Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Buông theo giọt buồn - Chu Sa Lan

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    - 15 -




    Thong thả xé tờ lịch Tam Tông Miếu đã cũ, Đan Trầm nhìn chăm chú vào tờ lịch mới có hàng chữ 23 Tháng Chạp. Hôm nay là ngày đưa ông táo về trời, như vậy đúng một tuần lễ nữa sẽ tới đêm giao thừa. Trong thư gởi cách đây hai tuần, Điềm cho biết anh được phép về nhà ăn Tết từ ngày 27 tết cho tới mồng 4 mới trở lại đơn vị. Điều đó khiến cho nàng vui mà cũng buồn vì sự vắng mặt của Mặc. Nghĩ tới người lính hiền lành vui vẻ và rất mực mến thương mình, nàng khe khẽ thở dài. Số phần của nàng hẩm hiu quá. Nàng không được cả hai. Có con thì không có chồng. Chọn con thì lại phải dứt bỏ người tình. Sự chọn lựa nào cũng gây ít nhiều tổn thương vì tâm hồn nàng có nhiều mâu thuẫn và không dung dị như người khác. Ở gần bên con nàng như cảm thấy quá đầy đủ nên nghĩ mình sẽ không cần tình thuơng nào khác hơn tình mẫu tử, không cần người đàn ông nào trong đời sống tình cảm của mình. Xa con rồi, một mình hiu quạnh trong ngôi nhà vắng lặng, nàng lại cảm thấy mình cần thứ hạnh phúc gia đình nhỏ nhoi, cần một người bạn đường để được săn sóc, chiều chuộng, để có thể xẻ chia cảm nghĩ, để được nói cười. Nhiều thứ lắm, quan trọng có mà nhỏ nhặt và tầm thường cũng có. Kể từ khi biết con buồn giận mình về chuyện giao du tình cảm với Mặc, nàng đã cố gắng tự chế ngự tình cảm của mình dành cho Mặc. Tuy nhiên càng cố gắng nàng càng nhận ra chuyện đó rất khó khăn vì con tim có lý lẽ riêng của nó. Có thể bây giờ Điềm đã lớn, hiểu biết hơn do đó không còn hờn giận nhiều cũng như sẽ dễ dàng chấp nhận chuyện mẹ tái giá. Nàng hi vọng mình nghĩ đúng dù biết con trai rất thương mình, rất '' mê '' mẹ của nó cho nên vẫn chưa chịu dứt bỏ thứ tình cảm có phần hơi khác thường. Có nhiều lý do để giải thích cho thứ tình cảm đặc biệt giữa hai mẹ con. Lý do đầu tiên là suốt hai mươi năm dài chỉ có hai mẹ con sống bên cạnh, thương yêu, nương tựa và đùm bọc nhau. Sự kiện này khiến cho mẹ với con xích lại gần nhau hơn và cần thiết với nhau hơn. Lý do thứ nhì là dù mẹ con song họ cũng là người khác phái, một nam một nữ. Sự gắn bó được tạo ra bởi tình mẹ con, theo chiều hướng giữa nam nữ đã từ từ nẩy nở một cách tự nhiên thứ tình cảm giữa người với người không phân biệt huyết thống. Đó là lý do cho biết tại sao Điềm lại '' mê '' mẹ của mình bằng tình luyến ái đặc biệt chỉ xảy ra trong hoàn cảnh hiếm thấy. Cũng như có nhiều bà mẹ chồng đã ghen với con dâu chỉ vì muốn độc quyền chiếm hữu đứa con trai của mình. Họ ganh tức nên hành hạ con dâu, đặt điều nói xấu con dâu trước mặt con trai và lắm khi tìm cách chia rẻ con trai với vợ của nó. Đan Trầm nhớ lại mình đã đọc truyện ngắn hay bài phân tích gì gì đó của một nhà tâm lý học về sự luyến ái đặc biệt của con trai đối với bà mẹ. Đứa bé trai tuổi độ bảy tám ghen tức với cha của nó vì bà mẹ đã có cử chỉ âu yếm với chồng. Nó đã xô ba nó ngã xuống hồ tắm cũng như hể thấy ba mẹ ôm nhau là nó lại xen vào đứng chính giữa để tìm cách chia rẻ hai người này ra. Trường hợp con trai của nàng cũng giống như vậy và còn có thể nặng hơn vì nó không có cha nên dồn hết tình thương cho mẹ. Nó không muốn bất cứ ai chiếm đoạt mẹ nó. Người đàn bà mà nó gọi bằng mẹ là của riêng nó. Nó thương và mê mẹ nên khó mà san sẻ. Điều đó thoạt nhìn thời ích kỷ và nhỏ nhen; nhưng tình thương khó mà biện giải bằng lý lẽ. Phải nói trái tim có lý lẽ riêng của nó nên không chịu nghe lời cái đầu. Tình và lý và hai cực lúc nào cũng đối nghịch nhau và khó mà dung hoà được.
    Tiếng kêu báo giờ của chiếc đồng hồ treo tường làm cho Đan Trầm giật mình ra khỏi dòng ý nghĩ. Thẩn thờ nhìn tờ lịch giây lát nàng bước ra sau bếp rồi lẩm bẩm mấy tiếng xong lại trở vào buồng thay quần áo đi chợ mua sắm các thứ cần dùng để đón con trai trở về thăm nhà vào dịp Tết. Ngồi trong lòng chiếc xích lô của chú hai Miện chạy trên cầu Thị Nghè nàng cảm thấy lòng mình bớt đi chút muộn phiền. Không khí của những ngày cận tết cộng thêm hình ảnh của con trai đem lại sự bình yên và thanh thản khiến cho nàng nghĩ ra một điều là lòng thương yêu rất có ý nghĩa nếu đi kèm với sự hy sinh.
    27 Tết. 3 giờ chiều. Cứ mỗi lần nghe có tiếng xe gắn máy nổ trong con hẽm nhỏ hoặc tiếng xe dừng trước cổng, Đan Trầm lại bước ra cửa nhìn. Tiếng người cười nói lao xao song lại ở nhà bên kia đối diện với nhà của nàng. Đó là nhà của bác tư Kiên. Ông bà cũng có con đi lính mà có tới ba đứa lận. Thằng lớn nhất ở sư đoàn 1 đóng ngoài Huế, cả hai ba năm mới được về thăm nhà một lần. Thằng thứ nhì đi lính sư đoàn 23 đóng ở Ban Mê Thuột. Còn thằng con út đi lính mũ nâu, nghe nói đơn vị ở đâu đó trên Kontum hay Pleiku. Ông bà ở chung với đứa con gái út chưa có chồng. Mâm cơm bày ra trên bàn đã nguội. Hết ra vào, đi tới đi lui trong ngôi nhà im vắng, nàng nôn nóng chờ. 5 giờ chiều. Ánh mặt trời của buổi chiều dọi qua khung cửa sổ đậu trên sàn gạch bông thành vệt nắng vàng nhạt. Con chim cu gù trên tàng cây mận già cỗi nghe thật buồn. Chờ lâu đợi chán và mệt, nàng vào phòng nằm vật ra giường nhắm mắt lại thiêm thiếp ngủ một giấc. Khi thức dậy trời đã tối. Nhìn đồng hồ đeo tay chỉ 8 giờ nàng thở dài ứa nước mắt. Đứa con trai đã không về nhà như lời viết trong thư. Nàng cũng biết con là lính nên không trách móc mà chỉ buồn thôi. Uể oải ngồi dậy, lấy khăn và quần nàng đi ra nhà tắm. Nước mát lạnh đem lại cho nàng chút tỉnh táo và nhẹ nhàng. Trở vào phòng chải đầu, nàng nhìn bóng mình in trên kiến. Đuôi mắt như có vết nhăn. Ánh mắt vẫn còn long lanh song vương mắc sự buồn bã dã dượi. Làn da mặt được chăm sóc rất kỹ cũng đã có cái gì như vết nhăn mờ nhạt. Thời gian. Tuổi già. Đan Trầm thở dài, cảm thấy mình già và mỏi mệt. Có lúc nào đó nàng cảm thấy mỏi mệt. Đó là triệu chứng của sự già nua hay cằn cỗi. Sống thiếu hạnh phúc làm cho người ta mau già hay nói cách khác là cằn cỗi giống như cây có phân mà thiếu nước, hoặc có nước mà thiếu phân, hoặc đủ phân đủ nước mà thiếu ánh sáng mặt trời thì cây cũng cằn cỗi. Nàng biết mình sống thiếu hạnh phúc, thứ hạnh phúc bắt nguồn từ một đời sống của lứa đôi. Trời đã sinh ra đàn bà thì phải có đàn ông để thành đôi thành cặp dù lắm khi họ chính là nỗi khổ đau, sự ưu phiền hoặc trở thành hệ luỵ cho mình song ít ra cũng đem lại cho mình chút hạnh phúc ngắn ngủi và bọt bèo. Hạnh phúc nào không có nước mắt, ít hay nhiều thôi mà đôi khi càng nhiều nước mắt hạnh phúc càng thêm ý nghĩa.
    Ngồi vào bàn ăn cơm tối, Đan Trầm bới cơm vào cái chén của mình. Nhìn cái chén và đôi đũa dành riêng cho đứa con trai chưa về nàng ứa nước mắt. Đâu đó bên nhà hàng xóm vọng lên câu:



    - Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
    khi thấy mai đào nở vàng bên nương
    Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
    nay én bay đầy trước ngõ
    mà tin con vẫn xa ngàn xa...



    - Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
    nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
    bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
    trông bánh chưng ngồi chờ sáng
    đỏ hây hây những đôi má đào


    Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
    mái tranh nghèo không người sửa sang
    khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
    Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
    anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
    ba ngày xuân đi khoe phố phường...



    Đan Trầm nấc lên thành tiếng khóc nghẹn vì lời hát rất thực, rất đúng vào tâm trạng của nàng, một bà mẹ có con đi xa chưa trở lại nhà vào dịp xuân về. Câu '' nếu con không về chắc mẹ buồn lắm...'' khiến nàng không cầm được nước mắt để mặc cho giọt buồn rơi xuống chén cơm còn nguyên. Nếu có đông con hoặc sống chung với cha mẹ chắc nàng đỡ quạnh hiu và đơn độc. Đằng này nàng chỉ có một mình lủi thủi trong ngôi nhà cũ chứa đầy kỹ niệm và dấu tích của đứa con cưng.



    - Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
    nhưng nếu con về bạn bè thương mong
    bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
    không lẽ riêng mình êm ấm
    Mẹ ơi con xuân này vắng nhà


    Mẹ thương con xin đợi ngày mai...



    - Điềm ơi...
    Đan Trầm gọi tên con. Tiếng gọi không âm vang vọng lại, không có tiếng trả lời. Tiếng gọi đầy bơ vơ lạc lõng trong không khí của ngày cận tết như tiếng than áo não. Uể oải nhai, nàng cảm thấy thức ăn nhạt nhẽo chẳng mùi chẳng vị. Ăn vì đói, vì bắt buộc phải ăn để sống. Thế thôi... Gượng gạo ăn hết chén cơm xong dọn hết thức ăn thừa bỏ vào tủ, đánh răng rửa mặt xong nàng leo lên giường mở radio nghe nhạc rồi thiếp dần vào giấc ngủ có tiếng cười hắc hắc của con trai bị nàng ngồi sau lưng cù lét lúc đang đạp xe chở mẹ đi trên con đường làng có hàng cây trâm bầu mọc hai bên.
    Nhẹ mở cánh cổng khép mà không có khoá, Điềm bước vào sân nhà của mình. Con đường lát gạch tàu ngày xưa màu đỏ tươi bây giờ đã phai màu và có chút rêu bám. Góc nhà gần cửa sổ, cây mận già cành lá khẳng khiu. Hồi còn nhỏ anh rất thích cây mận này vì trái có từng chùm màu đỏ ối ăn không ngon mà nhìn thì bắt mắt. Cây mận này theo lời ngoại kể thì còn nhiều tuổi hơn anh nữa. Kế đó là cây trứng cá tàng xum xê. Hàng cây mai kiểng trồng trong những cái chậu lớn. Ngay chính giữa khoảng sân rộng phía bên trái, cây mai cao trơ trọi lá. Anh đoán mẹ đã mướn chú hai Miện bứt bỏ lá để cho nó nở bông đúng ngày tết. Hôm nay là chiều ngày hăm tám tết. Gió man mát. Sài Gòn vào mùa này dễ chịu nhất vì không nóng không lạnh mà lại khô ráo. Không gian yên bình và tĩnh lặng. Xô cửa thấy cửa khép hờ anh hơi ngạc nhiên vì thường thường mẹ hay khép và cài cửa cẩn thận. Chắc bà đang bận làm bếp. Nghĩ như vậy nên anh đi rón rén không có mẹ biết. Hồi nhỏ chạy chơi bên nhà hàng xóm, anh thường rón rén trở về để bất thình lình ôm chầm lấy bà làm cho bà giật mình ré tiếng lớn rồi vừa cười vừa rượt đuổi anh chạy lanh quanh trong nhà cho tới khi bắt được anh và hôn chùn chụt lên mặt mũi má mắt mới thôi. Nhà vắng lặng trừ tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo trên tường. Vén màn bước vào anh thấy mẹ đang nằm nhắm mắt trên giường. Đã lâu lắm rồi anh mới thấy lại dáng nằm đẹp và quyến rũ của mẹ. Áo cánh ngắn tay màu trắng. Quần lụa đen. Mái tóc dài xoả một bên. Chiếc mũi cao thanh tú. Bờ ngực vun. Điềm cảm thấy một xuyến xao dâng lên trong lòng mình rồi sau đó cảm giác xuyến xao này biến thành run rẩy mới đầu nhẹ sau tăng dần cường độ làm cho thân thể anh như mất dần đi sức lực không đủ phản kháng lại sự tưởng tượng khi nhìn mẹ của mình đang ngủ. Anh biết mình rất thương mẹ, rất mê mẹ, cái mê đắm và luyến ái câm nín, lặng thinh, không thể thốt thành lời, không thể tỏ cùng ai, của một thanh niên vừa trưởng thành mà lại thiếu kinh nghiệm tình yêu mà có bà mẹ trẻ, đẹp, quyến rũ, hợp tính tình và sở thích. Đó là thứ mê đắm và luyến ái phát nguồn bởi lòng thương yêu, tôn kính và ngưỡng mộ của một thanh niên nhiều mơ mộng và lãng mạn và một tâm hồn không dung dị và giản đơn.
    Đan Trầm nằm nhắm mắt song thức sau một chút thiếp mê. Ở trong trạng thái này nàng cảm thấy như có ai đang đứng gần, như có ai đang nhìn mình vì mơ hồ nàng nghe tiếng thở của người nào đó. Nàng liên tưởng tới hình ảnh và sự liên tưởng khiến cho nàng he hé mắt ra kín đáo nhìn. Làn da mặt xạm nắng. Mái tóc ngắn. Ánh mắt khắc khổ phả vào chút u buồn. Môi hơi mím lại như cố kềm giữ lời nào sắp thốt ra. Ánh mắt nhìn mê đắm. Đan Trầm cảm thấy lòng mình dâng lên sự quan hoài, chút thương tưởng. Trong sát na nào đó hai ánh mắt đụng nhau, quấn quít và hoà quyện với nhau lại thành mối cảm thông không thể nói thành lời.
    Hai cánh tay đưa lên, Đan Trầm mấp máy môi của mình.
    - Điềm... Con...
    Điềm mỉm cười. Đan Trầm ứa nước mắt vì nụ cười của con. Nó tội nghiệp làm sao. Nó buồn vô hạn.
    - Mẹ muốn ôm con vào lòng...
    Đan Trầm thì thầm. Điềm cúi xuống để cho vòng tay mềm ấm tình thương vòng quanh cổ kèm nụ hôn nhẹ lên trán.
    - Mẹ tưởng con thất hứa với mẹ rồi...
    Điềm nói thật nhỏ bên tai mẹ hiền.
    - Dạ... Rút kinh nghiệm lần này, lần sau mẹ đừng tin vào lời hứa của con. Lính mà...
    Đan Trầm bật lên tiếng cười nhỏ. Vỗ vỗ lên mặt nệm kế bên mình nàng nói như ra lịnh.
    - Nằm xuống đây... Mẹ muốn con nằm bên mẹ, để mẹ được ôm con vào lòng như lúc con còn nhỏ...
    Điềm vâng lời một cách vui vẻ. Đưa cánh tay ra để cho con gối đầu, tay kia Đan Trầm mân mê làn da mặt bắt đầu có vết sần sùi và chai cứng của con. Tự dưng nước mắt nàng ứa ra. Biết mẹ khóc Điềm vỗ về.
    - Mẹ... Bây giờ con mới biết con tình nguyện đi lính là một chọn lựa đúng đắn và có ý nghĩa. Con đang chiến đấu cho điều mà con tin tưởng. Đó là tự do cho cá nhân con và bình yên cho mẹ...
    Đan Trầm gật đầu. Nàng biết điều đó song lo sợ cho tính mạng của con trai thời nàng vẫn lo sợ. Nàng chỉ có một đứa con. Mất nó là một mất mát lớn lao không gì bù đắp được.
    - Mẹ có gì ăn hông mẹ. Con đói bụng...
    - Thiếu gì... Mẹ làm đủ thứ chờ con về ăn ngày hôm qua mà chờ hoài...
    Điềm rời giường. Anh mỉm cười khi thấy mẹ đưa tay ra cho mình nắm để kéo bà lên. Suốt buổi chiều và đêm đó hai mẹ con thức nói chuyện cho tới lúc còi hụ giới nghiêm mới đi ngủ.
    Đêm mồng hai. Sao óng ánh trên nền trời đen thẳm. Gió từ mặt nước của con rạch sau nhà bốc lên nhè nhẹ. Đêm tịch mịch. Đêm bình yên. Chiếc chiếu được trải ra. Bộ trà cũ. Dĩa mứt gừng. Hương trà ướp sen thoang thoảng. Đêm giã từ sao buồn rũ người ra tới độ không muốn nói dù chỉ lời dặn dò.
    - Mẹ ngâm thơ mẹ làm cho con nghe đi mẹ... Con nhớ giọng ngâm thơ quỳnh hoa của mẹ...
    Điềm nói như thì thầm. Đan Trầm cười lặng lẽ chưa kịp nói gì, Điềm lại tiếp.
    - Con muốn nghe và mang theo giọng ngâm thơ của mẹ khi con đi xa...
    Chầm chậm gật đầu, Đan Trầm cảm thấy mắt mình cay cay.
    - Mẹ có một yêu cầu...
    - Yêu cầu gì mẹ?
    - Mẹ xin con nằm gối đầu vào lòng mẹ để mẹ được...
    Khẽ cười tiếng nhỏ, Điềm ngã người nằm gối đầu vào lòng mẹ. Đan Trầm cúi xuống nhìn con. Giọng nói của nàng cất lên mơ hồ.
    - Mẹ ngâm cho con nghe bài Tương Biệt Dạ của thi sĩ Huyền Kiêu nhưng mẹ xin phép đổi vài lời cho phù hợp với chuyện của mình...
    Lời thơ như hơi thở ấm chở chất tình buồn phả vào mặt con trai đang ngước lên nhìn mình với ánh mắt vời vợi xa xăm.



    - Hiu hắt sương khuya lạnh bốn bề
    Tình sầu lên vụt đến sao Khuê
    Quý thay giây phút gần ly biệt
    Vương vấn người đi với kẻ về...



    Giọng người ngâm thơ nghẹn lại như vướng mắc cái gì. Điềm cười mà dường như nước mắt của anh ứa ra.

    - Ngồi suốt đêm dài không nói năng
    Ngậm ngùi chén rượu ánh sao băng
    Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ?
    Có giống như mình lưu luyến chăng?



    Điềm như chìm ngập trong cảm xúc dịu dàng khi được vuốt ve bởi bàn tay thần nữ của người mẹ thương yêu. Tiếng '' mình '' của mẹ nghe thật tuyệt, mang âm hưởng thân ái giữa hai người khác phái. Hình như trong phút giây mơ mộng và lãng mạn nào đó bà đã bỏ đi giới hạn để ngâm tiếng '' mình '' như nói với anh, người đồng trang lứa chứ không phải con của bà.



    - Sớm biệt ly nhau thêm nhớ nhau
    Nửa khuya chợt tỉnh bỗng nhiên sầu
    Đêm mùa xuân đó ai tâm sự?
    Mai xa nhau rồi. Ai nhớ ai?



    Điềm cho điều phỏng định của mình không sai sự thật lắm vì khi ngâm tới bốn câu cuối của bài Tương Biệt Dạ bà đã sửa, đổi nhiều chữ cho để hợp với lòng bà hay nói lên tâm sự của bà và đúng với hoàn cảnh của hai mẹ con. Như câu: '' Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau...'', bà đổi thành: '' Sớm biệt ly nhau thêm nhớ nhau...''. Tuy nó không hay và xác nghĩa như câu của tác giả song lại đúng vào hoàn cảnh nên làm cho anh bùi ngùi ứa nước mắt. Riêng câu '' Trăng mùa xuân đó ai tâm sự '' bà đổi một tiếng trăng thành '' Đêm '' để cho hợp với khung cảnh và thời gian vì mồng hai tết không có trăng.



    - Sớm biệt ly nhau thương nhớ nhau
    Nửa khuya chợt tỉnh bỗng nhiên sầu
    Đêm mùa xuân đó ai tâm sự?
    Mai xa nhau rồi, ai nhớ ai?



    Đan Trầm ngâm lại lần nữa bốn câu cuối cùng và lại đổi tiếng thêm thành ra thương. Điềm biết có giọt nước vị mằn mặn rơi trên môi mình.
    - Mẹ ngâm nữa con chịu hông?
    Điềm lên tiếng liền như sợ mẹ đổi ý.
    - Nằm trong lòng mẹ nghe mẹ ngâm thơ suốt đêm đối với con là ước mong của con. Mẹ ngâm đi mẹ, bài gì cũng được...
    Nói xong anh nắm tay mẹ đặt lên ngực của mình. Đan Trầm cảm thấy mình nghe được nhịp tim đập của con trùng hợp với nhịp đập của trái tim của mình. Cảm giác thật mơ hồ tạo nên chút run rẩy dịu dàng. Lời thơ buồn mà giọng của người ngâm thơ còn buồn hơn.
    - Còn một đêm nay thôi người ơi
    Ngày mai người đã ra đi rồi
    Đường về phương ấy xa xôi lắm
    Sài Gòn bơ vơ một mình tôi...
    *
    Sài Gòn vào khuya mưa bão bùng
    Người đi người có nhớ tôi không
    Rồi đây mỗi kẻ phương trời thẵm
    Tôi nhớ, tôi thương đến ngập lòng...



    Điềm biết có giọt nước vị mằn mặn rơi trên môi mình.
    - Mẹ... Con thương mẹ...
    Đan Trầm gật đầu thổn thức. Nàng biết nếu mở miệng ra nàng sẽ bật khóc thành tiếng. Bàn tay vuốt ve khuôn mặt của con trai nàng tưởng như mình đang vuốt ve chồng, người đàn ông giờ đã thành xa lạ quá trong đời sống. Cuối cùng rồi nàng cũng gắng gượng lên tiếng.
    - Mai con đi rồi chừng nào con về?
    Điềm im lặng không biết trả lời ra sao. Hỏi một người lính chiến khi nào trở về nhà thì khó mà có câu trả lời đích xác. Câu hỏi của mẹ làm anh liên tưởng tới câu '' chàng siêu mái tóc điểm sương mới về '' hay câu '' xưa nay chinh chiến mấy ai về ''. Sự đi và về của người lính tựa mây mưa, gió bão bất thường không biết trước được.
    - Dạ con không biết thưa mẹ...
    Đan Trầm cười lặng lẽ trong bóng tối. Dù rất si mê, con trai của nàng vẫn có sự tôn kính mẹ. Đó là kết quả của sự dạy dỗ nghiêm khắc từ hồi con còn nhỏ dại của ông bà ngoại và cả nàng nữa. Tiên học lễ hậu học văn. Câu đó được ông bà ngoại, nhất là ông ngoại áp dụng triệt để với đứa cháu ngoại độc nhất. Đi phải thưa về phải trình. Mỗi lần, trước khi chạy sang nhà hàng xóm chơi, Điềm đều phải khoanh tay trước ông bà ngoại và nói câu: '' Kính thưa ông ngoại... Kính thưa bà ngoại... Kính thưa mẹ con đi chơi...'' . Khi về cũng phải nói câu: '' Kính thưa ông ngoại... Kính thưa bà ngoại... Kính thưa mẹ con về...''. Riết rồi thành quen, anh nói với bất cứ người lớn tuổi hơn mình đều bắt đầu bằng hai tiếng dạ hoặc thưa. Riêng đối với ông bà nội ngoại và mẹ thì sự lễ phép, tôn kính được duy trì cho tới khi Điềm lớn khôn và có đủ hiểu biết thì mới giảm dần đi. Bởi vậy mà tới bây giờ Điềm vẫn dạ, thưa đối với mẹ hay bất cứ ai lớn tuổi hơn mình. Chính sự tôn kính đó là cái hàng rào vô hình cản ngăn anh có những hành động, cử chỉ và lời nói ngỗ nghịch vượt ra ngoài lễ giáo đối với đấng sanh thành.
    - Khi nào về được thì con về... Con đâu có ai đâu...
    Điềm nói với giọng buồn buồn. Cúi đầu xuống thật sâu Đan Trầm hôn lên trán con.
    - Con có mẹ nè... Con không về được thì mẹ lên thăm con... Chắc con không cấm mẹ lên thăm con...
    - Dạ... Chắc là không...
    Điềm cười nhỏ sau câu nói. Không biết nghĩ gì mà anh lại nói tiếp.
    - Đường từ chỗ con đóng quân về nhà thì không xa nhưng cũng không dễ đi. Lộ trình không được an ninh lắm vì địch đắp mô và chận đường phục kích hoài. Mỗi lần xin phép con phải được sự chấp thuận từ trên quận rồi phải có lính nằm đường giữ an ninh nữa. Như mai con trở lại thì con phải chờ trên quận cho tới khi nào có đoàn công voa hoặc toán lính yểm trợ để tháp tùng về tới chỗ đóng đồn... Mẹ đi thăm con cực khổ và nguy hiểm lắm mẹ...
    Điềm giải thích mong cho mẹ hiểu để bà đừng có đi thăm anh thường xuyên. Không phải anh không muốn bà lên thăm mà anh lo ngại cho bà. Chắc biết được sự lo âu của con, Đan Trầm thì thầm. Điềm cảm thấy lời thì thầm của mẹ như có giọng cười lẫn trong đó.
    - Mẹ sẽ không lên thăm con mỗi tháng đâu... Mẹ nhớ con thì mẹ viết thư...
    - Dạ... Con sẽ rán viết thư cho mẹ...
    - Xời... Rán viết thư hả... Chắc để dành thời giờ viết thư cho bồ hay người yêu hả...
    Vừa nói Đan Trầm vừa nựng má con khiến Điềm bật lên tiếng cười. Anh nói một câu mà cố làm cho giọng của mình thành ra cợt đùa nhưng Đan Trầm cảm thấy ẩn chứa nỗi niềm.
    - Con đâu có bồ... đâu có người yêu... Mẹ là cô bồ lớn nhất của con mà... Mẹ là người tình diễm tuyệt nhất của con mà...
    Có giọt nước rơi xuống làm mặn môi của mình, Điềm biết. Anh cũng biết có bàn tay đang trìu mến mắt môi của mình. Anh cũng thấy được đôi mắt đen đang cúi nhìn mình toả sáng ý tình thăm thẳm sâu rồi theo đó tiếng thở dài hắt hiu buồn của mẹ phả xuống mặt mình.
    - Mẹ nhớ con... Điềm ơi...
    Giọng nói lạc đi bay theo cơn gió nhẹ của đêm mồng hai tết. Không gian thật tĩnh lặng.
    Trời tang tảng sáng. Hai mẹ con đứng im nơi ngã ba chờ đón xe. Đường vắng tanh vì mới có mồng 3. Đan Trầm chợt nắm lấy bàn tay của con và xiết chặt lại như thay cho lời từ biệt mà nàng khó nói thành lời. Điềm quay qua nhìn mẹ mỉm cười như hiểu được ý tình của mẹ gởi trao qua cái nắm tay. Chiếc tắc xi trờ tới.
    - Dạ con đi thưa mẹ...
    Điềm nói thật nhanh. Đan Trầm buông tay con ra. Cửa mở. Điềm chui vào. Cửa đóng, chiếc xe chạy vụt đi qua cầu Thị Nghè. Đan Trầm nhìn theo bóng xe mất hút. Trong trí của nàng chợt hiện lên câu thơ mà nàng đã ngâm đêm hôm qua '' vương vấn người đi với kẻ về ''. Nàng tự hỏi ai vương vấn ai. Nàng có vấn vương hình bóng con trai không mà đang đứng trơ vơ mắt dõi theo bóng người đi xa còn lâu lắm mới trở về. Xưa nay chinh chiến mấy ai về. Ý nghĩ đó làm cho nàng hụt hẫng và chới với. Nếu Điềm không trở về thì đó là mất mát lớn nhất. Đó cũng là điều bi thảm nhất. Đưa tay áo lau vội nước mắt nàng lặng lẽ trở lại ngôi nhà quạnh hiu chỉ có mình nàng. Dọn dẹp nhà bếp, bàn ăn xong xuôi nàng vén màn bước vào phòng ngủ. Tần ngần đứng nơi chiếc giường vẫn còn buông xuống của con trai, nàng từ từ vén mùng lên, xếp mền lại, sửa gối lại cho ngay ngắn. Quyển tập học trò màu đen rơi ra. Nàng biết của con trai vì đã thấy nó ghi ghi chép chép trưa hôm qua. '' Lại quên rồi...''. Cầm lên ngắm nghía, tò mò nàng mở ra đọc thoáng trang đầu xong gấp lại thật nhanh. Đó là nhật ký của Điềm. Biết không nên đọc những gì riêng tư của người khác kể cả người khác đó là con của mình, do đó nàng dằn lòng gấp lại không đọc tiếp. Gấp lại rồi nàng lại phân vân, do dự, thắc mắc, băn khoăn. Nàng tò mò muốn biết con trai viết cái gì, suy tư như thế nào. Nó nghĩ về mình? Nghĩ như thế nào? Viết ra sao? Xấu hay tốt? Ghét hay thương? Còn giận? Còn hờn? Còn ghen tức với Mặc? Nó lưu lại cuốn nhật ký để làm gì? Quên? Hay cố tình lưu lại để cho mình đọc? Những câu hỏi, ý nghĩ hiện rồi mất, rồi lại hiện ra, lởn vởn trong trí não làm tăng thêm sự tò mò muốn biết của nàng. Cuối cùng nàng lẩm bẩm. '' Biết đâu nó làm bộ quên để cho mình đọc...'' Bằng ý nghĩ đó nàng chầm chậm mở quyển nhật ký ra rồi chăm chú đọc và đọc. Nàng say mê đọc tới độ ngồi xuống giường rồi lại nằm lăn ra nệm mà cũng không để ý tới. Khi thở dài, lúc mỉm cười, khi ứa nước mắt, lúc lắc lắc đầu, khi gật đầu, lúc lẩm bẩm những gì trong miệng; nàng đọc nỗi lòng của con trai và biết được một sự thực làm cho nàng bật khóc.
    - Điềm ơi... Mẹ thương con... tội nghiệp con...

    Comment


    • #17
      -16 -




      Tháng 4 năm 1967. Chiều xuống chầm chậm. Chiều nơi vùng đồng không mông quạnh thật êm ả mà cũng thật buồn đối với Điềm, một người lính độc thân xa nhà. Ngồi trên nóc hầm chỉ huy, anh chậm chạp xé phong thư mới nhận được hồi xế chiều mà vì bận việc nên phải để dành sau khi cơm nước xong mới lấy ra đọc. Nhìn nét chữ lả lướt và yểu điệu được viết bằng ngòi viết lá rong anh mỉm cười. Nịnh mẹ, anh thường hay khen bà có nét chữ đẹp như vóc dáng kiều mị của bà khiến cho bà thích chí cười hắc hắc. Đưa tờ giấy màu xanh lên gần hơn anh ngửi được mùi thơm thoang thoảng. Đoán hương thơm đó là mùi nước hoa, anh nhớ lại hồi còn nhỏ mẹ thường nhờ anh hái bông sứ đem vào cho bà ép vào những trang giấy mỏng mà bà gọi là giấy '' pellure '' để dùng ngòi viết lá rong chép những bài thơ của các thi sĩ được bà ưa thích hoặc viết lên những bài thơ của chính bà.



      - Con yêu của mẹ...
      Mẹ xin lỗi con vì mãi đến hôm nay mẹ mới viết thư cho con. Mẹ hổng có quên con đâu, con yêu thương của mẹ. Mẹ dám chắc là mẹ nhớ con nhiều hơn con nhớ mẹ dù mẹ biết nhớ nhung thì không thể cân đo hoặc nói nhiều hay ít. Sở dĩ mẹ nói mẹ nhớ con nhiều vì mẹ có quá nhiều thời giờ để nghĩ tới con, để nhớ lại kỹ niệm cũ xưa. Ngày ngày ngoài chuyện ăn ngủ và làm các việc lặt vặt thì mẹ tới lui, quanh quẩn trong ngôi nhà buồn để nhớ con. Mẹ gọi tên con hoài. Gọi tên con nhiều hơn tên của bác Mặc. Cách đây hai tuần, bác ấy đi phép có ghé nhà thăm mẹ. Hai người đi xem chiếu bóng ( thú thật là mẹ cũng hổng nhớ nội dung ra sao để kể cho con nghe ) rồi đi ăn tối ở nhà hàng Thanh Bình xong đi bộ xuống bến Bạch Đằng tới hơn 10 giờ đêm mới về nhà...
      À... Mẹ quên nói cho con biết một điều là sau khi con đi rồi, đem quần áo và mền gối của con đi giặt mẹ mới biết con đã bỏ quên cuốn tập của con lại. Khi nào lên thăm con mẹ sẽ mang nó lên cho con...



      Điềm ngưng đọc. Móc trong túi áo trây di ra gói thuốc lá anh rút một điếu đoạn quẹt diêm đốt. Giữa uống rượu và hút thuốc Điềm đã chọn hút thuốc vì anh cho rằng đó là thói hư không làm phiền hà những người ở cạnh anh vì tất cả đều hút thuốc lá. Hít hơi dài nhả khói ra anh suy nghĩ. Hôm tết anh về thăm nhà ở chơi tới mồng 3 mới đi. Khi về tới quận Củ Chi, lúc chờ xe về đơn vị anh mới biết mình đã bỏ quên cuốn nhật ký. Anh hi vọng mẹ hổng có đọc nó dù biết hi vọng của mình rất mong manh. Nếu bà có mở ra đọc thì anh cũng đành chịu thôi. Bây giờ trong thư bà có nhắc tới việc tìm thấy cuốn nhật ký mà không nói rõ có đọc hoặc không. Hơi văn của bà tự nhiên và không có gì khác lạ hết. Tuy nhiên anh biết mẹ là người rất có nghị lực để kiềm hãm tình cảm và ý nghĩ của mình. Ngay cả khi đã đọc những gì anh viết trong nhật ký bà cũng giấu kín không nói ra cảm nghĩ của mình.



      - Hôm kia mẹ buồn lang thang bát phố một mình, ước ao có con đi cùng để mình đi vào hẽm Casino ăn bún riêu, bún ốc hay bún mộc. Vào đó gọi tô bún riêu mà mẹ nhớ con vô cùng. Khi nào con về mẹ sẽ rủ con ra đây để mình ăn phình bụng, ăn mập thây...



      Điềm bật cười hắc hắc vì mấy tiếng phình bụng và mập thây. Hồi anh được 16, 17 tuổi, có một lần thấy anh mới ăn cơm trưa hồi 12 giờ xong nhào xuống nước lội tới 3 giờ chiều lại vào nhà lục cơm nguội bà bèn la câu: '' Tối ngày chẳng làm gì hết chỉ có ăn cho mập thây...''. Từ đó bà thường dùng tiếng mập thây để chọc thằng con ăn nhiều. Còn tiếng '' phình bụng '' là của anh nói mỗi khi rũ mẹ đi ăn Mì Cây Nhãn.


      - Kêu tô bún riêu song buồn quá mẹ ăn có hơn nửa tô thôi đã cảm thấy no cành hông rồi. Ước gì có con ăn phụ cho mẹ. Ăn xong mẹ đi mua hai cái radio, một cái chạy bằng pin còn một cái xài bằng điện. Mẹ sẽ đón nghe chương trình của đài phát thanh Sài Gòn và quân đội thường hơn vì mẹ đã là bà mẹ chiến sĩ. Hôm nào đi thăm con, mẹ sẽ đem lên cho con chiếc radio chạy pin vì mẹ biết nơi con ở không có điện...
      Bóng tối ụp xuống thật nhanh. Xếp lá thư chưa đọc hết bỏ vào túi áo trận, anh đứng lên định leo xuống. Bum... Xa xa có ánh lửa loé lên. Tiếng depart của pháo địch nghe thật gần.
      - Pháo kích...



      Người lính gác la lớn cùng với tiếng kẽng vang dồn dập. Điềm nhào xuống đất rồi lồm cồm bò vào hầm núp của mình. Pháo rơi tản mác. Chỉ pháo thôi song báo hiệu cho anh biết những ngày không bình yên sẽ bắt đầu.



      ****



      Khác hơn lần trước, lần này Đan Trầm được Tiên ra đón ở cổng chánh.
      - Dạ chào bác... Điềm mắc dẫn lính đi giữ an ninh trục lộ giao thông tới chiều mới về. Để tôi đưa bác vào chỗ của Điềm...
      Đan Trầm vui vẻ trò chuyện với Tiên trong lúc theo anh đi vào hầm trú ẩn của con trai.
      - Dạ bác cứ tự nhiên như nhà của bác. Chắc Điềm cũng sắp về tới...



      Nói vài lời dặn dò xong Tiên kiếu từ đi lo công chuyện. Chỗ ở của con trai cũng không khác bao nhiêu so với lần trước trừ một thay đổi nhỏ là chiếc giường ngủ rộng hơn. Chắc Điềm đã bảo lính sửa rộng ra để có đủ chỗ cho hai mẹ con nằm. Nhìn đồng hồ mới hơn ba giờ, đoán còn lâu con mới về nàng leo lên giường nằm nghỉ mệt rồi sau đó ngủ luôn.
      - Mẹ...



      Đang mơ màng thiếp ngủ, nghe tiếng gọi mẹ, Đan Trầm mở mắt ra. Mới hơn ba tháng thôi mà con trai nàng đổi khác khá nhiều. Khuôn mặt xương xương. Đôi mắt quầng thâm. Ánh mắt nhìn mỏi mệt. Sự khắc khổ, buồn rầu và câm nín chịu đựng làm cho người lính trẻ mới hơn hai năm quân vụ như già trước tuổi. Nhìn con, Đan Trầm mũi lòng ứa nước mắt.
      - Con ơi...



      Đan Trầm đưa hai tay ôm lấy con. Nước mắt của nàng chảy ra thấm ướt áo trận hôi mồ hôi, mùi khói súng và thuốc lá thành thứ mùi hăng hăng song nàng cảm thấy nồng nàn và dịu dàng.
      - Mẹ đi đường có mệt hông mẹ?
      - Mệt chút chút... Mẹ thấy con là mẹ hết mệt rồi...



      Vừa nói Đan Trầm vừa vuốt ve khuôn mặt, nhìn ngắm hình hài mình đã mang nặng đẻ đau, xác thân đã cưu mang dưỡng dục giờ đây không thuộc về mình nữa, không còn là của riêng mình nữa. Hình tượng đang đứng trước mặt nàng giờ đây thuộc về nước non, đang cầm khẩu súng để bảo vệ tự do cho dân tộc. Nếu con nàng có mệnh hệ nào thì lịch sử sẽ ghi danh và tổ quốc sẽ tri ân. Dù sao đi nữa nàng vẫn muốn đứa con yêu của mình phải sống. Đứa con là hi vọng, là bờ vai để nàng tựa đầu, là người để cho nàng trút nỗi niềm. Nó là lẽ sống của nàng. Mất con, nàng sẽ mất hết, không còn lại gì.
      Nhìn mẹ còn nằm dài trên giường, Điềm cười vò vò cái bụng xẹp của mình.
      - Mẹ có gì ăn hông mẹ. Con đói bụng muốn xỉu rồi mẹ ơi...
      Đưa tay ra cho con kéo mình ngồi dậy, Đan Trầm lên tiếng.



      - Mẹ có mua bánh mì thịt cho con nè... Có cà phê, sửa hộp và thuốc lá nữa. Mẹ nhờ con đem cho Tiên cây thuốc lá nói là của mẹ tặng...


      Điềm vừa gặm bánh mì vừa nhìn mẹ bày các thứ bà đem lên. Ăn xong anh lên tiếng.
      - Con dẫn mẹ đi tắm rồi con cũng phải tắm nữa. Tất cả mọi chuyện như ăn uống, tắm rửa phải xong trước khi trời tối. Lúc này đồn bị pháo kích hoài...


      Nghe giọng nói có vẻ nghiêm trọng của con, Đan Trầm vội vàng lấy quần áo rồi theo con đi về phía khu nhà của vợ con lính để tắm. Hai mẹ con tắm xong về tới chỗ ở cũng vừa đúng lúc trời xụp tối. Thắp ngọn đèn dầu sáng mờ mờ lên, Điềm hơi ngập ngừng giây lát mới hỏi nhỏ.
      - Mẹ... Quyển tập của con đâu?



      Đan Trầm quay người cúi đầu vào cái túi đựng quần áo của mình. Vì bà cúi đầu với lại không chú ý nên Điềm không thấy được nụ cười của bà. Chìa quyển tập bìa làm bằng da khá mới và rất xinh xắn ra trước mặt con, Đan Trầm cười thấp giọng nói.
      - Chút nữa là mẹ quên rồi...
      Da mặt hơi ửng đỏ Điềm ngập ngừng giây lát mới chịu mở miệng.
      - Me... mẹ... có đọc hông mẹ?
      - Đọc gì?
      - Đọc trong này nè...
      Đan Trầm cười lắc đầu.
      - Hổng cần đọc mà mẹ cũng biết được nỗi lòng của con mà...
      Mặt ưng ửng đỏ, Điềm cười gượng khi nghe câu trả lời của mẹ. Bước tới đứng trước mặt con, Đan Trầm vòng tay quanh cổ cùng với giọng nói từ ái, âu yếm và dịu dàng cất lên.
      - Mẹ thương con... Mẹ chỉ có mình con thôi... Mẹ có thể hy sinh bất cứ những gì mẹ có cho con kể cả tình thương của mẹ đối với bác Mặc... Mẹ có thể làm bất cứ cái gì, điều gì để được nhìn thấy con sung sướng...



      Đan Trầm nhấn giọng ở tiếng '' làm bất cứ cái gì, điều gì...'' như muốn cho con biết mình rất thành thực và nghiêm trọng trong quyết định của mình. Điềm rơm rớm nước mắt. Anh hiểu được tình thương bất vụ lợi, vô giới hạn của người đàn bà được anh gọi là Mẹ.
      - Mẹ nói thiệt hả mẹ?
      Điềm thì thầm. Đan Trầm gật đầu liền.
      - Mẹ nói đúng với lòng mình. Con muốn mẹ làm điều gì cứ nói ra...
      Không biết nghĩ gì mà Điềm lại vòng tay ôm mẹ trong lúc Đan Trầm cũng vẫn còn vòng tay quanh cổ con. Ở trong vòng tay của nhau, trong căn hầm trú ẩn chật hẹp và im vắng, hai mẹ con nghe được hơi thở của nhau, ngửi được mùi hương của nhau, rồi trong phút giây nào đó họ lặng nhìn nhau để biết rõ tình thương mẹ-con bất biến, bất khả huỷ hoại và hằng cữu.
      - Mẹ... Con muốn...
      Đan Trầm nghe giọng thì thầm của con có chút ngập ngừng, vướng mắc và nghèn nghẹn nước mắt. Hơi thở có mùi thuốc lá hoà quyện với mùi thuốc súng của áo trây di và hơi nước ẩm mục của căn hầm trú ẩn tạo ra thứ không khí làm cho nàng váng vất và lao đao như muốn ngã. Để lấy thăng bằng nàng phải tựa vào người của con.
      - Con muốn gì?
      Đan Trầm nghe mình lạc giọng nói và hơi thở bắt đầu sai nhịp. Điềm mấp máy môi.
      - Con... con muốn...
      Bum... Âm thanh đột ngột nổi lên trong đêm thanh vắng rồi tiếp theo tiếng xè xè nghe thật gần. Ầm... Căn hầm núp rung rinh như muốn xụp. Đang ôm mẹ trong vòng tay của mình Điềm vội nằm rạp xuống đất. Người của anh phủ lên thân thể của mẹ như che cho bà. Ầm... Loạt tiếng nổ vọng vang khắp nơi. Đan Trầm nghe lổ tai của mình lùng bùng rồi cơn mưa đất cát rơi xuống phủ kín mặt mũi cũng như mặt đất ẩm ướt mà mình đang nằm lên trên bị rung chuyển trong cơn động đất. Ngước nhìn lên nàng chỉ thấy được ánh mắt của con trai sáng lên trong bóng tối thâm u đang ì ầm tiếng nổ. Mươi phút sau đợi không còn nghe tiếng nổ nào nữa, Điềm mới nói nhỏ.
      - Chắc hết rồi... Mẹ sợ hông mẹ?
      Hỏi xong, Điềm thấy mẹ mỉm cười trong bóng tối mờ mờ của căn hầm trú ẩn.
      - Hông... Mẹ biết con sẽ che chở cho mẹ...
      Cười nhẹ như hiểu mẹ muốn nói điều gì, Điềm đứng dậy bước tới giường lấy chiếc đèn pin đặt dưới gối. Ánh sáng loé lên rồi lát sau chiếc đèn dầu được đốt lên. Chỏi tay ngồi dậy, Đan Trầm hỏi nhỏ khi thấy con bước ra cửa.
      - Con đi đâu vậy?
      - Mẹ cứ ở trong hầm... Con ra ngoài coi lính có bị gì không. Chút nữa con sẽ trở lại...
      Một mình trong căn hầm trú ẩn, Đan Trầm đưa tay phủ quần áo và đầu tóc dính đầy bụi. Nàng có vẻ trầm tư nghĩ ngợi điều gì mà ngồi chống tay lên càm, mắt chăm chú nhìn ngọn đèn dầu toả ánh sáng lù mù như sắp cạn dầu. Bên ngoài có tiếng nói chuyện lao xao. Lát sau Điềm bước vào. Đan Trầm hỏi nhỏ.
      - Có ai bị gì không con?
      - Dạ không...
      Liếc một vòng căn hầm anh thấp giọng.
      - Mình phải tắt đèn. Mẹ lên giường nằm đi để con tắt đèn...
      - Dạ tôi nghe chuẩn uý năm trên năm...
      Nói xong Đan Trầm bật cười hắc hắc. Nghe mẹ, hổng biết học từ đâu hay học từ ai, lại xưng hô với mình như thế, Điềm không nhịn được cũng bật cười vui vẻ. Đợi cho mẹ leo lên giường, đắp mền xong anh mới thổi tắt đèn đoạn trèo lên giường nằm xoay mặt ra ngoài.
      - Hồi nãy, trước khi bị pháo kích, mẹ có hỏi con muốn gì, con trả lời con muốn... mà con muốn cái gì?
      Nhờ đêm yên tịnh nên Đan Trầm nghe được tiếng thở dài dù rất nhẹ của con.
      - Dạ... Con muốn mẹ lấy chồng... lấy bác Mặc...
      Tới phiên Đan Trầm thở dài. Nàng biết nước mắt của mình ứa ra từ từ rồi sau đó thành giọt lăn dài trên mặt. Giọng nói trầm khàn của Điềm cất lên thật buồn.
      - Con là lính ở xa mẹ lại không biết sống chết lúc nào nên không thể săn sóc và an ủi mẹ được. Bác Mặc dù sao cũng là người tốt, thương yêu mẹ nên bác ấy sẽ bảo bọc cho mẹ...
      - Mẹ đâu cần ai bảo bọc... Mẹ sống một mình được mà...
      Đan Trầm lên tiếng với giọng ngậm ngùi như cố gắng cưỡng lại lời khuyên của con.
      - Con biết mẹ không cần ai bảo bọc song sống đơn chiếc mẹ sẽ buồn và khổ nhiều. Mai mốt già nua lúc đó mẹ sẽ cần có người chồng bên cạnh...
      Đan Trầm chợt xoay người nằm nghiêng. Sờ soạng giây lát nàng mới nắm được tay con và cứ nắm chặt lại không chịu rời. Điềm chợt xoay người lại nằm đối diện như muốn nhìn thấy mắt của mẹ trong bóng tối.
      - Mẹ hứa nếu con muốn cái gì, điều gì thì mẹ sẽ làm miễn là con sung sướng...
      Đan Trầm lặng thinh trong lúc nhìn vào mặt con trai. Lát sau nàng mới thì thầm.
      - Mẹ có nói như vậy...
      - Mẹ lấy bác Mặc thì mẹ sẽ làm ba người sung sướng. Trước nhất mẹ làm con sung sướng, sau đó mẹ sẽ làm cho mẹ và bác Mặc được hạnh phúc...
      Đan Trầm hỏi lại một câu.
      - Sao con biết mẹ sẽ hạnh phúc bên bác Mặc?
      Im lặng khá lâu Điềm mới lên tiếng.
      - Có thể mẹ không hạnh phúc song mẹ sẽ làm con và bác Mặc được sung sướng. Như thế cũng xứng đáng cho sự hy sinh của mẹ. Đôi khi mình chỉ cần hy sinh cho một người thôi cũng đủ...
      Đã đọc được những gì Điềm ghi lại trong nhật ký, Đan Trầm hiểu được ý nghĩa ẩn trong câu nói của con. Do đang nằm nghiêng nên nàng thấy được một nét mặt buồn đến não lòng.
      - Nếu mẹ thương con mẹ nên lập gia đình với bác Mặc...
      Đan Trầm thở dài buồn bã.
      - Mẹ sẽ suy nghĩ lại chuyện này...
      Điềm hôn lên trán mẹ. Giọng của anh thật dịu dàng và trìu mến.
      - Con thương mẹ... Con vui vì biết mẹ ít nhiều gì cũng có hạnh phúc...
      Đan Trầm cay cay mắt. Hai tiếng '' hạnh phúc '' của con trai nghe như có nước mắt.

      Comment


      • #18
        - 17 -




        Mặc ngạc nhiên khi nhận được thư của Điềm. Đã lâu có lẽ hơn hai năm anh không gặp lại cậu con trai của Đan Trầm. Nàng cho anh biết Điềm sau khi ra khỏi Thủ Đức đã được đổi về quận Củ Chi. Nay tự dưng được thư của Điềm anh lấy làm lạ bèn mở thư ra đọc.



        - Kính thưa bác,
        Chắc bác ngạc nhiên khi nhận được thư này. Tháng trước mẹ cháu có lên thăm cháu và cháu có hỏi mẹ về mối giao tình giữa bác với mẹ cháu. Bà cho biết là rất mến bác và có hỏi ý cháu về việc bà bước đi bước nữa. Cá nhân cháu rất kính mến bác, biết bác là một người có thể đem lại hạnh phúc cho mẹ của cháu. Vì thế cháu đã khuyên mẹ cháu nên lập gia đình với bác vì bác sẽ là người chồng tốt, hết lòng bảo bọc mẹ cháu. Cháu viết thư này cho bác chỉ muốn xác định một điều là cháu không phản đối mà còn vui mừng có thêm bác ở trong gia đình của cháu.
        Vài hàng cho bác rõ... Chúc bác được bình an và khoẻ mạnh...

        Đọc xong lá thư ngắn và gọn của Điềm gởi cho mình, Mặc thở hơi dài nhẹ nhỏm. Đã mấy lần anh ngỏ lời cầu hôn mà Đan Trầm cứ năn nỉ anh chờ. Nàng viện cớ muốn hỏi ý kiến của Điềm. Biết Đan Trầm rất mực thương yêu và chiều chuộng đứa con trai của nàng nên anh cũng gắng gượng chờ đợi. Hôm nay thật may mắn được thư của Điềm tỏ ý ưng thuận về chuyện lấy chồng của mẹ nên anh định cuối tuần này về Sài Gòn để hỏi Đan Trầm lần nữa. Có thư kèm của Điềm anh hy vọng nàng sẽ bằng lòng lập gia đình với mình.





        ****



        Đan Trầm chậm rãi đọc lá thư của con trai gởi cho Mặc trong lúc anh ngồi đối diện với nàng qua chiếc bàn ăn cơm. Nàng đọc thật chậm, từng chữ từng chữ một như muốn tìm hiểu một cách tận tường ý nghĩa của lá thư mà Mặc dùng làm bằng chứng hổ trợ cho lời cầu hôn của anh. Chỉ có nàng, vốn đã gần gụi và trò chuyện với con cách đây hơn tháng mới nhận ra đằng sau hơi văn bình thường giấu kín một chịu đựng và nhẫn nhục. Nàng hiểu được nỗi lòng thầm kín của con. Phải thương yêu nàng nhiều lắm nên con mới khuyên lơn và năn nỉ nàng lập gia đình với Mặc. Nó đã mất cha giờ thêm mất mẹ nữa. Nàng nở lòng nào bỏ con bơ vơ để vui hưởng hạnh phúc của riêng mình.
        - Đan Trầm nghĩ sao?
        Mặc rụt rè lên tiếng. Thấy nàng vẫn im lặng anh cười nhẹ tiếp.
        - Dù gì thì Điềm cũng đã lính rồi, đã lớn rồi...
        Đan Trầm không nói gì hết. Mặc chưa có con nên không biết là đối với nàng, Điềm không bao giờ lớn, vẫn là đứa con nhỏ dại cần sự săn sóc và an ủi của nàng. Huống chi bây giờ trong cương vị người lính đang cầm súng, đứa con yêu còn cần sự giúp đỡ của nàng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên đã lỡ hứa sẽ làm bất cứ điều gì con muốn, nàng khó mà từ chối lời khuyên nhũ và van xin của con. Huống chi nàng cũng biết việc mình đi lấy chồng là cách giải quyết hợp lý đối với hoàn cảnh khó xử của mình.
        - Anh cho Đan Trầm vài ngày để suy nghĩ nghen. Em sẽ viết thư cho anh...
        Dù buồn song Mặc cũng gượng cười đứng lên. Đan Trầm theo anh ra tới cửa. Dừng tại cửa giây lát anh hỏi nhỏ.
        - Anh có hi vọng gì không?
        Mỉm cười nhìn người bạn tình, Đan Trầm nắm tay anh đoạn hôn lên má. Lần đầu tiên nàng mới có cử chỉ âu yếm như vậy.
        - Có chứ... mà còn có nhiều lắm... anh rán chờ nghen...
        Bật lên tiếng cười vui mừng Mặc bước ra cửa. Đan Trầm đứng nhìn theo mà nước mắt lăn dài. Nàng không thể nói rõ những ý nghĩ của mình cũng như nàng không thể hé răng thố lộ thứ tình cảm oái oăm của hai mẹ con cho Mặc nghe. Nó sẽ và phải được chôn sâu vào đáy lòng với hi vọng thời gian phủ lên lớp bụi để quên.






        ****



        - Sài Gòn ngày 25 tháng 10 năm 1967
        Điềm thương yêu của mẹ...
        Tháng rồi bác Mặc có ghé qua nhà thăm mẹ. Bác ấy '' trình '' với mẹ lá thư của con gởi cho bác ấy như là bằng chứng hiển nhiên về sự con không phản đối mà còn khuyến khích mẹ đi lấy chồng. Sau một tuần lễ suy nghĩ cặn kẽ, '' vâng theo lời con dạy nên đi lấy chồng '', mẹ đã viết thư chấp nhận lời cầu hôn của bác Mặc. Hôn lễ sẽ được cử hành sau tết trong vòng thân mật của gia đình thôi vì mẹ không muốn làm rình rang. Mình đâu có vui, có mừng được khi lòng mình buồn bã, tâm hồn mình ủ ê. Một điều mà mẹ yêu cầu là sự có mặt của con. Sự hiện diện của con như món quà có ý nghĩa nhất trong ngày vui của mẹ. Thiếu con, mẹ cảm thấy trơ trọi, bơ vơ và buồn tủi. Bác Mặc, dù thương yêu mẹ cách mấy cũng không phải là con, không thể đóng vai trò của con, một người mà mẹ thương yêu suốt đời. Hơn hai mươi năm ngọt bùi có nhau, hưởng chung niềm vui, chia xẻ nhau nỗi buồn; con trở thành nửa phần của mẹ rồi con ơi...

        Điềm thở dài mắt cay cay. Anh cảm thấy mình rã mục. Rồi đây, sau khi người mẹ thân yêu có chồng, anh dường như không còn có chỗ để về nữa. Nhà đồng nghĩa với niềm vui, nơi chốn để cho anh an nghỉ sau những ngày chinh chiến mỏi mệt bây giờ trở thành nỗi đau chát đắng, tiếng thở dài hắt hiu và sợ không dám nhìn thấy hạnh phúc của người mình thương yêu. Đốt điếu thuốc, hít liên tiếp ba hơi dài, nhả khói ra từ từ anh đọc tiếp lá thư của mẹ.



        - Con và mẹ, mình đã có nhiều kỹ niệm, quá khứ êm đềm không thể quên lãng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Huống chi dù mẹ có chồng, hình ảnh con vẫn chiếm trọn trái tim của mẹ. Con mãi mãi là người mẹ thương yêu nhất, cũng như mẹ là người con yêu thương nhất.Tình thương của con dành cho mẹ thật diễm tuyệt, thật quí báu cho nên mẹ sẽ cất giữ ở trong lòng mình. Mẹ cám ơn con đã yêu thương mẹ, đã dành cho mẹ một ngôi vị độc nhất trong trái tim nhỏ bé của con.
        Mẹ sẽ gọi tên con hoài huỷ trong giấc ngủ của mẹ cũng như nhớ con như nhớ một người ở xa, xa ngoài tầm tay với của mình.



        Lần nữa, mẹ xin con cố gắng thu xếp để có mặt trong ngày vui của mẹ...
        Điềm gấp lá thư lại bỏ vào túi áo trận. Chiều xuống chậm, mênh mông buồn. Anh tự hỏi mình sẽ làm gì cho hết đêm nay và những đêm kế tiếp.

        Comment


        • #19
          -18 -




          26-1-1968.
          Thiếu tá Minh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn K6 đứng im quan sát địa điểm mà tiểu đoàn của ông ta có nhiệm vụ phải nhổ để lấy đường tiến về Sài Gòn trong kế hoạch Tổng Công Kích đợt 1. Tiểu đoàn K6 là một tiểu đoàn tân lập với 3 đại đội chủ lực miền cộng thêm một đại đội súng nặng và một trung đội đặc công. Với hoả lực mạnh mẽ và quân số tám trăm người, ông ta tin tưởng đơn vị sẽ tràn ngập ngôi đồn nhỏ bé và vô danh này trong nửa ngày thôi.

          Theo tin tức của tổ tình báo nhân dân, ngôi đồn được trấn đóng bởi một đại đội có quân số 130 người, do một sĩ quan Nguỵ mang cấp bậc thiếu uý chỉ huy. Một tuần lễ trước, lợi dụng trời tối tổ đặc công đã thử xâm nhập tuyến phòng thủ của địch và họ đã vào tới hàng rào kẽm gai thứ nhì không mấy khó khăn. Ngoài ra họ còn vẽ được sơ đồ về sự phòng thủ của đồn, như các ụ súng cộng đồng, trạm gác, cách thức canh gác và tuần tiễu của địch nữa. Điều này khiến cho Minh càng thêm tin chắc đơn vị của mình sẽ dứt điểm địch trong thời gian ngắn ngủi để thúc quân tiến về Sài Gòn đúng ngày mồng 1 Tết Mậu Thân. Thượng cấp đã hứa hẹn là ông ta sẽ được gắn lon trung tá tại Sài Gòn để ăn mừng chiến thắng của mặt trận.



          Trời cao và xanh. Nắng lổ chổ dọi bóng xuống mặt đất đầy lá mục. Minh hơi quay đầu lại khi thấy vị đại uý tiểu đoàn phó xuất hiện.
          - Trình đồng chí tiểu đoàn trưởng. Liên lạc viên báo cáo đã dò đường xong rồi. Tình hình rất yên vì địch đã rút vào đồn...


          Khẽ gật đầu thiếu tá Minh đưa tay lên xem giờ. Chiếc đồng hồ cũ của ông ta đã ngưng chạy vì hai cây kim chỉ giờ và phút đứng yên tại chỗ. Minh lắc đầu cười gượng quay sang hỏi người lính mang máy của mình.
          - Mấy giờ rồi chú?
          - Dạ... Trình đồng chí thiếu tá... Bây giờ đúng 5 giờ chiều...
          - Vậy à... Đồng hồ của tôi chỉ 2 giờ...
          Người lính mang máy cười nhẹ.
          - Dạ... Đồng chí tiểu đoàn trưởng cần cái đồng hồ mới...

          Gật đầu Minh ra lịnh di quân mà óc lại tính tới chuyện mua cái đồng hồ mới khi vào tới Sài Gòn. Tám trăm người lính của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lặng lẽ di chuyển tới gần địa điểm. 8 giờ tối. Nương theo bóng đêm, cả tiểu đoàn chia quân bao vây kín mít ngôi đồn chờ tới đúng nửa đêm sẽ nổ súng đồng loạt tấn công.



          Gần 12 giờ rồi mà Điềm vẫn còn thức. Trên mặt bàn làm bằng ván thùng đạn đại liên bày la liệt đủ thứ. Cái gạt tàn thuốc đầy ắp. Ly cà phê cạn chỉ còn chút nước dưới đáy. Trước mặt anh hai tờ giấy pellure màu xanh nhạt chứa đầy chữ. Đó là thư của mẹ mà anh đã nhận được ngày hôm qua. Bà viết thư hỏi thăm, chúc tết và cũng nhắc lại chuyện anh cần có mặt trong đám cưới của bà được tổ chức hai tuần lễ sau tết. Đưa tờ giấy pellure lên mân mê giây lát anh chợt thở dài. Không còn bao lâu nữa, người mà anh thương yêu nhất sẽ đi ra khỏi đời anh, sẽ không còn của riêng anh nữa mà thuộc về người khác. Dù biết tình yêu của mình đối với mẹ là thứ tình tuyệt vọng không có lối thoát nào hết ngoài sự chấm dứt; nhưng tự trong thâm tâm anh vẫn hoài nuôi hi vọng người mẹ mà mình thương yêu, si mê sẽ không bao giờ thuộc về ai hết. Nếu người đó không thuộc về anh thì cũng không thuộc về ai hết. Điều đó đã không xảy ra. Thôi hết rồi đôi mắt dài có đuôi, long lanh đen màu thần nữ huyền bí.

          Thôi hết rồi nụ cười nghe hoài không chán. Thôi còn đâu nữa bàn tay dịu dàng như măng trúc mùa thu từng ve vuốt, nâng niu khuôn mặt. Còn đâu những đêm mưa, anh nằm im lặng thầm hít thở hương tóc dịu dàng, hơi thở thơm mùi hoàng lan âm thầm len vào mũi của mình đọng thành nỗi mê man đắm đuối tới độ mỗi lần hồi tưởng lại phải ứa nước mắt vì tiếc nuối. Thôi hết rồi những ý nghĩ xôn xao khi vô tình ánh mắt si mê dại khờ đọng cứng trên làn da trắng muốt có nốt ruồi son. Hai giọt nước mắt lăn từ từ và chảy chầm chậm xuống môi. Không khí trong căn hầm trú ẩn lạnh lùng và ẩm mục mùi đất. Ánh đèn dầu mờ hàng chữ viết bằng ngòi viết lá rong. Từ đây mẹ là của người khác. Mẹ sẽ có người để nâng bàn tay, để nhìn vào đôi mắt, để lo bữa ăn, để thì thầm tình tự. Người đàn bà mà anh gọi bằng mẹ sẽ không còn gọi tên anh thường xuyên nữa.

          Người đó dù có nhớ anh, gọi tên anh cũng chỉ là nỗi thoáng nhớ bất chợt và thờ ơ khi nghe tin chiến sự hay có cơn mưa đêm đổ về thành phố. Trong khoảng không gian nhỏ hẹp và tĩnh lặng anh mơ hồ nghe được giọng ngâm thơ lãng mạn, trữ tình của ai đó rót vào tai mình như thứ muộn phiền dai dẳng kéo dài hoài huỷ. ''
          Rồi đây ai thắp mắt đêm dài...''. Biết bao đêm anh ngồi mở mắt nhìn ngọn đèn dầu leo lét, để nhớ, để hồi tưởng, để ôn lại hoài hoài quá khứ, kỹ niệm chưa nhạt màu, đọc lại những lá thư của một người mà anh biết dù có rã mục thành đất cát cũng không thể quên được. Buồn, giận và ghen hờn về sự giao du của mẹ với Mặc, anh tình nguyện đi lính với ý nghĩ muốn quên đi mối tình si dại khờ của mình.

          Tuy nhiên, 12 tháng trong quân trường và hơn năm đi lính đóng đồn ở xa, anh mới biết không thể giải quyết tình si bằng cách đó. Sau không biết bao đêm thao thức, băn khoăn, suy nghĩ, tra hỏi, lục vấn, đào xới tâm tư, anh mới nhận ra tình si của mình đối với mẹ không giản dị là mối tình si mà còn là thứ tình cảm kỳ diệu, lạ lùng, phức tạp và nhiều mâu thuẫn nội tại cho nên không thể giải quyết bằng cách giản dị: đi lính. Cũng không thể giải quyết bằng cách quên dưới bất cứ hình thái nào bởi vì khi mình yêu rồi thì không thể quên. Với anh, bây giờ tình yêu thành thứ tai nạn của tâm hồn theo cái nghĩa đơn thuần nhất.



          Bum... bum... bum... Đang mơ màng suy tưởng Điềm chợt mở mắt. Vành tai lính bắt được âm thanh tiếng depart của viên đạn 82 ly thoát ra khỏi nòng súng. Oành... Ầm... Ầm... Chụp lấy khẩu Carbine M2, tay xách máy 25 Điềm lao ra cửa. Ánh lửa nháng, loé lên khắp nơi trong đồn. Hàng loạt tiếng nổ rung rinh mặt đất. Bụi đất văng rát mặt mày. Bóng người chạy loáng thoáng. Thượng sĩ Tín, đại đội phó xuất hiện như bóng ma.
          - Thiếu uý hả?
          Điềm lên tiếng chậm và bình tỉnh.
          - Tôi đây... Nó pháo dữ quá...
          Ông thượng sĩ già có 20 năm kinh nghiệm nói nhanh.
          - Chắc tụi nó pháo trước khi đánh đồn...
          Điềm lên tiếng nhanh và gọn.
          - Để tôi ra coi tình hình... Ông điều động bốn trung đội vào vị trí nghen...
          Tay xách máy, tay xách súng, Điềm nhảy xuống giao thông hào chạy ra hướng tây đối diện với khu rừng. Ngẩng đầu lên anh thấy từ trong khu rừng thưa ánh sáng loé lên từng chập và hàng loạt âm thanh cũng vọng ra từ hướng đó. Ngẫm nghĩ giây lát anh vào tần số liên lạc với chi khu xin pháo binh bắn yểm trợ. Pháo của địch mỗi lúc tăng cường độ rơi vãi như mưa vào ngôi đồn nhỏ. Tiếng hò, hét, la, chửi thề vang vang trong đêm sáng nhờ ánh hoả châu cháy lơ lửng trên trời. Pháo thưa dần rồi dứt hẵn.
          - Rồi... Tụi nó xung phong...
          Điềm quay lại khi nghe tiếng của thượng sĩ Tín ở đằng sau lưng của mình. B40 nổ ầm ầm bắn xập các vọng gác lộ thiên. Địch sử dụng bangalore cuộn hàng rào kẽm gai thành đường trống lấy chỗ cho bộ đội tiến vào. Vì chưa có lịnh nên lính trong đồn chưa khai hoả. Điềm xiết chặt ống liên hợp trong tay mình. Anh đợi cho tới khi cần thiết.
          - Bắn...
          Lệnh tác xạ nổ ra trong máy truyền tin. Bốn đại đội hơn trăm người cùng lúc nhắm bắn vào địch quân đang tiến công từ hai hướng bắc và đông. Bóng áo xanh của bộ đội và áo đen của du kích đi đầu ngã xuống. Súng của hai phe nổ rền trời đất. Đạn lửa xẹt tứ tung. Lựu đạn gài, mìn chôn nổ điếc con ráy. Vào tới lớp kẽm gai thứ ba, lính của tiểu đoàn K6 khựng lại vì hoả lực mạnh mẽ của lính trong đồn.
          - Xung phong...
          Tiếng hét vang rền cùng với kèn thổi lanh lảnh. Điềm quay nhìn thượng sĩ Tín và thấy ông ta cũng đang nhìn mình. Hai cấp chỉ huy, một thừa kinh nghiệm và một đầy suy tư đều hiểu họ đang bị địch quân dùng chiến thuật biển người áp đảo. Địch có quân số cỡ tiểu đoàn với pháo và súng nặng theo ba mặt ập vào, trong khi lính trong đồn có chừng trăm người lại thiếu sự yểm trợ của phi pháo. Đại bác của chi khu chỉ bắn có vài trái 105 rồi im luôn. Liên lạc với chi khu được nửa chừng cũng gián đoạn luôn. Điều đó cho Điềm biết có sự trục trặc trầm trọng. Có thể chi khu cũng bị đánh chiếm nên không trả lời được. Bây giờ anh phải tự lo liệu lấy một mình.
          - Thiếu uý coi mặt này. Tôi qua bên chổ thằng Tám Tàng... Coi bộ mặt bên đó nặng hơn...
          Đưa ống dòm lên quan sát, Điềm dặn vói theo.
          - Ông cẩn thận... có gì báo cho tôi biết...
          Thiếu tá Minh cau mày vì tình thế xảy ra không theo như ý của ông ta tính toán. Sau ba lần tiến công, binh sĩ của hai đại đội 1 và 2 đã khựng lại ở hàng rào kẽm gai thứ ba bởi hoả lực mạnh mẽ và chính xác của địch. Tên sĩ quan chỉ huy của Nguỵ quả khôn ngoan và có nhiều kinh nghiệm chiến trường nên điều động binh sĩ dưới quyền nấp sau các công sự phòng thủ, giao thông hào chống trả dữ dội. Cứ theo đà này thì tiểu đoàn K6 phải mất nhiều thời giờ mới bứng được cái đồn vô danh này. Đó là chưa nói tới quân tiếp viện từ quận Củ Chi lên hay phi cơ của địch can thiệp. Không muốn mất thời giờ, Minh ra lệnh cho đại đội súng nặng tham chiến. Mọt chê 82 ly rót vào, B40 trực xạ vào công sự phòng thủ còn đại liên 12 ly 8 và thượng liên bắn xối xả vào đồn trong lúc trung đội đặc công dùng ống bangalore phá huỷ kẽm gai. Tiếng hò hét xung phong hoà với tiếng súng đủ mọi loại của tiểu đoàn K6 có quân số 800 người như muốn huỷ diệt ngôi đồn do vị thiếu uý có ba năm quân vụ và mới lên nắm quyền chỉ huy đại đội một trăm ba chục người hơn tháng. Không cần nói cũng biết kết quả ra sao. Tới gần sáng tiếng súng im hẵn. Lính của tiểu đoàn K6 hờm AK tiến vào trung tâm ngôi đồn đã bị san thành bình địa. Lát sau thiếu tá Minh và bộ chỉ huy tiểu đoàn thong dong đi vào.
          - Thằng sĩ quan Nguỵ đâu rồi?
          Minh gằn giọng hỏi.
          - Trình đồng chí tiểu đoàn trưởng. Nó đang nằm đằng kia...
          Theo chân lính, Minh tới đứng trước đống xác quân địch đang nằm chất chồng lên nhau. Riêng có một tử thi trên áo gắn một bông mai màu vàng nằm lẻ loi.
          - Nó đó trình đồng chí...
          Minh gật đầu nhìn người đang nằm chết. Người chết còn rất trẻ. Hơi khom người xuống vị sĩ quan cấp tá của mặt trận nhanh tay tháo chiếc đồng hồ Seiko đeo nơi tay người chết. Đưa nó lên ngắm nghía ông ta mỉm cười hài lòng về món quà chiến thắng. Nó tới đúng lúc ông ta đang cần chiếc đồng hồ thay thế cho cái cũ đã ngưng chạy. Đeo chiếc đồng hồ vào tay xong liếc nhanh vào mặt người chết lần nữa, ông ta quay lưng bước đi. Mặt trời vừa ló lên nơi hướng đông. Minh ra lệnh di quân. Sài Gòn không còn xa lắm.



          Comment


          • #20
            - 19 -




            Đan Trầm chăm chú nhìn người chồng cũ đang ngồi trước mặt mình. Da mặt xạm nắng, mái tóc cắt ngắn, nét mặt xương xương và ánh mắt ánh lên nhiều tự mãn và tự tín làm cho ông ta có vẻ gì xa lạ đối với nàng.
            - Em mạnh không?
            Minh hỏi một câu ngắn và gọn sau thời gian xa cách với người vợ cũ hơn hai mươi năm.
            - Cám ơn ông tôi mạnh...
            Minh hơi thoáng cau mày vì cái giọng lạnh nhạt của người vợ cũ.
            - Ông về đây làm gì? Ông gặp tôi có chuyện gì?
            - Anh về giải phóng thủ đô. Lực lượng của mặt trận đã chiếm đóng Sài Gòn rồi. Anh về giải phóng em khỏi tay bọn Mỹ Nguỵ...
            Đan Trầm cười mỉm.
            - Tôi đâu cần ông giải phóng... Ông tới đâu là người chết tới đó mà lúc nào cũng rộng họng nói là giải phóng... Tôi không tin ông đâu...



            Minh xám mặt. Nếu người khác, bất cứ ai mà nói những lời đó với ông thì sẽ có rắc rối lớn. Tuy nhiên đây là người vợ cũ mà ông biết rõ tính tình. Ai sợ ông, ai sợ cái uy quyền của ông chứ người đàn bà chân yếu tay mềm này chẳng coi cái lon thiếu tá, cái chức tiểu đoàn trưởng của ông ra cái khỉ khô gì hết.
            - Thằng Điềm, con tôi bây giờ ở đâu?
            - Tới bây giờ ông mới hỏi câu đó à. Ông là người cha thiếu bổn phận thời hỏi làm chi...
            Mắt sáng vẻ giận dữ, Mình đấm nhẹ tay lên bàn.
            - Em đừng có hổn hào... Tôi nhịn em nhiều rồi...
            Đan Trầm lặng thinh. Không phải nàng sợ lời cảnh cáo của ông chồng cũ mà đang bận nhìn vào chiếc đồng hồ Seiko nơi tay của ông ta. Nó thật quen.
            - Anh cho tôi coi chiếc đồng hồ của anh được không?



            Đan Trầm dịu giọng nói với chồng cũ. Nghe vợ cũ dịu ngọt, Minh cười nhẹ tháo chiếc đồng hồ đưa cho vợ. Lật đáy chiếc đồng hồ lên nàng thấy có hàng chữ '' Đ-ĐT ''. Đó là chữ viết tắt tên Điềm và Đan Trầm mà nàng đã mướn khắc vào bên dưới chiếc đồng hồ làm quà kỹ niệm cho con trai trong dịp lễ mãn khoá trường võ bị Thủ Đức hai năm về trước.
            - Ở đâu anh có chiếc đồng hồ này?
            Hơi cau mày vì cử chỉ thất thần và giọng nói khác lạ của vợ song Minh cũng cười vui vẻ trả lời.
            - Anh lấy nó từ xác của thằng sĩ quan Nguỵ...
            Đan Trầm bật lên tiếng nấc nghẹn. Nhìn người chồng cũ đang ngồi đối diện với mình, nàng tức tưởi.
            - Thằng sĩ quan Nguỵ đó là Điềm, con trai của ông đó... Ông giết con tôi rồi ông ơi... Ông đi đi... Tôi van ông... Đi đi và đừng bao giờ trở lại...
            Nhìn theo dáng người chồng cũ thất thểu ra cửa, Đan Trầm gục đầu lên bàn miệng lẩm bẩm.
            - Điềm ơi... Con ơi...

            Comment


            • #21
              Đóng truyện.


              Mẹ kính yêu,
              Thế là còn không bao lâu nữa hôn lễ giữa mẹ và bác Mặc sẽ được cử hành. Đó là một ngày trọng đại và ngày vui lớn của mẹ. Con thành tâm cầu chúc mẹ được hạnh phúc cho tới hết cuộc đời bên người chồng mới. Bác Mặc sẽ là một người chồng tốt. Bác sẽ thương yêu mẹ và lo lắng cho mẹ. Con tin như thế. Bác sẽ thay con chăm sóc mẹ. Con bây giờ ở cách xa mẹ lắm rồi nên không thể chu toàn chữ hiếu của mình. Con là lính, có trách nhiệm đối với tổ quốc, dân tộc và anh em binh sĩ dưới quyền. Con chỉ xin mẹ hiểu và tha lỗi cho con. Con sẽ cố gắng để có mặt trong ngày hôn lễ của mẹ…



              Nước mắt ứa ra từ khóe mắt, Đan Trầm cảm thấy trong hơi văn của con trai chở chất nhiều cay đắng và buồn rầu khởi phát từ sự tuyệt vọng của tình cảm éo le và ngang trái.



              - … Từ khi có chút trí khôn, con đã biết mẹ buồn vì cha của con đã bỏ mẹ con mình để chạy theo mộng tưởng của riêng ông ta. Mẹ, bằng tình thương yêu bao la, đã quên đi tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng tư của mình để nuôi nấng và dạy dỗ con trở thành một người công dân tốt của đất nước. Với con, ngoài vai trò của một bậc hiền mẫu mà mẹ đã làm tròn bổn phận; mẹ còn là một '' thần nữ '', và '' người tình tuyệt vời trong mộng tưởng '' mà con dù có đi hết kiếp người cũng không thể tìm được ai thay thế. Mai sau này, dù con có yêu thương ai, dù con có vợ có con, hình ảnh mẹ vẫn chiếm giữ một vị trí lớn nhất trong tâm hồn con. Mẹ là một người đàn bà vĩ đại. Hình ảnh và tình thương yêu của mẹ bất biến, bất khả hủy hoại, bất khả thay thế và con sẽ nâng niu, gìn giữ nó như một niềm tin giúp con vượt qua mọi khó khăn và gian khổ trong đời lính của con.
              Con là một đứa trẻ kém may mắn vì không có cha ở bên cạnh từ nhỏ cho đến khi lớn khôn. Con chỉ có mẹ và biết có mẹ. Hai tiếng '' mẹ ơi '' là hai tiếng con đã gọi, đang gọi và gọi nhiều nhất trong đời con...



              Đan Trầm bật khóc. Ngồi trên gốc cây sau nhà bên cạnh con rạch nhỏ lừ đừ nước chảy, nàng thấy lại hình ảnh của đứa con trai đang tung tăng bơi lội. Hơi hám thân quen mơ hồ đọng lại thành nước mắt lăn dài, lãng đãng trong không khí sền sệt ẩm mục của buổi chiều sắp mưa. Bây giờ và suốt phần đời còn lại, nàng không, không bao giờ được nghe đứa con trai gọi hai tiếng '' mẹ ơi '' một cách sủng ái, nâng niu và trìu mến.



              - Con nghĩ, mẹ đã biết và biết rất rõ, từ khi còn nhỏ xíu con đã thương yêu, ngưỡng mộ, tôn thờ, si mê mẹ như một thần nữ. Thứ tình cảm tự nhiên của tình mẫu tử và giữa một người nam người nữ cộng thêm sự si mê đã cấu thành lòng luyến ái trong tâm hồn con, một đứa trẻ nhiều mơ mộng, lãng mạn và đam mê. Rồi theo thời gian lòng luyến ái trở thành thứ tình yêu nghiệt ngã đòi đoạn mà con, được hấp thụ đạo đức và luân lý của người, đã khổ nhọc phủ nhận và chối bỏ, dù biết tình yêu đó như một thực thể sừng sửng thách đố mọi nổ lực đối kháng của con. Nói một cách không ngoa, tình yêu như một tai nạn tình cảm, hay thứ bệnh trầm kha không có thuốc chữa trị. Mẹ là một người tình diễm tuyệt nhất của con theo một nghĩa vượt lên trên hệ lụy của đời và của người. Con chỉ khám phá ra điều đó sau khi mẹ quen bác Mặc. Phải nói là con ghen với bác ấy. Con xin mẹ tha thứ cho con điều đó. Con ích kỷ. con ti tiện. con nhỏ nhen. con hèn mọn.
              Con không muốn có hình bóng một người nào khác, ngoài con, trong tâm tưởng cũng như trong đời sống của mẹ. Con chỉ muốn, hình ảnh con luôn ngự trị trong tâm hồn mẹ, dù con biết mẹ cần một người đàn ông khác đem lại hạnh phúc cho mẹ. Đó là thứ mẹ cần và mẹ xứng đáng được thụ hưởng để bù lại công lao của mẹ đã nuôi dưỡng con. Con yêu mẹ nhiều tới độ trở thành ích kỷ, ti tiện và nhỏ nhen. Ích kỷ nên muốn mẹ mãi mãi là của con, mẹ chỉ thương yêu có mỗi mình con. Con nhỏ nhen, ti tiện nên không muốn mẹ yêu ai, san sẻ tình cảm của mẹ cho bất cứ ai dù người đó được mẹ thương yêu và có thể đem lại hạnh phúc cho mẹ, một thứ mà dù yêu mẹ nhiều cách mấy con cũng không thể đem lại cho mẹ.
              Mẹ ơi... Con si tình mẹ tới độ con trở thành ti tiện, làm những hành vi, cử chỉ điên rồ như lúc nhập ngũ con đã lén lấy tấm ảnh đẹp nhất của mẹ để rồi mỗi tối khi đi ngủ con ấp ôm hình bóng, tưởng tượng ra nụ cười, ánh mắt của mẹ. Con mê mẹ nhiều tới mức ghen tuông với bác Mặc, hằn học với chính mẹ cũng như hành hạ thân xác con. Tình yêu, ở góc cạnh nào đó trở thành một điều kỳ diệu nghiệt ngã, một hoang tưởng lạ lùng, chi phối con tới độ có thể chết vì mẹ... Tình yêu như thứ hình phạt không có án mẹ ơi...



              Ngừng đọc, Đan Trầm xiết chặc quyển nhật ký, di vật của Điềm vào trong ngực như muốn tìm lại hơi ấm thân quen của đứa con trai giờ đã nằm sâu dưới lòng đất lạnh. Bây giờ nàng mới xác quyết được lý do chính khiến cho con đi lính. Nàng quen Mặc và sau đó hai người quyến luyến nhau. Tuyệt vọng với tình yêu của mình, Điềm bỏ học rồi tình nguyện đi lính như là một hành động đoạn tuyệt hoặc không muốn nhìn thấy người mẹ mà mình thương yêu bây giờ đã yêu người khác.

              Biết được điều đó nàng áy náy, xót xa và hối hận vì cảm thấy ít nhiều gì mình cũng có can dự vào cái chết của con. Nếu biết trước việc sẽ xảy ra thì nàng đã đoạn tình với Mặc, đã cắt đứt mối giao du với Mặc để cho con trai không phải thất vọng, hờn ghen rồi bỏ học đi lính.

              Nàng có thể hy sinh hạnh phúc của riêng mình để đổi lấy sự sung sướng cho con mà. Hai mươi năm qua nàng đã hy sinh tuổi thanh xuân để nuôi con lớn khôn thì sá gì phần đời còn lại. Nhưng thôi... Tất cả đều đã muộn, quá muộn. Đứa con yêu, người bạn nhỏ tuổi và hoàng tử bé của lòng nàng đã dứt bỏ đời để rong chơi trong miền đất không còn muộn phiền và khổ đau để lại cho nàng thứ hạnh phúc có nước mắt.












              chu sa lan
              4-2014













              Comment

              Working...
              X