Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Thằng Côn - Tác giả: Duyên Anh

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    16.

    - Vũ ơi !

    - Gì ?

    - Mày có nhớ những ngày đùa nghịch năm ngoái không ?

    - Nhớ chứ.

    - Giá Nhật nó đừng sang Thái Bình, chúng mình sẽ đùa chơi thả cửa, mày nhĩ ! Thằng Luyến nó mong mày về, nó hết muốn lên Hà Nội rồi. Tụi tao đã định leo xe ông tài Định giang hồ Hà Nội đấy. Nhật nó sang Thái Bình, dân mình chết đói nhiều quá.

    - Ba tao bảo tao lớn tồng ngồng rồi, không nên nghịch ngợm nữa. Mày thấy tao lớn chưa ?

    - Mày hơi hơi lớn thôi.

    - Mày cũng hơi hơi lớn giống tao. Sang năm chúng mình học “cua xuýp”, hết hè lên thành chung là thành người lớn. Tao sẽ thi vào trường Bưởi. Học trò trường Bưởi đánh nhau với học trò trường Albert Sarraut luôn.

    - Trường Bưởi thắng hay thua ?

    - Thắng. Lần nào đánh, lần ấy thắng. Bọn học trò Tây sưng vù mặt mày. Dân Hà Nội cừ nhất.

    - Tao muốn học trường Bưởi ghê.

    - Nhiều anh trường Bưởi chống Tây bị bắt bỏ tù. Tao chắc giờ các anh ấy đang chống Nhật. Tiên sư Nhật lùn ác quá ! Nó đốt lúa mày ạ !

    - Ai nói thế ?

    - Ba tao. Ba tao còn nói Nhật bắt lính, thu thóc nặng hơn Tây.

    - Chắc vì thế dân mình chết đói.

    - Ừ. Ba tao mới đi Ninh Giang về. Ba tao kể dọc đường từ ngã tư Môi đến gần cầu Bo, xác chết đói ngổn ngang, thối um. Không ai chôn cả. Người qua đường phải lấy khăn bịt mũi. Ba tao bị ốm, ăn cơm là ba tao nôn ọe. Ba tao sợ phát ốm. Xoa dầu nhị thiên đường nóng bỏng mũi mà ba tao bảo vẫn ngửi thấy mùi thối. Này Côn này …

    - Gì ?

    - Ta sắp đánh Nhật, đuổi Nhật khỏi Thái Bình đấy.

    - Ai nói thế ?

    - Bác Thụy, bố mày, ba tao nói chuyện thầm, tao nghe lén.

    Côn ngồi bật dậy. Lòng nôn nao lạ thường. Côn nhớ ngày nọ ở bên kia cầu Bo, Nhật bắt Tây đào đất, kéo xe bò. Nó ao ước thầy Đàn sẽ về Thái, bắt Nhật đào đất, kéo xe bò. Lần này, chính Côn leo lên vồng cầu Bo cao nhất, hét lớn “Ai sinh ra cái xe bò, Để cho Nhật phải kéo gò lưng tôm”. Côn sẽ xui Luyến nhằm bụng lính Nhật mà “tia” đạn đất.

    - Bao giờ ta đánh Nhật hở, mày ?

    - Sắp đánh.

    - Liệu ta thắng không ?

    - Giấy nói ta sẽ thắng Nhật lùn. Bố mày đọc xong đưa cho ba tao. Ba tao bật diêm đốt mảnh giấy ra tro.

    - Ai gửi giấy cho bố tao ?

    - Không biết nữa.

    Hai thằng bạn ngồi sát bên nhau hóng nắng. Giàn hoa lý trên đầu chúng đã hết vẻ héo hon. Bây giờ mới có nắng xuân, nắng xuân muộn. Nắng xuân muộn nhẩy múa trên những chiếc lá non. Côn nghe rõ từng chiếc lá chuyển mình, chuyển mầu. Nó cũng nghe rõ cả sự nô nức trong tâm hồn nó. Tâm hồn thằng Côn đang nô nức mong chờ ngày ta đánh Nhật.

    - Hễ thắng Nhật là hết chết đói hở, mày ?

    - Ừ.

    - Thằng Vọng bảo đánh đuổi Tây, Nhật khỏi Thái Bình ta sẽ độc lập. Tao thích lấy dây thừng trói tay lính Nhật dẫn nó đi diễu phố. Ông tước kiếm của nó đeo cho oai.

    - Tao ấy à, ông treo nó dộng ngược lên cây để nó chết giẫy. Nó ác nhất thế giới. Nó giết mình thế nào, mình giết nó thế ấy.

    Vũ bỗng reo to :

    - Tao nghĩ được trò chơi mới rồi.

    Côn hí hửng :

    - Trò gì ?

    Chúng mình ra bờ sông chia phe đánh nhau. Tao với mày phe ta, bọn thằng Luyến phe Nhật, chúng mình bắt Nhật ném xuống sông.

    - Ừ, hay tuyệt cú mèo. Nhưng mà, Vũ ơi …

    - Gì ?

    - Tao muốn nói với mày chuyện này …

    - Hay lắm không ?

    - Tao … tao …

    Vũ phát lưng bạn một cái :

    - Ông biết tỏng. Chuyện con Thúy, hở ?

    Côn chớp mắt :

    - Ừ.

    - Nó bảo mày ăn cắp cái lồng chim cu gáy chứ gì ?

    Côn lắc đầu :

    - Không.

    Vũ thoi khẽ Côn :

    - Thế sao ?

    - Nó không thích chơi với tao !

    Côn buồn rầu :

    - Kệ mày.

    - Ừ, kệ tao.

    Vũ hỏi :

    - Sao mày bảo mày chơi thân với nó ?

    Côn đáp :

    - Dạo xưa cơ. Từ hôm mày về nó không thích chơi với tao. Nó hỏi thăm mày. Nó nhắn tao bảo mày tới nhà nó chơi.

    Côn ngước nhìn những chiếc lá thiên lý tắm nắng xuân. Một nỗi niềm thật là buồn vừa len lỏi vào tâm tưởng nó. Ngày trước, Vũ chơi thân với Thúy, Côn có cần biết gì đâu. Con Thúy làm thằng Vũ bị đuổi học, Côn còn ghét con Thúy, trách móc Vũ đã bênh con bà cô Thúy. Bây giờ lại khác, con Thúy thích chơi với thằng Vũ đã làm Côn buồn. Chẳng biết tại sao nó buồn. Côn định ỉm chuyện Thúy nhắn Côn. Rồi nó không ỉm được. Luôn luôn, Côn cần thằng Vũ.

    - Mày đến nhà nó đi.

    - Tao ghét nó rồi.

    - Tại sao mày ghét nó ?

    - Nó mắng tao là đồ ăn cắp cái lồng chim của thằng Hội, tao ghét nó.

    - Nó khen mày ném phi tiêu giỏi hơn tao. Nó không ghét mày đâu.

    Vũ nắm chặt cánh tay Côn :

    - Thúy nó khen tao à ?

    Côn gật đầu chậm chạp :

    - Ừ.

    - Tao không đến đâu, tao thề rồi …

    - Mày không đến, nó giận tao.

    - Kệ nó. Nhỡ nó ôm tao, tao xấu hổ chết mất. Con gái nó hay điên. Anh tao ở Hà Nội nói thế. Tao “đét” thích chơi với con Thúy nữa.

    - Mày thích chơi với ai ?

    Vũ giật mạnh cánh tay Côn. Thằng bạn khuỵu tay xuống :

    - Ông thích chơi với mày thôi.

    Nhưng mà thằng Côn vẫn buồn. Nó muốn khóc nữa. Nó sợ khóc thằng Vũ chế nhạo. Côn đứng lên, vươn vai :

    - Tao về đây.

    - Chiều nay ra bờ sông lập trận giả đánh Nhật không ?

    - Không.

    - Sao thế ?

    - Tao không biết.

    Côn bỏ về. Vũ ngồi nhìn theo bạn. Nó thấy dáng điệu của thằng Côn ủ rũ quá. Vũ nghĩ thầm “Con Thúy là cái thớ gì mà thằng Côn sợ nó”. Đến lượt Vũ không hiểu cái “thớ” của con Thúy như năm ngoái Côn đã không hiểu và rỉa rói Vũ. Con Thúy làm Côn bỏ đùa nghịch chiều nay. Vũ lại đâm ra ghét con Thúy thêm.

    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

    Comment


    • #17
      17.

      Đoàn khất thực đành bó tay. Dân quê mỗi ngày một kéo lên thị xã hàng đàn lũ lượt như kiến chạy mưa. Người ta chết đói nhiều quá khiến sự cứu tế trở thành vô nghĩa. Ngay ở thị xã, lắm nhà đã phải ăn một bữa hay ăn cơm độn ngô, khoai. Mùa lúa mới mãi tháng năm mới được gặt. Mà đồng ruộng nhiều vùng Nhật đã bắt phá lúa non, trồng đay, trồng gai. Dân quê chết như rạ trên các lối đi về thị xã. Khu Kỳ Bá có gia đình chết đói hết. Khu cầu Kiến Xương cũng đông người thị xã chết đói. Dưới An Tập, dân nghèo bắt đầu chết. Không còn gỗ đóng ván nữa, phải bó xác chết đói mà chôn. Rồi chiếu hết, xác chết chất hàng chục cái lên xe bò, chở tới cái huyệt lớn chôn chung. Thoạt đầu, ty vệ sinh rắc vôi bột trước khi lấp đất. Sau, vôi bội hết luôn. Một cái huyệt chôn chung hàng trăm xác chết đói. Người chôn xác chuyên nghiệp của thị xã làm việc quần quật. Tỉnh thuê thêm người. Chôn xác được ít ngày, những người làm nghề chôn xác lăn ra chết vì tử khí nhập vào chơ thể họ. Thị xã nồng nặc mùi thối dưới những cơn nắng tháng ba. Người vừa gục chết, ba bốn hôm sau mới chở tới nghĩa địa. Thị xã sợ dịch tả, dịch hạch, tự động xúm nhau đi chôn xác chết. Người ta lấy khăn bịt mũi, dùng dây thừng buộc chân xác chết, lôi xềnh xệch trên đường phố. Nhiều người chết giấm chết giúi, mãi khi xác thối rữa ra mới được phát giác.

      Thị xã ngập chìm trong lo âu. Ngay cả người dư dả miếng ăn cũng sợ sẽ bị chết đói. Nỗi sợ khiến dân thị xã quên thương xót đồng bào ruột thịt.

      Nhật vẫn không mảy may xúc động. Ngựa của Nhật thả cửa ăn thóc. Dân Việt Nam chết đói ngổn ngang. Nhưng Nhật không quên đi lùng bắt những người chống Nhật. Bên kia cầu Bo, nhiều cảnh chết thật quặn lòng. Những trẻ thơ nhay vú mẹ, nhay mãi mãi mà không biết mẹ đã chết. Những cái vú sữa lép kẹp. Trẻ thơ vừa nhay vừa khóc rồi gục đầu trên vú mẹ mà chết. Xác chết chồng lên nhau. Chết không giăng giối. Chết không biết là chết. Mới mở mắt thều thào, quờ quạng, vài phút sau đã chết. Ngồi mà chết. Ngồi bó gối, đầu đội nón lụp sụp, tưởng còn sống đem cơm cho ăn. Đến nơi mới biết đã chết tự lúc nào. Cố đứng dậy bước, đói quá, chết ngã úp mặt. Một trận chết đói khủng khiếp nhất nhân loại đã diễn ra ở Thái Bình.

      Dười gầm cầu Bo, vì mùa nước cạn, dân quê tập trung một số dưới đó để trốn rét để trốn đói và chờ chết. Không ai ngăn cản nổi. Thị xã biến thành một thành phố dã man kiếp nào. Đói quá đỗi, dân quê đâm ra liều lĩnh để tranh sống. Cảnh vồ bánh trái diễn ra hàng ngày ở chợ búa. Người vợ bán hàng, chồng con cầm đòn gánh giơ sẵn, đề phòng bị vồ. Dân đói bấp chấp, cứ lao vào vồ. Chiếc bánh cầm trong tay, đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Những chiếc đòn gánh phang túi bụi. Không biết đau. Cứ nhai và nuốt. Ăn xong cái bánh thì chết đòn. Chẳng ai kết tội sát nhân. Cơn đói giết người và người giết thả cửa. Nhà nước không bắt bỏ tù ai đánh những người cướp giật đến chết.

      Chợ búa vắng hoe vì tai nạn vồ cướp. Mua cái bánh đa nướng, giấu trong áo mang về, vẫn bị dân đói chạy xô tới, đập vào ngực vỡ nát cái bánh để xúm nhau nhặt từng mảnh vụn mà ăn. Bọn thằng Côn không dám đến khu Kỳ Bá nữa. Mấy lần, đem gạo, cơm, bánh cho mẹ con thằng Vọng, đều bị cướp giật. Khu Kỳ Bá chẳng còn gì để ăn chờ mùa lúa mới. Bao nhiêu cây chuối và củ chuối bị chặt và đào hết. Chó mèo không thấy tăm hơi đâu. Chắc là bị ăn thịt rồi. Vũ và Côn đều thương Vọng lắm. Chúng nó bàn cách nắm cơm mang tới nhà Vọng. Hai hôm nay, bọn thằng Côn không vào nhà Vọng vì chúng nó tin rằng gạo chúng nó mang cứu giúp Vọng còn đủ dùng. Nhưng cũng hai hôm nay, số người chết đói tăng lên gấp bội. Côn lo cho mẹ con Vọng quá.

      Nó hỏi Vũ :

      - Mày nghĩ được kế nào chưa ?

      Vũ đáp :

      - Chưa.

      Con nhà Luyến giục toáy. Thằng Lộc đòi dùng gậy đánh nhau với những người cướp giật. Vũ sốt ruột :

      - Để im tao nghĩ kế.

      Nó gõ ngón tay lên trán một lúc rồi reo to :

      - Có kế đây.

      Lũ bạn nhao nhao :

      - Kế gì, kế gì ?

      Vũ xoa tay :

      - Chúng mình đóng cái hộp gỗ hai ngăn. Dưới đựng mười nắm cơm, trên bầy đá. Tao giả vờ kéo, túi quần tao nhét cái bánh chưng. Chúng mày cũng đem bánh chưng. Đến ngõ nhà thằng Vọng, chúng mình cho bánh rồi kéo cái hộp đá vào nhà nó thì hết bị cướp giật. Dân đói cướp đá làm khỉ khô gì !

      Côn khen Vũ rối rít. Chúng nó bắt tay vào việc cứu trợ thằng Vọng liền. Côn nhờ mẹ thổi cơm, nắm giùm nó. Vũ tìm gỗ đóng hộp. Luyến, Lộc, Long chạy về nhà kiếm bánh chưng, bánh dầy khô. Một tiếng đồng hồ sau, bọn thằng Côn đã kéo lê cái hộp gỗ chở đầy đá khỏi cống Kỳ Bá. Chúng nó hồi hộp. Ngực thằng nào cũng đập thình thình.

      - Nhỡ họ cầm cái hộp họ ném tung lên thì sao hở, Vũ ?

      - Tao đóng đinh chắc lắm. Hộp cơm nắm này, mẹ con thằng Vọng ăn dè được hai ngày. Có đứa nào gói muối theo không ?

      - Có.

      - Tao sợ quá.

      - Sợ thì mày về đi, Lộc ạ !

      Vừa tới ngõ nhà Vọng, Luyến nói :

      - Hôm kia bị cướp giật ở chỗ này.

      Bỗng Lộc hét :

      - Eo ơi !

      Nó nhắm mắt, chỉ tay. Vũ và Côn nhìn chỗ Lộc chỉ. Hai cái xác chết nằm bên nhau. Vũ nói :

      - Bịt mũi lại đi, thở bằng mồm nhé, tụi mày nhé !

      Chúng nó rảo bước. Bốn thằng gặp thêm cả chục xác chết. Cứ vào sâu trong ngõ lại gặp xác chết nhiều hơn. Vũ bịt mũi chặt, giọng nó khàn khàn :

      - Họ chết hết rồi.

      Vũ chạy. Chiếc hộp rớt đá ngổn ngang. Chúng nó đã đứng trước cổng nhà thằng Vọng. Côn réo :

      - Vọng ơi !

      Không có tiếng Vọng trả lời.

      - Vọng ơi !

      - Vọng ơi, chúng tao đem cơm cho mày, hôm nay không bị cướp giật đâu.

      Im lặng. Tiếng thằng Côn vang xa. Lộc xanh mặt :

      - Hay thằng Vọng đã chết đói ?

      Vũ cáu tiết :

      - Chết đói cái củ “thìu biu” !

      Nó buông sợi dây kéo cái hộp, chụm hai bàn tay, gân cổ gọi :

      - Vọng ơi ! Vọng ghẻ tầu ơi !

      Sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt năm đứa trẻ. Vũ đẩy cái cổng tre xiêu vẹo :

      - Chúng mình vào đi, chắc nó ngủ say.

      Năm đứa ngại ngùng đi vào sân. Rồi chính nó mở tấm liếp. Vũ ngó trước. Nó quay ra ngay :

      - Mẹ thằng Vọng nằm co quắp trên ổ rơm chúng mày ạ !

      Côn hỏi :

      - Nó đâu ?

      Vũ lắc đầu :

      - Tao không thấy.

      Luyến và Lộc khênh cái liếp đóng cửa xích một quãng. Ánh sáng lùa vào gian nhà. Vũ nhắm mắt lại. Giọng nó lạc đi :

      - Mẹ … nó … chết … rồi …

      Côn chạy xuống bếp. Nó lại réo :

      - Vọng ơi !

      Lộc lắp bắp :

      - Tao bảo nó đã chết, thằng Vũ không tin.

      Vũ quát :

      - Nó không chết, thằng Vọng không chết …

      Vũ ôm mặt khóc hu hu. Côn khóc theo. Và năm đứa khóc nửc nở. Không có thằng Vọng ở nhà, nó đi đâu chết rồi. Mẹ nó đã chết đói, đang nằm co quắp trên ổ rơm. Chắc nó đi cướp cơm về cho mẹ ăn bị người ta đánh chết. Năm đứa trẻ nhìn nhau. Những đôi mắt sũng nước cùng long lanh hình ảnh thằng Vọng và cuộc đời hẩm hiu của nó. Đứng ngẩn ngơ một lúc, Vũ bước vào gần cái ổ rơm, kéo chiếc chiếu đắp lên xác mẹ thằng Vọng. Chúng nó ném quà bánh đem biếu Vọng quanh cái hộp cơm rồi lủi thủi ra về. Khuôn mặt chúng nhễ nhãi nước mắt.

      Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

      Comment


      • #18
        18.

        Chết đói xong là chết no, chết dịch. Nhưng cơn ác mộng đã qua. Tỉnh lỵ lại mang cái vẻ bình thản muôn đời của nó. Vẻ bình thản đánh đai lấy cuộc sống người dân thị xã. Sóng gió đang nổi ở đâu xa lắm. Chứ ở thị xã Thái Bình, sóng ngầm chỉ xô giạt trong lòng một vài người. Hầu như, không ai muốn nhớ tới nạn chết đói mấy tháng trước. Dân Thái Bình chết cả mấy chục vạn người. Có làng bị chết đói hết.

        Côn thì không thể quên Vọng. Thằng Vọng cũng bị chết đói. Côn tưởng chừng gia đình nó có người chết đói khổ sở, đau đớn. Tháng rồi, dưới giàn hoa lý nhà thằng Vũ, Luyến buột miệng nói "Giá chúng mình rủ thằng Vọng về nhà chúng mình ở, chắc nó không thể bị chết đói” Cả Côn và Vũ đều ân hận. Dễ dàng thế mà Côn và Vũ không nghĩ ra. Thằng Vọng chết đói, sẽ chẳng bao giờ được leo lên vồng cầu Bo xem Nhật xúc đất, kéo xe bò. Nó sẽ chẳng bao giờ được thấy thầy Đàn, thầy Hoan tát sĩ quan Nhật hộc máu mồm giữa phố. Ta sắp đánh Nhật. Côn tin tưởng ngày thầy Đàn trở về Thái hiên ngang như Trần Quốc Tuấn trên sân khấu kịch của Hướng Đạo. Ngày ấy chắc vui lắm.

        Mùa hạ năm nay thật buồn tẻ. Hoa phượng vẫn nở nhưng mầu hoa không rực rỡ. Tại học trò đã nghỉ học trước hè, nghỉ từ tháng ba chết đói. Loài ve sầu rên rỉ mỏi miệng cũng chẳng ai thèm cảm xúc. Có lẽ, mùa hạ sang năm sẽ buồn tẻ hơn. Côn hồi tưởng những mùa hè năm xưa mà thương tiếc. Chắc chắn không còn những trận đá bóng sôi nổi với An Tập, trường Tầu. Vọng đã mang theo sân cỏ xuống đất sâu. Mất Vọng ! Bóng tròn hết quyến rũ đôi chân thằng Côn. Tại Nhật hết. Nhật sang Thái Bình gây nên bao điều khốn khó.

        Côn nắm quả đấm thụi lên mặt bàn. Bố nó ngồi đọc sách gần đó, ngạc nhiên :

        - Con làm sao thế ?

        Côn rươm rướm nước mắt :

        - Thằng Vọng chết đói, bố ạ !

        Bố thằng Côn gỡ cặp kính trắng, dụi mắt :

        - Con nói cho bố nghe rồi mà …

        - Phát xít Nhật làm nó chết.

        - Bố dặn con, con chả chịu nghe lời bố. Con muốn Nhật bắt cả nhà mình giết chết à ?

        Thằng Côn đưa hai tay ôm đầu :

        - Con biết hết chuyện.

        Bố nó buông rơi cuốn sách :

        - Con biết chuyện gì ?

        Côn òa lên khóc :

        - Con lớn rồi, con lớn rồi … Con biết ta sắp đánh Nhật, bố đọc giấy gì ở nhà thằng Vũ.

        Bốn nó đến gần chỗ nó ngồi, cầm tay nó :

        - Con lớn rồi, bố không bảo con là trẻ con nữa. Nhưng nhiều việc con chớ nên biết tới.

        - Con ghét Nhật. Thằng Vũ dám chửi Nhật lùn. Nó bảo ở Hà Nội người ta giết Nhật như ngóe. Dân Hà Nội cừ lắm, sao dân Thái Bình không cừ ?

        - Dân Thái Bình sẽ "cừ”. Thầy con đã là một người "cừ”.

        - Thầy con sắp đánh Nhật ?

        - Ừ, thầy con đang đánh Nhật ở xa.

        - Bao giờ thầy con đánh Nhật ở Thái ?

        - Sắp sửa.

        Bố thằng Côn dịu dàng :

        - Con thấm nước mắt đi. Đã lớn rồi, nghe chuyện người lớn phải giữ kín, hiểu chưa ?

        Côn rút khăn thấm nước mắt. Nó nhìn bố, mỉm cười.

        - Thôi, con đi chơi đi.

        Côn chào bố. Nó chạy ra đường và đến nhà Vũ rủ Vũ lên cầu Bo. Nước lũ đã về. Chóng chê. Mới nắm ngoái, Luyến và Côn đứng đây nhìn nước lũ cuồn cuộn trôi ra biển.

        - Con nhà Luyến, năm ngoái, đòi đóng bè chuối thả xuống cống Đậu ăn canh bánh đa của bác lang Tặng mày đấy.

        Vũ phì cười :

        - Xuống cống Đậu rửa bát à ? Ông chán cống Đậu từ lâu.

        Côn kéo sát Vũ bên mình :

        - Mày biết chưa ?

        Vũ thì thào :

        - Biết gì ?

        - Thầy mình sắp về Thái đánh Nhật.

        - Thế hở ?

        - Ừ, bố tao dặn đừng nói với ai.

        Vũ xăn tay áo :

        - Tao sẽ đi theo thầy.

        Côn ghé miệng kề tai Vũ :

        - Dân thị xã sửa soạn đánh Nhật. Thầy mình cầm đầu. Bố tao bảo đánh đến đít rồi.

        Vũ sướng rên, nhẩy cỡn :

        - Tao phải trói một thằng, bắt kiến lửa bỏ lên bụng nó mới thích. Kiến lửa cắn rốn nó, nó giẫy đành đạch. Ông đứng ông múa mọi và "dzô tô nay, a ri ga tô”.

        Côn vung tay :

        - Ông nhốt một thằng không cho ăn cơm để nó chết đói như thằng Vọng.

        Hai đứa trẻ mong đợi thầy chúng nó trở về Thái. Thầy chúng, chắc chắn, sẽ chở về những mộng ước ắp đầy những con mắt chúng. Hai đứa trẻ thị xã không muốn âm thầm sống trong cái vòng đai bình thản. Nó muốn thoát ra. Nỗi thèm khát của chúng bốc lộ rõ rệt. Bây giờ mới đúng lúc khung cảnh bình thản của tỉnh lỵ không thích hợp với chúng nó.

        - Tao dắt thằng Nhật qua nhà con Thúy, tao đá đít, con Thúy sẽ phục lăn.

        Vũ vỗ vai Côn :

        - Mày chắc con Thúy phục tao chứ ?

        Côn gật đầu :

        - Nó vẫn phục mày.

        Nó hỏi Vũ :

        - Mày lại nhà nó chưa ?

        Vũ thấy Côn thoáng buồn. Nó thúc khuỷu tay vào bụng bạn :

        - Tao không đến đâu. Mày đến chơi với nó đi kẻo nó giận.

        Côn thè lưỡi liếm môi :

        - Tao không thích chơi với nó nữa. Tao thề không thèm nói chuyện với nó.

        Vũ gặm nhấm móng tay :

        - Mày buồn cười bỏ xừ đi ấy. Bây giờ mày thích cái gì ?

        Côn nín thinh. Nắng chiều chỉ còn thoi thóp trên các lùm cây bên kia sông. Dòng nước, tự nhiên, buồn bã. Như là nó chán chẩy xuôi ra bể. Nó muốn chẩy ngược về nguồn. Côn hướng mắt nhìn về phía xa. Gió thổi tung tóc thằng bé. Đôi mắt nó tròn to, long lanh một niềm ao ước. Lần đầu tiên, Côn trái lời Vũ. Côn không còn giống Vũ. Côn cũng chẳng giống Côn năm ngoái, năm xưa. Nó đứng đây, không tương tư tiếng hu hú, không nhớ những lần đóng bè qua sông. Phía xa, nó đang tưởng tượng có Thầy Đàn dạy bao nhiêu đứa trẻ yêu nước. Côn mơ hồ nghe tiếng nói của thầy. Và tình nó thương thằng Vọng dâng lên, đùn cay mắt nó.

        - Bây giờ mày thích cái gì ?

        Côn quàng tay bá cố Vũ :

        - Tao thích thầy mình về Thái.

        Vũ xiết chặt Côn. Nắng đã tắt hẳn. Gió thổi lộng. Hai đứa trẻ tỉnh nhỏ cùng đăm đăm trông về chốn trời xa. Nơi ấy, nhiều người sắp về. Và tỉnh lỵ sẽ hết thê lương, buồn tẻ.


        Mùa Giáng Sinh 1968
        (viết tại Phú Nhuận Gia Định)
        Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

        Comment

        Working...
        X