Đạo Đức Cách Mạng thứ 6:
PHÁ HOẠI VĂN HÓA
PHÁ HOẠI VĂN HÓA
Đợi cho Hình Chí Mô làm thủ tục và an vị vào ghế bị can xong xuôi, Thôi Phán Quan mới thong thả cất giọng.
- Tôi nghe ông cũng có viết văn và làm thơ?
Hình Chí Mô mỉm cười chưa chịu trả lời câu hỏi rất giản dị của Thôi Phán Quan. Có lẽ ông ta sợ lọt vào bẫy. Thật lâu ông ta mới trả lời gọn.
- Tôi cũng thích thơ văn nên có làm thơ và viết văn chút chút...
Gật gù cười vị đại diện cho luật pháp âm phủ lên tiếng.
- Ông có làm thơ vậy chắc ông biết hai câu thơ này:
- Thằng trời đứng ra một bên
Để cho thủy lợi tiến lên thay trời...
Nghe Diêm Vương hừ tiếng nhỏ và thấy đôi mắt lóe hào quang, Đán với Bình biết ông ta giận dữ khi nghe hai câu thơ trên.
- Thơ của ai vậy?
Ông vua âm phủ hỏi gọn. Thôi Phán Quan lắc đầu cười.
- Bẫm Diêm Vương... Thần nghe con nít hát nghêu ngao mà không biết tác giả cũng như nguồn gốc của hai câu thơ này...
- Bẫm Diêm Vương con biết ạ...
Đang ngồi ở dưới dãy bàn dành cho nhân chứng, Tố Bồi Bút vọt miệng thốt. Diêm Vương gật đầu cười.
- Ừ... Thằng Lành là đại thi sĩ thời chắc nó biết ai làm hai câu thơ bất nhơn này... Ngươi lên đây nói cho mọi người nghe đi...
Được lệnh của Diêm Vương, họ Tố hớn hở đi lên ngồi vào ghế nhân chứng. Vừa an tọa xong Tố thi sĩ nói liền.
- Bẫm Diêm Vương... Số là sau khi gồm thu hai miền nam bắc lại thì với khí thế vươn cao đụng trời, vâng lời bác và đảng các đội thủy lợi ở nam bộ trương cao khẩu hiệu lên khắp nơi, khoe tài làm thủy lợi và kêu TRỜI bằng “ thằng ” bởi vậy tụi cán bộ ngốc nghếch mới rặn ra hai câu: “ Thằng trời đứng ra một bên. Để cho thủy lợi tiến lên thay trời ”...
- Dương thế đúng là đại loạn rồi cho nên mới có đứa nào mất dạy kêu Trời bằng thằng. Ngươi biết ai làm hai câu thơ đó không để ta hỏi thăm sức khỏe của nó?
Tố Bồi Bút lắc đầu cười gượng.
- Bẫm Diêm Vương dạ con hổng biết đứa nào làm hai câu thơ đó nhưng mà con biết cái nguồn gốc sâu xa ở đâu mà có tiếng '' thằng ''... Số là “ Trong tiếng Việt của ta cách xưng hô thật phong phú. Vào Hỏa Lò tôi mới biết ở đây, hay nói cho đúng trong ngành công an, có lệ bất cứ ai bị bỏ tù đều là thằng hết, còn ai chưa bị bỏ tù, nhưng có thể bị bỏ tù, thì gọi tên không. Cách gọi thằng, con trong ngôn từ chính trị có cội nguồn của nó. Nó xuất hiện vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính ông Hồ Chí Minh dùng cách gọi này trong những cuộc nói chuyện với cán bộ và trong những bài viết trên báo Cứu Quốc: thằng Mỹ, thằng Pháp, thằng Xihanúc, thằng Lý Quang Diệu, thằng Măng-đét Phrăng. Theo gương ông, về sau người ta gọi kẻ thù nào cũng bằng thằng hết: thằng Bảo Đại, thằng Diệm, thằng Khánh, thằng Kỳ, thằng Thiệu…”(Trích Đêm Giữa Ban Ngày- Vũ Thư Hiên); bởi vậy mà mấy thằng cán ngố mới dám gọi trời là thằng...
Nghe Tố Bồi Bút nói xong Diêm Vương cười hực.
- Như vậy các ngươi cũng gọi ta bằng thằng Diêm Vương hả?
Xanh mặt họ Tố giẫy nẩy lên mếu máo thốt.
- Dạ bẫm Diêm Vương... Con đâu có vô lễ như vậy... Con là người có ăn học mà đâu có thói quen mất dạy và hạ cấp đó...
Vừa định xì nẹt tiếp song bắt gặp cái nháy mắt làm hiệu của Thôi Phán Quan nên Diêm Vương cố dằn cơn thịnh nộ. Bước tới đứng trước mặt bị can Hình Chí Mô, vị biện lý của âm phủ rắn giọng.
- Kính thưa 9 vị bồi thẫm... Quí vị đã nghe tôi trình bày về hành động bán nước của bị can và các đồng chí của ông ta. Sau đây tôi xin trình bày thêm về một tội ác mà theo tôi nó là một đại tội của bị can đối với dân tộc Việt Nam. Đó là tội phá hủy văn hóa, tiêu diệt tín ngưỡng và phá hoại các di tích lịch sử và văn hóa. Tôi xin mời quí vị nghe qua bài viết sau đây có nhan đề:
TẠI SAO GIẶC HỒ VÀ ĐỒNG ĐẢNG TRIỆT PHÁ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA DÂN TỘC, để thấy được dã tâm thâm độc của bị can Hình Chí Mô và băng đảng cộng sản Việt Nam...
Giặc Tầu đô hộ nước ta một ngàn năm không ai vong thân, không ai lẫn lộn căn cước. Giặc Pháp đô hộ Việt Nam một trăm năm, dân Việt Nam vẫn là Việt Nam. Giặc Hồ mang học thuyết Cộng Sản vào cai trị nước ta mới có 60 năm, dân bị lẫn lộn căn cước và vong thân. Xã hội Việt Nam từ khi lập quốc cho tới nay chưa có thời nào suy đốn như thời Hồ.
Bài này trình bày sự kiện và nguyên nhân vì sao giặc Hồ và Đồng đảng thực thi âm mưu này và hậu quả của kế hoạch ấy đối với dân tộc.
Đảng Cộng Sản VN xóa bỏ nền văn hóa truyền thống và hủy diệt các di tích lịch sử và văn hóa.
1. Xóa bỏ văn hóa truyền thống.
Người Cộng Sản chủ trương xây dựng nền văn hóa Mác-Xít Duy Vật để thay nền văn hóa duy tâm truyền thống của dân tộc Việt Nam được xây dựng gần 4.000 năm trên nền tảng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và đó cũng là nền tảng của mọi tôn giáo, Cộng Sản hủy diệt luôn tất cả mọi cảm nghiệm tâm linh man mác sâu thẳm trong con người Việt Nam.
Học thuyết duy vật, mà Hồ Chí Minh mang vào Việt Nam, nhằm thay con người Việt Nam thành con người Xã Hội Chủ Nghĩa vô gia đình, vô luân, vô đạo, vong bản, vô trách nhiệm, chỉ biết hận thù giai cấp. Vì thế mọi giá trị, biểu tượng thiêng liêng của đạo đức, và trí tuệ tột đỉnh của dân tộc Việt Nam bị coi là đối tượng nguy hiểm, là kẻ thù số một, cần phải đào tận gốc trốc tận rễ.
Vậy làm thế nào thực hiện nhiệm vụ kéo sụp đổ cả một vũ trụ tâm linh, tình cảm, tâm lý, ý thức dân tộc của con người cũ? Con người Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học duy vật, phải đánh vào mối quan hệ gia đình trước tiên: mối tương quan liên hệ giữa vợ chồng, giữa cha con, giữa người với người. Đánh vào cả “xác” lẫn “hồn”. Đánh vào những sợi dây vô hình kết hợp cái tinh anh của vũ trụ, của kiếp người, mà gia đình là “tế bào gốc” trở thành mục tiêu đầu tiên bị triệt hạ. Những tế bào hạt nhân họ hàng, gia tộc, làng xã Việt Nam là những thành lũy phòng thủ cuối cùng của nền văn hiến, văn hóa truyền thống chống lại văn hóa “duy vật” của đảng Cộng Sản .
Đây là một đòn hết sức hiểm độc.
Về phương diện nhân bản, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, nơi nương dựa an toàn êm ấm nhất. Nó là tổ ấm để an ủi con người. Với chính sách phá tan sự “liên lụy”... của sợi dây tình cảm gia đình, Đảng Cộng Sản VN, không cho phép các thành viên trong gia đình đùm bọc, thương yêu hoặc an ủi nhau lúc gặp hoạn nạn, khó khăn... Điều này được bộc lộ hết sức rõ rệt, trong các chiến dịch CCRĐ năm 1954-1956. Gia đình thân nhân được khuyến khích đấu tố công khai, lên án hành hạ, sỉ nhục nhau. Cứ điểm cuối cùng kết liễu tình thân ái vợ chồng, cha con, họ hàng, xóm làng là gia đình bị thanh tóan. Nhiều người vì thế đã tự tử. Hàng triệu triệu gia đình phải đối mặt với tai họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người.
Đảng Cộng Sản VN, đứng đầu là Hồ Chí Minh, theo chỉ đạo của cố vấn Trung Cộng, đã đánh những đòn trí mạng vào nền tảng đạo lý gia đình Việt Nam.
Khi con tố cha, vợ tố chồng..., thì không có cách nào chuộc lại được sự phản bội của mình. Một vết thương không thể lành, nhiều người chết ôm hận xuống mồ! Còn những người bị quẳng vào các trại cải tạo khi có cơ may sống sót trở về quê hương, họ rất khổ sở... và không chấp nhận vợ con... Nhưng có điều họ không nhận ra thủ phạm chính đã gây ra thảm kịch này là những con quỷ sáng tạo ra học thuyết “Đấu tranh giai cấp”, và những con quỷ đã lãnh đạo, thực hành việc đấu tranh giai cấp. Ở miền Bắc Việt Nam, những kẻ ấy đã tự nhận là kẻ theo Chủ Nghĩa Xã Hội khoa học, chủ nghĩa duy vật khoa học và tự hào là đã làm “chủ quy luật khách quan, làm chủ thiên nhiên và làm chủ lịch sử” đứng ở “trên đỉnh cao trí tuệ v.v...” Nhưng họ lại hoàn toàn vô ý thức về cái nhân tính của chính họ. Họ đi làm cách mạng để thay đổi thế giới và cải tạo “loài người”. Nhưng họ lại vô ý thức vì cái muôn thuở, bẩm sinh của tình cảm tư hữu, tình cảm quốc gia, gia đình họ hàng. Nếu ba thành tố cơ bản này thiếu vắng một thì đó sẽ là một xã hội suy đồi băng hoại và quốc gia đó không bao giờ vươn lên thành một xã hội văn minh. Cộng Sản chủ trương xóa bỏ cả ba thành tố căn bản đó. Họ chỉ có thể kéo xã hội trở lại thời kỳ đồ đá!
Cộng Sản chủ trương “giai cấp vô sản không có tổ quốc”. Họ muốn xóa bỏ ranh giới quốc gia, xóa bỏ văn hóa truyền thống, để chỉ còn một thứ văn hóa vô sản duy nhất. Việc đầu tiên người Cộng Sản thực hiện là xóa bỏ các đơn vị “gia đình”, là những vệ tinh tế bào trong cộng đồng dân tộc, tương tự như những hạt nhân xoay quanh các vòng tròn lớn nhỏ quy tụ gia đình, họ hàng, thân tộc, làng xã đến quốc gia.
Muốn xóa bỏ ranh giới quốc gia trước tiên phải xóa bỏ đơn vị nhỏ nhất là “gia đình”. Ở Campuchia, sau chiến thắng của Khờ Me Đỏ năm 1975 dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của cố vấn Trung Quốc, Pol Pot đã vội vã thiết lập Chủ Nghĩa Xã Hội, một xã hội không có giai cấp. Không có cách biệt giữa thành thị và nông thôn, không còn giầu nghèo, không có tiền tệ và thương mại. Các gia đình bị “xóa bỏ”. Và thay vào đó bằng các đội lao động, gần giống như các hợp tác xã nông nghiệp cao cấp, hay nông trường tập thể ở miền Bắc thập niên 70-80. Tất cả đều phải làm việc ăn chung, mặc bộ quần áo đồng phục mầu xanh hoặc đen. Sau khi bị hủy diệt về tinh thần và thể xác đến năm 1978, một phần ba dân số đất chùa Tháp đã bị giết!
Ở miền Bắc VN trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất 1954-1956 cũng do cố vấn Trung Quốc chỉ đạo, Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng giết chóc tùy tiện bừa bãi, để tạo ra sự khiếp sợ tối đa trong dân chúng. Những người lãnh đạo đảng muốn loại bỏ hẳn ý thức hệ cũ (phong kiến). Giáo dục ý thức hệ Xã Hội Chủ Nghĩa để đào tạo con người mới. Hồ Chí Minh thường dạy các đảng viên: “muốn xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa trước hết phải có con người Xã Hội Chủ Nghĩa.” Chiến lược “trồng người” xuất phát từ đó.
Trong một xã hội bình thường, mọi người tỏ sự quan tâm và tình cảm với nhau. Tôn kính, hiếu thảo với cha mẹ, thân thiện với người láng giềng như anh em ruột thịt của mình, và hòa đồng với làng xã. Nhưng chủ trương đấu tranh giai cấp của Đảng Cộng Sản VN khuyến khích sự hằn thù, phân chia xã hội thành nhiều loại người và luôn luôn khích lệ nhân dân giết hại lẫn nhau, và nó cố làm cho mọi người trở nên thờ ơ lãnh đạm với nhau, không ai yêu thương ai.
Mặc Tử nói: “Kiêm tương ái, giao tương lợi”. Ông cho rằng sở dĩ xã hội đương thời đại loạn nguồn gốc của nó chính là ở chỗ quan hệ giữa con người với con người không yêu mến lẫn nhau!
Thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất nông dân miền Bắc không còn gì cả. “Ngay cả những quyền quyến luyến yêu thương cũng bị nghiêm cấm, con người sống trơ trọi không có bạn hữu, không có láng giềng, không có quyền cảm mến, quyền làm người bị chối bỏ, tài Sản không được thừa nhận dù chỉ là một túp lều, dù chỉ là một tấc đất, dù chỉ là một nấm mồ[1]”. Chính sách giết người, đập phá đền miếu... đã trở thành phong trào thi đua của Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh, giết chóc đập phá, đào mồ mả ông cha để bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối với Bác Đảng. Các cháu ngoan “bác Hồ” hô những khẩu hiệu vang trời dậy đất: Hồ Chí Minh muôn năm. Mao chủ tịch muôn năm”, đả đảo địa chủ cường hào ác bá v.v...” và hát bài:
Giết, giết nữa bàn tay – không phút nghỉ
Cho ruộng đồng, lúa tốt – Thuế mau xong
Cho đảng bền lâu cùng – Rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin bất diệt...
Thiếu nhi cháu ngoan bác Hồ xem cảnh chém giết là bình thường; các cháu trở nên quen với cảnh đổ máu. Một số lớn bắt đầu cảm thấy hứng thú. Thế hệ trẻ bị giáo dục theo tư tưởng vô thần của chủ nghĩa Cộng Sản không còn nể sợ điều gì. Bất luận một con người kia, sinh ra trong một gia đình nông dân thuần phác, hiền lành và hiếu thảo với cha mẹ đến đâu, hễ đã gia nhập vào đoàn thanh niên Hồ Chí Minh, liền biến thành một phần tử trong lực lượng phá hoại, ai càng trong trắng sẽ càng trở thành kẻ phá hoại mạnh. Đảng Cộng Sản VN, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, đã biến con người thành quái vật, bởi bản thân nó tàn bạo hơn bất kỳ một con quái vật nào.
Đây là một sự thật, đang được chính các đảng viên phản tỉnh khui ra.
Cộng Sản nguy hiểm, kinh khủng hơn bất cứ một thứ bệnh dịch nào mà vi trùng của nó len lỏi khắp các bộ phận cơ thể, gặm nhấm các tế bào, sản sinh độc tố khiến cho các tế bào chung quanh cũng lây nhiễm. Nó khuếch tán bao nhiêu chất độc hại, đầu độc xã hội. Mỗi thế hệ lại đắp lên một tầng về nhiều mặt ác độc, dối trá, lừa phỉnh khác nhau. Kết quả khiến xã hội Việt Nam ngày nay trở nên ô nhiễm, giá trị đạo đức văn hóa ngày càng bị xói mòn.
Là một Phật tử, tôi thực lòng muốn xả bỏ quá khứ, vứt hết cho nhẹ, sống hòa hợp. Tổ tiên ta dạy: một điều nhịn, chín điều lành. Chữ HÒA trở thành cốt tủy của văn hóa và đời sống Việt. Nếp sống hòa hợp và bao dung ấy như sợi chỉ vàng rực rỡ xuyên suốt trong dòng lịch sử dân tộc ta.
Con người Việt Nam lấy thiện làm gốc, tình nghĩa làm đầu, nên oán thì phải giải, thù thì lại càng cần phải quên. Nhưng không hiểu sao mỗi khi cầm bút viết, lại không sao quên được những thành tích khát máu của Đảng Cộng Sản hồi Cải Cách Ruộng Đất. Tôi mới lớn lên thấy ai cũng sợ hãi quá, trước sự tàn ác vô đạo trong giết chóc liên miên..., mạng sống của mọi người trong xã hội bị đe dọa thường trực, nên không ai dám có phản ứng gì, Đảng Cộng Sản và Hồ Chí Minh đã biến người thành sói, “con người Xã Hội Chủ Nghĩa” do Hồ Chí Minh đào luyện thậm chí còn dữ hơn cả sói. Vì sói chúng không ăn thịt con. Nhưng dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản, cha mẹ, vợ chồng tố cáo lẫn nhau là điều bình thường. Các chiến dịch trên quy mô lớn được thực hiện từ giết chóc ở nông thôn, giết chóc ở thành thị, từ truy lùng các phần tử phong kiến phản động... đến xóa bỏ các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, lịch sử, giáo dục.
Chính sách của Đảng Cộng Sản thực hiện, gần bẩy thập niên đất nước bị tàn phá tan hoang ra trăm ngàn mảnh vụn như hiện nay, với bao nhiêu hệ quả tang thương không sao kể xiết, mà hậu quả hàng đầu là làm liệt kháng sức sống dân tộc trước họa xâm lăng của Trung Quốc. Nguy hiểm hơn nữa ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam theo lệnh của Bắc Kinh đã biến lực lượng công an thành công cụ của Trung Quốc, chúng đàn áp bắt bớ những chiến sĩ yêu nước. Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với đồng bào, chúng là loại người “ân đoạn nghĩa tận”.
2. Hủy diệt di tích văn hóa lịch sử.
Triệt phá các công trình văn hóa, đập phá đình chùa, miếu mạo và các văn chỉ, được thực hiện trong một kế hoạch quy mô có tính toán trên cả nước, gồm cả mở những chiến dịch đào mồ mả tổ tiên trong đó có nhiều vị anh hùng dân tộc.
Tới thời kỳ “mở cửa” trong bài ký sự “Tiếng kêu cứu một vùng văn hóa”, Ông Võ Văn Trực một đảng viên kỳ cựu, đã mô tả nỗi kinh hãi, đau xé ruột gan khi thấy những di tích văn hóa như đình chùa miếu mạo, các nhà thờ họ ở khắp quê ông bị đập phá, cùng với những chiến dịch đào bới mồ mả tổ tiên, do đám thanh niên mới lớn lên trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất, vào thời kỳ chúng sửa soạn bước vào thế giới thù nghịch, ngay chính đối với ông cha mình! Về việc phá hoại các đình chùa, một chuyên gia Ba Lan đã phát biểu: “Hiếm có một đất nước như Việt Nam, làng nào cũng có đình chùa, miếu mạo, là một mặt biểu hiện của nền văn hiến dân tộc. Lạ thay, Nền văn hiến ấy đang bị hủy hoại[2].” Cũng là Cộng Sản, nhưng người Cộng Sản Ba Lan không u tối cuồng tín như Hồ Chí Minh và đám lãnh đạo Đảng Cộng Sản VN. Sự đập phá ấy diễn ra từ trong lòng thủ đô Hà Nội, nơi Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo Đảng đang sống. Nó lan ra toàn quốc. Ở Nghệ An, thời kỳ “cởi trói” cho văn nghệ sĩ năm 1987, một cán bộ văn hóa của tỉnh nói mỉa mai rằng: “Về cơ bản, tỉnh nhà đã phá xong những di tích lịch sử[3]”. Đó là lời nói của một cán bộ Cộng Sản làm công tác văn hóa.
Trước năm 1945 ở Miền Bắc, làng nào cũng có đình chùa, miếu mạo. Sau 1945, dù trải qua chiến tranh, hàng vạn ngôi chùa với di sản vô giá, nhiều pho tượng hay đồ Phật sự được lưu truyền từ thời nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê và Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn. Trong thời gian Cải Cách Ruộng Đất, đình chùa, miếu mạo và các cổ vật ấy bị phá sạch vì đó là tàn dư của phong kiến.
Chim có tổ, người có tông. Hồ Chí Minh và bè đảng đã phá sạch những di tích lịch sử được tạo dựng lên hàng ngàn năm, phá sạch sẽ những đình, chùa, miếu mạo, biểu tượng của nền văn hóa dân tộc. Hủy diệt truyền thống đạo lý, nhân nghĩa, làm biến dạng những khuôn mặt phúc hậu chốn đồng quê.
Đồng quê Việt Nam là cơ sở bền vững để bảo tồn sức sống và văn minh dân tộc mà bao thế hệ đã đổ xương máu, mồ hôi để vun đắp. Bao nhiêu tầng cao văn hóa được xếp lên với chiều cao bốn ngàn năm lịch sử đầy kiêu hãnh bỗng đổ vỡ tan tành!
Hèn hạ hơn cả là việc lén lút giấu mặt để bè đảng đào mồ, phá đền thờ các vị vua, những cuộc tấn công đầu tiên nhắm vào các vị anh hùng dân tộc, nổi tiếng như vua Trần Nhân Tông, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng v.v... Để hiểu rõ nhiều khía cạnh và góc độ của việc thẩm định những vấn đề lịch sử, được khách quan hơn, chúng ta phải đọc các tập sách và nghiên cứu văn học trong thập niên 60 ở miền Bắc. Trước hết là chúng ta nghe những buổi nói chuyện với giáo sư Nguyễn Huệ Chi trên đài RFI tháng 7/2005, với bà Thụy Khê được ghi lại trên “thế kỷ XXI” tháng 9/2005. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nguyên là Chủ Tịch Hội Đồng Khoa Học của Viện trong bẩy năm, nguyên là Trưởng Ban Văn Học cổ cận đại của viện trong gần 30 năm ở Hà Nội chắc những bài viết và ý kiến của giáo sư này mang một ý nghĩa trung thực và công tâm đối với lịch sử. Dưới đây tôi xin trích dẫn một số câu hỏi của bà Thụy Khuê và trả lời của giáo sư Nguyễn Huệ Chi về vấn đề phá hoại các di tích lịch sử.
“Thụy Khuê: Việc đốt phá sách, dường như đi đôi với việc phá phách các di tích lịch sử và anh cũng đã từng chứng kiến nhiều lần. Vậy có thể nói, chúng ta rút ra được những kinh nghiệm gì về những vụ tàn phá di sản văn hóa này?
Nguyễn Huệ Chi: “Trong mấy chục năm đi điền dã để làm bộ Thơ Văn Lý – Trần, chúng tôi đã thấy không biết bao nhiêu di tích bị tàn phá một cách vô tội vạ, mà cái người chủ trương tàn phá, phải nói, hoặc là, biểu hiện của một thứ cực đoan không thể chấp nhận được nữa; hoặc nữa là, có một sự thù hằn gì ghê gớm đối với lịch sử, hay cũng có thể là hách dịch đối với lịch sử, cho nên họ đã đập phá tàn bạo. Chẳng hạn như di tích nơi vua Trần Nhân Tông tịch ở Am Ngọc Vân phía Tây núi Yên Tử, một ông Vua anh hùng khoáng đạt như thế có tội tình gì để họ phá cho tan tành? Hay vì đã không “cực quyền” như họ? Lại chẳng hạn như việc phá đình phá chùa trong chủ trương “hộ tụ” năm 1948 đã làm mất bao nhiêu di tích văn hóa quý giá từ lâu đời ở Nghệ Tĩnh, ấy thế mà việc đó lại được lập lại với quy mô rộng rãi ở hầu khắp miền Bắc trong những năm 60 thế kỷ XX. Tôi còn nhớ là vào ngày 9/5/1966, tôi đến thăm cụ Lê Thước, một học giả nổi tiếng ở Chợ Hôm thì gặp lúc nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản cũng đến và ông ấy đã trình bày với cụ việc một ngôi đền thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng ở Mai Động tức Hà Nội ngày nay, bây giờ là trong “nội thành” đã bị cán bộ chỉ đạo đem hoành phi câu đối và cỗ kiệu ra làm bàn ghế và xe phân cho hợp tác xã. Ông Nguyễn Bá Khoản đã chụp trộm được mấy tấm ảnh và suýt nữa thì bị dân quân tự vệ bắt và tịch thu máy nhiếp ảnh. Khi ông ấy đã chạy thoát rồi vẫn còn nghe văng vẳng ông Bí thư đảng ủy: “Hãy bắt gông nó lại, tội vạ gì tôi chịu”. Ông Khoản kể lại với tất cả cái thảng thốt và bất bình của mình.[4]”
Ở đây ta thấy giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tuy không chỉ đích danh người chủ trương đó và thù hằn lịch sử ghê gớm đối với lịch sử đó là ai? Nhưng ai cũng biết rõ đó là Hồ Chí Minh. Đọc tới đây tôi lại chợt nhớ tới chuyện đào mồ tổ tiên trong bài ký sự “Tiếng kêu cứu của một vùng văn hóa” của Võ Văn Trực, thời mở cửa đã miêu tả như sau:
“Ba năm sau một đoàn thanh niên khác lại được huy động để đào kỳ được hài cốt của Võ Tướng Hùng Lê Bá. Do lòng kiên nhẫn, lần này họ đã tìm được. Mấy bô lão ôm hài cốt, nước mắt chảy ròng ròng, rồi kéo nhau lên gặp ông chủ nhiệm hợp tác xã xin một ít tiền mua tiểu sành đựng hài cốt. Ông Chủ Nhiệm trừng mắt nói như đinh đóng cột: Mộ vua chúa, mộ thượng thư cũng đập thành đất, mộ ông tướng của các cụ đã ra cái gì?[5]”
Được đào luyện trong lò “trồng người” của Hồ Chí Minh – tên Bí Thư Đảng Ủy ở Hà Nội và tên cán bộ chủ nhiệm hợp tác xã ở Nghệ An giống nhau như đúc.
Trong một bài khác trên trang WEB - http://www.talawas.org GS Nguyễn Huệ Chi kêu gọi rằng: “Việc xây dựng chiếc cầu nối giữa văn hóa truyền thống với thế hệ hôm nay là điều hết sức cần kíp.” G.S nói rằng các di tích cổ VN đã bị đối xử tệ hại:
“... Tại sao đi thăm viếng di tích của các nước, thấy người ta chăm chú, trân trọng từng hiện vật rất nhỏ, rồi trở về nhìn lại cung cách tu bổ chăm nom di tích của nước mình thì lại có tâm trạng xấu hổ đến chán ngán? Hầu như khắp đất nước, đâu đâu cũng tôn tạo lại đình, chùa, miếu mạo mà một thời đã từng bị đập phá tan nát, nhưng than ôi tôn tạo theo cái kiểu bôi xanh bôi đỏ lòe loẹt, chữ Hán viết đã xấu lại sai, bẩn và cứ đến đình miếu nào cũng chỉ thấy rặt một vài câu sáo rỗng (...) (dùng tiền LHQ, UNESCO để vụ lợi)”[6] …. Ở một đoạn khác GS viết:
“Trèo lên Ngọa Vân Am ở phía tây hòn Yên Tử, ở độ cao khoảng 1.000 mét, nơi người anh hùng kia lãnh đạo cả nước chống giặc Nguyên cũng là vị Tổ Của Nền Phật Giáo Thống Nhất đời Trần: dòng Thiền Trúc Lâm – Trần Nhân Tông – an tịch, người ta thấy choáng váng đến sững sờ: ngôi Tháp Phật Hoàng tức tháp Vua Trần Nhân Tông cao sừng sững, bị đào rỗng ruột, đứng vật vờ trước gió, bài vị bằng một tấm đá đen và một tấm đá bán nguyệt rất lớn khắc mấy chữ “Phật Hoàng Tháp” thật đẹp trong niên hiệu Minh Mạng (1839) bị đập thành nhiều mảnh. Một tấm bia cao lớn đề năm 1689 do chúa Trịnh Căn cho khắc để ghi nhớ việc ông dẫn các con vương tử và quận chúa, trèo lên đây chiêm bái người anh hùng, cũng bị đập thành năm bẩy mảnh.
Bên cạnh đó, ở một ngọn núi khác có động Hồ Thiên nằm ở độ cao khoảng 800 mét, cũng là nơi Trần Nhân Tông tu Phật. Có nhiều ngôi tháp rất đẹp phía dưới bằng đá xanh phía trên bằng đá đỏ gắn khít với nhau không hề thấy dấu vết vôi vữa, đều bị phạt ngang hết cả. Một ngôi thạch thất được kiến tạo bằng những tấm đá xẻ mỏng rất to lớn nguyên phiến không chắp. Kể cả hai mái cũng bằng đá, cũng bị đào rỗng phía dưới và đập vỡ mất một bên vách, mà ở trong còn đựng một tấm bia chạm khắc tinh xảo vào thế kỷ XVIII (tấm bia sẽ đổ bất cứ lúc nào).”
Xem đoạn văn trên ta thấy các vua chúa sau Trần Nhân Tông, đều đến Ngọa Vân khắc bia và chiêm bái người anh hùng dân tộc. Đến cả người phương Bắc cựu thù địch thủ, không thể không kính phục và nể trọng những con người như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo. Chỉ Hồ Chí Minh và đồng đảng lại phỉ báng tiền nhân, lên án tiền nhân là phong kiến... Là người dân Việt Nam ai cũng biết chiến công đáng ca ngợi nhất, vinh quang nhất và khó khăn nhất là cuộc chiến giữa quân dân nhà Trần và giặc Nguyên. Và đây còn là một cuộc chiến vô ngã... Cái hùng khí và tính bất khuất không chỉ có một vài người mà tất cả toàn dân: đã đem máu, nước mắt, mồ hôi, trí huệ nhiệm mầu để thay thế cho thành quách và gươm đao để ngăn ngừa vó ngựa Thành Cát Tư Hãn, mạnh như những cơn gió lốc đã cuốn đi hàng trăm những thành trì kiên cố khắp thế giới... Ngăn lại mà không hủy diệt, phóng thích 6 vạn quân Mông Cổ, đại xá cho tất cả những kẻ phản bội, ngăn lại mà vẫn nở những nụ cười nhân ái với kẻ cựu thù địch thủ. Đau khổ mà không nuôi dưỡng oán thù. Phẫn nộ nhưng vẫn chính trực và không độc ác. Kiên cường mà vẫn nhân từ.
Ngày nay nhìn lại những trận đánh cách đây trên bẩy trăm năm, ai yêu nước thương nòi không khỏi kính trọng ông cha mình. Thế mà bọn Hồ Chí Minh đã cho đồng đảng đập phá mộ phần và đền thờ các vị anh hùng dân tộc.
Và nay thì sao?
Đến đây xin dừng lại để bạn đọc xem tiếp bài viết của GS Nguyễn Huệ Chi về hiện trạng.
“Không thể không nhắc lại rằng từ hơn 50 năm lại đây, văn hóa truyền thống đã trải qua một “đại nạn”. Vì nghĩ rằng là những tàn tích phong kiến, chúng ta đã công nhiên lên án chúng, thẳng tay “đàn áp”, “xử tội” chúng; đã để cho bao nhiêu đình chùa, bia mộ, sách vở quý giá ở khắp mọi vùng bị đốt phá, hoặc mất mát hư hỏng mà không một chút động tâm, như nhiều thế hệ đã tận mắt nhìn thấy” ...
Tuy nhiên, một chi tiết cho thấy tấm lòng trong sáng của các sử gia và khảo cổ Việt Nam khi ra sức gìn giữ di tích. Đặc biệt, các vị đã cứu được ngôi chùa Diên Hựu khỏi bị phá sập để xây lăng Hồ, như tiết lộ sau:
“Nhân nói về Hồ Chí Minh, tôi nhớ lại có nhiều lần đưa khách nước ngoài đi thăm một số di tích ở Hà Nội, nhưng cứ hễ đến ngắm cảnh quan chùa Một Cột hiện nay là ai cũng ngao ngán lắc đầu. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã choán hết không gian của cụm chùa Diên Hựu và chùa Một Cột, đến nỗi mới nhìn tưởng đâu như cụm di tích này là một thứ công trình phụ, nép vào bảo tàng, hoặc được mọc lên từ một đáy giếng ... (...)”
Sau khi tìm địa điểm làm bảo tàng Hồ Chí Minh người ta không thèm hỏi gì giới chuyên môn, để cho một di tích vào loại cổ nhất Thăng Long và là một biểu tượng của Thăng Long ngàn năm văn vật, nên nhớ là vào năm 1954 khi người Pháp rút khỏi nơi đây có kẻ nào đó muốn phá biểu tượng kia đi đã manh tâm giật sập chùa Một Cột. ( Kẻ nào manh tâm giáo sư không vạch mặt chỉ tên, nhưng ai cũng biết là Hồ Chí Minh): phải lâm vào tình trạng bị “cớm” một cách tệ hại mà khách nước ngoài cũng phải thấy là bất nhẫn? Chẳng lẽ với cơ chế này trí thức chẳng một ai có cơ hội bộc lộ chính kiến thật của mình hay sao? Hay người ta có hỏi mà không ai dám trả lời?
Không giải đáp nổi thắc mắc cho mình, tôi bèn cất công đi tìm, thì hỡi ôi, lại còn biết thêm một sự thật bàng hoàng hơn! Khi xây bảo tàng, thấy chùa Diên Hựu đứng đó làm vướng víu công trình tưởng niệm Bác. Một chức sắc cao cấp trong ngành xây dựng chịu trách nhiệm thi công đã ngấm ngầm lệnh cho thợ xây phun nước liên tục vào chùa cho nó sập quách đi, may mà về sau có người – GS Trần Quốc Vượng – tìm mọi cách “rỉ tai” nên trước nguy cơ ngàn cân treo sợi tóc, ngôi chùa vẫn còn giữ được “cái mạng” già lão. Nghe rồi bần thần mất một lúc, lại liên tưởng đến bọn Taliban đã phá hại tượng Phật khổng lồ ở Afghanistan hóa ra mọi cái đầu độc tôn giáo bản chất đều giống nhau, chỉ khác về tầm mức...
Trên đây là một phần bài viết của GS Nguyễn Huệ Chi. Còn nhiều bài viết về vấn đề triệt phá các di tích lịch sử. Không thể nêu hết. Thời “mở cửa” báo Văn Nghệ năm 1990 có bài phóng sự, ký sự của tác giả Xuân Ba “Huyện hai vua ở Thọ Xuân xứ Thanh góp cho triều Tiền Lê một Lê Hoàn và Hậu Lê là Lê Lợi khởi đầu cho 30 vị vua sau này.” Lê Hoàn và Lê Lợi đều là những vị anh hùng dân tộc. Nhưng đền thờ các vị vua đó đã bị tàn phá và biến thành trại chăn nuôi. Bài phóng sự khá dài chỉ xin dẫn ra đây một đoạn:
“Làng Trung Lập sinh ra Lê Hoàn, chẵn ngàn năm rồi mà tên làng vẫn không thay đổi từ thời Đinh! Phong thủy hiểm yếu đắc địa như thế nào chẳng biết nhưng Trung Lập như một cái gò lớn được bồi tích bởi phù sa của sông Cầu Chày trước có tên là Trùy Chày Giang và sông Chu (xưa có tên là Lương Giang). Đợt khảo cổ năm 1985 đã tìm thấy ở Trung Lập trống đồng, bình thạp, mũi tên giáo mác bằng đồng có niên đại cách đây 2500 năm. Cách đây 3000 năm đã có người Việt cổ sinh sống ở bãi bồi hai con sông lớn này như bây giờ dân Trung Lập cư trú vậy! Năm Ất Tý 1005 vua Lê Đại Hành mất.
Làng Trung Lập chỉ có một ngôi miếu nhỏ ngay trên túp lều ngày trước mẹ con Lê Hoàn từng sống. Đầu thời Lý, vua Lý Thái Tổ cho xây dựng đền thờ theo hình chữ công. Lạ nữa, qua từng ấy năm, những tao loạn trận mạc lẫn sức tàn phá của thời gian mà ngôi đền thiêng liêng này vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay! Hiềm nỗi cũng cách đây chả lâu mấy, ngôi đền thiêng gồm nhà tiền đường năm gian, trung đường ba gian, hậu cung năm gian mà dân Trung Lập quen gọi là Nghè bị coi là tàn dư của đế quốc phong kiến một thời gian dài hết thành trại chăn nuôi rồi nhà kho. Đồ thờ tự trong nội cung bị thất tán bị phá khá nhiều. Nhưng may gần đây đã được tôn tạo bổ sung nên vẫn giữ được vẻ nghiêm ngắn khang trang như bây giờ.
Đây là công trình kiến trúc cổ độc đáo vào loại bậc nhất còn lại ở đất Thọ Xuân.
Hậu thế rồi phải biết ơn những người có tên lẫn vô danh ở làng Trung Lập đã từng cất giữ những hiện vật tỷ như chiếc đĩa đá, dân còn gọi là đĩa Ngọc do vua Tống Thái Tông là Triệu Khuông Nghĩa tặng vua Lê Đại Hành năm Canh Dần (990). Đĩa đường kính 47,5 cm giờ vẫn rõ nét hai hàng chữ Giang Nam nhất phiến tuyết, Tác Khí vạn niên trân (Giang Nam có phiến đá sắc trắng tựa tuyết làm thành vật quý vạn năm). Dưới dòng lạc khoản đã mờ là chiếc chĩnh chiện quốc ấn của vua Tống.
Rồi còn những đạo sắc phong nữa chứ! Trong âm thanh chói gắt trống kẻng của khí thế hừng hực truy lùng tàn dư phong kiến vào những năm khó khăn ấy, những ai đó đã đủ tỉnh trí lẫn lanh khôn đút vội chúng vào đòn tay ống luồn rải rác ở một số nhà. Thất thoát bao nhiêu chả biết nhưng bây giờ giữa điều may mắn có 14 đạo sắc phong của các triều đại. Cổ nhất là triều vua Lê Gia Tông (năm Giáp Dần 1674(?)). Mới nhất là Đồng Khánh nhị niên (1888). Rồi còn chiếc chậu men lam thời Hậu Lê kia, một báu vật thờ cúng của đền may sao không đem đi muối cà hay đựng mắm hoặc rơi vào tay bọn bất lương chuyên săn lùng đồ cổ! (...)”
Về vua Lê Đại Hành, Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặt đánh Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân, Quân xâm lược nhà Tống dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi đã yên tĩnh. Cái công đánh dẹp ấy tuy nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.”
Những người anh hùng có công lớn với Tổ quốc Lê Đại Hành, đã bị Hồ Chí Minh và đồng đảng Cộng Sản của y “truy lùng gắt gao” tác giả bài ký sự mô tả bọn Cộng Sản “khí thế hừng hực” chắc trong lòng dạ bọn chúng phải căm giận ông cha ta lắm, bọn chúng rất xa lạ với tiền nhân. Trong cái thời khắc nghiệt gắt gao đó nhân dân đã phải bỏ cả ngày kỷ niệm các vị anh hùng dân tộc.
Thời trước, vào những năm chẵn, dịp mồng tám tháng ba âm lịch đúng ngày mất của Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) có lễ ở đền rất trọng gọi là Quốc Lễ: “Nếu không có quan ở triều đình về trực tiếp lễ tế, thì quan đầu tỉnh phải làm phận sự ấy”.
*
* *
Truyền thống thờ cha kính mẹ đã được chuyển hóa từ mỗi gia đình Việt Nam ra đến ngoài quốc gia xã hội, đều là nền móng cơ bản của các mối dinh dưỡng, hỗ tương trong đời sống xã hội, từ thế hệ này qua thế hệ khác trong xã hội Việt Nam. Đây là một sợi dây vô hình đã liên kết và thống nhất được tất cả các sinh mệnh, tính mệnh của văn hóa, văn hiến trong suốt 4000 năm lịch sử. Cuộc sống Đạo lý và văn hóa nẩy sinh ra những chồi non và cứ thế nối tiếp. Tinh thần ấy đã tỏ lộ rất rõ ràng khi toàn thể quốc dân Việt Nam tưởng đến những cổ nhân của mình, mà tất cả các triều đại, cùng con dân thời đại nào cũng bảo vệ và trùng tu những Tông Miếu, Xã Tắc để thờ kính Trời Đất, Tổ Tiên, Tiền Nhân và các vị anh hùng liệt nữ có công dựng nước và giữ nước. Nên họ đã trở về với đời sống vĩnh hằng trường cửu, bất sinh, bất diệt để làm thành HỒN THIÊNG NÚI SÔNG cho muôn ngàn thế hệ con cháu Tôn Kính và thờ lạy trong Tông Miếu. Chỉ bọn vô đạo Hồ Chí Minh không chấp nhận. Như GS Nguyễn Huệ Chi nói: “Chúng có một sự thù hằn gì ghê gớm đối với lịch sử”. Chúng thù hằn cả những người đã sinh ra chúng. Hồ Chí Minh bôn ba hải ngoại, đến lúc về nước tranh đấu, khi công thành danh toại làm Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch nước, Ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy không có một nén hương trên mộ, cũng không có lễ cúng cha mẹ mình. Ông làm gương cho toàn đảng, toàn dân nên chỉ có cúng Mác Lênin, thờ Stalin, thờ Mao Trạch Đông. Còn ông cha tiền nhân bị lên án là phong kiến, nên đã cho bọn lâu la phá sạch!
Trong khi người Việt Nam coi Tổ Quốc là Đất Mẹ, từ trên 4000 năm qua vẫn thờ Mẹ như bóng dáng của những gì khả kính nhất, nhân từ nhất, nhẫn nhục nhất, thánh thiện nhất, bao dung nhất và tinh thần ấy đã tỏ lộ rất rõ ràng khi toàn thể quốc dân Việt Nam, từ thời vua Hùng đến nay đều gọi quê hương là Đất Mẹ với tất cả lòng tôn kính và yêu thương nồng nàn. Chỉ có Hồ Chí Minh và đồng đảng của y là không thừa nhận. Nên nhớ rằng mãi đến năm 2000 quốc hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa mới nhìn nhận Tổ Hùng Vương. Bởi xuất phát từ triết học vô thần, lại được những kẻ lãnh đạo u mê cuồng tín thực hiện thì tai họa khó lường.
Đối với nhân dân, chúng chỉ dựa vào các cực hình sắt đá là bắt hàng loạt, giết hàng loạt với mục đích làm cho dân chúng ở trong nước hoảng sợ. Khổng Tử nói: “Ái dân trị quốc năng vô vị hồ” nghĩa là yêu dân cai trị mới không thể không theo lẽ tự nhiên ư?
Thuận theo tự nhiên thì không có hành động xấu xa tàn ác. Các vị vua ta coi ý dân là ý trời. Chính vì thế mà các ngài chủ trương văn trị dân chủ hiến định, các ngài không làm theo ý riêng của các ngài. Người ta thường nghe nói: “Thế thiên hành đạo” là trong ý nghĩa đó, còn loại vua hạ đẳng như Hồ Chí Minh là loại người chuyên dùng thủ đoạn dối trá làm cho nhân dân ngu muội, lấy ngụy trá để lừa đảo nhân dân. Đã gọi là chính quyền thì phải “chính khí vương quyền và chính quyền là bất chính thì gọi là tiếm quyền, tà quyền, bạo quyền Cộng Sản .”
Các tư tưởng trị quốc của vua ta, đều lấy “ngay thẳng” làm cơ sở, lấy “chính” để an dân, lấy chân tình để sống với người, lấy đạo đức để cảm hóa người. Còn Hồ Chí Minh “lấy tà ngụy” làm cơ sở trị quốc. Chúng không tin vào Trời Phật, trong khi các tôn giáo truyền thống tin vào thần thánh, đạo Phật tin vào luân hồi và quy luật nhân quả, trái lại triết học Cộng Sản hoàn toàn phủ nhận thần thánh. Đảng Cộng Sản chỉ tin vào thuyết vô thần, nên tất cả chủ trương đường lối của họ hoàn toàn đi ngược lại và mâu thuẫn với văn hóa Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam phủ nhận dân tộc, “giai cấp vô sản không có tổ quốc” .
Văn hóa truyền thống đề cao sự thương yêu đùm bọc đồng bào trong khi Cộng Sản chủ trương đấu tranh giai cấp, xui đồng bào giết lẫn nhau như thú vật. Trong khi tinh thần dân tộc và văn hóa truyền thống đề cao lòng tốt, từ bi, bác ái, dung hòa, hòa đồng giữa đời sống nội tại và thiên nhiên, hòa đồng giữa gia đình, xã hội và đồng loại, dung hòa, bác ái.
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
hay:
Anh em bốn bể đều là nhà
Đó là mối giao cảm sâu sắc giữa người và người, đó là thứ hương hoa của nhân bản và văn minh hóa viết thành chữ.
Ôi! Mầu nhiệm thay, trong cái rừng ca dao, tục ngữ kia lẫn lộn vào đó bao nhiêu là thánh thư suốt chiều dài lịch sử, cũng như về khả năng dung hòa văn hiến, văn hóa trước những thử thách cam go ghê gớm của lịch sử thăng trầm ngàn năm. Đến hôm nay Đảng Cộng Sản còn muốn bức tử và chà đạp lên sinh mệnh văn hiến, văn hóa dân tộc ta.
Thông thường ai cũng hiểu rằng sự phát triển của nền văn hóa làm ra lịch sử của nền văn minh của một đất nước. Sự phá hủy hoàn toàn văn hóa dân tộc sẽ dẫn tới sự diệt vong của dân tộc đó, thí dụ những dân tộc cổ xưa có nền văn minh cao như Andes ở Nam Mỹ và nền văn minh của người Maya và Aztec ở Trung Mỹ, những dân tộc sáng tạo ra nền văn minh huy hoàng đó bị coi như đã biến mất, khi văn hóa của họ bị hủy diệt.
Ở Việt Nam sau khi đảng Cộng Sản đã phá phách các di tích văn hóa, các di tích lịch sử bằng các chiến dịch truy lùng tàn dư phong kiến kéo dài nhiều thập niên. Nó lại lừa dối nhân dân và cộng đồng quốc tế là nó “kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống và phát triển lên một mức cao hơn, sâu sắc hơn toàn diện hơn ở thời đại mới.”
Nòi giống Tiên Rồng đã xây dựng sự nghiệp gian nan trên oan khiên nghiệt ngã: đã từng thất bại và uống những chén đắng không thể nuốt nổi (một ngàn năm giặc Tầu đô hộ). Dân tộc này biểu lộ trọn vẹn cái dũng khí, thần khí, chí khí, hùng khí..., và đã vác những gánh nặng tưởng như không thể vác nổi trên đôi vai (ba lần chống quân Nguyên) để sản sinh ra những con người như Bà Trưng, bà Triệu, Lê đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ v.v... Nhưng con người da vàng, gan sắt, đã chịu đựng những cơn giông bão triền miên để chứng minh về nguồn gốc Tiền Nhân của mình. Những vị anh hùng ấy, hôm nay bị Hồ Chí Minh và đồng đảng, đào mồ, phá đền thờ. Tội bọn chúng không thể tha thứ!
Nhưng đời sống thiên thu của những con người đã sáng tạo ra lịch sử dựng nước còn đó. Sự sống thiêng liêng mầu nhiệm của họ luôn luôn tác động ngấm ngầm suốt dòng lịch sử để giúp cho dân tộc này tiến hóa và trường tồn. Qua sự việc nhiều sử gia, khảo cổ gia Việt Nam đã tìm mọi cách để cứu được ngôi chùa Diên Hựu ở Hà Nội khỏi bị bọn Cộng Sản đập phá, đến việc những người dân làng Trung Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. “Trong âm thanh chói gắt trống kẻng của khí thế hừng hực truy lùng tàn dư phong kiến vào những năm khó khăn ấy đã cất giấu được các bảo vật vô giá” chứng tỏ rằng con cháu Lạc Hồng không ai nhạt lòng với Tiền Nhân. Chỉ có Hồ Chí Minh và đồng đảng là những kẻ vong ân bội nghĩa.
Lương tri của mỗi người chúng ta vốn có từ trước khi chúng ta sinh ra và sẽ tồn tại đến thiên thu vĩnh cửu nếu chúng ta biết bảo vệ duy trì và phát huy nó, thì nó sẽ tương ứng đồng điệu hay đồng thanh tương ứng với một chân lý, Chân Thiện Mỹ, mà cái lương tri của người nông dân thôn Trung Lập là một thứ Ngọc Quý trong những hòn đá sần sùi, xấu xí. Đó là những tinh báu vô tì vết.
Ai hằng quan tâm đến lịch sử cũng biết từ khi Hồ Chí Minh và đồng đảng của y cướp được chính quyền, chúng đã tận dụng mọi thời cơ vào việc triệt phá nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Ác ý này, tuyệt đối không phải là vì cán bộ “cấp dưới làm sai”. Chính sách của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản VN, như bọn chúng thường tuyên truyền để bao che tội ác trong bao nhiêu thập niên qua, mà nó xuất phát từ sự “đối nghịch” về ý thức hệ giữa chủ nghĩa Cộng Sản với văn hóa truyền thống của dân tộc. Chính vì thế việc phá hoại văn hóa và các di tích lịch sử đã được lập kế hoạch có tổ chức kỹ lưỡng, có tính toán, có hệ thống được chỉ đạo từ Bộ Chính Trị. Bây giờ họ lại âm mưu biến tên đồ tể sát nhân trở thành vị bồ tát được đem vào trong chùa thờ. Ở đây không phải chuyện “vứt dao đồ tể để thành Phật” mà là một chuyện phỉ báng lịch sử, bôi nhọ Phật Giáo.
Biến nơi thờ phụng trang nghiêm thanh tịnh trở thành ô uế!
Nên hiểu rõ rằng, không có một tấc đất nào của Tổ Quốc dành cho kẻ phản bội lại dân tộc. Lịch sử nhân loại cũng không hề có một đất nước nào thờ kẻ sát nhân. Đây là một xúc phạm nặng nề nhất đối với cả dân tộc Việt Nam.
Thiết tưởng ở đây cũng cần nói qua về tình trạng văn học miền Bắc dưới thời Hồ. Cách mạng tháng 8, kế đó việc đưa đẩy sự thường trực của bạo lực chuyên chế… Sự đeo đẳng căng thẳng cùng sự nhọc nhằn của đời sống lý lịch, tem phiếu… Sự thâm nhập của chính trị được đẩy bằng bạo lực trở lên ngày càng khủng khiếp, thêm vào đó là sự biến cải tâm lý xã hội và sự xuống dốc của đạo đức từ các chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất … Đứng trước những thù nghịch của đấu tranh giai cấp quyết liệt, hăm hở ấy, nhà văn chỉ còn rắp nữa là chờ dịp may, có cơ hội… “Thế rồi. Một ảnh hưởng quốc tế do bài diễn văn của Krushev đọc tại Đại hội Ðảng Cộng Sản Liên Xô lần thứ 20, hạ bệ thần tượng Stalin gây nên. Nguyên nhân đã cho phép phong trào Nhân Văn khai hỏa thái độ đối kháng với chế độ. Hai là ảnh hưởng trực tiếp của chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất mà giới trí thức miền Bắc lúc bấy giờ gọi là một cuộc “ám sát tập thể! Phải nhận rằng sự định hướng này cũng là kết quả của nhiều yếu tố khác dồn dập mang lại do một hoàn cảnh bùng vỡ về chính trị, mà cụ Phan Khôi có thể được coi như người chủ xướng phong trào Nhân Văn. Trường hợp của cụ đáng được chú ý nhất là vì ngay trong thời kỳ ở vùng kháng chiến, cùng sống chung với người Cộng Sản, cụ thấy rõ tim đen của họ. Ngay trong Đại hội văn nghệ ở khu vực Bắc 1951, cụ đã tỏ thái độ bất bình, khi thời cơ đến đã mạnh mẽ khai triển tư tưởng chống cộng, một cách khác thường. Nói chung văn nghệ sĩ họ đã tổ chức tấn công, phòng thủ chủ động,chống chủ nghĩa Cộng Sản bằng chính vũ khí của Mác Lenin. Trường hợp GS Trần Đức Thảo chẳng hạn. Ta có thể thấy đủ các hình thức phản kháng, bằng lý luận, bằng nghệ thuật. Sự độc đáo là sự trốn núp trong thơ, trong truyện và ta cũng nên thông cảm những điều rất khó đối với những người trong cuộc. Nhưng phải thừa nhận rằng họ biết diễn giải với một nghệ thuật tuyệt diệu… Một sự sáng suốt, thận trọng, một sự suy cứu vững vàng, mà đành lòng chấp nhận những giới hạn. Vì những kẻ cầm mã tấu đứng bên cạnh họ…Văn học hơn bao giờ hết trở thành chứng liệu, những công việc sáng tác với họ vẫn là điều bí mật kéo dài.
Truyện “Cái Bình Vôi” của Lê Đạt, “Thằng người máy” của Trần Dung v.v… giải thích những bí hiểm ấy. Tờ Đất Mới của sinh viên bị cấm chỉ sau một số đầu tiên. Tuy nhiên nó vẫn còn để lại một cái gì chưa đi đến kết thúc… Tôi hy vọng ở thế hệ sinh viên ngày nay sẽ kết thúc. “Tờ Đất Mới đã gây chấn động cho thế hệ 60. Nó được lôi cuốn bởi thế hệ đàn anh. Ở thời kỳ ấy những nhà văn, nhà thơ có tài như Trần Dần, Phùng Quán, Minh Hoàng, Nguyễn Tuân, Văn Cao… không hiếm, nhưng sau này hoàn toàn bị tê liệt vì những hà khắc do ý thức hệ và bộ máy mật vụ. Nhưng ở phương diện khác, ta cũng phải nhận rằng nó hãy còn chưa cho phép nảy nở những tác phẩm lớn có tầm cỡ quốc tế, ngoại trừ trong lĩnh vực truyện ngắn, tiểu thuyết thì còn đang ở trong giai đoạn thai nghén đã bị bóp chết.
Nhà văn đương đầu một cách trực tiếp với vấn đề chính trị, xã hội của thời đại. Trong bối cảnh của lịch sử về phương diện này, tâm lý của nhà văn liên quan đến hoàn cảnh của con người sống trong xã hội đó, bao giờ họ cũng nắm vai trò chủ động, những ước vọng về sự cải tạo xã hội, mà luôn luôn văn học nắm bắt được, trong mối liên hệ giữa nhà văn với thế giới giữa con người và lịch sử. Bằng sự dấn thân, hoặc khước từ dấn thân trong cuộc sống. Bằng hành trang sống với người Cộng Sản trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, với di sản quá lớn, quá đớn đau trước mặt là cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Lòng khao khát rửa thù cho những oan hồn còn nặng nề hơn cả mối thù thực dân, họ tiếp xúc thẳng với những “cái thực độc ác”. Đó là những chứng liệu hết sức ác liệt, tàn bạo, vô luân. Một mạch nguồn rộng lớn liên đới đến nỗi thống khổ của người dân miền Bắc. Thương tích trong thân xác và tâm hồn bị dìm trong sắt máu, mê muội, cuồng tín tràn trề, một tình trạng phi dân tộc, phi văn hóa. Có lẽ những tác phẩm lớn cỡ đó đã bị tuột khỏi tầm tay thế hệ trước. Sau sự vùng dậy can đảm thể hiện lần đầu tiên vào mùa Xuân 1956 trong không khí bốc cháy, xác nhận một cách tàn nhẫn, lẩy bẩy vì phẫn nộ bởi máu thịt đồng bào trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, rồi đến lượt họ, phần lớn vào trại cải tạo, phần thì bị kềm kẹp không lối thoát. Văn học chấm dứt!
Văn học sau này bị thu vào một chuỗi độc điệu gồm toàn tác phẩm truyền giáo tư tưởng Mao Trạch Đông, Mác-Lê với những khuôn mặt nghèo nàn, tối tăm cũ kỹ. Sự yếu kém của văn học miền Bắc không lạ gì với ai. Kể cả giới phê bình, họ mất khả năng diễn đạt “độc lập” dù là những nhà phê bình có tài năng đích thực thì cũng phải diễn tả bằng những công thức tương tự, và đồng giá trị, để giữ được “Sổ lương thực”, mà cái nòng cốt của bản chất nghệ thuật nguyên thủy là sự đa dạng, thì làm sao có thể theo công thức? Sự thực cái gọi là “khuynh hướng hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa” nhuộm mầu sắc, Mác Lênin này thâm nhập vào mọi địa hạt văn học lộ rõ tính chất phi dân tộc.
Ngay cả lớp trẻ sau này nhiều người cũng không thoát khỏi tâm trạng ấy! Âu cũng là một cái luật chung cho giới cầm bút nhất là những thập niên thời Hồ. Văn học toàn là thứ cầu nguyện Bác Đảng đến thời Nguyễn Văn Linh “mở”, “đóng”, “trói”, “cởi”, hoặc khép kín trong giáo điều lý luận Mác Lê. Nguồn gốc sinh ra không biết bao nhiêu là thứ quái thai dị dạng! Tôi nghĩ đã đến lúc nhà văn phải thoát khỏi mọi ràng buộc của nghi lễ chế độ nhất thời, tự giải thoát để đi vào hiện thực. Không ai ban phát tự do dân chủ cho các anh. Nếu các anh không tự mình giành giật lấy, chẳng bao giờ có cả. Chúng ta không nên hy vọng vào sự tự tỉnh ngộ của những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản. Kỳ vọng vào sự tỉnh ngộ của họ chẳng khác nào mong chó sói đừng ăn thịt. Đó là chuyện nằm mơ giữa ban ngày.
Chúng ta chỉ có thể sửa đổi chế độ chính trị bằng cách áp lực quần chúng buộc họ phải từ bỏ chế độ độc tài, độc đảng, rằng không phải ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản VN sẽ thay đổi thời cuộc, mà nhân dân Việt Nam sẽ thay đổi. Con đường trước mặt mà chúng ta phải dẫn đầu trong cuộc xuống đường tràn vào Ba Đình, ngoài con đường đó chẳng còn con đường nào khác.
Thông điệp mà tác giả muốn gởi đến mọi người Việt Nam. Thông qua cuốn sách này trước hết là các chiến sĩ dân chủ, thanh niên, sinh viên. Những người đầu tiên đã xuống đường chống Trung Quốc chiếm Hòang Sa, Trường Sa. Ngày 14 tháng 9 năm 2008 trước Sứ quán Trung Quốc, 46 Hoàng Diệu – Hà Nội. Hành động của anh chị em hôm nay sẽ là những bước đi vĩ đại trong vận mệnh dân tộc ngày mai.
Công lý, sự thật sẽ trở thành sức mạnh đạp đổ sợ hãi, tiêu diệt cường quyền và áp bức. Chiếu sáng niềm tin đến mọi con đường, và mọi nơi chốn. Tất cả đồng lòng, đồng thanh, đồng hành động cùng toàn thể đồng bào.
Tổ quốc kêu gọi sự thức tỉnh của từng cá nhân chúng ta, nếu mọi người đều hiểu rõ giá trị của quyền làm người, thấy được rõ bộ mặt thật của những nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng Sản VN. Cho dù là mới hay cũ, cũng chỉ là một thứ “dối trá”, phản bội đồng bào, phản bội tổ quốc và xa lạ với cội nguồn.
Hãy đứng dậy! Hỡi anh chị em!
Đây là mệnh lệnh lương tâm của chúng ta.
Nếu chúng ta muốn trở thành người chân chính.
Hãy hành động chân thật và ngay thẳng.
Tiền nhân ta từ những người phụ nữ, như bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, bà Triệu là đàn bà đến Lê Đại Hành, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… những bậc anh hùng đã chiến đấu để bảo tồn giống nòi, xứ sở, làm nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam, mà chất liệu của bản trường ca anh hùng ấy không phải là những bậc thánh siêu phàm. Có khi họ xuất phát từ những người nông dân hiền lành, làm ruộng, chất phác, nhân hậu. Nhưng không biết sống cuộc đời nô lệ, không biết khuất phục, không khiếp nhược và đã tự mình làm ra số phận của mình bằng thái độ đấu tranh không nản lòng với các thế lực xâm lăng phương Bắc. Đó là hình tượng những người đi tiền phong cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tiền nhân ta đã phải trải lắm gian truân nguy hiểm suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, đã chiến thắng những gian truân nguy hiểm ấy, để bảo tồn non sông gấm vóc và xây dựng cuộc đời hạnh phúc phong phú có trí tuệ. Hãy ngẩng cao đầu, hãnh diện về tiền nhân của mình.
Trân trọng.
Trần Nhu.
Thôi Phán Quan ngừng đọc. Gian phòng xử im lặng thật lâu. Lát sau vị đại diện cho luật pháp của âm hắng giọng.
- Kính thưa bồi thẫm đoàn. Mấy ngày nay 9 vị đã nghe, thấy tôi trình bày về tội ác của bị can Hình Chí Mô. Đại diện cho dân tộc Việt Nam đòi hỏi công lý, tôi hi vọng rằng quí vị sẽ đưa ra một hình phạt tương xứng với tội ác mà bị can Hình Chí Mô đã làm. Xin cám ơn quí vị...
Đán bước tới thì thầm với Diêm Vương những gì không ai nghe được, chỉ thấy ông vua âm phủ gật đầu cười tỏ vẻ hài lòng xong tuyên bố ngày mai bồi thẫm đoàn sẽ đưa ra hình phạt cho bốn bị can la Võ Khôi Nguyên, Ba Duân, Sáu Búa và Hình Chí Mô. Thiên hạ lục tục ra về. Họ vừa đi vừa bàn ra tán vào cố đoán xem bồi thẫm đoàn sẽ có hình phạt gì.
Comment