Như Cánh Chuồn Chuồn
Lưu Nhơn Nghĩa
Lưu Nhơn Nghĩa
Lời nhà xuất bản
__________________________________________________ ___________
Ðã bao lần anh Phong-Hưng Lưu-Nhơn-Nghĩa viết cho báo Viên Giác, kể từ khi anh còn ở Ðức tại tỉnh Pforzheim. Cũng đã bao lần, mặc dầu anh sống xa Âu Châu hơn nửa vòng trái đất; nơi xứ Úc cũng còn có tên là under down; đã under là ở dưới rồi
mà down thì còn đi sâu hơn nữa; nên xứ Úc ở Nam bán cầu mới gọi là xứ Australia và Thầy Bảo Lạc thường gọi là xứ của con Kanguru. Ðây là tiếng thổ dân da đỏ và người Trung Hoa
gọi con nầy là “Ðại Thử” nghĩa là con chuột lớn. Tuy xa xôi vậy nhưng anh vẫn tiếp tục cộng tác với Viên Giác nhiều bài vở rất có giá trị, viết về những sinh hoạt của người Việt tại những tỉnh ranh giới với Miên, mà những nơi nầy tôi chưa có cơ hội đi và cũng chưa có cơ hội đến.
Ở ngoại quốc đã đến năm thứ 30; nếu có ai đó hỏi tôi địa phương đó nằm ở đâu thì tôi mạnh dạn trả lời không suy nghĩ theo sự hiểu biết của mình. Nhất là những nơi tôi đã đi qua; nhưng khi nói về quê hương thì tôi không rõ lắm. Vì lẽ lúc còn
học trò, nhất là một chú Tiểu ở nơi quê hương xứ Quảng nghèo nàn, ít có cơ hội như khi sống tại ngoại quốc ngày nay. Ngày xưa còn bé khi đi xe đò từ nhà xuống Hội An, hoặc ra Ðà Nẵng, thấy nơi nào cũng lớn, cũng đẹp. Còn thân phận mình thì bé
nhỏ hẩm hiu. Ngồi trên xe, thấy ai cũng chạy ngược chiều với mình. Ðó là những cảm giác nhất thời khi còn bé. Khi lớn lên, có nhân duyên đi và đến nhiều thành phố lớn như Tokyo, Kyoto, Thượng Hải, Bắc Kinh, New York, Moscow, Paris v.v...
nơi nào thì cũng như thế thôi. Không biết có phải mình già đi với năm tháng hay cái cảm giác như lúc nhỏ nó không còn ngự trị trong tâm thức của một người tu như tôi chăng ? Khi anh Phong-Hưng Lưu-Nhơn-Nghĩa còn ở Ðức, mỗi lần về chùa anh
hay than thở về sự kỳ thị của người Ðức tại đây và lúc tôi gặp anh ở Úc trong những năm tháng trước, vấn đề nầy anh ít đề cập đến; nhưng lại có những khó khăn khác trong cuộc sống khi dạy học hay dạy con nên người. Về lại Úc cũng như về quê
xưa của anh. Tân Tây Lan và Úc chánh sách giáo dục không xa mấy; nên bằng cấp của anh tại Tân Tây Lan, Úc chấp nhận một cách dễ dàng; còn ở Ðức thì điều nầy hơi khó. Nhiều lúc
tôi thấy anh buồn đời; nên cũng đã góp ý với anh. Vì lẽ ở thế giới Ta Bà nầy đâu đâu cũng chỉ là quán trọ thôi. Ðâu có gì để mà phải vấn vương. Vì lẽ chúng ta cũng chỉ là những khách lữ
hành có hạn định bởi thời gian năm tháng. Do đó sự buồn vui, giận hờn, thương ghét, thích hợp hay chống trái nhau cũng chỉ là một sự bình thường ở cõi thế nầy mà thôi. Anh nghe và chấp nhận điều ấy một cách dễ dàng. Vì anh cũng là một Phật Tử
rất thuần thành.Có lần tôi ghé nhà anh tại Pforzheim, Ðức, và cũng có lần tôi ghé thăm nhà anh tại Brisbanne, Úc Ðại Lợi; nơi nào anh cũng tự nhiên đàm đạo giãi bày về mọi khía cạnh của cuộc đời. Những gì anh nói chuyện cũng là những gì anh đã
viết văn gởi gắm tâm sự của mình để độc giả hiểu lòng anh, nhất là những hình ảnh quê hương và ân nghĩa Thầy trò khi anh còn học nơi Trường Thủ Khoa Nghĩa.Ðọc văn anh tôi chạnh nhớ quê; nhưng đôi khi những danh từ anh viết là tiếng địa
phương có pha lẫn tiếng Miên, tôi phải ngưng lại nhiều lần để cố hiểu tận tường về những chú thích ở phía sau bài viết. Quả là công phu và sống cho quê hương như anh, có lẽ cũng có rất
ít người. Anh gốc người Hoa nên cũng còn chút quyến luyến với quê cha đất tổ. Cũng giống như người Việt ngày nay dầu lưu lạc khắp bốn phương trời có tên Tây, tên Mỹ, tên Ðức; nhưng
mấy ai lại dễ quên được cội nguồn; nhất là người Á Châu, tóc vẫn còn đen và mũi vẫn còn thấp. Dẫu có trải qua nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên tại xứ người đi nữa, cái vóc dáng Á Châu ấy có lẽ cũng khó mà xóa nhòa nơi huyết thống của giống da vàng nầy.
Nhà văn Phạm-Thăng đã viết đầy đủ về tác phẩm của anh. Nhà thơ Tùy-Anh đã trang trọng giới thiệu anh qua cái tình cảm tha phương khi cố nhân tại một ngôi chùa mang tên Viên Giác ở xứ người. Rồi duyên văn nghệ đã đưa đến với quý anh qua sự
cộng tác cho báo Viên Giác. Thiết tưởng đọc hai bài nầy quý độc giả sẽ hiểu rõ tác giả nhiều hơn. Riêng tôi chỉ làm cái nhiệm vụ của một người chủ trương báo Viên Giác cũng như
nhà xuất bản của chùa, chỉ có một vài lời thô thiển để ghi lại nơi đây nhân lần xuất bản thứ nhất và sẽ ra mắt sách với độc giả tại Âu cũng như Úc Châu trong một ngày gần đây.
Chỉ chừng ấy thôi cũng giúp được cho anh Phong-Hưng Lưu-Nhơn-Nghĩa một niềm vui. Vì đứa con tinh thần nầy cưu mang đã lâu, mà nay mới có cơ hội để ra mắt quý độc giả xa gần. Còn tôi cũng không kém. Vì lẽ giúp cho một nhà văn
trang trải được tấm lòng của mình với nhân thế và nhất là nền văn học bình dân đối với quê hương miền Nam đất Việt ấy, lẽ nào tôi lại không vui và không cầu mong cho tác phẩm sớm được hoàn thành ?Ðọc văn tức hiểu người.
Ở nơi anh Phong-Hưng Lưu-Nhơn-Nghĩa đã thể hiện rõ một tấm chơn tình và tấm chơn tình ấy anh đã trải dài trong những bài viết của anh. Vậy mong rằng những ai có cơ hội đọc được tác phẩm nầy, tức đã hiểu một phần lớn tâm tình của tác giả muốn
gởi gắm vào đó.Dưới cái nhìn của Phật Giáo thì mọi vật, mọi việc trên cuộc đời nầy đều phải biến đổi qua các giai đoạn thành, trụ, hoại, không; hay phải hoán cái nhơn duyên của vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết Bàn Tịnh Tĩnh thì mới biết
rằng: Ðời nầy chẳng có gì cả. Mặc dầu có thị hiện bằng hình tướng đó. Nhưng những hình tướng nầy cũng chỉ là một sự đối đãi mà thôi. Hãy khoan vui khi có tiếng khen; hãy đừng buồn khi bị lời chê. Hãy khoan giận khi việc không đáng giận. Hãy
đừng hờn khi biết rằng tất cả mọi hiện tượng đều luôn luôn đổi thay và không bao giờ đứng yên một chỗ cả.Trời đã vào thu và đông cũng sẽ đến. Tôi mong rằng với tác phẩm nầy anh viết
cho mọi người đọc cũng chính là viết cho anh, cho thế hệ con cái của anh, để một mai đây có thăm lại quê cha đất tổ của mình thì có cơ hội tiếp xúc, nắm bắt những hiện hữu trong cuộc đời mà đã có lần chính anh đã trải qua, khi còn có mặt tại quê hương dấu yêu đó.
Viết tại thư phòng chùa Viên Giác vào một chiều thu năm 2001
Thích Như Ðiển
thatsonchaudoc
Comment