Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu - Thuyên Huy

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Chương Mười Sáu






    Sài Gòn đã vào đông mấy ngày nay, trời không thấy gì lạnh. Phố xá cũng xe cộ, bụi đường, cũng cờ đỏ sao vàng, công an bộ đội. Chợ búa có thêm nhiều người miền bắc, gầy còm hốc hác mua nhiều hơn bán. Chị Hương mua ở đâu về cho Luân cái áo len màu xanh dương đậm, đan bằng tay thật khéo, một hai nhắc Luân mặc mỗi sáng ra đường, kẻo bị bệnh. Luân kể chuyện gặp lại Hiên, trong đồng phục Thanh Niên Xung Phong trên Xuân Thới Thượng, chị thắc mắc hoài mấy hôm, Luân thì dặn lòng cố quên nhiều hơn là nhớ, không náo nức, không hớn hở chờ Hiên như cái thuở hai đứa còn thẹn thùng, vướng vấp chân đi, từng bước tan trường.

    Sáng thứ bảy, Luân, Hồng và thằng Hiếu rủ nhau đi Gò Công, qua ngả Cần Đước, gặp vài người quen bàn tính chuyện vượt biên tại bãi biển Tân Thành, khúc gần ranh giới Mỹ Tho. Chuyện không rõ ràng gì cả cho nên ba người trở lại Sài Gòn sớm, thay vì định ở đến xế chiều. Xuống xe tại góc đường Trần Quốc Toản, Nguyễn văn Thoại, Luân cùng Hiếu thả bộ về, tạt vào nhà ngồi thăm hỏi mẹ Hiếu vài câu về chuyến ra bắc thăm chồng, trong những ngày Luân và Hiếu đi làm thủy lợi. Đẩy cổng chưa kịp vào sân, tiếng chị Hương vọng ra từ trong nghe rất rõ:

    - Em có khách, Luân ơi !

    Luân lầm thầm, bạn bè mấy đứa thường đến tìm, có lạ mặt với chị người nào đâu mà khách với khứa. Luân lách mình tránh chiếc xe honda lạ, dựng che gần hết bên ngoài khung cửa sổ, hờ hững bước vào nhà. Hiên đến tìm, trong lúc Luân đang ở nhà Hiếu. Nói chuyện với chị Hương, nấn ná chờ. Hơn mười năm không gặp, cái háo hức nhớ nhung, ray rứt của ngày xưa, hình như đã phôi phai dần và tan biến theo năm dài tháng đợi. Hiên bây giờ không khác xưa nhiều lắm, cũng còn nụ cười tròn duyên, nụ cười mà Hiên đã nói yêu Luân, trên gác trọ. Hiên ngậm ngùi trách Luân, rồi trách mình, Luân lạnh lùng ngồi yên dù trong lòng anh bão rớt. Chuyện gì của hơn mười năm qua giờ đã là chuyện của dỉ vãng, quá muộn màng cho hai tiếng tại sao. Trời cũng sắp về chiều, hoàng hôn chừng như tím ngắt ngoài sân, chùm hoa dại bám lơ lững cuối bờ tường buông xuôi héo hắt.

    Hiên hối hả lăn đời vào những cuộc chống đối, sau ngày Luân bỏ đi, Hiên tham gia vào ban đại diện sinh viên Văn Khoa, manh nha ý tưởng phản đối tham nhủng, bất công của chánh quyền VNCH. Hiên nhiệt tình hăng say, trở thành người quan trọng của Phong Trào Phụ Nử Đòi Quyền Sống. Hân đã nhiều lần tỏ thái độ không đồng ý với việc Hiên làm, cũng như Toàn, Hiên không nói gì, lần lần ít đến chơi và vắng bặt. Toàn có nhiều lần tâm sự với Hiên, mong rằng sự bỏ đi đành đoạn của Luân, không phải là cái lý do chính để biện minh cho những việc mà Hiên làm lúc bấy giờ. Dần dà Hiên nghiêng hẳn thái độ, coi thiên tả là con đường đúng. Cộng sản miền bắc và nhóm trí thức cục R miền nam có vẻ thành công, trong việc móc nối sinh viên chống đối chánh phủ miền nam bằng nhửng ý niệm bất công, tham nhủng, lệ thuộc ngoại bang ... Sinh viên thiên tả, thân cộng dẩy đầy, âm thầm núp lén trong khắp các trường dại học Văn, Luật, Khoa học... Hiên bị bắt, vì áp lực chính trường Mỹ, hăm he duyệt xét vấn đề viện trợ, Hiên được trả tự do cùng với một số sinh viên cộng sản nằm vùng và thân cộng. Hồ sơ lý lịch nhóm này, mặc dù được thả, nhưng cũng rất dễ dàng bị bắt lại, khó hành động hơn trước. Hiên về Tây Ninh thăm gia đình vài ngày, rồi ngược lên Cầy Xiêng, Phước Ninh, ở đó Hiên vào Mỏ Vẹt, cục R, căn cứ an toàn của Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, chiếm cứ một vùng rừng nước trong đất Miên, cùng với nhiều nhóm khác cũng từ Sài Gòn lên. Học tập, huấn luyện, thỉnh thoảng trở ra thành phố thi hành công tác, gài người móc nối cho chiến dịch hoc sinh sinh viên vận, Hiên theo đám cán bộ cao cấp cục R ra bắc nhiều lần, cũng có khi họp hành với Khờ Me Đỏ.

    Cuối tháng ba năm 75, Luân trên đường di tản về Nam, Hiên cùng quân cộng sản đến Lộc Ninh, học tập lần cuối, chuẩn bị theo cái gọi là Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời miền nam, do Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu về Sài Gòn. 30 tháng 4, Chánh phủ Dương văn Minh đầu hàng, Sài Gòn mất, Hiên trong tư thế chiến thắng, mang cờ ba màu Mặt Trận Giải Phóng miền nam, trong quân phục cộng sản Bắc việt vào thành phố, có cái tên mà người dân Sài Gòn từ chối không thèm gọi.

    Hôm gặp lại nhau trên khu thủy lợi Xuân Thới Thượng, Luân không ngờ Hiên hiện giữ chức vụ, Tổng Đoàn Trưởng kiêm Bí Thư Tổng Đoàn 7 Thanh Niên Xung Phong, có nhân số bằng một trung đoàn quân đội, chịu trách nhiệm trên toàn thành phố Sài Gòn, bao gồm cả Hốc Môn, Củ Chi và vùng phụ cận. Hiên đã lập gia đình với một cán bộ cao cấp trung ương, đại diện Đảng, chỉ đạo an ninh nội chính miền Nam, khoảng hai năm trước, chưa có con, hiện ở tại căn biệt thự khá đẹp, góc đường Phan Kế Bính, Phan Đình Phùng, chủ là giám đốc ngân hàng Pháp Á, bỏ đi hôm 29 tháng tư. Hân, Toàn đã dấu Luân một điều cho đến bây giờ, cũng chưa chịu nói. Hai bác Lang, ba má Hiên, sau ngày gặp Luân trong bữa tiệc cúng nhà, gần mười năm trước, không đồng ý chuyện Hiên yêu Luân, một thằng con nhà nghèo không cha không mẹ. Hiên phản đối và tranh cải với ông bà suốt những ngày còn đi học.

    Luân không nói gì về mình, cuối cùng đã có thể cho phép mình làm một sự lựa chọn, một sự lựa chọn hai ngả rẽ đời không có ai mất mác. Hiên yên phận, hạnh phúc hay đau buồn gì thì cũng vậy thôi. Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-Gôn của TTKH, Luân hy vọng không phải là nỗi niềm của Hiên, trong những đêm hoang lạnh hay những sáng quạnh hiu. Luân van xin định mệnh đừng để mưa bên chồng có làm em khóc như bài hát tình, đang bị chính quyền buộc tội nhạc vàng ủy mị. Hiên không nói nhiều về chồng, mà nói thật nhiều về những ngày của một thời để yêu. Hiên ra về, đưa cho Luân tờ giấy có ghi địa chỉ nhà và số điện thoại. Luân cám ơn Hiên đã đến thăm, cùng chị Hương đưa Hiên ra tới cổng rào, cái loa phát thanh trên nóc lầu văn phòng phường, đọc bài ca ngợi thành quả thủy lợi của Tổng Đoàn 7 Thanh niên xung phong, nghe lồng lộng trong đêm, đám con nít quàng khăn đỏ vẫn còn một hai, ca hát vang rân ngoài sân phường. Hai chị em buồn buồn, đạp xe xuống bến Bạch Đằng hóng gió, chiều chủ nhật, chợ Sài Gòn vắng người, hơi nóng buổi trưa vẫn còn phảng phất trên sông, mặc dù trời có gió. Mấy ngày nay, chị Hương hỏi nhiều về chuyện vượt biên, bạn bè cùng sở đã có vài người đi thoát, hiện ở Mã Lai, Nam Dương, làm chị lýnh quýnh mỗi khi vào sở, tuy chị chưa nghĩ tới. Luân không nói gì nhưng định là nếu có dịp chắc chắn, Luân sẽ báo cho chị và vợ chồng Toàn biết. Dựng xe trên lề, cạnh bãi cỏ, Luân đứng giữ xe, chị Hương bỏ đi lại cái xe đẩy bán dạo, mua vài bịch đậu phộng rang. Một cô gái lái xe honda, chạy chậm ngang qua, đến đầu đường Nguyễn Huệ, chợt vội vã quanh vòng trở lại chừng như bị rớt mất gì đó, Luân tò mò quay đầu lại nhìn. Liên dừng xe sát bên, máy vẫn còn để nổ, trố mắt :

    - Anh Luân, phải anh Luân không ?

    Luân gật đầu, chưa kịp nói thì Liên tiếp lời :

    - Sao còn ở đây, Liên tưởng là anh đã đi lâu rồi !

    Liên tắt máy xuống xe, đứng cạnh Luân. Chị Hương cũng vừa trở lại, thấy Liên chị gật đầu chào. Ba người bỏ ngồi xuống cái băng đá gần đó, chị Hương mời Liên đậu phộng. Liên học cùng lớp sư phạm với Luân, bạn thân của Khánh Tường, đậu cử nhân văn khoa, chuyển ngạch giáo sư như Khánh Tường, dạy trường trung học Nhà Bè, khi Luân về Sài gòn học khóa Công Tố Viên. Họ thường đi chơi chung nhiều lần, cho nên cũng tạm gọi là thân. Liên hoạt bát, cởi mở, dễ thông cảm. Luân lắc đầu :

    - Di tản về quá trễ, không nghĩ là Sài Gòn mất, nên bây giờ ngồi đây. Còn Liên thì sao?

    - 29, 30, bệnh ông già tái lại, nặng quá phải vào nhà thương làm sao đi. Thằng em út chạy ra bến tàu sáng 30, vậy mà thoát được, hiện ở Montreal.

    - Rồi có tính gì không ? Luân hỏi Liên thăm dò.

    - Có quen vài mối, đang chờ xem, còn anh Luân thì sao ?

    - Thử đi đăng ký bán chánh thức vài lần nhưng thất bại !

    - Anh cần Liên giúp gì, cho Liên biết ! Liên nhìn đồng hồ đeo tay, vụt đứng dậy :

    - Chết, trễ giờ đón bà già, hẹn gặp anh, bàn chuyện sau. Liên cầm bịch đậu phộng chưa mở, kẹp tờ giấy ghi địa chỉ chào chị Hương hối hả chạy đi. Hai chị em đạp xe về sau đó, chị Hương lầm bầm với tôi trên đường

    - Ai cũng lo kiếm đường đi hết !

    Luân mĩm cười, không trả lời chị gì cả.

    Chính quyền thành phố phát động ồ ạt và rần rộ việc tản dân về các khu kinh tế mới, sau nhiều đợt thi hành chính sách triệt hạ tư sản mại bản, chiếm nhà kiểm kê tài sản những người bị liệt vào thành phần giàu có, trí thức, công chức quân nhân VNCH còn ở lại. Nắm lấy cơ hội, cán bộ phường khóm, xã quận tha hồ tự tung tự tác, tịch thu nhà cửa, chiếm đoạt của cải một cách công khai. Người nào chấp nhận buông xuôi đi trước thì may mắn có một miếng đất cắm dùi, bùn lầy nước đọng, gần Sài Gòn, Lê Minh Xuân, Bình Chánh Bình Điền. Ai chống đối, khiếu nại đi trễ thì lên tận Bù Đăng Bình Long, Bà Rá, làm bạn đường với muỗi mòng rắn rít. Anh công an khu vực có vẻ nhân từ, hiểu thông chính sách, mời Luân qua văn phòng phường, bảo ráng xin làm công nhân viên nhà nước, để được ở Sài Gòn, nếu không, đợt khai hộ khẩu tới này, vì là cải tạo viên, còn do chính quyền quản chế, phường phải đề nghị cắt tên, Luân phải đi vùng kinh tế mới theo đúng chính sách khoan hồng của cách mạng.

    Luân vào làm nhân viên Cục Cầu Đường thành phố, có văn phòng trên đường Cống Quỳnh, đối diện chợ Thái Bình, do sự giới thiệu và bảo đảm của bác sỉ Lân, tù cùng chung tổ với Luân trong những ngày ở trại Long Thành, với ông anh bà con chú bác làm Cục Trưởng. Công việc của Luân thật ra chỉ là một thằng phu lục lộ, đẩy xe lấp ổ gà, hố nước, vét cống rãnh nghẽn nước mỗi khi mưa xuống, ngập đường, vòng vòng quanh khu Triệu Đà, Chợ Thiếc. Luân đưa giấy chứng nhận nhân viên cho anh công an khu vực vài ngày sau, khi việc tái kiểm tra hộ khẩu và nghề nghiệp bắt đầu, anh ta cầm tờ giấy cười, một cái cười khoái chí trên khuôn mặt khắc khổ thiếu ăn, mà Hiếu đã gọi là anh năm hoàng hôn . Hồng cũng khổ sở không ít ở phường nhà anh ta, phải chấp nhận giao cái nhà lầu, trước là tiệm thuốc tây cho Ủy Ban Nhân Dân Phường, dọn về căn nhà cây nhỏ trong hẻm chợ Bàn Cờ, để đổi lấy mấy cái tên trong tờ hộ khẩu vàng đục thay vì phải lên rừng thiêng nước độc. Hồng xoay sở được nhận vào làm cho Xí nghiệp Dược phẩm 1 hay 2 gì đó. Phần lớn việc buôn bán thuốc tây, giao lại cho Hiếu chạy ban ngày, chiều về sau khi tan sở có Luân và Hồng lo liệu.

    Comment


    • #17
      Chương Mười Bảy


      Qua Tết, trưa chủ nhật mùng năm, Liên tới nhà rồi cùng Luân ra tiệm hủ tiếu Kim Tháp, một cái nhà có cây cối bao quanh, giữa cánh đồng, trên đường đi Bình Chánh, cách xa cảng Phú Lâm không xa lắm. Người ăn đông nghẹt, trẻ già lớn bé, honda, xe đạp, xe hơi đậu kín cả khoảnh đất trống ba bốn bờ đê ruộng. Gió đồng nội thơm mùi rạ khô, thổi hiu hiu mát rượi, dù trời giữa trưa đầy nắng. Liên cho Luân biết thêm rất nhiều chuyện vượt biên, từ tàu bè bãi bến tới mối lái giá cả. Liên nhận thư Khánh Tường đôi lần, thư nào cũng ngậm ngùi nhắc Luân. Liên giới thiệu cho Luân một chỗ đáng tin cậy, vì là người bà con, có tàu đánh cá ở Gò Công muốn bán và một người tên Ba Hảo, có thể lo được chuyện mua bãi dễ dàng. Liên không biết giá cả ra sao, đưa cho Luân địa chỉ để liên lạc. Phần Liên, người anh bạn dì, trước 75 là sĩ quan dù, bị thương trận An Phú Đông, giải ngũ trước ngày cộng sản chiếm miền nam, không đi tù học tập, khai lý lịch thầy giáo về quê ngoại Bến Tranh, trồng xoài, hiện có hùn hạp với chiếc tàu đánh cá chạy lên xuống Vàm Láng Bến Đáy, chờ dịp ra khơi.

      Chị Hương về Vên Vên ăn tết, không biết nói gì với Toàn, Luân vừa gặp Liên hôm trước, hôm sau Toàn và Hân xuống Sài Gòn. Họ đã không thấy nhau từ ngày Luân đi tù cải tạo. Có lẽ chị Hương cũng cho Toàn biết, chuyện Hiên đến thăm, cho nên Toàn không hỏi han gì, chỉ khuyên Luân nên quên đi thì tốt hơn. Hân không ngờ Hiên theo cộng sản quá nhanh như vậy. Suốt mấy ngày ở Sài Gòn, Luân đưa Toàn đến gặp Hồng cho biết bạn bè với nhau, Toàn đồng ý trên nguyên tắc, mọi việc để Luân lo liệu. Nghe bọn Luân bàn chuyện, chị Hương luôn nhắc, nhớ đừng bỏ chị.

      Từ trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Thái Bình về, Liên ghé nhà đón Luân, chạy xe dọc theo chiều Phan Thanh Giản, ra góc đường Yên Đổ ăn bún bò. Nhà chị Quỳnh bị tịch thu từ lâu, tấm bảng sơn vàng chữ đỏ Công Ty Quốc Doanh Hóa Chất Đồng Nai, dựng che gần hết hàng rào gạch, sân trước trơ trụi dăm ba cây bắp vàng úa lá, buồn hiu hắt. Liên hớn hở cho Luân biết, đã nói chuyện với ông ba Hảo rồi, chỉ còn gặp Luân là xong. Ăn xong, vào nhà trả tiền, trở ra thấy Liên tay vịn tay lái xe honda, tay kia chỉ chỏ với ai đó ngồi trong chiếc xe du lịch đậu sát lề quá, làm Liên không ra xe được. Luân vội vã chạy tới, cùng lúc với người con gái trên xe vừa mở cửa bước ra.

      - Ủa Hiên ! Luân buột miệng gọi.

      Hiên khựng lại nhìn Luân, rồi nhìn Liên gật đầu chào.

      - Anh Luân, trời ơi không hẹn mà gặp.

      Liên vẫn còn đứng kế bên xe honda, quay nhìn Luân, hướng mắt về phía Hiên ra dấu. Hiên cười nhẹ :

      - Xin lỗi, để Hiên nói anh Tuân lui xe lại một chút.






      Người đàn ông đứng tuổi, trong quân phục bộ đội thẳng nếp, không mang quân hàm cấp bậc, chưa kịp ra xe, thấy Hiên làm dấu, cho nổ máy xe lui lại, cố chừa khoảng trống. Hiên mời Luân và Liên ngồi lại uống thêm nước cho vui, chồng Hiên, anh Tuân bắt tay Luân lấy lệ. Hiên cho chồng biết, Luân là bạn rất thân, lâu ngày không gặp. Hiên hỏi Luân nhiều thứ, vô thưởng vô phạt, Luân chỉ cười tìm đủ chữ trả lời, không nói gì với chồng Hiên. Tuân cũng ngồi làm thinh, thỉnh thoảng gục gặc đầu xã giao dò xét. Uống thêm vài ngụm nước, Luân chào vợ chồng Hiên bỏ đi. Trên đường về, Luân kể sơ cho Liên nghe, sự liên hệ giữa Hiên và anh ta trong những ngày tháng nhọc nhằn xưa cũ. Chị Hương từ tỉnh xuống, Toàn nhắn tin bác sáu trai mất. Luân xin được giấy phép đi đường, nhờ sự giúp đở của anh công an khu vực, về Tây Ninh dự đám tang. Tây Ninh bây giờ xơ xác quá, đường phố tiêu điều vắng tanh. Quẩn quanh chỉ thấy công an bộ đội. Bác sáu gái ôm chầm lấy Luân khóc sướt mướt, cái quan tài lạnh lùng âm u trước hàng nến lung linh mờ ảo. Con bác, không còn ai ở đây, anh hai mù xa bên trời Pháp, người chị kế di tản từ Đà Lạt về, chưa kịp bao lâu, đã bỏ Việt Nam tới Gia Nả Đại. Luân quỳ trước quan tài, thương cho bác trai lẻ loi, ba mẹ Luân còn chút may mắn hơn khi nằm xuống, dù gì cũng có Luân và miếng tang trắng. Giáo dân trong khu nhà thờ, thay nhau từng nhóm đọc kinh cầu nguyện. Xe tang đưa bác trai ngang qua cổng chánh thánh đường, chuông ray rứt đổ nhịp liên hồi, Luân dìu bác gái đi kế bên, nhiều người theo sau khóc. Vị linh mục già chủ lễ ném nhánh hoa huệ trắng xuống mồ làm dấu thánh giá, cho bác đi bình an. Rồi bác gái ở lại một mình, cũng như mẹ Luân đã đơn chiếc một mình, trong căn nhà tranh le lói đèn khuya, đếm tháng ngày còn lại. Xế chiều, Luân qua nhà Toàn, hắn dẫn Luân đến văn phòng xã, trình xin phép tạm trú qua đêm. Hai thằng thức nói chuyện mãi mê, cho tới khi Hân thức dậy sửa soạn đi làm, mới biết là đêm qua không ai ngủ. Sáng mượn xe đạp của Toàn, chạy qua thăm ba má anh Hùng, ba anh cũng bị bắt đi học tập, nhưng được thả về sớm vì bệnh bao tử nặng. Sương thôi học, vào làm bệnh viện tỉnh với Hân, anh Hùng còn trong trại tù Katum. Tài thì bị chuyển đi Bình Long vì chống đối lệnh quản giáo. Bạn bè không bao nhiêu, đứa đã vùi thây ngã xuống cho chiến tranh, rồi bây giờ người tan tác đọa đày khi có hòa bình. Luân đến gặp bà cô của Toàn, bà cô già yếu lắm rồi so với ngày xưa. Bà vò đầu, tưởng không còn gặp Luân nữa. Luân vội vã ra bến xe trở xuống Sài Gòn ngay chiều hôm đó, không kịp vào chợ Thương Binh thăm ông nội Hòa, vì phải ghé Vên Vên để gặp ba má Toàn, căn nhà trơ vơ giữa cánh đồng khô gốc rạ. Hai bác đưa Luân ra ngã ba, chờ chuyến xe chót từ Tây Ninh xuống, anh du kích ngồi gát trong cái chòi canh trước trụ sở xã, nhìn Luân soi mói.




      Suốt đêm, Luân và Hồng, theo chú ba Hảo coi đổ người đi, từ Cầu Ông Lảnh. Sau lần Liên đưa đến gặp chú ba Hảo tại nhà, ở cuối đường Nguyễn Cư Trinh, chú ba thường dắt Luân theo, mỗi khi đi gặp mối mai bàn chuyện vượt biên. Chú ba Hảo, đã có lúc làm tới Trưởng Ty Cảnh sát dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hai người con trai lớn, sĩ quan cảnh sát VNCH, theo tàu Việt Nam Thương Tín tới đảo Guam, cùng chuyến với Hòa. Người con gái còn lại, do chú đưa đi, tới Nam Dương hai tháng trước đây, ngày đầu Luân vào làm nhân viên Cục Cầu Đường. Sáng dậy, chị Hương cho biết, tối hôm qua Hiên đến tìm Luân, chờ một lúc lâu không được, gởi lại mấy cái giấy mời, xem đoàn ca múa Bông Sen từ Hà Nội vào, trình diễn tại Nhà hát Thành phố, Quốc Hội của VNCH trước 75 và nhờ chị nhắn là muốn gặp Luân có chuyện. Mỗi lần nhắc tới Hiên, Luân thật sự đau nhói cõi lòng, anh có thể dấu người nhưng không dối được mình, Hiên vẫn còn là một cái gì lẩn quẩn quanh Luân, như cơn đau của một vết thương chưa lành hẳn. Cơn đau chợt về buốt nhói trong những đêm lạnh đầu đông hay một chiều mưa chập chùng, mưa hớt hãi. Hiên có chồng, cái dấu chấm cuối câu xuống hàng Luân phải bỏ, ở đoạn chót câu chuyện tình đầu đời. Luân yên lòng với số phận và mong rằng Hiên cũng không khác gì Luân. Chiều thứ bảy, Liên đến chơi, đưa cho vài cây vàng mà chú ba Hảo gởi, gọi là phần dư của Luân. Trong thời gian qua Luân có giới thiệu dăm ba người khách cho chú ba, họ đã tới Mã Lai trên chiếc tàu từ Nha Trang vào. Thấy giấy mời trên bàn, cô nàng rối rít rủ chị Hương một hai đi xem, Luân đành phải theo. Hiên có mặt, ngồi cạnh Luân trên hàng ghế theo giấy mời đã ghi, không thấy chồng. Chị Hương và Liên nhìn Luân e ngại, Hiên có vẻ tự nhiên và vui hơn những lần gặp trước. Đêm ca múa chẳng có gì đặc biệt, nhóm người làm văn nghệ miền bắc này chỉ cố chứng tỏ cái tài nghệ điêu luyện, được Đảng và Nhà nước tập tành, nặc mùi chánh trị, không thua kém gì miền nam. Hiên nói với Luân nhiều hơn là xem hát, Hiên than phiền cuộc sống hiện tại, trách móc định mạng, có lúc mong được trở ngược giòng đời, mơ ngày tháng cũ trong đó có bạn bè xưa và mối tình đầu chớm nở thơm lâng lâng mùi hương cau, sau góc vườn nhà tranh cuối chợ. Luân nén lòng cố nghe, dường như có đôi lần Hiên thổn thức. Đêm hát kết thúc không quá khuya lắm, Hiên có người tài xế chờ, ba chị em Luân hờ hững chào, vội vã qua đường, phố vẫn còn nhiều người lang thang, rời rạc theo đàn vạc ăn đêm kêu sương buồn bã.

      Gần mười tháng, tính từ ngày đi cải tạo về, chuyện toan tính vượt biên vẫn còn dẫm chân tại chỗ, chưa thấy dấu hiệu gì sáng sủa. Luân tạm xin nghỉ việc với Cục Cầu Đường, nhờ cái giấy chứng nhận bệnh phù thủng tái phát mà anh Lân, làm sao đó, có được do bác sỉ trưởng người miền bắc, bệnh viện Nguyễn văn Học cấp. Luân thoải mái đi tới đi lui, anh công an khu vực thường ngồi uống cà phê chung, tiền Luân trả, sau giờ làm việc, tưởng thật bảo Luân ráng lo thang thuốc.

      Luân bị Đoàn 10 Công an bắt cùng với chú ba Hảo, tại ngã ba Cây Khô, khúc nhánh sông chia hai, ngả về Sài gòn, ngả về Kho xăng dầu 18, trên đường theo chú ba bằng ghe máy đuôi tôm. Công an tạm giữ vì lý do, không phải người địa phương, không có giấy đi đường, nghi ngờ muốn vượt biên, tại chỗ đóng quân của họ, trên bờ sông cả buổi sáng, rồi đưa về cho công an quận Nhà Bè. Chú ba Hảo tỉnh bơ, Luân thì lắng lo cuống quýt. Người chạy ghe máy chở chú ba và Luân, nhà ở Cần Giờ, trở lại Sài Gòn, chú ba dặn dò anh ta đôi ba điều gì đó. Ngủ tại trụ sở công an Nhà Bè qua đêm, sáng hôm sau, một người đàn ông với dáng dấp có chức tước, vào gặp anh Trưởng Ban, lãnh hai chú cháu ra. Về tới chợ Sài Gòn, cả ba vào nhà hàng Givral ăn sáng. Luân không buồn hỏi người đó là ai, chú ba cũng không màng nhắc tới.

      Công an mấy ngày nay trông ra bận rộn, ban ngày thì càn quét chợ trời, dẹp chỗ này chỗ khác mọc lên. Ban đêm thì đuổi xô người vô gia cư ngủ lề đường, gốc cây, xó chợ, tràn về thành phố từ những vùng kinh tế mới, nơi chỉ có đất hoang khô cằn và cỏ hoang rừng rậm. Họ coi thường lệnh lạc, gọi là chuyên chính vô sản rồi thì còn sợ gì mất mác, vợ chồng con gái nheo nhóc, tắm rửa, nấu ăn, giữa thanh thiên bạch nhật, chia ô chừa chỗ trên hộ khẩu lề đường, thực hành quyền nhân dân làm chủ. Giai cấp vô sản hy sinh cái vô sản ba đời cho Đảng trong ba mươi năm chiến cuộc, cuối cùng chỉ là tay trắng, không nhà, không đất, thua cả gã ăn mày của miền nam Mỹ ngụy. Luân cùng Hiếu bỏ cái xe sinh tố đầu góc Phạm Hồng Thái, dời điểm hẹn giao thuốc về quán cà phê, gần rạp hát Khải Hoàn, Hồng gần như chỉ lo chạy kiếm thuốc. Những lần Luân bỏ đi đó đi đây, một tay Hiếu quán xuyến, không mất đồng bạc nào.

      Bẳng đi vài tuần, không thấy Liên đến chơi, chắc là đi rồi, thôi thì cũng cầu mong cho cô nàng trót lọt, không ngờ hôm ngày lễ ăn mừng chiến thắng 30 tháng 4 của chánh quyền thành phố, Liên đạp xe tới, mặt buồn hiu, chiếc tàu đánh cá của ông anh họ, lính dù, đã bị tạm giữ, không cho ra khơi vì không chịu xin giấy phép lại, cô nàng phải chạy đôn chạy đáo kiếm vàng lo lót. Luân chưa kịp ngăn, Liên đã hỏi chị Hương về việc Luân bị công an bắt mấy hôm trước, chuyện này anh dấu không cho chị hay, Liên nghe chú ba Hảo nói lại, khi xuống nhà bàn chuyện giá cả cho ai đó. Chị Hương trách sao không cho chị biết, để rủi có gì còn kiếm đường chạy chọt.

      Comment


      • #18
        Chương Mười Tám



        Mưa Sài Gòn không nhiều bao nhiêu, miền Tây lại ngập lụt, nhất là khu Long An, Định Tường, Kiến Phong, Mộc Hóa. Qua ngã ba Rạch Miểu không xa về Long An, từ ngõ vào Thủ Thừa, nước dâng cao tràn ra tới ngoài quốc lộ 4, con đường đá lởm chởm vào chợ Thủ Thừa, ghe chèo ghe máy thay xe chở người ra vô. Đứng trên cầu Đúc Long An, khách đón tàu đò về Bến Đá, Kiến Tường có thể xuống tàu, không cần phải đi tới bến dưới chợ. Dãy nhà ven sông, mực nước cao tới nóc, dân sống hai bên bờ, dựng sàn trên nóc ăn ở một cách bình thường, dùng xuồng ba lá chèo lên chèo xuống, từ nhà sau tới nhà trước thản nhiên nhàn hạ. Luân, Hồng và chú ba Hảo bỏ ý định đi Bến Đá, trở lại Sài Gòn khi vừa tới ngã ba Rạch Miểu, xe đò miền tây sắp hàng dài chờ lượt mình, vì chỉ còn nửa bên đường chạy được. Họ rẽ vào quán cháo lòng Tư Đố, kêu vài tô dằn bụng trước khi về, mưa rớt từng chập rời rạc, trời Phú Lâm chưa thấy nắng.





        Tới đầu đường Hậu Giang, chú ba Hảo ghé qua nhà người quen, gần trường trung học Đồng Nai, Luân và Hồng chạy ra chợ Thái Bình tìm Hiếu, phụ nó chút đỉnh. Vừa tới nơi, Luân hơi ngạc nhiên, thấy Liên đang chờ. Luân ngồi xuống bên cạnh, Hồng chào Liên rồi bỏ vào bàn trong kêu cà phê. Liên lo lắng ra mặt nhìn Luân

        - Anh Luân nhớ Ly, con nhỏ con của bà dì Liên không ?

        Luân gật đầu, Liên nói tiếp :

        - Nó nghe lời mấy ông, mấy bà trong trường sao đó, tình nguyện đi thanh niên xung phong, lao động kinh nghiệm một năm, trở về sẽ được kết nạp Đoàn Đảng gì đó, mới hy vọng có tương lai, vì lý lịch gốc con cái nhà lính ngụy...Ly là con bé mà Luân hay chọc mắc cở hoài, mỗi khi theo Liên và Khánh Tường cùng đi chơi, trước năm 75, khi bọn họ sắp hết năm thứ hai sư phạm. Luân nóng lòng ngắt lời Liên :

        - Chuyện gì xảy ra ?

        Liên có vẻ ngập ngừng :

        - Nó đang ở trong tổng đoàn của chị Hiên đó, bị thằng đoàn trưởng, dân tập kết, làm khó dễ đòi chuyển con nhỏ lên khu kinh tế mới Bù Gia Mập. Nó về khóc bù lu bù loa với bà dì, làm gia đình Liên điên đầu theo. Liên ngừng ngang đó nhìn Luân.

        Hiểu ý Liên, Luân cười thoải mái :

        - Bây giờ muốn anh nói giùm một tiếng chớ gì ?

        Liên ấp úng :

        - Liên có hỏi ý chị Hương, Liên ngại quá khi phải làm anh khó xử, nhưng Liên hết cách rồi, nhờ anh nói giùm chị Hiên, để Ly được ở lại gần nhà.

        Liên làm Luân khó xử thật, nhưng cái khó xử của Luân, so có thấm vào đâu với những tình cảm chân thành, gói ghém cho nhau mà Liên cũng như chị Hương và nhiều người quen khác nữa, đã giúp anh can đảm sống. Luân đồng ý không đắn đo, hẹn đến tìm Hiên.

        Sáng thứ bảy, Liên lấy xe honda đón Luân đến nhà Hiên trên đường Phan Kế Bính, anh bộ đội gát trước cửa cho biết Hiên không có nhà. Nghe tiếng lào xào, anh Tuân, chồng Hiên bước ra, chào Luân nói, Hiên đã đi kiểm tra trên khu Lê Minh Xuân lúc sáng sớm. Luân tấp xe vào lề đường viện Hoá Đạo, mua thêm xăng, quyết định đi Lê Minh Xuân, vì đường lên đó không xa.

        Luân phải ngừng xe vài lần, hỏi thăm hai ba căn nhà trên đường mới tìm ra được doanh trại của đoàn thanh niên xung phong Lê Minh Xuân, nằm bên kia đầu cầu xi măng mới xây. Anh đoàn viên trẻ gát văn phòng vào trong không lâu, Hiên đẩy cửa bước ra, gật đầu chào Liên, Luân bỏ Liên ngồi đó, đi cạnh Hiên dọc theo con đường xi măng trước dãy nhà. Nắng buổi sáng lên ngập cả sân, phảng phất mùi bùn từ mấy con kinh ngang dọc mới đào khó ngửi. Đi cạnh Hiên, cả hai đều im lặng, một lúc lâu Luân mới mở đầu câu chuyện.

        Luân nhìn Hiên chầm chậm :

        - Anh đến nhờ Hiên giúp giùm cho một người quen, việc này có lẽ không khó lắm, anh không biết là nói ở đây có tiện cho Hiên không ?

        Hiên dừng lại chờ Luân cười thật tươi :

        - Ngày xưa, Hiên đã hứa cho anh cả cuộc đời, Hiên không do dự, thì bây giờ giúp anh một việc nhỏ, dù cho đó là việc gì, Hiên không hứa được với anh sao ?

        Đôi ba anh chị đoàn viên đi ngang, đưa tay chào Hiên theo kiểu quân đội, Hiên e thẹn nhìn Luân, đáp lễ họ. Luân chưa kịp tiếp lời, Hiên nói nhỏ trên đường quay lại văn phòng, mặc dù không có ai quanh đây :

        - Chiều mai, Hiên ở nhà chờ anh, nếu được nhờ anh mời cả chị Hương, chị Liên, mình đi ăn cơm chiều một bữa cho vui, rồi cho Hiên biết muốn Hiên giúp chuyện gì luôn.

        Đến cửa, Hiên chào Liên lần nữa, rồi nhắc Luân :

        - Anh Luân nhớ đến, Hiên chờ.

        Luân và Liên đẩy xe honda ra cổng, Hiên đứng nhìn theo chưa chịu vào văn phòng. Hình như cơn sóng ngậm ngùi xưa, đang xô giạt mấy viên đá cuội đời, sát lại nhau bất chợt trong lòng Luân đâu đây.

        Chiều chủ nhật, Luân, chị Hương và Liên tới nhà Hiên, như đã hẹn. Hiên lăng xăng mừng rỡ đón, chồng Hiên ra Hà Nội họp từ trưa hôm qua, nhà không còn ai, anh bộ đội được phép nghỉ gát vài ngày. Liên e ngại đứng ngoài, chờ chị Hương đi vòng quanh sân, cỏ xanh và nhiều hoa băng-xê tím. Hiên cũng nhìn theo, chị Hương buột miệng :

        - Nhà Hiên đẹp quá !

        Hiên khẻ lắc đầu :

        - Nhà của người ta, chớ đâu phải của mình chị Hương !

        Chị Hương có lẽ lỡ lời nên cười xòa, không nói thêm gì. Ba người vào phòng khách ngồi chờ, tấm hình Hồ Chí Minh mặt mày rạng rỡ treo trên cao, chính giữa tường làm lòng Luân đau nhói. Hiên vội vã khóa cửa, bốn người kéo nhau đến một quán cơm bình dân trên đường Đinh Công Tráng. Hiên ăn uống nói cười vui vẻ với chị Hương và Liên, tưởng chừng như lâu lắm rồi, chưa có được lần nào. Luân cố làm vui theo, Hiên tiếc nuối nhắc lại chuyện xưa một lúc, Liên nóng lòng đưa mắt, nhìn lén Luân nói thầm. Gần xong bữa cơm, Luân bắt đầu bàn với Hiên việc của Ly, rắc rối mà cô nàng đang gặp. Hiên chăm chú nghe, rồi nhìn Luân ngọt ngào hỏi - Anh muốn Hiên làm gì cho cô Ly đây, ở lại đoàn thì đâu có gì khó... hay là !

        Hiên ngừng một chút, không đợi Hiên tiếp lời, Luân nói liền theo :

        - Anh nghĩ, tùy Hiên lo giùm, Ly ở lại đoàn, gần nhà là tốt lắm rồi.

        Hiên đứng dậy giành trả tiền bữa ăn với chị Hương :

        - Thôi để Hiên tính lại xem cách nào tốt nhất, Hiên sẽ giải quyết nay mai, không để anh chờ đâu.

        Liên buột miệng :

        - Cám ơn chị Hiên nhiều.

        Đêm xuống, đường phố bắt đầu đông người lại qua, Sài gòn vắng mưa mấy ngày nay, oi ả trong cái nắng đầu mùa hạ. Luân đưa Hiên về, Liên chở chị Hương rẽ ở đầu Lê văn Duyệt. Đến nhà, Hiên nhìn Luân ngập ngừng, buồn thiu không nói, Luân đành ở nán lại, dù gì chăng nữa, mình vẫn còn vương vấn đâu đây chút nghĩa chút tình. Hiên lúng túng thu mình trên cái ghế xa-lông bọc da, đối diện Luân trong phòng khách, ngó ra đường, ngậm ngùi như lần gặp Luân trong quán lá trên khu Xuân Thới Thượng. Hiên kể chuyện đời mình, cái cuộc sống buông xuôi tưởng một đời lặng yên không ngờ vụt bừng lên như cơn bão lốc, từ ngày gặp lại Luân. Hiên cho Luân xem tấm hình chụp chung, có Hân, có anh Hùng, Toàn, Tài trong bữa tiệc tất niên năm đệ nhất, trước cổng trường, giờ đã phai màu mà Hiên cố giữ như là một báu vật đời, đếm ngày tháng đi qua trong hy vọng. Luân nghe cũng chạnh lòng, Hiên buồn buồn :

        - Không hiểu ngày xưa, chưa biết gì, tại sao Hiên thích bài Hai sắc hoa Ti-gôn của TTKH.

        - Thơ là thơ, đời là đời, anh nghĩ Hiên cứ coi như định mạng an bày, có đớn đau, có thương tiếc cũng đã muộn màng rồi, thôi thì hãy vui, quên đi mà sống.

        - Hiên xin đọc lại đoạn thơ, đời Hiên bây giờ gói trọn theo từng chữ một Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân lạnh nhạt của chồng tôi, mà từng thu chết từng thu chết, vẫn dấu trong tim một bóng người. Hiên vừa đọc vừa ấm ức khóc.

        Luân yếu lòng, cầm lấy tay Hiên vỗ về an ủi, Hiên ôm chầm lấy Luân tức tưởi gọi tên :

        - Hiên làm sao đây, Hiên phải làm sao đây, anh Luân ơi ?

        Luân vuốt đôi sợi tóc ướt mềm nước mắt, buông dài trên mặt Hiên, lặng câm, nghe môi mình chợt mặn, hình như anh đã khóc. Kể cho Hiên nghe những nhọc nhằn của đời mình để thấy không ai buồn hơn ai, từ cái thất vọng tột cùng khi không thấy tên, trên bảng kết quả tú tài hai, cái câm nín bỏ đi như trốn chạy khỏi Tây Ninh, cái lăn lóc nuôi thân với hai bàn tay trắng đến cái chán chường trên đường di tản về nam, cái rã rời đạp xe xích lô dưới mưa tơi tả. Nỗi vui hớn hở của Hiên, khi nghe thầy Ngôn gọi tên Luân, lên lãnh phần thưởng lớp nhất trường làng, không khác gì niềm vui khó tả của Luân, khi anh Hưng báo tin Hiên được thả, sau mấy ngày bị giam tại Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành. Luân cố quên Hiên, sau ngày Hiên bỏ đi, nhưng vẫn cầu mong nơi mà Hiên ở còn một chút mặt trời. Hiên lấy khăn lau nước mắt, gượng cười. Luân đứng lên nhìn mông lung ra đường, đêm ngoài kia vắng ngắt, tiếng chuông nửa đêm của nhà thờ Đức Bà tan tác trong gió lạnh. Luân hôn vội lên tóc Hiên ra về, một lần và một lần thôi, bóng Hiên chìm sâu trong mắt Luân như bóng chim khuất dần trên đỉnh cao, ngàn trùng xa cách.

        Comment


        • #19
          Chương Mười Chín


          Liên đưa ba mẹ Ly đến nhà, cám ơn Luân đã giúp Ly không phải đi Thanh Niên Xung Phong nữa. Hiên ký cho Ly, cái giấy chứng nhận, nhân danh Tổng Đoàn Trưởng, cho phép Ly chấm dứt công tác, khen thưởng thành quả của cô nàng, đề nghị đại học Tổng hợp sắp xếp cho Ly lên năm thứ hai, chuyển hộ khẩu về lại phường. Hai bác trao cho Luân một gói quà nhỏ, trong đó có một cây vàng, bảo rằng chút lòng, phụ chút đỉnh để Luân vượt biên. Luân từ chối nhận, hai bác nằng nặc bỏ lại. Luân gởi Liên hôm sau, để Liên liệu lời trả cho hai bác.

          Chuyện đi vượt biên ngày càng rần rộ, người đi thoát được rất đông, người bị bắt cũng khá nhiều. Công an phường khóm hăm he dòm ngó, anh công an khu vực, trong bữa ăn phở sáng với Luân cho biết, có lệnh trên thành xuống, kêu mấy người tù cải tạo về, đến phường học tập chính sách mới về việc này, nhưng không biết khi nào, cũng như thường ngày, anh chấm dứt với câu có gì tôi cho anh biết . Từ nhà Hồng về, Luân tạt qua Hiếu, giao cho hắn một số thuốc để sáng mai đưa ra chợ, Hiếu không có đó, mẹ Hiếu bảo là có chị Hương qua kiếm, Luân bỏ về ngay không kịp hỏi han như mọi lần. Hiên, chị Hương và Liên ngồi quanh bàn ăn trong nhà bếp, mặt mày ai nấy trông có vẻ vui vẻ khác thường. Luân kéo cái ghế trống bên cạnh Hiên ngồi xuống, Liên nhìn Luân phân trần :

          - Có chút quà biếu chị Hiên, chị không chịu nhận, nhờ anh Luân nói giùm một tiếng đi !

          Sau ngày Ly về lại nhà, nhờ tờ giấy chứng nhận của Hiên, Liên có lần nói sẽ mua quà, cám ơn Hiên. Trưa nay, Liên mang gói quà đến tìm Hiên, có chồng Hiên, nên ngại không dám đưa, kiếm chuyện rủ Hiên về đây mới dám nói, chỉ là chai nước hoa hiệu Chanel 5 và vài cây son môi, của người chị bà con từ Pháp gởi qua cho, Hiên nhất định không nhận. Mấy lúc sau này, nếu không phải bận việc với các đoàn thanh niên xung phong, Hiên thường đến rủ chị Hương đi chơi, vài lần có Luân, vài lần không. Có lần chị Hương nói với Luân, Hiên tâm sự với chị, về nhà buồn quá, nếu không có dịp qua đây chơi chắc có ngày Hiên chết mất.

          Chị Hương bỏ đứng lên pha thêm nước chanh, Liên lần nữa, lấy hộp quà nhỏ xíu, gói bằng giấy kiếng màu xanh lục trong suốt, chuyền dưới bàn cho Luân, mắt nhìn nài nỉ. Hiên chợt phá lên cười :

          - Chị Liên tưởng anh Luân có oai lắm sao, mà định nhờ anh Luân đây ?

          Luân không nín được, tự nhiên cười đùa theo, chị Hương xen vào :

          - Không phải vì Luân oai mà vì thấy thương tình, nhận kẻo tội nghiệp .

          Liên nhập cuộc, nhờ chị mở ý, tiếp lời :

          - Anh Luân nghe chị Hương nói chưa, nói giùm Liên tiếng nữa đi !

          Hiên vẫn còn cười, nhìn qua Luân. Cầm lấy hộp quà, đặt lên tay Hiên, chị Hương hớn hở chờ, Luân êm giọng bắt chước lời chị, vẻ mặt ra chiều thảm não :

          - Oai thì chắc là không có rồi, thôi nếu có thương tình thì nhận giùm, anh năn nỉ thế cho Liên đó !

          Hiên chần chừ một lúc, cầm lấy, nhìn mọi người xúc động :

          - Không phải Hiên ghét chị Liên, không phải Hiên chê gói quà, Hiên giúp chị Liên, bạn của anh Luân thì cũng là bạn, Hiên tự nhủ lòng rằng, trong hoàn cảnh này, còn có thể làm gì giúp người quen được thì Hiên sẵn sàng, rủi mai này có gì mình không ân hận.

          Hiên ngừng ở đó, ai nấy im lặng, dường như sợ mất vui, Hiên quay qua Luân cười nheo mắt :

          - Chứ không phải sợ oai của anh đâu !

          Trời sẫm tối, hoàng hôn nặng nhọc xuống ở một góc trời, khu ngã tư Bảy Hiền, Lê văn Duyệt tím ngắt. Tiếng nhạc quân hành, nặc mùi Bắc Kinh, bắt đầu ra rả trên nóc văn phòng phường. Chị Hương mời Hiên ở lại ăn cơm chiều, Liên lấy xe chạy vội qua chợ nhỏ đường Lạc Long Quân trở về với hai ba bó rau và bốn năm con cá trê. Cái gì cũng rẻ tiền, chị Hương làm bữa cơm tươm tất, Hiên ăn ngon lành, Liên thì sụt sùi nước mắm cô nàng làm cay quá. Cơm nước xong, Liên đưa Hiên về, Luân và chị Hương theo ra tận cổng rào, trước khi lên xe, Hiên quay lại dịu dàng bảo :

          - Chuyện anh tính, cần làm cái gì, anh cho Hiên biết.






          Hiên đi rồi, vào nhà, đang nghĩ xem Hiên muốn nói gì thì chị Hương cho biết, Hiên có hỏi chị là Luân tính xin làm việc gì không, tại sao lại phải làm công nhân ở Cục Cầu Đường, chị vô tình than vản, thiệt tình, làm sao Luân có thể xin được việc làm với cái lý lịch tù cải tạo, Phó Biện Lý tòa án Mỹ Ngụy, nợ máu nhân dân, quyền công dân không còn, chỉ còn có nước vượt biên. Hiên buồn hiu, nhìn chị rồi nhìn Liên, lặng thinh lúc Luân chưa về. Luân thầm cám ơn chị đã thay anh nói ra những gì thật lòng, định một ngày nào đó sẽ cho Hiên biết. Cái thân thiết có được hôm nay do chút tình còn lại, Luân cố giữ nhận làm người có lỗi, Luân không muốn đẩy Hiên sát bờ vực cô đơn vì anh cảm nhận được sự đau đớn của cái lẻ loi mà Hiên đang cam chịu, cũng như anh đã cam chịu trong bảy năm qua, nhưng Luân và Hiên trong hoàn cảnh này vẫn là người của hai chiến tuyến, Luân không chấp nhận chế độ cộng sản và không chấp nhận con người cộng sản, chua xót thay Luân cứ dấu kín ý nghĩ này cho riêng mình chưa dám nói. Nghe chị Hương nói, Hiên nhiều lần hỏi Luân có tính được gì không, Liên lo ngại đổi sang kể chuyện mấy người bạn đi hôm 30 tháng 4, hiện sống ra sao bên xứ Pháp xứ Mỹ. Chị Hương thì cho là ý chị, tránh né không nghe Luân bàn gì về việc này. Hai chị em thức rất khuya đêm đó.


          Thuyên Huy

          (Còn tiếp)

          Comment

          Working...
          X