Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Rẻo thung

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Rẻo thung

    RẺO THUNG
    Tác giả: Đỗ Thành




    1. Phần 1


    Bữa nhậu không rõ khởi sự từ khi nào, nhưng lúc anh đến thì vẫn tiếp tục lai rai. Bu quanh cái chiếu là mấy tay lưu linh đều có tuổi, già khằn già khốc, cỡ đều có con có cháu đầy đủ. Nhác thấy anh, cả bọn nhao nhao, ngồi xuống luôn đi tụi. Cô đứng ngay sau lưng anh có vẻ cản : mấy chú cứ tự nhiên, đừng néo rủ, ảnh mới đi đường xa còn mệt, để bữa khác.


    Đám thợ xẻ im ngay, dù gì cũng nể nang cô chủ thuê mướn họ. Nhưng anh tự ái dồn ùn ùn, xốc tay bứt khỏi cô, ngồi ngay xuống. Bữa nhậu nặng chình chịch, cô ngoe nguẩy bỏ đi. Anh phá ngang : vô đi mấy chú, kệ cổ, tui uống lai rai rồi về ngủ, mắc gì. Thức nhắm chỉ một dĩa lổn nhổn trắng phau, duy nhứt một đôi đũa xây tua để mọi người thay nhau gắp. Anh mở đầu bản hợp xướng, một giọng lè nhè đưa đẩy : đây là xơ mít non hầm, uống với nước mắt quê hương rất bắt.



    Anh khề khà nhắp và khè một tiếng cho hạ bớt chất cay. Mấy trự coi mòi cô chủ đi xa nên khen anh tới tấp : chà, coi bộ ngon đa, nhỏ người mà lớn mật. Anh nghe cái nóng ùn ùn chảy vào từng giai đoạn bừng bừng, chợt ở cổ, rồi trôi nhanh ra khoảng ngực và lan mạnh xuống thắt lưng.



    Chiều nhếch nhác buông, cái lạnh nứt ra từng mảng đổ xuống đồi. Rượu vào bớt cái buốt và nghe rêm rêm nóng hai vành tai. Anh luễnh loãng hỏi thăm, tiếng lao xao tranh nhau nói. Người khen cô chủ nhỏ mà xử rất ngọt, kẻ bàn ra tán vô việc phá rừng coi bộ khó dài lâu. Lại lan man có ai đó chêm vô : đàn bà làm lâm sản e quá hiếm, mà sao cô chủ gồng mình dữ đa.



    Anh im im không góp ý. Bởi vì anh mới chân ướt chân ráo nhập nghề, chưa biết cô chủ định cho anh việc chi nên thờ ơ lo nhậu. Anh làm chừng hai ly thì dứt dạt đứng dậy. Ai đó hỏi : quắc rồi hả, nhưng có người trêu : bộ sợ hả. Anh giũ giũ cái đầu cho rụng rơi mớ lùng nhùng, bước đi thẳng ngật ngưỡng.



    Một người chỉ nơi cô chủ nghỉ khi được anh hỏi. Anh lí nhí nói cám ơn và bước vô. Cô nằm quay vào vách, không cục cựa như đang ngủ. Anh biết cô giận, chớ làm sao mà ngủ đặng khi anh vừa lên. Nhưng hơi men bốc lên làm anh mệt nên ngả nhẹ lưng nằm xuống. Cái nệm hơi lún, thân người cô dập dềnh nhưng cô không quay lại.



    Anh cũng mặc kệ nằm im cạnh cô. Tiếng một con thằn lằn chắc miệng ở đâu đó. Những vì kèo gió giật ầm ầm, anh nghĩ đêm nay chắc trở lạnh. Anh nhìn thông thống lên phần mái, những chiếc rui xù xì nép dưới những phiến ngói. Màu đỏ nhạt duềnh lên tứ phương.



    Anh âu yếm hỏi : em ngủ hả, hay là giận. Cô không nói, anh lại hỏi tiếp : giận thì bảo là giận, sao im im. Và như biết lỗi, anh quàng tay kéo cô vào sát mình, ghé vào tai cô mà nói : tha cho anh, đừng càu nhàu nhau, không tốt. Cô dùng vai hẩy tay anh ra, vẫn giữ nguyên thế nằm xoay vào vách.



    Anh chán nản ngồi lên mặc dù đầu quầng quầng choáng váng. Một khoảng nệm trống hẳn, cô vụt hỏi : còn định đi đâu nữa. Anh lầm rầm : hỏi chẳng thèm trả lời thì nằm cạnh nhau chán chết. Bấy giờ cô mới quay lại, trân trối nhìn anh. Thấy rõ nơi đuôi mắt cô ướt hoen sợi lệ nóng. Anh phân trần : em chẳng lớn tí nào, hơi tí là khóc.



    Cô dỗi hờn ngúng nguẩy : mặc xác tôi. Anh nói bâng quơ : thôi, để mai tôi quay về dưới đó. Cô nạt : ai đuổi anh đâu chứ. Anh được dịp trút cái bực đang ngổn ngang trong lòng : thà là đuổi, đằng này cứ nhấm nhẳng, chán mớ đời.



    Cô vùng lên đấm anh thùm thụp và kêu réo tùm lum : đón anh lên để anh phụ việc với tôi, chứ nào phải rước anh lên để xà vào chiếu rượu. Đây rồi chẳng mấy chốc hư cả người.



    Nắng tắt tự hồi nào, cả thung đều mung lung màu sương đục. Cô ngồi bật dậy hỏi ráo hoảnh : đói chưa, đi ăn với tôi. Cô còn giận nên chưa xưng em, tánh cô vốn vẫn thế. Anh ập à ập ọng gãi đầu gãi tai, cô lại dồn thêm : thôi đi ông tướng, khéo giở trò. Người ta đói mèm chờ đợi mà ông cứ đánh chén liên miên. Anh dịu giọng : em nói oan cho anh, mới có 2 ly chứ nhiều nhỏ gì đâu mà em mắng mỏ.



    Cô xổ tóc quấn lại và lấy cái trâm gài. Hai tay cô vươn ra sau làm cao gồ phía ngực cô. Anh phân vân không rõ thời gian đã trụ lại gì nơi đó. Cô trừng mắt nhìn anh sắc lẻm. Giận hờn loãng ra, cô mau mắn kéo tay anh đi. Qua khoảng chiếu, các con ngọc hoàng vẫn đang đưa cay chót chót.



    Con đường dẫn ra phố nhỏ co quắp lại, vắng tanh. Cô đi trước dẫn đường, anh theo sát bên chân. Một đoạn phố, hai đoạn phố, con đường ngoặt nhanh vào cái hẻm. Cô chìa tay cho anh nắm, dỗ ngọt : lên đây, anh phải chiều ý em, đừng sa đà, họ phóng túng quen rồi, em không muốn anh giống họ.



    Anh nắm chặt lòng tay ấm của cô. Dáng trơn tru của lớp da con gái mềm mại dưới tay anh. Một nhen nhúm yêu thương dạt dào ập tới, anh nâng bàn tay cô lên hôn cái chót. Cô giật tay ra : giữa đường giữa sá mà hôn bậy bạ. Anh rúc rich cười, cô chê : rõ trơ.



    Quán ăn là một ngôi xá riêng, gọi là nhà đúng hơn tiệm. Khách lào xào khá đông, có lẽ chỗ nấu ngon nên ai cũng mò tới. Chủ nhìn ra cô nên lanh lẹ dẫn vào bàn, hai cái ghế châu vào nhau kiểu tình nhân, mặt đối mặt. Tự dưng anh hình dung một cảnh trong phim nhựa, chỉ cần một ngọn nến hồng là sẽ tình tắp lự.



    Anh nhẩn nha nhìn quanh, nhường phần chủ động cho cô gọi món. Cô đùn cái bảng ghi cho anh trêu chọc : sao bỗng dưng anh hiền thế. Anh thú thực : đã lâu rồi anh không đi ăn ngoài nên quên hết món gọi. Cô cười cười lãnh phần đi chợ. Anh lơ đãng nghe lao xao cô đặt các món gì đó và chợt cô nhắc : anh uống bia chứ. Anh lắc đầu vì sợ hai thứ trộn lộn bắt say. Cô cười cười làm lơ.



    Hai người đang ngồi, bất đồ có một cô xà tới. Cô này ríu rít hỏi anh : có phải độ nao anh ở bên đảo. Khuôn mặt quen quá, anh cố vận dụng trí mà không nhớ được, cô chưng hửng theo dõi. Cô gái nhắc dần anh : chèn ơi mới có mấy năm mà mau quên vậy. Em là Sử nè, hồi đó thường lân la vô câu lạc bộ mời mấy anh mua giấy số, quên rồi sao ?



    Dĩ vãng ùn ùn kéo về. Những chắp nối rời rạc chen nhau. Cây cầu qua đảo, những chuyến xe vào ra, câu lạc bộ âm u khói thuốc lá, nhạc dềnh dang, những con người quen, lạ mặt. Vậy mà đùng cái mất hết. Anh ậm ừ nói một mình : ờ, ờ, nhớ ra rồi.



    Cô gái chợt nhận ra cô nên hơi nghiêng người chào, lí nhí xin lỗi. Anh giới thiệu hai người, riêng cô mời cô gái cùng ngồi chung. Cô gái xin phép vì còn các bạn. Khi cô gái đi rồi, cô chẳng gạn hỏi anh về cô gái, nhưng anh vẫn cứ kể : dạo đó đảo là khu quân sự, chả hiểu sao hằng ngày cô ấy vẫn vào ra như đi chợ.



    Hai người thưởng thức chậm các thức ăn mới đưa lên. Anh nhai lơ đãng miếng thịt gà, gắp bâng quơ miếng đậu chiên, những lùa cơm bịn rịn đưa vào miệng. Bây giờ anh ngồi đây ăn những món ngon, nhưng ở nhà vợ con có gì ăn cho bữa tối. Anh thấy chua xót khó nuốt nổi. Cô dáo dác nhìn anh : bịnh hả, hay là chưa chi đã nhớ chị ấy.



    Anh thành thực khai báo : anh thương gia đình không có được những món thế này. Cô cũng tần ngần theo, nhưng mau mắn đẩy đưa : mai em đưa biếu anh ít tiền gửi về chị. Anh thoái thác, cô ép nài : không phải là em cho anh đâu, đừng mặc cảm, em trả lương trước cho anh đó.



    Anh nghe ngấu nghiến sôi bụng, y như lớp dưa bị bỏ muối quá tay làm mặn vô cùng. Anh không tài nào nuốt thêm, luễnh loãng chờ cô. Hai người bỏ ra đường, bóng tối đặc đầy, đường phố vàng vọt từng chiếc bóng đèn cách nhau cả đỗi. Cô đi sát vào anh, dựa nhẹ vào vai, tìm lấy bàn tay anh núp bóng. Cô thì thào : quên đi anh, hãy chôn vùi dĩ vãng mà cố sống.
    ***************

  • #2
    2. Phần 2


    Anh định trở lại con đường cũ, cô níu tay anh lại : còn sớm mà anh, về chi vội. Cô dìu anh đi sâu vào con ngõ. Bóng tối triền miên, không có một ngọn đèn. Cô thoải mái dựa hẳn vào anh, hơi hướm bốc ra ngào ngạt. Anh xiết lấy bàn tay cô, nghiêng đầu sang hôn. Cô trượt người tránh, nụ hôn phớt lên nơi trán. Cô làu bàu : lúc nào cũng hôn, chỗ nào cũng hôn. Anh đáp cụt lủn : nhớ.



    Một đỗi, cô hỏi : anh tính lên bao lâu. Anh không bắt vô câu nói, anh lảng tránh. Cô lại dồn : bộ chị cằn nhằn hả. Anh lụng bụng : đi làm ăn thì có gì cằn nhằn, nhưng anh thấy không yên tâm. Cô gật gù ra vẻ hiểu : bây giờ làm gì mà hổng sợ. Phải liều mới thoát.



    Cô huyên thuyên kể với anh dự định tìm một món rồi vượt biên. Cô cắt ngang hỏi anh : chừng đó anh có đi hôn. Anh ngọng nghịu thấy rõ, cô lấp vô khoảng trống : ờ, anh đi sao được vì còn bổn phận. Và để đánh tan nỗi lấn cấn, cô khỏa lấp : dẹp chuyện đó lại, đừng câu mâu mà buồn lòng nhau.



    Anh lừng khừng rồi hỏi : em định cho anh làm gì. Cô chần chừ rồi đáp lửng lơ : anh muốn làm gì cũng được. Em là chủ, nhưng anh là người yêu của em, xin dành anh toàn quyền chọn lựa. Anh thành thực kể : anh có làm nghề rừng nghề núi gì đâu mà kêu anh chọn.



    Cô nói : thôi được rồi, hằng ngày anh theo em vô rừng, chiều về giúp em lo ba mớ sổ sách, được chưa. Anh giảy nẩy lên : ý, hổng được đâu, lai lịch anh lem luốc, chun vô rừng dễ bị nghi đi làm Fulro, ở tù sặc gạch. Cô cười lên sằng sặc : anh thiệt nhát. Anh chấp nhận thua thiệt nên cà kê : ở hoàn cảnh này phải biết né, em à, hung hăng dễ bị tiêu tùng.



    Cô nhìn anh, trong tối hai mắt long lanh dò hỏi. Chợt cô vít mặt anh xuống, hôn sâu lên môi anh lầm bầm : em biết rồi. Gió đêm vi vút thổi, anh nghe ruồng chạy khắp thung đen, anh rùng mình, cô than : chớ áo ấm đâu hổng bận, sưng phổi chết. Cô ôm choàng lấy anh, một chút ngực nén lên, anh nghe lan man như có chút độn cộm lên nơi áo.



    Anh kéo cô vào lòng nói lảng : cho ấm. Cô khép nép bên anh. Hơi thở bay bay ra, anh không thấy nhưng chắc là có sợi khói. Tự dưng anh thấy rung động. Anh lấy tay nâng cằm cô lên nói rất nhỏ : em, và hôn chầm lấy cô. Người cô hơi thấp, phải nhón lên mới vừa tầm. Anh ngấu nghiến hôn lên đôi môi ngọt của cô. Chừng anh buông ra, cô hào hển thở, nhưng vẫn quấn lấy anh.



    Đi mút tới đầu ngõ, anh đối đầu với một bờ vực, cô líu ríu lưu ý : coi chừng té, vực sâu lắm đó. Anh nghe gió từ dưới thổi thốc tháo lên, cơn say tỉnh hẳn. Anh gạ cô : mình ngồi xuống đây một lát. Cô lẳng lặng nghe theo. Đám cỏ êm rất êm như tấm thảm trải mịn, anh tìm bàn tay cô mằn nhẹ. Say sưa, chốc chốc lại bíu lấy nhau hôn. Cô như ngây như dại, hào quang tóe ra mỗi khi mặt anh xà gần xuống.



    Anh quấn quit lấy cô, lòng nao nao khó tả. Giữa chộn rộn tình cảm, anh ghé vào sát tai cô khuyên : em nên thu xếp bỏ nghề đi trước khi quá muộn. Cô có vẻ không khứng, lại gắt gỏng : anh sợ gì chứ, mình làm ăn có hợp đồng, nhà nước chấp thuận hẳn hoi. Anh lắc đầu xoành xoạch vớt vát : người ta thuận, nhưng bản chất không ai cho phép tư nhân làm giàu. Lại còn người này người khác tị nạnh nhau, ở lâu, em chỉ là bung xung để họ vật nhau thôi.



    Cô vẫn ương ngạnh : xem ra anh lúc nào cũng líu ríu. Không ngờ những năm tháng đi tù làm anh mất sĩ khí. Anh muối mặt chấp nhận, không một lời đối kháng cô. Hai người im im, tiếng đêm nghe rền lạnh buốt, một lát cô nói : sao chúng mình xa thì nhớ mà gần lại y như hục hặc nhau. Anh pha trò lãng xẹt : tại hai đứa không hợp. Cô phỉ phui anh : nói tầm bậy.



    Nói hoài vẫn loanh quanh trong đường cụt, cô mở nẻo : mình về nghe. Anh lại đứng lên theo cô. Về đến lán, mọi người đều đã ngủ, ở đây chẳng biết làm gì nên họ ngủ sớm. Cô dắt anh vào phòng riêng. Cô đưa cho anh một cái áo choàng ngủ của cô để anh mặc tạm.



    Cô cũng thản nhiên thay cái choàng khác ngay trước mặt, không rụt rè. Anh nhìn cô chậm rãi, làng nhàng cầm cái yếm dầy nơi tay và một khoảng da lấp loáng. Cô lẩm bẩm : chưa gì đã nghệt mặt ra. Anh nghe như một lời trách yêu nên rón rén đến thưởng cô một cái hôn da diết, lần này cô để anh hôn lên môi không tránh né.



    Hôn nhau xong, cô khép vội tà áo ngủ, rủ rê : lên nằm với em cho ấm. Cô nhấc một đầu cái chăn bông để hai người lăn đùng vào đó. Cái nệm rung rinh vài dư âm rồi dịu dần, nhưng còn cố chòng chành thêm khe khẽ. Cô rúc rich cười khi thân thể hai người va chạm nhau. Anh nghe lãng đãng tiếng cô nói : lâu lắm mình mới lại nằm bên nhau.



    Anh trở lại câu chuyện bỏ dở ngoài thung. Cô lẳng lặng nghe. Anh nói : em xem trăm người phá rừng rồi cũng chẳng mấy ai thông suốt. Ngày trước, còn chiến tranh, luật lệ lỏng lẻo, ba bề bốn bên đều dung dưỡng để cùng nhau chiếm mối lợi, vậy mà cũng không trót. Còn bây giờ luật lệ lu bù, em dấn thân vào không kham đâu.



    Cô nhướn cặp mắt nai tơ thách thức rồi hỏi trỏng : dù gì em cũng không thể sống mãi ở đất này, em phải tìm cách đi, anh biết chứ, giá cả hiện giờ là 4 cây cho mỗi đầu người, em hối hả lo cóp nhặt đủ số là tễnh. Anh định hỏi đùa : rồi em tính bỏ rơi anh thiệt sao, nhưng thấy đang bàn chuyện đứng đắn, bèn xoay sang chiều hướng khác : em hối hả thì người ta cũng hối hả. Em hối hả một, người ta hối hả đến hai, ba vì người ta phải trông chừng lẫn nhau, rất nguy hiểm.



    Cô phụng phịu nói dỗi : anh luôn luôn cản trở em, nói gì ra anh cũng chặn. Rồi cô quay đi không thèm lý gì đến tôi. Buổi tối sao lăn trôi ì ạch, giăng giăng khắp nơi bóng dáng nhờ nhờ. Cô xoay lưng lại, hai vai rung rung, tay che lấy mắt. Anh vốn yếu đuối trước cảnh người phụ nữ khóc. Mấy lần anh định ôm lấy cô an ủi, song chân bị đóng cứng một nơi.



    Cô chờ hồi lâu và dứt khoát quay sang phía bên kia, giật phắt cái chăn bông trùm kín mặt. Anh nghĩ đôi khi cũng cần để nỗi cay đắng cào cấu vào lòng dạ con người, may ra họ mới tỉnh nên để mặc.
    ***************

    Comment


    • #3
      3. Phần 3




      Đầu óc anh lùng bùng đủ chuyện nên trằn trọc cả đêm. Phần lạ chỗ, phần giận dỗi nhau, phần bỏ cao nguyên lâu nay chợt ghé về thứ gì cũng khác,...nên dù đôi mắt rất cay vẫn không nhắm được yên lành. Mùi sương muối gây gây thoang thoảng lọt vào từ các khe vách gỗ thông hở đè chập chờn lên ngực anh, cái lạnh len lách nhoi nhói như con sâu đục trên da thịt. Anh hận trong lòng, cô cuộn tròn cái chăn bông làm anh lạnh cóng. Anh hờn cô, chả thiết lôi lại tấm chăn, đành cắn răng nằm ăn vạ.



      Rồi anh cũng chợp mắt đi, nghe lao xao tiếng thông reo rì rào bên ngoài. Có một lúc tiếng lục đục mơ hồ đâu đó, anh mở mắt ra trời vẫn tối như mực diết da, nhưng anh đoán đám thợ rừng đã trở dậy sửa soạn vào nơi đốn gỗ. Anh vừa mệt mỏi, vừa lười ỳ, cứ nằm lan man, mặc họ to nhỏ nói với nhau.



      Sáng ra, cô cũng đi đâu mất. Căn nhà lạnh lẽo vô cùng. Anh nhớm dậy ra bàn, ly cà phê pha sẵn và một cái bánh với tờ giấy nhỏ : anh hâm lại các món giúp em, em vào rừng chiều mới về. Đừng giận em nữa nghe. Anh tưởng có làn nước suối róc rách tuôn vào dạ, anh hiểu cô đã nhận ra lỗi vì bỏ anh chịu lạnh, nên anh cũng dễ tha thứ cho cô.



      Anh bưng cốc cà phê lên uống, chẳng cần hâm nóng. Anh nghĩ đến những ngày trong tù, nào có được cà phê nên chuyện hâm xem là một xa xỉ. Từ ngày về lại nhà, anh cũng quên luôn món điểm tâm là gì, nên ăn nguội vốn cũng là một hạnh phúc, cần chi phải vẽ chuyện. Anh nhai từng miếng bánh mà xót thương cho vợ con ở nhà. Cô và mấy nhóc quần quật nuôi nhau, nuôi anh, thăm nom đến quên luôn chính thân họ.



      Anh nghĩ nếu một lần cùng vợ con thoát được cảnh hiện giờ, chắc anh sẽ mang ơn chị đến mãn đời mãn kiếp. Anh lại chợt hối hận vì chính lúc này anh đã chẳng quên chị là gì. Ừ thì anh đi làm ăn, nhưng tại sao lại đi với cô để chẳng biết chị và các nhóc ra sao nữa.



      Tự dưng, anh thấy đắng miệng, miếng bánh không còn ngon. Anh lặng lờ đặt cái bánh ăn dở vào đĩa, nhắp thêm một ngụm cà phê rồi cũng bỏ lửng theo. Anh thấy ngụm chất đen trong mồm đắng quá. Anh vội vàng bước ra đường.



      Sương mù ùn ùn bủa khắp trời, lãng đãng luồn vào những gốc thông nồng nồng quánh đặc. Không có gió mà thông reo vi vu. Con đường quốc lộ vắng hoe chạy vòng vèo nơi cuối mắt. Anh đảo khắp một vòng, cái tháp chuông giáo đường cao nghệu đập ngay vào nhãn mục.



      Anh lềnh bềnh nhớ lại một thời xưa. Ngôi trường nhỏ nép sau nhà thờ chính tòa, các ông cha, bà sơ, thầy, cô, học trò, và anh cùng ra vào mỗi bữa. Tiếng kẻng bằng thanh ray đường sắt gõ oang oang từ bên đồi nhà trường mà anh vẫn nghe rõ tận nhà anh. Ôi, thời buổi thong dong cứ đợi hồi kẻng báo xong, anh mới lững thững sang lớp. Dạo ấy anh chị mới có hai thằng cu đầu lòng, cuộc sống nhẹ tênh, chẳng cần bon chen giành giật. Chị vẫn xuýt xoa với anh : em không ngờ hạnh phúc ngày nay to lớn đến thế.



      Nào ngờ lệnh động viên khi anh vừa đạt xong cái Tú 1. Anh vào quân trường, chị cắp nách hai con bỏ đất lạnh ra đi. Mấy chục năm trôi qua, xứ hoa chẳng khi nào chị còn trở lại nữa. Anh vào tù, chị càng phải gắng công lo cho lũ con, lểnh khểnh đến sáu mạng bám chặt lấy chị như bầy heo đói.



      Anh về rất ngỡ ngàng. Nhìn chị mảnh mai, anh trào giọt lệ, tóc chị ngày nào xanh, giờ hai bên mang tai đã lấm tấm màu tiêu muối. Bàn tay chị khô đét, anh cầm lấy như nắm bó đũa tre thô. Anh áp môi hôn, chị cự : lớn xộn rồi còn như trẻ con. Đêm nằm rờ những đốt xương vai, xương lưng chị nhô ra, anh khóc thầm xin lỗi chị. Cả hai cùng bịn rịn, chị khe khẽ nhắc anh : đừng làm em tủi thân và chị ôm chầm lấy anh đau xót.



      Bây giờ ngôi giáo đường nhắc anh về đêm giáng sinh thuở đó. Tiếng thánh ca lồng lộng trên cao, anh nghĩ chỉ có đêm Chúa ra đời nơi cao nguyên mới thật trọn đầy ý nghĩa. Vị cha nơi giáo xứ ngày xưa đã chuyển về địa phương, nghe đâu cha vẫn còn làm chủ chăn.



      Anh chợt có ý tìm thăm người. Anh nhẹ nhàng khép khóa căn nhà thuê trọ và bước theo lề cỏ đọng sương sang phía nhà thờ. Một mảnh hồ của công viên trước tòa hành chánh lâu ngày không được vớt dọn, rêu xanh giăng đầy, che bầu trời in xuống. Anh thở dài ngán ngẫm sự đời.



      Hồi này việc lễ lạy rất lươn ươn, con chiên ngại ngùng không dám viếng Chúa. Cứ đúng Chủ Nhật là lễ hội dân gian lại được bày ra, chính quyền buộc ai cũng phải tham dự, nên tượng Chúa trầm ngâm nhìn con cái mà quặn mình trên thánh giá. Hang Đức Mẹ âm u, những tấm biển Tạ Ơn như dãi dầu, nặng trĩu. Anh cũng mang mang sợ, không rõ việc mình vào đền thánh liệu có bị dòm dỏ hay chăng.



      Tuy nhiên với cái cớ xa cách lâu, nay vào thăm lại người tu xưa nên anh mạnh dạn đi tiếp. Vòm cung thánh cao lồng lộng, nhưng lạnh lẽo, anh bước vào nghe như vọng rõ tiếng chân đi. Đèn đóm trên điện thờ cũng hạn chế, lờ mờ những tấm kính mang sự tích thánh kinh như không soi rõ dãy ghế im lìm đợi chờ.



      Anh vòng ra nhà sau, một ông bõ hỏi và chỉ cho anh nơi cha ở. Anh vào, một linh mục già đang xoay lưng, tóc bạc trắng. Tuy nhiên nhìn chân kính đeo mắt, anh nhận ra cha ngay. Anh cất tiếng thưa, cha hỏi : ai đó và từ từ xoay lại. Anh có lầm chăng, đúng là cha mà sao một bên mắt cha lại bị hỏng.



      Anh xưng tên, cha mừng rỡ reo : a, té ra là thầy. Giọng chất phác miền Nam vẫn như ngày nào. Cha ôm chầm lấy anh, hẹn hò trưa ở lại cùng cha dự bữa. Anh chợt nhớ đến chai rượu lễ cha cho ngày chị sắp sinh con đầu lòng. Hồi đó, anh từ chối vì sợ chị sẽ say, cha phải cắt nghĩa : đây là thứ rượu không ủ men, rất quí cho người nữ lâm bồn, thầy nhận về cho cô, đừng sợ bị say sưa. Hổng lẽ nhà thờ lại khuyên nhủ con chiên đi vào sự mê đắm sao chớ. Rồi cha chợt nhớ anh không phải người có đạo nên cha lại tự đính chính ngay : xin lỗi, cha quên, nhưng rượu này rất tốt đó thầy.



      Anh hỏi thăm đã lần nào cha trở về nơi cũ. Cha thở dài bảo : từ đây lên đó có bao xa, vậy mà từ mấy chục năm nay tôi vẫn không đến được. Trước thì bận dồn dập việc nhà thờ, còn bây giờ (cha thở dài) lên đó sợ buồn vì vắng những người xưa, bạn cũ. Cha nhìn mông lung lên trần nhà, nhướn một bên mắt trùng trùng thăm thẳm.



      Anh ngồi với cha trọn buổi, tạm lắng đi những vụn vặt ngoài đời. Cha kể với anh con mắt bị hỏng, cha nhắc lại những kỷ niệm xưa và bất giác cha hờ hững chua xót : hồi đó vui chớ, thầy hả. Ngày đại hội thánh thể, bờ hồ sáng rực ánh đèn, loa vang vang ca mừng thánh thót. Đêm giáng sinh nườm nượp giáo dân, lung linh như có ngàn vì sao từ thiên cung soi xuống. Mỗi lần Tết, hoa đào nở rực trời, khắp quanh hồ hoa trắng nở và trên cành đung đưa những quả đào ngọt. Hồi đó trường mình đông làm sao, mùa hè chia tay, học trò bùi ngùi bịn rịn.



      Anh thoáng thấy cha quay đi, khúng khắng tằng hắng nho nhỏ, anh biết cha đang nghĩ về những ngày tháng của thời cắp sách cũ. Anh tôn trọng lặng im để cha được trọn vẹn với ký ức dịu êm. Chính trong lòng anh cũng đang ngùn ngùn bao hình ảnh dây dưa lãng đãng.



      Một lát, cha chợt tỉnh, phân bua : mình già rồi nên lẩm cẩm. Gặp thầy mừng quá nên thả lỏng tâm tư. Anh đặt câu hỏi lơ mơ về sinh hoạt đền thánh, cha gượng nói : thầy biết rồi, bây giờ việc lễ lạy khó lắm, nhưng ở đâu không làm được trên bề mặt thì chiên đàn vẫn không thể quên bỏ chúa chăn. Thấy đã từng về giáo hội thầm lặng chớ gì, có khi phải một vài thế hệ mới mong dứt. Anh nghe mơ mơ như con đường dài ngoằn ngoẵn thất kinh.
      ***************

      Comment


      • #4
        4. Phần 4


        Hai cha con bị cuốn hút vào dĩ vãng, vào kỷ niệm đến dứt ra không được. Nói nào ngay nhiều bận anh đã chực đứng lên, xin phép cha, nhưng lại bị ngăn vì câu nói : mấy chục năm không gặp lại, thầy vội đi đâu thế. ....



        Cái ấm chuyên đã được chính cha châm đi châm lại mấy lần, cha ân cần như từ lâu mới bắt được một tri kỷ. Cha than : thời buổi này làm phụng vụ khó quá thầy. Người ta nghi kỵ lung tung, nhà thờ nhà thánh không lúc nào tránh khỏi bị dòm ngó. Người ta lảng vảng vào gặp cha liên hồi, hỏi vớ va vớ vẩn, nhưng mục đích là theo dõi và tìm hiểu xem cha sinh hoạt ra sao.



        Cha nói rất nhiều, như tâm sự, như trút cạn nỗi niềm, dù anh chẳng hề có một chút tình chiên con với cha. Cha than vãn : cứ cuối tuần người ta bày hết lễ này, hội nọ, ép giáo dân phải tham gia, mục đích để xé các chiên đàn ra khỏi Chúa. Thậm chí người ta còn mượn sân nhà xứ để tổ chức vui chơi, không cho không được, mà nhận lời thì đau đớn vô cùng.



        Anh ngồi lịm đi vì đó là một sự thực bất cứ nơi nào cũng gặp. Chẳng nói chi hội thánh, đến chùa chiền cũng thế thôi. Dưới con mắt nhà cầm quyền thì đạo là mê tín, trói buộc con người vào những kỷ luật khắt khe. Người ta muốn giành con người với các tổ chức tín ngưỡng để ai ai cũng chỉ còn biết công lao của họ hơn là việc gì khác.



        Cha than phiền là có thiểu số giáo dân lại hùa theo họ nên quay sang ép uổng nhà thờ. Chính những người này cản trở rất nhiều việc lễ lạy hay cầu nguyện. Những lời âm u như cuốn phăng vào không gian, tỏa lan đầy đồi nương, thung bản. Anh muốn thưa với cha về nỗi ngại vào thăm, chỉ sợ chẳng phải đầu phải tai vì bị xét đoán thế này, thế nọ, nhưng vẫn rụt rè.



        Lòng anh nóng hầm như lửa đốt. Nắng nhạt dần, anh đã cùng cha trải qua buổi cơm trưa đạm bạc mà xem ra cha vẫn chưa có ý để anh về. Phần anh cũng dấu cha chưa dám tỏ lý do lên đây làm gì, anh sợ cha lại lo vì thấy anh mạo hiểm vào công việc nhạy cảm.



        Cha biết rõ anh có vấn đề vì có thời gian đi tù về. Cái lai lịch không mấy trong sáng của anh là một bản án treo người ta muốn rớ tới lúc nào cũng được. Phương chi anh lại lao vào việc phá rừng, chặt gỗ. Món này lúc nào cũng là cái đích nhắm vào để làm giàu, hay mưu đồ các việc khác. Người bình thường khi bị nạn đã gay, huống chi anh lại có tỳ có vết.



        Người ta dễ dàng suy diễn là anh ấp ủ tìm trầm hương khi lăn vào rừng gọi là kiếm sống. Nếu khắt khe hơn người ta có thể chụp mũ anh đi gom những lực lượng chống đối xưa thì nguy cơ càng trọng đại hơn nữa.



        Anh chợt thấy thương cô, trải thời kỳ nào cũng đều không xuông xẻ. Anh nhớ lời cô kể, khi biến cố vừa mới nổ ra, cô đã liều lĩnh lao vào các chuyến buôn táo bạo. Cô đã móc nối với đám lái xe chở những thùng phuy nhựa thông mà cô đánh lừa nói là dầu rái mua đem bán cho nhà chài vá thuyền.



        Dạo đó anh còn trong tù, cô xuýt xoa : em nhiều tiền quá, chẳng biết tiêu gì cho hết. Nghĩ tìm anh mà chẳng biết nơi đâu, nhiều khi lại giận hay anh bỏ rơi em cùng với gia đình di tản rồi. Cũng may chính cô lại vớt vát bênh vực cho anh : nói thế, chứ em biết anh nhát như thỏ, bởi vậy em tin là anh gặp nạn thì chắc hơn, chuyện ra đi xem như huyễn hoặc.



        Anh nín vào lòng, cô lại phê vô : thế nên anh mới ngồi gỡ hết mấy cuốn lịch. Lúc ấy, anh đã tự hận mình, và buồn cả cô nữa. Nhưng bình tĩnh lại, anh thấy cô hoàn toàn có lý vì con người ai mà chẳng yếu lòng. Đó là sự khác biệt giữa bên này và bên kia giới tuyến. Người bên kia có thể dửng dưng để lại vợ con, gạt tình riêng bỏ đi thẳng, còn người bên này thì rụt rụt rè rè.



        Vào tù, được nghe thêm nhiều chuyện, anh mới thấy thương cho bè bạn đồng ngũ. Lắm tay đã xuống được tàu rồi và chỉ vì chưa có vợ con ở bên, đành bỏ quay vào bờ để đi tù cả nút. Có anh ỷ y bên này với bên kia là bến cảng nên đủng đỉnh nằm nhà chờ lúc ra đi, nào ngờ địch pháo vô, tàu rút chạy, ra nhìn bơ vơ cái bến trống không, hậm hực quay về đợi ngày đi trình diện.



        Chiếu xuống lâu rồi. Cái nắng chỉ còn hắt một vạt lơ thơ trên diềm cây nơi thung lạnh. Anh dứt khoát đứng lên xin phép cha, phải nhận thêm một chung trà nữa rồi cha mới cho về. Cha ngập ngừng nơi bậc nhà xứ đứng nhìn theo chân anh dặn dò : thầy thông cảm, ta tiễn nhau tại đây thôi. Cha ra ngoài, vừa lôi thôi cho cha mà có khi anh cũng bị vặn hỏi linh tinh.



        Cô gặp anh hỏi trổng : đi đâu mãi bây giờ mới về. Anh thấy cô nhăn trán lại, dáng mệt nhừ. Đám thợ rừng xem ra cũng không hơn gì cô. Dù ai cũng đã tắm táp nhưng vẻ mệt mỏi còn lẩn khuất chưa dứt. Anh thành thực nói chuyện gặp cha, cô có vẻ không tin. Anh đồ chừng cô nghĩ anh tìm đến cô Sử tối qua chứ chẳng đi đâu hết.



        Anh đổ lì im lặng. Cô càng lồng lộn phừng phừng. Cô nắm lấy tay áo anh giật liên miên, miệng gào nho nhỏ : có phải anh đi với con bé ấy không. Anh chỉ biết thở dài sườn sượt vì có biện bạch cũng chẳng hơn gì. Cô vùng vằng thấy anh vẫn trơ thì thôi, hạ ngay giọng hỏi sang chuyện khác : ăn uống gì chưa ?



        Anh đủng đỉnh : buổi trưa thì rồi, nhưng buổi tối thì chưa. Anh định pha trò cho bớt sự căng thẳng : định bụng ăn với em cho vui, nhưng thấy phảng phất cô còn vẻ hầm hầm nên bỏ lửng. Cô cũng góp ý vào : tôi cũng chờ anh từ chiếu để kiếm cái gì ăn.



        Anh lưu ý thấy cô dùng tiếng “ tôi “, chứ không phải tiếng “ em “ ngọt ngào thường lệ. Anh biết tính cô là thế, khi yêu thì ngọt xớt, nhưng khi nổi cơn thì cũng lạnh nhạt làm sao. Anh giùng giằng định đi nằm, cô gắt lên : anh định để đói sao mà còn lần khân đi đâu nữa. Lần này cô bỏ chữ “ tôi “ để bớt sự căng thẳng.



        Anh như cục bột để cô muốn nắn ra sao cũng mặc. Cô đứng lên rủ rê : nào ta đi. Trời chập choạng tối, gió thổi ào ào. Cái rét từ dưới thung bị hốt lên vội vã nên hất vãi vung ra con phố. Anh loạng choạng kêu : trời đột nhiên rét quá. Cô đâm lo vì sực nhớ cái bệnh yếu phổi của anh. Cô lẩm nhẩm : mai em sẽ mua thêm mấy cái áo dầy để anh khỏi nhiễm lạnh.



        Anh thầm cám ơn sự lo lắng của cô, nhưng đồng thời lại ghê ghê tính đồng bóng của cô bất chợt. Trong đầu anh sực nhớ đến lòng say ngưỡng của cô. Khi còn ở trên ấy, có đận cô tạt vào thức anh dậy bắt theo cô đi chùa tầu để cúng bái. Cô gọi khó gọi khăn mới bắt được cái tắc xi để chạy vòng vèo lên con đồi tối mù mù. Bác tài có vẻ băn khoăn vì cái ngông của cô, nhưng được hứa hẹn món tiền khá nên nhẫn nhục.



        Chùa thời ấy còn sơ sài, cỏ còn cao lút che đầy lối đi, vả chăng vừa xảy biến cố nào ai dám sửa sang nơi thờ tự. Cô và anh mò vào thắp hương rì rào khấn gì đó. Khi trở ra cô nói lông bông : em đang ngủ thì mơ mẹ về gọi em phải lên thắp hương cho bà tại chùa.



        Anh nghe mênh mang tiếng mẹ mà nghĩ như cô đang cột dần anh vào gia đình cô, nhưng không tỏ ý phản đối. Chuyến về, cô cậy bác tài đưa đi một vòng vào tận Thái Phiên, Saint Benoit, lững thững vòng hồ Than Thở, lại theo con đường nhỏ vòng hồ Xuân Hương đến tận Bích Câu thì trả xe.



        Bác tài có vẻ lạ lẫm vì tính bốc đồng của cô nhưng kín tiếng. Anh bị cô lôi vào cái ghế đá trong vườn, cô dựa hẳn một bên người sát vào anh nói lãng mạn : em muốn ngủ ở đây một đêm xem lạnh lẽo và ngàn sao ra răng. Cái tiếng Huế bắt chước nghe ngang ngang vậy mà anh lại động lòng bảo : đừng dở hơi, về tối rồi.



        Cô nũng nịu nhưng cũng uể oải đứng lên bíu lấy anh dò từng bước. Hai người đi suốt bên hồ, thấy xa xa ánh đèn soi nhà Thủy Tạ rung rinh dưới bóng nước. Cô và anh vượt qua quán Thủy Tiên, mấy chiếc pê đa lô co mình dưới lạnh. Cô nũng nịu đòi anh ghé ăn mì ở Cầu Quẹo rồi vào uống cà phê khuya ở Tùng mới dứt.
        ***************

        Comment


        • #5
          5. Phần 5



          Anh để mặc đầu óc nổi trôi trong kỷ niệm những ngày còn sống trên Dalat nên đã quên là đang đi bên cạnh cô. Thấy anh miên man tận mãi đâu, cô cũng không mở miệng hỏi han hay nói một lời.



          Như mọi ngày, về chiều trời mau trở lạnh. Gió từ dưới thung hun hút thổi hắt lên, tiếng thông nghe rì rào như kể lể. Cô bíu lấy cánh tay anh mà nép vào thật êm, anh thấy nằng nặng tựa đầu bàn tay đang bị cột vào những khối đá.



          Cô nũng nịu hỏi anh : anh đang nghĩ gì thế ? Hai mắt cô ngước lên như mắt chú chim sâu. Anh cúi xuống chống chế : anh đang nhớ về những ngày còn ở trên Dalat. Cô thở dài thật sâu, lép nhép miệng : anh hay mua việc vào mình cho khổ.



          Chợt anh bảo với cô : đồng thời anh lại thấy lo. Cô định gạt đi, nhưng anh nhấn mạnh : lo cho em chứ chẳng lo gì cho anh cả. Cô phỉ phui anh : đi với em mà cứ nghĩ chuyện không đâu cho thêm mệt.



          Anh lầu bầu : em không thể sống mãi như thế này. Người ta sẽ nghiền nát em rất chóng, anh thoáng ngửi thấy mùi tù tội sắp đến với em rồi. Cô có vẻ trêu chọc anh : anh xoay sang nghề thầy bói hồi nào nhanh thế. Và cô đả đớt đùa : nhờ thầy xem hộ con một quẻ, xem bao giờ con lấy chồng.



          Anh ra mặt nghiêm trang : anh không đùa đâu, xem cung cách các bố lâm nghiệp ăn miếng trả miếng nhau, anh nghĩ em đang là đích nhắm để họ chọn làm con dê tế thần. Cô hơi thoáng rùng mình, nhưng lại đổ tại lý do khác : trời chiều nay rét tệ. Anh nhân thấy cô rùng mình nên mạnh bạo nói vào thêm : trời rét nhưng không buốt bằng nếu em vướng vào tù tội.



          Cô nói doãi ra : nói chuyện với anh chán chết. Lúc nào cũng e với sợ, chả trách chẳng làm được gì nên hồn. Anh giãi bày với cô : em xem có người nào đi tù về mà chẳng nhụt mất đi nhuệ khí. Còn nói gì bọn anh bị kềm kẹp dài dài, có muốn yên thân cũng chẳng ai để cho yên hết.



          Cô có vẻ xót, kéo cánh tay khiến anh phải lệch người nghiêng một bên. Cô nhón chân ghé vào tai anh thì thầm : em đã nói rồi, em nhanh chân làm một vài cú và tễnh, họ không kịp chụp em đâu. Để xí xóa mọi vết đen ám ảnh, cô liến thoắng bảo : mình đi ăn cái đã, mọi việc đâu còn đó, hơi sức nào để tâm cho mệt.



          Cô không vào cái quán tối qua, có lẽ sợ chạm trán Sử. Cô lôi tuồn tuột anh đi đến một quán khác rất xa, khỏi nhà thờ anh ghé thăm vừa rồi. Đó là một căn nhà nhưng chủ bày việc nấu nướng kiếm thêm chút tiền nuôi gia đình.



          Lác đác vài bàn đang có khách. Cô cùng anh vào cái bàn tận phía trong, vài người nhận ra cô nên lấm lét nhìn. Thành phố nhỏ quá, chuyện một người nữ đến làm nghề “ phá sơn lâm “ sao chẳng gây náo động. Phương chi dân sở tại có ý chờ được cô thuê sung vào đám công nhân nên có vẻ nể nang.



          Cô láu táu gọi thức ăn, bà hàng chừng đã quen nên miệng bằng tay, tay bằng miệng rối ra rối rít. Anh nhìn các đĩa bưng lên trách : có hai người mà em gọi chi nhiều thế. Em vốn phí phạm, chẳng bù lúc thiếu thốn. Anh lại chợt nhớ tới những ngày đi buôn la ghim với cô, hai đứa nhiều hôm nhịn đói để dành vốn cho thêm lên.



          Cô ung dung so đũa mời anh. Anh còn lòng dạ nào nuốt trôi những con tôm đỏ óng gạch, hay nguyên con cá chiên thật vàng giòn. Anh nghĩ đến vợ con ở nhà, chẳng đành lòng nuốt những món ngon một mình với tình nhân.



          Thấy anh dềnh dang, cô đùa : anh lại nghĩ đến chị hẳn. Anh thành thực nhận, không chối cãi. Cô gắp hết thức này thức khác vào bát và giục : anh ăn đi. Anh trợn trạo nuốt vài miếng rồi thoái thác : dạo này không quen ăn thịt thà nên thấy béo ớn quá. Cô cũng không ép mà chỉ nhìn anh ăn nhẩn nha.



          Cô lào khào nói với anh : mùa mưa vào rừng hãi quá. Vắt rất nhiều, chui cả vào quần áo cắn sưng mẩn hết. Đường lầy lội, chiếc DT 10 chạy văng bùn tứ tung, ai về đến nơi cũng ngập đầy chất dơ trên đầu, trên tóc.



          Anh có vẻ xót xa, trách lại : vậy mà còn ham chi cho khổ. Cô dửng dưng lái câu chuyện sang một hướng khác : nhưng thấy gỗ thì chẳng thờ ơ được. Chuyến này nếu trót lọt sẽ được một mẻ lớn và em sẽ rửa tay gác kiếm giã từ rừng. Cô nói và đặt vội đôi đũa xuống bàn, giũ giũ hai bàn tay như người đang phủi bỏ mớ đất bám bên trong.



          Anh định hỏi : liệu có kịp chăng, nhưng không nỡ. Con người có nhiều lúc cũng phải đắn đo trước những ý lời mình muốn nói. Nhất là chia xẻ với người mình rất yêu thương, lúc này anh đang rất mực yêu thương cô vì thấy cô luôn lận đận chẳng mấy khi được yên bề sống.



          Bữa ăn trôi qua, ê hề các món vẫn đầy. Cô và anh đứng lên đi tìm một quán uống. Món cà phê thường được cô nhâm nhi sau bữa ăn, cô ví von nói : uống cái chất đậm đắng vào mới hiểu thế nào là cuộc đời. Còn anh, anh lại cho cà phê chỉ làm mất ngủ, ích báu gì mà ca tụng.



          Anh chiều cô nên cũng đi theo. Quán mở rất hạn chế và có vẻ sợ sệt. Cái máy hát cũng chẳng dám mở to, dù bài hát là những ca khúc được viết thời thượng. Anh nghe câu gì như đường hôm nay đơm nhiều nỗi nhớ… để cố tìm xem anh đang nhớ thứ gì mà bất lực.



          Cô chợt bảo anh : lên đây, anh đừng lăng nhăng nữa, lớn tuổi rồi. Cố giúp em rồi lo về kẻo chị mong. Thì ra cô vẫn có ý ghen với Sử. Anh không nói năng gì vì còn băn khoăn chuyện khác.



          Anh kể lại với cô : sáng, lúc em đi, anh có xem qua sổ sách, thấy nhiều chỗ không khớp. Nhất là về khoản nhiên liệu xuất nhập có chênh lệch, em cẩn thận, đó là đầu mối người ta vật em đấy. Cô cũng ngỏ lời tâm sự với anh : làm sao được anh. Người ta bắt mình phải ký nhận như thế mới cho vào rừng thì mình có cách nào cãi lời.



          Cô có ý dùng chữ “ mình “ càng làm anh sợ. Chả lẽ rồi đến anh cũng phải chịu báng với chỗ khuất tất giữa họ với cô sao. Cô thì khả dĩ còn nhẹ, chứ anh dây vào thì cầm chắc là sẽ trở lại cái nơi anh vừa thoát ra chẳng bao lâu. Lần này người ta sẽ nhân đà lai lịch của anh, họ sẽ gia tăng lên lời buộc tội gắt gay thì có nước chết.



          Anh bỗng thấy rùng mình và ngao ngán mọi sự. Anh nhận phần hèn kém nói với cô : anh cám ơn em còn nghĩ đến anh, gọi anh lên đây giao việc cho anh làm. Nhưng thú thực anh không kham được, đành để em thất vọng. Anh sẽ quay về ngay sáng mai.



          Cô chợt não nề như vừa bị ai đấm một cú vào màn tang chuếnh choáng. Cô bỏ dở cốc cà phê, hối anh đứng dậy theo. Cô đùng đùng đi trước ra khỏi quán, chẳng lý đến anh lững thững bước theo sau.



          Cái áo cô cởi ra lúc vào quán giờ được vùng vằng cầm mãi ở tay, rồi vắt hờ hững lên vai. Cô bước đi, dận mạnh gót. Anh biết cô bực, hết sức bực, nên dè từng tiếng không nói.



          Trời tối, gió thốc tháo khắp nơi. Cái rét buốt từ triền núi xa đổ ập xuống hòa cùng những vốc lạnh từ dưới thung bốc trộn lên làm hai vành tai anh tê dại như ướp đá. Anh vụt lôi nắm tay cô giữ lại, cô giẫy giụa thoát ra. Anh với cô như hai người đang đánh vật nhau từng hồi.



          Anh nạt to : đừng trẻ con. Muốn chết cũng phải chọn cái chết cho có ý nghĩa. Đừng dại dột, người ta cười cho. Nói rồi, anh lấy cái áo trên vai cô, đưa một ống tay ra giục : mặc vào. Cô vùng vằng rồi cũng nghe. Anh mặc xong, cột xiết sợi dây ở cổ cho cô ấm và để mặc cô bước đi trong giận dỗi.



          Bóng điện vàng như mắt người sốt rét. Tiếng thông reo làm chao đảo những bóng sáng lên khoảnh đất ba dan còn ướt sũng nước mưa. Cô đi liêu xiêu như người say rượu
          ***************

          Comment


          • #6
            6. Phần 6


            Anh biết cô vẫn còn giận, rất giận ngập tràn lòng nên để mặc cô dấn bước đi trước. Anh đủng đỉnh theo sau. Đường ban đêm thật vắng, phố xá nép mình dưới ánh đèn chống sương mù. Ngôi giáo đường in một vệt đen sừng sững nơi đầu dốc.



            Ngang qua văn phòng ty lâm nghiệp, cửa đóng im ỉm. Cao nguyên lạnh cau mày, hầu như thời gian nào cũng thế. Khoảnh vườn bên hông tòa hành chánh tối đen một dúm, mặt nước hồ có bóng rung rinh.



            Anh thấy cái rét cứa vào tai, liếc sang cô, cái mũ dạ vẫn để rơi sau lưng. Anh nạt : đối mũ lên, đừng để đầu trần bị cảm. Cô vùng vằng nói : mặc xác tôi. Anh thấy cô quả cứng đầu. Chẳng nói chẳng rằng, anh ập tới lấy cái mũ đính liền với áo trùm lên tóc cô, cô hất tay đẩy ra.



            Anh lẩm bẩm : đừng nhõng nhẽo, kể từ mai anh lại về dưới đó rồi, không ai trông nom, săn sóc em, phải giữ thân nếu còn muốn làm ăn kiếm chút vốn. Cô có vẻ cảm động, chả lẽ lại quàng ngay chiếc mũ lên đầu, phải dấn thêm mấy bước rồi mới làm như tự ý. Anh tủm tỉm cười thầm.



            Chợt cô bảo anh : khuya rồi, còn muốn đi nữa hay về ngủ. Anh rướn tới nắm lấy bàn tay cô khỏa lấp : tay em lạnh cóng hết đây này. Cô hết còn ngúng nguẩy mà để mặc anh ủ lấy bàn tay. Anh nói như phân trần : em hay tỏ ra anh hùng không phải lối, tại vì được cưng nên hay phản kháng khi được chăm nom.



            Cô hứ lên, nhưng trong lòng xác nhận quả tính cô có như vậy. Hai người đưa nhau về. Thợ rừng đã tan buổi nhậu tối và đi ngủ cả rồi. Tiếng ai ngáy như hò kéo gỗ. Cô và anh đi nhẹ vào trong. Cô thản nhiên thay áo xống làm anh hơi bẽ, nhưng anh không trách. Cô vào giường trước, anh vẫn ngồi bỏ chân dưới đất.



            Cô trêu anh : bộ định ăn vạ thức suốt đêm phỏng. Chưa gì cô nhấc một đầu chăn bông lên giục : chui vào đi ông tướng. Liệu nằm một chút rồi mai về. Anh hiểu như vậy là cô không còn ý giữ chân anh nữa. Anh lẳng lặng ngả lưng, hai tay đặt sau gáy nằm tư lự.



            Cô quay lưng lại phía anh. Loáng cái đã nghe hơi thở đều, anh biết cô đã ngủ. Anh không sao chợp mắt được, cứ nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác. Anh thấy dường như giữa cô và anh có nợ nhau, xa thì nhớ mà gần thì cấm cảu buồn sầu.



            Đây chẳng phải là lần đầu cô giận anh. Có lúc cô đã thẳng tay đuổi anh không e dè, nhưng lại chính cô tìm anh bất chợt. Mấy lần cô thình lình ghé nhà, đem biếu gia đình anh từng bao rau quả Dalat. Anh giật mình lo lắng, nhưng cô ngọt sớt xưng con và gọi vợ chồng anh là thầy cô.



            Điều đó làm anh muốn giận mà không sao giận cho nổi. Chính vợ anh cũng nghĩ cô là em của người học trò ngày trước của anh nay tiện ghé thăm và biếu quà. Cô rất bạo, nhưng chính cái bạo của cô làm anh sợ.



            Nằm mãi không sao ngủ, anh nhẹ nhàng trở dậy. Đêm rất sâu, gió luồn qua các khe hở của vách thông cứa vào da thịt anh nghe nhoi nhói. Anh lại gần mảnh kính thay cửa sổ nhìn ra đường. Ngọn điện vàng đong đưa cuốn lấy đám sương mù dầy như một cặp khiêu vũ thâu đêm buốt giá.



            Anh nghe cô mớ gì đó nên lại quay vào giường. Anh ghé nằm xuống bên cô, mùi ấm tỏa ra từ chăn, từ nệm và từ thân cô nữa. Anh nhắm mắt lại ru ngủ. Tiếng một con thạch sùng chép miệng nghe thật loãng thê lương.



            Anh thiếp đi và mơ thấy một cột nhà đổ ụp xuống đè lên bụng anh. Anh bàng hoàng tỉnh dậy, nhận ra một đùi cô đang gác lên anh nên cố nằm im không đánh thức cô.



            Sáng ra, nhao nhao đám thợ trở dậy. Tiếng lách cách lon ca khua nhẹ, tiếng sì sụp húp ngụm cà phê đầu ngày. Anh nhỏm lên định ra uống với họ. Cô lưu ý anh : không được nói chuyện anh sắp về lại dưới đó với họ làm gì. Anh cứ lẳng lặng chờ chuyến xe chạy qua mà nhảy lên, còn cái khác để em lo.



            Anh bỗng thấy cô cứng rắn và tỏ dấu biết ơn cô nhiều. Cô đang ngồi dậy thay áo, tay chải mớ tóc rối đêm qua. Anh nao nao hình tưởng chia ly, thấy có phần hơi nhẫn tâm, nhưng không thể làm khác được.



            Cô vẫn tỏ ra vui như sáo, phân việc cho các thợ rừng, xong rủ anh đi điểm tâm. Cô nói vói lại khi sắp ra khỏi cửa : hôm nay các chú vào rừng, tôi ở nhà cần giải quyết chút việc. Các chú cứ tiếp tục hạ số cây đã khoanh vùng và chiều nhớ nhắc kiểm lâm đóng búa, mai tôi vào sẽ kiểm sau.



            Nhìn cô ngồi ăn thung dung, nhai hờ hững miếng bánh, nhưng anh biết cô đang sôi sục trong lòng. Anh cũng không muốn khơi chuyện vì lòng nhất mực thương cô, không muốn cô bị hoạn nạn. Cô chợt hỏi anh : bộ anh không thể nào nán lại phụ giúp em ít lâu sao ?



            Anh lắc đầu, cô thở dài, tự than : bố nào ở tù ra cũng nhát như cáy. Anh nghe rõ lời phê phán của cô mà không phản ứng. Cô vẫn lơ đãng nhai, nhìn loáng thoáng ra cửa quán. Cô lẩm bẩm một mình : chuyến xe đầu sẽ chạy qua lúc gần 9 giờ và bỗng cô quay qua hỏi thẳng anh : về dưới rồi có khi nào anh nghĩ nhớ tới em không ?



            Anh xác nhận : nghĩ thì lúc nào anh chả nghĩ, còn cái nước liều lĩnh của em thì anh vẫn khuyên hãy vứt bỏ đi. Cô có vẻ thấm nên phân bua : thời buổi này ai chả biết bấp bênh, nhưng khốn nỗi em muốn đi, cần tiền thì phải liều lĩnh chứ.



            Cứ dây dưa như vậy mà buổi điểm tâm kéo thêm dài. Khi đứng dậy, cô rụt rè lấy ra một phong bì đưa cho anh : em biếu anh chút vốn. Anh từ chối không nhận, cô giúi vào tay anh cũng chẳng xong. Cuối cùng cô phải nói : thôi thì em gửi anh giữ hộ, lỡ em có vướng tù thì anh đi nuôi em.



            Anh nghe như có ai xát muối vào lòng, chất mặn chát thấm tràn ruột gan nhộn nhạo. Anh vẫn gạt đi : anh ở xa làm sao biết tin mà đi nuôi em. Hãy đưa cho mấy cậu em vì họ ở gần cận, còn anh nếu lên được, anh sẽ tự lo được quà cáp cho em.



            Anh nghĩ đến một ngày nào bỗng được tin cô vướng vào điều tra mà lại muốn rầy la cô. Anh về kịp thu dọn mớ quần áo nhét vào ba lô thì vừa vặn xe khách chạy đến. Cô đưa tay bắt xe và khi anh vừa sắp nhảy lên thì bất đồ cô giúi cái phong bì vào túi áo anh và xe chạy bay chạy biến.



            Anh thờ thẫn cả người. Nhìn xuống đường, bóng cô đã thấp càng lùn thêm nữa. Cô đang khỏa khỏa bàn tay tiễn chân anh, xe chao chao như muốn hất tung muộn phiền và ngào nghẹn rơi vào thung sớm.



            Xe khách bắt đầu vào khu đèo, sương mù bủa ra từng đợt ồ ạt. Anh tìm một chỗ ngồi, xe đông, các ghế đều bị choán kín. Chú tài an ủi : cậu tạm đứng một chút, chạy hết đèo có khách xuống, em sẽ ưu tiên cậu ngồi chỗ ngon.



            Anh loang loáng thấy vài con đường dẫn vào rừng, lướt qua một khu trường im ắng. Trời sáng sớm nên sương rất dầy, những đợt hơi lọt vào lòng xe ngửi nồng và nằng nặng. Anh chợt thấy tội cho cô.
            ***************

            Comment


            • #7
              7. Phần 7


              Chuyến xe khách đổ đèo khi trời bắt đầu hửng nắng. Cái ánh sáng yếu ớt vờn bám trên tít đầu ngọn cây và giăng giăng nơi chóp núi cố chen len qua những vạt sương lãng đãng còn đặc quánh khắp vùng. Mùi nổng nồng vẫn chưa tan loãng xộc vào xe ào ạt. Khỏi nói thì hành khách cảm thấy không thoải mái lắm.



              Anh là người khó chịu nhất vì đứng lâu đến mỏi dừ cả chân. Cánh tay đưa vói cao đầu nắm thanh sắt trên trần xe cũng không để anh thấy nhàn nhã một tẹo. Nỗi ngột ngạt vì hơi người, vì đủ mùi của hàng hóa, lại xen cái hăng hăng chua, thiếu tắm rửa của bạn hàng đường dài khiến ai nấy loay hoay từng chặp.



              Các bà đi buôn ngủ vật, ngủ vùi, người đảo qua đảo lại, chốc chốc lại giật mình đánh thót. Có tiếng ai đó mè nheo, bác tài lẫn anh lơ vuốt ve : bà con thông cảm, đừng than vãn. Sở hụi nhiều nên phải vót vét khách mới đắp đổi chịu đựng nổi. Rồi cả hai hối bà con sập cửa xe xuống cho gió lùa vô.



              Anh xoay đổi nhón mãi hai đầu chân, cốt cho máu lưu thông, không gây tê rần, nhột nhạt. Sương mù thổi lùa vào, vậy mà vẫn không át được sự oi nồng trong lòng xe. Anh nhướn mắt nhìn ra, lác đác những dãy nhà tranh sát ven quốc lộ, cửa còn đóng im ỉm, hoặc là mọi người đều tập trung ra đồng nên nhà vắng vẻ.



              Anh chợt nhớ cái tên khu kinh tế mới Gia Lành mà anh chắc đâu đó hẳn là đây. Anh nghe trái tim se lại khi nghĩ đến bà cô họ nửa đêm bị dựng dậy, thu gom đồ vứt lên xe chở đi, theo sự bình nghị cưỡng ép. Anh tự hỏi : chẳng biết bây giờ bà cô đang trú ở một trong căn nhà nào như thế này.



              Những đồi chè nứt nẻ, những bụi trà xác xơ, từ khi biến thành nông trường chẳng còn tìm đâu ra nét xanh màu mỡ của sở trà tư nhân ngày trước. Anh nhớ lung tung, nhớ cửa hàng Đỗ Hữu mời bán cho khách ngày trước, mỗi khi anh theo xe Minh Trung về thăm mẹ ở Saigon. Bây giờ con đường đăng đăng đê đê, vắng thật vắng như người cố ngủ nướng.



              Anh cảm thấy hơi mệt. Cả đêm qua hầu như không ngủ được mấy. Có sự sắp chia tay nào chẳng gây bịn rịn ở nhau. Phương chi, anh luôn bị ám ảnh tai họa mà cô sắp bị sa vào chắc chắn không tránh khỏi.



              Cô xốc nổi muốn anh ra mặt ngay, tiếp xúc với giới chức lâm nghiệp để cốt gây uy tín cho anh vì cô muốn anh giúp cô lâu dài, nhưng anh rất mực từ chối. Dù chỉ mới thoáng gặp tay thủ trưởng và tay bí thư khi anh cùng cô đi ăn tối, nhưng anh nhận ra ngay cái cảnh “ bằng mặt chẳng bằng lòng “ ở họ.



              Họ cùng đi, cùng nói huyên thuyên, đưa đẩy câu chuyện, nhưng xem ra tay nào cũng thủ thế, giữ miếng, kiểm soát lẫn nhau từng tí. Họ chia phân vai vế, nhưng bên cạnh chức quyền thì về mặt đảng họ đều ngang vị với nhau. Chỉ cần hơn thua nhau một chút là y như xảy kèn cựa, hoặc tìm cách nâng quan điểm để hạ/hất nhau chớp nhoáng.



              Anh thấy có vẻ cô được sự yểm hộ của tay trưởng ty, nhưng ngược lại lão bí thư xem chừng không ưa cô mấy. Ánh mắt lão luôn hằn học, dửng dưng khi cô ngọt ngào ứng xử và còn có phần ngầm đe dọa nữa.



              Anh đem nhận xét đó nói cặn kẽ cho cô, nhưng tính cô ngang bướng cho là anh quá sợ nên đâm nhát. Bởi thế, anh dứt khoát đứng hẳn ra, luôn tỏ vẻ cho hai tay biết là anh chỉ léng phéng lên thăm rồi sẽ về lại ngay tức khắc.



              Lúc này ngồi trên xe lòng anh như lửa đốt. Cái phong bì cồm cộm càng làm anh vướng víu nóng bừng. Cô luôn luôn hào phóng và kể cả bạt mạng, xả láng, nhưng đó cũng là cái cớ để người ta không thích, muốn hại cô.



              Ngẫm nghĩ dù ở thời buổi nào, những tay phá rừng từng lắm mánh khóe, thủ đoạn, sừng sỏ, vậy mà chỉ loáng cái đều bị đi tù. Dường như sơn lâm, ngoài cái chướng khí âm u còn là một khu vực tối kỵ với những ai muốn hưởng giàu sang trên tài nguyên của nó. Đàn ông chặt cây, phá rừng đã chẳng ăn nên làm ra lâu dài, huống gì cô là người nữ, chân yếu tay mềm khứng sao nổi chứ.



              Mải suy nghĩ miên man, anh đâu để ý đến những dòng nước chảy ròng ròng trên thân cổ thụ cao ngất, ướt át như nước mắt. Rừng nguyên lai cây chằng cây chịt, dễ có đến trăm năm, những thân vọt lên từ lũng sâu, dềnh dàng cố ngoi ra giữa một vùng đan kín sự ẩm thấp.



              Con đường đèo quanh co, trơn trợt, chốc chốc quanh ngoặt khó khăn, lơ thơ một nhánh suối len qua hốc đá reo ào ào trong vắt. Chiếc xe cũ kỹ như bà lão chạy thục mạng, qua chỗ cua ngặt, tiếng trục rít lên ken két. Bác tài rạp người, hai tay ôm cứng vòng lái, nhấp nhổm nhìn rướn tới trước đăm đăm. Tay lơ âu cũng hiểu tình thế ngặt nghèo nên luôn thủ khúc gỗ đạp giữ dưới chân để sẵn sàng nhảy xuống chen bánh xe không bị tuột.



              Hành khách có vẻ không yên, cả anh cũng thấy nhờn nhợn. Thời buổi gì xe nào cũng thấy mà ớn, sự an toàn hình như rong chơi đâu mất, ai ai cũng phó mặc cho may rủi đẩy đưa. Anh chợt ân hận sao lại chọn đi chuyến xe bất trắc này, nhưng mà nếu không đi thì chờ biết bao lâu mới có chuyến khác đến. Và chắc gì xe kế sẽ được bảo đảm hơn. Từ ngày ai cũng phải nộp xe ghi tên vào xí nghiệp thì sự luân phiên được phân phối vỏ, ruột xe, má thắng, bình điện v.v… chắc là trải nhiêu khê lắm lắm.



              Mãi khi xe xuống hết đèo, anh mới thở phào thoát nạn. Trông ngược lên, đỉnh núi vẫn bàng bạc hơi sương, như bọc che sự bí mật riêng rẽ cho mình nó. Con đường bằng chạy dài hun hút, không gian cách nhau chỉ dăm cây số mà khác nhau một trời một vực.



              Trên kia lạnh buốt, dưới này lại oi oi. Sự thay đổi đột ngột độ cao làm cho thời tiết càng chênh lệch nhau quá quắt. Lòng xe đang nêm cối bỗng lỏng le như bị rơi rớt một số hàng. Mấy tay buôn nhao nhao vì sắp vào khu vực kiểm soát. Cái đồn quản lý thị trường như chiếc lưới đổ ụp xuống trói nghiến mọi người. Vẻ âu lo hiện đầy nơi khuôn mặt. Mọi người thu thu vén vén, dấu dấu, chia chác các món ra. Một vài bà/cô năn nỉ nhờ anh cầm hộ một vài túi.



              Anh tỏ vẻ lo ngại, nhưng các bà/cô khuyến khích không sao. Họ bảo anh lạ mặt, chưa quen đi lại trên đường này nên chắc là mấy tay nhân viên xục xạo ít chăm chú đến.
              ***************

              Comment


              • #8
                8. Phần 8



                “ Thuở trời đất nổi cơn gió bụi “, lại trải qua bao dâu biển dập vùi, một vài chương tiếp theo của truyện này đã bị phá xóa mất. Để độc giả theo dõi tình tiết, tác giả xin viết lại những phần đã qua...




                Tin cô bị tóm xảy ra đúng như anh dự đoán, nhưng không ngờ chóng vánh đến vậy. Nhân một chuyến cất hàng ở Saigon, anh tạt một vòng lên miền cao để nghe ngóng thử xem việc làm ăn của cô ra sao thì anh biết tin này. Hẳn nhiên là anh buồn.



                Căn nhà của cô khi anh ghé vào đã hoàn toàn thay đổi. Ngay giữa nhà là một hầm lò đắp bằng đất chiếm gần hết không gian chật chội, hai vợ chồng cậu em đang trần thân trở nướng bánh hoặc sắp ra khay từng loại để chờ đem đi giao.



                Giữa tiếng lửa thở phì phò, cậu em sụt sịt kể cho anh nghe chuyện của cô. Các tay trong ty lâm nghiệp dấm dúi sát phạt nhau và chắc rằng cô phải là nạn nhân trực tiếp. Chị trưởng phòng tài vụ kết hợp với tay bí thư ngầm ghi hết các chuyến xuất xăng dầu và thành phẩm thu hồi, rồi bàn tính, cân nhắc, quân bình với nhau mà gây ra họa.



                Không trực tiếp làm gì được nhau thì người ta lôi cô ra làm con dê tế thần, họ buộc cô tội lợi dụng lòng tin làm hư cán bộ nên tạm giam cách ly để điều tra. Họ di cô từ huyện nơi cô vào rừng về tận tỉnh để theo sát việc thẩm cứu.



                Cậu em cho biết hiện cô bị giữ ở trung tâm thẩm vấn tỉnh và không cho phép bất cứ ai thăm nuôi, tiếp tế. Đám thợ rừng xảy đàn tan nghé, ôm vội ôm vàng cưa máy và bọc ngủ lẩn nhanh cho thoát nạn. Cũng may ty lâm nghiệp còn kịp nhận ra cái tư hữu nhỏ nhoi của những tay sống bằng nghề phá sơn lâm nên không tịch thu cưa và không truy tố đám râu ria cò con này.



                Bây giờ cậu em phải xoay sang nghề làm, nướng các loại bánh bỏ chợ, vừa để sống ngắc ngoải, vừa chờ mong được nuôi chị một lần. Tội nghiệp, những con người xưa rày chưa hề biết cách nhồi bột, ngào đường, làm lò và đun nướng ra sao, vậy mà trước cái thiếu thốn, rồi cũng mò học ra được tất.



                Đứng nhìn tấm thân gầy gò của cậu em, yếu như cây sậy, anh không tin là cậu có sức mạnh và dẻo dai đến vậy. Giữa trời lạnh Dalat mà mồ hôi lấm tấm trên trán, loang loáng trên tay, cậu đẩy những xẻng bánh vào ra và theo dõi hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, để bánh không bị khét hay quá lửa.



                Anh hỏi thăm về tình hình buôn bán, cậu em nói khó mấy cũng phải làm vì Dalat xưa giờ là địa điểm du lịch, có nghề ngỗng gì đâu mà dựa dẫm vào. Cậu cũng rành rọt cho anh biết Dalat còn có việc đan len hay làm các vật kỷ niêm bằng gỗ đồng mứt hay gỗ thông, nhưng các nghề đó phải trường vốn và có hoa tay, về mặt này cả hai vợ chồng cậu chưa đạt tới.



                Anh len lén nhìn vào cái giường ở góc phòng, không hiểu sao vẫn còn để lại đó. Có lẽ cậu em chưa muốn vội cất xóa đi kỷ niệm của cô. Tấm ảnh bán thân vẫn còn treo ở gần đó, loáng thoáng vẫn nụ cười ngày nào, nhưng bây giờ người đã bị dìm trong mấy bức tường đá bên kia hồ bằn bặt.



                Anh chua xót trong lòng, nghĩ đến những ngày mới hồi nào mà nay như đã rất xa xưa. Cái bàn nhỏ cô và anh vẫn ngồi uống trà, giờ chả biết quẳng nơi nào, gian nhà đâm vắng lạ. Anh chậm rãi ngắt một món tiền nhỏ đưa cậu em, cả hai vợ chồng không dám nhận. Anh phải dặn dò : đây là anh gửi cho chị. Khi nào có dịp cho thăm nuôi, anh chưa lên được thì hai em mua chút quà thăm chị hộ anh. Nói thêm là anh buồn lắm và hi vọng chị sớm tai qua nạn khỏi.



                Chẳng nói ra, vợ chồng cậu em, cả anh đều nhuốm buồn. Anh chợt nhớ nên nhắc đến Nê, may ra anh ta có thể lảng vảng tìm cách thăm cô và cho nhà biết tin gì chăng, nhưng cậu em nói dứt dạt : anh ấy bảo việc này gay go lắm, họ đang dò xem có bàn tay nào đưa vốn cho cô để lũng đoạn cán bộ hay phá rừng không.



                Hú vía ! Cũng may anh chưa hám để lao vào món mồi cô cho là béo bở, chứ không chuyến này chắc đi chẳng mong có ngày về, khi mà lai lịch anh tối mò mò dưới mắt họ. Vợ chồng cậu em tha thiết mời anh ở lại ăn bữa cơm đạm bạc, nhưng anh còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện ăn với uống.



                Anh ở lại thêm một lúc, an ủi vợ chồng cậu em rồi nhanh chóng rút lui. Con đường từ lộ cái qua thung vào nhà cô ngắn chỉ một đoạn, vậy mà hôm nay bước trở ra, anh thấy nó dài dằng dặc, lê thê. Mảnh hồ bên kia nhịp cầu sắt nho nhỏ vẫn long lanh bóng nước, các tay quay bắng sắt điều chỉnh việc giữ xả hồ vẫn trụ đứng im lìm, nhưng anh nhìn đâu cũng ra vẻ thẫn thờ và thô kệch.



                Những hình bóng loạng choạng ám ảnh anh. Con đường âm u bóng thông mới hôm nào anh với cô từ con dốc dựng thẩn tha bước xuống để men theo về khu nhà, bây giờ trơ trọi, nằm ệch ra dưới bóng nắng. Anh nhớ đủ chuyện, nhớ vô vàn, bởi vì cô là một phần cuộc sống của anh.



                Có phần nào anh giận cô, nhưng anh vẫn thương cô nhiều hơn. Đã từng bao lần cô chăm sóc anh chút một, cô có thể quên cả cô để chỉ nghĩ đến anh. Những bữa cơm đối đầu chỉ có hai người trong gian nhà nhỏ mà cô rủ anh cất công ra tận chợ chọn mua bó pốt xôi hay củ xu hào, cái chân giò, cô dỗ anh ăn để bù lại sức đã mất khi còn ở trong trại.



                Với anh, tiếng trại chắc sẽ không bao giờ quên được, nhưng bên cạnh đó cô cũng là những bàn tay ấm xóa đi những vết hằn sâu đậm trên trán anh. Nhiều đêm nằm cạnh cô, anh vùng vẫy đùng đùng, hốt hoảng ngồi thốc lên, cô ôm chầm lấy anh xoa dịu.



                Anh kể với cô về những bạn cùng tù không may phải lìa đời trong trại, chính bọn anh đã thay nhau lo rửa ráy, tẩm liệm và chôn xác cho họ. Gia đình không hay hoặc không cho thăm viếng, đã bao năm rồi liệu họ có siêu thoát được chăng. Cô luôn miệng trấn an anh, cố nài nỉ anh xóa đi những kỷ niệm đau lòng đó, nhưng làm sao những ai đã trải qua thời gian khốn khổ đó quên cho nổi !



                Lúc này chẳng còn chuyến xe nào chạy về nơi anh ở. Bến vắng, nhưng người buôn tạp nhạp đủ thứ thì vẫn choán chỗ và sinh hoạt ồn ào. Anh lững thững đi vào khu chợ, lòng càng bước càng râm ran. Ngước bên phía tay phải anh, bóng mái của khu thẩm vẫn ló lên một chút trông vô cùng lạnh lẽo. Đột nhiên anh nghĩ không rõ bây giờ ở quanh mấy bờ tường đá âm u kia, nơi nào cô đang chờ những lần hỏi cung lui tới.



                Đã qua thời gian bằn bặt trong trại, thấy ngày dài thăm thẳm, chẳng tin tức vợ con, anh thấu hiểu nỗi lo toan và trăm ngàn bấn loạn khi con người bị mất tự do và đồng thời tâm thức mệt mỏi vì những câu hỏi truy bức nặng đầu.
                ***************

                Comment


                • #9
                  9. Phần 9


                  Chị là người nhận ra vẻ mệt mỏi của anh khi bước vào nhà. Dù anh đã cố gắng gượng dấu, nhưng người đàn bà dễ nhạy bén nhìn ra liền. Chị vội đứng lên rót cốc trà nóng mời anh và âu yếm để anh ngồi nghỉ.



                  Một sự im lặng bộn bề, âm hưởng lan ra đầy buổi sáng. Lâu lâu, mới nghe chị thỏ thẻ : dạo này nhà có vẻ thất sắc. Hay là vì lo sinh kế cho gia đình, nhà đi tới đi lui nhiều, ít được nghỉ ngơi, nên mất sức đi.



                  Anh chẳng nói năng gì. Chừng như để câu nói chùng xuống và thấm lịm vào hồn anh rồi chị mới tiếp : em nghĩ nhà nên nghỉ ít lâu, ta có gì ăn nấy, nhà vừa đi tập trung về, lại phải bươn chải ngay, em thật vô cùng áy náy.



                  Anh nghe tình thương dâng vút lên. Anh nhìn sâu vào mắt chị. Mái tóc ngày nào còn xanh mềm, giờ trông như mớ rễ tre. Anh càng thấy xót xa thêm. Anh cố nuốt nỗi tủi vào lòng và nhẩn nha kể với chị : anh không mệt vì các chuyến đi buôn, anh cũng không mòn sức vì những lần thức khuya về trễ. Nhưng em nghĩ xem, anh mới về ít lâu, nếu không cật lực lao động thì có khi họ đánh giá anh chây lười và ngứa mắt họ có thể đưa anh trở vào trại.



                  Cả một thống khổ trào dâng, chị thấy đắng ngầm trong cổ họng. Mắt chị rơm rớm có ngấn nước. Chị muốn kêu to lên để trút bớt nguồn cơn, nhưng chị bị nghẹn. Chị lưng lửng nhìn anh, chờ mà chẳng biết chờ gì.



                  Anh cũng ngưng tiếng một lúc để bao xôn xao trong lòng bị nén xuống. Và bất đồ anh nói lãng đãng : anh vừa được tin cô bạn ngày nao rủ anh đi làm rừng đã bị tóm. Chị giật bắn người lên, buột miệng than : ôi ! khổ thân chưa, sao bây giờ anh mới cho em hay tin.



                  Anh như một người ngã xuống sông không biết lội, đang sắp chìm dần. Song anh cũng kể chị nghe : anh cũng mới nhận được tin này do anh bạn tình cờ gặp trên chuyến tàu nói lại. Anh dấu chị chuyện vừa tạt ngang trên đó.



                  Chị nắm lấy cánh tay anh đẩy nhẹ : anh sửa soạn đi ngay lên đó xem sự thể ra sao. Cô ấy đã cưu mang anh, giờ cô gặp nạn, anh không thể lơ là được. Anh bịn rịn tựa người có lỗi, phân tích cho chị nghe : anh nghĩ việc hấp tấp lên thăm cô ấy, e chưa tiện. Người ta còn đang điều tra, thân phận anh vội chường mặt ra, có khi không có lợi.



                  Anh chua xót vì đã dấu chị sự thật. Còn chị thì vẫn tíu tít giục anh : bề gì anh cũng phải lên, cô ấy đang trong vòng lao lý, chắc cần được thăm nuôi. Anh nghe em bớt chút vốn để giúp cô ấy lúc này.



                  Anh nói để chị yên lòng : anh đã nghĩ đến việc ấy nên đã nhờ anh bạn chuyển ít tiền giúp cô rồi. Bởi anh ấy cũng ở trên đó nên việc tới lui thăm nom chắc họ không quan tâm để ý. Còn mình, để thư thả chờ việc hỏi cung nhạt bớt thì ta sẽ lên thăm.



                  Chị thở dài ảo não. Thời buổi này vô vàn khăn khó. Lai lịch gia đình chị không mấy sáng sủa ở địa phương này. Anh đã trở về gia đình, nhưng dấu vết của anh thì họ chưa xóa, và xem chừng không bao giờ xóa.



                  Chị nghĩ đến mấy đứa con ngày ngày đi học, vài hôm lại ngỏ ý xin nghỉ. Chị biết chuyện gì người ta có thể làm ngơ, chứ còn cái gọi là tội lỗi của anh thì ví tựa cái sẹo đã bị lậm sâu vào da thịt sẽ không khi nào gột bỏ được.



                  Bế tắc, hoàn toàn bế tắc. Chị thẫn thờ ngồi một chặp, tay đặt trong bàn tay anh. Cả hai cùng nghe nỗi đắng cay âm thầm loang rộng ra khắp nhà. Anh cũng hờ hững cầm lấy tay chị. Chợt cảm ra những mấu xương của chị lồi ra nhiều nơi, chỗ cườm tay, chỗ ngón tay, khẳng khiu và khô đét.



                  Như quán tính, anh bóp bàn tay chị để nghe cái thô ráp, sần sùi chuyển vào anh. Rồi chị nghe anh than : dạo này nhà cũng gầy quá. Chị gượng cười, nhưng nét môi trông vô cùng thảm não.



                  Trời bỗng nóng ngột ngạt. Chị là người đứng lên trước tiên bảo : anh ở nhà nghỉ đi, em chạy ra chợ mua ít món về lo bữa cơm. Chị nhanh nhẩu bước chân, dường như muốn chạy trốn tình cảm bâng khuâng vừa chớm ra nặng chịch.



                  Chị đi rồi, bọn trẻ còn ở trường chưa về. Lủi thủi, anh đi ra đi vào, những bước chân không muốn cất. Anh nhớ về những lời khuyến khích khi sắp được ra về : các anh về hãy chăm lo cuộc sống, nhất thiết đừng tơ hào gì khác. Hãy noi gương những người sống quanh anh, bởi vì kể từ nay anh đã có một cuộc đời mới. Anh hãy học ở họ nếp văn mình và những điều trong sáng, để đừng bao giờ còn phải quay lại nơi này.



                  Về địa phương rồi, anh ngẫm nghĩ mới thấy ngại. Rõ ràng đây là một lời vừa răn đe, vừa cảnh cáo. Dạo ấy, anh có vẻ tin tưởng vì dù sao họ phải có món gì hay ho mới chiến thắng được bọn anh.



                  Thế nhưng, càng chạm trán sự thật, lòng úy kỵ nơi anh càng tăng lên. Những gì anh nhìn, anh nghe, anh biết quanh anh đã ngược lại hết. Với kẻ thua thiệt như bọn anh chẳng nói làm gì, song giữa họ anh cũng bắt gặp nhiều điều không ổn.



                  Mấy lần anh đã thì thầm với chị để rồi chị hết mực khuyên can anh. Chị sợ anh sẽ có lúc không chịu đựng nổi thì tai ương khó tránh. Bao nhiêu tình thương chị dồn hết cho anh, những đêm nằm bên nhau, cả hai cùng như bị muối sát trong lòng.



                  Đã trăm lần, nghìn lần, vạn lần chị nhỏ to với anh : sông có khúc, người có lúc, nhà ạ ! Chẳng lẽ rồi ta mãi hẩm hiu như thế này. Rồi nay thì chị kể với anh về một đám các ông vừa đi trại về gặp nhau mừng uống khề khà với nhau ly cà phê cũng bị buộc tội là có trợ cấp từ đâu về nên mới ngồi tán phét khi mọi người đang lao động. Thế là họ lại tống mấy ông vào trại lần hai.



                  Anh có ý nghĩ nhỡ ai một lần lỗi lầm thì sẽ phải mang suốt đời cho tới khi chết và bỗng dưng không ủy mị cũng trở thành yếu đuối. Chị càng quấn quit vào anh bao nhiêu thì anh càng đau đớn bấy nhiêu. Anh nhắc đi, nhắc lại với chị : nhà cũng nên nghĩ đến nhà một chút, đừng vun quén hết cho anh và các con. Nhà dạo này xanh xao và rộc hẳn đi.



                  Giữa cảnh tịch mịch trong đêm, chị và anh đã bao phen khóc thầm như vậy.




                  ...còn tiếp
                  ***************

                  Comment

                  Working...
                  X