Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Con Đường Cũ

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Con Đường Cũ

    Con Đường Cũ
    Lưu Nhơn Nghĩa












    thatsonchaudoc
    sigpic


  • #2
    Con Đường Cũ

    Con Đường Cũ
    Phần 1
    __________________________________________________ ________



    Cuối năm 2000, sau khi bà già tôi mất, không còn ai phải lo chăm sóc, 7 tuần Hè vô công rổi việc, tôi nổi hứng bất ngờ, về Việt Nam thăm quê cũ sau 25 năm, vừa chuẩn bị đất đai mang tro cốt bà về chôn bên ông già cho tròn ý nguyện người quá cố.

    Xa xứ bầm dập đã quen, kỹ niệm cũ phai dần, nên lần đầu tiên trở lại quê không thấy nôn nóng và hứng thú như chuyến đi Thailand.

    Chuyến xe đò rẽ vào Ngả ba Lộ Tẽ mà tôi chưa hoàn toàn tỉnh ngủ, nhớ xưa chỗ nầy, xe đậu lại khá lâu chờ thêm khách, tiếng rao "ấu đây, bánh tét đây".

    Cánh đồng nổi nước bị nhà cửa hai bên đường che mất. Đường trải nhựa êm, ít bụi, hành khách không ai quen.

    Tôi cố gắng tỉnh táo vô vọng tìm chiếc Xáng chìm ngày nào.

    Xáng đã đi, không chờ tôi về hội ngộ một lần tâm sự. Xe qua khỏi cầu 13, xa xa mấy cây thốt nốt bên kia bờ kinh vẫn đứng thành hàng, nhọc nhằn chịu đựng, lá rũ, không than van.

    Con đê không còn, nhà cửa san sát. Xa xa, quê tôi kia rồi. Mỗi lần về quê, thấy những mái ngói rêu xanh, nao lòng.

    Cả vùng chợ quê biến đi đâu rồi, nhà cửa xây hỗn tạp, bon chen, so le cao thấp. Từ bến xe, tôi vất vả với hành lý trên lưng, trên hai tay, không ai nhìn ra ai. Tôi lầm lũi đi.

    Tôi đi thẳng về nhà cũ, căn nhà che chở tôi thời thơ dại, bao nhiêu kỹ niệm, ngày nay nhà đã đổi chủ, cất lại. Trên balcon treo cây cờ đỏ, nhớ xưa (lại nhớ xưa lẩm cẩm), chỗ đó là lá cờ vàng, lá cờ tam sắc, lá cờ Tàu của Đài Loan bây giờ.

    Người chủ trẻ nhìn tôi dò xét , rồi chợt la lên" Củ, củ về hồi nào vậy " “Ừ, Củ mới về tới”. Thiếu tiểu ly gia đại lão hồi, Hương âm vô cải phát mao tồi, Nhi đồng tương kiến bất tương thức, Tiếu vấn khách tùng hà xứ lai?

    (Đường thi. Hạ Tri Chương) Chợ quê xưa chỉ còn đọng trong trí, trước mặt ta là những bóng ma. Anh em bà con tới vây quanh, ngạc nhiên như nhìn con quái vật, hỏi không kịp trả lời "về hồi nào, sao không cho biết để bao xe lên đón? .."

    Băng qua khu chợ búa, mua vài củ khoai mì dẻo của một bà Miên ăn tạm vài củ khoai mì nóng dẻo, ủ trong lá chuối, đựng trong thúng, suốt đêm đi xe đò ngủ quên ăn.

    "Chờ lại tiệm hủ tiếu ăn ..", bộ biết ăn khoai mì hả "Ê ----tao có răng nghe", biết xài tiền VN không? Ê ---- , tao biết chữ nghe, "kêu xe lôi về, Ê ----, tao có chưn nghe.."

    Việt kiều mầy quên tiếng Việt sao chửi thề nhiều quá vậy?" Tôi tìm ngay ngôi trường cũ, đó nguyên là cái Đình thờ Thần Hoàng. đình xưa thời tôi còn học lớp Đồng Ấu, Dự bị, Sơ đẳng với thầy giáo Chấp, cột và song đình bằng gỗ cây sao.

    Nghe kể lại, lúc phá đình, có tổ chức lễ Thắng Thiên, "Thằng Trời mầy hãy xê ra, để cho Thuỷ Lợi đứng ra làm trời "Còn đâu tiếng đánh vần buổi trưa hanh nắng, tiếng thầy nhịp roi trên bàn, miếng khoai mì tương.

    Ông Tà bằng đá dựa cây me nằm lim dim chờ thằng nào chơi ăn gian thề thì bẻ cổ nó, ông Tà về trời, cây me thành đất.

    Tất cả còn lại công viên cỏ mọc lún phún, đó đây rải rác bao plastic... Quay nhìn lại đầu kinh, Kinh Tri Tôn, đào từ thời Tây đầu thế kỷ 20, còn nghe tiếng xình xình của những chiếc tàu Lồng cu và xà lan sắt.

    Đám lính Commando Ma rốc say rượu quậy phá các tiệm bán rượu Con Cọp, nước kinh mùa mưa lên ngập đường mương, trẻ con câu được cá sặc, ghe chở nồi đậu bên xuồng trầu, nhớ Ý

    (dì) Năm, chèo xuồng trầu cau từ Mỹ Đức vào bán. Những cây me keo bên bờ kinh bị đốn từ lâu, bầy quạ đen tinh quái không còn chỗ đậu.


    Lưu Nhơn Nghĩa
    thatsonchaudoc
    sigpic

    Comment


    • #3
      Con Đường Cũ

      Con Đường Cũ
      Phần 2
      __________________________________________________ ________



      Hôm sau, ra chợ ăn bánh hỏi, rau ngành ngạnh đâu?

      Cô bán bánh ngạc nhiên hỏi, ngành ngạnh là rau gì, cây ngành ngạnh đã thành củi chụm thành tro, bây giờ còn hỏi chuyện chiêm bao.

      Giếng Ông Bảo nước thời đó lên gần tới miệng bị lấp thành giếng bôm cho "vệ sinh", mỗi lần bôm nước phải mồi.

      Mặt tiền dãy phố Vĩnh Phong Chành u ám, xưa đại lý rượu Công xi, ai ở Từng Xua qua đều ở đây, con cháu tứ tán, thời chiến tranh năm 1945, gia đình tôi ngủ nhờ tiệm trên lầu phố nầy, cửa tấn bằng những bao muối an toàn, đạn không xuyên qua, Liếm ơi, Hạng ơi, Tỷ ơi, bọn mầy đâu hết rồi.

      Hai bên đường vô Chưn Phnum, nhà nối tiếp nhà, ruộng trên bị đẩy ra xa.

      Giếng nước dưới Chưn Phnum, nước đục, ai cũng uống nước nầy từ nhiều đời, bây giờ, người xe nước vét từng gào, thôi, đành uống nước suối, nước ngọt, nước "bò cụng cho sang".

      Trường Trung học cất trên sân banh cũ, đối diện nhà thương.


      Từ chưn núi leo dốc lên mả ông già, đây là lần đầu tiên có đứa con ruột về thăm.

      Mồ mả mọc lên không ngừng che phủ núi từ chân lên đỉnh.

      Ai giàu có thì đã biết lo liệu phá đất chuẩn bị, ai nghèo thì cứ chỗ nào trống thì xen vô, nghèo thì nằm chật hẹp, nằm xuống rồi đâu cần lăn.


      Qua ngôi chùa Miên trên sườn núi, tiếng ông Lục tụng kinh trầm hùng trước buổi cơm ngọ, cầu cho vong hồn nằm đâu đây về hưởng.

      Đứng trước mộ bồi hồi, ngày nhắm mắt còn nhớ con ở xa.

      Bia đá ghi tổ mộ, Ngọc Hòa Lưu Công, chữ đỏ, bên trái ghi Kim Phụng Trần thị, chữ xanh, chờ mang tro về sẽ sơn đỏ, màu hoan hỷ, Quảng Đông tỉnh, Triều Dương phủ, cận Sán Đầu.

      Tổ tiên từ phương Bắc, bây giờ nằm góc núi bơ vơ, con cháu sẽ không đứa nào về nằm chung, bộ áo quần Triều Châu mặc tới rách, nhịn ăn cho con đi học, sợ con ra đời bị hiếp đáp, "ráng đi cours Cò, cours đội, quan một" ngày nay con có nên thân gì,

      26 năm mới về thăm nắm mồ, ngày Thanh Minh nhìn người khác có con cháu cúng kiến mà tủi thân.

      Nắng ơi là nắng, dù hiếu thảo tới đâu cũng chỉ thăm viếng thời gian ngắn thôi. Nhìn quanh quẩn, vắng những cây đào lộn hột.

      Dưới chân núi, một người đang lùa hột đào trên những tấm đệm, da chưn họ chịu nóng, hột đào xuất cảng, mình ăn trái cũng đủ, trái chát chát, chua chua, cuộc đời là như vậy.


      Ngày kế, tranh thủ thời gian đi vô Sóc Ô Thôm, xóm Tà Păn Fluc, nằm bên lạch nước Ô tà Tưng, chùa Prea Theat, giếng nước Nòn Tô sinh quán.

      Đường ngang núi Tô, tiếng bắn đá ầm ầm, nhìn cây thốt nốt, bầy bò ốm mòn, mà thương, Xóm Ta Pan Fluc, còn lại bãi đất trống, cỏ mọc xơ xác, Ô tà Tưng đã cạn nước, Sóc Ô Thôm lạch nước lớn mất lâu rồi.

      Ôi, sóc Ô Thôm xưa, chỉ có nhà sàn, cất bằng gổ cây sao, nhiều đời truyền lại người ta bị đuổi đi mấy năm, rồi về cất lại nhà tôn, cây ván tạp nhạp, thỉnh thoảng có vài căn nhà đúc, Việt kiều về cất.

      Nước giếng Nòn Tô màu đục mấy cô thôn nữ đang giặt áo quần, không còn quấn xà rông, mùi thuốc sâu nồng nặc, cá ơi, cá đâu còn nước sống dưới ruộng Tà Lấp, thôi nhường cho người đói cấy lúa Thần Nông 2 mùa mưa nắng.


      Chùa Prea Theat kia rồi, xưa Xiếm đi chùa nầy từ nhỏ, chùa qua mấy chục ông Sãi Cả, mấy trăm năm, có Xa la, có cầu đi ngang hồ sen đã cạn, ván cũ gập ghềnh.

      Tượng Phật ốm gầy theo người dân, cột cây sao gầy guộc còn đủ sức chống đỡ mái ngói cũ, cây cỏ lưa thưa, bầy diệc bay về đâu.


      A, đêm nay có Chô Smar, có muá Lâm Thol, đêm nay ta say sưa với các nàng "nen srậy", tay tiên uốn như rắn thần Naga, cám ơn, cám ơn.

      Tôi không hay biết là cuộc vui đêm đó sẽ làm tôi mất mát kỷ niệm nặng nề như mất chiếc xán ngoài bờ kinh.

      Các ông Lục thời nay tổ chức Chô Smar để xây chùa mới, xây bằng xi măng, cửa sắt.

      Mẹ ơi, ngôi chùa ông cha để lại mấy trăm năm, di sản văn hóa cuối cùng, sau khi các Sóc Miên với nhà sàn biến mất. Ngôi chùa mới thì còn chi giá trị cổ tích.


      Lưu Nhơn Nghĩa
      thatsonchaudoc
      sigpic

      Comment


      • #4
        Con Đường Cũ

        Con Đường Cũ
        Phần 3
        __________________________________________________ ________


        Tôi hỏi tìm Giếng nước Nòl Tô, sau chùa Prea Theat, cách nhà cũ hơn cây số. Xưa nghe kể lại, mỗi buổi trưa, mẹ tôi một mình gánh nước cho cả gia đình xài.

        Giếng nước còn đây, Xiếm đi rồi, muốn nghe thêm chuyện cũ mà không ai nhớ.

        Quanh giếng, vài cô thôn nữ Miên giặt áo, nước giếng đục, đây không phải chổ Tây Thi tích nhựt cán sa tân (đây chốn Tây Thi giặt lụa xưa).

        Trở về ngang bên phía Tây núi Tô, mẹ ơi, đó là một đống đá khổng lồ màu xám, không có cây cối, trên những tảng đá có ghi tọa độ để pháo binh bắn thời chiến.

        Bên Đông núi, xe chở đá vô ra ầm ầm, núi lùi xa dần, sẽ có ngày núi thành bình địa. Dọc theo đường, các ngôi chùa Miên cỗ đang được đào bới xây dựng lại, cái gì cũng cement.


        Chiều nay, tôi nôn nóng trở lại múa Lam Thol, tưởng tượng những cánh tay vờn theo nhạc.

        Chiếc lều căng tạm bợ, chung quanh rào lại, giữa treo mấy ngọn đèn, dàn nhạc từ băng cassette phát ra các điệu giựt, các cô mặc quần jean hay đồ bộ, (mắc cở gì mà không mặc xarong?) mấy anh thanh niên nhảy nhót, quơ quào, giửa sân có bàn chưng bình hoa plastic.

        Ai vào nhảy thì mua vé, chứ không mua bông như trước. .


        Trong chùa, chen chân không lọt, tiếng micro chát tai, tiếng đọc kinh, tiếng sư sãi đọc kinh.

        Sân chùa người ta tổ chức thêm các trò chơi mới sau nầy, pháo bông lẹt xẹt, trai gái tùng tam tụ ngũ ăn uống vui thiệt là vui.

        Các cụ già cũng đội nón cap Texas, mode mới ..


        Tôi biết mình mất Sóc Ô Thôm rồi, mất cả người lẫn thú cầm , cảnh vật.

        Nếu chỉ có vậy, thà tôi ở lại Thailand .


        Buổi sáng, đứng nhìn từ đầu bờ kinh cũ. Kinh bị lấp lâu rồi.

        Dãy phố cất khoảng năm 1900, nóc lợp ngói âm dương, lót gạch Tàu, tường gạch tô cement, lầu ván, có hàng ba, cửa cây xếp, cài bằng những cây thông hồng sắt.


        Tôi nhớ như in.

        Căn đầu tiên hiệu Đức Phong, nguyên chủ là ông Củ Tư Phan ở Châu Đốc, gốc Mỹ Đức.

        Ông có mấy căn liền. Năm 1945, vì có con theo kháng chiến chống Pháp, lại sợ Thổ dậy, ông bỏ về Châu Đốc, cho ông ngọai tôi vừa ở Ô Thôm ra mướn, nhờ vậy gia đình bên ngọai

        tôi làm ăn khá lên, ơn nghĩa vẫn còn tới ngày nay, xem nhau như bà con ruột thịt.

        Nhờ địa điểm tốt, ngay đầu chợ, đầu kinh, dân Miên trong Sóc quen ra mua, nên có mấy năm đã khá lên, có xe hàng, nhà máy, hảng nước mắm, trạm xăng dầu.

        Bộ hạ Bảy Đởm tìm bắt cóc chuộc tiền, ông cậu tôi lẻn lên Sài gòn lập nghiệp, rồi chuyển dần về Sài gòn buôn bán.


        Tiệm kế bên bán tạp hóa của củ Ba Thực, có thằng Vĩnh ngọng, sau là tiệm thuốc Bắc Vạn Trường Xuân.

        Ông thầy thuốc hình như người gốc Hẹ, ưa hát dân ca Triều Châu, bà vợ ông rất hiền, ít ai biết bà là em Thiếu tướng Lâm Thành Nguyên (Hòa Hão).

        Tới tiệm Chiệp Xe (Tập Sanh), tiệm bánh, làm không lên, có lẽ vì hút á phiện, bánh chỉ bán trong vùng, sau nầy người con cũng bán bánh.

        Tiệm Hòa Sanh, nhớ Ý Tư Lềnh, lớn ngưới, nói lớn, ai có việc gì, Ý cũng tới giúp đở, an ủi. Tỉa Tư hiền, ít nói, gia đình đông, tôi nhớ không hết tên.

        Tiệm vàng Ý Ba Lại, tiệm bánh mì, tiệm Đại Đức Chành, bán bánh, tiệm thuốc Bắc Bảo An Xương, củ Phò nấu món thuốc Bắc ngon lắm, nghe nói vậy.

        Căn cuối cùng của bác Bảy Đạo Chuối, bác có chiếc xe cũ chạy đò, thấy bác sửa xe mỗi buổi chiều. Sau, căn phố nầy bán cho ông Cả Lol, Ý Xẻn làm phòng ngủ.

        Ý Xẻn cho vay, trả trể là chết với bả, bả chửi tới khi trả mới thôi.

        Cái Block Côte thời Tây trước phố Ý Xẻn đã dẹp lâu rồi.

        Tôi muốn nhắc, xứ tôi ai cũng hiền, bị người xứ khác tới hiếp đáp.



        Lưu Nhơn Nghĩa
        thatsonchaudoc
        sigpic

        Comment


        • #5
          Con Đường Cũ

          Con Đường Cũ
          Phần 4
          __________________________________________________ ________


          Bên hông chợ phía Tây, có năm tiệm buôn. Trước kia, vùng nầy là vườn dừa.

          Sau đó (khoảng 1910) người ta (gốc Tàu) cất 4 căn nhà nhỏ, vách ván sơ sài, bán tạp hóa.

          Tôi chứng kiến nhiều nhứt sinh hoạt con đường trước nhà, bên hông chợ nầy. Lúc đầu, nhà lợp ngói, mái trước lợp lá.

          Căn đầu của bà Xí, bên Tàu qua, bà nuôi người con nuôi là củ Phú, cho về Tàu học, sau về đó tiếp tục buôn bán.

          Củ Phú lúc đầu nói tiếng Việt chưa giỏi, ông uống rượu khá nhiều, nằm trên võng đưa, ai hỏi mua đồ, ông nhắm mắt lim dim,"kha men tê" (không có đâu).

          Thời đó người mua nhiều, người bán it, đời sống quá dễ dàng.

          Củ Phú hiền, mỗi lần gia đình tôi xào xáo, ông qua can.
          Kế bên là tiệm gia đình tôi, lúc đầu sang lại tiệm tạp hóa của Chệt Chiêu, ông nầy "tứng Từng Xua" (về Tàu).

          Nhà chật, nhưng ở Sóc ra, có chổ che mưa nắng là quí rồi. Sau nầy khá lên cất lại rộng rải thì con đi xa hết, ngày nay đổi chủ.

          Hàng hóa cũng không có gì nhiều, dây mây, dây chì, đinh, đường om, đường thẻ, đường mở gà, hột é (các bà Miên cứ tưởng hột é là mè), họ cứ gọi "à ngô" (mè), ngày nào mẹ tôi cũng giải thích "crop chi (hột é)".

          Thời đó, nhiều người Miên chưa có ý niệm trọng lượng. Bà già tôi cân đường chảy, đựng trong cái om (loại nồi bằng đất cổ nhỏ).

          Lúc cân, bà trừ bì cái om, bán mắc hơn người khác, nhưng họ cân luôn cái om, mà không trừ bì.

          Sau bà bắt chước bán theo giá họ, cũng không trừ bì cái om, nhưng bà nhắc đi nhắc lại là bà không chịu tội cân thiếu, vì bà đã giải thích mà họ không nghe.

          Mãi đến khi qua Úc, bà vẫn còn sợ tội cân thiếu, gặp ai cũng phân trần chuyện nầy.

          Cũng như chú tôi ở Sóc Trăng lên, mở cho ổng sạp vải bán, ai mua 1m, 2m, 3m chẳn thì ổng bán, mua 1 thước rưởi thì không bán.

          Có ngưới thắc mắc, hỏi ông già tôi mới vở lẻ là chú tôi không biết tính lẻ.
          Lúc nhỏ, tôi không ưa người Miên (thời đó gọi la đàn thổ).

          Các bà Miên trong Sóc Ô Thôm ra đều ghé tiệm mua.

          Mùa Đôn tà, Chô snăm, nhiều bà mang bánh ít, bánh tét đi bộ 12 cây số từ Ô Thôm ra cho mẹ tôi, "à Cầm Hon" (tên bà già tôi bằng tiếng Tiều là Kim Hỏn).

          Bà già tôi biếu lại ký đường, mỗi lần nhận quà nhau, cả hai chấp tay đọc kinh chúc phúc bằng tiếng Miên, người đọc, người kia chấp tay nghe, dù việc buôn bán bề bộn.

          Ngày nay, tôi mới cảm được cái tình bạn thuở đó, nghèo mà thâm sâu.

          Người Miên khi nhận cái gì của ai, thay vì cảm ơn, họ đọc tròn câu kinh chúc phúc.

          Có lần, kêu ống nước thốt nốt uống, đưa tiền, anh không có tiền thối, tôi cho luôn, anh gánh nước thốt nốt đứng đọc kinh, tôi mãi lo nói chuyện, vậy là anh ấy không còn nợ tôi, ngược lại tôi không nhận được lời chúc phúc.


          Về sau, bán hết đồ cũ, ông già tôi chuyển sang bán thí hụi, đồ sắt, không sợ ruồi bu kiến đậu.

          Mẹ tôi cực khổ đã quen. Tôi lớn lên, im lìm, rất sợ đòn, chỉ chứng kiến, ghi lại những gì tôi nghe thấy.

          Nhà tôi xào xáo thường xuyên, ông già tôi "highly strung", ưa nổi cơn ẩu dù chuyện không có gì quan trọng, suốt đời tôi nhúc nhác, mất tự tin từ đó.


          Tiệm kế của ông Lào Tán (lão Trần), con là hia (anh) Khù Khì,và chế (chị) Nghín.

          Ông có vợ sau, bà nầy dữ lắm, vừa gây gổ ầm ầm ở nhà, vừa chửi lộn ngoài, may là không đụng chạm gia đình tôi.

          Ông Lào ưa kể chuyện bên Tàu, cảnh đói khó, con nít ăn miếng khoai mì phơi khô hấp. Tiệm bán cho củ (Cậu) Chi, Miên, bán đồ cho ông Sãi như y áo, vàng khăn, ô ... hiền lắm, kiểm (Mợ) Chi con đông, mà vui "bao nhiêu cũng nuôi hết".

          Kế bên quên mất chủ, gốc xứ khác, bây giờ tiệm hia Khén, đông con tới không nhớ hết.


          Căn cuối cùng của ông Lào Xị, ông ít nói, tiệm bán cơm. Nghe nói ông có món giò heo và xa xíu ngon lắm.

          Năm 1949, 1 đồng cơm, 4 đồng xa xíu, dĩa cơm 5 đồng ăn no.


          Người thế hệ vừa kể không còn


          Lưu Nhơn Nghĩa
          thatsonchaudoc
          sigpic

          Comment


          • #6
            Con Đường Cũ

            Con Đường Cũ
            Phần 5
            __________________________________________________ ________


            Dãy nhà đâu vách cũng 4 căn.

            Căn đầu của Pề Xál, bán hủ tiếu và vé xe đò đi Long Xuyên.

            Pề (bác) Xál, lai Miên, họ Khưu, hiền lành, dân kỳ cựu, nấu ăn ở trình độ đầu bếp.

            Nghe nói xưa, Pề có nhà máy xay lúa, giàu lắm, ổng có vợ bé, kiểm Xál (kiểm là mợ, đáng lẽ kêu bằng úm, bác gái nhưng kêu kiểm đã quen) mướn người giết chết bà vợ bé.

            Người giết sau làm thợ mài dao, mỗi lần mài dao cho ai xong, ông tự cắt chân mình chảy máu để chứng tỏ là ông mài dao rất bén.

            Xưa giết người vì cơm gạo, bây giờ trả quả.

            Kiểm Xál người Miên, nói lớn tiếng, rất biết điều với lối xóm.

            Mỗi lần đi Long Xuyên, ngang nhà kiểm buổi sáng, Kiểm chúc lành, tôi còn nghe tiếng kiểm vang vang" đi mạnh giỏi nghe con".

            Con là hia Xền Hởi (mang giày), lên Nam Vang học tiếng Ăng Lê, về cưới vợ, đám cưới lớn, sau nầy gia đình đi xuống, nghèo, có người nói vì làm đám cưới lớn, con cái làm ăn không khá.

            Sau 1975, nhà đổi chủ, cất thành nhà lầu cao, hia Xền Hởi dời về Ô Thôm ở làm rẩy.

            Mỗi lần về quê ăn Tết, mẹ tôi biểu qua nhà Củ đốt nhang.

            Nhìn tấm ảnh, Củ nhìn tôi cười như lúc còn sống, vừa nghe kiểm Xái kêu lớn, thiết tha, nghe rợn người "Hia Xái ơi, Nghỉ nó về đốt nhang cho Hia đó, phù hộ cho nó mạnh giỏi ".

            Bây giờ nhớ tới nao lòng. Pề và Kiểm đã đi, muốn một lần ngồi nghe kể chuyện Ô Thôm mà có còn ai nhớ.

            Kế bên là nhà ông Hương Quản Hiếu, ngay sau nhà tôi, trước ông có xe ngựa cho mướn, hai người con là củ Minh Tân, đậu Certificat (Tiểu học), làm cho 2ème Bureau (Phòng Nhì hay là An ninh của Pháp), Đội Xếp và củ Minh Chánh.

            Sau ông bán xe đạp (lúc đó gọi là xe máy). Ông còn theo xưa, có khi bắt bà thím nằm xuống cho ông dùng roi đánh như đánh con nít, bà không được quyền khóc, phụ nữ ngày xưa khổ lắm.

            Bà thím cùng họ với ông ngoại tôi, nên nhận bà con, nhờ vậy, mấy củ tôi ở Ô Thôm ra có chổ trọ đi học, mới biết chữ, ở Ô Thôm chỉ có lớp Năm, tức lớp 1 ngày nay.

            Ơn nghĩa đó được gìn giữ trọn vẹn, gia đình bên ngoại tôi giúp đở củ Minh Tân tới ngày chết, coi như bà con ruột thịt.

            Không biết tại sao, ở xứ tôi có cái tục nhận họ, cứ một họ là nhìn bà con, rồi giúp đỡ lẫn nhau, như gia đình củ Xên, bịnh hoạn liên miên, nằm ôm bụng rên, "mau mau mua lít rượu chắn lại", có rượu hết bịnh.


            Căn nhà nầy sau bán lại cho Củ Chón, gốc Tàu, rể ông Cai Tổng, khoảng năm 1950, củ Chón có Certificat, bán sách vở học trò, vừa đi dạy lớp Năm (lớp 1 ngày nay), lương lớn, có đứa con đầu, thằng Cui Hon, học rất giỏi, sau lên Nam Vang học.

            Mẹ tôi nhìn thèm thuồng lắm, bà khen "con dòng cháu giống", không ngu như tôi, bạn bè đặt tên tôi là "Nghỉ Khùng", mang luôn tên tới giờ, mỗi lần mở miệng là bị tiếng đó chận họng.


            Củ Chón có mấy căn phố, kiểm Chón, con ông Cai Tổng xưa, không làm động móng tay.

            Mấy cha Phú lích qua lại chờ bên nhà tôi có rác thì biên phạt.

            Tiệm củ Chón rác rến chung quanh mà đám phú lích giả đui không thấy.

            Ông già tôi đầu tắt mặt tối buôn bán, nhịn nhục đủ thứ, thèm địa vị củ Chón vô cùng, nên ông nảy ý bắt tôi đi học, để đi cours Cò, cours Đội.

            Mãi sau nầy, ông vẫn sợ lính, dù con đều là lính. Tiệm nầy bán lại cho Củ Sáu tôi, ông mở depôt lave nước ngọt, nhờ có chút chữ nghĩa, làm Đại diện xã, có 3 bà vợ. Cả gia đình không ai ưa được.

            Làm như Đại diện xã là cao sang uy quyền lắm, lúc bà già tôi cất nhà, ổng nghe lời vợ con, kêu bà già tôi lên xã hăm dọa. Bà ngọai tôi phải tới dàn xếp mới yên.

            Thằng em tôi đi lính về đòi thanh toán ổng. Con cái ổng cũng bị cái hào quang, cư xữ như tiểu thư, mấy đứa em tôi gọi rể ổng là Phò mã.

            Sau 1975, mẹ tôi nuôi ổng, nhờ vậy mới qua lại, bây giờ, tiệm lại đổi chủ.

            Tới tiệm Chú Xồi, thời năm 1951, có bàn billard và bàn đá banh bàn, thêm loto ban đêm.

            Tôi chỉ đủ khả năng mua 1 tấm, có lần kinh, được 35 đồng, ông Ráng chủ nhà cái, chần chờ không muốn chung tiền, nhưng không dám ép tôi, ổng đưa toàn tiền rách, tôi xài không hết, đành đưa cho ông già tôi, ổng hay tôi cờ bạc, muốn đánh tôi.

            Tiệm này lại thành tiệm ăn, bán cơm, rồi tiệm trồng răng.

            Tôi có ra lấy tủy răng, mỗi lần đụng tới đau thấu trờí, không có thuốc tê.

            Người chủ cuối cùng là Củ Dét, Miên, hiền và có trình độ, buôn bán.

            Củ có mấy người con gái đẹp cao sang, tôi chỉ dám nhìn chứ không dám làm quen, nên không nhớ tên.

            Tiệm cuối dãy nầy là Chệt Căn, bán cà phê hủ tiếu.

            Xiếm Căn bắt đầu từ 1948, đẩy xe nước đá bào bán ngoài chợ.

            Nước đá bào trên bàn bào vắt lại, xịt xi rô đỏ hay vàng, cầm nút, đã khát, nhờ ngay chỗ.


            Lưu Nhơn Nghĩa
            thatsonchaudoc
            sigpic

            Comment


            • #7
              Con Đường Cũ

              Con Đường Cũ
              Phần 6 & 7
              __________________________________________________ ________


              Đối diện dãy phố củ Xál là một trong năm dãy phố cũ, cũng giống dãy phố đầu tiên.

              Căn đầu nhìn từ hướng Nam của Tỉa (dượng) Kim Xen, có ba người con, đứa con giửa tên Nghĩa, họ Trần, học chung lớp tôi năm 1952, lớp Ba.

              Gia đình buôn bán hàng sáo, ít giao thiệp, hình như ông Kim Xen mỗi ngày vô Sóc mua thổ sản, lúa gạo ra chợ bán.

              Thằng Nghĩa, cùng tên tôi, khoái chí mỗi lần tôi thi rớt, sau đi Cảnh Sát.

              Bà Kim Xen thích nghe chuyện tôi thi rớt để cười hể hả, bà già tôi mắc cở để trong lòng nhiều năm, chỉ có tôi mặt dầy.

              Ông già tôi chửi “thứ thi rớt mà đi ngoài đường không biết nhục".

              Cả nhà ông đã mất, nhắc cho nhớ chơi một thời, có còn gặp lại đâu mà oán thù ganh tỵ.

              Bên cạnh là phố ông Sỉnh, có mấy người con tên Ối, Là Hón (bạn học tôi), Xẻn, gốc Tàu, chết không còn người.

              Kế bên là phố Ông Bang Tốt, giàu xưa, cạnh là tiệm hút, ngày xưa, ai muốn hút á phiện thì vô hút, hút mấy ngao trả tiền mấy ngao, tuy bị cấm, nhưng không ai bắt bớ, bà con với nhau cả .

              Tiệm cơm Việt Nam của cậu Hai Dư kế bên. Quán cơm VN duy nhứt, có khi nhận tiệc đám cưới. Rồi tiệm Hiệp Lợi, tiệm bác Sáu Chung, ông bà hiền lắm, con ông là Đại úy Minh.

              Củ Bảy Chi mua thêm căn phố kế bên. Bước qua, tiệm vàng Cậu Mười An, rồi tiệm củ Dét.

              căn cuối cùng hiệu Vinh Hiệp Chành, bán đồ bazaar. Ông chủ không bao giờ ngồi tiệm ca phê, gốc bên Tàu qua lưu lạc tới đây, từ tay trắng làm giàu, khôn hơn mấy ông gốc Tàu bản xứ.

              Ông khen xứ nầy "Hốc Tì" (Phúc Địa) cá thịt nhiều, dân Chợ Lớn ăn được con cá lóc lớn như xứ nầy, ngon tới " run râu" .


              Cách con đường, là tiệm Mai Xương Chành, còn gọi là tiệm Nam Vang, bán hàng mắc tiền, rồi tiệm Hương Ký, gốc Hẹ, bán Tạp hóa, khá phát đạt, ông Hương Ký ốm, cao lỏng thỏng.

              Một anh lính chọc phá cháu ông, ông đánh hắn té văng xa mấy thước, anh lính hoảng hồn rút lui, nghe nói ông có xìn tả ( Thần đả).

              Tiệm bên bán ca rem cây ( ice block ) từ năm 1950 hình như của ông Năm Quả.

              Người ta, thường là người già, trẻ con, tới đếm cà rem cây, để trong bình thủy, mang đi bán ngoài chợ, trường học ...

              Lúc bắt đầu có cà rem, người ta đồn, cà rem có chất acid, nên mỗi lần ăn, họ lấy ngón tay chà cây cà rem cho sạch chất " acid ".

              Từ đó, mỗi buổi trưa, chợ vang lên tiếng rao “cà rem cây, má mầy lấy Tây”.

              Món giải khát nầy là món quà thay thế nước đá bào.

              Rồi lại có tin đồn Đàn Thổ (Miên), bỏ thuốc độc trong bình cà rem để đầu độc người Việt, cà rem bị bán ế, không thấy ai chết.

              Nhưng từ đó, danh từ "Miên" thay thế chữ “Đàn Thổ”, đở mích lòng nhau.

              ***


              Nhìn từ đầu bờ kinh, bên phải, đối diện đầu chợ phía Bắc, là dãy phố giống hệt dãy phố đầu chợ phía Nam.

              Dãy nầy, bắt đầu từ đầu bờ kinh, căn đầu tiên hình như tiệm may hia Dịn và đứa em tên Tỳ con củ Mão.

              Củ Mão người thấp, nhưng vặm vỡ, củ có tài cạo gió rất hiệu nghiệm.

              Ai bị trúng gió độc, cứng miệng, củ cạo xong, uống chén trà gừng, sút mồ hôi hết cảm.

              Củ chỉ cạo giúp, chớ không lấy tiền.

              Cách chữa bịnh nầy rất cần thiết, trong quận không có bác sĩ. Kế bên là phố của con củ, hia Bé.

              Sát vách là hiệu Lâm Trinh Tường, củ Xưởng (Xưởng là âm tiếng Tàu, âm VN là Tường).

              Củ Xưởng gốc Ô Thôm, rể thầy Cai Tổng Ul, người con là Cà Tâm, học chung lớp tôi, không biết tên khai sanh là gì, chưa từng nói chuyện với nhau một tiếng.

              Năm 2001, tới thăm lần đầu, Cà Tâm lúc đó bịnh, miễn cưởng ngồi tiếp chuyện.

              Tiếp theo là tiệm anh Ái, trạc tuổi tôi, rồi tới phố ông củ Hội Đồng Kết, họ Trang.

              Hình như dãy phố nầy hầu hết của ông. Ông Hội đồng, mặc áo bành tô, hàng nút vàng, bốn túi, màu xanh dương nhạt.

              Ông hiền lắm, ít nói, không làm mất lòng đứa con nít trong quận.

              Phố củ Mẫu tiếp theo, buôn bán, tiệm may Sum Nguyên, may khéo nhứt, dành cho khách giàu.

              Củ Kiếm than, ông cò Hiến binh tới may, không trả tiền công lẫn tiền vải.

              Tiếp theo là mấy căn của ông Hội Đồng, căn của củ Năm Sạn, tiệm may, nghe bạn học khen các cô con gái ông đẹp nổi tiếng, tôi chưa gặp mặt lần nào, dù cùng xứ sở.

              Tiệm Gia Mậu (Kia Mẫu), tôi gọi bằng " chệt " (chú), chỉ nói tiếng Tiều với tôi.

              Chệt trắng trẻo, áo quần thẳng nếp khi ra đường, họ Bành.

              Năm lên 60 tuổi, lục tuần, chệt tổ chức lễ thọ rất lớn, nấu chè mì ngọt, gắp sợi mì bằng đủa, không cho sợi mì đứt.

              Chệt bị tên y tá rỡm chích thuốc, bị phản ứng thuốc chết.

              Con trai là Chiêu, lên Nam Vang học. Năm 1963, lính Sea Bee Mỹ đến lập đồn Châu Lăng, mướn nhân công đủ loại, mua đủ mặt hàng.

              Chiêu nhờ biết tiếng Anh, được vào làm. Mỗi lần dẫn người Mỹ đi mua đồ, Chiêu dặn tính thật mắc, sau đó, Chiêu trở lại lấy tiền sai biệt.

              Ai muốn vào làm trong đồn Mỹ, phải nhờ Chiêu. Chiêu kiếm rất nhiều tiền, (lương tháng $7000, lương giáo sư Đệ nhị cấp hơn $5000), lên Saigon mướn nhà cho bạn gái Hong kong ở.

              Sau Chiêu đổi theo Mỹ qua lại Cambodge, hắn buôn bán bạch phiến, bị nhốt Côn Đảo, chết trong tù sau 1975.

              Đi dọc theo hông phố Gia Mậu, sau lưng là tiệm cầm đồ của thầy Ký Seyla.

              Đây là căn villa lớn, củ Seyla có gần 30 căn phố trong quận, bây giờ ở Mỹ, nhớ xứ sở, than không có "lúi", làm sao về VN .

              Những căn kế tiếp cất không liền nhau, tôi không nhớ ...


              Lưu Nhơn Nghĩa
              thatsonchaudoc
              sigpic

              Comment


              • #8
                Con Đường Cũ

                Con Đường Cũ
                Phần 8
                __________________________________________________ ________


                Đối diện tiệm cầm đồ là dãy phố, hình như chỉ để ở, có người chuyên nuôi cá thia thia đá độ.

                Con đường nầy dẫn tới thành lính Tây, sau nầy là Chi Khu, rồi bây giờ là Chi Đảng bộ.

                Sau tiệm Nam Vang (Mai xương Chành) là dãy phố cũng xưa. Căn đầu Hiệu Cẩm Phát, buôn bán dầu và vận tải lớn, đường Saigon.

                Hôm đám ma Củ Tư tôi ở Melbourne (Úc Châu), ông đã già, tới đưa đám ma người đồng hương, vừa là địch thủ thương mại.

                Nhớ thời ông bị mấy người Củ tôi liên lạc ngầm ở Saigon, được môn bài hảng Shell, bán xăng dầu và lave nước ngọt độc quyền.

                Sau khi làm lễ hỏa thiêu, ông đi lụm cụm, buồn rầu. Ông lắt đầu mệt mõi nói, “Mầng ăn ở đâu mà không có cạnh tranh.

                Củ Tư mầy ỷ anh em đông quá, ăn hiếp tao, tao có một mình.

                Bây giờ nhà cửa mình mất hết, chết còn một chén tro.

                Tao hổng biết chừng nào chết. Bây giờ ông cũng mất rôì, nhớ thời mướn đốt nhà máy nhau, nghe xe đối thủ mình bị mìn thì cười hể hả.

                Nhà phố, xe cộ, nhà máy, chành lúa vô tay người khác. Chết chôn ở Úc, chắc hết cạnh tranh".


                Kế là tiệm Mậu Nguyên, bán đồ ông Sãi, như bình bát, vải vàng, nhang đèn, chệt Kiểm Xía.

                Chệt hiền, không thấy đi đâu chơi. Chiều chiều bạn bè gốc Tàu ngồi trước tiệm uống trà. Con chệt là Thến, tuổi tôi.

                Hồi nhỏ, khoảng năm 1949, chừng 8 tuổi, Thến bị bắt cóc chuộc tiền.

                Tên liên lạc nói Phến bị bỏ vô bao, thả trôi lều bều dưới sông, nếu không đưa tiền, nó sẽ bỏ chìm luôn. Nhà sợ, khóc hết nước mắt.

                Sau khi được chuộc về, Thến kể là họ chỉ dẫn Thến đi câu cá ngoài đồng. Dì Năm Hương cũng bị bắt cóc hụt.

                Kế là thằng Quan con củ Xiếu bị bắt, vào buổi trưa, củ chạy lên thưa ông Cò Tây.

                Ông Cò Tây lấy chiếc xe hàng nhà cậu tôi rược theo, cứu được thằng Quan.

                Chợ xao xuyến lắm. Ông già tôi hăm tôi mẻ răng “nếu bị bắt, tao cắt đứt luôn."

                Tôi biết thân, chỉ lẩn quẩn chơi trước nhà.

                Chàng Thến rất đẹp trai, học trể. Hồi Trung học, đi chơi với giáo sư ngang hàng như bạn.

                Nhờ cha mẹ có tiền, Thến xài thả cửa, hào hoa, ở đâu cũng có bạn gái.

                Thến chạy được Chứng chỉ, đi Thủ Đức, cũng Sĩ quan như ai.

                Lúc tử trận, khi quan tài đang quàng tại nhà, có một thiếu phụ bồng con lại khóc, xưng là vợ, rồi thêm thiếu phụ khác cũng bồng con tới xưng là vợ Thến.

                Chệt Kiểm Xía than, "tôi có cưới vợ cho nó hồi nào đâu, mà chết rồi thôi, biết làm sao ? ".


                Tới tiệm Ích Mậu, bán đồ sắt, có xe hàng, kế là phố thầy Ký Khách, gốc Miên.

                Tiệm Vĩnh Phong Chành hình như 2 căn, xưa bán buôn lớn, Lào Ứng, ông họ Huỳnh, lớn người, bên Tàu qua.

                Trước kia, ông già tôi ở Sóc Trăng, lưu lạc tới, làm Tài phú cho ông, nên quen biết thân.

                Đêm đêm, thời 1945, giặc giả, gia đình tôi ngủ phố ông.

                Cửa tấn bằng bao muối chống đạn, ngủ đông bớt sợ. Ông có ngườ'i con trai của vợ lớn đã chết bên Tàu là chệt Chiêu.

                Chệt Chiêu cũng có vợ lớn bên Tàu, mang theo thằng con tên Hạng qua VN.

                Chệt đánh nó hàng đêm.

                Chệt Chiêu có vợ sau, có mấy đứa con, như thằng Liếm… Gia đình tôi ngủ chung trên lầu ván.

                Một đêm, nghe tiếng súng nổ, tôi hoảng hốt chạy xuống lầu, mẹ tôi nhỏm dậy, té lọi tay, đêm đó không có ông già tôi, nhờ chệt Nghén sửa bóp cho mẹ tôi.

                Vêt thương không bao giờ lành, vào mùa lạnh bị nhức, bà rên đau tới ngày mất, nghe bà nhắc tôi mới nhớ, biết làm sao báo đền. Sau nầy, ông già tôi nhớ ơn, nợ nần chệt Nghén, ông quên hết.

                Ý Lèn là vợ sau ông Lào Ứng , hiền , ai cũng thương. Trưa trưa, ý dẫn Hạng (con của con trai của vợ lớn ông Bang Ứng bên Tàu ) và Tỷ, con ruột, đi ăn quà ngoài chợ Hôm ý Lèn mất,

                lúc làm lễ động quan, Hạng nhào lăn kêu khóc, " Má, má " (Bà, bà) Bà nội ruột nó mất bên Tàu, còn ai thương nó. Nó lưu lạc lên Chợ Lớn Nam Vang, về xứ dạy trường Tàu, có vợ con.

                Tướng nó khá sang, mang kiến trắng trí thức, nói có Bac double (Tú Tài 2) ở Nam Vang, về gặp lại mừng chưa hết, thì được thư ông già tôi cho hay nó mượn tiền tứ tung, rồi bỏ trốn, ông dặn tôi đề phòng.

                Sau Tết, quả thật , nó dám lên Sài gòn biểu tôi đi cầm chiếc xe Honda cho nó mượn mua nhà ....

                Ý Lèn mất, cả chợ ai cũng tiếc thương. Ông Bang Ứng cưới bà thứ ba. Nghe nói bà nầy lấy dao cắt tay thằng Tỷ con ý Lèn, chuyện nhỏ xé to.

                Mỗi lần Tỷ đi ngang nhà ai, cũng bị kêu vào, nhắc thương ý Lèn . " Phải còn mẹ, đâu đến đổi vậy".

                Tôi thấy rỏ vết trên tay Tỷ, như vết trầy trụa thường, phết thuốc đỏ. Đúng lúc, dàn hát máy tuồng Phạm Công Cúc Hoa ra rả, cảnh Tào bà vợ bé Tào thị bắt Nghi Xuan Tấn Lực ra đồng chăn vịt, dầm mưa dải nắng . "

                Chúng bây là đồ báo cô, cơm dư thà là đổ đi, tốt hơn cho chúng bây ăn,nuôi bây cho lớn khôn tránh tiếng đời mẹ ghẻ

                con chồng "...Dân Tiều phải làm áp lực mới yên .
                Tiếp theo là 2 căn Khánh An Chành, giàu xưa, liên hệ bà con với tôi. Bên cạnh là tiệm cơm Á Châu, tiệm tạp hóa Long Phong của ủ Xiếu.

                Cuối cùng là tiệm Khánh Phong của chú Lửng.


                Lưu Nhơn Nghĩa
                thatsonchaudoc
                sigpic

                Comment


                • #9
                  Con Đường Cũ

                  Con Đường Cũ
                  Phần 9
                  __________________________________________________ ________


                  Đối diện dãy phố trên, bắt đầu từ hướng Tây, trước là tiệm củ Chón, sau là trạm xăng củ Út tôi, bên cạnh tiệm hia Cuôn, tiệm Nam Châu bán cà phê hủ tiếu, mỗi lần ăn hủ tiếu, ông luôn luôn múc cho tôi thêm miếng xương, khen tôi hiền.

                  Con một là thằng Cái, mập trắng như bột, uống rượu be bét tới chết.

                  Tiệm đã đổi chủ, 2 căn liền trả lại cho chủ cũ là chế Tin Hiên, kế là tiệm bi da của thầy Ký Lỹ, rồi tiệm hớt tóc chú năm Hào ....
                  Rẻ phải là dãy phố người Tiều, bây giờ ít ai nhớ, khoảng 5 căn.

                  Từ phía Đình (ngày nay là Công viên), căn đầu tiên, hình như là cơ sở Cao Đài, sát bên là căn gia đình tôi mướn ở một thời gian ngắn.

                  Lúc đó, khoảng năm 1945, bên nhà có dì Năm, dì Tư, má thằng Xăng, lúc đó cả xóm chỉ có mình tôi là con nít, được hàng xóm thương và chọc tới khờ, “chú tửng từng tưng, gặp chị bán gừng, ni nả nị ơi ..”, tôi bị chọc tới muốn khùng.

                  Thêm nạn bị đám con nít chạy theo coi 2 ống chân ốm như ống sậy, đứng không vững.

                  Ở nhà, chỉ nói tiếng Tiều.

                  Tới nhà thầy Cai Bu (hạ sĩ cảnh sát), người Miên, rất hiền, có bà vợ nhỏ người Việt, lâu lâu, bà bị ông đánh, la khóc, chửi liên hồi chỉ có một tiếng," ĐM mầy ....".


                  Con đường trước nhà chạy thẳng tới ngôi Đình dùng làm trường học, thầy giáo Thừa, thầy giáo Chấp, chỉ có tới lớp Ba, năm 1954 mới có lớp Nhì.

                  Trước nhà tôi, là dãy phố, nhớ có củ Xu, củ làm thịt trăn.

                  Con trăn bị 2 người kéo dài, củ dùng dao cắt đầu trăn, rạch bụng trăn, lột da, dùng đinh căn da trên tấm ván, phơi khô bán đi đâu không biết. Thịt trăn bán ngoài chợ.

                  Thịt trăn bằm xào sả là món ăn quen thuộc thời đó.

                  Thời chiến tranh chống Pháp, Nhựt cũng đến xứ tôi. Người ta sợ súng lắm.

                  Nghe tiếng súng, nhà đóng cửa, nhìn qua khe cửa, thấy mấy người lính Miên khiên xác 1 thanh niên, mặc quần xá lỏn, trắng trẻo, đầu ngả quặt về phía sau, vừa bị bắn chết, bây giờ còn sợ.

                  Gia đình ông già tôi nhờ có giấy Minh Hương, mang insigne cờ Tàu trên ngực, nên Tây để yên, Miên không đụng chạm, bình an.

                  Bên hông ngôi Đình là nhà ý năm Tăng, cháu ông Quận Sóc, sau làm đồn Quân cảnh.

                  Ý Năm Tăng rất đẹp, Tàu lai Miên, bà có chồng, con là thằng Thi học chung lớp, sau lại lấy ông Docteur Tây, có đứa con lai.

                  Trước nhà có cây bông điệp ta, (loại bông vùng nầy người Miên dùng cúng Phật).

                  Một buổi trưa, tôi đang đứng say sưa ngắm những chùm bông điệp, ý Năm bước ra nạt, “bộ muốn ăn cắp ‘mẽn cầu’ hả”.

                  Tôi cụt hứng lủi trốn mất, chỉ sợ tới tai ông già thì no đòn.

                  Xin lỗi ý năm Tăng, tôi chỉ ngắm bông điệp, đâu có ý định ăn cắp “mẽn cầu” của ý, oan quá , chỉ ngắm bông mà bị mang tiếng ăn cắp.

                  Ngày nay, tôi mua được cây điệp ta (dwarf poinciana) trồng bên hàng rào sau nhà để nhớ quê.

                  Cùng dãy nhà ý Năm Tăng có dãy phố cũng một kiểu, nhưng tôi không nhớ chủ.

                  Mặt ngôi Đình hướng về bờ sông. Sau đình có sân rộng, có ông Tà (ông thần Miên) bằng đá ngồi dựa gốc me.

                  Nhờ ông mà bọn học trò không dám chơi ăn gian, khi không giải quyết được chuyện gì đó, bọn học trò thách nhau " thề ông Tà bẻ cổ ", đứa gian không dám thề.


                  Sau trường là "Nhà Việc ", trụ sở Hành chánh, tường bằng đá núi, nay vẫn còn, trước Nhà Việc, nối liền với sân sau trường thành khu đất trống dành cho việc lễ lạc, diễn binh, nhảy bao, cạp chảo, vào dịp lễ 14-7 Pháp.


                  Theo đường trước Nhà Việc đi thẳng về hương Bắc, hướng ra Châu Đốc, có căn nhà thầy Giáo NOL, mặt tiền rộng, tường bằng đá núi, thầy hay "Thơ Bun", làm phước, bố thí cho người nghèo theo phong tục Miên. Kế bên là tiệm hàn.

                  Đối diện cũng có dãy phố, tôi cũng từng ở đó thời gian ngắn.

                  Cạnh là nhà Thầy Thông giây thép, có hai người con, anh Đạt và anh Hiển.

                  Tôi đang chơi, anh Đạt mua bánh bèo, tôi ngó miệng, anh nói " ăn mậy ", tôi bóc bánh ăn, anh dùng tăm xỉa răng ghim ăn sạch sẽ.

                  Cám ơn anh Đạt, mà có gặp anh đâu mà cảm ơn.
                  Sau Nhà Việc là xóm Miên, nhà sàn xưa, cột cây sao người ôm không giáp, có ông Quản Nghét, hiền.

                  Sau 75, nhà bị dở mất hoàn toàn, mất luôn xóm cũ.



                  Lưu Nhơn Nghĩa
                  thatsonchaudoc
                  sigpic

                  Comment


                  • #10
                    Con Đường Cũ

                    Con Đường Cũ
                    Phần 10
                    __________________________________________________ ________


                    Từ Nhà Việc, đi về hướng Nam (hướng vô Ô Thôm), hai bên nhà trệt, mái ngói, tường đá núi.

                    Đặc biệt bên trái có nhà ông Hội Đồng Kết, sân rộng, kế bên, nhà ông Hội Đồng Mau, chung quanh tường bằng đá núi, cắm miểng chai, bây giờ là chổ rửa xe, hình như ông H Đ Mau đã về Nam Vang.

                    Đi một đổi, gặp ngả ba đường, sau lưng chùa Ông Bổn, vô chừng cây số nửa tới Ô Pà Lầy, vô thẳng núi Tô và Ô Lâm.

                    Trước năm 1975, chưa bao giờ tôi qua khỏi Ô Pà Lầy, nhác như thỏ.

                    Mãi đến năm 2000, mới dám vô Ô Thôm lần đầu.

                    Gia đình cấm đoán từ nhỏ, xưa ông già cấm, bây giờ, thân nhân lớn tuổi cấm.

                    Tôi mù tịt về quê hương mình.

                    Mỗi lần tìm người hỏi, là y như có người ngăn chận, hoặc trả lời giùm.

                    Họ ngạc nhiên thấy tôi giữ lại cái Bàn toán cũ, cái cân cũ, ngày xưa ông già tôi cân dây chì, đinh bán.

                    Tôi đúng là " khùng" như thời còn nhỏ.

                    Chùa Ông Bổn do người Tàu cất khoảng đầu thế kỷ, tường rất dầy, xây bằng đá núi, bên trong chật, thờ Phước Đức thần.

                    Ông Từ Me làm Từ từ trước năm 1948.

                    Bọn tôi quay quầng bên ông, chỉ nghe ông nói chuyện tục, ông có tật cà lăm, ông chết, con ông, chú Thiệu thay thế.

                    Chú Thiệu mặt lừ đừ vì rượu.

                    Trước mặt Chùa là sân rộng, nay làm nhà giử trẻ.

                    Ngày xưa, chổ nầy làm lễ cúng cô hồn mỗi lần cúng rằm tháng Bảy.

                    Trước đó, bổn phố nhận những cái giỏ tre, đan thưa, dường kính chừng hơn 2 tất, để vào giỏ gạo, mía, khoai, cắm cờ đuôi nheo, trên cờ đề tên tiệm, bằng chữ Tàu hay chữ Việt.

                    Bà già tôi dặn, " viết cho kỹ ông Bổn mới đọc được”. Những cái giỏ đó được mang chất trước cửa Chùa để cúng.

                    Tới phần "Thí Vàng ", họ đứng trên lầu tiệm Nam Vang ném những thẻ bằng gổ có ghi số, ai lượm được số nào thì mang đi lãnh, không thấy cảnh " Giựt vàng ", phá cộ.

                    Tôi thấy tượng Ông Tiêu và bà Quan Âm bằng giấy. Mỗi năm, người Tàu bổn phố thay nhau làm " Thào Kê " ( Trưởng ban tổ chức, hay Thủ bổn ) và một người Phó.


                    Trong chùa thờ Thần, " cốt " Ông làm bằng gổ, đội khăn đỏ.

                    Hai bên có hạc chầu, phía sau thờ ông Hổ, cọp của Ông nuôi.

                    Chú Thiệu nhắc, "khi cúng Ông, thì cúng ông Hổ miếng thịt luộc, thầy có, mà trò không có ."


                    Ngoài ra Hội Chùa Ông còn cúng cô hồn ở các ngả đường vào Thanh Minh, ai chết, lạc mồ lạc mả, không người cúng, đói khát bơ vơ, tới đó ăn.

                    Ngày Thanh Minh vừa cúng thân nhân mình, còn có lòng nghĩ đến người bạc phước, cô hồn đang đói.

                    Hành động cúng cô hồn có phải là mê tín không?

                    Tôi thấy Hia Xền Hởi, cầm bó giấy tiền vàng bạc đưa lên trán, chân thành, lâm râm khấn vái lâu lắm, tôi cảm thấy cô hồn phảng phất đâu đây, sau khi ăn, được uống rượu (rượu rưới trên ngọn lửa đốt giấy tiền vàng bạc và giấy áo quần).

                    Tôi không biết cô hồn có thiệt không, cô hồn có ăn không. Tôi chỉ cảm được tấm lòng người sống.

                    Dân mình nghèo chứ đâu có hẹp lòng?
                    Ngày nay, Chùa Ông là cơ sở Chữ Thập Đỏ.

                    Hết chuyện nói.


                    Kế là hảng nước mắm Thanh Hương, làm bằng cá đồng, bán quanh vùng, không cạnh tranh xa.

                    Có người bán nước mắm, khen nước mắm Thanh Hương " số dách ... mặn số dách ".


                    Trước hảng có cây gòn, nghe nói có con quỷ.

                    Trong sân còn mấy cây dừa, bị đốn dần.

                    Lần đó, anh Ba, ( năm nay chừng 75 tuổi ).

                    Anh định đốn cây dừa, con quỷ trên cây dừa nhập vào con anh, con anh tên Vân, không cho đốn dừa.

                    Anh quyết đốn, Vân ngả lăn ra, sùi bọt. Con quỷ nói, cây dừa là nhà nó, đốn cây rồi, nó đi đâu ở.


                    Đối diện hảng nước mắm, ngày nay, it ai biết là nhà hai từng của ông Phủ Tây, bị cháy, Dãy nhà nầy xưa còn giả gạo bằng chày đạp.

                    Bây giờ nhà cửa san sát, mất vết cũ.

                    Xóm bên hông hảng nước mắm là xóm làm bò, họ sống lây lất.

                    Ai bịnh phổi, khi làm bò con, sáng sớm ghé uống máu bò tươi còn nóng pha rượu.

                    Tôi nhớ nhứt là On con chú Biện.

                    Chú bị Tây bắt, chết trong tù năm 1952.

                    On mắt hí, mồ côi cha lẫn mẹ. Lại nhớ bà bán cháo lòng heo xóm nầy, tô cháo lòng, thịt bằm, miếng gan, miếng huyết, miếng tim..., vắt thêm nước trái trúc (trái cùng loại chanh, vỏ dầy, ít nước hơn) chua chua.

                    Bà ôm nồi cháo tới ngày mất, không ai thay thế ngày nay. .

                    Tới ngả tư đi Long Xuyên, rẻ phải xuống lò heo.

                    Dân xóm nầy chuyên sống bằng nghề làm heo, bán thịt.


                    Lưu Nhơn Nghĩa
                    thatsonchaudoc
                    sigpic

                    Comment


                    • #11
                      Con Đường Cũ

                      Con Đường Cũ
                      Phần 11
                      __________________________________________________ ________


                      Đứng từ xóm ngả tư đường đi Long Xuyên, xóm nhà máy xay lúa ông cùi Lến.

                      Tôi nghe sao chép lại vậy, không có ý chê khen.

                      Ông Lến xưa thuộc gia đình gốc giàu, ông ăn trúng độc nổi phong chứ không phải gốc cùi.


                      Khoảng năm 1948, ông đã chạy xe Hoa kỳ Chevrolet, chủ nhà máy xây lúa đầu tiên.

                      Dân trong xóm nhờ ông có công ăn việc làm. Ông cũng rất hào phóng giúp đỡ người nghèo.

                      Bên nhà máy, có Củ Thiếu làm nghề lên đồng, xác ông Trung Tử.

                      Vì khó nuôi, bà già tôi ký bán tôi cho ông Trung Tử, ma quỷ không dám phá.

                      Năm lên 12 tuổi, cúng trả lễ bằng con heo trắng.

                      Bà già tôi xì xụp lạy.

                      Chính mắt tôi chứng kiến, khi ông giáng, Củ Thiếu đội khăn đỏ, đầu ngút ngắt, cầm bó nhang đang cháy đỏ vừa ăn vừa hít hà, lại lấy bó bông nhai như mình ăn rau.

                      Chắc nhờ vậy, tôi không bịnh hoạn tới bây giờ. Củ Thiếu rất đông con, đặt tên xấu cho con, để ma không dòm ngó.

                      Con lớn củ tên " Xấu ".

                      Mồng 1 Tết, đang buồn chán vì thi rớt mấy năm, sợ điềm xấu đầu năm, tôi mới bước ra cửa, sáng sớm, đường vắng, tự nhiên già Xấu nhìn thấy tôi từ xa, nhăn mặt cười, năm đó rớt thêm nữa.

                      Từ đó về sau, tôi không nhìn mặt hay chào hỏi giả.
                      Từ ngả tư ra Long Xuyên, dọc theo bờ đê, dân gốc Việt Nam chính cống sống bằng nghề ruộng, bắt cá.

                      Có ngôi chùa Cao Đài nhỏ, thấy có người mặc áo dài trắng đi tụng kinh. Hầu hết theo Đạo Phật Giáo Hòa Hão.

                      Ai cũng mặc bà ba đen. Xứ tôi không có Chùa Phật, chỉ có phòng đọc Giảng.

                      Trước mỗi nhà đều có bàn Thông Thiên ( Ông Thiên ? ) bằng cây tạp, cao dưới hai thước, trên đóng miếng ván mỗi bề chừng 3 tất.

                      Trên bàn bày biện rất đơn giản, một bình hương, thường là lon sửa bò cũ, bình bông, thường là chai xá xị. Ban ngày nhìn không có gì đẹp mắt.

                      Ban đêm, sau bửa cơm tối, mấy bà già đã xong việc rửa rái bếp nút, tắm rửa sạch sẽ, mặc áo tràng nâu ra bàn Thông thiên đốt nhang.

                      Dáng dấp nhẹ nhàng, thành kính thể nhập ở từng bước đi, cái vái cái lạy, tôi cảm được tâm thành dâng lên trời cao, tổ tiên.

                      Không khí thiêng liêng của trời đất mát lành về đêm. Bà cắm bó bông điệp ta vừa bẻ sau nhà vào chai, chấp ba cây nhang khấn vái, nhang đỏ rực, bà trân trọng chú tâm, cắm ba cây nhang vào bình, khói nhang thoang thoảng, đất trời yên tỉnh, nhận tấm lòng thành, bà chấp tay xá thật sâu và đều.

                      Những đêm tối mịt mù, không trăng sao, những đóm nhang đỏ như đom đóm đậu, dọc theo bờ kinh thật im vắng, đẹp mà linh thiêng.

                      Những tấm lòng chân chất thành đèn trời thắp sáng bờ kinh.


                      Mới gần đây, tôi mới bắt gặp trên chuyến xe đêm rời quê.

                      Nếu ai hỏi tôi muốn đến Paris đô hội hay về thăm con đường bờ kinh đêm, có đóm nhang cúng trời, tôi chọn con đường bờ kinh đêm .


                      Tôi không theo đạo Phật Giáo Hoà Hão, nhưng nếu không có Đưc Thầy, chắc chắn, người Việt xứ nầy sẽ gặp nhiều oan trái, nhứt là vì quá nghèo.

                      Tôi từng gặp một thiếu nữ mù, ngồi rửa rau bên bờ kinh, vừa đọc giảng mong ước, tin chắc là Thầy về, em sẽ sáng mắt.

                      Họ đọc những câu Giảng thật tầm thường, nhờ con cháu đọc vì hầu hết không biết chữ, nhưng họ thực hành tới nơi.

                      Tôi dám nói, xóm đó không hề có trộm cắp. Bà già tôi chưa từng bị ai mua chịu rồi không trả.

                      Sau 75, gia đình sa sút, họ càng nghèo, vì nhận làm cha mẹ nuôi, họ cho gia đình tôi đất cất nhà, trong khi dân chợ mánh mung với bà con khi đổi tiền.


                      Ai chửi mắng ta thời giả điếc, Đợi cho người hết giận ta khuyên.


                      Tu đầu tóc không cần phải cạo, Miễn cho rồi cái đạo làm người.


                      Tôi chưa thực hành được câu Giảng trên, nhưng chắc, những người quê dốt chữ nghĩa đã thực hành trọn vẹn.


                      Lưu Nhơn Nghĩa
                      thatsonchaudoc
                      sigpic

                      Comment


                      • #12
                        Con Đường Cũ

                        Con Đường Cũ
                        Phần 12
                        __________________________________________________ ________


                        Đối diện bên kia bờ kinh, có dãy nhà ngói xưa, lẫn khuất dọc theo con đường đất nhỏ.

                        Xóm nầy sống chen chúc dọc theo bờ kinh.

                        Hầu hết bán rau hành, bạn hàng theo xe ra tỉnh mua bán hàng bông, hiền lắm.

                        Có hai tên bạn học, Hạnh và Phước. Đầu năm 1975, ăn Tết, Phước làm Trưởng Đoàn lân múa bổn phố.

                        Tôi theo đánh trống cho lân múa vài tiệm, nó chê tôi đánh mau quá, làm người múa mất sức, và chính tôi đánh cũng không bền.

                        Lúc còn sống, nó ngồi tiệm hớt tóc nhắc tôi, than thở, “cùng một tuổi, học một Thầy, mà đứa sướng đứa cực”.

                        Nó so sánh hai đứa như Bàng Quyên,Tôn Tẩn, tìm Tôn sư học phép kiếm cung, cùng xuống núi một lượt, nghĩa là học hết lớp Ba trường Đình.

                        Xóm nầy có thằng Đeo, mới học lớp Ba, mà đã dám lập gánh hát, soạn tuồng, dựng rạp, bán vé, có hạng ba, hạng nhì, hạng nhứt, thượng hạng, cũng có con nít coi.

                        Đeo mang niềm vui cho trẻ con quanh chợ.

                        Tôi đứng ngoài nghe nó hát “Con gái chưa chồng thấy lòng hớn hở, con trai chưa vợ ruột thắt tầm canh, ngó lên mây trắng trời xanh, lấy ai cũng vậy, lấy anh cho rồi”.

                        Nếu có cơ hội, được học nghề hát xướng, Đeo có thể là kịch sĩ hay nhà soạn tuồng có tài.

                        Đeo được nhiều bạn gái cùng tuổi trong xóm ngưỡng mộ, nghe nói hắn có mấy vợ.


                        Đặc biệt có xóm đạo Thiên Chúa của hai gia đình bác Sáu Sâm và bác Bẩy Chiếu, gốc Cù lao Giêng.

                        Bác Sáu Sâm lớn người, cười ròn rả, hay lái xe đòn đám ma.

                        Họ đi nhà thờ kế bên thành lính Tây (ngày nay là Chi Đảng bộ huyện).

                        Nhà cửa cất cao chung quanh, chừa lại khoảng đất trống vừa đủ cho căn nhà thờ đứng chơ vơ, chỉ còn tiếng chuông lúc 5 giờ sáng nhắc nhở thời Tây hơn 50 năm trước.

                        Thanh niên xóm đạo thường làm Cảnh sát Quận, thời cũ.
                        Quên nhắc xóm đường sân banh, dãy nhà thầy giáo Chấp, tường xây đá núi.

                        Thầy dạy từ xưa, học trò thầy ngày nay (năm 2005), đã 82 tuổi hơn.

                        Nhà cô Tám mụ, ai trên dưới 60 đều do một tay cô sanh.

                        Bà mụ được tin tưởng nhứt vùng nầy, đêm nào cũng đi ngủ nhà người gần tới ngày, nhưng chính cô không có con.

                        Bên là nhà chị Minh, chuyên bán cơm tấm, cá nhân tôi chưa thấy ai nấu cơm tấm ngon hơn chị, ngon làm sao, tôi không đủ khả năng diễn tả, cơm hột gạo nhỏ, tròn, bì và thịt có mùi vị nào đó.

                        Mấy năm trước, tôi có mang món couscous về biếu chị để so sánh và đền ơn những dĩa cơm tấm bì ngày nào.

                        Kế bên là “chùa nhà” ông Huynh.

                        Ông Huynh lớn người, tay dài, nhai trầu bỏm bẻm. Ông không biết chữ, nhưng là người duy nhứt tụng đám.

                        Ông tụng kinh đám ma, giọng tốt, vang xa. Nhà giàu mới dám rước ông tụng, nhứt là người Tàu.

                        Dân Hòa Hão, Cao Đài có lối đọc kinh riêng, dân Miên có Lục Kru, nên họ ít nhờ ông.

                        Xứ nầy không có sư sãi Việt Nam đúng nghĩa, ông Huỳnh là người trám vào khoảng trống đó, nếu không có ông, đám ma sẽ không thành đám ma.

                        Sau ông mất, truyền nghề cho Sinh (bạn học tôi), bây giờ nghe nói Sinh bị stroke, không biết ai thay thế đây, chắc thay bằng dàn nhạc kèn Tây như đi diễn hành “Ngày bao hùng binh tiến lên”.



                        Lưu Nhơn Nghĩa
                        thatsonchaudoc
                        sigpic

                        Comment


                        • #13
                          Con Đường Cũ

                          Con Đường Cũ
                          Phần 13
                          __________________________________________________ __________


                          Vài nhân vật đáng nhớ

                          Khoảng năm 1947-48, chợ Xà Tón còn trống trải, buôn bán chỉ buổi sáng.

                          Thời bình tịnh, có vài nhân vật đáng nhớ, thuộc mọi giới sang cũng như nghèo.

                          Buổi trưa, ngoài chợ trông bắt dầu bằng màn lotto. Không nhớ ai làm cái, nhưng có chú “Sáu Nhỏ” kêu lotto có vần có điệu.

                          Mỗi bàn lotto vì vậy lâu lắm.

                          Chú Sáu Nhỏ, mặt giống hình trong cuốn “Thơ Sáu Nhỏ” thông dụng thời đó.

                          Chú có tài kéo dài, thay đổi câu thơ, làm người chờ con số sốt ruột, Khi chú kêu “ Con Hai nó thương con Ba”, người chờ con số 23, nóng nãy la “kinh”, chú tiếp tục “thì ra là con mấy”, “kinh sộ”, không ai đoán được con số trừ khi chính chú kêu.

                          Có khi chú kêu như dỡn, cầm con số, quay lại hỏi người ngồi bên cạnh, “tháng nầy là tháng mấy anh ?”, trả lời “tháng 2”.

                          Chú tiếp tục kêu, "Tháng nầy là tháng 2, bước qua là tháng 3, mưa sa lác đác, cám thương mấy cô chưa chồng, lạnh cong xương sống, lạnh cóng xương sườn, lạnh nằm trên giường, lạnh lăn xuống đất, hai tay quơ chiếu, hai chưn quơ mền, đấp lại vần còn lạnh run.

                          Cô nào còn lạnh, mượn Sáu Nhỏ ôm giùm không tính tiền công, là con số ớ ba mươi con năm".

                          Sau đó chú mới lên giọng “số 35” Khi biết có người nôn nóng chờ 1 con số, chú trêu chọc người đợi bằng cách kéo dài, “con gì nó ra đây, con gì nó ra đây là con số mấy ?”, chú lại có khả năng lướt qua vần khác.


                          Mỗi bàn lotto khá lâu, người chơi vui vẻ chờ đợi, cốt vui hơn ăn thua.

                          Sau nầy vắng chú Sáu Nhỏ, người chơi lotto mất cái say sưa hào hứng vào buổi xế trưa hanh nắng.


                          Trẻ già gầy ốm, bụng lớn da vàng, vì tại ăn hàng, sanh ra cam tích, teo đầu teo đít, bụng nổi gân xanh ...
                          Kế là bà Cà Ngul, người Miên, khá già không còn răng, không có con cháu.

                          Bà “ẳm em”, ai có con nhỏ, bận buôn bán, thì bà ẳm con họ đi chơi, được ăn cơm.

                          Tôi nhớ bà ẳm đứa bé chạy theo đám ma của chính mẹ đứa bé đó kêu “má má”.

                          Chỉ vậy thôi, không có gì nói về bà già tầm thường nầy mà sao tôi nhớ thương bà vô cùng.


                          Các nhân vật nổi bật, khác tôi đã nhắc trong cuốn Như cánh chuồn chuồn.


                          Năm 1953.

                          Có nhân vật xứ khác tới.

                          Tên nầy không biết trẻ hay già.

                          Hắn vào tiệm ông già tôi mua cưa, bào, đinh, dây chì v.v..

                          Mua xong (chưa trả tiền), hắn gởi hàng tại tiệm, nói chờ mua các món khác cho đủ rồi sẽ trả tiền và chở đi một lượt.

                          Hắn lại đến các tiệm khác cũng mua và gởi hàng như trước.

                          Hắn lại mang tới tiệm tôi gởi mấy bao hàng mua ở tiệm khác, có vẻ nặng lắm, hắn cũng mang mấy bao hàng khác tới gởi các tiệm hắn đã mua hàng sau cùng, hắn kêu xe lôi quen tới nhà

                          tôi chở hàng hắn mua đi trước, chờ chở xong những bao hàng hắn mua ở chổ khác mang tới gởi, thì trả tiền luôn.

                          Thấy hắn còn gởi mấy bao hàng, ai cũng tin, dù sao vẫn còn mấy bao hàng còn chưa chở đi.

                          Hắn chở liền đồ đạc mua ở mấy tiệm khác rồi đi luôn, không trở lại.

                          Chờ tới trưa, không thấy hắn trở lại, mở mấy bao hàng hóa hắn gởi, thấy chỉ có giẻ vụng và đất đá.

                          Hỏi anh xe lôi, anh nói tên bợm đã chở bằng xuồng đi lâu rồi, hắn còn dặn anh xe lôi chiều lại chở thêm, hắn quịt luôn tiền công anh xe lôi.


                          Chiều đó, mới biết có nhiều tiệm bị gạt đúng một kiểu, tiệm nào cũng có vài bao giẻ rách.

                          Ông già tôi tức lồng lộng, chửi bà già tôi ngu, rôì chửi luôn tôi cũng giòng ngu.

                          Ông hăm he, nếu tên bợm trở lại, ông chém hắn đứt đầu.

                          Khi nghe các tiệm khác cũng bị gạt, ổng tự an ủi, ừ, ai mà biết được.


                          Suốt từ năm 1949 tới về sau, có Bà cụt chưn ngự trị ngoài chợ khá lâu.

                          Thời đó bà còn trẻ, mà hình như tôi thấy bà vẫn vậy, không thấy già, người Miên, chuyên làm mướn vụng vặt, ai kêu làm gì thì làm nấy, xách nước tưới rau ngoài chợ, thêm nghề ăn trộm, lấy được cái gì thì lấy.

                          Mọi người quen với tánh ăn cắp vặt của bà.

                          Vậy mà cũng sống. Sau bà ăn cắp gì đó, bị người ta chặt đứt phân nửa bàn chưn, mang tên " bà cụt " tới giờ.


                          Bà cụt chưn hát tiếng Miên hay lắm, nhứt là hát đối Miên, bà nói tiếng Việt rất rành.

                          Thời 1952, buổi trưa, bà gặp một địch thủ hát đối ngang ngữa.

                          Lúc đó bà còn trẻ, giọng lảnh lót, vừa múa vừa hát. Bà nổi máu nghệ sĩ, hát và múa thách đố.

                          Một ông trạc tuổi bà,nổi hứng hát đối với bà.

                          Ông vừa hát vừa phùng mang trợn mắt, xàng qua múa lại như theo điệu nhạc ngũ âm, hát trả lời những câu bà hát.

                          Cuộc đối đáp khá lâu.

                          Dân chợ nín khe, theo dỏi, vì loại tiếng Miên hát đối ở trình độ văn chương, dân Việt chỉ biết tiếng Miên thông dụng hàng ngày.


                          Bổng hai người ngưng hát, bà ré lên cười, ông nọ tiu nghỉu lẻn đi mất.

                          Bà cười nhạo bằng tiếng Việt cho mọi người nghe, " Ê, đàn ông mà hát thua đền bà con gái ê".


                          Một nghệ sĩ không gặp thời.

                          Về già, mỗi sáng, bà tập tểnh xách nước cho mấy người bán rau tưới cho rau tươi để đổi lấy miếng cơm, ăn xin thì không ai cho.

                          Mãi tới giờ, chưa ai biết tên thật bà nghệ sĩ nầy.


                          Ông quét chợ trước 1975, ông Tám quét chợ, thứ Tám, thêm chữ quét chợ, tên nghề ông, không ai lầm lẫn.

                          Ông làm việc dơ bẩn cho sạch cuộc đời.

                          Buổi chiều, vào mùa mưa lạnh, có ai thương ông đâu.

                          Ông đẩy chiếc xe cút kít, rác chợ đẩy ra ruộng đổ. Có khi làm cực, thấy bà vợ đứng nói chuyện, ông đấm bà bịch bịch, bà bỏ chạy xa, cười nói " Tui có học gồng ".

                          Ông có đứa con gái khật khùng, nghèo lại xấu, sống lang thang, có con không cha và đứa con trai, nghe nói bỏ xứ đi, cũng theo nghề quét chợ.


                          Mười sáu viên xôi nước.

                          Trưa trưa, chợ Xà Tón có bán các món quà như chuối nướng, bánh chè.

                          Các món ngon thời đó, chỉ có vài người biết làm, như xưng xa hột lựu, xôi nước.

                          Một chú nông dân, nhìn thấy gánh chè xôi nước, thèm lắm, bất giác nói,” tôi dư sức ăn bốn chục viên xôi nước “, dì bán chè nói, “nếu ông ăn hết bốn chục viên, tôi không lấy tiền, nhưng nếu ông ăn không hết, tôi chỉ tính tiền mấy viên ông ăn thôi”.

                          Hai bên đồng ý và phân chứng với người chung quanh.

                          Chú hăm hở, mắc ngay lổi đầu tiên là ăn mau quá, ăn không kịp thở.

                          Người bán cũng sợ thua, xanh mặt.

                          Đến viên thứ mười sáu, chú thở hổn hển, “ cho tôi miếng nước, mắc nghẹn”.

                          Gặp chú ai cũng nhắc mười sáu viên xôi nước.


                          Đốc phủ Cui

                          Thời nhỏ, tôi có nghe nhắc ông Đốc phủ Cui, chắc ông người Miên, dân xứ khác tới, hình như ông ở Châu Đốc, ngạch Đốc Phủ.

                          Xưa Tri Tôn còn gọi là Phủ, chớ không phải Quận.

                          Hồi nhỏ, tôi thấy căn phố cháy trước hãng nước mắm, ngày nay đúng vào vị trí nhà Lễ, con củ năm Từ Thiệu.

                          Nghe nói đó là nhà ông Phủ Tây.


                          Theo lời củ Chau Sey La (thầy Ký, năm nay 2006, chừng 89 tuổi) kể lại, ông Đốc Phủ Cui là chuyên viên họa đồ, hay đo đạc gì đó, (Đốc công Trường tiền ?).

                          Ông được Pháp giao việc phóng con đường Châu Đốc -Tri Tôn.

                          Có chủ đồn điền Pháp muốn ông phóng đường ngang đồn điền ông ta để tiện việc chuyên chở sản phẩm.

                          Nhưng ông Đốc Phủ Cương quyết phóng đường theo ý mình, ngược lại ý kiến của chủ đồn điền Pháp, không biết lý do, có thể ông tỏ ra không vị nễ người Pháp, vì ông muốn chứng tỏ quyền hành trong tay ông.


                          Thờì gian cuối thế kỷ 19 hay đầu thế kỹ 20, ông thuộc hạng rất giỏi, Pháp còn chưa đủ chuyên viên cao cấp, nên họ mới giao cho ông.


                          Con đường chạy từ Châu đốc thẳng vào hông núi Sam, phải quẹo phải, chạy dọc hông núi Sam vào Nhà Bàng.

                          Hai bên đường lúc đó chưa phải là ruộng lúa phì nhiêu như ngày nay.


                          Từ Nhà Bàng đi ngang núi Két, ông phải xẻ con đường nghiêng (ngày nay đã đuợc đấp lại bằng phẳng).

                          Con đường nầy chạy trong thung lũng núi Két, hai bên là núi.

                          Mùa mưa nước từ trên núi đổ, cát chài xuống hư hỏng hàng năm, xe chạy bị lún hoặc sụp dốc lại quá cao so với mã lực xe thời đó ( 1900-1954 ).

                          Xe Renault mới, chở hàng, tốc độ tối đa không quá 70km/giờ, chạy nghiêng rất sợ, thường nếu chở nặng, hành khách phải xuống bớt, cho xe bò lên dốc.

                          Xa xa là rặng núi Dài, núi nầy mới được khai phá nhờ máy móc. Đoạn từ Vĩnh Trung (xưa gọi là Phnum Chanh = xóm người Tàu ? ) đến Tà Đét (An Hão) tương đối bằng, dễ chạy.

                          Bắt đầu từ Trung tâm Chi Lăng ( Sài gòn mới, ai đặt tên cho kêu vậy ), bên phải hướng về Tri Tôn là núi Cấm.

                          Núi Cấm cao, xưa ít người ở, nhiều thú dữ, hiểm trở, triền núi dốc đứng, nhiều đá, khó lên.


                          Đoạn Chi Lăng tới Tà Đét hai bên cũng núi, núi Bà Đội Om, dốc Bà Đội cao, xe cũ không qua nổi với dốc nầy.

                          Kế tiếp là núi Nam Vi thẳng vô Tri Tôn.


                          Ngày nay, bàn chơi, khi trà dư tửu hậu.

                          Từ năm 1945, dốc Nhà Bàng bao nhiêu máu đổ.


                          Đường xấu, hẹp, dù mùa khô, dốc lại cao (dốc nào đứng bằng dốc Nhà Bàng).

                          Xe chạy như rùa bò lên dốc. Đoạn dường nầy bị đấp mô đều đều, chưa kể vừa tầm đạn trên núi bắn xuống.


                          Đoạn dốc Bà Đội, cũng mô, cũng mìn bẩy, súng từ trên núi Bà Đội vải xuống.


                          Nếu ông Đốc Phủ Cui phóng đường, né xa núi chừng vài cây số, nghĩa là phóng đường ngoài ruộng, đở tốn kém tiền phá núi, lại mau hư vì nước mưa soi mòn.


                          Thời chiến tranh, bao nhiêu máu hành khách xe đò, xe hàng.

                          Buổi sáng đi, buổi chiều về tới nhà mới biết mình còn sống, mấy mươi năm.

                          Mỗi lần nghe xe ai bị mìn, người nhà sống trong hãi hùng thường xuyên, nhứt là dân tài xế, lơ xe và bạn hàng.

                          Đó là chuyện ông Đốc Phủ Cui.

                          Sao ông không phóng đường ngoài ruộng, mà phải phóng ngang núi cho khó khăn tốn kém, vừa gây khổ cho người chết oan ức đời sau.


                          Lưu Nhơn Nghĩa
                          thatsonchaudoc
                          sigpic

                          Comment


                          • #14
                            Con Đường Cũ

                            Con Đường Cũ
                            Phần 14
                            __________________________________________________ __________



                            Trở lại ngả Tư đường đi Châu Đốc, ngày trước là bến xe đò, hãng xe Tân Thành của ý Hía, họ Giang.

                            Xe Tân Thành luôn luôn lấy tài nhứt, chạy trước, hốt hết khách.

                            Ai cũng muốn đi xe tài nhứt, giờ buôn bán, đi sớm ra Châu Đốc bổ hàng rồi về sớm.

                            Năm 1950 về trước, có chuyến xe nhỏ, loại xe con cóc, chở được khoảng sáu người hành khách, thời đó kêu bằng " bộ hiền".

                            Hãng xe Tân Thành độc quyền đến tháng 4, năm 1975.


                            Bên phải ngã tư là tiệm chụp hình Phương Tường, sát bên tiệm hớt tóc.

                            Sau mở thêm tiệm uốn tóc.

                            Uốn tóc xong, vào tiệm chụp pose hình treo tường.

                            Trong tủ kiến chưng hình người đẹp, trong đó có hình cô hoa hậu Battambang cầm cây vợt vũ cầu, đẹp như hoàng hậu Thái lan thời trẻ.

                            Đối diện là tiệm may và bàn billard, sau là rạp hát. Đi về hướng Châu Đốc, sẽ gặp Thành lính Tây, chỗ nầy xưa, năm 1946-48, có hai ông quan một, một ông tên Đức, một ông tên Trọng, có câu “đức trọng quỷ thần kinh “.

                            Không biết quỷ thần kinh không, nhưng chủ tiệm thì kinh ông lắm.

                            Ông bắt người khảo của, tra tấn bắt nạn nhân khai, rồi bắn tiếng cho chuộc.

                            Thành Tây sau nầy là Chi Khu, rồi bị phá, cất lại làm cơ sở đảng bộ.


                            Trước mặt thành là Chùa Trên, có hồ sen (ngày nay đã cạn nước).

                            Tượng Phật ngồi im lìm nhìn sen nở từ thời tôi còn nhỏ.

                            Chùa cất cuối thế kỹ 19, cây ván bắt đầu mục.

                            Khu Chùa có trường Tiểu học Việt Miên, có cây Nam vồ che mát.

                            Kế bên Chi Khu cũ là nhà thương, thầy Ba Nhàn làm việc từ thời Tây.

                            Dọc theo là xóm Miên hai bên đường.

                            Đi một đổi là căn nhà xưa của ông Đốc Phủ Cui, làm thành lính Bảo An, lính gốc Nùng Thủ tướng Diệm đưa vô, đặc biệt có thiếu tá Sinh, thiếu úy Long, thiếu úy Quang.

                            Ba ông nầy rất hiền. Ông Long sau thăng thiếu tá, tử trận hình như ở dốc Nhà Bàng, nghe nói lúc đi hành quân, ông quên mang theo cái nanh heo rừng hộ mạng.

                            Ông Quang lên trung uý, già, mất ở Sarrebourg ( Pháp ) thọ 102 tuổi.

                            Ông không biết chữ, học làm thợ bạc, đi lính, làm bếp cho Pháp, từng dự chiến tranh Âu châu, về Hà Nội làm Hiến binh, di cư vô Nam.

                            Đại đội Bảo An người Nùng sau nầy đi đâu hết.


                            Tiếp tục đi, sẽ gặp cầu Cây Me, xứ Miên ưa trồng me, cầu sắt, qua khỏi cầu, bên trái có nhà máy xay lúa rồi tới chợ Cây Me, không có gì đặc biệt, chợ nhóm buổi sáng.

                            Ngay tại chợ, có đường tẽ vô Ba Chúc.

                            Đi thẳng sẽ qua ngang núi Nam Vi (Nam Quy ?).

                            Núi thấp cỏ xanh, chùa Miên rải rác.

                            Ngày nay, có nghĩa địa liệt sĩ mới.

                            Tới dốc Tà Đéc, dốc khá cao đổ từ Tri Tôn ra, khoảng năm 1950-54, xe đò hay bị cướp tại dốc nầy.

                            Bọn cướp lấy cây chận ngang đường khoảng giữa dốc, xe đang xuống dốc không thể quay đầu, bọ cướp ào ra cướp bóc.

                            Có một lần, xe đang đổ dốc, thấy có khúc cây nằm vắt ngang đường, bộ hiền ai cũng lo dấu tiền.

                            Lúc xe tới gần, họ thấy con rắn bò ngang đường như khúc cây, đầu cất cao, thân mình rắn bằng cái thùng thiếc ( ?).

                            "Mùa hạn, ông Mây xuống bưng uống nước," Khúc đường nầy đổ bao nhiêu máu lính cũng như dân, mìn nổ, súng trên núi bắn xuống, đấp mô.

                            Sáng đi, chiều về, mới biết mình còn sống, năm nầy qua năm khác.

                            Nghề xe, bạn hàng, không đi thì lấy gì ăn.

                            Sống chết có số mà, số nghèo chết nhiều hơn số giàu.

                            Xe chạy dọc theo núi tới Tà Đet, núi Bà Đội Om.

                            Bà đội om đứng đó chi vậy Bà ?

                            Sao Bà không ngăn giùm cho máu bớt đổ, cho dân sống đi làm ăn nuôi con?.

                            Bà đứng trong núi, không ai cúng kiến.

                            Bên kia đường là chùa Bà nước Hẹ, hương khói mãn năm, heo quay, vịt quay.

                            Bãi đất trước chùa Bà nước Hẹ, không nhớ năm nào, có năm xác người nằm đó.

                            Chó ăn xác, chó chết, năm cái xác nằm thúi rửa ra, cỏ không mọc lâu lắm, sau đó, chổ đó cỏ mọc xanh um.


                            Cũng tại chân núi Bà Đội Om nầy, Bà chứng kiến ngày tàn của bảy Đởm.

                            Bảy Đởm lúc đó là Thiếu tá, tiểu đoàn trưởng Địa phương quân, ít ai dám nhìn thẳng vào mặt ông.

                            Nghe nói Bảy Đởm có bùa, " vô đinh" (đinh trong người, khi miểng đạn chạm vào chổ nào, đinh sẽ che chổ đó).

                            Ngày đó, Bảy Đởm bị phục kích khi đi mở đường cho xe chở đạn của Trung đoàn 16 tiếp tế cho Pháo binh, Miểng đạn văng vào đá núi trúng mắt ông.

                            Trước khi chết, ông rống ồ ồ.

                            Huyền thoại về Bảy Đởm hết từ đó.

                            Ngày xưa, Bảy Đởm là tướng cướp khét tiếng ngang tàng, nhưng khi chơi đá gà, dù ăn hay thua, ông chơi sòng phẳng, không cho lính giựt dọc ai.

                            Cầu Tà Đét ngay tại dốc, bắt ngang con suối sâu, nước từ trên núi Cấm đổ xuống qua những tảng đá, mạnh như thác.

                            Xe ngày trước yếu, đổ dốc cầu, có khi bộ hiền phải xuống.

                            Một chiều mưa, về quê, tới đây đã tối, cảnh núi đồi mờ mịt, nghe nước dưới suối sâu đổ dồn, nao lòng.

                            Ngày nay suối cạn không còn nước, có cây cầu đúc mới, tìm lại không gặp mảnh hồn xưa.

                            Khe suối cầu Tà Đét mất rồi.


                            Lưu Nhơn Nghĩa
                            thatsonchaudoc
                            sigpic

                            Comment


                            • #15
                              Con Đường Cũ

                              Con Đường Cũ
                              Phần 15
                              __________________________________________________ _________________



                              Con đường chạy dọc theo núi Cấm.

                              Núi Cấm là kho thuốc Nam, trước khi có thuốc Tây, các đạo sĩ hái lá cây, củ có dược chất đặc biệt làm thuốc Nam, nổi tiếng là củ Hà thủ ô, giống củ khoai mì, có công hiệu làm đen tóc.

                              Xưa có nhiều rắn lớn, bò rừng, nai, mang, khỉ, lọ nồi, cù lần, cọp, chim chóc . ..

                              Nay tuyệt chủng rồi.

                              Không biết sao gọi là núi Cấm, người nói vầy, người nói khác.

                              Nhiều huyền thoại về núi Cấm.

                              Người theo tân học cho là mê tín. Một trăm năm trước, nếu lạc vào đây, vùng còn hoang địa, bơ vơ, khách mới cảm được cái cảm giác run sợ trước rặng núi đen sẩm ban đêm.

                              Trên sườn núi, thỉnh thoảng có ngôi chùa Miên, tháp cổ nép lẫn trong đám cây xanh um.

                              Núi cho thuốc, cho trái cây, cho thịt thú rừng, cho cây gỗ mà người đành đoạn phá núi không tiếc thương.

                              Nhà ngủ mọc lên trên núi, chân núi, " Chào mừng quý khách ", Thần Tiên chịu hết nổi, đành bỏ về trời.

                              Khoảng năm 1960,Trung tâm huấn luyện Chi Lăng được thành lập, còn có tên là Sài gòn mới.

                              Dân tứ xứ đến cất nhà định cư, buôn bán, cung cấp các dịch vụ cho trung tâm.

                              Trung tâm nằm dưới chân núi Cấm, vừa tầm cho pháo binh địch trên núi tác xạ.

                              Dọc theo đường, các xóm nhà Miên làm ruộng, ruộng trên (phía bên chân núi), ruộng dưới bao la, chạy tới bờ sông Hậu giang.

                              Ban đêm, khói un muổi thơm mùi phân bò quyện trong không khí từ những căn nhà sàn, thanh bình, ấm cúng.

                              Ai sinh ra và lớn lên ở đây, đi xa chắc nhớ lắm. Mấy năm trước, trời chạng vạng tối, tôi đứng bên xóm nhà lá, hít mùi khói, tiếng trẻ chơi gần đống rơm, bò trong chuồng nhơi cỏ, tôi

                              quyến luyến không muốn rời xóm nầy.
                              Đến Phum Chanh (xóm người Tàu ?), trên đường tới cầu Bưng Tiền (?), có cái “lô-cốt” (blockhaus = công sự phòng thủ) thời Tây còn sót lại.

                              Ngày nay, không còn dấu vết cầu, con kinh mới đào, có mấy chiếc ghe đậu đầu kinh.

                              Tiếp tục đến núi ông Két. Dốc cao, nghiêng.

                              Xe hàng hiệu Renault thời 1954, thường cho hành khách xuống, rồi chạy như bò lên dốc.


                              Hai bên triền núi, dân làng trồng mít, dưa hấu, khoai mì, củ sắn, mãng cầu dai (bạn hàng tới mua, lựa trái lớn, chở lên Sai gòn bán cho vựa trái cây, dân địa phương ăn trái nhỏ).

                              Củ sắn vùng nầy nhờ đất cát, nhiều bột và ngọt.
                              Năm 1956, lúc xe hàng đậu chở mãng cầu, trưa nắng, thấy có chị gánh củ sắn trên núi đi xuống, áo quần rách rưới, đầu đội nón lá dầy.

                              Trời nắng nóng, mà chị lại mặc đồ đen.

                              Tôi đang khát nước, hỏi mua, chị trả lời, củ sắn không bán, " ăn lấy ít củ ăn đi ".

                              Tôi còn nhớ tròn câu chị nói.

                              Tôi lấy một củ ăn, cầm thêm ai củ, tự nhiên như đã trả tiền rồi, không biết lời cám ơn.

                              Bây giờ, tôi còn giữ được câu nói và hình ảnh chị gánh củ sắn mặc áo đen lam lũ đi trong cơn nắng cháy da trên dốc Nhà Bàng, dưới chân núi ông Két.

                              Chị cực khổ gánh củ sắn, không học cao, chắc phải nghèo lắm, không nghèo sao đi gánh củ sắn? Gánh từ trên sườn núi ra chợ Nhà Bàng đâu có gần.

                              Ăn 1 củ đã hết khát, còn cầm thêm 2 củ.

                              Tôi có máu tham, chị gánh củ sắn có tấm lòng người chân chất, cao thượng, biểu hiện bằng hành động chứ không bẵng lời nói.

                              Tôi tự tha thứ cho mình.

                              Tôi mới khám phá được phần nào "tấm lòng" người dân vùng nầy, ngay gần quê tôi mà tôi không nhận ra, dù tôi từng đọc bao nhiêu sách về vùng Thất Sơn.

                              Năm 2001, hết giặc, lần đầu tiên đi quanh vùng Thất Sơn, trước năm 1975, đây là vùng mất an ninh.

                              Đi qua Ba Chúc, rồi vòng qua sau núi Két. Sau núi Két, một vùng đất thiêng của những người đầu tiên khai sơn phá thạch đúng nghĩa.

                              Đức Phật Thầy Tây An, ông Đình Tây, Bùi Thiềng Tăng chủ, ao nuôi ông Năm Chèo, nhà thờ Ngũ Bối bắt ông Năm Chèo.


                              Lưu Nhơn Nghĩa
                              thatsonchaudoc
                              sigpic

                              Comment

                              Working...
                              X