Tế Điên Hoà Thượng
Khánh Vân Cư Sĩ
Hồi 1
Núi Thiên Thai Mậu Xuân Cầu Tự
Chùa Quốc Thanh La Hán Giáng Trần
Đôi Lời Tự Minh
Nhân một ngày đầu xuân lang thang trên nẻo đường Chợ Lớn chợt thấy một hiệu sách bán các loại sách cũ bằng chữ Nho. Tạt vào xem nhìn khắp các giá sách thấy có một cuốn đã cũ ngoài bìa đề "Tế Điên Hoà Thượng." Với lấy vỡ xem thì ra là chuyện của Lý Tu Duyên. Một vị La Hán giáng trần làm nhiều điều phúc thiện nhưng lại giả điên để che mắt tục. Thấy cuốn truyện hay hay có tính cách vượt ngoài "Ngã Chấp" thế thường tỷ như chuyện Lỗ Trí Thâm nên phỏng dịch để rộng đường phán định.
Tế Điên Tăng vốn là một vị Hòa Thượng hữu danh trong Phật Giáo Sử thời Tống. Luật học uyên thâm, trí thức siêu việt, hành động tuyệt kỳ.
Tự Cổ Chí Kim người ta thường khổ tâm thắc mắc hai thái cực Đạo, Đời đôi khi hiểu lầm đến thành xa cách. Truyện Tế Điên Tăng chính là một cái gạch nối dung hòa cả Đạo lẫn Đời bởi hành động có lúc vượt ngoài khuôn khổ Thiền Gia mà đó mới chính là tác động của khách Tu Thiền.
Đức và Tài là hai điều kiện nghìn xưa mến chuộng mà nghìn sau cũng noi gương. Đọc chuyện Tế Điên Tăng chúng ta sẽ thấy được cái tâm đức cao sáng tuyệt vời và sẽ phải tán thưởng cao tài của người đạt Đạo.
Nếu đã có một vị Tăng ca vang câu:
Tri thời, đạt thế, phương toàn thiện
Diệu ngộ Tam Thừ vị tất nan.
Nghĩa Là:
Biết thời, biết thế, đôi đường vẹn
Bước tới Liên Đài cũng dể thôi.
Thì quả là vị đó đã đạt được cái tinh thần cao đẹp của Tế Điên Tăng vậy.
Cuốn chuyện đã nát nhầu, câu văn lại quá cổ người dịch lại không có ý kiến gì thêm bớt cho đượm nồng hương vị tân phong. Lẽ dĩ nhiên có thể là một món ăn quá cũ nhàm chán cho những ai ưa loại tân tiến. Nhưng dịch giả còn một chút hy vọng nơi độc giả khoan lượng không tìm cái đẹp ở câu văn mà tìm cái cao tuyệt ở hành động và ý tứ.
Vào Truyện
Đây nói chuyện về đời Tống niên hiệu Thiệu Hưng năm đầu trong trào có một người họ Lý tên Khiêm. Điển tự Mậu Xuân làm Quan tới chức Kinh Doanh Tiết Độ Sứ. Nguyên quán ở Thái Châu thuộc tỉnh Triết Giang có vợ là Mông Thị. Cả hai Vợ Chồng đều là người hiền lành hay làm việc bố đức thi ân, cứu giúp những người cùng khốn hoặc không may gặp bước lỡ làng.
Nhân vì khi ấy Triều Đình gặp tôi gian, nịnh thần cầm quyền. Lý Mậu Xuân ngao ngán buồn rầu, không còn thiết chi danh lợi quyền thế liền dâng biểu xin về hưu dưỡng già.
Sau khi được nhà Vua ưng thuận Vợ Chồng đưa nhau về Triết Giang vui thú cảnh quê. Vốn ôm ấp tâm tư nhàn hạ nay được trở về Vợ Chồng càng thêm tăng gia làm điều phúc thiện. Ngoài việc thiết lập một trang trại rộng rãi khang trang. Lý Mậu Xuân còn giúp đỡ hầu hết dân chúng trong vùng khiến được an cư lạc nghiệp. Dân làng được nhờ ơn huệ chẳng ít nên người người đều xưng tụng mệnh danh là Lý Thiện Nhân.
Một hôm sau khi rảnh rỗi. Lý Mậu Xuân dạo cảnh đồng quê chợt thấy hai người bàn tán dưới gốc Cây Bàng. Động tính hiếu kỳ liền đứng lại nghe, nghe xong mặt buồn rười rượi quay gót trở về. Vừa tới cổng trang Mông Thị thấy Chồng đi chơi về mà sắc không được vui liền đón lại hỏi:
Chẳng hay vì sao Phu Quân đi chơi về mà mặt mày có sắc thái buồn. Xin cho Thiếp rõ hoặc giả có phân chia cùng Phu Quân được phần nào chăng?
Nghe Vợ ôn tồn thỏ thẻ Mậu Xuân càng đượm vẻ buồn bực thở dài và đáp:
Phu Nhân khá biết ta nhân ngắm cảnh Tây Hồ nghe được hai người ngoài nói chuyện phê bình về nhà ta chỉ được cái dấu ác phô lành chứ còn những việc thường làm không phải thật là chân chính.
Mông Thị ngạc nhiên hỏi lại:
Vì sao mà họ lại cho mình như vậy?
Họ nói nếu ta thật bụng hiền lành sao lại không có con? Người dẫu xưng tụng nhưng Trời cao lẽ nào không mắt. Thần Phật sao chẳng trụ nào ta có con khi đó mới thật là nhà phúc thiện. Vì nghe vậy mà ta cảm xúc đau buồn.
Mông Thị khuyên Chồng cưới Vợ Bé để mong có người nối nghiệp hương hỏa.
Mậu Xuân liền nói:
Phu Nhân khuyên ta như vậy là đã sai rồi. Ta nay tuổi ngót năm mươi há làm chuyện thất đức, thất nghĩa lãng quên đi cái nghĩa tào khang được vậy sao?
Như mà Thần Phật chẳng dứt hương lửa nhà ta thì tuổi Phu Nhân hãy còn sanh đẻ cần chi phải cưới người khác cho thêm phiền phức gia đình.
Phu Nhân liền bàn:
Tướng Công như đã có lòng nghĩ tới Thiếp và nhứt định không lấy Vợ Bé sao ta không đến các nơi cảnh Chùa vái lạy Thần Phật cầu tự con ư?
Mậu Xuân cho là có lý, ít ngày sau hai Vợ Chồng rủ nhau đến làng Vĩnh Minh phía Bắc núi Thiên Thai du ngoạn.
Người trong xứ nghe có Lý Viên Ngoại vãn cảnh nhân nói rằng:
Trong chùa Quốc Thanh thường có nhiều linh ứng, hễ ai đến cầu đều được như nguyện.
Vợ Chồng họ Lý nghe nói lòng rất vui mừng liền ở trọ lại nhà người quen. Trai giới đủ ba ngày rồi mới sửa sang lễ vật, lên Chùa lễ Phật.
Đường đi vào Chùa tùng trúc xanh tươi. Đây đó chim ca, vượn hót. Một giòng suối biếc róc rách chạy dài. Hai Vợ Chồng thuê kiệu tìm đường lên núi Thiên Thai.
Tới chân núi cảnh trí càng thêm u nhã, rừng cây xanh tốt xen lẫn non cao. Hai Vợ Chồng xuống kiệu đi bộ len theo con đường mòn bờ suối. Đi chừng mười dặm xa xa có một ngôi cổ tự to rộng trang nghiêm nằm cạnh sườn non cao ngất, thông reo vi vút hoà theo nhạc suối lời chim. Những bông hoa dại thập thò trong kẽ đá. Cửa Tam Quan đã hiện ra trước mắt. Mậu Xuân lòng thấy lâng lâng, do cảnh luyến người, phảng phất như vào nơi thoát tục.
Vừa đến chân Chùa Vợ Chồng Mậu Xuân được Chư Tăng đón tiếp đưa vào yết kiến Đại Đức Trí Khách dùng trà. Lý Phu Nhân sai bày lễ vật và dâng cúng mười nén bạc ròng. Trí Khách Tăng sai các tiểu hoa đăng dâng lễ lên Chùa rồi thân dẫn Vợ Chồng Mậu Xuân lên lễ Phật.
Sẵn lòng thành kính, sẵn tâm thiện lương. Hai Vợ Chồng Mậu Xuân van vái hầu khắp nơi. Vừa lúc đó Tính Không Trưởng Lão nghe có Lý Viên Ngoại đến vãn cảnh Chùa liền ra Phương Trượng tiếp đón.
Vợ Chồng Mậu Xuân cung kính hành lễ chào vị Trưởng Lão Trụ Trì xong liền ngỏ ý mình cùng kể hết nguyên nhân sự việc, cúi xin Phương Trượng chỉ bảo mọi duyên. Tính Không vốn biết họ Lý là người phúc đức liền thân dẫn lên nơi Đại Hùng Bảo Điện lễ Tam Bảo và chính Trưởng Lão lên dâng hương làm lễ kỳ nguyện.
Lễ xong, Trưởng Lão đưa Vợ Chồng họ Lý đi xem lễ các nơi thờ tự khác. Bất cứ chỗ nào Lý Phu Nhân cũng van vái khấn cầu, chợt đến bàn thờ mười tám vị La Hán. Phu Nhân vừa thắp hương vái lạy thì một vị trong ngôi thứ tư nghiêng đổ.
Tính Không Trưởng Lão thấy vậy vỗ tay vừa cười vừa nói:
Lành thay! Lành thay! Ta chúc cho Viên Ngoại trở về chuyến này tất sanh Quý Tử.
Mậu Xuân vui mừng khôn xiết từ biệt Phương Trượng ra về. Hơn một tháng sau quả nhiên Phu Nhân có tin mừng. Mậu Xuân lo nuôi A Hoàn để đỡ tay chân cho Vợ.
Thấm thoát mười tháng dần qua. Một hôm trong nhà hồng quang sáng chói mùi hương thơm ngát xông lên. Mậu Xuân đang ngồi nơi thơ phòng đọc Kinh thì A Hoàn chạy vào báo cho biết Phu Nhân hạ sanh Công Tử.
Nghe báo Mậu Xuân lòng mừng khôn xiết liền chạy sang thăm viếng. Thấy Phu Nhân đang thiêm thiếp giấc nồng sau cơn mệt mỏi, còn Công Tử thì cứ khóc thét lên hoài. Tự nhiên lòng buồn rầu, cái vui cái buồn ngay trong khoảnh khắc thay nhau len vào tâm khảm.
Được ba ngày các thân bằng quyến thuộc nghe tin Lý Viên Ngoại có Quý Tử đều lục đục viếng thăm. Mậu Xuân bận rộn tiếp đón ngày đêm, đãi đằng đủ mặt. Chợt Gia Nhân vào báo:
Ngoài cửa có một vị Thiền Sư xưng là Tính Không ở Chùa Quốc Thanh đem lễ vật đến mừng.
Mậu Xuân vội vàng thân ra nghinh tiếp. Vừa vào tới nơi Đại Sư hỏi ngay:
Công Tử có bình an chăng?
Mậu Xuân có hơi không vui đáp:
Thật chẳng dám dấu Đại Sư trẻ ấy từ khi sinh ra chỉ luôn luôn khóc cho đến bây giờ vẫn chưa hết. Ta thật buồn rầu, chẳng hay Đại Sư có cách chi chữa khỏi được chăng?
Tính Không liền nói:
Viên Ngoại hãy bồng ra cho coi.
Mậu Xuân nói:
Trẻ mới sinh ba ngày, bồng ra ngoài e có nhiều điều bất tiện.
Tính Không nói:
Không sao! Cứ bồng ra đây ta có cách chựa.
Mậu Xuân thấy nói không hại gì mới vào phòng tự ẵm con ra. Các bạn thân đều bu lại xem. Thấy Công Tử nghi dung đoan chính, tướng mạo tốt tươi, duy có điều luôn miệng gào khóc làm thế nào cũng không nín được.
Tính Không bước lại xem qua nói:
Ngươi đã xuống đây sao còn khóc mãi?
Công Tử vụt nín khóc, toét miệng ra cười. Cả nhà khôn xiết mừng vui. Tính Không vuốt tóc đứa bé, miệng lâm râm khấn nguyện. Công Tử liền nín khóc hẳn, rồi dây qua nói cùng Viên Ngoại:
Viên Ngoại hãy để ta nhận Công Tử làm học trò và đặt tên cho Công Tử là Lý Tu Duyên được chăng?
Mậu Xuân vui mừng quá sức liền thưa:
Xin theo lời Đại Sư chỉ dạy.
Rồi ẵm con đem vào nhà trong rồi sai bày tiệc linh đình thết đãi bạn bè và dọn riêng một tiệc chay thỉnh Tính Không Đại Sư thu nạp.
Tiệc tan ai nấy ra về. Tính Không Trưởng Lão cũng dặn dò đôi câu rồi ngỏ lời từ biệt. Mậu Xuân thân tiễn hơn một dặm đường mới trở lại.
Tế Điên Hoà Thượng
Khánh Vân Cư Sĩ
Hồi 2
Cảnh Thế Tuổi Xanh Nhiều Hoạn Nạn
Hồn Mơ Lòng Tục Quyết Xa Lìa
Đây nói về Lý Viên Ngoại từ khi sanh được Công Tử thì mừng hơn được báu vật, lo mướn Vú Nuôi để cùng Phu Nhân săn sóc cho con.
Năm lại, năm qua thấm thoát Công Tử đã lên bảy tuổi. Tính tình hiền hậu. Trọn ngày biếng nói, ít cười lại không thích chuyện chơi đùa cùng đồng bạn mà chỉ thường hay một mình nhắm mắt ngồi lặng khác hẳn mọi đứa trẻ tầm thường.
Lo lắng đến sự học của con. Lý Viên Ngoại rước một ông Tú Tài tới dạy cho Công Tử học và kiếm thêm cho con hai người bạn học, một là Hàn Quần Anh con ông Cử Võ Hàn Thanh. Người nữa cháu Vợ tên Mông Vĩnh cùng quê tại Vĩnh Ninh.
Ba bạn trẻ quây quần học tập ý hợp tâm đầu. Duy Lý Công Tử tuổi tuy còn nhỏ xong rất mực thông minh, bất cứ sách gì chỉ liếc mắt xem qua là thuộc. Học một biết mười, hai bạn tuy hơn tuổi mà không theo kịp. Thầy học là Tú Tài Đỗ Thuần Hương phải thường thầm khen là trẻ kỳ tài, vẫn thường hay nói với Mậu Xuân:
Công Tử sau này chắc sẽ thành một bậc kỳ tài thiên hạ và sẽ là một bậc giúp ích cho đời không nhỏ.
Năm Công Tử mười bốn tuổi đã lầu thông các sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bách Gia, Chu Tử. Hằng ngày cùng Hàn Quần Anh, Mông Vĩnh hai bạn ngâm thơ bàn luận, lời lẽ tinh nghiêm và có ý tứ cao xa. Một điểm đặc biệt là Tu Duyên chỉ thích đọc Kinh sách Phật mà hễ đọc đâu nhớ đấy, trí tuệ minh mẫn vô cùng.
Năm ấy Viên Ngoại muốn cho con dự phần khoa bảng nên liền ghi tên vào sổ cử tử đặng lều chỗng đi thi. Nhưng chưa tới kỳ thi thì bỗng Viên Ngoại lâm bạo bệnh.
Biết mình khó thoát khỏi tay tử thần. Nhân có em Vợ là Binh Bộ Tư Mã Mông An Toàn vừa từ chức về với quê nhà liền cho vời tới trước giường để ngỏ lời trăn trối:
Hiền Đệ! Ta chẳng còn ở lâu nơi trần thế, đời ta nay cũng đã đủ rồi. Duy chỉ còn lo cho cháu ngoại cùng chị của Hiền Đệ giờ đây không người tương giúp. Mong Hiền Đệ nghĩ tình thân quyến, ghé mắt xem việc nhà giúp cho. Riêng Tu Duyên không nên để cho phóng túng mà trễ nãi việc học hành. Tất cả hy vọng đời ta chỉ trông vào nó. Việc lập Gia Thất cho nó mai sau. Ta đã dự định sẽ cưới con gái Liễu Thiên Hộ ở Liễu Gia Trang. Vậy trăm sự nhờ Hiền Đệ để tâm lo liệu.
Mông An Toàn nghẹn ngào an ủi:
Đại Huynh cứ an lòng chẳng nên nói lời quái gở. Bệnh của Đại Huynh không lấy chi làm nặng hãy nên tĩnh dưỡng cho mau lành. Việc mai sau Đệ sẽ hết lòng theo lời Huynh dặn.
Mậu Xuân gọi Phu Nhân lại gần mà nói:
Hiền Thê! Ta nay tuổi đã được gần Hoa Giáp (Sáu Mươi), chết cũng vừa tuần. Khi ta chết rồi Hiền Thê phải cố gắng nuôi con cho đến thành danh. Tu Duyên học rất thông minh sẽ có thể làm rạng rỡ gia phong, mai hậu ta ở suối vàng âu cũng vui lòng.
Viên Ngoại lại cho gọi Tu Duyên đến gần nắm tay mà dặn nhưng rồi đàm đưa lên cổ, tâm trí rối loạn dần trợn mắt xuôi tay mà thác. Phu Nhân cùng cả nhà vật mình than khóc. Mông Binh Bộ thì lo việc Ma Chay đầy đủ. Tu Duyên vì có Đại Tang nên không vào trường thi. Hàn Quần Anh và Mông Vĩnh đi thi đều đậu Tú Tài.
Tu Duyên càng thêm buồn bã suốt trong thời gian ở nhà chịu tang. Cả ngày không ra khỏi phòng, chỉ ngồi lặng xem Kinh xem Sách và càng thâm nhập mọi lẽ huyền vi trong Đạo Phật.
Qua hai năm gần mãn tang Cha thì không may Phu Nhân lại lìa đời. Tu Duyên lại một phen nữa đau buồn khóc lóc. Từ đó lập chí lánh đời, tự nguyện việc hiếu viên thành quyết sẽ thí phát đi Tu. Vì vậy mọi việc trong nhà đều ủy cho Mông Viên Ngoại lo liệu không hề hỏi tới.
Năm mười tám tuổi, mãn tang, hiếu đầy. Một hôm Tu Duyên sắm sửa hương hoa, lễ vật ra nơi phần mộ của Cha Mẹ mà tế lạy. Trở về Thư Phòng ngồi trầm ngâm viết một bức thư để lại rồi sáng sớm hôm sau ra đi mất dạng.
Mông Viên Ngoại hai ngày không thấy mặt Tu Duyên những tưởng vẫn trì trí học tập trong thư phòng như thường lệ. Nhưng khi qua Thư Phòng thì thấy cửa khép hờ, đẩy vào không thấy có người sinh nghi liền tiến thẳng đến án thư thì thấy có đề thơ lại. Thơ rằng:
Vơi vơi trời nước thảm mênh mông
Quyết độ quần sinh thoát khỏi vòng
Hiến cái thân này cùng vạn hữu
Đành cho kiếp khác chứng hư không
Đài Sen khuya sớm khuê nguồn giác
Cảnh tịnh hôm mai tỉnh giấc nồng
Điên đảo mặc cho người tế thế
Riêng mình tự tại chốn non bồng.
Dưới thơ lại viết mấy hàng chữ lớn:
Tu Duyên phải đi
Chẳng nên tìm chi
Ngày sau gặp lại
Sẽ rõ vân vi.
Mông Viên Ngoại xem xong biết Tu Duyên mộ Đạo Phật nên đã quyết lìa bỏ cảnh trần nương. Thân nơi Am Thiền thanh vắng, liền cho người đi khắp các Chùa tìm kiếm nhưng tuyệt nhên không thấy tăm tích nơi đâu.
Comment