Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Lầm than

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    16


    Suốt đêm hôm ấy, hai vợ chồng thức chong, không thể ngủ được. Cả hai cùng chờ đợi một sự gì sẽ xảy ra...

    Thuật nằm chán lại ngồi lên và luôn luôn hút thuốc lào... Cơn tức giận qua, anh bắt đầu trông thấy sự thực, một sự thực hãi hùng. Lấy một tên phu mỏ mà dám chống cự với ông chủ và một ông cai thần thế, Thuật nhận thấy mình đã làm một việc cực kỳ mạo hiểm: Đem trứng chọi với đá vậy.

    Kẻ quyền thế kia bao giờ chịu im. Họ sẽ tìm hết cách để báo thù, mà những kế sách họ sẽ dùng để hại Thuật chắc ghê gớm lắm, tuy anh chưa biết đích nó ra làm sao.

    Thuật không sợ chi cả, một khi anh đã dám táo bạo làm cái việc anh đã làm. Thì kẻ thù của anh cũng đến làm tù làm tội anh là cùng chứ gì! Anh đã chơi dao khi nào anh còn sợ đứt tay. Anh cầm bằng như anh cùng với bọn Dương, Mẫn chết cháy ở trong lò rồi.

    Anh sở dĩ băn khoăn lo lắng, chỉ vì còn vướng có vợ con. Anh không thể biết rằng sau khi anh bị hại về tay kẻ thù rồi thì vợ con anh sẽ ra làm sao? Vợ anh trơ trọi một mình giữa một đám người đểu giả, liệu có giữ được toàn chăng? Nếu vợ anh sẽ quên anh, sẽ thay lòng đổi dạ thì anh cũng đành một bề, không nghĩ ngợi gì nữa. Nhưng nếu vợ anh lại là người có tâm địa khá, hết sức thương anh mà bị bọn kẻ thù anh nó hà hiếp, nó đè nén thì anh đau đớn biết chừng nào? Lại còn con anh nữa, giọt máu của anh, đứa con còn ngây thơ trứng nước kia làm thế nào mà tự toàn được tính mệnh? Chẳng khỏi sẽ bị chết vùi chết gí ở một xó nào hoặc có sống lay sống lắt thì suốt đời con anh cũng chỉ đến làm tôi tớ cho kẻ khác để mà chịu lấy tất cả mọi sự bất công, mọi sự độc ác của người đời.

    Thuật ngao ngán quá. Lúc này anh hoàn toàn ngã lòng, không tin một sự gì tốt đẹp nữa. Anh không tin ở trời, không tin ở sự công bình, không tin ở nhân đạo, không tin ở một cái gì hết. Mà người ta khi đã không tin ở sự gì nữa thì chính là lúc người ta khổ sở nhất, chính là lúc cuộc đời trở nên một thứ cực hình.

    Tép lo lắng bảo chồng:

    - Em sợ quá, anh ạ. Không biết rồi ra làm sao!

    Thuật cúi đầu im lặng. Anh hối hận vì đã có vợ có con. Giá lúc này, anh trơ trọi như Dương chẳng hạn thì anh sẽ thảnh thơi và bình tĩnh biết chừng nào!

    Nhưng, sự hối hận bao giờ cũng chậm. Anh hối hận chậm rồi. Anh không thể nào làm khác được nữa. Ngoài những đau đớn của chính thân anh, anh còn phải đau đớn vì vợ con nữa. Mà nỗi đau đớn này mới thực não nùng...

    Bỗng xa xa, tiếng còi nhà máy rúc một hồi dài như gắt gỏng...

    Thuật bồi hồi nhận thấy trong tiếng còi ấy một ý nghĩa mới lạ; anh thấy nó biến thành một cái hiệu của sự đoạn tuyệt giữa anh với mỏ. Từ đây, thế là thôi, chẳng bao giờ anh lại còn bước chân vào cái nhà máy ấy nữa. Trước mặt anh mở ra một cái tương lai đen tối...

    - Nào! Thử xem cơ sự sẽ xoay ra làm sao!...

    Thuật vừa dứt lời thì bên ngoài có tiếng gọi:

    - Mở cửa!... Mở cửa mau!

    Thuật nhảy từ trên giường xuống đất. Anh chạy ra mở rộng hai cánh cửa thì thấy lố nhố một đám đông vừa Tây vừa ta. Hai người phú-lít vồ lấy anh như chộp một con thú dữ khi họ nghe cai Tứ trỏ anh và nói:

    - Chính nó đấy!

    Thuật không kháng cự, cũng không nói năng gì. Anh chỉ giương mắt lên nhìn và nhận thấy ngoài hai người phú-lít, cai Tứ, chủ mỏ còn một viên cẩm Tây, vẻ mặt rất dữ tợn.

    Viên cẩm bước vào nhà, nhìn quanh các xó xỉnh một lượt, đoạn hắn hỏi Thuật bằng tiếng Pháp rồi một người phú-lít dịch miệng ra tiếng An Nam:

    - Tên mày là Thuật có phải không?

    - Phải.

    - Thẻ mày đâu?

    - Các ông để tôi lấy.

    Họ buông hai tay Thuật ra nhưng họ vẫn đứng kèm sát bên mình Thuật.

    Anh thò tay vào bao da ở thắt lưng lấy tấm thẻ đưa cho người phú-lít.

    Viên cẩm Tây cầm lấy, đọc:

    - Ngu... yên... đin... thu.. ất?

    - Phải.

    - Village Y-Yên?... Nam-Đìn?...

    - Phải.

    Một hồi tiếng Tây tiếp theo bằng một câu tiếng ta dài và hách dịch:

    - Nguyễn Đình Thuật!... Mày can về tội chực ăn cướp tiền ở nhà ông cai Tứ rồi lại hành hung đánh người bề trên...

    Thuật cãi:

    - Không phải! Họ vu khống! Tôi...

    Chủ mỏ quát:

    - Im cái mồm!...

    Một người phú-lít cũng nói:

    - Phen này thì rũ tù, con ạ! Cứ bướng vào, đồ cộng sản!...

    - Emmenez-le!

    Một lệnh của viên cẩm truyền; hai người phú-lít tức khắc lôi bừa Thuật ra đường cái.

    - Tép từ nãy vẫn đứng yên cũng chạy theo chồng và khóc bù lu bù loa:

    - Anh ơi!... Khổ thân chồng tôi nào có làm gì nên tội!... Người ta ăn hiếp chồng tôi để cho cha lìa con, vợ lìa chồng!...

    Viên cẩm thét mắng.

    Hai người phú-lít quay lại chửi như tát nước vào mặt chị:

    - Tiên sư mày!... Có câm cái mồm đi không? Già họng lại bỏ mẹ sớm!

    Tép cứ kêu khóc váng lên. Hàng xóm đổ ra đông nghịt.

    Đằng này họ cứ lôi bừa Thuật về bót. Tép lăn khóc rất thảm hại. Người ta tò mò xúm lại hỏi:

    - Này, cái gì thế, chị Thuật?

    - Ông cả bà nhớn thử xem vợ chồng tôi có ức hay không?...

    - Nhưng mà cái gì mới được chứ?

    - Hôm qua bố cháu đi làm về thì người nhà ông cai Tứ gọi lên chơi. Tưởng ông ấy bảo gì chẳng hóa ra ông ấy dỗ dành bố cháu một việc mà chỉ có đồ chó ăn phân không biết dơ mới có thể làm được...

    Mấy anh con trai tinh nghịch vội ngắt lời Tép:

    - Nhưng việc ấy là việc gì mới được chứ?

    Rồi phá lên cười.

    Những người đứng đắn vội mắng:

    - Ồ! Các anh không nên thế! Thấy người cùng hội cùng thuyền bị ức hiếp, các anh không thương hại thì thôi sao lại nỡ chế giễu như thế cho đành.

    Bọn kia bị mắng đều im thin thít.

    Họ giục Tép:

    - Rồi sau làm sao nữa hở chị?

    - Nhà cháu giận quá, phân trần với ông cai thì ông ấy giở mặt chửi bới ngay lại cầm chai ném bố cháu. Ông bà tính con giun xéo lắm cũng quằn nữa là! Bố cháu ngu dại, xấu ăn xấu nói lại hay cục tính nên có vùng vằng đối lại thì ông cai kêu rầm lên rồi thêm ông chủ đến đổ cho bố cháu cái tội chực ăn cướp tiền thế rồi bắt đem đi...

    Nói đến đây, Tép cực thân lại khóc:

    - Ối trời ơi, không biết người ta đem chồng tôi đi đâu, làm tình làm tội những gì hở trời...

    Đám đông im lặng, cảm động. Có người thở dài chùi nước mắt. Có người nắm tay hằn học:

    - Bố đồ chó!... Nó ăn hiếp người ta đến thế là cùng!...

    - Nó bám lấy mình, rút hết mồ hôi, nước mắt của mình rồi lại đè nén mình!...

    - Xúm lại mà đánh cho nó mất mạng đi!!...

    - Nhưng làm thế nó lại bảo mình làm loạn mà bắt đi cả xốc thì chết...

    - Sợ gì!... nếu sợ thì nay nó ức hiếp người này, mai nó đè nén người khác, nay nó thấy vợ tôi đẹp nó gạ, mai nó gạ em gái anh... Phải làm cho nó một mẻ cho nó hết cầu công danh, hết nịnh chủ đi mới được!...

    - Ừ, vợ nó nó không đem dâng chủ, nó lại cứ gạ người ta đem dâng vợ của người ta.

    - Đồ xỏ lá!

    - Đánh!

    - Đánh bỏ mẹ nó đi!

    Ông già giơ tay:

    - Thong thả. Các anh phải bình tĩnh bảo nhau mới được. Nếu cứ hung hăng thì ở đây tai vách mạch rừng, việc chưa thành đã lụy đến thân vô ích!...

    - Ông cụ Nam nói phải đấy. Ta hãy bàn nhau kỹ đã mới được!

    - Bây giờ, các anh hãy cứ đi làm đi. Cứ như không có chuyện gì cả. Rồi, có thế nào, tôi sẽ báo anh em sau.

    Ai nấy khen phải, tản đi mỗi người một nơi. Tép thấy có sự bênh vực nên cũng yên lòng nín khóc.

    - Chị Thuật nữa, hãy cữ ẵm cháu về để xem câu chuyện xoay ra thế nào đã?...

    - Tép vâng lời ông già bế con về. Chị ngồi thừ ra ở ngưỡng cửa, cũng chẳng thiết gì đến ăn uống, cũng chẳng còn nhớ việc gì nữa.

    Suốt ngày hôm ấy, ngoại vật đối với chị như bao phủ trong đám sương mù. Chị mệt mỏi rời rã cả thân thể; như một chấm đen trên nền u ám, cái hình ảnh của chồng chị mỗi lúc một xa mờ đi trên con đường mù bụi...

    Chị loanh quanh trong mấy gian nhà, ngồi xuống bậc cửa, nhìn ra đường, đứng dậy và thở dài thườn thượt... Lắm lúc chị hoảng hốt nhìn quanh; đầu óc như rỗng không, chị tìm tòi luẩn quẩn mà thực ra chẳng biết là tìm vật gì...

    Chị không đói nhưng khát lắm. Chị uống từng gáo nước lã một thế mà trong ngực chị vẫn như có cả một lò than rừng rực. Chị vừa lo lắng vừa tủi nhục...

    - Làm thế nào bây giờ?...

    Chị tự hỏi như thế rồi cũng không biết làm thế nào cho phải.

    Hàng xóm sang thăm tấp nập. Họ khuyên giải chị, phàn nàn ái ngại cho chị và hứa chắc rằng nếu ai dám bắt nạt hay ức hiếp gì chị nữa họ sẽ bảo chồng con họ bênh vực chị một cách quyết liệt.

    Tép nghe những lời êm ái đó cũng nguôi nguôi và được yên lòng. Chị không lo gì cho phần chị nữa mà chỉ lo cho chồng. Chị gượng nói chuyện với mọi người, gượng cười, gượng tươi tỉnh nét mặt lên.

    Nhưng lúc mọi người ra về thì Tép lại thấy trong mình như trống rỗng, như lặng lẽ buồn tẻ thế nào ấy.

    Chị ôm con ra ngồi ở ngưỡng cửa, nhìn hàng trống canh đằng trước mặt mà không thấy gì cả. Chị cứ ngồi ỳ ra như thế cho đến lúc trời tối sập xuống. Chị cũng chẳng buồn thắp đèn và cũng toan thôi không ăn nữa. Nhưng, vì sợ thiếu sữa cho con bú Tép phải quấy một niêu cháo hoa và khi ăn xong chị liền đóng cửa ngõ đoạn ẵm con vào buồng.

    Chị ngủ một cách chập chờn, hoảng hốt... Lúc chị mơ thấy chồng chị được về hai vợ chồng lại thấy nhau xiết bao mừng mừng tủi tủi. Lúc thì chị thấy chồng chị phải tù tội, phải đày ải như những người nhà pha mà chị vẫn gặp ở đường phố: đầu trọc tếch như cái sọ dừa, mặt gầy guộc và xanh sao, hai mắt hõm lại, hai gò má dồ ra, môi nhợt, da xanh bủng. Mình mặc áo cộc có in số, quần ống xoăn như vòi voi, chân giẫm đất. Anh cò rò khiêng đá, khiêng gỗ, đi chẳng được mà còn bị lính tráng họ vụt roi vào đầu, vào cổ, vào mặt túi bụi... Có lúc chị nằm thấy ông chủ đem chồng chị và chị đi một nơi rõ xa, không cho làm mỏ nữa nhưng không làm hại. Chị cảm ơn quá, cảm ơn chính kẻ thù của chị rồi hai vợ chồng đưa nhau đi, lang thang trên đường gió bụi...

    Sau cùng Tép nằm mê thấy cả mỏ nổi lên để bênh vực Thuật. Bọn culi nhất định đình công như Dương đã thuật lại hồi anh còn ở mỏ Vàng Danh 1. Họ không đi lò, không vào nhà máy nữa. Họ tụ họp nhau ở ngoài đường thành ra như một cái bể người nổi sóng. Giữa lúc ấy cai Tứ hiện ra. Bọn phu nhao nhao:

    - Thả ngay Thuật ra!

    - Lại cho anh ấy đi làm và không được kiếm chuyện gì với anh ấy nữa!...

    Cai Tứ quát tháo chửi mắng mọi người.

    Tức thì một tiếng reo hò như sấm sét. Hàng nghìn người cùng vây quanh lấy cai Tứ. Rồi không biết từ đâu Thuật nhảy xổ ra, tay cầm một thanh sắt lớn. Anh nhằm giữa đầu cai Tứ mà giáng xuống một cái thật lực. Một tiếng kêu khủng khiếp. Cai Tứ ngã lăn ra, máu me lênh láng...

    Ngay lúc ấy thì ông cẩm đến cùng với vô số là lính tráng. Người nào cũng mang súng có gắn lưỡi lê sáng quắc. Họ vây đám đông vào giữa, đánh đập lung tung. Tiếng người kêu, tiếng gậy gộc đập chí chát nghe rất ghê rợn. Bỗng tiếng Thuật vẳng lên:

    - Anh em, đánh cho chết cả chúng nó đi!

    Ông cẩm trông thấy Thuật vội hô một câu rắn rỏi.

    Tức thì một loạt súng nổ.

    Thuật ngã lăn ra đất, ngực thủng như một cái tổ ong và từ những vết thương ấy, máu đỏ phun ra như cống thụt...

    Tép rú lên một tiếng, giật mình tỉnh dậy. Khắp người chị, mồ hôi vã ra lạnh ngắt. Chị hoảng kinh, ngồi nhỏm lên ở giữa giường, đưa mắt nhớn nhác nhìn quanh...

    Tối tăm và im lặng...

    Trong bóng tối đầy những hãi hùng khủng khiếp, cái đồng hồ nhà ai thong thả buông bốn tiếng rè rè như đẫm nước mắt...

    --------------------------------
    1 Bản gốc in nhầm là Vàng Xanh, chúng tôi chỉnh lại là Vàng Danh - Theo đề nghị của cụ Hà Thị Minh Kim.
    ***************

    Comment


    • #17
      17



      Người ta dẫn Thuật vào một gian buồng hẹp ở trong một xó sở Cẩm. Gian buồng đo mỗi bề độ hai thước, trần rất cao. Trong buồng có một cái sàn gỗ liền tịt vào ba phía tường trong. Ở mép sàn ngay cửa vào đóng một cái cùm sắt lớn dài theo bề dài của sàn lim.

      - Vào đây!

      Thuật lẳng lặng bước vào yên trí rằng mình đã không có tội gì thì pháp luật sẽ minh xét và rồi thể nào cũng được tha bổng.

      Tin như thế nên khi cánh cửa sắt khép lại, Thuật điềm nhiên nằm xuống cái phòng ẩm sì và lạnh lẽo. Không khí tù hãm trong bóng tối sặc sụa những mùi mốc, mùi nước đái rất khó chịu. Thuật nhăn mặt, tự hỏi sao người ta lại có quyền giam người vào một nơi bẩn thỉu dường này, nhất là khi người bị giam không phạm tội lỗi gì hết? Anh nằm trơ ra đó, thân thể mệt nhừ, song tinh thần rất tỉnh táo. Có điều những ý nghĩ của anh không có mạch lạc gì hết. Anh nghĩ vẩn vơ đến vợ, đến con, đến cảnh mình bị ức hiếp: Anh nhớ lại cảnh tượng ở nhà cai Tứ đêm hôm qua, những lời hắn dỗ dành anh. Thuật rùng mình ghê tởm và tự hỏi sao lại có người can đảm đến dám nói những câu như cai Tứ đã nói với một người mà không ngượng nghịu, không hổ thẹn! Anh ôn lại cái cảnh tượng anh bị bắt sáng nay. Sau cùng, Thuật cố tưởng tượng ra những câu hỏi mà quan tòa có thể đem ra hỏi anh được. Anh lẩm bẩm:

      - Nó vu cho mình chực cướp tiền? Hừ, quân đểu thật!... Ra tòa, nếu quan trên có hỏi, ta cứ thực ta khai xem nó ra sao. Vẫn biết phe nó mạnh thật nhưng lẽ phải về ta, chả nhẽ quan tòa lại cứ nghe nó mà bỏ tù ta hay sao?

      Thuật tưởng tượng như mình đứng giữa tòa án và đương bị quan tòa hỏi:

      - Tại sao anh dám vào nhà người ta để ăn cướp? Và khi bị bắt quả tang anh lại hành hung?

      - Bẩm quan lớn!...

      Thuật chưa kịp nghĩ nốt câu trả lời thì chợt nghe tiếng động khóa rồi cửa mở; một người phú-lít gọi:

      - Ra!

      Thuật nhỏm dậy, theo người lính ra ngoài.

      Người ta xích tay anh lại đoạn người ta dẫn anh đi và quả nhiên lần này anh bị đem ra hỏi.

      Nghe giọng nói bình thường và nhìn vẻ mặt thản nhiên của quan tòa. Thuật hơi vững dạ, anh cố nén sự xúc động cho giọng khỏi run:

      - Bẩm quan tòa, chúng tôi bị người ta vu oan cho như thế chứ thực ra chúng tôi không có ăn cướp của ai...

      - Hừ! Ông chủ mỏ còn bắt được quả tang anh đương hành hung với sự chủ mà lại!

      - Bẩm đầu đuôi việc này dài lắm. Tôi xin phép quan tòa cho tôi được kể lại rành mạch.

      - Anh cứ nói nhưng phải nói cho thực.

      - Chiều hôm qua, khi tôi ở nhà máy về và mới vừa ăn cơm xong thì có người nhà tên cai Tứ đến bảo tôi lại cho nó hỏi việc gì cần lắm. Tôi lại mới hay rằng tên cai Tứ chẳng hỏi chuyện gì cả. Nó bảo tôi nằm hút thuốc phiện với nó rồi nó nói chuyện dông dài mãi đến gần khuya. Sau cùng nó bảo tôi rằng nếu muốn được ông chủ yêu, cho công việc nhàn mà làm thì tôi phải để vợ tôi đi lại với ông chủ. Tôi giận quá, hỏi vặn lại nó: "Tại sao vợ mày thì mày lại không chịu đưa lên cho ông chủ mà lại giục tao làm như thế?" Nó chửi tôi, lại vác chai định đánh tôi. Tức quá, tôi có đánh nó thì vừa lúc ấy ông chủ vào...

      - Ông chủ vào bắt được quả tang mày đương ăn cướp và hành hung chứ gì?

      - Không phải thế! Tôi đang đánh nó thực nhưng không phải là để cướp tiền của nó. Việc này chỉ là một việc nó bịa đặt ra để buộc tội cho tôi. Bẩm quan lớn đèn trời xét cho, tôi có công ăn việc làm, có vợ con, không đói rách gì, không cờ bạc và trộm cắp bao giờ, cớ sao tôi lại chịu ăn cướp mới được chứ?

      - Nhưng, ông chủ làm chứng như thế mà lại!

      - Ông chủ tôi bênh cai Tứ mà nói oan cho tôi như thế chứ thực tình tôi oan lắm, xin quan lớn minh xét cho!

      - Hừ! Mày oan? Thế ông chủ mỏ thù oán gì mày mà vu oan cho mày?

      - Bốm, thực tình tôi oan! Tôi là người làm ăn lương thiện, xưa nay không có tai tiếng gì bao giờ...

      - Mày thú thực đi. Nếu mày cứ nói dối quanh thì tòa sẽ làm án mày về hai tội: chực cướp tiền và hành hung là một; vu khống cho người trên là hai.

      - Bẩm quan lớn, tôi không nói dối.

      - Mày nhất định chối?

      - Tôi không chối vì tôi không có tội gì cả!

      - Được. Lính đâu giải nó đi!

      Người lính dẫn Thuật ra khỏi tòa nhưng không đem anh về cái buồng giam chật hẹp ở sở cẩm nữa. Người ta đưa thẳng anh vào nhà pha vì quan tòa đã ký trát tống giam anh rồi.

      Đi đường, người phú-lít hỏi Thuật:

      - Thế nào, mày có nhận là đã ăn cướp không?

      - Không, tôi có ăn cướp của ai bao giờ mà tôi nhận?

      - Nhưng có chứng tá rồi kia mà!

      - Chứng tá gì, chúng nó cùng một tụi ăn hiếp kẻ nghèo hèn cả.

      - Quan tòa đã ký giấy tống giam mày vào nhà pha. Thể nào mày cũng bị, không thoát được nữa!

      Thuật nghe câu ấy bỗng nhủn cả người. Không phải anh sợ quá đến nỗi thế đâu nhưng là anh không thể ngờ rằng quan trên lại thiên vị quá. Anh ngã lòng thất vọng, hai chân như mềm ra; trái tim tựa hồ tan lỏng thành nước mắt...

      Cánh cửa nhà pha mở hé; người phú-lít đẩy anh vào.

      Viên coi ngục hỏi:

      - Thằng này tội gì thế này?

      Người lính đáp:

      - À, chực ăn cướp và hành hung.

      - Thế thì bỏ mẹ! Nhưng bộ dạng này thì cướp với bóc chó gì!

      Thuật cho rằng viên coi ngục tinh mắt hiểu cho mình là bị oan, nên anh vội vàng kể lể hết câu chuyện của anh một lần nữa.

      Mấy người lính gác cũng xúm lại nghe. Họ kết luận:

      - Thế thì chúng nó ăn hiếp người ngay thẳng một cách chó đểu quá!

      Thuật náo nức:

      - Thưa các ông, thực chúng nó đểu quá. Ai ở vào tình thế tôi thì cũng phải đánh chứ nhịn thế nào được?

      - Thế quan tòa bảo sao?

      - Quan trên cứ tin lời bọn kia là thực và cho tôi là nói dối. Thực tôi không ngờ mà bề trên lại cố tình làm oan uổng tôi như vậy.

      - Chuyện!... Bao giờ người ta chẳng vị nhau! Ai lại vị một thằng khố rách bao giờ.

      Tuy họ phàn nàn cho Thuật mà anh cũng phải gắn số, phải đo người và phải thả vào trong sân nhà pha.

      Lần đầu bỡ ngỡ, Thuật cứ ngớ ra nhìn quanh, nhìn quẩn, mơ hồ như sống trong một giấc mộng...

      Mà có lẽ chỉ là một giấc mộng!

      Những việc đã xảy ra thực vô lý và không thể nào lại có thể xảy ra được, trừ phi trong cảnh chiêm bao!...

      Nhận thức như vậy,Thuật càng ngao ngán. Thôi, thế là xong. Từ đây anh sẽ là một đầu người trong cái địa ngục nhân gian nọ. Từ đây thế là anh đành ôm một mối oan khuất không bao giờ tỏ được. Từ đây thế là anh phải lìa vợ, lìa con, sống không ai hay, chết không ai biết và bị chửi bới, đánh đập như một con chó ghẻ.

      Rồi anh tự hỏi không biết liệu lúc này vợ anh ở nhà đương làm gì?... Câu hỏi ấy làm cho tưởng tượng anh bối rối. Anh thấy vẽ rõ trước mặt cái hình ảnh cô đơn của Tép sống lo sợ giữa một đám kẻ thù dọa nạt, chẳng khác một con hươu giữa đoàn thợ săn. Anh trông thấy nét mặt chó má của cai Tứ, nhân lúc anh bị giam chấp, lẩn vào nhà anh để tán tỉnh, nài ép vợ anh. Rồi Tép không thuận lại chửi mắng cai Tứ. Rồi nó đánh đập Tép, bắt phải ra khỏi địa phận của mỏ và giỡ nhà anh đi...

      Thuật nắm chặt bàn tay, nghiến răng lại. Bao nhiêu phẫn uất trong người đều dồn lên cổ làm cho hơi thở của anh như nghẹn lại.

      - Trời ơi!... Sao trời lại bắt tôi phải chịu oan uổng như thế này?...

      Thuật hối hận sao hôm đó anh đã không vớ ngay cái gì nhọn sắc mà đâm chết cai Tứ đi như người ta giết một con vật nguy hiểm có phải là xong không! Đằng nào cũng tù, thì giết được kẻ làm hại mình bao giờ cũng vẫn hả dạ.

      Thuật ngao ngán tiếp. Anh thừ người ra ở cạnh gốc soan tây, mải tư lự đến nỗi không biết rằng chung quanh mình anh, bọn tù tội đã xúm đen lại và hỏi han rầm rĩ.

      Mãi khi tiếng kẻng gọi giờ cơm nổi lên lanh lảnh, Thuật mới bàng hoàng như tỉnh ngủ.

      Họ ghép anh vào một thùng cơm với mấy tay trộm trâu nữa. Nhưng Thuật còn thiết gì ăn uống lúc bấy giờ. Anh bần thần nhìn các người tù kia ăn vội vàng và tranh cướp nhau chẳng khác đàn gấu đói. Thuật ngạc nhiên, không hiểu tại sao ở đây người ta lại có thể trở nên thô tục, độc dữ như thế được? Thuật không thể nào tưởng tượng được rằng chỉ cách nhau có một bức tường mà hai nhân loại cách xa nhau đến thế?

      Anh nghĩ ngợi lấy làm đau đớn và cứ nhìn bọn kia chằm chặp, tỏ ý lạ lùng lắm. Cơm canh trong nhà pha anh không chú ý vì anh cũng thuộc hạng nghèo, ăn kham khổ đã quen rồi. Anh chỉ đau đớn bởi sự thay đổi rất khó hiểu của bọn người cũng là người như anh. Thuật băn khoăn tự hỏi không biết rồi ra mình có đến nỗi như họ không, nếu anh cũng sẽ trở nên như họ thì cái đời tù tội của anh còn đáng buồn không biết chừng nào...

      Bọn tù đã ăn xong, họ xôn xao thu dọn và lo rửa ráy những mảnh bát vỡ, những đôi đũa tre, những chiếc ống bơ hoen gỉ.

      Họ làm một cách vội vã để kịp tầm vào buồng giam. Thuật cứ ngây ra lăn từ cái bàng hoàng này đến cái bàng hoàng khác. Mỗi cử động quanh mình anh là một bí mật. Mỗi cái bí mật mà anh hiểu được lại thêm cho anh một cảm giác thê thảm thấy mình trở nên thằng tù thêm một bậc...

      Rồi đêm hôm ấy, Thuật lại mất ngủ, mặc dầu anh mệt mỏi rã rời...
      ***************

      Comment


      • #18
        18.Hết


        Sau khi nghe Thuật bảo cho biết rằng phiên tòa hôm ấy, quan trên đã phạt anh mười tám tháng tù, Tép ôm con từ cổng đề lao về nhà, vừa đi vừa khóc như mưa như gió.

        Mười tám tháng tù!... Tép coi mười tám tháng tù của chồng chị bằng mười tám năm.

        - Biết bao giờ cho hết mười tám tháng hở trời!...

        Một ý nghĩ ghê gớm hơn nữa đột hiện trong óc chị:

        - Mà chắc đâu chồng ta sống được tới ngày mãn hạn?

        Thực thế, một người như Thuật, hay cả nghĩ, hay buồn một cách ngấm ngầm, làm thế nào sống được với những sầu khổ uất ức nó đầy chứa trong lòng anh. Ấy là chưa kể những cái khổ sở của đời tù mà Tép đã được người ta kể lại cho nghe y như những chuyện dưới âm phủ. Ấy là chưa kể những khi giở trời trái gió, chưa kể những nông nỗi dãi nắng dầm mưa, chưa kể những cái buồn do sự thương vợ nhớ con nó hun đốt lòng người chẳng khác mớ than hồng vùi trong tro trấu.

        Như thế thì chồng chị nhất quyết là sẽ không toàn vẹn được cho tới ngày mãn hạn. Chị đau lòng nhớ đến những đám ma tù mà chị đã từng nom thấy khi ra chợ hay ở chợ về.

        Người tù chết ở trong nhà pha lúc nào, thân nhân cũng không thể biết ngay được trừ phi đã ăn cánh với bọn ngục lại. Mà, muốn ăn cánh được với bọn này thì phải có nhiều tiền. Vợ chồng chị nghèo khổ, còn hy vọng gì!...

        Chị tưởng tượng một hôm trời đất u ám, chồng chị tắt thở trong nhà thương làm phúc. Người ta bỏ thây chồng chị vào một cái săng gỗ gạo mỏng chừng hai phân tây. Người ta đóng ván thiên lại rồi lùa hai cái quang nứa vào hai đầu cho bốn anh tù khác khiêng đi. Một bác quyền khố xanh lẽo đẽo theo sau, thỉnh thoảng lại nhổ nước bọt vì từ chiếc hòm gỗ ọp ẹp kia thoảng ra một mùi gây gây khăn khẳn.

        - Tiên sư cha nhà nó!...

        Đám ma đi lặng lẽ trên con đường dài, dưới một vòm trời ảm đạm. Không một tiếng kèn, không một tiếng trống, không một tiếng khóc, trừ câu tiên sư cha nhà nó mà bác quyền thỉnh thoảng văng ra.

        Một vài người khách đi đường, thấy đám ma tù đi qua, khẽ liếc nhìn với một vẻ ghê tởm:

        - Thế là bớt một thằng gian ác!...

        Họ nói thế một cách hoan hỉ như đã vô tình nói thay cho tất cả sự công bình ở đời. Họ không bao giờ lại ngờ rằng mình đã phỉ thui cái xác chết của một người cũng lương thiện và có khi lương thiện hơn chính họ. Họ không ngờ đã hắt hủi một linh hồn phải ngậm hờn nuốt tủi mà từ bỏ cuộc đời đầy rẫy những bất công, gian xảo, thâm độc, từ bỏ một lũ đồng loại tham tàn hơn loài hổ lang...

        Tép cứ dùng cái tưởng tượng đi theo cái đám ma, tưởng tượng ấy ra tới cánh đồng hoang. Bọn tù hạ chiếc quan tài xuống cỏ, hì hụi đào một cái hố đoạn vùi nông một người bạn cùng chung cảnh ngộ với họ nhưng thảm nỗi họ không biết xót thương...

        Nấm mả mới ấy chẳng bao lâu sẽ bị xóa hết dấu dưới lớp cỏ xanh của tạo hóa vô tình. Vợ con không biết đâu mà tìm nữa. Kẻ chết oan thế là đành phải làm một u hồn lưu lạc...

        Tép gục đầu bật tiếng khóc. Chị khóc rít lên như muốn xé ngực để cho bao nỗi thống khổ bay tới một đấng thiêng liêng nào đó...

        Bỗng, một bàn tay khẽ vỗ lên vai chị.

        Tép giật mình, ngẩng trông lên: cai Tứ!

        Chẳng khác người đụng phải con rắn, Tép đứng phắt dậy, xuýt đánh rơi con thơ.

        - Ông... còn đến đây làm gì?...

        Tép muốn gào lên những câu chửi rủa để hả cơn oán hận nhưng Tép chỉ hỏi được một câu như thế.

        Cai Tứ ngọt ngào:

        - Thôi, chị khóc làm gì nữa! Tôi nghĩ tình cảnh chị, tôi cũng ái ngại lắm nhưng chỉ vì chồng chị hỗn láo quá, không sao tha thứ được! Ai lại dám đánh cả tôi, cả ông chủ, không còn coi người trên ra gì nữa. Mà tôi có làm gì anh ấy cho cam, tôi chỉ vạch đường vẽ lối cho anh ấy đi tới sự giàu có sung sướng mà thôi...

        Cai Tứ cứ nói, Tép cứ giương trừng trừng hai mắt nhìn nhưng không thấy gì mà tai chị cũng không nghe rõ gì cả.

        - Mẹ kiếp, ở đời này hễ cứ dại là chết. Những quân đã ngu lại còn hay bướng ấy ai mà thương được! Tôi như chị, tôi mặc quách nó, chẳng tội gì mà nghĩ ngợi cho khổ thân. Nói vô phép chị chứ chính chuyên chết cũng ra ma, chẳng bằng cứ tiền cho nhiều, kẻ vâng người dạ cho lắm, ăn cao lương mĩ vị, mặc gấm vóc lụa là cho nó sướng một đời có hơn không. Như chị bây giờ, nếu cứ giữ cái túp nhà rách này, cứ ôm cái thằng nhãi kia thì rồi lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc, khi ốm đau lấy ai hầu hạ xem nom? Tôi lấy làm lạ rằng hai đường lợi hại đã rõ ràng như thế mà chị còn chưa nhận thấy! Vả lại, trước kia chị cũng đã có lần gần gụi với người ta rồi kia mà! Nào có mới lạ gì bảo rằng khó khăn hay ngượng nghịu?...

        Tép vẫn im lặng như một pho tượng đá.

        Cai Tứ khẩn khoản:

        - Thế nào?... Chị thuận chứ? Tôi về nói với ông chủ nhé? Đây, chị hãy cầm tạm chục bạc này mà tiêu.

        Tép bỗng hoạt động hẳn lên, dữ dội một cách phi thường. Chị giật phăng lấy tập giấy bạc và ném vào mặt cai Tứ.

        - Mẹ anh, chị anh, em gái hay vợ nhớn vợ bé anh, anh để làm gì! Bước ngay đi, đồ chó!


        Theo bản Lầm than lần đầu 1938, do Tiểu thuyết Thứ Bảy xuất bản.
        ***************

        Comment

        Working...
        X