Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu - Thuyên Huy

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu - Thuyên Huy



    Chuyện viết mượn từ một phần sự thật, xin thứ lỗi cho những trùng hợp vô tình từ tên người tới bối cảnh nếu có.


    Chương Một




    Mẹ Luân mất cuối mùa hè. Đám tang không có mấy người đưa, lặng lẽ và nghèo nàn như cái nghèo của mẹ Luân trong suốt những năm làm phu cạo mủ. Cảm thông cho cái đơn côi của thằng con trai mười sáu tuổi một mình còn lại, dăm ba người hàng xóm nghèo bên cạnh tận tình giúp Luân chôn cất. Phủ miếng vải trắng, được may vội làm tang trên đầu, đứng bất động trước nấm mồ vừa lấp đất, Luân không khóc được tiếng nào dù có muốn khóc, khác lần tiễn đưa ba Luân về đất lạnh mười năm trước. Lần đó Luân đã khóc tức tưởi, khóc sụt sùi gọi ba hởi ba ơi, cho đến lúc không còn đủ sức của thằng bé con vừa tròn sáu tuổi. Chung quanh mọi người đã lần lượt bỏ đi, tiếng ve gọi hè chừng như não nùng không thua gì tiếng chuông chùa cuối làng, trên lưng chừng đồi dẫn ra bến đò bên bờ sông Vàm Cỏ. Bây giờ mẹ Luân nằm một mình ở đây cách ba Luân một trời Long Thuận xa thăm thẳm. Luân ngồi gục đầu cạnh mộ cho đến xế chiều mà không biết là ông sư già trụ trì chùa cũng đã đứng ở đây từ lâu. Ông nhìn Luân không nói một lời, Luân cũng không biết nói lời gì với ông. Cuối cùng ông vuốt đầu Luân nói nhỏ thôi về đi con. Nước mắt Luân bỗng dưng tuôn tràn, Luân ôm lấy tay ông tức tưởi. Sau đó ông lặng lẽ bỏ đi về hướng chùa. Phía bên kia sông, mặt trời đã lặn.

    Căn nhà tranh quạnh quẽ những ngày sau đó. Khu chợ xã vẫn đông người như thường lệ. Xác hoa phượng cũng trải đầy khắp sân trường trong những ngày hè về, khi Luân còn ở tiểu học. Luân theo về Trà Vỏ, sau khi ba Luân qua đời vì một cơn bạo bệnh. Cái tuổi lên sáu không làm cho Luân nhớ được gì những ngày ở Long Thuận. Mẹ Luân đã vội vàng rời đó, với mớ hành trang không hơn hai ba cái túi xách, bỏ lại khu vườn chuối sau nhà có cái ghe nhỏ cột hững hờ bên con rạch cùn ra truông và tiếng ểnh ương trong đêm kêu dài não nuột. Bây giờ có lẽ Luân cũng phải vội vã bỏ Trà Vỏ mà đi.

    Trà Vỏ là khu phố chợ của xã Thạnh Đức nằm cạnh tỉnh lộ. Đi ngược lên thì về tỉnh đi xuôi xuống thì về Gò Dầu Hạ rồi Sài Gòn. Bên kia đường là khu rừng cao su của người Pháp, bao la chạy dài sâu tới Khiêm Hanh Bình Dương. Một số lớn dân làng Thạnh Đức là phu cạo mủ của đồn điền cao su, trong đó có mẹ Luân. Bên này đường là khu phố chợ. Chợ Trà Vỏ được xây lên giữa, hai bên là hai dãy phố. Đầu phố là những căn nhà gạch thẳng tắp, làm thành những tiệm buôn bán đủ loại, từ tiệm tạp hóa của chú Tung, người Tiều Châu, tiệm tạp hóa và phân bón ông Ba Sen, tiệm vải Bà Bích, tiệm thuốc tây ông Lang đến tiệm hủ tiếu cà phê ông Thuyền, tiệm sửa xe đạp ông Cẩn. Luân chỉ biết là các tiệm nầy ở đó, thật ra chưa có lần nào đến, mặc dù cách nhà Luân không hơn vài trăm bước. Nhà Luân là căn nhà tranh nhỏ nằm ở cuối phố, cách khu nhà gạch một con đường đất trồng đầy bông bụp, dẫn về trụ sở xã. Sự cách ngăn giữa hai khu phố không phải chỉ do mấy con đường, cái vòng rào của sân trường với hàng phượng già nua mà còn là sự cách ngăn của giàu nghèo, của nhà tranh nhà ngói. Luân đã từng thấy cái vết hằn ưu tư của mẹ hiện rõ lên khuôn mặt bà mỗi khi chong đèn dầu, dạy Luân nắn nót viết từng chữ cái. Luân đã biết buồn biết đau mỗi khi nhìn mẹ Luân ướt đẫm người, dù đã được che thân bằng cái áo mưa rách tả tơi, trên đường về nhà từ rừng cao su thăm thẳm, trong những ngày mưa chập chùng tháng tám, Luân cố nhắm mắt quay đầu, khi thấy đám bạn con nhà giàu chia nhau những khúc bánh mì có cá mòi, trong buổi sáng chờ vào lớp. Luân từng ngồi trong bóng tối một mình lặng câm, khi nghe tiếng máy phát điện chạy êm êm, phiá khu nhà giàu trong những đêm dài chờ sáng. Luân đã chọn khu rừng cuối làng là nơi chơi đùa với vài thằng bạn nhà nghèo trong xóm, xa hẳn tiếng cười của đám con nhà giàu đầu phố chợ trong những ngày nghỉ học. Luân đã phải nhờ thằng Thanh, thằng bạn thân nhất nhà ở đằng sau trường đi mua dầu hôi hay nước mắm ở tiệm Ba Sen, mỗi lần mẹ Luân sai đi vì tiệm chú Tung không có bán hay bán mắc hơn. Tiếng lửa cháy bập bùng trong cái chái nhà làm lò rèn của ba thằng Thanh thường là nơi bọn Luân vui đùa không dứt, chúng đã chia nhau mấy cái khoai lang, khoai mì nướng nóng hổi, một khi đào được từ mấy luống đất cày của bác Kẹo còn sót lại. Những ngày ở Trà Vỏ ngoài Thanh ra, người mà Luân nhớ nhiều là cô giáo Châu, người ở Bình Dương, đổi về trường từ ngày mẹ con Luân mới về Trà Vỏ. Nhà Luân ít khi nào có khách, chỉ có cô Châu là thường hay đến chơi với mẹ Luân. Hai người có vẻ cảm thông với nhau. Cô luôn bảo Luân phải cố gắng học, mặc dù nó là đứa học trò đứng đầu trong suốt năm năm tiểu học. Cô mua cho Luân tập vở mới khi tập hết trang. Cô cho Luân những cái bánh tây lạt hay mấy miếng kẹo đậu phọng ngọt giòn mỗi khi cô về thăm nhà. Luân không làm sao quên được cái vòng tay ấm ám, không có gì có thể so sánh bằng vòng tay của mẹ mà cô đã vỗ về, những lúc thấy Luân ngồi khóc một mình trong sân trường, khi mẹ Luân bị bệnh.

    Cuối năm lớp nhất mặc dù quận mới cho mở trường trung học đệ nhất cấp, không giống như đám con nhà giàu cùng lớp, mẹ Luân quyết định cho Luân thi tuyển vào trường tỉnh, dù rất xa nhà. Luân đã thi đậu vào lớp đệ thất sau những ngày chong đèn dầu trong đêm mệt mỏi, không uổng công mẹ Luân đã thức sớm lặng lẽ đón xe đò dắt lên tỉnh lỵ và cũng đã lặng lẽ đứng ngại ngùng chờ Luân vào phòng thi ngoài cổng. Ngày đi xem bảng kết quả, cũng giống như ngày đi thi, hai mẹ con thức dậy rất sớm. Luân nắm tay mẹ chen vào đám người chen chúc, chỉ cho bà thấy tên của Luân được đánh máy rõ ràng đen màu mực mới. Hai mẹ con ôm nhau khóc ròng trong cái sân trường loang lở cỏ của những ngày hè oi ả nóng. Mẹ đón xe lôi máy dẫn vào chợ tỉnh mua cho Luân cây bút máy không cần phải chấm mực và hộp viết chì màu thiệt đẹp. Mẹ đã thưởng cho Luân một tô hủ tiếu thật lớn, nhiều thịt heo và hai ba con tôm lớn mà Luân chưa lần nào được thấy. Hai mẹ con ngồi ăn ngon lành trong khi chờ ông tài xế sửa soạn chuyến xe chót về Gò Dầu Hạ.

    Trước ngày lên tỉnh học vài hôm, cô Châu tới thăm, tặng cho Luân mấy sấp vải, trắng may áo sơ mi, xanh dương may quần tây dài cho đồng phục của trường và cũng để từ giã mẹ con Luân về dạy trường khác. Hôm đưa Luân lên Tỉnh, cũng là hôm mà mẹ tiễn cô Châu về trường mới. ở mãi tận dưới Trảng Bàng. Hai chuyến xe đưa hai người về hai ngả. Một mình mẹ Luân đứng bên đường lộ, tóc bà lưa thưa nhuộm màu lá cao su đầu thu, từng sợi lẻ loi cuốn theo chiều gió sớm. Từ đó mẹ Luân ở lại một mình, buồn vui một mình. Chén cơm nguội lót lòng buổi sáng, trước khi đi học, mẹ không còn phải sớt làm hai phần, một nhiều một ít. Mẹ cũng không còn phải chờ cơm chiều những lúc tan trường về, Luân cứ mãi mê bắn bi ngoài đám ruộng cuối chợ. Ngọn đèn dầu tắt sớm hơn, nhưng Luân biết rằng mẹ còn thức trong bóng đêm.

    Lên tỉnh, Luân ở trọ nhà của chị Ngoan cùng với Toàn là em của chị, cũng lên học cùng lớp đệ thất, từ chợ Vên Vên. Chị Ngoan và Toàn là con của Bác Lương vốn là bạn cũ của ba Luân, lúc hai người còn bôn ba trên Cam Bốt. Luân gặp Toàn dăm ba lần khi bác Lương đến thăm gia đình Luân sau khi nghe tin ba Luân qua đời. Chị Ngoan là chị lớn của Toàn, lập gia đình trên tỉnh không lâu thì chồng chị mất, chị không có chồng khác, ở vậy một mình. Nhà ở gần trường nên hai đứa không phải đi xa như đám bạn. Chị Ngoan lo lắng và săn sóc Luân không khác gì em ruột. Mấy tháng đầu của năm đệ thất, cứ mỗi tháng một lần, chiều thứ sáu là mẹ Luân lên tỉnh đón về nhà chơi, rồi sáng sớm thứ hai đưa Luân ra đón xe lên tỉnh lại. Nhưng sau đó, Luân về thăm nhà một mình, thường thì có Toàn đi cùng chuyến, Luân xuống xe ở Trà Vỏ còn Toàn tiếp tục về Vên Vên. Mỗi lần về nhà Luân ít khi đi đâu, cứ ở quẩn quanh bên mẹ, kể đủ mọi thứ chuyện trên tỉnh, chuyện trường, chuyện nhà chị Ngoan, chuyện học hành, chuyện quần chuyện áo... Mẹ vò đầu Luân cười thật nhiều nhưng rồi cũng buồn thật nhiều. Thỉnh thoảng Luân đi vòng ra chợ, đứng nhìn vào cái sân trường làng nhỏ nhoi, trốn mình trong đám phượng già nua rậm lá từ ngày Luân đi và cho đến ngày Luân về. Đám bạn con nhà nghèo của những ngày tháng trước đã không còn mấy ai. Thằnh Thanh con bác bảy lò rèn đã theo bác về Gò Dầu Thượng, bác có đến từ giã mẹ Luân, hình như Thanh cũng vào học trường trung học quận. Thằng Côn đã bỏ học ở nhà phụ ba má làm bún bán ở chợ. Khu rừng cuối làng thiếu hẳn người thăm. Mấy cây guồi và nhản lòng lúc nầy luôn đầy trái vì không còn bị bọn Luân hái ăn trước mùa. Con đường đất xuống bến đò, chiều về đã không còn lắm bụi vì cũng không còn mấy ai tranh nhau đá banh. Mấy con ma trong căn nhà hoang ông Chấy, bây giờ tha hồ mà nhát người qua vì không còn đám học trò cản ngăn. Luân thật sự xa lần Trà Vỏ, xa hết những cái vui ít buồn nhiều, vốn đã đeo đẳng mẹ con Luân gần hết cuộc đời.

    Chiến tranh không biết có từ lúc nào, hình như bắt đầu lan rộng trong những ngày về thăm nhà sau đó. Một số anh lớn trong làng đã vào lính. Ngay đầu chợ xã, phiá bên kia tỉnh lộ, một cái đồn lính khá lớn được xây lên với hàng rào kẽm gai chằng chịch. Súng cũng đã lưa thưa nổ gần làng. Đường lên tỉnh xuống quận thỉnh thoảng kẹt xe, dài mấy chục chiếc sáng sớm vì mấy cái mô đất đấp ngang đường, do mấy người phía bên kia làm trong đêm. Không xe nào dám chạy ngang, sợ cán phải mìn hay lựu đạn nổ. Nửa khuya tiếng chó sủa nhiều và dồn dập hơn xưa, lấn át tiếng chuông chùa lẻ loi tan trong gió lạnh. Từ những ngày đó, Luân không về thăm nhà thường theo lời mẹ dặn, bà lo sợ rủi ro trên đường.

    Mẹ Luân nằm xuống, Trà Vỏ không còn là nơi mà Luân náo nức phải về, mỗi khi nghe tiếng chuông tan trường chiều thứ sáu. Nhờ anh Mười Hoạch, Phó Xã Trưởng bán được căn nhà tranh, vốn liếng cuối cùng mà mẹ Luân để lại. Không nhà không cửa cho nên Luân đã để lại tất cả những gì hiện có cho gia đình người chủ mới, chú thiếm Đạt, dọn ra từ Dầu Tiếng vì nơi đó đã thuộc vùng của phe Việt Cộng. Ngày giao nhà, Toàn từ dưới Vên Vên lên phụ Luân một tay, thu dọn một cách hối hả rồi ra đi, sau khi chào giã biệt bà con gần bên thật sớm. Luân đến ngồi bên mộ mẹ suốt sáng rồi vào thăm ông sư già trong chùa, gởi lại một số tiền nhờ ông dòm ngó giùm mộ và đọc kinh cầu an cho bà. Giống như mẹ, lần bỏ Long Thuận ra đi, Luân cũng bỏ Trà Vỏ với mớ hành trang không đầy hai túi xách.

    Vào học không được bao lâu, chị Ngoan dọn về Vên Vên. Căn nhà được bán lại cho ông bà chủ nhà máy nước đá, phiá bên kia đường. Luân theo Toàn về ở nhà bà cô ruột, cách chợ tỉnh không xa. Luân lang thang khắp nơi tìm việc làm mấy ngày sau đó, Luân nhờ bà cô đem gởi số tiền mươi ngàn vào ngân hàng phát triển nông nghiệp tỉnh coi như là gia tài cho suốt đời mình. Nhờ sự giới thiệu của cô Quỳnh, giáo sư môn Vạn Vật lớp đệ nhị, Luân đến phụ việc cho tiệm cơm của bác sáu Biếu, trên đường Pasteur, bên cạnh nhà thờ chính tòa tỉnh, vào mỗi chiều sau khi tan học. Tiệm cơm này là nơi cô Quỳnh và mấy cô bạn dạy chung, vốn cùng đổi lên Tây Ninh từ Sài Gòn đến ăn và cô cũng là người có đạo. Khi biết được Luân đi làm, bà cô không bằng lòng vì bà đã từng nói với Luân cũng như hai bác Ngoan, ba mẹ của Toàn là bà sẽ lo cho, không nói là nhiều năm nhưng ít nhất cũng là năm này, Luân chỉ cần lo học cho đậu được rồi. Luân đã khóc nhiều lần trong đêm. Ba mẹ đã bỏ Luân quá sớm cho đoạn đường đời còn lại. Ơn nghĩa mẹ cha vốn đã chồng chất trên vai, rồi nghĩa ơn cô bác cũng sẽ chất chồng trong đời của mình, một phần đời chưa biết nhiều vinh quang hay nhiều tủi nhục. Luân giải thích với bà cô, xin lỗi đã làm cô buồn nhưng cũng xin cô hiểu cho suy nghĩ của mình. Mấy ngày đầu cô giận, nhưng sau rồi cũng nguôi ngoai. Phụ việc ở tiệm cơm bác Sáu không mấy gì vất vả cho lắm. Mỗi chiều khoảng vài tiếng đồng hồ, sau khi tan học Luân đi thẳng đến tiệm, phụ bưng dọn cơm, sắp xếp muỗng đủa cho khách đến ăn chiều. Phần lớn là công chức hay quân nhân không có gia đình ở đây, trong số đó có mấy cô dạy Luân. Sau khi khách vắng không còn mấy người, Luân phụ bác trai lau chùi bàn ghế, cất chén đủa cùng mấy việc lặt vặt khác, rồi cùng hai bác và chị phụ bếp ăn cơm chiều. Đôi khi bác gái cho Luân ăn trước, rồi đi về chứ không phải chờ cho đến lúc không còn khách. Luân biết phận mình, cho nên có khi cũng nấn ná tìm việc này việc kia làm, ở lại cho đến khi đóng cửa. Thường thì cứ hai ba ngày, bác trai phát tiền cho Luân một lần. So với việc làm, hình như bác trả lương nhiều lắm. Cứ mỗi lần đưa tiền là bác vò lấy đầu Luân bảo ráng học. Có những lúc vắng khách, nhứt là những ngày thứ bảy, chủ nhật, hai bác kể cho Luân với chị Ánh phụ bếp nghe, đủ thứ chuyện đời vui buồn lẫn lộn. Luân thường im lặng ngồi nghe ít hỏi. Bác trai vốn trước đây làm Trưởng ty Giáo dục Kiến Hòa, vì bất đồng ý kiến với cấp trên về một vụ tiền bạc sao đó, cho nên bác xin hưu trí và cùng gia đình về Tây Ninh. Người con trai lớn của bác hiện sống bên Pháp, chị kế là dược sĩ, đã lập gia đình đang ở tận Đà Lạt. Hai bác là người rất ngoan đạo, bác trai ngoài thời giờ phụ tiệm ra, đều thấy bác bận rộn với công việc nhà thờ, tỉa cây cắt cỏ, quét dọn sân ngoài sân trong. Trong vòng họ đạo ai có chuyện cần gì cũng gọi bác. Hai bác chưa hề rầy rà Luân cũng như chị Ánh cái gì, ngay cả trong những lúc quên làm chuyện hai bác dặn. Đôi khi bác trai dẫn Luân vào nhà thờ xem chỗ nầy chỗ nọ, gặp ai bác cũng giới thiệu là cháu một cách hết sức thân tình, hai bác cũng kêu Luân sắp xếp về ở hẳn với hai bác luôn nhiều lần, nhưng Luân không dám nhận.

    Luân dọn đến ở một mình, trên căn gác trọ cuối đường Vỏ Tánh, chừng hai tháng sau ngày đi làm cho bác Sáu. Bên kia đường là một cái biệt thự cũ, dây leo phủ gần kín tường gạch màu nâu đậm, nằm lặng im trong khu vườn trồng đầy hoa sứ. Đường lúc nào cũng đông học trò lại qua. Phía cuối thì trường tư thục Văn Thanh, đầu đường rẽ trái không xa, trường trung học công của tỉnh, nhất là ở ngay trường có quán cà phê nhạc thật hay, tương đối khang trang, thầy cô hay học trò, trong đó có bọn Luân, đều có mặt ở đó, ít nhất cũng phải một vài lần. Dù không còn ở chung, Luân vẫn thường đến thăm bà cô luôn mỗi khi rảnh rỗi. Toàn thì gần như có mặt trên gác trọ của Luân hàng ngày, không bao giờ quên thắp thêm nhang trên bàn thờ ba mẹ Luân, cái bàn thờ nhỏ nhoi đặt trên đầu kệ sách, mỗi khi ra về. Luân thật sự đơn độc vào đời từ những ngày tháng đó.


    Last edited by Poupi; 09-03-2015, 06:20 PM.

  • #2
    Chương Hai




    Trời bỗng dưng mưa vội vã bên kia sông, chập chùng một màu trắng xóa, sáng chủ nhật buồn hiu buồn hắt. Mở tung cửa sổ nhìn xuống, đường vắng tanh không người, một vài chiếc xe lôi máy, ì ạch đưa bạn hàng ra chợ sáng cố vượt mưa lăn bánh. Mấy con chim sáo tắm mưa, kêu vang rân bên kia sân căn biệt thự kín cổng. Khu phố hình như vẫn còn ngáy ngủ. Mưa từng giọt rớt nhịp nhàng trên sân gạch chậm chạp và hờ hững. Trời độ này đã bắt đầu chớm lạnh, cái lạnh phơn phớt của những ngày lập đông, tuy không cắt da nhưng cũng vừa đủ làm cho đám học trò khẽ rùng mình, trên đường đến trường sáng sớm. Như có gì đó ray rứt trong lòng, Luân quơ vội cái áo mưa khoát lên người, xuống đường đi về hướng quán cà phê, mưa vẫn còn nặng hột.

    Mưa như trút nước, mới đó rồi tự dưng ngưng một cách hết sức vội vã, giống hệt như cái vội vã mà nó đã bắt đầu. Nắng ngại ngùng hừng lên phía bên kia sông. Trong quán lặng thinh mặc dù có rất đông người. Tiếng hát Khánh Ly ray rứt bồi hồi, tưởng chừng như là mưa đang mưa bay trên tầng tháp cổ đâu đây. Luân thường ngồi ở góc cuối của quán, những khi có Toàn hay một mình. Từ đây Luân có thể nhìn về phía chân trời xa, ngang qua cái sân trường loang lở cỏ, chạy dọc theo con sông nhỏ, hai mùa nắng trong mưa đục. Luân không thường uống cà phê, nhưng sáng nay cũng kêu thử. Trong quán đâu đó có mùi khói thuốc. Nhạc Trịnh Công Sơn đã làm nhiều cô cậu học trò, đôi lần khóc ngậm ngùi làm như tình đã chết ngàn thu. Mấy cô mới vào, ngồi bàn bên cạnh có vẻ cười nói nhiều hơn những người đã ngồi lâu ở đây. Luân vẫn để ly cà phê yên trên bàn. Cái mùi thơm ấm dịu dàng làm Luân không muốn uống. Dù không lớn cho lắm, nhưng Luân vẫn nghe được tiếng mấy cô lúc nãy, hát nho nhỏ theo bài hát từ máy phát ra.

    - Anh Luân, tiếng gọi từ phía bàn bên đó. Chưa kịp trả lời, Hiên đã đứng dậy đi về phiá Luân.

    - Uả Hiên, như một phản ứng tự nhiên Luân nhỏm dậy khỏi ghế rồi ngồi xuống lại.

    Hiên chỉ cái ghế trống rồi ngồi xuống đối diện.

    - Lâu quá không gặp anh!

    Hiên là người con gái lớn của ông bà chủ tiệm thuốc tây giàu có ở chợ Trà Vỏ, nơi mà Luân đã bỏ đi trong cái khốn cùng của con nhà nghèo mái tranh ủ dột, của cái thèm thuồng ánh đèn điện sáng trưng trong những đêm đèn nhà hết dầu ảm đạm. Nơi mà mẹ Luân đang nằm trong nấm đất lẻ loi như cái lẻ loi trong suốt đời người. Không biết là Luân đã nói chuyện với Hiên và đám con nhà giàu ba Sen hay chín Cẩn, bao nhiêu lần trong suốt những năm tháng dài, từ lớp năm trường làng đến ngày bỏ Trà Vỏ đi. Luân đã từng trốn, khi Hiên cùng đám bạn đi ngang nhà tung tăng cười nói. Hình như Luân và Hiên chưa bao giờ đi cùng một lối. Cái ngõ rẽ đời cay nghiệt đã theo Luân miệt mài trong quãng đời non dại đó. Bây giờ Hiên ngồi đây, Luân có muốn trốn mình sau cái liếp tranh che cuối sân nhà ngày xưa cũng không kịp nữa.

    Thật ra, Luân đã không gặp Hiên từ bao nhiêu năm rồi mặc dù là cùng ở một làng một chợ, từ ngày vào trung học. Luân thì trường tỉnh, Hiên thì học trường quận. Hiên hỏi han Luân đủ mọi chuyện, như là hỏi một người rất thân đã lâu không gặp lại. Cô vừa chuyển lên trường tỉnh khoảng chừng vài ngày nay. Hiên không quên giới thiệu hai cô bạn đi chung cho Luân biết, trước khi chia tay và hẹn gặp Luân khi có dịp mặc dù không ai hỏi ai là mình ở đâu. Bước ra khỏi quán Hiên ngoái đầu nói vọng vào:

    - Hiên mong sẽ gặp lại anh !

    Luân khẽ cười gật đầu. Nắng đã rực lên đâu đó.

    Luân nhận lời cô Quỳnh và thầy Tổng Giám Thị tổ chức đêm hát nhạc Trịnh Công Sơn, trước Lễ Giáng Sinh một vài ngày. Nhóm phụ trách ngoài Luân, Toàn còn có đám Tài, Định, học dưới một lớp, anh Hùng, con của ông Tiểu Khu Phó Tỉnh. Hùng tuy học cùng lớp nhưng Luân và Toàn thường kêu anh vì lớn tuổi hơn. Anh Hùng có tánh tình giống như con gái, kỹ càng ngăn nắp, rất thích hát hò. Anh đã giúp đở Luân nhiều thứ, kể cả về tiền bạc. Họ chơi thân với nhau từ những năm đệ thất đệ lục, những năm đèo nhau trên cái xe vê-lô khẳng khiu, chạy khắp ngõ cùn lối hẹp, bất kể mưa nắng mặc trời. Anh Hùng có cô em tên Sương, học đệ ngũ, thật dễ thương và hát rất hay. Sương được xem là người chính rồi thêm Mai Phương, Xuân, chị Nguyên lớp đệ nhất, người mà Luân đặt biệt danh là nử hoàng sầu mộng. Anh Hùng, Toàn và Luân cũng dự phần hát cho vui. Tuy tập dượt không lâu, nhưng đêm văn nghệ đã thành công ngoài sự tưởng tượng. Trời tuy có lạnh nhưng người xem, không những ngồi kín cả các hàng ghế, mà còn đứng chật các lối vào và hành lang của phòng khánh tiết trường. Không ai bảo ai, chỉ trình bày những bài tình cảm của Trịnh Công Sơn và xen kẽ những bài hát tiền chiến nổi tiếng khác. Thầy Hiệu Trưởng thưởng cho ban tổ chức mấy trăm đồng ngay ngày hôm sau. Thầy Giám Học cho phép những người có đóng góp trong đêm đó, từ ban nhạc ca sĩ đến các anh chị phụ sơn vẽ trình bày sân khấu, được nghỉ học hai giờ buổi sáng đi, ăn nhà hàng Đông Đề ngoài phố, cùng với cô Quỳnh và vài cô trong ban văn nghệ báo chí của trường.

    Đêm Giáng Sinh, Luân đến phụ bác sáu vài việc cho nhà thờ trong lễ nửa đêm, rồi ở lại ăn khuya. Về đến nhà thì Toàn cũng vừa tới. Gần hai giờ khuya mà đường phố vẫn còn đông người vì giờ giới nghiêm được phép tăng thêm cho tới rạng sáng. Chuông nhà thờ thong thả đổ từng hồi, trong cái lạnh cuối mùa đông. Hỏa châu vàng vỏ nhạt nhòa, theo từng tiếng súng vọng khô khan, lẻ loi từ phiá chân trời. Hai thằng nói chuyện khào cho tới sáng, Toàn đưa cho Luân một cái thiệp giáng sinh màu xanh da trời, với vẻ nghiêm trang hơn mọi ngày, mặc dù Toàn biết, hắn cũng như Luân đã nhận rất nhiều thiệp từ những ngày trước đó.

    Toàn nhìn Luân, chờ mở bao thư:

    - Đáng lẽ tao đưa cho mầy hôm qua, nhưng khi gặp mầy ở nhà thờ mới biết là bỏ quên ở nhà.

    Luân chưa nói gì thì Toàn tiếp lời:

    - Hiên đến nhà với Hân chiều hôm qua, nhờ tao qua Hân gởi thiệp cho mầy. Hiên nói với tao rất nhiều về mầy, mặc dù mới gặp tao lần đầu. Hiên hiện đang học chung lớp với Hân và hai cô có vẻ thân nhau, cho nên tao đành phải nhận.

    Toàn ngừng ở đó. Luân cũng lặng thinh. Hiên chuyển lên trường tỉnh vào chung lớp với Hân, cô bạn gái mới của Toàn. Toàn có nói với Luân về Hân, mấy ngày gần đây nhưng Luân chưa có dịp gặp. Hân chính là một trong hai cô bạn cùng đi chung với Hiên hôm gặp trong quán cà phê đầu trường. Sau đêm văn nghệ của trường Hân mới biết Luân là bạn thân của Toàn. Hiên đã hỏi về Luân qua Hân. Cuối cùng là cái thiệp giáng sinh muộn, được mở vội nằm hờ hững trên bàn. Toàn bỏ về khi trời hừng sáng.

    Comment


    • #3



      Chương Ba



      Luân về Vên Vên ăn tết với gia đình Toàn. Toàn mượn cái xe honda của ông anh ba, chở đi thăm mộ mẹ Luân mỗi ngày, từ chiều ba mươi tới mùng ba tết. Chiến trận tăng dần, một ngày một nặng nề hơn. Nghĩa trang nơi chôn cất bà bây giờ không mấy an ninh, cho nên hai người không dám ở lại lâu như ngày trước. Hai bên đánh nhau rất thường vòng vòng khu này trong đêm. Du kích Việt Cộng từ phía mật khu Bời Lời, bên kia sông hay về phục kích chận đường tuần tiểu của lính Địa Phương Quân xã. Du kích Việt Cộng cũng dùng đường dọc sông lần theo truông ra đắp mô gài mìn trên tỉnh lộ khoảng giưã Bến Mương và Vên Vên. Ngôi chùa cuối đồi không còn ai nữa, ngay cả ông sư già cũng đã bỏ đi. Mái ngói sụp phủ xuống gần phân nửa chánh điện. Nhang khói lạnh lùng, chuông treo tội tình nhện giăng bụi bám. Chắc có lẽ lâu lắm rồi Trà Vỏ không còn tiếng chuông Bến Đình của ngày rằm tháng bảy, tiếng chuông mà Luân trông đứng trông ngồi, để được theo mẹ đi chùa ăn cái bánh bò màu đỏ, sau khi cúng Phật trong những ngày còn nhỏ và còn có mẹ.

      Phố chợ bắt đầu đông đảo trở lại sau những ngày Tết. Tiệm cơm bác sáu còn đóng cửa nghỉ cuối năm, cho nên Luân rảnh rỗi được đôi ngày. Học trò vào học lại, đem theo dư âm của bánh tét pháo lân thèm thuồng mất mác. Hàng phượng già đứng trơ vơ buồn hiu, không có lấy một cánh hoa làm duyên với gió, mặc dù là trời đã đầu xuân. Hoa giấy đỏ phủ đầy cái cổng trường trơ gan cùng mưa nắng. Mùi pháo đốt vội từ phía dãy nhà bên kia sân trường, vẫn còn lang thang quanh quẩn theo tiếng nhạc mừng xuân, trong quán nhạc vẳng ra, làm người qua đường bước ngập bước ngừng, nửa đi nửa ở. Hân đứng chờ Luân ngay đầu ngõ rẽ về nhà, đưa cho cái thư của Hiên nhờ trao lại. Cầm thư trong tay, Luân cùng đi với Hân dọc theo đường Trần Hưng Đạo là đường về nhà Hân thay vì về gác trọ. Hân kể cho Luân nghe vài chuyện tâm tình mà Hiên đã nói, trong đó có Luân, với những cảm thông nào đó với Hiên. Luân chào Hân trong vội vã khi đến cuối đường vào phố.


      Thư Hiên viết không nhiều nhưng có vẻ gói ghém đủ những gì muốn viết. Hiên xin Luân đừng cho Hiên là người vô tình nếu Luân chịu nhớ lại đôi chuyện vụn vặt ngày xưa, khi hai đứa còn đầu chợ cuối chợ. Hiên hiểu và hiểu thật nhiều cái mặc cảm con nhà nghèo của Luân mỗi khi Luân cố tình tránh đường, không chịu đi ngang hành lang có treo cái trống trường làng, trong giờ chơi buổi sáng. Luân không biết là Hiên đã vui mừng tở mở, khi thầy Ngôn gọi tên Luân lên lãnh phần thưởng hạng nhất, ngày lễ phát thưởng cuối năm lớp nhất. Hiên đã cất dấu nụ cười thơ ngây trong đời mình cho mãi đến bây giờ. Trong thư, Hiên hỏi Luân còn nhớ có lần Hiên qua nhà hỏi mượn tập thơ TTKH, trong đó có bài Hai Sắc Hoa Ti Gôn khi Luân về thăm nhà từ trường tỉnh, mặc dù Luân và Hiên không học chung trường. Ngày mẹ Luân mất, Hiên đứng khóc ngỡ ngàng một mình, từ bên này chợ khi cái quan tài được khiêng đi, khuất dần theo con đường mòn cuối xóm. Cái khóc một mình đó Hiên cũng còn cất giữ trong đời mình. Cuối thư, Hiên xin lỗi đã ngại ngùng phải nhờ Hân trao lại thư cho Luân, xin Luân xem Hiên là một người bạn đáng thương hơn là một người đáng ghét. Luân xếp lá thư nằm gọn trong tay, nhìn mông lung xuống đường, hình như đám hoa sứ già, trong sân vườn của cái biệt thự bên kia đường chợt như rung rẩy rụng.


      Trưa chủ nhật, anh Hùng, Tài đem xe honda đến chở Luân và Toàn vào chợ Long Hoa ăn cơm chay vì hôm nay là ngày rằm. Mùa thi sắp tới nơi rồi, chưa người nào chịu chong đèn đọc sách, cứ tụm năm tụm ba lang thang ngoài phố, nhìn trời nhìn người, dù ai cũng biết rằng quân trường đang rộng cửa chờ đâu đó. Họ chạy xe vòng vòng đủ hết nhà đám bạn trong chợ, giữa cái nắng chang chang ươm mùi bụi đỏ của đường trong ngõ ngoài. Ghé tạt vào chợ Thương Binh, mua vội mấy trái bắp mới hái trên đường về, bỏ lại sau lưng Long Hoa bụi vẫn còn vương vương mấy ngõ. Qua ngang trường Văn Thanh, thấy quán sinh tố Hằng Phương, nằm cạnh tiệm sách Diễm, học trò tấp nập, bọn Luân tấp vào theo lời anh Hùng đề nghị. Trời vẫn còn ngập nắng, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát tỉnh bên kia lặng im và trống vắng. Toàn đi qua tiệm sách, bỏ bọn Luân ngồi lại quán, vài người bạn cùng lớp bước vào, trên tay mân mê quyển Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Triết Học thơm mùi giấy mới. Thì ra hôm nay tiệm sách Diễm vừa có, Cô Quỳnh đã mua giùm Luân cuốn này, mươi ngày trước đây, khi cô về Sài Gòn thăm nhà. Trong sách có bài viết của Phạm Công Thiện, đáp lời bài Nói Với Tuổi Hai Mươi của Nhất Hạnh bằng tâm tình và bực dọc của những người trẻ, qua hình thức lá thư, gởi cho nhân vật tên Hồng. Bài viết rất hay, đám học trò đang chuẩn bị thi Tú Tài, một hay hai gì, không ai không đọc, ít nhất cũng một lần vì ai cũng đã ngẩu nhiên là nhân vật “ người trẻ” trong bài viết, đang đứng chơi vơi giữa đôi bờ chiến tranh và sách vở.


      Luân lặng người đi, khi thấy Toàn trở lại có Hân và Hiên theo sau. Anh Hùng đứng dậy kéo ghế rồi đi kêu thêm mấy ly sinh tố. Tài nhanh nhẩu nhìn Hiên cười nhưng nói về hướng Luân:


      - Chị Hiên chiều nay mặc cái áo vàng đẹp quá !


      - Tài quên là có người khác đẹp hơn đó nghe. Hiên hồn nhiên đáp lời Tài. Tài nhìn Hân nheo mắt:


      - Dù có ai đó đẹp hơn, nhưng thử hỏi anh Luân xem, chiều nay anh về yêu hoa cúc hay mến lá sân trường ?


      - Anh Tài nhà ta bữa nay thơ văn quá nghe ! Anh Hùng buột miệng rồi quay qua Hân:


      - Hai cô đi lạc đâu đây ?


      Hân đánh nhẹ vào tay Hiên:


      - Thì em nghe lời Hiên nè, đi mua cuốn sách mới của Phạm Công Thiện. Hiên nói là có bài viết thấm thía lắm, nhất là nếu mấy anh đọc. Hân vừa nói vừa lấy sách trong bao giấy ra để lên bàn. Toàn cầm lấy cuốn sách lật qua lật lại vài trang rồi nhìn Hiên:


      - Hiên đọc trang nào chưa ?


      - Em mới nghe chị Nguyên nói hay lắm nên rủ Hân đi mua. Hiên nhỏ nhẹ đáp.


      - Đùa cho vui, chớ tụi này đọc nhiều lần rồi, càng đọc càng thấy thấm thiệt đó. Toàn bỏ lửng lời, nhìn ra ngoài đường. Anh Hùng nhìn Luân ra chiều hỏi ý. Từng chữ viết trong thư Hiên hình như vẫn còn hằn rõ, trong khoảnh khắc nào đó, Luân muốn nói với Hiên thật nhiều, nhưng có cái gì vướng mắc quẩn quanh làm Luân lặng thinh, một cái lặng thinh cố tình. Luân nhìn Hiên cám ơn cái thư mà Hiên đã viết hết sức chân tình cho Luân và hứa sẽ trả lời. Hiên cầm lấy tay Hân xiết nhè nhẹ khi Luân dứt lời. Mắt Hiên chợt ửng đỏ, cúi mặt không nhìn Luân nói nhỏ, dường như muốn chỉ nói cho Luân:


      - Hiên cám ơn anh Luân !


      Anh Hùng đứng dậy trả tiền. Đèn đường ngoài kia lên thì đêm cũng vừa xuống thấp. Tiếng quân xa bắt đầu ầm ỉ hơn trên phố. Hỏa châu cũng lại bập bùng nhạt nhòa như những đêm trước đó. Bọn Luân đứng chờ xe đạp của Hân và Hiên đi khuất cuối bờ tường Toà Án tỉnh rồi mới chịu bỏ đi. Anh Hùng lấy bắp mua lúc chiều về nhà nấu, sáng mai đem vào trường ăn trong giờ ra chơi.


      Bài vở học thi càng lúc càng nhiều, bọn Luân ít gặp nhau hơn trừ những giờ trong trường trong lớp. Đường phố không còn ai đó lang thang sau giờ tan học. Cành lá khẳng khiu rớt nằm trơ trọi bên lề, không còn ai đó bẻ vụn bẻ vặt, ấp úng thẹn thùng khi nghe người ta nói đã mến đã thương. Công viên đầu sông, chia đôi cái thành phố nhỏ nhoi, giờ đây buồn hiu vì vắng người ngồi bên nhau, thả tóc bay dài theo chiều gió muộn khi hoàng hôn xuống. Tiếng ve sầu bắt đầu rộn rã quanh trường. Hàng phượng già nua tỉnh mình sau giấc ngủ dài, rộ trải hoa đỏ bầm màu máu. Học trò lớp nhỏ rạo rực nhặt hoa rơi, ép vào tập sách, nao nức chờ trao nhau viết trang lưu bút. Tiếng ai đó trong bài Nổi Buồn Hoa Phượng buồn tênh như đoạn kinh thánh chiều chủ nhật. Luân đón Hiên ngay cổng trường, đưa cho Hiên thư trả lời như đã hứa. Thư viết thật ngắn để Hiên yên lòng là Luân đã đọc thư Hiên rất nhiều lần, Luân sẽ cố hiểu những gì mà Luân đã một thời không chịu hiểu. Hiên cầm thư trong tay cười trọn vẹn, một cái trọn vẹn Luân chưa thấy lần nào, kể từ ngày gặp Hiên trong quán nước hôm mưa đó. Đến tiệm cơm, nghe bác sáu gái hỏi vọng ra, hôm nay có chuyện gì xem thằng Luân vui vẻ quá, Luân mới chợt nhận ra là mình đã hát vu vơ trên đường về.


      Rồi hè cũng đến, đến không đợi không chờ, xác phượng rơi ngập đầy lối rẽ trong sân trường vàng úa cỏ. Người đi xa mang theo trời nhung nhớ, người ở lại nén lòng buồn hắt buồn hiu. Ai đó khẽ trộm nhìn quanh sân trường quạnh quẽ, chợt thấy hồn mình tan tác theo từng một tiếng ve. Ôm ấp quyển lưu bút trong tay để không còn phải luyến lưu với mớ sách vở giờ đã thành vô nghĩa, tay nắm lấy tay, nhìn nhau không rời, không con tàu không sân ga, tạm biệt không là giã biệt. Tiếng chuông reo lần cuối tan trường. Hè ngấp nghé quanh sân chờ cổng khép.


      Buổi chiều, trước hôm xuống Sài Gòn, chuẩn bị cho kỳ thi, anh Hùng đến nhắc Luân mang một số đồ đạc về nhà anh cất, vì Luân sẽ vắng nhà ít nhất hơn tuần lễ. Luân sẽ ở tại nhà ông chú của anh Hùng thay vì qua ở với Toàn bên cư xá Lữ Gia, Toàn xuống Sài Gòn sau Luân mấy ngày. Chưa chọn lựa được gì thì Hiên đến. Anh Hùng hỏi Hiên vài câu qua loa rồi bỏ đi, hẹn tối trở lại đón.


      Anh Hùng đi rồi, Hiên vẫn còn đứng ngập ngừng ngoài bao lơn gác. Luân quơ vội mớ sách ngổn ngang trên bàn bỏ lên kệ sách, rồi mời Hiên vào trong. Hiên ấp úng nói lời xin lỗi cho sự có mặt của mình. Không đợi Luân trả lời, Hiên nhìn Luân hồn nhiên:


      - Chừng nào anh Luân đi Sài Gòn?


      - Sáng mai đi cùng với gia đình anh Hùng. Luân vừa nói vừa nhìn tờ lịch trên tường.


      - Ngày mai Hiên cũng về Trà Vỏ, ở đó rồi đi Sài Gòn luôn. Chiều nay sau khi đến từ giã Hân về, em năn nỉ lắm Hân mới cho biết anh ở đây.


      - Hân kín miệng thiệt, chỗ anh ở có gì đâu mà dấu. Tuy trả lời vậy nhưng Luân biết là Toàn đã bảo Hân không cho biết chổ Luân ở, mặc dù Luân không hề yêu cầu Toàn chuyện này. Luôn miệng Luân cám ơn Hiên đã đến chào.


      - Anh còn ghét Hiên dữ lắm sao ?


      - Sao Hiên lại hỏi như vậy, Hiên chưa đọc thư sao?


      - Vì còn ghét cho nên anh viết thư có chừng đó chữ!


      - Viết ít mà có nhiều ý nghĩa lắm đó. Luân trả lời Hiên trong tâm trạng dối lòng. Thật ra Luân cũng định viết một cái thư dài cho Hiên, nhưng những ý tưởng mà Luân gói ghém viết ra lúc đầu hình như chỉ là đôi lời định mạng, trách móc thân phận nhiều hơn là thông cảm.


      - Hiên đến thăm anh lần này vì không biết là mình sẽ còn có dịp gặp nhau thường nữa không, sau kỳ thi. Là con trai, anh biết rồi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu một mai có người thi rớt. Định mệnh đôi khi nghiệt ngã quá phải không anh. Hiên chúc anh thi đậu và Hiên cũng sẽ cầu nguyện đất trời và hương hồn hai bác phù hộ cho anh như Hiên đã làm từ ngày anh bỏ Trà Vỏ đi. Luân sững sờ lặng người, cố nén cái xúc động thật lòng, mà chưa bao giờ Luân nghĩ là sẽ có trong đời mình, khi Hiên nói.


      - Con người ai cũng có số mạng mà Hiên !


      Luân nhìn Hiên gượng cười tìm cách nói qua chuyện khác:


      - Bài vở Hiên ra sao, chắc thuộc hết rồi, cố gắng nghe!


      Hiên nhoẻn miệng cười thật đẹp. Luân cùng Hiên bỏ lững câu chuyện ở đó. Anh Hùng cũng vừa đúng lúc trở lại đón. Trời sụp tối và có phần nhuốm lạnh, anh Hùng dựng xe chờ dưới sân trước. Luân tiễn Hiên ra cổng, Hiên chào anh Hùng rồi quay qua Luân nói nhỏ:


      - Xin anh biết cho là anh còn có một người nhớ người thương!

      Trong bóng đêm vàng vỏ, Hiên khuất ở cuối đường như một thiên thần sáng rực trong mắt Luân.
      Last edited by Poupi; 09-03-2015, 06:20 PM.

      Comment


      • #4
        Chương Bốn




        Luân và Toàn đón xe đó về Tây Ninh thật sớm sau ngày có kết quả thi tú tài một. Toàn xuống xe ở Vên Vên còn Luân thì xuống xế chợ Trà Vỏ. Theo con đường đất ngang làng, Luân cố đi thật nhanh để thăm mộ mẹ, trước khi có thể bắt kịp chuyến xe chót từ Gò Dầu Hạ về tỉnh. Nắng trải dài trên mộ một màu vàng hực. Đám hoa mười giờ mà Luân với Toàn trồng chung quanh hôm trước Tết giờ đã nở rộ. Tình hình làng xóm có vẻ không mấy an ninh cho lắm. Thỉnh thoảng vài người lính nghĩa quân mang súng đi ngang nhìn Luân không hỏi lời gì. Luân ràng rụa nước mắt báo mẹ tin thi đậu, rồi ngồi bên cạnh mộ cho đến giữa trưa. Khu rừng cây Sao ngày xưa Luân cùng đám bạn con nhà nghèo, thằng Thanh, thằng Côn chơi đùa, bên kia nghĩa trang vẫn còn vài tiếng ve gọi hè lẻ bạn. Một người phu cạo mủ về nhà nghỉ trưa, cho Luân quá giang theo xe đạp cũ của anh ra đến tỉnh lộ. Mùa này rừng cao su vẫn chưa thay màu lá. Chuyến xe chót vừa về tới bến, thành phố cũng chập chững lên đèn. Luân đón xe lôi máy về tiệm cơm bác sáu trước, thay vì về nhà mình. Mấy hôm Luân vắng mặt, có đứa cháu gái xa của chị Ánh đến giúp vì nó đang nghỉ hè. Hay tin Luân thi đậu, hai bác sáu vui mừng khôn xiết, chị Ánh lăng xăng nói nhỏ nói to gì đó với mấy người quen trong tiệm, bác gái hối hả giục Luân ăn cơm vì sợ Luân đi xe cả ngày rồi đói. Luân ở lại phụ dọn dẹp, nói chuyện với hai bác, về đến nhà trời đã khuya từ lâu.

        Luân đến phụ hai bác hai buổi, thay vì buổi chiều như trước, những ngày sau đó. Bọn Luân lại tụm năm tụm ba hát hò lang thang đầu sông cuối phố, sau khi lãnh cái chứng chỉ trắng phao in hằn con dấu đỏ của hội đồng khảo thí. Cả bọn đôi khi kéo đến tìm Luân ở tiệm cơm, rồi dẫn nhau đi chơi biền biệt, hai bác chỉ nhìn theo cười nhăn cả mặt. Không nhắc nhở gì tới Hiên nhưng thật tình lòng Luân vẫn mong muốn gặp, trong nỗi ray rứt nhớ nhung ngày xưa và thổn thức bây giờ. Luân chợt biết ra là mình còn có một người thương như Hiên đã nói thật rồi.

        Ngày nộp đơn ghi danh học đệ nhất, Luân đến trường thật sớm. Buổi sáng vẫn còn lờ mờ sương, dù trời đã có pha chút nắng. Hành lang thơm phức mùi tường vôi mới. Sân trường bắt đầu có người. Nhóm hai nhóm ba hỏi han to nhỏ, học trò cũ ung dung thư thái, học trò mới từ trường khác bước thẹn bước thùng. Bạn bè cùng lớp, có gặp mặt trong mấy ngày nay mới biết ai đi ai ở. Văn phòng bắt đầu phát mẫu đơn, thầy Giám học lăng xăng đi ra đi vào với mấy xấp giấy quay rô-nê-ô còn thơm mùi mực, miệng không ngớt dặn dò thầy cô phụ việc khác. Luân bỏ lên lầu, đứng nhìn xuống cái xóm chài bên kia sông. Đâu đó vẫn còn mấy ngọn đèn dầu lẻ loi chưa chịu tắt. Hoa phượng tàn cuối hè nằm bầm tím dọc theo sân trường, lặng câm theo từng gót chân người. Anh Hùng gọi Luân từ phía dưới cuối sân, ra dấu tay chỉ về hướng mấy cái băng ngồi bằng đá gần ngõ lên văn phòng. Luân gật đầu đi xuống, anh Hùng không chờ Luân lách người qua đám đông đi trước. Cả đám bạn thân, trai có gái có, ngồi xúm xích chung quanh Toàn, chăm chú giành nhau xem từng tấm hình Toàn chụp ở Sài Gòn. Không ngờ Hiên cũng có ở đây. Luân quay ngưòi đi làm ra vẻ tự nhiên nhưng thật ra là để cố dấu chút niềm vui đang dâng tràn trong mắt. Hiên nhìn Luân thật lâu, ai nấy chợt dưng lặng im, trong cái xúc động có được của buổi chiều từ giã Luân trên gác trọ trước ngày thi, Hiên bỗng dưng chợt khóc. Hân nhìn Luân, nhìn Toàn đỏ cay đôi mắt. Luân đứng lịm người đi, không biết phải làm gì và nói gì. Anh Hùng cuối xuống nhặt một vài cánh phượng tím bầm, thả tung theo chiều gió trong cái nắng giữa trưa, Luân vụng về vỗ nhẹ vai Hiên mà không biết là mình đã có Hiên trong đời tự bao giờ. Không bao lâu, đám người ghi danh thưa thớt dần trong sân trường rồi mất hút trên đường. Cái cổng sắt nặng nề từ từ hờ hững khép. Bọn Luân kéo nhau về tiệm cơm, dọn riêng một cái bàn dài giữa sân vườn trước nhà, hai bác để bọn Luân mặc tình ăn uống trong tiếng cười nói huyên thuyên.

        Luân thật sự không có một nơi để gọi là nhà sau ngày ba mẹ Luân nằm xuống. Cho đến bây giờ và có lẽ còn lâu lắm, Luân phải dong ruổi đời mình theo từng quán trọ, một gác lửng buồn thiu hay một căn phòng lặng lẽ. Ba Luân nằm cô độc bên trời Long Thuận, mẹ lẻ loi trong nghĩa địa Trà Vỏ lạnh lùng. Luân đã khóc trong đêm mỗi khi chút lửa nhang cuối cùng chợt tắt trên bàn thờ. Tháng bảy trời vẫn có một vài cơn mưa bụi nhỏ, lá me bay phủ lờ mờ trên đường, hắt hiu theo từng bóng nắng. Buổi chiều, đúng một năm ngày mẹ Luân mất, bọn Luân, có Toàn và anh Hùng âm thầm làm bữa cơm cúng giỗ trên gác trọ với vài món ăn mà Luân đã mang về từ tiệm cơm bác sáu. Bữa giỗ đơn sơ và hiu quạnh.

        Comment


        • #5
          Chương Năm



          Trời chưa kịp rựng sáng, bọn Luân đã đến chợ Cẩm Giang, sau khi gởi xe Honda tại một quán nước nhỏ đầu bến tàu đò đi Bến Cầu. Bên kia sông sương mù mờ, giăng kín cái truông dừa nước dày đặc không một bóng người. Vài con chim lẻ bạn bay dật dờ không định hướng, gió nhè nhẹ không đủ mạnh làm mặt sông lung lay, dù có thèm từng cơn sóng vỗ. Chiếc tàu đò duy nhất đón khách về Bến Cầu tấp nập người lên kẻ xuống, ồn ào cả một góc trời. Chợ Cẩm Giang phía trên tỉnh lộ vẫn chưa nhóm, tiếng máy phát điện trong khu đồn lính xã, đằng sau chợ còn nghe được từ xa. Từ bên này sông Vàm Cỏ, khách đi tàu có thể nhìn thấy từng hàng cây thốt nốt mù mờ ở cuối chân trời biên giới. Người chủ tàu vội vã lên bờ, gọi khách còn ngồi trên quán xuống tàu, tiếng máy nổ vang không bao lâu thì tàu rời bến.

          Lần đầu về Long Thuận, nơi Luân đã lớn lên trong những ngày đầu đời, nơi ba Luân nằm xuống vào một sáng mưa buồn tầm tã và cũng là nơi mà mẹ Luân vội vã bỏ đi. Cảnh vật không biết còn như cũ hay không trong ký ức nhỏ nhoi của mình. Bến Cầu buồn quá. Đám dừa nước già nua cứ tiếp tục bám hai bên sông, chằng chịch năm dài tháng tận. Hoa tím lục bình muôn đời trôi nổi xuống lên, theo con nước ròng nưóc lớn. Hoa sen đâu đó vẫn nở trái mùa dưới chân cây cầu gỗ cũ xưa, bắt ngang đôi bờ Long Giang Long Chữ. Dăm ba chiếc ghe nhỏ nằm quạnh quẽ trong mấy cái rạch con, đục ngầu màu đất. Luân đến gặp mấy bác đại diện giáo hội Cao Đài xã ngay khi lên bến, trao cái thư riêng của ông nội Hòa, người đang có chức vụ cao trong hàng ngủ giáo phẩm Tòa Thánh Tây Ninh, nhờ xã giúp giùm việc lấy hài cốt của ba Luân. Luân sẽ phải một đời lang bạt, góc biển chân trời, nắm tro giữ bên mình là nơi ba mẹ Luân ngàn đời yên nghỉ. Luân bàn việc hỏa thiêu với Toàn, anh Hùng từ sau khi có kết quả thi, Luân có hỏi bà Cô, cô Quỳnh, rồi hai bác sáu Biếu, mọi người thấy cũng nên nhưng tùy ở Luân. Luân không biết phải làm sao nếu muốn tiến hành, muốn gấp vì ngày tựu trường không còn xa lắm. Luân nhờ Hòa, thằng bạn khác lớp, có ông nội làm lớn trong Toà Thánh, nhà ở chợ Thương Binh mà Luân có vào chơi vài lần. Ông nội nhận lời lo cho mọi chuyện. Bác tư Cơ, người lớn nhất trong ban đại diện, dẫn bọn Luân xuống văn phòng hành chánh xã, ký tên xin phép theo trong thư ông nội Hòa căn dặn. Từ giã bác tư Cơ, họ ghé vào một tiệm ăn gần bến tàu, ăn bánh canh cá lóc nhà quê, trước khi kịp chuyến tàu trở lại tỉnh. Mưa chợt đến bất ngờ trong cái nắng cuối chiều khi tàu về tới bến Cẩm Giang, buồn như cái buồn trong bài Mưa đêm nay của Trường Anh Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc, sương sụt sùi trong mấy nẻo truông lầy.

          Bọn Luân rồi cũng theo lời ông nội, có cả Hòa, Hiên, Hân đi Trà Vỏ ngày hôm sau. Nhờ anh Hoạch, phó xã trưởng tận tình giúp đở nên giấy tờ xong xuôi thật sớm. Hiên không ghé qua nhà mà cùng cả bọn ra thăm mộ mẹ Luân. Mùi lá rừng cao su ủ sương đêm theo gió ngược từ hướng tỉnh lộ thổi về thấy buồn ray rứt. Hân ngồi bẹp xuống đất nắm tay Hiên mân mê mấy cánh hoa Mười Giờ đỏ cay đôi mắt. Anh Hùng lặng thinh bước tới bước lui xung quanh mộ. Hình như cũng như Luân, Toàn khóc. Bên kia rừng có tiếng ve sầu đơn lẻ gọi hè nuối tiếc.

          Comment


          • #6
            Chương Sáu



            Căn gác buồn thiu giờ ấm áp, dù sương lạnh sớm mai hay gió trở mùa đêm tối. Cái bàn thờ trên đầu kệ sách vốn đã nhỏ bé tưởng chừng như bé nhỏ hơn nữa, kể từ khi có thêm hai cái hủ đựng tro màu xanh lục đậm và cái bình cắm hoa mà Hiên đem đến. Ngày đầu vào học, áo trắng che kín cả sân trường ngập nắng. Học trò mới thập thò bẽn lẽn, ngơ ngác tìm quen. Học trò cũ ồn ào gọi nhau ơi ới. Cha mẹ chờ con vào lớp, đứng chật cả văn phòng trường, hỏi han đủ chuyện. Đường phố bừng sống lại theo tiếng guốc tiếng giày, khua vang mấy ngõ đến trường. Lớp đệ nhất B1 có Luân, Toàn, Hoà, anh Hùng cùng hơn mươi người cũ khác lên từ đệ nhị. Số còn lại là những người mới từ trường quận lên hay từ trường tư qua. Nhìn quanh lớp, chợt thấy có gì mất mác. Một số bạn cũ không còn ngồi đâu đó nữa. Trung đã tình nguyện vào không quân, hạ sĩ quan kỹ thuật. Tòng, Răng, Mẫn, Triệu rủ nhau vào Đồng Đế. Nhã đầu quân vào phóng viên chiến trường. Tất cả lặng lẽ bỏ đi không đưa không tiễn. Nhà ai đâu đó có ánh đèn vàng vỏ quá khuya chưa chịu tắt, sách vở giờ đây thân thiết hơn cả người tình, từ cái băng ghế giờ chơi sân trường cho đến bãi cỏ khờ dại công viên, có nhớ cũng phải ráng mà quên theo từng trang sách.

            Vào học lại không lâu, Luân mượn xe honda của anh Hùng đi Trảng Bàng, tìm thăm cô Châu, sau mấy năm trời quên lửng. Trường tiểu học Trảng Bàng, nằm dọc theo tỉnh lộ, đầu quận, từ ngã ba Tha La xuống, hàng phượng rậm cao che kín cả mái ngói, sân trường rợp bóng mát rượi. Cô không khác xưa bao nhiêu, vẫn hiền từ phúc hậu. Cô trò dẫn nhau lên ngã ba Tha La, ăn bánh canh giò heo tại dãy quán cơm trên con đường đá phía trong bến xe, lúc nào cũng đông người. Cô đỏ cay đôi mắt, nghẹn lời khi hay tin mẹ Luân mất, viết vội địa chỉ của Luân, nhà bác sáu Biếu, hẹn sẽ viết thư nói nhiều hơn. Luân vội vã từ biệt cô về lại Tây Ninh, trời đã xế chiều, xe honda chạy khuất ngã ba rồi, cô vẫn còn đứng buồn hiu bên lề.

            Chiến tranh hình như mỗi ngày mỗi xích lại gần thành phố. Đại bác đêm đêm vọng về nghe rõ từng tiếng một, trong cái màn sương đục màu của những ngày giữa thu. Tiếng quân xa băng ngang phố chợ rả rích, lấn át tiếng xe lôi máy đưa người ra nhóm chợ. Đôi khi người ta thấy màu xanh ô liu áo trận nhuộm rực một góc trời. Đám bạn bè không may đã nhập cuộc, phó cho định mệnh an bày, người ở lại âm thầm chờ ngày qua lối rẽ. Hiên đến thăm Luân chiều chủ nhật, cái lạnh cuối thu nhè nhẹ len qua khung cửa, chưa buốt giá nhưng vừa đủ làm khẽ rùng mình. Bài vở học thi mới buổi đầu mà đã mệt nhừ, bóng dáng người quen, bạn bè trong quân phục sinh viên sĩ quan Thủ Đức những ngày cuối tuần trên phố, trong quán nước, cay nghiệt nhắc nhở ai đó còn đứng ở sân trường, nỗi niềm anh phải sống. Quỳ ở chánh điện hay khép nép trong thánh đường, không ai quên cầu xin cho mình may mắn. Một may mắn nhỏ nhoi nhưng là may mắn đổi đời. Hiên đưa tay vuốt mớ tóc lòa xòa trên vai nhìn xuống đường, trời vẫn còn vài tia nắng muộn. Bỏ cuốn vật lý trên bàn, Luân cũng đứng lên nhìn theo. Cái cổng rỉ sét của căn biệt thự tường nâu bên kia đường lần đầu rộng mở. Xác hoa sứ úa ngập gần hết lối vào nhà chừng như lâu lắm rồi không ai quét dọn. Luân và Hiên ngồi cạnh nhau, nói không biết bao nhiêu là chuyện, chuyện ngày xưa hơn là chuyên bây giờ. Hiên ấp úng nói yêu Luân buổi chiều hôm đó. Như một chút mặt trời trong nước lạnh, Luân nắm tay Hiên, cái nắm tay đầu đời bỡ ngỡ, thẹn thùng mà Luân thèm có được tự bao giờ. Luân đưa Hiên xuống thang gác, Hiên ôm chầm lấy Luân rưng rưng nước mắt ra về. Chuông lễ chiều chủ nhật bên khu nhà thờ từng hồi thong thả đổ.

            Trời dạo này tuy đã lập đông, nhưng cái sắc úa vàng tàn tạ của cây lá cuối thu vẫn còn chút luyến lưu trên dăm ba cành khô trơ trụi. Gió heo may sớm về đâu đây, chưa đủ sức lung lay cho mùa thu nói lời giã biệt. Lá úa ngập phủ công viên, lá úa trải dài đường phố. Chuyến xe đò cuối ngày về Gò Dầu Hạ đã mất hút ở đầu ngõ rẽ ra tỉnh, trong cái bóng chiều thiếu nắng. Hình như đã lâu lắm rồi, Luân không thường ngồi ở cái quán nước đầy hoa giấy đỏ phiá bên kia cầu đầu chợ, mớ bài vở ngổn ngang rối bời của ngày thi đã làm anh quên lần đi thói quen thèm nhìn chuyến xe chót trong ngày, chở khách về miệt dưới mỗi khi chiều xuống. Chuyến xe mà Luân đã háo hức đợi, nô nức chờ, ngồi cho được phía gần khung cửa mỗi chiều thứ sáu, sau tiếng chuông tan trường, để nhìn dãy rừng cao su thẳng hàng thơm mùi đất ủ mưa chạy dài về Trà Vỏ, trong những ngày còn mẹ.

            Rời quán nước, Luân thả bộ dọc theo Tòa Hành Chánh tỉnh về nhà, công viên đầu phố cuối thu vắng người và trơ trụi lá. Mấy vệt mây thu ở một phía trời xế chiều lặng lờ xuống thấp. Phố chưa chịu lên đèn. Hân dừng xe gọi từ bên kia đường, làm dấu chờ:

            - Em đi kiếm anh từ chiều tới giờ đây !

            Luân gật đầu, chờ mấy chiếc quân xa chạy ngang rồi băng vội qua đường. Chưa hỏi gì thì Hân nói liền theo:

            - Em và Hiên tới nhà kiếm anh, cửa đóng, không biết anh đi đâu nên em đưa Hiên về, rồi chạy lòng vòng xem, may quá gặp anh ở đây.

            - Chuyện gì mà phải kiếm anh dữ vậy ?

            - Nhà Hiên có tiệc gì đó, Hiên muốn mời mấy anh đến chơi. Anh Toàn, anh Hùng và Tài đang chờ anh ở nhà anh Hùng. Hân vừa nói vừa đi vòng ra phía sau xe honda chờ, Luân cầm tay lái, nổ máy xe chở Hân chạy ngược xuống đồi, về hướng cư xá sĩ quan tỉnh.

            Bọn Luân tới nhà đã thấy Hiên đứng chờ trước sân. Từ ngày Hiên lên tỉnh rồi gặp lại cho đến giờ, Luân có theo Hiên trên đường về dăm ba lần nhưng chưa lần nào vào tận nhà. Theo lời Hiên, căn nhà này ba má Hiên mua trước ngày Hiên chuyển về trường tỉnh vài tháng, để bà ngoại Hiên ở vì tình hình Trà Vỏ không mấy gì yên ổn lắm. Luân chưa gặp bà, nhưng theo lời Hân, bà rất hiền và mộ đạo, bà thường hay đón xe lôi máy đi chùa Gò Kén, ngôi chùa cũ kỹ nằm ở ngoại ô tỉnh lỵ, trên đường đi Bến Kéo vào những ngày lễ ngày rằm. Luân gặp lại, nói là gặp lại thì không đúng lắm vì khi còn ở Trà Vỏ rồi bỏ Trà Vỏ đi, ngoại trừ đôi ba lần cúi đầu chào khi gặp hai bác Lang, ba mẹ Hiên, trong sân trường tiểu học hay ngoài chợ xã, thật sự Luân chưa nói chuyện với hai bác lần nào. Luân ngồi cạnh anh Hùng cùng với Toàn, Hân, Tài phía bên này bàn ăn, đối diện với bà ngoại và ba má Hiên. Ba má Hiên lên tỉnh từ chiều hôm qua để làm cơm cúng nhà cúng cửa, giống như người ta cúng nhà cửa vườn tược trong ngày mùng ba tết đưa ông bà. Ba má Hiên hỏi han Luân vài chuyện, tử tế khuyên bảo Luân vài lời, rồi cùng bà ngoại vào trong cười nói với mấy người bà con vừa nới đến. Còn lại bọn Luân to nhỏ đủ chuyện như thường lệ, dù là những câu chuyện đã có lần nói rồi. Hiên, Hân lăng xăng đứng ngồi, phụ bưng phụ dọn trong tiếng cười giòn giã của đám em cháu, xúm xích chơi đùa ăn uống. Bọn Luân xin phép ra về vì thấy ở cũng đã lâu, trong nhà vẫn còn rộn rịp, ba má Hiên tiễn ra tận cửa. Hiên theo bọn Luân tới cổng, thì thầm gì đó với Hân, Luân nắm tay Hiên từ giã. Từ phía cuối đường ngoảnh nhìn lại, Hiên vẫn còn đứng đó, bóng Hiên nghiêng nghiêng đổ, theo ánh đèn đường lờ mờ trong cái màn sương vừa ướm hơi lạnh giữa khuya.

            Số báo đặc san Xuân, được sự khuyến khích của thầy Hiệu Trưởng, mấy thầy cô khác, ba anh Hùng và bác sĩ Liên, giám đốc bệnh viện tỉnh, bạn thân cô Quỳnh, do bọn Luân làm từ sau lễ giáng sinh, đã phát hành đúng ngày tại phòng họp Tòa Hánh Chánh và bán được gần hết, không uổng công họ thức khuya, gậm bánh mì mấy đêm liền, quay rô-nê-ô trang này qua trang khác. Tờ báo thu một số tiền khá lớn, phần nhiều là tiền ủng hộ của quý vị thương gia mạnh thường quân trong tỉnh. Theo lời đề nghị của Luân, anh Hùng trích ra một phần, gởi ba anh mang vào tiểu khu làm quà Cây Mùa Xuân chiến sĩ, phần còn lại sẽ dùng tổ chức tiệc tất niên trong trường, coi như là bữa tiệc chia tay cho mấy anh chị lớp đệ nhị đệ nhất, những người sẽ không trở lại trường với áo trắng, bút mực học trò năm tới.



            Chợ tỉnh chiều ba mươi, vắng tanh như cái nghĩa trang cuối ngày. Ngoài đường phố chỉ thấy bóng quân xa và lính trận nặng nề xuôi ngược. Nhà ai đâu đó cửa ngõ im lìm, khói nhang đón ông bà cuối năm lãng đãng ngoài hiên chờ giao thừa tới. Hiên về Trà Vỏ sau hôm tiệc tất niên, bỏ lại Luân với mấy hộp mứt đủ màu và dăm ba đòn bánh tét. Toàn cũng về Vên Vên không có Luân theo. Tết năm nay Luân có ba có mẹ. Giao thừa lặng lẽ qua không một tiếng pháo, chỉ có tiếng đại bác đì đùng ngoài xa, từng chập vội về ray rứt.

            Sáng mùng một, phố chợ tấp nập người đi, xe cộ các nơi về tỉnh rộn ràng lên xuống. Rạp hát cuối chợ chật ních người chờ mua vé vào xem, hầu hết từ xã ấp lên. Mấy cái quán ăn rầm rập người vô kẻ ra ồn ào ăn ăn uống uống. Tiệm quán trên đường phố chính lặng thinh cửa đóng then gài. Tiếng kêu lô tô, bầu cua cá cọp vang vọng hai bên lề đường. Luân đến mừng tuổi bà cô của Toàn thật sớm rồi đến thăm hai bác sáu Biếu, ba má anh Hùng để kịp vào thăm ông nội Hòa chiều hôm đó. Quá khuya, đêm mùng ba đưa ông bà, quân Cộng sản dùng hỏa tiển 122 ly, pháo kích vào tỉnh lỵ, từ phiá sau núi Bà Đen. Quân Cộng sản từ Bắc theo đường mòn dọc núi Trường Sơn, tiến vào Nam qua tam biên, lúc này đã lấn chiếm được một số đất trong vùng cận biên giới Miên của hai tỉnh Bình Long, Phước Long. Áp lực cộng sản ngày càng đè nặng hơn, công thêm tiếng rít khô khan của chiến xa VNCH trong những đêm dầy đặc sương trên đường, làm Tây Ninh đôi khi tưởng chừng như khó thở. Một phần bia đá Tổ Quốc Ghi Ơn giữa công viên tỉnh bị sập, một trái khác rớt xuống phía ngoài hàng rào của trường trung học tỉnh, cạnh cái đồng trống dẫn xuống bờ sông. Ngày vào học lại, học trò có thể nhìn rõ mồn một, cái hố to sâu thẳm, từ dãy hành lang trên lầu mấy lớp đệ nhị. Không như tết năm ngoái, thiếu vắng Hiên mấy ngày tết năm nay lòng Luân buồn vô hạn, buồn theo đúng nghĩa sân ga thiếu con tàu. Cố gượng cố đở nhưng chút cười chút nói của Hiên cứ len chặt vào hồn, nhớ hắt nhớ hiu, như mạng nhện chằng chịch bám quyện vào nhau không ngõ thoát. Luân không ngờ là mình đã đếm từng ngày khi Hiên đi rồi. Trà Vỏ Tây Ninh cách nhau không hơn nửa trăm cây số, nhưng Luân cứ tưởng chừng như mù khơi thăm thẳm. Luân đã cố vội quên những ngày tháng nhọc nhằn, mưa luồng gió, tạt để nói tiếng yêu Hiên lần đầu và cũng sẽ chờ cuối mùa thi nói tiếng yêu Hiên lần cuối.

            Comment


            • #7
              Chương Bảy

              Luân rớt tú tài hai mùa thi năm đó, cái ước mơ định mạng mà anh mong đợi, để được nói tiếng yêu Hiên lần cuối đã vỡ tan trong nghiệt ngã của khúc quanh đời mình. Luân thất thểu bên vệ đường giữa cái nắng cháy nung người trong ngày xem kết quả. Luân lặng lẽ về lại Tây Ninh, gom góp hành trang vào hai ba túi xách, trả lại căn gác trọ mà mình đã sống, đã gọi là nhà cho chủ, rồi âm thầm bỏ Tây Ninh. Luân ra đi gần như là trốn chạy, Luân đã không nói được một câu từ giã với bà Cô, với hai bác Sáu, với ba mẹ anh Hùng, với ông nội Hòa, những người đã cho Luân hết thân tình và ơn nghĩa. Đầu Hạ, nắng nung người nhưng lòng Luân buốt lạnh, tiếng nhạc vẳng ra từ quán nước Hà quen ngày nào, xót xa như khúc tơ chùng lở phím. Luân cúi mặt đi, để đừng thấy dãy hành lang thơm mùi tường vôi mới, nơi Hiên thường đứng bên thả tóc bay đùa nắng trong giờ ra chơi. Luân tránh né mớ cành lá khẳng khiu nằm gãy vụn trên đường về quen thuộc, để đừng ai biết là mình đã qua đây. Cái thành phố nghèo nàn chợt biến tan theo cổng sắt sân trường từ từ khép. Anh Hùng chịu cùng số phận như Luân, tên Toàn, Hân, Hiên in hằn rõ trên bảng niêm yết, Luân rụng rời câm nín. Luân bỏ Tây Ninh như một người bại trận. Chắc rồi anh Hùng và Luân cũng phải vào lính, ở đây bây giờ bọn họ không có sự lựa chọn nào khác. Luân chưa kịp đuổi sầu đi trong đời mình thì buồn đã ở lại.

              Luân lang thang ở Sài Gòn những ngày sau đó, như con chim sâu nhỏ lạc bầy, từ căn nhà sàn bên cầu chữ Y đến cái gác trọ xiêu vẹo trong ngõ cụt Bảy Hiền rồi Thị Nghè Bà Chiểu. Luân đếm vội ngày tháng đời mình trong niềm vui nỗi buồn của những người không lạ không quen trên đường phố. Luân tình cờ quen Trung, trong một bữa cơm chiều tại quán cơm chay cạnh hông ga xe lửa ngã sáu, khi đến ngồi chung bàn vì quá đông người không còn chỗ. Trung vừa xong năm thứ nhất trường Quốc gia Sư Phạm, trường đào tạo giáo viên cho các trường tiểu học. Nhà Trung ở Phú Giáo Bình Dương, vùng đang chịu nhiều áp lực của quân Cộng sản từ mật khu Hố Bò Tam Giác Sắt. Trung vừa thi lại tú tài hai, cùng lượt với Luân nhưng không đậu. Luân cho biết cũng rớt như anh, chờ ngày khăn gói vào lính giã từ sách vở. Luân theo Trung về nơi anh đang ở trọ chung với một người bạn khác, cũng từ Bình Dương xuống, căn gác cây không cũ lắm trong khu hẻm đường Cộng Hòa, gần trường Sư Phạm. Ngồi trên gác nhìn xuống đường ba người nói chuyện tới khuya.

              Luân dọn về ở chung với Trung vài ngày sau, cũng với ba cái túi xách bạc màu bằng vải bố. Trung nhường cho Luân cái phần bàn phía gần tường, để có chỗ tiện đặt bàn thờ ba mẹ, hai cái hủ tro màu xanh lục đậm vất vả lang thang theo Luân một cách tội tình.




              Luân nghe lời Trung thi vào trường Quốc Gia Sư Phạm. Giấy trúng tuyển nhập học lớp giáo sinh năm thứ nhất, đủ điều kiện cho Luân được cái thẻ hoãn dịch một năm. Luân yên tâm đứng ngoài quân trường. Cũng trên gác trọ trong cái tỉnh lẻ nghèo nàn, Luân ấp úng nói tiếng yêu Hiên ngày nào, bây giờ cũng trên gác trọ Luân phải cố nén lòng quên dù có nhớ. Luân viết thư thăm anh Hùng, bà Cô, Toàn, hai bác sáu Biếu, ông nội Hòa, Hòa, Tài và vài người quen khác nhưng không đề địa chỉ người gởi. Luân cũng gởi cho Hiên một cái thư rất dài, dài hơn cái thư mà Hiên chờ Luân trả lời khi hai người vừa gặp lại, trong thư anh xin lỗi Hiên đã bỏ đi không có lấy một lời từ biệt, cám ơn Hiên đã cho Luân niềm vui mà anh không dám nghĩ tới trong đời và đã yêu mình trong khúc quanh đời nghiệt ngã này, Luân sẽ giữ nó như một báu vật trong mớ hành trang nghèo nàn dù phải gắng quên trong niềm đau dằn vặt. Bỏ thư vào thùng ngoài cửa Bưu điện, trên đường băng ngang nhà thờ Đức Bà, đứng lặng lẽ nhìn theo những tia nắng chiếu yếu ớt còn sót lại, cố vương theo tượng Chúa trên nóc cao, Luân bâng khuâng nói một mình, xin cho con lẩn khuất đâu đây trong trăm nẻo đường định mệnh. Chiều thứ sáu, Sài gòn tấp nập người nhưng chuông thánh đường chưa đổ.

              Luân gặp lại cô Quỳnh vài ngày, trước lễ Giáng Sinh tại cổng trường tiểu học Bàn Cờ, nơi Luân và vài người bạn cùng lớp đến dạy thực tập. Tan trường, đứng nói chuyện với chị Trang, cô giáo lớp ba mà Luân vừa tập dạy bài sử ký Bắc Bình Vương, trong khi chờ xe buýt bên kia cổng trường không lâu, thì chị có người nhà đến đón. Cô Quỳnh chưa kịp ngừng hẳn xe honda lại đã gọi tên, khi Luân định bỏ đi vì chuyến xe buýt về Ngã Sáu vừa tới. Đứng bất động trước mặt cô Quỳnh, Luân rưng rưng muốn khóc, không nói được tiếng nào. Chị Trang kinh ngạc nhìn Luân rồi nhìn cô Quỳnh muốn hỏi gì nhưng lại thôi. Thì ra cô Quỳnh là người chị mà chị Trang đang chờ. Ba người đứng bên lề đường thật lâu, nhưng nói chẳng bao nhiêu, Luân cũng không biết tại sao, mặc dù có nhiều điều muốn nói như anh đã từng nói, mỗi khi có chuyện buồn trong những ngày trên trường tỉnh. Cô Quỳnh đổi về trường nữ trung học Lê Văn Duyệt, gần ngã tư Bảy Hiền, đầu năm nay sau hơn năm năm dạy trên Tây Ninh. Một lần nữa xe buýt tới, cô Quỳnh đưa vội cho Luân tờ giấy có ghi địa chỉ nhà dặn nhớ tới. Xe buýt chạy một quảng khá xa, hai chị em cô Quỳnh vẫn còn đứng yên ở đó.

              Đêm Giáng sinh, Luân đến ăn lễ nửa đêm với gia đình cô Quỳnh, Trung và Sinh lang thang đâu đó trong đám người đông nghẹt ngoài đường phố Sài Gòn cũng như những lần giáng sinh năm trước. Đêm Giáng sinh, Sài Gòn không giới nghiêm, xe cộ rầm rập ngược xuôi, dù đã quá hai ba giờ sáng. Vài người cảnh sát gát đêm, đứng lẻ loi trên ngã tư đường chờ sáng. Trời có chút sương mù mờ lành lạnh. Tim Luân chợt buốt đau theo từng bước chân mình trên đường về gác trọ, khi nghe tiếng chuông cuối đêm từ nhà thờ Đức Bà chầm chậm đổ. Chút kỷ niệm vụn vặt đêm giáng sinh năm xưa trong hồn vụt sáng rực, tưởng chừng như Hiên đang đứng ở cuối đường về. Luân gục đầu trong cái bóng đêm mịt mù trên gác trọ, cố xua đi một phần nỗi nhớ.

              Sau tết ta chị Quỳnh lập gia đình, sau nầy cô Quỳnh không cho Luân gọi bằng cô vì gọi cô thấy xa lạ quá, hơn nữa Luân cũng đã lớn hơn xưa rồi. Chồng cô, anh Hưng, hiện là một trong những Phó Biện Lý của Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn, một chức vụ có quyền hạn rất lớn trong hệ thống tòa án. Hai vợ chồng dọn về nhà mới, một căn biệt thự nhỏ nhắn gần bệnh viện Bình Dân trên đường Phan Thanh Giản. Chị Quỳnh muốn Luân chọn, hoặc về chợ Hai Bà Trưng ở với chị Trang và bác gái hay về ở với chị, Luân từ chối cả hai, cái cầu thang gác trọ, tiếng mưa lộp độp trên mái tôn, hình như đã là một phần đời mà Luân thương Luân nhớ.

              Sài Gòn lúc này thường có xuống đường biểu tình, chống Mỹ, chống chánh phủ, chống tham nhũng... hết phong trào này đến phong trào kia, nhóm sinh viên ở Đại học xá Minh Mạng có vẻ hăng say nhất, đâu đâu cũng có mặt họ, họ đã đốt cả quân xa Mỹ trên đường. Phong trào Phụ Nữ Đòi Quyền sống gì đó cũng ồn ào không ít, mấy cô sinh viên Văn Khoa cùng đủ thành phần phu ïnữ khác, đã nhiều lần biểu tình rần rộ, chật cả bồn binh Sài Gòn, đôi khi xô xát dữ dội với quân cảnh cảnh sát. Trong lớp sư phạm vì có rất nhiều bạn vừa học sư phạm vừa học Văn khoa hay Luật khoa, Khoa học, cho nên tin tức nào cũng nghe được.

              Cuối năm thứ nhất Sư phạm, Luân, Sinh, Trung đậu tú tài hai với tư cách thí sinh tự do, sau những ngày cơm chay cơm mặn. Trung và Sinh còn phải thi tốt nghiệp ra trường. Chị Trang lần này đãi Luân một bữa ăn thật lớn tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, ngoài bến Bạch Đằng. Ngày bọn Luân đi lãnh chứng chỉ ở Nha Khảo Thí, gần trường nử Trưng Vương, là ngày Trung được bổ nhiệm về chợ Búng, Lái Thiêu, Sinh thì về Hàm Tân, Bình Tuy. Họ làm buổi tiệc chia tay nhỏ trong sân trường Sư Phạm, Luân theo Trung về Phú Giáo chơi, ba má Trung cho bọn họ ăn một bữa bánh tráng tươi cuốn cá lóc tại nhà, má Trung chuyên làm bánh tráng bỏ mối cho các chợ trong vùng, đôi khi chở ra tận Củ Chi, Luân chia tay Trung và Sinh từ đó. Một mình Luân ở lại, căn gác trống trơn và vắng ngắt dù Luân vẫn ngày hai buổi đi về.

              Một năm lặng lẽ đi qua trong buồn vương buồn vấn, một năm mà Luân đã chôn kín đời mình trong mộ yêu thương dằn vặt. Hiên bây giờ ở đó, Luân lẩn khuất quanh đây, trách trời cao làm nên định mệnh. Dù không có Hiên, nhưng Luân vẫn coi Hiên là lý do duy nhất để chối từ tình yêu của Khánh Tường, con gái của cô Hảo, giám thị trường , đang học cùng chung lớp. Luân ghi danh học Luật khi bắt đầu lên năm thứ hai sư phạm. Phong trào Phụ Nử Đòi Quyền Sống lại xuống đường, lần này có bạo động, có người chết và người bị bắt giam, phần lớn là mấy cô sinh viên Văn khoa. Mấy chị có ghi danh học Văn khoa cùng lớp với Luân bàn tán xôn xao chuyện bắt bớ, ai cũng nhắc nhiều lần tới người được gọi là Phát Ngôn Nhân của Phong Trào, họ bảo người này có lẽ bị nặng tội nhất. Buổi trưa, trên đường trở lại lớp, sau khi xong giờ thực tập bên trường Sư phạm kiểu mẫu Trần Bình Trọng, Luân hỏi chị Ly, đang học năm thứ hai sử địa văn khoa, ôm mộng đậu cử nhân sẽ chuyển ngạch giáo sư trung học, chuyện bắt bớ xuống đường hồi sáng. Luân rụng rời khi chị cho biết người Phát Ngôn Nhân nặng tội là Hiên, có gia đình giàu có ở Trà Vỏ, Tây Ninh. Hiên là người hoạt động hăng say nhất và là một trong hai ba người thân cận của Chủ Tịch phong trào. Luân đứng lặng câm dưới chân cầu thang lên lầu lớp học, không còn nghe được chị Ly nói gì thêm nữa.

              Comment


              • #8
                Chương Tám






                Luân không đến trường vài ngày sau đó, lang thang trên đường phố Sài Gòn mặc cho trời nắng chói chang hay mưa dầm mờ mịt, không cần biết nơi dừng lại. Đứng đơn độc ở một góc đường hay ngồi lặng thinh trên ghế trống công viên, Luân muốn đừng ai nhận ra mình nhưng mong sẽ thấy được Hiên đâu đó. Luân nằm vật vã, mặc cho nỗi đau xé nát lòng, trong bóng đêm dày đặc trên gác trọ lạnh lùng.

                Luân đứng chờ trước cổng nhà Toàn, mấy cột hàng rào sắt vẫn còn phủ kín dây leo hoa dại tím như ngày nào. Cư xá Lữ Gia chiều về có vẻ thưa vắng. Chị Hương, chị tư của Toàn, rưng rưng ôm chầm lấy Luân xúc động:

                - Trời ơi đi đâu mà mất biệt vậy Luân?

                Luân chỉ gọi chị Hương rồi nghẹn tiếng. Vào nhà, chị Hương buồn giọng hỏi:

                - Em đi đâu không cho ai hay ai biết gì hết, ba mẹ chị giận lắm, người quen ai nấy cũng tìm khắp nơi. Gần hai năm rồi chớ ít sao, thằng Toàn không lúc nào yên, hể nhắc tới em thì lầm lũi không nói với ai tiếng nào, tại sao vậy Luân ?

                Luân lặng im ngồi trong góc phòng, chị Hương bỏ vô nhà trong lo cơm chiều nói vọng ra:

                - Toàn mới lấy xe đi mua cái gì đó.

                Ngoài sân hình như trời bắt đầu sụp tối, Luân vẫn ngồi bất động mặc dù chị Hương nhắc vặn đèn lên, lòng cay xé nhìn tấm hình chụp chung, đủ mặt Hiên, Hân, anh Hùng, Tài, Toàn trong ngày ghi danh học đệ nhất trước cổng trường, trên đầu tủ sách sát cửa sổ. Có tiếng xe và tiếng con gái hỏi han gì đó vào sân. Chị Hương nói vọng lên từ nhà sau:

                - Toàn nó về đó.

                Luân không buồn đứng dậy. Toàn đẩy cửa vào có Hân theo sau, cả hai đứng khựng người. Toàn lắc đầu không ngờ:

                - Mầy đây sao Luân?

                - Anh Luân! Hân ngậm ngùi gọi tên Luân.

                Hai người ngồi xuống cùng một phía với Luân, Toàn trách móc :

                - Mầy bậy thiệt, với ai thì tao không nói, với tao mầy cũng không nói tiếng nào, trừ cái thư tao nhận được không đầy mươi chữ. Nhiều người buồn vì mầy lắm!

                Tiếng chị Hương gọi ăn cơm, ba người họ vẫn ngồi lặng im, bên khung cửa nhà ai đối diện đã có ánh đèn. Đêm xuống tự lâu rồi. Hân ở chơi tới khuya mới chịu về. Luân ngủ lại nhà Toàn, hai thằng kể cho nhau nghe chuyện giòng đời xuôi ngược trong gần hai năm biền biệt. Ngày đi xem kết quả, không thấy Luân, không thấy tên Luân trên bảng niêm yết, Toàn hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng không ngờ là nó xảy ra quá sớm. Toàn cùng Hân, Hiên trở lại Tây Ninh, vội đến gác trọ tìm thì Luân không còn đó nữa. Hiên khóc tức tưởi mấy ngày, Hân thương bạn không cầm được nước mắt. Vào đại học, Hân và Hiên gặp nhau rất thường trong những tháng đầu, đi chơi chỗ này chỗ nọ, nhưng mấy lúc sau này ít thấy Hiên, nhất là những lần đi xa Lái Thiêu Vũng Tàu đều không có Hiên, mặc dù Hiên là người lăng xăng nhất. Toàn và Hân đếm nhà tìm Hân đôi ba lần nhưng lần gặp lần không, lúc nào thấy Hiên cũng có vẻ bận rộn chuyện gì đó. Sau mùa thi cuối năm, Toàn mới biết Hiên thường có mặt trong đoàn người xuống đường chống đối chánh phủ. Toàn còn cất giữ tờ Đại Dân Tộc, hình Hiên dẫn đầu đám người biểu tình thấy rất rõ trên trang nhất. Toàn lắc đầu ngao ngán, Luân cúi mặt nghẹn lời, không ai muốn biết vì sao. Bạn bè cũ giờ cũng đã tan tác theo đời. Răng chết trên chiến trường Quảng Đức vài tháng sau khi rời Đồng Đế. Triệu, Mẩn, Tòng theo Thủy Quân Lục Chiến đóng mãi tận Sơn Chà. Nhã bỏ mạng trong trận Bình Long khi theo Biệt Kích 81 làm phóng sự. Anh Hùng tốt nghiệp Võ khoa Thủ Đức, hiện về lại Tây Ninh làm sĩ quan Tâm Lý Chiến. Tài nghe nói đã tình nguyện vào Hải Quân, từ Nha Trang có ghé thăm Toàn vài lần trên đường về phép.

                Luân cùng Toàn đến nhà chị Quỳnh, gặp anh Hưng để biết tin chính xác về Hiên như đã nhờ anh Hưng hôm trước. Chị Quỳnh ngạc nhiên vì sự có mặt của Toàn, Luân đành giải thích sự việc. Từ Tòa Án về, trong bữa cơm chiều mà chị Quỳnh bắt Luân phải ở lại ăn, anh Hưng xác nhận đúng là Hiên, theo chi tiết lý lịch mà Luân cho biết, đã bị bắt với tội danh sơ khởi thân Cộng chống chánh phủ VNCH, hiện đang bị giam giữ tại Nha Cảnh Sát Đô Thành, anh nói thêm họ có cho phép gia đình cô Hiên từ Tây Ninh vào thăm hôm qua. Chưa có hồ sơ chánh thức gì gởi qua Toà, cho nên anh Hưng bảo ráng chờ vài bữa nữa xem sao rồi tính, anh hưá sẽ cố theo dỏi chuyện này. Luân và Toàn trở về nhà cho chị Hương biết, ba chị em ngồi lặng thinh. Sài Gòn mùa này vắng mưa.

                Chiến trận xem ra tăng dần khắp nơi, áp lực quân Cộng sản càng ngày càng đè nặng hơn. Hết trận chiến Hạ Lào, Tân Cảnh Đakto, rồi mùa hè đỏ lửa. Bộ đội Bắc Việt hàng hàng lớp lớp cứ vượt rừng Trường Sơn vào nam cùng xe tăng Nga Sô và đại pháo Trung Cộng, mặc tình bom B52 trải thảm. Chính quyền miền bắc nhất định hô hào sinh Bắc tử Nam. Quân VNCH cố sức chống đỡ nhưng rồi cũng mất một số đất trong vùng biên giới Miên Lào, Quân cộng sản chiếm Lộc Ninh, Bù Đăng Bù Đốp. Cộng sản tung quân vây hãm và pháo kích như mưa vào An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long, quân VNCH tử thủ, đánh bật Bắc quân dù họ đã vào trong thành phố. Sư Đoàn Ba đành bỏ Đakto vì áp lực của mấy sư đoàn cộng sản. Thủy Quân Lục Chiến anh dũng lấy lại cổ thành Quãng Trị bị cộng quân chiếm hơn mười mấy ngày. Cờ bay trên tuờng thành đổ nát nhuộm màu máu. Sài Gòn tưởng chừng khó thở, nghĩa trang quanh đây đã có màu vôi sơn trắng. Ngõ ra quân xa đùng đùng chở lính trận ra chiến trường, ngõ về hàng hàng đưa thương binh về bệnh xá, như điệp khúc trong một bài hát dở dang mà người nhạc sĩ chưa tìm ra đoạn kết.

                Chủ nhật, sau khi xong lễ sáng ở nhà thờ Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, chị Quỳnh đến cho Luân hay tin Hiên đã được trả tự do, có lẽ do áp lực chính trị từ phía Mỹ. Luân mừng như cái mừng của một người chết vừa được cứu sống lại, đứng ngồi không yên. Luân quá giang chị Quỳnh qua nhà Toàn trên đường chị về nhà. Chị Quỳnh bỏ Luân xuống ngã ba Tô Hiến Thành, dặn nếu muốn biết thêm gì nữa thì gặp anh Hưng. Toàn và Hân tới trường Sư phạm rủ đến nhà Hiên, Luân từ chối, Toàn đoán biết lý do cho nên không nài nỉ lắm. Toàn không gặp Hiên, người dì bà con cho tin là Hiên đã về Trà Vỏ. Hai thằng thở dài nhẹ nhổm, thôi vậy cũng yên lòng, ít nhất Luân vẫn còn có Hiên đâu đó. Cuối tuần, từ Tây Ninh về, Toàn qua gác trọ với Hân gặp Luân, Toàn có ghé Trà Vỏ, ba má Hiên bảo là Hiên về ở chơi vài ngày, rồi trở xuống Sài Gòn sắp xếp đi học lại. Hân đến nhà tìm, Hiên không có đó. Luân sững sờ buồn vui không biết. Toàn cũng đến tìm Hiên đôi ba lần sau, Hiên thật sự bỏ đi và có lẽ là chuyến đi biền biệt. Đứng trên gác, nhìn về phía chân trời xa, Luân thầm mong nơi mà Hiên ở vẫn còn chút mặt trời.

                Luân về dạy lớp bốn trường tiểu học Bà Rịa. Nhà Luân ở thuê là một căn nhà ngói kiểu cũ trên đầu dốc tới trường. Luân bắt đầu cuộc sống ông giáo làng, ngày hai buổi đơn lẻ đi về với bảng đen phấn trắng, với đám học trò không chợ không quê, nhỏ nhắn vô tư, lúc nào cũng cao giọng đọc theo lời thầy dù trên mái tôn lớp học có nắng cháy nung người hay mưa tuôn xối xả. Toàn và Hân cũng như chị Quỳnh viết thư thăm Luân rất thường. Khánh Tường cũng gởi cho Luân mấy cái thư, vẫn nỗi niềm ngày xưa mong Luân nhớ. Chợ chỉ có mấy con đường, đi lên đi xuống chưa kịp qua bóng mình soi nắng thì đã về chỗ cũ.

                Dạy ở Bà Rịa chừng vài tháng, Luân đồng ý thuyên chuyển về Vĩnh Long với một cô vừa lấy chồng về Bà Rịa. Luân về Sài Gòn ở chơi với Toàn vài ngày trước khi xuống nhiệm sở mới. Ngày đi, cũng hai ba cái túi xách bạc màu ngày nào, Toàn, Hân, chị Quỳnh tay xách tay mang, tiễn Luân tận xa cảng Phú Lâm theo xe đò xuôi về Vĩnh Long đường dài sông nước.

                Trường tiểu học Cái Nhum, Minh Đức, nằm cách văn phòng hành chánh quận một con đường ghồ ghề, nhiều đất hơn đá. Từ trường đi qua chợ, dãy nhà mái tôn trống không tường che với vài chục sạp bán hàng, chừng dăm ba phút. Cuối chợ là bến đò, lúc nào cũng có người lên người xuống, nhất là sáng sớm, bạn hàng neo ghe ở đây rồi đón xe lên Vĩnh Long mua bán. Xuống Vĩnh Long, được sự giúp đở của bác Trưởng Ty Giáo Dục, Luân đến ở chung với hai anh nhân viên của tòa hành chánh tỉnh, gốc Trà Ôn, tại căn biệt thự cũ, trước làm văn phòng của người Mỹ nằm sau lưng trường trung học Tống Phước Hiệp. Buổi sáng, Luân thả bộ ra đầu chợ, đón chuyến xe đò nhỏ duy nhất chạy đường Vĩnh Long Minh Đức tới trường, bến xe sát bên hàng rào. Nếu trễ, Luân phải lên chuyến Vĩnh Long Vũng Liêm, xuống tại ngã ba Cái Nhum, chờ quá giang ai đó vào chợ. Trường không nhiều cô thầy, chợ cũng không mấy ai, cho nên người nào cũng quen mặt. Luân ít phải lo bữa cơm trưa vì gần như ngày nào cũng được cha mẹ học trò mời về nhà ăn canh chua cá lóc, cá tra vừa chua vừa ngọt. Học trò đứa chân dép chân trần, thương thầy thương cô như cha như mẹ. Trời nóng giữa trưa, ghé qua cái quán nước mái che bằng liếp dừa tại bến đò, cô gái bán hàng thân mật gọi tiếng thầy, không chịu nhận tiền ly trà đá. Tan trường, ra bến về Vĩnh Long, người chủ xe đã dành sẵn chỗ. Xe qua ngang trường Sư phạm Vĩnh Long, áo dài trắng phất phơ của mấy cô giáo sinh trong sân làm anh chợt thấy đơn lẻ quá. Luân ít khi về Sài Gòn, thư Toàn thăm hỏi nhận được luôn, bài vở học hành từ trường Luật có chị Quỳnh, chị Trang gởi xuống. Cuối tuần, đón xe lôi máy ra ngã ba Mỹ Thuận, xuống phà qua sông, ăn cơm chim mõ nhát rô ti, nhìn khách thập phương ngược xuôi mấy nẻo đi về cho lòng bớt cô quạnh. Ngày lễ theo mấy người bạn mới quen, xuống Chợ Lách ăn ốc gạo luột chấm nước mắm cay, khi nước lên mùa ốc. Toàn có ghé Trà Vỏ vài lần kể từ ngày không còn gặp Hiên, sau đó lại thôi. Hiên cho tới bây giờ vẫn mù xa thăm thẳm. Luân đã ngồi thẫn thờ trên bàn trong lớp học, dấu kín buồn đau trong giấy tập học trò. Toàn báo tin sắp làm lễ đính hôn với Hân, bảo Luân nhớ sắp xếp về dự. Nhớ Hiên, Luân lặng câm ấp ủ hy vọng để đừng phải giết chết đời mình trong những đêm dài không ngủ. Vĩnh Long bây giờ là mùa mưa, mưa đầu mùa chập chùng trên sông, bên kia sông và tận phía chân trời. Đường vào sân trường Cái Nhum hình như bắt đầu có mùi bùn lầy và trơn trợt. Luân một mình cúng giỗ ba mẹ, có đủ ly rượu tây ngon mà ba Luân thích khi ông còn sống, theo lời mẹ kể và miếng gỏi khô loan phòng trộn lá sầu đâu mà mẹ Luân đã chắt chiu mua từ chợ quận Gò Dầu Hạ về ăn ngoài sân sau hè, khi chiều còn chút nắng.

                Comment


                • #9
                  Chương Chín



                  Hiệp định Ba Lê, sau những năm bàn thảo giữa người Mỹ và chính quyền Bắc Việt, rồi VNCH được chính thức ký kết tháng giêng năm 1973. Bắc quân có phần lợi thế hơn VNCH trong cái văn bản bất đắc dĩ phải ký này. Trước áp lực chính trị và quyền lợi riêng tư của các nước phương Tây, trong thế yếu miền Nam đành chịu mất đi một phần đất, vùng giáp ranh biên giới Miên và Lào, từ Bình Long lên đến Bình Định Quãng Nam, Quãng Trị. Chiến trận có đôi phần tạm dịu xuống những ngày sau đó, Sài Gòn lại tiếp tục sống nhưng xem ra vội vã hơn. Nhóm Thành phần thứ ba Lý Quý Chung, Ni Sư Huỳnh Liên, Linh Mục Chân Tín ... lại xuất hiện, đòi thi hành đứng đắn tinh thần hiệp định Ba Lê, đòi lập chánh phủ ba thành phần để tìm giãi pháp chính trị cho miền Nam, chánh phủ VNCH ra lệnh bắt giam nhưng rồi phải thả vì áp lực nước này nước nọ. Bắc Quân cùng đồng bọn, trong đó có Nga Sô, Trung Cộng, ngưng tấn công, nhưng vẫn âm thầm chuyển quân, xây dựng hậu cứ trong phần đất mà họ chiếm theo ngôn từ ngưng bắn tại chỗ của tờ hiệp ước và dọc theo đường Trường Sơn. Quân VNCH bó tay trong thế thủ. Tình hình chánh trị miền Nam lúc bấy giờ rối bời còn hơn những năm đảo chánh.

                  Luân đậu Cử nhân luật đầu mùa hè năm đó, cùng năm với Hân tốt nghiệp dược sĩ. Hân về lại Tây Ninh, mở tiệm thuốc Tây trên đường Trần Hưng Đạo, con đường mà ngày xưa cô nàng làm dáng thả áo dài bay mỗi chiều về, làm anh chàng Toàn chết mê chết mệt thuở còn đi học. Anh Hưng gởi Luân đến tập sự tại văn phòng của một người bạn luật sư ở góc đường Lê Thánh Tôn trong mấy tháng hè. Tựu trường trở lại, xuống Cái Nhum chưa trọn mấy ngày thì nhận được điện tín của chị Quỳnh, gọi Luân về Sài Gòn gấp vì anh Hưng có chuyện cần bàn.

                  Anh Hưng đưa Luân đi gặp một số người quen suốt hai ba hôm, trong đó hầu hết là bạn bè của anh, đang giữ chức vụ khá cao trong ngành tư pháp, có cả ông thầy đở đầu đang là Thẩm phán Tối Cao pháp viện. Bận bịu với sự sắp xếp của anh Hưng, Luân không buồn đến tìm Toàn mặc dù đang ở Sài Gòn. Buổi chiều từ toà án về, anh Hưng cho biết Luân được chọn vào học khoá Công Tố Viên do Nha Công Tố tổ chức. Luân ôm chầm lấy anh rưng rưng nước mắt. Chị Quỳnh cũng không cầm được mũi long.





                  Luân xuống Vĩnh Long, nộp đơn xin phép nghỉ việc với Nha Tiểu Học qua bác Trưởng Ty. Đón xe đò đi Cái Nhum, từ giã mấy người bạn dạy cùng trường, đám học trò ngây thơ, tóc tai thơm mùi ruộng lúa. Từ giã người quen bên này và bên kia sông, sẽ không còn cơm canh chua cá lóc. Luân cũng không quên chào cô gái trong quán nước bến đò đã không tính tiền ly trà đá. Lần cuối trên chuyến xe đò cũ quen về Vĩnh Long, Luân cám ơn người chủ nói lời giã biệt, từ nay bà không còn phải dành sẵn chỗ cho Luân mỗi chiều tan trường. Luân xuống Bắc Mỹ Thuận, theo phà qua sông lần cuối, con sông đục ngầu phù sa bên lở bên bồi, lặng lờ như ngày Luân mới tới. Rồi Luân về lại Tây Ninh không cần ai chờ ai đợi. Hàng dừa sau lưng chợ cá phía bên này cầu già nua, không đủ che nắng cho con sông chia đôi thành phố nửa trong nửa đục. Hàng chữ Tòa Hành Chánh, bằng xi măng, trên cổng vào tỉnh đường, trốc sơn vàng vỏ vẫn còn đó không ai buồn sơn phết lại. Công viên lưa thưa vài cụm hoa cuối mùa nở muộn. Hàng phượng quanh trường thiếu hoa, xanh xanh một màu lá. Luân đứng lặng im, chung quanh vẫn là cảnh cũ nhưng không còn mấy người xưa. Luân ghé thăm Hân và gia đình ngay khi vừa xuống xe rồi qua nhà anh Hùng, anh giờ mang lon Trung uý trông cũng oai ra phết, cả nhà hỏi han đủ mọi chuyện. Sương, em gái anh Hùng, giờ cao lớn và đẹp hơn xưa, cuối năm nay thi tú tài chớ còn nhỏ nhắn gì nữa đâu, chắc là cũng có anh chàng nào đó lẽo đẽo theo về. Anh Hùng lấy xe honda chở Luân vào bà Cô, bà rầy cho một trận rồi ngậm ngùi chùi nước mắt. Xế chiều Luân ghé tiệm cơm thăm hai bác sáu Biếu. Tiệm cơm vẫn như xưa, chị Ánh đã thôi việc hơn năm qua, lấy chồng về miệt Củ Chi, hai bác không tìm người thay. Bác trai đầu bạc trắng như bông bưởi. Hai bác ôm Luân mừng mừng tủi tủi, trách sao đi mà không cho hai bác biết tiếng nào. Luân ngủ lại nhà anh Hùng đêm đó, sáng hôm sau, Luân đưa Sương tới trường rồi mượn xe honda vào chợ Thương Binh thăm ông nội của Hòa. Buổi trưa, sau khi mua vé xe đò về Sài Gòn chuyến chót, Luân định rủ anh Hùng đi ra nhà Định ở ngã ba Giang Tân, anh Hùng cho biết Định vào không quân, đi Mỹ học lái trực thăng, về nước bay cho không đoàn hai, chết vì hoả tiển Sam trong trận chiến Bồng Sơn cuối năm rồi. Bạn bè bọn Luân đếm không mấy đứa giờ đã vĩnh viển ra đi hơn phân nửa. Anh Hùng, Sương và Hân, đưa Luân ra bến xe. Lần này Luân từ giã Tây Ninh có người đưa người tiễn.

                  Từ tòa án ra, thấy còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ hẹn Toàn đến đón, Luân thả bộ dọc theo đường Lê Thánh Tôn, ngược lên hướng Tòa Đô Chánh, nhìn người buôn người bán cho vui. Hàng cây me hai bên để lá vàng mặc tình rơi trên vai, vương trên tóc ai đó vội vã qua đường, trong cái nắng chiều xuống muộn. Sài Gòn vẫn chưa có mưa. Mãi mê nhìn mấy cái áo kiểu trong cửa kiếng của một tiệm quần áo, đầu ngõ vào thương xá Tam Đa, không kịp đèn xanh nên đành đứng nán lại, Khánh Tường từ phía Lê Lợi đi lên trố mắt nhìn Luân kinh ngạc:

                  - Anh Luân, về hồi nào mà không cho ai hay biết gì hết vậy?

                  Luân cười làm như thật:

                  - Mới về trưa nay, buồn quá xin phép nghỉ dạy vài hôm !

                  Khánh Tường nhìn Luân ngờ ngợ, Luân cũng không nói thêm gì. Từ ngày chuyển về Vĩnh Long, Luân không cho Khánh Tường biết tin. Khánh Tường không còn dạy ở Nhà Bè, đã cải ngạch giáo sư trung học về dạy môn Việt văn lớp tám trường trung học Thủ Đức, gần hồ tắm Ngọc Thủy. Sợ Toàn chờ, Luân cùng Khánh Tường trở lại Tòa Án, Khánh Tường trách móc thật lòng:

                  - Anh ác và vô tình quá, đổi về trường khác mà không cho Khánh Tường hay một tiếng.

                  Luân tìm cách dối quanh cho Khánh Tường yên lòng, thật ra anh đã quên lững cô ta một cách hết sức không ngờ trong những ngày ở Vĩnh Long. Luân không dám làm một sự lựa chọn, vì sự lựa chọn nào cũng có ít nhiều mất mác. Luân đứng chơi vơi giữa đôi bờ vực tình. Toàn ngồi trên xe honda chờ, khi Luân và Khánh Tường trở lại. Họ gởi xe cho chỗ gởi ngay bên lề Thư Viện, rồi kéo nhau vào cái hẻm nhỏ bên cạnh rạp Casino ăn bánh canh bột lọc, ngồi nói chuyện khào với nhau. Trời tuy về chiều nhưng còn nhiều nắng, thấy Khánh Tường có vẻ bịn rịn, không muốn chia tay, Toàn bỏ về trước. Luân ngồi lại ở đó rất lâu, hình như phố xá ngoài kia đang chuẩn bị lên đèn. Khánh Tường nhắc những ngày đầu, cái nhìn trộm đầu tiên khi gặp Luân lang thang trong sân trường Sư phạm, rồi cái nhìn không ngỡ khi hai người cùng vào chung một lớp. Khánh Tường đã mến đã yêu từ hôm đó, nhưng đến gần cuối năm mới ngài ngại ngỏ lời. Không phải Luân không biết nhưng anh đã cố vội vô tình khi bóng Hiên vẫn là một phần lẽ sống của đời mình. Luân dặn lòng, xem Khánh Tường như một người bạn thân. Luân đã chia đời làm đôi ngả rẽ, một nẻo đi xa và một nẻo về gần. Như một cơn mơ vừa chợt tỉnh, Khánh Tường nói thật lâu về mớ kỷ niệm vui ít buồn nhiều từ những ngày quen Luân, trong đôi mắt đỏ cay , nhìn mông lung bên, Khánh Tường bảo sẽ chờ Luân dù phải chờ trong xót xa. Lòng chợt buông xuôi, Luân nắm nhẹ tay Khánh Tường ngậm ngùi không nói. Khánh Tường đưa Luân về nhà Toàn, con đường Trần Quốc Toản, hình như đêm nay không chịu dài thêm dăm bước nữa.

                  Comment


                  • #10
                    Chương Mười



                    Sáng chủ nhật, trời mưa trút nước, một màu trắng xóa như sương, từ Khánh Hội mưa qua, từ Hàng Xanh mưa lại. Đường phố vắng tanh không bóng người, một vài chiếc xích lô đạp, bó mình che mưa trong tấm vải ni lông bạc màu, mỏi sức vượt mưa không ai đón. Dạo này, Toàn thường không ở Sài Gòn những ngày cuối tuần, anh chàng về phụ Hân trên Tây Ninh. Hai người chuẩn bị làm đám cưới sau khi Toàn ra trường. Nhà không còn ai, chị Hương về Vên Vên từ chiều thứ sáu, sau khi tan sở. Giữa trưa, không đợi mưa tạnh hẳn, Luân lấy xe honda vào bênh viện Saint Paul, thăm chị Quỳnh mới vừa sinh thằng con trai kháu khỉnh. Vì sinh con đầu lòng còn hơi yếu, nên anh Hưng dể chị nằm lại vài ngày. Luân ngồi bên giường nói chuyện không đâu với chị, bác gái và chị Trang, hai mẹ con giành nhau bồng bế thằng cháu. Bỏ chị Trang ở đó, Luân chở bác gái về nhà lo cơm nước rồi vòng qua đường Hai Bà Trưng, xuống chợ Sài Gòn mua một vài thứ lặt vặt mà chị Hương dặn. Thơ thẩn vòng quanh mấy cái quán bán băng nhạc trên đường Nguyễn Huệ, nghe thử đủ giọng ca mà vẫn chưa lựa được cuốn nào. Mưa xuống xong, trời dịu đi không còn nóng, gió từ hướng sông bến Bạch Đằng thổi lên mát cả môi mắt người đi.




                    Luân băng ngã tư, ngược lên Quốc Hội, vài ba anh sĩ quan Dù đứng hỏi đường mấy cô gái đi qua, trước phòng Thông Tin Đô Thành. Không biết có được chỉ đúng chưa, họ vẫn loanh quanh ở đó nhìn lên nhìn xuống. Đường vắng người, Luân khẽ gật đầu chào trước khi định bước nhanh qua bên kia cho kịp đèn xanh, có tiếng một trong mấy anh này gọi tên Luân, anh khựng người quay đầu lại. Thanh, thằng bạn nhà nghèo thân của Luân, ở ấp chợ Trà Vỏ đang đứng sững sờ trong quân phục sĩ quan Dù. Thanh là con trai lớn của bác Bảy lò rèn, cùng học chung từ lớp năm tới lớp nhất. Cái chái nhà tranh mưa dột nắng hở, có lò lửa nóng nung người là nơi mà bọn Luân đã nướng khoai lang khoai mì còn sót lại cuối mùa, trong những buổi sáng lạnh rung, chờ trống vào học điểm. Ly nước mía thèm thuồng, không đủ tiền phải chia làm hai trong những ngày chợ phiên nắng gay nắng gắt. Trái xoài hoang rụng đầu rừng, mỗi lần mưa giông tới cũng đã cắn đều, miếng một miếng hai.

                    Luân đưa Thanh về nhà, hai thằng nói cho nhau nghe không biết bao nhiêu là chuyện. Ngày Luân lên trường trung học tỉnh, Thanh theo ba má về Gò Dầu Thượng. Thanh không có dịp lên tỉnh, Luân cũng chẳng có lúc xuống Gò Dầu, cho nên họ đã không gặp nhau từ đó. Thanh đậu tú tài một, rồi tình nguyện vào Võ Khoa Thủ Đức trước anh Hùng một khóa. Ra trường chọn binh chủng Dù, ra trấn đóng mãi tận Triệu Phong, Quảng Trị. Lên Trung Uý hơn một năm nay. Giữa khuya Luân đưa Thanh về trại Hoàng Hoa Thám, trên ngã tư Bảy Hiền, hết phép, rạng sáng mai qua phi trường trở lại đơn vị. Luân nói dối với Thanh, anh đang là ông giáo làng.

                    Sáng sớm, hai anh em ngồi uống cà phê trên lề đường Lê Văn Duyệt, nhìn trời nhìn đất, anh Hưng đưa cho Luân tấm danh thiếp của một người quen, có thẩm quyền trong việc sắp xếp nhiệm sở, dặn đến gặp xem có tin tức gì chưa. Tới giờ làm anh Hưng vào tòa án, Luân ngược lên sở thú, vào văn phòng Nha Trung Tiểu Học làm thủ tục hoàn tất việc nghỉ dạy và tình trạng động viên. Ông Chủ sự chịu trách nhiệm hồ sơ của Luân bận họp, anh đành phải chờ. Loay hoay trong hành lang văn phòng một lúc, thấy hơi chán, Luân bỏ ra cái quán nước nhỏ ngoài rào cổng văn phòng, gọi ly sinh tố, ngồi mơ màng nhìn mấy cô nữ sinh Trưng Vương thả tóc bay dài trong sân trường ngập nắng sớm. Trở vào văn phòng Nha, chưa được mấy bước, gặp Khánh Tường, trên tay cầm xấp giấy tờ thong thả đi ra. Không có lối nào tránh Luân đành làm ra vẻ ngạc nhiên, trong lúc cô nàng còn trố mắt:

                    - Ủa! Hôm nay không dạy sao ?

                    - Anh về hồi nào vậy? Khánh Tường dịu giọng.

                    Ra dấu bảo Khánh Tường trở lại văn phòng chờ, Luân vừa đi vừa nói:

                    - Chờ Anh vào lấy hồ sơ chút xíu, rồi mình nói chuyện.

                    Khánh Tường gật đầu theo sau với vẻ mặt xem ra đang thắc mắc. Ông chủ sự phòng nhân viên đưa Luân ra tận cửa, anh cũng không quên cám ơn sự mau mắn của ông. Ra cổng, Luân cùng Khánh Tường dựng xe honda trên lề bên kia đường, tìm cái băng ghế đá trống cạnh cửa vào sở thú ngồi. Khánh Tường giận dỗi:

                    - Anh đổi địa chỉ lần nữa, không màng cho ai hay hết, để đến nỗi thư gởi đi bị trả ngược về vì không người nhận. Nhận cái thư đóng dấu trả về buồn muốn khóc.

                    - Bị sa thải rồi làm sao có địa chỉ mà cho biết. Luân cố đùa.

                    - Có thật vậy không ?

                    - Hôm nay không phải là ngày lễ, không phải nghỉ hè, cũng không là thứ bảy chủ nhật, rồi phải vào trình diện Nha Tiểu Học, nếu không bị đuổi thì là cái gì đây cô ! Luân nhìn mặt Khánh Tường ra vẻ nghiêm trọng.

                    Khánh Tường tiếp tục trách móc :

                    - Cứ cho là anh bị đuổi đi, thì anh cũng phải ở một chỗ nào đó, chớ chẳng lẽ anh ngủ ngoài đường sao ? Anh biết nhà em mà ! Cô nàng rươm rướm nước mắt.

                    Cái rươm rướm nước mắt tội tình đó, làm hồn Luân se thắt. Luân cho Khánh Tường biết việc về Sài Gòn học khóa Công Tố Viên, sẽ mãn khóa nay mai. Luân xin lỗi là đã dấu cô nàng vì rất nhiều lý do khó nói. Khánh Tường ôm chầm lấy Luân:

                    - Anh Luân ác quá !

                    Hai người lấy xe xuống chợ, vào một quán kem vắng bên khu bán vải, trên đường Lê Lợi. Khánh Tường cười nói luôn miệng tưởng chừng như từ lâu lắm rồi không có. Trong một lúc nào đó, Luân thấy lòng mình bỗng dưng vui.

                    Luân mãn khóc học, cùng ngày ăn đầy tháng thằng bé Bảo, con trai đầu lòng của anh chị Quỳnh. Bác gái và chị Trang lo chuẩn bị trước đó mấy ngày, nhứt định làm thật lớn để mừng hai chú cháu như lời chị Trang luôn nói. Bữa ăn nói là lớn nhưng thật ra chỉ có mấy người trong nhà, Toàn, anh bạn trai của chị Trang và Khánh Tường. Mới gặp nhau lần đầu mà ba cô giáo có vẻ thân thiết quá, thì thầm to nhỏ, nói cười huyên thuyên, chị Trang quên cả việc giành ẳm thằng bé Bảo với bà ngoại như ngày thường.

                    Chủ nhật sau đó vài hôm, Luân đến thăm Khánh Tường và gia đình như đã hứa. Cô Hảo xúc động gặp lại Luân. Cũng hơn bốn năm rồi, cô không thấy già hơn xưa, vẫn chưa hưu trí, cô nói ở nhà buồn quá. Khánh Tường không còn ba, bác trai chết trong một tai nạn xe cộ, trên đèo Chuối, khúc gần Lâm Đồng, trên đường từ Nha Trang về. Nhà còn hai người em, Khánh Uyên, đang học năm thứ hai Nha Khoa, cậu em trai út, An thì lớp 11 trường Petrus Ký. Không biết Khánh Tường đã nói gì, Khánh Uyên lâu lâu nhìn trộm Luân mĩm cười một mình. Luân ở lại ăn cơm trưa với gia đình Khánh Tường để khỏi phải phụ lòng hai chị em. Cả bọn kéo nhau ra rạp Eden xem phim rồi lang thang suốt buổi chiều trong niềm vui vừa trọn.

                    Còn vài hôm nữa bãi trường, lại thêm một mùa hè. Luân rủ Toàn lên Lái Thiêu thăm Trung rồi đi vòng vòng chơi luôn thể. Đến trường tiểu học Lái Thiêu mới hay Trung đang là Hiệu Trưởng. Trung vui mừng dẫn họ đi vòng quanh trường, cạnh hàng rào phía sau sân dăm ba cây nhản to đang mùa có trái. Trung đậu cử nhân văn khoa, không chuyển ngạch giáo sư để tiếp tục được động viên tại chỗ, không phải vào lính. Thỉnh thoảng dạy tư thêm giờ ở trường trung học quận. Chưa định lập gia đình, còn phải lo cho mấy đứa em ăn học. Ba người vào chợ Búng ăn trưa trong giờ nghỉ, xế trưa Luân từ giã Trung, hai thằng buồn hiu vì không biết bao giờ mới gặp lại.

                    Từ Lái Thiêu về, theo như dự tính, Toàn chở Luân tấp qua nghĩa trang quân đội Gò Vấp thăm mộ Nhã, thằng bạn hạ sĩ quan phóng viên chiến trường, chết trong trận chiến Bình Long. Luân chưa vào đây lần nào, nhưng nhìn quanh, hình như có nhiều ngôi mộ sơn trắng mới. Nghĩa trang vắng người vì hôm nay không phải ngày nghỉ. Hai người cắm vội trước mộ bia, bó hoa huệ trắng mua từ một quán bán hoa bên kia đường, ngay cổng vào, nhìn bức ảnh Nhã cười mà lòng hai đứa đau buốt, cứ như vậy thì bạn bè còn lại được mấy ai.




                    Sài Gòn lại có mưa, mưa đầu tháng sáu rớt vội rớt vàng trên hàng phượng vừa nở hoa đỏ bầm đầu mùa hè đâu đây ngoài ngõ, lúc thì chập chùng lúc thì lất phất bay như bụi. Phố xá buổi trưa cứ đông nghẹt người. Cả nhà chị Quỳnh, chị Hương, Toàn, Khánh Tường và thằng bé Bảo, còn bồng trên tay, tiễn Luân ra phi trường Tân Sơn Nhất. Mọi người ai nấy thấy cũng cười nhưng mặt buồn thiu buồn thít. Bác gái nắm tay Luân sụt sùi bảo ráng giữ gìn sức khỏe. Chị Quỳnh bồng thằng bé Bảo trên tay, quay đầu đi đỏ cay đôi mắt. Ai nấy lặng thinh, Khánh Tường bật khóc. Tiếng gọi khách lên phi cơ lần cuối, Luân hôn Khánh Tường lần đầu, cái hôn giã biệt. Phi cơ lên cao dần rồi mất hút. Mưa vẫn còn nặng hột trên trời Sài Gòn.

                    Comment


                    • #11
                      Chương Mười Một








                      Kontum, một tỉnh nhỏ và lẻ loi của rừng núi cao nguyên nằm cách Pleiku, thủ phủ vùng hai chiến thuật không hơn sáu mươi cây số. Phía bắc Kontum, hai quận Dakto, Daksuk, nằm sâu cạnh ranh giới Quảng Ngải đã bị quân Cộng sản chiếm, từ những ngày mùa hè đỏ lửa. Ngồi trên trực thăng người ta có thể thấy rõ ràng bóng dáng bộ đội Bắc quân đi qua đi lại quanh vùng, nhất là sau ngày có hiệp định Ba Lê. Tỉnh lỵ không có bao nhiêu con đường, thành phố chạy quanh chạy quẩn cũng chỉ là mấy dãy phố bao quanh cái chợ tỉnh luôn vắng người từ xế trưa. Từ đỉnh núi Kompa bốn mùa mù sương nhìn xuống, Kontum như cái lòng dĩa tròn đơn độc. Sông Dakla, con sông chảy ngược giòng, đổ về núi thay vì ra biển, uốn mình chia đôi thành phố, hai bờ cát trắng phau, khác Pleiku mịt mùng bụi đỏ, lặng lờ, dưới cái cầu nửa sắt nửa xi măng dẫn vào tỉnh lỵ, từ hướng Pleiku lên. Bên này cầu, ngôi nhà gỗ mung hai tầng lầu, dân ở đây thường gọi là Biệt Điện vì đó là nơi dùng làm nhà nghỉ mát cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, mỗi khi lên cao nguyên, lúc còn sống và còn quyền, là nơi giờ trở thành cư xá cho dăm ba công chức cao cấp, độc thân trong tỉnh ở. Sau lưng là góc công viên nhỏ, cỏ xanh dầy đặc và hoa leo đủ loại vây quanh cái bia đá ghi ơn chiến sĩ màu xám bám đầy rêu. Cuối phố, qua trường trung học tỉnh, chạy vòng theo dưới đồi, đường về xã Phương Quý, hai bên mấy dãy rừng cà phê hun hút. Lính trận trên phố thường nhiều hơn dân trừ những giờ tan trường có chút màu trắng áo dài. Kontum không có bao nhiêu ngày nắng trọn, trời cứ khói sương mờ mờ lành lạnh quanh năm. Chợ có độc nhất một rạp chiếu bóng Diệp Kính, ít khi mở cửa trễ về đêm. Quán cà phê với cái tên ngồ ngộ Forget Me Not, do hai chị em, người từ Đà Lạt lên làm chủ, trên đường Ngô Quyền hình như lúc nào cũng thấy đông khách. Lác đác một vài thiếu nữ Thượng, nặng nề mang gùi bán hoa Lan rừng, đi lên đi xuống trong buổi chợ sớm.

                      Mới đó cũng đã gần hai tháng, kể từ ngày Luân lên nhận chức vụ Phụ Tá Biện lý tòa án Kontum. Tòa án nằm trên một con đường dốc, gần ty Bưu Điện tỉnh, lặng im ẩn mình sau hàng cây thông xanh và thẳng tấp bao quanh. Bạn bè ở đây không có mấy ai, vài anh Trưởng ty hoặc Phó quận độc thân từ miền nam ra, hình như không còn thêm ai nữa. Chiều chiều tụ năm tụ ba, không tập tành đánh quần vợt thì bài bạc cho qua ngày tháng. Đêm ở đây xuống rất nhanh, chưa thấy hết giờ làm việc thì phố xá đã lên đèn, trời mù sương lạnh, ít khi thấy người lang thang ngoài đường ngoại trừ những chiếc xe cảnh sát tuần tiễu mờ mờ lên xuống, không có tiếng súng lưa thưa nổ xa xa đâu đó như những ngày ở Tây Ninh nhưng vẫn thấy hỏa châu bập bùng tận một phía trời. Căn nhà nhỏ mà tòa án để cho Luân ở, nằm cạnh bờ sông Dakla, cách hàng rào khu gia cư của thương phế binh khoảng mươi thước. Luân thường thả bộ một mình, dọc theo bờ cát trắng phau khi con nước xuống, nhìn mặt trời đỏ bầm chầm chậm lặn phía sau rừng cuối xã Phương Hòa. Thỉnh thoảng Luân theo anh Nông, thư ký kiêm thông dịch viên tiếng Thượng, lớn hơn Luân vài tuổi, gốc người Ra-đê, có tú tài một, được tuyển vào làm việc cho Tòa án từ năm ngoái, lên buôn Thượng chơi, lên nhà sàn nhà rong, tập uống rượu Cần, ngọt lần đầu nhưng say nằm liệt lúc nào thì có trời mới biết. Theo anh, Luân cũng quen dăm ba cô gái. Mấy người bà con của anh Nông sống trong buôn, đi săn trong rừng sâu, hái cho Luân vài cụm hoa Lan rừng đẹp lạ lùng, Luân treo trên tường, quên cả tưới nước, cụm hoa vẫn tươi một màu vàng rực rỡ. Luân đã thấy lòng mình se thắt, ngậm ngùi nhiều đêm, khi nhìn cụm hoa Lan vô tội vô tình phơi màu, ẩn trên tường vôi trắng. Cái màu áo mà Hiên mặc trong ngày gặp Luân, tại quán sinh tố Hằng Phương, một chiều đầy nắng ở Tây Ninh, ngày mà lòng Luân thà về yêu hoa cúc, không mến lá sân trường. Hình như Luân đã sống quá dài trong ray rứt, trong lạnh lùng, từ ngày Hiên bỏ đi. Kỷ niệm của một đời yêu nhau chừng như tan tác buông xuôi theo năm dài tháng đợi. Luân hờ hững sống đời con tằm, cứ lặng lẽ nhả tơ trong ổ kén quạnh hiu xanh lá.

                      Luân nhận thư chị Quỳnh cùng lượt với thư của Khánh Tường. Chị Quỳnh dặn dò đủ chuyện, nhắc Luân đừng đi chơi xa vì nghe anh Hưng nói tình hình trên này, theo anh biết không yên lắm. Chị hy vọng là Luân có dịp về ăn thôi nôi thằng bé Bảo. Thư Khánh Tường viết vài trang trên giấy màu xanh lá cây nhạt, thăm hỏi không khác gì chị Quỳnh, lúc này thường đến chơi với chị Trang, dạo phố dạo phường những khi nghỉ dạy, chị Trang lười quá, ì ạch tới giờ này cũng chưa đậu được cử nhân, cuối thư nhớ Luân nhiều lắm.

                      Trời ở đây giờ đã cuối mùa thu, dăm ba cành lá thông khô, khẳng khiu gãy vụn, nằm trơ trọi bên đường trên dốc lên tòa án trong những sáng mù sương, buồn da diết. Cuối thu lập đông, mới giao mùa mà Kontum lạnh buốt. Đường phố lạ hẳn lên, áo len đủ màu đủ sắc từ ngõ hẹp đầu chợ đến khắp sân trường. Ly cà phê nóng chợt trở thành một cái gì không thể thiếu mỗi sáng, trước khi đến sở làm, dù có muộn màng, ngồi bên này nhìn trên con sông Dakla, sương phủ mịt mù như khói tỏa, mới hiểu lòng ai buồn vì ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Luân lẻ loi ở Kontum những ngày tháng đó. Thứ bảy chủ nhật cuối tuần, thỉnh thoảng, đôi ba lần, Luân theo mấy người bạn bên tòa Hành Chánh xuống Pleiku, cái thành phố buổi chiều quanh năm mùa đông. Tỉnh lỵ Pleiku lớn hơn và nhộn nhịp hơn Kontum vì là bản doanh của Quân Đoàn 2 và Vùng 2 chiến thuật. Phố xá không khác nhau cho lắm, cũng những con đường đồi dốc ngoằn ngoèo, cũng dăm ba hàng cây thông thẳng tấp. Phi trường Cù Hanh về chiều, nếu không có chuyến bay đêm nào đó, buồn như một nghĩa trang chiều ba mươi tết. Đâu đâu cũng là bụi đỏ, bụi đỏ nhuộm công viên, phố chợ trong ngày hanh nắng, bụi đỏ in dấu chân người trong ngày mưa lầy lội. Bọn họ lang thang hết đường Hoàng Diệu, khu tắm hơi đấm bóp rồi qua Phượng Hoàng nhìn thiên hạ nhảy đầm trong tiếng nhạc bập bùng. Đêm ghé quán Vông Vang, uống cà phê Ban Mê Thuộc nghe nhạc tình buồn, khóc đời cô lữ trước khi trở lại khách sạn Thanh Lịch, quăng người xuống giường ngủ quên, sáng ngày dậy muộn. Rảnh rỗi hơn, trên đường về lại Kontum, vòng qua Biển Hồ, quay xuống quận Lệ Trung, xem thằng bạn Phó Quận tên Nhựt ngồi tán gái sơn cước, bằng tiếng đồng bào Thượng, học tới học lui vẫn còn ngọng nghệu thấy mà thương. Cũng muốn xuống Lệ Thanh đó nhưng sợ cán mìn nên đành thôi. Vào điạ phận Kontum, cố nhấn ga cho xe jeep chạy nhanh khỏi ngọn đồi trọc Chupao, nơi lính Dù VNCH quần thảo với quân Cộng sản Bắc việt, cày nát từng gốc cây ngọn cỏ vài năm trước, nếu thấy nắng chiều tắt sớm phía sau lưng.

                      Sau Giáng sinh, quân cộng sản pháo kích và tấn công vào tỉnh lỵ từ phía xã Khromon, một xã Thượng thuộc quận châu thành Kontum. Pháo trúng khu gia cư Thương phế binh, lửa cháy dữ dội, một số người chết. Súng đạn nổ khắp nơi, trên cả đường phố, xé màn đêm, sáng rực một góc trời. Trong cái rét lạnh giữa khuya, Luân sắp một số đồ cần dùng và hai cái hủ đựng tro cốt ba mẹ vào túi xách, xỏ đại đôi giày bố ba-ta, chạy qua Biệt Điện, theo lời của mấy anh Quân cảnh đến báo. Bạn bè bên này cũng đã chuẩn bị đâu đó sẵn sàng. Ông Trung Tá Quận Trưởng Châu Thành cho biết, trừ khi xe tăng cộng sản tràn qua cầu, họ sẽ rời tỉnh lỵ với một số xe thiết giáp M113 hộ tống, cùng với sự hổ trợ của Biệt Động quân nằm sẵn tại Phương Hòa, cho đến ranh quận di tản Dakto, tỉnh dùng đất một số xã gần đường làm tạm quận Dakto, di tản từ Tân Cảnh xuống, sau khi Sư Đoàn 3 rút bỏ trong trận mùa hè 72, nếu tình hình nghiêm trọng hơn. Chừng hai giờ khuya, tiếng súng thưa dần rồi im bặt. Lính Biệt Động đông nghẹt, ngoài đường bắt đầu có tiếng cười tiếng nói. Bộ đội Cộng sản bỏ lại mươi xác rải rác quanh bộ Chỉ huy cảnh sát tỉnh và trung tâm hồi chánh viên đang ở. Luân xách túi băng qua bến xe, về lại nhà, lửa bên khu gia cư Thương Phế binh chưa tắt hẳn, Luân thức luôn tới rạng sáng. Dân Kontum rục rịch bàn chuyện dọn về Pleiku mấy ngày sau đó.

                      Comment


                      • #12
                        Chương Mười Hai



                        Đầu tháng ba, Ban Mê Thuộc mất, quân VNCH rút về cố thủ phía nam, chờ mấy liên đoàn Biệt Động Quân từ Kontum xuống, theo lệnh tái chiếm của chính phủ VNCH. Miền Nam sôi sụt trở lại sau hơn một năm tạm yên. Vùng 1, Quân cộng sản rầm rập tung hết các sư đoàn có mặt trong nam, bắt đầu tràn quân vào trận chiến. Chính trường miền Nam hỗn loạn, quốc hội Mỹ bác bỏ dự luật tái viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH, hệ thống quân đội cũng như chánh quyền miền Nam trên đường bế tắt. Báo chí, truyền thanh, truyền hình ngoại quốc cho tin, miền nam mất nay mai. Dân chúng hốt hoảng, người có tiền, có quyền thế, tính chuyện ra đi. Không hơn một tuần sau, quân VNCH rút khỏi Ban Mê Thuộc, bỏ chuyện tái chiếm, ùn ùn triệt thoái cao nguyên, cũng theo lệnh từ Tổng Tham Mưu về lập vòng đai cố thủ đâu đó. Tướng Tư Lệnh vùng 1 ra lệnh tử thủ chưa đầy vài ngày, Thủy Quân Lục Chiến bỏ Đà Nẳng, rút ra tàu từ bãi Sơn Chà theo đường biển xuôi nam. Vùng 1 mất vào tay Bắc quân nhanh như chớp. Dân miền Trung, hàng hàng lớp lớp, đường bộ đường biển bồng bế nhau di tản vô nam. Đánh nhau không thấy hình như chỉ thấy quân VNCH bỏ chạy, có lẽ không ai chịu làm người chết giờ thứ hai mươi lăm. Vùng 2 rồi cũng chẳng hơn gì, Bình Định Qui Nhơn chỉ còn là cái tên để gọi, quân cộng sản đóng chốt Tam Quan, Hoài Ân, Hoài Nhơn không tốn một viên đạn nhỏ. Bắc quân đưa gọng kìm kẹp chặt hai tỉnh Kontum Pleiku.

                        Không đầy một tuần lễ sau ngày mất Ban Mê Thuộc, thành phố Kontum bắt đầu di tản, tỉnh lỵ hỗn loạn như một gánh hát rã hàng không tiền trả tiền mướn rạp. Công chức quân nhân, nhỏ lớn mặc ai, không còn thấy gì là lệnh lạc. Các buôn làng Thượng im lìm thu mình trong màn sương dưới núi. Sáng thứ bảy, lái xe lên tòa án, anh Nông, thư ký đã đứng chờ Luân ngay cổng ra vào, người cảnh sát thường gát trong cái chòi canh không thấy bóng. Anh Nông lo lắng nhìn:

                        - Thưa ông, không còn ai trong đó đâu, họ đi hết rồi

                        Luân ngỡ ngàng chưa kịp đáp, anh tiếp theo với vẻ mặt buồn vời vợi :

                        - Tôi nghĩ chắc ông cũng lo về Sài Gòn đi, ông Chánh án, ông Biện Lý và gia đình về Pleiku từ chiều hôm qua, ngay sau khi đóng cửa.

                        - Rồi còn anh thì sao ? Luân đắn đo hỏi anh Nông.

                        Anh lắc đầu cười gượng :

                        - Tôi là người ở đây, thì đi đâu bây giờ ! Anh lên xe honda nổ máy chậm ra đường, quay đầu nói vọng lại:

                        - Cám ơn ông, chúc ông bình an, mau gặp lại gia đình.

                        Luân đứng nhìn theo bóng anh mất hút, ngược hướng đoàn người bỏ đi từ phía xã Phương Qúy.

                        Trở lại nhà, quơ vội mấy thứ cần, quăng đại lên xe jeep, Luân lái qua Biệt Điện, đón đám bạn công chức, chen lấn lớp người lớp xe hấp tấp qua cầu. Sông Dakla vẫn lặng lờ chảy ngược lên rừng, mấy người lính nghĩa quân Thượng, ngày thường đóng giữ an ninh cho Biệt Điện, còn đứng lố nhố quanh mấy cái lô cốt chằng chịch bao cát. Luân theo sóng người di tản bỏ Kontum. Xế chiều đoàn người tới Pleiku, dân Pleiku đã bỏ đi từ đêm hôm qua. Bộ chỉ huy quân đoàn 2 di tản về Nha Trang trước đó nữa. Phố xá ngổn ngang xe cộ, quân phục súng ống vứt đầy đường, phủ một màu bụi đỏ. Cổng sắt phi trường bị gãy làm đôi ngã quỵ. Dãy văn phòng dài vẫn còn có đèn. Tòa Hành Chánh Pleiku, không bóng người. Chợ búa, quán ăn cửa cổng mở tung, đập từng tiếng khô khan theo chiều gió. Người nối tiếp người, xe nối tiếp xe từ Kontum xuống, tràn ngập khắp chỗ, rồi người lại tiếp nối người, xe tiếp nối xe từ Pleiku ra đi, chừng như không ai sẽ trở về đây nữa.

                        Đêm đó, trong cái bóng đêm nóng bức của tháng ba lưng chừng mùa xuân, Luân len theo đoàn người lầm lũi rời Pleiku, trong đó có quân có dân, có xe nhà xe lính, mở đèn sáng lờ mờ xen kẽ nhau, ngơ ngơ ngác ngác trên đường dài hàng mấy mươi cây số. Giữa khuya, sương rừng xuống lạnh, tiếng con nít khóc quanh đây không lấn át nổi tiếng đàn muỗi rừng gọi nhau tìm mồi nghe ớn lạnh. Người mệt mỏi ngã quỵ bên lề, người còn đi cố đi, không ai biết là đi về đâu và bao giờ sẽ tới.

                        Sáng sớm, sau suốt một đêm dài đi không nghỉ, khi Luân đến khoảng đường chia ba ngã rẽ, cách Pleiku có lẽ cũng khá xa thì đoàn người rời Pleiku hôm trước đã ở đây từ lâu. Người tới trước vội vã tìm người quen tới sau, gọi tên nhau mệt lã. Bọn Luân tấp xe đậu vào bên lề sau đoàn xe có sẵn, đi bộ lên phía trước nghe ngóng. Không ai bảo ai, đoàn người chậm lại rồi dừng hẳn. Ban Mê Thuộc mất không thể đi về hướng đó, ra Qui Nhơn thì Hoài Ân, Hoài Nhơn đang bị quân Cộng sản đóng chốt, cũng không có cách gì vượt qua, chỉ còn ngả xuống Phú Bổn là con đường duy nhất. Bọn Luân trở lại xe, ngồi lặng thinh, dãy rừng dọc theo đường phía dưới thung lũng âm u, vẫn chưa thấy mặt trời.

                        Trời nắng, chừng đó bước chân người, cũng đủ làm bụi đỏ bay mịt mùng, trên con đường đất mang tên liên tỉnh lộ số 8, chật hẹp và loang lở. Bọn Luân phải bỏ xe jeep bên đường vì xe không còn một giọt nhớt nào trong máy, sau khi qua chợ quận Phú Thiện không xa. Có lẽ ở đây, dân đã bỏ đi sớm lắm, khu phố không một người, chim rừng từng đàn, đậu che nghẹt cả sân gạch, nóc nhà. Dăm ba người đàn ông Thượng, thong thả đẩy xe đạp chất đầy mấy bao gạo, lấy từ các tiệm vô chủ, chậm rãi về buôn làng, nhìn đoàn người vội vã một cách hững hờ. Dọc theo đường, mùa này sim rừng trổ hoa, nở rộ một màu tím ngắt, bọn Luân lếch thếch lẩn khuất vào đám đông, nơi mà họ mong đến vẫn mù xa. Liên tỉnh lộ 8, đoạn nối Phú Bổn Tuy Hòa đã bỏ hoang, không dùng từ ngày cách mạng 63, hai bên đường là mây rừng chằng chịch, khúc rộng khúc hẹp, cây cối không bao nhiêu, có khi nám đen cả vùng, không ngay hàng thẳng lối như đoạn qua Phú Thiện, Phú Túc. Không có lấy một cái nhà, không một bóng chim, sau lưng, trước mặt đồng không mông quạnh, rừng tiếp nối rừng.






                        Ngày lầm lũi đi, đêm nằm vất vưởng màn trời chiếu đất, đoàn người tới cầu Đông Bắc, cái cầu sắt rỉ sét, đong đưa như chiếc võng lắc sau hè, bắt ngang một nhánh sông lẻ bạn, còn chút nước lấp xấp chừng như muốn cạn, dưới sức nóng nung người của nắng miền Trung. Người kéo theo người ùa xuống nước reo mừng, chẳng cần biết trong hay đục. Luân đi dài theo bờ, tìm một chổ tương đối ít người có đôi ba bụi rậm trốn nắng, để nguyên quần áo nằm dài trên đất, nước sông mát rượi thấm nhẹ nhàng vào từng thớ thịt.

                        Xuống lưng chừng đồi, sau khi qua khỏi mấy cánh đồng tranh hoang tàn, người ta có thể nhìn thấy lờ mờ vài mái nhà, hai ba con trâu động đậy, xa xa ở cuối đường. Người đầu gọi người phía sau ơi ới trong cái màn sương của buổi sáng vừa lên. Đoàn người xuống đồi vào chợ quận Cung Sơn, một quận thuộc tỉnh Phú Yên, không có đưòng bộ, mọi việc đi lại phải do trực thăng từ Tuy Hòa vào, cứ hai ba ngày một lần. Vài nhân viên hành chánh và dăm ba anh sĩ quan của quận, ra đón và hướng dẫn đoàn người tập trung vào sân vận động. Không đủ chỗ, người tản ra chật cả mấy cánh đồng, mấy con đường đất chung quanh khu phố quận. Khúc sông Ba chảy quanh ngang phía sau quận, không thấy rộng bao nhiêu so với số lượng mấy ngàn người. Quận còn vài tiệm bán cơm nhỏ, thấy buôn bán vội vàng, chắc cũng không còn ở đây bao lâu nữa. Đám bạn từ Kontum đi, tản lạc lần trên đường, thân ai nấy lo, ở lại Cung Sơn mấy hôm, ngày nào cũng đi lang thang đầu trên xóm dưới, không gặp được ai, một mình lủi thủi.





                        Chiếc trực thăng cuối cùng, rời Cung Sơn với một số người, vào buổi chiều, không thấy trở lại sáng hôm sau như thường lệ. Xế trưa, dân quận Cung Sơn, gồng gánh, nhập theo đoàn người từ cao nguyên ra đi. Anh lính địa phương quân thẫn thờ bỏ súng, nằm vất vưởng bên hàng rào chi khu rỉ sét, cổi đôi giày nhà binh quăng bất cần xuống cái hố, không còn bao nhiêu nước, vì mấy ngày chưa thấy mưa, đưa tay bịt lấy đầu tuyệt vọng, nói lầm thầm đ. m. bỏ Cung Sơn nữa !. Đoàn người khựng lại bên nầy bờ sông Ba, lúc xế chiều, sau khi rời Cung Sơn được năm sáu tiếng đồng hồ. Con đường số 8 tới đây đứt quảng, bị cắt đôi bởi con sông, mùa này nước cạn. Mực nước sông chỉ cao khoảng tới đầu gối. Mấy chiếc quân xa GMC, kéo bỏ từng cặp miếng sắt dài, thường thấy trong các căn cứ quân sự VNCH, ngang theo khúc sông gần nhất, cho xe hơi chạy. Lục đục đoàn người, vừa xe vừa người lấp xấp nước qua sông. Qua bên này bờ nhìn lại, người chen người như một đàn kiến khổng lồ suốt con đường dài thăm thẳm, lố nhố tận mấy dãy đồi xa mờ trong tầm mắt. Có người bị thương vì trúng mìn khi vào sâu trong lùm cây. Tiếng truyền miệng bảo nhau, đừng vào xa lề đường, cố ở giữa nếu không sẽ bị mìn, loại mìn con cóc, chôn lại từ ngày con đường không xài tới nữa.

                        Đêm qua đêm, ngày qua ngày, chung quanh chỉ rừng là rừng, Luân đến một khu ấp nhỏ, tương đối còn an bình, nằm dọc theo con kinh đào xây bằng xi măng, nước trong xanh, từ hướng núi chảy xuống. Nhà tranh từng cái một, cất thẳng hàng cách một bên bờ kinh bằng con đường đá xanh không mấy bằng phẳng. Sau lưng dãy nhà là mấy cánh đồng lúa ngập nước, nối liền dãy núi xa xa. Toán người đi trước vài hôm đã có mặt ở đây mấy ngày rồi. Dân trong ấp Đồng Cam cho biết, quân cộng sản Bắc việt đấp mô chận ngay đầu ấp, chờ vài hôm, lính trên Phú Lâm mở đường, có xe lam khách xuống rồi đi. Lang thang lên xuống, áo quần lếch thếch, Luân gặp Nhựt, anh bạn Phó quận Lệ Trung, Pleiku, ngồi gục đầu bên cạnh đám chuối gầy còm, xơ xác lá, gần căn nhà tranh lụp sụp nhất trong ấp. Hai người nhìn nhau ngao ngán, thở dài, chia nhau cái củ chuối luột nguội khô mà bà cụ già chủ nhà vừa cho Nhựt trước đó. Nhựt tới Cung Sơn rồi Đồng Cam sớm hơn Luân nhưng kẹt lại đây vì quân Cộng sản đóng chốt trong mấy cái đồi sát đường, con đường duy nhất về Phú Lâm, Tuy Hòa, một bên là rừng, một bên là kinh đào, không có ngõ thoát nào khác. Theo lời dân trong ấp, có một số người qua được vài hôm, trước khi Bắc quân xuất hiện. Gần chiều tối, có tiếng súng nổ liên tục và dữ dội, ở phiá đầu ấp bị đóng chốt cách chỗ Luân chừng ba bốn cây số. Người nhao nháo lên, ngơ ngác đứng ngồi. Bà cụ già ra sân nhìn trời lắc đầu không nói. Chừng nửa giờ, tiếng súng im bặt. Luân và Nhựt len lên phía trên nghe ngóng, khoảng mấy trăm người, nóng lòng vượt chốt đi vì thấy trên đường vắng tanh. Quân Cộng sản giữ chốt, lặng im để toán người lọt qua khỏi khá xa, ra chận hai đầu chốt, xả súng bắn như mưa, toán người kẹt giữa đường chết gần hết. Vài chục may mắn, nằm im bên xác người khác, dưới ruộng ngập nước phèn, chờ trời tối, bò ngược về ấp, mệt lã, mặt không còn chút máu. Nắng ròng rã cháy da mấy ngày sau, mùi hôi thúi của xác người chết, nằm phơi thây trên đường, theo chiều gió ngược từ phiá đầu ấp xuống rờn rợn khó chịu. Quân lính VNCH, có cả Thiết vận xa M113 nhiều lần cố mở đường, không đánh bật nổi chốt, súng hai bên nổ rung trời, bụi mịt mù bay mờ cả một vùng, chừng hai hôm rồi không thấy tăm hơi. Đoàn người di tản bắt đầu xuống tinh thần, kêu gào trách móc. Luân cùng Nhựt quyết định tách theo nhóm người độ vài trăm, đi ngược lại theo con đường nhỏ băng cánh ruộng cuối ấp, về phía núi, theo như lời bà cụ già, bên kia núi cũng có đường ra Tuy Hòa miệt trên, có điều hơi xa và nguy hiểm vì phải leo dốc. Bộ đội Cộng sản lố nhố xuất hiện xa xa, trong các khu rừng quanh vùng mà đoàn người di tản đã đi qua những hôm trước.

                        Lần theo con đường đất mòn, giữa cái thung lũng hai bên núi, nhóm người chầm chậm đi dọc bên sườn đồi thấp. Lác đác từng nhóm nhỏ lặng lẽ theo sau. Rừng cây trên núi càng lúc càng rậm xanh hơn. Gần chiều tối bọn họ qua được lưng chừng ngọn đồi, quả đúng như lời bà cụ, từ đây người ta có thể nhìn thấy con đường trải nhựa nhỏ xíu, chạy uốn cong theo chân núi mờ mờ bên dưới, dăm ba cụm nhà rải rác cùng mấy hàng dừa bé tẻo teo. Sáng sớm, sau một đêm ngủ lại trên đồi, nhóm người tiếp tục lên đường, đường xuống núi có vẻ khó đi và quanh co, không như chặng trước. Chưa được bao xa, họ bị toán bộ đội Cộng sản đi tuần bắt, họ dẫn nguyên đoàn người về một khu đóng quân rộng, nằm khuất trong khu rừng rậm cạnh đồi, quân trang quân dụng và vũ khí đủ loại chất thành từng đống. Luân và Nhựt được thả, hai ngày sau, với cái lý lịch là giáo viên, trên tờ giấy đi đường cấp bởi tên Chính Trị viên, sư đoàn cao nguyên tây tiến, cho phép về sum họp gia đình ở Sài Gòn. Toán quân độ mười mấy người, đưa đám người được thả băng rừng bằng một con đường mà họ vừa mở, xuống gần tới lúc nhìn rõ được nhà cửa cây cối phía dưới, họ quay trở lại, chỉ hướng cho bọn Luân đi tiếp.

                        Comment


                        • #13
                          Chương Mười Ba



                          Luân về tới Sài Gòn, xế chiều ngày 28 tháng 4 bằng xe đò từ Long Hải, sau hơn một tháng trời đi bộ, băng rừng, băng đồng, lội sông, lội suối. Sài Gòn, trời nóng, người di tản từ các tỉnh khác về đông nghẹt đường phố. Chợ búa tấp nập trong không khí lơ láo, hớt hãi. Dinh Độc Lập bị một anh Trung uý phi công theo cộng sản làm phản, dội bom hôm qua. Người gặp người, hỏi nhau vội vàng đi hay ở. Trong khuôn viên và chung quanh các tòa Đại sứ ngoại quốc tràn ngập người, tay xách nách mang giấy tờ vật dụng. Cảnh sát lưu thông đứng lửng thửng đầu ngã tư, không buồn thổi còi mấy chiếc xe ta-xi vượt đèn đỏ. Lính tráng, quân xa đì đùng chạy lên chạy xuống, có vẻ dọn nhà hơn là đi đánh trận. Quân VNCH, chủ yếu Sư Đoàn 18 cộng với số quân rã ngũ, đủ binh chủng, từ miền Trung về, theo lệnh cấp trên dàn quân, đào chiến hào, làm vòng đai án ngữ, bảo vệ Sài Gòn tại Xuân Lộc. Chính trường VNCH hỗn loạn, Tổng thống Thiệu, sau mấy ngày ồn ào chửi Mỹ nuốt lời hứa, phản bội đồng minh, lên đài truyền hình truyền thanh tuyên bố từ chức, giao trách nhiệm lại cho Phó Tổng Thống Hương, một cụ già nho học, hứa sẽ ra tuyến đầu Long Khánh sát cánh bên quân VNCH chiến đấu bảo vệ quê hương. Cấp lãnh đạo quân đội cũng chẳng hơn gì, hai ba ông tướng thay nhau chức Tổng tham mưu trưởng, đọc quân lệnh cho lính chưa nghe đủ đã trốn chui, bỏ chạy mặc cho quần thần ngơ ngơ ngáo ngáo. Tổng thống Thiệu phủi tay, mang gia đình theo ông anh Đại sứ đến Đài Loan, chưa kịp mang súng ra chiến trường Xuân Lộc như đã huênh hoang. Tướng Không quân Kỳ, làm tới Chủ Tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương trong thời kỳ người cày có ruộng, thương phế binh có nhà, lồng lộn căm thù, tập họp dân chúng khu Tân Sa Châu, thề tử thủ biến Sài Gòn thành một Leningrad. Lửa đốt đuốc Tân Sa Châu chưa kịp tắt thì ông đã cao chạy xa bay. Chính phủ VNCH lúc này không hơn gì màn cuối của một tuồng hát chèo tệ mạc.

                          Trong túi áo ka-ki vàng đã ngả màu bùn đen, còn được chút đỉnh tiền, Luân đón xích lô đạp về cư xá Lữ Gia. Không khác gì mấy khu phố khác, đường Nguyễn văn Thoại từ ngã tư Bảy Hiền trở xuống, ùn ùn người xe, đồ đạc chất đống vội vã xuống lên, dù trời đã về đêm. Trường đại học Phú Thọ, bệnh viện Trưng Vương vắng tanh và tối đen như mực. Về đến nhà, chị Hương ra mở cửa, nhìn cái thân người tàn tạ của Luân chưa nói tiếng nào, chị khóc òa lên :

                          - Trời ơi, ai cũng nghĩ là em chắc chết rồi !

                          Luân vào nhà trước, chị Hương mếu máo theo sau. Luân bỏ túi xách xuống nền gạch :

                          - Toàn về trển rồi hả chị ?

                          - Nó về mấy ngày nay rồi, ở dưới này, người ta đâu đâu cũng bàn chuyện bỏ đi, tin tức cho biết, mình sẽ mất. Chị không biết Toàn tính sao.

                          Luân lặng lẽ nhìn ra sân, vài căn nhà đối diện hình như bỏ trống. Chị Hương cũng nhìn theo :

                          - Mấy nhà đó nghe nói đi đâu hai ba ngày nay rồi.

                          Tắm xong, mặc tạm quần áo của Toàn, trên bàn ăn chị Hương đã dọn sẵn cơm. Chị ngồi bên cạnh, Luân vừa ăn vừa kể chuyện những ngày ở Kontum và bỏ Kontum di tản. Luân quăng người xuống giường, ngủ như chết cho tới sáng.




                          Ngày 29 tháng 4, nhóm Thành Phần Thứ Ba công khai chường mặt, lợi dụng thời cơ, đòi giao quyền Tổng Thống cho Tướng Dương văn Minh, coi là giải pháp tốt nhất, để có thể thương lượng với quân Cộng sản giữ Sài Gòn. Ông Hương chán chường giao chức Tổng Thống cho Thượng Viện, rồi Thượng viện cũng không biết phải làm gì hơn, mặc cho hợp hay không hợp hiến, mời Dương văn Minh tuyên thệ Tổng Thống VNCH. Giáo sư Vũ văn Mẫu, thừa lệnh lập nội các, thông báo chấm dứt sự có mặt của người Mỹ tại miền Nam, yêu cầu toàn bộ sứ quán Mỹ phải rời khỏi Sài Gòn trong vòng 24 tiếng. Phần lớn các Tòa Đại Sứ khác đã rời khỏi Việt Nam vài ngày trước. Người Pháp vẫn còn ở lại, hình như đang đóng vai trò trung gian cho Cộng sản miền Bắc và chánh quyền Tổng Thống Minh. Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cô lập hai đầu đại lộ Thống Nhất, từng hàng xe buýt quân sự Mỹ nối đuôi nhau đưa nhân viên và gia đình họ ra phi trường Tân Sơn Nhất. Người chen lấn người tràn ngập trong và ngoài sân, xe hơi, xe honda bỏ bừa bãi, trên lề đường, sân cỏ.

                          Tình hình có vẻ căng thẳng quá, chị Hương nóng lòng đón xe về Tây Ninh sáng sớm. Luân lấy xe honda len đoàn người xuôi ngược qua nhà chị Quỳnh. Căn biệt thự đóng kín, cái cửa sổ nhìn ra phía đường Phan Thanh Giản không còn mở tung, bay bay tấm màn tím nhạt như ngày nào. Luân đẩy cổng vào sân, nhận chuông, chờ thật lâu, thấy không ai trả lời, anh trở ra đường lên Hai Bà Trưng, hy vọng gặp anh chị trên nhà bác gái. Đến nơi, không còn ai ở đó nữa, người đàn bà bên cạnh, mở cửa cho biết cả nhà đã bỏ đi từ tối hôm qua, không biết là đi đâu. Luân trở ngược về Nguyễn Thiện Thuật, gia đình Khánh Tường cũng đi rồi. Thẫn thờ về lại nhà, những người Luân quen, không còn quanh đây nữa, Sài Gòn bỗng dưng trống vắng lạ lùng. Đêm càng về khuya, tiếng người càng dồn dập ngoài đường phố nhiều hơn.

                          Sáng ngày 30 tháng 4, Tướng Hạnh, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng của chánh phủ Minh, một tướng nằm vùng Cộng sản Bắc việt, đọc quân lệnh trên đài phát thanh, bảo lực lượng quân VNCH còn lại, giữ nguyên vị trí chiến đấu chờ lệnh. Người Mỹ cuốn cờ, chiếc trực thăng cuối cùng, bốc ông Đại Sứ Mỹ và tùy tùng, rời nóc Tòa Đại Sứ đúng 24 tiếng đồng hồ theo lời yêu cầu của giáo sư Vũ Văn Mẫu. Sự can dự của người Mỹ trong cuộc chiến Quốc Cộng suốt gần 15 năm, tại miền Nam chấm dứt từ giờ phút đó. Gần giữa trưa, xe tăng T54 Nga của Cộng sản Bắc việt, từ hướng xa lộ ngang nhiên tiến vào Sài Gòn, cùng với một số bộ đội trong quân phục còn thơm mùi vải, hộ tống theo sau ngơ ngơ ngác ngác. Trương cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, chiếc xe tăng càn ủi sập cổng sắt chính dinh Độc Lập, kéo lê xích sắt trên sân cỏ xanh dầy chưa kịp cắt. Toàn bộ chánh phủ một ngày Dương văn Minh cúi đầu thưa dạ, tên sĩ quan cộng sản xốc xếch, ký nhận đầu hàng. Ông Tổng Thống đọc lệnh cho quân đội VNCH buông súng. Cơ đồ miền Nam giao lại cho Tổng Thống Minh rã tan không đầy mấy phút đồng hồ lịch sử. Sài Gòn ngay ngày hôm đó bị đổi tên. Sài Gòn của Luân, của bạn bè Luân đã không còn nữa. Sau đó, từng hàng dài quân xa, từng hàng dài bộ đội, người nón cối, người nón tay bèo, lơ láo rầm rập tiến vào đường phố Sài Gòn từ Bảy Hiền xuống, từ Thị Nghè qua. Phường khóm, xuất hiện đám người, trẻ có già có, mang băng đỏ trên cánh tay, chạy đôn đáo lăng xăng, dẫn đường chỉ lối cho quân cộng sản, khắp hang cùng ngõ hẹp. Buổi chiều, Toàn, Hân, chị Hương xuống lại Sài Gòn, bọn họ ôm nhau ngẹn ngào. Bàn chuyện bỏ đi, chị Hương quyết định ở lại, Luân, Toàn và Hân chạy ngược chiều toán quân Bắc việt ra bến Bạch Đằng, người đứng nghẹt cả bến, nhưng không có hay không còn một chiếc tàu hàng lớn nào. Bọn họ chạy lên Cát Lái, căn cứ hải quân VNCH vắng tanh, năm bảy thanh niên mang khăn đỏ và súng M16 làm dấu bảo không được vào. Tạm bỏ cuộc, ba người trở về nhà. Khóm phường đổi chủ, thành phố ngập cờ đỏ sao vàng, nhạc quân hành không nghe được lời, tưởng như là nhạc Trung Quốc, ra rả chói tai trên mấy ngọn cây trụi lá, mấy cột đèn vàng không đủ sáng. Tượng quân nhân VNCH trước quốc hội bị đập xuống, người sĩ quan cảnh sát anh hùng tự vận, không chịu đầu hàng, nằm yên lành trong bộ sắc phục gọn gàng, giữa khu phố buồn tênh. Ở Sài Gòn vài hôm, Toàn và Hân từ giã Luân về trên Tây Ninh.

                          Luân lang thang khắp đường phố Sài Gòn kiếm sống. Theo lời vài người mới quen ở chợ cũ chợ trời, Luân lên Gò Vấp mướn xe xích lô đạp chở khách. Sáng đi lên sớm, đặt tiền cọc cho chủ, lấy xe, chiều đem xe trả, tính tiền. Đạp xích lô được không đầy một tuần lễ, người Luân nhuốm bệnh, rủ rượi mệt mỏi. Chị Hương lo lắng nghĩ là bệnh, chứ không biết vì Luân đạp xích lô, chị ra chợ tìm mua thuốc cảm về, bắt Luân phải lo uống. Luân nằm trên giường hai ba ngày, không đứng dậy nổi. Khỏe lại, Luân thôi đạp xích lô, lòng vòng ra các khu chợ trời Lăng Cha Cả, Hàm Nghi, Tổng Đốc Phương, tình cờ quen Hồng, gốc Trung Uý Dược sĩ, nhà có tiệm thuốc Tây ở đường Cao Thắng, giờ đã bị đóng cửa, trong lúc ngồi trốn mưa, tại cái xe sinh tố đầu Phạm Hồng Thái và Lê văn Duyệt, gần bến xe Tây Ninh cũ. Hỏi thăm nhau, Hồng cũng di tản từ Pleiku, theo đường số 8, có ghé Cung Sơn và kẹt ở ấp Đồng Cam. Luân và Hồng dễ cảm thông nhau, khi cùng nhớ cái kỷ niệm đau thương mà cả hai trải qua. Luân về nhà Hồng chơi vài lần, sau đó theo Hồng buôn bán thuốc tây lậu, khu Nguyễn Huệ Lê Lợi, cái xe sinh tố hôm anh quen Hồng là nơi hẹn nhận thuốc, do một số bạn bè của Hồng còn làm trong hai ba viện bào chế mang tới và giao thuốc cho những người bán lẻ đặt mua. Hồng có lẽ thích thú khi bàn đến chuyện kháng chiến phục quốc, trong những ngày có tin đồn quân VNCH vẫn còn tập trung trong rừng sâu, kêu gọi dân chúng gia tham gia chống lại chính quyền cộng sản. Luân cũng có ước mơ không khác gì Hồng. Dân chúng Sài Gòn tự do thoải mái trong những ngày đầu, cán bộ các cấp lúng túng ngu ngơ vô luật vô lệ. Mạnh phường phường xử, mạnh quận quận làm, xúm nhau vơ vét của cải tư công của Sài Gòn nói riêng, của miền Nam nói chung, chuyên chở về Bắc bằng đường bộ, đường biển. Bọn trở cờ phản chủ, mang băng đỏ trên tay, lùng vét tận tình, lập công chủ mới, đằng đằng sát khí chừng như mang máu cộng sản trong người hơn cả người cộng sản thứ thiệt.

                          Nhờ theo Hồng, Luân kiếm được một số tiền tương đối đủ sống, cà phê cà pháo qua ngày, đôi khi gởi chị Hương chút ít. Luân không thường ăn cơm nhà, hay về trễ, tôi nghiệp chị Hương thui thủi một mình. Luân chưa dám nghĩ đến ngày mai, cái mộng phải có danh gì với núi sông của những ngày khoa bảng không còn nữa. Lam lũ sống còn, ngủ trưa vỉa hè, nằm đêm góc chợ, chống chọi nghịch cảnh đổi đời, Luân không còn một khoảng trống nhỏ nhoi nào nữa để nhớ Hiên, cái tình yêu vô tội đầu đời mà anh cố giữ, đã chết thật rồi. Toàn không mấy khi xuống Sài Gòn, Luân cũng không buồn về Tây Ninh. Chút tình mới nhuốm, lòng dặn lòng đừng vội buông xuôi với Khánh Tường, phút giây đã là ảo ảnh. Giòng mực xưa, tờ thư trắng, cánh hoa ép vụng ép về, ngõ qua nhà ai đó hoa sứ rụng, tóc nào thả bay đùa nắng, cái hôn lúng túng không dám hôn lâu, tất cả rã tan theo từng mãnh vụn của đời mình. Luân cắn chặt môi, lòng anh nhiều lần đã khóc.

                          Sài Gòn bắt đầu có mưa, mưa tả tơi trên cờ vàng sao đỏ, mưa vùi dập khẩu hiệu biểu ngữ cùng khắp phố phường. Cuối tháng năm, Uỷ Ban Quân Quản thành phố Hồ Chí Minh, cái tên mới đặt của Sài Gòn, ra thông cáo, ra lệnh cho quân nhân công chức VNCH, cấp bậc từ chuẩn uý, chức vụ từ Phó Truởng Ty trở lên trình diện tập trung học tập cải tạo mười ngày. Nhân viên các ngành, các bộ còn lại cùng với binh nhì, hạ sĩ quan, cảnh sát... học tập chính trị tại chỗ. Luân xuống chợ cũ Hàm Nghi mua cái áo mưa lính cũ và vài thứ lặt vặt, trong một ngày mưa tầm tã, lụt lội khắp chợ đầu tháng sáu. Từ giã chị Hương, gởi lại chị tro cốt ba mẹ, nhờ chị thương tình lo liệu giùm, Luân đến trường Trưng Vương trình diện, theo thông cáo ban hành, trước Hồng hai ba ngày. Trong một đêm mưa dầm sau đó mấy hôm, Luân cùng đám người đi trình diện, đến làng cô nhi Long Thành, cái chỗ không xa Sài Gòn bao nhiêu nhưng đoàn xe chở họ đã chạy quanh co, lên xuống suốt đêm với hơn chục chiếc quân xa dẫn đầu.



                          Comment


                          • #14
                            Chương Mười Bốn

                            Luân được thả ra cùng với vài trăm người khác, sau ba năm bị nhốt trong trại tù cải tạo Long Thành. Mấy ngàn còn lại đã bị đưa xuống tàu ra Bắc. Sài Gòn không còn thấy cờ Mặt Trận Giải Phóng, thiên hạ bán buôn đủ thứ, quán cốc cà phê chiếm gần hết các lề đường. Sài Gòn vẫn sống trong cái lơ láo thèm thuồng của bộ đội, công an cộng sản. Một số nhà gần chị Hương bỏ đi, bộ đội dọn vào gần hết. Hai chị em mừng mừng tủi tủi, chị vẫn còn được làm ở sở cũ, không khá lắm nên cũng chạy đầu nầy đầu nọ kiếm thêm, chưa tính chuyện lập gia đình. Toàn thỉnh thoảng có xuống Sài Gòn, đang hùn xây cất với mấy người trong Tòa Thánh Cao Đài. Hân vào làm cho bệnh viện tỉnh hơn một năm nay. Anh Hùng, Tài còn kẹt trong trại cải tạo Ka Tum. Hòa đã tới đảo Guam theo tàu Việt Nam Thương Tín. Luân đi rồi, chị Hương vẫn giữ nguyên hai cái bình tro cốt ba mẹ Luân trên bàn thờ nhỏ trong phòng thường ngủ. Chị đã vội vã, chắt chiu mua sắm đường mứt thuốc men đem gởi vào trại cho Luân, khi chính quyền thành phố cho phép thăm nuôi, sau hai năm cấm ngặt mọi sự liên lạc với người bên ngoài. Chị cho biết, Khánh Tường có đến tìm Luân hai ba lần sau khi nghe tin cao nguyên di tản, thơ thẩn đứng ngồi không yên, hỏi chị phải làm sao bây giờ. Lần cuối, chiều 26 tháng 4, Khánh Tường khóc với chị nhiều lắm, báo tin là gia đình đã quyết định rời Việt Nam nay mai. Gia đình Khánh Tường có người anh bà con cùng họ, làm việc cho toà Đại sứ Đại Hàn, vì không có nhiều nhân viên người Việt cho nên Đại Hàn dễ dãi, cho anh được phép mang bà con gần theo về Hán Thành trong tư cách tỵ nạn chánh trị. Thủ tục đã hoàn tất, chỉ chờ chuyến bay qua thôi. Chị Hương thông cảm cho cô nàng, không còn cách nào khác, khuyên Khánh Tường nên theo mẹ tốt hơn, biết Luân sống chết thế nào đâu mà nói chờ nói đợi được. Khánh Tường còn nói cô Hảo, mẹ nàng, cũng nóng lòng nghe ngóng tin Luân, nhưng thôi đành. Khánh Tường không trở lại mấy hôm sau thì Luân về tới. Chị đưa cho Luân cái thư của Khánh Tường nhờ chị trao lại, nếu còn có dịp, trong thư nàng xin Luân hiểu cho cái hoàn cảnh ác nghiệt này, nàng đã làm hết những gì trong khả năng hạn hẹp mà mình có thể làm rồi, Khánh Tường lạy trời lạy Phật cho Luân đọc được thư này, đau đớn mang tình yêu qua xứ lạ. Luân xếp lá thư vào ngăn kéo bàn viết, mong Khánh Tường sẽ mau quên mối tình mà nàng cố chờ, Luân thì chưa dám hẹn. Chị Trang, chị Quỳnh cũng vài lần, bồng bế thằng bé Bảo tới nhà hỏi thăm tin tức của Luân, anh Hưng nhờ vài người bạn quen trong quân đội thăm dò giùm, hy vọng là gặp Luân đâu đó. Chị Quỳnh không nói gì với chị Hương về chuyện đi hay ở.

                            Luân đến tìm Hồng, anh ta đã được thả trước vài tháng, trong đợt thả sĩ quan VNCH gốc bác sĩ, nha sĩ về, để làm việc cho thành phố. Luân lại theo Hồng bán buôn thuốc tây, bọn họ trúng khá nhiều mối lớn. Tiền VNCH đã đổi thành tiền Cụ Hồ miền bắc, Hồng móc nối, chia chát với vài đám cán bộ, công an lớn cho nên công việc làm ăn của họ không gặp trở ngại cho lắm. Hồng bắt đầu bàn với Luân chuyện vượt biên, băng Cam Bốt bằng đường bộ hay xuống miền Rạch Giá, Trà Vinh ra biển. Rất đông người trốn bằng tàu bị bắt giam trong các trại tù từ Nha Trang xuống tới Rạch Giá, phần vì bị gạt, phần đi thật nhưng bị bể. Công an Cộng sản tại các tỉnh miền biển, có người trốn, trúng vố to, tịch thu chia chát vàng bạc. Sài Gòn sinh ra nghề mới, mối lái lo vàng cho người vượt biên bị nhốt, khám lớn Rạch Giá có vẻ ồn ào nhất. Rồi Luân và Hồng xoay qua móc nối mua bán máy tàu, nào là ba đầu bạc, hai đầu xanh, mục đích kiếm đủ vàng mua một chỗ trên chiếc tàu nào đó. Hai thằng lặn lội từ Bình Thuận, Bình Tuy qua Vũng Tàu, Vàm Láng, từ Mỹ Tho xuống tận tới nông trường thơm Bình Sơn, khi phong trào đi đăng ký bán chính thức, chỉ dành cho người Hoa, có chính quyền xã quận cho phép và lấy vàng. Chuyện vượt biên hình như tự nó trở thành cái đầu đề mà người ta nói tới trong quán cà phê, tiệm hớt tóc, tiệm phở, nhà hàng, văn phòng chính quyền, chợ trời rạp hát, từ thường dân cho tới anh công an đằng đằng sát khí, trước khi bàn việc khác. Không những người Sài Gòn đi mà người Hà Nội cũng đi, nếu không có bắt bớ chắc không còn ai ở lại. Luân và Hồng xoay sở một vài vụ đi bán chánh thức, qua người quen trong Chợ Lớn, nhưng không thành. Tin thằng bạn cùng học sư phạm trước đây, mưu toan vượt tam biên, băng rừng theo đường biên giới Lào Cam Bốt bị bắt nhốt ở Qui Nhơn, làm Hồng bỏ ý định đi đường bộ.

                            Luân nhận thư chị Quỳnh hết sức bất ngờ và muốn khóc từ San Diego, Mỹ gởi về. Trong thư có tấm hình của hai vợ chồng và thằng bé Bảo, bây giờ đã gần bốn tuổi trông ngon lành ra phết. Chị cùng anh Hưng nấn ná chờ tin Luân cho đến chiều 27 tháng 4, ngày dinh Độc lập bị bom, sau vài lần qua cư xá Lữ Gia. Nửa đêm đó, chị cùng gia đình xuống tàu từ cư xá hải quân, sau lưng bến Bạch Đằng, cùng với gia đình của một số sĩ quan hải quân cao cấp và viên chức quan trọng trong phủ Thủ Tướng ra đi, sau mấy ngày tàu đến căn cứ Subic, Phi Luật Tân, ở đó vài tháng rồi vào Mỹ, đợt người Việt di tản tới sớm nhất. Cuộc sống anh chị giờ tạm ổn, chị Trang đi học lại, cũng viết kèm trong thư mấy hàng thăm Luân. Chị mong thư đến được tay Luân nhưng không dám hy vọng lắm, chị khuyên cố gắng đi thăm thằng bé Bảo sớm chừng nào tốt chừng đó, xem nó ra sao rồi, cần tiền thì cho chị biết. Luân hiểu chị Quỳnh muốn nói gì khi chị viết những giòng cuối thư. Vài ngày sau Luân gởi thư trả lời, theo địa chỉ ngoài bao, không dài, đôi hàng báo tin may mắn còn sống cho chị khỏi trông. Lạc lõng trong cái thành phố không phải là của mình, Luân tiếp tục lê lếch sống trên vỉa hè góc phố quen thuộc, ngày lại ngày qua theo dòng đời khốn khó.

                            Comment


                            • #15
                              Chương Mười Lăm



                              Mưa dầm suốt hai ngày liên tiếp, mấy cánh đồng khô cằn, trơ gốc rạ, bị xẻ năm xẻ bảy, ngang dọc đấp đê, đào kinh, trong cái công tác thủy lợi của chính quyền thành phố, ngập nước cao lên hơn đầu gối, bùn lầy trơn trợt. Đám cán bộ phụ trách công việc đành phải cho tạm nghỉ, chờ nước rút. Cái xã ngoại ô, Xuân Thới Thượng, trước tới giờ, một đời đìu hiu hoang vắng, nay bỗng dưng rộn rịp ồn ào như ngày hội. Xe hơi lớn nhỏ, chở dân chúng đi làm công tác đào kinh, từ các phường khóm ở Sài Gòn lên, đông nghẹt, chật cứng các dãy láng lợp tranh, dọc theo con đường đất ngang qua chợ xã. Luân theo toán thanh niên của phường gọi là tình nguyện đóng góp, sau khi anh công an khu vực đánh vần, giãi thích bổn phận của một người tù cải tạo, được chánh quyền khoan hồng, trong đêm họp tổ thường lệ tại nhà ông tổ trưởng tổ dân phố gốc người miền Bắc. Lần trước thì năm bảy ngày ở khu Lê Minh Xuân, lần này thì khu Xuân Thới Thượng. May mà có Hiếu, con của một thiếu tá VNCH, làm việc ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, bị đày ra Cao Bằng Lạng Sơn, học giỏi nhưng không được tiếp tục đại học vì lý lịch bản thân con nhà lính ngụy, coi Luân như là anh, theo Luân và Hồng buôn bán thuốc tây, cho nên mấy ngày qua cũng đở buồn. Hiếu có mấy thằng bạn cùng cở nhập bọn, chuyện nặng nhọc cuốc xẻng, ăn uống Luân không cần phải lo, một tay Hiếu điều động sắp xếp. Dãy nhà Luân ngủ, cách khu lực lượng Thanh Niên Xung Phong, có tổ chức quy củ giống như quân bộ đội nhưng không thấy mang súng ống, một đám ruộng cao không mấy xa, đèn đuốc sáng trưng, cờ xí biểu ngữ rợp trời, hò hát tung hô. Chung quanh đó, dân trong xã, dựng lều chổng, che thiếc che tôn làm nên quán ăn, quán uống, mở nhạc Trường Sơn đông Trường Sơn tây, ra rả suốt ngày. Người qua lại tấp nập từ xế chiều cho đến gần khuya, cà phê thuốc lá, cháo vịt cháo gà, quên đi bó rau muống luột, trộn chung với mấy trái cà chua làm canh của bữa cơm chiều lao động.




                              Cầm cái giấy chứng nhận, có tham gia và lao động tốt trong công tác thủy lợi tại Xuân Thới Thượng, Luân, Hiếu và đám bạn của hắn, xách túi đồ tấp vào cái quán vắng, gần bên lề đường phía ngoài khu Thanh Niên Xung Phong ở, kêu cà phê uống. Bọn Luân thong thả tán dốc, trời mới mười một giờ trưa, chưa chịu đón xe về Sài Gòn. Mấy chiếc xe đò Hốc Môn, Bà Điểm, mấy chiếc xe lam lộc cộc chở khách lên xuống liên tục, khách vẫn đứng nghẹt trên đường chờ.

                              Luân ngồi bó gối trên ghế nhìn Hiếu lăng xăng với hai ba cô gái đang đứng chờ xe ngoài đường, bước đi bước ở. Quán bắt đầu đông khách dần, một nhóm Thanh Niên Xung Phong, có trai có gái, áo quần xanh màu ô liêu, trông ngay hàng thẳng nếp hơn đa số những anh chị khác, mà Luân gặp ngoài khu kinh đào hay vòng vòng khu ăn uống này, trong mấy chiều qua. Luân chết lặng người đi, khi người con gái, lấy cái nón tay bèo để lên bàn, tung những sợi tóc dài trong nắng, nhìn về hướng Luân một cách tình cờ. Hiên đang ngồi đó, Luân chưa dám tin mắt mình là sự thật. Hiên cũng đứng bật dậy, trố mắt kinh hoàng :

                              - Anh Luân, trời ơi !

                              - Hiên, có phải Hiên không ? Giọng Luân đứt quảng.




                              Hiên quay qua nói nhỏ với người kế bên vài câu, rồi cầm nón đi qua bàn Luân, cắn chặt môi để không phải bật khóc. Luân cố nén lòng, mắt rưng rưng đỏ. Cả hai gục đầu không nói. Hiếu từ ngoài đường trở vào, Luân làm dấu cần nói chuyện riêng một chút, Hiếu gật đầu kéo đám bạn ngược ra chỗ mấy cô gái, tự nãy giờ cũng chưa chịu lên xe. Luân cố tìm trong ký ức còn xót lại, xem có một từ ngữ nào đúng nhất để diễn tả tâm trạng mình, trong hoàn cảnh này không nhưng đành câm nín. Hiên chợt trở về trước mắt Luân như cơn gió trở mùa lồng lộng, xô dạt những hạt cát quạnh hiu tụ lại đôi bờ sông đời của những ngày tháng cũ. Hiên ngẹn ngào lấy vành nón tay bèo còn thơm mùi vải mới lau mắt :

                              - Anh Luân hiện ở đâu, cho Hiên biết được không ?

                              Luân nhìn mông lung ra đường :

                              - Ở nhà của Toàn.

                              Mấy người đi cùng với Hiên lúc nãy, đứng dậy gọi Hiên, chỉ đồng hồ làm dấu. Hiên sửa gọn lại tóc, đội vội cái nón lên đầu, buồn hiu nói nhỏ từ giã:

                              - Hiên phải đi, trong tình cảnh này Hiên không nói được gì với anh, xin anh tha thứ cho, về Sài Gòn Hiên sẽ đến thăm anh.

                              Luân ngồi bất động nhìn theo bóng Hiên khuất dần, xen trong đoàn người lố nhố chờ xe trên đường lộ, về hướng trại Thanh Niên Xung Phong. Hiếu đứng chờ nãy giờ, bước vào mang cái túi xách của Luân lên vai. Luân thẫn thờ theo sau, nghe Hiếu nói tiếng mất tiếng còn :

                              - Trưa rồi...xe trống chỗ... mình về luôn... anh Luân.

                              Comment

                              Working...
                              X