Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Những tác phẩm để đời của Nhà Văn Sơn Nam

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Tình nghĩa giáo Khoa Thư

    Tình nghĩa giáo Khoa Thư


    - Từ đây tới nhà ông Trần Văn Có gần hay xa vậy thầy ?

    Thầy xã trưởng đáp :

    - Ở xóm Cà Bây Ngọp lận ! Ðể tôi ra lịnh cho phó hương ấp đòi tên đó tới công sở...

    Thầy phái viên nhà báo "Chim Trời" giựt mình.

    - Tôi là phái viên, đâu có quyền hạn đó đối với quý độc giả thân mến gần xa.

    Thầy xã hỏi :

    - Phái viên là gì vậy thầy ?

    - Là người thay mặt cho tờ báo đi cổ động và thâu tiền.

    - À ! Bây giờ tôi mới biết cái thằng Tư Có. Nó thiếu tiền của nhà báo hả ? Hèn chi nó bơi xuồng lên công sở lãnh báo, đúng bảy bữa là có mặt nó. Nghèo không biết thân lại còn bày đặt làm sang mua báo không trả tiền !

    Thầy phái viên cố nén sự bực tức khi nghe người độc giả thân mến của mình bị thầy xã khinh khi ; thầy hút thuốc suy nghĩ rồi lại hơi buồn buồn mà nhớ đến sự thất bại về tài chánh.

    Ông độc giả Trần Văn Có thiếu sáu tháng tiền báo tức là hai đồng sáu cắc rưỡi. Từ chợ Rạch Giá vô đây, thầy đã tốn gần ba cắc rưỡi tiền tàu, tiền thuốc hút. Chuyến về lại phải xuất thêm ba cắc nữa... Ông độc giả nghèo nàn này chắc gì trả được một đồng trong số tiền thiếu chịu nhà báo !

    Nhưng đã tới đây rồi mà trở về thì uổng cuộc viễn du Hậu Giang này quá ! Thầy phái viên quyết tình binh vực thể diện của người độc giả nọ :

    - Không phải tôi đi đòi tiền ! Tôi đi dò hỏi ý kiến bạn đọc đối với tờ báo. Tiền bạc là quý... Nhưng ý kiến của bạn đọc lại quý hơn. Ðộc giả ở tới đâu, chúng tôi đi tới đó.

    Sau vài phút đi tới đi lui, thầy xã gất đầu :

    - Ðược. Ðể tôi biểu thằng "Trạo" chèo tam bản đưa thầy. Thầy nên dè chừng. Tên Trần Văn Có nói mười, thầy tin một là vừa. Anh ta công kích tờ Lục Tỉnh Tân Văn của nhà nước Lang Sa gởi xuống công sở ; đi ăn giỗ thì nói chuyện Hít Le, chuyện nước Ý đánh nước Á, chừng hỏi kỹ mấy nước đó ở đâu, anh ta bí lối nói lảng qua chuyện Tàu...

    Thầy phái viên tò mò :

    - Vậy thì ông độc giả của chúng tôi rành chữ nho ?

    - Ai biết rõ được. Anh ta nói có dây có nhợ, tích người học trò nghèo tên là ngươì Thừa Cung gì đó... chăn heo ; ông quan đại thần Lý Tích đích thân nấu cháo cho chị ăn dè đâu bị lửa táp cháy râu. Chưa hết đâu, thầy phái viên ơi ! Hễ gặp ai say rượu anh ta nói một hơi như thầy chùa tụng kinh, có ca có kệ. Cái gì mà các anh hãy trông người kia đi ngoài đường, mặt đỏ gay, mắt lờ đờ...

    Thầy phái viên cười lớn, nhịp mạnh tay xuống bàn ba bốn lần như đánh trống chầu hát bội, đôi mắt sáng ngời, chân nhảy nhót như con nít :

    - Hay quá ! Hay quá ! Tôi thăm ông độc giả đó mới được. Ổng làm thầy giáo hả thầy ? Nhờ thầy đưa tôi đi tới gặp mặt. Ngộ quá hen ! Ừ ! Ừ !

    Bực mình quá chừng, thầy xã nghĩ : "Ông phái viên này kêu mình bằng thầy mà lại tưng bốc kêu Tư Có bằng ông. Hay là ổng chê mình không dám xuất tiền mua báo như Tư Có. Chừng bận về, mình mua vài năm báo chơi cho biết mặt".

    Thầy xã hối thúc cho chú trạo sửa soạn quai chèo đưa thầy phái viên đến ấp Cà Bây Ngọp. Thầy phái viên cám ơn một tiếng nhỏ rồi cúi đầu xuống nói rù rì như xa như gần, trong cuống họng :

    - Ờ ! Ðể coi các anh hãy trông người kia đi ngoài đường, mắt đỏ gay, mắt lờ đờ, quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ vẹo bên kia, múa chân múa tay, mồm nói lảm nhảm... Lũ trẻ theo sau reo cười chế nhạo... Ðúng vậy, QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ lớp Sơ đẳng, Việt Nam Tiểu học tùng thư... Sách náy do Nha Học Chính đã giao cho ông Trần Trọng Kim, ông Ðặng Ðình Phúc và ông Ðỗ Thận soạn... Eo ơi ! Cái buổi thơ ấy đó nay còn đâu.

    Ðường đi ấp Cà Bây Ngọp quá xa vời ! Chiếc tam bản nhún xuống một cái "ồ" rồi nhảy tới một cái "sạt" theo nhịp chèo hai chèo. Nắng chang chang rắc vàng trên thảm cỏ hoang xanh ngắt. Vài nhánh bình bát gie ra, quất vào bụi sột soạt. Xế chiều, cò trắng phất cờ như đón người khách lạ. Trích, cúm núm kêu ré lên.

    Con rạch thâu hẹp lại. Chiếc tam bản lắc nghiêng như trái dừa khô trên mặt nước đầu sóng gió. Ánh trạo chèo một chèo, nghiêng mình bên hữu. Rồi bỗng nhiên anh chụp mỗi tay một cây chèo mà chèo trên đất khô bên bờ rạch. Chiếc tam bản lại lướt nhanh trong lòng nước quá hẹp, vừa đủ lọt bề ngang.

    Anh trạo mỉm cười :

    - Chèo như vậy đi lẹ hơn. Mọi lần mùa hạn, nước cạn queo, dưới sông đầy bùn non, tôi cưỡi trâu trên bờ mà kéo. Chiếc tam bản đi như cộ kéo lúa...

    - Chú trạo biết rành nhà Từ Có không ?

    - Dạ, biết. Tư Có ở một mình, nuôi heo, giăng câu, ăn ong, nghe nói y ở xứ Vãng Long xuống đây tính bề dạy học mà xin phép chưa được...

    ***

    Buổi cơm chiều ngon lành làm sao ! Ăn cá lóc nướng trui, uống rượu "ông cọp". Anh trạo đã về, Tư Có kềm thầy phái viên ở lại ngủ một đêm, chú hứa sáng mai bơi xuồng đưa thầy trở lại công sở mà đón tàu đò. Thếp đèn dầu cá kéo thêm một tim thứ nhì nữa, cháy khá sáng. Bếp un dưới đất tỏa lên cuồn cuộn, tỏ rõ từng sợi khói mịn màng như mành lưới tơ giăng bủa khắp căn chòi nhỏ hẹp.

    Tư Có bỏ mùng xuống, chun vô tấn ba phía rồi mời :

    - Thầy Hai vô trong này ngồi nói chuyện cho vui. Ở ngoài muỗi cắn. Khói như vậy mà muỗi cứ bu lại rớt lềnh bềnh trong thếp đèn dầu cá đó.

    Ngượng nghịu, thầy phái viên nhà báo Chim Trời rón rén dở mí mùng, chun lẹ vào ngồi kế bên :

    - Xứ gì lạ quá ! Anh Tư ở đây hoài sanh bịnh chết.

    Tư Có đáp :

    - Xứ Cà Bây Ngọp, tiếng Khơ Me nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu "len" tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn... Bởi vậy dân tình bịnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học.

    Thầy phái viên trố mắt :

    - Vậy à ? Còn mấy làng khác ?

    - Ðông Thái, Ðông Hoà, Ðông Hưng, Vân Khánh Ðông... không làng nào có trường hết. Thầy nghĩ coi...

    - Hèn chi miệt này chỉ một mình anh Tư là độc giả báo Chim Trời của chúng tôi... Báo có thích hợp không anh Tư ?

    - Nói chí tình, đó là của người bà con ở Sài Gòn "đăng" dùm tôi, ban đầu tưởng nói chơi dè đâu nhà báo gởi xuống thiệt, xem cũng đỡ buồn. Phần nhiều bài vở của mấy ông viết cao quá. Tôi thường đọc cái trương Văn Uyển, có bài thơ bát cú của cô Bích Lý vịnh cảnh sông Hương. Hay quá lẽ ! về sau, ông Trần Bất Diệt ở Cầu Kè họa vận...

    Thầy phái viên gật đầu, ừ lấy lệ, thật ra hồi nào tới giờ đi cổ động cho báo Chim Trời mà ít khi thầy đọc kỹ báo nhà. Tư Có hỏi tiếp :

    - Nhà báo Chim Trời đông người không thầy ? Chắc là lớn lắm ? Làm sao mà thành chữ được.

    - Có thợ chuyên môn ráp từ chữ a, chữ b.

    - Trời thần ơi ! Biết tới chừng nào mới xong, chắc là thợ đông lắm... Còn mấy ông chủ nhiệm, chủ bút, phóng viên... Chắc làm việc rần rộ ngày đêm.

    Thầy phái viên sực nhớ đến tình trạng loe hoe của toà soạn, lại gật đầu lần nữa.

    - Làm báo thì cần nhiều trí óc lắm phải không thầy phái viên ? Tiếc là hồi nhỏ cha tôi chết sớm. Hồi đó, ổng làm thầy giáo cũng đặt thơ bát cú, tứ cú. Cha tôi chết, má tôi giữ mấy pho sách, dạy lại tôi. Ðó là sách Quốc Văn giáo khoa thư, thầy còn nhớ không ?

    Thầy phái viên cười :

    - Nhớ chớ. Làm sao mà quên được ! Hồi nhỏ tôi hớt "ca rê", tay xách tòn ten bình mực đi học ở trường làng. Hồi đó, trí óc minh sáng suốt, nhớ dai lắm. Bây giờ lớn tuổi, đầu bạc hoa râm, đi làm ăn rày đây mai đó, nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ làng xưa.

    Tư Có nói :

    - Chắc là thầy muốn nói bài "chốn quê hương đẹp hơn cả" chớ gì ?

    Rồi chú đọc một hơi :

    - Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi : ông đi du sơn du thủy...

    - Ðó đa ! Ðó đa ! Anh Tư nhớ kỹ quá... Người du lịch mới trả lời : ở chốn quê hương... từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những mối cảm tình chứa chan... Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đóng áo dài.

    - Thì hình nào cũng khăn đóng áo dài. Trừ ra cái hình thằng nhỏ chăn trâu cầm roi : ai bảo chăn trâu là khổ... Không, chăn trâu sướng lắm chứ.

    Thầy phái viên phụ họa theo như cùng hợp xướng :

    - Ðầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như voi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tôi nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ...

    Rồi thầy kéo qua những đoạn khác mà thầy nhớ :

    - Hay quá ! Nhà báo bây giờ không ai bằng. Văn chương như vậy là cảm động lòng người... Như cái hình ông già đẩy xe bò lên dốc, có hai đứa học trò kéo dây tiếp sức. Trời nắng to. Ðường thì dốc. Một ông lão đẩy cái xe lợn. Trên xe có ba bốn con lợn to, chân trói bụng phơi và mồm kêu eng éc...

    Tư Có vỗ trán :

    - Còn ông già khuân tảng đá nữa, thấy mà thương : Trời nhá nhem, chạng vạng tối, tôi thấy một ông cụ già hì hục khuân tảng đá. Ông cụ nhắc lên để xuống đến bốn năm lần mới đem được từ giữa đường đến chỗ bụi cây mà bỏ đấy... Lão đi lỡ vấp phải tảng đá này, sầy cả chân đau lắm nên khuân bỏ vào đây, sợ có người vấp nữa chăng.

    Thầy phái viên lại không chịu rằng mình kém trí nhớ :

    - Ngang hình ông già đó, trương phía tay trái có bài chọn bạn mà chơi, thói thường gần mực thì đen. Cha chỉ ngón tay, con đứng khoanh tay cúi đầu mà nghe. Dưới chót lại có hàng chữ : Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

    Tư Có gất đầu :

    - Ðó là ngụ ý răn he gương tốt thói xấu. Phải siêng năng như Sửu chăm học, ngồi bên đèn mà đọc sách ; đừng lười biếng như thằng Bình đánh vòng. Phải bền chí học hành. Ờ thầy phái viên chắc nhớ cái hình con kiến tha mồi ! Văn chương nghe như đờn Nam Xuân : Nước mềm, đá rắn thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, vậy mà dây cưa mãi gỗ cũng đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy...

    ***

    Không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim. Tuổi của họ đã quá ba mươi ! Nước chảy mãi mà sao đá không thấy mòn? Sợi dây cưa mãi, gỗ chưa đứt mà sợi dây sắp đứt trước. Sự nghiệp của họ nào đã có gì : Kẻ mến cái thú ở nhà quê, người lận đận với cái thú ở kẻ chợ.

    Nằm mãi không ngủ được, thầy phái viên lắng nghe những tiếng động trong nhà, giữa tiếng mọt nghiến gỗ kèn kẹt như người đưa võng, bất chấp tiếng chuột chạy sột soạt và nhất là tiếng muỗi rừng lộng hành kêu vo vo, thầy mơ lại những ngày năm nay tôi lên bảy, tôi đã lớn, tôi không... lêu lổng nữa. Còn đâu mùi hương của những quyển sách mới bao bìa kỹ lưỡng nhưng vài ngày sau đã rách bìa !

    Làm sao nghe được tiếng phập phồng trong ngực của đứa bé khi trời mưa to, đi học trễ, run rẩy bước vào trường rồi cổi áo phơi ngay trong lớp... Ðây, thầy giáo mặc đồ bà ba, lâu lâu bước ra khỏi lớp để chào hỏi khi thầy xã, thầy cai tổng đi ngang qua. Một đôi lúc, thầy giáo quá cay nghiệt đã dùng thước đánh vào những đầu ngón tay non yếu, hoặc hươi cây thước bảng...

    Dầu sao đi nữa, những kỷ niệm xa xưa vẫn vui, vui như một lũ học trò giành nhau chụp cho được cây dùi trống, đánh thùng thùng báo hiệu giờ vào lớp.

    Giọng Tư Có nói nhỏ :

    - Ngủ chưa, thầy phái viên ?

    Thầy phái viên yên lặng, trời mới mưa, các chỗ trũng đầy nước cả nên cóc và nhái kêu ính ỏi. Vài giọt mưa rớt nhẹ xuống đất... Và rơi trên rạch Cà Bây Ngọp trước nhà. Hồi năm nào, thầy là giọt nước trong lành đó, bây giờ nó đã trôi xa, ra sông, chứa đựng rác rến, chảy hăng ra biển. Ừ, hoạ chăng đó là con đường hiệu quả nhất là được sớm bốc thành hơi, đầu thai trở lại nguồn... Nghĩ vậy, thầy khoan khái mỉm cười ngồi dậy hỏi :

    - Ngủ chưa anh Tư ?

    - Chưa !

    - Tôi nãy giờ cũng vậy, muốn ngủ sớm để mai về nhà, mà không thấy mệt.

    Im lặng một hồi lâu, rất lâu, Tư Có nói ngậm ngùi sau một tiếng thở dài :

    - Biết lấy gì làm sở phí cho thầy. Thầy nói thiệt tình nghe coi... Chắc thầy tới đây thâu tiền.

    - Ðâu có ! Ðâu có ! Mình là bạn đời với nhau...

    - Thầy hiểu cảnh tôi. Không lẽ gởi cá lóc, rùa, mật ong... nhờ thầy đem về Sài Gòn gọi là tiền của tôi trả cho nhà báo. Tôi "đăng" là vì ái mộ báo Chim Trời chớ ít đọc lắm. Mấy thầy viết cao quá. Tôi mua để dành về sau cho đủ bộ.

    - Anh Tư đừng ngại chuyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư tín không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các độc giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác. Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gởi tặng anh Tư một số báo, hoài hoài cho tới số chót.

    Chú Tư Có vô cùng cảm động :

    - Thôi thầy ngủ lấy sức để mai về bình yên. Khuya nghe chồn cáo cộc kêu, thầy đừng giựt mình : Ở đây miệt rừng, không có... xa xa thì nghe tiếng chó sủa trăng.

    Thầy phái viên cười dòn, tưởng tượng cái cảnh biệt ly ngày mai "Ôi ! Cái cảnh biệt ly ở xóm Cà Bây Ngọp sao mà buồn vậy!". Vĩnh biệt thì đúng hơn. Nghe nó buồn như một giọng hò, một câu rao Vọng Cổ, nhưng thầy chưa muốn nói ra, giờ nầy.

    Sơn Nam


    sigpic

    Comment


    • #17
      Hát bội giữa rừng

      Hát bội giữa rừng


      Rạch Khoen Tà Tưng ngày...
      Cháu x.,

      Hèn lâu, bác mới nhận được thơ của cháu gởi xuống thăm bác.

      Dưới này, xóm riềng đều được vạn sự bằng an. Trong thơ, cháu hỏi về sự tiêu khiển của người mình hồi mới khai thác đất hoang, năm sáu chục năm về trước. Cháu nói hồi đó dân mình ưa hát đối, hát huê tình.

      Không phải vậy đâu ! Hát đối cần có sông rạch thông thương để bên trai bên gái tự do bơi xuồng song song nhau mà hát. Ðằng này. "dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua" có ai dám bơi xuồng ban đêm bao giờ ! Việc hát đối cần có tít nhiều tiền bạc để làm tiệc tùng thết đãi tất cả những ai có mặt cho vui với nhau.

      Ðằng này dân mình hồi đó còn nghèo lắm, ruộng chưa hết phèn, đình chưa cất, hương chức làng chưa có.

      Bởi vậy chỉ có hát bội là cách giải trí độc nhứt của người đi khai phá đất mới.

      Ai hát bây giờ ? Lẽ tất nhiên không phải mấy người trong xóm. Họ không biết chữ nho, Tiền Ðường Hậu Tống gì hết.

      Phải mời gánh hát bội từ xa lại hát chơi một đôi tháng. Nói đúng hơn, ông bầu gánh đích thân tới xóm mình. Năm đó nhớ kỹ lại... bác chừng mười bảy tuổi, xóm Khoen Tà Tưng mới có hai mươi căn chòi lá.

      Ông bầu gánh tới bàn với mấy ông kỳ lão :

      - Bà con tôi muốn lại đây hát giúp vui.

      Hát bội mà ai không ham, ngặt ông bầu nọ buộc nhiều điều gắt gao quá. Như là phải nuôi cơm toàn ban nam nữ. Như là phải cất rạp sẵn cho mấy ổng hát.

      Nghe qua, mấy ông kỳ lão lắc đầu vì đào kép toàn ban hát họ đông gần bằng dân số xóm này... Hơn nữa rạp cất giữa vùng cọp beo, nghĩ cũng khó bảo toàn tánh mạng cho người hát và người đi coi hát. Ông bầu đành năn nỉ :

      - Bà con thương dùm, anh em tôi cực chẳng đã mới chạy xuống miệt này ! Không lẽ bà con bắt nộp cho Tây chớ anh em tôi ở miệt Vũng Liêm vô hội "Kèo Xanh" rồi bị đổ bể.

      Ðộng lòng trắc ẩn, mấy ông kỳ lão đồng ý. Rồi thì mõ đánh chuyền rao cho đầu trên xóm dưới hay rằng :

      "Nay mai có hát bội tới, trước mua vui sau làm nghĩa, mỗi nhà nên tùy hỷ góp vài vùa gạo để nuôi họ. Ðồng thời, tất cả thanh niên trai tráng phải vô rừng đốn tràm, vạt nhọn dưới gốc sẵn".

      Hỏi :

      - Hát ban ngày hay ban đêm ?

      Ông kỳ lão nói :

      - Hát ban đêm mới vui chớ, ban ngày để làm công việc đồng áng.

      Có người cật vấn về vụ cọp ăn thịt người, ông kỳ lão nói :

      - Bà con đừng lo. Cứ đốn tràm về đây, nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Phen này, mình mời cọp và sấu tới coi hát với mình cho vui luôn thể.

      Tràm đốn về chất đống. Ông kỳ lão đích thân đốc suất việc xây rạp. Cơ mưu của ông như vầy : cất một cái nhà sàn ở giữa sông, theo kiểu ba căn hai chái. Ba căn giữa dùng làm sân khấu, hai chái dành cho đào kép ăn ở, nấu cơm. Như vậy, nhứt cử lưỡng tiện chớ chòi trong xóm nhỏ quá, đâu đủ chỗ cho họ ở đậu.

      Hỏi :

      - Dân tụi tôi đứng đâu mà coi hát ?

      Ông kỳ lão nói :

      - Bà con dốt quá ! Chung quanh sân khấu nọ, mình xốc cứ làm vòng thành, gốc cừ này khít gốc kia chừng một gang tay. Ai muốn coi cứ việc bơi xuồng vô vòng rào nọ. Xong xuôi đóng cửa lại. Cọp phải bơ vơ ngồi trên bờ rạch. Sấu thì đành ngóng mỏ, ngoài vòng. Trong này, mình ngồi trên xuồng mà coi sáng đêm ăn thua. Tuồng Tàu dài lắm.

      Xóm Khoen Tà Tưng rộn rịp còn hơn Tết, suốt ba bốn ngày liên tiếp họ dựng rạp, xốc nọc dưới sông. Mấy anh chị đào kép mới tới vô cùng mừng rỡ, họ cởi áo ra tiếp tay.

      Nhà cất xong. Bây giờ tới lượt lợp lá, lót sàn. Lá dừa mọc sẵn dựa mé. Tràm nhỏ cây, ở đâu mà chẳng có, cứ đốn về lót thế cho ván. Ðêm hát ra mắt, vui quá đỗi là vui ! Ðào kép thì áo mão xanh đỏ, đầu giắt lông trĩ, ngặt hai bàn chân thiếu hia, thiếu hài. Trống đánh thùng thùng. Kèn thổi tò ti te.

      Hai bên rạp chong bốn ngọn đuốc sáng rực.

      Họ hát tuồng Phong Thần, lớp lập Bá Lạc Ðài. Tuồng nhắc lại khi Tử Nha còn hàn vi nhờ người bạn là Tống Dị Nhơn cưới vợ cho. Vợ tên là Mã Cơ. rủi thay, cô vợ này có tật thô lỗ, xúi giục chồng đi ra chợ kiếm tiền cho cô ta xài phí.

      Tử Nha ra chợ làm thầy bói, gặp con Tỳ Bà tinh là chị em của Ðắc Kỷ, Tử Nha biết đúng chơn tướng con yêu nọ, nên xin phép Tỷ Cang thiêu sống nó. Tỳ Bà tinh hoàn nguyên hình cây đờn tỳ bà bằng đá.

      Giáo đầu là lời chúc mừng nhà vua. Sau đó, Dị Nhơn múa mà rằng :

      Sông Hà Lạc, qui trình tám quẻ,
      Cửa Võ Môn, cá nhảy ba từng.
      Trẻ ngậm cơm ngả ngớn đền Xuân,
      Già vỗ bụng chình chòng cõi Thọ,
      Miêng Trì là quê ngụ,
      Dị Nhơn thiệt tên già !

      Tử Nha bèn bước ra, xưng danh, than thở rằng mình chưa gặp vận. Dè đâu bà vợ là Mã Cơ xắn xả chạy lại mắng Tử Nha:

      Bớ ông Tử Nha này :
      Tôi, cầm khỉ không tường khỉ múa,
      Còn chăn voi chẳng biết voi lung.
      Hay mần răng ! Này tôi nói cho :
      Bảo đừng về tiên ngộ tiên khùng
      Khá kiếm chỗ ở thuê ở mướn,
      Ðể trả tiền đường, tiền đậu cho mụ đây... à !

      Tức quá Tử Nha ra chợ ngồi làm thầy bói. Tỳ Bà tinh bèn tới thử tài. Biết chân tướng yêu tinh của mình không qua được cặp mắt thần của Tử Nha, Tỳ Bà tinh bèn tri hô lên vu cáo rằng Tử Nha toan hiếp dâm nó. Ông trùm xóm hạ lịnh cho dân chúng rượt bắt Tử Nha :

      Tốc bôn trì, tốc bôn trì !
      Lai ứng tiếp, lai ứng tiếp !
      Lão già nào hãm hiếp, hãm hiếp !
      Bắt gái trẻ hoang dâm, hoang dâm !
      Quyết sanh cầm, quyết sanh cầm !
      Nan dung thứ, nan dung thứ !

      Tuồng này nghĩ thiệt lạ, thiệt hay. Nhiều người ba bốn chục tuổi mới được xem hát bội lần này là lần thứ nhứt. Họ thức sáng đêm ngồi dưới xuồng, khi mệt mỏi thì nằm xuống. Rồi lại ngồi dậy. Hai ba đêm đầu, cọp sấu không dám lại vì tiếng trống, phèng la, đuốc lửa.

      Việc gì cũng vậy, riết rồi sanh chán. Xưa kia, ông Từ Thức cưới vợ tiên ở Bồng Lai mà còn đòi trở về dương thế, hà huống chi xem đoàn hát Bầu Tèo này biểu diễn.

      Mấy đứa con nít xem một chập, ngồi ngủ gục. Chừng trống đánh giựt mình, tụi nó dụi mắt, cằn nhằn : "cái gì mà tốc bôn trì, tốc bôn trì hoài ! Cả tháng rồi không có gì mới. Cứ con yêu Tỳ Bà tinh chưn cẳng có ghẻ ngứa..." Tụi nó xúm nhau bơi xuống về. Hỡi ôi ! Hai ba ông cọp chạy dài theo bờ rạch ! Thôi thì đành trở vô vòng hàng rào nọ mà chờ đợi tới sáng.

      Cũng chuyến nọ, con Tỳ Bà tinh đang hát bỗng nhiên mặt mày xanh lét, tay run run chỉ xuống sông rồi chạy trở vào buồng. Rõ ràng là Tỳ Bà tinh thấy hai con sấu đang ngóng mỏ vô hàng rào. Ông kỳ lão ra lịnh giông phèng la. Sấu lặn mất.

      Lần lần, dân chúng thỏn mỏn về số gạo đóng góp nuôi đào kép. Ba chục ngày là ba chục vùa gạo ! Ông bầu tìm cách sáng chế tuồng mới nhưng quanh đi quẩn lại chỉ bấy nhiêu đào kép, bấy nhiêu áo mão. May thay, lúc đó dân xóm Khoen Tà Tưng có sáng kiến qua xóm Tà Lốc mời mấy người Miên bên đó đến xem hát trước mua vui, sau nữa là chia sớt gánh nặng lúa gạo.

      Người Miên rất đỗi hoan hỷ. Họ giúp sân khấu nọ vài điệu múa "rầm" lúc sửa soạn vô tuồng. Gần vãn hát, họ đưa lên một anh hề Miên diễu bằng tiếng Việt Nam. Chuyện diễu của họ như vầy : anh nọ ở bên này sông có cô tình nhân ở bên kia sông. Không biết cách nào qua được, anh dậm chân :

      - Cô Hai ơi ! Sông sâu sào vắn đâm không tới ! Muốn qua thăm bậu ngặt không có chiếc "re" !

      Lúc đầu nghe diễu như vậy ai nấy cười như nắc nẻ, lần hồi sanh nhàm. Vì vậy, gánh hát bội phải từ từ rút lui qua xóm gần đó, cách chừng ba chục cây số.

      Trời bắt đầu sa mưa. Gánh hát ra đi, nghĩ cũng hợp thời cho dân xóm này nhưng bất lợi đối với họ. Họ rã gánh lần lần, lưu lại khắp trong vùng hoang vu này nhiều chuyện hay hay. Dân xóm Khoen Tà Tưng bị ảnh hưởng của họ đậm quá ! Mấy đứa con nít chăn trâu nhái lại giọng hát bội, thét lên inh ỏi ngoài đồng :

      - Muôn tâu bệ hạ ! Muốn yên nhà lợi nước, nên trồng đước với dà. Mai sau có hư cửa hại nhà, đốn nó làm kèo làm cột....

      - Muôn tâu bệ hạ ! muốn yên nhà lợi nước, nên trồng đước với su, bắt khỉ đột cầm tù, ắt yên nhà lợi nước...

      Có một anh hề trong hánh hát trốn ở lại. Người đó sau này là ông Biện H. Ông biết chút ít chữa nho. Nhờ ổng mà xóm này có viết liễn. Nghe đâu chú của ổng hồi trước phò ông Phan Thanh Giản thủ thành Vĩnh Long.

      Ổng phải giả danh kép hát chạy xuống miệt này. Trước khi làm biện ở đình, ổng nổi danh một thời nhờ tài hát huê tình. Ổng nói : phải nhái theo lời văn của hát bội, thí dụ như : "Cả tiếng kêu... ! Ờ này em Hai ơi ! Sách có chữ Thiện ác đáo đầu..." Thì câu hát mới vui, có tinh thần.

      Ý kiến đó được anh chị em hát huê tình khen là phải.

      Câu chuyện hát bội hồi xưa tới đây cũng khá dài rồi. Nhưng chưa hết, vì còn mấy ông cọp nọ. Có lẽ mấy ổng mê hát bội hơn loài người. Chừng một hai tháng sau, cái sân khấu nọ tốc nóc, bao nhiêu nọc tràm làm hàng rào đã lung lay ngả nghiêng trên dòng nước, chừng đó người ta thấy một đôi ông cọp thường tới lui ngồi cú rũ dựa gốc cây gừa bên bờ rạch.

      Nhứt là đêm có trăng, mấy ổng le lưỡi dài thòn, như nhớ tiếc bao nhiêu con mồi ngon, bao nhiêu tiếng kèn tiếng trống. Biết đâu về sau này mấy tiếng "coi hát cọp" là do sự tích của mấy ổng hồi xưa, không chừng !

      Sơn Nam


      sigpic

      Comment


      • #18
        Hương rừng

        Hương rừng


        Sống ở rừng U Minh Hạ từ lâu rồi mà Hoàng Mai hãy còn có cảm giác như lạc loài tận đâu đâu, bước chân đi không vướng đất. Ví nàng như cánh bèo rày đây mai đó thì không đúng lắm : có lẽ nàng như đoá hoa sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Nhưng loại hoa sen thông tục quá, lại thường lọt vào tay phàm ! Ðằng này, bẩm sinh nàng thuộc về một phẩm chất thanh cao hơn.

        - Tằng tổ nhà ta vốn họ Trần, nhờ dày công phò chúa từ Thuận Hoá đến đây nên được cải ra họ Nguyễn, Niên mỗ, ngoạt mỗ, quân Tây Sơn đến mãi tận chốn rừng già này, chúa Nguyễn đành ra khơi tìm nơi cứu viện. Thảm hại thay ! Tằng tổ nhà ta tuổi già, nhuốm bịnh không vượt biển hộ giá được, đành cam lỗi đạo quân thần, giả dạng lê dân, nương náu nơi chốn thanh lâm u cốc. Người được phong đến chức ngự y. Gia phổ ghi chép rành rành, nói xứ này, chỉ dòng họ ta là có gia phổ, đó con.

        Cha của nàng thường nhắc nhở như vậy.

        - Là quan ngự y, cớ sao tằng tổ ta không tự chữa bịnh được. Hẳng là bệnh nan y ! thưa cha...

        Bao lần nàng ướm hỏi như vậy nhưng không dám. "Thuộc dòng hoàng phái nhưng sao triều đình không chú ý tới mà ban cho chút bổng lộc ?". Ðó là nỗi thắc mắc triền miên của nàng khi thấy cha già chuốt tre đan giỏ mà độ nhựt hoặc ngồi buông cán câu bên bờ trúc, giữa trăm bầy muỗi rừng.

        Thỉnh thoảng, cha nàng nói khẽ như thanh minh, tự an ủi :

        - Hoàng đế đang tức vị thuộc dòng ngụy, do tân trào dựng lên. Giọt máu hùng anh của tiên vương này đã bị lưu đày nơi hải đảo Bòn Bon, bặt tăm nhàn cá. Nhận chức hương giáo trong ban hội tề làng Khánh Lâm sở tại, chẳng qua là cha muốn bưng bít dư luận. Bổng lộc của tân trào, cha nào màng, chỉ nguyện làm bạn bầu với cây cỏ, gió trăng.

        Ngày ngày lớn khôn, Hoàng Mai càng yên tâm tin tưởng nơi dòng máu quí phái của mình. Cội hoàng mai cổ thụ trước sân, há chẳng là một bằng cớ ? Bao năm rồi, nó vẫn bền gan khoe sắc khi gió Tết thổi về ; vùng U Minh này mấy ai biết thưởng thức giống hoa vương giả lạc loài ! Bản Nam Bình réo rắt trong ruột cây đàn thập lục chỉ để riêng cho nàng thông cảm đó thôi... Nhưng cơ trời không ai ngờ được, tránh được.

        Mây đẹp của đỉnh Ngự còn có khi tan, nước yên lành của dòng Hương thường bị gợn những làn sóng nhỏ. Năm ngoái, năm kia, khi vừa quá tuổi trăng tròn, một buổi chợt soi mặt vào lu nước mưa, nàng bắt gặp cái màu trắng trong leo lẻo của dàn da mình. Miệng chúm chím hàm tiếu, nàng vuốt mớ tóc đen huyền ; bàn tay ngà đặt trên má đỏ hây hây, mơn man chuyền suối tóc về trên sau lưng gầy. Nhưng... lạ kìa ! Hàng chục sợi tóc thi nhau tuôn xuống.

        Gió nhẹ thoảng qua ; chân tóc lấm tấm đung đưa, vướng bận chưa chịu bay đi như còn than van niềm biệt ly vô cớ. Nàng cau mày trở vào phòng, cầm lược chải kỹ. Nàng toan rú lên. Lược đùa đến đâu là tóc rụng đến đó như lá úa trên cành đến độ gió trở mùa. Nàng e thẹn. Nàng giận dỗi.

        Thân phụ nàng - Ông hương giáo - chạy tới. Nàng soi gương, không day lại rồi trả lời về tiếng rú khi nãy :

        - Không gì lạ đâu, thưa cha.

        Ông hương giáo đã hiểu nguồn cơn. Mớ tóc rối nằm cuộng đống trên bàn khiến ông xúc cảm, không che giấu được cơn buồn. Chiếc gương mờ soi đôi má ửng của Hoàng Mai, màu ửng đỏ lạ thường, không biến đổi dầu khi nàng sợ hãi.

        - Từ hồi tấm bé, làn da của Hoàng Mai mịn quá, bóng quá. Trăm sự đều do đó mà ra...

        Ông thở dài, cũng như ông đã thở dài hồi mấy năm trước, tuy gió bấc về không lạnh lắm nhưng Hoàng Mai đòi đốt lửa để sưởi rồi dẫm chân lên than hồng mà cưòi. Ðêm đến, ông nghe tiếng rên khe khẽ.

        Ngỡ là con gái nhuốm bịnh, ông đến gọi cửa đôi ba lần. Hoàng Mai nằm đó, tỉnh mà như say, hơi thở hổn hển, đôi mắt úp vào chiếc gối mềm như trốn tránh mấy sợi tơ trăng buông xuống từng hồi, khi gió rạt rào khẽ rung làm hở ra mấy mí lá che trên đầu vách.

        Bịnh của nàng, ông doán được, ngặt không muốn nói rõ tên ra : bịnh nan y - bịnh cùi. Ông chỉ khuyên con gái năng đi duốc vì ở rừng này... "phong" nhiều lắm. Quyển gia phổ ngủ từ lâu đời dưới lớp bụi trên bàn thờ được vời xuống. Lật ra kính cẩn dưới ánh nến bạch lạp. Hơn trăm năm qua, kiếng họ Nguyễn chưa ai nhiễm chứng ấy, rõ ràng không phải bịnh di truyền. Ông suy luận :

        - Có thể nhà mình đắp nền trên ngôi mộ xưa của ai. Và tự ngày xưa, ai dám, chối rằng khu rừng này không là bãi sa trường mà người thắng kẻ bại đều lẫn lộn trong đống xương Vô Ðịnh đã hóa ra cát bụi :

        Trang phụ lục thứ sáu của quyển gia phổ thứ nhứt còn thố lộ vài chi tiết khó hiểu, viết bằng chữ nôm :

        "Ðến Ngạc Ngư Ðàm tức Ðầm Sầu, Ao Sấu, hơi sương lạnh buốt, chướng khí xây thành. Khách hỏi : loại Ngạc Ngư (cá sấu), từ đâu lạc vào đầm ? Kẻ thổ dân thưa : không ai rõ. Chúng đến đây như án ngữ nẻo đường qua truông quỉ.

        Nơi ấy, muôn nghìn ma quái như ẩn, như hiện. Lại có loài ong dị thường năng về làm ổ ; loại ong này lưng nhuộm ngũ sắc, vượt thiên lý để hái nhụy trăm hoa đem về luyện Ngọc. Người phàm chưa ai đến gần được.

        Chúng không sợ khói, hửi nhằm hơi kim khí ô trược là chúng ào ra như giông tố giết cho kỳ được kẻ ngạo mạn. Quan ngư y họ Trần biết được tin ấy bèn sai quân sĩ bày mưu kế hòng cướp ổ ong nọ, đoạt loại Ngọc thiên nhiên hiếm có đem về luyện thuốc trường sinh..."

        Tư Lập, tay thanh niên khét tiếng về nghề ăn ong ở xóm Cán Gáo được ông hương giáo mời về nhà, bày rượu thịt thết đãi, đối xử như thượng khách.

        Trang gia phổ lại giở ra, đọc nho nhỏ vừa đủ cho Tư Lập nghe. Tư Lập gật đầu.

        Trong rừng già này, bên kia Ao Sấu, thỉnh thoảng loài ong ngũ sắc ấy trở về. Ban đầu chú Tư dùng con dao xương nai mà cạo lấy mật nhưng không hiệu quả. Lần sau, chú mài miếng xương người, dẹp như cây dao, theo ý muốn của ông hương giáo. Ngọc ong đã lấy được, đem về.

        Chú bán tín bán nghi vì thấy "ngọc" chỉ là mớ nhụy bông quến lại thành ké mà loài ong dự trữ bên góc ổ. Từ đấy, ông hương giáo mời Tư Lập ở luôn trong nhà cho có bạn. Ngày đêm, ông chong hàng chục ngọn nến bạch lạp chung quanh mớ "ngọc" để luyện, hy vọng rằng khi đúng một ngàn ngày nó sẽ trị được bịnh nan y của Hoàng Mai.

        Tư Lập như không chú ý đến điều vô lý đó, cứ ra vào nhìn trộm hình dáng giai nhân rồi nằm trằn trọc... mãi đến một đêm nọ, lúc đứng ngắm thẫn thờ cội mai già trước sân, chú nghe hơi thở nào ấm nồng, nhồn nhột sau gáy :

        - Anh Tư ở đây vui chớ ? Nãy giờ em không dám hỏi.

        Chú nhìn kỹ : không phải là dạng hồ ly tinh trêu cợt, chính là Hoàng Mai cô gái con ông hương giáo mà bấy lâu nay chú trộm nhớ thầm thương.

        Nàng nói tiếp :

        - Cha của em dặn em gọi bằng anh. và đừng làm gì anh buồn.

        Chú hiểu ý. "À té ra bấy lâu nay ông hương giáo thương mình". Chú đánh bạo tìm bàn tay nàng. Nàng lắc đầu :

        - Em hơi mệt, như vậy...

        Rồi nàng nâng tay áo lên, thứ tay áo lỏng thỏng quá rộng quá dài :

        - Anh nắm cái chéo tay áo này, em cũng đủ vui rồi.

        Cảm động làm sao ! Ngạc nhiên làm sao ! Một mùi hôi hám từ trong tay áo bay ra. Khi níu cái chéo tay áo của người đẹp. Tư Lập thấy rõ ràng bên trong : ngón tay của nàng rụng mất hồi nào, chỉ có năm cuộn vải nhỏ vấn khéo léo thay thế.

        Hôm sau, chú viện cớ ra đi lúc mùa bông tràm nở trắng rực. Chú không thèm làm nghề ăn ong nữa. Hàng trăm tấm kèo bằng cây mun, chú giao lại cho ông hương giáo. Chú về ở Long Xuyên. Nhưng hương rừng có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến thì vui. Ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại thì không được.

        Chú lại trở về.

        ***

        Sông Trèm Trẹm bắt nguồn từ xóm Cán Gáo chảy về phía Nam, qua xóm Tân Bằng rồi đổ ra sông Ông Ðốc, hòa mình vào vịnh Xiêm La.

        Thằng Kim nóng lòng, không biết Tư Lập muốn dừng lại làm ăn ở khúc nào. Giây lâu, Tư Lập nói :

        - Rừng U Minh còn nhiều bí mật ! Ðừng lo mà. Tao hứa dẫn mày tới chỗ này vui lắm, đừng sợ chết đói. Có tao.

        Xuồng ngừng lại giây lát nghỉ trưa rồi mái dầm lại tiếp tục khoát dòng nước đỏ ngòm, tuy chảy mạnh nhưng tứ bề khuất gió nên không gợn sóng. Ðôi bờ quanh co, hoa lá nghiêng mình lại, giao đầu, bắt tay nhau che kín bóng mặt trời.

        Khách đi đường ngỡ mình lạc lối trong hang, thứ hang thiên nhiên, bất tận. Có tiếng vượn hú. Từ bên này, con vượn bồng con, nắm sợi dây rau câu, lấy trớn đu mình sang nhánh ở bờ bên kia để hái trái rừng. Trái quá chát, vỏ quá dày, vượn nhăn mặt, bực tức ném mạnh. Trái vừng sa vào giữa lưới nhện giăng hờ, lơ lửng.

        Lưới rung rinh không đứt hẳn ; con nhện hoảng hốt, thả sợi tơ dài, sa xuống. Chợt thấy mặt nước, nó toan rút lên. Nhưng trể quá rồi ! Con cá bông phóng mỏ theo, táp mạnh. Thằng Kim ngỡ đó là con trăn. Cá lớn bằng cây cột nhà, vảy xanh vảy trắng thêu từng vòng ngời lên khắp thân mình. No mồi, cá lặn sát đáy, lội nhanh.

        Bầy cá con hối hả di chuyển theo mẹ, hàng trăm con lấm tấm như rắc cườm đầy mặt nước, mất dạng trong bóng mát đằng kia. Bờ sông im lìm, mặt nước thẫn thờ trả lại bóng dáng hiền hòa của cây chồi mọc sát mé bãi ; bông vừng buông thõng xuống từng xâu chuỗi hường, chen lấn, nối tiếp nhau như bức mành mành. Nhánh vừng khó cắn, lá vàng rụng mất hẳn.

        Ðôi đọt non nhú lên, mỏng mịn, chưa nhuốm được màu xanh vì thiếu nắng ; ở xa, trông như những cánh bướm khổng lồ đang phập phồng, ngứa ngáy, chưa đậu yên chỗ là đã chớm bay.

        - Kim, mày biết nước sông này màu gì không ?

        - Ở dưới sông, giống như màu máu bầm. Múc lên tay coi thì như nước trà pha đậm.

        Tư Lập day lại :

        - Hồi xưa, có người nói nó giống như cà phê đen. Ờ... mày uống cà phê lần nào chưa ?

        - Chưa, chú Tư à.

        - Bán thiếu gì, tại chợ Thới Bình. Dân ở chợ là người mới tới mua bán lập nghiệp, họ chưa dám đi sâu vô rừng làm ăn như tụi mình bây giờ. Họ nể nang dân phía này lắm.

        - Sao vậy, chú Tư ?

        - Vì dân này là dân cố cựu, phá sơn lâm, đâm Hà Bá dọn đường cho họ tới sau làm ăn. Con nhà tướng đi mở đường máu mà!

        Tư Lập vừa nói vừa vói tay đập sau lưng. Thằng Kim đã hiểu nghĩa mấy tiếng "mở đường máu". Ba bốn đốm máu đỏ ngời : mấy con muỗi vừa bị đè nhẹp xác.

        Nó sực nhớ tới bầy muỗi bu quanh nó từ mấy ngày rày. Ban đầu, nó bực mình, đập giết thẳng tay, phải buông dầm khiến xuồng lủi vô bờ. Mổi lần như vậy, Tư Lập day lại :

        - Cứ bơi lẹ, muỗi cắn ít hơn. Ở lầy quầy mình bị cắn nhiều mà không đi tới đâu hết. Xuống xuồng để bơi chứ đâu phải để đập muỗi !

        Nghe lời Tư Lập, thằng Kim bấm môi chịu đựng.

        Vài tiếng gà gáy văng vẳng, hưởng ứng nhau phá tan bầu không khí tĩnh mịch. Vòm cây lần lần trống trải nắng rớt từng mảng, ngưng đọng không chịu trôi theo dòng nước ngày càng chảy hăng. Bên bờ, nước đổ róc rách theo con lạch nhỏ, vỏ tràm trôi lềnh bềnh trắng. Thằng Kim nôn nức :

        - Tới chỗ nghỉ chưa, chú Tư ?

        - Chưa. Hai voi nữa. Mày nhớ không, hồi sáng tới giờ mới qua có sáu voi.

        Hai voi, đường còn xa. Thằng Kim yên lòng vì sẽ đến chỗ nghỉ trước khi trời sụp tối :

        - Chú có bà con ở đây hả ?

        Tư Lập cau mày không trả lời, mở gói thuốc ra vấn hút. Ðó là gói thuốc mà chú hứa tiết kiệm, để dành hút khi tới nơi.

        Thằng Kim đoán chừng Tư Lập đang suy nghĩ nhiều. Chú lẩm bẩm :

        - Ừ, bà con hay là người dưng, chuyện đó không quan hệ. Nhắc tới tao buồn quá, muốn quày trở lại bây giờ. Nhưng đã tới đây rồi không lẽ lại trở về. Tao không muốn kiếm nhà quen. Ở gần xóm đông thì bất lợi, ở xa quá cũng hại. Mày tin tao. Tao không dại gì trở lại đây mà tìm cái chết... Ờ, mày họ gì ? Mấy ngày rày, tao quên hỏi.

        - Họ Trương hay họ Trần gì đó, tôi quên rồi. Nghe nói hồi đó ba tôi đổi họ.

        - Ối ! Họ gì cũng được, miễn tới chừng người ta hỏi thì đừng trả lời lập dập. Nói vậy chớ ai xét hỏi. Tao có quen với vua. Hồi xưa, có người ở xóm này được cải ra họ Nguyễn cho giống với họ vua... Họ nói vậy hay lắm.

        Thằng Kim ngơ ngác hỏi :

        - Bà con với vua sao lại ở đây ?

        Tư Lập không trả lời. Chú bơi mạnh, mũi xuồng quẹo vô bờ, phía trái. Vàm mương nhỏ hiện ra. Chú nói :

        - Mày nghỉ tay đi. Tới phiên tao rồi...

        Ngồi trước mũi, chú bơi phía mặt vài dầm rồi trở lẹ qua bên trái, bơi vài dầm. Xuồng lướt tới ồ ồ. Gặp dây, gặp nhánh cây cản mũi, chú bứt, bẻ rôm rốp. Gặp nước cạn, chú đứng mà chống hoặc quì trên sạp xuồng, ngả mình tới lấy trớn. Thằng Kim vui sướng quá. Lúc này nó khỏe tay, dầu muốn tiếp sức với Tư Lập cũng không được.

        Mũi xuồng quá nhỏ, nào đủ chỗ để hai người cùng ngồi ngang nhau. Hơn nữa, bơi xuồng theo lối mới này nó chưa quen. Mặt trời sụp xuống thấp, rọi thẳng từ trước mặt. Con rạch quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa nối liền qua những lung, bào, tròn tròn méo méo như hình mấy cái bao tử, gan, lá lách... Sậy mọc khỏi đầu.

        Hương rừng ngào ngạt, mùi hương xa lạ nhưng rất quen thuộc. Thằng Kim hít mạnh để hửi cho kỹ, để nhớ cho rõ nhưng nhớ mãi không ra. Chợt ngẩng đầu lên, nó trố mắt. Rừng cơ hồ không còn chiếc lá nào cả !

        Trên hàng vạn nhánh nhỏ, bàn tay thần nào rắc lấm tấm hằng hà sa số đợt bông gòn, không phải riêng trước mặt mà khắp các tứ phía. Rừng sáng lạn, ai dám nói là rừng âm u ? Bông kết oằn sai, mịn màng, trắng tuyết ; đài, cánh đâu không thấy chỉ thấy toàn là nhụy ngọt.
        Nó buột miệng :

        - Rừng cây gì vậy ? Chú Tư.

        Tư Lập day lại cười vang :

        - Thằng quỉ ! Hửi mà không biết mùi mật ong sao ? Tràm chớ giống gì ! Muôn ngàn hũ mật ong của trời ban xuống cho trần gian còn treo lủng lẳng như mù sương trên nửa lừng đó. Hửi vô thì say. Say thì không tỉnh được. Có người toan dùng nó mà luyện thuốc trường sinh, từ trăm năm nay...

        ***

        Tư Lập ngâm mình dưới bưng nãy giờ khá lâu rồi. Nước dâng lên nửa ngục. Hai tay chú quậy dưới bùn, chân bò tới lui, bọt nước sôi ùng ục. Chú rút lên một cây búa to tướng, nói huyên thiên :

        - Nó còn nguyên, mới tinh. Bộ trái đất xoay tròn sao mà ! Hồi năm ngoái tao nhớ rõ ràng, nhận ở gần gốc cây tràm bên kia. Bây giờ nó chạy qua bên này. Ðể tao rửa sạch cho mày coi. Cam đoan không có một bợn sét, khuất dưới lớp bùn non, mưa nắng không sao thấu tới. Sét ăn hư hỏng là khi nào mình giữ không kín. Lòng người cũng vậy... Mày chưa hiểu hả ?

        Thằng Kim thật tình không hiểu câu nói lắc léo của Tư Lập. Nó không cần tìm hiểu. Cây búa khiến nó ngạc nhiên hơn : cán dài cỡ năm tấc, lưỡi cao hơn hai tấc, bề ngang lưỡi búa trên một tấc rưỡi, lớn như mấy cây búa thần mà các ông tướng hát bội thường vác ra khi đánh trận.

        - Cầm thử coi nặng không ? Tay anh hùng mới cử nó được. Tạo ra lúa gạo, xuồng, chèo là nhờ nó. Nên nhà nên cửa, nên đất nên vườn, nên chồng nên vợ, xưng hùng xưng bá cũng nhờ nó.

        Tư Lập nói tiếp :

        - Ðói bụng chưa ?

        - Hơi đói. Nãy giờ tôi lưỡng lự ; gạo còn chừng hai nắm, không lẽ nấu cháo. Hay là mình kiếm nhà nào mượn đỡ.

        - Mượn gạo mà ăn, xưa quá ! Ở xứ này, tao không muốn gặp mặt ai hết. Con người ta chết... không phải vì thiếu gạo. Tới lớn, mày hiểu câu nói đó. Bây giờ đi với tao tìm nhà quen, bảnh thì mày đi trước một lần coi !

        Nói vậy chớ tư Lập bước trước, đạp lên choại, lên dớn nghe sột soạt. Thay vì đi thẳng lại phía rừng tràm trắng tinh, thơm ngào ngạt, Tư Lập quẹo trở về phía rừng thấp lè tè, cây cối mọc so le hỗn loạn. Bùn non ngập mắt cá. Muỗi bay lợn cợn, vướng vít dưới chân cây còn u tối. Tư Lập khuyên nhủ :

        - Ráng chịu cực vậy ! "Lô" rừng tràm đằng kia là của người ta. Rừng chồi phía này mới là của mình. Vắng hai năm nay, tao ngán rồi, không muốn nhớ lại cái mùi nhụy tràm.

        - Sao vậy ?

        - Ðừng hỏi nữa. Tao muốn lánh mặt người quen. Mai chiều, có lẽ mình qua nơi khác. Gió thổi hiu hiu, buồn quá.

        Tư Lập thẫn thờ đôi mắt rồi bỗng nhiên khoát tay, ra dấu im lặng. Chú ngồi nép xuống. Thằng Kim cũng bắt chước, cúi đầu, ái ngại. Tư Lập cầm tay nó mà nói khẽ :

        - Ðừng động đậy, thở nhè nhẹ. Nó kìa...

        Thằng Kim ngớ ngẩn, liên tưởng đến thứ tai nạn khủng khiếp :

        - Co... ọp hả ?

        - Nói bậy xui xẻo ! Ong mật.

        Và nó định thần khi Tư Lập nói rõ thêm :

        - Ong mật... đi ăn bông. Bay rề qua rề lại, thấy chưa, thấp chủn trên đọt sậy kìa.

        Thằng Kim mừng rỡ :

        - Ngộ quá ! Ổ nó ở đây đây, hả chú. Làm sao kiếm được ? Ý ! Nó lớn bằng hai con ruồi.

        Om sòm cái miệng ! Về chống xuồng lại đây mau, tao chờ ! Nhớ cái hộp quẹt máy. Thằng Kim hối hả làm y lời. Trở lại chỗ cũ, nó chợt nghe tiếng "hì" ở phía rừng tràm. Té ra nãy giờ Tư Lập lội tắt qua mương đi lại đằng ấy.

        Chú vội ngồi lên xuồng, chụp cây dầm, hờm sẵn :

        - Bậy quá ! Nó "đi bông" tới đây rồi mất dạng. Chờ một hồi nữa coi.

        - Ði bông là gì ? Chú Tư.

        - Là đi hút nhụy bông... kìa mê quá !

        ***

        Một con ong rồi hai con ong bay qua sát ngọn cỏ, lưng ngời những rằn xanh đỏ, hai chân sau quặp lại kẹp hai đốm vàng sậm mà thằng Kim đoán là nhụy bông. Ong vừa qua khỏi chừng mươi thước. Tư Lập hối hả bơi xuồng theo. Nhưng hai con ong nọ lại đáp xuống, mất dạng. Chú nói :

        - Ðây là trạm thứ nhì của tụi nó. Rán chờ chút nữa. Chém chết tao cũng ăn được ổ này.

        Sau đôi ba lần theo dõi rồi dừng lại như vậy, Tư Lập bỗng cười vang, múa men tay chưn như đứa trẻ thấy kẹo. Hàng trăm con ong bay chập chờn trước mặt, đáp xuống, vọt lên cao, không dời chỗ. Chú ngóng xem hướng gió trên ngọn cây, ra lịnh cho thằng Kim đứng im rồi chú đi khuất, chập sau mang về một nắm rễ cây gừa.

        Hộp quẹt bật lửa lên. Nắm rễ gừa ngún cháy, khói bay đều. Chú nói nhỏ :

        - Ði theo tao, đừng chạy bất tử nghe !

        Chú phồng má thổi mạnh, khói tung bay mịt mù chưa tan là chú thổi thêm lần nữa, chân bước nhanh tới. Hiển hiện sau lớp khói mỏng kia, vật gì lạ thường như một trái cây khổng lổ, lớn bằng cái nia, đen ngòm rực rỡ như nạm muôn ngàn hột thủy tinh chấp chóa...

        Thằng Kim há miệng :

        - Ổ ong hả ? Ong đâu hết rồi ?

        - Cả triệu con kết lại, nằm sắp lớp đen ngời, chớp cánh lia lịa đó, không thấy sao ! Ổ ở bên trong. Lên xuồng đi. Rủi bề gì tao với mày thối lui, lặn dưới mương, úp chiếc xuồng này lại mà che...

        Tư Lập cầm nhánh cây khô gạt mạnh vào ổ ; ong rớt xuống cỏ từng mảng, lần lần tan ra. Ổ ong khoe mày trắng tinh như sáp, treo trên khúc cây gác nghiêng ; cây kèo.

        Chú quát :

        - Chống xuồng lại. Tao với mày khiêng nguyên ổ xuống. Dầu sao mình cũng mang tiếng ăn cắp của thiên hạ rồi.

        Ðặt dưới xuồng, ổ ong nứt ra, mật vàng tươi chảy đọng vũng. Tư Lập chụp cây dầm, bơi trối chết, lướt qua sậy, qua năn. Thằng Kim cúi đầu sát ván, nhắm mắt, e nhánh hai bên quật nhằm. Nó cười tươi khi thấy mái chòi hoang hiện ra trước mặt, Tư Lập trao cây dầm cho nó thò tay xé tàn ong :

        - Trời ơi ! Tao hại tao ! Tao ăn cắp... của tao.

        - Chú nói gì ?

        - Miếng kèo bằng cây nhum. Hồi năm ngoái tao gởi nó lại cho người quen. Chữ "điền" tao khắc làm dấy rành rành.

        Cây rừng chuyển răng rắc. Ðâu đây có tiếng chưởi thề ỏm tỏi, xen vào tiếng dầm khuấy nước. Tư Lập cau mày.

        - Họ đi theo dấu bắt tụi mình. Không khéo lại xảy ra đâm chém, uổng mạng. Nhiều khi họ mạo nhận là của họ để hăm dọa mình. Lát nữa, mày đứng yếu bóng vía... Cứ cãi lại cho tao.

        Thằng Kim giựt mình :

        - Chú đi đâu ? Một mình tôi không dám...

        - Tao núp sau hè. Họ tới kìa ! Cầm búa lên ! Ðụng độ thì tao ra ăn thua.

        Nhanh như chớp, Tư Lập bước lui, ngồi khuất sau bụi mật cật. Thằng Kim nhìn trước mặt. Hàng cây rung rinh, rẽ ra. Một người vạm vỡ cầm búa, bước tới :

        - Khôn thì chịu tội. Thằng kia, mày ở xóm nào tới ?

        Thằng Kim cố giữ sắc trầm tĩnh :

        - Tôi ở đây, mần ăn...

        - Ăn cắp chớ mần ăn ? Tao theo dấu tụi bây nãy giờ. Công trình mấy tháng nay tao tạo sẵn để mày hưởng ! Ðã ăn cắp mà lại còn gỡ luôn tấm kèo, chẳng khác nào ăn trộm rồi đốt luôn nhà của tài gia.

        - Tôi không biết gì hết...

        - Chém chết mẹ chớ không biết !

        Lưỡi búa của khách hươi lên. Thằng Kim cũng nâng cây búa một cách vụng về. Khách nhìn nó, ngạc nhiên rồi nhìn cây búa :

        - Mày ăn trộm búa nữa hả ? Ráng mà đỡ. Nè !

        Hoảng hốt, Tư Lập nhảy ra, nắm cườm tay người khách lạ :

        - Tao ở nhà ông hương giáo hồi xưa đây mà. Chú mày đến sau nên không biết rõ tao là ai.

        Khách trố mắt :

        - Trời ! Cậu Tư. Về hồi nào ! Trời... nãy giờ thấy cây búa, tôi hồ nghi là của cậu. Sao không lại thăm cô Hoàng Mai ?

        Tư Lập vuốt mồ hôi trán :

        - Thôi ! Về đi. Nhắn với ông hương giáo rằng tối nay tao tới.

        Khách nói :

        - Buồn lắm ! Cô Hoàng Mai yếu nhiều.

        Tư Lập thở dài :

        - Vậy hả ? Ðừng nói nữa. Về trước đi.

        Khách rút lui. Tư Lập nói ngậm ngùi :

        - Trốn mà không khỏi. Trốn Tây ta là chuyện dễ ; trốn người quen là chuyện khó hơn. Ta ăn cắp ổ ong khi nãy mà chi ? Nghề ăn ong có nghiệp chướng... Ðây là ổ ong cuối cùng của tao trong nghề...

        Thằng Kim hỏi :

        - Sao vậy ? Ai đau nhiều vậy chú ? Cô Hoàng Mai là người bà con...

        - Bà con không phải bà con. Người dưng không phải người dưng. Tối nay mày thay mặt tao, lại đó mà thăm ông hương giáo. Phần tao, tao phải xa rừng này. Ở lại đây, mày có dịp học khôn. Ðừng buồn. Ðể tao nói lại đầu đuôi sự tích, hồi năm trước...

        ***

        Nghe xong thằng Kim đi từng bước chậm rãi đến nhà ông hương giáo. Câu chuyện tình của Tư Lập hãy còn lâng lâng trong trí nó. Gió chiều nhẹ thổi. Mùi bông tràm ngào ngạt. Nó nhìn từng gốc cây, lắng nghe từng tiếng lá trở mình mà khoan khoái trong lòng. Rừng U Minh này đối với nó cơ hồ không còn gì là bí mật khó hiểu nữa.

        Ðến nhà ông hương giáo, nó được thết đãi cơm nước tử tế. Ông hương giáo không nói chuyện nhiều. Nó nói dối rằng... chừng lát nữa Tư Lập sẽ đến. Nhưng Tư Lập có đến đâu ! Ðêm đó, nó được nằm ngủ trên ván gõ, trải chiếu bông, giăng mùng rộng rãi. Nửa đêm, nó chợt tỉnh vì ánh đèn chói mắt.

        Ông hương giáo nói :

        - Chú em thức hả ? Kìa ! Trên bàn thờ, từ bao năm rồi, tôi luyện "ngọc ong" để trị bịnh. Bịnh gì, chắc Tư Lập nói sơ cho chú em hiểu rồi. Tôi buồn quá. Tư Lập không trở lại nhà này nữa đâu. Chú em cứ nói thiệt. Phải vậy không ?

        Thằng Kim nói :

        - Dạ cháu không biết. Chú Tư không nói rõ...

        - Ta hiểu lắm. Dầu sao, trở về lần này, Tư Lập cũng đã tỏ ra có nghĩa ! Ai nỡ câu thúc chí trai của mình trong một xó để đổi lấy chữ nhàn ? Ai nỡ bỏ cái danh dự để mua chuộc một chức tước quí phái huyền hão. Từ xưa, tằng tổ của ta cũng vì khí khái ấy mà phò Chúa, xiêu lạc đến đây ! Bây giờ ta yếu lắm rồi.

        Dầu muốn bắt chước Tư Lập, ta cũng không còn đủ sức lực mà bắt chước. Gia thế của ta, thiên hạ đã rõ. Câu thúc Tư Lập ở mãi tại đây chăng ? Ta chỉ là người hương giáo, quyền hạn gì ? Ừ ! Tội là tội cho Hoàng Mai. Năm nay, nó ngồi một chỗ, không còn đủ sức mà ra thăm cội hoàng mai trước ngõ như hồi Tư Lập biết.

        Sáng hôm sau, thằng Kim từ giã ông hương giáo rồi đến ngồi bên mé rạch. Bông vừng tươi thắm, cây cối hai bên bờ giao đầu lại, mát mẻ. Nó chờ đón bất cứ xuồng ghe ai, đi về đâu cũng được, để quá giang. Sau lưng nó, trên thềm nhà, trong bóng mát, hình dáng của Hoàng Mai với đôi mắt và mớ tóc trùm kín trong chiếc khăn. Chiếc tay áo của nàng lòng thòng che khuất mấy ngón tay, từ từ nâng lên như tiễn đưa một hình bóng...


        Sơn Nam


        sigpic

        Comment


        • #19
          Bắt sấu rừng U Minh Hạ

          Bắt sấu rừng U Minh Hạ


          Nơi sông rạch, cá sấu là giống hung hăng nhứt. Có điều đáng chú ý là chúng không thích những chốn sông sâu nước chảy, có sóng gió. Chúng lên tận ngọn cùng, tìm nơi yên tĩnh, chật hẹp. Vùng U Minh hạ, sấu thường đi ngược sông Ông Ðốc, rạch Cái Tàu vào giữa rừng tràm.

          Tại sao vậy ?

          Tuy là thích ăn thịt người, loại sấu vẫn tìm cá làm món ăn chánh. Rừng U Minh hạ thuộc về loại trầm thủy (1) cá sanh sôi nẩy nở rất nhanh chóng ; lên đó tha hồ mà ăn.

          Ðến mùa nắng hạn rừng khô, sấu khỏi phải trở về sông Cái . Trong rừng có sẵn nhiều ao, nhiều lung (2), sấu cứ gom vào đó mà lập căn cứ sanh con đẻ cháu, năm này qua năm khác, cứ như vậy cho tới khi người Việt Nam ta đổ tràn xuống rạch Cái Tàu mà lập nghiệp.

          Ban đầu, họ ngỡ rằng sấu chỉ ở dưới sông, sau khi câu được chừng năm mười con sấu ở ngọn rạch họ đinh ninh cho là sấu đã giảm bớt... Mười phần chết bảy còn ba. Mãi đến khi có người lên rừng ăn ong (3) chạy về loan báo :

          - Sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng !

          So sánh như vậy, không phải là quá đáng ! Dân làng xúm nhau lên rừng để nhìn tận nơi. Cái ao lớn ước một công đất, bên bờ, dưới nước, toàn là lau sậy, dây cóc kèn (4). Sấu nổi lên, chen vào những bức tranh mầu xanh ấy những vệt đen chi chít : con thì nằm dài như chiếc xuồng lường (5), con thì dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên trời như họng súng thần công đại bác. Biết có loài người đến quan sát, chúng vẫn điềm nhiên sưởi nắng, bắt cá .

          Duy có con sấu già trợn mắt hướng về lũ người rồi bò thối lui vào giữa lòng ao, để thủ thế. Dân làng nhìn nhau như ra lịnh rút lui. Nghi ngờ gì nữa ! Con sấu nọ có đốm đỏ ngay giữa tam tinh (6). Nó là "sấu chúa" sống lâu đời, nhiều phen kịch chiến với loài người. Khi ở trên cạn, sấu không nguy hiểm bằng một con rắn hổ.

          Sấu chúa khôn lắm, nó toan dụ địch thủ vào hang của nó nơi nước sâu. Trong số người khi nãy, có kẻ cẩn thận mang theo mác thông (7), lao, ná lẫy, nhưng họ dư hiểu rằng mớ khí giới ấy chỉ có hiệu lực đối với cọp, heo rừng. Ðằng này, sấu lại là loài ở nước, ở bùn lầy . Chống xuồng vào thì ao quá cạn, còn đi bộ xuống thì lún ngập gối.

          Cái ao sấu ở ngọn rạch Cái Tàu đã bị phát giác. Tin ấy đồn đãi lần lần, thấu đến tai ông Năm Hên, người thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên Giang đạo (8), tức là vùng Rạch Giá ngày naỵ Ông bơi chiếc xuồng ba lá nhỏ đến địa phận làng Khánh Lâm, ngọn rạch Cái Tàu. Trong xuồng, có vỏn vẹn một lọng nhang trần (9) và một hũ rượu.

          Từ sớm tới chiều, ông bơi xuồng tới lui theo rạch mà hát :

          Hồn ở đâu đây ?
          Hồn ơi ! Hồn hỡi !
          Xa cây xa cối,
          Xa cội xa nhành,
          Ðầu bãi cuối gành
          Hùm tha, sấu bắt
          Bởi vì thắt ngặt
          Manh áo chén cơm
          U Minh đỏ ngòm,
          Rừng chàm xanh biếc !
          Ta thương ta tiếc,
          Lập đàn giải oan...

          Giọng nghe ảo não, rùng rợn. Dân làng thấy chuyện kỳ lạ, xuống đứng dưới bến để nhìn kỹ. Ðoán chừng ông lão nọ là người có kỳ tài, họ mời ông lên nhà, làm thịt gà, mua rượu thết đãi.

          Sau khi tự xưng danh tánh, ông bảo :

          - Nghe đồn có ao sấu, tôi chẳng nệ đường xa để tới xứ Khánh Lâm này.

          - Té ra ông thợ câu sấu !

          Ông Năm Hên lắc đầu :

          - Thợ bắt sấu chớ không phải thợ câu. Hai nghề đó khác nhau. Câu thì dùng lưỡi sắt, móc mồi bằng con vịt sống. Ðó là ở dưới nước. Ðằng này tôi chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi.

          - Vậy chớ ông bắt bằng gì ?

          - Tôi bắt bằng... hai tay không.

          Ai nấy ngạc nhiên. Ông Năm Hên cười giòn :

          - Bà con cô bác không tin sao ?

          Ai nấy nửa tin nửa nghi. Họ cố nhớ lại cách bắt sấu của mấy người thợ nào đến giờ. Bắt sấu bằng hai tay không quả là phi phàm, thế gian hi hữu. Không lẽ ông Năm Hên này lại nói láo để lường gạt, ổng nào đã mở miệng xin tiền bạc cơm gạo gì của xóm này ! Ai nấy nôn nao, thiếu điều muốn năn nỉ ông đi bắt sấu tức thì để coi thử cách thức.

          - Thưa ông, chừng nào ông ra nghề để cho dân làng chúng tôi được mừng ? Nếu cần tiếp giúp chuyện chi, chúng tôi sẵn sàng. ở xóm này thiếu gì trai lực lưỡng đã từng gài bẫy cọp, săn heo rừng.

          Ông Năm Hên đáp :

          - Sáng mai sớm, đi cũng không muộn. Tôi cần một người dẫn đường đến ao cá sấu đó. Có vậy thôi ! Chừng một giờ đồng hồ sau là xong chuyện ! Sấu ở ao giữa rừng, tôi bắt nhiều lần rồi. Bà con cứ tin tôi.

          Xưa nay, bị sấu bắt là người đi ghe xuồng hoặc ngồi rửa chén dưới bến, có bao giờ sấu rượt người ta giữa rừng mà ăn thịt ? Tôi đây không tài giỏi gì hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác thì họ nói đó là bùa phép để kiếm tiền. Nghề bắt sấu có thể làm giàu được ngặt tôi không mang thứ phú quới đó.

          Nói thiệt với bà con : cha mẹ tôi sanh ra chỉ có hai anh em tụi tôi. Anh tôi xuống miệt Gò Quao phá rừng lập rẫy hồi mười hai năm về trước. Sau được tin cho hay : ảnh bị sấu ở Ngã ba Ðình bắt mất. Tôi thề quyết trả thù cho anh. Cực lòng biết bao nhiêu khi nghe ở miệt Rạch Giá, Cà Mau này có nhiều con rạch, ngã ba, mang tên Ðầu Sấu, Lưng Sấu, Bàu Sấu, sau này hỏi lại tôi mới biết đó là nơi ghê gớm, hồi xưa lúc đất còn hoang.

          Rạch Cà Bơ He, đó là chỗ sấu lội nhiều, người Miên sợ sấu không dám đi qua nên đặt tên như vậy, cũng như phá Tam Giang, truông nhà Hồ của mình ngoài Huế.

          ***

          Sáng hôm sau, ông Năm Hên đi lên ao sấu, có Tư Hoạch một tay ăn ong rất rành địa thế vùng Cái Tàu dẫn đường. Nhiều người nài nỉ xin đi theo. Ông Năm Hên cản lại :

          - Ði nhiều chộn rộn lắm. Tôi không giấu nghề với bà con đâu. Có Tư Hoạch đi theo coi mà .

          Ðã quá giờ ngọ.

          Ngóng về phía ao sấu U Minh hạ, ai nấy đều thấy một làn khói đen bốc lên. Ban đầu ngỡ là cháy rừng, chập sau, khói lụn xuống. Trong lúc đó, bà con xóm Cái Tàu lo nấu cơm, mua rượu đợi chiều làm tiệc ăn mừng. Nhưng ngạc nhiên làm sao, trời về xế, lúc ai nấy đang nghỉ trên nhà, bỗng nghe tiếng kêu réo từng hồi :

          - Bà con ơi ! Ra coi sấu. Bốn mươi lăm con còn sống nhăn.

          Rõ ràng là giọng Tư Hoạch.

          - Diệu kế ! Diệu kế ! Tôi là Tư Hoạch đi bắt sấu về đây. Bà con coi sấu lội có hàng dưới sông mình nè ! Một đời người mới có một lần.

          Dưới sông, Tư Hoạch ngồi trên xuồng, bơi nhè nhẹ như đi dạo mát.

          Tiếp theo lái xuồng là một bầy sấu, con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòm như khúc cây khô dài. Mỗi con sấu, hai chân sau thúc kê trên lưng, hai chân trước tự do, quạt nước cầm chừng như tiếp sức với Tư Hoạch để đẩy chiếc bè quái dị kia đi nhẹ nhàng. Thực tế hay là chiêm bao ?

          Người thì đứng há miệng sửng sốt rồi toan chạy vào nhà trốn. Người khác khấn vái lâm râm, e nay mai xóm này bị trừng phạt của quỷ thần. Vài người dạn hơn, bơi xuồng ra giữa sông, nhìn bầy sấu nọ cho tỏ rõ rồi rước Tư Hoạch vào bờ hỏi han rối rít.

          Ðại khái Tư Hoạch trình bày :

          - Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng (10) đào một đường nhỏ, ngày một cạn, từ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ông biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một đống cây mốp tươi (11), chặt ra khúc chừng ba tấc.

          Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời, ông Năm Hên chạy lại. Sấu há miệng hung hăng đòi táp ổng. ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng : như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được.

          Sau khi bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm Hên xách cây mác nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Ðuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại, chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình.

          - Thực là bực thánh của xứ này rồi ! Mưu kế như vậy thực quá cao cường. Ổng đâu rồi ? Sao không thấy ổng vể Xóm mình nhất định đền ơn ổng một số tiền, nuôi ổng cho tới già, ở xóm này. Bà con tính sao ?

          Tư Hoạch nói :

          - Mà quên ! ổng biểu tôi về trước cho bà con coi thử. Phần ổng mắc ở lại cúng "đất đai vương trạch" (12) rồi đi bộ về sau.
          Chưa dứt lời, bên sông nghe tiếng hát của ông Năm Hên, ngày một rõ :

          Hồn ở đâu đây ?
          Hồn ơi ! Hồn hỡi !
          Xa cây xa cối,
          Xa cội xa nhành,
          Ðầu bãi cuối gành,
          Hùm tha, sấu bắt,
          Bởi vì thắt ngặt,
          Manh áo chén cơm,
          U Minh đỏ ngòm,
          Rừng tràm xanh biếc !
          Ta thương ta tiếc,
          Lập đàn giải oan...

          Tiếng như khóc lóc, nài nĩ. Tiếng như phẫn nộ, bi ai. Ghê rợn nhứt là khi thấy ông đi ra khỏi mé rừng, áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay.

          - Coi tướng của ổng ghê như tướng thầy pháp ! Một người thốt lên như vậỵ

          Nhưng có tiếng khóc sụt sùi đâu đây. Ðó là vài cụ già, bà lão chạnh nhớ đến tổ tiên, đến bạn bè của mình, biết đâu trên bước đường sanh nhai giữa chốn nước đỏ rừng xanh, có thân nhân của họ đã bỏ thân vì đàn sấu này. Bó nhang đang cháy kia có giải oan được cái chết của họ không chớ ?

          ***

          Chú thích :

          (1). Trầm thủy : Loại đất thấp ngậm nước.
          (2). Lung : đầm nhỏ, sình lầy cạn (3). Ăn ong : lấy mật ong trong rừng
          (4). Dây cóc kèn : loại cây dây leo ở rừng nước mặn bền chắc, dùng để trói buộc rất tốt.
          (5). Xuồng lường : xuồng được làm bằng một cây đục thành (xuồng độc mộc)
          (6). Tam tinh : điểm ở trán, giữa hai mắt.
          (7). Mác thông : mác có cán dài .
          (8). Kiên Giang đạo : đạo là đơn vị hành chính thời xưa tương đương một châu, một quận.
          (9). Lọn nhang trần : bó (lọn) nhưng không có bao (trần). Nhà nghèo dùng loại nhang này, vì rẻ tiền.
          (10). Xuổng : thuổng (dụng cụ để đào đất).
          (11). Mốp tươi : loại cây như cây vông, gỗ xốp, dẻo, có thể làm nút chai hay cốt mụ Cá sấu ngậm phải khúc gỗ mốp, hai hàm răng dính chặt không há miệng ra được nữạ
          (12). Cúng "đất đai vương trạch" : cúng thần cai quản đất đai (vương trạch, thực ra là viên trạch, nghĩa là vườn đất, dân gian nói trệch ra là vương trạch)


          Sơn Nam


          sigpic

          Comment


          • #20
            Người Mù Giăng Câu

            Người Mù Giăng Câu


            Ðứa con trai độc nhứt của ông đã bị "A lơ măn" (người Ðức) giết lúc phải cầm súng giữ vùng An Sác Lo Ren cho Pháp. Ta có thể nói : ông mù vì khói lửa của trận Âu châu đại chiến kỳ nhứt. Còn lại một mình, ông cất căn chòi ở Rộc Lá, ấp Tây Sơn. Rộc là con rạch nhỏ ngoằn ngoèo, bắt nguồn từ môt gò đất cao giữa đồng, chảy thẳng vào một cái lung, phần đất thấp hơn, đầy những rau muống, cóc kèn, ô rô và cá.

            Ở Rộc Lá này, cá tôm quá nhiều so với mấy nơi khác trong ấp. Từ tháng mười đến tháng giêng, cá lội từng bầy trở về sông Cái, suốt ngày suốt đêm không ngừng. Ban ngày, cá đi đớp bọt, trắng bờ rạch. Ban đêm thức giấc vào bất cứ lúc nào, ta cũng nghe cá lóc táp mồi, cá trê chép miệng kế bên nhà. Nguồn lợi to tát vô cùng !

            Nhưng nào đâu cái cảnh "Một vùng trời đất vui thầm ai hay".

            Cá ăn câu về đêm. Muốn giăng câu phải thức trót canh gà, thức bốn năm tháng ròng rã, hao phí bao nhiêu sức lực ! Ngày thì đi gặt lúa mướn, thời giờ đâu để ngủ bồi dưỡng lại. Ðêm thì muỗi mòng, gió bấc lạnh, lắm khi gặp mưa. Nhiều em bé đuối sức ngủ gục, té xuống sông, leo trở lên xuồng ướt loi nhoi như chuột...

            Ông thường bảo :

            - Phải có kinh nghiệm mới đỡ cực nhọc. "Con cá trương vi quạt đuôi ra biển Bắc thì còn mong gì cá ấy trở lại chốn cũ ao nhà". Câu ca Vọng cổ đó nói sai. Cá có hang ở sông Cái. Mùa mưa, cá tìm đường lên ruộng, vào rừng mà đẻ. Bắt đầu mùa hạn, cá bỏ ruộng, bỏ rừng quay trở về hang cũ ở sông. Sự khôn ngoan của con người là chặn chuyến về của loài cá. Chặn cho đúng nơi, đúng lúc.

            Vào đầu mùa, cá thường ăn mồi khi nước lớn. Giữa mùa, cá ăn lúc chạng vạng, lúc trăng sửa soạn mọc. Hừng sáng, chừng đâm mây ngang, cá trở lại ăn một lần chót.

            Khó nhứt là chọn nơi để giăng câu. Cá sợ ngọn nước ngoài biển chảy tràn vào sông. Gặp nước mặn, cá hết nhớt ngoài da, con mắt xốn xang, nhưng nơi nước quá ngọt lại ít có cá vì cá chưa đi tới. Cá tập trung nơi lằn ranh nước lờ lợ và nước ngọt.

            Tại lằn ranh đó, nên biết chọn từng điểm nhỏ. Rạch nào lắm ghe xuồng qua lại, cá ăn ở sát bờ. Rạch nào im lặng, cá lội ngay giữa dòng. Trước khi giăng cá trê, phải quậy cho nước đục. Mỗi chỗ cá chỉ ăn một lần. Vì nó đi lưu động, mình nên khéo dời chỗ...

            Gió bấc thổi ròng rã, cá lần lần về sông Cái. Nếu bỗng nhiên trời trở mực, chuyển mưa, cá lui trở lại rừng và không ăn mồi. Những ngày ấy, đi giăng câu cũng hoài công.

            Có người chất vấn : Ðã mù sao còn giăng câu được ?

            Ông đáp :

            - Mù lòa là mắt không thấy, chớ nào phải vô tri vô giác ? Con người có thể thấy bằng lỗ tai, bằng hai bàn tay, bằng mũi... Nghe hát máy, thiên hạ đâu dùng cặp mắt mà vẫn hiểu thấy được cảnh ly biệt, cảnh giặc giã trong vở tuồng ! Ban đêm, nằm nhà đóng cửa lại, tắt đèn nhưng thiên hạ vẫn thấy hiển hiện cảnh ngoài trời : ếch nhái kêu, tàu chuối phất phơ, chó sủa ma hay sủa kẻ trộm.

            Người ta thường nói : xanh mát, đỏ hực. Mát, là màu xanh, màu đen. Nóng, là màu vàng, màu đỏ. Bần hàn, là nghèo lạnh. Vô nhà nào mà mình có cảm giác lạnh lẽo, đó là nhà nghèo. Gặp người bạn, rờ lên vai áo thấy rách, chắc là người ấy đang suy sụp... nghèo rã bành tô. Ði lâu, là đường dài. Ði mau là đường ngắn.

            Tôi thường bơi xuồng đến tiệm mua đồ một mình. Trong kinh nhỏ có bông súng của mái đầm, khó bơi. Tới ngã ba, khúc quẹo, là chỗ nghe tiếng con sáo, con cưỡng ăn trái trên cây gừa bên miễu ông Tà. Gần mương vàm, hơi xông nồng nực, hôi tanh vì nước ít lưu thông. Chưa tới tiệm, có cầu ván bắc ngang.

            Chân cầu lớn lắm, tôi thấy nhột nhột màng tang, vì sợ đụng. Người mù có thể vá quần áo. Lại còn nấu cơm, nghe tiếng củi nổ, nghe hơi nước nóng để biết cơm sôi, cơm khét... Tóm lại, thiếu cặp mắt vẫn còn sống được! Người ta có đủ cột kèo thì cất nhà lớn, đúng ni tấc. Mình đây đui mù, như thiếu cây cột cái, nhưng nếu khéo léo một chút cũng cất được mái nhà nhỏ che gió che mưa... hà huống là việc giăng câu !

            Giăng câu lúc ban đêm, cặp mắt không cần thiết. Người không mù, họ đốt lửa trước xuồng un muỗi cho vui mắt, ấm lòng, chớ nào phải soi đường đi. Ðó là chưa nói tới loài cá! Nó ở dưới nước, núp trong cỏ, người có mắt cũng như tôi, làm sao thấy cá được. Phải dùng óc xét đoán để hiểu tánh ý của nó, nhờ đó mình mới giăng được nhiều cá, ngày càng vui thú với nghề nghiệp của mình.

            ***

            Dân trong xóm thường gọi ông là ông Vân Tiên lại có biệt danh là "Sư tổ giăng câu". Dường như tạo hóa đã dành cho ông một số phận : sinh trong thời pháp thuộc, chết trong thời Pháp thuộc. Nhưng chúng ta hãy tưởng tượng rằng ông còn đó, đêm đêm hiện ra ngồi trước mũi thuyền, trên sông nước, không phải để làm ma nhát những người yếu bóng vía nhưng để giải nỗi lòng đối với con cháu đời sau.

            Ðêm tạnh vắng. Trăng sao đều khuất trong sương mù.

            Nước dưới kinh lạnh ngắt. Bếp un đỏ lên, xua đuổi đàn muỗi rừng. Khói bay lan tỏa, lẫn lộn vào mái tóc bạc, chòm râu bạc. Thỉnh thoảng, gà gáy lên eo óc.

            Lền khên rong đuôi chồn,
            Ðặc nước, bông súng bông,
            Ô ro và ráng, sập,
            Mọc đầy theo mé lung.
            Mắm đen, chen dà diệp,
            Che khuất mấy cánh đồng.
            Nơi đây, nơi giáp giới,
            Ba ngã, một đường lung.

            Ðôi mắt ông vẫn còn trập trừng. Miệng ông vẫn còn nói lên mắp máy, buồn buồn, chậm rãi.

            Sơn Nam


            sigpic

            Comment


            • #21
              Sông Gành Hào

              Sông Gành Hào


              Hồi đó ông kiểm lâm "Rốp" được dân chúng thương mến lắm.

              Ông Rốp có vài đức tánh mà các tay thực dân khác không có. Từ hồi đáo nhậm tại vùng rừng sông Gành Hào đến giờ, chung qui là hai năm nhưng ông Rốp chỉ đi "rỏn" có bốn lần. Mổi chuyến đi, mục đích của ông không phải là rình bắt các ghe xuồng chở củi lậu thuế. Vào rừng ông ngắm nghía từng lá cây, lắng nghe từng tiếng chim kêu, đập muỗi rồi xem giò, xem cánh từng con.

              Ông lại còn hái các loại ráng, dây bòng bong, dây choại, tầm gởi... đem về đồn phơi khô để nghiên cứu. Cây súng đem theo xuồng cũng chỉ để bắn khỉ, bắn lọ nồi ; bắn mà chơi chớ không cần trúng đích.

              Dân chúng trong vùng sông Gành Hào bàn tán qua lại để tìm hiểu ông Tây khác thường này :

              - Ông "Rốp" hiền hậu quá ! Bà con có biết tại sao không ? Ổng thỏ thẻ với thầy hương quản rằng nhà ổng ở bên Tây nghèo quá mức. Nhờ lập công đánh A Lơ Măn hồi Âu châu đại chiến nên ổng được phong chức kiểm lâm qua xứ Nam kỳ này.

              Mẹ của ổng trồng nho ở cù lao "Cọt" cù lao "Kiệt" gì đó. Phen nọ, bà mẹ đốt đống lá khô, rủi cháy qua mấy vườn nho lân cận. Thiên hạ đòi bắt thường, kiện tới toà. Bên này, ông Rốp vô cùng sầu thảm vì không tiền dư gởi vể để cứu nguy, báo hiếu.

              Người khác nói thêm :

              - Phải ! Phải ! Cha nội nghèo thiệt, hèn chi muốn ở xứ này luôn, đòi ăn mắm sống, tập nói chuyện "An Nam" rành như tụi mình. Bà con giữ kín giùm chuyện này : phen đó thầy hương quản làm thịt chó rồi nói gạt là thịt nai, mời ổng tới nhậu. Ổng khen nức nở : thịt nai Cà Mau ăn sao mềm quá.

              Một ông lão tỏ vẻ không bằng lòng :

              - Ông Rốp là người mộ đạo. Gạt như vậy, tội chết. Nghe anh "bồi" nói lại trên lầu đồn kiểm lâm, ổng có treo tượng Phật. Kế bên là tủ sách văn chương đạo đức, toàn chữ Tây và chữ nho... Ðêm nào ổng cũng thức đọc sách bằng đèn cầy, tới khuya.

              Rốt cuộc họ kết luận : Ông Rốp là người nhơn đức, ít làm khó dễ dân chúng, lãnh trách nhiệm cầm chừng, tuy đang hành sự nhưng cũng như đã về hưu trí, ẩn sĩ qui điền. Họ càng yên tâm mà tiếp tục phát triển việc phá rừng, đốn củi lậu thuế.

              ***

              Hôm đó, cha con của Tư Ðức chở xuồng củi ngang đồn kiểm lâm.

              Trời tối như mực, sắp chuyển mưa to, ngửa bàn tay cũng không thấy. Trên đồn yên lặng. Ánh đèn vàng vọt chiếu ra ngoài cửa sổ hé mở.

              Bên bờ sông, một giọng lơ lớ, sửng sốt :

              - Ghé lại ! "Chéc" ghe hay là con "xấu" ?

              Tư Ðức điếng hồn, nhận ra được giọng của ông kiểm lâm Rốp. Trời đất hỡi ! Quá nửa đêm giờ Tí rồi mà ổng còn làm gì dưới bến này ? Chú Tư Ðức nín tiếng, toan bơi lẹ cho qua khỏi ải. Ngặt ông Rốp trên bờ nói lần nữa :

              - Con "xáu" hay là "chéc" ghe. Ông lớn bắn đà !

              Ðốn củi lậu thuế nào phải tội nặng đáng xử tử, lỡ bề gì, chết cũng lảng quá ! Cực chẳng đã, chú Tư đành lên tiếng :

              - Chiếc ghe, quan lớn ơi... Tôi đi rước mụ cho vợ đẻ. Xin quan lớn cho tôi đi.

              Ông Rốp càng trầm tĩnh :

              - "Chéc" ghe thì ghé lại ! Thầy đội đâu rồi ! Ðem đèn xuống coi thử...

              Bước lên bờ, chứ Tư Ðức năn nỉ ỉ ôi, xin tha tội một phen, thề nếu tái phạm thì ở tù rục xương cũng cam đành. Ông Rốp lắc đầu, ra lịnh quăng củi lên bờ, kéo xuồng vào tận "phú de" sát vách đồn. Ðêm đó, báo hại hai cha con chú Tư Ðức phải ngủ trần, tay đập muỗi lia lịa, trí óc buồn đã nhớ đến ngày mai đen tối thiếu gạo nấu.

              Và đứa con trai đang đau bịnh rét rừng.

              Sáng hôm sau, ông Rốp bảo chú Tư Ðức cứ về nhà, chờ ngày trát đòi đến đóng tiền phạt vì đây mới là lần phạm tội đầu tiên thôi. Chú Từ bèn làm núng :

              - Chết thì tôi chịu chớ tôi thề không đi về. Cha con tôi không có nhà cửa gì ráo.

              - Vậy chớ mọi khi chú ăn cơm tại đâu, ngủ tại đâu ?

              - Dạ thưa ăn tại xuồng này, ngủ tại xuồng này. Nó là cái nhà của tôi.

              Như động lòng trắc ẩn, ông Rốp suy nghĩ rồi nói :

              - Xứ này thiếu gì cây để cất nhà, thiếu gì lá để lợp nhà. Chú làm biếng, không chịu tạo lập.

              Chú Tư Ðức cố nén cơn giận :

              - Bởi vì tôi không có đất, quan lớn thương dùm. Tôi đã cất nhà nhiều lần rồi mà ở không yên. Ban đêm hai cha con tôi phải thức quá khuya, quan lớn cũng thấy. Chịu đựng mưa gió muỗi mòng, đâu phải là làm biếng sợ cực !

              Có lẽ nhờ câu nói khảng khái ấy mà cha con Tư Ðức được ông Rốp cho ở đậu tại nhà dưới của đồn kiểm lâm, cơm ăn không tính tiền, bù lại hai cha con phải làm cỏ, quét nhà. Tội nghiệp thằng nhỏ con trai của chú Tư !

              Mấy viên "ky ninh" của ông Rốp không chặn được cử rét hằng ngày hoành hành nó. Nó khóc đòi trốn về rừng. Buổi trưa không ngủ, nó lấy than bếp vẽ lên vách tường nào là hình xe hơi, hình con chim, hình cọp, hình sấu... báo hại chú Tư phải lau chùi sạch sẽ, e ông Rốp thấy mà bị rầy to.

              Ðứa con trai khóc sụt sùi :

              - Mình phải về, ba à !

              Chú Tư chép miệng :

              - Ở đây có cơm ăn qua ngày. Con đừng lo. Ổng đuổi mình, mình cũng không thèm về.

              Thằng bé không hiểu cha nó đang suy nghĩ mưu kế gì.

              Lâu ngày rồi quen, hằng đêm chú Tư Ðức được phép lên phòng riêng của ông Rốp để châm nước pha trà. Ngạc nhiên làm sao, trong phòng nọ toàn là sách vở, tranh ảnh ! Trên vách treo nào là sừng nai, da cọp, cây tằm gởi, hình Phật Thích Ca ngồi thiền dưới cội bồ đề. Ngay trước mặt ông Rốp là tấm bản đồ lớn, ghi nhiều mũi tên xẹt qua lại. Bên dưới bản đồ có tấm hình hai người mặc áo rộng màu vàng : họ quì gối đâu mặt lại, chắp tay xá lẫn nhau.

              Ðoán sự tò mò của chứ Tư Ðức, ông Rốp hỏi :

              - Biết hình gì đây không ? Quí lắm đó.

              Chú Tư Ðức đáp :

              - Dạ, chưa biết vì hồi nào tới giờ tôi không được vô trường mà ăn học.

              - Chú theo tín ngưỡng nào ?

              Chú Tư suy nghĩ hồi lâu :

              - Tôi chưa hiểu hai tiếng tín ngưỡng nghĩa là gì. Tôi tin Trời, tin Phật, thờ cha kính mẹ, quí mến ông già bà cả. Lại còn việc cúng vái mấy ông cọp, ông sấu. Ðất có Thổ Công, sông có Hà Bá.

              - Nhiều thứ quá vậy. Tôi hỏi cái đạo kia. Chú theo đạo gì ?

              - Dạ, theo cha mẹ tôi nói lại thì người "an Nam" mộ đạo Phật. Tôi cũng như cha mẹ tôi.

              Ông Rốp cười đắc chí :

              - Nghĩa là chú Tư theo đạo Phật. Tốt lắm. Theo đạo Phật mà sao không biết hình này ? Ðó là ông vua Hy Lạp tên Mi Lanh Ða hỏi kinh với pháp sư Ấn Ðộ tên Na Ga Sơ Na. Vua Hy Lạp phục tài của thầy tu Ấn Ðộ, thầy tu Ấn Ðộ phục tài của vua Hy Lạp. Hai người chắp tay xá lẫn nhau. Họ đối đáp hay lắm, ghi lại thành một bộ kinh đây này...

              Ông Rốp bèn rút trong tủ hai ba cuốn sách hơi dày mà nói tiếp :

              - Chữ Phạn gọi nó là "Mi lanh đa băng ha". Chữ nho dịch lại... là Na Tiên Tỳ Kheo Kinh. Na Tiên là dịch âm lại tên thầy tư Ấn độ Na Ga Sơ Na.

              Mấy tiếng "Băng ha, xơ na" khiến chú Tư Ðức rối trí quá. Chú cố gắng nhớ lại trong chuyện Tàu những đoạn nói về Ấn Ðộ, tứ là nước Thiên Trúc.

              - Sao trong Tây Du không nghe nói vậy ông ?

              - Trước Tây Du của thầy Huyền Trang cỡ tám chín trăm năm lận ! Hồi 150 năm trước Thiên Chúa, phía bắc Ấn Ðộ có mấy ông vua Hy Lạp cai trị, giống như người Pháp cai trị An Nam bây giờ. Hồi đó, người cai trị với người dân bổn xứ thương nhau.

              - Tại sao vậy, quan lớn ?

              - Tại người dân bổn xứ tài giỏi quá, đâu phải như người An Nam bây giờ. Bây giờ không còn cảnh đó nữa ! Thí dụ tôi là vua Hy Lạp từ Âu Châu tới, chú là thầy tu Ấn Ðộ bị tôi cai trị. Chú có điều gì giỏi hơn tôi đâu mà hàng dạy lại tôi.

              Chú Tư Ðức buồn bực vô cùng khi thấy ông kiểm lâm Rốp khinh rẻ người Việt Nam ra mặt. Phận vậy, đành chịu vậy, biết sao bây giờ ! Cãi lại thì rất nguy hiểm, ngoài tội ăn cắp cây rừng của nhà nước, chú có thể mang thêm tội làm "quốc sự" !

              ***

              Hằng đêm, ông Rốp thức đến canh ba để đọc sách.

              Ðưới này, chú Tư gác tay lên trán suy nghĩ liên miên. Ông Rốp có mòi mến chú hơn trước, bằng cớ là ổng bố thí cho cái mùng và chiếc áo bành tô cũ ! Lúc đứa con trai ngủ say, chú Tư thường ra sân, nhìn trở lại ngọn đèn cầy mà ông Rốp đốt lên để đọc sách trên lầu. Chú lẩm bẩm, phì cười một mình :

              - Tại ổng thức đêm đọc sách Phật cho nên mình mới bị bắt giam như vầy. Ðêm đó, có lẽ ổng suy nghĩ một chuyện xưa tích cũ "ga xơ na, ma lanh đa" gì đó. Suy nghĩ không ra, ổng mới đi dạo như mình đang đi bây giờ.

              Rồi ma đưa lối, quỉ dẫn đường, ổng nhè gặp xuồng củi lậu của mình. Cái việc cầu đạo của ổng có hại cho bá tánh vì dục vọng của ổng còn quá nhiều.
              Gió thổi hiu hiu. Dừa nước bên bờ sông uốn éo, vang lên rào rạt. Ðằng xa, một vật gì từ từ nổi lên, đi ngược giòng nước đang chảy xiết. Chú Tư Ðức nghĩ :

              - Thằng cha nào ngu quá ! Xe trước gãy bánh, xe sau phải tránh. Ðêm trước, cũng vào giờ này mình đi ngang qua đây bị rình bắt. Bộ họ chưa hay biết sao vậy kìa ?

              Nhưng dường như vật nó không phải là chiếc xuồng ; khi thì nó thối lui, cập vào bờ, khi thì tiến tới, day ngang qua, chậm chạp. Khúc cây chăng ? Thây ma chăng ? Vô lý ! Nếu vậy thì nó theo nước xuôi, mất dạng rồi. Ðằng này, nó từ từ trôi ngược. Chú Tư Ðức cố nhướng mắt chấp chóa như muôn ngàn con đom đóm đậu khít nhau.

              Và trước mũi của chiếc xuồng quái dị nọ. Hai tia sáng xanh ngời rọi tới như hai cái đèn "bin". Nghi ngờ gì nữa ! Nó là con sấu lửa mà chú Tư thường nghe mấy người đóng đáy nói lại. Hồi đó, chú Tư không tin. Bây giờ chú đã thấy tận mắt con sấu thần đó.

              Thiên hạ nói sấu ấy đi có cặp. Tu luyện hàng trăm năm rồi, nước mặn đóng trên da nó một lớp dày, sáng chiếu lên như nước biển, đêm có trăng. Người thì cãi lại, bảo rằng đó là ánh sáng của các cô hồn bị sấu ăn thịt.

              Chú Tư Ðức phập phồng trong dạ, vừa mừng vừa sợ. Có lẽ ông Rốp đã nghe nói đến cập sấu thần này nên quá bị ám ảnh, hôm nọ ông hỏi chú : "Chéc" ghe hay là con "xáu" ! Chú vào đồn kiểm lâm, lập tức đốt đèn lên. Chú lục mấy cái hũ để tìm nếp. Không có nếp, chú hốt tạm vài nắm lúa, bắc chảo lên bếp nhúm lửa mà rang.

              Lúa nổ ra trắng phếu, nhảy tưng bừng trong chảo, văng tứ phía.

              Chú Tư Ðức bước ra sân, khấn vái lâm râm rồi thảy mấy hột nổ ấy khắp tám hướng đen ngòm :

              - Ngay cô hồn các đẳng. Sống thì khôn, thác thì thiêng. Những ai xa cây, xa cội, xa nhành, đầu bãi cuối gành, hùm tha sấu bắt... Tôi tên là Ðức, họ Trường, tuổi Dần.

              ***

              Thầy hương quản tất tả chạy vào đồn mà hỏi rối rít :

              - Ông kiểm đâu rồi ? Có ở nhà không ?

              Chú Tư nói :

              - Dạ có, ổng đọc sách trên lầu.

              Tức thời, thầy hương quản đến chào ông Rốp rồi trình bày :

              - Sấu cỡ này lộng quá rồi ! Hôm kia nó đập đuôi nhận chiếc xuồng trên đó có hai mẹ con. Mẹ mất xác, đứa con gái bị táp cụt chưn.

              Ông Rốp hoảng hốt :

              - Dữ quá vậy ! Con "xáu" là thú dữ. Bên Phi Châu, bên Ấn Ðộ cũng có nó. Người Ai Cập hồi xưa sợ con "xáu" ăn thịt nên tôn thờ nó.

              Thầy hương quản nóng ruột quá :

              - Nhưng mà bên nước mình, tại sông Gành Hào này, nó giết người.

              Ông Rốp cảm thấy áy náy :

              - Nó giết người dưới sông. Thầy hương quản nên ra lịnh khuyên dân chúng tạm ngưng việc lưu thông dưới sông. Như vậy tiện hơn.

              Thầy hương quản nói :

              - Dạ không được. Không lui tới dưới sông, dân chúng phải chết đói hết. Lại còn ghe xuồng từ xứ khác tới, làm sao họ biết mà đề phòng. Người ở trên bờ cũng bị sấu táp nữa kì.

              - Sấu chạy lên bờ à ?

              - Hôm qua, sấu nổi lên lần nữa. Cô gái nọ ngồi rửa chén dưới bến, bị sấu táp, rinh luôn cái cầu thang. Hồi lâu, sấu nhả ra, cô nọ tỉnh trí lội vào bờ.

              - Làm sao bây giờ, thầy hương quản ?

              - Khó lắm, ông kiểm ơi ! Dân chúng trông cậy sự bảo hộ của nhà nước Tây trong lúc này. Mình phải giúp họ.

              Ông Rốp nhìn mấy cuốn sách bìa da mạ chữ vàng trong tủ rồi lắc đầu, thở dài :

              - Trong sách không có nói tới. Mình cứ bắn nó thử. Cây súng của thầy đâu rồi ? Bì đạn còn không ? Tôi cho thầy mượn cây súng trận của tôi.

              Thầy hương quản tỏ vẻ thất vọng. Thầy dư hiểu rằng súng đạn khó mà bắng lũng da con thú nọ. Không khéo, nó bị thương rồi trở nên hung tợn hơn trước. Hơn nữa làm sao mà bắn nó ? Phải đứng dưới ghe. Nghĩ tới đó, thầy sợ quá, muốn nhường vai tuồng anh hùng nọ cho ông Rốp :

              - Tôi bắn dở lắm, ông kiểm lâm à. Ông từng đánh giặc A Lơ Măn, cầm súng giỏi hơn tôi, ông phải trổ tài mới được. Hồi nào tới giờ tôi chỉ quen cây "cà líp xây", nó yếu lắm.

              - Chiều nay, tôi sẽ tính.

              Ông Rốp tạm trả lời như vậy để tống khô thầy hương quản một cách khéo léo. Ông rất sợ sấu, đó là nhược điểm của trời phú cho. Ðó cũng là nguyên nhơn khiến cho ông ít dám đi "rỏn" bắt củi lậu thuế ; do đó dân làng tưởng lầm rằng ông là kẻ nhơn từ.

              Ðứng trước tình trạng khó xử đó, ông chợt nghĩ đến Tư Ðức, hy vọng rằng "nuôi quân ba tháng, dụng quân một ngày".

              Chú Tư Ðức nói với ông :

              - Việc đó không khó cho lắm. Từ mấy bữa rày, tôi có ý mong chờ để ra tay. Cô hồn đã hiện về báo tin cho tôi biết. Dè đâu, sấu này dữ tợn quá vậy !

              - Chú hay trước à ? Chú có phép ? Tôi không tin.

              Tư Ðức bèn dẫn ông Rốp ra sân, chỉ mấy hột nổ rải ra khắp hướng, đêm hôm trước.

              Ông Rốp gật đầu hỏi tiếp :

              - Bây giờ mình làm thế nào ?

              Tư Ðức hỏi ngược lại :

              - Tôi là kẻ quê mùa. Ông cần dạy tôi trước chớ !

              - Tôi kiếm chiếc ghe thật lớn. Chú Tư chèo sau lái ; tôi đứng trước mũi, rình bắn nó. Ðược không ?

              Chú Tư Ðức mỉm cười :

              - Sấu lâu lâu mới nổi lên một lần. Biết nó nổi ngay khúc sông nào, đúng giờ phút nào mà rình. Chừng hay được thì nó lặn mất. Nếu nó không lặn mất thì...

              Chú Tư cố tình không nói dứt. Ông Rốp nhướng mắt :

              - Thì sao ?

              - Thì nó quật đuôi, ghe phải chìm. Sấu này dài ít nhứt năm thước. Ðứa con nít có thể ngồi chàng hảng cưỡi trên đuôi của nó được. Lớn lắm ! Nó nhai luôn cây súng của ông. Sấu đội đèn mà !

              Ông Rốp hoảng hồn, chú Tư Ðức nói tiếp :

              - Ðể đó cha con tôi trị nó. Miễn là hương chức làng giúp chừng vài trăm cây tre là bè. Mồi thì dùng heo, chó. Dân "An Nam" xưa nay bắt sấu không cần súng đạn, họ bắt sấu từ hồi Tây chưa qua lận kìa ! Phải là thứ sấu nhỏ, tôi lặn xuống sông, bắt lên trong nhấp nháy cho ông coi chơi.

              - Cách nào ?

              - Tôi móc con vịt cô lưỡi câu rồi tôi đứng dưới nước, cầm đầu sợi dây. Chừng sấu lại ăn mồi vịt, tôi lặn xuống đáy sông, đi vô bờ, ghịt đầu dây vào gốc cây mà kéo con sấu nọ lên. Cặp sấu dưới sông kỳ này lớn lắm. Ông cho phép tôi về rừng đem vài món đồ nghề lại. Ông nhắc thầy hương quản cho tôi xin chừng bảy trăm cây tre và bốn người dân phụ sức.

              Tre đốn về, Chú Tư Ðức nhờ bà con kết một cái bè thật to, trên dựng hai cái thang, cao chừng ba thước.

              Năm sáu lưỡi câu sắt đã buộc vào chung quanh ; trên sàn bè, chú Tư xây cái chuồng nhỏ trong có để hai con heo, một con chó. Nóc chuồng có rơm, lá dừa che lại kỹ.

              Hai hôm sau, chú nói :

              - Mời quan lớn, thầy hương quản và anh em quen biết xuống bè làm lễ. tới giờ rồi.

              Ông Rốp hỏi :

              - Lễ gì ?

              - Dạ, lễ cúng cô hồn.

              Heo nọ thọc huyết ra để tế cô hồn. Chú Tư rảy hột nổ khắp sàn và trên mặt sông. Nhang đen tỏa nghi ngút. Chú bèn đánh lên ba hồi mõ. Xác con heo nọ bị móc vào lưỡi câu, thả xuống.

              - Bây giờ thì mời quan lớn lên bờ. Nếu quan lớn muốn đi theo cũng được.

              Ông Rốp nói :

              - Thôi... tôi ở trên bờ ghi chép. Bậy quá ! Ở đây mình không có máy chụp hình, tôi muốn chụp làm kỷ niệm để gởi về bên Tây. Cái bè này sao giống chiếc tàu binh ở Âu Châu quá. Hai cái thang bắc cao lên coi như cây cột dây thép gió.

              Ông Rốp, thầy hương quản lần lượt vỗ vai, "bủa xua" hai cha con chú Tư. Chú hút thuốc rồi hỏi đứa con trai :

              - Thúng cơm khô con có đem theo không ?

              Nó đáp :

              - Dạ có.

              - Nhiều hay ít vậy con ?

              - Nhiều lắm. Ðủ ăn ba bốn người. Con có mua chịu cho cha một lít rượu.

              Ðứa bé trao chuyền qua Tư Ðức bốn cái ống tre đựng đầy ngọn mun (lao sắc). Phần nó thì cầm cái mỏ bằng tre.

              ***

              Ngày qua, ngày lại.

              Chiếc bè trôi lên trôi xuống theo nước lớn nước ròng. Hai cha con Tư Ðức ngồi cú rũ bên chuồng nọ. Thỉnh thoảng, chú nhắc chừng thằng bé, bảo nó chọc cho con heo, con chó kêu lên.

              Trên này, ông Rốp mãi theo dõi, nhưng lần lần thất vọng. Qua ba ngày sau, miếng mồi (con heo) đã sình nổi lên, diều quạ, kên kên bu lại kêu ỏm tỏi, chú bèn thọc huyết con heo còn lại mà thay vào.

              Con chó sủa ngày một thỏn mỏn, vì mệt, vì đói.

              Ðã đến ngày thứ tư. Mặt trời chưa mọc, ông Rốp bỗng giựt mình thức dậy vì tiếng mõ nổi lên inh ỏi.

              Ông lập tức xuống lầu, chạy lại mé sông nhưng nào thấy gì đâu ! Sương mù chưa tan, chỉ nghe dưới sông tiếng ồ ồ như bầy trâu đang lôi. Ông thủ cây súng trận nạp đạn vào nòng, chờ bóp cò.

              Thầy hương quản đã đến :

              - Ông kiểm ơi ! Nó mắc câu rồi ! Ông có nghe tiếng mõ không ?

              Rồi thầy quát to :

              - Hương ấp đâu ? Hương tuần đầu ? mấy người chạy khắp xóm mà truyền rao mỗi nhà phải đánh mõ, đánh trống lên... Không thì đập xuống ván ngựa, đánh vô mâm thau, nồi đồng gì cũng được. Mình phải tiếp sức với hai cha con Tư Ðức !

              Nắng lên cao.

              Tiếng mõ dưới sông càng thúc giục. Rõ ràng cha con Tư Ðức đang đứng chót vót trên hai cái thang, lú khỏi mặt nước. Chiếc bè đâu không thấy. Hai cái thang nọ chạy tới hàng trăm thước, đứng sựng lại rồi vụt chạy lui, nhanh hơn tàu đò.

              Tư Ðức cầm ngọn lao, hờm sẵn. Ðứa con đứng kế bên gõ vào mõ lia lịa. Hai cái thang lắc qua lắc lại như cột buồm ghe bị bão, vậy mà họ không té. Chập sau, cách chiếc bè chừng năm mươi thước, con sấu mắc câu bỗng nổi lên thoi thóp, dài như chiếc ghe độc mộc.

              Chiếc bè từ từ nổi lên.

              Dân chúng hai bên bờ la lớn :

              - Nó kìa ! Trời ơi ! Làm sao giết nó mau.

              - Mình phải tiếp sức với Tư Ðức.

              - Trời thần ơi ! Thằng nhỏ con của Tư Ðức gan dạ quá. Thiệt cha nào con nấy !

              Ông kiểm lâm Rốp liền nói với thầy hương quản :

              - để tôi bắn con sấu !

              Thầy hương quản vô cùng e ngại :

              - Không nên ! Quan lớn đừng làm vậy ! Sấu hoảng hồn chạy mạnh quá đứt dây đỏi thì sao ?

              Một người phía sau nói với tới :

              - Sợ bắn không trúng con sấu mà nhè bắn trúng sợi dây ! Báo hại công trình của người ta chịu cực mấy ngày rày.

              Thầy hương quản day lại :

              - Ðứa nào đó ? Ðừng nói bậy. Ông kiểm lâm ổng buồn.

              Hằng chục người, một tiếng thét to :

              - Giết chết nó đi !

              Mặc dầu bị nước văng lên, mình mẩy ướt loi ngoi lóp ngóp, chú Tư đức vẫn tỉnh táo phóng xuống lưng con sấu một ngọn lao.
              Sấu nó hụp xuống, ghì chiếc bè khuất dưới nước.

              Hai cha con Tư Ðức đứng cheo leo trên thang mà chờ, ngọn lao khác hờm sẵn nơi tay. Ông Rốp há miệng, nói với thầy hương quản :

              - Hay quá ! cái bè này giống chiếc tàu lặn đó. Khuất hết chỉ còn hai cái thang.

              Chưa dứt lời, sấu nó nổi lên, uốn éo đập đuôi đùng đùng. Ngọn lao ghim trên lưng nó khi nãy đã văng đâu mất !

              Tư Ðức hươi tay lên phóng xuống ngọn lao khác. Rối không đợi nó lặn xuống, nhanh như chớp, chú phóng thêm ngọn nữa, cũng ngay lưng.

              Sấu ta lại chìm.

              Nhưng từ phía xa, một con sấu lạ hiện ra, lội nhanh tới sát hai cái thang của cha con Tư Ðức. Ai nấy rú lên :

              - Sấu đực chạy lại tiếp sấu cái. Coi chừng nó nghe chú Tư !

              Thầy hương quản la lớn :

              - Ðánh trống, đánh mâm thau cho nó sợ. Bà con mình cứ đứng coi hoài, quên hết phận sự. Tệ quá !

              Một mình mà đối phó với hai con sấu ! Tình thế của chú Tư Ðức càng nguy nan ! Lợi hại nhứt là con sấu mạo hiểm vừa xuất hiện đến cứu bạn. Nó còn sung sức, dám đánh bạo lại sát bè. Miệng nó đỏ hói, hàm răng dài như lưỡi cưa. Bình tĩnh, chú chờ nó lại gần.

              Hai cây lao phóng xuống.

              Sấu ta quay mình lại, đập đuôi thật mạnh vao hai cái thang. Hai cha con Tư Ðức đề phòng kịp thời nên không té nhào.

              Con sấu lạ nọ lại nổi lên đằng xa, quậy nước rồi lặn mất.

              Trong khi ấy, bè tre từ từ nổi lên. sợi đỏi dài rung rinh. Nơi đầu dây đằng kia, con sấu bị mắc câu đã quá mệt mỏi, nằm lé đé.

              Mấy cây lao còn lại trong ống tre đã lần lượt phóng xuống, sấu ta không còn đủ sức để hất mấy mũi sắt đó nữa. Hắn lắc lư cái đầu rồi khuất dạng như chiếc tàu chìm.

              Phen này, chiếc bè không bị ghì xuống như trước.

              Chú Tư vô cùng mừng rỡ, đoán chừng sấu nọ chịu chết. Ðứa con trai của chú ngưng tiếng mõ. Chú lấy khăn chùi mấy giọt nước trên mặt rồi quơ khăn lên, làm dấu hiệu :

              - Bà con đâm xuồng ra mau để kéo bè này vô bờ ! Tôi mệt quá rồi !

              Hằng chục chiếc xuồng và ghe biển đâm ra. Ai nấy buộc đỏi vào bè rồi cố sức kéo. Họ vừa mừng vừa cảm động. Trên bè, không có một món gì ráo ; chuồng heo, thúng cơm khô, chai rượu đều văng mất. Nhiều nuột mây bị đứt, chiếc bè dường như sắp rã ra từng cây tre nếu cuộc chiến đấu kéo thêm vài giờ nữa.

              Vừa bước lên bờ, chứ Tư Ðức liền gặp ông kiểm lâm Rốp. Ông ôm chú và thằng bé nọ vào lòng rồi nói tiu tít :

              - Giỏi quá ! Chú Tư giỏi quá ! Thằng nhỏ gan quá ! Nó bị bịnh rét mà còn mạnh quá ! Tôi mời hai cha con vô đồn.

              Chú Tư Ðức nhìn lại xác con sấu mà mỉm cười :

              - Ðể tôi ở lại coi nó.

              Ông Rốp nói :

              - Thầy hương quản ơi ! Trước khi mổ bụng con sấu, thầy phải cho tôi hay nghe. Tôi dẫn chú Tư vô đồn uống rượu ấm, thay quần áo để chú Tư ngừa bịnh.

              Vào đồn, ông Rốp bắt buộc chú Tư phải nằm xuống nghỉ mệt, thay quần áo ka ki mới, đắp mền.

              - Rượu "cổ nhác" bên Tây nè ! Uống đi chú Tư. Rượu này của mẹ tôi bên cù lao "Cọt" gởi riêng qua cho tôi.

              Chú Tư hớp một miếng :

              - Ðược rồi, quan lớn.

              Ông kiểm lâm nói :

              - Uống hết đi ! Tôi rót nữa cho.

              Miệng nói, tay của ông thoa bóp lia lịa dùm chú Tư :

              - Hết sức giỏi ! Người "An Nam" hết sức giỏi. Chú Tư câu được bao nhiêu sấu rồi ? Học nghề với ai vậy ?

              Chú Tư nói :

              - Dạ, nghiệp của ông bà truyền lại. Bây giờ con cháu noi theo.

              Ông Rốp gật đầu :

              - Phải ! Bữa nào chú nói kỹ lại cách thức câu sấu để tôi viết thành cuốn sách, gởi về bên Tây cho mẹ tôi được biết. Rồi chú rán câu con sấu còn lại. Chừng đó tôi đi theo, đứng trên cái thang đánh mõ thử một lần.

              Chú Tư suy nghĩ :

              - Không được đâu !

              - Con sấu kia lợi hại lắm. Phải trừ cho hết. Tôi đọc trong sách thấy rằng loại sấu lớn thường ở nơi yên tịnh, luôn luôn đi hai con đực và cái.

              - Ông lớn nói đúng. Nhưng mình giết một con đủ rồi, giết hết mình có tội với Trời Ðất.

              - Tội gì vậy, chú Tư ?

              - Tội sát sanh. Ðể con còn lại cho nó đi tu. Ðạo Phật của ông bà có nói lại như vậy đó.

              Ông Rốp mãi suy nghĩ, vuốt râu :

              - Dân "An Nam" giỏi quá, hiền từ quá. Chú Tư họ gì, mấy tuổi. Ðể tôi chạy tờ về quan Tham biện chủ tỉnh xuất số tiền về thưởng công lao cho chú. Chú muốn làm lính kiểm lâm không ? Tôi cho chú làm chức "bếp", ăn lương mỗi tháng mười lăm đồng bạc.

              Chú Tư Ðức cười :

              - Vì đất nước chớ đâu phải vì danh vì lợi. Sách có chữ : "Kiến nghĩa bất vì vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng". Công việc của tôi đã làm tròn. Tôi ao ước hương chức làng mình cất một cái miễu lá, thờ cái đầu con sấu nọ. Bất luận là sấu hay cọp, hễ nó hại mình thì mình giết. Hễ giết được rồi, mình nên thờ...

              - Chi vậy ?

              - Ðể tỏ rằng mình sợ nó nhưng mà cũng... không sợ nó. Phải để cho nó tu tâm dưỡng tánh trong kiếp sau. Tôi không ưa sát sanh. Tôi muốn làm nghề khác.

              - Nghề gì ?

              - Nghề đốn củi. Chừng hết củi thì đào kinh, làm ruộng. Phen này tôi mừng vì cứu được vong hồn mấy người đã bị sấu ăn thịt. Theo lời tục truyền : họ thành cô hồn, sống vất vưởng trên lưng sấu.

              Lần lần cô hồn nọ bị sấu mê hoặc nên dẫn đường dắt nẻo cho sấu đi sát hại kẻ đồng loại. Bây giờ sấu chết, bao nhiêu cô hồn đã thảnh thơi, có thể tự do đi đầu thai trở thành người lương thiện.

              Ông Rốp trầm ngâm suy nghĩ. Ông dè đâu người đốn củi lậu nọ có tài, có đức, biết thương người, thương cuộc đời đến mức ấy.

              Ông chắp tay lại mà nói :

              - Tôi khen chú nhiều lắm.

              Chú Tư Ðức bèn chắp tay xá ông Rốp mà trả lễ :

              - Ông xá tôi, tôi ngại quá. Giống như hình ông vưa Hy Lạp với thầy tu Ấn Ðộ trên vách, dưới tấm "bông đồ". Hôm nọ, hồi tôi mới bị bắt, ông nói cái tích "xơ lanh đa" gì đó...

              Ông Rốp giựt mình, nhìn lại bức tranh, tấm bản đồ Châu Âu, Châu Á rồi sực nhớ tới mấy lời nói hôm trước.

              Tấm hình nọ diễn lại cảnh đẹp ngàn xưa : hai ngàn năm về trước, tại hoàng thành của tiểu quốc nọ ở phía bắc Ấn Ðộ, lần đầu tiên người phương Ðông và phương Tây thông cảm nhau, cư xử bình đẳng. Giờ đây, qua bao cuộc luân hồi, hưng vong đầy nước mắt mà máu trên giải đất tận cùng của nước Việt Nam lại có hai người cũng đồng cảnh ngộ, đồng niềm thông cảm.

              Ông Rốp buột miệng :

              - Chú Tư Ðức là thầy tư Na Ga Sơ Na.

              Chú Tư nói :

              - Trời ơi ! Không dám, tội chết ! tôi là người làm ăn. Tôi không xứng đáng lên Niết Bàn. Quan lớn có thương thì cho tôi xin lại chiếc xuồng bị tịch thâu bỏ "phú de" hổm rày. Nó là nồi cơm của tôi. Ðể trên khô, nó mau hư lắm.

              Chú Tư Ðức muốn nói thêm nữa. Chú muốn ví phận mình như một cô hồn bị sấu ăn thịt, hổm rày sống vất vưởng trong đồn này như sống trên lưng con sấu đội đèn nọ. Không khéo, thiếu khí phách ngang tàng, chú có thể bị ông Rốp quyến rũ làm "bếp" kiểm lâm.

              Chú không dám nói ra điều ấy e mất lòng ông Rốp. Chú lắng tai, chờ lịnh xá tội, trả lại chiếc xuồng. Nhưng ông Rốp dường như không chú ý.

              Có lẽ ổng đang suy nghĩ chuyện khác. Ổng chắp tay sau lưng, đi tới đi lui cứ nhìn bức tranh và tấm bản đồ, đôi mắt mơ mơ màng màng như sám hối trong giây phút những sự hiểu lầm chồng chất trong tâm ông từ mấy chục năm qua.

              Bỗng từ dưới lầu, thầy hương quản gọi vọng lên :

              - Quan lớn ơi ! Chú Tư ơi ! Xuống đây mà xem. Bà con đang mổ bụng con sấu, lớn lắm. Thằng con của chú Tư cưỡi trên cái đuôi sấu mà hai chân nó như hỏng mặt đất lận kia !


              Sơn Nam


              sigpic

              Comment

              Working...
              X