16
Nhà thơ làm kinh tế
Thống chế đi đặt vòng
Nhà thơ làm kinh tế
Thống chế đi đặt vòng
- Ông Thôi Phán Quan sẽ lôi ai ra làm nhân chứng hôm nay hả anh Bảy?
Một người ngồi nơi cuối phòng xử lên tiếng hỏi. Một giọng nói khàn khàn và già nua vang lên trong phòng xử ồn ào.
- Làm sao tao biết được. Vị thiên tài quân sự của đảng cộng sản Việt Nam có nợ máu với nhân dân và các phe phái của người quốc gia nhiều lắm. Hồi còn làm Bộ Trưởng Đặc Trách Công An, Võ đại tướng giết hàng loạt các đảng viên của Quốc Dân Đảng. Chỉ nội vụ Ôn Như Hầu không cũng đủ làm hắn rủ xương trong tù rồi…
Người nói vội ngưng bặt khi thấy ông vua âm phủ từ sau cửa riêng bước ra. Thiên hạ không hẹn đứng lên chào đón. Giơ tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống xong Diêm Vương hắng giọng.
- Ta trân trọng mời Thôi Phán Quan tiếp tục phiên xử tên Võ Khôi Nguyên…
Tằng hắng tiếng nhỏ, vị đại diện cho công tố viện của âm phủ thong thả bước tới đứng trước mặt Võ Khôi Nguyên đang ngồi trên ghế bị can.
- Chào đại tướng… Chắc sáng nay sức khỏe của ngày phải khá hơn hôm qua…
- Cảm ơn ngài biện lý… Hôm nay tôi xin tường thuật cho tòa nghe về thêm vài trận đánh do tôi chỉ huy…
Thôi Phán Quan cười nhẹ.
- Xin mời đại tướng… Tôi rất hân hạnh được nghe ngài đại tướng đánh giặc trên bàn giấy…
Vị thiên tài quân sự của đảng cộng sản Việt Nam dựng mặt vì câu nói mỉa của Thôi Phán Quan. Định lên tiếng sừng sộ song liếc về phía Diêm Vương, thấy ông ta đang chiếu tướng mình, Võ đại tướng cười gượng gật đầu. Mọi người im lặng lắng nghe Võ đại tướng bắt đầu mở chiến dịch bằng miệng.
- Chiến dịch Trần Hưng Đạo hay chiến dịch Trung Du là một trong những cuộc tiến công lớn của quân đội nhân dân Việt Nam vào phòng tuyến trung du bắc bộ của quân Pháp. Đây là một trong 3 chiến dịch lớn trong đông-xuân 1950-1951. Lợi dụng tình trạng xuống tinh thần sau khi thất bại trong chiến dịch biên giới của thực dân Pháp, tôi ra lệnh mở cuộc tiến công vào vùng trung du, tạo áp lực bắt buộc địch quân phải điều động một phần lực lượng tại đồng bằng bắc bộ lên tiếp cứu, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội địa phương, đặc biệt là lực lượng các trung đoàn 48, 42... phối hợp với dân quân tại địa phương phát động chiến tranh du kích tại khu vực này mà từ lâu bị hạn chế do các cuộc càn quét liên tiếp của Pháp. Trong đợt 1 của chiến dịch, quân cách mạng tạo được nhiều thắng lợi lớn tại cả hai mũi tiến công ở Vĩnh Phúc và Hải Ninh. Do đó, bộ chỉ huy chiến dịch do tôi làm tư lệnh quyết định giải phóng Vĩnh Yên, một thị xã quan trọng chỉ cách Hà Nội có 55 km. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm có các đơn vị chủ lực là đại đoàn 308 với 3 trung đoàn 102, 88 và 36; đại đoàn 312 gồm 2 trung đoàn 209 và 141; hai trung đoàn biệt lập là trung đoàn 98 và trung đoàn 174. Ngoài ra còn có 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương và 4 đại đội pháo binh 75 ly. Tổng cộng quân số của chiến dịch gần 30 ngàn binh sĩ, đó là chưa kể đám dân công hơn trăm ngàn người… Sau đây tôi xin được phép kể một cách chi tiết hơn…
Ngừng lại đưa tay nhấc lấy ly nước lạnh uống một ngụm cho thông cổ xong vị đại tướng già nua hắng giọng.
- Nhờ vào các tin tức cung cấp bởi các tổ tình báo nhân dân, tôi và bộ tham mưu chiến dịch biết rất rõ về lực lượng của địch ở ba tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Bắc Giang. Chúng có khoảng 15 ngàn binh sĩ, gồm 9 ngàn lính Lê Dương, 5 ngàn lính người Việt và một ít lính của chánh phủ Bảo Đại. Điều đáng quan tâm là chúng có nhiều binh đoàn cơ động Bắc Giang, Bắc Ninh, Đông Triều. Riêng binh đoàn cơ động số 3 đóng tại Việt Trì và Vĩnh Yên. Chiến dịch Trung Du được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 xảy ra vào ngày 25 tháng 12 năm 1950 khi binh đoàn cơ động số 3 cùng với tiểu đoàn Mường mở cuộc hành quân Bécassine vào vùng Lập Thạch và Tam Dương thuộc Vĩnh Yên, Phú Thọ đúng vào nơi đại đoàn 312 đang đóng giữ. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo và tôi ra lệnh tấn công. Cùng ngày, tiểu đoàn 10 dù thuộc địa và tiểu đoàn Mường chia làm hai cánh tiến vào Liễn Sơn, Xuân Trạch thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Được báo cáo tôi lập tức cho trung đoàn 141 chặn đánh, buộc địch phải lui về cố thủ ở Liễn Sơn chờ cứu viện.
Ngày 26, tiểu đoàn Senegal lên ứng cứu cũng bị chặn đánh, phải lui về Xuân Trạch. Ngày 27, đại đoàn 312 tiến công mạnh vào Xuân Trạch-Xuân Hoà thuộc huyện Lập Thạch, xoá sổ tiểu đoàn 24 của địch, bắt sống tiểu đoàn trưởng Piscard với 300 quân, đồng thời đánh tan tiểu đoàn 10 Dù thuộc địa. Từ ngày 26 đến ngày 29, dưới sự điều động của tôi quân đội cách mạng lần lượt đánh chiếm các vị trí chiến thuật như Hữu Bằng, Thằn Lằn, Tứ Tạo, Đồi Cà Phê. Tuy nhiên trung đoàn 209 tấn công Chợ Vàng không thành công vì gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ của địch…
Nhân lúc Võ đại tướng ngừng lại để uống nước cho thông cổ sau khi tường thuật một cách chi tiết và mạch lạc các trận đánh trong giai đoạn đầu của chiến dịch Trung Du, Thôi Phán Quan cười hỏi.
- Trong lúc các chiến sĩ đang đánh nhau với địch thì ngài đại tướng ở đâu và làm gì?
Nhờ ngồi gần nên Bình thấy nét mặt của Võ đại tướng ưng ửng đỏ và thái độ của ông ta có chút ngượng ngùng và do dự khi trả lời câu hỏi của Thôi Phán Quan.
- Tôi thì lúc đó… lúc đó tôi cũng có mặt ở chiến trận để chỉ huy anh em… Tôi cũng theo anh em…
- Ngài đại tướng theo anh em mà theo gần hay xa. Nếu gần thì gần bao nhiêu, còn xa thì xa bao nhiêu. Giả dụ như một cây số hay năm ba cây số…
Suy nghĩ giây lát vị đại tướng, thiên tài quân sự của đảng cộng sản Việt Nam tặc lưỡi trả lời chầm chậm.
- Bây giờ già cả, tuổi gần đất xa trời nên tôi không nhớ rõ lắm song đoán chừng non cây số. Là kẻ chỉ huy mình phải ở xa xa cho chắc ăn vì nếu mình ăn đạn chết thì lấy ai chỉ huy anh em binh sĩ. Tôi phải ở ngoài tầm bắn của cà nông địch chứ… Tôi mà ngủm thì lấy ai săn sóc cho cô vợ trẻ đẹp, hấp dẫn và lãng mạn của tôi…
Diêm Vương chợt lên tiếng xen vào câu chuyện giữa bị can và Thôi Phán Quan.
- Vậy à… Ngươi có mấy vợ?
- Bẩm Diêm Vương… Con có hai vợ… Người vợ thứ nhất bị tụi thực dân Pháp bắt bỏ tù rồi qua đời trong tù… Sau đó con mới cưới vợ khác…
Diêm Vương gật gù.
- Như vậy thì được… Ta nghe đồn là mấy thằng bây đứa nào cũng vợ chính vợ bé, vợ lẽ vợ mọn, đào nhí bồ trẻ. Như tên hình thằng hồ gì đó, nó có bồ Tây, vợ Việt vợ Tàu, Nga đủ thứ. Đi làm cách mạng như nó sướng thật…
- Bẩm Diêm Vương ngài nói đúng… Đi làm cách mạng sướng lắm nhưng phải làm ông lớn thì mới sướng…
Quay qua Thôi Phán Quan, ngài đại tướng cười cười.
- Thiên hạ đồn đại là tôi nhát khi chỉ huy binh sĩ đánh nhau thì tôi ở xa xa và ở dưới hầm núp. Số là trước khi tôi ra trận thì vợ có dặn bảo phải cẩn thận, đừng có làm anh hùng mà chết bỏ vợ bỏ con. Bả còn dặn dò thêm cà nông, đại bác và mọt chê của Pháp bắn xa lắm do đó tôi phải ở xa và núp dưới hầm kiên cố, chớ có dại dột mà ra mặt trận, rủi bị thương cưa giò cưa cẳng thì uổng đời trai trẻ. Nàng còn hăm he là anh phải giữ gìn, mất cẳng nào chứ đừng có làm mất cái cẳng giữa của em…
Thiên hạ bật cười khi nghe '' thiên tài quân sự của đảng cộng sản Việt Nam '' thố lộ tâm tình. Diêm Vương nở nụ cười ý nhị. Liếc nhanh Thôi Phán Quan cũng đang mỉm cười, ông ta hắng giọng.
- Hóa ra ngươi là người chồng tốt, biết nghe lời vợ dạy. Ít có người nào được như ngươi…
- Bẩm Diêm Vương thông cởm… Con có vợ trẻ mà vợ của con lại hay thích nắm đầu chồng mà con thì có tính chiều vợ nên vợ bảo sao con làm vậy. Dân của con có nói câu '' Nhất vợ nhì trời '' thưa Diêm Vương…
Vị vua âm phủ gật gù. Võ đại tướng cao giọng.
- Sau khi giai đoạn 1 của chiến dịch Trung Du vừa chấm dứt, không để cho địch có dịp bổ sung quân số và điều động thêm quân tiếp viện, tôi lập tức mở ra giai đoạn 2 bằng cách cho ba trung đoàn 36, 88 và 102 của đại đoàn 308 phối hợp với hai trung đoàn 141 và 209 của đại đoàn 312 và hai tiểu đoàn du kích của tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc cộng thêm ba liên đội sơn pháo 75 ly cùng lúc tiến công vào thị xã Vĩnh Yên. Hướng phụ từ Đông Bắc sẽ chuyển về Bắc Giang với 2 trung đoàn 174 và 98 cùng với 3 tiểu đoàn địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Yên và 1 liên đội sơn pháo 75 ly. Hướng phối hợp là mặt trận Sơn Tây do đại đoàn 320 và tiểu đoàn địa phương Sơn Tây - Hà Đông phụ trách. Đại đoàn 304 và lực lượng địa phương chịu trách nhiệm mặt trận Ninh Bình. Mặt tả ngạn giao cho trung đoàn 42 và lực lượng địa phương. Đêm 12 tháng 1, trên hướng thứ yếu ở phía bắc, trung đoàn 98 và 174 nổ súng trước. Trung đoàn 174 tiêu diệt đồn Đồng Kế. Trung đoàn 98 đánh Cẩm Lý không thành công. Đêm 13, trung đoàn 141 tấn công Bảo Chúc, vị trí cách Vĩnh Yên 11 km về phía Tây Bắc. Trận đánh kết thúc vào trưa ngày 14. Sáng ngày 14, Pháp cho quân lên cứu Bảo Chúc. Tiểu đoàn Mường tới Thuỷ An thì bị trung đoàn 209 chặn đánh, lui về Cẩm Trạch. Các tiểu đoàn khác cũng bị chặn đánh khiến cho Paul Vanuxen phải lui về Vĩnh Yên cố thủ. Ở hướng phối hợp thì đại đoàn 320 tiêu diệt 9 vị trí nhỏ của địch nằm trên đường số 11 Sơn Tây - Trung Hà; tiêu diệt 1 đại đội Âu Phi, thu 1 khẩu pháo. Đại đoàn 304 tiêu diệt 6 vị trí nhỏ ở Ninh Bình. Bộ đội địa phương 5 tỉnh trung du phối hợp tác chiến từ ngày 20 tháng 12 năm 1950 đến ngày 11 tháng 1 năm 1951 thu được một số kết quả. Riêng bộ đội địa phương ở Vĩnh Tường tiêu diệt 1 đồn, 9 tháp canh, rồi tràn ngập Chợ Vàng mà trong đợt 1, trung đoàn 209 đánh hai lần không thành công. Tại Hà Nội, tướng Salan lập tức điều binh đoàn cơ động số 1 tiến lên Phúc Yên để thọc vào bên hông của quân cách mạng. Một tiểu đoàn dù khác nhảy xuống Đồng Đau cách Vĩnh Yên 5 km. Bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, De Lattre chỉ thị cho Salan và Redon tới Vĩnh Yên, cùng lúc tung binh đoàn cơ động số 2 từ Lục Nam vào Vĩnh Yên đồng thời ra lệnh cho tham mưu trưởng Allard lấy 5 tiểu đoàn ở miền nam đưa ra bắc tăng viện cho mặt trận Vĩnh Yên. Sau đó, De Lattre chỉ thị cho đại tá chỉ huy không quân Maricourt sử dụng bom napalm do tàu chiến của Hoa Kỳ vừa cập cảng Hải Phòng và huy động toàn bộ máy bay dội bom vào các đơn vị của quân cách mạng tại Vĩnh Yên. Lo sợ Vĩnh Yên chỉ là nghi binh để mở cuộc tiến công từ Tam Đảo về Hà Nội, De Lattre ra lệnh tập trung một lực lượng bộ binh quan trọng và xe tăng án ngữ tại mạn Bắc thành phố về phía cầu sông Đuống. Sáng ngày 15, binh đoàn cơ động số 1 tiến lên giải vây Vĩnh Yên. Đụng phải trung đoàn 102 ở Ngoại Trạch (Bình Xuyên), Khai Quang, Mậu Thông (Tam Dương), binh đoán số 1 phải triệt thoái về Hương Canh sau những trận giao tranh đẫm máu. Áp dụng chiến thuật biển người, thí quân, tôi chỉ thị cho quân cách mạng tấn công bất chấp thiệt hại để tiêu diệt 2 đại đội của tiểu đoàn 3 trung đoàn 1 bộ binh Algérie. Binh đoàn số 1 bị lâm vào tình thế chống đỡ. Tướng De Lattre sử dụng máy bay ném bom xăng đặc vào những vị trí của quân cách mạng. Đụng phải thứ bom lửa kỳ cục quân cách mạng bị đốt cháy và tử thương rất nhiều. Tên tướng De Lattre quả là tay liều mạng và chơi bạo. Hắn cho máy bay ném bom lửa vào ngay trận địa bất kể bạn hay thù. Lúc đó tôi ở cách trận địa cây số mà còn bị lửa đốt nóng mặt huống hồ gì anh em binh sĩ ở ngay mặt trận. Nhiều người bị dính xăng nóng quá nhảy xuống nước để lập tắt lửa rồi khi nhảy trở lên bờ xăng lại bốc cháy trở lại. Nhận được báo cáo tôi tức tốc tới thị sát mặt trận rồi sau đó ra lịnh rút lui…
- Đánh trận này ngươi thắng hay bại?
Diêm Vương hỏi gọn. Ngập ngừng giây lát vị đại tướng, cựu bộ trưởng quốc phòng kiêm tổng tư lệnh của quân đội nhân dân Việt Nam trả lời.
- Bẩm Diêm Vương… Con hổng dám nói dối ngài… Con bị thằng De Lattre dạy cho bài học quân sự nhớ hoài hổng có quên. Không những chiến dịch Trung Du mà hai chiến dịch sau là Hoàng Hoa Thám và Quang Trung con đều bị nó đánh xiểng niễng…
Hơi mỉm cười Thôi Phán Quan chuyển cuộc thẩm cung của mình sang đề tài khác.
- Sau khi Nhật lật đổ Pháp ở Việt Nam ngày 9 tháng 3 năm 1945, lợi dụng thời cơ đảng cộng sản liền cướp lấy chính quyền và thiết lập nội các. Hình như ông được bác của ông giao cho giữ chức vụ Bộ Trưởng Đặc Trách Lực Lượng Công An. Đúng không?
Võ đại tướng nín thinh. Im lặng có nghĩa là nhìn nhận. Dĩ nhiên ông ta biết Thôi Phán Quan đã nắm trong tay những tài liệu mật liên quan tới đời hoạt động cách mệnh của mình, thành ra có mở miệng chối cũng chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Cách tốt nhất là không nói. Giọng nói của vị đại diện công tố vang vang ai cũng nghe rõ.
- Theo những tài liệu mà âm phủ thu lượm được thì khi lên làm bộ trưởng, ông đã tuyển dụng nhân viên gồm toàn kẻ lưu manh, những tên ăn cướp, những thằng giết người để khủng bố dân lành hay tàn sát những thành phần quốc gia chống cộng sản. Với chủ trương " bắt lầm hơn tha lầm, thà giết lầm 10 người còn hơn tha lầm 1 người "; đám công an sát nhân của ông đã tổ chức nhiều cuộc " thanh lọc " để tàn sát tất cả những ai tỏ dấu chống cộng sản hay nghi ngờ họ có liên hệ với Pháp. Vì thế, chỉ cần một vài mẫu vải, các loại chỉ may có màu sắc xanh đỏ khác nhau đám công an sát nhân của ông có thể kết tội người ta là " Việt gian phản động ". Mà Việt gian phản động có nghĩa là tử hình. Nói chung thời gian ông làm trùm công an quả là thời kỳ đen tối và kinh hoàng cho toàn thể dân chúng VN, đâu đâu cũng xảy ra các vụ bắt cóc, thủ tiêu và ám sát mà thủ phạm đều là nhân viên công an của ông. Một số đông các nhân vật tên tuổi như Cung Đình Vận, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Tạ Thu Thâu đều bị sát hại trong thời gian ông làm Bộ Trưởng Đặc Trách Công An. Xin ông vui lòng kể cho tòa nghe với chức vụ Bộ Trưởng Đặc Trách Lực Lượng Công An ông đã làm gì mà sau này nhiều người ta cho rằng ông độc ác lắm…
Ngừng lại giây lát Thôi Phán Quan buông câu hỏi.
- Hình như có lúc ông làm Bộ Trưởng Quốc Phòng kiêm nhiệm Bộ Trưởng Nội Vụ thay thế cho ông Huỳnh Thúc Kháng vắng mặt ở Hà Nội. Đúng không?
Hỏi để mà hỏi vì chính Thôi Phán Quan đã có câu trả lời.
- Hẳn ông còn nhớ vụ án Ôn Như Hầu? Ông dính líu như thế nào trong vụ giết người đó? Ông là chính phạm hay tòng phạm?
Thôi Phán Quan gằn giọng. Võ Khôi Nguyên gật gật đầu thay cho lời nói. Tuy nhiên vị biện lý không bằng lòng về cái gật đầu của bị can. Nhìn thẳng vào mặt Võ Khôi Nguyên, ông ta gằn giọng.
- Tôi muốn ông khai sự thực trước tòa về vụ Ôn Như Hầu cho 9 vị bồi thẫm nghe…
Im lặng giây lát Võ Khôi Nguyên quay qua nói với Diêm Vương.
- Bẩm Diêm Vương. Con có phải khai sự thực không. Ở một nước dân chủ và tự do như nước con thì con hổng bị bắt buộc phải nói nếu con không muốn nói… Như ở xứ tư bản Mỹ dân chủ và tự do thì con lấy điều số 5…
Diêm Vương xì tiếng dài.
- Lũ chúng ngươi mở miệng hô hào dân chủ tự do mà lại bắt bớ tù đày dân lành. Dân chủ gì mà bịt miệng không cho người ta nói trước tòa. Có thứ dân chủ tự do nào mà công an lại đạp vào mặt dân…
Liếc nhanh xuống chỗ Hình Chí Mô đang ngồi, Võ Khôi Nguyên mỉm cười nói đùa.
- Bẩm Diêm Vương… Đó là tự do dân chủ của những kẻ có chức, có quyền và có tiền…
Đôi mắt của ông vua âm phủ rực lửa giận khi nghe Võ Khôi Nguyên nói câu trên. Thái độ xem thường luật pháp của hắn khiến cho ông ta giận cũng phải.
- Ngươi không chịu nói thời ta sẽ ra lệnh chích thuốc cho ngươi nói…
Hai tiếng '' chích thuốc '' thoát ra từ Diêm Vương khiến cho Võ Khôi Nguyên xanh mét mặt mày. Trong đời cách mạng hắn từng '' chích thuốc '' để thủ tiêu đối lập. Hắn cũng biết các đồng chí cũng dùng cách chích thuốc để giết hại lẫn nhau trong mưu đồ tranh chiếm quyền lực. Ba Duân và Sáu Búa hay Sáu Lừa đã cho thủ hạ bỏ thuốc độc vào trong chai nước ngọt để Dương Bạch Mai uống vừa xong là xùi bọt mép rồi lăn đùng ra chết. Nhiều tướng tá trong quân đội như Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Lê Trọng Tấn bị hai thằng Ba Duân và Sáu Búa chích thuốc chết một cách bí mật. Cả ba ông tướng này đang mạnh cùi cụi bỗng nhiên lăn đùng ra chết một cách ngon lành chỉ vì bị nghi là '' theo chủ nghĩa xét lại ''.
- Khi vụ tiêu diệt trụ sở của Quốc Dân Đảng ở phố Ôn Như Hầu thì tôi bị bệnh nên không biết. Tới chừng tôi biết thì chuyện đã xảy ra rồi…
Thôi Phán Quan cười khẩy.
- Để tôi mời một nhân chứng lên đây kể cho tòa nghe về vụ Ôn Như Hầu. Lúc đó chúng ta sẽ biết rõ ai chủ mưu giết người…
Quay về dãy bàn dành cho nhân chứng ngồi, Thôi Phán Quan cao giọng thốt.
- Tôi kính mời ông Trần Tấn Nghĩa…
Thiên hạ không có phản ứng nào khi nghe tên Trần Tấn Nghĩa. Có lẽ họ không biết nhân chứng là ai, dính líu như thế nào trong vụ Ôn Như Hầu.
Đợi cho nhân chứng hoàn tất thủ tục của tòa xong Thôi Phán Quan mới bước tới đứng trước mặt nhân chứng cùng với câu hỏi bật ra.
- Xin ông vui lòng cho biết ông giữ chức vụ gì của nhà nước cộng sản trước khi ông về hưu?
- Thưa ngài biện lý. Tôi là đại tá, chuyên viên của Vụ Pháp Chế thuộc Bộ công an trước khi tôi về hưu…
Khẽ gật đầu vị biện lý của âm phủ hỏi tiếp.
- Khi vụ Ôn Như Hầu xảy ra thì ông giữ chức vụ gì?
Liếc nhanh Võ Khôi Nguyên đang ngồi, Trần Tấn Nghĩa trả lời chậm và rõ ràng.
- Lúc đó tôi là Đội Trưởng của Đội Trinh Sát Đặc Biệt thuộc Sở Công An Bắc Bộ…
- Ai là thượng cấp của ông lúc đó?
- Thưa lúc đó thì Sở Công An Bắc Bộ nằm dưới quyền chỉ huy của Bộ trưởng đặc trách Lực Lượng Công An, kiêm bộ trưởng quốc phòng kiêm bộ trưởng nội vụ là đại tướng Võ Khôi Nguyên…
- Xin ông vui lòng kể chi tiết về chuyện ông tham gia vào vụ bắt bớ các đảng viên Quốc Dân Đảng cho tòa nghe…
Liếc nhanh vị đại tướng đang ngồi nơi ghế bị can, Trần Tấn Nghĩa cất giọng đều đều.
- Cuối tháng 6 năm 1946, lãnh đạo Nha Công an Trung ương nhận được thông tin nghiêm trọng: Các đảng phái phản động cấu kết với quân Pháp đang ráo riết thực hiện kế hoạch gây rối, lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Nguồn tin được phối kiểm và giao cho hai điệp viên H120 và C3 của ta cài trong hàng ngũ địch làm rõ.
Theo đó, nhân ngày Quốc khánh Pháp, tức ngày 14 tháng 7, phía thực dân Pháp tổ chức diễu binh trên một số đường phố Hà Nội. Quốc Dân Đảng sẽ bố trí người ném lựu đạn vào tốp lính da đen đang diễu binh. Nhân đó, phía Pháp đổ lỗi cho Việt Minh khiêu khích, không giữ được trật tự trị an và dùng quân đội đang diễu binh tấn công vào các vị trí trọng yếu của chính quyền cách mạng, vây bắt tất cả cán bộ cao cấp của Chính phủ; đồng thời thành lập một chính quyền tay sai...
Cùng thời gian này, điệp viên C3 báo tin: Tại trụ sở của Quốc dân đảng tại 132 phố Duvigneau (nay là Bùi Thị Xuân - Hà Nội), bọn phản động đang in truyền đơn. Đến ngày 11/7/1946, C3 báo tiếp một tin quan trọng: Từ ngày 12/7, Quốc dân Đảng sẽ phân tán lực lượng, rút vào bí mật, không còn trụ sở công khai; chuẩn bị tiến hành bạo động tại Hà Nội và một số thị xã, thành phố...
Trước tình hình đó, lãnh đạo Nha Công an Trung ương quyết định chọn trụ sở 132 Duvigneau là điểm tập kích đầu tiên. Rạng sáng 12/7, lực lượng Công an mưu trí đột nhập vào trụ sở này, khống chế tất cả các đối tượng có mặt, thu được nhiều tang vật gồm vũ khí, truyền đơn phản động kêu gọi lật đổ chính quyền cách mạng, máy in. Từ những chứng cứ này, lệnh tổng trấn áp các trụ sở của bọn phản động được ban hành.
Đội trinh sát đặc biệt do tôi làm Đội trưởng được giao nhiệm vụ vây bắt bọn phản động tại trụ sở số 7 Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều - Hà Nội)…
Trần Tấn Nghĩa ngừng kể. Hớp ngụm nước lạnh cho thông cổ ông ta hắng giọng tiếp.
- Khoảng 7 giờ sáng 12/7, tôi và nhân viên trinh sát dưới quyền đến trụ sở số 7 Ôn Như Hầu... Bọn lính gác chỉ cho mình tôi vào sau khi đã giữ lại vũ khí của tôi. Chúng đưa tôi đến sảnh đường và Phan Kích Nam đón tôi ở đây. Hắn to cao, đeo súng ngắn và mang kiếm dài lê thê theo kiểu nhà binh Nhật, mắt đeo kính trông rất hung dữ. Phan Kích Nam tự giới thiệu: " Tôi, Phan Kích Nam, đại biểu Quốc hội, Trung ương Ủy viên Quốc dân Đảng, Tư lệnh đệ nhất chiến khu..."; rồi hỏi tôi: " Vậy tôi được vinh dự đang nói chuyện với ai đây?". Tôi ôn tồn xưng tên, đưa lệnh khám xét và nói rõ mục đích đến gặp Phan Kích Nam. Nhìn qua lệnh khám xét, Nam cười ngạo nghễ và nói giọng kẻ cả: " Chú em ngây thơ ơi… Chú Đội trưởng trinh sát đặc biệt ơi… tại sao các người kí lệnh bắt, khám xét trụ sở của một đảng. Ta là đại biểu Quốc hội, là bất khả xâm phạm mà người kí lệnh bắt ta lại là Phó Chủ sự Việt Minh, là cái thá gì mà có sự lạ đời như vậy... Thôi chú em về đi ". Tôi bực lắm nhưng nhớ chỉ thị của cấp trên, nếu có gì vướng mắc phải thỉnh thị nên nhân cơ hội hắn nói vậy, tôi tỏ ra nghe lời và nói sẽ về báo cáo lại, có gì sẽ quay lại sau. Phan Kích Nam tỏ ra đắc chí: " Có thế chứ, có thế mới đúng cách xử sự của người Nhà nước chứ "; rồi hắn gọi vệ sĩ đưa trả súng cho tôi và tiễn tôi ra về.
Sau khi xin ý kiến lãnh đạo Nha Công an Trung ương, chúng tôi trở lại số 7 Ôn Như Hầu lần thứ hai nhưng vẫn chưa có thời cơ ra tay. Đến lần thứ ba, khoảng trưa ngày 12/7, sau khi được lãnh đạo Nha Công an Trung ương đồng ý phương án khống chế, bắt Phan Kích Nam, chúng tôi quyết tâm thực hiện bằng được... Khi thấy chúng tôi lại tới, bọn lính gác trụ sở tỏ ra chủ quan; một tên đưa tôi vào gặp Phan Kích Nam. Tôi chủ động tháo thắt lưng đeo súng đặt lên bàn. Phan Kích Nam rót nước mời tôi, thái độ hắn tỏ ra tự mãn... Hắn sung sướng ra mặt và nói " Có thế chứ, phải nể mặt Phan Kích Nam này chứ ". Sau khoảng 10 phút, tôi đứng dậy cáo biệt ra về và vờ quên súng. Phan Kích Nam liền cầm khẩu súng của tôi và đi theo nhắc: " Này chú em, quên súng à? ". Biết địch đã trúng kế rồi, tôi rút khẩu súng Colt giấu trong người, chĩa thẳng vào Nam và quát: " Đứng im, động đậy tao bắn vỡ sọ " và bằng động tác nhanh gọn ra đòn khiến Nam lảo đảo khụy xuống. Tôi bẻ quặt tay hắn ra đằng sau và ra lệnh cho bọn lính gác còn đang ngỡ ngàng chưa kịp hiểu điều gì xảy ra, " Phải bỏ súng không được chống cự "... Việc bắt được Phan Kích Nam đã mở đầu cho cuộc tổng trấn áp các tổ chức phản động, đập tan âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng…
Ngừng kể nhìn Thôi Phán Quan giây lát, Trần Tấn Nghĩa nói nhỏ.
- Tôi chỉ biết vậy thôi. Lệnh cấp trên bảo sao tôi làm vậy…
Thôi Phán Quan gật đầu cười.
- Nghe chuyện ông kể tôi tưởng như tôi đang đọc tiểu thuyết gián điệp Z28 Tống Văn Bình hay xem phim Jame Bond 007… Dù sao tôi cũng cám ơn ông đã ra trước tòa khai những gì ông đã làm…
Đợi cho nhân chứng Trần Tấn Nghĩa rời chỗ ngồi xong Thôi Phán Quan mới cười nói với Võ Khôi Nguyên.
- Tôi cho đại tướng một phút đồng hồ suy nghĩ… Nếu đại tướng không chịu khai sự thật thì tôi sẽ yêu cầu tòa chích thuốc…
Võ Khôi Nguyên làm thinh rồi lát sau mới thở hắt hơi dài.
- Thôi để tôi kể… Chuyện xảy ra mấy chục năm rồi, tôi có kể chắc cũng không làm hại tới đảng đâu… Vụ Ôn Như Hầu đầu đuôi như sau…
Võ Khôi Nguyên ngừng lại nhìn xuống dãy bàn bị can ngồi. Ngước mắt lên trông thấy Thôi Phán Quan đang nhìn mình trừng trừng, hắn gượng cười bắt đầu cất giọng kể.
- Bác trước khi đi thăm hữu nghị nước Pháp đã giao quyền chủ tịch nước lại cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó đang giữ chức vụ Bộ Trưởng Nội Vụ. Đêm hôm trước khi lên máy bay bác có dặn kín tôi như vầy. '' Chú cũng biết là đám đảng phái quốc gia còn nguy hiểm hơn ba thằng Tây nữa. Tụi quốc gia nó không ưa mình vì mình coi đảng trọng hơn đất nước. Vì vậy khi tôi đi rồi chú hãy tìm cách triệt đám Quốc Dân Đảng và những thằng nào không theo mình. Giết… giết hết tụi nó bởi vì không giết tụi nó thì có ngày mình cũng chết với nó...'' Ngài biện lý cũng biết phao tin đồn thất thiệt, vu cáo là nghề của tụi tôi mà. Tôi cho người loan truyền tin là đúng ngày 14 tháng 7, Việt Nam Quốc Dân Đảng sẽ đưa quân cảm tử đến hành thích các nhân viên chính phủ tham dự lể duyệt binh của Pháp. Dựa vào chứng cớ đó, tôi nhắm vào địa điểm số 9 đường Ôn Như Hầu để tấn công. Đây là Trụ sở Ban Tuyên huấn Đệ Thất Khu Đảng Bộ VNQDĐ từ Quảng Ngãi mới thuyên chuyển ra đóng lầu trên, còn lầu dưới dùng làm nơi huấn luyện cho các cán bộ từ các nơi đưa về.
Ngày 12-7-46, sở Quân Vụ Thành Phố Hà Nội ra lệnh giới nghiêm toàn thành, rồi lợi dụng giờ giới nghiêm vắng người qua lại, Sở Công An Bắc Bộ xuống các bệnh viện Bạch Mai và Phủ Doãn, chở một số xác chết vô thừa nhận đem vứt trong trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng đồng thời cho mai phục vũ khí quanh rồi bắt đầu mở cuộc đột kích vào trụ sở bắt tất cả những người có trách nhiệm tại đó và bí mật đưa đi giam. Trong số có Phan Kích Nam, một đảng viên Việt Quốc lỗi lạc, cùng với tài liệu quan trọng liên quan đến kế hoạch định lật đổ chính phủ của Hồ Chí Minh.
Sáng ngày 13-7 tôi cho công an khai quật các hầm chôn xác chết mà bọn chúng tôi vừa vứt vào tối hôm trước, rồi mời báo chí, quần chúng và một số người ngoại quốc tới xem, chụp hình quay phim; tuyên truyền và tố cáo trước dư luận, trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng, là một ổ hắc điếm chuyên cướp của giết người, bắt cóc và thủ tiêu thường dân vô tội. Ai ai cũng tin vì có bằng chứng rõ ràng. Trước bằng cớ ngụy tạo đó, ông già lẩm cẩm và ngây thơ Huỳnh Thúc Kháng chỉ biết dậm chân than: " Không ngờ bên Việt Quốc lại có những hành động tàn ác dã man như vậy."
Chẳng cần đợi lệnh Bộ Nội Vụ, tôi " cương quyết trị tội " những kẻ làm việc phi pháp. Chiều ngày 13-7, tôi bí mật ra lệnh cho bộ đội và công an các địa phương được phép tấn công triệt hạ các chiến khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, trừ trụ sở trung ương ở Hà Nội. Chỉ trong vòng một tháng tôi đã tàn sát hết người của các đảng phái quốc gia và chiến sĩ yêu nước liên hệ. Cái này đúng là chỉ cần dùng kế mọn mà tôi diệt gọn đảng Việt Quốc và hàng trăm nhà cách mạng của phe quốc gia. Được tin này bác khen tôi nức nở vì sau vụ Ôn Như Hầu hổng còn ai đủ sức đủ lực chống đối với bác và đảng nữa…
Tiếng nói sau cùng của Võ Khôi Nguyên rơi vào bầu không khí im lặng trong căn phòng xử hơn mấy ngàn người ngồi. Lát sau Diêm Vương gõ búa ra hiệu tạm ngừng phiên xử để cho mọi người ăn trưa xong sẽ tiếp tục lúc 14 giờ…
Đợi cho bị can Võ Khôi Nguyên ngồi vào ghế xong xuôi Thôi Phán Quan cất giọng.
- Chiến tranh nào cũng tàn nhẫn ngay cả những cuộc chiến tranh tự vệ, chống xâm lăng hoặc giải phóng dân tộc khỏi sự cai trị của ngoại bang. Nói tới chiến tranh là nói tới sự đổ vỡ, tàn phá và hủy hoại. Tuy nhiên người chết mà đa số là dân lành vô tội mới chính là điều mà tôi muốn nêu ra ở đây…
Thôi Phán Quan ngừng nói. Nhìn thẳng vào mặt Võ Khôi Nguyên đang ngồi trên ghế bị can ông ta trầm giọng.
- Đại tướng là người chỉ huy cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân?
Lắc đầu quầy quậy vị cựu tổng tư lệnh nói một hơi dài như cố gắng bào chữa cho mình.
- Bẩm Diêm Vương… Oan cho con lắm… Con hổng có muốn mở cuộc tổng công kích đâu…
Diêm Vương hừ tiếng nhỏ.
- Oan gì mà oan… Bác của ngươi đọc bài thơ chúc tết làm ám hiệu ra lịnh cho cuộc tổng công kích bắt đầu đêm giao thừa. Ngươi cũng biết là Tết là ngày thiêng liêng của đất nước và dân tộc để cho người ta vui mừng và hội hè đình đám. Có đâu cái đám ác ôn côn đồ của tụi bay, nhằm vào giờ phút thiêng liêng mà nổ súng giết người vô tội…
Võ Khôi Nguyên nín thinh khi bị Diêm Vương xỉ vả. Đợi cho ông vua âm phủ dứt lời hắn mới nhỏ nhẹ lên tiếng.
- Bẩm Diêm Vương… Hai thằng Ba Duân và Sáu Búa mới chính là tác giả của cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968. Để con trình bày đầu đuôi câu chuyện cho ngài và bồi thẫm đoàn nghe xong rồi ngài sẽ biết sự thực. Thằng Ba Duân là thằng dốt, học chưa xong tiểu học là bỏ học đi làm thằng bẻ ghi tàu hỏa rồi sau đó theo cách mạng đặng có cơm mà ăn. Đã dốt mà nó lại ham quyền lực và đàn bà con gái. Tất cả đảng viên ở ngoài bắc ai cũng biết nó thuộc thành phần hiếu chiến, có quyền có chức là nhờ vào chiến tranh. Bởi vậy nó mới chủ trương phải thôn tính miền nam bằng vũ lực. Sau khi lên làm tổng bí thư đảng, nắm hết quyền hành trong tay, nó lớn tiếng chê bai bác và con là đám chết nhát không dám dùng bạo lực giải phóng miền nam và thống thất đất nước. Ai ai cũng đều nghe biết nó nói một câu như thế này: '' Bác còn do dự, chứ khi rời miền nam tui đã chuẩn bị hết cả rồi. Với tui chỉ có uýnh thôi, uýnh cho tới thắng lợi cuối cùng…''
Từ năm 1959, bộ chín chị của tụi con đã chia làm hai phe. Phe chủ hòa có bác, anh Tô và con cùng với một số đảng viên kỳ cựu, muốn dồn hết mọi nổ lực xây dựng miền bắc giàu mạnh để đánh bại miền nam bằng chính trị, kinh tế và ngoại giao. Trong khi phe chủ chiến thì có thằng Ba, Sáu Búa, Sáu Vi và Năm Thận. Bọn chúng muốn dùng vũ lực thôn tính miền nam. Thằng Ba Duân khi từ nam ra bắc đã soạn sẵn một bản Đề Cương Giải Phóng Miền Nam. Bởi vậy nó mới là chính phạm trong vụ tổng công kích Mậu Thân. Bẩm Diêm Vương, tụi nó đã soạn kế hoạch sẵn sàng hết rồi…
Khẽ gật gù Thôi Phán Quan hắng giọng.
- Khi cuộc tổng công kích bắt đầu thì ông đang ở đâu?
- Thưa ngài tôi đang ở bên nước Hung Gia Lợi để chữa bệnh?
- Ngài đại tướng bị bệnh gì?
- Bệnh gì đâu… Tôi bị hai thằng Ba Duân và Sáu Búa chơi sát ván. Tụi nó phao tin đồn thất thiệt, rỉ tai với nhau đề quyết tôi làm mật thám cho tây, tôi hủ hóa, tôi lẹo tẹo với vợ của nhà văn Đào Vũ khi bà này dạy dương cầm tại nhà tôi…
- Mà chuyện ngươi lẹo tẹo có thật không?
Diêm Vương ngắt lời. Võ Khôi Nguyên ấp úng hồi lâu mới lên tiếng.
- Bẩm… Bẩm… Diêm Vương… Con với bà ta chỉ quan hệ tình cảm chút chút thôi…
Dường như không muốn nhắc tới chuyện đó nữa nên Võ đại tướng nói lảng.
- Hai thằng Ba Duân và Sáu Búa cô lập bác, triệt hạ anh em thân tín với bác. Nó chích thuốc giết hại các tướng tá thân cận với tôi, bỏ tù các anh em đồng chí của tôi. Nó tước mất binh quyền của tôi rồi sau đó đẩy tôi lên máy bay qua nước Hung cho tôi đi chữa bệnh. Trong lúc tôi vắng mặt thì nó ra lệnh tổng công kích Mậu Thân… Nó là thằng dốt lại ngu, tưởng lợi dụng ba ngày tết và yếu tố bất ngờ để làm nên chiến thắng vỉ đại. Nó đoán là khi bộ đội ta về thành thì dân chúng sẽ nổi dậy chống lại Mỹ Ngụy. Bộ đội vào thành rồi mới ngã ngửa ra là chẳng có ai theo mình hết. Bộ đội đi tới đâu dân chạy hết ráo. Bởi vậy mà cuộc tổng công kích đợt 1 không thành công lại hao mất mấy chục ngàn binh sĩ của miền bắc và Mặt trận giải phóng miền nam. Bị Mỹ Ngụy dũa tà mỏ nó mới chịu đem máy bay đón tôi về chỉ huy tổng công kích đợt 2…
- Chỉ huy tổng công kích đợt 2 mà ngươi thắng hay bại?
Diêm Vương xen vào câu chuyện. Võ Khôi Nguyên cười nhẹ.
- Bẩm Diêm Vương… dạ thua… Lợi dụng yếu tố bất ngờ lại lấy nhiều đánh ít trong đợt 1 mà bộ đội còn thua xiểng niễng thì đợt 2 này còn thua nặng hơn nữa. Biết địch đã chuẩn bị rồi nên con không muốn đánh mà thằng Ba Duân ép con phải đánh. Nó bảo thắng hay thua gì cũng đánh, chết bao nhiêu cũng đánh, nướng vài chục ngàn bộ đội nữa cũng đánh… Để con kể cho Diêm Vương, ngài biện lý và bồi thẫm đoàn nghe câu chuyện sau đây thì biết… Năm 1971, còn gọi là chiến dịch đỏ lửa tại thành cổ Quảng Trị. Khi đó, con vẫn lấy phương châm tiến công như mọi khi: " Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy yếu tố bất ngờ để tạo thế chủ động khiến địch trở tay không kịp ". Cứ dùng chiến tranh du kích tiêu diệt hàng ngày, hàng giờ, hết đêm này sang đêm khác để địch suy tổn lực lượng rồi đánh cấp tập một trận giải phóng dứt điểm thành cổ như mọi trận khác vẫn diễn ra từ trước đến nay…
Không ngờ quan điểm của con bị thằng Ba Duân bác bỏ không thương tiếc. Giữa hội nghị, nó đập tay xuống bàn, quát:
- " Thế là giảm sút ý chí chiến đấu. Phải cho địch biết thế nào là quả đấm chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Vì vậy tôi yêu cầu: '' Cứ đánh vỗ mặt thành cổ Quảng Trị cho tôi. Sống chết, đúng sai tôi chịu trách nhiệm… "
Kết quả trong suốt 60 ngày đêm của chiến dịch thành cổ, cứ 5 giờ 30 phút chiều, khi trời bắt đầu nhập nhoạng tối, một đại đội của con có mặt ở bên này bờ sông Thạch Hãn, lặng lẽ bơi sang để đánh vỗ mặt thành, 8 giờ 30 phút bơi trở về chỉ còn được mươi, mười lăm người. Lần nhiều nhất là 35 đồng chí (cả lành lặn, cả bị thương). Lần ít chỉ còn 5, 7 đồng chí thương tích đầy người, thậm chí có lần cả một khúc sông, không một bóng người, chỉ có tiếng gió hú ghê rợn như những âm hồn vọng vang khắp đáy sông. Như vậy, trung bình mỗi ngày quân đội của con tiêu hao một đại đội chủ lực (khoảng 135 đồng chí), và 60 ngày đêm tấn công thành cổ cũng là 60 ngày đêm bộ đội mất gần một vạn người, biến thành cổ Quảng Trị thành nấm mồ chôn thanh niên, sinh viên trí thức Việt Nam…
Gian phòng xử im lặng như tờ sau khi Võ Khôi Nguyên dứt lời. Đưa tay cầm lấy ly nước lạnh uống ngụm nhỏ, vị cựu đại tướng của nước Việt Nam Dân Chửi Cười Trừ cất giọng khàn đục.
- Ngay từ cuối năm 1979, khi biết Pol-Pot gây ra hoạ diệt chủng ở Cao Miên, trong một buổi họp tôi đã phát biểu là: " Trong hai thằng Lào và Miên, chỉ có thằng Lào là anh em với mình thôi, còn thằng Miên sẽ phản lại Việt Nam mình đó, không nên đưa quân sang giúp nó, khi chưa có sự lên tiếng của quốc tế ".
Nhưng Ba Duân nhận định: Việt, Miên, Lào là 3 nước láng giềng, như 3 thế chân kiềng kê trên mảnh đất Đông Dương nên phải giúp nó, sau đó sẽ có kế hoạch thôn tính nó sau...
Kết quả, sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, dân tộc đã mất cả triệu người con ưu tú; nay thanh niên trai tráng, rường cột quốc gia lại bị bắt lính vô tội vạ và bị đưa sang chiến đấu tại chiến trường Cao Miên. Bởi cùng học thầy Trung Quốc nên lối đánh của chúng rất khó chơi, cũng thiên về quấy rối du kích, đánh không theo bài bản nào, chỉ nghi binh, đánh cấp tập rồi rút lui, đồng thời rải mìn vô tội vạ, khiến cho bộ đội thương vong nhiều không kể xiết. Tôi nhớ lần tới thăm một trạm phẫu thuật của trung đoàn. Trung bình một ngày anh em bác sĩ phải cưa 40 chân chiến sĩ do bị mìn cài, mìn đặt... Trong điều kiện thuốc men thiếu thốn, thuốc giảm đau cũng như gây mê đều hạn chế, anh em kêu khóc như ri. Chỉ sau một tuần là số chân bị cưa xếp cao như núi, hơn hẳn đầu người một tầm tay với. Mùi thịt cháy, mùi máu tanh, mùi thối rữa toả ra khắp vùng, đi cách xa trạm cả 7, 8 km rồi mà mùi hôi thối vẫn xông lên nồng nặc...". Diêm Vương thấy chưa, thằng Ba Duân là thằng lớn lên và có quyền hành nhờ chiến tranh do đó nó phải nuôi dưỡng chiến tranh. Nó với Sáu Búa chủ trương đánh Miên chứ lúc đó con đâu có chút quyền hành nào để chỉ huy ai nữa…
Ngay khi vị cựu đại tướng vừa dứt lời Thôi Phán Quan cười hỏi.
- Tôi có một câu hỏi, tuy nhiên câu hỏi này chỉ là một thắc mắc nhỏ thôi. Gần đây tôi có đọc được một câu là: '' Nhà thơ làm kinh tế còn thống chế đi đặt vòng…''. Dường như hai câu này có chút gì liên hệ tới đại tướng…
Từ khi phiên xử bắt đầu cho tới lúc này, Bình nhận thấy Thôi Phán Quan có chút chút biệt nhãn đối với vị cựu đại tướng họ Võ này. Ông ta chất vấn bị can bằng lời lẽ mềm mỏng và lịch sự hơn so với các bị can như Trần Nước Hòn, Tố Bồi Bút, Trườn Chui và Phạm Văng Vàng.
Nhìn xuống chỗ bàn dành cho bị can nơi có Hình Chí Mô, Ba Duân và Sáu Búa đang ngồi, vị đại tướng già nua cất giọng khàn khàn.
- Cái này là dân chúng mỉa mai tôi và Tố Bồi Bút… Số là trong đại hội đảng lần thứ 5, hai thằng Ba Duân và Sáu Búa cho thằng Tố làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế…
Đang ngồi lim dim Diêm Vương chợt ngắt lời.
- Thằng Tố Bồi Bút biết cái gì mà làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế. Nó làm thơ thúi hoắc mà đặc trách về kinh tế thì dân chắc chết đói hết trơn…
Võ Khôi Nguyên mỉm cười gật đầu.
- Bẩm Diêm Vương… Ngài phán đúng bong… Năm 1985, Tố Bồi Bút ban bố lệnh đổi tiền. Cái lệnh quái gở và ngu xuẩn này làm lạm phát tăng 700% cũng như giá cả hàng hóa trong nước tăng vọt một cách khủng khiếp. Nước con là một nước nông nghiệp chuyên sản xuất lúa gạo thế mà dưới sự cai trị độc tài và ngu dốt của hai thằng Ba Duân và Sáu Búa, dân đói phải ăn bo bo… Cũng vì nạn bè phái mà thằng Tố mới được làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế. Còn con thì hai thằng họ Lê cho đi làm chủ tịch ủy ban cai đẻ. Bởi vậy mới có câu: '' Nhà thơ làm kinh tế, thống chế đi đặt vòng…''
Diêm Vương lắc đầu than nhỏ.
- Hai thằng Ba Duân và Sáu Búa đúng là đầu óc tối tăm. Thằng Tố Bồi Bút mà cho đi làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế…
Đợi cho Diêm Vương dứt lời xong Thôi Phán Quan bước tới ngay chỗ Đán, chủ tịch bồi thẫm đoàn đang ngồi. Mọi người đều biết ông ta sắp sửa nói lên lời buộc tội của mình.
- Kính thưa Diêm Vương… Thưa 9 vị bồi thẫm… Sau khi nghe những lời khai của bị can cũng như những tài liệu mà tôi đã dẫn ra trong phiên xử của Võ Khôi Nguyên, chín vị đều biết là tên Võ Khôi Nguyên có tội. Tuy nhiên tội của hắn nặng hay nhẹ thì tùy theo ý kiến của quí vị… Tôi xin chấm dứt phiên xử của Võ Khôi Nguyên ở đây. Ngày mai tôi sẽ bắt đầu phiên xử của hai bị can mà tôi gọi là cặp bài trùng họ Lê. Hai tên này có '' nợ máu với nhân dân Việt Nam '' vì đã tù đày mấy trăm ngàn quân dân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa vào trại cải tạo cũng như đẩy hai trăm năm chục ngàn người lính vô tội vào cuộc chiến tranh xâm lược nơi xứ Cao Miên mà kết quả hơn năm mươi ngàn người phải hy sinh một cách vô ích…
Comment