* Tác giả: THỤY Ý
* Nhà xuất bản Tuổi Hoa
* Nguồn : NGUYỄN TUẤN sưu tầm, scan và KIM đánh máy
(nguồn gốc Tủ sách Tuổi Hoa Hạt Nắng )
Chương 01
NHẬT KÝ CỦA NGUYỄN THỊ DUY AN
Ngày … tháng … năm …
“ 1 giờ trưa.
“ Vậy là anh Chính bị tống giam thật sự. Đơn xin tại ngoại của anh bị bác. Chử ký của ông dự thẩm đã đưa anh từ cuộc đời tự do vào khám lạnh.
“Mình và má đi đón anh, hy vọng anh sẽ được tại ngoại, sống với gia đình chờ ngày hầu tòa … Ai ngờ. Má khóc quá làm mình cố dằn mà nước mắt vẫn trào.
“ Tự dưng mình thấy ghét ông dự thẩm lạ lùng. Sao ông ta ác thế không biết? Ông ta lấy cớ anh Chính là đầu não của một “băng” du đãng nên không thể cho tại ngoại được, như vậy phải thả hết tòng phạm, không được. Kể ra mình đau lòng vì anh bị tù tội khổ sở, nhưng xét cho cùng thì anh có tội phải để luật pháp trừng trị chứ. Công nhận là anh mình làm quấy nhiều …Chỉ tội cho má nghe anh Chính bị tống giam má muốn xỉu luôn…
“Bây giờ má hối đi làm đơn thăm nuôi nữa đây. Không biết có dễ dàng không nhỉ? Mình ngán mấy vụ đến tòa án quá, mà không đi thì nhà còn ai… Thôi kệ, mình vô tội không lẽ người ta bắt giam?
“12 giờ đêm…
“Mệt mỏi quá mà sao không ngủ được nhỉ? Triệu chứng khó ngủ làm mình lo ngại. Sợ nhất là thức để nghe từng tiếng đêm qua hồn.
“Suốt buổi chiều đi lo đơn xin thăm nuôi cho anh Chính. Ông già ngồi bên ngoài phòng dự thẩm cũng khá tử tế, nhờ thế mà có đơn ngay.
“Thôi thế cho má yên tâm. Đơn thăm thứ ba, nuôi thứ sáu. Vậy là mỗi tuần anh Chính gặp gia đình một lần, và nhận quà hai lần cũng tạm đủ.
“Bài Vạn Vật ngày mai chưa học nữa. Đi ban A mà làm biếng học bài có hy vọng làm cô tú... trượt. Đỡ cái là mình học mau thuộc.
“Hình như có tiếng ho của má. Tội nghiệp, má lo nghĩ quá nhiều, nhất là từ ngày anh Chính bị bắt. Trước má cũng than thở hoài vì sự hư hỏng của anh, nhưng còn đỡ hơn bây giờ. Má nói một câu nghe đứt ruột: “ Con không có cha như nhà không có nóc. Ba bây mất rồi tao dạy tụi bây không nổi”.
“Thôi cố dỗ giấc ngủ chứ. Không có sáng mai vào lớp cứ gật lên gật xuống không giống ai hết thì mệt …”
Ngày … tháng …. Năm …
“10 giờ sáng.
“Vừa giúp má làm món thịt chà bông để bới cho anh Chính. Gần hai lon Guigoz đầy. Má chăm chỉ xé từng sớ thịt, sợ mình cho nhiều nước mắm sẽ mặn … Tình mẹ thương con không thể nào lường được.
“Chiều nay mình sẽ đưa má vào thăm anh. Đơn thăm nuôi do mình đứng tên và dán ảnh mình, nhưng hy vọng xin cho má cùng vô được.
“Chưa đi thăm “tù” lần nào. Cũng ngài ngại gì đâu… Không biết người ta đối xử với mình ra sao? Và đối xử với anh mình ra sao?
“2 giờ chiều.
“Má vừa đi chợ về. Một giỏ đầy trái cây và đồ hộp. Điệu này hai mẹ con xách nhừ tay. Má nói phải bới nhiều cho anh đủ ăn trong ba ngày, “nó đã gầy ốm sẵn, thiếu ăn nữa làm sao nó sống”. Má nói như vậy.Thôi kệ, để bà cụ lo cho vừa ý. Má còn nhớ món bánh gai “ruột” của anh Chính nữa, mua một lần luôn hai chục.
“Cha, đi thăm anh mình không biết phải mặc áo dài màu gì nhỉ? Hay mặc patte-tunique? À, mà người ta ở tù, mình không nên phô trương sự sung sướng của tự do quá, chắc anh ấy tủi, thôi mặc áo dài trắng đi học thường cho xong.”
***
Chiếc taxi dừng trước cửa khám Chí Hòa, được gọi bằng một danh từ dịu dàng hơn là “Trung Tâm Cải Huấn Chí Hòa”. An trả tiền, xách giỏ xuống theo mẹ. Hai mẹ con xách hai giỏ đầy thức ăn. Những người bán hàng hai bên đường lên tiếng mời mua quà cho tù nhân, thấy giỏ thức ăn đầy lại thôi.
An cầm đơn. Qua trạm gác đầu dễ dàng. Chiều nắng không gắt lắm. Một chút hồi hộp len trong lòng cô bé. An cảm thấy lo lo… có lẽ vì lần đầu tiên đi vào thế giới tội phạm. Bà Thục cũng không hơn gì. Bà run giọng hỏi con gái:
- Không biết thằng Chính nó ra sao? Má lo quá An à.
- Lát nữa gặp ảnh rồi, má phải bình tĩnh mới được. Đừng có khóc lóc làm ảnh tủi thân. Bây giờ mình phải an ủi ảnh nhiều.
Nói với mẹ để tự trấn an mình, nhưng An không hiểu khi gặp anh nàng sẽ như thế nào? Phải nói những gì bây giờ? Thường ngày ở nhà, hai anh em ít khi trò chuyện với nhau. An lo học hành lủi thủi trong nhà với mẹ trong khi Chính lêu lổng nhập bè nhập bạn ăn chơi. Chính chỉ gặp em khi nào nhờ cô bé giặt ủi vài bộ đồ, hay bộ đồ, hay cần tí tiền còm đưa bạn gái đi ciné. An thương anh, tiền dành dụm được đôi khi đưa hết cho Chính để rồi không bao giờ nhận lại.
An tự nhủ mình sẽ phải nói nhiều, thật nhiều với anh. Nói cho Chính hiểu nỗi khổ tâm của mẹ, nỗi lo sợ của em…Đây có lẽ là dịp duy nhất để Chính nghe mà không bĩu môi quay đi, lấy Honda vọt nhanh ra cổng.
Chung quanh bà Thục và An, những người đàn ông, đàn bà, già trẻ cũng tay mang tay xách đi thăm thân nhân. Mẹ con An theo lớp người đến khu nhận đơn thăm nuôi. An đưa cho người đàn ông đứng bên chiếc bàn gỗ. Anh ta cầm đơn, liếc sơ qua rồi bảo nàng:
- Cô để giỏ đồ ăn cho người ta khám đã.
- Thưa vâng.
Nàng nhấc giỏ trên tay mẹ cho hai người đàn ông kế đó. Người ta lấy từ món đồ trong giỏ, mở ra coi, thọc đũa vào lon guigoz đựng thịt chà bông và xẻ đôi mấy ổ bánh mì trước cặp mắt ngơ ngác của Ân. Cô bé rụt rè:
- Ông… làm vậy để chi hở ông?
Anh ta vui vẻ giải thích:
- Đề phòng gửi vũ khí, dao nhọn hay bất cứ vật gì phạm nhân có thể dùng để tự sát, vượt ngục. Cũng có thể là ma túy được đưa vào theo lối này cô ạ.
- Nhưng … trong lon thịt thì được, chứ một ổ bánh mì nguyên vẹn như thế kia làm sao mà bỏ gì vào đấy được
- Cô ngây thơ lắm. Người ta có thể đặt một ổ bánh mì “đặc biệt”, cho những vật muốn gởi vào rồi mới lên khuôn nướng thì sao? Cô không biết chứ, chuyện gì người ta còn dám làm nữa là.
An thôi không hỏi. Nàng chợt nhớ đến những câu chuyện vượt ngục ly kỳ dưới nhiều hình thức táo bạo đăng trên báo hay trong những tiểu thuyết gián điệp, chiến tranh… Nhưng đó chỉ là những thí dụ quá xa vời đối với nàng… bây giờ mới là thực tế. Thực tế cũng có khám lạnh, có những người tù và… có lẽ họ cũng rất muốn vượt ngục.
- Cô Nguyễn thị Duy An.
Tiếng kêu của người đàn ông làm An giật mình. Nàng chưa biết nói sao anh ta đã hỏi:
- Phải cô là Nguyễn thị Duy An?
- Dạ vâng.
- Cô đi thăm phạm nhân Nguyễn Duy Chính?
- Anh Chính là gì của cô?
An hơi bực mình. Sao anh ta kém thông minh thế nhỉ? Trong đơn thăm nuôi nàng đã ghi rõ là em gái, và chỉ cần đọc họ và chữ lót trong hai cái tên cũng thừa biết, thế mà anh ta lại hỏi… nhưng ở đây không phải là nơi cho nàng cãi lý. An đành trả lời:
- Tôi là em.
- Em ruột?
- Vâng.
- Cô cho thẻ căn cước.
An mở ví lấy căn cước, dằn hơi mạnh vào tay anh ta. Anh ta không để ý đến cử chỉ bực bội của cô gái, thản nhiên cầm lấy, ghi vào cuốn sổ. Tờ đơn được chuyển cho người khác cầm vô trong.
- Thưa ông má tôi cùng vào được không ạ?
- Ai đứng tên trong đơn mới được vô. Bà cụ cảm phiền ở đây chờ chứ không vô được.
- Ông làm ơn giúp cách nào cho má tôi vô được không ông? Bà cụ nóng lòng thăm anh tôi quá… hay là má tôi vô thay tôi hở ông?
- Tôi rất tiếc là không được.
An nhìn mẹ:
- Làm sao bây giờ má?
Bà Thục mếu máo:
- Con nói với người ta thử lần nữa coi. Má đi đến đây mà không thăm được nó làm sao mà yên tâm đi về.
An ngước nhìn lên người đàn ông, khẩn khoản:
- Ông cố gắng giúp dùm má tôi lần này… cho bà cụ yên trí chút đi ông. Tôi xin lỗi là không rõ thể thức làm đơn thăm nuôi nên ghi tên tôi vào… thật ra sự có mặt của má tôi cần hơn.
Dường như cảm động vì những lời chí tình của cô gái, người đàn ông ra chiều suy nghĩ rồi gật gù:
- Thôi được, tôi thông cảm để cho bà cụ vô lần nầy.
Bà Thục rối rít:
- Cám ơn chú. Có chú giúp mẹ con tôi đỡ quá.
An không nói gì, nắm tay mẹ theo người hướng dẫn qua cánh cửa sắt nặng nề. Những tù nhân mang bảng tên và số đính bài trên ngực áo lăng xăng khiêng những giỏ càng xế đựng quà cáp của thân nhân phạm nhân vào tận nơi thăm nuôi. An và bà Thục được chỉ ngồi trên một chiếc băng dài cạnh cái bàn đá. Lại gọi tên thân nhân để kiểm soát đơn. An nhăn mặt vì những thủ tục lỉnh kỉnh đó nhưng không làm sao hơn.
An nhìn thấy sự nóng nảy trên ánh mắt bà Thục. Nàng nói nhỏ với mẹ:
-Anh Hai sắp ra rồi đó. Má liệu mà an ủi ảnh nhen.
Bà Thục khẽ gật đầu. Người đàn bà ngồi cạnh An hỏi:
- Cháu thăm ai trong này?
- Dạ, anh cháu.
Bà nhìn sang bà Thục:
- Bà đây là mẹ?
- Vâng, mẹ cháu.
Người đàn bà thở dài:
- Cơ khổ. Con cái có nước hành cha hành mẹ không ai bằng. Thằng con bác cũng thế. Khổ với nó cả mấy tháng nay.
- Anh ấy …sao mà bị tù hả bác?
- Nó mua xe, mua trúng xe gian của người ta sao đó, rồi tụi kia bị bắt, khai luôn nó.
- Xui quá, đã mất tiền lại còn bị tù bác nhỉ.
Người đàn bà phân trần:
- Nó đã bị giam gần hai tháng rồi đó cô. Tôi cứ phải tuần hai lần đi nuôi…nghĩ thương con, dù gì cũng không nỡ la rầy nó. Mà đâu chỉ có thăm nuôi không, còn cả trăm thứ, luật sư luật siếc nữa chứ.
- Dạ bác nghĩ cũng phải. Có ai muốn bị tù tội đâu.
Bà nhìn An, hỏi lại:
- Còn anh cô bị tội gì vậy?
Tự dưng An nói dối:
- Anh cháu bị nghi ngờ về… chính trị sao đó.
Nàng thấy nói tội “chính trị” có vẻ...tư cách hơn là tội du đãng. Người đàn bà ra vẻ hiểu biết:
- Ờ, mấy cậu học sinh, sinh viên bây giờ toàn vậy không. Học hành không lo cứ lo biểu tình xuống đường… mà coi chừng, mấy cái tội đó nặng chứ không phải chơi đâu.
Trót phóng lao phải theo lao, An nói cho qua chuyện:
- Gia đình cháu cũng đang cố lo cho ảnh.
- Gần xử chưa?
- Dạ chưa. Anh cháu mới bị giam mấy ngày.
- Chà, còn lâu lắm.
Hai người ngừng câu chuyện vì phạm nhân bắt đầu ra. Người đàn bà ngóng cổ chờ con. Bà Thục và An cũng mở lớn mắt để mong thấy Chính.
Người con trai mặc áo chemise xanh, quần jean đi gần sau chót tốp người, tiến ra đảo mắt nhìn quanh rồi kêu lên:
- Má.
Bà Thục nghẹn ngào:
- Chính. Lại đây con.
Chính sà ngồi bên băng ghế đối diện, lặng yên.
- Anh hai.
- Cả An nữa. Sao có đơn sớm vậy em?
Lâu rồi An mới nghe ở anh một câu nói êm dịu. Nàng rưng rưng nước mắt:
- Ở nhà lo quá, làm đơn xin đi thăm anh sớm, má cứ khóc đòi đi thăm ngay hôm đầu mà người ta không cho.
- Vậy là mau lắm đó. Anh tưởng cũng tuần sau má và em mới vô.
Bà Thục nhìn con:
- Con…có sao không Chính? Nói má nghe. Má lo cho mày mất ăn mất ngủ con ơi. Ham bạn ham bè chi cho tù tội khổ thân…
An bóp khẽ tay mẹ ra hiệu cho bà đừng kể lể khóc lóc. Nàng hiểu bà lại sắp sửa giảng “moral” cho anh, bài moral tình thương dài dằng dặc và không phải lúc. Chính nói:
- Thôi má, coi như sự xui xẻo của mình. Vô đây là con yên thân rồi, hôm ở Tổng Nha mới lo bị người ta “dợt” chứ về đến đây là chỉ chờ ra tòa thôi.
- Họ tra khảo con nhiều không?
- Dạ không. Mình khai hết, đừng cứng đầu thôi chớ má.
- Khổ không anh Hai?
Chính nhún vai:
- Dân bụi đời mà thấm gì em. Đâm thuê, chém mướn còn chưa ngán.
- Nữa. Cũng cái giọng đó. Mầy làm khổ mẹ chưa vừa sao Chính. Kỳ này về bỏ chưa con?
- Về con đăng lính má à. Vô lính lỡ có nổi máu “anh hùng” người ta kêu là ba gai chứ không phải du đãng. Con đi lính tác chiến, khỏi thèm đi lính kiểng ở thành phố.
An nói nhỏ:
- Anh nói chi cho má buồn. Để cho bà già yên chớ, má mà đau ốm nữa là mệt.
Chính gật gù:
- Em ở nhà ráng lo cho má, an ủi má, anh lỡ kẹt rồi không biết ra sao.
- Nhắm… có lâu lắm không anh?
Chính lắc đầu:
- Anh cũng không rõ. Phải ra dự thẩm đối chất mấy lần, rồi kết thúc hồ sơ mới đến lúc xử… chắc cũng vài ba tháng.
- Lâu dữ vậy hả anh?
- Ăn nhằm gì. Đó là anh nói trường hợp nhanh nhất. Có khi nằm cả năm mới đi xử thì sao.
- Trời đất, anh nói nghe sợ quá. Anh mà tù cả năm chắc má chết luôn.
Chính thở ra:
- Đành chịu, mình có tội phải chịu hình phạt. Anh giờ này như cá nằm trên thớt, dao chặt xuống hồi nào không hay.
Chính quay lại nói với bà Thục:
- Con xin lỗi đã làm má buồn. Vào đây rồi con mới thấy tự do là quí, tình gia đình là cần. Dù sao, hy vọng tội trạng con không nặng lắm đâu.
- Tội con không nặng sao không được tại ngoại?
- Luật bây giờ dự thẩm không có quyền cho tại ngoại má à. Phải đợi kết thúc xong lên phòng luận tội mới xin Chánh Án tại ngoại được.
An bật cười:
- Anh hai dạo này rành luật dữ.
Nàng nhìn Chính kỹ hơn: Chính có gầy đi nhưng không đến nỗi hốc hác. Mắt có quầng chứng tỏ anh mất ngủ và điều quan trọng là Chính mặc một bộ đồ… rất lạ.
- Anh hai mặc quần áo ai vậy?
- Của thằng bạn chung phòng anh đó.
- Bộ đồ hôm trước anh hai mặc đâu?
- Tụi nó lấy rồi.
- Sao vậy anh hai?
Thấy em gái có vẻ ngạc nhiên Chính giải thích:
- Hôm mới vào anh ở khu AB, bị tụi nó đánh hội đồng và lột hết áo quần, cả cái đồng hồ và giây nịt hít cốc nữa, chả còn gì, phải mượn đồ tụi nó mặc. Giờ thì anh qua khu AH đỡ nhiều rồi.
- Cùng là tù với nhau, sao người ta lại đánh anh?
- Đó là luật thứ hai sau luật tòa án. Đứa nào mạnh đánh lại được thì là sếp. Trong tù cũng có vua như ai, vua tù còn ngon à em, được cung phụng đầy đủ.
- Em tưởng vào đây ai cũng như nhau.
- Đồng ý. Nhưng đó là trên lý thuyết. Thực tế lại khác.
Chính chỉ tay sang bên cạnh:
- Em thấy mấy người đứng trong lưới đó không?
An nhìn, gật đầu:
- Nãy giờ em không để ý. Sao mấy người đó lại đứng cách màng lưới, không được ngồi như mình hả anh?
- Họ ở khu AB, tức là mới vô hay là những trại không có công tác, phải đứng lưới và thời hạn cũng ít hơn tụi anh.
- Anh có công tác? Còn những người kia ở không?
- Ừ. Họ cũng làm nhưng làm trực sinh trong trại, khu AH của anh là trại Công Vụ, lên văn phòng làm việc hay giữ an ninh trật tự trại vậy đó.
- Hèn gì bảng tên anh có chử Trật Tự.
Chính cười:
- Ở ngoài mình phá rối trật tự, vô đây lại… giữ trật tự người ta, tréo cẳng ngỗng.
Hai anh em noi chuyện quên sự có mặt của mẹ. Bà Thục chợt hỏi con:
- Họ mua đèn cầy chi nhiều vậy Chính?
- Để nấu ăn đó má.
- Nấu bằng đèn cầy?
- Dạ. Đèn cầy hay dầu lửa. Để hâm đồ ăn, nước uống má à.
- Con cần không?
- Thôi má, con không biết nấu nướng.Tụi nó nấu dùm cho tiền tụi nó được rồi. Má cứ bới đồ ăn nấu sẵn hay đồ hộp cho con là đủ. Nhớ gởi chuối thường xuyên cho con, trong này thiếu chất tươi.
Bà Thục nhìn con, ánh mắt người mẹ bao la niềm thương mến. Chín quay đi không dám nhìn mẹ lâu. Tâm hồn thằng con trai phóng đãng chợt mềm trước tình mẫu tử thiêng liêng. An nhìn mẹ, nhìn anh, nàng không để ý đến đôi mắt chăm chú của một phạm nhân đứng bên góc lưới.
Chương 02
NHẬT KÝ CỦA HOÀNG TRỌNG DIỄN
Chí Hòa … ngày… tháng …năm…
“Không hiểu sao hôm nay mình lại viết nhật ký?
Mua cuốn tập hai trăm trang, mình ngần ngại trước khi đặt bút viết. Lạ lùng! Mình còn tình cảm, còn mê văn chương nữa sao?
“Không! Một thằng du đãng từng nhúng tay vào máu như mình đã chai đá, không còn ý niệm gì về văn chương, tình cảm nữa.
“Nhưng tại sao mình viết?
“Bâng khuâng rạo rực làm mình chơi vơi. Lạ! Động lực nào thúc đẩy mình kỳ thế nhỉ?
“ Hoàng Trọng Diễn! Hoàng Trọng Diễn! Lâu quá rồi mình mới nhớ lại cái tên đó… Thấy xa xôi như tên của một kẻ nào khác. Nhưng không, đó là tên trong khai sinh của mình cơ mà. Cái tên mà ngày mình cất tiếng khóc chào đời, ba mẹ đã âu yếm đặt cho.
“Chắc chắn ông bà cụ cũng đắn đo nhiều lắm trước khi chọn cho con một cái tên. Hoàng Trọng Diễn ngày đó với tràn đầy hy vọng của gia đình ở một tương lai sáng chói. Còn Hoàng Trọng Diễn bây giờ? Tên tội phạm đã nhận lãnh tất cả những lời nguyền rủa, những lời kết án của xã hội. Mà không, tên tội phạm đó, tên sát nhân đó không phải là Hoàng Trọng Diễn. Không bao giờ Hoàng Trọng Diễn phạm tội. Chỉ có tên tù mang số 702! Tên tù 702. 702 là tên hắn, hắn không có tên Hoàng Trọng Diễn.
“Ồ! Hình như mình đã lý luận quá nhiều, suy tư quá nhiều cho những chuyện đã đi vào quên lãng. Những trang giấy vô tri này có mãnh lực gì bắt mình phải thú nhận tâm tư nhỉ? Chắc chắn động lực thúc đẩy không ở những tờ giấy vô tri, mà là do đôi mắt của cô bé đó!
“Đúng rồi! Mình không thể tự dối. Chính ánh mắt dịu hiền, ngơ ngác, chính nét mặt thánh thiện của cô bé… Cô bé gì nhỉ? À An. Nguyễn thị Duy An, em thằng Chính, thúc giục cho mình làm công việc này.
“Một rung động bâng quơ nào đó thì phải. Mình bị xúc cảm bởi tình thương của một người mẹ dành cho con, bởi ánh mắt rưng rưng của cô em gái nhỏ! Gia đình quá! Nhân đạo quá! Đó mới là tình nhân đạo từ thủy tổ loài người.
“Máu trong tim mình hình như nóng trở lại. Tên tù 702 trở thành Hoàng Trọng Diễn rồi sao?!”
Có tiếng cười hô hố vang lên. Hai ba giọng cười khác nối theo. Căn phòng vang động. Gã tù mang số 702 tức Hoàng Trọng Diễn ngước lên hất hàm.
- Tụi mày cười ông hả?
Những tiếng cười vẫn tiếp tục. Hắn đập mạnh tay xuống chiếc thùng gỗ thông được kê làm bàn. Chiếc thùng gãy kêu “crắc” một tiếng. Hắn chửi thề, gằn giọng:
- Đứa nào cười thử cười lớn nữa coi. Tại sao tụi bay cười?
Một tên tù đi đến gần hắn:
- Tại thấy đại ca viết văn nên tụi này mừng cho đại ca đó chớ.
- Tao viết văn!? Ha ha! Tao mà viết văn! Tụi bay có lạm dụng danh từ không đó? Viết văn để bán cho Diêm vương chắc.
- Ai biết đâu, thấy đại ca hý hoáy viết từ sang đến giờ mà.Viết trong tập thì không phải là làm đơn tại ngoại hay xin xét xử sớm, mà chắc là… viết tiểu thuyết.
Diễn định cười chợt ngưng! Sự dừng lại nửa chừng làm những đường gân dưới cổ gã nổi hẳn lên, mắt hắn nheo lại rồi cả gương mặt dịu đi. Gã không nói nữa, bỏ rơi lũ đàn em đang nhìn, gã dán mắt xuống tập nhật ký, gật gù một mình.
- Ê Chính.
- Gì đại ca?
- Lại đây mày.
Chính buông những lá bài tây, đi lại phía Diễn.
- Ngồi đây. Tao với mày nói chuyện chơi.
Chính ngồi xuống cạnh Diễn, không nói gì. Hắn đã được mấy tên tù cũ cho biết tính của “đại ca” – đừng nói gì nếu “đại ca” chưa bảo nói – cả khu AH đều ngán Diễn, tên tù lâu năm, cộc ngầm mà ít nói, Diễn ít khi phô trương lực lượng, nhưng ít ai lãnh một cú đấm của hắn mà đứng vững. Người ta không dám gọi tên dù tên có ngay trên ngực áo. Người ta chỉ gọi hắn là “đại ca”, các giám thị thì gọi 702! Danh số đó làm mờ tên Hoàng Trọng Diễn!
- Chính à.
- Em nghe đây đại ca.
- Mồi tao điếu thuốc đi Chính.
Gã con trai nhanh nhẹn rút điếu ba số năm ra gắn vào môi Diễn, bật quẹt châm lửa. Điếu thuốc cháy tròn đầu, Diễn bật cười:
- Mẹ kiếp, thuốc cháy kiểu này là tao có người yêu chung thủy… nó chung thủy đến nổi tao vô khám hôm trước, hôm sau nó đi lấy chồng…chém cha đời, chó quá.
Chính rụt rè:
- Đời có kẻ này, người khác chớ đại ca.
- Mày còn tin có người tốt nữa à?
- Có chứ. Những người thân của mình. Mẹ mình, em mình đại ca. Họ thương mình không vụ lợi, và không bao giờ phản phé mình.
Diễn gật gù:
- Ờ. Mày nói đúng. Cô em gái mày chắc không thuộc hạng phản phé đâu. Con nhỏ lành quá hả.
- Nó ngoan lắm đại ca.
Diễn bập một hơi thuốc:
- Ở nhà chắc mày ăn hiếp nó dữ hả?
- Bà già cưng nó lắm, em làm sao dám ăn hiếp nó.
- Mày bao nhiêu tuổi Chính?
- Hai mươi ba.
- Con nhỏ?
- Nó mười tám. Nhà có hai anh em.
- Mày thua tao hai tuổi. Nhưng mày hơn tao quá nhiều diễm phúc.
Chính mồi thuốc cho mình, yên lặng nghe bạn nói.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả miền sông Hậu, cậu bé Diễn hư hỏng từ năm lên mười hai tuổi. Nghe lời bạn bè, cạy tủ ăn cắp của cha mẹ hai trăm ngàn bạc rồi trốn luôn. Mặc dù biết cha mẹ đăng báo gọi về để tha thứ hết, hắn cũng quyết định đi luôn. Tiêu hết số tiền Diễn mới biết sự xảo trá của bạn bè. Đã muộn, hắn ân hận những ngày lãng phí đã qua. Vừa đi đánh giày để sống vừa xin học lớp tối. Vậy mà Diễn học được. Hắn quyết làm cái gì để chuộc tội với cha mẹ. Khi Diễn đậu tú tài phần nhất và sửa soạn về “trình diện” gia đình thì được tin cha mẹ bị tử nạn trong chuyến xe đò từ Long Xuyên lên Sài Gòn. Cơn đau đớn làm hắn tưởng điên lên được. Thế là hết. Hy vọng cuối cùng của hắn tan đi trong tiếng nổ của trái mìn trên con đường liên tỉnh… Diễn bỏ ý định về nhà, tiếp tục cuộc sống vô gia đình, cơm hàng quán trọ. Rồi những bất công của xã hội thi nhau ùa tới, chất chồng lên hắn. Đã bất hạnh càng bất hạnh thêm. Hắn bị bỏ rơi bên lề cuộc sống. Xã hội loài người với những giả trá đầu môi làm Diễn thêm căm thù và chán ngán. Hắn quay quắt trong cơn sóng dữ của cuộc đời mà không có ý niệm nào.
Để tạo được nếp sống, Diễn kết nạp một số bạn bè bất hảo tổ chức móc túi. Hắn tổ chức có qui củ, luật lệ đàng hoàng. Đàn em hắn phần nhiều thuộc thành phần con nhà khá giả, bất mãn gia đình đi bụi đời. Diễn sếp sòng một bọn du đãng cướp giựt làm điên đầu mấy thầy cảnh sát một dạo. Diễn muốn trở thành một người hùng được đời nhắc nhở như Trần Đại, nhưng hắn quên rằng cuộc đời không phải là tiểu thuyết. Và Hoàng Trọng Diễn đã bị truy nã gắt gao để đến nổi phải bắn hạ nhân viên công lực khi tẩu thoát.
Hơn ba năm nằm trong khám lạnh, Diễn vẫn chưa nhận lãnh bản án. Hắn quen đi, sống là sống, và quên tên tuổi. Hắn sống rất điệu với đàn em nên được nể sợ, và trở thành ông vua con trong tù.
Diễn kết luận một cách gay gắt:
- Mày thấy chưa Chính? Khi mà mình có ý định lương thiện nào đó sắp được thực hiện thì những bất hạnh đến làm tan vỡ tất cả.
- Nói vậy mình cứ phải giữ những ý định bất chính sao?
- Không, À…Ờ… Phải nói trước kia tao cho rằng như thế, nhưng giờ thì hết rồi.
- Tại sao? Cái gì làm đại ca thay đổi?
- Thôi, bỏ tiếng đại ca đi mày, Chính. Biết đâu một lúc nào đó tao lại không phải gọi mày là anh.
- Kỳ vậy?
- Bộ tao em rể mày không được à?
Vỡ lẽ. Chính cười:
- Thì ra con An. Con bé con ấy có thể là nguyên nhân sự thay đổi của đại ca?
Diễn chợt nghiêm giọng:
- Thôi không đùa nữa. Nói thật với mày không hiểu sao khi nhìn thấy ánh mắt rưng rưng của cô bé nhìn mày, tao chợt thấy… tất cả chúng ta cùng có tội.
- Thì mình có tội hẳn rồi. Có tội mới phải đền.
- Không phải có tội đối với pháp luật đâu, mà là đối với… nổi khổ trong lòng những người yếu đuối như mẹ, như em mày kia.
Chính không hiểu gì cả, tuy hắn đã được nghe rất đầy đủ và rất thật. Chính không hiểu gì cả và hắn không thể ngờ tên tù 702, “đại ca” của hắn lại có thể xúc động vì mẹ hắn, em gái hắn.
Chính cũng cảm thấy một chút nôn nao, nhưng hắn tuyệt nhiên không thể phân định được sự nôn nao đó ở khía cạnh nào…
Chương 03
NHẬT KÝ CỦA NGUYỄN THỊ DUY AN
Ngày … tháng … năm …
“ 8 giờ tối.
“Buồn quá, má qua nhà cô Thông đóng hụi rồi, còn mỗi mình ở nhà. Giờ này, giá có đứa bạn nào của mình đến, bất cứ đứa nào, kể cả con Hà hồi sang mới xích mích với mình xong. Cái con nhỏ nhí nhảnh hay làm tài lanh đó. Chắc mình cũng đỡ cô đơn.
“Nhưng không có ai cả. Căn nhà rộng. Mình cảm thấy sự chơi vơi tột độ. Sự hoang vắng tột độ. Nhà ít người bất lợi là như vậy đó, anh Chính không có nhà là mỗi mình chèo queo à.
“Hồi chiều này mới vô Chí Hòa thăn anh Hai. Anh mình ở trại công vụ cũng đỡ.
Hai anh em nói chuyện thật lâu, đến mãi chiều mình mới về. Hôm nay thấy anh ấy đã đỡ xanh, chắc … chịu cơm tù rồi.
“Mà kỳ ghê, mình nói chuyện với anh Hai, ông bạn ảnh ngồi bên cạnh cứ nhìn mình hoài à. Ông bạn này hai lần trước vô thăm mình đâu có gặp, vậy mà bây giờ hiện diện bên anh mình, mày tao thân thiết. Hình như anh Chính lại có vẻ nể hắn ta lắm nữa.
“Hắn cũng là tù - dĩ nhiên – Mình nhìn tên hắn trên tấm đính bài – danh số 702 – tên Hoàng Trọng Diễn. Tên cũng hay đấy chứ.
“Hắn ít nói. Chỉ thỉnh thoảng mới chen một câu hay trả lời khi mình hỏi. Thôi. Rồi lại nhìn. Nhìn hoài. Nhìn… như không biết ngượng.
“Nhưng lạ lùng, mình thấy ánh mắt hắn sao không đến nỗi dễ ghét, ánh mắt dịu dàng. Ừ dịu dàng thật đấy. Dễ thương hơn khi anh Chính nhìn mình cơ. Hắn cũng ít cười, nhưng khi cười gương mặt lầm lì của hắn rạng rỡ, coi hay lắm.
“Dường như hắn không gia đình thăm nuôi thì phải. Thấy hắn ngồi cạnh anh mình suốt buổi. Chắc hắn đang chờ thân nhân? Mà không trông hắn không có vẻ gì chờ đợi cả. Hắn thản nhiên, chỉ chú ý tham dự vào câu chuyện của anh em mình.
“Anh Chính thích hắn lắm thì phải. Thấy anh mời hắn thuốc thân mật. Có một lần trong câu chuyện anh gọi hắn là “đại ca” nữa. Mình thấy hắn lừ mắt và anh Hai lại mày tao như cũ.
Lạ nhỉ! Có một bí ẩn gì đây giữa hai người mà mình không tài nào đoán nổi. Có một điều gì mà anh Hai và hắn giấu mình. Chắc chắn có anh Hai mình trong đó thì không thể là điều hại cho mình, nhưng vẫn nghe bứt rứt là sao ấy.
“Không biết hắn phạm tội gì mà ở tù nhỉ? Có nặng lắm không? Trông gương mặt hắn hiền hiền thế nào … hắn cũng có vẻ tư cách trong lối ăn nói nữa, chắc không đến nỗi vô học…Thì đâu phải ai ở tù cũng là dân thất học cả đâu, thiếu gì ông này bà nọ, giáo sư, bác sĩ, cũng vào tù chứ bộ, có tội thì vào tù, đâu phải có học là không làm tội.
Ơ hay, mà sao tự dưng mình làm “luật sư không công” cho hắn thế này? Tự dưng mình lại biện hộ đủ mọi khía cạnh. Hắn có ăn nhập gì đến mình đâu? Làm như… làm như quen lâu lắm rồi vậy. Kỳ quá à.
“Thôi không thèm viết nữa, lại ghi vớ vẩn về hắn cho coi. Phải công nhận hắn có nụ cười tươi và ánh mắt thật trìu mến.
“Ngưng đi nghe Duy An, hôm nay hư ghê vậy đó, khi không lại mang một hình ảnh lạ vào nhật ký”
Ngày … tháng… năm
“1 giờ 15 phút khuya.
“Bữa nay mình biết hắn khá rõ rồi.
“Nhật ký ơi, biết hắn là ai không? Là Hoàng Trọng Diễn, tên tù 702 ấy mà.
“Mình biết về hắn qua anh Chính, và cả hắn nữa. Hắn là một sinh viên dính dấp đến một vụ biểu tình nên bị bắt. Người ta khép hắn vào tội chính trị, phá rối an ninh đó, tội nghiệp ghê không?
“Thảo nào, trông hắn hiền lành dễ mến, con người như hắn đâu thể làm những tội ác tày trời được. Chắc hắn cũng chẳng muốn làm chính trị đâu, chỉ tại người ta lầm lẫn.
“Mình ngồi gần hai giờ đồng hồ, nói chuyện với anh Chính và hắn. Hắn nói chuyện thật hay, thật dịu dàng. Mình hỏi: “Đâu phải ai vào tù cũng là do trộm cướp hay giết người ông nhỉ. Như anh Hai tôi chỉ ham chơi bè bạn mà ra nông nổi”. Hắn cười : “Trong tù nhiều thành phần lắm cô An ạ. Trí thức có. Bình dân có. Đá cá lăn dưa có. Ai cũng là con người nên ai cũng có thể phạm tội. Và khi đã trở thành tù rồi thì tất cả đều như nhau, như bất cứ đứa trẻ nào khi chào đời cũng không có áo quần trên người vậy thôi”
Hắn nói về hắn: Gia đình ở xa, thỉnh thoảng mới được đi thăm một lần. Hắn thân anh Chính nên xin được coi gia đình bạn là gia đình hắn. Hắn nói: “Cô An biết không, ở tù thèm nhất là được gọi ra thăm nuôi. Để thấy gương mặt những người thân yêu. Để biết tin tức ngoài cuộc sống tự do. Thế nên ai không có thân nhân thăm viếng là nỗi bất hạnh lớn lao nhất”.
“ Hắn nói chuyện hay ghê, mình nghe đến đôi khi quên sự có mặt của anh Chính. Không biết anh Hai có trách mình không? Tại…ai biểu anh Hai nói chuyện buồn thấy mồ đi. Chỉ nghe ra lệnh “tuần sau mang cho anh cái này cái nọ. Nhắn cho anh chị Thu, lấy dùm anh cái đồng hồ ở tiệm cầm đồ bình dân…” cứ vậy không à…
“Má không đi thăm anh Hai được, biệt phái mình đi. Khi về má rối rít hỏi đủ chuyện về ảnh làm mình quýnh quáng trả lời muốn đứt hơi. Thật ra mình quên hỏi xem mấy bữa nay ảnh có khỏe không nhưng cứ nói đại với má là “anh Hai khỏe lắm má, mập hơn trước nhiều, ảnh nói nhớ má quá chừng”. Mình đặt điều nói với má cho má vui, chứ cái “ông quỷ” đó mà đời nào mở miệng nói nhớ má. Có thương chết trong lòng ổng cũng câm như hến mà. Kệ, dù sao nói cho má yên lòng cũng đâu phải là cái tội”
An lựa mãi một cái áo để đi thăm anh chiều nay. Phải thay đổi một chút chứ, không lẽ cứ mặc áo dài trắng hoài? Cô bé tự nhủ như thế.
Cả một tủ áo, vừa áo dài, vừa đồ đầm, vừa quần patte, quần pant, áo tunique mà An lục mãi không xong. Ướm thử chiếc áo dài màu tím An lại thấy buồn quá, chiếc áo dài jersey sọc lại chê sặc sỡ. Mặc đầm thì…coi kỳ. Mấy cái mi-ni thì anh Chính không ưa… chỉ còn quần tây áo chemise là chót.
Sau cùng An chọn chiếc quần patte trắng và áo tunique xanh nhạt. Bộ đồ này mới may chưa đầy một tháng. An mặc thử, mỉm cười hài lòng thấy da mình như trắng hẳn lên, và dáng dấp cũng có vẻ… sang hơn. Cô bé yên tâm về mục quần áo.
An không hiểu tại sao mình lại chăm chút đến quần áo kỹ vậy nữa. Nàng không muốn tìm hiểu thì đúng hơn. An sợ câu trả lời của chính mình cho câu hỏi đó.
Là vì, An hiểu nàng không làm dáng cho… anh Chính. Anh Chính thì chẳng có gì để phải làm dáng cả. Anh em. Nhưng hình như… hình như chính Diễn, Hoàng Trọng Diễn đã làm động cơ thúc đẩy An làm cái việc đầy “nữ tính” đó.
An không phủ nhận là mình có cảm tình với Diễn. Cảm tình nhiều là khác, và Diễn cũng thế. Hai người đã xem nhau như bạn. An đi thăm nuôi có hai mục đích: mang đồ ăn cho tiếp tế cho anh và tâm tình với Diễn.
Anh Chính của An cũng rất vui vì sự ân tình giữa bạn và em gái. Chính nói với An: “Diễn không có em gái, em nhận làm em nó đi”. Cô bé đỏ mặt lí nhí: “Chỉ sợ anh Diễn không bằng lòng” và nàng thấy ánh mắt Diễn ngời sáng: “Được làm anh của An, còn gì sung sướng cho anh hơn nữa” nụ cười cùng rạng rỡ trên môi ba người trẻ.
An sắp thức ăn vào giỏ: Thịt hộp, cá lóc kho nước dừa, trái su, bông cải, cà chua, cà-rốt… còn cả mấy thứ bánh kẹo lỉnh kỉnh mà bà Thục gởi cho con trai, dù đã hơn một lần Chính nói với mẹ là: “Ở trong tù cũng có câu lạc bộ bán đủ thứ, má cho con tiền mua hồi nào dùng hồi đó cho khỏe”. Bà Thục biết vậy, tiền vẫn gởi nhưng đồ ăn vẫn có.
An cầm một gói giấy nhỏ lên ngắm nghía: hộp kẹo nàng mua cho Diễn. An tính mua cho Diễn một món quà mà rồi suy nghĩ mãi không biết mua gì. Sau cùng nàng chọn hộp kẹo Nhật, nho nhỏ, xinh xinh. Món quà bé bỏng làm nàng vui thích. Không biết Diễn có hay ăn kẹo? Diễn lớn rồi chắc không ăn vặt như An, nhưng cô bé tự nhủ rằng … kẹo ngon kinh khủng.
Trằn trọc không chợp mắt được buổi trưa, An lắng tai nghe đồng hồ. Ba tiếng “boong! Biing boong! Biinh boong!” làm nàng bật dậy nhảy khỏi giường.
An đi rửa mặt rồi trở lên phòng. Nàng cầm lược chải đầu rồi không hiểu sao lại đến bàn ngồi xuống trước tấm kiếng tròn lớn. Đây là bàn phấn mà má sắm cho An nhân sinh nhật thứ 17 của nàng. An có một hộp đủ loại đồ trang điểm nhưng nàng chưa dùng tới bao giờ. Hôm nay, An muốn thử bài toán dung nhan, xem “diện” vào mình có xinh hơn không.
Một lớp phấn nhẹ trên mặt. rồi làn phấn hồng phơn phớt trên má. Một nét chì làm đậm thêm mi mắt đã đậm sẵn và chải nhẹ làn mi cong. An hơi ngập ngừng khi chọn màu son… đôi môi nàng trở nên đều đặn hơn bởi màu hồng tự nhiên của lớp son môi Revlon Rose. An thử mỉm cười và nàng thấy mình duyên dáng lạ.
Có tiếng mẹ gọi. An “dạ” một tiếng rồi chạy ra phòng khách.
- Dạ chi má? Con đang sửa soạn đi thăm anh Hai.
An nhanh nhẩu, như sợ mẹ đoán được những ý nghĩ thầm kín của mình. Bà Thục hơi ngạc nhiên nhìn con gái. Bà thấy An thật đẹp. Có một chút phấn son trang điểm vào, con bé mặn mà hẳn lên. Một niềm kiêu hãnh ngầm dâng lên trong tâm hồn người mẹ.
Thấy mẹ nhìn mình trân trối, An bẽn lẽn:
- Con diện… coi được không má?
Bà Thục gật đầu:
- Xinh lắm. Con gái mẹ lớn rồi, phải tập chải chuốt đi chớ, bé con mãi sao.
- Thấy con lớn lắm hả má?
- Mười tám tuổi rồi, bộ cô tưởng cô còn nhỏ lắm à. Hồi ở tuổi cô mẹ đã làm dâu rồi đấy.
An hồng đôi má:
- Hồi đó ông bà ngoại làm gì mà gả má sớm thế. Con gái phải có vài năm để làm dáng với đời. Lấy chồng là kể như… gông đeo cổ: hết đường ăn diện.
- Bây giờ các cô quan niệm khác, đủ thứ tự do. Ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Con gái đến tuổi cập kê là phải lấy chồng..
An ngắt lời mẹ:
- Có con gái trong nhà như có… bom nguyên tử phải không má?
Bà Thục mắng yêu con:
- Thôi đi, chó con. Sửa soạn nhanh lên rồi đi thăm anh mày để nó mong tội nghiệp.
- Sức mấy mà anh Hai mong con, má. Ảnh mong là mong chị Thu kìa…Tuần này không có cho ảnh khóc thét chơi.
- Mày ác. Sao không đi lấy thư giùm nó. Ở trong đó có chút an ủi vậy thôi.
- Má khỏi lo, không có thư thì có người. Bữa nay chị Thu đi với con nữa đó.
- Vậy à. Con Thu chịu vô tù thăm thằng Chính hả?
- Có gì mà không chịu, má? Thăm “bồ” mình chứ thăm ai mà lo?
- Nhưng… bồ ở tù mà, nó không mắc cở sao?
- An nghe nóng ở hai bên thái dương. Nàng có cảm tưởng như mẹ đang nói chính mình. An biện luận:
- Làm con người ai không có lúc mắc phải lỗi lầm. Không tha thứ được thì đừng yêu. Bộ cứ hễ có bồ bị tù là bỏ sao má? Con giả thử lỡ…ngày xưa ba vướng tù tội, má có bỏ ba không?
- Tao với ba mày khác. Tình nghĩa vợ chồng thâm thúy. Đằng này con Thu với thằng Chính chỉ là bạn sơ thôi, tao sợ con nhỏ mặc cảm.
- Má không biết chớ, chị Thu thương anh Chính lắm à.
- Tao cũng mong vậy. Thằng Chính có bạn hiền như con Thu may ra nó bớt tánh lêu lổng.
- Dạo này ảnh đỡ rồi má ơi. Vô tù rồi thấy ảnh hiền khô à. Ảnh cũng không còn cộc cằn nữa. Ảnh cứ than thở ân hận vì làm má buồn má khổ.
Bà Thục thở ra:
- Má cũng trông nó biết nghĩ lại để lo cho cái than nó. Má già rồi, sao cũng được. Tụi bay còn trẻ phải biết ý thức tương lai của mình. Má đâu sống hoài mà lo.
An kề môi hỏi nhỏ mẹ:
- Má nhận chị Thu làm dâu không nè?
- Thì tùy thằng Chính hà. Nó ưng ai tao nhận đứa đó. Miễn nó thương. Cả mầy nữa. Thương đứa nào má gả cho đứa đó…miễn người đàng hoàng, đạo đức là được.
- Cha, má lựa khó thấy mồ đi. Chắc con… ế chồng quá.
- Tao đâu có ham giàu có. Nghèo càng hay. Vợ chồng nghèo biết thương nhau hơn nhà cao cửa rộng. Tao với ba mày hồi xưa ưng nhau hai bàn tay trắng, rồi cũng tạo được sự nghiệp như thường. Ăn thua là vợ chồng phải biết nhường nhịn, nể trọng nhau. Đồng tiền đồng bạc tạo ra được chớ hạnh phúc khó lắm con ạ.
An hôn lên trán mẹ:
- Má coi vậy mà… văn minh ác.
Và nàng chạy thẳng về phòng. Bà Thục đứng nhìn theo con gái, khẻ lắc đầu lẩm bẩm:
- Không biết nó để ý đến ai mà dạo này đâm ra làm dáng dữ chớ. Con gái lớn, nay mai mình làm suôi được rồi.
Thu rụt rè níu tay An
- Vô khó lắm không hở em?
- Không đâu, chị cứ theo em. Em đi nhiều lần người ta quen mặt rồi, dễ dàng lắm.
Thu thở ra:
- Mình lo quá. Không biết anh Chính ra sao? Anh có nhận ra mình không?
An bật cười:
- Làm gì không nhận ra. Ảnh bị tù chứ đâu có…bị mù mà không thấy chị.
- An không hiểu mình. Mình muốn nói…
An xua tay:
- Em biết rồi. Chị lo ảnh thay đổi chứ gì.
- An nghĩ coi, ở hoàn cảnh mình…
- Chị đừng lo. Không lần nào em vô thăm mà anh Chính không nhắc đến chị. Bữa nào không có tin tức chị là kể như em hết được nói chuyện với ảnh đi.
Hai người đi qua “trạm” cuối cùng. Những người kiểm soát đơn từ, thực phẩm đã quen với An nên sự khám xét cũng nhanh nhẹn. Thu đi sát bên An, khép nép như sợ bị người ta ngăn lại. Nàng hết nhìn người này đến người khác với ánh mắt tò mò.
An tỏ ra thông thạo đường lối và thể thức thăm nuôi. Nàng chỉ cho Thu ngồi xuống chiếc băng dài và ngồi bên cạnh “yểm trợ” tinh thần bạn. Nàng biết Thu đang lo sợ, đang ngỡ ngàng nên nhìn Thu an ủi:
- Mình đợi chút, anh Chính ra bây giờ. Thấy chị ảnh mừng phải biết!
- Thật không An?
- Em dối chị làm gì.
Thu hỏi dò:
- Anh Chính dạo này…sao An?
An trêu bạn:
- Ảnh hả…trời ơi…ghê lắm.
- Ghê?!...Là sao?
- Ảnh ở chung với mấy người tù khổ sai, mấy tên ăn cướp giết người, thành ra ảnh cũng dữ… lắm.
Thu xanh mặt:
- Chúa ơi. Vậy Thu tới đây làm gì?
- Chị đi thăm ảnh.
- Nhưng … ảnh dữ tợn, ảnh… hung bạo làm sao chị dám…thương ảnh?!
- Chị sợ ảnh hả?
- Thu sợ bất cứ ai hung dữ.
An dịu giọng:
- Nói đùa chị đấy. Anh Chính dạo này hiền ghê lắm. Chính em cũng không ngờ cơ mà.
- Thật hả An?
- Nữa, lại thật nữa. Chị tin đi mà. Thấy ảnh là chị biết liền hà.
Thu xoắn hai tay vào nhau:
- Mình hồi hộp quá.
- Hồi đầu mới đi thăm, em cũng như chị. Riết rồi quen đi.
Thu phân trần:
- Mấy lần trước mình cũng định đi theo An thăm anh Chính, nhưng… tại biết anh không có tình cảm với mình nhiều nên mình ngại. Sau thấy ảnh viết thư cho mình nói cũng tội, thành ra…
An bênh vực cho anh:
- Tánh anh Chính chị còn lạ gì. Có thương cách mấy ảnh cũng hờ hờ hững hững vậy đó. Với lại lúc trước ảnh bạn bè với tụi cà chớn thành ra hư, giờ đỡ rồi, biết mẹ, biết em, biết thương, biết nhớ. Ảnh mà chịu khó viết cho chị lá thư dài hai trang giấy là biết sao rồi.
Thu rưng rưng nước mắt:
- Chắc ảnh gầy đi nhiều hả An?
- Không có đâu, anh Chính khỏe hơn trước, để rồi chị coi.
Có tiếng xướng tên. Thu luống cuống chưa biết trả lời sao thì An đã đáp đỡ hộ bạn. Thu thở ra nhẹ nhõm:
- Hú hồn. Nghe tự dưng người ta kêu tên mình Thu sợ muốn đứng tim.
Nước mắt trên má Thu, nước mắt trên má An. Những dòng lệ lăn dài trên đôi gò má mịn của tuổi con gái mới lớn gây những cảm xúc mạnh chuyền trong cơ thể hai gã con trai. Hai tên tội phạm. Chính và Diễn đứng ngây người, đứng trân trối và nhìn ngay không chớp mắt. Lần nào gặp anh, An cũng tủi thân, cũng khóc, nhưng lần này nàng khóc không phải vì anh. Thu tức tưởi gọi tên người yêu nho nhỏ rồi nghẹn đi. An khóc nhẹ, vừa đủ để giữ gương mặt đẹp. Nước mắt chỉ lăn từ mi xuống má cứ không có tiếng nấc buốt tim.
Chính gọi:
- Thu.
Diễn gọi:
- An.
Rồi thôi. Bốn người tám con ngươi mở lớn nhìn nhau xao động.
An không hỏi gì anh. Hôm nay phải dành tất cả cho Thu. An nghe Thu líu lưỡi than Chính ốm. Nàng cười thầm. Cái cười giấu diếm không lộ trên môi cho Diễn thấy. Tên tù 702 nhìn An khó hiểu. Hình như hắn muốn cười mà hắn không cười. Gương mặt Diễn cô đọng chất sống, như tảng băng bắt đầu tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Hồi lâu Diễn lên tiếng:
- Bác vẫn khỏe hả An?
- Dạ má em vẫn thường.
- Sao hôm nay bác không vô thăm anh Chính?
An nhìn sang Thu:
- Má nhường cho chị Thu.
Mắt Diễn như xoáy vào từng phân vuông da thịt trên gương mặt cô gái. Giọng Diễn thật nhẹ:
- Hôm nay An xinh ghê.
Lời khen quan trọng nhất, lời khen cần thiết nhất đã vang lên, đi vào tâm hồn An, đi vào mắt An nồng nàn, đi vào môi An tạo thành nụ cười tươi như bông hồng mới nở.
An cúi mặt bẽn lẽn:
- Anh “nịnh” An phải không?
- Anh không biết nịnh đâu An. Em xinh ghê lắm. Làm anh đến muốn choáng người. Nếu An hiểu rằng những ngày tháng tù tội đã làm con người chai đá, khô cằn để đánh mất những chất ngọt của tâm hồn, chắc An không cho rằng anh nói dối.
- Anh Diễn.
- An muốn hỏi gì?
- Ở đây…thỉnh thoảng có cha đến làm lễ hả anh?
- Cha đến làm lễ. Mục sư đến giảng đạo. Sư ông đến tụng kinh… đủ hết, không thiếu gì An ạ.
- Như vậy mới phải.
- An muốn nói gì?
- Theo An nghĩ, dù bị tội với pháp luật, với xã hội, con người chưa chắc có tội với Chúa, với Phật. Và tín ngưỡng bao giờ cũng là một lẽ sống tinh thần vô giá.
- An sùng đạo lắm phải không?
- Với tuổi trẻ sùng đạo không có nghĩa là đến nhà thờ hay đến chùa. Nhưng từ trong tâm hồn mình, niềm tin sâu xa luôn đầy ngập. Anh có nghĩ thế không?
Mắt Diễn nheo lại, đăm chiêu. An nhìn thấy trong ánh mắt đó một vẻ gì vừa lạnh lùng vừa ấm áp. Diễn nói như kéo An đi xa tất cả mọi người:
- Có một lúc, sự bi quan làm anh không còn tin tưởng gì ở Thượng đế nữa. anh buông xuôi cả xác lẫn hồn vào cơn trụy lạc. Những đam mê quên đời. Những thú vui chốc lát choáng say vùi dập. Anh không nghĩ gì nữa cả. Xã hội, cả một ô tạp bất công chỉ chờ chực để dày xéo mình, để nhận chìm mình xuống vũng bùn. Anh đưa tay chới với kêu cứu giữa cơn chết đuối nhưng không ai buồn quăng cho anh một cây sào, một sợi dây, một mảnh ván cho anh bám víu để tìm sự sống. Người ta ngả giá, anh không bắt được giá nên họ cười khinh bỉ đi luôn. Chán nản làm anh như tê liệt tất cả mọi tế bào sống. Anh quay quắt vùng vẫy rồi lười biếng im lìm. Từ đó anh sống bất cần tất cả.
- Rồi anh được gì trong cuộc sống đó?
- Chả được gì cả. Anh mất hết. Anh phủi tay hết. Sống lang thang không định.
- Nếu anh có một niềm tin chắc anh không đến nỗi như vậy.
- Nhiều lúc anh cũng thử tìm đến Thượng Đế nhưng Ngài xa vời quá. Ngài cao siêu quá. Anh tìm Ngài để cầu nguyện,van xin ngài chia sẻ những bất hạnh của mình, nhưng anh không đủ kiên nhẫn đợi chờ Ngài nhận lời, và anh lao vào cơn lốc kéo gần giữa sự sống và sự chết.
An lắc đầu:
- Anh bi quan quá. Anh phải có niềm tin để thấy rằng Thượng Đế không từ chối một ai đến với Ngài.
- An cho phép anh hút thuốc?
- Dạ. Anh cứ tự nhiên.
Diễn gắn điếu thuốc ba số 5 lên môi, bật quẹt châm hút. Hơi khói tỏa nhẹ, mơn man trước khuôn mặt sạm nắng của hắn. An thấy một vẻ phong trần hay hay. Diễn tiếp:
- Anh quăng mình trong xó tối cuộc đời. Cái ngã không làm anh đau đớn nhưng làm anh quị hẳn. Anh không buồn đứng lên nữa. Mọi phương thế đã được áp dụng và cũng đã bị thất bại. Anh tự cho phép mình gây nên tội để rồi chịu tội.
An vẫn vô tình:
- Cuộc sống với những bất công của nó đã xô đẩy anh đi vào con đường chính trị? Anh tìm lãng quên bằng những cuộc biểu tình hoan hô đả đảo hay sao?
Diễn giật mình, sực nhớ và im lặng. Thôi chết, câu chuyện đã đưa hắn đi quá xa con người hắn dàn cảnh trước mắt cô gái. Hắn là sinh viên bị dính líu về tội chính trị cơ mà? Sao lại có thể có cuộc sống bất hảo như nãy giờ hắn nói? May mà An không để ý lắm nên không nhìn thấy chỗ hớ hênh đó. Cô bé ngây thơ lạ lùng. Diễn vừa nghĩ vừa nhìn An bằng ánh mắt đầy thương mến.
An lấy hộp kẹo đưa cho Diễn:
- An biếu anh. Anh thích ăn kẹo không?
- Bình thường anh không thích. Nhưng của An lại khác. Anh sẽ ngậm nó như những viên linh đơn cải tử hoàn sanh.
- Em thích kẹo nên mua cho anh đó.
- Cám ơn An. Anh không có gì cho An cả.
- Thôi anh đừng nghĩ chuyện đó. Anh ở trong này thì có gì. An ở ngoài không mang vô cho anh thôi chớ, ở tù mà.
- An nói “ở tù mà” nghe buồn ghê. Ừ nhỉ. Anh ở tù An nhỉ. Nhưng sao từ trước tới giờ anh không thấy cảnh tù tội là buồn. Anh sống trong tù như số phận phải có, phải sống. Thản nhiên và an phận. Anh tập quên và đã quên. Quên tên tuổi, quên luôn rằng ngoài nhà giam còn có một thế giới nữa, thế giới của tự do, của đau chen, của những thú vui vật chất. Chỉ từ ngày An đến, cho anh biết, anh quen, anh mới thấy buồn trở lại, anh mới tìm lại được cảm giác con người.
An rưng rưng xúc động. Những lời nói của Diễn chân thành, tha thiết. Diễn nói bằng sự thật. An tin như thế. Nàng đan những ngón tay thon nhỏ trên chiếc bàn đá. Khoảng cách giữa nàng với Diễn không xa nhưng trên thực tế xa vời vợi của cuộc đời bình thường và tù tội. Những người chung quanh An chắc cũng mang tâm trạng như nàng. Bao nhiêu ánh mắt níu kéo, bao nhiêu câu nói vội vàng sợ hết giờ thăm viếng. An không biết trong câu chuyện họ có gì nhưng chắc chắn niềm vui chỉ là những thoáng mong manh.
Chương 04
NHẬT KÝ CỦA HOÀNG TRỌNG DIỄN
Chí Hòa … ngày… tháng …năm…
“Nguyễn thị Duy An!
“Mình gọi thầm cái tên dễ thương đó và nghe ấm cả lòng.
“Nguyễn thị Duy An, em có nghe tôi gọi tên? Tên em sao ba mẹ khéo chọn, mềm mại, nồng nàn như con người em vậy đó An?
“Vì em mà tôi trở thành lãng mạn.
“Vì em mà tôi tìm lại được bản chất “người” của một thân xác sống uất nghẹn tưởng chừng như không có hồn.
“Em đem sự sống đến cho tôi rồi em có lấy lại không An?
“Nụ cười em sao mà phúc hậu.
“Ánh mắt em sao thánh thiện lạ lùng.
“Giọng nói em cho tôi cảm tưởng nghe lại điệp khúc thánh ca của một mùa Giáng Sinh xa nào thời thơ ấu.
“Niềm tin ngủ yên trong tôi chợt dưng trở dậy. Tôi ôm lấy, ghì xuống, chôn trở lại tận cùng tiềm thức nhưng không thể được nữa, nó đã sống lại thật rồi. Tâm hồn tôi, niềm tin yêu của ngày nào đời chưa vướng khổ. Ngày đó tim tôi còn mềm. Tôi còn biết khóc, biết buồn. Một thời gian mất hết những cảm giác đó. Bây giờ nhờ em mà tôi tìm lại được đó An.
“Ồ nhật ký, chúng mình nói chuyện nhiều rồi phải không? Tôi nói với bạn bè nhiều về người con gái đó. An. Nguyễn thị Duy An! Tên như một nốt nhạc dịu dàng phải không nhật ký?
Mình nhớ đến An nhiều, nhiều quá. Nhớ hơn mình tưởng. Mỗi lần An đến rồi về, mình ngở như vừa đánh mất đi một phần sự sống. Tụi bạn trong trại đang kháo nhau về vụ “tương tư” của “đại ca”. Tụi nó chế nhạo mình sắp trở thành văn sĩ viết tiểu thuyết diễm tình. Tự dưng mình muốn được gọi bằng tên, muốn được gọi là Diễn, chứ không còn muốn mang danh tên tù 702, “đại ca” của chúng nó nữa. Mình không sợ tên thật của mình, mình không muốn trốn tránh bản chất của con người như xưa. Có lẽ mình ước ao tìm về. Mình nao nức sống trở lại quá khứ.
“An đẹp quá. Nàng có vẻ lạ hơn mọi lần. Không hiểu do sự khác lạ của y phục hay một chút son phấn làm mặn mà thêm gương mặt kiều mị kia? Có lẽ cả hai. Mình chợt mang mang một niềm vui rằng nàng đã “làm đẹp” cho mình. Dĩ nhiên đó chỉ là ước đoán. Ước đoán và hy vọng. Nhưng nó cũng giúp mình sung sướng thật nhiều.
“Hộp kẹo bé bỏng kia, phản ánh của một sở thích trẻ thơ, dễ yêu lạ lùng. Cô bé nghĩ mình cũng còn được sự hồn nhiên như nàng chắc. Có thể lắm chứ! Nàng ngây thơ và yêu đời, làm gì hiểu nổi một kẻ đã lăn lóc trong cuộc sống như mình được.
“Mình nhìn An qua một ý tưởng thật mong manh. Nàng như một cánh hoa đọng bằng sương khói, dễ dàng tan biến bất cứ lúc nào, chỉ cần một tia nắng nhỏ. Tình yêu dào dạt trong tim mình vẫn cố dằn để lặng câm. Mình sợ. Thật sự là mình sợ nói ra sẽ mất nàng vĩnh viễn. Hãy nương nhẹ cho cành hoa sương đừng tan đi. Để ít ra còn nhìn thấy được. Có lẽ mãi mãi mình không dám thố lộ tình cảm của mình cho An biết. Mình không xứng đáng để được nàng yêu.
“Mình khổ đau khi nghĩ đến người yêu của An. Hẳn anh ta phải là môt thanh niên trí thức đẹp trai, con nhà giàu… Anh ta phải có đủ diều kiện tạo cho An một cuộc sống sung sướng. Còn mình? Mình có gì đâu ngoài danh số tên tù 702 và những hình ảnh tên tuổi nằm trong sổ bìa đen của các cơ quan Cảnh Sát?
“Chua xót quá. Đời mình chưa một lần dệt huyền thoại yêu đương. Tình yêu nào cũng đẹp, nhưng mình chưa được hưởng bao giờ. Lăn lóc trong cuộc đời giang hồ mình chỉ có những mối tình tạm bợ với những cô gái qua đường, thế thôi. Chưa hò hẹn với ai. Giờ gặp được người yêu trong mộng thì phải trốn tránh.
“Mình chợt ước ao được cótrong tay cây cọ, giấy và một ít màu, mình sẽ vẽ lại hình ảnh kiều mị của Duy An. Chắc chắn thành công, vì hình ảnh nàng không giờ phút nào mờ nhạt trước mắt mình.”
Chí hòa, ngày… tháng…năm…
“12 giờ đêm.
Tụi thằng Thành, Thúy, Hùng đi kết thúc hồ sơ chiều nay. Tụi nó mừng ghê. Vậy là hy vọng sắp được xử. Xử rồi chưa chắc án nhẹ hay được về liền mà không hiểu sao ai cũng mong được đi xử. Thà biết rõ án còn ở lâu hay mau chứ đừng như một tội nhân ngửa cổ nhìn lưỡi máy chém đong đưa mãi trên đầu. Nhức tim lắm.
“Về một lượt với Thành có thêm hai ông mãnh can tội cướp giựt ngoài công lộ. Tụi nó nằm dự thẩm phòng 10, đứa nào đứa nấy méo mặt. Thằng Bích về tháng trước, nằm khám gần hai năm trời ra tòa lãnh án 6 tù treo, tức muốn hộc máu mồm.
Hồi chiều Thành nói chuyện với mình khá lâu, về người yêu của nó. Hai đứa nó yêu nhau nồng nàn. Cô bé khá dễ thương, không đẹp nhưng mặn mà. Thành bảo nó đi kết thúc hồ sơ mà không gặp cô ta, nó lo quá, không biết cô bé có đau ốm gì không? Mấy lần trước đi tòa đều gặp, vì thế hôm nay nghe giấy gọi sang nay ra tòa nó mừng quá, thức cả đêm viết thư cho người yêu, đến sang đem thư đi, rồi đem thư về, nó muốn khóc.
“Hoàn cảnh hai đứa nó cũng tội. Sống ngoài vòng gia đình. Hai đứa lo cho nhau từng ly từng tí, chịu chung từng phút giây buồn tủi, kinh hoàng. Cả hai dính líu vào một vụ bạch phiến nào đó. Tụi nó không hút, không chích choác gì cả nhưng làm môi giới mua dùm người ta. – Để có tiền sống chớ, tụi tao lấy gì nuôi nhau. Bà xã tao ốm yếu đâu có buôn gánh bán bưng được, mà học lực tú tài bây giờ xin việc làm lương tháng chưa đến mười lăm ngàn làm sao sống? Tao cũng sắp lính tráng tới nơi rồi, phải kiếm môt số vốn nho nhỏ để bà ấy ở nhà bảo đảm cuộc sống chứ - nó nói như vậy. Bây giờ thì cuộc sống được bảo đảm thật rồi, nó ở Chí Hòa- bà xã ở Thủ Đức- Đứa nào cũng ở trong Trung Tâm Cải Huấn để được chính phủ nuôi ăn và “dạy dỗ” rằng muốn sống tự do phải lương thiện.
“Lần nào đi tòa về cũng nghe nó nói về người yêu của nó: “hai đứa gặp nhau mừng mừng tủi tủi ứa nước mắt. Tao muốn ôm hôn vợ quá mà mấy cặp mắt cú vọ của mấy cha giải tội phạm cứ nhìn chầm chập,khó ưa quá. Yêu nhau, xa nhau mới thấy phút gần nhau là quí. Mà bà xã tao kỳ quá, mỗi lần gặp lại thấy bả đẹp hơn lên làm mình phát …. sốt ruột”.
“Chỉ có buổi chiều nay, gặp mình nó rầu rĩ than thở: “Chả hiểu sao bà xã tao lại không cùng đi ký giấy kết thúc nhỉ? Cùng chung một vụ mà. Tao lo quá, hay bả bịnh hoạn gì nặng lắm hay sao đến nỗi không đi được! Lo muốn điên lên mà không biết hỏi ai”
“Mình bảo Thành gởi Thành gởi thư về Thủ Đức hỏi tin thử xem. Tội nghiệp, nó lo lắng ra mặt. Bạn thân, mà mình cũng đành chịu không biết làm sao an ủi nó.
“Buồn quá, mà có bộ bài cho tụi trên câu lạc bộ mượn mất rồi. Không có ở đây để sát phạt cho quên thời gian.”
***
- Duy An à.
Người con gái quay lại bạn:
- Gì vậy Mai?
- Sao mày buồn dữ vậy?
An lắc đầu gượng gạo:
- Tao có buồn gì đâu?
- Có mầy giấu tao. Bạn thân với nhau mà mày còn giấu tao hở An?
- Tao không giấu mày, nhưng có thể tao buồn mà không biết. Mày thấy tao buồn bao giờ.
- Từ hôm qua sau lúc hai đứa coi phim về. Tao thấy dường như mày có chuyện gì lo nghĩ ghê lắm. Phải vậy không An?
Duy An gật đầu nhè nhẹ, Mai là cô bạn gái thân nhất của nàng. Không việc gì An giấu Mai và ngược lại. Mai hơn An ba tuổi, coi An như một cô em gái vì An không có chị. Mai lo lắng cho An, an ủi bạn từng chút. Không có điều gì phiền muộn ở An mà Mai không cố tình biết để giải tỏa.
Chiều qua Mai đến rủ An đi xem ciné. Nội dung cuốn phim diễn tả nỗi thất vọng, sự mặc cảm của một tù nhân được phóng thích sau hơn mười năm bị giam cầm. Anh ta ở trong tù nuôi hy vọng bao nhiêu thì lúc ra khỏi tù lại thất vọng bấy nhiêu. Cuộc đời không tốt đẹp với anh ta như anh ta tưởng. Con người không dang tay đón anh ta như anh ta mong. Tất cả đều quay đi, tất cả đều lạnh nhạt. Cả đến gia đình anh ta cũng thờ ơ, họ như muốn xua đuổi anh ta ra khỏi cuộc sống bình nhật. Không ai muốn chấp nhận một tên cướp của giết người dù hắn đã bị trừng phạt xứng đáng. Gã đàn ông khốn khổ lao đao đi vào bóng tối. Gã lếch thếch đi xin việc làm nhưng đến đâu cũng bị từ chối thẳng thừng với những lời tàn nhẫn như tát nước vào mặt: “Chúng tôi rất tiếc không nhận một tên sát nhân”. Gã cắn răng lại cố dằn cơn giận bừng lên. Gã lại về nhà, để nhận những miếng cơm thừa được khua mạnh chén đũa, sự bực tức trong gia đình càng thể hiện rõ rệt khi vợ gã nói thẳng vào mặt gã: “Tôi rất xấu hổ có người chồng tồi tệ như anh. Ngày anh bị bắt tôi đã phải bỏ xóm trốn đi. Giờ anh về, anh còn muốn tôi thêm một lần dọn nhà nữa hay sao?”
Lần nầy gã không chịu nổi nữa. Gã nghiến chặt hai hàm răng rít lên: “Con khốn nạn, tại ai mà tao trở thành tên cướp của giết người? Nếu mày không đua đòi xa hoa vật chất để cho số lương thợ máy của tao không đủ cung cấp cho mày phung phá? Mày đòi hỏi, mày than van, mày tỉ tê rồi mày trách móc…chịu không được tao phải đánh liều đi ăn cướp, để có tiền trang trải nợ nần do mày gây ra và cho mày tiếp tục đua đòi bè bạn. Tao ăn cướp rồi tao bị truy nã, muốn thoát thân tao phải giết người. Tao vào tù là vì ai? Vì ai mà giờ này mày nỡ xua đuổi tao?!”
Mụ vợ vẫn không vừa, tiếp tục đay nghiến. Gả giáng cho mụ mấy cái tát. Mụ la ầm lên, gọi cảnh sát bắt anh chồng vũ phu. Trước mặt nhân viên công lực, gã thản nhiên đưa hai tay chờ còng. Gã nói:
- Tốt, cho tôi trở lại khám đường. Thà ở đó tôi yên thân hơn. Ít ra ở đó cũng còn tình người, không ai xua đuổi tôi”.
Nhưng cảnh sát không còng tay gã. Họ chỉ khuyến cáo hai vợ chồng đừng làm ồn bà con lân cận. Vợ chồng cãi nhau, đánh nhau là thường, vả lại gã chưa gây thương tích gì quá đáng. Vẻ thất vọng lộ rõ trên nét mặt của gã lẫn mụ vợ. Mụ tàn nhẫn “Được anh cứ việc ở đó đi mỗi ngày tôi thí cho một bữa ăn, thế nào anh cũng bị bắt lại nay mai mà!?
Chán nản trước tình đời, gã bỏ nhà đi. Gã đi trong băng giá, không định hướng. Gã nghĩ cách phạm tội để trở lại khám đường, ngoài đời gã không có nơi dung thân thì gã phải vào tù để sống. Gã đi đến một thánh đường, bước vào và nhìn thấy vị Linh mục đang quỳ cầu nguyện. Gã nhìn vị Linh mục, nhìn bộ chân đèn bằng bạc trên bàn thờ rồi tiến đến. Gã xoa hai tay vào nhau cho đỡ lạnh, đến thản nhiên nhấc bộ chân đèn đi ra. Gã đi ngang chỗ vị Linh mục quì và dừng lại nói một câu khiêu khích: “Cha có thể báo cảnh sát bắt tôi”. Nhưng Linh mục khẽ lắc đầu trầm giọng: “Con cần cứ lấy mà dùng. Nhà thờ còn có bộ khác”. Gã đàn ông sựng lại, nhìn vị Linh mục đăm đăm, và rồi gã để cặp đèn xuống, gục đầu trong vòng tay của vị Linh mục…
Phim chấm dứt ở đó, và An đã khóc theo số phận hẩm hiu của gã đàn ông. Nàng nghĩ đến anh Chính, đến Diễn. Nàng nghĩ đến những tên tội phạm sau khi mãn án, chắc họ cũng không hơn gì gã đàn ông trong phim.
- Mai à.
Mai nhanh nhẩu:
- Nói đi An.
- Tên tội phạm đáng thương ghê Mai nhỉ?
Mai ngơ ngác:
- Tên tội phạm nào?
- Gã đàn ông cướp của giết người ấy mà.
Mai gật gù:
- Ừ nhỉ, mình quên. Tưởng An nói chuyện ngoài đời.
- Thì đó cũng là một trong những cảnh đời chứ Mai?!
- Làm gì có, phim ảnh mà. Phim ảnh thì cũng như tiểu thuyết, chỉ là tưởng tượng.
- Mai thử đi hỏi mấy khám đường coi, có bao nhiêu tù nhân? Và rồi chừng đó người sẽ mang nỗi bất hạnh như gã đàn ông trong phim đó. Họ cũng sẽ bị xua đuổi, ruồng bỏ… họ không khác gì những con chó hoang. Xã hội nhìn họ ghê tởm. Gia đình nhìn họ khinh khi lạnh nhạt. Như vậy đó, ai mà chịu nổi.
- Sao An quan tâm đến chuyện đó dữ vậy? Có ăn nhằm gì đến mình đâu? Mình đâu có phải tù nhân mà An sợ.
“Anh Chính bị giam đâu có ai biết? Mình quen với Diễn đâu có ai hay? Vậy thôi, nói mãi nó nghi, nó hỏi tới thì mệt” và An lảng chuyện:
- Cháu Ngọc hết sốt chưa Mai nhỉ?
Hơi ngạc nhiên trước câu hỏi của bạn nhưng Mai cũng trả lời:
- Đỡ rồi. Hình như nó bị ban. Đi thầy thuốc nam uống mấy thang coi bộ chịu rồi.
- Vậy mà hôm bữa làm má nó hết hồn.
- Ừ hôm đó mình cũng tưởng nó chết. Chị Trâm thì quýnh quáng lên. Mới có đưa con đầu mà, đâu đã có kinh nghiệm.
Xoay chuyện mưa chuyện nắng một hồi rồi Mai từ giã bạn. An đưa Mai một quãng đường. Gió chiều vương nhẹ lên tóc lên má An những sợi vô hình lành lạnh. Nàng bất chợt nghĩ đến Diễn, đến anh Chính, hình ảnh cuối cùng là gã đàn ông bất hạnh đang gục khóc trong tay vị Linh mục hiền từ.
Chương 05
NHẬT KÝ CỦA NGUYỄN THỊ DUY AN
Ngày … tháng … năm …
“ 1 giờ trưa…
“Sáng hôm nay anh Chính đi tòa . Cuộc đối chất thứ nhất. Mình, má, chị Thu đi đón anh.
“Mình hỏi ông cảnh sát đón tội nhân ở đâu, ông ta chỉ chổ xe tòa sẽ đến đổ phạm nhân xuống: “Cô đứng đó sẽ nhìn thấy thân nhân và nói gì với họ thì nói, chứ vô trong đó không được đâu”.
Mình cám ơn, đưa má và chị Thu lại đó. Má hỏi :
“ Bộ nó ra đây hả con?
“- Dạ xe tòa đến đây ngừng cho ảnh xuống má à. Mình đợi đây được, ảnh nói chuyện chớ người ta không cho vô tòa đâu.
“Một lát, chiếc xe lớn bít bùng tiến vô. Mình kéo má đứng nép bên thành tường. Từng toán phạm nhân xuống xe, tay bị khóa trong còng sắt hai người một. Nhìn thấy anh Chính bị còng tay mình ứa nước mắt. Má và chị Thu khóc tức tưởi. Anh Chính nhăn mặt , buồn hiu. Những người đi đón thân nhân bao quanh hỏi han, mình hỏi anh Chính:
“- Anh cần gì không?
“ Anh lắc đầu”
“- Anh đủ dùng rồi, đừng làm phiền má nữa. Mà sao bữa nay má ốm vậy An?
“ – Má mới bị cúm xong anh Hai.
“Anh Chính thở dài:
“- Sao không nói má ở nhà nghỉ, để má lên đây làm gì cho khổ thân. Đến Chí Hòa thăm anh được rồi.
“- Má cứ đòi đi không à. Nghe anh Hai được đi tòa má mừng quá, hối em sửa soạn đủ thứ, cả một xách kìa. Anh Hai nhận được không?
“- Được đợi đây chút nữa anh ra sẽ lấy – mà thôi, đưa bây giờ anh xách theo cũng được.
“ – Thôi lát anh Hai ra rồi lấy. Giờ xách theo nặng lắm. Em với má chờ ở đây nha.
“Anh Chính than nhỏ:
“- Anh làm khổ má quá nhiều. Tội nghiệp bà già. Tuổi này còn phải trần thân lo cho con.
“Mình tính nói với anh Chính: “Giá ngày trước anh biết nghĩ vậy thì giờ này má đâu có khổ” nhưng mình không nói. Ít ra anh Hai cũng biết nghĩ lại thương má. Nghe anh Hai than mình cũng thấy tội tội gì đâu. Không biết tất cả mọi người, khi ở vào cảnh tù tội như anh mình có hồi tâm nghĩ lại những việc mình làm không nhỉ. Nếu vậy thì nhà tù đâu có vô ích. Mình chỉ anh Hai:
“ – Chị Thu kìa.
“- Anh thấy rồi. Nhưng thôi em đứng nói chuyện với anh đi, đừng để Thu và má đến đây. Anh sợ nhìn thấy má khóc lắm.
“Má và chị Thu đứng chôn chân, yên lặng. Hình ảnh anh Chính bị còng tay làm má xúc động mạnh. Nước mắt lăn trên đôi gò má gầy làm mình cũng muốn khóc theo. Những người lính giải tù xua phạm nhân đi xuống con đường hầm dẫn qua phía bên kia để vào phòng thẩm vấn hay xử. Anh Chính vội vã đi theo đoàn người. Chắc cũng năm sáu chục người gì đó. Có nhiều tội nhân thật trẻ, chỉ độ mười ba, mười bốn, ốm yếu xanh xao đi như không muốn nổi. Chắc họ bị bắt vì nghiện ma túy. Trong tù thiếu thuốc nên sinh ra bệnh hoạn. Mình chua xót nghĩ đến những kẻ bất hạnh, vì một hoàn cảnh nào đó, vì một lầm lỡ nào đó phải mất cuộc đời tự do.
“Gần mười hai giờ anh Chính mới trở ra. Mình theo xe đưa được xách đồ ăn và anh cũng đưa cho mình một mảnh giấy nhỏ: “Của Diễn gởi cho em đó”. Anh nói được một câu rồi vội bước lên xe. Mình giấu vội mảnh giấy vào ví, không biết Diễn viết những gì nhưng không muốn má và chị Thu biết mình quen Diễn.
“Chiếc xe bít bùng như con quái vật trườn đi. Chắc anh Chính có quay lại nhìn má, nhìn em và người yêu nhưng không làm sao thấy được ánh mắt níu kéo đó.
“Mình về nhà, vào phòng và đọc thư của Diễn. Mảnh giấy nhỏ chỉ vỏn vẹn mấy hàng:
DUY AN,
Gởi theo chính mến thương của anh đến An,
Cô em gái của anh giờ này chắc đang yên giấc. Mộng có đẹp không An? Diễm phúc cho kẻ nào hiện diện trong giấc mơ của em.
Nhà tù lạnh và buồn lắm An. Anh giải buồn bằng rượu. Hơi men nồng bốc lên mặt và anh thấy em cười thật dễ thương trong hơi men đó.
Anh: Diễn
“ Bao nhiêu chữ đó thôi mà mình đọc hoài. Thấy thương thương. Diễn viết mấy câu mà nghe như cả một tâm hồn được gói ghém trong đó. Mà có lẽ như thế. Diễn tế nhị. Mình phục vẻ chịu đựng trên đôi mắt đăm đăm phong trần của anh.
“Ồ, Duy An – Dạo này mi bị chi phối nhiều lắm rồi nghe”. Bạn bè trong lớp cũng tỏ vẻ ngạc nhiên về mình lắm đó. Mình nổi danh là con bé nhí nhảnh, ưa nghịch phá, vui nhất lớp, vậy mà từ ngày anh Chính bị tù đến nay. Không, phải nói là từ ngày mình quen Diễn đến nay, mình hầu như trở thành một người khác. Suy tư và xa vắng đối với bạn bè thân thiết.
Ngày mốt mới có thăm nuôi. Ngày mốt mình mới gặp Diễn. Lâu quá nhỉ? Hai ngày chứ ít sao? Hai ngày đối với nỗi chờ mong, dằng dặc.
“3 giờ khuya”
“Chúa ơi mình vừa qua một giấc mơ vừa đẹp vừa khủng khiếp.
“Mình thấy mình đi bên cạnh Diễn trên con đường thật lạ thật đẹp. Đường vắng, chỉ có hai đứa và những tàn cây cao che lá im mát. Buổi chiều có nắng nhẹ nhàng và hoàng hôn đến muộn. Mình khép nép bên Diễn cao lớn, vững mạnh. Mấy chiếc lá me vướng trên tóc và anh lấy những chiếc lá đó đưa cho mình, mỉm cười trìu mến:
“Cất đi An, hãy giữ lại những tên si tình em để làm kỷ niệm.
“Mình ngơ ngác:
“- Những tên si tình? Ai đâu anh?
“- Mấy chiếc lá này đó em. Em không thấy nó đậu trên tóc em đó sao. Không si tình em nó tìm cách hôn tóc em làm gì!
“Diễn ví von vừa ý nhị, vừa khôi hài.
Con đường trước mặt thênh thang. Diễn hỏi:
“- Đố An biết cuối con đường có gì chờ đợi mình?
“- Còn xa quá mới đến cuối đường, em làm sao biết hở anh?
“Mắt Diễn nhìn mình tràn ngập thương yêu:
“- Có hai sự việc chờ đợi mình: Một là anh dìu An đi qua hết ngã tư… và đi hết cuộc đời. Hai là anh bị chận lại để đưa tay cho người ta còng, đưa ngực cho người ta bắn.
“- Kìa, anh. Sao dưng không anh nói gì kỳ vậy?
“Diễn cười buồn:
“- Sự thật đó An. Biết đâu định mệnh lại không khắc nghiệt, quyết ngăn cản đến cùng những hạnh phúc sau cuối của đời anh.
“- Em không tin như thế. Anh đã mãn án tức là đã đền tội rồi mà.
“- Đó là luật pháp. Còn định mệnh nữa em. Em quên rằng có những con người mà định mệnh tàn ác đến hơi thở cuối cùng hay sao?
“- Anh bi quan quá, anh làm em sợ…Diễn, hãy nói với em rằng cuộc hành trình của chúng ta sẽ không gặp trở ngại nào…Hãy nói với em anh sẽ đưa em qua ngã tư… và suốt cuộc đời đi Diễn.
“Người con trai cúi xuống, định hôn lên tóc người yêu lại thôi.
“- Sao anh ngừng lại? Sao anh không hôn em?
“ – Anh muốn giữ gìn cho em, dù chỉ là một nụ hôn trên tóc. An giữ lấy sự trong trắng hồn nhiên của em… Anh không xứng đáng.
“Mình níu tay Diễn thật chặt:
“Anh lạ lùng quá Diễn ơi. Không thể nào em hiểu nổi anh. Hay anh chê em trẻ con? Hay anh… không thương em?
“Giọng mình nghèn nghẹn, sắp khóc. Diễn dừng lại nhìn thật sâu trong mắt mình:
“- Anh sung sướng thấy em trẻ con. Đừng làm người lớn vội An ạ. Và cũng đừng nghĩ rằng anh không thương em. Anh thương… đến không còn gì để nói, không một danh từ nào đủ để diễn đạt hết ý.
“Diễn vẫn dìu mình bước. Gần đến cuối đoạn đường. Mình cười:
“- Cuối đường rồi kìa anh. Ngã tư đó. Bình yên, có gì đâu.
“- Sao em không nghĩ rằng có một trái mìn đã gài sẳn ở đó để chờ đợi con người được định mệnh chiếu cố!?
“-Không. Anh sẽ đưa em qua đó bình yên. Diễn, bên kia ngã tư con đường cũng đẹp. Cũng có nắng dịu và hoàng hôn nhuộm xám không gian. Anh thấy không? Mình sẽ đi tiếp nữa nghen Diễn.
“Diễn không nói, chỉ nhìn mình thật buồn, ánh mắt Diễn hàm chứa chân tình và khoắc khoải. Mình vẫn bước, rồi đột nhiên, không biết từ đâu, một toán người nhảy ra chận đường. Họ ghìm súng trên tay. Tên đi đầu quát bảo Diễn:
“- Đứng yên, tử tội.
“Mình kinh hoàng nghe Diễn nói:
“- Để tôi đưa người con gái này qua khỏi ngã tư đã. Cô ta vô tội.
“- Khôn được tử tội. Mi phải đền tội ở đây. Không được bước thêm bước nào nữa.
“Diễn nói với mình:
“Em đi một mình, Duy An. Anh rất buồn không đưa được em sang bên kia đường. Anh phải chấp nhận định mệnh ở đây. Tha lỗi cho anh nghe Duy An.
“Mình cứng lưỡi không nói lên được tiếng nào. Mắt mình mở trừng trừng trước nụ cười đau đớn của Diễn. Những gã đàn ông hung hăng sắp hàng trước mặt, đưa súng lên nhắm Diễn, lảy cò. Tiếng nổ chát chúa và mình rú lên… Choàng dậy ! “Giấc mơ lạ lùng!”
***
Diễn hất hàm hỏi thằng con trai gầy còm đang ngồi xếp ve trong góc phòng:
- Mày tội gì?
- Dạ em thổi xế, đại ca.
- Xế hộp hả?
Tên tù mới lắc đầu:
- Dạ đâu có. Xế hai bánh.
- Sức mày làm gì lay nổi xế hộp – Bị bắt ở đâu?
- Dạ quận nhì.
- Ở nhà mày làm gì?
- Dạ… em thổi xế.
- Không tao hỏi lúc trước khi mày trở thành quái xế kia.
- Em đi học đại ca.
- Sao mày bỏ học?
- Bị… má em không cho.
- Nhà nghèo hả?
Tên quái xế lắc đầu:
- Gia đình em khá lắm.
- Nhà khá sao má mày không cho đi học?
- Má ghẻ mà đại ca. Tiền em đóng học một tháng đủ cho bả làm móng tay một lần.
Diễn gật gù:
- Mế kế, thảo nào. Còn ba mày đâu, làm gì?
- Ba em đi thầu làm nhà.
- Mày là con lớn?
- Dạ, em còn người anh đi lính Lôi hổ bị mất tích, từ hồi đó mẹ kế bắt em nghĩ học luôn.
- Ba mày biết không?
- Dạ không.
- Sao mày không nói cho ổng nghe?
- Ổng nghe lời bả, sức mấy nghe em, đại ca.
Diễn nhìn đứa con trai: nó độ mười lăm tuổi, ốm yếu, nó để trần, chỉ mặc có chiếc quần đùi sọc đã cũ. Thằng nhỏ mới bị tống giam, vào khu AB và đang bị “ma cũ” “lột” để chuẩn bị cho một trận đòn hội đồng dằn mặt thì Diễn tới. Mấy lão giám thị ở đây cũng nể Diễn nên bọn tù ngán danh số 702 ghê lắm. Do đó khi Diễn vào trại, cả bọn ngừng, thôi không “làm thịt” “ma mới” nữa.
Diễn tiếp tục tra vấn:
- Lúc mầy bỏ đi ba má mầy biết không?
- Dạ không. Sau em gặp tụi bạn cùng xóm, nghe nói lại là bà dì ghẻ dàn cảnh như em đã ăn cắp tiền bạc trốn đi vậy, và bà ta xúi ba em đăng báo từ.
Nó mở sợi dây đeo trên cổ: một miếng giấy vẽ ngũ sắc được bọc nhựa cẩn thận. Nó lật miếng nilon ra, tút một tấm ảnh và một miếng báo gấp nhỏ.
- Cái này là bùa hộ mạng, ngày em còn bé, má xin cho đeo cổ trừ tà yếm quỉ. Còn đây là ảnh ông bà già chụp chung. Đây là…
Giọng hắn nghẹn lại như muốn tắt. Diễn giật miếng báo gấp làm tư mở ra coi: ảnh đứa con trai trên đó lời bố cáo từ con: “Con tôi Nguyễn Văn Hòa – 15 tuổi – đã nghe lời bạn bè ăn cắp hai trăm ngàn bạc bỏ nhà trốn đi. Vậy từ ngày đăng bố cáo này tôi không nhận tên Hòa là con. Ai chứa chấp phải chịu trách nhiệm mọi hành vi của nó trước luật pháp!”
Hòa cười buồn:
- Tình thương của người cha dành cho con đó đại ca.
- Rồi mày đi thổi xế?
- Dạ, kẹt quá không cách gì sống được, em nhập một “băng” bụi đời chuyên thổi xế, móc túi.
- Mày thổi được mấy chiếc rồi?
Nó lắc đầu:
- Chưa lập được thành tích nào đáng kể, đại ca. Em chỉ đi theo tụi nó “học hỏi” chưa có kinh nghiệm.
- Mày đi tù chắc ba mày biết chớ hả?
- Em không biết. Ổng ít đọc báo, nhất là mấy cái tin xe cán chó.
Diễn móc thuốc hút:
- Hút thuốc không?
- Dạ, đại ca cho em một điếu.
- Thèm?
- Rỏ dãi lận. Mấy bữa nay thiếu – Thiếu cơm còn dễ chịu hơn.
- Chính phủ không để mày thiếu cơm. Chỉ có thiếu không khí và thiếu thuốc. Ờ ngoài mầy có chích chóa gì không?
- Có “phi” nhưng thỉnh thoảng thôi. Nếu nặng giờ này chắc em chết nhũi quá. Trong này đâu có tiếp tế được hả đại ca?
Diễn cười nhếch:
- Mày có tiền thì cái gì cũng có hết. Dĩ nhiên là không đầy đủ như ở ngoài. Nhưng đừng có điên mà bắt chước tụi nó, tàn đời. Cái gì tránh được thì nên tránh. Mày còn nhỏ quá, dừng có tự hại thể xác làm gì. Biết mình có chết được hay không, hay cứ phải kéo lê cuộc sống tàn tạ khốn khổ.
Hòa không nói, im lặng nghe Diễn như một sự nghe lời ngoan ngoãn. Diễn nhìn bộ ngực gầy trơ của hắn, rồi quay sang bảo tên thư ký trại:
- Quần áo của nó đâu rồi?
- Thằng Bản lấy rồi đại ca.
- Đem trả cho nó. Tụi bay ở nhân đạo một chút đi, đừng có hiếp đáp kẻ yếu.
Mấy tên tù cũ nhìn Diễn ngạc nhiên, không hiểu hôm nay “đại ca” lại can thiệp những việc làm “chính đáng” như vậy. Luật lệ của kẻ đi trước đặt ra là ai mới đến phải “đóng thuế”, giàu thì tiền mặt, nghèo thì lột áo quần, và một trận đòn dằn mặt.
Một tên mang vẻ hoài nghi:
- Đại ca… sao hôm nay…
Diễn gạt ngang:
- Nghe tao đi. Trả đồ lại nó, tha cho nó. Từ nay tụi bay ráng bỏ cái lệ cũ đi. Mẹ kiếp, đánh tụi nó cũng bằng đánh em, đánh con tụi mày ở nhà.
Mấy tên riu ríu làm theo lời Diễn, trả quần áo lại cho Hòa. Diễn đứng nhìn thằng bé mặc quần áo bằng ánh mắt thương hại. Hắn hiểu tụi bạn bực tức vì sự can thiệp của mình ghê lắm, nhưng hắn lờ đi. Diễn đã đổi thay nhiều từ ngày có Duy An. Tâm hồn hắn bỗng trở nên thuần hậu. Hắn sống như một kẻ giàu tình cảm nhất đời. Khốn nỗi chung quanh Diễn phần nhiều là dân chai lì, ngang ngược nên số người hưởng ứng thì ít mà bất mãn lại nhiều.
Mỗi lần sắp làm một việc gì, Diễn lại viện trợ tới hình ảnh Duy An để tránh những ảnh Duy An để tránh những hành động không phải. Diễn mến thương cô bé bằng thứ chân tình mãnh liệt. Thứ chân tình của một mức tôn sùng cao quí. Diễn thấy mình tội lỗi, Diễn thấy mình hèn hạ trước vẻ ngây thơ, trong sáng của Duy An. Hắn thay đổi để hy vọng lương tâm mình không cắn rứt mỗi khi đối diện ánh mắt thánh thiện của người con gái đó.
Chương 06
NHẬT KÝ CỦA HOÀNG TRỌNG DIỄN
Chí Hòa … ngày… tháng …năm…
“Chả biết mấy giờ rồi,nhưng có lẽ là đã khuya lắm.
“Có cái đồng hồ thì mình đã cho thằng Lực mất rồi. Tội nghiệp, nó mãn án về mà không có một đồng trong tay. Lên văn phòng chắc ông quản đốc và phó quản đốc cũng cho tiền xe về. Ở trại mình lạc quyên được gần hai ngàn cho nó, phần mình là cái đồng hồ Seiko mới nhờ tụi nó mua cách đây hai tháng. Nó ra ngoài bán cũng được năm, bảy ngàn. Nó than gia đình chẳnng còn ai, về tay trắng chắc phải trở lại nghề cướp giựt. Mình khuyên nó nên kiếm sống từ số vốn nhỏ, bán báo, đánh giày, bán bánh mì… làm nghề lương thiện mà sống để tạo dựng tương lai. Nó tâm sự: “Hai năm tù đối với tao quá nặng nề, tao thù hận xã hội đã bạc đãi tao, nhưng tao sợ phải trở lại nơi này để sống những ngày dài tủi hận. Tao sẽ nghe lời mày, tao sẽ cố gắng”.
“Mình nước mắt ứa theo nó. Gần hai năm trời từ ngày nó qua khu AH này sống với mình, nó tương đối là thằng nhiều tình cảm nhất, ngày trước có lần nó đem lương tâm ra khuyên mình, bị lãnh một trận nên thân, giờ đến lượt mình khuyên nó, nó nhận. Nó hơn mình nhiều quá.
“Suốt chiều nay một nỗi nôn nóng nào đó xâm chiếm cả tâm hồn mình. Chắc chắn là vì sự vắng mặt của Duy An.
“Giờ thăm nuôi mình và Chính ra cửa đón, nhưng chỉ có bác gái và Thu vô, không có Duy An.
“Mình ngồi bên Chính hỏi thăm bâng quơ chuyện ở ngoài, không nhắc nhở gì đến An. Mình không muốn bà cụ biết mình quen nàng. Có lẽ bà cụ sẽ không bằng lòng khi biết cô con gái khả ái của mình lại bạn với một tên tù.
“Chính hỏi sao An không vô, bà cụ nói An bị ốm. Bịnh cúm đang lan tràn, bà cụ vừa khỏi thì đến lượt An.
“Nghe thương cô bé chi lạ. Hình dung An nằm buồn hiu với cơn sốt, mình muốn chia sẻ với nàng mà không biết làm sao hơn.
“Không biết An có lúc nào nghĩ đến mình không nhỉ? Chắc cô bé chưa biết yêu là gì? Mình vẫn biết thời đại này tuổi trẻ chấp nhận tình yêu rất sớm, nhưng không hiểu sao với An, mình vẫn nghĩ nàng còn thật thơ ngây.
“Sao cũng nghe váng đầu. Hay mình lại sắp cảm cúm như An đây? Không lẻ thần giao cách cảm tài tình đến thế nhỉ?
“Ngày … tháng… năm…
Mình vừa đi nhà thờ về. Mấy ông giám thị có vẻ ngạc nhiên dữ.
“Lẽ thứ nhất họ biết mình ngoại đạo, lẽ thứ hai là họ cho rằng dù có đạo đi nữa mình cũng không đến nhà thờ.
“Buổi tối mình hỏi Chính đạo Thiên Chúa mỗi khi muốn cầu xin Chúa một điều gì phải làm sao? Nó nói:
“- Người công giáo đến nhà thờ dự lễ Misa. Mày có bao giờ đến nhà thờ chưa?”
“Dạo này cu cậu lên mặt dữ, mày tao với mình kỹ quá. Tánh nó còn háo thắng, còn nông nổi nhiều. Mình trả lời:
“- Hồi nhỏ tao có đến nhà thờ một lần dịp lễ Noel để xem hang đá và nghe Thiên thần hát, giờ thì hết rồi, hết lâu rồi.
“- Vậy mày muốn đi nhà thờ không?
“ Có lẽ. tao có một vài điều cần Chúa cảm thông. Tao có ẩn ức gì cũng không biết tâm sự với ai, ít ra là có một niềm tin, dù là vô hình, để tao chạy đến và thổ lộ.
“Chính gật gù, nhưng mình không chắc nó đã hiểu điều mình nói. Nó nông cạn, ít khi nghĩ xa và lâu điều gì. Thật ra mình muốn được đến với Chúa để chỉ xin một điều duy nhất: “Duy An khỏi bệnh”.
“Thật là trẻ con. Mình không nghĩ rằng có lúc mình lại có thể như thế được. Nhưng mình đã làm. Mình ra giáo đường, nhìn lên bầu trời đầy mây hồng và hoa nắng. Mình không dự hết buổi lễ, chỉ vào quì với chân Thánh Giá mấy phút để tâm tình với đấng Tối Cao, xin người cho An khỏi cơn đau dù là rất nhẹ. Rồi mình ra ngồi trên thềm nhà thờ, mắt nhìn như mở rộng hơn trước hình ảnh hiền từ của Đức Mẹ, trước hình ảnh khổ hạnh của Chúa Giêsu trên Thập giá. Mình không tìm hiểu Giáo Lý, nhưng hình như một chút ấm áp đang len vào từ mạch máu tim mình.
“Mình nghĩ một con người khi sống hiền lành thì lúc chết sẽ được về với Chúa, với Phật nơi miền lạc cảnh nào đó. Nhưng ít ra thì sống cũng phải có một tín ngưỡng để có thể cám ơn lúc vui và khóc lóc lúc buồn. Vô tôn giáo như mình cầu Chúa, Chúa quay đi, xin Phật, Phật không nhận làm sao”
“Ồ, lại lý luận. Dạo này coi bộ mình chịu lý luận dữ. Những điều mà trước kia chỉ làm mình bực mình thì bây giờ lại ám ảnh mình nhiều nhất.
Ngày …tháng …năm…
“Mình bắt đầu trở thành họa sĩ rồi đây.
“Gởi được giấy và cọ, màu, mình quyết định sẽ họa hình Duy An. Gương mặt nàng mình nhớ từng nét một, cả cái nốt ruồi dưới cằm. Mình hình dung đến đôi mắt to thật nhiều tròng đen của Duy An, người ta nói người mắt nhiều tròng đen thật thà, không xảo trá. Có lẽ đúng thật. Môi An hơi dày, chưa hẳn môi trái tim nhưng như vậy đẹp hơn, nhất là khi cười, hai cái răng khểnh có duyên lạ lùng.
“Mình đã pha màu và phác họa sơ một vài nét. Lại có dịp cho tụi nó cười, tụi nó nói không ai si tình như mình. Lãng mạn đến thế là cùng. Thằng Chính nói: “Tôi không hiểu một con người đầy nghệ sĩ tính như mầy tại sao trở nên tên cướp của giết người được Diễn ạ. Cà chớn như tao thì còn được đi. Tao khô khan, sống nặng về vật chất thì làm du đảng để thỏa mãn nhu cầu sống còn được. Còn mầy, lãng mạn, đa tình và nghệ sĩ thế kia… lạ thật. Mầy nên làm lại tất cả đi Diễn. Tao tin rằng mày dư sức. Mày có thể trở thành văn sĩ hay họa sĩ… đói rách một tí nhưng người đời mến trọng”
“Mình không nói gì, chỉ cười trừ. Làm sao Chính hiểu rằng chính cô em gái của nó là động lực thúc đẩy mình trở thành một nghệ sĩ. Nếu không có Duy An, dù mình có tài đi nữa thì cái tài đó cũng sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn.
“Nhất định mình sẽ hoàn thành tác phẩm trước lần thăm nuôi tới, để làm quà cho Duy An. Thứ năm tới Sinh nhật cô bé, Chính cho mình biết điều đó, và ngày thứ ba mình tặng cho nàng là đẹp rồi. Chắc An ngạc nhiên lắm. Nàng không thể ngờ một tên tù như mình lại có thể là một nghệ sĩ.
“Kể ra từ lúc mình đổi thay đến giờ cũng mất khá nhiều bạn. Chúng nó không chịu sự đổi thay đó, mà chúng cho rằng “đạo đức giả”. Có đứa nói mỉa mai: “Mẹ, hồi giờ nó sống làm sao. Bây giờ bày đặt nhân đạo màu mè. Nó bỏ anh em vì một đứa con gái. Thử coi “cái tâm hồn cao đẹp” của nó có giúp nó trắng án được không”. Mình nghe nhưng bỏ ngoài tai, vì chúng nó không nói thẳng vào mặt mình, thôi kệ, chấp nhất làm gì. Mỗi người có một lý tưởng.
“Cơn buồn ngủ dường như đến với mình sớm hơn thường lệ. Chắc phải cần một ly cà phê. Một ly cà phê và một khoản thời gian để sống trọn vẹn với hình ảnh Duy An, và đưa nàng vào nghệ thuật hội họa”.
***
- Màu áo em mặc đẹp không Diễn?
An hơi mỉm cười khi hỏi câu đó. Má nàng hồng hơn mọi lần không biết vì nắng hay vì thẹn.
Diễn trả lời:
- Không phải vì màu hồng của áo đẹp mà chính vì An đẹp.
Chính ngồi cạnh tán vô:
- An biết không, em không vô thăm có một tuần mà Diễn nó ốm luôn mấy ngày. Nó đâm ra cau có khó ưa đến nỗi suýt bị tụi nó làm thịt đó.
Cô gái nhìn bạn:
- Em bị đau, chắc má có nói.
- Nhưng lời nói của má đâu có an ủi được nó.
An nguýt anh một cái thật dài:
- Có anh là rắc rối. Chỉ giỏi thêm mắm thêm muối. Làm gì mà ghê thế anh Diễn nhỉ?
- Có lẽ sự thật còn trầm trọng hơn nhiều An ạ.
An lảng đi:
- Thiên hạ đau nhiều quá, cả má cũng vậy, em mà mạnh là… phản khoa học, là… bất hiếu.
- Mình không thể khác thiên hạ sao An?
Cô gái vô tình:
- Sống phải hòa đồng chứ anh. Mình mà … không giống ai coi sao được.
Diễn buồn buồn:
- An nói đúng. Có lẽ anh cũng nên thực tế để hiểu điều đó mới phải.
An ngơ ngác:
- Anh nói gì vậy?
Diễn lắc đầu:
- Không. Anh có nói gì đâu. Chỉ là một quan niệm.
- Quan niệm gì anh?
- Ồ không có gì quan trọng đâu An. Đừng để ý làm gì. Đôi khi cuộc sống với những gò bó làm anh bực tức nghĩ quẩn thế thôi.
Chính đã quay sang chuyện trò với Thu, không để ý đến câu chuyện An và Diễn. Thu đã không còn vẻ ngượng ngùng thuở đầu. Nàng cởi mở hơn với bạn trong những mẩu chuyện tâm tình. Chính chấp nhận Thu trong niềm cô đơn những ngày tù tội. Đôi lần Chính tự hỏi nếu không bị du vào cảnh này không hiểu mình có thương Thu không? Hỏi để mà hỏi vậy thôi chứ Chính ít khi kiên nhẫn tự tìm câu trả lời. Chính không thích suy tư mệt óc như Diễn.
Diễn ngắm hai bàn tay nhỏ trắng mịn của An để trên bàn. Bàn tay với những ngón búp măng xinh đẹp. Diễn ao ước được đặt nụ hôn lên bàn tay đó. Êm ái biết bao nhiêu. Khoàng cách chỉ là một cái vươn tay lên tay bạn nhưng Diễn không làm. Chàng sợ những động chạm nhỏ nhặt như một xúc phạm lớn làm tan vỡ lâu đài tình yêu khói sương trước mặt. Chàng tìm chuyện để nói:
- An khỏe được mấy hôm rồi nhỉ?
- Dạ ba hôm. Kể ra An bệnh không có gì, nhưng tại … cứ trốn thuốc hoài nên lâu khỏi.
- Sợ thuốc lắm sao An?
Cô gái nhăn mặt:
- Nhắc đến thuốc là ớn rồi anh. Cực chẳng đã mới phải uống.
- Có anh chắc An sẽ hết sợ thuốc.
Cô gái mở lớn mắt:
- Sao vậy? Em tưởng… đã sợ thì bao giờ cũng sợ chứ anh?
- Tại vì có anh, anh sẽ… uống trước để làm gương, cho An thấy rằng thuốc không đắng như An tưởng.
- Lỡ như anh đã uống rồi mà em vẫn không chịu uống thì sao?
- Thì anh… năn nỉ.
- Năn nỉ cũng… hổng được?
- Anh … đánh đòn.
An phụng phịu:
- Em khóc.
- Anh để sẵn gói kẹo, khóc anh dỗ.
- Cha, anh làm như em con nít không bằng.
Diễn cười:
- Vậy ra em tưởng em lớn rồi sao?
- Chứ còn gì. Má nói em lớn rồi đó.
- Với anh, An cứ là một cô bé như thường.
Đột nhiên giọng người con trai tha thiết:
- Duy An.
- Dạ.
- Em có tin chúa nhật rồi anh đi nhà thờ không?
- Anh ngoại đạo mà.
- Thì anh ngoại đạo!
An đoán:
- Anh Chính rủ anh phải không?
Diễn lắc đầu:
- Không, tự anh đi, không ai rủ cả. Tự anh đến với Chúa… vì em.
- Anh đến với Chúa… vì em?
- Phải. An, anh cám ơn em đã cho anh dịp may đó.
- Em cho anh dịp may đó? Diễn. Anh nói em khó hiểu quá.
- Cơn bệnh của em. Anh nghĩ rằng đáng ngại. Nhưng anh đã tìm đến Chúa để xin cho em chóng khỏi. Anh nghĩ dù anh chỉ là một con chiên ghẻ thì lời xin của anh cũng không bị Chúa nhân từ bỏ quên. Anh thành khẩn vô cùng trong lời xin đó. Nói đúng ra, anh mượn cơ hội để có thể tạo cho mình một lẽ sống thiêng liêng.
Mắt An rưng rưng. Nàng nghe Diễn nói mà như nghe một âm thanh từ cõi xa nào. Rất lạ. Rất ấm. Có thể như thế sao? Diễn đã vì nàng mà làm cái việc trọng đại đó? Như thế… như thế Diễn…??!
An không dám xác nhận ý nghĩ mình tuy nàng đã biết chắc. Nàng mỉm nụ cười xinh nhất cám ơn Diễn. Người con trai thấy màu hồng rạng rỡ trước mắt. Chàng lấy bức họa cuộn tròn, nói với cô gái.
- An nhắm mắt lại đi.
- Chi vậy anh?
- Nghe lời anh. Khi nào anh bảo hãy mở ra.
Cô bé ngoan ngoãn khép nhẹ rèm mi cong. Diễn trải bức họa ra trước mắt nàng, lấy hai tay dằn thẳng đàng hoàng. Chàng nói nhỏ:
- Mở mắt đi em.
Mắt An mở ra… và dừng lại ở một độ lớn nhất. Sững sờ nhất. Nàng nhìn thấy hình ành mình trước mặt mà không tin ở mắt mình nữa. Phải một phút sau sự kinh ngạc mới qua đi và An reo lên đầy thích thú:
- Anh vẽ hình em?
Diễn gật đầu.
- Thật hở Diễn? Anh… anh là họa sĩ sao?
- Anh ghi lại hình ảnh em bằng trí nhớ, bằng thương mến. Anh chỉ mang hình ảnh Duy An từ trái tim ra giấy chứ không vẽ hình.
Câu tỏ tình khéo léo, tế nhị. An sung sướng đến ứa nước mắt. Môi nàng cắn nhẹ, cử chỉ nữa dằn cảm xúc, nữa e ấp, dễ thương lạ lùng trước mắt Diễn. Chung quanh họ như không còn ai. Đây không còn là nhà tù mà chỉ là một khung cảnh thuận tiện giúp hai con người tìm đến nhau bằng tình cảm chân thành nhất. Họ hiểu nhau và cùng chấp nhận nhau trong sự tuyệt vời nhất của tâm hồn. Diễn yên lặng. An yên lặng. Thời gian và không gian trở nên vô nghĩa, trở nên cô đọng.
- Duy An.
Diễn gọi nhỏ, và nàng ngước mắt lên chờ đợi.
- Ngày mốt sinh nhật em, anh rất tiếc không có một món quà đáng giá, chỉ có… bằng tình cảm của anh…
An hiểu, nàng ngắt lời bạn:
- Đừng quan tâm, Diễn. Anh đã tặng em món quà duy nhất vô giá. Anh hiểu, em không tìm ra lời nào để diễn đạt sự cảm kích và sung sướng của mình.
Diễn đặt nhẹ tay mình lên tay thiếu nữ. Thật ấm. Thật nhanh. Một làn gió nhẹ đùa qua, hôn phớt lên hai bàn tay đang ấp yêu chuyền sự sống. Một cơn nắng dịu dừng lại soi nồng thêm tia lửa ấm đôi tim.
Lần đầu tiên An ra về mà không nói lời từ giã bạn. Cũng lần đầu tiên Diễn đi nhanh về phòng, không nhận lời ra câu lạc bộ uống bia với Chính. Diễn muốn được nằm yên một mình để trọn vẹn nghĩ đến An.
Chương 07
NHẬT KÝ CỦA NGUYỄN THỊ DUY AN
Ngày … tháng … năm …
“11 giờ đêm.
“Buổi chiều đi đón anh Chính ở tòa, đi ký kết thúc hồ sơ, mình nhận dược một lá thơ của Diễn, lần này là một lá thơ dài chứ không phải mấy lời thăm hỏi ngắn ngủi như lần trước, mình sẽ ghi vào nhật ký để nhớ suốt đời lời tự thú đó”
“Chí Hòa, ngày ….
Duy An
Viết thư này cho An là anh đã suy nghĩ, đắn đo thật nhiều. Vì anh hiểu khi thư đến tay em, một là anh còn em mãi mãi, hai là anh sẽ mất nhau muôn đời.
Mà An ơi, còn em là điều sung sướng mà anh không dám cao vọng nghĩ tới, và mất em lại là một điều chua xót quá mà anh không có can đảm chấp nhận, chỉ vì anh không muốn hủy diệt sự sống của mình.
Vậy mà anh vẫn phải nói ra, sự thật nào cũng không thể giấu diếm mãi, anh muốn thành thật thú nhận với em, như một kẻ có tội vào nhà thờ xưng tội với Linh mục, vị đại diện của Thiên Chúa.
Duy An,
Còn nhớ lúc mới quen An, anh nói với em, anh là một sinh viên bị tù vì dính líu vào chuyện chính trị. Thật ra không phải vậy. Đó chỉ là sự tưởng tượng của anh thôi. Anh tự thấy điều đó có thể nâng cao giá trị của anh trước mắt mắt em nên nói như thế.
Sự thật, anh chỉ là một tên du đảng, một tên ăn cướp đã giết người, một mạng người trong khi chạy trốn màng lưới vây hãm để thoát thân. Giản dị lắm phải không An.
Nhưng chính vì sự giản dị đó mà anh cảm thấy xấu hổ với em mỗi khi gặp em, nghe em nói, nhìn ánh mắt đầy tin tưởng của em, anh lại trách mình, anh là một tên nói dối, không xứng đáng nhận lãnh sự chân thành của em.
Anh là một con người bất hạnh, nhận lãnh đủ mọi khắc khe của định mệnh. Anh chỉ học hết năm đệ nhị, thi tú tài và may mắn đậu. Nhưng rồi biến cố gia đình xảy ra và anh chán nản không muốn học tiếp nữa. Anh đi làm du đảng. Từ du đảng anh trở thành tên cướp của giết người.
Không biết An có nghĩ về anh không? Có so sánh một Hoàng Trọng Diễn sinh viên, bị tù tội vì lý tưởng chính trị và một Hoàng Trọng Diễn là tên sát nhân cướp của? Khinh anh lắm phải không An?
Nhưng hãy tha thứ cho anh. Vì anh cũng chỉ là một con người, với chút it suy xét, anh thực cảm thấy xấu xa với quá khứ của mình, nên anh đã nói dối. Nói dối để được em thương, và bây giờ, anh lại sợ chính sự dối trá đó… Thà anh nói thật, để rồi nếu em còn thấy chấp nhận được anh hay em chối từ quay mặt thì anh cũng mãn nguyện với lương tâm anh rằng mình đã chân thành với người yêu.
Duy An,
Hãy chán ghét anh đi em. Đừng dành cho anh chút thương hại nào cả. Quanh em còn bao nhiêu người học thức, bao nhiêu kẻ địa vị sang giàu theo đuổi. Họ đủ sức bảo đảm cho cuộc sống em. Tương lai em quá đẹp trong khi tương lai anh chỉ là một điều thê thảm khi nghĩ đến. Thực tế một chút nhé em. Chính anh cũng đang khóc thầm với chính mình vì những gì anh đã gây ra đã chôn vùi mãi mãi tên Hoàng Trọng Diễn. Anh sẽ sống trong sự khinh bỉ của mọi người dù anh có bị tù năm, mười năm để xứng đáng với tội trạng. Xã hội sẽ không bao giờ tha thứ cho anh điều anh đã làm. Vậy thì không một lý do gì để anh mang em theo trong cuộc hành trình đầy những chông gai, đầy những hố thẳm kinh hoàng đó.
Anh đã lạc quan mà nghĩ rằng em sẽ còn thương anh khi biết rõ sự thực để khuyên nhủ anh, phải không An? Thật ra, biết đâu em đã xé thư anh ngay từ những dòng thú nhận đầu tiên. Vì tội lỗi của anh, đến một kẻ xấu xa nhất trên đời còn ghê tởm, huống gì với một cô gái ngoan hiền, thánh thiện như em?
Thôi An nhé, từ giờ anh yên tâm với chính mình về những lời tự thú. Bức thư này là bản án tử hình đối với anh. Vì mất An là anh không còn sự sống, nhưng như thế còn hơn là dối trá để được em yêu.
Cám ơn em về những ngày tháng đó. Nhờ em mà anh tìm lại được niềm tin. Và cũng nhờ em mà anh trở nên một con người với những suy tưởng phân biệt phải trái, biết sợ tội lỗi… bức thư hôm nay cũng là một bằng chứng phải không? !
Anh : Diễn
“Đó là thơ Diễn và đó là sự thật của con người của Diễn.
“Thật tình, mới đầu mình cũng lặng người đi, vì sự thật vượt quá xa dự tưởng. Mình không thể nào ngờ được, một con người tình cảm, hiền lành như Diễn lại có thể là một tên cướp giết người!
“Ghê gớm quá. Mình qua những phút giây sợ hãi, và bây giờ…
“Ừ nhỉ! Bây giờ mình thấy bình thản. Mình thấy tội lỗi của Diễn không đáng quan tâm bằng lời tự thú của anh. Với sự chân thành đó, anh đáng được tha thứ tất cả.
“Mình thấy con người Diễn thật cao thượng. Đồng ý cũng là vì yêu mình nên anh mới có những thay đổi đó, nhưng ít ra, đó cũng chính là những bản chất thật đã bị những tội lỗi vùi sâu trong tiềm thức chứ đâu thể từ ngoại cảnh du nhập vào tâm hồn?
“Nếu mình quay đi Diễn sẽ ra sao? Chắc anh cũng sẽ tuyệt vọng như gã đàn ông bất hạnh trong cuốn phim mình xem hôm nào. Mọi người quay lưng với Diễn, tại sao mình không tìm đến với anh? Xã hội kết án Diễn, tại sao mình không tha thứ? Tại sao mình không thể khoan dung một chút để thấy rằng anh đáng thương hơn đáng trách? !
“Không, trăm ngàn lần Diễn không đáng trách. Diễn có tội thì đã bị luật pháp trừng phạt và thời gian chôn vùi tương lai trong khám lạnh đã là sự đền tội quá nặng nề. Nỗi tuyệt vọng không thể kéo dài! Diễn cần được sống với đầy đủ nhân cách như bao nhiêu người khác. Biết bao nhiêu kẻ ăn cướp, giết người bằng trăm ngàn cách dã man trong cái xã hội đầy lừa lọc, man trá này mà vẫn phây phây vỗ ngực xưng là người lương thiện? Đó mới là những tên đáng ghê tởm.
“Diễn, em sẽ đến để nói với anh rằng em không khinh bỉ anh. Trái lại, sự chân thành của anh đã đưa anh đến một nấc cao nào đó Diễn. Đừng trốn tránh, hãy dừng lại chờ em Diễn nhé. Em sẽ nói cho anh biết rằng không phải xã hội này không có những tâm hồn biết tha thứ, hơn nữa anh đâu có tội đối với em? Và anh sẽ thấy còn nhiều con tim đầy máu hồng của những chân tình tha thiết. Em không cần vật chất cuộc đời đâu Diễn. Em cần những tâm hồn đẹp. Và em đã gặp. Đó là anh!
“Hoàng Trọng Diễn, anh hãy cười đi. Hãy thoải mái đi, khi mà Duy An đã biết rõ con người thật của anh và Duy An đã chấp nhận. Không còn điểm bứt rứt nào trong lương tâm anh nữa phải không? Có muốn em bắt đền về những điều anh hiểu lầm em không hở Diễn! Ít ra thì người yêu của anh cũng không đến nổi là một tâm hồn quá khô lạnh, quá hẹp hòi.
Ngày… tháng… năm…
“10 giờ đêm,
“Diễn có vẻ ngỡ ngàng khi thấy mình. Hình như anh không tin đó là sự thật!
“Diễn nói không hy vọng mình đến nhưng vẫn ra phòng thăm nuôi đón. Vì có thể mình vẫn đến thăm… anh Chính, như vậy cũng nhìn thấy cho đỡ nhớ.
“Anh chàng nói nghe mà tội. Ai ngờ một tên du đảng khét tiếng như Diễn, khi yêu lại trở thành một thư sinh ngoan ngoãn hiền lành như thế? Ai ngờ bàn tay từng cầm súng giết người, khi yêu lại trở thành một họa sĩ tài hoa như thế?
“Chúa thật huyền diệu khi ban cho người một tâm hồn. Mình thấy mắt Diễn sáng ngời khi anh mình nói những ý nghĩ về anh. Nhưng sau đó mắt anh lại sa sầm. Diễn vẫn còn mặc cảm.
“Thật khổ cho mình! Làm sao cho Diễn tin? Làm sao cho Diễn hết bi quan?
“Cám ơn Duy An, sự khoan dung của em chỉ làm anh thấy mình thêm tội lỗi. Giá em khinh khi anh, đừng quay lại có lẽ anh còn ít khổ tâm hơn. Đừng thương hại anh, Duy An. Anh sợ phải sống với tình cảm thương hại”, Diễn đã nói như thế với mình.
“Mình cải chính! Không, Diễn, trăm ngàn lần không. Em nói hoàn toàn sự thật, bằng mến thương tha thiết chứ không phải vì thương hại. Em không tha thứ cho anh bởi vì anh không có lỗi gì cả. Hãy dẹp bỏ mặc cảm đi Diễn. Đôi khi chính những mặc cảm bâng quơ lại làm thành những vết chàm nhuộm xám cả cuộc đời mình.
“Rời bỏ những ý tưởng bi quan đi anh. Không một ai đáng trách nếu biết nhận lỗi. Một lần gây nên tội thì chỉ bị kết án và trừng phạt một lần thôi chứ anh.
“Ồ, nhưng mình nói với ai đây? Với mình hay với Diễn? Cầu trời cho Diễn hiểu được mình. Cầu trời cho Diễn hết mặc cảm. Con người như Diễn suy nghĩ chắc khổ tâm lắm. Nhớ một lần, Diễn đã cầu xin Chúa cho mình lành cơn đau thể xác thì bây giờ đến lượt mình xin Chúa cho anh lành vết thương tâm hồn.
“Diễn ơi! Diễn ơi! Đêm buồn và lạnh. Giờ này anh đang làm gì? Đã ngủ yên hay vẫn còn trằn trọc cho những ý nghĩ vây quanh hành hạ. Có biết An đang vô cùng nhớ đến Anh không?”
***
- Đại ca, tụi thằng Thành, thằng Chính đi tòa về kìa.
Diễn buông con cờ tướng đang cầm trên tay xuống:
- Nghe tụi nó nặng nhẹ?
- Không rõ. Tụi nó vô bây giờ mà đại ca. Cả phòng không ai bảo ai, cùng hướng ra cửa chờ đợi.
Chính đi vào trước hết, hắn đưa hai tay lên trời:
- Tao bị năm tháng tù. Khoái quá.
- Đủ chưa Chính?
- Còn một tuần. Mới bốn tháng hăm ba ngày.
- Mẹ, nó tính từng ngày.
Diễn nheo mắt:
- Ai trong tụi mày tự hào là không tính ngày tính giờ đợi ngày ra, đưa tay tao đếm.
Không cánh tay nào đưa lên. Chính đến bên Diễn:
- Năm tháng, Diễn ơi.
Diễn đặt tay lên vai bạn:
- Mừng mày, Chính. Nhẹ đấy!
- Chứ còn gì. Tao chỉ sợ quan án phếch cho một cuốn lịch thì bỏ bu. Năm tháng… thấm vào đâu.
- Thằng Thành đâu?
- Đang nói chuyện với mấy thằng bên kia. Nó lãnh nữa cuốn lịch.
- Bà xã nó, mày nghe bao nhiêu không?
- Cô bé bằng tao.
- Năm tháng?
- Ừ.
Chính tiếp:
- Thằng Thành còn hơn tháng nữa về. Bà xã nó thì mấy hôm nữa cũng mãn rồi. Nó còn rầu cái nạn bà xã về trước nữa chứ.
- Một tháng ăn nhằm gì, bốn năm tháng còn được mà.
- Không phải. Chắc cu cậu buồn vì sợ nàng về trước bay bướm ấy chớ.
Diễn nghiêm mặt:
- Bậy. Thằng Thành không nghĩ như mày đâu. Nó với vợ nó đã cùng chịu bao nhiêu lao đao khốn khổ, tụi nó khó mà bỏ nhau. Nó nói vợ nó thương nó hết mình lận. Hai đứa nó gặp nhau bằng tình yêu thực sự chứ không qua một mối dây vụ lợi nào cả, thứ đó chặt không đứt bứt không rời đâu.
Thành bước vô, mặt hớn hở:
- Nữa cuốn lịch tụi bay ơi!
- Sướng nhé. Vậy mày có xin tại ngoại không?
Thành lắc đầu:
- Còn có hơn tháng. Xin tại ngoại tốn cả trăm ngàn vô ích. Để tiền đó về mua sắm cho vợ con còn hơn. Chịu đựng được cả mấy năm trời rồi.
- Vợ mày về trước?
- Ừ. Bả về trước tao một tháng.
- Quan tòa cũng biết ga lăng nhỉ. Xử mày sôi nổi không?
Chính góp lời:
- Ngán nhất là lúc công tố viện đứng lên buộc tội hả Thành? Tao ngồi ngoài nhìn vô thấy mày bị buộc gắt quá đâm sốt cả ruột. Không ngờ khi kêu án lại không đến nổi nào.
Thành ngồi phệt xuống:
- Thế là xong. Tao nhẹ nhõm. Thà biết là còn hơn tháng nữa mình về đi, cứ đợi đợi chờ chờ hoài nản quá.
Diễn cười:
- Sao thằng Chính nói mày buồn? Sợ vợ mày bỏ hả?
Thành vân vê chiếc cằm nhẳn nhụi vừa được cạo râu lúc sang sớm:
- Sức mấy bả bỏ tao. Hai đứa mê nhau như điên. Tụi tao tình sâu nghĩa nặng mà, sống đến bạc tóc chứ đâu phải qua đường. Cái bản mặt hắc ám của thằng Chính cứ hay đoán hoảng.
Chính nhe răng cười hăng hắc:
- Đùa anh tí. Chứ không phải anh sốt ruột bỏ xừ còn cứ làm bộ tỉnh. Thấy cảnh vợ chồng anh vô tòa còn khắng khít tâm tình tụi này đâm ra… cầu nguyện lần sau lỡ có bị tù cũng nên kéo vợ theo cho vui.
Câu chuyện xoay quanh vụ tòa án. Cả bọn kháo nhau ông tòa này hiền, ông dự thẩm nọ hắc ám. Họ thêm thắt về bản án của Thành, của Chính. Họ nói những điều họ biết về tòa án, về luật pháp. Bàn cờ bị bỏ dở, chỏng chơ với những con cờ lạc lối. Bộ bài tây đang bói dở bị xóc ngang vung vãi tứ phía. Không ai buồn nuối tiếc những trò giải trí nữa. Họ áp vô mừng cho bạn, một vài người bị án vài ba năm có vẻ buồn.
Nhìn niềm vui của bạn. Diễn nghĩ đến thân phận mình. Gần ba năm rưỡi nằm khám vẫn chưa nhận được giấy xử. Không biết đến bao giờ thì biết được số phận mình?
Ngày trước, phải nói đó không phải là vấn đề trọng đại gì đối với Diễn. Anh đã chấp nhận việc làm của mình và không oán trách việc phải đền tội. Nhưng từ ngày có An, Diễn trở nên nôn nóng, trở nên mong chờ bản án. Diễn vẫn biết bản án của mình không nhẹ, nhưng đã ở hơn ba năm chắc thời gian còn lại sẽ không đến nổi dài lắm. Diễn nghĩ miên man đến thời gian qua. Thời gian đen tối và khắc khoải. Diễn yên phận sống, uất ức sống mà không cần biết đến thời gian và không gian. Lầm lũi trong những tháng ngày tù tội, Diễn không nhận diện được mình và hắn cũng chẳng cần ai nhận diện được mình. Sổ thăm nuôi không có tên Diễn. Hắn không muốn ai biết tên mình ở đây. Những cô nhân tình, dạo Diễn mới vào tù, có ghé lại vài lần. Rồi thôi! Họ ghé lại không phải để an ủi Diễn mà là để dò xét xem tiền bạc Diễn có gởi ở đâu, có giấu ở đâu không. Khi họ biết rằng Diễn nhẳn túi, họ thất vọng… Và không bao giờ còn trở lại nữa.
Đã chán ngán tình đời lại chán ngán tình người, Diễn tưởng chừng như điên lên được. Nhưng rồi sau những nổi loạn của tâm hồn Diễn lại chai đi. Hắn quen và hắn quên. Diễn cho rằng mình không còn gì để lưu luyến ở cuộc đời nữa.
Mai mốt Chính mãn tù về với Thu! Mai mốt Thành mãn tù về với bà xã nó. Còn Diễn? ? Bao giờ Diễn mới mãn án về với An…
Chương 08
NHẬT KÝ CỦA HOÀNG TRỌNG DIỄN
Chí Hòa … ngày… tháng …năm…
“Vậy là Chính mãn án.
“Nó về sáng nay. Bác và Thu vô đón. Mình theo tiễn bạn, hy vọng nhìn thấy An, ngoại lệ, nhưng thất vọng. An không đi đón anh.
“Gia đình biết Chính về, đến đón, nhưng xui xẻo, hắn không được về nhà mà phải về Quân Vụ Thị Trấn để lo thủ tục nhập ngũ. Quá hạn.
“Dù sao, đời lính không phải kiếp tù. Có khổ nhưng tự do! Mà tự do là nhất. Có vào tù rồi mới thấy tự do là quí.
“Mình muốn viết thư cho An nhưng lại thôi. Tự dưng sao buồn lạ. Tụi nó bói bài nói mình sắp có “đường đi” - Đường đi ở đây là đi tòa hay tự do, an ủi trong tù là ôm lá bài đi, nhưng biết đâu lại không đi… Côn đảo!!
“Mình hay nghĩ vớ vẫn quá, nhưng không làm sao hơn được. Mình đã thành một người khác từ ngày có An. Nàng đến với mình như một cơn mưa rào trong nắng hạ. Làm dịu lại tâm hồn nóng bức của một kiếm sống bất hạnh như mình.
“Cô bé dịu dàng thuần hậu đó làm đảo lộn cả nếp sống, cả dự tính của mình. Trước mình có những dự mưu ghê gớm: Trở lại đời, mình sẽ trả thù đời. Mình sẽ trở nên một con người khát máu và luật pháp không dễ dàng thanh toán. Không thể ngờ được, chỉ bằng ánh mắt nụ cười của Duy An mình đã chuyển hướng tâm hồn. Vậy thì kẻ đáng tuyên dương công trạng về việc cải hóa mình không phải là luật pháp với những bản án nặng nề chỉ gây thêm uất ức mà là Duy An cô gái nhỏ có thể chưa xác định rành rẽ danh từ luật pháp.
“Lâu lắm, mình mới có dịp nghĩ đến một cuộc đời êm đềm, với gia đình, với một người vợ hiền ngoan và những đứa con bé bỏng, xinh xắn. Đó là ước vọng duy nhất của một con người trọn vẹn chất “người” của nó. Mình còn là con người nên không thể tránh được những ước vọng đó. Chỉ vì một thời gian hầu như mình đã mất một phần nhân tính.
“Lạ lùng ! Trường hợp mình như một phép màu tuyệt diệu, giá như mỗi tội phạm đều gặp một trường hợp như mình thì thế giới này sẽ trở nên hiền hòa biết bao !?”
Diễn cắn bút, đăm đăm nhìn tập nhật ký. Cuốn tập đã được viết quá nửa. Đó là tâm hồn Diễn đó! Đó là sự thay đổi của Diễn đó! Đó là tình thương và tất cả thu gọn trong bốn chữ: NGUYỄN THỊ DUY AN.
Thành đến bên Diễn:
- Nhớ cô bé hả?
- Ừ, nhớ. Còn mày?
- Tao mới nhận thư “khẩn” của bà xã. Nay mai gì đó bả sẽ vào thăm.
- Vui dữ.
Thành nhún vai:
- Là cái chắc. Bà ấy về trước tao mừng. Ít ra cũng đỡ tủi thân. Đàn bà con gái bị tù tội khổ hơn mình. Họ dở chịu đựng. Lần nào ra tòa gặp nhau bả cũng khóc.
- Làm mày cũng muốn khóc theo?
- Có lẽ. Nhưng chưa đến nổi. Mày nghĩ coi, tao đã ở trong tù mà bà ấy cũng còn ghen bong ghen gió. Lần nào gặp cũng nhéo tao bầm bắp vế.
- Thảo nào hể đi tòa về là mặt mày như khỉ ăn gừng.
Thành cười. Diễn hỏi:
- Sao, ra tù lần này còn tái phạm nữa không mày, Thành?
- Thôi. Luật án 73 này, tội buôn bạch phiến ớn lắm. Vợ chồng tao lo nghề khác. Tao thì chắc kẹt lính rồi, giã từ Chí Hòa là vào Quang Trung. Bà xã tao muốn chạy áp phe áp phiếc gì đó thì tùy.
- Trăm sự nhờ vợ hả?
- Đàn ông bây giờ mày thấy đó, chả được tích sự gì cả. Đến tuổi lo cho gia đình được là vào lính. Cả một “bồ” tài cũng lính! Bất tài cũng lính! Làm quái gì được. Cứ phải trông vào bàn tay yếu đuối của các bà thì không khá được.
- Thế mà không có các bà thì chết một cửa đấy.
- Suya là như thế rồi.
Diễn dò ý bạn:
- Mày thấy trường hợp của tao có rắc rối không hở Thành?
- Mày với An ấy hả?
- Ừ.
- Với nàng thì không. Nhưng tao sợ rằng gia đình nàng phản đối. Mày có thể tin rằng mày có thằng Chính đồng minh, nhưng nó cũng chưa đủ. Quan trọng là bà cụ, má An kìa. Bả OK là xong hết cả. Nhưng tao sợ bả thuộc lớp người xưa, e có thành kiến không đẹp với bọn mình. Họ không cần biết mình có tội gì cả, cứ thấy vô tù là đề quyết phải là dân đá cá lăn dưa, dân tội lỗi qua mặt quỉ thần lận.
Diễn gật gù:
- Tao cũng nghĩ như mày nên không dám nuôi hy vọng nào cả. Dù là tao biết An rất thương tao. Nhưng nàng sẽ không bao giờ cãi lời mẹ. Vả lại nếu đến với nhau mà qua mặt gia đình thì hạnh phúc cũng không bền.
Thành cười gượng trước câu nói của bạn. Hắn ở vào một hoàn cảnh đặc biệt không thể lập luận như Diễn dược. Thành công nhận rằng Diễn đã có lý hoàn toàn và dĩ nhiên không nên đả phá những ý nghĩ tốt của hắn.
Thành an ủi bạn:
- Nhưng đó chỉ là dự đoán của mình, những thằng bi quan vì đã bị đời đá lên dằn xuống đến sứt tai bể mặt! Biết đâu lại không thêm một lần gặp may.
Diễn buồn buồn:
- Tao chả dám nuôi chút hy vọng dù là mong manh Thành à. Hình như lúc này sức chịu đựng của tao bị lung lay rồi. Tao có niềm tin đồng thời mất dần sự chai đá.
- Mầy không nên nghĩ ngợi nhiều. Chuyện gì đến rồi sẽ đến. Mày có muốn cũng không được. Suy nghĩ nhiều chỉ thêm căng thẳng thần kinh.
Nói với bạn như thế nhưng Diễn biết chắc rằng mình khó mà giữ lời vì đó là mệnh lệnh của tâm hồn, của con tim chứ không phải của lý trí. Lý trí bảo ngừng sự suy tư những con tim với những nhức nhối gào thét của nó cứ ra lệnh phải nhớ, phải buồn, phải lo! Diễn nhìn Thành và thấy sự an bài của định mệnh rõ ràng đã làm hắn mãn nguyện.
Chương 09 (hết)
NHẬT KÝ CỦA NGUYỄN THỊ DUY AN
“Đêm thật buồn.
Diễn, anh đã đi thật rồi sao?
“Anh đã thật sự bỏ em? Bỏ em khi em đang xây đắp những ước mơ nhỏ về tương lai, về cuộc đời.
“Mình không còn khóc lóc được nữa. Nước mắt đã cạn từ khi được những dòng chữ anh gửi về. Tim mình nhói đau, lần đầu biết thế nào là khổ.
“Không biết mình nên trách Diễn hay nên thương anh? Diễn có lý của Diễn. Mình có lý của mình.
“Diễn bảo anh sẽ ra đi để tạo dựng sự nghiệp bằng mồ hôi nước mắt, bằng sức lực của chính đôi tay và trí óc anh. Bao giờ thành, anh sẽ trở lại tìm mình. Nếu lúc đó, mình vẫn còn là An, Nguyễn thị Duy An của Hoàng Trọng Diễn!
“Nhưng Diễn ơi, sao anh nuôi mộng lớn khi em chỉ có những giấc mộng bình thường. Sao anh đòi lên núi cao tìm loài Lan quí trong khi em bằng lòng với một lọ hoa tím dại. Hoa dại cũng đẹp, nó có sắc riêng, hương riêng. Nó có giá trị riêng của nó.
“Anh mặc cảm quá nhiều khi em đã sẵn sàng quên hết dĩ vãng để tạo dựng tương lai. Anh đưa em một đoạn đường rồi bỏ em chơ vơ ở đó. Bảo em đứng chờ anh. Chờ anh đi hết đoạn đường coi có gì trắc trở rồi sẽ về đón em. Diễn ơi! Sao anh không nghĩ rằng thời gian đứng giữa khoảng chờ đợi đó thật khủng khiếp đối với em? Em cô đơn! Em lạc lõng! Biết sẽ còn những gì xảy đến cho em đây hở Diễn ?
“Nhưng em sẽ đợi anh. Đợi anh dù đến….bao giờ.
Em đã đưa thư anh cho má coi, má cảm động lắm. Má bảo anh biết điều, và một người có chí như anh sẽ bảo bọc được em suốt đời. Anh sợ má biết, anh sợ má phản đối tình yêu hai đứa, nhưng anh đâu biết rằng em và anh Chính đã nói tất cả. Ban đầu má tỏ ý ngại ngần. Nhưng rồi sau đó, anh Chính nói về anh thật nhiều. Và má đã kết luận một câu… ngọt xớt:
“Nếu như hai đứa thương nhau và nhất là Diễn thật tình đổi thay nếp sống thì má cũng không hẹp hòi gì. Nhưng con cũng phải xét nét cho thật kỹ. Tụi bay tìm hiểu nhau rồi má sẽ là quyết định sau cùng”.
“Em biết quyết định sau cùng của má sẽ vô cùng tốt đẹp. Nhưng khi em thuyết phục má rồi thì anh lại ra đi!
“Anh ra đi cho em tức tưởi. Anh ra đi cho em lạc lõng trong đời. Anh không cho em gặp một lần và lời từ giã chỉ là những dòng chữ trên trang giấy vô tri. Diễn ơi! Em chờ anh ở đây. Em đợi anh ở đây! Hãy trở về! Về với em nghe Diễn!
“Em sẽ đón anh!Má và anh Chính sẽ đón anh! Không ai bỏ anh anh bơ vơ. Không ai nhìn anh lạnh nhạt đâu Diễn. Anh không có gia đình thì em có gia đình. Gia đình em sẽ là gia đình anh! Má em sẽ là má anh… Diễn, anh sẽ đầy đủ tất cả nếu anh muốn.
“Những trang nhật ký nầy, khi nào hai đứa gặp nhau anh sẽ đọc. Đọc để hiểu em thêm. Đọc để thấy rằng Duy An của ngày đầu và mai sau chỉ là một. Em sẽ không bao giờ thay đổi. Em đã mến thương tên tù Hoàng Trọng Diễn thì mãi mãi sẽ không quên.
“Xin Chúa phù hộ cho anh trong những ý niệm chân tình. Xin Chúa che chở cho anh trên đoạn đường đi trước, để anh quay lại đón em đi.
“Mỗi đêm, em sẽ đọc cho anh một bài kinh Kính mừng. Ở một phương trời nào đó, anh đừng quên em với hẹn ước hôm nay nghe Diễn”
An gấp nhật ký, mở lá thư Diễn đọc lại một lần nữa:
“Duy An,
Cho anh gọi tên em một lần, để anh nhớ em mãi nhé. Thư này anh viết cho em khi trong tâm hồn anh đang có hai ý tưởng phức tạp: Đi hay ở.
Anh đã ra tòa và bị kêu án ba năm tù! Thế là anh được trở về với cuộc đời, trở về trong nỗi vui mừng lẫn bỡ ngỡ.
An ơi, giờ mới là lúc quan trọng của đời anh ! Anh sẽ tìm về em? Hay anh sẽ âm thầm ra đi An nhỉ?
Anh suy nghĩ thật nhiều. Suy nghĩ hơn cả những ngày anh bị giam mình trong khám lạnh. Anh đắn đo bởi vì anh quá yêu em. Anh không muốn mang về cho em một tương lai của một tên tù, đen tối, buồn tủi.
Duy An, tha thứ cho anh. Anh phải ra đi dù anh biết điều này làm em khổ lắm và anh cũng chết điếng cả linh hồn. Anh đi mà không có em là anh gởi linh hồn anh ở lại. Nhưng anh phải cắn răng mà đi, anh phải làm một cái gì đó. Để chuộc lại lỗi lầm với em, với gia đình em, để lấy lại danh dự với cái xã hội phức tạp, cố chấp nầy, để một ngày nào đó, em sẽ ngẩng mặt nhìn đời với cái tên bà Hoàng Trọng Diễn.
Anh không hứa một khoảng thời gian nào, nhưng anh sẽ cố gắng về với em, ngày nào mà anh thấy rằng anh không phụ lòng tin của em, của má.
An, Nguyễn thị Duy An, hãy ban cho anh giòng nước mắt trên má em. Hãy an ủi giùm anh người con gái anh yêu. Hãy nói với cô Nguyễn thị Duy An rằng: “Hoàng Trọng Diễn của ngày về sẽ là Hoàng Trọng Diễn của Nguyễn thị Duy An mãi mãi”
Gởi em nụ hôn đầu.
Anh: Hoàng Trọng Diễn
THỤY Ý