Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương - Ngô Thị Giáng Uyên

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Biết đâu Lloret De Mar...





    Lloret De Mar đón tôi bằng cái nắng chói chang như táp vào mặt, cái nắng chỉ có ở những vùng biển Tây Ban Nha dễ làm chóng mặt những ai đến từ những nước phương Bắc xa xôi đầy mưa phùn. Đôi bạn trẻ khách du lịch người Đức dẫn tôi tìm đường đến nơi ở chìa cánh tay ra, bảo "Mới mấy ngày mà tụi này đã bị cháy da rôi đây, cẩn thận nhé nắng không chừa ai đâu".



    Hành trình đến Lloret De Mar mệt hơn tất cả những chuyến đi trong đời. Bị lỡ chuyến bay ở sân bay London Stansted, tôi phải đóng thêm tiền và ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ để bay một chuyến khác đến Reus - cách nơi tôi muốn đến gần ba trăm cây số. vừa tiếc tiền, vừa mệt vì phải đổi tàu và xe buýt suốt một ngày tròi, đến Lloret De Mar tôi không thiết tha gì ngắm cảnh mà nằm ngủ li bì.

    Khi tôi thức dậy, thành phố trông cũng không khá hơn mấy. Trước khi tôi qua, mọi người báo trước "Đã đi du lịch biển ở đó thì không có gì "văn hoá" đâu nhé, chỉ toàn thấy khách du lịch người Anh và Đức nốc sangria suốt ngày thôi!" Vốn quen tản bộ trên những thành phố êm đềm vời những ngôi nhà xưa hoa nở trên bệ cưả sổ, tôi choáng ngay trên đường ra bờ biển Lloret De Mar, với những con đường hẹp ồn ào đầy những cửa hàng bán đồ lưu niệm và quần áo rẻ tiền khắp nơi. Bờ biển nắng chói chang, chật chội với những cây dù đủ màu sặc sỡ và khách du lịch nằm sắp lớp phơi nắng. Tôi thở dài, đeo kính đen tránh ánh nắng chiếu thẳng vào mặt rồi lôi cuốn sách đem từ nhà sang nằm trên cát đọc.

    Lloret De Mar nằm phí Nam Costa Brava (có nghĩ là "Bờ biển gồ ghề" trong tiếng địa phương), cùng với Costa Blanca cà Costa del Sol là ba vùng biển thu hút nhiều du khách Châu Âu nhất Tây Ban Nha. Trải dài từ Blanes đến biên giới nước Pháp, Costa Brava vốn nổi tiếng với những mỏm đá cao cút, núi non cây cối xanh um, bờ biển trải dài nước trong xanh như lọc. Nhưng từ khi phát triển du lịch, Những toà nhà xấu xí đua nhau mọc lên, du khách kéo đến đông như kiến, vùng biển cũng mát đi nét nguyên sơ ngày trước. Tôi ngao ngán bảo Daniel cũng đang chán nản ngồi bên cạnh nhìn khách du lịch ồn ào xung quanh "Có những nơi mình đi nhưng biết chắc chắn sẽ có ngày trở lại: Paris hay Vienna chẳng hạn. Cũng cs nhưng nơi mình đi nhưng biết chắc chắn sẽ không bao giờ quay lại lần nữa..." Tôi bỏ dở câu nói, nhưng anh hiểu ý ngay, gật đầu đồng tình.

    Nhưng đến khi nắng bắt đầu tàn và mọi người xếp khăn tắm, cuốn dù rải rác ra về, bờ biển tĩnh lặng hơn và cũng đáng yêu hơn phần nào. Gió biển thổi hiu hiu mang theo vị mặn rất đặc trưng mà lâu lắm tôi không có dịp cảm nhận. Ánh nắng hoàng hôn lấp loáng rọi xuống mặt nước biển xanh và sâu thẳm sõng tung bọt trên những mỏm đá gần bờ cát. Chúng tôi tản bộ trên một con dốc bậc thềm lát đá phía tay phải bờ biển. Từ trên dốc đá, có thể nhìn thấy những cơn sóng buổi chiều lăn tăn bên đươi, cạnh những quả bóng màu vàng thả bập bềnh trên biển đến tận bờ để thuyền bè biết đường cập bãi cát. Dưới nắng hoàng hôn, những ngôi nhà cao tầng mới xây trên con đường doc bãi biển trông cũng dễ nhìn hơn ban sáng.

    Phía bên kia đồi, cách khoảng mười lăm phút đi bộ là một quán cà phê cheo leo trên vách đá. Khách du lịch đang vừa uống nước vừa ngắm hoàng hôn buông xuống biển. Chúng tôi không đến đó mà xuống đồi, tiếp tục đi bộ trên bãi cát ướt mịn màng cho những con sóng mơn man trên bàn chân. Tôi sục chân xuống cát, nhớ những ngày về Nha Trang cũng cát vàng biển xanh thế này, thỉnh thoảng còn bắt gặp những con còng gió chân dài chạy lăng xăng trên bãi cát và những vỏ ốc trắng muốt sóng đánh dạt vào bờ. Ở đây tuyệt nhiên không thấy một vỏ ốc nào, có lẽ tất cả đã nằm trong những cửa hàng bán đồ lưu niệm, bán cho khách du lịch với giá cắt cổ 7 euro một túi (khoảng 140 000đ). Chỉ an ủi một điều tuy Lloret de Mar và biển Tây Ban Nha nói chung đông đúc ồn ào nhưng mọi người ý thức không xả rác nên khắp bãi biển vẫn sạch sẽ.

    Ngày hôm sau, chúng tôi qua con dốc phía bên kia, không có bậc thềm mà thay bằng con đường lát đá quanh co phía trên biển, với một bên đại dương, một bên vách núi mọc đầy thông xanh. Cheo leo trên đồi là toà lâu đài qua mấy trăm năm nắng gió xứ Catalan còn đứng đó, in bóng lên nền trời xanh. Tôi đứng im lặng, tưởng tượng hàng mấy thế kỉ trước những gia đình hoàng gia cũng đứng nơi này, tự hào nhìn toà lâu đài kiêu hãnh được bao bọc bằng tường đá, với nắng hoàng hôn dát vàng và gió biển làm lao xao những cây thông xanh ngắt xung quanh. Thỉnh thoảng một trái thông rớt xuống thềm đá làm giất mình con chim hải âu đang đứng tư lự trên mỏm núi.

    Xung quanh chúng tôi tren con đường đá rất vắng người. Lúc đó, tôi nghiệm ra ắt hẳn Lloret de Mar trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng nhờ toà lâu đài đẹp như trong truyện cổ tích này. Nhưng du khách đến đây 99% chỉ cắm dù trải khăn xuống cát tắm biển từ trưa tới chiều. Tối thì vào những quán bar Bogeda nốc sangria như nước lã, xong vào discotheque đến rạng sáng mới về phòng, ngủ đến trưa rồi lại mang dù và khăn ra biển. Chẳng ai buồn leo dốc lên thăm mỏm đá chênh vênh và toà lâu đài bị bỏ quên. Những ai khi trước vốn yêu toà lâu đài và hoàng hôn êm đềm trên con đường đá thì từ lâu đã bỏ phố biển xứ Catalan ồn ào náo nhiệt này để đến những nơi khác thanh bình hơn. Vì vậy chúng tôi một mình hít căng hơi gió biển hè mát rượi, nhìn con thuyền buồm xa xa và cành thông vắt ngang đu đưa trong nắng chiều.

    Những ngày ở phố biển qua nhanh, buổi sáng khi xách hành lý ra bến xe buýt, tự nhiên tôi hơi buồn, cái buồn khi quay lưng lại một nơi mình biết sẽ không bao giờ trở lại lần nữa. Biết đâu một ngày nào đó Lloret de Mar sửa sang lại những ngôi nhà bê tông xây cẩu thả, khách du lịch đến đây bớt uống sangria thâu đêm, bãi biển vắng bớt người. Biết đâu những cửa hàng bán quần áo và đồ bơi rẻ tiền nhốn nháo dọc đường được thay bằng những quán ăn thanh bình có hoa tươi trên đầu, và toà lâu đài vẫn còn đó, nơi đại dương vẫn vỗ những cơn sóng bất tận vào bờ... Nhưng tất cả những điều "biết đâu" ấy sẽ không b ao giờ thành sự thật nên tôi kéo tay Daniel bước lên xe buýt. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi sẽ đến Barcelona...



    ____



    Lịch lãm Stockholm





    Khi tôi và Alastair, anh bạn người Anh cùng khu nhà, quyết định đi Stockholm, cô gái Đan Mạch cũng ở chung với chúng tôi tròn mắt "Sao Paris, Rome... không đi lại đi Thuỵ Điển?". Sau này tôi mới hiểu được cảm xúc của cô cũng giống như của tôi khi hững bạn nước khác khoe: "Mình sắp đi Bangkok chơi nhé!", tôi cũng ngạc nhiên "Sao Trung Quốc, Ấn Độ... không đi, lại đi Thái Lan?". Một sự ghen tị ngấm ngầm mà những người láng giềng hay dành cho nhau chăng? Đan Mạch và Thuỵ Điển đều là những nước Nordic, với ngôn ngữ, kiến trúc và văn hoá đặc trưng Bắc Âu, giản dị và thanh lịch với những ngôi nhà xưa xinh xắn bên hồ và những người dân tóc vàng mắt xanh hiếu khách.



    Vốn thích phố cổ với những con đường nhỏ nhắn lát đá cuội và nhà xưa muôn màu nên ngay ngày đầu tiên, tôi quyết định đến thẳng Gamla Stan. Khu phố cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn từ thế kỷ 13 vì Stockholm may mắn thoát khỏi những tàn phá của hai cuộc chiến tranh thế giới. Trên đường từ khu Bondegatan, nơi chúng tôi ở với một gia đình người địa phương trong khu chung cư với nột thất trang trí y như vừa bước ra từ cuốn catalogue của IKEA, thành phố quả là một ví dụ rõ nét của sự kết hợp giữa Swedish grace và minimalism.

    Swedish grace (tạm dịch: Sự duyên dáng kiểu Thuỵ Điển) là cụm từ được biên tập viên tờ Kiến TRúc của Anh Architectural Review đặt ra vào đầu thế kỷ 20, thời hoàng kim của kiến trúc đất nước lớn nhất vùng Scandinavia này. Ngày nay, Swedish grace vẫn là nguồn cảm hứng cho kiến trúc và design của Thuỵ Điển được cả thế giới ngưỡng mộ. Nhấn mạnh vào chi tiết, các kiến trúc sư địa phương đã cộng tác với những nghệ nhân gỗ, thuỷ tinh, kim loại... để tạo ra những chiếc cổng, cửa ra vào tinh tê, những tay vịn cầu thang, mái vòm, đầu hồi... duyên dáng và tao nhã. Về sau, kiến trúc và nội thất hiện đại Thuỵ Điển đổi thành minimalism (trường phái cực thiểu), với phong cách giản dị nhưng sang trọng, dùng nhiều gam màu lạnh và "đằm" rất Bắc Âu. Một người địa phương tôi đọc được trên Internet cho biết "Có một từ trong tiếng Thuỵ Điển: lagom, nghĩa là "vừa đủ", không quá nhiều cũng không quá ít. Đó là cả một triết lý sống của Thuỵ Điển, không chỉ áp dụng trong kiến trúc mà còn cả ẩm thực, quần áo... Bạn không muốn nổi bật, nhưng bạn muốn có tất cả những gì bạn cần".

    Nhưng dù đó là Swedish grace hay minimalism, giản dị, lịch lãm và xinh đẹp vẫn là những cảm nhận của tôi về thành phố được xây trên 14 hòn đải này. Stockholm được tạo thành từ ba phần bằng nhau: một phần nước, một phần công viên và một phần đô thị. Nước ở Stockholm rất sạc và xanh biếc, in bóng những thuyền đi biển đồ sộ, những ngôi nhà vuông vức nhỏ nhắn và lá vàng lá đỏ của mùa thu Scandinavia. Vì hệ thống kênh rạch và đảo nhỏ nhiều nên Stockholm thương được ví nhe Venice của phương Bắc. Tôi rất tâm đắc câu nói khá "sưng sỉa" của một nhà báo người Thuỵ Điển đang sống ở Mỹ trong một bài viết trên tờ New York Times về những ưu việt của quê hương mình so với thành phố nước Ý. Đại loại "tại sao lại ví Stockholm như Venice của phương Bắc, đáng nhẽ phải gọi Venice là Stockholm của phương Nam mới đúng chứ". Khách quan mà nói, đối với tôi Venice lãng mạn, nhiều màu sắc, yêu kiều, dễ làm người ta say mê hơn..., nhưng Stockholm làm tôi thấy dễ chịu hơn, tránh được "lực lượng" du khách đông nườm nượp, lại hiểu thêm được nhiều về sinh hoạt người dân địa phương, thành phố lại đẹp theo kiểu rất trầm. Tôi tự ví Venice như một cô tiểu thư yểu điệu thời Phục Hưng với đầm dài lướt thướt đính hoa phớt hồng, còn Stockholm như một nữ doanh nhân trẻ không kiểu cách nhưng sang trọng, xinh đẹp trong bộ váy ngắn cắt khéo.

    Để đến khu phố cổ, chúng tôi đi ngang Grand Hotel. Từ khi giải Nobel ra đời, đây là nơi dành riêng cho những học giả được giả đến dự lễ tại Stockholm hằng năm. Dù không được giải Nobel, bạn cũng có thể ở một trong những phòng suite dành riêng cho những học giả lỗi lạc ấy (dĩ nhiên phải trừ dịp trao giải rồi) nều bỏ ra số tiền tương đương 23 triệu đồng một đêm. Cũng không đến nỗi quá đắt so với vật giá "trên trời" của BẮc Âu, vì khách sạn năm sao này nằm ở vị trí tuyệt vời. Từ phòng ngủ có thể nhìn thấy bến cảng với những con thuyền neo đậu, phía xa xa là Kungliga Slottet, cung điện hoàng gia đồ sộ với kiểu kiến trúc Baroque lịch lãm và quý phái.

    Khi chúng tôi đến Gamla Stan, trời đã ngả về chiều và những cơn gió hiu hiu đã làm người đi đường phải khép lại áo khoác. Chúng tôi ngồi nghỉ chân trên bắng ghế gỗ sơn đen kê dọc quảng trương Stortorget, từng có trong một bức ảnh nổi tiếng của ban nhạc nhười địa phương ABBA, làm tôi tự nhiên nhớ đến những bài hát vang bóng khi mới tập tành nghe nhạc tiếng Anh, những "Ghimme", "Happy new year", "Dancing queen"... của một thời. Nắng hoàng hôn của mặt trời phương Bắc nhuộm vàng óng những ngôi nhà vài trăm năm tuổi với ô cửa sổ vuông vắn xinh đẹp. Mấy giỏ hoa đỏ tươi cạnh ghế ngồi của chúng tôi vừa được tười xong, nước nhỏ long tong từ cánh hoa xuống đất.

    Comment


    • #17
      Giống như mọi khu phố cổ ở những thành phố lớn, Gamla Stan cũng có rất nhiều shop cho du khách, nhưng đồ lưu niệm ở đây tinh tế, bớt xô bồ hơn và vì thế cũng đắt tiền hơn. Trong những shop nhỏ xinh xắn được sắp xếp rất thẩm mỹ, tôi say mê nhìn những đồ trang trí được bện bằng rơm vàng óng. Búp bê len toét miệng cười và những con tuần lộc bằng gỗ được đẽo gọt rất công phu, khác hẳn với những đồ lưu niệm made in China rât "chụp giật" ở những khu phố du lịch Châu Âu khác. Đường phố ở đây rất hẹp, chỉ dành cho người đi bộ, lao xao tiếng nói cười. Phố cổ được phối màu hài hoà, đặc biệt khi bạn băng qua hết shop lưu niệm đến phía nam khu phố, tĩnh lặng và ngái ngủ với những căn nhà màu hồng và vàng nhạt có mái đầu hồi uốn lượn, nghiêng nghiêng trong những giọt nắng sắp tắt hẳn.

      Kỉ niệm vui nhất của tôi ở Stockholm vẫn là ở cửa hàng bán thức ăn Thổ Nhĩ Kỳ doner kebab gần khu chúng tôi ở. Hôm đó là lần thứ hai chúng tôi ăn ở đây vì món ăn ngon, giá cả cũng tương đối chấp nhận được. Khi hai đứa đang ngồi say sưa gặm bánh kabab nóng hổi kẹp thịt bê nướng thơm ngon "nhức răng" và rau trộn chua chua giòn giòn, tôi muốn ăn thêm một chiếc bánh nữa giá 60 kronor (*) nhưng vì muốn tiết kiệm để dành tiền đi chơi nên quyết định sẽ mua 30 kronor tiền thịt bê không thôi. Cũng cần phải nói thêm ở những hàng ăn châu Âu kiểu này ít khi có "vụ" bán thức ăn thêm như ở Việt Nam, muốn ăn thêm bạn phải mua nguyên phần. Alastair một mực "mua thịt không kiểu đó ai mà bán, hỏi làm gì cho mất công không biết nữa", nhưng tôi vẫn nhất quyết đứng lên đi về phía quầy.

      Hai anh chàng đứng sau quầy ban đầu có vẻ ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi, nhưng vẫn vui vẻ lấy dao xắt thịt từ một tảng thịt nướng lớn treo trên vách tường. Tôi bắt đầu lo lằng khi thấy các anh xắt thịt hơi quá tay, hình như nghe lộn tôi muốn 300 kronor thì phải. Dĩa thịt hai anh xắt ra nhiều gấp mấy lần thịt kẹp trong bánh. Một anh còn gắp thật nhiều rau trộn và ớt ngâm dấm vì biết tôi thích ăn cay từ những lần mua bánh trước. Đến lúc trả tiền, tôi rụt rè đưa tờ 50 kronor ra, tưởng tượng hai anh sẽ ngạc nhiên: "Ủa, sao nói mua 300 kronor tiền thịt mà đưa có bấy nhiêu thôi?", vậy mà họ lại xua tay không lấy tiến và cười vui vẻ.

      Tôi hỏi lại lần nữa cho chắc, một anh cười bảo: "Tặng cô đó". Tôi cảm ơn rồi hí hửng mang "chiến lợi phẩm" lại bàn. Alastair tròn mắt: "Trời, họ bán thêm thịt thiệt đó hả?". Tôi đắc thắng: "Không bán mà tặng luôn". Ông bạn thấy vậy bắt chước mang bánh lại hỏi mua thêm 30 kronor tiền thịt thêm, nhưng chỉ một phút sau đã quay lại, ỉu xìu: "Họ nói không bán thịt thêm" làm tôi ôm bụng cười khùng khục. Khi chúng tôi rời hàng ăn, anh còn cằn nhằn: "Làm con trai ở châu Âu khổ quá đi, vài bữa nữa chắc mình phải qua... Hàn Quốc sống quá!".

      Trước khi sang Stockholm, Alastair có báo phải về trước tôi một ngày. Tôi biết anh chàng này "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà". Vả lại sau Thuỵ Điển tôi còn cả tháng phiêu bạt châu Âu trước khi về Anh lại nên cũng thông cảm. Ngày cuối cùng của anh ở Stockholm, chúng tôi lên xe buýt đi một vòng thành phố. Khi xe đi ngang qua một trong số những cây cầu bắc qua hồ nước xanh phẳng lặng, không hẹn mà cả hai cùng giục: "Xuống xe nhé!" rồi dừng lại ở trạm gần nhất. Ban mai trong trẻo như một giọt sương, lá thu chưa đổi màu hết, đỏ ối chen lần xanh um xào xạc bền cầu. Phía xa, những con thuyền nằm vươn vai trên mặt nước trải dài tít tắp, thỉnh thoảng một chiếc rẽ nước bơi làm xao động mặt hồ trong chốc lát rồi tất cả lại trở về trạng thái ban đầu. Ước gì được sống ở một trong những ngôi nhà xinh xắn như hộp diêm nằm sát mặt nước, có thể mở cửa sổ ra đón gió lồng lộng và ngắm bốn mùa qua như bóng câu.

      Hai ngày còn lại, tôi không ở ngôi nhà nội thất kiểu IKEA ở khu chung cư nữa mà chuyển đến gần Thuyền Đỏ (The Red Boat), ngay gần Gamla Stan. Giống như tên gọi, nhà nghỉ là một chiếc thuyền lớn sơn đỏ thắm, trước là thuyền đi biển thực thụ, sau về neo cạnh bờ làm nơi ở cho du khách trẻ. (Ở Stockholm còn có một nhà nghỉ trước đây là nhà tù, phòng ngủ là những... xà lim khi xưa, nhưng tính phiêu lưu của tôi cũng có giới hạn nên tôi quyết định không đặt phòng ở đó). Thuyền Đỏ được giữ lại những trang trí của thời tung hoành trên biển, với ván thuyền kêu cót két dưới bước chân, đồng hồ hàng hải treo trên vách, vật dụng bằng gỗ nâu và những chiếc đèn dầu cũ kỹ toả ánh sáng vàng ấm áp. Thuyền được neo gần bờ, nơi hồ Malaren gặp biển Baltic và là nơi hoạt động của cướp biển Viking cách nay hơn ngàn năm. Từ khung cửa tròn nhỏ nơi giường tầng tôi nằm gần boong thuyền, có thể thấy những chiếc tàu lớn lừng lững lướt qua. Buổi tối, cảm giác bồng bềnh nhè nhẹ trên mặt nước đưa tôi vào giấc ngủ sâu, mơ thấy mình đang đi dạo ở chợ ngoài trời Stockholm có những anh chàng bán trái cây và nấm tươi với tiếng rao hàng "hej hej" vui nhộn.

      Ngày cuối cùng, khi tôi đang chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi kế tiếp, tình cờ đưa mắt về khung cửa tròn nhỏ ấy, cảnh chiều buông làm tôi sững sờ. Ngay lập tức, tôi lấy máy ảnh chạy thật nhanh ra lan can thuyền như sợ nếu chậm chân khoảnh khắc ấy sẽ biến mất. Mặt nước xanh sóng gợn lăn tăn, vài tia nắng cuối ngày rớt xuống hắt bóng những ngôi nhà ven hồ với tháp chuông chọn như truyện cổ tịch xưa.

      Gió thổi lồng lộng hắt vào mặt tôi, mang theo vị mằn mặn của muối biển. Và tôi biết đây sẽ không phải lần cuối cùng tôi đến Stockholm, chắc chắn vậy!






      (*) Kronor, danh từ số nhiều của krona: Đơn vị tiền tệ Thuỵ Điển. 1 krona khoảng 2.400 đồng VN. Thuỵ Điển vẫn chưa gia nhập đồng tiền chung châu Âu.




      __________________

      Comment


      • #18



        Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương...






        Chuyến đi Thuỵ Sĩ lần thứ ba vào tháng 5-2006 cũng là chuyến đi châu Âu cuối cùng của tôi trước khi cuốn sách này ra đời. Tôi không màng đi dạo Banhhofstrasse, hồ Zurich hay khu phố cổ như những lần trước mà nằm lăn quay ra ngủ không biết trời đất sau những giờ bay mệt nhọc.



        Trong khi tôi ngủ li bì trong những cơn gió tháng năm tươi tắn và mát dịu thổi lùa qua những tàn lá li ti xanh mượt nghiêng vào ban công phòng, Daniel tình nguyện dẫn Alastair đi dạo quanh Zurich. Alastair cũng vừa bay từ Anh sang để gặp tôi và cả ba chúng tôi ở chung căn phòng nhỏ xíu của Daniel trong một căn hộ sinh viên yên tĩnh. Vài tiếng đồng hồ sau, hai người về kêu tôi dậy ăn trưa với kebab (*) mới mua. Trong khi hai anh chàng bắt ghế ngồi ăn cạnh bên, tôi ngồi nguyên trên giường vừa nhai kabab vừa uống nước, giống như một bệnh nhân được hai người đi thăm bệnh mua đồ ăn cho. Ăn xong, Aly hào hứng khoe thành phố đẹp lắm rồi rủ tôi đi chung, nhưng tôi xua tay rồi nằm lăn quay ra ngủ tiếp.

        Sau giấc ngủ dài, tôi theo hai "chiến hữu" đi bộ ra khu phố cổ gần nhà, một trong những nơi tôi thích nhất Zurich. Phố cổ Zurich là một điển hình của châu Âu tươi đẹp mà những ai có truyền hình cáp thường trầm trồ mỗi khi xem kênh Discovery Travel & Living, với những con đương lát đá cuội hẹp quanh co, hai bên là nhà cổ duyên dáng treo cờ Thuỵ Sĩ chữ thập trắng trên nền đỏ, bay lất phất trong cơn mưa phùn rây rây. Rất nhiều nhà ở đây được sơn những gam màu pastel - vàng, hồng nhạt, xanh da trời tươi tắn nhưng không sặc sỡ với nhiều ô cửa sổ be bé trồng hoa phong lữ. Mọi thứ ở đây đều hài hoà một cách khó tin, đến cả chiếc xe tải nhỏ chuyên giao thức ăn đang đậu cnahj hà hàng cũng được sơn vàng và vẽ những hình tròn đủ kích cỡ màu nâu làm ta liên tưởng đến phô mai Thuỵ Sĩ, không biết vô tình hay cố ý cũng thật hợp với những ngôi nhà ở đây. Những bục ximăng tròn làm ghế đặt giữa quảng trường luôn đông người ngồi trong cái nắng cuối xuân ngòn ngọt, nghỉ chân sau khi mua sắm ở những cửa hàng nhỏ xíu kê những chiếc bàn đặt rổ mây đựng trái cây tươi hay những đồ trang trí cũng nhỏ xíu bên ngoài vỉa hè.

        Lần nào đến đây, tôi cũng không khoit "A" lên khi gặp lại "cố nhân". Một chí bò bằng đá sơn màu xanh lơ nhạt có gương mặt rất sưng sỉa, cổ đeo chuông đồng đứng gác hai chân trước lên ban công thấp của nhà hang Bếp Thuỵ Sĩ (Swiss Chuchi). Sẵn đây, chữ Chuchi là một điển hình của việc tiếng Đức của người Thuỵ Sĩ (Swiss German) khác với tiếng Đức của người Đức đến mức nào. Để kiểm tra xem bạn có thật sự biết Swiss German hay không, dân địa phương thường đố bạn đọc được chữ Chuchichaschtli nghĩa là "tủ trong bếp" (trong khi tiếng Đức chính thống phải là Kuchekasten). Lần nào tôi cũng thành công và được người ở đây tròn mắt thán phục vì chữ "ch" ở đây được đọc bằng âm tương tự âm "kh" trong tiếng Việt không phải ai cũng đọc được. Ngoài chú bò làm tôi nhớ những cánh đồng xứ Alps xanh bạt ngàn nở hoa vàng hoa trắng li ti có những đàn bò đeo lục lạc gặm cỏ thật êm đềm, nhà hàng Bếp Thuỵ Sĩ còn có một điểm ấn tượng nữa là bộ bàn ghế sơn đủ màu kê xen kẽ vào nhau thật vuimawt bên ngoài. Tên nhà hàng và logo có mình một nồi phô mai vàng ươm, khiến ai cũng liên tưởng ngay đến fondue, món lẩu truyền thống với rất nhiều phô mai từ vùng nói tiếng Pháp Neuchatel miền Tây Thuỵ Sĩ, nấu với trứng và bơ, thêm ít rượu anh đào và vang trắng. Người ăn ngồi quây quần bên nồi lẩu phô mai sôi lục bục, xiên bánh mì mềm vào que dài nhúng vào thứ nước đặc quánh béo ngậy ăn ngon lành.

        Aly khều tôi: "Ê, sao Thuỵ Sĩ là nước trung lập mà nãy giờ thấy cảnh sát quá trời luôn? Lúc sáng ở nhà ga cũng vậy". Nhìn quanh thấy mấy anh chàng và cô nàng cảnh sát mặc đồng phục đang bước chầm chậm trong khu phố cổ, tôi ra vẻ kẻ cả (dù gì đây cũng là lần đến Zurich đầu tiên của Aly): "Nước trung lập đâu có nghĩa là không có cảnh sát? Thuỵ Sĩ không bao giờ có chiến tranh, nhưng quân đội họ rất mạnh. Không thấy con dao đa năng mình hau dùng được gọi là dao quân đội Thuỵ Sĩ (Swiss army knife) à?" - Daniel gật đầu xác nhận: "Đùng rồi, ở đây có một câu nói: "Thuỵ Sĩ không có quân đội, bản thân Thuỵ Sĩ là một quân đội". Nhìn mấy ngọn núi tuyết phủ kia bình yên vậy chứ toàn là pháo đài giấu trên đó, còn đồng cỏ bạt ngàn êm đềm cũng giấu bên dưới nhiều đường băng cho máy bay quân dụng mà mình không thấy thôi".

        Binh lính của Thuỵ Sĩ được gọi là "chiến binh sôcôla" như trong một bài báo của một cô phóng viên sách du lịch Fodors. Một phần chocolate là đặc sẳn của đất nước xinh đẹp này, một phần do binh lính ở đây được huấn luyện nhưng không bao giờ có dịp chiến đấu. Ngay cả trong chiến tranh thế giời thứ hai khi cả châu Âu loạn lạc, Thuỵ Sĩ không theo phe nào nhưng quân phát xít cũng như quân đồng minh không ai động đến lãnh thổ xứ Alps nhỏ bé diện tích chỉ bằng 1/8 Việt Nam. Tôi thích ví Thuỵ Sĩ như một con nhím, rất hiền lành không tấn công ai những vẫn luôn sẵn sàng đáp trả nếu có ai tấn công mình.

        Vừa đi vừa mải suy nghĩ, tôi không nhận ra mình đã băng qua Schipfe, một trong những góc xưa nhất thành phố, đã có từ trước thới Trung cổ và từng là trung tâm ngành công nghiệp lụa Thuỵ Sĩ. Giữa một nơi hiện đại và tấp nập như Zurich, thật sảng khoái khi được dạo quanh góc phố mang đạm chất bôhêmiêng với những shop đồ thủ công xinh xẻo và lãng mạn nghiêng bóng xuống dòng sông Limmat xanh màu ngọc lục bảo. Chúng tôi đi ngang mái vòm cầu, bước ra lại những con đường nhộn nhịp. Daniel cắt ngang nguồn suy nghĩ của tôi: "CÓ nhớ nhà hàng này không?". Làm sao không nhớ được khi cách đây chưa đầy hai năm tôi đã được tổ chức sinh nhật lần thứ 23 bất ngờ ở đây, một buổi tối cuối tháng 7 ấm áp và đầy sao. Đó là ngày cuối cùng khoá học quốc tế về môi trường và phát triển bền vững ở Braunwald, cả khoá lên Zurich ăn bữa tối chuẩn bị hôm sau ai về nước nấy. Tôi đang vừa ăn vừa buồn rầu nhìn thành phố lần cuối cùng thì giật nảy mình vì đội ngũ phục vụ bàn đang vừa hát một cách nồng nhiệt vừa bưng bánh kem có cả nến ra đứng bên bàn tôi từ lúc nào. Lần duy nhất sinh nhật tôi có người phục vụ cầm bánh trong khay ra hát Happy birthday ấy là "tác phẩm" của Karin, cô gái người Zurich tóc xoăn tít có gương mặt vui vẻ trong ban tổ chức chương trình học của chúng tôi năm đó.

        Hai ngọn tháp tròn của nhà thờ Grossmunter đã hiện ra trước mắt. Huyền thoại kể rằng Charlemagne cho xây nhà thờ này ngay tại nơi tìm thấy mộ của hai vị thánh tử vì đạo của thành phố. Tôi hào hứng rủ hai anh chàng trèo lên đỉnh tháp chơi ngắm toàn cảnh Zurich. Chỉ với hai franc mỗi người, bạn sẽ có được những phút giây thư giãn tuyệt đối trên đỉnh thành phố, nhìn hồ Zurich nước trong như lọc với những con thuyền thuôn dài rẽ nước bơi. Thành phố được quy hoạch tuyệt vời, với những mái nhà màu nâu xinh xắn như trong truyện cổ tích xen lẫn cây cối xanh um. Phía xa, rặng núi Alps quanh năm tuyết phủ trắng xoá nổi bật trên nền trời xanh biếc, nhấp nhô những ngôi nhà nhỏ trên thung lũng nhìn xuống bao la. Trông nhỏ nhắn, giản dị vậy thôi, chứ rất nhiều khả năng đó là ngôi nhà của các triệu phú qua Thuỵ Sĩ rửa tiền.

        Nhắc đến chuyện xài tiền, tôi quên không tả cho bạn nghe con đường Bahnhofstrasse hào nhoáng và xa hoa với những cửa hiệu thời trang sang trọng. Ở đó người ta thản nhiên bước vào rút thẻ tín dụng ra mua một chiếc đồng hồ Rolex trị giá vào trăm ngàn Swiss franc như ta đi mua một cây kem. Tiếng Anh có câu "Đường phố được lát bằng vàng" (The streets are paved with gold) với nghĩa bóng chỉ những nơi dễ kiếm ra tiền. Những ở đây, câu nói đó gần đúng nghĩa đen vì phía bên dười con đương Bahnhofstrasse là những hầm vàng nặng trĩu vàng đúc, vàng thỏi, vàng lá... của hệ thống ngân hàng Thuỵ Sĩ. Vì vậy khi bước trên Bahnhofstrasse bạn xem như đang bước trên đống vàng. Đất nước nhỏ bé này có trữ lượng vàng nhiều nhất thế giới, với ngành dịch vụ ngân hàng nổi tiếng khắp hành tinh. Gần như toàn bộ những ngân hàng lớn đều có mặt ở Zurich. Lấy ví dụ một ngân hàng UBS thôi ( tôi nhắc đến UBS - United Bank of Switzerland - vì đây là một trong nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình hội nghị tôi tham gia năm nay) đã có tài sản trị giá 600 tỉ đô la, bằng GDP của cả nước Thuỵ Sĩ. Lần đầu tiên đến đây, lòng tôi còn phơi phới chẳng thèm để ý dưới chân mình là vàng, chỉ thích thú nhìn những cửa hảng bán hoa tươi rất có duyên trên con phố, say sưa ngắm những chậu hoa xứ lạnh lạ lẫm đặt trên vỉa hè lốm đốm nắng lọc qua tàn lá xanh. Từ ngày ấy đến này không biết có phải do mấy năm đi làm lo lắng cơm áo gạo tiền hay do đã quen nhìn hoa xứ lạnh, đến Zurich tôi không buồn nhìn những bông hoa tươi thắm nữa mà chăm chăm nhìn xuống dưới chân mình ao ước có được một phần số vàng bên dưới đó. Vậy ra thành phố không thay đổi chút nào, chỉ có tôi là thay đổi.

        Mặc dù diện tích lớn nhất nước những Zurich vẫn chỉ là một thành phố nhỏ bé với mọi con đường gần như đều dẫn về hồ Zurich có những cây thích (maple trê) cao lớn tán tròn như được Mẹ Thiên nhiên cắt tỉa cẩn thận, rợp bóng khoảng sân đá sạch như li như lau. Hôm ấy là một ngày nắng ấm, chúng tôi nghỉ chân, ăn xúc xích mới nướng thơm phức kẹp bánh mì giòn trên những bậc thềm ximăng cạnh hồ. Đàn thiên nga trắng muốt yêu điệu bơi xung quanh những chú vịt trời cổ xanh biếc rẽ nước lười biếng. Tôi bẻ một ít vụn bánh mì ném xuống nước, tức thì lũ thiên nga không còn duyên dáng điệu đà mà xô lại đớp bánh trông rất "phàm phu", không có vẻ gì là những cô hoa khôi hồ Zurich nữa.

        Chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ to gấp mấy lần người thật trên thảm cỏ trồng hoa sặc sỡ bên hồ đã chỉ 3g chiều. Tôi ngồi bệt ra bãi cỏ êm mượt ven hồ nhìn ra phía xa xa, nơi vòi phun nước như dải lụa mềm mại rũ xuống hồ, thỉnh thoảng lại ánh lên bảy sắc cầu vồng. Tự nhiên tôi nhớ lần đầu tiền ra thẳng hồ Zurich khi vừa đến sân bay. Lúc ấy mặt tôi ủ dột vì vừa bị lạc ở "ma trận" CharlesDe Gaulle ở Pháp, phải chờ chuyến sau hết mấy tiếng đồng hồ. Những đứa trẻ địa phương theo cô giáo ra đây chơi, vừa ăn kem vừa nhìn tôi, rụt rè nói "Hello, Hello" rồi cười khúc khích nấp sau lưng nhau. Những đứa trẻ ấy bây giờ chắc đã thành thiếu niên, có nhớ chũng đã làm cô gái chấu Á mệt mỏi đứng tựa lưng trên lan can hồ Zurich mỉm cười vì sự hồn nhiên đáng yêu của chúng?

        Ngày cuối cùng của chúng tôi ở đây, Daniel phải đi làm nên chỉ có Aly và tôi lang thanh ra khu phố cổ sáng sớm đầu tuần im vắng. Chúng tôi dừng lại ở một shop nhỏ bán hoa, có một xô đầy hoa oải hương tim tím đặt bên ngoài, đứng ngắm rồi kê mũi vào hoa hít hà. Bà chủ đang lúi húi dọn hàng ra, ngừng tay cười và giải thích phải lấy tay xát nhẹ tren hoa rồi ngửi mới thấy thơm. Chúng tôi làm theo và thấy quả thật hoa tươi toả mùi hương nhẹ nhàng rất dễ chịu.

        Tôi chia tay Zurich cũng thật nhẹ nhàng và dễ chịu. Lần đến đầu tiên cách đây đúng ba năm, thành phố đón tôi bên ngoài sân bay bằng tấm bảng quảng cáo to tướng "Trông bạn thật tuyệt, bạn mới bay hãng hàng không Thuỵ Sĩ đúng không?" (Yoi look great! Did you fly Swiss?) Tôi nhìn lại mình sau mười mấy tiếng đồng hồ bay "đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long lên sòng sọc" (2), nghĩ bụng lần sau nhất quyết phải bay hàng không Thuỵ Sĩ cho bằng được, không bay hãng nào khác nữa. (Bạn thấy chưa, dân làm marketing như tôi cũng bị quảng cáo dụ như thường). Lần đi cuối cùng này, thành phố tạm biệt tôi bằng cơn mưa phùn lất phất khi chúng tôi tay xach nách mang băng qua những con đường xe điện ngang dọc rồi tạm biệt nhau ở nhà ga trung tâm.

        Tôi ngồi chống cằm trên tàu, nhìn non xanh nước biếc Zurich lùi lại phía sau. Trước mắt tôi dần hiện ra những cánh đồng ngoại thành có đàn bò đen trắng đeo chuông leng keng nhìn con tàu xé gió lao vun vút. Tự nhiên nghe xung quanh thoang thoảng một mùi hương quen quen, theo phản xạ tôi đưa tay lên mũi. Thì ra từ sáng sớm đến chiều, ngón tay mình còn thơm mùi oải hương...






        (1) kebab: món ăn Thổ Nhĩ Kỳ gồm bánh mì kẹp thịt nướng và rau, rất phổ biến ở châu Âu.
        (2) Trích "Lão Hạc" của Nam Cao.
        Attached Files

        Comment


        • #19
          Paris ẩm thực

          ­­­­­­­­­­­­­__________________

          Có một câu nói vui truyền miệng của dân châu Âu: thế giới là thiên đường nếu tất cả cảnh sát là người Anh, đầu bếp là người Pháp, thợ máy là người Đức, người tình là người Ý và tất cả mọi thứ được sắp đặt bởi người Thụy Sĩ. Ngược lại, thế giới là địa ngục khi tất cả cảnh sát là người Đức, thợ máy là người Pháp, người tình là người Thụy Sĩ, đầu bếp là người Anh và tất cả mọi thứ được sắp xếp bởi người Ý.


          Đang sống và học tập ở Anh, tuy không đến nỗi phải than vãn về những món ăn của các đầu bếp Ăng lê nhưng vốn có “tâm hồn ăn uống” và vốn đam mê thức ăn Pháp, nhân nghỉ lễ Phục sinh tôi làm một chuyến qua Paris ngay để ăn uống thỏa chí một tuần.

          Văn hóa ẩm thực Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ người Pháp, dễ thấy nhất qua thói quen uống cà phê (trong những tấm postcard Paris bán cho du khách trên đường phố, bên cạnh những tấm ản chụp tháp Eifel, Khải Hoàn Môn, sông Seine … có những tấm chỉ chụp những tách cà phê bốc khói nghi ngút. Dân Paris trước khi đi làm thường uống café express – cà phê đen có hoặc không có đường trong tách nhỏ, café au lait – cà phê pha thật nhiều sữa nóng uống trong những tách lớn, có khi to bằng chén ăn cơm , và café crème – thức uống đặc trưng Pháp với cà phê pha kem sủi bọt nâu thơm lừng. Trong khi người Anh ăn rất nhiều vào buổi sáng với thịt heo muối, trứng ốp la, xúc xích, bánh sandwich nướng …, người Pháp ăn sáng nhẹ, thường là bánh mì baguette, giống y bánh mì VN nhưng nhỏ và dài, kẹp xà lách, thịt jambon và bơ.Khác với những gì ta thường nghĩ, dân Paris không ăn bánh sừng trâu (croissant) mỗi buổi sáng mà chỉ dành cho những ngày cuối tuần.

          Buổi sáng trên hai đường phố Rue de Seine và Rue de Guci ở khu phố Latinh phía nam Paris vốn nổi tiếng với những hàng ăn rất ngon, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là hàng bánh mì lề đường mà tôi chưa thấy ở đâu ngoài Việt Nam. Người bán hàng thoăn thoắt xẻ bánh mì, kẹp thịt, nhồi rau, nhưng thay vì có chút nước tương hoặc muối tiêu thì bánh mì thịt kiểu Pháp có sốt mayonaise béo ngậy. Khi phát hiện xe gà quay với hàng dãy gà béo núc, quay đều, tươm mỡ vàng ươm, tỏa mùi thơm phưng phức, tôi chọn mua bánh mì kẹp gà quay rồi cùng Daniel đi bộ đến vườn Luxembourg gần đó làm một buổi picnic nho nhỏ. Những miếng bánh giòn tam, đậm đà làm tôi nhớ quá Việt Nam.

          Hôm sau tôi gọi điện cho Benjamin. Khi Ben còn vác balô du lịch Sài Gòn hồi năm ngoái, anh được tôi dẫn đi ăn phở tái nạm gầu gân ở quận 1. Ben làm một mạch hết tô phở to đùng rồi uống một hơi hết ly sinh tố xoài, khen hết lời “Ngon quá! Ngon quá!”. Để đáp lễ, Ben hẹn buổi tối sẽ dẫn chúng tôi tới một quán ăn Pháp chính gốc mà theo lời anh “khách du lịch không biết được đâu nhe”.

          Quán ăn Ben dẫn chúng tôi đến mãi 12h khuya mới có bàn trống. Đó là nhà hàng nằm trên một góc phố nhỏ, chật hẹp với những bộ bàn ghế gỗ trải khăn nhực carô (lại một điểm giống Việt Nam nữa). Thực đơn viết bằng phấn trắng trên bảng đen cũ kĩ, treo trên những bức tường ám khỏi và không có bản tiếng Anh như khu khách du lịch dọc sông Seine. Tôi chọn món khoai tây chiên sơ trên trải những lát jambon cru – thịt heo không nấu chín mà xông khói đỏ au thơm lừng, béo ngậy và thơm mùi phó mát Pháp lấn nấm tươi. Sau bữa ăn no căng bụng, tôi vẫn thêm món tráng miệng bánh gatô kiểu xứ Basque vàng ruộm, thơm mùi hạnh nhân.

          Khi bánh xèo Việt Nam được biết đến nhiều trên thế giới, rất nhiều người cho là bánh xèo bắt nguồn từ crêpe. Bánh crêpe Pháp cũng làm bằng bột pha nước, tráng mỏng trên khuôn cho đến khi ngả vàng, kẹp nhân ngọt (đường, bơ, kem, bơ đậu phộng) hoặc nhân mặn (trứng, jambo, hải sản). Bánh crêpe nhân mặn ở Pháp thành thật mà nói không thể ngon bằng bánh xèo nhân tôm kẹp rau sống chấm nước mắm chua ngọt mẹ tôi làm.

          Paris còn nổi tiếng về những món ăn từ hải sản tươi ở Brittany và Provence chở về. Chợ hải sản Paris là một bữa tiệc về hình ảnh, màu sắc, mùi vị của đủ chủng loại cá tươi, tôm hùm béo núc, cua lớn bằng hai bàn tay, sò điệp đỏ au, hàu xù xì gai xám, mực nang trắng phau… Chúng tôi đến đây đúng tuần lễ ẩm thực sò, những quán ăn Paris đua nhau đưa sò làm món ăn trong ngày (plat du jour). Trong khi hải sản ở Anh mắc như vàng theo đúng nghĩa đen thì một thố sò đầy ngồn ngộn trong một quán ăn gần nhà thờ Đức Bà giá chỉ 8 Euro (khoảng 160.000 đồng), rất rẻ so với vật giá châu Âu. Những con sò Địa Trung Hải tươi rói, đầy ắp thịt, được hấp rượu vang trắng, hành tây và rau mùi xắt nhuyễn, thơm lừng, nhấm nháp với rượu Bordeaux trắng thật đúng điệu.

          Không chỉ ẩm thực Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp, mà ngược lại ẩm thực Pháp cũng du nhập rất nhiều món ăn Việt. Sách du lịch Lonely Planet viết về Việt Nam nhiều nhất trong phần viết về ẩm thực nước ngoài ở Paris. Người Pháp đưa món chả giò và phở bò thực đơn nhiều nhà hàng truyền thống Pháp với cái tên le nem và le pho, cũng như người Anh lấy cari Ấn Độ làm một trong những món truyền thống Anh vậy. Còn món bánh tráng cuốn tôm luộc, bún tươi và rau thơm ăn kèm nước chấm tương tự những quán lề đường gần hồ Con Rùa trước đây cũng nằm trong những quán ăn sang trọng Paris với cái tên rất “kêu” rouleux du printemps (nem cuốn mùa xuân).

          Đến lúc tạm biệt thủ đô Pháp, tôi đã thực sự tiếc nuối vì không đủ thời gian để nếm thử tất cả món ăn Pháp nổi tiếng thế giới như foie gras, pâté du tête (món pate rất giống giò thủ Việt Nam, phó mát camembert (rất nặng mùi nhưng khi đã ăn được rồi rất dễ nghiền như người Việt mê ăn sầu riêng vậy, súp hành mà một phóng viên người Mĩ từng so với phở Việt Nam, và tất nhiên, rượu vang Pháp đủ mùi vị chủng loại từng làm say đắm không biết bao nhiêu người. Đến Paris với hành lí nhẹ hẫng, tôi về lại Anh với một vali nặng trĩu những rượu vang, phó mát, bơ, jambong, xúc xích, hải sản đóng hộp, dầu ôliu nguyên chất, viên súp… làm quà cho bạn và cho mình.

          Và trong khi gà gật ngủ chờ chuyến bay, tôi mơ thấy hai giáo sư ở trường đổi đề tài hai bài luận săp đến hạn tôi phải nộp: không phải về nghiên cứu thị trường và quản lí nhân sự nữa mà về ẩm thực Paris!


          ___________


          Này hoa Paris

          _______________________

          Tôi về thủ đô nước Pháp khi châu Âu vừa tạm biệt mùa đông giá buốt tuyết rơi trắng xóa khắp nơi để bước vào những ngày đầu xuân mát mẻ mưa phùn lây rây. Những loài hoa tôi không biết tên nở phớt hồng trên những cây lớn trong công viên và bên những ngôi nhà cổ trong ngõ nhỏ im lìm.

          Thủy tiên vàng mướt bung những cánh mịn màng trên thảm cỏ xanh rờn dọc đường đi như muốn níu chân khách bộ hành dừng bước, làm tôi nhớ đến câu thơ của Shakespears “Thủy tiên, về đây trước khi đàn chim nhạn dám về, và làm đẹp những cơn gió tháng ba…”. Hoa păng-xê (pansies) mỏng manh nhẹ như cánh bướm rung rinh trên những kệ cửa sổ ngập nắng dọc đường. Vườn Luxembourg những ngày đầu xuân cũng rực rỡ sắc hoa bên lối vào hay bên những đài phun nước với đám trẻ con chạy giỡn, trong khi cha mẹ chúng ngồi trên ghế đá vừa trông chừng vừa ngắm hoa nở muôn màu.

          Còn những gánh hàng hoa Paris? Ôi những gánh hàng hoa nhỏ xinh tràn ra cả phố, dọc bờ sông Seine nước xanh in bóng nền trời với những con thuyền chở du khách rẽ nước bơi. Hoa hồng đủ màu e ấp trong chậu, oải hương tim tím qua những lớp giấy gói thô kệch vẫn thơm dịu dàng, diên vĩ tươi mát suốt mùa đông đến đầu xuân xòe cánh tím thẫm khoe nhụy vàng, loài hoa có tên rất ngộ “cỏ chân ngỗng” (anemone) trắng muôn muốt vươn mình khỏi xô nước trong veo, phong lan vàng mơ mộng trên tường rũ xuống tóc người đi mua sắm ngày cuối tuần, bất tử khô buộc rơm gối đầu lên những kệ gỗ cũ kĩ… Và kìa những đóa hoa giọt tuyết trắng phau, tưởng như đã tàn qua mùa đông băng giá vẫn còn nở tươi bên những bông arum lily tôi yêu nhất, trắng muốt hay vàng nuột nà kiêu hãnh trên cành thon thả, trông chỉ muốn ôm nguyên bó vào lòng. Tất cả những loài hoa xứ lạnh như tập trung về thành phố lãng mạn nhất thế giới này, để được cài lên tóc, lên áo những cô gái Paris mắt xanh như bầu trời đầu xuân đầy nắng.

          Mỗi lần thấy hoa Paris, tôi lại nhớ chi tiết chuyện Paris chốc lát của Pauxtopxki khi tác giả bắt gặp một bé gái rụt rè cầm những bông hoa dại bán cho khách đi đường, ông mua một cành “vẫn còn thấy ấm hơi bàn tay nó”. Tôi cố ý tìm đứa nhỏ ấy trong những đứa trẻ Paris, nhưng thấy mình lẩn thẩn vì đứa bé nhỏ xíu trong truyện từ lâu chắc đã là một thiếu phụ ngồi uống café crème trong những quán cà phê trên đại lộ Chams-Élyssées hay phố St-Germain-des-Prés mất rồi.

          Nhưng hoa Paris thì vẫn nở, làm tôi buồn thiu khi phải chia tay…

          Comment


          • #20
            Lucerne, phố cổ muôn màu






            Những ngày theo học khoá học về môi trường ở Thuỵ Sĩ, tôi quyết tâm phải đến Lucerne (Luzern hoặc Lucerne theo cách viết của dân địa phương, thành phố nằm ở trung tâm Thuỵ Sĩ) bằng được., vì bị mê hoặc bởi những tấm ảnh phố cổ Lucerne trên Internet và trong những brochure về du lịch châu Âu. Nghe lời dụ dỗ của tôi, anh bạn thân người Áo từ chối tất cả những lời rủ rê đi leo núi, đi bộ đến hồ hay đi Zurich của những sinh viên khác. Thứ bảy, ngày nghỉ duy nhất trong chương trình, hai chúng tôi vác balô đáp xe lửa đến thành phố xinh đẹp này.



            Phố cổ Lucerne nằm không xa trạm xe lửa là bao. Chỉ cần đi dọc hồ Lucerne xanh thẫm (có cái tên tiếng Đức dài ngoằng là Vierwaldstattersee), với những đàn thiên nga trắng muốt chậm rãi bơi. Băng qua cây cầu gỗ dài Chapel Bridge được xây từ đầu thế kỷ 14 trồng đầy hoa tươi đủ màu sắc, đi bộ thêm một đoạn ngắn, những ngôi nhà cổ nằm im lìm dưới ánh nắng đã hiện ra trước mắt chúng tôi.

            Nhà ở Lucerne khác với những thành phố khác ở Thuỵ Sĩ mà tôi từng ghé thăm ở chỗ ngoài mặt thường có những hình vẽ công phu trong như những ngôi nhà trong truyện cổ tích. Đặc biệt những ngoi nhà có mặt tiền hướng ra quảng trường, đều có những tầng lầu dùng để ở và tầng trệt là shop thời trang rất thanh lịch, hướng ra những bồn nước ngọt mát chảy từ dãy núi Alps, có thể uống ngay được mà không cần đun sôi. Chúng tôi rót đầy thứ nước tinh khiết đó vào chai mang theo rồi đi bộ đến bờ hồ, ngồi trên bậc thềm dẫn xuống mặt nước coá những con thuyền nằm lười biếng, mở bánh sandwich ra ăn trưa. Bên cạnh chúng tôi là nhà hàng kiểu alfresco rất đặc trưng châu Âu dưới những tán dù trắng tinh. Nhà hàng đông khách, nhưng có lẽ mọi người đang say sưa uống bầu không khí trong lành của một buổi trưa cuối hè ấm áp nên xung quanh chúng tôi rất tĩnh lặng, có thể nghe tiếng mấy chú thiên nga lạc đàn rẽ nước bơi cạnh bên.

            Phố cổ Lucerne có rất nhiều khách du lịch, nhiều khi còn hơn cả quảng trường Trafalgar ở London không chừng, có lẽ do chúng tôi đến đây vào dịp cuối tuần và đúng ngày nắng ấm. Anh bạn đi cùng bảo đến Lucerne cả ngày trời chưa gặp một ai nói một câu tiếng Đức kiểu Thuỵ Sĩ nào. Chúng tôi nghe tiếng Anh kiểu Anh, kiểu Mỹ, kiểu Úc, tiếng Tây Ban Nha, Nhật, Pháp, Ý..., thậm chí cả tiếng Hi Lạp, nhưng ngoại trừ những cô bán hàng trong shop, tất cả những người chúng tôi gặp đều không phải là dân địa phương, nhất là trên những đường phố chình như thế này. Phải chăng họ cũng bị Lucerne cám dỗ như tôi và quả thật Lucerne đẹp hơn những gì bạn trông đợi. Ngay cả cửa hiệu bán thức ăn đóng hộp với màu sơn và hình vẽ gợi nhớ đến món phó mát Thuỵ Sĩ béo ngậy ngon lành này cũng làm bạn khó cưỡng lại ý định đưa máy ảnh lên.

            Tại một đường phố chính, tôi bắt gặp Manor - một chuỗi cửa hiệu rất nổi tiếng của Thuỵ Sĩ bán đủ mọi thứ từ quần áo thời trang, túi xách, giày dép đến thức ăn, phần mềm máy tình, máy ảnh...và nằng nặc đòi vào, mặc cho anh bạn tôi cố cản vì còn rất ít thời gian. Trong khi say mê chọn đồ, tôi tình cờ phát hiện ra cửa sau của shop mở ra con đường nhỏ có một ngôi nhà sơn xanh vàng rất đẹp nên nhất quyết đòi ra ngoài, khiến cho anh bạn phải kêu trời vì sự thay đổi như chong chóng đó của tôi. Nhưng khi thấy ngôi nhà với ánh nắng chiếu xiên in bóng toà nhà đối diện, làm nổi bật màu sơn như tranh vẽ, anh thôi không càu nhàu nữa mà khen tôi tinh mắt.

            Chúng tôi chỉ có vài tiếng đồng hồ ở Lucerne để thăm những góc phố muôn màu thường làm tốn khá nhiều phim ảnh của du khách. Đó còn là tháp Lucerne với bức tường phủ đầy cây xanh, núi Pilatus tuyết phủ trắng xoá ngay giữa mùa hè, những ngôi nhà trầm mặc nối dài với những bồn hoa đỏ thắm trên bệ cửa sổ, hay bậc lan can mở ra hồ nước trong vắt xanh như ngọc. Chiều tối, ngồi gà gật ngủ trên chuyến xe lửa trở về, những hình ảnh tươi đẹp đó vẫn khiến tôi mỉm cười...



            ____



            Braunwald, phố búi đầy sương






            Phố núi Braunwald - cách trung tâm thành phố Zurich (Thuỵ Sĩ) không xa - là một trong những thành phố hiếm hoi ở châu Âu hoàn toàn không có xe hơi hay bất cứ một phương tiện cơ giới nào khác. Còn gì bằng được sống ở đây ba tuần bên dãy núi Alps quanh năm tuyết phủ, khi Sài Gòn đang vào mùa nắng cháy da, lúc nào cũng ồn ào tiếng động cơ xe.



            Từ Zurich đến Braunwald phải đổi hai trạm xe lửa và một trạm cáp treo. Lôi theo mình một vali to tướng và một balô cũng nặng không kém từ trạm này đến trạm khác, nhưng tôi cảm thấy thật nhẹ lòng khi nhìn cảnh quan xung quanh. Những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh, dãy núi Alps tuyết phủ trắng xoá, những em bé địa phương đáng yêu đạp xe đi ngang và đặc biệt ngộ nghĩnh là những que diêm gỗ khổng lồ sơn đủ màu như bộ đồ chơi xếp hình của trẻ con, kế những chậu hoa tươi bên thềm một ngôi nhà gần khách sạn Alpenblick, nơi chúng tôi lưu trú.

            Từ toà nhà bốn tầng xây bằng đá ấy, chúng tôi bước xuống những bậc thềm dẫn lên lan can nở đầy hoa tươi có những bộ bàn ăn trải khăn sặc sỡ rất "hội hè" hướng ra dãy Alps hùng vĩ và thung lũng với những ngôi nhà ngói nâu đỏ nhấp nhô. Những ngày nắng ấm, lúc sương tan, vào giờ giải lao hay lúc ăn trưa chúng tôi thường ra đó ngồi uống cà phê hay thưởng thức món xúc xích Thuỵ Sĩ ngon lành.

            Braunwald thu hút du khách vào cả mùa đông lẫn mùa hè. Mùa đông, đây là địa điểm lý tưởng để trượt tuyết vì những sườn núi thoai thoải dường như được thiên nhiên cố ý tạo ra cho mục đích này. Mùa hè, còn gì bằng đi bộ trên núi, hít thở không khí trong lành, ngắm sương mù bảng lảng như phố núi Pleiku trong bài thơ của Vũ Hữu Định và hoa dại nở đầy trên những lối đi dọc theo triền núi. Ngay cả giữa mùa hè cũng dễ bắt gặp những vũng tuyết trắng xoá. Dọc đường, chúng tôi nghỉ chân ở túp lều mọc cheo leo trên đỉnh núi, uống thứ nước ngọt mát chảy từ rặng Alps và nhấm nháp món phó mát béo ngậy làm từ sữa bò và sữa dê theo cách truyền thống vùng Glarus.

            Và khi hồ Oberblegi trong như lọc hiện ra, tôi chỉ muốn nằm lăn ra bãi cỏ xanh rờn cho gió núi vờn qua tóc. Hồ Oberblegi được hình thành từ băng trên núi tan chảy xuống nên nước trong vắt thấy cả đáy với những hòn cuội trơn nhẵn, nhưng chớ dại dột nhảy xuống tắm vì nước lạnh buốt da. Ở những thành phố khác, với chất thải công nghiệp, rác và khói bụi ô nhiễm, lấy đâu ra hồ nước tinh khiết như ở Braunwald.

            Braunwald đối với tôi thân thương hơn những nơi khác tôi từng đi qua, dù đó là những thành phố nổi tiếng hơn gấp nhiều lần. Rời xa phố núi, tôi cứ nhớ mãi chiếc ghế gỗ dài hướng ra rặng Alps tuyết phủ và thung lũng đầy hoa, nơi tôi thường ngồi với các bạn cùng khoá học bàn luận cho bài giáo trình cuối khoá. Nhớ ngôi nhà có shop Keissler và những luống hồng tươi tắn với những cánh hoa khép nở rung rinh trong gió. Nhớ bậc thềm bằng đá dẫn lên khách sạn, nơi chúng tôi thương ngồi co ro và thỉnh thoảng sương từ những giỏ hoa mọc trên đầu nhỏ xuống vai lạnh buốt. Nhớ ngày cuối khoá thật lạ lùng đúng vào sinh nhật tôi, cả lớp ngồi buồn thiu trên lối đi rải đá vì sắp phải xa phố núi thật nhiều kỉ niệm này...

            Comment


            • #21
              Làng mạc êm đềm





              Hơi lạnh làm tôi giật mình thức dậy. Ở những giường bên, các bạn cùng phòng vẫn thở đều. Tôi xỏ chân vào dép, lục vali lấy thêm vớ, áo ấm và một khăn len dày quàng vào người rồi co ro bước lại giường. Tàn lá ngoài cửa sổ in những hình thù kì dị lên nền trời có trăng lưỡi liềm trắng bạc. Chúng tôi đang ở trong lâu đài St. Donat được xây dựng từ thế kỉ 14.




              Đây được xem là lâu đài bị nhiều ma ám, trong đó có Lady Stradling, một bà già nghiêm nghị mang giày cao gót và mặc váy dài phết đất đã bị ám sát cũng tại nơi này. Người ta đồn bà thường xuất hiện ở Long Gallery, và tuy không thường xuyên, mỗi lần bà xuất hiện thường báo trước điềm gở. Lần cuối cùng người ta thấy bà vào năm 1938, trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra.

              Long Gallery khá xa chỗ tôi ở nhưng không vì thế mà tôi bớt sợ. Tôi quen sống một mình nhưng trong toà lâu đài bảy trăm năm tuổi thì lại là chuyện khác. Đã vậy trước khi tôi đi còn đọc đủ chuyện ma quái về những bá tước trong những toà lâu đài vương quốc Anh. Những câu chuyện khi đọc bạn biết chắc chắn sẽ làm mình sợ ít nhất một tuần lễ, nhưng lôi cuốn đến nỗi khó cưỡng lại ý định đọc tiếp. Cũng may phòng tôi còn ba bạn nữa, nếu không chắc tôi run lấy bẩy vì sợ. Những bóng ma trong lâu đài St. Donat tôi đọc trên trang web của vùng Vale of Glamorgan còn bao gồm một mụ phù thuỷ già vẫn thường được thấy ở kho vũ khí, hồn một con báo mắt sáng quắc hay bước nhẹ dọc hành lang, và rùng rợn nhất là bàn tay vô hình chơi đàn piano mặc dù nắp đàn đóng lại. Sáng nay tôi có thấy cây đàn piano đó nhưng vì đang háo hức làm quen bạn mới và ổn định chỗ ở nên quên bẵng mất, bây giờ những chi tiết đó mới hiện rõ mồn một trong đầu. Tôi trùm chăn kín đầu sợ hãi không dám nhìn ra cửa sổ, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

              Chúng tôi đến Llantwit Major, một vùng quê xinh đẹp và yên ả thuộc vùng Vale of Glamorgan tham dự chương trình hội nghị quốc tế "Những người trẻ tuổi làm thay đổi thế giới". Tất cả ba trăm thanh niên tham gia chương trình đều ở trong lí túc xá của trường Atlantic College trong khuôn viên lâu đài St. Donat nhìn xuống đại dương mệnh mông. Sáng dậy, tôi mới nhận ra mình quả yếu bóng vía. Bầu trời xứ Wales ngày tháng tám xanh biếc, chim chóc hót ríu rít trên đường tôi đi bên thảm cỏ xanh mướt trước cổng vào lâu đài còn đẫm sương. Đang loay hoay dò bản đồ, thấy một anh chàng cao lớn nhưng mặt non choẹt đang chạy bộ ngược chiều, tôi mới gọi lại hỏi đường. Anh chàng người Anh chit đường rất "khí thế" ấy là David, sau đó tình cờ ở chung nhóm chuyên đề "toàn cầu hoá" với tôi và trở thành bạn thân thiết trong chương trình (hai năm sau ngày gặp gỡ ở Wales chúng tôi còn gặp nhau nhiều lần nữa khi tôi sang Anh học). Hai người bạn thân khác tôi có nhắc đến nhiều trong những bài viết về nước Anh là Lynette và Fiona. Lynette nằm trong ban tổ chức chương trình, lúc đó đang có bầu bé Molly sáu tháng nhưng rất năng động, chạy đi chạy lại như con thoi, hết bộ đàm đến điện thoại di động réo rắt. Cô rất mến tôi nen dù bận mấy cũng kéo tôi ra lấy di động bảo tôi nói chuyện với Jacko - chồng cô - vì cô kể nhiều về tôi với anh. Còn Fiona tôi gặp khi tất cả mọi người đang đững ngồi chen chúc trong bar lúc DJ đang chơi bài Dancing in the moonlight. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cô gái tóc vàng dễ thương mặc váy jeans xanh áo trắng xinh xắn, cười với tôi rất tươi làm quen.

              Llantwit Major, tiếng xứ Wales là Llanilltud Fawr, đã có người ở hơn ba ngàn năm trước, từ thời đồ đồng, đồ đá đến thời Roman, nhưng những toà nhà xưa nhất trong thị trấn được xây dựng bởi người Norman sau đó. Sẵn đề cập đến tiếng xứ Wales, thật ra Wales thuộc liên hiệp vương quốc Anh và nơi tiếng anh như tiếng mẹ đẻ nhưng ít ai biết được quốc gia này hiện nay vẫn còn ngôn ngữ riêng, chỉ có điều đã mai một đi đáng kể. Tôi có anh bạn người Úc, trước làm việc tại đại sứ quán Úc tại Hà Nội, trong những cuộc nói chuyện thấy anh không thích người Anh mấy. Tò mò hỏi chuyện, mới biết bố mẹ anh gốc người xứ Wales. Bởi vậy anh không có cảm tình với nước Anh vì trong lịch sử đã chinh phục xứ Wales và làm mất đi ngôn ngữ truyền thống nước này. Tôi gân cổ "nhưng nhờ vậy mà bây giờ nói tiếng Anh khỏi cần đi học chi cho khổ". Anh vặn lại: "Vậy Việt Nam bây giờ không có tiếng Việt mà nói tiếng Trung Quốc, khỏi cần phải đi học chi cho khổ, chịu không?". Tôi có thể cãi lại "nhưng tiếng Trung Quốc đâu "có giá" bằng tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế cả thế giới giao tiếp". Tuy nhiên, nghe anh nói có lý nên tôi thôi không tranh luận nữa.

              Buổi chiều, sau những ngày tham gia hội thảo vất vả, chúng tôi đón taxi ra trung tâm thị trấn chơi. Llantwit Major chỉ cách thủ đô Cardiff rộn ràng chừng ba mươi cây số nhưng cả đám nhất trí không đi Cardiff mà ở lại làng mạc êm đềm hít thở bầu không khí của một miền quê xứ Wales. Quảng trường nhỏ của thị trấn đẹp như mơ, yên tĩnh đến lạ lùng. Chúng tôi say sưa nhìn quán rượu Old White Hart với những giỏ hoa tươi rung rinh trên tường sơn trắng sần sùi. Mãi sau này tôi mới biết đây là ngôi nhà có người ở xưa nhất thị trấn, được gia đình Raglan xây dựng từ giữa thế kỉ 15. Tôi mê mẩn nhing những bộ bàn ghế gỗ kê bên ngoài quán rượu đầy người địa phương đang ngồi uống bia vầ trò chuyện trông thật thư giãn, rồi theo đám bạn làm một vòng pub crawl (*). Thỉnh thoảng tôi lại tách ra một mình lang thang qua những con đường vắng với những ngôi nhà xinh xắn êm đềm đặc trưng làng quê xây bằng đá xưa, có cả những mái nhà tranh lúp xúp như nấm bên ngoài dây leo phủ kín, tường treo đầy những giỏ hoa tươi. Hoa thuỷ tiên (daffodil) là biểu tượng của xứ Wales nhưng cuổi hè thuỷ tiên đã tàn hết, chỉ có những loài hoa khác nở bừng trên những khoảng sân be bé trước nhà. Tôi cũng thích khoảng sân rải đá dăm trắng trước những quán rượu yên tĩnh, nơi cư dân Llantwit Major làm việc xa ở Cardiff sau một tuần lễ tất bật được ngồi thư thái trên ghế gỗ dài trong khu vườn dẫn ra con suối róc rách, nhấm nháp trà và bánh ngọt phủ quả dâu tằm đỏ mọng.

              Ngày cuổi cùng, chúng tôi kéo nhau ra bờ biển chơi. Khuôn viên trường Atlantic nằm trên đồi nhìn xuống bãi biển vắng người đầy đá tảng lô xô, bao bọc là vách đá dựng đứng của vịnh Tresilian được thiên nhiên đẽo gọt thành những nấc thang có thể trèo lên được. Chúng tôi thi nhau trèo lên chụp ảnh, khi về đến nhà đọc trên Internet mới biết những vách đá này rất nguy hiểm, có thể rớt vỡ bất cứ lúc nào, hú hồn hú vía. Vịnh Tresilian cũng là nơi những hoá thạch từ thời xa xưa được tìm thấy, còn vách đá chúng tôi leo lên có một hang khuất bên trong, nơi thời xưa cướp biển và dân buôn lậu trú ẩn vì có đường hầm ăn thông ra lâu đài St. Donat. Tôi mê nhất vườn hoa nằm giữa lối đi giữa bãi biển và lâu đài, nhỏ nhắn thôi nhưng hoa mọc đẹp như tranh vẽ thế kỷ 18, có cả loại hồng to bằng cái tô lớn nhưng vẫn chưa bung hết cánh ra. Nếu có một vườn hoa như thế này ở nhà, tôi có thể nằm ngoài vườn đọc sách cả ngày không chán.

              Trời ngả về chiều, xa xa một nhóm bạn đang tắm biển vẫy chúng tôi rối rít. Tôi chưa kịp thay đồ bơi, đang đứng lò dò trên mép nước lạnh buốt như nước đá trong nhiệt độ buổi chiều 8 độ C, nửa muốn xuống nửa không thì James - người London, cũng chung hội thảo toàn cầu hoá của tôi - chạy thật nhanh từ ngoài biển lên bờ. Tôi chưa kịp định thần đã bị anh chàng bế xốc lên chạy trở lại xuống biển thảy ùm xuống nước. Tôi lạnh còng, lại không biết bơi nên vừa khua nước tứ tung vừa run lập cập. Lên được bờ rồi, tôi rượt anh chàng láu cá chạy chối chết.

              Đã bốn năm trôi qua kể từ những ngày vừa êm đềm vừa sôi nổi ấy. Tôi không tả hết được vẻ đẹp giản dị của thôn xóm Llantwit Major vùng thung lũng Glamorgan, cũng như đồi núi chập chùng ruộng đồng xanh ngắt, với những đàn bò khoang trắng khoang đen thong thả gặm cỏ. Tôi cũng quên mặt phần lớn những người bạn cùng chương trình, ba bạn gái cùng phòng giúp đỡ tôi đỡ sợ ma đêm đầu tiên ở lâu đài St. Donat. Rồi anh chàng trẻ tuổi sinh viên trường Atlantic đã tình nguyện chìa chân mình làm bậc cho tôi bước lên khi tôi đang lúng túng kiếm chỗ leo lên bờ trong hồ bơi sâu đến cổ. Cả những người bạn cùng tôi cắt diều thả lên nền trời đầy nắng... Sau này sống ở Anh hơn một năm, cảnh miền quê lặng lẽ với những mái nhà lợp tranh xinh xắn không còn mới mẻ với tôi nữa. Nhưng lần nào cũng vậy, mỗi lần nghĩ về những quán rượu rải sỏi tĩnh lặng trong chiều và những giỏ hoa tươi trên tường đá, tôi lại muốn khoác ba lô trốn chạy phố phường về lại những ngày êm đềm ở làng mạc xứ Wales xưa.





              (*) pub crawl: đi la cà vào nhiều quán rượu khác nhau, rất phổ biến ở sinh viên châu Âu sau mỗi mùa thi.


              ____


              Ăn Ý





              Ẩm thực những vùng khác nhau ở Ý rất dễ phân biệt. Ở miền bắc (Milan, Venice, Bologna, Turin...) thức ăn có xu hướng dẻo như kem và béo hơn, trong khi dân địa phương miền trung (Florence, Perugia, Siena...) dùng rất nhiều dầu ooliu và rau thơm, thức ăn cũng đơn giản, thanh đạm và tươi hơn. Càng về phía nam (Rome, Naples, Catanzaro...), những món ăn Ý càng nóng và cay hơn đáng kể...



              Còn cà phê Ý? Caffè latte là một phiên bản rất giống cafè au lait của Pháp, cũng sữa nóng đầy ắp những tách lớn, pha ít cà phê đen. Nâng tách lên, khói nghi ngút phả lên mặt khiến tỉnh cả người, rất hợp để trị "hangover" (chứng nhức đầu sau khi uống nhiều thức uống có cồn). Còn espresso là một thức uống tao nhã, trong một tách nhỏ xíu như chung uống trà của những cj già Việt Nam hay Trung Hoa. Trong tách sóng sánh cà phê đen với lớp bọt mỏng li ti nâu vàng, thơm ngào ngạt, uống muỗng đầu tiên những ai không quen dễ nhăn mặt vì vị đắng đọng lại trong cổ họng, nhưng đến khi hết tách, mùi cà phê thơm lừng còn thoảng qua rất dễ ghiền.

              Những có lẽ "quốc hồn quốc tuý" của nước Ý vẫn là cà phê cappuccino có mặt ở hàng trăm nước trên thế giới. Khó ai từ chối lời mời đi uống cappuccino ở một trong những quán cà phê vỉa hè ở Ý, có hoa tươi mọc trên cửa sổ, bên con kênh êm đềm với những ngôi nhà xưa nghiêng mình. Ở đó, thật "đã" khi nhấm nháp tách cappuccino sủi bọt dày, rắc quế xay li ti màu nầu trên mặt, hớp lớp bọt nhuyễn mịn và béo như kem kèm nước cà phê nóng thơm và hơi đắng bên dưới, ăn kèm bánh tiramisu màu nâu sôcôla kẹp những lớp kem mỏng trắng muốt mịn màng.

              Trên đây chỉ là ba loại cà phê nổi tiếng nhất của Ý, nhưng nếu đã cất công đến nơi này, bạn nên thử các loại khác cũng không kém phần thú vị như caffè corretto có kèm vài giọt rượi congac, caffè freddo bỏ đá lạnh gợi nhớ cà phê đá Sài Gòn, hay caffè d'orzo có ít cacao mà tôi có dịp uống trong một quán cà phê khuất gần quảng trường lớn ở Verona.

              Trên đảo Murano cách trung tâm thành phố Venice nửa giờ đi phà, tôi được thưởng thức món bánh pizza vừa ra lò nóng bỏng tay. Rìa bánh giòn tan nhưng chính giữa lại mềm và dẻo nhờ lớp phó mát tươi, trên phủ những miếng thịt pepperoni đỏ au và mấy trái ô liu xắt lát mỏng. Ăn món này đúng kiểu Ý không phải trong một nhà hàng sang trọng mà phải ngồi bệt xuống chân một trong những cây cầu giữa trời nắng chang chang, gặm pizza gói trong một lớp giấy nâu. Cũng như ăn ốc luộc chấm mắm gừng đúng điệu ở Hà Nọi phải ngồi vỉa hè trong con hẻm đầy gió thổi hun hút lạnh lẽo vậy.

              Nhưng bữa hải sản ở một nhà hàng gần ga Santa Lucia ở Venice thì chỉ có thể miêu tả bằng một từ: hoàn hảo. Hai bên cầu đầy những nhà hàng Ý (ristorante hoặc trattoria) với bàn ghế kê sát con kênh nước chảy loang loáng trong ráng chiều, đầy dân địa phương tóc xoăn tít và ngoại hình rất Ý đang cười nói ồn ào. Nhà hàng không hề có thực đơn, khách vào không có chọn lựa nào hết vì ai cũng được dọn lên những món như nhau, món nào cũng ngon chết mê chết mệt. Nào sò tươi rói trộn thịt heo băm nhuyễn và rau thơm, nhồi trong vỏ sò xanh to bằng ba ngón tay. Nào bạch tuộc kho đẫm cà chua tươi đỏ. Nào tôm và mực nang bọc bột chiên giòn. Tôi thích nhất món gỏi cả nướng than thoang thoảng mùi khói, xé nhỏ trộn thứ nước xốt từ chanh, cà chua và kem. Tất cả được ăn kèm với món bánh polenta vàng ruộm làm từ bắp tươi xay nhuyễn trộn bơ và những thứ gia vị chỉ người Ý mới biết, vừa thơm vừa dẻo, nhấm nháp với rwouj vang trắng thật ngon lành. Bữa ăn hết 50 euro cho hai người, có lẽ là phần “xa xỉ” nhất trong chuyến đi đối với túi tiền sinh viên hạn hẹp của chúng tôi, nhưng thật đáng và “có lý” hơn nhiều so với những menu turistico (thực đơn cho khách du lịch) của những nhà hàng gần quảng trường Thánh Marco.

              Đến Verona cổ kính, nổi tiếng với chuyện tình Romeo và Juliet, buổi tối đầu tiên tôi và ba người bạn sinh viên mới quen ở cùng nhà trọ thanh niên rủ nhau ra quảng trường thành phố, vào một quán ăn đông kín người. Cả ba bạn mới đến Ý ngày đầu tiên nên chọn ngay món pizza, riêng tôi gọi món linguine trộn tôm. Ngồi chờ dài cổ nửa tiếng đồng hồ, uống hết mấy ly nước vẫn không thấy thức ăn đâu, chúng tôi sốt ruột gọi ngay cô phục vụ đang chạy tất bật từ bàn này sang bàn khác. Cô cười bảo: “Chờ chút xíu thôi nhé” nhưng mãi gần mười phút sau mới chạy lại, bảo nhà hàng đã làm mất miếng giấy ghi món ăn của bàn tôi. (Lúc đó tôi mới biết vì sao Ý là một cường quốc nhưng người Ý lại khét tiếng khắp châu Âu vì khả năng tổ chức và sắp đặt rất luộm thuộm, đúng như trong bài “Paris ẩm thực” có nhắc đến). Thêm mười phút nữa, ba đĩa pizza được dọn lên nhưng món linguine của tôi vẫn không thấy đâu, cô phục vụ bảo “Hay thay bằng pizza luôn nhé, sẽ có ngay, còn linguine phải chờ thêm nữa”. Đến lúc này tôi đã vừa mệt vừa đói, mất hết kiên nhẫn. Tôi chỉ còn chưa đến 48 tiếng ddooongf hồ ở Verona, và đáng lẽ lúc này tôi phải ngồi trên một bậc thềm bằng đá ở quảng trường nghe những ca sĩ đàn hát những bản nhạc tiếng Ý du dương, không phải sưng sỉa xem trận đấu Inter Milan và AS Roma phát lại trên màn hình TV khi xung quanh mọi người đang hào hứng ăn uống ngon lành. Đến lúc dọn đĩa linguine ra, ba bạn tôi đã ăn hết nửa phần pizza, biết tôi giận cô phục vụ cười rất tươi “Spiacente! Buon apetio” (Xin lỗi! Chúc ngon miệng!) Tôi cũng cười đáp lại, nhưng có lẽ nụ cười khá mếu máo nên cô đi mà mặt vẫn băn khoăn.

              Nhưng khi ăn miếng đầu tiên, tôi tha thứ cho sự chậm trễ đó ngay lập tức. Đĩa linguine rải những cọng mì vàng nhạt, tươi rói, sần sật trong miệng, thoảng nhẹ mùi trứng, ăn kèm tôm bóc vỏ hồng nhạt trộn xốt và rắc zucchini xanh cắt sợi. Có lẽ đó là món mì Ý ngon nhất tôi từng được ăn trong đời. Vì vậy, khi anh chàng phục vụ đẹp trai như Paolo Maldini (phải tội mặt mũi hớt hơ hớt hải vì phải phục vụ nhiều bàn) chậm đem hoá đơn thanh toán ra, tôi cũng tươi cười vui vẻ như thường.

              Có lẽ sẽ là thiếu sót rất lớn nếu viết về ẩm thực Ý mà quên nhắc đến gelato – món kem Ý béo ngậy, lạnh buốt răng có mặt khắp năm châu. Khách du lịch đến đây ăn kem que nhiều đến nỗi một số cửa hàng bán đồ lưu niệm phải treo biển bên ngoài “Vui lòng không ăn kem khi vào đây”. Một tuần ở Ý, tôi ăn không biết bao nhiêu cây kem ốc quế trên những xe kem có mặt khắp nơi với hàng dãy kem đủ mùi vị: crema fiorentina, pistachio, vanilla... Cắn miếng ốc quế dòn tan kemg với lớp kem dày, béo ngậy, vị ngọ thanh còn đọng lại trong cổ lành lạnh thật hợp với nhừng ngày tháng bảy ở Ý nóng bức.

              Ở các nhà ga xe lửa Ý, abnj rất dễ thấy bảng thông báo những tuyến đường xuyên quốc gia với những cái tên tiếng Ý du dương và êm đềm: Torino – Milano – Vicenezia – Venezia, Alessandria – Piacenza – Parma – Firenze, Genova – Pisa – Roma – Napoli... Những cái tên ấy dễ gợi nhớ đến giải Series A với những ai mê bóng đá ngoại hạng Ý; riêng với những ai lỡ có “tâm hồn ăn uống”, những cái tên ấy lại dậy lên trong lòng ý muốn được thưởng thức những món ngon địa phương trong một trattoria hay ristorante có hoa tươi nở trên đầu vào một buổi chiều mùa hè nước Ý đầy nắng và gió.

              Comment


              • #22
                Verona, phố xá mơ màng…






                Tôi không dự định đi dến Verona trong chuyến đi Ý của mình, nhưng Venice dù yêu kiều xinh đẹp mấy cũng làm tôi chán. Ở đây quá phát triển du lịch và một nơi có lực lượng du khách “hùng hậu” cùng những dịch vụ kéo theo dễ làm bạn cảm thấy mệt mỏi. VÌ vậy, sau ba ngày không gặp được bóng dáng người địa phương nào ở phố cổ có những con kênh xanh với thuyền gondola xuôi dòng, tôi quyết định gửi vali lại chỗ cô lễ tân vui tính ở khách sạn tôi ở, chỉ đem theo ít đồ cần thiết trong ba lô rồi leo lên tàu đi Verona.



                Thật không may cho tôi khi đến Verona vào chiều chủ nhật, văn phòng dịch vụ du lịch ở nhà ga đã đóng cửa trong khi tôi không có lấy một cuốn sách hướng dẫn trong tay để timd chỗ ở qua đêm. Bên ngoài văn phòng có một máy vi tính để truy cập thông tin những khách sạn địa phương (Intranet, không phải Internet), nhưng những khách sạn này giá thấp nhất cũng đã bảy tám chục euro, vượt quá ngân sách của tôi nên tôi ssi loanh quanh nhà ga một lúc. Cuối cùng, tôi quay trở lại văn phòng, dí mắt vào sát tấm gương và tình cờ đọc được bảng chỉ dẫn về nhà trọ thanh niên tên biệt thự Francescatti dán bên trong. Vui mừng, tôi quay ra trạm xe buýt ngồi chờ.

                Một gã trẻ tuổi ốm nhom ốm nhách trông bộ dạng không mấy lương thiện đang lảng vảng xung quanh khách chờ xe buýt. Tôi không lạ gì những chuyện như thế này nữa, kinh nghiệm xương máu ở Áo trước giáng sinh đã khiến tôi tâm niệm “Ở đâu cũng có anh hùng. Ở đâu cũng có... thằng khùng thằng điên”, và trở thành chuyên nghiệp trong việc cảnh giác mất cắp, đến nỗi đạo chích Paris hay Venice (những nơi vốn khét tiếng về nạn móc túi du khách) cũng không “làm ăn” được gì với tôi huống chi giang hồ tỉnh lẻ. Tôi liếc xéo gã một cái, ra điều “ta đây biết rồi, đừng hòng giỏ trò móc túi ở đây” rồi đeo ba lô ra trước ngực, ôm khư khư vào lòng. Nhắm thấy con mồi không phải tay vừa, gã bỏ đi.

                Anh chàng lái xe buýt từ nhà ga trung tâm Verona đến nơi tôi ở cũng như hầu hết những người Ý ở đây, tóc xoăn tít và mặc quần tây áo sơ mi thật lịch lãm, đeo kiếng đen hiệu Gucci trông đẹp trao hơn cả Ben Affleck. Nhưng anh chàng không biết tiếng Anh nên sau một hồi giải thích nơi muốn đến trong vô vọng, toi bước xuống ngồi ở giữa xe. Thật may mắn, đôi bạn trẻ lên xe cùng lúc với tôi đang đứng với mớ ba lô túi xách to tướng cũng đến cùng nhà trọ nên tôi thở phào nhẹ nhõm. Qua trò chuyện, tôi được biết hai bạn người Hà Lan, vừa đến sân bay Milan vào buổi trưa và đã quyết định không vào thành phố mà đáp xe lửa thẳng đến Verona. Quả là một quyết định đúng đắn vì Milan là một trong những thành phố xấu nhất nước Ý. Trừ khi bạn là phóng viên muốn dự tuần lễ thời trang hoặc là cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt của Inter hoặc AC Milan, có rất ít lý do để bạn đến đây.

                Nhà trọ thanh niên Villa Francescatti là một biệt thự cổ duyên dáng nằm trên đồi, trong khu vườn rộng xanh um cây lá và đài phun nước mát rượi bên thảm cỏ tươi tốt mượt mà. Những căn phòng rộng của biệt thự xưa đã được biến thành một dạng ký túc xá sinh viên với những chiếc giường tầng và cửa sổ hướng ra vườn chim hót ríu rít. Bạn phải ở chung với bảy người khác và nhà trọ có lock-out period bắt buộc bạn phải ra khỏi phòng từ 9g sáng đến 5g chiều. Phòng ốc ở đây rất sạch sẽ yên tĩnh, không gian trong lành và giá chỉ 13.5 euro mỗi người có cả ăn sáng nên chúng tôi không lấy đó làm phiền.

                Buổi sáng đầu tiên bước ra khỏi biệt thự, thấy ban mai trong suốt như một giọt sương. Con đường hẹp quanh co từ ngọn đồi chúng tôi ở vẫn còn ngái ngủ, thưa thớt người, những cửa sổ cạnh bao lơn nở hoa đỏ tím li ti khép hờ. Có tiếng chim hót (không biết có phải từ “bụi mận gai” nào quanh đây) làm lòng tôi thật thư thái nhẹ nhàng, vừa tản bộ vừa ngắm những ngôi nhà Verona tư lự, tường gạch tróc lở vết thời gian vầ những mái ngói nâu hồng mang vẻ đẹp hài hoà và mơ màng. Biệt thự Francescatti đã có mặt hơn năm trăm năm trước nhưng tuổi đời so với những nhà hàng xóm vẫn còn thua xa. Verona ra đời từ thế kỷ 1 trước công nguyên, và đã được công nhận là di sản UNESCO do những phát triển đô thị trải qua hơn hai thiên niên kỷ vẫn còn giữ lại rất nhiều thành trì, pháo đài thời La mã cùng những kiến trúc Trung cổ và Phục hưng.

                Chúng tôi băng qua cây cầu bắc ngang sông Adige trong xanh bên sườn đồi trồng đầy cây bách reo trong gió sớm. Thành phố sáng đầu tuần vắng lặng, ngay cả ở khi trung tâm. Những ngôi nhà tinh khiết ở đây giống như vừa bước ra từ một bức tranh sơn dầu với những gam màu hồng đậm nhạt pha trắng và ban công bằng sắt uốn lượn như dải lụa, Một tờ báo ở Anh đã gọi Verona là thành phố sắc hồng, quả thật đúng. Màu hồng là chủ đạo trên nhưng ngôi nhà xưa duyên dáng nơi đây. Ngay cả những ngôi nhà sơn màu vàng nhạt hay nâu vẫn điểm những giàn hoa tươi ửng hồng đẫm sương đêm và chiếc xe đạp dựa hờ hững lên tường đá cũng được sơn hồng cánh sen. Cô gái Hà Lan đi cùng thốt lên: “Thích thành phố này quá đi!” và chúng tôi cùng gật đầu đồng ý.

                Tôi quyết định chia tay hai bạn để làm một chuyến shopping. Ở Venice gì cũng đắt đỏ và toàn đồ cho du khách nên tôi không mấy hứng thú mua. Tuy nhiên, ở đây có những shop giản dị và “điền viên” hơn nhiều, bán đồ ăn địa phương: mì vàng ươm, cà phê bột thơm lừng, xí muội kiểu Ý là lạ, hạt sôcôla trắng nhỏ li ti đựng trong túi lưới màu kem cột nơ xinh xắn..., quần áo ở Ý cũng đẹp và giá vừa phải (trừ khi bạn muốn mua đồ Armani, Gucci, Versace hay D&G...) nên tôi thích thú rảo một vòng ngó nghiêng những cửa hàng nhỏ nhắn trên đường tĩnh lặng. Sau khi ghé mua một số đồ làm quà cho mình và cho mẹ, cho chị ở nhà, tôi lại ra khu phố chính, đứng tần ngần nhìn những nghệ sĩ lang thang chơi guitar và thổi sáo bên cạnh một shop bán trái cây tươi ngoài vỉa hè.

                Đã sang trưa, du khách bắt đầu túa ra từ những khách sạn, nhà nghỉ trong thành phố, Verona đã mất vẻ ngái ngủ ban sáng. Tôi băng qua những con đường hẹp, tình cờ thấy trên ban công căn nhà nhỏ nhắn trong hẻm nhỏ, một và cụ đang đạp bụi hai trăng lưỡi liềm vàng nhồi bông, có lẽ là đồ chơi các cháu nhỏ của bà. Thấy tôi cừa tủm tỉm cười vừa ngước nhìn từ bên ngoài đầu hẻm, bà ngừng tay đập, cũng cười với tôi.

                Trong lòng vui và nhẹ nhõm, tôi rảo bước đến thăm một trong những sức hút lớn nhất của Verona: nhà nàng Juliet. Nhà soạn kịch lỗi lạc người Anh Shakespeare viết lại “Romeo và Juliet” vào thế kỷ 17. Nhưng huyền thoại về tình yêu ngây thơ và mơ mộng của hai người trẻ tuổi đã bắt nguồn ở Verona từ hơn ngàn năm trước đó và đã có mặt trên những truyện ngắn, kịch, thơ của nhiều tác giả khác trên thế giới trước khi Shakespeare ra đời. Bức tường gần cổng vào nhà đầy những dòng chữ nguệch ngoạc của những kẻ đang yêu đến thăm nhà cô gái xinh đẹp, tưởng nhớ một trong những câu chuyện tình lãng mạn nhất lịch sử nhân loại với kết thúc bi thương do thù hận gia đình. Tôi thích thú đọc chữ “Nhà Juliet” bàng nhiều thứ tiếng trong bảng đá đặt trước nhà, ngộ ra “Juliet’s house” trong tiếng Anh nghe rất “chuyên nghiệp” như đang trong một phi vụ làm ăn, “Juliethaus” tiếng Đức nghe đanh thép làm mất hết vẻ lãng mạn, “Maison de Juliette” tiếng Pháp nghe cũng khá êm đềm, nhưng chỉ tiếng Ý “Casa di Julietta” mới du dương và thi vị nhất, chỉ bản thân chữ đó cũng đủ làm ta mơ màng hơn cả một bài thơ.

                Nhà Juliet lớn những không đồ sộ mà rất xinh xắn, xây bằng gạch nâu xưa đã tróc vôi, những vòm cửa cong cong như trong truyện cổ và ban công nhỏ xíu giản dị. Tôi trả ba euro để được vào trong, trèo lên ban công nhỏ đáng yêu nhìn xuống bức twowngd dây leo rậm rạp xanh um, tưởng tượng chang Romeo đẹp trai vẫy tay bên dưới sân. Tôi dụi mắt, không tin vào mắt mình vì có ai đang vẫy tay cới tôi bên dưới thật, hay là duyên nợ chăng? Nhưng tôi thất vọng ngay khi nhận ra người vẫy tay là anh chàng Hà Lan đang đi cùng cô bạn gái tôi gặp trên xe buýt hôm qua. Tôi trèo xuống, Romeo rủ: “Ăn trưa ít nên đói bụng quá. Đi ăn thêm không?”.

                Như đã viết trong bài “Ăn Ý”, đồ ăn ở đây chỗ nào cũng ngon và đầy hương vị. Chúng tôi chỉ ăn đò nguội mua trong một quầy thức ăn giản dị, nhưng món bánh mì tròn kẹp giăm bông và củ cải chua làm ai cũng tấm tắc khen. Tôi ra ngoài quảng trường Roman Arena nhấm nháp món tráng miệng bánh gừng, làm tôi nhớ lại Alastair ở nhà hay kể chuyện thiếu nhi về anh chàng người bánh gừng (Gingerbread man) chạy từ lò nướng trồn bà cụ nướng bánh: “Run, run as fast as you can. You can’t catch me, I’m a gingerbread man”. “Chạy, chạy nhanh hết sức đi. Cũng không bắt được tôi đâu, tôi là người bánh gừng”.

                Roman Arena, một trong những công trình vĩ đại nhất châu Âu, là đầu trường La Mã được xây dựng từ thế kỷ thứ một sau công nguyên, vào năm cuối cùng của triều đại Augustus. Kỳ công đến nỗi trận động đất dữ dội vào thế kỷ 12 tại đây chỉ phá hỏng được một phần bên ngoài. Khi xưa nơi này đã diễn ra nhiều cuộc chiến của các dũng sĩ giác đấu tương tự những cảnh hoành tráng mà ai từng xem bộ phim Gladiator khó có thể quên. Đến thế kỷ 18, đấu trướng xây hình elip bằng đá cẩm thạch hồng dài gần 150m ấy được chuyển thành một nơi nhự nhàng hơn nhiều: thay vì những cuộc cưỡi ngựa đấu thương là những vở nhạc kịch êm đềm du dương rất Ý. Ngày nay, Roman Arena là nơi tổ chức hoà nhạc và opera thu hút hàng chục ngàn khán giả mỗi đên. Vậy mà khi tôi đến, tôi chẳng thấy áp phích giới thiệu chương trình nào, chỉ có một poster quảng cáo lớn bằng một toà nhà của hãng Lycra có ảnh một cô gái mặc bikini thật hấp dẫn, quả là một ví dụ sống động cho cổ xưa chen lẫn hiện đại.

                Tôi ngồi nhâm nhi bánh gừng, chợt nghe tiếng nhạc trong vắt đâu đây; quay lại, thấy một nghệ sĩ đường phố trong trang phục quí tộc xưa đang biểu diễn nhạc nước pha lê: khi ông huơ tay trên những chiếc ly cốc thuỷ tinh đủ kích cỡ hình thù đựng nước lọc, những âm thanh tinh khiết vang lên như một bản nhạc êm đềm.

                Tôi còn lang thang nữa qua phố G Mazzini mua bức tranh khắc nổi hình cô gái múa balê của một người đàn ông Nam Tư, những bánh xà bông thơm nức từ các cửa hiệu nhỏ xinh, rồi đi lạc trong những con phố có mái vòm arcade, những tu viện, giáo đường, nhà thờ trầm mặc, những pháo đài cổ có đôi chim bồ câu đứng gù. Tranh thủ trở lại quảng trường Piazza Brà ngắm du khách và người địa phương lười biếng ăn cioccolato (sôcôla) và crostata (bánh trái cây nướng) mới mua được từ nhứng pasticceria xung quanh. Sau rốt, tôi tạt vào một quán cà phê khuất nẻo, nghe cô chủ và những khách người địa phương trong quán nhiệt tình chỉ tôi caffè lungo và caffè Americano gần như là mộ loại, còn capuccino phải được uống ấm chứ không quá bóng bỏng sẽ làm mất đi độ ngọt tự nhiên của sữa và độ mịn của bọt (Lạy trời, cả đời tôi không tưởng tượng được một ngày nào đó mình sẽ tinh tế đến mức này).

                Tôi đi bộ một mình về chỗ trọ sau một ngày lang thang mỏi chân băng qua cây cầu cong cong đỏm dáng ban sáng với những ngôi nhà xưa mái ngói ửng hồn có những ô cửa sổ hình chữ nhật soi bóng xuống sông Adige trong xanh. Xung quanh vắng lặng đến khó tin, có lẽ tất cả du khách đã ở hết khi trung tâm thành phố. Những cây tung cây bách vẫn reo trên mái nhà và nhưng sườn đồi thoai thoải, nhưng cảnh hoàng hôn buông xuống đẹp huy hoàng hơn ban sáng gấp nhiề lần. Ánh mặt trời miền Bắc nước Ý nhuộm cảnh vật một màu óng ả như tơ tằm, như mật, như dầu ô liu nguyên chất, như vàng ròng, hắt xuống mặt nước lăn tăn lấp loáng. Tôi nhìn buổi chiều Verona mơ màng, quên mình đang ở một xứ sở có thực.

                Song tiếng xe Vespa rồ ga của cô nàng có gương mặt thanh thoát như thiên thần đang đội nón bảo hiểm phóng vù vù làm tôi giật nảy mình, nhận ra đã đến con hẻm nhỏ dẫn cào nhà trọ biệt thự Francescatti. Và chợt hiểu mình không phải đang ở trong truyện cổ tích mà đang ở Ý, “thủ phủ” của những quái xế chạy xe ẩu nhất thế giới. Nhưng có hề chi, đối với tôi Verona vẫn mãi là phố xá mơ màng với những ngôi nhà mái ngói thương vôi in vết thời gian, ban công xinh xinh nhà Juliet và cảnh hoàng hôn nhuộm dòng sông Adige vàng óng ả làm “có người lòng như nắng qua đèo”(*).





                (*)Lời một bài hát của Trịnh Công Sơn.



                _____


                Những câu chuyện góp nhặt từ hội nghị ở châu Âu



                “Những người trẻ tuổi làm thay đổi thế giới”






                Đó là tên chương trình giao lưu thanh niên quốc tế tại vương quố Anh (5 đến 9-8-2002). Có 300 đại biểu đại diện cho những thủ lĩnh thanh niên từ năm châu lục trên thế giới tham dự chương trình.


                Mỗi đại biểu dự một trong năm hội thảo chuyên đề: Toàn cầu hoá, Sức khoẻ, Công bằng xã hội và nhân quyền, Văn hoá, Môi trường. Ngoài thời gian tranh luận về các chủ đề trên, các nhòm còn tham gia việc xây dựng tượng từ chất liệu thiên nhiên, người mẫu là một cô bé người Anh có khuôn mặt rất xinh xắn. Bức tượng này được đặt tại một nơi trang trọng như một món quà kỉ niệm của các đại biểu đối với trường cao đẳng Atlantic, xứ Wales: khuôn viên là lâu đài Thành Donat, một toà lâu đài bằng đá kiên cố được xây dựng từ thế kỷ 14 có tường thành và biển bao quanh, nơi được ban tổ chức chọn làm địa điểm thực hiện chương trình giao lưu này.

                Chúng tôi cũng chia nhau tham gia các hoạt động vẽ trảnh tuyên truyền giao lưu quốc tế và làm những con diều mang thông điệp hoà bình. Bức tranh rất lơn, đủ màu sắc do chính chúng tôi vẽ bằng màu nước và kí tên, với hình ảnh thiếu nhi trên thế giới nắm tay nhau tạo thành năm vòng xoắn ốc to dần từ trong ra ngoài được treo trên lối đi của tiền sảnh. Những con diều được các bạn Ấn Độ khởi xướng với những dòng chữ “Cứu lấy thế giới”, “Hoà bình hay không gì cả”, “Những người trẻ tuổi làm thay đổi thế giới”..., sau mấy tiếng đồng hồ được những bàn tay vụng vè cắt dán cũng bay cao tít trên bầu trời chan hoà ánh nắng, một ngày nắng ấm hiếm hoi của xứ Wales lạnh già và quanh năm mưa phùn.

                Có một sự kiện trong đem quốc tế đã làm tất cả đại biểu thế giới sửng sốt và xúc động: các thành viên trong đoàn Israel và Palestine cùng xuất hiện bên nhau trên sâu khấu, trong trang phục truyền thống khác nhau, cùng hát những bài hát của hai dân tộc.

                Tôi tham gia hội thảo chuyên đề “Toàn cầu hoá”. Thông qua nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau, các đại biểu cùng rút ra được những mối quan tâm chung về chủ đề này. Theo yêu cầu của khoá học, mỗi nhóm chuyên đề phải thực hiện một dự án, nhóm tôi làm một phim tài liệu xoay quanh quan điểm về toàn cầu hoá của các nước. Tôi phỏng vấn Steve, sinh viên đại học Harvard, về ý kiến của thanh niên Mĩ đối với những chính sách đối ngoại của chính quyền Bush, và anh đã làm mọi người ngạc nhiên khi phát biểu: “Cũng như nhiều người trẻ tuổi ở nước tôi, tôi phải thú nhận rằng chính quyền chúng tôi không thật sự công bằng trong trò chơi toàn cầu. Họ nghĩ rằng họ mạnh hơn tất cả, và vì thế họ có quyền làm mọi điều họ muốn. Vầy toàn cầu hoá (globalization) thực chất chỉ là Mĩ hoá (Americanization), đó là điều tôi còn nghi ngờ”.

                Khi bước trên đường phố London, qua tháp chuông Big Ben, điện Buckingham, quảng trườn Tralfagar, sông Thames... tự nhiên tôi nhó năm học cấp II, háo hức đoạ bài viết trong sách giáo khoa Anh văn lớp 9 về những cảnh đẹp ở London trong giờ học tiếng Anh. Khi đó tôi không biết gì về vi tính, ít tham gia vào các hoạt động phong trào, London là một thành phố sương mù xa lắc xa lơ, “toàn cầu hoá” là một từ xa lạ cà VN còn chưa gia nhập ASEAN. Chỉ mới mấy năm mà biết bao nhiêu thay đôie, VN đã gia nhập cuộc chơi toàn cầu, đã là thành viên của ASEAN, APEC và hi vọng trong tương lai không xa lắm là WTO; tôi đã là sinh viên năm cuối đại học, thành viên ban chấp hành hội sinh viên TP.HCM, đã đi vài nước trên thế giới, được học bổng này qua mạng Internet và trở thành đại biểu duy nhất của VN tham gia chương trình, được thăm sân vận động bóng đá Highbury của câu lạc bộ Arsenal... Và hơn hết, được gặp gỡ và học hỏi từ những người bạn đủ quốc tịch, màu da nhưng cùng một ước mơ trở thành một trong “Những người trẻ tuổi làm thay đổi thế giới”.

                Comment


                • #23
                  Xã hội 2.000 watt






                  Từ 8 đến 28-7-2004 tôi bay sang Thuỵ Sĩ để tham gia khoá đào tạo “Gặp gỡ thanh niên về phát triển bền vững”. Khoá học được tổ chức dưới chủ đề “cuộc sống cho 10 tỉ người”.


                  Một trong những hoạt động được 37 học viên, phần lớn là sinh viên cao học các khoa kỹ thuật, công nghệ và môi trường, hưởng ứng nhiệt tình nhất là buổi chinh phục dãy núi Alp của Thuỵ Sĩ. Dọc đường đi, bên những phiến đá mấp mô, hoa đủ màu mắc đua nhau nở mặc thời tiết buốt giá. Thỉnh thoảng bắt gặp những vũng tuyết trắng xoá trên triền núi ngy giữa mùa hừ, cả đám lại ùa tới vốc tuyết ném nhau. Không khí trên núi trong như pha lê, ngọt như sương đọng trên bông hoa dại nở vàng bên dòng suối chảy xiết qua những viên đá cuội trắng muốt. Toi hít căng lồng ngực không khí sớm mai, kéo tay cô bạn đi cùng: “Nghĩ gì vậy?”. “À, đang nghĩ làm thề nào để thành phố mình cũng được trong lành như thế này, không còn ô nhiễm, khói bụi, ồn ào nữa”. Cả đám nhao nhao: “Sao giống mình quá vậy?”.

                  Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm nơi làm phó mát từ sữa bò vẫ dê theo cách cổ truyền vùng Glarus. Thật thú vị khi biết được một đất nước phát triển như Thuỵ Sĩ, với những nhãn hiệu sôcôla và phó mát sản xuất hàng loạt nổi tiếng thế giớI, vẫn còn giữ cách sản xuất thủ công như vậy. Thầy Roger giải thích: “Đây cũng là một khía cạnh nhỏ của phát triển bền vững, giữ lại cho các thế hệ sau những tinh hoa truyền thống”.

                  Ở túp lều treo leo trên đỉnh núi, chúng tôi được uống nước lấy từ những mạch nước ngầm tinh khiết trên đỉnh Alps và được chia nhóm để phân tích hoạt động của ba công ty lớn trên thế giới: Netstle, P&G và Sony. Bài giảng về mối quan hệ giữa kinh doanh và môi trường sau đó của thầy xem ra dễ hiểu hơn lúc nào hết, ngay cả đỗi với những bạn sinh viên không học ngành kinh doanh.

                  Một trong những bài học đáng nhớ nhất với chúng tôi là “Xã hội 2.000 watt”, do hai giáo sư Viện kỹ thuật Masschusetts (MIT) giảng dạy. Ở thời điểm hiện tại, năng lượng tiêu thụ bingf quân toàn cầu là 2.000 watt mỗi đầu người, nhưng việc tiêu thụ này lài thay đổi từ mức chỉ 290 watt ơt Etiopia đến mức 10.000 watt ở Mĩ. Vậy làm sao để tạo lên một xã hội 2.000 watt trên khắp thế giới nhưng không phảo từ bỏ những tiện nghi của lối sống phương Tây là một vấn đền khả thi về mặt kĩ thuật nhưng hết sức nan giải khi áp dụng. Thầy cũng đưa ra phương pháp tính mức tiêu thụ năng lượng của mỗi người, được chia làm năm phần chính: dùng trong hộ gia đình, phương tiện vận chuyển, dinh dưỡng, tiêu thụ cá nhân, tiêu thụ công cộng. Tôi vốn tự cho mình ít tiêu thụ năng lượng nên tá hoả khi tổng cộng mức tiêu thụ của tôi lên đến gần 10.000 watt, nawmg trong mức cao nhất thế giới, trong khi bình quân châu Âu chir gần 5.000. Thấy tôi ngồi thừ ra trước máy tính, Daniel – anh bạn người Áo, sinh viên ngành khoa học môi trường – cầm tờ giấy của tôi lên: “À, tại bạn đi máy bay nhiều qus thôi! Ôi trời, mỗi năm gần trăm tiếng đồng hồ, riêng khoản này đã chiếm gần 6.500 watt rồi còn đâu”.

                  Trong khi cả lớp vẫn còn bần thần với kết quả tiêu thụ năng lượng của mình, cô Michelle lên tiếng giới thiệu về tổ chức Khí hậu của tôi (My Climate), được thành lập với nỗ lực ngăn ngừa thay đổi khí hậu – một trong những vấn đề nan giải nhất của thế giới. My Climate giúp tiết kiềm năng lượng và giảm lượng CO2 gây nên hiệu ứng nhà kính bằng cách xây dựng hàng trăm thiết bị làm nóng nước từ năng lượng mặt trời. Quĩ hỗ trợ dự án này được gây dựng từ những cá nhân, tổ chức và công ty tình nguyện nộp sồ tiền tương đương với mỗi quãng đường bay để bù đắp cho lương CO2 thải ra. (Ví dụ, Liên minh Phát triển bền vững toàn cầu đã tình nguyện góp cho My climate 127 USD cho chuyến bay khứ hồi TP.HCM – Zurich của tôi).
                  Trong khuôn khổ chương trình chúng tôi được mời xem bộ phim Hollywood Ngày mốt, nói về thảm hoạ tàn khốc do thiên nhiên gây ra. Hình ảnh những người dân Tokyo hoảng loạn chạy tránh và chết dưới nhưng viên mưa đá to đùng, hay người dân New York bì đóng băng ngay lập tức với nỗi kinh hoàng vẫn còn trên mặt… làm tôi sợ cứng người. Nhưng có lẽ đắt nhất vẫn là chi tiết mà khoa học trả lời điện thoại với khuôn mặt thất thần: “Tôi biết điều này sẽ xảy ra nhưng không ngờ nhanh đến vậy”. Hôm sau, tại buổi picnic bên bờ sông Linthal, chúng tôi cùng ngồi bàn luận về bộ phim này. Thầy tôi nói: “Có ai ngờ năm 2003 băng lại tan trên đỉnh Alps của Thuỵ Sĩ với mức kỉ lục 150m do thay đổi khí hậu? Chúng ta đang sống trong một thê giới mà tất cả mọi thứ đều có thể. Vậy nên trong tương lai các em phải là những người quyết đình việc gì xảy ra và việc gì không được xảy ra”.

                  Nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất trong tôi vẫn là hình ảnh “ăn trái xanh” của thầy Ludwig trong một buổi học. “Ở một ngôi làng nọ trên nước Mozambique, tất cả cư dân đều được sở hữu bất cứ loại trái cây nào họ hái được. Ban đầu mọi việc đều suôn sẻ cà tất cả đều cảm thấy hạnh phúc. Nhưng dần về sau, tất cả mọi người đều ăn trái còn xanh vì sợ đợi đén lúc chín người khác giành hái mất. Cứ như vậy, trái cây họ hái và ăn ngày một non dần… “. Vài phút trước đó, chúng tôi còn chia làm sáu nhóm “ẩu đả” nhau không thương tiếc trong trò chơi “Cá và ngân hàng” do thầy Jens hướng dẫn, trong đó mỗi nhóm – tượng trưng cho một tập đoàn đánh cá – đều tìm cách mua thật nhiều thuyền và đánh bắt cả gần bờ lẫn thật xa bờ để thu được nhiều lời nhuận. Gần như không còn nhóm nào nghĩ đến nhóm khác, cũng như đến khả năng chịu đựng của đại dương. Nhưng càng ngày lượng cá đánh bắt càng ít dần đi và gần như bằng 0. Kết luận câu chuyện và cuộc chơi, thầy nói: “Các em có đầy đủ tố chất trở thành những nhà lãnh đạo tương lai, thông minh, đầy nhiệt tâm và có cái nhìn sâu rộng. Chỉ cần các em được hướng dẫn đi đúng đường mà thôi”.




                  _____


                  Nào cùng đi “gap year” tình nguyện






                  Trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, rất thịnh hành chương trình “gap year”: Các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp những chương trình tương đương trung học ở Việt Nam không vào đại học ngay mà bảo lưu kết quả, dành mội năm liền đi du lịch ba lô, đi làm thêm kiếm tiền để trau dồi thêm hiểu biết về xã hội và thế giới.


                  Năm 2005, ở Anh có hơn 50.000 bạn trẻ vào độ tuổi 18, 19 đi gap year. Phần lớn các bạn đi du lịch vòng quanh thế giới “thuần tuý”, số ít hơn di lịch kết hợp làm việc có lương, chủ yếu là dạy tiếng Anh cho ngưới địa phương, Nhưng xu hướng mới nhất vẫn là du lịch kết hợp tình nguyện: những chương trình như thế này rất phong phú, từ làm việc ở trại hè thiếu nhi Trung Quốc đến cứu rùa biển ở Mexico. Pauline, đến từ London, danh một phần gap year của mình dạy tiếng Anh ở Costa Rica trước khi về nước theo học chương trình dược tại đại học Bath. Cô chuẩn bị cho chuyến đi từ trước đó một năm, làm việc toàn thời gian trong nước trong vòng sáu tháng dành dụm tiền theo học một lớp đào tạo dạy tiếng Anh và mua vé máy bay sang Nam Mỹ. Số tiền đó cũng cho cô học thêm lớp căn bản tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính ở Costa Rica, để dễ dàng hoà hợp với người địa phương hơn.

                  Ngôi làng cô đến dạy học có đồi núi bao quanh và chưa bị thương mại hoá do du lịch nên rất thanh bình và đáng yêu. Ở đó cô sống với một gia đình người địa phương và dạy học ở một trường cấp 1 công lập. Cô dạy nhiều lớp mỗi ngày, từ 7g sáng đến 12g trưa và tiếp tục từ 2g đến 5g chiều. Nhưng cô và các bạn đi cùng vẫn không thấy mệt vì “bọn trẻ dễ thương hết sức”. Ngày cuối cùng cô đứng lớp, các học sinh nhỏ tuổi còn tổ chức một buổi tiệc chia tay. “Thành quả lớn nhất của bọn mình là dạy cho bọn trẻ hát tiếng Anh, như bài “Anh thuỷ thủ đi ra biển” chẳng hạn”. Cô vừa nói vừa cười.

                  Chỗ ở của Pauline ở làng không được tiện nghi: mái tôn, không nước nóng, nhưng cô vẫn rất bằng lòng. “Nhà chúng tôi trên đỉnh núi. Tôi được người nhà cho ở phòng trên gác mái, đêm đêm, điện cả láng thắp sáng và cảnh đẹp đến nỗi làm tôi nghẹt thở”. Và cô cho biết cô không đổi những kỉ niệm vô giá ấy lấy bất cứ điều gì.

                  Lucy, 19 tuổi, từ Windsor, đi Honduras làm việc cho một tờ báo tiếng Anh tại đây.

                  “Chỉ sau tháng đầu tiên, biên tập tờ báo rời toà soạn còn mỗi mình tôi với một bạn phóng viên trẻ người địa phương cũng chỉ mới 18 tuổi phải cáng đáng tất cả dù không có chút kinh nghiệm nào. Công việc rất đa dạng: từ viết bài về các khách sạn cho đến phỏng vấn những băng nhóm gangster. Tôi học được mọi thứ: viết bài, gặp gỡ nhiều người thú vị, nhìn thấy sự vật từ một góc nhìn khác… Cách nhìn thế giới của tôi cũng thay đổi rất nhiều”

                  “Tôi tự đặt cho mình kế hoạch làm việc rất đàng hoàng. Tôi cũng được tiếp xúc làm bạn với rất nhiều người dân địa phương. Về định hướng nghề nghiệp, tôi ho vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích tôi nhiều trong tương lai, khi tôi chọn nghề làm báo. Chương trình ở đây không chỉ là một năm du lịch gap year bình thường mà đã thay đổi đời tôi. Nghe có vể hơi “sáo”, nhưng thật đấy!”

                  Vốn mê bóng đá, Rob tình nguyện đến châu Phi xa xôi đăng ký dạy môn thể thao vua này. Đến Ghana cùng ba bạn trai cùng sở thích, Rob “hết hồn” ngay ngày đầu tiên khi phải dạy cùng một lúc 75 “học viên” rất ồn ào từ 9 đền 21 tuổi trên bãi đất trống của làng. “Nhưng rồi mọi việc cũng ổn, có bảy trái bóng cả thảy nên mình chia tất cả ra làm nhiều nhóm chơi, mỗi bên năm người. Chơi vui lắm, mình thật sự ngạc nhiên khi sau buổi chơi tất cả đều vỗ tay hoan hô tụi mình, lại còn tranh nhau xung phong mang giày “thầy” về chà sạch sẽ. 6 giờ sáng hôm sau, cả đám đã đứng trước cửa réo gọi mình dạy tiếp”. Sau vài buổi chơi, Rob chọn được 18 cầu thủ hay nhất để thi đấu tranh giải. Đội của anh chơi với nhẽng đội bóng làng bên, cũng được những bạn trẻ Anh tình nguyện dạy, trong tiếng trống ồn ào rất đặc trưng châu Phi và nhạc địa phương sôi động. “Đội mình vào được bán kết đấy nhé, nhưng thua ở loạt luân lưu 11m. Chắc lúc đó trông mình buồn lắm nên một cầu thủ trong đội mình chạy đến bảo: “Thầy Rob đừng lo, đó chỉ là trò chơi thôi mà!” và cả đội xúm lại an ủi mình trong khi đúng ra mình phải an ủi mới phải. Quả là những kỉ niệm vui quá chừng!”

                  Theo tờ The Observer gần đây, những bạn trẻ Anh làm tình nguyệ trong “gap year” của mình có thể sẽ được chính phủ trả tiền học phí khi học đại học. Sáng kiền này nhằm khuyến khích thanh niên làm từ thiện nhiều hơn, đồng thời giúp đỡ những bạn trẻ gia đình thu nhập thấp hơn có điều kiện du lịch trong “gap year” của mình. Nhưng mục đích lớn nhất của chính sách này vẫn là giúp làm thuấn nhuần ý nghĩa trở thành tình nguyện viên cho cộng đồng không chỉ trong “gap year” mà cho cả cuộc đời.

                  Mặc dù ở Anh đến nay đã có hơn ba triệu bạn trẻ thực hiện những hoạt động tình nguyện dưới nhiều hình thức khác nhau, Gordon Brown – bộ trưởng tài chình Anh – vẫn muốn nhiều bạn trẻ giúp đỡ những nước đang phát triển trên thế giới, đúng theo tinh thần của chương trình Make Povety History (tạm dịch: biến đói nghèo thành quá khứ) mà chính phủ Anh vừa phát động cho cả nước vào năm 2005.

                  Hiện nay, để đăng ký tham gia với những cơ quan hay công ty tổ chức những chương trình tương tự của Rob, Lucy, hay Pauline, mỗi bạn trẻ phải bỏ ra một số tiền trung bình từ 50 triệu đến 200 triệu đồng VN chưa kể vé máy bay, cho từ một đến ba tháng làm việc tình nguyện không lương: dù là giúp đỡ trẻ mồ côi Việt Nam, săn sóc sư tử con ở Nam Phi hay chích thuốc cho người nghèo ở Ấn Độ. Vì vậy, phần lớn chỉ có những bạn trẻ gia đình tương đối khá giả mới có đủ tiền đi tình nguyện. Chỉ có khoảng 6% trong số 50.000 bạn trẻ tốt nghiệp trung học đi gap year chọn đi tình nguyện. Chương trình mới này của chính phủ đã làm nức lòng giới trẻ Anh và đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ giới kinh doanh. Trong giai đoạn đầu, chỉ riêng sáu tháng nhà tài trợ chính đã tài trợ đến 3 triệu bảng Anh (tương đương hơn 90 tỉ đồng VN) để đóng tiền học phí đại học năm sau cho những bạn trẻ đi gap year vì cộng đồng, và trong giai đoạn sau chính phủ hy vọng sẽ có được thêm từ 6 đến 7 triệu bảng nữa.

                  Ở VN, rất cần những chương trình tương tự để khuyến khích các bạn trẻ hoạt động cộng đồng hơn nữa. Dĩ nhiên, những chương trình tình nguyện trong SVHS hiện nay, như Mùa hè xanh chẳng hạn, hoàn toàn do các bạn tự ý thức và có tấm lòng chia sẻ yêu thương, không chỉ vì hỗ trợ về tài chính mà đăng ký tham gia. Nhưng những hỗ trợ nhất định về tài chính ấy sẽ khuyến khích các bạn tham gia nhiều hơn và cũng cảm thấy an tâm hơn, nhất là đối với những bạn muốn đi tình nguyện nhưng hoàn cảnh tương đối khó khăn. Đây quả là một điều rất nên học tập từ những nước tiên tiến trên thế giới.

                  (Theo Observer, Guardian)

                  Comment


                  • #24
                    Hội chợ phù hoa





                    Bài viết này không nhằm mục đích bàn đến tiểu thuyết nổi tiếng Hội chợ phù hoa (Vanity fair) của William Makepeace Thackeray, chỉ mược tựa để nêu lên một vấn đề đáng suy nghĩ trong giới trẻ Việt Nam hôm nay: sỏ thích tiêu xài để chứng tỏ mình “bằng chị bằng em”.


                    Cách đây vài tuần, anh chàng giữ xe trong một quán cà phê nộ ở Sài Gòn vừa dắt xe cho tôi vừa hỏi: “Chừng nào chị về “bển” lại?”. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Bển nào? Người Việt mà”, anh chàng khăng khăng: “Chị ơi, chị là Việt kiều em cũng không lấy tiền thêm đâu, giầu làm gì! Người Việt bây giờ ai mà đi chiếc Cub 81 như chị” (?).

                    Kể chuyện cho mấy đứa bạn cũ, tùi nó cười ngặt nghoẽ: “Thì đúng rồi, thời buổi này mấy ông chạy xe ôm còn đi xe xịn hơn”.

                    Quả thật, mới xa nhà có mười mấy tháng (chứ không phải mười mấy năm đâu nhé) mà tôi thấy mình quê mùa hết sức. Ngoài đường phố Sài Gòn bây giờ chạy toàn xe tay ga @, Dylan, Spacy, hay chí ít cũng Attila. Vậy là tôi trở thành Việt kiều trong mất anh chàng nọ - và có lẽ của nhiều người khác không biết chừng – nhờ đi chiếc Honda cũ kỹ. Có điều chiếc xe “bôi bác” như nguyên văn lời đám bạn tôi mô tả này rất có ích trong những quãng đường ngập nước, ngay cả khi những chiếc xe máy đắt tiền chủ xe phải khổ sở xuống dắt bộ. Cô bạn thân lương mỗi tháng chỉ 1,5 triệu đồng, mooic lần gặp là than thở những khoản đám cưới, sinh nhật… ngốn hết số tiền còm cõi, những vẫn tậu cho mình một chiếc xe tay ga xịn đàng hoàng. “Rồi xe hư tiền đâu mà sửa?”. Cô nàng cười: “Thì tời lúc đó tính, chứ bây giờ ai cũng đi xe này, mình đi mấy chiếc cũ quê thấy mồ! Pử Sài Gòn còn đỡ, ra Hà Nội mà coi. Xe Dream, Wave đã lạc hậu sáu, bảy năm nay rồi đó”.

                    Tôi có đọc một bài về tình hình xe máy ở Việt Nam, những con số đáng giật mình. Bộ công nghiệp đã dự đoán đến năm 2010 số lượng xe máy được sử dụng ở VN sẽ lên đến 16,6 triệu chiếc. Việc người người đua nhau mua xe “xịn” làm tôi nghĩ ngay đến tâm lý “sức ép từ những người đồng trang lứa” (tạm dịch từ tiếng Anh: peer pressure), khi ta tự nhiên cảm thấy phải làm một điều gì đó vì xung quah ta ai cũng có. ĐÁnh vào tâm lý này, các nhà sản xuất tha hồ hốt bạc ở VN vì nói theo ngôn ngữ bình dân, “người Việt nghèo mà ham sài sang”. Có lần tôi sang Thuỵ Sĩ, thấy ngoài đường chạy xe đời cũ của Toyota hay Ford, có cả xe Hàn Quốc nữa, mới bảo anh bạn người địa phương: “Cứ tưởng dân Thuỵ Sĩ giàu ai cũng chạy Audi với BMW” thì được biết: “Có xe gì chạy xe nấy chớ, miễn là còn tốt, không hao xăng, không chết máy thì thôi”. Mới đây tình cờ đọc cuốn Mười vạn cau hỏi vì sao có đề cập đến sức ép tâm lý này (mà sách gọi là “hiệu ứng theo đàn”), tôi thấy câu trả lời khép lại với: “Nói chung, người có trí thông minh càng cao, tinh thần càng vững và quan điểm riêng càng mạnh, càng khó hành động mù quáng theo đàn”. Mà phải đâu giới trẻ VN mình không thông minh? Những giải thưởng quốc tế về giáo dục cũng như việc sinh viên ta ở nước ngoài lúc nào cũng học tập xuất sắc hơn người chứng tỏ trí thông minh của chúng ta có thừa. Vậy phải chăng tinh thần giới trẻ chúng ta không vững và quan điểm riêng không mạnh, nên nếu hình thức bề ngoài không “sang trọng”, đắt tiền bằng người khác lại cảm thấy bất an?

                    Tuần trước, tôi đang đi dạo quanh Diamond Plaza tìm mua một ít đồ dùng (mỏi cả chân cuối cùng cũng chỉ mua được… một cái gối vì đồ trong này mắc quá) thì có tin nhắn trong điện thoại cầm tay. Sau khi tôi đọc xong tin nhắn và gửi trả lời, định cất máy vào túi, có một đôi bạn trẻ khoảng chừng 19, 20 tuổi bước lại hỏi: “Chị mua cái Motorola này ở nước ngoài phải không chị?”. Đúng là chiếc điện thoại này khá hiện đạI, tôi được tặng và đã dùng hơn một năm ở Anh, nay đem về VN dùng luôn, nhưng bề ngoài rất bình thường không có vẻ gì “lộng lẫy” như trong những quảng cáo điện thoại di dộng nhan nhản trên các phương tiện thông tin ở đay hết. Tôi gật đầu xác nhận nhưng vẫn không giấu vẻ ngạc nhiên: “Bộ hai đứa em bán cửa hàng điện thoại hay sao mà rành quá vậy?”. Cô gái nọ liếc anh bạn trai đi cùng: “Thấy chưa?” rồi trả lời tôi: “Thì mua xài, rồi đổi điện thoại mới riết rành luôn. Cái điện thoại của chị ở VN không có đâu”. Khi tôi hỏi còn trẻ lấy tiền đâu đổi điện thoại mới hoài thì anh chàng nhún vai: “Ông bà già cho chớ đâu”.

                    Báo Tuổi trẻ cho biết theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GFK Asia Pte, trong sáu tháng đầu năm 2005, 1,6 triệu chiếc điện thoại mới đã được bán hết trên thị trường VN, gấp đôi dự đoán ban đầu, và con số này còn có thể cao hơn nữa vào sáu tháng cuối năm nay. Quả là một mảnh đất màu mỡ cho các đại gia trong ngành sản xuất điện thoại di động. Khi ngồi dự một đám cười, điện thoại anh bạn từ thời đại học ngồi cùng bàn tôi réo inh ỏi. Anh đang nghe chiếc này thì từ trong túi một chiếc điện thoại nữa réo lên, lại phải lập cập xin lỗi người ở đầu dây bên kia để ngừng nói chuyện. Anh xong hai câu chuyện ở hai máy, tôi tính hỏi “Sao phải làm khổ mình vậy trời!” nhưng thôi. Mà đây không phải trường hợp hiếm hoi, rất nhiều người bạn của tôi cá hai điện thoại cùng lúc, toạn loại không mới nhất thì mới nhì trên thị trường. Mà cơ khổ, sở hữu nhiều điện thoại nên có lúc nào được yên đâu. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy những tác hại của điện thoại di động đến não bộ và cơ thể nếu dùng trong thời gian dài, và còn cảnh bảo đến việc dùng điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đối với sức khoẻ trẻ em. Nhưng dường như người tiêu dùng VN, đặc biệt là giới trẻ vẫn bỏ ngoài tai.

                    Chuyện “hội chợ phù hoa” của VN không chỉ dừng lại ở đó. Tôi theo bà chị ruột đang là giám đốc marketing và PR cho một khách sạn năm sao của Sài Gòn đến khu Parkson của Saigontourist, mà theo lời bà chị, “dẫn em đi cho biết chứ mỗi lần tới đây chị không mua được gì hết á!”. Quả thật những nhãn hiệu như Dolce & Gabbana hay Versace, ngay cả người nước ngoài cũng phải là dân thật giàu mới mua nổi, lại được bày bán trong này và vẫn có khách hàng, Lúc chúng tôi còn đứng ngoài cửa, một chiếc Mercedes Kompressor bóng lộn dừng lại cho một cô nàng trẻ măng đỏng đảnh bước xuống đi vào. Bà chị tôi bảo: “Mấy con nhỏ đang trong thời kỳ cố gắng “hôi của” từ mấy ông bồ đó mà”.

                    Chuyện này làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi nhớ thời ở Anh, anh bạn thân học cao học cùng trường chở tôi về nhà chơi. Ngang qua một ngôi nhà nọ cách nhà anh khoảng 1km, anh chỉ: “Hồi học cấp II, tôi đi giữ em cho nhà này nè”. Ba mẹ anh khá sung túc và ở một khu rất giàu có gần London, chỉ riêng ngôi nhà đã được định giá với số tiền bảng Anh tương đương hàng triệu USD. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Đi giữ em bao lâu? Rồi anh có làm gì nữa không?”. “Giữ em khoảng một năm. Hồi nhỏ hơn có đi giao báo, rồi lúc học đại học nghỉ hè đi làm thu ngân siêu thị nữa”.

                    Giọng anh rất thản nhiên, không tự hào cũng không xấu hổ, như thể đó là một điều rất bình thường. Mà quả đó là một điều rất bình thường, chỉ có điều khi nghĩ về những cô nàng trẻ đẹp trong thời kỳ đi “hôi của”, hay những bạn trẻ thoả sức lấy tiền cha mẹ đổi điện thoại di động và mua xe đời mới ở VN, tôi lại thấy nao nao trong lòng.

                    Comment


                    • #25
                      Hoài Vienna




                      Daniel và tôi đi Vienna vào những ngày cuối năm, khi tuyết rơi trắng xóa khắp miền Tây nước Áo nhưng ở thủ đô không có một giọt tuyết nào, chỉ có gió thổi lùa vào sáu, bảy lớp áo đủ làm lạnh run cầm cập.



                      Bạn trai tôi (*) Daniel là người Áo nhưng học ở Thụy Sỹ. Lần cuối cùng anh đến Vienna cũng đã cách đây mấy năm, còn tôi chưa từng đến đây lần nào. Vầy nên sau bữa ăn sáng kiểu Viennese với cà phê nóng hổi, bánh mì và thịt nguội ở nhà Thomas – chú ruột của anh, chúng tôi lấy lại sức sau hơn bảy tiếng đồng hồ trên xe lửa và háo hức muốn đi thăm thành phố ngay.

                      Cuốn Rough guide trong phần giới thiệu về Vienna đã viết: “Những du khách lần đầu đến Vienna đều vẽ sẵn trong đầu hình ảnh một nơi lãng mạn với những hoài cổ Habsburg và âm hưởng nhạc”. Thật vâỵ, khi chú Thomas chở hai đứa tôi đi vòng quanh thành phố, qua những công trình kiến trúc kiểu Baroque từ thế kỉ 18 đẹp như mơ bên những cây mùa đông trụi lá, tôi thốt lên: “Trời, giống như đang xem chương trình vòng quanh thế giới trên TV vậy”. Daniel cười: “Chừng nào tới TP.HCM chắc tôi cũng nói vậy”, còn ở đây cảnh có gì đẹp đâu? Đúng là người ta chỉ quý những gì mình không có.

                      Ở Ringstrasse, nơi tập trung hầu hết những địa danh nổi tiếng của thành phố, tôi đặc biệt thích lâu đài Hoàng gia (Hofburg), một khu phức hợp tượng trưng cho văn hóa và di sản Vienna được xây từ năm 1275 với 19 sân, 18 cánh rộng mênh mông. Gia đình hoàng gia Áo đã ở đây suốt sáu thế kỷ: từ thời Rudolf đệ nhất năm 1279 đến Charles đệ nhất năm 1918. Những cỗ xe ngựa chở khách du lịch đi vòng quanh thành phố nằm chờ ở đây, gợi nhớ đến những bộ phim về châu Âu thời xa xưa.

                      Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler về Vienna và tuyên bố “mối liên hệ giữa nước Áo và nước Đức phát xít” tại Hofburg. (Hitler là người gốc Áo nhưng bạn chớ dại dột đề cập chuyện ấy với người địa phương vì người Áo rất xấu hổ về điều này. Vả lại Áo là quê hương của rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới khác để nhắc đến như nhà phân tâm học Sigmund Freud hay các thiên tài âm nhạc Mozart, Strauss, Beethoven…).

                      Mùa hè, những quán cà phê còn kê bàn ghế ra ngoài đường – đúng kiểu cà phê al fresco châu Âu, nhưng với cái lạnh 2 độ C có lẽ không ai thích ngồi uống cà phê ngoài phố. Ở khu phố đi bộ Karntnerstrasse với những nghệ sĩ lang thang chơi guitar, violon và kèn trumpet, tôi bật cười khi bắt gặp một quán bar tên Loos (trong tiếng lóng của người Anh, loo có nghĩa là toilet). Sau tôi mới biết đây là một quán bar nổi tiếng được kiến trúc sư người Mỹ Adolf Loos, một trong những nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật mới (Art-Nouveau), vẽ kiểu vào năm 1980.

                      Khu phố đi bộ Kohlamrkt – có nghĩa là chợ Than vì ở đây trước là nơi bán than (cách đặt tên khác nào phố Hàng Than của 36 phố phường Hà Nội) – chẳng hề đen đúa như tên gọi, ngược lại những con đường ở đây sạch sẽ và sang trọng hơn đâu hết! Ở cuối Kohlmart là quảng trường Michaelerplatz, nơi có tòa nhà Looshaus xây dựng vào năm 1911 cũng của KTS Adolf Loos, bây giờ là trụ sở ngân hàng. Cựu hoàng đế Áo Frank Joseph rất ghét tòa nhà này và gọi những cửa sổ ở đây là “cửa sổ không có lông mày” (vì những cửa sổ kiểu Loos không có những hình chạm khắc trang trí bên ngoài như những kiến trúc Vienna khác). Dân địa phương cũng không mấy ưa công trình kiến trúc mới Haas Haus do KTS Hans Hollein thiết kế, được khai trương năm 1990, còn sách du lịch Lonely Planet gọi đây là tòa nhà “hiện đại một cách không biết xấu hổ” (unashamedly modern), một phần cũng vì nó được xây đối diện nhà thớ Thánh Stephansdom (Stephansdom), một nơi có ý nghĩa với Vienna tương tự như tháp Effel ở Paris vậy.

                      Phía đông Stephansdom là những con hẻm còn giữ lại dấu ấn nguyên thuỷ của thành phố, đặc biệt tòa nhà số 8 đường Raubensteingasse là nơi Mozart qua đời khi đang sáng tác bản Lễ cầu hồn (Requiem). Vienna là cái nôi âm nhạc cổ điển, xuất xứ của điệu Valse dìu dặt, và người dân ở đây rất tự hào với những dấu ấn âm nhạc như tòa nhà Opera nổi tiếng thế giới, bộ sưu tập nhạc cụ cổ, nhà hát lớn… Bên cạnh đó còn có những ngôi nhà nơi các thiên tài âm nhạc như Beethoven, Haydn, Mozart, Schubert… sống và sáng tác những bản nhạc bất hủ, trong đó không thể không nhắc tới Johan Strauss với khúc luân vũ bất tử An der schonen, blauen Donau, được biết đến ở Việt Nam với cái tên Dòng sông xanh.

                      Tôi đến sông Danube (sông Donau theo tiếng địa phương) vào buổi trưa ngày cuối năm 2004. Gió thổi hắt từ nước sông lạnh buốt và con sông mùa đông không xanh màu da trời như trong bài hát. Sông Danube dài 2.840km uốn lượn qua nhiều nước châu Âu, nhưng với bản nhạc của Strauss, trong trí nhớ nhiều người đó là con sông xanh của thủ đô nước Áo mà thôi.

                      Đêm cuối năm, chúng tôi đi dạo từ Spiegelgasse, khu phố yên tĩnh treo đầy đèn hình sao và bông tuyết về lại Stephansplatz. Hàng trăm ngàn người dân Vienna và khách du lịch chen chúc tại đây xem pháo hoa bắn lên nền trời những đường lượn rực rỡ mừng năm mới. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ phải lên chuyến bay đầu tiên từ Vienna từ Vienna về London vào sáng sớm ngày đầu năm 2005. Những hình ảnh pháo hoa vào lúc nửa đêm, những ngôi nhà cổ, thánh đường uy nghiêm, xe ngựa, sông Danube và những hoài cổ Habsurg sẽ còn theo tôi cho đến khi tôi quay lại nơi đây lần nữa.



                      (*): Bây giờ đã thành “bạn trai cũ của tôi”


                      _____



                      Người ở thành phố lạ, ngày cuối năm (*)…




                      Daniel hỏi tôi: “Có muốn ăn kem không?”. Với cái lạnh gần 0 độ C, xem ra ý kiến này khá điên nhưng tôi hào hứng hưởng ứng ngay. Chúng tôi vừa ăn kem que vừa dạo ở nhà thờ thành Stephans tại trung tâm thủ đô Vienna của Áo, nơi những cỗ xe ngựa dừng chân chờ khách làm tôi nhớ tới lời một bài hát: “Một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say…”


                      Nhưng đây là một ngày không như mọi ngày, hôm nay là ngày cuối năm, tôi đang ở một thành phố lạ, với bạn trai mỗi năm chỉ gặp mấy lần, và đây là ngày cuối cùng tôi ở đây.

                      Chúng tôi đến Naschmarkt, khu chợ lớn nhất Vienna, với những hàng ăn bốc khói nghi ngút và mùi thức ăn thơm lừng. Bên cạnh những thẩu ôliu ngâm giấm đặc trưng Vienna có cả mứt tết nhập từ Trung Quốc, Thái Lan phục vụ cho cộng đồng người châu Á. Không khí ở đây làm tôi nhớ đến ngày 30 tết ở Việt Nam, cũng nhưng dòng người hối hả mua sắm cho kịp bữa tiệc đêm cuối năm, cũng những người bán mong bán sớm hết hàng để còn kịp về với gia đình.

                      Chợ Naschmarkt khá dài, khi chúng tôi đi hết chợ, vừa nhấm nháp những món lạ như salad trứng cá hay phớ mát sữa cừu… rồi đi bộ ngược lại, quàn hàng đã dọn gần hết, chỏ còn lá bánh, vỏ trái cây… vương trên những sọt rác bên góc chợ. Tự nhiên tôi thấy mệt mỏi như một người sắp phải đi đâu rất xa, có lẽ những buổi chạy ngược xuôi làm lại hộ chiếu đã vắt kiệt sức lực. Tôi bảo anh: “Mình về đi, ở đây nhìn buồn quá”. Daniel nhìn tôi, lạ lẫm: “Sao buồn, sắp qua năm mới rồi, phải vui chứ?”.

                      Những có lẽ Vienna không phải là nơi người ta đến để vui như Amsterdam hay Barcelona. Thành phố này luôn làm tôi nhớ tới thời hoàng kim của hoàng gia châu Âu những thế kỷ trước. Đó là kiến trúc kiểu Gothic, Baroque và Roman, những cung điện, dinh thự tráng lệ bên cây trụi lá vươn cành khẳng khiu lên nền trời cuối đông, và dàn đồng ca nhà thờ với những đứa trẻ giọng hát trong vắt như thiên thần, Một nghệ sĩ lang thang ngồi ở khu phố Karntnerstrasse chơi bản nhạc valse nổi tiếng của Johan Strauss An dẻ schonen, blauen Donau (Trên con sông Danube xanh xinh đẹp) làm tôi sực nhớ mình chưa đến đây như dự định.

                      Tôi bảo anh: “Đến sông Danube nhé”, và chúng tôi đi. Tôi thích cảm giác mới mẻ này, cảm giác ngày cuối năm ở một nơi lạ, không có gì phải lo nghĩ, muốn đi đâu, làm gì cũng được. Có lẽ tất cả du khách đang đội mũ ấm trùm kím tai hớn hở đến thăm lâu đài Schloss Schonbrunn lộng lẫy, có hình trang trí dạng cuộn sơn son thiếp vàng, những hình vẽ frescoes bay bướm trên tường và đèn treo pha lê lóng lánh; hay phố Do Thái Judenplatz với giáo đường cổ; hoặc xuýt xoa uống cà phê Vienna nóng bỏng có lớp kem tươi mịn màng trong những Kaffeehauser ấm áp khi bên ngoài gió lạnh tím tái môi. CHúng tôi là những người hiếm hoi đến sông Danube vắng vẻ ở ngoại thành Vienna, khi mưa phùn mùa đông bay lất phất và gió thổi từ mặt sông xuyên qua mấy lớp áo run lẩy bẩy. Con thuyền độc mộc bằng gỗ xù xì neo cạnh bờ vắng lặng, đàn thiên nga bơi im lìm như những nàng công chúa cô đơn bên lau sậy mùa đông, vừa bơi vừa ngưới nhìn nền trời xám. Daniel cười: “Không đẹp như bài hát phải không? Sắp phải về rồi chứ không lần sau mình ra ngoại ô xa nữa, ở đó sông rộng, đẹp lắm”. Câu nới làm tôi mường tượng ngay đến những ngôi làng xinh đẹp vùng Wachau và thung lũng sông Danube lãng mạn yên bình, với rặng núi xanh thoai thoải và vườn nho trải dài trên sường dốc đứng bên dòng sông lững lờ trôi qua những tu viện, giáo đường, lâu đài và dấu tích thành quách xưa.

                      Trên xe điện, anh bảo: “À quên, tối nay ở quảng trường thành phố không bắn pháo hoa nhiều như dự định đâu”. Tôi thất vọng: “Sao vậy?”. “Thành phố quyết định dành số tiền đó ủng hộ gia đình nạn nhân động đất Tsunami”. Tôi thở dài, nhớ lại thước phim chiếu những bãi biển, ngôi làng tan hoang và những người dân với khuôn mặt thất thần, mà ở ngay cạnh nước tôi chứ đâu xa.

                      Đêm cuối năm, dòng người đổ về quảng trường Stephansplatz ngày càng nhiều (sau tôi được biết ở trung tâm thành phố lúc 12g đêm có đến 600.000 dân địa phương lẫn khách du lịch). Pháo bắn đì đùng khắp nơi càng làm tôi nhớ những ngày xưa ở quê nửa đêm dậy đón giao thừa. Mặc dù được cho biết pháo này chỉ gây tiếng nổ thôi chứ không làm bonge da hay bị thương, tôi vẫn sợ giật bắn người mỗi khi bọn trẻ con ném pháo xung quanh. Mặc dù thành phố không tài trợ bắn pháo hoa, vẫn có những công ty và cá nhân tự túc mua pháo hoa mừng năm mới. Giữa khuya, tôi đứng với Daniel trên thềm lát đá giữa biển người hớn hở ngước nhìn nơi pháo hoa đủ màu bắn lên nền trời làm cả thành phố sáng rực. Nhưng tôi buồn. Mấy tiếng đồng hồ nữa thôi tôi phải ra sân bay đi chuyến đầu tiên của năm. Một dòng người chen chúc đi ngang làm tôi ngã dúi đụng phải người đứng trước mặt, cô quay lại, nhìn tôi cười thông cảm.

                      Mới vài ngày trước thôi, chúng tôi đến Vienna từ Feldkirch – quê Daniel, một thành phố nhỏ tĩnh lặng và ngái ngủ miền Tây nước Áo cách thủ đô bảy tiếng đồng hồ - vào sáng sớm, khi Daniel một tay lôi vali một tay nắm tay tôi kéo đi từ trạm xe lửa đến nơi chú anh đứng đón, còn tôi mắt nhắm mắt mở nhìn thành phố lạ ẩn hiện lờ mờ trong sương. Tôi rời Vienna cũng vào sáng sớm, khi trời còn tối đen, nhưng tôi không nhìn nơi đây với cặp mắt một du khách đến thăm lần đầu mà của một người sống ở đây rất lâu nay phải đi xa.

                      Daniel lái xe đưa tôi ra sân bay. Chúng tôi gần như không nói gì suốt thời gian ngồi trên xư. Nhiều lúc tôi nghi ngờ mối quan hệ từ xa của mình chẳng đi đến đâu và than vãn mình kém may mắn. Nhưng bây giờ tôi thấy mình quả thật không muốn gì hơn: bạn trai tôi thức dậy từ ba giờ rưỡi sáng đưa tôi đi, còn ở đầu kia châu Âu, Alastair dậy từ 5g sáng từ bữa tiệc khuya cuối năm lái xe hàng chục dặm đón tôi ở dân bay London về ăn tết với gia đình anh, “Ngày đầu năm mà, Uyên về nhà ba mẹ tôi chơi, đừng về Southampton không có ai buồn lắm”.

                      Sân bay vắn hoe, có lẽ chuyến bay của tôi là chuyến bay duy nhất lúc này (vì giá rẻ, nếu bay những chuyến sau giá đắt gấp ba, bốn lần). Tôi bảo Daniel chừng nào đi làm có nhiều tiền nhất định phải bay những chuyến tử tế để anh không phải dậy sớm ngày đầu năm vừa lái xe vừa dụi mắt nữa. Nhưng anh nhún vai cười: “Không sao! Như thế này mới có cái để nhớ chứ”.

                      Bên ngoài sân bay trời vẫn còn tối đen và mưa lâm thâm. Một vài bóng người chạy vội vã từ bãi đậu xe vào sân bay, ướt lướt thướt. Tự nhiên tôi nhớ đến một truyện ngắn tôi đọc từ những ngày xa xưa: “Tôi không mong đợi ngày này, nhưng nó cũng đến. Không có gì khác với hôm qua, vẫn rét, vẫn mưa, những đã là ngày của một năm mới rồi” (*).



                      (*) Truyện ngắn của Phan Triều Hải.

                      Comment


                      • #26
                        Brussels, ngôi làng thủ đô





                        Tôi mua vé đi Brussels và Amsterdam vào tháng tư năm ngoái, mục đích chính để kịp xem hội hoa ở vườn Keukenhof Hà Lan, không phải vì thủ đô nước Bỉ. Không may đến đúng ngày đi lại bệnh một trận liệt giường, tôi nhận được email từ anh Dũng đang học cao học ở Brussels – bạn của một người bạn của Thiêm bạn tôi (tôi thích nhất du học sinh Việt Nam những mối quan hệ xa lơ xa lắc): “Tiếc quá em không qua được với Thiêm kì này. Hà Lan đang mùa hoa tulip nở rộ đẹp lắm, còn Brussels thì vẫn… xấu như mọi khi”.


                        Bợi vậy tôi không trông đợi gì nhiều ở thủ đô nước Bỉ khi cuối cũng cũng đến đây sau mấy tháng chờ đợi. Quả thật từ Gare du Nord đến ký túc xá trường đại học nơi bạn bè anh Dũng cho tôi “tá túc” mấy ngày, trông Brussels không có vẻ gì hứa hẹn. Thành phố đầy những tòa nhà màu xám, lại có rất nhiều công trình đang xây dở dang với giàn giáo gạch đá cần cẩu ngổn ngang khắp nơi.

                        Không được biết đến nhờ cảnh đẹp nhưng Brussels nổi tiếng thế giới về ẩm thực, đặc biệt là bia, sôcôla và sò. Dân du lịch vẫn truyền miệng nhau phải ăn cho bằng được “Mussels in Brussels”. Sau những ngày du lịch ba lô “lang bạt”, bữa sò hấp bia ngon lành với những sinh viên Việt Nam ở chung khu nhà anh Dũng làm tôi tỉnh táo hẳn và nằng nặc đòi đi thăm thành phố ngay. Nhưng mọi người chẳng có vẻ gì hào hứng: “Thôi để mai đi, tối rồi em nghỉ cho lại sức. Ở Brussels có gì đâu mà nôn nóng đi xem!”.

                        Những gì tôi đọc được về Brussels và vẻ thờ ơ của những người bạn sống ở đây làm tôi thật sự ngạc nhiên khi dạo quanh thành phố vào ngày hôm sau. Rõ ràng kiến trúc xưa của Brussels không kém chút nào so với những nước láng giềng, đặc biệt sách Rough Guide rất đúng khi cho Grand Place ở trung tâm Brussels là quảng trường thành phố cổ xưa được bảo trì tốt nhất châu Âu. Ngước mặt nhìn tòa tháp cao ngất thiết kế tinh xảo đẹp như mơ, xung quanh là những ngôi nhà xưa hoa tươi mọc đầy trên bệ cửa sổ và trong những chậu hoa san sát hàng rào gỗ, tôi há hốc miệng bảo anh Dũng đang đứng cạnh: “Trời, vậy mà ai cũng nói Brussels xấu lắm!”.




                        Tên của thủ đô nước Bỉ (Brussels trong tiếng Anh, Bruxelles trong tiếng Pháp, cũng là ngôn ngữ chính thức ở đây) bắt nguồn từ Broekzele, nghĩa là “ngôi làng trên đầm lầy”. Từ thế kỉ thứ 6 trở đi, dưới thời hoàng gia Habsburg thành phố phát triển nhanh như thổi và cùng với The Hague thay phiên làm thủ đô của Liên hiệp Vương quốc Hà Lan trước khi thành thủ đô của nước Bỉ độc lập vào thế kỉ 19. Ngày nay, có người rất tinh tế cho rằng Brussels là hiện thân của Bỉ: khiêm tốn, tự tin những không bao giờ cố gây ấn tượng. Với trụ sở chính của Liên minh châu Âu EU và khối NATO đặt ở đây, có lẽ Brussels bị “mang tiếng” là trung tâm nhàm chán và quan liêu cũng vì vậy. Tôi buồn cười nhớ lại năm ngoái, lúc nước Anh đang sôi sục bầu cử thủ tướng. Đảng bảo thủ Conservative kêu gọi “Nếu bạn không muốn Brussels sai bảo, hãy bỏ phiếu cho Conservative” để thu hút những cử tri nào cho rằng nước Anh mất đi bản sắc riêng do lệ thuộc quá nhiều vào EU. Tương tự, khi Hà Lan theo gót Pháp không thông qua Hiến pháp châu Âu (European Consitution) của EU, một anh chàng Hà Lan đã phát biểu trên diễn đàn của BBC: “Là người châu Âu đích thực không có nghĩa rằng chuyện gì cũng nghe lời Brussels”.

                        Nhưng tôi thấy tiếc cho những ai bỏ qua Brussels trong chuyến du lịch vòng quanh nước Bỉ. Grand Place là trung tâm thương mại của Brussels từ thời Trung cổ, mặc dù chỉ có tòa tháp Hôtel de Ville và một guildhouse (nhà dành riêng cho thợ thủ công làm nghề ở châu Âu thời xưa) thoát khỏi mưa bom suốt 36 tiếng đồng hồ của Pháp vào năm 1695. Hôtel de Ville không phải khách sạn như nhiều người lầm tưởng mà là tòa thị chính với kiến trúc bên ngoài gợi nhớ đến tháp đôi Sagranda Familia ở Barcerlona hoặc Stephansdom ở Vienna, nhưng bên trong khác hẳn với những căn phòng tráng lệ. Đặc biệt nhất là văn phòng chính quyền thành phố từ thế kỷ 16, dát vàng qua mấy trăm năm vẫn còn lộng lẫy, sàn lát gỗ sồi chạm ngà voi và trải thảm sờn. Thú vị hơn cả Hôtel de Ville kiểu Gothic là những guildhouse được xây lại vào thế kỉ 18 sao khi bị Pháp đánh bom, với những tháp thon thả chạm khắc đủ hình tượng độc đáo. Ngày nay, nhiều guildhouse trở thành những nhà hàng, quán cà phê sang trọng như muốn nhắc du khách nhớ đền thời vàng son của Bỉ.

                        Phía Nam quảng trường, trên đường Charles Buls là tấm plaque mạ vàng – một trong những tác phẩm theo trường phái Nghệ thuật Mới (Art Nouveau) đầu tiên của thành phố. Cạnh đó là bức tượng nằm, tạc nữ anh hùng thế kỉ 14 Everard’t Serclaes, du khách đến đây ai cũng sờ tay vào tượng để lấy may. Tôi cũng bắt chước sờ tay vào tượng xem thử năm nay có khá hơn năm trước đi du lịch bị đạo chích châu Âu chôm mất balô không.

                        Chúng tôi tản bộ đến khu phố Rue du Chêne và Rue de l’Étuve, anh Dũng kéo tay tôi, chỉ: “Đây, niềm tự hào của Brussela chỉ có bấy nhiêu đây thôi”. Xung quanh góc phố nhỏ đông đúc người cạnh những hiệu bán bánh quế, sôcôla và đồ lưu niệm, tượng chú bé Manneken Pis trông thật ngộ nghĩnh. Dù ngày nay đó chỉ là một bản copy của bức tượng gốc được Jerome Duquesnoy tạc vào những năm 1600s và đặt tại đây (đã bị mất trộm mấy lần) và Manneken Pis đã có mắt khắp thế giới, nhưng Brussles vẫn là nơi mọi người tìm đến xem hình ảnh buồn cười này.

                        Tôi rất thích khu phố phía sau lưng Grand Place, có những quán ăn ngoài trời che dù trắng đầy dân địa phương ăn uống rôm rả, những nghệ sĩ lang thang chơi đàn guitar và accordion. Khác xa với London, Paris, Amsterdam..., luôn rộn rã khách du lịch lôi vali xềnh xệch khắp nơi hay ngó nghiêng chụp ảnh, Brussels là thủ đô duy nhất tôi từng đến có nét địa phương rất đáng yêu mà chỉ có những vùng quê xa xôi còn giữ lại được. Dường như tôi là người lạ duy nhất trên con đường này. Mỗi lần tôi đưa máy ảnh lên, những người đang ăn uống lại ngưới lên nhìn, cười khúc khích, có người còn vẫy tay chào, hay sửa lại tóc tai, như thể lần đầu tiên thấy khách du lịch vậy. Một anh chàng phục vụ còn vui vẻ vẫy tay gọi tôi từ xa, khoe trong quán có vẽ hình trên tường đẹp lắm, vào chụp đi. Điều này làm tôi yêu Brussels như yêu những người địa phương vui tính chất phác ở một ngôi làng nhỏ.

                        Brussels được ưu ái gọi là thủ đô của châu Âu (Capital ò Europe) do trụ sở EU đặt ở đây và do vị trí địa lý thuận lời kết nối những thành phố khác của cựu lục địa. Vì thế Bỉ cũng lấy tên gọi ấy để làm chiến lược marketing du lịch. Nhưng mỗi lần nghĩ về Brussels, tôi không nhớ về một thành phố lớn với những tòa nhà chọc trời hay những đại lộ đầy xe ngang dọc mà nhớ hồn địa phương trên món bánh Waffle mới ra lò còn ấm nóng, vừa mềm vừa giòn, trên phủ lớp đường caramel, chocolate đun chảy và dâu tươi đỏ mọng hoặc kem tươi mới quết, trắng muốt mịn màng béo ngậy trông ngon lành không thể tả; những ngôi nhà cổ hoa nở đầy trên khung cửa sổ; những người dân thành phố mà đối với khách du lịch hồn nhiên như hàng xóm ở quê. Và tôi trìu mến gọi Brussels bằng cái tên tôi đặt: ngôi làng thủ đô...




                        ______



                        Nhớ những ngày Edinburgh Festivals…

                        ­­­­­___________________

                        Tôi vẫn thường ao ước được đến Edinburgh đúng dịp diễn ra festival nghệ thuật lớn nhất thế giới. Những ngày này vé đi Edinburgh tăng lên chóng mặt, giá cả phòng ở cũng tăng theo cấp số nhân nên đành ngậm ngùi chờ dịp khác. Đúng là cầu được ước thấy, giữa tháng tám, sếp bảo “Uyên qua Scotland tham gia mấy khóa học về thương mại Internet nhé!”, tôi mừng hơn bắt được vàng, nhận lời ngay.

                        Edinburgh Festivals bao gồm 9 liên hoan khác nhau, diễn ra vào tháng tám và tháng chín mỗi năm tại thủ đô Scotland. Giá trị và nổi tiếng nhất vẫn là liên hoan Quốc tế Edinburgh (EIF) – còn được mệnh danh “cả thế giới trên sân khấu Edinburgh” – ra đời vào năm 1947, khi châu Âu mới bắt đầu hồi sinh từ những tàn tích của chiến tranh thế giới thứ II. Gần nửa thế kỉ nay, EIF là nơi hội tụ những tác phẩm opera, ballet, kịch và nhạc cổ điển hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó còn Edinburgh Fringe Festival (Liên hoan bên lề), cũng ra đời cùng năm với EIF, khi tám tác phẩm, không được mời tham dự EIF cũng đến Edinburgh và thuê những nhà hát nhỏ hơn để biểu diễn. Gần như ai cũng có thể tham gia Fringe Festival, miễn bỏ ra khoảng 300 bảng Anh (tương đương 9 triệu đồng) để vào list chương trình. Năm nay có đến 25.000 tác phẩm tham gia Fringe Festival, lại không ai kiểm duyệt nên thượng vàng hạ cám có đủ. Từ những nhạc kịch thiếu chút nữa được mời vào liên hoan chính thức EIF đến những tiết mục khá “nhảm” như “Ladyboys of Bangkok” với đội ngũ pêđê Thái Lan váy áo sặc sỡ, nhưng dân chúng vẫn nườm nượp bỏ tiền đi xem vì tò mò. Ngoài ra còn liên hoan sách Edinburgh, Liên hoan nhạc Jazz và Blues Endinburgh, Liên hoan Tatoo quân đội Edinburgh...

                        Tôi đến Edinburgh đúng hôm khai mạc Liên hoan khai mạc chính thức EIF vào giữa tháng tám. Chương trình duy nhất trong ngày là tiết mục mở màn liên hoan của đài BBC. Chỉ một số ít tác phẩm có giá trị sâu sắc được chọn lọc tham gia. Vé của hầu hết các tiết mục đã bán hết cách đó bốn tháng, nhưng ở mỗi tiết mục ban tổ chức có 50 vé cho 50 người đến sớm nhất trước giờ biểu diễn một tiếng đồng hồ. Tiết mục bắt đầu lúc 8g tối, mới 6g30 tôi đến nơi đã thấy một hàng dài rồng rắn chờ mua, ai cũng mang theo ghế xếp, nước uống, bánh mì ngồi chờ như cảnh xếp hàng thời bao cấp ở Việt Nam. Ngao ngán, tôi hỏi cặp vợ chồng đứng tuổi trong hàng họ đến từ mấy giờ “Bốn giờ rưỡi, mà mấy người đứng trước đây còn đến từ 3g kia. Mỗi lần mới có một lần mà”. Biết không có cơ hội mua được vé, tôi thở dài quay về khách sạn, quyết tâm ngày mai sẽ ra sớm hơn.

                        Sáng sớm hôm sau, tôi tản bộ ra lâu đài Edinburgh bằng đá nằm trên đồi cao cây cối xanh um. Lâu đài rất im ắng và vắng khách du lịch, có lẽ mọi người còn đang ngủ hay đang đứng xếp hàng chờ mua vé trước những nhà hát trên khắp Edinburgh mất rồi. Tình cờ đến The Hubs, nơi bán vé của ban tổ chức đặt tại Dặm Hoàng Gia, thấy bảng thông báo còn chỗ cho một số chương trình sắp tới vì có người trả lại vé. Tôi mừng rỡ vào ngay mà mua được một vé đứng xem biểu diễn Piano của nghệ sĩ Llyr Williams ngay sau đó. Đồng thời mua một vé ngồi tít đằng xa xem nhạc kịch “Hồ Thiên Nga”, dù biết sau đó phải nhịn ăn sáng vì giá vé cao chóng mặt.

                        Buổi biểu diễn piano trong một khán phòng chật kín người, hầu hết đều trên dưới 60, 70 tuổi. Trong khi chờ bắt đầu tôi nói chuyện với một phụ nữ trung niên người Đức bên cạnh và được biết bà đến Scotland chỉ để xem Edinburgh Festivals, bà hỏi “cháu học cao học về piano à?” làm tôi ngượng ngập: “Không, cháu chỉ thích đi xem cho biết thôi, không học chuyên ngành đâu”. “Vậy thì tốt quá, mấy đứa con của bác bằng tuổi cháu bây giờ không thích những buổi biểu diễn như thế này đâu.

                        Khán phòng sang trọng nhưng sân khấu lại hết sức đơn sơ với sàn gỗ cũ kĩ, không hề có băng rôn hay phông màn. Nghệ sĩ bước ra sân khấu cũng không một lời giới thiệu kiểu cách từ ban tổ chức. Anh chào khán giả rồi bước ngay vào đàn và thả hồn theo những nốt nhạc du dương. Ban đầu tôi còn ngớ ngẩn nghĩ xem ti vi còn sướng hơn vì ít ra trên màn hình còn hiện tên bản nhạc, nhưng chỉ sau vài phút tiếng nhạc phát ra từ những ngón tay anh làm tôi muốn ứa nước mắt. Tôi không rành nhạc giao hưởng và cũng chẳng phân biệt được bản nào của Schubert, bản nào của Chopin. Chỉ biết rằng những bản nhạc ấy làm tôi nhớ những ngày còn ở Việt Nam buổi chiều ngồi trước ngõ vừa đọc truyện “Hành trình ngày thơ ấu” vừa chờ mẹ về. Nhớ những đêm đi bộ từ thư viện trường đại học về nhà trong tuyết rơi trắng đường lạnh buốt. Và mới hôm qua, khi phố xưa Edinburgh đón tôi bằng những tia nắng cuối ngày dát vàng những tòa lâu đài vua chúa ngày xưa và dòng người nhộn nhịp hòa vào không khí lễ hội. Tôi nghĩ mãi vẫn không biết ví âm thanh phát ra từ tiếng đàn anh giống âm điệu gì, mãi sau mới nhận ra những bản nhạc ấy làm tôi liên tưởng đến tiếng những viên kim cương lăn trên nhung.

                        Hai tiếng đồng hồ của chương trình qua nhanh như gió thoảng. Khi nghệ sĩ kết thúc, cúi người chào khán giả, tôi sung sướng đến mức vỗ rát cả tay. Khán giả cũng vỗ tay hàng tràng dài không dứt, làm anh đã quay vào phải tiếp tục trở ra, đàn thêm ba bản nữa mới thôi. Mãi về sau tôi mới biết Llyr Williams mới 26 tuổi, có lẽ là một trong những nghệ sĩ biểu diễn sô lô trẻ nhất trong lịch sử EIF.

                        Điểm nhấn của chuyến đi Edinburgh lần này vẫn là lúc được xem buổi biểu diễn vở ballet “Hồ thiên nga” do đoàn ballet Pennsylvania của Mỹ phối hợp giàn giao hưởng Tchaikovsky của Nga. “Hồ thiên nga” là một trong những vở ballet hay nhất thế giới. Câu chuyện hoàng tử Siegfried và tình yêu anh dành cho Nữ hoàng thiên nga Odette vẫn còn mê hoặc khán giả từ khi Tchaikovsky cho ra đời bản nhạc này năm 1895. Ban đầu, tôi hơi sao lãng vì âm thanh tiêngd giày dẫm trên sàn gỗ và tự hỏi sao không trải thảm dày trên sân khấu. Nhưng câu chuyện lãng mạn và những điệu múa đẹp như mơ cuốn hút tôi đến nỗi quên mất những âm thanh khác, ngoài những giai điệu lúc mạnh mẽ lúc êm đềm phát ra từ giàn nhạc bên dười khán phòng. Ấn tượng mạnh nhất của tôi vẫn là việc tác phẩm được kết hợp bởi hai nước Nga và Mỹ xa xôi cách nhau hàng chục ngàn cây số nhưng không biết lấy đâu ra thời gian cùng tập luyện mà hoàn hảo đến vậy. Lần đầu tiên trong suốt chuyến đi, tôi ước phải chi có một người bạn đồng hành cùng ngồi với tôi, ai cũng được, miễn là có một người thân chia sẻ tuyệt tác ấy. Cảm giác giống như được ăn một món ngon và ước có một người cũng được ăn món ngon ấy với mình vậy.

                        Tôi ở Edinburgh không lâu và hầu hết thời gian phải làm việc và tham dự những khóa học của công ty. Những giờ rảnh rỗi hiếm hoi tôi lại tản bộ hít thở không khí festival tràn ngập thành phố. Hay rảo quanh những tòa nhà xưa bằng đá hoa nở trong mưa phùn lất phất, hòa cùng dòng người xem những anh chàng người Scotland mặc váy carô truyền thống chơi kèm trên những góc đường, hay những nghệ sĩ nuốt lửa đến từ Nam Mỹ với những tiết mục sợ nổi gai ốc. Tôi cũng tranh thủ ghé vào xem liên hoan sách Edinburgh xem những bộ sách hiếm hoi từ khắp nơi trên thế giới. Có khi dạo quanh hội chợ hàng thủ công với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo như hình vẽ màu nước rất tinh tế trên lông chim nhỏ bằng hai ngón tay, bộ sưu tập những viên đá lớn bằng nắm tay đủ màu sắc từ cao nguyên Scotland, hay những viên gỗ hình bầu dục nhỏ xíu ướp hương hoa hồng, hoa cam, hoa oải hương… thơm thoang thoảng dễ chịu. Mỏi chân, tôi ghé vào nhà thờ gần quảng trường lớn nghe nghệ sĩ Christoph Hauser chơi đàn organ nhà thờ, nghe tiếng đàn tràn ngập không gian. Đọc tờ chương trình tôi mới biết nghệ sĩ này bị khiếm thị bẩm sinh. Tôi vốn vô thần, lại tham sân si đủ cả, nhưng buổi trưa hôm ấy tiếng nhạc làm tâm hồn tôi thanh thản quá. Cảm giác dễ chịu như khi thức dậy sau giấc ngủ say buổi trưa thấy hoa nở sau cơn mưa bên ngoài khu vườn cây lá còn đọng những giọt nước trong veo.

                        Tôi tiếc nuối tạm biệt Edinburgh, ao ước phải chi được ở lại thêm vài ngày nữa. Trên chuyến tàu đến một thành phố khác, mở túi xách lấy vé đưa cho người soát vé, thấy cồm cộm tay: viên đá trắng tôi mua ủng hộ nhà thờ sau buổi biểu diễn lăn ra ghế. Viên đá có khắc chữ cổ kiểu Gaelic mà người bán khi tôi hỏi nhing mãi vẫn không biết nghĩa là gì. Tôi nhặt lên, tình cờ thấy bên dưới khắc một chữ nhỏ xíu “Love”. À thì ra đây là “Yêu”. Tôi mỉm cười đặt viên đá trở lại vào giỏ, thấy vui vui vì tìm thấy tình yêu nghệ thuật sau chuyến đi này. Chỉ một tiếng đồng hồ nữa tôi phải tham gia khóa học kinh doanh mới, nhưng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại Edinburgh, nghe tiếng đàn như gió thoảng qua tòa lâu đài kiêu hãnh trên đồi và đại dương sương mù phủ trắng vỗ hoài vào bờ đá ngoài xa…
                        Last edited by Poupi; 11-06-2011, 01:15 PM.

                        Comment


                        • #27


                          Barcelona, Barcelona…




                          Tôi mượn lời bài hát thật hội hè tại Olympic Barcelona 1992 này làm tực bài viết về thành phố Tây Ban Nha bên bờ Địa Trung Hải, nổi tiếng với kiến trúc Gaudi, đàn guitar, rượu sangria và những vũ điệu nóng bỏng như một mùa hè Nam Mỹ.


                          Trong một chương trình TV tôi mới được xem, dân châu Âu xếp Barcelona đứng đầu 10 thành phố đẹp và dễ sống nhất thế giới, trên cả những đối thủ nặng ký Paris lãng mạn, London kiêu hãnh, Amsterdam tự do thoải mái, New York “cosmopolitan” hội tụ dân thập phương tứ xứ, Venice đẹp như tranh… Cũng dễ hiểu thôi, đối với những nước châu Âu quanh năm lạnh lẽo, được hơn hai tháng hè nắng ấm rồi lại về với những cơn gió lạnh, sương mù và mưa phùn, Barcelona – vừa là trung tâm tài chính kinh tế quốc gia, vừa được thiên nhiên ưu đãi bờ biển cát mịn trải dài và những tia nắng ấm áp gần như quanh năm – quả là thiên đường.

                          Barcelona luôn được xem như một thành phố đầy tham vọng và hiện đại. Luôn làm mới mình và sẵn sàng đón nhận những điều lạ, thủ phủ xứ Catalan bắt đầu nổi lên như một “hiện tượng” trên thế giới từ năm 1987, khi chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế thông báo thông báo thành phố chủ nhà Olympic 1992. Từ đó, Barcelona vượt qua cái bóng của thủ đô Madrid và 40 năm đế chế Franco để trở thành một trong những thành phố năng động nhất châu Âu.

                          Bị trễ chuyến bay của RyanAir nên tôi phải bay đến Reus, cách Lloret de Mar nơi tôi hẹn với Daniel hơn 200 cây số. Xe buýt của hãng hàng không chở chúng tôi từ sân bay Reus đến Barcelona đã nửa đêm. Tôi xách hành lí chạy thục mạng vào nhà ga trung tâm Barcelona những sau một hồi vừa thở hổn hển vừa chạy khắp ga, tôi thất vọng khi biết chuyến tàu cuối cùng về Lloret de Mar đã rời ga cách đó không lâu.

                          Tôi ngán ngẩm ngồi phịch xuống băng ghế dài. Đã sắp 12g khuya những bên trong nhà ga vẫn còn nhiều người lên xuống qua lại. Mầy ông taxi tới hỏi tôi đi đâu và ra giá 120 euro sau khi biết nơi tôi muốn đi. Ban nãy bị trễ chuyến bay tôi đã phải đóng mấy chục bảng Anh, bây giờ thêm chừng này tiền taxi nữa tiền đâu đi chơi. Thế là tôi lắc đầu từ chối rồi nhìn quanh quất xung quanh, chợt nảy ra ý định ngủ lại luôn trong sân ga chờ chuyến tàu sớm nhất vào 5g sáng mai, cũng không còn bao lâu nữa.

                          Một anh chàng gốc châu Á trạc tuổi tôi vừa bước ra từ chuyến tàu đêm, mang trên vai một túi xách du lịch to tướng ghé vào quầy bán hàng trước chỗ tôi ngồi. Anh có vẻ là người địa phương vì phong thái tự tin và nới tiếng Tây Ban Nha rất rành, trông mặt mũi cũng hiền lành thân thiện nên tôi lân la lại hỏi: “Hình như anh là người ở đây? Cho tôi hỏi khuya ở nhà ga này có an toàn không?”. “Đúng rồi, nhà tôi ơ gần đây, nhưng sao bạn hỏi vậy? Bạn định ở lại đây chờ chuyến sáng mai hả?”. Tôi gật đầu, anh quay sang hỏi những người bán hàng bắng tiếng địa phương rồi quay lại bảo tôi: “Họ nói nửa tiếng nữa ở đây sẽ đóng hết cửa lại, bên ngoài không vào được. Khuya cũng có bảo vệ trực, vậy chắc không đến nỗi nguy hiểm đến tính mạng, chỉ sợ bạn ngủ quên có kẻ xấu lấy cắp đồ thôi”.

                          Tôi cảm ơn anh rồi ngồi xuống suy nghĩ. Những tác giả về du lịch tôi yêu thích có kể lại những hoàn cảnh còn tệ hại hơn. Chẳng hạn tác giả Bill Bryson thời còn sinh viên qua Anh lúc khuya lơ khuya lắc, chỉ những khách sạn hạng sang còn mở cửa. Không đủ tiền anh chàng đành phải ngủ ngoài đường, lôi hết quần áo khăn lông trong vali ra quấn lên người nằm co ro bên ngoài chống lại cái lạnh về khuya như cắt da cắt thịt. Ở đây được ngủ bên trong còn tốt chán. Nghĩ vậy, tôi quyết định sẽ ở lại ga tối nay.

                          Anh bạn kia vẫn đứng tần ngần, bảo:
                          - Sao tôi cũng ngại cho bạn quá! Hay bạn đi ra khách sạn bên này nè!
                          - À, tôi là sinh viên, khách sạn gần ga mắc lắm, với lại chỉ vài tiếng nữa đến chuyến tàu sáng, không sao đâu.
                          Anh ngẫm nghĩ một chút:
                          - Nếu bạn không ngại có thể về nhà toi. Bữa nay chỉ có một đứa bạn nữa ở nhà, tôi cũng đi vắng mấy ngày nay, về Madrid thăm ba mẹ mới lên lại. Bạn tôi vui vẻ mến khách lắm. Nhưng tùy bạn thôi.
                          Bất ngờ trước lời mời, tôi bật cười rồi đưa mắt quan sát anh. Anh trạc tuổi tôi, trông khá thật thà và đáng tin cậy (Những năm tháng sống xa nhà từ khi còn nhỏ xíu học cấp I đã dạy tôi cách nhìn người khá tốt). Tôi suy nghĩ hồi lâu rồi quyết định gật đầu đồng ý. Anh cười mừng rỡ “Ừ thôi về nhà nhé, sao nhìn ga này thấy cũng… ớn ớn”.
                          Francesco, tên anh bạn mới quen, xách hộ giỏ đồ của tôi rồi chúng tôi đi bộ ra ngoài. Barcelona đón tôi lúc nửa đêm bằng những con phố ấm áp cới hàng cọ xanh um chính giữa đại lộ, thỉnh thoảng có những cơn gió hiu hiu như Sài Gòn những đêm cuối năm. Trời nóng những không ẩm nên rất dễ chịu. Tôi ngửa mặt nhìn những ngôi sao thưa thớt trên trời đêm “Chào Barcelona”.

                          Trên đường đi, tôi hỏi anh người châu Á gốc nước nào, anh bảo: “À, quê tôi ở xa lắm chắc bạn không biết đâu”. Tôi gật đầu: “Biết, biết, tôi cũng rành địa lý lắm”. Fran nói: “Tôi người gốc Việt Nam, bạn biết Việt Nam không?”. Vừa bất ngờ vừa mừng rỡ, tôi chuyển sang nói tiếng Việt ngay lập tức: “A, mình cũng người Việt nè”. Thấy anh có vẻ không hiểu, tôi nói lại câu đó bằng tiếng Anh, rồi hỏi: “Bộ anh không nói được tiếng Viết hả?”. Anh lắc đầu: “Tôi sinh ra ở đây, cũng muốn học tiếng Việt nhưng không nói được, chắc tại ba mẹ sống ở Madrid còn tôi ở Barcelona từ nhỏ. Với lại mỗi lần nhắc tới Việt Nam mẹ tôi khóc hoài nên tôi chán lắm”. Tôi thôi không hỏi nữa, một phần cũng vì chúng tôi đã đứng trước cửa nhà anh.

                          Anh bạn người Tây Ban Nha cùng nhà bất ngờ khi thấy tôi, nhưng vẫn hồ hởi bước ra chào. Sau khi nghe Fran giải thích, anh chàng cười tươi rói, bảo: “Đúng rồi đó ở đây đi, tụi tôi đàng hoàng lắm, ở nhà ga có bảo vệ thì có chứ vẫn không an toàn cho bạn đâu”. Fran cất túi, xuống tủ lạnh lấy sữa và bánh mì mời tôi rồi bảo tôi có dùng Internet thì dùng. Tôi uống sữa, ăn bánh rồi vừa ngáp vừa lên Internet xem chỉ dẫn đường đi đến khách sạn ở Lloret de Mar. Fran ôm gối ra xa lông bảo: “Tôi ngủ trước đây, đi đường hơi mệt! Tối nay tôi ngủ ngoài phòng khách, còn bạn ở phòng tôi đi, đói bụng cứ ra tủ lạnh lấy đồ ăn thêm nhé!”. Tôi áy này: “Để tôi ngủ ngoài phòng khách cho!”, nhưng Fran cười gạt đi: “Không phải ngại! Mình là người Việt mà, người Việt lúc nào cũng nhường chỗ tốt hơn cho khách đúng không?”.

                          Sáng sớm hôm sau, Fran buồn ngủ mắt nhắm mắt mở nhưng một mực đòi xách giỏ tiễn tôi ra ga, giúp tôi mua vé lên tàu rồi mới chịu về nhà. Tôi quay sang nhắc lại lời mời hôm qua: “Cuối tuần tôi lên đây lại, mời anh với bạn gái đi ăn một bữa nhé!”.

                          Sau mấy ngày ở Lloret de Mar, Daniel và tôi trở lại Barcelona. Du khách đến đây ngày đầu tiên thường tìm ngay đến Sagrada Familia, kiến trúc bằng đá kiểu Gothic ngay ở trung tâm thành phố. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư tài danh Antoni Gaudi, hơn một thế lỷ nay vẫn chưa xây xong. (Dân Tây Ban Nha vốn nổi tiếng “làm biếng”, điển hình qua việc ngày làm việ thường bắt đầu từ 10g sáng đến 1g trưa, rồi từ sếp đến nhân viên đều làm một giấc ngủ trưa (siesta) đến 3, 4g chiều mới bắt đầu làm việc lại, thà chịu ra về trễ còn hơn mất siesta). Tòa tháp còn được biết đến với cái tên “Ngôi đền của gia đình mộ đạo”, có ba mặt: phía Đông tượng trưng ngày Chúa ra đới, phía Tây tượng trưng cái chết và sự say mê, còn tháp lớn nhất ở phía Nam tương trưng cho sự vinh quang. Dù đang xây dở dang, Sagrada Familia trông vẫn tuyệt đẹp, với những ngọn tháp nhọn vươn lên cao vút trên nền trời xanh nhiệt đới, đứng cạnh bên có thể chiêm ngưỡng được những đường nét chạm khắc cực kì tinh xảo.

                          Rời công trình thế kỷ nọ, chúng tôi đến La Rambla. Phố đi bộ dài rộng thênh thang với hàng dãy các cửa hàng bán khăn, áo, mũ nón và đồ lưu niệm làm bằng tay của dân địa phương và các nơi khác trên thế giới, bên cạnh những gánh hoa tươi muôn màu. Trái với tưởng tượng của tôi, những vật dụng trong các shop trông rất tinh tế chứ không tràn lan tạp nham như những “bẫy khách du lịch” (tourist traps) mà những thành phố lớn thường hay có. Tuy đắt đỏ nhất Tây Ban Nha, vất giá ở Barcelona vẫn rất rẻ so với những nước láng giềng Anh, Pháp, Đức, Ý... nên dân châu Âu qua đây mua sắm nườm nượp. Nhất là vào dịp cuối tuần, ai cũng tay xách nách mang những giỏ giấy đựng đầy quần áo, giày dép, thức ăn và rượu vang.

                          La Rambla rất xanh với những hàng cây rợp bóng, và dù khách bộ hành qua lại đông đúc nhưng vẫn sạch sẽ tinh tươm. Thỉnh thoảng bên đường lại bắt gặp tiếng nhạc rộn rã phát ra từ những cây đàn guitar (không phải “của đại đội 3” mà của những nghệ sĩ lang thang Tây Ban Nha, vốn là cái nôi của đàn guitar trên thế giới). Trên khu La Rambla, chợ Boqueria là một bữa tiệc cho tất cả các giác quan: mắt thấy trái cây tươi rói, hải sản, thức ăn làm sẵn... màu sắc thật ngon mắt; mũi ngửi mùi thơm nhè nhẹ của trái cây quyện mùi paella (cơm truyền thống Tây Ban Nha trộn tôm, mực, sò, thịt gà...) thơm phức; tay sờ những trái dâu chín mọng, đào và mơ mịn màng còn nguyên những giọt sương buổi sớm; tai nghe tiếng rao hàng lẫn tiếng cười nói lao xao; và miệng nếm thử những món mứt kẹo ngọt ngào mà người bán hàng hào phóng đưa cho. Boqueria đối với tôi thú vị như chợ Bến Thành đối với khách du lịch phương Tây vậy.

                          Nhưng thích nhất vẫn là những con đường nhỏ dọc theo La Rambla. Cũng có nhiều shop lưu niệm với những cô bán hàng đáng yêu tươi cười vui vẻ. Đường nhỏ vắng người nên yên tĩnh, có thể hít thở khồn gian buổi chiều ấm áp và hương hoa thơm ngát từ những gánh hàng hoa tràn cả ra ngoài.

                          Chúng tôi không có nhiều thời gian ở Barri Gotic, khu phố cổ từ thế kỷ 14 còn nguyên vẹn những dấu vết nguyên thủy xưa. Những mỗi lần nhìn lại những bức ảnh chụp phố xưa với lâu đài, nhà thờ, cầu treo, tường cũ, tôi lại nhớ đến những dây leo quấn xanh rờn trên tường đá lối vào khu phố và những tia nắng cuối ngày dát vàng thành cổ. Nhớ chiếc cầu treo bắc ngang hai tòa nhà với mái vòm và lan can uốn lượn như chờ cô công chúa Tây Ban Nha ném quả cầu chọn chồng trong truyện cổ tích ngày nào. Nhớ tiếng sáo thổi huyền hoặc âm vang trong tĩnh lặng chỉ có tiếng bước chân du khách nhón gót và trò chuyện với nhau thật khẽ khàng.

                          Những nơi còn lại ở Barcelona không yên tĩnh. Nhắc tới thành phố này, dân “chịu chơi” thường nhắc tới những quán bia, quán rượu khắp nơi, còn dân địa phương, khách du lịch cũng như người nước ngoài đang làm việc tại đây đua nhau nốc sangria (rượu đặc trưng Tây Ban Nha có độ cồn rất cao, ngâm trái cây tươi như dâu, cam, đào mơ...) như nước lã. Như đã hẹn trước, tôi gọi đienj cho Francesco mời anh và bạn gái đi ăn để cảm ơn. Khu Barcelona mà Fran dẫn chúng tôi tới ở gần bãi biển. Trước đây là làng chài, sau nữa là khu phố của ngư dân và ngày nay tràn ngập những nhà hàng hải sản kiểu alfresco với khách ăn uống nhộn nhịp trên những bộ bàn ghế kiểu Địa Trung Hải kê dọc vỉa hè. Trong lúc đi bộ, tôi hỏi Fran sao không thấy những trường đấu bò Tây Ban Nha ở Barcelona thì được biết chỉ Madrid và những vùng khác mới ưa chuộng môn thể thao nổi tiếng thế giới này, còn người Barcelona và cả xứ Catalan cho đấu bò tót quá độc ác và mạn rợ.

                          Đã 8g tối, tôi đói bụng và cũng hơi mỏi chân nên đòi vào một trong những quán ăn ven đường, Fran cười trêu chọc: “Giờ này sớm quá ai mà ăn tối, ở đây 10g mới ăn. Nhập gia tùy tục chớ”. Nói vậy nhưng Fran cũng dẫn chúng tôi vào một quán rất ngon bên đường. Chúng tôi ăn no nê những đặc sản địa phương như mực nhỏ bằng ba ngón tay nưởng vỉ nguyên con, rắc rau mùi xắt nhuyễn và vắt chanh tươi, hay tôm bỏ lò với nấm mọng nước vỡ ra trong miệng khi cắn. Fran chỉ cho tôi một món ăn gồm thứ rau xanh rờn là lạ người phục vụ mới mang sang trên đĩa ông khách ngồi bàn bên cạnh, cười bảo: “Ớt xào đó, có dám thử không Fran gọi cho?”. Ông khách cười vui vẻ đưa nguyên đĩa cho chúng tôi, sớt ra gần phân nửa, bảo bằng tiếng địa phương: “Ăn đi, ăn thử đi cho biết”. Người Tây Ban Nha rất thân thiện và hiếu khách (phải chăng nhờ vậy mà Barcelona đững đầu bảng những thành phố được ưa thích trên thế giới qua cuộc thăm dò nọ?). Do đó những nước thuộc địa cũ của Tây Ban Nha ở châu Mỹ như Argentina, Mexico, Chile, Ecuador, Costa Rica... cũng cùng một lối sống rất vui vẻ dễ chịu mà ai sang cũng khó muốn về.

                          Nhưng thành phố xứ Catalan này cũng có mặt trái của nó mà tôi tận mắt chứng kiến khi đang đi bộ trên một đại lộ. Một người đàn ông đang chạy đuổi theo hai cô nàng gầy gò mặc váy dài có vẻ là dân giang hồ, di-gan (dân “gypsy” lang thang nay đây mai đó ở châu Âu). Hai cô nàng chạy tản ra hai hướng, ông quyết định nhắm một cô rồi đuổi kịp túm lấy cổ áo, cô ta vội đưa cái bóp mới giật được đang cầm trong tay. Người đàn ông lấy lại được ví tiền mới bị giật, lên xe rồi đi. Sự việc diễn ra rất nhanh làm tôi đứng há hốc miệng ra nhìn. Tuy không lạ với những cảnh cướp giật, móc túi (bản thân tôi cũng là nạn nhân bị giật mất dây chuyền, điện thoại và giỏ xách trên những đường phố Sài Gòn), nhưng đi bao nhiêu nước châu Âu, cướp giật giữa thanh thiên bạch nhật thế này quả là lần đầu tiên tôi nhìn thấy.

                          Song hình ảnh đáng buồn ấy vẫn không làm mờ đi những kỷ niệm đẹp của tôi ở đây. Cũng phải thôi, nếu những nhân vật lỗi lạc Salvador Dali, Joan Miro hay Paolo Picasso (“kẻ nổi loạn trẻ tuổi” vẫn thường lang thang những quán cà phê Barcelona thuở thiếu thời), gắn bó với Barcelona đến thế, ắt hẳn thành phố này phải có thật nhiều điều níu chân bất cứ ai.

                          Cho tới bây giờ, mỗi lần nhìn lại cây nến màu xanh nước biển đắp vỏ sò ốc thiên nhiên và hộp đựng bút bằng đá có khắc chữ Barcelona mua ở khu Barri Gotic, tôi lại nhớ đến buổi sáng thức dậy sớm mắt nhắm mắt mở leo hàng hàng bậc thang dẫn lên công viên Parc Guell ở Gracia, thấy sương sớm giăng mờ khắp những mái nhà ngái ngủ và những ngọn tháp của nhà thờ Sagrada Familia kiêu hãnh vươn cao. Nhớ những trạm xe điện ngầm độc đáo với những tác phẩm nghệ thuật mới (Art Nouveau) và những bức tranh lớn thật sống động bằng đá mosaic khảm trên tường. Nhớ những chiếc ghế dài bằng gốm nhiều màu nơi chúng tôi nghỉ chân ăn bánh mì trong tiếng chim hót ríu rít. Nhớ nhà thờ lớn với những cây ngọc lan hoa trắng ngát thơm. Nhớ buổi tối nằm dài trên cát trắng trong gió biển lồng lộng và tiếng đại dương rì rầm cạnh bên, nghe mấy anh chàng địa phương ngồi gần bàn đua nhau hát ầm ĩ những bài hát tiếng Tây Ban Nha thật hội hè... Và tôi lại hát nho nhỏ bài hát ở Olympic năm nào “Barcelona, Barcelona...”.
                          v
                          Attached Files

                          Comment


                          • #28
                            Thay lời kết


                            Khi đọc đến trang cuối này, bạn đã cùng tôi đi qua những mùa xứ là. Ở Anh tôi khồng còn dáo dác nhìn xem hoàng tử William có đứng đâu đó không vì đứa bạn gái ở nhà dặn bao giờ thấy “chàng” nhớ chụp hình chung đem về cho coi. Tôi biết được Liechtenstein tuy đá banh dở nhưng giàu nứt đố đổ vách, còn về phần ẩm thực, nếu đến Đức mà chưa vào vườn bia ăn xúc xích với sauerkraut, cũng như đến Bỉ chưa ăn bánh waffle mới ra lò hay sò hấp rượu vang, đến Ý chưa uống cappuccino hay espresso, xem như chưa đến.

                            Nếu bạn đi Scotland, tôi sẽ dặn nhớ ghé thủ đô vào tháng tám xem liên hoan quốc tế Edinburgh, không chỉ là cơ hội rất tốt để xem các anh Scotland mặc váy carô mà còn để xem những tác phẩm cổ điển nổi tiếng khắp hành tinh. Tôi cũng biết mỗi lần dang Thuỵ Sĩ khi hôn xã giao phải chìa má ra cho người ta hôn đủ ba “miếng” mới đúng phép, còn ở Tây Ban Nha hôn xã giao lại áp má vào nhau. Tôi cũng thề khồn ăn uống phủ phê ở Pháp để đến nỗi phải trúng thực hai đêm kiền nằm rên hừ hừ, cũng không dại gì chọc ngỗng trời để ngỗng đầu đàn rượt chạy toé khói như ở Hi Lạp. Những chuyện ma lâu đài xứ Wales không làm tôi sợ nữa, còn đạo chích châu Âu cũng đừng hòng giở trò với tôi sau kinh nghiệm thương đau mất hết tiền bạc giấy tờ hộ chiếu phải vất vưởng như “cùi cơm xác mía” trước giáng sinh ở Áo.

                            Tôi sẽ không ngạc nhiên khi nghe chuyện ông trung niên người Hà Lan nọ đã có vợ con, bỗng một hôm tuyên bố mình là “gay” và quen một anh chàng hai mấy tuổi, ai đến nhà chơi cũng tưởng anh này là bạn trai của con gái ông. Cũng như không thắc mắc sao đường phố Thuỵ Điển đầy nhưng ông bố cao lớn tóc vàng vừa trò chuyện rôm rả với nhau vừa đẩu xe nôi em bé vì tôi biết các bà mẹ trẻ đã đi làm để chồng tình nguyện ở nhà giữ con.

                            Hơn tất cả, qua không ít lần hội nghị, gặp gỡ những ngườI bạn cùng trang lứa, tôi càng có cơ hội học tập và trưởng thành. Những người bạn mà tôi từng gặp – đấy là những con người trẻ tuổi sâu sắc trong nhận thức, nhiệt tình trong hành động và chân thành trong các mối quan hệ. Những “thu hoạch” mà tôi chắc lọc từ những bài viết trên đây, chỉ phản ảnh phần nào quan điểm sống của giới trẻ châu Âu ngày nay. Song tôi luôn hi vọng đó là tấm gương để bạn trẻ Việt Nam có dịp soi vào và suy nghiệm với hoàn cảnh của mình.

                            Tóm lại, dĩ nhiên tôi không dám nhận mình biết rõ châu Âu như dân bản xứ hay những người đã sống ở lục địa xinh đẹp này nhiều năm, song tôi cũng không còn là cô cái ngồi ngẩn ngơi nhìn châu Âu hiện ra dần trong sương sớm trên chuyến xe điền từ sân bay Heathrow bốn năm về trước.

                            Nhưng lạy trời, những cảm xúc về châu Âu của tôi so với ngày ngơ ngác kia dường như vẫn còn nguyên vẹnv

                            Comment

                            Working...
                            X