* Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
* Nhà xuất bản Tuổi Hoa
* Nguồn : Một Góc Phố (truyện do chính tác giả gửi tặng)
(nguồn gốc Tủ sách Tuổi Hoa Hạt Nắng )
Chương 01
Lũ trẻ nhỏ đang nô giỡn dưới sân. Đó là nhận thức đầu tiên của Vy ngay lúc mở mắt ra. Có tiếng reo cười thật trong trẻo vọng lên. Mình ngủ muộn thế sao? Ít nhất cũng đã tám giờ rồi. Vy toan ngồi dậy, nhưng thôi. Hôm nay là ngày chủ nhật. Vy không phải làm gì ngoài việc đi họp nhóm lúc mười giờ. Nghĩ như thế rồi cứ nằm nhìn mơ màng lên trần mùng. Bên dưới kia dầu còn vọng tiếng cười nhưng ở đây vẫn nghe cả tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ vô dụng để trên bàn.
Vy thở ra…. Căn phòng này, chiếc giường này, tất cả những sự êm ái tiện nghi này, phải chăng đã làm người ta lười biếng?
Gần một tháng ở nhà anh Vĩnh là một thời gian của sự hưởng thụ. Dầu rất cố gắng sống như trước kia mình đã sống, Vy vẫn không thể không chấp nhận những tiện nghi đưa tới hết sức đương nhiên. Đôi lúc Vy cảm thấy như chính con người mình đang có sự xung đột. Nhưng Vy phải ở đây, ít nhất là đến hết niên học. Vì có nhiều tiện lợi. Điều lợi mà cả anh Vĩnh với mẹ đều thấy là Vy đi học gần. Từ nhà anh đến trường Vy chỉ độ nửa cây số, không phải như khi ở nhà mẹ, Vy phải đi một quãng đường dài, phải qua phà rồi mới vào thành phố. Còn điều lợi mà chỉ một mình Vy thấy là ở đây Vy có rộng thì giờ để gặp gỡ bạn bè, nhất là… dễ dàng gọi dây nói cho Thoại. Thế nên, dù không thích ở nhà Vĩnh, Vy cũng ôm sách vở về đây.
Tự nhiên Vy cảm thấy nhớ nhớ. Nhớ căn nhà của mẹ và mảnh vườn xum xuê ở Giồng Ông Tố. Nhớ những buổi sáng, buổi chiều, buổi tối êm ả. Vy thở dài… Buổi chiều, gió mát, dòng sông… tiếng võng đưa… những thứ đó đã làm cho ta ủy mị. Rồi liên tưởng đến giấc mơ vừa qua, có Thoại. Thoại hiện diện sáng chói, hiên ngang. Thoại nắm tay Vy bước lên một đài danh dự, giữa hàng vạn người đang reo hò với những lời ca tụng. Hai người đã trở thành “lãnh tụ”, một thứ lãnh tụ trẻ trung. Thế thôi, giấc mơ không có thêm gì nữa. Thật ngắn ngủi. Nhưng cũng thật khích động. Giống như Thoại, rất gần nhưng cũng rất xa Vy.
Anh có đấy nhưng nhiều lúc bàng bạc như mây gió. Chắc tại vì anh là một mẫu người đặc biệt dưới mắt Vy. Trong khi đó Vy cảm thấy mình nhỏ nhoi và vô dụng. Vy muốn vươn lên cho được gần bằng như Thoại. Vy muốn tham dự vào tất cả các sinh hoạt của Thoại. Vy muốn làm cánh tay trái của Thoại. Vì anh hoạt động quá, nhưng cũng bí mật quá. Mẫu người của Thoại là mẫu người không thể tìm thấy ở mọi người con trai khác. Thoại là ai? Thoại làm gì? Vy không biết rõ. Biết Thoại là một sinh viên, và là một người có mang lý tưởng sáng ngời, thế thôi. Biết Thoại là người có khả năng lôi cuốn Vy vào những đề tài bàn luận của anh, làm cho Vy say mê cái tư tưởng của anh, và biết suy nghĩ những điều không nằm trong khuôn khổ tầm thường của một đứa học trò. Bỏ học mấy lần để gặp Thoại, để họp mặt với nhóm bạn của Thoại, cũng là vì vậy. Thoại xuất hiện nhiều nhất trong đời sống hiện tại của Vy - ở lớp học, trên đường đi, và cả trong giấc mơ. Vy muốn được sống như Thoại, được tung hoành với lý tưởng như Thoại, hơn là sống đời sống của một đứa con gái tầm thường mà gia đình và học đường đã đặt để vào cho Vy.
Có tiếng rao bánh cuốn văng vẳng trong ngõ cư xá. Vy ngồi dậy. Không nghĩ ngợi nữa, trễ rồi! Tự nhiên Vy cảm thấy xấu hổ. Giờ này, có lẽ Thoại đã dậy từ lâu rồi, và đang làm những công việc của Thoại, hay đang có mặt tại căn nhà mà cả bọn thường hay họp mặt. Vy xếp lẹ mền gối. Phải sửa soạn để đi kẻo trễ. Mền gối này, căn phòng này, chúng đã làm cho ta lười biếng!
Chị bếp đặt khay sữa lên bàn ăn, hỏi Vy:
- Cô Vy ăn gì nào? Bánh mì trứng nhé!
- Thôi chị. Cho em ly sữa được rồi. Em phải đi ngay.
Chị bếp hỏi:
- Chủ nhật mà cô cũng đi học sao?
Vy đáp không do dự:
- Phải đi học thêm chứ. Em ngủ quên, gần tới giờ rồi đó chị.
- Vậy cô uống ly sữa đi! Trưa về rồi ăn cơm bù.
Vừa nhìn Vy uống sữa, chị bếp vừa nói:
- Thấy cô Vy lúc nào cũng bận rộn. Cô lo học quá, sang năm thi chắc đậu cao. Cô biết không, mấy cái cô ở bên nhà ông luật sư Thắng đó, bằng tuổi cô Vy mà có lo học gì đâu. Cả ngày tôi cứ thấy các cô ấy chưng diện cho đẹp rồi đi chơi không à. Chủ nhật đẹp trời như thế này, đố mà không đi “bum”, tôi cùi.
Vy tỏ vẻ khó chịu:
- Hừ! “Bum” với “ban”! Em không muốn chị nhắc đến lũ ấy.
Chị bếp cười xuề xòa:
- Đó! Tôi biết thế nào hễ nhắc đến mấy cô con ông luật sư Thắng là cô Vy sẽ bực mình.
- Học làm sang đó chị! Em ghét mấy thứ đó.
Vy đứng dậy, hỏi:
- Anh Vĩnh của em đâu rồi chị?
- Cậu lấy xe đi từ sáng sớm, bảo là đi đón bà về đây chơi.
Vy đập tay vào trán, reo lên:
- À, em nhớ rồi. Tháng trước mẹ em bảo em về đây đi học, rồi mẹ đến sau. Vậy anh Vĩnh em đi một mình sao chị?
- Dạ.
- Còn chị Vĩnh?
- Mợ ở trước sân. Nè… cô Vy đi học mấy giờ về, có đi đâu nữa không? Cô cho tôi biết để tí nữa bà đến tôi thưa lại.
Vy trợn mắt, cười:
- Hôm nay chị có nghề “mật thám” nữa à?
Chị bếp cười theo:
- Đâu có! Tại mợ Vĩnh dặn đó chứ.
Vy giật mình, bước đến gần chị bếp, hỏi nhỏ:
- Chị nói sao? Chị Vĩnh dặn?
Chị bếp ngóng cổ nhìn ra ngoài trước, rồi thì thầm:
- Mợ lo xa, chứ chẳng có gì đâu.
Vy nghiêm mặt:
- Chị giấu em hở? Có gì để cho chị Vĩnh lo xa đâu? Nếu chị không nói, em sẽ không thèm ở đây nữa.
Chị bếp níu tay Vy, nói:
- Cô Vy khoan giận tôi đã. Nè, biết sao không? Sáng nay có người đến hỏi thăm cô đó.
- Ai? Bạn của em à?
- Một cậu thanh niên, cao lắm.
Vy lẩm bẩm:
- Thoại?
Chị bếp lắc đầu:
- Cậu ấy hỏi mợ Vĩnh. Mợ nói cô còn ngủ. Rồi cậu ấy đi, không có nói tên.
- Đúng là Thoại rồi!
Chị bếp tròn xoe mắt, tò mò:
- Thoại nào vậy cô?
Vy cười:
- Bạn em.
- Bạn học à? Anh chàng này lớn rồi mà! Có vẻ sinh viên hay thầy giáo gì đó.
Vy đáp hân hoan:
- Dĩ nhiên không phải là bạn học rồi. Người này đáng làm thầy em đó! Hơn thế nữa, anh ấy là một người rất giỏi… Một người hoàn toàn…
- Dữ vậy? Tôi tưởng cô Vy chỉ quen toàn bạn gái.
Vy cười tủm tỉm:
- Quen với con trai có làm sao?
Vy muốn nói thêm cho chị bếp nghe, nhưng cảm thấy ngại. Đàng nào thì chị ấy cũng lỡ là “mật thám” của chị Vĩnh rồi, nói nhiều chắc không tốt. Vy đặt tay lên vai chị bếp, nói:
- Nhưng chị yên lòng đi! Em đi học, mười hai giờ về. Chị Vĩnh có hỏi, chị cũng nói như vậy nhé!
Chị bếp chưa hết thắc mắc, nhưng cũng muốn làm vui lòng Vy, gật đầu:
- Dạ.
Vy nói như để chứng minh sự thành thật của mình:
- Chị cũng thừa hiểu em không phải như bọn con gái bên nhà ông Thắng chứ? Chị thấy không, em suốt đời áo dài, dép trệt, đâu có như tụi nó mà chị sợ.
Chị bếp gật gù:
- Cái đó tôi dư biết. Bởi vậy tôi mới quý cô, đâu dám nghĩ quấy cho cô. Nhưng tôi chỉ lo cô còn nhỏ tuổi, rủi bị rủ rê vào mấy chuyện không tốt.
Vy bật cười:
- Chuyện không tốt là chuyện gì chị?
- Thì như là…
Chị bếp gãi đầu, chừng như muốn tìm lời để nói nhưng nghĩ mãi không ra. Vy kéo chị bếp lại gần, thì thầm:
- Em đi nghen! Rảnh sẽ kể chuyện chị nghe.
- Tôi ngu dốt… biết gì mà nghe?
- Lại cái giọng đó nữa. Đã nói chị đừng thưa dạ với em là một, đừng mặc cảm là hai, mà chị cứ vậy. Ở nhà mẹ em có bà vú Sáu, ở đây thì có chị. Nhưng bà vú Sáu già rồi, còn chị thì hợp với em lắm. Có ngày em sẽ kể hết chuyện chị nghe.
Chị bếp chớp mắt cảm động:
- Cô Vy còn cả mấy người anh, người chị. Tôi mà nhằm nhò gì.
- Chị của em đấy à? Chị Hà đi xa, còn chị Loan ở với bạn, ham vui thấy mồ. Các anh thì ai lo phận người ấy. Chị cứ giữ kẽ với em thì thôi.
- Đâu có! Nè cô Vy, chín giờ rồi, cô đi học đi.
Vy ngồi xuống ghế, nói:
- Mười giờ mới vào học.
- Vậy mà khi nãy cô nói cô đi gấp. Chứ không thôi nãy giờ đã ăn được mấy ổ bánh mì.
- Thôi, ăn uống chỉ là chuyện phụ, không đáng nói.
Chị bếp trở lại giọng tò mò:
- Hay là… cô đợi cái cậu Thoại gì đó?
- Không. Anh ấy không trở lại đây đâu. Tuần nào…
Vy giật mình, im bặt. Biết mình đã nói hớ, Vy len lén nhìn chị bếp. Chắc chị bếp không nghe kịp nên đã thản nhiên thu dọn ly tách trên bàn. Vy thở ra. Tự nhiên Vy thấy hồi hộp quá! Chắc sẽ không yên rồi. Chị Vĩnh đã có nghi, mà cái chị bếp này cũng chưa chắc đã thông cảm. Hôm nay lại có mẹ lên nữa. Một tháng rồi còn gì! Gặp Vy, chắc mẹ sẽ hạch hỏi chuyện học của Vy thật nhiều. Chao ôi gia đình! Càng lớn càng thấy gia đình là cái vòng lẩm cẩm. Gia đình là một nơi chốn mà chưa có cuốn tự điển nào định nghĩa đúng nổi. Gia đình , theo các ông nhà văn thì là một nơi đầm ấm, còn theo những kẻ “bụi đời” thì đó là chỗ ngột ngạt nhất không đâu bằng. Vy mỉm cười với sự so sánh đó.
Đối với Vy, Vy rất thương mẹ, thương các anh các chị, nhất là thương mái nhà ở Giồng Ông Tố, nơi anh em Vy đã lớn khôn nhờ bàn tay của mẹ. Nhưng trong tâm hồn Vy bây giờ đang có một tư tưởng khác, mới mẻ nhưng mãnh liệt, đã xâm nhập và xung đột với con người yếu đuối hiền thục của Vy. Đó là tư tưởng của Thoại. Thoại không có gia đình. Đúng hơn là Thoại không lệ thuộc vào gia đình. Thoại sống trong một đại học xá, vừa học vừa tự kiếm sống. Thoại làm đủ mọi nghề, từ nghề trình dược viên đến nghề gõ đầu trẻ; từ nghề viết báo đến nghề sửa máy vô tuyến. Thoại biết rất nhiều nơi và biết rất nhiều chuyện. Thoại sống cho một lý tưởng nào đó của Thoại. Thoại sống như không bị ràng buộc vào ai. Anh có nhiều cao vọng, nhưng đương nhiên không phải cái cao vọng được vinh thân phì gia như những người bạn khác. Thoại như một cái gì hư hư thực thực, đôi lúc hiện hữu nhưng Vy thấy như Thoại chỉ ở một phía nào đó rất cao xa. Vy muốn sống như Thoại, muốn làm một cái gì khác với nếp sống bây giờ. Từ lúc gặp Thoại trong một cuộc gặp gỡ rất thông thường, nhưng dần dần biết được nhiều đặc điểm trong tính nết của Thoại, rồi họp mặt với các bạn và những người em tinh thần của anh, Vy có ý tưởng mình sẽ không tách rời được với Thoại nữa.
Vy ngồi thừ ra trên ghế, không biết chị bếp đã dọn dẹp xong và đang chống nạnh vào sườn cười hóm hỉnh:
- Cô Vy!
Vy sửa lại thế ngồi, hỏi:
- Gì chị?
- Cô nghĩ gì vậy?
- Hở??? À đâu có! Em đang nghĩ đến mẹ em.
- Nói trớ thì tài lắm nhé! Bà cụ sắp lên đây rồi, cô lo gì nữa?
Vy lái tư tưởng của mình đi:
- Không phải lo, mà em nghĩ đến cảnh nhà vắng vẻ của mẹ em khi không có em. Cực chẳng đã em mới ở đây, chứ bỏ mẹ ở nhà một mình sao thấy không yên.
- Đã có bà vú Sáu.
- Bà vú Sáu cũng già lụm cụm, đâu có làm được việc gì. Mẹ em thì lại không chịu ngồi một chỗ, cứ làm việc tối ngày, hết dọn nhà dọn cửa thì lại tưới rau, trồng cây.
- Vậy chứng tỏ là bà cụ còn khỏe mạnh.
Vy thở dài:
- Đã đành là khỏe mạnh. Nhưng chị biết không, mẹ em bị đau nơi cánh tay, mà cũng cứ làm việc. Không biết em đi ở đây, mẹ em có nhớ mà bóp dầu, uống thuốc không
- Bà đau làm sao hở cô?
- Để coi… hình như là có cái nhọt gì đó ở nơi cánh tay, thỉnh thoảng mẹ em lại kêu nhức. Có khi lại quên đi, không nghe thấy gì cả.
- Cậu Vĩnh biết không?
- Dạ biết. Thỉnh thoảng về nhà anh ấy lại cho thuốc. Anh ấy đòi chở mẹ em đi mổ, nhưng mẹ em đâu có chịu.
Chị bếp lè lưỡi:
- Gì mà đến mổ lận cô? Tôi nghe mổ là nổi da gà.
Vy cười:
- Có chi mà sợ. Tại mẹ em già nên nghe mổ thấy ghê chứ bây giờ chuyện mổ xẻ là thường. Có khi chỉ là một cục mỡ, hay một tí máu bầm ở trong thịt, mổ ra cắt bỏ đi rồi may lại. Xong.
Chị bếp lắc đầu:
- Thôi. Tôi có bệnh thì cho tôi chết đi chứ đừng có mổ. Làm cứ như người ta là con gà, con vịt vậy.
- Chị còn nhát hơn cả mẹ em nữa. Này nhé, nếu chị có một cái mũi cà chua nhé, muốn thay một cái mũi giả nhé, đến bác sĩ sửa sắc đẹp nhé! Một cái mũi giả, một con dao thật bén, đưa qua, rồi… xoạt!!!
Vy đưa tay quét ngang trước mặt chị bếp. Chị nhắm nghiền mắt lại, rú lên:
- Ái! Ghê quá!
Vy cười ha hả. Chị bếp chưa hết run, nói:
- Thôi cô ơi! Vậy mà bảo sao bà không sợ.
- Nói cho vui chứ một cái nhọt ở tay thì có gì quan trọng đâu chị bếp hở. Mẹ em cũng nhát uống thuốc, chích thuốc lắm. Có lần mẹ bị cảm, đến phòng mạch của anh Vĩnh, chích thuốc có một lần mà mẹ em sợ luôn.
- Sao vậy?
- Mẹ em nói cô y tá chích đau.
Chị bếp tròn mắt ngạc nhiên:
- Tôi tưởng là chính cậu Vĩnh chích cho bà cụ chứ?
- Đâu có! Y tá để làm gì?
- Nhưng bà cụ là mẹ….
Chị bếp bỏ lửng câu nói. Vy cũng lặng im. Hình như chị bếp đang nghĩ gì nữa đây?..
Vy đứng dậy, sắp xếp lại mấy cuốn sách rồi ôm trước ngực, nói:
- Thôi, em đi học.
Ra đến phòng khách Vy gặp hai đứa con của Vĩnh. Cả hai đều mặc quần áo đẹp. Vy xoa đầu đứa nhỏ, hỏi:
- Đi đâu đây?
- Tụi cháu chờ ba về chở đi chơi. Cô Vy đi hông?
- Cô đi học. Hai cháu đi nhé! Me đâu?
Đứa lớn chỉ tay ra sân:
- Me đang ở trước cổng, đang nói chuyện với ông cảnh sát, lâu thấy mồ.
Vy đang ngạc nhiên bỗng nghe có tiếng nói lớn ở ngoài:
- Chị bếp đâu, ra quét cái đống rác trước cổng đi. Đã để bảng cấm đổ rác mà thiên hạ cứ kéo tới đổ bừa bãi, làm mình phiền với ông cảnh sát.
Chị bếp lon ton xách chổi chạy ra. Vợ Vĩnh dừng lại trước thềm nhà, nói thêm:
- Còn cái rãnh nước, chị dội cho sạch. Cái mụ thợ nhuộm chẳng biết ở đâu mà cứ vài ngày lại đến trước cổng nhà mình đổ cả thùng thuốc nhuộm đen ngòm xuống rãnh. Thật dơ dáy!
Chị bếp nói:
- Bà ấy đi nhuộm dạo…
Vợ Vĩnh “hừ” một tiếng rồi đi vào nhà. Hai đứa bé chạy đến, nũng nịu:
- Me thay áo đi me, tí nữa đi chơi.
- Đợi ba về đã.
Nhìn thấy Vy, vợ Vĩnh hỏi:
- Vy đi học nữa sao? Không chờ mẹ lên à?
- Mười hai giờ em về. Chị nói lại với mẹ dùm em nhé.
Vợ Vĩnh nhìn Vy bằng ánh mắt dò xét:
- Mấy giờ vào học?
- Dạ mười giờ.
- Bây giờ hẵng còn sớm. Vy ngồi xuống đây, chị có việc muốn nói.
Vy tần ngần một lát rồi nghe theo. Vợ Vĩnh ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Chừng như không muốn quan trọng hóa những lời sắp nói, người thiếu phụ trẻ tuổi nở một nụ cười trên đôi môi thật đẹp:
- Vy có quen một người bạn trai tên Thoại?
Vy hoảng hồn. Việc gì sắp xảy ra đây? Biết mình đã kẹt vào cái bẫy êm ái của chị dâu rồi, Vy cố gắng làm ra vẻ thật thản nhiên, đáp:
- Dạ. Sao chị biết?
-Sáng sớm anh ta có tới đây, không xưng tên, chỉ hỏi Vy rồi đi ngay. Nhưng nghe giọng nói, chị đoán ngay là Thoại.
Vy mở to mắt, ngạc nhiên:
- Chị… chị biết anh ấy?
Vợ Vĩnh cười:
- Suốt cả tuần nay, anh ta gọi điện thoại đến đây hoài, nhưng nhằm lúc Vy đi học hay mắc bận, chị trả lời thay.
- Anh ấy có chuyện gì gấp không?
- Không. Chỉ là những câu hỏi thăm. Với lại, chị là người lạ, làm sao anh ta nói cho chị nghe những chuyện mà anh ta chỉ muốn nói với Vy.
Vy cắn môi. Mình đang vùng vẫy trong cái lưới càng lúc càng rối ren đây. Vy cúi đầu nghe những lời vừa như thông cảm vừa như kể tội:
- Có một lần, anh ta nghe tiếng chị, tưởng là Vy nên hỏi: “Vy đó hả? Thoại đây”. Thế là chị biết tên anh ta.
Vy nghe nóng bừng cả mặt. Người chị dâu nói chuyện thật thản nhiên, nhưng Vy thì cảm thấy tay chân mình thừa thãi và muốn giấu mặt đi đâu. Có lẽ dưới mắt chị dâu, Vy không còn là đứa bé nhỏ nhắn ngây thơ như chị thường khen nữa. Chị đang nhìn Vy bằng một cái nhìn khác, không bằng cái nhìn như ở những ngày cách nay bốn năm, khi lần đầu chị được anh Vĩnh dẫn về nhà giới thiệu với mẹ, với Vy. Chị đã khám phá cô em út suốt ngày chỉ thích trèo lên ngồi trên cây xoài tượng xoi mói nhìn những trái chín, trái xanh. Ngày ấy chị phải hết lời nhỏ nhẹ mới gọi được cô bé trèo xuống nhận của chị phong bánh “bích quy” thơm phức. Mới bốn năm ngắn ngủi, mà con sóc bé nhỏ đã biến thành một con mèo yểu điệu.
- Vy nè!
- Dạ?
- Điều mà chị muốn nói với Vy, là Vy hãy thành thật với chị. Không ai cấm Vy quen bạn trai, nhưng phải dè dặt. Anh chị bảo Vy ở đây để đi học tức là đã thay mẹ, chịu trách nhiệm với mẹ nếu Vy có chuyện gì.
- Em có làm gì đâu! Anh Thoại chỉ là … anh của một đứa bạn.
- Anh ta làm nghề gì? Học đến đâu?
Vy cảm thấy hơi ức trước câu hỏi thông thường của những người lớn khi hạch hỏi con em mình. Vy nén lòng, đáp:
- Anh ấy học Văn Khoa, sắp lấy cử nhân. Anh ấy giỏi lắm, biết nhiều nghề lắm. Em coi anh ấy như một ông thầy dẫn dắt cho em.
- Thoại có đi làm không?
- Dạ có. Hiện nay anh ấy đang làm ở một tòa báo. Nhưng ngoài ra anh ấy có nhiều nghề nữa…
Vy nói về Thoại một cách say sưa. Vy muốn nói thêm rằng Thoại còn có nghề dạy học, nghề viết văn, nghề trí thức cũng như nghề lao động, ăn cơm nhà hàng cũng như uống nước quán cóc, nghề xuống đường, nghề bãi khóa… Nhưng Vy lặng thinh. Hãy để cho Thoại sáng ngời trong một mình Vy mà thôi.
- Vy này!
- Dạ?
- Chị nhận thấy anh ta có một vẻ gì không được đàng hoàng lắm. Râu tóc hình như cũng làm biếng chăm sóc, và nói chuyện với người khác thì bất cần. Lạ quá! Chị chẳng hiểu hắn thuộc “týp” người nào.
Vy hơi chới với trước câu phê bình ấy, lặng im. Vợ Vĩnh đưa tay sửa lại mấy cánh hoa cắm trong chiếc bình pha lê để trên bàn, chép miệng:
- Vy còn nhỏ lắm, nên chị muốn lưu ý một điều. Quen ai cũng được, nhưng phải chọn bạn mà quen. Vy thử nghĩ nếu anh Vĩnh nhà mình mà gặp anh chàng Thoại ấy thì sao? Đàng nào, Vy cũng là em của một ông bác sĩ…
Vy nghẹn giọng:
- Chị không nói luôn em là em của một ông giáo sư nổi tiếng khắp các trường Sài Gòn, em của một cô dược sĩ tương lai, em của một cô giáo làng và…
Người chị dâu kêu lên:
- Kìa, Vy, sao lại nói thế? Chị không có ý gì cả. Chị chỉ muốn nhắc cho Vy nhớ là gia đình ta là một gia đình đàng hoàng, từ đời này qua đời nọ là giòng giống trí thức. Cha mẹ ở đây, cũng như cha mẹ bên chị, dù không giàu có gì nhưng cũng không phải là hạng cu li lem lấm.
Vy thấy tối cả hai mắt. Vy muốn khóc, muốn nói với chị dâu rằng chị đã lầm rồi.
Chị không biết rằng đã có một thời gian mẹ làm nghề thợ nhuộm, một nghề lem lấm.
Chị chỉ thấy cái hào quang rực rỡ là anh Vĩnh của chị mà thôi. Thì ra anh Vĩnh không bao giờ kể cho chị nghe về cái quá khứ khổ nhọc của mẹ và của anh em mình.
Ngày chị đến nhà mẹ lần đầu tiên cho đến nay, chị luôn thấy mẹ thong dong như một bà mệnh phụ lớn tuổi và anh em Vĩnh ai cũng đã nên thân. Vy mỉm cười đau đớn. Chuyện thật là dễ hiểu, chẳng có chàng con trai nào chịu khó hay có can đảm nói cho người yêu của mình nghe rằng cha mẹ tôi trước kia kéo xe, đi ở mướn hay làm nghề thợ nhuộm!
- Vy, em hiểu chị không?
Vy gượng cười:
- Dạ. Nhưng… chuyện anh Thoại có liên quan gì?
- Không liên quan gì, nhưng chị chỉ ngại anh Vĩnh biết được, rầy la Vy, chị cũng không vui. Vy còn nhỏ lắm, chưa đến tuổi… “này nọ” đâu. Thôi, Vy đi học đi!
Vợ Vĩnh đứng lên, móc túi đưa cho Vy hai trăm, nói:
- Vy cầm đi, khát nước thì uống.
Thấy Vy ngồi yên, chị mở quyển sách của Vy, để tiền vào. Đôi mắt chị mở tròn khi thấy những bài hát trong quyển sách.
- Đi học mà đem theo cái này hở Vy?
- Nhạc sinh hoạt của lớp em.
Rồi Vy đứng dậy, đi lấy xe. Vợ Vĩnh làm như không để ý đến sự việc nhỏ nhặt ấy, nhìn vào trong, gọi:
- Long, Bình, ra đây con.
Vy thẫn thờ bước ra sân. Xuyên qua những kẽ lá của cây Ngọc Lan, nắng đã chói lọi những tia rực rỡ như tơ vàng. Trời thật đẹp. Nhưng hôm nay sẽ có một điều gì không ổn?
Vy đạp máy. Tiếng chiếc xe Cady nổ dòn dã như tiếng cười. Chị bếp đã mở sẵn cánh cổng rộng. Vy phóng xe chạy ra. Bãi rác trước đường đã được thu dọn xong, nhưng rãnh nước dùng để thoát nước mưa thì đen ngòm cả màu thuốc nhuộm. Vy nhìn, chợt nóng bừng mặt. Lời của người chị dâu như xoáy vào tai: “Cái mụ thợ nhuộm… thật dơ dáy!...”.
Vy muốn trở vào, muốn hét lên rằng hãy đóng cổng lại, đừng đón mẹ vô nhà. Ngày hôm nay, nếu phải nghe những lời vô tình đó, mẹ sẽ chua xót biết bao!....
Chương 02
Khung cửa sổ nhỏ trông ra một vườn hoa vuông vắn. Cảnh thật nên thơ nhưng ở đây không phải là nhà Thoại. Một căn phòng nhỏ trong một ngôi nhà kín đáo, Thoại dùng để mỗi tuần họp mặt bạn bè. Còn nhà Thoại ở đâu, Vy không biết.
Những luống hoa ngoài kia dường như chưa nở đủ. Ở đây nếu ai có một chút mơ mộng chắc sẽ biến thành thi sĩ. Vy tựa vào khung cửa, giả vờ chăm chú nhìn ra vườn, nhưng tai thì luôn lắng nghe sau lưng. Câu chuyện lúc có Vy đã nổ như bắp rang, bây giờ từ từ nhỏ lại, và Vy chỉ còn nghe loáng thoáng tiếng Thoại nói chuyện với Vân Cơ. Còn những người kia như đang đọc sách hay ngồi suy nghĩ. Không khí trở thành một dòng nhựa đặc chảy từ từ xung quanh mình, làm Vy khó chịu. Vy quay người vào, bắt gặp Thoại đang đặt bàn tay lên tay Vân Cơ.
Vy đằng hắng. Thoại nhìn Vy, và mỉm cười:
- Nào cô bé, đến đây.
Trước mặt mọi người, Vy chỉ là một đứa bé. Vy lẳng lặng đến ngồi bên Thoại.
- Hát bài này với tụi anh.
Thoại cầm đàn lên, dạo mấy câu. Cả bọn hát theo. Vy cũng hát theo như thói quen, nhưng không còn cảm nhận được nghĩa của những lời hát. Vy nhìn Vân Cơ, người con gái đẹp như một bức tranh, trong nét dịu dàng còn ẩn một cái gì cứng rắn. Bên cạnh Thoại, Vân Cơ thật xứng. Vy sa sầm nét mặt. Người ta đáng là bạn tâm tình của nhau. Ai cũng tài giỏi, lớn lao. Người ta là sinh viên, là người lớn cả rồi. Còn Vy chỉ là đứa bé đang muốn nhận họ làm đàn anh. Vy phải nhận mình là nhỏ nhoi, phải chịu thiệt thòi. Tự dưng Vy muốn khóc. Nhưng Vy vẫn hát và cúi xuống giấu mặt đi.
Vy muốn đi về. Giờ này, ở nhà chắc mẹ đã lên đến nơi. Anh Vĩnh và vợ con chắc đang sửa soạn để đi với nhau. Hẳn mẹ đang mong có mặt Vy. Một tháng rồi, lâu quá! Vy muốn gặp mặt mẹ ngay. Nhưng để làm gì? Mẹ với con, có chi lạ? Rồi cũng vòng quanh những chuyện nhà, chuyện vườn, chuyện anh Vĩnh và vợ con của anh ấy, chuyện anh Đặng sắp lấy vợ, chuyện chị Hà ở xa, chuyện chị Loan sắp ra trường, hay là chuyện anh Thiều lâu nay đi hành quân nơi nào mà không viết thư cho mẹ, rồi chuyện ba khuất bóng mười sáu năm nay… Rồi mẹ khóc. Thế nào mẹ cũng khóc.
Vy thở dài…. Gia đình! Cái tổ ấm áp mà cũng ngột ngạt ấy! Nó làm ta lười biếng và mòn mỏi. Nó làm ta tầm thường và nhỏ mọn. Tại sao ta không phải là Vân Cơ, không phải là Thoại? Ta muốn sống một đời tự do, ít lệ thuộc vào gia đình một tí đi. Vân Cơ gặp Thoại hàng ngày, hàng giờ, chia xẻ từng nỗi khó khăn, bàn định những công việc lớn lao trên con đường của Thoại. Còn Vy, Vy chỉ đến đây được ngày chủ nhật, chỉ nói chuyện được bằng điện thoại. Thế mà cũng có lúc không gặp được nhau.Thế mà cũng để cho chị Vĩnh biết chuyện. Ôi chao, gia đình! Tại sao gia đình không ở xa một tí đi? Tại sao không là ở Huế, ở Nha Trang hay ở Biên Hòa? Vy thiếu tự do, Vy thiếu điều kiện để bay nhảy, để thực hiện lý tưởng. Động mỗi chút là phải nghĩ đến mẹ, đến anh, đến chị. Sợ mẹ buồn, anh rầy, chị giận. Cái kềm kẹp êm đềm mà ác nghiệt đó, bao giờ Vy sẽ thoát? Vy hoảng hốt. Đợi đến chừng thoát khỏi ảnh hưởng của mẹ, của anh chị… chắc là lúc Vy đã thành một bà cụ già. Chừng đó, biết đâu Thoại đã lấy Vân Cơ, hai người sẽ hạnh phúc với cái con đường đẹp đẽ của họ? Vy nhìn Thoại, cảm thấy như từng thớ thịt trong tim Vy muốn đứt tung. Thoại có biết gì không? Xem Vy như một đứa bé, một đứa em đang cần dẫn dắt? Vy muốn được như trong giấc mơ đêm qua, nắm tay Thoại bước lên một nơi nào rất vinh quang. Phải là Vy, không thể là Vân Cơ.
Bài hát chấm dứt. Những lời cuối có máu, có dây gai… làm Vy rùng mình. Thoại nhìn đồng hồ. Những người khác nhìn đồng hồ. Mười một giờ rưỡi. Thoại nói như ra lệnh:
- Các bạn có thể ra về. Những điều mà tôi nói trong thư là quyết định chót. Chiều nay các bạn trả lời cho tôi biết nhé!
Vy kêu lên:
- Thư nào? Sao em không có? Hồi nãy em đến trễ…
Thoại đưa một bàn tay lên:
- Vy thì đặc biệt. Ở nán lại anh sẽ nói sau.
Vy cau mày, tỏ dấu thắc mắc. Nhóm người lục tục ra về. Hôm nay có một điều gì hơi khác thường chăng? Vy nhận thấy nét mặt ai cũng có vẻ nghiêm trang. Hình như trước lúc Vy đến, đã có một chuyện gì mà mọi người đã đồng ý với nhau rồi.
Vân Cơ cũng đứng dậy, nhưng chưa về. Cô gái đến đứng bên cửa sổ, cũng nhìn ra vườn y hệt như Vy ban nãy. Vy ngơ ngẩn nhìn Vân Cơ. Mái tóc xõa dài làm Vân Cơ có một vẻ đẹp liêu trai. Vân Cơ quyến rũ quá, mà cũng tài giỏi lắm. Vy thấy Vy bé nhỏ, tội nghiệp khi so sánh với người con gái này.
Thoại thu dọn những giấy tờ bừa bãi trên bàn, và gọi:
- Vân Cơ!
- Chi anh?
Vân Cơ xoay người lại, chớp mắt nhìn Thoại. Thoại nói:
- Ra phố mua dùm anh bao thuốc.
Vân Cơ “dạ” rồi nhẹ nhàng đi ngay. Vy nhìn sững theo. Người ta còn có cả cái quyền săn sóc cho Thoại nữa, một cách đương nhiên như vậy. Đời sống của người ta khoáng đạt, tự do quá! Vy cắn chặt môi. Vy ao ước được tự do như vậy. Nhưng Vy biết rằng điều gần gũi nhất và cần thiết nhất là Vy phải về nhà đúng mười hai giờ này.
- Còn Vy, đến đây!
Lại một lệnh truyền! Vy thẫn thờ ngồi xuống chiếc ghế trước mặt Thoại. Thoại nhìn Vy và bật cười:
- Chuyện gì mà mặt ỉu xìu vậy?
Vy không đáp, nhìn lơ đãng lên bức họa trên tường. Thoại hỏi:
-Mẹ mắng hở?
- Dạ không.
- Anh rầy?
- Dạ không.
- Hay là nhớ sữa?
Thoại hỏi rồi cười vang. Vy khó chịu. Thoại biết là Vy đang muốn chết vì những ràng buộc oái oăm đó mà! Anh chế nhạo mình đó chăng?
Thoại rút điếu thuốc cuối cùng trong bao thuốc ra, châm lửa, cười:
- Nói đùa một tí thôi, anh đang có việc quan trọng sắp nói cho Vy nghe đây.
- Dạ chuyện gì anh?
- Quan trọng lắm, nên…
- Nên sáng nay anh đến nhà em phải không?
- Đúng. Anh định gặp Vy trước, cho Vy biết trước mọi người.
Vy tròn xoe mắt:
-Gì vậy anh?
-Chuyện mà anh nói với mọi người… trong thư.
- Sao em không có?
- Đã bảo là Vy đặc biệt, phải nói trực tiếp.
Vy băn khoăn xếp nhỏ bản nhạc đang cầm trong tay. Thoại thở khói bay la đà trong không khí, nói giọng nghiêm lại:
- Vì lý do… Vy còn mới mẻ quá, Vy chưa bao giờ tham dự vào những công việc của tụi anh.
Vy cãi:
- Có chứ! Em có đi cứu trợ, em có dự văn nghệ, em có đi lạc quyên với trường của anh, mấy lần có bão lụt đó!
Thoại đưa một ngón tay lên:
- Đó là trường anh, Vy nhớ nhé! Anh muốn nói đến “tụi anh”.
Vy ngạc nhiên:
- Các anh?
- Nhóm bạn mà Vy gặp ở đây mỗi chủ nhật. Anh nghĩ Vy là đặc biệt, bởi vì Vy chưa hiểu rõ anh và các bạn anh.
Vy nói không suy nghĩ:
- Sao lại không biết? Em biết các anh các chị là những người rất hoạt động, rất có lý tưởng. Em muốn được như các anh các chị…
- Được như các anh các chị, chỉ có ăn gạo với muối.
- Em biết vậy.
Thoại cười. Chiếc cằm vuông hơi trề ra làm gương mặt thêm rắn rỏi. Thoại để một hàm râu màu xanh mờ vòng quanh cằm khiến anh trông kiêu hãnh như một vị tướng. Thế mà chị Vĩnh đã chê Thoại. Vy liên tưởng đến anh chàng Trọng quen với chị Loan, mặt mũi lúc nào cũng nhẵn nhụi và trắng trẻo, rồi so sánh với Thoại. Thảo nào mỗi lần anh Thiều về, anh cũng trêu Trọng là “con nít sữa” cho bõ ghét.
Vy hỏi:
- Nhưng việc quan trọng mà anh sắp nói là việc gì? Chị Vân Cơ đã biết chưa ạ?
Thoại lại cười:
- Vân Cơ đã biết, như mọi người đã biết. Sao Vy chỉ thắc mắc mỗi chị Vân Cơ?
- Ơ!... Vì…
- Vân Cơ có gì khác với mọi người đâu?
Vy ngơ ngác. Thoại đang đánh đòn gì đây? Vy ấp úng:
- Chị Vân Cơ quan trọng chứ!
- Chị ấy chỉ là một người bạn thân của anh. Điều cần nhất là Vy, anh muốn Vy hiểu rõ tụi anh hơn.
Vy cảm động. Những lời nói của Thoại như đang vuốt ve lòng tự ái của Vy. Vy e dè hỏi:
- Anh Thoại không xem em như một đứa oắt con?
Thoại cười:
- Đứa oắt con thì đã không làm nên sự. Vy đã giúp anh rất nhiều, Vy biết không?
- Em chỉ làm vì… vì ước muốn và… lý tưởng của tuổi trẻ.
- Hay lắm! Còn gì nữa không?
- Vì…em mến các anh các chị. Các anh chị khác hẳn bọn thanh niên phè phỡn, hưởng thụ mà em “bị” gặp hàng ngày.
- Cám ơn Vy. Nào, Vy cứ nói tiếp. Anh muốn nghe tất cả những ý nghĩ của Vy.
Vy nói, như đang thố lộ tâm sự với chính mình:
- Em muốn sống như các anh các chị, sống một đời đáng sống với lý tưởng tranh đấu, phục vụ và cách mạng. Em ghét những đứa bạn em, ù lì và thích yên thân. Em không thích những người mà anh chị của em tiếp xúc. Họ chỉ biết vinh thân phì gia. Đời sống của họ là bóc lột và hưởng thụ. Em không thích nhà sang, xe đẹp. Em thích sống tự do và khoáng đạt như anh.
Thoại có vẻ hài lòng, gật gù. Vy say sưa nói như sợ Thoại không hiểu Vy:
- Đêm qua… em nằm mơ thấy cả anh nữa.
Vy im bặt, đưa tay lên môi. Nhưng Thoại đang nhìn Vy bằng đôi mắt mơ màng như đang chờ đợi những câu nói thành thật nhất… Ánh mắt Thoại như thôi miên Vy. Vy nói theo ánh mắt huyền hoặc đó:
- Em mơ thấy anh trở thành lãnh tụ.
- Có Vy không?
Vy đáp sung sướng:
- Có. Vy ở cạnh anh, như chị Vân Cơ.
- Đã nói Vân Cơ không là gì hết. Có Vy là đủ. Rồi gì nữa?
- Mọi người đều ca ngợi anh.
- Anh sẽ trở thành lãnh tụ, nếu có Vy.
Vy ngây thơ hỏi:
- Em giúp anh được gì?
- Nhiều lắm, nhưng với điều kiện Vy phải chấp nhận cực khổ.
Vy bỏ quên giấc mơ đang kể, thắc mắc:
- Đó là chuyện anh sắp nói phải không?
-Vy thông minh lắm!
Vy nôn nóng muốn nghe. Vy cảm thấy đời sống như sẽ linh hoạt lên, sắp qua một đoạn đường mới, chắc sẽ khác với chuỗi ngày thơ ấu vô tư, và thú vị hơn khoảng ngày chán nản ở nhà anh chị Vĩnh. Vy nuốt nước bọt:
- Em chịu khổ được.
- Chắc không? Em một ông bác sĩ…
- Em một ông bác sĩ thì có sao?
Thoại nhíu mày nghĩ ngợi rồi nói:
- Ban sáng anh tìm đến nhà Vy, anh đã thấy rồi! Nhà Vy sang trọng lắm. Anh nghĩ rằng Vy đã quen sung sướng.
Vy thanh minh:
- Không, anh Thoại lầm rồi! Anh không nhớ rằng em sống với mẹ em ở Giồng Ông Tố sao?
- Thì cũng thế.
- Cũng thế là sao?
Thấy nét mặt Vy khổ sở, Thoại bật cười:
- Là truyền thống gia đình, là nếp sống của Vy.
Vy la lên:
- Anh cũng giống như chị dâu của em. Anh cũng lầm nốt. Anh có biết là ngày xưa mẹ em nuôi chúng em rất khổ cực không? Anh có biết là… mẹ em trước kia đã sống bằng nghề thợ nhuộm không?
Vy biết mình quá lời, lại đưa bàn tay lên môi. Nhưng Thoại đang dịu ánh mắt. Thoại thôi nhìn Vy bằng đôi mắt chế giễu. Hình như có một sợi dây thông cảm nào đó đang truyền giữa hai người. Vy ứa nước mắt. Cơn uất ức hạ xuống. Vy thở dài:
- Không ai hiểu Vy hết.
- Sao Vy nói thế? Còn gia đình nữa chi?
Vy cúi đầu, nói:
- Gia đình! Đó chỉ là một cái vỏ tạm bợ. Vy không muốn làm con ốc. Vy muốn sống như anh.
Thoại phì cười:
- Như anh, anh chỉ là con cá kìm có cái mỏ dài đi cắn người ta.
- Thà vậy còn hơn. Vy sống trong gia đình, Vy không làm được cái gì hết.
Thoại nói như để chọc cho Vy trút hết nỗi niềm:
- Lẩn thẩn quá đi! Vy không biết… con cá kìm có nỗi buồn riêng của nó?
- Nhưng anh không bị kiểm soát, không phải dè dặt. Anh muốn làm gì anh làm. Chừng anh ghét ai, anh tự do đả kích. Chị Vân Cơ cũng vậy. Mấy người thật sung sướng. Chẳng ai như Vy, không thích gò bó lại cứ phải sống như thế này…
Thoại cười vang:
- Nào, còn gì nữa không?
Vy thở ra:
- Hết rồi! Anh nói chuyện của anh đi!
Thoại đã hút hết điếu thuốc. Mẩu thuốc còn lại bị dụi vào chiếc gạt tàn. Thoại đứng dậy, đi qua đi lại trong phòng. Hai mắt sâu như chứa đầy ý nghĩ. Thoại sắp nói cho Vy nghe về cuộc đời của Thoại, và câu chuyện quan trọng nào đó?
Vy chờ đợi. Vy nôn nóng. Vy sợ Vân Cơ trở lại, chắc Thoại sẽ thôi không nói nữa. Vy có một mối lo sợ mơ hồ là Vy sẽ không được Thoại yêu mến. Vy sợ sự có mặt của Vân Cơ. Vy sợ người con gái đó. Vân Cơ đàn cũng giỏi, hát cũng hay, viết cũng tài và người ta cũng có cái lý tưởng rất sáng chói nữa.
Một khoảng im lặng trải qua. Vy đứng dậy:
- Anh Thoại cho phép em về.
Thoại nói ngay:
- Khoan! Anh chưa nói gì cả.
Vy thu mấy quyển sách, ôm trên tay, nói:
- Em phải về nhà trước mười hai giờ trưa.
Thoại trở lại giọng chế nhạo:
- Để ăn cơm trưa? Để bú mẹ?
Vy lặng thinh. Thoại thản nhiên:
- Vậy thì chuyện của tụi anh… Vy không cần nghe nữa.
Vy trố mắt:
- Sao vậy anh Thoại?
- Vì muốn theo tụi anh, Vy phải là một người không lệ thuộc vào gia đình.
Vy đứng sững. Thoại nói tiếp:
- Đã lỡ nói, anh nói luôn nhé! Điều quan trọng mà anh viết trong thư gửi mọi người là: sáng mai chúng ta lên đường.
- Đi đâu anh?
Vy tưởng tượng đến một chuyến đi xa như mọi lần, ở một xóm nghèo, hay một trại tạm cư nào. Thoại đáp thật cứng:
- Một nơi… anh không thể tiết lộ được.
Vy lạ lùng:
- Ủa, sao vậy?
- Điều cần thiết là… Vy có theo bọn anh được không?
- Như mọi lần, các anh chị đi đâu Vy cũng có thể đi được.
Thoại gật gù:
- Vy chịu được khổ cực?
- Dạ.
- Vy chịu xa gia đình?
Vy cười:
- Như mọi lần, sáng đi chiều về mà! Có gì đâu…
- Không phải vậy. Đi… luôn.
Vy sững sờ, tưởng như sắp buông rơi những tập vở xuống đất. Một điều kỳ quái mà Vy chưa từng nghe thấy! Vy run rẩy:
- Anh Thoại, chúng ta đi đâu?
Thoại nhìn xa xăm ra khung cửa:
- Rất xa, không ở trong thành phố xa hoa này. Lý tưởng không thể xây đắp ở đây, Vy hiểu không? Vy có muốn giấc mơ của Vy thành sự thật không?
Vy đứng như tượng đá. Vy nhìn Thoại cơ hồ nhìn một kỳ quan. Ngọn gió lạ mà Thoại thổi vào cuộc đời bình lặng của Vy giờ đây đang biến thành trận cuồng phong. Vy chới với nghiêng ngã. Vy thấy đầu óc đặc sệt lại không còn một chút ý nghĩ nào. Thoại tiếp tục đi qua đi lại trong phòng.
- Anh biết là Vy không tầm thường như những cô bé khác. Anh biết Vy đang muốn “làm một cái gì”, nên anh nói cho Vy điều đó. Rồi tùy Vy lựa chọn. Anh không bắt buộc Vy. Bởi lý tưởng phải do người ta tự ý dấn thân vào.
Vy mím môi để nén sự xúc động. Toàn những danh từ mà Vy mơ ước: lý tưởng… dấn thân… làm một cái gì… Vy sẽ đạt được, nếu ngày mai lên đường với bọn Thoại?...
- Thôi, Vy về được rồi! – Thoại lên tiếng.
Vy ấp úng:
- Anh Thoại! Em…
Thoại đặt bàn tay lên tay Vy, nói giọng ấm áp:
- Chiều nay trả lời cho anh nhé!
- Em lại đến đây?
- Không. Anh sẽ gọi dây nói.
Vy gật đầu nhẹ:
- Dạ. Nhưng anh phải nghe đúng giọng của em mới được nói nhé!
- Được rồi. Anh mong Vy sẽ là cánh tay mặt của anh. Nhớ nhé! Không cần hành trang, không cần tiền bạc. Anh chỉ cần Vy, và một tấm lòng.
Vy vẫn mở to mắt nhìn Thoại. Thoại nói như ra lệnh:
- Vy về nhé!
Vy lùi ra cửa như một cái máy. Ở đó, thấy Vân Cơ đi vào, tay cầm bao thuốc lá. Vy chào Vân Cơ rồi ra xe. Tay chân Vy bải hoải. Vy đạp mãi xe không nổ máy. Thoại đến một bên, nắm lấy bàn tay Vy, siết chặt. Vy bàng hoàng nhìn lên. Tia mắt Thoại vừa cứng rắn vừa huyền hoặc. Vy không nói được gì. Đàng kia Vân Cơ còn đứng ngay ngưỡng cửa.
Vy rút bàn tay ra khỏi tay Thoại, nói ngoan ngoãn như một đứa bé:
- Thưa anh Thoại, Vy về.
Thoại nói rất nhỏ:
- Anh và Vân Cơ chờ Vy ở đây. Trưa anh gọi điện thoại cho Vy. Anh tin Vy sẽ quyết định đúng như anh nghĩ. Từ ngày mai, chúng ta sẽ ở bên nhau không rời. Nhưng cũng có thể không còn gặp nhau nữa, nếu Vy nặng lòng với gia đình. Vậy anh xin nói trước với Vy hai tiếng “vĩnh biệt”.
Hai tiếng “vĩnh biệt” như hai mũi dao nhọn xé toang không khí. Vy ngơ ngẩn nhìn Thoại, lắp bắp:
- Anh Thoại! Không!... Không bao giờ như vậy.
Thoại đạp máy xe cho Vy. Tiếng máy xe giống như tiếng rền rỉ. Đàng sau lưng, dường như Vân Cơ đã đi vào.
Chương 03
Vy đẩy cửa phòng ăn bước vào, tưởng sẽ gặp mẹ ở đó. Nhưng không có ai ngoài chị bếp. Vy ngạc nhiên:
- Chị! Mẹ em đâu?
Chị bếp giật mình bỏ cái chân đang gác nghênh ngang xuống, xếp cuốn tiểu thuyết lại, đáp:
- Ơ!... Cô Vy về đó à? Bà cụ chưa thấy lên, cô.
- Còn anh Vĩnh em?
- Cũng chưa thấy về.
- Ủa, sao lạ vậy? Từ sáng tới giờ anh vẫn chưa về hả chị?
Chị bếp đứng dậy, nói:
- Dạ. Tôi đoán là cậu sẵn xe đưa bà đi ăn hay đi phố sắm áo sắm giầy rồi.
Vy nhăn mặt:
- Làm như mẹ em là con nít. Nhưng… ờ cũng có lý. Còn chị Vĩnh đâu?
- Mợ chờ cậu sốt ruột, nên đưa hai em đi xi-nê rồi.
Vy ngồi phịch xuống ghế. Chị bếp đưa mắt kín đáo nhìn Vy, rồi nói:
- Xem! Cô Vy đi học về mệt lắm hở? Hay là chiếc Cady giở chứng?
Vy lắc đầu không đáp. Chị bếp nhíu mày:
- Cô nhức đầu hở? Sao không thay áo ra? Tôi lấy thuốc cho cô uống nhé!
Rồi chị tự ý lấy thuốc, rót nước tới để trước mặt Vy. Vy uống một cách vô ý thức. Vy không cảm thấy là mình đang nhức đầu hay chóng mặt. Chỉ nghe tâm trí mênh mông, đầu óc rỗng tuếch. Nghe bên tai còn hai tiếng “vĩnh biệt” của Thoại. Nghe tiếng cười của Vân Cơ. Nghe tiếng hát của cả nhóm.
Không! Chúng ta sẽ ở mãi bên nhau không rời, kể từ ngày mai, nếu Vy không nặng lòng với gia đình, phải không Thoại? Gia đình! Vy thương hay ghét nó? Gia đình Vy có mẹ, mẹ già yếu và tội nghiệp. Có anh chị Vĩnh, danh vọng của họ chói sáng. Có anh Đặng, chị Hà, chị Loan, anh Thiều. Ai cũng đã lớn. Có Vy bé mọn, lạc lõng. Vy thèm một thứ khác, ngoài tình thương của mẹ, ngoài sự săn sóc của anh chị. Vy không muốn sống mà bị vây quanh bởi những hỏi han, những dò xét, những e dè. Vy thèm được làm người lớn. Vy muốn nếm một chút tự do, một chút hương vị của đời sống.
Ngày mai, ngày mốt, Thoại sẽ lênh đênh trên một dòng sông, hay bồng bềnh trên một chuyến tàu. Thoại sẽ đi đến một nơi nào đó mà Thoại mơ ước. Thoại có quyền làm bất cứ việc gì Thoại muốn. Vì Thoại có tự do. Vì Thoại không lệ thuộc vào gia đình của Thoại. Vì Thoại không thích sống một đời hưởng thụ, nô lệ. Tương lai của anh khoáng đạt và khích động. Vy không thể tách rời với Thoại, dù Vy thương mẹ lắm. Vy là con gái, một đứa bé gái chưa nếm mùi xa nhà bao giờ. Phức tạp quá! Rối rắm quá! Theo Thoại, theo các anh, các chị, Vy sẽ phải bỏ hết. Bỏ gia đình, bỏ học hành. Vy sẽ làm gì với mớ kiến thức nhỏ bé của Vy? Vy nhìn vào đáy cốc nước, gương mặt Thoại hiện ra, lao chao… Không cần hành trang, không cần tiền bạc, Vy! Chỉ cần Vy, và một tấm lòng…. Vy nhắm mắt lại… Vân Cơ sẽ chiếm mất Thoại, dễ dàng và rất đương nhiên, nếu không có Vy. Chao ơi! Vy đã tôn thờ Thoại đến thế nào! Vy đã yêu quý con người đó hơn cả mẹ của Vy!...
Vy bỏ đi ra ngoài phòng khách. Ngày chủ nhật mà căn nhà vắng lạnh như không. Càng yên, càng vắng, Vy càng thấy nôn nao trong lòng. Thoại sẽ gọi dây nói tới Vy, trưa nay, chiều nay… Chỉ còn những giờ ngắn ngủi cho Vy quyết định. Vy có quyền nói “không”. Thì sáng mai, họ cũng vẫn lên đường. Và Vy xa Thoại mãi mãi. Vĩnh biệt! Ai có thể quyết định dùm cho Vy đây? Một quyết định ghê gớm, Vy biết đàng nào cũng sẽ khổ sở lắm. Bởi Vy đã trót tôn thờ Thoại như một vị thần. Vy ngồi xuống ghế, hai tay ôm lấy đầu. Chiếc đồng hồ lớn treo trên tường thản nhiên buông một tiếng, rồi tiếp tục những âm thanh đợi chờ - “tích … tắc… tích… tắc…”. Vy cũng đợi chờ một cái gì.
Tiếng chuông điện thoại của Thoại, tiếng xe của anh Vĩnh, sự có mặt của mẹ. Nhưng không trông mong điều gì cả. Thoại hãy khoan gọi. Anh Vĩnh hãy khoan về. Mẹ hãy khoan cho con thấy mặt.
- Vy!
Ai gọi? Vy hoảng hốt nhìn lên. Anh Đặng vào nhà từ lúc nào. Vy gượng cười, hỏi:
- Anh mới đến? Xe của anh đâu?
- Xe anh bỏ sửa. Anh đi bộ.
Thấy Vy xơ xác như bệnh, Đặng hỏi:
- Sao thế?
- Dạ.. có gì đâu!
- Nhà đi vắng hết à?
- Anh Vĩnh đi đón mẹ. Chị Vĩnh dẫn Long , Bình đi chơi. Còn chị bếp…
Đặng ngắt lời:
- Biết rồi! Chị bếp thì đang trùm mền nghe cải lương phải không?
Vy phì cười:
- Sao anh cay cú chị bếp quá vậy? Mỗi lần nói đến chị bếp là anh nổi cáu.
Đặng cười theo:
- Không cáu làm sao được? Chị ta là mụ “mát”, anh chỉ trả thua anh Vĩnh có một ngàn, mà công việc nhà anh nhẹ thua mười lần việc bên này, chị ta không chịu.
Vy bênh:
- Chắc chị ấy thấy anh ở một mình nên ngại. Còn ở đây có vợ chồng con cái anh Vĩnh dù sao cũng đỡ hơn.
Đặng “hừ” một tiếng rồi ngồi xuống, châm thuốc hút. Vy nói lớn:
- Chị bếp ơi! Chị rót dùm em tách nước. Có khách.
Chị bếp ló đầu ra. Thấy Đặng, chị le lưỡi rồi thụt vào ngay. Đặng cười:
- Đúng là mụ “mát”… Anh đến trước cổng thấy không khóa nên vào luôn. Nhà cửa để hỏng hờ như thế, ăn trộm nó lấy hết đồ đạc thì đừng có than.
Vy nghĩ thầm: đầu óc anh Đặng lúc nào cũng bị ám ảnh bởi ăn trộm, thảo nào nhà anh có đến mấy lớp cửa khóa kín. Chẳng trách mẹ có bao giờ đến nhà anh. Mẹ bảo đến mà phải đứng trước cửa gọi như gọi đò, người ta lại cho là đi vay nợ thì phiền. Anh sống một mình, thảnh thơi và vương giả, ngày ngày đi dạy học ở các trường tư thục lớn, thỉnh thoảng in sách giáo khoa Toán, Lý Hóa và chờ ngày lấy vợ. Kỷ niệm của Vy với anh từ thuở nhỏ cũng như khi anh có nhà riêng đếm không được bao nhiêu. Bởi thuở nhỏ thì anh lầm lì ít nói, thích gạo bài hơn là chơi đùa với anh em. Anh lại hay gây sự mỗi khi có ai làm phật ý anh. Anh lại có vẻ ganh tị ngầm với anh Vĩnh. Trông bề ngoài thì anh rất lịch sự, rộng rãi. Nhưng thật ra anh quyết làm sao có được những gì anh Vĩnh có, từ danh vọng, tiền bạc, cái nhà, chiếc xe; cho đến những tiện nghi, vật dụng trong nhà và luôn cả… chị bếp! Cách nhau có hai tuổi, nhưng anh Vĩnh lấy vợ đã năm năm, còn anh vẫn độc thân - điều này cũng khiến Đặng lấy làm bực dọc lắm.
Sự có mặt của Đặng hình như giúp Vy bớt căng thẳng. Vy muốn quên những điều nghe thấy sáng nay, nên bắt đầu gợi chuyện với Đặng:
- Hôm nay anh có việc gì mà giữa trưa đến đây hở anh?
- Anh định là đến lúc này mới mong có anh Vĩnh ở nhà. Anh muốn nhờ anh Vĩnh một việc.
- Quan trọng không anh?
Đặng gật đầu:
- Chuyện lớn lắm chứ! Mà Vy còn nhỏ lắm, nghe làm chi?
Vy nổi tức:
- Lại thêm anh Đặng chê Vy con nít nữa.
- Chứ Vy lớn với ai? Chuyện… ừ chuyện vợ chồng, Vy nghe làm gì, vẩn cả óc.
- Khiếp!
- Nè! Lo học đi! Chưa lớn với ai cả.
Vy xịu mặt ngồi yên. Đặng nheo mắt nhìn, rồi bật cười:
- Nói giỡn thế chớ không trình cho cô út nghe thì biết “thố lộ” với ai đây?
Vy bịt tai, vùng vằng:
- Vy không nghe.
Biết Vy giả vờ, Đặng tỉnh bơ nói:
- Việc anh định nhờ anh Vĩnh là giúp cho anh một số tiền để anh thêm vào số vốn của anh, để cưới vợ.
- Cô Thoa?
- Chị Thoa chứ!
Vy lắc đầu:
- Cái cô Thoa mặt bết năm lớp phấn, mắt vẽ tím vẽ xanh tùm lum tà la…?
Đặng khổ sở:
- Trời! Vy chê người ta quá vậy? Con một ông giám đốc công ty bảo hiểm, giàu có vô cùng, người ta phải ăn diện chứ! Mà Vy nè, Vy có công nhận chị Thoa đẹp không?
- Đẹp hở? Tùy. Theo anh thì đẹp, còn Vy…, Vy có nhãn quan riêng của Vy.
- Gớm! Cô út hôm nay ăn nói giỏi quá! Học trường nào đó? Nhưng nè Vy, anh nói chuyện nghiêm chỉnh nhé, Vy thấy chị Thoa… về làm dâu nhà ta được không?
Vy thở dài:
- Chị Vĩnh đã làm dâu mẹ chưa mà anh nói chị Thoa làm dâu?
Đặng chắc lưỡi:
- Thì… thì… anh muốn hỏi là Vy nhắm anh lấy chị Thoa được không?
- Được lắm chứ! Vy thấy trong giới trí thức sang trọng, ai cũng như nhau.
Câu nói thẳng thắn vô tình của Vy khiến Đặng ngạc nhiên. Xem ra cô em út của mình có vẻ không ưa những người giàu có cho lắm. Đặng vẫn ngọt dịu:
- Được Vy chịu là nhất rồi. Anh chỉ sợ nhất là …mấy “mụ cô” đanh đá.
- Anh yên chí, cưới chị Thoa rồi anh chị sống ở nhà riêng đã có sẵn đó, lo gì! Nhưng anh đã cho mẹ biết chưa?
- Hôm nọ anh có nói sơ sơ. Mẹ chưa biết mặt chị Thoa nhưng chắc chắn mẹ sẽ hài lòng vì anh đâu có chọn người hạ tiện. Anh chỉ đang gặp điều khó khăn là bên nhà người ta đòi lễ hỏi, lễ cưới nhiều quá.
- Người ta đòi gì hở anh?
Đặng nhăn nhó:
- Người ta đòi một số tiền rất lớn, đòi cau lồng rượu choé, ôi thôi đủ thứ chuyện.
Vy ngạc nhiên:
- Gì ghê vậy anh? Làm như con quan không bằng!
- Ông bà mấy đời của người ta là quan to, họ giữ cái nề nếp đó tới nay. Muốn lấy được tiên thì… phải tốn tiền Vy ạ.
Vy bĩu môi, đứng dậy. Nói chuyện với anh này một lát nữa, chắc nổi giận lên thì chết. Thuở nhỏ đã không đậm đà với nhau, lớn lên càng ngày Vy càng bực mình vì lối sống và quan niệm của anh. Đặng không sống thực. Đặng sống nhờ cái vỏ, và chắc cũng sẽ tình nguyện chết vì cái vỏ. Đặng thích luôn luôn được người ta kêu bằng giáo sư này, giáo sư nọ, nếu mai mốt lấy được con ông giám đốc bảo hiểm nữa thì nhất. Chẳng trách Đặng đã vướng vào cái gia đình “cau lồng, rượu chóe”. Đặng sẽ ngất ngư vì vụ thách cưới.
Vy nghĩ đến mẹ ngay, và thấy tội nghiệp mẹ. Đặng không còn nhớ cái ngày anh đi thi Tú tài, anh Vĩnh đòi chở Đặng trên chiếc xe đạp cũ, đội áo mưa qua cầu, qua phà Thủ Thiêm. Mẹ không chịu, sợ Đặng dầm mưa bị cảm, hết đi học. Không còn một đồng bạc trong túi, mẹ bán phắt chiếc nhẫn vàng – vật đáng giá còn lại của mẹ - để thuê cho anh một chiếc xích lô, đưa rước anh đi - về sáu bận.
Kỷ niệm xa ngun ngút chợt hiện rõ làm mắt Vy mờ lại. Vy muốn khóc. Vy muốn nói những lời trách cứ anh Đặng. Nhưng Vy đứng im. Kỷ niệm dù đẹp cũng đã quá xa. Con người hằng biến đổi từng ngày, từng giờ. Không ai có thể lôi kéo ai trở về với con người trước đó được. Cũng như Vy, Vy đã biến đổi, đã khác hẳn với Vy ngày xưa, với Vy năm ngoái, với Vy hôm qua. Vy đã lớn dậy, đã biết náo nức nhìn thấy đời sống có nhiều quà tặng. Muốn đến với món quà của Thoại, Vy phải đánh đổi gia đình. Thì anh Đặng, muốn cưới chị Thoa, phải quên anh đi, và phải đổ rất nhiều mồ hôi. Chuyện thật đương nhiên. Mỗi người sẽ phải lãnh kết quả, hay hậu quả, về việc làm của mình, thế thôi.
- Vy à, Vy nghĩ sao?
Vy quay lại:
- Thì việc đã là như vậy, anh cứ thực hiện đúng như vậy. Vy thấy đâu có gì trở ngại.
- Cần nhất là anh Vĩnh giúp anh.
- Thì anh Vĩnh sẽ giúp anh.
- Nhưng … biết chị Vĩnh…
- Chị Vĩnh thì cũng như anh Vĩnh.
Đặng lắc đầu:
- Vy tưởng chị ấy rộng rãi lắm sao? Bề ngoài ngon ngọt như thế chứ giữ của như gì! “Thủ tài chi lỗ”.
Vy bênh:
- Vy không nghĩ thế. Chị Vĩnh là người tốt.
- Hừ, là người tốt. Để rồi Vy xem.
- Anh cứ đợi gặp anh Vĩnh rồi bàn với anh ấy. Hôm nay có mẹ lên đây chơi nữa.
Đặng nói:
- Ừ, sẵn đó anh sẽ thưa với mẹ luôn. Lâu lắm rồi anh không gặp mẹ.
- Tại anh có sẵn xe mà không về thăm mẹ.
Đặng nói như chống chế:
- Tại mẹ không chịu đến ở với anh đấy chứ! Anh đi dạy cả ngày cả đêm, làm sao có thì giờ đến thăm mẹ thường?
Vy cười:
- Tới chừng anh có vợ rồi anh mất tích luôn há. Mẹ ghét thành thị náo nhiệt. Mẹ thích ở căn nhà cũ. Vy thì… cực chẳng đã, phải ở đây, chứ Vy vẫn thích ở nhà với mẹ hơn.
Đặng than thở:
- Mẹ thương anh Vĩnh hơn anh. Vy thấy không, mỗi lần về đây là mẹ ở với anh Vĩnh, mẹ chẳng ghé bước đến nhà anh.
- Thì… tại mẹ thích vui với cháu nội. Qua nhà anh, anh đi cả ngày bắt mẹ làm quản gia sao?
Đặng giở giọng ganh tị:
- Anh biết rồi, mẹ trọng anh Vĩnh là bác sĩ, ở đây có đau yếu thì cũng không lo.
Vy tức tối:
- Anh nên nhớ là mẹ chỉ quen uống thuốc Bắc.
Hai anh em nín thinh. Vy thấy mình hơi quá lời với anh, nên muốn không khí dịu bớt lại. Vy hỏi:
- Anh ăn cơm chưa?
Đặng nhìn đồng hồ, nói:
- Giờ này mới hỏi cơm. Bộ Vy đi đâu mới về hả?
- Dạ, Vy đi học thêm ngày chủ nhật.
- Giỏi đó! Hồi anh bằng tuổi Vy anh cũng học ngày học đêm, đến nỗi mẹ phải sợ. Nhưng có học mới thấy cái thú vị của sự học, phải không Vy?
Vy gật đầu. Đặng nói:
- Anh ăn rồi mới đến đây. Vy ăn một mình đi. Bây giờ anh đi phố một tí. Anh sẽ trở lại.
Vy dạ. Đặng nói thêm:
- Anh Vĩnh về, bảo anh ấy chờ anh nhé! Còn cái chị bếp có lên thì mời chị ấy… uống dùm anh tách nước của chị ấy luôn. Hừm!
Đặng ra cửa, rồi sực nhớ điều gì, Đặng quay lại, hỏi:
- Quên nữa, Vy! Mẹ ưa mặc áo màu gì?
- Suốt đời mẹ ưa áo nâu, áo lam. Mà anh hỏi chi vậy?
Đặng lắc đầu:
- Áo nâu, áo lam sao được? Anh định mua cho mẹ mấy xấp hàng ngoại quốc để may mặc. Bữa nào đám hỏi, đám cưới, mẹ phải… cho bằng người ta chứ!
Vy chép miệng:
- Ngày thường sao không thấy anh mua gì cho mẹ?
- Đến đám cưới, đám hỏi của con cái thì bà cụ phải khác chứ!
- Nhưng mẹ già rồi…
- Đã đành. Nhưng lem luốc quá người ta thấy kỳ. Vy biết không, mẹ của chị Thoa đã ngoài lục tuần rồi mà hàng tuần người ta vẫn đi tắm biển, còn biết phấn son trông thật trẻ trung…
Đặng vừa nói vừa đi ra. Vy đứng yên, chợt thấy lòng ngao ngán vô cùng. Muốn so sánh anh mình với Thoại. Một cuộc sống gò bó giả tạo và một cảnh đời tự do rộng rãi. Khác nhau quá! Thoại sống thực hơn anh Đặng rất nhiều. Thoại bất cần những lễ nghi, những cung cách. Thoại không khổ sở vì những thứ hão huyền. Thoại không quỳ lụy một ai. Muốn có được một cuộc đời như Thoại, phải đánh đổi.
Chị bếp thò đầu ra, nói:
- Cô Vy vào ăn cơm đi, tôi dọn ra rồi. Ủa, còn cậu Đặng đi rồi sao?
- Dạ anh ấy đi phố. Em mệt quá, chắc ăn không nổi. Chị đậy thức ăn lại dùm.
- Vậy cô đi nằm đi. Tôi biết rồi! Sắp có mẹ lên, cô lại sửa soạn làm nũng phải không?
- Đâu có, chị. Chị đóng cổng lại nghen! Em lên lầu. Nhớ khi nào nghe điện thoại là chị gọi dùm em ngay.
Chị bếp gật đầu, nhưng nhìn Vy cười tủm tỉm.
__________________
Chương 04
Chiếc lá rơi xuống dưới chân Vy. Thoại nhặt lên rồi lẩm nhẩm đọc. Vy hỏi:
- Cái gì đó? Thông điệp của trời hở anh?
- Ừ. Anh sẽ là lãnh tụ… Vy ạ.
Anh sẽ là lãnh tụ! Vy như chìm đắm trong một thứ hào quang chói lọi. Vy dụi mắt. Vy vẫn không ngủ, mắt mở trao tráo nhìn trần nhà. Nhưng vẫn thấy Thoại ở đó, tay cầm chiếc lá. Quả vậy, giấc mơ không cần đợi khi ngủ. Vy thấy rõ ràng Thoại và Vy sát vai bên nhau. Thoại tài giỏi, Thoại sinh động, Thoại dào dạt nhiệt huyết - Vy sẽ không mất Thoại. Vy không là đứa oắt con. Thoại đang nói thế. Anh là con cá kìm có cái mỏ rất nhọn đi cắn người ta. Hay quá! Anh không giống anh Đặng, cũng không giống anh Trọng bạn chị Loan, mặt mày nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao cứng ngắc như bị đóng hộp. Vy phải đi theo con cá kìm. Con ốc phải thoát khỏi cái vỏ - dù là cái vỏ lóng lánh. Thật là lý luận của trẻ con. Thoại đang nói như thế. Vy cười sung sướng. Có Thoại là có tất cả. Vy đã thú nhận là Vy yêu quý Thoại hơn yêu mẹ của Vy rồi. Mắt Vy mở lớn. Vy thấy Thoại cúi xuống cầm mấy sợi tóc của Vy lên rồi hôn.
Vy ngồi bật dậy. Chiếc đồng hồ vô dụng cứ kêu “tích tắc tích tắc” như sáng nay nó đã kêu như vậy. Hơn hai giờ rồi! Vẫn chưa nghe gì hết. Vy nằm trên giường chờ đợi một tiếng chuông reo, hay tiếng xe của anh Vĩnh trở về. Căn nhà yên lặng thản nhiên. Vy cồn cào với nỗi ám ảnh kỳ lạ, nửa ray rứt nửa chơi vơi.
Giờ này Thoại làm gì? Một giấc ngủ trưa đã xong, và tiếp tục những bài viết nào đó? Đang đứng ở một phòng điện thoại công cộng, sắp gọi cho Vy? Hay đang ở cạnh Vân Cơ? Ý nghĩ đó làm Vy nghe nhói trong tim. Vân Cơ! Vân Cơ! Người ta đang tự do làm những công việc người ta đeo đuổi!...
Tiếng nói của ai thật trong trẻo vọng lên từ dưới sân. Vy xỏ chân vào dép bước ra nhìn xuống cửa sổ. Chị bếp đang đóng cổng. Trong sân, đã có chị Loan và anh Trọng. Hai người chở nhau bằng chiếc Honda màu xanh. Chị bếp nói gì đó với Loan rồi đi vào nhà. Hai người vẫn đứng với nhau bên chiếc Honda. Qua tàn cây Ngọc Lan, hình ảnh đó trông rất thơ mộng. Vy chống tay lên cửa, chăm chú nhìn. Loan nói thì thầm với Trọng rồi hai người cười rúc rích với nhau. Loan mặc một chiếc áo rực rỡ, bên cạnh Trọng cũng diện thật kẻng. Nhìn kỹ, anh chàng dường như mới đi sấy tóc gội đầu. Vy mỉm cười. Lại một kẻ “đóng hộp” thật tội nghiệp! Vy thấy chị Loan đưa tay sửa lại chiếc cà-vạt cho Trọng, dáng điệu tự nhiên như đã là vợ chồng của nhau rồi. Sau đó hai người lại cười thích thú. Vy không dằn được, bực bội kêu to:
- Chị Loan!
Loan ngơ ngác nhìn quanh. Trọng đã thấy Vy, anh ta bẽn lẽn, đành phải lên tiếng:
- A! Bé Vy! Xuống đây!
- Xuống thì xuống chứ!
Rồi Vy chạy xuống lầu. Loan và Trọng đã vào phòng khách. Hai người cùng ngồi xuống một chiếc ghế dài. Trọng như còn luyến tiếc giây phút thơ mộng vừa qua, mặt gượng vui trông thật tội nghiệp. Vy chào:
- Anh Trọng mới đến ạ.
Trọng đưa ra một gói kẹo, nói:
- Ừ! Quà của bé Vy đây! Thích không?
Vy đón gói kẹo, cười thầm. Loan hỏi:
- Chiều chủ nhật mà không đi chơi hở Vy?
- Nhà đi hết rồi, em ở nhà.
Trọng cười lấy lòng:
- Anh biết rồi, chắc là đang gạo bài phải không?
Vy lắc đầu đứng im. Loan trề môi:
- Còn lâu mới gạo bài. Anh cứ tưởng bở mấy cô bé bây giờ ngoan ngoãn lắm hở?
- Nói vậy sao được Loan? Ai chứ bé Vy thì nổi tiếng là chăm.
Loan nhìn Vy cười hóm hỉnh. Ý chừng Loan đang nghĩ rằng cô em gái út của mình chắc rồi cũng có những phút giây mơ mộng, đăm chiêu như mình, ngồi trước sách vở nhưng hồn thả đi đâu… Trước tia mắt đó, Vy cảm thấy nhột nhạt. Vy nói lảng:
- Em đang nghỉ trưa, nghe có tiếng cười khúc khích phải dậy. Hóa ra là anh với chị.
Trọng đỏ mặt, hai bàn tay trống trơn vì đã lỡ đưa gói kẹo cho Vy rồi, không biết để vào đâu nên đành móc thuốc lá ra. Nhưng lại không có hộp quẹt. Trọng nhìn quanh. Sự ngượng ngập của anh ta càng lộ rõ. Loan vội nói:
- Vy cho chị mượn cái hộp quẹt.
Trọng bảo:
- Thôi, thôi, để anh đi mua. Hai chị em ở đây nhé!
Chưa đợi ai phản ứng, Trọng ra lấy xe đi thẳng.
Loan quay lại, nhìn Vy trách móc:
- Vy chọc quê người ta hoài. Anh ấy mà đi về luôn, chị giận Vy cho coi.
Vy chỉ bao thuốc lá trên bàn:
- Chị đừng lo, anh ấy về luôn sao được!
Loan thở dài, cúi xuống lấy một tờ tạp chí:
- Hôm nay mẹ lên chơi hở Vy?
- Dạ.
- Sao giờ này chưa thấy đến?
- Em đoán anh Vĩnh chở mẹ đi đâu, không chừng đi thăm bác Lê. Còn chị?
Loan ngạc nhiên:
- Chị… sao?
- Chị ghé đây có tin gì lạ không?
Loan cười:
- Về việc gì? Chị với anh Trọng hở?
Vy lắc đầu:
- Không. Em muốn hỏi là chuyện học của chị.
- À, chuyện học. Chị mới thi hai môn thực tập. Chắc cũng đậu. Nhờ có… anh Trọng kèm đấy Vy.
Vy bật cười. Vy nghĩ đến cảnh Trọng ngày ngày lấp ló trước cư xá nữ sinh viên, hỏi thăm hết người này đến người khác để được gặp Loan, để được “kèm” Loan học. Vy nghĩ đến biệt hiệu “văn sĩ của tình yêu” mà chị Loan mơ ước từ ngày mới lớn. Loan tưởng tượng ra cảnh Loan và Trọng, như nhiều người trẻ tuổi khác, dệt mộng mơ hàng ngày, hàng tuần trên đường Duy Tân, trên đường Trần Quý Cáp, trên những ghế đá của sân trường. Nhàm chán! Vy nghĩ như vậy. Lại gương mặt của Thoại hiện ra thật rõ trên mặt kính của chiếc bàn thấp. Ngày mai này Thoại sẽ lên đường. Thoại sẽ đi trên những con đường lớn. Thoại sẽ ra sông. Hay Thoại sẽ ra biển khơi mịt mùng. Tại sao Vy lại không thể theo Thoại? Vy có quyền chứ! Ý thích của Vy cũng chính là ý thích của Thoại. Vy không thể xa rời Thoại được.
Vy nhớm người nhìn lên đầu tủ trà. Chiếc máy điện thoại vẫn vô tình im lặng. Thời gian đang qua bằng những bước nặng nề nhưng nhanh lắm Thoại biết không?
- Vy! Nghĩ gì vậy?
- Dạ?
- Nói cho chị nghe, Vy nghĩ gì về anh Trọng.
Lại anh Trọng. Giống như anh Đặng cứ hỏi Vy nghĩ gì về chị Thoa. Vy muốn trả lời rằng họ giống như nhau, từ hình vóc đến tư tưởng, không có gì đặc sắc để cho Vy quan tâm. Ai cũng được cha mẹ nuôi nấng, cưng chiều từ thuở nhỏ, học hành thi đâu đậu đấy, người giáo sư, người thương gia… ai cũng vui vẻ và hãnh diện với những chiếc khăn quàng có mang nhãn hiệu mà xã hội đã tròng vào cổ họ.
Thấy Vy không đáp, Loan ngạc nhiên:
- Kìa Vy, bộ Vy ghét anh Trọng hở?
- Đâu có. Anh Trọng vui tính, đẹp người chứ!
- Vy có thích anh ấy không?
- Ơ… có.
Loan dễ tin. Loan không nhìn nét mặt Vy, nên tưởng cô em út ngây thơ và thành thật. Loan hát nho nhỏ một bản nhạc vui. Chiếc đồng hồ lớn trên tường gõ tích tắc như hòa nhịp cho Loan. Vy nóng bừng cả ruột. Vy nhìn mãi chiếc điện thoại. Tiếng chuông! Vy hồi hộp đợi nó nhưng không mong có nó. Vy muốn trở lên lầu để nằm, để nhắm mắt lại, đừng suy nghĩ, và quên hết những căng thẳng hôm nay.
Loan không còn chuyện gì để nói. Chừng như Loan chỉ có hứng thú khi trò chuyện với Trọng. Còn tâm sự, Loan đã có những cô bạn gái ở cùng đại học xá với Loan. Còn Vy, đối với Loan, chỉ là một đứa bé không hơn không kém. Loan nghĩ Vy chưa đủ trí khôn để nghe những chuyện của Loan. Loan thích sống với bạn bè hơn là sống với gia đình. Loan có đủ lý do để sống với bạn bè. Vì Loan đã lên đại học. Vì Loan xin ở trong đại học xá trước khi Vĩnh và Đặng mua nhà. Vì Loan cần có bạn để học chung, chương trình học khó khăn… Chị em ruột, nhưng Loan xa lạ với Vy hơn cả người chị dâu.
Loan dán mắt vào tờ tạp chí, nhưng quả thật Loan rất mong Trọng trở lại. Loan nói nhỏ:
- Cái anh này kỳ, đi đâu lâu dữ!
Vy hỏi:
- Chị với anh Trọng định đi đâu hở?
- Ừ. Có phim hay lắm. Anh Trọng bảo chị là rủ Vy đi luôn.
Vy trố mắt:
- Em?
- Ừ. Đi không? Phim nói về tình yêu. Bạn chị xem rồi. Nó nói phim hay tuyệt.
Vy lắc đầu:
- Em không đi đâu.
- Sao vậy?
Vy nhìn đăm đăm ra cửa:
- Em không thích xi-nê.
Loan tủm tỉm cười:
- Xạo nhé! Hồi nhỏ cứ nằng nặc mỗi tuần đòi đi coi cho được một phim. Nhớ không, bữa có phim “Vì hiếu phiêu lưu”, nghe Thiều xúi đi coi, chị với Vy cứ “nẹo” mẹ cả buổi đó!
Chị Loan nhắc lại một cách vô tình. Nhưng kỷ niệm như một làn gió mát lạnh khiến Vy xao xuyến. Vy nói như reo:
- Phim “Vì hiếu phiêu lưu”, có nhỏ tài tử tóc vàng bằng tuổi em đóng phải không? Nhớ rồi! Nó với em nó đi tìm cha, phải đi qua sa mạc.
- Đi với chú của nó nữa chứ.
- Đúng rồi! Bãi sa mạc thật kỳ lạ. Có mỗi một cây cổ thụ to. Đêm hôm ấy nước ở đâu dâng lên làm lụt bãi sa mạc phải không?
Loan cười ngặt nghẽo:
- Người ta làm phim xạo quá, vậy mà tụi mình cũng tin. Sa mạc mà có lụt, ông đạo diễn tài thật!
Vy nói như kể lại:
- Ba chú cháu phải leo lên cây cổ thụ mà ngủ. Sáng hôm sau thức dậy thấy có một con beo cũng sợ nước lụt trèo lên cây…
Loan ôm bụng cười chảy nước mắt:
- Ha ha! Sa mạc mà có beo! Chị biết rồi, đó là một khu rừng, hay là ngọn đồi trọc gì đó.
Vy say sưa nhớ lại khúc phim, nói:
- Rừng hay đồi cũng được. Em nhớ lúc đó nhỏ tóc vàng sợ lắm, rồi… rồi làm sao chúng nó đi khỏi nơi ấy được nhỉ?
Loan nhíu mày:
- Quên mất rồi.
- Sau đó họ đi qua vùng núi lửa phải không? Nhằm lúc núi lửa đang phun, đá nóng chảy tràn xuống làng mạc, ghê quá!
- Ừ, hồi đó tụi mình nhát gan ghê là! Coi đến đó chị nhắm mắt lại.
- Em nhớ nhất là đoạn họ đi lên núi tuyết. Có một tảng băng vỡ ra, biến thành chiếc xe chở họ chạy xuống chân núi.
- Phim có ráp với những đoạn hoạt họa đó, Vy đừng có tin.
- Dĩ nhiên là lớn lên em thấy ông đạo diễn xạo con nít. Nhưng sao vẫn thích, chị Loan à.
Loan dí ngón tay vào trán Vy, cười:
- Đấy! Vy vẫn thích xi-nê, thấy chưa?
- Không, em thích tụi mình nhỏ lại, đi xi-nê với nhau mới thú.
- Lớn rồi đi xi-nê vẫn thú chứ!
Vy lắc đầu:
- Em thích đi xi-nê với chị, hay với anh Thiều, như hồi còn bé. Em không thích đi mà có anh chàng Trọng lè kè một bên. Với lại… lớn rồi, đi xi-nê mất công ăn diện.
- Thì đã đành vậy! Lớn có cái vui của người lớn.
Vy không nghe rõ chị Loan nói gì. Dường như ngày xưa thơ ấu trở lại làm Vy chìm ngập trong đó. Vy kể lể:
- Dạo đó anh Thiều mới tập xe đạp, dành chở chị ra bến đò, rồi về chở em ra sau. Hai chị em qua phà, rồi đi xe buýt tới rạp xi-nê. Hình như hôm ấy tụi mình mê ăn me ngào, nên bận về phải đi bộ, để tiền còn lại qua phà. Báo hại mẹ ngóng mỏi cả mắt vì tưởng hai chị em đi lạc.
Loan thở dài:
- Hồi ấy mỗi lần xin đi xi-nê khổ cực ghê Vy hở! Xin cả ngày mẹ mới lòi cho một trăm.
- Tại mẹ nghèo.
Hai chị em yên lặng. Câu chuyện cũ làm hai người cảm thấy gần gũi nhau. Vy len lén nhìn Loan. Dường như Loan cũng đang đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó. Vy bồi hồi. Chị Loan chưa có chồng nhưng xem như đã tách khỏi gia đình rồi. Mộng ước của Loan là mai mốt ra trường, mở một nhà thuốc tây, lấy một ông chồng giàu, có học; và cũng mơ trở thành “văn sĩ của tình yêu”. Chừng đó, chắc hết mong chị nhớ lại những mẩu chuyện nhỏ nhoi vụn vặt thuở còn ở nhà mẹ. Kỷ niệm sẽ chỉ còn như một vệt chỉ thêu vụng về mờ nhạt trên tấm thảm vàng son của chị mà thôi.
Vy nghĩ đến chị Hà. Chị Hà thua anh Đặng ba tuổi. Xem như chị là con gái lớn nhất nhà. Thuở mẹ làm thợ nhuộm, chị Hà đi may thuê. Anh Vĩnh, anh Đặng miệt mài học. Loan, Thiều và Vy cũng học, và nẹo quà bánh cả ngày. Trăm sự túng khổ dồn hết cho chị Hà. Chỉ có chị chia xẻ với mẹ. Chị toan bỏ học, nhưng anh Vĩnh không cho. Mỗi tối anh Vĩnh kèm cho chị học. Hai mươi tuổi chị mới có bằng Tú tài bán phần. Bây giờ trở thành cô giáo làng, chị Hà cũng như một cái bóng xa lắc.
- Vy nè!
- Gì chị?
- Đi với chị không?
Vy lắc đầu:
- Chị chờ anh Trọng về rồi đi. Em không đi đâu.
- Không thích phim tình yêu hở?
Vy nhận đại:
- Không thích. Chừng nào có chiếu lại phim của nhỏ tóc vàng em sẽ coi.
- Halley Mills nó cũng đã lớn, cũng đóng phim tình yêu.
- Kệ. Cho nó già, chết luôn đi.
Loan cười:
- Vy không đi, chị đi một mình với anh Trọng, mẹ hay anh Vĩnh rầy làm sao?
Vy nhỏm dậy:
- Đó! Chị biết có mẹ sắp lên, mà chị không đợi gặp mẹ nói chuyện sao?
- Thì tối chị về đây, tâm sự với mẹ trắng đêm.
- Thôi, em ở nhà chờ mẹ.
Vy nhủ thầm: chỉ là một cái cớ. Cũng như chị Loan rủ Vy đi, chỉ là một cái cớ. Vy thật sự không mong có mẹ bây giờ. Vy chỉ chờ đợi tiếng chuông của Thoại. Nghe Thoại nói, rồi nói cho Thoại nghe một quyết định. Vy trở lại tâm trạng cồn cào, hồi hộp. Vy sẽ quyết định gì? Bằng lòng lên đường với nhóm của Thoại một cách dễ dàng? Hay cho Thoại biết rằng Vy sẽ ở lại nối tiếp cuộc sống buồn tẻ của mình ở đây? Không, Vy không muốn đứng trước một ngả ba. Vy chưa dám quyết định gì. Vy không biết gì hết. Trí óc đã trắng dầy như tuyết.
Vy đứng dậy. Tại sao chuông điện thoại không reo? Thoại không cần đến quyết định của Vy nữa sao? Thoại không màng đến sự có mặt của Vy trong chuyến lên đường của anh? Vy bước đến gần tủ trà, tức tối cầm ống nghe điện thoại lên. Chợt Vy mở tròn đôi mắt ngạc nhiên. Rồi hai màng nước lấp kín mắt Vy. Vy muốn kêu lên để lộ sự giận dữ, nhưng cổ họng nghẹn cứng. Dây điện thoại đã đứt tự bao giờ.
Chương 05
Người chị dâu nói lớn như chưa bao giờ:
- Tôi đã bảo rằng dây điện thoại bị chuột cắn đứt từ lúc nào, tại sao Vy không tin tôi?
Mắt Vy đỏ rừ. Vy muốn thét to cho vỡ trái bong bóng đang lơ lửng trên tay bé Bình. Loan nhìn Vy, ngơ ngác. Loan đã thấy Vy không còn là bé Vy như mọi ngày. Loan dịu ngọt:
- Kìa Vy, sao Vy cứ quả quyết là chị Vĩnh cắt dây điện thoại? Có ai lại điên rồ phá của như thế?
Vy tức nghẹn:
- Chị cũng ngây thơ lắm. Chị không biết gì cả.
Vợ Vĩnh quay sang Loan, phân trần:
- Đây! Cô xem! Chị mới dẫn hai đứa nhỏ ló mặt vào nhà là nghe cô ấy hạch hỏi như hỏi tội tù. Thuở đời nay, điện thoại nhà tôi mà tôi lại cắt đi ư?
Loan nói:
- Vy! Vy cần gọi điện thoại cho ai? Gấp không? Hay là để nhờ anh Trọng chở Vy đến… Thủy hả? Nga? Hay là Liên Chi?
Vy không nén nổi, gắt lên:
- Không phải nhỏ nào hết. Em không cần gọi cho ai hết. Nhưng tại sao lại thế này?
Vy khổ sở cầm máy điện thoại lên. Vậy mà Vy đã chờ tiếng chuông reo. Vy đã lắng nghe từng bước của thời khắc đi qua.Thoại có giận Vy không? Thoại có nghĩ rằng Vy hèn nhát, bạc nhược không?
Vợ Vĩnh ngồi xuống ghế, phân bua với Trọng lúc này đang ngồi cứng ngắc như một nhân chứng bất đắc dĩ:
- Cậu Trọng xem! Cô ấy coi tiểu thuyết nhiều quá rồi đâm ra giàu tưởng tượng. Đã bảo rằng chuột cắn đứt dây điện thoại là thường, cô ấy vẫn cứ bảo là tôi không muốn cho cô ấy liên lạc với bạn bè. Tôi có bao giờ cấm cô ấy chơi với Nga, Thủy hay Chi đâu.
Vy tức tối:
- Em không cần Nga, không cần Thủy, không cần Chi…
Vợ Vĩnh đứng phắt dậy, nói:
- Vậy thì cô cần ai? Cô nói cho cô Loan, cho cậu Trọng biết đi. Quá lắm rồi! Cô hãy nói là cô cần thằng Thoại nào đó. Nó vẫn gọi đến cho cô hàng ngày. Cô hãy nói là cô tức vì không được nghe giọng nói dấu yêu của nó.
Loan giật mình, hỏi gấp:
- Chị Vĩnh, chị nói gì vậy? Thoại nào?
- Thoại, cái thằng râu tóc bê bối như ăn mày đó. Nó ám ảnh cô Vy, gọi điện thoại cho cô ấy hàng bữa.
Vy run lên, nói không ra lời:
- Chị Vĩnh… chị … đừng…
Vợ Vĩnh kể một tràng:
- Cô ta bị thằng đó hớp hồn rồi. Sáng nay nó đến sớm, rủ rê cô ấy đi nhóm, đi họp gì đó. Cô ấy tưởng tôi không hay biết gì. Hừ, đi học mà mang theo toàn là nhạc. Tôi còn lạ gì mấy cô cậu học trò choai choai bây giờ, thích tụ tập từng đám rồi hát hò, cười cợt với nhau, thật là khả ố!
Loan bàng hoàng hỏi Vy:
- Vy! Thật vậy không?
Vy nghẹn ngào:
- Chị Loan tin lời của chị ấy sao? Phải, có Thoại đó, nhưng anh Thoại không phải là ăn mày. Vy cũng không phải như mấy đứa choai choai.
Vợ Vĩnh cười mỉa:
- Đó, thú nhận hết rồi đó. Tội nghiệp cô ấy quá! Thức khuya dậy sớm, đi học cả ngày chủ nhật. Tội nghiệp luôn cả tôi, cong lưng nuôi cơm cho người ta phè phỡn hẹn hò. Nhục nhã quá!
Vy bật khóc:
- Tôi không có đê hèn như vậy. Trời ơi! Mấy người ỷ là anh là chị rồi hiếp đáp tôi. Mấy người phá đám tôi. Tại sao chị Loan có quyền đi chơi với anh Trọng mà tôi thì bị ngăn cản?
Loan ngơ ngẩn nhìn Vy, không ngờ em mình đã có những lời lạ kỳ như vậy. Vợ Vĩnh cười gằn:
- Có mấy con chuột mới dám phá quấy ngăn cản cô.
Trọng thấy sự có mặt của mình ở đây là vô lý, nên nói nhỏ với Loan:
- Anh về nhé! Chuyện đi xi-nê dời lại dịp khác.
Rồi Trọng khe khẽ đứng lên, chào vợ Vĩnh và rút lui.
Không khí lắng xuống một lát rồi bùng lên với tiếng khóc của Vy:
- Anh Đặng nói không sai. Tôi cứ tưởng chị dâu luôn luôn tốt với em chồng.
Vợ Vĩnh ngạc nhiên:
- Cái gì? Cái gì? Cô nói gì? Chú Đặng thế nào?
Lúc đó mọi người nghe tiếng Đặng nói lớn ngoài sân:
- Chị bếp đâu? Ra xách giỏ vào dùm cô Hà nè. Vy ơi! Có chị Hà lên đây em.
Chỉ có Loan đứng dậy chạy ra. Loan reo lên:
- Chị Hà!
Đặng vừa huýt sáo vừa bước lên thềm. Vừa gặp mặt Đặng, vợ Vĩnh hỏi đón ngay:
- Chú Đặng! Chú nói tôi là người thế nào? Hở? Tôi có làm gì chú? Chú nói đi!
Đặng ngơ ngác và kịp nhìn thấy cô em út mắt ướt sũng đứng rũ rượi như một con mèo ốm. Biết có việc không vui xảy ra, Đặng hỏi Vy:
- Gì thế Vy? Sao lại khóc? Còn chị Vĩnh, chị nói gì lạ vậy?
Chưa bao giờ Vy thấy bực bội như bây giờ. Càng nhìn thấy mặt mọi người Vy càng khổ sở nôn nóng. Vy muốn bỏ đi khỏi nơi đây, nhưng tai vẫn phải nghe vợ Vĩnh rỉ rả:
- Tôi biết rồi! Anh em chú luôn luôn nghĩ tôi là đứa bần tiện. Chú không có trách nhiệm gì hết mà lại còn dẫn đường cho Vy nó khi dễ tôi nữa. Chú hãy để cho người ta trọng tôi với chứ! Tôi thương các cô các chú hơn là thương các em tôi. Đấy, cứ xem thì rõ, em tôi cũng năm, sáu đứa, mà có đứa nào ăn được của anh Vĩnh một đồng xu nhỏ, một bữa cơm lạnh đâu! Trong khi đó, các cô các chú, tôi đã vị nể hết tình. Đã lo từng miếng cơm miếng nước, còn phải chịu trách nhiệm về giờ đi, giấc đứng nữa. Tôi không nói thì thôi, chứ đã nói thì phải nói cho đến nơi.
Đặng đổi nét mặt, hỏi:
- Chị Vĩnh, hôm nay sao lại có vấn đề em của anh, em của chị ở đây nữa?
Vợ Vĩnh cười gằn:
- Chứ còn gì nữa mà không vấn đề? Đấy! Của cải này do ông bác sĩ tạo ra đấy! Tôi chỉ là một thứ mọi giữ của không công. Các cô các chú có quyền phung phí, có quyền chia xẻ. Nếu tôi có động đến lời nào thì các cô các chú cho rằng tôi thế này thế nọ.
Rồi xô chiếc ghế “rầm” một cái, vợ Vĩnh nói:
- Các cô các chú có tụ tập ở đây cho đông cũng chỉ vì vậy. Đó, nhà của anh Vĩnh, mấy người cứ đến ở, hãy hưởng cho hết.
Một người vừa vào đến ngưỡng cửa, tay còn khệ nệ một giỏ trái cây, áo dài màu xanh đậm bám đầy bụi đất, đã phải đứng sững lại. Vừa trông thấy, Vy òa lên:
- Chị Hà!
Giỏ trái cây được đặt xuống. Da mặt của Hà đang bừng đỏ. Không phải vì mệt nhọc sau đoạn đường xa, mà vì những câu nặng nề vừa nghe thấy. Vy thấy Hà run rẩy như người sắp nổi giận. Hà lắp bắp mãi mới thốt được ra lời:
- Chị Vĩnh! Chị ác độc lắm.
Người chị dâu buông một câu thẳng thắn:
- Tôi nói sự thật.
Hai giọt nước mắt lăn ra khỏi khóe mắt Hà. Hà nói uất nghẹn:
- Tôi về đây là vì sắp đến ngày giỗ ba. Chị không biết gì sao? Tôi mua đầy giỏ trái cây để cúng ba, cho ba còn nhớ đến sự có mặt của tôi. Tôi có thèm thuồng cái gì ở đây mà về? Tôi đang chờ xe để về nhà mẹ thì gặp anh Đặng. Anh ấy bảo là hôm nay mẹ lên anh Vĩnh chơi nên tôi lại ghé đây. Tôi ghé đây là vì mẹ, đừng hiểu lầm tôi. Chị méo mó, lệch lạc vừa thôi.
Đặng giơ hai tay lên đầu, nói:
- Tôi không hiểu gì hết.
Vợ Vĩnh gằn từng tiếng:
- Chú cần gì hiểu. Chú cứ hiểu rằng em chú nghi ngờ tôi cắt đứt dây điện thoại không cho nó nói chuyện với… bồ, vậy là đủ. Tôi xấu xa lắm, đê tiện lắm. Nhờ chú nhồi cho nó ý tưởng đó, nên mới có ngày hôm nay.
Cùng một lúc, sự ngạc nhiên, nỗi xấu hổ và lòng tức giận làm mặt Đặng tái đi. Đặng chỉ tay vào Vy, quát lớn:
- Trăm sự là do mày, phải không Vy?
Rồi Đặng tát mạnh vào mặt Vy. Vy loạng choạng vì cái tát bất ngờ đó, ngồi phịch xuống ghế. Mắt Vy mở to nhìn Đặng, nhưng đã mờ đi không thấy rõ. Anh ta đó sao? Anh ta trở thành một con người sợ sự thật và thô bạo đến thế ư? Tất cả lòng kính trọng đang hạ xuống thấp. Rõ ràng là Đặng đánh em để mong làm nguôi lòng giận của chị dâu, hầu còn chút hy vọng anh chị Vĩnh giúp đỡ cho mình thực hiện giấc mơ “cau lồng rượu chóe”. Ý nghĩ đó làm Vy không khóc được. Vy giương to đôi mắt cứng trơ như hai khối nước đá, nhìn Đặng, môi mím lại căm giận.
Hà sụt sùi:
- Tôi hiểu rồi! Tôi hiểu rồi! Vy nó có tội gì? Nó chỉ là một đứa bé, một đứa bé chưa dứt ly sữa. Làm anh làm chị thì phải rộng lượng với nó một chút. Phải hiểu là nó còn bé lắm, còn dại lắm. Nó chưa lần mò hết mấy lớp trung học. Nó chưa tới cái tuổi biết suy xét như chúng ta. Sao không rộng lượng với nó?
Vợ Vĩnh mỉa mai:
- Tôi biết, cô dạy học trò nhà quê mãi rồi quen cái giọng đó. Tôi không cần ai dạy tôi. Tôi rộng lượng đã nhiều rồi.
- Nếu vậy tại sao lại có vụ cắt dây điện thoại?
Vợ Vĩnh hầm hầm cầm máy điện thoại lên, ném mạnh xuống đất, nói:
- Nếu tôi bảo ừ, tôi đã làm như cô Vy nói, thì làm sao?
Vy hét lên:
- Thì chị sẽ nhận lấy hậu quả của việc chị làm!!!
Sau câu nói dữ tợn của Vy, như có một âm vang nào làm mọi người ngơ ngẩn. Không ai dám nói một lời nào nữa. Câu chuyện tưởng sẽ bùng nổ lên nhưng lại lắng xuống không ngờ. Câu nói của Vy có vẻ quá đáng nhưng khiến cho mấy anh em, chị em nhìn nhau. Chuyện gì sẽ xảy ra?... Và Vy, bất chợt cúi xuống nhìn máy điện thoại nằm trơ vơ dưới chân tủ, Vy nghe một nỗi gì ghê rợn chạy dọc suốt toàn thân.
***
- Chị hãy đợi mẹ lên, rồi có đi cũng không muộn.
- Sợ đến tối không còn qua phà được Vy à.
- Nhưng mẹ chắc sắp về đến nơi. Chẳng lẽ anh Vĩnh chở mẹ đi đến tối?
Hà cúi đầu thở dài:
- Hay là… để chị sang nhà bác Lê? Dám chừng mẹ chơi ở bên đó?
- Thì rồi mẹ cũng về. Mẹ biết rằng em đang mong mẹ.
Vy nói thế rồi buồn bã nhìn ra cổng, thở ra nhè nhẹ. Vy sợ chị Hà nhìn thấu trái tim mình. Vy chống chân đưa khẽ chiếc xích đu. Hai chị em yên lặng bên nhau. Trong nhà, Loan và Đặng mỗi người ngồi một ghế, như hai bức tượng. Vợ Vĩnh đã đem hai con lên lầu.
Hà nghĩ gì rồi lại rơm rớm nước mắt:
- Hay vậy, chị đã không thèm đặt bước đến đây, về thẳng nhà nói chuyện với vú Sáu còn thích hơn.
- Vú Sáu ăn nói lẩm cẩm, chị về đó có nước nằm ngủ một mình.
- Thà như vậy. Chị quen sống ở tỉnh xa, về đây thấy cảnh phù phiếm chịu không được.
Vy hỏi:
- Chị đi chuyến xe mấy giờ?
- Mười hai giờ trưa. Đáng lẽ đến sớm hơn nhưng chị bị kẹt bắc. Trời dưới đó mưa lớn lắm.
- Trời mưa chắc bến sông buồn lắm chị hở?
- Không, lúc chị đi bến còn tấp nập người. Ở đó buổi chiều mới buồn. Khoảng giờ này, phà không còn qua lại nữa, chẳng còn ai qua sông. Trường học của chị nhìn ra đó, buồn thật là buồn.
- Chị nhớ nhà không?
- Vy nghĩ chị là sắt đá hay sao? Chị nhớ mẹ muốn khóc. Nhớ mẹ nên chị mới xin phép về. Mai mốt chị lại xuống ngay. Có khi chị muốn mời mẹ xuống dưới ở chơi với chị vài bữa, nhưng chị biết chắc là mẹ không chịu .
Vy ngắt nhẹ một ngọn lá, vò nát, nói bâng khuâng:
- Tại mẹ già yếu, mẹ ngại đường xa. Anh Vĩnh cũng không muốn cho mẹ đi đâu, sợ gió máy rồi mẹ bệnh.
Hà thở dài:
- Anh Vĩnh! Anh Vĩnh sáng chói nhất đối với mẹ, đối với mọi người. Anh nói gì ai cũng nghe. Không trách được. Anh Vĩnh đã cho mẹ hai đứa cháu nội kháu khỉnh…
Vy ngắt lời:
- Và một nàng dâu ngoan.
- Đừng, Vy! Em lạc đề rồi, hãy để chị nói hết. Mẹ thương anh Vĩnh nhất, chị cũng vậy. Chị thương anh Vĩnh hơn anh Đặng, hơn cả các em. Vì anh Vĩnh tốt, biết suy nghĩ. Chị còn được như hôm nay là nhờ anh Vĩnh. Anh Vĩnh dạy chị học cực khổ hơn một ông cha. Vì lúc nhỏ chị dễ chán nản, chị thấy mẹ nghèo túng chị muốn đi làm thuê làm thợ cho xong. Anh phải kèm chị từng đêm. Tội nghiệp lắm, học ở Y Khoa khổ nhọc mà anh Vĩnh cũng nhắc nhở chị luôn. Chẳng bù với anh Đặng chỉ biết có thân mình.
Hà lau nước mắt, lẩm bẩm:
- Chị chọn công việc của chị, là chấp nhận xa mẹ, chấp nhận thiệt thòi. Chị không đòi hỏi, không ganh ghét. Chỉ buồn là càng lớn càng thấy xa lạ với gia đình. Thôi cũng đành… Bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Chị chịu làm ngón tay dư thừa tật nguyền nhỏ mọn.
Vy hoảng hốt:
- Nếu nói như vậy thì em mới là ngón thứ sáu dư thừa đó!
Hà nắm chặt bàn tay Vy, mắt sáng lên:
- Không. Em là con cưng của mẹ, em cưng của tụi chị. Tin như vậy đi! Ai cũng thương em, và bắt buộc phải thương em. Bởi em là dấu tích thương yêu cuối cùng của ba và mẹ.
Hà nghẹn lời. Chị nói như đang đọc truyện, như đang đọc một bài chính tả cho học trò. Vy nhìn lên cành lá của cây Ngọc Lan. Ở đó mặt trời đang thả những tia nắng cuối. Những đốm tròn nhảy múa với gió đưa qua kẽ lá. Vy đứng dậy. Hà ngạc nhiên hỏi:
- Ngồi đây với chị. Vy đi đâu à?
Vy cắn môi, rồi nhìn ra đường:
- Em sang bác Lê nghen chị!
- Để làm gì?
- Để gọi mẹ và anh Vĩnh về. Sốt ruột quá! Chẳng lẽ em với chị ngồi mãi như vầy?
Vy nói dối tài tình. Hà nhớm dậy:
- Chị đi nữa.
- Chị hãy ở đây. Để em lấy xe đi cho nhanh. Em sẽ về liền.
Để cho Hà ở đó, Vy mở cổng, rồi lấy chiếc Cady phóng nhanh đi.
Chương 06
Cánh cửa đóng kín như một ô hình chữ nhật màu xanh in trên bức tường trắng. Vy đứng sững ở đó. Bên trong khung cửa sổ khép hờ là một căn phòng im lặng. Thoại không có ở đây. Vân Cơ cũng không còn ở đây. Nhưng Vy biết đêm nay Thoại sẽ trở về cùng với các bạn của anh. Bởi trên bàn viết còn để lại tập giấy của Thoại và trong góc phòng còn một chiếc va-li.
Họ sẽ trở lại. Họ sẽ gặp gỡ ở đây, chỉ những gương mặt trẻ trung, những đôi mắt sáng, những vành môi cương quyết và những con tim đầy máu nóng. Vy nghe như những nhịp đàn hăng hái đang đổ dồn trong lòng. Vy muốn gặp họ. Vy muốn hát với họ. Vy muốn lên đường với họ. Tại sao lại ngần ngại? Tại sao lại phải khép kín nhiệt tình ở một khung đời chật hẹp? Những tình cảm nhỏ mọn, nhàm chán, thô sơ, tại sao ta phải lệ thuộc chúng? Còn kỷ niệm, ta không phải là con mọt để sống vùi với kỷ niệm.
Một căn nhà buồn tẻ hiu quạnh từ khi ta chưa lọt lòng, một khu vườn hoa trái chỉ nở đúng mùa, một bến sông đen đúa chán ngắt… Rồi nơi đây, một ngôi nhà như mọi ngôi nhà ở cư xá – ngày ngày phải nghe văng vẳng tiếng nhạc đệm cho bọn con gái bên nhà ông luật sư Thắng nhảy nhót… Chiếc xích đu, tàn cây Ngọc Lan, những chậu hoa kiểng… Căn phòng nhỏ nhìn xuống sân rộng, những gối mền làm cho ta lười biếng… Một lớp học với những khuôn mặt ngoan ngoãn. Những đứa bạn hằng dệt mơ ước giản dị. Những người thầy, người cô an phận. Một ngôi trường, một con đường đầy áo trắng… Đời sống hiện tại của Vy là đó. Đời sống đang chờ ngày tàn tạ. Ta sẽ bị tàn tạ rồi tiêu diệt với ngày tháng. Không! Chỉ có ở đây, những ngày sống mới sẽ bắt đầu.
Không cần hành trang, không cần tiền bạc, chỉ cần một tấm lòng. Anh Thoại, Vy sẽ trở lại đây bằng một tấm lòng.
Vy đạp máy xe, rồi chạy chầm chậm hết con phố của Thoại. Vy không biết đi đâu. Hay trở lại về nhà ngồi chờ đợi những phút giây nặng nề trôi qua? Mẹ giờ này chắc đã lên? Những gương mặt nhìn nhau bất mãn, cáu kỉnh… Vy sợ gặp mẹ. Vy sợ gặp anh chị mình. Vy như lênh đênh trong một tâm trạng kỳ lạ. Vy chạy xe thong thả giữa dòng xe cộ xuôi ngược, vẻ thong dong nhưng ai biết được rằng Vy là một người đang chờ đợi?
Con phố nhỏ đang lên những ngọn đèn đầu tiên. Gió thoang thoảng qua tóc, qua mặt, qua cổ áo. Không còn mấy giờ mấy phút nữa, ta sẽ rời khỏi nơi này, thành phố nhỏ hẹp với những con người gò bó. Ta sẽ lên đường. Nội hai tiếng “lên đường” đó cũng đủ làm ta sung sướng biết bao. Vy chơi vơi, lòng thanh thoát như không còn vướng bận những chuyện bực mình nhỏ nhặt vừa qua.
Trước mắt Vy, ở trên lề đường, ai đang lững thững đi, dáng quen thuộc vô vàn. Thoại!!! Mái tóc đó! Chiếc lưng thẳng và cao đó! Anh đang đi vào một quán nước. Vy cuống quít. Phải gặp Thoại!... Vy chạy đến, dựng xe trước quán. Người con trai đã ngồi ở một góc phòng. Vy bước vào và đến bên bàn của anh.
- Kìa, Vy!
Người con trai nhìn lên. Vy sững sờ:
- Anh Thiều!..
Rồi Vy đứng như tượng gỗ. Anh Thiều, không phải Thoại, đang hỏi:
- Vy đi đâu vậy?
Nỗi bàng hoàng chưa tan, Vy trố mắt nhìn Thiều. Ta đã u mê đến thế ư? Mái tóc thân mến, dáng người quen thuộc, là anh của ta chứ nào phải là Thoại!
Vy đành phải nói dối:
- Vy… đi đến nhà bạn về, thấy anh đi ngoài đường, gọi không kịp, mãi đến bây giờ…
Thiều kéo ghế cho Vy ngồi, rồi lấy thuốc lá ra hút. Vy vẫn chưa tìm được lời nào để nói, lặng yên nhìn mấy ngón tay Thiều vàng chạch vì thuốc lá. Thiều gọi một tách cà phê đen, rồi tự động gọi cho em một chai nước ngọt. Hai anh em nhìn nhau. Thiều hơi mỉm cười. Lòng Vy cồn cào lạ thường.
- Ngày mai anh đi.
Vy giật mình, hỏi như người ngủ mơ:
- Anh đi đâu?..
Thiều cười trong khói thuốc lung linh:
- Hỏi ngây thơ chưa! Ra đơn vị, đi hành quân lại. Cũng như mọi lần…
Cũng như mọi lần… Vy nhè nhẹ thở dài. Như mọi lần , Thiều trở về sau một chuyến đi, ghé thăm mẹ, thăm anh Vĩnh, anh Đặng, rồi mất biệt. Ít khi nào mọi người phải đưa tiễn Thiều. Luôn luôn Thiều tỏ ra là một kẻ bất cần. Dường như tình cảm đã khô từ ngày Thiều vào lính. Thiều ít có mặt hơn cả chị Hà. Thiều ít tham dự vào những câu chuyện của gia đình, nên cũng ít ai đề cập đến Thiều. Nhưng không phải vì thế mà Thiều khỏi xích mích khi gặp mặt anh em. Tất cả chỉ vì tính bướng bỉnh của Thiều.
- Nghĩ gì đó Vy?- Thiều hỏi – Có gì lạ không? Sao thấy Vy lơ ngơ như người ốm mới dậy thế?
Vy cười gượng:
- Anh chỉ tưởng tượng. Muốn biết có gì lạ, sao anh không về nhà thăm?
Thiều hỏi giọng nửa đùa nửa thật:
- Nhà nào? Nhà của mẹ, hay nhà anh Vĩnh , nhà anh Đặng hay…
Vy trách:
- Nhà của ai anh cũng không về. Vy nghĩ chắc anh sống với bạn bè vui nhộn lắm?
- Ờ… tùy. Còn Vy, vẫn ở nhà săn sóc mẹ chứ, cô em “út mền rách”?
Vy bật cười:
- Giữa đám đông mà anh cũng không bỏ cái tật nói ghẹo em. Lúc này Vy ở nhà anh Vĩnh.
- Bỏ mẹ ở một mình với vú Sáu?
- Dạ.
- Chà! con gái mà xách gói chạy miết.
- Anh cũng ích kỷ lắm. Các anh các chị, người có gia đình, kẻ ham vui với bạn, không ở với mẹ. Vy là con út phải gánh tất cả.
Thiều trố mắt nhìn Vy rồi cười hề hà:
- Ý chà, “út mền rách” bữa nay lý sự nữa ta! Ở với mẹ là một vinh hạnh, một diễm phúc, một…
- Thế sao anh không ở với mẹ? Anh về được ngày nào là đi biệt ngày đó. Mẹ buồn vì anh lắm.
- Buồn vì anh, rồi mẹ làm gì?
- Mẹ khóc.
Thiều chống tay lên bàn, nói bâng khuâng:
- Mẹ khóc? Vậy là mẹ thương anh đó. Vy còn nhỏ, Vy không hiểu đâu. Anh không về nhà mẹ, tại tính anh kỳ cục. Thà để mọi người quên mình đi, không lo lắng đến mình, hơn là về trìu mến nhau, khi đi xa rồi ai cũng khổ.
Vy chớp mắt. Anh Thiều đang nói những lời rất thành thật. Cách thương mẹ của anh lạ kỳ quá! Nhưng lúc này Vy nhận thức được một điều, là Thiều không khô khan tình cảm như mọi người lầm tưởng. Phải chăng hôm nay, trong một cuộc gặp mặt không định trước, Vy sẽ được nghe Thiều nói tất cả về quan niệm, tư tưởng của anh?
- Vy có bận việc gì không?
- Dạ?... Không…
- Nếu không bận đi đâu hoặc không nôn về ăn cơm, thì ngồi đây.
- Còn anh, anh có hẹn ai không?
Thiều đốt điếu thuốc thứ hai:
- Không. Bạn anh đã về hết. Chúng nó phải đi chào cha mẹ, vợ con…
- Anh làm như anh không có gia đình…
- Điều đó chưa hẳn đúng, nhưng mỗi lần về mẹ, anh không cầm lòng được.
- Anh nghĩ gì?
Thiều rít khói thuốc giữa hai hàm răng, giọng lạnh lẽo:
- Không nghĩ gì hết. Vì kỷ niệm lớn lao quá, không còn chỗ để chọn lựa.
Vy cảm thấy lòng chùng xuống. Thiều hớp một miếng cà phê, cười nhẹ:
- Anh nói có vẻ… cải lương quá không Vy? Tội nghiệp Vy, đương không phải nghe những lời vô bổ.
- Không có đâu, anh Thiều!
- Anh có lỗi với mẹ, xin chịu. Và đến khi mẹ trăm tuổi, anh chỉ xin mẹ để lại cho anh một lòng tha thứ. Anh biết mẹ thương anh lắm, mà cũng buồn cho anh lắm. Còn anh Vĩnh, anh Đặng, chắc không thích gì anh. Cái thằng, đi thì thôi, chứ về là đả kích, gây gỗ, phá rối, phải không Vy? Ngày trước chị Hà còn nghe lời anh Vĩnh, nhưng anh thì…
Giọng Thiều bỗng sũng ướt:
- Anh hối hận đã không là bác sĩ, kỹ sư cho mẹ vui lòng. Mối ân hận đó làm cho anh ít khi về gặp mẹ. Vy phải hiểu rằng một đứa cứng cỏi nhất vẫn còn có một chỗ yếu mềm. Anh che giấu tình cảm của anh vì thế.
Vy đưa tay gạt những giọt nước đọng quanh thành ly lạnh ngắt. Nước chảy xuống mặt bàn, buồn bã len nhẹ quanh chiếc ly. Thiều nói tiếp:
- Tại Vy trách anh, nên anh mới phải nói. Những điều này thật ra vô ích đối với Vy. Vy cứ nghĩ anh là một cục sắt, cục đá, hay là cỏ cây gì cũng được. Còn nếu muốn hiểu anh thì hãy hiểu rằng – đứa con nào, dù nên dù hư, dù sung sướng hay khổ cực, cũng có một góc trong tâm hồn dành để thương cha mẹ của nó.
Vy se lòng… Vy len lén nhìn anh. Mắt Thiều như trở nên hai cái vực sâu thẳm tràn trề bóng tối. Không biết được có ý nghĩ nào trong hai vực thẳm đó. Ngọn đèn trong quán chỉ soi sáng được phân nửa gương mặt Thiều, khiến Thiều khi im lặng càng giống một pho tượng. Vy liên tưởng đến gương mặt của Thoại. Thoại cũng có những nét như Thiều vậy.
Tự nhiên Vy nhớ mang máng lời của một đứa bạn nào đã nói: “Hình như khi một đứa con gái lớn lên, yêu một người nào, trước hết là vì người ấy giống cha nó, hoặc giống anh nó”. Nếu quả như vậy, thì phải công nhận rằng Vy đã thương anh Thiều hơn tất cả những người anh chị khác. Đúng như vậy. Mái tóc của Thiều, dáng đi của Thiều… đã nhập tâm rất sâu đậm trong Vy, từ thuở nhỏ Vy ngồi trên chiếc thùng gỗ có gắn bốn cái “bạt đạn” cho Thiều kéo đi. Thiều cười đắc chí khi thấy chiếc xe chạy bon bon, vì đó là công trình thức khuya dậy sớm của cậu bé. Khi Thiều và Loan được tám tuổi thì Vy mới lên ba. Loan là người chị song sanh với Thiều nhưng tính tình khác hẳn, thích làm điệu và ở mãi trong nhà đọc truyện. Thiều là con trai, ưa chạy nhảy nên cả ngày cõng Vy chạy chơi khắp xóm. Kỷ niệm tưởng đã tan như sương, bây giờ đọng lại thành tảng nước đá. Vy se sắt nhớ đến một hôm Thiều mê tập xe đạp, chở Vy đàng sau, qua khúc quanh gần nhà, hai anh em ngã té. Vy khóc không thành tiếng vì quá đau. Còn Thiều trầy cả hai đầu gối, nhưng không dám than, phải bế em về nhà và nhận lãnh một trận đòn. Khi Vy lớn, Thiều dành làm tài xế chở xe đạp đưa em đi học. Đường ruộng lộng gió, Thiều huýt sáo và dạy Vy hát bài “Rắc cành dinh”(*) Kỷ niệm ngừng lại khi Thiều đi lính. Tảng nước đá tan ra, không thành nước, mà thành khói thuốc lá nhuộm vàng hết cả mấy ngón tay Thiều.
Sự im lặng không biết kéo dài trong mấy phút. Nhưng Thiều đã uống cạn tách cà phê. Vy biết thời gian hai anh em được ngồi trước mặt nhau ôn lại một chút kỷ niệm chắc cũng không còn dài. Đàng nào ngày mai Thiều cũng sẽ lên đường. Lại hai chữ “lên đường” làm Vy xúc động. Vy thấy mình giống như một đứa bé đang háo hức ngước nhìn lên thèm thuồng mấy trái chín trên cây nhưng đồng thời tiếc rẻ chiếc kẹo thơm ngọt trong bàn tay của mình. Vy rót hết chai nước ngọt vào ly, nao nao nhìn những bọt tăm sủi lên reo nhè nhẹ. Thiều lên tiếng:
- Vy thấy anh có lắm lời không?
Không đợi Vy đáp, Thiều nói tiếp:
- Đối với Vy, anh không sợ Vy ghét: bởi nếu Vy có ghét anh, thì cũng chỉ là cái ghét của một đứa con nít – Thiều cười thư thái – Mỗi khi nghĩ đến cái trẻ thơ ngoan ngoãn của Vy, anh quên hết mọi chuyện. Dù nằm rừng, ngủ núi, anh vẫn cứ tưởng như có Vy ngồi trước mặt, hai anh em mình cùng hát bài “Rắc cành dinh”.
- Thương em mà anh Thiều không thèm về chơi với em. Anh nói vậy… chứ khi có bạn bè rồi anh lại quên Vy ngay.
- Cái đó hở? Tùy. Có khi còn quên cả mình đi chứ nói gì là em. Nhưng anh đã nói rồi, thương Vy là một chuyện, còn về nhà lại là một chuyện khác.
Vy thở dài. Thiều đã trở lại tính bướng bỉnh cố hữu rồi! Thiều lại hỏi:
- Hôm nay có ai ở nhà anh Vĩnh? Có chị Loan, anh Đặng phải không?
- Dạ.
- Có cả tên Trọng nữa?
- Dạ.
- Anh đoán không sai nhé! Cái thằng… ăn nói không mê được, tò tò theo con gái suốt ngày, mất cả khí khái của thằng con trai. Nó tình nguyện làm “tài xế xe thồ” đã mấy năm nay rồi, được gì chưa?
Vy nhăn mặt:
- Chết! Sao anh gọi anh Trọng là “thằng”?
- Nó chẳng làm gì anh, nhưng anh ghét thứ con trai như nó. Cha mẹ nuôi cho lớn rồi đi rập rình nhà thiên hạ như vậy, hèn cả người. Còn ăn uống trong nhà người ta mà cứ như là đang dành ăn với con nít, phun cả cơm cá vào mặt người ta…
Vy kêu lên nho nhỏ:
- Suỵt! Anh nói như vậy, ai nghe được thì kỳ.
- Nhưng Vy có đồng ý với anh không? Hay là Vy cũng ưa cái “týp” người như vậy?
- Đương nhiên là Vy nghĩ giống như anh chứ. Nhưng thôi, ai có thân người ấy lo. Nay mai anh Đặng sắp lấy vợ, rồi cũng phải đi chiều lụy người ta vậy.
- Mẹ chắc sẽ còn khổ vì mấy vụ này. À, bây giờ mọi người đang làm gì ở nhà?
Vy sa sầm nét mặt:
- Đang… đang giận nhau, gây nhau. Có cả chị Hà mới lên nữa.
- Sao chị Hà không về nhà mẹ?
- Là vì mẹ cũng lên nhà anh Vĩnh
Thiều cười:
- Chà, đông quá nhỉ! Chắc thế nào cũng có đại hội gia đình.
- Anh về nhà một lát đi, gặp mẹ rồi mai đi.
Thiều nhíu mày không đáp. Chừng như anh đang nghĩ đến sự có mặt của mình là cần thiết hay vô vị trong một khung cảnh đông đảo, ồn ào. Tự nhiên Thiều lắc đầu. Đôi mắt anh sáng lên một giây rồi lại chìm vào bóng tối. Thiều thở dài. Giọng Thiều nghe xa lắc:
- Về cũng vậy, mà không thì… cũng chẳng hại gì. Mai anh đi, thì cũng chỉ như mọi lần đi. Rồi cũng về, chẳng mất mát gì. Có thương anh thì chịu khó cầu nguyện đi. Cho anh nếu rủi có trúng bom trúng đạn thì chết ngay, chứ đừng có mất cái tay, cụt cái chân hay đui con mắt thì khổ lắm…
Vy rùng mình, nhắm mắt lại. Chừng mở mắt ra, Vy thấy Thiều chỉ là một gương mặt nhòe nhoẹt. Chiếc đồng hồ cũ kỹ treo trên đầu cửa của quán nước thong thả buông bảy tiếng. Đêm đã xuống như không chờ đợi. Thiều nói rất nhỏ:
- Vy! Về đi không thôi mẹ lo.
- Anh không về?
- Không.
Vy dụi mắt. Biết không có gì lay chuyển nổi tính gàn bướng của Thiều, Vy đứng dậy. Thiều nói như truyền lệnh:
- Về trước đi! Anh trả tiền rồi ra sau.
- Anh về đâu?
Thiều đáp thật thản nhiên:
- Nhà thằng bạn. Mướn một quyển tiểu thuyết ba xu nằm đọc cho qua đêm rồi sáng mai đi, được há!
Vy buồn bã quay lưng đi ra. Vy đứng thừ người bên chiếc xe gắn máy. Anh em ta đã đến giai đoạn đó sao? Không khác hai kẻ qua đường. Tại sao Vy không được lo lắng cho Thiều, cũng như Thiều không thể nghe Vy kể chuyện về Thoại, về cuộc đời linh động mà Vy đang định dấn thân vào? Bóng đêm vây bủa xung quanh. Vy nghe thần trí đặc quánh lại.
Vy đạp máy. Tiếng máy xe nổ như lời khóc lóc. Vy sắp leo lên yên xe, nhưng Thiều đã ra đến nơi. Thiều bước vội đến, hỏi:
- Anh quên không hỏi một điều… Vy, cánh tay của mẹ… thế nào? đã bớt chưa?
Vy trả lời:
- Mẹ chỉ bị một cái nhọt gì đó, mẹ hay kêu nhức, không sao đâu!
Thiều đứng ngẩn người. Rồi bỗng Thiều nói nhanh, giọng cương quyết:
- Anh sẽ về nhà anh Vĩnh.
- Chi vậy?
- Gặp mẹ, từ giã mẹ… mai đi.
Rồi Thiều bảo Vy đưa tay lái cho Thiều.
Chương 07
Khoảng sân bên dưới giống như một vũng bóng tối. Ngọn đèn lồng treo trước cửa chỉ đủ soi sáng chiếc xích đu có Hà với Thiều ngồi lặng lẽ. Những cành lá của cây Ngọc Lan trở thành những bóng đen che khuất cảnh vật. Hương Ngọc Lan tỏa ngát trong không khí, mùi thơm huyền hoặc. Vy đã đứng lâu bên cửa sổ như thế này, nhìn xuống nền sân rộng. Căn phòng của Vy cũng tràn đầy bóng tối. Vy đã chẳng buồn thắp lên một ngọn đèn. Dường như trong màu đen mênh mông ấy, mọi ý nghĩ của Vy dừng lại. Vy không muốn nghĩ một điều gì nữa. Suốt một ngày, không làm gì nhưng mệt mỏi làm sao! Vy muốn ngủ một giấc. Nghĩ thế, nhưng hai chân Vy vẫn dán cứng một chỗ, mắt vẫn nhìn chăm chăm vào cánh cổng khép hờ bên dưới. Vy hiểu rằng sự im lặng và bóng đêm đang đồng nghĩa với sự chờ đợi. Dưới phòng khách có Đặng và Loan đang chụm đầu bàn tán về mấy xấp hàng mà Đặng mua cho mẹ may mặc trong lễ hỏi, lễ cưới của Đặng. Ở phòng bên cạnh, vợ Vĩnh đang dạy mấy đứa con học. Ngoài sân có Hà và Thiều ngồi im lặng bên nhau. Ở đây có Vy đứng hồ như bức tượng. Vy biết rằng ai cũng đang chờ đợi – chờ đợi tiếng kèn xe của Vĩnh, và sự hiện diện của mẹ. Những cơn giận hờn đang chờ mẹ để tuôn ra, thố lộ, kể lể…
Vy thở dài khe khẽ, sợ bóng đêm cũng nghe được lòng khắc khoải của mình. Vy cũng mong đợi tiếng kèn xe, tiếng cười nói của mẹ. Nhưng còn một sự mong đợi khác, dồn dập hơn, to lớn hơn, là một điều gì sắp xảy ra. Từ sáng đến tối nay là cả một khoảng thời gian dài lê thê cho Vy. Một ngày không có nghĩa lý gì cho sự vui đùa vô tư, nhưng là một đoạn đời đáng kể đối với Vy lúc này. Vy sẽ làm gì đây? Sao vẫn đứng chôn chân ở một chỗ? Sao vẫn ngơ ngác như một đứa bé? Muốn làm một người lớn như Thoại, như Vân Cơ, hãy tự quyết định. Vy bàng hoàng… Từ thuở nhỏ đến nay, việc gì của Vy cũng do mẹ, do anh chị sắp đặt cả. Chọn quần áo, giầy dép, chọn trường học, chọn nơi ăn chốn ở, tất cả đều do người trên quyết định. Vy hoàn toàn là một “đứa bé” của mọi người. Đùng hôm nay, Vy phải là người quyết định cho Vy một chuyện quan trọng: Ở lại tiếp tục cuộc sống của “đứa bé” hay ra đi thoát khỏi gia đình, bắt đầu một cuộc hành trình lớn lao? Vy nhắm mắt lại: vẫn màu đen đằng đẵng ấy, nhưng có Thoại hiện ra, sáng rực như hào quang. Thoại cười rất bao dung… Vy, anh không bắt buộc Vy, bởi lý tưởng phải do người ta tự ý dấn thân vào… Vy giật mình như nghe một tiếng gọi nào tự trong lòng Vy thúc giục. Vy, hãy quyết định! Bỏ cái vỏ tạm bợ mà Vy đang sống trong đó đi! Thoại đang chờ Vy. Các bạn đang chờ Vy - ở căn nhà đó, ở ngả đường mới mẻ đó. Ngày mai… cuộc sống mới đang chờ Vy bắt đầu.
Vy ngả người xuống ghế, ôm lấy mặt. Trời ơi! Tại sao lại gặp Thoại? Ngày mai, nếu không có Vy đi cùng với Thoại, Vy sẽ xa người đó mãi mãi rồi! Vy sẽ chết mất chăng? Vy sẽ đau khổ như người ta vẫn tả nỗi đau khổ trong những quyển tiểu thuyết chăng? Vy sẽ trở thành một cái bóng gầy guộc ôm cái lý tưởng tuyệt vọng mà chờ đến ngày già nua, rồi chờ đến ngày chết phải không? Tại sao tôn thờ Thoại đến thế? Vy có còn yêu mẹ nữa không? Vy có còn thương mến anh chị của Vy như ngày xưa nữa không? Có còn không???
Bóng đêm đang trả lời Vy – sự trống rỗng. Thời gian đang trả lời Vy – tích tắc, tích tắc… Sự chờ đợi sẽ đến bao giờ? Không còn bao lâu nữa đâu Vy. Chỉ đến nửa đêm nay.
Bỗng nhiên Vy nghe như dưới sân có loáng thoáng tiếng người. Giọng của hai người con trai trao đổi với nhau. Vy vùng dậy, chồm người ra cửa sổ. Phía dưới, lờ mờ bóng của Thiều đứng gần cánh cổng. Và kế đó, là Thoại. Vy run lên… Thoại lại đến tìm Vy. Thoại nói gì với anh Thiều? Chết rồi! Vy muốn kêu to cho Thoại nghe thấy. Vy đè tay lên ngực, tự trấn an mình. Thoại khôn ngoan lắm, chắc không nói gì đâu. Chắc anh Thiều sẽ mời Thoại vào nhà, rồi gọi Vy xuống. Nhưng kìa, Thoại đã vội vã quay lưng đi. Cánh cổng được Thiều đóng lại thật mạnh. Rầm!!!... Vy nghe như có một cái gì vỡ toang trong lòng.
Vy vùng chạy nhanh xuống thang lầu, gặp Thiều đang hầm hầm đi lên. Hai anh em đứng lại trước mặt nhau. Thiều nắm chặt cánh tay Vy, quát lớn:
- Vy! Đi đâu?
Vy tức tối:
- Em đi kêu Thoại.
- Không!
- Tại sao vậy? Bạn của em…
- Hừ! Bạn của em? Em làm bạn với thằng đó?
Cơn giận ùa đến làm Vy nóng mặt. Vy nói như thét:
- Sao anh gọi người ta là “thằng”? Anh vô lý vừa vừa thôi. Anh biết gì?
Thiều nắm cánh tay Vy chặt hơn nữa. Vy nghe đau nhói. Thiều nói to:
- Nó là thằng Thoại, anh biết. Nó là bạn học với anh hồi xưa. Nó nguy hiểm lắm, sao em chơi với nó?
- Nhưng anh có quyền gì?
- Quyền làm anh – Thoại giận dữ - Cấm mày chơi với nó. Lên đây anh nói cho nghe, Vy!
Nhưng Vy chỉ muốn chạy theo Thoại. Trước mắt Vy, Thiều trở thành một kẻ đáng ghét, một tên phá đám. Vy tức nghẹn:
- Cả anh… anh cũng như họ. Anh không hiểu gì tôi hết… Anh cũng tàn nhẫn như… họ.
Rồi Vy giật mạnh cánh tay ra khỏi bàn tay Thiều. Mặc Thiều đứng sững giữa cầu thang, Vy chạy nhanh xuống, băng mình qua phòng khách, ra sân. Chốt cổng đã bị Thiều gài lại. Từ trong nhà, vợ Vĩnh, Đặng và Loan chạy ra theo. Vy gào lên:
- Chị bếp! Chị bếp! Chị bếp… mở cửa cho tôi!
Vy nghe tiếng kêu thảng thốt của Hà sau lưng, nhưng Vy không còn biết gì nữa cả. Thiều đã ra đến nơi. Thiều đứng trên thềm nhà, hét lớn:
- Cổng không khóa đâu! Để cho nó đi!
Vy đưa tay lay mạnh chốt cửa. Cánh cổng bật ra. Vy khóc nức lên. Vy muốn chạy theo Thoại. Thoại đã mất hút trong đêm. Vy đứng chết sững khi hai ngọn đèn pha của một chiếc xe hơi quét chóa sáng trước mặt.
Không phải xe của Vĩnh – Vy biết thế khi hai ngọn đèn tắt. Một chiếc xe mang dấu hiệu của bệnh viện. Cánh cửa xe mở ra, một người đàn ông bước xuống, hấp tấp hỏi:
- Bà bác sĩ đâu?
Đám người bên trong chạy ùa ra. Vợ Vĩnh hỏi:
- Bác Lương! Có việc gì thế?
- Ông bác sĩ bảo mời bà lên gấp.
- Lên đâu?
- Tới bệnh viện. Ông đang chờ bà và cô Vy.
Vợ Vĩnh bàng hoàng:
- Việc gì thế? Hôm nay đâu phải phiên trực của nhà tôi trên đó!
Người đàn ông nói:
- Nhưng… có cả bà cụ nữa. Hồi mười hai giờ trưa ông bác sĩ đưa bà cụ đến bệnh viện, quay điện thoại về nhà nhưng không liên lạc được. Ông đưa bà cụ vào phòng khám bệnh, gặp các bác sĩ cùng hội chẩn, ông dặn tôi kêu điện thoại dùm để gọi bà đến. Nhưng suốt cả buổi chiều tôi gọi mãi không được. Điện thoại hư phải không ạ?
Vợ Vĩnh đứng sững, đôi mắt lộ vẻ bối rối. Đặng hỏi gấp:
- Nhưng có việc gì? Sao anh Vĩnh không về?
- Ông không về được, vì sau khi khám cho bà cụ, ông phải họp lại với các bác sĩ khác, rồi chụp hình, rồi làm đủ mọi chuyện cho bà cụ. Xong xuôi ông lại kêu điện thoại về, nhưng thấy không được ông mới bảo tôi đem xe về rước bà và cô Vy lên trên ấy.
Vy òa lên:
- Nhưng có việc gì? Mẹ cháu làm sao? Hở bác Lương?
Người chị dâu nắm lấy cánh tay Vy, run lẩy bẩy như chờ đợi một việc gì ghê gớm sắp xảy ra. Phía sau, bốn người kia cũng sắp chết điếng. Bác Lương nói:
- Cánh tay bị ung thư của bà cụ… sắp phải cắt bỏ, vì chần chờ sẽ nguy đến tính mạng. Có lẽ ngay bây giờ…. Bác sĩ đang đợi ở bệnh viện.
Có nhiều tiếng rú cùng vỡ ra một lúc. Cơn động đất to lớn nhất đời người đã xảy ra!
Chương 08
Thoại đắp thêm cho Vy một tấm áo. Sương xuống đầy trời, đầy cả mặt sông. Trong khoang thuyền, những người trẻ tuổi đang bắt đầu tiếng đàn, và hát với nhau, hát cho nhau nghe. Đêm đang cất tiếng ngọt ngào với sông rộng. Tiếng sóng nước dập dềnh vỗ vào thuyền nghe như lời thơ. Ngày mai, khi mặt trời ló ra khỏi chân mây, Vy sẽ thấy cửa biển. Biển rộng rãi. Biển mênh mông! Cuộc sống mới sẽ bắt đầu…
Mặt trời đã lên! Nắng nhấp nháy trên những nụ hoa Ti-gôn hồng thắm, trên những lá hình tim leo đầy bức tường ngoài cửa sổ. Một gương mặt cúi xuống. Một đôi mắt như hai trũng đen mênh mông. Chiếc áo đắp trên người rơi xuống nệm ghế khi Vy ngồi thẳng dậy. Chiếc áo của Thiều! Thiều đang nhìn ra ngoài khoảng hoa tim vỡ buồn bã đó. Cạnh bên Thiều, Đặng ngồi thừ nhìn hờ hững vào một tờ báo. Loan đang uể oải gỡ mái tóc rối. Còn đôi mắt mênh mông của Hà bây giờ đã muốn rời rã. Vy ngơ ngác nhìn vào đôi mắt đó, tự nhiên rùng mình. Phải đôi mắt của mẹ không? Một đôi mắt chứa chan những điều buồn. Trong hai trũng đen đó, thời thơ ấu hiện ra, nhẫn nhục, đau khổ, hiu quạnh. Đôi mắt không muốn nói điều gì, nhưng buồn hơn cả một bến sông về chiều – bến sông đen đúa của mẹ - bến sông mưa bụi của chị Hà… Nỗi khổ cực, nhọc nhằn của mẹ có một mình chị Hà gánh vác nhiều nhất, rồi cũng chính chị cam lòng chấp nhận làm một ngón tay dư thừa tật nguyền. Vy bật khóc. Chị Hà ơi! Không có ngón tay nào hơn ngón tay nào cả. Bởi vì khi cánh tay đã mất, thì ngón dài ngón ngắn cũng không còn!...
Tiếng khóc của Vy làm cho Thiều quay lại, Đặng buông tờ báo, Loan ngừng tay gỡ tóc và đôi mắt của Hà long lanh. Mọi người đều nhìn Vy. Những gương mặt mệt mỏi, những quầng mắt đen sau một đêm thức đợi…, vì tiếng khóc, đã như có hồn trở lại. Loan ôm mặt, nói:
- Vy, đừng khóc em!
Nhưng nước mắt của Loan cũng đang tuôn chảy ràn rụa. Loan khóc sụt sùi khiến Đặng cũng không yên, đứng dậy đi qua đi lại trong căn phòng đợi. Anh em ta đã trải qua hơn mười tiếng đồng hồ ở đây. Thời gian nặng nề khủng khiếp! Thời gian để chầu chực nhà người, đưa đón bạn quý, sao qua nhanh thế? Thời gian để chờ đợi một biến cố cho mẹ, cho một đàn con, thì trôi dần dần như một sợi dây siết vào cổ. Ghê gớm! Giờ này có lẽ học trò của Đặng đã ngồi vào chỗ, đợi thầy đến. Giờ này có lẽ Thoa đang sửa soạn cho bữa trưa nay đi ăn với Đặng. Thầy sẽ không đến dạy. Tôi sẽ không đi ăn. Thời gian chẳng là nghĩa lý gì nữa. Danh vọng, sự nghiệp không phải là những thứ cần thiết nữa. Tôi đã hiểu rằng từ hôm nay mẹ tôi không còn vui thú gì để mặc những chiếc áo may bằng hàng gấm hoa hòe của tôi mua cho người!
- Loan ơi đừng khóc nữa! Vy ơi đừng khóc nữa!
Đến lượt Hà nói như vậy rồi Hà cũng ôm mặt thổn thức. Sự chờ đợi đã đến tận cùng của nó. Không ai quên được thuở bé mỗi lần muốn đi xi-nê, là phải xin từ sáng sớm, theo mẹ mà năn nỉ, mà mè nheo. Mẹ móc túi mãi không ra tiền. Chờ đợi! Mắt trẻ thơ chờ đợi đến mỏi, rồi biến thành mấy hòn bi ướt nhòe. Thế là mẹ phải “đi sang hàng xóm một chút”, khi về đưa cho con một trăm. Ba chục đồng một vé, một xuất hai phim. Nỗi vui mừng òa ra như vỡ chợ. Mấy chị em tiếc hùi hụi vì vào trễ không được xem hình cái đầu người hút thuốc bị gạch chéo chữ “X”. Chờ đợi!.. Hết “chiếu thử” sẽ đến “chiếu thật”. Khi vào phim “chiếu thật”, trẻ con vỗ tay reo như xem hội.
Loan đã trải qua nhiều sự mong chờ. Mong chờ được lớn lên, được đi học trường công, được thi đậu vào đại học, được sống tự do với bạn bè. Mong chờ được có một người bạn trai trí thức, giàu có, hào hoa, đưa đón mình đi về, dạo chơi khắp những đường thơ mộng. Sự chờ đợi bây giờ biến ra bọt bong bóng. Bởi vì ước mơ sẽ thành, nhưng Loan đã thấy rằng nó vô nghĩa lắm. Ngày xưa, bằng một gánh hàng đen đúa, mẹ nuôi được bầy con. Mai sau, với một nhà thuốc tây trang trọng, chưa chắc Loan đã nuôi được mẹ!
Vy nhặt chiếc áo lên, nhìn vào đó, nước mắt rơi trên áo dầy cộm, không loang ra được, mà thành một vết tròn đậm. Kỷ niệm đã đọng lại. Thương yêu cũng trở về. Vy đưa chiếc áo cho Thiều, nhìn Thiều mặc vào và thảng thốt nhận ra rằng chốc nữa đây, hình hài đó rồi cũng tiếp tục đi xa… Kỷ niệm lớn lao quá, anh không còn chỗ để mà chọn lựa… Đến ngày mẹ trăm tuổi, anh chỉ xin mẹ để lại cho anh một lòng tha thứ. Anh Thiều ơi! Vy đã hiểu anh rồi! Hiểu rằng một đứa con, dù nên dù hư, dù khổ cực hay sung sướng, cũng có một góc trong tâm hồn dành để thương yêu cha mẹ của nó.
Vợ Vĩnh xuất hiện ở cuối hành lang, thất thểu bước tới. Đêm thức trắng chập chờn cũng in đậm nét trên mắt, trên trán. Người chị dâu đứng lại trước phòng đợi, nhìn một lượt quanh mọi người, lòng se lại bởi những tiếng khóc, môi thốt ra những lời mệt mỏi:
- Các chú, các cô đi với chị. Anh Vĩnh gọi tất cả chúng ta.
Một luồng khí lạnh vô tình làm mọi người đứng hết dậy. Những tiếng khóc im bặt. Sáu người đi trong hành lang vắng thoang thoảng mùi ê-te. Đến cuối đường, người thiếu phụ mở nhẹ một cánh cửa. Bên trong, Vĩnh đang đứng sững trước những dãy chai lọ đầy ắp trong các tủ kính. Vĩnh nghe tiếng động, quay lại. Một ngày không gặp mặt, trước mắt Vy, Vĩnh trông xa lạ như một người đi đã lâu năm mới về.
Mẹ ở đâu? Vy muốn hỏi như vậy. Đặng, Hà, Loan, Thiều cũng muốn hỏi như vậy. Nhưng Vĩnh im lìm như một cái bóng. Sau cặp kính trắng, đôi mắt Vĩnh như sâu xuống, tràn đầy băng tuyết. Vĩnh nói lạnh ngắt như người đã mất hết cảm xúc:
- Các em hãy đến đây… Từ ngày anh ra trường, đến nay đã được năm năm, anh chưa bao giờ tự tay chích cho mẹ một mũi thuốc. Hôm nay anh đã làm một việc vĩ đại, một việc… đau đớn cho anh và cho các em biết bao nhiêu! Anh đã đền ơn cho mẹ…
Vĩnh run run nâng một chiếc lọ lớn bằng thủy tinh để trước mặt, nói tiếp:
- Anh đã đền ơn cho mẹ… bằng việc cắt bỏ cái cánh tay mà mẹ đã ôm ấp anh em ta bao nhiêu năm cực khổ. Đây này, cái cánh tay đầy máu mủ ung thối hành hạ mẹ bao nhiêu lâu, đến nay không còn cứu vãn được nữa. Các em có biết tại sao mẹ phải chịu tai họa này không? Đặng, Hà, Loan, Thiều, Vy! Các em chắc không quên. Chỉ có chị dâu của các em là không biết… Vì mẹ chúng ta làm nghề thợ nhuộm!... Cái chất thuốc nhuộm… là mầm mống của sự ung thối cánh tay của mẹ…
Những đôi môi bị cắn đến bật máu. Tiếng khóc không cất lên được. Ai cũng đã nhìn thấy, trong chiếc lọ thủy tinh, cánh tay mẹ được ngâm trong một chất lỏng trong suốt. Ai cũng muốn chạy đến, nhưng hồ như chân đã bị chôn xuống đất. Đôi mắt của Vĩnh không còn là hai vũng lạnh nữa. Băng tuyết tan ra, thành nước mắt chảy rào rạt xuống má. Lần đầu tiên người anh cả khóc như trẻ thơ.
- Anh đã nặn sạch những máu mủ bên trong cánh tay. Bây giờ xem như nó đã là một vật vô giác rồi. Đừng tiếc rẻ nó, mà hãy nhìn về mẹ. Anh sẽ để dành cánh tay này, khi mẹ trăm tuổi chúng ta chôn nó theo với mẹ. Lại đây đi các em, lại đây nhìn cho kỹ một lần, rồi anh phải giấu kín. Đừng ai cho mẹ biết rằng anh giữ lại cánh tay mẹ. Hãy để cho mẹ sống với chúng ta vài chục năm nữa. Bằng không, mẹ sẽ chết vì sự đau khổ này…
Chương 09 (hết)
Vy về lại căn nhà cũ ở Giồng Ông Tố, với mẹ. Đời sống tiếp tục như dòng nước. Không có gì bắt đầu. Không có gì kết thúc. Buổi sáng nhìn mặt trời lên, lấp lánh trên ngọn cây xoài, cây vú sữa. Buổi tối nhìn đêm trải dài khắp cả khu vườn. Đi học qua phà Thủ Thiêm, vào thành phố, rồi trở về nhà sau buổi học. Không cần sắp xếp lại gì nữa. Đời sống đã gọn gàng như thế. Một đứa con gái – một đứa bé chưa dứt ly sữa – đã cảm thấy không cần gì hơn thế.
Nhưng trưa nay, sau bữa cơm, vú Sáu lén đưa cho Vy một bức thư, nói rằng của chị bếp đem đến lúc sáng. Bảo là một bức thư thì không đúng – một mảnh giấy thì đúng hơn. Một mảnh giấy lịch gấp làm tư, bên trong có nét chữ của Thoại. Chỉ vỏn vẹn có mấy câu: “Chúng anh đã đến nơi. Nhớ Vy. Thương Vy. Sẽ không còn thấy lại”. Ai đã mang đến nhà anh Vĩnh mảnh giấy này? Vân Cơ? Hay một người bạn nào của Thoại? Sẽ không còn thấy lại… Đúng rồi! Chúng ta đã không thấy lại nhau từ ngày hôm đó, sau hai tiếng “vĩnh biệt” của Thoại, sau ánh mắt huyền hoặc vô vàn đó, hay sau lúc Thoại quay lưng đi vội vã khỏi cổng nhà? Vĩnh biệt! Sẽ không còn thấy lại! Vy nghe lòng mình chùng xuống. Vy cảm thấy thương mình hơn bao giờ.
Vú Sáu già nua, đợi Vy đọc xong tờ giấy, run run hỏi:
- Cô Vy! Giấy nói gì vậy?
Vy nhìn lại, ngơ ngác. Vú Sáu hỏi giống như chị bếp đã hỏi Vy mỗi lần chị muốn biết chuyện riêng của Vy. Nhưng Vy bật cười, tự nghĩ vú Sáu đã quá già, gần đất xa trời, chứ đâu còn phải là một cô gái quá tuổi mộng mơ như chị bếp. Nên Vy kéo vú Sáu ngồi xuống bên mình, trên thềm nhà, nói đùa:
- Giấy gửi cho vú Sáu.
Rồi Vy cười ngặt nghẽo. Vy muốn cười cho quên Thoại, cho quên những lời trong thư… Sẽ không còn thấy lại… Nhớ Vy… Thương Vy…
Nhưng vú Sáu đang hấp háy đôi mắt đã sắp lòa, giọng như thật:
- Thế à? Nói gì? Nói gì? Cô đọc cho vú nghe đi!
Vy mở mảnh giấy ra, đọc:
- Vú nghe nhé! Anh vẫn bình yên. Nhớ mình. Thương mình.
Rồi Vy cười muốn chảy nước mắt. Vú Sáu bỗng dưng nắm chặt cánh tay Vy, hỏi dồn:
- Vy! Vy! Cô không giỡn chứ? Cô không gạt vú chứ?
Vy ngơ ngẩn:
- Vú nói gì vậy? Thư của con, mà vú cũng tin là của vú? Vú già rồi, ai mà gửi cho vú?
Vú Sáu buông tay Vy ra, thẩn thờ. Đôi mắt già chớp nhanh, hai màng trắng mịt mờ như muốn kéo phủ đôi tròng. Vú Sáu lắc đầu:
- Vú lẩm cẩm rồi, cô Vy. Vú hay “nói liệu” nữa, đừng có nói đùa với vú. Tại sao cô Vy đùa những lời thư… giống như thật vậy, vú cứ tưởng là…
- Tưởng là lá thư ngày xưa “ai đó” đã gửi cho vú phải không?
- Tầm bậy nào! Vú có chồng con gì đâu mà thư với từ. Thư bảo gửi cho vú, là bởi mẹ cô đi làm cả ngày, chứ viết là viết cho mẹ cô và các anh chị cô đó chứ.
- Vú nói gì?
Vú Sáu hấp háy đôi mắt, run run đôi môi khô héo. Vy tưởng con người kiệt quệ này chỉ sống để chờ ngày xuống mộ, không ngờ rằng hôm nay đang gom góp ký ức để kể lại bằng giọng bồi hồi:
- Mỗi lần ba cô viết thư về, phải dặn là đưa cho vú Sáu, tại vì mẹ cô gánh hàng đi cả ngày. Vú nhớ… vú không biết chữ, nên chờ mẹ cô về, bà đọc cho cả nhà nghe. Lời lẽ cũng giống như lời cô nói đùa với vú ban nãy. Tội nghiệp! Ông ấy lúc nào cũng bảo: “Anh vẫn bình yên, nhớ mình, thương mình. Ráng nuôi con.”
Vú Sáu cúi xuống vén tay áo lau giọt lệ khô khan nhỏ trên má hóp. Vy ngơ ngác:
- Con chẳng hiểu gì cả, vú Sáu ơi!
- Cô Vy mà hiểu gì, vì cái ngày mà bà báo tin cho vú: “vú Sáu ơi, tôi đã có mang rồi” là ngày ông bị đày ra đảo. Còn cái ngày mà bà sanh cô ra thì…
- Thì sao hả vú?
- Thì người ta báo tin là ông đã mắc bệnh thương hàn mà chết ngoài đảo rồi.
Vú Sáu nức lên khóc. Giọng người già khóc nghe lạnh lẽo như tiếng than vọng lên từ một vực thẳm, hay giống như tiếng gió loạn đập vào vách núi, âm vang rền rỉ. Vy lạnh hết cả mình, giương đôi mắt cứng như đá nhìn vú Sáu, lạ lùng.
Vú Sáu khóc chán, tỉ tê:
- Bà không bao giờ kể cho cô nghe là phải. Vì mỗi lần nhắc lại, bà với vú ôm nhau mà khóc, tưởng có thể chết được theo ông.
Vy ôm lấy bàn tay của vú Sáu, ấp lên mặt mình năm ngón tay xương xẩu đã quen thuộc từng cái son, từng cái bát, từng cọng chiếu, từng xác lá của nhà mình suốt cả đời. Vy nói như nói với mẹ:
- Con hiểu rồi!
- Có gì đâu mà không hiểu, phải không cô Vy? Lạy Trời! Chuyện mười mấy năm qua rồi mà vú cứ tưởng như còn trước mắt. Cô được bao nhiêu tuổi là ngày giỗ ông được bao nhiêu lần. Cái căn nhà này, cũng như vú, từng chứng kiến trăm chuyện đau buồn. Bà cực khổ từ ngày ông bị bắt, buôn bán tảo tần, làm thuê làm mướn, thế mà cũng nuôi được các cô các cậu thành ông này bà nọ. Bây giờ thấy hơi thư thả rồi, thì phải chịu một đại nạn. Trời ơi! Già đến bấy nhiêu tuổi… mà cay nghiệt … vẫn… không tha…
Vy nhắm nghiền mắt lại. Giọng vú Sáu kể lể nghe như mưa đổ. Mưa đã đổ xuống đời người. Cay nghiệt vẫn không tha. Vy mở mắt. Mưa vẫn sụt sùi bên tai. Nhưng dưới bóng cây trong vườn, nắng nhảy nhót xung quanh. Vy thở dài, nói với vú Sáu:
- Thôi, vú Sáu vào nghỉ đi. Trưa hanh nắng, vú ngồi đây đau đầu lắm.
Vú Sáu lau nước mắt, lần mò đi vào trong.
Vy đứng dậy, bước xuống thềm nhà. Trong vườn, bỗng nghe có tiếng chim. Lời chim hót như mừng có người trở lại. Ta đã có lúc muốn rời xa nơi này. Buổi chiều, gió mát, dòng sông, tiếng võng đưa… những thứ đó có làm ta ủy mị? Không biết! Đầu óc ta khô cạn ý nghĩ. Ta phải mắc võng lên, giữa hai thân cây xoài và vú sữa này, nằm lên đó, họa may mới nhận ra rằng ta đã khác ta chưa.
Vy giăng võng giữa hai thân cây to lớn, toan nằm lên, chợt nhìn thấy trong góc vườn, trên đống vật dụng phế thải, một vật gì là lạ. Hôm đưa mẹ về lại căn nhà đầy kỷ niệm mà mẹ quyết không rời, anh Vĩnh, anh Đặng và chị Loan đã dọn dẹp căn nhà, sửa soạn lại tất cả cho mẹ, và những vật dụng cũ được dồn đống ra đây. Vy bước tới, cầm vật lạ lên tay. Không còn là vật lạ nữa, mà là một dấu tích quen thuộc của mẹ, của Vy, của anh Vĩnh, anh Đặng, anh Thiều, của chị Hà, chị Loan: “cái lung tung”! Giống như một cái trống nhỏ, bằng cái bát, hai mặt trống làm bằng da, có tay cầm bằng gỗ, bên hông buộc một sợi dây - đầu dây gắn một cục chì. Những người thợ nhuộm thường mang theo để lắc thay cho tiếng rao của mình – “lung tung… lung tung… lung tung”…
Kỷ niệm vùn vụt trở về, ngùn ngụt cháy như lửa đỏ, rào rạt như nước lũ, đau đớn như vết dao cắt. “Cái lung tung”, vết tích của một quá khứ bi hài của mẹ, của anh em Vy đây mà! Vy phủi những tơ nhện bụi bặm chung quanh, nhìn thật kỹ vào đó. Nước mắt chỉ đợi bây giờ rơi xuống mặt da, nghe như trống đánh bãi bàng - Lung tung… lung tung… lung tung…. Đời mẹ bi hài đến thế! Oan nghiệt đến già vẫn không tha. Hãy để cho mẹ sống với anh em ta vài năm nữa. Bằng không, mẹ sẽ chết mất. Thế mà, có một điều bi hài hơn nữa, khủng khiếp hơn cả sự cắt bỏ cánh tay ung thối của mẹ nữa. Đó là việc một đứa con gái – một đứa bé chưa dứt ly sữa – muốn bỏ mẹ mà đi! Đúng như lời của Thiều, ngay sáng hôm đó bước chân ra khỏi thềm bệnh viện, Thiều nói với em nhưng như nói với chính mình: “Cái cánh tay ung thối của mẹ, cắt bỏ đi là hết. Nhưng cái ung nhọt trong mỗi anh em mình, trong mỗi đứa con của mẹ, biết bao giờ mới hết?”
Anh Thiều ơi! Em đã thấy rồi! Em đã hiểu anh rồi! Càng hiểu, càng thương anh hơn nữa. Đứa con nào, dù nên dù hư, dù đói khổ hay sung sướng, cũng có một góc trong tâm hồn dành để yêu thương cha mẹ của nó. Xa Thoại, Vy tưởng Vy sẽ chết. Nhưng không. Chỉ có sự mất mát cánh tay của mẹ, chỉ có sự ung thối trong tâm hồn mới làm cho Vy đau nhức suốt cả đời. Đây này, “cái lung tung”! Nó làm cho Vy thấm thía lời nói của Thiều trước khi ra lại vùng hành quân: “Vy hãy nhớ nhé, ngày xưa ba làm cách mạng, ba đã đánh đổi một đời, đánh đổi lấy tự do, dân chủ cho dân tộc. Còn một đứa bé con như Vy, theo thiên hạ làm chính trị, chỉ để lót đường”.
Hai mắt Vy đã khô lệ. Vy nằm lên chiếc võng. Nghe thương tiếng võng đưa kẽo kẹt như thương ba, thương mẹ, thương anh chị mình, như thương chính những ngày thơ ấu của mình. Vy nhắm mắt lại. Kẽo kẹt… Kẽo kẹt…
Buổi chiều, gió mát, dòng sông, tiếng võng đưa! Nó làm nước mắt ta muốn rơi, làm nỗi sầu ta muốn rụng. Ta đã về nằm dưới cây xoài, dưới cây vú sữa, trong khu vườn đầy tiếng chim kêu, đầy những kỷ niệm.
Nắng đổ xung quanh. Có lúc ta đi tìm hạnh phúc, tưởng ở trên ngọn lá, giờ mới biết ở ngay dưới tàn cây.
Chừng mở mắt ra, Vy đã thấy mẹ đứng ở đầu võng, đưa nhè nhẹ.
THE END