đủ.

      Chương trình Việt ngữ lại rất nghèo nàn. Chỉ có phần văn nghệ Việt thì sôi động vì đài khuyến khích dân chúng tham dự trình diễn văn nghệ với việc tặng quà của các hãng thuốc

      lá Sài Gòn. Chương trình thực hiện như Radio “crochet” bên Pháp. Người trình diễn, nếu kém tài nghệ hoặc bị đối phương cố tình phá, sẽ bị hội trường phản đối, đành phải trao trả micro, rời sân khấu. Dân chúng gọi việc này là bị móc xuống.

      Các buổi phát thanh Radio móc là những buổi vui nhộn và được người Việt thích nhất.

      Giáo sư Cẩm vừa tìm đài vừa cằn nhằn vì nhà ông ở đường Dixmude, gần đại lộ Galiénie (Trần Hưng Đạo thời VNCH) là nơi có đường xe điện Sài Gòn - Chợ Lớn. Mỗi lần xe điện chạy

      ngang là làn sóng bị phá rối không nghe được. Trên bàn ông ngổn ngang sách Pháp. Triệu đọc thoáng qua thấy có nhiều cuốn nói về Einstein là một bác học Triệu có nghe danh

      nhưng cũng có sách Việt như quyển Tố TâmTuyết Hồng Lệ Sử của tác giả Song An Hoàng Ngọc Phách. Ông khen Triệu được trúng tuyển vào trường nhưng cho biết phải tiếp

      tục cố gắng nhiều hơn, vì trường là nơi tụ họp của học sinh giỏi tứ phương miền Nam chớ không phải một xó xỉnh như Biên Hòa. Thực dân Pháp chỉ mở có hai trường Trung học

      công ở Sài Gòn là Petrus Ký cho nam và Nữ học đường cho nữ mà thôi! Ông bảo Triệu lên lầu nhà chơi với con trai ông, để ngoại cùng ông nghe đài.

      Sau buổi chiều mua sắm thêm các vật dụng nhập học nội trú, hai ông cháu Triệu lấy vé xe lửa ở ga Sài Gòn trở lại Biên Hòa. Như thường lệ, hai ông cháu đã đến sớm để có thì giờ

      ghé tiệm bán sách cũ của một người Trung Hoa. Ngang ga xe lửa Sài Gòn thời trước, có hai tiệm đặc biệt trước ga: Một là quán cơm chay và hai là tiệm sách cũ. Người chủ tiệm sách

      cũ này có thói đặc biệt là khi mua hoặc bán sách ông đều định giá theo cân kí lô! Sách lựa xong, đưa cho ông xem để tính tiền! Sách cân nặng thường được ông định giá cao. Các

      sách khác dẫu là sách có giá trị nhưng không nặng kí, ông vẫn bán cho giá rẻ mạt. Triệu có cơ hội tha được nhiều sách

      về nhà nằm đọc, học được nhiều điều hay qua sách vở, một phần lớn đều do mua được sách quý với giá rẻ ở tiệm sách đặc biệt của ông Tàu nầy!

      Trên xe về Biên Hòa, Triệu thưa với ngoại:

      -Nhà ông Cẩm có tiểu thuyết Việt, nghe đồn là hay nhưng làm sao dám mượn.


      Ngoại đáp:

      -Tiểu thuyết đó là của các sinh viên, mang từ Bắc về. Tao cũng có hỏi qua ông Cẩm nhưng ổng nói đó là sách kỷ niệm

      lúc đi học. Toàn là sách ủy mị, lãng mạn. Ổng với tao nghe tin tức ngoại quốc. Chiến tranh thế giới có thể sẽ xảy đến.

      Nhựt Bổn thế nào cũng sẽ đụng độ với Anh, Mỹ, Pháp. Xứ sở mình không biết tương lai sẽ ra sao!

      Ngoại ngồi tư lự trên xe suốt buổi. Triệu không dám bàn gì thêm cho đến khi xe ngừng ga nhỏ Hiệp Hòa. Các chị mua cá từ chợ Cầu Ông Lãnh lật đật xuống xe, nặng nhọc lầm lũi

      gánh cá về nhà để bán chợ sáng, không còn đùa cợt vui vẻ như buổi sáng khi quảy gánh còn trống không qua Sài Gòn bổ hàng.




      Trần Ngươn Phiêu
      dienantheky-net
      sigpic

      Comment


      • #4
        Gió Mùa Đông Bắc

        Chương 2
        Tuổi Thơ

        Triệu mồ côi mẹ rất sớm, khi chưa tròn năm tuổi. Mẹ Triệu vốn thuộc một gia đình công chức khá giả, lớn lên ở Sài Gòn nhưng sau khi có chồng thì về làm dâu ở Mỹ Long, một làng

        nhỏ thuộc quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Ðéc, ven biên Ðồng Tháp Mười. Nơi đây là một nơi thực sự quê mùa, xa thành phố Sa Ðéc cách hai nhánh sông lớn Tiền Giang. Từ Sài Gòn xuống,

        không có đường xe đi ngang qua làng. Thuở đó con đường từ An Hữu, trước khi đến bến Bac Mỹ Thuận, đi đến quận Hồng Ngự chưa được xây cất như trong thời Ðệ nhất Cộng Hòa.

        Dân trong làng nếu không có dịp ra tỉnh thì chưa biết được hình dáng một chiếc xe hơi ra làm sao!


        Ông nội Triệu là một nhà nho, quê ở Hà Tĩnh vào Nam để theo ông Bác của Triệu bị Pháp xử lưu đày ở Nha Mân (Sa Ðéc) vì tham gia hoạt động trong phong trào Ðông Kinh

        Nghĩa Thục. Ông nội Triệu là nghĩa quân trong phong trào Phan Ðình Phùng, khi trở về làng thấy làng đã bị quân Pháp đốt sạch nên đã lấy quyết định bỏ làng, xuôi về Nam theo

        người anh cả. Nhiều nhà cách mạng khác cũng bị Pháp chỉ định cư trú ở Nam, như cụ Vũ Hoành ở Sa Ðéc, cụ Dương Bá Trạc ở An Giang, cụ Phan Tây Hồ ở Ðịnh Tường ... Từ Hà

        Tĩnh, ông nội Triệu đã đi bộ vào Nam tìm người anh. Cuộc hành trình này là một giai thoại được con cháu thường nhắc nhở trong gia đình và được ghi vào gia phả. Ông nội Triệu đã

        được chọn lãnh trách nhiệm dạy học ở trường làng và đã lập nghiệp ở đây, vừa làm vườn vừa làm ruộng. Cả làng đều gọi ông là Ông Giáo.

        Cha Triệu là một tư chức làm việc với Pháp, có được cơ hội giúp việc khi Pháp thành lập các khách sạn lớn như Continental, Majectic ở Sài Gòn, Langbiang Palace, Hôtel du

        Parc ở Ðà Lạt. Lúc Triệu ra đời thì cha Triệu đã trở thành chuyên viên nên được chỉ định phụ trách các khách sạn ở Siemréap, Ðế Thiên Ðế Thích và nhà hàng Bokor ở

        Campuchia. Mẹ Triệu vì có hai con còn nhỏ nên chưa theo chồng được, phải về quê làm dâu. Từ một nơi phồn hoa là Sài Gòn về chốn quê mùa, mẹ Triệu vẫn thích nghi được với cuộc

        sống mới. Từ một cuộc sống tương đối theo lối Âu tây trong một gia đình công chức, mẹ Triệu vẫn sinh hoạt bình thường trong một gia đình Nho giáo theo lề lối sống khắc khe.

        Vì mất mẹ khi còn quá nhỏ, Triệu chỉ còn nhớ mang máng được hình ảnh mẹ như khi mẹ xắt chuối nuôi heo hay xay lúa, giã gạo, sàng gạo với các cô... Chỉ có một lần được mẹ

        tắm ở giữa sân, khi gội đầu bằng xà bông, Triệu đã nhắm chặt mắt chờ khi mẹ xối nước xong mới dám vuốt mặt, mở mắt ra. Nắng chiều chiếu qua các giọt nước còn đọng trên mi, mặt mẹ Triệu cúi gần mặt

        Triệu, nên khi mở mắt Triệu thấy hình ảnh mẹ lung linh tuyệt đẹp. Tám chục năm về sau, mỗi lần hồi tưởng nhớ mẹ, Triệu vẫn còn giữ mãi nét mặt của mẹ qua ánh nước lóng lánh của buổi chiều ngày đó.

        Nhưng rồi, một hôm, mẹ Triệu trở bịnh nặng, hôn mê nhiều ngày. Triệu và em được cho ngủ riêng với các cô. Một buổi chiều, mẹ Triệu hồi tỉnh lại, các cô đưa anh em Triệu khép

        nép vào thăm mẹ. Nhưng đó có lẽ là những phút hồi dương ngắn vì sáng hôm sau, các cô khóc sướt mướt đánh thức anh em Triệu dậy và cho hay Mẹ đã mất rồi! Vào tuổi đó Triệu

        thấy người lớn khóc nên cũng khóc theo, nào có hiểu mất mẹ là gì! Cả nhà rộn rịp, rối rắm lo việc tẩm liệm. Trưa hôm đó, không ai còn thì giờ lo cho anh em của Triệu. Hai anh em đều

        thấy bụng đói cồn cào nhưng không dám nói cho ai biết đành rủ nhau nằm vắt vẻo ở cầu thang vì nhà ông nội Triệu được cất theo loại nhà sàn cao, theo lối nhà người Miên. Sau cùng

        có người nhận thấy, nhớ là quên cho anh em Triệu ăn mới lo cho hai đứa nhỏ vừa mất mẹ. Ðó là lần đầu tiên Triệu biết được thân phận mồ côi của mình!

        Mẹ Triệu được chôn ở thửa ruộng trước nhà không xa. Chiều chiều Triệu vẫn ngồi trước nhà nhìn ra mả mẹ. Bên mộ thấy có trồng một cây chuối, vì hình như mẹ Triệu chết trong lúc

        đang mang thai. Nghe người lớn bàn: khi chuối trổ buồng, lúc đó là em Triệu sẽ được sanh ở cõi âm? Trước mộ, Triệu

        còn thấy con chó tên Nết mà mẹ Triệu thường chăm sóc cho ăn mỗi ngày đang nằm ủ rũ. Con chó trung thành đó vẫn ra nằm nhiều ngày bên mộ mẹ Triệu!

        Khi mẹ Triệu trở bịnh nặng, ông ngoại Triệu được thông báo nên hấp tấp về thăm, nhưng khi đến nơi đã thấy áo quan đang được chuẩn bị sơn đỏ khiến ông đã ngất xỉu, bộ Âu

        phục đang mặc bê bết màu sơn. Sau buổi chiều mẹ Triệu đã được chôn cất, ông đã ở lại đêm để chờ đến sáng đáp chuyến đò trở qua Sa Ðéc. Ðêm đó ông đã thao thức không ngủ

        được, đưa mắt nhìn ánh đèn dầu trên bàn thờ vừa mới dựng lúc ban chiều cho mẹ Triệu. Chiếc đèn đó là một loại đèn dầu rất tốt, hiệu Hirondelles mà ông ngoại Triệu đã mua của hãng

        Armes et Cycles de Saint Étienne ở Pháp để tặng mẹ Triệu vì biết con gái mình phải về sống ở nơi quê mùa, không có ánh đèn điện. Ánh đèn tốt như thế lại bỗng nhiên bị tắt. Ông

        ngoại Triệu đang thức nên đã đốt lại đèn hơn hai lần trong đêm, nghĩ rằng có lẽ bướm đêm đã lọt vào bóng đèn làm đèn tắt, nhưng rồi ông lại nhớ khi chưa về nhà chồng, mẹ Triệu

        ngày trước cũng thường hay tắt đèn như thế để ông được ngủ an giấc. Cả nhà vì thế thường tin tưởng là mẹ Triệu đã chết khi còn quá trẻ, chưa đến 24 tuổi, mà lại đang mang thai nên rất linh hiển!

        Năm mẹ Triệu chết là lúc thế giới đang ở vào thời kỳ khủng khoảng kinh tế trầm trọng. Thương mãi, mùa màng ruộng vườn... đều không đem lại đủ lợi tức cho dân chúng. Cha

        Triệu đang có được chỗ làm ăn tốt phải trở lên Cam Bốt tiếp tục hành nghề. Ông, Bà ngoại Triệu đã thuyết phục bên nội Triệu để đem hai anh em Triệu về nuôi nấng.

        Thế là Triệu có được cơ hội từ biệt nơi thôn dã để đến sinh sống trong một môi trường mới, nhộn nhịp tiếng người và xe cộ. Ông ngoại Triệu lúc ấy được thuyên chuyển về tỉnh Vĩnh

        Long, không xa Sa Ðéc bao nhiêu nhưng đối với tuổi thơ của hai anh em Triệu, đó là cả một cuộc thay đổi to lớn.

        Thành phố Vĩnh Long là một thành phố nhỏ, xe hơi không có được bao nhiêu chiếc, phần nhiều là xe của các cơ quan chánh phủ hoặc các xe lô, xe đò... Hai anh em Triệu rất thích

        ra trước nhà ngắm các loại xe tự động, nhất là vào những ngày mưa để nhìn các quạt nước nhịp nhàng đều đặn lau các kính xe. Ðặc biệt vào thuở ấy, phương tiện di chuyển, ngoài

        loại xe kéo, tư nhân còn có thể mướn một loại xe ngựa, được gọi là xe song mã. Loại xe có hai ngựa kéo này trông rất thanh nhã, nay còn được thấy ở Pháp hay Mỹ, nơi các thắng

        cảnh có nhiều du khách muốn được ngồi xe rong chơi theo lối nhàn hạ thời xưa. Loại xe này được trang bị loại chuông báo hiệu do người lái xe đạp bằng chân, tiếng chuông ngân lớn nhưng rất êm tai.

        Triệu không quên được buổi cơm chiều đầu tiên khi được đưa về sống bên ngoại. Ông Tám, người bếp già của ông ngoại Triệu, rất vui mừng khi thấy trong nhà có thêm hai đứa trẻ

        thay vì chỉ toàn là người lớn như từ trước đến nay. Triệu được cho ăn món súp đầu tiên, trong súp có bỏ thêm nhiều miếng bánh mì nhỏ chiên; nhưng cả hai anh em Triệu đều

        ngồi ngẩn ngơ, chỉ vớt ăn các miếng bánh mì nào còn giòn, chưa thấm nước súp nhiều. Ông bếp Tám thất vọng khi thấy hai thực khách tí hon không biết thưởng thức món súp đặc

        biệt của ông. Triệu thú thật là ăn không được vì vị quá lạ, nuốt không vô. Lúc ấy cả nhà mới vỡ lẽ là hai đứa nhỏ nhà quê ở làng nên chưa bao giờ miệng lưỡi lại được nếm mùi thịt

        bò và mỡ bò! Từ đó, cả nhà thỉnh thoảng vẫn hay đùa gọi anh em Triệu là các cháu nhà quê. Mà quả thật anh em Triệu quá quê vì đã sống trong một làng nhỏ, ít khi được đưa đi

        chợ, mặc dầu là chợ làng. Lần đầu tiên được bà ngoại dẫn đi ăn mì, Triệu thấy món ăn này sao mà mùi vị ngon đến thế.

        Cả đến hôm được dẫn đi mua sách

        vở và cặp để chuẩn bị nhập học, ông chủ tiệm bán cặp da tặng cho một viên kẹo caramel sữa-càphê. Khi ngậm viên kẹo mới nhận thức được hương vị thần tiên của viên kẹo ngoại quốc đầu đời!

        Ba năm theo học các lớp tiểu học ở Vĩnh Long là ba năm được tiếp xúc với các bạn bè nhiều giới. Triệu lại có tánh hay thích kết bạn, gặp nhau ở lớp chưa đủ, ngày nghỉ thế nào cũng tìm

        cách đến nhà để tiếp tục bày trò. Triệu rất thích một anh bạn có cha làm nghề sửa xe hơi vì nhà anh có bao nhiêu là viên đạn sắt đủ cỡ, bao nhiêu cơ phận máy móc hư phế

        thải...Triệu còn một anh bạn khác tên Long, cũng mồ côi mẹ, cha là một y sĩ phải đi hành nghề xa quê. Long cũng như Triệu, được gởi ở với bà ngoại. Vì cùng cảnh ngộ nên Long và Triệu thường gặp nhau trong các ngày nghỉ. Thật ra, việc

        tình cảnh gia đình Long là do bà ngoại Triệu tìm ra. Như đã nói ở trên, Triệu có tánh thích kết bạn nên cuối tuần là tìm đến nhà các bạn. Vì tánh mê chơi nên quá buổi trưa thường

        hay quên trở về nhà. Có lẽ vì Vĩnh Long là một thành phố nhỏ, mà bà ngoại Triệu lại có nhiều người quen nên những lần Triệu đi quá giờ như vậy, tuy không cho nhà hay trước

        nhưng rồi bà ngoại Triệu cũng tìm ra được nhà các bạn Triệu.

        Mỗi lần đi tìm cháu, bà ngoại Triệu thường hay ở lại chuyện trò nên thường biết thêm gia cảnh của các bạn Triệu. Việc người lớn quen nhau qua con cháu nhiều khi cũng giúp Triệu

        được vài thuận lợi. Như có một lần, Triệu đã tìm cách lân la với một bạn học chỉ vì biết anh bạn này có nuôi nhiều gà tre, loại gà rừng nhỏ con mà giới trẻ rất thích. Có một lúc vào

        ngày lễ, thầy giáo lại cho một lô bài toán cho học sinh phải làm trong các ngày nghỉ. Anh bạn này vốn yếu về toán nên rũ Triệu đến nhà để cùng làm bài. Anh cũng có hứa sẽ tặng

        cho Triệu một con gà để đem về nuôi. Ðến mãi xế trưa, sau khi đã giúp làm xong các bài toán, anh bạn này mới lựa cho Triệu một con gà bé tí teo, mà lại là một con gà mái! Triệu

        thất vọng quá nhưng không dám nói ra. Nhằm lúc ấy bà ngoại Triệu lại đi tìm cháu và được hướng dẫn đến đúng nhà bạn Triệu. Như thường lệ, bà ngoại Triệu bắt chuyện với gia

        đình bạn Triệu. Trong câu chuyện ngoại Triệu có cho gia đình bạn biết là sáng trước khi đi, Triệu có cho bà biết là hôm đó Triệu có một bạn hứa đến nhà anh ấy “lấy gà”. Ngoại Triệu

        đã dạy Triệu là phải nói “đến nhà bắt gà, chớ không ai lại nói: đến để lấy gà”. Mọi người đều cười ồ về việc dùng sai

        danh từ của Triệu và kết cuộc câu chuyện là gia đình bạn Triệu bắt anh phải tặng thêm cho Triệu một anh gà trống đàng hoàng cho “đủ cặp!”

        Ông ngoại Triệu là một trong những người được huấn luyện đầu tiên về nghành họa đồ nên thường được đổi đi rất nhiều tỉnh để đo đạt đất đai ở miền Nam. Vì vậy nên Triệu tuy còn

        nhỏ tuổi nhưng trong các câu chuyện nghe được trong gia đình, nhiều địa danh các làng mạc, sông ngòi, kinh lạch...đã in vào tiềm thức Triệu. Sau này khi phải di chuyển đó đây

        trong thuở Kháng chiến Nam bộ hay trong thời gia nhập Hải Quân, những nơi như Cầu Kè, Cầu Ngang ở Trà Vinh, Hàm Luông, Mõ Cày, Giồng Trôm ở Bến Tre, Ðầm Dơi, Năm Căn,

        Cái Nước, Sông Ông Ðốc, Ngã ba Hóc Năng ở Cà Mau..., các nơi đó đối với Triệu tưởng chừng như là những nơi đã từng biết trước!

        Khi đáo tuổi hồi hưu, Ông ngoại Triệu trở về quê quán ở Biên Hòa. Từ nơi đô thị tỉnh nhỏ là Vĩnh Long, Triệu bắt đầu làm quen với lối sống nửa tỉnh, nửa quê ở Phước Lư, một ấp nhỏ

        bên dòng sông Rạch Cát, cách tỉnh lỵ Biên Hòa khoảng hai cây số. Ông ngoại Triệu quê quán nhiều đời ở Cù Lao Phố, bên kia bờ Rạch Cát và được thừa kế nhiều ruộng vườn ở đó.

        Tuy nhiên vì là một công chức thường phải luân lưu sống xa quê nên ruộng vườn ông ngoại Triệu đã nhường cho các cháu

        canh tác. Khi về hưu, ông tậu một mảnh vườn ở Phước Lư , bên kia bờ của Cù Lao Phố, một nơi gần tỉnh lỵ Biên Hòa hơn.

        Khi di chuyển từ Vĩnh Long về Biên Hòa, ông ngoại Triệu được một người bạn có xe hơi riêng giúp cho mượn để về lại quê. Lần đầu tiên được đi xe Citroen, Traction 15, hai anh em

        Triệu sung sướng được ngồi xe có nệm êm, không như lúc di chuyển từ Sa Ðéc qua Vĩnh Long bằng xe đò, phải ngồi chật như nêm mà lại bị xốc nhảy dựng khi xe qua các cầu nhỏ!

        Triệu học hết chương trình Sơ học ở trường tỉnh Biên Hòa.

        Vào thuở đó, chỉ có ở tỉnh lỵ mới có đèn điện. Phước Lư chỉ cách tỉnh có độ hai, ba cây số nhưng ban đêm phải thắp đèn dầu để học. Triệu được ông ngoại theo dõi việc học hành và

        sáng sớm nào ông cũng bắt phải vặn đồng hồ báo thức vào 5 giờ rưởi để ôn lại bài trước khi ăn sáng và lội bộ đến trường.

        Trong khi đó thì ngoại đi hâm cơm, một phần để ăn sáng, một phần gói ép vào một tấm mo cau để đem theo ăn trưa.

        Mỗi khuya thức dậy, quẹt diêm thắp đèn học bài, diêm sanh cháy trong không khí trong lành buổi sáng tỏa ra một mùi hương thật đặc biệt. Biên Hòa là xứ núi đá nên buổi sáng

        nhiều khi rất lạnh. Ép mo cơm nóng vào ngực khi đi đường vào sáng sớm, nghe hơi ấm chuyền vào mình là một thú vị khó quên của Triệu.

        Về được Biên Hòa, khác với lúc ở Vĩnh Long, Triệu có được cơ hội cùng với các bạn, đi xa hơn vào các thôn xóm, sông rạch.

        Vớt cá thia thia thì được các bạn hướng dẫn đến vớt ở con suối chảy quanh chùa Xóm Hóc Măng Tre vì cá ở suối đá hay hơn cá vớt ở ruộng. Trái cây rừng như gùi, bứa, sim, dâu...có

        thể kiếm ê chề nếu biết tháp tùng các thợ đi đốn củi ở rừng Vĩnh Cửu. Nước sông Ðồng Nai đặc biệt rất trong xanh, so với nước đục nhiều phù sa của sông Cửu Long. Nhìn nước là đã

        muốn lội tắm rồi. Nhà ở ven sông, đặc biệt khúc sông Ðồng Nai bao quanh Cù Lao Phố rất hiền hòa nên Triệu đã mau chóng bơi lội khá giỏi. Sau này vào Hải Quân, được huấn

        luyện thành thạo hơn nên Triệu đã giúp trường Quân y Hải Quân Pháp đoạt nhiều giải. Khi ở Biên Hòa Triệu đã nhiều lần lén nhà lội ra Cù Lao Rùa tìm các “lưỡi tầm sét” đem về

        nhường lại cho các gia đình có con mắc bịnh kinh phong! Dân chúng thường vẫn hay tin tưởng là đặt lưỡi tầm sét trên đầu giường hay mài lấy nước uống sẽ giúp các trẻ tránh được

        bịnh này? Cù lao Rùa trên sông Ðồng Nai là nơi trú ẩn an toàn cho những người tiền sử sử dụng đồ đá làm khí giới nên ở nơi đây, lưỡi tầm sét rất dễ tìm.

        Cũng vì mê đi chơi như vậy, nhất là đi bắn chim bằng ná thung nên có một lần Triệu đã bị một trận đòn nhớ cả đời.

        Vào thời ấy Triệu có một bạn là Lương Khánh Chí, có biệt tài bắn ná. Ði bắn chim với anh đó thì không bao giờ trở về tay không vì nếu Triệu bắn trật thì anh sẵn lòng tặng chim lúc

        trở về nhà. Vào một thời nghỉ lễ Tết, hết việc đi đánh bầu cua cá cọp Triệu lại chỉ lo vò đạn đi bắn với anh Chí, quên lo việc làm bài thầy giáo đã ra đề trước để làm trong các ngày nghỉ lễ.

        Hôm hết lễ đi học trở lại, bài không làm kịp nên sáng đó Triệu than bị đau bụng để khỏi đi học. Bà ngoại cưng cháu nên đồng ý nhưng ông ngoại đang làm việc ngoài vườn, thấy

        Triệu còn nằm nhà nên hỏi lý do. Ông bảo đưa tập vở ra xem, khi thấy Triệu chưa làm xong các bài, ông bắt Triệu phải đi học ngay. Ông căn dặn khi đến trường phải ghi sổ xin đi khám bịnh viện nếu thật sự còn đau. May thay hôm đó

        thầy giáo không xét bài của Triệu nên Triệu cũng khỏi xin đi “khám bịnh”. Chiều hôm đó về nhà, Triệu tưởng là thoát nạn, đâu có ngờ ông ngoại vẫn hạch hỏi xem thuốc nhà thương

        cho cất đâu? Triệu phải ăn một trận đòn về hai tội: tội nói láo để trốn học vì không làm bài và tội thứ hai là ham bắn chim, mê cờ bạc, đỏ đen ngày Tết.

        Nhờ được uốn nắn như vậy nên sau này Triệu mới học đến nơi đến chốn. Ðể giữ lời hứa với ngoại, không bao giờ Triệu tham dự vào các cuộc bài bạc, mặc dầu có thể bị bạn bè chê là keo kiệt, nhát gan.

        Sự lo lắng theo dõi việc học hành của ngoại đã giúp Triệu thi đậu trong kỳ thi tuyển vào Trung học Petrus Ký. Vì đổ được hạng cao nên Triệu có được học bổng ở nội trú. Biên Hòa chỉ

        cách Sài Gòn độ ba mươi cây số, nhưng đây là lần đầu tiên, Triệu phải xa em gái để tiếp tục việc học. Hai anh em đã luôn

        luôn sống cạnh nhau từ lúc còn bé, nên đây là lần đầu Triệu phải đương đầu với một nỗi buồn tha thiết của tuổi trẻ.



        BS Trần Ngươn Phiêu
        dienantheky-net
        sigpic

        Comment


        • #5
          Gió Mùa Đông Bắc

          Chương 3
          Thời Trung học


          Ðối với một anh học sinh từ tỉnh nhỏ lên Sài Gòn học, Trường Petrus Ký quả thật là một kiến trúc đồ sộ. Ðược hoàn thành từ năm 1927, trường chiếm một diện tích gần 9 mẫu,

          mặt quay ra đường Nancy (Cộng Hòa, thời VNCH), đối diện một khoảng xa với hông bên mặt của thành Ô Ma (Camp des Mares). Về phía bên mặt trường là đường Charles Thompson (Nguyễn Hoàng) gần đường xe lửa Sài Gòn- Mỹ Tho.

          Hai dãy hai từng song song theo chiều Ðông Tây là các lớp học. Hai hành lang phía trước và sau nối liền các lớp học thành một khung hình chữ nhật. Hai bên đầu hành lang,

          trước cổng, là các phòng nhân viên hành chánh và các phòng giáo sư. Hành lang phía sau là dãy nhà các phòng thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh và lớp dạy vẽ. Bốn dãy kiến trúc đó bao vây

          một sân danh dự lớn có dựng tượng đồng bán thân của nhà bác học Petrus Ký, một nhân tài Việt Nam được liệt kê vào sổ vàng hậu thế kỷ XIX là “Toàn cầu bác học thập bát quân tử”.

          Sau cuộc đổi đời 1975, tượng đồng bị hạ, trường đổi tên thành Lê Hồng Phong, một nhân vật cách mạng, không dính dáng gì đến văn học Việt!

          Về bên phía trái của trường có hai dãy lầu ba từng được sử dụng làm phòng học và phòng ngủ cho học sinh nội trú. Bên sau các phòng thí nghiệm là hai phòng ăn rất rộng cho học

          sinh nội trú và bán nội trú. Các phòng ăn với diện tích rộng này cũng là nơi để tổ chức các kỳ thi có đông thí sinh hay các

          buổi sinh hoạt cộng đồng vào các dịp Lễ Tiễn Ông Táo mỗi năm, trước khi về nghỉ lễ Tết, hoặc Lễ Mãn Khóa học cuối năm.

          Ðời sống nội trú đã cho Triệu có cơ hội gặp được bao nhiêu bạn bè hầu như rải rác khắp miền Nam. Hai năm nội trú ở trường đường Nancy và hai năm sau khi trường phải tạm dời

          về trường Sư Phạm trước Sở Thú khiến Triệu được biết hầu hết các anh lớn theo học ban Tú Tài, sau đó theo học Ðại học

          ở Hà Nội hay ở ngoại quốc. Về sau, trước khi tốt nghiệp bằng Thành chung, Triệu lại được biết thêm bao nhiêu lớp đàn em.

          Những thiên tài âm nhạc như Trần Văn Khê, duyên dáng đánh nhịp hay thổi phong cầm vào các ngày văn nghệ Tết Ông Táo, các anh Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Ðặng Ngọc

          Tốt, Trần Bửu Kiếm...với lý tưởng bồng bột lửa đấu tranh cho nước nhà được độc lập, đã thấy manh nha từ cái lò Petrus Ký.

          Khi Ðệ Nhị Thế chiến bùng khởi ở trời Tây, Huỳnh Văn Tiểng đã đọc một bài phú tiễn đưa lính chiến đi Pháp mà hơn nửa thế kỷ sau Triệu vẫn còn nhớ:

          Nhưng khuyên ai:
          Trăng gió dẫu say phong cảnh mới
          Nước non đừng lạt cảm tình xưa
          Rượu Bordeaux dầu có hương vị thơm tho, phó mát xứ Brie dẫu có mùi thâm thía, nho Grenoble dầu hết sức ngọt ngào,
          Cũng xin đừng chê rượu đế nhà ta là vô vị, bánh qui bánh tét thiếu gout, hay nước mắm hòn là dơ dáy....”

          Trong số các bạn bè khác, rất nhiều tên tuổi sau này đã thường thấy được nhắc nhở trên các lãnh vực hoạt động ở miền Nam. Ðặc biệt sau khi thâu hồi độc lập, phần lớn các hiệu trưởng về sau thời kỳ 1950 đều xuất thân từ Petrus Ký.

          Nhìn trở lại lịch sử đào tạo trí thức cho miền Nam, ngoài các trường trung học công rất ít oi vì chánh sách ngu dân của Pháp (Bốn trường: Petrus Ký, Nữ học đường, Mỹ Tho và Cần Thơ), các trường tư thục phần nhiều do các nhà cách mạng

          du học về nước sáng lập, đã góp công lớn trong việc giáo dục thanh niên Nam Bộ. Các trường tư thục vang bóng một thời đã bị nhà cầm quyền Xã Hội Chủ Nghĩa khai tử sau 1975, thật sự rất xứng đáng được nhân dân miền Nam tưởng nhớ

          ghi công như trường Taberd, Huỳnh Khương Ninh, Lê Bá Cang, Chấn Thanh, Ðồng Nai, Nguyễn Văn Khuê, Bassac... và bao nhiêu trường sau này của các tôn giáo sáng lập, thời Việt Nam Cộng Hòa.


          Các giáo sư trường Petrus Ký vào thời trước, ngoài những người Pháp hoặc Việt Nam du học tốt nghiệp ở Pháp về, phần đông đều được đào tạo từ Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội. Triệu

          vẫn còn nhớ mãi hình ảnh các vị thầy khả kính đã một thời ảnh hưởng sâu đậm đến tương lai của Triệu. Giáo sư Trần Văn Quế, người gốc Tây Ninh theo đạo Cao Ðài, dóc vác cao

          lớn, gương mặt hiền hậu, đầu hớt tóc ngắn là giáo sư dạy Sử, Ðịa, có một giọng nói đầm ấm, từ tốn, đã khơi dậy lòng ái quốc cho đám thanh niên thời của Triệu. Sau này ông Quế

          đã bị Pháp bắt đày Côn Ðảo và may mắn được trở về đất liền sau ngày Nhật đảo chánh Pháp. Một giáo sư Sử, Ðịa khác rất say mê nghề trong khi thuyết giảng là Nguyễn Văn Thành đã bị Việt Minh giết vào lúc khởi đầu Nam bộ Kháng chiến.

          Giáo sư Phạm Thiều, gốc Nghệ - Tĩnh vừa dạy chữ Nho, nhưng cũng lại dạy toán rất giỏi, là một nhân vật có phong cách nhà Nho, ăn mặc chững chạc, vào lớp lúc nào trước tiên

          cũng móc trong túi áo chiếc đồng hồ quả quýt, đặt lên góc bàn bên phải và xoay cho dây đeo cuốn tròn chung quanh tươm tất, xong mới bắt đầu dạy. Triệu đã gặp lại Thầy sau

          này trong thời gian kháng chiến. Lần đầu tiên gặp lại Thầy ở chiến khu Rừng Vĩnh Cửu, Biên Hòa, Triệu mới chợt nhận chân được cái vui tánh hồn nhiên của Thầy. Sau khi hỏi

          Triệu: “"Cậu đi đâu đây?"”. Thầy lại vui đùa nhại lời ca “"Nhớ chiến khu"” của Ðỗ Nhuận và hát: “ Chiều nay lên chiến khu đi gò mèo!”. Thầy đã một thời làm chủ tịch Ủy ban Kháng

          chiến Sài Gòn-Chợ Lớn, Ủy viên Tuyên huấn Ủy ban Hành chánh Nam bộ với biệt hiệu Trường Phong và đã tập kết ra Bắc. Sau 1975, giáo sư được bầu dân biểu thành phố Sài

          Gòn, nhưng đã thất vọng vì lối cai trị và tham nhũng của cán bộ Cộng sản. Ông đã tự vận chết, sau khi gởi cho Ðại hội Ðảng Q3, Thành phố Hồ Chí Minh một tuyệt thư:

          “Dốt mà lãnh đạo nên làm Dại.
          Dại mà muốn thành tích nên báo cáo Dối
          Dốt, Dại, Dối, đó là ba điều làm cho các nước Xã Hội Chủ Nghĩa sụp đổ, làm cho nước ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác”.

          Sau đêm chủ nhật 23 tháng 9 năm 1945, mở màn cuộc Kháng chiến Nam bộ, rất nhiều giáo sư như Nguyễn Văn Chì, Nguyễn Văn Chí, Lê Văn Huấn, Phạm Thiều, Nguyễn Văn Trứ, Lê Văn Cẩm... đều bỏ thành vào bưng tham gia chống Pháp.

          Có một việc cần nêu lên là các giáo sư còn sống và trở lại thành sau 1975, phần đông đã có một đời sống rất khiêm tốn. Các chức vụ béo bở đã được dành cho những người của

          Ðảng Cộng sản. Giáo sư Nguyễn Văn Chì trong thời chiến giữ chức Chủ tịch Ủy ban thành Sài Gòn-Chợ Lớn. Sau ngày 30 tháng Tư 1975, chức đó phải nhường cho người khác. Giáo

          sư Chì được giao chức vô thưởng vô phạt: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Triệu được một người ở cùng làng Bến Tranh (Mỹ Tho) với giáo sư Chì cho biết tin, là sau 1975, ông đã trở về quê và đã qua đời trong cảnh nghèo xơ xác!

          Sống nội trú bốn năm ở Petrus Ký, Triệu sáng trưa, chiều tối nào cũng phải tiếp cận với các giám thị. Các vị đều xuất thân trong nghành giáo dục nên phong cách rất đặc biệt. Giữa

          khung cảnh Sài Gòn tân tiến, giám thị Tươi mà Triệu thường ngưỡng mộ nhưng nay đã quên họ, lúc nào cũng mặc áo dài đen, quần vải ta trắng. Phải là người có can trường lắm mới

          có can đảm mặc quốc phục giữa đám học sinh quỉ quái và các đồng nghiệp vận Âu phục chễm chệ. Thầy Ngữ gốc Bình Dương thì lúc nào cũng vùi vào sách vở, nghiên cứu cách

          biến chế màu vẽ để bán ra thị trường vì trong xứ lúc ấy không còn màu nhập cảng từ Pháp. Thầy Thấy mắt cận thị nặng, gốc Nha Mân thì say mê nghiên cứu cách nuôi và chọn giống chó berger Ðức. Thầy Ruộng người Gia Ðịnh, mặt tươi

          đỏ, thường được học sinh gọi đùa là mặt say rượu, lại là người hay tìm hiểu gốc gác các học sinh ông đang phụ trách.

          Triệu đã khám phá ra được đặc tính này vào một hôm, trong khi say mê đá banh, một bạn nhỏ dưới lớp Triệu, anh Phan Phục Hổ đã trong cơn phật ý, phát ngôn bừa bãi. Thầy Ruộng

          gọi lại bảo: “Ba mầy, ông Phan Văn Hùm vừa là học giả danh tiếng, vừa là nhà cách mạng đang bị tù, mầy phải giữ mồm giữ miệng, làm sao cho xứng đáng là con của ổng”. Phan

          Phục Hổ đã phải rướm lệ xin lỗi và cám ơn Ông! Trong trận đá nầy, Triệu cũng “xổ nho”, văng tục ngạo bạn, nên cũng bị Ông chỉnh: “Ông Bác, Ông Nội mầy là nhà Nho, người bị đày

          ở Nha Mân vì Ðông Kinh Nghĩa Thục, người đang là Thầy dạy học. Con nhà gia giáo không ăn nói như vậy”. Báo hại từ đó về sau, Triệu luôn luôn phải lưu ý, giữ mồm, giữ miệng, tởn tới già!


          Khi Triệu bắt đầu niên học, không khí chiến tranh đã bắt đầu làm dân chúng xao xuyến. Dựa theo thanh thế quân đội Nhật, Thái Lan đã lên tiếng đòi lại đất đai của họ đã bị Pháp

          lấn chiếm. Thái đã gây hấn, ném bom xuống các vùng Siemréap, Battambang ở Cam Bốt. Sài Gòn đã bắt đầu phải

          đào hầm trú ẩn. Riêng ở trường, sáng nào cũng có lớp dạy cứu thương và cách đề phòng chống hơi ngạt chiến trận do giáo sư Lê Văn Cẩm phụ trách.


          Thật ra đây là những lớp lý thuyết, theo dõi rất ngán. Triệu đã có dịp cho Giáo sư Cẩm biết về việc học sinh miễn cưỡng phải đến lớp. Giáo sư đã trả lời: “Tây nó làm bộ bắt phải dạy.

          Tôi xin mượn một mặt nạ chống hơi độc cho sinh viên xem, nó có cho mượn đâu. Muốn học thật sự có căn bản, nên ghi tên theo lớp Cứu Thương của Hội Hồng Thập Tự, sau các buổi chiều ở trường”.

          Triệu và vài bạn ở Gò Công và Gia Ðịnh đã rất thích thú theo dõi các lớp huấn luyện này. Phụ trách dạy là các nữ y tá Pháp của Hội Hồng Thập Tự và các điều dưỡng của Bịnh viện Chú

          Hỏa (Bịnh viện Ðô thành). Lớp học dành cho công chức và thanh niên tình nguyện đến tham gia vào chiều tối, ở một lớp trống sau giờ học của sinh viên. Chẳng những được dạy về băng bó, cứu thương và chích thuốc ở lớp học, Triệu và các

          bạn lại được các nhân viên điều dưỡng thỏa thuận cho đến phụ giúp việc chích thuốc vào các thứ Bảy và Chủ nhật ở bịnh viện. Vào thời đó chưa có thuốc trụ sinh mà người mang bịnh hoa liễu lại bị khá nhiều. Thuốc chích chữa bịnh chỉ có loại

          “914” phải chích vào tĩnh mạch. Triệu nhờ thế đã được tha hồ thực tập việc chích thuốc vào gân máu. Sau khi được cấp chứng chỉ cứu thương, Triệu đã thật sự có căn bản để có thể thực sự hành nghề “chích thuốc dạo”sau này!.

          Mặc dầu các bạn hữu Triệu đều từ bốn phương đến, Triệu vẫn thích làm bạn với một nhóm nhỏ anh em vì tương đồng ý tưởng hơn. Ðó là một số anh em chung quanh anh Trần

          Thanh Mậu, người làng Vĩnh Lợi, Gò Công. Mậu là em của Trần Thanh Xuân, một sinh viên giỏi đã được học bổng sang Pháp. Vào thời đó, miền Nam có được hai sinh viên đậu Bằng Tú Tài ưu hạng, được chọn du học. Một là Trần Lệ Quang,

          sau đổ kỹ sư cầu cống Ponts & Chaussées, Tổng trưởng Công chánh thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Người kia là Trần

          Thanh Xuân, học kỹ sư về các công trường hàng hải (Ingénieur Maritime), có một thời hoạt động chính trị ở Pháp, thập niên 1940, sau trở về Hà Nội.

          Mậu có lẽ được người anh uốn nắn nên mặc dầu tuổi trẻ nhưng thường ưu tư về vận nước đang hồi còn phải chịu sự đô hộ của Pháp. Một số bạn của Mậu từ Gò Công đã biết Mậu

          từ lâu nên trong các giờ chơi, hay tụ tập kể cho nhau những giai thoại các trận như “Ðám lá tối trời”, tức khu Rừng La ù (Gò Công) của Trương Công Ðịnh trong thời chống Pháp, về

          Tổng đốc Lộc, một tay sai của Pháp, hoặc cùng đọc bài “Văn tế các chiến sĩ Cần Giuộc” của Cụ Ðồ Chiểu không được ghi trong chương trình Việt văn. Nhiều bạn khác thấy vậy cũng

          lần lần gia nhập nhóm, đặc biệt là anh Bùi Ðức Tâm, con địa chủ giàu có vùng Tân An. Anh Tâm là người biết rõ lịch sử kháng chiến chống Pháp thời Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung

          Trực, Trương Công Ðịnh, Trần Văn Thành... Anh đã làm nhiều người say mê vì tài kể chuyện. Các địa danh về những cuộc đụng độ ngày xưa, sau này vào lúc xảy ra Kháng chiến Nam

          Bộ sau 1945, nhiều anh em đi vào bưng đã như quen thuộc tên trước, nhờ nghe được các chuyện của anh Tâm. Sau

          1975, có bạn gặp lại anh ở Sài Gòn, sau khi tập kết về, nhưng hình như không được giao chức vụ quan trọng vì là thành phần con địa chủ?



          BS Trần Ngươn Phiêu
          dienantheky-net
          sigpic

          Comment

          Working...
          X