M â y M ù a T h u - Duyên Anh
Xuân đời chưa hưởng kịp
Mây mùa thu đã sang.
Vũ Hoàng Chương
Kính tặng nhạc phụ của tôi: Ông Nguyễn Ngọc Đề
và các bạn Miền Nam thân quý.
Duyên Anh VŨ MỘNG LONG
Mùa thu, mây thường trôi cả về một phía trời, tụ tập ở đó. Người ta bảo mây xây thành.
Có một cụm mây không thích trôi theo những cụm mây khác. Nó tách riêng ra, thoát lên cao. Và lang thang bay trên vùng trời bao la. Mười mấy năm rồi, tôi vẫn còn nhìn thấy cụm mây đơn độc ấy, mỗi năm, trời vào thu. Dễ chừng, cụm mây đã già bằng tuổi ba mươi ba của tôi.
Cụm mây đơn độc ơi, bay thơ thẩn nửa đời người mà chẳng biết bay đến bao giờ mới thôi, bay đến phương nào mới chịu dừng lại. Cụm mây đơn độc, sao nó giống tôi thế. Nhưng đừng nên dừng lại xây thành. Dừng lại, mây sẽ thành mưa. Và tôi sẽ không còn gì để nhớ nhung mỗi độ thu về. Hãy thoát lên cao, lên cao nữa.... Hãy bay một mình, bay một mình mãi mãi. Như vậy, ngàn năm không ai nỡ quên em, cụm mây đơn độc của tôi ạ!
Một
Bấy giờ ban hát Đồng Ấu của nghệ sĩ Năm Chiêu đã trôi giạt xuống Chợ Mới sau những ngày tháng thất bại ở Sàigòn, Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên. Từ Long Xuyên sang Chợ Mới phải qua "bắc" An Hòa tức là sông Hậu. Rồi đi xe lôi máy hay xe lô trên quãng đường gập ghềnh bậc thang lổm nhổm đá củ đậu đâu mười cây số mới đến nơi. Con đường này, hồi ấy, nắng thì mịt mù bụi, mưa thì nhão nhét bùn. Xe lôi máy thường lật nhào đổ tung hành khách xuống đường. Xe lô là những chiếc xe tắc-xi già nua Sàigon phế thải, người ta đem về đây sơn sửa lại, ọc ạch chạy đỡ. Chúng hay nằm ăn vạ giữa đường. Vì thế, cuộc "hành trình" từ "bắc" An Hòa vào Chợ Mới dù mùa mưa hay mùa nắng đều vất vả vô cùng.
Lần đầu tiên tôi được đi xe lôi trên quãng đường An Hòa - Chợ Mới. Dưới mắt tôi, xe lôi giống xe tay thấp không có cáng kéo. Xe lôi đạp thì thùng xe nhỏ, hẹp hơn xe lôi máy. Cái càng kéo người ta thay thế bằng chiếc xe đạp hoặc xe máy Sachs, Mobylette và mô-tô. Có lẽ, hôm nay người ta đã chạy thêm xe máy Honda, Suzuki, Bridgestone... Người phu xe quay lưng nhìn hành khách, đạp xe, chứ không nhìn lưng hành khách như người phu xe xích-lô nhưng vẫn phải đạp toát mồ hôi. Khác một điều là xe lôi đạp nhỏ chở hằng chục khách hàng và phu xe thắng xe bằng... gót chân của mình. Xe chạy nhanh thế nào mặc kệ, khi cần thắng, người phu xe chỉ cần nhấc chân, dí gót vô lốp xe đằng sau là xe từ từ giảm tốc độ.
Tôi đã ngạc nhiên, tự hỏi, người phu xe lôi có đóng móng sắt vào gót chân ông ta không. Tôi nhìn thật kỹ. Không, không có móng sắt ngoài lớp da dầy. Tôi nhìn thật kỹ đến nỗi thầy tôi phải "Ủa" một tiếng lớn. Và hỏi:
- Mày nhìn chi đó thằng Bắc kỳ?
Tôi là "thằng Bắc Kỳ" duy nhất trong ban hát Đồng Ấu của nghệ sĩ Năm Chiêu. Thầy tôi là đạo diễn kiêm họa sĩ vẽ phông, viết bích chương, viết "băng đờ-rôn"và viết tuồng cho ban hát. Tên ông là Văn Nghị. Nhưng trong ban hát, những đứa hằng tuổi tôi đều gọi ông là thầy Nghị. Chắc tại ông làm nghề thầy tuồng. Chúng nó kêu ông là thầy, xưng con. Tôi cũng kêu ông là thầy xưng con luôn. Thường thì ông Nghị gọi tôi bằng con, xưng thầy. Nhưng lúc thương yêu tôi nhất, ông mới gọi tôi bằng mày và đùa bỡn tôi là "thằng Bắc kỳ". Chính ông Nghị đã kết nạp tôi vào ban hát Đồng Ấu.
Trước ngày gặp ông, tôi đi theo một người sơn đông bán thuốc cao đơn hoàn tán. Công việc của tôi dễ dàng lắm. Tôi đánh phèng phèng sau mỗi câu quảng cáo món thuốc mới của chủ. Rồi buông thanh la, lật ngửa cái mũ nĩ cũ kỹ theo chân chủ nhặt tiền mua thuốc của khách hàng. Xong màn đó, chủ tôi làm trò ảo thuật. Tôi đứng chờ ông ta sai vặt như người phụ tá của một ảo thuật gia. Công việc khó nhất của tôi là mỗi ngày đi kiếm một đứa bé mặt mũi bẩn thỉu, bụng ỏng da chì, cho mẹ nó vài chục bạc và bảo mẹ nó dẫn tới để chủ tôi chữa bệnh giun sán dùm nó. Đứa bé bị cởi trần truồng đứng trên tờ báo. Chủ tôi lôi cái lọ đầy giun đũa mà ông ta đã khổ công "sưu tầm" từ những đống phân có giun, đem về ngâm "an-côn"; rửa sạch chất phân bám ngoài mình giun và ướp "phọoc môn" để hàng năm không thối mà giun lúc nào cũng nguyên hình giun y như vừa ở ruột già chui ra khỏi hậu môn, Ông ta đổ cả lọ giun bầy nhầy trên giấy báo dưới đít đứa bé.
Dàn cảnh chu tất, chủ tôi mới bảo tôi khua thanh la quyến rũ những người hiếu kỳ. Khi đám đông bu kín quanh miếng đất "dụng võ" nhỏ, chủ tôi nói liên chi hồ điệp về bệnh giun sán. Ông ta kể hàng chục loại giun trong dạ dày con người. Rồi chỉ vào đứa bé tỉ mỉ dẫn giải tại sao đứa bé bụng ỏng, da chì, biếng ăn biếng ngủ, dù có ăn nhiều, ăn bổ cách mấy, vẫn bụng ỏng, da chì. Ông ta đổ vạ cho những con giun đã ướp "phoọc môn" chất đống bầy nhầy sát chân đứa bé. "Loài giun đã ăn hết chất bổ. Chúng giống những chùm gởi trên thân cây. Không diệt chúng, chẳng bao lâu đứa bé sẽ hao mòn mà chết".
Ở chỗ nào thì cái màn bán thuốc giun cũng thế thôi. Cũng những lời dẫn giải, đe dọa chết chóc và câu kết luận đáng tiền:
"Vậy bà con cô bác, đi xa về gần, thương con, thương cháu, nhớ mua cho chúng vài gói Cam Tích Tán nhãn hiệu Con Dơi. Thuốc này ở tiệm chính bán mười đồng một gói. Ở đây, ông chủ tiệm biếu không bà con cô bác, chỉ thu về năm đồng tiền giấy gói thuốc..."
Nhiều người sợ lời đe dọa của chủ tôi và ham rẻ những năm đồng, tấp nập bỏ tiền mua vài gói thuốc giun, đem về để dành, chờ ngày con cháu mình "bụng ỏng da chì". Chỉ cần thế, cái mũ nỉ cũ kỹ của tôi luôn luôn, đầy nhóc bạc lẻ. Màn bán thuốc giun mở màn cho màn bán thuốc bổ tì:
"Khi giun sán đã chết, bà con cô bác phải tẩm bổ cho con cháu. Không có món thuốc nào bổ bằng cơm gạo, thức ăn. Nhưng muốn con nít ham ăn, hãy bắt nó uống thuốc bổ tì..."
Hồi còn đi học, cô giáo tôi đã nói nhiều về những tay sơn đông bán thuốc. Cô tôi khinh bỉ nghề sơn đông bán thuốc, cô bảo rằng họ chỉ bịp dân quê khờ khạo.
Mỗi lần lật cái mũ nỉ cũ kỹ hứng bạc lẻ, tôi lại nhớ lời cô giáo dạy năm nào. Và, tự nhiên, tôi thương khách hàng, thương những đứa bé sẽ uống những gói thuốc gạo rang, vô thưởng vô phạt của những người sơn đông bán thuốc.
Màn bán thuốc giun đôi lần, rùng rợn phát khiếp. Chủ tôi bắt cắm đầu con giun chết vào hậu môn đứa bé. Đứa bé khóc thét lên. Mẹ nó trót nhận mấy chục bạc. Với lại đi ăn mày cả ngày mới được số tiền đó, mẹ nó dọa đánh nó. Nên đứa bé nhăn nhó, nước mắt đầm đìa khiến cái bệnh giun sán trở thành trầm trọng. Một hôm, nhờ biểu diễn màn này mà tôi gặp ông Nghị.
Ông thầy tuồng lách đám đông, ghé vô coi. Thấy tôi vừa cắm con giun vào hậu môn đứa bé vừa nhổ nước miếng lia lịa, ông thầy tuồng cười ngất. Chủ tôi đá tôi một cái đau điếng. Ông ta dọa tống cổ tôi khỏi nghề nghiệp của ông ta. Tôi sợ đói không dám khóc. Ông thầy tuồng nín cười. Khuôn mặt ông ta nghiêm lại. Ông động lòng trắc ẩn, lên tiếng:
- Nè, chú sơn đông, sao chú đánh cháu ta?
Chủ tôi tái mặt, áp úng:
- Cháu ông, hả?
- Ừa.
- Tôi dạy thằng nhỏ làm ăn mà...
- Dạy chi cái nghề bất nhơn đó. Nói cho chú hay, ta cớ bót chú tội quyến rũ cháu ta à....
Chủ tôi xin lỗi người đàn ông lạ mặt. Ông bảo tôi đòi theo ông ta kiếm ăn. Mà tôi đòi theo ông ta thật tình. Chủ tôi vỗ vai tôi, dí vào túi áo tôi nắm bạc lẻ. Rồi đẩy tôi sang chỗ người lạ mặt vừa nhận tôi là cháu ông. Tôi sững sờ khôn tả. Người đàn ông lôi tôi thoát khỏi đám đông, ông dẫn tôi vô một quán hủ tíu, hỏi tôi:
- Con đói không?
Tôi lắc đầu. Ông mỉm cười khuyến khích tôi:
- Con thử nói một câu nghe coi. Trông con ngộ hết sức, giống mặt thằng con "Bắc kỳ" của tao ngày xưa quá xá.
Tôi nhìn ông. Ông nhìn tôi đăm đăm.
- Con uống nước ngọt nhé?
Tôi đáp:
- Vâng.
Tiếng "vâng" ngắn ngủi, cộc lốc của tôi không ngờ làm ông xúc động mạnh mẽ. Ông kéo tôi vào lòng ông, âu yếm.
- Mày là thằng Bắc kỳ hả, con? Bắc kỳ di cư hả, con.
- Vâng.
Ông xoa đầu tôi, kể lể:
- "Goa" cũng có một đứa con Bắc kỳ..
Giọng ông buồn buồn:
- Mà nó ở tận Bắc kỳ lận.
Ông luồn tay trong áo tôi, rờ rẫm da thịt tôi:
- Ba mày đâu con?
Tôi chớp mắt:
- Ba cháu mất lâu rồi. Cháu di cư với chú cháu. Chú cháu bị đạn Bình Xuỵèn bắn chết bên Khánh Hội.
Ông ngắt lời tôi:
- "Goa" hiểu hết. Con bơ vơ, đi theo thằng cha sơn đông mãi võ kiếm cơm. Từ nay sắp đi, con theo "goa", "goa" sẽ lo cho con.
Rồi ông đưa tôi về căn gác xép trong con ngõ mà ngoài lộ có một rạp hát cải lương. Tôi đang bơ vơ, côi cút, thấy ai thương mình thì theo đại, chả cần biết đời mình ra sao. Ngày hai bữa, ông dắt tôi ra tiệm ăn. Tối ông gửi người dẫn tôi đi coi cải lương. Sống với ông hơn tuần lễ, ông mới bảo tôi ông là thầy tuồng thất thời. Lúc đó, tôi không thấu nổi ý nghĩa mỉa mai của hai tiếng thất thời. Bây giờ, hồi tưởng lại, tôi thương ông Nghị vô vàn. Vì mắt tôi đã nom thấy buổi hoàng hôn của các nghệ sĩ. Nhà văn Lê văn Trương đói cơm, đói thuốc phiện trước khi giã từ cuộc đời. Nhà thơ Quách Thoại chết rũ trong nhà thương thí. Kép hát nổi danh Bảy Nhiêu đang bán cà phê nhặt từng đồng bạc cắc. Kép hát Huỳnh Thái gửi thân ở Bộ Chiêu Hồi làm anh cán bộ.
Ông Nghị giải nghĩa thầy tuồng là gì. Và ông nhắc nhở cái tên Văn Nghị của dĩ vãng ra Bắc, ra Trung, vô Nam như cơm bữa. Ông khơi lại kỷ niệm vàng son của tuổi trẻ. Tôi mới biết ông có mối tình "nghệ sĩ" ở Hà Nội.
Ông yêu một cô gái Bắc. Cô gái Bắc yêu anh kép hát Nam kỳ. Hai người sinh được đứa con trai. Nhưng chuyến vào Nam rồi chẳng bao giờ ra Bắc nữa, vợ ông đã không theo ông. Nàng lưu luyến quê hương, sợ chuyện quê người xa lạ, nàng ở lại cùng đứa con trai duy nhất của ông. Sau này, tuổi đã chồng chất và tài hoa úa béo, ông Nghị muốn ra Bắc tìm vợ con. Thì đã muộn. Chiến tranh cốt nhục chia cách hai miền.
Người nghệ sĩ già đành thúc thủ. Rồi tre già măng mọc, ông bị các sân khấu sa thải. Không còn gánh hát nào diễn tuồng của ông hay mướn ông làm đạo diễn nữa. Tâm sự của ông là tâm sự con voi già. Con voi già cải lương "phè" một tiếng thở dài ảo não nhìn lên sân khấu thấy rặt loại tuồng hương xa Ai Cập, La Mã, Nhật Bản, Ba Tư nhố nhăng. Ông có quyền chôn vùi tài hoa và bằng lòng bị sa thải.
Khốn nỗi, dù chán chê sân khấu, ông vẫn phải bám lấy sân khấu mà sống lần hồi chờ ngày Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ lo giùm ông chiếc hòm, miếng đất. Chẳng còn nỗi buồn nào thấm thía hơn nỗi buồn của một kép hát về già không vợ con. Những anh kép trẻ, những anh soạn giả trẻ đang lẫy lừng danh vọng không muốn quên ơn con voi già cải lương. Họ đều kính trọng ông Nghị, chu cấp ông Nghị đàng hoàng. Ông Nghị lập cuộc đời nghệ sĩ trên sân khấu, ông toan tính gửi lại cuộc đời ấy trên sân khấu ấy vào một xuất hát rạng rỡ nhất thời son trẻ của ông.
Ông không thích chết dấm díu trong ngõ hẹp. Con voi bị rụng ngà chỉ bằng lòng về rừng gửi xác. Chiếc tàu lớn chỉ bằng lòng khuất phục sóng gió giữa đại dương. Có lẽ, vì thế, ông Nghị khổ sở.
Ông Nghị nghiện thuốc phiện. Thỉnh thoảng, người ta mời ông thủ một vai phụ. Và thường thường, vai phụ đó là một cao thủ võ lâm, tóc bạc, râu dài, lưng đeo hồ rượu tay cầm quạt lông. Tôi đã coi ông Nghị diễn. Ông không ca vọng cổ. Ông đóng thật hay khiến có phút giây tôi tưởng ông là một đạo sĩ tiêu dao đất trời trong những pho kiếm hiệp.
Tôi sống với ông Nghị đâm nhớ người sơn đông bán thuốc. Tôi biết ông Nghị yêu thương tôi qua hình ảnh đứa con Bắc kỳ của ông. Nhưng rảnh rỗi quá, tôi cứ hay suy nghĩ vớ vẩn.
Một hôm, ông Nghị ở tiệm thuốc phiện về, mang theo một bộ sách. Ông hỏi tôi:
- Con biết đọc không?
Tôi cho ông rõ tôi đã học đến lớp đệ ngũ. Ông cười hể hả:
- Vậy tương lai mày hơn tao, thằng Bắc kỳ ạ.
Ông ném bộ sách vào lòng tôi:
- Mày đọc đi thằng Bắc kỳ. Nếu mày khoái Đắc-ta-nhan, tao sẽ dạy mày đánh kiếm.
Tôi dở trang đầu của cuốn một, bộ "Ba người ngự lâm pháo thủ" ra coi. Ông Nghị bảo tôi:
- Lát hãy đọc.
Tôi gấp sách nhìn ông, Ông Nghị nhìn tôi. Đôi mắt ông sao mà quyến rũ thế! Đôi mắt ấy, khi làm nghề viết tiểu thuyết nuôi vợ con, tôi tưởng tưọng nó đã nuốt trọn hàng ngàn trái tim thiếu nữ. Nó giống cuốn phim tuổi trẻ, chụp muôn vàn cảnh tượng của tình yêu. Đôi mắt ấy nhìn tôi:
- Hồi xưa ở Bắc, tao quen Đồ Phồn. Mày không biết Đồ Phồn đâu, thằng Bắc kỳ ạ! Ông này viết phóng sự hoạt kê về phong tục hay lắm. Tao đọc cuốn "Khao" của ổng, cười bể bụng luôn.
Ông chớp mắt để nhớ kỷ niệm cũ. Rồi kể những đêm nằm bàn đèn với Nguyễn Tuân, Thế Lữ, những đêm rượu tràn ly, trống cô đầu tom chát, với Tú Mỡ, Tam Lang... Ông gật gù:
- Thằng cha Nguyễn Tuân nó viết cuốn "Tàn đèn dầu lạc" hồi nằm với tao.
Ông lại nhìn tôi:
- Mày có đôi mắt giống hệt đôi mắt Đồ Phồn, thằng Bắc kỳ ạ! Mày thử pha trò tao coi.
Tôi chưa biết nên pha trò gì. Thì ông Nghị đã hỏi:
- Ở Bắc con sinh ở tỉnh nào?
Tôi đáp:
- Thưa ông cháu ở Thái Bình.
- Tao đã dẫn thẳng Huỳnh Thái qua đò Tân Đệ sang Thái Bình diễn tuồng. Hồi đó, chắc là con chưa ra đời. Tao đạo diễn tuồng "Dưới Mái Tây Hiên" của Phạm Ngọc Khôi. Huỳnh Thái thủ vai Trương Quân Thụy. Nó làm xiêu lòng con gái Tổng đốc Thái Bình khi gục đầu xuống mồ Thôi Oanh Oanh thương tiếc.
Ông Nghị lẩm nhẩm ca:
- Ôi, hạnh phúc con người ta đâu phải ngựa xa áo mã mà chỉ tìm được trong cặp mắt giai nhân. Song giai nhân nay đã biệt tăm, hy vọng mộng tan theo làn khói tỏa. Muốn khóc em nước mắt anh hầu cạn những muốn trông em chỉ thấy đám bụi... mờ.
Tôi lạc vào thế giới cải lương của ông Nghị. Và bắt đầu mê hát. Tôi đập nhịp chân, khen con voi già.
- Ông hát "mùi" ghê.
Comment