1-4-1975
Trước nhất tôi xin phép Ban Điều Hành của RFV, mượn một chút đất để lập ra tiết mục '' Mỗi Ngày Một Tháng Tư '' để đăng tải các bài viết liên quan tới ngày Quốc Hận 30-4-1975.
5- 3-1975, ngày bộ đội Bắc Việt mở cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột và đưa dẫn tới sự xụp đổ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cuối cùng nước VNCH lọt vào tay cộng sản. Biến cố 30-4-75 đã khiến hơn triệu người dân miền Nam trở thành người tị nạn chánh trị. 150 ngàn người hốt hoảng ra đi ngày 30. Số còn lại liều chết vượt biên và sau cùng là những cựu tù nhân chánh trị. Người ở lại bị đói khổ, tù đày thời người đi trước buồn đau vì xa vợ mất con, cha mẹ, anh chị em và người thân quen.
Sau đây là tâm tình của một người lính tị nạn trên đất Mỹ qua truyện dài Giấc Mơ Của Một Người Tị Nạn.
Vì là một tiết mục đặc biệt không biết đặt vào đâu nên tôi tạm thời đặt vào mục Truyện Dài. Nếu thấy không thích hợp BDH cứ việc di chuyển tùy ý.
GIẤC MƠ CỦA MỘT NGƯỜI TỊ NẠN
Sinh vi lính, tử anh hùng
Chương 1
Mười giờ sáng. Thiên nằm im. Ngôi nhà vắng không có ai. Hạnh, vợ anh đã đi làm từ sáng sớm. Mấy đứa con có gia đình riêng lại ở xa càng khiến cho ngôi nhà rộng trở nên vắng lặng hơn. Anh nghe được tiếng gió rì rào hàng cây thông sau nhà hoà trong tiếng chim cu rúc trên giàn hoa hồng cạnh cửa sổ. Trời cao và xanh. Nắng long lanh đọng trên cành cây thông lá màu xanh đậm. Không biết ai trồng hay tự nó mọc mà sau nhà anh có hàng cây thông thật đẹp. Cây nào cây nấy cao vút, thẳng tắp và lơ thơ vài cành trên chóp. Mỗi năm khi mùa thu tới toàn vùng cây trơ trọi lá chỉ trừ hàng thông xanh ngắt một màu xanh.
Thiên trở mình. Anh cảm thấy thân thể rã rời hầu như không còn sức lực. Ba ngày trước đây trong lúc đang làm việc anh ngã ra mê man không còn biết gì hết. Xe cứu thương chở anh vào bệnh viện. Bác sĩ đã làm cho anh tỉnh lại đồng thời nói cho Hạnh biết là anh bị " heart attack " cần phải tịnh dưỡng một thời gian. Đó là lý do khiến anh phải nằm trên giường ba bốn ngày rồi. Điều này khiến cho anh cảm thấy khó chịu vì không được lái xe hay làm bất cứ việc gì. Đọc sách, xem tivi mãi đâm ra buồn chán nhưng anh không còn cách nào hơn là nằm trên giường nhìn qua khung cửa sổ để suy nghĩ và mộng mơ. Dĩ vãng như xâu chuỗi thời gian chập chờn lay động trong trí não rã rời.
Ngôi nhà lá bên con rạch nhỏ. Tuổi trẻ lớn lên theo con nước của dòng sông Hàm Luông và chinh chiến triền miên. Thiên quen nghe tiếng hú của mọt chê 60, 81 ly, tiếng départ của súng phóng lựu đạn cũng như tiếng xe nhà binh mười bánh chạy trên đường lộ đá. Anh quen ngủ dưới tảng xê, co rút dưới hầm núp hồi hộp đếm tiếng nổ của đại bác. Tuổi trẻ của anh có nổi buồn vỡ nát bởi tiếng khóc tức tưởi và u uất của một bà mẹ ngồi ôm đứa con gái bị hảm hiếp trong một chuyến tây bố.
1956. Một đột biến đã làm thay đổi cuộc đời của Thiên. Má anh dọn nhà lên Sài Gòn. Thành phố trong ước mơ của anh đã trở thành sự thật. Ngôi nhà sàn bên con rạch nhỏ ở Cầu Bông. Mấy mẹ con đùm bọc lấy nhau. Theo học lớp đệ thất anh vui hưởng tuổi thơ yên bình. Sài Gòn không có chiến tranh, không có tiếng nổ của mọt chê và không còn những đêm chui xuống tảng xê. Đêm Sài Gòn là tiếng cười. Ngày Sài Gòn là những trang sách, những buổi chiều lang thang trên đường Lê Thánh Tôn.
Đậu trung học đệ nhất cấp xong anh tiếp tục học tú tài. Dù nghèo và vất vả nhưng má của anh cũng ráng nuôi con học thành tài. Mười chín tuổi Thiên đậu tú tài 2 rồi vào đại học khoa học. Tuy nhiên chiến tranh mỗi ngày một tăng cường độ. Anh nhận được lệnh nhập ngũ trong lúc đang học năm thứ nhì. Tháng ngày ở Thủ Đức qua nhanh. Mãn khóa anh trình diện bộ tư lệnh quân khu 2 ở Pleiku rồi sau đó thuyên chuyển tới sư đoàn 23 đóng tại Ban Mê Thuột. Nhân lúc sư đoàn thiết lập đại đội trinh sát Thiên ghi tên gia nhập và sau đó trở thành đại đội phó đại đội trinh sát của sư đoàn 23 bộ binh. Một hôm anh nhận được lịnh trình diện bộ tư lệnh quân khu 2 ở Pleiku. Khi tới nơi anh mới biết là quân khu 2 định thành lập một đại đội trinh sát riêng biệt và anh là người mà đại tá Lý, tham mưu trưởng và chuẩn tướng Thân tư lệnh phó đang tìm kiếm để đảm đương chức vụ đại đội trưởng. Do ở nhiệm vụ đặc biệt và nguy hiểm đại đội trinh sát của quân khu được biệt đãi và không chịu sự chỉ huy hàng dọc hay hàng ngang. Thiên chịu sự chỉ huy trực tiếp của đại tá Tiếu, trưởng phòng 2 của quân khu 2. Những lúc không nhảy toán Thiên và lính có nhiều tự do hơn người lính bộ binh thông thường. Điều đó khiến cho anh ưa thích đời sống của người lính trinh sát. Đời lính của anh sẽ trôi chảy nếu không có vụ triệt thoái khỏi cao nguyên vào những ngày của tháng 3 năm 1975...
Thiên cảm thấy trái tim của mình như bị bàn tay vô hình của ai đó bóp chặt khi hồi tưởng lại dĩ vãng. Khung mặt nhiều phiền muộn của Đào, người vợ chưa cưới hiện ra mờ nhạt. Không có tiếng khóc. Không có nước mắt. Chỉ là nụ cười héo hắt. Ánh mắt buồn thảm. Thế thôi nhưng là ám ảnh ngàn đời, tiếc nuối đòi đoạn ruột gan của tháng ngày tạm cư nơi xứ người. Cuối cùng Thiên cũng lập gia đình, có con cái và hạnh phúc ấm êm. Tuy nhiên trong tận cùng tâm tưởng anh biết mình không thể quên đi những gì đã xảy ra ba mươi mấy năm về trước. Dù thời gian có đi. Dù thời gian có làm phôi pha nhưng thời gian vẫn còn lưu lại vết tích của dấu chân. Đó là nỗi buồn câm nín không thể nói thành lời với bất cứ ai. Đó là niềm đau tắt nghẹn được khơi động khi nghe một đoạn nhạc. Lắng nghe tiếng gió lùa lá thu khô xào xạc bên hông nhà. Nhìn cơn mưa mùa đông. Đời sống ở đây nhàn hạ quá, trật tự quá cho nên cũng buồn chán quá. Đây là thứ đời sống không có niềm vui vỡ nát khi gặp lại thằng bạn cùng khóa. Hai đứa rủ nhau xuống câu lạc bộ nhậu xả láng sáng về sớm. Để rồi năm ba bữa sau ứa nước mắt khi được tin thằng bạn nhậu với mình đã nghỉ phép dài hạn. Đời sống ở đây có vui nhưng là niềm vui gượng gạo. Có cười cũng chỉ là nụ cười bắt buộc phải cười. Đời sống với nửa đêm trăn trở, chập chờn cảm thấy mình ngược dòng đời trở về mảnh quê hương xa quá xa, bên kia trái đất. Quê hương. Pleiku. Đêm dẫn lính chạy. Nha Trang rút lui. Phan Rang tan vỡ. Vũng Tàu rối loạn. Sài Gòn. 30. 4. 1975. Súng nổ. Lửa cháy. T54. PT76 chạy nghênh ngang nơi ngã ba Hàng Xanh....
Chương 2
Đảo một vòng tròn lớn quanh phi trường Tân Sơn Nhứt xong chiếc trực thăng từ từ đáp xuống bãi đất trống cạnh phi đạo. Một quân nhân bước ra khỏi phi cơ trong lúc cánh quạt vẫn còn quay vù vù. Ông ta vừa đi được vài bước một chiếc xe jeep trờ tới. Tắt máy xe người lính mặc quân phục không quân bước xuống giơ tay chào đoạn nói nhanh.
- Thưa trung tá... Có phải trung tá Vinh ở quân khu 1?
Vinh cười vui vẻ.
- Đúng đó em. Nhờ em đưa tôi tới bộ tư lệnh...
Người lính không quân và Vinh lên xe. Chiếc jeep lao đi. Người lính tài xế nói trong lúc lái xe.
- Ngoài đó tình hình coi bộ bết lắm hả trung tá. Tôi có người anh ở sư đoàn 1...
Vinh chầm chậm gật đầu.
- Bết lắm... Mỹ nó phủi tay rồi... Tụi Việt Cộng biết điều đó nên tha hồ đánh. Mình chỉ có nước đỡ thôi. Tôi e...
Vinh dứt câu bằng tiếng thở dài. Người lính tài xế lại cười.
- Trung tá chắc về nhà ăn tết?
- Hôm nay hăm mấy rồi?
- Dạ... Hai mươi lăm...
Vinh thở dài nhè nhẹ.
- Chắc tôi chỉ ghé sơ qua nhà thôi vì còn phải đi Cần Thơ...
Xe dừng ngay cổng bộ tư lệnh không quân. Người lính bước nhanh ra khỏi xe.
- Tôi đưa trung tá vào gặp trung tá Hiền...
Vinh theo chân người lính đi xuyên qua mấy gian phòng sơn xanh. Tất cả đều bận rộn với công việc của mình. Chiến tranh càng nặng độ nhiều chừng nào thời người lính càng bù đầu chừng đó.
Người lính dừng lại ở căn phòng cuối hành lang.
- Phòng của trung tá Hiền đó... Trung tá cứ vào... Em chúc trung tá ăn tết vui vẻ và đi đường bình an...
- Cám ơn em...
Vinh nói với người lính vui tính xong bước vào phòng.
- Lâu quá mới gặp mày...
Người sĩ quan mặc quân phục không quân cười bắt tay Vinh.
- Được điện thoại của mày nên tao đã lo xong. Tư lệnh của tao đang chờ mày...
Hiền bước ra cửa. Vinh theo sau. Hai người đi trên hành lang yên tịnh rồi sau cùng dừng lại trước một căn phòng đóng cửa. Hiền giơ tay gõ cửa.
- Cứ vào...
Một giọng trầm và nhỏ vang lên. Hiền xô cửa nhường cho Vinh vào trước xong mới theo sau. Khép cửa lại Hiền giơ tay chào trung tướng Minh.
- Thưa tư lệnh... Đây là trung tá Vinh, sĩ quan đại diện của trung tướng Ngô Quang Trưởng...
Vinh đứng nghiêm giơ tay chào vị tư lệnh không quân. Tướng Minh cười vui vẻ đứng lên bắt tay Vinh.
- Anh đang chờ em... Mời em ngồi...
Hiểu ý Vinh mở cặp táp lấy ra phong thư trao cho tướng Minh. Vị tư lệnh im lặng đọc. Vinh nhận thấy có nét thay đổi hiện ra trên mặt của tướng Minh. Trao phong thư cho người sĩ quan thân tín của mình ông ta cười nói.
- Hiền đọc đi...
Hiền trịnh trọng đón lá thư từ tay của tư lệnh trong lúc ông tướng không quân hỏi Vinh.
- Chắc em đã đọc lá thư này?
Hơi do dự xong Vinh cười.
- Thưa trung tướng... Với sự chỉ dẫn của tướng Trưởng tôi đã viết lá thư...
Tướng Minh gật gù nhưng không nói gì hết. Chờ cho Hiền gấp lá thư lại ông ta mới lên tiếng.
- Hai em có ý kiến như thế nào?
Hiền lên tiếng trước.
- Thưa tư lệnh... Tôi đồng ý với trung tướng Trưởng. Đại diện của các vị tư lệnh quân binh chủng cần phải gặp nhau để bàn luận. Chỉ có một rắc rối là không có sự chấp thuận của Bộ Tổng Tham Mưu hay Dinh Độc Lập... Nếu họ biết được ta có thể bị khiển trách...
Tướng Minh cười cười.
- Nếu như họ không biết...
Xuyên qua cuộc đối thoại Vinh ngầm hiểu là tướng Minh đã đồng ý về đề nghị của tướng Trưởng.
- Em còn phải gặp ai nữa ở Sài Gòn?
Liếc nhanh Hiền, Vinh trả lời câu hỏi của tướng Minh.
- Thưa trung tướng tôi cần tới bộ tư lệnh hải quân...
Trao lá thư lại cho Vinh, tướng Minh cười nói với Hiền.
- Em chở Vinh đi gặp ông Cang xong trở về đây. Chúng ta cần bàn luận chuyện này gấp...
Hiền và Vinh bước tới cửa, tướng Minh nói vọng theo.
- Hai em nên cẩn thận... Đây là một bí mật quốc phòng...
Vinh và Hiền quày quả lên xe. Chiều thứ sáu đông đúc xe cộ. Dù tình hình chiến sự sôi động song người dân sống ở Sài Gòn vẫn phải sống. Dường như họ hối hả đón xuân như sợ không còn dịp để hưởng. Len lỏi trong dòng xe cộ chiếc jeep chạy chầm chậm trên đường Hai Bà Trưng. Vinh nhìn đồng hồ.
- Mới ba giờ... Chắc còn kịp...
Hiền quẹo xe vào cổng bộ tư lệnh hải quân. Tắt máy xe Hiền hỏi Vinh.
- Mình gặp ai trước?
Vinh cười nhẹ.
- Tao đã nói chuyện với thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của phó đô đốc Chung Tấn Cang rồi...
Nói xong Vinh bước vào gian nhà với tấm biển lớn đề bốn chữ Đại Đội Công Vụ. Trông thấy hai sĩ quan cấp tá, một mặc quân phục bộ binh và một không quân, người hạ sĩ quan trực phòng giơ tay chào. Chào trả lễ xong Vinh nói nhanh.
- Tôi là trung tá Vinh ở quân khu 1. Tôi có hẹn với thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của phó đô đốc Chung Tấn Cang...
Ấp úng giây lát người hạ sĩ quan trực nói nhanh.
- Trung tá chịu phiền để tôi trình lên sĩ quan trực...
Vinh và Hiền đứng nhìn căn phòng với ba người lính đang đánh máy. Một trung úy hải quân bước vào. Vinh nói vắn tắt mấy lời. Người sĩ quan trực nhấc điện thoại nói mấy câu với người bên kia đầu giây xong cười nói với hai người khách.
- Mời hai trung tá theo tôi...
Vinh và Hiền im lặng theo sau người sĩ quan trực đi trên con đường nhỏ lát gạch. Họ dừng lại khi thấy một thiếu tá hải quân mặc quân phục trắng đang đứng. Đợi cho người sĩ quan trực đi mấy bước Vinh mới lên tiếng.
- Tôi là Vinh còn đây là Hiền, sĩ quan đại diện của tướng Minh ở không quân...
Bắt tay hai người khách Đào cười lớn.
- Không biết cơn gió lạ nào thổi hai vị tới đây...
Vinh cười trước lời nói đùa của Đào còn Hiền chỉ im lặng quan sát khu vườn hoa thuộc dinh thự vị tư lệnh hải quân.
- Chúng ta đi cửa sau... Ít có người để ý...
Mở cửa nhường cho khách vào xong Đào khép cửa lại cẩn thận rồi đưa khách tới một căn phòng cửa khép hờ. Nhẹ xô cửa Đào mời khách ngồi vào chiếc ghế dài bằng gỗ mun đen ngời xong lui ra khỏi phòng. Khoảng năm phút sau phó đô đốc Chung Tấn Cang bước vào. Vinh và Hiền đứng nghiêm chào. Vị tư lệnh hải quân cười nói thân mật.
- Mời hai anh ngồi...
Có lẽ không muốn mất thời giờ của mình và của vị tư lệnh hải quân, Vinh trình ngay phong thư của tướng Trưởng. Phó đô đốc Cang đọc thư thật chậm. Lá thư dài ba trang mà ông ta phải mất hơn mười lăm phút. Thỉnh thoảng ông ta dừng lại như suy nghĩ chuyện gì rồi mới đọc tiếp. Gấp lá thư lại, bỏ vào bao thư xong ông ta tháo chiếc kính trắng xuống. Tất cả đều được ông ta làm với thái độ từ tốn và chậm rải. Phó đô đốc Cang hỏi hai người sĩ quan cấp tá đang ngồi trước mặt mình.
- Trung tướng Minh có ý kiến gì về chuyện này?
Hiền liếc Vinh.
- Thưa phó đô đốc... Tư lệnh của tôi không nói rõ. Dường như ông ta sẽ điện thoại cho tướng Trưởng...
Phó đô đốc Cang ngắt lời.
- Đừng nói chuyện bằng điện thoại. Đây là một bí mật cho nên tôi sợ có người nghe lén...
Vinh cười nhẹ.
- Phó đô đốc nói có lý...
Vị tư lệnh hải quân quay qua Vinh.
- Chừng nào trung tá mới trở lại Đà Nẳng?
- Thưa tư lệnh... Ngày mai tôi sẽ đi Cần Thơ gặp thiếu tướng Nam rồi sau đó mới về Đà Nẳng...
Dứt lời Vinh và Hiền đứng lên. Phó đô đốc Cang hỏi nhanh.
- Hai anh còn đi đâu sau khi gặp tôi?
Hiền đáp thay lời cho Vinh.
- Chúng tôi phải trở lại bộ tư lệnh không quân...
Sau khi chào từ giã phó đô đốc Cang, Hiền và Vinh theo sau thiếu tá Đào. Đưa hai người ra tận xe jeep Đào còn cười nói với Vinh.
- Hy vọng gặp lại hai anh...
Chiếc jeep chạy chầm chậm ra cổng trại Bạch Đằng 1. Nhìn hàng chục chiến hạm đang cập cầu trên sông Sài Gòn Vinh chợt thở dài nhè nhẹ. Quay sang nhìn Vinh, Hiền thấy người bạn thân của mình già đi nhiều với nếp nhăn trên trán và chút tóc hoa râm. Quen nhau từ lúc còn học lớp đệ thất của Võ Trường Toản, anh và Vinh là hai thằng bạn cặp kè với nhau khắp mọi nơi. Lũ bạn cùng lớp thường hay đùa là đôi tình nhân lý tưởng. Sau khi thi đổ tú tài hai, Vinh tình nguyện vào trường Võ Bị vì nhà nghèo quá không có tiền để học đại học. Phần Hiền chỉ học xong năm thứ nhất văn khoa rồi cũng tình nguyện vào không quân và trở thành phi công lái trực thăng. Từ đó họ ít khi gặp nhau nhưng không vì thế mà tình bạn giữa hai người lại thuyên giảm.
Quẹo xe vào đường Hai Bà Trưng Hiền nói nhanh.
- Tao tính chở mày vào câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc uống vài chai bia và nói dóc cho vui nhưng lại phải về gặp tư lệnh. Vậy tao chở mày về nhà cho mày hú hí với vợ con... Chắc bà Nguyệt mừng lắm vì mày được ở nhà ăn tết...
Vinh cười buồn.
- Từ hồi 72 tới giờ tao chỉ về nhà có một lần. Thường thì bả ra Đà Nẳng thăm tao nhiều hơn...
- Thằng em út của mày đang ở đâu?
- Thằng Vũ đang ở sư đoàn 1. Nó là đại đội trưởng...
- Sao mày không kéo nó về quân khu cho an toàn hơn...
- Nó không chịu... Nó bảo làm lính văn phòng chán lắm... Thôi cứ để nó đánh giặc thời gian rồi tính sau. Vả lại con người ta sống chết có số mà...
Hiền cười lớn.
- Mày nói có phần đúng...
Chiếc jeep quẹo mặt vào đường Hồng Thập Tự rồi theo dòng xe cộ qua cầu Thị Nghè.
- Mày ngừng ngoài đường để tao lội vào cũng được...
Vinh nói với bạn. Chiếc jeep ngừng lại trước nhà thờ.
- Tao sẽ gặp lại mày...
Vinh vẩy tay chào trong lúc bước qua đường. Chừng ba mươi bước anh dừng trước một ngôi nhà nhỏ màu xanh. Có tiếng chó sủa rồi tiếng con nít la vang vang.
- Ba... Ba về... Ba về má ơi...
Vinh ngồi im. Ngồi đối diện với anh là một người lính tuổi khoảng gần năm mươi. Người lính này là một trong nhiều huyền thoại của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân khu 4. Vị tướng trẻ tuổi tài cao này là một nổi bật, một vươn cao trong hàng tướng lãnh. Đạo Phật, độc thân, ông sống gần như một nhà tu hành, đôi khi hơn hẵn những nhà tu hành thật giữa dòng đời xô bồ hỗn độn. Ông ta là một ông tướng sạch. Đây là điều hiếm quí trong quân đội. Không tham nhũng, không chạy chọt, không nâng bi; ông trở thành một ông tướng bằng đức hạnh và tài chỉ huy của mình. Tận tụy với nhiệm vụ và thương yêu binh sĩ. Hai yếu tố này khiến cho bất cứ ai, từ quân và dân chúng miền tây ngưỡng mộ ông như một anh hùng.
Có nhiều vị tướng đánh giặc giỏi nhưng trị nước lại không hay. Tướng Nam lại khác. Không những là vị tướng tài ba trên trận địa ông còn là một kẻ lãnh đạo biết cai trị, biết an dân. Lấy dân làm gốc. Dường như thiếu tướng Nam đã hiểu được cái tinh túy trong câu nói của Hưng Đạo Vương. Dân vi quý. Tướng Nam thương lính như anh em, thương dân như cha mẹ đúng với câu phụ mẫu chi dân. Bởi vậy vùng đất của quân khu 4 không còn là địa bàn hoạt động hữu hiệu của cộng sản nữa.
Chậm rải gấp lá thư lại vị tư lệnh quân khu 4 nói.
- Để tôi mời ông Hưng qua đây bàn luận...
Tướng Nam nhấc điện thoại nói vài câu ngắn gọn.
- Vinh đi công tác chắc mệt lắm phải không?
Vinh cười trước câu hỏi đầy săn sóc của tướng Nam.
- Thưa thiếu tướng... Tôi đi máy bay chứ đâu có lội bộ mà mệt... Vả lại...
Chuẩn tướng Hưng, người hùng của An Lộc bước vào phòng.
- Đây là trung tá Vinh, sĩ quan đại diện của trung tướng Trưởng. Ông Trưởng có viết cho tôi lá thư, anh xem xong rồi cho tôi biết ý kiến...
Đưa tay nhận lá thư, vị tư lệnh phó quân khu miền tây cắm cúi đọc. Lát sau ông ta thở hơi dài trong lúc gấp lá thư lại cùng với giọng nói buồn buồn vang lên.
- Những điều trung tướng Trưởng nêu ra đều phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước. Chỉ có điều chúng ta là quân nhân không làm chính trị...
Chuẩn tướng Hưng ngừng nói khi bắt gặp nụ cười của Vinh.
- Anh Vinh chắc không đồng ý về những gì tôi đã phát biểu?
- Thưa chuẩn tướng... Tôi chỉ có một điều duy nhất không đồng ý kiến với chuẩn tướng là câu nói quân nhân không làm chính trị...
Nhìn hai vị tư lệnh của quân khu 4, Vinh tiếp bằng một câu hỏi.
- Thiếu tướng và chuẩn tướng đều biết rút bỏ khỏi vùng 1 và 2 là một sai lầm về chiến thuật?
Hai ông tướng chầm chậm gật đầu. Họ đều biết quyết định sai lầm này có thể làm xụp đổ Việt Nam Cộng Hoà. Tuy nhiên quyết định này phát xuất từ vị tư lệnh tối cao của quân đội do đó họ phải thi hành lệnh của thượng cấp.
- Thưa thiếu tướng và chuẩn tướng có đọc qua truyện Nhạc Phi?
Tướng Nam liếc nhanh tướng Hưng và bắt gặp ông này cũng đang nhìn mình với thắc mắc khi nghe câu hỏi lạc đề của Vinh. Cuối cùng tướng Hưng lên tiếng.
- Có... Tôi có đọc qua truyện Nhạc Phi... Ông ta là một trong những danh tướng của Tàu...
- Là một danh tướng bách chiến bách thắng mà rốt cuộc ông ta lại chết bởi tay gian thần là Tần Cối. Nói đúng hơn ông ta chết vì bốn chữ " tận trung báo quốc ". Ông ta quan niệm chữ trung một cách hạn hẹp. Ông ta quan niệm trung là trung với vua chứ không phải trung với nước... Chúng ta biết tổng thống Thiệu quyết định sai lầm mà vẫn thi hành...
Vinh ngừng lại ở đó nhưng hai ông tướng đều hiểu. Quân nhân là phải tuyệt đối thi hành lệnh của thượng cấp. Điều đó đúng bởi vì kỹ luật là xương sống của quân đội. Tuy nhiên đã biết quyết định của tổng thống Thiệu là một quyết định sai lầm ảnh hưởng tới sự tồn vong của đất nước mà họ vẫn thi hành thời họ chẳng khác gì Nhạc Phi.
- Thiếu tướng và chuẩn tướng tha thứ cho ý kiến của tôi...
Vinh nói chữa vì sợ tự ái của hai ông tướng bị va chạm bởi câu nói của mình. Tướng Nam cười buồn.
- Vinh nói đúng tuy nhiên hoàn cảnh của chúng ta có phần khác biệt. Đảo chánh hay lật đổ ông Thiệu không có lợi mà chỉ làm cho tình hình thêm xáo trộn...
Tướng Hưng góp lời.
- Tôi cũng không đồng ý về giải pháp đảo chánh mặc dù chúng ta cần một lãnh tụ khá hơn ông Thiệu...
Vinh cười xen vào bằng câu nói đùa.
- Chúng ta cần một lãnh tụ có đạo đức, trong sạch và có lòng yêu nước thương dân như thiếu tướng...
Tướng Nam lắc đầu:
- Quân đội ta có các vị tướng khá hơn tôi nhiều... Theo những lời trong thư thời quân khu 4 nên án binh bất động. Tướng Trưởng yêu cầu tôi cung cấp cho ông ta một hoặc hai sư đoàn bộ chiến ... Điều mà tôi quan tâm là sự rút bỏ hai vùng 1 và 2 sẽ làm quân lực của ta suy sụp. Muốn rút lui cũng được nhưng phải đặt kế hoạch hẳn hoi để khỏi bị tổn thất. Người Mỹ đã phủi tay cho nên tôi nghĩ họ sẽ cúp viện trợ. Không có viện trợ của Mỹ ta lấy tiền đâu mua súng đạn và lương thực để đánh nhau với cộng sản. Điều đó có thể là lý do chính khiến cho tổng thống Thiệu tính rút khỏi vùng 1 và 2...
Ông ta quay qua tướng Hưng.
- Tôi để anh lo việc tuyển chọn và huấn luyện một sư đoàn để giao cho trung tướng Trưởng. Phần đại tá Bình sẽ lo nơi ăn chốn ở cho sư đoàn dù... Riêng tôi sẽ đôn đốc việc xây cất nhà cửa phòng ốc dành cho bộ tổng tham mưu khi họ rút về đây. Có lẽ miền tây sẽ trở thành vùng đất không bình yên...
Thấy công việc của mình đã xong Vinh đứng dậy.
- Tôi xin kiếu từ thiếu tướng và chuẩn tướng để về báo tin cho trung tướng Trưởng...
Vinh đứng nghiêm chào hai vị tư lệnh của quân khu 4 xong lên xe jeep đi Bình Thủy. Khoảng năm giờ chiều anh có mặt ở Tân Sơn Nhất.
Chưong 3
HQ 11 hải hành cách bãi biển Sơn Trà non hải lý. Đứng trên bong tàu thiếu tá Đào nhìn vào bờ. Xa về bên trái là thành phố Đà Nẳng. Trời chập choạng tối. Mặt biển đang từ màu xanh bỗng đổi thành xanh thẳm rồi sang màu đen.
- Thưa thiếu tá...
Đào quay lại khi nghe giọng nói của Hà, người sĩ quan đương phiên của HQ 11 đang đứng sau lưng mình.
- Mọi việc đã sẵn sàng. Hạm trưởng đã cho tàu vào gần bờ đón khách...
Đào gật đầu.
- Mình phải đón bao nhiêu người anh biết không?
- Đại diện của vùng 1, vùng 2, không quân, dù, thủy quân lục chiến và biệt động quân tổng cộng sáu người...
Thiếu tá Đào gật đầu xong hỏi nhỏ.
- Tình trạng an ninh như thế nào?
- Thưa thiếu tá rất chặt chẽ... Hai chiếc HQ 06 và HQ 07 phụ trách việc tuần tiểu, ngoài ra còn có hai toán SEAL và Tháo Gở Chất Nổ đang dò tìm mìn và người nhái của địch từ hôm qua cho tới khi tan buổi họp...
Khẽ gật đầu vị đại diện hải quân nói với người sĩ quan đương phiên.
- Bãi biển Sơn Trà đẹp quá... Lúc còn trẻ tôi chỉ ước ao là có được ngôi nhà nơi bãi biển. Bãi biển nào cũng được. Với tôi bãi biển nào cũng đẹp. Đà Nẳng, Qui nhơn, Nha Trang, Tuy Hòa, Phan Thiết, Vũng Tàu hay Phú Quốc... Mỗi nơi có nét đẹp riêng của nó...
Hà im lặng nhìn thành phố Đà Nẳng sáng rực ánh đèn trong lúc giọng nói của Đào vang đều đều.
- Chiến tranh đã làm tan ước mơ nhỏ của tôi. Tuy nhiên tôi cũng không có điều gì phải phàn nàn bởi vì không chỉ mình tôi bị chiến tranh làm tan vỡ ước mơ...
Anh ngưng nói khi thấy chiếc PCF rẽ sóng phăng phăng hướng về chiếc HQ 11.
- Họ tới rồi...
Hà lên tiếng. Đào bước ra đứng nơi lan can. Thang dây được thả xuống. Mọi người lục tục lên tàu. Vị đại diện hải quân bắt tay từng vị đại diện của các quân binh chủng. Bảy người im lặng bước xuống cầu thang. Ánh đèn điện vàng vọt. Hành lang chật hẹp. Không khí hăng hắc mùi dầu cặn. Căn phòng họp không lớn lắm nhưng yên tịnh và sạch sẽ.
Đào lên tiếng.
- Anh em ngồi vào ghế có tên của mình. Chúng ta có cà phê, trà và bánh ngọt. Để khỏi mất thời giờ tôi xin mời trung tá Vinh, đại diện cho trung tướng Trưởng khai mạc buổi họp...
Mọi người im lặng ngồi vào ghế. Vinh lên tiếng liền như biết mình không có nhiều thời giờ.
- Anh em đều biết tình hình chiến sự càng ngày càng thêm bất lợi cho chúng ta. Người Mỹ đã phủi tay. Viện trợ của họ dành cho quân đội đã bị cắt giảm. Tới giờ phút này chúng ta phải tự lo lấy thân của mình. Súng đạn, lương thực và quân dụng của chúng ta đã bị thiếu hụt. Riêng tinh thần của binh sĩ thời còn vững vàng nhưng...
Vị đại diện của vùng hỏa tuyến ngừng lại nhìn một vòng người trong phòng họp. Ai ai cũng thấy được nỗi lo âu và ưu tư của Vinh.
- Bắc Việt đã tăng cường quân đội vào Nam tới mức tối đa. Các sư đoàn Sao Vàng, 324, 324B với các trung đoàn biệt lập, được tăng cường bởi trung đoàn tên lửa, trung đoàn pháo, hai trung đoàn chiến xa hoạt động trong vùng Quảng Trị, Thừa Thiên. Đối đầu với lực lượng hùng hậu của địch ta có sư đoàn 1 bộ binh, được tăng cường bởi một sư đoàn Dù và sư đoàn TQLC và 1 liên đoàn biệt động quân. Hiện thời ta có thể giữ vững vùng Trị Thiên nhưng năm ba tháng nữa ta sẽ lâm vào tình trạng thiếu thốn vũ khí, đạn dược và quân dụng. Anh em có ý kiến như thế nào...?
Mọi người đều im lặng trước câu hỏi của Vinh. Cuối cùng thiếu tá Minh, đại diện cho quân khu 2 lên tiếng.
- Tình hình của tôi có lẽ cũng không sáng sủa hơn vùng 1 bao nhiêu. Mặc dù vũ khí, đạn dược còn đủ dùng một vài tháng nhưng miền cao nguyên đang chịu áp lực nặng nề. Việt Cộng đã điều động năm sư đoàn chính quy với đủ cả tăng và pháo để đánh chiếm Ban Mê Thuột và Pleiku...
Trung tá Bình, đại diện thủy quân lục chiến nhìn trung tá Lương của sư đoàn dù. Hai vị đại diện cho hai binh chủng nổi tiếng thiện chiến đều hiểu rằng tình hình càng lúc càng trở nên nghiêm trọng.
Nhấp ngụm cà phê thiếu tá Minh thong thả nói tiếp.
- Theo tin tức tình báo thời Việt Cộng sẽ bắt đầu cuộc tổng công kích quân khu 2 vào đầu tháng ba hay trễ lắm là trung tuần tháng ba...
- Liệu mình giữ được vùng 2 không anh?
Đào hỏi câu trên. Liếc nhanh Vinh, Minh trả lời một cách chậm chạp.
- Giữ thời được nhưng liệu giữ được bao lâu. Quân số của địch đông gấp ba lần ta, vũ khí và quân dụng dồi dào trong khi quân số và vũ khí của ta lại ít hơn và nếu có hao hụt cũng không được tăng viện nhanh chóng. Có thể nói là tình thế thuận lợi cho địch mà bất lợi cho ta...
- Mày nghĩ sao?
Hiền, đại diện không quân hướng về Vinh khi hỏi câu hỏi trên. Vị đại diện của vùng 1 chiến thuật trầm ngâm như có vẻ đắn do và cân nhắc trước khi phát biểu ý kiến của mình. Cuối cùng Vinh nhìn một vòng người trong phòng họp.
- Tôi nói ra điều này anh em nghe xong rồi bỏ qua luôn đừng có nhắc lại với bất cứ ai. Có người ở trong dinh Độc Lập tiết lộ với trung tướng tư lệnh của tôi là ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và vùng 2 cho Việt Cộng.
- Cái gì?
- Hả...
- Thật nguy hiểm...
Năm ba người ngồi trong phòng họp không nhịn được buột miệng.
- Nếu ông Thiệu muốn bỏ thời chúng ta không thể nào cưỡng lại lệnh của ông ta. Là một quân nhân chúng ta phải tuân lệnh của thượng cấp. Vả lại nếu ông Thiệu và bộ tổng tham mưu muốn bỏ vùng 1 và 2 thời chúng ta cũng không giữ hai nơi đó được vì không có tiếp tế...
- Anh biết lý do gì mà ông Thiệu muốn triệt thoái khỏi vùng 1 và vùng 2?
Đào hỏi và Vinh thở một hơi dài.
- Tôi không biết rõ lý do nhưng tôi đoán ông ta muốn làm như vậy là để gây áp lực buộc Mỹ phải can thiệp vào. Hoặc ông Thiệu làm theo lệnh của Mỹ... Tuy nhiên ông ta quên mất một điều là nếu Mỹ muốn bán đứng Việt Nam Cộng Hoà cho cộng sản thời họ sẽ không can thiệp. Đòn thấu cáy của ông Thiệu là một con dao hai lưỡi.
- Chúng ta phải làm gì...?
Hiền, đại diện cho không quân buột miệng hỏi câu này. Vinh nhìn bạn với cái nhìn buồn rầu và ưu tư.
- Hiền nói đúng... Chúng ta cần phải làm một cái gì để cứu vản tình thế nguy ngập của đất nước. Các anh em đều biết rằng nếu vùng 1 và 2 bị mất, thời cộng quân sẽ nương đà chiến thắng tràn xuống tấn công vùng 3 và thế nào Sài Gòn cũng lọt vào tay giặc. Tôi muốn nói là Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta sẽ xụp đổ...
Mọi người đều im lặng. Dường như ai ai cũng đều liên tưởng tới một sự thực khủng khiếp và kinh hoàng. Đó là sự tan rã của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà kéo theo sự xụp đổ của đất nước. Điều này khiến cho mọi người hầu như tê liệt không còn biết nói gì hơn là im lặng.
Giọng nói của Vinh vang lên trong căn phòng nhỏ hẹp.
- Căn cứ vào tin ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và vùng 2 cũng như các tin tức tình báo khác, tư lệnh của tôi và vài sĩ quan cao cấp của quân khu 1 đã thảo một kế hoạch có thể lật ngược thế cờ đồng thời cứu Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta khỏi lọt vào tay cộng sản....
Mọi người hơi tươi nét mặt khi nghe vị đại diện của ông tướng vùng 1 nói câu trên. Ai ai cũng biết tướng Trưởng là vị tướng mưu lược trong quân lực.
- Nếu ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và 2 thời ta sẽ bỏ để tuân lệnh cấp chỉ huy của mình. Nếu đại tướng Viên muốn ta triệt thoái khỏi quân khu 1 và 2 thời ta sẽ triệt thoái. Tuy nhiên ta sẽ lui binh theo đúng kế hoạch để bảo toàn lực lượng hầu có thể phản công một cách hữu hiệu và đúng lúc. Việt Cộng muốn chiếm vùng 1 và vùng 2 thời ta sẽ nhường cho chúng ở tạm một thời gian rồi sau đó sẽ lấy lại. Đó là cách mà Hưng Đạo Vương đã làm đối với quân Mông Cổ bảy tám trăm năm trước. Nếu kế hoạch của chúng ta thành công thời không những thu hồi lại miền nam mà còn buộc toàn thể quân đội Bắc Việt phải rút chạy về bắc...
Ngừng lại Vinh nhìn mọi người trong phòng xong giọng nói rắn rỏi và trầm tĩnh của anh vang lên.
- Ta sẽ bỏ Việt Nam Cộng Hoà rơi vào tay Việt Cộng đoạn bất thần tấn công thẳng vào Hà Nội...
Đào cảm thấy như có tiếng sét nổ làm lùng bùng lỗ tai của mình trong lúc Hiền trợn mắt nhìn Vinh. Anh thấy người bạn thân cũng nhìn mình mỉm cười.
- Tôi chịu kế hoạch của anh lắm...
Bình lên tiếng. Lương cũng gật gù.
- Anh vẽ ra cách này tôi ưng lắm... Tụi nó tung hai chục sư đoàn bộ chiến vào miền nam rồi thành ra ngoài bắc đâu còn quân chính quy nào... Bỏ cho tụi nó nuốt miền nam rồi ta đột kích Hà Nội thời thế nào hai trăm ngàn bộ đội chính quy của chúng nó cũng phải chạy bộ về để cứu chủ. Đây là kế vây Ngụy để cứu Triệu...
Vinh hơi mỉm cười nhìn Bình.
- Nói thời dễ nhưng làm được không phải dễ đâu bởi vì lực lượng của quân đoàn 1 không đủ sức làm chuyện đó. Nó là sức của toàn quân lực ta từ bộ binh, biệt động, pháo binh, thiết giáp, tiếp liệu, nhảy dù và thủy quân lục chiến... Bởi vậy tôi mới mời các anh hội họp ngày hôm nay để nói cho anh em biết và xin anh em vì tổ quốc và dân tộc hy sinh một lần cuối cùng...
Thiếu tá Mạnh, đại diện cho biệt động quân bây giờ mới lên tiếng.
- Anh Vinh khách sáo quá... Chuyện đánh cộng sản là bổn phận của người lính chúng ta... Binh chủng của tôi hân hạnh được đi đầu...
Vinh cười cười.
- Chắc anh phải nói chuyện với anh Bình và anh Lương về vấn đề ai vào Hà Nội trước. Bây giờ tôi xin nói sơ qua về cuộc hành quân...
Vinh bước tới đứng trước bản đồ Việt Nam.
- Cuộc hành quân bắc tiến của chúng ta được chia ra làm ba giai đoạn là dụ cáo lìa rừng, bảo quân an tướng và giải phóng miền bắc. Tụi Bắc Việt là con cáo già khôn ngoan của núi rừng cho nên bấy lâu nay ta vất vả săn tìm mà cũng không diệt được. Bây giờ ta bỏ vùng 1 và 2 là ta dụ chúng về thành phố. Bỏ núi rừng để chiếm đóng lấy phố phường là chúng lấy cái sở đoản mà bỏ đi cái sở trường của mình...
Hai vị sĩ quan của sư đoàn dù và thủy quân lục chiến nhìn nhau. Là hai con mãnh hổ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa họ đã sớm nhận ra cái thế dụ cáo lìa rừng của Vinh. Họ chưa nói gì Vinh hỏi Hiền.
- Máy bay C130 của mình có thể bay thẳng từ Bình Thủy tới Vinh không?
Hiền trả lời không do dự.
- Được nhưng sợ không đủ săng để trở về...
- Họ không cần phải trở về bởi vì đây là cuộc hành quân có đi mà không có trở về...
Vị đại diện quân khu 1 nhấn mạnh câu nói để cho mọi người hiểu rằng đây là cuộc hành quân quyết tử.
- Đúng ngày giờ ấn định sư đoàn 22 sẽ đổ bộ lên thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An. Lực lượng xung kích này có nhiệm vụ đánh chiếm phi trường, tiêu diệt các ổ phòng không của địch để yểm trợ cho không quân chở sư đoàn dù xuống Vinh. Làm chủ được Vinh xong sư đoàn 22 bộ binh sẽ đóng chốt tử thủ tại đây nhằm mục đích cản đường các sư đoàn Bắc Việt rút về giải vây cho Hà Nội. Sau khi được tiếp tế nhiên liệu các phi cơ của không quân sẽ chở sư đoàn Dù nhảy xuống Sơn Tây trong lúc thành phần xung kích thứ hai là sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, sư đoàn 1, 2, 3, 5, 18, 22, 23 và 25 với các chi đoàn thiết giáp và pháo binh sẽ đổ bộ lên Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định rồi từ đó chia thành các trục tiến quân về Hà Nội. Các anh chắc đã đọc quyển truyện Mơ Làm người Quang Trung rồi. Đây là lúc chúng ta trở thành một người lính của vua Quang Trung trong cuộc giải phóng Hà Nội và đồng bào miền bắc ra khỏi gông cùm của cộng sản...
Mọi người trong phòng họp im lặng lắng nghe Vinh trình bày cuộc hành quân giải phóng miền bắc. Họ mường tượng ra cảnh hùng tráng của trăm hoa đua nở trên đất bắc. Đó là cảnh những chiếc hoa dù của các chiến sĩ Biệt Cách Dù và Nhảy Dù nở đầy trên nền trời Hà Nội ầm vang tiếng reo hò của quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũng như lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phất phới trên kỳ đài của cố đô Thăng Long.
- Muốn làm được những chuyện đó trước nhất ta phải thực hành giai đoạn đầu tiên là dụ cáo lìa rừng. Chúng ta phải bỏ vùng 1 và 2. Chúng ta phải triệt thoái binh lực hay nói cho đúng nghĩa hơn là chúng ta phải chạy. Chúng ta phải chạy nhưng chạy làm sao mà vẫn bảo toàn được lực lượng của ta đồng thời phải dàn cảnh cho địch nghĩ rằng lực lượng của ta bị thiệt hại nặng nề, tan rã ra tới độ không thể tập trung lại để phản công...
Các ông tá ngồi trong phòng đều thấy ngay cái khó của mình. Đã đành là họ phải chạy nhưng lại phải chạy đúng cách, có nghĩa là họ phải tập chạy. Không một ai trong bọn họ, nhất là các ông sĩ quan như dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân lại nghĩ tới chuyện có ngày họ phải tập thua trận, phải tập rút lui đơn vị để địch nghĩ rằng mình thua và lực lượng bị tổn thất nặng.
- Tôi nghĩ mình phải hy sinh một vài đơn vị...
Minh lên tiếng và Vinh cũng phụ họa cho ý kiến đó.
- Tôi cũng đồng ý như anh tuy nhiên cái khó là mình không biết chọn lựa đơn vị nào. Tánh mạng của mỗi binh sĩ đều ngang nhau cũng như không đơn vị nào đáng phải bị hy sinh...
- Tôi nghĩ mình phải đặt quyền lợi của quốc gia và dân tộc lên trên hết. Nếu sự hy sinh của chín mười tiểu đoàn bộ binh hoặc địa phương quân hay nghĩa quân mà giải phóng nước Việt Nam ta khỏi tay cộng sản thời đó là việc đáng làm, nên làm...
Hiền nhìn mọi người sau khi nói câu trên. Đào cũng đồng ý với lời của Hiền. Cuối cùng Vinh nói với mọi người.
- Vần đề triệt thoái chiến thuật là một vấn đề phức tạp cho nên tôi sẽ bàn sau. Triệt thoái về vùng an toàn xong chúng ta còn phải tìm cách tán quân, ém quân, dấu quân thật kín để dùng trong cuộc hành quân bắc tiến sau này. Để thực hiện kế dụ cáo lìa rừng chúng ta cần phải bỏ quân khu 1 và 2. Theo đúng kế hoạch hành quân và cũng để cho tụi cộng sản khỏi nghi ngờ, tôi đề nghị mỗi sư đoàn nên hy sinh một ít quân số. Việc chọn lựa đơn vị làm mồi dụ địch tôi để cho các anh em lo liệu. Điều quan trọng là bảo toàn lấy lực lượng tinh nhuệ nhất của mình. Vả lại trong cuộc hành quân giải phóng miền bắc ta cũng không cần nhiều lắm. Đây là một cuộc hành quân bí mật lấy yếu tố bất ngờ làm căn bản cho nên ta cần các đơn vị xung kích, đánh nhanh đánh mạnh và quyết tử. Các đơn vị như dù, thủy quân lục chiến, biệt cách dù và biệt động quân sẽ được ném vào trận địa để thanh toán chiến trường một cách mau lẹ. Còn các đơn vị bộ binh sẽ làm nhiệm vụ trấn đóng hoặc ngăn đường tiếp viện của địch...
Vinh hướng về vị đại diện của hải quân.
- Mình có đủ tàu để chở chừng bốn chục ngàn quân với thiết giáp và pháo binh ra bắc không anh Đào?
Do dự giây lát Đào mới trả lời.
- Nếu khéo thu xếp thời cũng đủ chỗ...
Mọi người cảm thấy nhẹ nhỏm khi giải quyết được vấn đề nan giải. Vinh nói với hai vị đại diện của không và hải quân.
- Khi nào có lệnh di tản từ Sài Gòn tôi nhờ hai anh chở sư đoàn dù về Cần Thơ giao cho tướng Nam. Ông ta biết cách giấu kín sư đoàn dù cho tới khi có lệnh của tôi... Phần sư đoàn thủy quân lục chiến sẽ được tàu hải quân chở về Vũng Tàu...
Vinh hướng về Bình.
- Tôi tin là về tới Vũng Tàu thời các tiểu đoàn thủy quân lục chiến sẽ được tăng phái cho các đơn vị của vùng 3 để chận đường tiến quân của Việt Cộng tiến vào Sài Gòn. Anh dặn các tiểu đoàn trưởng nên cẩn thận khi giao tranh với địch. Nếu đánh được thời đánh bằng không cứ rút lui để bảo toàn lực lượng. Thủy quân lục chiến sẽ là đơn vị xung kích đánh vào Hà Nội cho nên cần phải được bảo vệ tối đa...
- Tôi hiểu ý của anh...
Bình nói gọn. Vị đại diện quân khu 1 quay sang Minh.
- Sư đoàn 22 là một đơn vị tinh nhuệ do đó tôi sẽ dùng nó trong nhiệm vụ đánh chiếm Vinh và đóng chốt chặn quân chủ lực của địch từ miền nam về giải cứu Hà Nội...
- Tôi sẽ lo việc giữ gìn quân số của sư đoàn 22 cho anh...
Minh lên tiếng. Nhìn thiếu tá Mạnh, đại diện của biệt động quân Vinh hỏi.
- Tôi cần các tiểu đoàn biệt động quân để đánh vào mặt đông và đông bắc Hà Nội. Anh cung cấp cho tôi được không?
Mạnh cười nhẹ.
- Dễ ợt... Gần một năm nay bộ chỉ huy của chúng tôi đã mở các khoá huấn luyện tại chỗ và bổ xung quân số cho các tiểu đoàn nào thiếu hụt cho nên bây giờ mỗi tiểu đoàn BĐQ có quân số từ năm tới sáu trăm binh sĩ...
Nhìn đồng hồ thấy hơn một giờ sáng Vinh cười nói với mọi người.
- Thôi mình nghĩ giải lao giây lát...
Mọi người hút thuốc, uống cà phê hay trà vừa ăn bánh ngọt vừa trò chuyện thân mật. Trong lúc chuyện trò Vinh trao cho mỗi vị đại diện một cuốn sổ bìa đen đồng thời nói với vẻ nghiêm trọng.
- Đây là bộ mật mã mà quân khu 1 đã tạo ra. Các anh em nhớ giữ gìn cẩn thận đừng để lộ ra cho địch và bất cứ đơn vị nào ngoài chúng ta biết. Chúng ta sẽ dùng bộ mật mã này để liên lạc với nhau lúc di tản hoặc khi cần thiết...
Mân mê bộ mật mã trong tay Mạnh khều Vinh.
- Xin hỏi anh câu này. Trung tướng Trưởng có đặt tên cho cuộc hành quân bắc tiến chưa?
Hớp ngụm cà phê vị đại diện của vùng 1 chiến thuật cười nhẹ.
- Đã đặt tên rồi... Sinh Nam Tử Bắc...
Hiền lẩm bẩm.
- Sinh Nam Tử Bắc...
Mọi người lục tục trở về chỗ ngồi của mình khi thấy Vinh bước tới đứng trước tấm bản đồ.
- Tuy chúng ta đã xếp đặt như vậy nhưng nhiều khi tình hình biến chuyển ra ngoài dự định của chúng ta. Điều khó khăn cho chúng ta là phải tuân lệnh thượng cấp mà vẫn duy trì được kế hoạch riêng tư của mình...
Lương hắng giọng.
- Anh nói ra khiến cho tôi có một câu hỏi. Ta có cần phải tuyệt đối tuân hành tất cả lệnh lạc từ Sài Gòn ban ra không?
Trầm ngâm trước câu hỏi này giây lát Vinh mới trả lời.
- Theo tôi thời ta phải tuân hành các lệnh lạc từ Sài gòn đưa ra trong thời bình. Còn đây là thời chiến. Ông Thiệu hay ông Viên ngồi ở thủ đô đâu có rõ chiến trận bằng chúng ta cho nên đôi khi ta không nên tuyệt đối tuân hành các lệnh của họ. Nếu vùng 1 và vùng 2 bị cộng sản chiếm thời không cách gì chúng ta giữ được vùng 3 bởi vì các trục tiến quân đã được bỏ trống cho nên cộng quân tha hồ tập trung 20 sư đoàn chính quy để tấn kích vùng 3 và Sài Gòn. Nếu vùng 3 mất thời liệu tướng Nam có thể cầm cự được không mặc dù ông ta có trường giang hiểm trở. Dù cố giữ, quân lực của ta cũng phải tan hàng vì không còn vũ khí và đạn dược. Mỹ nó bỏ thời nó sẽ không chịu tiếp tế vũ khí và đạn được cho ta đâu...
Vinh dừng lại. Giọng nói của anh nhuốm chút nghẹn ngào và buồn bực vì biết trước thế nước ngã nghiêng mà mình bất lực không thể cứu vãn được. Lát sau anh mới hỏi Lương.
- Giả sử như ông Thiệu ra lệnh cho anh phải đưa sư đoàn dù về Sài Gòn thời anh phải làm sao?
- Tôi phải tuân lệnh của tổng thống Thiệu...
Vinh cười như đã biết câu trả lời của Lương.
- Anh làm như thế là đúng. Tôi biết anh là một quân nhân mẫu mực, tôn trọng kỷ luật và đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên hết. Tuy nhiên chúng ta cũng đừng nên lầm lẫn trung với nước là trung với vua hay với người lãnh đạo...
Mọi người nhìn nhau. Xuyên qua câu nói Vinh đã bày tỏ một điều là vị tướng cầm quân ngoài chiến trường đôi khi phải khéo léo và uyển chuyển cho đúng với tình thế. Đưa ra lệnh bỏ vùng 1 và 2 là ông Thiệu đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng có thể làm mất luôn cả vùng 3 và 4. Cho nên họ phải khéo léo tuân hành lệnh để không gây tổn thất cho đơn vị của mình nói riêng và quân lực nói chung.
Giọng nói chững chạc của vị đại diện quân khu 1 vang lên trong căn phòng im lặng.
- Trong tình thế gay go này chúng ta nên ém quân, giấu quân hoặc thế bức lắm thời phân tán thành ra các đơn vị nhỏ hơn rồi sau mới tìm cách tập trung lại. Cách này tuy khó khăn nhưng lại ít gây tổn thất...
Vinh ngừng lời khi thấy trung úy Hà bước vào phòng họp một cách đột ngột. Đào lên tiếng trước nhất.
- Có chuyện gì quan trọng vậy trung úy?
Hà giơ tay chào Đào.
- Thưa thiếu tá... Cộng quân pháo kích Pleiku và Ban Mê Thuột dữ dội lắm...
Hơi nhỏm người khi nghe tin trên, Minh hỏi nhanh.
- Còn thêm tin gì không?
Liếc nhanh Đào như để xin phép xong trung úy Hà đáp.
- Thưa thiếu tá... Qua cuộc điện đàm với bộ tư lệnh hải quân ở Sài Gòn tôi chỉ biết có vậy thôi...
Minh nói với Vinh.
- Chắc tôi phải trở về Pleiku gấp... Các anh em cứ bàn soạn rồi có gì anh gọi điện thoại cho tôi biết...
Minh theo sau Hà rời phòng họp. Giọng nói của Vinh vang lên đều đều trong căn phòng họp.
- Tôi có linh cảm là ý định bỏ vùng 1 và 2 của ông Thiệu bị cộng sản biết cho nên họ mới bắt đầu mở cuộc tấn công toàn diện. Hoặc giả ông ta làm theo lệnh của người Mỹ và Mỹ báo cho tụi Bắc Việt biết. Thôi chuyện cũng phải tới lúc của nó. Vả lại điều đó cũng nằm trong kế hoạch của ta. Tình hình chính trị và quân sự biến chuyển một cách đột ngột nhanh hơn ước đoán và dự tính của tư lệnh của tôi. Chắc Ban Mê Thuột sẽ mất...
Thở dài sau khi nói xong Vinh nhìn vị đại diện của biệt động quân.
- Cộng quân sẽ cắt các quốc lộ 14, 19 và 21 để chặn đường tiếp viện của quân ta đồng thời cường tập Ban Mê Thuột với lực lượng cở hai ba sư đoàn trở lên. Tôi đoán sư đoàn 23 sẽ không đủ sức giữ và phải tan hàng. Rồi Pleiku cũng sẽ thất thủ...
Vinh thở dài nhè nhẹ.
- Đây là giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất của chúng ta. Phải làm sao bảo toàn lực lượng mà không bị địch nghi ngờ cũng như ông Thiệu và bộ tổng tham mưu biết...
Hiền lên tiếng.
- Tôi nghĩ ông Thiệu sẽ rút sư đoàn dù về một chỗ nào đó. Rút về Sài Gòn ông ta sợ bị đảo chánh...
Đào cũng phụ họa.
- Tôi cũng nghĩ như anh Hiền. Không bao giờ ông Thiệu dám để dù hoặc thủy quân lục chiến ở Sài Gòn...
- Bởi vậy nên tụi tôi phải ra vùng hỏa tuyến đóng đồn như nghĩa quân hay địa phương quân...
Bình nói câu trên với giọng bực tức. Lương phụ họa.
- Lính của dù ở đây lâu quá nên có người định đem vợ con ra đây luôn. Như vậy còn đánh đấm gì nữa...
Vinh cười an ủi.
- Tôi biết các đơn vị cơ động của hai anh không nên đóng đồn bót nhưng đây là lệnh của tổng tham mưu và của ông Thiệu thời tư lệnh của tôi cũng đành bó tay. Vả lại có hai anh ở gần tôi ngủ ngon hơn...
Mọi người cười xòa vì câu nói của Vinh. Họ tiếp tục bàn luận tới gần 4 giờ sáng mới giải tán. Đào, Hiền và Vinh còn đứng trên bong tàu trò chuyện khá lâu mới chia tay.
Chương 4
Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ngạc nhiên khi nhận được tin vị tư lệnh của mình đang có mặt tại phòng hành quân của bộ tư lệnh vùng 1 duyên hải. Vừa bước vào phòng hành quân ông ta thấy phó đô đốc Cang đang đứng nói chuyện với trung tá K... trưởng phòng hành quân. Giơ tay chào ông ta chưa kịp nói gì phó đô đốc Cang đã lên tiếng trước.
- Tôi cần bàn chuyện riêng với anh vài phút...
- Mời tư lệnh sang phòng tôi...
Hai người đi vào phòng làm việc của phó đề đốc Thoại. Không một ai được biết họ đã nói những gì chỉ biết khoảng nửa giờ đồng hồ sau một công điện mật và khẩn được gởi đi cho ba tư lệnh hạm đội và các hạm trưởng của các dương vận hạm, hải vận hạm, mười bốn giang vận hạm, các tuần dương hạm, hộ tống hạm, trục lôi...
Trở lại HQ 11 nói chuyện với hạm trưởng vài phút xong phó đô đốc Cang bảo thiếu tá Đào.
- Tôi sẽ biệt phái anh cho quân khu 1 và làm việc dưới quyền của trung tướng Trưởng. Anh sẽ là đại diện của hải quân để giúp đỡ cho ông ta trong cuộc triệt thoái khỏi vùng 1. Phần tôi sẽ trở lại Nha Trang để điều động tàu bè ra Đà Nẳng...
Tuân lệnh thiếu tá Đào chuẩn bị. Mười lăm phút sau một chiếc PCF đưa người sĩ quan đại diện của hải quân vào bờ. Mượn chiếc xe jeep của vùng 1 duyên hải Đào tới bộ tư lệnh quân khu 1 gặp Vinh. Vừa gặp mặt Vinh nói nhanh.
- Anh biết tin cộng quân tấn công Ban Mê Thuột chưa...
- Chưa... Tôi được biệt phái cho quân khu 1 để giúp về chuyện liên lạc với các tàu bè của hải quân...
Hai người bước vào một căn phòng rộng với bốn vách treo nhiều tấm bản đồ lớn. Đó là trung tâm hành quân của quân khu 1. Đèn nhấp nháy liên tục cũng như các tín hiệu truyền tin và điện thoại kêu vang từng chập. Tướng Trưởng ngồi im lặng. Mắt ông ta nhìn đăm đăm vào một vị trí khoanh đỏ trên bản đồ mà Đào nhận ra ba chữ Ban Mê Thuột. Ông tướng khẽ gật đầu chào khi thấy người sĩ quan hải quân biệt phái cho quân khu 1 giơ tay kính cẩn chào mình.
- Tình hình tới đâu thưa chuẩn tướng?
Vinh thì thầm với chuẩn tướng Hùng, tham mưu trưởng. Mắt không rời phóng đồ hành quân, tai lắng nghe máy truyền tin chuẩn tướng Hùng đáp nhỏ.
- Bết lắm... Sau khi pháo kích cộng quân tấn công dữ dội và đã tràn ngập tiểu khu cùng bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn 23 bộ binh...
- Có tin gì về tướng Phú...?
Trung tướng Trưởng lên tiếng hỏi. Chuẩn tướng Hùng đáp nhanh.
- Thưa tư lệnh... Không có tin gì về tướng Phú... Hồi sáu giờ sáng tôi có nói chuyện với bộ tư lệnh quân đoàn 2 thời họ nói tướng Phú sẽ gữi quân tái chiếm Ban Mê Thuột nếu vị trí này bị địch chiếm. Sau đó không nghe tin tức gì nữa...
Tướng Trưởng hơi cau mày nhưng im lặng không hỏi thêm.
- Hy vọng tướng Phú cầm cự lâu hơn để ta có thời giờ xếp đặt kế hoạch. Hy vọng ông ta không nướng hết quân chủ lực nhất là biệt động quân vào chiến trận cao nguyên này. Có bao nhiêu biệt động quân ở vùng 2 hả Hùng?
- Thưa trung tướng... Có năm liên đoàn 21, 22, 23, 24 và 25. Năm liên đoàn này có quân số nhiều hơn một sư đoàn...
- Anh ráng liên lạc với tướng Giai. Tôi cần nói chuyện với ông ta về chuyện dấu quân, ém quân...
Tướng Trưởng đứng dậy trong lúc nói câu này với người tham mưu trưởng của mình. Vẩy tay ra hiệu cho Vinh và Đào theo mình về phòng làm việc ông ta nói nhỏ.
- Ta về phòng hút thuốc...
Ngồi vào chiếc ghế, đốt điếu thuốc lá, hít một hơi dài tướng Trưởng nhả khói ra từ từ.
- Ông Cang bây giờ đang ở đâu?
- Thưa trung tướng... Phó đô đốc Cang đang trên đường trở lại Nha Trang để điều động tàu ra Đà Nẳng...
Tướng Trưởng có vẻ trầm tư nghĩ ngợi sau khi nghe câu nói của Đào. Hít một hơi thuốc ông ta đứng dậy bước tới cửa sổ.
- Thưa trung tướng... Liệu ta giữ được vùng 2?
Đào hỏi nhỏ. Giọng nói của vị tư lệnh quân khu 1 vang lên chậm và nhuốm chút khàn khàn.
- Giữ được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là ý chí. Nếu muốn giữ thời ta sẽ giữ được. Theo như tin tình báo từ bộ tổng tham mưu thời cộng quân đã gia tăng quân số một cách đáng kể tại vùng 2 nhất là quanh Ban Mê Thuột. Dường như cộng quân muốn dứt điểm Ban Mê Thuột. Chiếm được vị trí này chúng kiểm soát được đường tiếp vận bằng đường bộ từ Nha Trang, Tuy Hòa lên Cao Nguyên. Mất Ban Mê Thuột sẽ lôi theo sự mất cao nguyên mà mất cao nguyên thời các đơn vị của cộng quân sẽ tràn xuống vùng duyên hải đồng thời uy hiếp vùng 3 và Sài Gòn. Tôi nghĩ ông Thiệu và bộ tổng tham mưu không nhìn ra điều đó hoặc giả họ cố tình làm ngơ...
- Tướng Phú có nhìn ra điều đó không thưa trung tướng?
Vinh lên tiếng. Trở về chỗ ngồi tướng Trưởng lấy thêm điếu thuốc lá. Vinh nhanh nhẹn bật lửa. Nhìn người sĩ quan tin cẩn của mình ông ta tiếp.
- Tôi không biết tướng Phú có nhìn ra điều đó hay không. Vả lại nếu có nhìn ra sự quan trọng của Ban Mê Thuột ông ta cũng không có quyền hạn gì để làm. Hiện thời quyền hành của một ông tướng tư lệnh vùng đã bị giới hạn rất nhiều. Tất cả mọi quyết định như bố trí quân, di chuyển quân đều phải trình với bộ tổng tham mưu và tổng thống. Nếu cả hai chấp thuận thời tư lệnh vùng mới được thi hành. Nói tóm lại tư lệnh vùng giống như thiên lôi sai đâu đánh đó...
Tướng Trưởng nói câu sau cùng với giọng cay đắng và buồn tủi. Quay nhìn hai sĩ quan dưới quyền của mình ông ta tiếp.
- Điều tệ hại nhất là ông Thiệu không tin ai ngay cả những người đáng cho ông ta tin cậy. Ông ta nghi ngờ hết mọi người trong số đó có tôi. Có người nói đùa là ông ta nghi ngờ cả cái bóng của ông ta nữa. Tôi đã nhiều lần nói với ông ta tôi là một quân nhân chỉ biết có đánh giặc chứ không làm chính trị. Tuy nhiên dường như ông ta không tin vào lời nói của tôi. Ông ta sợ tôi đảo chánh hoặc tham gia các cuộc đảo chánh chống lại ông ta...
Tướng Trưởng ngừng nói nhìn Vinh và Đào. Đây là lần đầu tiên ông ta mới thố lộ cảm nghĩ của mình cho người sĩ quan thân tín và với Đào, một sĩ quan biệt phái.
- Anh hỏi hai em là nếu rút sư đoàn dù thời ông Thiệu sẽ đem họ đi đâu?
Vinh nhìn Đào và bắt gặp Đào cũng đang nhìn mình. Cuối cùng Vinh nói.
- Thưa trung tướng... Sợ bị đảo chánh bởi sư đoàn dù cho nên ông Thiệu sẽ tìm cách phân tán thành từng tiểu đoàn xong ném họ vào vào mặt trận nào nguy hiểm nhất...
- Ông ta sẽ nướng sư đoàn Dù... Ông ta sẽ mượn tay cộng quân để làm nát một đơn vị thiện chiến của lực lượng tổng trừ bị. Thưa trung tướng tôi sợ ông ta cũng sẽ làm cách đó với thủy quân lục chiến...
Tướng Trưởng cau mày sau khi nghe câu nói của Đào. Người sĩ quan hải quân tiếp nhanh.
- Mất đi hai sư đoàn thiện chiến trung tướng như mất hai cánh tay và kế hoạch bắc tiến kể như bất thành...
Vị tư lệnh quân khu 1 lộ vẻ ưu tư khi nghe câu nói sau cùng này. Đốt điếu thuốc hít hơi dài ông bước tới đứng cạnh cửa sổ. Chiều từ từ xuống. Tiếng phi cơ phản lực gầm thét ngang bầu trời.
- Ta phải tìm cách... Ta phải có cách...
Tướng Trưởng lẩm bẩm. Dù ông không nói trọn câu nhưng Vinh và Đào hiểu ý. Câu nói thật giản dị nhưng phức tạp và khó khăn. Trên cương vị tổng thống kiêm tổng tư lệnh ông Thiệu có quyền bổ nhiệm hoặc giải chức tất cả quân nhân nào trong quân lực kể cả một tư lệnh vùng như tướng Trưởng. Ông ta có thể đưa nguyên cả sư đoàn dù, hoặc lữ đoàn, hay từng tiểu đoàn, tới bất cứ nơi nào mà không cần giải thích lý do hoặc hội ý người nào. Nếu ông ta muốn rút sư đoàn dù khỏi quân khu 1, tướng Trưởng và tướng Lưỡng không thể từ chối hoặc viện dẫn lý do để không thi hành dù biết quyết định của ông ta là một sai lầm về chiến thuật hay chiến lược. Nói tóm lại là họ phải thi hành lệnh của ông ta nếu không muốn bị giải chức tư lệnh.
Giọng nói của thiếu tá Đào vang lên trong căn phòng.
- Thưa trung tướng... Nếu tổng thống Thiệu rút sư đoàn dù khỏi quân khu 1 thời tình hình cũng không đến nỗi bi đát lắm. Hoặc giả ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và 2 thời ta vẫn còn có cách lật lại thế cờ đã hỏng. Trung tướng không thể không thi hành lệnh của ông ta bởi vì trung tướng có thể bị mất chức vì tội bất tuân lệnh thượng cấp. Mất chức tư lệnh là trung tướng không còn quyền hành. Điều này rất nguy hiểm...
Tướng Trưởng gật gù như công nhận lời nói của người sĩ quan hải quân biệt phái. Ngay cả Vinh cũng cười nháy mắt với Đào như tỏ ý khen ngợi.
- Trung tướng có đọc truyện Tàu không?
Tướng Trưởng quay nhìn Đào vì câu hỏi lạc đề này. Vinh cũng không hiểu tại sao Đào lại nói tới chuyện đọc truyện Tàu xưa như trái đất trong lúc bàn luận chuyện hành quân.
- Trong truyện Tàu đôi khi có nói tới thuật di hình hoán vị hay kế kim thiền thoát xác. Nếu ta có cách nào thay thế sư đoàn dù bằng một đơn vị khác thời ông Thiệu có rút chỉ rút một sư đoàn dù giả...
Tướng Trưởng sáng mắt. Ông nhìn Đào với vẻ ngạc nhiên pha lẫn mừng rỡ.
- Cám ơn em... Em cho ta một ý kiến... Nếu không vì tình thế nghiêm trọng ta sẽ đề nghị với ông Cang thăng cấp cho em...
Đào cười nhẹ.
- Thưa trung tướng tôi không muốn được thăng cấp. Tôi chỉ xin được ở cạnh trung tướng trong suốt cuộc hành quân Sinh Nam Tử Bắc...
Khẽ gật đầu ưng thuận tướng Trưởng quay qua hỏi Vinh.
- Mấy giờ rồi Vinh?
- Thưa trung tướng 12 giờ...
- Có lẽ chúng ta nên bàn luận với tướng Lưỡng. Gọi điện thoại cho ông Lưỡng bảo tôi sẽ gặp ông ta lúc 13 giờ...
Vinh nhấc điện thoại nói chuyện với bộ tư lệnh sư đoàn Dù xong mới nói nói với tướng Trưởng.
- Thưa trung tướng ông Lưỡng bảo sẽ đợi trung tướng...
Gật đầu tỏ vẻ hài lòng tướng Trưởng cười hỏi Đào.
- Theo em ta nên lấy đơn vị nào để thay cho dù?
Đào hơi lúng túng khi bị tướng Trưởng hỏi. Anh là sĩ quan hải quân lại mới được biệt phái chưa đầy một ngày cho nên hiểu biết rất ít về các đơn vị chiến đấu của bộ binh. Tuy nhiên anh cũng gượng trả lời.
- Thưa trung tướng việc chọn lựa một đơn vị thay thế cho sư đoàn Dù trung tướng ắt biết rõ hơn tôi. Điều quan trọng là ta nên chọn một đơn vị nào kha khá để ông Thiệu không khám phá ra sự thật...
Tướng Trưởng cười quay sang hỏi Vinh.
- Em nghĩ sao?
Vinh do dự chưa trả lời câu hỏi của người chỉ huy của mình. Không phải anh không có sẵn câu trả lời nhưng anh muốn có chút thời giờ để suy nghĩ và góp ý kiến vào một vấn đề quan trọng.
- Thưa trung tướng... Chúng ta đều biết là ông Thiệu muốn nướng sư đoàn Dù do đó ta nên giao cho ông ta một đơn vị tổng hợp nhiều thành phần như bộ binh và địa phương quân. Ông ta muốn nướng thời ta sẽ cho ông ta nướng tuy nhiên không phải một con hổ dữ mà là một con nai vàng ngơ ngác...
Đào bật thành tiếng cười vui vẻ khi nghe câu nói đùa của Vinh. Ngay cả tướng Trưởng cũng mỉm cười trong lúc bật lửa đốt điếu thuốc.
- Dù có ba lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có ba tiểu đoàn, tổng cộng tới sáu bảy ngàn binh sĩ. Giả dạng một đại đơn vị như vậy không phải là việc dễ dàng...
- Thưa trung tướng ta không cần phải giao đủ quân số bởi vì ông Thiệu đâu có xuống tận mỗi đơn vị để kiểm kê. Ông ta cũng không ra tận mặt trận để biết Dù thật hay Dù giả. Ta chỉ cần cho các binh sĩ mặc quân phục rằn ri, đeo phù hiệu Dù là được rồi. Tuy nhiên để khỏi bị nghi ngờ ta nên lưu lại một số sĩ quan tham mưu của sư đoàn... Thưa trung tướng đã tới giờ...
Tướng Trưởng gật đầu nói với hai sĩ quan trong phòng.
- Mình đi gặp ông Lưỡng...
Ba người ngồi im lặng trong lòng chiếc trực thăng chật hẹp. Vì sợ hỏa tiển phòng không của cộng quân nên phi cơ bay ra ngoài biển rồi mới bắt từ ngoài biển bay vào. Bộ tư lệnh tiền phương của Dù đóng tại căn cứ Hiệp Khánh, ở cây số 17 bắc của thành phố Huế. Chiếc trực thăng từ từ đáp xuống bãi đậu. Tướng Lưỡng cùng một vài sĩ quan đứng chờ. Xuất thân từ Dù do đó tướng Trưởng rất quen thuộc với các sĩ quan Dù. Riêng tướng Lưỡng dù ngạc nhiên khi thấy một sĩ quan hải quân tháp tùng theo tướng Trưởng nhưng ông ta không nói gì hết. Ông biết phải có chuyện gì đặc biệt lắm nên người sĩ quan hải quân mới tháp tùng vị tư lệnh quân khu 1 tới thăm bộ tư lệnh Dù.
Mọi người bước vào một căn phòng khá lớn nằm sâu dưới lòng đất. Máy truyền tin kêu xè xè và đèn nhấp nháy sáng. Mọi người ngồi vào ghế.
- Anh em chắc đã bàn bạc về chuyện ông Thiệu rút sư đoàn Dù về Sài Gòn?
Tướng Trưởng đi ngay vào vấn đề. Tướng Lưỡng nhìn các sĩ quan Dù.
- Chúng tôi đã nói chuyện... Mọi người không có giải pháp nào hơn là tuân lệnh ông Thiệu và bộ tổng tham mưu...
Nhìn tướng Trưởng đăm đăm vị tư lệnh Dù hỏi nhỏ.
- Trung tướng có nghe tin đồn về chuyện đảo chánh...
Tướng Trưởng gật đầu.
- Tôi có nghe tin đồn nhưng tôi nghĩ đảo chánh lúc này không có lợi. Nó chỉ làm tình hình thêm rối rắm và nhất là làm sút giảm tinh thần chiến đấu của binh sĩ...
- Nếu sư đoàn Dù của tôi về được Sài Gòn thời may ra...
- Tôi không nghĩ sư đoàn Dù của thiếu tướng về tới Sài Gòn...
Đào đột ngột lên tiếng khiến cho mọi người nhìn anh đăm đăm. Chỉ riêng có tướng Trưởng mỉm cười khẽ ra hiệu cho anh tiếp tục.
- Sợ bị đảo chánh cho nên ông Thiệu sẽ phá nát lực lượng của dù bằng cách đẩy các đơn vị ra mặt trận hoặc ông ta sẽ xé sư đoàn Dù thành từng lữ đoàn hoặc tiểu đoàn...
Tướng Lưỡng nhìn các sĩ quan tham mưu của mình. Lời nói của Đào có thể trở thành một sự thực. Bị xé nhỏ thành từng tiểu đoàn trấn đóng tại mặt trận thời ông Thiệu không sợ bị Dù đảo chánh nữa. Chỉ vì lý do sợ bị đảo chánh ông Thiệu không ngần ngại nướng sư đoàn Dù bằng lửa " đỏ ".
Nhìn nét lo âu hiện ra trên mặt của các sĩ quan Dù tướng Trưởng lên tiếng.
- Nhờ ý kiến của Đào và Vinh tôi nghĩ ra một cách cứu nguy cho sư đoàn Dù. Đó là kế lộng giả thành chơn. Sư đoàn Dù sẽ rút khỏi vùng 1 theo như ý của ông Thiệu. Sư đoàn Dù có thể bị xé nát ra từng đơn vị nhỏ nhưng đó là một sư đoàn Dù giả...
Tướng Lưỡng nhìn tướng Trưởng với vẻ nghi hoặc dường như chưa hiểu hết cái ý của vị tư lệnh vùng hỏa tuyến.
- Ta sẽ giao cho ông Thiệu một sư đoàn gồm có các đơn vị như địa phương quân và bộ binh ngụy trang binh chủng Dù. Họ sẽ mặc quân phục rằn ri, đeo phù hiệu Dù và được chỉ huy bởi một số sĩ quan Dù. Còn thành phần cơ bản của Dù sẽ trở thành lính bộ binh và sẽ được tàu hải quân chở về vùng 4...
Chắc đã được nói về buổi họp của các vị tư lệnh cho nên các sĩ quan Dù không tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe tướng Trưởng nói vùng hỏa tuyến sẽ bị bỏ.
- Kế dụ cáo lìa rừng của chúng ta sắp tới giai đoạn sau cùng. Các anh em nên chuẩn bị đối phó với một tình thế vô cùng khó khăn của đất nước. Nếu có đánh nhau với địch anh em cũng đừng vì hào khí của một người lính Dù mà gây ra thương vong cho binh sĩ. Sinh mạng của mỗi người lính đều rất quan trọng trong giai đoạn khó khăn này. Rút lui hay nhường bước cho địch không có nghĩa là bại trận...
Tướng Trưởng ngừng lại giây lát.
- Tôi chỉ nói như vậy thôi. Anh em tùy theo tình hình mà đối phó...
Nhìn các sĩ quan Dù lần nữa ông ta giơ tay chào. Thiếu tướng Lưỡng và các sĩ quan Dù đứng nghiêm chào người chỉ huy khả kính của mình. Tướng Trưởng nhìn bao quát phong cảnh. Xa xa dãy trường sơn xanh ngắt. Những mái nhà lụp xụp. Vài người lính lặng lẽ đi trên đường. Vinh thấy mắt tướng Trưởng như có lệ. Dường như ông ta ứa nước mắt khóc vì biết sẽ không còn có dịp nhìn lại vùng hỏa tuyến của mình nữa. Đội chiếc nón sắt lên đầu tướng Trưởng nói nhanh.
- Thôi chúng ta đi...
Giơ tay chào tướng Lưỡng và các sĩ quan Dù lần nữa ông cúi đầu bước ra bãi đậu. Động cơ gầm thét. Cánh quạt quay vù vù. Chiếc trực thăng từ từ bốc lên cao rồi bay ra biển. Đào ngồi im nhìn mặt biển xanh gờn gợn sóng. Vài chiếc thuyền câu trôi dật dờ. Xa ngoài khơi chiến hạm của hải quân chạy chầm chậm.
Đang ngồi trầm ngâm tướng Trưởng chợt nói.
- Vinh ráng liên lạc với tướng Giai và tướng Phú. Tôi cần dặn dò hai ông ấy về việc ém quân. Nếu lực lượng biệt động quân tan rã thời khó khăn cho ta lắm. Họ là một mũi dùi tấn kích Hà Nội...
Đào phải nói thật lớn để cho âm thanh không bị át bởi tiếng động của trực thăng.
- Thưa trung tướng... Nếu Ban Mê Thuột thất thủ thời sớm muộn quân đoàn 2 cũng sẽ triệt thoái và các đơn vị như sư đoàn 23, các liên đoàn biệt động quân sẽ bị tổn thất nặng. Phải có người lên Pleiku...
- Tôi đồng ý... Phải có người lên cao nguyên để vạch kế hoạch đưa mấy liên đoàn biệt động quân về Tuy Hòa...
Trầm ngâm nghĩ ngợi giây lát tướng Trưởng quay sang Đào.
- Anh cần em đi Pleiku. Em sẽ gặp tướng Phú và đại tá Tất, chỉ huy trưởng biệt động quân của quân khu 2. Phải có sự chấp thuận của hai ông đó thời...
Tướng Trưởng ngừng lại nhìn Đào như muốn nói rằng việc bảo toàn lực lượng biệt động quân ở vùng 2 không thể nào thành tựu nếu không có sự hợp tác của hai vị tướng tá trên.
Đào nhìn Vinh nhưng lại có ý nói với tướng Trưởng.
- Thưa trung tướng... Thời bình thời ta phải tuân theo nguyên tắc hay quân kỹ tuy nhiên trong thời chiến ta...
Trên khuôn mặt khắc khổ và ưu tư của tướng Trưởng hơi có một nụ cười.
- Em làm cách nào cũng được miễn là mang mấy liên đoàn biệt động quân về Tuy Hòa cho anh...
Chương 5
Đào bước vào bộ tư lệnh quân khu 2. Thiếu tá Minh đón anh với nét mặt nhiều ưu tư và thiếu ngủ.
- Trông anh bết quá...
Minh cười như mếu khi nghe câu nói của Đào.
- Không ai nhất là tướng Phú ngủ được khi nghe tin Ban Mê Thuột thất thủ. Bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn 23 và tiểu khu Darlac đã tan hàng...
Đào nín lặng. Anh không ngờ tình hình lại biến chuyển mau lẹ và dồn dập như vậy.
- Tướng Phú có mười lăm phút để nói chuyện với anh...
Minh nói trong lúc đưa Đào tới phòng làm việc của vị tư lệnh quân khu 2. Bước vào phòng Đào đứng nghiêm chào tướng Phú. Không có gì khác biệt nơi ông ta ngoại trừ chút ưu tư thấp thoáng trong ánh mắt mệt mỏi của nhiều đêm không yên giấc.
- Mời anh ngồi...
Tướng Phú nói ngắn và gọn. Đào ngồi xuống chiếc ghế đặt trước một chiếc bàn dài rải rác giấy tờ.
- Thưa thiếu tướng... Tướng Trưởng gởi tôi lên gặp thiếu tướng để bàn chuyện bảo toàn lực lượng của sư đoàn 23 và nhất là của biệt động quân...
Tướng Phú im lìm. Ông ta đã được tường trình về buổi họp ở Đà Nẳng
- Tình hình của quân khu 2 biến chuyển không thuận lợi cho tôi. Ban Mê Thuột đã lọt vào tay cộng quân và tôi phải tái chiếm lại thị trấn quan trọng này. Đó là lệnh của tổng thống Thiệu. Tôi không có đơn vị nào khác hơn là sư đoàn 23 và biệt động quân...
Đào hiểu ý của Tướng Phú. Ông ta không thể nào tái chiếm Ban Mê Thuột nếu không xử dụng các đơn vị của sư đoàn 23, biệt động quân và thiết giáp. Cộng quân có năm sư đoàn với mười lăm trung đoàn thiết giáp, pháo binh, phòng không và công binh. Đối đầu với lực lượng mấy chục ngàn bộ đội của địch, tướng Phú chỉ có một sư đoàn bộ binh, năm liên đoàn biệt động quân, một lữ đoàn thiết giáp và sư đoàn 6 không quân. Với quân số như vậy tướng Phú bắt buộc phải xử dụng biệt động quân vào cuộc hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột đồng thời giữ vững Pleiku và Kontum cũng như giải tỏa các quốc lộ 14, 19 và 21. Nhiều mặt trận quá cho một quân số ít ỏi.
Ngẫm nghĩ giây lát Đào kéo ghế đứng lên.
- Cám ơn thiếu tướng...
- Nếu có trở về Đà Nẳng anh trình lại với trung tướng Trưởng hoàn cảnh khó khăn của tôi...
- Thưa thiếu tướng tôi sẽ ở lại đây vài ngày để thu thập tin tức chiến sự của quân khu 2 rồi mới trở về Đà Nẳng...
- Nếu cần phương tiện di chuyển anh hãy nói với Minh...
Giơ tay chào kính vị tư lệnh quân khu 2 xong Đào tìm Minh.
- Tôi cần đi Kontum để gặp đại tá Tất...
- Để tôi bảo tài xế chở anh qua bộ tư lệnh sư đoàn 6..
- Cám ơn anh...
Đào vừa dợm bước Minh nói nhanh.
- Khoan... Anh chờ đây chút để tôi trình tướng Phú rồi mượn trực thăng của ổng chở anh lên Kontum. Như vậy lẹ hơn...
Minh bỏ đi. Chừng mươi phút sau anh trở lại cười nói.
- Có trực thăng rồi... Anh theo tôi...
Minh thân đưa Đào ra tận bãi trực trăng. Gặp mặt người phi công, Minh dặn dò thật kỹ lưỡng. Bắt tay Minh, Đào ngồi vào ghế. Chiếc trực thăng từ từ bốc lên cao. Chừng một tiếng đồng hồ sau trực thăng đáp xuống Kontum. Đào thầm cám ơn sự chu đáo của Minh khi thấy tài xế và xe jeep đang chờ sẵn.
- Em chở anh tới bộ chỉ huy biệt động quân được không?
Đào nói với người lính tài xế. Anh ta cười toe toét.
- Thiếu tá muốn đi đâu em chở thiếu tá đi đó. Tụi Việt Cộng pháo kích lai rai vào Kontum nhưng nhằm nhò gì. Người ta sống chết có số mà thiếu tá...
Chiếc jeep quẹo phải đi vào con đường trải nhựa nhưng lồi lõm và khá nhiều ổ gà. Dân chúng đi lại thưa thớt. Tin cộng quân tấn công Ban Mê Thuột khiến cho người ta lo âu. Họ biết trước sau gì cũng tới phiên Pleiku và Kontum. Tiền pháo hậu xung. Chiến thuật đó được cộng quân lập đi lập lại hàng ngàn lần. Chỉ một ngày sau khi tấn công Ban Mê Thuột cộng quân đã pháo kích vào Pleiku và cường độ càng lúc càng tăng dần. Tuy không gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng trấn thủ nhưng lại gây ra sự hoang mang và sợ hãi cho dân chúng trong thành phố. Nhiều người chuẩn bị tản cư về Quy Nhơn, Nha Trang hoặc xa hơn Sài Gòn. Tuy nhiên chỉ có các gia đình giàu có và thân thế mới đi được bởi vì phương tiện tản cư duy nhất là máy bay của không quân hoặc Air Việt Nam. Còn đường bộ như quốc lộ 19 và 21 đều bị cộng quân cắt đứt.
Chiếc xe jeep chạy vào vào căn cứ Non Nước, nằm cách Kontum chừng mười cây số về phía tây bắc. Nhìn thấy một quân nhân bộ binh mang cấp bậc thiếu tá và mang phù hiệu của quân đoàn 1 người lính gác giơ tay chào.
- Tôi là thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của trung tướng Ngô Quang Trưởng tư lệnh quân khu 1. Tôi cần gặp đại tá Phạm Duy Tất...
Quan sát vị thiếu tá bộ binh giây lát người lính biệt động quân đưa tay chỉ.
- Thiếu tá đi vào ngôi nhà lớn đó sẽ có người tiếp thiếu tá...
Đào đi vào ngôi nhà bằng gạch cũ kỹ. Xuyên qua cửa sổ mở rộng anh thấy dăm người lính biệt động quân ngồi làm việc hoặc đi đi lại lại.
- Thiếu tá muốn gặp ai?
Một thiếu úy hỏi khi thấy Đào bước vào phòng.
- Tôi là sĩ quan đại diện của trung tướng Ngô Quang Trưởng. Tôi xin gặp đại tá chỉ huy trưởng...
- Thiếu tá vui lòng chờ giây lát...
Người thiếu úy bỏ đi rồi trở lại với một sĩ quan mang cấp bậc trung úy.
- Thiếu tá có hẹn trước với chỉ huy trưởng của tôi?
- Tôi không có hẹn trước nhưng trung tướng Ngô Quang Trưởng có gọi điện thoại cho thiếu tướng Giai...
Đào không thích nói dối nhưng vì tình thế khẩn trương và cấp bách nên anh đành phải bịa chuyện để công chuyện được trôi chảy.
Nghe vị sĩ quan cấp tá nhắc tới tên hai ông tướng tư lệnh, người trung úy biệt động quân đổi thái độ liền.
- Thiếu tá vui lòng ngồi chờ giây lát... Tôi xin vào trình với chỉ huy trưởng...
Bỏ đi chừng mươi phút vị trung úy trở lại cười nói với Đào.
- Mời thiếu tá... Chỉ huy trưởng đang đợi thiếu tá...
Đi sau vị trung úy biệt động quân Đào im lặng suy nghĩ. Thật sự anh chưa tìm ra cách nào để thuyết phục đại tá Tất ém mấy liên đoàn biệt động quân rồi sau đó rút về Nha Trang hay Tuy Hòa. Nếu tướng Phú cần biệt động quân để tái chiếm Ban Mê Thuột thời ông ta không thể không cung cấp. Ngoài ra còn một điều mà anh hy vọng sẽ xảy ra. Đó là việc tướng Giai đã nói chuyện hoặc ra lệnh ngầm cho đại tá Tất về kế hoạch ém quân và giấu quân. Nếu tướng Giai đã ra lệnh thời đại tá Tất phải tuân theo lệnh của cấp chỉ huy trực tiếp của mình.
- Thưa chỉ huy trưởng... Đây là thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của trung tướng Ngô Quang Trưởng...
Đào giơ tay chào vị chỉ huy trưởng biệt động quân của quân đoàn 2. Thay vì chào trả đại tá Tất vui vẻ bắt tay Đào.
- Tôi không biết lý do gì trung tướng Trưởng phái anh lên đây...
Ngừng lại giây lát ông ta nhìn người sĩ quan bộ binh đang ngồi trước mặt mình.
- Tướng Giai có điện thoại cho tôi...
Đào mừng thầm. Nếu tướng Giai đã nói chuyện rồi thời công việc của anh chắc sẽ dễ dàng hơn.
- Tướng Giai có bàn với tôi về việc bảo toàn lực lượng biệt động quân bằng cách bí mật rút về Quy Nhơn, Tuy Hòa hay Nha Trang. Tuy nhiên...
- Thưa đại tá... Tôi nghĩ đại tá không thể nào làm được chuyện đó trong tình thế sôi bỏng này...
- Tôi cũng nghĩ như anh... Là tư lệnh vùng tướng Phú có toàn quyền thuyên chuyển biệt động quân tới bất cứ nơi nào ông ta muốn. Mặc dù có lệnh của tướng Giai tôi cũng không thể cưỡng lệnh của tướng Phú...
Đào trầm ngâm. Anh biết tình trạng khó khăn của đại tá Tất. Nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ mà tướng Trưởng đã giao phó anh phải tìm cách khác.
- Thưa đại tá... Nếu không có chi phiền đại tá có thể cho tôi biết nội dung cuộc điện đàm giữa đại tá và tướng Giai...
Đại tá Tất cười vui vẻ.
- Cũng không có gì quan trọng và bí mật cần phải dấu giếm. Tướng Giai nói với tôi là có thể quân đoàn 2 sẽ triệt thoái về Nha Trang do đó tôi cần phải bảo toàn các liên đoàn biệt động quân để sau đó lập vòng đai cố thủ Sài Gòn...
Đào mỉm cười. Thế là tướng Giai chưa tiết lộ cho đại tá Tất về cuộc hành quân Giải Phóng Miền Bắc của tướng Trưởng. Có lẽ ông ta không muốn tiết lộ hoặc sợ không dám tiết lộ bí mật trong lúc điện đàm.
- Thưa đại tá tôi không muốn làm mất thời giờ quý báu của đại tá. Tôi chỉ xin phép đại tá được ở lại đây cho tới lúc trở về Đà Nẳng...
- Chừng nào anh mới về Đà Nẳng...
- Thưa đại tá có thể mai hoặc mốt...
- Xin anh nói lại với trung tướng Trưởng là tôi sẽ cố gắng bảo toàn lực lượng của các liên đoàn biệt động quân. Anh cũng biết tôi chỉ là một sĩ quan cấp tá ít quyền hành...
Đào cười.
- Thưa đại tá... Tôi nghĩ tướng Trưởng hiểu điều đó và ổng sẽ không phiền trách đại tá đâu...
Ra khỏi phòng của đại tá Tất cảm thấy đói bụng và khát nước Đào hỏi thăm đường tới câu lạc bộ. Một người lính giơ tay chỉ đường.
- Câu lạc bộ của liên đoàn nằm sau bộ chỉ huy... Thiếu tá ra cửa xong quẹo mặt là thấy liền...
Mấy phút sau Đào bước vào câu lạc bộ của Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Quân Khu 2. Đó là một căn phòng khá rộng lợp tôn. Gọi một dĩa cơm sườn và ly nước đá chanh anh im lặng ăn uống. Đang ăn anh chợt nhìn ra cửa khi nghe có tiếng cười nói rồi hai người sĩ quan bước vào. Đi bên phải là một trung tá còn bên trái là một thiếu tá. Vị trung tá khoảng bốn mươi ngoài, mặc bộ quân phục rằn ri cũ và bạc màu. Còn vị thiếu tá trẻ hơn, tóc cắt ngắn và ăn mặc tươm tất hơn. Hai người tới ngồi vào chiếc bàn cạnh Đào. Trông thấy một sĩ quan cấp tá mặc quân phục hải quân, vị trung tá biệt động quân mỉm cười gật đầu chào. Đào cũng gật đầu chào.
- Trung tá thuộc liên đoàn mấy?
- Liên đoàn 23...
Vị thiếu tá xen lời.
- Ông này là trung tá Biên, liên đoàn trưởng liên đoàn 23, còn tôi là thiếu tá Thi, liên đoàn phó...
- Tôi là thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của trung tướng Trưởng...
Hai vị sĩ quan biệt động quân nhìn người đối thoại. Họ thầm thắc mắc về vị thế của một sĩ quan hải quân lại đại diện cho ông tướng vùng 2 mà lại hiện diện ở vùng 2.
- Tướng Trưởng phái tôi lên vùng 2 gặp đại tá Tất...
Hai sĩ quan biệt động quân im lặng. Họ biết phải có chuyện gì đặc biệt lắm cho nên một ông tướng tư lệnh vùng 1 mới phái sĩ quan tin cẩn của mình tới gặp chỉ huy trưởng biệt động quân vùng 2. Nếu xin tăng viện hoặc hoán chuyển thời ông ta chỉ cần nói chuyện với bộ tổng tham mưu hoặc tướng Phú mà thôi.
- Trung tá và thiếu tá chắc nghe tin tụi nó tấn công Ban Mê Thuột...
Biên nhẹ gật đầu.
- Ban Mê Thuột đã thất thủ...
Mặc dù dã biết tin này nhưng anh lại làm như không biết tin thị trấn quan trọng nhất của miền cao nguyên lọt vào tay cộng quân...
- Rồi sẽ tới phiên Pleiku và Kontum. Tụi nó sẽ tiền pháo hậu xung vào hai vị trí sau cùng này. Chiếm đuợc cao nguyên tụi nó sẽ mở rộng hành lang tiếp vận và các sư đoàn chủ lực sẽ tràn xuống vùng duyên hải và nhất là Sài Gòn. Ban Mê Thuột mất kéo theo sự triệt thoái của vùng 2. Vùng 2 mất thời vùng 1 không đứng vững được cũng như vùng 3 sẽ chịu một áp lực nặng nề và có cơ bị bao vây...
- Đó là lý do tướng Trưởng phái tôi lên vùng 2. Trung tá và thiếu tá muốn nghe tôi nói chi tiết về chuyện tướng Trưởng phái tôi lên vùng 2...
- Mời anh...
Biên nói gọn. Đào liếc nhanh một vòng quanh câu lạc bộ.
- Ở đây không tiện lắm...
- Anh an tâm... Biệt động quân chúng tôi không để cho thằng Việt Cộng nào vào đây nghe lén chuyện của anh cũng như không người lính biệt động quân nào làm nội tuyến cho Việt Cộng...
- Tôi cần một chỗ kín đáo và yên tịnh để trình bày cho hai anh nghe một bí mật quân sự...
Đào ngừng nói. Nhìn nét mặt nghiêm nghị của người đối thoại, Biên và Thi biết phải có chuyện gì quan trọng và khẩn cấp.
- Ba chúng ta về phòng làm việc của tôi...
Đào gọi người tính tiền. Thi khoát tay.
- Anh để tôi lo...
Ba người ra cửa. Tiếng động rì rầm trên cao như là tiếng phi cơ.
- Ở đây có bị pháo không anh?
- Chỉ mới gần đây thôi. Thường thường thời các tiểu đoàn của chúng tôi đóng giữ các vị trí cho nên tụi nó ít khi về lắm. Tuần lễ nay các đơn vị thám báo và trinh sát của liên đoàn báo cáo sự xuất hiện của các sư đoàn chủ lực...
Đào làm thinh không hỏi nữa. Ba người bước vào một căn phòng bày biện đơn sơ.
- Mời anh ngồi...
Đào ngồi vào chiếc ghế bằng cây cũ kỹ. Biên và Thi ngồi đối diện với khách.
- Mời anh cho nghe bí mật quân sự...
Biên cười nhìn Đào. Vị thiếu tá sĩ quan đại diện của tướng Trưởng buông gọn.
- Hai anh có nghe tin tổng thống Thiệu sẽ bỏ vùng 1 và vùng 2...?
Trong lúc nói Đào nhận thấy sự thay đổi trên khuôn mặt của hai người sĩ quan biệt động quân.
- Cách đây mấy ngày bộ tư lệnh vùng 1 có mở một cuộc họp bí mật ở Đà Nẳng. Cuộc họp này gồm đại diện của vùng 2 chiến thuật, không quân, hải quân, biệt động quân, dù và thủy quân lục chiến. Trong buổi họp vị đại diện của bộ tư lệnh vùng 1 tiết lộ một nguồn tin đáng tin cậy là ông Thiệu sẽ bỏ vùng 1 và vùng 2...
- Tại sao lại bỏ vùng 1 và vùng 2?
Biên cất tiếng hỏi. Đào cười lắc đầu.
- Điều đó tôi không được biết lý do. Tướng Trưởng chỉ nói là nếu vùng 1 và vùng 2 lọt vào tay Việt Cộng thời sớm muộn gì vùng 3 cũng sẽ thất thủ và Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta có nguy cơ bị xụp đổ...
- Tôi đồng ý với tướng Trưởng về nhận định này. Tuy nhiên...
Ngừng lại giây lát như ngẫm nghĩ điều gì Biên nhìn Đào.
- Tôi có quen với thiếu tướng Giai. Nếu không có chi phiền anh đợi tôi nói chuyện với ông ta xong sẽ bàn tiếp...
Đào cười nhẹ.
- Anh cứ tự nhiên...
Biên bỏ đi. Chừng mười lăm phút sau anh trở lại với nét mặt nghiêm trọng pha lẫn buồn rầu. Dù không nghe được cuộc điện đàm giữa Biên với tướng Giai, Đào cũng biết vị tư lệnh biệt động quân có thể đã bật mí về tin triệt thoái khỏi vùng 1 và 2 của ông Thiệu.
Vừa ngồi vào ghế Biên nhìn Đào.
- Anh nói đúng... Tướng Giai nói với tôi về tin đồn bỏ vùng 1 và 2 của ông Thiệu. Một nhân viên cao cấp trong dinh Độc Lập vốn quen biết với ông Giai đã xác nhận điều này... Mời anh cho nghe tiếp về buổi họp của các vị đại diện...
Đào mỉm cười. Anh thầm thích thú khi nghe Biên nói. Vị trung tá liên đoàn trưởng biệt động quân có vẻ chú tâm vào tình hình của đất nước.
- Trong buổi họp vị đại diện cho bộ tư lệnh vùng 1 có nói là tướng Trưởng đưa ra một kế hoạch có thể làm thay đổi cục diện của nước ta. Kế hoạch của ông ta chia ra làm ba giai đoạn: thứ nhất là dụ cáo lìa rừng, thứ nhì là bảo quân an tướng và thứ ba là giải phóng miền bắc...
Thi há miệng ra vì kinh ngạc còn Biên nắm chặt mép bàn. Giọng nói của Đào vang lên từ từ trong căn phòng im lặng.
- Hai anh cũng biết cộng sản là con cáo già tinh khôn và xảo quyệt. Bấy lâu nay ta khó nhọc săn tìm mà cũng không diệt được nó. Nay nhân cơ hội ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và 2 để rút về cố thủ miền đồng bằng ta dụ con cáo già cộng sản rời bỏ rừng núi về đồng bằng hay thành thị. Các sư đoàn chánh qui của tụi nó đã bỏ trống miền bắc để tiến sâu vào miền nam. Bỏ cho chúng nó lấy miền nam xong bất thần ta tung toàn bộ lực lượng đánh miền bắc và nhất là Hà Nội, bao vây đám lãnh đạo của tụi nó thời các sư đoàn chính qui phải chạy bộ về bắc để cứu nguy...
Thi nói trong tiếng cười ha hả.
- Tôi chịu kế của ông Trưởng lắm... Đó là cách vây Ngụy để cứu Triệu...
- Anh nói đúng... Nếu không bắt được đám Lê Duẩn hoặc Lê Đức Thọ thời ta cũng giải được nguy cơ mất Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta...
Đào nói với Thi. Biên cười nhìn Đào.
- Để tôi gọi trung tá Dậu, liên đoàn trưởng liên đoàn 21 tới đây nghe anh nói về kế hoạch của ông Trưởng...
Dù không nói ra Đào cũng mừng thầm. Tuy cấp bậc không cao và chức vụ không lớn lắm nhưng các liên đoàn trưởng là cấp chỉ huy trực tiếp các tiểu đoàn biệt động quân. Nếu bằng lòng hợp tác họ có thể xếp đặt để dấu, ém hoặc bảo toàn lực lượng của biệt động quân trong lúc triệt thoái khỏi vùng 2.
Biên trở lại với nét mặt tươi tỉnh hơn một chút.
- Chút nữa ông ta sẽ tới...
Khoảng mười mấy phút sau Đào nghe có tiếng xe jeep ngừng cùng với tiếng cười nói của hai người. Hai sĩ quan cấp tá lừng lững bước vào. Biên cười giới thiệu.
- Đây là trung tá Lê Quý Dậu, liên đoàn trưởng liên đoàn 21 và thiếu tá Trang, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 72 . Còn đây là thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của tướng Trưởng. Mình cứ gọi nhau bằng anh em cho thân mật. Dù là biệt động quân hay hải quân thời chúng ta cũng là lính...
Mọi người bắt tay chào hỏi với nhau. Biên mở đầu.
- Để tiếp tục câu chuyện tôi xin mời Đào nói về kế hoạch của tướng Trưởng...
- Tướng Trưởng và bộ tham mưu quân khu 1 đặt tên cho cuộc hành quân giải phóng miền bắc là Sinh Nam Tử Bắc...
Bốn sĩ quan biệt động quân nhìn nhau. Sau đó trung tá Dậu, liên đoàn trưởng liên đoàn 21 gật gù.
- Sinh Nam Tử Bắc... Tôi ưng cái tên này lắm...
Trang, tiểu đoàn trưởng 72, người sĩ quan trẻ tuổi cười ha hả.
- Tụi nó có sinh bắc tử nam thời mình lấy Sinh Nam Tử Bắc là đúng sách vở rồi...
- Sinh Nam Tử Bắc có nghĩa là đi không có trở về...
Biên, liên đoàn trưởng liên đoàn 23 lên tiếng. Đào cười gật đầu.
- Đây là cuộc hành quân quyết tử hay không có trở về. Đúng ngày giờ ấn định một sư đoàn bộ binh, có thể là sư đoàn 22 sẽ đổ bộ lên Nghệ An và đánh chiếm thành phố Vinh đồng thời kiểm soát phi trường để cho các vận tải cơ C130 đáp xuống lấy nhiên liệu. Sau khi lấy xăng các C130 sẽ thả sư đoàn nhảy dù và liên đoàn biệt cách dù xuống Hà Nội... Tướng Trưởng và các sĩ quan tham mưu của ông gọi là trăm hoa đua nở trên đất bắc...
Đào mỉm cười khi thấy hai ông thiếu tá biệt động hít hà. Chỉ có Biên và Dậu lớn tuổi và trầm tỉnh hơn nên chỉ mỉm cười im lặng.
- Cũng cùng thời gian đó ba cánh quân, thứ nhất là biệt động quân sẽ đổ bộ lên...
Nhìn Biên Đào nói nhỏ.
- Tôi xin anh tấm bản đồ...
Trải tấm bản đồ nước Việt Nam lên bàn Đào chỉ ngay vào địa điểm Hải Phòng.
- Là một trong những thành phần cốt cán, biệt động quân sẽ đổ bộ lên Hải Phòng đoạn noi theo quốc lộ 5 tấn kích vào mặt đông và đông bắc Hà Nội. Trong lúc đó thủy quân lục chiến, sư đoàn 1, 2, 3 và một sư đoàn tân lập sẽ đổ bộ lên vùng Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Sư đoàn 3 sẽ đánh chiếm Ninh Bình làm nút chặn không cho cánh quân chủ lực của địch từ Thanh Hóa rút về giải vây Hà Nội. Sư đoàn 1, 2, sư đoàn tân lập và thủy quân lục chiến sẽ chịu trách nhiệm tấn công vào mặt nam và đông nam Hà Nội. Các cánh quân đều được yểm trợ bởi thiết giáp và pháo binh...
Đào ngừng lại nhìn mọi người. Thi đặt ly nước lạnh trước mặt Đào.
- Anh uống cho thông cổ...
Đào hớp một ngụm nhỏ.
- Cám ơn anh... Tướng Trưởng có nói là cuộc tấn công chớp nhoáng này phải hoàn thành trong vòng năm ngày. Nếu không các sư đoàn của tụi nó ở mặt nam hay bắc sẽ rút về giải cứu cho Hà Nội...
Biên gật gù cười.
- Tôi đồng ý... Phải đánh mau, đánh mạnh, chấp nhận thiệt hại để giải quyết chiến trường. Bởi vậy tướng Trưởng mới chọn các đơn vị như biệt động quân, dù và thủy quân lục chiến. Ba mặt tấn kích cộng thêm biệt kích dù nhảy thẳng vào để bắt sống đám lãnh tụ. Bắt sống hay giết chết Võ nguyên Giáp, Lê Duẫn và Lê Đức Thọ là quân lực miền bắc sẽ buông vũ khí đầu hàng...
Dậu gõ ngón tay trỏ lên mặt bàn.
- Làm được chuyện đó không phải dễ nghe anh. Muốn điều động ngần ấy đơn vị là ta phải qua mặt được tụi xịa, tình báo Bắc Việt và Nga Tàu...
- Anh Biên luận đúng mà anh Dậu nói cũng không sai. Tuy nhiên muốn bắt được đám đầu sỏ Bắc Việt ta phải có quân lực. Nếu Việt Nam Cộng Hoà tan hàng thời ta lấy lính tráng ở đâu để đánh ra bắc...
Trang nhập cuộc bằng câu nói này. Hớp ngụm nước nữa Đào cười cười nhìn Trang.
- Đó là lý do tướng Trưởng phái tôi lên vùng 2 gặp lại tướng Phú và đại tá Tất... Biệt động quân là một trong những cách quân chủ lực đánh vào Hà Nội...
Đào mỉm cười khi liếc thấy nụ cười thích thú nở trên môi của Trang.
- Không phải tôi khen tặng hay nịnh các anh nhưng thành thật mà nói thời biệt động quân vừa thiện chiến vừa có quân số đông hơn dù và thủy quân lục chiến. Bởi thế tướng Trưởng mới nói với tôi là cuộc hành quân giải phóng miền bắc không thành nếu thiếu sự hiện diện của biệt động quân. Vùng 1 có các liên đoàn 11, 12, 14, 15; vùng 2 có năm liên đoàn 21, 22, 23, 24, 25; vùng 3 có các liên đoàn 31, 32, 33; ngoài ra còn có các liên đoàn tổng trừ bị như 4, 6, 7 và 8. Nếu bảo toàn được lực lượng của 45 tiểu đoàn biệt động quân cộng thêm sư đoàn dù và thủy quân lục chiến; ta có thể đánh tan các sư đoàn đang trú đóng ở miền bắc của cộng quân...
Ngừng lại hớp ngụm nước Đào nghiêm giọng hỏi hai ông liên đoàn trưởng:
- Nếu có lịnh triệt thoái khỏi vùng 2 thời các anh phải làm sao?
Hai ông liên đoàn trưởng biệt động quân, người nào lon lá cũng đều được gắn từ mặt trận, có ít nhất mười lăm năm quân vụ và kinh nghiệm đánh giặc đầy mình, lại im lìm trước câu hỏi của Đào. Không phải họ không biết trả lời, nhưng vì câu hỏi bất ngờ vả lại họ chưa bao giờ nghĩ đến nên do dự chưa chịu trả lời. Cuối cùng Biên lên tiếng.
- Nếu bộ tổng tham mưu đã có lịnh triệt thoái khỏi vùng 2 thời chúng ta phải tuân hành...
Trả lời xong Biên nhìn Đào và bắt gặp người sĩ quan đại diện của tướng Trưởng đang nhìn mình mỉm cười.
- Dĩ nhiên là chúng ta phải thi hành. Các anh là dân đánh giặc cho nên cũng biết rút lui là việc khó khăn nhất của người chỉ huy...
Thi, liên đoàn phó của liên đoàn 23 gật gù còn hai ông liên đoàn trưởng im lặng.
- Quốc lộ 14, 19, 21 đều bị tụi nó kiểm soát thời các anh theo đường nào để về Bình Định, Qui Nhơn, Tuy Hoà hay Nha Trang? Từ Kontum, Pleiku về các thị trấn miền duyên hải xa mấy trăm cây số mà cầu sông Ba đã bị phá hủy cho nên ta không thể dùng quân xa để di chuyển. Vả lại dùng xe các anh sẽ làm mồi cho pháo, cho chiến xa và các nút chặn của địch. Làm thế nào các anh rút năm liên đoàn về Tuy Hoà mà không bị tổn thất nặng nề?
Hai liên đoàn trưởng, một liên đoàn phó, một tiểu đoàn trưởng, đều im lìm suy nghĩ. Họ thấy ngay cái thế nguy của mình. Đành rằng trong thế kẹt họ có thể mở đường máu để rút lui. Nhưng như thế là chấp nhận thiệt hại, là phải hy sinh mạng sống của binh sĩ và của chính mình. Đó là điều họ không muốn.
- Theo anh tụi cộng sản biết ta sẽ bỏ vùng 1?
Thi lên tiếng hỏi Đào. Vị sĩ quan đại diện của tướng Trưởng gật đầu.
- Theo ý kiến của tôi thời Bắc Việt biết ta sẽ rút bỏ cao nguyên. Rút bỏ vùng 1 và vùng 2 là do ý kiến của ông Thiệu hoặc ông ta làm theo lời của Mỹ. Các anh cũng biết là gián điệp của tụi nó nằm đầy trong dinh Độc Lập, trong bộ quốc phòng và bộ tổng tham mưu nữa. Hoặc giả người Mỹ cũng có thể thông báo cho Bắc Việt biết ý định bỏ miền nam của họ. Dù với bất cứ lý do nào thời vùng 1 và 2 sẽ bị rút bỏ rồi có thể kéo theo sự xụp đổ của vùng 3 và toàn thể miền nam của chúng ta. Đây là cơ hội tốt cho Bắc Việt đánh tan các sư đoàn tinh nhuệ của ta...
Trang góp chuyện.
- Cái khó của bọn ta là phải thi hành lệnh của cấp chỉ huy đồng thời phải tránh bị tổn thất. Mở đường máu rút lui mà không chạm địch thời không được...
- Các anh có đọc truyện Tam Quốc không?
Đào hỏi trong lúc nhìn Biên. Không những vị liên đoàn trưởng liên đoàn 23 mà ba người kia đều nhìn Đào khi nghe câu hỏi lạc đề này. Họ đang bàn tính chuyện rút lui, hoặc đánh nhau với cộng sản thời ăn nhập hoặc dây dưa gì với chuyện Tam Quốc xưa như trái đất.
Biên do dự chưa kịp trả lời Dậu nói gọn.
- Tôi có đọc nhưng mà...
- Nếu có đọc chắc anh còn nhớ câu " Minh tu san đạo ám độ Trần Thương " . Ta có thể bắt chước cách thức của Khổng Minh trong việc bảo toàn lực lượng của các liên đoàn biệt động quân khi triệt thoái khỏi cao nguyên. Từ Pleiku chỉ có một con đường duy nhất về Qui Nhơn là quốc lộ 19. VC biết ta sẽ rút theo con đường này...
- Tôi hiểu...
Biên và Dậu cùng lên tiếng rồi Dậu nhìn Biên.
- Anh nói trước đi...
Cười chúm chiếm Biên thấp giọng.
- Tụi nó biết ta sẽ đi theo quốc lộ 19 nên dàn binh chờ sẵn. Ta giả vờ đi nhưng sau đó kiếm ngã khác. Đó là minh tu san đạo ám độ Trần Thương...
Biên cười ha hả sau khi nói xong. Dậu mỉm cười nhìn mọi người nhưng giọng nói lại nghiêm nghị.
- Điều khó là ngã nào để ta ám độ đây...
Ngừng lại giây lát vị liên đoàn trưởng liên đoàn 21 từ từ tiếp.
- Từ Kontum về Tuy Hòa có nhiều đường nhỏ nhưng không có nghĩa là không nguy hiểm. Đi lạng quạng là đụng tụi nó liền. Mà đụng là bể...
Đào lên tiếng.
- Chuyện triệt thoái về Tuy Hòa tôi để các anh lo. Điều quan trọng là các anh nên giữ liên lạc với bộ tư lệnh vùng 1 để khi nào các anh tới Qui Nhơn hay Tuy Hòa sẽ có tàu hải quân đón các anh về Phú Quốc hay Cần Thơ để đợi tới giờ xuất quân ra bắc. Năm liên đoàn của vùng 2 cộng thêm ba liên đoàn của vùng 1 và mấy liên đoàn của vùng 3 thời ít nhất ta cũng có một lực lượng tương đương với hai sư đoàn...
Chương 6
Chiếc trực thăng bốc lên cao. Từ khi rời khỏi dinh Độc Lập, tướng Trưởng im lặng không nói lời nào. Khuôn mặt vốn khắc khổ của ông lại càng thêm khắc khổ và câm nín như một pho tượng. Ngồi trong lòng phi cơ Vinh cúi nhìn thành phố Sài Gòn. Tự dưng anh có cảm tưởng như đây là lần cuối cùng trở lại và nhìn ngắm thành phố thân yêu của mình.
- Ông Thiệu bảo tôi phải bỏ vùng 1...
Dù đã đoán được, Vinh vẫn cảm thấy như cánh quạt của chiếc trực thăng ngừng quay và phi cơ rơi vùn vụt xuống đất.
- Phải bỏ vùng 1 và bỏ thật gấp...
- Ổng có nêu lý do thưa trung tướng?
- Ổng bảo Mỹ cúp viện trợ cho nên mình không có tiền bạc để trang bị cho vùng 1 và 2. Vùng 2 của tướng Phú sẽ triệt thoái khỏi cao nguyên và rút về đóng giữ Tuy Hoà rồi sau đó tái chiếm Ban Mê Thuột. Ranh giới mới của mình sẽ lằn ranh từ Tuy Hòa chạy lên tới Ban Mê Thuột. Tuy nhiên...
Dù tướng Trưởng không nói hết nhưng Vinh hiểu. Mất Ban Mê Thuột thời liệu Pleiku và Kontum có đứng vững được không trước sức tấn công khốc liệt của các sư đoàn chánh qui của cộng sản. Mất vùng 1 thời liệu Tuy Hòa có yên ổn được không. Ông Thiệu chắc quên mất cái thế " môi hở thời răng lạnh ". Biên giới của quốc gia càng ngày càng thu nhỏ lại. Nghĩ tới đó Vinh ứa nước mắt. Giọng của tướng Trưởng vang lên nhỏ và có chiều mệt mỏi.
- Tướng Phú sẽ triệt thoái khỏi cao nguyên xong chỉnh đốn hàng ngũ để tái chiếm Ban Mê Thuột...
Vinh nói trong lúc nhìn xuống phi trường Tân Sơn Nhất:
- Thưa trung tướng, tôi không tin ta đủ sức tái chiếm Ban Mê Thuột mà có chiếm được cũng không thể giữ được... Mình ghé đâu thưa trung tướng...
Vị tư lệnh quân khu 1 nhìn Vinh.
- Tôi định gặp ông Cang nhưng không muốn cho ai biết...
Vinh cười nhẹ.
- Trung tướng tháo sao ra rồi mình đón tắc xi tới bộ tư lệnh hải quân...
Vinh thấy được nụ cười hiếm hoi nở trên khuôn mặt khắc khổ và trầm lặng của vị tư lệnh của mình. Dường như ông ta thích thú về đề nghị của người sĩ quan tin cẩn.
- Được đó... Mình làm ông Cang ngạc nhiên chơi...
Trực thăng từ từ đáp xuống một bãi đất trống cạnh phi đạo trong phi trường Tân Sơn Nhất. Tháo ba ngôi sao trên cổ áo cũng như trên cầu vai xuống bỏ vào túi, tướng Trưởng và Vinh bước ra khỏi trực thăng.
- Mình đi hả Vinh...
Tướng Trưởng nói nhỏ. Vinh cười gật đầu. Anh không cần phải tháo gở cấp bậc của mình bởi vì một sĩ quan cấp tá không quan trọng lắm. Hai người đi từ từ ra cổng. Tướng Trưởng đứng nhìn dòng xe cộ lưu thông.
- Sài Gòn vẫn không khác lắm... Người ta vẫn sống, vẫn ăn chơi...
Chiếc tắc xi trờ tới. Vinh mở cửa cho tướng Trưởng. Hai người chui vào. Chiếc tắc xi nhập vào vòng xe cộ. Vinh nói với người tài xế.
- Anh cho tôi tới bến Bạch Đằng...
Tướng Trưởng và Vinh im lặng ngắm cảnh phố phường. Họ không trò chuyện vì không muốn cho người tài xế biết mình là ai. Chiếc tắc xi dừng nơi bờ sông. Trả tiền rồi thầy trò đi dài theo bờ sông Sài Gòn. Mấy chiến hạm hải quân lớp cập cầu lớp bỏ neo chính giữa sông. Tới cổng Vinh nói với người trung sĩ điếm trưởng.
- Tôi là trung tá Vinh ở quân khu 1. Tôi muốn gặp thiếu tá Đào, sĩ quan tùy viên của phó đô đốc Chung Tấn Cang...
Nhìn thấy hai bông mai bạc nơi cổ áo của vị sĩ quan bộ binh, người trung sĩ kính cẩn nói.
- Trung tá vui lòng chờ một chút để tôi gọi máy vào phòng sĩ quan trực...
Chừng mươi phút sau Vinh và tướng Trưởng thấy một sĩ quan hải quân mang cấp bậc đại úy đi ra.
- Tôi là đại úy Bình... Thiếu tá Đào đã đi công tác. Không biết tôi giúp gì được cho thiếu tá...
Kéo Bình ra xa Vinh thì thầm. Bình liếc nhanh người lính bộ binh không có mang cấp bậc đoạn nói nhỏ.
- Trung tá vui lòng chờ để tôi vào trình với tư lệnh...
Lát sau Bình trở ra. Giơ tay chào kính người lính không mang cấp bậc anh nói nhỏ.
- Kính mời trung tướng theo tôi...
Bình đi trước dẫn đường. Vừa đi anh vừa ngạc nhiên và thắc mắc về sự hiện diện đột ngột của người lính bộ binh không mang cấp bậc mà vị thiếu tá nói là trung tướng. Ba người đi quanh co rồi lát sau vào tới cổng sau của dinh tư lệnh hải quân. Phó đề đốc Cang mặc quân phục chờ sẵn. Giơ tay bắt tay người lính bộ binh không mang cấp bậc, ông ta cười.
- Chào anh... Tôi định điện thoại cho anh thời may quá lại gặp anh ở đây...
Phó đô đốc Cang thân đưa khách vào phòng làm việc.
- Anh Bình hãy nói chuyện với Vinh giây lát...
Hiểu ý Bình mời Vinh qua phòng làm việc của mình.
- Tôi vừa gặp ông Thiệu...
Tướng Ttrưởng nói trong lúc ngồi xuống chiếc ghế bành bằng da.
- Ông ta ra lệnh cho tôi phải rút khỏi vùng 1 ngay ngày hôm nay...
Phó đô đốc Cang nhìn lên tấm lịch treo trên tường.
- Hôm nay là 13 tháng 3... Có chuyện gì mà ổng lại ra lệnh cho anh rút lẹ quá... Dẫu Ban Mê Thuột bị mất ta cũng còn đầy đủ lực lượng mà... Phải có gì bí ẩn...
Tướng Trưởng thở dài.
- Không chừng ông Thiệu làm theo lệnh của người Mỹ... Họ muốn phủi tay cho nhanh, gọn và cho sạch...
Thấy tướng Trưởng có vẻ buồn, phó đô đốc Cang an ủi.
- Thôi anh đừng buồn... Còn nước ta còn tát. Vả lại chuyện triệt thoái cũng nằm trong kế dụ cáo lìa rừng của anh mà. Bây giờ anh muốn tôi làm gì?
- Tôi cần anh điều động hết tàu bè của hải quân ra vùng 1 để đón sư đoàn dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến và các sư đoàn 1, 2, 3 và 22. Ông Thiệu muốn tôi rút ngay nhưng ta có thể tìm cách hoản binh để xếp đặt chu đáo cuộc triệt thoái. Tối hôm nay khi về tới Đà Nẳng tôi sẽ gọi điện thoại xin với ông Viên cho tôi được giữ Huế hoặc Đà Nẳng. Đó là cách dục hoản cầu mưu...
Tướng Trưởng nói một hơi dài. Phó đô đốc Cang cười nhẹ.
- Tàu chuyên chở của hải quân hiện đang có mặt ở Nha Trang và Đà Nẳng. Anh còn gặp ai nữa không trước khi về?
- Có lẽ không... Tôi sẽ điện đàm với ông Minh sau...
Dứt lời tướng Trưởng đứng lên. Cuộc nói chuyện giữa hai vị tư lệnh xảy ra không đầy mười phút. Phó đô đốc Cang thân đưa khách ra tận cổng. Đứng nhìn theo bóng tướng Trưởng ông ta khẽ thở dài.
Về tới bộ tư lệnh quân khu 1, Đào mới biết tướng Trưởng và Vinh đã vào Sài Gòn gặp tổng thống Thiệu. Ngẫm nghĩ giây lát anh mượn chiếc jeep tới Tiên Sa, nơi đặt bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải. Chờ khoảng nửa tiếng đồng hồ anh mới gặp phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Sau đó anh vào trung tâm truyền tin gọi về bộ tư lệnh hải quân ở Sài Gòn. Xuyên qua cuộc điện đàm với vị tư lệnh của mình, anh mới biết tướng Trưởng đang trên đường trở lại Đà Nẳng. Phó đô đốc Cang còn nói cho anh biết về lệnh bỏ vùng 1 của ông Thiệu.
Tướng Trưởng im lặng nghe Đào tường trình về chuyến công tác vùng 2. Ông hơi tươi nét mặt khi nghe Đào thuật lại cuộc họp với hai liên đoàn trưởng 21 và 23 của biệt động quân ở Pleiku.
- Hùng nghĩ sao?
Tướng Trưởng hỏi vị tham mưu trưởng của mình.
- Thưa trung tướng. Đây là cơ hội tốt cho ta. Đại tá Tất tuy tiếng là chỉ huy trưởng biệt động quân vùng 2 nhưng thực quyền nằm trong tay năm liên đoàn trưởng. Tôi xin phép trung tướng được điện đàm với họ để thảo luận một cách chi tiết về cuộc triệt thoái của biệt động quân khỏi cao nguyên. Trung tướng muốn họ về đâu?
Không đợi cho tướng Trưởng trả lời, chuẩn tướng Hùng tiếp nhanh.
- Theo tôi thời các liên đoàn biệt động ở Kontum nên dùng đường 24 đi về Quảng Ngải rồi men theo lộ 669 về An Khê... Họ có thể phải nhổ chốt của tụi nó ở đèo An Khê...
Tướng Trưởng gật đầu.
- Lui binh trong hoàn cảnh như vậy ta phải chấp nhận thiệt hại. Nếu chạm các đơn vị nhỏ thời họ có thể vượt qua và ít bị tổn thất hơn là đụng với các sư đoàn chính qui... Bảo với họ là về tới Qui Nhơn sẽ có tàu hải quân đón họ về Phú Quốc dưỡng sức... Đào lo chuyện đó nghe... Còn Hùng đi nói chuyện với họ gấp vì ta không còn nhiều thời giờ...
Chuẩn tướng Hùng và Đào rời phòng. Tướng Trưởng nói với Vinh.
- Ông Thiệu bảo tôi trả sư đoàn Dù về Sài Gòn...
- Thưa trung tướng... Đúng như điều mà ta đã liệu định. Nhân danh trung tướng tôi đã thành lập xong một sư đoàn Dù giả mà thành phần cốt cán là tám tiểu đoàn địa phương quân. Quân phục của họ do sư đoàn Dù cung cấp. Sư đoàn Dù giả này sẵn sàng để giao cho tướng Lưỡng...
Tướng Trưởng có vẻ trầm tư nghĩ ngợi sau khi nghe Vinh trình bày.
- Tướng Lưỡng là một quân nhân mẫu mực và tôn trọng kỷ luật. Có thể ông ta sẽ...
Vinh hiểu cái hàm ý của vị tư lệnh của mình.
- Thưa trung tướng tôi cũng nghĩ như thế. Để tránh làm hỏng kế hoạch bắc tiến ta phải tiên hạ thủ vi cường...
Vinh ngừng lại nhìn tướng Trưởng. Anh hơi mỉm cười vì một ý nghĩ vừa nảy sinh ra trong trí của mình.
- Nhân chuyện đưa Dù về Sài Gòn tại sao ta không rút đi một vài tiểu đoàn Biệt Động Quân...
Tướng Trưởng cười nhẹ:
- Vinh có ý kiến hay. Việc này anh để cho Vinh toàn quyền quyết định...
- Trung tướng nên điện thoại cho ông Lưỡng bảo sẵn sàng để tàu hải quân bốc hết sư đoàn Dù về Bình Thủy giao cho tướng Nam. Làm như thế là ta đặt ông ta trước sự đã rồi và bắt buộc ông ta phải nhận chỉ huy sư đoàn Dù giả về Sài Gòn...
- Hay lắm... Tôi sẽ gọi điện thoại cho tướng Lưỡng còn Vinh đi gặp Đào để chuẩn bị tàu...
Tuân lệnh Vinh tới phòng hành quân. Gặp nhau Vinh kéo Đào vào góc phòng thì thầm.
- Anh đừng lo... Bốn chiếc HQ 500, 501, 502, 504 đủ bốc sư đoàn Dù và Biệt Động Quân về Cần Thơ. Bốn chiếc tàu này hiện đang có mặt ở Đà Nẳng. Tôi sẽ điện thoại cho ông Thoại ngay. Anh muốn tàu đón ở đâu?
- Tôi phải hỏi ý kiến của tướng Trưởng. Ổng đang nói chuyện với ông Lưỡng...
- Theo tôi thời các tàu của hải quân bốc sư đoàn Dù ở cửa Thuận An là tiện nhất...
- Anh là hải quân cho nên tôi sẽ bàn với tướng Trưởng về ý kiến của anh...
Suy nghĩ giây lát Vinh nói với Đào.
- Anh cứ liên lạc với các chiến hạm đón lính Dù ở Thuận An đi. Tôi nghĩ ông Trưởng sẽ nghe theo ý kiến của anh...
Đào nhấc điện thoại liên lạc với bộ tư lệnh hải quân vùng 1. Lát sau anh nói với Vinh.
- Xong... Tàu hải quân sẽ có mặt ở Thuận An đúng 6 giờ sáng ngày mốt...
Chương 7
Buổi họp của tướng Phú chỉ có một người tham dự. Đó là đại tá Phạm Duy Tất, chỉ huy trưởng biệt động quân quân khu 2. Tướng Phú nói trong lúc bước vào phòng.
- Anh đã biết về sự thất thủ của Ban Mê Thuột. Anh chuyển liên đoàn 21 biệt động quân xuống Ban Mê Thuột chưa?
Đại tá Tất trả lời nhanh.
- Thưa thiếu tướng hai tiểu đoàn 72 và 96 thuộc liên đoàn 21 của trung tá Dậu đang có mặt ở Buôn Hồ...
Ngừng lại nhìn vị sĩ quan biệt động quân giây lát tướng Phú chậm chạp lên tiếng.
- Tối hôm qua tôi có nói chuyện với một người quen ở bộ tổng tham mưu và ông ta có đề cập với tôi về nguồn tin tổng thống Thiệu sẽ triệt thoái khỏi vùng 1 và 2...
Tướng Phú ngừng lại khi thấy đại tá Tất không tỏ vẻ ngạc nhiên về lời nói của mình.
- Thưa thiếu tướng, tôi cũng đã nghe tin đồn này từ thiếu tướng Giai...
- Anh nghe tướng Giai nói hồi nào?
- Hôm kia thưa thiếu tướng...
Tướng Phú cười nhưng là nụ cười buồn.
- Hôm kia là tin đồn nhưng bây giờ tin đó là sự thực. Người nói với tôi về quyết định bỏ vùng 1 và 2 của tổng thống Thiệu chính là thủ tướng Khiêm...
Vị tư lệnh quân khu 2 ngừng lại hớp ngụm nước xong bật lửa đốt điếu thuốc.
- Sáng hôm nay trong buổi họp tại dinh Độc Lập ông Thiệu đã trình bày với đại tướng Viên, thủ tướng Khiêm và trung tướng Quang về một biên giới mới của Việt Nam Cộng Hoà. Đó là một đường ranh từ phía bắc tỉnh Tuy Hoà nơi vùng duyên hải chạy lên tới Ban Mê Thuột. Như vậy thời Kontum và Pleiku, Huế, Đà Nẳng, Quảng Nam, Quảng Ngải sẽ lọt vào tay cộng sản...
- Thiếu tướng biết ngày nào lệnh bỏ vùng 1 và 2 sẽ được thi hành?
Đại tá Tất hỏi và tướng Phú chầm chậm lắc đầu.
- Tôi không biết rõ ngày giờ nhưng chắc nay mai mà thôi...
Ngừng lại giây lát tướng Phú nhìn đại tá Tất.
- Tổng thống Thiệu sẽ thăng chức chuẩn tướng cho anh đồng thời để cho anh chỉ huy cuộc di tản khỏi cao nguyên. Phần tôi phải về Nha Trang chỉnh đốn hàng ngũ để tái chiếm Ban Mê Thuột...
Đại tá Tất nghe tướng Phú nhấn mạnh ở chữ " phải về Nha Trang ". Dường như ông ta bị bắt buộc phải tuân hành lệnh của thượng cấp.
- Cám ơn thiếu tướng... Thiếu tướng hãy xin với tổng thống Thiệu là nếu di tản thời cũng cho tôi chút thời giờ để chuẩn bị. Ít ra cũng phải hai ba tuần lễ nữa mới di tản được. Nếu lệnh ra gấp quá làm sao mình có đủ thời giờ để chuẩn bị...
Tướng Phú gật đầu.
- Tôi sẽ cố gắng tuy nhiên anh cũng biết là mình chỉ có quyền nêu ý kiến còn được chấp thuận hay không là chuyện khác. Ngoài ra anh cũng đừng tiết lộ tin di tản cho nhiều người biết...
Tướng Phú đưa tay ra dấu mời đại tá Tất uống nước.
- Di tản chiến thuật về Nha Trang xong ta chỉnh đốn hàng ngũ để tái chiếm Ban Mê Thuột...
Đại tá Tất nhìn tướng Phú.
- Nếu tổng thống Thiệu đã có ý định bỏ Pleiku và Kontum mà giữ Ban Mê Thuột thời tại sao không tập trung tất cả lực lượng của vùng 2 để giữ Ban Mê Thuột. Tôi muốn nói là tại sao không giữ Ban Mê Thuột ngay từ đầu mà lại để cho Ban Mê Thuột thất thủ rồi mới tính chuyện tái chiếm. Đây là một lỗi lầm chiến thuật thưa thiếu tướng...
Tướng Phú nhìn ra ngoài trời như không nghe câu nói của vị chỉ huy trưởng biệt động quân quân khu 2. Dường như có tiếng thở dài của tướng Phú mà đại tá Tất không nghe được.
- Tôi và một số sĩ quan tham mưu sẽ về Nha Trang trước để vẽ kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột. Chuyện triệt thoái tôi giao cho anh với chuẩn tướng Thân và đại tá Lý. Anh nhớ khi triệt thoái hãy cố gắng bảo toàn các đơn vị còn lại của sư đoàn 23, biệt động quân, thiết giáp và pháo binh. Không có họ ta không thể nào tái chiếm Ban Mê Thuột được...
- Thưa thiếu tướng tôi sẽ cố gắng...
Nói xong đại tá Tất kiếu từ. Ngồi trên trực thăng từ bộ tư lệnh quân khu 2 về Kontum ông ta miên man suy nghĩ. Ông ta nhớ lại cuộc điện đàm với tướng Giai. Trong cuộc điện đàm dài hơn nửa tiếng đồng hồ tướng Giai nói rất nhiều về tin bỏ vùng 1 và 2 của ông Thiệu. Ngoài ra tướng Giai còn căn dặn với ông là phải cố gắng bảo toàn lực lượng biệt động quân để cho tướng Trưởng dùng vào việc lớn sau này. Tướng Giai không hề nói tới chuyện tái chiếm Ban Mê Thuột. Dường như tướng Giai không nghĩ là ta đủ sức lấy lại Ban Mê Thuột. Dù được tăng viện, lực lượng quân khu 2 cũng không đủ sức chiếm lại Ban Mê Thuột từ tay cộng quân. Vả lại có lấy lại cũng không giữ lâu được bởi vì tiếp vận không có. Quốc lộ 21, con đường huyết mạch từ Nha Trang lên Ban Mê Thuột đã bị tụi nó đóng chốt hoặc phá hủy không cho xe cộ lưu thông.
Ngồi trên xe đại tá Tất suy nghĩ lan man. Ông nhớ lại cuộc nói chuyện với Đào. Sự có mặt của người sĩ quan đại diện của tướng Trưởng ở Pleiku phải có lý do đặc biệt. Phải chăng có dính dáng tới chuyện mà tướng Giai đã căn dặn cho ông phải bảo toàn lực lượng của biệt động quân để cho tướng Trưởng dùng vào việc lớn sau này. Việc đó là việc gì?
Vừa vào tới văn phòng, đại tá Tất nói với thiếu úy Nhân, sĩ quan tùy viên của mình.
- Gọi hai ông Dậu và Biên tới gặp tôi lập tức...
Nửa giờ sau trung tá Biên và Dậu tới. Đại tá Tất vui vẻ mời hai sĩ quan dưới quyền của mình ngồi.
- Tôi vừa gặp tướng Phú và ông ta cho tôi biết về lệnh bỏ vùng 1 và 2 của tổng thống Thiệu...
Vị chỉ huy trưởng biệt động quân nhận thấy hai liên đoàn trưởng có thái độ bình tỉnh thay vì ngạc nhiên hoặc sửng sốt. Đột nhiên ông ta nhớ tới thiếu tá Đào.
- Hai anh có gặp thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của tướng Trưởng?
Biên và Dậu nhìn nhau hội ý rồi sau cùng trung tá Dậu trả lời.
- Thưa đại tá... Chúng tôi có nói chuyện với thiếu tá Đào. Ông ta có đề cập tới chuyện bỏ vùng 1 và 2...
Đại tá Tất gật gù.
- Tôi cũng có nói chuyện với tướng Giai. Ông ta căn dặn tôi về việc bảo toàn lực lượng của quân khu 2 đặc biệt là biệt động quân, thiết giáp và pháo binh để giao cho tướng Trưởng dùng vào việc lớn sau này...
Ngừng lại nhìn hai vị sĩ quan dưới quyền chỉ huy của mình, đại tá Tất nghiêm giọng.
- Đã nói chuyện với thiếu tá Đào hai anh phải biết tướng Trưởng tính chuyện gì. Tôi cần biết rõ để bàn luận cách thức bảo toàn lực lượng của ta... À tôi quên chưa nói cho hai anh biết là tướng Phú sẽ xin với tổng thống Thiệu thăng cấp cho tôi đồng thời giao cho tôi chỉ huy cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên...
- Thiếu tá Đào có nói là tướng Trưởng sẽ lập một vòng đai cố thủ để bảo vệ vùng 3 và Sài Gòn. Ngoài ra sẽ rút về vùng 4 để tiếp tục chiến đấu nếu Sài Gòn bị thất thủ...
Trung tá Dậu không hiểu tại sao mình lại nói ra câu đó. Dường như ông muốn dấu không cho cấp chỉ huy của mình biết kế hoạch Giải Phóng Miền Bắc của tướng Trưởng. Có lẽ hiểu được ý của bạn cho nên Biên mới thêm vào.
- Thiếu tá Đào còn nói thêm là binh chủng của chúng ta có bốn mươi lăm tiểu đoàn cho nên là một lực lượng trừ bị thiện chiến và đông đảo rất cần cho việc phòng thủ vùng 3 và Sài Gòn...
Đại tá Tất cười.
- Ít ra ông ta cũng nhìn ra được là sau khi vùng 1 và 2 bị bỏ thời cộng quân sẽ bao vây và đánh chiếm Sài Gòn...
Vị chỉ huy trưởng biệt động quân vùng 2 hớp ngụm nước lạnh.
- Tôi muốn bàn với hai anh về kế hoạch triệt thoái khỏi cao nguyên. Phải tìm ra cách di tản về Quy Nhơn hay Tuy Hòa để tránh bị thiệt hại cho các đơn vị quan trọng...
- Tôi nghĩ đại tá nên bàn với các sĩ quan cao cấp của bộ tư lệnh quân khu như chuẩn tướng Thân hoặc đại tá Lý... Phần chúng tôi sẽ cố gắng dìu dắt anh em về Tuy Hoà...
Đại tá Tất im lặng. Hai vị liên đoàn trưởng cũng không nói gì thêm. Thật lâu đại tá Tất mới nhìn hai liên đoàn trưởng.
- Đi... Hai anh đi với tôi qua bộ tư lệnh quân khu...
Dậu nói nhanh khi thấy Biên dợm đứng dậy.
- Hay là đại tá gọi điện thoại mời chuẩn tướng Thân hoặc đại tá Lý lên đây tiện lợi và kín đáo hơn...
Đại tá Tất gật gù.
- Để tôi gọi điện thoại nói chuyện với hai ông đó...
Dứt lời ông ta nhấc điện thoại. Hiểu ý trung tá Dậu và Tuấn bước ra khỏi phòng. Khoảng mười phút sau đại tá Tất ló đầu ra hành lang vẩy hai người vào phòng.
- Chuẩn tướng Thân và đại tá Lý sẽ lên đây vào lúc 15 giờ...
- Đại tá muốn hai chúng tôi ở đây?
- Muốn chứ... Tôi cần hai anh nói chuyện với họ về kế hoạch bảo toàn lực lượng của tướng Trưởng...
Chừng tiếng đồng hồ sau hai quân nhân bước vào phòng của đại tá Tất. Dậu và Biên giơ tay chào đại tá Lý và chuẩn tướng Thân, hai sĩ quan tham mưu cao cấp của quân khu 2.
Mời hai sĩ quan của quân khu 2 ngồi vào ghế xong đại tá Tất nhập đề.
- Chuẩn tướng và đại tá chắc có nghe thiếu tướng Phú nói về chuyện triệt thoái khỏi cao nguyên...
Đại tá Lý im lặng dường như ông muốn dành câu trả lời này cho chuẩn tướng Thân.
- Tôi có nghe tướng Phú nói sơ về vụ này...
Vị tư lệnh phó ngừng lại nhìn ba sĩ quan cấp tá của biệt động quân xong thong thả tiếp.
- Ngoài ra tôi cũng nghe một người quen làm ở bộ tổng tham mưu cho biết về ý định bỏ vùng 1 và 2 của tổng thống Thiệu...
Đại tá Tất cười nhẹ.
- Thiếu tướng tư lệnh đã chỉ định tôi chỉ huy cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên. Đây là một vấn đề phức tạp và khó khăn do đó tôi mới mời chuẩn tướng và đại tá tới để thảo luận về vụ di tản toàn bộ lực lượng của quân khu 2 bao gồm sư đoàn 23, biệt động quân, thiết giáp, pháo binh và công binh... Tất cả những đơn vị này sẽ rút về Tuy Hoà hoặc Nha Trang để chỉnh đốn hàng ngũ rồi sau đó tái chiếm Ban Mê Thuột...
Trung tá Dậu bắt gặp nụ cười của chuẩn tướng Thân.
- Tôi không tin là quân khu 2 của chúng ta có khả năng lấy lại Ban Mê Thuột trong tay cộng quân. Chiếm được Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột là cộng quân có được một lợi thế vô cùng lớn lao, mở rộng hành lang tiếp vận cho cuộc chiến tranh thôn tính Việt Nam Cộng Hoà. Do đó chúng nó sẽ đem toàn bộ lực lượng để giữ Ban Mê Thuột với hai tỉnh Pleiku và Kontum. Tôi không hiểu lý do nào khiến cho ông Thiệu nảy ra ý kiến bỏ vùng 1 và vùng 2. Giữ vững Ban Mê Thuột nói riêng và cao nguyên nói chung là ta nắm lấy cái thế chủ động để kiểm soát hoặc ngăn chận hành lang tiếp vận của cộng quân. Bỏ vùng 2 thời sớm muộn gì cộng quân cũng sẽ tràn xuống vùng 3 và uy hiếp Sài Gòn. Đây là một lỗi lầm nghiêm trọng có thể dẫn tới sự xụp đổ của quân lực Việt Nam Cộng Hoà...
Chuẩn tướng Thân thở dài sau khi nói xong. Nhìn bốn người trong phòng ông ta tiếp với giọng bùi ngùi.
- Là quân nhân cho nên dù biết thượng cấp vấp phải lỗi lầm chúng ta vẫn phải thi hành lệnh. Triệt thoái khỏi cao nguyên. Nói thời dễ nhưng làm không dễ đâu. Đi theo đường nào để về Tuy Hoà hoặc Nha Trang. Cộng quân đã kiểm soát quốc lộ 19. Cầu sông Ba đã bị chúng chiếm giữ. Chúng đóng chốt tại đèo Mang Giang và An Khê. Con đường 19 trở thành con đường chết vì ta phải vượt qua sư đoàn 3 Sao Vàng và trung đoàn 95A của chúng...
- Thưa chuẩn tướng có đọc truyện Tam Quốc?
Dậu dùng câu hỏi của Đào để hỏi chuẩn tướng Thân. Trừ Biên ra ba người kia đều chăm chú nhìn Dậu. Nhất là chuẩn tướng Thân nhìn vị sĩ quan biệt động quân với nhiều thắc mắc.
- Tôi có đọc... Tuy nhiên...
Chuẩn tướng Thân chầm chậm trả lời câu hỏi. Dậu nói trong lúc cười láy mắt với Biên.
- Chuẩn tướng biết câu " minh tu san đạo ám độ trần thương...
Chuẩn tướng Thân mỉm cười tươi tắn và nét mặt của ông ta rạng rỡ lên.
- Phải rồi... Đúng rồi... Ta có thể áp dụng câu nói này vào cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên. Tụi nó giữ đường 19 thời ta sẽ đi đường khác. Ta giả vờ dàn quân đi theo đường 19 để tụi nó yên chí xong ta lén đi theo liên tỉnh lộ 7...
Tới bây giờ đại tá Lý mới lên tiếng.
- Lộ số 7 đi không được đâu anh... Con đường này đã bị bỏ hoang từ lâu lắm rồi. Huống chi cây cầu bắc ngang qua sông Ba đã bị hư hao nặng...
Chuẩn tướng Thân cười dường như ông ta đã có sẵn giải đáp cho vấn đề này.
- Bởi vậy mình mới minh tu san đạo... Ta đem quân xa với xe ủi đất sửa chữa con lộ số 7 để cho tụi nó nghĩ là ta sẽ dùng đường số 7 triệt thoái về duyên hải. Trong lúc đó các đơn vị của ta như biệt động quân cũng như thành phần còn lại của sư đoàn 23 và bộ tư lệnh quân khu 2 sẽ theo quốc lộ 19 về Tuy Hòa. Anh thấy thế nào?
Đại tá Tất hỏi chuẩn tướng Thân.
- Chuẩn tướng tính như vậy cũng được tuy nhiên còn pháo binh và chiến xa thời làm sao di tản...?
Chuẩn tướng Thân im lìm. Đôi mày hơi cau lại và vầng trán rộng của ông ta nhăn tít như suy nghĩ để tìm ra giải đáp cho vấn đề hóc búa.
Đại tá Lý lên tiếng.
- Ta có thể dùng không quân để di chuyển tiểu đoàn pháo binh cơ động 175 ly và trung đoàn chiến xa M48. Phần thiết giáp, pháo binh còn lại sẽ tháp tùng bộ binh với biệt động quân lội bộ về Tuy Hòa...
Ông ta cười nhìn hai vị liên đoàn trưởng biệt động quân.
- Biệt động với bộ binh thời lội bộ đâu có sao...
Sau đó ông ta quay sang đại tá Tất.
- Tôi sẽ minh tu san đạo còn anh lo ám độ trần thương...
Đại tá Tất thở hơi dài nhẹ nhỏm.
- Cám ơn anh và chuẩn tướng tư lệnh phó... Bây giờ tôi mới bớt lo...
- Tôi sẽ nói chuyện với ông Lượng của sư đoàn 6 không quân để họ bốc đại bác và chiến xa về Nha Trang...
Sau câu nói chuẩn tướng Thân đứng dậy. Bắt tay đại tá Tất và hai liên đoàn trưởng biệt động quân xong ông ta cùng đại tá Lý ra xe. Vổ vai trung tá Dậu, vị chỉ huy trưởng biệt động quân cười nói một cách vui vẻ và thân mật.
- Cám ơn hai anh... Tối nay tôi sẽ nói chuyện với hai ông Huấn, Linh và Bách để họ chuẩn bị...
Về tới phòng làm việc của mình ở Pleiku đại tá Lý hỏi liền.
- Anh tính sao về vụ triệt thoái?
- Ta phải tính toán cẩn thận nếu không thời cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên của ta sẽ trở thành một Dunquerque thứ nhì...
Khép cửa phòng lại một cách cẩn thận xong chuẩn tướng Thân bước tới tấm bản đồ hành quân.
- Nếu anh và tôi đã biết về cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên thời Bắc Việt cũng biết. Anh đồng ý với tôi?
Đại tá Lý gật đầu thay cho câu trả lời. Chuẩn tướng Thân mỉm cười. Dường như ông vừa tìm ra một ý kiến gì mới lạ.
- Tôi có một ý kiến như thế này. Giả dụ tôi là người chỉ huy lực lượng của quân khu 2 triệt thoái khỏi cao nguyên còn anh là kẻ chỉ huy lực lượng của Bắc Việt...
Đại tá Lý cười thành tiếng vì ý kiến mới mẻ của chuẩn tướng Thân.
- Anh phải làm gì khi biết tôi sẽ rút lui?
- Tôi phải tìm hiểu xem anh rút lui bằng đường nào... Điều này thật dễ hiểu. Từ Pleiku về Tuy Hòa chỉ có một lối duy nhất là quốc lộ 19...
- Anh nói đúng. Bởi vậy sư đoàn 3 sao vàng và trung đoàn 95A của tụi nó mới đóng chốt tại Mang Giang, An Khê và cầu sông Ba. Ngoài ra tụi nó cũng sẽ đặt các ổ phục kích dài theo đường để đánh ta...
Ngừng lại hớp ngụm nước lạnh chuẩn tướng Thân nhìn đại tá Lý.
- Nếu như tôi dùng liên tỉnh lộ 7 thay vì chọn quốc lộ 19 thời anh sẽ dàn trận như thế nào?
Đại tá Lý trầm ngâm khi nghe câu hỏi này.
- Nếu biết anh rút theo con lộ 7 tôi sẽ huy động sư đoàn 320 đang hoạt động trong khu vực quận Thuần Mẫn đánh vào phía bên phải của anh. Trong lúc đó hai trung đoàn thuộc sư đoàn 3 sao vàng từ quốc lộ 19 sẽ tập kích vào bên trái còn sư đoàn 968 sẽ đánh vào sau lưng...
Nụ cười phảng phất chút ưu tư nở trên khuôn mặt có nhiều nếp nhăn của chuẩn tướng Thân.
- Gọi là minh tu san đạo ám độ trần thương, nhưng thực hành mới thấy khó khăn vô cùng. Ngày xưa thời Gia Cát không có tình báo cho nên không sợ bị lộ tin tức. Còn bây giờ hở một chút là bể liền. Mình phải làm sao cho các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng của tụi nó chuyển về đường số 7 thời mình mới có cơ ám độ đường 19 được...
Trầm ngâm giây lát chuẩn tướng Thân nói với đại tá Lý.
- Anh liên lạc với công binh bảo họ lo sửa đường số 7. Tôi sẽ chỉ thị cho đại đội trinh sát quân đoàn bám sát các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng. Trong lúc đó mình lo chuẩn bị và chờ đợi. Nếu tụi nó rục rịch di chuyển là mình dọt...
Trung úy Thiên bước vào cổng bộ tư lệnh quân khu 2. Người trung sĩ quân cảnh giơ tay chào và anh cũng giơ tay chào trả lại.
- Tôi được lệnh trình diện chuẩn tướng Thân, tư lệnh phó quân khu...
Thiên nói với thượng sĩ trưởng trạm canh. Vị thượng sĩ nhấc điện thoại. Không biết bên đầu dây kia nói gì mà anh chỉ nghe vị thượng sĩ dạ dạ mấy tiếng đoạn quay qua bảo người hạ sĩ nhất.
- Mày dẫn trung úy Thiên vào phòng của tư lệnh phó...
- Mời trung úy theo tôi...
Vừa đi Thiên vừa suy nghĩ không biết có chuyện gì quan trọng và khẩn cấp mà bộ tham mưu quân khu gọi anh lên trình diện tư lệnh phó. Chắc có nhiệm vụ gì đây nên ông tư lệnh phó mới gọi một trung úy, đại đội trưởng đại đội trinh sát của quân khu trình diện. Xuyên qua nhiều căn phòng cuối cùng người hạ sĩ nhất dừng trước một căn phòng có một trung úy đứng chờ.
- Chào anh... Tôi là đại úy Bình, sĩ quan tùy viên của tư lệnh phó...
Bắt tay Thiên Bình tiếp nhanh.
- Mời anh vào... Tư lệnh phó đang chờ anh...
Bước vào phòng Thiện đứng nghiêm giơ tay chào chuẩn tướng Lê Văn Thân, tư lệnh phó quân khu 2. Trái với điều mà Thiên nghĩ chuẩn tướng Thân đưa tay ra bắt tay anh một cách thân mật.
- Em ngồi xuống đi...
- Dạ cám ơn tư lệnh phó...
Thiên ngồi xuống chiếc ghế đối diện với chuẩn tướng Thân.
- Đại đội của em có bao nhiêu lính?
- Thưa tư lệnh phó đại đội còn được tám mươi người. Lúc này công tác liên miên nên lính bị thương hoài mà không được bổ xung...
Chuẩn tướng Thân mỉm cười. Nhìn người sĩ quan trẻ tuổi đang ngồi trước mặt ông nhớ lúc mình còn là một trung úy trẻ tuổi, hăng say với nhiệm vụ và thương yêu binh sĩ dưới quyền.
- Em là một cấp chỉ huy hết lòng với binh sĩ...
- Dạ cám ơn lời khen của tư lệnh phó... Mình không thương yêu lính thời họ không hết lòng đánh giặc. Họ không chịu đánh thời mình với họ đều ngủm...
Chuẩn tướng Thân nhận thấy người sĩ quan trẻ này có nét gì đặc biệt khác hẵn với những người mà ông thường gặp.
- Anh có một công tác khó khăn và nguy hiểm muốn em làm và phải làm cho thành công...
- Dạ tư lệnh phó cứ ra lịnh...
- Anh muốn em tung hết đại đội trinh sát của em dò xét về hoạt động của sư đoàn 3 sao vàng xong báo cáo cho anh biết. Kể từ giờ phút này đại đội trinh sát chịu sự chỉ huy trực tiếp của anh. Theo tin tức tình báo thời sư đoàn 3 sao vàng và trung đoàn 95A đang hoạt động trong vùng dọc theo quốc lộ 19 từ đèo Mang Giang cho tới đèo An Khê...
Chuẩn tướng Thân đứng lên. Bước tới tấm bản đồ treo trên tường ông chỉ tay vào vòng tròn màu đỏ.
- Đây là đèo Mang Giang. Một đơn vị của sư đoàn 3 sao vàng, có thể là một tiểu đoàn đã đóng chốt tử thủ tại đây nhằm mục đích khóa cứng đường từ Pleiku đi Tuy Hòa. Trong lúc đó một tiểu đoàn của trung đoàn 95A đóng chốt tại đèo An Khê nhằm mục đích chặn đường tiếp viện của ta từ Tuy Hoà lên Pleiku. Không nhổ hai chốt này thời ta không nhúc nhích được, tiến không được mà lùi cũng không được...
Thiên gật đầu. Hai cao điểm nổi tiếng hiểm trở này quả khó nuốt. Giọng nói của vị tư lệnh phó quân khu 2 vang lên trầm khàn trong căn phòng chỉ có hai người.
- Kế của anh là dụ cho các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng và trung đoàn 95A phải chuyển quân đi chỗ khác để biệt động quân sẽ nhổ chốt của tụi nó...
Chuẩn tướng Thân dừng lại. Ông không muốn tiết lộ hết về kế minh tu san đạo ám độ trần thương của mình cho người sĩ quan trẻ này biết. Lệnh của thượng cấp là phải giữ bí mật về cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên. Tuy nhiên ông cảm thấy tội nghiệp cho những người lính chiến sẽ bị bỏ rơi. Trong khi thượng cấp âm thầm chuẩn bị chạy thời họ vẫn tin tưởng và chiến đấu hăng say để bảo vệ cho vùng đất sẽ bị bỏ rơi. Ông nghĩ là ông phải nói cho người sĩ quan trẻ này biết tin triệt thoái để cho anh và binh sĩ dưới quyền có cơ hội bảo toàn mạng sống của chính họ.
- Đúng 0h00 đại đội của em sẽ được trực thăng đổ xuống một địa điểm cách đèo Mang Giang chừng hai chục cây số. Cách mỗi hai tiếng đồng hồ em gọi máy báo cáo về bộ tư lệnh. Tất cả vũ khí, quân dụng và lương thực sẽ được cấp phát cho em và binh sĩ. Anh nhắc lại cho em nhớ nhiệm vụ của em là theo dõi hoạt động của sư đoàn 3 Sao Vàng chứ không phải đánh nhau với chúng. Tuyệt đối không được nổ súng. Chuyện nhổ chốt sẽ do biệt động quân đảm trách...
Chuẩn tướng Thân bắt tay Thiên xong bước ra khỏi phòng. Bình bước vào phòng.
- Anh theo tôi tới phòng hành quân. Họ sẽ thuyết trình cho anh về công tác anh sẽ thi hành đồng thời chỉ dẫn cho anh cách thức liên lạc...
Chương 8
Lắng nghe trung úy Phát, đại đội trưởng đại đội trinh sát báo cáo tình hình xong trung tá Biên ra lệnh.
- Tiểu đoàn 11 và bộ chỉ huy liên đoàn đi bên phải, tiểu đoàn 22 và 23 đi bên trái. Tất cả lấy đường 24 làm chuẩn...
Nhìn ba vị tiểu đoàn trưởng giây lát ông ta hỏi.
- Ba ông có ý kiến gì không?
Quốc, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 thấp giọng.
- Đường 24 nối với Quảng Ngải mà sao anh lại bảo mình đi về Qui Nhơn?
Biên cười giải thích.
- Tụi nó đóng chốt tại Mang Giang và An Khê cho nên mình không thể đi theo đường 19 mà phải đi vòng theo đường 24 rồi theo lộ 669 về tới An Khê. Chúng ta sẽ nhổ chốt của tụi nó tại đèo An Khê xong theo đường 19 về Quy Nhơn. Đây là cách minh tu san đạo ám độ trần thương...
Hòa, sĩ quan hành quân của liên đoàn hơi mỉm cười khi nghe cấp chỉ huy của mình nói tới tám chữ minh tu san đạo ám độ trần thương.
- Ba ông về chuẩn bị... Nhớ dặn lính là tuyệt đối không được nổ súng. Mình sẽ khởi hành đúng 04h00...
Quay sang trung úy Phát, Biên vổ vai.
- Em dẫn đại đội đi đầu. Nhớ cho mấy thằng em đi trước rà đường thật cẩn thận. Em nhớ là anh không muốn đụng tụi nó. Gặp tụi nó thời em ráng tìm đường khác mà đi...
Được lệnh của xếp, Phát họp bốn trung đội trưởng.
- Mình có nhiệm vụ đi đầu vậy bốn ông ai muốn lãnh ấn tiên phong?
- Trung úy để tôi...
Thượng sĩ Huông lên tiếng trước nhất và ba trung đội trưởng còn lại đều im lặng. Không phải họ sợ đi đầu nhưng biết không ai xứng đáng lãnh ấn tiên phong hơn Huông. Thượng sĩ thôi nhưng với ba mươi năm làm lính, ông ta là người lính có nhiều kinh nghiệm chiến trường nhất của đại đội và luôn cả liên đoàn. Đó là thứ kinh nghiệm máu của những lần bị thương; của mồ hôi chảy thành dòng vì cơn nắng cháy da và nước mắt khóc các chiến hữu đã nằm xuống. Nhờ thứ kinh nghiệm máu này mà Huông mới sống nhăn để đánh giặc hăng và hung hơn bất cứ ai trong đại đội. Gốc người Mèo, Huông gia nhập quân đội từ thời còn thuộc Pháp. Lính tráng trong liên đoàn 23 thường gọi Huông là Bố Già. Đây không phải là bố già của Mafia chuyên trộm cướp hay đâm thuê chém mướn mà là thứ bố già đánh giặc cứu nước. Có người hỏi bố già sao không về hưu. Huông trả lời thẳng thừng còn cộng sản là chưa về hưu được.
- Ông đi đầu ráng kiếm đường nào đi cho khỏi đụng tụi nó...
Phát nói với bố già. Huông cười ha hả.
- Trung úy đừng lo... Địa thế vùng này tôi nhắm mắt đi cũng tới Quy Nhơn...
Bốn trung đội trinh sát men theo con đường trải nhựa đầy ổ gà, sỏi đá và mìn bẩy di chuyển thật êm. Huông điều động trung đội của mình bung thành hình cánh cung. Tiểu đội 1 đi cách trung đội chỉ huy khoảng trăm thước. Trung đội 2, 3 kèm hai bên phải trái.
Trời đêm lấp lánh sao. Sương mù giăng giăng. Tiểu đoàn 11 và bộ chỉ huy liên đoàn đi bên mặt còn hai tiểu đoàn 22 và 23 đi bên trái. Tất cả lấy con lộ 24 làm chuẩn. Đại đội trinh sát của liên đoàn đi đầu dò đường, tiếp theo là đại đội 1 và 2 của tiểu đoàn 11. Hai đại đội này có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho bộ chỉ huy liên đoàn trong lúc đại đội 3 và 4 che chở sau lưng. Gần hai ngàn binh sĩ câm nín như bóng ma di chuyển chậm chạp trong bóng đêm thâm u và huyền bí của núi rừng.
Tờ mờ sáng Biên ra lệnh dừng quân. Không được đốt lửa, lính phải ăn gạo sấy với nước lạnh và đồ hộp quân tiếp vụ xong tiếp tục lên đường. Trời chập choạng tối Bố Già báo cáo đơn vị đã tới Kon Nu, một địa điểm nằm trên con lộ 24 cách Kontum chừng ba chục cây số. Tỏ vẻ hài lòng Biên ban lệnh dừng quân nghỉ đêm. Ba tiểu đoàn đóng thành hình tam giác còn đại đội viễn thám nằm vòng ngoài.
- Cứ theo đà di chuyển này thời ba ngày nữa chúng ta sẽ đụng đường 669...
Hòa cười nói với mọi người. Biên im lặng đứng nhìn con đường ngoằn ngoèo uốn lượn trong rừng núi. Thiếu tá Thi, liên đoàn phó lên tiếng.
- Mày đừng lạc quan... Tao nghĩ tụi nó chưa dám đụng mình vì nhiều lý do. Thứ nhất tụi nó không muốn lộ mục tiêu. Thứ nhì nó chưa đánh ta vì còn chú tâm vào Kontum. Thứ ba nó sẽ đánh ta vào lúc bất ngờ nhất, vào cái lúc mà ta nghĩ tụi nó không đánh...
- Tôi đồng ý với anh... Không chừng tụi nó đón ta ở đèo An Khê...
Bằng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 22 phụ họa. Biên nói một hơi dài.
- Thôi giải tán... Ai về chỗ nấy... Nhớ bảo lính im lặng. Không đốt lửa, không làm ồn, không nổ súng. Có gì dùng lưỡi lê, dao găm...
Đêm trôi qua trong bình yên. Dù không nói ra ai nấy đều thở phào. Họ hiếm có một ngày bình yên từ lâu lắm rồi. 06h00. Lệnh di chuyển bắt đầu. Đại đội trinh sát đi trước. Trung đội 1 của Huông mở đường. Tiểu đội 1 của hạ sĩ nhất Chấn lãnh nhiệm vụ dò đường. Hạ sĩ nhất thôi, nhưng Chấn lại là thứ hạ sĩ nhất hạng nhất của quân lực nói chung và biệt động quân nói riêng. Ba lần lên lon của Chấn đều được tướng Giai gắn tại mặt trận. Chấn không sợ lính Bắc Việt mà trái lại lính Bắc Việt sợ Chấn. Chỉ có một tiểu đội trinh sát mà Chấn dám xâm nhập vào bộ chỉ huy của trung đoàn 95B lấy tin tức và trở về an toàn khiến cho Phát phải mời thằng em liều mạng một chầu nhậu linh đình.
- Hồng Hà đây Chứa Chan... Hồng Hà đây Chứa Chan...
Chứa Chan là danh hiệu của Chấn còn Hồng Hà là danh hiệu của Huông. Vì sanh ra ở Long Khánh cho nên Chấn mới xin Phát cho mình lấy danh hiệu Chứa Chan.
- Hồng Hà tôi nghe...
Huông lên tiếng và bên kia máy giọng nói của Chấn vang lên nhỏ như tiếng thì thầm.
- ... Trình Hồng Hà có chuột... Tôi thấy dấu dép râu... Còn mới lắm... Ở bên phải đường 24... Hồng Hà nghe rõ trả lời...
- ... Hồng Hà nghe 5/5... Chứa Chan cẩn thận... Bảo mấy thằng em của anh lại gần hơn... Đừng ném chuột... Biên Hòa không muốn mình ném chuột sợ bể đồ...
- ... Chứa Chan tôi nghe rõ...
Cúp máy xong Huông gọi Phát. Hai phút sau Biên được Phát báo cáo tìm thấy dấu vết của địch. Ra lệnh cho tiểu đoàn 11 dạt về phía trái của đường 24, Biên thúc bộ chỉ huy liên đoàn băng qua con đường đá lồi lõm.
Dù mặt trời đã lên song sương mù giăng khắp nơi. Nhiều lúc đang đi Chấn và tiểu đội phải dừng lại vì không còn nhận định được phương hướng. Anh có cảm tưởng như một đám mây trắng khổng lồ chụp xuống khu rừng xóa nhòa đi cảnh vật. Chấn đưa tay ra dấu cho lính dừng lại chờ. Mấy phút sau sương tan dần. Chấn và tiểu đội đứng im vì sửng sốt. Trên khoảnh rừng thưa có hàng trăm, hàng ngàn dấu chân in trên nền đất đỏ.
- Hồng Hà đây Chứa Chan... Hồng Hà đây Chứa Chan...
Giọng của Chấn nhỏ dường như bị nghẹn lại.
- Hồng Hà tôi nghe...
- Chuột... Chuột nhiều lắm... Chuột cống, chuột con, chuột mẹ, chuột cha... Hồng Hà nghe rõ...
- Để tôi lên... Chứa Chan nghe rõ...
- Chứa Chan tôi nghe rõ...
Biết tình hình nghiêm trọng Huông thúc tiểu đội chỉ huy mở đường. Lát sau bố già đứng im nhìn hàng trăm dấu dép râu.
- Tui thấy có bếp hoàng cầm đằng kia nữa bố...
Chấn nói với Huông. Bố già lẩm bẩm.
- Tao đoán tụi nó có cả trung đoàn....
Bốc máy Huông gọi Phát. Lát sau vị đại đội trưởng trinh sát tới. Không cần quan sát anh báo cáo cho cấp chỉ huy. Biên ra lệnh cho Phát dẫn đại đội chuyển hướng đi về bên trái đường 24. Chiều tối dừng quân ăn cơm xong vị liên đoàn trưởng đứng im suy nghĩ. Đại đội trinh sát đã thấy dấu địch nhưng dường như chúng đã di chuyển xuống hướng nam. Vùng này là vùng hoạt động của sư đoàn 968 và sư đoàn 3 sao vàng. Nay địch bỏ đi chắc là mở cuộc tấn công Pleiku hay Kontum. Mình đang ở Kon Rây. Nếu đi nhanh thời mình sẽ đụng lộ 669 ngày mốt. Từ đó về An Khê cũng phải mất bốn năm ngày nếu không đụng. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Biên mỉm cười chua chát. Đây là lần đầu tiên trong đời lính anh phải né, phải tránh địch để bảo vệ sinh mạng của lính. Bằng mọi cách anh phải đem liên đoàn 23 về Quy Nhơn. Đó là lời căn dặn của tướng Giai và được nhắc lại bởi đại tá Tất. Về tới Quy Nhơn sẽ có tàu hải quân đưa về Cần Thơ hay Phú Quốc. Tại sao lại về Cần Thơ mà không về Nha Trang hay Sài Gòn. Biên thắc mắc. Nhưng là một quân nhân tôn trọng kỷ luật cho nên dù thắc mắc, anh cũng thi hành một cách nghiêm chỉnh lệnh của thượng cấp.
Không biết ai nói ra mà dường như tất cả quân dân cán chính của tỉnh Pleiku đều biết tin công binh chiến đấu của quân khu 2 đang sửa chữa liên tỉnh lộ 7. Dưới sự yểm trợ và bảo vệ an ninh của một tiểu đoàn biệt động quân công binh làm ngày làm đêm như muốn hoàn tất công việc càng sớm càng tốt. Theo lịnh trên xe ủi đất chỉ cần khai quang cây cối hai bên và làm sạch mặt đường để cho quân xa có thể di chuyển. Có người thắc mắc thời câu trả lời là sửa chữa lộ 7 vì đường 19 và 21 đã bị Bắc Việt phá hư nên phải dùng lộ 7 thay thế.
14- 3- 75.
23h58.
Chuẩn tướng Thân và đại tá Lý ngồi trong phòng hành quân bộ tư lệnh quân khu 2. Hồi sáng mai này tướng Phú đã cùng với một số sĩ quan tham mưu của ông bay về Nha Trang để tái phối trí lại bộ tư lệnh quân khu 2 đồng thời vẽ kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột. Trước khi đi ông ta giao quyền chỉ huy lại cho tướng Thân, đại tá Lý và đại tá Tất.
- Công binh làm đường tới đâu rồi anh?
Chuẩn tướng Thân hỏi đại tá Lý.
- Họ đã làm xong đoạn từ ngã ba đường 14 tới Cheo Reo và đang bắt đầu đoạn đường từ Cheo Reo đi Củng Sơn... Biệt động quân báo cáo đã đụng nhẹ với các đơn vị của sư đoàn 320...
Vị tham mưu trưởng quân khu 2 uống ngụm nước.
- Anh có tin của toán trinh sát quân khu?
Mắt chăm chú vào chiếc máy truyền tin đặt trên bàn trước mặt của mình chuẩn tướng Thân im lặng. Dường như đang suy nghĩ chuyện gì lung lắm cho nên ông không nghe câu hỏi của đại tá Lý. Tuy nóng lòng nhưng ông kiên nhẫn chờ đợi tin của người đại đội trưởng đại đội trinh sát tên Thiên. Tới giờ phút này kế minh tu san đạo ám độ trần thương của ông ta thành hay bại đều tùy thuộc vào một người lính. Chuẩn tướng Thân liếc chiếc đồng hồ treo trên tường. Hai cây kim chỉ giờ và phút hầu như nhập lại làm một ngay số 12 trừ cây kim giây vừa nhảy tới số 11. Ba cây kim nhập lại làm một.
- Thanh Bình đây Thiên Nga... Thanh Bình đây Thiên Nga...
Thanh Bình là danh hiệu truyền tin của chuẩn tướng Thân, còn Thiên Nga là danh hiệu của trung úy Thiên, đại đội trưởng đại đội trinh sát quân khu 2. Nhanh hơn tất cả mọi người trong phòng chuẩn tướng Thân nhấc ống nói.
- Thiên Nga... Thanh Bình nghe...
- Ngôi sao vàng rục rịch bay... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
Đại tá Lý thấy vị tư lệnh phó của mình nở nụ cười.
- Thanh Bình nghe Thiên Nga 5/5...
- Thiên Nga sẽ bay theo ngôi sao vàng để xem nó về đâu... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe rõ...
Gác máy chuẩn tướng Thân xoa tay.
- Xong... Bây giờ ta chờ xem ngôi sao vàng bay về số 7 là mình dọt...
Đại tá Lý mỉm cười. Ông biết danh từ ngôi sao vàng ám chỉ tới sư đoàn 3 sao vàng của Bắc Việt còn số 7 chính là liên tỉnh lộ số 7.
- Hồi nãy ông Lượng bên không quân có nói cho tôi biết là đã bốc pháo binh đi rồi còn ngày mai mới dọn hết M48 về Nha Trang... Tôi đã bắt liên lạc với các tiểu đoàn biệt động sau khi Ban Mê Thuột thất thủ. Các đơn vị này đã được trực thăng bốc trả về liên đoàn của họ...
Nói chưa dứt câu chuẩn tướng Thân đứng lên. Bước tới tấm bản đồ hành quân vùng 2 ông ta nói với đại tá Lý.
- Mặc dù sư đoàn 3 sao vàng có di chuyển về đường số 7 tôi nghĩ đơn vị này vẫn còn đóng chốt tại Mang Giang và An Khê và một vài vị trí dọc theo đường 19. Do đó tôi tính như thế này. Sau khi các đơn vị của sư đoàn 3 sao vàng di chuyển về đường số 7, ta sẽ bốc liên đoàn 21 biệt động quân tới một vị trí nằm giữa hai đường số 7 và 19. Họ sẽ làm nút chặn không cho các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng trở lại đường 19 để truy kích ta. Ba tiểu đoàn thuộc liên đoàn 25 sẽ nhảy xuống Mang Giang để nhổ chốt xong mở đường đi trước. Tôi cũng ém liên đoàn 22 biệt động để phục kích các đơn vị chủ lực của sư đoàn 968 đang hoạt động ở khu vực Thạnh An nếu chúng truy kích ta. Thành phần còn lại của sư đoàn 23, bộ chỉ huy biệt động quân, bộ tư lệnh quân khu, tiếp vận, quân y và công binh sẽ rút lui sau cùng... Tuy nhiên để cho địch tin rằng ta rút lui bằng liên tỉnh lộ số 7 ta cũng phải dàn dựng cuộc rút lui như...
Chuẩn tướng Thân quay nhìn đại tá Lý và bắt gặp ông ta cũng đang nhìn mình.
- Tôi không muốn hy sinh bất cứ đơn vị hoặc mạng sống của bất cứ binh sĩ nhưng tôi không có chọn lựa nào khác hơn. Tôi đã bàn với sư đoàn 2 không quân về chuyện di tản các đơn vị như quân y, tiếp vận, công binh và gia đình của họ về Nha Trang nhưng không quân trả lời là không có đủ máy bay để chở. Vả lại lệnh của trung ương nhấn mạnh là phải giấu kín chuyện bỏ vùng 2. Tôi không hiểu tại sao lại có cái lịnh quái ác và tàn nhẫn này. Dân chúng bấy lâu nay họ tin mình, theo mình vì mình đã bảo vệ cho họ. Nay thì mình lẳng lặng chuồn bỏ cho họ rơi vào tay cộng sản. Rồi anh sẽ thấy ba tỉnh cao nguyên nhuộm đầy máu vì sự trả thù của tụi nó...
Chuẩn tướng Thân thở dài. Mắt của ông long lanh như có lệ. Cố dấu tiếng thở dài đại tá Lý nghẹn lời.
- Tôi cũng thấy không có cách nào ổn hơn cách của anh. Thà mình hy sinh một ít người còn hơn chết cả lũ. Chỉ có điều là thấy lòng mình không an. Hôm qua tôi có nói chuyện với ông Cẩm. Ổng nói với tôi là Mỹ nó đã xếp đặt như vậy rồi...
Đại tá Lý ngừng lại khi thấy bóng người trung sĩ trực phòng của mình lấp ló nơi cửa.
- Tôi mời anh qua phòng tôi ăn cháo trắng với hột vịt muối xong rồi mình ngã lưng một chút...
15- 3- 75. 14h00.
Ăn chưa được nửa chén cơm chuẩn tướng Thân phải hộc tốc tới phòng hành quân.
- Thanh Bình đây Thiên Nga... Thanh Bình đây Thiên Nga...
- Thanh Bình nghe Thiên Nga...
- Ngôi sao vàng đang bay về Thất Sơn... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình tôi nghe rõ...
- Thiên Nga sẽ bay theo ngôi sao vàng về Thất Sơn... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình tôi nghe rõ... Khi nào ngôi sao vàng rớt xuống Thất Sơn thời Thiên Nga nên bay về biển... Thiên Nga nghe rõ trả lời...
- Thiên Nga nghe Thanh Bình 5/5...
Chuẩn tướng Thân gác máy. Ông đã nhắc lại lệnh cho phép Thiên triệt thoái về Nha Trang sau khi theo sư đoàn 3 sao vàng về tới lộ số 7. Ông hy vọng Thiên sẽ được bình an.
Bước tới đứng nhìn bản đồ hành quân chuẩn tướng Thân có vẻ trầm tư nghĩ ngợi.
- Tôi nghĩ cái kế minh tu san đạo ám độ trần thương khó thành công nếu ta không kèm thêm vài kế phụ nữa...
Đại tá Lý bước tới đứng cạnh vị tư lệnh phó của mình. Hai sĩ quan tham mưu của quân khu 2 chụm đầu bàn tính kế hoạch triệt thoái khỏi Pleiku dưới áp lực nặng nề của địch.
Thiên ngồi tựa lưng vào thân cây. Phía bên kia là binh nhất Lành, người lính truyền tin. Đối với anh Lành không phải là một người lính thuần túy mà là một người bạn hay đúng hơn là một người em luôn có mặt trong những giờ phút nguy hiểm và gay cấn nhất của đời một người lính trinh sát. Lành không có học nhiều. Chỉ được đi học tới lớp đệ lục là bị bắt đi quân dịch. Sau khi mãn khóa ở Quang Trung, Lành được về quân khu 2 rồi sau đó bổ xung cho sư đoàn 23. Cuộc đời của người lính mới tên Lành rẽ vào một khúc quanh khi Thiên lãnh nhiệm vụ thành lập đại đội trinh sát của quân khu 2. Được phép đi hết các đơn vị của sư đoàn 23 để tuyển chọn anh đã gặp người lính quê ở Chương Thiện với cái tên thật giản dị và mộc mạc. Nguyễn Văn Lành. Dù ít học nhưng Lành lại giỏi máy móc nhất là máy móc về truyền tin. Ngoài ra Lành còn ít nói, tận tụy với công việc và tôn trọng kỹ luật.
- Tới giờ chưa anh hai?
Anh hai là tên gọi của Thiên trong đại đội. Nuốt miếng thịt ba lát, ực ngụm nước lạnh, Thiên liếc nhanh đồng hồ đeo tay.
- Còn mười lăm phút nữa...
Mười lăm phút nữa mới đúng 16 giờ. Giờ để liên lạc với chuẩn tướng Thân. Tuy chỉ mới bốn giờ chiều mà trong rừng đã mờ mờ tối. Ăn hết lon thịt hộp, ực thêm một hơi nước, Thiên im lặng nhìn rừng cây đang từ màu xanh thẳm chuyển dần sang đen. Anh thấy thèm một hơi thuốc lá. Ăn đồ hộp quân tiếp vụ mà không rít thuốc lá thời tanh lắm. Thiên tự nhũ thầm như thế hàng ngàn lần để bào chữa cho mình. Lính mà không hít thuốc thời không phải là lính.
- Ê Lành... Mày canh để tao hít vài hơi đỡ ghiền nghe...
- Nhớ kiếm chỗ nào kin kín nghe anh không thôi tụi nó thấy nó bắn bể gáo anh à...
Thiên cười im lặng khi nghe thằng em dặn dò. Chúi đầu vào gốc cây với chiếc nón đi rừng Thiên bật lửa đốt thuốc. Hít mấy hơi xong anh dụi tắt điếu thuốc bỏ vào túi áo trận. Trở lại chỗ cũ Thiên ngồi im trong bóng tối. Tiếng sè sè của máy truyền tin vang lên báo cho anh biết Lành đã mở máy liên lạc với chuẩn tướng Thân.
- Thanh Bình đây Thiên Nga... nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe Thiên Nga...
- Ngôi sao vàng đã rơi xuống Thất Sơn huyền bí... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe rõ Thiên Nga... Thiên Nga hãy hót với con cọp nâu đang ở gần... Nghe rõ trả lời...
- Thiên Nga nghe 5/5...
Cuộc nói chuyện ngắn và gọn khoảng mười lăm giây đồng hồ. Lành mở tần số của đại đội để Thiên liên lạc với các trung đội trưởng xong tắt máy.
- Anh hai ngủ hả anh hai?
- Ừ...
Trả lời xong Thiên ngồi tựa lưng vào gốc cây. Bóng tối mông lung. Tiếng gió thổi ào ào đưa Thiên vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc.
Chương 9
- Anh hai... Dậy anh hai...
Tiếng gọi của Lành khiến cho Thiên mở mắt. Nắng le lói. Sương mù lãng đãng. Không khí rét mướt. Lành cười trao cho Thiên cái ly bằng nhựa ngã màu nâu.
- Cái gì vậy?
- Cà phê... Anh nhâm nhi chút đi. Cà phê Ban Mê Thuột thứ thiệt đó nghe anh...
- Mày số dách... Sáng mà được uống cà phê thời còn gì bằng...
- Anh hít không?
Lành cười rút trong túi áo ra gói Lucky. Thiên tròn mắt.
- Mày kiếm ở đâu ra thứ này. Mỹ nó dọt rồi nên thứ này hiếm và quý còn hơn vàng...
Lành cười láy mắt với Thiên.
- Tôi quen với con nhỏ bán đồ Mỹ ở chợ trời... Nghe tôi nói sắp đi hành quân nên nó ủng hộ tôi một gói Lucky...
Thiên bật cười.
- Nó còn ủng hộ mày cái gì nữa không?
Lành đỏ mặt vì hiểu cái ý trong câu hỏi của Thiên.
- Nó tên Đào... Không có đâu anh... Tụi này tính chuyện đứng đắn mà anh. Mai mốt khi nào đi phép tôi sẽ dẫn nó về nhà ra mắt ba má của tôi...
Thiên dấu tiếng thở dài. Anh không muốn nói ra cho thằng em của mình biết là nó sẽ không có dịp dẫn người tình về nhà ba má. Anh đã được chuẩn tướng Thân dặn dò là khi xong công tác hãy tìm đường rút về Tuy Hòa hay Nha Trang. Ba tỉnh miền cao nguyên cũng như dân chúng sẽ bị bỏ rơi. Dù không có gia đình hay thân thuộc ở Pleiku, anh cũng cảm thấy buồn rầu và thương tiếc cho cái thành phố xinh đẹp, thơ mộng này một khi nó lọt vào tay cộng sản. Người dân hiền lành và chất phác của Pleiku làm sao sống dưới bàn tay hung bạo của loài quỉ đỏ. Em Pleiku má đỏ môi hồng sẽ không còn nữa. Thiên lắc đầu thở dài. Rút điếu thuốc đưa lên mũi ngửi anh hít hà.
- Hổm rày tao rít toàn Bastos quân tiếp vụ nản quá...
Chúi đầu vào gốc cây Thiên bật lửa đốt thuốc. Hít một hơi thật dài xong nhả khói ra từ từ anh lại hớp ngụm cà phê rồi lim dim tận hưởng hương vị của hai thứ tầm thường mà không thể thiếu đối với lính.
- 1000 đây 500... 1000 đây 500... Nghe rõ trả lời...
Lành trao ống liên hợp cho Thiên. Khi liên lạc trong đại đội danh hiệu của Thiên là 1000 còn 500 là danh hiệu của chuẩn úy Năm, trung đội trưởng trung đội 1.
- 1000 tôi nghe...
- Mấy thằng con của 500 đã tìm thấy dây cáp... Nghe rõ trả lời...
Thiên nhỏm người dậy khi nghe báo cáo của chuẩn úy Năm.
- 1000 sẽ gặp 500... Nghe rõ trả lời...
Thiên cúp máy. Hít hơi thuốc thật dài, uống cạn cà phê Thiên nói với Lành.
- Mày gọi máy bảo thằng 2 và 3 chuẩn bị bắt tay với thằng 1...
Hít thêm hơi thuốc nữa Thiên mới chịu dụi tắt. Lành đang lui cui thu dọn và hủy dấu vết. Lệnh di chuyển bắt đầu. Bóng áo xanh chìm mất trong sương mù.
Thiên và Năm đứng im. Trước mặt họ là sợi dây điện thoại màu xanh vắt trên cành cây cao không quá đầu người. Năm thì thầm.
- Anh tính sao... Không chừng mình đã lọt vào vùng của tụi nó... Có thể đây là bộ tư lệnh sư đoàn với ông tướng một hai sao...
Thiên gật đầu. Phải là vùng hoạt động của bộ tư lệnh sư đoàn cho nên lính tráng mới mắc dây điện thoại để cho các sĩ quan cao cấp liên lạc với nhau. Nếu đúng như vậy thời bộ tư lệnh sư đoàn 3 sao vàng đã chuyển quân về lộ số 7 để chuẩn bị cho cuộc phục kích vào đoàn quân triệt thoái khỏi Pleiku của quân khu 2. Ngẫm nghĩ giây lát Thiên nói với ba trung đội trưởng.
- Tôi sẽ báo cáo với bộ tư lệnh. Phần ba ông chuẩn bị kiếm đường dọt. Tiểu đoàn 72 biệt động quân đang ở Cheo Reo. Mình ráng tới đó gặp họ...
23h55. Chuẩn tướng Thân vẫn còn ngồi tại phòng hành quân trước chiếc máy truyền tin. Ông chờ tin của Thiên lần cuối cùng trước khi ban lệnh triệt thoái. Ông muốn biết chắc rằng bộ tư lệnh và các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng đang có mặt ở lộ số 7. Ông không muốn đem sinh mạng của lính và của chính mình ra đánh canh bạc cuối cùng nếu không quyết chắc mình sẽ thắng.
- Thanh Bình... Thanh Bình đây Thiên Nga... Nghe rõ trả lời...
Chuẩn tướng Thân chụp lấy ống nói như sợ có người khác dành lấy.
- Thiên Nga... Thiên Nga... Thanh Bình tôi nghe...
- Ngôi sao vàng đã rơi xuống Thất Sơn rồi. Thiên Nga thấy dây cáp... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe rõ...
Gác ống nói chuẩn tướng Thân xoa tay. Kế minh tu san đạo của ông đã thành hình. Bây giờ tới lúc ông phải ám độ trần thương. Ông phải chạy, chạy thật êm, thật nhanh để địch không hay biết. Tuy nhiên ông không tin mình có thể che tai bịt mắt tình báo của địch được bởi vì ông phải chạy với toàn bộ binh sĩ của mình và vợ con của họ nữa. Muốn đi một cách an lành ông phải tìm cách đốn gục kẻ rượt theo mình.
Chuẩn tướng Thân, đại tá Lý và đại tá Tất ngồi trong phòng hành quân của bộ tư lệnh quân khu 2. Ba người im lặng không ai nói chuyện với ai. Họ kiên nhẫn chờ đợi. Chờ báo cáo từ liên đoàn 25 biệt động quân.
- Thanh Bình đây Tùng Thiện... nghe rõ trả lời...
Chuẩn tướng Thân ra hiệu cho đại tá Tất trả lời. Vị chỉ huy trưởng biệt động quân vùng 2 nhấc ống liên hợp.
- Thanh Bình nghe Tùng Thiện ...
- Mấy thằng con của tôi dọn sạch rác rưới trên đường rồi... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe 5/5... Đúng 02h00 Tùng Thiện bắt đầu đi tới điểm hẹn... Nghe rõ trả lời...
- Tùng Thiện nghe 5/5...
Đại tá Tất gác máy. Tới phiên chuẩn tướng Thân nhấc ống liên hợp ra lệnh cho liên đoàn 21 biệt động quân đang chờ ở phi trường Cù Hanh.
04h00. 16- 04- 1975. Ba chiếc M113 đi đầu. Gần năm chục quân xa mui che kín mít theo sau. Kế đó hơn chục chiếc xe jeep kéo đại bác 105. Cuối cùng là đoàn qưân xa mười bánh được hộ tống bởi bốn chiếc M41 và một đại đội của sư đoàn 23. Đoàn xe dài lê thê chậm chạp lăn bánh trên quốc lộ 14 từ Pleiku về Ban Mê Thuột. Ra khỏi thị trấn đoàn xe chạy nhanh hơn. Khoảng mười hai giờ trưa đoàn xe rẽ vào liên tỉnh lộ 7 đi Cheo Reo.
Cùng thời gian đó một đoàn quân xa hơn hai trăm chiếc lặng lẽ rời thị trấn Pleiku bằng quốc lộ 19. Cũng mui che kín mít, cũng được hộ tống bằng thiết giáp, pháo binh và bộ binh, đoàn xe chạy nhanh trên con lộ tráng nhựa rộng. Tuân theo khẩu lệnh của tư lệnh phó, quân nhân các cấp đã thiêu hủy mọi giấy tờ cùng tài liệu mật. Tất cả vật dụng không quan trọng hoặc không cần thiết đều được bỏ lại hoặc phá hủy không cho địch sử dụng. Riêng gia đình binh sĩ chỉ được phép mang theo lương khô đủ dùng ba ngày. Phần quân nhân phải trang bị súng đạn và đặt trong tình trạng tác chiến. Mọi người phải giữ im lặng và tuân theo lệnh cấp chỉ huy. Binh sĩ nào vô kỹ luật và bất tuân lệnh thượng cấp sẽ bị bắn bỏ ngay tại chỗ. Đại đội quân cảnh có nhiệm vụ giữ gìn an ninh và bắt giữ kẻ bất tuân thượng lệnh.
10h00. Ngồi trên chiếc jeep dẫn đầu đoàn xe di tản chuẩn tướng Thân ra lệnh dừng lại khi ra khỏi Pleiku chừng mười cây số. Bước tới chỗ mấy quân nhân biệt động quân đang đứng ông bắt tay trung tá Tuấn và các sĩ quan tham mưu của liên đoàn 22 biệt động quân.
- Tình hình ra sao?
Tuấn cười tươi.
- Thưa tư lệnh phó... Mấy thằng con của tôi đã dàn trận xong rồi...
Gật đầu cười tỏ vẻ hài lòng chuẩn tướng Thân vổ vai Tuấn.
- Khá lắm... Sau khi anh đi rồi nếu tụi nó rượt theo thời em cứ làm đúng như lời anh dặn... Nhớ là phải dọt cho nhanh để anh cho xe đón em tại điểm hẹn...
- Tuân lệnh tư lệnh phó...
Giơ tay chào thượng cấp vị liên đoàn trưởng biệt động quân cùng binh sĩ biến mất trong rừng cây. Trở lại xe jeep chuẩn tướng Thân ra lệnh đoàn công voa tiếp tục cuộc hành trình.
Thiếu tá Tráng, bí danh Mười Đạo, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn K7, thuộc trung đoàn Quyết Thắng của sư đoàn 968 đứng nhìn khu rừng trước mặt mình. Cây cối ngã rạp vì bom đạn. Những xác chết nằm rải rác trên mặt đất loang lổ máu. Phía bên phải của hắn là con đường trải nhựa. Quốc lộ 19. Con đường huyết mạch nối liền miền duyên hải trung phần với Pleiku. Mười hai giờ đêm hôm qua hắn nhận lệnh chỉ huy tiểu đoàn bôn tập về vùng Mang Giang để yểm trợ cho tiểu đoàn 201 của sư đoàn 3 sao vàng đang đóng chốt tại Mang Giang. Từ Thạnh An tới đèo Mang Giang gần năm sáu chục cây số nhưng muốn điều động một tiểu đoàn bộ chiến kèm theo tăng và pháo hắn cũng phải mất hai ngày. Vì thế mà hắn tới chậm. Hàng trăm xác chết mất đầu, cụt chân, mất nửa người nằm trên đất, trong giao thông hào, hố cá nhân chứng tỏ cho hắn biết là tiểu đoàn 201 đã tan hàng hoặc phải tháo chạy vì sự tấn công của địch.
Điều khiến cho hắn băn khoăn là đơn vị nào đã nhổ, đã bứng tiểu đoàn 201, đơn vị thiện chiến và quyết tử của bộ đội miền bắc.
- Trình đồng chí tiểu đoàn trưởng... Tiểu đoàn 201 của ta đã đụng với biệt động quân...
Một sĩ quan tiền sát báo cáo. Nụ cười nhạt thếch nở trên môi Mười Đạo.
- Lại mấy thằng mũ nâu...
Bây giờ tới phiên hắn phải nhổ chốt Mang Giang đang được tử thủ bởi một trong những đơn vị thiện chiến và can trường của địch. Chỉ có khoảng năm ba cây số thôi nhưng Mang Giang giống như một cục xương quá lớn nằm nghẹn ngay cổ họng, nuốt vào không được mà khạc ra cũng không được. Dù sao hắn cũng phải đánh vì đó là lệnh của thượng cấp. Bộ tư lệnh sư đoàn cho hắn nửa ngày để nhổ chốt.
Sau mười lăm phút nghe báo cáo tình hình và nửa giờ điều nghiên địa thế hắn ra lệnh cho tiểu đoàn tiến tới. Binh sĩ di chuyển theo hình cánh cung. Tuy nhiên quân đi chưa được trăm mét Mười Đạo nghe tiếng súng nổ rền phía trước mặt của mình. Đạn réo trong không khí. Đạn xé cành cây. Đạn cày trên mặt đất. Tiếng lựu đạn nổ ầm ầm.
- Biệt Động Quân sát... Biệt Động Quân xung phong...
Tiếng la át cả tiếng súng M16, AK47, tiếng cối và lựu đạn nổ. Bóng áo rằn thấp thoáng xa xa. Mười Đạo hét vang trong máy liên hợp.
- Xung phong... Xung phong...
Rét... Mặt đất trước chỗ hắn đứng bị đạn M60 xới tung lên. Tên lính mang máy truyền tin ngã chúi vào gốc cây. Chiếc máy truyền tin lăn trên đất.
- Lui... Rút lui...
Mười Đạo la làng. Các sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn K7 lúng túng. Một phút trước chúng được lệnh xung phong giết hết đám Mỹ Ngụy cứu nước mà bây giờ lại nhận lệnh chém vè nên do dự không biết phải ra lệnh xung phong hay chém vè.
- Biệt động quân xung phong... Biệt động quân sát...
Tiếng la của đoàn lính mũ nâu khiến cho bộ đội K7 xanh mặt.
- Rút... Rút lui...
Mười Đạo hét trong ống liên hợp. Bộ đội của tiểu đoàn K7 chưa đánh đã tan hàng khi biết mình đụng phải lính mũ nâu. Trung đội súng nặng tức tốc bắn cản đường cho đồng chí tiểu đoàn trưởng chém vè vì bị phục kích bởi binh sĩ của liên đoàn 22 biệt động quân.
Tiếng súng thưa dần. Tiếng hô xung phong cũng im luôn. Dùng ống dòm quan sát trận đánh hù của đại đội 1, tiểu đoàn 62 xong Tuấn nói với Hân, tiểu đoàn trưởng.
- Thôi mình dọt... Chú mày ra lịnh cho mấy thằng em tới điểm hẹn. Trể hẹn là mình lội bộ về Tuy Hòa đấy. Nếu tụi nó đuổi theo thời để cho thằng 21 đốt pháo mừng tụi nó...
Đoàn công voa được lịnh dừng lại nơi ngã ba của quốc lộ 19 và tỉnh lộ 662 để nghỉ đêm. Chuẩn tướng Tất, đại tá Lý và chuẩn tướng Thân đứng nhìn con đường ngoằn ngoèo uốn lượn. Hai bên rừng cây ngút ngàn. Đồi cao đồi thấp chập chùng. Ba sĩ quan cao cấp chỉ huy đoàn quân triệt thoái nặng mặt lo âu. Hai ngày qua quân di chuyển không gặp trở ngại nào ngoại trừ pháo của địch rớt trên đường càng lúc càng nhiều hơn. Mấy chiếc quân xa chở gia đình binh sĩ bị trúng pháo khiến cho mấy chục người chết và hàng trăm bị thương nặng nhẹ. Tiếng đàn bà và trẻ con la khóc khiến cho binh sĩ xuống tinh thần. Dường như biết trước cộng quân sẽ chặn đánh trên đoạn đường sắp tới nên chuẩn tướng Thân phải tung các tiểu đoàn biệt động quân lục soát cũng như chặn đánh không cho địch tấn công đoàn xe di tản.
- Chiều mai mình sẽ tới An Khê...
Tiếng nói của đại tá Lý bay tan trong cơn gió thổi mạnh của buổi chiều sắp tắt.
- Anh đoán tụi nó đã phá cầu sông Ba?
Đại tá Lý im lìm trước câu hỏi của chuẩn tướng Thân. Lát sau ông ta thở dài.
- Tôi nghĩ tụi nó không phá cầu bởi vì chúng sẽ dùng cầu để chuyển quân về đánh Tuy Hòa...
- Chúng mà phá cầu thời kẹt mình lắm...
Chuẩn tướng Thân nhìn đại tá Lý. Ánh mắt của ông ta nhuốm nhiều lo âu và suy nghĩ.
- Anh có tin gì về đoàn xe trên lộ số 7?
Đại tá Lý thở dài.
- Hơn năm trăm sĩ quan và binh sĩ bị chết, bị thương hoặc bị bắt. Tiểu đoàn 72 biệt động quân cũng bị thiệt hại nhưng không có báo cáo rõ rệt. Những người còn lại đang trên đường về Cũng Sơn...
Chuẩn tướng Thân nhớ tới Thiên và đại đội trinh sát. Ông hy vọng họ còn sống sốt.
- Tư lệnh... Tư lệnh...
Trung úy Hạnh trao ống liên hợp cho chuẩn tướng Thân.
- Thanh Bình... Thanh Bình đây Tùng Thiện... nghe rõ trả lời...
Nghe giọng nói không được bình thường của trung tá Tuấn, liên đoàn trưởng liên đoàn 22 biệt động quân chuẩn tướng Thân biết có chuyện xảy ra.
- Thanh Bình nghe Tùng Thiện... Thanh Bình tôi nghe anh 5/5...
- Đụng... Mấy thằng con của tôi đụng tứ tung... Tụi nó bu tôi như đỉa rứt không ra... Tăng... Tụi nó có tăng, pháo...
Tuấn nói một hơi dài. Mặc dù lời nói đứt quãng nhưng chuẩn tướng Thân cũng hình dung ra biệt động quân đang đụng nặng. Qua máy truyền tin ông nghe có tiếng súng nổ, tiếng đại bác, súng cối nổ ầm ầm.
- Thanh Bình đây Tùng Thiện... Nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe Tùng Thiện...
- Tùng Thiện tôi sẽ không đúng hẹn... Thanh Bình cứ đi... Nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe rõ... Good luck...
Chuẩn tướng Thân trao ống nói cho Hạnh. Ầm... Ầm... Ầm... Bụi đất tung mịt mù. Pháo của địch rơi khắp nơi. Bên phải. Bên trái. Trước mặt. Sau lưng. Từng chiếc quân xa tung lên cao rồi rơi xuống. Đất đá bay rào rào. Pháo rơi trên mặt đường. Chuẩn tướng Thân và đại tá Lý đứng cạnh nhau bên lề đường nhìn cảnh tượng đoàn công voa mấy trăm chiếc đang hứng pháo. Ngay cả mấy chiếc thiết giáp cũng nằm im chịu trận. Thịt xương văng tứ tung. Tiếng người la hét chìm mất trong tiếng nổ cuồng nộ của đại bác 130 ly, 152 ly, hỏa tiển 122 ly... Mọi người hầu như tê liệt không còn một phản ứng nào hơn là đứng im để rồi nếu không may mắn sẽ lãnh một miếng miểng cắt đứt tay chân hoặc một phần thân thể. Người ta làm được gì trong thứ âm thanh cuồng nộ, hận thù và chết chóc. Quên hết. Quên tuốt luốt. Quên cả mình. Quên người ngồi bên cạnh. Quên cả cái chết. Chỉ còn lại nỗi kinh hoàng làm tê cứng tế bào của não bộ, bất động tay chân và co rúm thân thể. Người người vật vã, cảm thấy mình nhỏ bé và bất lực trong thế giới cuồng nộ của âm thanh và ánh lửa rực sáng lên từng hồi.
Cường độ pháo tăng dần. Nhìn cảnh tượng pháo rơi trên đường chuẩn tướng Thân quay sang nhìn đại tá Lý. Hai sĩ quan cao cấp đều hiểu là họ đang lâm vào tình cảnh nguy hiểm. Muốn tránh khỏi cuộc truy kích của địch họ phải chạy đua với thời giờ. Dù thiện chiến, dù can trường cách mấy biệt động quân cũng không cản nổi một biển người hung bạo và đầy ắp hận thù được yểm trợ bằng những loại vũ khí giết người tối tân mà con người có thể có được.
- Chạy... Chạy...
Chuẩn tướng Thân hét trong ống nói. Bỏ mặc những chiếc xe còn đang bốc cháy. Bỏ mặc xác người nằm la liệt trên đường. Bỏ mặc người bị thương đang kêu la than khóc đoàn công voa mấy trăm chiếc tháo chạy trong kinh hoàng và trong tiếng nổ kinh khiếp của trăm ngàn quả đại pháo rơi trên đầu.
Trung tá Tuấn nhìn vào mặt đồng hồ dạ quang. 23h00. Giờ di quân. Tiểu đoàn 62 sẽ di chuyển tới điểm số 1. Sau đó tiểu đoàn 88 sẽ vượt qua 62 để tới điểm số 2. Rồi tiểu đoàn 95 và bộ chỉ huy liên đoàn sẽ tới điểm số 3. Bằng cách rút lui như vậy Tuấn hy vọng sẽ khiến cho địch không biết mình làm gì đồng thời tránh chạm súng với địch. Lời dặn dò của thiếu tướng Giai và của đại tá Tất về việc bảo toàn lực lượng của biệt động quân hiện lên trong đầu của ông ta.
Hân chỉ huy tiểu đoàn 62 im lặng di chuyển trong đêm. Đại đội 1 đi đầu. 2 bên trái, 3 mặt và đại đội chỉ huy đi sau. Súng mở auto, lính được lịnh tránh làm ồn, không được nổ súng trừ trường hợp địch bắn trước. Sương mù dày đặc. Khí núi lạnh căm. Người đi sau không thấy rõ người đi trước. Nhiều lúc chỉ đoán mà đi theo. Từ chỗ đóng quân tới điểm số 1 cách hai cây số mà tiểu đoàn phải đi hơn một giờ. Sau khi tiểu đoàn 62 báo cáo tới điểm 1, tiểu đoàn 88 bắt đầu di chuyển rồi tới phiên tiểu đoàn 95. Đúng 3 giờ sáng liên đoàn 22 đã rút khỏi vòng vây của địch. Tuy nhiên Tuấn cùng bộ chỉ huy liên đoàn cũng như các tiểu đoàn trưởng đều biết họ chưa thoát ra khỏi vùng hoạt động của các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng và sư đoàn 695. Họ còn một cục xương khó nuốt nhất là đèo An Khê, nơi mà trung đoàn 95A của địch đang đóng chốt tử thủ.
06h00. Tuấn an tâm khi nghe Hân báo cáo đã gặp đường 662, liên tỉnh lộ nối đường số 7 với quốc lộ 19 từ Cheo Reo đi An Khê. Ông và bộ tham mưu liên đoàn chụm đầu vào tấm bản đồ.
- Mình đang ở đây...
Tuấn chỉ tay vào một chấm đỏ trên bản đồ nằm sát đường 662.
- Sau lưng mình là cao điểm 882. Nếu không kẹt con sông Ba trước mặt thời mình có thể đi tắt tới An Khê...
- Ông Tất bây giờ đang ở đâu?
Thành, liên đoàn phó hỏi. Tuấn đốt điếu thuốc.
- Ổng và ông Thân ở đây...
Tuấn chỉ vào một vị trí cách ngã ba giao điểm của đường 662 và quốc lộ 19 chừng vài cây số.
- Nếu mình đi nhanh thời sẽ gặp họ và cả bọn sẽ về An Khê...
- Chốt An Khê khó nhổ lắm. Tôi nghĩ mình với liên đoàn 25 đánh mặt tây còn hai liên đoàn 23 và 21 thọc ngang hông thời có hy vọng nhiều hơn...
Tuấn gật đầu hít hơi thuốc.
- Tôi sẽ bàn với ông Tất và ông Thân sau. Bây giờ anh cho mấy đứa con của mình dọt...
Người lính giữ máy liên lạc đưa ống liên lạc. Nói chuyện một hồi xong Tuấn quay sang Thành.
- Chuẩn tướng Thân chấp thuận ý kiến của anh. Tuy nhiên ông ta còn nói thêm là có thể mình sẽ đụng tụi nó dài dài từ đây tới đèo An Khê. Đoàn công voa bị pháo tơi bời...
Ba tiểu đoàn dàn hàng ngang lấy con lộ làm chuẩn tiến về hướng quốc lộ 19. Khoảng xế chiều đại đội trinh sát báo cáo đã gặp ngã ba. Mọi người đều thở phào. Ít nhất họ còn sống, còn có được giây phút bình yên và thoải mái. Dù cấp chỉ huy chưa ra lịnh lính tự động đào hố cá nhân và lo nấu cơm chiều. Khoảng 17h00 mọi người nghe tiếng máy xe rồi đoàn công voa xuất hiện. Tuấn và các sĩ quan bộ tham mưu liên đoàn đứng bên lề đường nhìn đoàn công voa chậm chạp bò qua chỗ họ đứng. Không có chiếc nào còn nguyên vẹn. Họ thấy những cặp mắt thất thần và ngơ ngác. Những khuôn mặt còn in dấu vết kinh hoàng. Những khuôn mặt còn in vết máu khô. Những xác chết nằm trong lòng xe phảng phất mùi máu tanh tanh.
Đại tá Tất chậm chạp bước xuống khỏi xe jeep. Tuấn giơ tay chào.
- Chỉ huy trưởng bị thương?
- Nhẹ thôi... Chỉ một miếng miểng vào vai. Mấy thằng con của anh ra sao?
- Cũng thiệt hại chút chút...
Hai chiếc xe jeep trờ tới. Mọi người giơ tay chào chuẩn tướng Thân và đại tá Lý.
- Gặp các anh tôi bớt lo. Ít nhất tôi không sợ tụi nó tấn công... Pháo thời trời kêu ai nấy dạ...
Vị tư lịnh phó quân khu 2 nói đùa. Đại tá Lý nhìn Tuấn.
- Mình còn hai nút chặn nữa thôi. Thứ nhất là cầu sông Ba. Mình phải ngăn không cho tụi nó phá cầu nếu không mình sẽ bị kẹt ở đây lâu lắm...
- Tôi hiểu ý của đại tá... Tụi này sẽ cố gắng...
Cơm nước xong Tuấn họp ba tiểu đoàn trưởng.
- Mình nhận lệnh phải lấy cầu sông Ba. Phải lấy cầu còn nguyên vẹn để cho xe cộ lưu thông được... Ba ông nghĩ thế nào?
Ba vị tiểu đoàn trưởng im lặng. Họ thấy ngay cái khó khăn. Chiếm cầu thời họ có thể làm được dù khó khăn và thiệt hại sinh mạng của lính. Nhưng chiếm lại cây cầu còn nguyên vẹn trong tay các đơn vị tử thủ của địch thời khó khăn vô cùng. Tuy nhiên lệnh thượng cấp đã ban thời họ phải thi hành.
- Mổi ông lựa một đại đội kéo tới cầu An Khê. Phần tôi sẽ điều động liên đoàn tới sau. Liên đoàn 21 của ông Dậu lãnh phần mở đường còn 25 đoạn hậu và bảo vệ đoàn công voa...
Chánh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 88 nhìn Tấn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 95. Rít hơi thuốc Tấn cười.
- Tôi nghĩ đánh ban đêm tiện hơn. Đại đội của tôi đánh đầu cầu phía bên kia, anh Hân dủa đầu cầu phía bên này còn anh Chánh đột kích dưới nước để cắt dây mìn của tụi nó...
Mỉm cười Tuấn vổ vai Tấn.
- Ông có ý kiến hay... Đột kích ban đêm thời dễ hơn...
23h00. Trong lúc mọi người đã ngủ say ba đại đội biệt động quân âm thầm kéo tới An Khê. Đại đội 1 của tiểu đoàn 95 do Tấn chỉ huy vượt sông qua phía bên kia. Đại đội 2 của tiểu đoàn 88 dưới quyền điều động của Chánh phục hai bên bờ sông còn đại đội 3 của tiểu đoàn 62 do Hân nắm kéo tới gần đầu cầu. Tất cả ba đại đội đều được trang bị dao găm, lưỡi lê, lựu đạn và súng cá nhân. Mọi thứ cồng kềnh đều được để lại. Đúng 05h00 sẽ đồng loạt nổ súng.
Trời tối đen. Sấm nổ ì ầm. Nép mình sau thân cây nhìn về tháp canh mờ mờ Hân nói với Bảo, đại đội trưởng đại đội 1.
- Hy vọng trời mưa... Mưa to gió lớn là trời giúp mình...
Bảo cười lặng lẻ trong bóng tối.
- Anh nói đúng. Mưa gió lạnh lẻo như thế này thời tụi nó chỏng cẳng ngủ... Mình đánh đặc công là chắc ăn trăm phần trăm...
Đang ngủ gà ngủ gật mọi người trong đoàn quân di tản đều choàng dậy khi nghe tiếng súng nổ về hướng đông. Người lính truyền tin trao ống nói cho Tuấn.
- Tùng Thiện... Tùng Thiện đây Hồng Hạnh... Nghe rõ trả lời...
- Tùng Thiện nghe Hồng Hạnh...
Tuấn nghe giọng nói của Hân vang lên trong ống liên hợp.
- Hồng Hạnh đang đứng uống cà phê trên cầu sông Ba... Tùng Thiện nghe rõ trả lời...
- Tùng Thiện nghe Hồng Hạnh... Mình sẽ gặp lại...
Trao ống liên hợp cho người lính mang máy Tuấn mỉm cười hớp ngụm cà phê nóng. Tuy khí núi lạnh ngắt vào sáng sớm mà anh cảm thấy ấm áp trong lòng vì cái tin mà Hân đã báo cáo. Cầu sông Ba không bị tụi vẹm giựt sập thời anh bớt đi một mối lo. Bây giờ chỉ còn một chướng ngại duy nhất là đèo An Khê. Nhổ được nó là đường về Quy Nhơn sẽ mở rộng.
10
00h00. Bãi biển Thuận An đầy đặc người ngồi hay đứng trong im lặng. Trên biển đen lặng sóng chợt xuất hiện vô số chiến hạm. Giống như những con cá khổng lồ các tàu chiến từ từ ủi bãi. Pháo binh và thiết giáp xuống tàu trước trong lúc quân bộ nằm lại giữ an ninh bờ biển. Trong im lặng và trật tự các đơn vị của sư đoàn 1, biệt động quân, thủy quân lục chiến, thiết giáp và pháo binh lặng lẻ lên tàu. Khi mặt trời lên bãi biển vắng lặng trừ những dấu giày đinh còn in trên cát.
- Thưa trung tướng các liên đoàn 21, 22, 23, và 25 biệt động quân đang trên đường về Phú Quốc...
Tướng Trưởng im lặng nghe Đào trình bày tin tức về các liên đoàn biệt động quân vừa triệt thoái khỏi cao nguyên. Đốt điếu thuốc ông ta lên tiếng.
- Còn số phận của sư đoàn 23?
Đào nhìn Vinh và thấy bạn cũng đang nhìn mình rồi Vinh tằng hắng tiếng nhỏ trả lời câu hỏi của cấp chỉ huy.
- Tôi cố gắng liên lạc với bộ tư lệnh quân khu 2 ở Nha Trang nhưng vì tình hình rối rắm cho nên họ bảo không có một ước tính chính xác nào về sự tổn thất của sư đoàn 23. Một vị sĩ quan cấp tá thuộc bộ tham mưu của tướng Phú nói với tôi là có thể quân số của sư đoàn 23 chỉ còn lại phân nửa hoặc có thể ít hơn...
Tướng Trưởng khẽ thở dài. Trầm ngâm giây lát ông ta nói bằng giọng gượng gạo.
- Thôi cũng được... Việc gì đến phải đến... Chúng ta đã làm hết sức của mình để cứu vãn quân khu 2. Ít ra năm liên đoàn Biệt Động Quân không bị tan hàng...
Hít hơi thuốc tướng Trưởng quay sang đại tá Hùng.
- Thưa tư lệnh... Tôi đã nói chuyện với thiếu tướng Hinh. Ông ta cho biết là mặc dù gặp khó khăn và bị tổn thất nhưng các đơn vị của sư đoàn 3 cũng đã rút về bờ biển để chờ tàu hải quân đón...
Vị tham mưu trưởng của quân khu 1 ngừng lại uống ngụm nước.
- Phần sư đoàn 2 của chuẩn tướng Nhựt từ Chu Lai đã rút về cù lao Ré, một vị trí quan trọng vì kiểm soát được thủy lộ từ Đà Nẳng vào Quy Nhơn hoặc Nha Trang... Riêng tướng Điềm phải gặp nhiều khó khăn nhất. Cộng quân đã cắt quốc lộ 1 từ Huế vào Đà Nẳng thành từng nút chặn cho nên ông ta không thể rút về Đà Nẳng bằng đường bộ. Phi cơ thời có lại không có bãi đáp thành ra chỉ còn có hải quân. Thiếu tá Đào đã làm việc 24/24 mới có đủ tàu hải quân...
Hùng quay nhìn người sĩ quan hải quân đang ngồi lim dim trên ghế.
- Thưa trung tướng... Tư lệnh của tôi đã có mặt trên HQ 11 để trực tiếp chỉ huy cuộc di tản. Tôi chỉ làm nhiệm vụ liên lạc mà thôi...
Dù lim dim mắt như ngủ nhưng Đào cũng nghe được câu nói của đại tá Hùng. Tướng Trưởng hơi mỉm cười rồi ra dấu cho vị tham mưu trưởng của mình nói tiếp.
- Cuộc triệt thoái trong vòng bí mật của quân khu 1 sẽ kéo dài bảy ngày. Sau đó tin triệt thoái sẽ được chính thức thông báo cho dân chúng...
Ngừng lại đốt điếu thuốc hít hơi dài đại tá Hùng cất giọng trầm khàn và buồn.
- Đây chính là lúc hổn loạn mới thực sự bắt đầu. Lính với dân sẽ chạy... Người sẽ chết nhiều lắm...
Liếc nhanh tướng Trưởng Đào thấy ông ta cúi đầu nhìn xuống như không để cho ai thấy mình ứa nước mắt. Giọng nói của Hùng vang lên chầm chậm.
- Toàn gia đình tôi đều ở lại Huế. Ba tôi không muốn di tản. Ông nói ông sẽ ở lại để chấp nhận số phận của mình. Ông muốn được chết nơi chính ông sinh ra và lớn lên...
Không khí trong phòng hành quân dường như đặc lại khiến cho người ta cảm thấy khó thở.
- Các sư đoàn 1, 2 và 3; mỗi sư đoàn sẽ bị thiệt hại chừng một trung đoàn. Ngay cả biệt động quân và thủy quân lục chiến cũng vậy...
Tướng Trưởng hắng giọng.
- Hùng làm như thế là giỏi quá rồi. Triệt thoái được một quân đoàn dưới áp lực nặng nề của địch và chỉ trong thời gian mười ngày thời không ai làm hơn được. Ta phải chấp nhận sự thiệt hại để địch không nghi ngờ về kế hoạch Giải Phóng Miền Bắc của ta...
Tin nổ ra lớn hơn sấm. Tin lan ra nhanh hơn điện. Huế sẽ bị bỏ. Triệt thoái. Di tản chiến thuật. Đó là những danh từ mà quân và dân vùng hỏa tuyến được nghe từ một người đáng tin cậy nhất. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân khu 1 và vùng 1 chiến thuật. Dân chúng cố đô xôn xao. Binh sĩ ngơ ngác. Tướng tá băn khoăn và thắc mắc. Tại sao lại bỏ Quảng Trị và Thừa Thiên cho cộng quân? Chính tướng Lâm Quang Thi, tư lệnh phó vùng 1 đã phát biểu là xã ấp tốt quá mà tại sao Sài Gòn lại ra lệnh bỏ. Dù thế nào đi chăng nữa thời mọi người cũng chuẩn bị di tản. Cùng lúc đó các đơn vị chủ lực của cộng sản Bắc Việt cũng chuẩn bị để tấn công quân lực Việt Nam Cộng Hoà còn đồn trú ở vùng 1 khi cuộc triệt thoái bắt đầu.
Huế bị bỏ thời Đà Nẳng cũng chịu chung số phận. Cũng giống như quân khu 2, các tỉnh của miền trung rơi vào tay cộng sản. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đại đơn vị từng hiên ngang chống trả những cuộc tấn công khốc liệt của Bắc Việt bỗng tan rã nhanh chóng. Từ Ban Mê Thuột cộng quân tràn xuống Tuyên Đức, Đà Lạt, Lâm Đồng rồi Xuân Lộc. Từ Tuy Hoà bắc quân chiếm Ninh Hoà, Khánh Hòa, Ninh Thuận rồi Bình Thuận. Dù can trường, dù tinh thần chiến đấu vẫn còn nhưng không hiểu tại sao, do ở động lực nào mà các đơn vị như nhảy dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến và các sư đoàn bộ binh rã ra như giấy mỏng bị thấm nước. Địch tiến tới đâu họ lùi tới đó. Cuối cùng họ lùi tới độ không lùi được nữa vì sau lưng họ là Sài Gòn. Biểu tượng của tự do, của niềm kiêu hãnh cuối cùng của toàn thể quân dân Việt Nam Cộng Hoà. Sống hay chết. Chiến thắng hay thất bại chỉ còn là thời gian. Thứ thời gian nghiệt ngã không được tính bằng năm, tháng, tuần lễ mà được đếm từng giờ.
Mấy ngày nay, bắt đầu từ ngày 26- 4- 1975 không biết do lệnh của ai mà hàng chục chiếc GMC đậu dọc theo xa lộ Biên Hoà khoảng từ Long Bình về tới cầu xa lộ. Trên một chiếc quân xa không có mui là năm bảy người lính đang chúi đầu vào máy truyền tin. Đầu đoàn công voa là một chiếc xe jeep có bốn người ngồi. Họ đều là sĩ quan mang cấp bậc thấp nhất trung tá. Họ mặc quân phục bộ binh, thủy quân lục chiến, nhảy dù và biệt động quân. Khi thấy những người lính bị thất lạc đơn vị họ hỏi thăm, an ủi mấy lời rồi bảo lên xe ngồi. Trông thấy một toán lính Biệt Động Quân chừng mấy chục người không có cấp chỉ huy vị trung tá biệt động quân lớn tiếng hỏi.
- Mấy em ở tiểu đoàn nào?
- Thưa trung tá tiểu đoàn 33...
- Ai là người có cấp bậc cao nhất của mấy em?
- Thưa trung tá em là trung sĩ nhất Lân, trung đội phó trung đội 3, đại đội 1, tiểu đoàn 33
- Em dìu dắt anh em về được tới đây là giỏi lắm. Bây giờ em đưa anh em lên xe ngồi chờ rồi sẽ có người lãnh em về chỗ tạm trú...
Lính thủy quân lục chiến thời có sĩ quan cùng binh chủng đón tiếp. Cứ như thế tới chiều lính ngồi đầy trên xe. Đoàn công voa trở đầu chạy về hướng nam xuyên qua thành phố rồi chạy xuống căn cứ Hải Quân Nhà Bè. Tại đây những người lính sẽ gặp lại cấp chỉ huy của mình. Đơn vị nào không có cấp chỉ huy cũ thời sẽ có cấp chỉ huy mới. Sau khi được phát đầy đủ súng đạn và lương khô họ được tàu của hải quân đón ra biển.
16h00. 30- 4- 1975.
HQ 10 đang hải hành nơi vùng biển Phan Thiết. Trên bong tàu có nhiều người ngồi đứng. Phòng chỉ huy cũng vậy. Dưới hầm tàu trong phòng họp đầy đặc người ngồi. Quanh chiếc bàn dài có bảy người ngồi im lặng. Người nào cũng đều có thái độ buồn rầu và u uất.
- Thôi thế cũng xong... Quân lực của chúng ta đã tan rã... Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta đã bị xóa tên... Bây giờ tới phiên của chúng ta phải làm để giải phóng đất nước ra khỏi tay cộng sản...
Người vừa nói chính là tướng Trưởng. Ngồi đối diện với ông ta là tướng Minh, tư lệnh không quân. Ngồi đầu bàn là phó đô đốc Cang. Đó là ba vị tư lệnh của ba quân chủng hải lục và không quân. Riêng các vị tư lệnh và chỉ huy trưởng của nhảy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, thiết giáp và pháo binh đi theo với lính của họ.
Hướng về người sĩ quan tin cẩn của mình vị tư lệnh quân khu 1 lên tiếng.
- Vinh hãy báo cáo tình hình lần cuối cho mọi người biết...
- Thưa tư lệnh... Thưa trung tướng và phó đô đốc... Đây là báo cáo mới nhất mà tôi nhận được từ tư lệnh của các binh chủng như biệt động quân, thủy quân lục chiến, pháo binh, thiết giáp và tư lệnh các sư đoàn bộ chiến. Theo như báo cáo của tướng Giai thời 45 tiểu đoàn của ông ta chỉ còn được 32 tiểu đoàn. Mười ba tiểu đoàn kia đã bị tan hàng hoặc thiệt hại nhiều quá nên phải giải tán để bổ xung vào các tiểu đoàn khác. Ông Giai cũng cho biết là để tiện việc chỉ huy và điều động nên lực lượng của biệt động quân sẽ thu lại thành bốn liên đoàn là 1, 2, 3 và 4. Mỗi liên đoàn có bốn tiểu đoàn thành ra mười sáu tiểu đoàn. Tính ra biệt động quân là đơn vị có quân số đông nhất, gần mười hai ngàn binh sĩ. Phần thủy quân lục chiến thời có hai tiểu đoàn bị thiệt hại mà quân số còn lại khoảng năm trăm. Sư đoàn 22, 1, 2 và 3 thời mỗi sư đoàn cũng bị mất ít nhất một trung đoàn...
Vinh ngừng lại khi thấy tướng Trưởng lắc đầu.
- Để bù vào sự hao hụt quân số này ta được quân khu 4 cung cấp một sư đoàn tân lập mà tướng Nam đặt tên là sư đoàn Giải Phóng Hà Nội. Đại đơn vị này gồm có ba trung đoàn được rút từ những đơn vị thiện chiến của các sư đoàn 7, 9 và 21. Ngoài ra ta còn thu nhặt được một ít đơn vị của sư đoàn 5, 18, 23 và 25. Các đơn vị này được tập họp thành một sư đoàn mang tên Sài Gòn. Phần liên đoàn 81 biệt kích dù cũng bị hao hụt quân số chút ít và nằm dưới quyền điều động của sư đoàn 22. Gom lại tất cả các đơn vị ta có khoảng bốn mươi lăm ngàn binh sĩ được vũ trang đầy đủ. Riêng về thiết giáp thời ta có ba mươi chiến xa M48 và hai mươi lăm M41. Pháo binh ta có năm pháo đội 155 ly và bốn pháo đội 105 chưa kể các pháo đội của thủy quân lục chiến và dù...
Ba vị tư lệnh gật gù tỏ vẻ hài lòng khi nghe báo cáo của Vinh. Thật ra họ không hài lòng cũng không được vì không ai có thể làm hơn được trong tình thế cực kỳ rối loạn và nghiệt ngã của đất nước.
- Với bao nhiêu quân đó anh nghĩ mình có thể giải phóng được miền bắc không?
Tướng Trưởng trầm ngâm trước câu hỏi của tướng Minh. Lát sau ông ta mới thong thả trả lời.
- Tôi nghĩ mình có thể làm được. Quân số đông hay ít không phải là yếu tố tất thắng trong chiến tranh. Cách đây gần hai trăm năm vua Quang Trung có quân số bằng phân nửa nhưng với lối hành binh thần tốc, lối tấn công sấm sét, vị thiên tài quân sự này đã đánh tan tành hai trăm ngàn quân Mãn Thanh trong thời gian năm ngày. Muốn đạt được chiến thắng trong cuộc hành quân Sinh Nam Tử Bắc này ta phải triệt để lợi dụng yếu tố bất ngờ giáng những đòn sấm sét vào các đơn vị của địch. Biệt động quân, thủy quân lục chiến, nhảy dù hay bất cứ đơn vị bộ binh nào cũng phải chấp nhận chết để thanh toán chiến trường càng nhanh càng tốt. Chúng ta có năm ngày để cô lập Hà Nội, bắt sống hay giết chết đám lãnh tụ cộng sản đồng thời cắm ngọn cờ vàng ba sọc đỏ lên kỳ đài của Hà Nội. Khi ta làm được chuyện đó thời các sư đoàn của địch ở miền bắc sẽ tan rã kéo theo sự đầu hàng của các sư đoàn ở miền nam...
Bước tới tấm bản đồ treo trên tường tướng Trưởng hỏi phó đô đốc Cang.
- Mình đang ở đâu vậy anh Cang?
- Mình đang ở Phan Thiết...
- Chừng nào mình mới tới Hải Phòng?
- Từ Phan Thiết tới Hải Phòng khoảng 750 hải lý. Vận tốc trung bình của tàu khoảng 15 hải lý một giờ. Như vậy phải mất hai ngày chúng ta mới tới Hải Phòng. Bây giờ là 11 giờ đêm ngày 30 tháng 4. Như vậy mình sẽ tới Hải Phòng vào khoảng 1 hoặc 2 giờ sáng ngày 3 tháng 5...
Quay sang Đào đang ngồi cạnh Vinh tướng Trưởng hỏi:
- Em biết các chiến hạm chở sư đoàn 22 hiện đang ở đâu?
- Thưa trung tướng... Hai chiếc HQ 500 và 501 đang ở trong vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ngải. Họ đi trước ta khoảng gần một ngày... Hai chiếc này còn được hộ tống bởi hai tuần duyên hạm...
Chỉ vào thành phố Vinh thuộc tỉnh Nghệ An tướng Trưởng nói.
- Sư đoàn 22 sẽ đổ bộ lên Vinh vào sáng sớm ngày 2 tháng 5 để chiếm đóng phi trường cho các phi cơ của ta đáp xuống lấy nhiên liệu. Ngoài ra đơn vị này còn đóng chốt tử thủ không cho các sư đoàn ở phía nam về giải vây Hà Nội... Mình đủ phi cơ chở lính dù hả anh Minh?
Trung tướng Minh cười nhẹ.
- Mình có thừa phi cơ chở nguyên sư đoàn dù. Ngoài ra tôi còn ra lệnh cho các phi đoàn phản lực và khu trục sẽ hộ tống các C47 và C130 ra tận Hà Nội. Họ cũng sẽ tham chiến như lính bộ binh vậy... Chuyến này mình chơi xả láng tụi nó mà anh...
Mọi người đều bật cười vì câu nói đùa của vị tư lệnh không quân.
- Ngoài yếu tố bất ngờ ta còn cần phải điều binh làm sao cho mỗi đơn vị đúng vào vị thế và ngày giờ. Ta phải đặt lính vào cái thế đánh là phải thắng bởi vì không thắng là chết. Thí dụ ngay lúc biệt kích dù nhảy xuống Hà Nội thời đó cũng là lúc dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, sư đoàn 1, 2 và sư đoàn Giải Phóng Hà Nội cũng đồng lúc mở cuộc tấn công...
Dù cho cuộc chiến chưa xảy ra nhưng Đào cảm thấy lòng mình xôn xao khi nghĩ tới cảnh hàng ngàn hoa dù nở trên nền trời Hà Nội cùng với hàng trăm chiến xa cắm ngọn cờ vàng ba sọc đỏ chạy trên đường phố đầy người đứng xem. Tiếng đạn bom bị át bởi tiếng reo hò của người dân Hà Nội khi thấy lính miền nam ra giải phóng họ khỏi gông cùm cộng sản.
- Tư lệnh có lên bờ không?
Đào hỏi phó đô đốc Cang.
- Không... Tôi không theo ông Trưởng mà tôi sẽ đích thân chỉ huy tàu của mình ngược dòng sông Hồng lên Hà Nội... Ba mặt trận sẽ được mở ra cùng một lúc. Không chiến trên trời, bộ chiến trên đường phố Hà Nội và thủy chiến trên sông Hồng...
Vinh hít hà.
- Tôi ước ao được đi với đô đốc để làm lại lịch sử. Chín trăm mấy chục năm trước vị danh tướng Ngô Quyền đã mở cuộc thủy chiến lừng danh kim cổ thời hôm nay chúng ta cũng noi gương tiền nhân mở cuộc thủy chiến trên sông Hồng để giải phóng dân chúng miền bắc ra khỏi gông cùm cộng sản...
Hiền, sĩ quan tùy viên của tướng Minh phụ họa.
- Vậy ba đứa mình hoán đổi đi. Tôi theo bộ binh, Đào theo không quân còn Vinh theo hải quân...
Nghe ba người sĩ quan đùa tướng Minh cười thốt.
- Thôi đi... Ba em ai lo nhiệm vụ người đó... Không quân, hải quân hay bộ binh thời cũng đánh giặc mà...
Giọng nói của tướng Trưởng vang lên khiến cho mọi người im lặng.
- Giờ này đám lãnh tụ Hà Nội đang nhậu nhẹt ăn mừng chiến thắng. Tiếc thay tình thế không cho phép ta tấn công ngay đêm nay... Thôi chúng ta giải tán để chờ đợi ngày đặt chân lên miền bắc...
( Sẽ đăng tiếp vào ngày 2- 4- 1975 )
Trước nhất tôi xin phép Ban Điều Hành của RFV, mượn một chút đất để lập ra tiết mục '' Mỗi Ngày Một Tháng Tư '' để đăng tải các bài viết liên quan tới ngày Quốc Hận 30-4-1975.
5- 3-1975, ngày bộ đội Bắc Việt mở cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột và đưa dẫn tới sự xụp đổ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cuối cùng nước VNCH lọt vào tay cộng sản. Biến cố 30-4-75 đã khiến hơn triệu người dân miền Nam trở thành người tị nạn chánh trị. 150 ngàn người hốt hoảng ra đi ngày 30. Số còn lại liều chết vượt biên và sau cùng là những cựu tù nhân chánh trị. Người ở lại bị đói khổ, tù đày thời người đi trước buồn đau vì xa vợ mất con, cha mẹ, anh chị em và người thân quen.
Sau đây là tâm tình của một người lính tị nạn trên đất Mỹ qua truyện dài Giấc Mơ Của Một Người Tị Nạn.
Vì là một tiết mục đặc biệt không biết đặt vào đâu nên tôi tạm thời đặt vào mục Truyện Dài. Nếu thấy không thích hợp BDH cứ việc di chuyển tùy ý.
GIẤC MƠ CỦA MỘT NGƯỜI TỊ NẠN
Sinh vi lính, tử anh hùng
Chương 1
Mười giờ sáng. Thiên nằm im. Ngôi nhà vắng không có ai. Hạnh, vợ anh đã đi làm từ sáng sớm. Mấy đứa con có gia đình riêng lại ở xa càng khiến cho ngôi nhà rộng trở nên vắng lặng hơn. Anh nghe được tiếng gió rì rào hàng cây thông sau nhà hoà trong tiếng chim cu rúc trên giàn hoa hồng cạnh cửa sổ. Trời cao và xanh. Nắng long lanh đọng trên cành cây thông lá màu xanh đậm. Không biết ai trồng hay tự nó mọc mà sau nhà anh có hàng cây thông thật đẹp. Cây nào cây nấy cao vút, thẳng tắp và lơ thơ vài cành trên chóp. Mỗi năm khi mùa thu tới toàn vùng cây trơ trọi lá chỉ trừ hàng thông xanh ngắt một màu xanh.
Thiên trở mình. Anh cảm thấy thân thể rã rời hầu như không còn sức lực. Ba ngày trước đây trong lúc đang làm việc anh ngã ra mê man không còn biết gì hết. Xe cứu thương chở anh vào bệnh viện. Bác sĩ đã làm cho anh tỉnh lại đồng thời nói cho Hạnh biết là anh bị " heart attack " cần phải tịnh dưỡng một thời gian. Đó là lý do khiến anh phải nằm trên giường ba bốn ngày rồi. Điều này khiến cho anh cảm thấy khó chịu vì không được lái xe hay làm bất cứ việc gì. Đọc sách, xem tivi mãi đâm ra buồn chán nhưng anh không còn cách nào hơn là nằm trên giường nhìn qua khung cửa sổ để suy nghĩ và mộng mơ. Dĩ vãng như xâu chuỗi thời gian chập chờn lay động trong trí não rã rời.
Ngôi nhà lá bên con rạch nhỏ. Tuổi trẻ lớn lên theo con nước của dòng sông Hàm Luông và chinh chiến triền miên. Thiên quen nghe tiếng hú của mọt chê 60, 81 ly, tiếng départ của súng phóng lựu đạn cũng như tiếng xe nhà binh mười bánh chạy trên đường lộ đá. Anh quen ngủ dưới tảng xê, co rút dưới hầm núp hồi hộp đếm tiếng nổ của đại bác. Tuổi trẻ của anh có nổi buồn vỡ nát bởi tiếng khóc tức tưởi và u uất của một bà mẹ ngồi ôm đứa con gái bị hảm hiếp trong một chuyến tây bố.
1956. Một đột biến đã làm thay đổi cuộc đời của Thiên. Má anh dọn nhà lên Sài Gòn. Thành phố trong ước mơ của anh đã trở thành sự thật. Ngôi nhà sàn bên con rạch nhỏ ở Cầu Bông. Mấy mẹ con đùm bọc lấy nhau. Theo học lớp đệ thất anh vui hưởng tuổi thơ yên bình. Sài Gòn không có chiến tranh, không có tiếng nổ của mọt chê và không còn những đêm chui xuống tảng xê. Đêm Sài Gòn là tiếng cười. Ngày Sài Gòn là những trang sách, những buổi chiều lang thang trên đường Lê Thánh Tôn.
Đậu trung học đệ nhất cấp xong anh tiếp tục học tú tài. Dù nghèo và vất vả nhưng má của anh cũng ráng nuôi con học thành tài. Mười chín tuổi Thiên đậu tú tài 2 rồi vào đại học khoa học. Tuy nhiên chiến tranh mỗi ngày một tăng cường độ. Anh nhận được lệnh nhập ngũ trong lúc đang học năm thứ nhì. Tháng ngày ở Thủ Đức qua nhanh. Mãn khóa anh trình diện bộ tư lệnh quân khu 2 ở Pleiku rồi sau đó thuyên chuyển tới sư đoàn 23 đóng tại Ban Mê Thuột. Nhân lúc sư đoàn thiết lập đại đội trinh sát Thiên ghi tên gia nhập và sau đó trở thành đại đội phó đại đội trinh sát của sư đoàn 23 bộ binh. Một hôm anh nhận được lịnh trình diện bộ tư lệnh quân khu 2 ở Pleiku. Khi tới nơi anh mới biết là quân khu 2 định thành lập một đại đội trinh sát riêng biệt và anh là người mà đại tá Lý, tham mưu trưởng và chuẩn tướng Thân tư lệnh phó đang tìm kiếm để đảm đương chức vụ đại đội trưởng. Do ở nhiệm vụ đặc biệt và nguy hiểm đại đội trinh sát của quân khu được biệt đãi và không chịu sự chỉ huy hàng dọc hay hàng ngang. Thiên chịu sự chỉ huy trực tiếp của đại tá Tiếu, trưởng phòng 2 của quân khu 2. Những lúc không nhảy toán Thiên và lính có nhiều tự do hơn người lính bộ binh thông thường. Điều đó khiến cho anh ưa thích đời sống của người lính trinh sát. Đời lính của anh sẽ trôi chảy nếu không có vụ triệt thoái khỏi cao nguyên vào những ngày của tháng 3 năm 1975...
Thiên cảm thấy trái tim của mình như bị bàn tay vô hình của ai đó bóp chặt khi hồi tưởng lại dĩ vãng. Khung mặt nhiều phiền muộn của Đào, người vợ chưa cưới hiện ra mờ nhạt. Không có tiếng khóc. Không có nước mắt. Chỉ là nụ cười héo hắt. Ánh mắt buồn thảm. Thế thôi nhưng là ám ảnh ngàn đời, tiếc nuối đòi đoạn ruột gan của tháng ngày tạm cư nơi xứ người. Cuối cùng Thiên cũng lập gia đình, có con cái và hạnh phúc ấm êm. Tuy nhiên trong tận cùng tâm tưởng anh biết mình không thể quên đi những gì đã xảy ra ba mươi mấy năm về trước. Dù thời gian có đi. Dù thời gian có làm phôi pha nhưng thời gian vẫn còn lưu lại vết tích của dấu chân. Đó là nỗi buồn câm nín không thể nói thành lời với bất cứ ai. Đó là niềm đau tắt nghẹn được khơi động khi nghe một đoạn nhạc. Lắng nghe tiếng gió lùa lá thu khô xào xạc bên hông nhà. Nhìn cơn mưa mùa đông. Đời sống ở đây nhàn hạ quá, trật tự quá cho nên cũng buồn chán quá. Đây là thứ đời sống không có niềm vui vỡ nát khi gặp lại thằng bạn cùng khóa. Hai đứa rủ nhau xuống câu lạc bộ nhậu xả láng sáng về sớm. Để rồi năm ba bữa sau ứa nước mắt khi được tin thằng bạn nhậu với mình đã nghỉ phép dài hạn. Đời sống ở đây có vui nhưng là niềm vui gượng gạo. Có cười cũng chỉ là nụ cười bắt buộc phải cười. Đời sống với nửa đêm trăn trở, chập chờn cảm thấy mình ngược dòng đời trở về mảnh quê hương xa quá xa, bên kia trái đất. Quê hương. Pleiku. Đêm dẫn lính chạy. Nha Trang rút lui. Phan Rang tan vỡ. Vũng Tàu rối loạn. Sài Gòn. 30. 4. 1975. Súng nổ. Lửa cháy. T54. PT76 chạy nghênh ngang nơi ngã ba Hàng Xanh....
Chương 2
Đảo một vòng tròn lớn quanh phi trường Tân Sơn Nhứt xong chiếc trực thăng từ từ đáp xuống bãi đất trống cạnh phi đạo. Một quân nhân bước ra khỏi phi cơ trong lúc cánh quạt vẫn còn quay vù vù. Ông ta vừa đi được vài bước một chiếc xe jeep trờ tới. Tắt máy xe người lính mặc quân phục không quân bước xuống giơ tay chào đoạn nói nhanh.
- Thưa trung tá... Có phải trung tá Vinh ở quân khu 1?
Vinh cười vui vẻ.
- Đúng đó em. Nhờ em đưa tôi tới bộ tư lệnh...
Người lính không quân và Vinh lên xe. Chiếc jeep lao đi. Người lính tài xế nói trong lúc lái xe.
- Ngoài đó tình hình coi bộ bết lắm hả trung tá. Tôi có người anh ở sư đoàn 1...
Vinh chầm chậm gật đầu.
- Bết lắm... Mỹ nó phủi tay rồi... Tụi Việt Cộng biết điều đó nên tha hồ đánh. Mình chỉ có nước đỡ thôi. Tôi e...
Vinh dứt câu bằng tiếng thở dài. Người lính tài xế lại cười.
- Trung tá chắc về nhà ăn tết?
- Hôm nay hăm mấy rồi?
- Dạ... Hai mươi lăm...
Vinh thở dài nhè nhẹ.
- Chắc tôi chỉ ghé sơ qua nhà thôi vì còn phải đi Cần Thơ...
Xe dừng ngay cổng bộ tư lệnh không quân. Người lính bước nhanh ra khỏi xe.
- Tôi đưa trung tá vào gặp trung tá Hiền...
Vinh theo chân người lính đi xuyên qua mấy gian phòng sơn xanh. Tất cả đều bận rộn với công việc của mình. Chiến tranh càng nặng độ nhiều chừng nào thời người lính càng bù đầu chừng đó.
Người lính dừng lại ở căn phòng cuối hành lang.
- Phòng của trung tá Hiền đó... Trung tá cứ vào... Em chúc trung tá ăn tết vui vẻ và đi đường bình an...
- Cám ơn em...
Vinh nói với người lính vui tính xong bước vào phòng.
- Lâu quá mới gặp mày...
Người sĩ quan mặc quân phục không quân cười bắt tay Vinh.
- Được điện thoại của mày nên tao đã lo xong. Tư lệnh của tao đang chờ mày...
Hiền bước ra cửa. Vinh theo sau. Hai người đi trên hành lang yên tịnh rồi sau cùng dừng lại trước một căn phòng đóng cửa. Hiền giơ tay gõ cửa.
- Cứ vào...
Một giọng trầm và nhỏ vang lên. Hiền xô cửa nhường cho Vinh vào trước xong mới theo sau. Khép cửa lại Hiền giơ tay chào trung tướng Minh.
- Thưa tư lệnh... Đây là trung tá Vinh, sĩ quan đại diện của trung tướng Ngô Quang Trưởng...
Vinh đứng nghiêm giơ tay chào vị tư lệnh không quân. Tướng Minh cười vui vẻ đứng lên bắt tay Vinh.
- Anh đang chờ em... Mời em ngồi...
Hiểu ý Vinh mở cặp táp lấy ra phong thư trao cho tướng Minh. Vị tư lệnh im lặng đọc. Vinh nhận thấy có nét thay đổi hiện ra trên mặt của tướng Minh. Trao phong thư cho người sĩ quan thân tín của mình ông ta cười nói.
- Hiền đọc đi...
Hiền trịnh trọng đón lá thư từ tay của tư lệnh trong lúc ông tướng không quân hỏi Vinh.
- Chắc em đã đọc lá thư này?
Hơi do dự xong Vinh cười.
- Thưa trung tướng... Với sự chỉ dẫn của tướng Trưởng tôi đã viết lá thư...
Tướng Minh gật gù nhưng không nói gì hết. Chờ cho Hiền gấp lá thư lại ông ta mới lên tiếng.
- Hai em có ý kiến như thế nào?
Hiền lên tiếng trước.
- Thưa tư lệnh... Tôi đồng ý với trung tướng Trưởng. Đại diện của các vị tư lệnh quân binh chủng cần phải gặp nhau để bàn luận. Chỉ có một rắc rối là không có sự chấp thuận của Bộ Tổng Tham Mưu hay Dinh Độc Lập... Nếu họ biết được ta có thể bị khiển trách...
Tướng Minh cười cười.
- Nếu như họ không biết...
Xuyên qua cuộc đối thoại Vinh ngầm hiểu là tướng Minh đã đồng ý về đề nghị của tướng Trưởng.
- Em còn phải gặp ai nữa ở Sài Gòn?
Liếc nhanh Hiền, Vinh trả lời câu hỏi của tướng Minh.
- Thưa trung tướng tôi cần tới bộ tư lệnh hải quân...
Trao lá thư lại cho Vinh, tướng Minh cười nói với Hiền.
- Em chở Vinh đi gặp ông Cang xong trở về đây. Chúng ta cần bàn luận chuyện này gấp...
Hiền và Vinh bước tới cửa, tướng Minh nói vọng theo.
- Hai em nên cẩn thận... Đây là một bí mật quốc phòng...
Vinh và Hiền quày quả lên xe. Chiều thứ sáu đông đúc xe cộ. Dù tình hình chiến sự sôi động song người dân sống ở Sài Gòn vẫn phải sống. Dường như họ hối hả đón xuân như sợ không còn dịp để hưởng. Len lỏi trong dòng xe cộ chiếc jeep chạy chầm chậm trên đường Hai Bà Trưng. Vinh nhìn đồng hồ.
- Mới ba giờ... Chắc còn kịp...
Hiền quẹo xe vào cổng bộ tư lệnh hải quân. Tắt máy xe Hiền hỏi Vinh.
- Mình gặp ai trước?
Vinh cười nhẹ.
- Tao đã nói chuyện với thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của phó đô đốc Chung Tấn Cang rồi...
Nói xong Vinh bước vào gian nhà với tấm biển lớn đề bốn chữ Đại Đội Công Vụ. Trông thấy hai sĩ quan cấp tá, một mặc quân phục bộ binh và một không quân, người hạ sĩ quan trực phòng giơ tay chào. Chào trả lễ xong Vinh nói nhanh.
- Tôi là trung tá Vinh ở quân khu 1. Tôi có hẹn với thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của phó đô đốc Chung Tấn Cang...
Ấp úng giây lát người hạ sĩ quan trực nói nhanh.
- Trung tá chịu phiền để tôi trình lên sĩ quan trực...
Vinh và Hiền đứng nhìn căn phòng với ba người lính đang đánh máy. Một trung úy hải quân bước vào. Vinh nói vắn tắt mấy lời. Người sĩ quan trực nhấc điện thoại nói mấy câu với người bên kia đầu giây xong cười nói với hai người khách.
- Mời hai trung tá theo tôi...
Vinh và Hiền im lặng theo sau người sĩ quan trực đi trên con đường nhỏ lát gạch. Họ dừng lại khi thấy một thiếu tá hải quân mặc quân phục trắng đang đứng. Đợi cho người sĩ quan trực đi mấy bước Vinh mới lên tiếng.
- Tôi là Vinh còn đây là Hiền, sĩ quan đại diện của tướng Minh ở không quân...
Bắt tay hai người khách Đào cười lớn.
- Không biết cơn gió lạ nào thổi hai vị tới đây...
Vinh cười trước lời nói đùa của Đào còn Hiền chỉ im lặng quan sát khu vườn hoa thuộc dinh thự vị tư lệnh hải quân.
- Chúng ta đi cửa sau... Ít có người để ý...
Mở cửa nhường cho khách vào xong Đào khép cửa lại cẩn thận rồi đưa khách tới một căn phòng cửa khép hờ. Nhẹ xô cửa Đào mời khách ngồi vào chiếc ghế dài bằng gỗ mun đen ngời xong lui ra khỏi phòng. Khoảng năm phút sau phó đô đốc Chung Tấn Cang bước vào. Vinh và Hiền đứng nghiêm chào. Vị tư lệnh hải quân cười nói thân mật.
- Mời hai anh ngồi...
Có lẽ không muốn mất thời giờ của mình và của vị tư lệnh hải quân, Vinh trình ngay phong thư của tướng Trưởng. Phó đô đốc Cang đọc thư thật chậm. Lá thư dài ba trang mà ông ta phải mất hơn mười lăm phút. Thỉnh thoảng ông ta dừng lại như suy nghĩ chuyện gì rồi mới đọc tiếp. Gấp lá thư lại, bỏ vào bao thư xong ông ta tháo chiếc kính trắng xuống. Tất cả đều được ông ta làm với thái độ từ tốn và chậm rải. Phó đô đốc Cang hỏi hai người sĩ quan cấp tá đang ngồi trước mặt mình.
- Trung tướng Minh có ý kiến gì về chuyện này?
Hiền liếc Vinh.
- Thưa phó đô đốc... Tư lệnh của tôi không nói rõ. Dường như ông ta sẽ điện thoại cho tướng Trưởng...
Phó đô đốc Cang ngắt lời.
- Đừng nói chuyện bằng điện thoại. Đây là một bí mật cho nên tôi sợ có người nghe lén...
Vinh cười nhẹ.
- Phó đô đốc nói có lý...
Vị tư lệnh hải quân quay qua Vinh.
- Chừng nào trung tá mới trở lại Đà Nẳng?
- Thưa tư lệnh... Ngày mai tôi sẽ đi Cần Thơ gặp thiếu tướng Nam rồi sau đó mới về Đà Nẳng...
Dứt lời Vinh và Hiền đứng lên. Phó đô đốc Cang hỏi nhanh.
- Hai anh còn đi đâu sau khi gặp tôi?
Hiền đáp thay lời cho Vinh.
- Chúng tôi phải trở lại bộ tư lệnh không quân...
Sau khi chào từ giã phó đô đốc Cang, Hiền và Vinh theo sau thiếu tá Đào. Đưa hai người ra tận xe jeep Đào còn cười nói với Vinh.
- Hy vọng gặp lại hai anh...
Chiếc jeep chạy chầm chậm ra cổng trại Bạch Đằng 1. Nhìn hàng chục chiến hạm đang cập cầu trên sông Sài Gòn Vinh chợt thở dài nhè nhẹ. Quay sang nhìn Vinh, Hiền thấy người bạn thân của mình già đi nhiều với nếp nhăn trên trán và chút tóc hoa râm. Quen nhau từ lúc còn học lớp đệ thất của Võ Trường Toản, anh và Vinh là hai thằng bạn cặp kè với nhau khắp mọi nơi. Lũ bạn cùng lớp thường hay đùa là đôi tình nhân lý tưởng. Sau khi thi đổ tú tài hai, Vinh tình nguyện vào trường Võ Bị vì nhà nghèo quá không có tiền để học đại học. Phần Hiền chỉ học xong năm thứ nhất văn khoa rồi cũng tình nguyện vào không quân và trở thành phi công lái trực thăng. Từ đó họ ít khi gặp nhau nhưng không vì thế mà tình bạn giữa hai người lại thuyên giảm.
Quẹo xe vào đường Hai Bà Trưng Hiền nói nhanh.
- Tao tính chở mày vào câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc uống vài chai bia và nói dóc cho vui nhưng lại phải về gặp tư lệnh. Vậy tao chở mày về nhà cho mày hú hí với vợ con... Chắc bà Nguyệt mừng lắm vì mày được ở nhà ăn tết...
Vinh cười buồn.
- Từ hồi 72 tới giờ tao chỉ về nhà có một lần. Thường thì bả ra Đà Nẳng thăm tao nhiều hơn...
- Thằng em út của mày đang ở đâu?
- Thằng Vũ đang ở sư đoàn 1. Nó là đại đội trưởng...
- Sao mày không kéo nó về quân khu cho an toàn hơn...
- Nó không chịu... Nó bảo làm lính văn phòng chán lắm... Thôi cứ để nó đánh giặc thời gian rồi tính sau. Vả lại con người ta sống chết có số mà...
Hiền cười lớn.
- Mày nói có phần đúng...
Chiếc jeep quẹo mặt vào đường Hồng Thập Tự rồi theo dòng xe cộ qua cầu Thị Nghè.
- Mày ngừng ngoài đường để tao lội vào cũng được...
Vinh nói với bạn. Chiếc jeep ngừng lại trước nhà thờ.
- Tao sẽ gặp lại mày...
Vinh vẩy tay chào trong lúc bước qua đường. Chừng ba mươi bước anh dừng trước một ngôi nhà nhỏ màu xanh. Có tiếng chó sủa rồi tiếng con nít la vang vang.
- Ba... Ba về... Ba về má ơi...
Vinh ngồi im. Ngồi đối diện với anh là một người lính tuổi khoảng gần năm mươi. Người lính này là một trong nhiều huyền thoại của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân khu 4. Vị tướng trẻ tuổi tài cao này là một nổi bật, một vươn cao trong hàng tướng lãnh. Đạo Phật, độc thân, ông sống gần như một nhà tu hành, đôi khi hơn hẵn những nhà tu hành thật giữa dòng đời xô bồ hỗn độn. Ông ta là một ông tướng sạch. Đây là điều hiếm quí trong quân đội. Không tham nhũng, không chạy chọt, không nâng bi; ông trở thành một ông tướng bằng đức hạnh và tài chỉ huy của mình. Tận tụy với nhiệm vụ và thương yêu binh sĩ. Hai yếu tố này khiến cho bất cứ ai, từ quân và dân chúng miền tây ngưỡng mộ ông như một anh hùng.
Có nhiều vị tướng đánh giặc giỏi nhưng trị nước lại không hay. Tướng Nam lại khác. Không những là vị tướng tài ba trên trận địa ông còn là một kẻ lãnh đạo biết cai trị, biết an dân. Lấy dân làm gốc. Dường như thiếu tướng Nam đã hiểu được cái tinh túy trong câu nói của Hưng Đạo Vương. Dân vi quý. Tướng Nam thương lính như anh em, thương dân như cha mẹ đúng với câu phụ mẫu chi dân. Bởi vậy vùng đất của quân khu 4 không còn là địa bàn hoạt động hữu hiệu của cộng sản nữa.
Chậm rải gấp lá thư lại vị tư lệnh quân khu 4 nói.
- Để tôi mời ông Hưng qua đây bàn luận...
Tướng Nam nhấc điện thoại nói vài câu ngắn gọn.
- Vinh đi công tác chắc mệt lắm phải không?
Vinh cười trước câu hỏi đầy săn sóc của tướng Nam.
- Thưa thiếu tướng... Tôi đi máy bay chứ đâu có lội bộ mà mệt... Vả lại...
Chuẩn tướng Hưng, người hùng của An Lộc bước vào phòng.
- Đây là trung tá Vinh, sĩ quan đại diện của trung tướng Trưởng. Ông Trưởng có viết cho tôi lá thư, anh xem xong rồi cho tôi biết ý kiến...
Đưa tay nhận lá thư, vị tư lệnh phó quân khu miền tây cắm cúi đọc. Lát sau ông ta thở hơi dài trong lúc gấp lá thư lại cùng với giọng nói buồn buồn vang lên.
- Những điều trung tướng Trưởng nêu ra đều phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước. Chỉ có điều chúng ta là quân nhân không làm chính trị...
Chuẩn tướng Hưng ngừng nói khi bắt gặp nụ cười của Vinh.
- Anh Vinh chắc không đồng ý về những gì tôi đã phát biểu?
- Thưa chuẩn tướng... Tôi chỉ có một điều duy nhất không đồng ý kiến với chuẩn tướng là câu nói quân nhân không làm chính trị...
Nhìn hai vị tư lệnh của quân khu 4, Vinh tiếp bằng một câu hỏi.
- Thiếu tướng và chuẩn tướng đều biết rút bỏ khỏi vùng 1 và 2 là một sai lầm về chiến thuật?
Hai ông tướng chầm chậm gật đầu. Họ đều biết quyết định sai lầm này có thể làm xụp đổ Việt Nam Cộng Hoà. Tuy nhiên quyết định này phát xuất từ vị tư lệnh tối cao của quân đội do đó họ phải thi hành lệnh của thượng cấp.
- Thưa thiếu tướng và chuẩn tướng có đọc qua truyện Nhạc Phi?
Tướng Nam liếc nhanh tướng Hưng và bắt gặp ông này cũng đang nhìn mình với thắc mắc khi nghe câu hỏi lạc đề của Vinh. Cuối cùng tướng Hưng lên tiếng.
- Có... Tôi có đọc qua truyện Nhạc Phi... Ông ta là một trong những danh tướng của Tàu...
- Là một danh tướng bách chiến bách thắng mà rốt cuộc ông ta lại chết bởi tay gian thần là Tần Cối. Nói đúng hơn ông ta chết vì bốn chữ " tận trung báo quốc ". Ông ta quan niệm chữ trung một cách hạn hẹp. Ông ta quan niệm trung là trung với vua chứ không phải trung với nước... Chúng ta biết tổng thống Thiệu quyết định sai lầm mà vẫn thi hành...
Vinh ngừng lại ở đó nhưng hai ông tướng đều hiểu. Quân nhân là phải tuyệt đối thi hành lệnh của thượng cấp. Điều đó đúng bởi vì kỹ luật là xương sống của quân đội. Tuy nhiên đã biết quyết định của tổng thống Thiệu là một quyết định sai lầm ảnh hưởng tới sự tồn vong của đất nước mà họ vẫn thi hành thời họ chẳng khác gì Nhạc Phi.
- Thiếu tướng và chuẩn tướng tha thứ cho ý kiến của tôi...
Vinh nói chữa vì sợ tự ái của hai ông tướng bị va chạm bởi câu nói của mình. Tướng Nam cười buồn.
- Vinh nói đúng tuy nhiên hoàn cảnh của chúng ta có phần khác biệt. Đảo chánh hay lật đổ ông Thiệu không có lợi mà chỉ làm cho tình hình thêm xáo trộn...
Tướng Hưng góp lời.
- Tôi cũng không đồng ý về giải pháp đảo chánh mặc dù chúng ta cần một lãnh tụ khá hơn ông Thiệu...
Vinh cười xen vào bằng câu nói đùa.
- Chúng ta cần một lãnh tụ có đạo đức, trong sạch và có lòng yêu nước thương dân như thiếu tướng...
Tướng Nam lắc đầu:
- Quân đội ta có các vị tướng khá hơn tôi nhiều... Theo những lời trong thư thời quân khu 4 nên án binh bất động. Tướng Trưởng yêu cầu tôi cung cấp cho ông ta một hoặc hai sư đoàn bộ chiến ... Điều mà tôi quan tâm là sự rút bỏ hai vùng 1 và 2 sẽ làm quân lực của ta suy sụp. Muốn rút lui cũng được nhưng phải đặt kế hoạch hẳn hoi để khỏi bị tổn thất. Người Mỹ đã phủi tay cho nên tôi nghĩ họ sẽ cúp viện trợ. Không có viện trợ của Mỹ ta lấy tiền đâu mua súng đạn và lương thực để đánh nhau với cộng sản. Điều đó có thể là lý do chính khiến cho tổng thống Thiệu tính rút khỏi vùng 1 và 2...
Ông ta quay qua tướng Hưng.
- Tôi để anh lo việc tuyển chọn và huấn luyện một sư đoàn để giao cho trung tướng Trưởng. Phần đại tá Bình sẽ lo nơi ăn chốn ở cho sư đoàn dù... Riêng tôi sẽ đôn đốc việc xây cất nhà cửa phòng ốc dành cho bộ tổng tham mưu khi họ rút về đây. Có lẽ miền tây sẽ trở thành vùng đất không bình yên...
Thấy công việc của mình đã xong Vinh đứng dậy.
- Tôi xin kiếu từ thiếu tướng và chuẩn tướng để về báo tin cho trung tướng Trưởng...
Vinh đứng nghiêm chào hai vị tư lệnh của quân khu 4 xong lên xe jeep đi Bình Thủy. Khoảng năm giờ chiều anh có mặt ở Tân Sơn Nhất.
Chưong 3
HQ 11 hải hành cách bãi biển Sơn Trà non hải lý. Đứng trên bong tàu thiếu tá Đào nhìn vào bờ. Xa về bên trái là thành phố Đà Nẳng. Trời chập choạng tối. Mặt biển đang từ màu xanh bỗng đổi thành xanh thẳm rồi sang màu đen.
- Thưa thiếu tá...
Đào quay lại khi nghe giọng nói của Hà, người sĩ quan đương phiên của HQ 11 đang đứng sau lưng mình.
- Mọi việc đã sẵn sàng. Hạm trưởng đã cho tàu vào gần bờ đón khách...
Đào gật đầu.
- Mình phải đón bao nhiêu người anh biết không?
- Đại diện của vùng 1, vùng 2, không quân, dù, thủy quân lục chiến và biệt động quân tổng cộng sáu người...
Thiếu tá Đào gật đầu xong hỏi nhỏ.
- Tình trạng an ninh như thế nào?
- Thưa thiếu tá rất chặt chẽ... Hai chiếc HQ 06 và HQ 07 phụ trách việc tuần tiểu, ngoài ra còn có hai toán SEAL và Tháo Gở Chất Nổ đang dò tìm mìn và người nhái của địch từ hôm qua cho tới khi tan buổi họp...
Khẽ gật đầu vị đại diện hải quân nói với người sĩ quan đương phiên.
- Bãi biển Sơn Trà đẹp quá... Lúc còn trẻ tôi chỉ ước ao là có được ngôi nhà nơi bãi biển. Bãi biển nào cũng được. Với tôi bãi biển nào cũng đẹp. Đà Nẳng, Qui nhơn, Nha Trang, Tuy Hòa, Phan Thiết, Vũng Tàu hay Phú Quốc... Mỗi nơi có nét đẹp riêng của nó...
Hà im lặng nhìn thành phố Đà Nẳng sáng rực ánh đèn trong lúc giọng nói của Đào vang đều đều.
- Chiến tranh đã làm tan ước mơ nhỏ của tôi. Tuy nhiên tôi cũng không có điều gì phải phàn nàn bởi vì không chỉ mình tôi bị chiến tranh làm tan vỡ ước mơ...
Anh ngưng nói khi thấy chiếc PCF rẽ sóng phăng phăng hướng về chiếc HQ 11.
- Họ tới rồi...
Hà lên tiếng. Đào bước ra đứng nơi lan can. Thang dây được thả xuống. Mọi người lục tục lên tàu. Vị đại diện hải quân bắt tay từng vị đại diện của các quân binh chủng. Bảy người im lặng bước xuống cầu thang. Ánh đèn điện vàng vọt. Hành lang chật hẹp. Không khí hăng hắc mùi dầu cặn. Căn phòng họp không lớn lắm nhưng yên tịnh và sạch sẽ.
Đào lên tiếng.
- Anh em ngồi vào ghế có tên của mình. Chúng ta có cà phê, trà và bánh ngọt. Để khỏi mất thời giờ tôi xin mời trung tá Vinh, đại diện cho trung tướng Trưởng khai mạc buổi họp...
Mọi người im lặng ngồi vào ghế. Vinh lên tiếng liền như biết mình không có nhiều thời giờ.
- Anh em đều biết tình hình chiến sự càng ngày càng thêm bất lợi cho chúng ta. Người Mỹ đã phủi tay. Viện trợ của họ dành cho quân đội đã bị cắt giảm. Tới giờ phút này chúng ta phải tự lo lấy thân của mình. Súng đạn, lương thực và quân dụng của chúng ta đã bị thiếu hụt. Riêng tinh thần của binh sĩ thời còn vững vàng nhưng...
Vị đại diện của vùng hỏa tuyến ngừng lại nhìn một vòng người trong phòng họp. Ai ai cũng thấy được nỗi lo âu và ưu tư của Vinh.
- Bắc Việt đã tăng cường quân đội vào Nam tới mức tối đa. Các sư đoàn Sao Vàng, 324, 324B với các trung đoàn biệt lập, được tăng cường bởi trung đoàn tên lửa, trung đoàn pháo, hai trung đoàn chiến xa hoạt động trong vùng Quảng Trị, Thừa Thiên. Đối đầu với lực lượng hùng hậu của địch ta có sư đoàn 1 bộ binh, được tăng cường bởi một sư đoàn Dù và sư đoàn TQLC và 1 liên đoàn biệt động quân. Hiện thời ta có thể giữ vững vùng Trị Thiên nhưng năm ba tháng nữa ta sẽ lâm vào tình trạng thiếu thốn vũ khí, đạn dược và quân dụng. Anh em có ý kiến như thế nào...?
Mọi người đều im lặng trước câu hỏi của Vinh. Cuối cùng thiếu tá Minh, đại diện cho quân khu 2 lên tiếng.
- Tình hình của tôi có lẽ cũng không sáng sủa hơn vùng 1 bao nhiêu. Mặc dù vũ khí, đạn dược còn đủ dùng một vài tháng nhưng miền cao nguyên đang chịu áp lực nặng nề. Việt Cộng đã điều động năm sư đoàn chính quy với đủ cả tăng và pháo để đánh chiếm Ban Mê Thuột và Pleiku...
Trung tá Bình, đại diện thủy quân lục chiến nhìn trung tá Lương của sư đoàn dù. Hai vị đại diện cho hai binh chủng nổi tiếng thiện chiến đều hiểu rằng tình hình càng lúc càng trở nên nghiêm trọng.
Nhấp ngụm cà phê thiếu tá Minh thong thả nói tiếp.
- Theo tin tức tình báo thời Việt Cộng sẽ bắt đầu cuộc tổng công kích quân khu 2 vào đầu tháng ba hay trễ lắm là trung tuần tháng ba...
- Liệu mình giữ được vùng 2 không anh?
Đào hỏi câu trên. Liếc nhanh Vinh, Minh trả lời một cách chậm chạp.
- Giữ thời được nhưng liệu giữ được bao lâu. Quân số của địch đông gấp ba lần ta, vũ khí và quân dụng dồi dào trong khi quân số và vũ khí của ta lại ít hơn và nếu có hao hụt cũng không được tăng viện nhanh chóng. Có thể nói là tình thế thuận lợi cho địch mà bất lợi cho ta...
- Mày nghĩ sao?
Hiền, đại diện không quân hướng về Vinh khi hỏi câu hỏi trên. Vị đại diện của vùng 1 chiến thuật trầm ngâm như có vẻ đắn do và cân nhắc trước khi phát biểu ý kiến của mình. Cuối cùng Vinh nhìn một vòng người trong phòng họp.
- Tôi nói ra điều này anh em nghe xong rồi bỏ qua luôn đừng có nhắc lại với bất cứ ai. Có người ở trong dinh Độc Lập tiết lộ với trung tướng tư lệnh của tôi là ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và vùng 2 cho Việt Cộng.
- Cái gì?
- Hả...
- Thật nguy hiểm...
Năm ba người ngồi trong phòng họp không nhịn được buột miệng.
- Nếu ông Thiệu muốn bỏ thời chúng ta không thể nào cưỡng lại lệnh của ông ta. Là một quân nhân chúng ta phải tuân lệnh của thượng cấp. Vả lại nếu ông Thiệu và bộ tổng tham mưu muốn bỏ vùng 1 và 2 thời chúng ta cũng không giữ hai nơi đó được vì không có tiếp tế...
- Anh biết lý do gì mà ông Thiệu muốn triệt thoái khỏi vùng 1 và vùng 2?
Đào hỏi và Vinh thở một hơi dài.
- Tôi không biết rõ lý do nhưng tôi đoán ông ta muốn làm như vậy là để gây áp lực buộc Mỹ phải can thiệp vào. Hoặc ông Thiệu làm theo lệnh của Mỹ... Tuy nhiên ông ta quên mất một điều là nếu Mỹ muốn bán đứng Việt Nam Cộng Hoà cho cộng sản thời họ sẽ không can thiệp. Đòn thấu cáy của ông Thiệu là một con dao hai lưỡi.
- Chúng ta phải làm gì...?
Hiền, đại diện cho không quân buột miệng hỏi câu này. Vinh nhìn bạn với cái nhìn buồn rầu và ưu tư.
- Hiền nói đúng... Chúng ta cần phải làm một cái gì để cứu vản tình thế nguy ngập của đất nước. Các anh em đều biết rằng nếu vùng 1 và 2 bị mất, thời cộng quân sẽ nương đà chiến thắng tràn xuống tấn công vùng 3 và thế nào Sài Gòn cũng lọt vào tay giặc. Tôi muốn nói là Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta sẽ xụp đổ...
Mọi người đều im lặng. Dường như ai ai cũng đều liên tưởng tới một sự thực khủng khiếp và kinh hoàng. Đó là sự tan rã của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà kéo theo sự xụp đổ của đất nước. Điều này khiến cho mọi người hầu như tê liệt không còn biết nói gì hơn là im lặng.
Giọng nói của Vinh vang lên trong căn phòng nhỏ hẹp.
- Căn cứ vào tin ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và vùng 2 cũng như các tin tức tình báo khác, tư lệnh của tôi và vài sĩ quan cao cấp của quân khu 1 đã thảo một kế hoạch có thể lật ngược thế cờ đồng thời cứu Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta khỏi lọt vào tay cộng sản....
Mọi người hơi tươi nét mặt khi nghe vị đại diện của ông tướng vùng 1 nói câu trên. Ai ai cũng biết tướng Trưởng là vị tướng mưu lược trong quân lực.
- Nếu ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và 2 thời ta sẽ bỏ để tuân lệnh cấp chỉ huy của mình. Nếu đại tướng Viên muốn ta triệt thoái khỏi quân khu 1 và 2 thời ta sẽ triệt thoái. Tuy nhiên ta sẽ lui binh theo đúng kế hoạch để bảo toàn lực lượng hầu có thể phản công một cách hữu hiệu và đúng lúc. Việt Cộng muốn chiếm vùng 1 và vùng 2 thời ta sẽ nhường cho chúng ở tạm một thời gian rồi sau đó sẽ lấy lại. Đó là cách mà Hưng Đạo Vương đã làm đối với quân Mông Cổ bảy tám trăm năm trước. Nếu kế hoạch của chúng ta thành công thời không những thu hồi lại miền nam mà còn buộc toàn thể quân đội Bắc Việt phải rút chạy về bắc...
Ngừng lại Vinh nhìn mọi người trong phòng xong giọng nói rắn rỏi và trầm tĩnh của anh vang lên.
- Ta sẽ bỏ Việt Nam Cộng Hoà rơi vào tay Việt Cộng đoạn bất thần tấn công thẳng vào Hà Nội...
Đào cảm thấy như có tiếng sét nổ làm lùng bùng lỗ tai của mình trong lúc Hiền trợn mắt nhìn Vinh. Anh thấy người bạn thân cũng nhìn mình mỉm cười.
- Tôi chịu kế hoạch của anh lắm...
Bình lên tiếng. Lương cũng gật gù.
- Anh vẽ ra cách này tôi ưng lắm... Tụi nó tung hai chục sư đoàn bộ chiến vào miền nam rồi thành ra ngoài bắc đâu còn quân chính quy nào... Bỏ cho tụi nó nuốt miền nam rồi ta đột kích Hà Nội thời thế nào hai trăm ngàn bộ đội chính quy của chúng nó cũng phải chạy bộ về để cứu chủ. Đây là kế vây Ngụy để cứu Triệu...
Vinh hơi mỉm cười nhìn Bình.
- Nói thời dễ nhưng làm được không phải dễ đâu bởi vì lực lượng của quân đoàn 1 không đủ sức làm chuyện đó. Nó là sức của toàn quân lực ta từ bộ binh, biệt động, pháo binh, thiết giáp, tiếp liệu, nhảy dù và thủy quân lục chiến... Bởi vậy tôi mới mời các anh hội họp ngày hôm nay để nói cho anh em biết và xin anh em vì tổ quốc và dân tộc hy sinh một lần cuối cùng...
Thiếu tá Mạnh, đại diện cho biệt động quân bây giờ mới lên tiếng.
- Anh Vinh khách sáo quá... Chuyện đánh cộng sản là bổn phận của người lính chúng ta... Binh chủng của tôi hân hạnh được đi đầu...
Vinh cười cười.
- Chắc anh phải nói chuyện với anh Bình và anh Lương về vấn đề ai vào Hà Nội trước. Bây giờ tôi xin nói sơ qua về cuộc hành quân...
Vinh bước tới đứng trước bản đồ Việt Nam.
- Cuộc hành quân bắc tiến của chúng ta được chia ra làm ba giai đoạn là dụ cáo lìa rừng, bảo quân an tướng và giải phóng miền bắc. Tụi Bắc Việt là con cáo già khôn ngoan của núi rừng cho nên bấy lâu nay ta vất vả săn tìm mà cũng không diệt được. Bây giờ ta bỏ vùng 1 và 2 là ta dụ chúng về thành phố. Bỏ núi rừng để chiếm đóng lấy phố phường là chúng lấy cái sở đoản mà bỏ đi cái sở trường của mình...
Hai vị sĩ quan của sư đoàn dù và thủy quân lục chiến nhìn nhau. Là hai con mãnh hổ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa họ đã sớm nhận ra cái thế dụ cáo lìa rừng của Vinh. Họ chưa nói gì Vinh hỏi Hiền.
- Máy bay C130 của mình có thể bay thẳng từ Bình Thủy tới Vinh không?
Hiền trả lời không do dự.
- Được nhưng sợ không đủ săng để trở về...
- Họ không cần phải trở về bởi vì đây là cuộc hành quân có đi mà không có trở về...
Vị đại diện quân khu 1 nhấn mạnh câu nói để cho mọi người hiểu rằng đây là cuộc hành quân quyết tử.
- Đúng ngày giờ ấn định sư đoàn 22 sẽ đổ bộ lên thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An. Lực lượng xung kích này có nhiệm vụ đánh chiếm phi trường, tiêu diệt các ổ phòng không của địch để yểm trợ cho không quân chở sư đoàn dù xuống Vinh. Làm chủ được Vinh xong sư đoàn 22 bộ binh sẽ đóng chốt tử thủ tại đây nhằm mục đích cản đường các sư đoàn Bắc Việt rút về giải vây cho Hà Nội. Sau khi được tiếp tế nhiên liệu các phi cơ của không quân sẽ chở sư đoàn Dù nhảy xuống Sơn Tây trong lúc thành phần xung kích thứ hai là sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, sư đoàn 1, 2, 3, 5, 18, 22, 23 và 25 với các chi đoàn thiết giáp và pháo binh sẽ đổ bộ lên Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định rồi từ đó chia thành các trục tiến quân về Hà Nội. Các anh chắc đã đọc quyển truyện Mơ Làm người Quang Trung rồi. Đây là lúc chúng ta trở thành một người lính của vua Quang Trung trong cuộc giải phóng Hà Nội và đồng bào miền bắc ra khỏi gông cùm của cộng sản...
Mọi người trong phòng họp im lặng lắng nghe Vinh trình bày cuộc hành quân giải phóng miền bắc. Họ mường tượng ra cảnh hùng tráng của trăm hoa đua nở trên đất bắc. Đó là cảnh những chiếc hoa dù của các chiến sĩ Biệt Cách Dù và Nhảy Dù nở đầy trên nền trời Hà Nội ầm vang tiếng reo hò của quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũng như lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phất phới trên kỳ đài của cố đô Thăng Long.
- Muốn làm được những chuyện đó trước nhất ta phải thực hành giai đoạn đầu tiên là dụ cáo lìa rừng. Chúng ta phải bỏ vùng 1 và 2. Chúng ta phải triệt thoái binh lực hay nói cho đúng nghĩa hơn là chúng ta phải chạy. Chúng ta phải chạy nhưng chạy làm sao mà vẫn bảo toàn được lực lượng của ta đồng thời phải dàn cảnh cho địch nghĩ rằng lực lượng của ta bị thiệt hại nặng nề, tan rã ra tới độ không thể tập trung lại để phản công...
Các ông tá ngồi trong phòng đều thấy ngay cái khó của mình. Đã đành là họ phải chạy nhưng lại phải chạy đúng cách, có nghĩa là họ phải tập chạy. Không một ai trong bọn họ, nhất là các ông sĩ quan như dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân lại nghĩ tới chuyện có ngày họ phải tập thua trận, phải tập rút lui đơn vị để địch nghĩ rằng mình thua và lực lượng bị tổn thất nặng.
- Tôi nghĩ mình phải hy sinh một vài đơn vị...
Minh lên tiếng và Vinh cũng phụ họa cho ý kiến đó.
- Tôi cũng đồng ý như anh tuy nhiên cái khó là mình không biết chọn lựa đơn vị nào. Tánh mạng của mỗi binh sĩ đều ngang nhau cũng như không đơn vị nào đáng phải bị hy sinh...
- Tôi nghĩ mình phải đặt quyền lợi của quốc gia và dân tộc lên trên hết. Nếu sự hy sinh của chín mười tiểu đoàn bộ binh hoặc địa phương quân hay nghĩa quân mà giải phóng nước Việt Nam ta khỏi tay cộng sản thời đó là việc đáng làm, nên làm...
Hiền nhìn mọi người sau khi nói câu trên. Đào cũng đồng ý với lời của Hiền. Cuối cùng Vinh nói với mọi người.
- Vần đề triệt thoái chiến thuật là một vấn đề phức tạp cho nên tôi sẽ bàn sau. Triệt thoái về vùng an toàn xong chúng ta còn phải tìm cách tán quân, ém quân, dấu quân thật kín để dùng trong cuộc hành quân bắc tiến sau này. Để thực hiện kế dụ cáo lìa rừng chúng ta cần phải bỏ quân khu 1 và 2. Theo đúng kế hoạch hành quân và cũng để cho tụi cộng sản khỏi nghi ngờ, tôi đề nghị mỗi sư đoàn nên hy sinh một ít quân số. Việc chọn lựa đơn vị làm mồi dụ địch tôi để cho các anh em lo liệu. Điều quan trọng là bảo toàn lấy lực lượng tinh nhuệ nhất của mình. Vả lại trong cuộc hành quân giải phóng miền bắc ta cũng không cần nhiều lắm. Đây là một cuộc hành quân bí mật lấy yếu tố bất ngờ làm căn bản cho nên ta cần các đơn vị xung kích, đánh nhanh đánh mạnh và quyết tử. Các đơn vị như dù, thủy quân lục chiến, biệt cách dù và biệt động quân sẽ được ném vào trận địa để thanh toán chiến trường một cách mau lẹ. Còn các đơn vị bộ binh sẽ làm nhiệm vụ trấn đóng hoặc ngăn đường tiếp viện của địch...
Vinh hướng về vị đại diện của hải quân.
- Mình có đủ tàu để chở chừng bốn chục ngàn quân với thiết giáp và pháo binh ra bắc không anh Đào?
Do dự giây lát Đào mới trả lời.
- Nếu khéo thu xếp thời cũng đủ chỗ...
Mọi người cảm thấy nhẹ nhỏm khi giải quyết được vấn đề nan giải. Vinh nói với hai vị đại diện của không và hải quân.
- Khi nào có lệnh di tản từ Sài Gòn tôi nhờ hai anh chở sư đoàn dù về Cần Thơ giao cho tướng Nam. Ông ta biết cách giấu kín sư đoàn dù cho tới khi có lệnh của tôi... Phần sư đoàn thủy quân lục chiến sẽ được tàu hải quân chở về Vũng Tàu...
Vinh hướng về Bình.
- Tôi tin là về tới Vũng Tàu thời các tiểu đoàn thủy quân lục chiến sẽ được tăng phái cho các đơn vị của vùng 3 để chận đường tiến quân của Việt Cộng tiến vào Sài Gòn. Anh dặn các tiểu đoàn trưởng nên cẩn thận khi giao tranh với địch. Nếu đánh được thời đánh bằng không cứ rút lui để bảo toàn lực lượng. Thủy quân lục chiến sẽ là đơn vị xung kích đánh vào Hà Nội cho nên cần phải được bảo vệ tối đa...
- Tôi hiểu ý của anh...
Bình nói gọn. Vị đại diện quân khu 1 quay sang Minh.
- Sư đoàn 22 là một đơn vị tinh nhuệ do đó tôi sẽ dùng nó trong nhiệm vụ đánh chiếm Vinh và đóng chốt chặn quân chủ lực của địch từ miền nam về giải cứu Hà Nội...
- Tôi sẽ lo việc giữ gìn quân số của sư đoàn 22 cho anh...
Minh lên tiếng. Nhìn thiếu tá Mạnh, đại diện của biệt động quân Vinh hỏi.
- Tôi cần các tiểu đoàn biệt động quân để đánh vào mặt đông và đông bắc Hà Nội. Anh cung cấp cho tôi được không?
Mạnh cười nhẹ.
- Dễ ợt... Gần một năm nay bộ chỉ huy của chúng tôi đã mở các khoá huấn luyện tại chỗ và bổ xung quân số cho các tiểu đoàn nào thiếu hụt cho nên bây giờ mỗi tiểu đoàn BĐQ có quân số từ năm tới sáu trăm binh sĩ...
Nhìn đồng hồ thấy hơn một giờ sáng Vinh cười nói với mọi người.
- Thôi mình nghĩ giải lao giây lát...
Mọi người hút thuốc, uống cà phê hay trà vừa ăn bánh ngọt vừa trò chuyện thân mật. Trong lúc chuyện trò Vinh trao cho mỗi vị đại diện một cuốn sổ bìa đen đồng thời nói với vẻ nghiêm trọng.
- Đây là bộ mật mã mà quân khu 1 đã tạo ra. Các anh em nhớ giữ gìn cẩn thận đừng để lộ ra cho địch và bất cứ đơn vị nào ngoài chúng ta biết. Chúng ta sẽ dùng bộ mật mã này để liên lạc với nhau lúc di tản hoặc khi cần thiết...
Mân mê bộ mật mã trong tay Mạnh khều Vinh.
- Xin hỏi anh câu này. Trung tướng Trưởng có đặt tên cho cuộc hành quân bắc tiến chưa?
Hớp ngụm cà phê vị đại diện của vùng 1 chiến thuật cười nhẹ.
- Đã đặt tên rồi... Sinh Nam Tử Bắc...
Hiền lẩm bẩm.
- Sinh Nam Tử Bắc...
Mọi người lục tục trở về chỗ ngồi của mình khi thấy Vinh bước tới đứng trước tấm bản đồ.
- Tuy chúng ta đã xếp đặt như vậy nhưng nhiều khi tình hình biến chuyển ra ngoài dự định của chúng ta. Điều khó khăn cho chúng ta là phải tuân lệnh thượng cấp mà vẫn duy trì được kế hoạch riêng tư của mình...
Lương hắng giọng.
- Anh nói ra khiến cho tôi có một câu hỏi. Ta có cần phải tuyệt đối tuân hành tất cả lệnh lạc từ Sài Gòn ban ra không?
Trầm ngâm trước câu hỏi này giây lát Vinh mới trả lời.
- Theo tôi thời ta phải tuân hành các lệnh lạc từ Sài gòn đưa ra trong thời bình. Còn đây là thời chiến. Ông Thiệu hay ông Viên ngồi ở thủ đô đâu có rõ chiến trận bằng chúng ta cho nên đôi khi ta không nên tuyệt đối tuân hành các lệnh của họ. Nếu vùng 1 và vùng 2 bị cộng sản chiếm thời không cách gì chúng ta giữ được vùng 3 bởi vì các trục tiến quân đã được bỏ trống cho nên cộng quân tha hồ tập trung 20 sư đoàn chính quy để tấn kích vùng 3 và Sài Gòn. Nếu vùng 3 mất thời liệu tướng Nam có thể cầm cự được không mặc dù ông ta có trường giang hiểm trở. Dù cố giữ, quân lực của ta cũng phải tan hàng vì không còn vũ khí và đạn dược. Mỹ nó bỏ thời nó sẽ không chịu tiếp tế vũ khí và đạn được cho ta đâu...
Vinh dừng lại. Giọng nói của anh nhuốm chút nghẹn ngào và buồn bực vì biết trước thế nước ngã nghiêng mà mình bất lực không thể cứu vãn được. Lát sau anh mới hỏi Lương.
- Giả sử như ông Thiệu ra lệnh cho anh phải đưa sư đoàn dù về Sài Gòn thời anh phải làm sao?
- Tôi phải tuân lệnh của tổng thống Thiệu...
Vinh cười như đã biết câu trả lời của Lương.
- Anh làm như thế là đúng. Tôi biết anh là một quân nhân mẫu mực, tôn trọng kỷ luật và đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên hết. Tuy nhiên chúng ta cũng đừng nên lầm lẫn trung với nước là trung với vua hay với người lãnh đạo...
Mọi người nhìn nhau. Xuyên qua câu nói Vinh đã bày tỏ một điều là vị tướng cầm quân ngoài chiến trường đôi khi phải khéo léo và uyển chuyển cho đúng với tình thế. Đưa ra lệnh bỏ vùng 1 và 2 là ông Thiệu đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng có thể làm mất luôn cả vùng 3 và 4. Cho nên họ phải khéo léo tuân hành lệnh để không gây tổn thất cho đơn vị của mình nói riêng và quân lực nói chung.
Giọng nói chững chạc của vị đại diện quân khu 1 vang lên trong căn phòng im lặng.
- Trong tình thế gay go này chúng ta nên ém quân, giấu quân hoặc thế bức lắm thời phân tán thành ra các đơn vị nhỏ hơn rồi sau mới tìm cách tập trung lại. Cách này tuy khó khăn nhưng lại ít gây tổn thất...
Vinh ngừng lời khi thấy trung úy Hà bước vào phòng họp một cách đột ngột. Đào lên tiếng trước nhất.
- Có chuyện gì quan trọng vậy trung úy?
Hà giơ tay chào Đào.
- Thưa thiếu tá... Cộng quân pháo kích Pleiku và Ban Mê Thuột dữ dội lắm...
Hơi nhỏm người khi nghe tin trên, Minh hỏi nhanh.
- Còn thêm tin gì không?
Liếc nhanh Đào như để xin phép xong trung úy Hà đáp.
- Thưa thiếu tá... Qua cuộc điện đàm với bộ tư lệnh hải quân ở Sài Gòn tôi chỉ biết có vậy thôi...
Minh nói với Vinh.
- Chắc tôi phải trở về Pleiku gấp... Các anh em cứ bàn soạn rồi có gì anh gọi điện thoại cho tôi biết...
Minh theo sau Hà rời phòng họp. Giọng nói của Vinh vang lên đều đều trong căn phòng họp.
- Tôi có linh cảm là ý định bỏ vùng 1 và 2 của ông Thiệu bị cộng sản biết cho nên họ mới bắt đầu mở cuộc tấn công toàn diện. Hoặc giả ông ta làm theo lệnh của người Mỹ và Mỹ báo cho tụi Bắc Việt biết. Thôi chuyện cũng phải tới lúc của nó. Vả lại điều đó cũng nằm trong kế hoạch của ta. Tình hình chính trị và quân sự biến chuyển một cách đột ngột nhanh hơn ước đoán và dự tính của tư lệnh của tôi. Chắc Ban Mê Thuột sẽ mất...
Thở dài sau khi nói xong Vinh nhìn vị đại diện của biệt động quân.
- Cộng quân sẽ cắt các quốc lộ 14, 19 và 21 để chặn đường tiếp viện của quân ta đồng thời cường tập Ban Mê Thuột với lực lượng cở hai ba sư đoàn trở lên. Tôi đoán sư đoàn 23 sẽ không đủ sức giữ và phải tan hàng. Rồi Pleiku cũng sẽ thất thủ...
Vinh thở dài nhè nhẹ.
- Đây là giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất của chúng ta. Phải làm sao bảo toàn lực lượng mà không bị địch nghi ngờ cũng như ông Thiệu và bộ tổng tham mưu biết...
Hiền lên tiếng.
- Tôi nghĩ ông Thiệu sẽ rút sư đoàn dù về một chỗ nào đó. Rút về Sài Gòn ông ta sợ bị đảo chánh...
Đào cũng phụ họa.
- Tôi cũng nghĩ như anh Hiền. Không bao giờ ông Thiệu dám để dù hoặc thủy quân lục chiến ở Sài Gòn...
- Bởi vậy nên tụi tôi phải ra vùng hỏa tuyến đóng đồn như nghĩa quân hay địa phương quân...
Bình nói câu trên với giọng bực tức. Lương phụ họa.
- Lính của dù ở đây lâu quá nên có người định đem vợ con ra đây luôn. Như vậy còn đánh đấm gì nữa...
Vinh cười an ủi.
- Tôi biết các đơn vị cơ động của hai anh không nên đóng đồn bót nhưng đây là lệnh của tổng tham mưu và của ông Thiệu thời tư lệnh của tôi cũng đành bó tay. Vả lại có hai anh ở gần tôi ngủ ngon hơn...
Mọi người cười xòa vì câu nói của Vinh. Họ tiếp tục bàn luận tới gần 4 giờ sáng mới giải tán. Đào, Hiền và Vinh còn đứng trên bong tàu trò chuyện khá lâu mới chia tay.
Chương 4
Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ngạc nhiên khi nhận được tin vị tư lệnh của mình đang có mặt tại phòng hành quân của bộ tư lệnh vùng 1 duyên hải. Vừa bước vào phòng hành quân ông ta thấy phó đô đốc Cang đang đứng nói chuyện với trung tá K... trưởng phòng hành quân. Giơ tay chào ông ta chưa kịp nói gì phó đô đốc Cang đã lên tiếng trước.
- Tôi cần bàn chuyện riêng với anh vài phút...
- Mời tư lệnh sang phòng tôi...
Hai người đi vào phòng làm việc của phó đề đốc Thoại. Không một ai được biết họ đã nói những gì chỉ biết khoảng nửa giờ đồng hồ sau một công điện mật và khẩn được gởi đi cho ba tư lệnh hạm đội và các hạm trưởng của các dương vận hạm, hải vận hạm, mười bốn giang vận hạm, các tuần dương hạm, hộ tống hạm, trục lôi...
Trở lại HQ 11 nói chuyện với hạm trưởng vài phút xong phó đô đốc Cang bảo thiếu tá Đào.
- Tôi sẽ biệt phái anh cho quân khu 1 và làm việc dưới quyền của trung tướng Trưởng. Anh sẽ là đại diện của hải quân để giúp đỡ cho ông ta trong cuộc triệt thoái khỏi vùng 1. Phần tôi sẽ trở lại Nha Trang để điều động tàu bè ra Đà Nẳng...
Tuân lệnh thiếu tá Đào chuẩn bị. Mười lăm phút sau một chiếc PCF đưa người sĩ quan đại diện của hải quân vào bờ. Mượn chiếc xe jeep của vùng 1 duyên hải Đào tới bộ tư lệnh quân khu 1 gặp Vinh. Vừa gặp mặt Vinh nói nhanh.
- Anh biết tin cộng quân tấn công Ban Mê Thuột chưa...
- Chưa... Tôi được biệt phái cho quân khu 1 để giúp về chuyện liên lạc với các tàu bè của hải quân...
Hai người bước vào một căn phòng rộng với bốn vách treo nhiều tấm bản đồ lớn. Đó là trung tâm hành quân của quân khu 1. Đèn nhấp nháy liên tục cũng như các tín hiệu truyền tin và điện thoại kêu vang từng chập. Tướng Trưởng ngồi im lặng. Mắt ông ta nhìn đăm đăm vào một vị trí khoanh đỏ trên bản đồ mà Đào nhận ra ba chữ Ban Mê Thuột. Ông tướng khẽ gật đầu chào khi thấy người sĩ quan hải quân biệt phái cho quân khu 1 giơ tay kính cẩn chào mình.
- Tình hình tới đâu thưa chuẩn tướng?
Vinh thì thầm với chuẩn tướng Hùng, tham mưu trưởng. Mắt không rời phóng đồ hành quân, tai lắng nghe máy truyền tin chuẩn tướng Hùng đáp nhỏ.
- Bết lắm... Sau khi pháo kích cộng quân tấn công dữ dội và đã tràn ngập tiểu khu cùng bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn 23 bộ binh...
- Có tin gì về tướng Phú...?
Trung tướng Trưởng lên tiếng hỏi. Chuẩn tướng Hùng đáp nhanh.
- Thưa tư lệnh... Không có tin gì về tướng Phú... Hồi sáu giờ sáng tôi có nói chuyện với bộ tư lệnh quân đoàn 2 thời họ nói tướng Phú sẽ gữi quân tái chiếm Ban Mê Thuột nếu vị trí này bị địch chiếm. Sau đó không nghe tin tức gì nữa...
Tướng Trưởng hơi cau mày nhưng im lặng không hỏi thêm.
- Hy vọng tướng Phú cầm cự lâu hơn để ta có thời giờ xếp đặt kế hoạch. Hy vọng ông ta không nướng hết quân chủ lực nhất là biệt động quân vào chiến trận cao nguyên này. Có bao nhiêu biệt động quân ở vùng 2 hả Hùng?
- Thưa trung tướng... Có năm liên đoàn 21, 22, 23, 24 và 25. Năm liên đoàn này có quân số nhiều hơn một sư đoàn...
- Anh ráng liên lạc với tướng Giai. Tôi cần nói chuyện với ông ta về chuyện dấu quân, ém quân...
Tướng Trưởng đứng dậy trong lúc nói câu này với người tham mưu trưởng của mình. Vẩy tay ra hiệu cho Vinh và Đào theo mình về phòng làm việc ông ta nói nhỏ.
- Ta về phòng hút thuốc...
Ngồi vào chiếc ghế, đốt điếu thuốc lá, hít một hơi dài tướng Trưởng nhả khói ra từ từ.
- Ông Cang bây giờ đang ở đâu?
- Thưa trung tướng... Phó đô đốc Cang đang trên đường trở lại Nha Trang để điều động tàu ra Đà Nẳng...
Tướng Trưởng có vẻ trầm tư nghĩ ngợi sau khi nghe câu nói của Đào. Hít một hơi thuốc ông ta đứng dậy bước tới cửa sổ.
- Thưa trung tướng... Liệu ta giữ được vùng 2?
Đào hỏi nhỏ. Giọng nói của vị tư lệnh quân khu 1 vang lên chậm và nhuốm chút khàn khàn.
- Giữ được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là ý chí. Nếu muốn giữ thời ta sẽ giữ được. Theo như tin tình báo từ bộ tổng tham mưu thời cộng quân đã gia tăng quân số một cách đáng kể tại vùng 2 nhất là quanh Ban Mê Thuột. Dường như cộng quân muốn dứt điểm Ban Mê Thuột. Chiếm được vị trí này chúng kiểm soát được đường tiếp vận bằng đường bộ từ Nha Trang, Tuy Hòa lên Cao Nguyên. Mất Ban Mê Thuột sẽ lôi theo sự mất cao nguyên mà mất cao nguyên thời các đơn vị của cộng quân sẽ tràn xuống vùng duyên hải đồng thời uy hiếp vùng 3 và Sài Gòn. Tôi nghĩ ông Thiệu và bộ tổng tham mưu không nhìn ra điều đó hoặc giả họ cố tình làm ngơ...
- Tướng Phú có nhìn ra điều đó không thưa trung tướng?
Vinh lên tiếng. Trở về chỗ ngồi tướng Trưởng lấy thêm điếu thuốc lá. Vinh nhanh nhẹn bật lửa. Nhìn người sĩ quan tin cẩn của mình ông ta tiếp.
- Tôi không biết tướng Phú có nhìn ra điều đó hay không. Vả lại nếu có nhìn ra sự quan trọng của Ban Mê Thuột ông ta cũng không có quyền hạn gì để làm. Hiện thời quyền hành của một ông tướng tư lệnh vùng đã bị giới hạn rất nhiều. Tất cả mọi quyết định như bố trí quân, di chuyển quân đều phải trình với bộ tổng tham mưu và tổng thống. Nếu cả hai chấp thuận thời tư lệnh vùng mới được thi hành. Nói tóm lại tư lệnh vùng giống như thiên lôi sai đâu đánh đó...
Tướng Trưởng nói câu sau cùng với giọng cay đắng và buồn tủi. Quay nhìn hai sĩ quan dưới quyền của mình ông ta tiếp.
- Điều tệ hại nhất là ông Thiệu không tin ai ngay cả những người đáng cho ông ta tin cậy. Ông ta nghi ngờ hết mọi người trong số đó có tôi. Có người nói đùa là ông ta nghi ngờ cả cái bóng của ông ta nữa. Tôi đã nhiều lần nói với ông ta tôi là một quân nhân chỉ biết có đánh giặc chứ không làm chính trị. Tuy nhiên dường như ông ta không tin vào lời nói của tôi. Ông ta sợ tôi đảo chánh hoặc tham gia các cuộc đảo chánh chống lại ông ta...
Tướng Trưởng ngừng nói nhìn Vinh và Đào. Đây là lần đầu tiên ông ta mới thố lộ cảm nghĩ của mình cho người sĩ quan thân tín và với Đào, một sĩ quan biệt phái.
- Anh hỏi hai em là nếu rút sư đoàn dù thời ông Thiệu sẽ đem họ đi đâu?
Vinh nhìn Đào và bắt gặp Đào cũng đang nhìn mình. Cuối cùng Vinh nói.
- Thưa trung tướng... Sợ bị đảo chánh bởi sư đoàn dù cho nên ông Thiệu sẽ tìm cách phân tán thành từng tiểu đoàn xong ném họ vào vào mặt trận nào nguy hiểm nhất...
- Ông ta sẽ nướng sư đoàn Dù... Ông ta sẽ mượn tay cộng quân để làm nát một đơn vị thiện chiến của lực lượng tổng trừ bị. Thưa trung tướng tôi sợ ông ta cũng sẽ làm cách đó với thủy quân lục chiến...
Tướng Trưởng cau mày sau khi nghe câu nói của Đào. Người sĩ quan hải quân tiếp nhanh.
- Mất đi hai sư đoàn thiện chiến trung tướng như mất hai cánh tay và kế hoạch bắc tiến kể như bất thành...
Vị tư lệnh quân khu 1 lộ vẻ ưu tư khi nghe câu nói sau cùng này. Đốt điếu thuốc hít hơi dài ông bước tới đứng cạnh cửa sổ. Chiều từ từ xuống. Tiếng phi cơ phản lực gầm thét ngang bầu trời.
- Ta phải tìm cách... Ta phải có cách...
Tướng Trưởng lẩm bẩm. Dù ông không nói trọn câu nhưng Vinh và Đào hiểu ý. Câu nói thật giản dị nhưng phức tạp và khó khăn. Trên cương vị tổng thống kiêm tổng tư lệnh ông Thiệu có quyền bổ nhiệm hoặc giải chức tất cả quân nhân nào trong quân lực kể cả một tư lệnh vùng như tướng Trưởng. Ông ta có thể đưa nguyên cả sư đoàn dù, hoặc lữ đoàn, hay từng tiểu đoàn, tới bất cứ nơi nào mà không cần giải thích lý do hoặc hội ý người nào. Nếu ông ta muốn rút sư đoàn dù khỏi quân khu 1, tướng Trưởng và tướng Lưỡng không thể từ chối hoặc viện dẫn lý do để không thi hành dù biết quyết định của ông ta là một sai lầm về chiến thuật hay chiến lược. Nói tóm lại là họ phải thi hành lệnh của ông ta nếu không muốn bị giải chức tư lệnh.
Giọng nói của thiếu tá Đào vang lên trong căn phòng.
- Thưa trung tướng... Nếu tổng thống Thiệu rút sư đoàn dù khỏi quân khu 1 thời tình hình cũng không đến nỗi bi đát lắm. Hoặc giả ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và 2 thời ta vẫn còn có cách lật lại thế cờ đã hỏng. Trung tướng không thể không thi hành lệnh của ông ta bởi vì trung tướng có thể bị mất chức vì tội bất tuân lệnh thượng cấp. Mất chức tư lệnh là trung tướng không còn quyền hành. Điều này rất nguy hiểm...
Tướng Trưởng gật gù như công nhận lời nói của người sĩ quan hải quân biệt phái. Ngay cả Vinh cũng cười nháy mắt với Đào như tỏ ý khen ngợi.
- Trung tướng có đọc truyện Tàu không?
Tướng Trưởng quay nhìn Đào vì câu hỏi lạc đề này. Vinh cũng không hiểu tại sao Đào lại nói tới chuyện đọc truyện Tàu xưa như trái đất trong lúc bàn luận chuyện hành quân.
- Trong truyện Tàu đôi khi có nói tới thuật di hình hoán vị hay kế kim thiền thoát xác. Nếu ta có cách nào thay thế sư đoàn dù bằng một đơn vị khác thời ông Thiệu có rút chỉ rút một sư đoàn dù giả...
Tướng Trưởng sáng mắt. Ông nhìn Đào với vẻ ngạc nhiên pha lẫn mừng rỡ.
- Cám ơn em... Em cho ta một ý kiến... Nếu không vì tình thế nghiêm trọng ta sẽ đề nghị với ông Cang thăng cấp cho em...
Đào cười nhẹ.
- Thưa trung tướng tôi không muốn được thăng cấp. Tôi chỉ xin được ở cạnh trung tướng trong suốt cuộc hành quân Sinh Nam Tử Bắc...
Khẽ gật đầu ưng thuận tướng Trưởng quay qua hỏi Vinh.
- Mấy giờ rồi Vinh?
- Thưa trung tướng 12 giờ...
- Có lẽ chúng ta nên bàn luận với tướng Lưỡng. Gọi điện thoại cho ông Lưỡng bảo tôi sẽ gặp ông ta lúc 13 giờ...
Vinh nhấc điện thoại nói chuyện với bộ tư lệnh sư đoàn Dù xong mới nói nói với tướng Trưởng.
- Thưa trung tướng ông Lưỡng bảo sẽ đợi trung tướng...
Gật đầu tỏ vẻ hài lòng tướng Trưởng cười hỏi Đào.
- Theo em ta nên lấy đơn vị nào để thay cho dù?
Đào hơi lúng túng khi bị tướng Trưởng hỏi. Anh là sĩ quan hải quân lại mới được biệt phái chưa đầy một ngày cho nên hiểu biết rất ít về các đơn vị chiến đấu của bộ binh. Tuy nhiên anh cũng gượng trả lời.
- Thưa trung tướng việc chọn lựa một đơn vị thay thế cho sư đoàn Dù trung tướng ắt biết rõ hơn tôi. Điều quan trọng là ta nên chọn một đơn vị nào kha khá để ông Thiệu không khám phá ra sự thật...
Tướng Trưởng cười quay sang hỏi Vinh.
- Em nghĩ sao?
Vinh do dự chưa trả lời câu hỏi của người chỉ huy của mình. Không phải anh không có sẵn câu trả lời nhưng anh muốn có chút thời giờ để suy nghĩ và góp ý kiến vào một vấn đề quan trọng.
- Thưa trung tướng... Chúng ta đều biết là ông Thiệu muốn nướng sư đoàn Dù do đó ta nên giao cho ông ta một đơn vị tổng hợp nhiều thành phần như bộ binh và địa phương quân. Ông ta muốn nướng thời ta sẽ cho ông ta nướng tuy nhiên không phải một con hổ dữ mà là một con nai vàng ngơ ngác...
Đào bật thành tiếng cười vui vẻ khi nghe câu nói đùa của Vinh. Ngay cả tướng Trưởng cũng mỉm cười trong lúc bật lửa đốt điếu thuốc.
- Dù có ba lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có ba tiểu đoàn, tổng cộng tới sáu bảy ngàn binh sĩ. Giả dạng một đại đơn vị như vậy không phải là việc dễ dàng...
- Thưa trung tướng ta không cần phải giao đủ quân số bởi vì ông Thiệu đâu có xuống tận mỗi đơn vị để kiểm kê. Ông ta cũng không ra tận mặt trận để biết Dù thật hay Dù giả. Ta chỉ cần cho các binh sĩ mặc quân phục rằn ri, đeo phù hiệu Dù là được rồi. Tuy nhiên để khỏi bị nghi ngờ ta nên lưu lại một số sĩ quan tham mưu của sư đoàn... Thưa trung tướng đã tới giờ...
Tướng Trưởng gật đầu nói với hai sĩ quan trong phòng.
- Mình đi gặp ông Lưỡng...
Ba người ngồi im lặng trong lòng chiếc trực thăng chật hẹp. Vì sợ hỏa tiển phòng không của cộng quân nên phi cơ bay ra ngoài biển rồi mới bắt từ ngoài biển bay vào. Bộ tư lệnh tiền phương của Dù đóng tại căn cứ Hiệp Khánh, ở cây số 17 bắc của thành phố Huế. Chiếc trực thăng từ từ đáp xuống bãi đậu. Tướng Lưỡng cùng một vài sĩ quan đứng chờ. Xuất thân từ Dù do đó tướng Trưởng rất quen thuộc với các sĩ quan Dù. Riêng tướng Lưỡng dù ngạc nhiên khi thấy một sĩ quan hải quân tháp tùng theo tướng Trưởng nhưng ông ta không nói gì hết. Ông biết phải có chuyện gì đặc biệt lắm nên người sĩ quan hải quân mới tháp tùng vị tư lệnh quân khu 1 tới thăm bộ tư lệnh Dù.
Mọi người bước vào một căn phòng khá lớn nằm sâu dưới lòng đất. Máy truyền tin kêu xè xè và đèn nhấp nháy sáng. Mọi người ngồi vào ghế.
- Anh em chắc đã bàn bạc về chuyện ông Thiệu rút sư đoàn Dù về Sài Gòn?
Tướng Trưởng đi ngay vào vấn đề. Tướng Lưỡng nhìn các sĩ quan Dù.
- Chúng tôi đã nói chuyện... Mọi người không có giải pháp nào hơn là tuân lệnh ông Thiệu và bộ tổng tham mưu...
Nhìn tướng Trưởng đăm đăm vị tư lệnh Dù hỏi nhỏ.
- Trung tướng có nghe tin đồn về chuyện đảo chánh...
Tướng Trưởng gật đầu.
- Tôi có nghe tin đồn nhưng tôi nghĩ đảo chánh lúc này không có lợi. Nó chỉ làm tình hình thêm rối rắm và nhất là làm sút giảm tinh thần chiến đấu của binh sĩ...
- Nếu sư đoàn Dù của tôi về được Sài Gòn thời may ra...
- Tôi không nghĩ sư đoàn Dù của thiếu tướng về tới Sài Gòn...
Đào đột ngột lên tiếng khiến cho mọi người nhìn anh đăm đăm. Chỉ riêng có tướng Trưởng mỉm cười khẽ ra hiệu cho anh tiếp tục.
- Sợ bị đảo chánh cho nên ông Thiệu sẽ phá nát lực lượng của dù bằng cách đẩy các đơn vị ra mặt trận hoặc ông ta sẽ xé sư đoàn Dù thành từng lữ đoàn hoặc tiểu đoàn...
Tướng Lưỡng nhìn các sĩ quan tham mưu của mình. Lời nói của Đào có thể trở thành một sự thực. Bị xé nhỏ thành từng tiểu đoàn trấn đóng tại mặt trận thời ông Thiệu không sợ bị Dù đảo chánh nữa. Chỉ vì lý do sợ bị đảo chánh ông Thiệu không ngần ngại nướng sư đoàn Dù bằng lửa " đỏ ".
Nhìn nét lo âu hiện ra trên mặt của các sĩ quan Dù tướng Trưởng lên tiếng.
- Nhờ ý kiến của Đào và Vinh tôi nghĩ ra một cách cứu nguy cho sư đoàn Dù. Đó là kế lộng giả thành chơn. Sư đoàn Dù sẽ rút khỏi vùng 1 theo như ý của ông Thiệu. Sư đoàn Dù có thể bị xé nát ra từng đơn vị nhỏ nhưng đó là một sư đoàn Dù giả...
Tướng Lưỡng nhìn tướng Trưởng với vẻ nghi hoặc dường như chưa hiểu hết cái ý của vị tư lệnh vùng hỏa tuyến.
- Ta sẽ giao cho ông Thiệu một sư đoàn gồm có các đơn vị như địa phương quân và bộ binh ngụy trang binh chủng Dù. Họ sẽ mặc quân phục rằn ri, đeo phù hiệu Dù và được chỉ huy bởi một số sĩ quan Dù. Còn thành phần cơ bản của Dù sẽ trở thành lính bộ binh và sẽ được tàu hải quân chở về vùng 4...
Chắc đã được nói về buổi họp của các vị tư lệnh cho nên các sĩ quan Dù không tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe tướng Trưởng nói vùng hỏa tuyến sẽ bị bỏ.
- Kế dụ cáo lìa rừng của chúng ta sắp tới giai đoạn sau cùng. Các anh em nên chuẩn bị đối phó với một tình thế vô cùng khó khăn của đất nước. Nếu có đánh nhau với địch anh em cũng đừng vì hào khí của một người lính Dù mà gây ra thương vong cho binh sĩ. Sinh mạng của mỗi người lính đều rất quan trọng trong giai đoạn khó khăn này. Rút lui hay nhường bước cho địch không có nghĩa là bại trận...
Tướng Trưởng ngừng lại giây lát.
- Tôi chỉ nói như vậy thôi. Anh em tùy theo tình hình mà đối phó...
Nhìn các sĩ quan Dù lần nữa ông ta giơ tay chào. Thiếu tướng Lưỡng và các sĩ quan Dù đứng nghiêm chào người chỉ huy khả kính của mình. Tướng Trưởng nhìn bao quát phong cảnh. Xa xa dãy trường sơn xanh ngắt. Những mái nhà lụp xụp. Vài người lính lặng lẽ đi trên đường. Vinh thấy mắt tướng Trưởng như có lệ. Dường như ông ta ứa nước mắt khóc vì biết sẽ không còn có dịp nhìn lại vùng hỏa tuyến của mình nữa. Đội chiếc nón sắt lên đầu tướng Trưởng nói nhanh.
- Thôi chúng ta đi...
Giơ tay chào tướng Lưỡng và các sĩ quan Dù lần nữa ông cúi đầu bước ra bãi đậu. Động cơ gầm thét. Cánh quạt quay vù vù. Chiếc trực thăng từ từ bốc lên cao rồi bay ra biển. Đào ngồi im nhìn mặt biển xanh gờn gợn sóng. Vài chiếc thuyền câu trôi dật dờ. Xa ngoài khơi chiến hạm của hải quân chạy chầm chậm.
Đang ngồi trầm ngâm tướng Trưởng chợt nói.
- Vinh ráng liên lạc với tướng Giai và tướng Phú. Tôi cần dặn dò hai ông ấy về việc ém quân. Nếu lực lượng biệt động quân tan rã thời khó khăn cho ta lắm. Họ là một mũi dùi tấn kích Hà Nội...
Đào phải nói thật lớn để cho âm thanh không bị át bởi tiếng động của trực thăng.
- Thưa trung tướng... Nếu Ban Mê Thuột thất thủ thời sớm muộn quân đoàn 2 cũng sẽ triệt thoái và các đơn vị như sư đoàn 23, các liên đoàn biệt động quân sẽ bị tổn thất nặng. Phải có người lên Pleiku...
- Tôi đồng ý... Phải có người lên cao nguyên để vạch kế hoạch đưa mấy liên đoàn biệt động quân về Tuy Hòa...
Trầm ngâm nghĩ ngợi giây lát tướng Trưởng quay sang Đào.
- Anh cần em đi Pleiku. Em sẽ gặp tướng Phú và đại tá Tất, chỉ huy trưởng biệt động quân của quân khu 2. Phải có sự chấp thuận của hai ông đó thời...
Tướng Trưởng ngừng lại nhìn Đào như muốn nói rằng việc bảo toàn lực lượng biệt động quân ở vùng 2 không thể nào thành tựu nếu không có sự hợp tác của hai vị tướng tá trên.
Đào nhìn Vinh nhưng lại có ý nói với tướng Trưởng.
- Thưa trung tướng... Thời bình thời ta phải tuân theo nguyên tắc hay quân kỹ tuy nhiên trong thời chiến ta...
Trên khuôn mặt khắc khổ và ưu tư của tướng Trưởng hơi có một nụ cười.
- Em làm cách nào cũng được miễn là mang mấy liên đoàn biệt động quân về Tuy Hòa cho anh...
Chương 5
Đào bước vào bộ tư lệnh quân khu 2. Thiếu tá Minh đón anh với nét mặt nhiều ưu tư và thiếu ngủ.
- Trông anh bết quá...
Minh cười như mếu khi nghe câu nói của Đào.
- Không ai nhất là tướng Phú ngủ được khi nghe tin Ban Mê Thuột thất thủ. Bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn 23 và tiểu khu Darlac đã tan hàng...
Đào nín lặng. Anh không ngờ tình hình lại biến chuyển mau lẹ và dồn dập như vậy.
- Tướng Phú có mười lăm phút để nói chuyện với anh...
Minh nói trong lúc đưa Đào tới phòng làm việc của vị tư lệnh quân khu 2. Bước vào phòng Đào đứng nghiêm chào tướng Phú. Không có gì khác biệt nơi ông ta ngoại trừ chút ưu tư thấp thoáng trong ánh mắt mệt mỏi của nhiều đêm không yên giấc.
- Mời anh ngồi...
Tướng Phú nói ngắn và gọn. Đào ngồi xuống chiếc ghế đặt trước một chiếc bàn dài rải rác giấy tờ.
- Thưa thiếu tướng... Tướng Trưởng gởi tôi lên gặp thiếu tướng để bàn chuyện bảo toàn lực lượng của sư đoàn 23 và nhất là của biệt động quân...
Tướng Phú im lìm. Ông ta đã được tường trình về buổi họp ở Đà Nẳng
- Tình hình của quân khu 2 biến chuyển không thuận lợi cho tôi. Ban Mê Thuột đã lọt vào tay cộng quân và tôi phải tái chiếm lại thị trấn quan trọng này. Đó là lệnh của tổng thống Thiệu. Tôi không có đơn vị nào khác hơn là sư đoàn 23 và biệt động quân...
Đào hiểu ý của Tướng Phú. Ông ta không thể nào tái chiếm Ban Mê Thuột nếu không xử dụng các đơn vị của sư đoàn 23, biệt động quân và thiết giáp. Cộng quân có năm sư đoàn với mười lăm trung đoàn thiết giáp, pháo binh, phòng không và công binh. Đối đầu với lực lượng mấy chục ngàn bộ đội của địch, tướng Phú chỉ có một sư đoàn bộ binh, năm liên đoàn biệt động quân, một lữ đoàn thiết giáp và sư đoàn 6 không quân. Với quân số như vậy tướng Phú bắt buộc phải xử dụng biệt động quân vào cuộc hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột đồng thời giữ vững Pleiku và Kontum cũng như giải tỏa các quốc lộ 14, 19 và 21. Nhiều mặt trận quá cho một quân số ít ỏi.
Ngẫm nghĩ giây lát Đào kéo ghế đứng lên.
- Cám ơn thiếu tướng...
- Nếu có trở về Đà Nẳng anh trình lại với trung tướng Trưởng hoàn cảnh khó khăn của tôi...
- Thưa thiếu tướng tôi sẽ ở lại đây vài ngày để thu thập tin tức chiến sự của quân khu 2 rồi mới trở về Đà Nẳng...
- Nếu cần phương tiện di chuyển anh hãy nói với Minh...
Giơ tay chào kính vị tư lệnh quân khu 2 xong Đào tìm Minh.
- Tôi cần đi Kontum để gặp đại tá Tất...
- Để tôi bảo tài xế chở anh qua bộ tư lệnh sư đoàn 6..
- Cám ơn anh...
Đào vừa dợm bước Minh nói nhanh.
- Khoan... Anh chờ đây chút để tôi trình tướng Phú rồi mượn trực thăng của ổng chở anh lên Kontum. Như vậy lẹ hơn...
Minh bỏ đi. Chừng mươi phút sau anh trở lại cười nói.
- Có trực thăng rồi... Anh theo tôi...
Minh thân đưa Đào ra tận bãi trực trăng. Gặp mặt người phi công, Minh dặn dò thật kỹ lưỡng. Bắt tay Minh, Đào ngồi vào ghế. Chiếc trực thăng từ từ bốc lên cao. Chừng một tiếng đồng hồ sau trực thăng đáp xuống Kontum. Đào thầm cám ơn sự chu đáo của Minh khi thấy tài xế và xe jeep đang chờ sẵn.
- Em chở anh tới bộ chỉ huy biệt động quân được không?
Đào nói với người lính tài xế. Anh ta cười toe toét.
- Thiếu tá muốn đi đâu em chở thiếu tá đi đó. Tụi Việt Cộng pháo kích lai rai vào Kontum nhưng nhằm nhò gì. Người ta sống chết có số mà thiếu tá...
Chiếc jeep quẹo phải đi vào con đường trải nhựa nhưng lồi lõm và khá nhiều ổ gà. Dân chúng đi lại thưa thớt. Tin cộng quân tấn công Ban Mê Thuột khiến cho người ta lo âu. Họ biết trước sau gì cũng tới phiên Pleiku và Kontum. Tiền pháo hậu xung. Chiến thuật đó được cộng quân lập đi lập lại hàng ngàn lần. Chỉ một ngày sau khi tấn công Ban Mê Thuột cộng quân đã pháo kích vào Pleiku và cường độ càng lúc càng tăng dần. Tuy không gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng trấn thủ nhưng lại gây ra sự hoang mang và sợ hãi cho dân chúng trong thành phố. Nhiều người chuẩn bị tản cư về Quy Nhơn, Nha Trang hoặc xa hơn Sài Gòn. Tuy nhiên chỉ có các gia đình giàu có và thân thế mới đi được bởi vì phương tiện tản cư duy nhất là máy bay của không quân hoặc Air Việt Nam. Còn đường bộ như quốc lộ 19 và 21 đều bị cộng quân cắt đứt.
Chiếc xe jeep chạy vào vào căn cứ Non Nước, nằm cách Kontum chừng mười cây số về phía tây bắc. Nhìn thấy một quân nhân bộ binh mang cấp bậc thiếu tá và mang phù hiệu của quân đoàn 1 người lính gác giơ tay chào.
- Tôi là thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của trung tướng Ngô Quang Trưởng tư lệnh quân khu 1. Tôi cần gặp đại tá Phạm Duy Tất...
Quan sát vị thiếu tá bộ binh giây lát người lính biệt động quân đưa tay chỉ.
- Thiếu tá đi vào ngôi nhà lớn đó sẽ có người tiếp thiếu tá...
Đào đi vào ngôi nhà bằng gạch cũ kỹ. Xuyên qua cửa sổ mở rộng anh thấy dăm người lính biệt động quân ngồi làm việc hoặc đi đi lại lại.
- Thiếu tá muốn gặp ai?
Một thiếu úy hỏi khi thấy Đào bước vào phòng.
- Tôi là sĩ quan đại diện của trung tướng Ngô Quang Trưởng. Tôi xin gặp đại tá chỉ huy trưởng...
- Thiếu tá vui lòng chờ giây lát...
Người thiếu úy bỏ đi rồi trở lại với một sĩ quan mang cấp bậc trung úy.
- Thiếu tá có hẹn trước với chỉ huy trưởng của tôi?
- Tôi không có hẹn trước nhưng trung tướng Ngô Quang Trưởng có gọi điện thoại cho thiếu tướng Giai...
Đào không thích nói dối nhưng vì tình thế khẩn trương và cấp bách nên anh đành phải bịa chuyện để công chuyện được trôi chảy.
Nghe vị sĩ quan cấp tá nhắc tới tên hai ông tướng tư lệnh, người trung úy biệt động quân đổi thái độ liền.
- Thiếu tá vui lòng ngồi chờ giây lát... Tôi xin vào trình với chỉ huy trưởng...
Bỏ đi chừng mươi phút vị trung úy trở lại cười nói với Đào.
- Mời thiếu tá... Chỉ huy trưởng đang đợi thiếu tá...
Đi sau vị trung úy biệt động quân Đào im lặng suy nghĩ. Thật sự anh chưa tìm ra cách nào để thuyết phục đại tá Tất ém mấy liên đoàn biệt động quân rồi sau đó rút về Nha Trang hay Tuy Hòa. Nếu tướng Phú cần biệt động quân để tái chiếm Ban Mê Thuột thời ông ta không thể không cung cấp. Ngoài ra còn một điều mà anh hy vọng sẽ xảy ra. Đó là việc tướng Giai đã nói chuyện hoặc ra lệnh ngầm cho đại tá Tất về kế hoạch ém quân và giấu quân. Nếu tướng Giai đã ra lệnh thời đại tá Tất phải tuân theo lệnh của cấp chỉ huy trực tiếp của mình.
- Thưa chỉ huy trưởng... Đây là thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của trung tướng Ngô Quang Trưởng...
Đào giơ tay chào vị chỉ huy trưởng biệt động quân của quân đoàn 2. Thay vì chào trả đại tá Tất vui vẻ bắt tay Đào.
- Tôi không biết lý do gì trung tướng Trưởng phái anh lên đây...
Ngừng lại giây lát ông ta nhìn người sĩ quan bộ binh đang ngồi trước mặt mình.
- Tướng Giai có điện thoại cho tôi...
Đào mừng thầm. Nếu tướng Giai đã nói chuyện rồi thời công việc của anh chắc sẽ dễ dàng hơn.
- Tướng Giai có bàn với tôi về việc bảo toàn lực lượng biệt động quân bằng cách bí mật rút về Quy Nhơn, Tuy Hòa hay Nha Trang. Tuy nhiên...
- Thưa đại tá... Tôi nghĩ đại tá không thể nào làm được chuyện đó trong tình thế sôi bỏng này...
- Tôi cũng nghĩ như anh... Là tư lệnh vùng tướng Phú có toàn quyền thuyên chuyển biệt động quân tới bất cứ nơi nào ông ta muốn. Mặc dù có lệnh của tướng Giai tôi cũng không thể cưỡng lệnh của tướng Phú...
Đào trầm ngâm. Anh biết tình trạng khó khăn của đại tá Tất. Nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ mà tướng Trưởng đã giao phó anh phải tìm cách khác.
- Thưa đại tá... Nếu không có chi phiền đại tá có thể cho tôi biết nội dung cuộc điện đàm giữa đại tá và tướng Giai...
Đại tá Tất cười vui vẻ.
- Cũng không có gì quan trọng và bí mật cần phải dấu giếm. Tướng Giai nói với tôi là có thể quân đoàn 2 sẽ triệt thoái về Nha Trang do đó tôi cần phải bảo toàn các liên đoàn biệt động quân để sau đó lập vòng đai cố thủ Sài Gòn...
Đào mỉm cười. Thế là tướng Giai chưa tiết lộ cho đại tá Tất về cuộc hành quân Giải Phóng Miền Bắc của tướng Trưởng. Có lẽ ông ta không muốn tiết lộ hoặc sợ không dám tiết lộ bí mật trong lúc điện đàm.
- Thưa đại tá tôi không muốn làm mất thời giờ quý báu của đại tá. Tôi chỉ xin phép đại tá được ở lại đây cho tới lúc trở về Đà Nẳng...
- Chừng nào anh mới về Đà Nẳng...
- Thưa đại tá có thể mai hoặc mốt...
- Xin anh nói lại với trung tướng Trưởng là tôi sẽ cố gắng bảo toàn lực lượng của các liên đoàn biệt động quân. Anh cũng biết tôi chỉ là một sĩ quan cấp tá ít quyền hành...
Đào cười.
- Thưa đại tá... Tôi nghĩ tướng Trưởng hiểu điều đó và ổng sẽ không phiền trách đại tá đâu...
Ra khỏi phòng của đại tá Tất cảm thấy đói bụng và khát nước Đào hỏi thăm đường tới câu lạc bộ. Một người lính giơ tay chỉ đường.
- Câu lạc bộ của liên đoàn nằm sau bộ chỉ huy... Thiếu tá ra cửa xong quẹo mặt là thấy liền...
Mấy phút sau Đào bước vào câu lạc bộ của Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Quân Khu 2. Đó là một căn phòng khá rộng lợp tôn. Gọi một dĩa cơm sườn và ly nước đá chanh anh im lặng ăn uống. Đang ăn anh chợt nhìn ra cửa khi nghe có tiếng cười nói rồi hai người sĩ quan bước vào. Đi bên phải là một trung tá còn bên trái là một thiếu tá. Vị trung tá khoảng bốn mươi ngoài, mặc bộ quân phục rằn ri cũ và bạc màu. Còn vị thiếu tá trẻ hơn, tóc cắt ngắn và ăn mặc tươm tất hơn. Hai người tới ngồi vào chiếc bàn cạnh Đào. Trông thấy một sĩ quan cấp tá mặc quân phục hải quân, vị trung tá biệt động quân mỉm cười gật đầu chào. Đào cũng gật đầu chào.
- Trung tá thuộc liên đoàn mấy?
- Liên đoàn 23...
Vị thiếu tá xen lời.
- Ông này là trung tá Biên, liên đoàn trưởng liên đoàn 23, còn tôi là thiếu tá Thi, liên đoàn phó...
- Tôi là thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của trung tướng Trưởng...
Hai vị sĩ quan biệt động quân nhìn người đối thoại. Họ thầm thắc mắc về vị thế của một sĩ quan hải quân lại đại diện cho ông tướng vùng 2 mà lại hiện diện ở vùng 2.
- Tướng Trưởng phái tôi lên vùng 2 gặp đại tá Tất...
Hai sĩ quan biệt động quân im lặng. Họ biết phải có chuyện gì đặc biệt lắm cho nên một ông tướng tư lệnh vùng 1 mới phái sĩ quan tin cẩn của mình tới gặp chỉ huy trưởng biệt động quân vùng 2. Nếu xin tăng viện hoặc hoán chuyển thời ông ta chỉ cần nói chuyện với bộ tổng tham mưu hoặc tướng Phú mà thôi.
- Trung tá và thiếu tá chắc nghe tin tụi nó tấn công Ban Mê Thuột...
Biên nhẹ gật đầu.
- Ban Mê Thuột đã thất thủ...
Mặc dù dã biết tin này nhưng anh lại làm như không biết tin thị trấn quan trọng nhất của miền cao nguyên lọt vào tay cộng quân...
- Rồi sẽ tới phiên Pleiku và Kontum. Tụi nó sẽ tiền pháo hậu xung vào hai vị trí sau cùng này. Chiếm đuợc cao nguyên tụi nó sẽ mở rộng hành lang tiếp vận và các sư đoàn chủ lực sẽ tràn xuống vùng duyên hải và nhất là Sài Gòn. Ban Mê Thuột mất kéo theo sự triệt thoái của vùng 2. Vùng 2 mất thời vùng 1 không đứng vững được cũng như vùng 3 sẽ chịu một áp lực nặng nề và có cơ bị bao vây...
- Đó là lý do tướng Trưởng phái tôi lên vùng 2. Trung tá và thiếu tá muốn nghe tôi nói chi tiết về chuyện tướng Trưởng phái tôi lên vùng 2...
- Mời anh...
Biên nói gọn. Đào liếc nhanh một vòng quanh câu lạc bộ.
- Ở đây không tiện lắm...
- Anh an tâm... Biệt động quân chúng tôi không để cho thằng Việt Cộng nào vào đây nghe lén chuyện của anh cũng như không người lính biệt động quân nào làm nội tuyến cho Việt Cộng...
- Tôi cần một chỗ kín đáo và yên tịnh để trình bày cho hai anh nghe một bí mật quân sự...
Đào ngừng nói. Nhìn nét mặt nghiêm nghị của người đối thoại, Biên và Thi biết phải có chuyện gì quan trọng và khẩn cấp.
- Ba chúng ta về phòng làm việc của tôi...
Đào gọi người tính tiền. Thi khoát tay.
- Anh để tôi lo...
Ba người ra cửa. Tiếng động rì rầm trên cao như là tiếng phi cơ.
- Ở đây có bị pháo không anh?
- Chỉ mới gần đây thôi. Thường thường thời các tiểu đoàn của chúng tôi đóng giữ các vị trí cho nên tụi nó ít khi về lắm. Tuần lễ nay các đơn vị thám báo và trinh sát của liên đoàn báo cáo sự xuất hiện của các sư đoàn chủ lực...
Đào làm thinh không hỏi nữa. Ba người bước vào một căn phòng bày biện đơn sơ.
- Mời anh ngồi...
Đào ngồi vào chiếc ghế bằng cây cũ kỹ. Biên và Thi ngồi đối diện với khách.
- Mời anh cho nghe bí mật quân sự...
Biên cười nhìn Đào. Vị thiếu tá sĩ quan đại diện của tướng Trưởng buông gọn.
- Hai anh có nghe tin tổng thống Thiệu sẽ bỏ vùng 1 và vùng 2...?
Trong lúc nói Đào nhận thấy sự thay đổi trên khuôn mặt của hai người sĩ quan biệt động quân.
- Cách đây mấy ngày bộ tư lệnh vùng 1 có mở một cuộc họp bí mật ở Đà Nẳng. Cuộc họp này gồm đại diện của vùng 2 chiến thuật, không quân, hải quân, biệt động quân, dù và thủy quân lục chiến. Trong buổi họp vị đại diện của bộ tư lệnh vùng 1 tiết lộ một nguồn tin đáng tin cậy là ông Thiệu sẽ bỏ vùng 1 và vùng 2...
- Tại sao lại bỏ vùng 1 và vùng 2?
Biên cất tiếng hỏi. Đào cười lắc đầu.
- Điều đó tôi không được biết lý do. Tướng Trưởng chỉ nói là nếu vùng 1 và vùng 2 lọt vào tay Việt Cộng thời sớm muộn gì vùng 3 cũng sẽ thất thủ và Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta có nguy cơ bị xụp đổ...
- Tôi đồng ý với tướng Trưởng về nhận định này. Tuy nhiên...
Ngừng lại giây lát như ngẫm nghĩ điều gì Biên nhìn Đào.
- Tôi có quen với thiếu tướng Giai. Nếu không có chi phiền anh đợi tôi nói chuyện với ông ta xong sẽ bàn tiếp...
Đào cười nhẹ.
- Anh cứ tự nhiên...
Biên bỏ đi. Chừng mười lăm phút sau anh trở lại với nét mặt nghiêm trọng pha lẫn buồn rầu. Dù không nghe được cuộc điện đàm giữa Biên với tướng Giai, Đào cũng biết vị tư lệnh biệt động quân có thể đã bật mí về tin triệt thoái khỏi vùng 1 và 2 của ông Thiệu.
Vừa ngồi vào ghế Biên nhìn Đào.
- Anh nói đúng... Tướng Giai nói với tôi về tin đồn bỏ vùng 1 và 2 của ông Thiệu. Một nhân viên cao cấp trong dinh Độc Lập vốn quen biết với ông Giai đã xác nhận điều này... Mời anh cho nghe tiếp về buổi họp của các vị đại diện...
Đào mỉm cười. Anh thầm thích thú khi nghe Biên nói. Vị trung tá liên đoàn trưởng biệt động quân có vẻ chú tâm vào tình hình của đất nước.
- Trong buổi họp vị đại diện cho bộ tư lệnh vùng 1 có nói là tướng Trưởng đưa ra một kế hoạch có thể làm thay đổi cục diện của nước ta. Kế hoạch của ông ta chia ra làm ba giai đoạn: thứ nhất là dụ cáo lìa rừng, thứ nhì là bảo quân an tướng và thứ ba là giải phóng miền bắc...
Thi há miệng ra vì kinh ngạc còn Biên nắm chặt mép bàn. Giọng nói của Đào vang lên từ từ trong căn phòng im lặng.
- Hai anh cũng biết cộng sản là con cáo già tinh khôn và xảo quyệt. Bấy lâu nay ta khó nhọc săn tìm mà cũng không diệt được nó. Nay nhân cơ hội ông Thiệu muốn bỏ vùng 1 và 2 để rút về cố thủ miền đồng bằng ta dụ con cáo già cộng sản rời bỏ rừng núi về đồng bằng hay thành thị. Các sư đoàn chánh qui của tụi nó đã bỏ trống miền bắc để tiến sâu vào miền nam. Bỏ cho chúng nó lấy miền nam xong bất thần ta tung toàn bộ lực lượng đánh miền bắc và nhất là Hà Nội, bao vây đám lãnh đạo của tụi nó thời các sư đoàn chính qui phải chạy bộ về bắc để cứu nguy...
Thi nói trong tiếng cười ha hả.
- Tôi chịu kế của ông Trưởng lắm... Đó là cách vây Ngụy để cứu Triệu...
- Anh nói đúng... Nếu không bắt được đám Lê Duẩn hoặc Lê Đức Thọ thời ta cũng giải được nguy cơ mất Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta...
Đào nói với Thi. Biên cười nhìn Đào.
- Để tôi gọi trung tá Dậu, liên đoàn trưởng liên đoàn 21 tới đây nghe anh nói về kế hoạch của ông Trưởng...
Dù không nói ra Đào cũng mừng thầm. Tuy cấp bậc không cao và chức vụ không lớn lắm nhưng các liên đoàn trưởng là cấp chỉ huy trực tiếp các tiểu đoàn biệt động quân. Nếu bằng lòng hợp tác họ có thể xếp đặt để dấu, ém hoặc bảo toàn lực lượng của biệt động quân trong lúc triệt thoái khỏi vùng 2.
Biên trở lại với nét mặt tươi tỉnh hơn một chút.
- Chút nữa ông ta sẽ tới...
Khoảng mười mấy phút sau Đào nghe có tiếng xe jeep ngừng cùng với tiếng cười nói của hai người. Hai sĩ quan cấp tá lừng lững bước vào. Biên cười giới thiệu.
- Đây là trung tá Lê Quý Dậu, liên đoàn trưởng liên đoàn 21 và thiếu tá Trang, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 72 . Còn đây là thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của tướng Trưởng. Mình cứ gọi nhau bằng anh em cho thân mật. Dù là biệt động quân hay hải quân thời chúng ta cũng là lính...
Mọi người bắt tay chào hỏi với nhau. Biên mở đầu.
- Để tiếp tục câu chuyện tôi xin mời Đào nói về kế hoạch của tướng Trưởng...
- Tướng Trưởng và bộ tham mưu quân khu 1 đặt tên cho cuộc hành quân giải phóng miền bắc là Sinh Nam Tử Bắc...
Bốn sĩ quan biệt động quân nhìn nhau. Sau đó trung tá Dậu, liên đoàn trưởng liên đoàn 21 gật gù.
- Sinh Nam Tử Bắc... Tôi ưng cái tên này lắm...
Trang, tiểu đoàn trưởng 72, người sĩ quan trẻ tuổi cười ha hả.
- Tụi nó có sinh bắc tử nam thời mình lấy Sinh Nam Tử Bắc là đúng sách vở rồi...
- Sinh Nam Tử Bắc có nghĩa là đi không có trở về...
Biên, liên đoàn trưởng liên đoàn 23 lên tiếng. Đào cười gật đầu.
- Đây là cuộc hành quân quyết tử hay không có trở về. Đúng ngày giờ ấn định một sư đoàn bộ binh, có thể là sư đoàn 22 sẽ đổ bộ lên Nghệ An và đánh chiếm thành phố Vinh đồng thời kiểm soát phi trường để cho các vận tải cơ C130 đáp xuống lấy nhiên liệu. Sau khi lấy xăng các C130 sẽ thả sư đoàn nhảy dù và liên đoàn biệt cách dù xuống Hà Nội... Tướng Trưởng và các sĩ quan tham mưu của ông gọi là trăm hoa đua nở trên đất bắc...
Đào mỉm cười khi thấy hai ông thiếu tá biệt động hít hà. Chỉ có Biên và Dậu lớn tuổi và trầm tỉnh hơn nên chỉ mỉm cười im lặng.
- Cũng cùng thời gian đó ba cánh quân, thứ nhất là biệt động quân sẽ đổ bộ lên...
Nhìn Biên Đào nói nhỏ.
- Tôi xin anh tấm bản đồ...
Trải tấm bản đồ nước Việt Nam lên bàn Đào chỉ ngay vào địa điểm Hải Phòng.
- Là một trong những thành phần cốt cán, biệt động quân sẽ đổ bộ lên Hải Phòng đoạn noi theo quốc lộ 5 tấn kích vào mặt đông và đông bắc Hà Nội. Trong lúc đó thủy quân lục chiến, sư đoàn 1, 2, 3 và một sư đoàn tân lập sẽ đổ bộ lên vùng Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Sư đoàn 3 sẽ đánh chiếm Ninh Bình làm nút chặn không cho cánh quân chủ lực của địch từ Thanh Hóa rút về giải vây Hà Nội. Sư đoàn 1, 2, sư đoàn tân lập và thủy quân lục chiến sẽ chịu trách nhiệm tấn công vào mặt nam và đông nam Hà Nội. Các cánh quân đều được yểm trợ bởi thiết giáp và pháo binh...
Đào ngừng lại nhìn mọi người. Thi đặt ly nước lạnh trước mặt Đào.
- Anh uống cho thông cổ...
Đào hớp một ngụm nhỏ.
- Cám ơn anh... Tướng Trưởng có nói là cuộc tấn công chớp nhoáng này phải hoàn thành trong vòng năm ngày. Nếu không các sư đoàn của tụi nó ở mặt nam hay bắc sẽ rút về giải cứu cho Hà Nội...
Biên gật gù cười.
- Tôi đồng ý... Phải đánh mau, đánh mạnh, chấp nhận thiệt hại để giải quyết chiến trường. Bởi vậy tướng Trưởng mới chọn các đơn vị như biệt động quân, dù và thủy quân lục chiến. Ba mặt tấn kích cộng thêm biệt kích dù nhảy thẳng vào để bắt sống đám lãnh tụ. Bắt sống hay giết chết Võ nguyên Giáp, Lê Duẫn và Lê Đức Thọ là quân lực miền bắc sẽ buông vũ khí đầu hàng...
Dậu gõ ngón tay trỏ lên mặt bàn.
- Làm được chuyện đó không phải dễ nghe anh. Muốn điều động ngần ấy đơn vị là ta phải qua mặt được tụi xịa, tình báo Bắc Việt và Nga Tàu...
- Anh Biên luận đúng mà anh Dậu nói cũng không sai. Tuy nhiên muốn bắt được đám đầu sỏ Bắc Việt ta phải có quân lực. Nếu Việt Nam Cộng Hoà tan hàng thời ta lấy lính tráng ở đâu để đánh ra bắc...
Trang nhập cuộc bằng câu nói này. Hớp ngụm nước nữa Đào cười cười nhìn Trang.
- Đó là lý do tướng Trưởng phái tôi lên vùng 2 gặp lại tướng Phú và đại tá Tất... Biệt động quân là một trong những cách quân chủ lực đánh vào Hà Nội...
Đào mỉm cười khi liếc thấy nụ cười thích thú nở trên môi của Trang.
- Không phải tôi khen tặng hay nịnh các anh nhưng thành thật mà nói thời biệt động quân vừa thiện chiến vừa có quân số đông hơn dù và thủy quân lục chiến. Bởi thế tướng Trưởng mới nói với tôi là cuộc hành quân giải phóng miền bắc không thành nếu thiếu sự hiện diện của biệt động quân. Vùng 1 có các liên đoàn 11, 12, 14, 15; vùng 2 có năm liên đoàn 21, 22, 23, 24, 25; vùng 3 có các liên đoàn 31, 32, 33; ngoài ra còn có các liên đoàn tổng trừ bị như 4, 6, 7 và 8. Nếu bảo toàn được lực lượng của 45 tiểu đoàn biệt động quân cộng thêm sư đoàn dù và thủy quân lục chiến; ta có thể đánh tan các sư đoàn đang trú đóng ở miền bắc của cộng quân...
Ngừng lại hớp ngụm nước Đào nghiêm giọng hỏi hai ông liên đoàn trưởng:
- Nếu có lịnh triệt thoái khỏi vùng 2 thời các anh phải làm sao?
Hai ông liên đoàn trưởng biệt động quân, người nào lon lá cũng đều được gắn từ mặt trận, có ít nhất mười lăm năm quân vụ và kinh nghiệm đánh giặc đầy mình, lại im lìm trước câu hỏi của Đào. Không phải họ không biết trả lời, nhưng vì câu hỏi bất ngờ vả lại họ chưa bao giờ nghĩ đến nên do dự chưa chịu trả lời. Cuối cùng Biên lên tiếng.
- Nếu bộ tổng tham mưu đã có lịnh triệt thoái khỏi vùng 2 thời chúng ta phải tuân hành...
Trả lời xong Biên nhìn Đào và bắt gặp người sĩ quan đại diện của tướng Trưởng đang nhìn mình mỉm cười.
- Dĩ nhiên là chúng ta phải thi hành. Các anh là dân đánh giặc cho nên cũng biết rút lui là việc khó khăn nhất của người chỉ huy...
Thi, liên đoàn phó của liên đoàn 23 gật gù còn hai ông liên đoàn trưởng im lặng.
- Quốc lộ 14, 19, 21 đều bị tụi nó kiểm soát thời các anh theo đường nào để về Bình Định, Qui Nhơn, Tuy Hoà hay Nha Trang? Từ Kontum, Pleiku về các thị trấn miền duyên hải xa mấy trăm cây số mà cầu sông Ba đã bị phá hủy cho nên ta không thể dùng quân xa để di chuyển. Vả lại dùng xe các anh sẽ làm mồi cho pháo, cho chiến xa và các nút chặn của địch. Làm thế nào các anh rút năm liên đoàn về Tuy Hoà mà không bị tổn thất nặng nề?
Hai liên đoàn trưởng, một liên đoàn phó, một tiểu đoàn trưởng, đều im lìm suy nghĩ. Họ thấy ngay cái thế nguy của mình. Đành rằng trong thế kẹt họ có thể mở đường máu để rút lui. Nhưng như thế là chấp nhận thiệt hại, là phải hy sinh mạng sống của binh sĩ và của chính mình. Đó là điều họ không muốn.
- Theo anh tụi cộng sản biết ta sẽ bỏ vùng 1?
Thi lên tiếng hỏi Đào. Vị sĩ quan đại diện của tướng Trưởng gật đầu.
- Theo ý kiến của tôi thời Bắc Việt biết ta sẽ rút bỏ cao nguyên. Rút bỏ vùng 1 và vùng 2 là do ý kiến của ông Thiệu hoặc ông ta làm theo lời của Mỹ. Các anh cũng biết là gián điệp của tụi nó nằm đầy trong dinh Độc Lập, trong bộ quốc phòng và bộ tổng tham mưu nữa. Hoặc giả người Mỹ cũng có thể thông báo cho Bắc Việt biết ý định bỏ miền nam của họ. Dù với bất cứ lý do nào thời vùng 1 và 2 sẽ bị rút bỏ rồi có thể kéo theo sự xụp đổ của vùng 3 và toàn thể miền nam của chúng ta. Đây là cơ hội tốt cho Bắc Việt đánh tan các sư đoàn tinh nhuệ của ta...
Trang góp chuyện.
- Cái khó của bọn ta là phải thi hành lệnh của cấp chỉ huy đồng thời phải tránh bị tổn thất. Mở đường máu rút lui mà không chạm địch thời không được...
- Các anh có đọc truyện Tam Quốc không?
Đào hỏi trong lúc nhìn Biên. Không những vị liên đoàn trưởng liên đoàn 23 mà ba người kia đều nhìn Đào khi nghe câu hỏi lạc đề này. Họ đang bàn tính chuyện rút lui, hoặc đánh nhau với cộng sản thời ăn nhập hoặc dây dưa gì với chuyện Tam Quốc xưa như trái đất.
Biên do dự chưa kịp trả lời Dậu nói gọn.
- Tôi có đọc nhưng mà...
- Nếu có đọc chắc anh còn nhớ câu " Minh tu san đạo ám độ Trần Thương " . Ta có thể bắt chước cách thức của Khổng Minh trong việc bảo toàn lực lượng của các liên đoàn biệt động quân khi triệt thoái khỏi cao nguyên. Từ Pleiku chỉ có một con đường duy nhất về Qui Nhơn là quốc lộ 19. VC biết ta sẽ rút theo con đường này...
- Tôi hiểu...
Biên và Dậu cùng lên tiếng rồi Dậu nhìn Biên.
- Anh nói trước đi...
Cười chúm chiếm Biên thấp giọng.
- Tụi nó biết ta sẽ đi theo quốc lộ 19 nên dàn binh chờ sẵn. Ta giả vờ đi nhưng sau đó kiếm ngã khác. Đó là minh tu san đạo ám độ Trần Thương...
Biên cười ha hả sau khi nói xong. Dậu mỉm cười nhìn mọi người nhưng giọng nói lại nghiêm nghị.
- Điều khó là ngã nào để ta ám độ đây...
Ngừng lại giây lát vị liên đoàn trưởng liên đoàn 21 từ từ tiếp.
- Từ Kontum về Tuy Hòa có nhiều đường nhỏ nhưng không có nghĩa là không nguy hiểm. Đi lạng quạng là đụng tụi nó liền. Mà đụng là bể...
Đào lên tiếng.
- Chuyện triệt thoái về Tuy Hòa tôi để các anh lo. Điều quan trọng là các anh nên giữ liên lạc với bộ tư lệnh vùng 1 để khi nào các anh tới Qui Nhơn hay Tuy Hòa sẽ có tàu hải quân đón các anh về Phú Quốc hay Cần Thơ để đợi tới giờ xuất quân ra bắc. Năm liên đoàn của vùng 2 cộng thêm ba liên đoàn của vùng 1 và mấy liên đoàn của vùng 3 thời ít nhất ta cũng có một lực lượng tương đương với hai sư đoàn...
Chương 6
Chiếc trực thăng bốc lên cao. Từ khi rời khỏi dinh Độc Lập, tướng Trưởng im lặng không nói lời nào. Khuôn mặt vốn khắc khổ của ông lại càng thêm khắc khổ và câm nín như một pho tượng. Ngồi trong lòng phi cơ Vinh cúi nhìn thành phố Sài Gòn. Tự dưng anh có cảm tưởng như đây là lần cuối cùng trở lại và nhìn ngắm thành phố thân yêu của mình.
- Ông Thiệu bảo tôi phải bỏ vùng 1...
Dù đã đoán được, Vinh vẫn cảm thấy như cánh quạt của chiếc trực thăng ngừng quay và phi cơ rơi vùn vụt xuống đất.
- Phải bỏ vùng 1 và bỏ thật gấp...
- Ổng có nêu lý do thưa trung tướng?
- Ổng bảo Mỹ cúp viện trợ cho nên mình không có tiền bạc để trang bị cho vùng 1 và 2. Vùng 2 của tướng Phú sẽ triệt thoái khỏi cao nguyên và rút về đóng giữ Tuy Hoà rồi sau đó tái chiếm Ban Mê Thuột. Ranh giới mới của mình sẽ lằn ranh từ Tuy Hòa chạy lên tới Ban Mê Thuột. Tuy nhiên...
Dù tướng Trưởng không nói hết nhưng Vinh hiểu. Mất Ban Mê Thuột thời liệu Pleiku và Kontum có đứng vững được không trước sức tấn công khốc liệt của các sư đoàn chánh qui của cộng sản. Mất vùng 1 thời liệu Tuy Hòa có yên ổn được không. Ông Thiệu chắc quên mất cái thế " môi hở thời răng lạnh ". Biên giới của quốc gia càng ngày càng thu nhỏ lại. Nghĩ tới đó Vinh ứa nước mắt. Giọng của tướng Trưởng vang lên nhỏ và có chiều mệt mỏi.
- Tướng Phú sẽ triệt thoái khỏi cao nguyên xong chỉnh đốn hàng ngũ để tái chiếm Ban Mê Thuột...
Vinh nói trong lúc nhìn xuống phi trường Tân Sơn Nhất:
- Thưa trung tướng, tôi không tin ta đủ sức tái chiếm Ban Mê Thuột mà có chiếm được cũng không thể giữ được... Mình ghé đâu thưa trung tướng...
Vị tư lệnh quân khu 1 nhìn Vinh.
- Tôi định gặp ông Cang nhưng không muốn cho ai biết...
Vinh cười nhẹ.
- Trung tướng tháo sao ra rồi mình đón tắc xi tới bộ tư lệnh hải quân...
Vinh thấy được nụ cười hiếm hoi nở trên khuôn mặt khắc khổ và trầm lặng của vị tư lệnh của mình. Dường như ông ta thích thú về đề nghị của người sĩ quan tin cẩn.
- Được đó... Mình làm ông Cang ngạc nhiên chơi...
Trực thăng từ từ đáp xuống một bãi đất trống cạnh phi đạo trong phi trường Tân Sơn Nhất. Tháo ba ngôi sao trên cổ áo cũng như trên cầu vai xuống bỏ vào túi, tướng Trưởng và Vinh bước ra khỏi trực thăng.
- Mình đi hả Vinh...
Tướng Trưởng nói nhỏ. Vinh cười gật đầu. Anh không cần phải tháo gở cấp bậc của mình bởi vì một sĩ quan cấp tá không quan trọng lắm. Hai người đi từ từ ra cổng. Tướng Trưởng đứng nhìn dòng xe cộ lưu thông.
- Sài Gòn vẫn không khác lắm... Người ta vẫn sống, vẫn ăn chơi...
Chiếc tắc xi trờ tới. Vinh mở cửa cho tướng Trưởng. Hai người chui vào. Chiếc tắc xi nhập vào vòng xe cộ. Vinh nói với người tài xế.
- Anh cho tôi tới bến Bạch Đằng...
Tướng Trưởng và Vinh im lặng ngắm cảnh phố phường. Họ không trò chuyện vì không muốn cho người tài xế biết mình là ai. Chiếc tắc xi dừng nơi bờ sông. Trả tiền rồi thầy trò đi dài theo bờ sông Sài Gòn. Mấy chiến hạm hải quân lớp cập cầu lớp bỏ neo chính giữa sông. Tới cổng Vinh nói với người trung sĩ điếm trưởng.
- Tôi là trung tá Vinh ở quân khu 1. Tôi muốn gặp thiếu tá Đào, sĩ quan tùy viên của phó đô đốc Chung Tấn Cang...
Nhìn thấy hai bông mai bạc nơi cổ áo của vị sĩ quan bộ binh, người trung sĩ kính cẩn nói.
- Trung tá vui lòng chờ một chút để tôi gọi máy vào phòng sĩ quan trực...
Chừng mươi phút sau Vinh và tướng Trưởng thấy một sĩ quan hải quân mang cấp bậc đại úy đi ra.
- Tôi là đại úy Bình... Thiếu tá Đào đã đi công tác. Không biết tôi giúp gì được cho thiếu tá...
Kéo Bình ra xa Vinh thì thầm. Bình liếc nhanh người lính bộ binh không có mang cấp bậc đoạn nói nhỏ.
- Trung tá vui lòng chờ để tôi vào trình với tư lệnh...
Lát sau Bình trở ra. Giơ tay chào kính người lính không mang cấp bậc anh nói nhỏ.
- Kính mời trung tướng theo tôi...
Bình đi trước dẫn đường. Vừa đi anh vừa ngạc nhiên và thắc mắc về sự hiện diện đột ngột của người lính bộ binh không mang cấp bậc mà vị thiếu tá nói là trung tướng. Ba người đi quanh co rồi lát sau vào tới cổng sau của dinh tư lệnh hải quân. Phó đề đốc Cang mặc quân phục chờ sẵn. Giơ tay bắt tay người lính bộ binh không mang cấp bậc, ông ta cười.
- Chào anh... Tôi định điện thoại cho anh thời may quá lại gặp anh ở đây...
Phó đô đốc Cang thân đưa khách vào phòng làm việc.
- Anh Bình hãy nói chuyện với Vinh giây lát...
Hiểu ý Bình mời Vinh qua phòng làm việc của mình.
- Tôi vừa gặp ông Thiệu...
Tướng Ttrưởng nói trong lúc ngồi xuống chiếc ghế bành bằng da.
- Ông ta ra lệnh cho tôi phải rút khỏi vùng 1 ngay ngày hôm nay...
Phó đô đốc Cang nhìn lên tấm lịch treo trên tường.
- Hôm nay là 13 tháng 3... Có chuyện gì mà ổng lại ra lệnh cho anh rút lẹ quá... Dẫu Ban Mê Thuột bị mất ta cũng còn đầy đủ lực lượng mà... Phải có gì bí ẩn...
Tướng Trưởng thở dài.
- Không chừng ông Thiệu làm theo lệnh của người Mỹ... Họ muốn phủi tay cho nhanh, gọn và cho sạch...
Thấy tướng Trưởng có vẻ buồn, phó đô đốc Cang an ủi.
- Thôi anh đừng buồn... Còn nước ta còn tát. Vả lại chuyện triệt thoái cũng nằm trong kế dụ cáo lìa rừng của anh mà. Bây giờ anh muốn tôi làm gì?
- Tôi cần anh điều động hết tàu bè của hải quân ra vùng 1 để đón sư đoàn dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến và các sư đoàn 1, 2, 3 và 22. Ông Thiệu muốn tôi rút ngay nhưng ta có thể tìm cách hoản binh để xếp đặt chu đáo cuộc triệt thoái. Tối hôm nay khi về tới Đà Nẳng tôi sẽ gọi điện thoại xin với ông Viên cho tôi được giữ Huế hoặc Đà Nẳng. Đó là cách dục hoản cầu mưu...
Tướng Trưởng nói một hơi dài. Phó đô đốc Cang cười nhẹ.
- Tàu chuyên chở của hải quân hiện đang có mặt ở Nha Trang và Đà Nẳng. Anh còn gặp ai nữa không trước khi về?
- Có lẽ không... Tôi sẽ điện đàm với ông Minh sau...
Dứt lời tướng Trưởng đứng lên. Cuộc nói chuyện giữa hai vị tư lệnh xảy ra không đầy mười phút. Phó đô đốc Cang thân đưa khách ra tận cổng. Đứng nhìn theo bóng tướng Trưởng ông ta khẽ thở dài.
Về tới bộ tư lệnh quân khu 1, Đào mới biết tướng Trưởng và Vinh đã vào Sài Gòn gặp tổng thống Thiệu. Ngẫm nghĩ giây lát anh mượn chiếc jeep tới Tiên Sa, nơi đặt bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải. Chờ khoảng nửa tiếng đồng hồ anh mới gặp phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Sau đó anh vào trung tâm truyền tin gọi về bộ tư lệnh hải quân ở Sài Gòn. Xuyên qua cuộc điện đàm với vị tư lệnh của mình, anh mới biết tướng Trưởng đang trên đường trở lại Đà Nẳng. Phó đô đốc Cang còn nói cho anh biết về lệnh bỏ vùng 1 của ông Thiệu.
Tướng Trưởng im lặng nghe Đào tường trình về chuyến công tác vùng 2. Ông hơi tươi nét mặt khi nghe Đào thuật lại cuộc họp với hai liên đoàn trưởng 21 và 23 của biệt động quân ở Pleiku.
- Hùng nghĩ sao?
Tướng Trưởng hỏi vị tham mưu trưởng của mình.
- Thưa trung tướng. Đây là cơ hội tốt cho ta. Đại tá Tất tuy tiếng là chỉ huy trưởng biệt động quân vùng 2 nhưng thực quyền nằm trong tay năm liên đoàn trưởng. Tôi xin phép trung tướng được điện đàm với họ để thảo luận một cách chi tiết về cuộc triệt thoái của biệt động quân khỏi cao nguyên. Trung tướng muốn họ về đâu?
Không đợi cho tướng Trưởng trả lời, chuẩn tướng Hùng tiếp nhanh.
- Theo tôi thời các liên đoàn biệt động ở Kontum nên dùng đường 24 đi về Quảng Ngải rồi men theo lộ 669 về An Khê... Họ có thể phải nhổ chốt của tụi nó ở đèo An Khê...
Tướng Trưởng gật đầu.
- Lui binh trong hoàn cảnh như vậy ta phải chấp nhận thiệt hại. Nếu chạm các đơn vị nhỏ thời họ có thể vượt qua và ít bị tổn thất hơn là đụng với các sư đoàn chính qui... Bảo với họ là về tới Qui Nhơn sẽ có tàu hải quân đón họ về Phú Quốc dưỡng sức... Đào lo chuyện đó nghe... Còn Hùng đi nói chuyện với họ gấp vì ta không còn nhiều thời giờ...
Chuẩn tướng Hùng và Đào rời phòng. Tướng Trưởng nói với Vinh.
- Ông Thiệu bảo tôi trả sư đoàn Dù về Sài Gòn...
- Thưa trung tướng... Đúng như điều mà ta đã liệu định. Nhân danh trung tướng tôi đã thành lập xong một sư đoàn Dù giả mà thành phần cốt cán là tám tiểu đoàn địa phương quân. Quân phục của họ do sư đoàn Dù cung cấp. Sư đoàn Dù giả này sẵn sàng để giao cho tướng Lưỡng...
Tướng Trưởng có vẻ trầm tư nghĩ ngợi sau khi nghe Vinh trình bày.
- Tướng Lưỡng là một quân nhân mẫu mực và tôn trọng kỷ luật. Có thể ông ta sẽ...
Vinh hiểu cái hàm ý của vị tư lệnh của mình.
- Thưa trung tướng tôi cũng nghĩ như thế. Để tránh làm hỏng kế hoạch bắc tiến ta phải tiên hạ thủ vi cường...
Vinh ngừng lại nhìn tướng Trưởng. Anh hơi mỉm cười vì một ý nghĩ vừa nảy sinh ra trong trí của mình.
- Nhân chuyện đưa Dù về Sài Gòn tại sao ta không rút đi một vài tiểu đoàn Biệt Động Quân...
Tướng Trưởng cười nhẹ:
- Vinh có ý kiến hay. Việc này anh để cho Vinh toàn quyền quyết định...
- Trung tướng nên điện thoại cho ông Lưỡng bảo sẵn sàng để tàu hải quân bốc hết sư đoàn Dù về Bình Thủy giao cho tướng Nam. Làm như thế là ta đặt ông ta trước sự đã rồi và bắt buộc ông ta phải nhận chỉ huy sư đoàn Dù giả về Sài Gòn...
- Hay lắm... Tôi sẽ gọi điện thoại cho tướng Lưỡng còn Vinh đi gặp Đào để chuẩn bị tàu...
Tuân lệnh Vinh tới phòng hành quân. Gặp nhau Vinh kéo Đào vào góc phòng thì thầm.
- Anh đừng lo... Bốn chiếc HQ 500, 501, 502, 504 đủ bốc sư đoàn Dù và Biệt Động Quân về Cần Thơ. Bốn chiếc tàu này hiện đang có mặt ở Đà Nẳng. Tôi sẽ điện thoại cho ông Thoại ngay. Anh muốn tàu đón ở đâu?
- Tôi phải hỏi ý kiến của tướng Trưởng. Ổng đang nói chuyện với ông Lưỡng...
- Theo tôi thời các tàu của hải quân bốc sư đoàn Dù ở cửa Thuận An là tiện nhất...
- Anh là hải quân cho nên tôi sẽ bàn với tướng Trưởng về ý kiến của anh...
Suy nghĩ giây lát Vinh nói với Đào.
- Anh cứ liên lạc với các chiến hạm đón lính Dù ở Thuận An đi. Tôi nghĩ ông Trưởng sẽ nghe theo ý kiến của anh...
Đào nhấc điện thoại liên lạc với bộ tư lệnh hải quân vùng 1. Lát sau anh nói với Vinh.
- Xong... Tàu hải quân sẽ có mặt ở Thuận An đúng 6 giờ sáng ngày mốt...
Chương 7
Buổi họp của tướng Phú chỉ có một người tham dự. Đó là đại tá Phạm Duy Tất, chỉ huy trưởng biệt động quân quân khu 2. Tướng Phú nói trong lúc bước vào phòng.
- Anh đã biết về sự thất thủ của Ban Mê Thuột. Anh chuyển liên đoàn 21 biệt động quân xuống Ban Mê Thuột chưa?
Đại tá Tất trả lời nhanh.
- Thưa thiếu tướng hai tiểu đoàn 72 và 96 thuộc liên đoàn 21 của trung tá Dậu đang có mặt ở Buôn Hồ...
Ngừng lại nhìn vị sĩ quan biệt động quân giây lát tướng Phú chậm chạp lên tiếng.
- Tối hôm qua tôi có nói chuyện với một người quen ở bộ tổng tham mưu và ông ta có đề cập với tôi về nguồn tin tổng thống Thiệu sẽ triệt thoái khỏi vùng 1 và 2...
Tướng Phú ngừng lại khi thấy đại tá Tất không tỏ vẻ ngạc nhiên về lời nói của mình.
- Thưa thiếu tướng, tôi cũng đã nghe tin đồn này từ thiếu tướng Giai...
- Anh nghe tướng Giai nói hồi nào?
- Hôm kia thưa thiếu tướng...
Tướng Phú cười nhưng là nụ cười buồn.
- Hôm kia là tin đồn nhưng bây giờ tin đó là sự thực. Người nói với tôi về quyết định bỏ vùng 1 và 2 của tổng thống Thiệu chính là thủ tướng Khiêm...
Vị tư lệnh quân khu 2 ngừng lại hớp ngụm nước xong bật lửa đốt điếu thuốc.
- Sáng hôm nay trong buổi họp tại dinh Độc Lập ông Thiệu đã trình bày với đại tướng Viên, thủ tướng Khiêm và trung tướng Quang về một biên giới mới của Việt Nam Cộng Hoà. Đó là một đường ranh từ phía bắc tỉnh Tuy Hoà nơi vùng duyên hải chạy lên tới Ban Mê Thuột. Như vậy thời Kontum và Pleiku, Huế, Đà Nẳng, Quảng Nam, Quảng Ngải sẽ lọt vào tay cộng sản...
- Thiếu tướng biết ngày nào lệnh bỏ vùng 1 và 2 sẽ được thi hành?
Đại tá Tất hỏi và tướng Phú chầm chậm lắc đầu.
- Tôi không biết rõ ngày giờ nhưng chắc nay mai mà thôi...
Ngừng lại giây lát tướng Phú nhìn đại tá Tất.
- Tổng thống Thiệu sẽ thăng chức chuẩn tướng cho anh đồng thời để cho anh chỉ huy cuộc di tản khỏi cao nguyên. Phần tôi phải về Nha Trang chỉnh đốn hàng ngũ để tái chiếm Ban Mê Thuột...
Đại tá Tất nghe tướng Phú nhấn mạnh ở chữ " phải về Nha Trang ". Dường như ông ta bị bắt buộc phải tuân hành lệnh của thượng cấp.
- Cám ơn thiếu tướng... Thiếu tướng hãy xin với tổng thống Thiệu là nếu di tản thời cũng cho tôi chút thời giờ để chuẩn bị. Ít ra cũng phải hai ba tuần lễ nữa mới di tản được. Nếu lệnh ra gấp quá làm sao mình có đủ thời giờ để chuẩn bị...
Tướng Phú gật đầu.
- Tôi sẽ cố gắng tuy nhiên anh cũng biết là mình chỉ có quyền nêu ý kiến còn được chấp thuận hay không là chuyện khác. Ngoài ra anh cũng đừng tiết lộ tin di tản cho nhiều người biết...
Tướng Phú đưa tay ra dấu mời đại tá Tất uống nước.
- Di tản chiến thuật về Nha Trang xong ta chỉnh đốn hàng ngũ để tái chiếm Ban Mê Thuột...
Đại tá Tất nhìn tướng Phú.
- Nếu tổng thống Thiệu đã có ý định bỏ Pleiku và Kontum mà giữ Ban Mê Thuột thời tại sao không tập trung tất cả lực lượng của vùng 2 để giữ Ban Mê Thuột. Tôi muốn nói là tại sao không giữ Ban Mê Thuột ngay từ đầu mà lại để cho Ban Mê Thuột thất thủ rồi mới tính chuyện tái chiếm. Đây là một lỗi lầm chiến thuật thưa thiếu tướng...
Tướng Phú nhìn ra ngoài trời như không nghe câu nói của vị chỉ huy trưởng biệt động quân quân khu 2. Dường như có tiếng thở dài của tướng Phú mà đại tá Tất không nghe được.
- Tôi và một số sĩ quan tham mưu sẽ về Nha Trang trước để vẽ kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột. Chuyện triệt thoái tôi giao cho anh với chuẩn tướng Thân và đại tá Lý. Anh nhớ khi triệt thoái hãy cố gắng bảo toàn các đơn vị còn lại của sư đoàn 23, biệt động quân, thiết giáp và pháo binh. Không có họ ta không thể nào tái chiếm Ban Mê Thuột được...
- Thưa thiếu tướng tôi sẽ cố gắng...
Nói xong đại tá Tất kiếu từ. Ngồi trên trực thăng từ bộ tư lệnh quân khu 2 về Kontum ông ta miên man suy nghĩ. Ông ta nhớ lại cuộc điện đàm với tướng Giai. Trong cuộc điện đàm dài hơn nửa tiếng đồng hồ tướng Giai nói rất nhiều về tin bỏ vùng 1 và 2 của ông Thiệu. Ngoài ra tướng Giai còn căn dặn với ông là phải cố gắng bảo toàn lực lượng biệt động quân để cho tướng Trưởng dùng vào việc lớn sau này. Tướng Giai không hề nói tới chuyện tái chiếm Ban Mê Thuột. Dường như tướng Giai không nghĩ là ta đủ sức lấy lại Ban Mê Thuột. Dù được tăng viện, lực lượng quân khu 2 cũng không đủ sức chiếm lại Ban Mê Thuột từ tay cộng quân. Vả lại có lấy lại cũng không giữ lâu được bởi vì tiếp vận không có. Quốc lộ 21, con đường huyết mạch từ Nha Trang lên Ban Mê Thuột đã bị tụi nó đóng chốt hoặc phá hủy không cho xe cộ lưu thông.
Ngồi trên xe đại tá Tất suy nghĩ lan man. Ông nhớ lại cuộc nói chuyện với Đào. Sự có mặt của người sĩ quan đại diện của tướng Trưởng ở Pleiku phải có lý do đặc biệt. Phải chăng có dính dáng tới chuyện mà tướng Giai đã căn dặn cho ông phải bảo toàn lực lượng của biệt động quân để cho tướng Trưởng dùng vào việc lớn sau này. Việc đó là việc gì?
Vừa vào tới văn phòng, đại tá Tất nói với thiếu úy Nhân, sĩ quan tùy viên của mình.
- Gọi hai ông Dậu và Biên tới gặp tôi lập tức...
Nửa giờ sau trung tá Biên và Dậu tới. Đại tá Tất vui vẻ mời hai sĩ quan dưới quyền của mình ngồi.
- Tôi vừa gặp tướng Phú và ông ta cho tôi biết về lệnh bỏ vùng 1 và 2 của tổng thống Thiệu...
Vị chỉ huy trưởng biệt động quân nhận thấy hai liên đoàn trưởng có thái độ bình tỉnh thay vì ngạc nhiên hoặc sửng sốt. Đột nhiên ông ta nhớ tới thiếu tá Đào.
- Hai anh có gặp thiếu tá Đào, sĩ quan đại diện của tướng Trưởng?
Biên và Dậu nhìn nhau hội ý rồi sau cùng trung tá Dậu trả lời.
- Thưa đại tá... Chúng tôi có nói chuyện với thiếu tá Đào. Ông ta có đề cập tới chuyện bỏ vùng 1 và 2...
Đại tá Tất gật gù.
- Tôi cũng có nói chuyện với tướng Giai. Ông ta căn dặn tôi về việc bảo toàn lực lượng của quân khu 2 đặc biệt là biệt động quân, thiết giáp và pháo binh để giao cho tướng Trưởng dùng vào việc lớn sau này...
Ngừng lại nhìn hai vị sĩ quan dưới quyền chỉ huy của mình, đại tá Tất nghiêm giọng.
- Đã nói chuyện với thiếu tá Đào hai anh phải biết tướng Trưởng tính chuyện gì. Tôi cần biết rõ để bàn luận cách thức bảo toàn lực lượng của ta... À tôi quên chưa nói cho hai anh biết là tướng Phú sẽ xin với tổng thống Thiệu thăng cấp cho tôi đồng thời giao cho tôi chỉ huy cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên...
- Thiếu tá Đào có nói là tướng Trưởng sẽ lập một vòng đai cố thủ để bảo vệ vùng 3 và Sài Gòn. Ngoài ra sẽ rút về vùng 4 để tiếp tục chiến đấu nếu Sài Gòn bị thất thủ...
Trung tá Dậu không hiểu tại sao mình lại nói ra câu đó. Dường như ông muốn dấu không cho cấp chỉ huy của mình biết kế hoạch Giải Phóng Miền Bắc của tướng Trưởng. Có lẽ hiểu được ý của bạn cho nên Biên mới thêm vào.
- Thiếu tá Đào còn nói thêm là binh chủng của chúng ta có bốn mươi lăm tiểu đoàn cho nên là một lực lượng trừ bị thiện chiến và đông đảo rất cần cho việc phòng thủ vùng 3 và Sài Gòn...
Đại tá Tất cười.
- Ít ra ông ta cũng nhìn ra được là sau khi vùng 1 và 2 bị bỏ thời cộng quân sẽ bao vây và đánh chiếm Sài Gòn...
Vị chỉ huy trưởng biệt động quân vùng 2 hớp ngụm nước lạnh.
- Tôi muốn bàn với hai anh về kế hoạch triệt thoái khỏi cao nguyên. Phải tìm ra cách di tản về Quy Nhơn hay Tuy Hòa để tránh bị thiệt hại cho các đơn vị quan trọng...
- Tôi nghĩ đại tá nên bàn với các sĩ quan cao cấp của bộ tư lệnh quân khu như chuẩn tướng Thân hoặc đại tá Lý... Phần chúng tôi sẽ cố gắng dìu dắt anh em về Tuy Hoà...
Đại tá Tất im lặng. Hai vị liên đoàn trưởng cũng không nói gì thêm. Thật lâu đại tá Tất mới nhìn hai liên đoàn trưởng.
- Đi... Hai anh đi với tôi qua bộ tư lệnh quân khu...
Dậu nói nhanh khi thấy Biên dợm đứng dậy.
- Hay là đại tá gọi điện thoại mời chuẩn tướng Thân hoặc đại tá Lý lên đây tiện lợi và kín đáo hơn...
Đại tá Tất gật gù.
- Để tôi gọi điện thoại nói chuyện với hai ông đó...
Dứt lời ông ta nhấc điện thoại. Hiểu ý trung tá Dậu và Tuấn bước ra khỏi phòng. Khoảng mười phút sau đại tá Tất ló đầu ra hành lang vẩy hai người vào phòng.
- Chuẩn tướng Thân và đại tá Lý sẽ lên đây vào lúc 15 giờ...
- Đại tá muốn hai chúng tôi ở đây?
- Muốn chứ... Tôi cần hai anh nói chuyện với họ về kế hoạch bảo toàn lực lượng của tướng Trưởng...
Chừng tiếng đồng hồ sau hai quân nhân bước vào phòng của đại tá Tất. Dậu và Biên giơ tay chào đại tá Lý và chuẩn tướng Thân, hai sĩ quan tham mưu cao cấp của quân khu 2.
Mời hai sĩ quan của quân khu 2 ngồi vào ghế xong đại tá Tất nhập đề.
- Chuẩn tướng và đại tá chắc có nghe thiếu tướng Phú nói về chuyện triệt thoái khỏi cao nguyên...
Đại tá Lý im lặng dường như ông muốn dành câu trả lời này cho chuẩn tướng Thân.
- Tôi có nghe tướng Phú nói sơ về vụ này...
Vị tư lệnh phó ngừng lại nhìn ba sĩ quan cấp tá của biệt động quân xong thong thả tiếp.
- Ngoài ra tôi cũng nghe một người quen làm ở bộ tổng tham mưu cho biết về ý định bỏ vùng 1 và 2 của tổng thống Thiệu...
Đại tá Tất cười nhẹ.
- Thiếu tướng tư lệnh đã chỉ định tôi chỉ huy cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên. Đây là một vấn đề phức tạp và khó khăn do đó tôi mới mời chuẩn tướng và đại tá tới để thảo luận về vụ di tản toàn bộ lực lượng của quân khu 2 bao gồm sư đoàn 23, biệt động quân, thiết giáp, pháo binh và công binh... Tất cả những đơn vị này sẽ rút về Tuy Hoà hoặc Nha Trang để chỉnh đốn hàng ngũ rồi sau đó tái chiếm Ban Mê Thuột...
Trung tá Dậu bắt gặp nụ cười của chuẩn tướng Thân.
- Tôi không tin là quân khu 2 của chúng ta có khả năng lấy lại Ban Mê Thuột trong tay cộng quân. Chiếm được Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột là cộng quân có được một lợi thế vô cùng lớn lao, mở rộng hành lang tiếp vận cho cuộc chiến tranh thôn tính Việt Nam Cộng Hoà. Do đó chúng nó sẽ đem toàn bộ lực lượng để giữ Ban Mê Thuột với hai tỉnh Pleiku và Kontum. Tôi không hiểu lý do nào khiến cho ông Thiệu nảy ra ý kiến bỏ vùng 1 và vùng 2. Giữ vững Ban Mê Thuột nói riêng và cao nguyên nói chung là ta nắm lấy cái thế chủ động để kiểm soát hoặc ngăn chận hành lang tiếp vận của cộng quân. Bỏ vùng 2 thời sớm muộn gì cộng quân cũng sẽ tràn xuống vùng 3 và uy hiếp Sài Gòn. Đây là một lỗi lầm nghiêm trọng có thể dẫn tới sự xụp đổ của quân lực Việt Nam Cộng Hoà...
Chuẩn tướng Thân thở dài sau khi nói xong. Nhìn bốn người trong phòng ông ta tiếp với giọng bùi ngùi.
- Là quân nhân cho nên dù biết thượng cấp vấp phải lỗi lầm chúng ta vẫn phải thi hành lệnh. Triệt thoái khỏi cao nguyên. Nói thời dễ nhưng làm không dễ đâu. Đi theo đường nào để về Tuy Hoà hoặc Nha Trang. Cộng quân đã kiểm soát quốc lộ 19. Cầu sông Ba đã bị chúng chiếm giữ. Chúng đóng chốt tại đèo Mang Giang và An Khê. Con đường 19 trở thành con đường chết vì ta phải vượt qua sư đoàn 3 Sao Vàng và trung đoàn 95A của chúng...
- Thưa chuẩn tướng có đọc truyện Tam Quốc?
Dậu dùng câu hỏi của Đào để hỏi chuẩn tướng Thân. Trừ Biên ra ba người kia đều chăm chú nhìn Dậu. Nhất là chuẩn tướng Thân nhìn vị sĩ quan biệt động quân với nhiều thắc mắc.
- Tôi có đọc... Tuy nhiên...
Chuẩn tướng Thân chầm chậm trả lời câu hỏi. Dậu nói trong lúc cười láy mắt với Biên.
- Chuẩn tướng biết câu " minh tu san đạo ám độ trần thương...
Chuẩn tướng Thân mỉm cười tươi tắn và nét mặt của ông ta rạng rỡ lên.
- Phải rồi... Đúng rồi... Ta có thể áp dụng câu nói này vào cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên. Tụi nó giữ đường 19 thời ta sẽ đi đường khác. Ta giả vờ dàn quân đi theo đường 19 để tụi nó yên chí xong ta lén đi theo liên tỉnh lộ 7...
Tới bây giờ đại tá Lý mới lên tiếng.
- Lộ số 7 đi không được đâu anh... Con đường này đã bị bỏ hoang từ lâu lắm rồi. Huống chi cây cầu bắc ngang qua sông Ba đã bị hư hao nặng...
Chuẩn tướng Thân cười dường như ông ta đã có sẵn giải đáp cho vấn đề này.
- Bởi vậy mình mới minh tu san đạo... Ta đem quân xa với xe ủi đất sửa chữa con lộ số 7 để cho tụi nó nghĩ là ta sẽ dùng đường số 7 triệt thoái về duyên hải. Trong lúc đó các đơn vị của ta như biệt động quân cũng như thành phần còn lại của sư đoàn 23 và bộ tư lệnh quân khu 2 sẽ theo quốc lộ 19 về Tuy Hòa. Anh thấy thế nào?
Đại tá Tất hỏi chuẩn tướng Thân.
- Chuẩn tướng tính như vậy cũng được tuy nhiên còn pháo binh và chiến xa thời làm sao di tản...?
Chuẩn tướng Thân im lìm. Đôi mày hơi cau lại và vầng trán rộng của ông ta nhăn tít như suy nghĩ để tìm ra giải đáp cho vấn đề hóc búa.
Đại tá Lý lên tiếng.
- Ta có thể dùng không quân để di chuyển tiểu đoàn pháo binh cơ động 175 ly và trung đoàn chiến xa M48. Phần thiết giáp, pháo binh còn lại sẽ tháp tùng bộ binh với biệt động quân lội bộ về Tuy Hòa...
Ông ta cười nhìn hai vị liên đoàn trưởng biệt động quân.
- Biệt động với bộ binh thời lội bộ đâu có sao...
Sau đó ông ta quay sang đại tá Tất.
- Tôi sẽ minh tu san đạo còn anh lo ám độ trần thương...
Đại tá Tất thở hơi dài nhẹ nhỏm.
- Cám ơn anh và chuẩn tướng tư lệnh phó... Bây giờ tôi mới bớt lo...
- Tôi sẽ nói chuyện với ông Lượng của sư đoàn 6 không quân để họ bốc đại bác và chiến xa về Nha Trang...
Sau câu nói chuẩn tướng Thân đứng dậy. Bắt tay đại tá Tất và hai liên đoàn trưởng biệt động quân xong ông ta cùng đại tá Lý ra xe. Vổ vai trung tá Dậu, vị chỉ huy trưởng biệt động quân cười nói một cách vui vẻ và thân mật.
- Cám ơn hai anh... Tối nay tôi sẽ nói chuyện với hai ông Huấn, Linh và Bách để họ chuẩn bị...
Về tới phòng làm việc của mình ở Pleiku đại tá Lý hỏi liền.
- Anh tính sao về vụ triệt thoái?
- Ta phải tính toán cẩn thận nếu không thời cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên của ta sẽ trở thành một Dunquerque thứ nhì...
Khép cửa phòng lại một cách cẩn thận xong chuẩn tướng Thân bước tới tấm bản đồ hành quân.
- Nếu anh và tôi đã biết về cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên thời Bắc Việt cũng biết. Anh đồng ý với tôi?
Đại tá Lý gật đầu thay cho câu trả lời. Chuẩn tướng Thân mỉm cười. Dường như ông vừa tìm ra một ý kiến gì mới lạ.
- Tôi có một ý kiến như thế này. Giả dụ tôi là người chỉ huy lực lượng của quân khu 2 triệt thoái khỏi cao nguyên còn anh là kẻ chỉ huy lực lượng của Bắc Việt...
Đại tá Lý cười thành tiếng vì ý kiến mới mẻ của chuẩn tướng Thân.
- Anh phải làm gì khi biết tôi sẽ rút lui?
- Tôi phải tìm hiểu xem anh rút lui bằng đường nào... Điều này thật dễ hiểu. Từ Pleiku về Tuy Hòa chỉ có một lối duy nhất là quốc lộ 19...
- Anh nói đúng. Bởi vậy sư đoàn 3 sao vàng và trung đoàn 95A của tụi nó mới đóng chốt tại Mang Giang, An Khê và cầu sông Ba. Ngoài ra tụi nó cũng sẽ đặt các ổ phục kích dài theo đường để đánh ta...
Ngừng lại hớp ngụm nước lạnh chuẩn tướng Thân nhìn đại tá Lý.
- Nếu như tôi dùng liên tỉnh lộ 7 thay vì chọn quốc lộ 19 thời anh sẽ dàn trận như thế nào?
Đại tá Lý trầm ngâm khi nghe câu hỏi này.
- Nếu biết anh rút theo con lộ 7 tôi sẽ huy động sư đoàn 320 đang hoạt động trong khu vực quận Thuần Mẫn đánh vào phía bên phải của anh. Trong lúc đó hai trung đoàn thuộc sư đoàn 3 sao vàng từ quốc lộ 19 sẽ tập kích vào bên trái còn sư đoàn 968 sẽ đánh vào sau lưng...
Nụ cười phảng phất chút ưu tư nở trên khuôn mặt có nhiều nếp nhăn của chuẩn tướng Thân.
- Gọi là minh tu san đạo ám độ trần thương, nhưng thực hành mới thấy khó khăn vô cùng. Ngày xưa thời Gia Cát không có tình báo cho nên không sợ bị lộ tin tức. Còn bây giờ hở một chút là bể liền. Mình phải làm sao cho các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng của tụi nó chuyển về đường số 7 thời mình mới có cơ ám độ đường 19 được...
Trầm ngâm giây lát chuẩn tướng Thân nói với đại tá Lý.
- Anh liên lạc với công binh bảo họ lo sửa đường số 7. Tôi sẽ chỉ thị cho đại đội trinh sát quân đoàn bám sát các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng. Trong lúc đó mình lo chuẩn bị và chờ đợi. Nếu tụi nó rục rịch di chuyển là mình dọt...
Trung úy Thiên bước vào cổng bộ tư lệnh quân khu 2. Người trung sĩ quân cảnh giơ tay chào và anh cũng giơ tay chào trả lại.
- Tôi được lệnh trình diện chuẩn tướng Thân, tư lệnh phó quân khu...
Thiên nói với thượng sĩ trưởng trạm canh. Vị thượng sĩ nhấc điện thoại. Không biết bên đầu dây kia nói gì mà anh chỉ nghe vị thượng sĩ dạ dạ mấy tiếng đoạn quay qua bảo người hạ sĩ nhất.
- Mày dẫn trung úy Thiên vào phòng của tư lệnh phó...
- Mời trung úy theo tôi...
Vừa đi Thiên vừa suy nghĩ không biết có chuyện gì quan trọng và khẩn cấp mà bộ tham mưu quân khu gọi anh lên trình diện tư lệnh phó. Chắc có nhiệm vụ gì đây nên ông tư lệnh phó mới gọi một trung úy, đại đội trưởng đại đội trinh sát của quân khu trình diện. Xuyên qua nhiều căn phòng cuối cùng người hạ sĩ nhất dừng trước một căn phòng có một trung úy đứng chờ.
- Chào anh... Tôi là đại úy Bình, sĩ quan tùy viên của tư lệnh phó...
Bắt tay Thiên Bình tiếp nhanh.
- Mời anh vào... Tư lệnh phó đang chờ anh...
Bước vào phòng Thiện đứng nghiêm giơ tay chào chuẩn tướng Lê Văn Thân, tư lệnh phó quân khu 2. Trái với điều mà Thiên nghĩ chuẩn tướng Thân đưa tay ra bắt tay anh một cách thân mật.
- Em ngồi xuống đi...
- Dạ cám ơn tư lệnh phó...
Thiên ngồi xuống chiếc ghế đối diện với chuẩn tướng Thân.
- Đại đội của em có bao nhiêu lính?
- Thưa tư lệnh phó đại đội còn được tám mươi người. Lúc này công tác liên miên nên lính bị thương hoài mà không được bổ xung...
Chuẩn tướng Thân mỉm cười. Nhìn người sĩ quan trẻ tuổi đang ngồi trước mặt ông nhớ lúc mình còn là một trung úy trẻ tuổi, hăng say với nhiệm vụ và thương yêu binh sĩ dưới quyền.
- Em là một cấp chỉ huy hết lòng với binh sĩ...
- Dạ cám ơn lời khen của tư lệnh phó... Mình không thương yêu lính thời họ không hết lòng đánh giặc. Họ không chịu đánh thời mình với họ đều ngủm...
Chuẩn tướng Thân nhận thấy người sĩ quan trẻ này có nét gì đặc biệt khác hẵn với những người mà ông thường gặp.
- Anh có một công tác khó khăn và nguy hiểm muốn em làm và phải làm cho thành công...
- Dạ tư lệnh phó cứ ra lịnh...
- Anh muốn em tung hết đại đội trinh sát của em dò xét về hoạt động của sư đoàn 3 sao vàng xong báo cáo cho anh biết. Kể từ giờ phút này đại đội trinh sát chịu sự chỉ huy trực tiếp của anh. Theo tin tức tình báo thời sư đoàn 3 sao vàng và trung đoàn 95A đang hoạt động trong vùng dọc theo quốc lộ 19 từ đèo Mang Giang cho tới đèo An Khê...
Chuẩn tướng Thân đứng lên. Bước tới tấm bản đồ treo trên tường ông chỉ tay vào vòng tròn màu đỏ.
- Đây là đèo Mang Giang. Một đơn vị của sư đoàn 3 sao vàng, có thể là một tiểu đoàn đã đóng chốt tử thủ tại đây nhằm mục đích khóa cứng đường từ Pleiku đi Tuy Hòa. Trong lúc đó một tiểu đoàn của trung đoàn 95A đóng chốt tại đèo An Khê nhằm mục đích chặn đường tiếp viện của ta từ Tuy Hoà lên Pleiku. Không nhổ hai chốt này thời ta không nhúc nhích được, tiến không được mà lùi cũng không được...
Thiên gật đầu. Hai cao điểm nổi tiếng hiểm trở này quả khó nuốt. Giọng nói của vị tư lệnh phó quân khu 2 vang lên trầm khàn trong căn phòng chỉ có hai người.
- Kế của anh là dụ cho các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng và trung đoàn 95A phải chuyển quân đi chỗ khác để biệt động quân sẽ nhổ chốt của tụi nó...
Chuẩn tướng Thân dừng lại. Ông không muốn tiết lộ hết về kế minh tu san đạo ám độ trần thương của mình cho người sĩ quan trẻ này biết. Lệnh của thượng cấp là phải giữ bí mật về cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên. Tuy nhiên ông cảm thấy tội nghiệp cho những người lính chiến sẽ bị bỏ rơi. Trong khi thượng cấp âm thầm chuẩn bị chạy thời họ vẫn tin tưởng và chiến đấu hăng say để bảo vệ cho vùng đất sẽ bị bỏ rơi. Ông nghĩ là ông phải nói cho người sĩ quan trẻ này biết tin triệt thoái để cho anh và binh sĩ dưới quyền có cơ hội bảo toàn mạng sống của chính họ.
- Đúng 0h00 đại đội của em sẽ được trực thăng đổ xuống một địa điểm cách đèo Mang Giang chừng hai chục cây số. Cách mỗi hai tiếng đồng hồ em gọi máy báo cáo về bộ tư lệnh. Tất cả vũ khí, quân dụng và lương thực sẽ được cấp phát cho em và binh sĩ. Anh nhắc lại cho em nhớ nhiệm vụ của em là theo dõi hoạt động của sư đoàn 3 Sao Vàng chứ không phải đánh nhau với chúng. Tuyệt đối không được nổ súng. Chuyện nhổ chốt sẽ do biệt động quân đảm trách...
Chuẩn tướng Thân bắt tay Thiên xong bước ra khỏi phòng. Bình bước vào phòng.
- Anh theo tôi tới phòng hành quân. Họ sẽ thuyết trình cho anh về công tác anh sẽ thi hành đồng thời chỉ dẫn cho anh cách thức liên lạc...
Chương 8
Lắng nghe trung úy Phát, đại đội trưởng đại đội trinh sát báo cáo tình hình xong trung tá Biên ra lệnh.
- Tiểu đoàn 11 và bộ chỉ huy liên đoàn đi bên phải, tiểu đoàn 22 và 23 đi bên trái. Tất cả lấy đường 24 làm chuẩn...
Nhìn ba vị tiểu đoàn trưởng giây lát ông ta hỏi.
- Ba ông có ý kiến gì không?
Quốc, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 thấp giọng.
- Đường 24 nối với Quảng Ngải mà sao anh lại bảo mình đi về Qui Nhơn?
Biên cười giải thích.
- Tụi nó đóng chốt tại Mang Giang và An Khê cho nên mình không thể đi theo đường 19 mà phải đi vòng theo đường 24 rồi theo lộ 669 về tới An Khê. Chúng ta sẽ nhổ chốt của tụi nó tại đèo An Khê xong theo đường 19 về Quy Nhơn. Đây là cách minh tu san đạo ám độ trần thương...
Hòa, sĩ quan hành quân của liên đoàn hơi mỉm cười khi nghe cấp chỉ huy của mình nói tới tám chữ minh tu san đạo ám độ trần thương.
- Ba ông về chuẩn bị... Nhớ dặn lính là tuyệt đối không được nổ súng. Mình sẽ khởi hành đúng 04h00...
Quay sang trung úy Phát, Biên vổ vai.
- Em dẫn đại đội đi đầu. Nhớ cho mấy thằng em đi trước rà đường thật cẩn thận. Em nhớ là anh không muốn đụng tụi nó. Gặp tụi nó thời em ráng tìm đường khác mà đi...
Được lệnh của xếp, Phát họp bốn trung đội trưởng.
- Mình có nhiệm vụ đi đầu vậy bốn ông ai muốn lãnh ấn tiên phong?
- Trung úy để tôi...
Thượng sĩ Huông lên tiếng trước nhất và ba trung đội trưởng còn lại đều im lặng. Không phải họ sợ đi đầu nhưng biết không ai xứng đáng lãnh ấn tiên phong hơn Huông. Thượng sĩ thôi nhưng với ba mươi năm làm lính, ông ta là người lính có nhiều kinh nghiệm chiến trường nhất của đại đội và luôn cả liên đoàn. Đó là thứ kinh nghiệm máu của những lần bị thương; của mồ hôi chảy thành dòng vì cơn nắng cháy da và nước mắt khóc các chiến hữu đã nằm xuống. Nhờ thứ kinh nghiệm máu này mà Huông mới sống nhăn để đánh giặc hăng và hung hơn bất cứ ai trong đại đội. Gốc người Mèo, Huông gia nhập quân đội từ thời còn thuộc Pháp. Lính tráng trong liên đoàn 23 thường gọi Huông là Bố Già. Đây không phải là bố già của Mafia chuyên trộm cướp hay đâm thuê chém mướn mà là thứ bố già đánh giặc cứu nước. Có người hỏi bố già sao không về hưu. Huông trả lời thẳng thừng còn cộng sản là chưa về hưu được.
- Ông đi đầu ráng kiếm đường nào đi cho khỏi đụng tụi nó...
Phát nói với bố già. Huông cười ha hả.
- Trung úy đừng lo... Địa thế vùng này tôi nhắm mắt đi cũng tới Quy Nhơn...
Bốn trung đội trinh sát men theo con đường trải nhựa đầy ổ gà, sỏi đá và mìn bẩy di chuyển thật êm. Huông điều động trung đội của mình bung thành hình cánh cung. Tiểu đội 1 đi cách trung đội chỉ huy khoảng trăm thước. Trung đội 2, 3 kèm hai bên phải trái.
Trời đêm lấp lánh sao. Sương mù giăng giăng. Tiểu đoàn 11 và bộ chỉ huy liên đoàn đi bên mặt còn hai tiểu đoàn 22 và 23 đi bên trái. Tất cả lấy con lộ 24 làm chuẩn. Đại đội trinh sát của liên đoàn đi đầu dò đường, tiếp theo là đại đội 1 và 2 của tiểu đoàn 11. Hai đại đội này có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho bộ chỉ huy liên đoàn trong lúc đại đội 3 và 4 che chở sau lưng. Gần hai ngàn binh sĩ câm nín như bóng ma di chuyển chậm chạp trong bóng đêm thâm u và huyền bí của núi rừng.
Tờ mờ sáng Biên ra lệnh dừng quân. Không được đốt lửa, lính phải ăn gạo sấy với nước lạnh và đồ hộp quân tiếp vụ xong tiếp tục lên đường. Trời chập choạng tối Bố Già báo cáo đơn vị đã tới Kon Nu, một địa điểm nằm trên con lộ 24 cách Kontum chừng ba chục cây số. Tỏ vẻ hài lòng Biên ban lệnh dừng quân nghỉ đêm. Ba tiểu đoàn đóng thành hình tam giác còn đại đội viễn thám nằm vòng ngoài.
- Cứ theo đà di chuyển này thời ba ngày nữa chúng ta sẽ đụng đường 669...
Hòa cười nói với mọi người. Biên im lặng đứng nhìn con đường ngoằn ngoèo uốn lượn trong rừng núi. Thiếu tá Thi, liên đoàn phó lên tiếng.
- Mày đừng lạc quan... Tao nghĩ tụi nó chưa dám đụng mình vì nhiều lý do. Thứ nhất tụi nó không muốn lộ mục tiêu. Thứ nhì nó chưa đánh ta vì còn chú tâm vào Kontum. Thứ ba nó sẽ đánh ta vào lúc bất ngờ nhất, vào cái lúc mà ta nghĩ tụi nó không đánh...
- Tôi đồng ý với anh... Không chừng tụi nó đón ta ở đèo An Khê...
Bằng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 22 phụ họa. Biên nói một hơi dài.
- Thôi giải tán... Ai về chỗ nấy... Nhớ bảo lính im lặng. Không đốt lửa, không làm ồn, không nổ súng. Có gì dùng lưỡi lê, dao găm...
Đêm trôi qua trong bình yên. Dù không nói ra ai nấy đều thở phào. Họ hiếm có một ngày bình yên từ lâu lắm rồi. 06h00. Lệnh di chuyển bắt đầu. Đại đội trinh sát đi trước. Trung đội 1 của Huông mở đường. Tiểu đội 1 của hạ sĩ nhất Chấn lãnh nhiệm vụ dò đường. Hạ sĩ nhất thôi, nhưng Chấn lại là thứ hạ sĩ nhất hạng nhất của quân lực nói chung và biệt động quân nói riêng. Ba lần lên lon của Chấn đều được tướng Giai gắn tại mặt trận. Chấn không sợ lính Bắc Việt mà trái lại lính Bắc Việt sợ Chấn. Chỉ có một tiểu đội trinh sát mà Chấn dám xâm nhập vào bộ chỉ huy của trung đoàn 95B lấy tin tức và trở về an toàn khiến cho Phát phải mời thằng em liều mạng một chầu nhậu linh đình.
- Hồng Hà đây Chứa Chan... Hồng Hà đây Chứa Chan...
Chứa Chan là danh hiệu của Chấn còn Hồng Hà là danh hiệu của Huông. Vì sanh ra ở Long Khánh cho nên Chấn mới xin Phát cho mình lấy danh hiệu Chứa Chan.
- Hồng Hà tôi nghe...
Huông lên tiếng và bên kia máy giọng nói của Chấn vang lên nhỏ như tiếng thì thầm.
- ... Trình Hồng Hà có chuột... Tôi thấy dấu dép râu... Còn mới lắm... Ở bên phải đường 24... Hồng Hà nghe rõ trả lời...
- ... Hồng Hà nghe 5/5... Chứa Chan cẩn thận... Bảo mấy thằng em của anh lại gần hơn... Đừng ném chuột... Biên Hòa không muốn mình ném chuột sợ bể đồ...
- ... Chứa Chan tôi nghe rõ...
Cúp máy xong Huông gọi Phát. Hai phút sau Biên được Phát báo cáo tìm thấy dấu vết của địch. Ra lệnh cho tiểu đoàn 11 dạt về phía trái của đường 24, Biên thúc bộ chỉ huy liên đoàn băng qua con đường đá lồi lõm.
Dù mặt trời đã lên song sương mù giăng khắp nơi. Nhiều lúc đang đi Chấn và tiểu đội phải dừng lại vì không còn nhận định được phương hướng. Anh có cảm tưởng như một đám mây trắng khổng lồ chụp xuống khu rừng xóa nhòa đi cảnh vật. Chấn đưa tay ra dấu cho lính dừng lại chờ. Mấy phút sau sương tan dần. Chấn và tiểu đội đứng im vì sửng sốt. Trên khoảnh rừng thưa có hàng trăm, hàng ngàn dấu chân in trên nền đất đỏ.
- Hồng Hà đây Chứa Chan... Hồng Hà đây Chứa Chan...
Giọng của Chấn nhỏ dường như bị nghẹn lại.
- Hồng Hà tôi nghe...
- Chuột... Chuột nhiều lắm... Chuột cống, chuột con, chuột mẹ, chuột cha... Hồng Hà nghe rõ...
- Để tôi lên... Chứa Chan nghe rõ...
- Chứa Chan tôi nghe rõ...
Biết tình hình nghiêm trọng Huông thúc tiểu đội chỉ huy mở đường. Lát sau bố già đứng im nhìn hàng trăm dấu dép râu.
- Tui thấy có bếp hoàng cầm đằng kia nữa bố...
Chấn nói với Huông. Bố già lẩm bẩm.
- Tao đoán tụi nó có cả trung đoàn....
Bốc máy Huông gọi Phát. Lát sau vị đại đội trưởng trinh sát tới. Không cần quan sát anh báo cáo cho cấp chỉ huy. Biên ra lệnh cho Phát dẫn đại đội chuyển hướng đi về bên trái đường 24. Chiều tối dừng quân ăn cơm xong vị liên đoàn trưởng đứng im suy nghĩ. Đại đội trinh sát đã thấy dấu địch nhưng dường như chúng đã di chuyển xuống hướng nam. Vùng này là vùng hoạt động của sư đoàn 968 và sư đoàn 3 sao vàng. Nay địch bỏ đi chắc là mở cuộc tấn công Pleiku hay Kontum. Mình đang ở Kon Rây. Nếu đi nhanh thời mình sẽ đụng lộ 669 ngày mốt. Từ đó về An Khê cũng phải mất bốn năm ngày nếu không đụng. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Biên mỉm cười chua chát. Đây là lần đầu tiên trong đời lính anh phải né, phải tránh địch để bảo vệ sinh mạng của lính. Bằng mọi cách anh phải đem liên đoàn 23 về Quy Nhơn. Đó là lời căn dặn của tướng Giai và được nhắc lại bởi đại tá Tất. Về tới Quy Nhơn sẽ có tàu hải quân đưa về Cần Thơ hay Phú Quốc. Tại sao lại về Cần Thơ mà không về Nha Trang hay Sài Gòn. Biên thắc mắc. Nhưng là một quân nhân tôn trọng kỷ luật cho nên dù thắc mắc, anh cũng thi hành một cách nghiêm chỉnh lệnh của thượng cấp.
Không biết ai nói ra mà dường như tất cả quân dân cán chính của tỉnh Pleiku đều biết tin công binh chiến đấu của quân khu 2 đang sửa chữa liên tỉnh lộ 7. Dưới sự yểm trợ và bảo vệ an ninh của một tiểu đoàn biệt động quân công binh làm ngày làm đêm như muốn hoàn tất công việc càng sớm càng tốt. Theo lịnh trên xe ủi đất chỉ cần khai quang cây cối hai bên và làm sạch mặt đường để cho quân xa có thể di chuyển. Có người thắc mắc thời câu trả lời là sửa chữa lộ 7 vì đường 19 và 21 đã bị Bắc Việt phá hư nên phải dùng lộ 7 thay thế.
14- 3- 75.
23h58.
Chuẩn tướng Thân và đại tá Lý ngồi trong phòng hành quân bộ tư lệnh quân khu 2. Hồi sáng mai này tướng Phú đã cùng với một số sĩ quan tham mưu của ông bay về Nha Trang để tái phối trí lại bộ tư lệnh quân khu 2 đồng thời vẽ kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột. Trước khi đi ông ta giao quyền chỉ huy lại cho tướng Thân, đại tá Lý và đại tá Tất.
- Công binh làm đường tới đâu rồi anh?
Chuẩn tướng Thân hỏi đại tá Lý.
- Họ đã làm xong đoạn từ ngã ba đường 14 tới Cheo Reo và đang bắt đầu đoạn đường từ Cheo Reo đi Củng Sơn... Biệt động quân báo cáo đã đụng nhẹ với các đơn vị của sư đoàn 320...
Vị tham mưu trưởng quân khu 2 uống ngụm nước.
- Anh có tin của toán trinh sát quân khu?
Mắt chăm chú vào chiếc máy truyền tin đặt trên bàn trước mặt của mình chuẩn tướng Thân im lặng. Dường như đang suy nghĩ chuyện gì lung lắm cho nên ông không nghe câu hỏi của đại tá Lý. Tuy nóng lòng nhưng ông kiên nhẫn chờ đợi tin của người đại đội trưởng đại đội trinh sát tên Thiên. Tới giờ phút này kế minh tu san đạo ám độ trần thương của ông ta thành hay bại đều tùy thuộc vào một người lính. Chuẩn tướng Thân liếc chiếc đồng hồ treo trên tường. Hai cây kim chỉ giờ và phút hầu như nhập lại làm một ngay số 12 trừ cây kim giây vừa nhảy tới số 11. Ba cây kim nhập lại làm một.
- Thanh Bình đây Thiên Nga... Thanh Bình đây Thiên Nga...
Thanh Bình là danh hiệu truyền tin của chuẩn tướng Thân, còn Thiên Nga là danh hiệu của trung úy Thiên, đại đội trưởng đại đội trinh sát quân khu 2. Nhanh hơn tất cả mọi người trong phòng chuẩn tướng Thân nhấc ống nói.
- Thiên Nga... Thanh Bình nghe...
- Ngôi sao vàng rục rịch bay... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
Đại tá Lý thấy vị tư lệnh phó của mình nở nụ cười.
- Thanh Bình nghe Thiên Nga 5/5...
- Thiên Nga sẽ bay theo ngôi sao vàng để xem nó về đâu... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe rõ...
Gác máy chuẩn tướng Thân xoa tay.
- Xong... Bây giờ ta chờ xem ngôi sao vàng bay về số 7 là mình dọt...
Đại tá Lý mỉm cười. Ông biết danh từ ngôi sao vàng ám chỉ tới sư đoàn 3 sao vàng của Bắc Việt còn số 7 chính là liên tỉnh lộ số 7.
- Hồi nãy ông Lượng bên không quân có nói cho tôi biết là đã bốc pháo binh đi rồi còn ngày mai mới dọn hết M48 về Nha Trang... Tôi đã bắt liên lạc với các tiểu đoàn biệt động sau khi Ban Mê Thuột thất thủ. Các đơn vị này đã được trực thăng bốc trả về liên đoàn của họ...
Nói chưa dứt câu chuẩn tướng Thân đứng lên. Bước tới tấm bản đồ hành quân vùng 2 ông ta nói với đại tá Lý.
- Mặc dù sư đoàn 3 sao vàng có di chuyển về đường số 7 tôi nghĩ đơn vị này vẫn còn đóng chốt tại Mang Giang và An Khê và một vài vị trí dọc theo đường 19. Do đó tôi tính như thế này. Sau khi các đơn vị của sư đoàn 3 sao vàng di chuyển về đường số 7, ta sẽ bốc liên đoàn 21 biệt động quân tới một vị trí nằm giữa hai đường số 7 và 19. Họ sẽ làm nút chặn không cho các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng trở lại đường 19 để truy kích ta. Ba tiểu đoàn thuộc liên đoàn 25 sẽ nhảy xuống Mang Giang để nhổ chốt xong mở đường đi trước. Tôi cũng ém liên đoàn 22 biệt động để phục kích các đơn vị chủ lực của sư đoàn 968 đang hoạt động ở khu vực Thạnh An nếu chúng truy kích ta. Thành phần còn lại của sư đoàn 23, bộ chỉ huy biệt động quân, bộ tư lệnh quân khu, tiếp vận, quân y và công binh sẽ rút lui sau cùng... Tuy nhiên để cho địch tin rằng ta rút lui bằng liên tỉnh lộ số 7 ta cũng phải dàn dựng cuộc rút lui như...
Chuẩn tướng Thân quay nhìn đại tá Lý và bắt gặp ông ta cũng đang nhìn mình.
- Tôi không muốn hy sinh bất cứ đơn vị hoặc mạng sống của bất cứ binh sĩ nhưng tôi không có chọn lựa nào khác hơn. Tôi đã bàn với sư đoàn 2 không quân về chuyện di tản các đơn vị như quân y, tiếp vận, công binh và gia đình của họ về Nha Trang nhưng không quân trả lời là không có đủ máy bay để chở. Vả lại lệnh của trung ương nhấn mạnh là phải giấu kín chuyện bỏ vùng 2. Tôi không hiểu tại sao lại có cái lịnh quái ác và tàn nhẫn này. Dân chúng bấy lâu nay họ tin mình, theo mình vì mình đã bảo vệ cho họ. Nay thì mình lẳng lặng chuồn bỏ cho họ rơi vào tay cộng sản. Rồi anh sẽ thấy ba tỉnh cao nguyên nhuộm đầy máu vì sự trả thù của tụi nó...
Chuẩn tướng Thân thở dài. Mắt của ông long lanh như có lệ. Cố dấu tiếng thở dài đại tá Lý nghẹn lời.
- Tôi cũng thấy không có cách nào ổn hơn cách của anh. Thà mình hy sinh một ít người còn hơn chết cả lũ. Chỉ có điều là thấy lòng mình không an. Hôm qua tôi có nói chuyện với ông Cẩm. Ổng nói với tôi là Mỹ nó đã xếp đặt như vậy rồi...
Đại tá Lý ngừng lại khi thấy bóng người trung sĩ trực phòng của mình lấp ló nơi cửa.
- Tôi mời anh qua phòng tôi ăn cháo trắng với hột vịt muối xong rồi mình ngã lưng một chút...
15- 3- 75. 14h00.
Ăn chưa được nửa chén cơm chuẩn tướng Thân phải hộc tốc tới phòng hành quân.
- Thanh Bình đây Thiên Nga... Thanh Bình đây Thiên Nga...
- Thanh Bình nghe Thiên Nga...
- Ngôi sao vàng đang bay về Thất Sơn... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình tôi nghe rõ...
- Thiên Nga sẽ bay theo ngôi sao vàng về Thất Sơn... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình tôi nghe rõ... Khi nào ngôi sao vàng rớt xuống Thất Sơn thời Thiên Nga nên bay về biển... Thiên Nga nghe rõ trả lời...
- Thiên Nga nghe Thanh Bình 5/5...
Chuẩn tướng Thân gác máy. Ông đã nhắc lại lệnh cho phép Thiên triệt thoái về Nha Trang sau khi theo sư đoàn 3 sao vàng về tới lộ số 7. Ông hy vọng Thiên sẽ được bình an.
Bước tới đứng nhìn bản đồ hành quân chuẩn tướng Thân có vẻ trầm tư nghĩ ngợi.
- Tôi nghĩ cái kế minh tu san đạo ám độ trần thương khó thành công nếu ta không kèm thêm vài kế phụ nữa...
Đại tá Lý bước tới đứng cạnh vị tư lệnh phó của mình. Hai sĩ quan tham mưu của quân khu 2 chụm đầu bàn tính kế hoạch triệt thoái khỏi Pleiku dưới áp lực nặng nề của địch.
Thiên ngồi tựa lưng vào thân cây. Phía bên kia là binh nhất Lành, người lính truyền tin. Đối với anh Lành không phải là một người lính thuần túy mà là một người bạn hay đúng hơn là một người em luôn có mặt trong những giờ phút nguy hiểm và gay cấn nhất của đời một người lính trinh sát. Lành không có học nhiều. Chỉ được đi học tới lớp đệ lục là bị bắt đi quân dịch. Sau khi mãn khóa ở Quang Trung, Lành được về quân khu 2 rồi sau đó bổ xung cho sư đoàn 23. Cuộc đời của người lính mới tên Lành rẽ vào một khúc quanh khi Thiên lãnh nhiệm vụ thành lập đại đội trinh sát của quân khu 2. Được phép đi hết các đơn vị của sư đoàn 23 để tuyển chọn anh đã gặp người lính quê ở Chương Thiện với cái tên thật giản dị và mộc mạc. Nguyễn Văn Lành. Dù ít học nhưng Lành lại giỏi máy móc nhất là máy móc về truyền tin. Ngoài ra Lành còn ít nói, tận tụy với công việc và tôn trọng kỹ luật.
- Tới giờ chưa anh hai?
Anh hai là tên gọi của Thiên trong đại đội. Nuốt miếng thịt ba lát, ực ngụm nước lạnh, Thiên liếc nhanh đồng hồ đeo tay.
- Còn mười lăm phút nữa...
Mười lăm phút nữa mới đúng 16 giờ. Giờ để liên lạc với chuẩn tướng Thân. Tuy chỉ mới bốn giờ chiều mà trong rừng đã mờ mờ tối. Ăn hết lon thịt hộp, ực thêm một hơi nước, Thiên im lặng nhìn rừng cây đang từ màu xanh thẳm chuyển dần sang đen. Anh thấy thèm một hơi thuốc lá. Ăn đồ hộp quân tiếp vụ mà không rít thuốc lá thời tanh lắm. Thiên tự nhũ thầm như thế hàng ngàn lần để bào chữa cho mình. Lính mà không hít thuốc thời không phải là lính.
- Ê Lành... Mày canh để tao hít vài hơi đỡ ghiền nghe...
- Nhớ kiếm chỗ nào kin kín nghe anh không thôi tụi nó thấy nó bắn bể gáo anh à...
Thiên cười im lặng khi nghe thằng em dặn dò. Chúi đầu vào gốc cây với chiếc nón đi rừng Thiên bật lửa đốt thuốc. Hít mấy hơi xong anh dụi tắt điếu thuốc bỏ vào túi áo trận. Trở lại chỗ cũ Thiên ngồi im trong bóng tối. Tiếng sè sè của máy truyền tin vang lên báo cho anh biết Lành đã mở máy liên lạc với chuẩn tướng Thân.
- Thanh Bình đây Thiên Nga... nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe Thiên Nga...
- Ngôi sao vàng đã rơi xuống Thất Sơn huyền bí... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe rõ Thiên Nga... Thiên Nga hãy hót với con cọp nâu đang ở gần... Nghe rõ trả lời...
- Thiên Nga nghe 5/5...
Cuộc nói chuyện ngắn và gọn khoảng mười lăm giây đồng hồ. Lành mở tần số của đại đội để Thiên liên lạc với các trung đội trưởng xong tắt máy.
- Anh hai ngủ hả anh hai?
- Ừ...
Trả lời xong Thiên ngồi tựa lưng vào gốc cây. Bóng tối mông lung. Tiếng gió thổi ào ào đưa Thiên vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc.
Chương 9
- Anh hai... Dậy anh hai...
Tiếng gọi của Lành khiến cho Thiên mở mắt. Nắng le lói. Sương mù lãng đãng. Không khí rét mướt. Lành cười trao cho Thiên cái ly bằng nhựa ngã màu nâu.
- Cái gì vậy?
- Cà phê... Anh nhâm nhi chút đi. Cà phê Ban Mê Thuột thứ thiệt đó nghe anh...
- Mày số dách... Sáng mà được uống cà phê thời còn gì bằng...
- Anh hít không?
Lành cười rút trong túi áo ra gói Lucky. Thiên tròn mắt.
- Mày kiếm ở đâu ra thứ này. Mỹ nó dọt rồi nên thứ này hiếm và quý còn hơn vàng...
Lành cười láy mắt với Thiên.
- Tôi quen với con nhỏ bán đồ Mỹ ở chợ trời... Nghe tôi nói sắp đi hành quân nên nó ủng hộ tôi một gói Lucky...
Thiên bật cười.
- Nó còn ủng hộ mày cái gì nữa không?
Lành đỏ mặt vì hiểu cái ý trong câu hỏi của Thiên.
- Nó tên Đào... Không có đâu anh... Tụi này tính chuyện đứng đắn mà anh. Mai mốt khi nào đi phép tôi sẽ dẫn nó về nhà ra mắt ba má của tôi...
Thiên dấu tiếng thở dài. Anh không muốn nói ra cho thằng em của mình biết là nó sẽ không có dịp dẫn người tình về nhà ba má. Anh đã được chuẩn tướng Thân dặn dò là khi xong công tác hãy tìm đường rút về Tuy Hòa hay Nha Trang. Ba tỉnh miền cao nguyên cũng như dân chúng sẽ bị bỏ rơi. Dù không có gia đình hay thân thuộc ở Pleiku, anh cũng cảm thấy buồn rầu và thương tiếc cho cái thành phố xinh đẹp, thơ mộng này một khi nó lọt vào tay cộng sản. Người dân hiền lành và chất phác của Pleiku làm sao sống dưới bàn tay hung bạo của loài quỉ đỏ. Em Pleiku má đỏ môi hồng sẽ không còn nữa. Thiên lắc đầu thở dài. Rút điếu thuốc đưa lên mũi ngửi anh hít hà.
- Hổm rày tao rít toàn Bastos quân tiếp vụ nản quá...
Chúi đầu vào gốc cây Thiên bật lửa đốt thuốc. Hít một hơi thật dài xong nhả khói ra từ từ anh lại hớp ngụm cà phê rồi lim dim tận hưởng hương vị của hai thứ tầm thường mà không thể thiếu đối với lính.
- 1000 đây 500... 1000 đây 500... Nghe rõ trả lời...
Lành trao ống liên hợp cho Thiên. Khi liên lạc trong đại đội danh hiệu của Thiên là 1000 còn 500 là danh hiệu của chuẩn úy Năm, trung đội trưởng trung đội 1.
- 1000 tôi nghe...
- Mấy thằng con của 500 đã tìm thấy dây cáp... Nghe rõ trả lời...
Thiên nhỏm người dậy khi nghe báo cáo của chuẩn úy Năm.
- 1000 sẽ gặp 500... Nghe rõ trả lời...
Thiên cúp máy. Hít hơi thuốc thật dài, uống cạn cà phê Thiên nói với Lành.
- Mày gọi máy bảo thằng 2 và 3 chuẩn bị bắt tay với thằng 1...
Hít thêm hơi thuốc nữa Thiên mới chịu dụi tắt. Lành đang lui cui thu dọn và hủy dấu vết. Lệnh di chuyển bắt đầu. Bóng áo xanh chìm mất trong sương mù.
Thiên và Năm đứng im. Trước mặt họ là sợi dây điện thoại màu xanh vắt trên cành cây cao không quá đầu người. Năm thì thầm.
- Anh tính sao... Không chừng mình đã lọt vào vùng của tụi nó... Có thể đây là bộ tư lệnh sư đoàn với ông tướng một hai sao...
Thiên gật đầu. Phải là vùng hoạt động của bộ tư lệnh sư đoàn cho nên lính tráng mới mắc dây điện thoại để cho các sĩ quan cao cấp liên lạc với nhau. Nếu đúng như vậy thời bộ tư lệnh sư đoàn 3 sao vàng đã chuyển quân về lộ số 7 để chuẩn bị cho cuộc phục kích vào đoàn quân triệt thoái khỏi Pleiku của quân khu 2. Ngẫm nghĩ giây lát Thiên nói với ba trung đội trưởng.
- Tôi sẽ báo cáo với bộ tư lệnh. Phần ba ông chuẩn bị kiếm đường dọt. Tiểu đoàn 72 biệt động quân đang ở Cheo Reo. Mình ráng tới đó gặp họ...
23h55. Chuẩn tướng Thân vẫn còn ngồi tại phòng hành quân trước chiếc máy truyền tin. Ông chờ tin của Thiên lần cuối cùng trước khi ban lệnh triệt thoái. Ông muốn biết chắc rằng bộ tư lệnh và các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng đang có mặt ở lộ số 7. Ông không muốn đem sinh mạng của lính và của chính mình ra đánh canh bạc cuối cùng nếu không quyết chắc mình sẽ thắng.
- Thanh Bình... Thanh Bình đây Thiên Nga... Nghe rõ trả lời...
Chuẩn tướng Thân chụp lấy ống nói như sợ có người khác dành lấy.
- Thiên Nga... Thiên Nga... Thanh Bình tôi nghe...
- Ngôi sao vàng đã rơi xuống Thất Sơn rồi. Thiên Nga thấy dây cáp... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe rõ...
Gác ống nói chuẩn tướng Thân xoa tay. Kế minh tu san đạo của ông đã thành hình. Bây giờ tới lúc ông phải ám độ trần thương. Ông phải chạy, chạy thật êm, thật nhanh để địch không hay biết. Tuy nhiên ông không tin mình có thể che tai bịt mắt tình báo của địch được bởi vì ông phải chạy với toàn bộ binh sĩ của mình và vợ con của họ nữa. Muốn đi một cách an lành ông phải tìm cách đốn gục kẻ rượt theo mình.
Chuẩn tướng Thân, đại tá Lý và đại tá Tất ngồi trong phòng hành quân của bộ tư lệnh quân khu 2. Ba người im lặng không ai nói chuyện với ai. Họ kiên nhẫn chờ đợi. Chờ báo cáo từ liên đoàn 25 biệt động quân.
- Thanh Bình đây Tùng Thiện... nghe rõ trả lời...
Chuẩn tướng Thân ra hiệu cho đại tá Tất trả lời. Vị chỉ huy trưởng biệt động quân vùng 2 nhấc ống liên hợp.
- Thanh Bình nghe Tùng Thiện ...
- Mấy thằng con của tôi dọn sạch rác rưới trên đường rồi... Thanh Bình nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe 5/5... Đúng 02h00 Tùng Thiện bắt đầu đi tới điểm hẹn... Nghe rõ trả lời...
- Tùng Thiện nghe 5/5...
Đại tá Tất gác máy. Tới phiên chuẩn tướng Thân nhấc ống liên hợp ra lệnh cho liên đoàn 21 biệt động quân đang chờ ở phi trường Cù Hanh.
04h00. 16- 04- 1975. Ba chiếc M113 đi đầu. Gần năm chục quân xa mui che kín mít theo sau. Kế đó hơn chục chiếc xe jeep kéo đại bác 105. Cuối cùng là đoàn qưân xa mười bánh được hộ tống bởi bốn chiếc M41 và một đại đội của sư đoàn 23. Đoàn xe dài lê thê chậm chạp lăn bánh trên quốc lộ 14 từ Pleiku về Ban Mê Thuột. Ra khỏi thị trấn đoàn xe chạy nhanh hơn. Khoảng mười hai giờ trưa đoàn xe rẽ vào liên tỉnh lộ 7 đi Cheo Reo.
Cùng thời gian đó một đoàn quân xa hơn hai trăm chiếc lặng lẽ rời thị trấn Pleiku bằng quốc lộ 19. Cũng mui che kín mít, cũng được hộ tống bằng thiết giáp, pháo binh và bộ binh, đoàn xe chạy nhanh trên con lộ tráng nhựa rộng. Tuân theo khẩu lệnh của tư lệnh phó, quân nhân các cấp đã thiêu hủy mọi giấy tờ cùng tài liệu mật. Tất cả vật dụng không quan trọng hoặc không cần thiết đều được bỏ lại hoặc phá hủy không cho địch sử dụng. Riêng gia đình binh sĩ chỉ được phép mang theo lương khô đủ dùng ba ngày. Phần quân nhân phải trang bị súng đạn và đặt trong tình trạng tác chiến. Mọi người phải giữ im lặng và tuân theo lệnh cấp chỉ huy. Binh sĩ nào vô kỹ luật và bất tuân lệnh thượng cấp sẽ bị bắn bỏ ngay tại chỗ. Đại đội quân cảnh có nhiệm vụ giữ gìn an ninh và bắt giữ kẻ bất tuân thượng lệnh.
10h00. Ngồi trên chiếc jeep dẫn đầu đoàn xe di tản chuẩn tướng Thân ra lệnh dừng lại khi ra khỏi Pleiku chừng mười cây số. Bước tới chỗ mấy quân nhân biệt động quân đang đứng ông bắt tay trung tá Tuấn và các sĩ quan tham mưu của liên đoàn 22 biệt động quân.
- Tình hình ra sao?
Tuấn cười tươi.
- Thưa tư lệnh phó... Mấy thằng con của tôi đã dàn trận xong rồi...
Gật đầu cười tỏ vẻ hài lòng chuẩn tướng Thân vổ vai Tuấn.
- Khá lắm... Sau khi anh đi rồi nếu tụi nó rượt theo thời em cứ làm đúng như lời anh dặn... Nhớ là phải dọt cho nhanh để anh cho xe đón em tại điểm hẹn...
- Tuân lệnh tư lệnh phó...
Giơ tay chào thượng cấp vị liên đoàn trưởng biệt động quân cùng binh sĩ biến mất trong rừng cây. Trở lại xe jeep chuẩn tướng Thân ra lệnh đoàn công voa tiếp tục cuộc hành trình.
Thiếu tá Tráng, bí danh Mười Đạo, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn K7, thuộc trung đoàn Quyết Thắng của sư đoàn 968 đứng nhìn khu rừng trước mặt mình. Cây cối ngã rạp vì bom đạn. Những xác chết nằm rải rác trên mặt đất loang lổ máu. Phía bên phải của hắn là con đường trải nhựa. Quốc lộ 19. Con đường huyết mạch nối liền miền duyên hải trung phần với Pleiku. Mười hai giờ đêm hôm qua hắn nhận lệnh chỉ huy tiểu đoàn bôn tập về vùng Mang Giang để yểm trợ cho tiểu đoàn 201 của sư đoàn 3 sao vàng đang đóng chốt tại Mang Giang. Từ Thạnh An tới đèo Mang Giang gần năm sáu chục cây số nhưng muốn điều động một tiểu đoàn bộ chiến kèm theo tăng và pháo hắn cũng phải mất hai ngày. Vì thế mà hắn tới chậm. Hàng trăm xác chết mất đầu, cụt chân, mất nửa người nằm trên đất, trong giao thông hào, hố cá nhân chứng tỏ cho hắn biết là tiểu đoàn 201 đã tan hàng hoặc phải tháo chạy vì sự tấn công của địch.
Điều khiến cho hắn băn khoăn là đơn vị nào đã nhổ, đã bứng tiểu đoàn 201, đơn vị thiện chiến và quyết tử của bộ đội miền bắc.
- Trình đồng chí tiểu đoàn trưởng... Tiểu đoàn 201 của ta đã đụng với biệt động quân...
Một sĩ quan tiền sát báo cáo. Nụ cười nhạt thếch nở trên môi Mười Đạo.
- Lại mấy thằng mũ nâu...
Bây giờ tới phiên hắn phải nhổ chốt Mang Giang đang được tử thủ bởi một trong những đơn vị thiện chiến và can trường của địch. Chỉ có khoảng năm ba cây số thôi nhưng Mang Giang giống như một cục xương quá lớn nằm nghẹn ngay cổ họng, nuốt vào không được mà khạc ra cũng không được. Dù sao hắn cũng phải đánh vì đó là lệnh của thượng cấp. Bộ tư lệnh sư đoàn cho hắn nửa ngày để nhổ chốt.
Sau mười lăm phút nghe báo cáo tình hình và nửa giờ điều nghiên địa thế hắn ra lệnh cho tiểu đoàn tiến tới. Binh sĩ di chuyển theo hình cánh cung. Tuy nhiên quân đi chưa được trăm mét Mười Đạo nghe tiếng súng nổ rền phía trước mặt của mình. Đạn réo trong không khí. Đạn xé cành cây. Đạn cày trên mặt đất. Tiếng lựu đạn nổ ầm ầm.
- Biệt Động Quân sát... Biệt Động Quân xung phong...
Tiếng la át cả tiếng súng M16, AK47, tiếng cối và lựu đạn nổ. Bóng áo rằn thấp thoáng xa xa. Mười Đạo hét vang trong máy liên hợp.
- Xung phong... Xung phong...
Rét... Mặt đất trước chỗ hắn đứng bị đạn M60 xới tung lên. Tên lính mang máy truyền tin ngã chúi vào gốc cây. Chiếc máy truyền tin lăn trên đất.
- Lui... Rút lui...
Mười Đạo la làng. Các sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn K7 lúng túng. Một phút trước chúng được lệnh xung phong giết hết đám Mỹ Ngụy cứu nước mà bây giờ lại nhận lệnh chém vè nên do dự không biết phải ra lệnh xung phong hay chém vè.
- Biệt động quân xung phong... Biệt động quân sát...
Tiếng la của đoàn lính mũ nâu khiến cho bộ đội K7 xanh mặt.
- Rút... Rút lui...
Mười Đạo hét trong ống liên hợp. Bộ đội của tiểu đoàn K7 chưa đánh đã tan hàng khi biết mình đụng phải lính mũ nâu. Trung đội súng nặng tức tốc bắn cản đường cho đồng chí tiểu đoàn trưởng chém vè vì bị phục kích bởi binh sĩ của liên đoàn 22 biệt động quân.
Tiếng súng thưa dần. Tiếng hô xung phong cũng im luôn. Dùng ống dòm quan sát trận đánh hù của đại đội 1, tiểu đoàn 62 xong Tuấn nói với Hân, tiểu đoàn trưởng.
- Thôi mình dọt... Chú mày ra lịnh cho mấy thằng em tới điểm hẹn. Trể hẹn là mình lội bộ về Tuy Hòa đấy. Nếu tụi nó đuổi theo thời để cho thằng 21 đốt pháo mừng tụi nó...
Đoàn công voa được lịnh dừng lại nơi ngã ba của quốc lộ 19 và tỉnh lộ 662 để nghỉ đêm. Chuẩn tướng Tất, đại tá Lý và chuẩn tướng Thân đứng nhìn con đường ngoằn ngoèo uốn lượn. Hai bên rừng cây ngút ngàn. Đồi cao đồi thấp chập chùng. Ba sĩ quan cao cấp chỉ huy đoàn quân triệt thoái nặng mặt lo âu. Hai ngày qua quân di chuyển không gặp trở ngại nào ngoại trừ pháo của địch rớt trên đường càng lúc càng nhiều hơn. Mấy chiếc quân xa chở gia đình binh sĩ bị trúng pháo khiến cho mấy chục người chết và hàng trăm bị thương nặng nhẹ. Tiếng đàn bà và trẻ con la khóc khiến cho binh sĩ xuống tinh thần. Dường như biết trước cộng quân sẽ chặn đánh trên đoạn đường sắp tới nên chuẩn tướng Thân phải tung các tiểu đoàn biệt động quân lục soát cũng như chặn đánh không cho địch tấn công đoàn xe di tản.
- Chiều mai mình sẽ tới An Khê...
Tiếng nói của đại tá Lý bay tan trong cơn gió thổi mạnh của buổi chiều sắp tắt.
- Anh đoán tụi nó đã phá cầu sông Ba?
Đại tá Lý im lìm trước câu hỏi của chuẩn tướng Thân. Lát sau ông ta thở dài.
- Tôi nghĩ tụi nó không phá cầu bởi vì chúng sẽ dùng cầu để chuyển quân về đánh Tuy Hòa...
- Chúng mà phá cầu thời kẹt mình lắm...
Chuẩn tướng Thân nhìn đại tá Lý. Ánh mắt của ông ta nhuốm nhiều lo âu và suy nghĩ.
- Anh có tin gì về đoàn xe trên lộ số 7?
Đại tá Lý thở dài.
- Hơn năm trăm sĩ quan và binh sĩ bị chết, bị thương hoặc bị bắt. Tiểu đoàn 72 biệt động quân cũng bị thiệt hại nhưng không có báo cáo rõ rệt. Những người còn lại đang trên đường về Cũng Sơn...
Chuẩn tướng Thân nhớ tới Thiên và đại đội trinh sát. Ông hy vọng họ còn sống sốt.
- Tư lệnh... Tư lệnh...
Trung úy Hạnh trao ống liên hợp cho chuẩn tướng Thân.
- Thanh Bình... Thanh Bình đây Tùng Thiện... nghe rõ trả lời...
Nghe giọng nói không được bình thường của trung tá Tuấn, liên đoàn trưởng liên đoàn 22 biệt động quân chuẩn tướng Thân biết có chuyện xảy ra.
- Thanh Bình nghe Tùng Thiện... Thanh Bình tôi nghe anh 5/5...
- Đụng... Mấy thằng con của tôi đụng tứ tung... Tụi nó bu tôi như đỉa rứt không ra... Tăng... Tụi nó có tăng, pháo...
Tuấn nói một hơi dài. Mặc dù lời nói đứt quãng nhưng chuẩn tướng Thân cũng hình dung ra biệt động quân đang đụng nặng. Qua máy truyền tin ông nghe có tiếng súng nổ, tiếng đại bác, súng cối nổ ầm ầm.
- Thanh Bình đây Tùng Thiện... Nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe Tùng Thiện...
- Tùng Thiện tôi sẽ không đúng hẹn... Thanh Bình cứ đi... Nghe rõ trả lời...
- Thanh Bình nghe rõ... Good luck...
Chuẩn tướng Thân trao ống nói cho Hạnh. Ầm... Ầm... Ầm... Bụi đất tung mịt mù. Pháo của địch rơi khắp nơi. Bên phải. Bên trái. Trước mặt. Sau lưng. Từng chiếc quân xa tung lên cao rồi rơi xuống. Đất đá bay rào rào. Pháo rơi trên mặt đường. Chuẩn tướng Thân và đại tá Lý đứng cạnh nhau bên lề đường nhìn cảnh tượng đoàn công voa mấy trăm chiếc đang hứng pháo. Ngay cả mấy chiếc thiết giáp cũng nằm im chịu trận. Thịt xương văng tứ tung. Tiếng người la hét chìm mất trong tiếng nổ cuồng nộ của đại bác 130 ly, 152 ly, hỏa tiển 122 ly... Mọi người hầu như tê liệt không còn một phản ứng nào hơn là đứng im để rồi nếu không may mắn sẽ lãnh một miếng miểng cắt đứt tay chân hoặc một phần thân thể. Người ta làm được gì trong thứ âm thanh cuồng nộ, hận thù và chết chóc. Quên hết. Quên tuốt luốt. Quên cả mình. Quên người ngồi bên cạnh. Quên cả cái chết. Chỉ còn lại nỗi kinh hoàng làm tê cứng tế bào của não bộ, bất động tay chân và co rúm thân thể. Người người vật vã, cảm thấy mình nhỏ bé và bất lực trong thế giới cuồng nộ của âm thanh và ánh lửa rực sáng lên từng hồi.
Cường độ pháo tăng dần. Nhìn cảnh tượng pháo rơi trên đường chuẩn tướng Thân quay sang nhìn đại tá Lý. Hai sĩ quan cao cấp đều hiểu là họ đang lâm vào tình cảnh nguy hiểm. Muốn tránh khỏi cuộc truy kích của địch họ phải chạy đua với thời giờ. Dù thiện chiến, dù can trường cách mấy biệt động quân cũng không cản nổi một biển người hung bạo và đầy ắp hận thù được yểm trợ bằng những loại vũ khí giết người tối tân mà con người có thể có được.
- Chạy... Chạy...
Chuẩn tướng Thân hét trong ống nói. Bỏ mặc những chiếc xe còn đang bốc cháy. Bỏ mặc xác người nằm la liệt trên đường. Bỏ mặc người bị thương đang kêu la than khóc đoàn công voa mấy trăm chiếc tháo chạy trong kinh hoàng và trong tiếng nổ kinh khiếp của trăm ngàn quả đại pháo rơi trên đầu.
Trung tá Tuấn nhìn vào mặt đồng hồ dạ quang. 23h00. Giờ di quân. Tiểu đoàn 62 sẽ di chuyển tới điểm số 1. Sau đó tiểu đoàn 88 sẽ vượt qua 62 để tới điểm số 2. Rồi tiểu đoàn 95 và bộ chỉ huy liên đoàn sẽ tới điểm số 3. Bằng cách rút lui như vậy Tuấn hy vọng sẽ khiến cho địch không biết mình làm gì đồng thời tránh chạm súng với địch. Lời dặn dò của thiếu tướng Giai và của đại tá Tất về việc bảo toàn lực lượng của biệt động quân hiện lên trong đầu của ông ta.
Hân chỉ huy tiểu đoàn 62 im lặng di chuyển trong đêm. Đại đội 1 đi đầu. 2 bên trái, 3 mặt và đại đội chỉ huy đi sau. Súng mở auto, lính được lịnh tránh làm ồn, không được nổ súng trừ trường hợp địch bắn trước. Sương mù dày đặc. Khí núi lạnh căm. Người đi sau không thấy rõ người đi trước. Nhiều lúc chỉ đoán mà đi theo. Từ chỗ đóng quân tới điểm số 1 cách hai cây số mà tiểu đoàn phải đi hơn một giờ. Sau khi tiểu đoàn 62 báo cáo tới điểm 1, tiểu đoàn 88 bắt đầu di chuyển rồi tới phiên tiểu đoàn 95. Đúng 3 giờ sáng liên đoàn 22 đã rút khỏi vòng vây của địch. Tuy nhiên Tuấn cùng bộ chỉ huy liên đoàn cũng như các tiểu đoàn trưởng đều biết họ chưa thoát ra khỏi vùng hoạt động của các đơn vị chủ lực của sư đoàn 3 sao vàng và sư đoàn 695. Họ còn một cục xương khó nuốt nhất là đèo An Khê, nơi mà trung đoàn 95A của địch đang đóng chốt tử thủ.
06h00. Tuấn an tâm khi nghe Hân báo cáo đã gặp đường 662, liên tỉnh lộ nối đường số 7 với quốc lộ 19 từ Cheo Reo đi An Khê. Ông và bộ tham mưu liên đoàn chụm đầu vào tấm bản đồ.
- Mình đang ở đây...
Tuấn chỉ tay vào một chấm đỏ trên bản đồ nằm sát đường 662.
- Sau lưng mình là cao điểm 882. Nếu không kẹt con sông Ba trước mặt thời mình có thể đi tắt tới An Khê...
- Ông Tất bây giờ đang ở đâu?
Thành, liên đoàn phó hỏi. Tuấn đốt điếu thuốc.
- Ổng và ông Thân ở đây...
Tuấn chỉ vào một vị trí cách ngã ba giao điểm của đường 662 và quốc lộ 19 chừng vài cây số.
- Nếu mình đi nhanh thời sẽ gặp họ và cả bọn sẽ về An Khê...
- Chốt An Khê khó nhổ lắm. Tôi nghĩ mình với liên đoàn 25 đánh mặt tây còn hai liên đoàn 23 và 21 thọc ngang hông thời có hy vọng nhiều hơn...
Tuấn gật đầu hít hơi thuốc.
- Tôi sẽ bàn với ông Tất và ông Thân sau. Bây giờ anh cho mấy đứa con của mình dọt...
Người lính giữ máy liên lạc đưa ống liên lạc. Nói chuyện một hồi xong Tuấn quay sang Thành.
- Chuẩn tướng Thân chấp thuận ý kiến của anh. Tuy nhiên ông ta còn nói thêm là có thể mình sẽ đụng tụi nó dài dài từ đây tới đèo An Khê. Đoàn công voa bị pháo tơi bời...
Ba tiểu đoàn dàn hàng ngang lấy con lộ làm chuẩn tiến về hướng quốc lộ 19. Khoảng xế chiều đại đội trinh sát báo cáo đã gặp ngã ba. Mọi người đều thở phào. Ít nhất họ còn sống, còn có được giây phút bình yên và thoải mái. Dù cấp chỉ huy chưa ra lịnh lính tự động đào hố cá nhân và lo nấu cơm chiều. Khoảng 17h00 mọi người nghe tiếng máy xe rồi đoàn công voa xuất hiện. Tuấn và các sĩ quan bộ tham mưu liên đoàn đứng bên lề đường nhìn đoàn công voa chậm chạp bò qua chỗ họ đứng. Không có chiếc nào còn nguyên vẹn. Họ thấy những cặp mắt thất thần và ngơ ngác. Những khuôn mặt còn in dấu vết kinh hoàng. Những khuôn mặt còn in vết máu khô. Những xác chết nằm trong lòng xe phảng phất mùi máu tanh tanh.
Đại tá Tất chậm chạp bước xuống khỏi xe jeep. Tuấn giơ tay chào.
- Chỉ huy trưởng bị thương?
- Nhẹ thôi... Chỉ một miếng miểng vào vai. Mấy thằng con của anh ra sao?
- Cũng thiệt hại chút chút...
Hai chiếc xe jeep trờ tới. Mọi người giơ tay chào chuẩn tướng Thân và đại tá Lý.
- Gặp các anh tôi bớt lo. Ít nhất tôi không sợ tụi nó tấn công... Pháo thời trời kêu ai nấy dạ...
Vị tư lịnh phó quân khu 2 nói đùa. Đại tá Lý nhìn Tuấn.
- Mình còn hai nút chặn nữa thôi. Thứ nhất là cầu sông Ba. Mình phải ngăn không cho tụi nó phá cầu nếu không mình sẽ bị kẹt ở đây lâu lắm...
- Tôi hiểu ý của đại tá... Tụi này sẽ cố gắng...
Cơm nước xong Tuấn họp ba tiểu đoàn trưởng.
- Mình nhận lệnh phải lấy cầu sông Ba. Phải lấy cầu còn nguyên vẹn để cho xe cộ lưu thông được... Ba ông nghĩ thế nào?
Ba vị tiểu đoàn trưởng im lặng. Họ thấy ngay cái khó khăn. Chiếm cầu thời họ có thể làm được dù khó khăn và thiệt hại sinh mạng của lính. Nhưng chiếm lại cây cầu còn nguyên vẹn trong tay các đơn vị tử thủ của địch thời khó khăn vô cùng. Tuy nhiên lệnh thượng cấp đã ban thời họ phải thi hành.
- Mổi ông lựa một đại đội kéo tới cầu An Khê. Phần tôi sẽ điều động liên đoàn tới sau. Liên đoàn 21 của ông Dậu lãnh phần mở đường còn 25 đoạn hậu và bảo vệ đoàn công voa...
Chánh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 88 nhìn Tấn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 95. Rít hơi thuốc Tấn cười.
- Tôi nghĩ đánh ban đêm tiện hơn. Đại đội của tôi đánh đầu cầu phía bên kia, anh Hân dủa đầu cầu phía bên này còn anh Chánh đột kích dưới nước để cắt dây mìn của tụi nó...
Mỉm cười Tuấn vổ vai Tấn.
- Ông có ý kiến hay... Đột kích ban đêm thời dễ hơn...
23h00. Trong lúc mọi người đã ngủ say ba đại đội biệt động quân âm thầm kéo tới An Khê. Đại đội 1 của tiểu đoàn 95 do Tấn chỉ huy vượt sông qua phía bên kia. Đại đội 2 của tiểu đoàn 88 dưới quyền điều động của Chánh phục hai bên bờ sông còn đại đội 3 của tiểu đoàn 62 do Hân nắm kéo tới gần đầu cầu. Tất cả ba đại đội đều được trang bị dao găm, lưỡi lê, lựu đạn và súng cá nhân. Mọi thứ cồng kềnh đều được để lại. Đúng 05h00 sẽ đồng loạt nổ súng.
Trời tối đen. Sấm nổ ì ầm. Nép mình sau thân cây nhìn về tháp canh mờ mờ Hân nói với Bảo, đại đội trưởng đại đội 1.
- Hy vọng trời mưa... Mưa to gió lớn là trời giúp mình...
Bảo cười lặng lẻ trong bóng tối.
- Anh nói đúng. Mưa gió lạnh lẻo như thế này thời tụi nó chỏng cẳng ngủ... Mình đánh đặc công là chắc ăn trăm phần trăm...
Đang ngủ gà ngủ gật mọi người trong đoàn quân di tản đều choàng dậy khi nghe tiếng súng nổ về hướng đông. Người lính truyền tin trao ống nói cho Tuấn.
- Tùng Thiện... Tùng Thiện đây Hồng Hạnh... Nghe rõ trả lời...
- Tùng Thiện nghe Hồng Hạnh...
Tuấn nghe giọng nói của Hân vang lên trong ống liên hợp.
- Hồng Hạnh đang đứng uống cà phê trên cầu sông Ba... Tùng Thiện nghe rõ trả lời...
- Tùng Thiện nghe Hồng Hạnh... Mình sẽ gặp lại...
Trao ống liên hợp cho người lính mang máy Tuấn mỉm cười hớp ngụm cà phê nóng. Tuy khí núi lạnh ngắt vào sáng sớm mà anh cảm thấy ấm áp trong lòng vì cái tin mà Hân đã báo cáo. Cầu sông Ba không bị tụi vẹm giựt sập thời anh bớt đi một mối lo. Bây giờ chỉ còn một chướng ngại duy nhất là đèo An Khê. Nhổ được nó là đường về Quy Nhơn sẽ mở rộng.
10
00h00. Bãi biển Thuận An đầy đặc người ngồi hay đứng trong im lặng. Trên biển đen lặng sóng chợt xuất hiện vô số chiến hạm. Giống như những con cá khổng lồ các tàu chiến từ từ ủi bãi. Pháo binh và thiết giáp xuống tàu trước trong lúc quân bộ nằm lại giữ an ninh bờ biển. Trong im lặng và trật tự các đơn vị của sư đoàn 1, biệt động quân, thủy quân lục chiến, thiết giáp và pháo binh lặng lẻ lên tàu. Khi mặt trời lên bãi biển vắng lặng trừ những dấu giày đinh còn in trên cát.
- Thưa trung tướng các liên đoàn 21, 22, 23, và 25 biệt động quân đang trên đường về Phú Quốc...
Tướng Trưởng im lặng nghe Đào trình bày tin tức về các liên đoàn biệt động quân vừa triệt thoái khỏi cao nguyên. Đốt điếu thuốc ông ta lên tiếng.
- Còn số phận của sư đoàn 23?
Đào nhìn Vinh và thấy bạn cũng đang nhìn mình rồi Vinh tằng hắng tiếng nhỏ trả lời câu hỏi của cấp chỉ huy.
- Tôi cố gắng liên lạc với bộ tư lệnh quân khu 2 ở Nha Trang nhưng vì tình hình rối rắm cho nên họ bảo không có một ước tính chính xác nào về sự tổn thất của sư đoàn 23. Một vị sĩ quan cấp tá thuộc bộ tham mưu của tướng Phú nói với tôi là có thể quân số của sư đoàn 23 chỉ còn lại phân nửa hoặc có thể ít hơn...
Tướng Trưởng khẽ thở dài. Trầm ngâm giây lát ông ta nói bằng giọng gượng gạo.
- Thôi cũng được... Việc gì đến phải đến... Chúng ta đã làm hết sức của mình để cứu vãn quân khu 2. Ít ra năm liên đoàn Biệt Động Quân không bị tan hàng...
Hít hơi thuốc tướng Trưởng quay sang đại tá Hùng.
- Thưa tư lệnh... Tôi đã nói chuyện với thiếu tướng Hinh. Ông ta cho biết là mặc dù gặp khó khăn và bị tổn thất nhưng các đơn vị của sư đoàn 3 cũng đã rút về bờ biển để chờ tàu hải quân đón...
Vị tham mưu trưởng của quân khu 1 ngừng lại uống ngụm nước.
- Phần sư đoàn 2 của chuẩn tướng Nhựt từ Chu Lai đã rút về cù lao Ré, một vị trí quan trọng vì kiểm soát được thủy lộ từ Đà Nẳng vào Quy Nhơn hoặc Nha Trang... Riêng tướng Điềm phải gặp nhiều khó khăn nhất. Cộng quân đã cắt quốc lộ 1 từ Huế vào Đà Nẳng thành từng nút chặn cho nên ông ta không thể rút về Đà Nẳng bằng đường bộ. Phi cơ thời có lại không có bãi đáp thành ra chỉ còn có hải quân. Thiếu tá Đào đã làm việc 24/24 mới có đủ tàu hải quân...
Hùng quay nhìn người sĩ quan hải quân đang ngồi lim dim trên ghế.
- Thưa trung tướng... Tư lệnh của tôi đã có mặt trên HQ 11 để trực tiếp chỉ huy cuộc di tản. Tôi chỉ làm nhiệm vụ liên lạc mà thôi...
Dù lim dim mắt như ngủ nhưng Đào cũng nghe được câu nói của đại tá Hùng. Tướng Trưởng hơi mỉm cười rồi ra dấu cho vị tham mưu trưởng của mình nói tiếp.
- Cuộc triệt thoái trong vòng bí mật của quân khu 1 sẽ kéo dài bảy ngày. Sau đó tin triệt thoái sẽ được chính thức thông báo cho dân chúng...
Ngừng lại đốt điếu thuốc hít hơi dài đại tá Hùng cất giọng trầm khàn và buồn.
- Đây chính là lúc hổn loạn mới thực sự bắt đầu. Lính với dân sẽ chạy... Người sẽ chết nhiều lắm...
Liếc nhanh tướng Trưởng Đào thấy ông ta cúi đầu nhìn xuống như không để cho ai thấy mình ứa nước mắt. Giọng nói của Hùng vang lên chầm chậm.
- Toàn gia đình tôi đều ở lại Huế. Ba tôi không muốn di tản. Ông nói ông sẽ ở lại để chấp nhận số phận của mình. Ông muốn được chết nơi chính ông sinh ra và lớn lên...
Không khí trong phòng hành quân dường như đặc lại khiến cho người ta cảm thấy khó thở.
- Các sư đoàn 1, 2 và 3; mỗi sư đoàn sẽ bị thiệt hại chừng một trung đoàn. Ngay cả biệt động quân và thủy quân lục chiến cũng vậy...
Tướng Trưởng hắng giọng.
- Hùng làm như thế là giỏi quá rồi. Triệt thoái được một quân đoàn dưới áp lực nặng nề của địch và chỉ trong thời gian mười ngày thời không ai làm hơn được. Ta phải chấp nhận sự thiệt hại để địch không nghi ngờ về kế hoạch Giải Phóng Miền Bắc của ta...
Tin nổ ra lớn hơn sấm. Tin lan ra nhanh hơn điện. Huế sẽ bị bỏ. Triệt thoái. Di tản chiến thuật. Đó là những danh từ mà quân và dân vùng hỏa tuyến được nghe từ một người đáng tin cậy nhất. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân khu 1 và vùng 1 chiến thuật. Dân chúng cố đô xôn xao. Binh sĩ ngơ ngác. Tướng tá băn khoăn và thắc mắc. Tại sao lại bỏ Quảng Trị và Thừa Thiên cho cộng quân? Chính tướng Lâm Quang Thi, tư lệnh phó vùng 1 đã phát biểu là xã ấp tốt quá mà tại sao Sài Gòn lại ra lệnh bỏ. Dù thế nào đi chăng nữa thời mọi người cũng chuẩn bị di tản. Cùng lúc đó các đơn vị chủ lực của cộng sản Bắc Việt cũng chuẩn bị để tấn công quân lực Việt Nam Cộng Hoà còn đồn trú ở vùng 1 khi cuộc triệt thoái bắt đầu.
Huế bị bỏ thời Đà Nẳng cũng chịu chung số phận. Cũng giống như quân khu 2, các tỉnh của miền trung rơi vào tay cộng sản. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đại đơn vị từng hiên ngang chống trả những cuộc tấn công khốc liệt của Bắc Việt bỗng tan rã nhanh chóng. Từ Ban Mê Thuột cộng quân tràn xuống Tuyên Đức, Đà Lạt, Lâm Đồng rồi Xuân Lộc. Từ Tuy Hoà bắc quân chiếm Ninh Hoà, Khánh Hòa, Ninh Thuận rồi Bình Thuận. Dù can trường, dù tinh thần chiến đấu vẫn còn nhưng không hiểu tại sao, do ở động lực nào mà các đơn vị như nhảy dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến và các sư đoàn bộ binh rã ra như giấy mỏng bị thấm nước. Địch tiến tới đâu họ lùi tới đó. Cuối cùng họ lùi tới độ không lùi được nữa vì sau lưng họ là Sài Gòn. Biểu tượng của tự do, của niềm kiêu hãnh cuối cùng của toàn thể quân dân Việt Nam Cộng Hoà. Sống hay chết. Chiến thắng hay thất bại chỉ còn là thời gian. Thứ thời gian nghiệt ngã không được tính bằng năm, tháng, tuần lễ mà được đếm từng giờ.
Mấy ngày nay, bắt đầu từ ngày 26- 4- 1975 không biết do lệnh của ai mà hàng chục chiếc GMC đậu dọc theo xa lộ Biên Hoà khoảng từ Long Bình về tới cầu xa lộ. Trên một chiếc quân xa không có mui là năm bảy người lính đang chúi đầu vào máy truyền tin. Đầu đoàn công voa là một chiếc xe jeep có bốn người ngồi. Họ đều là sĩ quan mang cấp bậc thấp nhất trung tá. Họ mặc quân phục bộ binh, thủy quân lục chiến, nhảy dù và biệt động quân. Khi thấy những người lính bị thất lạc đơn vị họ hỏi thăm, an ủi mấy lời rồi bảo lên xe ngồi. Trông thấy một toán lính Biệt Động Quân chừng mấy chục người không có cấp chỉ huy vị trung tá biệt động quân lớn tiếng hỏi.
- Mấy em ở tiểu đoàn nào?
- Thưa trung tá tiểu đoàn 33...
- Ai là người có cấp bậc cao nhất của mấy em?
- Thưa trung tá em là trung sĩ nhất Lân, trung đội phó trung đội 3, đại đội 1, tiểu đoàn 33
- Em dìu dắt anh em về được tới đây là giỏi lắm. Bây giờ em đưa anh em lên xe ngồi chờ rồi sẽ có người lãnh em về chỗ tạm trú...
Lính thủy quân lục chiến thời có sĩ quan cùng binh chủng đón tiếp. Cứ như thế tới chiều lính ngồi đầy trên xe. Đoàn công voa trở đầu chạy về hướng nam xuyên qua thành phố rồi chạy xuống căn cứ Hải Quân Nhà Bè. Tại đây những người lính sẽ gặp lại cấp chỉ huy của mình. Đơn vị nào không có cấp chỉ huy cũ thời sẽ có cấp chỉ huy mới. Sau khi được phát đầy đủ súng đạn và lương khô họ được tàu của hải quân đón ra biển.
16h00. 30- 4- 1975.
HQ 10 đang hải hành nơi vùng biển Phan Thiết. Trên bong tàu có nhiều người ngồi đứng. Phòng chỉ huy cũng vậy. Dưới hầm tàu trong phòng họp đầy đặc người ngồi. Quanh chiếc bàn dài có bảy người ngồi im lặng. Người nào cũng đều có thái độ buồn rầu và u uất.
- Thôi thế cũng xong... Quân lực của chúng ta đã tan rã... Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta đã bị xóa tên... Bây giờ tới phiên của chúng ta phải làm để giải phóng đất nước ra khỏi tay cộng sản...
Người vừa nói chính là tướng Trưởng. Ngồi đối diện với ông ta là tướng Minh, tư lệnh không quân. Ngồi đầu bàn là phó đô đốc Cang. Đó là ba vị tư lệnh của ba quân chủng hải lục và không quân. Riêng các vị tư lệnh và chỉ huy trưởng của nhảy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, thiết giáp và pháo binh đi theo với lính của họ.
Hướng về người sĩ quan tin cẩn của mình vị tư lệnh quân khu 1 lên tiếng.
- Vinh hãy báo cáo tình hình lần cuối cho mọi người biết...
- Thưa tư lệnh... Thưa trung tướng và phó đô đốc... Đây là báo cáo mới nhất mà tôi nhận được từ tư lệnh của các binh chủng như biệt động quân, thủy quân lục chiến, pháo binh, thiết giáp và tư lệnh các sư đoàn bộ chiến. Theo như báo cáo của tướng Giai thời 45 tiểu đoàn của ông ta chỉ còn được 32 tiểu đoàn. Mười ba tiểu đoàn kia đã bị tan hàng hoặc thiệt hại nhiều quá nên phải giải tán để bổ xung vào các tiểu đoàn khác. Ông Giai cũng cho biết là để tiện việc chỉ huy và điều động nên lực lượng của biệt động quân sẽ thu lại thành bốn liên đoàn là 1, 2, 3 và 4. Mỗi liên đoàn có bốn tiểu đoàn thành ra mười sáu tiểu đoàn. Tính ra biệt động quân là đơn vị có quân số đông nhất, gần mười hai ngàn binh sĩ. Phần thủy quân lục chiến thời có hai tiểu đoàn bị thiệt hại mà quân số còn lại khoảng năm trăm. Sư đoàn 22, 1, 2 và 3 thời mỗi sư đoàn cũng bị mất ít nhất một trung đoàn...
Vinh ngừng lại khi thấy tướng Trưởng lắc đầu.
- Để bù vào sự hao hụt quân số này ta được quân khu 4 cung cấp một sư đoàn tân lập mà tướng Nam đặt tên là sư đoàn Giải Phóng Hà Nội. Đại đơn vị này gồm có ba trung đoàn được rút từ những đơn vị thiện chiến của các sư đoàn 7, 9 và 21. Ngoài ra ta còn thu nhặt được một ít đơn vị của sư đoàn 5, 18, 23 và 25. Các đơn vị này được tập họp thành một sư đoàn mang tên Sài Gòn. Phần liên đoàn 81 biệt kích dù cũng bị hao hụt quân số chút ít và nằm dưới quyền điều động của sư đoàn 22. Gom lại tất cả các đơn vị ta có khoảng bốn mươi lăm ngàn binh sĩ được vũ trang đầy đủ. Riêng về thiết giáp thời ta có ba mươi chiến xa M48 và hai mươi lăm M41. Pháo binh ta có năm pháo đội 155 ly và bốn pháo đội 105 chưa kể các pháo đội của thủy quân lục chiến và dù...
Ba vị tư lệnh gật gù tỏ vẻ hài lòng khi nghe báo cáo của Vinh. Thật ra họ không hài lòng cũng không được vì không ai có thể làm hơn được trong tình thế cực kỳ rối loạn và nghiệt ngã của đất nước.
- Với bao nhiêu quân đó anh nghĩ mình có thể giải phóng được miền bắc không?
Tướng Trưởng trầm ngâm trước câu hỏi của tướng Minh. Lát sau ông ta mới thong thả trả lời.
- Tôi nghĩ mình có thể làm được. Quân số đông hay ít không phải là yếu tố tất thắng trong chiến tranh. Cách đây gần hai trăm năm vua Quang Trung có quân số bằng phân nửa nhưng với lối hành binh thần tốc, lối tấn công sấm sét, vị thiên tài quân sự này đã đánh tan tành hai trăm ngàn quân Mãn Thanh trong thời gian năm ngày. Muốn đạt được chiến thắng trong cuộc hành quân Sinh Nam Tử Bắc này ta phải triệt để lợi dụng yếu tố bất ngờ giáng những đòn sấm sét vào các đơn vị của địch. Biệt động quân, thủy quân lục chiến, nhảy dù hay bất cứ đơn vị bộ binh nào cũng phải chấp nhận chết để thanh toán chiến trường càng nhanh càng tốt. Chúng ta có năm ngày để cô lập Hà Nội, bắt sống hay giết chết đám lãnh tụ cộng sản đồng thời cắm ngọn cờ vàng ba sọc đỏ lên kỳ đài của Hà Nội. Khi ta làm được chuyện đó thời các sư đoàn của địch ở miền bắc sẽ tan rã kéo theo sự đầu hàng của các sư đoàn ở miền nam...
Bước tới tấm bản đồ treo trên tường tướng Trưởng hỏi phó đô đốc Cang.
- Mình đang ở đâu vậy anh Cang?
- Mình đang ở Phan Thiết...
- Chừng nào mình mới tới Hải Phòng?
- Từ Phan Thiết tới Hải Phòng khoảng 750 hải lý. Vận tốc trung bình của tàu khoảng 15 hải lý một giờ. Như vậy phải mất hai ngày chúng ta mới tới Hải Phòng. Bây giờ là 11 giờ đêm ngày 30 tháng 4. Như vậy mình sẽ tới Hải Phòng vào khoảng 1 hoặc 2 giờ sáng ngày 3 tháng 5...
Quay sang Đào đang ngồi cạnh Vinh tướng Trưởng hỏi:
- Em biết các chiến hạm chở sư đoàn 22 hiện đang ở đâu?
- Thưa trung tướng... Hai chiếc HQ 500 và 501 đang ở trong vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ngải. Họ đi trước ta khoảng gần một ngày... Hai chiếc này còn được hộ tống bởi hai tuần duyên hạm...
Chỉ vào thành phố Vinh thuộc tỉnh Nghệ An tướng Trưởng nói.
- Sư đoàn 22 sẽ đổ bộ lên Vinh vào sáng sớm ngày 2 tháng 5 để chiếm đóng phi trường cho các phi cơ của ta đáp xuống lấy nhiên liệu. Ngoài ra đơn vị này còn đóng chốt tử thủ không cho các sư đoàn ở phía nam về giải vây Hà Nội... Mình đủ phi cơ chở lính dù hả anh Minh?
Trung tướng Minh cười nhẹ.
- Mình có thừa phi cơ chở nguyên sư đoàn dù. Ngoài ra tôi còn ra lệnh cho các phi đoàn phản lực và khu trục sẽ hộ tống các C47 và C130 ra tận Hà Nội. Họ cũng sẽ tham chiến như lính bộ binh vậy... Chuyến này mình chơi xả láng tụi nó mà anh...
Mọi người đều bật cười vì câu nói đùa của vị tư lệnh không quân.
- Ngoài yếu tố bất ngờ ta còn cần phải điều binh làm sao cho mỗi đơn vị đúng vào vị thế và ngày giờ. Ta phải đặt lính vào cái thế đánh là phải thắng bởi vì không thắng là chết. Thí dụ ngay lúc biệt kích dù nhảy xuống Hà Nội thời đó cũng là lúc dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, sư đoàn 1, 2 và sư đoàn Giải Phóng Hà Nội cũng đồng lúc mở cuộc tấn công...
Dù cho cuộc chiến chưa xảy ra nhưng Đào cảm thấy lòng mình xôn xao khi nghĩ tới cảnh hàng ngàn hoa dù nở trên nền trời Hà Nội cùng với hàng trăm chiến xa cắm ngọn cờ vàng ba sọc đỏ chạy trên đường phố đầy người đứng xem. Tiếng đạn bom bị át bởi tiếng reo hò của người dân Hà Nội khi thấy lính miền nam ra giải phóng họ khỏi gông cùm cộng sản.
- Tư lệnh có lên bờ không?
Đào hỏi phó đô đốc Cang.
- Không... Tôi không theo ông Trưởng mà tôi sẽ đích thân chỉ huy tàu của mình ngược dòng sông Hồng lên Hà Nội... Ba mặt trận sẽ được mở ra cùng một lúc. Không chiến trên trời, bộ chiến trên đường phố Hà Nội và thủy chiến trên sông Hồng...
Vinh hít hà.
- Tôi ước ao được đi với đô đốc để làm lại lịch sử. Chín trăm mấy chục năm trước vị danh tướng Ngô Quyền đã mở cuộc thủy chiến lừng danh kim cổ thời hôm nay chúng ta cũng noi gương tiền nhân mở cuộc thủy chiến trên sông Hồng để giải phóng dân chúng miền bắc ra khỏi gông cùm cộng sản...
Hiền, sĩ quan tùy viên của tướng Minh phụ họa.
- Vậy ba đứa mình hoán đổi đi. Tôi theo bộ binh, Đào theo không quân còn Vinh theo hải quân...
Nghe ba người sĩ quan đùa tướng Minh cười thốt.
- Thôi đi... Ba em ai lo nhiệm vụ người đó... Không quân, hải quân hay bộ binh thời cũng đánh giặc mà...
Giọng nói của tướng Trưởng vang lên khiến cho mọi người im lặng.
- Giờ này đám lãnh tụ Hà Nội đang nhậu nhẹt ăn mừng chiến thắng. Tiếc thay tình thế không cho phép ta tấn công ngay đêm nay... Thôi chúng ta giải tán để chờ đợi ngày đặt chân lên miền bắc...
( Sẽ đăng tiếp vào ngày 2- 4- 1975 )
Comment