X u â n Q u ỳ n h
1. Quỳnh Giao…
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Trời ban cho cô nụ cười thương hiệu làm ấm lòng mọi người từ khi còn đi học, còn là đám trẻ chung xóm, chung trường. Nay không còn nhỏ nữa, xã hội lại thay đổi một trăm tám mươi độ đến bẽ bàng người lớn, ngỡ ngàng kẻ nhỏ thì nụ cười trời ban vẫn tiếp tục xoa diệu bớt đau đớn cho cô bé đi bán vé số bị má đánh vì mê chơi, làm mất túi tiền cũng chạy đến quán tìm chị Quỳnh Giao để được vỗ về, an ủi, được uống ly nước đá chanh không phải trả tiền mới ngọt làm sao. Hồi cô bé nguôi ngoa thì ù chạy, đi chơi tiếp như chưa từng bị đòn roi vì làm mất túi tiền cơm gạo của gia đình. Với bạn bè chung xóm, chung trường, học trước hay sau nhau vài lớp đâu có gì quan trọng. Hồi còn học, bọn con trai đi đá banh với trường khác thì Quỳnh Giao kêu gọi bạn gái các lớp đi ủng hộ tinh thần. Quỳnh Giao luôn xuất hiện với xô nước đá đem theo cho bạn bè uống, luôn khan tiếng sau mỗi trận banh vì ủng hộ đội nhà, cãi lộn với bên kia tới xăn tay áo như sẵn sàng đánh lộn khi bên kia chơi ăn gian hay chơi xấu… Nói tóm lại, Quỳnh Giao đã để lại trong lòng bạn bè hình ảnh con dế lửa với bên ngoài, nhưng trong trường là dế thầy chùa hiền khô khi còn đi học.
Khi lớn rồi cũng vẫn Quỳnh Giao không thay đổi, mấy tên bạn chung trường ngồi uống cà phê nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện bóng đá nước ngoài, chuyện trận đấu đêm nay toàn những siêu sao của Cơn lốc màu da cam đụng với những Con qủy đỏ… chắc chắn là một trận banh hay. Ôi nhớ lại thời hoàng kim của Đội tuyển Hoà Lan mà đụng đội Bỉ trận tứ kết thế giới thì coi đã mắt. Nhưng đã đời là Quỳnh Giao xuất hiện với dĩa bánh khoai mì trên tay. “Mẹ em đang chiên bánh cay trong bếp… các anh ăn chơi cho vui.” Rồi ngồi xuống tào lao thiên đế với bạn học cũ, tới mẹ gọi như gọi đò qua sông cũng phải cãi cho xong mới chịu vô nhà. Vô rổi lại trở ra để cáp độ Hoà Lan chấp một trái là hơi quá, chấp nửa trái là vừa… Cứ như là dân cá độ chuyên nghiệp, dân cá cược tiền triệu không bằng. Thật ra độ lớn của chúng tôi là tô bún riêu, chị bún riêu hay gánh tới quán trưa nhà Quỳnh Giao để chị vừa nghỉ chân, vừa tránh nắng giấc mặt trời oi ả tới xế chiều lại đi bán tiếp, nhưng dừng chân ở quán thì có người ăn lai rai hơn là nghỉ trưa trong xóm chẳng có ai ăn vì nhà nhà ngủ trưa. Hôm không tiền bọn tôi chơi độ nhỏ với nhau chừng ly nước mía ở cổng trường xưa, vui vì chở nhau đi uống nước mía bằng những chiếc xe đạp một thời, những vòng quay xe đạp nhắc lại biết bao điều… Hôm nghèo đều như nhau thì cá độ mấy cái bánh cam của bà cụ đi bán dạo đã già tới còng lưng hết cỡ nên cụ chỉ cao bằng đứa bé gái lớp ba, lớp bốn. Chúng tôi đi ngang cụ cứ bốc bánh cam trên cái mẹt dội trên đầu cụ, bốc tới hết bánh cụ cũng không hay biết. Nhưng chỉ là giỡi vui với cụ thôi, chúng tôi thấy cụ là cùng nhau mua ủng hộ. Quỳnh Giao hăng hái kêu gọi nhất vì bọn con trai hưởng ứng lời kêu gọi nhưng không thích ăn bánh ngọt mấy thì Quỳnh Giao bội thu.
Tết này cha cô ấy cũng mới được thả về từ trại tù cải tạo, người đàn ông mới ngoài năm mươi tuổi mà tóc đã bạc nhiều, phong độ ngày xưa của ông cũng đã mất theo những bức ảnh chụp ông mặc quân phục, treo ở phòng khách nhà ông oai phong lẫm liệt. Nhưng sau ngày định mệnh của miền nam, những hình ảnh ấy đều bị đốt thành tro hết, nên người trong ảnh bây giờ là một ông cụ non vì tuổi thì chưa già nhưng mắt lạc thần, sự rối loạn tâm lý bên trong thấp thoáng lộ ra ngoài nên dễ hiểu đôi khi ông nhìn lũ con trai đến quán nhà ông uống cà phê như bày súc vật để trả thù mấy năm ở tù, cán bộ quản giáo chắc cũng nhìn ông bằng ánh mắt như thế hay sao mà ông nhìn đời với ánh mắt thấy hết trong không thấy gì ngoài sự khinh miệt, khinh bỉ, nhẹ nhất là khinh thường cũng chỉ dành riêng cho vài đứa là bạn bè với các con ông, vài đứa còn biết người lớn kẻ nhỏ trong xóm làng, còn biết lễ phép với ông như ngày nào quân vụ khẩn cấp thì ông vẫn cho tài xế dừng xe jeep lại để cho đứa học trò nhỏ trong xóm đã vẫy tay xin quá giang một đoạn đường tới trường hay về nhà. Chúng tôi chỉ gặp rắc rối với ông khi xuống xe mà quên cảm ơn người tài xế, không cần thiết phải cảm ơn ông.
Thật khó quên ánh mắt người tù cải tạo trở về, mới ngày nào vợ con ông ra đường có lính mặc thường phục đi kèm để bảo vệ họ. Nay thời thế đã xoay chiều nên vợ con ông ở nhà phải mở quán cà phê vườn độ nhật, sống qua ngày chờ ông về. Hoà bình đã biến mọi người thành kịch sĩ như mẹ của Quỳnh Giao là một. Người phụ nữ xinh đẹp như cô Kiều Chinh trên phim ảnh vậy, dáng bộ quý phái, nhưng giao tiếp nhẹ nhàng, trân trọng mọi người nên thím được lòng bà con lối xóm. Nay để thích nghi với xã hội mới nên thím như con tắc kè ngoài nghĩa trang đổi màu trong chớp mắt. Thím nói với chúng tôi: Thím mở quán cà phê cho họ bớt để ý đến gia đình thím, các cháu đến ủng hộ quán nhà mình nhé. Thời buổi ai cũng phải làm để có cái ăn, rảnh quá nhà cầm quyền chướng mắt, họ cho đi kinh tế mới là mất hết…
Thím nói đúng quá! Đi kinh tế mới là mất hết… mất nhà mất cửa vô tay những người ngoài bắc vào công tác cũng cần chỗ ở. Người trong nam hay nói thẳng thừng là cướp nhà, nghe dễ xa nhau, nam bắc một nhà, đất nước thống nhất. Nặng nhất của trò lừa đi kinh tế mới là mất Tờ khai gia đình thời ông Thiệu đã đổi tên thành Hộ khẩu sau hoà bình. Mất hộ khẩu thành phố là con cái khỏi đi học, cha mẹ khỏi đi làm sau khi bỏ vùng kinh tế mới trở về thành phố làm người vô gia cư, không hộ khẩu trước cửa nhà mình nhưng người khác ở; Không xin được giấy chứng minh nhân dân để đi học, đi làm là mặt trái của hoà bình vì khi còn chiến tranh, người miền nam không phải chứng minh, không phải xin ai chứng nhận cho họ là nhân dân như sau hoà bình phải được chứng nhận là nhân dân mới được hít thở không khí. Nên giấy chứng minh nhân dân là bùa hộ mạng không thể thiếu trong chế độ người dân làm chủ hết những cái vớ vẩn của đất nước như: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dâu, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân…, cái gì cũng của dân trừ cái ngân hàng là Ngân hàng nhà nước. Nên người dân miền nam từ giàu có trước hoà bình đều trở thành vô sản hết sau khi được giải phóng hết nhà cửa, tiền bạc trong trương mục nhà băng.
Giờ ông về rồi thì ngày xưa hoàng thị cũng đâu trở lại, mấy thằng nhóc vớt túi ny lon, mò phế liệu, ve chai ngoài sông cũng gọi ông cho thêm bình trà bằng cái giọng làm chủ đất nước mà chúng vừa học được ở lớp xoá mù chữ. Những người làm công tác xoá đói giảm nghèo của Hội phụ nữ giải phóng đã dạy chúng sự bình đẳng kiểu gì mà chúng ứng dụng ra xã hội cái văn hoá láo xược còn hơn giang hồ gọi tiểu nhị trong phim tàu. Chúng tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa coi trời bằng vung như những người xưng ông ngoài kia vào, nghe khó lọt lỗ tai với các ông càng dốt ăn nói càng nát thêm tiếng Việt nhưng vô cùng trịch thượng. Những người lam lũ kiếm sống trên sông rạch không còn lặng lẽ, cúi mặt như xưa, nay họ thích nói chữ và thể hiện mình theo khuôn mẫu “lại đây ông bảo”; “ông bảo cho chúng mày biết…” Thằng ranh con nhặt ve chai mà dám gọi ông cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà là, “ông già điếc, lại đây tôi bảo, cho thêm bình trà… nhanh lên. Đi tù chưa đã, muốn đi tiếp hả?”
Bọn nó đã thuần thục lối ăn nói miệt ngoài. Thấm nhuần vô sản có sẵn trong giai cấp nên chỉ thêm bước vô thần là đủ làm con người mới xã hội chủ nghĩa. Chúng hết chỏng khu van vái thần ve chai cho một ngày may mắn trước khi xuống sông kiếm sống với nén nhang, hoa quả có gì cúng nấy. Nay những chủ nhân ông của xã hội mới đều chơi chữ đỉnh cao, “nhất trí đạt chỉ tiêu đã đề ra hôm nay trước khi ùm xuống sông mò rác. Nghe nổi da gà.
Các con gái ông già vừa thương ông vừa khó chịu với cái nhìn thấy hết trong không thấy gì hết của ông, ngày xưa họ như lá ngọc cành vàng trước hoà bình thì nay cũng cứ phải giả điếc mà nghe những lời trêu ghẹo thô thiển, hạ tiện của tạp nham xã hội. Nhưng có lẽ sự bực bội nhất của ông là tay công an khu vực cứ tới quán ngày ba buổi, ông tỏ thái độ thì nó mời ông về trụ sở công an làm việc, cho ông viết bản tự kiểm điểm. Nhưng ông viết tờ tự kiểm thế nào cũng không đủ thành thật để cách mạng khoan hồng nên ông phải đi làm cỏ đồn công an để phục hồi nhân phẩm… Nó làm cho hai con mắt ông hồi ra tù nằm sâu trong hốc mắt, nhưng chỉ vài tuần cần phục hồi nhân phẩm thì hai con mắt ấy lồi ra với nhiều đường gân máu đỏ au. Bởi nó ghét cái kiểu ông nhìn nó vì con chó cũng biết ai không ưa tiếng sủa nên chó gầm gừ, nhưng nó lại không thể gầm gừ vì ai lại tự nhận mình là chó. Ông nhìn thằng công an đến cây lá xác xơ không buồn ra hoa kết trái, mảnh vườn xinh đẹp ngày nào nay như bãi tha ma… cũng không ai biết được ngày nào mảnh vườn này mọc lên hai ngôi mộ của lòng thù hận sau hoà bình?
Nhưng ông không tỏ thái độ thì nó cũng không biết xấu hổ, không ngại mặt dày vì nó muốn làm rể cái gia đình không có lý do gì để chấp nhận một thằng tai dơi, mặt chuột, con nhà Việt cộng nằm vùng. Quỳnh Giao càng không thể, cái không thể nhất là không thể nói thẳng vào mặt nó: Đi chỗ khác chơi đi… vì nó có đủ uy quyền của mặt trời bé con để đóng cửa quán bằng một vu khống láo xạo nào cũng được như quán mở nhạc đồi trụy, tôi nghe người ta báo là đã đủ buộc tội quán đóng cửa. Nó dư lý do, thừa thủ đoạn ép cả nhà Quỳnh Giao đi kinh tế mới. Bây giờ nó lại thêm quyền làm khó ông già tía Quỳnh Giao mới ở tù về, làm khó lúc nào cũng được vì ông phải trình diện bất cứ lúc nào nó muốn. Đúng là ông già ác ôn hơn công an chỉ thủ đoạn vặt, ông nhìn người ta như chó mà lại không cho gầm gừ thì bố ai chịu được.
…
Quỳnh Giao hay đến cái góc vườn hoang tàn nhất, dưới gốc cây khế già, già đến nỗi trái khế chỉ còn bằng trái tắc chứ không được bằng trái chanh, nó mới kết trái đã chín háp trên cành như trẻ em còi cọc sau hòa bình, cây khế lá thì vàng như mùa thu quanh năm. Cây vú choắt bên cạnh cây khế già vì đã qua thời vú sữa, có gió là thả xuống sân lá khô những trái cau khô thì đúng hơn là vú sữa. Nhưng ở nơi điêu tàn nhất trong mảnh vườn lại là bàn cà phê của những đứa trẻ có đi học, bạn bè với chị em nhà Quỳnh Giao, chúng nghèo hơn cả đám vớt rác ny lon, mò ve chai, phế liệu ngoài sông; đám xích lô, xe ba gác đồng bọn, chúng chuyên chở bom đạn mò được đi bán cho vựa ve chai, chỗ mua phế liệu quân sự sau hoà bình.
Nhưng cái giao tình chung lớp, chung trường, chung xóm với chị em nhà Quỳnh Giao còn vương lại sau những gì đã mất của người miền nam sau cuộc chiến, những gì đã mất của thế hệ sinh ra trong chiến tranh nhưng lại không vui mừng hoà bình tí nào. Chúng thường làm cho cơ mặt ông già tía của Quỳnh Giao bớt nhăn nhúm vì “chú làm ơn cho tụi con xin thêm bình trà.” Khi bưng bình trà mới ra thì đến mấy đứa cùng nói, “Cảm ơn chú”. Bọn tử tế quá sinh nghi không đại đồng vô phép mới rối trí ông già đi tù không khổ bằng có con gái đẹp. Ông học được gì ở trại tù cải tạo ngoài sự đa nghi, không tin ai, không tin vào bất cứ điều gì nữa. Ông không nói ra bằng lời nhưng mắt ông nói hết thói đời là khinh bỉ. Cũng khó trách người bị đồng minh phản bội đến thân tàn, chưa thành ma dại đã may. Nhưng dù sao ông cũng là lính cũ nên rộng lượng bỏ xuống bàn cho chúng tôi gói thuốc lá hút dở trong túi áo ông như giằn mặt: Hết tiền mua thuốc lá thì già cho bay đó. Không có chuyện gì để bàn với bọn bay. Tốt nhất là bọn bay đừng động đến con gái ông.
…
Mới sáng hai mươi tám tết đã thấy trưa ba mươi cúng rước ông bà ở nhà quạnh quẽ vì chắc cũng chẳng có gì để gọi là tết. Hy vọng bình trà xin thêm, vài điếu thuốc bố thí sẽ nghĩ ra cách kiếm tiền về phụ mẹ một tay lo tết cho gia đình. Nhưng mấy tên bạn chạy thuốc tây lậu, cà phê lậu, lần lượt xuất hiện tại quán. Tên nào cũng lắc đầu, thúc thủ ngồi đồng ở quán cà phê mà thằng công an khu vực ít làm khó nhất trong các quán để giữ khách cho quán Quỳnh Giao, cho mục đích riêng của nó. Dù nó cũng dư biết khoảng cách giữa nó và Quỳnh Giao là cánh đồng bất tận khi Quỳnh Giao đã chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Nó biết chứ, nơi Sài gòn đèn xanh đèn đỏ không thiếu những thiếu gia đỏ săn đón Quỳnh Giao như chó chờ xương ở cổng trường, thì con chó miệt vườn như nó có nghĩa gì? Lại còn lũ chó nhất thế nhì thân tam tiền tứ chế không có gì, chỉ có mỗi cái đẹp trai không bằng chai mặt ở quán này cũng lại là dân có bằng cấp, bước vào lớp bổ túc văn hoá thì chúng đứng trên bục giảng, nhìn xuống bày cán bộ làm toán gãy tay, viết sai chính tả từ đầu tới hết bài luận văn rặn không ra chữ… Những thằng nửa người nửa ngợm nửa đười ươi này chỉ kẹt cái lý lịch gia đình không hợp thời mới chịu về đây thúc thủ. Vậy mà tụi nó cũng chào thua con nhỏ khó cưa và đầy nguy hiểm như cưa bom phế liệu. Nhìn lại mình đời đã xanh rêu từ đánh Mỹ không chết, chuyển ngành từ bộ đội qua công an cũng chĩ được chức công an quèn vì thiếu chữ. Lận đận ở lớp bổ túc văn hoá, học lớp 9 năm thứ 3 vẫn chưa lấy nổi cái bằng tốt nghiệp cấp II Phổ thông cơ sở để thăng quan tiến chức… Có lẽ nó thù tên bạn tôi hơn Đế quốc Mỹ, dù tên bạn đã khoan hồng hơn cách mạng cho nó vì lòng trắc ẩn nhưng bài luận văn thi tốt nghiệp cấp II ở lớp bổ túc văn hoá quận mà nó theo học không thể cho điểm trên trung bình bởi chính tả, ngữ pháp còn dở hơn đứa học trò lớp bốn, lớp năm ở trường cấp I.
Lỗi tại bạn tôi đã lưu manh hoá một chiến sĩ công an, đã làm cho nó thành tật hay xốc lên xốc xuống khẩu súng ngắn mỗi khi chạm mặt thầy giáo ở quán cà phê nhà. Tình trạng tâm thần của nó ngày một nặng hơn thành bệnh xốc súng với bất cứ thằng nào ở quán cà phê nhà Quỳnh Giao mà dám giở trò trước mặt nó như tên bạn khác của tôi ngẫu hứng một phen. Tên khác nữa
thấy Quỳnh Giao đeo đôi bông tai mới nên khen lấy lòng, “Hôm nay Quỳnh Giao có đôi bông tai mới đẹp quá ha. Hôm nào anh thua độ bóng đá tới cả gánh bún riêu thì cho anh mượn một chiếc thôi cũng đủ. Quỳng Giao đeo một chiếc thôi cũng đẹp như thường…” Bạn bè đang đùa vui. Tên khác nói, “Mày có tin là trong mấy ly cà phê của tụi tao, Quỳnh Giao bỏ đường. Còn ly của mày, Quỳnh Giao bỏ muối… không tin uống thử đi!” Cả đám phá lên cười với cái mặt ngố tưởng thật của tên hay chọc ghẹo người khác nhưng bị lừa dễ ụi. Bỗng tên Bách khoa ngẫu hứng diễn xuất thần, diễn như không diễn…,“Giao à! Em phải giữ thật kỹ, không được làm mất nha em, vì đó là của hồi môn, đồ gia bảo của bà nội anh trao lại cho mẹ anh. Bây giờ đến em là đời thứ ba rồi đó… không thể mất, không cho ai mượn được nha em.”
Quỳnh Giao và chúng tôi cắn răng nín cười với tên bạn Bách khoa mà diễn sâu bất ngờ, nét mặt co giãn, ngữ điệu lên bổng xuống trẩm, nhấn nhá, đẩy đưa của tên bù lon mỏ lết mà như mới học xong trường sân khấu nghệ thuật ra. Chỉ một cú hất hàm nhẹ của nó về phía bàn bên kia là chúng tôi hiểu hết nên cố nhịn cười, những ánh mắt không đội trời chung đều thấy rõ tên công an đỏ mặt như trái gấc chín, mắt nó đổ lửa. Con thú điên còn kể gì phép tắc, nó xông vào chỗ pha cà phê, lớn tiếng chất vấn Quỳnh Giao khi cô ấy đã trở vào nhà. Có lẽ nó chưa từng thấy, chưa từng biết Quỳnh Giao từng xăn tay sẵn sàng đánh lộn với đám con trai trường khác vì đá banh chơi xấu với chúng tôi nên nó không biết sợ con dế lửa Quỳnh Giao. Chỉ là tại nhà cũng như trong trường, trong lớp, con dế thầy chùa vẫn hiền khô, không muốn làm cho mẹ và các chị em của cô ta sợ hãi, nên cô ấy bỏ vô phòng riêng, không trả lời gì vì người hỏi có thẩm quyền gì với cô ấy đâu mà phải trả lời. Chúng tôi nhìn nhau hài lòng với Quỳnh Giao xử sự ngày càng tinh tế hơn.
Hắn tức điên lên, chất vấn chị em Quỳnh Giao sao không cho hắn biết chuyện? Sao không ai nói gì với hắn? Ai đã… đính… hôn với… cà lăm. Hắn thở dồn dập đến nghẹn lời, nhưng mấy cô có biết chuyện gì đâu mà nói cho hắn nghe! Mồ hôi mẹ mồ hôi con hắn vã ra mặt như người mắc mưa. Hắn trở ra bàn cà phê hắn hay ngồi một mình, rút khẩu súng giằn lên bàn tới ly cà phê nhảy dựng lên sợ hãi. Hắn chửi thề, nói sảng như người lên cơn sốt cao…, “Tao bắn hết. Tao bắn chết mẹ tụi bay hết… Thằng nào. Thằng nào? Bước… ra đây… Tao… b…ắ…
Hắn tức tới thở không được, hắn xỉu tại quán vì hắn mắc bệnh suyễn nữa. Nhưng hồi xưa nói là trúng gió nên không quan trọng, phần ai ưa nổi công an mà quan tâm.
Hắn tỉnh lại thì về lên kế hoạch trả thù với hết khả năng là báo cáo lên công an quận: Hắn tình nghi tên bạn Bách khoa của chúng tôi tham gia, có chân trong một tổ chức phản động, chống phá nhà nước. Hắn xin lệnh lục soát nhà. Lục soát không ra bằng chứng gì nhưng tên Bách khoa vẫn bị công an quận mời lên làm việc. Bởi không có bằng chứng nên cũng không bị khép tội gì, chỉ bị lưu tên vào sổ bìa đen của công an quận. Tên bù lon mỏ lết cũng không vừa, không bị bắt đi tù thì về thọc gậy bánh xe với tài diễn sâu thiên bẩm, làm cho tên công an khu vực thêm tội tiểu nhân trong mắt chị em nhà Quỳnh Giao, trong mắt mọi người…
…
Quỳnh Giao đã ra trường đại học, có thể sống tự túc được rồi hay sao mà không thèm tế nhị nữa, bình thản lộ nguyên hình chống phá nhà nước. Cô ấy không xem thường pháp luật, không phản động mà còn hơn phản động khi tỉnh bơ đưa về quán nhà, ra mắt gia đình và bạn bè người bạn trai của cô là một thương gia người Nhật sang Việt nam đầu tư, mở công ty. Quỳnh Giao học xong trường kinh tế, đi xin việc làm lại lọt tõm vào công ty của anh ta. Trai tài gái sắc xứng đôi vừa lứa nên gia đình và bạn bè ủng hộ. Tay này hào sảng và hoà đồng như Quỳnh Giao vậy nên chúng tôi có thêm người bạn Nhật gọi chúng tôi là anh vợ, tên nào cũng là anh vợ của hắn hết. Hắn tự xưng là em rể nghe xướng lỗ tai mọi người. Không biết bạn bè nghĩ sao, riêng tôi nể tài cư xử của Quỳnh Giao thật khôn khéo, làm vừa lòng hết bạn bè vì Quỳnh Giao dư hiểu làm sao không có bạn thầm thương trộm nhớ đến cô ấy, thậm chí là hơn một thì hai, ba… nhưng quyết định của cô ấy là trọng đại, là cuộc đời của cô ấy, không ai thay thế được, và mọi trách khứ nên bỏ qua…
Về sau nghe nói, nhiều bạn bè tôi được Quỳnh Giao giới thiệu vô lảm cho công ty Nhật cũng đỡ khổ hơn học ra không có việc làm, phải đi làm cho những công ty quốc doanh của nhà nước thật hẩm hiu…
Comment