LẦM THAN
Tác giả: Lan Khai
1
Một hồi còi rúc lên trong đêm tối mờ... Thuật vừa nuốt xong miếng cơm cuối cùng với một gắp dưa chua, bèn chiêu vội hơi nước vối, đoạn mở cửa chạy ra ngoài. Cùng lúc ấy, hàng trăm người khác cũng từ các túp nhà tranh lụp xụp ở xóm culi hiện ra lố nhố, chạy hấp tấp như đàn vật bị dồn đuổi...
Giữa khoảng mù mịt của một buổi sớm tinh sương ngày tháng chạp mưa phùn gió bấc, họ kéo nhau lũ lượt trên những con đường nhỏ lầy lội đi về phía nhà máy hiện lù lù trên đồi cao, như con quái vật nham hiểm có hàng trăm con mắt vuông đỏ đòng đọc, mở gườm gườm nhìn xuống chân đồi. Con quái vật đang gầm gừ chờ đợi đám mồi ngon của nó.
Trên dải đường lầy lội, bọn culi mỏ vẫn đi thấp thoáng như lũ tù dây hay một đàn quỷ đói: Hàng trăm ngọn đèn dầu sở họ cầm vung văng ở tay bị gió lạnh lập lòe như những ánh ma trơi. Dưới gót chân họ, bùn nước láp nháp lạnh như băng, khiến họ tê cóng... Những giọng nói kè nhè ngái ngủ nổi lên thành một mớ tiếng ồn ào gồm có những câu oán trời oán đất, nguyền rủa vu vơ hoặc chửi bới lẫn nhau tỏ ra rằng các linh hồn khốn nạn đó lúc nào cũng chứa đầy những uất ức, những khổ não không biết rõ nguyên cớ từ đâu.
Đi tới chân đồi, bọn culi nhà máy cùng nhau trèo dốc; bọn phu than thì tản vào các lối nhỏ chạy về phía các cửa lò.
Thuật ở trong bọn phu lò này. Tối hôm qua bố hắn, lão cu Tị, một tay thợ mỏ làm với mỏ đã lâu năm, đã đưa hắn lại nhà ông cai Tứ để xin việc cho hắn và buổi làm này tức là buổi đầu tiên nó mở đầu cuộc đời phu mỏ của Thuật.
Thuật là một anh con trai nhà quê mới mười chín hai mươi tuổi. Người anh ta cả ngang vì thân thể to lớn ngực nở, bắp tay bắp chân rắn như sắt, Thuật nói năng và cử chỉ chậm chạp nhưng chắc chắn, hiền lành nhưng hay cục mà lúc Thuật đã cục thì liều lĩnh vô cùng... Trước kia, Thuật vẫn ở nhà quê tận vùng Nam Định để trông coi mấy sào ruộng cho bố. Nhưng từ khi lão cu Tị thua cờ bạc và bán mấy sào ruộng ấy đi rồi thì Thuật không còn biết làm công việc gì nữa, lão cu Tị bèn đánh giấy gọi Thuật lên để xin cho Thuật một chân phu kíp. Thế là đội quân ốm đói của mỏ lại thêm một tên nữa và trong lũ mồi ngon của Cực Khổ lại thêm được một linh hồn.
Thuật nghĩ mà buồn. Hắn nhớ lại những việc lôi thôi xảy ra hàng ngày giữa cha và mẹ hắn từ hôm hắn lên đây. Cha hắn là một tay thợ giỏi nên kiếm cũng ra tiền; nhưng kiếm được đồng nào lão cu Tị lại uống rượu và đánh xóc đĩa nhẵn cả. Mỗi tháng lão chỉ đưa cho vợ được ít nhiều, có khi không đủ trả tiền gạo tiền thức ăn và củi nước, ấy thế mà cứ say rượu vào là lão hạch sách hết điều này, đến điều khác, lão chửi bới và còn đánh vợ là khác nữa. Hình như chính cuộc đời của lão khiến lão khổ sở như quanh năm suốt tháng phải mang vác nặng trên lưng, lão uất ức mà không hiểu rõ nỗi uất ức của mình tự đâu mà có nên lão càng uất ức. Rồi, giận cá chém thớt, lão còn cách gì tỏ được cái sầu muộn trong lòng nên đành trút cả lên đầu vợ. Mụ già thực là cái bung xung của chồng. Cuộc đời của mụ là một cuộc đời lặng lẽ và tăm tối, lúc nào cũng đợi chờ sự đánh đập và những câu chửi bới. Thân thể mụ bị gò gập dưới công việc và sự hành hạ quá đáng nên cử động thường rụt rè như lo sợ va chạm phải cái gì. Trên gương mặt mà đau khổ đã vạch những nét nhăn sâu, lờ đờ hai con mắt hiền từ, nghĩ ngợi... Một vết sẹo dài ngang trán khiến cho vẻ nhẫn nhục của mụ già cang thêm thảm đạm. Thuật từ bé vẫn quen sống ở những khoảng rộng với những công việc tuy nặng nề mà khỏe người nay lạc vào một không khí tối mù những bụi than đã làm khó thở lại thêm hằng ngày phải lặng lẽ chứng kiến những việc lôi thôi trong gia đình, Thuật cảm thấy tấm lòng lúc nào cũng như thắt lại. Thuật rất thương mẹ nhưng anh không dám nói gì cha. Anh cho rằng tính cha như thế và số của mẹ là phải vất vả thì dù anh có muốn cũng chẳng làm khác được. Đã vậy, anh quyết đi làm để kiếm tiền thêm mang về giúp mẹ. Anh không thích làm mỏ nhưng ngoài cái việc ấy ra, Thuật cũng không làm cách nào để kiếm tiền.
Định bụng thế rồi, Thuật chờ lúc ông bố không say, không gắt bèn khẽ ngỏ ý mình. Lão cu Tị bằng lòng bảo Thuật:
- Ừ, mày cũng nên làm việc gì để giúp thêm vào sự ăn tiêu trong nhà, kẻo tao bây giờ già yếu rồi, kiếm không đủ.
Thuật biết rằng câu ấy nếu chẳng là một câu nói dối thì cũng chỉ là lời nói làm vẻ của một người cha mà thôi. Sự thực thì số lương của lão cu Tị có thể đủ cho sự ăn tiêu trong nhà nếu lão đừng đánh bạc và uống rượu. Không phải là Thuật trách cha ham mê cờ bạc rượu chè đâu. Thuật chưa thể trông thấy cái hại của hai thứ ham mê ấy như một nhà luân lý. Thuật cũng không hiểu mà ngay chính những người uống rượu và đánh bạc cũng không hiểu rõ cái nguyên nhân của hai sự ham mê ấy chỉ là cái đời vất vả, tẻ ngắt mà họ phải sống như một lũ tù khổ sai.
Thực thế, những nhọc mệt kế tiếp ngày này sang ngày khác làm cho thân thể họ rã rời, ăn không biết ngon miệng nữa. Thế là họ phải uống rượu để cho các bộ phận trong mình hăng lên họa may còn thấy đói và còn tiêu hóa được. Cái kết quả ấy làm họ tưởng nhầm cái hiệu lực của rượu và đổ sự mệt mỏi cho thủy thổ miền rừng. Nhưng đi làm quần quật suốt ngày về ăn miếng cơm, uống hớp rượu xong rồi chẳng nhẽ lại chúi đầu đi ngủ? Cái u ám, cái tẻ ngắt của đời bọn người lao động xấu số ấy đem lại cho linh hồn họ một cái buồn vu vơ mà rất ám ảnh. Họ phải tiêu sầu. Họ phải đánh bạc vì ngoài cái hiệu lực giải trí, đánh bạc còn đem cho họ cái hy vọng thoát khỏi sự túng bấn khổ sở hằng ngày. Thuật chỉ thấy quanh mình anh ta phần nhiều ai cũng đánh bạc, cũng nghiện rượu hết và Thuật cho rằng đó chỉ là sự ngẫu nhiên không tránh được.
Buổi tối hôm ấy khi cơm nước xong, lão cu Tị đưa Thuật lại nhà ông cai Tứ.
Trời gió rét lại thêm mưa phùn lăn tăn hắt vào mặt như trăm nghìn mũi kim lạnh buốt. Thuật theo ông bố đi qua những con đường nhớp nháp chạy ngoắt ngoéo trong đêm tối. Anh ta có cảm giác như người vào sâu một cái hang không có lối ra.
Lão cu Tị dẫn Thuật vào nhà cai Tứ giữa lúc lão này đang cười nói oang oang bên một chai rượu, trước mặt một đám cu-li rách rưới.
Cai Tứ là một người đàn ông thấp và gầy, tuổi độ bốn nhăm, năm mươi. Mặt lão vuông nhưng hai má hóp lại. Dưới cặp lông mày lởm chởm trên gò xương, lấp lánh đôi mắt gian hùng. Mũi lão gồ sống mương nhòm xuống bộ ria mép lúc nào cũng hình như giấu giếm đậy điệm cái mồm toe toét tối om như cái cửa hang, trong đó, đỏm đang mấy chiếc răng vàng hợm của.
Khi nào lão mặc ta, đầu đội khăn xếp, chân đi giày gia định, bít tất trắng thì người ta có thể nhầm lão với một tay lại già thâm hiểm. Còn những khi lão đi đâu như đi ăn khách hay xuống trọ cô đầu, lão hay đi hát lắm vì lão tự đắc rằng chơi sành và cô đầu vẫn say lão như điếu đổ, cai Tứ hay diện tây, mũ rộng vành, quần vòi voi, áo cũn cỡn, thì ai thoạt nhìn cũng biết ngay là một tay thầu mỏ hay hợm của và khôi hài một cách thảm đạm.
Đối với gái, lão vung tiền qua cửa sổ để chuốc lấy một tiếng hào phóng vụng về nhưng với cu-li dưới quyền lão, với những kẻ khốn khổ hàng ngày vẫn làm giàu cho lão thì cai Tứ trái lại rất nghiệt ngã. Ra chỗ xã giao lão huếch hoác khiến người ta cười thầm bao nhiêu thì ở chỗ công việc lão ậm ọe ta đây khiến bọn đàn em bực mình bấy nhiêu. Lão hay cúp công, hay bắt nạt nên không ai ưa lão mà hết thảy đều ghét lão.
Tuy vậy, lão vẫn thường vui tính đáo để, những lúc ấy là lúc lão say rượu. Lão cười sằng sặc, lão to tiếng bỡn cợt với bất cứ ai một khi trong chai còn có rượu.
Thoạt thấy lão cu Tị, Tứ cười và làm như bắt được của:
- Kìa, bố già! Đi đâu đấy?
- Không dám, lạy ông.
- Lên đây, tiên sinh.
Lão cu Tị ghé ngồi vào một góc giường trong khi Thuật khoanh tay đứng dựa cột.
Cai Tứ hỏi:
- Chén rồi chứ?
Lão cu Tị giảng:
- Tôi đã vô phép cơm ông rồi.
- Thế nghĩa là chưa rượu chứ gì? Tốt lắm!
Quay lại phía sau, cai Tứ gọi:
- Lấy thêm cốc đây, mày!
Một tên phu đưa cốc.
Cai Tứ rót rượu mời khách:
- Này, cụ làm một cốc chơi cho đỡ lạnh.
Giơ hai tay đón cốc rượu, lão cu Tị lúng túng đáp:
- Vâng, ông để mặc tôi!
- Thì chén đi cho vui. Thế nào? Dạo này không đánh chác gì à?
- Thua mãi! Đen như chó mực thì còn đánh chác gì được!
- Lại đây chơi hay cụ có muốn hỏi gì nữa không?
- À, tôi muốn thưa với ông cho thằng cháu một chân làm than.
- Đẩy goòng hay xuống lò?
- Xuống lò làm khoán ạ.
- Được! Thế cụ định hôm nào cho bác ấy đi làm?
- Nếu có thể được thì mai cháu đến.
Cai Tứ nhìn Thuật lấy giọng kẻ cả:
- Anh ấy kia phỏng? Được! Mai sớm hễ còi thì ra trực sẵn ở cửa lò rồi tôi cắt việc cho mà làm.
Thuật lễ phép:
- Thưa vâng.
Cai Tứ tiếp:
- Làm ở dưới lò thì tôi cứ khoán cho từng bọn một. Mỗi ngày phải đủ cho tôi mười goòng than. Bảo nhau mà làm. Công thì min-nơ ăn công nhất rồi đến tay nào làm khỏe được công nhì, công ba, công tư. Anh, tôi xem dáng khỏe mạnh thế kia, có thể làm tốt được. Nếu chịu khó, tôi sẽ cho ăn công nhì ngay.
- Cảm ơn ông.
Tứ là một tay cai khoán thông thạo nhất, lại hẩu với chủ nên hắn rất phát tài. Lão cứ nhận mỗi tháng làm cho chủ mấy trăm goòng than, mỗi goòng tám chín hào chẳng hạn thế rồi lão mộ phu làm, tính cho phu mỗi goòng độ bốn hào nếu lò ở xa và khó lấy, hai hào rưỡi nếu lò ở gần và dễ lấy. Sống bằng mồ hôi nước mắt của bọn phu, lão phát tài lắm. Một mình lão có đến bốn vợ, cứ thay phiên nhau lên ở với lão mỗi người dăm tháng, hết phiên lại về nhà quê. Người ta bảo ở quê lão, ruộng nương lão tậu mỗi ngày một nhiều, nhà ngói cây mít đủ cả. Vợ cả lão mỗi tháng mò lên một chuyến thăm chồng, khi về lại mang theo vài ba trăm bạc, ấy là chưa kể những tiền lão tiêu riêng khi đánh xóc đĩa và cho cô đầu là khác.
Sự bóc lột kẻ nghèo ấy, bọn phu phen hình như quen rồi nên không lấy làm tức giận. Đôi khi cũng có người phàn nàn nhưng là nói giấu mà thôi. Bị áp chế đã quen đi, bọn người khốn nạn ấy không còn có nhân cách và tinh thần phấn đấu nữa. Họ chỉ đổ liều cho số phận. Họ lại còn sợ một điều tai vách mạch rừng, nói ra không khéo đến tai kẻ có tiền có thế thì lôi thôi cho họ, có khi mất việc làm cơm ăn nữa. Ngay họ với nhau cũng không dám tin nhau.
Trong sự giao thiệp hàng ngày của chính bọn phu ấy vẫn có sự lừa lọc, phản trắc, cày bẫy, khuynh hại lẫn nhau rồi. Sự ngu dốt khiến cho họ nhiều khi phạm vào những tội ác một cách vô lý.
Vì những lẽ kể trên mà bọn phu lao động, dù bị hà hiếp đến đâu họ cũng đành cắn răng cam chịu. Họ tự nhủ lòng:
- Cái số mình vất vả thì thôi đành cứ làm tôi ngay ăn mày thật, chẳng ca thán làm quái gì cho thêm lôi thôi.
Rồi họ cứ cắm đầu cắm cổ làm và làm, làm để ngày kiếm lấy vài lưng cơm hẩm, để còn thừa đồng nào thì uống rượu, hút thuốc phiện hoặc đánh bạc, lấy các thứ ấy mà khuây sự phẫn uất nó ám ảnh trong lòng. Cuộc đời của họ cứ như thế cho đến lúc chết. Nó cũng chẳng khác gì cái cuộc đời của những con trâu con bò hay con ngựa thồ.
Lão cu Tị thấy cai Tứ giảng giải mãi vội ngắt lời, như tỏ ra rằng gì chứ đến những việc làm trong mỏ thì ta đây không cần ai dạy bảo thêm điều nào nữa:
- Thưa ông, các điều ấy tôi đã giảng cho cháu biết cả.
- À, nếu vậy lại càng hay lắm!
Quay lại Thuật, cai Tứ nói tiếp:
- Thế anh đã có xẻng cuốc và đèn chưa? Nếu chưa có thì mai ra làm sẽ lĩnh của sở rồi cuối tháng sẽ trừ vào lương của anh cũng thế.
- Vâng.
- Vả lại có đi đâu mà thiệt. Nó là những khí dụng cần thiết cho mình cơ mà. Không có bột sao gột nên hồ được! Sau này, khi nào mình không muốn làm với mỏ nữa thì mình bán lại cho anh em.
Lão cu Tị cười:
- Ông tính những thứ đồ dùng ấy lúc đem bán lại thì ma nào nó mua, mà phỏng thử có người mua thì bán được là bao!
- Ấy là nói chuyện thế!
- Vả lại, cháu nó hầu hạ ông đây cũng mong về lâu về dài chứ thời buổi kinh tế này, tôi xem công việc khó khăn lắm, không dễ mà kiếm được miếng cơm manh áo.
- Phải, cái nghề người khôn của khó... Đến ngay như tôi, không phải nói khoác chứ, có thể làm hái ra tiền, thế mà bây giờ cố lắm cũng chỉ vắt mũi đủ đút miệng là khá.
Lão cu Tị biết anh chàng nói dối, nhưng cũng ậm à cho xong việc.
Cai Tứ ăn xong, gọi lấy bàn đèn rồi giữ lão cu Tị lại hút thuốc phiện. Tứ kể lể mãi cho ông già nghe cái lai lịch và mánh khoé làm tiền của hắn khi hắn còn làm ở các mỏ khác như Phấn Mễ, Uông Bí hoặc Vàng Danh.
Thuật chán tai, xin phép bố về trước lấy cớ mai còn dậy để đi làm.
Tác giả: Lan Khai
1
Một hồi còi rúc lên trong đêm tối mờ... Thuật vừa nuốt xong miếng cơm cuối cùng với một gắp dưa chua, bèn chiêu vội hơi nước vối, đoạn mở cửa chạy ra ngoài. Cùng lúc ấy, hàng trăm người khác cũng từ các túp nhà tranh lụp xụp ở xóm culi hiện ra lố nhố, chạy hấp tấp như đàn vật bị dồn đuổi...
Giữa khoảng mù mịt của một buổi sớm tinh sương ngày tháng chạp mưa phùn gió bấc, họ kéo nhau lũ lượt trên những con đường nhỏ lầy lội đi về phía nhà máy hiện lù lù trên đồi cao, như con quái vật nham hiểm có hàng trăm con mắt vuông đỏ đòng đọc, mở gườm gườm nhìn xuống chân đồi. Con quái vật đang gầm gừ chờ đợi đám mồi ngon của nó.
Trên dải đường lầy lội, bọn culi mỏ vẫn đi thấp thoáng như lũ tù dây hay một đàn quỷ đói: Hàng trăm ngọn đèn dầu sở họ cầm vung văng ở tay bị gió lạnh lập lòe như những ánh ma trơi. Dưới gót chân họ, bùn nước láp nháp lạnh như băng, khiến họ tê cóng... Những giọng nói kè nhè ngái ngủ nổi lên thành một mớ tiếng ồn ào gồm có những câu oán trời oán đất, nguyền rủa vu vơ hoặc chửi bới lẫn nhau tỏ ra rằng các linh hồn khốn nạn đó lúc nào cũng chứa đầy những uất ức, những khổ não không biết rõ nguyên cớ từ đâu.
Đi tới chân đồi, bọn culi nhà máy cùng nhau trèo dốc; bọn phu than thì tản vào các lối nhỏ chạy về phía các cửa lò.
Thuật ở trong bọn phu lò này. Tối hôm qua bố hắn, lão cu Tị, một tay thợ mỏ làm với mỏ đã lâu năm, đã đưa hắn lại nhà ông cai Tứ để xin việc cho hắn và buổi làm này tức là buổi đầu tiên nó mở đầu cuộc đời phu mỏ của Thuật.
Thuật là một anh con trai nhà quê mới mười chín hai mươi tuổi. Người anh ta cả ngang vì thân thể to lớn ngực nở, bắp tay bắp chân rắn như sắt, Thuật nói năng và cử chỉ chậm chạp nhưng chắc chắn, hiền lành nhưng hay cục mà lúc Thuật đã cục thì liều lĩnh vô cùng... Trước kia, Thuật vẫn ở nhà quê tận vùng Nam Định để trông coi mấy sào ruộng cho bố. Nhưng từ khi lão cu Tị thua cờ bạc và bán mấy sào ruộng ấy đi rồi thì Thuật không còn biết làm công việc gì nữa, lão cu Tị bèn đánh giấy gọi Thuật lên để xin cho Thuật một chân phu kíp. Thế là đội quân ốm đói của mỏ lại thêm một tên nữa và trong lũ mồi ngon của Cực Khổ lại thêm được một linh hồn.
Thuật nghĩ mà buồn. Hắn nhớ lại những việc lôi thôi xảy ra hàng ngày giữa cha và mẹ hắn từ hôm hắn lên đây. Cha hắn là một tay thợ giỏi nên kiếm cũng ra tiền; nhưng kiếm được đồng nào lão cu Tị lại uống rượu và đánh xóc đĩa nhẵn cả. Mỗi tháng lão chỉ đưa cho vợ được ít nhiều, có khi không đủ trả tiền gạo tiền thức ăn và củi nước, ấy thế mà cứ say rượu vào là lão hạch sách hết điều này, đến điều khác, lão chửi bới và còn đánh vợ là khác nữa. Hình như chính cuộc đời của lão khiến lão khổ sở như quanh năm suốt tháng phải mang vác nặng trên lưng, lão uất ức mà không hiểu rõ nỗi uất ức của mình tự đâu mà có nên lão càng uất ức. Rồi, giận cá chém thớt, lão còn cách gì tỏ được cái sầu muộn trong lòng nên đành trút cả lên đầu vợ. Mụ già thực là cái bung xung của chồng. Cuộc đời của mụ là một cuộc đời lặng lẽ và tăm tối, lúc nào cũng đợi chờ sự đánh đập và những câu chửi bới. Thân thể mụ bị gò gập dưới công việc và sự hành hạ quá đáng nên cử động thường rụt rè như lo sợ va chạm phải cái gì. Trên gương mặt mà đau khổ đã vạch những nét nhăn sâu, lờ đờ hai con mắt hiền từ, nghĩ ngợi... Một vết sẹo dài ngang trán khiến cho vẻ nhẫn nhục của mụ già cang thêm thảm đạm. Thuật từ bé vẫn quen sống ở những khoảng rộng với những công việc tuy nặng nề mà khỏe người nay lạc vào một không khí tối mù những bụi than đã làm khó thở lại thêm hằng ngày phải lặng lẽ chứng kiến những việc lôi thôi trong gia đình, Thuật cảm thấy tấm lòng lúc nào cũng như thắt lại. Thuật rất thương mẹ nhưng anh không dám nói gì cha. Anh cho rằng tính cha như thế và số của mẹ là phải vất vả thì dù anh có muốn cũng chẳng làm khác được. Đã vậy, anh quyết đi làm để kiếm tiền thêm mang về giúp mẹ. Anh không thích làm mỏ nhưng ngoài cái việc ấy ra, Thuật cũng không làm cách nào để kiếm tiền.
Định bụng thế rồi, Thuật chờ lúc ông bố không say, không gắt bèn khẽ ngỏ ý mình. Lão cu Tị bằng lòng bảo Thuật:
- Ừ, mày cũng nên làm việc gì để giúp thêm vào sự ăn tiêu trong nhà, kẻo tao bây giờ già yếu rồi, kiếm không đủ.
Thuật biết rằng câu ấy nếu chẳng là một câu nói dối thì cũng chỉ là lời nói làm vẻ của một người cha mà thôi. Sự thực thì số lương của lão cu Tị có thể đủ cho sự ăn tiêu trong nhà nếu lão đừng đánh bạc và uống rượu. Không phải là Thuật trách cha ham mê cờ bạc rượu chè đâu. Thuật chưa thể trông thấy cái hại của hai thứ ham mê ấy như một nhà luân lý. Thuật cũng không hiểu mà ngay chính những người uống rượu và đánh bạc cũng không hiểu rõ cái nguyên nhân của hai sự ham mê ấy chỉ là cái đời vất vả, tẻ ngắt mà họ phải sống như một lũ tù khổ sai.
Thực thế, những nhọc mệt kế tiếp ngày này sang ngày khác làm cho thân thể họ rã rời, ăn không biết ngon miệng nữa. Thế là họ phải uống rượu để cho các bộ phận trong mình hăng lên họa may còn thấy đói và còn tiêu hóa được. Cái kết quả ấy làm họ tưởng nhầm cái hiệu lực của rượu và đổ sự mệt mỏi cho thủy thổ miền rừng. Nhưng đi làm quần quật suốt ngày về ăn miếng cơm, uống hớp rượu xong rồi chẳng nhẽ lại chúi đầu đi ngủ? Cái u ám, cái tẻ ngắt của đời bọn người lao động xấu số ấy đem lại cho linh hồn họ một cái buồn vu vơ mà rất ám ảnh. Họ phải tiêu sầu. Họ phải đánh bạc vì ngoài cái hiệu lực giải trí, đánh bạc còn đem cho họ cái hy vọng thoát khỏi sự túng bấn khổ sở hằng ngày. Thuật chỉ thấy quanh mình anh ta phần nhiều ai cũng đánh bạc, cũng nghiện rượu hết và Thuật cho rằng đó chỉ là sự ngẫu nhiên không tránh được.
Buổi tối hôm ấy khi cơm nước xong, lão cu Tị đưa Thuật lại nhà ông cai Tứ.
Trời gió rét lại thêm mưa phùn lăn tăn hắt vào mặt như trăm nghìn mũi kim lạnh buốt. Thuật theo ông bố đi qua những con đường nhớp nháp chạy ngoắt ngoéo trong đêm tối. Anh ta có cảm giác như người vào sâu một cái hang không có lối ra.
Lão cu Tị dẫn Thuật vào nhà cai Tứ giữa lúc lão này đang cười nói oang oang bên một chai rượu, trước mặt một đám cu-li rách rưới.
Cai Tứ là một người đàn ông thấp và gầy, tuổi độ bốn nhăm, năm mươi. Mặt lão vuông nhưng hai má hóp lại. Dưới cặp lông mày lởm chởm trên gò xương, lấp lánh đôi mắt gian hùng. Mũi lão gồ sống mương nhòm xuống bộ ria mép lúc nào cũng hình như giấu giếm đậy điệm cái mồm toe toét tối om như cái cửa hang, trong đó, đỏm đang mấy chiếc răng vàng hợm của.
Khi nào lão mặc ta, đầu đội khăn xếp, chân đi giày gia định, bít tất trắng thì người ta có thể nhầm lão với một tay lại già thâm hiểm. Còn những khi lão đi đâu như đi ăn khách hay xuống trọ cô đầu, lão hay đi hát lắm vì lão tự đắc rằng chơi sành và cô đầu vẫn say lão như điếu đổ, cai Tứ hay diện tây, mũ rộng vành, quần vòi voi, áo cũn cỡn, thì ai thoạt nhìn cũng biết ngay là một tay thầu mỏ hay hợm của và khôi hài một cách thảm đạm.
Đối với gái, lão vung tiền qua cửa sổ để chuốc lấy một tiếng hào phóng vụng về nhưng với cu-li dưới quyền lão, với những kẻ khốn khổ hàng ngày vẫn làm giàu cho lão thì cai Tứ trái lại rất nghiệt ngã. Ra chỗ xã giao lão huếch hoác khiến người ta cười thầm bao nhiêu thì ở chỗ công việc lão ậm ọe ta đây khiến bọn đàn em bực mình bấy nhiêu. Lão hay cúp công, hay bắt nạt nên không ai ưa lão mà hết thảy đều ghét lão.
Tuy vậy, lão vẫn thường vui tính đáo để, những lúc ấy là lúc lão say rượu. Lão cười sằng sặc, lão to tiếng bỡn cợt với bất cứ ai một khi trong chai còn có rượu.
Thoạt thấy lão cu Tị, Tứ cười và làm như bắt được của:
- Kìa, bố già! Đi đâu đấy?
- Không dám, lạy ông.
- Lên đây, tiên sinh.
Lão cu Tị ghé ngồi vào một góc giường trong khi Thuật khoanh tay đứng dựa cột.
Cai Tứ hỏi:
- Chén rồi chứ?
Lão cu Tị giảng:
- Tôi đã vô phép cơm ông rồi.
- Thế nghĩa là chưa rượu chứ gì? Tốt lắm!
Quay lại phía sau, cai Tứ gọi:
- Lấy thêm cốc đây, mày!
Một tên phu đưa cốc.
Cai Tứ rót rượu mời khách:
- Này, cụ làm một cốc chơi cho đỡ lạnh.
Giơ hai tay đón cốc rượu, lão cu Tị lúng túng đáp:
- Vâng, ông để mặc tôi!
- Thì chén đi cho vui. Thế nào? Dạo này không đánh chác gì à?
- Thua mãi! Đen như chó mực thì còn đánh chác gì được!
- Lại đây chơi hay cụ có muốn hỏi gì nữa không?
- À, tôi muốn thưa với ông cho thằng cháu một chân làm than.
- Đẩy goòng hay xuống lò?
- Xuống lò làm khoán ạ.
- Được! Thế cụ định hôm nào cho bác ấy đi làm?
- Nếu có thể được thì mai cháu đến.
Cai Tứ nhìn Thuật lấy giọng kẻ cả:
- Anh ấy kia phỏng? Được! Mai sớm hễ còi thì ra trực sẵn ở cửa lò rồi tôi cắt việc cho mà làm.
Thuật lễ phép:
- Thưa vâng.
Cai Tứ tiếp:
- Làm ở dưới lò thì tôi cứ khoán cho từng bọn một. Mỗi ngày phải đủ cho tôi mười goòng than. Bảo nhau mà làm. Công thì min-nơ ăn công nhất rồi đến tay nào làm khỏe được công nhì, công ba, công tư. Anh, tôi xem dáng khỏe mạnh thế kia, có thể làm tốt được. Nếu chịu khó, tôi sẽ cho ăn công nhì ngay.
- Cảm ơn ông.
Tứ là một tay cai khoán thông thạo nhất, lại hẩu với chủ nên hắn rất phát tài. Lão cứ nhận mỗi tháng làm cho chủ mấy trăm goòng than, mỗi goòng tám chín hào chẳng hạn thế rồi lão mộ phu làm, tính cho phu mỗi goòng độ bốn hào nếu lò ở xa và khó lấy, hai hào rưỡi nếu lò ở gần và dễ lấy. Sống bằng mồ hôi nước mắt của bọn phu, lão phát tài lắm. Một mình lão có đến bốn vợ, cứ thay phiên nhau lên ở với lão mỗi người dăm tháng, hết phiên lại về nhà quê. Người ta bảo ở quê lão, ruộng nương lão tậu mỗi ngày một nhiều, nhà ngói cây mít đủ cả. Vợ cả lão mỗi tháng mò lên một chuyến thăm chồng, khi về lại mang theo vài ba trăm bạc, ấy là chưa kể những tiền lão tiêu riêng khi đánh xóc đĩa và cho cô đầu là khác.
Sự bóc lột kẻ nghèo ấy, bọn phu phen hình như quen rồi nên không lấy làm tức giận. Đôi khi cũng có người phàn nàn nhưng là nói giấu mà thôi. Bị áp chế đã quen đi, bọn người khốn nạn ấy không còn có nhân cách và tinh thần phấn đấu nữa. Họ chỉ đổ liều cho số phận. Họ lại còn sợ một điều tai vách mạch rừng, nói ra không khéo đến tai kẻ có tiền có thế thì lôi thôi cho họ, có khi mất việc làm cơm ăn nữa. Ngay họ với nhau cũng không dám tin nhau.
Trong sự giao thiệp hàng ngày của chính bọn phu ấy vẫn có sự lừa lọc, phản trắc, cày bẫy, khuynh hại lẫn nhau rồi. Sự ngu dốt khiến cho họ nhiều khi phạm vào những tội ác một cách vô lý.
Vì những lẽ kể trên mà bọn phu lao động, dù bị hà hiếp đến đâu họ cũng đành cắn răng cam chịu. Họ tự nhủ lòng:
- Cái số mình vất vả thì thôi đành cứ làm tôi ngay ăn mày thật, chẳng ca thán làm quái gì cho thêm lôi thôi.
Rồi họ cứ cắm đầu cắm cổ làm và làm, làm để ngày kiếm lấy vài lưng cơm hẩm, để còn thừa đồng nào thì uống rượu, hút thuốc phiện hoặc đánh bạc, lấy các thứ ấy mà khuây sự phẫn uất nó ám ảnh trong lòng. Cuộc đời của họ cứ như thế cho đến lúc chết. Nó cũng chẳng khác gì cái cuộc đời của những con trâu con bò hay con ngựa thồ.
Lão cu Tị thấy cai Tứ giảng giải mãi vội ngắt lời, như tỏ ra rằng gì chứ đến những việc làm trong mỏ thì ta đây không cần ai dạy bảo thêm điều nào nữa:
- Thưa ông, các điều ấy tôi đã giảng cho cháu biết cả.
- À, nếu vậy lại càng hay lắm!
Quay lại Thuật, cai Tứ nói tiếp:
- Thế anh đã có xẻng cuốc và đèn chưa? Nếu chưa có thì mai ra làm sẽ lĩnh của sở rồi cuối tháng sẽ trừ vào lương của anh cũng thế.
- Vâng.
- Vả lại có đi đâu mà thiệt. Nó là những khí dụng cần thiết cho mình cơ mà. Không có bột sao gột nên hồ được! Sau này, khi nào mình không muốn làm với mỏ nữa thì mình bán lại cho anh em.
Lão cu Tị cười:
- Ông tính những thứ đồ dùng ấy lúc đem bán lại thì ma nào nó mua, mà phỏng thử có người mua thì bán được là bao!
- Ấy là nói chuyện thế!
- Vả lại, cháu nó hầu hạ ông đây cũng mong về lâu về dài chứ thời buổi kinh tế này, tôi xem công việc khó khăn lắm, không dễ mà kiếm được miếng cơm manh áo.
- Phải, cái nghề người khôn của khó... Đến ngay như tôi, không phải nói khoác chứ, có thể làm hái ra tiền, thế mà bây giờ cố lắm cũng chỉ vắt mũi đủ đút miệng là khá.
Lão cu Tị biết anh chàng nói dối, nhưng cũng ậm à cho xong việc.
Cai Tứ ăn xong, gọi lấy bàn đèn rồi giữ lão cu Tị lại hút thuốc phiện. Tứ kể lể mãi cho ông già nghe cái lai lịch và mánh khoé làm tiền của hắn khi hắn còn làm ở các mỏ khác như Phấn Mễ, Uông Bí hoặc Vàng Danh.
Thuật chán tai, xin phép bố về trước lấy cớ mai còn dậy để đi làm.
Comment