Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

X u â n Q u ỳ n h

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • X u â n Q u ỳ n h



    X u â n Q u ỳ n h






    1. Quỳnh Giao…

    Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.

    Trời ban cho cô nụ cười thương hiệu làm ấm lòng mọi người từ khi còn đi học, còn là đám trẻ chung xóm, chung trường. Nay không còn nhỏ nữa, xã hội lại thay đổi một trăm tám mươi độ đến bẽ bàng người lớn, ngỡ ngàng kẻ nhỏ thì nụ cười trời ban vẫn tiếp tục xoa diệu bớt đau đớn cho cô bé đi bán vé số bị má đánh vì mê chơi, làm mất túi tiền cũng chạy đến quán tìm chị Quỳnh Giao để được vỗ về, an ủi, được uống ly nước đá chanh không phải trả tiền mới ngọt làm sao. Hồi cô bé nguôi ngoa thì ù chạy, đi chơi tiếp như chưa từng bị đòn roi vì làm mất túi tiền cơm gạo của gia đình. Với bạn bè chung xóm, chung trường, học trước hay sau nhau vài lớp đâu có gì quan trọng. Hồi còn học, bọn con trai đi đá banh với trường khác thì Quỳnh Giao kêu gọi bạn gái các lớp đi ủng hộ tinh thần. Quỳnh Giao luôn xuất hiện với xô nước đá đem theo cho bạn bè uống, luôn khan tiếng sau mỗi trận banh vì ủng hộ đội nhà, cãi lộn với bên kia tới xăn tay áo như sẵn sàng đánh lộn khi bên kia chơi ăn gian hay chơi xấu… Nói tóm lại, Quỳnh Giao đã để lại trong lòng bạn bè hình ảnh con dế lửa với bên ngoài, nhưng trong trường là dế thầy chùa hiền khô khi còn đi học.

    Khi lớn rồi cũng vẫn Quỳnh Giao không thay đổi, mấy tên bạn chung trường ngồi uống cà phê nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện bóng đá nước ngoài, chuyện trận đấu đêm nay toàn những siêu sao của Cơn lốc màu da cam đụng với những Con qủy đỏ… chắc chắn là một trận banh hay. Ôi nhớ lại thời hoàng kim của Đội tuyển Hoà Lan mà đụng đội Bỉ trận tứ kết thế giới thì coi đã mắt. Nhưng đã đời là Quỳnh Giao xuất hiện với dĩa bánh khoai mì trên tay. “Mẹ em đang chiên bánh cay trong bếp… các anh ăn chơi cho vui.” Rồi ngồi xuống tào lao thiên đế với bạn học cũ, tới mẹ gọi như gọi đò qua sông cũng phải cãi cho xong mới chịu vô nhà. Vô rổi lại trở ra để cáp độ Hoà Lan chấp một trái là hơi quá, chấp nửa trái là vừa… Cứ như là dân cá độ chuyên nghiệp, dân cá cược tiền triệu không bằng. Thật ra độ lớn của chúng tôi là tô bún riêu, chị bún riêu hay gánh tới quán trưa nhà Quỳnh Giao để chị vừa nghỉ chân, vừa tránh nắng giấc mặt trời oi ả tới xế chiều lại đi bán tiếp, nhưng dừng chân ở quán thì có người ăn lai rai hơn là nghỉ trưa trong xóm chẳng có ai ăn vì nhà nhà ngủ trưa. Hôm không tiền bọn tôi chơi độ nhỏ với nhau chừng ly nước mía ở cổng trường xưa, vui vì chở nhau đi uống nước mía bằng những chiếc xe đạp một thời, những vòng quay xe đạp nhắc lại biết bao điều… Hôm nghèo đều như nhau thì cá độ mấy cái bánh cam của bà cụ đi bán dạo đã già tới còng lưng hết cỡ nên cụ chỉ cao bằng đứa bé gái lớp ba, lớp bốn. Chúng tôi đi ngang cụ cứ bốc bánh cam trên cái mẹt dội trên đầu cụ, bốc tới hết bánh cụ cũng không hay biết. Nhưng chỉ là giỡi vui với cụ thôi, chúng tôi thấy cụ là cùng nhau mua ủng hộ. Quỳnh Giao hăng hái kêu gọi nhất vì bọn con trai hưởng ứng lời kêu gọi nhưng không thích ăn bánh ngọt mấy thì Quỳnh Giao bội thu.

    Tết này cha cô ấy cũng mới được thả về từ trại tù cải tạo, người đàn ông mới ngoài năm mươi tuổi mà tóc đã bạc nhiều, phong độ ngày xưa của ông cũng đã mất theo những bức ảnh chụp ông mặc quân phục, treo ở phòng khách nhà ông oai phong lẫm liệt. Nhưng sau ngày định mệnh của miền nam, những hình ảnh ấy đều bị đốt thành tro hết, nên người trong ảnh bây giờ là một ông cụ non vì tuổi thì chưa già nhưng mắt lạc thần, sự rối loạn tâm lý bên trong thấp thoáng lộ ra ngoài nên dễ hiểu đôi khi ông nhìn lũ con trai đến quán nhà ông uống cà phê như bày súc vật để trả thù mấy năm ở tù, cán bộ quản giáo chắc cũng nhìn ông bằng ánh mắt như thế hay sao mà ông nhìn đời với ánh mắt thấy hết trong không thấy gì ngoài sự khinh miệt, khinh bỉ, nhẹ nhất là khinh thường cũng chỉ dành riêng cho vài đứa là bạn bè với các con ông, vài đứa còn biết người lớn kẻ nhỏ trong xóm làng, còn biết lễ phép với ông như ngày nào quân vụ khẩn cấp thì ông vẫn cho tài xế dừng xe jeep lại để cho đứa học trò nhỏ trong xóm đã vẫy tay xin quá giang một đoạn đường tới trường hay về nhà. Chúng tôi chỉ gặp rắc rối với ông khi xuống xe mà quên cảm ơn người tài xế, không cần thiết phải cảm ơn ông.

    Thật khó quên ánh mắt người tù cải tạo trở về, mới ngày nào vợ con ông ra đường có lính mặc thường phục đi kèm để bảo vệ họ. Nay thời thế đã xoay chiều nên vợ con ông ở nhà phải mở quán cà phê vườn độ nhật, sống qua ngày chờ ông về. Hoà bình đã biến mọi người thành kịch sĩ như mẹ của Quỳnh Giao là một. Người phụ nữ xinh đẹp như cô Kiều Chinh trên phim ảnh vậy, dáng bộ quý phái, nhưng giao tiếp nhẹ nhàng, trân trọng mọi người nên thím được lòng bà con lối xóm. Nay để thích nghi với xã hội mới nên thím như con tắc kè ngoài nghĩa trang đổi màu trong chớp mắt. Thím nói với chúng tôi: Thím mở quán cà phê cho họ bớt để ý đến gia đình thím, các cháu đến ủng hộ quán nhà mình nhé. Thời buổi ai cũng phải làm để có cái ăn, rảnh quá nhà cầm quyền chướng mắt, họ cho đi kinh tế mới là mất hết…

    Thím nói đúng quá! Đi kinh tế mới là mất hết… mất nhà mất cửa vô tay những người ngoài bắc vào công tác cũng cần chỗ ở. Người trong nam hay nói thẳng thừng là cướp nhà, nghe dễ xa nhau, nam bắc một nhà, đất nước thống nhất. Nặng nhất của trò lừa đi kinh tế mới là mất Tờ khai gia đình thời ông Thiệu đã đổi tên thành Hộ khẩu sau hoà bình. Mất hộ khẩu thành phố là con cái khỏi đi học, cha mẹ khỏi đi làm sau khi bỏ vùng kinh tế mới trở về thành phố làm người vô gia cư, không hộ khẩu trước cửa nhà mình nhưng người khác ở; Không xin được giấy chứng minh nhân dân để đi học, đi làm là mặt trái của hoà bình vì khi còn chiến tranh, người miền nam không phải chứng minh, không phải xin ai chứng nhận cho họ là nhân dân như sau hoà bình phải được chứng nhận là nhân dân mới được hít thở không khí. Nên giấy chứng minh nhân dân là bùa hộ mạng không thể thiếu trong chế độ người dân làm chủ hết những cái vớ vẩn của đất nước như: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dâu, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân…, cái gì cũng của dân trừ cái ngân hàng là Ngân hàng nhà nước. Nên người dân miền nam từ giàu có trước hoà bình đều trở thành vô sản hết sau khi được giải phóng hết nhà cửa, tiền bạc trong trương mục nhà băng.

    Giờ ông về rồi thì ngày xưa hoàng thị cũng đâu trở lại, mấy thằng nhóc vớt túi ny lon, mò phế liệu, ve chai ngoài sông cũng gọi ông cho thêm bình trà bằng cái giọng làm chủ đất nước mà chúng vừa học được ở lớp xoá mù chữ. Những người làm công tác xoá đói giảm nghèo của Hội phụ nữ giải phóng đã dạy chúng sự bình đẳng kiểu gì mà chúng ứng dụng ra xã hội cái văn hoá láo xược còn hơn giang hồ gọi tiểu nhị trong phim tàu. Chúng tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa coi trời bằng vung như những người xưng ông ngoài kia vào, nghe khó lọt lỗ tai với các ông càng dốt ăn nói càng nát thêm tiếng Việt nhưng vô cùng trịch thượng. Những người lam lũ kiếm sống trên sông rạch không còn lặng lẽ, cúi mặt như xưa, nay họ thích nói chữ và thể hiện mình theo khuôn mẫu “lại đây ông bảo”; “ông bảo cho chúng mày biết…” Thằng ranh con nhặt ve chai mà dám gọi ông cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà là, “ông già điếc, lại đây tôi bảo, cho thêm bình trà… nhanh lên. Đi tù chưa đã, muốn đi tiếp hả?”

    Bọn nó đã thuần thục lối ăn nói miệt ngoài. Thấm nhuần vô sản có sẵn trong giai cấp nên chỉ thêm bước vô thần là đủ làm con người mới xã hội chủ nghĩa. Chúng hết chỏng khu van vái thần ve chai cho một ngày may mắn trước khi xuống sông kiếm sống với nén nhang, hoa quả có gì cúng nấy. Nay những chủ nhân ông của xã hội mới đều chơi chữ đỉnh cao, “nhất trí đạt chỉ tiêu đã đề ra hôm nay trước khi ùm xuống sông mò rác. Nghe nổi da gà.

    Các con gái ông già vừa thương ông vừa khó chịu với cái nhìn thấy hết trong không thấy gì hết của ông, ngày xưa họ như lá ngọc cành vàng trước hoà bình thì nay cũng cứ phải giả điếc mà nghe những lời trêu ghẹo thô thiển, hạ tiện của tạp nham xã hội. Nhưng có lẽ sự bực bội nhất của ông là tay công an khu vực cứ tới quán ngày ba buổi, ông tỏ thái độ thì nó mời ông về trụ sở công an làm việc, cho ông viết bản tự kiểm điểm. Nhưng ông viết tờ tự kiểm thế nào cũng không đủ thành thật để cách mạng khoan hồng nên ông phải đi làm cỏ đồn công an để phục hồi nhân phẩm… Nó làm cho hai con mắt ông hồi ra tù nằm sâu trong hốc mắt, nhưng chỉ vài tuần cần phục hồi nhân phẩm thì hai con mắt ấy lồi ra với nhiều đường gân máu đỏ au. Bởi nó ghét cái kiểu ông nhìn nó vì con chó cũng biết ai không ưa tiếng sủa nên chó gầm gừ, nhưng nó lại không thể gầm gừ vì ai lại tự nhận mình là chó. Ông nhìn thằng công an đến cây lá xác xơ không buồn ra hoa kết trái, mảnh vườn xinh đẹp ngày nào nay như bãi tha ma… cũng không ai biết được ngày nào mảnh vườn này mọc lên hai ngôi mộ của lòng thù hận sau hoà bình?

    Nhưng ông không tỏ thái độ thì nó cũng không biết xấu hổ, không ngại mặt dày vì nó muốn làm rể cái gia đình không có lý do gì để chấp nhận một thằng tai dơi, mặt chuột, con nhà Việt cộng nằm vùng. Quỳnh Giao càng không thể, cái không thể nhất là không thể nói thẳng vào mặt nó: Đi chỗ khác chơi đi… vì nó có đủ uy quyền của mặt trời bé con để đóng cửa quán bằng một vu khống láo xạo nào cũng được như quán mở nhạc đồi trụy, tôi nghe người ta báo là đã đủ buộc tội quán đóng cửa. Nó dư lý do, thừa thủ đoạn ép cả nhà Quỳnh Giao đi kinh tế mới. Bây giờ nó lại thêm quyền làm khó ông già tía Quỳnh Giao mới ở tù về, làm khó lúc nào cũng được vì ông phải trình diện bất cứ lúc nào nó muốn. Đúng là ông già ác ôn hơn công an chỉ thủ đoạn vặt, ông nhìn người ta như chó mà lại không cho gầm gừ thì bố ai chịu được.


    Quỳnh Giao hay đến cái góc vườn hoang tàn nhất, dưới gốc cây khế già, già đến nỗi trái khế chỉ còn bằng trái tắc chứ không được bằng trái chanh, nó mới kết trái đã chín háp trên cành như trẻ em còi cọc sau hòa bình, cây khế lá thì vàng như mùa thu quanh năm. Cây vú choắt bên cạnh cây khế già vì đã qua thời vú sữa, có gió là thả xuống sân lá khô những trái cau khô thì đúng hơn là vú sữa. Nhưng ở nơi điêu tàn nhất trong mảnh vườn lại là bàn cà phê của những đứa trẻ có đi học, bạn bè với chị em nhà Quỳnh Giao, chúng nghèo hơn cả đám vớt rác ny lon, mò ve chai, phế liệu ngoài sông; đám xích lô, xe ba gác đồng bọn, chúng chuyên chở bom đạn mò được đi bán cho vựa ve chai, chỗ mua phế liệu quân sự sau hoà bình.

    Nhưng cái giao tình chung lớp, chung trường, chung xóm với chị em nhà Quỳnh Giao còn vương lại sau những gì đã mất của người miền nam sau cuộc chiến, những gì đã mất của thế hệ sinh ra trong chiến tranh nhưng lại không vui mừng hoà bình tí nào. Chúng thường làm cho cơ mặt ông già tía của Quỳnh Giao bớt nhăn nhúm vì “chú làm ơn cho tụi con xin thêm bình trà.” Khi bưng bình trà mới ra thì đến mấy đứa cùng nói, “Cảm ơn chú”. Bọn tử tế quá sinh nghi không đại đồng vô phép mới rối trí ông già đi tù không khổ bằng có con gái đẹp. Ông học được gì ở trại tù cải tạo ngoài sự đa nghi, không tin ai, không tin vào bất cứ điều gì nữa. Ông không nói ra bằng lời nhưng mắt ông nói hết thói đời là khinh bỉ. Cũng khó trách người bị đồng minh phản bội đến thân tàn, chưa thành ma dại đã may. Nhưng dù sao ông cũng là lính cũ nên rộng lượng bỏ xuống bàn cho chúng tôi gói thuốc lá hút dở trong túi áo ông như giằn mặt: Hết tiền mua thuốc lá thì già cho bay đó. Không có chuyện gì để bàn với bọn bay. Tốt nhất là bọn bay đừng động đến con gái ông.


    Mới sáng hai mươi tám tết đã thấy trưa ba mươi cúng rước ông bà ở nhà quạnh quẽ vì chắc cũng chẳng có gì để gọi là tết. Hy vọng bình trà xin thêm, vài điếu thuốc bố thí sẽ nghĩ ra cách kiếm tiền về phụ mẹ một tay lo tết cho gia đình. Nhưng mấy tên bạn chạy thuốc tây lậu, cà phê lậu, lần lượt xuất hiện tại quán. Tên nào cũng lắc đầu, thúc thủ ngồi đồng ở quán cà phê mà thằng công an khu vực ít làm khó nhất trong các quán để giữ khách cho quán Quỳnh Giao, cho mục đích riêng của nó. Dù nó cũng dư biết khoảng cách giữa nó và Quỳnh Giao là cánh đồng bất tận khi Quỳnh Giao đã chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Nó biết chứ, nơi Sài gòn đèn xanh đèn đỏ không thiếu những thiếu gia đỏ săn đón Quỳnh Giao như chó chờ xương ở cổng trường, thì con chó miệt vườn như nó có nghĩa gì? Lại còn lũ chó nhất thế nhì thân tam tiền tứ chế không có gì, chỉ có mỗi cái đẹp trai không bằng chai mặt ở quán này cũng lại là dân có bằng cấp, bước vào lớp bổ túc văn hoá thì chúng đứng trên bục giảng, nhìn xuống bày cán bộ làm toán gãy tay, viết sai chính tả từ đầu tới hết bài luận văn rặn không ra chữ… Những thằng nửa người nửa ngợm nửa đười ươi này chỉ kẹt cái lý lịch gia đình không hợp thời mới chịu về đây thúc thủ. Vậy mà tụi nó cũng chào thua con nhỏ khó cưa và đầy nguy hiểm như cưa bom phế liệu. Nhìn lại mình đời đã xanh rêu từ đánh Mỹ không chết, chuyển ngành từ bộ đội qua công an cũng chĩ được chức công an quèn vì thiếu chữ. Lận đận ở lớp bổ túc văn hoá, học lớp 9 năm thứ 3 vẫn chưa lấy nổi cái bằng tốt nghiệp cấp II Phổ thông cơ sở để thăng quan tiến chức… Có lẽ nó thù tên bạn tôi hơn Đế quốc Mỹ, dù tên bạn đã khoan hồng hơn cách mạng cho nó vì lòng trắc ẩn nhưng bài luận văn thi tốt nghiệp cấp II ở lớp bổ túc văn hoá quận mà nó theo học không thể cho điểm trên trung bình bởi chính tả, ngữ pháp còn dở hơn đứa học trò lớp bốn, lớp năm ở trường cấp I.

    Lỗi tại bạn tôi đã lưu manh hoá một chiến sĩ công an, đã làm cho nó thành tật hay xốc lên xốc xuống khẩu súng ngắn mỗi khi chạm mặt thầy giáo ở quán cà phê nhà. Tình trạng tâm thần của nó ngày một nặng hơn thành bệnh xốc súng với bất cứ thằng nào ở quán cà phê nhà Quỳnh Giao mà dám giở trò trước mặt nó như tên bạn khác của tôi ngẫu hứng một phen. Tên khác nữa
    thấy Quỳnh Giao đeo đôi bông tai mới nên khen lấy lòng, “Hôm nay Quỳnh Giao có đôi bông tai mới đẹp quá ha. Hôm nào anh thua độ bóng đá tới cả gánh bún riêu thì cho anh mượn một chiếc thôi cũng đủ. Quỳng Giao đeo một chiếc thôi cũng đẹp như thường…” Bạn bè đang đùa vui. Tên khác nói, “Mày có tin là trong mấy ly cà phê của tụi tao, Quỳnh Giao bỏ đường. Còn ly của mày, Quỳnh Giao bỏ muối… không tin uống thử đi!” Cả đám phá lên cười với cái mặt ngố tưởng thật của tên hay chọc ghẹo người khác nhưng bị lừa dễ ụi. Bỗng tên Bách khoa ngẫu hứng diễn xuất thần, diễn như không diễn…,“Giao à! Em phải giữ thật kỹ, không được làm mất nha em, vì đó là của hồi môn, đồ gia bảo của bà nội anh trao lại cho mẹ anh. Bây giờ đến em là đời thứ ba rồi đó… không thể mất, không cho ai mượn được nha em.”

    Quỳnh Giao và chúng tôi cắn răng nín cười với tên bạn Bách khoa mà diễn sâu bất ngờ, nét mặt co giãn, ngữ điệu lên bổng xuống trẩm, nhấn nhá, đẩy đưa của tên bù lon mỏ lết mà như mới học xong trường sân khấu nghệ thuật ra. Chỉ một cú hất hàm nhẹ của nó về phía bàn bên kia là chúng tôi hiểu hết nên cố nhịn cười, những ánh mắt không đội trời chung đều thấy rõ tên công an đỏ mặt như trái gấc chín, mắt nó đổ lửa. Con thú điên còn kể gì phép tắc, nó xông vào chỗ pha cà phê, lớn tiếng chất vấn Quỳnh Giao khi cô ấy đã trở vào nhà. Có lẽ nó chưa từng thấy, chưa từng biết Quỳnh Giao từng xăn tay sẵn sàng đánh lộn với đám con trai trường khác vì đá banh chơi xấu với chúng tôi nên nó không biết sợ con dế lửa Quỳnh Giao. Chỉ là tại nhà cũng như trong trường, trong lớp, con dế thầy chùa vẫn hiền khô, không muốn làm cho mẹ và các chị em của cô ta sợ hãi, nên cô ấy bỏ vô phòng riêng, không trả lời gì vì người hỏi có thẩm quyền gì với cô ấy đâu mà phải trả lời. Chúng tôi nhìn nhau hài lòng với Quỳnh Giao xử sự ngày càng tinh tế hơn.

    Hắn tức điên lên, chất vấn chị em Quỳnh Giao sao không cho hắn biết chuyện? Sao không ai nói gì với hắn? Ai đã… đính… hôn với… cà lăm. Hắn thở dồn dập đến nghẹn lời, nhưng mấy cô có biết chuyện gì đâu mà nói cho hắn nghe! Mồ hôi mẹ mồ hôi con hắn vã ra mặt như người mắc mưa. Hắn trở ra bàn cà phê hắn hay ngồi một mình, rút khẩu súng giằn lên bàn tới ly cà phê nhảy dựng lên sợ hãi. Hắn chửi thề, nói sảng như người lên cơn sốt cao…, “Tao bắn hết. Tao bắn chết mẹ tụi bay hết… Thằng nào. Thằng nào? Bước… ra đây… Tao… b…ắ…

    Hắn tức tới thở không được, hắn xỉu tại quán vì hắn mắc bệnh suyễn nữa. Nhưng hồi xưa nói là trúng gió nên không quan trọng, phần ai ưa nổi công an mà quan tâm.

    Hắn tỉnh lại thì về lên kế hoạch trả thù với hết khả năng là báo cáo lên công an quận: Hắn tình nghi tên bạn Bách khoa của chúng tôi tham gia, có chân trong một tổ chức phản động, chống phá nhà nước. Hắn xin lệnh lục soát nhà. Lục soát không ra bằng chứng gì nhưng tên Bách khoa vẫn bị công an quận mời lên làm việc. Bởi không có bằng chứng nên cũng không bị khép tội gì, chỉ bị lưu tên vào sổ bìa đen của công an quận. Tên bù lon mỏ lết cũng không vừa, không bị bắt đi tù thì về thọc gậy bánh xe với tài diễn sâu thiên bẩm, làm cho tên công an khu vực thêm tội tiểu nhân trong mắt chị em nhà Quỳnh Giao, trong mắt mọi người…

    Quỳnh Giao đã ra trường đại học, có thể sống tự túc được rồi hay sao mà không thèm tế nhị nữa, bình thản lộ nguyên hình chống phá nhà nước. Cô ấy không xem thường pháp luật, không phản động mà còn hơn phản động khi tỉnh bơ đưa về quán nhà, ra mắt gia đình và bạn bè người bạn trai của cô là một thương gia người Nhật sang Việt nam đầu tư, mở công ty. Quỳnh Giao học xong trường kinh tế, đi xin việc làm lại lọt tõm vào công ty của anh ta. Trai tài gái sắc xứng đôi vừa lứa nên gia đình và bạn bè ủng hộ. Tay này hào sảng và hoà đồng như Quỳnh Giao vậy nên chúng tôi có thêm người bạn Nhật gọi chúng tôi là anh vợ, tên nào cũng là anh vợ của hắn hết. Hắn tự xưng là em rể nghe xướng lỗ tai mọi người. Không biết bạn bè nghĩ sao, riêng tôi nể tài cư xử của Quỳnh Giao thật khôn khéo, làm vừa lòng hết bạn bè vì Quỳnh Giao dư hiểu làm sao không có bạn thầm thương trộm nhớ đến cô ấy, thậm chí là hơn một thì hai, ba… nhưng quyết định của cô ấy là trọng đại, là cuộc đời của cô ấy, không ai thay thế được, và mọi trách khứ nên bỏ qua…

    Về sau nghe nói, nhiều bạn bè tôi được Quỳnh Giao giới thiệu vô lảm cho công ty Nhật cũng đỡ khổ hơn học ra không có việc làm, phải đi làm cho những công ty quốc doanh của nhà nước thật hẩm hiu…

  • #2

    2. Quỳnh Hương…

    Mặt trời bắt đầu làm khó anh em ngồi đồng, đứa dời ghế, đứa kéo bàn núp bóng cây vú ngoại vì già nua như bà ngoại. Thình lình đứa cháu tôi đạp xe xuống quán cà phê để báo tin cho biết chú có điện tín, nhưng người đưa thư không chịu đưa cho con, chú ấy muốn gặp chú để trao tận tay cho yên tâm với tin khẩn mới đánh điện tín.

    Đù cha thằng anh em khốn nạn. Trước biến cố thì anh em trong xóm như con chú con bác với nhau, đi học chung trường, đá banh cùng sân, tắm sông cùng buổi; thậm chí đánh lộn ngoài sân banh với xóm trên, xóm dưới thì anh em cũng về nhà xứt dầu u đầu sứt trán cho nhau. Ai mà biết sau hoà bình, ba nó không phải lính tử trận như má nó khai gian với chính quyền cũ để được giúp đỡ nhà ở, cấp đất cày bừa. Cha nó theo Việt cộng vô bưng và đã chết trong chiến tranh nên nhà nó được cấp bằng “Gia Đình Vẻ Vang” để trên bàn thờ. Bạn bè bất mãn mới châm chọc nó là nhà nước đã ghi sai công trạng của cha nó, phải ghi là “Gia Đình Vắng Vẻ” mới đúng! Vì cha nó mới lấy vợ được vài năm đã thoát ly gia đình vô bưng, mẹ nó ôm con trốn về bên ngoại nương nhờ, cũng không ổn với an ninh quân đội dò theo tông tích nên trốn đi xa và dừng chân ở xóm tôi như định mệnh có sẵn. Nhà chỉ có hai mẹ con lủi thủi bên nhau vài năm thì hoà bình. Sau hoà bình như cháy nhà ra mặt chuột, hàng xóm biết ra nội tình nên chẳng ai qua lại với mẹ con nó nữa.

    Nhưng cũng nhờ vậy mà nó xin được cái chân đưa thư cho bưu điện ở địa phương. Chỉ ngần ấy thôi đã trở mặt với cả xóm làng, nhà nào có giấy báo đi nhận quà nước ngoài gởi về thì nó chỉ thông báo cho biết thôi chứ không giao ra giấy báo của hải quan phi trường. Nó chờ người ta đi vay mượn được tiền đi đóng thuế hải quan thì mới nhận được quà ở sân bay Tân sơn nhất, nó nhận tiền hối lộ đầy đủ theo yêu cầu mới đưa cho người ta cái giấy báo nhận quà, là sống còn của những gia đình có người vưọt thoát được ra nước ngoài. Nhà nào đi nhận được thùng quà hay gói quà nước ngoài gởi về thì nó cũng lại mò mặt tới để xin thứ này thứ khác, nói xa nói gần không cho thì lần sau có giấy báo nhận quà nước ngoài, nó sẽ không cố gắng bảo quản, tranh thủ đưa cho bà con trong xóm, bưu điện không chịu trách nhiệm mọi sự thất lạc… Tới anh em trong xóm đã lớn, thời vượt biên mà có điện tín tức có chuyến. Nó phải trao tận tay người nhận nhưng không vì tình anh em xưa cũ mà để thương lượng hẳn hoi là bao nhiêu thì nó mới chịu giao ra cái điện tín thời không có nội dung nào ngoài việc có chuyến vượt biên gấp nên mới phải đánh điện tín, chứ gởi thơ tay thì chín mất một còn, và thơ đến thì đã quá muộn.

    Nó ác ôn nên có kết thúc không có hậu, cũng không rõ người anh em nào trong xóm đã quá tay dạy dỗ nó nên nó khùng khùng điên điên sau khi có tiền hối lộ thì đi nhậu, đêm về chả biết ai cho nó một gậy vô đầu ở đoạn đường vắng, mãi tới sáng hôm sau người đi chợ sớm mới phát hiện ra nó giở sống giở chết bên mộ thằng tây. Thôi thì cứ xem như nó say rượu, đâm đầu vào cái mộ hoang của thằng tây vô phước nào đó chết ở Việt nam cho tiện việc giao lại công việc phát thư béo bở một thời cho người khác, người đã ra tay với nó không chừng là một trong những thế lực thù địch của nhà cầm quyền thực sự vì những thế lực thù địch như bọn phản động, đám tàn dư Mỹ Ngụy, Phục quốc quân bên rừng Cao Miên, Phục quốc quân ở hải ngoại… không còn nghe ai nói tới nữa ngoài những thế lực thù địch giữa những đám mgười, những cá nhân có ô dù trong chế độ mới hãm hại lẫn nhau để tranh ăn.

    Thôi quên nó đi như cái mộ hoang bên đường của một thằng tây không chịu ở nhà, đi quấy nhiễu thiên hạ nên chết ở Việt nam. Tôi đọc bức điện tín đã chờ từ lâu, “Em đua Ma len Sai gon mo gap. Anh Hai ra ben xe đon ma toi nay…” Nội dung bức điện tín chẳng có em nào đưa má lên Sài gòn mổ gấp tối nay mà phải hiểu là: Tối nay phải về tới miền tây, có chuyến đi… gấp.

    Thời buổi vượt biên tính vàng cây trong khi tôi chỉ có cái khâu một chỉ vàng lận lưng, không dám xài gì hết vì đó là lộ phí đường xa khi có điện tín. Nội dung đã nói nhau trước nên lẽ ra không cần thằng phát thư, chỉ cần biết mình có điện tín là đủ, nhưng ngặt nỗi biết mình có điện tín nhưng điện tín của thằng bạn dưới miền tây đánh lên hay thằng ngoài Vũng tàu đánh vào? Thằng đưa thư ba đầu sáu tay ăn hối lộ thì đâu ngu tới nói rõ điện tín từ đâu? Đành bán đi cái khâu vàng sinh tử để có tiền cúng dường cho thằng qủy đỏ, tiền tàu xe về miền tây hay ra Vũng tàu.

    Bái lạy ban thờ gia tiên hai mươi tám tết chưa có hoa quả, nhang đèn lạnh tanh. Tôi lấy bộ quần áo duy nhất ngoài bộ đang mặc trên người, cái cùi chải đánh răng vì cái bàn chải đã xài từ bao giờ không nhớ nữa, không có kem đánh răng mà hũ muối ở nhà cũng đã trơ đáy. Tất cả bỏ vào cái giỏ xách cũ kỹ mà tôi thường đựng đôi giày đá banh khi ra sân,

    Từ giã đôi giày đá banh vạt gót như người bạn trên từng sân cỏ, cây đàn ghi ta mối ăn lỗ chổ thùng đàn treo trên tường mang vết tích của biết bao kỷ niệm. Hai người bạn tuổi trẻ ở lại nhà. Bái biệt gia đình lặng lẽ bước chân đi theo lá bay ven đường, tới đâu tới vì chẳng biết đến đâu nhưng nhu cầu rời đi không thể hoãn. Trời hanh khô giáp tết làm vạn vật buồn hơn hay lòng buồn với cuộc chia tay thầm lặng nên hoa nắng tung toé trên đầu những đứa trẻ trên đường tôi đi vẫn rách rưới, lem luốc như hoà bình, không đứa nào có quần áo mới dù đã hai mươi tám tết. Chúng gầy trơ xương, lõ mắt đứng bên đường như những que diêm xài rồi chờ gió mưa hoá kiếp…

    Xa cảng miền tây đã hết những háo hức theo bạn về quê chơi cho biết như ngày xưa. Lần đi này là vĩnh biệt, Sài gòn vĩnh biệt không hẹn ngày trở lại. Ngồi trên chiếc xe đò cô đơn xâm chiếm hết linh hồn vì thiếu tiếng nói cười của bạn bè cùng nhau về quê bạn, quê tôi... Chuyến đi gặp gỡ thần biển lại đơn độc, hoang hoải như tết đã về đến nơi đã mất tất cả, miền nam trống hoác nhà trước vườn sau dọc theo quốc lộ 4, chỉ còn sự bẽ bàng ngự trị trên những mái lá nghèo ven đường quốc lộ về miền tây ẩn hiện sau những khóm dừa, ruộng đồng sau mùa gặt trơ gốc rạ, những chiếc xe đạp thồ nhọc nhằn và những người lam lũ ốm tong đang cố hết sức đạp xe ngược gió để thồ than, thồ lu, khạp da bò kiếm sống sau hoà bình là hình ảnh sau cùng về quê hương khi màn đêm buông xuống.

    Chiếc xe đò cũ kỹ ì ạch trong màn đêm bao la như tương lai vô định, cuối cùng cũng về tới Rạch sỏi lúc nửa đêm. Những người đồng hành trên chuyến xe về quê ăn tết buồn bã đã nhanh chóng tan biến vào màn đêm xa lạ với người thị thành. Một quán nước bán muộn còn sáng đèn bình ắc quy hay quá sớm nên lẻ loi nơi hàng quán bến xe tỉnh lẻ. Tôi đến đó tìm ly cà phê cho tỉnh táo, gặp cô gái quê còm cõi đang ngủ ngồi nhưng bị đuổi đi, tôi đã làm phiền cô bị phá giấc, bị đuổi khỏi chỗ ngủ, thật phiền quá.

    Cô gái nhếch nhác mà tôi không hiểu được cô làm gì vào giờ này nơi bến xe khi cô không có biểu hiện của người chờ xe, hay đón người thân ở bến xe. Thì ra cô đón tôi. Có cô trò chuyện qua đêm nơi xa lạ là một ân sủng. Sáng ra, cô đi lấy vé số và bán dạo ở bến xe. Tối ngủ đâu cũng được vì không có nhà để về… Không biết cô có hiểu tôi lại đang không có nơi để đến. Tôi đi hú hoạ, đi cầu may, đi vượt biên hôi, đến đâu hay đến đó miễn ra khỏi Việt nam tôi mới tính tiếp được. Nhưng đó là chuyện trong lòng tôi, không phải chuyện nói ra được với một người xa lạ.

    Tôi chỉ biết điều cô hiện có ngoài sức tưởng tượng của tôi là một cái tên quá đẹp, cái tên nói lên cô không phải người địa phương, một sinh linh trôi dạt từ một hoàn cảnh bi thương nào đó bởi hoà bình. Bàn tay, gót chân có thể nhìn ra thân thế một người nên tôi tin cô ấy tên là Quỳnh Hương. Mới chia tay Quỳnh Giao ban sáng thì đêm tối đã gặp Quỳng Hương, mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười như trong truyện Kiều.

    Cảm ơn cô cho tôi hay tới sáng, anh xuống tắc ráng về chợ Minh Lương. Kinh Tắc cậu về Minh Lương hơi xa nhưng vỏ lãi chạy nhanh lắm. Nếu không gặp bạn anh ra đón thì hỏi thăm tiếp nhà bạn anh chứ em cũng không biết. Xin lỗi anh nha. Cảm ơn anh đã mời em ăn sáng… Chúc anh may mắn.

    Tôi không biết trong tận cùng ánh mắt nhìn theo, cái vẫy tay tạm biệt khi chiếc tắc ráng tách bờ Rạch sỏi, theo dòng kinh Tắc cậu về Minh Lương đã và sẽ dõi theo tôi đến bao giờ. Nhưng những địa danh đã ở lại trong tôi từ khi tóc xanh đến nay đã bạc đẩu vẫn nhớ mãi nhị Quỳnh mà tôi đã gặp trong đời. Hơn bốn mươi năm không quên Minh lương, Tắc cậu, Tà niên, Rạch sỏi cùng ánh mắt ước gì được gặp lại trong đời ánh mắt chia chung sự cô đơn cùng tận mà tôi từng đối mặt, khoảnh khắc chia xa khó cất bước đi nhất mà tôi từng trải. Lời chị chủ quán như những vết kim châm mỗi khi nhớ đến…, “Đừng tin nó nói gì với anh. Người ta như nó thì giờ đã có chồng con. Ai như nó chớ, lớn tồng ngồng vậy rồi mà hỏi nhà ở đâu cũng không nhớ; có người nhà hay không cũng không biết. Thấy tội nghiệp nên tui cho ngủ nhờ qua đêm ở quán tui sáng đèn, chứ lang thang ra ngoài kia ngủ bụi thì tụi lơ xe đò nó làm thịt liền… rồi bụng mang dạ chửa ai lo…”

    Tiếng thở dài của chị chủ quán như vận nước đã theo tôi những đêm dài hải ngoại đến bao giờ.

    Ngày hai mươi chín tết tôi ở vùng sông nước mênh mông, rừng tràm, rừng đước um tùm; dừa nước bạt ngàn theo những con sông, con rạch. Không ngờ cái không khí tết cũng len lỏi về đến nơi hoang giã như thị thành dù không hề có áo xanh áo đỏ du xuân dạo phố. Buồn không thể tả dưới chiếc ghe con tồi tàn, còn phải lủi sâu vào đám dừa nước rậm rạp cho không ai thấy. Bạn để cho tôi nồi cơm nguội ăn dở, nồi cá kho nửa vời, không muỗng chén ăn cơm gì hết vì mọi sự cấp bách và bí mật. Đến nước uống cũng không mà nó lại dặn tôi không được nhóm lửa nấu nước sông để uống vì khói bốc lên trời là chết chắc…

    Một ngày hai mươi chín tết dài như thế kỷ, một mình cô đơn hơn cả lá dừa còn có gió xào xạc cho đỡ buồn. Con chim sâu bằng ngón cẳng cái cũng tò mò tọc mạch sau hoà bình, nó thật phiền như đời lắm dư hơi, thích chõ mỏ vào chuyện người khác. Cứ chập chờn ngủ ngồi thì nó vụt đến như công an biên phòng phát hiện làm hú vía; rồi nó chợt đi không từ giã để chợt về hú hồn mãi cho tới hoàng hôn đổ xuống đàn muỗi rừng kinh khủng, chỉ có khói mới xua nổi chúng chừa cho chút không gian để thở nhưng không được đốt lửa là sống còn nên chịu chết ngồi cho muỗi đốt tới bóng đêm đã phủ trùm không gian thì bạn tôi đến. Nó đem cho chai nước uống, uống ngon hơn bia Sài gòn vì đã quá khát mà không dám uống nước sông, sợ đau bụng lại phiền; dù hồi nhỏ tắm sông bị uống nước hoài có sao đâu, nhưng hoà bình đã cướp đi tuổi nhỏ ấy mất rồi.

    “Có thể là đêm nay, trễ lắm là đêm mai… mày kiên nhẫn, chịu khó.”

    Bạn tôi yên tâm được nửa đường là sự xuất hiện của tôi ở Minh lương không ai hay, hàng xóm và người quen với nó không ai biết. Nó giấu tôi vô vạt dừa nước rậm rạp là ém quân, chờ xuất phát. Chúng tôi có dịp trò chuyện với nhau cho cụ thể để hành động: Đêm nay hay đêm mai taxi sẽ đưa người ra cá lớn vì càng cận tết thì biên phòng càng lơ là canh bắt vượt biên bởi ăn nhậu tất niên. Trời cũng thương bước đường cùng của người bỏ nước ra đi là đêm trừ tịch thường biển lặng gió êm, thuận lợi khởi hành. Điều quan trọng nhất là có biến thì hồn ai nấy giữ, nó người địa phương nên tẩu thoát không khó, nhưng không thể vì anh em mà chịu bị bắt chung là hai đứa tiêu luôn. Nếu tôi có bị bắt giữ thì còn nó ở ngoài, sẽ có cách cứu tôi.

    Thêm một ngày ba mươi tết trốn trong lùm dừa nước kín bưng. Cơm nguội cá kho ngon chi lạ. Chai nước uống chừa cặn vì nước lu, nước mưa mái lá nên vàng như nước trà, lại có mấy con lăn quăn tung tăng trong ấy thấy ớn… nhưng tới lúc cũng phải uống vì khát khô cổ họng, uống ngon như nước thánh với cầu xin ơn trên đừng cho con cảm gió, cảm nắng với triệu chứng đau khô cổ họng. Uống nguộm nước mưa cuối cùng ở quê nhà đêm ba mươi thay rượu, tự chúc mình thượng lộ bình an trước giờ xuất phát.

    Chúng tôi chèo êm ra cửa sông, đêm ba mươi làm sao thấy được cá lớn đang chờ ngoài kia không xa, nhưng nghe được tiếng động từ những ghe nhỏ đưa người vượt biên đang tập hợp, nhờ nhiều chiếc taxi lặng lẽ trong màn đêm trừ tịch nên không rõ taxi nào là người đã mua chỗ trước, ghe nào là những kẻ đi hôi như chúng tôi…, ghe biên phòng có súng cũng âm thầm trong đêm cuối năm chờ tới giờ hành động mới rọi đèn sáng trưng để hốt mẻ vượt biên cuối năm tha hồ vàng cây, vàng lá...

    Định mệnh đã an bài khi đèn đuốc bỗng sáng trưng lên, những họng súng trong đêm trừ tịch lạnh lùng chĩa vào những người vượt biên trái phép. Ai tháo chạy cũng vào rọ sáng mai thôi vì dân Sài gòn biết đường đâu mà chạy giữa rừng miền tây quanh co sông rạch, lau sậy um tùm tới định hướng còn không xong. Họ mau xét những người khả nghi có vàng trong người để tịch thu, xét hành lý gọn nhẹ vì khả năng có vàng cũng không bỏ qua; chỉ không thèm xét hỏi những người nhìn qua đã biết dân đi hôi. Bắt thì bắt hết cho có vẻ công bằng, nhưng mấy thằng rách như xơ mướp như tôi có bỏ chạy họ cũng không thèm đuổi…

    Về sau nghe bạn tôi nói, nó chuồn êm để thoát thân trước rồi tính tới tôi sau như đã thoả thuận với nhau. Nên sáng mùng một tết tôi yên tâm ở đồn cảnh sát biên phòng, ngủ lấy sức cho cuộc vượt ngục chứ vượt biên gì nữa. Có tín hiệu của bạn trên bờ rào kẽm gai đồn cảnh sát biên phòng, nó treo cái nón kết của nó lên giây kẽm gai thì chỉ mình tôi biết! Nhưng chờ hết mồng ba cũng chưa thấy bạn có hành động gì, trong khi kết bạn được với người bị bắt chung là một anh Tàu, nhà ở Chợ Lớn. Chúng tôi tính kế khi bị giải đi thì vượt thoát, ai về được tới Sài gòn trước thì báo tin cho gia đình người kia hay vì nghe lén được công an sẽ giải chúng tôi về trại tù cải tạo gì đó dưới miệt Thứ - đường qua Cà mau.

    Cuộc vượt thoát thành công nhờ hiểu ý nhau nên phối hợp nhịp nhàng, nhờ anh bạn Tàu giỏi võ nên hai tôi trốn thoát được, và chia tay để bị bắt lại một cũng hơn hai cùng bị bắt. Sau đó tôi trốn trong rừng ngập mặn chờ cơ may gặp được ghe xuồng qua lại, hay người địa phương nhờ giúp đỡ.

    Trời thương cho tôi về tới được Sài gòn với cái đầu trọc bị công an cạo để phân biệt tù vượt ngục với thường dân nơi bến xe đò, bến phà… Nó bị bắt lại vì nó chưa từng sống nơi sông nước như tôi đã từng. Nhưng không sao, tôi cho gia đình nó hay tin thì người nhà của nó tức tốc về miền tây để giải cứu nó. Trời cũng thương cho nhà nó có vẻ khá giả vì ăn tết tươm tất có thể nói là nhà giàu thời bấy giờ nên tôi tin là gia đình nó có vàng để giải cứu nó không khó. Tôi ghé nhà người bạn xin bộ quần áo, mượn nó ít tiền, viết cái thơ tay nhờ nó đem đến nhà tôi để người nhà biết tôi đã thất bại và tạm lánh lên nhà bà con trên cao nguyên, chờ tin gia đình báo ổn tôi mới về lại Sài gòn vì tôi lo ngại hai người áp giải chúng tôi không may thì có thể công an biên phòng Kiên Giang tìm chúng tôi lên tới Sài gòn. Nhưng ơn trên đã che chở, còn tặng tôi cái nón tai bèo để che đi cái đầu trọc bị cạo nham nhở như chó gặm suốt mấy tháng trời mới vứt cái nón đi vì nhìn cái nón, lòng tôi buồn vô lượng…

    Hơn bốn mươi năm rồi, những địa danh trong tâm khảm vẫn về theo không khí tết: Minh lương, Tắc cậu, Tà niên, Rạch sỏi… những người không quen cũ còn không khi tết lại về nơi phương trời biệt xứ này. Có những người không quen nhưng hết đời không quên tình nghĩa lúc cùng đường. Tên bạn chân quê ngố ngáo khi lên Sài gòn theo học đã cùng tôi kiếm sống qua ngày, mang tiếng thổ địa ở Sài gòn nhưng giúp bạn sống qua ngày đâu có nguy hiểm bằng nó đánh đổi với an nguy của nó và gia đình khi dám đánh điện tín cho tôi về quê nó để đi hôi. Cô gái bán vé số không quen sao nhắc nhở tôi: Anh phải hết sức cẩn thận khi về Minh lương vì công an biên phòng ở đó dữ dằn khét tiếng. Sao cô biết tôi đi đâu, về đâu mà quan hoài. Người Sài gòn về miền tây không có lý do nào tin được ngoài việc vượt biên sao? Rồi người bạn Tàu gặp nhau ở Chợ lớn thì khinh khỉnh nhìn nhau, nhưng lúc hoạn nạn thì chơi tới cùng với nhau như giang hồ thứ thiệt. Hai người công an biên phòng bị chúng tôi làm khó, bây giờ ra sao? Họ không chết đâu vì dân sông nước dễ gì chết đuối, nhưng cuộc đời của họ từ đó khó hanh thông. Xin tha thứ cho nhau.

    Trời đã quá nửa đêm giao thừa bên Mỹ, mồng một tết ở quê xa. Tết vẫn về trong lòng người Việt ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu. Tết đã về, những đứa trẻ gầy như que diêm tiễn tôi đi vượt biên đã bạc đầu, họ còn lay lất ở quê nhà hay đã thành người thiên cổ, có mộ phần hay không? Những người xe đạp thồ có về kịp với gia đình để đón giao thừa? Những hệ lụy của cuộc chiến đến bao giờ mới buông tha cho người trong cuộc. Ánh mắt Quỳnh Hương còn dõi theo lịch sử quê nhà nữa hay không? Người trong tận cùng ánh mắt ấy vẫn nhớ đến cô từ phương trời cách biệt mỗi độ xuân về. Xuân quỳnh hai nửa giao thoa, làm sao không nhớ quỳnh giao, quỳnh hương lan toả bay vào thiên thu…


    Phan
    Xuân Giáp Thìn 2024

    Comment

    Working...
    X