Lá KhÔ MùA MưA
* Tác giả: CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
* Nhà xuất bản Tuổi Hoa
* Nguồn: Tác giả gửi tặng
(nguồn gốc Tủ sách Tuổi Hoa Hạt Nắng )
Chị Lam Hương xoa tay, nói với giọng đầy tin tưởng:
- Thưa chị, chúng em gồm sáu người, rất thường đi công tác cùng với nhau. Kỳ hè này em rủ tất cả về đây chơi cho biết quê em, nhân thể thấy quận mình mới thành lập một bệnh xá nên em có ý kiến là cho cả nhóm làm công tác ở đó luôn. Chắc chị cũng sẽ vui lòng giới thiệu nhóm chúng em với bác sĩ trưởng bệnh xá để chúng em đến giúp họ được phần nào công việc?
Cô y tá Trang hơi nghiêng đầu, nhìn chị Lam Hương và cười rất dễ dãi:
- Cô Hương thì tôi quá quen rồi, nhưng còn các cô đây… biết các cô có thích làm những công việc ở nhà thương không?
- Thưa chị, các bạn của em có nhiều thiện chí ghê lắm ạ, những việc xã hội là “nghề ruột” của chúng em. Mặc dù chưa bao giờ làm việc ở bệnh viện, nhưng em tin rằng nếu được chị vui lòng chỉ dẫn, chúng em sẽ quen việc dễ dàng.
- Thế thì tốt lắm. Vậy ngày mai tôi sẽ dắt các cô vào giới thiệu với bác sĩ Lân trưởng bệnh xá. Chắc ông sẽ nhận ngay. Hồi trước ở quận mình chỉ có một phòng y tế để khám bệnh, phát thuốc cho dân chúng, nhưng đến nay thì lập thêm một bệnh xá dùng làm nơi săn sóc cho các thương binh trước khi chuyển về Sài Gòn, và cũng là nơi điều trị những vết thương nhẹ cho đến khi khỏi hẳn. Mới “khai trương” chưa đầy một năm mà bệnh xá đã có việc làm không ngơi tay. Các cô thấy đó, chiến trận ở thôn quê sôi động bất ngờ cho nên việc tổ chức một bệnh xá như thế rất hữu ích. Tuy nhiên vấn đề tài chánh và nhân lực vẫn còn thiếu thốn. Nếu có các cô đến công tác ở đó chắc bác sĩ sẽ mừng lắm.
Rồi với dáng điệu vội vã, cô Trang đứng dậy:
- Thôi, xin chào các cô nhé, tôi trở lại nhà thương đây! Ngày mai các cô đến thẳng đó, tôi giới thiệu nhé! A, quên nữa, tôi phải biết tên các cô trước thì mới dễ ăn nói chứ!
Chị Lam Hương đứng dậy theo, nói:
- Dạ, em xin giới thiệu với chị, các bạn học cùng một trường: Vân và Nga học lớp em, năm thứ ba, Hạnh Đào và Thu Tâm học năm thứ hai, còn bé Hạ Huyên học năm thứ nhất.
Thu Tâm liến thoắng:
- Bé Hạ Huyên, tức “cô sinh viên hay buồn” đấy chị ạ!
Lập tức Thu Tâm bị một cái véo nhẹ cùng lời trách của Hạ Huyên:
- Chị Tâm này… kỳ!
Cô y tá Trang cáo từ ra về. Chị Lam Hương quay vào, cao giọng nói với cả bọn:
- Nào, các bạn chuẩn bị tinh thần đi nhé! Tôi xin báo trước là kỳ công tác này hơi cam go đấy, tuy không quá nặng nhọc nhưng chúng ta phải đối diện với những vết thương hàng ngày. Nếu mà yếu bóng vía thì khó mà làm việc lắm đó!
Chị Vân nhướng mày:
- Theo bồ thì tụi mình sẽ làm những việc gì ở đó?
- Cô Trang và mấy người y tá sẽ chỉ cho tụi mình cách băng bó và rửa vết thương. Mình sẽ làm chừng ấy việc. Chỉ cần bạo dạn và khéo tay là được.
Hạnh Đào le lưỡi:
- Có lẽ chị Hương nên mở ngay một lớp cứu thương cấp tốc dạy tụi em ngay hôm nay đi, chứ tụi em vụng về lắm.
Thu Tâm trêu bạn:
- Nội cái nước lúng ta lúng túng của mi làm người ta đau cũng đủ… hết xài.
- Mi cứ trêu ta hoài. Việc gì rồi cũng quen đi chứ bộ!
Chị Nga lên tiếng:
- Đúng rồi, việc gì rồi cũng quen. Mấy người y tá hồi mới tập sự cũng vậy mà!
Thấy Hạ Huyên im lặng, chị Lam Hương hỏi:
- Thế nào, bé Huyên, có thấy thích làm công tác kiểu này không?
Hạ Huyên đang ngồi thu mình suy nghĩ trong một góc, nghe hỏi bèn ngước mặt lên, cười nhẹ, đáp:
- Dạ, việc gì em cũng thích làm hết. Chỉ ngại rằng hồi trước đến giờ chỉ quen đi ca hát, săn sóc các em cô nhi, hay là đi cứu trợ thôi, không biết sắp tới gặp những vết thương mình có can đảm làm hay không?...
- Việc gì rồi cũng sẽ quen đi Huyên ạ. Chị tin rằng bé Huyên không đến nỗi yếu bóng vía quá đâu. Dịu dàng như Huyên chắc sẽ giúp các thương binh vui vẻ và đỡ đau ghê lắm.
- Em sẽ cố gắng. Đã gọi là công tác xã hội thì đâu từ nan một công việc nào, chị há!
- Ừ, thôi bây giờ thế này: bọn mình xuống bếp ăn bánh canh, rồi đi ra vườn chơi. Chiều nay chúng ta đi một vòng cho biết sơ sơ các nơi trong quận để ngày mai bắt đầu công việc…
Thu Tâm tiếp lời ngay:
- …băng bó cho các thương binh.
Bác sĩ Lân trạc độ hơn bốn mươi tuổi, trông có vẻ nghiêm nghị. Ông đưa mắt nhìn một lượt sáu cô sinh viên, rồi gỡ cặp kính trắng ra, hỏi cô y tá Trang:
- Các cô này tình nguyện giúp việc ở đây?
- Thưa bác sĩ, đúng vậy ạ. Đây là chị Hương, trưởng nhóm và các bạn của chị: chị Nga, chị Vân , Đào , Tâm và Huyên.
Bác sĩ Lân chỉ tay đến băng ghế dài kê sát tường, miệng hơi nhếch cười:
- Mời các cô ngồi. Các cô… có đòi hỏi điều kiện gì không?
Chị Lam Hương nói:
- Thưa bác sĩ, chúng tôi chỉ làm việc xã hội thuần túy, nên chỉ cần được sự chấp nhận của bác sĩ thôi. Ngoài ra… không có vấn đề gì hết ạ.
Một chút vẻ hài lòng điểm trên nét mặt của người quân y sĩ. Ông gật gù:
- Hay lắm, các cô chịu khó bỏ thì giờ quý báu đến đây giúp chúng tôi, chúng tôi vô cùng cám ơn. Như cô y tá Trang đã trình bày đó, bệnh xá mới thành lập, hơn nữa ở quận lỵ hẻo lánh này phương tiện thiếu thốn, lại thiếu cả y tá nên chúng tôi điều hành hơi mệt. Tuy nhiên, mỗi khi có giao tranh ở các vùng lân cận đây, thì bệnh xá của chúng tôi lại là nơi tiếp nhận thương binh rất thuận tiện. Ở đây, số giường tối đa của bệnh xá là một trăm giường. Chúng tôi chia làm ba trại: Trại A, trại B và trại C. Về nhân lực, không kể tôi và bác sĩ Trí là người thỉnh thoảng ở Sài Gòn ra thanh tra thì chỉ có năm người y tá: cô Trang là y tá trưởng, còn ba ông y tá phụ trách ba trại, một ông lo việc giấy tờ và liên lạc để xin tiếp liệu băng bông , thuốc men, dụng cụ…. Các cô thấy đó, sự săn sóc các thương binh sẽ được đàng hoàng hơn nếu có các cô tự nguyện đến giúp đỡ ở đây. Hơn nữa – bác sĩ Lân hơi nhếch mép cười - có bóng dáng của các cô ra vào, hy vọng bệnh xá này sẽ linh hoạt hẳn lên, các thương binh chắc sẽ vui ghê lắm.
Cả nhóm cười khúc khích…. Chị Lam Hương nói:
- Thưa bác sĩ, như thế bao giờ chúng tôi được phép đến đây làm việc ạ?
- Tùy các cô, khi nào các cô thích. Có thể ngay sáng mai. Hôm nay thì tôi nhờ cô Trang dắt các cô đi xem các trại bệnh cho biết. Rồi khi các cô đến làm việc, các y tá sẽ chỉ dẫn cách thức rửa vết thương và băng bó. Công việc rất dễ dàng. Chúc các cô vui vẻ, và một lần nữa tôi xin cám ơn các cô.
***
Rời phòng làm việc của bác sĩ Lân, cô y tá Trang dắt cả nhóm đi qua một hành lang ngắn. Các trại bệnh hiện ra. Đó là một dãy nhà trệt thấp, lợp tôn. Tường thì quét vôi màu trắng đã hơi loang lổ vì nước mưa. Trại A và trại B sát vách nhau, còn trại C bị cách biệt bởi một giếng nước. Đàng sau, đối diện với giếng nước là nhà bếp và kế đó là nhà kho. Nắng chói chang khắp khuôn viên bệnh xá vì không có lấy một bóng cây. Chỉ có vài cây Bã Đậu mới trồng, thấp lè tè. Cô Trang cho biết lúc trước khu này chỉ là một bãi đất trống nên không có cây cối chi cả. Cô chỉ vùng cỏ xanh sau dãy nhà, nói:
- Đó là bãi đáp cho phi cơ trực thăng mỗi khi tải thương đến. Rồi các cô sẽ được thấy có những buổi rất rộn rịp. Mình sẽ làm không ngừng tay.
Chị Lam Hương đề nghị:
- Chúng em có sáu người, vậy sẽ chia ra ba toán, mỗi toán hai người đi một trại nghen chị!
- Vâng, mời các cô đến đây buổi sáng, băng bó xong rồi về. Buổi chiều thì rất rảnh, chúng tôi chỉ lo việc hành chánh và chuẩn bị thuốc men, dụng cụ.
***
Huyên nhìn Thu Tâm, rồi nhìn chiếc áo blouse trắng mình đang mặc, tự nhiên đâm ra ngại ngần. Chị Vân và chị Nga đã vào trại A, còn Hạnh Đào thì xin đi theo cùng làm với chị Lam Hương ở trại B. Dĩ nhiên còn lại Thu Tâm và Hạ Huyên đi đến trại C. Hai người đứng lại trước cửa phòng. Cô Trang đến nói gì với một người y tá, rồi cô quay ra ngoắc Tâm và Huyên. Thu Tâm le lưỡi:
- Vào hở Huyên?
- Thì… vào!
Giọng của Huyên run run, bởi Huyên đã thoáng thấy vài người thương binh trong phòng đang ngồi nhỏm dậy. Họ xì xào với nhau những gì không nghe rõ. Bàn tay của Thu Tâm cũng hơi run khi nắm lấy tay Huyên. Cô thì thầm:
- Mình thấy khớp quá Huyên ạ. Biết vào… nói gì bây giờ?
Huyên cắn môi:
- Thì … tụi mình … đi vào rửa vết thương cho họ.
- Nhưng … mình đã biết làm gì đâu?
Bên trong, cô Trang gọi lớn:
- Mời hai cô vào đây.
Huyên e dè nắm tay Thu Tâm đi vào theo lối đi hẹp giữa hai dãy giường. Những người thương binh nhìn theo bằng ánh mắt dò hỏi. Cô Trang giới thiệu với người y tá:
- Đây là cô Thu Tâm, đây là cô Hạ Huyên, cả hai cô là sinh viên ở Sài Gòn, tình nguyện đến đây giúp chúng ta trong việc săn sóc các thương binh.
Rồi quay sang hai cô gái, cô Trang nói:
- Còn đây là anh Hạnh, y tá trưởng kiêm… y tá phó, kiêm… “gác-dan” của trại C.
Nghe câu nói khôi hài của cô Trang, Thu Tâm và Huyên không nhịn được, nhìn nhau cười khúc khích. Người y tá tên Hạnh cũng cười theo. Hai cô gái cảm thấy bớt e ngại. Cô Trang chỉ một chiếc khay, trên đó có các lọ thuốc cùng kéo, kẹp, bông băng:
- Đó là “đồ nghề” các cô sắp dùng. Anh Hạnh sẽ chỉ dẫn cho các cô về cách thức rửa vết thương và băng bó. Thôi, chào các cô, tôi đi xuống nhà kho một lát. Chào anh Hạnh nhé!
Bóng cô Trang nhẹ nhàng khuất sau cánh cửa phòng bệnh. Bây giờ tiếng lao xao trong phòng nghe thật nhiều. Thu Tâm và Huyên đứng dí một chỗ.
Hạnh đổ một tí “alcool” lên chiếc khay, đặt những kép, kẹp vào, châm lửa đốt. Anh quay qua, đôi mắt có vẻ thản nhiên, miệng hỏi:
- Chắc hai cô là sinh viên Y khoa?
Huyên nhìn Thu Tâm, bối rối. Hạnh hỏi tiếp:
- Hai cô sắp tốt nghiệp?
Thu Tâm đáp nhỏ:
- Dạ không. Chúng tôi học bên Dược ạ. Xin chú cứ xem như tụi này là học trò đến để phụ giúp chú mà thôi. Tụi này làm việc tự nguyện ạ.
Huyên tiếp lời:
- Tụi cháu rất vụng về, chưa biết nhiều về các vết thương đâu thưa chú.
Đôi mắt của Hạnh thoáng một chút cảm tình. Anh nhìn ngọn lửa xanh trên chiếc khay từ từ lịm dần rồi tắt hẳn, và lấy chai “alcool” đổ một ít lên tay mình, xoa xoa hai bàn tay vào nhau, kế đó đưa cho Thu Tâm:
- Hai cô rửa tay bằng cồn đi! Đúng ra là phải rửa bằng xà-phòng trước đã. Nhưng ở đây thiếu thốn mọi thứ, nên… thôi, tạm vậy đi!
Thu Tâm rưới “alcool” lên tay Huyên. Bỗng Hạnh la lên:
- Ấy, vừa vừa chứ! Cô đổ nhiều quá, ngày mai tôi lấy gì mà dùng?
Thu Tâm cười:
- Xin lỗi chú.
- Các cô thông cảm nghen!
Rồi chỉ vào những lọ thuốc, Hạnh nói:
- Đây là nước “sodium chloride”, là nước muối để rưới vào vết thương cho dễ gỡ băng. Lọ này là xà phòng Phisohex để rửa các vết thương bẩn. Đây là thuốc rửa “hydrogen peroxide”. Còn lọ này là Povidon, thuốc sát trùng để đắp lên vết thương sau khi rửa. Đó là gọi cho đúng tên chứ các cô cứ gọi là… giấm, “da-ua” hay xì dầu cũng được.
Thu Tâm lại được dịp bấm Huyên, hai đứa cười. Kể ra ông y tá này cũng vui tính ghê đi chứ, mặc dù bình thường thì hay tỉnh bơ nét mặt làm người ngoài nhìn vào cứ tưởng là ông khó đăm đăm.
Huyên hỏi:
- Thưa chú, chừng nào bắt đầu thay băng ạ?
- À, chừng nào hai cô muốn.
Rồi Hạnh nói lớn:
- Mấy “bồ” ơi, thức dậy thay băng!
- Người ta dậy từ… khuya rồi! – Có tiếng la lớn ở đầu dãy giường.
Huyên len lén nhìn một lượt quanh phòng. Trên những chiếc giường sắt, những người thương binh mặc đồng phục xanh – màu xanh của áo quần các thương bệnh binh mà đã có lần Huyên thấy ở quân y viện Cộng Hòa. Hầu hết họ đều đã ngồi dậy, đang cuốn xếp mùng mền. Có vài người trông rất mệt mỏi, còn nằm, nhưng đã thức, giương mắt lờ đờ nhìn bọn Huyên. Bộ quần áo xanh làm họ trông có vẻ yếu đuối, bệnh hoạn. Tự nhiên Huyên cảm thấy bồi hồi. Mới hôm qua, hôm kia, hay tuần trước, hình ảnh của họ là hình ảnh của những chiến sĩ hăng hái xung phong trên những ngọn đồi ngụt khói, hay trong những cánh rừng âm u, mà hôm nay họ lại nằm đây với vết thương, với màu xanh bệnh hoạn.
Một người thương binh đang lom khom sửa lại tấm “ra” trải giường bằng một tay, còn bàn tay kia băng trắng toát. Huyên hết thấy e dè, vội đi nhanh đến giường anh, nói:
- Anh để… tôi giúp một tay nhé!
Người thương binh nhìn Huyên, cười:
- Được mà cô! Tui còn một tay mà!
Miệng nói thế, nhưng anh đã dừng tay lại và để Huyên giúp trải tấm “ra”. Huyên nhận thấy tấm “ra” bị thủng hai, ba lỗ lớn và hình như hơi rít tay. Tấm “ra” được kéo phẳng phiu. Anh thương binh nói:
- Cám ơn cô… cô gì nhỉ?
Và nhìn hàng chữ đỏ thêu trên áo blouse của Huyên, anh nói:
- Cô… Hạ Huyên.
Người thương binh nằm ở giường kế bên nói:
- Tên hay nhỉ!
Huyên đáp lại bằng nụ cười. Có tiếng gọi ở dãy giường bên kia:
- Cô ơi! Đến trải giùm ông này tấm “ra” đi cô! Ổng đi không được nè!
Huyên lại chạy đến: Người thương binh hơi lớn tuổi, ôm cẳng chân băng bột cứng ngắc nép qua một bên cho Huyên kéo tấm “ra” giường. Trải xong, Huyên đỡ ông nằm ngay ngắn lại. Bàn tay Huyên chạm vào lưng áo ướt nhẹp mồ hôi của ông. Ông nói nhỏ, giọng mệt mỏi:
- Đêm hôm qua tôi mệt quá, lên cơn sốt. Sáng nay ra mồ hôi đỡ rồi!
- Thưa chú, chú mới về đây?
- Được gần một tuần rồi cô! Tôi “đụng”ở xã T.H., nơi đó bây giờ đang đánh dữ.
Ông nhìn Huyên, thắc mắc:
- Cô là… y tá mới?
- Dạ không, cháu là sinh viên. Tụi cháu vô đây để thay băng giúp các chú, các anh mỗi ngày.
Người thương binh gật gù:
- À, thế sao? Tốt quá!
Huyên nghe có tiếng gọi mình đàng sau. Lại một người nhờ trải giường. Thế là Huyên đến giúp, và sau đó Huyên đi một lượt giữa hai dãy giường và trải lại những tấm “ra” nào chưa thẳng. Xong xuôi, Huyên đứng ở một góc ngắm nghía “công trình” của mình. Những người thương binh nhìn Huyên cười với vẻ thiện cảm. Họ bắt chước nhau gọi tên Huyên và Thu Tâm. Thu Tâm đang giúp Hạnh sửa soạn bông băng và thuốc. Khi đã sắp xếp đầy đủ dụng cụ trên một chiếc khay, Hạnh bắt đầu đến từng giường. Những người thương binh tự tay mở băng ra. Hạnh nói:
- Hai cô rưới giùm nước “sodium” vào vết thương nào bị dính khó gỡ, rồi dùng kẹp gỡ băng ra. Kế đó lấy “compress” tức là “gạc”, thấm “hydrogen peroxide” để rửa cho sạch vết thương, dùng miếng khác chùi cho khô và sau cùng đắp lên đó một miếng “compress” tẩm Povidon, băng lại, thế là xong.
Huyên toan lấy một cây kẹp thì Hạnh la lên:
- Ấy, ấy, khoan! Cô nhớ hồi nãy cô đã làm gì không?
Huyên ngó Thu Tâm, ngạc nhiên. Bằng giọng trịnh trọng pha chút hài hước, Hạnh nói:
- Cô đã rửa tay bằng “alcool” rồi lại đi phụ trải giường, thế là tay cô dơ lại rồi.
Huyên hiểu ra, cầm lọ “alcool” rửa lại hai bàn tay. Hạnh tiếp:
- Khoan đã. Vậy là cũng chưa sạch. Những kéo kẹp này, mặc dù đã được hấp khử trùng, rồi đốt thêm bằng cồn, nhưng trước khi xài, muốn cho chết hết vi trùng, các cô phải quay cây kẹp theo chiều kim đồng hồ ba cái, rồi quay ngược chiều kim đồng hồ ba cái, để cho vi trùng nó… chóng mặt, nó chết.
Cả Huyên và Thu Tâm cùng những người thương binh cười vang. Thu Tâm nói:
- Chú Hạnh vui tính quá!
Khi Thu Tâm bưng những bình nước rưới vào những miếng gạc dính chặt ở vết thương thì Huyên cầm kẹp gỡ băng từ từ. Những vết thương bày ra trước mắt Huyên, thật rõ ràng. Huyên thấy những chỗ thịt đỏ ngầu, nhầy nhầy, những vết thương làm mủ vàng khè, những lỗ sâu hoáy đen ngòm do mảnh đạn chui vào. Huyên bỗng đứng ngơ ngác. Một dãy giường, hai dãy giường… Những người thương binh đang phơi bày những vết thương của họ. Có người không cần xịt nước, tự tay gỡ miếng gạc, phơi vết thương ra, đợi chờ.
Huyên và Thu Tâm đứng nhìn Hạnh rửa vết thương. Bàn tay người y tá nhanh nhẹn gắp từng miếng gạc, thấm thuốc chà rửa trên vết thương. Huyên thấy người thương binh có vết thương rất mới ở đùi đã cắn chặt môi khi rửa vết thương. Huyên cau mày lại, tưởng tượng sự nhức xót mà anh phải chịu. Khi Hạnh đè mạnh tay để chùi sạch mủ trong vết thương, anh thương binh đau quá la lên một tiếng rồi nằm ngã ra giường. Mồ hôi anh vã ra đầy trán. Huyên nhìn Thu Tâm, bối rối. Huyên muốn an ủi anh một câu gì đó mong làm anh thấy đỡ đau, nhưng không thốt nên lời. Anh thương binh đưa tay quẹt mồ hôi và thở ra thật mạnh. Công việc của Hạnh đã xong và Thu Tâm giúp Hạnh băng lại cho anh.
Thấy Huyên nhìn mình bằng đôi mắt ái ngại, anh thương binh lắc đầu, cười. Ý chừng anh muốn nói: “Cô sợ hả? Tôi không sao đâu. Ngày nào cũng phải chịu đau một tí… cỡ này hết mà!”
Hạnh nói:
- Bây giờ cô Thu Tâm và cô Huyên mỗi cô một cái kẹp chia nhau làm cho mấy ông kia nhé!
Thu Tâm đưa cho Huyên cái kẹp. Cô ngạc nhiên khi thấy tay Huyên run run:
- Huyên sao thế?
Huyên gượng cười:
- Đâu có!
Và bắt đầu thấm thuốc rửa, đến trước mặt một người thương binh rất trẻ. Anh này cười:
- “Da-ua” hả chị?
Câu nói của anh được “chứng minh” ngay. Miếng gạc tẩm thuốc đi đến đâu trên vết thương, chỗ ấy sủi bọt lên ngay, nhiều và trắng đục như sữa. Huyên vừa làm vừa đưa mắt theo dõi người thương binh. Miệng anh xuýt xoa nhưng đôi mắt thì vui vui. Huyên dùng một miếng gạc khác lau khô vết thương rồi đắp lên đó một miếng gạc tẩm Povidon, một thứ thuốc sát trùng màu nâu đen. Người thương binh trẻ lại cười:
- “Xì-dầu” hả chị?
Khi Huyên vừa băng xong cho anh này thì có tiếng gọi đàng kia:
- Cô ơi! Tới xịt “giấm” giùm cho ông này nè, gỡ hoài không ra.
Thu Tâm đến xịt nước lên bàn chân của người thương binh gầy ốm. Huyên cầm kẹp gỡ từ từ những miếng gạc phủ vết thương. Máu khô làm dính chặt những miếng gạc, Huyên phải đợi vài giây mới gỡ được một tí, rồi Thu Tâm lại xịt nước. Khi miếng gạc cuối cùng được kéo ra, vết thương phơi bày trước mắt. Thu Tâm rùng mình. Còn Huyên tưởng chừng mình sắp té xỉu. Mắt Huyên mờ đi trước vết thương quá khiếp lần đầu tiên trong đời nhìn thấy. Bàn chân chỉ còn lại ba ngón nhỏ. Cả nửa bàn chân đỏ ngầu, thịt nhầy nhụa, một sợi gân trắng lòi ra. Máu bắt đầu rớm trên vùng thịt lở loét và giọt ròng ròng xuống. Người thương binh ôm lấy cẳng chân, miệng xuýt xoa trong khi bàn chân run lên bần bật.
Huyên nhìn Thu Tâm, thở ra. Cố gắng đừng để cho mình quá sợ hãi, Huyên định thần lại và bắt đầu thấm máu cho người thương binh. Sự đau đớn làm cho ông xanh xao cả gương mặt. Huyên nói:
- Chú chịu khó đau một chút, để cháu rửa vết thương nha chú!
- Cô cứ làm đi! Tôi chịu đau quen rồi mà! Nhiều người còn cụt cả bàn tay, bàn chân, đau hơn nhiều.
Thuốc rưới đến đâu, chỗ thịt đỏ sủi bọt đến đấy. Bàn chân người thương binh run rẩy mạnh. Mồ hôi nhỏ giọt trên trán Huyên. Sự run sợ lui đi, nhường chỗ cho nỗi xót xa tràn đến đầy lòng cô bé. Huyên băng kín bàn chân người thương binh. Đó là vết thương nặng nhất trại C.
***
Sáng hôm sau, vừa gặp Thu Tâm và Huyên, Hạnh chào và nói:
- Tôi biết “lai lịch” của các cô rồi! Nói đùa thôi, tôi biết các cô học năm thứ mấy rồi.
Giọng nói của anh có vẻ hí hửng. Thu Tâm hỏi:
- Sao chú tài vậy?
- Tôi hỏi cô Trang. Cái gì cô Trang lại không biết. Các cô thì hay giấu.
Huyên cười:
- Không phải giấu chú, nhưng chuyện ấy không thành vấn đề nên khai ra làm chi.
- Đối với tôi, nó… thành vấn đề chứ!
Huyên và Thu Tâm nhìn nhau…
Hạnh đổ “alcool” vào khay, châm lửa đốt, nói như chỉ cho mình nghe:
- Sao lại cứ gọi tôi bằng “chú” nhỉ?
Thu Tâm vừa rửa tay vừa nói:
- Tụi này quen miệng rồi, chú miễn thứ cho ạ! Mí lại con nhỏ Hạ Huyên này thì đi đâu nó cũng kêu “chú” làm Tâm bắt chước theo.
- Thôi mời hai cô bắt đầu thay băng đi.
Huyên làm đã bớt run, vừa băng vừa hỏi han từng người. Trại bệnh này chỉ có chừng hai mươi người. Huyên lẩm nhẩm tên của họ được viết trên những tấm giấy nhỏ gắn ở đầu giường. Người có bàn chân cụt mất hai ngón là chú Tám. Người trẻ tuổi nhất trại tên là Vạn. Anh Thái thì có bàn tay đặc biệt: ngón cái bị đạn trúng làm cong xương, luôn miệng bảo “giống cái càng cua”. Bác Long lớn tuổi hơn hết, bị mảnh đạn ghim ở hàm, sưng to lên ăn uống không được. Anh Phòng bị đạn vào giữa ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay trái, làm một lỗ sâu. Anh An bị mất một ngón chân, chỉ còn lại bốn ngón sát vào nhau, sắp lành. Chú Lãm băng bột ở chân cứng ngắc, chỉ khoét một lỗ vuông ở ngay nơi vết thương để thay băng. Vừa nhìn Huyên rửa vết thương, chú vừa nói:
- Chân tôi bị gãy xương, hồi mới về đau lắm. Loại băng bột này nặng trình trịch, mình chẳng đi đâu được. Mỗi bữa ông Hạnh đều phải mang cơm vào cho tôi, với cho ông Tám nữa. Mấy ông kia thì cứ chiều chiều là lén đi chơi hết trọi.
- Ủa, họ đi đâu, chú?
- Họ đi dạo chợ, hay đi mua quà ăn. Có người thì vô khu gia binh ở gần đây nè, cô biết không?
- Dạ cháu mới về đây chơi lần đầu, chưa biết hết các nơi trong quận này.
Chú Lãm gõ tay lên lớp băng bột cứng ngắc nghe “cốp cốp”, chú nói:
- Hồi trước tôi có đóng ở quận này một thời gian, nên cũng còn nhớ vài nơi. Bây giờ nằm cứng ở đây, thấy thèm đi ra ngoài mà ngắm.
Huyên dán miếng băng keo cuối cùng lên miếng gạc che vết thương, thấy chú Lãm đang mơ màng như suy nghĩ.
Huyên bỗng nói:
- Chú, chú có thích ra ngoài hành lang một lát cho khỏe không?
Chú Lãm chống một tay xuống nệm, ngồi dậy:
- A, thích chứ!
- Vậy để cháu dìu chú đi ra , nhé chú!
- Còn gì bằng!!!
Và mặc chiếc áo mầu xanh vào, chú Lãm huýt sáo nhè nhẹ.
Huyên thu dọn những mảnh gạc bẩn vào một chiếc thùng, và nhờ Thu Tâm tiếp tục băng rửa cho vài người còn lại. Hạnh đang chỉ dẫn cho Thu Tâm cách băng bàn tay sao cho đẹp. Hai người nói chuyện với nhau ra chiều vui vẻ lắm.
Chú Lãm chống hai chiếc nạng, từ từ đứng lên. Huyên dìu chú đi từng bước qua lối đi hẹp giữa hai dãy giường. Những bước đi thật khó nhọc. Mồ hôi bắt đấu lấm tấm trên mặt chú. Ra khỏi phòng, Huyên tìm được một chiếc ghế, đỡ chú ngồi xuống. Hành lang vắng ngắt. Trời sắp trưa. Ở đây nhìn ra bãi cỏ xanh và giếng nước bên cạnh trại bệnh. Gió thổi hây hây mát. Chú Lãm hồng hào nét mặt trở lại và tỏ vẻ khoan khoái. Chú chỉ tay ra vùng cỏ xanh:
- Nơi này, hồi tôi được chở về, tôi nhớ, tôi được khiêng từ trên trực thăng xuống. Lúc đó máu ra nhiều vô kể. Tôi chẳng thấy gì rõ ràng, chỉ biết mình đang băng qua một vùng xanh ngắt. Chân tôi như đã rời ra, không còn cảm giác.
Chú lại quen tay, gõ “cộp cộp” xuống chân:
- May mà cái chân này không bị cưa. Nếu nguy, giờ này tôi đang nằm ở Sài Gòn, đâu có ở đây để được cô Huyên săn sóc.
Huyên cười nhẹ, đưa tay giữ mái tóc đang tung bay trong gió lộng. Chú Lãm châm một điếu thuốc, rít một hơi rồi tiếp:
- Tôi có một đứa cháu gái, cũng trạc tuổi cô. Nhà nó ở quê, bom đạn tơi bời. Tôi đi hành quân hoài, ít ghé thăm, không biết nó bây giờ ra sao.
- Thưa chú, nếu cháu bằng tuổi cháu của chú, thì xin chú cứ gọi “cháu”, đừng kêu “cô” nghe khách sáo quá!
- Cô cho phép?
- Chú lại khách sáo nữa! Khi vào đây để săn sóc những vết thương, mặc nhiên cháu đã xem những người ở đây là chú là anh của cháu cả rồi.
- Ai mà cũng có một cô cháu, một cô em như cô thì nhất!
Chú Lãm chống nạng đứng dậy và đi từng bước nặng nề. Chú nói:
- Chân của tôi, phải tập đi, chứ không nó dại mất.
Huyên dìu một bên, nói:
- Vậy thì mỗi ngày cháu sẽ giúp chú tập đi ở hành lang này cho quen rồi mai mốt ra ngoài kia…
- Rồi mai mốt ra chợ, mai mốt nữa vô khu gia binh, đi hết quận này. Rồi mai mốt cưa bột ra, chân chú sẽ lành cháu ạ!
Chú Lãm cười vang nghe khoái trá.
***
Chị Nga phơi chiếc áo blouse lên dây thép, rồi đứng nghiêng người ngắm, và nói:
- Cái ông y tá ở trại A hay châm biếm lắm mấy bồ ạ! Ổng nói: “Tôi chúa ghét những cái áo bờ-lu dơ”. Ban đầu mình tưởng ổng ghét áo blouse, sau nhìn lại áo mình có dính thuốc, mới biết là ổng ghét áo… dơ.
Chị Lam Hương cười:
- Thế là ổng vui tính đấy chứ!
Chị Nga bĩu môi:
- Vui! Cho bồ mà gặp ổng bồ mới biết. Lúc nào cũng nhăn như ba bị ấy, chả bao giờ thèm nói vui với tụi mình một câu.
Chị Vân phụ họa:
- Ừ, người gì mà cáu kỉnh lạ! Hết gạc, hết băng, mình xin ông ấy cũng nhăn. Hương nghĩ coi, mình làm cho thương binh chứ bộ xin để làm gì riêng tư đâu. Có khi ông ấy bực dọc quẳng kéo kẹp mặc cho mình làm, bỏ đi đâu mất.
Chị Lam Hương vẫn giữ nụ cười dễ dãi trên môi:
- Ông ấy già hay trẻ?
- Đâu độ chừng… ba mươi lăm tuổi.
Chị Vân pha trò:
- Thôi hơi đâu mà bận tâm. Có lẽ cuộc sống trong quân ngũ kéo dài khiến cho con người đâm ra khô khan đó thôi, chứ ai muốn vậy.
Chị Nga:
- Gì? Đi lính thì phải vui vẻ trẻ trung…
- …hào hoa phong nhã như anh chàng phi công của bồ đó hả? – Chị Vân ngắt lời bạn.
Chị Nga lườm dài và cười bẽn lẽn.
Chị Lam Hương bước đến ngồi dưới tàn cây trứng cá. Ở đó có Hạnh Đào, Thu Tâm và Hạ Huyên. Hạnh Đào đang lim dim mắt sắp ngủ. Thu Tâm dán mắt vào trang sách. Còn Hạ Huyên thì ngồi vẽ vòng tròn trên đất bằng một nhánh cây khô. Chị Lam Hương hỏi:
- Nghĩ gì đó, bé Huyên?
Huyên nhìn lên, cười mỉm. Chị Lam Hương nói:
- Tính ra thì tụi mình làm việc ở bệnh xá đã được một tuần rồi nhỉ! Huyên, Tâm và Đào thấy có thích công việc săn sóc cho các thương binh không?
Thu Tâm gấp sách lại, đáp:
- Dạ vui chứ chị. Bây giờ tụi em quen rồi, không còn sợ như ngày đầu nữa.
- Quả thật ngày đầu dễ sợ vô cùng – Huyên nói – Em chưa bao giờ tiếp xúc với những vết thương, nên khi trông thấy tận mắt… em sợ ghê! Thấy vết thương của chú Tám em run sợ muốn xỉu.
Chị Lam Hương nói:
- Phải nói là mình phục họ vô cùng. Họ can đảm chịu đau mà không hề rên la. Ở trại B có nhiều người bị thương nặng lắm, chẳng hạn có người bị cụt cả cánh tay, mất cả bàn chân, đau đến tận cùng của sự đau mà họ chịu được thật hay, chị phục quá!
Thu Tâm chắc lưỡi, thở ra:
- Thật, có thấy có nghe mới là sống thật.
- Và mới thấy sự chịu đựng của họ - Huyên nói với giọng bâng khuâng – Da thịt nào là da thịt không đau? Khi săn sóc những vết thương cho họ, em tưởng tượng nếu những vết thương đó ở ngay chính trên thân mình… thật hãi hùng!
Chị Lam Hương gật đầu:
- Đúng vậy. Dù sao, chị mong các em cố gắng trong công việc này, làm nhiệm vụ của những nữ y tá, những nữ điều dưỡng, ít nhất là cho đến hết hè này. Bằng mọi cách, giúp cho các thương binh được vui, quên đi sự nhức nhối mệt mỏi và sự buồn chán khi nằm bệnh xá.
Huyên chợt nói như reo lên:
- A! Như vậy… em có thể mang cây đàn vào đó, được không?
- Thế thì còn gì bằng?
Thu Tâm nhỏm dậy:
- Ý kiến hay lắm! Một phương pháp điều dưỡng mới!
Chị Lam Hương vuốt tóc Huyên:
- Chị hy vọng tiếng đàn của bé Huyên sẽ là một trong những món thuốc giúp con người hy vọng và yêu đời.
- Tâm sẽ hát với Huyên nữa.
Hạnh Đào mở mắt ra, giọng ngái ngủ:
- Việc gì thế, Tâm?
Thu Tâm trêu bạn:
- Ngủ tiếp đi cô! Chuyện trại C, không phải chuyện trại B.
- Trại C có gì lạ?
- Ồ… Có nhiều chuyện lạ chứ! Mi cần gì biết!
- Không cho biết thì thôi.
Hạnh Đào nhắm mắt lại. Chị Lam Hương lắc đầu, cười:
- Hai cô bé này đúng là khắc khẩu.
Thu Tâm:
- Bởi vậy em mới không đi chung với nó. Chẳng hiểu sao hai đứa thương nhau ghê, mà hễ làm việc chung hay học chung là gây gổ. Kỳ thật!
Thu Tâm lấy quyển sách quạt cho Hạnh Đào, giả vờ ngâm thơ ru bạn ngủ. Chị Lam Hương bật cười. Chị kéo Hạ Huyên đứng dậy. Huyên ngắt một ngọn lá, đưa lên mũi ngửi, đôi mắt mơ màng:
- Ngày mai, em mang cây đàn vào bệnh xá, há chị!
Giọng Huyên nghe xa xăm…
***
Thu Tâm giơ cao túi kẹo lên, nói:
- Trước khi nghe Hạ Huyên hát một bản nữa, xin mời các chú, các anh dùng mỗi người một cây kẹo lấy thảo.
Các thương binh reo lên “thích quá, thích quá” và nhận kẹo vui vẻ. Trại bệnh vang những tiếng nói cười. Và Huyên hát một bản nữa theo lời yêu cầu của chú Tám – bản “Quê mẹ”. Chú Tám nằm im nghe, mơ màng đôi mắt. Tiếng đàn, tiếng hát quyện trong phòng nghe ấm cúng, nghe nhớ nhung. Giọng Huyên tha thiết dịu dàng. Và khi những lời hát “mẹ ơi… mẹ ơi…” nhỏ dần cùng với nốt nhạc cuối cùng buông thõng, đôi mắt chú Tám đã đỏ hoe. Con người đã đến tuổi bốn mươi đó đã không ngăn nổi tình cảm ngây thơ của tuổi nhỏ. Chú nhớ đến mẹ, người mẹ mà đã bao lần chú kể chuyện với Huyên…
Huyên đặt cây đàn lên chiếc giường trống, hỏi:
- Chú, vì cháu hát mà làm chú buồn?
Chú Tám chớp mắt:
- Không, chú phải cám ơn Huyên chứ! Huyên hát hay lắm, cảm động lắm!
- Cháu không dám nhận…
- Phải nói là nghe Huyên hát chú không còn nghĩ đến vết thương nữa.
Bên giường kia, chú Lãm kêu lên:
- Cháu Huyên, hát cho chú nghe bản “Người ra đi” nghen cháu!
Huyên lại dạo đàn và hát. Thu Tâm phụ họa ở điệp khúc. Chú Lãm vừa nghe vừa gõ cộp cộp trên chân băng bột. Mấy hôm nay sự tập đi ở ngoài phạm vi trại bệnh làm chú thấy khoan khoái. Chú thích nhìn cỏ xanh. Và sáng nay chú đã mon men chân nạng ra đến tận bãi cỏ xanh, không cần ai dìu. Ở đó chú đã nhìn thấy Hạ Huyên từ ngoài cổng bệnh xá đi vào với các bạn, tay xách cây đàn “ghi-ta”. Và chú khập khiễng đi vào trại, “loan tin” cho tất cả mọi người:
- Hôm nay có văn nghệ! Hôm nay có văn nghệ!
Chú thấy vui hơn bao giờ.
Bản “Người ra đi” chấm dứt. Ai cũng vỗ tay, kể cả Thái không thể vỗ tay được, đành đập tay lên chân.
Bây giờ đến lượt Thu Tâm hát. Huyên dạo đàn. Giọng Thu Tâm vút cao, mọi người xuýt xoa. Huyên liếc thấy Hạnh nghe chăm chú, đôi mắt chớp nhanh. Hạnh nhìn Thu Tâm đăm đăm như muốn thu hết hình ảnh ấy vào trong anh… Huyên tủm tỉm cười, đàn thật vui. Khi Thu Tâm ngừng hát, Huyên còn thấy Hạnh lặng yên như chìm đắm trong mộng mê.
Trại bệnh có thêm vài thương binh mới được chở về bằng quân xa. Họ đụng trận ở xã X. T. Một người bị tét bắp chân, một người bị đạn trổ từ trước trước ra sau vai, người trẻ nhất bị xây xát ở đùi và tay. Họ cũng đã thay băng và nằm im nghe hát. Khi Huyên ôm đàn đi giữa hai dãy giường, ngừng lại trước người thương binh mới này, Huyên gặp một đôi mắt màu nâu trong vắt nhìn mình. Một khuôn mặt như trẻ thơ. Người thương binh nói rất nhẹ:
- Chị, mời chị ngồi xuống đây.
Huyên ngồi ở mép giường. Người thương binh rất trẻ tuổi ngồi dậy. Đôi môi hình trái tim cười rất dễ thương:
- Em tên là Nam. Người ta thường gọi em là Tây Nam.
Tự nhiên một nỗi xúc động nào ùa đến tim Huyên. Huyên nhìn người thương binh mới, muốn khóc… mà không hiểu vì lý do gì.
Thế rồi hai chị em ăn hết cả khay cơm. Nam đứng dậy cười khoan khoái:
- Nhờ chị mà hôm nay em ăn nhiều nhất đó!
- Hay là nhờ chị ăn hết cả phần của Nam?
Huyên trả lại khay cho nhà bếp. Hai chị em theo chân mấy người thương binh lục tục đi ra. Mồ hôi ướt nhẹp cả áo Huyên. Huyên chắc lưỡi:
- Phải chi ở nhà ăn người ta chịu khó kê vài dãy bàn và những chiếc ghế xếp, đâu có tốn kém bao nhiêu, mà đỡ cho các thương binh phải đứng ngồi lộn xộn, Nam nhỉ!
- Em cũng nghĩ như chị.
Huyên toan rẽ vào phòng, Nam hỏi:
- Chị uống nước không?
- À quên nhỉ, có chứ!
- Có nước trà nấu trong bếp, nhưng em thích uống nước giếng hơn. Mấy người lính thích uống nước giếng lắm.
Nam đến bên giếng nước. Ở đó có một cái lu nhỏ chứa sẵn nước được kéo từ giếng lên. Nam lấy chiếc ca nhựa múc nước đưa cho Huyên:
- Chị uống đi!
Sự nóng nực làm Huyên uống hết ca nước. Nam cười:
- Chị nếm mùi vị của đời lính hơi nhiều há!
- Không, mới một phần thôi Nam ạ! Bệnh xá này tuy thiếu thốn phương tiện, nhưng chị nghĩ rằng những lúc hành quân Nam còn khổ cực hơn nhiều. Làm sao chị chia xẻ hết những khổ cực ấy?
Nam múc một ca nước, uống ừng ực. Rồi đặt lại ca trên nắp lu, Nam bước cà nhắc vòng ra trước hành lang cùng với Huyên. Trời gần đứng bóng. Hành lang yên lặng. Mùi đất nồng đưa vào gay gắt. Không một ngọn gió. Nam huýt sáo nhè nhẹ. Huyên gõ tay lên cột gỗ theo nhịp quân hành. Hứng chí, Nam hát:
- “Bừng nghe dư âm nơi xa khúc anh hùng ca vang nơi biên cương. Bao chiến sĩ lên đường….”
Huyên reo lên:
- Chị vào lấy cây đàn….
***
- Hồi sáng này em vào nhà kho.
Chị Lam Hương trố mắt:
- Huyên vào nhà kho làm gì?
- Cho biết, chị ạ! Ông y tá ở trại C là anh Hạnh có nhờ em ra sau xin một cái thùng giấy để đựng rác. Em ra xin ông bếp nhưng ông bảo là ở trong nhà kho. Em “thân hành” đi vào đó để tìm thùng.
- Nhà kho có gì lạ?
Huyên cười:
- Trước hết là chuột. Vừa mới vào em bị một con chuột to bằng bắp chân lệt đệt đi tới tưởng chừng nó muốn “tấn công” em. Em hoảng hồn né tránh nó thì thấy còn cả lũ chuột ở trong những đống đồ cũ nữa.
- Vậy là bé Huyên cong đuôi chạy?
- Em định thế. Nhưng chạy sao được, khi mà chưa tìm ra thùng? Em làm gan bước vào trong và thấy rất nhiều chai lọ phế thải. Không biết họ chứa nhiều như vậy để làm gì? Em còn thấy những thùng chứa quần áo cũ, quần áo màu xanh của các thương binh mặc. Tất cả đã rách nát.
Huyên thở ra:
- Đó là nguyên nhân có lũ chuột “hùng hậu” kia.
Chị Lam Hương chắc lưỡi:
- Chà! Chị tưởng nhà kho là để chứa vật liệu như băng, bông, thuốc men thôi,chứ ai dè là ổ chuột.
Thu Tâm le lưỡi:
- Eo ơi! Tâm sợ lỡ lũ chuột “tấn công” vào các trại bệnh thì chết. Ở nhà kho qua các trại bệnh gần xịt. Rủi chúng qua cắn chân cắn tay người ta thì có khổ hay không? Lại thêm một mối lo.
Hạnh Đào nói:
- Ly kỳ quá hở? Như vậy Huyên nên viết một phóng sự về lũ chuột ở bệnh xá này đi!
Huyên cười:
- Phải đấy! Nhưng Huyên định viết phóng sự về cả bệnh xá này cơ. Ở đây quận lỵ nhỏ bé, bệnh xá này mấy ai biết đến. Các chị giúp ý kiến cho Huyên viết nhé!
Chị Nga nói:
- Viết về bệnh xá này mà quên cái ông y tá ở trại A của tôi thì thiếu sót lắm đó.
- Vậy ngày mai để em đổi với chị để qua trại A.
- Cũng được.
Chị Lam Hương nhắc:
- Còn trại B nữa chi? Ở trại B có nhiều vết thương “trứ danh” lắm.
- Em lại qua trại B – Huyên sáng mắt lên – Các chị có những chuyện gì vui buồn hay đáng ghi thì nói cho em nghe.
Thu Tâm thở dài:
- “Tui” có chuyện đáng ghi lắm chớ, nhưng mà nói không được.
Rồi cô đi đi lại lại ra vẻ áy náy lắm, làm Hạnh Đào trợn mắt hỏi:
- Cái gì vậy, hở mi?
Ông y tá liếc nhìn hàng chữ đỏ trên áo Huyên, nói:
- Hôm nay lại bày đặt đổi người nữa à? Cô Nga đâu?
Chị Vân đáp:
- Dạ hôm nay chị Nga qua trại C. Còn đây là Huyên sẽ làm chung với tôi. Bé Huyên, đây là ông Vỹ, phụ trách trại này.
Huyên nói:
- Chào chú ạ!
Ông y tá trợn mắt:
- Chú??? Chú gì? Chú em chắc?
Huyên hơi khựng lại. Chị Vân đỡ lời:
- Dạ không. Ông đáng tuổi chú thì em tôi gọi chú chứ sao lại chú em được ạ? – quay sang Huyên – Em đến soạn đồ giúp “chú” đi!
Huyên kéo thùng dụng cụ ra và soạn để lên bàn. Huyên toan đổ “alcool” để sát trùng các
kéo kẹp thì ông Vỹ gắt lên:
- Lại còn có chuyện này nữa sao? Việc tôi để cho tôi.
Huyên hơi run, nhưng gắng lấy giọng nhẹ nhàng:
- Thưa chú, chú để cháu giúp cho, bên trại C cháu cũng thường làm mà.
- Tôi không khoái cái lối này.
Chị Vân nháy Huyên. Hiểu ý, Huyên giữ nét mặt bình thản, lặng lẽ làm việc. Huyên rửa tay và mở các gói giấy đựng “gạc” để lên khay. Xong xuôi, Huyên nói:
- Thưa chú, chú cho phép cháu giúp chú thay băng?
- Cám ơn!
Với gương mặt lạnh lùng, ông Vỹ đến giường của một người thương binh:
- Dậy đi bồ!
Người thương binh chống tay ngồi dậy, nói:
- Ai ngủ đâu mà kêu? Lúc nào cũng sừng sộ hết hở “cha”?
Ông Vỹ lườm một cái, tháo băng ra và rửa vết thương trên đầu gối người ấy. Ông ngoáy mạnh miếng “gạc” tẩm thuốc trong vết thương. Người thương binh la lên:
- Ui da! Đau!
Ông y tá trợn mắt:
- La cái gì, bồ?
Công việc xong trong nháy mắt. Huyên băng lại cho người thương binh. Người ấy mỉm cười:
- Cám ơn cô… Hạ Huyên.
Huyên thắt một “nút dẹt” trên vòng cuối cùng của lớp băng, hỏi:
- Anh về đây lâu mau rồi ạ?
- Được ba ngày rồi cô. Vết thương nhẹ, nhưng khó co đầu gối quá!
- Anh chịu khó một tí nhé! Bữa nào chắc sẽ lành lại như thường.
- Cám ơn cô.
Huyên bỗng nghe một tiếng la thất thanh, vội chạy đến chỗ ông y tá và chị Vân. Ông Vỹ đang rửa vết thương nơi chân cho một người. Bắp chân bị toác ra, đỏ ối. Huyên thấy cả một sợi gân trắng dài lòi ra. Huyên nhắm mặt lại sợ hãi. Chị Vân lắc đầu…
Huyên tưởng tượng cả một sự nhức nhối ở bắp chân mang thương tích đó lan dần khắp người mà muốn khóc. Người thương binh mặt tái nhợt, người xanh xao vì mất máu. Miểng đạn treo lủng lẳng trên đầu giường, chắc người muốn giữ lại làm “kỷ niệm”. Một chai nước biển đã gần cạn được treo gần đó.
Phải hai miếng gạc lớn mới che hết vết thương này. Chị Vân băng lại chân cho người. Ông y tá đến tháo băng cho một người khác, và nói to:
- Đến mấy ông này nhẹ đó, các cô làm đi!
Và thọc cây kẹp vào cái hũ một cái “cốp”, ông lay lảy đi ra hành lang. Huyên nhìn theo. Chị Vân đến gần bên, nói nhỏ:
- Đó, Huyên thấy chưa? Ông này kỳ lắm!
- Chắc tại ông ấy có gì bực bội?
- Chẳng hiểu nữa, chắc ông ấy “mát”.
Huyên lắc đầu, thở ra, và tiếp tục rửa vết thương cho những người còn lại. Khi Huyên lấy cuộn băng vải choàng qua cổ một người để treo cánh tay bị thương lên, anh cười, nói đùa:
- Vòng hoa chiến thắng hở chị? Mỗi ngày chị choàng vòng hoa được mấy lần?
Huyên vui vui trước ý nghĩ ngộ nghĩnh này. Một người khác đến, nói:
- Chị choàng vòng hoa cho tôi luôn đi. Không phải choàng ở cổ đâu, dán băng keo lên cằm nè!
Cằm anh bị khâu một đường dài. Huyên băng và dán lại. Anh cười:
- Giống ông già Nô-en nhỉ!
Bỗng nhiên mọi người nghe tiếng ông y tá Vỹ lầm bầm trước cửa:
- Ở cái xứ “khỉ ho cò gáy” này, buồn muốn chết!
***
Ở trại B.
Chị Lam Hương trao cây kẹp cho Huyên:
- Bé Huyên làm cho anh này đi!
Huyên nhìn người thương binh đứng trước mặt. Cánh tay băng trắng toát giơ ra, thẳng như một cành cây trụi lá. Huyên tháo dần lớp băng và nói:
- Anh ngồi tạm xuống giường vậy nhé!
Chị Lam Hương nói:
- Huyên tháo băng ra chờ bác sĩ khám xong rồi hãy làm.
Bác sĩ Lân đang khám bên dãy giường đối diện. Tất cả các vết thương đều được mở ra, chờ đợi.
Huyên bỏ lớp băng dơ vào thùng rồi dùng kẹp gỡ những miếng gạc thấm đầy máu trên cổ tay người thương binh. Máu khô dính chặt lấy miếng “gạc”. Huyên bưng bình “sodium chloride” xịt vào. Đợi cho thấm nước, Huyên gỡ từ từ từng chút. Khuôn mặt rất trẻ, xương xương, nhăn lại đau đớn làm Huyên ngừng tay. Huyên run giọng hỏi:
- Huyên làm anh đau?
- Không – Anh nhắm mắt lại – Ai làm cũng đau như vậy. Tại vết thương.
Huyên nắm chặt khuỷu tay anh để ngăn chận sự đau đớn truyền lên:
- Anh chịu khó nghen! Huyên sẽ cố gắng làm rất nhẹ.
Anh gật đầu mà mồ hôi đang rịn ra đầy mặt. Cánh tay run bần bật theo từng cử chỉ của Huyên. Huyên nghĩ đến những phần trong cánh tay: thịt, xương, mạch máu, dây thần kinh… Ôi nỗi đau nhức không cùng! Vết thương mới, nên sự đau nhức nhiều hơn những vết thương sắp lành. Mồ hôi của Huyên cũng đang nhỏ giọt… Khi gỡ miếng “gạc” trong cùng ra được rồi, Huyên nhìn cánh tay người, bàng hoàng. Máu giọt ra từ chỗ khiếm khuyết bàn tay, rơi xuống đống băng bẩn. Thịt xương hiển hiện trước mắt. Người thương binh nhẹ bớt cơn đau, đưa cánh tay kia lên gạt mồ hôi.
Một cánh tay thiếu một bàn tay!!! Nước mắt Huyên bỗng lăn dài trên má…
Bác sĩ Lân đến xem vết thương của anh, rồi vừa ghi vào hồ sơ, vừa nói:
- Anh sẽ được về Sài Gòn để gắn tay giả.
Huyên bắt đầu rửa vết thương cho anh. Thuốc rưới trên cổ tay đỏ ối sủi bọt lên rất nhiều. Sự đau nhức lại đến, nhưng anh chỉ nhắm mắt chịu mà không rên la. Ý nghĩ một cánh tay mất một bàn tay chiếm đầy đầu óc Huyên. Huyên phải nhìn thẳng vào vết thương, cố gắng nghĩ rằng đó là một vết thương như mọi vết thương - mà Huyên phải rửa cho sạch, phải băng cho đẹp – mới giữ được sự quân bình cho trí óc.
Rửa xong, Huyên gắp những miếng “gạc” tẩm thuốc đặt lên cổ tay anh, rồi lấy cuộn băng mới băng kín lại. Anh thương binh ngồi thừ ra nhìn cánh tay mình. Huyên đứng yên, tưởng như nỗi xót xa dâng đầy. Huyên nghĩ đến bàn tay thân mến của người, bây giờ đã hòa lẫn cùng đất cát ở một nơi nào, mà bùi ngùi.
Anh thương binh chợt ngẩng lên nhìn Huyên, rồi hỏi nhỏ:
- Cô Huyên,… có phải cô là cô Huyên bên trại C?
- Dạ. Sao anh biết?
- Tôi có thằng bạn nằm bên đó, thằng An đấy cô! Nó qua đây chơi, bảo là có cô Huyên hay mang đàn vào đàn hát vui lắm. Hôm nay cô sang đây, tôi mới được biết. Không ngờ… cô là một “nhạc sĩ”.
- Huyên đâu dám nhận mình là nhạc sĩ. Biết đàn hát sơ sơ thì Huyên giúp cho các thương binh vui, thế thôi.
- Hôm nào… mời cô Huyên qua trại này đàn hát cho chúng tôi nghe một bữa nghen!
- Dạ, nếu các anh không chê ạ.
- Chê sao được! Tôi hồi xưa cũng mê chơi đàn, nhưng nay thì… hết rồi! Tôi sắp được về Sài Gòn, nên tôi muốn nghe cô Huyên hát vài lần.
- Giọng Huyên không hay đâu!
Im lặng một lát, anh thương binh nói:
- Tôi tên là Thiếu. Thương phế binh Hà văn Thiếu. Hân hạnh được biết cô Huyên.
- Dạ, anh thật khách sáo.
Có tiếng phì phò đàng sau lưng Huyên. Quay lại, Huyên thấy một người đang nhìn mình. Huyên trố mắt nhìn thấy ở cổ anh có một vật gì hình giống như một cái ống nhỏ bằng sắt đâm vào bên trong. Tiếng phì phò phát ra từ nơi ấy. Anh chỉ tay vào gói “gạc”lớn. Huyên hiểu ý, gắp vài miếng đưa cho anh. Người thương binh chùi mồ hôi quanh miệng và quay lưng đi. Huyên ngây người nhìn theo. Chị Lam Hương ghé tai Huyên nói nhỏ:
- Anh ấy bị thương nơi khí quản, phải cho thở ra vô nơi cổ đấy Huyên à. Nay mai anh ấy cũng về Sài Gòn để giải phẫu. Thật tội, Huyên nhỉ!
- Dạ.
- Có lẽ mai mốt sẽ có máy bay đến chở mấy người bị nặng về Sài Gòn đấy! Bệnh xá chắc sẽ vắng nhiều.
Bác sĩ Lân đã khám xong tất cả các thương binh, chào và đi lên phòng. Huyên giúp ông y tá Đạt và chị Lam Hương thay băng.
Đúng như lời chị Lam Hương nói, trại B có nhiều vết thương thật nặng. Có người bị mất cả một cánh tay, một khúc chân; có người bị thương ở đầu, nằm mê man; có người bị phỏng, có người bị thương vào phổi, vào ruột… Họ đang chờ được di tản về Sài Gòn. Phần đông họ nằm cố dỗ giấc ngủ. Họ ít nói chuyện hơn bên trại C. Phòng bệnh yên lặng, chỉ có tiếng khua của kéo kẹp và thỉnh thoảng là tiếng gỡ băng keo rèn rẹt của chị Lam Hương.
Huyên nghe loáng thoáng trước cửa phòng có tiếng hát trầm ấm cất lên nhè nhẹ. Huyên nhìn ra. Bóng của anh Thiếu thơ thẩn trong hành lang hẹp, trông cô đơn. Cánh tay băng trắng toát giơ lên ngang mặt, thẳng như một cành cây trụi lá.
- Trời mưa rồi kìa, chị Huyên!
Nam vừa nói, vừa rướn người nhìn ra cửa. Mưa đang đổ xuống bãi cỏ xanh, trắng xóa ngoài xa. Gió thổi khá lớn, táp vào phòng nghe lành lạnh. Huyên băng xong vết thương nơi cánh tay của Nam, dọn dẹp khay dụng cụ rồi đứng khoanh tay nhìn mưa. Trại bệnh yên lặng. Hầu như ai cũng đang lắng nghe mưa và đang ngắm mưa rơi. Cảnh bên ngoài thật đẹp và dường như lòng những người thương binh chợt náo nức. Giá không có những vết thương, không có những lớp băng, họ đã không nằm đây nhìn ra. Chú Lãm cũng ngồi dậy, chống cằm trầm ngâm. Cả một quãng đời xông pha chắc cũng đang trải rộng trong trí nhớ - là những đêm mưa hành quân trong rừng, là những ngày mưa nhịp chân qua thôn xóm…
Mưa chưa được năm phút bỗng mọi người nghe chú Tám la lên:
- Giường chú bị dột rồi Huyên ơi! Lấy giùm chú cặp nạng.
Huyên vội vã chạy đến dìu chú Tám qua giường bên cạnh. Nước mưa từ trên mái tôn xuyên qua tấm “các-tông” chảy xuống giường chú Tám. Huyên túm gọn tấm “ra” đem những vật dụng trên giường của chú Tám qua nơi khác. Lại có tiếng anh Phòng la lên:
- Chúa ơi! Giường tôi cũng dột.
Anh ôm cánh tay chạy qua giường anh An, và ngồi ở đó nhìn nước mưa rơi lộp độp tự do trên giường, lắc đầu.
Nam cười:
- Bữa nay trời “chiếu cố” trại C. Ai không muốn dầm mưa cũng phải dầm.
Mọi người lo ngại cho chỗ của mình. Chỉ dột có hai nơi, nhưng khi gió lớn thì nước hắt vào phòng, làm những người ở gần cửa cũng phải túm chăn mền quần áo mà chạy. Huyên chỉ biết giúp mỗi người một chút chứ không biết làm sao hơn.
Hạnh và Thu Tâm từ ngoài chạy vào, mỗi người ôm một hộp thuốc. Hai người bị ướt lem nhem. Hạnh cười, nói lớn:
- Mưa! Mưa! Tôi đã tiên đoán mà.
Huyên đưa khăn tay cho Thu Tâm:
- Chị lau mặt đi! Lấy thuốc ở tận đâu mà ướt hết vậy?
Thu Tâm vừa lau mặt vừa nói:
- Ở trên phòng bác sĩ Lân. Tại băng qua chỗ giếng nước nên mới ướt đấy chứ!
Hạnh cười:
- Biết vậy hồi nãy tôi không dám rủ cô Tâm đi đâu.
Thu Tâm nói:
- Anh hay nệ hà. Ướt một tí có sao đâu!
Hạnh bỗng hốt hoảng:
- Chết! Tại sao hôm nay lại dột dữ vậy?
- Mọi hôm mưa nhỏ, hôm nay mưa to gấp mấy lần. Chắc thợ họ xây nhà không kỹ nên bị vậy.
- À đúng rồi, tôi có mặt lúc họ lợp tôn, thấy ẩu quá sức. Ông bác sĩ Lân đâu có biết.
Thu Tâm lo ngại:
- Mưa kéo dài hoài thế này thì làm sao mình về hở Huyên?
- Ừ nhỉ! Không có gì để che mưa cả.
Hạnh reo lên:
- Không lo, nếu mưa cứ lớn như vậy hoài, hai cô không sợ đói đâu! Tôi sẽ đi đổ trứng gà cho hai cô ăn bánh mì.
Thu Tâm hỏi:
- Trứng gà ở đâu mà sẵn vậy chú?
- Cô quên là… sau bếp có một bầy gà sao? Tôi nuôi đấy!
Huyên nói:
- Huyên cũng không lo đói, bởi vì nếu chưa về được thì Huyên sẽ xuống bếp ăn cơm với em Nam của Huyên. Nhưng mà trước hết phải tìm giẻ để lau nước mưa lênh láng trên nền nhà đã.
Hạnh xua tay:
- Việc đó đợi tạnh mưa tôi lo, chứ cứ dột mãi mà lau chi vô ích. Bây giờ để tôi phát thuốc cho mấy ông này xong rồi chúng ta đàn hát cho vui.
Thu Tâm hốt hoảng:
- Còn gói kẹo nữa… Thôi chết rồi! Mưa ướt áo Tâm làm kẹo ỉu hết …
- Không sao, hôm nay các thương binh cũng vui lòng ăn kẹo ỉu.
Anh An kêu lên:
- Ông Hạnh ơi! Cho tôi mượn cái áo mưa, tôi chạy qua trại B kêu thằng Thiếu.
- Anh để tôi đi cho – Thu Tâm nói – Chân anh như thế mà lội vũng nước mưa trước giếng thì mất công băng lại lắm.
- Cám ơn cô. Thế nào cũng gọi cho được thằng Thiếu nghen!
Nam nhìn Huyên, mỉm cười:
- Trại mình hôm nay vui ghê!
Huyên gấp thư của mẹ lại, cắn môi suy nghĩ. Chị Lam Hương hỏi:
- Bác có nói chi không Huyên?
- Dạ, không có gì quan trọng. Có điều…mẹ em quở sao lúc này em gầy đi. Chẳng là tại vì em có gửi về bức hình chụp trước cửa trại C chung với Nam và mấy chú, mấy anh khác. Mẹ em bảo làm gì cũng vừa thôi kẻo hại sức khỏe. Nhưng mà em có làm gì mệt đâu.
- Có lẽ tại Huyên ăn uống không điều độ.
- Chị nói đúng. Sáng nào đi đến đó là buổi trưa về ăn cơm rất ít. Em tưởng khi công việc đã thành thường xuyên rồi thì không có vấn đề gì. Nhưng công việc này thì khác. Mỗi ngày chúng ta có một nỗi suy tư khác nhau. Càng thường xuyên thì em lại càng nghĩ ngợi nhiều. Nay gặp vết thương này, mai gặp vết thương khác, mình xót xa vô cùng. Lại còn những hoàn cảnh, những tâm sự mà họ kể cho mình nghe một cách chân thành, làm em không khi nào không suy nghĩ.
Chị Lam Hương thở dài:
- Đó là những gì thường xảy đến cho những người tự nguyện làm việc xã hội.
- Em chấp nhận hết.
- Nhưng phải viết thư về cho bác, nói sao cho bác yên lòng. Và Huyên phải hứa với bác là sẽ lên năm ký-lô khi trở về Sài Gòn.
Huyên cười:
- Cái đó để xét sau, chị ạ. Còn những hai tháng nữa mà. Hai tháng nữa mới hết mùa hè.
Đôi mắt Huyên bỗng trở nên xa xăm:
- Việc gì xảy đến trong hai tháng nữa, ai mà biết hở chị!
Chị Lam Hương trêu:
- Thôi để chị đi xuống bếp nhé, để yên cho “cô sinh viên hay buồn” nghĩ ngợi tiếp.
Huyên nói:
- Em xin chị, bỏ giùm em cái danh hiệu kỳ cục ấy đi.
Nhưng chị Lam Hương đã khuất sau vách nhà.
Thu Tâm xuất hiện bên cạnh Huyên. Huyên quay lại, cười:
- Hai đứa mình hôm nay đặc biệt, nhận được thư nhà.
Thu Tâm le lưỡi:
- Gớm, làm như lính xa nhà ấy… Biết má Tâm viết gì không?
Thu Tâm ngồi phịch xuống giường, thở dài. Huyên thắc mắc:
- Có gì vậy chị?
- Má Tâm bảo Tâm… về Sài Gòn.
- Sao vậy?
- Đám cưới bà chị. Thiếu mình đâu có được.
- Chừng nào vậy?
- Tuần tới. Má Tâm bảo thu xếp về càng sớm càng tốt. Nhà không có ai cả.
Thu Tâm bỗng đấm nhẹ tay xuống giường:
- Buồn quá!
Huyên nói:
- Như vậy là Huyên phải làm một mình ở trại C. Thiếu chị, buồn thấy mồ!
- Mình muốn làm việc hoài với mọi người. Nhưng ít nhất về chuyến này chắc cũng nửa tháng.
- Nửa tháng không lâu đâu!
- Nhưng sợ ở nhà không cho đi nữa ấy chứ!
- Thì chị ráng thuyết phục.
Thu Tâm nằm dài ra giường, thở dài:
- “Tui” buồn muốn chết… Nhỏ Hạnh Đào nó chẳng hiểu “tui” chút nào cả!
Huyên nhìn Thu Tâm, tủm tỉm cười.
***
Hạnh ngạc nhiên hỏi:
- Hôm nay cô Thu Tâm sao không đến?
Huyên đáp:
- Dạ chị Tâm về Sài Gòn rồi.
Đôi mắt người thanh niên tròn xoe, ngơ ngác:
- Ủa, sao mấy cô không nói?
- Chị ấy bảo đừng nói trước, để tự nhiên chị ấy nghỉ.
- Trời!...
Hạnh tiu nghỉu nét mặt, soạn những vật dụng để ra khay mà buồn thiu. Anh cầm một cây kẹp lên, quay quay trong không khí. Nhớ lại những lời khôi hài của Hạnh ngày đầu, Huyên chợt bật cười. Hạnh hỏi:
- Cô Huyên cười chi?
- Dạ… Huyên cười mấy con vi trùng đang bị ngất ngư.
- Tôi cũng đang muốn… ngất ngư luôn nè!
Mặt Hạnh ỉu xuống trông tức cười. Huyên đến tháo băng cho từng người thương binh. Hôm nay trại bệnh vắng bớt vì có vài người được về thăm nhà : anh Phòng, anh An và anh Vạn. Nam đang ngồi bó gối trên giường xem truyện. Chú Tám đang tự tay mở băng. Chú chỉ vào vết thương, khoe với Huyên:
- Huyên! Xem nè cháu, bữa nay hết chảy máu rồi.
Huyên nhìn sát vào vết thương. Chỗ hai ngón cụt bây giờ thành màu đỏ sậm. Không còn thấy đầu xương trắng. Máu không còn rỉ ra nữa. Da xung quanh hầu như đang sinh sản mạnh. Huyên thấy một viền da non mờ mờ. Chú Tám cười vui vẻ:
- Bác sĩ nói vết thương này gần lành rồi, chú sắp được về Sài Gòn ghép da.
Huyên vui lây, reo lên:
- Chú sắp về Sài Gòn?
- Ừ. Ở trển đủ dụng cụ hết. Họ sẽ lấy da trên đùi ghép xuống đầu hai ngón chân.
- Chú được giải ngũ hở chú?
- Chắc là vậy.
Đôi mắt chú Tám mơ màng nhìn ra xa. Chú vẽ tương lai:
- Giải ngũ về, chú lái tắc-xi. Hồi trước chú có bằng lái, về khỏi lo đói. Vợ chú đi may. Chú có hai đứa con đang đi học. Vậy được không cháu?
- Dạ được lắm chú. Miễn gia đình yêu thương nhau và lo cho nhau là quý nhất.
Huyên rửa vết thương cho chú Tám và băng lại. Chú Tám nhìn Huyên cười, đầy vẻ thân tình. Hôm nay chú đã hơi mập mạp so với ngày đầu Huyên vào. Đôi mắt không còn quầng sâu và nước da bớt xanh. Chú nói:
- Khi về Sài Gòn chú sẽ không quên những ngày sống ở bệnh xá này.
- Vậy hở chú?
- Ừ. Ở đây vui quá đi thôi. Ước gì ở bệnh xá này có khu giải phẫu ghép da, chú lại được ở đây một thời gian nữa.
Huyên cười:
- Rồi chú cũng sẽ xuất viện, rồi về nhà chứ!
- Chú sẽ dẫn vợ con của chú đến cho biết mặt Huyên. Chú sẽ nhờ Huyên… đỡ đầu cho con của chú.
Huyên chỉ biết cười và tiếp tục công việc. Chú Tám lẩm bẩm:
- Thế nhưng… từ nay đến ngày chân chú liền lại và đi đứng bình thường, chắc còn lâu nhỉ!
- Cần nhất là chú phải dưỡng sức cho khỏe khoắn.
- Chứ sao! Đời còn dài, còn hy vọng sống vui mà cháu!
Huyên kéo “ra” giường chú Tám lại thẳng thớm rồi đến giường bên cạnh. Vừa rửa tay, Huyên vừa ngước nhìn lên trần nhà. Những tấm “các-tông” bị sũng nước mưa vàng ố, trễ xuống để lộ mái tôn bên trên. Nền nhà chưa khô dấu nước và những chiếc giường không may mắn bị dột thì để trống không ai nằm. Cảnh đó nhắc Huyên nhớ đến những hôm trời mưa to, Huyên và Thu Tâm ở lại buổi trưa ăn cơm với những người thương binh rồi đàn hát với nhau vui vẻ. Thường thì có cả anh Thiếu sang nghe, và cũng hát chung vào. Người thương binh trẻ tuổi này có giọng hát trầm ấm rất hay và chứa chan tình cảm. Lúc nào cánh tay bị thương cũng đưa lên ngang tầm mắt, chới với như muốn tìm lại năm ngón tay thân mến để lả lướt phím đàn. Nhìn Thiếu, Huyên nghẹn ngào muốn khóc. Không biết niềm cảm thông sâu xa có giúp ích được gì cho anh không?
Có tiếng nói trầm trầm sau lưng Huyên:
- Chào cháu Huyên!
Huyên quay lại: chú Lãm. Ngạc nhiên vô cùng khi thấy chú chống nạng nhưng chân không còn băng bột, Huyên chưa kịp hỏi gì thì chú đã nói:
- Chú lên phòng của bác sĩ từ sáng sớm. Cô y tá Trang cưa bột ra cho chú. Xương chú đã liền lại rồi. Vết thương cũng gần thành sẹo rồi.
Huyên sung sướng:
- Chú sắp lành hẳn!
- Ừ, chú sắp đi đứng bình thường. Nhưng cô Trang bảo phải đi nạng vài ngày nữa cho chân đỡ phải chịu đựng nhiều.
Huyên nhìn bên chân của chú Lãm được quấn băng thun thay cho lớp băng bột cứng ngắc hồi trước, nghe lòng bồi hồi vui mừng. Hôm nay Huyên sẽ dìu chú ra tận bãi cỏ xanh và đi đến tận cổng bệnh xá. Ngày mai, ngày mốt không xa, chú sẽ ra chợ một mình, đi đến khu gia binh. Ôi vùng cỏ xanh, vùng trời xanh… Huyên có cảm tưởng như chính chân Huyên mới được cưa bột, mới được giải thoát khỏi mấy ký đá nặng nề cột buộc mình suốt mấy tháng trên giường bệnh.
Chú Lãm trở về giường nằm, và nói vói với Huyên lúc này đang băng bàn tay cho Thái:
- Cháu Huyên! Cháu có chuyện vui lắm mà chẳng cho chú biết nhá!
Huyên ngạc nhiên:
- Chuyện gì đâu chú?
- Bài phóng sự của cháu đó! Giấu chú hở?
Huyên ngẩn người ra:
- Ủa, bài phóng sự? Hồi nào? Ở đâu chú?
- Cô Trang mới đưa cho chú đọc số báo ra ngày hôm qua. Bài phóng sự hay quá mà cháu giấu chú ha!
Lúc đó Huyên mới reo lên:
- A! Đăng rồi hở chú? Cháu đâu có biết. Hôm qua mưa quá cháu không kịp đi mua báo. Chứ cháu đâu có giấu chú.
Chú Lãm gật gù:
- Cháu viết về bệnh xá này… thật đầy đủ và xác thực.
- Cháu muốn mọi người đều biết đến cái bệnh xá hẻo lánh này.
- Cháu có ý tốt lắm. Ít ra cũng phải như vậy. Chú nghĩ là cháu nên cắt bài phóng sự đem vào cho các thương binh xem. Họ hẳn sẽ vui lắm khi đọc những đoạn văn mô tả về họ.
- Văn của cháu… dở như gì ấy!
- Nhưng cháu mô tả đúng sự thật.
- Chú biết không, cháu viết xong đem gửi lên Sài Gòn liền. Ở trên ấy chắc ba mẹ và các anh chị cháu cũng đang đọc. Có tiền nhuận bút nữa đó chú! Tiền ấy cháu sẽ nhờ lãnh giùm để mua kẹo cho các thương binh ăn.
- A! Chú lại có dịp nhai kẹo nữa, chắc thành con nít mất!
Chú Lãm cười khề khà, nghe ấm cúng.
***
Huyên xếp gọn những vật dụng của chú Tám cho vào một cái túi, rồi dìu nạng cho chú ra ngoài hành lang. Hôm nay chú mặc bộ quân phục màu xanh lá cây sậm và đội mũ bê-rê đen, trả bộ quần áo xanh lại cho bệnh xá. Ngoài sân cỏ, chiếc trực thăng vừa mới đến, quạt vù vù làm rạp cả một vùng cỏ xanh. Bệnh xá nhộn nhịp hẳn lên vì, từ ba trại bệnh, một số thương binh được đưa ra để tản về Sài Gòn. Bóng cô y tá Trang chạy qua chạy lại, tay cầm một xấp hồ sơ. Bác sĩ Lân đứng trước phòng làm việc, nói chuyện với một người nhân viên của máy bay. Những người thương binh, kẻ đứng, người nằm trên băng ca, đợi chờ trước hành lang. Cả những người thương binh ở lại cũng gắng đi ra để tiễn chân bạn bè.
Chú Tám đứng dựa vào cột, nói với Huyên bằng giọng luyến lưu:
- Cháu Huyên ở lại vui nhé!
- Vâng. Cháu chúc chú Tám đi mạnh khỏe và ghép da chóng lành.
- Chú cám ơn cháu. Chú sẽ viết thư về đây. Cháu… vẫn còn ở đây lâu chứ?
- Dạ, cháu sẽ làm ở đây, ít nhất là đến hết hè này.
Có tiếng bác sĩ Lân ở đàng xa:
- Anh em bắt đầu lên phi cơ nhé!
Hạnh từ trong trại bệnh chạy ra, khom xuống cõng chú Tám rồi băng qua bãi cỏ. Chú Tám quay lại vẫy. Huyên vẫy theo, cười với chú… Nắng sớm loang loáng trên lưng Hạnh, trên lưng chú Tám. Gió từ cánh quạt thổi ngả nghiêng ngọn cỏ. Bên trại A và trại B cũng có những chiếc băng ca được khiêng đi.
- Chào cô Huyên, cô ở lại vui nhé!
Thiếu ôm hành lý bằng cánh tay lành, đến bên Huyên từ giã. Gương mặt anh lộ vẻ buồn buồn:
- Tôi về Sài Gòn, rồi về đơn vị. Chắc nay mai giải ngũ.
Huyên nói:
- Chúc anh đi đường mạnh khỏe.
- Tôi tiếc không được ở đây lâu để nghe cô Huyên hát. Tôi không bao giờ quên kỷ niệm đẹp này. Nhất là những ngày mưa, cả trại bệnh lắng nghe cô hát, thật tuyệt!
- Xin cám ơn anh rất nhiều… dù Huyên không xứng đáng với lời khen ấy.
- Tạm biệt cô Huyên.
Thiếu bước nhanh ra sân. Cánh tay băng trắng giơ cao lên như một dấu hiệu vẫy chào. Huyên vẫy lại…
Khi bóng Hạnh lom khom leo xuống khỏi phi cơ, máy bay bắt đầu rung chuyển mạnh và cất cánh. Vùng cỏ xanh lại rạp xuống. Con chim sắt bay lên cao và hút dần ở cuối trời.
Huyên quay vào cùng với các thương binh. Huyên thấy Nam ngồi trên giường, hí hoáy viết. Không muốn làm Nam gián đoạn tư tưởng, Huyên ngồi xuống một chiếc giường trống. Hạnh đang soạn những lọ thuốc để chuẩn bị phát, miệng hát nho nhỏ một bản tình ca.
Trại bệnh im lặng, buồn tênh.
“Sài Gòn, ngày…
Huyên thân mến,
Trước hết cho Tâm gửi lời thăm hỏi tất cả các chị và các bạn đang công tác ở dưới đó. Có lẽ công việc cũng vẫn diễn tiến đều đặn và vui vẻ như xưa hở Huyên? Từ ngày Tâm về Sài Gòn đến nay được gần nửa tháng rồi, mà những sinh hoạt ở bệnh xá hầu như vẫn còn trong tâm trí mình rất gần gũi, như mới hôm qua mà thôi. Thấy nhớ, nhưng biết làm sao bây giờ?
Đám cưới chị của Tâm đã tổ chức xong xuôi, nhưng ba má Tâm không cho Tâm đi xuống đó nữa. Bởi một lý do duy nhất: sợ Tâm làm việc nhiều quá rồi hại sức khỏe và mệt trí. Má Tâm lấy làm lạ vì tại sao trước kia thì Tâm yếu đuối nhát gan đến nỗi thấy một tí máu, một vết trầy cũng sợ, mà nay lại có can đảm làm việc với các vết thương. Tâm cũng không hiểu tại sao.Chẳng phải tiếp xúc với các vết thương lâu ngày rồi mình đâm ra chai đá đâu. Mình cũng vẫn còn xúc động nghẹn ngào như ngày đầu, vẫn thấy xót xa trước nỗi đau nhức của những người thương binh. Có điều Tâm thấy rằng phải tiết chế những sự sợ hãi lại để làm được việc gì giúp người ta thì tốt hơn. Do đó trong thời gian lui tới bệnh xá, dù muốn dù không, chúng ta và cả những người trong ấy cũng nhận thấy rằng ít ra chúng ta đã có ích một phần nào, phải không Huyên?
Thế nhưng ba má đã không cho Tâm đi nữa, bắt mình đi Đà Lạt đổi gió. Thật không vui tí nào. Mình buồn quá không biết làm gì, cứ suốt ngày đi ra đi vào như người khùng. Thấy nhớ những cái kẹp, cái kéo, nhớ những miếng “compress”, nhớ những cuộn băng, nhớ mùi ê-te và mầu thuốc “xì-dầu”. Nhớ từng khuôn mặt dễ mến trong trại C. Không hiểu những thân tình nào đã trói buộc chúng mình ở đó vậy Huyên hở? Gia đình đã bắt Tâm dừng những thân tình ấy lại. Tâm không dám buồn ba má, bởi dù sao chúng ta cũng phải gắn liền những sinh hoạt cá nhân với gia đình. Gia đình là cái thắng để kềm hãm chúng ta ở một giới hạn tốt đẹp trong mọi hoạt động. Nhưng cái giới hạn này, Tâm dừng mà không vui.
Tâm không kể lể với nhỏ Hạnh Đào, vì nó chẳng hiểu một tí gì cả. Nó thì cứ vui vẻ hồn nhiên trong khi mình tâm sự. Chỉ có Huyên, vâng, đối với Huyên Tâm không muốn giấu một điều gì cả.
Tuần rồi anh Hạnh gửi thư lên cho Tâm. Anh ấy tâm sự với Tâm rất nhiều, mà những ý tưởng đó đã làm Tâm suy nghĩ vô cùng. Thật tình mình không ngờ sự hiện diện của chúng mình tại trại C của khu bệnh xá hẻo lánh ấy lại gieo vào lòng anh Hạnh một nỗi ưu tư sâu đậm như vậy. Tâm không biết phải nên vui mừng hay ân hận, bởi vì anh Hạnh đã tin tưởng và hy vọng quá nhiều ở Tâm. Huyên cũng thấy đó, đối với gia đình Tâm và những người thân: Huyên, nhỏ Hạnh Đào và các chị, Tâm chẳng có gì đặc biệt. Nhưng đối với anh Hạnh, Tâm là một cái gì rất “cao xa”, mà, bên cạnh những quý mến, tin yêu, anh Hạnh còn có thêm sự e dè, và một sự “thất vọng ngấm ngầm” (theo y như lời anh ấy nói). Mà Huyên thấy có cái gì cao xa ở con người của Tâm không? Tâm, cũng như Huyên, muốn học, học cho thật nhiều, thật giỏi, để đem cái học của mình ra giúp ích cho đời. Nhưng khi va chạm vào thực tế, Tâm thấy rõ ràng là bên cạnh sự hãnh diện của chúng mình là sự cách biệt rất lớn mà vô tình nó đã có từ lâu trong tâm tư những người con trai như anh Hạnh. Họ là những người thanh niên trót sinh nhằm thời chiến, trên đất nước đau khổ này. Có người vì tình nguyện, cũng có người vì một lý do nào đó mà ngưng việc học hành, vào quân ngũ. Anh Hạnh đã đi tác chiến một thời gian rồi quay sang phục vụ trong ngành quân y, phục vụ ở cái bệnh xá nơi quận lỵ heo hút, mà nếu không có dịp đi xa về quê chị Lam Hương có lẽ chúng mình chẳng bao giờ biết đến. Tình cảm của anh ấy đối với Tâm như thế nào, có lẽ không cần nói Huyên cũng đoán hiểu. Tâm tin ở trực giác bén nhạy của Huyên. Anh Hạnh tỏ ý phiền muộn về sự học hành dở dang của anh ấy và muốn xin Tâm một lời khuyên. Huyên ơi, Tâm biết nói gì với anh ấy? Tâm biết làm gì để anh ấy bớt buồn? Phải khuyên anh ấy thế nào để khỏi chạm vào tự ái lẽ dĩ nhiên phải có trong lòng anh ấy? Tâm sợ những hành động, những lời nói kém tế nhị. Thế nên Tâm vẫn chưa viết thư hồi âm cho anh Hạnh. Lúc này Tâm bối rối quá. Nếu những thì giờ thật rảnh rang này mà dùng để đi băng bó cho các thương binh thì Tâm vui vô cùng. Tâm thèm được làm việc chung với Huyên. Tâm nhớ tiếng đàn, tiếng hát của Huyên. Ở nhà buồn buồn hát lên Tâm thấy nó lạc lõng thế nào ấy! Nhớ thật nhớ trại C những hôm gió mát, những buổi mưa dầm. Bây giờ mái tôn vẫn thế hay lủng dột thêm hở Huyên? Chú Tám, chú Lãm có vui khỏe? Anh Thái có bàn tay “như cái càng cua” có còn nằm ở đó không? Và cậu Nam em nuôi của Huyên đó, vẫn khỏe mạnh và dễ thương chứ? Vết thương sắp lành chưa? Vẫn hát bản “Anh hùng ca” nghe hăng say cả trại bệnh chứ?
Thôi, cho Tâm dừng nghen! Nhắc đến nhiều càng thấy nhớ và buồn. Chỉ biết chúc tất cả mọi người vui mạnh. Và riêng cầu mong bé Hạ Huyên dồi dào sức khỏe để tiếp tục công việc xoa dịu vết thương cùng đem nguồn vui đến cho những người thương binh.
Bạn Huyên,
Thu Tâm”
Hạnh ôm đàn vừa đệm nhạc vừa hát. Tiếng hát nghe xa vắng nhớ nhung… Gương mặt anh buồn, chùng xuống thật tội. Huyên để yên cho Hạnh mơ mộng, lặng lẽ xếp gọn đồ đạc trên bàn. Trại bệnh càng ngày càng vắng vì những người lành vết thương đã từ giã bệnh xá để về đơn vị. Công việc cũng bớt mệt nhọc. Mỗi buổi sáng Huyên vẫn đi cùng các chị đến bệnh xá, làm việc trong trại của mình. Vài buổi trưa cũng nán lại ăn cơm ở nhà bếp theo lời mời của Nam. Và cũng lại có hôm ngồi nhìn mưa từ mái tôn xuyên qua lớp “các-tông’ đã sạm đen rơi xuống những giường bỏ trống. Mùa mưa đến đã lâu rồi, nhịp độ mưa càng ngày càng tăng, và Huyên nhìn mái tôn mỗi ngày mà lo sợ. Hôm nay ngước nhìn tấm “các-tông” vuông ngay trên giường chú Tám chỉ còn dính vào cây nẹp gỗ bằng một cạnh, Huyên tưởng chừng chỉ cần một trận mưa nữa thôi là nó sẽ mềm ra và rời khỏi trần nhà, rớt xuống.
Huyên chưa kéo dài sự lo sợ được lâu, vì có bóng chị Lam Hương ở trước cửa trại bệnh. Chị gọi khẽ vừa nghe:
- Bé Huyên! Ra đây!
- Chị chờ em tí.
Huyên chạy ra. Gương mặt chị Lam Hương có vẻ gì khác lạ. Chị nói giọng hơi lạc đi:
- Em làm xong chưa?
- Xong rồi chị. Có việc gì thế?
- Ra ngoài này chị nói…
Huyên đoán biết có chuyện khác thường, trở vào nói với Hạnh vài lời, rồi cùng chị Lam Hương đi ra chỗ vắng, cách cửa phòng một khoảng xa.
Chị Lam Hương nói:
- Chị không ngờ sự việc lại rắc rối như thế này. Sáng nay chị gặp cô Trang. Cô ấy bảo rằng bác sĩ Lân đã đọc bài phóng sự của Huyên và nổi giận suốt buổi chiều hôm qua.
Huyên trố mắt kêu lên:
- Nổi giận? Sao kỳ vậy chị?
- Chị cũng không hiểu nghĩa là sao nữa. Tất cả mọi người đều khen bài của Huyên, từ cô Trang đến bọn chị, cũng như các thương binh. Chỉ trừ… bác sĩ Lân và ông Vỹ.
- Cô Trang nói sao hở chị?
- Cô ấy bảo mấy ngày nay bận rộn công việc quá nên đến chiều hôm qua cô ấy mới đưa bài báo vào cho bác sĩ Lân đọc. Đọc xong tự nhiên ông nổi giận, ông nói tại sao lại “phanh phui” những sự việc ở bệnh xá này cho “thiên hạ” biết.
- Ơ hay! Sao ông ấy lại dùng chữ “phanh phui”? Em chỉ viết với mục đích mô tả thôi mà! Em đâu có phê bình hay thêm bớt gì vào bất cứ sự việc nào!
- Ông ấy bảo rằng không muốn ai can dự vào chuyện ở đây hết. Bệnh xá này là thuộc quyền cai quản của ông. Trách nhiệm ông chịu hết, nên ông không muốn mọi người “xía” vào chuyện trách nhiệm của ông.
Huyên cảm thấy đầu choáng váng như vừa bị một ngọn gió độc thổi qua. Huyên bấu tay vào cột gỗ, im lặng nghẹn lời. Chị Lam Hương thở dài:
- Chị không ngờ thiện chí của chúng mình lại bị nghi oan như thế.
Huyên nuốt nước bọt:
- Bây giờ… mình có nên đính chính với ông ấy không hở chị?
- Chị chẳng biết nữa. Mình đâu có lỗi gì! Với lại bác sĩ Lân cũng chưa trực tiếp nói với mình điều gì cả. Không lẽ tự nhiên mình đến gặp ông ấy?
- Thật… em chẳng hiểu tí gì hết.
Huyên xoay lưng lại thì thấy ngay cô y tá Trang đang nhanh nhẹn đi tới. Cô đến chỗ hai chị em đang đứng, nói mau:
- Cô Lam Hương, bác sĩ Lân muốn gặp cô… vì chuyện đó.
Huyên nói khẽ với chị Lam Hương:
- Chị cho em đi theo với. Em muốn xem…
Chị Lam Hương nói với cô Trang:
- Dạ, em sẽ đến ngay, vì chính em cũng đang thắc mắc rất nhiều về việc ấy.
Ba người đi trong hành lang vắng. Cô Trang chép miệng:
- Thật phiền! Tôi biết thế thì đã không đưa cho ông ấy xem bài báo. Mình tưởng ổng sẽ vui vì có người viết về bệnh xá và những sinh hoạt ở đây. Ai ngờ ổng lại cáu lên bất tử như vậy.
Đến trước cửa văn phòng của bác sĩ Lân, cô Trang nhường bước cho chị Lam Hương và Huyên vào trước. Bác sĩ Lân đang ngồi ở bàn làm việc, trước mặt là những sổ sách. Thấy có người vào, ông ngẩng lên và sa sầm nét mặt ngay. Ông buông cây bút xuống, nói bằng giọng lạnh lùng:
- Chào cô Lam Hương. Mời cô ngồi. À, còn cô… gì nữa?
- Dạ thưa bác sĩ, em Huyên, làm bên trại C ạ.
Hai người ngồi xuống ghế. Cô Trang vào phòng, lúi húi sửa lại những sách vở bề bộn trong tủ kính. Bác sĩ Lân lấy một tờ báo từ nơi chồng giấy tờ trên bàn, chìa ra trước mặt:
- Chắc cô đọc bài báo này rồi?
- Dạ rồi.
Bác sĩ Lân gật gật đầu, đôi môi hơi trề ra, nói giọng chua chát:
- Cô nghĩ sao? Cô cảm thấy thế nào khi những chuyện ở bệnh xá này bị lôi ra và đăng trên mặt báo?
- Dạ thưa bác sĩ, tôi…
Bác sĩ Lân ngắt lời:
- Cô còn trẻ, các cô còn trẻ, và tôi đoán chính tác giả của bài viết này cũng còn rất trẻ, nên các cô không hiểu cái sự va chạm vào tự ái của chúng tôi khi đọc bài báo này. Cô hãy thử tưởng tượng nếu các cô có trách nhiệm cai quản cả một bệnh xá như tôi thì cô sẽ phản ứng ra sao khi mà thấy những yếu kém của nó “được” nằm chình ình trên mặt báo? Nào là sự thiếu thốn nhân lực, thiếu thốn y cụ, dược phẩm, nào là sự chật chội nóng bức của các trại bệnh, nào là cảnh mưa dột ướt giường của thương binh, rồi thì cảnh chật vật của nhà bếp, cảnh người ăn đứng kẻ ăn ngồi… Tôi muốn điên đầu khi đọc bài phóng sự ấy. Nó rất thực, nhưng thực đến nỗi tôi có cảm tưởng là tự ái tôi đang bị va chạm. Tôi có trách nhiệm đối với cấp trên và toàn khu này. Việc gì chưa tốt đẹp thì để thủng thẳng rồi sửa chữa. A, lại còn khúc mô tả hơi kỹ về ông y tá ở trại A nữa. Ông Vỹ cũng muốn nổi cáu lên khi đọc đến đó. Cả nước sẽ được biết đến ông y tá “trứ danh” đó. Thế thì có khổ hay không chứ?
Chị Lam Hương hơi chới với trước lời trách cứ dài nhằng. Nhưng chị nuốt nước bọt, cố gắng bình tĩnh nói:
- Thưa bác sĩ, tôi đã có xem bài báo rất kỹ rồi, và theo thiển ý của tôi, bài phóng sự này không phải là một bài phanh phui hay phê bình một ai hết. Tất cả sự việc đều được mô tả một cách vô tư. Ngay cả đoạn tả ông y tá trại A, tác giả cũng chỉ nói vài hàng và dùng một lối văn dí dỏm dễ thương mà thôi, chứ không nêu đích danh và cũng chẳng phê bình chi hết ạ.
Bác sĩ Lân mỉa mai:
- À, mà tôi cũng còn thắc mắc thế này: không biết tác giả bài phóng sự ấy có phải là một trong các cô đến công tác ở đây không, hay là chỉ ở Sài Gòn và … nghe kể lại rồi viết?
Chị Lam Hương không ngờ trước lối cư xử ấy của bác sĩ Lân. Chị chưa kịp đáp thì Huyên đã đứng dậy. Cố nén cơn nghẹn ngào, Huyên nói:
- Dạ, chính cháu là người viết bài báo đó và cũng là người đã theo chân chị Lam Hương từ ngày đầu đến đây để giúp săn sóc các thương binh. Cháu không ngờ mình đã làm bác sĩ phật lòng vì một bài báo nhỏ, mà trong đó những sự việc đã được nhìn và viết lại một cách vô tư. Khi viết bài báo đó cháu có ý muốn ca ngợi sự làm việc của bác sĩ cùng quý vị ở đây và muốn ít ra cũng có một số người ở xa biết đến cái bệnh xá ở quận lỵ heo hút này. Ngoài ra cháu không có dụng tâm nào khác cả.
Bác sĩ Lân cười gằn:
- Những ý tốt của cô, tôi xin cám ơn. Nhưng chắc chắn là sẽ không ai khen tôi hết, trái lại họ chỉ thấy những khuyết điểm to bằng cái lỗ thủng trên mái tôn của trại C. Người ta sẽ cười vào mặt những người có trách nhiệm về cái bệnh xá tồi tàn này.
Huyên nói:
- Thưa bác sĩ, tuy bệnh xá này chưa được đầy đủ lắm, nhưng không ai có thể phủ nhận được sự ích lợi của một bệnh xá dành cho thương binh, trong thời chiến.
- Vâng, cũng như không ai phủ nhận được công ơn của các cô khi đến đây giúp đỡ. Tôi xin cám ơn lắm!
Câu cám ơn không đúng lúc và đầy mỉa mai của ông Lân khiến chị Lam Hương cau mày. Chị nhận thấy câu chuyện không thể kéo dài, bởi cách cư xử của vị bác sĩ đã đổi khác. Chị nắm chặt tay Huyên như ngầm bảo Huyên đừng nói nữa và bảo với ông Lân:
- Thưa bác sĩ, chúng tôi không muốn thiện chí của mình bị hiểu lầm. Chúng tôi xin bác sĩ đọc lại bài báo và thông cảm cho chúng tôi. Chúng tôi mong rằng bác sĩ không buồn chúng tôi nữa.
Bác sĩ Lân ngồi yên, cau có. Chị Lam Hương tiếp:
- Xin phép bác sĩ chúng tôi về trại để làm việc tiếp ạ.
- Cám ơn các cô, việc đó… nên để cho y tá làm.
Chào cô Trang, hai chị em đi ra. Đến cửa, Huyên bỗng thấm hiểu câu nói sau của bác sĩ Lân. Huyên bấm mạnh tay chị Lam Hương và muốn nói gì thật nhiều với chị nhưng không nói nổi. Nét mặt chị Lam Hương cũng ủ dột không kém. Hai chị em đi giữa hành lang yên lặng.
Đến cửa trại B, chị Lam Hương dừng lại, nói nhỏ với Huyên:
- Huyên cứ về trại C, tiếp tục công việc như thường, xem như không có chuyện gì cả nhé!
Huyên gật đầu và bước nhanh. Đến cửa phòng,Huyên thấy chú Lãm đang lần đi xuống sân cỏ. Bước chân hầu như đã vững vàng và quen thuộc. Huyên dừng lại nhìn và không gọi chú. Chú Lãm vẫn mải mê đi thơ thẩn. Huyên quay vào trại và gặp Nam đang ngồi đọc sách trên giường. Nam ngẩng lên, cười với Huyên – đôi môi hình trái tim dễ thương. Huyên gượng cười đáp lại và đi thẳng vào trong. Hạnh đang thu dọn rác rến, nhìn Huyên bằng đôi mắt dò hỏi. Huyên muốn nói, muốn kể lể, nhưng tự nhiên cổ họng khô khan vô cùng.
- Nếu cháu Huyên không nói cho chú nghe, thì đừng xem chú là “chú” nữa.
Huyên cố giữ nét mặt thản nhiên, nhưng làm sao qua mắt chú Lãm được? Ngay từ sáng hôm qua, khi bước chân vào trại chú đã nhận thấy nét mặt không vui của Huyên. Và từ đó, chú thấy Huyên ít nói chuyện, ít cười vui. Chú muốn biết nguyên do nào làm Huyên buồn phiền.
Huyên cúi đầu, nói nhỏ;
- Cháu không muốn giấu chú, nhưng cháu nghĩ rằng cháu cần gạt nó qua một bên để vui vẻ làm việc.
- Nhưng cháu càng không nói thì chú càng thấy cháu không vui vẻ.
- Cháu đang cố gắng.
- Chi bằng cháu hãy nói hết cho chú nghe đi, rồi nếu nó không đáng gì thì chúng ta bỏ qua không nghĩ tới nữa.
Huyên đành kể hết câu chuyện cho chú Lãm nghe. Gương mặt chú rắn lại khi nghe đến những câu nói mỉa mai của bác sĩ Lân. Kể xong, Huyên nuốt nước bọt, ngước nhìn chú Lãm và nói:
- Lúc nào cháu cũng muốn đầu óc được quân bình để làm những việc cháu muốn làm. Chú, xin chú cho cháu một lời khuyên đi chú.
Chú Lãm cười thật độ lượng:
- Chú biết khuyên gì bây giờ? Bởi chú tin tưởng rằng cháu sẽ giữ được quân bình, dù hiện nay cháu đang bị dao động. Cháu… có nghĩ rằng thông thường người lớn phải đè nén sự tức giận của mình để vuốt ve con nít không?
- Dạ???
- Bây giờ chú đề nghị ngược lại. Cháu còn nhỏ tuổi, nhưng cháu nên dìm tự ái của cháu để vuốt ve tự ái của người lớn. Người lớn có nhiều thứ tự ái kỳ cục lắm, ít ra là kỳ cục đối với bọn trẻ. Nếu cháu làm cho tự ái của họ nguôi ngoai, có ngày họ sẽ nhìn lại và thấy họ sai lầm. Không phải chú bảo cháu hạ mình, nhưng cháu hãy yên lặng. Yên lặng làm việc, và yên lặng chứng minh tấm lòng vị tha của cháu cũng như của các cô bạn cháu. Tại sao chú khuyên cháu như vậy? Tại vì cháu đối với chú rất đặc biệt. Cháu làm việc không vụ lợi. Cháu hy sinh gần hai tháng hè này để vào làm những công việc không mấy ai dám làm: gần máu mủ, thịt da lở lói; gần những mùi máu khô, mùi thuốc ngát mũi; gần những gương mặt đau đớn khổ sở. Mà cháu đã được đền đáp gì chưa? Dĩ nhiên cháu không cần ai đền đáp. Cháu làm việc vì lý tưởng của cháu. Chú hiểu hết. Và chú tin rằng sự “vuốt ve tự ái của người lớn” cháu cũng sẽ thực hiện dễ dàng như băng một vết thương vậy.
- Thưa chú, cháu không dám gán cho mình những từ ngữ “vị tha, hy sinh, lý tưởng” bao giờ cả.
- Nhưng công việc của cháu tự nó đã có ý nghĩa như vậy.
- Cháu sẽ cố gắng làm như chú nói. Nhưng một thái độ như vậy biết có lợi gì không?
- Người ta sẽ thấy chứ! Và người ta sẽ nghĩ lại.
Huyên bật cười:
- “Tự ái của người lớn”, nghe kỳ quá chú nhỉ!
Chú Lãm cười khà khà:
- Đó! Cháu đã cười rồi! Cứ nhận mình là con nít để mà tha thứ cho người lớn đi nhé!
***
Mặc dù không ai nói ra, nhưng Huyên đoán biết rằng cả trại bệnh đang trông chờ một cơn mưa. Mọi ngày cứ đến khoảng mười một giờ trưa là trời đổ mưa, nhưng hôm nay trời vẫn cứ nắng chang chang. Trại bệnh nóng hừng hực. Ai cũng mong một trận mưa làm dịu mát, và hầu như ai cũng quên mấy lỗ thủng trên mái nhà.
Băng bó đã xong, Hạnh dọn dẹp dụng cụ và ngồi thu mình trong một góc, hát nho nhỏ. Mấy hôm nay Hạnh ít nói chuyện, ít cười đùa. Huyên hiểu nỗi buồn của Hạnh, nhưng không biết dùng lời gì để an ủi. Bởi Hạnh chưa bao giờ hé môi kể lể. Đôi khi anh chỉ hỏi Huyên: “Cô Thu Tâm bao giờ lại xuống nhỉ?” rồi lại lảng đi, chép miệng như để tự trả lời. Huyên áy náy vô cùng. Huyên đã viết thư cho Thu Tâm, khuyên Tâm nên viết thư thăm hỏi Hạnh, giữ cho tình bạn luôn đẹp đẽ. Ngoài ra Huyên cũng không biết làm gì hơn. Ban đầu Huyên ngỡ tình cảm trong Hạnh chỉ là thứ tình cảm nhẹ nhàng, thoáng qua – thứ tình cảm lẽ đương nhiên phải có ở những người trẻ tuổi. Nhưng càng ngày Huyên thấy Hạnh càng ủ dột, buồn rầu. Những cử chỉ nhanh nhẹn, những câu nói khôi hài cố hữu của anh không còn. Anh làm công việc thường lệ như một cái máy, rồi hay ngồi trên chiếc giường trống lẩm bẩm hát những bản nhạc mà Thu Tâm thường hát trước kia. Một hôm Huyên tình cờ nhận thấy trên tấm “ra” trải chiếc giường mà Hạnh hay ngồi, chi chít những chữ “Thu Tâm” được viết bằng mực nguyên tử thật đẹp nhưng đứng xa không thể nhìn thấy được. Huyên không ngờ trong một thời gian ngắn mà tình cảm của Hạnh lại sâu đậm đến thế. Và tình cảm của Thu Tâm, quả thật chỉ có Huyên mới hiểu. Còn Hạnh Đào, cô gái sống nhiều với sách vở, không thể nào thông cảm được…
Hạnh bắt đầu hát một tình khúc buồn, khiến cho không khí trại bệnh càng trầm lắng thêm. Huyên lặng lẽ đi giữa hai dãy giường thưa người, ra ngoài hành lang. Ở đó, Nam đang đứng chống nạnh nhìn ra xa. Dáng Nam thanh mảnh nhưng rất giống một “người hùng”. Nơi cánh tay Nam, nổi bật lớp băng trắng vừa mới được Huyên băng rất cẩn thận. Huyên nghĩ đến ngày lớp băng được mở ra mãi mãi, vết thương không cần phải rửa, không cần phải xức thuốc. Đó là ngày mà cánh dù của Nam lại tiếp tục bay trên vùng trời xanh. Ngày đó, Huyên chắc là Nam đang mong đợi. Nhưng đối với Huyên, Huyên mong nó đến thật chậm rãi. Tự nhiên Huyên mỉm cười. Quả thật những mâu thuẫn đã hiện diện trong Huyên.
Có bóng Hạnh Đào lững thững đi đến. Huyên ngạc nhiên hỏi:
- Sao chị Đào? Chị làm xong rồi hở?
Hạnh Đào lắc đầu:
- Đâu có, đang băng thì ông bác sĩ vào khám. Không hiểu sao hôm nay ông ấy khám bất ngờ mà trễ như vậy.
- Ủa, hôm nay không phải phiên khám mà!
- Mình chẳng hiểu nữa. Thấy bộ mặt ông ấy hầm hầm, mình khó chịu quá, nên đi ra đây.
- Còn chị Lam Hương?
- Chị ấy ở trong trại.
Sau đó không lâu, bác sĩ Lân từ trại B đi ra, và xăm xăm đi đến trại C. Ông không để ý đến câu chào của Huyên, bước vào phòng. Mọi người đều ngạc nhiên trước sự xuất hiện đột ngột của ông. Hạnh đứng dậy. Bác sĩ Lân nói như truyền lệnh:
- Mở băng cho tôi khám đây!
Hạnh ngạc nhiên nhưng vẫn đến mở băng cho các thương binh. Công việc khám vết thương cũng như thường ngày nhưng cử chỉ và nét mặt của ông Lân có một vẻ nghiêm nghị khác thường khiến Huyên cảm thấy mất tự nhiên. Huyên gọi Nam trở vào và toan mở băng cho Nam thì bác sĩ Lân đã cầm kéo cắt phăng phăng lớp băng trắng. Nhìn công trình mình rơi rớt dưới đất, tự nhiên Huyên thấy nóng mặt. Huyên nghe như có cái gì chận ngang cổ họng. Quay mặt đi, Huyên tự trấn an bằng cách nghĩ rằng đó là một hành động rất thông thường mà bác sĩ Lân cần phải làm để khám vết thương cho nhanh. Nhưng một nỗi xót xa chợt len vào lòng. Huyên tự hỏi không biết có phải đó là cử chỉ để làm thỏa cái “tự ái của người lớn” của ông Lân hay không? Thấy Nam nhìn mình ái ngại, Huyên lặng lẽ đi ra ngoài. Liếc nhìn về phía trại B, Huyên thấy chị Lam Hương và Hạnh Đào đang đứng nói chuyện với nhau. Hạnh Đào giơ một cánh tay lên như một dấu hiệu “thông cảm”.
Huyên đứng ở đó chưa được lâu thì nghe tiếng bác sĩ Lân nói:
- Vết thương của ông lành rồi. Ông được về đơn vị nhé!
Huyên quay nhanh lại, nhìn vào phòng. Bác sĩ Lân đang khám cho chú Lãm. Chú Lãm nhếch miệng cười:
- Tôi được xuất viện? Cám ơn bác sĩ.
Gương mặt chú hể hả vô cùng.
Khi người cuối cùng được khám xong, bác sĩ Lân giắt cây bút vào túi áo, và quay lại nói với Hạnh:
- Anh Hạnh! Rửa lại tất cả các vết thương và đắp thuốc, băng lại cho đàng hoàng.
Ông gằn giọng:
- Tôi nhắc lại: chính anh phải làm, nghe anh Hạnh! Đừng xao lãng nhiệm vụ của mình. Chúng ta có đầy đủ nhân lực chứ không thiếu thốn gì.
Giọng nói như tiếng chuông vang trong đầu Huyên. Bác sĩ Lân đi ra, và không nhìn Huyên.
Hạnh ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Nét mặt anh như ngầm hỏi: “Việc gì đã xảy ra?”, nhưng anh vẫn lẳng lặng lấy thuốc ra băng lại cho mọi người.
Nam đến lấy một cuộn băng, rồi tự đắp thuốc cho mình, và đưa cuộn băng cho Huyên, Nam nói:
- Chị băng lại giùm em?
Huyên gật đầu. Khi băng vòng quanh cánh tay Nam, Huyên nhận thấy tay mình run run. Huyên cố dằn xúc động. Những lượt băng trắng toát chồng lên nhau dần dần. Huyên thắt một “nút dẹt”, lấy kéo cắt gần sát nút, rồi thờ thẫn buông rơi khúc băng thừa xuống đất không hay. Huyên đứng thừ người, không buồn quay lại mặc dù nghe rõ tiếng chú Lãm gọi sau lưng:
- Chú được xuất viện, cháu Huyên ơi!...
Chị Vân xếp chiếc áo cuối cùng bỏ vào va-li. Chị nói với chị Nga:
- Thư nhà gửi xuống thật đúng lúc.
Chị Nga vươn vai uể oải:
- Mà nếu không có thư, mình cũng đi về.
Chị khóa chốt chiếc va-li lại, và xích gần với va-li của chị Vân. Hai người nhìn nhau, cười gượng. Chị Lam Hương hỏi:
- Như vậy hai bạn đã quyết định?
Chị Vân đáp:
- Quyết định là cái chắc rồi đó. Mình biết là Hương buồn lắm, nhưng Hương nghĩ coi: một đằng là nhà hối về, một đằng là ông bác sĩ khó chịu. Mình chịu không nổi nữa Hương ạ.
Chị Nga thở dài:
- Mình đâu có ngờ người ta lại có thể đổi thái độ như vậy. Mình làm việc bằng thiện chí, chứ ,“nói tội với trời” có “đồng xu ten” nào gọi là để mình uống nước đá không? Thế mà bao nhiêu thiện chí đều bị đè bẹp. Nói thật với mấy bạn, gáo nước ông ấy tạt vào mặt hôm đó đến nay vẫn còn lạnh mấy bạn ạ!
Đôi mắt chị Lam Hương long lanh:
- Mấy bồ bỏ mình hả?
Chị Vân nắm tay bạn thật chặt:
- Hương, … Hương hiểu cho mình. Họ có tự ái, tại sao mình không có tự ái?
- Nhưng cái tự ái của họ quá vô lý.
- Còn mình, mình đâu có vô lý. Mình phải chứng tỏ cho họ thấy rằng không phải chỉ có cái bệnh xá ấy là chỗ cho bọn mình công tác. Còn thiếu gì nơi, đâu phải mình chôn chân ở nơi này.
- Nhưng mình đã hứa với lòng là làm việc với họ cho đến hết mùa hè này.
Chị Nga nói:
- Bồ làm như mình đã ký giao kèo vậy đó. Thiện chí chúng mình có thừa. Chúng mình làm việc xã hội, thì sẽ có nhiều nơi và nhiều cách. Bồ nên nhớ, tự ái của một ông bác sĩ to bằng cái cột nhà thì tự ái của nhỏ sinh viên này to bằng cái cột đình. Tại sao phải quỳ lụy ông ấy?
- Nga nóng tính quá! Chúng mình làm việc xã hội, mà xã hội là một tập thể có quá nhiều điều phức tạp. Chúng mình nên chịu đựng…
- Nhưng chịu đựng vì lẽ gì? Mình không đòi hỏi gì về vật chất, nhưng ít ra về tinh thần phải có gì an ủi chứ! Ông ấy không kể gì đến sự cố gắng của tụi mình trong gần hai tháng qua. Mình thú thật, tinh thần mình xuống thấp, vì cái ông bác sĩ ấy.
Chị Nga thở dài như muốn trút một gánh nặng:
- Mình muốn về lại Sài Gòn. Mình muốn nghỉ ngơi để quên.
Chị Vân cắn móng tay, nói:
- Hương, Hương đừng buồn tụi này nhé!
Chị Lam Hương gượng cười, lắc đầu:
- Đâu có bao giờ buồn mấy bồ. Mình phải cám ơn hai bồ rất nhiều chứ! Gần hai tháng qua hai bồ đã làm việc rất siêng, không bỏ sót một buổi nào. Mình định có một ngày tổ chức nấu nướng gì để chúng mình ăn uống tẩm bổ một phen, thế mà chưa thực hiện được…
- Bạn bè mà Hương còn khách sáo chi? Mình làm là vì Hương, vì ủng hộ công việc tốt đẹp mà Hương đề ra. Mình về giữa lúc này thật có lỗi. Nhưng… Hương hiểu mình nha!
Chị Lam Hương bậm môi thở dài. Rồi chị đứng dậy, nói nhanh:
- Thôi, coi như xong đi! Để mình đi xem nồi cháo. Mấy bồ phải ăn thật no trước khi đi đấy!
Chị đi xuống bếp và một lát sau bưng lên một nồi cháo nghi ngút khói. Huyên theo sau bưng tô và muỗng. Chị Lam Hương nói:
- Các bạn đến ăn cháo đi, rồi Vân và Nga ra sớm để cho kịp chuyến xe.
- Ủa, còn Hạnh Đào đâu? - Chị Nga hỏi.
Chị Vân:
- Hạnh Đào ốm. Cô bé đã đến lúc hết gắng gượng được nữa rồi.
Chị Lam Hương vùa múc cháo ra tô vừa nói:
- Để cho Hạnh Đào ngủ. Không sao đâu.
- Nhớ múc cháo để dành cho cô bé. Cho tiêu thật cay vào ăn cho mau lành bệnh. Và nói là tụi này gửi lời chào.
Chị Vân đến gần bên Huyên lúc này đang ngồi thu mình trên ghế, hỏi:
- Còn bé Hạ Huyên nữa, bao giờ bé về?
Huyên mỉm cười:
- Em chưa biết nữa chị! Nhưng chắc em sẽ làm việc mãi với chị Lam Hương…
- Cho đến hết mùa hè?
Huyên gật đầu, chớp nhanh mắt. Bốn người ngồi quanh bàn, ăn cháo. Huyên nhìn chị Lam Hương. Nước mắt chị như đang chảy ra, long lanh – không biết vì chị dở ăn ớt hay vì xúc động? Bốn người lặng lẽ , không trao đổi với nhau một lời nào.
Chị Lam Hương vừa chùi nước mắt vừa cười:
- Mấy bồ phải ăn hết đấy nhé! Công lao mình thức dậy sớm nấu đó!
Rồi rót nước trà ra tách, chị nói:
- Mình ăn ớt không giỏi, nên phải dừng lại vậy.
Bữa “tiệc” nhỏ chấm dứt. Chị Lam Hương ra cửa, gọi xe. Huyên giúp chị Vân xách chiếc giỏ đựng đầy trái cây chiều hôm qua hái sau vườn nhà. Hai người leo lên chiếc xe lam. Chị Nga còn xuýt xoa vì cay, nói:
- Mình đi nghe Hương. Chị đi nghen bé Huyên!
Chị Vân:
- Cho gửi lời chào Hạnh Đào nữa.
Chị Lam Hương đẩy hai chiếc va-li vào tận trong xe, nói:
- Hẹn gặp lại mấy bồ khi tựu trường.
Chị Vân cảm động:
- Hương, Huyên, và Đào ở lại làm việc vui nghen!
Chiếc xe rồ máy nghe chói tai rồi lăn bánh. Bụi đàng sau tung lên mờ mờ. Chị Lam Hương đưa tay dụi mắt… Huyên nén tiếng thở dài, nói nhỏ:
- Chị Hương, chúng mình đi chứ?
- Ừ, Huyên vào lấy áo đi! Nhớ mang theo cả áo mưa nữa nhé! Trời thế nào cũng mưa. Hạnh Đào ốm, chắc không đi được.
- Vậy là có hai chị em mình. Em sẽ qua phụ với chị, rồi mình qua trại A nữa.
- Ừ nhỉ, trại A bây giờ không có ai giúp hết.
Chị Lam Hương thừ người ra như mất hồn.
Chú Lãm trịnh trọng gỡ tấm huy chương trên ngực áo, trao cho Huyên:
- Chú không có gì cho cháu để làm kỷ niệm, vậy cháu nhận vật này nhé!
Huyên chớp mắt:
- Huy chương của chú, mà chú lại cho cháu?
Chú Lãm cười:
- Thì cháu là cháu của chú, có gì lạ? Chú sẽ có nhiều huy chương khác nữa mấy hồi! Chuyến này về trình diện, rồi chú xin đi hành quân lại. Lâu quá, nằm đây mãi, thấy nhớ…
- Chú nhớ gì?
- Chú nhớ cây súng, nhớ ba-lô, nhớ nón sắt, nhớ giày đinh. Huyên đừng lấy làm lạ tại sao chú ham sống đời gian khổ. Không đi hành quân, thì thà đừng đi lính.
Huyên nâng niu tấm huy chương. Màu đồng sáng ngời trên bàn tay. Rồi Huyên nhìn chú Lãm. Bây giờ chú không còn vẻ gì là bệnh hoạn cả. Gương mặt rắn rỏi, mái tóc bồng bềnh, chiếc mũ bê-rê xanh lá cây, bộ quần áo rằn ri da cọp, đôi giày đen bóng. Bộ đồ xanh dương của bệnh xá đã được xếp thẳng và đặt ngay ngắn trên đầu giường cùng với chăn mền. Bây giờ chú không còn là chú Lãm thương binh, vì chân không còn băng bột, không còn vết thương ngầu đỏ. Chỗ vết thương ngày nào bây giờ là một vết thẹo tròn. Huyên nhìn chú không chớp mắt và cố giữ lấy hình ảnh đã mặc nhiên trở thành thân yêu.
Chú Lãm nói tiếp, mắt mơ màng:
- Nhưng … sau này, khi đội nón sắt, mang ba-lô, chú lại sẽ nhớ hương kẹo ngọt, nhớ tiếng đàn và tiếng hát của cháu Huyên…Ai có nghe tiếng hát hành quân xa mà không nhớ thương bà mẹ già…, phải không cháu?
- Chú sắp thành ca sĩ rồi!
Chú Lãm cười ra vẻ đắc ý. Huyên bỏ những vật dụng của chú vào chiếc “sắc”, y như hồi tiễn đưa chú Tám về Sài Gòn. Nhưng chú Lãm khác chú Tám nhiều. Chú Tám về Sài Gòn ghép da, rồi giải ngũ, còn chú Lãm về lại đơn vị, rồi tiếp tục đi hành quân. Con người chú Lãm cũng khác chú Tám. Chú Tám nghĩ nhiều về gia đình, còn chú Lãm thích một cuộc sống phóng khoáng – niềm vui là rừng núi, là ruộng đồng, là tay súng, là ba-lô. Vết thương làm chú dừng lại ở bệnh xá với những ngóng trông, và rồi bây giờ chú lại tiếp tục ra đi như áng mây phiêu lãng. Huyên muốn nói với chú một lời khâm phục…
- Có một điều mà chú mong muốn cháu hãy ghi nhớ: đó là cháu hãy bước thẳng trên con đường mà cháu đã vạch ra. Cháu hãy bước với niềm tin tưởng. Thiếu tin tưởng, con người không làm gì được cả. Chú đã chứng kiến những trắc trở mà cháu và các bạn cháu gặp phải. Hãy coi đó là một mụn nhọt bé nhỏ đứng cạnh những vết thương sâu. Công việc của cháu là chăm sóc cho những vết thương sâu chứ không phải ưu tư về chiếc mụn nhọt, nghen cháu!
- Cháu xin nghe lời chú.
- Chú tin rằng cháu có đầy đủ nghị lực để làm mọi việc.
Chú Lãm đưa mắt nhìn ra ngoài sân, và nói:
- Bây giờ nắng tốt, để chú đi.
- Chú để cháu dìu chú?
Chú Lãm nheo mắt cười:
- Huyên vẫn xem chú là thương binh sao? Chú đã mạnh rồi, chân chú không còn tí gì đau đớn cả. Cháu hãy đứng ở hành lang này xem chú đi ra cổng, rất “khá”.
Chú Lãm chào Hạnh và tất cả mọi người trong phòng. Huyên trao chiếc “sắc” cho chú, và ra đứng ở hành lang như ý chú muốn. Chú Lãm bước xuống sân cỏ, đi ra cổng. Bên chân bị thương như còn hơi cứng, nhưng vẫn đủ tạo những bước đi vững chãi. Đến cổng, chú quay lại, vẫy tay, cười. Huyên vẫy tay theo như một người đã dự bao nhiêu cuộc đưa tiễn. Bóng người chiến sĩ đã khuất sau màu cây xanh. Huyên mỉm cười, rưng rưng. Và nâng niu tấm huy chương, Huyên trang trọng đeo lên áo blouse, ngang với hàng chữ thêu màu đỏ “Nguyễn Võ Hạ Huyên”. Tấm huy chương màu đồng sáng lấp lánh trên nền áo trắng, trông thật rạng rỡ.
Huyên quay vào và gặp Nam đang lững thững đi ra. Nam cười:
- Chừng nào chị thay băng cho em?
- Một lát nữa.
Nam đưa cánh tay lên ngang mặt:
- Đêm hôm qua nó ngứa. Em đoán là sắp lành rồi.
- Ừ , vết thương của Nam gần thành sẹo.
- Mai mốt lành, em đi hành quân lại.
Huyên cười buồn:
- Hết chú Lãm lại đến Nam ra lại vùng hành quân
- Chứ bộ… chị muốn em nhức nhối hoài sao?
- Dĩ nhiên là chị phải trông mong cho Nam mau lành. Nhưng Nam có hiểu sự mâu thuẫn trong lòng chị không? Mong Nam mau lành mà lại sợ khi Nam lành rồi Nam đi nữa, buồn lắm.
- Chị phải ráng chịu – Nam trêu – Ai bảo chị chọn công việc này. Bao nhiêu người vào bệnh xá rồi đi, chị cứ đứng ở hành lang này tiễn đưa mãi. Mai mốt đến lượt em.
- Chị mong Nam sẽ giữ liên lạc với chị.
Nam chớp mắt:
- Chị tình cảm quá! Đáng lẽ như người ta chị chỉ nên xem em là một người thương binh như trăm ngàn người thương binh khác. Tại sao chị muốn tìm hiểu em và thương em như thương một đứa em ruột vậy?
- Chị… không biết nữa. Có một thứ tình nào rất lạ, như muốn ràng buộc chị với em. Chị không giải thích được.
- Nhưng… em có gì đặc biệt?
Huyên xoắn vạt áo, lắc đầu:
- Nam có tâm hồn đẹp, thế thôi.
Nam yên lặng. Huyên trìu mến nhìn vào đôi mắt trong, nâu màu hạt dẻ của Nam;
- Chị còn làm việc ở đây là vì Nam và những người thương binh. Chú Lãm đã đi rồi, chỉ còn Nam là người thân thiết nhất. Và cho dù mai mốt Nam xuất viện, chị vẫn cố gắng làm việc tiếp tục.
- Em chưa thấy một sự đền đáp nào cho các chị cả, mà trái lại người ta chỉ làm cho các chị buồn lòng.
Huyên lắc đầu:
- Tự nguyện không cần đền đáp. Họ có quyền làm như thế, và họ có lý của họ. Nam hãy nghe lời khuyên của chú Lãm: đó chỉ là một mụn nhọt bên cạnh những vết thương sâu.
Một đám mây đen hiện ra ở góc trời như ngầm đe dọa. Huyên nghĩ đến chiếc quân xa ở khu gia binh chở chú Lãm về đơn vị chắc cũng đang lăn bánh. Tự nhiên Huyên nghe buồn rười rượi. Huyên giục Nam:
- Thôi, Nam vào đi, chị thay băng cho.
Huyên và Nam cùng vào phòng. Hạnh đang xoi lỗ trên nắp chai thuốc. Cười với Huyên, anh nói:
- Hôm nay bác sĩ không khám.
- Chắc không anh Hạnh?
- Cam đoan. Tôi thấy ông ấy sửa soạn đi đâu.
- Vậy thì để Huyên giúp anh Hạnh băng cho nhanh để Huyên còn sang giúp chị Lam Hương bên hai trại kia.
Hạnh trố mắt:
- Chỉ có mỗi mình cô và cô Hương?
Huyên gật đầu. Hạnh giơ hai tay lên:
- Chúa ơi! Mới hay ở đời này không có cái gì tuyệt đối cả.
Huyên mỉm cười, và yên lặng đến rửa vết thương cho các thương binh. Hạnh làm ở dãy giường bên kia. Công việc trôi qua bình thường như mọi ngày. Mỗi người vừa làm việc vừa theo đuổi một ý nghĩ riêng, nên không nói với nhau lời nào. Trại bệnh yên lặng và nóng bức.
Hạnh làm xong một dãy giường cùng lúc với Huyên cũng vừa xong. Chỉ còn Nam, bao giờ Nam cũng để đến chót mới mở băng ra cho Huyên làm. Trong khi Hạnh thu dọn đồ đạc, Huyên xem kỹ vết thương của Nam. Quả thật, vết thương đã gần thành sẹo. Da non đã kéo kín miệng vết thương, hồng hồng. Vừa nhìn Huyên băng, Nam vừa hát nghe hân hoan, giọng trong sáng như chim.
Bác sĩ Lân chợt xuất hiện ở cửa đúng lúc Huyên đang quấn băng quanh chân Nam và cũng đúng lúc Hạnh vừa dọn dẹp xong và ngồi nghỉ. Bác sĩ Lân gắt to:
- Anh Hạnh! Tại sao không làm việc?
Hạnh đứng dậy, chưa kịp trả lời thì bác sĩ Lân nói như một mệnh lệnh:
- Dạo này tôi để ý thấy anh hay xao lãng nhiệm vụ. Anh nên nhớ, việc băng bó là của anh, không phải của ai khác. Để cảnh cáo, anh ra sân hít hai chục cái hít đất, ngay!
Hạnh chưa phân trần được tiếng nào. Bác sĩ Lân như không biết đến sự ngạc nhiên của mọi người trong phòng, quay lưng đi:
- Tôi chờ anh ngoài sân.
Huyên ngơ ngác nhìn Hạnh. Hạnh lắc đầu và đi ra sân. Hầu hết những người thương binh đều ngồi dậy, nhìn theo Hạnh. Bác sĩ Lân đứng yên trước hành lang. Hạnh lẳng lặng cúi xuống và … hít đất.
Huyên ôm đầu nghẹn ngào. Nhìn Hạnh thi hành lệnh của cấp trên, Huyên ngỡ như chính mình đang chịu phạt. Phải chăng đó là ngọn đòn cuối cùng mà người quân y sĩ đầy tự ái giáng xuống lòng tự nguyện hăng hái của Huyên và của các chị, để bắt buộc những người này chấm dứt công vịệc đang làm? Và phải chăng đó cũng là phần thưởng ông dành cho bọn Huyên? Chưa bao giờ Huyên thấy chua xót như lúc này. Huyên lảo đảo ngồi xuống một chiếc giường. Nam mím môi nhìn Huyên ái ngại.
Hạnh làm xong hai mươi cái hít đất, đứng thẳng người chào bác sĩ Lân rồi trở vào. Anh thở hổn hển, mặt đỏ gay. Bác sĩ Lân quay bước. Tiếng đế giày nện trên sàn nhà nghe vang dội.
Huyên nói với Hạnh như van lơn:
- Anh Hạnh, vì Huyên mà anh bị phạt oan… Huyên xin lỗi… anh…
Hạnh cau mày:
- Sao cô Huyên lại nói thế? Ông ấy muốn phạt thì cứ phạt, tôi cứ thi hành. Để họ làm thế cho họ thỏa mãn.
Hạnh đi lần đến chiếc giường có trải tấm “ra” chi chít những chữ “Thu Tâm”, ngồi lặng như một bức tượng mệt nhọc.
Huyên chịu không nổi nữa. Mặc cho Nam gọi “chị Huyên, chị Huyên…”, Huyên nức nở như chưa bao giờ được khóc.
Nam đã xuất viện, không một lời từ giã với Huyên. Sáng nay Huyên đến và lặng nhìn chiếc giường của Nam trống trơn. “Ra” giường đã được cuốn đi không còn một dấu tích. Hạnh bảo Nam đã ra khỏi bệnh xá chiều hôm qua. Thế là Huyên không phải làm người đứng đưa tiễn. Có lẽ Nam muốn như vậy. Nam về đơn vị và mai mốt đây sẽ tha hồ tung cánh dù trên khắp các vùng trời. Ngày ấy đã đến... Huyên nghe một nỗi luyến nhớ thật sâu đậm hiện đến trong lòng.
Hạnh nói với Huyên:
- Cô Huyên để công việc tôi làm cho. Hôm nay ít thương binh rồi.
Huyên uể oải đáp:
- Vâng. Huyên không dám giành việc với anh Hạnh nữa đâu. Huyên không quên hai mươi cái hít đất của anh ngày hôm qua. Và bữa nay, Huyên vào để chào từ giã anh Hạnh.
Hạnh tròn xoe đôi mắt:
- Ơ! Cô Huyên nghỉ sao?
- Dạ. Tình trạng này không thể kéo dài. Chị Lam Hương, chị Hạnh Đào và Huyên đã đồng ý với nhau là rời bệnh xá này. Người ta đã tỏ rằng không cần bọn Huyên nữa. Và những dằn vặt được đổ xuống những người như anh Hạnh. Bọn Huyên không có quyền làm khổ anh Hạnh nữa.
- Nhưng tôi có oán cô Huyên đâu!
- Anh Hạnh không oán, nhưng Huyên phải nghĩ tới và tránh những việc không hay xảy ra. Với lại, anh Hạnh nghĩ xem, nếu đến đây mà không phụ giúp được cho anh thì Huyên vào làm gì?
Hạnh buông thõng hai tay, nói giọng thiểu não:
- Chúa ơi! Biết nói gì bây giờ?
Huyên cúi đầu:
- Thôi Huyên về, … chúc anh Hạnh ở lại vui.
Huyên nhìn một lượt hai dãy giường, và ngừng ánh mắt thật lâu nơi giường của Nam, rồi quay gót. Hạnh vội vàng kêu:
- Khoan, cô Huyên! Cô cho tôi gửi cái này.
Hạnh mở hộc tủ, lấy ra một cái hộp hình chữ nhật xinh xắn. Anh mở nắp hộp ra: hai chữ “Thu Tâm” được khắc trên một tấm gỗ thật dễ thương. Hạnh thở dài:
- Tôi vẫn cất kỹ chiếc hộp này chờ ngày cô Thu Tâm xuống làm việc lại. Nhưng sự thể đã ra như vầy, thì chỉ còn hôm nay là ngày cuối gặp cô Huyên, tôi xin gửi cô, nhờ cô trao lại cho Thu Tâm.
Huyên mỉm cười:
- Không có chị Thu Tâm ở đây, thì Huyên xin thay mặt chị ấy cám ơn chú ạ!
Huyên chào những người thương binh, cúi đầu bước nhanh khỏi phòng và đi qua trại B. Ở đó, chỉ có mỗi chị Lam Hương đang từ giã ông Đạt. Nhìn quanh, vẫn những gương mặt nhăn nhó đau đớn, và những kiểu thương tích khác nhau. Vẫn những mảng da thịt lở lói, những giọt máu chảy từ những vết thương sâu, những cánh tay băng bột, những chỗ xương cong queo… Vẫn những kiểu chịu đựng: nghiến răng, bậm môi, nhăn mặt hay cố gượng cười mà trào nước mắt… Huyên muốn chạy ngay đến để mà băng bó, mà an ủi cho dịu cơn đau của họ. Nhưng bây giờ Huyên cảm thấy mình không còn có quyền làm những việc ấy nữa. Huyên cắn răng đứng nhìn mà nghẹn ngào.
Chị Lam Hương nói:
- Huyên đi với chị để chào bác sĩ Lân nhé!
Huyên lắc đầu:
- Thôi, một mình chị đại diện đi! Em không muốn gặp ông ấy.
Và để cho chị Lam Hương đi một mình lên phòng làm việc của bác sĩ Lân, Huyên ra đứng trước hành lang. Ở đây, Huyên thả tia mắt nhìn hết cả khuôn viên bệnh xá. Bãi cỏ xanh rì vẫn thường có bóng chú Lãm thơ thẩn, vẫn thỉnh thoảng có bóng trực thăng đáp xuống mang đến những người thương binh. Những cây Bã Đậu xanh non vẫn ngày ngày tắm nước mưa chờ khi vươn mình cao lớn. Giếng nước với bờ thành cao giữa khoảng đất cách ngăn bên này với bên kia: trại C, trại bệnh quen thuộc đầy thân tình của Huyên. Huyên muốn chạy ngay xuống nhà bếp để tìm lại bóng dáng Nam tươi cười bưng khay cơm mời Huyên cùng ăn. Và Huyên muốn mở cửa nhà kho nhìn lại một lần đống thùng chứa đồ cũ, cùng với lũ chuột đã có phen làm Huyên sợ hãi. Chưa đầy hai tháng mà những kỷ niệm đầy ắp trong trí nhớ, và muốn gắn liền Huyên với bệnh xá này. Nhưng bây giờ buộc lòng Huyên phải giã từ nơi đây, giã từ những vết thương và những người thương binh can trường. Phải giã từ áo blouse vẫn thường làm những cánh bướm trắng thướt tha trong trại bệnh, trong hành lang vắng im.
Huyên về và nhuốm bệnh ngay trưa hôm ấy.
Comment