Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

PhƯợNg - Thụy Ý

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • PhƯợNg - Thụy Ý


    * Tác giả: THỤY Ý
    * Nhà xuất bản Tuổi Hoa
    * Nguồn : ĐÈn BIỂN sưu tầm và đánh máy
    (nguồn gốc Tủ sách Tuổi Hoa Hạt Nắng )

    Chương 01
    Phượng ngước nhìn vị bác sĩ, chờ đợi. Khuôn mặt ông mang một nét hiền từ và dễ mến. Mắt ông nhìn Phượng rồi lướt trên bàn giấy. Phượng hỏi khẽ :
    - Thưa bác sĩ, cháu có sao không ạ ?
    Bác sĩ Tuấn lắc đầu nhè nhẹ :
    - À… cũng không có gì đâu cháu. Để bác kê toa cho cháu đi mua thuốc.
    Phượng dường như đọc thấy trong mắt ông một sự dối trá. Phượng cũng tự lượng được tình trạng của mình. Những cơn mệt bất thần kéo đến đã làm Phượng thêm chán ngán. Những chai thuốc vơi hoài, những ống tiêm cứ cắm sâu vào da thịt mà mãi đến nay, mọi sự vẫn không có gì thay đổi. Chứng lớn tim là một căn bệnh mà Phượng hiểu là không phải dễ dàng gì để chữa trị được dù y khoa nước mình tân tiến và dù gia đình Phượng đủ điều kiện chữa chạy. Mặc cảm bệnh tật cứ ám ảnh ngày đêm trong Phượng như một nỗi ám ảnh kinh hoàng ngày này qua ngày khác.
    Sáng nay khi ngủ dậy, Phượng thấy trong người mệt lạ lùng, Phượng thở không muốn nổi, cổ nghèn nghẹn như có cả ngàn cân không khí dồn lại trong đó. Trong một khoảnh khắc, Phượng tưởng mình có thể ngất đi nhưng rồi cửa phòng mở và mẹ Phượng bước vào. Bà vực con gái trên đôi tay, một lúc sau Phượng mới cảm thấy đỡ mệt. Sáng nay Phượng phải bỏ buổi học chỉ vì đau, và mẹ Phượng, bà Thoa, đã buộc con gái phải đi bác sĩ ngay.
    Phượng là một thiếu nữ mười bảy, con út trong một gia đình rất khá giả. Ba Phượng mất từ năm Phượng lên tám, bà Thoa đã tiếp tục coi sóc pharmacie của gia đình để nuôi bốn đứa con. Phượng có một người chị, chị Thục, đã có chồng và hai con, chồng chị Thục là một thiếu tá thuộc binh chủng Không quân, anh Toàn. Phượng cũng có hai người anh trai : Anh Nhân, hai mươi ba tuổi đang học Cao học ở phân khoa Khoa học và anh Nghĩa, hai mươi, học ở Cao đẳng Nông nghiệp.
    Phượng sống bình thường trong tình yêu thương của gia đình như vậy, từ bao nhiêu ngày tháng. Vốn được trời ban một khuôn mặt thật dễ thương, lại thêm sống trong gia đình khá giả nên đôi lúc, Phượng vướng phải một tính mà đa số con nhà giàu đều mắc phải : Phượng hơi tự kiêu. Điều đó cũng khá dễ hiểu. Năm nay, ở lứa tuổi của Phượng, sắc đẹp của người con gái đương trên đà phát triển. Dáng người Phượng mảnh mai ưa nhìn. Tất cả toàn bộ con người Phượng là một vẻ lôi cuốn dễ thương, và chính vẻ đó đã làm nhiều người phải theo đuổi tán tỉnh Phượng.
    Nhưng đối với cô gái, đó không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng đối với Phượng bây giờ là sự học. Thật vậy, Phượng học rất giỏi trong lớp, lúc nào cũng đứng hạng cao. Và một lần nữa, Phượng không chú ý đến bọn con trai theo đuổi tán tỉnh mình, một phần nữa cũng vì Phượng kiêu hãnh. Cô gái cho rằng không ai xứng đáng với mình. Trong gia đình cũng hiểu tính Phượng nhưng bà Thoa vì cũng chìu con nên không nói ra. Chỉ có chị Thục, thỉnh thoảng bắt gặp những kiêu hãnh của em mình, chị có nói xa nói gần cho Phượng hiểu về những hậu quả đó. Nhưng Phượng làm lơ như không nghe thấy gì và vẫn sống cho mình.
    Giọng bác sĩ Tuấn vang lên làm cô gái giật mình.
    - Nhớ chích cho đủ thuốc nhé. Cứ trốn như mấy lần trước thì tôi cũng chịu đấy.
    Phượng cười gượng đón tờ giấy trên tay bác sĩ Tuấn. Ông rất quen thuộc với Phượng vì cả gia đình đều là thân chủ của ông mỗi khi có thần đau ốm đến viếng. Phượng hỏi một câu như níu kéo một tình trạng mà mình đã thấy rõ sự bi đát :
    - Cháu… không sao hở bác sĩ ?
    Bác sĩ Tuấn lắc đầu :
    - Bác đã bảo mà, cháu cứ yên tâm về mua thuốc theo đúng toa và một thời gian là cháu thấy khá ngay.
    Phượng nhếch môi, bao nhiêu lần như vậy, bao nhiêu câu an ủi như vậy đã được thốt ra mà rồi bệnh vẫn hoàn bệnh. Không có gì khả quan. Phượng mân mê cái toa trong tay rồi thật nhanh, cô gái cúi đầu chào vị thầy thuốc bước ra khỏi cửa phòng mạch.
    Con đường Yên Đỗ buổi chiều nắng chạy dài trên mặt đường nhựa loang loáng những vũng nước mưa còn đọng lại từ chiều hôm qua. Phượng đến bên hàng rào của phòng mạch, nơi có dựng chiếc xe Honda của một ai vừa để và đứng dừng lại. Tự dưng cô thấy hơi chóng mặt. Một cơn gió thoảng nhẹ, Phượng ân hận hồi chiều đã không để cho mẹ đưa đi. Phượng nhất định đòi đi bác sĩ một mình và bà Thoa vì quen chìu ý con nên đã để cô gái đi… Sức nóng ba giờ trưa làm rát mặt, Phượng đưa tay lên sờ làn da má trơn nhẵn, làn da xanh xanh và trắng mướt. Tự dưng cô gái muốn khóc. Chưa bao giờ Phượng thấy mặc cảm bệnh hoạn lại đến mạnh trong tâm hồn mình như lần này. Có lẽ thể xác cô chỉ còn là một sự hủy hoại dần dần thôi sao ? Và đời sống, như thế thì còn gì để gọi là ý nghĩa nữa ? Người ta ham mê sống, tranh đấu sống là chỉ vì người ta còn có một cuộc đời dài để hưởng thụ. Còn Phượng, Phượng làm gì có một cuộc đời như thế để sống giống với mọi người ? Phượng chán nản nhìn mặt đường. Vũng nước được ánh mặt trời chiếu, in phẳng, soi những cụm mây trôi lãng đãng trên nên trời xanh và nắng. Bóng nắng chiếu thật đẹp. Phượng nhón chân chồm người cho bóng mình in trong vũng nước. Chợt một chiếc lá từ trên cây cao rơi xuống, chiếc lá nhẹ và mong manh cũng đủ tác động làm cho mặt nước bị xao động. Phượng thấy bóng mình lung linh vỡ và sau lưng bóng cô gái, mặt trời cũng chao đi và hình dáng những cụm mây nghiêng lệch. Phượng thẫn thờ bước ra ngoài xa khỏi chỗ cũ. Một chiếc cyclo đạp chạy vượt qua, Phượng vẫy lại, ngồi vào. Bác tài xế già chồm người tới trước nhẹ nhàng hỏi :
    - Đi đâu đây cô hai ?
    Phượng chỉ tay phía trước :
    - Qua Hai bà Trưng đi bác.
    Chiếc xe chạy chầm chậm. Phượng ngồi lặng nhìn hai bên đường. Vạt áo dài trắng khép vạt trên cặp đùi thon dài. Một chiếc xe PC chạy qua mặt chiếc cyclo đạp, hai người con gái chở nhau bằng trạc tuổi Phượng. Chợt một cô quay nhìn vào cyclo và kêu lên :
    - Ê, Phượng !
    Phượng nhìn ra và cũng mừng rỡ :
    - Tuyết, đi đâu vậy ?
    Cô gái tên Tuyết nói khẽ với người chở, và chiếc xe rà chạy chậm lại bên chiếc cyclo. Ra là Liên. Cùng là bạn học cùng lớp với nhau cả. Tuyết hơi nghiêng người vào xe, hỏi Phượng :
    - Sáng nay bồ nghỉ học hả ?
    Phượng gật đầu :
    - Ừ sáng nay tôi nghỉ.
    - Sao vậy ?
    - Đi bác sĩ, đau ! Trong lớp có gì lạ không ?
    Tuyết lắc đầu :
    - Không, chả có gì lạ.
    Hai chiếc xe, một chiếc cyclo đạp và một PC chạy song song nhau. Liên vừa lái xe vừa hỏi :
    - Bây giờ mày về nhà hả Phượng ?
    Phượng gật đầu, đáp lời bạn :
    - Ừ, tao về.
    - Hồi sáng có chuyện lạ mà tại con Tuyết nó không nhớ đó.
    Tuyết hích tay vào người Liên :
    - Xạo mày, chuyện gì đâu.
    Liên cười. Phương tò mò :
    - Gì vậy tụi mày ?
    Liên lạng một tay làm chiếc PC chao đi. Tuyết kêu lên :
    - Ẩu vậy mày, chạy cẩn thận coi.
    Liên nói với Phượng :
    - Hồi sáng mày nghỉ, lớp mình có thầy mới.
    Phượng ngạc nhiên :
    - Ủa, đổi thầy hả ?
    - Không, nhưng có ông thầy đi thực tập.

    Phượng “à” lên một tiếng. Tưởng gì chứ chuyện thầy đi thực tập là chuyện thường. Trường Phượng là một trường nữ trung học lớn nhất thủ đô Sàigòn nên những sinh viên của Đại học Sư phạm thường được gởi đến thực tập tại đó. Thường thường vào tháng năm, tháng sáu, nhưng thỉnh thoảng trong năm vẫn có. Những chuyện đó tụi Phượng ít khi nào để ý lắm. Sao hôm nay Liên lại bảo là chuyện lạ ? Phượng bị tính tò mò khêu gợi, hỏi lớn :
    - Thầy thực tập thì có gì lạ mày ?
    Liên cười khẩy :
    - Ở đó mà không lạ. Ông thầy này khó thấy mồ. Dân đi thực tập mà vào lớp làm phách dễ ghét, mày.
    Phượng biết Liên ngổ ngáo và nghịch ngợm. Chỉ cần ông thầy có vẻ đạo mạo một chút là cũng đủ cho nó “lên án” rồi. Nhưng Tuyết xác nhận :
    - Ừ, ông này sao khó quá mày.
    Câu chuyện vui vui với bạn làm Phượng quên cơn bệnh.
    - Ổng làm sao mà tụi bay bảo khó.
    Liên chép miệng :
    - Làm sao, còn làm sao nữa ! Ổng quay cả lớp như chong chóng, không đứa nào thoát khỏi mày ơi !
    - May mà tao thoát..
    Tuyết cười hinh hích. Phượng ngạc nhiên :
    - Sao mày thoát mày ?
    Liên giải thích :
    - Này nhé, ổng gọi tên theo vần mà. Tao vần L dính ngay gần đầu. Con Tuyết nó mãi vần T nên ổng chưa gọi đến tên nó thì đã hết giờ.
    Giọng cười pha lê của tuổi nhỏ đã làm Phượng quên đi trong thoáng chốc nỗi khắc khoải của nàng. Đến ngã tư Trần Quang Khải Hai bà Trưng, Tuyết bảo :
    - Thôi tụi tao đi nghe Phượng.
    Phượng gật đầu chào hai bạn. Chiếc cyclo quẹo phải. Chợt Phượng nhớ ra cô phải ghé lên Sàigòn. Ngày mai sinh nhật Trâm, Phượng đã nhận được thiệp mời mà Phượng chưa mua gì để biếu bạn cả. Phượng quay đầu nói với bác cyclo :
    - Bác chạy quẹo lên Sàigòn dùm đi bác.
    Ông cyclo kéo cần thắng, chiếc xe xiết bánh trên mặt đường nhựa rồi dừng lại. Ông lão thò đầu ra trước :
    - Cô nói sao ?
    - Bác chạy lên Sàigòn dùm cháu đi. Cháu có việc cần. Lát cháu gởi thêm bác.
    Ông lão uể oải xoay chiếc xe hướng về trung tâm thành phố… Phượng trả tiền xe bước vào Tax. Giờ này thương xá đông nghẹt người là người. Những ngày sắp tết thiên hạ đua chen nhau đi phố dữ quá. Phượng chần chừ đứng phía ngoài, Phượng sợ mình chen vào chỗ đông người rồi cơn bệnh lên bất tử thì nguy, nhưng sau cùng cô bé chặc lưỡi bước vào.
    Phượng dừng chân trước tủ kính bày một con búp bê bằng hàng nỉ làm rất khéo. Nhưng giá tiền ghi ở dưới làm cô bé chùn bước. Tới hai ngàn lận, Phượng nhẩm tính, còn có chừng hai ngàn bạc, thôi lựa thứ nào cho “nhè nhẹ” một chút dễ xài hơn. Chợt Phượng có cảm tưởng một ánh mắt đang nhìn mình chăm chăm. Phượng quay phắt lại thật nhanh, và bắt gặp người con trai. Đó là một thanh niên quãng chừng hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi. Khuôn mặt chàng trai mang một vẻ khó đăm đăm nhưng vẫn tiềm ẩn nét dịu dàng đáng mến. Thanh niên bất ngờ bị bắt gặp, dường như ngượng nên chàng ta quay đi, lảng sang những gian hàng xa hơn.
    Một niềm kiêu hãnh, như từ bao giờ dâng lên trong Phượng. Gì chớ mấy chuyện đó đối với Phượng thì thường quá. Một nhan sắc trời cho đẹp sẵn là một cái đích cho mọi người nhìn ngắm và chiêm ngưỡng. Và như bao nhiêu lần, Phượng khẽ bĩu môi nhẹ quay đi. Sự kiêu hãnh hầu như đã là một cố tật trong tâm hồn thiếu nữ ngây thơ.


    ***

    Phượng bước vào lớp. Giờ này cũng còn hơi sớm nên học sinh chưa đi học đông lắm. Nhưng ở bàn đầu của Phượng thì đã đầy đủ cả. Hoa, ngồi cạnh bên Phượng, vừa nhìn vào cuốn vạn vật dò bài vừa hỏi Phượng khi cô chưa kịp cất cặp :
    - Sao hôm qua nghỉ bồ ?
    - Tôi đau.
    Phượng chuồi cặp vào ngăn bàn rồi ngồi cạnh Hoa. Hoa rời mắt khỏi cuốn tập nhìn Phượng. Giọng Hoa đầy lo lắng :
    - Ừ, thấy bồ xanh đó.
    Phượng cười cho bạn yên tâm. Hoa ngập ngừng một chút rồi nói :
    - Anh Thành tôi gởi lời thăm bồ.
    Phượng nhướng mắt làm một cử chỉ như đang cố nhớ rồi giọng cô bật ra khô khan :
    - Cám ơn.
    Thành là anh ruột của Hoa. Anh là một thanh niên đáng mến với vẻ mặt chân thật nhưng duyên dáng. Phải nói là Thành khá đẹp trai và hiện anh đang theo học tại Phân khoa Khoa học. Thành học khá dù đời sống chật vật chi phối anh rất nhiều. Một lần, nhân đến trường đón em, Thành gặp Phượng và từ đó Thành thường gởi lời hỏi thăm Phượng qua em mình và thỉnh thoảng đến đón em, Thành chào Phượng và làm quen bằng những câu đơn sơ nhưng Phượng hầu như không để ý. Phượng thừa hiểu sự theo đuổi tán tỉnh của Thành, nhưng Phượng có một chút khó chịu. Điều mà Phượng nghĩ là một cái “tội” nơi Thành, đó là Thành nhà nghèo. Phượng đã từng thấy Hoa mặc chiếc áo không mấy lành lặn đến trường, và do đấy, trong tâm hồn Phượng nẩy sanh một mối khinh thường gia đình bạn. Phượng ngạc nhiên không hiểu sao Hoa vui sống được khi mà cuộc đời Hoa từ nhỏ chỉ là sự chật vật túng thiếu. Sinh trưởng trong gia đình nghèo, Hoa phải quán xuyến tất cả công việc trong nhà để thời giờ cho mẹ cô lo việc buôn bán. Vậy mà Hoa vẫn học thật giỏi, và Hoa luôn luôn tươi cười và đối tốt với tất cả mọi người. Trong lớp ai cũng mến Hoa, mến vì tính ngay thẳng và thật thà, mến vì tài học của Hoa nữa.
    Hoa biết anh mình rất mến Phượng và muốn theo đuổi, nhưng hơn ai hết, Hoa hiểu Phượng. Phượng đặt sự kính trọng và thương yêu người khác phái trên căn bản vật chất. Phượng không bao giờ có thể đi yêu một người mà tầng lớp giai cấp thua kém cô. Hoa đã nhiều lần khuyên anh là nên lui về, đừng mất thời giờ ném hòn đá đi mà đợi chờ trở lại. Nhưng Thành rất bền tâm, và Thành vẫn mong là cảm tình chân thành và tha thiết của mình sẽ lay chuyển được tâm tính và làm thay đổi quan niệm cùng chiều hướng sống của người con gái. Nhưng đã từ ngày này qua ngày khác Thành mất bao nhiêu thời giờ và lo toan mà thành công vẫn chưa ló dạng.
    Hôm nay cũng vậy, tiếng cám ơn ngắn ngủi phát ra từ cửa miệng Phượng đã làm Hoa cúi mặt nhìn xuống. Cô gái khẽ thở dài, nhìn vào cuốn vạn vật và im lặng dò bài. Tự nhiên Hoa ân hận đã nói với Phượng và cô nghe thương anh mình thật nhiều. Những buổi trưa nắng chang chang đứng chờ em gái ngoài cổng trường, cũng chỉ để nhìn mặt người con gái cùng lớp. Nhưng với Phượng thì có lẽ Thành sẽ thất bại hoài.
    Lớp càng lúc càng đông. Phượng quay sang nói chuyện với những cô bạn khác. Mấy bạn gái đang chụm đầu bàn tán về sinh nhật của Trâm tối mai.. Trâm mời cả lớp không thiếu ai hết , và vì Trâm là một cô gái rất dễ thương, nên cả lớp không ai từ chối. Trâm nhà rất giàu nhưng bản tính lại bình dân, và cởi mở chứ không câu nệ và hơi kiêu hãnh như Phượng. Trâm tổ chức lần sinh nhật thứ 17 thật lớn. Và cả lớp, đang bàn chuyện mua quà. Thôi thì đủ thứ đủ kiểu và câu chuyện kéo dài cho đến lúc chuông vào lớp vang lên, lúc bấy giờ Phượng mới muộn màng quay sang Hoa :
    - Bồ mua gì cho Trâm chưa ?
    Hoa lắc đầu. Mặc dầu ngồi cạnh nhau nhưng Hoa và Phượng vẫn không thân, vẫn khách sáo vì Phượng không muốn thân với những cô con gái nhà nghèo…
    Ra chơi, Trâm đến bàn Phượng ngồi xuống, bá vai Phượng :
    - Đau hả Phượng, tao nghe Liên nói.
    Phượng gật đầu cảm động. Phượng rất thích Trâm vì Trâm ăn mặc “mốt” nhất và lại nhà giàu. Tuy không nhờ vả gì nhưng tự nhiên khi chơi với con nhà giàu Phượng thấy yên tâm vì ít ra không ngại họ nhờ vả mình. Trâm trò chuyện với Phượng một hồi rồi quay sang Hoa :
    - Hoa, ngày mai bồ nhớ đến mình nghe.
    Sở dĩ Trâm phải dặn Hoa nhiều lần là vì Trâm biết tính Hoa, Hoa không ưa những vụ như vậy. Hơn nữa, nhà Hoa nghèo. Chắc gì Hoa có được một bộ đồ đẹp để mặc đi dự ? Nhưng Trâm nhất định không thể thiếu Hoa, vì Hoa giỏi nhất lớp và Trâm thương tính chịu đựng của bạn cùng khuôn mặt nhu thuận của Hoa. Thấy Hoa cười cười không đáp lời mình, Trâm lập lại :
    - Nhớ đến nha, Hoa.
    - Sợ ngày mai, mình hơi bận…
    - Thôi mà, bận gì cũng ráng đến mình một lần đi. Không có Hoa mình buồn lắm đó.
    Mải năn nỉ Hoa, Trâm không nhìn thấy vẻ khó chịu của Phượng. Phượng ngạc nhiên không hiểu sao Trâm lại chịu khó đi năn nỉ Hoa như vậy. Nếu là Phượng thì chắc Phượng không bao giờ thèm mời nữa chứ đừng nói gì đến năn nỉ. Chuông vào học lại vang lên và các nữ sinh trở lại bàn mình, tiếng ồn ào không dứt cho đến lúc cô giáo bước vào lớp.


    ***

    Hoa ôm cặp bước ra. Cô rảo bước thật nhanh kẻo sợ anh Thành đợi lâu ngoài cổng. Nhìn từ xa, thấy dáng anh mình gầy còm trên chiếc xe đã cũ Hoa muốn khóc. Vậy mà anh Thành thương Hoa, ngày nào cũng chịu khó chạy từ bên Khoa Học qua cho đúng giờ để đón em. Hoa lại bên anh. Thành hỏi :
    - Hôm nay Phượng có đi học không Hoa ?
    Hoa chua xót nhìn anh, gật đầu :
    - Dạ có.
    Đúng lúc đó, tốp nữ sinh trong có Phượng, Tuyết, Trâm, Liên bước ra. Hoa ngồi nhanh lên, dục anh chạy nhưng Tuyết đã nhìn thấy. Cô ân cần bước đến chào Thành :
    - Anh ạ.
    Thành vui vẻ nhìn Tuyết. Lúc nào cũng vậy, cô bé này có một vẻ dễ thương và tươi vui đặc biệt. Thành đùa :
    - Không dám ạ, chào cô.
    Tuyết e lệ cúi đầu. Tuyết rất có cảm tình với Thành nhưng Tuyết cũng hiểu là Thành theo đuổi Phượng. Vừa khi đó, mấy cô gái đã tới sát bên, Liên líu lo :
    - Chà, anh Thành, lâu ngày mới thấy lại anh.
    Thành cười nhẹ :
    - Tại cô không thèm nhìn tôi đấy chứ. Ngày nào mà tôi không có đây.
    Vừa nói Thành vừa kín đáo đưa mắt nhìn Phượng nhưng khuôn mặt người con gái vênh lên đầy khó chịu và kiêu hãnh. Thành thoáng cau mày. Hoa nhìn diễn biến trên nét mặt anh, cô vội dục :
    - Thôi đi về anh Thành, trễ rồi, em về lo cơm.
    Thành gật đầu chào mấy cô bạn của em rồi đạp máy. Bóng hai anh em lẫn vào giòng xe cộ. Liên nói :
    - Anh Thành dễ thương ghê.
    Tuyết thêm :
    - Anh học giỏi lắm à mày.
    Liên và Tuyết rất thân nhau nên Liên hiểu bạn.. Liên hiểu cảm tình thầm kín Tuyết trao gởi, cô nhìn vào mắt bạn :
    - Biết rồi, biết là học giỏi lắm rồi. Anh Thành là nhất mà.
    Tuyết cấu khẽ vào tay bạn. Trâm bấy giờ mới góp chuyện :
    - Ừ, tao cũng nghe thấy vậy. Nhà nghèo mà có chí ghê.
    Lời khen của bạn làm Tuyết đỏ hồng má dù cô biết mình không là gì của Thành cả. Chỉ có Phượng là không lên tiếng từ đầu cho đến giờ. Liên quay sang Phượng :
    - Phải không mày.
    - Ai mà biết.
    Tuyết nhăn mặt nhưng kịp dừng lại. Họ chia tay nhau.


    ***

    Thành xếp cuốn géologie, nhìn em đang loay hoay trải chiếc chiếu trên đi-văng để lo bữa cơm chiều cho cả nhà. Thành thương em mình thật nhiều. Ít có người con gái nào đảm đang được như Hoa. Bằng vào tuổi của Hoa, các cô chỉ lo se sua ăn diện, các cô chỉ lo may mặc, nhưng Hoa, Hoa lo mọi việc trong nhà, vậy mà Hoa vẫn học thật giỏi. Và Thành thấy em không có một bộ đồ nào cho nên hồn. Nhiều khi anh định để dành tiền may cho Hoa một chiếc áo mới nhưng rồi kiếm được đồng nào xào hết đồng đó. Tính của con trai, với lại Thành cũng phải chi phí nhiều, phải mua sách mua vở, phải cà phê để thức học, phải thuốc lá, đủ mọi thứ mà Thành không muốn xin xỏ gì ở gia đình mà anh biết là túng thiếu. Thành dạy kèm tháng được bao nhiêu, anh chi dụng và thỉnh thoảng cho Hoa ít tiền mua sách học, thế thôi. Còn một chiếc áo ? Thật là chuyện mơ hồ, vì tuy Thành thích nhưng chỉ để mà thích. Vì thời buổi đắt đỏ này may được một chiếc áo dài đâu phải là chuyện chơi…
    - Anh kéo dùm em mép chiếc chiếu kia đi.
    Thành bước tới kéo cho thẳng mặt chiếu, hỏi em :
    - Sao chiều nay dọn cơm sớm vậy Hoa ?
    Hoa bước lại bên chạn, vừa bưng thức ăn ra đặt trên đi-văng cô vừa trả lời :
    - Má biểu em chiều nay ăn cơm sớm để dọn nhà cửa cho sạch sẽ.
    Thành ngạc nhiên :
    - Chi vậy ?
    Hoa nhướng mày :
    - Ủa, tối nay đọc kinh ở nhà mình mà, anh không nhớ sao ?
    Thành à một tiếng. Anh chợt nhớ là trong xóm anh, mỗi tối đều có lệ là tụ tập tại một nhà nào đó để đọc kinh chung và cứ thế luân phiên cả xóm, từ nhà này qua nhà khác. Hoa chắt lưỡi :
    - Anh thì nhớ gì đâu.
    Thành cười giả lả :
    - Có ai nói đâu mà anh biết.
    Hoa lườm anh có đuôi :
    - Thôi đi anh, tối hôm qua má chả nói giữa bữa ăn là gì đó.
    Thành không cãi. Anh biết tính Hoa. Đàn áp cô bé về chuyện gì cũng được nhưng đến vấn đề đọc kinh , xem lễ là hơi kẹt. Hoa ngoan đạo lắm. Thành bước tới giở nắp nồi cơm đang còn đặt trên bếp. Hoa kêu lên :
    - Ấy chết, anh giở ra thế coi chừng có hơi nó bay mất hết lại sống nồi cơm.
    Thành đậy nắp vung lại, càu nhàu :
    - Cơm chưa chín mà bày đặt dọn đồ ăn làm anh nhìn thấy đói bụng thấy mồ.
    Hoa lặng lẽ bày cho xong bữa cơm. Xong xuôi, cô xoa tay nhìn Thành :
    - Anh thấy chưa, vù một cái là xong ngay.
    Thành trêu em :
    - Biết mà, biết là cô tài giỏi rồi.
    Giọng cười hai anh em vang lên.

    Sau khi những người cuối cùng của buổi đọc kinh ra về, Thành và Hoa hì hục khiêng những ghế đẩu, ghế cao sang nhà hàng xóm trả. Đó là những ghế phải mượn để cho đủ chỗ mọi người ngồi. Căn nhà nhỏ lại trở nên trống trải.. Thành vừa kê lại bàn vừa gọi Hoa :
    - Lấy chổi quét nhà đi Hoa.
    Hoa dạ khẽ. Cô xúc nhẹ nhàng mẩu rác nhỏ vào một góc và đi lên gác lấy tập xuống học bài. Nhà có một căn gác xép, tuy rất nhỏ nhưng cũng đỡ, anh em Hoa dùng nó làm nơi chứa đồ của mình.
    Dưới ánh đèn ba tấc của bóng néon, hai anh em chụm đầu học. Một lát sau, chợt nhớ ra, Hoa khẽ gọi :
    - Anh !
    Thành ngẩng nhìn em :
    - Chi đó ?
    Hoa ngập ngừng :
    - Em… em sợ… ngày mai đó anh.
    - Ngày mai sao ?
    - Sinh nhật con Trâm đó anh, em không đi không được vì bạn bè tụi nó tốt với em, vả lại nó nhất định bảo em phải đi cho kỳ được.
    Thành gật gù :
    - Đi thì đi. Anh thiết nghĩ em cũng nên đi chơi cho biết nhiều nhiều.
    Hoa lắc đầu, mắt rời xa trang vở :
    - Đi gì mà kỳ thấy mồ. Ai người ta đến người ta cũng phải mang quà đến, đằng này mình vác xác tới ăn không rồi về, coi kỳ thấy bà. Chắc em không dám đi đâu.
    Thành nhìn em thương hại :
    - Không đi… có sao không em ?
    Hoa lắc đầu :
    - Dạ cũng chả sao anh ạ. Có điều cả lớp, nó mời chừng chục đứa mà em biết đứa nào cũng đi.
    Hơn ai hết Thành hiểu em. Hoa cũng muốn đi lắm chứ, Hoa cũng muốn như bạn bè, nhưng kẹt một nỗi nhà nghèo, lấy tiền đâu cho con nhỏ mua quà. Chợt Thành nhìn xuống chiếc đồng hồ nơi tay. Anh nghĩ, chiếc đồng hồ tuy cũ thật nhưng đi cầm thế nào cũng được ít ra là năm bảy trăm. Chừng đó đủ cho Hoa mua quà Sinh nhật cho bạn rồi. Thành thấy em mình chịu nhiều thiệt thòi, Thành không muốn nó phải chịu thêm nữa.
    Khuôn mặt cô bé vẫn nghiêng nghiêng cúi xuống bên trang sách. Thành khẽ gọi :
    - Hoa này.
    - Dạ
    Hoa ngước nhìn anh chờ đợi.
    - Ngày mai mấy giờ thì bắt đầu ?
    - Dạ hình như đâu năm giờ.
    - Ngày mai em đi nhé ! Anh sẽ cho em tiền mua quà.
    Hoa kêu lên :
    - Thôi, anh !
    Cô biết anh mình không có tiền và không muốn anh phải vay mượn tốn tiền vô ích. Hoa hiểu và thương anh, nhưng Thành gạt đi :
    - Anh bảo là phải nghe. Ngày mai anh cho em năm trăm đi mua quà Sinh nhật cho Trâm nghe không ? Muốn mua gì đó thì mua, cứ liệu sao cho vừa đủ tiền là được.
    Nói xong Thành đứng lên đi ra hiên. Anh sợ ngồi đó thêm một chút, thế nào Hoa cũng càu nhàu không chịu, thêm bực mình.
    Còn lại một mình, Hoa chống cằm nhìn ra trời đêm. Màn đêm thật đen, dày đặc những vì tinh tú sáng lấp lánh. Gió đêm thổi lồng lộng. Hoa ngỡ như mình vừa được ban thưởng một phép lạ. Vậy là ngày mai cô sẽ được đi dự Sinh nhật Trâm. Có tiền mua quà rồi, cái lo thứ hai lại còn trầm trọng hơn nữa. Áo dài ! Hoa chả có chiếc áo nào cho ra hồn chiếc nào, làm sao cô dám mặc đến buổi vui ? Hoa chợt nghĩ, hay là mình mượn áo vậy ? Tất cả bạn Hoa chỉ có Tuyết là cùng vóc người như Hoa, có thể mượn được, Tuyết lại nhiều áo tha hồ chọn lựa. Nhưng ai lại đi mượn áo kỳ thấy mồ. Hoa cứ lan man lẩn quẩn loanh quanh như vậy, những ý tưởng làm đầu óc cô bé muốn quay mòng mòng. Cuối cùng cô tặc lưỡi cầm cuốn tập kéo lại để trước mặt và cố gắng dẹp bỏ tất cả, cô chăm chú học bài.


    ***

    Tuyết chống một tay lên bàn, nhìn Hoa :
    - Chiều nay đi nghe Hoa.
    Hoa gật đầu, cô nghĩ đến món tiền năm trăm trong cặp chưa dùng để mua gì tặng Trâm cả.
    - Đi chứ, bồ đi không ?
    Nụ cười của Tuyết thật tròn, thật dễ thương. Hoa hiểu là Tuyết có cảm tình với anh mình và Hoa cũng biết Tuyết là một cô gái thật tốt, tính dịu dàng thùy mị. Riêng Tuyết, Tuyết cũng rất hiểu hoàn cảnh của bạn. Tuyết biết nhà Hoa nghèo, Tuyết quý Hoa và quý Thành. Tuyết thấy Thành là người con trai có chí và tốt. Hồi nãy, đang khi giờ học Hoa biên giấy bảo Tuyết ra chơi lên bàn Hoa có chút chuyện. Nhớ thế, Tuyết nói :
    - Ừ, bồ có chuyện gì gọi mình đó ?
    Hoa ngập ngừng. Cô nghĩ đến việc mượn một chiếc áo.
    - Mình cũng đang tính nhờ bồ một việc mà… ngại quá đi.
    Tuyết kêu lên :
    - Thôi đi, với tôi mà lúc nào bồ cũng ngại. Bồ nói thế làm tôi buồn ghê đi.
    Hoa nắm nhẹ tay Tuyết :
    - Không phải tôi ngại gì ở bồ. Nhưng… Nếu ở vào hoàn cảnh tôi, bồ cũng sẽ ngại như vậy.
    Tuyết dục :
    - Có chuyện gì bồ nói mình nghe đi.
    Hoa mím môi. Cô nghĩ không trước thì sau mình cũng phải nói.
    - Tuyết có nhiều áo không ? Chiều cho mình mượn một cái.
    Tuyết rưng rưng nhìn bạn. Thật sự, đứng trước câu nói, Tuyết chỉ muốn bật khóc. Tuyết ôm chặt tay Hoa :
    - Tan trường mình chờ Hoa về nhà nghe, rồi Hoa thử xem cái nào mặc vừa nhất, Hoa mang về.
    Hoa thở ra nhẹ nhõm. Dù biết là nói ra thế nào Tuyết cũng bằng lòng nhưng sao vẫn ngại. Bây giờ nói ra rồi, Hoa thấy yên tâm. Có tiếng chuông vào học và Tuyết chạy về chỗ ngồi..


    ***

    Phượng đứng trước tủ kính. Chiếc quần xì gà màu beige may thật khéo ôm cặp đùi thon dài của tuổi dậy thì. Chiếc áo tunique hồng. Trông Phượng đẹp thật. Phượng biết chiều nay mình phải làm sao cho thật đẹp, thật nổi. Tại vì ở nhà Trâm, Phượng sẽ gặp nhiều những người khác và họ sẽ toàn là dân sang trọng cả. Phượng biết như vậy vì nhà Trâm giàu, giàu lắm. Phượng trong tâm trạng của một cô gái lúc nào cũng mơ ước cao xa, thì việc đi dự tiệc tùng tại nhà kẻ sang trọng là điều rất nên. Bà Thoa, mẹ Phượng từ phía sau nhà bước lên. Bà đứng thật lâu ngắm cô con gái cưng. Phượng bất chợt quay lại. Thấy mẹ chăm chú nhìn mình, cô kêu lên :
    - Má ! Má nhìn con hoài.
    Bà Thoa bước đến, vén mấy lọn tóc loà xoà trước trán con, giọng bà âu yếm :
    - Thôi mà cô, thấy cô đẹp quá nên tôi mới ngắm chớ. Xấu xí tôi có thèm ngắm không ?
    Phượng xoay mình đối diện mẹ :
    - Má, quà để con mang đi đâu má ?
    Bà Thoa chỉ tay ra ngoài phòng khách :
    - Má để ngoài kia. Con đi bây giờ chưa ?
    Phượng gật đầu :
    - Dạ đi bây giờ chứ, má, sợ trễ rồi đó.
    Bà Thoa gật đầu rồi bước ra nhà ngoài. Một lát sau, Phượng đã ra đường đứng đón taxi. Ngồi trên xe, cô nôn nao mong đến nhà Trâm. Ngôi biệt thự nằm trên con đường sang trọng, có giăng mắc đèn hoa. Khi xe ngừng, Phượng bước xuống và cô thấy đàng kia, Hoa cũng vừa bước xuống khỏi chiếc xe gắn máy do Thành chở. Tuyết và Trâm, Liên đứng đâu trong vườn chạy ra nắm tay Hoa tíu tít. Phượng nhíu mày khi thấy Tuyết đứng bên Thành thân mật. Dù rất khinh bỉ và ghét Thành, Phượng vẫn không muốn Thành thương một ai khác ngoài mình. Đó là tâm lý chung. Phượng băng qua đường.
    Mấy cô gái đang tíu tít chuyện trò, chợt dừng hẳn lại khi thấy Phượng tới. Tối nay, quả thực Phượng đẹp. Liên kêu lên:
    - Trời ơi ! Mày là bà hoàng.
    Phượng nhếch môi cười, cố tình khiêm nhượng :
    - Mày chỉ nói quá.
    Tuyết đứng bên Phượng, lén đưa mắt nhìn Thành nhưng cô chợt nghe như tâm hồn mở hội vì Thành không phải nhìn Phượng mà là đang nhìn Tuyết. Bàn tay cô gái run lên và Tuyết cảm tưởng gò má mình hồng hơn một chút nữa. Thành bảo :
    - Thôi anh về nghe Tuyết. Chào tất cả các cô.
    Liên cười gật đầu và Trâm cũng vậy. Phượng không nói gì và cả bọn kéo nhau vào nhà.
    Quả thật gia đình Trâm giàu quá. Bên trong, mọi người đang cười nói ồn ào. Cả bọn kéo nhau đến bàn. Trâm thân mật:
    - Mấy bồ phải tự nhiên nghe. Để mình chạy lại đây một chút.
    Không khí sang trọng làm Hoa ngỡ ngàng cúi mặt. Tối nay cô bé mặc chiếc áo mầu hồng của Tuyết, trông Hoa dễ thương đến không ngờ. Phượng nhìn quanh, cô nghĩ với những buổi tiệc như thế này, mình sẽ quen thêm những bạn trai xứng đáng hơn. Chợt Trâm lại bàn, cô dẫn theo một thanh niên còn trẻ và có vẻ rất lịch sự. Thanh niên hao hao giống Trâm. Trâm nắm tay thanh niên bảo :
    - Xin hân hạnh giới thiệu với các bồ, đây là anh Hùng, anh ba tôi, vừa từ Pháp về. Và quay qua Hùng :
    - Còn đây - Phượng, hoa khôi lớp em – Liên, Tuyết và Hoa.
    Mấy cô gái lí nhí gật đầu chào. Ánh mắt Phượng nhảy múa một niềm vui.. Cô nghĩ, anh Trâm thật xứng đáng là một thanh niên, lịch duyệt, giỏi, và nhà giàu. Hùng rất tự nhiên kéo ghế ngồi, và không biết tình cờ hay hữu ý Hùng lại ngồi xuống cạnh Phượng. Trâm líu lo :
    - Anh Hùng ngồi đây hộ em nhé. Em chạy lại kia.
    Hùng gật đầu :
    - Xong rồi, bé cứ đi lo bàn khác.
    Từ lúc Hùng ngồi vào, không khí nơi bàn của mấy người con gái đột nhiên nặng nề hẳn lại. Phượng nói chuyện với Hùng nhiều nhất, trong lối nói tỏ ra duyên dáng để lôi kéo sự chú ý của thanh niên. Dưới mắt Phượng, Hùng thật lý tưởng. Và cô nghĩ, cô sẽ chinh phục được ông anh của người bạn.
    Hùng quan sát một cách kín đáo bốn người con gái. Liên tự nhiên nhất bàn, Tuyết dịu dàng thùy mị, Phượng hơi kênh kiệu nhưng đẹp và Hoa, dễ thương và an phận. Tự dưng Hùng thấy thật mến cái nét an phận của Hoa. Dường như cô bé không dám nhìn Hùng nữa là khác. Hùng đã mấy lần gợi chuyện với Hoa nhưng cô bé chỉ đáp lí nhí không thành tiếng và Liên phải nói đỡ cho bạn. Là con trai hơn nữa đã sống nhiều dù chưa lớn tuổi, Hùng rất dễ dàng nhận xét những người con gái. Hùng thấy ngay từ phút đầu thái độ của Phượng. Một sự dễ dàng trong câu chuyện mà Phượng có ý dành cho Hùng đã biểu lộ tất cả. Nhưng ngay ở phút đầu tiên, định mệnh đã dàn trải ra nhiều phức tạp.





    Chương 02
    Người con gái tẳn mẳn ngồi lặt từng cọng rau muống. Buổi trưa oi bức, căn nhà tôn như một lò lửa, nhưng nhờ vào chiếc quạt máy cũ kỹ dựng ở góc nhà thổi ra những luồng gió nhẹ, tuy yếu ớt nhưng cũng đỡ. Hoa hát nho nhỏ :
    - Trả lại em yêu mối tình vời vợi, ngôi trường thân xưa bạn bè cũ mới đường buồn anh đi bao giờ mới tới.
    Giọng cô bé cao và trong. Bài hát của Phạm Duy này Hoa thích nhất nên thỉnh thoảng ngồi buồn một mình Hoa vẫn hát nho nhỏ. Chiều nay cả nhà đi vắng hết trơn, cả anh Thành cũng có giờ thực tập đằng Khoa học nên chỉ còn mình Hoa. Cô bé đang nhặt rau muống để luộc, làm cơm buổi chiều.
    Ánh nắng thổi lung linh mấy tàng cây chùm ruột sau nhà. Hoa thấy nóng hơn lệ thường, cô xách rổ rau lên, tắt quạt máy và ra ngồi tựa lưng vào một gốc cây chùm ruột. Ở ngoài này mát hơn, và gió lồng vào mái tóc cô gái, thổi phồng những sợi tóc mây bay phất phới. Hoa thấy thật vui. Hồi sáng này vừa phát xong kết quả kỳ thi lục cá nguyệt. Hoa đứng đầu lớp. Cô nghĩ chiều nay anh Thành về thế nào cũng phải khoe. Nhiều khi Hoa thấy mình trẻ nít ghê, mười bảy mười tám rồi mà hở chút gì cũng thích mang khoe anh hết ! Hoa nhớ đến Tuyết. Dạo sau này, Tuyết đã trở thành người yêu của anh Thành. Đó là đều làm Hoa sung sướng nhất. Dạo mà anh Thành còn theo đuổi Phượng, Hoa thật buồn. Không phải cô ghét gì Phượng, cũng không phải cô trách cứ gì anh mình, nhưng Hoa thấy tính tình Phượng không hợp với nếp sống gia đình mình. Còn Tuyết, Tuyết cũng gia đình khá giả như gia đình Phượng nhưng tính của Tuyết bình dân và dễ chịu. Do đó, Hoa nghĩ là Tuyết sẽ sống được trong gia đình mình. Sự nhu thuận nơi người con gái là một điều tối cần thiết.
    Có tiếng chân bước xoay nghiêng trên nền xi măng trước cửa nhà và tiếng động của một sự hiện diện. Hoa buông cọng rau đang lặt dở trên tay và chạy vụt ra. Hùng. Anh đứng đó ! Trong ánh nắng chưa tàn phai của một buổi chiều thật nóng. Trong sự lem luốc lếch thếch của cô bé vừa chạy từ nhà sau lên, Hùng mỉm cười nhìn Hoa khi cô bé ngạc nhiên kêu lên :
    - Anh Hùng !
    - Phải, anh đây, làm gì mà Hoa ngạc nhiên thế.
    Hoa lúng túng :
    - Hoa… ơ… dạ không.
    Rồi cô đứng trân trân nhìn Hùng. Từ một lần gặp gỡ, người con trai đột ngột biến thành niềm mơ ước trong tâm hồn cô gái trẻ. Nhưng đó chỉ là ảo vọng. Hoa đã nhiều lần tưởng như thế. Vì Hùng chỉ có thể tìm đến những cô gái cao sang, đầy đủ, ít ra là Phượng, thì mới có quyền mơ ước đến việc kết hôn với Hùng. Và thế là ngay trong ý tưởng manh nha, Hoa đã giết chết niềm yêu đầu đời. Tại sao bây giờ Hùng lại đến đây ? Có chuyện gì ? Chuyện gì ? Cả ngàn câu hỏi quay cuồng trong đầu óc Hoa, và sự hồi hộp làm tay chân cô gái luống cuống. Hoa cảm tưởng như mình vừa sống trong mơ. Hùng là vị hoàng tử đến nhà cô bé lọ lem. Hoa không mong chờ gì một cuộc gặp gỡ nữa vì cô biết, cô nghĩ là nó không xảy ra. Vậy mà nó lại đến… Tiếng Hùng vang nhẹ bên tai :
    - Kìa Hoa, làm gì mà ngẩn ra nhìn anh vậy ? Bộ Hoa không mời anh vào nhà sao ?
    Hoa choàng tỉnh một cơn mê. Cô ấp úng :
    - Dạ, mời anh Hùng vào nhà chơi.
    Hùng bước theo chân cô gái vào gian nhà nhỏ. Bộ bàn ghế gỗ bày biện thật đơn sơ, tất cả là sự giản dị của một gia đình nghèo. Ngay cả Hoa nữa, Hoa cũng là thể hiện của một sự nghèo túng. Chiếc áo bà ba màu trắng hơi cũ và quần đen. Nhưng trong nét mộc mạc đó, Hùng nhìn thấy cả một sự dịu dàng thuần hậu. Hùng thuộc loại người con trai đã sống nhiều, đã ăn chơi phung phá dù anh chưa lập gia đình, anh mới hai mươi ba. Hùng không còn mê thích những gì thiên hạ cho là cao sang. Những thứ ấy anh đã có. Hùng khinh thường những cô gái chạy theo mình. Hùng thấy mình được ưu đãi và đôi khi đó chính là điều khổ tâm. Hùng không bằng lòng được với cuộc sống bao giờ.
    Rồi Hùng gặp Hoa, chỉ một lần, một cô gái nhà rất nghèo, học chăm ngoan và mang một vẻ mặt, một nhân dáng như đã nằm sẵn trong đầu óc Hùng từ kiếp nào xa lắc xa lơ. Hùng cố gắng vui chơi để quên, nhưng cuối cùng, anh đã phải hỏi địa chỉ để tìm đến. Một cách khéo léo, Hùng phải hỏi Trâm địa chỉ của cả bốn cô ngồi cùng bàn hôm dự sinh nhật vì Hùng không muốn Trâm nghi ngờ này nọ trước khi Hùng thực hiện xong việc mình muốn.
    Hoa ngồi đối diện Hùng, mặt cúi gầm xuống. Cô không biết nói gì và làm gì, cô cảm thấy tay chân mình thừa thãi quá. Hùng nói :
    - Buổi trưa nắng quá Hoa nhỉ ?
    Câu nói bâng quơ của Hùng lôi kéo Hoa nhớ lại hiện thực – căn nhà quả thực là nóng – và mình nghèo.
    - Vâng ạ, trưa nay nóng quá.
    - Hoa ở nhà buổi chiều không đi chơi đâu sao ?
    Hoa lắc đầu :
    - Dạ không. Buổi chiều Hoa ở nhà trông nhà.
    - Ông cụ bà cụ đâu hết Hoa ? Anh chào chứ.
    - Dạ không. Ba má Hoa vắng nhà.
    Hùng à một tiếng. Anh chuyển hướng câu chuyện :
    - Trong lớp, chắc các bạn mến Hoa lắm ?
    Hoa tròn mắt ngạc nhiên, cử chỉ thật đáng yêu :
    - Dạ đâu có…
    - Có mà, anh nghe Trâm nói. Với lại anh nghĩ, một cô bé dễ thương như Hoa thì ai mà không mến !
    Hoa cắn môi. Buổi chiều vẫn nắng. Và nắng hình như còn nhảy múa trong tâm hồn cô gái dậy thì.


    ***

    Vừa bước chân vào lớp, Trâm đã chạy lại bên bàn Phượng.
    - Ê, hôm qua anh tôi có tới nhà bồ không ?
    Phượng ngạc nhiên :
    - Không, có ai đâu, mà tại sao bồ hỏi vậy ?
    Trâm gật đầu :
    - Ồ, hỏi chứ. Tại hôm qua ổng năn nỉ tôi xin địa chỉ của mấy bồ. Tôi nghi ổng tìm đến thăm bồ.
    Một niềm hy vọng chợt bừng lên làm hồng đôi má cô gái trẻ. Ừ nhỉ, tại sao không ? Rất có thể là Hùng chưa đến. Và nếu Hùng xin địa chỉ, thì chỉ có Phượng là người xứng đáng nhất để Hùng đến thăm thôi. Phượng biết như vậy một cách chắc chắn.
    Từ ngày gặp Hùng, ngồi cạnh Hùng và nói chuyện thân mật, Phượng nhen nhúm trong tâm hồn một nỗi ước mơ. Cô bé nghĩ, với Hùng, có lẽ không còn gì và còn ai lý tưởng hơn. Từ trước, tất cả những kẻ đã theo đuổi, tán tỉnh Phượng đều coi thường, vì dù nếu có học khá đi nữa thì họ vẫn nghèo lắm, lếch thếch, lôi thôi, như Thành chẳng hạn. Khi Thành không theo đuổi mình nữa mà tìm lại với Tuyết, Phượng thấy mình như rảnh nợ đồng thời với một cách hậm hực và tiếc nuối thế nào ấy. Chính Phượng cũng thầm ngạc nhiên chính mình. Đó là một sự phi lý, không thích người ta thì họ phải tìm kẻ khác chứ ? Thế nhưng sự ích kỷ của cô gái xui Phượng buồn vẩn vơ. Phượng an ủi mình rằng hạng con nhà nghèo như Thành rồi cũng chả ra sao. Và cô vui nhiều với câu an ủi đó. Suốt buổi học Phượng lo ra hoài. Bao giờ thì Hùng đến thăm đây ? Chắc là mai, hay chiều nay cũng có thể. Chuông tan trường vừa reo lên, Phượng thu vội vã mấy món cần thiết vào cặp rồi đứng lên. Trâm nhìn qua Phượng :
    - Ê, chiều rảnh không ?
    - Chi vậy ?
    - Tôi đến chơi.
    Phượng gật đầu :
    - Rảnh chứ. Nhớ đến nha.
    Trâm vừa xách cặp ra song song với Phượng vừa nói :
    - Anh Hùng tôi cứ hỏi thăm bồ mãi.
    Phượng nghe niềm vui rộn lên :
    - Vậy hả ? Cho mình gởi lời thăm anh ấy nhé.
    - Dĩ nhiên.
    Họ đã đến cổng. Trâm chợt chỉ tay về phía chiếc xe hơi mầu trắng đậu kế cổng trường :
    - Ủa, ông Hùng kìa. Sao bữa nay lại đến đón tôi nhỉ ?
    Phượng nhìn theo hướng tay chỉ của Trâm và thấy Hùng đang tựa người trước mũi xe nhìn về phía cổng trường. Tự dưng bước chân Phượng như vấp vào nhau. Trâm bảo Phượng :
    - Tôi đưa bồ về luôn nhé.
    Phượng lắc đầu cho có lệ :
    - Thôi bồ về đi. Mình về xe cyclo được mà.
    Trâm kéo tay bạn :
    - Phượng kỳ ghê đi.
    Hai cô gái tiến lại. Hùng dõi mắt tìm bóng Hoa. Anh thấy cô bé đang đứng với một người con trai gần bên chiếc xe gắn máy và Hoa leo lên ngồi. Máu nóng chợt bừng lên hai bên thái dương Hùng. Anh cũng không hiểu tại sao. Nhưng Phượng và Trâm đã đến bên cạnh Hùng. Trâm đong đưa chiếc cặp :
    - Sao bữa nay anh đi đón em ?
    Hùng hỏi lại, giọng hơi cáu :
    - Bộ không được sao ? Anh rảnh.
    Trâm lắc lắc mái tóc trên bờ vai :
    - Tại ít khi thấy anh chịu khó. À, anh đưa Phượng về nhà trước rồi hãy về nhà sau nhé.
    Hùng hỏi bâng quơ :
    - Mấy cô bạn em về hết rồi à ?
    Trâm gật đầu :
    - Tụi nó có anh em chở hết trơn.
    Hùng nghe nhẹ nhõm. Ừ nhỉ, có lẽ người thanh niên lúc nãy là anh của Hoa. Tại sao lại không chứ ? Hùng nghe vui với ý nghĩ đó. Trưa nay anh đến đón Trâm mục đích là muốn nhìn Hoa, nhưng cô bé đã về quá lẹ. Hùng mở cửa xe mời Phượng :
    - Phượng lên đi. Anh xin được hân hạnh đưa về.
    Trâm cười phá lên :
    - Hôm nay trời sắp mưa to rồi. Ông anh tôi đóng cải lương.
    Hùng vừa ngồi vào xe vừa đáp :
    - Chứ sao. Lâu lâu cải lương một lần.
    Cánh cửa đóng sập lại và chiếc xe lao đi.
    Phượng mang niềm vui thật lớn bước vào nhà.. Bà Thoa nhìn con gái, bà thấy con gái mình đẹp thật. Buổi trưa ăn cơm có cả chị Thục.Chị về nhà đóng hụi cho mẹ rồi ở chơi. Hai chị em còn lại sau cùng trong bữa ăn. Chị Thục hỏi :
    - Dạo này thấy em vui dữ hả ?
    Phượng mỉm cười nhìn chị :
    - Vui gì đâu chị !
    - Có ai chưa đó cô ?
    Phượng hình dung đến Hùng nhưng cô gái không dám nói. Chị Thục bảo :
    - Hồi trưa ai đưa em về nhà vậy ?
    Phượng không ngờ chị Thục thấy. Một chút hãnh diện làm má cô bé đỏ hồng.
    - Anh Hùng đó chị.
    Chị Thục kêu lên :
    - Hùng nào ? Cô nói thế thì tôi chịu thôi.
    Phượng thấy cái đoảng của mình :
    - Chết, em quên.. Anh ấy là anh ruột của nhỏ Trâm đó chị.
    - Trâm nào, Trâm nhà thật giàu đó hả ?
    - Đúng rồi chị.
    - Sao anh ta đưa cô về ?
    Phượng bẽn lẽn :
    - Dạ, tại anh Hùng đến đón Trâm, nhân tiện thấy em nên đưa về luôn.
    Chị Thục không hỏi nữa nhưng với kinh nghiệm của một người đàn bà, chị đã đoán được những gì đang xảy ra trong tâm hồn cô em của mình.
    Một sự xây đắp rất lớn đang hình thành trong Phượng. Cô thấy mình xứng đáng để có một người theo đuổi cỡ như Hùng. Mang tâm trạng tự tôn từ rất lâu, Phượng cảm giác như Hùng đang chạy theo cô. Phượng, rất ngây thơ làm sao biết được đôi khi cảm giác đánh lừa cả chính người có nó cũng nên.


    ***

    Đăng soạn mấy chồng cours dầy cộm. Chàng nghĩ đến ngày lại phải đi dạy thử - giờ thực tập - lại lớp cũ tuần trước. Đăng chắt lưỡi. Lớp gì mà toàn con gái nhà giàu và xinh. Mình vào dạy cũng thấy khớp. Căn nhà tôn toả sức nóng hầm hập làm người Đăng toát mồ hôi như tắm. Đăng cởi phăng chiếc áo mai-dô đang mặc ra, ngả người trên ghế bố tìm một giấc ngủ trưa. Chưa chợp mắt được bao lâu thì có tiếng chân rầm rập lên cầu thang. Đăng lẩm bẩm “lại thằng quỷ nào đây” và một người con trai ló đầu vào :
    - Ê, ngủ hả mày ?
    Đăng ậm ự :
    - Buồn ngủ muốn chết.
    Bạn Đăng, Thành, anh của Hoa cũng chính là người con trai, ngồi xuống mép giường bố đưa tay lật lật mấy chồng cours.
    - Bữa nay có thực tập không ?
    Đăng lắc đầu :
    - Không – nhưng mai thì có.
    - Ở đâu ?
    - Vẫn trường cũ.
    Thành dùng tay vẽ nhè nhẹ xuống mặt vải ghế những hình thù vô nghĩa.
    - Kỳ tuần qua mày dạy ở lớp em tao, nó về kêu trời như bọng.
    - Hoa hả ? Nó kêu gì ?
    - Không phải một mình em tao kêu đâu. Cả lớp đó. Tụi nó than mày mới tập tễnh mà hách xì xằng và khó quá trời.
    Đăng giơ hai tay lên trời, than :
    - Chúa ơi ! Tao hiền khô.
    Thành búng mẩu thuốc ra khỏi cửa sổ.
    - Ừ, mày hiền quá mà.
    Đăng kêu lên :
    - Ê, mày búng thuốc ra ngoài coi chừng cháy nhà à.
    Thành bước đến cửa sổ. Anh thấy bên dưới là những tàng cây xanh.
    - Yên chí đi. Không cháy nhà đâu mà lo.
    Và cả hai trở lại câu chuyện. Đăng nói :
    - Lớp Hoa học, học sinh xuất sắc lắm. Lại xinh. Tao thấy cô nhỏ nào cũng dễ thương.
    Mắt Thành chợt trở nên mơ màng. Anh nhớ đến Phượng nhưng chỉ thoáng qua. Anh nghĩ cô gái kiêu kỳ quá. Những thằng sinh viên nghèo đói như anh, như Đăng chắc đừng bao giờ mong tới cô bé. Và từ sau này, Thành đâm ra mến Tuyết. Nói đẹp thì Tuyết thua Phượng nhưng Tuyết thùy mị và kín đáo. Tuyết lại tế nhị. Bao nhiêu đó đủ rồi. Thành nghĩ, mình sẽ tìm được sự thoải mái bên Tuyết hơn là sự đau khổ hoài vọng bên Phượng – và Thành đã làm đúng.
    Đăng lăn mình qua một bên, bảo Thành :
    - Nằm không ?
    Thành lắc đầu :
    - Nhăn áo hết, em tao ủi tội nghiệp.
    Đăng nhớ đến khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương của người em gái Thành. Đăng nhớ, lần nào mình đến chơi cô bé cũng lo lắng từng tí một.
    - Sau này ai lập gia đình với cô em mày là có phước.
    Thành gật đầu xác nhận :
    - Tao cũng nghĩ như vậy. Nó đảm đang.
    Đăng thêm :
    - Đảm đang và biết an phận. Như vậy là nhất rồi mày. Tao ghét loại con gái kiêu lắm.
    Thành cười :
    - Coi chừng à mày. Ghét của nào trời trao của ấy.
    Đăng bĩu môi :
    - Tao hả ? Còn lâu. Cô nào kiêu hãnh cho lắm thì càng chết sớm. Tao ghét người kiêu hãnh.
    Thành mơ màng :
    - Vậy mà tao đã gặp mới đau chứ.
    - Cô bạn bây giờ đó hả ?
    - Không – cô này khác. Tuyết hiền lắm. Trước khi thương Tuyết tao có theo đuổi một cô. Cô ấy kiêu không tưởng được mày. Dưới mắt cô ta dường như không người con trai nào xứng đáng. Mà mày biết sao không ? Tiêu chuẩn của cô ấy là phải giàu có. Môn đăng hộ đối mà.
    Thành nói một thôi. Đăng nhướng mày :
    - Giàu lắm hả ?
    Thành gật đầu :
    - Tương đối thôi. Nhưng ở đời mà mày. Được voi thì phải đòi tiên chứ. Ai không tham vọng ? Đã giàu là cứ muốn giàu thêm.
    Đăng rít hơi thuốc thở một vòng khói tròn.
    - Chịu ! Tao chê. Mày theo lâu không ?
    Thành gật nhẹ :
    - Cũng hơi lâu. Sau thấy vô ích. Mình nghèo nên chẳng ai coi ra gì.
    Đăng cười khẩy :
    - Bộ nghèo là một cái tội sao ?
    - Đôi lúc !
    - Vậy sao bây giờ mày nghèo mà cô Tuyết nào đó vẫn mến mày đấy ?
    Thành không trả lời bạn, nói :
    - Thôi tao về, ghé mày lấy mấy cuốn này đây. Vừa nói Thành vừa lục tìm hai cuốn sách cầm tay.
    - Để tao về báo động cho nhỏ Hoa nó học bài dữ lên. Mai mày dạy mà.
    Đăng cười thành tiếng và Thành nhảy ba bực một xuống nhà. Chiếc cầu thang ọp ẹp dường như chỉ muốn đổ sập xuống dưới sức nặng của Thành. Thành huýt sáo một bản nhạc vui và rồ máy chiếc xe cũ kỹ rẽ ra con đường lớn.

    __________________





    Chương 03
    Những tiếng xì xào im bặt hẳn khi Đăng bước vào lớp. Mấy khuôn mặt thoáng nhìn lên rồi lại cúi gầm xuống cuốn vở đã mở sẵn. Đăng bước thẳng lại bàn. Các học sinh lần lượt đứng dậy.. Đăng bảo :
    - Các em ngồi xuống.
    Âm thanh đồng lượt kéo dài. Đăng ngó quanh tìm miếng giẻ lau bảng và thật tình cờ, Đăng thấy cô gái – cô học trò của chàng.
    Phượng nhìn chăm chăm ông thầy dạy thực tập hôm nay trong khi Liên nói khẽ bên tai :
    - Ông này khó dàn trời mày ơi !
    Phượng không để ý đến lời bạn. Cô nhớ mình có gặp ông thầy một lần. Ở đâu nhỉ, mà không phải là tại lớp này bởi vì hôm kỳ trước Đăng dạy thực tập thì Phượng nghỉ, không đi học. Hôm đó cô bị ốm. Và rất nhanh Phượng nhớ ra. Đây là chàng thanh niên đã nhìn Phượng chăm chú lần cô vào thương xá mua quà sinh nhật cho Trâm. Bốn mắt họ gặp nhau, thật nhanh dừng lại và chợt lảng xa, như một tình cờ bắt gặp nào đó phải được lãng quên. Như một cơn lốc nhỏ nào đó vừa dấy lên đã vội vụt tắt.
    Cái nhìn của thầy làm Phượng bối rối cúi xuống. Đăng nhủ thầm : “Ra là cô bé này, lại là học trò mình”. Cô bé mà một lần thoáng gặp Đăng đã dành nhiều cảm tình cho cái vẻ lạnh và hơi kiêu của cô. Lời giảng bài đột nhiên rời rạc trên môi Đăng. Anh bước xuống bàn Hoa. Cô gái đang mơ mộng nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài khung cửa là tàng cây phượng vĩ đã già cỗi mỗi năm vẫn còn đơm bông để báo hiệu mùa chia tay. Ngôi trường cũ kỹ nhưng đẹp. Đăng dùng cây thước đập khẽ vào mặt bàn Hoa. Cô gái giật mình nhìn lên. Thấy Đăng, cô bẽn lẽn nhìn vào tập che giấu phút giây mơ mộng vừa qua.
    Trong tia nhìn xa vời đó, Hoa đã thấy gì ? Mộng đời của một cô gái đương thì, hẳn là phải đẹp. Và trong vô thức của Hoa, như bất cứ cô gái nào khác, từ thuở nào đã in hình ảnh của một vị hoàng tử của lòng. Đó là một điều mơ ước muốn đạt được. Trong tâm hồn của Hoa, hình ảnh đó đã có, và chàng đã đến. Nhưng cô bé không dám nhìn vào sự thật. Cô sợ. Nếu sự thật đúng như mình mong thì thật là ngoài sự tưởng tượng của cô, như chuyện hoàng tử và cô bé lọ lem. Hùng tự dưng tìm đến, bằng phong cách đối xử thật là lịch sự, bằng những cử chỉ hào hoa, làm rung động tâm tư cô bé mười bảy. Hoa thấy đời chỉ nở những đoá hoa hồng nhung mà mầu hương ngan ngát làm mình ngây ngất. Dù Hùng chỉ đến thăm, một lần. Nhưng anh mang theo cả một trời mơ đúc kết từ thủa biết suy tưởng. Hoa dẫm chân lên một con đường mới, thật lạ, đầy phiêu lưu mà cô không thể biết cuối đường là những gì chờ đợi mình. Một hạnh phúc thực thụ hay chỉ là ảo tưởng của cơn mơ được hình thành qua hình ảnh trong mơ ? Hoa không dự đoán được nhưng cô đã thấy hạnh phúc vì cô đã sống thực được cho mình.
    Đăng chiếu tia mắt tinh nghịch nhìn cô em của bạn. Hoa thật dễ thương. Anh nghĩ sau này cậu nào có phước lắm mới vớ được cô bé. Đảm đang, giỏi dắn, Hoa thật hoàn toàn. Rồi Đăng lại nhìn qua Phượng. Một ý tưởng đến nhanh trong Đăng, anh muốn chinh phục cô gái này. Ngay tia nhìn đầu, Đăng đã có mỹ cảm với Phượng. Cô thuộc loại người mà Đăng đã có sẵn hình ảnh trong tiềm thức. Nhưng đồng thời với khuôn mặt dễ thương đó là một sự kiêu kỳ thể hiện ngay cả trong cử chỉ. Đăng nhún vai nhẹ, bước trở lên bục gỗ. Anh nhớ lời người bạn thân “Con gái thuộc loại kiêu kỳ thì tên nào nghèo rớt mùng tơi cỡ như tụi mình là nên có đường de sớm cho được việc”. Đăng nghe một chút xót xa thoáng qua rồi anh gạt phắt đi. Bây giờ không phải là khoảnh khắc để suy tư. Bây giờ là thời gian của bổn phận. Anh trở lại nhanh chóng cương vị của một thầy giáo. Tan trường, Đăng bước vội về phía phòng giáo sư. Đằng sau lưng anh, thấy tiếng ồn ào của đám học trò thu xếp sách vở lục tục kéo nhau ra ngay sau bước chân giáo sư. Khi Đăng đẩy chiếc Honda cũ kỹ ra và bắt đầu đạp máy, Đăng thấy Thành cũng vừa trờ tới. Chắc là đến chở Hoa. Thấy Đăng, Thành vẫy lại :
    - Vui không mày ?
    Đăng buông thõng :
    - Mệt.
    Vừa lúc đó Hoa và các bạn ra tới. Cô bé sững sờ nhìn ông bạn của anh, ông bạn lôi thôi lếch thếch thường ngày vẫn đến nhà chơi, và cô đã gọi bằng anh. Rồi vẫn ông bạn đó, bây giờ, bước vào lớp với cương vị giáo sư, dù là một giáo sư đang thực tập, và cô đã phải gọi bằng thầy. Đăng hiểu sự lúng túng của Hoa. Anh cười :
    - Gì mà ngẩn ra vậy ?
    Hoa cũng cười :
    - Thầy ạ.
    Đăng kêu lên :
    - Thôi nhé, cho tôi trả hai tiếng đó lại cho lớp đi. Rồi quay qua Thành, Đăng bảo :
    - Thôi tao về mày. Đứng đây ghê quá đi mất. Tụi học trò nhìn tao như muốn ăn tươi nuốt sống.
    Thành đập vai bạn :
    - Mày lúc nào cũng đùa được.
    Hoa thêm :
    - Tại anh khó quá.
    Đăng rồ máy, giọng cười của anh vương lại.
    Hoa ngồi lên yên xe :
    - Anh Đăng khó ghê nơi, trong lớp em tụi nó kêu quá trời.
    Thành bảo :
    - Vậy hả.
    Và anh đưa xe ra mặt lộ. Đường trưa nắng chang chang, mặt lộ loang loáng ánh nhựa. Mấy tàng cây trồng dọc hai bên đường không đủ che một phần ánh sáng gay gắt. Hoa cúi nép sát người trên lưng anh mà nắng hình như vẫn không buông tha cô. Tia mặt trời làm hồng đôi má dậy thì.
    Ở một ngã tư kẹt đèn đỏ, Hoa bất chợt quay lại, có cảm giác như có ai đang nhìn mình và thật bất ngờ, Hoa thấy Hùng. Hùng đang lái xe, trên xe là Trâm và… Phượng. Hoa nghe nhói đau trong lồng ngực, cảm giác không diễn tả được. Cô bám nhẹ tay vào lưng anh dường như nếu không làm như thế, cô sẽ ngã xuống. Thành kêu lên :
    - Em làm sao vậy ?
    Hoa lắc đầu :
    - Dạ có sao đâu.
    Thành gắt :
    - Có mà, anh tưởng em sắp té.
    Hoa giải thích dối :
    - À, tại em vướng cái cặp.
    Vừa nói cô vừa làm bộ sửa một tư thế ngồi thích hợp. Mắt Hùng nhìn Hoa như một lời tha thiết nhưng hành động hôm nay của Hùng đã phủ nhận tất cả. Phải rồi, Hoa nghe mình tủi thân. Phượng đẹp, Phượng giàu, Phượng có tất cả. Còn Hoa, cô bé không là gì cả.. Như vậy thì điều mình mơ ước đôi khi là một sự không thể đạt tới.
    Về đến nhà, Hoa nhảy xuống xe, xách cặp lủi thủi đi thẳng vào nhà dưới.. Thành để ý thấy thái độ bất thường của em nhưng chưa nói gì. Mâm cơm được dọn ra như thường lệ nhưng chén của Hoa từ đầu đến cuối bữa vẫn còn đầy. Thành bước lên nhà, anh định tối nay có dịp sẽ hỏi em.
    Buổi tối, cả nhà đã đi ngủ chỉ còn hai anh em ngồi học trên nhà. Thành lục đục tìm hộp viết chì màu để vẽ lại mấy mẩu đá. Hoa ngồi đối diện ghế của anh, mắt đăm đăm nhìn ra trời đêm. Con hẻm buổi tối thật yên tĩnh. Hoa nhớ một lần vào buổi trưa Hùng đã đến, dáng anh cao sừng sững trước hiên nhà. Đột nhiên Hoa muốn gục đầu xuống bàn nhưng cô bé ngại anh Thành chắc chắn sẽ không để yên đâu.
    Thành kéo ghế ngồi xuống. Hoa cắm cúi học, những dòng chữ cố gắng cho chạy vào trí não. Chợt Thành hỏi, tiếng anh vang lên trong đêm tối :
    - Hoa, hôm nay có chuyện gì thế ?
    Hoa ngẩng lên nhìn anh. Một thoáng lo sợ đến cuống quít trong mắt Hoa. Anh Thành biết tất cả cảm nghĩ của cô rồi sao ? Hoa lắc đầu :
    - Dạ không, có sao đâu anh.
    Thành lật lật trang sách :
    - Anh thấy em có vẻ làm sao ấy.
    Hoa vén tóc trả lời :
    - Dạ không, chắc tại em hơi nhức đầu.
    - Nhắc má mua thuốc cho mà uống nghe. Dạo này anh thấy em có vẻ mất sức quá đó.. Học cho lắm vào. Anh thấy em không cần cố gắng nhiều lắm cũng vẫn có thể đậu năm nay.
    Hoa cười gượng :
    - Anh nói thế, chứ em vẫn lo lắm. Lỡ như mà hỏng năm nay thì thật không biết nói sao.
    Hoa cảm động về sự lo lắng của anh. Cô thấy tình thương của Thành dành cho mình nhiều quá, một người anh mà lo cho em đến như Thành là nhất rồi. Hoa không bao giờ đua đòi, cô không tủi phận nhưng kể từ lúc nhìn thấy Phượng ngồi trong xe với Hùng, Hoa nghe một nỗi buồn man mác chiếm ngự thâm tâm. Đêm sâu và lạnh. Sàigòn dạo này thời tiết thay đổi một cách khá bất thường không biết đâu là đâu. Nhiều khi buổi sáng mưa mà chiều nắng gay gắt. Hoa thở dài khi thấy qua khung cửa sổ, một vì sao băng xẹt ngang trên nền thăm thẳm. Hoa ngỡ như có một linh hồn nào vừa vĩnh viễn ra đi. Hoa nhớ, thuở nhỏ khi bà ngoại còn sống, bà ngoại vẫn thường bảo với Hoa là khi nào nhìn lên nền trời mà thấy một ánh sao băng là lúc đó có một người chết. Hoa đâm ra sợ, và từ đó, câu chuyện trở thành một ám ảnh trong Hoa. Cô nghe rùng mình. Nhưng cô bé yên tâm khi thấy anh mình vẫn còn ngồi đó và đang chăm chú học.



    Bà Thoa đẩy nhẹ cửa phòng con gái, bước vào. Tiếng kẹt cửa làm Phượng đang ngồi nơi bàn học giật mình quay lại. Bà Thoa bảo con :
    - Phượng, khuya rồi sao con chưa đi ngủ ?
    Phượng vươn hai vai, nỗi mệt mỏi hiện đến trong mắt sau câu nói của bà mẹ.
    - Con đang học bài.
    Giọng bà Thoa đượm vẻ không bằng lòng :
    - Thôi, học vừa vừa chớ, học gì mà khuya dữ vậy. Giờ này mà con chưa đi ngủ thì đợi giờ nào mới đi. Thức cho lắm vô rồi mai mốt đến gần ngày thi thì lại quỵ.
    Phượng đứng bật dậy đến bên mẹ :
    - Còn có chút xíu thôi má à, con đi ngủ bây giờ. Má có chuyện chi không má ?
    Bà Thoa gật đầu :
    - Má có để chè trong tủ lạnh cho con đó. Chút nữa trước khi đi ngủ nhớ lấy ăn đi nghe.
    Phượng dạ và bà mẹ bước ra. Cánh cửa phòng khép lại, trả cho Phượng thế giới riêng tư của cô. Phượng chống tay lên cằm, mơ mộng. Hình ảnh Hùng hiện ra trong tâm tư. Tuy không nói nhưng Phượng đã thầm cảm mến Hùng thật nhiều. Hùng là một mẫu con trai mà tất cả các cô gái đều mơ ước. Phượng thấy Hùng chăm sóc mình, nhưng cô vẫn không hiểu thực tình Hùng đối với mình như thế nào, và cô có đặt đúng tình cảm của mình hay không ? Hùng đối với Phượng, cũng như đã đối với Trâm, thế thôi. Phượng không thấy có gì đặc biệt, nhưng Phượng hãnh diện khi ngồi trên xe cạnh Hùng. Người khác nhìn vào đó sẽ thấy Phượng xứng đáng ở địa vị đó.
    Hình ảnh ông thầy thực tập thoáng hiện trong đầu óc của Phượng. Phượng nhớ lần đầu bắt gặp ánh mắt của Đăng, Phượng cũng nghe một chút gì xao xuyến. Nhưng bây giờ thì cái xao xuyến đó lắng dịu xuống mất rồi. Phượng biết một điều là Đăng tay trắng, gia đình Đăng không danh giá gì và Đăng sống lôi thôi lếch thếch. Chính những điều biết được đó đã dập tắt cảm tình đối với Đăng mà Phượng cảm thấy đã nhen nhúm một cách bất ngờ trong tâm tư mình. Nhưng Phượng cố tình dập tắt. Không, Phượng không thể như thế, tầm thường để đi làm người yêu của một anh sinh viên nhà giáo nghèo nàn luộm thuộm. Phượng sinh ra không phải là để sống khổ. Phượng sinh ra là để được thụ hưởng. Căn bịnh vẫn còn hành hạ nội tâm cô gái nhưng niềm vui làm Phượng quên đi được phần nào.
    Mỗi ngày qua Phượng chờ đón sự thú nhận một cảm tình nào đó nơi Hùng nhưng vẫn không thấy gì cả. Biền biệt. Bài vở gần đến ngày thi đã nhiều rồi. Phượng chợt thở dài.


    ***

    Đăng bước vào nhà. Hoa đang lui cui dưới bếp chợt thấy có bóng người trên nhà. Cô chạy lên :
    - Anh ạ !
    - Ừ, Hoa. Có Thành ở nhà không ?
    Hoa lắc đầu :
    - Dạ, anh Thành đi học từ hồi trưa, ảnh thực tập chiều nay đó anh.
    Đăng gật gù :
    - Ừ, anh quên là chiều nay thứ tư.
    - Anh có cần gì để lát anh Thành về, em nhắc ảnh lại đằng anh.
    Đăng lắc đầu :
    - Thôi khỏi. Anh cũng không định đến gặp Thành. Tính gặp Hoa nhờ Hoa chút việc.
    Hoa ngạc nhiên. Cô chợt nhớ là mình chưa mời khách vào nhà.
    Hoa bước tránh nhường lối cho Đăng.
    - Anh vào nhà chơi.
    Đăng bước vào. Căn nhà thật giản dị, đơn sơ nhưng sạch sẽ. Hoa bảo :
    - Anh ngồi chờ em pha nước.
    Đăng khoát tay :
    - Thôi, Hoa cho xin đi. Cô để anh tự nhiên một tí chứ. Cứ đến nhà cô là cô khách sáo dàn trời, riết rồi anh không dám tới nữa.
    Hoa cười giả lả :
    - Dạ đâu phải tại em muốn vậy. Có điều có khách mà không lo rót nước, anh Thành la em hoài.
    Đăng càu nhàu :
    - Thằng Thành thì chuyện gì cũng la được.
    Chợt Hoa nhớ đến câu nói lúc nãy của Đăng.
    - À, anh định bảo em gì thế ?
    Đăng gật gù :
    - Có tí chuyện nhờ cô đây. Mà khoan, để anh hỏi đã, anh vào dạy trong lớp Hoa, Hoa thấy “dư luận” như thế nào ?
    Hoa nhìn Đăng :
    - Em nói thật nhé.
    Đăng gật đầu :
    - Dĩ nhiên là phải nói thật chứ sao ?
    - Mấy tụi nó kêu anh quá trời.
    - Kêu sao ?
    - Kêu quá khó..
    Đăng giơ hai tay lên trời :
    - Thánh thần ơi ! Anh mà khó cái nỗi gì ? Vậy là khó đó sao ?
    Hoa gật đầu :
    - Anh khó quá trời. Em cũng thấy vậy nữa đó.
    Đăng cười phá lên :
    - Ừ nhỉ. Đâu kể anh nghe coi.
    - Tụi nó nói anh như ông cụ non.
    Đăng nhỏ giọng :
    - Hoa này, trong lớp mình nhiều cô đẹp nhỉ ?
    Hoa cười ranh mãnh :
    - Rồi, anh chấm cô nào rồi phải không ?
    Đăng lắc đầu :
    - Không, chấm phết gì đâu. Nhưng anh thấy trong lớp mình nhiều cô đẹp.
    - Theo ý anh thì cô nào đẹp nhất ?
    Đăng gãi tai :
    - Hỏi anh khó nói. À này, Hoa, em có quen với cô gì ngồi bàn nhì, đầu bàn nhì.
    - Phượng hả anh ?
    - Ừ, cô Phượng.
    - Anh thích cô đó sao ?
    Đăng im lặng. Một lát sau anh đáp :
    - Hoa đừng hỏi anh thích hay không. Hỏi như vậy nghe kỳ lắm. Nhưng anh muốn nhờ Hoa một việc.
    - Anh cứ nói, nếu làm được em sẽ làm liền.
    Đăng lấy cuốn sách cầm lúc nãy, lôi từ trong sách ra chiếc phong bì.
    - Nhờ em đưa cô Phượng.
    Hoa kêu lên :
    - Cha, vậy mà lúc nãy anh làm bộ nói là không biết tên.
    - Anh đùa đó.
    - Chỉ đưa thơ thôi hả anh ?
    Đăng gật đầu :
    - Ừ, đưa thơ thôi. Ráng đi rồi anh thưởng.
    Hoa nghe một chút khó chịu. Hoa nhớ đến nét kiêu hãnh của Phượng và thấy thương hại Đăng như trước kia đã thương hại anh của mình. Yêu Phượng, là yêu một bông hoa có sắc mà không hương. Hoa không dám kết án người khác, nhưng thực tâm, Hoa rất hiểu Phượng - Phượng thuộc loại người cho rằng mình được quyền thụ hưởng tất cả những may mắn của đời sống. Hoa muốn nói một câu gì đó để cho Đăng đề phòng nhưng không hiểu sao cô lại thôi.

    __________________

    Lớp học đã bắt đầu đông mà vẫn chưa thấy Phượng. Hoa bồn chồn nhiều ra. Chợt Phượng xuất hiện, khuôn mặt ngẩng cao đang đi vào bên cạnh Trâm. Chờ Phượng ngồi vào bàn, Hoa tiến lại :
    - Hôm nay Phượng đi trễ ?
    Phượng lạnh nhạt :
    - Ờ, tại kẹt xe.
    Hoa không muốn kéo dài giây phút đối diện, cô cầm lá thư trao cho Phượng :
    - Của bồ.
    Phượng không đưa tay nhận, nhíu mày :
    - Gì vậy ?
    - Của một người nhờ tôi đưa bồ.
    Phượng vẫn bất động :
    - Mà ai gởi ?
    - Thầy Đăng !
    Hoa buông thõng và không đợi Phượng cầm, cô bỏ lá thư trên mặt bàn và trở về chỗ ngồi đúng lúc tiếng trống trường đánh lên rộn rã. Có lẽ hôm nay cúp điện. Giáo sư bước vào giảng bài và Hoa không còn nhớ đến lá thư vừa đưa nữa.


    ***

    Đã ba ngày, Đăng bồn chồn trong dạ. Chưa bao giờ anh cảm thấy bận tâm nhiều về một người con gái như lần này đối với Phượng. Đăng hiểu mình rất chân thành khi trao gởi tình cảm đi, nhưng cô gái kênh kiệu đó biết có nhận thấy sự chân thành đó không ? Hay đối với cô ta, đó chỉ là một trò cười cho cô ta và các bạn hữu ? Người con trai nào cũng có một niềm kiêu hãnh riêng tư. Đăng cũng vậy, anh cũng có niềm kiêu hãnh của chính anh nhưng khi tình yêu thực thụ đã đến thì tất cả đều được dẹp bỏ. Đăng cố gắng xây dựng về Phượng như một hình ảnh đẹp thần thánh nhưng anh thừa hiểu điều đó cũng vô ích lắm, chả bao giờ hình ảnh đúng như anh mơ.
    Bài vở đối với Đăng rời rạc. Một tháng nữa, là ba mươi ngày dằng dặc. Đăng tưởng mọi chịu đựng của mình chỉ đến như vậy. Anh đã gặp Phượng. Anh đã nói chuyện và hậu quả là sự thất vọng đến cùng tột. Chẳng những kiêu hãnh, Phượng lại không được tế nhị trong lối nói chuyện. Phượng cho anh biết là đừng theo đuổi vô ích. Mỗi lời nói của Phượng như một mũi tên đâm sâu vào tim Đăng. Anh cắn môi mình thật chặt và lặng lẽ quay người bước đi khi Phượng thốt câu cuối cùng :
    - Chào thầy !
    Ngày thi ra trường, do một may mắn không biết từ đâu, Đăng lại đậu. Anh đã dự phòng sẵn cho mình một lối đi, và bây giờ cho dù có giật được mảnh bằng đi nữa, Đăng vẫn sẽ theo đúng con đường đó. Tình thương vô vọng đối với Phượng đã đẩy người con trai đến một bước đường cuối cùng phải chọn lựa. Anh đi lính.
    Thành ngẩn người nhìn Đăng :
    - Mày bảo gì ?
    Đăng cười buồn, chìa mảnh giấy trên tay cho bạn :
    - Đọc đi.
    Thành nhẩm đọc tờ giấy gọi nhập ngũ :
    - Sao kỳ vậy ?
    Đăng nhún vai :
    - Có gì đâu mà kỳ ?
    - Không à ? Tại sao mày đi lính.
    - Tại thích.
    Thành lắc đầu. Anh đến bên bạn :
    - Không, không phải tại mày thích.
    Đăng thở dài, buông mình xuống chiếc ghế độc nhất trong phòng.
    - Tao không còn muốn gì nữa. Nhưng mày đừng lầm. Sự đi lính của tao không phải là một điều đi tìm sự quên lãng. Tao đi lính vì lý tưởng..
    - Tao không nghĩ vậy.
    - Mầy lầm - Mỗi thằng con trai đều có trong đầu óc lý tưởng riêng tư.
    - Tao nghĩ, mày không đạt được một ước vọng nào đó trong cuộc sống, sự thất vọng làm cho mày chọn lựa và mày bảo đó là lý tưởng.
    Đăng cười chua chát :
    - Đó cũng là một lối định nghĩa. Nhưng nó không đúng cho tao. Tao thú thật với mày là tao có yêu thương Phượng thật đấy, nhưng tình yêu đã mất và coi như một sự việc không thể đạt được nữa rồi. Bây giờ, theo tao, tao đi lính là bởi vì đất nước đang cần những người con trai như thế. Tao đi lính như một sự tự nguyện dấn thân. Đất nước mình đang cần những phần tử để xây dựng chớ không phải để đạp đổ.
    Khuôn mặt Đăng rắn lại và Thành nghĩ là bạn mình đã nói thật. Anh đưa một tay ra. Đăng bắt tay bạn. Thành nói :
    - Thành thực chúc mừng mày.
    Khuôn mặt Đăng chùng xuống trong một thoáng nhưng rồi anh lấy ngay lại được trạng thái bình thường.
    - Nhớ viết thư cho tao biết khi vào quân trường.
    Đăng gật đầu :
    - Dĩ nhiên. Tao đâu phủi tay tất cả.
    Và Đăng cất tiếng cười, âm thanh tan vỡ và lẫn trong âm thanh đó, một chút chua chát tuyệt vọng nào chưa được che giấu hằn lên thật rõ. Thành nhìn qua khung cửa sổ nhà bạn. Mấy tàng cây trứng cá đong đưa trong gió trưa. Những trái trứng cá đỏ hỏn nằm lẫn lộn giữa mấy tàng lá xanh trông thật đẹp mắt. Tự dưng Thành nghĩ sự ra đi của Đăng là một sự hy sinh lớn và anh quay nhìn bạn, ngậm ngùi.


    Chương 04

    Trâm mím môi nhìn anh :
    - Vậy mà lâu nay em tưởng anh theo đuổi Phượng ?
    Hùng lắc đầu :
    - Không, em lầm.. Mà có gì chứng tỏ với em điều đó ?
    - Anh chở nó về hoài.
    - Có gì lạ, anh chở cả Phượng và em, điều đó là do ý muốn của em mà. Có bao giờ anh đưa Phượng đi đâu một mình chưa ?
    Trâm cứng miệng :
    - Nhưng…
    Hùng lắc đầu :
    - Không nhưng gì cả. Anh đối với Phượng chỉ là tình cảm bình thường, như anh đối với một đứa em.
    Trâm kêu lên :
    - Nhưng nó đâu phải là em.
    - Đồng ý, nhưng Phượng là bạn em. Anh đối với Phượng như đối với em vì anh muốn em vừa lòng.
    Trâm chợt cúi đầu. Giọng cô nhỏ lại :
    - Phượng nó thương anh.
    Hùng đưa tay nâng cằm em lên :
    - Trâm !
    - Dạ ?
    - Phượng không thương anh đâu, em đừng hiểu lầm. Đối với Phượng, thì sự việc có cảm tình với anh, chỉ là một sự hiểu lầm đáng tiếc, một chút nông nổi do những điều kiện vật chất bên ngoài tạo nên.
    Trâm vùng thoát khỏi tay anh :
    - Em không tin điều đó. Phượng chỉ là một cô gái còn nhỏ. Nó chưa hiểu được sâu xa.
    Hùng ngắt lời em :
    - Thì chính vì Phượng là một cô bé chưa biết gì nên anh mới bảo rằng tất cả chỉ là nông nổi thôi em ạ. Phượng chưa chín chắn, tình yêu của Phượng cũng vậy, cũng chưa chín chắn. Khi Phượng nghĩ tới anh là Phượng nghĩ tới một người con trai tương đối có tương lai sự nghiệp, con nhà khá giả.
    Trâm bĩu môi :
    - Anh hơi tự cao rồi đó.
    Hùng lắc đầu :
    - Đừng hỗn, Trâm. Anh không tự cao đâu. Anh chỉ phân tách cho em thấy thế thôi, để em khỏi ân hận và khỏi buồn vì việc Phượng yêu anh mà anh không yêu lại cô ấy.
    Trâm ngồi phịch xuống ghế :
    - Thật khổ.
    Hùng tiếp tục nói với em :
    - Một cô gái kênh kiệu và có khuynh hướng môn đăng hộ đối như Phượng thì khó tìm thấy hạnh phúc và cũng khó đem đến hạnh phúc cho người khác. Theo như em nói cùng anh, thì đã có rất nhiều thanh niên theo đuổi Phượng mà Phượng không yêu lại ? Theo anh nhận thấy , đó là những thanh niên rất có tương lai, chỉ tại cái tội họ nghèo nên không được chấp nhận, thế thôi. Vậy thì như anh, nếu anh không sinh ra trong một gia đình như gia đình mình, nếu anh không có sẵn một sản nghiệp đồ sộ của ba má để làm hậu thuẫn thì liệu Phượng có thương được anh không, hay lúc đó anh cũng sẽ được liệt ngang hàng với những anh chàng đã được Phượng cho de. Nếu anh không lầm thì trong số đó có cả anh của Hoa ?
    Trâm gật đầu :
    - Vâng, anh Thành theo đuổi Phượng một thời gian khá lâu. Nhưng tại Phượng thờ ơ quá nên anh ấy quay lại với Tuyết.
    - Và bây giờ ?
    - Dạ, họ thương nhau lắm.
    - Đó em thấy chưa. Tình yêu không đặt căn bản trên những tiêu chuẩn vật chất. Em thấy Tuyết không, Tuyết cũng không thua gì Phượng cả về mọi phương diện, thế mà khi Tuyết thương Thành, Tuyết vẫn chấp nhận cái nghèo của Thành. Anh không tin rằng Phượng không có cảm tình với Thành, anh nghĩ là, nếu Thành giàu thì mọi sự đã xong từ lâu rồi. Cả vụ Đăng nữa.
    Trâm chép miệng :
    - Đăng thương Phượng nhất đó anh ạ.
    - Bây giờ, em thấy, cô ấy còn gì không ? Con gái kênh kiệu chỉ tổ khổ.
    Trâm buồn buồn :
    - Tại sao anh không thương Phượng ?
    - Tại anh đã có người yêu.
    Trâm ngạc nhiên :
    - Vậy mà lâu nay em không biết. Ai vậy anh ?
    Hùng cười :
    - Em biết rồi đấy chứ.
    Trâm tròn mắt :
    - Làm gì có ? Em có biết gì đâu !
    Hùng khoa tay làm một cử chỉ vô nghĩa :
    - Hoa đó.
    Trâm kêu lên :
    - Hoa là người yêu của anh sao ? Vậy mà lâu nay em đâu có biết. Gớm sao cô ta kín miệng thế ?
    Hùng gạt lời em :
    - Đừng lầm. Em không nên kết tội Hoa vội vàng như thế. Anh phải nói thêm cho em biết là chính Hoa cũng chưa biết điều đó.
    - Nghĩa là ?...
    - Nghĩa là, anh âm thầm theo dõi Hoa, thế thôi. Anh nghĩ rằng khi anh đi hỏi Hoa chưa chắc Hoa đã nhận lời đâu. Nhưng từ lâu nay, anh vẫn theo dõi cô gái đó. Hoa là một người con gái thích an phận và tìm sự bình thường cho cuộc đời của mình.
    Trâm nhún vai :
    - Chưa chắc. Con gái đứa nào mà lại chả giống đứa nào. Anh đừng thần tượng hoá một ai, điều đó vô ích lắm.
    Hùng lắc đầu :
    - Anh tin điều anh nhận xét. Và anh mong rằng khi anh tiến tới và ngỏ lời cầu hôn, Hoa sẽ bằng lòng.
    - Nếu không bằng lòng thì sao ?
    Hùng đáp nhỏ :
    - Anh sẽ chinh phục.
    Trâm cười lớn. Một chút gượng gạo trong mắt cô và Hùng bước ra khỏi phòng.


    Chương 05
    Phượng xếp mấy cuốn tập vào với nhau, đứng lên. Gió buổi chiều thổi lộng vào nhà từ khung cửa chính. Phượng đưa tay giữ mái tóc. Nhanh quá, mới đó mà đã một năm, cái thời đón đưa săn đuổi, cái thời của những sự mời gọi đã hết. Chỉ một năm thôi mà Phượng tưởng như đã lâu, xa lắc xa lơ hay là không bao giờ có thực trong đời sống. Bây giờ Phượng không còn là một cô bé kiêu kỳ nữa. Mới mười tám mà Phượng thấy mình già cỗi như một bà cụ non. Dạo này Phượng gầy và xanh nhiều. Cơn bịnh đã thuyên giảm nhờ sự tận tình săn sóc của bà mẹ nhưng Phượng vẫn buồn. Cuộc đời quả thật không bao giờ diễn đúng như những điều mình đã mơ ước. Từ những điều xây đắp, Phượng ngỡ mình đi trên hoa trên gấm, những tưởng đời mình được sinh ra không phải để khổ. Vậy mà Phượng lại chính là người hứng chịu tất cả chua cay. Điều mỉa mai hơn hết, trong một năm cô đã nhận được thiệp hồng của hai người bạn. Hoa thành hôn với Hùng và Tuyết với Thành.
    Ngày được tin Hùng sẽ lấy Hoa, Phượng ngỡ mình sẽ quỵ xuống, nhưng niềm kiêu hãnh tiềm tàng trong cô đã giữ cô lại ở một giới hạn rất đẹp. Phượng từ chối dự đám cưới và cô vùi đầu vào việc học. Phượng nhất định năm nay phải đỗ toàn phần để thi vào y khoa. Đôi khi ngồi một mình rảnh rang có thời giờ suy xét lại, Phượng thấy rằng cô không yêu Hùng. Phải, với Hùng chỉ là sự ngưỡng mộ một người con trai tương đối có những điều kiện sống lý tưởng. Mà đối với Đăng, một sự xao xuyến đã có thật mà lại bị dằn nén đã phải chịu chết lịm, bây giờ chợt dưng bừng dậy. Mỗi ngày vào lớp học là Phượng nhớ Đăng. Nhớ đến giọng nói tha thiết của Đăng, nhớ đến tình yêu thắm thiết của Đăng dành cho mình và cô hình dung lại lần đầu nhìn thấy nhau trong thương xá, hình ảnh Đăng đã ngập trong Phượng. Cô đã giết đi một tình yêu rất thật đó. Bây giờ thì tất cả đã muộn màng. Đăng đã ra đi, ở một phương trời nào đó mà Phượng không tìm biết được. Cô gái thu mình lại trong một nếp sống bình thản, tìm nguồn vui trong việc học. Bạn bè lên năm đệ nhất này, còn lại không bao nhiêu. Và Phượng cũng khác đi cái háo hức nôn nao của tuổi nào còn cần bè bạn. Cô sống hắt hiu như một chiếc bóng trên vách tường có ngọn đèn vàng chiếu lên.
    Phượng đứng lên, cô vừa thấy một bóng người thấp thoáng trước hiên nhà, bóng một người lạ. Cô xô ghế và bước ra. Một người lính lạ đứng nhìn dáo dác. Phượng vén tấm sáo bước ra. Người lính tiến lên một bước :
    - Chào cô, xin phép cô cho tôi hỏi, đây có phải nhà cô Liên Phượng ?
    Phượng gật đầu :
    - Vâng.
    - Tôi muốn gặp cô Phượng.
    - Thưa chính tôi.
    Một cái chớp mắt, một nhận xét rất nhanh trong mắt người lính, rồi anh cho tay vào áo lôi ra một cuốn sách nhỏ được gói cẩn thận trong tấm giấy khá lem luốc.
    - Cô cho tôi gởi : của Chuẩn uý Đăng.
    Phượng giật mình. Bàn tay cô run run đón lấy cuốn sách. Người lính tiếp giọng bùi ngùi :
    - Chuẩn uý Đăng chết rồi cô ạ, tuần trước chúng tôi lục trong người và thấy có cuốn sổ này, lúc nào chuẩn uý cũng để nó trong ngực áo. Đại uý tiểu đoàn trưởng sai tôi mang về cô, vì trong cuốn sách khi chúng tôi mở ra thấy có nhờ chuyển cho cô.
    Phượng nghe chung quanh mình quay cuồng một khoảng không gian đen ngầu, nàng không định nghĩa được không gian và cả thời gian mình đang sống. Đăng chết rồi sao ? Đăng, trời ơi ! Phượng vịn tay vào cánh cửa, người lính cáo từ và bước đi khuất xa.
    Lảo đảo, cô gái lê bước vào bàn học, cuốn sổ ôm chặt trong lòng. Phượng run run đưa tay mở lần giấy gói. Một cuốn sổ nhỏ, có vấy máu nằm lẻ loi giữa bàn. Phượng đưa tay mở. Ngay tờ đầu là dòng chữ : Nếu tôi chết, xin mang cuốn sách này về cho cô Vũ thị Liên Phượng. Bên dưới là số nhà của Phượng. Nước mắt vẫn nhoà nhạt trên đôi má Phượng. Cô lật cuốn tập ra từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng..


    ĐỂ THAY ĐOẠN KẾT
    - Những dòng nhật ký của Đăng.

    Ngày…
    Ra đơn vị rồi đây. Từ trước, còn ở trong quân trường, mình chưa biết thế nào là đời lính. Đời lính ở những ngày tháng dân sự của mình được nhìn qua một khía cạnh hoàn toàn lệch lạc đi. Bây giờ thật sự nhập cuộc, mình mới hiểu thế nào là người lính, những chịu đựng và thua thiệt. Buổi chiều ở đây thật buồn. Nhìn đâu đâu mình cũng chỉ thấy rừng là rừng, không một bóng người. Hoang vu không thể tưởng. Nghe nhớ ngày nào còn ở Sàigòn những lần đứng nấp dưới gốc cây xa xa nhìn người yêu bước lên xe hơi của người khác ra về giờ tan học. Phượng ơi ! Sao em xa vời vợi khỏi tầm tay.. Nhiều khi anh muốn làm một cuộc hoại thân nhưng anh còn phải có bổn phận với Tổ quốc. Chiều ở đây buồn quá Phượng ơi ! Anh nhớ Phượng. Bây giờ Phượng đang làm gì ? Tất cả chỉ còn là kỷ niệm phải không hở Phượng ? Một mai khi em bước lên xe hoa, làm sao em hiểu được anh đang mòn mỏi trông theo.

    Ngày…
    Hồi sáng này, người yêu của thằng Tuấn lặn lội lên thăm nó. Mình buồn thật nhiều. Cô bé có dáng vóc hao hao giống Phượng. Nhìn chúng nó hạnh phúc mình mới hiểu thế nào là bạc phước. Sao đời mình từ lúc nhỏ đến giờ chưa khi nào có được một niềm vui trọn vẹn. Khi mình thương Phượng, mình đã ngỡ mình tìm được cho đời một lẽ sống, nhưng không phải vậy. Tất cả đều chối bỏ mình. Hầu như không một ai chịu chấp nhận mình vào đời sống cả.

    Ngày…
    Đêm nay đi kích đêm ở ven rừng. Tối quá đi mất, cây ngàn ngàn che lấp cả ánh trăng thượng tuần bắt đầu ló dạng. Bóng tối là một lợi khí của kẻ săn và là điểm yếu của con mồi. Mình làm sao biết được, trong những cụm lá hiền lành kia sẽ bất thần nhô ra những mũi súng. Và đùng một cái, là mạng sống của mình không còn. Nhưng khi mình đang gian lao, là mình đã góp một phần không nhỏ cho bình yên của Phượng nơi thị thành. Phượng ơi, sao bất cứ lúc nào anh cũng nghĩ đến Phượng. Một cử chỉ, một lời nói, cái gì cũng nhắc anh nhớ Phượng.

    Ngày…
    Hôm nay mệt trong người quá. Thằng Tuấn lại bày đặt đè mình ra cạo gió. Gớm, con trai cỡ như mình mà gió máy thì ăn nhằm gì đâu, không biết giờ này Phượng đang làm gì nhỉ ? Thật là vô vọng cho mình khi mãi đi tìm tình yêu theo ảo tưởng.. Nhưng biết làm sao được Phượng ơi ! Giúp anh đi bé.
    Bây giờ chắc bé đã học xong rồi và đã đi ngủ. Anh nghĩ thế, chúc bé hãy ngủ thật ngoan để ngày mai còn đến trường ganh đua với bè bạn.

    Ngày…
    Tự dưng nghĩ đến những ngày đi dạy thực tập. Dáng Phượng ngồi hiền ngoan. Thật khổ, sao mình cứ nhớ cô bé hoài thế này. Không biết có bao giờ Phượng hiểu tâm sự mình không ? Thật là chuyện thần thoại tưởng tượng. Chiều mai lại có cuộc hành quân lớn đây. Tối nay viết cho Phượng để ngày mai đi chắc bận nhiều lắm. Không hiểu mỗi trưa tan trường Phượng nhờ ai đưa đón đây ? Mình bạc phước thật, nhưng lúc nào mình cũng cầu mong cho Phượng hưởng được mọi sự may mắn và hạnh phúc.
    Làm sao để Phượng hiểu được là cho dù Phượng có yêu ai đi nữa, mong Phượng sẽ tìm được kẻ chân thành. Đời lừa lọc quá nhiều mà Phượng chỉ là con nai tơ. Đời nhiều cạm bẫy quá và Phượng sẽ dễ dàng vấp ngã. Mong sao cho Phượng không bao giờ phải khóc bởi dở dang và nghiệt ngã. Đêm nay mình đốt đèn cầy viết. Cuộc hành quân ngày mai sẽ cam go lắm đây. Viết một lần rồi biết đâu ngày mai mình không viết được nữa ? Ừ nhỉ, biết đâu đấy.
    Mà thôi, chỉ nghĩ quẩn nghĩ quanh. Chắc bây giờ Phượng ngủ rồi. Hai giờ sáng rồi mà.
    Có bao giờ trong giấc mơ Phượng thấy được mình không nhỉ ? Chắc là chẳng bao giờ, vì mình có khi nào là hình ảnh được Phượng nghĩ đến bao giờ đâu. Phải không hả cô bé, cô bé nho nhỏ của tôi mỗi chiều tan trường áo trắng bay tung trong gió. Mái trường xưa cũ, và mái tóc Phượng dài. Hình ảnh cây phượng đỏ già nua như gắn liền với hình ảnh ngôi trường và hình ảnh Phượng của anh…
    Thôi ngủ ngon nhé Phượng. Mai anh sẽ viết tiếp.
    . . . . . . . . . . . .

    Nhưng cuốn nhật ký dành cho Vũ thị Liên Phượng sẽ không bao giờ được viết tiếp, bởi vì chuẩn uý Đặng ngữ Đăng đã ra đi vĩnh viễn trong cuộc hành quân hôm sau.

    THỤY Ý


    Attached Files

  • #2
    hehe !!Cũng hay hay đấy nhỉ???????BDC đúng là 1 người con gái "LẾT LA" của dân Việt ở Mỹ...
    sigpic Có lúc cần từ bỏ cô gái này để có 1 cô khác

    Bỗng một ngày em bất chợt nhận ra
    Trái tim em đã trở nên chật chội
    Con đường yêu em không còn mở lối
    Để dành riêng cho duy nhất một người.

    TN

    """This is the miracle that happens every time to those who really love: the more they give, the more they possess."""

    Comment


    • #3
      Bụi lết thui , chớ hõng có la .. lại đỗ oan cho Bụi nữa gòi

      Comment

      Working...
      X