Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Bước không qua số phận - đỗ duy ngọc

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bước không qua số phận - đỗ duy ngọc

    Có tài mà cậy chi tài
    Chữ tài liền với chữ tai một vần
    Bắt phong trần phải phong trần
    Cho thanh cao mới được phần thanh cao
    TRUYỆN KIỀU-NGUYỄN DU

    1.
    Tôi học chung với Nhân từ năm đệ ngũ. Trước đó, tôi có năm năm học nội trú
    trường Pellerin, một trường dòng Lasan ở Huế do các frère giảng dạy. Những
    năm học ở đó, tôi luôn đứng đầu lớp, là niềm tự hào của các frère phụ trách
    và gia đình. Nhưng từ khi về học ở Đà nẵng, tôi chưa bao giờ vượt qua được
    Nhân. Lúc nhỏ tôi rất xấu tính, hay ganh tị, không muốn ai hơn mình.
    Do vậy, tôi chẳng ưa gì thằng Nhân.

    Thành phố này có hai ông Đốc. Một ông Đốc học phụ trách chuyện giáo dục của
    toàn thành, ông Đốc này là ba Nhân. Ông Đốc thứ hai là ông Đốc tờ, tức là ba
    tôi, quản lý ngành y tế của thành phố. Mấy ông quan chức thường tụ họp nhau
    vào sáng chủ nhật ăn sáng, uống cà phê, bàn chuyện thời thế. Sau khi mất
    nhiều thì giờ trao đổi chuyện chính trị, chuyện thế sự, chuyện tiếp đó
    thường là chuyện con cái. Và lần nào cũng vậy,
    việc học hành giỏi giang, thông minh của Nhân lại được đem ra tán dương. Mỗi
    lần nghe chuyện, tôi rất khó chịu. Tự nghĩ mình cũng học giỏi có thua gì
    Nhân mà chẳng bao giờ được nhắc tới. Nhân càng được ngợi khen, tôi càng thêm
    ghét hắn. Khác hẳn tôi, Nhân rất muốn làm thân với tôi.

    Tôi càng tránh hắn càng cố đến gần. Lần nào gặp tôi hắn cũng nở nụ cười thật
    tươi, còn tôi thì mặt nặng như chì.
    Nhân đẹp trai, tuy người hơi thấp. Da trắng, mũi cao, mấy lọn tóc xoăn lúc
    nào cũng lòa xòa trước trán. Môi lúc nào cũng đỏ như son. Mà kể cũng lạ. Nhà
    ông Đốc học có năm người con, hai trai ba gái, chỉ có mình Nhân là đẹp, mấy
    đứa còn lại đứa nào cũng xấu như ma. Lại thêm có đứa con gái kế Nhân bị thần
    kinh, hay bỏ nhà đi lang thang, đứa em trai út thì bị bệnh down, lúc nào
    cũng ngơ ngác, nước dãi chảy lòng thòng. Vì cảnh nhà như thế nên ông Đốc học
    rất kỳ vọng ở Nhân, Nhân là
    niềm tin, niềm tự hào và cũng là lẽ sống của ông.

    Học chung lớp với Nhân, càng ngày tôi càng thấy hắn giỏi, nhất là những môn
    toán, lý, hóa. Thầy dạy môn toán tên Thanh, thầy dạy rất hay, học trò rất
    mê. Thầy Thanh lúc nào áo quần cũng chải chuốt, tóc chải dầu bóng lưỡng,
    cách đi giọng nói rất điệu. Thầy hay cho làm toán chạy, tức là thầy đọc đề
    xong, trong năm hoặc bảy phút sau thầy chỉ nhận mười bài giải nộp nhanh
    nhất. Nếu giải đúng thầy cho điểm tối đa, còn giải sai thì khỏi có điểm.
    Nhân luôn luôn là người giải bài nhanh và đúng nhất. Khi nào hắn nộp trễ hơn
    một chút thì có nghĩa hắn giải bài toán đó bằng hai cách khác nhau. Lúc lên
    bảng giải toán hình học, hắn vẽ hình bằng tay trái còn tay phải ghi lời
    giải. Thầy Thanh nể hắn lắm, gặp thầy nào thầy Thanh cũng ca ngợi Nhân. Thầy
    còn bảo với Nhân là vào giờ của thầy, hắn không cần ghi chép, muốn làm gì
    thì làm. Các thầy dạy môn lý, hóa cũng bảo hắn thế. Nghe vậy, hắn chỉ cười,
    giờ học nào cũng ghi chép rất cẩn thận.

    Không những học giỏi, Nhân còn đá banh rất siêu, đánh cờ tướng rất cừ. Lại
    thêm rất giỏi võ. Không biết hắn học võ từ khi nào mà tay hắn cứng như thép,
    cỡ mấy viên gạch xây nhà hoặc năm ba viên gạch thẻ chỉ cần hắn vung tay là
    bị bể đôi ngay. Hắn múa gậy vun vút, đá ném không chạm vào người hắn. Cỡ hai
    người công kênh nhau, người trên cầm mấy cục gạch, hắn chỉ cần lấy đà chạy
    ba bước, bay lên đá viên gạch vỡ nát. Hay nhất là trèo tường. Nhân chạy lấy
    đà, tung người thẳng góc với bức tường, chạy thoăn thoắt lên trần nhà. Y như
    là mấy nhân vật trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Mỗi lần Nhân làm trò,
    cả bọn học trò chúng tôi trố mắt, há mồm mà nhìn, lắc đầu thán phục. Mọi
    người đặt cho hắn cái tên là Siêu Nhân. Tôi vừa sợ vừa ghét hắn. Tôi vốn ốm
    yếu, lại chúa nhát gan, chúng bạn gọi tôi là con mọt sách. Cho nên dù không
    ưa, tôi cũng nể sợ hắn. Không biết có phải vì võ công thâm hậu quá mà đôi
    mắt của Nhân trông lạ lắm. Ánh nhìn như dao sắc, như có lửa, như muốn bóp
    nát người ta, đầy sát khí. Tôi thường tránh ánh mắt của hắn. Nụ cười của hắn
    thân thiện nhưng đôi mắt thì đầy hăm dọa.

    Trong các môn học, tôi chỉ nhỉnh hơn Nhân môn Pháp văn và hai môn phụ là âm
    nhạc và hội họa. Bởi những môn này tôi được rèn luyện năm năm ở trường dòng
    Lasan. Nhưng đến năm đệ tam, tiếng Pháp của hắn tiến bộ đến không ngờ, đến
    thầy giáo già dạy Pháp văn cũng ngạc nhiên. Sau này tôi mới biết là suốt cả
    mùa hè hắn chỉ tập trung vào môn học đó, cả ngày nghe đài Pháp để luyện
    giọng và lảm nhảm luôn mồm mấy từ vựng. Có một lần tình cờ tôi thấy trên bìa
    sách Pháp văn của Siêu Nhân có ghi câu bằng chữ in đậm VOULOIR C'EST
    POUVOIR. Có lẽ đó là quan niệm của Nhân.
    Cuối năm đệ tam, Nhân lại khiến cho các Thầy và đám học trò thêm than phục
    khi giải bài thi toán tú tài 1 ban B chỉ trong 27 phút. Hắn lại
    tiếp tục là tấm gương cho các bậc cha mẹ thường nhắn nhủ các con: gắng học
    cho giỏi như anh Nhân. Hắn đi đến đâu cũng được mọi người trầm trồ khen
    ngợi. Bởi thời đó, người giàu có không được trọng nể bằng người học giỏi.
    Ngay cả những quan chức cũng rất trân trọng người tài, học trò gỉỏi. Năm học
    đó, hắn lãnh phần thưởng lớn lắm, phải thuê xích lô chở về nhà. Ông Đôc học
    rất hãnh diện. Mà hãnh diện cũng phải thôi, cha mẹ nào lại không sướng khi
    có người con như thế.

    Trong lớp chúng tôi, thường chia ra hai nhóm rõ rệt. Mấy đứa nhỏ con, học
    kha khá thường ngồi mấy bàn trên, còn mấy bàn cuối lớp mà mấy thầy gọi là
    xóm nhà lá toàn là mấy đứa bự con, ba trợn, chơi nhiều hơn học và thường
    chọc phá mọi người. Cầm đầu xóm này là thằng Hồ Lê. Đó là một thằng sừng sỏ
    tuy cũng có tố chất thông minh, học hành cũng không đến nỗi tệ. Hồ Lê người
    đen giòn, cao to lừng lững, mặt chữ điền, góc cạnh. Ngay trên trán có một
    vết sẹo dài khiến khuôn mặt của hắn càng thêm vẻ anh chị. Hắn bảo đó là vết
    tích chiến tranh. Hỏi thêm nữa hắn sẽ trừng mắt hăm dọa nên chẳng ai dám lên
    tiếng thắc mắc nữa. Nhà Hồ Lê nằm trong hẻm sâu sau lưng nhà tôi, mẹ hắn bán
    rau hành ở chợ. Nhà hắn trơ trọi chỉ hai mẹ con và không bao giờ hắn nhắc
    đến cha. Tôi sợ hắn lắm, vì hắn hình như rất ghét tôi, cứ tìm mọi cách để
    sinh sự. Mỗi lần gặp tôi hắn thường dí tay vào trán tôi mà gầm gừ: đồ quý
    tộc dơ bẩn. Tôi cũng chẳng biết sao hắn lại bảo tôi thế. Tôi vốn nhát như
    cáy nên thường tìm đủ mọi cách để tránh mặt hắn. Tránh hắn nhưng miệng lầm
    bầm: Đụ mẹ thằng Lê sẹo, rồi ông sẽ giết mày, anh hùng báo thù mười năm chưa
    muộn. Nói thầm thế thôi, chứ thấy bản mặt nó là tôi đã sợ chết khiếp, nổi
    gai cả người. Nhưng tôi càng tránh, hắn lại tìm đủ mọi cách để trêu ghẹo
    tôi. Lúc thì đi đàng sau khèo chân cho tôi té. Khi thì búng tai, giựt tóc
    mai của tôi rồi cười cợt với một lũ âm binh ăn ké.

    Một hôm chúng tôi được nghỉ tiết cuối, đang trên đường về nhà thì tôi
    bị đám thằng Hồ Lê chận đường. Hắn đứng trước mặt tôi, hai chân khuỳnh
    khuỳnh, cái mặt kênh kênh. Hắn bảo tôi rúc dưới háng hắn mà đi. Mặt tôi xanh
    như đít nhái. Vừa tức vừa sợ. Miệng lắp bắp định van xin. Đường vắng teo,
    chẳng có ai có thể giúp tôi. Tôi nghĩ phen này chắc tiêu. Không chết vì nhục
    thì cũng ốm đòn với hắn. Hắn xắn tay áo, hai cánh tay cuồn cuộn. Vung tay.
    Tôi nhắm mắt, tưởng như muốn đái cả quần. Hai chân muốn quỵ xuống, bởi tôi
    vốn nhát đòn. Tôi chờ đợi cú đấm như trời giáng của hắn. Bỗng nghe tiếng
    hự..hự.. huỳnh huỵch… như ai đấm bao cát. Sao tôi chẳng thấy đau.

    Hé mắt nhìn, thấy thằng Lê đang nằm chỏng gọng, mặt nhăn nhó, méo xẹo.Trước
    mặt hắn là Nhân. Siêu Nhân. Nhân chỉ tay vào mặt hắn và bảo: Tao cấm mày
    đụng đến thằng Ngọc, tao là bạn nó. Thằng nào ăn hiếp hắn sẽ biết tay tao.
    Liệu hồn. Cút…Bọn thằng Lê chạy một mạch không ngoái đầu. Nhân vỗ vai tôi,
    cười: Đừng sợ chúng, cứ sợ mãi thì chúng cứ ức hiếp hoài.

    Từ đó, tôi và Nhân thân nhau. Đi đâu cũng có đôi. Và đám thằng Lê cũng không
    dám đụng vào tôi nữa, dù ánh mắt nó cũng còn gầm ghè.
    Đến lớp đệ nhị, tôi chọn ban A còn Nhân tiếp tục ban B. Bởi ba tôi
    muốn chuẩn bị cho tôi lên học y khoa nên bảo tôi học ban Vạn vật. Hơn nữa
    tôi cũng còn háo thắng, muốn học khác lớp với Nhân để được đứng đầu lớp, chứ
    học chung tôi không vượt qua được hắn. Dù khác lớp nhưng chúng tôi vẫn đi
    chơi chung với nhau, gắn bó với nhau như hai anh em. Nhân thường dẫn tôi đến
    quán nước ở góc sân trường. Chủ quán là chị Đầm. Tôi gọi bằng chị vì chị lớn
    hơn chúng tôi vài ba tuổi. Chị bị rỗ huê nên bọn học trò thường gọi là chị
    Đầm rô. Chị to lớn như đàn ông, giọng ồ ề, lại khoái hút thuốc lá nên môi
    thâm xì. Tuy vậy, chè đậu của quán chị rất ngon, nên lũ học trò rất khoái tụ
    tập ở quán chị. Chị Đầm lại rất ái mộ Nhân, xem Nhân như thần tượng, ánh mắt
    nhìn Nhân rất lạ. Tại quán đó, tôi bị chị dụ tập hút thuốc lá và thói quen
    này theo suốt đời tôi. Và cũng tại quán đó trong một buổi trưa trú mưa, tôi
    biết lí do tại sao Nhân cứ muốn làm thân với tôi.

    Số là cạnh nhà tôi có một gia đình rất giàu có, là chủ của mấy rạp xi
    nê và khách sạn ở Đà Nẵng, Huế, Qui Nhơn và Nha Trang. Chủ nhân vốn xuất
    than từ hoàng tộc tên Bửu Hân. Nhà có cậu con trai út tên Vĩnh Đệ còn nhỏ và
    hai cô con gái rất đẹp, cô chị tên Huyền Tôn Nữ Dạ Lan, cô em là Huyền Tôn
    Nữ Dạ Hương. Mỗi cô có nét đẹp riêng. Dạ Lan đẹp kiêu sa, đài các. Dáng
    thanh mảnh, thướt tha. Cổ cao ba ngấn, da trắng như ngà, tóc dài chấm mông,
    mặt như Đức mẹ, mắt lúc nào cũng buồn vời vợi. Suốt ngày ngoài giờ học chỉ
    thơ thẩn trong vườn đọc sách, đan len, chiều chiều lại đánh đàn piano cho
    đến tối. Dạ Lan thích mặc áo màu tím Huế. Dù là áo dài đi phố, đi lễ nhà thờ
    hay áo cánh đi chơi,cô chỉ chọn độc một màu tím rịm. Cô em Dạ Hương thì trái
    ngược với chị. Mới mười lăm tuổi mà hai vú đã tròn to khêu gợi. Tóc cắt
    ngắn, da rám hồng. Suốt ngày sau giờ học chỉ đi tắm biển và đánh quần vợt.
    Chỉ thích mặc áo thun và quần jean, cỡi xe Honda chạy vù vù. Đọc toàn báo
    Tây, hát toàn nhạc Pháp. Tuần nào cũng đi nhảy đầm với lũ bạn học cùng
    trường Lycée Blaise Pascal

    Vì ở cạnh nhà lại là đồng hương nên gia đình tôi rất thân với nhà đó.
    Lễ tết, giỗ chạp, tang ma hiếu hỉ đều qua lại với nhau. Nhân thích Dạ
    Lan. Nhân thổ lộ với tôi như vậy. Và Nhân muốn qua tôi làm quen với cô ấy.
    Chuyện dễ ợt, chẳng có chi khó khăn. Nhưng tôi lại bảo với Nhân là chuyện
    này khó lắm, cần phải có thời gian. Nhân cầm tay tôi lắc lắc: cố nghe, cố
    nghe.
    Việc làm ông mai tiến hành quá suôn sẻ, tôi ướm lời với Dạ Lan:
    - Tôi có anh bạn ái mộ Dạ Lan lắm, anh ấy muốn tôi giới thiệu với Dạ Lan.
    Cô ấy thoáng chút ngạc nhiên
    - Ai vậy? Quen hay lạ?
    - Dạ Lan biết người này mà.
    - Nhưng mà ai mới được chứ.
    Tôi cười bảo:
    - Anh Nhân, bạn thân của tôi
    - Anh Nhân con ông Đốc Lễ phải không?
    Tội gật. Dạ Lan cười:
    - Tưởng ai.
    Sau này, khi hai người đã gắn bó nhau, tôi mới biết hóa ra Dạ Lan cũng đã để
    ý đến Nhân lâu rồi. Thì trai tài gái sắc, đến với nhau là lẽ
    đương nhiên của cuộc đời. Hai người yêu nhau thắm thiết lắm. Hai gia đình
    cũng thoáng biết nhưng chẳng có ý kiến gì. Mà thật ra còn đòi hỏi chi, vừa
    môn đăng hộ đối, vừa đôi lứa xứng đôi. Nhân cám ơn tôi nhiều lắm.
    Chúng tôi hay đi chơi với nhau, ngoài tôi, Nhân, Dạ Lan còn có Dạ
    Hương. Thường là đi xem phim, đi ăn kem hoặc đi dạo bên bờ biển. Dạ Hương
    sôi nổi, nhí nhảnh còn Dạ Lan khép nép, dịu dàng. Một hôm, chúng tôi đi dạo
    trên bờ biển, trời vừa tối, chân trời ráng đỏ. Dạ Hương kéo tay tôi và bảo
    khẽ: Mình tránh đi cho anh chị ấy tâm sự, cứ như thế này thì anh chị ấy tâm
    tình làm sao được.

    Dạ Hương kéo tôi chạy vào hàng phi lao, trời tối hẳn, những ngọn gió
    xào xạc. Theo đà chạy dưới cát lún, Dạ Hương ngã vào người tôi, ôm
    cứng, hơi thở gấp. Theo quán tính, tôi cũng ôm siết lấy nàng, hai bầu
    ngực căng khép vào ngực tôi. Tôi thấy mình căng cứng. Dạ Hương vít đầu tôi
    xuống, hôn trên môi tôi. Tôi như đang bay bổng vì nụ hôn đầu đời. Tôi chẳng
    biết phải hôn trả lại thế nào nữa. Tôi lạng quạng và thả lỏng đôi tay. Bỗng
    dưng tôi cảm thấy sợ. Hóa ra tôi luôn luôn vẫn là thằng nhút nhát. Kiểu tấn
    công mạnh mẽ của Dạ Hương làm tôi hãi, dù phần dưới cơ thể của tôi đã đông
    cứng lại rồi. Tôi bỏ đi và như kẻ mộng du. Tôi bỗng muốn khóc. Dạ Hương chạy
    theo tôi hét lớn: Anh có phải là đàn ông không?. Tôi ngồi xuống giữa bãi cát
    và tự hỏi, mình có phải là đàn ông không? Từ đó, Dạ Hương tránh mặt tôi, và
    tôi cũng có ý không muốn gặp nàng. Tôi vẫn tự nhủ mình tệ quá.

    Kỳ thi Tú tài 1 năm đó, tôi và Nhân đều đậu Ưu hạng. Cả hai gia đình rất
    vui. Hôm lãnh thưởng ở trường, đôi mắt của ông Đốc học ba Nhân ánh lên niềm
    tự hào, sung sướng và mãn nguyện. Còn đôi mắt của Dạ Lan thì tràn đầy hạnh
    phúc.

    Ba tôi dù theo Tây học, nhưng lại rất mê nghiên cứu Kinh Dịch. Có một người
    Hoa thường đến trao đổi cùng ba tôi. Người này tên Lý Hạnh, chuyên nghề
    phong thủy và tướng số. Hai người tâm đắc lắm, thường nói chuyện với nhau cả
    buổi mà không chán. Một hôm, khi ba tôi và chú Lý Hạnh đang nói chuyện với
    nhau thì tình cờ tôi nghe được cả hai bàn về Nhân. Ông Lý Hạnh bảo:
    - Cậu Nhân tướng toàn tốt, thông minh hơn người, nhưng ánh mắt lộ hung
    quang, tôi e cậu ấy nếu không học đựợc chữ nhẫn sẽ phải phạm tội sát nhân,
    hậu vận xấu lắm. Ba tôi trầm ngâm một lát rồi hỏi đến tương lai của tôi, Ông
    Lý Hạnh im lặng một lát rồi gật gù:
    - Cũng tạm.
    Ba tôi nhíu mày:
    - Cụ thể là sao?
    - Ông Đốc cũng đã nghiên cứu lý số. Số nói sao thì nghe vậy. Còn cụ
    thể thì chịu. Nhiều khi thiên cơ bất khả lậu.
    - Nhưng đôi khi cũng nhân định thắng thiên
    - Dạ, cũng có thể.
    Nghe được vậy, lúc đó tôi hơi hoang mang, nhưng rồi tuổi trẻ chóng
    quên. Tuy thế lâu lâu nhìn ánh mắt của Nhân, tôi cũng cảm thấy ghê
    ghê. Cũng cuối năm ấy, Dạ Hương bỏ nhà đi. Có tin đồn đã kết hôn với một sĩ
    quan Mỹ ở Sài Gòn. Tôi cứ tự hỏi là mình có lỗi gì trong tai ương này không?

    Tết năm Mậu Thân, chiến tranh lan vào nhiều thành phố. Huế bị nặng nhất, rất
    nhiều người chết trong những ngày xuân. Đà Nẵng cũng không tránh khỏi bị tấn
    công, nhưng không bị chiếm đóng. Sau Tết, lớp học thưa thớt hẳn, đứa đi
    lính, đứa đi đâu mất dấu. Trong những đứa vắng mặt, có Hồ Lê. Nghe đồn nó đã
    lên núi, gia nhập quân giải phóng. Chúng tôi đậu Tú tài 2 dễ dàng. Nhân lại
    đậu Ưu hạng, tôi chỉ đậu Bình. Tôi lại thua Nhân….

    Vào Sài gòn làm thủ tục du học, thời gian chờ đợi khá dài, tôi ghi
    danh học Văn khoa, còn Nhân thi vào trường Kỹ sư Công nghệ Phú Thọ, học cho
    vui để quên thì giờ chờ đợi. Thế mà hắn cũng đỗ hạng nhì kỳ thi tuyển vào
    Phú Thọ năm đó. Tôi vừa xong lớp dự bị ban Văn chương Việt Nam thì có giấy
    lên đường.
    Ngày tôi và Nhân rời Việt Nam đi Pháp du học, hai gia đình tiễn ra phi
    trường. Ba Nhân ôm vai Nhân:
    - Gia đình và giòng họ tin tưởng vào con. Ba tin chắc con làm được như ước
    nguyện. Nhân gật gật đầu, mắt lóe lên niềm hi vọng lớn lao. Dạ Lan mặc áo
    dài tím, quấn khăn quàng tím nhạt, nước mắt hoen mi. Dạ Lan cầm tay Nhân lắc
    mãi mà chẳng nói gì.
    Ba tôi bắt tay tôi, bảo khẽ:
    - Cố lên nhé!

    Hôm qua tôi và ba đã nói chuyện với nhau rất lâu về chuyện truyền thống ba đời làm ngành y, về việc phải tiếp nối nếp nhà. Thật ra, tôi chẳng thích thú gì chuyện du học. Tôi sợ cô đơn ở xứ người, tôi sợ những bất trắc sẽ xảy đến mà chung quanh chẳng có ai giúp đỡ. Tôi như con
    chim non được nhốt trong lồng son, giờ được thả ra, chẳng định được phương nào để bay đến. Nhưng tôi phải bay đi. Đi và mang theo niềm hi vọng của cả gia đình. Bước lên máy bay, nước mắt tôi cứ muốn trào ra, hai bàn chân tôi như có gì níu lại. Rời Việt Nam, tôi vẫn chưa có mối tình nào vắt vai, không có cô gái nào đưa tiễn. Tôi thấy Nhân hạnh phúc vì còn có tình yêu để đợi chờ.

    Chuyến bay kéo dài hơn hai mươi tiếng đồng hồ, chúng tôi nói nhiều
    chuyện với nhau về tương lai. Thế giới đang mở ra với chúng tôi, và cả hai
    đang bước vào và tin sẽ chiến thắng. Hai đứa vẽ ra cảnh tượng lúc thành đạt
    trở về trong niềm hoan hỉ của mọi người.
    Nhân bỗng bảo tôi:
    - Cậu chơi piano thế cậu có biết loại đàn nào tốt nhất không?
    - Để làm gì, sao tự nhiên lại đi hỏi về đàn lúc này?
    - Thì cứ nói đi
    - Theo mình biết thì hiện nay đàn hiệu Steinway & Son là tốt nhất, ở
    Việt Nam chỉ có một hai cái. Nhưng đắt lắm. Cậu đang có ý định gì
    vậy?
    Nhân lim dim mắt, cười cười, nhìn ra bầu trời trong xanh:
    - Khi nào thành đạt, làm ra tiền, mình sẽ mua cho Dạ Lan một cây đàn như
    vậy.

  • #2
    2.

    Chúng tôi chia tay nhau ở phi trường, Nhân sẽ ở lại Paris thi vào
    trường Đại học Bách khoa Paris. Tôi lại tiếp tục đi gần 750 cây số nữa về
    Montpellier, một thành phố nằm gần biển Địa Trung hải, để thi vào trường Y.
    Đại học Montpellier I là một trong những trường đại học Y khoa nổi tiếng thế
    giới, nơi đào tạo nhiều nhà khoa học đã được nhiều giải thưởng y học quốc
    tế.
    Phải mất 9 tháng học dự bị tôi mới thi đậu vào trường, dù chỉ đứng thứ 26,
    nhưng cũng vui vì đã đi được bước đầu. Nhân thành công hơn tôi nhiều. Chỉ
    mất 6 tháng, Nhân đã đỗ thủ khoa vào trường Đại học Bách khoa Paris (École
    polytechnique) Đây là trường đào tạo kĩ sư danh giá nhất nước Pháp. Đúng ra
    Nhân phải học đủ một năm dự bị theo chương trình EV1 dành cho học sinh Pháp
    và các nước nói tiếng Pháp. Nhưng chỉ một thời gian ngắn học ở Lycée Louis – Le – Grand, Ban giảng huấn ở đó nhận thấy Nhân quá xuất sắc nên đặc cách cho thi
    trước thời hạn. Mục đích phấn đấu của các sinh viên học trưòng này là trở
    thành nhân lực cấp cao của nưóc Pháp và thông thường 10 sinh viên đứng đầu
    sẽ được lựa chọn trở thành Corps de Mines, được tham gia chương trình đào
    tạo nhân lực lãnh đao tương lai. Đây cũng là trưòng đã tạo ra ba vị tổng
    thống của nước Pháp: Valéry Giscard d'Estaing, Sadi Carnot, Albert Lebrun.
    Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và giáo sư Nguyễn văn Xuân của Việt Nam cũng tốt
    nghiệp từ trưòng này. Nhân là ngưòi nước ngoài đầu tiên đỗ thủ khoa kỳ thi
    tuyển vào trường, nên trở thành một sự kiện được báo chí Pháp chú ý. Hình
    chân dung của Nhân được đăng trên nhiều tờ báo, là niềm tự hào của giới sinh
    viên du học và những người Việt Nam đang ở Pháp thời bấy giờ. Ở Montpellier,
    trong giới sinh viên cũng bàn tán chuyện này dữ lắm. Nhưng Nhân không ngừng
    lại ở đó, trong thời gian theo học, Nhân là một nhân vật nổi bật toàn diện.
    Không những học giỏi, Nhân còn là cầu thủ suất sắc của đội bóng tròn sinh
    viên Paris, là kỳ thủ không thể qua mặt của bộ môn cờ, Nhân còn là huấn
    luyện viên võ thuật của võ đường trong khu đại học, đồng thời đã mang về cho
    trường rất nhiều huy chương trong các cuộc thi đấu. Hình ảnh Nhân liên tục
    được đăng trên các báo sinh viên và một số báo thể thao. Đã có lần một câu
    lạc bộ nhà nghề nổi tiếng của Paris đề nghị Nhân ký hợp đồng để được đào tạo
    làm cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, nhưng Nhân từ chối. Tiếng tăm Nhân vang
    dội trong cộng đồng sinh viên của các trường đại học, Nhân đã từng
    đưọc tiếp đón và nhận phần thưỏng của tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Georges
    Pompidou ở điện Élysées. Nhân được đặt tên là Super Man, cái tên mà hồi ở
    Việt Nam mọi người đã đặt cho hắn. Hóa ra siêu nhân thì ở vòm trời nào cũng
    là siêu nhân. Còn con chim chưa định được đường bay à tôi vẫn là cậu sinh
    viên nhút nhát và không chút tự tin, dù là ở phương trời nào, lúc nào cũng
    quấn quanh trong chiếc lồng vô hình chật chội cua mình.

    Với những thành tích và tính cách của Nhân, Nhân mau chóng trở thành lãnh tụ
    của các phong trào sinh viên, Lúc đầu là anh cả của các môn thể thao, dần
    dà, Nhân lại làm luôn lãnh tụ chính trị với nhiều tham vọng. Thời điểm bấy
    giờ, cuộc chiến tranh Việt Nam đã đến cao điểm. Mỹ liên tục ném bom miền
    Bắc, cuộc chiến đấu ở miền Nam càng ngày càng nhiều máu lửa. Sinh viên Việt
    Nam đi du học hàng ngày nhìn thấy những đổ nát, những tàn phá, máu xương rơi
    của chiến tranh, lại thêm chính quyền miền Bắc và Chính phủ Cộng hòa miền
    Nam Việt Nam tuyên truyền ở Âu châu rất mạnh, nên đa số đều tham gia chống
    chiến tranh, kêu gọi hòa bình với một ý thức chính trị rất mơ hồ. Lực lượng
    này rất mạnh và rất đông đảo. Và tham gia phong trào chống Mỹ trở thành một
    cái mốt của người trí thức.

    Nhân thì ngược lại, hắn làm lãnh tụ một nhóm sinh viên ủng hộ chính
    quyền Việt Nam Cộng hòa, chuyên phá đám các cuộc biểu tình và tuần hành của
    nhóm sinh viên kia. Đụng độ giữa hai phái xảy ra như cơm bữa. Đúng thời điểm
    này thì chúng tôi nhận hung tin từ Việt Nam. Mẹ tôi và mẹ Nhân trong một
    chuyến hành hương về La Vang, Quảng Trị, trên đường về thì xe bị lật vì
    trúng mìn. Mẹ Nhân tan xác tại chỗ, mẹ tôi được đưa vào bệnh viện Trung ương
    Huế, nhưng rồi cũng từ trần ở đó. Tôi điện thoại cho Nhân, khóc nức nở trong
    điện thoại, Nhân chỉ ậm ừ khuyên lơn tôi. Tôi đòi bỏ về Việt Nam ngay, nhưng
    Nhân khuyên nhủ, động viên tôi ở lại tiếp tục học và phải cố học tốt hơn
    nữa, đó cũng là một cách để khỏi làm buồn lòng mẹ. Tôi nghe lời Nhân, nhưng
    lòng thì tan nát, dạ rối bời, chẳng thiết ăn uống gần mấy tuần liền. Riêng
    Nhân từ đó càng lao vào những cuộc đấu tranh để ủng hộ phái đoàn Việt Nam
    Cộng Hòa đang ở Paris để hội đàm tìm cách giải quyết chiến tranh. Nhân mơ
    ước ngày trở về sẽ trở thành một công chức cốt cán của chính quyền miền Nam,
    với những đổi thay và cương lĩnh mới.
    Hiệp định Paris được ký kết, Nhân cay cú vì bảo rằng chính quyền miền Nam đã
    bị Mỹ lừa. Nhân càng hoạt động mạnh hơn, quyết liệt hơn. Và trong tâm trạng
    đó, Nhân đã phạm một sai lầm oan nghiệt, chấm dứt mọi ước mơ và hoài bão.
    Cắt đứt tương lai đang rộng cửa.
    Trong khu đại học xá, Nhân được bố trí ở cùng chung phòng với Thành, cũng là
    một du học sinh học trường Bách Khoa Paris, học sau Nhân một khóa. Thành là
    con trai của Chủ tịch Tối cao Pháp viện của chính quyền miền Nam, nhưng
    Thành lại là lãnh tụ của phong trào thiên tả ủng hộ Cộng sản. Thành cũng là
    một thành viên rất cực đoan của lực lượng này.
    Từ lâu, cả hai đã có nhiều lần tranh cãi nhau dữ dội vì những quan
    điểm xung khắc nhau về cuộc chiến đang xảy ra. Khi hiệp định Paris vừa có
    hiệu lực thi hành, Nhân trong cơn bực tức đã nổ ra cuộc đấu khẩu với Thành
    và trong lúc không kềm lòng được đã bay đến phóng chân đá vào đầu Thành ngay
    trong phòng của hai người. Thành gãy cổ chết ngay lập tức, máu trào khóe
    miệng. Nhân bị bắt ngay. Báo chí đưa tin hàng giờ. Tôi ở Montpellier đọc báo
    thấy đăng hình của Nhân, nhưng lần này không phải là khuôn mặt tươi cười,
    hớn hở như xưa mà là tấm hình Nhân cúi đầu đi giữa đám cảnh sát, hai tay bị
    còng, những sợi tóc xoăn trước trán rũ xuống khuôn mặt nhợt nhạt không còn
    chút sinh khí. Tôi chợt nhớ nhận định của chú Lý Hạnh ngày nào và bỗng tin
    vào số mệnh.

    Tôi bay ngay về Paris, nhưng không được gặp trực tiếp Nhân. Hắn đang bị cách
    ly để điều tra. Sau một thời gian, Nhân bị trục xuất và dẫn độ về Sài Gòn
    với cái án giết người. Tôi lại chỉ gặp được Nhân qua hình trên báo đăng hình
    Nhân ở chân phi cơ lúc bị dẫn độ, tay Nhân vẫn bị còng và Nhân vẫn lại lọt
    thỏm giữa đám cảnh sát với khuôn mặt hớt hãi. Tôi nhận được thư Nhân lúc trở
    về Montpellier, Trong thư Nhân dặn dò tôi là không được tin cho ai ở nhà
    biết việc này, đồng thời Nhân cũng nhờ tôi là khi nào nhận được thư Nhân với
    hai phong bì, tôi phải bỏ bì thư ngoài và gởi lại cái thư bên trong về Việt
    Nam cho gia đình Nhân, nếu nhận được thư của ba Nhân, tôi lại gởi về Sài Gòn
    làm như là Nhân vẫn đang ở Pháp vậy. Nhân khuyên tôi cố gắng học cho xong và
    xin lỗi tôi, tôi chẳng biết Nhân xin lỗi tôi vì lí do gì. Mỗi lần đi gởi thơ
    về cho ba Nhân, tôi cảm thấy mình đang làm một chuyện tội lỗi tày đình vì
    đang đánh lừa ba Nhân, người đang hi vọng về đứa con thiên tài của mình. Lần
    nào đi gởi thư, tôi cũng khóc. Không biết bao giờ tôi mới bỏ được kiểu
    thường hay rơi nước mắt như thế này.

    Năm 1972 tôi đang học năm thứ hai Y khoa, tôi bỗng chán nản cùng cực và ý
    thức một cách rõ ràng là nghề y không phù hợp với tôi. Tôi sợ thấy máu chảy.
    Tôi sợ những khuôn mặt nhăn nhó, đau đớn vì bệnh tật của bệnh nhân. Tôi cũng
    biết rất rõ mình không đủ phẩm chất để làm người thầy thuốc. Tôi quá nhạy
    cảm trước mọi sự. Tôi chỉ mong ước mình trở thành họa sĩ, suốt ngày lang
    thang vẽ vời, sáng tạo, đùa giỡn với sắc màu, không phải đối diện với những
    nỗi đau bệnh tật, máu me, chết chóc của con người như nghề bác sĩ. Nếu cứ
    tiếp tục cố nhồi nhét những kiến thức y khoa như thế này, chắc chắn tôi sẽ
    điên mất. Trước đây tôi chọn học y vì ba tôi bắt phải thế, lúc đó tôi vẫn
    chưa có ý thức về nghề, về tương lai. Nhưng bây giờ, qua gần ba năm, tôi
    tuyệt vọng vì thấy mình đang đi lần vào một hố thẳm và sợ hãi khi nghĩ đến
    việc suốt đời phải gắn bó công việc khủng khiếp này. Và rồi tôi đi đến quyết
    định cuối cùng. Đây là quyết định đầu tiên trong đời do tôi tự quyết. Không
    biết tương lai rồi sẽ ra sao, nhưng tôi có chút hài long vì đã thoát ra được
    bế tắc. Ít ra con chim rời long son cũng đã tự định hướng cho đời mình. Tôi
    bỏ trường Y, thi vào L’Ecole supérieure des Beaux – Arts de Montpellier
    Aggomération, tức trường Trang trí Mỹ thuật Montpellier. Học trường này có
    nghĩa là tôi sẽ bị mất học bổng ở trường cũ, do vậy kể từ đó cuộc sống của
    tôi bấp bênh, no đói thất thường, làm nhiều nghề để kiếm cơm và để được học
    những thứ mình ưa thích. Nhưng tôi vốn vụng về và hậu đậu, chẳng làm tốt
    được chuyện gì, đi đưa báo thì đưa lộn địa chỉ, làm bồi rửa chén thì chuyên
    làm vỡ bát dĩa, đi giao sữa thì đổ sữa lai láng trước cửa nhà của khách. Bởi
    từ bé cho đến lớn, tôi chỉ việc học, ba mẹ tôi không cho tôi làm gì ngoài
    chuyện phải học thật giỏi. Lối giáo dục đó làm cho tôi vấp phải thất bại
    trong bước đầu trong cuộc đời.

    Trong các thầy giáo dạy ở trường Mỹ thuật, có giáo sư Alain Bourdon
    dạy rất giỏi, thầy được gọi là họa sư. Thầy rất thương tôi và biết rất
    rõ tình trạng của tôi, nên thường tìm cách giúp đỡ. Lúc thì kẹp ít
    tiền trong sách của tôi, khi thì giỏ thức ăn. Cuối tuần, Thầy thường
    đón tôi về căn nhà ở ngoại ô của Thầy. Ở đó, tôi được ăn no nê và được Thầy
    dạy thêm những kiến thức vô cùng quý báu. Vợ Thầy đã mất cách đây bốn năm vì
    bệnh ung thư, Thầy ở với cô con gái duy nhất khoảng 18 tuổi tên Monique rất
    đẹp, khuôn mặt thánh thiện, sáng bừng như thiên thần. Monique thường nhờ tôi
    đệm piano cho cô ấy hát, Monique có một giọng hát trong trẻo và cao vút rất
    hợp với nhiều bài Thánh ca cũng như những bài ca dân dã. Tôi thường đọc thơ
    cho nàng nghe, những bài thơ của Arthur Rimbaud, Paul Verlaine …, Guillaume
    Apollinaire và cả thơ Tagore. Monique rất thích bài thơ L'Adieu của
    Apollinaire, nhất là khi tôi ngâm bài thơ này bằng giọng Quảng Nam, mỗi lần
    nghe xong, nàng bật cười ngặt nghẽo, cứ giả giọng của tôi rồi cười khanh
    khách, nhưng đôi mắt thì ngập nước:
    "J'ai cueilli ce brin de bruyère
    L'automne est morte souviens-t'en
    Nous ne nous verrons plus sur terre
    Odeur du temps Brin de bruyère
    Et souviens-toi que je t'attends "
    (L'Adieu – Apollinaire)
    Monique rất quý tôi, tuần nào tôi không về, cô ấy gởi bánh trái cho
    Thầy Alain mang lên cho tôi. Biết thân phận mình, lại vẫn cái tánh
    nhút nhát, không tin vào mình, nên dù có rất nhiều cảm tình với nàng, tôi
    vẫn không dám ngỏ, cứ mặc cảm mình không xứng đáng. Chúng tôi thường đi dạo
    trên con đường mòn của cánh rừng sau nhà, cùng đi qua đủ bốn mùa. Mùa thu
    sắc đỏ, lá vàng ngập lối đi. Mùa hạ bầu trời xanh và mặt nước hồ gợn sóng
    lăn tăn. Mùa xuân với những cành lá biếc, hoa nở tím cả rừng và mùa đông với
    những cành trơ trọi, trời lạnh giá, trên cổ mỗi người quấn chiếc khăn quàng
    do Monique tự tay đan. Trong những buổi cùng lang thang, hái hoa, nghe tiếng
    chim líu lo, chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng cũng có
    khi trên đường về, hai đứa cứ im lặng suốt cả con đường dài, nhưng vẫn ngập
    tràn một thứ hạnh phúc khó diễn tả nổi. Tình yêu đến nhẹ nhàng, trong như
    giọt sương, tôi không dám động mạnh, chỉ sợ nó vỡ tan. Và ánh mắt nhìn nhau,
    nụ cười trao nhau như những lời ước hẹn, đổi trao diễn ra trong im lặng.
    Mỗi khi đến nhà của Thầy Alain, được ngồi ăn chung với hai bố con
    Thầy, được nhìn khuôn mặt đẹp tựa thiên sứ của Monique, nghe tiếng hát trong
    veo của nàng, tôi cảm thấy cuộc đời thật tươi đẹp và mong ước mình cứ được
    mãi như thế này….

    Nhưng số phận lại giáng xuống đời, khi tôi vừa xong năm thứ hai đang
    kỳ nghỉ hè thì tai họa ập đến gia đình Thầy Alain. Trong chuyến đi về
    Paris của hè năm ấy, họ đã bị tai nạn giao thông. Thầy Alain chết ngay trên
    volant, Monique bị thương nặng, được chở vào bệnh viện, một tuần sau thì
    mất. Tôi bay về Paris ngay khi được tin và chăm sóc Monique suốt một tuần
    nàng thoi thóp, mê man trên giường bệnh, suốt ngày tôi quên ăn uống, chỉ
    ngồi nắm trong tay bàn tay bé nhỏ lạnh giá của Monique, chờ phép lạ. Đến hôm
    cuối cùng, Monique mở mắt nhìn tôi rất lâu, hai dòng nước mắt chảy dài trên
    má nàng, mặt tôi cũng đầm đìa nước mắt. Môi nàng mấp máy: Je t’aime… Je
    t’aime…và bàn tay rời khỏi tay tôi. Phép lạ đã không đến. Chúa cũng đã quay
    mặt đi trước nỗi đau của thiên thần. Tôi gần như không kêu lên được tiếng
    gọi y tá cấp cứu, cổ họng tôi đông cứng và tôi đứng chôn chân gần mấy tiếng
    đồng hồ trong niềm tuyệt vọng như bức tượng đá bên giường. Tôi không tin đó
    là sự thật.

    Suốt cuộc đời, tôi không bao giờ quên được ánh mắt và câu nói cuối
    cùng đó. Câu nói của Monique như vết khắc trong tim tôi, không phai. Tôi đau
    đớn tột cùng trước cái chết của cha con Thầy Alain, người tôi xem như người
    cha thứ hai của mình. Và Monique, mối tình đầu của tôi, mối tình câm chưa
    dám ngỏ của tôi. Tôi có cảm tưởng mình đã bị rút hết tất cả sinh lực. Tôi
    mất ngủ, lang thang như kẻ điên suốt mấy tháng dài. Tôi chẳng còn thiết tha
    gì chuyện học hành và tương lai. Thiên thần Monique của tôi hiện ra như ánh
    chớp, lóe sáng đời tôi một khoảnh khắc rồi bay về trời. Nàng như một thứ
    định mệnh làm thay đổi ý nghĩ của tôi về cuộc sống. Cái chết của mẹ tôi, mẹ
    Nhân, của Thầy Alain, của Monique khiến tôi thấy cuộc sống này chỉ là một ảo
    ảnh, có đó rồi mất đó. Hiện hữu rồi tan vào hư vô. Sống chết là một ranh
    giới quá mỏng manh. Cuộc sống chỉ là một ánh chớp. Tôi đóng cửa suốt ngày và
    cứ nghĩ về lẽ tử sinh. Và rồi số phận lại đổi thay, tôi ngộ ra rằng những
    tham vọng, những ước mơ, những hoài bão, những cố gắng cuối cùng rồi cũng sẽ
    được chấm hết bằng một cái chết do muôn ngàn bất trắc của đời sống. Thế thì
    ham danh vọng để làm gì, mải mê theo những ảo vọng để làm gì?
    Tất cả thật ra rồi cũng chỉ là ảo ảnh.Và tôi buông tay, thả cuộc đời
    mình cho những con sóng của số phận. Tôi bỏ lại tất cả và trở về Việt Nam

    Comment


    • #3
      3.
      Tôi không dám về quê, cố bám lấy Sài Gòn. Tôi tìm gặp Nhân, hai đứa thuê
      chung căn phòng ở khu Trương Minh Giảng. Tôi và Nhân bàn cách để tránh những
      người quen biết. Tôi để tóc, râu dài thậm thượt, Nhân cũng thế. Hai đứa
      thường mang đôi kính đen, ban đêm thì mang kính đổi màu. Hàng tháng, tôi và
      Nhân viết thư gởi qua Pháp cho một người bạn, anh này lại bỏ phong bì ngoài,
      gởi tiếp về Việt Nam cho ba tôi và ba Nhân. Và nhận những lá thư từ gia đình
      gởi qua chặng Đà Nẵng – Pháp – Sài Gòn.

      Chúng tôi lại tiếp tục lừa dối và loay hoay trong lừa dối tự mình bày ra.
      Lúc Nhân vừa bị dẫn độ về Sài Gòn, ông chủ tịch Tối cao Pháp viện, tức là bố
      của Thành, người bị Nhân giết chết bằng cú đá oan nghiệt, đang chuẩn bị ra
      tranh cử dân biểu quốc hội. Không muốn bị báo chí phanh phui là có con theo
      Cộng Sản bị giết chết nên ông này tìm mọi cách ỉm vụ đó đi. Nhân chỉ bị đưa
      ra tòa bí mật và kết luận là gây án ngộ sát trong tình trạng thần kinh không
      bình thường, nên được trả tự do sau hai tháng giam giữ.

      Được một người bạn du học Mỹ về đang làm Tổng cục trưởng, Nhân được bố trí
      làm việc ở Tổng cục gia cư, chuyên về xây dựng. Khi tôi về, Nhân lại giới
      thiệu tôi vào làm với nhiệm vụ họa viên vẽ họa đồ. Để trốn khỏi đi lính,
      Nhân mua cho tôi một cái giấy hoãn dịch vì lí do sức khỏe và hắn thì hoãn
      dịch vì gia cảnh. Cả hai đều là giấy giả. Đi làm lương cũng kha khá đủ sống,
      nhưng hai thằng sống như hai thằng buôn thuốc phiện lậu, lúc nào cũng lén
      lén lút lút, cứ sợ gặp người quen với gia đình và cũng phải trốn tránh bọn
      cảnh sát chìm nổi đầy mọi ngõ ngách. Cả hai trường hợp nếu bị phát giác cũng
      đều đưa đến kết quả bi thảm cả. Thế mà tôi cũng phiêu lưu dám ghi danh học
      tiếp ở Đại học Văn khoa. Vừa làm vừa học, dù ít khi có mặt ở giảng đường.

      Từ đó, tôi cảm thấy mình an phận, chấp nhận số phận do mình chọn lựa. Nhưng
      hình như Nhân không nghĩ giống tôi. Có rất nhiều khi Nhân không cười, không
      nói, lầm lì suốt cả tuần lễ, có lúc lại uống rượu đập bàn, đập vỡ li chén,
      uống say mèm và khóc tức tưởi. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết ngồi im vì
      ánh mắt của hắn lúc đó trông như ánh mắt của quỷ dữ, như con thú bị dồn đến
      đường cùng. Có một điều lạ nữa là Nhân không bao giờ nhắc đến Dạ Lan lúc
      tỉnh táo, mặc dù tôi biết Nhân nhớ thương nàng nhiều lắm. Nhưng cứ đến khi
      say, hắn khóc và réo mãi tên Dạ Lan. Khi tỉnh, nếu tôi vô tình nhắc đến tên
      nàng, Nhân quắc mắt lên rất dữ tợn, riết rồi tôi chả bao giờ dám nhắc đến
      cái tên đó nữa.

      Hàng tuần, cứ mỗi chiều thứ bảy khi đi làm về, Nhân lại mua một bó hoa lớn,
      vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, ngồi trước mộ Thành đến tối mịt mới về. Tôi
      hiểu tâm trạng của Nhân nên cũng chẳng có ý kiến, nhưng tôi tự nghĩ, một cú
      đá đã giết chết cuộc đời của hai người: cái chết tức thời của Thành và cái
      chết dai dẳng của Nhân. Cú đá đã làm cho cuộc đời của Nhân qua một ngã rẽ để
      đi tới hố sâu thăm thẳm.
      Chúng tôi sống bình lặng chẳng có gì đáng kể như thế cho đến biến cố 30
      tháng 4 năm 1975.

      Comment


      • #4
        4.
        Những tin tức chiến sự dồn dập, Tây nguyên thất thủ, Huế mất, Đà Nẵng mất.
        Hàng trăm ngàn người trôi dạt trên biển từ miền Trung, lớp lớp người trên
        những con đường đầy xác chết. Cuộc chiến đi vào những giây phút cuối cùng.
        Sài gòn rung lên từng phút. Hai trái bom CBU nổ trên tỉnh lỵ Long khánh.
        Thành phố nhốn nháo. Thành phố lo âu. Thành phố chuẩn bị cuộc hỗn loạn đang
        chuẩn bị ập tới.

        Tôi và Nhân vẫn bình chân như vại. Sáng sáng vẫn ngồi cà phê chờ xe đến rước
        đi làm. Thiên hạ bàn tán nhiều đến chuyện ở, chuyện đi. Hai thằng không quan
        tâm, Cũng đúng thôi, vì chúng tôi từng ở bên đó về, đã thấm những nỗi nhục
        nhằn, đã chấp nhận nhát búa của số phận. Không lẽ bây giờ lại trở lại tiếp
        tục chui đầu vào con đường cũ. Những ngày cuối cùng của tháng tư, công sở
        đóng cửa, hai đứa ngồi nhìn thiên hạ xôn xao lòng dửng dưng. Nhưng đến hôm
        29.4 thì bỗng nhiên cả hai thấy sợ trước những lời đồn đoán.

        Nửa đêm hai đứa vùng dậy, đem hết giấy tờ, hình ảnh liên quan đến
        những năm tháng du học ở Pháp ra đốt. Nhân có cả mấy thùng lớn loại này,
        những hình ảnh thời Nhân còn được gọi là Super Man trên đất Pháp. Ngọn lửa
        bập bùng suốt đêm. Tôi chỉ giữ lại mấy tấm hình tôi chụp chung với Thầy
        Alain và Monique, mấy bức tranh tôi vẽ ở trường Mỹ thuật tôi đã chọn lựa để
        đem về Việt Nam. Đó là những kỉ vật tôi không thể để mất được, dù tôi hiểu
        có thể sẽ đưa đến hậu quả không may.
        Sài Gòn sau đó là một Sài Gòn khác. Những lều quán bỗng dưng mọc lên trên
        những con phố. Chủ quán là chị cave, cũng có thể là vợ của một anh sĩ quan
        nào đó, cũng có thể là một nghệ sĩ, một nhà báo không còn được sử dụng.
        Thiên hạ nháo nhào đổ ra đường kiếm sống, cuộc sống bị xáo trộn ghê gớm,
        chẳng còn phân biệt được đâu là ông, đâu là thằng của những con người cũ.

        Chúng tôi suốt ngày lê la hàng quán, đấu láo quên thời gian mà không
        biết rồi ngày mai sẽ ra sao. Có người rủ mở quán, có đứa kêu đi bán đủ thứ
        thứ tàn dư của xã hội cũ lọc lừa mấy chàng bộ đội khờ khạo, có thằng rủ đi
        bán thuốc Tây. Có đám rủ rê vượt biên. Có người nhỏ to tính chuyện tổ chức
        phản động. Chúng tôi phớt lờ tất cả. Cứ bán dần những thứ còn lại trong mớ
        đồ đạc sống qua ngày.

        Sống lây lất mấy tháng như vậy thì chúng tôi bắt đầu bế tắc. Công việc không
        có, áo quần, giày dép, mắt kính, sách vở, túi xách, va li lần lượt lên
        đường. Đùng một cái, đổi tiền lần thứ nhất (2.9.1975), chúng tôi chẳng có xu
        nào để đổi. Bắt đầu những ngày khốn khó. Có nhiều bữa chỉ còn đủ tiền mua
        một lon gạo và một quả trứng. Hai thằng luộc rồi chia trứng làm bốn mảnh,
        tưới nhiều nước mắm, dành ăn cho hai bữa. Có ngày chỉ còn mấy miếng khoai mì
        mua được dọc đường….Rồi không ai bảo ai, cả hai bắt đầu tản ra, mỗi thằng tự
        đi, tự kiếm ăn, tối về ngủ. Nhân bỗng cọc cằn, dễ nổi nóng, tối ngủ cứ đá
        vào tường suốt đêm…Rồi tới một ngày, chúng tôi chia tay nhau, Nhân bỏ đi mất
        hút……

        Tôi bắt đầu đói dữ, có ngày chỉ được trái chuối, có hôm chỉ được củ
        khoai. Người tôi xanh mướt, xuống sức dữ dội, chỉ còn 39 ki lô. Tôi
        đành phải chấp nhận vào làm bưng bê trong quán cà phê ven đường của vợ chồng
        người bạn họa sĩ, kiếm cơm ăn. Nhưng cũng chỉ được mấy tháng, hai vợ chồng
        người bạn bị bắt vì có dính líu chính trị sao đó chẳng biết. Tôi lại trôi
        như bèo. Bèo nhèo. Tôi cũng chẳng có chút tin tức gì về Nhân, không biết hắn
        sống ra sao. Mù tăm.

        Tôi đã đói tới ngày thứ ba, ba ngày chỉ có củ khoai lang và li nước
        đường uống lậu ở quán con Sáu ốm. Người mệt lả. Thèm đủ thứ. Thấy gì cũng
        muốn giật bỏ vào mồm. Mệt. Người cứ như đang say sóng.Nhưng cũng cứ phải ra
        đường, vì ra đường mới hi vọng có miếng ăn. Đói, nhưng cũng quần áo chỉnh
        tề, giày vớ đầy đủ, nghiêm chỉnh ra đường như một kẻ nhàn du. Ra đường đứng
        lơ ngơ, đi lơ ngơ không mục đích. Và trong khi lớ ngớ như thế, tôi phát hiện
        phía bên đống rác ở chân cầu Trương Minh Gỉang có chiếc xe đạp ai bỏ đó. Tôi
        đứng gần hai tiếng đồng hồ phía bên này đường, không thấy ai đến lấy. Tôi
        chờ thêm thời gian nữa, rồi băng qua đường. Chỉ việc tỉnh queo dắt xe đi,
        làm như xe của mình là xong. Bán đi sống cũng được năm mười bữa. Tôi đã chạm
        tay vào ghi đông xe. Nhưng rồi rụt tay lại như phỏng lửa. Hình như có người
        nhìn tôi. Hình như mọi người nhìn tôi. Hình như mọi người đang cùng chỉ tay
        vào
        tôi và đồng thanh: thằng ăn cắp..thằng ăn cắp…Trong đầu tôi cũng vang lên
        điệp khúc đó: thằng ăn cắp..thằng ăn cắp…
        Tôi lại lủi vào chợ. Những món hàng bánh trái lèo tèo nhưng hấp dẫn
        tôi vì cơn đói đang hành hạ. Có một chị đang bế con đi qua. Đứa bé
        khóc ngặt nghẽo đòi ăn quà. Chị ngồi xuống gánh chuối chiên. Những
        miếng chuối chiên vàng quyến rũ. Nước miếng chảy ra đầy miệng tôi. Tôi nghe
        có tiếng dòn rụm trong hàm răng, vị ngòn ngọt, beo béo tỏa trên đầu lưỡi.
        Thằng bé vẫn khóc. Người đàn bà đứng lên, đứa bé tay cầm miếng bánh, miệng
        vẫn khóc, người vùng vằng. Tôi chắc chắn trong đầu là thằng bé sẽ đánh rơi
        miếng bánh. Tôi lặng lẽ đi theo. Thằng bé làm rơi bánh thật. Tôi cúi người
        lẹ như sóc, lượm nhanh và tạt ngay vào con hẻm nhỏ. Miếng bánh tưởng sẽ ngon
        vô cùng vì cơn đói, nhưng vừa bỏ bánh vào miệng, hai dòng nước mắt chảy dài
        trên mặt tôi, những miếng bánh vỡ như những mảnh vỡ của thủy tinh xé nát
        buồng ngực tôi. Tôi đau đớn và nhục nhã….

        Tráng là người bạn học chung ở Văn khoa, hắn là chuyên gia đạp xích lô. Tôi
        tìm tới hắn, nhờ bảo lãnh thuê một chiếc ở hẻm Trần Quang Diệu. Tôi chưa
        chạy xe xích lô lần nào, nhưng nghĩ Tráng chạy được thì tôi cũng sẽ chạy
        được. Nghĩ đơn giản ai dè trèo lên mới thấy không phải dễ ăn. Tập vài vòng
        thì cũng tạm chạy được. Tráng bảo tôi chạy về Trần Quốc Toản, chỗ chợ cá sẽ
        có mối. Đúng là vậy, một bà mập béo và đôi thùng đầy nhóc cá lóc thụê tôi
        chở về chợ Trương Minh Gỉang. Chỉ chạy đến ngã sáu Lê Văn Duyệt là tôi đã
        đuối hơi. Chân bắt đầu nặng, thở hổn hển. Tôi ráng đạp, nghĩ rằng chỉ qua
        tới Yên Đỗ, quẹo, qua được cầu là xong. Sẽ có bữa ăn cho trưa nay. Nhưng tôi
        không qua nổi cầu. ba bánh xe như có ai ghì lại, không lên nổi dốc, dù tôi
        đã gồng hết đôi chân. Chiếc xe như muốn tuột xuống, tuột xuống. Tôi không
        nhảy được, hai chân cố giữ bàn đạp, cả người cố gồng lên. Nhưng chiếc xe vẫn
        từ từ tuột. Tôi không chịu nổi nữa, ngực tôi nặng như đeo chì, hơi thở đứt
        quãng. Phen này thì chắc chết. Bà khách thấy xe tuột dần thì la lên chói
        lói, nhảy xuống cũng không xong vì kẹt hai thùng cá. Tôi buông xuôi, nhắm
        mắt chờ xe lật ngửa và thế là xong một đời. Nhưng, hình như có một sức mạnh
        thần kỳ, chiếc xe sựng lại một lát và đi lên như có ai đẩy. Tôi mở mắt nhìn
        lui thì thấy Nhân đang gò lưng đẩy xe từ phía sau, chiếc xe lên dốc rồi đổ
        dốc, an toàn đến chợ. Tôi gặp lại Nhân như thế đó, và Nhân đã cứu tôi lần
        nữa như đã cứu tôi một lần lúc
        thằng Hồ Lê bắt tôi rúc háng thuở còn đi học….

        Ngồi ở quán bún ngay góc Trương Minh Giảng và Trần Quang Diệu, tôi ăn ngon
        lành hai tô bún thịt nướng đầy rau xanh. Nhân không nói gì, ngồi nhìn tôi
        với đôi mắt ngập nước mắt thương xót. Nhưng khi tôi định gọi thêm tô thứ ba
        thì Nhân ngăn lại:
        - Cậu đã không chết vì đói thì đừng nên để chết vì no. Cứ từ từ. Sẽ
        không phải đói nữa đâu.
        Nhân rút từ túi ra một cọc tiền lớn, trả tiền bún xong, Nhân ngắt đôi
        cọc tiền, đưa tôi một phần và bảo:
        - Cậu giữ số tiền này mà sống. Người ta đang chuẩn bị cho các trường đại học
        hoạt động trở lại rồi. Cậu nên tiếp tục học hi vọng kiếm được một việc làm
        trong chế độ mới. Cậu ốm yếu lại quá thật thà đến hóa ngu, không làm buôn
        bán lọc lừa, không làm phu xe, bốc vác được đâu!
        - Nhưng tiền đâu cậu có nhiều thế. Mấy tháng nay cậu ở đâu, làm gì???
        - Từ từ rồi sẽ biết. Mình sẽ kể cho cậu nghe. Xong rồi mình sẽ về Đà
        Nẵng. Chốn này không còn là chỗ dung thân của mình nữa rồi. Đã đến lúc mình
        phải chấm dứt mọi sự giả dối. Mình sẽ nói hết sự thật cho ba mình. Chắc chắn
        sự thật sẽ làm cho ông cụ đau đớn, nhưng thế sẽ tốt hơn, cho mình và cho cả
        ông cụ. Im lặng một lát, lấm lét nhìn quanh, Nhân ghé miệng sát tai tôi,
        thầm thì: Mình đang bị truy nã.

        Comment


        • #5
          5.

          Mấy tháng trước, chúng tôi chia tay nhau vì cả hai đang lâm vào cảnh
          đói ăn thê thảm, Nhân bỏ đi và lang thang vào khu Chợ Lớn. Nhân kể là vào đó
          hi vọng sẽ không gặp ai quen, đồng thời mấy ông Ba Tàu chắc cũng có đời
          sống, sinh hoạt khá hơn người Việt, dễ kiếm cơm hơn. Nhưng suốt một ngày từ
          chợ Hòa Bình, rồi qua chợ Kim Biên đến chợ Bình Tây vẫn chưa kiếm được mối
          nào nhờ giúp việc. Nhân mở miệng đề nghị chủ hàng để được bốc vác thì chủ
          hàng nhìn Nhân đầy nghi ngờ. Bởi chàng ta vẫn còn bỏ áo trong quần, nai nịt
          đầy đủ, chân còn mang đôi giày da tuy đã cũ sờn, lại thêm cắp kính đen che
          đôi mắt sùm sụp. Ai lại tin người có vẻ trí thức như vậy chịu làm chuyện của
          người lao động. Chắc có mục đích gì đây. Nghe ngóng? Theo dõi?... Nghi là
          phải. Mà lúc này xã hội mới hình thành một lối sợ mơ hồ và đầy nghi ngại với
          tất cả mọi người. Chẳng ai tin ai. Cũng may vỉa hè, quán sá, phố phường cũng
          không thiếu những anh chàng có vẻ ngoài như vậy lê bước với khuôn mặt chán
          chường và tuyệt vọng. Cho nên Nhân cũng không bị để ý lắm.

          Trời tối, đói meo, Nhân lê gót đến ghế đá cạnh tượng ông chủ họ Quách, người
          lập ra ngôi chợ này. Bức tượng đã bị đem đi đâu mất, chỉ còn cái bệ tượng
          chơ vơ. Có ba người thanh niên đang ngồi nhậu trên đó. Họ ngồi quanh, ở giữa
          có dĩa mồi là con gà luộc da vàng óng. Cuộc nhậu hình như mới bắt đầu, li
          rượu mới chuẩn bị xoay tua. Ngôi chợ vắng vẻ, ánh đèn vàng vọt và âm thanh
          chỉ là tiếng chổi quét lẹt quẹt của người phu quét chợ. Nhân ngồi ở ghế đá
          nhìn lên, con gà hấp dẫn quá. Hắn nuốt nước bọt liên tục. Đã mấy lần quay đi
          và cũng đã nhiều lần nhìn lại. Con gà vẫn bóng lưỡng khêu gợi tênh hênh giữa
          chiếu nhậu… Bỗng nhiên Nhân tì tay vào ghế đá, bắn người lên. Đôi chân vừa
          chạm đất quét ngang, con gà bay lên nằm gọn trong tay Nhân. Ba gã thanh niên
          quá bất ngờ, không kịp một phản ứng nào. Nhân ngoạm một miếng vào đùi gà,
          nhai nhồm nhoàm. Ba gã thanh niên đã định thần, cùng hét lớn xông vào đứa
          đấm, đứa đá, đứa lên gối. Nhân vừa nhai, vừa cầm chắc con gà, xoay nhiều
          vòng, hai chân đạp hai gã gần nhất đang chồm tới, tay còn lại đấm vào ngực
          gã kia. Ba tên bị bắn lui, kinh hoàng. Ba gã lại tiếp tục hè nhau tấn công
          thêm mấy bận nữa, nhưng chẳng làm gì được Nhân. Nhân vừa nhai vừa né đòn,
          rồi ra đòn nhưng chỉ mấy miếng đấm đá
          không nhằm chỗ hiểm. Cuối cùng cả bọn dừng tay. Gã râu xồm có vẻ đầu đàn hất
          hàm nhưng trong giọng nói có chút vị nể:
          - Ông bạn ở đâu mà dám đến đây cướp gà của tụi này?
          Nhân dừng nhai:
          - Tôi đói quá, định xin mấy người anh em chút gì bỏ bụng, nhưng biết
          chắc là khó nên đành cướp vậy. Có gì các anh thứ lỗi.
          - Ông ở băng nào mà ngón nghề cũng oách quá vậy?
          - Chẳng có băng nào cả, thất nghiệp lang thang thôi….

          Lời qua tiếng lại một hồi, hiểu được nhau. Giang hồ vốn trọng người
          tài, nên rồi cả bọn ngồi chung chiếu, nhậu suốt đêm thâu. Từ đó, Nhân nhập
          băng, lần hồi nhờ tài võ nghệ cộng với trí thông minh, hắn trở thành đại ca
          của băng chợ Bình Tây, từ từ lan ra một vùng khá rộng của khu Chợ Lớn, dưới
          trướng có vài chục đàn em, cùng nhau hành hiệp. Lúc đầu chỉ quanh quẩn công
          việc ở các chợ, lần lần nhảy vào bán mua, rồi buôn lậu đường dài. Càng ngày
          càng lấn sâu vào chốn giang hồ phạm pháp, tên tuổi của trùm Nhân nổi tiếng
          khắp chốn giang hồ là một đại ca mưu mô tuyệt diệu mà võ công lại vô cùng
          thâm hậu, được đàn em vô cùng quý mến, tôn sùng. Tiền bạc vô ào ào. Nhớ bạn
          đang nghèo nhưng mặc cảm đang là thằng tướng cướp nên chẳng dám về tìm lại.

          Giang hồ có lãnh địa riêng, bán buôn cũng chia từng khu vực, các băng nhóm
          không được xâm phạm, vi phạm là sẽ có máu đổ ngay. Nhưng không lấn sân nhau
          thì không tồn tại và phát triển được, nên đụng độ nhau là chuyện không thể
          tránh. Sau mấy tháng làm đại ca, một cuộc tranh chấp lãnh thổ và mối lái
          giữa băng của Nhân và băng ALũ xảy ra. Đây sẽ là trận lớn, cả hai bên trang
          bị mã tấu, ống nước inox, dao bầu, kiếm nhọn. Một trận huyết chiến, một mất
          một còn, máu me tràn ngập chắc chắn sẽ không tránh khỏi. A Lũ là một đại ca
          máu mặt ở vùng này, trước tháng 4.75 là trùm khu Chợ Lớn – Phú Lâm, bị Ban
          bài trừ du đãng của cảnh sát Sài Gòn bắt giam ở Chí Hòa, được thoát ra trưa
          30. Hắn ngứa mắt trước ảnh hưởng càng ngày càng lan rộng của băng thằng
          Nhân, nên quyết đấu.

          Nhân không muốn cuộc chiến diễn ra ồn ào, công an xuất hiện là điều
          bất lợi cho bản thân hắn và lũ đàn em, nên đến gần giờ máu đổ, Nhân đề nghị
          đấu tay đôi với A Lũ. Bên nào thắng sẽ được trọn quyền hoạt động toàn khu,
          bên thất bại sẽ giải tán hoặc gộp chung thành đàn em của băng thắng. A Lũ
          đồng ý ngay, bởi hắn là một tay võ sư có hạng của võ Thiếu Lâm. Hắn nhìn
          thân hình hơi thấp và dáng thư sinh của Nhân nên có vẻ xem thường. Cuộc đấu
          tay đôi sẽ diễn ra trong nghĩa địa nhị tì khu cây da xà lúc nửa đêm.

          Hai thằng đúng là kỳ phùng địch thủ, bất phân thắng bại. Hơn nữa, Nhân cố
          tránh không sử dụng đòn chí mạng, chỉ muốn làm cho A Lũ và đám đàn em hắn
          tâm phục khẩu phục, nên cuộc chiến kéo dài hơn tiếng đồng hồ. Hai bên ra
          lệnh không được hò reo, tránh sự chú ý. A Lũ đúng là một tay võ lâm đầy tài
          nghệ. Hắn tránh được nhiều đòn của Nhân và cũng phản đòn rất dũng mãnh. Cuối
          cùng, không muốn kéo dài cuộc chiến, Nhân phải sử dụng đến ngón đòn giết
          người rất nguy hiểm. Hắn bấm mình bay đến bức tường sau lưng A Lũ, chạy như
          gió trên tường rồi bắn ngược trở lại, tung cước ngay đầu A Lũ, A Lũ gục
          xuống như thân chuối bị đốn. Đấu trường xôn xao. Cùng lúc ấy có tiếng chân
          chạy sầm sập, tiếng còi thổi và bóng nhiều công an xuất hiện ở cổng nghĩa
          trang. Cả bọn tháo chạy. A Lũ cố gượng dậy nhưng không nhấc mình lên được.
          Đã chạy đi rồi, quay nhìn lại thấy A Lũ quằn quại không gượng dậy nổi, Nhân
          quay lại cõng A Lũ trên vai và cố thoát khỏi vòng vây. Nhưng không kịp. Ba
          công an kềm sát chân anh, ôm chặt lấy Nhân, quật xuống và tra còng….

          Nhân bị giam ở đồn hai ngày, hai tay bị còng vào song cửa sổ, chờ xe
          chở về Đắc Nông, nơi tập trung đám giang hồ bị bắt cải tạo lao động.
          Bọn đàn em bắn tin sẽ tìm cách giải cứu đại ca, đồng thời báo cho biết A Lũ
          chỉ bị trọng thương, đang nằm ở bệnh viện, công an canh giữ sát sao, nhưng
          liệt nửa người dặt dẹo. Thời đó chẳng có tòa án, cũng chẳng xét hỏi, lập hồ
          sơ, cứ thế mà đi thẳng vào trại, chẳng biết ngày về. Nhân nghĩ chỉ có giải
          pháp duy nhất là phải trốn thôi, không thể giam mình trong trại không lối
          thoát như thế được. Nửa đêm đó, chờ mọi người ngủ say, Nhân lấy hết sức bình
          sinh, bẻ song cửa sổ, hai tay còn dính còng, trốn thoát. Anh chạy về sào
          huyệt báo tin cho đàn em, từ biệt chúng, chia chác tiền bạc và sáng hôm sau
          đi tìm tôi. Và chúng tôi đã gặp nhau ở dốc chân cầu Trương Minh Gỉang, khi
          tôi chuẩn bị tuột dốc.

          Tôi hỏi Nhân:
          - Cậu mua vé tàu xe gì chưa?
          Nhân bảo:
          - Mình tránh mua vé, sợ bị lộ. Mình sẽ đi bộ về Đà Nẵng, gặp đâu xin đi đó,
          được đoạn nào hay đoạn đó, chứ đi tàu dễ bị xét hỏi lắm, chắc là khó thoát.

          Và chúng tôi chia tay nhau. Lúc ấy là cuối năm 1976.

          Comment


          • #6
            6.

            Tôi được ghi tên đi học lại, khóa chúng tôi được nhập chung với sinh
            viên Sư phạm thành trường Đại học Sư Phạm Thành phố. Nhờ số tiền Nhân đưa,
            tôi sống được thời gian dài, dù cũng chỉ tạm đủ ngày hai bữa cơm rau ở căn
            tin và qua lần đổi tiền lần thứ hai 1978. Cuộc sống trôi đi, học hành rồi ra
            trường, tôi ra trường cũng gặp chút khó khăn lúc phân công tác. Lí lịch xấu
            quá, đen thui. Con công chức cao cấp chế độ cũ. Bản thân thiếu phấn đấu.
            Nhưng rồi trời thương, được vài người giúp đỡ, tôi được phân công về dạy ở
            một trường cấp 3 heo hút ở Củ chi. Cuộc sống cũng được cho là ổn. Tôi cố tìm
            cách liên lạc với gia đình, nhưng thư gởi đi mà không có hồi âm. Tôi cũng
            chẳng nhận được lá thư nào từ Pháp gởi về. Cũng chẳng nhận được chút tin tức
            nào của Nhân.Tất cả im lìm như nấm mộ.

            Đầu năm 1978, tôi nhận được một lá thư từ nước Pháp. Lá thư của em gái tôi,
            cô em duy nhất mà khi tôi rời Việt Nam, em mới 14 tuổi. Em gởi từ Mỹ qua địa
            chỉ cũ của tôi ở Montpellier từ cuối năm 1975, nay tôi mới nhận được. Trong
            thư em báo tin đã di tản qua Mỹ từ tháng 4.1975, hiện ở New Hampshire, miền
            đông nước Mỹ đồng thời cho biết ba tôi đang bị học tập cải tạo tại Hàm Tân.
            Tôi chạy ra Hàm Tân thì được tin ba tôi đã bị chuyển ra Bắc, đang ở Hà Nam
            Ninh. Mùa hè năm 1978 tôi ra bắc, lên Hà Nam Ninh thăm nuôi ba nhưng không
            được gặp mặt, đến năm sau ra lần nữa thì được tin ba tôi đã chết trong trại.
            Trên đường từ bắc xuôi nam, tôi dự định ghé Đà Nẵng thắp nhang cho mẹ thì
            lại biết rằng nghĩa trang Nam Ô, nơi mẹ tôi nằm đã bị qui hoạch, mộ mẹ tôi
            không biết tìm đâu? Như vậy, từ khi rời Đà Nẵng năm 1968, tôi chưa trở lại
            chốn này lần nào. Bởi chẳng còn gì để tôi trở lại, cha mất chưa tìm được xác
            ở chốn xa xôi. Mộ mẹ bị san bằng không dấu vết. Nhà cửa không còn. Trở lại
            chỉ thêm buồn đau và hờn tủi.

            Tôi lập gia đình, sinh con. Quẩn quanh với cuộc sống từ những khó khăn và
            thiếu thốn. Cuộc sống cứ thế trôi đi. Những kỷ niệm của ngày xưa lần hồi
            phôi pha. Phải tập quên để sống. Phải cứ hướng tới phía trước để tồn tại.
            Cho đến 2010, khi tôi tròn 60 tuổi, về hưu, con cái cũng đã lớn, đã yên bề
            gia thất. Nhiều đêm không ngủ được, tuổi mới chớm già mà cứ nhớ đến quá khứ
            đến quắt quay. Tôi nhớ Nhân, nhớ đến những năm tháng đã qua đi và sẽ không
            còn trở lại. Không biết bây giờ Nhân sống ra sao, còn ở Việt Nam hay đã trôi
            dạt xứ nào. Thời gian quá dài, quá nhiều đổi thay, quá nhiều bất trắc. Không
            biết những nơi chốn xưa có còn như cũ nữa không? Biết bao là hình ảnh, biết
            bao là câu hỏi cứ quẩn quanh….Tôi mua vé bay về Đà Nẵng, tìm lại kỉ niệm
            xưa, đồng thời tìm lại người bạn thân yêu đã một thời gắn bó. Thành phố
            không còn như cũ nữa, nhiều đổi thay. Những dấu vết kỉ niệm đã bị mất dấu.
            Tôi ngu ngơ giữa thành phố xa lạ. Chẳng gặp người quen, chẳng tìm ra cảnh
            cũ.

            Tôi lang thang quẩn quanh ở chợ Cồn, nơi ngã tư. Chỗ đó hồi xưa là nơi
            thường ngày tôi qua. Ngày xưa, bên này là cây xăng, bên kia là cư xá Đoàn
            Kết của quân đội, bên kia đường là nhà sách Văn Hóa, nơi tôi thường mua
            sách. Xuống một chút là cà phê Xướng, nơi bán những li cà phê đượm hương
            beurre Bretel và bánh mì thịt thơm nức mũi ba tôi thường ăn mỗi sáng. Đi qua
            đường rầy của đường Hùng Vương, có xưởng vẽ của họa sĩ Trần Viết Hậu, người
            họa sĩ già mà ngày nào đi học ngang qua, tôi cũng dừng chân đứng lại một
            chút để nhìn ông ta vẽ, tôi mê hội họa từ những nét vẽ của ông. Tất cả biến
            mất, chẳng còn dấu vết.
            Tôi đi loanh quanh cả chục lần chốn cũ mà không tìm thấy chút hình ảnh nào
            sót lại. Ở góc phố, tôi dừng lại mua gói thuốc. Ông già bán thuốc tóc bạc
            chải mượt có khuôn mặt rất quen, quen lắm, nhưng tôi vẫn chưa nhớ ra được.
            Tôi băng qua đường, đốt thuốc nhìn qua. Ông già đốt thuốc hút, hai ngón tay
            cầm điếu thuốc hững hờ, điệu nghệ. Nhìn hình ảnh đó, tự nhiên gợi tôi nhớ
            đến một người, tôi băng nhanh qua đường, ôm lấy vai người bán thuốc: Thầy
            Thanh, Thầy Thanh, phải Thầy không? Thầy nhớ con không?

            Thầy Thanh ngỡ ngàng nhìn tôi, ngờ ngợ:
            - Phải, tôi là Thanh đây, trước đây tôi có thời dạy học. Anh là ai mà biết
            tôi?
            - Con là Ngọc. Ngọc con ông Đốc Kim, học trò của thầy hồi đó.
            Thầy ôm vai tôi, ngấn nước mắt:
            - Tôi nhớ ra rồi… Anh về hồi nào?...Trời ơi lâu quá rồi, lâu quá rồi…

            Mấy chục năm rồi nhỉ? Phải hơn bốn chục năm rồi. Đúng không?
            Tôi và thầy Thanh ngồi trong quán cà phê, nhắc hoài chuyện cũ. Nhắc đến
            người đi, kẻ ở, kẻ mất người còn. Nhắc đến những đổi thay. Tôi hỏi thầy có
            nhớ Nhân không, thầy bảo làm sao quên được người học trò đặc biệt ấy. Thầy
            cho biết bây giờ Nhân khó khăn lắm, cũng khó gặp vì Nhân tìm đủ cách để
            tránh mọi người. Nghe như Nhân đạp xe ba gác chở rau ở chợ Thanh Khê, đến
            đấy tìm chắc gặp. Thầy còn cho biết Hồ Lê bây giờ làm chức lớn lắm, cũng có
            ghé Thầy mấy lần, có khi còn tặng quà.
            Tôi tìm về chợ Thanh Khê, hồi xưa đây là xóm chài ven biển, nghèo lắm. Bây
            giờ nhà cửa cao ngất như phố thị. Lân la ở chợ, hỏi nhiều người tôi tìm vào
            nhà Nhân men theo con đường nhỏ loằng ngoằn, sâu trong mấy cánh đồng còn sót
            lại, nhà cửa thưa thớt, chung quanh toàn rác rưởi. Căn nhà như cái lều, phía
            trước có khoảnh sân nhỏ, rào thưa. Con chó gầy còm đang phơi nắng thấy người
            lạ cất tiếng sủa yếu ớt. Sân vắng, tôi gọi mãi không thấy ai. Một lát sau,
            một cái đầu bù rối hiện ra nơi khung cửa cất tiếng ồm ồm: Hỏi ai? Tôi bảo:
            Tìm Nhân. Lại cái giọng ấy: Nhân đi vắng rồi.

            Người đàn bà hiện ra, khuôn mặt lộ diện dưới ánh nắng. Một khuôn mặt rất
            quen. Tôi nghĩ vẫn chưa ra. Tôi bảo: Khi nào thì Nhân về. Tôi đợi được
            không? Người đàn bà nhìn tôi trân trân. Khuôn mặt quen lắm. Tôi vẫn chưa nhớ
            ra nổi khuôn mặt rất quen này. Tôi chào và đi ra ngõ. Con chó lười biếng
            không tiếng sủa. Người đàn bà nhìn theo lẩm bẩm chi đó không nghe được.

            Tôi ngược ra đầu ngõ, ngồi ở quán bên đường, đợi Nhân. Tôi đốt đến điếu
            thuốc thứ ba thì trí nhớ vỡ oà. Đúng là chị Đầm rô. Chị Đầm rô bán quán chè
            đậu rất ngon, giọng nói ồ ề. Chị Đầm rô dạy tôi hút thuốc lá. Chị Đầm rô có
            ánh mắt ngưỡng mộ Nhân. Phải rồi. Đúng
            là khuôn mặt của chị Đầm. Nhưng sao chị lại ở trong nhà của Nhân?
            Tôi không cách gì nhận ra Nhân. Nhân ngồi đó, trên chiếc ghế đẩu trơ trọi
            giữa sân, trong ngôi nhà có khoảnh rào thưa, dưới chân có con chó gầy gò
            quanh quẩn. Ly rượu cầm tay, miếng mồi chỉ là con cá khô nhỏ và dĩa ớt trái
            đỏ rực. Không còn nét nào của Nhân ngày xưa. Đó chỉ là lão nông ngồi uống
            rượu buổi chiều. Những lọn tóc duyên dáng cũ đâu mất rồi, chỉ còn một nhúm
            tóc lơ thơ lốm đốm bạc, bết lại nằm lạc lõng trên vầng trán hói. Đôi môi đỏ
            cũng đã không còn, chỉ còn lại một khóe miệng khinh bạc, thâm xì và móm mém,
            hàm răng trống rỗng khiến cho khuôn mặt như choắt lại. Da mặt bì bì, thâm
            tái, men mét của người mắc bệnh gan kinh niên. Những nếp nhăn dồn dập làm
            cho khuôn mặt héo hon như trái táo tàu khô. Đôi mắt trũng, mờ tối, đầy khói
            u ám. Đâu mất rồi ánh mắt sáng rực đầy sát khí của Nhân bốn mươi năm trước.
            Siêu nhân đây ư? Tấm gương của nhiều bậc cha mẹ đây sao? Niềm mơ ước của
            nhiều người !!! Chỉ còn lại là một tấm thân tiều tụy và hom hem thảm
            sầu. Chắc chắn là không phải là sự tàn phá của thời gian. Thời gian
            không thể xóa hết dấu vết của một con người tàn nhẫn đến như thế. Chỉ có nỗi
            đau đớn của cuộc đời,tuyệt vọng, tủi nhục, cay đắng và sự thất bại cùng cực
            mới làm cho một con người đổ gục đến vậy. Nhân hoàn toàn mang hình dáng của
            một con người khác.

            Tôi ôm Nhân, những giọt nước mắt trào ra ướt mặt. Từ thân thể Nhân bốc lên
            một mùi nằng nặng. Mùi chua của mồ hôi lâu ngày, mùi úng thối của rau củ,
            mùi rượu trộn lẫn với mùi bụi đời đắng cay. Tôi lại khóc. Tôi cầm lấy tay
            Nhân, bàn tay nhiều vết xước, màu da đen tái lốm đốm mủ cây trái, những móng
            tay cũng đầy nhựa, nứt nẻ, nhiều vết chai sần. Tôi nhìn xuống đôi chân của
            Nhân. Đôi chân cũng khẳng khiu, sứt sẹo, đen xì, những chiếc móng đầy cáu
            ghét, đôi dép đứt quai được buộc lại bằng sợi dây nhựa đỏ, đế mòn vẹt.Lúc
            đầu Nhân hững hờ ôm vai tôi, rồi bỗng siết chặt và người Nhân rung lên. Tôi
            khóc như trẻ con. Bỗng Nhân buông tay và nói như mắng: Đụ mẹ, mày vẫn như
            xưa, lúc nào cũng ẩm ướt.

            Tôi lại thêm một ngạc nhiên, không những Nhân đổi thay hình dáng, mà còn
            thay đổi luôn cách xưng hô, và biết chưởi thề. Suốt thời gian dài quen biết
            nhau, chưa bao giờ chúng tôi xưng hô mày tao với nhau, chỉ gọi nhau là cậu
            tớ, Tôi chưa một lần nghe Nhân buột miệng chưởi ai. Tôi trố mắt nhìn Nhân,
            trời ơi, Nhân ngày xưa đã chết thật rồi. Biết đổ lỗi cho ai đây, hoàn cảnh,
            cuộc đời hay thời thế. Hay là đổ cho số phận.

            Tôi ở lại với Nhân ba ngày còn lại của chuyến đi. Ban ngày hai đứa lang thang với những chốn kỷ niệm cũ, lê la các hang quán. Đêm về, hai ứa kể nhau nghe những chuyện của đời nhau, những chuyện đời buồn nhiều hơn vui.

            Tôi mua sắm nhiều vật dụng cần thiết của cuộc sống, chị Đầm rất vui khi nhận
            những món quà này, riêng Nhân vẫn dửng dưng…

            Comment


            • #7
              7.
              Hồi đó, cuối năm 1976, Nhân vội vã trở về Đà Nẵng để trốn lệnh truy nã.
              Chuyến đi kéo dài hơn tuần lễ. Đón xe dọc đường từng chặng, có khi đi bộ
              suốt buổi. Suốt đoạn đường cũng chẳng có chuyện gì. Nhưng hôm từ Bình Định
              về Quảng Ngãi, sau một bữa nhậu say quắc cần câu với cánh tài xế, sang hôm
              sau khi tỉnh rượu, Nhân thấy mình nằm ở vệ đường ở Mộ Đức, tiền bạc trong
              túi bị tước hết. Hai tên tài xế cho Nhân đi nhờ biến đâu mất. Cũng may, Nhân
              đã chia nhỏ bó tiền, để mỗi nơi một chút, nhờ vậy, cũng còn chút tiền dấu
              trong đôi giày, dù không nhiều lắm.

              Đến Đà Nẵng nửa đêm, căn nhà cũ của gia đình nay đã biến thành cơ quan của
              chính quyền mới. Lang thang suốt đêm, thấy mình như kẻ xa lạ ở một thành phố
              khác. Lân la quán cà phê gần ngôi nhà cũ từ tờ mờ sớm, Nhân biết được gia
              đình mình đang ở trong một con kiệt nhỏ cuối đường Hoàng Diệu, gần đường rầy
              xe lửa. Ngôi nhà ngày xưa đã bị trưng dụng từ khi cách mạng về, ba Nhân nhờ
              ngày trước có tham gia kháng chiến chống Pháp, trước 75 cũng có thành tích
              nuôi dấu cán bộ gì đó, nên không bị đi học tập cải tạo, nhưng không được sử
              dụng.

              Nhân vừa bước vào ngõ, ba Nhân đã nhận ra ngay. Ông cuống quit ôm lấy Nhân,
              miệng cứ lập lại mãi một câu hỏi: Về lúc nào? Sao lại về? Về lúc nào? Hành
              lí đâu? Nhân cũng ôm lấy cha, nước mắt giàn giụa: Ba ngồi xuống đây nghe con
              nói, ba ngồi xuống đi. Nhân quì dưới đất, lạy mấy lạy. cứ lập đi lập lại: Ba
              ơi, con bất hiếu không làm được ước nguyện của ba rồi,,rồi lại lạy. Ông Đốc
              ngồi sững sờ, mang máng hiểu đã có một tai họa tày trời. Niềm tin của ông,
              lẽ sống của ông. Sao lại thế này? Nhân vừa khóc, vừa lạy, vừa kể hết mọi
              chuyện. Lâu lâu lại nấc lên, nước mắt đầy mặt. Ông Đốc có cảm giác như ngàn
              lưỡi dao đâm vô ngực, xoáy mạnh. Tai lùng bùng, trái tim như đang có bàn tay
              ai bóp nghẹt. Đầu óc choáng váng, trái đất như sụp dưới chân ông, ông thấy
              khó thở, trước mặt chỉ là một khoảng tối vô tận. Nhân kể lể không biết bao
              lâu, không thấy ông Đốc động tĩnh gì. Nhân ngước lên, nắm lấy tay cha. Anh
              hoảng hốt như diện giật, tay ông Kim lạnh ngắt như nước đá, cứng đờ. Nhân
              hốt hoảng ngồi lên, nhìn thấy khuôn mặt trắng bệt, hai mắt mở trừng trừng
              của ba mình, anh hét lên: Ba ơi, con giết ba rồi, ba ơi!!! Ông Đốc đã tắt
              thở từ lúc nào, mặt đanh lại, hai mắt vẫn mở, hai hàm răng nghiến chặt, giận
              dữ.

              Đám ma diễn ra lạnh lẽo, chỉ còn hai anh em: Nhân và cô em gái. Cô em kế
              Nhân bị bệnh thần kinh không biết lang thang ở đâu mà bị cưỡng hiếp có bầu,
              rồi băng huyết lúc sinh, chết hồi đầu năm. Đứa em bị bệnh down thì mất tích
              trong những ngày chộn rộn cuối tháng ba năm bảy lăm. Thằng em trai kế Nhân
              nghe nói đi bộ đội đóng ở Tây Ninh, nhưng chẳng có địa chỉ liên lạc. Hôm đưa
              đám trời lại mưa suốt buổi, hai anh em mặc áo xô, chống gậy trông thảm thiết
              giữa đồng trống. Nhân không khóc, nhưng hai mắt đỏ ngầu.

              Đám tang xong xuôi, Nhân đi tìm Dạ Lan. Gia đình Dạ Lan cũng lâm vào bi
              kịch. Hôm Dạ Lan về Huế thăm bà ngoại, gia đình ông Bửu Hân tổ chức vượt
              biên. Hai vợ chồng và cậu con trai bị bão tố dìm xác xuống đáy biển, chuyến
              đi đó chỉ có mấy người được tàu lớn cứu thoát, tạm ngụ ở Hồng Kông. Nhà bị
              tịch thu vì tội phản quốc. Dạ Lan xin được ở lại trong căn phòng nhỏ dành
              cho người giúp việc ở góc sân cùng với cây đàn piano. Không biết vì lí do
              nào, những người phụ trách cũng chấp nhận.

              Nhân nhiều lần tìm đến chỗ ở của Dạ Lan, nhưng nàng không tiếp, cứ trốn
              tránh mãi. Sau cùng, hai người gặp mặt nhau, Dạ Lan cho biết nàng đang mang
              thai, nhưng không cho biết cha đứa bé là ai. Sững sờ. Nhưng Nhân chấp nhận
              tất cả, chỉ mong ước được sống cùng nhau. Nhân cũng không tìm hiểu ai là cha
              đứa bé…Sau này, Nhân mới biết rằng cái bào thai là kết quả của cuộc trao đổi
              để nàng được ở lại căn phòng nhỏ đó cùng với cây đàn.

              Và hai người đồng ý chung sống, không lễ cưới, không hôn thú, trong
              căn phòng chật hẹp dưới gốc cây ngọc lan, kết cục một cuộc tình như
              thế cũng là một đoạn kết đẹp vì lúc bấy giờ là thời kỳ loạn lạc, nhiều
              bất trắc.

              Nhưng cuộc sống không phải chỉ có tình yêu là đủ. Nhân không tìm đâu được
              việc làm, vì cũng chẳng có giấy tờ chứng minh năng lực, lí lịch lại mù mờ mà
              cũng vì thời bấy giờ phải có mối quan hệ nhất định nào đó mới có thể kiếm
              được việc.. Loay hoay mãi với cơm áo, cuộc sống gia đình bắt đầu thiếu vắng
              tiếng cười. Lương cô giáo của Dạ Lan với tiêu chuẩn mười ba kí gạo bây giờ
              phải chia ra cho hai người, những bữa cơm toàn độn sắn khoai với bo bo, canh rau và cá hẩm
              Mùa đông năm đó, Dạ Lan bị tai nạn xe cộ lúc đi dạy học về, chiếc xe đạp cong niềng, gãy phuộc. Dạ Lan chỉ bị trầy sướt nhưng lại bị hư thai, máu nhuộm đỏ phần dưới cơ thể. Không biết kiếm đâu ra tiền, Nhân đành bán chiếc piano lấy chỉ vàng lo thuốc men cho vợ. Ở bệnh viện về, biết chiếc đàn đã bị bán, Dạ Lan im lặng suốt cả tháng, chẳng hé một câu nào. Nhân thấy mình có lỗi, và Nhân nhớ dự định của mình khi bước đầu du học, sẽ mua cho Dạ Lan chiếc đàn piano tốt nhất lúc tốt nghiệp trở về.. Dự định không thực hiện được lại đem bán chiếc đàn kỉ niệm của Dạ Lan. Nhân cảm thấy mình hèn hạ và bất lực. Thời kì này, người ta rủ nhau đi săn trầm, kiếm được rất khá. Trước bức bách của đời sống và nỗi buồn khó nguôi của Dạ Lan, Nhân quyết định vào núi tìm trầm, mong đổi đời, hi vọng sẽ mua lại đền cho vợ chiếc đàn khác.

              Rừng rú bao la, ngậm ngãi tìm trầm, những chuyến đi nhiều khi kéo dài cả mấy
              tuần. Cả bọn sống như dân du mục, đến đâu dựng lều trại ở đó. Tìm trầm là
              công việc chẳng dễ dàng gì, mưa gió, rắn rít, thú dữ...tất cả đều đáng sợ,
              có thể chấm dứt đời người bất cứ lúc nào. Nhưng đáng sợ hơn cả là con người.
              Lo nhất là lúc ăn được trầm, đó là thời gian sinh tử, phải rời rừng ngay bất
              cứ giá nào, nếu muốn còn sống để trở về. Chỉ cần một phát đạn, hay chỉ là
              một nhát dao, một cú đâm từ sau lưng, số trầm vừa kiếm được sẽ không còn và
              tính mạng sẽ bị định đoạt. Sống như kẻ du mục và cư xử như những kẻ du thủ.
              Nhân hòa mình vào thế giới đó, và trở thành thủ lãnh một nhóm ba người. Suốt
              mấy tháng gần như kiệt sức và cũng chẳng còn bao nhiêu vốn liếng, trầm vẫn
              là những giấc mơ. Cả bọn quyết định đi sâu vào rừng nguyên sinh, giáp ranh
              với vùng Tây nguyên. Trúng đậm. Có cả kỳ nam.

              Chuyến này sẽ đổi đời. Ba người run rẩy gói ghém, rời rừng. Mưa như trút.
              Mỗi người một ba lô đầy căng trầm và kỳ nam. Trời nhá nhem, sấm sét xé trời,
              đi ngang qua một đường mòn, dưới là vực sâu thăm thẳm. Một nhóm cướp xuất
              hiện như từ dưới đất mọc lên. Tiếng nổ đầu tiên hạ gục ngay người đi đầu,
              xác rơi xuống vực cùng chiếc ba lô. Nhân hét như sấm, băng lên, nhắm vào
              thằng đầu đàn đang cầm súng, một cú song phi, tên cướp ngã ngửa, súng văng
              ra. Nhân nhanh chân đạp ngay báng súng, bật lên, cây súng nằm trong tay như
              một ánh chớp. Anh lên đạn, bắn chỉ thiên nguyên một tràng. Bọn cướp lóp ngóp
              bỏ chạy.

              Hai người chạy dưới mưa, băng qua con suối tràn nước. Hình như lũ về. Những
              thác nước trắng xóa ào ạt. Nhân và người đồng hành lóp ngóp bơi qua con
              suối. Nước dữ dội, cuốn phăng phăng. Cả hai mệt lử. Ranh giới sống chết.
              Đang cố chống trả dòng nước cuồn cuộn, Nhân nghe tiếng kêu thảm thiết của
              người bạn. Anh quay lại, nước đang kéo người bạn xa dần. Nhân cố bương tới,
              nắm được tay trơn tuột. Anh bạn sợ hãi, run rẫy, lắp bắp: “Cứu tôi..Cứu
              tôi”. Lại tuột tay, Nhân cố bơi tới, anh bạn buông mình xuôi dòng nước,
              chiếc ba lô của anh ta rời khỏi người trôi băng băng. Anh ta cố với theo
              nhưng không kịp. Nhân cố vượt lên, nắm được tay bạn, ghì hết sức kéo lại.
              Lại một đợt nước ào ạt, chiếc ba lô của Nhân tuột khỏi vai, trôi theo dòng
              nước dữ. Không tiếc, phải sống đã. Cố lên, gắng lên. Nước lũ đang về, những
              tiếng ầm ầm như sấm động. Nhân ôm bạn, cố vươn lên. Đến bờ, lại tuôn chạy
              trốn lũ. Người bạn như cái xác không hồn, líu díu chạy theo Nhân. Mưa rát
              mặt. Những cành cây quất vào thân thể. Cứ bương tới. Bương tới. Để sống. Cả
              hai chạy ra tới bìa rừng, bên kia là quốc lộ. Sống rồi. Hai người ôm lấy
              nhau, nước mắt hòa nước mưa. Lại trắng tay. Đón được một chiếc xe của bộ đội
              sau khi ăn hai tô phở lớn ngút khói ở quán phở bên đường. Nhân thấy khỏe hơn
              và lúc đó anh mới thấy tiếc cái ba lô kỳ nam vừa mất. Một gia tài đã tuột
              khỏi tay. Ngồi trên xe dưới cơn mưa tầm tã, Nhân nhớ Dạ Lan đến cồn cào. Anh
              hình dung thân thể trắng ngà, thơm tho của vợ. Anh nhớ tiếng rên như mèo kêu
              của nàng khi cả hai lên đến đỉnh của yêu đương. Mái tóc dài xõa trên nền
              drap trắng. Nỗi nhớ xôn xao trong dạ, anh mong về mau để được ôm nàng trong
              vòng tay với những lời yêu thương.

              Nửa đêm Nhân mới về đến căn nhà nhỏ dưới cây ngọc lan. Phố vắng tanh. Mưa
              vẫn ào ạt. Anh đội mưa đi về, định tạo một sự ngạc nhiên cho Dạ Lan. Căn
              phòng đèn mờ sáng. Cửa chỉ khép hờ. Anh nhẹ nhàng đẩy cửa. Anh sững người.
              Dưới ánh đèn mờ ảo, trên giường, những khoảng trắng da thịt loang loáng theo
              nhịp. Tiếng thở của người đàn ông, tiếng rên như mèo kêu của người đàn bà.
              Khốn nạn. Máu Nhân như đông cứng lại. Tim
              muốn vỡ ra. Hai bàn tay bỗng nắm chặt, gồng lên chuẩn bị một cú đấm. Đôi
              chân muốn vọng động. Chỉ một cú tấn công, sẽ có người chết. Bỗng Nhân run
              rẩy như người mắc kinh phong, cả thân người giật không kiểm soát được. Những
              giọt nước mưa từ người anh đọng vũng trên sàn nhà. Đầu anh bỗng nhức như
              muốn vỡ ra. Tim loạn nhịp. Anh lặng lẽ đi ra, ngồi dưới gốc ngọc lan, mưa
              vẫn xối trên người anh. Nhân thấy mình bất
              lực, tự khinh mình. Anh chẳng trách ai cả. Chẳng qua cũng bởi tại anh, vì
              anh chẳng làm tròn trách nhiệm của một người chồng. Anh chỉ mang lại những
              nỗi đau. Nhân ngồi như bức tượng suốt đêm. Trời gần sáng, chân trời sáng lên
              một vệt mờ. Có tiếng kẹt cửa, người đàn ông len lén đi ra, lặng lẽ đi về
              cuối phố. Nhân chẳng cần biết đó là ai. Chỉ biết đó là người đàn ông đã ngủ
              với vợ mình suốt đêm qua. Từng đó cũng đã đủ.

              Trời sáng hẳn. Dạ Lan mở cửa, dắt xe ra. Nàng quay lại khóa cửa thì nhìn
              thấy Nhân. Thoáng một chút hoảng hốt. Nàng cất tiếng:
              - Anh về hồi nào mà không vào nhà? Sao lại ngồi dầm mưa thế này?
              - Về hồi hôm. Không vào vì căn nhà này không còn chỗ cho tôi nữa rồi.
              Dạ Lan tái mặt, người như muốn ngã, nàng níu cánh cửa, hoảng hốt, lắp bắp.
              Chiếc xe ngã chổng chơ bên thềm. Không chờ câu nói tiếp của Dạ Lan, Nhân
              lẳng lặng đi nhanh ra đường. Phố bắt đầu một ngày mới. Anh bước mà chẳng
              biết đi đâu. Cả ngày hôm đó, Nhân say khướt. Mấy hôm sau anh rời thành phố,
              lại đi vào núi. Gần nửa năm sau, Nhân mới lại về. Lần này trở về, Nhân định
              sẽ quên hết, sẽ sống lại với Dạ Lan, làm lại một chương mới. Quên tất cả.
              Nhưng, Dạ Lan đã không còn nữa. Một tuần lễ sau khi Nhân bỏ đi, không thấy
              Dạ Lan đến lớp, nhà trường đến tìm nàng thì phát hiện Dạ Lan đã treo cổ tự
              sát. Nàng mặc chiếc áo màu tím than, cổ quấn chiếc khăn quàng màu tím nhạt,
              di đôi guốc cao cũng màu tím. Dây treo cổ siết làm cho lưỡi nàng thè ra,
              khuôn mặt cũng tím rịm.

              Từ hôm đó, thành phố thêm một người điên. Nhân lang thang bờ bụi, lúc nào
              cũng say khướt, Áo quần càng ngày càng rách bươm, hôi hám, tóc tai bù xù, dơ
              bẩn. Ban ngày Nhân thường đi dọc biển, lượm những cành cây khô, bẻ nhỏ mang
              đến tiệm bán trầm hương, đòi bán với giá cao, khi người ta bảo không mua,
              đuổi đi, Nhân chưởi một tràng tiếng Pháp và bắt đầu xổ tiếng Tây giờ này qua
              giờ nọ, không ai hiểu. Đêm đến, anh múa võ trên hè phố, miệng lẩm bẩm tên Dạ
              Lan. Anh khóc cười vô chừng như mưa nắng. Anh sống trong một thế giới khác.
              Những người trước đây biết tài năng của Nhân, chỉ biết chép miệng lắc đầu,
              thương cho một số phận. Lúc đầu, bên công an nghi Nhân giả điên với mục đích
              mờ ám chính trị nào đó, nhưng rồi sau một thời gian thẩm vấn và theo dõi,
              chẳng thu thập được gì. Nhân sống như vậy gần hai năm dài, rồi bỗng dưng
              thành phố vắng bóng người thanh niên điên loạn nói toàn tiếng Pháp.
              Nhân lại đi vào núi, đến Bồng Miêu rồi qua Phước Sơn đào vàng. Ở đâu anh
              cũng trở thành đại ca vì thế giới của những kẻ săn vàng là thế giới của bạo
              lực, giết nhau như cơm bữa, mà Nhân thì võ nghệ cao cường, nên đắc dụng
              trong cái thế giới máu và vàng đó. Hơn nữa, sau những biến cố của cuộc đời,
              Nhân bất cần thân thể, liều lĩnh và tàn nhẫn. Những đặc tính đó ở chốn giang
              hồ không xanh cỏ sớm thì chỉ là lãnh chúa. Nhân bắt đầu giàu có, những miếng
              vàng đào được biến Nhân thành một đại gia, tiêu tiền như rác. Anh về phố,
              mua một chiếc đàn piano mới cứng, thuê xe chở đến mộ Dạ Lan, ngồi suốt ngày
              độc thoại với cỏ cây, giun dế. Khi hoàng hôn xuống, anh đốt chiếc đàn. Lửa
              cháy rừng rực sáng một góc nghĩa trang.

              Trong một lần nhậu ở quán bên biển Mỹ Khê, sau khi đã chếnh choáng thì anh
              nghe ở bàn bên đang nói về anh. Một tay anh chị chắc cũng đã xỉn, nói với
              mọi người:
              - Đụ mẹ, tưởng đi Tây đi Mỹ về làm ông này bà nọ, cuối cùng cũng chỉ là một
              thằng đi mót vàng. Lại thêm giết cha, giết vợ.
              Nhân loạng quạng bước qua, chỉ vào mặt tên đó và bảo:
              - Đụ mẹ mày là thằng nào mà dám trêu ông, mày vừa bảo gì, nhắc lại xem nào.
              Thằng kia cũng chẳng phải tay vừa. đứng lên hùng hổ, nói chưa hết câu đã ngã
              vật ra giẫy đành đạch. Nhân vung tay một cú atémi chặt vào gáy của địch thủ.
              Hắn chết ngay sau mấy cái giẫy. Cả quán xôn xao, đứng cả lên. Nhân lừng
              khừng bước ra quán, xiêu vẹo trên đường. Tay chủ quán bắt vào mạch của nạn
              nhân, hét lớn:
              - Nó chết rồi, bắt cái thằng giết người lại.
              Ai cũng la hét nhưng chẳng ai có một hành động cụ thể nào. Nhân bước ra ngõ,
              đi đến đồn công an bên kia đường, tự thú. Án giết người, tòa xử 15 năm.

              Ở tù trên rừng, lao động đúng 9 năm thì Nhân được đặc xá. Tiều tụy trở về
              thành phố, Nhân chưa biết mình sẽ sống như thế nào thì cơn sốt rét ác tính
              quật ngã anh. Anh bất tỉnh bên vệ đường. Người đi đường mang anh vào nhà
              thương, anh mê man suốt mấy ngày, thân thể như cái xác ve, không một người
              thân chăm sóc. Số mệnh đẩy đưa, hôm đó chị Đầm vào bệnh viện thăm người
              quen. Đi tìm phòng, trời xui đất khiến thế nào mà chị nhìn ra Nhân đang thoi
              thóp trên giường bệnh. Chị ở lại chăm sóc cho Nhân mấy tháng ròng, lúc xuất
              viện chị đưa Nhân về nhà mình, tiếp tục lo miếng ăn, giấc ngủ cho Nhân. Và
              rồi họ sống như vợ chồng. Lúc trước chị Đầm ở bàu Thạc Gián, bán rau ở chợ
              Cồn, sau đó khu bàu bị quy hoạch, được đền bù được ít tiền thì chị gặp Nhân,
              lo thuốc thang cho Nhân, còn lại một ít, hai vợ chồng mua khoảnh đất ở Thanh
              Khê. Vợ bán rau còn chồng chạy xe ba gác, sống tạm cho xong một đời gần mười
              mấy năm nay, loay hoay mãi mà không đủ đút lỗ miệng.

              Tôi, Nhân và thầy Thanh ngồi uống cà phê ở Bạch Đằng. Điện thoại của thầy
              Thanh reo, thầy bảo đến đi, đến đi, có Ngọc ngồi với Nhân, đến cho vui nhé.
              Tôi hỏi ai vậy, thầy bảo:
              - Hồ Lê, Hồ Lê bữa trước gặp tôi có nói là khi nào ngồi với mấy anh thì bảo
              Lê ra cho vui.

              Hồ Lê đến, vẫn to cao lừng lững, trông còn khỏe hơn xưa. Hắn mang vợt
              tennis, giày Adidas, áo thun cá sấu trắng kẻ sọc, nhìn như tài tử. Sau lưng
              hắn có hai thanh niên trẻ, đi kè kè, chắc là bảo vệ. Vừa bắt tay tôi hắn đã
              hất hàm: Chào. Lúc này mày còn sợ tao không. Tôi buột miệng:
              - Sợ gấp đôi ngày xưa.
              Hắn cười cười:
              - Sao vậy?
              Tôi tiếp liền, sợ sẽ không dám nói nếu ngần ngừ:
              - Ngày xưa tao sợ mày vì mày có sức mạnh, bây giờ mày vừa vẫn có sức mạnh
              lại thêm quyền lực, sợ gấp đôi là phải rồi.
              Thầy Thanh giảng hòa:
              - Anh em bạn cũ gặp nhau, mừng vui đi, hằm hè nhau làm gì hè.
              Tôi chợt nhớ ngày xưa tôi hay chưởi thầm nó và tự bảo anh hùng mười năm trả
              thù chưa muộn. Bây giờ đã bốn mươi năm trôi qua, tôi vẫn là thằng dưới cơ.

              Nhân bỗng lên tiếng:
              - Mày biết ngày xưa tại sao thằng Hồ Lê ghét tụi mình không?
              Tôi chưa kịp trả lời thì hắn nói luôn:
              - Ngày trước hắn thèm cuộc sống của chúng ta mà không có được nên ganh tỵ.
              Bây giờ hắn có điều kiện, mày thấy không, hắn đang tập tành sống như ngày
              xưa cha ông chúng ta đã sống, ăn chơi, nhậu nhẹt, đánh gôn, chơi tennis, thế
              thôi.
              Thầy Thanh xua tay:
              -Thôi mà, cay cú nhau làm chi, vui với nhau đi.

              Hồ Lê im lặng, chẳng trả lời. Hắn đang nghĩ gì nhỉ? Bữa cuối ở Đà Nẵng, tôi
              đi mua cho Nhân đôi săng đan, hắn bảo mua dép nhựa dễ đi hơn, nhưng tôi nói
              thay đổi tư duy cho đời khá hơn đi, mang dép da vẫn tốt hơn chứ. Hắn cười:
              “Đụ mẹ, đương nhiên da phải hơn nhựa rồi”.Tôi rút hết tiền tiết kiệm được 37
              triệu, tôi đưa hết cho vợ chồng Nhân. Chị Đầm cầm tiền cứ khóc mãi, cám ơn
              tôi hoài. Tôi bảo với chị:
              - Đây là tiền của Nhân, tôi gởi lại cho Nhân chứ không có ơn huệ gì
              trong sự việc này, chị đừng bận tâm. Sau này, cần gì cứ bảo tôi, tuy
              cũng chẳng giàu có gì nhưng tôi với Nhân là hai anh em, phải biết giúp
              nhau chứ.
              Hôm tiễn tôi ra phi trường, chị Đầm khóc và Nhân cũng rơm rớm nước mắt khi
              ôm tôi.
              8.
              Tôi về Sài Gòn được nửa tháng thì chị Đầm điện thoại cho tôi. Bữa đó trời
              mưa, nghe tiếng được tiếng mất vì chị khóc nhiều hơn nói. Đại khái là Nhân
              đã bị tai nạn, xe lửa cán nát đôi chân của Nhân, không biết có qua nổi
              không?

              Gần Tết Nguyên Đán, mua vé quá khó khăn, tôi phải chầu chực hai hôm ở phi
              trường mới kiếm được cái vé bay ra. Nhân nằm đó, hai chân đã cưa đến bẹn,
              băng trắng cả phần dưới. Người hắn teo tóp, xanh mướt. Hắn cầm tay tôi, rưng
              rưng. Đôi săng đan mới mua để trên đầu giường. Nhân bảo:
              - Mình để nó ở đây để nhớ đến cậu, cậu bảo mình trong năm tháng còn lại gắng
              bước qua số phận, mình cũng muốn bước qua, nhưng giờ còn chân đâu nữa mà
              bước, hở Ngọc. C’est bien!
              Tôi khóc và ngạc nhiên vì thấy Nhân đã xưng hô như xưa, như cái thuở chúng
              tôi là những thanh niên với tương lai rộng mở. Và kiểu nói “C’est bien” làm
              tôi nhớ đến Andre Gide, năm 1951 lúc sắp từ trần, cũng bảo “C’est bien”, và
              nhà triết học Kant cũng thế, lúc sắp lìa đời cũng buột miệng: “Es ist gut”.
              Có phải là điềm gở chăng. Hay là suy nghĩ của các thiên tài đối với cuộc đời
              điên dại này. Với tôi, Nhân cũng là một thiên tài, nhưng là thiên tài mắc
              đọa.

              Chị Đầm kể hôm trước đi chở rau ở chợ về, ngang qua đường rầy xe lửa. Có hai
              mẹ con đang băng qua đường rầy khi xe lửa đang ầm ầm chạy tới. Mọi người la
              oai oái, không biết phải làm gì. Nhân bay từ chiếc xe ba gác, đẩy hai mẹ con
              ngã sấp phía bên kia, và Nhân kẹt đôi chân trên đường rầy, những bánh xe lửa
              nghiến qua, nát bét. Chị lại khóc và lo lắng. Tôi biết chị thương Nhân lắm.
              Thương từ khi Nhân ở đỉnh cao cũng như lúc Nhân ở vực sâu.

              Có hai cô nhà báo và anh chàng quay phim của Đài Truyền hình vào phỏng vấn
              Nhân. Nhân được trở thành gương người tốt việc tốt. Nhân cầm bằng khen và
              bao thư, cô nhà báo giương máy ảnh cứ hét lên: "Cười đi, cười đi..1..2..3..
              chụp nè". Máy quay phim chạy sè sè. Mặt Nhân nhăn nhúm vì đau đớn. Chị Đầm
              thảng thốt lo âu. Hôm ngồi trên máy bay về lại Sài Gòn, đọc trên báo thấy
              hình của Nhân, nụ cười như đang khóc.

              Sài gòn, tháng 3.2011
              ĐỖ DUY NGỌC

              Comment

              Working...
              X