Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

ChÂn DuNg HạNh PhÚc - Thùy An

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • ChÂn DuNg HạNh PhÚc - Thùy An


    * Tác giả: Thùy An
    * Nhà xuất bản Tuổi Hoa
    * Nguồn : vnthuquan
    (nguồn gốc Tủ sách Tuổi Hoa Hạt Nắng )


    Tôi là đứa con gái trời bắt xấu . Ý tưởng chán chường cuộc sống bắt đầu từ ngày tôi vừa biết điểm trang . Tôi muốn đập vỡ những tấm kiếng ngạo nghễ treo trông nhà, trên đường phố cùng tất cả những cái gì có thể phản chiếu được niềm bất hạnh đang hằn sâu trên gương mặt tôi, lên dáng dấp tôi, và gậm nhấm cả tâm hồn tôi .
    Tôi sinh trưởng trông một gia đình khá giả. Ba tôi là bác sĩ Hải, giáo sư tại Y Khoa Đại Học Đường và me tôi là bà Bội Ngọc, giáo sư Việt Văn uy tín của trường Đồng Khánh . Tôi có một người anh, anh Tuấn hiện tập sự trạng sư và một cô em gái, nhỏ bội Nga, thua tôi một tuổi và đang học cùng lớp với tôi . Trái với tôi, Bội Nga rất đẹp, da trắng, mũi dọc dừa, gương mặt thanh tú, theo lời ba tôi nói, Bội Nga giống hệt me tôi hồi còn con gái, và tôi, vô phúc chưa, tôi lại là hiện thân của người cô tôi, đó là một người con gái không nhan sắc, sống âm thầm như một cái bóng trong chùa Sư Nữ sau một lần dang dỡ tình duyên .

    Nhà tôi là một biệt thự lộng lẫy xây bên bờ sông Hương, dòng sông êm đềm thơ mộng chảy hiền hòa giữa lòng thành phố cổ kính u buồn, u buồn như tâm hồn tôi mỗi buổi chiều mở cửa phòng học nhìn ánh mặt trời tắt lịm sau dãy núi đằng xa .
    Tôi là hoàng hôn, tôi là bóng tối trong khi Bội Nga đích thực là ánh Thái Dương lộng lẫy huy hoàng trông lứa tuổi đẹp nhất đời thiếu nữ .
    Bội Nga vô tư, Bội Nga nhí nhảnh như con chim sơn ca hót líu lo suốt ngày, còn tôi, sao cùng trang lứa với Bội Nga mà cằn cỗi như già đi trước tuổi, mặc cảm xấu xí đã khiến tôi biếng cười, biếng nói và do đó, gương mặt tôi càng mất đi vẻ vui tươi .

    Chiều nay, cũng như mọi buổi chiều khác, sau khi đi học về, tắm rửa xong, tôi xách bình nước ra tưới hoa . Trước nhà tôi, là cả một vườn hoa thật đẹp, đủ tất cả các loại hồng, cúc, thược dược, cẩm nhung... đặt dưới sự chăm sóc của bác Tám làm vườn . Riêng tôi, ba cho tôi một khoảng đất nhỏ ngay bên dưới cửa sổ phòng học để trồng cúc vì tôi vốn yêu hương thơm loài cúc từ thưở thiếu thời . Khóm cúc do tự tay tôi gieo hạt, vun xới đã xanh tươi và bắt đầu khai hoa . Ba thường bảo:
    - Con Bội Tiên rứa mà khéo tay thật, nó chăm sóc vườn hoa nhỏ của nó còn đẹp hơn vườn hoa của ba nữa.
    Ngoài thú trồng hoa, tôi còn thích nuôi chim nữa . Nên kỳ thi bán phần vừa qua, tôi đậu bình thứ và được ba thưởng cho một cặp chim Hoàng Yến gửi mua tận Hồng Kông. Tôi mừng không thể tưởng, tôi ôm lấy cánh tay ba, lời cám ơn rưng rưng cùng nước mắt . Me mua cho tôi một chiếc lồng đan bằng gỗ quí, anh Tuấn đóng đinh treo chiếc lồng cạnh cửa sổ còn Bội Nga lăng xăng chạy đi tìm cái chén nhỏ đựng nước uống cho cặp chim Yến. Tất cả mọi người trong gia đình đều thương yêu tôi, và... nếu tôi được đẹp bằng một phần ba nhan sắc của Bội Nga, tôi sẽ là người con gái diễm phúc hoàn toàn .
    Tôi nhón gót ngắt ngọn lá sâu, chợi có tiếng gọi:
    - Tiên .
    Tôi quay lại:
    - Kìa, anh Tùng.
    Tùng là bạn thân của anh Tuấn và là học trò của ba, năm nay Tùng học năm thứ sáu.
    - Có thầy ở nhà không Tiên ?
    Tôi lắc đầu:
    - Ba Tiên chưa về nơi, có me Tiên và anh Tuấn ở trong nhà a .
    Tùng nhìn chiếc bình tưới trên tay tôi:
    - Chà, Tiên siêng quá, rứa bác Tám làm vườn mô rồi ?
    Tôi chỉ tay ra xa:
    - Bác ấy lo cho vườn hoa của ba Tiên. Còn luống hoa ni là của Tiên mà .
    Tùng nâng niu một đóa cúc còn non :
    - Tiên yêu hoa cúc ?
    Tôi nhìn Tùng:
    - Răng anh biết ?
    Tùng cười:
    - Tại tôi thấy Tiên trồng toàn cúc.
    Tôi vuốt nhẹ mái tóc:
    - Tính của Tiên kỳ khôi lắm, thích hoa chi là Tiên cứ trồng mỗi thứ hoa nớ, có nhiều giống mẫu đơn và thược dược quí lắm, ba Tiên có cho, mà Tiên không trồng. Tiên giao cho bác Tám gieo ở vườn hoa của ba Tiên, anh ra nớ mà coi, đẹp lắm .
    Tôi nhất chiếc bình lên cao cho những tia nước mát phun tới khóm hoa cuối cùng, rồi bảo Tùng:
    - Tiên xong việc rồi. Anh vô gặp anh Tuấn và me Tiên nghe .
    Tùng gật đầu:
    - Ừ, có thể tôi sẽ ngồi lại đợi thầy .
    Tôi đi song song với Tùng lên tầng cấp:
    - Chắc anh muốn gặp ba Tiên, có chuyện quan trọng phải không ?
    Tùng nói nhỏ:
    - Cũng không có chi, tôi...
    Tôi đưa tay vặn nắm cửa:
    - Tiên hỏi rứa thôi, chớ Tiên có tò mò chi mô mà anh dấu.
    Tùng cười:
    - Dấu chi mô, thật sự không có chi quan trọng hết Tiên nờ.
    Tôi đứng sang một bên nhường lối cho Tùng vào. Me đang sửa lại bình hoa trên bàn, ngẩng lên:
    - Tùng sang chơi đó à ?
    Tùng nghiêng mình:
    - Dạ thưa cô, con sang thăm thầy cô và định gặp thầy có chút chuyện.
    Me chỉ vào ghế:
    - Tùng ngồi chơi đi, thầy cũng sắp về rồi đó.
    Tùng lễ phép ngồi xuống ghế, me bảo tôi:
    - Vô pha nước cho anh Tùng thời đi con.
    Tôi cầm chiếc bình tưới hoa đi vào nhà trong:
    - Dạ, để con cất cái ni đã. Me, me gọi anh Tuấn ra nói chuyện với anh Tùng tề.
    Tôi đến tủ buffet lấy một nhúm trà cho vào bình rồi chế nước sôi vào, trà cúc êm dịu thoang thoảng hương nồng nàn. Tôi rót trà vào tách nước nhỏ bưng đến để trước mặt Tùng. Me cười:
    - Trà cúc đó, Tùng uống thử xem có ngon không. Chính tay con Bội Tiên ướp cúc đó.
    Tùng nâng chén trà, nhìn vào mắt tôi:
    - Phải hoa cúc của vườn Tiên không ?
    Tôi bối rối, tôi xoắn hai ngón tay vào nhau:
    - Mô có... cúc của vườn ba Tiên đó anh, cúc vườn Tiên chưa ra hoa mà.
    Tùng nhấp một hớp trà:
    - Thơm quá, Bội Tiên khéo tay thật.
    Tôi cúi đầu nhìn những ô vuông trên nền gạch hoa . Tùng vừa khen tôi đấy à, người con trai ấy vừa nói bên tôi những lời êm dịu đó sao ? Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ tôi nhận được một lời khen từ một đối tượng khác phái, dù là một lời hết sức đơn sơ . Tôi không có bạn trai, hay nói đúng hơn, không một người con trai nào muốn làm quen với tôi dù tôi nết na, tôi đằm thắm ... trông khi đó, họ chạy theo Bội Nga như đám thiêu thân lao đầu vào ngọn đèn rực rỡ hào quang, họ mang đến tặng Bội Nga những bó hoa, những đĩa nhạc, những món quà đắt giá... và mỗi lần gặp tôi tại nhà, họ chỉ chào hỏi tôi vài câu lấy lệ rồi bỏ đi ngay như muốn trốn lánh một hình ảnh xấu xa .
    Những lần đó, tôi chỉ biết âm thầm khóc cho sự bất hạnh của mình, thế thôi, tôi không ganh với Bội Nga, mà trái lại, tôi còn cầu mong cho em tôi gặp được người xứng đáng để đẹp lòng ba me, còn thân tôi, chắc rồi cũng cô đơn suốt đời mà thôi.

    Tôi lặng lẽ nhìn Tùng, anh đang lật cuốn thế giới tự do xem hình ảnh cho qua thì giờ đợi ba về. Tôi cũng ngồi im lặng như con ốc sên, không còn gì để nói với nhau nữa. Me đang soạn bài bên phòng học, không biết anh Tuấn đang làm gì trên lầu mà không thấy xuống. Me gọi tôi:
    - Tiên ơi.
    - Dạ.
    - Bội Nga đi mô có nói với con không ?
    - Dạ có, nó qua phố mua sách đó me. Để con ra ngõ xem nó về chưa.
    Tôi đứng dậy, Tùng vẫn dán mắt vào cuốn sách, rõ ràng anh chẳng để ý đến tôi. Tôi đếm những bước chân buồn ra cổng. Bội Nga đang dắt chiếc Yamaha vào ngõ, có ba bốn chiếc Honda lượn qua lượn lại trước nhà cùng những đôi mắt chiêm ngưỡng:
    - Bội Nga, Bội Nga.
    Đôi mắt đẹp của Bội Nga nguýt dài:
    - Vô duyên chưa.
    Tôi hỏi em:
    - Răng về trễ rứa Nga ?
    Bội Nga mở bóp lấy khăn lau mồ hôi:
    - Tìm mãi mới ra cuốn sách cô Thảo dặn. Em có mua cho chị nữa đó.
    - Rứa à, để chị trả tiền lại Nga.
    - Thôi mà, em tặng chị mà.
    Rồi cô bé thở dài:
    - Thiệt mồng năm mười bốn hăm ba, đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn.
    Tôi hỏi:
    - Em nói chi rứa Nga ?
    - Thì em nói bữa ni 23 xấu ngày, ra đến phố bị mấy tụi đi theo tán, em cuống quá chả mua chi được hết, định mua cái lược rồi cũng quên.
    Tôi cười dịu dàng:
    - Em đẹp người ta mới theo chớ.
    Bội Nga nhún vai:
    - Thôi, em chả ham.
    Em chẳng ham mà chị ham đó Nga, chị chỉ ao ước đẹp bằng một phần 3 của em thôi, chị cũng đủ mãn nguyện lắm rồi. Không có gì tủi hổ cho bằng khi biết mình là một người con gái xấu, đi ra đường không ai thèm nhìn, thèm gọi dù chỉ là một lời chào hỏi thông thường.
    Bội Nga đi thẳng vào phòng me:
    - Me ơi, tối ni ba không ăn cơm. Con gặp ba đang đi với bác Phiệt, ba nói ba sắp dự một phiên họp bất thường chắc phải 9, 10 giờ mới về.
    Me theo Bội Nga bước ra phòng khách, Bội Nga liến thoáng:
    - A anh Tùng, nãy giờ Nga không thấy, xin lỗi anh nghe.
    Tùng xếp cuốn thế giới tự do lại:
    - Bội Nga đi phố về có chi vui không ?
    - Vui chi mà vui, rầu lắm anh ơi !
    Bội Nga ngồi xuống ghế .
    - Anh đang đợi ba Nga có phải không ?
    Tùng gật đầu. Me nhìn Tùng:
    - Tối ni thầy về khuya, chắc Tùng đợi không được rồi đó.
    Tùng đứng dậy:
    - Dạ, hình như con cũng có nghe Bội Nga vừa nói với cô. Thôi, thưa cô cho phép con về.
    Me giữ lại:
    - Ở lại ăn cơm rồi về, Tùng.
    - Thưa cô, cô cho con khi khác, tại con không dặn bên nhà, sợ ba me con đợi.
    Tùng vẫn không nhìn thấy tôi đang đứng cạnh đó, me tiễn Tùng ra cửa, tôi thẫn thờ đi lên lầu, Bội Nga chạy theo:
    - Chị bội Tiên.
    Tôi không quay lại:
    - Thì lên phòng chị rồi nói chuyện, la to rứa ?
    Bội Nga xách chiếc túi lớn bước vào phòng quăng lên giường tôi:
    - Em cho chị coi nì, em mới mua nhiều đồ đẹp lắm.
    Bội Nga mở túi lấy cuốn sách đưa cho tôi:
    - Của chị đây.
    Cô bé tiếp tục lục tung chiếc túi:
    - Vải may pyjama nì, chị thấy bông dễ thương chưa, hàng may quần tây nì, tergal đó... à, em còn có cái ni nữa, đẹp tàn canh vô nhân đạo luôn.
    Tôi vui theo em:
    - Chi rứa Nga ?
    Bội Nga lấy ra một tấm bìa trắng có ghim 12 chiếc kẹp đủ màu đủ kiểu, cô bé líu lo đôi môi hồng:
    - 500 đó, 12 cây kẹp, rẻ chưa chị tiên. Em sẽ kẹp lên tóc từng chiếc cho thật hợp với màu áo. Chị có thích không chị tiên ? Em với chị dùng chung nghe.
    Tôi cười héo hắt:
    - Chị mà kẹp vào có ma nó nhìn.
    Bội Nga có vẻ không bằng lòng:
    - Chị nói chi lạ rứa chị tiên, hay thôi chị lựa vài cái, em cho chị 5 cái đó.
    Bội Nga đến bên bàn viết lấy tấm gương soi nhỏ đưa cho tôi:
    - Chị lựa xem màu chi hạp với chị, còn lại bao nhiêu để đó cho em, em chạy xuống nhà một chút.
    Tôi mân mê những chiếc kẹp đủ màu rồi nhìn tấm gương nằm im lìm trên mặt nệm. Thật tình, tôi ghét sờ đến gương, đụng đến lược và muốn lánh xe chúng lâu chừng nào tốt chừng đó.
    Mỗi buổi sáng đi học, đứng trước gương chải tóc là cả một cực hình đối với tôi, nhưng đó là điều bắt buộc, không lẽ lại để đầu bù tóc rối đến trường sao. Một người con gái xấu như tôi mà không chịu chải tóc tai vén khéo thì làm sao mà nhìn vào cho được, người ta sẽ cười tôi rồi cười lấy đến me đó là một điều tôi không bao giờ muốn, dù sao me cũng là một giáo sư có uy tín ở trường.
    Tôi lựa chiếc kẹp màu nâu nhạt, nên chọn một cái kẻo Bội Nga nó buồn, nó muốn cho tôi đến những 5 cái cơ mà. Bội Nga rất thương tôi, tất cả những cái gì nó có, nó đều muốn chia sớt cho tôi, luôn luôn Bội Nga muốn làm vừa lòng tôi. Đôi lúc tôi thầm nghĩ, chắc tại Bội Nga thấy tôi xấu xí, nên trong tình chị em còn có chút lòng thương hại, khiến cô bé bao giờ cũng chiù chuộng tôi rất mực. Mỗi lần nghĩ vậy là tôi lại khóc, tôi lại buồn nhưng sau những giây phút đó, tôi lại hối hận vô song, bởi tôi đã vì mặc cảm mà nghĩ xấu cho Bội Nga.
    Tôi thương Bội Nga lắm, tôi thương em tôi còn hơn chính cả bản thân tôi và luôn luôn tôi cầu nguyện cho Bội Nga được gặp nhiều hạnh phúc.
    Tôi cài chiếc kẹp nâu lên mái tóc huyền rồi ngập ngừng đưa gương lên soi. Chiếc gương thản nhiên phản chiếu một gương mặt sần sùi những mụn, chiếc mũi thô và cái sẹo tàn nhẫn vắt ngang chân mày trái... tôi tủi hờn quăng mạnh tấm gương xuống nền gạch hoa vỡ loảng xoảng, những mảnh nhọn bắn tung lên ghim vào tim tôi ngàn vết thương rướm máu muôn đời.







    Trời đã sang đông. Gió heo may về lạnh lùng thành phố và khóm cúc vườn tôi đã nở tròn trịa những đóa hoa đầu tiên .
    Chiếc lồng chim Hoàng Yến đã được tôi đem vào phòng trong, treo gần bên lò sưởi để tránh những trận gió đầu mùa từ phía bờ sông thổi lên, rít ghê người không chịu được . Tôi vẫn sống hiền hòa trông ngôi biệt thự màu xanh, vui với tình thương gia đình, và buồn với nỗi buồn không nhan sắc . Tuổi dậy thì vẫn vô tình đi nhẹ vào đời như một ve vuốt êm đềm, ru hồn tôi dạt dào những mơ mộng thần tiên . Nhưng tôi vẫn yêu tha thiết những buổi chiều mây mù giăng xuống thấp và bâng khuâng rơi nước mắt khi nhìn đám lá vàng bị gió đánh tung, dập vùi lăn lóc dưới hiên mưa ... tôi bắt đầu viết nhật ký, trang trải nỗi lòng mình lên từng tờ giấy mỏng màu xanh . Đó là những lời than van, những dằn vặt ê chề của số phận hẩm hiu gieo xuống cuộc đời người con gái trời bắt xấu .
    Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện cổ tích tôi học được năm còn học lớp nhì đó là chuyện "Con Cánh Cam hào hiệp". Chuyện kể rằng: "Ngày đó, bà tiên trên núi Tuyết Sơn tổ chức buổi dạ vũ và mời tất cả loại côn trùng đến dự. Đến ngày hội, các côn trùng chưng diện bảnh bao, trông số đó có con Bọ dừa nổi bật nhất với quần gấm tía và áo hồng đào, nhưng đó là một sinh vật kiêu căng, hợm mình, cùng đi với nó, có con Cánh Cam trông bộ áo kim tuyến màu xanh tươi . Khi cả 2 bay qua một khu vườn nhà kia đèn thắp sáng choang, bỗng nghe có tiếng kêu cứu của một con ong lỡ rơi vào lọ mực. Thấy Bọ dừa có vẻ mạnh khỏe hơn, con Ong hướng đôi mắt cầu cứu về phía nó nhưng Bọ dừa đã quay đi, nó tiếc bộ quần áo đẹp có thể lấm mực nếu phải tay cho con Ong níu vào. Cuối cùng, Cánh Cam yếu đuối đã cứu được Ong, nhưng quần áo chúng nó lấm lem những mực và đến núi Tuyết Sơn trễ giờ khai mạc. Nhưng bà Tiên đã không phạt chúng mà còn lấy chiếc đũa thần hóa phép cho chúng sạch những vết dơ và màu sắc trên quần áo còn tươi đẹp hơn trước nữa. Riêng Bọ dừa, nó đã bị bà Tiên trừng phạt bằng cách lấy chiếc đũa gõ nhẹ trên lưng, và chiếc đũa đi đến đâu, là hiện ra những vằn đen xấu xí. Mắc cỡ quá, Bọ dừa ôm mặt lủi vào bóng tối trước những cặp mắt chế diễu của các bạn".
    Có lẽ kiếp trước tôi là con Bọ dừa kiêu căng đó, nên kiếp này mới chịu nhiều nỗi đắng cay. Tôi là đoàn viên của gia đình Phật tử, do đó tôi rất tin luật nhân quả, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, chắc có lẽ kiếp trước tôi đã vụng đường tu.
    Mùa lạnh năm nay, ba gửi mua tận bên Nhật cho tôi và Bội Nga 2 chiếc áo mưa thật đẹp và rất hợp thời trang. Nói đến thời trang, tôi lại càng thấy mỉa mai đâu đớn, bởi với thân hình cứng ngắt của tôi, tôi không thể mặc bất cứ một kiểu áo nào xem cho đẹp được. Nói một cách nôm na, là áo đi đường áo,người đi đường người. Áo càng đẹp, càng sang thì sự xấu xí của tôi càng thấy rõ, không như Bội Nga, cô bé mặc kiểu áo gì cũng nổi, cũng quí phái sang trọng, tôi đã từng nghe mọi người khen: "Bội Nga có mặc vải bố cũng vẫn đẹp như thường". Quả kiếp trước, Bội Nga chính là con Cánh Cam hào hiệp.

    Chúng tôi đến trường trông hai chiếc áo mưa mới, tôi màu xanh và Bội Nga màu đỏ thẫm. Hồng Nhưng đứng trước cửa lớp la lên:
    - Tụi bây ơi, ra mà coi, con Bội Nga có cái áo mưa đẹp rùng rợn.
    Cả bọn túa ra:
    - Mô ? Mô ? Chao ôi, áo đã đẹp mà người lại còn đẹp hơn nữa.
    Không ai chú ý đến tôi, dù tôi cũng có một cái áo mưa giống hệt của Bội Nga, mà màu sắc có lẽ còn tươi hơn nữa vì hôm qua Bội Nga đã nhường cho tôi lựa trước. Tụi học trò con gái cũng không để tâm đến tôi thì còn nói đến ai nữa. Tôi cúi mặt đi về phía cuối lớp, Kim Thoa đang chăm chú tô màu bản đồ, ngó lên:
    - Đi trễ rứa mi, chà, bữa ni có áo mưa mới ta, đẹp ghê.
    Tôi cởi áo mưa xếp vào học bàn:
    - Áo đẹp mà để cho tao bận, thiệt tội nghiệp cho cái áo.
    Kim Thoa cắn cây bút chì lên môi:
    - Tao khen thiệt mà, bộ mi giận tao hả ?
    Tôi nói nhỏ:
    - Không.
    Kim Thoa nhìn tôi một giây rồi lắc đầu, cúi xuống tiếp tục vẽ. Trông lớp, tôi chỉ thân có mỗi mình Kim Thoa. Kim Thoa là em ruột của Tùng, nó thường theo anh lại nhà tôi và có vẻ mến thương tôi thành thật. Tôi cũng vậy, tôi mến Kim Thoa hơn tất cả các bạn đồng học, bởi Kim Thoa hiền lành, Kim Thoa tế nhị, Kim Thoa hiểu rõ nỗi khổ tâm của tôi nên nó thường ít hay nhắc đến những vấn đề gì có liên quan đến sắc đẹp như một kiểu trang sức, một màu áo hợp với nước da trước mặt tôi . Đối với tôi, trông những câu chuyện, Kim Thoa thường nhắc đến cái đẹp về tinh thần hơn, về một tấm lòng vàng trông manh áo rách, nó hay bảo với tôi:
    - Nhan sắc rồi cũng sẽ bị thời gian tàn phá, chỉ có tâm hồn đẹp mới đáng quí thôi.
    Tôi biết, đó chỉ là những lời an ủi của Kim Thoa nhưng dù sao, nó cũng làm cho tôi đỡ bớt phần nào mặc cảm, chơi với Kim Thoa tôi tìm thấy được sự yên tĩnh của tâm hồn.
    Tiếng trống vào học át hẳn cả tiếng gió mưa đang gào thét ngoài sân. Cả lớp nhao nhao:
    - Sáng ni giờ Hiệu Đoàn chắc cô bàn đến vụ văn nghệ tất niên.
    - Vui quá ta, tao ưa giờ ni rứa.
    - Tao cũng rứa.
    Cô Trâm bước vào lớp, ra dấu cho chúng tôi ngồi xuống. Cô cởi áo manteau máng vào ghế rồi nhìn từ đầu lớp đến cuối:
    - Sáng ni có em mô vắng mặt không ?
    Cẩm Khanh láu táu:
    - Cô điểm danh đi cô.
    Tiếng lao xao như bầy ong vỡ tổ, cô Trâm gõ cây thước xuống bàn:
    - Im lặng. Nghe cô nói nì.
    Những đôi môi hồng dừng lại. Cả lớp im phăng phắt, những cặp mắt mở lớn nhìn cô chờ đợi. Cô Trâm chậm rãi:
    - Như các em đã biết, trường mình năm ni tổ chức văn nghệ tất niên to lắm. Cô muốn lớp mình phải có một màn trình diễn thật đặc sắc, hầu chiếm cho được giải thưởng văn nghệ toàn trường do chính tay bà Hiệu Trưởng trao tặng. Các em nghĩ răng ?
    Cả lớp vỗ tay:
    - Tụi em chịu gấp cô ơi.
    Bạch Tuyết, liên đội trưởng lớp tôi, đứng lên lễ phép:
    - Thưa cô, rứa cô đã có ý định chi chưa ?
    Cô Trâm gật đầu:
    - Đó là vấn đề cô muốn bàn với các em trông giờ Hiệu Đoàn ni.
    Cả lớp im lặng. Cô Trâm tiếp:
    - Cô muốn lớp mình tổ chức một màn trình diễn quốc phục thiếu nữ của các nước trên thế giới dưới đề tài "Cuộc viếng thăm Việt Nam của các hoa hậu Quốc Tế" các em chịu không ?
    Bạch Tuyết đưa tay lên. Cô bảo:
    - Em Tuyết cứ phát biểu ý kiến.
    Bạch Tuyết đứng dậy:
    - Thưa cô, như rứa là phải chọn các bạn trông lớp mình để đóng các vai hoa hậu Quốc Tế, em xin có ý kiến là mình nên tiếp xúc cuộc tuyển chọn ngay trông giờ ni, để sắp xếp và tập luyện cho kịp.
    Cô Trâm cười thật tươi:
    - Ý em Tuyết thật đúng với ý cô. Các em khác nghĩ răng ? Nói cho cô biết.
    - Tụi em hoan hô Bạch Tuyết, tụi em đồng ý với Bạch Tuyết.

    Thế là màn tuyển chọn các người đẹp của lớp tôi bắt đầu. Kim Thoa cũng nhập cuộc, ý kiến của nó phát biểu cùng các bạn tạo nên những âm thanh hỗn loạn vang vào tim tôi. Tôi ngồi thu hình nhỏ mọn trông góc lớp, không ai thèm để ý đến tôi, cả chục cái tên hoa mỹ được nêu lên và viết lớn trên bảng đen, nhưng tuyệt nhiên, không một lần có tên Bội Tiên. Tôi bịt 2 tai, tôi dán mắt lên những vết mực dính tỹên bàn và cầu mông chóng hết giờ Hiệu Đoàn chua xót này. Bội Tiên ơi, mầy quá thừa thải trông lớp học này, trông gian phòng này, mày là cái bóng mờ, là dáng lạc đà xấu xí cô đơn giữa sa mạc hoang vu. Tôi đã kiệt sức, tôi đã lã người trên nền cát nóng bỏng, khô khan, không một giọt mưa, một bóng lá nào ru nhẹ hồn tôi qua nỗi xót xa này sao ?
    Kim Thoa đập vào vai tôi:
    - Ê mi, con Bội Nga được nhiều phiếu nhất, nó sẽ được tuyển làm hoa hậu Việt Nam ra sân bay đón tiếp các hoa hậu quốc tế đó.
    Tôi quên hết nỗi buồn đau, mừng theo niềm hãnh diện của em mình:
    - Ừ, tao thích quá. Rứa là Bội Nga coi như đẹp nhất phải không Thoa ?
    Kim Thoa gật đầu:
    - Khỏi phải nói, em mi đẹp nổi tiếng mà.
    Tôi âu yếm nhìn Bội Nga đang ríu rít nói chuyện với Hồng Nhưng bên cạnh:
    - Tao vẫn hằng mong cho Bội Nga gặp được nhiều hạnh phúc, Thoa nờ.
    Kim Thoa nắm chặt lấy tay tôi bóp mạnh:
    - Mi là một người chị thật tốt Bội Tiên ơi.
    Cô Trâm lại lấy thước gõ lên bàn:
    - Các em im lặng. Để cô đọc kết quả cuộc tuyển chọn nghe: Bội Nga được làm hoa hậu Việt Nam, Cẩm Thạch hoa hậu Thái Lan, Diệp Khánh hoa hậu Nhật Bổn... có em mô phản đối không ?
    im lặng một lát cô Trâm bảo:
    - Bây giờ, mình nên chọn một địa điểm rộng rãi để tập dượt. Những cái đi, đứng, nghiêng mình... là những vấn đề hết sức tế nhị, không phải dễ dàng đâu, phải tập tành thật kỹ chứ không thể cẩu thả được.
    Chuông reo đổi giờ, cô Trâm đứng dậy:
    - Thôi để tuần sau cô bàn tiếp.
    Tôi chống tay vào cằm, nhìn ra cửa sổ gió mưa tơi bời, Bội Nga đến bên tôi:
    - Chị tiên, chị đã nghe kết quả cô Trâm đọc chưa ?
    Tôi cười với em:
    - Chị có nghe rồi. Chị sung sướng lắm, chị rất hãnh diện vì có một cô em xinh đẹp.
    Bội Nga ôm chầm lấy tôi:
    - Em mừng quá chị tiên ơi, khi mô em lên sân khấu, chị nhớ chải tóc và trang điểm cho em nghe.
    Tôi trìu mến nhìn vào đôi mắt trông veo của Bội Nga, tôi gật đầu không nói. Nhất định tôi phải sửa soạn thật đẹp cho Bội Nga mới được. Tôi tuy xấu xí nhưng được cái khéo tay, bất cứ các công việc gì dù lớn dù nhỏ, có bàn tay tôi để vào là hoàn toàn tốt đẹp. Me đi dự đại hội, cũng đều nhờ tôi chải đầu, Bội Nga đi ăn sinh nhật bạn, cũng nhờ tôi đánh phấn thoa son hộ. Ngay cả gian phòng thí nghiệm của ba hồi mới xây ở cuối vườn, cũng do một tay tôi trang hoàng sắp xếp các dụng cụ y khoa, các bình lọ đựng chất hóa học cùng các máy móc tối tân khác. Ba thường bảo me:
    - Con Bội Tiên sau này sẽ là phụ tá của tôi, con nhỏ thông minh và có óc tổ chức tuyệt diệu lắm. Thế nào tôi cũng phải cho nó theo y khoa.
    Đó là niềm mơ ước của tôi. Tôi sẽ đi theo con đường đã dẫn của ba đến thành công. Con đường y khoa lắm chông gai nhưng nhiều an ủi, đó là tình người , đó là hòa mình chia xẻ nổi khổ đâu của nhân loại, xoa dịu mỗi vết thương tàn phá hình hài.
    Đất nước tôi điêu linh đã hơn phần tư thế kỷ, đồng ruộng khô khan, nụ lúa cỗi cằn không nở được bông hoa. Từng đoàn người lũ lượt kéo nhau lên thành thị tránh nạn lửa bom, bỏ nhà cửa ruộng vườn, quê cha đất tổ, ngôi vườn hoang cây trái u sầu. Tôi đã thấy những mẹ già nua trông các trại định cư, mắt hom hem vẫn còn lông lanh niềm tin trở lại quê nhà. Tôi đã thấy những gương mặt hồn nhiên thơ dại của lũ trẻ sống lạnh lùng trông những viện mồ côi suốt cuộc đời không bao giờ thấy lại mẹ cha, chiến tranh đã cướp đi của chúng một mái gia đình. Tôi đã xót xa, đã xúc cảm thật sự khi có lần cùng phái đoàn nhà trường đến thăm một quân y viện, anh thương binh băng trắng quấn quanh mình, mệt mỏi nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thật hiền lành. Đó là những con người đang chiến đấu giữ quê hương, và tôi, người hậu phương không thể điềm nhiên sống yên vui trông nhưng lụa, trông tiện nghi đầy đủ của một đứa con gái nhà giàu. Đã bao nhiêu lần tôi thầm nhủ phải làm một cái gì cho vơi bớt mặc cảm thụ hưởng, nhưng tôi còn nhỏ quá, tôi chưa có phương tiện, tôi chưa đủ tài năng, nên suốt ngày tôi nguyện cầu ước vọng của mình mau thành tựu, đó là được thi đỗ vào y khoa .

    Buổi trưa đi học về trời tạnh ráo, Bội Nga chạy đến nói với tôi:
    - Chị tiên về trước nghe, em và mấy tụi được chọn hồi nãy lại nhà cô Trâm một chút.
    Tôi mĩm cười với Bội Nga:
    - Nhớ về mau kẻo ba me đợi cơm nghe em.
    - Dạ, một xí thôi chị.
    Tôi nhìn theo Bội Nga đang quàng vai tụi Cẩm Thạch, Diệp Khánh... líu lo nói chuyện, đứa nào cũng xinh, cũng đẹp như đàn tiên nga, như hoa hàm tiếu, người ta thường ví nàng con gái với một đóa hoa nghĩa là bất cứ người con gái nào cũng đẹp. Nhưng tôi thì không, tôi không phải là hoa dù là một cánh hoa dại mọc lẻ loi bên đường, không ai thèm nhìn đến, tôi chỉ là tôi, con Bội Tiên bạc phước, tuổi dậy thì không một kẻ yêu thương.
    Tôi thẫn thờ đi ra cổng, những vũng nước mưa còn đọng trên mặt đường in rõ vòm trời xanh lơ phía trên kia. Tôi nhìn lên cành phượng khẳng khiu, gió mùa đông đã làm tơi tả những ngọn lá buồn lăn lóc trên nền đất nhòe nhoẹt mưa sương, hoa phượng đã tàn héo từ đầu mùa thu khi nhạc ve sầu thôi rã rích, khi từng chiều, tôi mên theo lề đường nhặt những đóa hoa khô ép vào lòng nhật ký. Tôi thường ví đời mình như cánh hoa phượng tàn, khi nắng hè đã nhạt, khi mùa hè đã khuất, không còn lại gì ngoài những xác hoa buồn khô héo xót xa.
    Tôi băng qua đường, qua công viên trước trường để đi dọc theo bờ sông. Tôi muốn đi một mình, tôi muốn tránh những tia nhìn thương hại của các bạn cùng học, những ánh mắt hững hờ của các chàng trai đi về chung lối. Chợt có tiếng gọi:
    - Bội Tiên, Bội Tiên.
    Chị Thanh Xuân, bạn của anh Tuấn chạy đến bên tôi:
    - Bội Tiên, đi học về hả, răng lại thẫn thờ ở đây ?
    Tôi gượng cười:
    - Thẩn thờ chi mô. Thường em thích đi dọc theo bờ sông rứa.
    - Lâu ngày hí mới gặp lại tiên.
    Tôi sửa lại mái tóc:
    - Tại chị chớ. Răng lâu quá không thấy chị qua nhà em chơi ?
    Chị Thanh Xuân thở ra:
    - Bữa ni chị bận lắm Tiên ơi.
    Tôi tò mò:
    - Chị bận chi ?
    Chị Thanh Xuân kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế đá cạnh hồ phun nước:
    - Ngồi xuống đây chị nói cho nghe. Nhóm bạn cúa chị đó, có tổ chức mấy lớp học bình dân ở dưới Vỹ Dạ, thứ bảy chủ nhật chị bận về dưới đó đạy. Rứa mà cũng không xuể đó Tiên, học trò đông lắm mà nhóm chị lại ít người.
    Bỗng nhiên tôi có ý muốn gia nhập vào nhóm bạn của chị Thanh Xuân. Ừ nhỉ, tại sao mình lại không đem mớ kiến thức nhỏ mọn để dìu dắt các em bé tại những miền thôn xóm xa xôi, để hòa mình vào nếp sống dân quê nghèo khổ và... để khỏa lấp những ngày chủ nhật vô vị, quanh quẩn trông nhà, chưa một lần hãnh diện đi dạo phố như những nàng con gái khác chỉ trông chờ đến ngày nghĩ là rộn rã áo quần, tấp nập ngựa xe. Tôi ngập ngừng nói với chị Thanh Xuân:
    - Chị xuân, em... em có thể đến đó dạy được không ?
    Chị Thanh Xuân nói như reo:
    - Ồ, như rứa thì còn chi quí bằng. Mà... bội Tiên nói thật không ?
    Tôi gật đầu quả quyết:
    - Thiệt mà.
    - Còn bài vở, bộ tiên không bận học hành răng ?
    Tôi để tay lên đùi chị:
    - Đầu năm bài vở chưa có chi nhiều chị ơi, với lại một tuần chỉ dạy ngày chủ nhật thôi mà. Thường thường, em năng học bài vào buổi tối.
    Chị Thanh Xuân nắm tay tôi:
    - Chị cám ơn Bội Tiên trước.
    Tôi hỏi chị:
    - Rứa khi mô em có thể đi dạy được ?
    Chị Thanh Xuân hẹn:
    - Chủ nhật ni, chị đến rủ em xuống nớ chơi cho biết đã nghe.
    - Dạ.
    - Nhớ đợi chị.
    - Nì chị xuân, hay chủ nhật ni em đem xe đến nhà chở chị đi nghe.
    - Rứa thì càng tốt, chị không có xe nên cứ phải đi xe đò.

    Tôi đứng lên đưa tay xem đồng hồ:
    - Chết chưa, trưa quá rồi, thôi chị cho em về, chủ nhật ni em lại nhà chị nghe.
    - Ừ, Tiên về hí.
    Nhà tôi gần trường nên tôi thường đi bộ đến lớp, chiếc Yamaha ba mua cho tôi năm ngoái vẫn nằm hoài trông garage, khiến Bội Nga cứ nói hoài:
    -Răng chị không đem xe mà đi chị tiên, chị ngó xe em tề, mua một lần với chị mà chừ đã củ rích.
    Những lần đó tôi chỉ biết cười. Nói cho đúng thì tôi không có dịp để phóng Yamaha đi chơi như Bội Nga. Tôi không đủ can đảm dự những cuộc picnic, những lần đi dạo đồng lớp tôi đều có bạn trai đi tháp tùng, tôi chen vào cuộc vui đó chẳng khác gì vịt trời lạc giữa bầy thiên nga, và chỉ tổ gây khó chịu cho mọi người mà thôi. Nhưng bây giờ thì chiếc Yamaha của tôi sắp có công tác rồi, tôi sẽ dùng nó làm phương tiện để thực hiện mộng ước của tôi.

    Sáng chủ nhật, tôi dẫn xe ra ngõ, sau khi xin phép me qua nhà chị Thanh Xuân chơi. Hai chị em ghé Cercle ăn bún bò, xong trực chỉ ngã Thuận An. Trời lạnh, nhưng có nắng, gió lồng lộng thổi, làm hai tay tôi run run vì rét.
    Xe qua đập đá, nước sông Hương đục ngầu cuồn cuộn dâng cao, chị Thanh Xuân chép miệng:
    - Nước lớn quá, năm ni dám lụt to lắm Tiên ơi.
    Tôi hơi quay về phía sau:
    - Thì năm mô Huế mình lại chẳng lụt, chị không nghe trông bài tiếng sông Hương à: "Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đâu thương thấm tràn... !"
    Chị Thanh Xuân ôm chặt tôi thêm:
    - Tội nghiệp xứ Huế mình ghê Tiên hí.
    Xe đến thôn Vỹ dạ, hàng tre 2 bên đường xanh mướt vút cao. Chị Thanh Xuân ngâm khe khẽ sau lưng tôi:

    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
    Lá trúc tre ngang mặt chữ điền
    Tôi nghe thoáng buồn, người con gái đẹp nào cũng gợi nguồn thi hứng cho các thi sĩ, ngoại trừ tôi, kẻ xấu xí này.
    Tiếng chị Thanh Xuân kéo tôi về thực tế:
    - Rẽ sang tay trái Tiên.
    Xe đi qua con đường mòn gồ ghề khúc khuỷu, ổ gà trên mặt đường mỗi lúc một nhiều làm tôi bao lần xuýt lạc tay lái.
    - Còn xa không chị xuân ?
    - Sắp tới rồi, em thấy cái cổng sơn màu vàng không ? Trông nớ đó, lớp học ở gần nhà thờ.
    Tôi cho xe tiến vào cổng, đường ở đây được lấp đất bằng phẳng dễ đi nhưng nhà cửa hai bên lại nghèo nàn xơ xác, những mái tranh thấp lè tè và các cánh cửa đều xiêu vẹo. Một vài giàn mướp, vài luống cải trổ hoa vàng trước sân nhà vẫn không đủ sức làm tươi được thôm xóm buồn bã này. Chị Thanh Xuân hướng dẫn tôi đến nơi chị dạy, đám học sinh túa ra:
    - Thưa cô, thưa cô.
    Chị Thanh Xuân xoa đầu từng đứa rồi nói với tôi:
    - Chị phụ trách một lần hai lớp luôn. Chừ có em, chị nhường cho em một lớp. Bầy trẻ ở đầy tuy nghèo nàn rách rướ i nhưng dễ dạy lắm em.
    Tôi hơi bối rối:
    - Em có thể bắt đầu dạy được chưa chị ?
    Chị Thanh Xuân nắm tay tôi:
    - Em vào đây, chị giới thiệu em với học sinh, lớp em phụ trách hôm nay là lớp nhì.
    Những đôi mắt nai tơ mở tròn nhìn tôi, con trai có vẻ nhiều hơn con gái, và điều làm tôi trắc ẩn hơn hết là tất cả các em học sinh, áo quần đều mang những mảnh vá. Lời chị Thanh Xuân thật chững chạc:
    - Giới thiệu với các em, đây cô Bội Tiên, sẽ thay cô dạy các em kể từ chủ nhật tuần sau. Các em hãy ngoan ngoãn và siêng năng học hành để khỏi phụ lòng tốt của cô Bội Tiên đã không quản ngại đường xa và thì giờ quí báu để đến đây chỉ dạy cho các em.
    Cả lớp im lặng. Tôi nhìn những ánh mắt ngây thơ đầy thiện cảm hướng về phía tôi, những ánh mắt ấm nồng tình thương.
    Chị Thanh Xuân ra dấu cho các nem ngồi xuống, rồi chị bảo với tôi:
    - Mình vào thăm xóm cho biết em.
    Tôi nhìn chị:
    - Sáng ni chị không dạy à ?
    - Bữa ni có em mà, chị cho tụi nó nghỉ một hôm. Để chị dẫn em vào giới thiệu với dân trông xóm , những người ở đây thật thà chất phát lắm đó em.
    Tôi dắt xe để tận trông hiên nhà thờ rồi theo chị Thanh Xuân đi sâu vào xóm trông. 2 lớp chị Thanh Xuân dạy được phép nghĩ, học sinh vui mừng xếp sách vở chạy theo chúng tôi, la hét om sòm. Chị Thanh Xuân trừng mắt:
    - Các em hãy im lặng và ra về trông trật tự.
    Tiếng ồn ào dịu dần, tôi nói nhỏ vào tai chị:
    - Chị có uy tín ghê. Biết em có bắt chước được như chị không ?
    Chị Thanh Xuân cười:
    - Rồi cũng quên đi. Có rứa chúng mới sợ tiên nờ. Mà nói cho ngay thì con nít thôn ni dễ bảo lắm.
    Ngang qua một gian nhà cất bằng gỗ tạp sơn màu xanh loang lổ, cánh cửa chính treo tấm sáo cũ kỷ làm bằng những sợi nylon tím vàng, chị Thanh Xuân nói:
    - Mình vào đây một chút em.
    - Nhà ai rứa chị ?
    Chị Thanh Xuân nói nhỏ:
    - Nhà của đứa học trò xuất sắc nhất lớp mà em sắp phụ trách. Nó tên Hợi, học giỏi và có hiếu lắm đó em.
    Một đứa bé gái chừng bảy tám tuổi vén tấm màn nylon chạy ra:
    - Thưa cô.
    Chị Thanh Xuân thân mât:
    - Ừ, giỏi, rứa ba mạ mô rồi ? Anh Hợi mô rồi ?
    Đứa bé cúi đầu lễ phép:
    - Dạ thưa cô ba mạ con đi làm rồi, còn anh Hợi đang cho heo ăn. Để con đi kêu.
    Đứa bé chạy vụt ra nhà sau, chị Thanh Xuân nắm tay tôi bước vào nhà:
    - Thằng Hợi là anh cả của sáu đứa em. Ba mạ nó đi làm thợ nề ở xóm trên. Tội nghiệp thằng Hợi, mới có 11 tuổi đầu mà gánh vác việc nhà còn giỏi hơn con gái nữa.
    Thằng Hợi từ ngoài sân chạy vào. Đó là một đứa bé ăn mặc rách rưới nhưng gương mặt thật sáng sủa, tôi nghĩ, nếu nó được thắng vào một bộ quần áo lành lặn, không ai có thể đoán nỗi nó là một đứa con nít nhà quê. Thấy chị Thanh Xuân, thằng Hợi vòng tay cúi đầu:
    - Thưa cô.
    Chị Thanh Xuân dịu dàng:
    - Răng sáng ni em không đến lớp ?
    Giọng thằng bé ngập ngừng;
    - Dạ sáng ni, có bác Ngộ cuối xóm cho cây chuối thiệt to, con xắt mãi cho heo ăn tới chừ mới xông. Con biết sáng ni chi cũng đi học trễ, con định tới lớp xin lỗi cô.
    Tôi hỏi Hợi:
    - Sáng mô em cũng xắt chuối cho heo ăn hết à ?
    Thằng Hợi lễ phép:
    - Thưa cô, dạ sáng mô cũng rứa, nhưng chuối sau nhà nhỏ lắm chớ mô có to như cây chuối bác Ngộ cho.
    Chị Thanh Xuân chỉ tôi rồi nói với thằng Hợi:
    - À cô quên giới thiệu với em, đây là cô Bội Tiên, sẽ thay cô phụ trách lớp em bắt đầu từ chủ nhật tuần sau.
    Thằng Hợi gật đầu chào tôi, cái miệng cười chúm chím thật dễ thương. Nó hỏi chị Thanh Xuân:
    - Thưa cô, rứa cô không dạy tụi con nữa à ?
    - Dạy chớ. Nhưng cô nhường bớt một lớp cho cô Bội Tiên dạy. Em đừng lo, cô Bội Tiên hiền lắm.

    Chị Thanh Xuân dắt tôi đi thăm một vài nhà nữa, những gia đình có con em học tại lớp mà tôi sắp phụ trách. Điều nhận xét đầu tiên của tôi là dân làng ở đây rất đôn hậu, thiệt thà, họ trọng vọng chúng tôi hết mực và xem chúng tôi như người ân.
    Ngày chủ nhật đầu tiên trông đời, tôi cảm thấy vui vui và quên hẳn đi mặc cảm bất hạnh của mình.




    Cô Trâm chọn địa điểm tập dượt màn "Hoa hậu Quốc Tế" tại nhà Kim Thoa. Nhà Kim Thoa rộng lại vắng người, ba me nó đi Sàigòn đến tháng sau mới về, chỉ còn một người giúp việc, anh Tùng và nó trong ngôi nhà rộng thênh thang.
    Hơn nữa, cô Trâm và gia đình Kim Thoa là chỗ quen biết, người chị đầu của Kim Thoa, chị kim Xuyến ngày xưa là bạn thân của cô Trâm, hiện giờ chị đã theo chồng vào Nha Trang lập nghiệp.
    Chiều nay là buổi tập dượt đầu tiên, tôi quấn chăn nằm học bài thì Bội Nga chạy vào phòng tôi lôi dậy:
    - Chị tiên, đi với em.
    Tôi mệt mỏi:
    - Nga đi một mình đi, chị có tập mô mà phải tới đó.
    Bội Nga nũng nịu:
    - Bữa qua bổ em còn đâu chân đạp xe không được, chị chở em đi một chút mà.
    Nhìn cái nhăn mặt dễ thương của Bội Nga tôi không thể từ chối được, tôi có tính hay chiều em.
    - Ừ thì đi.
    Tôi ngồi dậy chải sơ mái tóc, với lấy chiếc áo dài màu đen khoác vào người. Bội Nga la lên:
    - Chị bận màu chi mà đên tối rứa chị tiên ?
    Tôi không đáp, tôi lặng lẽ xuống lầu dắt xe ra cổng, Bội Nga cầm chiếc áo lên chạy ra sau:
    - Chị mặc áo lên vô kẻo lạnh, chị tiên.
    Gió lạnh tạt vào người làm tôi mới nhớ, tôi đỡ tấm áo lên trên tay Bội Nga:
    - Chị quên.
    Tôi như người mất hồn, tôi như người sửng vía, bởi tôi đang buồn đến nhão người ra, bởi tôi sắp đi đến một nơi tập trung toàn người đẹp, tôi sắp là con vịt trời chen chân giữa đám thiên nga.
    Kim Thoa đứng đón chúng tôi trước cổng, Bội Nga hỏi:
    - Tụi nó đến đông đủ chưa mi ?
    - Rồi, cô Trâm cũng đến rồi.
    Tú Nhi, cô bé được chọn làm hoa hậu Mã Lai, từ trông nhà chạy ra:
    - Bội Nga, tới trễ rứa mi, cô Trâm chờ mi đó.
    Tôi theo Bội Nga và Tú Nhi vào phòng khách, các nàng "hoa hậu quốc tế" đã tụ tập đầy đủ, Cẩm Thạch pha trò khi thấy Bội Nga bước vào:
    - Hoa hậu Việt Nam vào, mời phái đoàn đứng dậy nghinh tiếp.
    Tôi cúi đầu chào cô Trâm rồi lặng lẽ rút ra nhà sau, Kim Thoa níu tay tôi:
    - Ngồi đây coi tụi nó tập mi.
    Tôi lắc đầu:
    - Thôi mi coi đi, tao ra vườn xem hoa.

    Tôi gặp Tùng đang cuốc đất ở cuối vườn, nghe tiếng động, Tùng ngừng cuốc nhìn lên:
    - Bội Tiên.
    Tôi cười:
    - Anh Tùng làm chi đó ?
    Tùng nhìn vào luống đất:
    - Tôi định xới một vồn đất nhỏ để gieo hạt.
    - Anh định trồng lại chi rứa ?
    Tùng đưa tay áo lên lau mồ hôi:
    - Chả biết nữa Tiên, của thằng bạn nó nhờ, nhà nó không có đất. Tiên tới chơi với Kim Thoa đó à, đã gặp nó chưa ?
    - Dạ rồi. Tiên đưa Bội Nga đến đây tập kịch.
    Tùng vỗ tay vào trán:
    - À, tôi nhớ rồi, hôm tê chị Trâm có nói chuyện.
    Tùng chỉ chiếc ghế đá cạnh đó :
    - Tiên ngồi chơi. Trời chiều ni tạnh đẹp ghê Tiên hí.
    - Da, mấy bữa ni mưa hoài, thiệt chán.
    Tùng dựng chiếc cuốc bên gốc măng cụt, đến ngồi cạnh tôi:
    - Nghe Kim Thoa nói Bội Tiên bữa ni có kiêm thêm nghề cô giáo nữa phải không ?
    Tôi đỏ mặt:
    - Anh dùng danh từ chi mà lớn rứa. Tiên dạy dùm cho chị Thanh Xuân.
    - Ở mô lận Tiên ?
    - Dạ ở Vỹ Dạ đi xuống một chút, trong một thôn xóm thật hiền hòa.
    - Tiên thấy vui không ?
    - Dạ vui, tụi con nít ở đó dễ thương lắm anh.
    Tùng gật gù:
    - Việc làm của Bội Tiên thật hữu ích.
    Tôi nhìn sang Tùng, chiếc mũi anh thật thẳng, vầng trán cao và đôi mắt dịu dàng. Tâm hồn tôi bỗng dưng xao xuyến lạ . Chỉ có Tùng, người con trai duy nhất ấy, đã nói bên tôi những lời ân cần dịu ngọt, đã nhìn tôi bằng ánh mắt hiền hòa và đã khen tôi với những câu thành thật. Khác hẳn với những người bạn khác của anh Tuấn, mỗi lần đến nhà tìm anh, họ không thèm chào hỏi tôi một tiếng, họ xem tôi như không có trước Bội Nga xinh đẹp. Dù tôi không hề có ý ghen với em tôi, nhưng sao mỗi lần vậy, tôi lại cảm thấy tủi thân vô cùng.

    Có tiếng Kim Thoa gọi:
    - Anh Tùng, có người muốn gặp anh nì.
    Tùng và tôi cùng nhìn về phía Thoa, Thoa đang dẫn Phượng Liên, cô bé đóng vai hoa hậu Đài Loan, ra vườn tìm Tùng, Phượng Liên ngồi ở đầu bàn tôi, cô bé rất đẹp nhưng có tính tự kiêu không ai bằng, theo lời Kim Thoa kể, hình như Phượng Liên đang thầm yêu Tùng.
    Tôi nghĩ đến thân phận mình mà buồn muốn khóc, Phượng Liên với nhan sắc đó mới thật xứng đáng làm người yêu của Tùng.

    Thấy Tùng ngồi cạnh tôi, Phượng Liên có vẻ khó chịu:
    - Không ngờ anh Tùng lại ngồi đây.
    Tùng ngạc nhiên:
    - Ngồi đây thì đã răng ? Phượng Liên kiếm tôi có chuyện chi không ?
    Cô bé kênh kiệu:
    - Liên địnhh rủ anh vô xem tụi ni tập diễn, vui lắm.
    Tùng hơi mĩm cười:
    - Thôi, để mấy cô tập với nhau, có tôi thêm mất tự nhiên đi. Hơn nữa tôi bận nói chuyện với Bội Tiên...
    Phương Liên nhìn tôi bằng cặp mắt khinh thường:
    - Chắc Bội Tiên nói chuyện hấp dẫn lắm phải không anh Tùng ?
    Tùng chau mày:
    - Phượng Liên nói chi tôi chưa hiểu ?
    Phượng Liên nhìn lên những đọt lá non trên cành cây măng cụt chậm rãi nói:
    - Vì ngoài cái đó ra, Bội Tiên chả có gì để anh phải lưu tâm đến như rứa.
    Tôi lặng người, tôi giận tái mặt, hai tay tôi buông thõng xuống đất và toàn thân run rẩy nhưng Tùng đã nói dùm tôi:
    - Phượng Liên nên giữ gìn lời ăn tiếng nói một chút, tôi thấy Phượng Liên hơi... bất lịch sự rồi đó nghe.
    Bị chạm tự ái, Phượng Liên hơi lớn tiếng:
    - Anh Tùng đừng nghĩ xấu cho Liên. Liên nói ra một sự thực mà thôi.
    Tùng cười khẩy:
    - Đó không phải là sự thực, mà chỉ là quan niệm của riêng Phượng Liên mà thôi. Tôi mong rằng, lần sau, tôi không còn nghe những lời khinh người như thế nữa.
    Quay sang tôi lời Tùng dịu dàng:
    - Tiên đừng để ý, Tiên đừng buồn, nghe Tiên.
    Tôi nhìn anh bùi ngùi:
    - Tiên biết Tiên xấu, Tiên biết Tiên vô duyên, không ai ưa Tiên hết.
    Tùng lắc đầu:
    - Tiên đừng bi quan rứa, Tiên không nghe người ta nói: "Cái nết đánh chết cái đẹp" răng ?
    Kim Thoa ngó Phượng Liên:
    - Nếu biết mi làm buồn con Bội Tiên, tao đã không dắt mi ra đây.
    Phượng Liên giận luôn Kim Thoa:
    - Ai chẳng biết con Bội Tiên là bồ ruột của mi, biết có nó ở đây tao cũng không thèm ra mô.
    Rồi cô bé núng nguẩy quay đi :
    - Cái mặt ngó hãm tài, lại thêm bộ đồ đen nữa, xui can không nổi.
    Tôi không ngăn được dòng lệ tủi hờn lăn dài trên má, Kim Thoa ôm vai tôi:
    - Đừng buồn nữa Tiên, ai còn lạ chi con Phượng Liên nớ, khinh người một cây đó.
    Tùng đứng lên bảo Kim Thoa:
    - Anh cũng không ưa nổi con bé nớ, thiệt « hữu sắc vô hương ». Thoa ngồi đây nói chuyện với Bội Tiên nghe, anh lên trường có chút việc.
    Bên trông nhà, nhóm tập diễn cũng đã giải tán, Bội Nga chạy ra tìm tôi:
    - Chị Tiên ơi ! Chị Tiên.
    Thấy những giọt nước mắt còn đọng trên mi tôi, Bội Nga ngạc nhiên:
    - Răng chị khóc rứa chị tiên ?
    Tôi cúi đầu, cắn chặt làn môi. Kim Thoa kể cho Bội Nga nghe sự việc vừa xảy ra, cô bé quắc đôi mắt phượng:
    - Được rồi, trước sau, tao cũng cho con Phượng Liên một bài học.
    Tôi đứng dậy níu tay em:
    - Thôi đừng nữa Bội Nga, bỏ qua đi.
    Bội Nga nhíu mày:
    - Bỏ răng được, chị hiền quá đi chị Tiên, chị hiền quá rồi người ta lại bắt nạt chị đó.
    Tôi quàng vai em:
    - Thôi mình về đi, em không nghe người ta nói à, một sự nhịn bằng chín sự lành.
    Kim Thoa tiễn chúng tôi ra cửa:
    - Con Phượng Liên về rồi, có nói cũng không còn ai để nói, khi mô gặp dịp tụi bây cho nó một bài học cho nó biết tay.
    Tôi chở bội Nga đi chầm chậm ra cửa Ngăn, Bội Nga nép mặt vào lưng tôi:
    - Răng chị không vô xem tụi em tập ? Tức cười lắm, trật lên trật xuống thiệt ngụy.
    Tôi bảo em:
    - Mới buổi đầu mà, rồi sẽ thông suốt cả, chị cầu trời răng cho lớp mình được giải thưởng văn nghệ toàn trường.
    - Em cũng rứa.
    Tôi cho xe chạy qua cầu sông Hương, Tùng đang đi Honđa ngược chiều, sau lưng đèo người bạn, anh nhìn tôi và cười thật tươi.
    Nụ cười đó đã ám ảnh tôi trông từng giấc cô miên. Nụ cười đó đã tràn đầy sách vở, toả khắp gian phòng. Khổ nhất là từ đó , khi tôi học toán, vẽ vòng tròn lượng giác, tôi thấy đôi môi Tùng cười ở tâm, mà vẽ hình tam giác thì cả ba đỉnh đều xoay tròn loang loáng ánh mắt Tùng đầm ấm thiết tha. Tôi đang yêu Tùng thật rồi, tình yêu đầu đời len nhẹ vào tim như giọt nắng vàng mơn man sân cỏ, như vườn lá thắm buổi sáng thật hồng chào đón ánh bình minh. Nhưng rồi cũng tuyệt vọng thôi, nhưng rồi cũng não nề như con vịt trời đắng cay ôm giấc mộng hão, khóc bơ vơ bên bờ ao hèn mọn nhìn đám thiên nga nõn nà tung cánh bay về cuối trời xa .
    Tôi chỉ là một cô gái xấu xí, dung nhan tồi tàn này không cho phép tôi mơ một vầng trăng. Tùng là bóng trăng, là tinh tú, là ánh thái dương chói lòa rạng rỡ trong vũ trụ bao la.
    Anh là một người con trai đẹp, là người tình lý tưởng trong con tim ước ao của các cô gái bây giờ. Sánh đôi bên Tùng, quả là một diễm phúc tràn đầy. Tùng vừa đẹp người, vừa đẹp tính, ba thường bảo tốt phúc thay cho người con gái nào được Tùng yêu.
    Tôi nhớ mãi lời Tùng nói với tôi: "Tiên không nghe người ta nói cái nết đánh chết cái đẹp răng ?", tôi vẫn biết đó là một lời an ủi nhưng dù sao có cũng hơn không, tôi yêu Tùng vì Tùng là người con trai duy nhất không nhìn tôi bằng ánh mắt khinh khi. Tôi cũng không phân biệt nỗi lòng tôi nữa, nhưng tôi chỉ biết rằng hiện giờ gần Tùng thì tôi thấy thương mà xa Tùng thì nhơ nhớ, và tôi thường mơ những giấc mơ đầy ắp hình ảnh Tùng.
    Tôi như người lữ hành hấp hối giữa sa mạc cát nóng khô khan và Tùng là những giọt mưa ngọt mềm giúp tôi hồi sinh. Vì vậy mà tôi yêu Tùng, tôi yêu Tùng, tôi muốn hét to cho mọi người cùng hay cùng biết, nào ai cấm được một người con gái xấu xí yêu một chàng trai đẹp, tôi cũng có trái tim, tôi cũng có tâm hồn mà... nhưng sao tôi vẫn buồn dài theo ngày tháng phôi pha...

    __________________



    Tôi cố gắng quên Tùng trông những công việc hằng ngày, những buổi đến trường, những ngày chủ nhật về thôn Vỹ Dạ, vui chơi cùng đám trẻ. Tôi quen dần trông chức vụ "cô giáo Tiên" mà dân trong thôn đã gọi đến tôi với bao tình thương mến, các em học sinh thì cứ gọi tôi là "cô Tiên, cô Tiên" làm đôi lúc tôi có cảm tưởng mình là cô tiên thật, đang dùng chiếc đũa thần gieo rắc ánh sáng vào những mái đầu xanh. Lớp tôi dạy gồm 40 em học sinh rất chăm chỉ, mà trong đó, thằng Hợi đã tỏ ra thông minh vượt bực không ngờ. Ngay buổi dạy đầu tiên, nó đã giải được nhanh chóng hai bài toán hóc búa mà tôi cho cốt để thử khả năng toàn lớp. Tôi đã để ý đến Hợi. Ngoài trí thông minh tính tình ngoan ngoãn dễ thương của nó càng thu phục thiện cảm của tôi thêm, nó thường mời tôi về nhà uống nước sau giờ dạy vì nhà nó gần trường.
    Tôi được biết, Hợi năm nay lên 11, con trai đầu của một gia đình 7 người con, 6 đứa sau toàn là gái. Ba mạ Hợi làm thợ nề, ngày 2 buổi làm lụng vất vả để kiếm tiền về nuôi các con. Hợi rất thương các em, nhưng tôi đoán được trông ánh mắt trông veo của nó, có một sự thất vọng dần lan. Hợi đang ao ước một đứa em trai. Nó thường tâm sự với tôi:
    - Con ưa có một đứa em trai, mà mạ con cứ sinh con gái hoài, con buồn quá.
    Tôi an ủi nó:
    - Em nào cũng là em, Hợi phải thương các em mới được, đừng phân biệt như rứa.
    Hợi thú nhận:
    - Con thương đồng đều chứ. Con Sửu, con Thìn, con Mùi, con Dậu... nhưng khi mạ con sinh đứa sau cùng, con Tý nớ... con bỗng thấy ghét con Tý, nó ra đời làm con không có em trai.
    Có một lần, tôi ra một đề luận: "Hãy tả hình dáng đứa em nhỏ của trò và nói cảm tưởng". Bài luận không có gì khó, nhưng bài làm của Hợi hôm đó để giấy trắng, tôi gọi lên khiển trách thì Hợi khóc òa:
    -Thưa cô, con chỉ muốn tả một đứa em trai... nhưng... con không có.
    Tôi không bằng lòng, tôi bắt Hợi phải cố gắng làm bài luận cho xong. Hợi ngồi cắn bút thật lâu, rồi cuối cùng nó tả con Tý, nhưng câu kết luận của nó thật lạ lùng, nó viết: "Em không thích em Tý của em vì nó không phải là con trai".
    Những lần tôi ghé nhà Hợi chơi, me nó , bà Sâm, thường nói với tôi:
    - Thưa cô, nhờ cô khuyên dùm thằng Hợi, không hiểu răng nó lại không ưa con Tý chút mô hết.
    Tôi hứa với bà Sâm rằng tôi sẽ cố thuyết phục thằng Hợi, trước sau gì nó cũng nghe lời tôi vì nó là một đứa trẻ ngoan và rất có cảm tình với tôi.
    Ngoài việc dạy học ra, tôi còn kiêm thêm một nghề nữa, đó là nghề y tá bất đắc dĩ. Số là một buổi sáng nọ trời lạnh, tôi nhận thấy 2 đứa học sinh ngồi đầu bàn bị cảm, đôi má đỏ bừng và cặp mắt mệt mỏi. Tôi đến bên sờ vào trán chúng, bàn tay tôi nóng hực, sẵn có mấy viên Rhumex trông xắc, tôi đưa cho mỗi đứa một viên:
    - Hai em bị đau rồi đó, cô cho phép 2 em nghỉ. Về uống thuốc này với nước nóng rồi đắp mền kín, đừng ra gió nghe các em.
    Đến trưa, thì có 2 người đàn bà, một già một trẻ tìm đến đứng lấp ló ngoài cửa lớp tôi dạy. Tôi ngạc nhiên nhìn ra, thằng Hợi mách:
    - Mạ của thằng Tèo và bà nội của con Tú đó cô.
    Tèo và Tú là hai em học sinh bị cảm vừa ra về hồi sớm. Tôi nhìn ra:
    - Hai bà muốn hỏi chi ?
    Bà già lúng túng:
    - Thưa cô, thưa cô... tôi tới xin thuốc của cô... thuốc cô hay quá, cháu nhà bị cảm từ đêm qua, chừ uống được viên thuốc của cô, cháu đã hơi bớt rồi...
    Người đàn bà trẻ nói theo:
    - Thưa cô, thằng Tèo cũng rứa.
    Tôi nhíu mày:
    - Hai em đau như rứa răng hai bà không để cho hai em nghỉ ở nhà ?
    - Dạ... tưởng đau sơ sơ... ai ngờ.
    - Lần sau hai bà phải cẩn thận một chút, hai em yếu như rứa mà lỡ gặp làn gió độc thì nguy lắm.
    - Dạ.
    Tôi mở xắc tay đưa cho mỗi người thêm một viên Rhumex:
    - Còn bấy nhiêu thôi. Chiều cho em uống thêm một lần nữa. Có thể chiều ni rảnh tôi sẽ trở lại đem thêm thuốc.
    Răng ? Ở đây không có chi y tế à ?
    Người đàn bà trẻ lắc đầu chán nản:
    - Dạ có, nhưng ở tuốt quận trên, xa xôi quá. Khi mô bịnh nặng hung mới tìm tới, chớ còn bịnh sơ sài thì cứ lơ đi là qua hết, hơi mô mà tới nớ xin thuốc.
    Tôi gật gù:
    - Thôi được hai bà về đi, tôi sẽ cố gắng giúp các ông bà trong việc ni.

    Trưa hôm đó, tôi ngủ không được, tôi lan man suy nghĩ đến những trường hợp đau ốm của dân làng, đến tình trạng thiếu thuốc men của một thôn nghèo mà trạm y tế thì quá xa xôi. Sau cùng, tôi quyết định, nên lập một tủ thuốc cho dân làng đối với một vài chứng bịnh thông thường mà tôi có thể biết được. Tôi xuống phòng thí nghiệp của ba xem xét, ba có cả một tủ thuốc ở đây và tôi vô cùng mừng rỡ là thuốc vẫn còn rất nhiều, tôi có thể xin ba một số thuốc đáng kể mà không sợ ba từ chối. Buổi chiều, tôi đem một ít thuốc cảm đến cho thằng Tèo và con Tú, xong đi thăm một số gia đình có người đau ốm, thằng Hợi đã làm hướng đạo cho tôi trong suốt cuộc đi thăm này.
    Hơn một tuần sau, tủ thuốc nhà trường đã tạm đầy đủ, gồm một số thuốc cảm cúm, đau bụng, đau mắt, thuốc sát trùng và băng dán... chị Thanh Xuân và nhóm bạn của chị vô cùng hoan nghênh việc làm của tôi. Các người dân trong làng nhìn tôi bằng đôi mắt biết ơn và kính phục, có nhiều lần tôi thoáng nghe họ nói chuyện với nhau:
    - Cô giáo Tiên là một người con gái đáng quí. Ai lấy được cô ấy thiệt có phước.
    Tôi nghe lòng mình thư thái lạ, ít ra cũng phải có những người dân làng này quên đi được cái nét xấu xí trên gương mặt tôi. Nhưng cái "đáng quí" đó không một người con trai nào thấy được đâu, trước mắt họ, tôi vẫn là con Bội Tiên xấu nhất trần gian không ai đoái hoài tưởng đến. Thời đại bây giờ phải nói ngược lại "Cái đẹp đè bẹp cái nết" chứ không phải "Cái nết đánh chết cái đẹp" đâu, Tùng ơi!... bằng chứng là Phượng Liên đó, con bé đẹp nhưng kiêu căng phách lối, thế mà người ta vẫn thích nói chuyện với nó, thích đi với nó hơn là nhìn đến tôi, con Bội Tiên này chỉ có tấm lòng ngay thật, mà cái đẹp tâm hồn chả bao giờ là yếu tố cuốn hút tình yêu.




    Tôi đã gần thành công trong công việc thằng Hợi nên thương con Tý. Hôm qua bà Sâm đến trường tìm tôi:
    - Thiệt chúng tôi cám ơn cô quá sức đi, thằng Hợi bữa ni đã thấy thương con Tý rồi nớ, nó chịu giữ con Tý mỗi lần tôi đi làm việc. Trước tê, nó không chịu bồng con nhỏ mà lại giao cho con Sửu...
    Tôi cười nhẹ:
    - Tính Hợi nó thích ngọt. Bà nên nói dịu dàng với em.
    Bà Sâm như sực nhớ:
    - Phải rồi, tại tính tôi hay gắt gỏng. Hôm mới sinh con Tý, thằng Hợi tỏ vẻ buồn, tôi không chịu an ủi nó lại còn la mắng nữa, nên nó càng ghét con Tý thêm.
    Tôi khuyên:
    - Chừ thì bà yên tâm đi. Hợi đã bắt đầu thương em Tý rồi nớ.
    Sáng nay tôi phải dậy thật sớm để đón xe đò về Vỹ Dạ vì chiếc Yamaha của tôi bị hư bất ngờ. Tôi đi bộ đến trường Sư Phạm, trời còn mù sương và những sợi mưa buồn lất phất tung bay. Tôi ôm sát chiếc ví da vào ngực cho bớt lạnh, mắt dõi về hướng cầu Trường Tiền chờ chuyến xe qua. Có tiếng động cơ nổ dòn sau lưng tôi, tôi quay lại:
    - Ủa, anh Tùng, anh đi mô mà sớm rứa ?
    Tùng cười thật đẹp, tia mắt nhìn xoáy động buồng tim:
    - Tôi đi trực về. Bữa ni chủ nhật mà Tiên ăn mặc chỉnh tề đi mô đây ?
    Tôi hơi thẹn:
    - Tiên... tiên đi dạy.
    - À, có rứa mà tôi cũng quên. Xe Tiên mô ?
    - Xe Tiên đang bỏ sửa, không biết hư chi a, đạp hoài không nổ.
    Tùng lại hỏi:
    - Tiên đứng đợi ai đây ?
    - Tiên chờ xe đò Thuận An.
    Ngập ngừng một giây, Tùng nói:
    - Bội Tiên lên xe, tôi chở đến nớ.
    Tôi bối rối:
    - Thôi lận, phiền anh.
    - Phiền chi mà phiền. Tiên đừng ngại, tôi xem Tiên như một người em gái như Kim Thoa rứa.
    Tôi thoáng buồn. Dưới mắt Tùng, tôi chỉ là Kim Thoa, cô em ruột duy nhất được Tùng thương mến. Tình thương đó không bao giờ em ao ước đâu Tùng ơi. Nhưng em biết, trái tim anh dù đang trống vắng cũng không bao giờ chấp nhận được hình bóng thô kệch của em đâu. Tiếng Tùng nài nỉ:
    - Tiên lên xe tôi chở, đợi xe đò lâu lắm.
    Không thể từ chối được, tôi vén nhẹ vạt áo ghé ngồi phía sau Tùng:
    - Cảm ơn anh.
    Mưa phùng đã ngớt nhưng khung trời vẫn còn xám xịt như mùa đông thê lương vây bủa đời tôi.


    Tùng gợi chuyện:
    -Tiên đi dạy rứa cũng lâu rồi hí.
    - Dạ, hơn hai tháng rồi.
    - Mau ghê. Nghe Kim Thoa nói Tiên có lập một tủ thuốc tại thôn dưới nớ nữa phải không ?
    Tôi xấu hổ nóng bừng đôi má:
    - Trời, con Kim Thoa thiệt kỳ, chuyện nớ mà cũng đem nói với anh.
    Giọng Tùng dịu dàng:
    - Việc làm hay như rứa thì tại răng Tiên lại dấu ?
    - Tiên... tiên chỉ có thể cho thuốc những chứng bịnh thông thường như nhức đầu, đau bụng... nói với anh, anh cười chết.
    - Răng lại cười. Tôi càng khuyến khích Tiên thêm nữa chớ. Nếu có chi cần đến tôi, Tiên cứ nói, tôi sẵng sàng giúp đỡ, nghe Tiên.
    - Dạ, Tiên cảm ơn anh trước.
    - Tiên có cần thêm thuốc không ? Tôi giúp cho Tiên.
    - Dạ, cũng tương đối đủ anh à, ba Tiên cũng có lo cho Tiên về vấn đề này.
    - Thầy dạo ni bận rộn lắm.
    - Dạ, ngoài những giờ dạy tại trường, ba Tiên ở hoài trong phòng thí nghiệm, phải bưng cơm xuống tận nơi, ba Tiên không rảnh để lên nhà ăn cơm nữa.
    Trời sáng dần khi xe Tùng chở tôi ngang qua nhà thằng Hợi. Tôi ra dấu cho anh ngừng xe. Tùng ngơ ngác:
    -Tiên dạy ở đây à ?
    - Dạ không, đây là nhà đứa học trò củaTiên, mình vô đây chơi một lát, còn sớm lắm anh, chưa tới giờ vô lớp mà.
    Tùng dẫn xe vào ngõ, thằng Hợi đang ngồi xắt chuối bên ảng nước, nhìn lên:
    - Thưa cô.
    Rồi nó nhìn sang Tùng, tôi giới thiệu:
    - Bạn của cô đó.
    Thằng bé lễ phép:
    - Dạ thưa thầy.
    Nó dẹp dao sang một bên:
    - Mời thầy cô vô nhà uống nước.
    Chữ "thầy cô" thoát ra từ đôi môi chất phác của thằng Hợi làm tôi đỏ mặt thẹn thùng. Tôi lén nhìn Tùng, anh vẫn thản nhiên dựng xe bên giàn mướp rồi theo tôi vào nhà.
    Căn phòng ẩm thấp và tối tăm. Tôi bảo thằng Hợi:
    - Mở cửa ra cho sáng sủa đi em, Hợi.
    Thằng bé đang bưng nước ra:
    - Dạ không được, con Tý đau cô.
    - Đau chi ?
    - Dạ nó bị đi sông cả đêm, mạ con lo quá, ngày ni mạ con phải ở nhà với nó.
    Bà Sâm vén tấm màn cấu bẩn từ nhà trong bước ra:
    - Cô giáo ơi, không biết con Tý đâu cái chi mà dễ sợ quá cô ơi, nó đi sông hoài, từ khi khuya đến chừ. Cô vô thăm cháu dùm một chút.

    Tôi mắc cở nhìn Tùng, tôi ngập ngừng, tôi do dự, không lẽ tôi lại dám múa rìu qua mắt thợ sao. Tùng giục tôi:
    - Tiên vào xem thử con bé đau bệnh chi.
    Tôi nhìn chăm chăm vào Tùng:
    - Có anh đây, Tiên nhờ anh luôn rứa vì Tiên mô có biết xem mạch.
    Bà Sâm nhìn Tùng rồi nhìn tôi như dò hỏi, tôi nói để bà yên tâm:
    - Đây là anh Tùng bạn của tôi, anh sắp ra bác sĩ rồi đó, để nhờ anh vào xem mạch cho em Tý chắc chắn hơn.
    Bà Sâm mừng rỡ:
    - Bác sĩ đây à, quí hóa quá, dạ xin bác sĩ làm ơn...
    Tùng không biết làm gì hơn là bước vào phòng trông. Tôi nghe tiếng rên rĩ nho nhỏ của con Tý, rồi Tùng bước ra nói với tôi:
    - Con bé đi tướt, tủ thuốc ở trường Tiên có loại Sirop Reostop hoặc Kaomycine không ?
    Tôi ngơ ngác:
    - Thuốc nớ... chữa bịnh đi tướt hả... Tiên... Tiên... không có.
    Tùng quyết định thật nhanh:
    - Thôi được, Tiên đến lớp dạy đi, để tôi chạy về phòng trực lấy.
    Tôi ngồi dạy trông lòng bồn chồn không yên mãi đến 11 giờ, Tùng mới tìm đến tôi:
    - Anh đi lâu rứa ?
    Tùng cười:
    - Tôi lên sớm lắm chứ. Khi hồi đến chừ bận đằng nhà Hợi.
    - Rứa à, con bé bớt chút mô không anh ?
    - Đỡ rồi Tiên. Tôi đem lại cho Tiên một số thuốc nớ đây, lỡ có đứa mô gặp trường hợp như con Tý thì cho nó uống.
    - Dạ, Tiên cám ơn anh.
    Tôi cho học trò về. Tôi dẫn Tùng vào nơi đặt tủ thuốc, Tùng cẩn thận kiểm điểm lại số thuốc dự trữ rồi nói với tôi:
    - Còn thiếu một vái thứ thuốc cần thiết nữa để tôi giúp Tiên.
    Trưa hôm đó, Tùng chở tôi về, xe ngang qua thư viện đại học, tôi gặp Phượng Liên phóng PC đi ngược chiều, con bé trố mắt nhìn tôi.

    Sáng thứ hai đi học, Phượng Liên nhìn tôi bằng cặp mắt ghen tức. Tôi thản nhiên vờ như không trông thấy dù tôi muốn nói với nó rằng: "Mi lầm to rồi Phượng Liên ơi, anh Tùng chỉ xem tao như một đứa em gái thôi, giấc mộng mà mi đang xây đắp vẫn chưa vỡ, với nhan sắc đó, hy vọng của mi vẫn tràn trề". Tùng là Tiên Đồng thì chính Phượng Liên mới xứng danh Ngọc Nữ cùng nhau sánh vai lướt nhẹ trên mây, trông vùng sương khói mờ ảo như những phim thần thoại mà tôi đã xem được hồi còn bé tí.
    Giờ đầu, bà giám thị bước vào lớp loan tin Cô Mỹ Dung đau, cho phép các học sinh được nghĩ. Cả bọn ùa ra quán chè chị Cai đằng sau trường:
    -Chị Cai ơi, có chè chưa, có chè chưa ?
    Chị cai đon đả:
    - Rồi rồi, mấy cô ngồi xuống ghế đi. Chè đậu Ngự mới nấu, nóng hổi hổi vừa thổi vừa ăn.
    Phượng Liên lên tiếng:
    - Có chè nước đá không chị ?
    Hồng Nhưng cười to:
    - Con ni điên, trời lạnh lùng ri mà đòi ăn nước đá.
    Cẩm Thạch pha trò:
    - Cái lạnh bên ngoài mô bằng cái lạnh trong tim, Phượng Liên hí ?
    Phượng Liên chau mày:
    - Nói ẩu mi.
    - Ẩu chi mà ẩu, hỏi con Kim Thoa thì biết. Ê Kim Thoa, răng ông anh của mi mặt mày sáng sủa mà lòng dạ tàn nhẫn vô nhân đạo rứa mi ? Nỡ làm cho người đẹp Phượng Liên chết sầu chết héo.
    Cá bọn phá lên cười. Phượng Liên đỏ mặt:
    - Thôi bây ơi, người ta có bồ rồi, đừng chọc tao nữa.
    Kim Thoa tò mò:
    - Ai có bồ ? Anh Tùng của tao mà có bồ hả ?
    Phượng Liên nhếch môi:
    - Tao thấy rõ ràng. Chị dâu tương lai của mi đẹp rùng rợn lắm.
    Tôi biết Phượng Liên đang ám chỉ tôi, tôi nhìn thẳng vào mặt nó, con bé vẫn tỉnh bơ nói lớn:
    - Cho tụi bây biết, bồ của anh Tùng là người đẹp nhất lớp mình.
    Cả bọn ngơ ngác, Phượng Liên tiếp:
    - Nàng là con gái nhà giàu, ba nàng làm bác sĩ, mẹ nàng làm giáo sư.
    Những cặp mắt tò mò đổ xô về phía Bội Nga, Bội Nga nhăn mặt:
    - Nì, Phượng liên đừng có nói tầm bậy nớ.
    - Ai nói mi mô, vô duyên chưa. Tao nói người đẹp của lớp mình mà, trưa hôm qua tao thấy anh Tùng chở người đẹp đi chơi.
    Bội Nga chợt hiểu ra nó la lớn:
    - Tao biết rồi, im mồm mi lại. Cấm mi không được nói động đến chị Tiên tao.
    Phượng Liên đanh đá:
    - Tao cứ nói đó, miệng tao tao nói, không muốn nghe thì cứ bị lỗ tai lại, để người khác nghe.
    Bội Nga xô ghế đứng dậy:
    - Mi không được bôi lọ chị Tiên tao, anh Tùng với chị ấy chỉ là bạn.
    Phượng Liên bướng bỉnh:
    - Bạn hay không tao chả cần biết. Nhưng tao muốn nhắn với ai đó, nên biết mình biết ta.
    Tôi lên tiếng:
    - Phượng Liên nên nói rõ hơn, đừng úp mở như rứa.
    Phượng Liên nhún vai:
    - Biết mình biết ta... có nghĩa là, muốn đi chơi với anh Tùng, Bội Tiên soi gương trước đi.
    Tôi bật khóc. Bội Nga nhảy một bước đến bên Phượng Liên:
    - Nói chi nói lại thử nghe coi nờ, tao nhịn mi rứa là nhiều lắm rồi đó nghe.
    Tôi chen vào giữa 2 người:
    - Thôi, Bội Nga, cho chị xin đi, Phượng Liên nói đúng đó, chị xấu thật mà, chị vô duyên thật mà.
    Bội Nga bực tức gạt tay tôi ra:
    - Chị hiền quá không được mô chị Tiên. Chị xấu mà lòng dạ chị đẹp đẽ, mười cái mặt của con Phượng Liên cũng không đáng xách dép cho chị mô.
    Phượng Liên xông xáo:
    - Ê, Bội Nga, mi không được làm mất danh dự tao.
    - Tao cứ nói đó, rồi mi làm chi được tao. Tại mi gây chuyện trước.
    - Nhưng tao không nói mi.
    - Mi nói chị Bội Tiên còn quá hơn nữa. Thà mi nói tao mà tao không tức bằng.
    Kim Thoa can:
    - Thôi bây ơi, sắp hết giờ rồi nớ, ăn chè mau lên kéo nguội.
    Phượng Liên và Bội Nga hậm hực nhìn nhau. Đã nhiều lần hai đứa gây lộn nhau và lúc nào Phượng Liên cũng bị lép, không phải Bội Nga dữ dằn hay đanh đá gì, nhưng nó luôn có lý. Phượng Liên chỉ được cái miệng bộp chộp, muôn nói là nói, không suy nghĩ gì cả, nên bao giờ cũng thua.







    Kim Thoa nắm tay tôi đi vào lớp trước, nó hỏi nhỏ tôi:
    - Hôm qua anh Tùng chở mi đi mô rứa ?
    Tôi không che dấu:
    - Tao đi dạy nhưng xe bị hư, tình cờ gặp anh Tùng.
    Kim Thoa chép miệng:
    - Cái mặt con Phượng Liên thật dễ ghét.
    Sáng nay thầy Sang dạy toán trả bài làm kỳ thi cá nguyệt vừa rồi. Thầy tỏ ý trách :
    - Bài toán không khó mà chẳng ai làm đựợc cả, trừ chị bội Tiên.
    Kim Thoa bóp tay tôi:
    - Thú vị chưa mi.
    Nhìn con số 18 trên tờ giấy bài làm, tôi nghe lòng vui vui và tạm quên đi vụ lộn xộn vừa rồi mà đề tài chính là "thân phận xấu xí" của tôi. Bội Nga quay xuống bàn tôi cười tươi tắn:
    - Chị Tiên giỏi hí. Trưa ni về, em khoe ba me dùm chị nghe. Chi ba me cũng thưởng chị và em được nhờ nữa.
    Tôi hỏi em:
    - Bội Nga được mấy điểm rứa ?
    Cô bé phụng phịu:
    - Em... có 9 điểm rưỡi thôi chị ơi !
    - Bài toán nớ mình đã tập làm những bài tương tự ở nhà rồi mà.
    Bội Nga rụt cổ:
    - Em quên.
    Trống điểm ra chơi, tôi ngồi dí trông lớp. Kim Thoa chạy vào gọi:
    - Bội Tiên ơi, anh Tùng tìm mi tề.
    Tôi giật mình, tôi nhìn ra cửa lớp. Tùng đang cười với tôi, sau lưng Tùng, cả chục đôi mắt dòm ngó, mà trong đó, tôi thấy đôi mắt Phượng Liên có vẻ cay cú nhất. Tôi đứng lên:
    - Anh tìm Tiên có chuyện chi rứa anh Tùng ?
    Tùng chìa cái gói lớn anh đang ôm trên tay:
    - Sáng ni, tôi trở lại nhà em Hợi, xem em Tý đã bớt chưa. Bà Sâm gửi tặng tôi và Tiên gói ni.
    - Gói chi rứa anh ?
    - Nghe bà ta nói là kê đó, kê mới xay. Tôi cũng chưa mở ra, đến chừ giao lại cho Tiên nghe.
    Kim Thoa lí lắc:
    - Đúng rồi, lấy đi Tiên, đem về nấu chè kê xúc bánh tráng.
    Tôi ngập ngừng:
    - Tiên... bà Sâm cho cả anh lẫn Tiên mà.
    Tùng vờ nhăn mặt:
    - Nhưng tôi... tôi mô biết nấu chè.
    Tôi đề nghị:
    - Rứa thôi để Tiên đem về, Tiên nấu chè rồi mời anh qua ăn nghe.
    Chợt Tùng bảo tôi:
    - À, Tiên nên cho cặp Hoàng Yến của Tiên ăn kê, tốt lắm Tiên.
    - Dạ, ủa mà anh cũng biết cặp Hoàng Yến của Tiên nữa hả ?
    - Biết chứ thầy cứ nhắc hoài. Thầy khen Tiên thật khéo tay săn sóc, khiến đôi chim càng ngày càng đẹp và hót thật hay.
    Tôi cảm thấy thương ba quá chừng. Giây phút mô ba cũng nghĩ đến con gái của ba, me cũng rứa, me cũng khen tôi hoài, như dạo tôi ướp trà cúc đó, khách mô tới nhà me cũng khoe. Đôi lúc tôi tự hỏi, tôi có phải là đứa con gái bất hạnh thật không ?
    Tùng từ giã tôi khi giờ ra chơi chấm dứt. Tôi cất gói kê vào học bàn, Phượng Liên theo các bạn vào lớp, miệng la to:
    - Chuyện lạ bốn phương tụi bây ơi. Hoàng Tử hào Hoa cưới Công Chúa Chung Vô Diệm.
    Tôi nghĩ đến Tùng, hồn tôi lâng lâng như đám mây trôi giữa màu hồng, tôi chả thèm để ý đến những lời châm biếm của Phượng Liên đang hằn học bám theo

    Tết sắp đến rồi, trời bớt lạnh và thỉnh thoảng vẫn có những buổi chiều tạnh ráo, ánh nắng vàng mơ trải nhẹ trên mặt đường sưởi ấm lòng người.
    Trời đẹp cho các bạn tôi tha hồ chưng diện, thôi thì áo lên đủ màu đủ kiểu. Trường tôi đồng phục áo dài trắng , nhưng màu áo lên thì tùy ý nên mùa lạnh chính là mùa se sua. Mỗi năm một màu áo được thịnh hành và năm nay, là mùa của màu xanh bích ngọc.. hôm qua, me đi dạy về trễ, đến gần 8 giờ tối, me mang về nhà một gói lớn rồi gọi tôi và Bội Nga ra:
    - Me đặt may ở tiệm Thu Đông cho 2 con đây, mặc xem có vừa không ?
    Me xổ tung gói giấy, 2 chiếc áo đan bằng len đắt tiền màu xanh bích ngọc ngời sáng dưới ánh đèn néon. Bội Nga reo lên:
    - Trời ơi thích quá. Áo đan thật đúng mode cá kiểu lẫn màu. Me thuê đan khi mô rứa ? Răng không cho tụi con hay.
    Me cười :
    - Me muốn dành riêng cho hai con một sự ngạc nhiên.
    Bội Nga lau chau:
    - Áo của con mô ? Áo của chị Tiên mô me ?
    Me lật qua lật lại hai tấm áo:
    - Áo của Bội Tiên rộng hơn. Đây, áo của con đây, mặc xem có vừa không ?
    Bội Nga đẹp hẳn lên trong chiếc áo lên mới, cô bé xoay người qua lại trước tấm gương lớn treo trong phòng khách.
    - Vừa quá me ơi, vừa kinh khủng.
    Tôi vẫn cúi mặt nhìn chăm chăm vào chiếc áo đẹp dành riêng cho tôi, me dục:
    - Bội Tiên, mặc thử áo đi con.
    Tôi cảm thấy như tim mình thắt lại:
    - Me, con chỉ thích màu đen.
    Me nhích lại gần tôi:
    - Màu bích ngọc là màu thịnh hành trong mùa đông năm ni đó con. Mau đen lỗi thời rồi.
    Tôi nghẹn ngào:
    - Với nước da đen đúa của con, mặc màu tươi quá càng mỉa mai thêm đó me.
    Me thông cảm tôi, giọng me xúc động:
    - Đừng Tiên, vẫn còn có những người con gái xấu hơn con mà. Tuy con không đẹp nhưng tâm hồn con đẹp, con đoan trang thuần hậu, con lại học giỏi nữa. Tiên, con là một nữ sinh xuất sắc, các giáo sư trong trường đều nhắc nhở và yêu mến con.
    Tôi rơi nước mắt:
    - Nhưng những người đồng trang lứa, không ai muốn giao thiệp với con, họ nhìn con như một quái tượng.
    Bội Nga tần ngần đến bên tôi:
    - Chị Tiên, chị đừng để ý đến mấy người nông cạn xấu xa nớ làm chi cho mệt. Còn có rất nhiều người mến chị như Kim Thoa nì, anh Tùng nì...
    Phải rồi, Tùng là giọt mưa rơi rên sa mạc đời tôi, nhưng liệu giọt mưa đó có đủ sức làm dịu nổi hơi nóng bốc lên hừng hực từ bãi cát cháy bóng khô cằn ? Tôi như cây xương rồng, bao nhiêu lá thoái hóa thành gai nhỏ mà vẫn không giữ được hơi nước mất đi cho con tim càng ngày càng khô héo. Tình tôi đối với Tùng thật mong manh, cái xấu của tôi và cái đẹp của Tùng đã tự nhiên phân bờ ranh giới. Vực thẳm ngàn đời đã sâu ngút ngàn và tình cảm Tùng dành cho tôi chỉ là tấm gỗ mỏng bắt ngang, dù bờ bên kia ấm êm hạnh phúc nhưng tôi vẫn không dám bước qua. Vì tôi biết, sự thật bao giờ củng phủ phàng, tôi sẽ ngã xuống vực như một cành cây khô lăn lóc cô đơn bởi ước mơ kia thật quá xa ngoài tầm tay tuyệt vọng của tôi.
    Me vẫn nhìn tôi, Bội Nga vẫn nhìn tôi. Tôi không trả lời, sợ me buồn, tôi ôm chiếc áo mới đi lên phòng:
    - Con cám ơn me, để ăn cơm xong con sẽ mặc thử.

    Suốt đêm, tôi thao thức không ngủ được. Trong bóng tối lờ mờ của ánh đèn đêm nhỏ, tôi nhìn chiếc áo lên đắt tiền treo trên đầu giường, chạnh nghĩ đến những người nghèo khổ thiếu ăn thiếu mặc. Tôi nghĩ đến những đứa học trò của tôi, quanh năm ăn mặc rách rưới, chắc Tết này cũng chả có áo đẹp để mừng Xuân về. Từ lâu, tôi vẫn có ý định giúp đỡ vải vóc cho các em học sinh lớp tôi nhưng tôi chưa có dịp, hơn nữa một mình tôi thì làm sao lo đủ đến mấy chục em học sinh dù tôi có dư dả đến đâu. Tôi có bàn vấn đề này với chị Thanh Xuân nhưng chị bác đi, chị bảo mình tốn công dạy cho tụi nó cũng là quí lắm rồi, về phần vật chất để cho cha mẹ chúng lo. Tôi biết, gia đình chị Thanh Xuân nghèo và sự từ chối của chị thật là hợp lý, nhưng giờ đây thì tôi không thể nào làm ngơ được, Xuân đã về cùng vạn vật nhưng trông lòng các em học sinh tôi không có sự rộn rã đón chờ. Quần áo của các em vẫn mang nhiều mảnh vá và trông những đôi mắt ngây thơ vẫn thản nhiên khi nghe tôi nhắc đến Tết sắp về. Tôi xót thương chúng quá và tôi nhất quyết sẽ mua cho chúng mỗi đứa một cái áo mới ăn Tết cho có với người ta. Tôi sẽ dốc hết số tiền để dành dùng trong việc này và nếu thiếu tôi sẽ xin me thêm, me vẫn thường cưng chiều tôi, chắc chắn me sẽ giúp đỡ tôi trong công việc từ thiện này.
    Sáng nay nghỉ học trọn buổi, tôi đem ý định trên nói với me và được me sốt sắng tán thành. Me cho tôi 20 ngàn, me còn bảo nếu thiếu cứ nói, me sẽ cho thêm. Tôi mừng quá, tôi sung sướng thật sự khi nghĩ đến những gương mặt rạng rỡ của các em lúc ôm tấm áo mới vào người. Nhất là thằng Hợi, chắc nó mừng lắm, vì tôi biết, nó thường mơ đến cái áo chemise ca-rô cao bồi, giống như nó mơ một đứa em trai vậy. Hợi ơi, cô Tiên sẽ mua cho em chiếc áo nớ.

    Bà Sâm bưng ly nước đặt trước mặt tôi:
    - Cô giáo thời miếng nước trà cho ấm bụng.
    - Dạ, bà để tự nhiên cho.
    Thằng Hợi đang mặc chiếc áo ca-rô đỏ chạy tới chạy lui vẻ mặt hân hoan. Bà Sâm nhìn con sung sướng nói với tôi:
    - Cháu nó thường mơ ước một cái áo như rứa, chừ được cô mua cho thật quí quá.
    Tôi mĩm cười đưa tay ngoắc Hợi:
    - Hợi, tới cô biểu.
    Thằng Hợi đến bên tôi khoanh tay lễ phép:
    - Dạ, thưa cô kêu con.
    - Sang năm mới, gắng học hành thiệt giỏi nghe em.
    - Dạ con xin vâng lời cô.
    Thằng Hợi nhìn tôi, và tôi chợt thấy một hiện tượng lạ. Trong lòng trắng đôi mắt tròn của nó, xuất hiện những đường gân màu vàng. Tôi nhíu mày:
    - Hợi, em có thấy xốn ở mắt không ?
    Thằng Hợi chớp mắt:
    - Dạ không.
    Tôi nghi thằng bé đau mắt nên cho nó một ít Tiphomycine Collyre nhưng đến tuần sau đôi mắt nó vẫn không khỏi và da của nó tự nhiên có sắc vàng. Tôi không thể biết được thằng Hợi đau bệnh gì, và tôi cũng không có đủ thì giờ để hỏi thăm nữa. Vì đã cận Tết rồi, ba càng bận rộn trông công việc giảng dạy ở trường và khảo cứu trong phòng thí nghiệm, Tùng bận trực liên miên ít ghé lại nhà, và tôi thì e ngại không dám lại nhà Kim Thoa để tìm Tùng. Tôi và nhóm bạn chị Thanh Xuân cùng đồng ý cho các em học sinh trong thôn được nghĩ Tết từ 24 và từ giờ trở đi tôi thật là rỗi rãnh. Những giờ đến trường chỉ còn là những giờ ngồi tán chuyện gẫu, gần Tết nên các giáo sư cho thư thả. Màn trình diễn "Hoa hậu Quốc tế" của lớp tôi đã được tập tành kỹ lưỡng, chỉ còn đợi giờ lên sân khấu nữa mà thôi. Buổi văn nghệ tất niên của trường tôi được định vào đêm 28 tết, chỉ có những người đẹp trình diễn của lớp tôi là lăng xăng bận rộn suốt ngày, cô nào cũng muốn mình đẹp vượt hẳn các bạn và tôi thầm mong Bội Nga em tôi vẫn luôn luôn là ngôi sao sáng chói nhất của buổi trình diễn nay mai .


    Thời gian vẫn qua nhanh... đêm văn nghệ chấm dứt với phần thưởng văn nghệ toàn trường được trao cho màn trình diễn "Hoa hậu Quốc tế" lớp tôi, nàng "Hoa hậu Việt Nam" Bội Nga trong quốc phục đại lễ, đại diện cho lớp lên lãnh gói phần thưởng lớn lao với gương mặt đẹp thiên thần... và mùa xuân thứ 18 trôi qua đời tôi bằng những ngày Tết buồn tẻ vô vị, không một người thăm viếng trừ Kim Thoa. Tùng vẫn không thấy lại nhà, theo lời Kim Thoa nói, Tùng đang cùng người bạn về quê ăn Tết. Tôi thầm nghĩ, giá Tùng còn ở Huế, chưa chắc anh đã đến thăm tôi vì văng vẳng bên tai tôi, lời Phượng Liên vẫn khúc chiết rõ ràng: "Con Bội Tiên chẳng có chi để anh phải lưu tâm đến". Cơn mưa nào rồi cũng có lúc tạnh ráo, mặt trời chói chang sẽ tiếp tục thiêu đốt bãi cát nóng khô cằn. Ân huệ quí báu rơi xuống đời một giây phút mà thôi, con lạc đà xấu xí vẫn ngàn đời lê bước cô đơn giữa lòng sa mạc điêu tàn.


    ***

    Tôi đã đi dạy trở lại, và việc đầu tiên khi đến thôn, là ghé nhà thằng Hợi. Bà Sâm đón tôi bằng gương mặt thất thần:
    - Cô giáo ơi, thằng Hợi nhà tôi đau bệnh chi không biết mà nước da vàng khè.
    Tôi hốt hoảng:
    - Cháu có mệt không bà ?
    - Dạ không, nó vẫn chơi như thường.
    Tôi gọi thằng Hợi đến ngồi cạnh tôi và bắt đầu xem xét nó. Tôi vẫn không khám phá ra được thêm một điều gì mới lạ ngoài những đường gân vàng trong mắt Hợi và da nó vàng hẳn đi. Tôi bối rối, tôi chả biết gọi ai bây giờ. Ba vừa đi Sàigòn dự một phiên họp về Y Khoa, chả biết khi nào về, còn Tùng suốt tháng trời nay tôi không gặp. Bà Sâm đứng bên tôi ngập ngừng :
    - Thưa cô, cô có thể nhờ ông bác sĩ...
    Tôi biết bà Sâm muốn nói đến Tùng, nhìn đôi mắt khẩn thiết của người mẹ thương con, tôi nghe lòng xúc động, tôi không thể từ chối được, tôi sẽ đi tìm Tùng. Dù Tùng chưa ra bác sĩ, nhưng tôi tin rằng Tùng sẽ tìm ra căn bệnh của thằng Hợi dễ dàng vì theo như lời ba nói, Tùng là một sinh viên xuất sắc từ năm dự bị cho đến bây giờ. Tôi nắm tay bà Sâm:
    - Được, tôi sẽ đưa người bạn của tôi đến thăm bệnh cho em Hợi.
    Ngay sáng hôm đó, tôi cho học trò nghỉ học và phóng xe thẳng đến nhà Kim Thoa. May mắn, tôi gặp được Tùng vừa mới trực ở nhà thương lớn về, anh đang ngồi nhấm nháp ly cà-phê trong phòng khách. Gặp tôi Tùng mừng rỡ:
    - Bội Tiên sáng ni không đi dạy à ?
    Thấy mặt Tùng là tim tôi đập nhanh:
    - Tiên.. Tiên... Tiên muốn nhờ anh một việc...
    Tùng chỉ vào ghế đối diện:
    - Tiên ngồi chơi đi, rồi chậm rãi nói cho tôi hay, trong Tiên có vẻ mệt rồi đó.
    Tôi ngồi xuống ghế, ngập ngừng:
    - Anh Tùng... anh có... sẵn lòng giúp Tiên không ?
    Nụ cười của Tùng đẹp kỳ lạ:
    - Tôi rất sung sướng được giúp Tiên nếu việc nớ không ngoài khả năng của tôi.
    - Thiệt không anh ?
    - Thiệt chứ, vì tôi biết, việc làm của Tiên bao giờ cũng hữu ích.
    Tôi nghe lòng ấm hẳn lại, dù bên ngoài trời đang lạnhh, gió phần phật tung bay tấm màn cửa sổ và lao xao nghiêng ngả đám trúc mềm trước sân. Tôi kể những triệu chứng tìm thấy nơi thằng Hợi cho Tùng nghe, Tùng lắng nghe chăm chú, vầng trán rộng của anh nhíu lại, tay anh bóp mạnh ly cà-phê. Tôi kết luận:
    - Ba Tiên đi vắng. Tiên lại không quen ai hết ngoài anh ra...
    Tùng đứng dậy:
    - Việc khám bệnh cho thằng Hợi tôi có thể giúp Tiên được mà. Đừng làm phiền đến thầy, dạo ni thầy bận biết bao nhiêu công chuyện.
    Tôi vui mừng:
    - Anh giúp được Tiên hả ? Trời ơi, Tiên mừng quá. Khi mô thì anh có thể xuống nớ ?
    - Ngay bây giờ, Tiên chờ tôi vào lấy vài thứ cần thiết rồi chúng ta cùng đi.
    Chữ "chúng ta" mà Tùng vừa thốt ra êm như ru, tôi có cảm tưởng như mình đang được gói kín hình hài bằng một tấm nhung mịn, ôi tình yêu thật màu nhiệm biết bao. Tôi chơi vơi, tôi ngây ngất, một đứa con gái xấu xí như tôi có quyền lãng mạn như vậy không ?

    Tùng đã ra dến, anh bảo tôi:
    - Tiên có xe không ?
    - Dạ có.
    - Xe tôi Kim Thoa lấy đi chơi rồi. Tôi chở tiên nghe.
    - Dạ.
    - Tiên giữ dùm cái xắc cho tôi.
    - Dạ.
    Tôi đỡ lấy cái xắc trên tay Tùng, tôi ôm cái xắc của Tùng vào lòng như một báu vật thiết tha. Tim tôi đập rộn ràng, hồn tôi lâng lâng. Mặt đường nhựa loang loáng nước mưa, Tùng hỏi tôi:
    - Tiên có lạnh lắm không ?
    Giọng anh ấm và nhẹ cho tôi lặng người, cho tôi càng say đắm yêu anh. Tôi đáp nhỏ :
    - Dạ không.
    Tùng im lặng, tôi vu vơ suy nghĩ, tôi mong đường về Vỹ Dạ cứ kéo dài mãi ra. Nhưng xe đã đỗ trước cửa nhà thằng Hợi, con Dậu ra mở cửa, nhoẻn miệng cười để lộ 2 cái răng sún. Tôi xoa đầu con Tý vừa lên hai, đang lúc thúc theo sau. Tôi gọi thằng Hợi lên, bà Sâm chạy đi châm trà. Tùng bảo thằng Hợi nằm xuống giường, tay chân duỗi thẳng rồi mở xắc lấy ống mạch ra. Tùng khám cẩn thận ngực, bụng thằng bé, tôi đứng bên cạnh quan sát cử chỉ của anh, lòng càng dâng lên niềm thương mến đậm đà . Biết bao giờ anh mới hiểu được lòng em, Tùng ơi. Em chỉ là hoa hướng dương mà anh là vầng Kim Nhật, anh thật quá xa vời trong ước mơ thầm kín của em. Tùng đứng dậy, tôi nhìn anh chờ đợi, cả bà Sâm cũng đứng yên như tượng đá sững nhìn. Tùng sang ngồi bên chiếc bàn cũ kỹ, giọng anh chậm rãi:
    - Thằng bé đâu gan.
    Bà Sâm há hốc mồm, Tùng hiểu ý, anh nói:
    - Bà yên tâm, tôi sẽ chữa cho thằng bé.
    Bà Sâm khúm núm thật tội nghiệp:
    - Dạ, trăm sự nhờ bác sĩ...
    Tùng quay sang tôi:
    - Tiên nên cho thằng Hợi nghỉ học, nó cần phải tĩnh dưỡng một thời gian.
    - Dạ, Tiên sẽ nghe lời anh.


    Từ đó, cách vài ngày, Tùng lại đến nhà Hợi thăm bệnh và cho thuốc. Sự liên lạc giữa tôi và Tùng nhờ đó càng mật thiết hơn. Nhưng tôi vẫn ý thức được cương vị của mình, trước kia Tùng xem tôi như một đứa em gái và bây giờ, tôi mặc nhiên trở thành người bạn gái của Tùng, vậy thôi, dù có nhiều đêm tôi nằm mơ, tôi và Tùng đi dạo trên con đường thật đẹp có nắng vàng lung linh nhảy múa, và anh đã cầm lấy tay tôi ngỏ những lời thương yêu ngọt ngào hoa mỹ.
    Bệnh của thằng Hợi vẫn không thuyên giảm dù Tùng vẫn đến nhà nó săn sóc ân cần. Những lần đi dạy, vào lớp thấy vắng thằng Hợi, tôi nghe thương nó lạ lùng, thật uổng cho một đứa bé thông minh như thằng Hợi phải bỏ học nữa chừng để ở nhà chữa bệnh. Tôi hy vọng Tùng sẽ chữa khỏi bệnh thằng Hợi để tôi được thấy nó tung tăng cắp sách đến trường trông chiếc áo ca-rô tôi mua cho nó hồi Tết, để tôi sung sướng thưởng cho nó và 3 chiếc kẹo sữa dành cho em học sinh nào làm toán nhanh nhất mà trước đây bao giờ Hợi cũng được đoạt giải.
    Nhưng tôi càng lo âu mỗi lần ghé thăm Hợi. Tôi nhận thấy thằng bé hư hao hẳn đi, nước da vẫn vàng và con người trở nên phì nộn như bị thũng, bụng của thằng bé to lên kỳ lạ. Tùng cũng gần như tuyệt vọng trong công việc chữa trị thằng Hợi, anh bàn với tôi:
    - Không lẽ tôi lại định bệnh sai. Lạ quá, rõ ràng thằng Hợi bị sưng gan mà. Tiên nì, tôi có ý kiến, mình nên cho thằng Hợi vào nhà thương.
    Tôi gật đầu:
    - Đúng đó anh, anh lo giùm Tiên việc ni nghe.
    - Dĩ nhiên, đem thằng bé vào nớ, tôi sẽ có đủ phương tiện hơn.
    Phái mất nhiều ngày thuyết phục, ông bà Sâm mới để cho Tùng chở thằng Hợi vào nằm trong nhà thương lớn. Cứ cách vài ngày, tôi và Tùng thay phiên nhau xuống chở ông bà Sâm hoặc mấy đứa nhỏ vào thăm thằng Hợi cho nó đỡ buồn. Tùng săn sóc thằng Hợi rất chu đáo, nó được chuyền nước biển, thêm máu và rút bớt nước dư trong người ra. Ngoài giờ học, tôi ghé vào nhà thương thăm thằng Hợi, tôi cuống cuồng theo những cơn đau của đứa học trò nhỏ và ứa nước mắt khi liên tưởng đến một sự nguy hiểm có thể xảy ra. Tùng an ủi tôi rất nhiều nhưng trong đôi mắt anh, tôi thoáng thấy niềm tuyệt vọng. Có một lần, nghĩ học giờ sau, tôi tạt vào nhà thương thăm Hợi, gương mặt nó thật xanh xao, nó mệt mỏi hỏi tôi:
    - Cô Tiên ơi, răng cô không đem con Tý vào cho con thăm.
    Tôi vuốt má nó:
    - Tý còn nhỏ quá, cô chở không được.
    Thằng Hợi đưa bàn tay run rẩy nắm lấy tay tôi:
    - Cô Tiên ơi, con thương con Tý lắm.
    - Ừ, như rứa là Hợi nghe lời cô, Hợi giỏi.
    Thằng bé nói tiếp:
    - Cô nhớ nhắn với mạ con, con không ghét con Tý mô, nghe cô.
    - Ừ.
    - Mạ con đang buồn con.
    Tôi vỗ về:
    - Không, mạ em hiểu em rồi, mạ em không buồn mô. Nếu thương em Tý, Hợi gắng ngoan mau lành bệnh nghe.
    - Dạ.
    Mười ngày sau khi vào nhà thương, bệnh thằng Hợi trở nên nguy kịch Tùng hốt hoảng chạy sang trường tìm tôi:
    - Tiên, Tiên nên nghỉ học một buổi đến đến với thằng Hợi lần sau cùng.
    Tôi trợn tròn mắt:
    - Lần sau cùng.
    Tùng cúi đầu:
    - Tôi không còn biết làm sao hơn. Tiên nên đi với tôi ngay bây giờ.
    Tôi trao cái cặp cho Kim Thoa, và như kẻ mất hồn, tôi bước theo Tùng. Gia đình ông bà Sâm đã túc trực sẵn đó tự bao giờ, Tùng giải thích:
    - Tôi vừa cho xe bệnh viện xuống đón họ lên. Thằng Hợi muốn gặp mặt những người trong gia đình và một người nó thương yêu nhất, đó là Tiên.
    Tôi òa khóc. Bà Sâm đứng dưới chân giường thằng Hợi cũng rưng rức theo tôi. Tùng đẩy vai tôi lại gần giường bệnh, thằng Hợi đang nhìn tôi với đôi mắt yếu hẳn đi. Tùng gọi nhỏ:
    - Hợi, có cô Tiên đến thăm em.
    Đôi mắt đó như lóe lên một tia sáng mừng vui, đôi môi thằng Hợi mấp máy:
    - Cô Tiên.
    Tôi cúi đầu sát mặt nó:
    - Hợi, cô tới thăm em đây.
    - Cô Tiên... con Tý mô ?
    Ông Sâm dẫn con Tý lại, tôi vòng tay ôm con Tý vào lòng, nói với Hợi:
    - Tý đây em.
    Thằng Hợi nhìn em thương yêu, nó nói thật nhỏ:
    - Cô Tiên, con thương con Tý.
    Tôi nghẹn lời:
    - Cô biết.
    - Đứa mô con cũng thương hết, con Dậu, con Sửu, con...
    Tôi ngăn nó:
    - Em đừng nói nữa mà mệt, cô hiểu rồi, có phải là em muốn nói, em đã nghe lời khuyên của cô rồi phải không ?
    Thằng Hợi hơi nhếch môi cười, tôi cầm lấy bàn tay xanh xao của nó:
    - Cô hiểu em, tất cả mọi người đều hiểu em, em đừng thắc mắc chi nữa hết.
    Thằng Hợi lại kêu:
    - Ba ơi, mạ ơi !
    Ông bà Sâm chạy đến, hơi thở thằng bé càng yếu:
    - Cô Tiên ơi.

    Đôi mắt thằng Hợi dại hẳn đi, cánh tay nó duỗi thẳng, một tiếng thở hắt ra. Tất cả đều chìm lắng, tất cả đều khô khan yên tĩnh, tôi nghe tiếng còi xe hồng tập tự rú lên trong sân nhà thương rùng rợn như vang vang một cõi hư vô nào đó thật xa xăm. Tùng lặng lẽ kéo tấm draps trắng phủ lên mặt thằng Hợi, bà Sâm ngất xỉu trong tay chồng và những đứa em Hợi òa lên khóc lóc thật thảm thê. Tôi nhìn sững vào tấm draps trắng toát lạnh người, tôi không còn nước mắt để khóc. Hợi ơi, em đã ra đi vĩnh viễn thật rồi sao ?
    Tùng ngồi xuống cạnh tôi, hai bàn tay bóp chặt vào nhau:
    - Lần đầu tiên, tôi bị thất bại khi chữa trị bệnh gan cho thằng bé.
    Tôi nhíu mày suy nghĩ rồi nói với anh:
    - Hay thằng Hợi đau bệnh chi khác ?
    Tùng gật đầu:
    - Tôi cũng nghi rứa nên đã cho thử máu. Chưa có kết quả thì thằng bé đã...
    Tôi sụt sùi:
    - Tội nghiệp thằng Hợi, vừa học giỏi vừa ngoan ngoãn dễ thương.
    Tùng vẫn nói như tâm sự:
    - Thật tôi buồn quá đi Tiên, tôi đã không cứu nổi thằng bé, tôi đã phụ lòng Tiên tin tưởng đến tôi. Tiên đừng giận tôi nghe.
    Tôi gạt đi:
    - Anh đừng nói rứa anh Tùng, anh đã hết lòng với Tiên, Tiên phải chịu ơn anh mới đúng, chứ ai lại đi giận anh răng chừ.
    Có tiếng gọi Tùng nơi cửa sổ, tôi nhìn ra, người bạn của Tùng đưa tay vẫy:
    - Tùng, ra nói cái ni coi.
    Tùng đứng dậy:
    - Xin lỗi Tiên. Tiên ngồi chờ tôi rồi tôi đưa Tiên về nghe.
    Tôi vòng tay trước ngực nhìn lên trần nhà, ông Sâm vừa dìu bà Sâm qua phòng bên nằm nghĩ đã trở vào, trên tay cầm ba thẻ nhang và một chén cơm. Ông đặt chén cơm ở phía đầu nằm thằng Hợi rồi cắm ba cây nhang lên trên, ông gọi nhỏ:
    - Con ơi, là con ơi, Hợi ơi là Hợi ơi !
    Những giọt nước mắt lăn dài trên má người cha, không có cảnh nào xúc động khi nhìn một người đàn ông khóc con. Đàn em thằng Hợi lại rú lên khóc nức nở:
    - Anh Hợi ơi, anh Hợi ơi !
    Tùng bước vào ra dấu cho tôi đi theo anh. Chúng tôi ra đến sân, anh nói thật mau:
    - Tiên, người ta tìm thấy trong máu thằng Hợi một lượng chất đồng quá thặng dư. Các bạn tôi vừa mới họp xong, họ muốn giải phẩu thằng bé.
    Tôi nghe lạnh buốt xương sống:
    - Giải phẩu ? Không, không thể được.
    Tùng ôn tồn:
    - Có rứa mới tìm ra nguyên nhân chứng bệnh được.
    Tôi đau xót:
    - Vô ích thôi, vì thằng Hợi đã chết rồi.
    - Còn những đứa em của nó. Nếu đây là một bệnh di truyền, thì Tiên nghĩ răng ?
    Tôi đề nghị:
    - Hay là, hay là anh hỏi ba Tiên đi. Anh nên kể cho ba Tiên nghe những triệu chứng xảy ra cho thằng Hợi.
    Tùng lắc đầu:
    - Chưa đủ đâu Tiên. Phải có kết quả của cuộc giải phẩu, mới xác định chắc chắn được.
    Tôi nhìn vào phòng, nơi mà từ đó, thằng Hợi đã ra đi:
    - Chắc ba mạ nó không chịu để các anh giải phẩu mô.
    Tùng tin tưởng:
    - Tôi sẽ cố gắng thuyết phục, Tiên đừng lo. Cha mẹ mô lại chẳng thương con, nhưng họ phải nghĩ đến những đứa con còn sống chứ.
    - Tiên có thể giúp chi cho anh nữa không ?
    - Thôi, tôi đưa Tiên về. Xem Tiên có vẻ mệt mỏi lắm.
    Tùng chở tôi về nhà, tôi nhắn:
    - Anh nhớ nói Kim Thoa đem cặp trả Tiên nghe.
    Bội Nga cũng vừa đi học về:
    - Khỏi cần nhắn, em đem cặp về cho chị đây.
    Cô bé hỏi tôi:
    - Chị Tiên, đứa học trò của chị có can chi không ?
    Tôi rưng rưng:
    - Nó mất rồi em.
    Bội Nga chép miệng:
    - Tội nghiệp chưa.
    Tùng rồ máy xe, tôi lại nhắn:
    - Nhớ đem kết quả cuộc giải phẩu qua cho ba Tiên nghe anh Tùng.
    Tùng cười:
    - Chắc chắn rồi. Kỳ này nhất định phải hỏi thầy. Thôi Tiên và Nga vào nhà nghe, tôi về.


    Chương 7

    Với tài thuyết phục của Tùng và các bạn anh, ông bà Sâm đã để cho họ giải phẩu thi thể thằng Hợi. Vài ngày sau Tùng sang tôi, mang theo bảng kết quả tìm thấy. Vì có hẹn trước, nên sáng hôm nay, ba ngồi trông phòng khách đợi Tùng. Ba biểu tôi đi pha cà-phê, khi tôi bưng cà-phê lên, tôi thấy ba đang nhìn chăm chú vào tờ giấy Tùng vừa trao qua, trên mặt bàn, có mấy tấm lam mỏng, dùng để xem trong kính hiển vi. Tùng kéo ghế salon ngồi sát cạnh ba, một tay anh vịn vào tay ghế của ba, tay kia đặt hờ lên đùi, anh nói với ba:
    - Thưa thầy, theo kết quả tìm thấy trong phẩu thuật, ở gan và trong máu thằng bé, tích tụ khá nhiều chất đồng, ở não cũng vậy, các vùng chất xám đang bị thái hóa trầm trọng.
    Ba gật gù:
    - Thầy biết rồi, đây là một trường hợp rất hi hữu. Nhưng cần phải kiểm chứng lại. Chúng ta xuống phòng thí nghiệm đi.
    Tôi nhìn ba:
    - Ba, ba uống cà-phê đi đã.
    Ba như sực nhớ ra, ba cười:
    - Ồ, quên mất, cà-phê con gái của ba pha lúc mô cũng tuyệt. Uống đi Tùng, uống đi để thấy tài pha của Bội Tiên.
    Tùng nhìn tôi thân mật rồi nâng ly cà-phê lên, anh nhấp một chút, anh uống mất linh hồn tôi bằng ánh mắt xanh lơ. Anh khen:
    - Tiên pha cà-phê thiệt khéo.
    Tôi cười. Anh lại hỏi:
    - Tiên thích uống cà-phê không ?
    Tôi lắc đầu:
    - Tiên không dám uống. Tiên sợ mất ngủ. Khi mô cần thức học thi Tiên mới uống.
    Ba khoe:
    - Bội Tiên học bài chăm lắm Tùng. À, kỳ thi cá nguyệt vừa rồi nó đứng dầu lớp nớ. Con Bội Nga thứ 15 luôn, thiệt con nhỏ ham chơi, chẳng theo gương chị nó chút mô hết.
    Nghe ba khen, tôi mắc cở quá, tôi cúi đầu không dám ngó lên. Ba đặt tách cà-phê xuống bàn, bảo Tùng:
    - Thôi, chúng ta đi làm việc.
    Tùng rủ tôi:
    - Bội Tiên cũng xuống phòng thí nghiệm dự buổi kiểm chứng ni nghe.
    Tôi gật đầu:
    - Dạ, anh và ba Tiên xuống trước đi, để tiên dọn dẹp rồi sẽ theo sau.
    1 giờ sau, tôi đã ngồi cạnh Tùng trước mặt ba trông phòng thí nghiệm để nghe ba giải thích:
    - Thằng bé đã mắc phải một chứng bệnh rất hi hữu, đó là bệnh Wilson, một bệnh mà triệu chứng xảy ra lúc ban đầu, rất giống bệnh gan, nên rất nhiều vị bác sĩ đã bị lầm lẫn trông công việc chữa trị. Bệnh phát sinh khi gan bị teo cứng không hoạt động được khiến lượng đồng trong máu tăng lên, đồng thời sự tích tụ của chất mật trong gan sẽ gây nên sự thoái hóa của các vùng chất xám trong não. Như chúng ta vừa xem một mô não ở trong kính hiển vi, các tế bào ở đó bị hủy hoại thật rõ ràng

    Tôi hỏi:
    - Thưa ba, tại răng mà người ta gọi nớ là bệnh Wilson ?
    - Wilson là tên của vị bác sĩ đã khám phá ra bệnh nớ.
    Tùng hỏi ba:
    - Thưa thầy, loại vi trùng mô đã gây nên bệnh Wilson ?
    - Không có vi trùng trực tiếp gây nên bệnh Wilson. Bệnh ni là một biến chứng của bệnh gan. Khi đau gan, nếu gan bị teo cứng thì có thể biến chứng thành bệnh Wilson.
    - Thưa thầy, như rứa là bệnh Wilson không di truyền ?
    - Có chứa, nhưng sự di truyền rất hiếm, sự di truyền cũng gián tiếp qua bệnh gan, thường do người mẹ di truyền hơn là người cha. Không phải đứa con mô cũng mắc bệnh, chính đứa trẻ mô rủi mang phải nhiễm thể (gène) di truyền của người mẹ mới bị bệnh mà thôi. Nói chung thì bệnh Wilson rất hiếm theo tỉ lệ 1/40,000 cứ 40,000 cặp vợ chồng thì có một cặp sẽ truyền bệnh cho con cái, mà chính họ cũng không biết nữa, vì họ đã vô tình mang những nhiễm thể di truyền những thế hệ trước. Bệnh nớ, đã tiềm ẩn nơi người mẹ, nên người mẹ, không bị nguy hại chi cả.
    Tôi lo sợ:
    - Thưa ba, rứa mấy em của thằng Hợi có thể bị bệnh Wilson không ?
    Ba gật đầu:
    - Có thể.
    Tôi quay sang Tùng:
    - Chết chưa. Chừ làm răng đây ? Anh Tùng.
    Ba đề nghị:
    - Nên đem tất cả những đứa em của thằng bé đi thử máu.
    Tôi reo lên:
    - Phải đó ba.
    Ba nói với Tùng:
    - Tùng hãy giúp Bội Tiên trong công việc ni rồi cho thầy biết kết quả.
    Tôi tiễn Tùng ra cửa, Tùng nhìn khóm cúc rộ nở dưới cửa sổ phòng học tôi:
    - Cúc của Tiên nở hoa to ghê hí.
    Tôi nghe vui vui:
    - Dạ, qua Tết rồi mà nó vẫn đẹp, vẫn tươi.
    - Thì đã bảo cúc là hoa quân tử mà.
    - Anh nói rõ ra cho Tiên nghe đi.
    - Tiên thấy không, mùa Xuân là mùa cho muôn hoa đua nở, khoe sắc khoe hương. Nhưng đối với cúc thì khác. Người quân tử không a dua xu thời thì cúc vũng vậy, không cần đợi đến mùa Xuân, không cần phải tỏa hương thơm sực nức như hoa hồng, hoa sứ, cho bất cứ ai cũng có thể ngửi được ngắm được. Cúc một mình nở vào mùa thu và hương cúc lại thoang thoảng nhẹ nhàng, phải sành điệu lắm mới có thể hưởng được hương thơm tinh khiết nớ.
    Tôi bứt một ngọn lá nhỏ:
    - Anh Tùng ví von hay ghê.
    Tùng nhìn thẳng vào mặt khiến tôi lúng túng:
    - Tiên cũng giống như hoa cúc rứa.
    Tôi tròn mắt nhìn anh:
    - Ơ, Tiên... mô có đẹp mà ví Tiên với hoa.
    Tùng cười:
    - Mỗi người con gái là một đóa hoa mà.
    Tôi ngẩn ngơ:
    - Răng anh lại gọi Tiên là hoa cúc ?
    Tùng vẫn nhìn tôi:
    - Có quen Tiên, có hiểu Tiên, mới biết Tiên cao quí, như rứa là Tiên giống hoa cúc rồi, phải không ?
    Tôi đỏ mặt, nói lãng sang chuyện khác:
    - Anh Tùng nì, khi mô anh mới giúp Tiên đem đám em thằng Hợi lên nhà thương thử máu ?
    Tùng suy nghĩ một lát, rồi anh bảo:
    - Chủ nhật ni, Tiên đi dạy, tôi sẽ tháp tùng theo sau, Tiên bằng lòng không?
    - Răng cũng được, miễn tiện cho anh thì thôi...


    Tùng về rồi, tôi còn đứng chơi vơi bên khóm hồng trước cổng, loại hồng Đà Lạt ba xin được giống đem về trồng đang nở những đóa hoa tuyệt đẹp, những cánh mướt như nhưng màu đỏ thẫm nổi bật trên nền lá xanh biếc xanh. Hương hoa tràn ngập không gian, tôi nhớ đến lời Tùng vừa bảo, hoa hồng ai cũng ngắm được, cả đến những người phàm phu. Chỉ có hoa cúc là kín đáo dịu dàng, chỉ có hoa cúc là khiêm nhường đằm thắm, tôi trở vào đứng trầm ngâm bên khóm cúc của mình, tay nâng niu một đóa vàng tươi. Tùng ơi, em có phải là hoa cúc thật không ? Trời vào xuân trông vắt xanh lơ, mây trắng lững lờ bay đi tìm mộng, tôi nhìn lên cao thả hồn theo những cánh mây mỏng lang thang bay về cuối chân trời. Ở đó, có bao giờ mây tìm thấy hạnh phúc không mây ? Tôi thầm hỏi, hạnh phúc đối với tôi cũng vậy, thật xa vời trong ước muốn, thật muôn trùng cách biệt trong trí tưởng thâm u. Hạnh phúc của tôi phải chăng là dáng dấp ấy, là nụ cười ấy, là cử chỉ thân mật dịu dàng mà biết bao lần tôi thầm nhủ hãy quên đi ? Tùng cao sang quá, Tùng đẹp đẽ quá, đối với tôi, Tùng là chân thiện mỹ, còn đối với Tùng, tôi là gì đây ? Tôi có phải là đóa hoa cúc như Tùng vừa nói không, hay đó chỉ là lời an ủi phát sinh từ lòng thương hại vô bờ ? Tôi biết, Tùng rất có cảm tình với tôi, nhưng chắc chắn là Tùng không thể yêu tôi được. Tùng cũng là một con người như muôn vạn người con trai trên thế gian này, Tùng có mắt nhận xét thì Tùng không thể nào không thấy được cái xấu xí của tôi, tôi không phải là hạnh phúc của Tùng. Còn gì đau đớn cho bằng khi tự mình giết chết ước mơ, khi tự mình đi thụt lùi trước ánh sáng rực rỡ của vùng hạnh phúc chan hòa trước mặt. Vì Tùng ơi, anh thật quá xa xôi trông tầm tay với của em. Tôi đi lên phòng, Bội Nga gặp tôi ở cầu thang, cô bé đưa cho tôi tờ tuần báo:
    - Báo mới, chị đọc trước đi chị Tiên.
    Tôi cầm tờ báo đến bàn, giở từng trang, tôi tìm đến trang thơ xem thử có bài nào hay không, tôi vẫn thường thích chép những bài thơ hay vào một cuốn carnet nhỏ, khi nào buồn thì giở ra ngâm nga một mình xua tan nỗi trống trải. Tôi chợt để ý đến câu "anh là ảo ảnh rất mong manh" trong bài thơ "Tâm sự mùa thu" của một tác giả mang tên Bất Hạnh, cái tên nghe thật buồn như chính tên của tôi. Tôi mở ngăn kéo lấy tập nhật ký ra, tôi phải chép bài thơ này vào nhật ký vì tâm sự của tác giả Bất Hạnh này sao giống tôi ghê.

    Tình vỡ theo từng phiến lá đêm
    Em ôm sầu muộn kín vai mềm
    Mùa thu chim lạ bay về núi
    Gieo nỗi buồn đâu lên trái tim

    Em tự ngàn xưa hoa hướng dương
    Yêu anh như suối ngọt yêu nguồn
    Anh mang thần tượng vầng Kim Nhật
    Soi ánh tơ vàng lên phím thương

    Anh quá xa vời trông ước mơ
    Mắt nâu trầm lặng biển sương mờ
    Em nghe u ẩn niềm băng giá
    Qua nẻo hồn em hoen ý thơ
    Em chợt nhìn em nhan sắc phai
    Mi xanh nhòa nhạt nét trang đài
    Khi anh mở rộng vòng tay mến
    Để em thoát ngoài cuộc đắm say

    Em vẫn làm thơ khóc một mình
    Anh là ảo ảnh rất mong manh
    Thu sang biền biệt người yêu dấu
    Em khổ theo từng phiến lá đêm

    Tôi ôm cuốn nhật ký đến giường, và đọc lại bài thơ một lần nữa. Gió thoảng vào cửa sổ hơi hạnh, tôi kéo tấm draps đắp lên người rồi ngủ quên lúc nào không hay.
    Sáng chủ nhật tôi vừa dắt xe ra cổng thì thấy Tùng đứng đợi bên đường từ bao giờ, cạnh đấy là chiếc xe trắng của bệnh viện, có dấu hồng thập tự đỏ chói. Tùng cười với tôi:
    - Cô giáo vô cất xe đi. Tôi đưa cô giáo đến lớp bằng xe hồng thập tự.
    Tôi rút vai:
    - Anh mượn cái xe chi mà dễ sợ rứa ? Như sắp chở bệnh nhân đi không bằng.
    Tùng theo tôi vào garage chờ tôi cất xe:
    - Xe dạo ni bận lắm, mượn được là may quá rồi, hơi mô mà chọn lựa.
    Tùng mở cửa xe cho tôi bước lên:
    - Công việc thử máu chắc không lâu mô Tiên. Chắc chắn là trong tuần ni sẽ xong xuôi.
    Tôi xếp lại mấy quyển vở ngay ngắn:
    - Tiên cầu Trời Phật đừng thêm đứa mô mắc bệnh nữa.
    - Tôi cũng mong rứa.
    Tôi chợt hỏi Tùng:
    - Anh Tùng, lỡ có đứa mắc bệnh, mình có thể cứu khỏi được không ?
    - Tôi cũng có hỏi thầy về vấn đề ni, thầy nói, nếu bệnh mới manh nha, thì có thể trị dứt được.
    Tùng dừng xe trước cổng nhà thờ cho tôi vào lớp:
    - Tiên vô dạy kẻo trễ. Tôi đến nhà ông bà Sâm một mình được rồi.
    - Anh gắng nói cho khéo nghe. Ông bà ấy đang đau buồn vì cái chết của thằng Hợi.
    - Tiên yên trí đi.
    Một lá sau, Tùng ghé lại cho tôi hay:
    - Xong xuôi rồi, tôi đem mấy đứa nhỏ về bệnh viện rồi trưa tôi tới đón Tiên nghe.
    Tôi nhìn ra xe, 5 đúa em lớn của thằng Hợi đang cười với tôi, có cả bà Sâm nữa, nét mặt bà dàu dàu, trên tay bà ẵm con Tý đang ngủ gà ngủ gật. Tôi nói với Tùng:
    - Anh thật sốt sắng với Tiên.
    Tùng khoác tay:
    - Tiên đừng nói rứa, đó chỉ là bổn phận của tôi. Thôi tôi đi nghe.
    Trưa hôm đó, tôi và Tùng theo ông Sâm đi thăm mộ thằng Hợi. Mộ thằng bé được an vị trên một ngọn đồi thấp cách nơi ở không bao xa. Tôi đứng lặng yên bên Tùng, ngậm ngùi nhìn lớp đất mới ôm ấp hình hài đứa học trò thân yêu của tôi. Hợi, rồi cỏ sẽ mọc xanh nền đất lạnh, rồi lá vàng sẽ rụng xuống phủ lấp xác thân em, em không còn hiện diện trên thế gian này nữa, tên em sẽ dần đi vào quên lãng thiên thu. Hẳn thế giới bên kia không có muộn phiền, hẳn vùng trời cõi chết không còn nhọc mệt, hai tay em đã buông xuôi, cô chúc em tìm thấy hạnh phúc êm đềm vĩnh cửu. Tôi đốt ba cây nhang cắm vào bình hương trước mộ còn mới tinh, ông Sâm ngồi bệch xuống bên mộ, ôm lấy gò đất vô tri:
    - Hợi ơi, có cô Tiên và thầy Tùng tới thăm con đây.
    Tùng vỗ nhè nhẹ vai ông:
    - Thội nghiệp thằng bé thật vắn số.
    Ông Sâm nhìn làn khói hương nghi ngút, lẩm bẩm:
    - Hợi ơi, chừ con đang ở mô ? Con có tìm về được bên chân Phật Tổ không ?
    Tôi nhìn ông:
    - Tất cả linh hồn trẻ dại đều được cứu vớt, ông đừng lo.
    Ông Sâm lại lo lắng nhìn Tùng:
    - Ông bác sĩ ơi, lỡ có đứa mô mắc bệnh như thằng Hợi, thì có cứu vớt được không ông ?
    Tùng an ủi:
    - Bệnh chưa tái phát thì chữa được, ông đừng lo.
    Trời đã trưa, Tùng đứng dậy nói:
    - Thôi, về đi Tiên.
    Tôi có ý kiến:
    - Anh Tùng, Tiên sẽ đem hoa lên trồng ở mộ thằng Hợi, Tiên sẽ săn sóc mộ phần của nó như chính đứa em ruột của mình. Anh nghĩ rứa có được không ?
    - Tôi sẽ giúp Tiên một tay...
    - Anh cũng thích trồng hoa à ?
    - Nếu có thể, tôi sẽ tự tay xây mộ bia cho thằng bé.
    Tôi reo khẽ:
    - Ồ, ý kiến anh thật hay, Tiên sẽ mua cát, mua xi măng... nếu thiếu tiền, Tiên sẽ xin ba me Tiên. Anh xây mộ giùm Tiên nghe.
    - Sẵn lòng.
    Tôi về đến nhà gần 2 giờ chiều. Bội Nga lục lạo trên bàn học của tôi. Tôi hỏi:
    - Tìm chi rứa Nga ?
    Bội Nga quay lại:
    - À, chị Tiên về trễ rứa. Em tìm quyển sách tập làm bánh của chị.
    Tôi cởi áo dài treo lên tường:
    - Bộ em muốn tập làm bánh hả ?
    - Dạ, gần tới sinh nhật em rồi mà.
    Tôi lần tay nhẩm tính:
    - Em lo xa quá đi, còn lâu mà, đến hai tuần nữa lận mà.
    Bội Nga nghiêng đầu:
    - Nhưng em muốn học làm cho quen. Em không thích đặt bánh ở nhà hàng như những năm trước nữa.
    - Để chị làm cho.
    Bội Nga nhìn tôi:
    - Chị bận mà chị Tiên, sinh nhật em nhằm ngày chủ nhật, chị bận đi dạy mà.
    Tôi thương mến nhìn em gái:
    - Chị sẽ nghĩ dạy một buổi để mừng sinh nhật thứ 17 của em chứ.
    Bội Nga ôm chầm lấy tôi:
    - Chị thương em quá đi chị tiên, em mừng ghê. Chị nhớ làm bánh sinh nhật cho em nghe.
    - Nhưng chị làm không đẹp bằng tiệm mô nớ.
    Bội Nga nép đầu vào vai tôi :
    - Em thấy chị làm bánh chị nặn bông khéo bắt chết. Cái Buche de Noel năm rồi chị làm khách mô tới nhà cũng khen.
    Tôi hỏi Bội Nga:
    - Rứa sinh nhật năm ni, em định mời ai ?
    Bội nga kéo tôi ngồi xuống giường liếng thoáng:
    - Em sẽ mời tất cả bạn trong lớp trừ con khỉ phượng Liên.
    Tôi nhíu mày:
    - Đừng nói như rứa, Nga.
    Bội Nga trề môi:
    - Từ bữa con Phượng Liên kiếm chuyện với chị, em ghét nó như kẻ thù. Bữa tất niên ra sân khấu em cũng chả thèm nhìn mặt nó.
    - Bạn bè mà giận dỗi nhau làm chi rứa không biết nữa ?
    - Bộ chị không giận Phượng Liên hả ? Chị không ghét nó hả ?
    Tôi lắc đầu:
    - Khi nớ thì chị cũng hơi giận thật. Nhưng rồi chị quên ngay.
    Bội Nga ngây thơ:
    - Răng chị mau quên rứa chị tiên. Em thì em ghét nó, em muốn xé nó ra chấm muối tiêu ăn.
    Tôi bật cười:
    - Nói tầm bậy nờ.
    Bội Nga cười theo. Nó nói:
    - Em ngủ trưa đây với chị nghe.
    - Ừ, em nằm đi, chị tắm đã.
    - Có nước nóng sẵn rồi chị.
    - Ừ.
    Tôi cầm chiếc khăn lông đi vào phòng tắm. Phòng rộng được xây theo kiểu mới, chung quanh tường lát men trắng, và chiếc bồn bằng đá xanh láng ngời. Phía trên tường có hai vòi nước, một bên lạnh và một bên nóng, tôi với tay bấm nút cho nước chảy vào bồn, tôi cố gắng không nhìn vào tấm gương lớn hình bầu dục đang thản nhiên phản chiếu vào người tôi như một thách thức xót xa.






    Những ngày sau đi học tôi bồn chồn chẳng yên. Tôi nôn nóng được biết kết quả cuộc thử máu mấy đứa em thằng Hợi, nhưng hai, ba ngày ngay bóng Tùng vẫn biệt tăm. Tôi ngại đến bệnh viện hỏi thăm Tùng hay nói đúng hơn là tôi không muốn đến, bạn của Tùng ở đó đông quá, hình như họ cũng là bạn của anh Tuấn nữa, nhưng họ cũng nhìn tôi bằng con mắt hững hờ. Tôi cố tránh sự lạnh lùng đó càng xa càng tốt và tội nghiệp thân tôi, đã có nhiều lúc tôi tự hỏi, chẳng biết Tùng có mắc cở với bạn bè khi có một người bạn xấu xí như tôi không ?
    Nhưng rồi sự chờ đợi cũng đến, Tùng lại nhà báo tin với tôi rằng tất cả những đứa em thằng Hợi đều mạnh khỏe, duy chỉ có con Tý là nghi ngờ có bệnh vì trong máu nó chứa nhiều chất đồng nhưng chưa đến lúc nguy hại cho tính mệnh.
    Tôi cuống lên:
    - Chết chưa, chừ làm răng anh, phải chữa ngay cho con Tý tức khắc.
    Tùng dựa người vào lưng ghế:
    - Tiên đừng lo, con Tý sẽ được chữa dứt bệnh.
    - Anh thưa lại với ba Tiên chưa ?
    - Thầy đã biết chuyện ni rồi. Thầy hứa thầy sẽ làm cố vấn cho tôi trong việc chữa bệnh con Tý.
    Tôi mừng rỡ:
    - Ồ, chuyến ni có ba Tiên, chắc chắn thành công.
    Tùng cười nhìn tôi đăm đăm:
    - Như rứa là Tiên chưa tin tôi, phải không ?
    Tôi biết mình lỡ lời vội chữa:
    - Chết xin lỗi anh, Tiên không có ý nớ, Tiên muốn nói là bệnh con Tý mới bắt đầu, chắc là dễ chữa hơn.
    Tùng gật gù:
    - Đúng đó Tiên. Bệnh của thằng Hợi đã quá trầm trọng.
    Tôi chợt nghe hồn chùng xuống :
    - Anh Tùng.
    - Chi rứa Tiên ?
    - Tiên nhớ thằng Hợi, Tiên nhớ đến những lời nó nói trước khi chết "Cô Tiên ơi, con thương con Tý lắm", và nó đã đem tính mạng của nó ra để đổi lấy sự sống của em, nếu cái chết của nó không đến sớm hơn, thì bệnh của con Tý sẽ không được khám phá kịp thời. Nó đã thương yêu con Tý ngoài cả sự tưởng tượng của Tiên, ngoài cả lòng mong muốn của ông bà Sâm.
    Tùng khuyên:
    - Thôi Tiên, đừng nghĩ ngợi chi nữa. Thằng Hợi đã an phần nó. Biết mô ở thế giới bên kia, nó chẳng tìm thấy sự yên tĩnh của tâm hồn.
    Tôi cắn chặt làn môi:
    - Nhưng thằng Hợi còn nhỏ quá, cái chết đối với nó không phải là hạnh phúc.
    Tùng nhíu mày:
    - Hạnh phúc ? Chết mà là hạnh phúc à ?
    Tôi buồn bã:
    - Không. Hạnh phúc đối với Tiên thôi.
    Tùng ngăn lại:
    - Tiên, không nên bi quan.
    Tôi nhìn đăm đăm ngoài cửa sổ, nắng đã lên cao trên mấy hàng chuối rẽ quạt, nắng hắt vào nhà, nắng tươi cười nhảy múa:
    - Tiên không bao giờ có hạnh phúc.
    Tùng ái ngại:
    - Tiên, tôi hỏi Tiên câu ni nghe. Tiên có bao giờ thấy sung sướng khi đem lại hạnh phúc cho kẻ khác không ?
    Tôi gật đầu:
    - Dĩ nhiên là có. Nhưng Tiên có đem hạnh phúc cho ai mô ?
    Tùng cười:
    - Nhiều lắm chứ. Ở nhà, Tiên đảm đang, tại trường, Tiên chăm chỉ, cô thầy hãnh diện vì Tiên, như vậy là Tiên đã đem hạnh phúc đến cho song thân. Tiên thương yêu chăm sóc Tuấn, Bội Nga, như vậy là Tiên đã đem hạnh phúc cho anh em. Còn cả một thôn xóm đông đúc trên Vỹ Dạ nữa, Tiên đã giúp đám trẻ ở đó mở mang kiến thức, Tiên đã hoạt động y tế một cách tích cực để đem lại sức khỏe cho dân chúng...
    Tôi ngượng chín người:
    - Anh nói quá đáng, chuyện nớ mô phải một mình Tiên, cả nhóm bạn của chị Thanh Xuân nữa chứ bộ.
    Tùng khoát tay:
    - Không phải tôi nói quá mô. Tôi chỉ muốn dẫn chứng cho Tiên biết là Tiên đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người. Tiên nên xem nớ là niềm vui của mình. Tiên đừng buồn nữa.
    Tôi cảm động:
    - Tiên cám ơn anh.
    - Tiên hứa với tôi đi, Tiên đừng buồn nữa nghe.
    - Dạ.
    Chợt nhớ đến bệnh tình con Tý, tôi hỏi Tùng:
    - À anh Tùng nì, khi mô thì anh bắt đầu chữa bệnh cho con Tý.
    - Tiên yên tâm đi. Hiện tôi đang lập thủ tục cho con Tý vào nằm hẳn trông bệnh viện. Nay mai , mỗi khi đi học về là Tiên có thể ghé thăm nó dễ dàng.
    Lễ sinh nhật Bội Nga được tổ chức trên sân thượng nhà tôi. Trọn một đêm tôi thức trắng để kết cho xong những giây hoa bằng giấy treo giăng mắc khắp nơi, và sáng nay chủ nhật, tôi nghĩ dạy một buổi để hoàn thành chiếc bánh sinh nhật mừng Bội Nga. Me may cho Bội Nga một chiếc áo dài nhung đỏ vừa lấy về hôm qua, còn tôi, chắc tôi mặc lại chiếc áo dài màu rêu năm ngoái dù me cứ dục tôi may cái nhung màu hạt dẻ. Tôi từ chối mãi me mới thôi, vì tôi biết, áo nhung đắt tiền lắm, một thước 5, 6 ngàn đồng chứ ít ỏi chi, dáng người cứng ngắc của tôi mà khoát áo đó vào người thêm tội nghiệp cho tấm áo, mà người ta còn cười cho là không biết chọn hàng nữa. Con người tôi chỉ tương xứng với những loại vải rẻ tiền, chứ tiền sắm một cái áo nhung, tôi có thể dùng để mua cho 40 đứa học sinh lớp tôi sách vở và bút mực, cũng còn dư dả.
    Bội Nga chạy xuống bếp tìm tôi:
    - Chị Tiên ơi, em qua Tân Nghiệp sửa cái áo một cái đã.
    Tôi đang cho kem vào ống nặn hoa:
    - Áo không vừa hả em ?
    - Dạ hơi rộng một chút. Thôi em đi đã nghe.
    - Ừ, mau về phụ chị trang hoàng hí.
    - Dạ.
    Tôi làm xong chiếc bánh thì đã trưa. Me gọi tôi lên ăn cơm, Bội Nga cũng ra phố vừa về:
    - Chị Tiên ơi, em có mua thêm "công phét ti".
    - Rứa à.
    Bội Nga đưa gói "công phét ti" cho tôi:
    - Nì, nhiều lắm, để em tung lên cho đẹp.
    Me la:
    - Bày đặt chưa, xả nhà rứa để chị sen quét tội nghiệp.
    Tôi bênh em:
    - Một năm một lần mà me, nó ưa chi thì cho nó chơi, me.
    Bội Nga nhìn tôi bằng đôi mắt biết ơn:
    - Đó, me thấy chưa, chị Tiên thương con nhất nhà mà. À, ba mô rồi me ? Anh Tuấn mô rồi me ?
    - Ba và anh Tuấn lên trên bác Hiệp có việc.
    - Không biết ba và anh Tuấn có về kịp giờ sinh nhật của con không ?
    Tôi nói cho Bội Nga yên tâm:
    - Em đừng lo, ba và anh Tuấn nhớ mà. À nì Nga, em mời các bạn mấy giờ nớ ?
    - 6 giờ chị, mà chắc 7 giờ mới khai mạc, giờ Việt Nam là giờ cao su mà.

    Ăn cơm xong, tôi giục Bội Nga đi ngủ trưa. Cô bé ngúng nguẩy:
    - Thôi, em không ngủ mô. Để em phụ với chị nặn hoa bánh sinh nhật.
    Tôi cười:
    - Xong rồi cô ơi. Tui giao cho cô công tác cắm đèn sáp nớ.
    Bội Nga láu táu:
    - Rồi rồi hả chị Tiên. Mô ? Mô ? Cho em coi với.
    - Chị để trong tủ lạnh a.
    Bội Nga chạy xuống nhà ngang, tiếng cô bé reo lên:
    - Đẹp quá, màu hoa chị pha thật không còn chỗ chê. Me ơi, me ra coi bánh của chị Tiên làm cho con nì.
    Me sau bếp bước lên, mắng yêu con gái:
    - Cô chỉ được cái lanh chanh như hành không muối. Không biết làm chi hết, học chị bội Tiên đi là vừa.
    Bội Nga chu môi:
    - Trước sau chi chị Tiên cũng dạy cho con làm mà. Phải không chị Tiên ?
    Tôi gật đầu, tôi cảm thấy vui trước vẻ vô tư nhí nhảnh của Bội Nga.
    5 giờ rưỡi chiều ba và anh Tuấn lái xe về, không quên mang theo quà sinh nhật cho Bội Nga. Bội Nga cũng vừa trang điểm xong chạy xuống lầu:
    - Nghe tiếng còi xe hơi là con biết ngay ba về, ba có mua chi cho con không ba ?
    Anh Tuấn củng nhẹ vào đầu cô bé:
    - Ba đi về không mong, chỉ mong quà.
    Bội Nga véo anh Tuấn:
    - Nì, khéo hư tóc em nớ, không biết mô, em mét me cho coi.
    Ba chỉ cái gói lớn vừa đặt trên buffet:
    - Quà của con nớ.
    Bội Nga chạy đến, mân mê chiếc nơ màu đỏ cột bên ngoài:
    - Con xin cám ơn ba.
    Rồi cô bé quay sang anh Tuấn:
    - Còn anh, quà của em mô ?
    Anh Tuấn cười to:
    - Quà của tao hả ? Ừ, để tao lựa đã.
    Bội Nga tròn mắt:
    - Lựa chi ?
    Anh Tuấn giả vờ suy nghĩ:
    - Lựa thử xem trong đám bạn tao, để làm quà cho mi một ông dôn.
    Bội Nga đấm vào vai anh:
    - Ư, anh chọc em, em không chịu mô ?
    Tôi mở tủ lạnh, mang ổ bánh sinh nhật lên sân thượng. Anh Tuấn đón lấy:
    - Để nớ cho anh, Tiên. Anh bưng giùm cho.
    Me đi ra:
    - Bội Tiên, con chưa thay quần áo à, các bạn của chúng con cũng sắp tới rồi nớ.
    - Dạ con bận sắp đặt...
    Me xua tay:
    - Để nớ cho chị sen và bác Tám. Con vào thay quần áo đi.
    Tôi miễn cưỡng đi lên phòng. Đến trước tủ áo, tôi không dám nhìn vào tấm gương lớn, nhưng rồi, cũng phải nhìn vào để chải tóc cho ngay ngắn, chẳng lẽ sinh nhật của Bội Nga mà tôi để cho đầu bù tóc rối được sao, làm như vậy Bội Nga buồn, tội nghiệp nó. Tôi khoác chiếc áo màu rêu lên người, màu rêu buồn bã làm gương mặt của tôi càng thêm tối tăm. Nhưng tôi thích vậy, tôi muốn vậy, cuộc đời của tôi là bóng tối mà, nào ai hay ai biết sự hiện diện của tôi trên thế gian này đâu.

    Tôi đến ngồi thừ bên bàn viết, lặng lẽ nhìn đôi chim Yến âu yếm trong lòng son, chúng đang hót cho nhau nghe những âm điệu tuyệt vời. Hạnh phúc của chúng là khoảng không gian bé nhỏ trong lồng, chẳng biết đôi chim kia có mơ ước đến vòm trời tự do lồng lộng thênh thang không, nhưng tôi nhận thấy, đôi mắt chúng trong veo, chúng nhảy nhót, chúng vui ca, chúng đang bằng lòng với hiện tại, hẳn chúng đã tìm thấy được hạnh phúc bên nhau. Tôi ngậm ngùi suy tư, thà sống kiếp chim trong lồng mà có đôi có bạn, còn hơn tôi, suốt cuộc đời thui thủi một mình. Ánh mặt trời khuất dần sau rặng núi xa, có tiếng chân rất nhiều người bước lên cầu thang, đi ngang qua phòng, rồi giọng cười nói líu lo của đàn bướm trắng rộn rã trên sân thượng, ngân vang vào lòng tôi. Tôi muốn ngồi chết dí trong phòng, tôi muốn tan biến vào không gian trong tà áo màu rêu tối ám, đừng ai tìm thấy tôi, đừng ai kéo tôi ra giữa vùng ánh sáng rực rỡ trên sân thượng, trước rượu nồng bánh ngọt, trước những nhan sắc khuynh thành lộng lẫy đó, tôi chỉ là một đối tượng cho thiên hạ nhìn vào châm biếm mà thôi. Bội Tiên ơi, mày chỉ là con chim cú sống âm thầm trong bóng đêm, đừng bước ra ánh sáng, mắt mày sẽ mù, tai mày sẽ điếc, đó không phải là môi trường của mày đâu.
    Nhưng Bội Nga đã chạy vào phòng kéo tôi vào cuộc vui. Tôi uể oải theo em lên sân thượng. Các bạn tôi đã đến đầy đủ và có thêm một số bạn của anh Tuấn nữa, đó là những người đang theo đuổi Bội Nga. Lòng tôi ấm lại khi trong thấy Tùng đang đứng cạnh Kim Thoa, Tùng cũng đã nhìn thấy tôi, anh bước đến:
    - Mai chừ tôi có ý trông Bội Tiên. Bội Tiên làm chi dưới nhà mà lâu rứa ?
    Kim Thoa xen vào:
    - Bội Tiên thì khỏi phải nói, nội trợ một cây xanh lè nớ.
    Tôi cãi:
    - Mô có, Tiên bận chút việc trong phòng.
    Kim Thoa lại bắt bí:
    - Nếu rứa thì mi đang học bài phải không ? Chà, gạo dữ. Gắng đi Tiên, năm ni cô Trâm hy vọng lớp mình lãnh phần thưởng danh dự toàn trường nớ.
    Tôi gạt đi:
    - Con ni nói quá đi, tao mô có học bài.
    Tùng hỏi tôi chuyện khác:
    - Có ba, bốn ngày ni Tiên không vào thăm con Tý phải không ?
    Tôi cầm tay Kim Thoa:
    - Răng anh biết ?
    - Con Tý hỏi thăm Tiên hoài. Nó nói cô Tiên mô rồi, răng không đến với nó.
    - Tại Tiên bận quá anh, cũng gần thi đệ nhị lục cá nguyệt rồi. Tiên định mai hoặc mốt, Tiên ghé thăm nó đó.
    - Ừ, Tiên nhớ dành chút thì giờ vào với nó. Tôi thấy nó có vẻ mến Tiên lắm.
    Tôi hỏi Tùng:
    - Bệnh trạng con Tý có khả quan không anh ?
    Tùng tin tưởng:
    - Chắc chắn con bé sẽ khỏe. Tiên yên tâm học bài đi, tôi chúc Tiên đứng nhất kỳ thi cá nguyệt ni.
    - Ồ, Tiên không dám tin rứa. Nhưng... Tiên cám ơn anh.

    Kim Thoa đã rời tôi và Tùng để nhập vào đám bạn đang se sua quần áo. Tùng nhìn lên bầu trời đêm lác đác muôn sao:
    - Trời đẹp quá Tiên hí.
    - Dạ.
    - Ngày ni Tiên có về nớ dạy không ?
    - Bữa ni sinh nhật Bội Nga, nên Tiên cho tụi nó nghỉ một buổi.
    - À, còn vụ xây mộ cho thằng Hợi, Tiên có thay đổi ý định không ?
    - Dạ không, Tiên có xin phép ba me Tiên và được ba me đồng ý. Nhưng để tháng sau đã anh, qua kỳ thi cá nguyệt ni đã.
    - Khi mô xúc tiến công việc, Tiên nhớ nhắn Kim Thoa về nói lại với tôi nghe, tôi sẽ lãnh phần xây cất cho - Tùng cười - Tiên biết không, tôi làm thợ nề không đến nỗi tệ mô.
    Tôi cười theo anh:
    - Chà, anh nhiều nghề ghê, khỏi phải sợ thất nghiệp.
    Tùng pha trò:
    - Người ta nói "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" còn tôi nhiều nghề quá, mà chẳng có nghề mô tinh thông cả, chắc cũng không ai thèm mướn mô.
    Gió đêm thoang thoảng mát qua hồn tôi.







    Cô Trâm vừa đọc bản vị thứ kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt. Tôi vẫn là người dẫn đầu trong số 60 học sinh đệ nhất A2. Cô tươi cười khuyến khích tôi:
    - Gắng lên Bội Tiên, gắng lên để đoạt phần thưởng danh dự toàn trường nghe em.
    Tôi nhìn cô Trâm, tôi lại nhớ đến lời me:
    - Con là một học sinh xuất sắc, tất cả các giáo sư đều mến thương con.
    Cô ơi, me ơi, con sẽ cố gắng thật nhiều để khỏi phụ lòng tin cậy và thương yêu của me, của cô và các giáo sư phụ trách.
    Suốt tháng nay tôi bận học thi, tôi giao lớp lại cho chị Thanh Xuân. Tôi cũng không có thì giờ ghé thăm con Tý nữa, nhưng cách đây một tuần, Tùng nhắn với Kim Thoa nói với tôi rằng, lượng đồng trong máu con Tý đã trở lại bình thường sau một thời gian chữa trị và con bé đã được về nhà, Kim Thoa còn bảo:
    - Anh Tùng nói mi yên lòng đi Bội Tiên. Anh vẫn thường xuyên chú tâm tới con Tý. Anh chúc mi được điểm bài thi thật cao.
    Như vậy đã đủ 4 chủ nhật rồi không gặp Tùng. Tôi cảm thấy hơi nhớ anh mỗi đêm thao thức không ngủ được, tôi thèm nghe giọng nói êm đềm, tia nhìn đầm ấm của người con trai đã trở nên thần tượng muôn đời trong trái tim tôi. Tôi nghe lòng buồn khôn xiết, con Tý đã rời bệnh viện, như vậy tôi sẽ không còn dịp để ghé sang nhà thương gặp Tùng, để nghe anh báo tin dù đó không là tiếng yêu đương ngọt ngào anh gởi về tôi, nhưng tôi vẫn cần giọng nói của Tùng như cần hơi thở, như cần chút ánh sáng xua bớt bóng đêm dài đang phông kín đời tôi.
    Trưa nay đi học về, ngang qua phòng khách, tôi gặp chị Thanh Xuân đang ngồi nói chuyện với anh Tuấn. Tôi reo:
    - Lâu ngày gớm, không biết ngọn gió mô đã đưa chị tới nhà em.
    Chị Thanh Xuân vẫy tôi:
    - Tới đây chị nói cho mà nghe. Vì Tiên chị mới đến tìm nớ.
    Tôi chọc anh:
    - À, em hiểu rồi, bà "tổng giám thị" đi tìm luật sư định lôi em ra tòa phải không ?
    Chị Thanh Xuân nghiêm trang:
    - Anh Tuấn nói đúng nớ Tiên, mấy bữa ni em nghỉ, tụi học sinh hỏi thăm em quá trời.
    - Em đã cho chị biết nguyên nhân rồi mà, em bận thi cá nguyệt mà.
    - Tụi nó không tin. Chúng tưởng là em nghỉ luôn. Nì, có nhiều đứa khóc rồi nớ nghe.
    - Răng lại khóc ?
    - Chúng nhớ em, chúng cứ gọi cô Tiên ơi, cô Tiên hỡi.
    Anh Tuấn đùa:
    - Cô Tiên ơi, rứa cô đã thi xong chưa ? Cô định khi mô giáng trần nớ ?
    Tôi cười gượng:
    - Em mà tiên chi, em là quỉ Dạ xoa thì đúng hơn.
    Anh Tuấn chau mày:
    - Tiên, anh giỡn chơi mà, bộ Tiên giận anh à ?
    Tôi lắc đầu:
    - Không, em nói thiệt đó chớ, em mô dám giận anh...
    Anh Tuấn đứng dậy, bóp nhẹ vai tôi:
    - Thôi em ngồi nói chuyện với Thanh Xuân. Đừng nghĩ ngợi lôi thôi nớ. Lời nói đùa của anh chỉ là sự vô tình mà.
    Tôi cố làm mặt vui:
    - Em có nghĩ ngợi chi mô.
    Anh Tuấn đi lên lầu, chị Thanh Xuân nói với tôi:
    - Chủ nhật ni em đã đi dạy được chưa ?
    - Em rảnh rồi chị, khỏi phiền chị nữa.
    - Chị thì không thấy phiền chi, nhưng học sinh cứ hỏi thăm em hoài, chị trả lời mệt bắt chết.
    Chị Thanh Xuân nhìn thẳng vào mắt tôi:
    - Bội Tiên, chị rất sung sướng, chị không ngờ các em học sinh lại có cảm tình với Tiên như rứa.
    - Em cũng thấy hạnh phúc ghê, khi thấy đứa mô cũng thương em, chúng xem em như người chị cả.

    Có tiếng Honda tắt máy trước thềm nhà, tôi và chị Thanh Xuân cùng nhìn ra. Tùng đang nhảy thật nhanh lên bậc thang:
    - Bội Tiên.
    - Anh Tùng.
    Tùng gật đầu chào chị Thanh Xuân, Tùng quen chị Thanh Xuân trong những lần anh đưa tôi đi dạy và đến chăm sóc cho tủ thuốc đặt tại trường chúng tôi. Tôi chỉ ghế mời Tùng:
    - Anh Tùng ngồi chơi để Tiên đi pha nước.
    - Được rồi Tiên, khỏi cần.
    - Anh đến chơi hay có việc chi ?
    Tùng cười:
    - Nghe Kim Thoa nói bữa ni Tiên thi xong rồi, nên tôi đến thăm Tiên.
    Tim tôi đập nhanh, cho niềm sung sướng thấm nhuần vào huyết quản:
    - Tiên cám ơn anh.
    Tùng quay sang chị Thanh Xuân:
    - Cô Xuân biết không ? Bội Tiên sắp cho chúng ta ăn khao nớ.
    Tôi ngạc nhiên:
    - Ăn khao chi anh Tùng ?
    - Tiên không biết à ?
    - Tiên không biết chi hết.
    - Kỳ thi cá nguyệt ni, Tiên lại đứng nhất nữa mà.
    Tôi sực nhớ:
    - À, con Kim Thoa thiệt là mau miệng. Được rồi, anh Tùng và chị Thanh Xuân ưa chi, em sẽ đãi.
    Chị Thanh Xuân sách giỏ đứng lên:
    - Thôi chuyện nớ để hạ hồi phân giải. Như rứa là Tiên còn mắc nợ chị nghe. Chị về đã, trưa rồi, anh Tùng ngồi chơi.
    Tôi và Tùng tiễn chị Thanh Xuân ra ngõ, Tùng hỏi tôi:
    - Cô Thanh Xuân tới nhắn Tiên đi dạy phải không ?
    - Ủa, răng anh biết ?
    - Từ bữa Tiên nghỉ, tôi có xuống nớ mấy lần thăm con Tý. Tụi học sinh hỏi thăm Tiên quá chừng. Cô Thanh Xuân cũng hỏi Tiên chừng mô thi xong nữa.
    - Rứa à anh.
    - Nì Tiên.
    - Dạ, anh nói chi ?
    - Vụ xây mộ cho thằng Hợi nớ. Theo tôi nghĩ thì mình nên bắt đầu ngay đi. Tôi cũng sắp thi rồi, sợ sau này không có thì giờ.
    Tôi biểu đồng tình:
    - Tiên đồng ý với anh. Tiên bàn với anh ri, anh thấy có phải không nghe. Chủ nhật ni, chúng ta tới nói ý định cho ông bà Sâm biết. Nếu ông bà ấy bằng lòng Tiên sẽ nhờ bác Tám đi mua xi măng và cát, chủ nhật tới nữa, anh đến giúp Tiên, anh bằng lòng chứ.
    - OK
    - Không biết xây bao lâu thì xong anh hè ?
    - Cũng tùy xem mình có bận việc khác hay không.
    - Tiên thì bữa ni tương đối rãnh.
    - Tôi sẽ cố dẹp bớt công chuyện để giúp Tiên.
    Tôi hỏi Tùng:
    - À, con Tý bữa ni khá không anh ?
    - Khá lắm Tiên, bệnh Wilson không còn đe dọa nó được nữa.
    - Nếu bà Sâm sinh con nữa, thì sự di truyền còn tiếp tục không anh ?
    - Tôi cũng không biết được Tiên. Vì sự di truyền của bệnh Wilson không theo một tỉ lệ mô cả.
    Ba đã đi làm về, ba lái xe vào sân, me ngồi cạnh ba ló đầu ra:
    - Tùng, thiệt lâu ngày a, răng mấy bữa ni không lại nhà chơi.
    - Dạ, thưa cô con bận việc liên miên.
    Ba dừng xe lại:
    - Vô nhà chơi, vô nhà chơi. Thầy đi cất xe đã.
    Ba me vào đến phòng khách, Bội Nga trên lầu chạy xuống:
    - Ba me ơi, chị Tiên đứng nhất kỳ thi ni nữa.
    Mắt ba rạng rỡ nhìn tôi:
    - Thiệt hả con ?
    Tôi dạ nhỏ. Me ôm vai tôi:
    - Con gái của ba me thật giỏi. Còn Bội Nga đứng mấy ?
    - Con đứng 10.
    Ba gật gù:
    - Cũng được. Vậy tối ni, ba me đãi cả nhà đi ăn tiệm. -- Ba nhìn Tùng -- Cả Tùng nữa, tối thầy đem xe lại nhà đón.
    Bội Nga xen vào:
    - Cho Kim Thoa đi với ba, Kim Thoa em anh Tùng là bạn thân của chị Tiên nớ.
    Me gật:
    - Ừ, cả Tùng và Kim Thoa.
    Ba âu yếm hỏi tôi:
    - Bội Tiên của ba muốn đi ăn ở tiệm mô ?
    Bội Nga xúi tôi:
    - Lạc Thành đi chị Tiên.
    Tôi chưa kịp nói, Bội Nga đã đổi ý kiến:
    - Thôi Quốc Tế đi.
    Me la:
    - Bội Nga lanh chanh quá, để chị Tiên nói.
    Tôi nhìn Bội Nga:
    - Ý kiến của Bội Nga là ý kiến của con. Ba me chiều nó cũng như chiều con rứa.
    Ba bảo Bội Nga:
    - Đó, con thấy chị Tiên thương con chưa.
    Me nhìn tôi, bà nhìn tôi, Bội Nga nhìn tôi, và cả Tùng cùng nhìn tôi nữa, hình như tôi không phải là người con gái hoàn toàn mất hạnh phúc đâu.




    Tôi dùng son màu đỏ viết lên tấm bia bằng xi măng vừa mới khô xong. Tôi hỏi ý kiến Tùng:
    - Mình nên viết răng hè, anh Tùng ?
    Tùng đang ngồi nhổ cỏ dại chung quanh mộ thằng Hợi, ngẩng lên:
    - Tùy ý Tiên.
    Suy nghĩ một lát tôi nắn nót viết hàng chữ in:

    Nơi đây an giấc
    Trần Văn Hợi
    Hưởng dương 12 tuổi

    Tùng khen:
    - Chữ của Tiên sắc sảo ghê.
    Tôi đậy nắp lon sơn lại :
    - Được anh khen mai mốt Tiên mở xưởng vẽ quảng cáo.
    Tùng đưa chiếc thùng nhỏ để tôi đặt lon sơn vào:
    - Ý kiến hay, tôi sẽ là khách hàng đầu tiên của Tiên.
    - Anh nhờ Tiên vẽ cái chi ?
    Tùng đưa chân đùa những chiếc lá vàng:
    - Tôi nhờ Tiên vẽ hình tôi, bên cạnh có hàng chữ: "Đây, thợ xây bia mộ, số nhà... "
    Tôi bật cười vì câu pha trò của Tùng:
    - Tiên sẵn lòng. À, mà Tiên thấy anh xây cái mộ ni cũng đẹp lắm chứ, lại nhanh nữa.
    Tùng bước lại gần tôi:
    - Tiên định trồng hoa chi trên mộ thằng Hợi ?
    Tôi lặng nhìn ngôi mộ vừa mới xây xong nước xi măng còn láng ngời:
    - Tiên muốn trồng hoa Tỵ Ngọ, hoa nớ dễ trồng mà lại đẹp nữa. Màu sắc tươi thắm của nó sẽ xua tan bớt không khí buồn bã của ngọn đồi ni. Anh nghĩ răng ? Cho Tiên biết ý kiến đi.
    - Ý định của Tiên thật hay. Tôi hoàn toàn đồng ý. Mà Tiên đã có giống hoa nớ ở nhà chưa ?
    - Chưa, vườn Tiên không có nhưng Tiên sẽ đi xin nhà bên cạnh. Hoa nớ không quí, chắc người ta cũng dễ cho.
    Tùng bàn:
    - Nếu Tiên không xin được, để tôi xin dùm cho. Nhà mấy đứa bạn của tôi cũng có nhiều lắm.
    Có bóng người đội chiếc nón lá từ đằng xa đi lại. Tôi nhận ra bà Sâm:
    - Mộ em Hợi chúng tôi đã vẽ bia xong rồi đó bà.
    Bà Sâm im lặng tiến đến trước mộ, nhìn sững vào tấm bia, bà quì xuống rồi bà khóc ròng rã:
    - Hợi ơi, về đây mà coi, cô Tiên và thầy Tùng thương con lắm, con có biết không ?
    Tôi đỡ bà Sâm đứng dậy:
    - Thôi, bà đừng buồn đừng khóc nữa. Chúng tôi về, trời cũng đã trưa rồi.
    Bà Sâm giở cái nón ra quạt vào tôi:
    - Dạ, nắng lên nóng quá, cô thầy nên về sớm cho đỡ mệt.
    Tùng nhìn đồng hồ, anh nói với bà Sâm:
    - Tuần sau là 50 ngày của em Hợi, ông bà có cần chi nữa không ? Chúng tôi sẽ giúp.
    Bà Sâm kéo vạt áo chùi nước mắt:
    - Cô thầy lo cho cháu như rứa, thiệt ơn nghĩa cao quá dày tôi mô dám đòi hỏi chi hơn nữa.
    Tôi vỗ về:
    - Bà đừng nói chuyện ơn nghĩa ở đây. Chúng tôi thật lòng mà.
    Bà Sâm run run cầm lấy bàn tay tôi:
    - Tuần sau, tôi sẽ nấu một mâm cơm cúng cho cháu, tôi xin mời cô thầy lại nhà cho linh hồn cháu được vui.
    Tôi gật đầu:
    - Được rồi, chúng tôi sẽ đến.
    Tùng nói với tôi:
    - Tuần tới mình đem hoa lên trồng luôn Tiên nghe.
    - Dạ.
    - Tôi đề nghị nghe, tuần tới chúng ta cùng đem hoa Tý Ngọ lên, lỡ một trong hai đứa xin không được thì còn có đứa kia. Tiên chịu không ?
    - Dạ phải đó.
    Tôi ghé lại trường học trước khi ra về, đám học trò lao xao:
    - Cô, cô, răng cô cứ bỏ dạy hoài rứa cô ?
    Tôi nhìn xuống lớp, những đôi mắt nhìn tôi đầy trìu mến. Tôi nói:
    - Tại cô bận xây mộ cho trò Hợi. Bắt đầu tháng sau, cô sẽ dạy các em thường xuyên.
    - Thiệt hả cô, thiệt hả cô.
    - Ừ
    - Cô nhớ dạy tụi con hát lại bài "Nắng qua khóm cây" nghe cô.
    - Ủa, bài đó cô dạy rồi mà, các em chưa thuộc à ?
    - Dạ bỏ lâu quá tụi con quên rồi. Đầu tháng cô dạy lại nghe cô.
    - Ừ
    Chị Thanh Xuân chạy ra:
    - Nì, nghỉ hoài học trò kiện nữa nơi tề.
    Tôi cười :
    - Chị khỏi lo, em hòa giải rồi.
    - Công việc xúc tiến tốt đẹp chứ ?
    - Rồi chị , mộ xây xong rồi , chỉ còn trồng hoa cho đẹp nữa thôi. Nhờ anh Tùng hết đó.
    Chị Thanh Xuan nhìn Tùng:
    - Dạo ni công việc nhà thương cũng rỗi rảnh phải không anh Tùng ?
    Tùng nhìn lại tôi:
    - Cũng bận lắm cô. Nhưng việc xây mộ cho em Hợi là một điều đáng làm, tôi không thể không giúp Tiên được.
    Chuông nhà thờ đổ canh trưa. Bọn trẻ xôn xao:
    - Cô cho về, cô. Cô cho về cô.
    Tôi gật đầu:
    - Các em ra về trong im lặng nghe...
    Đám học trò con gái chạy đến bên tôi:
    - Cô ơi, vài bữa nữa cô bày lại cho tụi con đường thêu xương cá nghe cô.
    Tôi xoa đầu con bé đứng gần tôi nhất:
    - Ừ, đầu tháng cô phát cho các em vải mới.
    Những đôi môi hồng lại líu lo:
    - Cô đừng mua vải quyến, cứng lắm cô ơi.
    - Cô mua vải phin cho dễ thêu nghe cô.
    Tôi gật. Tôi gật. Đứa nào cũng tranh nói với tôi khiến chị Thanh Xuân xua tay:
    - Cô Bội Tiên nghe rồi, thôi các em về đi.
    Tôi nhìn theo đám trẻ sắp hàng ngay ngắn bước ra cửa nhà thờ, lòng ấm cúng vô biên.


    Giỗ 50 ngày của thằng Hợi vừa xong thì trời đã xế chiều. Tùng rủ tôi ra thăm mộ thằng Hợi một lần nữa trước khi ra về. Con Tý nằng nặc đòi đi theo, nó luôn mồm gọi cô Tiên ơi, cô Tiên ơi, cho Tý đi thăm anh Hợi với. Bà Sâm la:
    - Tý, phá cô giáo nờ.
    Nhưng tôi gạt đi:
    - Bà để em Tý ra thăm mộ em Hợi với, cho Hợi nó mừng.
    Tùng bảo tôi:
    - Tiên dẫn Tý lên đồi trước, tôi ra xe lấy cái ni rồi theo sau.
    Tôi định hỏi Tùng định lấy cái gì nhưng nghĩ mình tò mò quá nên lại thôi. Tôi dắt Tý mên theo con đường dẫn lên đồi đây cỏ dại, con Tý thỏ thẻ bên tôi:
    - Cô Tiên ơi, anh Hợi đi mô mà lâu quá không chịu về ?
    Tôi hỏi em:
    - Rứa Tý có nhớ anh Hợi không ?
    - Dạ nhớ.
    Tôi ẵm Tý ngồi lên phiến đá cao cạnh mộ thằng Hợi nhưng con bé đòi tụt xuống:
    - Cô Tiên ơi, cho Tý xuống ngồi gần anh Hợi với.
    Tôi lại ẵm nó xuống ngồi cạnh tôi trên tấm bố vừa trải ra. Con bé lại hỏi:
    - Anh Hợi mô răng Tý không thấy ?
    Tôi chỉ vào nấm mộ:
    - Anh Hợi nằm dưới nớ, anh Hợi đang ngủ.
    Con bé ngây thơ:
    - Anh Hợi ngủ răng anh Hợi không nằm ở trên giường hả cô Tiên ?
    Tôi không biết trả lời sao, tôi đành vuốt tóc nó:
    - Tý đừng nói nữa, để yên cho anh Hợi ngủ.
    Tùng cũng vừa lên đến, trên tay cầm chậu cúc nhỏ. Tôi nhìn anh:
    - À, anh còn có hoa cúc nữa, rứa mà khi sáng tới chừ anh dấu Tiên.
    Tùng đặt chậu cúc bên trái tấm bia mộ:
    - Cho Tiên bất ngờ mà.
    - Có hoa Tỵ Ngọ rồi, anh thêm hoa cúc làm chi, coi chừng người ta bưng mất chậu cúc đi nớ.
    - Bưng răng được mà bưng, ông bà Sâm tới thăm mộ hằng ngày mà.

    Tôi nhìn chậu cúc xanh tươi, rồi tôi nhìn khóm hoa Tỵ Ngọ vừa mới được tôi và Tung trồng hồi sáng nạy Nghĩ mà buồn cười, như đã giao hẹn trước, cả tôi và Tung đều có nhiệm vụ xin cho được hoa Tỵ Ngọ để chủ nhật này lên trồng. Tôi thì cứ đinh ninh nhà bác Trình bên cạnh có nhiều , ba mẹ lại thân bên đó, nên việc xin hoa chắc chắn là được. Cho nên tôi làm biếng không qua dặn trước, đến chiều thứ bảy tôi tìm sang thì bác Trình gái lắc đầu cười với tôi:
    - Răng cháu không nói trước, hôm tê có mấy người bạn của bác trai tới xin nên bác cho hết rồi.
    Tôi ngẩn ngừ :
    - Thưa bác, rứa chừ còn cây mô sau vườn không ?
    - Cháu ra đó mà coi, bác cũng không rõ nữa.
    Tôi chạy ra sau vườn để thất vọng nhìn đám đất trống trơn.
    Tối hôm đó tôi lo quá, ăn cơm không được, Bội Nga hỏi thăm, tôi kể cho Nga nghe.
    Cô bé nói:
    - Tưởng chi chứ hoa Tỵ Ngọ chán vạn, em xin cho chị cả ngàn cây cũng được nữa à.
    - Nhưng mai chị đi rồi. Không kịp mô.
    - Mai em dậy thiệt sớm đi xin cho chị.

    Sáng sớm chủ nhật, Tùng lái xe của bệnh viện đến đón tôi, câu đầu tiên của anh hỏi là:
    - Tiên có xin được hoa Tỵ Ngọ không ?
    Tôi lắc đầu. Tùng kêu lên:
    - Chết rồi , suốt tuần tôi bận quá định đi xin mấy lần mà không rảnh nơi. Tôi cứ đinh ninh là Tiên xin được.
    Tôi cũng cuống theo:
    - Chừ mần răng anh ?
    Tùng mở cửa xe cho tôi:
    - Tiên lên ngồi đi, tôi ghé nhà người bạn hỏi thử coi.
    Nhưng Bội Nga đã phóng Yamaha từ phía tòa Khâm đi tới, cô bé dừng lại bên xe Tùng và chỉ một bao bố thật lớn đằng sau:
    - Em xin cho chị hoa Tỵ Ngọ đây nì.
    Tôi đỡ lấy:
    - Trời ơi, Nga xin chi mà nhiều rứa?
    Nụ cười của Bội Nga tuyệt đẹp:
    - Cho chị tha hồ trồng. Thôi em vào nhà ngủ tiếp đã, đi ăn giỗ nhớ đem bánh về cho em đó.
    Lời Tùng kéo tôi về thực tế :
    - Bội Tiên đang nghĩ chi rứa?
    Tôi giật mình:
    - À... à... Tiên... Tiên nghĩ đến chuyện hồi sớm . Tức cười ghê anh hí, nếu không có Bội Nga thì anh và Tiên đều mang tay không đến đây rồi?
    Tùng nhặt một viên sỏi cầm trong tay :
    - Tay không răng được , Tiên nói sai rồi , tôi có mang theo một chậu cúc nữa mà.
    - Anh Tùng cho Tiên phê bình nghe. Đáng lý ra anh phải đem theo hai chậu cúc để hai bên mộ mới đẹp, anh để một chậu cúc thôi, Tiên thấy không cân xứng nơi.
    Tùng nhìn tôi, cười hiền lành:
    - Tiên lầm rồi, tôi mô có ý định trang hoàng phần mộ , đem cúc để bên mộ thằng Hợi, tôi chỉ muốn linh hồn Hợi được thư thái khi biết rằng cô giáo Tiên yêu quí của nó vẫn luôn luôn ở cạnh nó. Tiên là hoa cúc mà, Tiên không nhớ lời tôi nói với Tiên dạo nớ à?
    Tôi lặng người xúc cảm, tôi cúi nhìn màu đất đỏ vương trọn lối đi:
    - Tiên nhớ, nhưng Tiên nghĩ đó chỉ là lời nói đùa của anh.
    Tùng chau mày:
    - Tiên, Tiên nghĩ như rứa là phật lòng tôi lắm đó.
    Nghẹn ngào cả một phút, tôi mới nói được với Tùng:
    - Tiên... Tiên xin lỗi anh.
    - Không, Tiên không có lỗi chi hết . Tôi chỉ ước mong, lần sau Tiên đừng bao giờ nghi ngờ lời nói của tôi, Tiên hứa nghen.
    - Dạ Tiên hứa với anh.
    Con Tý gối đầu trên chân tôi đã thiu thiu ngủ, gió chiều thổi êm mái tóc mềm bay bay như tơ trời óng ả , gương mặt trẻ thơ hồng hào và cánh mũi nhỏ phập phòng hơi thở bình yên . Tôi bảo Tùng:
    - Dạo ni, Tiên thấy con Tý mập mạp hẳn đi đó anh Tùng.
    Tùng ném hòn sỏi ra xa rồi đến ngồi xuống bên tôi:
    - Trong thời gian nằm bệnh viện, con bé được săn sóc đến sức khỏe thật chu đáo. Kể ra thì chứng bệnh nớ, dù chưa tái phát nhưng cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng rất nhiều. Tiên thấy không, trước nớ, con Tý lớn không nổi, nó nhỏ bé hẳn đi đối với những đứa trẻ đồng trang lứa.
    Tôi nhìn hàng chữ viết trên mộ bia, màu đỏ hơi thẫm đi trong bóng chiều vừa buông xuống:
    - Theo Tiên nghĩ, thằng Hợi đã đem lại một hạnh phúc quí giá cho con Tý, đó là sức khỏe, đó là sự sống, lòng thương em của nó thật vô bờ.
    Tiếng chuông nhà thờ vang đổ xua tan bầu không khí tĩnh mịch, tôi đưa tay nhìn đồng hồ:
    - 6 giờ rồi anh Tùng, ta về thôi.
    Tùng hỏi tôi:
    - Bắt đầu tuần sau, Tiên đi dạy lại?
    - Dạ.
    - Chừng mô Tiên mới thi?
    - Tháng sáu lận anh.
    - Nếu Tiên có bận, tôi sẽ xuống dạy thế cho Tiên , khỏi phiền đến cô Thanh Xuân.
    - Dạ, Tiên cám ơn anh trước.
    - Khi mô tủ thuốc của trường Tiên hết loại nào, Tiên cứ nhắn Kim Thoa, tôi sẽ mang đến bổ khuyết, nghe Tiên.
    - Dạ , anh tốt với Tiên quá.
    - Bất cứ các hoạt động gì, chữa bệnh, phát thuốc hay dạy học , nếu cần, Tiên cứ gọi, tôi sẵn sàng giúp đỡ Tiên.
    Tôi hỏi một câu thật vô duyên:
    - Anh Tùng, răng anh tốt với Tiên rứa?
    Tùng cười, vẫn nụ cười cuốn hút, đôi môi tươi và màu răng trắng ngà:
    - Tại răng... Tiên có biết không ?
    Tôi vuốt nhẹ mái tóc con Tý để ngăn nỗi xúc cảm trào dâng:
    - Tại anh... anh xem Tiên như Kim Thoa?
    Tùng lắc đầu:
    - Còn hơn rứa nữa.
    Tôi ngập ngừng:
    - Tại anh... anh xem Tiên như một người bạn thân ?
    Tùng lại lắc đầu:
    - Càng sai hơn, cho Tiên nói thêm một tiếng nữa đó.
    - Tại anh... thôi Tiên chịu.
    Giọng Tùng trầm như một tiếng đàn rung nhẹ vào tim tôi :
    - Tại vì... anh yêu Tiên.
    Tôi sững sờ, tôi như người từ cung trăng rơi xuống , còn xa hơn nữa, hình như tôi lạc bước từ một thái dương hệ khác xuống đây.
    - Kìa... anh Tùng... anh nói chi lạ rứa?
    Tùng vẫn nhìn tôi:
    - Có chi lạ mô nờ . thì anh yêu Tiên, như bất cứ người con trai nào yêu một người con gái, Tiên cho là lạ sao?
    Tôi ấp úng:
    - Không... nhưng đối với Tiên , quả là... quả là ngoài sức tưởng tượng.
    Tùng nhắc lại :
    - Tiên , anh muốn nói là... anh yêu Tiên.
    Tự dưng tôi oà khóc :
    - Anh Tùng , anh đừng giỡn rứa , tội nghiệp Tiên.
    Tùng ngạc nhiên , anh để tay lên vai tôi :
    - Tiên , Tiên lạ lùng chưa? Tiên vừa mới hứa với anh là Tiên sẽ không bao giờ nghi ngờ lời nói của anh , tại răng chừ Tiên lại không giữ lời hứa?
    Tôi đưa hai bàn tay ôm lấy mặt :
    - Tùng ơi , Tiên không xứng đáng với anh mô.
    - Tiên lại nghĩ bậy rồi. Tiên rất xứng đáng.
    Tôi vẫn nói:
    - Tiên xấu xí, Tiên vô duyên, Tiên quê kệch, Tiên...
    Tùng cầm tay tôi đưa lên môi:
    - Nhưng anh nói Tiên đẹp, cái đẹp của tâm hồn mới đáng quí . Tiên học giỏi nhưng Tiên không kiêu căng, Tiên con nhà giàu nhưng Tiên không ích kỷ, Tiên biết hòa mình vào xã hội lầm than, Tiên biết hy sinh sự nhàn hạ của mình để giúp đỡ đám trẻ quê có phương tiện học hành, Tiên đã đem tiền bạc của mình để làm những việc hữu ích, để đem lại hạnh phúc cho người khác.


    Bàn tay tôi run rẩy trong lòng bàn tay Tùng:
    - Anh Tùng, đó chỉ là...
    Tùng vẫn say sưa nói:
    - Tiên lại là một người con gái đoan trang thùy mị . Tiên kính yêu ba me, Tiên mến thương Tuấn, Tiên chiều chuộng săn sóc Bội Nga, Tiên đã quên mình để sống cho những người thân yêu. Tiên, từ ngày được đến thôn xóm ni, hoạt động chung với Tiên, anh có cảm tưởng như chính Tiên là nàng tiên thật, đám trẻ ở đây chắc chúng cũng nghĩ giống anh, tụi nó mến thương Tiên hết lòng.
    Tôi cúi đầu lặng thinh . Tôi đang mơ hay tỉnh, Tùng ơi, có thật anh đang nói bên em những lời êm đềm đó không ? Cơn mưa trìu mến sẽ đưa dáng lạc đà xấu xí từ sa mạc khô cằn vào chốn đồng cỏ xanh tươi, hoa sẽ nở và nắng sẽ lên, đời em bắt đầu có màu hồng, em đã hồi sinh rồi phải không anh ?
    - Tiên, răng em không nói?
    Tôi chớp mắt, những giọt lệ mừng ướt má mặn môi:
    - Tùng, em ngỡ... em đang mơ.
    - Tiên, chúng mình sẽ sống hoài trong giấc mơ nớ.
    Hoàng hôn xuống dần trên ngọn đồi buồn tênh . Tôi đánh thức con Tý dậy:
    - Tý ơi, dậy em . Trời tối rồi, dậy cô dẫn em về.
    Khi tôi theo Tùng ra xe, anh nói với tôi:
    - Tiên, hồi nãy Tiên chưa nói với anh.
    Tôi vén vạt áo ngồi ngay ngắn:
    - Nói chi anh ?
    Tùng cho xe chạy thật chậm:
    - Tiên chưa nói, Tiên có yêu anh không ?
    Đôi má tôi nóng bừng . Tôi im thin thít . Tùng giục:
    - Tiên nói đi.
    Tôi mân mê cuốn sách cầm trong tay:
    - Anh Tùng, suốt mười tám năm qua, Tiên cứ ngỡ rằng mình sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc, mặc cảm xấu xí đã làm Tiên chán chường cuộc sống.
    Tùng nói nhỏ:
    - Tiên, Tiên hơi lạc đề rồi đó nghen.
    Tôi lắc đầu:
    - Tiên không lạc đề mô . Tiên đang trả lời câu hỏi của anh đây mà . Anh chính là hạnh phúc của Tiên.
    Giọng Tùng run run:
    - Tiên , Tiên cũng rứa , đối với anh, trên đời này , không có một người con gái nào bằng Tiên.
    Tôi nhìn quãng đường dài trước mặt:
    - Tiên thua kém tất cả mọi người .
    - Không, anh muốn nói , đa số các cô bây giờ chỉ biết sống cho bản thân mình, se sua chưng diện, họ không biết hy sinh, họ không biết thương xót những người nghèo khổ đang lây lất sống chung quanh họ . Tiên , em chính là viên ngọc quí.
    Tôi cười :
    - Viên ngọc với màu sắc thật xấu...
    Tùng ngắt lời:
    - Nhưng bên trong không có một chút tì vết nào. Người ta quí ngọc là ở chỗ đó . Tiên không biết à ? Tôi lại nhớ đến lời mẹ thường khuyên :" Con không đẹp nhưng tâm hồn con đẹp, sự thua thiệt của con sẽ được đền bù xứng đáng". Đã đến lúc trời thương tôi rồi, bà Tiên trên đỉnh Tuyết Sơn, đã tha tội cho con Bọ dừa hợm hĩnh, tôi đã được Tùng yêu.
    Thành phố mới lên đèn , cầu sông Hương rực rỡ dưới hai hàng néon chói sáng, tôi liên tưởng đến vùng hạnh phúc chan hòa vừa lan rộng khắp hồn tôi.
    Tùng âu yếm hỏi tôi:
    - Năm ni đậu, Tiên định học chi?
    - Ba Tiên muốn Tiên vào y khoa, ba Tiên nói, sau này Tiên sẽ là phụ tá cho ba Tiên.
    - Không được mô . Tùng kêu lên.
    - Ủa, răng lại không được ?
    Tùng dí dỏm:
    - Tiên sẽ phải là phụ tá của anh mới đúng, phụ tá kiêm nội tướng, Tiên bằng lòng chứ ?
    Tôi vừa cảm nhận được hơi gió thoảng từ mặt sông êm mát, len qua hàng dừa cao, nghe vi vu như tiếng sáo diều, dìu dặt thiết tha . Con đường Lê Lợi dẫn đến nhà tôi thênh thang vô bờ cùng bóng hình Tùng rực sáng trong tim.

    Viết xong 4-7-1972

    Thùy An



    Attached Files
Working...
X