Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Quo Vadis - Henryk Sienkiewicz

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Quo Vadis - Henryk Sienkiewicz

    Dịch giả và giới thiệu: Nguyễn Hũu Dũng

    Lời giới thiệu


    Henryk Sienkievich (Henryk Sienkieweiz) là một trong những văn hào lớn nhất của nhân dân Balan. Sáng tác của ông có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Ba Lan, đồng thời được đánh giá rất cao trên văn đàn thế giới. Với tiểu thuyết Quo vadis ông được tặng giải Nôben về văn học năm 1905.
    H. Sienkievich sinh ngày 5-5-1816 tại Vola Okseiska miền Podleise trong một gia đình quý tộc đã bị sa sút. Vào những năm 1866-1869 ông theo học các khoa luật học, y học rồi văn học tại Trường Chính (nay là trường đại học tổng hợp Vacxava).
    Bước vào nghề làm báo từ năm 1860 bằng những tiểu luận và phê bình sân khấu, Sienkievich bắt đầu được chú ý đến như một cây bút có triển vọng với truyện Phi hoài (1872). Trong những truyện ngắn tiếp theo, ông đã miêu tả một cách sắc nét tâm tư của lối sống phong kiến gia trưởng (Người đầy tớ già -1875, Hania -1876). Thời kỳ 1876 -1882 ông đi rất nhiều nơi ở châu Âu, châu Mỹ, và cho đăng Những bức thư từ các chuyến đi (1876 -1878) cùng hàng loạt truyện ngắn và truyện vừa rất xuất sắc, trong đó nổi bật lên vấn đề thân phận người nông dân.
    Năm 1892 đánh dấu một bước ngoặt trong sáng tác của H. Sienkievich; từ lĩnh vực truyện ngắn và truyện vừa, ông bước sang miền đất mới của các tiểu thuyết lịch sử. Ông cho ra đời bộ ba tiểu thuyết lịch sử viết về những cuộc chiến tranh diễn ra ở Ba Lan hồi thế kỷ XVII: Bằng lửa và gươm (1883 -1894), Trận hồng thủy (1884-1886), Ngài Volodyjovxki (1887 -1888). Mang đậm chủ nghĩa yêu nước, tiểu thuyết bộ ba này là một đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp sáng tác của Sienkievich, là một tác phẩm trong kho tàng văn học Ba Lan.
    Tiếp theo, Sienkievich hoàn thành hai tiểu thuyết tâm lý xã hội Phi giáo lý (1889 -1890) và Gia đình Polanjexki, trong đó ông phê phán giới quý tộc đang suy đồi.
    Đề tài tiểu thuyết lịch sử Quo vadis (1895 -1896) là cuộc khủng bố các tín đồ Thiên chúa giáo thời Nerô bạo chúa ở Cổ La Mã.
    Tiểu thuyết lịch sử Hiệp sĩ Thánh chiến (1897 - 1900) miêu tả cuộc chiến tranh giữ nước hồi thế kỷ XV với các trận đại thắng Grunvald lẫy lững, chống lại các hiệp sĩ thuộc dòng tu Thánh chiến, mà thực chất là chống lại đế quốc Phổ, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Ba Lan.
    Trong thời kỳ “hồi xuân” gần cuối đời, sau khoảng 10 năm bệnh tật liên miên. H. Sienkievich đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết du ký rất xuất sắc dành cho bạn đọc trẻ tuổi Trên sa mạc, trong rừng thẳm (1910 - 1913) và tiểu thuyết lịch sử Những đội quân lê dương (1913 - 1914) mà cái chết không cho phép ông hoàn thành.
    Henryk Sienkievich mất tại Vêvê (Thụy Sĩ) ngày 15 - 11 - 1916 thọ bảy mươi tuổi.
    Trong ngót nửa thế kỷ sáng tạo. H. Sienkievich đã để lại cho nhân loại một di sản văn học đồ sộ và vô giá. Ngay từ thủa sinh thời của văn hào đã từng có nhiều người cố gắng thu thập và xuất bản toàn bộ những tác phẩm của ông. Đáng chú ý nhất là công trình của nhà xuất bản Gebethner và Wolf, trong những năm 1880 - 1939 đã xuất bản bốn mươi sáu tập tác phẩm chọn lọc của Sienkievich. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, bè lũ Hítle ra lệnh cấm lưu hành những tác phẩm sục sôi lòng yêu nước của Sienkievich, chúng ra sức tịch thu và đốt các tác phẩm của ông, song nhân dân Ba Lan vẫn nâng niu, gìn giữ, truyền tay nhau đọc, dù rằng không ít người vì thế đã bị kết án tử hình hoặc bị đưa vào trại tập trung.
    Chỉ dưới chính thể Cộng hòa nhân dân Ba Lan. Sienkievich mới thật sự trở thành nhà văn của dân tộc, của quảng đại quần chúng, tác phẩm của ông mới được đánh giá đúng tầm cỡ. Ngay trong mùa xuân năm 1945 còn vương khói đạn, ngay trong cảnh đất nước bị tàn phá đến mức hủy diệt, trong những điều kiện cực kỳ khó khăn thiếu thốn sau chiến tranh, tiểu thuyết Hiệp sĩ Thánh chiến của Sienkievich vẫn được tái bản và đó là tác phẩm văn học cổ điển đầu tiên được xuất bản trong lòng nước Ba Lan mới.
    Chỉ vài năm sau chiến tranh. Đảng và Chính phủ Ba Lan đã quyết định cho xuất bản toàn bộ tác phẩm của văn hào. Dựa trên các bản thảo và những bản in lần đầu may mắn được cứu thoát khỏi sự đốt phá của bè lũ phát xít, lần đầu tiên toàn bộ tác phẩm H. Sienkievich gồm sáu mươi tập được chỉnh lý và xuất bản trong khoảng thời gian 1949 - 1951 dưới sự chủ trì của giáo sư Julian Ksyzanovxki. Bốn tập cuối cùng của bộ sách này là công trình nghiên cứu khoa học tổng hợp về cuộc đời và sáng tác của nhà văn. Căn cứ theo bộ sách này, hàng loạt tác phẩm riêng lẻ của nhà văn lần lượt được tái bản có hệ thống với nhịp độ nhanh và số lượng bản in rất lớn. Thống kê độc giả tại Ba Lan, qua nhiều năm cho thấy rằng sách của H. Sienkievich được nhiều người đọc nhất và được yêu chuộng nhất.
    ***
    Tác phẩm nổi tiếng Quo vadis(1) được viết trong thời kỳ sung sức nhất của H. Sienkievich. Ý đồ sáng tác xuất hiện vào mùa xuân năm 1893, khi nhà văn tới thăm Roma lần thứ hai. Như nhà văn đã viết trong bức thư gửi nhà khảo cổ học kiêm nhà phê bình học người Pháp Boyer D”Agen vào năm 1912: “Ý định sáng tác Quo vadis nảy sinh trong tôi khi tôi đọc các tập Niên ký của Taxits, một trong những nhà văn tôi yêu thích nhất và trong chuyến lưu trú dài ngày tại Roma. Họa sĩ nổi tiếng Siemiradzki đang sống tại Roma hồi ấy là người hướng dẫn tôi đi thăm quan cái thành đô vĩnh hằng này, và ở một trong những cuộc dạo chơi như thế, anh ấy đã chỉ cho tôi ngôi nhà thờ nhỏ mang tên “Quo vadis”(2). Chính lúc ấy, tôi đã nảy sinh ra ý định viết một tiểu thuyết về thời kỳ lịch sử đó. Trong suốt hai năm 1893 -1894, tác giả đã tiến hành những công cuộc chuẩn bị khảo cứu rất công phu để xây dựng nền móng cho tác phẩm, đồng thời đã vài lần thử nghiệm chủ đề này trong một số phác thảo khác nhau. Quo vadis được chính thức bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1895 tại Vacsava và được hoàn thành ngày 18 - 2 - 1986 tại Nixe. Vừa viết Sienkievich vừa cho đăng tải Quo vadis trên tờ “Báo Ba Lan” ở Vacsava và hai tờ báo khác tại Pôzơ nan và Cracốp. Vài tháng sau, tác phẩm được nhà xuất bản Gebethner và Wolf in thành sách (3 tập).
    Thời trị vì của Nerô bạo chúa và việc khủng bố các tín đồ Thiên chúa giáo hồi ấy đã từng là đề tài của nhiều tác phẩm của các nhà văn trước Sienkievich, song Quo vadis vượt xa các tác phẩm ấy về giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Quo vadis là bức tranh toàn cảnh xã hội La Mã vào năm 61 sau công nguyên, với những mâu thuẫn chính trị xã hội và tôn giáo đã căng thẳng tới tột đỉnh chỉ chực bùng nổ.
    Mặc dù lần xuất bản đầu tiên, Quo vadis có mang thêm phụ đề nhỏ “Tiểu thuyết về thời Nerô” nhưng thực ra Sienkievich không có ý định dựng một tiểu thuyết lịch sử theo nghĩa đầy đủ của từ này. Tác giả chỉ giới hạn trong việc vẽ nên một bức tranh chi tiết và vô cùng sinh động của xã hội La Mã tại thành đô Roma. Trong vô vàn các sự kiện lịch sử của thời kỳ đó, tác giả chỉ tập trung chủ yếu vào hai vấn đề: Vụ đốt cháy thành Roma và cuộc khủng bố các tín đồ Thiên chúa giáo, các sự kiện khác chỉ được nêu ngắn gọn hoặc nói lướt qua làm nền. Chính sự thu gọn chủ đề và bình diện các sự kiện lịch sử ấy đã cho phép tác giả làm nổi bật lên sự đối đầu giữa hai thế giới: Một bên là thế giới cung đình bạo chúa đa thần giáo của triều thần La Mã vây quanh Nerô tên bạo chúa đang ở đỉnh cao nhất của quyền lực, xa hoa và tội ác, nhưng đã thối nát cực độ và đang suy vong. Còn một bên là thế giới nô lệ và dân nghèo theo đạo Thiên chúa tập trung chung quanh hai vị sứ đồ Piotr và Paven, cái thế giới hồi ấy không chút quyền lực, nhỏ nhoi và yếu ớt nhưng đầy hấp dẫn bởi tư tưởng mới và không cam chịu khuất phục bạo lực, đang lớn dần lên, chiếm lĩnh vũ đài xã hội - chính trị. Tượng trưng cho điểm đỉnh của sự đối đầu này là cuộc đọ nhãn quang tình cờ giữa Nerô và sứ đồ Piotr khi hoàng đế cùng đám quần thần rời bỏ Roma, cái thành phố đã bị Nerô thầm kết án tử hình “Trong một chớp mắt, hai con người ấy nhìn nhau (… ) đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia - chính cụ già khoác manh áo thô kệch nọ - sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời sau cả thế gian lẫn thành đô này” (Chương XXXVI).
    Cuộc đối đầu thầm lặng không trận tuyến đó, theo từng trang sách cứ lớn mãi, mở rộng mãi ra, dâng cao mãi lên, cuốn hút toàn xã hội vào vòng xoáy lịch sử mãnh liệt của nó, cả những người ý thức được lẫn những kẻ không nhận thức được nó, những người tham gia thúc đẩy nó lẫn những kẻ cố tình tránh xa. Cuộc đối đầu đó được tác giả đan quyện một cách tài tình với câu chuyện tình đầy éo le ngang trái giữa chàng quý tộc trẻ tuổi Vinixius, một võ quan cao cấp, một cận thần của Nerô, với nàng Ligia, công chúa của bộ tộc Ligi (tiền thân của dân tộc Ba Lan) bị La Mã giữ làm con tin và là một tín đồ Thiên chúa. Tình yêu ấy tiến triển trong sự phát triển của những mâu thuẫn xã hội. Số phận đôi trẻ gắn liên với những biến động ghê gớm của xã hội. Chính sự đan quyện và nghệ thuật dẫn truyện đó khiến cho tác phẩm mang nhiều màu sắc vô cùng hấp dẫn.
    Dưới ngòi bút tinh tế và khoáng đạt của H. Sienkievich từng nhân vật hiện lên sắc nét với cả chiều sâu tâm lý, tính cách, với tất cả những mâu thuẫn nội tâm phức tạp, những mối quan hệ xã hội chằng chịt, những đột biến đến độ nghịch lý mà hoàn toàn hợp lý, nẩy sinh trong quá trình vận động phát triển.
    Nêrô bạo chúa - nghệ sĩ toàn năng, ba mươi tuổi, xuất hiện trên những trang sách của Quo vadis trong cái năm 64 đầy biến động, dẫu đã mang nặng trong thâm tâm những bóng ma đẫm máu của mẹ, của vợ, của bao nhiêu người khác bị y giết hại, dẫu sống trong lo sợ triền miên và quyền lực, nhưng vẫn là một nghệ sĩ đang trăn trở với những day dứt của quá trình lao động nghệ thuật. Với ảo vọng viết thiên trường ca về sự triệt phá thành Tơroa, bản trường ca sẽ làm lu mờ hình ảnh vinh quang của Iliat và Ôđyxê của Homer, hắn nhất thiết phải được nhìn thấy ánh lửa của một thành phố lớn đang bốc cháy. Và thế là để làm hài lòng bạo chúa, lũ triều thần xu nịnh do Tygelinux cầm đầu đã đang tâm châm lửa thiêu cháy thành Roma. Vốn hèn nhát, Nerô không dám chịu trách nhiệm bởi kinh sợ cuộc nổi dậy của quần chúng đang sục sôi căm giận, hắn bèn tìm cách trút tội cho các tín đồ Thiên chúa giáo. Hắn tháo cũi sổ lồng cho sự tàn bạo của đám quần chúng đang đòi nợ máu được thả sức hoành hành trong cuộc khủng bố, với tiếng thét “ném bọn Thiên chúa giáo cho sư tử”, với cảnh tàn sát hàng loạt người bằng nanh vuốt của dã thú, bằng cách đóng đinh lên thánh giá, bằng cách thiêu sống… Tàn bạo bao nhiều thì đớn hèn bấy nhiều - đó là cốt cách muôn thủa của lũ bạo chúa. Nerô tàn bạo trước cái chết của hàng nghìn người khác, nhưng đến lượt hắn, hắn run rẩy không sao đâm nổi dao vào cổ tự sát, để rốt cuộc phải nhận một cái chết nhục nhã mà lịch sử vẫn dành cho lũ bạo chúa, xưa cũng như nay.
    Sienkievich đã thành công tuyệt diệu khi sử dụng nhân vật Petronius - cố vấn của Nêrô về các vấn đề nghệ thuật - làm người phát ngôn cho tư tưởng của tác giả và người cung cấp cho người đọc những nhận xét xác đáng về tên bạo chúa - nghệ sĩ có bản chất phức tạp này. Qua con mắt của con người nghệ thuật đặc biệt trang nhã và quảng trí này, toàn bộ cốt cách vừa bi vừa hài, vừa hèn, vừa bạo của tên nghệ sĩ giả - bạo chúa thật Nêrô hiện lên sắc sảo vô cùng. Một chút tài năng cỏn con nhưng luôn tự huyễn hoặc chính mình, cộng với một quyền lực vô biên về phương diện xã hội đã biến hẳn thành một kẻ điên rồ, sẵn sàng phạm những tội ác ghê gớm nhất. Còn gì có thể lột tả chân xác hơn tính cách của Nêrô bằng lời tâm sự của chính hắn thốt với Petronius trong cái “đêm cởi mở” trước ngày đốt cháy thành Rôma: “Trong mọi lĩnh vực ta đều là nghệ sĩ (… ) nên ta không thể nào sống nổi một cuộc đời bình thường. Âm nhạc mách bảo ta rằng có tồn tại những sự phi thường, ta sẽ dùng toàn bộ sức mạnh quyền uy mà các thần linh đã đặt vào tay ta để tìm bằng ra sự phi thường ấy. Nhiều khi ta nghĩ rằng muốn đạt được thế giới Olympơ, cần phải làm một điều gì chưa từng có kẻ nào làm, cần phải vượt qua đầu mọi người trong cả việc tốt lẫn việc xấu (… ). Ta đâu có điên, ta chỉ đang tìm kiếm! (….). Ta muốn được vĩ đại hơn con người, vì chỉ bằng cách đó ta mới có thể trở thành nghệ sĩ vĩ đại nhất”. Và sau đó hắn thốt lên: “Nặng nề lắm thay khi con người phải mang đồng thời gánh nặng của quyền lực tối cao lẫn gánh nặng của tài năng vĩ đại nhất” (chương XLIV).
    Có thể nói nhân vật Petronius là hiện thân của những tinh hoa của nền văn hóa La Mã trong giai đoạn suy vi của nó. Ông đại diện cho những giá trị văn hóa sẽ trường tồn để được hồi sinh trong những thế hệ về sau. Tình phi thường của Petronius xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp vượt trên những người đồng thời với ông sự hiểu biết sâu sắc không những chỉ đối với mọi người, mọi vật mà trước hết đối với bản thân mình, mặc dù thực ra ông đại diện cho một thứ triết học duy vật - bất khả tri trong việc nhận thức thế giới. Sống trong lớp vỏ hình bình thản, thanh lịch theo kiểu Pirron nhưng Petronius vẫn là con người hành động và nhất là dũng cảm trong dịp bảo vệ cái đẹp. Cái chết hào hoa của ông giữa bữa tiệc rượu trong tiếng nhạc và tiếng thơ Anakreontơ là một hình ảnh tượng trưng tuyệt mỹ. “Nhìn hai tấm thân trắng ngủ tựa như những pho tượng tuyệt vời ấy, các thực khách hiểu rõ rằng: Cùng với hai con người ấy đã chết đi cả những gì còn sót lại cho thế giới của họ, đó là thi ca và cái đẹp” (chương LXXIV).
    Hai nhân vật có tính cách phát triển mạnh mẽ nhất trong tác phẩm là lão Khilon và chàng quý tộc Vinixius. Vốn là một tên múa mép, chuyên lừa đảo kiếm tiến bằng nghề thám tử tư. Khilon đứng ra làm nhân chứng giả cho Nêrô trút tội đốt cháy thành Rôma cho các tín đồ Thiên chúa giáo và vì thế hắn đã nhảy lên địa vị của một viên cận thần đầy thế lực. Nhưng đến khi tận mắt chứng kiến sự tuẫn tiết của các tín đồ - những nạn nhân của hắn, cũng chính là những người đã từng cưu mang hắn. Khilon đã không cưỡng nổi những sự tỉnh thức nội tâm và công khai đứng ra lên án Nêrô là kẻ chủ mưu đốt cháy thành phố. Trở thành tín đồ Thiên chúa giáo chân chính. Đến khi chịu cực hình, lão Khilon vẫn khăng khăng không chịu rút lời buộc tội, đến nỗi kẻ thù phải rút lưỡi lão và giết lão trên đấu trường. Sự chuyển biến của nhân vật có vẻ nghịch lý nhưng hoàn toàn lôgich và chân thực, nhân vật Khilon đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên.
    Còn sự biến chuyển của Vinixius thì phức tạp và gian khổ hơn nhiều, trải qua biết bao giai đoạn nhận thức, dù động lực chính của nó là tình yêu vô bờ bến đối với nàng Ligia. Từ một chàng quý tộc con nhà giàu có, ham lạc thú, vô lương tâm, nghiệt ngã với nô lệ. Vinixius đã lột xác bao lần để nhận thức được giáo thuyết của đạo Thiên chúa, một giáo thuyết hoàn toàn xa lạ với môi trường sống và địa vị xã hội cùng bản chất của chàng. Sienkievich đã thành công trong việc diễn tả cuộc lột xác tinh thần đó.
    Ngay cả những nhân vật phụ cũng hiện lên rõ nét với bề dày tâm lý - xã hội đầy đủ dưới ngòi bút của tác giả. Những trang miêu tả cảnh sinh hoạt, những đám rước, những tiệc rượu, cảnh tàn sát giáo dân… Vô cùng sống động, chân thực, giàu màu sắc mà không chút khoa trương, mang đến cho người đọc không khí xã hội La Mã hồi đầu Công nguyên.
    ***
    Với những giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật lớn lao, ngay từ khi ra đời, Quo vadis đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Tác phẩm đã gây nên những chấn động mạnh trong giới văn học nghệ thuật thế giới. Quo vadis nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng. Từ lúc sinh thời, tác giả đã nhận được bản dịch Quo vadis bằng các tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Tiệp Khắc, Hunggari, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Acmênia, Phần Lan, Lítva, Nhật và Ả Rập. Cho đến nay, Quo vadis đã được dịch ra trên bốn mươi thứ tiếng khác nhau. Tác phẩm cũng rất nhiều lần được đưa lên sân khấu và màn ảnh ngay từ những năm xa xưa nhất, đồng thời nó cũng trở thành đề tài của không ít công trình khảo cứu, không những chỉ ở Ba Lan mà trên phạm vi thế giới.
    Chuyển đạt lời văn của H. Sienkievich đến bạn đọc là một khó khăn lớn đối với người dịch, đặc biệt là trong trường hợp Quo vadis, bởi lẽ tiểu thuyết đề cập đến một thời đại, một nền văn hóa xa xưa có nhiều khác biệt với bạn đọc Việt Nam ngày nay. Để phần nào hỗ trợ cho bạn đọc trong việc tìm hiểu tác phẩm, chúng tôi có soạn thêm phần chú thích (bố trí ở cuối tập II) đề cập đến một số tên người và địa danh có trong tác phẩm nhưng không phổ biến lắm ở ta. Chúng tôi hy vọng rằng, mặc dù có những khiếm khuyết và hạn chế khó tránh khỏi, bản dịch Quo vadis từ nguyên bản tiếng Ba Lan sẽ là một dịp để bạn đọc tiếp xúc với Henryk Sienkievich, một nhà văn kiệt xuất, người đại diện xứng đáng cho nền văn học cổ điển rất phong phú của dân tộc Ba Lan
    Hà Nội, ngày 9 tháng năm 1985
    NGUYỄN HỮU DŨNG
    Chú thích:
    (1) Tên tác phẩm để nguyên theo mẫu tự La Tinh. Đọc là Quơ Vadis và có nghĩa: Đi đâu
    (2) Tựa đề của tác phẩm lấy theo tên nhà thờ nhỏ này và bắt nguồn từ một truyền thuyết của đạo Thiên chúa. Tương truyền rằng khi Nêrô ra lệnh truy nã và khủng bố các tín đồ Thiên chúa. Sứ đồ Piotr phải rời khỏi Roma để lánh nạn. Trên đường đi Piotr thấy Đức Chúa Jêxu Crixius hiển hiện, bèn hỏi: "Quo vadis Domine?" (Latinh: Người đi đâu vậy thưa Đức Chúa?... ). Chúa đáp "Khi ngươi rời bỏ dân ta thì ta phải đến Roma để chịu đóng đinh câu rút lần thứ hai". Sứ đồ Piotr tỉnh ngộ, quay trở về Roma, rồi tử vì đạo cùng các con chiên.



    ST
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:


  • #2
    Tập 1 - Chương 1

    Petronius thức giấc vào lúc gần giữa trưa và như thường lệ, mệt mỏi vô cùng. Hôm qua, ông ấy dự yến tiệc ở nhà Nêrô(1), bữa tiệc kéo dài mãi tận khuya. Từ một lúc nào đấy, sức khỏe của ông bắt đầu suy sụp. Chính ông bảo rằng, buổi sáng khi tỉnh giấc ông cảm thấy như bị liệt cả người và không sao tập trung tư tưởng nổi. Song việc tắm sáng cũng xoa bóp kỹ lưỡng toàn thân do các nô lệ thành thạo công việc này làm đã thúc nhanh dần sự tuần hoàn dòng máu biếng nhác của ông, đánh thức cơ thể ông khiến nó hồi tỉnh lại, trả lại cho ông sức lực và đến khi bước ra khỏi gian cuối cùng của phòng tắm - elaeo!hesium - thì trông ông dường như vừa mới được hồi sinh, với cặp mắt long lanh ánh hài hước và niềm vui, trẻ hẳn lại, tràn trề sinh lực, trang nhã không ai bì. Ngay cả đến chàng Otho cũng không thể sánh cùng ông, quả đúng là cái tên người ta vẫn gọi ông: arbiter elegantiarum(2).
    Hiếm khi ông lui tới các nhà tắm công cộng, trừ khi có nhà hùng biện nào đó gây nên sự kinh ngạc và được người ta đồn đại khắp thành phố, hoặc có những cuộc đấu đặc biệt hấp dẫn trong các trường thiếu sinh quân. Vả chăng, trong khu dinh thự của ông cũng có các phòng tắm riêng được chính Xeler - người cộng sự nổi tiếng của Xeverux - mở rộng, xây thêm và bài trí tuyệt vời đến nỗi chính Nerô cũng phải thừa nhận là chúng hơn hẳn các phòng tắm của hoàng đế, dẫu các phòng tắm của hoàng đế rộng hơn và xa hoa khôn sánh.
    Vậy là, sau bữa yến đêm qua, - trong đó, quá ngán ngẩm với những trò hề của Vatynius, ông đã cùng với Nerô, Lukan và Xenexion tham dự cuộc phiếm luận: Đàn bà có linh hồn hay không? - ông dậy muộn và đi tắm như thường lệ. Hai tên nô lệ chuyên phục vụ việc tắm, người lực lưỡng, đặt ông lên chiếc bàn bằng gỗ trắc bá phủ lụa Ai Cập trắng như tuyết, rồi nhúng tay vào dầu thơm bắt đầu xoa khắp thân hình có những đường nét rất đẹp đẽ của ông, còn ông nằm nhắm mắt chờ cho sức nóng của dầu laconicum cùng hơi ấm bàn tay chúng thấm vào người xua đi sự mệt mỏi.
    Một lát sau, ông cất tiếng và mở mắt ra; ông bắt đầu hỏi han về thời tiết, sau đó về mấy viên ngọc chạm mà lão thợ kim hoàn Idomen đã hứa là hôm nay sẽ gửi tới cho ông xem… Thì ra, trời rất đẹp với gió nhẹ từ núi Anban thổi tới, còn số ngọc chạm thì vẫn chưa được mang đến. Petronius nhắm mắt lại và ra lệnh chuyển ông sang phòng ấm(3). Vừa lúc đó, từ sau bức trướng che, viên xướng danh ló vào báo tin chàng Markux Vinixius trẻ tuổi vừa từ Tiểu Á trở về xin vào thăm ông.
    Petronius truyền cho mời khách vào phòng ấm rồi tự mình bước sang đó. Vinixius là con trai của chị ông, người mà nhiều năm về trước đã kết hôn cùng Marek Vinixius, cựu chấp chính quan từ thời Tyberius. Hiện giờ chàng đang phục vụ dưới trướng tướng quân Korbulon chống lại quân Parlơ, và sau khi chiến tranh kết thúc chàng vừa trở về thành phố. Đối với chàng bên cạnh tình thân gắn bó, Petronius vốn có một sự mềm yếu, vì Markux là một chàng thanh niên xinh đẹp và lực lưỡng, đồng thời, trong sự hư đốn của mình chàng vẫn giữ được một mức độ mỹ miều nhất định, điều mà ông Petronius đánh giá cao hơn cả.
    - Xin kính chúc sức khỏe cậu Petronius, - chàng trai vừa nói vừa bước những bước mềm mại vào phòng ấm, - Cầu tất cả các thần linh ban phước lành cho cậu, nhất là Axklepios và Kipryđa, vì dưới sự che chở của hai vị thần đó thì không thể có sự rủi ro nào xảy đến với cậu.
    - Chào mừng anh tại Rôma, cầu cho anh được hưởng sự nghỉ ngơi dịu ngọt sau buổi chiến chinh - Petronius vừa đáp vừa luồn tay ra từ giữa những nếp gấp của thứ vải karbax mềm mại mà ông quấn quanh người - thế ở Armenia có chuyện gì mới không? Lúc tiêu dao ở châu Á anh có ghé thăm Bitynia chứ?
    Hồi trước Petronius là tổng đốc Bitynia, ông đã cai trị xứ ấy một cách mềm dẻo và công minh. Điều đó mâu thuẫn một cách kỳ lạ với tính cách của con người vốn nổi tiếng là ẻo lả và đam mê lạc thú này. Vì vậy, ông thường thích nhắc đến thời kỳ ấy, nó là bằng chứng chứng tỏ ông có thể làm được gì và biết làm gì nếu như ông muốn.
    - Cháu đã có dịp tới Heraklea - Vinixius đáp - Ngài Korbulon phái cháu đến đấy với lệnh đòi viện binh.
    - Ôi! Heraklea! Ở xứ đó cậu có quen một thiếu nữ quê ở Kolkhiđa, vì nàng cậu sẵn sàng hiến dâng tất cả các ả ly dị chồng ở đây, kể cả Poppêa nữa! Song đó là chuyện xưa rồi. Tốt nhất anh hãy nói xem có chuyện gì mới mẻ ở vùng biên giới với bọn Parlơ hay không? Quả tình cậu cũng đã quá ngán cái xứ Vologeđa, cả Tyryđala Tygranex, lẫn cái lũ man rợ, mà cứ như anh chàng Arunalux khẳng định thì tại gia chúng vẫn chuyên môn bò bốn chi, chỉ trước mặt chúng ta mới làm ra vẻ con người mà thôi. Song bây giờ ở Rôma người ta lại hay nói nhiều tới chúng, có lẽ vì nói về chuyện khác thì không được an toàn.
    - Cuộc chiến tranh này đang ở tình thế tồi tệ, và giá như không có ngài Korbulon thì rất có thể nó đã biến thành một cuộc thảm bại.
    - Korbulon! Đó quả là một chiến thần, một thần Marx hiển hiện, một thủ lĩnh vĩ đại vừa cuồng nhiệt vừa chính trực, vừa ngu xuẩn. Cậu thích ông ta, ít nhất thì cũng là vì Nerô sợ ông ta.
    - Ngài Korbulon đâu phải là kẻ ngu xuẩn.
    - Có thể là anh có lý, song thực ra chuyện đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Sự ngu xuẩn, nói như Pyron, hoàn toàn không tồi tệ hơn và cũng chẳng khác gì sự thông thái.
    Vinixius bắt đầu kể về cuộc chiến tranh, song Petronius đã cụp mi mắt xuống; nhìn thấy vẻ mặt mệt mỏi và hơi tọp đi của ông, chàng trai liền thay đổi câu chuyện và bắt đầu ân cần hỏi thăm sức khỏe của ông. Petronius lại mở mắt ra.
    Sức khỏe!… Không, ông không cảm thấy mình khỏe chút nào. Ông chưa suy sụp đến mức như chàng trẻ tuổi Xixena, người bị mất cảm giác đến nỗi, buổi sáng khi được người ta mang tới nhà tắm, đã hỏi: “Có phải ta đang ngồi hay không nhỉ?”. Song ông không khỏe, Vinixius cầu các thần Axklepiox và Kipryđa phù hộ cho ông song chính ông, Petronius, lại không tin Axklepiox. Không ai biết cái gã Axklepiox ấy là con của bà nào, của Arxinoe hay của Koroniđa; mà khi đến mẹ đẻ còn chưa chắc là ai thì còn nói gì tới cha cơ chứ. Vả chăng thời nay, ai là kẻ còn dám đoan chắc, dù là cha đẻ của mình thật!
    Nghĩ tới đây, Petronius bật cười nói tiếp:
    - Thực ra, hai năm trước, cậu cũng có gửi tới Epiđaurơ biếu ba tá chim sáo còn sống và một cái cúp bằng vàng nhưng anh có biết vì sao không? Cậu tự nhủ rằng: có ích thì không có ích, nhưng cũng chẳng có hại gì. Sở dĩ trên đời người ta vẫn đang hiến dâng lễ vật cho các thần chẳng qua là vì mọi người đều nghĩ như cậu mà thôi. Tất cả mọi người. Có lẽ chỉ trừ bọn đánh la thuê cho khách bộ hành ở Porta Capena. Ngoài Axkleppiox, cậu cũng từng chạm trán với bọn axklepiađ(4) vì hồi năm ngoái cậu bị bỏng da qua loa, bọn chúng bèn làm lễ trừ độc cho cậu. Cậu cũng biết thừa rằng chúng nó là phường lừa đảo, song cậu tự nhủ: thì chuyện đó có hại gì cho ta đâu cơ chứ?
    Thế giới này tồn tại trên sự lường gạt, còn cuộc sống chỉ là ảo giác mà thôi. Linh hồn cũng là một ảo giác. Có điều cần phải có đủ trí thông minh để biết phân biệt giữa ảo giác sướng và ảo giác khổ. Trong hệ thống sưởi ấm của cậu, cậu cho đốt gỗ bá hương có rắc thêm long diên hương, vì trong cuộc sống cậu ưa hương thơm hơn mùi xú uế. Còn nếu nói về nữ thần Kipryđa mà anh đã giới thiệu thì cậu cũng đã từng được nếm sự che chở của nàng đến nỗi phải bị chích máu ở chân phải. Song nói cho công bằng, đó quả là một vị nữ thần tốt bụng. Cậu đồ rằng chóng hay chầy thì cả anh nữa cũng sẽ dâng bồ câu trắng lên bàn thờ của nàng mà thôi.
    - Quả có vậy, - Vinixius đáp - Những mũi tên của bọn Parlơ không hề chạm được tới da cháu, vậy mà cháu lại bị trúng mũi tên nhỏ xíu của thần ái tình Amor, một cách hết sức bất ngờ, vì chỉ cách cổng thành có vài xtađion(5) mà thôi.
    - Thề có các đầu gối trắng phau của các nữ thần Kharyta! Lúc nào rỗi rãi anh phải kể cho cậu nghe chuyện ấy nhé.
    - Cháu tới đây chính là để khẩn cầu lời khuyên bảo của cậu. - chàng Markux đáp.
    Chính vào lúc đó, đám nô lệ chuyên sửa sang râu tóc bước vào và bắt đầu bận rộn chung quanh Petronius còn chàng Markux cũng trút bỏ áo tunien bước vào bồn nước ấm, bởi ông Petronius mời chàng cùng tắm.
    - À, cậu cũng chưa hỏi xem anh có được đáp tình hay chăng? - Petronius vừa nói vừa ngắm nghía thân hình trẻ trung như được tạc bằng cẩm thạch của Vinixius. - Giá mà Lizyp được trông thấy anh thì chắc hẳn giờ đây anh đã làm đẹp cho cửa ngọ môn dẫn vào cung điện Palatyn dưới dạng tượng chàng Herkulex lúc đang còn ở tuổi thanh xuân rồi đấy.
    Tươi cười vì hài lòng, chàng trai bắt đầu vừa dìm ngập người xuống nước vừa té nước ấm lên bức phù điêu chạm hình nữ thần Hêra, lúc nàng đang cầu xin Thần Mộng hãy ru ngủ Zeux. Ông Petronius nhìn chàng bằng ánh mắt hài lòng của một nghệ sĩ.
    Khi chàng đã tắm xong và để cho đám nô lệ chuyên sửa sang râu tóc phục dịch thì người nô lệ xướng đọc bước vào với một chiếc hộp màu nâu trước bụng, bên trong có vài cuộn giấy.
    - Anh có muốn nghe không? - Petronius hỏi.
    - Nếu là tác phẩm của cậu thì cháu rất vui lòng! - Vinixius đáp - còn nếu không thì cháu muốn được chuyện trò hơn. Thời bây giờ bọn thi sĩ cứ rình tóm lấy người ta ở từng góc phố.
    - Chứ sao nữa! Không có một nhà thờ nào, không một nhà tắm công cộng, một thư viện hay hiệu sách nào mà khi đi ngang qua, anh không thấy một gã thi sĩ đang múa may như khỉ. Khi từ Phương Đông tới đây, Agrypa cứ ngỡ bọn chúng là người điên. Song thời thế bây giờ là thế đấy. Hoàng thượng làm thơ, vậy là tất cả bàn dân thiên hạ đều đi theo vết của người. Có điều không được phép làm thơ hay hơn hoàng thượng mà thôi, và chính vì lý do đó, cậu hơi lo lắng cho Lukan… Còn cậu, cậu chỉ viết tản văn, thứ văn mà cậu chẳng mời ai phải nếm, kể cả bản thân cậu nữa. Cái mà tên nô lệ xướng đọc này sắp đọc là các bản bổ sung chúc thư của anh chàng Fabryxiux Veyento tội nghiệp.
    - Sao lại “tội nghiệp” ạ?
    - Bởi vì người ta đã truyền cho hắn phải sắm vai Ôđixê và không được trở về với gia đình cho tới khi nào có lệnh mới. Đối với hắn, thiên Ôđixê này sẽ dễ chịu hơn nhiều so với chàng Ôđixê, vì vợ hắn không phải là nàng Penelop. Có lẽ cậu cũng chẳng cần phải nói rõ thêm với anh là người ta đã xử sự một cách ngu ngốc. Song ở đây người ta chỉ cần tóm bắt lấy cái vỏ ngoài của mọi chuyện mà thôi. Đây là một quyển sách khá tầm thường và đáng ngán mà người ta chỉ bắt đầu say mê đọc khi tác giả của nó đã bị đầy biệt xứ. Bây giờ thì khắp tứ phía người ta đều gào lên: “Xcandala, Xcandala”. Cũng rất có thể là Veyento đã nghĩ ra được vài điều gì đấy, song riêng cậu, cậu hiểu rõ cái thành phố này, hiểu rõ các vị quý tộc lẫn đám đàn bà của chúng ta, cậu dám cam đoan với anh rằng: tất cả những điều đó đều nhợt nhạt hơn thực tế rất nhiều. Giờ đây, theo cách riêng của mình, mỗi người đều sục tìm trong sách đó bản thân mình lẫn nỗi âu lo, còn tìm người quen kẻ thuộc với sự hứng khởi. Ở hiệu sách của Avirunux hiện đang có một trăm tên ký lục sao lại quyển sách này theo lối đọc chính tả và sự thành công có thể nói là cầm chắc.
    - Trong ấy không có chuyện gì về cậu à?
    - Có chứ, nhưng tác giả đã bắn chệch đích vì thực ra cậu vừa tồi tệ hơn lại vừa ít nông cạn hơn là y mô tả. Anh thấy đấy, ở chốn này, đã từ lâu lắm rồi, chúng ta đã đánh mất đi cảm giác về cái chính đáng và cái không chính đáng mà nói thực tình thì cậu cũng cho rằng chẳng hề có sự khác biệt nào giữa hai thứ đó, mặc dù cả Xeneka lẫn Mozunius và Trazeas đều vờ vĩnh làm như họ thấy được sự khác nhau ấy. Cậu thì sao cũng xong! Thề có Heraklex, cậu nghĩ thế nào nói thế! Có điều, cậu vẫn còn hơn họ ở chỗ cậu vẫn hiểu được cái gì là đẹp cái gì là xấu, điều mà - nói thí dụ - gã Râu Đỏ(6) - chàng thi sĩ, người đánh xe đua, ca sĩ, vũ công kiêm kịch sĩ của chúng ta - không hề biết.
    - Cháu vẫn thấy tội nghiệp cho Fabryxius. Anh ấy vốn là một người bạn tốt bụng.
    - Chính lòng tự tôn đã làm hại anh ta. Ai cũng nghi ngờ anh ta, chẳng ai hiểu thật rõ, song chính anh ta lại không kìm giữ nổi và tự thổ lộ cho mọi người xung quanh với vẻ bí bí mật mật. Anh đã biết chuyện Rufinux chưa?
    - Chưa ạ.
    - Thế thì sang phòng mát ta cùng ngồi mát và cậu sẽ kể anh nghe chuyện ấy.
    Họ bước sang phòng mát, ở giữa phòng có vòi phun nước phun ra một thứ nước màu hồng nhạt tỏa mùi hương hoa đồng thảo. Ở đó, họ ngồi mát trong những hõm tường trải lụa. Một giây im lặng bao trùm, Vinixius trầm ngâm ngắm pho tượng thần Đồng Nội màu nâu đang ghì chặt thân hình một nàng tiên nữ, môi thèm khát tìm gặp môi nàng, lúc sau chàng cất tiếng:
    - Tay này có lý. Đây quả là điều tuyệt diệu nhất trong đời.
    - Cũng gần đúng như thế. Song trừ điều đó ra anh còn yêu thích chuyện chiến chinh, điều mà cậu không thích, vì sống trong lều trại, móng tay cứ bị gãy vụn ra và mất hết sắc hồng. Nói cho cùng, mỗi người đều có thú vui riêng. Gã Râu Đỏ thích ca hát và mê nhất tiếng hát của chính gã; lão Xcaurux thì yêu cái độc bình Koryntơ, đêm đêm được đặt cạnh giường lão và được lão hôn hít mỗi khi không ngủ được. Lão đã hôn đến cùn cả miệng bình rồi đấy. À, hãy nói cho cậu biết, anh có hay làm thơ không?
    - Không ạ, cháu chưa bao giờ đặt trọn một bài lục phách.
    - Anh cũng không biết chơi đàn luýt và không hát chứ?
    - Không ạ?
    - Cũng không đua ngựa?
    - Hồi còn ở Antiokhia cháu cũng có đua nhưng không mấy thành công.
    - Thế thì cậu có thể yên tâm về anh. Thế ở trường đua anh thuộc phái nào?
    - Phái Xanh lục ạ.
    - Vậy thì cậu hoàn toàn yên tâm. Thêm nữa, mặc dù cũng có tài sản lớn song anh vẫn chưa giầu bằng Palax hay Xeneka. Vì anh thấy đấy, ở chốn này bây giờ, làm thơ, ca hát, chơi đàn luýt, ngâm xướng hay đua tài ở hý trường đều tốt cả, nhưng an toàn hơn là đừng làm thơ, đừng ca hát, đừng chơi đàn và đừng đuổi nhau ở hý trường. Và tốt nhất là biết tán thưởng khi gã râu đỏ thi thố các chuyện đó. Anh là một đứa bé xinh xẻo, nên có thể bị một mối đe dọa là Poppea phải lòng anh. Song ả ta đã quá đủ kinh nghiệm để có thể không bị dính vào chuyện đó. Cô ả đã xài quá đủ tình yêu với hai đức ông chồng đầu tiên rồi, còn với ông chồng thứ ba này thì ả ta cần thứ khác kia. Anh biết không, cho đến bây giờ, gã Otho vẫn còn say cô ả đến phát điên lên. Y lang thang trên những phiến đá ở Tây Ban Nha, thở dài thườn thượt, quên tiệt cả những thói quen ngày xưa và thôi chăm lo bản thân đến nỗi mỗi ngày y chỉ cần có ba giờ đồng hồ để sửa sang đầu tóc mà thôi! Ai có thể ngờ được chuyện ấy, nhất là đối với Otho.
    - Cháu hiểu y - Vinixius đáp - nhưng giá ở địa vị y thì cháu sẽ làm một việc khác kia.
    - Việc gì?
    - Thành lập những đội quân trung thành từ đám dân sơn cước vùng đó. Dân Iber vốn là những chiến sĩ quả cảm.
    - Ôi, Vinixius! Vinixius! Suýt nữa thì cậu buột miệng nói rằng anh không có khả năng làm việc đó. Anh có biết vì sao không? Những việc như thế người ta chỉ làm mà không nói, dù là nói có điều kiện đi chăng nữa. Cứ như cậu thì ở vào địa vị của y, cậu sẽ cười vào mũi cả Poppea lẫn Râu Đỏ, và cậu cũng sẽ thành lập riêng cho mình những đạo quân người Iber, nhưng không phải đàn ông mà đàn bà. Cùng lắm, cậu sẽ viết những bài đoản thi, nhưng sẽ chẳng đọc cho một ai nghe như anh chàng Rufinux đáng thương nọ.
    - Cậu hứa là kể cho cháu nghe chuyện anh ta mà?
    - Sang buồng xức dầu thơm cậu sẽ kể anh nghe.
    Song ở buồng xức dầu sự chú ý của chàng Vinixius lại chuyển sang một đối tượng khác, cụ thể là các nữ tỳ tuyệt đẹp đang chờ họ. Hai trong số ấy, hai thiếu nữ da đen trông giống hệt những pho tượng tuyệt vời bằng gỗ mun bắt đầu xoa lên người họ các loại dầu Ai cập thơm dịu; những thiếu nữ khác, những cô gái Frygia giỏi chải tóc, cầm lược và những tấm gương bằng thép đánh bóng trong những vòng tay mềm mại như mình rắn của họ; còn hai thiếu nữ Hy Lạp quê ở đảo Kox, trông hệt như hai nàng tiên nữ, hai nô tỳ chuyên sửa sang quần áo cho chủ thì đang chờ đợi giây phút được sửa sang nếp gấp trên những chiếc áo dài toga cho họ.
    - Thề có Zeux - Thần thu mây: - Markux Vinixius thốt lên - Bộ sưu tập của cậu mới tuyệt làm sao!
    - Cậu chuộng chất lượng hơn số lượng - ông Petronius đáp - Toàn bộ gia nô của cậu tại Roma chưa tới bốn mươi đầu, và cậu đồ rằng, có lẽ bọn già nhà giàu mới phất còn có nhiều người phục dịch hơn cậu.
    - Cả đến Râu Đỏ cũng không có được những tấm thân ngà ngọc hơn thế này - Vinixius vừa nói vừa phập phồng hai cánh mũi.
    Ông Petronius liền đáp với vẻ suồng sã bạn bè:
    - Anh là người ruột thịt với tôi, còn tôi thì vừa không vô dụng như Baxxux, vừa không quá cầu kỳ như Aulux Plauxius.
    Vừa nghe thấy cái tên sau, trong chốc lát Vinixius quên đi các thiếu nữ đảo Kox, chàng sôi nổi hỏi:
    - Sao tự nhiên cậu lại nghĩ tới Aulux Plauxius? Cậu biết không, sau khi bị dập thương cánh tay ở ngay sát thành phố, cháu đã lưu lại nhà ông ấy mười mấy ngày liền. Ông Plauxius tình cờ có mặt đúng vào lúc xảy ra tai nạn, và khi trông thấy cháu quá đau đớn ông ấy bèn mang cháu về nhà; tại đó, một tên nô lệ là thầy thuốc Merion đã chữa lành vết thương cho cháu. Chính cháu định thưa lại với cậu chuyện ấy.
    - Vì sao vậy? Chẳng lẽ tình cờ anh lại phải lòng bà Pomponia hay sao? Nếu vậy thì cậu thật buồn cho anh: Bà ta chẳng còn trẻ trung gì nữa mà lại là người đức hạnh. Cậu không thể tưởng tượng ra một chuyện quan hệ nào đáng buồn hơn thế nữa! Brrr!
    - Không phải là bà Pomponia đâu, ơ hơ! - Vinixíu nói.
    - Thế thì phải lòng ai?
    - Giá như cháu biết được phải lòng ai! Thậm chí đến tên nàng cháu còn chưa biết rõ: Ligia hay Kalina? Ở trong nhà người ta coi nàng là Ligia vì nàng là người thuộc dân tộc Ligi, song nàng còn có một cái tên man dã nữa là Kalina. Nhà Planxius quả thật là một gia đình kỳ lạ. Nhà thì đông người mà cứ lặng như tờ. Suốt mười mấy ngày trời cháu đâu có biết là ở đó có một nàng tiên nữ. Mãi cho tới một sớm mai kia cháu mới trông thấy nàng đang tắm ở vòi nước phun trong vườn. Và cháu xin thề trên những đám bọt nước đã sinh ra nữ thần Afrodia rằng ánh bình minh đã xuyên qua suốt thân thể nàng. Cháu cứ ngỡ rằng khi mặt trời lên, nàng sẽ tan biến ra hòa vào ánh sáng như buổi rạng đông trải rộng nơi kia. Kể từ lúc ấy cháu chỉ được trông thấy nàng thêm hai lần nữa và cũng từ lúc ấy, cháu không còn biết thế nào là sự yên tĩnh, không cón biết đến nỗi khát vọng nào khác, cháu muốn biết đến những gì mà đô thành có thể cho cháu, cháu không còn thiết đàn bà, không màng vàng bạc, không thích đồng thau Koryntơ cùng hổ phách, chẳng ham ngọc trai, rượu nho hay yến tiệc, cháu chỉ khát khao mỗi mình Ligia. Xin thưa thật cùng cậu, thưa Petronius, cháu tương tư nàng như Thần Mộng được chạm trên bức phù điêu đặt trong phòng ấm của cậu kia, tương tư nàng Paxytea, suốt ngày đêm cháu chỉ mơ tưởng đến nàng thôi.
    - Nếu cô ta là nô tỳ thì anh hãy mua lại đi
    - Nàng đâu có phải là nô tỳ.
    - Vậy thì nàng là ai? Nô tỳ đã được giải phóng(7) của ông Plauxius chăng?
    - Nàng chưa bao giờ là nô tỳ, vậy sao lại có thể là nô tỳ giải phóng được.
    - Thế nghĩa là gì?
    - Cháu cũng không rõ nữa: Nàng là công chúa hay thứ gì tương tự như thế.
    - Anh làm cậu đâm tò mò rồi đấy, Vinixius ạ!
    - Nếu cậu vui lòng nghe cháu kể thì xin làm thỏa mãn sự tò mò của cậu ngay bây giờ. Câu chuyện cũng không dài lắm. Có thể cậu có quen biết Vannius, vua của dân Xveb, người mà sau khi bị đuổi khỏi quê hương đã lưu trú một thời gian dài tại Roma đây, thậm chí ông còn trở lên nổi tiếng vì gặp may mắn trong cờ bạc và giỏi đua ngựa nữa. Về sau hoàng đế Druxux lại đưa ông trở lại ngai vàng. Vốn là người giỏi giang, ban đầu Vannius trị vì rất giỏi và đã chiến tranh thắng lợi, nhưng về sau ông ta bắt đầu bóc lột một cách quá đáng không chỉ những vị láng giềng của mình mà thậm chí cả dân Xveb nữa. Thế là Vangio cùng Silo, hai đứa cháu gọi ông ta bằng cậu, con của Vibilius, quốc vương Hermanđur liền quyết định bắt ông ta phải quay về Roma để… tìm hạnh phúc trong cờ bạc.
    - Cậu còn nhớ, đó là vào thời Klauđius cách đây chưa lâu.
    - Vâng! Thế là chiến tranh nổ ra. Vannius bèn cầu viện quân Jazyg, còn mấy đứa cháu yêu quý của ông ta thì lại cầu viện người Ligi. Bọn này đánh hơi thấy của cải của Vannius và bị lôi cuốn bởi hy vọng được cướp bóc, liền kéo tới đông vô kể, khiến cho chính hoàng đế Klauđius bắt đầu lo ngại cho sự yên ổn của vùng biên giới. Tuy không muốn dính dáng vào cuộc chiến tranh man rợ, song hoàng đế cũng viết thư cho Atelius Hixter, người thống lĩnh chiến đoàn Thượng Đunai, lệnh cho ông ta phải để mắt đến diễn biến của cuộc chiến tranh này và đừng để cho người ta làm xáo động sự thanh bình của chúng ta. Hixter bèn đòi dân Ligi phải cam kết không được vượt qua biên giới, bọn này không những chấp thuận điều kiện ấy mà còn gửi người làm con tin, trong số đó có cả vợ và con gái của thủ lĩnh của chúng… Cậu cũng biết đấy, khi ra trận dân man di thường mang theo cả vợ con… Và nàng Ligia của cháu chính là con gái viên thủ lĩnh nọ.
    - Làm sao anh biết được tất cả những chuyện đó?
    - Chính Aulux Plauxius kể cho cháu nghe. Hồi ấy quả tình dân Ligi không vượt qua biên giới, song bọn man di thường kéo tới và rút đi nhanh như bão tố, và dân Ligi, với những cặp sừng bò tót trên đầu cũng biến đi nhanh như thế. Chúng đã đánh tan tác quân Xveb của Vannius cùng lũ người Jazyg, nhưng vua của chúng bị tử trận, thế là chúng rút lui, mang theo những của cải vừa cướp được, để lại đám con tin trong tay của Hixter. Chẳng bao lâu sau, người mẹ chết, còn đứa bé thì Hixter cũng không biết làm gì với nó, bèn gửi đến cho Pomponius, hồi ấy là thống đốc cả vùng Germania. Sau khi kết thúc chiến tranh với người Kat. Pomponius quay về Roma và như cậu biết đấy, ông ta được Klauđius ban cho lễ khải hoàn. Khi ấy, cô bé đi theo sau cỗ xe người chiến thắng. Nhưng sau khi nghi lễ đã kết thúc, vì không thể đối xử với con tin như với tù binh, hơn nữa chính Pomponius cũng không biết nên làm gì với cô bé, nên rốt cuộc ông ta đã đưa cô bé cho em gái là bà Pomponia Grexyna, vợ của Plauxius. Trong ngôi nhà ấy, nơi mà tất thảy mọi thứ - kể từ các ông chủ cho đến gà vịt trong chuồng - đều đức hạnh, cô bé lớn lên thành một nàng thục nữ, mà than ôi, cũng đức hạnh như chính bà Grexyna và xinh đẹp tuyệt trần, đến nỗi ở bên cạnh nàng thì ngay cả Poppea cũng chỉ giống như một trái vải mùa thu đặt bên một quả táo Hexperia mà thôi.
    - Thế rồi sao nữa?
    - Và cháu xin nhắc lại, kể từ lúc trông thấy những tia sáng mặt trời xuyên suốt qua người nàng bên đài phun nước, thì cháu lập tức yêu nàng say đắm.
    - Thế nghĩa là nàng trong suốt như một chiếc bóng đèn hay như một chú cá trích non chăng?
    - Xin cậu đừng đùa nữa. Petronius. Còn nếu như sự thoải mái của cháu khi nói về nỗi khát khao của mình khiến cậu hiểu lầm, thì xin cậu hãy hiểu cho rằng nhiều khi những chiếc áo dài sặc sỡ thường giấu che những vết thương sâu. Cháu cũng xin thưa với cậu rằng, lúc từ châu Á quay về, cháu có ngủ một đêm ở đền thờ thần Mopxux để xin báo mộng. Trong giấc mơ, chính thần Mopxux hiện ra và bảo cháu rằng, trong đời cháu sẽ có một sự biến đổi lớn lao do tình yêu gây nên.
    - Cậu từng nghe Plinius nói rằng ông ta không tin thần thánh nhưng lại tin vào mộng mị, và rất có thể là ông ta có lý. Những lời bông đùa của cậu cũng không cản trở chuyện đôi khi cậu nghĩ rằng chỉ có duy nhất một vị thần, vĩnh hằng, đầy sáng tạo, quyền lực vô biên - đó là Venux Genitrix. Một mình nữ thần thâu tóm cả linh hồn lẫn thể xác cùng mọi vật. Erox đã đưa thế giới ra khỏi cảnh hỗn mang. Thần làm chuyện đó tốt hay không là chuyện khác, nhưng nếu quả có thể thì chúng ta phải thừa nhận sự hùng mạnh của thần, mặc dù chúng ta hoàn toàn có thể không cầu nguyện cho sự hùng mạnh ấy.
    - Ôi cậu Petronius! Trên đời này tìm ra một thứ triết học còn dễ hơn là cầu được một lời khuyên tốt.
    - Thì anh hãy nói cậu nghe anh cần gì nào?
    - Cháu muốn có được Ligia. Cháu muốn những cánh tay đang ôm không khí của cháu sẽ được ôm nàng và ghì chặt nàng vào ngực. Cháu muốn được thở hít hơi thở của nàng. Giá như nàng là nô lệ, thì để có được nàng, cháu sẵn sàng đổi cho ông Aulux một trăm thiếu nữ chân bôi vôi trắng ra dấu là họ bị mang bán lần đầu tiên. Cháu muốn có nàng trong nhà cháu cho tới khi đầu cháu bạc trắng như đỉnh Xoracte trong mùa đông.
    - Nàng tuy không phải là nô lệ nhưng vẫn thuộc đám gia nhân của Plauxius, và vì rằng nàng là một đứa trẻ bị bỏ rơi nên có thể xem như gia nhân. Plauxius có thể nhường lại cho anh nếu như ông ta muốn.
    - Thế thì có lẽ cậu chưa biết tính bà Pomponia Grexyna. Mà thực ra cả hai ông bà đều gắn bó với nàng như đứa con rứt ruột đẻ ra vậy.
    - Bà Pomponia thì cậu biết. Quả là một biểu tượng của tang tóc. Giá bà ta không phải vợ ông Aulux thì có thể thuê bà ta làm người khóc mướn được đấy. Từ sau khi Julia chết bà ta vẫn chưa trút bỏ tấm áo khoác đen và đại thể nom bà ta cứ như một hồn ma chưa siêu tịnh vậy. Thêm vào đó, bà ta lại chính chuyên chỉ có mỗi một chồng, nên giữa đám phu nhân li dị bốn năm bận của chúng ta, bà ta quả là một chim phượng hoàng Fenikx. Mà này, anh có nghe nói chim thần Fenikx lại đang nằm ổ ở Thượng Ai Cập, điều mà từ trước đến nay ít nhất cũng phải tới năm trăm năm mới xảy ra một lần hay không?
    - Ôi cậu bảo anh cái này vậy nhé, Marck của cậu! Cậu quen với ông Aulux Plauxius, và mặc dù phỉ báng lối sống của cậu, ông ta vẫn có một chỗ mềm lòng đối với cậu, thậm chí còn tôn trọng cậu hơn những kẻ khác, vì ông ta biết rằng chưa bao giờ cậu là kẻ ton hót như: Đominius, Afer, Tygelius hay cả đám bạn bè của Ahenobarbux. Không cố tỏ ra cương trực, song cũng đã nhiều lần cậu cau mặt trước những hành vi này khác của Nêrô, những hành vi mà Xeneka và Burux chỉ dám he hé mắt nhìn. Nếu anh cho rằng cậu có thể yêu cầu ông Aulux giúp anh điều gì thì cậu rất sẵn lòng.
    - Cháu nghĩ rằng cậu hoàn toàn có thể làm được. Cậu có ảnh hưởng đối với ông ta, thêm nữa trí óc cậu chứa biết bao phương sách nhiệm mầu. Giá như cậu có thể xem xét qua tình hình và nói chuyện với ông Plauxius.
    - Anh đánh giá quá cao ảnh hưởng và tính bông phèng của cậu đấy, nhưng nếu chỉ có thể thôi thì cậu sẽ nói chuyện với ông Plauxius chừng nào gia đình ông ta quay trở về thành phố.
    - Họ đã về được hai hôm rồi ạ.
    - Vậy thì ta hãy đi sang phòng ăn, nơi bữa sáng đang đợi, rồi sau đó, khi đã lấy thêm sức lực, chúng ta sẽ ra lệnh cáng tới nhà ông Plauxius.
    - Cậu bao giờ cũng chiều cháu - Vinixius hoan hỉ thốt lên - song lần này có lẽ cháu phải cho đặt tượng của cậu vào nơi thờ các gia thần nhà cháu để có thể dâng lễ vật lên cậu - Ồ, một pho tượng đẹp ngang pho tượng này này!
    - Vừa nói thế chàng vừa quay về phía những pho tượng trang hoàng suốt cả một mặt tường của căn phòng sực nức hương thơm và chỉ vào tượng Petronius được tạc dưới hình thần Hermex tay cầm phương trượng chàng nói thêm:
    - Thề có ánh sáng của thần Heliox! Nếu như Alekxander thiên thần mà giống được như cậu thì không có gì phải ngạc nhiên với nàng Helena cả!
    Trong tiếng kêu đó có bao nhiêu hàm ý tán tụng thì cũng có bấy nhiêu phần chân thành, vì mặc dù lớn tuổi và ít lực lưỡng hơn, song Petronius trông còn xinh đẹp hơn cả Vinixius. Phụ nữ Roma không chỉ thán phục trí tuệ mẫn tiệp và óc thẩm mĩ tinh tế của ông - điều khiến ông được gọi là người phân định những chuyện hào hoa phong nhã - mà còn ngưỡng mộ cả thân hình ông nữa. Ngay cả lúc này đây cũng có thể nhận thấy sự ngưỡng mộ ấy trên nét mặt các thiếu nữ đảo Kox đang xếp đặt các nếp áo toga cho ông. Trong số đó có một nàng tên là Eunixe thầm yêu ông, nàng đang nhìn vào mắt ông với vẻ đắm say và kính cẩn.
    Song ông không hề để ý tới chuyện ấy, ông mỉm cười với Vinixius, và thay cho câu trả lời, ông ứng khẩu đọc cho chàng nghe một câu châm ngôn của Xeneka về đàn bà:
    - Animal impudens… etc…
    Rồi choàng tay ôm vai chàng trai ông đưa chàng sang phòng ăn.
    Hai thiếu nữ Hi Lạp, hai thiếu nữ Frygia và hai thiếu nữ da đen còn lại trong phòng xức dầu bắt đầu thu dọn các thứ dầu thơm khác. Chính lúc ấy, từ sau bức tường, đầu của đám nô lệ chuyên phục vụ việc tắm ló vào và có tiếng suỵt khẽ vang lên: Nghe tiếng gọi ấy, hai nữ tỳ Frygia, hai nữ tỳ Etiopia cùng một nữ tỳ Hi Lạp liền nhảy cẫng lên, và chỉ trong nháy mắt họ biến vào sau bức tường che. Trong các buồng tắm bắt đầu diễn ra một cảnh phóng túng và trụy lạc mà viên nội giám không hề ngăn cản, bởi chính gã cũng nhiều phen tham gia vào những trò phóng đãng tương tự. Thực ra ông Petronius cũng đoán ra chuyện đó, song vốn là người rộng lượng và không ưa quở phạt, ông chỉ làm ngơ.
    Trong phòng xức đầu chỉ còn lại mình Eunixe. Nàng lắng nghe những giọng nói, tiếng cười xa dần về phía phòng tắm hơi rồi nhấc chiếc ghế đẩu hổ phách và ngà voi mà Petronius vừa ngồi lúc nãy, nàng thận trọng tiến đến gần pho tượng của ông. Phòng xức dầu thơm ngập ánh nắng mặt trời cùng muôn ánh hào quang phản chiếu từ những phiến đá cẩm thạch đủ màu lát mặt tường. Eunixe leo lên ghế và khi vừa cao ngang tầm pho tượng, nàng đột ngột choàng tay ôm vòng lấy nó rồi hất lằn tóc vàng óng của mình về phía sau lưng, nàng áp tấm thân hồng hào vào đá cẩm thạch trắng và ghì chặt môi nàng vào đôi môi lạnh giá của ông Petronius.
    Chú thích:
    (1) Trong nguyên bản có chỗ viết là Nêrôn, có chỗ viết Nêrô. Ở đây để tác phẩm thống nhất, chúng tôi đề là Nêrô để người đọc tiện theo dõi.
    (2) Người đánh giá khách quan các chuyện hào hoa phong nhã (Latinh)
    (3) Trong các nhà quý tộc ở Cổ La Mã thường có cả một hệ thống liên hoàn các buồng khác nhau nằm trong hệ thống phòng tắm (phòng tắm hơi nóng, phòng xoa bóp, phòng ấm, phòng mát, phòng lạnh, phòng sức dầu thơm, phòng mặc quần áo và trang điểm…). Trong nguyên bản, tên gọi những phòng này đều bằng tiếng La Tinh, cũng như tên gọi các loại nô lệ được sử dụng vào riêng từng việc một.
    (4) Axklepiad: tên gọi chung các tín đồ của Axklepidex (120 - 56 tcn) thầy thuốc kiêm triết gia Bitynia.
    (5) Xtađion: đơn vị đo chiều dài ở cổ Hy Lạp, thường dài 192m.
    (6) Ám chỉ Nêrô vì hắn có bộ râu cằm màu hung hung đỏ. Nguyên văn: Râu Đồng Đỏ
    (7) Nguyên văn: wyzwoleniee - những người vốn là nô lệ được chuộc lại hoặc được trả lại tự do. Ở cổ La Mã, họ chưa có được đầy đủ quyền công dân như những người tự do, chỉ đến đời con họ mới được hưởng đầy đủ quyền công dân.


    ST
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

    Comment


    • #3
      T1- Chương 2

      Sau bữa ăn được gọi là bữa điểm tâm mà hai cậu cháu dùng vào lúc những kẻ phàm tục khác đã ăn xong bữa trưa từ lâu. Petronius bảo nên chợp mắt một lát. Theo ông, hãy còn quá sớm để đi thăm viếng. Quả tình cũng có những kẻ đi thăm người quen ngay từ lúc mặt trời mọc, mà lại còn coi đó là phong tục cổ của La Mã, nhưng ông Petronius thì coi đó là một tập tục dã man. Ban chiều là đúng lúc nhất, song cũng không được sớm hơn lúc mặt trời ngả về phía đền thờ thần Jupiter trên Kapitôl và bắt đầu chiếu xiên xuống Forum. Về mùa thu, thường hãy còn khá nóng nực, và người ta thích ngủ sau khi ăn cơm. Vào lúc ấy, quả thật là dễ chịu được lắng nghe tiếng lao xao của vòi nước phun trong chính sảnh thông thiên, rồi khi bước một nghìn bước bắt buộc, được chợp mắt trong ánh sáng màu đỏ mọc qua tấm che màu tía đã hạ xuống lưng chúng.
      Vinixius thừa nhận là ông nói có lý và họ vừa bắt đầu dạo bước vừa trao đổi một cách phóng túng về những chuyện ở cung điện Palalyn và trong thành phố có pha đôi chút triết lý về cuộc đời. Rồi Petronius sang phòng ngủ, song ông chỉ chợp mắt một lát. Chỉ nữa giờ sau, ông đã bước ra, truyền mang mã tiên thảo tới và bắt đầu vừa ngửi vừa hít vừa dùng nó xát lên hai bàn tay và thái dương.
      - Hẳn là anh không tin, - ông nói - nhưng thứ này làm người khỏe ra và tỉnh táo hẳn lên. Giờ thì cậu sẵn sàng rồi.
      Kiệu chờ sẵn đã lâu, họ bèn ngồi vào kiệu và ra lệnh cáng tới Vieux Patrixius, tới nhà ông Aulux. Khu dinh thự của Petronius nằm trên sườn phía nam đồi Palutyn, gần nơi được gọi là Carinae, nên đường gần nhất là đi ngang qua phía dưới Forum, nhưng vì Petronius còn muốn ghé qua chỗ lão thợ kim hoàn Idomen, nên ông ra lệnh cáng qua Vieux Apolinix và Forum về phía Vieux Xeleratux, tại góc phố đó có bày bán đủ mọi loại tủ đựng đồ thờ cúng.
      Những tên da đen lực lưỡng nhấc kiệu lên, khênh đi, đằng trước là bọn nô lệ được gọi là pedisequi. Suốt một hồi lâu, Petronius im lặng, đưa hai bàn tay thơm mùi mã tiên thảo lên mũi, dường như ông đang cân nhắc điều gì, sau đó ông lên tiếng:
      - Cậu chợt nghĩ rằng, nếu như nữ thần rừng của anh không phải là nô tỳ, thì nàng có thể bỏ nhà ông Plauxius sang ở nhà anh. Anh sẽ bao bọc nàng trong tình ái và sẽ vung của cải xung quanh nàng như cậu đã từng làm đối với nàng Khowryzotemix đáng tôn kính của cậu, người mà, nói riêng với anh nhé, cậu cũng đã ngán nàng như nàng ngán cậu vậy.
      Markux lắc đầu.
      - Không à? - Petronius hỏi - Cùng lắm thì cũng có thể dựa vào hoàng đế, và anh có thể tin rằng, nhờ ảnh hưởng của cậu, gã Râu Đỏ của chúng ta sẽ đứng về phía anh.
      - Cậu không hiểu Ligia! - Vinixius đáp
      - Vậy thì anh hãy cho phép tôi được hỏi, anh hiểu cô ta chứ? Hiểu bằng cách nhìn à? Anh đã nói chuyện với cô ta chưa nào? Anh đã thổ lộ tình yêu với cô ta rồi chứ?
      - Đầu tiên cháu nhìn thấy nàng bên bể nước phun, rồi sau đó cháu còn gặp nàng hai lần nữa. Cậu biết chứ, hồi còn ở nhà ông Aulux, cháu ở trong một vila riêng dành cho khách, cháu cũng không thể ngồi ăn chung với gia đình họ vì tay cháu bị dập thương. Mãi đến buổi tối hôm cháu nói là sẽ ra đi, cháu mới được gặp Ligia trong bữa ăn tối và cháu cũng không thể thốt ra nổi một lời nào với nàng. Cháu phải ngồi nghe ông Aulux kể lể về những chiến công mà ông ta đã lập nên ở Brytania, rồi về sự phá sản của các tiểu trang trại ở Italia. Nói chung, cháu không biết liệu cái ông lão Aulux ấy có biết nói về chuyện gì khác nữa hay không, và cũng xin cậu chớ nghĩ rằng chúng ta sẽ có thể tránh khỏi điều đó, trừ phi cậu muốn nghe nói về tính nhu nhược của thời nay. Trong chuồng của nhà họ có gà gô song họ chẳng giết bao giờ, xuất phát từ nguyên lý là mỗi con gà gô bị thịt sẽ làm gần lại thêm cái ngày tận số của La Mã hùng cường. Lần thứ hai cháu gặp nàng bên cạnh bể chứa nước ngoài vườn, với một cây lau vừa rứt đứt cầm trong tay, nàng nhúng đầu có lá xuống nước và vẩy nước tưới cho những khóm diên vĩ mọc gần đấy. Cậu hãy nhìn đầu gối cháu đây! Thề trên chiếc khiên của Heraklex, cháu xin thưa với cậu rằng, đầu gối cháu không hề run rẩy khi hàng đoàn quân Parlơ vừa hú lên vừa ùa tới các đội quân(1) của chúng cháu, thế mà cháu đã run lên bên cạnh bồn chứa nước ấy. Và bối rối như một thị đồng hãy còn mang bùa khánh(2) trên cổ, cháu chỉ còn biết dùng ánh mắt khẩn cầu tình thương, mà rất lâu không thốt ra nổi một lời.
      Petronius nhìn chàng với một vẻ gần như ghen tỵ:
      - Sung sướng thay! - ông nói - Dù thế giới, dù cuộc đời có tệ hại đến đâu đi nữa, trong đó vẫn còn có một điều tốt lành vĩnh hằng: tuổi thanh xuân.
      Rồi một lát sau ông hỏi:
      - Thế anh không nói gì với nàng ư?
      - Có chứ ạ! Sau khi hơi định thần lại, cháu nói rằng cháu vừa từ châu Á trở về, rằng cháu bị dập thương cánh tay ở ngay cạnh thành đô và đau đớn vô cùng, song đến lúc phải từ giã ngôi nhà hiếu khách này cháu mới hiểu được ra rằng, tại đây, sự đau đớn còn giá trị hơn nhiều so với lạc thú nơi khác, và bệnh tật còn đáng quý hơn nhiều so với sức khỏe ở chốn khác. Nghe những lời cháu nói nàng cũng bối rối, và cúi đầu xuống, nàng dùng ngọn lau vẽ gì đó lên mặt cát vàng. Rồi nàng đưa mắt nhìn những hình vẽ ấy một lần nữa, rồi nhìn cháu, dường như muốn hỏi điều chi đó, và bỗng nhiên nàng bỏ chạy như một nàng tiên chạy trốn thần Đồng Nội ngẩn ngơ.
      - Hẳn mẳt nàng đẹp lắm?
      - Hệt như biển vậy, thưa cậu, còn cháu thì chìm trong mắt nàng như chìm trong biển vậy. Xin cậu hãy tin lời cháu, Arkhipelag còn kém thẳm xanh hơn. Một lát sau, thằng bé Plauxius chạy tới hỏi điều gì đó, song cháu không sao hiểu được là nó muốn hỏi gì.
      - Hỡi nữ thần Atena! - Petronius thốt lên - xin hãy tháo gỡ cho đứa trẻ này mảnh băng bịt mắt mà thần ái tình Erox đã buộc vào, bằng không nó sẽ bị va vỡ đầu vào cột đền thờ nữ thần Venux mất thôi.
      Rồi ông quay sang Vinixius:
      - Còn anh, hỡi cái chồi xuân trên cây đời, hỡi cái lộc nõn đầu tiên của dây nho! Thay vì đến nhà Plauxius, lẽ ra ta phải mang anh đến nhà Galoxius, nơi có trường dậy dỗ những đứa trẻ chưa hiểu mùi đời.
      - Cậu muốn gì vậy?
      - Thế nàng vẽ cái gì trên mặt cát? Có phải tên của thần tình ái Amor, hay một trái tim bị mũi tên xuyên thủng, hay một cái gì đó khiến anh có thể hiểu được rằng các vị đương thần Xatyr đã thì thầm vào tai nàng tiên nữ ấy những điều bí mật của cuộc đời rồi? Sao anh lại có thể không nhìn những hình vẽ ấy cơ chứ?
      - Cháu đã khoác áo toga sớm hơn là cậu nghĩ cơ đấy, - Vinixius đáp - và trước khi thằng bé Aulux chạy tới, cháu đã chăm chú ngắm nghía những đường nét kia, vì cháu biết rằng, ở Hy Lạp cũng như ở La Mã, không ít nàng trinh nữ thường vạch lên cát lời thổ lộ mà môi họ không muốn thốt ra… Song cậu hãy đoán thử xem nàng đã vẽ gì nào?
      - Nếu như là cái gì khác những điều cậu nghĩ thì cậu xin chịu.
      - Một con cá.
      - Anh nói sao?
      - Cháu nói: một con cá! Phải chăng điều đó có nghĩa là cho tới nay trong huyết quản nàng chỉ tuần hoàn rặt một thứ máu lạnh thì cháu không rõ. Hẳn là cậu, người vừa gọi cháu là cái chồi xuân trên cây đời biết cách hiểu rõ hơn cháu cái dấu hiệu này.
      - Anh cháu thân yêu ơi(3)! Chuyện đó thì phải hỏi Plinius! Ông ta vốn sành về cá mà. Giá như cụ Apixius còn sống thì hẳn cụ già cũng có thể mách bảo anh đôi điều về chuyện ấy, vì rằng trong đời mình, cụ đã từng xơi một số cá nhiều hơn số cá có thể chứa trong vịnh Neapon.
      Đến đây câu chuyện bị gián đoạn, bởi họ được kiệu qua những phố xá tấp nập, ồn ào cản trở câu chuyện. Qua Vieux Apolinix, họ rẽ sang Forum Romanum, nơi trong những ngày đẹp trời, trước khi mặt trời lặn, tụ tập đủ mọi dân tộc để dạo chơi giữa các hàng cột, kể hoặc hóng nghe tin tức thời sự, ngắm nhìn những chiếc kiệu với những nhân vật nổi tiếng được cáng qua, rồi ghé thăm các hiệu kim hoàn, các hiệu sách, các hiệu đổi tiền, hiệu đồ đồng cùng tất cả những cửa hiệu khác, vô số cửa hiệu trong các ngôi nhà chiếm một phần của Bãi Chợ đối diện với đồi Kapitol. Một nửa Forum nằm ngay dưới chân cung điện đã ngập trong bóng râm, song những hàng cột của các đền đài phía trên hãy còn đang rực lên trong ánh mặt trời trên nền trời xanh màu thanh thiên. Những đền đài nằm thấp hơn trải bóng râm lên những phiến đá cẩm thạch. Khắp nơi nhan nhản đền thờ, đến nỗi mắt người lạc trong ấy như lạc giữa rừng. Các ngôi đền và những hàng cột ấy dường như đang chen chúc nhau, chồng chất lên nhau, né sang trái sang phải, chòi lên đồi, ép sát vào bờ tường lâu đài hoặc ép vào nhau, trông giống như những thân cây cao và thấp; to và mảnh; vàng và trắng; cái cuộn theo kiểu lon, cái được kết thúc bằng một khối vuông giản dị kiểu Đoryx. Trên cả khu rừng ấy lấp lánh những bản triglif nhiều mầu sắc, từ dưới các xà mái nhô ra hình tạc các vị thần; trên đỉnh, những cỗ xe có cánh bằng vàng trông như đang muốn lao lên khoảng không, lao vào cái màu thanh thiên thanh bình đang treo lơ lửng trên thành phố chật ních những đền đài nọ. Ở giữa Bãi Chợ và viền quanh nó là cả một dòng sông người: những đám người ngồi trên các bậc thềm của đền thờ hai anh em thần Kaxtor và Ponlukx, những đám người đi dạo dưới các vòm của đền thờ Juliux Xezar, lượn quanh đền thờ của nữ thần Vexta; trên cái phông khổng lồ bằng cẩm thạch này, nom hệt như những đàn bướm hay bọ sừng đông nghìn nghịt. Từ phía trên cao, từ phía thánh đường thờ Jovi Optimo Maximo, qua những bậc thềm đồ sộ đang tràn về đây những làn sóng người mới; bên các diễn đàn người ta lắng nghe những diễn giả ngẫu nhiên nào đó diễn thuyết; đây đó dậy lên tiếng rao hàng của bọn buôn hoa quả, bọn bán rượu nho hay thức uống có pha nước quả vả, tiếng bọn lừa đảo đang mời mọc người mua những loại thần dược; tiếng lũ thầy bói, tiếng bọn thầy địa lý chuyên dò kho của ngầm và tiếng bọn thầy bói chuyên đoán mộng. Đây đó xen giữa những hỗn âm của những lời trò chuyện và tiếng gọi nhau, vang lên những thanh âm của đàn xixtrum xambux của Ai Cập hoặc tiếng sáo Hy Lạp. Nơi này nơi khác, những con bệnh thành kính hoặc ưu phiền, đang mang lễ vật tới tế hiến các đền thờ. Chen lấn giữa đám người, trên những phiến đá lát, những đàn bồ câu nom giống như các vết sẫm nhiều màu sắc, linh động, đang thèm thuồng nhặt ngũ cốc mà người ta ném cho, thỉnh thoảng lại ồn ã đập cánh bay vụt lên để rồi lại sà xuống những khoảng thưa người. Đôi lúc, đám người dạt ra trước những chiếc kiệu, trong đó có thể thấy những khuôn mặt đàn bà trang nhã hoặc đầu của các nguyên lão và các hiệp sĩ với những đường nét đã bị cuộc đời hủy hoại khiến cho méo mó đi. Đám dân chúng gồm nhiều dân tộc khác nhau tên họ kèm theo cả biệt danh, với lời nhạo báng hay câu ca tụng. Thỉnh thoảng, xuyên qua những đám người hỗn độn ấy lại có các toán binh lính đang bước đều hay những đội vigin canh giữ trật tự công cộng. Bốn chung quanh, có thể nghe thấy tiếng Hy Lạp cũng nhiều như tiếng Latinh.
      Vinixius, người xa thành phố đã lâu, thú vị nhìn ngắm cái quần hợp nọ của loài người bên cái Forum Romanum vừa như đang ngự trị trên những làn sóng của thế giới vừa như bị chìm ngập trong những làn sóng ấy, khiến ông Petronius đoán được ý nghĩa của chàng nên gọi đó là “cái tổ của dân Quiryt không có mặt dân Quiryt”(4). Quả vậy, cư dân bản xứ hầu như biến mất trong cái đám người gồm hết thảy mọi chủng người và đủ loại dân tộc này. Ở đây thấy có cả người Êtiopi, lẫn những người cao lớn tóc màu sáng từ phương bắc xa xôi - người Brytania, người Gan và người German. Có cả các cư dân mắt xếch của Xericum, lẫn những người từ Eufrat và từ Ind với bộ râu cằm nhuộm ngả sang màu gạch: có cả người xứ Xiry từ bờ Oront với những cặp mắt đen huyền dịu ngọt, lẫn những cư dân khô khẳng như xương của các sa mạc A Rập, người Do Thái với bộ ngực lép, người Ai cập với nụ cười thản nhiên muôn thuở trên nét mặt cùng người Numidi và người Afri; có người Hy Lạp từ Helađa, những người bình quyền với dân La Mã trong việc cai trị thành bang nhưng lại nắm thêm cả khoa học, nghệ thuật, trí thông minh lẫn thói quỷ quyệt: có người Hy Lạp từ vùng đảo và từ Tiểu Á, từ Ai Cập và từ Italia, từ mãi xứ Galia Narbonxka về. Giữa đám nô lệ dái tai bị đục lỗ, không thiếu mặt đám dân tự do và rỗng tuếch mà hoàng đế đùa bỡn, nuôi ăn và thậm chí sắm mặc, cùng những lữ khách tự do bị sự dễ dãi của đời sống và viễn ảnh tiền tài lôi kéo tới cái thành bang khổng lồ này, không thiếu bọn chuyên mua đi bán lại cùng các giáo sĩ Xerapix với nhành lá cọ trong tay, các thầy tu thờ nữ thần Izyđa, vị thần được người ta hiến tế nhiều hơn cả thần Jupiter Kapiton, có các tín đồ Kibela cầm nhánh lúa vàng, cả tín đồ của những vị thần lang thang, có các vũ nữ phương đông đội những chiếc mũ sặc sỡ, có những kẻ bán bùa phép cùng những người thổi kèn gọi rắn, có các thầy phù thủy Khanđeya, và cuối cùng là bọn vô nghề nghiệp, cứ hàng tuần lại kéo tới các vựa lúa thành Roma để kiếm ngũ cốc, choảng nhau vì vé xổ số trong hí trường, trú đêm trong những căn nhà không ngừng sụp đổ ở các khu phố bên kia sông Tyber, còn những ngày nắng ấm thì ngụ trong các tầng hầm ngoại vi, trong những tửu quán tồi tàn bẩn thỉu của khu Xubura, trên cầu Milviux hay trước dinh thự của những người giàu có, nơi thi thoảng người ta vứt ra cho chúng những thức ăn thừa trên bàn ăn của đám nô lệ.
      Những đám đông ấy biết rõ Petronius. Tai Vinixius nghe không ngớt những tiếng: “Hie est” - “Ông ta đấy”. Người ta thích ông vì tính hào phóng, và ông đặc biệt nổi tiếng khi người ta biết rằng ông đã lên tiếng trước mặt hoàng đế để chống lại án tử hình dành cho đám gia nô - nghĩa là toàn bộ nô lệ không phân biệt giới tính và tuổi tác - nhà quan Penđanius Xekunđa, chỉ vì một người trong bọn họ, trong một phút tuyệt vọng, đã giết chết gã chủ tàn bạo nọ. Mặc dù Petronius đã lớn tiếng nhắc đi nhắc lại rằng với ông chuyện đó chẳng hề có chút nghĩa lý gì, rằng ông nói chuyện với hoàng đế một cách hoàn toàn riêng tư, chỉ với cương vị arbiter elegantiarum, người mà mĩ cảm bị phẫn nộ bởi hành vi giết chóc man rợ nọ, hành vi chỉ có thể xứng đáng với bọn Xkyth nào đó chứ không xứng với người La Mã. Tuy vậy, kể từ lúc ấy dân chúng, vốn phẫn nộ vì vụ hành quyết ấy, vẫn yêu mến Petronius.
      Song ông không mảy may quan tâm tới tình cảm đó. Ông vẫn luôn nhớ rằng, công chúng cũng đã từng yêu mến cả Brytanik, người đã bị Nerô đánh thuốc độc lẫn Agrypina - người đã bị y ra lệnh hạ sát, cả Oktavia - người đã bị bóp chết tại Panđataria sau khi bị phanh mạch máu ra trong làn hơi nóng bỏng, cả Rubenius Plautô - người đã bị đày biệt xứ, và cả Trazeas - người mà chưa biết ngày nào người ta sẽ mang tới cho bản án tử hình. Có lẽ nên coi tình yêu mến của dân chúng là một điềm gở, mà tuy là người hay phê phán nhưng Petronius lại mê tín. Ông bỉ báng đám dân chúng gấp đôi: với tư cách là một nhà quý tộc và với tư cách một nhà thẩm mỹ. Những kẻ luôn toát ra nồng nặc mùi đậu rang mà họ mang trong hầu bao, những kẻ lúc nào cũng khản tiếng và đẫm mồ hôi vì chơi trò đoán ngón tay ăn tiền ở các góc phố và các sân sau trong mắt ông không đáng được gọi là người.
      Hoàn toàn không thèm đáp lại những tiếng hoan hô cùng những nụ hôn gió mà người ta gửi cho ông từ bốn xung quanh, ông kể cho Markux nghe chuyện Peđanius, nhân đó giễu cợt luôn sự thay đổi như con quay của bọn hạ lưu đường phố, ngay hôm sau vụ phẫn nộ ghê gớm ấy đã nhiệt thành hoan hô Nerô khi hắn đi tới đền thờ Jupiter Xlator.
      Đến trước hiệu sách Avirunux, ông ta lệnh dừng kiệu lại, và bước xuống kiệu, ông mua một bản chép tay trang trí rất đẹp đưa cho Vinixius.
      - Đây là quà tặng anh, - ông nói.
      - Xin đa tạ cậu! - Vinixius đáp. Rồi nhìn nhan đề, chàng hỏi: - Salyricon? Sách mới đây, của ai thế thưa cậu?
      - Của cậu đấy. Nhưng cậu không muốn đi theo vết Rufinux, người mà cậu đã hứa là sẽ kể chuyện cho anh nghe, cũng không muốn theo vết Fabryxius Veyento, vì thế nên chẳng ai biết được điều ấy, còn anh cũng chớ nói với ai nhé.
      - Cậu bảo là cậu không làm thơ nữa, - Vinixius vừa liếc qua ruột sách vừa nói, - ấy vậy mà ở đây cháu lại thấy văn xuôi ken đầy những dòng thơ.
      - Nếu anh đọc thì anh hãy chú ý đến bữa tiệc Trymalkhion. Còn nếu nói về thơ thì cậu tởm thơ từ khi Nerô bắt đầu viết anh hùng ca. Anh biết đấy, muốn được nôn cho nhẹ người, Vetelius đã dùng đũa ngà ngoáy vào cuống họng, những kẻ khác thì dùng lông chim hồng hạc nhúng dầu ô liu hay nước sắc cây tử mẫu, còn cậu thì cậu chỉ cần đọc thơ Nerô là có hiệu quả ngay tức khắc. Rồi sau đó, cậu có thể ngợi ca thứ thơ đó, nếu như không phải với một lương tâm trong sạch thì cũng là với một cái dạ dày sạch sẽ.
      Nói đến đây, ông cho dừng kiệu trước hiệu kim hoàn của lão Idomen, và sau khi giải quyết xong chuyện mấy viên ngọc chạm, ông ra lệnh cáng thẳng tới nhà ông Aulux.
      - Dọc đường cậu sẽ kể anh nghe chuyện Rufinux để minh chứng cho anh thế nào là lòng tự tôn của tác giả, - ông nói.
      Song ông chưa kịp bắt đầu kể thì họ đã rẽ sang Vieux Patrixius và lát sau đã tới trước cửa nhà Aulux. Một tên nô lệ trẻ tuổi và lực lưỡng mở cánh cổng dẫn vào gian tiền sảnh, trên cổng, con chim khách bị nhốt trong lồng the thé kêu lên đón họ: “Salve”(5)
      Trên đường từ hiên trong - được gọi là ostium - vào chính sảnh, Vinixius hỏi:
      - Cậu có để ý thấy tên gác cổng ở đây không bị xích hay không?
      - Một cái nhà lạ lùng, - Petronius thấp giọng đáp. - Chắc anh biết rằng người ta ngờ bà Pomponia Grexyna tin theo một thứ tín ngưỡng đông phương, thờ một tay Crextox nào đó. Hình như chính ả Kryxpinila đã góp tay vào chuyện đó. Ả ta không thể nào tha thứ nổi cho bà Pomponia cái tội là chỉ có mỗi đức ông chồng mà cũng đủ cho bà ta suốt đời. Univiva(6)! … Ngày nay, ở La Mã, tìm một đĩa nấm sữa xứ Noricum còn dễ dàng hơn! Bà ta đã bị tòa án gia tộc xử…
      - Cậu nói phải, quả là một cái nhà kì dị. Để rồi cháu sẽ kể cậu nghe những gì cháu đã được nghe và thấy nơi đây.
      Lúc này, họ đã vào tới gian chính sảnh thông thiên. Tên nô lệ trông coi phòng này - được gọi là atriensis - phái viên xướng danh đi báo tin khách đến, còn đám tôi tớ thì đẩy tới cho họ những chiếc ghế ngồi cùng các đôn đặt chân. Petronius, vốn chưa hề đặt chân tới đây và đinh ninh rằng trong ngôi nhà khô khan này hẳn bao giờ cũng bao trùm một sự buồn tẻ vĩnh cửu, lúc này ngắm nhìn chung quanh với vẻ ngạc nhiên có nhuốm phần thất vọng, bởi gian phòng này lại gây cho người ta cảm giác vui tươi. Từ phía trên cao, qua một lỗ thông thiên lớn, một luồng ánh sáng rực rỡ chiếu xuống, vỡ ra thành hàng ngàn tia lửa trên đài nước phun. Một cái bể vuông vắn có vòi nước phun ở giữa - được gọi là impluvium - dùng để hứng nước mưa rơi qua lỗ thông thiên trong những ngày xấu trời, được viền quanh bằng những khóm thu mẫu đơn và huệ. Đặc biệt, hẳn là trong nhà này huệ rất được ưa chuộng, bởi chúng mọc thành những khóm lớn, cùng với những bụi diên vĩ màu trắng, màu đỏ và cả màu ngọc lam, với những cánh hoa tinh tế dường như được làn bụi nước dát bạc. Giữa những đám rêu ẩm ướt trong đó giấu kín các chậu huệ, giữa các vòm lá, ẩn hiện những pho tượng đồng tạc hình trẻ con và các loài thủy cầm. Trong một góc, một con nai cũng bằng đồng nghiêng cái đầu xanh màu gỉ đồng xuống nước như đang muốn uống. Sàn nhà trong gian chính sảnh được trang trí hoa văn, còn các bức tường thì một phần được ghép bằng cẩm thạch đỏ, một phần được vẽ hình cây cối, chim cá cùng thiên sứ, hấp dẫn mắt nhìn bởi sự phối trí hài hòa của màu sắc. Khung cửa dẫn sang các gian bên cạnh được trang trí bằng vỏ đồi mồi, thậm chí bằng cả ngà voi nữa. Giữa các cửa, dọc theo các bức tường, là tượng các vị tổ tiên của ông Aulux. Khắp nơi đều lộ rõ vẻ sung túc thanh bình không xa hoa mà thanh cao và đầy tự tin.
      Mặc dù sống trong cảnh lộng lẫy và trang nhã hơn nhiều, song Petronius vẫn không sao tìm được ở đây một thứ gì có thể khiến ông không vừa ý. Ông quay sang định trao đổi điều đó với Vinixius thì vừa hay một tên nô lệ - velarius - kéo tấm rèm che giữa chính sảnh với văn phòng, và từ trong nhà hiện ra ông Aulux Plaxius đang vội vã bước tới.
      Đó là một người đang tiến gần tới những ngày mãn chiều xế bóng của cộc đời, với mái đầu điểm màu sương, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, với khuôn mặt đầy nghị lực, hơi ngắn, song cũng hơi giống một cái đầu chim đại bàng. Lúc này, trên nét mặt ông lộ vẻ ngạc nhiên, thậm chí lo lắng về cuộc viếng thăm bất ngờ của người bạn, kẻ thân cận và tin cẩn của Nerô.
      Là người rất hiểu biết và sắc sảo, Petronius lập tức nhận ra điều đó, nên ngay sau những lời thăm hỏi xã giao đầu tiên, ông liền nói với vẻ hùng hồn và khoáng đạt rất xứng với ông, rằng ông đến đây chỉ để đa tạ sự chăm sóc mà con trai người chị ruột của ông đã được hưởng trong ngôi nhà này, rằng nguyên do duy nhất của cuộc viếng thăm này là lòng biết ơn, thêm vào đó là tình quen biết từ lâu với ông Aulux.
      Về phía mình, ông Aulux khẳng định rằng Petronius là một vị khách quí, còn nếu nói về lòng biết ơn, thì chính ông mới là kẻ phải hàm ơn, mặc dù có lẽ Petronius hẳn không đoán ra được lý do của sự biết ơn ấy.
      Quả thực, Petronius không sao đoán ra. Ngước đôi mắt màu hạt dẻ lên trời, ông cố gắng nhớ lại một điều gì đó mình đã làm giúp ông Aulux hoặc một người nào khác, song ông chẳng nhớ ra một điều gì cả, có chăng là chuyện mà ông định nói với Vixinius. Dĩ nhiên, dù ông không chủ tâm thì cũng rất có thể là đã có một chuyện gì đó xảy ra, nhưng nói cho cùng đó chỉ là chuyện mà ông hoàn toàn không chú ý.
      - Tôi rất quý trọng và đánh giá cao Vezpazian, - ông Aulux nói, - người mà ngài đã cứu mạng cái lần mà chẳng may anh ta thiếp đi trong lúc đang nghe thơ của hoàng đế.
      - Thế là may cho anh ta đấy, - Petronius đáp - vì anh ta không phải nghe những bài thơ ấy, mặc dù tôi không dám cãi rằng chuyện ấy rất có thể sẽ kết thúc bằng một điều bất hạnh. Râu Đỏ muốn phái một viên xenturion(7) mang tới cho anh ta lời khuyên bằng hữu, khuyên anh ta hãy tự mở phanh mạch máu mình ra.
      - Còn ngài, thưa ngài Petronius, ngài đã cười giễu hoàng thượng.
      - Đúng vậy, mà chính ra thì ngược lại: tôi bảo với hoàng thượng rằng, nếu như chàng Orfeus biết dùng tiếng ca để ru ngủ những loài dã thú, thì sự thắng lợi của hoàng đế cũng chẳng kém nào, bởi người đã ru ngủ được Vexpazian. Có thể phê phán Ahenobarbux, với điều kiện là trong một lời chỉ trích nhỏ phải chứa đựng một điều tán tụng lớn. Auguxta(8) của chúng ta, nàng Poppea, thì hẳn là người thấu hiểu điều đó một cách tuyệt diệu.
      - Than ôi, thời thế bây giờ là thế đấy!, - ông Aulux đáp, - Tôi bị khuyết mất hai chiếc răng cửa vì một hòn đá ném từ tay một tên người Brytania; khiến cho tiếng nói của tôi bây giờ trở nên lào phào, ấy thế mà những phút giây hạnh phúc nhất của đời tôi lại được hưởng chính ở vùng Brytania ấy đấy…
      - Bởi đó là những phút giây chiến thắng, - Vinixius phụ họa.
      Song Petronius e rằng vị lão tướng bắt đầu kể về những chiến tích thuở xưa của mình, liền thay đổi đề tài câu chuyện. Ở gần Praenexte, dân quê tìm thấy xác những con chó sói hai đầu, còn trong trận mưa giông vừa mới đây, sét đã đánh sạt một góc tường thần miếu Luna, một chuyện chưa từng nghe thấy bao giờ trong tiết thu muộn này. Một gã Kotta nào đó, người đã thuật lại cho ông chuyện này, còn nói thêm rằng các tăng lữ của thần miếu ấy đã dựa theo điềm gở nọ mà dự đoán trước sự sụp đổ của cả thành đô này, hay chí ít ra cũng là sự sụp đổ của một tòa nhà thật đồ sộ nào đó, điều này chỉ có thể cứu vãn được bằng cách những hiến vật siêu phàm mà thôi.
      Nghe chuyện, ông Aulux nói rằng không thể coi thường những điềm báo trước như thế. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu các linh thần có thể nổi giận vì những tội ác ngày càng chồng chất, và nếu thế thì việc dâng hiến những lễ vật để khẩn cầu là chuyện hoàn toàn cần thiết.
      Petronius bèn nói:
      - Thưa ngài Plauxius, ngôi nhà của ngài không lớn lắm, mặc dù ở đây có một con người vĩ đại sinh sống; còn nhà của tôi, dẫu quá lớn so với một chủ nhân hèn mọn đến thế, song cũng vẫn là nhỏ bé. Nếu nói đến sự sụp đổ của một ngôi nhà vĩ đại tỷ như domus transitoria thì không rõ liệu có đáng để chúng ta phải hiến dâng lễ vật cầu xin cho sự sụp đổ ấy đừng diễn ra hay chăng?
      Plauxius không trả lời câu hỏi ấy, sự thận trọng đó khiến Petronius hơi phật ý, bởi vì mặc dù ông hoàn toàn thiếu ý thức về việc phân biệt cái thiện với cái ác, song ông không bao giờ là kẻ ton hót, và người ta có thể trò chuyện với ông một cách tuyệt đối an toàn. Vì vậy, một lần nữa, ông lại lái câu chuyện theo hướng khác và bắt đầu ca ngợi ngôi nhà của ông Plauxius cùng sự hài hòa trong cách bài trí.
      - Tệ xá này cũ kỹ rồi, - ông Plauxius đáp, - trong đó tôi chưa hề thay đổi tí gì kể từ khi tôi được thừa hưởng nó.
      Sau khi đẩy bức bình phong ngăn giữa gian chính sảnh với văn phòng, ngôi nhà thông suốt một mạch, đến nỗi qua văn phòng, qua khoảng sân trong cùng với phòng tiệc - được gọi là oecus - có thể nhìn xuyên suốt đến tận vườn cây ở xa xa đang nổi bật lên như một bức tranh sáng sủa được đóng khung sẫm mầu. Từ phía đó, tiếng cười trẻ thơ vui vẻ vọng vào tận chính sảnh.
      - Ôi, thưa tướng quân, - Petronius thốt lên, - hãy cho chúng tôi được nghe gần hơn tiếng cười sảng khoái đó, tiếng cười thật hiếm có vào thời buổi bây giờ.
      - Rất vui lòng, - ông Plauxius vừa đáp vừa đứng dậy, - Đó là cháu Aulux đang chơi bóng với Ligia. Song nếu nói đến tiếng cười, thì thưa ngài Petronius, tôi ngỡ rằng cả cuộc đời ngài đều trôi qua trong tiếng cười chứ ạ?
      - Bởi cuộc đời nực cười nên tôi phải cười, - Petronius đáp, - còn ở đây tiếng cười khác hẳn.
      - Mà nói cho đúng ra thì ngài Petronius không cười suốt ngày mà chỉ cười suốt đêm thôi, - Vinixius nói thêm.
      Vừa trò chuyện họ vừa đi xuyên suốt dọc ngôi nhà và bước vào mảnh vườn, nơi nàng Ligia và chú bé Aulux đang chơi bóng ném, những quả bóng được đám nô lệ chuyên phục vụ cho trò chơi này, gọi là các spheristae - nhặt lên và đưa đến tận tay họ. Petronius liếc nhanh nhìn Ligia, cậu bé Aulux thì vừa trông thấy Vinixius liền chạy tới chào chàng, còn chàng khi đi ngang qua, chàng cúi đầu chào nàng thanh nữ xinh đẹp đang đứng cầm quả bóng trong tay, với mái tóc hơi xõa ra, hơi thở gấp gáp và khuôn mặt ửng hồng.
      Bà Pomponia Grexyna đang ngồi trong tòa yến đình ở giữa vườn, có các dây nho, trường xuân và dương thảo rủ che bóng mát. Họ bèn tiến đến chào bà. Với Petronius, mặc dù ông ít khi lui tới nhà họ Plauxius song bà vốn là chỗ quen biết, vì ông thường gặp bà ở nhà Antyxtia, con gái của Rubelius Plauto, ở các gia đình thuộc dòng họ Xeneka và ở nhà Polion. Ông không sao tránh khỏi bị thu hút bởi nỗi ngạc nhiên trước nét mặt buồn buồn nhưng thanh thản của bà, sự thanh cao trong dáng vẻ, trong cử chỉ và lời nói của bà. Bà Pomponia là người làm đảo lộn những quan niệm của ông về đàn bà đến mức con người hư hỏng tới tận xương tủy và tự tin nhất trong toàn La Mã này không những chỉ cảm thấy kính trọng bà mà tự nhiên còn đâm ra bớt tự tin hơn. Giờ đây, trong khi cảm ơn bà đã chăm sóc Vinixius, vô tình ông lại dùng chữ: “domina”(9), chữ mà trong khi nói chuyện với những người khác, thí dụ như với Kanvia Kryxpinla, với Xkrybonia, với Valeria, với Xolina hay các công nương thế phiệt trâm anh khác, chẳng bao giờ ông nghĩ tới. Sau khi chào hỏi và bày tỏ lời cảm ơn, ông bắt đầu phàn nàn ngay rằng hiếm khi ông được gặp bà Pomponia, rằng cả ở hí trường lẫn ở nhà hát đều không thấy mặt bà. Nghe thấy thế, bà liền đặt tay lên bàn tay chồng, bình thản đáp:
      - Chúng tôi già rồi, cả hai chúng tôi càng ngày càng thích cái xó nhà yên tĩnh này hơn.
      Petronius định phản đối, nhưng Aulux Plauxius đã nói thêm bằng cái giọng lào phào của ông:
      - Và càng ngày chúng tôi càng thấy lạc lõng giữa mọi người, những kẻ dám gọi các vị thần linh La Mã của chúng ta bằng những cái tên Hi Lạp.
      - Từ một lúc nào đấy, các thần đã trở thành những hình tượng hoa mỹ, - Petronius thản nhiên đáp, - mà bởi vì khoa ăn nói văn hoa lại do chính người Hi Lạp truyền cho chúng ta, nên thí dụ, đối với bản thân tôi chẳng hạn, gọi Hera dễ hơn là Juno.
      Vừa nói thế, ông vừa đưa mắt nhìn bà Pomponia như muốn nói rằng, đứng trước bà, ông không thể nghĩ tới một vị thần nào khác ngoài chính nữ thần Hera, rồi tiếp đó, ông bắt đầu phản đối những điều bà nói về tuổi già: “Con người ta già đi chóng thật, nhưng đó là những kẻ sống một cuộc sống khác kia, thêm nữa có những khuôn mặt dường như được thần Xaturn hoàn toàn lãng quên”. Quả thực, Petronius nói điều đó phần nào chân thật, bởi vì dù đang ở vào buổi xế chiều của cuộc đời, bà Pomponia Grexyna vẫn giữ được một làn da óng ả khác thường, bà có cái đầu nhỏ bé và khuôn mặt thon thả, nên bất chấp bộ váy áo màu sẫm cùng vẻ trang nghiêm buồn bã của bà, nom bà nhiều khi vẫn như thiếu phụ hoàn toàn trẻ trung.
      Lúc ấy, cậu bé Aulux, vốn đã kết thân với Vinixius trong thời gian chàng còn ở nhà này, bước lại gần chàng và mời chàng cùng chơi bóng. Theo sau cậu bé, cả nàng Ligia cũng bước vào yến đình. Dưới bức rèm của những cây trường xuân, với những điểm sáng lung linh trên nét mặt, ông Petronius thấy nàng càng xinh đẹp hơn hẳn lúc mới thoạt nhìn, và quả thực, trông nàng hệt như một thiếu nữ. Vì đến lúc ấy ông chưa nói lời nào với nàng, ông bèn nhỏm dậy, cúi đầu về phía nàng và thay cho những lời xã giao thông thường, ông cất tiếng đọc những lời mà chàng Ôđyxê đã dùng để chào hỏi nàng Nauzyka:
      Ta không rõ nàng là thần tiên hay người trần thế,
      Song nếu nàng là con của đất hạ giới này
      Thì phúc đức thay bậc cha mẹ đã sinh nàng,
      Và may mắn thay cho anh em ruột thịt…
      Cả đến bà Pomponia cũng thấy thích thú bởi sự lịch thiệp đầy trang nhã của con người quảng giao ấy. Còn Ligia, nghe thấy những lời ấy, nàng bối rối đỏ bừng mặt, không dám ngước mắt nhìn lên. Song dần dần, khoé môi nàng bắt đầu rung rung một nét cười tinh nghịch, và trên nét mặt nàng có thể nhận thấy sự tranh chấp giữa nỗi ngượng ngùng trinh nữ với ý muốn được cất tiếng đáp lời, rồi sau, hẳn là cái ý muốn kia giành phần thắng, nên nàng ngẩng đầu nhìn Petronius, rồi trả lời ông bằng chính lời lẽ của nàng Nauzyka, nhưng đọc thẳng một hơi như trả lời bài đọc thuộc lòng:
      Chàng đâu phải kẻ tầm thường - và trí óc chàng cũng chẳng tầm thường.
      ….
      Rồi quay ngoắt người, nàng chạy vụt đi, như một con chim hoảng hốt bay trốn.
      Lúc này đến lượt Petronius kinh ngạc, bởi ông không sao ngờ rằng sẽ được nghe tiếng thơ của Homer từ miệng một thiếu nữ có gốc gác dã man mà trước đó Vinixius đã nói cho ông biết. Ông đưa mắt hỏi bà Pomponia, song bà không thể trả lời ông, vì lúc ấy bà đang mỉm cười ngắm nhìn vẻ tự hào hiện rõ trên nét mặt ông Aulux.
      Ông Aulux không thể nào giấu nổi lòng tự hào. Trước hết, bởi vì ông gắn bó với Ligia như với con đẻ, sau nữa, mặc dù những định kiến Cổ La Mã của ông bắt ông chống lại nền văn hóa Hi Lạp cũng như việc phổ biến nền văn hóa ấy, song chính ông vẫn coi nó là đỉnh cao của phép xã giao bằng hữu. Bản thân ông chưa bao giờ được học tập nền văn hóa đó cho đến đầu đến đũa - điều mà ông thầm đau xót - nên giờ đây ông sung sướng khi thấy đức ông sang trọng kiêm văn sĩ này, kẻ có lẽ sẵn sàng coi gia đình ông là một gia đình mọi rợ, đã được trả lời bằng tiếng nói, bằng tiếng thơ của Homer ngay tại chính nhà ông.
      - Ở nhà chúng tôi có gia sư người Hi Lạp, - ông quay lại nói với Petronius, - người đó dạy dỗ cháu trai của chúng tôi, còn con bé chỉ nghe lỏm các bài học mà thôi. Cháu nó còn láu táu, nhưng là sự láu táu đáng yêu(10) mà cả hai chúng tôi đều quen rồi.
      Lần này, Petronius nhìn qua những cành trường xuân và kapryfolium(11) trông ra vườn ngắm nhìn bộ ba đang chơi đùa. Chàng Vinixius đã cởi bỏ áo toga, chỉ mặc áo tunica, ném bổng một trái bóng lên không, còn Ligia đứng ở phía bên đối diện vươn tay lên bắt bóng. Thoạt nhìn qua, thiếu nữ không gây cho ông Petronius một ấn tượng gì đáng kể. Ông cho là nàng hơi quá mảnh mai. Nhưng từ sau lúc nhìn nàng gần hơn trong gian yến đình, ông chợt nghĩ rằng có lẽ nữ thần Rạng Đông dung mạo cũng giống như nàng, và vốn là người sành sỏi, ông nhận thấy ngay ở nàng một cái gì đó khác thường. Ông để ý và đánh giá tất cả, khuôn mặt trong trẻo hồng hào, làn môi thanh khiết tựa như đang chúm thành một nụ hôn, cặp mắt xanh biếc như màu biển thắm, vẻ trắng tinh của vầng trán, sự tươi tốt của mái tóc màu sẫm với những gợn sóng óng ả sắc hổ phách hoặc màu đồng thau Koryntơ, cái cổ nhẹ nhõm và bờ vai xuôi đầy vẻ thiên thần, và toàn bộ vóc dáng mềm mại, mảnh mai, tươi trẻ sức xuân của tháng năm, sức xuân của những bông hoa vừa hé nở. Người nghệ sĩ và kẻ tôn thờ Cái Đẹp trong ông bừng tỉnh, ông cảm thấy rằng, dưới pho tượng của nàng thanh nữ này hẳn phải đề hai chữ: “Nàng Xuân”. Bỗng nhiên, ông chợt nghĩ đến cô nàng Khowryzotemix và mỉm một nụ cười trống rỗng. Với bụi phấn vàng rắc trên mái tóc, với cặp lông mày tô đen, đối với ông, cô nàng bỗng úa tàn như trong một câu chuyện thần thoại, nàng là một thứ gì giống như những cánh hoa hồng héo úa thảm thương. Ấy thế mà cả Roma đã phải ghen với ông chính vì cái cô nàng Khowryzotemix ấy. Rồi ông lại nghĩ tới nàng Poppea, và cả nàng Poppea lừng danh ấy đối với ông cũng chỉ có vẻ như một cái mặt nạ bằng sáp không hồn. Còn cô thiếu nữ với vóc dáng như những bức tượng xứ Tanagra này thì không những chỉ là mùa xuân thôi - nàng chính là nữ hoàng Pxyse lộng lẫy ánh hào quang, ánh hào quang phát ra từ cơ thể hồng hào của nàng, tựa như ngọn lửa tỏa sáng qua bóng đèn vậy.
      “Vinixius nói phải,” - ông nghĩ thầm, - “còn Khowryzotemix của ta già cỗi như thành Tơroa vậy!”
      Ông quay sang phía bà Pomponia Grexyna, và trỏ ra vườn, ông nói:
      - Bây giờ tôi hiểu ra rằng, thưa domina, với hai đứa trẻ thế này thì hẳn ông bà thích ở tại gia hơn là dự yến tiệc ở điện Palatyn hay đến các hý trường.
      - Thưa vâng, - bà đáp và đưa mắt về phía cậu bé Aulux và Ligia.
      Còn vị lão tướng bắt đầu kể lai lịch cô gái, và thuật lại những điều mà nhiều năm về trước, ông nghe Atelius Hixter kể về dân tộc Ligi sống trong bóng tối phương bắc.
      Đám thanh thiếu niên đã thôi chơi bóng và đang đi dạo trên nền cát trải trong vườn, trên cái nền màu tối của những cây sim thơm và cây trắc bá, họ nổi bật lên như ba pho tượng màu trắng. Ligia dắt tay chú bé Aulux. Đi dạo một lúc, họ ngồi xuống cạnh bồn nước nhỏ giữa vườn. Một lúc sau, chú bé Aulux bật dậy để dọa lũ cá đang bơi lội trong làn nước trong vắt. Còn Vinixius thì tiếp tục câu chuyện đã bắt đầu từ lúc đi dạo:
      - Chính vậy đó, - chàng nói bằng giọng trầm trầm và run run, - vừa lớn lên là người ta đã phái tôi tới các chiến đoàn Á Châu. Tôi chưa hề được biết thành đô, cũng như đời sống và ái tình. Tôi thuộc lòng được một ít thơ Anakreontơ và Horaxius, song tôi không thể đọc nổi thơ như cậu Petronius vào lúc mà trí óc tôi bị choáng đi vì lòng ngưỡng mộ, tôi không sao tìm ra nổi lời cho mình. Hồi hãy còn là một đứa trẻ, tôi học ở trường của Muzonius, người thường nói với chúng tôi rằng hạnh phúc chính là sự ham muốn những gì mà các vị linh thần ham muốn, nghĩa là hạnh phúc tùy thuộc vào ý chí của chúng ta. Song tôi lại nghĩ rằng, còn có một thứ hạnh phúc khác nữa, to lớn hơn và quý giá hơn, thứ hạnh phúc không lệ thuộc vào ý chí, bởi vì chỉ có tình yêu mới cho ta có được thứ hạnh phúc đó mà thôi. Chính các thần cũng phải tìm kiếm thứ hạnh phúc ấy, vậy nên tôi, hỡi nàng Ligia, kẻ chưa từng được nếm mùi tình ái cho tới nay, cũng theo các thần đi tìm người thiếu nữ muốn mang lại cho tôi hạnh phúc…
      Chàng nín lặng, và suốt giây lâu chỉ nghe thấy tiếng nước reo lóc bóc do những hòn sỏi mà cậu bé Aulux ném dọa lũ cá gây ra. Lát sau, Vinixius lại cất tiếng, giọng chàng càng trở nên mềm mại và khẽ khàng hơn nữa:
      - Nàng hẳn biết chàng Tytux, con trai của ngài Vexpazian? Người ta nói rằng, vừa qua tuổi hoa niên, chàng đã say mê nàng Berenika đến nỗi suýt nữa nỗi tương tư đã hút cạn sinh lực của chàng… Ôi, Ligia, tôi cũng có thể biết yêu như thế… của cải, quang vinh, quyền bính - chỉ là những đám phù vân rỗng tuếch. Kẻ giàu sẽ tìm ra người giàu có hơn mình, kẻ vinh quang sẽ bị che lấp đi bởi một ánh vinh quang của người khác còn lớn hơn, kẻ hùng mạnh sẽ bị người hùng mạnh hơn chinh phục… Song liệu Hoàng đế, liệu có vị linh thần nào có được nỗi sung sướng và hạnh phúc hơn một kẻ trần tục không bất tử thường tình được chăng, khi ngực chàng được kề bên một lồng ngực thân yêu, khi chàng hôn lên đôi môi yêu quý…? Cho nên, hỡi nàng Ligia, tình yêu sẽ làm cho chúng ta sánh ngang với các thần.
      Nàng nghe, lòng lo lắng và kinh ngạc, song đồng thời lại ngỡ mình được nghe tiếng sáo Hi Lạp réo rắt hay như tiếng đàn tranh. Đôi lúc nàng ngỡ như Vinixius đang hát một khúc ca kỳ diệu nào đó, khúc ca ấy thấm vào tai nàng, làm xao động bầu máu nàng, đồng thời xâm chiếm trái tim nàng bằng một sự choáng ngợp, một nỗi e sợ và một niềm vui xôn xao khó hiểu nào đó. Và nàng cũng ngỡ như chàng đang nói điều gì đó đã từng có sẵn trong lòng nàng, song tự nàng chưa hiểu nổi. Nàng cảm thấy chàng làm tỉnh thức trong nàng một thứ gì đó cho tới nay vẫn còn đang say ngủ, rằng chính lúc này đây, giấc mộng ẩn hiện trong làn sương mơ màng đang hiện thành những hình nét, mỗi lúc một rõ hơn, mỗi lúc một đáng yêu, mỗi lúc một tuyệt vời hơn.
      Lúc đó, mặt trời đã ngả sang bên kia sông Tyber từ lâu và hạ thấp xuống gần ngọn đồi Janikun. Ráng đỏ chiếu xuống những cây trắc bá bất động và cả bầu khí quyển tràn ngập ánh chiều. Ligia ngước đôi mắt xanh biếc như vừa sực tỉnh giấc mơ lên nhìn Vinixius. Và thốt nhiên, đối với nàng, chàng trai đẫm ánh hoàng hôn đang cúi nhìn nàng với lời khẩn cầu lung linh trong mắt, trở nên xinh đẹp hơn hết thảy mọi người, hơn cả những vị thần Hi Lạp và La Mã, những vị thần mà nàng vẫn thường thấy được đặt tượng ở mặt trước thánh đường. Những ngón tay chàng khẽ khàng nắm lấy tay nàng, phía trên cổ tay một chút, và chàng hỏi:
      - Ơi Ligia, lẽ nào nàng không đoán ra tại sao tôi lại nói những lời ấy với nàng chăng?...
      - Không - nàng thì thầm rất khẽ, chỉ vừa đủ cho Vinixius nghe. Song chàng không chịu tin và kéo tay nàng mỗi lúc một mạnh hơn, để áp lên trái tim đang đập dồn dập bởi mỗi khao khát vừa được nàng thiếu nữ tuyệt vời làm cho tỉnh thức, và suýt nữa thổ lộ thẳng với nàng những lời cháy bỏng, nếu như trên lối đi nhỏ được đóng khung giữa những bụi sim thơm, ông già Aulux không xuất hiện. Ông bước lại gần và nói:
      - Mặt trời sắp lặn rồi, các người hãy đề phòng cái lạnh ban chiều và đừng bỡn cợt với Libitynia.
      - Thưa không ạ, - Vinixius đáp, - cháu không mặc áo toga mà vẫn không thấy lạnh.
      - Mặt trời lặn xuống núi một nửa rồi, - vị lão tướng đáp, - cứ như là cái khí hậu dễ chịu ở Xyxilia, nơi chiều chiều cư dân thường tụ tập trên bãi chợ để hát đồng ca giã từ thần Feba đang lặn đi vậy.
      Và quên bẵng đi rằng mình vừa mới nhắc nhở phải đề phòng Libitynia, ông lão lại bắt đầu kể chuyện về hòn đảo Xyxilia, nơi ông có những trang ấp và nông trại lớn mà ông rất say mê. Ông nói rằng nhiều khi ông định chuyển hẳn ra Xyxilia để được sống một cuộc đời bình lặng tại đó. Ông đã chán ngán cái cảnh băng giá giữa mùa đông, những mùa đông đã làm cho mái đầu ông nhuốm bạc. Cây còn chưa rụng lá và bầu trời rộng lượng hãy còn đang mỉm cười trên thành phố, song khi những dây nho úa vàng, khi tuyết bắt đầu rơi trên dãy núi Anban, khi các vị thần cỡi những cơn lốc tuyết tới thăm vùng đồng bằng Kampania, thì chưa chừng ông cùng cả gia quyến chuyển về cái dinh thự ấm cúng ở nông thôn cũng nên.
      - Ngài muốn rời bỏ Roma ư, thưa ngài Plauxius? - Vinixius hỏi với một nỗi lo lắng bất thần.
      - Tôi mong muốn điều ấy đã lâu, - Ông Aulux đáp.
      Rồi ông lại tiếp tục ngợi ca những khu vườn, đàn gia súc của ông, ngôi nhà ẩn trong cây lá xanh tươi và những quả đồi phủ đầy thạch xương bồ và cỏ xạ hương với tiếng rì rào của những đàn ong mật. Song Vinixius không chú ý đến cái “khúc nhạc đồng quê” ấy, chàng chỉ nghĩ tới một điều là chàng có thể bị mất Ligia, và chàng liền nhìn về phía Petronius, dường như chờ đợi ở ông sự ứng cứu độc nhất.
      Trong khi đó, ngồi cạnh bà Pomponia, Petronius thích thú ngắm cảnh mặt trời lặn, ngắm khu vườn và những người đang đứng cạnh khu ươm cây. Những bộ quần áo màu trắng của họ được ánh chiều nhuộm vàng rực nổi bật lên trên nền mầu tối của những cây sim thơm. Trên trời, ráng chiều gần ngả sang màu tía, màu tím rồi chuyển thành màu đá tản bạch. Vòm trời nhuốm màu lam tím, hình bóng đen thẫm của những cây trắc bá nổi lên còn rõ nét hơn so với ban ngày, và sự thanh thản ban chiều tràn ngập cả con người lẫn cây cối trong toàn khu vườn.
      Vẻ thanh thản này tác động mạnh tới ông Petronius đặc biệt là vẻ thanh thản ở những con người. Trên nét mặt của bà Pomponia, của ông Aulux, đứa con trai của họ cũng như nàng Ligia có vẻ gì đó mà ông ít khi được thấy trên những bộ mặt khác, những bộ mặt ngày ngày - hay nói đúng hơn: đêm đêm - vẫn vây quanh ông, trên nét mặt họ có một thứ ánh sáng nào đó, một sự dịu dàng bình thản nào đó, xuất phát trực tiếp từ cuộc sống mà người ta đang sống nơi đây.
      Và ông chợt ngạc nhiên khi nhận ra rằng, có thể tồn tại một cái đẹp và một sự dịu ngọt mà chính ông - con người luôn luôn săn tìm cái và đẹp sự dịu ngọt - chưa từng bao giờ được biết đến. Không giấu nổi ý nghĩ ấy, ông quay sang nói với bà Pomponia:
      - Tôi thầm cân nhắc trong lòng: cái thế giới của ông bà mới khác cái thế giới mà Ngài Nerô của chúng ta đang ngự trị làm sao.
      Bà Pomponia ngước khuôn mặt thon nhẹ của mình lên nhìn ráng chiều và đáp lại một cách tự nhiên:
      - Không phải Nerô mà là Đức Chúa đang ngự trị thế giới.
      Một giây yên lặng. Có thể nghe thấy tiếng bước chân của vị tướng già, Vinixius, Ligia và chú bé Aulux ở gần yến đình. Trước khi họ đến, Petronius còn hỏi thêm:
      - Vậy ra bà vẫn còn tin vào các vị thần linh ư, hỡi Pomponia?
      - Tôi tin vào Đức chúa, Người là duy nhất, công minh và toàn năng - vị phu nhân của ông Aulux Plauxius đáp.
      Chú thích:
      (1) Nguyên văn: manipul - đơn vị chiến thuật trong quân đội La Mã, chừng 100 - 200 lính, gồm hai xenturia và bằng 1/10 - 1/30 legion
      (2) Nguyên văn: bula - loại khánh đeo lên cổ tay trẻ em ở Cổ La Mã, chỉ được tháo ra khi đến tuổi trưởng thành (với con trai) hay khi xuất giá (với con gái)
      (3) Carissime (Latinh)
      (4) Quiryt: tên gọi chính thức các công dân có đủ thẩm quyền ở Cổ La Mã.
      (5) Chào (Latinh)
      (6) Người chỉ có một chồng, chính chuyên (Latinh)
      (7) Chức võ quan trong quân đội La Mã, chỉ huy xenturia (đơn vị 100 -200 quân). Còn gọi là bách phu trưởng.
      (8) Augusta: tên thường dùng để gọi hoàng hậu các triều hoàng đế cổ La Mã một cách kính cẩn
      (9) Nữ thánh (Latinh)
      (10) Nguyên văn: đó là một con chim Pliska, song là một con chim Pliska đáng yêu.
      (11) Pliska (Motacilla) là một giống chim nhỏ có chiếc đuôi rất linh hoạt


      ST
      Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

      Comment


      • #4
        T1 - Chương 3

        - Bà ta tin vào một Đức Chúa duy nhất, toàn năng và công minh - Petronius nhắc lại khi ông ngồi vào kiệu cùng với Vinixius. - Nếu quả Đức Chúa của bà ta là toàn năng thì ông ta sẽ cai quản được cả sự sống lẫn cái chết, nếu như ông ta lại công minh nữa thì hẳn là ông ta phải phân phát cái chết một cách hợp lý. Vậy thì tại làm sao bà Pomponia lại còn phải để tang Julia? Thương tiếc Julia thì cũng có nghĩa là bà ta đã phê phán Đức Chúa của mình. Cậu phải lặp lại các lập luận này với con khỉ râu đỏ của chúng ta mới được, bởi cậu cho rằng, trong phép biện chứng thì cậu sánh ngang với Xocrtex. Còn nói về đàn bà, cậu thừa nhận rằng mỗi mụ có tới ba bốn linh hồn, song chẳng mụ nào có được một linh hồn biết tư duy cả. hãy để cho bà Pomponia cùng với Xeneka hay Kornulux suy xét xem cái logox(1) vĩ đại của họ. Họ là cái quái gì… Cứ để cho họ cùng nhau kêu gọi hương hồn của Kxenofanex Paemenid, Zenon và Platon đang buồn chán ở xứ sở Kimery, giống như những con chim bạch yến bị giam hãm trong lồng. Còn cậu, cậu muốn nói với bà ta và ông Plauxius về chuyện kia. Thề trên cái bụng thiêng liêng của nữ thần Izyx người Ai Cập! Giả như cậu nói thẳng với họ mục đích của chúng ta thì e rằng các đức hạnh của họ sẽ kêu vang lên như một cái đĩa bằng đồng bị cái dùi cui đập vào vậy. Song cậu đâu dám thế! Cậu không dám thật đấy, Vinixius! Lũ công là một loài chim đẹp, nhưng kêu kinh lắm. Mà cậu thì lại sợ tiếng kêu. Song cậu cũng phải khen cho sự lựa chọn của anh đấy. Quả là một “Nữ thần Rạng Đông với những ngón tay hồng”… Anh có biết nàng gợi cho cậu nghĩ tới điều gì không? - Mùa xuân! - Mà không phải mùa xuân ở Italia của chúng ta, nơi những cành táo mới trổ hoa, còn những câu ô liu đang xám xịt đi như đã bị xám bao đời, mà là thứ Mùa xuân có hồi cậu được chiêm ngưỡng ở Henvexia mùa xuân tươi trẻ, trinh khiết, xanh nõn nà… Thề có vầng nguyệt Xelena nhợt nhạt kia, cậu không ngạc nhiên về anh đâu. Marek ạ, song anh cũng nên biết rằng anh vốn mến nữ thần Điana, còn ông Aulux và bà Pomponia thì lại sẵn sàng xé xác anh ra, như hồi nào đàn chó đã xé xác Akteon vậy.
        Không ngẩng đầu lên, Vinixius im lặng giây lâu, rồi bằng một giọng nói đứt quãng bởi nỗi khát vọng, chàng trai nói:
        - Trước kia cháu khao khát nàng, giờ đây cháu lại càng khao khát nàng gấp bội. Khi cháu cầm lấy tay nàng, cháu tưởng như bốc lửa… Cháu phải có được nàng. Giá cháu là thần Zeux, cháu sẽ cuộn chặt nàng vào trong mây như thần đã vây bọc nàng lô vậy, hoặc sẽ làm những hạt mưa vàng rơi xuống với nàng như thần đã xuống với nàng Đanae. Cháu muốn hôn siết môi nàng đến đau đớn. Cháu muốn được nghe tiếng kêu thét của nàng trong vòng tay của cháu. Cháu sẵn sàng giết chết cả ông Aulux lẫn bà Pomponia để cướp lấy nàng và ôm trên tay mang về nhà cháu. Hôm nay cháu sẽ không ngủ. Cháu phải ra lệnh hành hạ một tên nô lệ nào đó để được nghe tiếng kêu la của nó…
        - Hãy bình tĩnh lại nào - Petronius bảo - Anh có những ý muốn của bọn thợ mộc ở khu Xubura rồi đấy.
        - Dù sao mặc lòng, nhất định cháu phải chiếm cho được nàng. Cháu đã đến để cầu xin lời khuyên bảo của cậu, nếu như cậu không tìm ra phương sách, thì cháu sẽ tự tìm lấy… Ông Aulux xem Ligia như con gái thì tại sao cháu lại phải coi nàng là nô tỳ? Vậy, nếu như không còn cách nào khác thì hãy để cho nàng được làm người vợ hiền quấn tơ ở cửa nhà cháu, xoa mỡ sói lên đó và ngồi bên bếp lửa nhà cháu.
        Hãy bình tĩnh lại đi, hỡi đứa con cuồng nộ, dòng dõi các vị chấp chính quan tối cao! Không phải chúng ta buộc dây lôi lũ dân mọi rợ đó theo sau xe của chúng ta là để cưới đám con gái của chúng nó. Chớ có làm liều! Hãy biết tận dụng những biện pháp đơn giản và trung thực trước đã, hãy để cho cả anh lẫn ta có thì giờ suy nghĩ. Ta cũng đã từng coi Khowryzotemix như con gái của chính thần Jupiter, nhưng ta vẫn không lấy nàng làm vợ, cũng như Nerô không cưới Akte, mặc dù hắn đã dựng nàng thành con gái của vua Attan. Bình tâm lại đi… Anh thử nghĩ xem, nếu như vì anh, nàng muốn rời bỏ nhà họ Aulux, thì họ đâu có quyền giữ nàng lại, thêm nữa tự anh cũng biết đấy, đâu phải chỉ mỗi mình anh sôi sục, mà ngay cả ở nàng nữa, thần ái tình Erox cũng đã nhen một ngọn lửa lên rồi… Chính ta nhận thấy điều đó, mà lời ta thì cần phải tin. Hãy biết kiên nhẫn chút nào! Việc gì cũng sẽ có cách hết, nhưng hôm nay thì cậu cũng đã phải suy nghĩ quá nhiều nên mệt rồi. Cậu hứa với anh là ngày mai cậu sẽ suy nghĩ về chuyện ái tình của anh và có lẽ Petronius sẽ không phải là Petronius nữa nếu như hắn không tìm ra được một phương sách nào đó.
        Cả hai lại im lặng, mãi sau Vinixius mới cất tiếng nói, đã bình tĩnh hơn:
        - Xin cảm ơn cậu, cầu mong Thần Tài Fortuna sẽ hào phóng với cậu.
        - Hãy kiên tâm
        - Cậu cho cáng đến đâu thế ạ?
        - Đến nhà Khowryzotemix…
        - Cậu thật là hạnh phúc, vì cậu có được con người mà cậu yêu dấu.
        - Cậu ấy à? Anh có biết điều gì ở Khowryzotemix còn làm cậu thú vị không? Đó chính là vì nàng phản bội cậu để ngoại tình với một tên nô lệ giải phóng của cậu, thằng cha Teoklex chuyên đánh thi cầm, mà vẫn nghĩ rằng cậu không hề nhận thấy chuyện đó. Cũng đã có lúc cậu từng yêu nàng, còn bây giờ thì những điều dối trá và ngu ngốc của nàng lại khiến cho cậu thích thú. Anh hãy cùng cậu đến chỗ nàng. Nếu như nàng bắt đầu ve vãn anh và dùng ngón tay chấm vào rượu nho để viết chữ lên mặt bàn, thì xin anh hãy nhớ cho rằng cậu không phải là kẻ hay ghen đâu nhé!
        Và họ ra lệnh cho cáng đến nhà Khowryzotemix.
        Song, khi vào đến gian tiền đình, Petronius chợt đặt tay lên vai Vinixius và bảo:
        - Khoan đã, hình như cậu đã nghĩ ra một cách.
        - Cầu tất cả các vị thần ban thưởng cho cậu…
        - Phải rồi! Ta cho rằng cách này là chắc chắn. Này Marek…
        - Cháu nghe đây, hỡi thần Atena của cháu…
        - Chỉ vài ngày nữa thôi là nàng Ligia thần thánh sẽ được ăn những hạt giống của nữ thần Đemeter ở nhà anh(2)
        - Cậu thật vĩ đại hơn cả Hoàng đế! - Vinixius reo lên vì sung sướng.
        Chú thích:
        (1) Loài cây mọc hoang ở châu Á và Nam Âu, được trồng làm cây cảnh (Lonicera caprifolium), thuộc họ Kim ngân. Theo triết học của phái khổ hạnh, Logox là động lực của thế giới, vũ trụ. Theo triết học Filon, Logox là con của Đức Chúa, là mực thước của thế giới. Theo Tin lành của Jan, Logox chính là Đức Chúa Trời, được hiện hình trong hình tượng chúa Jexu.
        (2) Đemeter trong thần thoại Hy Lạp (hey Xerex trong thần thoại La Mã) là nữ thần ngũ cốc, của sự gieo hạt, của đất đai màu mỡ, là biểu tượng cho sự bất tử của linh hồn.


        ST
        Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

        Comment


        • #5
          T1 - Chương 4

          Petronius đã giữ đúng lời hứa. Hôm sau, sau cuộc thăm viếng Khowryzotemix, tuy ngủ cả ngày, nhưng đến chiều tối ông ra lệnh cho cáng đến cung điện Palatyn và chuyện kín với Nerô. Do kết quả của cuộc trò chuyện đó, ngày hôm sau nữa, trước cửa nhà ông Plauxius xuất hiện một viên xenturion cầm đầu một toán lính cấm vệ hơn mười tên.
          Đó là một thời kỳ phấp phỏng và kinh hoàng. Thường thường, các vị sứ giả loại này là người mang tới sự chết chóc. Chính vì vậy, kể từ lúc viên xenturion gõ búa vào cửa nhà ông Aulux và tên cai quản gian chính sảnh báo tin bọn lính đã kéo đến trước gia môn thì sự kinh hoàng trùm lên cả gia đình. Gia đình quây chung quanh vị lão tướng, vì ai cũng nghĩ rằng mối nguy hiểm này treo lơ lửng trên đầu ông trước hết. Choàng tay ghì chặt lấy chồng, bà Pomponia nép sát vào người ông, đôi môi tái nhợt của bà run lên bần bật, thốt ra những lời lẩm bẩm. Ligia mặt nhợt nhạt, hôn mãi tay ông, còn chú bé Aulux thì túm chặt lấy chiếc áo toga của ông. Từ các hành lang, từ các phòng trên gác và các phòng ở của gia nhân, từ nhà ở của đám gia nô, từ nhà tắm, từ nhưng gian buồng ở phía dưới, từ khắp mọi xó xỉnh trong nhà, nô lệ và nô tỳ túa cả ra. Nghe rõ tiếng than vãn: “heu heu me miserum”(1). Đàn bà khóc nức nở, một số người đã bắt đầu cào cấu mặt mày hoặc lấy khăn trùm kín đầu.
          Chỉ riêng mình vị lão tướng, bao năm nay từng quen nhìn thẳng vào mặt cái chết là vẫn bình tĩnh, riêng khuôn mặt đại bàng hơi ngắn của ông như hóa đá. Sau khi đã làm lặng bớt những tiếng ồn ào và ra lệnh cho đám gia nhân tản đi, ông nói:
          Hãy buông tôi ra nào, bà Pomponia. Nếu như ngày tận thế đã đến với tôi thì chúng ta cũng hãy còn thì giờ để vĩnh biệt nhau kia mà.
          Và ông nhẹ nhàng đẩy bà ra, còn bà thì thốt lên:
          Số mạng của ông cũng chính là số mạng của tôi đó, ông Aulux ơi!
          Rồi quỳ thụp xuống, bà bắt đầu cầu nguyện một cách khẩn thiết, dường như chỉ có nỗi lo sợ cho sự sống còn của sinh linh thân yêu mới khiến bà bắt đầu cầu nguyện khẩn thiết đến thế.
          Ông Aulux bước ra gian chính sảnh thông thiên, nơi viên xenturion đang chờ ông. Đó là Kaius Haxta, nguyên là một kẻ dưới quyền và một chiến hữu của ông từ cuộc chiến tranh Brytania.
          - Xin kính chào tướng quân - ông ta nói - Tôi mang tới cho ngài mệnh lệnh và lời chúc sức khỏe của Hoàng thượng, còn đây là lệnh tiễn và ngự phù chứng tỏ rằng tôi đến đây nhân danh Người.
          - Đa tạ Hoàng thượng về lời chúc và xin phụng mệnh Hoàng thượng - ông Aulux đáp - Xin chào ngài Haxta, xin ngài hãy nói xem ngài mang đến chiếu chỉ về chuyện gì vậy?
          - Kính thưa ngài Aulux Plauxius. - Haxta bắt đầu - Hoàng thượng biết rằng trong nhà ngài hiện có con gái của vua người Ligi, kẻ mà từ thửa sinh thời của hoàng đế Klaudius hiển linh, vua nước ấy đã nộp cho người La Mã làm tin, rằng dân Ligi sẽ không bao giờ vi phạm biên giới của đế quốc ta. Hoàng đế Nerô thần thánh sẽ biết ơn ngài, thưa tướng quân, vì suốt ngần ấy năm ngài đã cho cô công chúa ấy được hưởng lòng mến khách tại gia, song Hoàng thượng không muốn phiền gia đình ngài lâu hơn nữa, đồng thời Hoàng thượng cho rằng, vốn là con tin, nàng phải được đặt dưới sự chăm lo của chính Hoàng thượng cùng nguyên lão viện, vì vậy Hoàng thượng truyền cho ngài hãy giao lại nàng cho tôi đây.
          Là một người lính, một người đàn ông đã được tôi luyện dạn dày, ông Aulux không thể cho phép mình bộc lộ sự bất bình, không phàn nàn, không thốt ra những lời vô nghĩa đối với mệnh lệnh, song trán ông hằn lên nét nhăn của cơn cuồng nộ và nỗi đớn đau. Đã có lúc, những đạo quân Brytania từng phải run rẩy trước cái nhíu mày như thế, thậm chí ngay cả lúc này đây, trên nét mặt Haxta cũng hiện lên một nỗi hãi hùng. Song bây giờ đứng trước chiếu chỉ, ông Aulux cảm thấy mình bất lực. Suốt một hồi lâu ông nhìn chằm chằm vào lệnh tiễn và ngự phù, rồi ngước mắt lên nhìn viên xenturion tuổi tác, ông nói với giọng đã bình tĩnh trở lại:
          - Hỡi Haxta, xin hãy chờ cho một lát ở chính sảnh, đứa con tin ấy sẽ được giao cho ngài.
          Sau những lời ấy, ông đi sang đằng kia ngôi nhà, đến phòng làm việc được gọi là oecus, nơi bà Pomponia Grexyna, nàng Ligia và chú bé Aulux đang lo lắng hãi hùng chờ ông tới.
          - Sẽ không có ai phải chết hay bị đày đi đảo xa đâu - ông nói - song sứ giả cũng vẫn là kẻ mang tới điều bất hạnh. Chuyện về con đấy, Ligia ạ.
          - Về Ligia ư? - bà Pomponia kêu lên kinh ngạc.
          - Chính vậy - ông Aulux đáp.
          Rồi quay sang phía nàng, ông nói:
          - Ligia con, con được nuôi nấng trong gia đình chúng ta như một đứa con ruột thịt, cả ta lẫn bà Pomponia đều yêu con như con rứt ruột đẻ ra. Nhưng chính con cũng biết đấy, con không phải là con gái của chúng ta. Con là con tin mà dân tộc con đã nộp cho La Mã, và việc chăm lo cho con thuộc về Hoàng đế. Giờ đầy Hoàng đế bắt con rời khỏi nhà chúng ta đấy.
          Vị thủ lĩnh nói bình tĩnh, nhưng bằng một giọng kỳ lạ khác thường. Nghe những lời ông nói Ligia chớp mắt, dường như nàng không sao hiểu nổi ông nói gì. Gò má bà Pomponia thì trắng nhợt ra. Ở các cửa phòng thông từ ngoài hành lang vào phòng tiệc lại lấp ló những bộ mặt kinh sợ của đám nô tỳ.
          - Ý muốn của Hoàng thượng phải được thực hiện, ông Aulux nói.
          - Ông Aulux! - Bà Pomponia kêu lên, ôm chầm lấy Ligia, dường như bà muốn che chở cho nàng - thà là để cho con nó được chết đi còn hơn.
          Còn Ligia ép sát vào ngực bà nức nở lặp đi lặp lại: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!" bởi nàng không sao thốt ra được lời nào khác nữa.
          Trên mặt ông Aulux lại xuất hiện ra nét giận giữ pha lẫn nỗi đớn đau.
          - Giá như tôi chỉ có một thân một mình trên đời - ông nói buồn bã - tôi sẽ không bao giờ chịu nộp con một khi nó còn sống: Họ hàng của tôi sẽ có thể dâng lên thần Jo Liberator những đồ tế hiến cho chúng tôi. Nhưng tôi không có quyền giết chết cả bà lẫn thằng bé nhà ta, kẻ có thể sống được tới những ngày hạnh phúc hơn… Ngay ngày hôm nay tôi sẽ xin yết kiến Hoàng thượng và cầu xin Người thay đổi quyết định. Người có chịu nghe lời tôi hay không - tôi không biết. Còn con Ligia, ta cầu cho nó luôn được bằng an và hãy nhớ rằng cả ta lẫn bà Pomponia bao giờ cũng cầu Thượng đế ban phước cho cái ngày con được nhập vào tổ ấm của chúng ta.
          Nói xong, ông đặt tay lên đầu nàng, song mặc dầu ông cố tỏ ra bình tĩnh, lúc Ligia hướng đôi mắt đầm lệ lên nhìn ông rồi ôm lấy tay ông mà áp chặt môi nàng vào đó, thì trong giọng nói của ông vẫn run lên nỗi đau xót của sâu thẳm của người cha.
          - Từ biệt con, hỡi niềm vui sướng của chúng ta, hỡi ánh sáng trong mắt chúng ta! - ông thốt lên.
          Rồi ông vội vàng quay trở lại gian chính sảnh thông thiên để tránh không cho nỗi xúc động thắng thế, nỗi xúc động không xứng với người La Mã, với một vị tướng.
          Trong khi ấy, bà Pomponia đưa Ligia về phòng ngủ, cố an ủi nàng, động viên, cổ vũ nàng và nói những lời ngụ ý kỳ lạ trong ngôi nhà này, nơi mà ngay cạnh đấy, trong khám thờ sát kề bên, vẫn có điện thờ ông Táo và lò lửa, trên đó ông Plauxius - người vốn vẫn trung thành với phong tục cổ xưa - vẫn thường hiến lễ các loại lễ vật dâng lên các vị thần. Thời thử thách đã tới rồi. Ngày trước, Virginius đã tự tay đâm thủng ngực đứa con gái ruột thịt của ông để tránh cho nàng khỏi rơi vào tay Appius: Thời xa xưa hơn nữa, nàng Lukrexia cũng đã dùng cái chết để tránh khỏi nỗi ô nhục. Ngôi nhà của Hoàng đế là hang ổ của sự ô nhục, của điều dữ, của tội ác. “Song chúng ta, Ligia con, chúng ta lại hiểu rõ vì sao chúng ta không có quyền tự hại bản thân mình!...”. Chính thế! Thứ luật lệ mà cả người thuận theo khác biệt hơn, to lớn hơn, thiêng liêng hơn, nó cho phép tự vệ chống lại sự dữ và nỗi ô nhục, dù sự tự vệ ấy phải đánh đổi bằng mạng sống hay bằng nhục hình. Ai trong chốn ô uế bước ra mà vẫn trong sạch, thì công tích của kẻ ấy càng lớn hơn. Trái đất là một chốn đầy ô uế như thế, song may mắn làm sao, đời người lại chỉ là một chớp mắt mà thôi, và từ nấm mộ của mình con người sẽ được phục sinh để sau đó không còn có Nerô trị vì nữa, mà sẽ là Đấng Nhân Từ, thay cho nỗi xót đau sẽ là niềm vui sướng, thay cho những giọt lệ sẽ là các hội vui.
          Rồi bà bắt đầu nói về bản thân mình. Phải! Bà vốn bình thản, nhưng trong lồng ngực bà nào thiếu những vết thương đau đớn. Này đây, ông Aulux của bà vẫn chưa được giác ngộ để đón nhận ánh sáng. Bà cũng không được phép giáo dục đứa con trai thuận theo chân lý. Nếu cứ nghĩ rằng tình trạng ấy có thể sẽ bị kéo dài cho tới khi chấm dứt cuộc đời, rất có thể cho tới giây phút phải biệt ly họ mãi mãi, thì điều đó còn trăm lần đau đớn và kinh khủng hơn so với sự sinh ly tạm thời mà giờ đây cả hai cùng phải chịu đựng trong nỗi đau xót. Thậm chí, bà không hình dung nổi làm sao bà có thể hạnh phúc được dù là ở trên Thiên đường, nếu thiếu chồng và con. Biết bao đêm bà đã khóc, bao đêm bà thức trắng để nguyện cầu, để ăn mày ơn phước và tình thường. Bà vẫn hiến dâng nỗi đau của mình lên Đức Chúa và đợi chờ tin tưởng. Thậm chí giờ đây, khi tai họa một lần nữa giáng xuống đầu bà, khi mệnh lệnh của kẻ bạo chúa cướp đi của bà mái đầu thân yêu này, mái đầu mà ông Aulux đã gọi là “ánh sáng” của đôi mắt, lòng bà vẫn tin tưởng vì bà biết rằng còn có một sức mạnh vĩ đại hơn bạo lực của Nerô, rằng Đấng Nhân Từ còn mạnh hơn sự độc ác của y.
          Và bà ghì chặt hơn nữa mái đầu của thiếu nữ vào ngực mình, còn cô gái từ từ khuỵu xuống úp mặt vào hai đầu gối bà, giấu đôi mắt vào những nếp gấp của cái áo dài peplum của bà, nàng cứ lặng lẽ quỳ như thế hồi lâu, khi đứng lên, nét mặt nàng đã hơi có vẻ bình tâm trở lại.
          - Mẹ ơi, con thương mẹ, thương cha và em con, nhưng con biết rằng có chống cự cũng chẳng ích gì mà còn làm hại cả nhà. Song con xin thề với mẹ rằng, khi về cung Hoàng đế, con sẽ không bao giờ quên những lời mẹ dặn.
          Nàng ôm ghì lấy bà một lần nữa, rồi sau đó, cả hai bước sang phòng tiệc, nàng bắt đầu từ giã chú bé Aulux, cụ già người Hy Lạp là gia sư của nàng, bà nhũ mẫu đã từng chăm bẵm nàng, cùng tất cả gia nô.
          Một nô lệ người Ligi cao to lực lưỡng, mà người trong nhà thường gọi là Urxux, kẻ hồi trước đã cùng với mẹ Ligia, cùng với nàng và đám kẻ hầu người hạ đi tới trại lính La Mã làm con tin, giờ đây chợt quỳ phục dưới chân nàng, rồi quay sang cúi gập người trước mặt bà Pomponia mà nói:
          Thưa đômina! Xin hãy cho tôi được đi cùng cô chủ của tôi để được phục vụ và bảo vệ cô trong cung Hoàng đế.
          - Ngươi không phải là đầy tớ của chúng ta, mà là của Ligia - bà Pomponia Grexyma nói - song không biết liệu người ta có để cho ngươi được vào cung Hoàng đế hay không? Và ngươi định bảo vệ cô chủ ngươi bằng cách nào cơ chứ?
          - Tôi không biết, thưa đômina, tôi chỉ biết rằng trong tay tôi thì sắt thép cũng phải gãy vụn như củi gỗ mà thôi…
          Vừa lúc đó, ông Aulux Plauxius tới và sau khi rõ chuyện không những ông không hề phản đối ý nguyện của bác Urxux mà lại nói thêm rằng chính họ không có quyền giữ bác ta ở lại. Họ trao trả Ligia với tư cách là con tin như Hoàng đế đã phán thì họ có bổn phận phải hoàn trả lại toàn bộ đám tùy tùng của nàng để chúng cùng nàng đến lĩnh nhận sự che chở của Hoàng đế. Nói tới đây, ông thì thầm với bà Pomponia rằng, dưới danh nghĩa đoàn tùy tùng có thể cho thêm nàng bao nhiêu nô tỳ mà bà cho là vừa phải cũng được, vì viên xenturion sẽ không thể không nhận họ.
          Đối với Ligia, đó thật là điều đáng mừng. Bà Pomponia cũng vui hơn vì có thể lựa chọn những kẻ sẽ hầu hạ nàng theo ý muốn của chính bà. Vì vậy, ngoài bác Urxux ra, bà còn chọn người đảo Sip giỏi chải tóc và hai nô tỳ người Germania chuyên phục vụ việc tắm rửa. Bà chỉ chọn toàn những người đã giác ngộ giáo thuyết mới, thậm chí cả bác Urxux cũng đã quy theo giáo thuyết này từ vài năm nay. Bà Pomponia có thể tin tưởng ở sự trung thành của đám người này và vì vậy bà vui sướng nghĩ rằng những hạt giống của chân lý sẽ được gieo chính ngay trong cung Hoàng đế.
          Bà còn viết vài chữ cho nàng Akte, một nô tỳ mới được giải phóng của Nerô, nhờ nàng đỡ đầu Ligia. Mặc dù bà chưa trông thấy Akte tại các cuộc họp hội cũng những tín đồ theo giáo thuyết mới - nhưng bà nghe họ nói rằng nàng Akte không bao giờ từ chối giúp đỡ họ và chính nàng cũng đã từng say mê đọc những bức thư của Đức Paven từ Tarxu. Bà cũng biết rằng người nô tỳ trẻ trung mới được giải phóng này luôn sống trong những nỗi buồn triền miên, rằng nàng là người khác hẳn những kẻ phái yếu khác sống trong nhà Nerô và nói chung nàng là một vị thiên thần của cung điện.
          Haxta nhận lời sẽ tự tay trao bức thư ấy cho Akte. Và vì cho rằng việc một nàng công chúa con vua có đám tùy tùng theo hầu là một chuyện đương nhiên. Ông ta cũng không hề cản trở việc mang họ cùng đi về cung điện. Có chăng, ông ta chỉ ngạc nhiên là tại sao đám tùy tùng lại ít ỏi đến thế. Song ông yêu cầu họ phải nhanh chân lên để tránh khỏi bị đánh giá rằng đã thiếu mẫn cán trong khi thi hành mệnh lệnh. Giờ phút chia ly đã tới. Mắt bà Pomponia và mắt Ligia lại nhòa lệ. Một lần nữa, ông Aulux lại đặt tay lên đầu nàng, rồi lát sau, được tống tiễn bởi tiếng kêu gào của chú bé Aulux - chú đang vung hai nắm tay nhỏ bé của mình lên đe dọa viên xenturion - toán lính đưa Ligia về cung Hoàng đế.
          Vị lão tướng cũng ra lệnh chuẩn bị kiệu cho mình, rồi đóng cửa lại với riêng mình bà Pomponia trong phòng tranh(2) kề bên phòng tiệc, ông nói:
          - Hãy nghe tôi nói đây, hỡi bà Pomponia! Tôi đến đây xin gặp Hoàng đế, mặc dù tôi nghĩ rằng chỉ vô ích mà thôi, và dù rằng lời nói của ngài Xeneka giờ đây cũng chẳng ý nghĩa gì đối với Hoàng đế, tôi cũng sẽ đến cả chỗ ngài Xeneka nữa. Bây giờ, bọn Xofronius, Tygelinus, Petronius hay cả Valynius nữa đều là lũ người có quyền thế hơn hơn nhiều… Còn nếu nói về Hoàng đế, thì có lẽ trong đời chưa bao giờ y được nghe nói tới dân tộc Ligi, nên nếu như y đòi phải trả Ligia với tư cách là một con tin thì chẳng qua là có kẻ nào khác đã xui y làm việc đó. Chẳng khó khăn gì cũng có thể đoán ra kẻ nào đã làm chuyện ấy.
          Bà bỗng ngước mắt nhìn ông.
          - Petronius ư?
          - Phải.
          Sau một giây im lặng, vị thủ lĩnh nói tiếp:
          - Hậu quả của việc để cho một kẻ trong lũ người thiếu lương tâm và lòng thành kính được qua ngưỡng cửa nhà mình là như thế đó. Đáng nguyền rủa thay cái giây phút mà thằng Vinixius đặt chân vào nhà ta. Chính hắn đã kéo Petronius tới đây. Tội nghiệp con Ligia, vì thực ra chúng đâu có cần tới con tin, chúng chỉ cần tỳ thiếp mà thôi.
          - Vì giận dữ, vì cuồng nộ do bất lực, vì thương xót cho đứa con nuôi, tiếng nói của ông lão trở nên phều phào nhiều hơi gió hơn lúc thường. Suốt một hồi lâu, ông có cưỡng lại mình, chỉ có những nắm đấm xiết chặt của ông cho thấy cuộc đấu tranh nội tâm ấy mới nặng nề làm sao.
          - Cho tới nay tôi vẫn thờ kính các thần - ông bảo - nhưng lúc này đây tôi cho rằng không hề có một vị thần nào hết, thống trị thế giới chỉ có duy nhất một tên hung thần, điên khùng, ma quái, tên là Nerô thôi!
          - Ông Aulux! - Bà Pomponia cất tiếng nói - Nerô chỉ là một nắm tro tàn trước Đức Chúa mà thôi!
          Ông lão sải những bước dài trên sân đá hoa của phòng bày tranh. Trong đời, ông đã từng có những hành động lớn lao kỳ vĩ song chưa gặp nỗi bất hạnh nào đáng kể, vì thế ông chưa quen chịu đựng chúng. Người lính già này gắn bó với Ligia thiết tha hơn là ông tưởng và giờ đây ông không sao chấp nhận được ý nghĩ rằng ông đã vĩnh viễn mất nàng. Thêm nữa, ông cảm thấy bị làm nhục. Bàn tay mà ông vốn khinh bỉ đã chiến thắng ông, trong khi ông cảm thấy sức lực của mình chẳng là gì cả so với bạo lực của bàn tay ấy.
          Mãi sau, rốt cuộc ông cũng nén được cơn giận đang xáo trộn trong -đầu óc và nói:
          - Tôi cho rằng Petronius cướp con bé đi không phải là để cho Hoàng đế vì chắc chắn hắn không muốn trêu gan Poppea. Vậy thì hoặc là để cho hắn, hoặc cho Vinixius. Ngay trong ngày hôm nay tôi phải tìm biết được điều đó.
          Lát sau, kiệu đưa ông đi về phía cung điện Palalyn. Còn lại mỗi mình, bà Pomponia bèn sang phòng cậu bé Aulux cậu vẫn đang khóc thương chị và đang hằm hè đe dọa Hoàng đế.
          Chú thích:
          (1) Hơ, hơ, bất hạnh thay! - (La tinh)
          (2) Nguyên văn: Pinakoteka - phòng trưng bày những bức danh họa cổ trong các gia đình quý tộc.


          ST
          Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

          Comment


          • #6
            T1 - Chương 5

            CHƯƠNG 5
            Quả thực, ông Aulux đã có lý khi đoán rằng ông sẽ không được giáp mặt Nerô. Người ta bảo với ông rằng Hoàng đế đang bận hát với nhạc công thi cầm Terpnox và nói chung Người không tiếp những kẻ mà người không gọi đến. Nói cách khác, điều đó có nghĩa là, trong tương lai, ông Aulux chớ có cố tìm cách bệ kiến Hoàng đế làm chi. Ngược lại, mặc dù đang bị sốt, ông Xeneka vẫn kính cẩn đón tiếp vị tướng già, song sau khi được nghe trình bày, Xeneka chỉ mỉm cười chua chát và nói:
            - Thưa ông Plauxius cao quý, tôi chỉ có thể giúp ông được một việc duy nhất mà thôi, đó là không bao giờ để cho Hoàng thượng nhận thấy tim tôi đồng cảm với nỗi đau đớn của ông, rằng tôi muốn giúp ông, vì nếu Hoàng thượng chỉ cần hơi nghi ngờ điều đó thôi thì xin ông hãy tin rằng Hoàng thượng sẽ nhất định không trả Ligia cho ông đâu, dù Hoàng thượng không hề có một lý do nào khác ngoài lý do duy nhất là làm cho bõ ghét tôi.
            Ông cũng khuyên ông Plauxius không nên tìm tới Tygelinux, Vatynius hay Vitelius làm chi. Cũng có thể tiền bạc sẽ khiến cho họ làm được chút gì đó, cũng có thể họ sẽ làm cho bõ ghét Petronius, người mà họ đang cố gắng đánh đổ uy tín đối với Hoàng đế Nerô, song chắc chắn họ sẽ tiết lộ với Hoàng đế rằng Ligia là người vô cùng yêu dấu đối với ông Plauxius, và khi ấy, Hoàng đế lại càng không bao giờ trả nàng về cho ông. Nói đến đây, vị hiền triết già bắt đầu nói giọng mỉa mai sâu cay, mâu thuẫn ngay với chính bản thân mình.
            - Ông đã nín lặng, Plauxius hỡi, ông đã nín lặng suốt bao năm tháng, mà Hoàng thượng lại không thích những kẻ cứ im lặng. Sao ông lại có thể không phấn hứng lên trước vẻ đẹp, trước phẩm cách của Hoàng thượng, trước tiếng hát, giọng ngâm, tài điều khiển xe hay những vần thơ của Người. Tại sao ông lại có thể không ngợi ca cái chết của Brytanik, không thốt ra những lời ca tụng vinh quang của kẻ đã giết chính mẹ đẻ ra mình và cũng không bày tỏ lời chúc mừng nhân dịp y bóp chết Oktavia? Hỡi ông Aulux, ông đã thiếu đi cái tầm nhìn xa, cái mà chúng ta cần phải có, đủ để có thể sống hạnh phúc trong chốn cung đình.
            Nói xong, ông vớ lấy cái cốc đeo ở thắt lưng, múc nước từ bồn nước phun, nhấp đôi môi bỏng cháy rồi tiếp tục:
            - Ôi, Nerô có trái tim chan chứa biết ơn. Hoàng thượng yêu thương ông vì ông đã phục vụ cho La Mã và làm vang danh đế quốc đến những miền thế giới xa xôi, còn Người yêu tôi vì tôi từng là thầy của Chúa thượng thuở thiếu thời. Vì vậy mà ông thấy đấy, tôi biết thứ nước này không bị đánh độc nên tôi có thể yên tâm mà uống. Rượu nho ở nhà tôi thì không đáng tin lắm, nếu ông khát, xin hãy can đảm uống tạm thứ nước này. Đường dẫn nước đưa nó về đây từ mãi tận dãy Anban, muốn đánh thuốc độc nó thì phải đánh thuốc độc tất cả các vòi phun nước ở Roma. Ông thấy đấy, vẫn có thể được sống an toàn trên cái thế giới này và có thể hưởng một tuổi già bình yên đấy chứ. Tôi ốm thật, nhưng linh hồn ốm chứ không phải thể xác.
            Quả đúng như thế, ở Xeneka thiếu đi cái sức mạnh tâm linh mà - nói thí dụ - có cả ở Kornutux hay Trazeas, vì vậy, cuộc đời ông là một chuỗi những nhượng bộ đối với tội ác. Bản thân ông cũng nhận thấy điều đó, chính ông cũng hiểu được rằng kẻ nào đã tuân theo những nguyên lý của Zenon thành Xitium thì lẽ ra phải đi theo một con đường khác hẳn, ông đau khổ vì chuyện đó hơn là sợ cái chết.
            Vị thủ lĩnh làm gián đoạn những suy tư dằn vặt của ông:
            - Thưa ngài Anneus tôn kính, - ông Aulux nói, - tôi biết Hoàng thượng đã trả ơn ngài như thế nào về sự giáo dưỡng mà ngài đã dành cho Người trong những năm tuổi trẻ. Song thủ phạm của việc bắt con trẻ chúng tôi lại là Petronius. Xin ngài hãy bày cho tôi một phương sách gì, xin hãy chỉ cho tôi những kẻ mà ông ta chịu tác động, và xin hãy vì tình thân thiện lâu năm với tôi mà dùng tài hùng biện của ngài để thuyết phục ông ta.
            - Petronius và tôi - Xeneka đáp - là những con người thuộc hai phe đối địch nhau. Tôi không biết cách nào tác động tới ông ta, ông ta cũng chẳng hề chịu tác động của ai cả. Cũng rất có thể là với toàn bộ sự đồi bại của mình, ông ta vẫn còn có giá trị hơn những kẻ đểu cáng đang xúm quanh Nerô. Song chứng minh cho ông ta thấy rằng mình đã làm một việc xấu xa thì lại chỉ là chuyện mất thì giờ vô ích mà thôi. Đã từ lâu, Petronius bị mất đi cái giác quan cho phép phân biệt cái ác với điều thiện. Ông ta có thể sẽ xấu hổ nếu bị chứng minh rằng hành vi của ông ta không đẹp. Nếu có gặp ông ta tôi sẽ bảo rằng: “Hành động của ngài chỉ xứng với một tên nô lệ vừa được giải phóng mà thôi”. Nếu như cách ấy cũng không có tác dụng thì chẳng còn cách nào khác nữa.
            - Xin đa tạ ngài dù chỉ có chừng ấy - Vị thủ lĩnh đáp.
            Sau đó, ông ra lệnh cáng về nhà Vinixius và gặp chàng đang tập đấu kiếm với viên võ sư. Thấy chàng thanh niên bình thản luyện tập trong khi Ligia vừa bị bắt đi, ông Aulux bỗng nổi cơn cuồng nộ: ngay sau khi bức trướng vừa kịp buông xuống sau lưng viên võ sư, ông tuôn ra một tràng những lời trách móc và phỉ báng cay độc. Song, biết tin Ligia bị bắt đi, Vinixius tái người đi một cách khủng khiếp, khiến ông Aulux không thể nào nghi ngờ chàng có dính líu chút gì đến chuyện ấy. Trán toát mồ hôi, dòng máu vừa ùa về tim chàng nay lại thành một làn sóng nóng bỏng dồn lên mặt, mắt chàng tóe lửa, miệng thốt ra những câu hỏi lộn xộn. Lòng ghen và sự phẫn nộ thay nhau lồng lộn như những cơn lốc trong lòng chàng. Chàng nghĩ rằng chàng sẽ chính thức bị mất Ligia một khi nàng đặt chân vào ngưỡng cửa hoàng cung, song khi ông Aulux chợt nói đến tên Petronius, một mối nghi ngờ khủng khiếp tựa như một tia chớp xẹt qua óc người lính trẻ, chàng ngờ rằng ông Petronius đã phản chàng, hoặc đã dâng Ligia cho hoàng đế để cầu cạnh những ân sủng mới, hoặc ông ta muốn chiếm nàng cho bản thân mình. Chàng không thể nào tin rằng có ai đó từng trông thấy Ligia mà lại không khát khao nàng.
            Tính cuồng nộ trong huyết thống dòng họ chàng bỗng nổi lên, biến chàng thành một con ngựa bất kham đang lồng lộn tước đi sự tỉnh táo nơi chàng.
            - Thưa tướng quân, chàng bật ra với giọng nói đứt quãng - xin hãy về nhà chờ tôi… Người hãy biết cho rằng, nếu như Petronius có là cha đẻ tôi đi nữa, tôi cũng sẽ trả thù ông ta vì đã xúc phạm tới Ligia. Xin hãy quay về nhà chờ tôi! Cả Petronius lẫn Hoàng đế đừng hòng chiếm được nàng!
            Rồi vung hai nắm tay xiết chặt về phía về phía những chiếc mặt nạ bằng sáp đặt trong tủ kính tại gian chính sảnh thông thiên, chàng gầm lên:
            - Thề có những cái mặt nạ đáng nguyền rủa kia! Ta sẽ giết nàng trước rồi sẽ tự giết ta!
            Nói xong chàng bật lên, và một lần nữa lại ném cho ông Aulux mấy tiếng cụt ngủn: “Hãy chờ tôi”, chàng lao ra khỏi gian chính sảnh thông thiên như một con ngựa điên, bay tới nhà Petronius, xô giạt cả những người đi đường,
            Còn ông Aulux quay về nhà với chút ít tin tưởng. Ông nghĩ rằng nếu Petronius đã xui Hoàng đế bắt Ligia để trao cho Vinixius, thì chắc chàng Vinixius sẽ đưa nàng trở lại nhà ông. Vả chăng, một niềm an ủi không nhỏ đến với ông khi ông nghĩ rằng nếu như không được cứu thoát chăng nữa, thì Ligia cũng sẽ được rửa hận và cái chết sẽ che chở cho nàng tránh khỏi điều ô nhục. Ông tin rằng Vinixius sẽ thực hiện được tất thảy những điều chàng nói. Ông đã trông thấy rõ sự cuồng nộ của chàng và biết rõ tính nóng nảy bẩm sinh của cả dòng họ chàng. Còn ông, mặc dù yêu thương Ligia với tấm lòng của một người cha, ông thà giết chết nàng còn hơn nộp nàng cho Hoàng đế, và giá như không vì đứa con trai, kẻ nối dõi cuối cùng của cả họ, hẳn là ông đã làm ngay điều đó. Ông Aulux là một người lính, và mặc dù ông chỉ được nghe nói sơ qua về những người khắc kỷ, song tính tình ông không khác họ là mấy, theo quan niệm của ông, theo lòng tự tôn của ông, thì thà chết còn hơn chịu nhục.
            Trở về nhà, ông an ủi bà Pomponia, chia sẻ với bà niềm tin của mình và cả hai bắt đầu chờ đợi tin tức của Vinixius. Chốc chốc, khi trong gian chính sảnh thông thiên vang lên tiếng bước chân của một người nô lệ nào đó, họ lại ngỡ như đó có thể chính là Vinixius đang đưa đứa con thân yêu trở về cho họ, và tự đáy lòng, họ sẵn sàng cầu phúc cho cả hai. Song thời gian cứ trôi đi mà chẳng hề có tin tức gì cả. Mãi đến chiều tối mới có tiếng búa nhỏ gõ vào cổng.
            Lát sau, một người nô lệ bước vào trao cho ông Aulux một bức thư. Vốn muốn tỏ ra là một người luôn luôn tự chủ, song vị lão tướng vẫn run tay khi cầm bức thư và đọc nghiến ngấu, dường như nó có quan hệ đến vận mệnh của cả gia đình ông vậy.
            Bỗng mặt ông xám lại như có một bóng mây lướt ngang qua:
            - Bà đọc đi - ông quay lại nói với bà Pomponia
            Bà Pomponia cầm lấy bức thư đọc, bức thư như sau:
            “Markux Vinixius xin kính chúc sức khỏe ngài Aulux Plauxius. Điều đã xẩy ra, xẩy ra theo ý chí của Hoàng thượng, trước ý chí ấy xin các ngài hãy cúi đầu, như chúng tôi và ngài Petronius đã cúi đầu vậy”
            Một sự im lặng kéo dài và nặng nề bao trùm lên hai người.


            ST
            Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

            Comment


            • #7
              T1- Chương 6

              Ông Petronius đang có nhà. Người gác cổng không dám giữ Vinixius lại, chàng lao vào chính sảnh như một cơn bão, và khi được biết cần phải tìm ông chủ tại thư viện, chàng liền sục sang thư viện, gặp Petronius đang viết, chàng giật phắt cây bút khỏi tay ông, bẻ vụn ra, ném mạnh xuống đất, rồi bấu chặt vào vai ông, hỏi bằng giọng khản đặc:
              - Cậu đã làm gì nàng rồi hả? Nàng ở đâu?
              Bỗng xảy ra một điều đáng ngạc nhiên. Chính con người mảnh mai có vẻ ẻo lả kia chợt chộp lấy tay chàng lực sĩ trẻ tuổi đang bấu chặt vào vai ông, rồi tiếp đó, nắm cả bàn tay thứ hai của chàng và bóp chặt cả hai tay trong một bàn tay cứng như kìm sắt của mình, ông nói:
              - Chỉ về buổi sáng thì ta mới là kẻ bán thân bất toại thôi, còn ban chiều thì ta lấy lại được sự dẻo dai thuở trước. Anh cứ thử rút tay ra xem nào. Chắc là một thằng thợ dệt đã dạy thể dục cho anh, còn một tên thợ rèn thì dạy cách xử sự.
              Trên mặt ông không thể nhận thấy một nét giận dữ nào, riêng trong đôi mắt vụt ánh lên một tia sáng can trường và kiên nghị. Lát sau, ông buông hai tay Vinixius ra, chàng đứng trước mặt ông, vừa bẽ bàng xấu hổ vừa phẫn nộ.
              - Cậu có bàn tay thép thật đấy, - chàng bật ra, - nhưng thề có tất cả các hung thần, nếu cậu phản tôi, tôi sẽ thọc cho cậu một nhát dao vào cổ, cho dù ngay giữa các phòng của hoàng cung đi chăng nữa.
              - Ta hãy bình tĩnh mà nói chuyện với nhau nào - Petronius đáp - Thép mạnh hơn sắt như anh đã thấy, nên dù cho từ một tay anh có thể làm ra hai tay ta chăng nữa ta cũng chẳng cần phải sợ anh đâu. Song ta lấy làm đau xót vì sự thô bạo của anh, và giá như lòng vô ơn của loài người còn có thể khiến ta ngạc nhiên thì hẳn ta sẽ phải ngạc nhiên vì sự vô ơn bạc bẽo của anh đấy.
              - Ligia đang ở đâu?
              - Trong nhà thổ, nghĩa là trong cung Hoàng đế.
              - Cậu Petronius!
              - Hãy bình tĩnh lại và ngồi xuống đã nào. Ta đã xin với Hoàng đế hai điều và Người đã ưng thuận: thứ nhất là đưa Ligia ra khỏi nhà ông bà Aulux, thứ hai là đã trao trả nàng lại cho anh. Anh có giấu lưỡi dao găm nào dưới những nếp áo choàng kia không đấy? Anh sẽ đâm ta chăng? Ta khuyên anh hãy cố chờ vài hôm, nếu không anh sẽ bị nhốt vào nhà tù trong khi nàng Ligia phải buồn chán ở nhà đấy.
              Im lặng. Vinixius giương mắt kinh ngạc nhìn chằm chằm vào Petronius hồi lâu, mãi sau chàng mới nói nên lời:
              - Xin cậu hãy tha lỗi cho cháu. Cháu yêu nàng, tình yêu đã làm cho cháu quẫn trí.
              - Anh hãy ngạc nhiên vì cậu đây này, Markux ạ. Cậu đã nói với Hoàng thượng thế này: “Thằng cháu thần là Vinixius quá say đắm một đứa con gái gầy đét gầy đe được nuôi dưỡng ở nhà ông Aulux, cứ thở dài thườn thượt đến nỗi nhà của nó gần biến thành nhà tắm hơi! Tâu hoàng thượng, bệ hạ hoặc thần, những người biết rõ thế nào là cái đẹp chân chính, chắc hẳn chẳng thèm bỏ ra đến một nghìn đồng xextexi(1) để mua con bé đó, ấy vậy mà cô nàng lại làm cho cái anh chàng lúc nào cũng ngu như bò đó(2) giờ đây bị mất trí đến tột độ”
              - Cậu Petronius!
              - Nếu như anh không hiểu nổi ra rằng ta nói thế chẳng qua chỉ vì muốn bảo vệ cho Ligia thôi, thì ta sẵn sàng tin rằng ta đã nói đúng sự thực. Ta đã thuyết phục được gã Râu Đỏ rằng một người sành thẩm mĩ như y không thể nào xem một đứa con gái như thế kia là trang giai nhân được, còn Nerô, kẻ cho tới nay chưa hề dám nhìn nhận bất cứ cái gì không thông qua đôi mắt của ta, sẽ không nhận ra nàng là giai nhân, và nếu không nhận ra thì y sẽ không đòi hỏi nàng nữa. Ngay cả đối với khỉ cũng phải biết phòng thân và buộc dây dắt nó đi. Giờ thì không phải y, mà chính Poppea mới là người sẽ nhận ra giá trị của Ligia, và tất nhiên cô ả sẽ tìm mọi cách tống khứ nàng ra khỏi cung điện càng sớm càng tốt. Ta còn nói với Râu Đỏ, vẻ như hờ hững rằng: “Xin người hãy bắt lại Ligia và ban cho Vinixius. Bệ hạ có quyền làm như thế, vì cô gái đó là một con tin, bệ hạ mà làm thế sẽ khiến cho lão già Aulux phải đau lắm đấy!” Và thế là y đồng ý. Y không có lý do gì dù là nhỏ nhất để không đồng ý một khi ta đã gà cho y cách thức để hành hạ những con người lương thiện. Người ta sẽ biến anh thành một tên lính canh theo công vụ cho cô nàng con tin kia, người ta sẽ ấn vào tận tay anh cái kho báu nọ của xứ Ligia, còn anh, vừa như một kẻ đồng minh với những người Ligi can trường lại vừa là một tên đầy tớ trung thành của hoàng đế, anh sẽ không những không đánh xoáy chút gì từ cái kho báu ấy, mà còn cố gắng làm cho nó đầy thêm. Hoàng đế sẽ vờ giữ nàng vài ngày trong cung cho phải lẽ, sau đó sẽ gửi nàng tới dinh thự của anh thôi, hỡi anh chàng nhiều diễm phúc ạ!
              - Thật thế ư cậu? Không có điều gì đe dọa nàng trong hoàng gia chứ?
              - Nếu như nàng phải ở đó vĩnh viễn, hẳn Poppea sẽ nói chuyện với nàng về Lokuxta đấy, nhưng trong vòng vài ngày thì sẽ chẳng có điều gì đe dọa nàng cả. Trong cung Hoàng đế có tới mười nghìn người kia mà! Thậm chí rất có thể là Nerô sẽ không trông thấy nàng nữa kia, hơn nữa, y đã tin cẩn giao hoàn toàn chuyện này cho ta đến nỗi, vừa mới rồi, một tên xenturion đến gặp ta báo tin rằng đã đưa nàng vào cung và giao tận tay Akte. Akte là một người tốt nên ta mới giao cô gái cho nàng. Chắc là Pomponia Grexyna cũng nghĩ như thế, vì chính bà cũng viết thư cho Akte. Mai sẽ có yến tiệc tại nhà Nerô. Ta đã dành trước cho anh chỗ nằm cạnh Ligia rồi đó.
              - Xin hãy tha tội vì cháu đã quá nóng nảy, thưa Kafu - Vinixius nói - Thế mà cháu lại cứ tưởng rằng cậu đã cướp nàng về cho bản thân mình hoặc dâng cho Hoàng đế kia chứ.
              - Cậu có thể bỏ qua cho anh tính nóng nảy, nhưng khó lòng tha thứ những cử chỉ quê mùa cục mịch, những tiếng kêu la lỗ mãng, cũng như giọng nói giống tiếng bọn hạ lưu đang chơi đoán ngón tay ăn tiền. Cậu không thích những cái đó chút nào hết, Marek ạ, anh hãy lưu ý hộ điều ấy. Hãy nhớ rằng chủ nhà chứa của Hoàng đế là gã Tygelinux, và cũng nên biết rằng, nếu cậu muốn giành lấy cô gái ấy về cho bản thân mình thì ngay lúc này đây, cậu vẫn hoàn toàn có thể nhìn thẳng vào mắt anh mà tuyên bố rằng: “Này Vinixius, ta lấy nàng Ligia của ngươi, và sẽ giữ nàng cho tới khi chán thì thôi.”
              Vừa nói, ông vừa chiếu thẳng đôi đồng tử màu hạt dẻ của mình vào mắt Vinixius với vẻ lạnh lùng và táo tợn, còn chàng trai thì vô cùng bối rối.
              - Lỗi tại cháu - chàng nói - Cậu thật tốt bụng và nhiều ân đức, cháu xin cảm ơn cậu với tất cả tấm lòng thành. Chỉ xin cậu cho phép cháu được hỏi một câu nữa thôi: Sao cậu không ra lệnh đưa thẳng Ligia về nhà cháu có hơn không?
              - Bởi Hoàng đế muốn giữ lấy cái bề ngoài mà! Về chuyện này, cả thành Roma người ta sẽ nói rằng chúng ta bắt Ligia đi với tư cách là một con tin, nên khi nào người ta còn nói thế thì nàng còn lưu lại trong cung tạm đã. Sau đó, sẽ lặng lẽ gửi nàng cho anh, và thế là xong mọi chuyện. Gã Râu Đỏ là một con chó hèn nhát. Y biết rằng quyền lực của y là vô biên, vậy mà y vẫn cố gắng che đậy cho từng hành vi nhỏ nhặt nhất của mình. Anh đã nguội bớt đến độ có thể triết lý chút ít được chưa. Chính cậu đôi khi cũng suy nghĩ, là tại sao tội ác - dù là hùng mạnh như Hoàng đế và chắc chắn là y sẽ không bị trừng phạt - bao giờ cũng cố tìm cách che đậy bằng một cái vỏ ngoài hợp pháp, công minh và đức hạnh?… Sao phải lao tâm khổ tứ như vậy làm gì? Cậu cho rằng việc giết em trai, giết mẹ và giết vợ là hành động của một tiểu vương nào đó ở Á châu chứ không xứng với một vị Hoàng đế La Mã. Nhưng nếu như việc đó xảy ra với cậu thì cậu sẽ không thèm viết những bức thư biện minh trần tình gửi cho Nguyên lão viện làm gì… Ấy vậy mà Nerô lại viết, Nerô tìm cớ vì Nerô là thằng hèn. Nhưng còn Tyberius không phải là một kẻ hèn nhát, sao ông ta cũng tìm cách biện minh cho từng hành vi của mình? Tại sao lại như vậy? Kỳ quặc thay những lễ nghi tùy tiện mà cái ác dâng lên cho Đạo đức. Anh có biết cậu nghĩ sao không? Cậu cho rằng sở dĩ như vậy bởi vì hành vi thì xấu xa đấy nhưng đạo đức thì lại đẹp. Ergo(3), người duy mĩ chân chính mới quả thật đúng là con người đạo đức chân chính. Ergo, cậu đây cũng là một con người đạo đức. Ngày hôm nay, cậu phải đổ một ít rượu nho dâng cho hương hồn của Protagor, Prodyk và Gorgiax mới được. Té ra, ngay cả bọn theo đạo xufi cũng có ích đấy nhỉ. Anh hãy nghe cậu nói tiếp đây này. Cậu đã cướp Ligia của ông bà Aulux để mang về cho anh. Được lắm! Nhưng Lizyp sẽ có thể tạc cả hai anh chị thành một nhóm tượng tuyệt vời. Cả hai đều đẹp, vậy thì cả cái hành động của cậu cũng tuyệt đẹp, mà đã là tuyệt đẹp thì không thể nào là độc ác được. Hãy trông đây này, Marek, ngồi trước mặt anh chính là Đạo đức trong hình hài của ngài Petronius đấy. Giá như Aryxtydex còn sống, chắc chắn ông ta sẽ phải tới gặp cậu, xin trả cậu một trăm min(4) để được bài học luân lý ngắn này đây!
              Nhưng Vinixius vốn là người quan tâm đến thực tế hơn là những bài học luân lý, chàng bèn nói:
              - Ngày mai cháu sẽ được gặp Ligia, rồi sau đó, cháu sẽ có nàng ngày ngày tại nhà cháu, mãi mãi, cho đến chết!
              - Anh sẽ có được Ligia, còn cậu sẽ phải gánh chịu ông Aulux trên đầu đây. Ông ta sẽ cầu tất cả các vị thần ở âm ty địa ngục trả thù cậu. Nếu như ít ra trước nhất con thú dữ ấy chịu khó học lấy một bài học cho ra trò về phép xướng ngâm đã nhỉ!… Ông ta sẽ chửi cậu hệt như một thằng gác cổng nhà cậu chửi các khách hàng của cậu, chính vì tội đó, cậu đã tống hắn về nông thôn chịu khổ hình đấy.
              - Ông Aulux đến chỗ cháu. Cháu hứa sẽ gửi tin tức Ligia về cho ông ta hay.
              - Hãy viết cho ông ta rằng ý chí của vị hoàng đế “thiêng liêng” là luật lệ cao cả nhất, và rằng đứa con trai đầu lòng của anh sẽ được đặt tên là Aulux(5). Phải làm sao cho ông lão cũng có chút an ủi mới được. Cậu sẵn sàng yêu cầu Râu Đỏ với ông lão ngày mai tới dự tiệc. Hãy để cho ông lão được trông thấy anh bên cạnh Ligia trong phòng tiệc.
              - Xin cậu chớ làm điều đó, - Vinixius nói - Dù sao cháu vẫn thấy thương họ, nhất là bà Pomponia.
              Và chàng ngồi xuống để viết bức thư, bức thư đã tước đi của vị lão tướng niềm hi vọng cuối cùng.
              Chú thích:
              (1) Xextexi (Xexterxiux): đồng tiền bằng bạc hay bằng đồng, được sử dụng ở Cổ La Mã từ thế kỷ thứ ba tcn đến thế kỷ thứ III scn, giá trị bằng 2,5 đồng ax
              (2) Nguyên văn: ngốc như một cái giá ba chân (thành ngữ Ba Lan chỉ sự đần độn)
              (3) Do đó, vậy thì (La tinh)
              (4) Min: đơn vị tiền tệ bằng 100 đồng đrăcma (đrăcma là đơn vị tiền tệ Hi Lạp xưa và nay)
              (5) Người châu Âu có phong tục lấy tên những người được họ kính yêu đặt cho con.


              ST
              Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

              Comment


              • #8
                T1 - Chương 7

                Đã có thời những cái đầu cao ngạo nhất của thành Roma từng cúi thấp trước Akte, người tình xưa của Nerô. Song ngay cả hồi ấy nàng cũng không hề muốn can dự vào chuyện xã hội, và nếu như có khi nào đó nàng sử dụng ảnh hưởng của mình đối với kẻ cầm quyền trẻ tuổi ẩy, thì chẳng qua cũng chỉ để cầu xin lòng thương cho một ai đó mà thôi. Lặng lẽ và nhún nhường, nàng được nhiều người hàm ơn mà chẳng biến kẻ nào thành thù địch với mình. Thậm chí, đến Oktavia cũng không thể thù ghét nàng. Đối với những kẻ hay ghen, nàng không có vẻ gì nguy hiểm cả. Về nàng, ai cũng biết rằng bao giờ nàng cũng yêu Nerô bằng một tình yêu buồn bã và đau đớn, một tình yêu không còn được nuôi sống bởi niềm hi vọng nữa, mà chỉ bằng hồi ức về những giây phút, khi cái gã Nerô ấy không chỉ còn trẻ hơn, còn yêu thương nàng, mà còn tương đối tốt bụng. Người ta cũng biết rằng nàng không thể dứt khỏi tâm linh và đầu óc những hồi ức ấy, song nàng chẳng hề chờ đón điều gì nữa cả, rằng quả thực không cần phải lo là Hoàng đế sẽ quay trở lại với nàng, người ta nhìn nàng như nhìn một sinh linh không hề có vũ khí tự vệ, và vì thế người ta để cho nàng được yên ổn. Poppea xem nàng là một người đầy tớ lặng lẽ và vô hại, đến nỗi ả không thèm yêu cầu đuổi nàng ra khỏi hoàng cung nữa.
                Song, vì rằng đã có thời Hoàng đế yêu nàng, rồi bỏ rơi nàng không một chút ác cảm, một cách rất thản nhiên, - thậm chí có vẻ thân thiện nữa - nên người ta vẫn còn giữ lại cho nàng một ít đặc ân. Khi giải phóng nàng, Nerô cho nàng một tư thất riêng trong cung điện, trong đó có một phòng ngủ nhỏ cùng một nhúm kẻ hầu người hạ. Rồi vì có thời Palax và Narxyz, mặc dù là những nô lệ mới được hoàng đế Klauđius giải phóng, song không những được cùng ngồi dự các yến tiệc với Klauđius mà còn được chọn cho mình chỗ tốt vì là những đại thần có uy thế, nên thỉnh thoảng người ta cũng mời Akte ngồi cùng bàn với Hoàng đế. Người ta làm thế có lẽ vì dáng người tuyệt đẹp của nàng quả là thứ đồ trang sức chân chính cho bữa yến tiệc. Mà nói cho cùng, từ lâu Hoàng đế đã bỏ qua việc đắn đo cân nhắc trong khi lựa chọn bạn bè. Ngồi cùng bàn với Ngài là một mớ hỗn tạp đa dạng nhất của đủ mọi hạng người. Trong đó có mặt các vị nguyên lão, nhưng chủ yếu là những kẻ cam chịu làm thêm nghề hề nữa. Có mặt các vị quý tộc già và trẻ, thèm khát lạc thú, xa hoa và tiêu phí. Thường có mặt đám đàn bà mang những tên họ quyền quý nhưng đến đêm lại không ngần ngại đội lên đầu những bộ tóc giả đã phai màu đi tìm lạc thú giải trí trên các đường phố tối tăm. Cũng thường có cả mặt những vị quan chức cao cấp cùng các tăng lữ, những kẻ mà hễ ngồi bên hồ rượu đầy là lại rất vui lòng đích thân giễu cợt các vị thần thánh của mình, bên cạnh họ là đủ các loại tiện dân, gồm bọn xướng ca, kịch câm, nhạc công, vũ công và vũ nữ, đám thi sĩ mà khi xướng ngâm thi ca chỉ mơ tới những đồng xextexi sẽ được người ta ném xuống để thưởng công tán tụng những vần thơ của Hoàng đế, các nhà triết - học - ma - đói dõi mắt thèm thuồng nhìn các món ăn được bưng qua, và rốt cuộc, cả đám đánh xe đua nổi danh, bọn thầy tuồng, đám làm trò ảo thuật, lũ hề, bọn trefnix, cùng đủ mọi hạng quan tước được phong theo mốt hay do sự ngu xuẩn, hợp thành một đám người thời - thượng - phong - lưu - trong - vòng - một - ngày, trong số đó, không thiếu chi những kẻ cố dùng bộ tóc dài để giấu đi cặp dái tai bị đục thủng - dấu hiệu của nô lệ.
                Những người nổi tiếng hơn được ngồi vào bàn tiệc, còn những kẻ kém thứ bậc thì giúp vui trong tiệc và chờ đợi giây phút lũ gia nhân cho phép chúng được lăn xả vào phần thừa của những món đồ ăn thức uống. Khách khứa thuộc loại này do Tygelinux và Vetelius cung cấp, và thường thường, họ còn buộc phải cung cấp luôn cả cho đám khách này những loại quần áo thích hợp với phòng khách của Hoàng đế; vả chăng, họ cũng rất thích đám khách ấy, vì sống giữa chúng, họ cảm thấy hết sức thoải mái. Sự xa hoa của cung đình dát vàng lên mọi thứ, làm cho tất cả đều được ánh lên. Đại nhân và tiểu nhân, đám con cháu của những dòng họ thế phiệt trâm anh cùng lũ vô lại đường phố, các nghệ sĩ lớn cùng lũ bòn mót được chút tài mọn, chen vai thích cánh nhau len vào hoàng cung để được trố mắt ngưỡng mộ sự xa hoa gần như vượt quá sức tưởng tượng của con người và được men tới gần kẻ ban phát mọi thứ ân sủng, của cải và tài sản, kẻ mà chỉ cần một lần ngự lãm cũng có thể hạ thấp họ xuống hoặc nâng họ lên cao tột cùng.
                Ngày hôm ấy, cả Ligia cũng phải tham dự vào một bữa yến tiệc tương tự như thế. Nỗi sợ hãi, sự phấp phỏng, sự phẫn uất dễ hiểu sau bước ngoặt bất ngờ cùng ý muốn chống đối giằng co nhau trong lòng nàng. Nàng sợ Hoàng đế, hãi mọi người, ngại cái hoàng cung mà tiếng huyên náo khiến nàng loạn trí, sợ những bữa yến tiệc mà về sự tởm lợm của chúng nàng đã từng được nghe ông Aulux, bà Pomponia Grexyna và bạn bè của họ nói tới. Dẫu hãy đang còn là một thiếu nữ ít tuổi song nàng không phải là kẻ chưa hiểu biết gì, bởi vì vào thời ấy, ý niệm về cái ác từ rất sớm đã tác động ngay cả đến tai của lũ trẻ thơ. Vì vậy, nàng hiểu rằng, trong cung điện này, nàng bị đe dọa bị thất thân, điều mà bà Pomponia đã dặn nàng phải đề phòng lúc biệt ly. Song với một tâm hồn trẻ trung chưa hề biết đến sự hư đốn, lại được giác ngộ cái giáo lý cao siêu do bà mẹ nuôi truyền thụ, nàng nguyện sẽ tự vệ chống lại sự thất thân ấy; nàng thề với mẹ, với bản thân nàng và với Người Thầy Thiêng Liêng nọ, người mà nàng không những chỉ tin tưởng mà còn kính yêu bằng cả trái tim non trẻ của mình bởi vị ngọt ngào của giáo lý, vị cay đắng của cái chết và áng ngợi ca của sự phục sinh.
                Nàng cũng biết chắc rằng, giờ đây cả ông Aulux lẫn bà Pomponia Grexyna sẽ không phải chịu trách nhiệm gì nữa về những hành động của nàng, nàng nghĩ không hiểu có nên cưỡng lệnh mà không đi dự tiệc hay chăng. Trong lòng nàng, một bên là nỗi sợ hãi và sự lo âu lớn tiếng than vãn, còn bên kia lại nảy sinh ý muốn được thể hiện lòng can đảm, ý chí chịu đựng, dám dấn thân vào cực hình và chết chóc. Vả chăng, chính Thầy Thiêng Liêng cũng đã dạy nàng như thế. Chính Người đã làm gương trước hết. Bà Pomponia kể cho nàng nghe là những kẻ thành tâm nhất trong số các tín đồ hết lòng khát khao có được một sự thử thách như thế, họ cầu nguyện để được chịu thử thách. Ngay chính Ligia, hồi còn ở nhà ông bà Aulux cũng đã nhiều lần từng bị nỗi khao khát ấy ngự trị. Nàng tưởng thấy mình là một kẻ tử vì đạo, với những vết thương trên cánh tay và bàn chân trắng toát như tuyết, với một vẻ đẹp thiên giới tuyệt vời, được các vị thiên sứ cũng màu trắng tinh khiết như thế đưa dẫn lên chốn thẳm xanh; trí tưởng tượng của nàng thường thích hình dung ra những cảnh tương tự như thế. Trong đó có nhiều phần mơ ước trẻ thơ, song cũng pha chút lòng tự tôn do bà Pomponia truyền thụ cho. Giờ đây, khi việc cưỡng chống lại ý chí của Hoàng đế có thể sẽ mang lại sự trừng phạt khủng khiếp, khi những cực hình mà nàng hằng hình dung trong mơ ước có thể sẽ được biến thành sự thực, thì thêm vào những viễn cảnh tuyệt đẹp và sự ham muốn ấy còn có một nỗi tò mò - pha lẫn hãi hùng - nào đó, không hiểu người ta sẽ xử tội nàng ra sao đây, sẽ nghĩ ra cho nàng những thứ cực hình nào đây?
                Cứ thế, tâm hồn hãy còn nữa phần trẻ thơ của nàng dao động giữa hai phía. Còn Akte, khi được biết những dao động đó, liền kinh ngạc nhìn nàng, cứ như nàng đang nói trong cơn mê sảng vậy. Chống lại ý muốn của Hoàng đế? Ngay từ đầu đã làm Người nổi giận? Phải là một đứa trẻ con chưa hiểu những điều mình nói mới định làm việc đó. Cứ theo lời Ligia thì nàng đâu phải là một con tin, mà chỉ là một thiếu nữ bị dân tộc mình bỏ rơi. Chẳng hề có thứ luật lệ nào giữa các dân tộc che chở cho nàng cả, mà dù có đi chăng nữa, thì một khi đã nổi cơn thịnh nộ, Hoàng đế cũng đủ hùng mạnh để chà đạp lên thứ luật lệ ấy. Hoàng đế thích thì bắt nàng mang về cung, và kể từ giờ trở đi, Người muốn sai khiến nàng thế nào tùy thích. Kể từ giờ, nàng chỉ còn cái quyền lệ thuộc vào ý chí của Hoàng đế, không một ý chí nào khác vượt nổi lên trên.
                - Phải, - nàng nói tiếp - chính chị cũng từng đọc những bức thư của Đức Paven xứ Tarxu, chị hiểu rằng ở bên trên trái đất có Đức Chúa và con Chúa, người đã được sống lại, nhưng còn trên mặt đất thì chỉ có mỗi mình Hoàng đế mà thôi. Em hãy nhớ lấy điều ấy, Ligia ạ! Chị cũng hiểu rằng, giáo lý của em không cho phép em trở thành một kẻ như chị đã từng phải trải qua, rằng các em cũng giống như những người khắc kỷ mà Epiktet đã từng kể cho chị nghe, chỉ được phép chọn cái chết mà thôi, một khi cần phải lựa chọn giữa cái chết và sự ô nhục. Nhưng làm sao em lại dám chắc rằng chỉ có một cái chết đang chờ đón em chứ không phải là sự ô nhục? Em có nghe chuyện con gái của Xeyan, một đứa con gái hãy còn nhỏ, mà theo lệnh của Tyberius, để tuân theo đúng luật lệ quy định cấm xử tội chết đối với gái trinh, đã phải chịu nhục rồi mới được chết hay chăng? Ligia, Ligia em, chớ nên khiêu khích Hoàng đế! Đến giây phút quyết định, khi em phải lựa chọn giữa sự ô nhục và cái chết thì em có thể hành động theo như Chân lý của em chỉ lối, nhưng em chớ đi tìm cái chết và đừng vì một nguyên cớ vẩn vơ nào đó mà khiêu khích vị chúa tể vô cùng tàn bạo ấy của trái đất.
                Akte nói với một tình thương yêu rất lớn lao và thậm chí rất sôi nổi, và vì rằng hơi cận thị nên nàng ghé sát khuôn mặt ngọt ngào của mình vào khuôn mặt Ligia như muốn theo dõi xem lời nói của mình gây nên ấn tượng như thế nào cho cô gái.
                Ligia quàng tay ôm ghì lấy cổ nàng bằng một sự tin cẩn trẻ thơ và nói:
                - Chị tốt quá, chị Akte ạ.
                Đón nhận lời khen và lòng tin cẩn, Akte ôm chặt cô gái vào ngực mình, rồi gỡ tay của Ligia ra, nàng đáp:
                - Hạnh phúc của chị đã qua đi, cả tình yêu cũng qua đi rồi, nhưng chị không phải là kẻ xấu bụng đâu em ạ.
                Rồi bước những bước gấp gáp trong phòng, nàng nói với chính mình, vẻ gần như tuyệt vọng:
                - Không! Cả chàng nữa cũng không phải là người xấu! Hồi đó, chính chàng cũng từng nghĩ rằng chàng tốt và mong muốn được là người tốt. Chị biết rõ mà. Còn tất cả những chuyện kia mãi sau này mới có… khi chàng không còn yêu nữa… Chính những kẻ khác đã khiến cho chàng trở thành như hiện nay - chính bọn chúng và ả Poppea!
                Hàng mi nàng đẫm lệ. Ligia đưa cặp mắt xanh thẳm theo dõi nàng một lúc lâu, mãi sau nàng mới lên tiếng:
                - Chị hãy còn tiếc nuối ngài ư, chị Akte?
                - Chị tiếc chứ! - cô gái Hi Lạp âm thầm đáp lại
                Rồi nàng lại bắt đầu bước đi, với hai tay nắm xiết chặt dường như đau đớn, với vẻ mặt bất lực.
                Ligia rụt rè hỏi tiếp:
                - Chị vẫn còn yêu Ngài ư, chị Akte?
                - Yêu…
                Rồi lúc sau nàng nói thêm:
                - Ngoài chị ra không một ai yêu chàng cả.
                Im lặng bao trùm. Akte cố gắng lấy lại sự bình tĩnh đã bị những hồi ức làm xáo động, mãi sau, nét mặt nàng mới có lại được nét ưu tư lặng lẽ thường nhật, nàng bảo:
                - Ligia ơi, ta hãy nói về em nhé! Em chớ nghĩ tới chuyện cưỡng chống Hoàng đế làm gì. Đó chỉ là chuyện điên khùng mà thôi. Xin em hãy bình tâm lại đã. Chị hiểu rõ cái nhà này lắm, chị cho rằng về phía Hoàng đế thì chẳng có chuyện gì đe dọa em đâu. Nếu như Nerô ra lệnh bắt cóc em về cho Người thì hẳn Người đã chẳng ra lệnh mang em về cung điện Palatyn này làm chi. Ở đây, Poppea cai quản; còn Nerô, từ khi ả ta sinh hạ cho Người được một đứa con gái, lại càng bị lệ thuộc vào ả ta hơn… Không, Nerô quả có ra lệnh cho em phải có mặt trong bữa tiệc, nhưng cho tới nay, Hoàng thượng chưa hề trông thấy mặt em cũng chẳng hề hỏi han gì về em cả, vậy không phải là Người muốn em đâu. Có thể Người chỉ bắt em về do tức giận gì ông Aulux và bà Pomponia… Ngay Petronius có viết thư cho chị nhờ chị chăm sóc em, và cả bà Pomponia cũng viết cho chị - như em biết đấy - vậy có lẽ họ đã thỏa thuận với nhau. Cũng có thể ngài Petronius làm chuyện ấy theo lời yêu cầu của bà Pomponia. Nếu vậy, nếu đúng là cả ông ta cũng chăm lo tới em theo yêu cầu của bà Pomponia, thì sẽ chẳng có gì đe dọa em cả, và biết đâu được, có khi cả Nerô cũng sẽ bị ông ta thuyết phục lại trả em về với ông bà Aulux cũng nên. Chị không biết Nerô có yêu ông ta lắm không, nhưng chị biết rằng rất ít khi Người dám có ý kiến ngược với ông ta.
                - Ôi, chị Akte! - Ligia đáp - Ngài Petronius đến nhà em trước khi bọn chúng bắt em đi, mẹ em thì lại nghĩ rằng sở dĩ Nerô đòi trả em là do sự xui khiến của ông ta đấy.
                - Nếu thế thì hỏng, - Akte nói.
                Nhưng sau khi suy nghĩ hồi lâu, nàng lại tiếp:
                - Cũng có thể trong một bữa tối nào đó, Petronius đã vô tình kể cho Nerô rằng đã gặp ở gia đình Aulux một thiếu nữ con tin của dân Ligi, còn Nerô, vốn là người hay động lòng về quyền lực của mình, bèn đòi phải giao trả em, vì con tin là thuộc quyền Hoàng đế. Thêm nữa, Người cũng chẳng ưa gì ông Aulux và bà Pomponia. Không! Chị vẫn không thể nghĩ rằng vì muốn đoạt em từ tay ông bà Aulux mà ông Petronius lại dùng cách ấy. Chị không hiểu ông Petronius có tốt hơn những kẻ xun xoe chung quanh Hoàng đế hay không, song ông ta khác hẳn bọn chúng… Cùng lắm ngoài ông ta ra, có thể em còn thấy ai khác nữa muốn đứng ra bênh vực em chăng? Hồi ở nhà Aulux em có quen ai trong số các cận thần của Hoàng đế hay không?
                - Em thường gặp ngài Vexpazian và Tylux.
                - Hoàng đế chẳng ưa họ đâu.
                - Cả ngài Xeneka nữa.
                - Ngài Xeneka mà khuyên một đằng thì chắc chắn Nerô lại làm một nẻo.
                Khuôn mặt trong sáng của Ligia chợt ửng hồng:
                - Và chàng Vinixius.
                - Chị không biết anh ta.
                - Chàng là một người bà con của Petronius mới từ Acmênia trở về.
                - Thế em có nghĩ là Hoàng đế thích anh ta không?
                - Mọi người ai cũng yêu mến Vinixius.
                - Còn anh ta thì muốn bênh vực em?
                - Vâng ạ.
                Akte mỉm cười âu yếm:
                - Thế thì chắc em sẽ được gặp mặt chàng trong bữa tiệc. Em phải có mặt trong bữa tiệc, trước hết vì em buộc phải thế… Chỉ có một đứa trẻ như em mới dám nghĩ khác mà thôi. Thứ hai, nếu em muốn được trở về nhà ông bà Aulux thì trong tiệc em hãy tìm cách khẩn cầu ngài Petronius và chàng Vinixius, để bằng ảnh hưởng của mình, họ xin cho em được phép quay về nhà. Nếu có mặt ở đây, họ cũng sẽ nói với em như chị nói, rằng thật là điên rồ và cầm chắc cái chết nếu định chống lại. Rất có thể Hoàng đế sẽ không lưu ý đến sự vắng mặt của em, song nếu như Người nhận thấy và nghĩ rằng em cố tình dám chống lại ý chí của Người, thì không còn gì cứu nổi em nữa. Đi nào, Ligia. Em có nghe tiếng ồn ào trong nhà đấy không? Mặt trời đang xuống thấp rồi, chẳng mấy chốc khách khứa sẽ bắt đầu kéo tới đấy.
                - Chị nói phải, chị Akte ạ, - Ligia đáp - em sẽ làm theo lời khuyên của chị.
                Thật ra, chính bản thân Ligia cũng không hiểu rõ bao nhiêu phần trong cái quyết định đó là ý muốn được gặp Vinixius và ông Petronius, còn bao nhiêu phần là sự tò mò của phụ nữ muốn có một lần trong đời được trông thấy một bữa yến tiệc, trong ấy có mặt cả Hoàng đế, các triều thần, cả nàng Poppea lừng danh cùng bao nhiêu trang tuyệt thế giai nhân khác, thấy cảnh xa hoa vô kể được người ta đồn đại như chuyện thần thoại ở Roma. Song Akte có lý theo cách nghĩ của mình, và cô gái cảm thấy rõ điều đó. Cần phải đi, nên khi sự bắt buộc và lý chí thuần túy cùng ủng hộ cho niềm ham muốn ngấm ngầm thì nàng không còn do dự gì nữa.
                Akte dẫn cô gái đến buồng trang điểm riêng của mình để xức dầu thơm và thay đổi y phục, và mặc dù trong cung chẳng thiếu chi nô tỳ, bản thân Akte cũng có riêng nhiều kẻ hầu người hạ, nhưng đồng cảm với cô gái mà sự trong trắng và sắc đẹp đã chinh phục trái tim nàng, Akte quyết định tự mình trang điểm cho thiếu nữ. Và hóa ra, mặc dù nàng đang mang nỗi u buồn, dù nàng đã từng được đọc những bức thư của Đức Paven xứ Tarxu, người phụ nữ Hi Lạp trẻ trung này vẫn mang nhiều nét tâm hồn Helena thuở trước, đối với tâm hồn ấy, cái đẹp của cơ thể có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn hẳn mọi thứ khác trên đời. Sau khi cởi bỏ xiêm y cho Ligia, nhìn thấy hình vóc vừa mảnh mai vừa đầy đặn, dường như được tạc bằng ngọc trai và hoa hồng của cô gái, nàng không kìm nổi một tiếng kêu kinh ngạc, vừa lùi lại mấy bước, nàng đắm đuối ngắm nhìn thân thể thanh xuân khôn sánh ấy:
                - Ligia! - mãi sau nàng mới thốt lên, - em còn đẹp hơn Poppea gấp trăm lần!
                Còn thiếu nữ, được dạy dỗ trong ngôi nhà nghiêm khắc của bà Pomponia, nơi người ta gìn giữ sự kín đáo ngay cả khi chỉ còn toàn phụ nữ với nhau, nàng đứng đó - tuyệt vời như một giấc mộng đẹp tuyệt vời, hài hòa như một tác phẩm của Prakxytelex, như một khúc ca, song bối rối, ửng hồng vì hổ thẹn, hai đầu gối khép chặt lại, đôi cánh tay ôm vòng che lấy ngực và hàng mi hạ xuống. Rồi đột ngột, nàng vươn tay lên, rút ra những chiếc trâm giữ tóc, và chỉ trong một giây, bằng một cái lắc đầu, mái tóc nàng đã như một tấm áo choàng che kín lấy thân thể.
                Akte liền tiến lại gần, sờ tay vào những lọn tóc màu sẫm của nàng và nói:
                - Ô, tóc của em mới tuyệt vời làm sao chứ! Chị sẽ chẳng cần rắc phấn vàng lên tóc làm gì, tự nó cũng đã có ánh vàng ở những chỗ lượn sóng rồi. Có thể chị sẽ điểm xuyết thêm đôi chút ánh vàng ở chỗ này chỗ nọ, nhưng chỉ thật nhẹ thôi, thật nhẹ để như có ngọn lửa làm sáng óng thêm làn tóc. Quê hương Ligi của các em hẳn phải tuyệt vời lắm mới có thể sản sinh ra những người con gái như em.
                - Em không còn nhớ được gì về quê hương cả, - Ligia đáp - Bác Urxux kể với em rằng quê em toàn rừng, rừng và rừng.
                - Trong rừng thì nở đầy hoa, - Akte vừa nói vừa nhúng tay vào chiếc lọ chứa đầy mã tiên thảo và xoa lên tóc Ligia.
                Làm xong việc ấy, nàng bắt đầu dùng dầu thơm A Rập xoa rất nhẹ nhàng lên toàn thân Ligia, rồi tiếp đó, mặc cho cô gái một chiếc áo tunica không tay màu vàng mềm mại, để bên ngoài sẽ mặc thêm một áo dài peplum màu trắng như tuyết nữa. Song vì trước đó còn phải chải tóc nên nàng khoác lên người con gái một cái áo choàng rộng, gọi là synthesis, đặt cô ngồi lên ghế cho đám nữ tỳ phục dịch và đứng lùi ra xa một quãng để theo dõi việc chải chuốt. Hai thị nữ cùng một lúc mang vào chân cho Ligia đôi hài màu trắng thêu màu chỉ huyết dụ, buộc vào cổ chân trắng nuột nà bằng những dải màu vàng. Khi tóc đã chải xong, người ta mặc cho cô gái một chiếc áo dài peplum tuyệt đẹp có những nếp gấp mềm mại, rồi sau khi đeo cho nàng một chuỗi hạt ngọc trai quanh cổ và điểm thêm chút bụi vàng lên những lượn sóng tóc, Akte mới truyền lệnh trang điểm cho bản thân mình, song suốt trong thời gian ấy, nàng vẫn đưa cặp mắt ngưỡng mộ ngắm nhìn Ligia.
                Akte trang điểm xong thì cũng vừa lúc trước cổng chính xuất hiện những chiếc kiệu đầu tiên, cả hai bên bước ra hàng hiên ẩn phía bên, từ nơi ấy thấy rõ cổng chính, dãy hành lang có mái bên trong và khoảng sân có hàng cột bằng cẩm thạch Numiđi vây quanh.
                Mỗi lúc thêm nhiều người bước qua dưới vòm cung cao vút của chiếc cổng lớn, bên trên cổng có cỗ xe tứ mã tuyệt vời của Lizyp trông như đang đưa thần Apolon và nữ thần Điana bay lên khoảng không. Mắt Ligia choáng ngợp trước một cảnh tượng kỳ thú, một cảnh tượng mà ngôi nhà của ông Aulux không thể mang lại cho nàng một chút ý niệm nào cả. Lúc ấy, mặt trời đang lặn, và những tia sáng cuối cùng của hàng cột khiến chúng sáng ánh lên như bằng vàng thật đồng thời lại ngả sang sắc hồng hồng. Giữa các cột bên cạnh những pho tượng màu trắng của các tiên nữ Đinaiđa và tượng các vị thần khác cùng những anh hùng, trôi đi những đám người, đàn ông và đàn bà, trông cũng giống hệt như các pho tượng, bởi lẽ họ cũng khoác những chiếc toga peplum hoặc xola với những nếp gấp mềm mại duyên dáng tuôn dài xuống tận đất, trên đó tắt dần đi ánh mặt trời đang lặn. Pho tượng dũng sĩ Herkulex khổng lồ, đầu vẫn đang ngập trong ánh sáng, nhưng từ ngang ngực trở xuống đã chìm vào bóng râm của hàng cột, đang từ trên cao nhìn xuống đám người đó. Akte chỉ cho Ligia thấy các vị nguyên lão mặc những chiếc toga có viền rộng, những chiếc áo tunica đủ màu và mang hình bán nguyệt trên giầy, các vị hiệp sĩ, các nghệ sĩ nổi tiếng cùng các phu nhân La Mã với trang phục La Mã, y trang Hi Lạp hay trang phục kỳ thú của phương Đông với những mái tóc được cuộn cao thành hình nón, hình kim tự tháp hoặc chải thấp xuống sát đầu theo kiểu các pho tượng của các nữ thần và được tô điểm thêm bằng những đóa hoa. Nhiều người cả đàn ông lẫn đàn bà, được Akte gọi tên kèm theo các mẩu chuyện nho nhỏ, nhiều chuyện thật khủng khiếp, khiến cho Ligia sợ hãi, kinh ngạc và thán phục. Đối với nàng, đấy là cái thế giới kỳ lạ mà vẻ đẹp khiến nàng lóa mắt, nhưng những mâu thuẫn của nó thì trí óc trẻ thơ của nàng không sao tiếp thu nổi. Trong ánh chiều trên bầu trời, giữa những hàng cột bất động khuất dạng về phía sau, giữa đám người trông giống hệt những pho tượng ấy, có một vẻ thanh bình kỳ vĩ nào đó, dường như giữa những khối cẩm thạch thẳng tuột kia chỉ có những vị nửa thần thánh nào đó, không gợn một chút ưu tư, đầy viên mãn và hạnh phúc sinh sống mà thôi, trong khi đó thì giọng nói khẽ khàng của Akte cứ chốc chốc lại vạch trần một điều bí mật kinh khủng nào đó của cái cung điện này, của những con người kia. Này đây, ở phía đằng xa có thể trông thấy hàng hiên ẩn, mà trên các cột và sàn nhà của nó hãy còn đỏ bầm những vết máu của Kaligula bắn tóe lên lên mặt đá cẩm thạch trắng khi bị ngã xuống dưới lưỡi đao của Kaxius Serea, nơi đó người ta đã giết cả vợ của ông ta, nơi đó người ta đập đầu con ông ta vào đá, nơi đó, bên dưới một cánh cửa toà nhà, có chiếc hầm ngầm, trong đó Đruxux - Em đã phải tự gặm cánh tay mình vì quá đói, nơi đó người ta đã đầu độc Đruxux - Anh, nơi đó Gemelux từng phải rú lên kinh hoàng, nơi ấy Klauđius đã giẫy chết, nơi ấy cả Germanik cũng thế. Khắp chốn, những bức tường kia đã từng nghe tiếng rền rĩ và than vãn của những kẻ hấp hối, còn những người lúc này đang vội vã bước vào yến tiệc trong những chiếc áo toga, những chiếc tunica nhiều mầu với muôn sắc hoa và đồ trang sức kia, rất có thể là những kẻ ngày mai sẽ phải chịu tội hình. Có thể trên không ít gương mặt, nụ cười đang che giấu đi nỗi hãi hùng, lo lắng, sự phấp phỏng ở ngày mai, rất có thể chính lúc này đây, cơn sốt của lòng tham lam và ghen tỵ đang sôi lên trong tim những vị nửa thần thánh có bề ngoài không chút ưu tư và đang được ngưỡng mộ ấy. Những ý nghĩ hoảng hốt của Ligia không sao theo kịp những lời kể của Akte, và trong khi thế giới kỳ diệu nọ thu hút mắt nàng mỗi lúc một mạnh hơn, thì con tim nàng càng ngày càng bị nỗi kinh hoàng bóp nghẹt, và trong tâm hồn nàng bỗng trào lên một niềm nhớ tiếc vô biên không thể nói thành lời với bà Pomponia Grexyna, đối với ngôi nhà yên bình của ông bà Aulux, trong đó tình yêu chứ không phải tội ác ngự trị.
                Trong khi đó, từ Vieux Apolinix mỗi lúc lại tràn về thêm những làn sóng khách khứa mới. Từ bên ngoài cổng lớn vang vào tiếng huyên náo và những tiếng kêu của dân chúng tiễn theo những người bảo trợ của họ. Khoảng sân trong và các hàng cột tấp nập hàng đàn hàng lũ nô lệ, nô tỳ của Hoàng đế, các tiểu đồng và lính cấm vệ đang canh phòng cung điện. Đây đó, giữa những khuôn mặt da trắng hay xam xám, đỏ rực lên bộ mặt của một người Numiđi với cái mũ trụ cài lông chim và những chiếc khuyên lớn mạ vàng đeo lủng lẳng ở tai. Người ta mang tới những chiếc đàn thi cầm, đàn tranh, hàng bó chồi cây được nuôi trồng nhân tạo dù tiết thu đã muộn, những bó hoa, những cây đèn tay bằng bạc, bằng vàng và bằng đồng. Tiếng ồn của những lời trò chuyện mỗi lúc rộ lên, hoà với tiếng rào rào của vòi phun nước, với những tia nước uốn cong hồng rực ánh chiều rơi từ trên cao xuống mặt đá cẩm thạch và vỡ toé ra trên đó với tiếng như nức nở.
                Akte đã ngừng kể, nhưng Ligia vẫn dõi nhìn mãi, dường như đang cố tình tìm ai đó trong các đám đông. Bỗng mặt nàng ửng hồng, Vinixius và Petronius xuất hiện giữa những hàng cột và đang bước về phía phòng tiệc lớn, tươi đẹp, bình thản, và trong những chiếc áo toga của mình, trông họ giống hệt các vị thần màu trắng. Ligia cảm thấy như trút được gánh nặng quá sức khỏi lòng mình, khi mà giữa những kẻ xa lạ, nàng được thấy hai gương mặt quen thuộc và thân ái đó, nhất là khi nàng nhìn thấy Vinixius. Nàng cảm thấy ít cô đơn hơn. Và nỗi nhớ tiếc vô biên về bà Pomponia và ngôi nhà của giòng họ Aulux một phút mới đây vừa trào sôi lên trong lòng nàng bỗng thôi không cào xé nữa. Lòng ham muốn được gặp Vinixius và được trò chuyện cùng chàng át đi những tình cảm khác. Nàng bất lực nhớ lại tất cả những cái xấu xa đã được nghe kể về hoàng gia, cả những lời kể của Akte lẫn những lời dặn dò của bà Pomponia. Song mặc những lời kể chuyện cùng những lời căn dặn ấy, nàng bỗng cảm thấy rằng nàng có mặt trong bữa tiệc này không những chỉ vì bị bắt buộc mà còn chính vì nàng cũng muốn thế nữa; lòng nàng tràn ngập niềm vui sướng khi nghĩ rằng chỉ chốc nữa thôi nàng sẽ được nghe giọng nói có duyên và đáng yêu nọ, cái giọng sẽ nói với nàng về tình yêu và hạnh phúc có thể sánh ngang các vị thần, giọng nói cho tới nay vẫn còn ngân vang trong lòng nàng như một khúc ca.
                Chợt nàng lại thấy sợ hãi niềm vui ấy. Nàng cảm thấy hình như chính vào giây phút này đây nàng đang phản bội lại cái giáo thuyết thanh cao mà nàng được giáo huấn, phản bội cả bà Pomponia lẫn bản thân nàng. Bị bắt buộc phải đi dự tiệc là một chuyện, còn vui mừng vì sự bắt buộc ấy là một chuyện hoàn toàn khác. Nàng cảm thấy mình có lỗi, không xứng đáng và lầm lạc. Một nỗi tuyệt vọng tràn ngập trong lòng nàng khiến nàng muốn oà lên khóc. Giá như chỉ có một mình thì hẳn nàng đã quỳ sụp xuống và vừa đập tay vào ngực vừa lặp đi lặp lại: Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi! Song giờ đây, nắm tay nàng, Akte đang dắt nàng qua gian nội cung đi tới phòng ăn lớn, nơi sẽ diễn ra bữa yến tiệc, mắt nàng hoa lên, tai nàng ù đi bởi những xúc động nội tâm, nhịp đập gấp gáp của trái tim khiến nàng nghẹn thở. Như trong mơ, nàng nhìn thấy hàng nghìn đèn nến chập chà chập chờn trên bàn và trên tường, như trong mơ nàng nghe tiếng kêu của mọi người chào đón Hoàng đế, nàng trông thấy Hoàng đế như nhìn qua một lớp sương mờ. Tiếng kêu thét khiến tai nàng ù đặc, ánh sáng làm nàng loá mắt, những mùi hương khiến nàng ngây ngất, và trong trạng thái gần như bất tỉnh, nàng chỉ còn mơ hồ nhận thấy Akte đưa nàng ngồi vào bàn rồi ngồi xuống bên nàng.
                Lát sau, chợt một giọng trầm trầm quen thuộc vang lên từ phía bên kia:
                - Xin chúc sức khoẻ con người đẹp nhất trong số những nàng trinh nữ trên mặt đất và những vì tinh tú trên bầu trời! Xin chúc sức khoẻ nàng, hỡi Kalina tiên nữ!
                Hơi định thần lại, Ligia nhìn sang: bên cạnh nàng là Vinixius.
                Chàng không còn mặc áo toga, vì để được thoải mái và thuận theo phong tục, chàng đã cởi áo toga trước khi bước vào tiệc. Thân thể chàng chỉ còn được phủ một chiếc áo tunica không tay màu huyết dụ có thêu những cây cọ bằng bạc. Tay chàng để trần, và theo phong tục Đông phương, được trang điểm bằng hai chiếc vòng vàng rộng bản đeo bên trên khuỷu tay, phía dưới là cẳng tay được nhổ sạch lông, rất nhẵn nhụi nhưng cuồn cuộn bắp thịt, cánh tay của một người lính sinh ra là để cầm gươm và khiên. Đầu chàng đội một vòng hoa hồng. Với đôi lông mày giao nhau trên sống mũi, với đôi mắt tuyệt đẹp và nước da rám nắng, chàng là hiện thân của tuổi thanh xuân và sức lực, Ligia thấy chàng đẹp đến nỗi, mặc dù sự choáng váng ban đầu của nàng đã qua đi, nhưng nàng cũng chỉ đủ sức đáp lại:
                - Xin chúc sức khoẻ chàng, Marek…
                Chàng nói:
                - Hạnh phúc thay đôi mắt của tôi khi được nhìn thấy nàng, hạnh phúc thay đôi tai của tôi khi tôi được nghe nàng nói, giọng nói mà đối với tôi còn đáng yêu hơn tiếng đàn tiếng sáo. Nếu như người ta bảo tôi lựa chọn ai, - nàng, hỡi Ligia, hay nữ thần sắc đẹp Venux - sẽ là người ở cạnh tôi trong bữa tiệc này, tôi sẽ xin được chọn nàng thôi, hỡi tiên nữ!
                Và chàng bắt đầu nhìn chăm chăm, như được ngắm nàng cho thoả, mắt chàng thiêu đốt da thịt nàng. Ánh mắt của chàng trượt dần từ khuôn mặt nàng xuống cổ và đôi vai trần, vuốt ve những đường nét tuyệt diệu của nàng, mơn trớn, cuốn lôi và hưởng thụ nàng, song bên cạnh dục vọng, trong ánh mắt chàng vẫn sáng lên niềm hạnh phúc, lòng thương mến và một sự ngưỡng mộ không bờ bến.
                - Tôi biết trước là sẽ được gặp nàng tại hoàng cung - chàng nói tiếp. - Song khi nhìn thấy nàng, cả tâm hồn tôi rung động một niềm vui to lớn như được gặp hạnh phúc hoàn toàn không ngờ trước vậy.
                Tĩnh trí lại, và cảm thấy rằng trong cái đám người này, trong ngôi nhà này, chàng là sinh linh duy nhất gần gụi với nàng, Ligia bắt đầu trò chuyện cùng chàng và hỏi chàng về tất cả những chuyện mà nàng không sao hiểu nổi, những chuyện đã khiến nàng sợ hãi. Tại sao chàng lại biết trước là sẽ gặp nàng ở hoàng gia và tại sao nàng lại phải vào đây? Tại sao Hoàng đế cướp nàng khỏi tay bà Pomponia? Nàng sợ hãi nơi đây và muốn được trở về với bà. Hẳn nàng sẽ chết heo hắt vì nhớ thương và lo lắng nếu như không có niềm hi vọng là ông Petronius và chàng sẽ giúp nàng cầu xin Hoàng đế.
                Vinixius kể cho nàng hay là chàng được chính ông Aulux cho biết việc nàng bị bắt đi. Tại sao nàng được đưa về đây thì chàng không được rõ. Hoàng đế chẳng hề thổ lộ với ai nguyên do những quyết định và mệnh lệnh của mình. Song xin nàng hãy bình tâm. Bởi vì chàng, Vinixius, đang ở bên nàng và sẽ ở bên nàng. Thà chàng mất đi đôi mắt còn hơn là không được trông thấy nàng, thà chàng phải chết còn hơn rời bỏ nàng. Nàng là linh hồn của chàng, chàng sẽ bảo vệ nàng như giữ gìn linh hồn của chính mình. Tại nhà mình, chàng sẽ xây cho nàng một bàn thờ như cho một vị thần của riêng chàng, trên bàn thờ đó chàng sẽ dâng hiến nhựa lô hội và nhựa thơm, về mùa xuân thì dâng hoa xaxanka và hoa táo. Và nếu nàng thấy e sợ nơi chốn hoàng gia thì chàng xin thề với nàng rằng nàng sẽ không phải ở lại trong ngôi nhà này nữa.
                Mặc dù chàng nói quanh co và đôi chỗ bịa đặt, nhưng trong giọng nói của chàng vẫn cảm thấy sự thật, bởi lẽ những tình cảm của chàng là chân thực. Lòng chàng tràn ngập một tình thương chân thành, và những lời nói của nàng thấm sâu vào tâm hồn chàng đến nỗi khi nàng cảm ơn và đoan chắc với chàng rằng bà Pomponia sẽ yêu mến chàng vì lòng hảo tâm của chàng, còn nàng suốt đời mang ơn chàng, thì chàng không sao kìm nổi xúc động, chàng ngỡ rằng trong đời chàng sẽ không bao giờ có thể cưỡng lại lời cầu xin của nàng. Trái tim chàng như tan ra. Sắc đẹp của nàng làm cho các giác quan của chàng đắm đuối, chàng vừa khao khát nàng, vừa cảm nhận được rằng, đối với chàng, nàng xiết bao gần gũi và yêu dấu, rằng quả thật chàng có thể thờ phụng nàng như một vị thần, đồng thời chàng cũng cảm thấy cái nhu cầu không thể kìm hãm được là phải được nói về sắc đẹp của nàng và lòng ngưỡng mộ của chàng đối với nàng, và vì rằng tiếng ồn ào trong tiệc mỗi lúc một lớn thêm, chàng bèn xích lại sát nàng hơn và thủ thỉ với nàng những lời lẽ tốt lành, ngọt ngào tuôn trào tự đáy lòng, những lời lẽ thánh thót như tiếng nhạc và làm người ta say mê như rượu vang.
                Và chàng đã khiến nàng say ngây ngất. Giữa những kẻ xa lạ vây quanh, nàng thấy chàng mỗi lúc một thêm gần gũi, mỗi lúc một đáng yêu hơn, hoàn toàn đáng tin cậy và sẵn sàng dâng hiến cả tấm lòng. Chàng yên ủi nàng, hứa sẽ cứu nàng thoát khỏi hoàng cung, hứa sẽ không rời bỏ nàng và sẽ phục vụ nàng. Thêm vào đó, hồi trước ở nhà ông bà Aulux chàng chỉ nói với nàng một cách chung chung về tình yêu và hạnh phúc mà nàng có thể mang lại, còn giờ đây chàng thổ lộ thẳng rằng chàng yêu nàng, rằng nàng là người yêu quý nhất, thân thiết nhất của chàng. Lần đầu tiên Ligia được nghe những lời như thế từ miệng đàn ông, càng nghe nàng càng cảm thấy như có cái gì đó trong lòng nàng chợt tỉnh khỏi giấc điệp mơ mộng, lòng nàng chứa chan một thứ hạnh phúc nào đó, trong ấy niềm vui sướng vô biên trộn lẫn với nỗi lo lắng vô bờ. Gò má nàng nóng bừng lên, tim nàng đập mạnh, môi nàng hé mở như kinh ngạc điều gì. Nàng vừa sợ hãi vì nghe những điều ấy, vừa không muốn đánh đổi lấy bất cứ thứ gì trên đời để phải bỏ qua mỗi lời nàng nói. Chốc chốc, nàng lại hạ mi mắt xuống để rồi lại ngước lên nhìn Vinixius với cái nhìn long lanh, vừa e ấp, vừa dò hỏi, dường như nàng muốn nói với chàng: "xin chàng hãy nói nữa đi!" Tiếng ồn ào, âm nhạc, hương hoa và mùi trầm hương Ả Rập lại bắt đầu khiến nàng ngây ngất. Ở La Mã có phong tục nằm trong khi dự tiệc song lúc ở nhà, Ligia thường nằm giữa bà Pomponia và chú bé Aulux. Còn giờ đây nằm bên nàng là chàng Vinixius trẻ trung, lực lưỡng, đang yêu say đắm, si mê. Cảm thấy sức nóng toát ra từ người chàng, nàng vừa xấu hổ vừa hân hoan. Một sự đê mê dịu ngọt nào đó, một sự ngây ngất và lãng quên nào đó chế ngự nàng, nàng như chìm vào giấc mộng.
                Song sự gần gũi với nàng cũng bắt đầu tác động cả tới chàng nữa. Mặt chàng tái đi. Cánh mũi chàng phồng ra như một con ngựa phương Đông. Trái tim chàng đập loại nhịp dưới làn áo tunica màu huyết dụ, hơi thở chàng trở nên gấp gáp và lời của chàng cứ đứt quãng trên môi. Cả chàng nữa, cũng chỉ mới lần đầu tiên được gần gũi nàng đến thế. Những ý nghĩ của chàng bắt đầu hỗn độn, chàng cảm thấy trong mạch máu bốc lửa. Thứ lửa mà chàng muốn dùng rượu vang dập tắt đi song chỉ vô hiệu. Chưa phải rượu vang mà chính khuôn mặt tuyệt vời của nàng, đôi cánh tay trần của nàng, bộ ngực trinh nữ phập phồng dưới làn áo tunica màu vàng, thân hình nàng khuất dưới những nếp gấp trắng trong của chiếc áo peplum, mới khiến cho chàng một lúc một thêm say ngây ngất. Chàng cầm lấy cánh tay nàng ở phía trên cổ tay như đã có lần chàng làm hồi ở nhà ông bà Aulux, và vừa kéo nàng về phía mình, chàng vừa thì thào bằng đôi môi run rẩy:
                - Ta yêu em, Kalina… tiên nữ của ta
                - Marek, buông em ra - Ligia nói
                Song chàng vẫn tiếp tục nói với đôi mắt đã phủ một lớp sương mù:
                - Tiên nữ của ta! Hãy yêu lấy ta!
                Chính lúc ấy vang lên tiếng nói của Akte, người đang nằm phía bên kia Ligia:
                - Hoàng đế đang nhìn các người kìa!
                Một cơn giận đột ngột cả đối với Hoàng đế lẫn Akte chợt bùng lên trong lòng Vinixius. Lời nàng nói xua tan mất cái huyền diệu của sự đắm đuối. Vào lúc ấy, đối với chàng thanh niên, ngay cả tiếng nói thân tình cũng có vẻ đáng ghét, chàng cho rằng Akte cố tình cản trở chàng trò chuyện cùng Ligia.
                Vì vậy, chàng ngẩng đầu lên nhìn người nô tỳ được giải phóng trẻ tuổi qua vai Ligia và nói một cách cay độc:
                - Hỡi Akte, đã qua rồi cái thời nhà ngươi được nằm nghỉ bên cạnh Hoàng đế trong yến tiệc, mà người ta nói rằng ngươi đang bị chứng mù loà đe doạ, vậy làm sao ngươi lại có thể trông thấy Hoàng đế?
                Nàng đáp lại vẻ buồn buồn:
                - Vậy mà tôi vẫn trông thấy Hoàng đế… Người cũng cận thị nên đang nhìn các ngươi qua một viên ngọc bích kia kìa!
                Mọi cái Nerô làm đều khiến cho người ta - ngay cả những người thân cận Ngài nhất - phải cảnh giác, nên bất chợt, Vinixius bỗng thấy lo lắng nguội bớt tình cảm đi và thận trọng liếc nhìn về phía Hoàng đế. Ligia, lúc đầu bữa tiệc vì đang còn bối rối nên chỉ nhìn thấy Hoàng đế lờ mờ như qua một làn sương mờ, rồi sau đó nàng lại bị thu hút bởi sự có mặt của Vinixius và việc trò chuyện cùng chàng nàng hoàn toàn không hề nhìn, lúc này nàng cũng hướng đôi mắt vừa tò mò vừa e sợ về phía Ngài.
                Akte nói đúng, Hoàng đế đang khom người trên bàn, một mắt nheo lại, và lấy tay giữ một viên bích ngọc hình tròn được mài bóng - mà Ngài thường dùng - trên con mắt bên kia đang nhìn họ. Trong một giây, cái nhìn của ngài gặp cặp mắt của Ligia và trái tim cô gái thắt lại vì kinh hoàng. Khi nàng còn là một đứa trẻ sống ở trại ấp miền Xixylia của ông bà Aulux, một nô tỳ già người Ai Cập thường kể cho nàng nghe về những con rồng sinh sống trong chốn núi thẳm rừng sâu, giờ đây nàng ngỡ như con mắt màu lục của một con rồng như thế đột nhiên chiếu thẳng vào mắt nàng. Nàng chụp lấy tay Vinixius, hệt như một đứa trẻ đang sợ hãi. Bao ấn tượng hỗn độn và đổi thay nhau ùa vào óc nàng. Y đấy ư? Chính con người khủng khiếp có quyền làm tất thảy mọi chuyện đấy ư? Cho tới nay, nàng chưa bao giờ trông thấy mặt y và nàng hình dung về y khác hẳn. Nàng hình dung ra một bộ mặt gớm ghiếc bằng đá mang những nét dữ tợn, thế mà giờ đây nàng lại trông thấy một cái đầu lớn trên chiếc cổ to bành, cái đầu quả là đáng sợ nhưng lại hơi buồn cười bởi nhìn từ xa trông giống như đầu trẻ con. Chiếc áo tunica màu ngọc tím, màu cấm dùng đối với người phàm trần, hắt ánh xam xám lên bộ mặt ngắn ngủn to ngang của y. Tóc y màu sẫm, để theo mốt của chàng Otho thành bốn lượn phồng lên. Y không có râu cằm, vì cách đây chưa lâu y đã cạo để dâng hiến thần Jupiter, một hành động mà cả La Mã đã phải bày tỏ lòng biết ơn lên y, mặc dù người ta vẫn xì xào với nhau rằng y hiến bộ râu cằm chẳng qua vì bộ râu của y màu hung hung đỏ như tất thảy mọi người trong dòng họ y mà thôi. Song trong vầng trán dô ra trên hàng lông mày lại có vẻ gì đó thiên thần. Ở bộ lông mày kéo dài có thể thấy rõ ý thức của một kẻ có toàn quyền, song phía dưới vầng trán của vị nữa thiên thần ấy lại là một bộ mặt khỉ, bộ mặt của một kẻ say rượu và của một tay kép hát, rỗng tuếch, đầy những dục vọng chóng đổi thay, bộ mặt phị mỡ mặc dù tuổi còn đang trẻ, bộ mặt bệnh hoạn và dung tục. Ligia cảm thấy y có vẻ thù địch, song trước hết là đáng tởm.
                Lát sau, y đặt viên ngọc bích xuống, thôi không nhìn nàng nữa. Lúc đó nàng mới trông thấy cặp mắt lồi màu xanh lam của y đang hấp háy dưới ánh sáng quá mạnh, một đôi mắt thủy tinh, vô tri giác, giống mắt người chết.
                Y quay sang Petronius và hỏi:
                - Đó có phải đứa con tin mà Vinixius yêu không?
                - Vâng, chính con bé đấy ạ - Petronius đáp.
                - Dân tộc của nó gọi tên là gì?
                - Thưa, người Ligi.
                - Vinixius coi cô ta là tuyệt đẹp phải không?
                - Nếu hoàng thượng mặc áo peplum cho một gốc cây ôliu mục ruỗng giả làm thanh nữ thì Vinixius cũng sẽ coi nó là tuyệt đẹp. Song trên nét mặt Người, hỡi con người sành sỏi không ai bằng, thần đã đọc thấy lời phán quyết cho cô ta rồi. Người không cần phải tuyên đọc thành lời đâu. Chính thế đấy. Cô bé khô khẳng quá! Còm nhom, một quả thuốc phiện đeo trên một cái cuống khẳng khiu, còn Người, hỡi nhà thẩm mỹ thần thánh, đối với đàn bà, Người lại coi trọng thân hình, và Người quả có lý đến ba bốn lần. Chỉ riêng khuôn mặt thôi thì chưa có nghĩa lý gì. Ở bên cạnh Người, thần học được biết bao điều hay, nhưng chưa thể có nổi cái nhìn sắc sảo như Người. Thần sẵn sàng đánh cuộc với Tulius Xenexion đổi lấy người tình của ông ta, rằng mặc dù trong tiệc mọi người đều nằm và thật khó đánh giá toàn thân, nhưng bệ hạ đã tự nhủ: “Cô ả có cái hông quá hẹp”
                - Cô ả có cái hông quá hẹp - Nerô vừa nhắc lại vừa nhắm mắt
                Trên môi Petronius hiện ra một nét cười kín đáo khó nhận thấy, còn Tulius Xenexion, mãi đến lúc này bận nói chuyện với Vextynux - thực ra hắn đang chế nhạo những chuyện mộng mị mà Vextynux vốn rất tin - liền quay sang phía Petronius, và mặc dù chẳng biết người ta đang bàn chuyện gì hắn đã thốt ra ngay:
                - Ông lầm rồi. Tôi ủng hộ ý kiến Hoàng thượng.
                - Hay quá, Petronius đáp, - Tôi vừa mới chứng minh rằng ông hãy còn một chút trí tuệ, còn hoàng thượng thì lại khẳng định rằng ông chỉ là một con lừa vô tri vô giác mà thôi.
                - Habel! - Nerô vừa bật cười vừa nói và quay chúc ngón tay cái xuống phía dưới như ở hý trường người ta thường làm khi ra hiệu là đấu sĩ đã bị đâm trúng và cần phải tiếp tục nện thêm nữa.
                Còn Vextynux lại nghĩ rằng người ta đang bàn chuyện mộng mị bèn kêu lên:
                - Còn tôi, tôi vẫn tin vào mộng, ngài Xeneka từng nói với tôi rằng chính ngài cũng tin.
                - Đêm qua tôi mơ thấy mình trở thành ni cô giữ đền thần Vexta(1) - Kanvia Kryxpinilla nhoài người qua bàn góp chuyện.
                Nghe thấy thế, Nerô liền vỗ tay, những người khác cũng theo gương y và suốt hồi lâu, chung quanh chỉ nghe thấy tiếng vỗ tay rầm rầm, vì Kryxpinilla, một mệnh phụ đã ly dị chồng dăm ba bận, vốn là người lừng danh trong toàn cõi La Mã về tính phóng đãng đến huyền thoại của mình.
                Song ả ta chẳng chút bối rối, vẫn nói tiếp:
                - Chứ sao nữa, tất thảy đám đàn bà kia đều già nua và xấu xí cả. Chỉ mỗi mình cô Rubria là trông còn giống người đôi chút, vậy nên có lẽ chỉ còn hai chúng tôi là đẹp dẫu phải thừa nhận rằng ngay cả cô Rubria về mùa hè cũng còn hay bị tàn hương.
                - Song xin lỗi nàng, hỡi nàng Kanvia vô cùng trong trắng, - Ông Petronius nói - có lẽ chỉ trong mơ nàng mới có thể trở thành ni cô giữ đền thờ nữ thần Vexta được mà thôi.
                - Thế nếu hoàng thượng ra lệnh thì sao?
                - Thì tôi sẽ phải tin rằng ngay cả những giấc mộng kỳ lạ nhất chắc cũng sẽ biến thành sự thật.
                - Chúng vẫn biến thành sự thật mà, - Vextynux nói - Tôi có thể hiểu được những người không tin vào thần vì một lý do gì khác ngoài chuyện hắn không phải là một con lợn.
                Vitelius chợt ngừng bặt giữa tràng cười, rồi chép chép đôi môi bóng nhẫy những nước xốt cùng nước mỡ, hắn bắt đầu nhìn ngó những người đang có mặt với vẻ ngạc nhiên như từ trước hắn chưa từng trông thấy họ bao giờ.
                Rồi giơ bàn tay chuối mắn múp míp quá mức của mình lên, hắn nói giọng khàn khàn:
                - Tôi bị rơi đâu mất chiếc nhẫn hiệp sĩ thừa kế của cha tôi rồi.
                - Người cha ấy nguyên là một thằng thợ giầy, - Nerô nói thêm
                Song Vitelius bỗng lại bật lên một tràng cười bất thần nữa rồi bắt đầu sờ soạng tìm chiếc nhẫn của hắn bên trong áo peplum của Kanvia Kryxpinilla.
                Thấy thế, Vatynius bèn giả vờ thốt ra tiếng kêu kinh hoảng của đàn bà, còn Nigiđia, bạn gái của Kanvia, một quả phụ trẻ có khuôn mặt trẻ thơ và đôi mắt đĩ thoã liền nói to lên:
                - Hắn tìm cái mà hắn không hề bị mất.
                - Và cái mà hắn cũng chẳng biết dùng làm gì nếu như hắn có tìm thấy đi nữa, - thi sĩ Lukan kết thúc.
                Tiệc rượu trở nên vui nhộn hơn. Những đám nô lệ mang ra mỗi lúc một nhiều món ăn, cứ chốc chốc từ những chiếc vại khổng lồ chứa đầy tuyết và quấn quanh bằng dây trường xuân người ta lại lôi ra những chiếc bình nhỏ hơn chứa đủ mọi loại rượu nho. Mọi người đều uống no rượu. Từ trên trần nhà thỉnh thoảng những đoá hoa hồng lại rơi xuống mặt bàn và đám thực khách.
                Song ông Petronius bắt đầu cầu khẩn Hoàng đế dùng tiếng hát của mình làm cho bữa tiệc thêm phần thanh cao trước khi khách khứa say sưa. Nhiều tiếng nói hoà theo ủng hộ lời đề nghị của ông, nhưng Nerô lại chống chế. Không phải là chuyện dũng cảm hay không, mặc dù đức tính đó thì ngài luôn luôn thiếu… Các vị thần linh chứng giám cho ngài, mỗi một cố gắng biểu diễn hao tổn biết bao nhiêu… Quả tình ngài không hề tránh né việc biểu diễn, vì dù sao cũng phải làm một cái gì cho nghệ thuật chứ; vả chăng, nếu thần Apolon đã ban cho ngài giọng hát thì đâu thể để cho món quà tặng ấy của thần bị phí hoài đi. Ngài còn hiểu được rằng đó là bổn phận của ngài đối với quốc gia nữa kia. Nhưng quả thực hôm nay giọng ngài bị khản. Đêm qua ngài đã phải đặt các vật nặng bằng chì đè lên ngực, song cũng chẳng ích gì... Thậm chí ngài cũng đã nghĩ cả tới chuyện đi Anxium để hít thở không khí vùng biển nữa.
                Nhưng nhân danh nghệ thuật và toàn nhân loại, chàng Lukan bắt đầu kêu gọi Hoàng đế. Mọi người đều biết rằng nhà thi sĩ và danh ca thần thánh vừa soạn xong một khúc ca mới dâng lên nữ thần sắc đẹp Venux, bên cạnh ca khúc ấy thì những bài ca của Lukrexius chỉ còn giống như tiếng hú của con chó sói non một tuổi mà thôi. Hãy cho bữa tiệc này được thật sự trở thành tiệc! Người cầm quyền từ tâm nhường ấy không nên ban phát cho bề tôi của mình những đau khổ nhường kia: “Xin Hoàng thượng chớ nhẫn tâm!”
                - Xin Hoàng thượng chớ nhẫn tâm! - tất cả những người ngồi gần đều lặp lại.
                Nerô bèn chìa hai tay ra dấu là buộc lòng phải nhượng bộ. Khi ấy tất cả các bộ mặt đều khoác vẻ hàm ơn, và mọi cặp mắt đều hướng cả vào ngài. Song ngài ra lệnh trước hết hãy báo cho Hoàng hậu Poppea biết rằng Hoàng đế sắp hát; ngài nói với những người có mặt rằng hoàng hậu không đến dự tiệc bởi ngọc thể bất an, song bởi lẽ chẳng có vị thuốc nào làm nàng dễ chịu như tiếng hát của ngài nên ngài không nỡ lòng nào tước đi của nàng cơ hội này.
                Quả thật Poppea đến ngay lập tức. Cho đến nay ả vẫn cầm cương xỏ mũi Nerô như một kẻ dưới quyền, song ả lại biết rằng sẽ rất nguy hiểm nếu động chạm đến lòng tự ái của ngài với tư cách là một danh ca, một người đánh xe đua hay một thi sĩ. Vì vậy, ả tới, đẹp như một thiên thần, và cũng giống như Nerô, ả mặc chiếc áo dài màu ngọc tím, mang chuỗi hạt gồm những hạt ngọc trai to cướp được đâu đó ở vùng Maxynixa, tóc vàng, dịu ngọt, và mặc dù là một kẻ đã hai đời chồng, ả vẫn có được cái nhìn và khuôn mặt của một trinh nữ.
                Người ta chào đón ả bằng những tiếng la và danh hiệu “Auguxta thần thánh”. Chưa bao giờ trong đời, Ligia được trông thấy ai đẹp đến thế, nàng không tin vào mắt mình nữa, bởi lẽ nàng được biết rằng Poppea Xabina là một trong những người đàn bà thiếu chính đính nhất trên thế gian. Bà Pomponia cho nàng hay rằng chính Poppea đã đưa Hoàng đế tới chỗ giết cả mẹ lẫn vợ, nàng còn được biết thêm về ả qua lời kể của khách khứa và gia nhân của gia đình ông Aulux. Nàng từng được nghe nói rằng đêm đêm, người ta phá đổ những pho tượng của ả được dựng lên trong phố, nàng được nghe nói tới những dòng chữ mà kẻ viết bị người ta xử bằng cực hình khủng khiếp nhất, song mỗi buổi sáng những dòng chữ ấy vẫn cứ hiện ra trên các bức tường thành phố. Thế mà giờ đây, khi nhìn thấy cái ả Poppea đầy tai tiếng ấy, kẻ được các tín đồ của đấng Krixlux coi là hiện thân của cái xấu và tội ác thì nàng lại nghĩ rằng các thiên sứ hay các linh hồn trên thiên giới cũng chỉ có thể xinh đẹp đến thế mà thôi. Nàng không sao rời nổi mắt khỏi Poppea và một câu hỏi vô tình bật ra từ miệng nàng:
                - Ôi, chàng Marek, liệu có thể như thế được chăng?…
                Còn chàng, hứng khởi vì rượu nho và dường như khó chịu vì ngần ấy chuyện khiến nàng mất chú ý, tách nàng ra khỏi chàng cùng những lời chàng nói, liền lên tiếng:
                - Phải, ả ta đẹp, song nàng còn đẹp gấp trăm lần! Nàng không biết mình đấy thôi, nếu không nàng đã tự phải lòng mình như chính Narxyz. Ả ta tắm trong sữa lừa, còn nàng có lẽ được chính nữ thần Venux cho tắm trong sữa của nữ thần. Nàng không tự biết mình ocelle mi! Đừng nhìn ả ta làm gì! Hãy quay lại đây nhìn tôi đây này, ocelle mi! … Hãy chạm môi nàng vào cốc rượu này để sau đó tôi sẽ ghì môi tôi vào đúng chỗ ấy…
                Và chàng cứ dịch sát mãi lại gần nàng, còn nàng bắt đầu lùi dần về phía Akte. Song đúng lúc ấy người ta ra lệnh giữ yên lặng, vì Hoàng đế đã đứng lên… Ca sĩ Điođo dâng cho ngài cây thi cầm kiểu đenta, còn ca sĩ thứ hai là Terpnox, người sẽ đệm đàn cùng Hoàng đế, thì xích lại gần với thứ nhạc cụ được gọi là nablium. Nerô tì cây đàn đenta lên bàn, ngước mắt nhìn lên, và suốt giây lâu, cả phòng tiệc im lặng như tờ, chỉ xao động bởi tiếng những đoá hoa hồng rơi lả tả từ trần nhà xuống mà thôi.
                Sau đó Hoàng đế bắt đầu hát khúc ca của mình dâng nữ thần Venux, nói đúng hơn là ngài nói có nhạc điệu và tiết tấu, có tiếng hai cây thi cầm đệm theo. Cả giọng hát - mặc dù hơi đục - lẫn lời thơ đều không đến nỗi tồi, khiến cho nàng Ligia tội nghiệp lại một lần nữa thấy lương tâm áy náy, vì nàng thấy bài ca rất hay, - mặc dù ngợi ca nữ thần Venux ngoại đạo - còn Hoàng đế, với vòng nguyệt quế trên vầng trán và đôi mắt ngước nhìn lên, chợt trở nên tuyệt vời, ít đáng sợ hơn rất nhiều và bớt kinh tởm hơn so với phút đầu bữa tiệc.
                Đám thực khách làm dậy lên một tràng sấm vỗ tay. Những tiếng kêu: “Ôi, hỡi giọng hát thiên thần” vang lên khắp bốn chung quanh, một vài phụ nữ giơ bàn tay lên cao ra giấu tán thưởng và giữ nguyên như thế ngay cả khi tiếng hát đã chấm dứt, các vị phu nhân khác lau đôi mắt ướt lệ, cả phòng tiệc xôn xao như một tổ ong. Poppea cúi mái đầu tóc vàng của mình xuống nâng bàn tay Nerô lên môi và giữ nó như thế hồi lâu trong lặng im, còn chàng trai Hi Lạp có sắc đẹp tuyệt vời tên là Pitagorax, chính người về sau trong trạng thái nữa điên nữa dại, Nerô đã ra lệnh bắt phải cưới lũ chim hồng hạc với đầy đủ nghi thức, giờ đây quỳ sụp xuống chân ngài.
                Song Nerô chỉ chằm chằm nhìn Petronius, người mà lời khen bao giờ cũng được ngài mong đợi nhất; ông cất tiếng:
                - Nếu nói về nhạc thì chắc chàng Orfeus lúc này đang vàng người đi vì ghen tị, hệt như chàng Lukan đang có mặt nơi đây; còn nếu nói về thơ thì tôi tiếc rằng lời thơ đã không dở hơn vì khi ấy may ra tôi mới có thể tìm thấy lời ngợi ca xứng đáng
                Song chàng Lukan không hề oán ông vì câu ví von về lòng ghen tị, mà chàng lại nhìn ông với vẻ biết ơn, và vừa làm ra vẻ phật ý, chàng vừa bắt đầu rên rỉ:
                - Đáng nguyền rủa thay Fatum, kẻ đã bắt tôi phải sống cùng thời với một thi sĩ thế này! Nếu không, hẳn người ta cũng đã chiếm được một chỗ trong trí nhớ của nhân loại cũng như trên thi đàn Parnax, chứ cứ như thế này thì chỉ còn biết lụi tắt như một ánh đèn đặt bên vừng dương chói lọi mà thôi.
                Ông Petronius, vốn có trí nhớ đáng kinh ngạc, bắt đầu đọc lại một vài khổ thơ trong bài ca ấy, ngâm từng câu, bình phẩm và phân tích từng lời hay ý đẹp. Lukan, dường như quên bẵng sự ghen tức về vẻ đẹp của thi ca, cũng góp vào cùng ông những lời thán phục của mình. Trên nét mặt Nerô bừng lên vẻ thoả mãn và sự trống rỗng vô chừng, sự trống rỗng không những chỉ gần với sự ngu xuẩn mà hoàn toàn có thể sánh ngang với nó. Chính ngài còn nêu thêm cho họ những vần thơ mà ngài cho là tuyệt tác, rồi ngài an ủi Lukan, khuyên anh ta chớ để mất lòng can đảm, vì mặc dù con người ta ai sinh ra làm sao thì chỉ được vậy thôi nhưng lòng thành kính mà loài người dâng lên cho thần Jupiter cũng sẽ làm vinh quang cho các thần khác nữa.
                Sau đó ngài đứng dậy để đưa tiễn Poppea, quả thực ngọc thể bất an nên muốn đi nghỉ. Với những thực khách còn lại, ngài ra lệnh cho họ trở về chỗ và nói là sẽ quay trở lại. Chỉ lát sau ngài quay lại, để được thở hít khói hương trầm và xem những trò vui mà chính ngài, Petronius hoặc Tygelinux đã sửa soạn cho bữa tiệc.
                Người ta lại đọc thơ và nghe những lời đối thoại trong đó sự kỳ quái chiếm mất chỗ của hài hước. Rồi chàng Paryx, nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng, trình bày những chuyện gay cấn của nàng Iona, con gái Inach. Những vị khách chưa quen với những biểu diễn của thể loại này - nhất là Ligia - thì cứ ngỡ như được trông thấy phép lạ lẫn trò phù thủy vậy. Bằng những cử động của tay và toàn thân, Paryx biết cách mô tả những vật dường như không thể nào thể hiện nổi trong khi múa. Hai bàn tay của chàng quấy đảo trong không khí làm thành một đám mây khói tỏa sáng, sinh động, run rẩy, yêu chiều, quấn quanh một thân hình trinh nữ gần như bất tỉnh, đang rùng lên những cơn run rẩy khoái lạc. Đó chính là một bức tranh chứ không phải điệu múa, một bức tranh rõ ràng phanh phui những bí ẩn của ái tình, đầy sức hấp dẫn ma quái và không một chút hổ thẹn.
                Khi trò ấy kết thúc, các vị tăng lữ korybantơ bước ra, và trong tiếng đàn tranh, tiếng sáo, tiếng sanh tiền và tiếng trống họ bắt đầu cùng các thiếu nữ Xyri trình bày vũ điệu dâng thần rượu, vũ điệu đầy những tiếng kêu man dã và những cảnh tượng trụy lạc còn dã man hơn. Ligia thấy mình như ngồi trên đống lửa, nàng nghĩ lẽ ra sét phải đánh ngay xuống đầu các thực khách mới phải.
                Song từ cái lưới vàng căng trên trần chỉ rơi xuống toàn hoa hồng, trong khi ấy chàng Vinixius nữa tỉnh nữa say bảo nàng:
                - Ta trông thấy nàng bên đài nước phun trong nhà họ Aulux và ta say đắm yêu nàng. Lúc đó, trời mới rạng sáng, chắc nàng nghĩ rằng không có ai nhìn, nhưng ta đã trông thấy nàng… Và ta nhìn thấy nàng nguyên vẹn như thế cho tới tận lúc này, mặc dù cái áo peplum kia che khuất đi. Hãy cởi peplum ra như Kryxpinilla. Nàng thấy không. Cả các vị thần lẫn con người đều đi tìm ái tình. Trên thế giới không có gì khác ngoài ái tình. Hãy tựa đầu lên ngực ta và nhắm mắt lại nào!
                Mạch máu nàng đập nặng nề ở cổ tay và thái dương. Nàng có cảm giác như đang bay vào một vực thẳm nào đó, còn Vinixius, con người mới đây đối với nàng còn gần gũi và đáng tin cậy là thế, thì thay vì cứu nàng lại kéo thêm nàng lao xuống vực. Nàng thấy oán trách chàng. Nàng bắt đầu thấy sợ bữa tiệc này, sợ chàng lẫn sợ bản thân mình. Một tiếng nói nào đó, giống như tiếng bà Pomponia, kêu lên trong tâm linh nàng: “Ligia ơi, hãy tự cứu lấy mình đi!”, nhưng một cái gì đó khác lại bảo nàng rằng đã quá muộn rồi, kẻ nào bị ngọn lửa này vây bọc, kẻ nào đã trông thấy những gì diễn ra trong yến tiệc này, kẻ nào mà trái tim đập như đang đập trong ngực nàng khi nghe những lời Vinixius, kẻ nào rùng mình lên như nàng khi chàng xích lại gần, kẻ ấy vĩnh viễn vô phương cứu chữa. Nàng thấy yếu hẳn đi. Chốc chốc nàng có cảm giác là mình sắp ngất đi đến nơi, rồi sau đó sẽ xảy ra một cái gì đó thật khủng khiếp. Nàng biết rằng vì sợ hãi cơn giận của Hoàng đế không một ai được phép đứng dậy trước khi Hoàng đế đứng dậy, và nếu như không có chuyện đó đi chăng nữa thì nàng cũng chẳng còn chút hơi sức nào nữa để đứng lên.
                Trong khi ấy đến cuối tiệc hãy còn lâu lắm. Bọn nô lệ mang tiếp ra những món ăn mới và đều đặn rót rượu nho vào những chiếc bình, còn phía trước các bàn tiệc, người ta đặt một cái khung vây để ngỏ một phía và xuất hiện hai lực sĩ biểu diễn trò đấu vật cho khách xem.
                Cả hai bắt đầu vờn nhau. Hai thân mình lực lưỡng, bóng nhoáng vì bôi dầu ô liu, chập vào nhau thành một khối, xương họ kêu răng rắc trong những vòng tay sắt, từ những hàm răng nghiến chặt bật ra những tiếng rít dữ tợn. Chốc chốc lại nghe thấy tiếng giẫm gấp gáp và trầm đục của chân họ đập xuống sàn nhà đã được dọn sạch hoa kỵ phù lam, lúc lúc họ lại đứng bất động câm lặng và người xem tưởng như họ là một nhóm tượng tạc bằng đá. Những đôi mắt của dân La Mã hau háu theo dõi cái trò chơi của những chiếc đầu, những cặp đùi và những cánh tay, căng thẳng đến khủng khiếp. Song trận đấu chẳng kéo dài bao lâu, vì Kroton, thầy dạy, cũng là người cai quản trường dậy đấu sĩ không phải vô cớ được mệnh danh là người khoẻ nhất trong cả nước. Địch thủ của anh ta bắt đầu thở mỗi lúc một hổn hển, rồi quằn quại, mặt tái xám đi, cuối cùng miệng ộc máu tươi và thõng người xuống.
                Một tràng sấm vỗ tay chào mừng kết quả trận đấu, còn Kroton, giẫm chân lên lưng địch thủ, hai cánh tay khổng lồ vòng lấy ngực, đưa cặp mắt của người chiến thắng nhìn khắp phòng.
                Tiếp đến, bọn bắt chước và bọn giả tiếng súc vật, bọn làm xiếc và lũ hề bước vào, song người ta ít để ý đến chúng, vì rượu nho đã làm mờ những cặp mắt nhìn. Bữa tiệc dần dần biến thành một cuộc cuồng hoan say sưa và trụy lạc. Đám thiếu nữ Xyri vừa múa tế thần rượu bị kéo lẫn vào giữa đám thực khách. Âm nhạc biến thành một thứ tiếng ồn ào lộn xộn và hoang dã của đàn tranh, thi cầm, sênh tiền Acmênia, đàn xixtơ Ai Cập, kèn và tù và, và khi một số thực khách muốn nói chuyện với nhau thì người ta phải quát mắng đám nhạc công đuổi họ xéo đi. Không khí nồng nặc mùi hoa, sực nức hương các loại dầu thơm mà đám tiểu đồng xinh đẹp suốt buổi tiệc luôn nhỏ lên bàn chân thực khách, chan chứa mùi hoa kỵ phù lam cùng hơi người trở nên ngột ngạt, đèn cháy leo lét, những vòng hoa xộc xệch trên trán, những bộ mặt nhợt nhạt và lấm tấm mồ hôi.
                Vitelius ngã gục xuống gầm bàn. Nigiđia, nửa người trần như nhộng, tựa mái đầu trẻ thơ say bét nhè của ả vào ngực Lukan, còn chàng thi sĩ cũng say, vừa thổi bay những hạt bụi phấn vàng từ tóc ả vừa ngước đôi mắt rất đỗi hân hoan lên trời. Với sự bướng bỉnh của người say, Vextynux nhắc lại tới lần thứ mười câu thần Mopxux trả lời bức thư phong kín của viên thái thú. Còn Tolius, giễu cợt các vị thần, nói bằng giọng lè nhè đứt đoạn vì những tiếng nấc:
                - Bởi nếu như Xferox của Kxenofanex hình tròn quay, thì ông nghĩ xem có thể lăn thần bằng chân như lăn một cái thúng được chớ, hả?
                Song Domixius Afer, một tên kẻ cắp già đời kiêm kẻ ton hót, lại phẫn nộ vì câu chuyện ấy, và vì phẫn nộ hắn bèn đổ rượu nho falee lên chiếc áo tunica của mình. Hắn lúc nào cũng tin vào thần thánh. Người ta bảo là La Mã sẽ bị diệt vong thậm chí có kẻ còn dám khẳng định rằng nó đang bị tiêu vong nữa kia. Nhất định rồi!… Nhưng nếu như điều đó có xảy ra thì chỉ vì đám thanh niên thiếu lòng tin, mà đã thiếu lòng tin thì không thể nào sống có phẩm hạnh được. Người ta cũng đã quá ngán những phong tục hà khắc cổ xưa và chẳng ai còn nghĩ rằng các môn đồ của Epicur sẽ không cưỡng chống lại bọn dã man. Mà không công nhé..! Còn y, y chỉ tiếc là đã phải sống tới cái thời nay và y phải tìm cách tự vệ cho mình trong các thú vui để chống lại các lo buồn phiền não, nếu không lo buồn phiền não ấy sẽ xơi tái y ngay.
                Vừa nói thế, y vừa kéo một vũ nữ Xyri ôm ghì vào lòng và bằng cái miệng móm hết răng hôn lên gáy, lên lưng nàng. Trông thấy thế, chấp chính quan Memmius Regulux phì cười và ngẩng cái đầu hói nhẵn thín khoác chéo một vòng hoa lên, y nói:
                - Ai dám bảo rằng La Mã đang tiêu vong? … Chuyện vớ vẩn!… Ta, chấp chính quan, ta biết rõ nhất. Videant consules! Ba mươi chiến đoàn đang canh giữ cho Pas romana của chúng ta!
                Đến đây, y vung hai nắm đấm lên ngang thái dương và bắt đầu kêu vang khắp phòng:
                - Ba mươi chiến đoàn! Ba mươi chiến đoàn. Từ Brytania đến biên giới Parlơ.
                Đột nhiên y chợt suy nghĩ rồi đặt một ngón tay vào trán y thốt ra:
                - Mà lạy trời sao cho có được tới ba mươi hai.
                Rối y lăn nhào xuống gậm bàn, và chỉ lát sau bắt đầu ộc ra nào là lưỡi chim hồng hạc, nào là nấm sữa nướng, nào là nấm ướp đông, nào châu chấu nấu mật, nào cá nào thịt, cùng tất cả mọi thứ mà y vừa mới ăn hoặc uống vào bụng.
                Tuy vậy số lượng chiến đoàn đang canh giữ cho sự yên ổn của La Mã vẫn không làm cho Đomixius yên lòng. Không! Không! La Mã phải bị tiêu vong bởi vì lòng tin vào các vị thần linh và những thuần phong mỹ tục nghiêm ngặt xưa đã bị tiêu ma rồi. La Mã phải bị diệt vong, tiếc thay, bởi vì dù sao cuộc sống cũng vẫn tốt đẹp biết bao, hoàng thượng ưu ái biết bao, rượu nho ngon lành biết bao! Ôi! Thật đáng tiếc!
                Và giấu đầu vào giữa hai đùi cô vũ nữ tế thần rượu người Xyri, y oà lên khóc nức nở.
                - Cuộc sống kiếp sau mà làm gì!… Asilex nói có lý, thà làm nông nô trên dương thế còn hơn làm vua ở cõi âm. Và thử hỏi, liệu các vị thần linh có tồn tại thật chăng, dẫu bọn trẻ đã đánh mất lòng tin đi rồi….
                Lúc này, chàng Lukan đã thổi bay sạch bụi vàng ra khỏi mái tóc Nigiđia, ả ta, sau khi uống say, đã ngủ thiếp đi. Chàng bèn tháo những dây trường xuân từ cái bình đặt trước mặt và quấn chung quanh người đàn bà đang ngủ, sau khi làm xong công trình ấy, chàng đưa mắt nhìn những người có mặt với vẻ hân hoan và dò hỏi.
                Sau đó, chàng cũng dùng những dây trường xuân trang điểm cho bản thân mình rồi nhắc đi nhắc lại với một giọng tin tưởng sâu sắc:
                - Ta đâu phải là người, ta chính là thần Đồng Nội đây!
                Petronius không say, còn Nerô, lúc đầu vì giữ gìn cái “giọng hát thiên giới” của mình nên uống ít, đến gần cuối lại nốc hết cốc này sang cốc khác và đã say mèm. Ngài muốn hát tiếp khúc ca của mình, lần này bằng tiếng Hi Lạp, nhưng lại quên mất và hát nhầm sang một bài ca của Anakreontơ. Pitagorax, Điođor và Terpnox phụ hoạ theo ngài, song không thành công nên đành bỏ cuộc. Nerô lại bắt đầu ca ngợi - với tư cách là một nhà sành sỏi và một nhà duy mỹ - sắc đẹp của chàng trai Pitagorax, thậm chí ngài hôn cả tay chàng trai vì quá ngưỡng mộ chàng. Có lúc nào đó ngài đã từng trông thấy những bàn tay đẹp đẽ nhường này… nhưng ở ai ấy nhỉ?
                Và tỳ bàn tay vào trán nhớp nháp ngài cố nhớ lại. Giây lát sau ngài chợt lộ vẻ kinh hoàng:
                - A! Ở mẹ ta! Ở Grypina!
                Và đột nhiên những cảnh tượng thê lương chế ngự ngài:
                - Người ta kể rằng, - ngài nói, - đêm đêm bà ta đi dạo trên mặt biển theo sau vầng trăng, gần Baiae và Baula. Chẳng làm gì hết, chỉ đi, đi, như đang tìm kiếm vật gì vậy. Và nếu có con thuyền nào tiến lại gần thì bà ta liền giương mắt nhìn rồi bỏ đi, tên ngư dân nào bị bà ta nhìn đều bị chết cả.
                - Một đề tài không đến nỗi nào, - ông Petronius nói.
                Còn Vextynux thì vươn dài cổ ra như một con sếu, thì thào vẻ đầy bí ẩn:
                - Tôi thì không tin thần thánh, nhưng lại tin vào ma quỷ… Ối!
                Song Nerô không thèm để tai đến lời họ mà vẫn nói tiếp:
                - Ta đã làm lễ vong hồn rồi kia mà! Ta không muốn trông thấy bà ta! Đã năm năm rồi còn gì. Ta buộc lòng, buộc lòng phải giết bà ta vì bà ta sai kẻ khác tới giết ta, và nếu như ta không ra tay trước thì ngày nay các ngươi đâu còn được nghe tiếng hát của ta nữa!
                - Xin đa tạ hoàng thượng, nhân danh cả thành bang và toàn thế giới - Đomixius Afer kêu to.
                - Rượu đâu! Hãy gõ sanh tiền lên!
                Tiếng ồn ào lại dậy lên. Lukan, người quấn đầy dây trường xuân, muốn át tiếng ồn bèn đứng dậy thét lớn:
                - Ta không phải là người đâu, ta là thần Đồng Nội, ta ở trong rừng! E… hô… ôôôô…
                Rốt cuộc, Hoàng đế say mềm, Venexius không ít say sưa hơn những kẻ khác và bên cạnh dục vọng, trong chàng còn nổi lên ý muốn gây sự, điều bao giờ cũng xẩy ra khi chàng quá chén. Khuôn mặt rám nắng của chàng nói bằng giọng phấn khích và mệnh lệnh với Ligia:
                - Chìa môi ra! Hôm nay, ngày mai, đằng nào cũng thế!… Thôi đủ rồi! Hoàng thượng bắt em từ tay ông bà Aulux là để ban cho ta, em hiểu chưa? Ngày mai, chiều tối, ta sẽ phái người tới đón em, hiểu chưa!… Hoàng thượng đã hứa sẽ ban em cho ta, ngay từ trước khi bắt em về kia… Em phải là của ta! Chìa môi ra nào! Ta không muốn chờ đến mai nữa! Chìa môi ra, mau!
                Và chàng ôm ghì lấy nàng, song Akte bắt đầu chống cự để bảo vệ nàng, cả nàng nữa, còn chút hơi sức nào cũng đem ra tự vệ, vì nàng cảm thấy rằng mình chết đến nơi rồi. Song hai cánh tay nàng bất lực không sao bứt nổi cánh tay nhẵn thín của chàng ra khỏi người mình, giọng nàng run rẩy nỗi sợ hãi và niềm oán hận vô vọng van xin chàng đừng làm thế, hãy thương lấy nàng. Hơi thở sặc sụa mùi rượu phả lên người nàng mỗi lúc một gần, mặt chàng đã kề sát mặt nàng. Đó không còn là chàng Venexius trước đây, tốt bụng và gần như thân thiết với tâm hồn nàng, mà là một đương thần Xatyr hung dữ đang say, khiến nàng hãi hùng và kinh tởm.
                Song sức nàng mỗi lúc một cạn. Vô vọng, nàng ngả người ra, quay mặt đi tránh những cái hôn của chàng. Chàng nhỏm cả người lên, ôm ghì nàng bằng cả hai tay, kéo đầu nàng vào ngực và bắt đầu vừa hổn hển thở vừa dùng đôi môi tái nhợt giày xéo đôi môi nàng.
                Chính vào giây phút ấy, bỗng một sức mạnh kinh hoàng đột ngột tháo tung vòng tay chàng ra khỏi cổ nàng dễ dàng như đó chỉ là vòng tay một đứa trẻ con, và đẩy bật chàng ra một bên như một chiếc cành khô hay lá mục vậy. Chuyện gì thế? Venexius vuốt đôi mắt bàng hoàng và chợt trông thấy trước mặt mình thân hình khổng lồ của người đàn ông Ligi tên là Urxux mà chàng đã quen mặt hồi còn ở nhà ông bà Aulux.
                Người đàn ông Ligi đứng bình thản, chỉ chằm chằm nhìn Venexius bằng cặp mắt xanh biếc với một vẻ lạ lùng đến nỗi máu dường như dừng lại trong huyết quản chàng, rồi bế nàng công chúa của mình lên, bác ta bước đi khoan thai và khẽ khàng ra khỏi phòng tiệc.
                Trong một thoáng, Venexius ngồi sững như hoá đá, rồi chàng bật dậy lao về phía lối ra:
                - Ligia! Ligia!…
                Song dục vọng, nỗi kinh hoàng, sự cuồng nộ cùng rượu nho đã dần ngáng chân chàng. Chàng ngã lăn xuống, một lần, hai lần, rồi túm lấy cánh tay trần của một cô đồng tế rượu, chàng vừa chớp chớp mắt vừa hỏi:
                - Có chuyện gì thế?
                Ả ta cầm một cốc rượu nho đưa cho chàng với nụ cười trong đôi mắt mơ màng:
                - Uống đi, - ả nói.
                Venexius uống cạn và đổ gục xuống chân.
                Phần lớn khách khứa đã nằm lăn dưới gầm bàn, những người khác lảo đảo đi lại xiêu vẹo trong phòng tiệc, bọn khác nữa lại ngủ trên các ghế dài đặt dọc bàn ăn, ngáy rền hoặc ựa ra phần rượu nho quá chén trong giấc mơ, còn những đoá hoa hồng vẫn rơi và rơi đều từ cái lưới căng trên trần nhà xuống những vị chấp chính quan và nguyên lão say mèm, xuống các vị hiệp sĩ, thi sĩ, triết gia say mèm, xuống các vũ nữ và quý tộc say mèm, xuống cả cái thế giới này, tuy hãy còn toàn quyền ngự trị nhưng đã quá vô lương, quá mãn nguyện, quá phân rã và đang lụi tàn đi.
                Ngoài sân, trời bắt đầu rạng sáng.
                Chú thích:
                (1) Đây là các nữ tăng lữ trông giữ ngọn lửa vĩnh cửa ở đền thờ nữ thần Vexta ở Cổ La Mã. Họ được lựa chọn trong đám thiếu nữ từ sáu đến mười tuổi và đảm nhiệm chức vụ ba mươi năm. Họ rất được trọng vọng. Song nếu để ngọn lửa vĩnh cửu bị tắt thì sẽ bị tội hình, còn nếu để bị mất trinh thì bị chôn sống.


                ST
                Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                Comment


                • #9
                  T1 - Chương 8

                  Không có ai giữ Urxux lại, thậm chí cũng chẳng ai hỏi xem bác làm gi. Trong đám thực khách, kẻ nào còn chưa nằm lăn lóc dưới gầm bàn cũng không còn ở nguyên chỗ của mình nữa, nên lũ gia nhân khi trông thấy một người khổng lồ bế trên tay một nàng thực khách thì cho rằng chắc đó là một gã nô lệ mang cô chủ đang say mèm trên người của mình đi mà thôi. Thêm nữa, Akte đi ngay sau khi họ và sự có mặt của nàng xua tan mọi nỗi nghi ngờ.
                  Nhờ thế, họ đi được từ phòng tiệc lớn đến căn phòng kế bên, rồi từ đó qua dẫy hành lang dẫn về nơi ở của Akte.
                  Ligia kiệt sức đến nỗi nàng nặng trĩu như một người đã chết trên đôi tay bác Urxux. Song khi được làn không không khí ban mai trong lành và lạnh giá dội vào người, nàng liền mở mắt ra. Trời mỗi lúc một sáng. Lát sau, theo đường hàng cột họ quanh vào một hàng hiên nhánh không thông với sân trong mà thông với khu vườn của hoàng cung, nơi những ngọn thông và trắc bá đang rực hồng trong ánh bình mình. Phần này của tòa nhà vắng ngắt, hồi âm của tiếng nhạc cùng tiếng ồn ào huyên náo của đám thực khách vọng tới đây mỗi lúc một mơ hồ hơn. Ligia cảm thấy như được giải thoát ra khỏi địa ngục và được mang lên thế giới sáng sủa của các vị thần linh. Bởi ít ra cũng còn có một cái gì khác ngoài cái phòng tiệc kinh tởm đó. Có bầu trời, có bình minh, ánh sáng và sự tĩnh mịch. Cô gái bỗng òa lên khóc và dụi đầu vào vai bác khổng lồ nàng nức nở lặp đi lặp lại:
                  Về nhà đi bác Urxux, về nhà đi, về với ông bà Aulux đi!
                  Ta sẽ về, thưa cô! - Bác Urxux đáp.
                  Lúc đó họ đang ở trong gian chính sảnh của thông thiên nhỏ bé thuộc khu phòng ở của Akte. Bác Urxux đặt Ligia lên một chiếc ghế dài bằng cẩm thạch cách không xa đài phun nước. Còn Akte an ủi nàng, khuyên nàng đi nghỉ và cam đoan rằng tạm thời chưa có gì đe dọa nàng cả, bởi vì đám thực khách say sưa say bữa tiệc còn phải ngủ đến tận chiều. Song suốt một hồi lâu, Ligia không sao tự trấn tĩnh nổi và hai tay ôm chặt thái dương, nàng nhắc đi nhắc lại như một đứa trẻ:
                  Về nhà đi, về với ông bà Aulux đi!...
                  Bác Urxux đã sẵn sàng. Ở cổng có bọn lính cấm vệ canh gác, nhưng bác vẫn qua được như thường. Bọn lính không giữ người đi ra. Trước vòm cổng có vô số kiệu đang chen chúc nhau. Người ta đã bắt đầu đi ra cùng với đám đông và đi thẳng về nhà. Mà nói cho cùng bác có chấp gì cơ chứ? Nếu công chúa đã ra lệnh thì nhất định phải thực hiện rồi. Bác ở đây chính là để thực hiện mọi mệnh lệnh của nàng mà.
                  Còn Ligia cứ lặp đi lặp lại:
                  Phải, bác Urxux, ta đi ra đi!
                  Song Akte phải tỉnh táo thay cho cả hai người. Họ sẽ ra thoát. Đúng! Sẽ không kẻ nào giữ họ lại. Song không một ai được phép trốn khỏi cung Hoàng đế, kẻ nào làm điều đó là mắc trọng tội phạm thượng. Họ sẽ ra thoát nhưng đến chiều, một viên xenturion dẫn đầu một toán lính sẽ mang bản án tử hình tới cho ông Aulux và bà Pomponia Grexyna, còn Ligia thì sẽ lại bắt mang về hoàng cung, và khi ấy sẽ không còn cách nào cứu được nàng nữa cả. Nếu như ông bà Aulux cưu mang họ trong nhà mình thì chắc chắn cái chết đang chờ họ đó.
                  Tay Ligia chợt buông xuôi. Không còn cách nào cả. Nàng phải lựa chọn giữa cái chết của ông bà Aulux và cái chết của mình. Khi đến dự tiệc nàng còn hy vọng là Vinixius cùng ông Petronius sẽ cầu xin Hoàng đế giải thoát cho nàng, trả nàng về với bà Pomponia, nhưng giờ đây nàng đã biết được rằng chính họ đã xui khiến Hoàng đế cướp nàng từ tay ông bà Aulux. Không còn cách nào hết! Hoạ chăng chỉ là có phép thần mới có thể lôi nàng thoát khỏi cái vực thẳm này. Phép thần và uy quyền của Thượng đế.
                  - Chị Akte, - nàng thốt lên tuyệt vọng, - chị có nghe Vinixius nói Hoàng đế đã ban cho y, rằng chiều nay y sẽ phái nô lệ đến bắt em mang về nhà y chứ?
                  - Chị có nghe! - Akte đáp.
                  Và buông xuôi hai tay, nàng nín lặng. Sự tuyệt vọng của Ligia không hề gây nên một tiếng vang đồng vọng nào trong lòng nàng. Chính nàng cũng đã từng là tình nhân cũa Nerô kia mà. Trái tim nàng, dẫu tốt lành, vẫn không cảm thấy được sự kinh tởm của một mối quan hệ như thế. Trước kia, vốn là nô tỳ nên nàng quá gắn bó với luật lệ của kiếp đời nô lệ, thêm vào đó, cho tới nay, nàng vẫn còn yêu Nerô. Giá như Hoàng đế muốn quay trở lại với nàng, nàng sẵn sàng vươn tay ra đón. Người như đón chào niềm hạnh phúc. Giờ đây, nàng hiểu rất rõ hoặc rằng Ligia phải chịu trở thành người tình của chàng Vinixius trẻ trung và xinh đẹp, hoặc sẽ mang lại cái chết cho bản thân lẫn gia đình Aulux, nên nàng không hiểu nổi vì sao cô gái còn có thể do dự.
                  Ở hoàng cung - nàng nói sau giây lâu - em sẽ không được an toàn như ở nhà Vinixius đâu.
                  Nàng không hề nghĩ rằng, mặc dù nàng nói ra một sự thật song lời của nàng lại có nghĩa là: “Hãy phục tùng số mệnh và chịu làm tỳ thiếp của Vinixius đi thôi!”. Còn Ligia, hãy còn cảm thấy trên môi mình những chiếc hôn đầy dục vọng, thú vật và cháy bỏng như than hồng của chàng, thì chỉ nguyên việc nhớ lại những chuyện đó thôi cũng đã khiến cho máu nàng dồn lên mặt vì xấu hổ.
                  Không đời nào! - Nàng bật kêu lên - Em sẽ không ở lại đây, cũng sẽ không về nhà Vinixius, không đời nào!
                  Sự bùng nổ ấy khiến Akte ngạc nhiên.
                  Vậy ra - nàng hỏi - em thù ghét Vinixius đến thế kia ư?
                  Song Ligia không thể trả lời vì nàng lại khóc òa lên. Akte kéo nàng vào ngực mình và bắt đầu an ủi. Bác Urxux thở nặng nhọc xiết chặt hai nắm đấm, bác kính yêu công chúa của bác với lòng trung thành của một con chó nên bác không sao chịu đựng nổi những giọt lệ của nàng. Trong trái tim Ligia nữa hoang dã của bác chợt trào lên ý muốn quay trở lại phòng tiệc bóp chết ngay Vinixius và nếu cần cả Hoàng đế nữa, song bác sợ nói ra điều đó với cô chủ của mình, trong khi bác không biết chắc liệu cái hành động mà bác cho là vô cùng đơn giản ấy có xứng đáng với một tín đồ của Con Chiên Bị Đóng Đinh Câu Rút hay chăng.
                  Còn Akte vẫn ôm ấp Ligia và lại hỏi:
                  - Em thù ghét chàng lắm sao?
                  - Không - Ligia đáp - em không được phép căm thù chàng bởi vì em là một tín đồ Thiên chúa giáo.
                  - Chị biết chứ, Ligia. Và đọc thư của Đức Paven xứ Tarxu chị còn biết rằng các tín đồ Thiên chúa giáo không được phép tự làm nhục, không được sợ chết hơn sợ tội ác, nhưng thế thì em hãy nói cho chị biết giáo thuyết của các em có cho phép mang lại cái chết cho người khác hay không?
                  - Không ạ.
                  - Vậy tại sao em có thể cam tâm kéo sự trả thù của Hoàng đế đến với gia đình ông bà Aulux?
                  Một giây im lặng. Một cái vực thẳm không đáy lại mở ngoác ra trước Ligia.
                  Song người nô tỳ được giải phóng nói tiếp:
                  - Chị hỏi thế bởi chị tiếc cho em, cho bà Pomponia tốt bụng, cho ông Aulux và thằng bé con họ. Chị đã từng sống lâu trong nhà này rồi, chị biết cơn giận của Hoàng thượng sẽ đeo dọa điều gì? Không! Các người không thể trốn khỏi nơi đây. Em chỉ cần có duy nhất một con đường: Hãy cầu xin Vinixius để chàng đưa em về với bà Pomponia.
                  Song Ligia đã quỳ sụp xuống để cầu xin một người nào khác. Một giây sau, bác Urxux cũng quỳ xuống và trong cung điện của Hoàng đế trong ánh bình minh, cả hai người cùng cầu nguyện.
                  Lần đầu tiên Akte được nhìn thấy cảnh cầu nguyện như thế, nàng không sao rời mắt nổi khỏi Ligia đang quay nghiêng mặt lại với nàng, đầu ngẩng lên, hai tay vươn cao, mắt ngước lên trời, dường như chờ đợi sự cứu rỗi từ nơi ấy đến. Bình minh rọi ánh sáng lên mái tóc đen cùng chiếc áo peplum trắng tinh của nàng, lóng lánh trong con người nàng và ngập trong ánh sáng, chính nàng cũng hệt như ánh sáng. Trên khuôn mặt nhợt nhạt của nàng, trong dáng môi hé mở, trong đôi cánh tay vươn cao và trong mắt nàng có thể thấy một sự đắm say thiên giới. Giờ đây Akte đã hiểu được vì sao Ligia không thể trở thành tỳ thiếp của bất kỳ kẻ nào. Trước mắt người tình xưa của Nerô dường như vừa hé mở một góc màn phủ che một phần thế giới khác hẳn với cái thế giới mà nàng hằng quen thuộc. Cuộc cầu nguyện tại chính ngôi nhà đầy tội ác và kinh tởm này khiến nàng kinh ngạc. Chỉ vừa nãy thôi nàng còn cho rằng không có cách gì cứu nổi Ligia, giờ đây nàng bắt đầu tin rằng có thể sẽ xảy ra một chuyện gì đó phi thường, rằng sẽ có một sự ứng cứu hùng mạnh đến nỗi chính Hoàng đế cũng không thể cưỡng lại nổi, rằng từ trên cao sẽ có những vị thần có cánh bay xuống cứu giúp cô gái, hay mặt trời sẽ trải một thảm ánh sáng xuống dưới chân cô gái và kéo cô lên với mình. Akte đã từng nghe nhiều chuyện kỳ diệu trong các tín đồ Thiên chúa giáo và giờ đây nàng nghĩ rằng hẳn là tất cả những điều đó có thật, bởi Ligia đang cầu nguyện thành tâm thế kia mà.
                  Mãi sau, Ligia đứng dậy với nét mặt rạng rỡ niềm hy vọng, bác Urxux cũng nhổm lên rồi quỳ xuống cạnh chiếc ghế dài, nhìn cô chủ chờ đợi nàng sai bảo.
                  Mắt cô gái chợt nhòa đi, lát sau, hai giọt lệ lớn từ từ lăn trên gò má nàng.
                  - Cầu chúa ban phúc lành cho bà Pomponia và ông Aulux - nàng nói - Ta không có quyền đưa cái chết đến cho họ, vì vậy sẽ không bao giờ ta còn được gặp lại họ nữa!
                  Rồi quay sang bác Urxux, nàng nói với bác rằng giờ đây bác là người duy nhất còn lại bên nàng trên đời, rằng bác sẽ phải vừa là cha, vừa là người đỡ đầu của nàng. Cả hai không thể tìm nơi ẩn náu trong nhà ông bà Aulux, vì điều đó có thể kéo cơn giận dữ của Hoàng đế xuống đầu ông bà. Song nàng cũng không thể nào ở lại cung Hoàng đế hay về nhà Vinixius. Vậy bác Urxux hãy mang nàng ra khỏi thành phố, giấu nàng vào một nơi nào đó, sao cho cả Vinixius lẫn tôi tớ của chàng đều không thể tìm ra. Nàng sẽ theo bác đi đến bất cứ chốn nào, vượt biển, băng núi, đến với những tộc người man rợ, nơi không còn phải nghe thấy một cái tên của người La Mã nào nữa cả, nơi quyền lực của Hoàng đế không với tới. Bác hãy cưu mang và cứu lấy nàng, vì nàng chỉ còn mỗi mình bác nữa mà thôi.
                  Bác Ligi sẵn sàng làm việc đó và để bày tỏ sự vâng lời của mình, bác cúi xuống ôm lấy chân nàng. Trên mặt Akte, người đang chờ đợi một điều kỳ diệu, hiện lên vẻ thất vọng. Sự cầu nguyện kia chỉ mang đến có thế thôi ư? Trốn khỏi cung Hoàng đế là mắc vào trọng tội phạm thượng, tội ấy sẽ bị trừng phạt và cho dù Ligia có ẩn kín được chăng nữa, thì Hoàng thượng cũng sẽ trả thù ông bà Aulux. Nên quả nàng muốn trốn thì nên trốn đi từ nhà chàng Vinixius. Khi ấy, vốn không thích bận tâm đến chuyện của người khác, rất có thể Hoàng đế sẽ không muốn giúp Vinixius trong việc săn đuổi và ít nhất họ cũng không mắc vào tội phạm thượng.
                  Song chính Ligia cũng nghĩ như thế. Thậm chí gia đình họ Aulux kể cả bà Pomponia cũng sẽ không biết nàng trốn tránh ở đâu. Song nàng sẽ không trốn đi từ nhà Vinixius mà sẽ trốn dọc đường. Chàng đã nói với nàng trong cơn say rằng chiều sẽ phái nô lệ tới đón nàng. Hẳn là chàng nói thật, điều mà nếu tỉnh táo chắc chàng đã không hở ra. Chắc là chàng hoặc chàng cùng ông Petronius đã gặp Hoàng thượng trước bữa tiệc và xin được Hoàng thượng hứa rằng chiều hôm sau sẽ cho phép đón nàng. Nhưng bác Urxux sẽ cứu nàng. Bác sẽ xông đến, bế nàng ra khỏi kiểu, như đã bế nàng ra khỏi phòng tiệc và họ sẽ đi vào cuộc đời. Không kẻ nào có thể địch nổi bác Urxux. Ngay cả tay đô vật đáng sợ vừa múa võ tối qua trong phòng tiệc cũng chẳng thể đương đầu được với bác. Song, vì Vinixius có thể sẽ phái tới rất nhiều nô lệ, nên ngay lát nữa đây, bác Urxux sẽ tới gặp giám mục Linux để xin được khuyên và trợ giúp. Rủ lòng thương nàng, đức giám mục sẽ không để cho nàng lọt vào tay Vinixius và sẽ báo cho các tín đồ Thiên chúa giáo cùng bác Urxux đến cứu nàng. Họ sẽ đánh tháo nàng và đưa nàng đi, rồi sau đó tự bác Urxux sẽ biết cách mang nàng ra khỏi thành phố và giấu nàng vào nơi nào đó để tránh bạo lực của La Mã.
                  Nét mặt nàng bắt đầu ửng hổng và thoáng những nét tươi cười. Niềm cổ vũ lại đến với lòng nàng, dường như cái hy vọng được cứu thoát đã được biến ngay thành sự thật. Nàng bỗng ôm choàng lấy cổ Akte rồi kề đôi môi tuyệt vời của mình mà Akte, nàng thì thầm hỏi:
                  - Chị Akte, chị không phản chúng em chứ, phải không chị?
                  - Thề có hương hồn mẫu thân chị - người nô tỳ được giải phóng đáp - chị sẽ không phản bội các em, em hãy cầu Đức Chúa của em sao cho bác Urxux cứu thoát được em.
                  Còn đôi mắt màu thanh thiên đầy vẻ trẻ thơ của người khổng lồ nọ thì sáng ngời lên vì hạnh phúc. Bác không thể nghĩ ra một điều gì cả, dù có vặn gãy cái đầu đáng thương của mình đi chăng nữa, nhưng việc kia thì bác làm được. Dù ngày hay đêm đối với bác cũng vậy thôi!... Bác sẽ tới gặp đức giám mục, bởi người biết đọc từ trời cao xem cái gì là cần thiết và cái gì không cần. Song tự bác, bác cũng có thể tụ tập được các tín đồ Thiên chúa. Bác quen biết vô số nô lệ, đấu sĩ, những người tự do, cả ở khu Xubur lẫn khu bên kia cầu. Bác có thể tập hợp được một ngàn người hay đến cả hai ngàn người ấy chứ! Bác sẽ đánh tháo cho cô chủ của bác, còn chuyện đưa cô chủ ra khỏi thành phố, đi cùng với cô chủ thì bác thừa sức làm được! Họ sẽ đi, dẫu tới tận cùng thế giới, dẫu tới tận quê hương xứ sở, nơi chẳng hề có ai nghe nói gì về La Mã nữa cả!
                  Nói đến đây, bác nhìn thẳng về phía trước mặt, dường như muốn trông thấu điều gì đó trong quá khứ, đã vô cùng xa xôi, rồi bác reo lên:
                  - Vào rừng? Hây, rừng ra rừng, rừng ra rừng nhá!...
                  Song chỉ giây lâu, bác chợt tỉnh khỏi hồi ức.
                  Ồ, bác sẽ đi ngay tới gặp đức giám mục, và đến chiều tối thể nào bác cũng có trong tay chừng trăm người chực sẵn chờ kiệu. Và cầu sao cho không chỉ riêng bọn nô lệ đến đón nàng đi, mà cả bọn lính cấm vệ nữa. Tốt nhất là chớ có kẻ nào dại dột lăn vào nắm đấm của bác, dù hắn có mặc giáp sắt đi chăng nữa!... Sắt mà đã chắc chắn lắm à! Cứ nện thật lực vào sắt thì cả cái đầu bên dưới lớp sắt cũng đừng hòng chịu đựng nổi!
                  Song Ligia, với vẻ nghiêm nghị vừa trang trọng, vừa trẻ thơ giơ một ngón tay lên:
                  - Bác Urxux! Bác chớ có “giết chóc” đấy nhé! - Nàng bảo.
                  Bác già người Ligi cong cánh tay giống như một chiếc trùy gai của mình xoa xoa gáy với vẻ vô cùng bối rối. Bác nhất thiết phải cứu bằng được nàng kia mà - “ánh sáng của bác”. Chính nàng chả bảo là bây giờ đến lượt bác ra tay đấy ư? Bác sẽ cố gắng hết sức. Nhưng ngộ bác nhỡ tay thì sao? Bác phải cứu nàng kia mà. Thôi, nếu có chuyện gì, bác sẽ sám hối và cầu xin Con Chiên Vô Tội tha thứ cho bác, cho tới khi nào Con Chiên Bị Đóng Đinh Câu Rút mủi lòng thương một kẻ tội nghiệp như bác mới thôi…
                  Bởi bác đâu có muốn xúc phạm tới Con Chiên, có điều tay bác hơi nặng. Và để che giấu một nỗi xúc động sâu xa đang hiện lên trên gương mặt của bác, bác bèn cúi chào và nói:
                  - Tôi xin đi gặp Đức giám mục thiêng liêng.
                  Akte ôm ghì lấy cổ Ligia nấc lên.
                  Một lần nữa nàng hiểu ra rằng, có một thế giới nơi mà trong nỗi xót đau cũng vẫn còn nhiều hạnh phúc hơn so với trong tất thảy xa hoa và lạc thú ở cung Hoàng đế, một lần nữa hé ra trước mắt nàng một cách cửa mở về nơi ánh sáng, song đồng thời nàng lại cảm thấy rằng, nàng không còn xứng đáng được bước qua cánh cửa ấy nữa rồi.


                  ST
                  Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                  Comment


                  • #10
                    T1 -Chương 9

                    Ligia thương bà Pomponia Grexyna, người mà nàng yêu thương bằng cả tâm hồn, nàng nhớ thương cả gia đình ông Aulux, song cơn tuyệt vọng của nàng đã qua đi. Thậm chí nàng còn cảm thấy một sự dịu ngọt nào đó trong ý nghĩ rằng chính vì Chân lý của mình mà nàng hy sinh sự giàu sang, tiện nghi để dấn thân vào một cuộc sống lang thang và mới lạ. Trong đó có lẽ có một chút tò mò trẻ thơ muốn được biết cuộc sống ở những vùng xa xôi giữa những người man rợ và dã thú kia sẽ ra sao? Song nhiều hơn vẫn là một lòng tin sâu sắc và chân thành rằng làm như thế nàng đã làm đúng theo những lời răn dạy của Thánh sư và rằng từ phút này trở đi, chính Người sẽ che chở cho nàng như che chở cho một đứa con trung hiếu biết và biết vâng lời. Vậy thì làm sao còn có thể có điều dữ xảy ra với nàng được? Nếu khổ đau có tới chăng nữa thì nàng sẽ chịu đựng được vì sáng danh Người. Cái chết bất thần mà đến ư? Thì người sẽ mang nàng đi và một ngày kia khi bà Pomponia qua đời họ sẽ lại được cùng đoàn tụ mãi mãi, vĩnh hằng. Hồi còn ở nhà ông bà Aulux, hơn một lần nàng từng dày vò trí óc trẻ thơ của mình bởi ý nghĩ rằng nàng - một tín đồ Thiên chúa giáo - lại không thể làm được điều gì đó cho Đấng Bị Đóng Đanh Câu Rút, người mà bác Urxux vừa nhắc đến với sự xúc động nhường kia. Song giờ phút ấy đã tới. Ligia gần như cảm thấy sung sướng và nàng bắt đầu thổ lộ với Akte niềm hạnh phúc của mình, song Akte không tài nào hiểu nổi nàng. Từ bỏ tất cả, bỏ cả nhà cửa, sự no ấm, thành phố, vườn tược, đền đài, những hàng hiên, tất cả những gì đẹp đẽ nhất, từ bỏ đất nước ngập nắng mặt trời và những người thân thích ư? Và tại làm sao kia chứ? Chỉ để trốn tình yêu của một chàng hiệp sĩ trẻ và đẹp ư? Đầu óc Akte không sao hình dung nổi chuyện đó. Đôi khi, nàng cũng cảm thấy điều đó có lý, rằng thậm chí có thể có một niềm hạnh phúc to lớn và bí ẩn nào đó, song nàng không sao hiểu cho thật rõ ràng, thêm nữa lại còn có một bước ngoặt lớn đang chờ đợi Ligia, bước ngoặt ấy có thể sẽ kết thúc rất tồi tệ, thậm chí cô gái rất có thể mất mạng như bỡn. Về bản chất, Akte vốn nhút nhát, nàng sợ hãi nghĩ tới những điều mà buổi chiều tối hôm đó có thể đưa tới. Song nàng không muốn nói cho Ligia biết những nỗi lo âu của mình: Trong khi đó, trời đã sáng, mặt trời đã rọi vào chính sảnh thông thiên, nàng bèn khuyên cô gái đi nghỉ, cần phải nghỉ ngơi sau một đêm mất ngủ. Ligia không phản đối và cả hai bước sang buồng ngủ, buồng ngủ này rộng rãi, bài trí xa hoa, kết quả của những mối quan hệ xưa kia giữa Akte và Hoàng đế. Ở đó, họ ngả lưng xuống bên nhau, song mặc dù mệt mỏi. Akte không sao chợp mắt nổi. Từ lâu, nàng buồn rầu và bất hạnh, song giờ đây nàng lại thêm một nỗi lo lắng mà trước đây nàng không hề biết tới. Cho đến nay nàng chỉ cảm thấy cuộc sống là nặng nề và không có ngày mai, còn giờ đây nàng bỗng cảm thấy nó thật là vô luân.
                    Đầu óc nàng mỗi lúc một thêm quay cuồng. Cánh cửa mở ra phía ánh sáng lúc thì hé ra. Lúc thì khép lại. Vào lúc nó hé ra, thứ ánh sáng ấy lại khiến nàng lóa mắt, đến nỗi nàng chẳng trông thấy một thứ gì rõ nét cả. Nàng chỉ ước đoán được rằng trong thứ ánh sáng rực rỡ ấy chứa đựng một niềm hạnh phúc vô biên mà bên cạnh nó mọi thứ khác đều nhỏ bé đến thảm hại, đến nỗi giá như - nói thí dụ - Hoàng đế có xa Poppea và trở lại yêu nàng chăng nữa, thì cả điều đó cũng chỉ là một chuyện vô vị mà thôi. Nàng chợt nảy ra ý nghĩ rằng vị Hoàng đế mà nàng hằng yêu dấu và đã vô hình chung coi như vị nửa thần thánh kia cũng chỉ là một thứ gì đó thật cỏn con như mọi kẻ nô lệ, còn cái cung điện với những hàng cột bằng đá cẩm thạch Numidi cũng chẳng hơn gì một đống đá vụn. Song rốt cuộc, những cảm giác mà nàng không sao hiểu nổi ấy khiến nàng mệt mỏi. Nàng rất muốn được ngủ thiếp đi, nhưng không sao ngủ được bởi nỗi lo lắng dày vò.
                    Cuối cùng, đoán rằng Ligia, kẻ mà trên đầu đang treo lơ lửng kia biết bao mối đe dọa và những điều phấp phỏng thế kia, hẳn cũng không thể ngủ được, nàng bèn quay sang cô gái để trò chuyện về cuộc chạy trốn chiều nay.
                    Song Ligia đang ngủ ngon lành. Vài tia sáng rực rỡ lọt qua bức rèm kéo không thật kín rọi vào phòng ngủ tối, trong những tia sáng, những hạt bụi vàng bay lượn. Nhờ ánh sáng ấy, Akte thấy được khuôn mặt thanh tú của cô gái trên cánh tay trần, cặp mắt nhắm nghiền và đôi môi hơi hé mở. Cô gái thở đều đặn, như người ta thường thở khi đang có một giấc mơ.
                    “Nó ngủ, nó vẫn có thể ngủ được! - Akte nghĩ thầm - Nó hãy còn là một đứa trẻ kia mà”.
                    Song lúc sau nàng chợt nghĩ ra rằng, đứa trẻ ấy thà đi trốn còn hơn trở thành người tình của Vinixius, thà chịu sống nghèo hèn còn hơn chịu nhục, thà cầu bất cầu bơ còn hơn phải sống trong ngôi nhà tuyệt vời ở gần Karyn, hơn quần áo, đồ mỹ trang, hơn tiệc tùng, hơn tiếng đàn sáo.
                    “Vì sao thế nhỉ?”
                    Và nàng đưa mắt ngắm Ligia, dường như muốn tìm lời giải đáp trên khuôn mặt xinh đẹp đang say ngủ của cô gái. Nàng nhìn vầng trán trắng trong của cô gái, nhìn vòng cung lông mày thanh tú, nhìn hàng mi đen, nhìn đôi môi hé mở, nhìn khuôn ngực thiếu nữ đang thở đều đều, rồi nàng lại nghĩ:
                    “Nó mới khác ta biết bao!”
                    Và nàng chợt ngỡ như Ligia là một sự màu nhiệm một hình ảnh tiên giới, một thứ thiên ưu nào đó, trăm lần xinh đẹp hơn mọi loài hoa trong vườn, hơn hết thảy mọi pho tượng trong nhà Hoàng đế. Song trong trái tim người thiếu nữ Hy Lạp ấy không hề vẩn một chút ghen tị. Cứ nghĩ đến những nguy hiểm đang đe dọa cô gái, lòng nàng lại tràn ngập một tình thương bao la. Thức dậy trong lòng nàng một tình mẫu tử nào đó, đối với nàng, Ligia không những chỉ đẹp tuyệt vời như một giấc mơ tuyệt đẹp, mà còn vô cùng thân thiết nữa và kề môi vào mái tóc màu sẫm của cô gái, nàng bắt đầu hôn lên đó.
                    Còn Ligia vẫn ngủ ngon lành như ngủ ở chính nhà mình, dưới sự chăm sóc của bà Pomponia Grexyna. Nàng ngủ khá lâu. Mãi quá trưa, nàng mởi mở đôi mắt xanh thẳm của mình và bắt đầu nhìn quanh phòng ngủ với vẻ rất ngạc nhiên.
                    Rõ ràng nàng kinh ngạc bởi không phải nàng đang ở trong nhà ông bà Aulux.
                    - Chị đấy ư, chị Akte? - Mãi sau nàng mới hỏi khi nhận ra trong bóng tối nét mặt của người con gái Hy Lạp.
                    - Chị đây, Ligia.
                    - Chiều tối rồi ư chị?
                    - Chưa đâu cô bé ạ, nhưng đã quá trưa rồi.
                    - Bác Urxux vẫn chưa về ư chị?
                    - Bác Urxux không bảo là sẽ quay về mà nói là chiều tối sẽ cùng với những người Thiên chúa giáo chực sẵn chờ kiệu em.
                    - Phải rồi!
                    Sau đó rời phòng ngủ, họ sang buồng tắm, sau khi đã tắm rửa cho Ligia. Akte đưa nàng đi ăn sáng, rồi dẫn ra các khu vườn của hoàng cung, nơi họ không phải lo sợ sẽ gặp bất cứ một nguy hiểm nào, bởi lẽ Hoàng đế cùng tất thảy đám cận thần của y hãy còn đang ngủ. Lần đầu tiên trong đời, Ligia được trông thấy những khu vườn tuyệt đẹp mọc đầy trắc bá, thông, sồi, ô liu và sim thơm. Trong đó nổi bật lên màu trắng của hằng sa số pho tượng, lấp lánh những tấm kính thanh bình của khu vườn ươm rực rỡ nở hoa những khóm hồng được tưới bằng bụi nước của đài nước phun, nơi lối vào các hang động đầy kỳ diệu phủ đầy dây trường xuân hay dây nho, nơi những con thiên nga màu trắng bạc bơi lội trên mặt nước, len lỏi giữa những bức tượng và cây cối là những đàn nai vàng đã được thuần hóa từ các sa mạc Phi châu cùng đủ loài chim chóc muôn màu được đưa về từ mọi vùng đất trên thế giới mà người ta từng biết đến.
                    Các khu vườn vắng ngắt, đây đó chỉ có bọn nô lệ cầm cuốc đang làm việc khe khẽ hát ca, những kẻ khác được người ta cho nghỉ ngơi trong chốc lát đang ngồi cạnh những cây ươm hoặc trong bóng rợp của những cây sồi, trong những đốm sáng lung linh mà mặt trời rọi qua tán lá tạo nên, còn những người khác nữa đang phun nước tưới hoa hồng hay hoa kỷ phù lam. Akte cùng Ligia đi khá lâu, ngắm nghía đủ mọi thứ kỳ quan ngoạn mục của khu vườn và mặc dù đầu óc Ligia không thanh thản song nàng hãy còn quá trẻ thơ để có thể cưỡng lại sự hấp dẫn, sự tò mò và kinh ngạc. Thậm chí nàng còn nghĩ rằng giá như Hoàng đế là người tốt thì được sống trong cái cung điện như thế kia và trong những khu vườn như thế này hẳn phải là người vô cùng hạnh phúc.
                    Cuối cùng, hơi thấm mệt, họ cùng ngồi xuống một chiếc ghế dài được che khuất gần như hoàn toàn trong một bụi trắc bá và bắt đầu trò chuyện về điều nặng nề nhất đang đè lên trái tim, đó là cuộc trốn chạy đêm nay của Ligia. So với Ligia, Akte không mấy tin tưởng vào sự thành công của cuộc đi trốn. Thậm chí đôi lúc nàng cho rằng đó chỉ là một ý đồ điên khùng không thể nào thành công được. Mỗi lúc, nàng càng thấy thương hại Ligia. Nàng cho rằng việc thử thách tìm cách thuyết phục Vinixius dẫu sao cũng trăm lần an toàn hơn. Lát sau, nàng bắt đầu hỏi cô gái xem cô quen biết Vinixius đã lâu chưa, liệu cô có nghĩ rằng có thể cầu xin chàng được chăng và liệu chàng có trả cô về với bà Pomponia hay không?
                    Song Ligia buồn bã lắc mái đầu màu sẫm của nàng.
                    - Không đâu. Hồi còn ở nhà ông bà Aulux, Vinixius là một người khác hẳn, chàng tốt vô cùng, nhưng kể từ bữa tiệc hôm qua, em đâm ghê sợ chàng. Em thà chạy trốn về với những người Ligi còn hơn.
                    Akte hỏi tiếp:
                    - Song lúc ở nhà ông bà Aulux, đối với em chàng đáng yêu chứ?
                    - Vâng ạ - Ligia đáp và nàng cúi đầu.
                    - Em đâu phải là nô tỳ như chị trước kia - Akte nói sau một lúc suy nghĩ - Vinixius có thể cưới em được chứ. Em còn là con tin, là công chúa con vua Ligi. Ông bà Aulux lại yêu em như con đẻ và chị tin chắc rằng ông bà sẵn sàng nhận em là con gái. Ligia, Vinixius có thể cưới em được cơ mà?
                    Song cô gái đáp khẽ, càng buồn hơn:
                    - Em muốn chạy trốn đến với người Ligi.
                    - Ligia em, em có muốn ngay bây giờ chị đến chỗ Vinixius đánh thức chàng dậy, nếu chàng còn đang ngủ và nói với chàng điều mà chị đang nói cùng em không? Phải, em thân yêu của chị, chị sẽ đến gặp chàng vào bảo chàng rằng: “Vinixius, đó là một công chúa con vua và là đứa con gái yêu của ngài Aulux quang vinh, nếu như anh yêu nàng hãy trả nàng về cho ông bà Aulux, rồi sau đó xin cưới nàng làm vợ và đón nàng từ nhà họ về nhà anh”.
                    Còn cô gái trẻ bằng giọng khẽ đến nỗi Akte chỉ thoáng nghe thấy:
                    - Em muốn về với người Ligia.
                    Và hai giọt lệ treo trên hàng mi đã hạ xuống của nàng.
                    Câu chuyện bị gián đoạn bởi tiếng chân đang tiến lại gần và trước khi Akte kịp nhìn xem ai đang đi tới, trước ghế dài đã xuất hiện hoàng hậu Xabina Poppea với một toán nhỏ thị nữ theo hầu. Hai trong đám thị tỳ cầm những chùm lông đà điểu gắn vào cán vàng giương lên trên đầu ả và dùng chúng phe phẩy nhẹ nhàng quạt cho ả, đồng thời che bớt ánh nắng mặt trời mùa thu hãy đang còn gay gắt. Đi trước ả là một thì tỳ người Etiopia đen như mun, với bộ ngực phồng căng như quá đầy sữa, bế trên tay một đứa trẻ bọc trong chiếc khăn màu huyết dụ với những tua rua vàng. Akte và Ligia đứng dậy, ngỡ rằng Poppea chỉ đi ngang qua chiếc ghế, không để ý đến họ, song ả đã dừng chân lại trước mặt họ và nói:
                    - Akte, những cái lục lạc mà người khâu vào incunculi (búp bê), khâu không chắc, đứa trẻ bứt ra một cái đưa lên miệng, may mà Lilith trông thấy kịp.
                    - Xin thiên hậu lượng thứ - Akte đáp, hai tay khoanh trước ngực và cúi đầu.
                    Poppca bắt đầu nhìn sang Ligia.
                    - Đứa nô tỳ nào thế này - lúc sau ả hỏi.
                    - Đây không phải là nô tỳ, thưa Auguxta thiên thần, mà là đứa con nuôi của bà Pomponia Grexyna và là con gái của vua Ligi, được người ta nộp cho La Mã làm con tin.
                    - Nó đến thăm nhà ngươi à?
                    - Bẩm không, thưa Auguxta. Cô ta vào ở trong hoàng cung cách đây chưa lâu.
                    - Hôm qua nó có dự tiệc không?
                    - Bẩm có, thưa Auguxta.
                    - Theo lệnh ai?
                    - Bẩm, theo lệnh của Hoàng thượng…
                    Poppea nhìn Ligia chăm chú hơn nữa, cô gái đứng cúi đầu trước mặt ả, lúc ngước đôi mắt long lanh của mình nhìn lên vì tò mò, lúc lại cụp mi mắt xuống. Bỗng một nếp nhăn xuất hiện giữa đôi lông mày của Auguxta. Ghen tức vì sắc đẹp và quyền binh của mình, ả sống trong một nỗi lo hãi triền miên, rằng một ngày kia sẽ có một nữ địch thủ may mắn nào đó đánh bại ả như chính ả đã từng đánh bại Oktavia. Vì vậy, mỗi một khuôn mặt xinh đẹp trong cung điện đều dấy lên trong lòng ả nỗi nghi ngờ. Bằng con mắt của người đàn bà sành sỏi, ả thâu tóm ngay tức khắc toàn bộ hình hài Ligia, đánh giá từng nét trên mặt nàng và ả chợt lo sợ. “Đây quả là một tiên nữ - ả nhủ thầm - Chính nữ thần sắc đẹp Venux đã sinh ra con bé”. Và trong lòng ả chợt nảy ra một điều mà cho tới nay chưa hề nảy ra trong óc ả khi nhìn một người đẹp nào khác, rằng ả già hơn quá nhiều. Lòng tự ái bị tổn thương trong ả bắt đầu rung lên, nỗi lo lắng và những nỗi e sợ khác nhau bắt đầu lướt qua óc ả nhanh như ánh chớp “Rất có thể Nerô chưa nhìn thấy con bé hoặc chỉ nhìn nó qua viên bích ngọc nên chưa thấy hết được giá trị của nó. Song điều gì sẽ xảy ra nếu như Hoàng đế gặp con bé tuyệt với này vào ban ngày, trong ánh sáng mặt trời?... Thêm nữa, nó lại không phải là nô tỳ. Là công chúa con vua, dù là vua dân man rợ song vẫn cứ là công chúa. Lạy các vị thần linh bất tử. Con bé đẹp ngang ta, nhưng nó lại trẻ hơn. Và nếp nhăn giữa đôi lông mày càng hằn sâu hơn, đôi mắt của ả dưới hàng mi vàng bắt đầu phát ra thứ ánh sáng lạnh buốt.
                    Song quay sang Ligia, ả vẫn hỏi với giọng bình thản bề ngoài:
                    Ngươi đã được trò chuyện cùng Hoàng thượng chưa?
                    - Dạ chưa, thưa Auguxta.
                    - Tại sao ngươi lại muốn ở đây hơn ở nhà ông bà Aulux?
                    - Em đâu muốn, tâu lệnh bà. Ngài Petronius xui Hoàng thượng bắt em rời khỏi nhà ông bà Pomponia, ở đây em sống như kiếp nô lệ, ôi lệnh bà!...
                    - Vậy ra ngươi muốn được quay trở về với ông bà Pomponia ư?
                    Câu này Poppea hỏi bằng giọng mềm mại và ôn tồn hơn nên trái tim của Ligia chợt trào lên một niềm hy vọng:
                    - Tâu lệnh bà! - Nàng vừa thốt lên vừa chìa tay về phía Poppea - Hoàng thượng hứa sẽ ban em như một nô tỳ cho chàng Vinixius, song xin lệnh bà bênh vực em và trả em về với bà Pomponia.
                    - Thế nghĩa là Petronius xui Hoàng thượng tước đoạt nhà người ra khỏi tay ông bà Aulux để ban cho Vinixius?
                    - Bẩm vâng, thưa lệnh bà. Ngay hôm nay, Vinixius sẽ phái người đến đón em, nhưng lệnh bà nhân hậu, xin lệnh bà hãy rủ lòng thương em.
                    Nói thế, nàng cúi xuống nắm lấy gấu áo dài của Poppea, nàng chờ câu trả lời của hoàng hậu với cả trái tim đập dồn dập. Còn Poppea nhìn nàng một lát với bộ mắt ánh lên một nét cười nham hiểm rồi nói:
                    - Vậy thì ta hứa với ngươi rằng ngay trong ngày hôm nay, ngươi sẽ được trở thành tỳ thiếp của Vinixius.
                    Rồi ả bước đi, tựa như một ảo ảnh xinh đẹp mà tàn bạo. Tai Akte và Ligia chỉ còn nghe thấy tiếng đứa trẻ chẳng hiểu vì lý do gì chợt khóc thét lên.
                    Mắt Ligia cũng chứa chan lệ, song lúc sau nàng cầm lấy tay Akte và nói:
                    - Ta quay về thôi chị. Chỉ có thể chờ đợi sự cứu giúp từ phía nó có thể tới mà thôi.
                    Họ quay về gian chính sảnh thông thiên và cho tới chiều không bước chân ra ngoài. Khi trời đã sẩm tối, bọn nô lệ mang vào phòng những chiếc đèn cầy bốn ngọn với những ngọn lửa bốc to, cả hai trông rất nhợt nhạt. Câu chuyện giữa họ với nhau chốc lại bị gián đoạn. Cả hai cùng lắng nghe xem có ai đang đến không. Ligia cứ nhắc đi nhắc lại rằng mặc dù nàng rất tiếc phải rời xa Akte, nhưng chắc bác Urxux đang nóng lòng đợi nàng ở ngoài kia, trong bóng đêm, nên nàng muốn sao cho mọi chuyện diễn ra ngay trong ngày hôm nay. Vì xúc động, hơi thở của nàng mỗi lúc một gấp gáp và nghe mạnh hơn. Akte vội vã vơ vét tất cả những thứ đồ nữ trang mà nàng có thể vơ được buộc túm vào một góc áo peplum và dặn Ligia đừng vứt món quà ấy giữa đường chạy trốn. Chốc chốc lại bao trùm một sự im lặng nặng nề đầy những huyền âm trong tai. Cả hai ngỡ như nghe thấy tiếng thì thào nào đó sau bức màn, lúc thì lại nghe tiếng khóc xa xa của trẻ em, lúc lại nghe tiếng chó sủa.
                    Bỗng bức tường che ngăn cách với phòng ngoài chuyển dịch không một tiếng động và như một bóng ma, trong gian chính sảnh thông thiên chợt hiện ra một người cao lớn, da tai tái, với bộ mặt rỗ hoa. Ligia nhận ngay ra Ataxynux, một nô lệ được giải phóng của Vinixius, người vẫn thường lui tới nhà ông bà Aulux.
                    Akte kêu rú lên, còn Ataxynux cúi gập người xuống chào và nói:
                    Xin chuyển lời chúc sức khỏa của ngài Marek Vinixius tới nàng Ligia thần thánh, ngài hiện đang chờ nàng đến dự tiệc tai ngôi nhà được trang trí bằng các loài thảo mộc.
                    Môi cô gái hoàn toàn trắng nhợt ra.
                    Em đi đây - nàng nói.
                    Và nàng quàng tay ôm choàng lấy cổ Akte để từ biệt.


                    ST
                    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                    Comment


                    • #11
                      T 1- Chương 10

                      Quả thực nhà Vinixius được trang hoàng bằng những cành sim thơm và dây trường xuân mắc lên tường và trên các cửa. Các cột quấn những vòng dây nho. Trong gian chính sảnh thông thiên - mà người ta đã chăng một tấm màn bằng len màu huyết dụ bên trên lỗ thông thiên để tránh cái lạnh ban đêm - sáng rực như ban ngày. Cháy sáng những cây đèn tám và mười hai ngọn, có hình các loại hình, hình cây cối, súc vật, chim muông hay các pho tượng người cầm đèn, đựng đầy dầu thơm sực nức, được đẽo gọt từ đá cẩm thạch hay thạch cao tuyết hoa, từ đồng thau Koryntơ mạ vàng, không được tuyệt xảo như giá cắm nến nổi tiếng từ đền thờ thần Apolon mà Nerô đang dùng, song cũng tuyệt đẹp và được chạm trổ bởi bàn tay của những nghệ sĩ danh tiếng nhất. Một số ngọn đèn được che bằng thủy tinh Alekxandri hay các loại vải mỏng tang từ mãi xứ sông Ấn, màu đỏ, màu xanh lam, vàng, tím, khiến gian chính sảnh ngập tràn những tia sáng muôn màu. Khắp nơi đều ngát mùi hương cam tùng, loại hương mà Vinixius quen dùng và rất ưa thích hồi còn ở phương Đông. Phía sâu trong nhà, nơi thấp thoáng các nô lệ và nô tỳ, cũng sáng rực ánh đèn. Trong phòng ăn, bàn tiệc được chuẩn bị sẵn cho bốn người, vì ngoài Vinixius và Ligia sẽ có Petronius và Khowryzotemix cùng dự.
                      Trong mọi chuyện, Vinixius nhất nhất làm theo những lời chỉ dẫn của Petronius, ông khuyên chàng không nên tự đi đón Ligia mà phái Ataxynux cầm giấy cho phép của Hoàng đế đi, còn chàng thì sẽ đón nàng tại nhà, đón một cách lịch thiệp, thậm chí với những biểu hiện của lòng thành kính nữa.
                      - Hôm qua anh bị say - ông bảo chàng - cậu thấy anh đối xử với nàng giống như một tên thợ đá trong núi Anban vậy. Đừng quá sỗ sàng, hãy nhớ rằng rượu nho ngon thì phải uống thật chậm. Anh cũng nên biết rằng nỗi khát khao cũng ngọt ngào, nhưng người được khát khao thì còn ngọt ngào hơn nhiều.
                      Về chuyện ấy Khowryzotemix có ý kiến riêng hơi khác, song Petronius - ông gọi nàng là ni cô giữ đền thờ thần Vexta và là con bồ câu của mình - bắt đầu giảng giải cho nàng sự khác nhau giữa một người đánh xe đua thành thạo trong lý tưởng với một tiểu đồng non nớt lần đầu tiên được ngồi vào xe. Rồi quay sang Vinnixius, ông nói tiếp:
                      - Hãy chinh phục bằng được lòng tin của nàng, hãy làm nàng vui, hãy rộng lượng trong cư xử đối với nàng. Cậu không muốn thấy một tiệc rượu buồn tẻ. Hãy thề với nàng, nếu cần thì viện cả địa ngục Hađex cũng được, rằng anh sẽ mang nàng về với ông bà Pomponia, còn làm sao để cho đến mai nàng muốn ở lại hơn là quay về đó thì đấy là việc của anh.
                      Rồi trỏ sang Khowryzotemix ông nói thêm:
                      - Từ năm năm nay, hàng ngày cậu đều đối xử với con chim gáy hay hoảng sợ này theo cách thức na ná như thế và cậu không thể phàn nàn về sự nhẫn tâm của nàng.
                      Khowryzotemix dùng chiếc quạt lông công đạp vào ông và nói:
                      - Thế em không từng chống cự lại ư, hở chàng Dương thần?
                      - Đó là lỗi của kẻ đi trước ta.
                      - Thế không phải là chàng đã từng quỳ dưới chân em đấy ư?
                      - Đó chỉ là để đeo chiếc nhẫn vào ngón chân của nàng đấy thôi.
                      Khowryzotemix bất giác nhìn đôi bàn chân mà các ngón quả thật đang lóng lánh những thứ đồ trang sức và cùng với Petronius nàng phá lên cười. Song Vinixius không để ý nghe cuộc tranh cãi của họ. Trái tim chàng đập phập phồng dưới chiếc áo dài cắt theo kiểu các tăng lữ Xyri mà chàng mặc để đón Ligia.
                      - Hẳn là họ đã rời hoàng cung rồi - chàng thốt ra như nói với bản thân mình.
                      - Hẳn thế rồi - Petronius đáp - có thể để cậu kể anh nghe những lời bói toán của Apolonius xứ Tiana hay chuyện về Rafinux mà cậu quên mất là tại sao cậu chưa kể hết.
                      Song Vinixius chẳng quan tâm gì tới Apolonius xứ Tiana lẫn Rafinux. Ý nghĩ của chàng ở bên Ligia và mặc dù chàng cảm thấy rằng ở nhà đón tiếp nàng thì đẹp hơn là sắm vai kẻ cướp đến hoàng cung, song đôi lúc chàng lại hối tiếc là đã không tự mình đi đón, vì nếu thế chàng đã có dịp gặp Ligia sớm hơn và đã được ngồi cạnh nàng trong bóng tối của chiếc kiệu đôi rồi.
                      Lúc ấy đám nô lệ bưng vào phòng những chiếc lư đồng ba chân đựng than có chạm hình đầu cừu đực và bắt đầu bỏ vào đó những mẩu nhựa thơm và cam tùng nho nhỏ.
                      - Họ đã quành về phía đồi Karyny rồi - Vinixius lại nói.
                      - Anh chàng sẽ không chịu đựng nổi, sẽ chạy đi đón và chắc chắn sẽ đón trượt họ cho mà xem - Khowryzotemix kêu lên.
                      Vinixus mỉm cười một cách vô thức và nói:
                      - Ngược lại, tôi sẽ chịu đựng được.
                      Song cánh mũi chàng bắt đầu phập phồng nhiều và chàng thở hổn hển, nhìn thấy thế Petronius nhún vai.
                      - Anh chàng này là một triết gia không đáng giá nữa xextecxi - ông nói - và chẳng bao giờ ta cải hóa nổi đứa con trai của chiến thần Marxơ này thành người.
                      Song Vinixius thậm chí cũng chẳng nghe thấy câu nói ấy.
                      Họ đã lên tới đồi Karyny rồi!...
                      Quả thực họ đã rẽ về phía đồi Karyny. Các nô lệ được gọi là lappađaria đi trước, một bọn khác - được gọi là puitxequi - đi hai bên kiệu, còn Ataxynux thì đi liền ngay sau kiệu để điều khiển cuộc rước.
                      Họ đi chậm, vì trong thành phố hoàn toàn tối tăm, những ngọn đèn lồng chỉ rọi lờ mờ con đường đi. Thêm vào đó, những phố xá ở gần hoàng cung thì vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một kẻ cầm đèn đi lại, nhưng càng xa, phố lại càng tấp nập hơn. Gần như cứ từ mỗi góc phố lại có từng tốp năm ba người đi ra, không ai cầm theo đèn đuốc gì cả, tất cả đều khoác những tấm áo choàng thâm. Một số đi cùng với đoàn khiêng kiệu, lẫn vào đám nô lệ, số khác tụ thành những toán đông hơn đi ngược lại. Một số kẻ đi lắc lư như người say rượu. Chốc chốc, toán khiêng kiệu lại bị nghẽn đường đến nỗi đám dân lampadaria phải gào lên:
                      Dẹp đường cho ngài hộ dân quan Marek Vinixius cao quý!
                      Qua bức rèm cửa, Ligia trông thấy những toán người màu tối đó và nàng run lên vì xúc động. Lúc thì niềm hy vọng, lúc thì nỗi hãi hùng chế ngự lòng nàng. “Bác ấy đấy! Bác Urxux và các tín đồ Thiên chúa đấy! Chuyện ấy sẽ xảy ra ngay bây giờ đây - nàng tự nhủ với đôi môi run rẩy - Lạy Đức Chúa Crixtux, hãy giúp con! Lạy Đức Chúa Crixtux, hãy cứu lấy con!”
                      Ataxynux lúc đầu không để ý đến sự xáo động bất thường nọ của đường phố giờ cũng bắt đầu thấy lo ngại. Trong sự xáo động đó có cái gì là lạ. Toán lampadaria mỗi lúc phải gào lên nhiều hơn: “Dẹp đường cho kiệu ngài hộ dân quan cao quý!". Từ hai bên người ta bắt đầu chèn ép chiếc kiệu đến mức Ataxynux phải ra lệnh cho đám nô lệ dùng gậy gạt họ ra.
                      Bỗng nhiên phía trước toán người có tiếng kêu thét và chỉ trong một giây, tất cả đèn đuốc vụt tắt ngấm. Chung quanh kiệu, người ta dồn đống cả lại, hỗn độn và xô xát nhau.
                      Ataxynux hiểu ngay ra: Đây là một vụ cướp.
                      Và khi hiểu ra như thế, anh ta kinh hoàng. Mọi người đều biết rằng, để mua vui. Hoàng đế thường cùng với đám cận thần quấy phá ở khu Xubur cũng như các khu khác trong thành phố. Người ta biết rằng, từ những chuyến vi hành ban đêm ấy đôi khi Hoàng thượng mang về những u bướu và những vết thâm tím, song kẻ nào dám chống lại, thì kẻ ấy sẽ phải chết, dù đó có là nguyên lão nghị viên đi chăng nữa. Ngôi nhà của bọn vigini, những kẻ có nhiệm vụ canh giữ trật tự trong thành ở ngay gần đấy, nhưng trong trường hợp ấy, lính canh đều giả bộ đui điếc. Lúc này chung quanh kiệu sôi sục cả lên, người ta vờn nhau, đánh nhau, quật ngã nhau, giầy xéo lên nhau. Ataxynux chợt léo lên ý nghĩ là trước hết cần phải cứu lấy Ligia và cứu lấy bản thân, bỏ mặc bọn còn lại. Kéo nàng ra khỏi chiếc kiệu, anh ta bế thốc nàng lên tay định chạy trốn vào bóng tối.
                      Nhưng Ligia bắt đầu kêu lên:
                      - Bác Urxux! Bác Urxux ơi!
                      Nàng mặc quần áo màu trắng nên rất dễ nhận ra. Ataxynux vội dùng cánh tay còn rỗi phủ tấm áo choàng của mình lên người nàng, nhưng đúng lúc ấy bỗng có một đôi gọng kìm khủng khiếp túm lấy gáy anh ta và một vật to tướng cứng như một khối đá giáng xuống đầu anh ta.
                      Anh ta gục ngay xuống hệt như con trâu bị búa chiến đập trúng gục xuống trước bàn thời tế thần Jupiter vậy.
                      Phần lớn đám nô lệ đã ngã xuống hoặc tháo chạy, song trong bóng tối đen đặc họ bị va vào các bờ tường. Tại chỗ chỉ còn trơ chiếc kiệu bị gẫy nát trong cuộc xô xát. Urxux mang Ligia về phía khu Xubur, những người đồng minh theo sau bác và tản mát dần dọc đường đi.
                      Đám nô lệ dần dần tụ họp về trước cửa nhà Vinixius bàn tính với nhau. Họ không dám vào nhà. Sau một hồi bàn bạc, họ quay trở lại nơi xô xát, tại đó họ tìm thấy mấy xác chết, trong đó có xác Ataxynux. Anh ta hãy còn cựa quậy, nhưng sau một cơn giãy giụa mạnh, anh duỗi thẳng người ra và nằm bất động.
                      Họ bèn mang xác anh quay về và dừng lại trước cổng. Cần phải báo cho ông chủ biết chuyện đã xảy ra.
                      - Cụ Gulo hãy trình ông chủ - vài tiếng thì thào cất lên - Máu đang chảy dàn dụa trên mặt cụ ấy kia như lũ chúng mình, ông chủ lại yêu mến cụ ấy. Cụ Gulo sẽ được an toàn hơn người khác.
                      Ông lão Gulo, người German, một nô lệ già xưa kia từng chăm bẵm Vinixius, người mà chàng được thừa hưởng của mẹ chàng, chị ông Petronius, bèn nói:
                      Tôi sẽ trình ông chủ, nhưng tất cả chúng ta hãy cùng vào. Đừng để cơn giận của ông chủ trút xuống mỗi mình tôi.
                      Vinixius bắt đầu thấy vô cùng bứt rứt. Petronius và Khowryzotemix cười chế giễu chàng, còn chàng thì vừa bước những bước nôn nóng chung quanh gian chính sảnh thông thiên vừa lặp đi lặp lại:
                      - Lẽ ra họ phải về rồi! Lẽ ra họ phải về rồi!
                      Chàng muốn đi đón nhưng hai người kia giữ chàng lại.
                      Bỗng ở tiền sảnh có tiếng bước chân rậm tịch và cả một đám nô lệ ùa vào gian chính sảnh, nhanh nhẹn đứng dọc sát tường, giơ cao hai tay lên đầu và bắt đầu rền rĩ liên hồi:
                      - Aaaa! - aa!
                      Vinixiux nhảy vọt về phía họ.
                      - Ligia đâu rồi? - Chàng thét lên bằng một giọng khủng khiếp lạc hẳn đi.
                      - Aaaa!...
                      Khi ấy, cụ Gulo bước lên phía trước với bộ mặt đầm đìa máu me, kêu lên một cách vội vã và đau đớn:
                      - Máu đây, thưa ông chủ! Chúng con đã chống cự! Máu đây, ông chủ trông, máu đây này!...
                      Song ông lão không kịp nói hết, vì Vinixius đã vớ ngay cái chân đèn bằng đồng đập bốp một cái vỡ toang sọ người lão nô, rồi hai tay ghì chặt lấy đầu, những ngón tay luồn sâu bấu chặt lấy tóc, chàng hổn hển lắp bắp:
                      Me miserum! Me miserum!(1)
                      Mặt chàng xám ngắt, mắt trợn ngược, bọt sùi ra mép.
                      - Đánh đòn! - Chàng gầm lên không còn ra tiếng người nữa.
                      - Bẩm ông chủ! Aaaa!... Thương lấy chúng con! - Đám nô lệ rên lên.
                      Petronius nhổm dậy với vẻ không tán đồng hiện rõ trên nét mặt.
                      - Đi thôi, Khowryzotemix - ông nói - Nếu nàng muốn trông thấy thịt thì để ta ra lệnh đập phá cửa hàng thịt trên Karyny!
                      Và ông bước ra khỏi gian chính sảnh thông thiên, lát sau, trong ngôi nhà được trang hoàng bằng những dây trường xuân xanh tươi đã chuẩn bị sẵn sàng cho bữa tiệc bắt đầu vang lên tiếng rên rỉ và tiếng roi quất đen đét, kéo dài cho tới tận gần sáng.
                      Chú thích:
                      (1)Khốn nạn thân ta! Khốn nạn thân ta (Latinh)


                      ST
                      Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                      Comment


                      • #12
                        T1- Chương 11

                        Đêm hôm ấy, Vinixius hoàn toàn không ngả lưng. Một lúc sau khi ông Petronius đã bỏ về, khi tiếng rên xiết của những tên nô lệ bị tra tấn không sao làm dịu bớt nỗi đau khổ cũng như cơn cuồng nộ của chàng, chàng bèn tập hợp một toán đông gia nhân, và ngay trong đêm khuya dẫn họ đi tìm Ligia. Chàng sục sạo khắp khu phố Exquilin, rồi Xubar, Vieux Xeleralux cùng tất cả các ngõ ngách gần đó. Sau đó, chàng tìm chung quanh đồi Kapiton, vượt cầu Fadryxius sang đảo, rồi lùng khắp phần thành phố nằm bên kia sông Tyber. Song đó chỉ là một cuộc săn lùng vô mục đích bởi chính chàng cũng không hy vọng gì tìm thấy Ligia, và chàng nếu có đi tìm nàng thì chẳng qua chỉ là để có việc gì làm trong cái đêm khủng khiếp ấy mà thôi. Mãi đến rạng đông, khi trong thành phố bắt đầu xuất hiện những cổ xe và lũ la của những người buôn rau, khi đám thợ nướng bánh đã mở cửa hiệu, chàng mới quay trở về nhà. Đến nhà, chàng ra lệnh thu dọn thi thể cụ già Gulo mà mãi cho tới lúc ấy chưa ai dám chạm tới, chàng ra lệnh đầy đám nô lệ đã để cho Ligia bị cướp mất về các ngục khổ hình ở nông thôn, một hình phạt còn khủng khiếp hơn cả cái chết. Rồi chàng lăn ra chiếc ghế dài có trải chăn đệm ở chính sảnh bắt đầu nghỉ lung tung xem có cách nào tìm thấy và bắt lại được Ligia hay không.
                        Từ bỏ nàng, mất hẳn nàng, không bao giờ còn được gặp nàng nữa, đối với chàng là một chuyện không thể nào có được, chỉ riêng việc nghỉ đến điều đó thôi cũng đủ khiến chàng nổi điên lên rồi. Bản tính phóng túng của người lính trẻ lần đầu tiên trong đời vấp phải một sự kháng cự, vấp phải một thứ ý chí không chịu khuất phục, bản tính ấy không thể hiểu nổi sao lại có kẻ nào đó dám chống lại dục vọng của chàng. Vinixius thà để cho cả thế giới này, cả thành bang này sụp đổ tan tành thành một đống gạch vụn còn hơn là để chàng không với tới được cái mà chàng ham muốn. Bị cướp đi lạc thú gần như kề trước môi, chàng cảm thấy như đã xảy ra một chuyện chưa từng có bao giờ, một chuyện đòi hỏi phải được luật lệ của các thần và của con người trả thù.
                        Song trước hết, chàng không muốn và cũng không thể cam chịu phục tùng số mệnh vì trong đời chàng chưa bao giời biết khát khao một thứ gì như khao khát Ligia. Chàng tưởng mình không thể nào tồn tại được nếu thiếu nàng. Chàng không thể tự trả lời cho chàng nếu không có nàng thì ngài mai chàng sẽ làm gì và làm cách nào chàng có thể sống qua những ngày sau đó nữa. Chốc chốc chàng lại giận nàng đến gần như loạn trí. Lúc thì chàng muốn có ngay nàng để được đánh đập nàng, nắm tóc nàng lôi vào buồng ngủ và giày vò thân xác nàng, lúc thì lòng chàng bùng lên một nỗi nhớ đáng sợ, nhớ giọng nói, dáng hình, nhớ đôi mắt của nàng. Chàng gọi tên nàng, chàng gặm các móng tay, đưa tay lên ôm chặt lấy đầu. Chàng gắng hết sức buộc mình phải suy nghĩ một cách bình tĩnh về cách đoạt lại nàng, song không thể được. Hàng nghìn giải pháp và phương cách khác nhau ùa qua đầu óc chàng, phương sách sau lại điên rồ hơn phương sách trước. Mãi sau chàng chợt nảy ra ý nghĩ là chẳng ai khác ngoài ông Aulux đã đánh tháo cho nàng, và trong trường hợp xấu nhất thì ít ra ông cũng biết hiện nàng đang ẩn náu nơi đâu.
                        Chàng liền bật dậy muốn lao ngay tới nhà ông bà Aulux. Nếu như họ không chịu trả nàng lại cho chàng, nếu như họ không sợ những lời đe dọa, chàng sẽ đến yết kiến hoàng đế để kiện vị thủ lĩnh già về tội bất tuân thượng mệnh, chàng sẽ xin được án tử hình cho ông ta, song trước đó chàng phải moi cho bằng được từ mồm họ lời khai xem Ligia hiện đang ở đâu đã. Còn nếu họ trả nàng lại cho chàng, thậm chí họ tự nguyện đi chăng nữa, thì chàng cũng vẫn trả thù. Họ đã đưa chàng về nhà và chăm nom săn sóc chàng thật đấy, nhưng chuyện đó chẳng còn nghĩa lý gì nữa cả. Chỉ bằng một sự xúc phạm này chính họ đã giải thoát cho chàng khỏi mọi thứ hàm ơn. Đến đây, tâm hồn hằn học và cay cú của chàng bắu hả hê với ý nghỉ về nổi tuyệt vọng của bà Pompania Grexyna, khi một viên xenturion nào đó mang bản án tử hình tới cho ôn già Aulux. Chàng gần như tin chắc chàng sẽ xin được bản án tử hình ấy. Ông Petronius sẽ hổ trợ cho chàng trong việc này. Mà nói cho cùng, Hoàng thượng chẳng bao giờ từ chối đám cận thần mình điều gì, trừ khi dục vọng hoặc sự thù ghét riêng tư xui ngài từ chối.
                        Và thốt nhiên trái tim chàng chợt chết lặng đi bởi một điều phỏng đoán đáng sợ:
                        Nếu như chính Hoàng đế đánh tháo cho Ligia thì sao?
                        Ai cũng biết rằng, vì buồn chán. Hoàng đế thường tìm thú vui trong những vụ quấy phá ban đêm. Cả ông Petronius cũng đã từng tham gia vào những trò chơi ấy. Mục đính chính của những trò ấy thực ra cũng chỉ là bắt đàn bà con gái và dùng áo choàng binh sĩ tung họ lên không cho tới khi họ ngất xịu đi mới thôi. Song đôi khi chính Nerô cũng gọi những cuộc vi hành ấy là "cuộc mò ngọc trai" vì rằng đã từng có những trường hợp từ đáy sâu của những khu phố nhung nhúc dân nghèo, người ta đã "mò" lên được những viên ngọc trai thật sự duyên dáng và trẻ trung. Khi ấy trò sagatio - như người ta vẫn thường gọi là trò tung người lên không trên những tấm áo choàng binh sĩ - trở thành một cuộc bắt cóc thật sự, và viên ngọc nọ liền được mang về cung điện Palatyn hay trong hằng hằng sa số các biệt thự của Hoàng đế, hoặc được Nerô nhừng cho một kẻ nào đó trong đám thuộc hạ của mình. Chuyện ấy cũng rất có thể xảy ra vớ Ligia. Hoàng đế đã ngắm nghía nàng trong bữa tiệc và Vinixius không phút nào nghi ngờ rằng chắc hẳn hoàng đế phải thừa nhận rằng nàng là người đẹp nhất trong số phụ nữ mà ngài trông thấy cho tới nay. Làm sao có thể khác được cơ chứ? Đúng là Nerô đã từng có nàng trong cung điện Palatyn và ngài có thể công khai giữ nàng lại đó, song nhưng ông Petronius đã từng nói rất đúng, Hoàng đế không có gan để phạm tội ác, và khi không thể hành động công khai thì bao giờ ngài cũng chọn cách hành động bí mật. Trong trường hợp này có thể nổi lo sợ đối với Popes đã khiến cho Nerô phải làm như vậy. Đến lúc này Vinixius mới chợt nghỉ ra rằng ông bà Aulux không dám dùng bạo lực cướp lại thiếu nữa mà Hoàng đế đã ban cho chàng. Vả chăng ai dám? Liệu cái gã khổng lồ người Ligi có cặp mắt xanh, kẻ đã từng ngang nhiên xông vào phòng tiệc bế thốc nàng lên tay mang ra ngoài có dám chăng? Song y sẽ giấu nàng vào đâu cơ chứ? Không, một tên nô lệ không dám làm việc đó! Vậy thì chẳng có kẻ nào khác làm việc đó, ngài Hoàng đế.
                        Nghĩ thế, Vinixius tối sầm mắt lại, những giọt mồ hôi tóa ra trên trán chàng, nếu quả như vậy chàng sẽ mất Ligia vĩnh viễn. Có thể giật lại nàng từ bất cứ bàn tay nào khác, chứ không thể giành lại từ những bàn tay ấy. Bây giờ chàng có lý hơn trước để lặp đi lặp lại: Vac miscro mihi! Trí tưởng tượng vẽ ra cho chàng cảnh tượng Ligia nằm trong vòng tay ôm ấp của Nerô, và lần đầu tiên trong đời chàng hiểu rằng có những ý nghỉ mà con người ta không sao chịu đựng nổi. Mãi tới lúc này đây chàng mới chợt nhận ra chàng yêu nàng biết chừng nào. Nếu trong trí nhớ của kẻ bị chết đuối hiện ra trong một chớp mắt toàn bộ cuộc đời của y ra sao, thì giờ đây trong trí óc chàng Ligia cũng lướt qua nhanh như thế. Chàng nhìn thấy nàng và nghe thấy mỗi lời nàng nói. Chàng thấy nàng bên đài phun nước, chàng thấy nàng ở nhà ông Aulux và trong bữa tiệc. Chàng như lại cảm thấy nàng ở gần bên mình, cảm thấy có mùi hương tóc nàng, niềm khóai cảm của những chiếc hôn mà trong trong bữa tiệc chàng đã dày vò đôi môi nàng.
                        Đối với chàng, hơn bao giờ hết, nàng chợt trở nên trăm lần xinh đẹp hơn, đáng khao khát hơn, ngọt ngào hơn trăm lần xứng đáng là người phụ nữa duy nhất được chọn ra trong số tất cả những người trần thế cùng tất cả các thần linh. Và khi chàng nghĩ rằng toàn bộ cái đó, cái đã bắt rễ trong trái tim chàng, cái đã trở thành máu thịt, thành sự sống của chàng, lại có thể bị Nerô đoạt chiếm, thì một nỗi đớn đau hoàn toàn toàn thể xác liền xâm chiếm lấy chàng, một nỗi đau khủng khiếp đến nỗi chàng muốn đập đầu vào bức tường gian chính sảnh cho đến khi nó vỡ nát ra. Chàng cảm thấy có thể hóa điên và hiểu rằng chắc hẳn chàng đã hóa điên rồi nếu như không có nỗi hận thù còn lại kia. Nếu như khi trước chàng nghĩ rằng mình không thể sống nổi nếu như không tìm lại được Ligia, thì giờ đây chàng không thể nào chết được trước khi trả xong mối hận này. Ý nghĩ ấy duy nhất khiến chàng nhẹ bớt gánh lòng. "Ta sẽ là Kaxius Kharea của ngươi!" - chàng vừa nghĩ tới Nerô vừa thì thầm lập đi lập lại. Rồi bốc một nắm đất từ những chậu hoa đặt quanh bể chứa nước mưa, chàng thề độc với các thần Ereb, Hakate và các vị gia thần của chàng rằng nhất định sẽ trả mối thù này.
                        Và quả nhiên chàng thấy lòng nhẹ bớt, ít nhất chàng cũng biết sẽ phải sống để làm gì và biết dùng thứ gì để lấp đầy cho những ngày và đêm. Từ bỏ ý nghĩ đi tới nhà ông bà Aulux, chàng ra lệnh cáng tới cung điện Palatyn. Dọc đường, chàng nghĩ, nếu như người ta không thể cho chàng vào cung gặp Hoàng đế, hoặc giả nếu người ta muốn soát xét xem chàng có mang theo khí giới hay không thì đó là bằng chứng chứng tỏ chính Hoàng đế đã bắt cóc Ligia. Song chàng không mang theo vũ khí. Nói chung, chàng hoàn toàn bị mất tỉnh táo, nhưng giống như những người thường bị lôi cuốn bởi một suy nghĩ duy nhất, chàng vẫn còn giữ được sự tỉnh táo trong tất cả những gì có liên quan đến việc báo thù. Chàng không muốn sự trả thù ấy bị lộ ra quá sớm. Ngoài ra Akte đã, bởi vì chàng cho rằng nhờ nàng chàng có thể sẽ biết được sự tình. Chốc chốc chàng lại thấy bừng lên niềm hy vọng rằng sẽ được gặp lại Ligia, và cứ thế chàng lại thấy run rẩy cả người. Bởi có thể khi bắt cóc nàng Hoàng đế không biết nàng là ai, và ngày hôm sau ngài trả nàng lại cho chàng thì sao? Song chỉ một giây sau chàng lại vứt bỏ giả thuyết đó. Nếu bọn họ muốn trả nàng lại cho chàng thì đã trả từ hôm qua rồi. Chỉ mỗi mình Akte có thể làm sáng tỏ mọi chuỵên và cần phải gặp nàng trước những người khác.
                        Khẳng định như vậy rồi, chàng ra lệnh cho bọn nô lệ rảo bước hơn, dọc đường chàng nghĩ lung tung, lúc thì nghĩ tới Ligia, lúc tới chuyện trả thù. Chàng nghe nói rằng các tăng lữ thờ nữ thần Pachtơ của Ai Cập biết phương pháp gây bệnh cho kẻ nào họ muốn và chàng định sẽ hỏi họ phép thuật ấy. Ở phương Đông, người ta cũng cho rằng chàng biết rằng, dân Do Thái biết những câu phù chú có thể khiến cho mình mẩy kẻ thù lở loét hết cả ra. Trong đám nô lệ nhà mình chàng có hơn chục tên Do Thái, chàng tự hứa với mình rằng khi ra về sẽ ra lệnh tra tấn chúng cho tới khi nào chúng chịu thổ lộ điều bí mật ấy cho chàng mới thôi. Song chàng vẫn thấy hả hê nhất khi nghỉ tới thanh đoản kiếm La Mã, nó sẽ làm vọt ra một suối máu, như dòng máu đã vọt ra từ người Kaxius Kaligula và tạo ra những vết máu không phai mờ trên thân cột của dãy hàng hiên. Lúc này chàng sẵn sàng tàn sát cả thành Roma, và giá như có vị thần linh đầy hận thù nào đó hứa với chàng rằng tất thẩy mọi người đều phải chết trừ Ligia và chàng thì chàng cũng sẵn sàng đồng ý.
                        Trước chiếc cổng vòng cung chàng cố gắng giữ hết sức tỉnh táo: nhìn thấy toán lính cấm vệ đang canh gác, chàng lại nhủ thầm rằng nếu như bọn chúng gây ra khó khăn - dù là khó khăn nhỏ nhặt nhất cho chàng khi vào, thì đó sẽ là bằng chứng rằng hiện Ligia đang có mặt trong cung điện theo ý muốn của chính Hoàng đế. Song viên xenturioa phụ trách lại mỉm cười thân ái với chàng, và tiến lên vài bước, y nói:
                        - Xin chào ngài hộ dân quân cao quý! Nếu như ngài muốn đến quỳ lại Hoàng thượng thì ngài chọn phải giờ xấu mất rồi, và tôi không rõ liệu ngài có được yết kiến Hoàng thượng hay không nữa kia.
                        - Có chuyện gì xảy ra vậy? - Vinixius hỏi.
                        - Tiểu Auguxin thần thánh bị ốm bất ngờ từ hôm qua. Hoàng thượng và Auguxia Poppca đang túc trực bên công chúa với các vị danh y được vời từ khắp thành bang.
                        Đó là một tai họa nghiêm trọng. Khi công chúa chào đời, Hoàng đế sung sướng đến phát cuồng và đón chào đứa trẻ bằng cxtra humanum gaudium (những nghi thức siêu nhân). Còn nguyên lão viện thì ngay từ trước đó đã vô cùng trọng thể gửi gắm cái bụng mang thai của nàng Poppea cho các vị linh thần. Người ta đã làm những biểu vật tạ ơn và tổ chức các cuộc hội vui tuyệt vời tại Arixium, nơi công chúa sinh hạ. Ngoài ra, người ta còn dựng đền thờ cho cả hai vị nữa thần tài Fortune nữa. Nerô kể không bao giờ biết giữ chừng mực rong bất cứ chuyện gì - yêu đứa trẻ này vô chừng mực, còn đối với ả Poppea thì đứa bé cũng rất quý báu, vì ít nhất nó cũng củng cố thêm địa vị của ả và nó tạo ra một thứ ảnh hưởng không thể gạt bỏ được.
                        Số phận của cả đế chế rất có thể sẽ phụ thuộc vào sức khỏe và sinh mạng của Tiểu Auguxis, song bị chi phối bởi chuyện riêng tư và tình yêu quá nhiều, nên Vinixius hầu như chẳng để ý gì đến cái tin mà viên xenturion vừa báo cho chàng hay, chàng đáp:
                        - Tôi chỉ muốn gặp nàng Akte thôi.
                        Rồi chàng đi qua.
                        Song chính Akte cũng đang bận bịu bên cạnh đứa bé nên chàng phải chờ rất lâu. Mãi tới gần trưa nàng mới về, nét mặt mệt mỏi và nhợt nhạt, khi trông thấy Vinixius lại càng nhợt nhạt hơn.
                        - Akte - Vinixius kêu lên, tóm lấy nàng, kéo tuột nàng vào gian chính sảnh thông thiên - Ligia ở đâu?
                        - Tôi đang muốn hỏi anh chính điều đó - nàng vừa nói vừa nhìn chàng với vẻ trách móc.
                        Còn chàng, dù đã tự nhủ là sẽ điều tra nàng một cách bình tĩnh, song chính chàng đã chụp lấy đầu mình và lặp đi lặp lại đến với bộ mặt dài ngoảng ra vì đau đớn và giận dữ:
                        - Không có nàng! Nàng bị bắt cóc dọc đường rồi!
                        Lát sau chàng sực tỉnh và kề mặt mình vào tận sát mặt Akte, chàng rít lên qua kẻ răng:
                        - Akte!...Nếu nàng vẫn yêu quý cuộc sống, nếu nàng không muốn trở thành nguyên nhân của những nổi bất hạnh mà thậm chí nàng không thể hình dung nổi, thì hãy trả lời thật cho ta biết: có phải chính Hoàng đế đã cướp lại Ligia hay không?
                        - Hôm qua Hoàng thượng không hề rời khỏi cung điện.
                        - Hãy thề với hương hồn mẹ nàng, hãy thề với tất cả thần linh đi! Ligia có mặt trong cung điện hay không?
                        - Thề có hương hồn của mẩu thân ta, hởi Marek, hiện nay nàng không có mặt trong cung và không phải Hoàng thượng đã cướp lại nàng. Từ hôm qua, Tiểu Auguxis bị lâm bệnh và Nerô không bao giờ rời khỏi chiếc nôi công chúa.
                        Vinixius thở hắt ra. Điều kinh khủng nhất đối với chàng đã thôi không còn đe dọc chàng nữa.
                        - Thế nghĩa là - chàng vừa thốt lên vừa ngồi xuống chiếc ghế và xiết chặt hai nắm tay - bọn Aulux đã cướp nàng vậy thì đáng thương thay cho chúng.
                        - Sáng nay, ngài Aulux Plauxius có lại đây. Ông ấy không gặp được tôi vì tôi bận canh đứa bé nhưng đã hỏi Epafrođit cùng những người khác trong đám gia nhân của Hoàng đế về Ligia, sau đó ông ấy còn nói với họ rằng sẽ tới đây lần nữa để gặp tôi.
                        - Ông ta muốn khỏi bị nghi ngờ đấy thôi. Nếu như ông ta không biết có chuyện gì xảy ra với Ligia thì hẳn ông ta đã không tới tìm nàng.
                        - Ông ta có để lại cho tôi vài chữ trên tấm bảng anh đọc đi rồi sẽ thấy rằng ông được biết là Ligia bị Hoàng đế bắt khỏi nhà ông là do anh và ngài Petronius yêu cầu, ông ta đồ rằng Ligia sẽ được gửi đến cho anh, và sáng hôm nay ông ấy sẽ tới nhà anh, người ta đã kể cho ông nghe mọi chuyện.
                        Nói xong, nàng bước sang phòng ngủ và lát sau quay lại với tấm bảng nhỏ mà ông Aulux đã để lại cho nàng.
                        Vinixius đọc và nín lặng. Còn Akte dường như đọc được những ý nghĩ qua bộ mặt u ám của chàng nên lát sau nàng nói:
                        - Không phải đâu, Marek! Đã xảy ra chính cái điều mà Ligia mong muốn.
                        - Ngươi biết trước là nàng muốn trốn! - Vinixius lại nổi khùng.
                        Còn nàng nhìn chàng bằng đôi mắt mơ màng như phủ một làn sương mờ của mình, vẻ như nghiêm khắc.
                        - Tôi biết rằng nàng không muốn trở thành tỳ thiếp của anh.
                        - Thế cả đời ngươi, ngươi là ai?
                        - Trước kia, tôi vốn là nô tỳ kia mà.
                        Song Vinixius không bớt phẩn nộ. Chính Hoàng đế đã ban Ligia cho chàng nên chàng không cần phải hỏi xem trước kia nàng là ai. Dù nàng cho chui xuống đất chàng cũng phải tìm ra cho bằng được và sẽ đối xử với nàng hoàn toàn theo ý chàng muốn. Chính thế đấy! Nàng sẽ là tỳ thiếp của chàng. Chàng sẽ ra lệnh đánh đập nàng lúc nào chàng thích. Nếu chàng chán, chàng sẽ ban nàng cho kẻ tồi tệ nhất trong đám nô lệ của chàng hoặc sẽ ra lệnh cho nàng phải xay hạt ngũ cốc trong nông trại của chàng tại Phi châu. Giờ chàng sẽ đi tìm nàng và nhất định sẽ tìm ra nàng chỉ để giày vò, chà đạp và làm nhục chàng mà thôi.
                        Mỗi lúc một thêm giận dữ, chàng quá trớn đến nỗi Akte nhận ra rằng chàng chỉ dọa dẩm nhiều hơn những điều chàng có thể thực hiện được, rằng chính cơn giận và nỗi đau đớn trong chàng đang lên tiếng. Đối với nỗi đớn đau nàng vốn sẵn tình thương, song sự thái quá khiến cho nàng mất hết kiên nhẫn, nàng bèn hỏi lại: vậy thì chàng đến gặp nàng làm gì?
                        Vinixius không thu ra ngay câu trả lời. Chàng đến gặp Akte vì chàng muốn, vì chàng cho rằng nàng sẽ cho chàng biết tin tức gì đó, còn thực ra chàng đến đây để yết kiến Hoàng đế kia, song không gặp được nên mới ghé qua chỗ nàng. Ligia muốn đi là cưỡng lại ý chí của Hoàng đế, vậy thì chàng sẽ cầu xin người để người ra lệnh sục tìm nàng trong khắp thành bang và khắp toàn quốc, dù phải huy động tất cả các chiến đoàn, dù phải xáo tung từng ngôi nhà một trong toàn bộ đế quốc. Petronius sẽ ủng hộ lời khẩn cầu của chàng và ngay ngày hôm nay việc tìm kiếm sẽ được bắt đầu.
                        Nghe thấy thể, Akte nói:
                        - Hãy cẩn thận đấy, nếu không anh sẽ mất nàng vĩnh viễn ngay vào lúc theo lệnh Hoàng đế người ta tìm ra nàng.
                        Vinixius nhíu mày.
                        - Thế nghĩa là thế nào? - chàng hỏi.
                        - Hãy nghe tôi nói đây, anh Marek! Hôm qua tôi với Ligia chơi trong vườn thượng uyển, chúng tôi gặp Poppea cùng Tiểu Auguxis được ả da đen Lilith bế đi. Đến chiều thì đứa bé lâm bệnh, còn Lilith cứ nằng nặc bảo rằng nó bị bùa chài và chính người đàn bà ngoại quốc mà họ gặp trong vườn đã gây ra chuyện này. Nếu như đứa bé khỏe lại thì họ sẽ quên chuyện này đi, còn nếu trái lại thì Poppea sẽ là người đầu tiên buộc cho Ligia dùng ma thuật, và khi ấy, dù người ta có tìm thấy nàng ở đâu chăng nữa - cũng sẽ không có cách nào cứu được nàng nữa đâu.
                        Một giây im lặng rồi Vinixius cất tiếng:
                        - Có thể nàng đã đánh bùa công chúa cũng nên? Và đánh bùa cả tôi đây nữa?
                        - Còn Lilith cứ nhắc đi nhắc lại rằn đứa bé khóc thét lên khi ả bế nó đi ngang chỗ chúng tôi. Quả có thế thật. Nó khóc thét lên. Hẳn là khi được mang ra vườn thì nó đã nhuốm bệnh sẵn rồi. Anh Marek, anh hãy tự đi tìm Ligia nếu anh muốn, song trước khi Tiểu Auguxis bình phục, xin anh chớ nói chuyện với Hoàng thượng về nàng, vì nếu không anh sẽ trút lên đầu Ligia sự trả thù của Poppea đấy. Vì anh, mắt nàng khóc thế cũng đã quá đủ rồi, cầu tất cả các thần linh phù hộ cho mái đầu tội nghiệp của cô bé!
                        - Người yêu nàng ư, Akte? - Vinixius hỏi vẻ rầu rỉ.
                        Đôi mắt người nô tỳ giải phóng long lanh lệ.
                        - Phải. Tôi yêu cô bé.
                        - Bởi vì cô ta đâu có dùng lòng hận thù để đáp lại ngươi như ngươi đã đáp đền cho ta.
                        Akte nhìn chàng hồi lâu như do dự hoặc như muốn dò xem có nên nói thật không, rồi nàng bảo:
                        - Hởi con người nòng nảy và mù quáng kia! Nàng yêu anh!
                        Những lời ấy tác động mạnh tới Vinixius khiến chàng bật lên như cơn loạn trí. Không đúng. Ligia căm thù chàng thì có. Làm sao Akte biết được? Không lẽ chỉ sau mỗi một ngày quen biết mà Ligia đã thổ lộ lòng mình với nàng chăng? Yêu gì mà lại chọn con đường sống lang thang, nhục nhã, khốn khổ, phấp phổng ở ngày mai, thậm chí cả cái chết cùng cực nữa - thay vì một ngôi nhà viên mãn, nơi người yêu đã dọn sẵn tiệc đón chờ? Tốt nhất là đừng nên nghe tới những chuyện như vậy, vì có thể hóa điên mất. Chàng không muốn đổi nàng dù là để lấy tất thảy mọi báu vật trong cái cung điện này, vậy mà nàng lại chạy trốn chàng. Tình yêu gì mà lại sợ khoái lạc, lại đẻ ra nổi đớn đau? Ai có thể thừa nhận được chuyện ấy? Ai có thể hiểu nổi? Giả như không có niềm hy vọng tìm thấy nàng thì chàng đã thọc ngay gươm vào người cho rảnh đời. Tình hiến dâng chứ không cướp bóc. Hồi ở nhà ông ba Aulux, đã có những giây phút chính nàng cũng không tin vào một niềm hạnh phúc gần gũi, song giờ đây chàng biết rằng nàng đã căm thù chàng, đang căm thù chàng và sẽ chết với nỗi căm thù ấy trong tim.
                        Song đến lượt Akte - vốn nhút nhát và ôn hòa - lại nổi cơn phẩn nộ. Chàng đã cố gắng theo cách nào để có được Ligia? Thay vì cúi đầu trước ông Aulux và bà Pomponia để cầu xin nàng thì chàng lại tước đoạt đứa con của họ bằng thủ đoạn xấu xa đối với bậc cha mẹ. Chàng không muốn cưới nàng làm vợ mà chỉ muốn nàng phải làm tỳ thiếp - nàng, con nuôi của một gia đình gia giáo, một công chúa con vua. Rồi chàng lại đẩy nàng vào một ngôi nhà đầy tội ác và đáng tởm này, phơi bày ra trước đôi mắt trong sạch của nàng cảnh một cuộc yến tiệc vô luân và đã đối xử với nàng như đối xử với một con đĩ. Vậy ra chàng quên mất gia đỉnh nhà Aulux là thế nào, bà Pomponia Graxyna - người đã giáo dục Ligia - là ai hay sao? Vậy ra chàng không đủ trí thông minh để đoán được rằng có những người đàn bà khác hẳn Nigiđia, Kanvia Kryxpinilla, khác Poppca và những người đàn bà khác nữa mà chàng gặp trong cung của Hoàng đế hay sao? Vậy khi gặp Ligia chàng đã không hiểu được ngay rằng đó là một thiếu nữ trinh trắng thà chết còn hơn chịu nhục? Làm sao chàng biết nàng thờ những vị thần nào và liệu các vị thần ấy có trong sạch và tốt đẹp hơn nữ thần Venus đỉ thỏa hoặc nữ thần Izyx mà đám đà bà phóng đảng của Roma thờ phụng không? Không! Ligia không hề thổ lộ với Akte gì cả, nhưng nàng có nói rằng trông chờ ở chàng, ở chính Vinixius sự cứu giúp, nàng hy vọng rằng chàng sẽ xin Hoàng đế cho phép nàng trở về nhà với bà Pompania.
                        Và khi nói điều ấy, nàng đã đỏ mặt như một thiếu nữ đang yêu và đang tin tưởng. Tim cô gái đã từng đập mạnh vì chàng, vậy mà chính chàng lại khiến nàng sợ hãi, chính chàng lại xúc phạm tới nàng và đã làm sụp đổ tất cả, giờ đây thì chàng cứ đi mà nhớ quân lính của Hoàng đế sục tìm nàng, nhưng xin hãy biết cho rằng, nếu đứa con của Poppea mà chết, thì mọi nỗi nghi ngờ sẽ giáng xuống đầu Ligia và chắc rằng nàng sẽ bị khép vào tội chết.
                        Một nỗi xúc động bắt đầu len qua cơn giận và nỗi đau của Vinixius. Cái tin Ligia đã từng yêu chàng khiến chàng bị xáo động đến tận đáy lòng. Chàng nhớ lại nàng trong vườn nhà ông Aulux khi nàng lắng nghe những lời chàng nói với khuôn mặt ửng hồng và đôi mắt tràn trề ánh sáng. Chàng tưởng như chính lúc đó nàng bắt đầu phải lòng chàng và ý nghĩ này khiến chàng ngập trong một cảm giác hạnh phúc nào đó trăm lần lớn lao hơn thứ hạnh phúc mà chàng vẫn khao khát. Chàng nghĩ rằng chàng quả thực từng có thể có được nàng một cách tự nguyện và với cả tình yêu. Nàng cũng đã có thể giăng tơ và dùng mỡ sói xoa lên cửa nhà chàng, rồi nàng sẽ là người vợ, sẽ ngồi lên tấm da cừu bên bếp lửa nhà chàng. Chàng đã từng có thể được nghe từ miệng nàng câu thề nguyện thiêng liêng: "Nơi nào có chàng Kaiux, nơi đó có em Kain", và nàng sẽ mãi là của chàng. Tại sao chàng lại không hành động như thế? Chàng đã từng sẵn sàng làm như thế kia mà. Giờ thì không còn nàng đâu nữa và rất có thể sẽ chẳng bao giờ tìm được nàng và nếu như có tìm được nàng đi nữa thì rất có thể bị mất nàng vĩnh viễn, còn nếu như không mất, thì cả ông bà Aulux lẫn nàng đâu còn muốn nhận chàng nữa. Nghĩ tới đây cơn giận lại khiến tóc chàng dựng ngược, song không phải là cơn giận chống lại ông bà Aulux hoặc Ligia mà chống lại ông bà Aulux hoặc Ligia mà chống lại ông Petronius. Ông chính là kẻ đã gây ra tất cả những chuyện này. Giá như không có ông thì Ligia đã không cần phải lang bạt, nàng đã trở thành vị hôn thê của chàng và sẽ chẳng có mối nguy hiểm nào đe dọa mái đầu thương yêu ấy cả. Giờ thì mọi chuyện đã xảy ra rồi, đã quá muộn màng để sửa chữa điều ác, cái điều ác đã vốn không thể nào sửa được.
                        - Muộn mất rồi!
                        Và chàng ngỡ như miệng vực thẳm hả hoác ra dưới chân chàng. Chàng không biết nên làm gì, nên hành động ra sao, phải đi tới đâu. Akte có nhắc đi nhắc lại như một tiếng vang câu "muộn mất rồi", cái câu được nói ra từ miệng nàng lại khiến chàng nghe như một lời tuyên án tử hình. Chàng chỉ hiểu được một điều là chàng phải tìm bằng được Ligia, vì nếu không thì sẽ có chuyện không lành xảy ra với bản thân chàng.
                        Và quận người một cách máy móc vào chiếc áo loga, chàng muốn bỏ đi, thậm chí chẳng buồn từ biết Akte nữa, thì bổng bức tường ngăn gian tiền sảnh với chỉnh sảnh chợt hé ra, và chàng chợt thấy trước mắt mình dáng hình đầy vẻ tang tóc của bà Pomponia Grexyna.
                        Rõ ràng là cả bà nữa cũng biết về sự biến mất của Ligia, và vì nghĩ rằng bà gặp Akte thì tiện hơn ông Aulux, nên bà tìm đến nàng để hỏi tin.
                        Song khi trông thấy Vinixius bà bèn quay khuôn mặt nhỏ bé và nhợt nhạt của mình về phía chàng: rồi lát sau bà nói:
                        - Anh Marek, cầu Chúa tha thứ cho anh về điều xúc phạm mà anh đã gây ra cho chúng tôi và cho Ligia.
                        Còn chàng đứng cúi đầu trước cảm giác bất hạnh và có tội, không rõ vị Chúa nào sẽ phải và có thể tha thứ cho chàng, cũng như không hiểu vì sao bà Pomponia lại nói chuyện tha thứ trong khi lẽ ra phải nói đến chuyện trả thù.
                        Một lúc sau chàng bước ra, đầu óc trống rỗng vô phương sách, đầy những suy tư nặng nề đầy ưu phiền và ngạc nhiên.
                        Trên sân trong và bên dưới hành lang, những đám người lo lắng không yên đang tụ tập. Bên cạnh đám nộ lệ phục dịch trong cung còn có mặt các vị hiệp sĩ và nguyên lão, họ tới đây để thăm hỏi tình hình sức khỏe của Tiểu Auguxis, đồng thời để có mặt được trong cung và bày tỏ lòng ưu ái của mình, dù chỉ là với bọn nô lệ của mình với Hoàng đế. Rõ ràng tin tức về sự lâm bệnh của vị "thánh nữ" này lan đi rất nhanh, vì ở cổng ra vào xuất hiện ngày thêm nhiều những đám người vừa mới tới, còn qua lổ cửa của vòm cung còn trông thấy hàng đám đông người nữa. Một vài người trong những kẻ mới đến thấy Vinixius từ trong cung đi ra liền bám lấy chàng hỏi han tin tức, song chàng chẳng hề đạp lại mà cứ thẩn thờ bước đi, cho tới khi Petronius - ông cũng tới đây để dò tin - gần như phải dùng ngực va vào chàng để giữ chàng dừng lại.
                        Vinixius sẵn sàng nổi đóa khi trông thấy ông và hẳn chàng đã gây ra náo động trong cung nếu như khi rời khỏi chỗ Akte chàng không thất vọng đến thế, nếu chàng không ở trong tình trạng kiệt sức và u buồn đến thế, đến mức cái tính nóng nãy bẩm sinh của chàng dường như cũng tạm thời lẩn đi. Chàng chỉ gạt ông Petronius sang một bên và muốn bước đi, song gần như bằng sức mạnh ông đã giữ chàng lại đứng lại:
                        - Ngọc thể công chúa ra sao? - ông hỏi
                        Song cái sức mạnh ấy lại khiến Vinixius nổi cáu và chỉ trong nháy mắt chàng đã nổi khùng lên:
                        - Cầu cho địa ngục nuốt tươi công chúa với cả cái cung điện này đi!- chàng đáp răng nghiến chặt.
                        - Im đi, đồ bất hạnh!- Petronius thốt ra và nhìn quanh một vòng, ông vội nói thêm:
                        - Nếu anh muốn biết tin về Ligia thì hãy theo ta. Không! Ở đây ta sẽ không nói gì hết! Đi với ta, trong kiệu ta ta sẽ nói anh nghe những điều ta nghỉ.
                        Và chàng ôm quàng lấy chàng trai ông vội vã đưa chàng ra khỏi cung điện.
                        Thực ra, ông chỉ muốn đưa chàng ra khỏi cung điện chứ ông cũng chẳng có tin gì mới. Trái lại, vốn là người từng trải dẫu hôm qua ông đã nổi giận nhưng ông vẫn có niềm đồng cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về chuyện đã xảy ra, nên ông đã ra tay hành động. Khi họ bước lên kiệu ông nói:
                        - Ta đã ra lệnh cho nô lệ của ta theo dõi tất cả cửa thành sau khi đã trả cho chúng biết diện mão của cô gái và của tên khổng lồ nọ, kẻ đã bế cô ta ra khỏi bữa tiệc tại hoàng cung, vì chẳng còn nghi ngờ gì nữa chính lão đã đánh tháo cho cô bé. Hãy nghe ta nói đây: cũng có thể ông bà Aulux muốn giấu cô ta vào một trong những nông trại của họ, khi ấy chúng ta có thể biết được họ đưa cô ta về hướng nào. Còn nếu như không thấy cô ta đi qua các cổng thành thì điều đó chứng tỏ là cô ta vẫn còn ở lại trong thành, và ngay ngày hôm nay chúng ta sẽ sục tìm trong thành phố.
                        - Gia đình Aulux cũng không biết hiện nàng đang ở đâu - Vinixius nói.
                        - Anh có chắc thế không?
                        - Cháu có gặp bà Pomponia. Họ cũng đang tìm kiếm nàng.
                        - Hôm qua cô ta chưa thể ra khỏi thành vì cổng thành đóng chặt. Mỗi cổng thàn hiện có hai người của ta túc trực. Một người sẽ đi theo hút Ligia và gã khổng lồ, người kia sẽ quay về ngay để báo. Nếu cô ta còn ở trong thành thì nhất định chúng ta sẽ tìm ra, vì rất dễ nhận dạng cái tên người Ligi ấy, dù chỉ dựa trên tầm vóc và đôi vai của hắn mà thôi. May mắn cho anh là không phải Hoàng đế bắt cóc cô ta, ta có thể cam đoan với anh rằng không phải y, vì trong cung điện Palatyn không có điều gì bí mật với ta cả.
                        Song trong Vinixius lại trào dâng một nỗi tiếc thương hơn là tức giận, và bằng giọng đứt quãng bởi cảm xúc, chàng bắt đầu thuật lại cho ông Petronius nghe những điều chàng được Akte kể: những nổi nguy hiểm đang treo trên đầu Ligia khủng khiếp đến nổi nếu như có tìm thấy hai người đang đi trốn thì cần phải giấu họ thật kín, khuất mắt Poppea. Rồi tiếp đó chàng cau đắng trách móc lời khuyên của Petronius. Giả như không có ông thì mọi sự đã diễn ra hoàn toàn khác. Ligia vẫn ở lại nhà ông bà Aulux, còn chàng Vinixius có thể gặp nàng hàng ngày và chàng sẽ sung sướng hơn cả Hoàng đế. Càng kể, tình cảm càng phấn khích, mỗi lúc chàng càng thêm xúc động, đến nổi cuối cùng những giọt lệ nuối tiếc và điên giận bắt đầu trào ra từ mắt chàng.
                        Còn Petronius thì hoàn toàn không ngờ rằng chàng trai có thể yêu và khát khao đến mức ấy, khi trông thấy những giọt lệ tuyệt vọng kia ông ngạc nhiên tự nhủ.
                        - Ôi hùng mạnh thay Nữ Chúa Síp! Chỉ có mỗi một mình nữ thần là ngự trị trên các thần lính và loài người mà thôi!


                        ST
                        Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                        Comment


                        • #13
                          T1- Chương 12

                          Song khi họ xuống kiệu trước nhà Petronius, viên gián quan chính sảnh báo cho họ biết rằng chưa có ai trong số nô lệ được phái đến các cổng thành trở về. Người này đã ra lệnh mang thêm thức ăn cho bọn nô lệ ấy cùng một mệnh lệnh mới bắt chúng phải theo dõi thật cẩn thận tất cả những người ra khỏi thành phố, nếu không sẽ bị đánh đòn.
                          Anh thấy không - Petronius bảo - không còn nghi ngờ gì nữa, cho tới lúc này họ vẫn ở lại trong thành phố và ta nhất định sẽ tìm ra họ. Tuy vậy anh hãy ra lệnh cho cả người bên anh cũng túc trực ở các cửa thành, nhất là những tên mà anh đã phải đi đón Ligia, vì bọn này dễ nhận ra họ hơn.
                          Cháu đã ra lệnh đày chúng về các ngục khổ hình ở thôn quê - Vinixius nói - nhưng thôi được, cháu sẽ bãi lệnh này để bọn chúng tới các cổng thành đã.
                          Nói thế, chàng viết vài chữ lên chiếc bảng con phủ sáp ong rồi đưa cho Petronius, ông ra lệnh gửi ngay nó tới nhà Vinixius.
                          Sau đó họ cùng bước vào hàng hiên trong, ngồi xuống những chiếc ghế dài bằng cẩm thạch và bắt đầu trò chuyện.
                          Nàng Eunixe tóc vàng và nàng Irax đẩy những chiếc đôn nhỏ bằng đồng cho họ đặt chân rồi đặt thêm một chiếc bàn nhỏ sát vào những chiếc tràng kỷ và bắt đầu rót vào cốc cho họ thứ rượu nho đựng trong những chiếc bình hẹp cổ tuyệt xảo, những chiếc bình được mang về từ Volaterac và Xeryna.
                          - Trong đám người của anh có kẻ nào biết gã khổng lồ người Ligi ấy không? - Petronius hỏi.
                          - Ataxynux và Gulo biết y. Nhưng Ataxynux hôm qua đã gục ngã bên kiệu, còn lão Gulo thì cháu giết mất rồi.
                          - Tiếc thay cho lão - Petronius nói - Lão đã từng ẵm trên tay không những anh mà chính cậu nữa đấy.
                          - Cháu cũng muốn giải phóng cho lão rồi kia - Vinixius đáp - nhưng thôi ta hãy nói chuyện Ligia đi. Roma rộng như biển…
                          - Nhưng ngọc trai được người ta vớt lên chính từ biển chứ đâu… Chắc chắn không phải hôm nay hay ngày mai chúng ta tìm ra nàng nhưng thể nào cũng sẽ tìm ra. Bây giờ anh có thể kết tội cậu đã bày cho anh phương sách ấy, song phương sách nào chả tốt, nó chỉ trở thành không tốt khi nó xoay sang phía xấu mà thôi. Thì chính anh cũng nghe ông Aulux nói rằng ông ta định cùng cả gia đình chuyển về Xyxilia. Mà nếu thế thì dù sao cô nàng cũng phải xa cách anh kia mà.
                          - Thì cháu sẽ đi theo họ - Vinixius đáp - Ít nhất thì nàng cũng được an toàn, chứ giờ đây, nếu như đứa trẻ ấy chết đi, chính bản thân Poppea sẽ tin và sẽ thuyết phục Hoàng đế tin rằng đó là tội của Ligia.
                          - Có thể thật. Điều đó cũng khiến ta lo ngại. Nhưng cái con búp bê nhỏ ấy cũng có thể sẽ khỏe lại. Còn nếu nó có chết đi chăng nữa, thì khi ấy chúng ta sẽ tìm cách khác.
                          Nói đến đây Petronius ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:
                          - Hình như Poppea theo tôn giáo của bọn Do Thái và tin vào ma quỷ. Hoàng đế thì mê tín. Nếu chúng ta phao tin rằng Ligia bị ma bắt thì cái tin ấy sẽ có người tin, nhất là khi Hoàng đế lẫn ông Aulux Plauxius đều không đánh tháo cho nàng, nàng biến mất một cách bí ẩn. Một mình tên Ligi kia thì không làm nổi chuyện đó. Hẳn phải có người trợ lực, nhưng làm sao trong vòng một ngày mà một thằng nô lệ lại có thể tụ tập được bằng ấy người?
                          - Trong cả La Mã, bọn nô lệ luôn luôn ủng hộ nhau.
                          - Rồi có lúc La Mã sẽ phải trả máu cho chuyện ấy. Phải, chúng ủng hộ nhau, nhưng không phải để chống lại những nô lệ khác, còn trong trường hợp này chúng thừa biết rằng đồng bọn của mình sẽ phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt. Nếu anh cho bọn nô lệ của anh biết ý nghĩ về ma quỷ, hẳn bọn chúng sẽ tán đồng ngay lập tức, chúng sẽ nói rằng chính mắt chúng trông thấy ma quỷ, vì như thế chúng rũ tội đối với anh… Hãy hỏi thử một tên nào đó xem hắn có thấy hay không lúc Ligia được mang lên không trung, còn thần Zeux thì hiện ra phù hộ, chắc chắn hắn sẽ thề ngay tức khắc rằng đúng như thế.
                          - Vinixius vốn cũng mê tín nên chàng bỗng nhìn Petronius với nỗi lo lắng đột ngột.
                          - Nếu tên Urxux không thể có đủ người ứng cứu, cũng không thể một mình cướp nàng mang đi, vậy thì ai sẽ bắt cóc nàng?
                          Song Petronius phá lên cười.
                          - Anh thấy chưa - ông nói - người ta sẽ tin vì chính anh cũng đã nữa tin nữa ngờ kia mà. Thế giới của chúng ta ngày nay là thế đấy, cái thế giới giễu cợt các vị thần linh. Người ta sẽ tin và sẽ không đi tìm kiếm nàng nữa, trong khi đó, chúng ta sẽ giấu nàng vào một nơi nào đó xa thành phố, trong một cái biệt thự nào của anh hoặc của cậu.
                          - Thế nhưng ai đã giúp nàng chứ?
                          - Những kẻ cùng tín ngưỡng với nàng - Petronius đáp.
                          - Kẻ nào? Nàng thờ vị thần nào? Lẽ ra cháu phải biết rõ hơn cậu mới phải.
                          - Gần như mỗi người phụ nữ ở Roma đều thờ những vị thần khác nhau. Có điều, hẳn là bà Pomponia đã giáo dục nàng thờ chính vị thần mà bà ta thờ phụng, còn đó là vị thần nào thì cậu không rõ. Điều chắc chắn là chưa có một ai trông thấy bà ta dâng hiến lễ vật cho các thần được thờ cúng trong các thần miếu của chúng ta. Thậm chí người ta còn lên án bà là tín đồ Thiên chúa, nhưng đó là chuyện vớ vẩn. Tòa án gia tộc cũng đã bác bỏ cho bà ta cái điều tố giác kia. Về bọn tín đồ Thiên chúa thì người ta bảo rằng, không những chúng chỉ thờ đầu cừu, mà chúng còn là kẻ thù của loài người và phạm những tộc ác vô luân thường đạo lý nhất. Vì vậy bà Pomponia không thể nào lại là tín đồ Thiên chúa được, vì phẩm hạnh của bà ai cũng biết, một nữ kẻ thù của nhân loại thì không thể đối xử với nô lệ như bà ta được.
                          - Không có gia đình nào đối xử với nô lệ như gia đình Aulux - Vinixius ngắt lời ông.
                          - Anh thấy đấy. Bà Pomponia có nói cho cậu về một vị thần nào đó, vị thần là duy nhất, toàn năng và nhân từ. Bà ta giấu tất cả các vị thần khác vào đâu là chuyện của bà ta, nhưng có điều chắc. Đấng Logox của bà ta không lấy gì làm toàn năng lắm, mà đúng hơn hẳn đó chỉ là một vị thần loàng xoàng thôi, nếu như ông ta chỉ có mỗi hai vị nữ tín đồ là bà Pomponia và Ligia, thêm nữa là thằng cha Urxux. Chắc hẳn đám tín đồ này phải nhiều hơn nữa và chính bọn chúng đã giúp đỡ Ligia.
                          - Thứ tín ngưỡng này dạy người ta phải tha thứ - Vinixius nói - Cháu gặp bà Pomponia ở chỗ Akte, bà ta bảo với cháu: “Cầu Chúa tha thứ cho anh về sự xúc phạm mà anh đã gây ra cho Ligia và chúng tôi!”
                          - Rõ ràng vị thần của hộ là một vị curator rất hảo tâm. Cầu mong sao ông ta tha thứ cho anh và để chứng tỏ rằng mình đã tha thứ, xin ông ta mang trả cô thiếu nữ về cho anh!
                          - Nếu thật thế, ngày mai cháu sẽ dâng ông ta thật nhiều sinh vật làm đồ hiến tế. Cháu không thiết ăn nóng, tắm rửa, ngủ nghê gì cả. Cháu sẽ khoác áo choàng lính và đi lang thang trong thành đây. Có thể trong bộ quần áo cải trang ấy cháu tìm thấy nàng cũng nên. Cháu ốm mất rồi.
                          Petronius nhìn chàng vẻ thương hại. Quả thực, mắt Vinixius thâm quầng, đôi đồng tử sáng rực vì sốt, bộ râu sáng nay không cạo kéo thành một dải sẫm trên cái cằm mạnh mẽ của chàng, tóc chàng rối tung và trông chàng như người ốm. Irax và Eunixe cũng nhìn chàng với vẻ đồng cảm, song hình như chàng không nhìn thấy họ, cả chàng cũng như ông Petronius không thèm để ý đến sự có mặt của hai nô tỳ, giống như họ không để ý đến lũ chó đang quẩn chung quanh vậy.
                          - Anh sốt mất rồi! Petronius bảo.
                          - Vâng
                          - Hãy nghe cậu nói… Cậu không rõ thầy thuốc sẽ ra đơn gì cho anh, nhưng cậu biết nếu như ở địa vị anh cậu sẽ làm gì. Nghĩa là, trước khi tìm thấy cô nàng kia, cậu sẽ đi tìm một cô nàng khác cái mà cậu bị thiếu đi cùng với cô nàng kia. Cậu đã được trông thấy những thân thể tuyệt vời trong biệt thự của anh. Đừng phản đối cậu làm gì… Cậu biết rõ ái tình là gì và hiểu rằng khi người ta khát khao một người đàn bà, thì người đàn bà khác không thể nào thay thế được. Nhưng bao giờ cũng có thể tìm được - dù chỉ là một giây phút giải trí - với một nô tỳ xinh đẹp.
                          - Cháu không muốn! - Vinixius đáp.
                          Song ông Petronius - người quả là mềm lòng đối với chàng trai và thật tình muốn làm dịu những chịu đựng của chàng - lại cố tìm cách khác để thực hiện được điều ấy.
                          - Có thể là những nô tỳ của anh đã không còn vẻ hấp dẫn mới mẻ nữa - giây sau ông nói - song (nói đến đây ông lần lượt nhìn Irax và Eunixe, rồi đặt tay lên thắt lưng cô gái Hi Lạp tóc vàng) anh hãy nhìn thử tiên nữ Kharyta này mà xem. Mấy hôm trước gã Fonteius Kapiton đòi đánh đổi nàng lấy ba tiểu đồng tuyệt đẹp xứ Klazomene, vì đến cả Xkopax chắc cũng không thể tạo nên được một thân thể xinh đẹp hơn nàng được. Chính cậu cũng không hiểu tại sao cho tới nay cậu vẫn hờ hững đối với nàng, vì thậm chí chỉ cần nghĩ đến Khowryzotemix là cậu đã không chịu nổi rồi. Nhưng cậu tặng nàng cho anh đấy, anh hãy mang nàng đi.
                          Nghe thấy thế, mặt nàng Eunixe tóc vàng tái nhợt đi như vải trắng trong một giây, rồi nàng nhìn Vinixius bằng đôi mắt kinh hoàng dường như nín thở chờ câu trả lời của chàng.
                          Đột nhiên chàng bật dậy và vừa ghì ép hai tay vào thái dương vừa nói gấp gáp như người đang bị bệnh, không muốn nghe nói chuyện gì khác.
                          - Không!... Không!..Cô ấy mà làm gì! Những phụ nữ khác mà làm gì? Cảm ơn cậu, nhưng cháu không thích. Cháu đi tìm nàng trong thành phố đây! Cậu hãy bảo đưa cho cháu một áo choàng lính Gali có mũ trùm. Cháu đi sang bên kia sông Tyber. Giá như cháu gặp được dù chỉ là tên Urxux.
                          Rồi chàng vội vã bước ra. Thấy chàng quả thực không thể nào ngồi yên chỗ nên ông Petronius cũng không tìm cách giữ chàng lại. Tuy nhiên ông vẫn cho rằng lời từ chối của Vinixius chẳng qua chỉ là một sự vô tình tạm thời đối với bất kỳ người đàn bà nào không phải là Ligia, ông không muốn sự hảo tâm của mình bị phí hoài vô ích, nên ông quay sang bảo người nô tỳ:
                          - Eunixe, ngươi hãy tắm rửa, xức dầu và trang điểm lại, rồi đi sang nhà Vinixius.
                          Song nàng quỳ xuống trước mặt ông, vòng hai tay van xin ông đừng đuổi nàng ra khỏi nhà. Nàng không đến nhà chàng Vinixius, thà là ở đây làm đầy tớ mang củi vào lò sưởi còn hơn sang đó làm người đứng đầu đám đầy tớ. Nàng không muốn! Nàng không thể! Nàng xin ông hãy thương lấy nàng. Xin ông cứ việc đánh đập nàng hàng ngày cũng được, nhưng đừng đuổi nàng ra khỏi nhà này.
                          Và run rẩy như một chiếc lá, vừa sợ hãi vừa xúc cảm, nàng vươn hai tay về phía ông, còn ông nghe trách nhiệm cũng có thể sẽ rơi cả lên đầu ông vì chính do yêu cầu của ông, người ta mới đưa cô gái vào cung điện. Tuy nhiên, ông vẫn tin rằng, nếu được gặp gỡ Hoàng đế, ông sẽ biết cách giải thích cho Hoàng đế biết chuyện ấy là chuyện vớ vẩn, bênh cạnh đó, ông cũng tính cả đến sự nể nang mà Poppea dành cho ông, mặc dù ả đã cố gắng che giấu, nhưng không cố gắng đến mức khiến ông không nhận ra được. Lát sau, ông nhún vai với những điều lo lắng của mình và quyết định sang phòng ăn để ăn chút ít, sau đó ông sẽ ra lệnh cáng đến hoàng cung lần nữa, rồi tới cánh đồng chiến thần Marx và cuối cùng đến nhà Khowryzotemix.
                          Song trên đường vào phòng ăn, khi bước qua lối vào dẫn tới cái hành lanh dàng riêng cho gia nhân. Ông bỗng trông thấy hình dáng thanh mảnh của Eunixe đang đứng cạnh bức tường, giữa các nô tỳ khác, ông quên mất rằng mình không bảo Teirezias điều gì khác ngoài lệnh đánh Eunixe, nên ông lại nhíu mày đưa mắt tìm y.
                          Không trông thấy y trong đám gia nhân, ông quay sang hỏi Eunixe:
                          Ngươi đã bị đòn chưa?
                          Lần thứ hai nàng quỳ sụp xuống chân ông, ấp mép chiếc áo toga của ông lên môi một lúc rồi đáp:
                          - Vâng, thưa ông chủ! Con đã nhận đòn rồi! Vâng, thưa ông chủ…
                          Trong giọng nói của nàng dường như ngân vang niềm sung sướng và lòng biết ơn.
                          Rõ ràng nàng cho rằng trận đòn kia đã thay thế cho việc nàng rời khỏi nhà và giờ đây nàng đã có thể ở lại. Hiểu điều đó, Petronius bỗng ngạc nhiên vì sự bướng bỉnh đầy say mê của người nô tỳ, nhưng vốn là người hiểu rõ bản chất loài người, nên ông đoán ngay được chỉ có tình yêu mới có thể là lý do tạo ra sự bướng bỉnh nhường kia.
                          - Ngươi có người tình trong nhà này phải không? - Ông hỏi.
                          Nàng ngẩng đôi mắt xanh thẳm đẫm lệ lên nhìn ông và đáp khẽ đến nỗi người ta chỉ thoáng nghe thấy:
                          - Vâng thưa ông chủ.
                          Với đôi mắt ấy, với làn tóc vàng xõa về phía sau lưng, với nỗi sợ sệt và niềm hy vọng trên nét mặt, nàng thật xinh đẹp, nàng nhìn ông đầy khẩn cầu đến nỗi Petronius - vốn là nhà triết học, chính ông từng tuyên bố về sức mạnh của tình yêu và vốn là một nhà duy mỹ ông thờ phụng mọi cái đẹp - bỗng cảm thấy thương hại nàng.
                          - Kẻ nào trong bọn chúng là người tình của ngươi? - Ông hất đầu về phía đám gia nhân, hỏi nàng.
                          Song câu hỏi ấy không có lời đáp, Eunixe chỉ càng cúi rạp hơn vào sát bàn chân ông và giữ bất động như thế.
                          Petronius nhìn ngắm những người nô lệ, trong số đó không thiếu những người xinh đẹp và những chàng trai lực lưỡng trẻ trung, song ông chẳng đọc thấy gì từ bất kỳ bộ mặt nào, ngược lại, dường như tất cả đều thoáng một nét cười kỳ lạ nào đó, sau đó ông nhìn xuống Eunixe đang rạp cạnh chân mình rồi im lặng bỏ vào phòng ăn.
                          Sau khi ăn xong, ông ra lệnh cáng đến cung điện rồi đến nhà Khowryzotemix và ở lại đó cho tới khuya. Song ngay sau kho quay lại nhà, ông ra lệnh gọi Teirezias vào gặp.
                          - Eunixe đã bị đánh đòn chưa? - Ông hỏi y.
                          - Đã, thưa ông chủ. Song ông chủ không cho phép làm hỏng da cô ta.
                          - Thế ta không ra lệnh gì khác cho nó à?
                          - Không, thưa ông chủ - viên quản gian chính sảnh đáp lại, vẻ lo lắng.
                          - Thế thì được. Kẻ nào trong đám nô lệ là tình nhân của nó?
                          - Không ai cả, thưa ông chủ.
                          - Ngươi biết gì về Eunixe?
                          Teirezias bắt đầu nói với giọng không tự tin lắm:
                          - Eunixe không bao giờ rời phòng ngủ ban đêm, cô ta ngủ chung với bà già Akryziona và Ifida, thưa ông chủ, không bao giờ cô ta lưu lại trong phòng tắm sau khi ông chủ tắm xong… Các nô tỳ khác cười cô ta và gọi cô ta là nữ thần Điana.
                          - Thôi đủ rồi - Petronius bảo - Cháu ta, Vinixius, người mà sáng nay ta tặng Eunixe cho, không nhận cô ta, nên cô ta có thể ở lại trong nhà. Ngươi có thể đi được rồi.
                          - Con có được phép nói thêm gì nữa về Eunixe không, thưa ông chủ?
                          - Toàn bộ gia nhân, thưa ông chủ, đều nói về việc cô gái vừa bỏ trốn, cái cô mà lẽ ra đã được sống ở nhà ngài Vinixius cao quý. Sau khi ông chủ đi rồi. Eunixe đến gặp con và bảo con rằng, cô ta quen một người có thể tìm ra được nàng.
                          - A! - Petronius thốt lên - Người nào vậy?
                          - Con không biết, thưa ông chủ, nhưng con nghĩ rằng y sẽ thưa với ông chủ.
                          - Được rồi. Ngày mai bảo người ấy chờ ngài hộ dân quan tại nhà ta, còn ngươi, mai ngươi đến mời ngài nhân danh ta để buổi sáng ngài lại thăm ta nhé.
                          Viên quản gian chính sảnh cúi chào và lui ra.
                          Petronius tự nhiên cứ nghĩ tới Eunixe. Thoạt đầu ông ngỡ rằng hẳn là cô nô tỳ trẻ tuổi muốn Vinixius tìm thấy Ligia, để khỏi bị buộc phải thay thế nàng trong nhà chàng. Song sau đó ông chợt nghĩ rằng con người kia, kẻ mà Eunixe giới thiệu, chắc hẳn là nhân tình của cô. Và ý nghĩ ấy khiến ông chợt cảm thấy khó chịu. Thực ra, có một cách đơn giản để tìm ra sự thực, vì chỉ cần cho gọi Eunixe tới là đủ, nhưng lúc đó đã muộn. Petronius cảm thấy mệt mỏi và rất buồn ngủ sau cuộc viếng thăm kéo dài ở nhà Khowryzotemix. Song trong khi đi vào buồng ngủ ông nhớ ra rằng không hiểu tại sao hôm nay ông lại nhận thấy những nếp nhăn ở đuôi mắt Khowryzotemix. Ông nghĩ rằng, sắc đẹp của nàng được người ta đồn đại ở La Mã nhiều hơn là có thực và rằng cái anh chàng Fonteius Kapiton, người đã gạ ông đổi ba tên tiểu đồng từ Klazomene để lấy Eunixe thật quả đã muốn mua cô ta quá rẻ mạt.


                          ST
                          Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                          Comment


                          • #14
                            T1- Chương 13

                            Hôm sau, khi ông Petronius sắp mặc xong quần áo trong phòng trang điểm thì Vinixius - được Teirezias mời đến - bước vào. Chàng đã được báo rằng không có tin tức mới từ các cổng thành báo về và cái tin này, thay vì làm chàng vui lên - bởi đó là bằng chứng, chứng tỏ rằng nàng hiện còn ở trong thành - thì lại khiến cho chàng buồn phiền hơn, vì chàng bắt đầu nghĩ rằng Urxux có thể đã mang nàng ra khỏi thành phố ngay sau lúc bắt cóc, tức là trước khi bọn nô lệ của Petronius bắt đầu theo dõi các cổng thành. Quả tình, vào tiết thu khi ngày trở nên ngắn hơn người ta đóng cổng thành khá sớm, song người ta vẫn mở cổng cho những người đi ra, số người này thường khá đông. Cũng còn có thể vượt tường thành bằng những cách khác mà - nói thí dụ - những người nô lệ muốn trốn khỏi thành phố đều biết rõ. Vinixius đã phái người của chàng đi theo mọi ngả đường dẫn về các tỉnh trấn. Tới gặp đám vigin ở các thị trấn nhỏ, mang theo cáo thị về hai tên nô lệ chạy trốn, kèm theo bản mô tả tỉ mỉ hình dáng Urxux và Ligia, cùng lời khuyến cáo trọng thưởng cho ai bắt được họ. Song liệu cuộc săn đuổi này có chạm được tới họ hay không thì hãy còn là điều đáng ngờ, và nếu như có chạm được tới họ, thì liệu chính quyền địa phương có cảm thấy việc bắt giữ họ lại theo yêu cầu cá nhân của Vinixius, không có chứng nhận của pháp quan, có đúng luật pháp hay không nữa kia. Không còn đủ thời gian để xin cái chứng nhận đó. Riêng Vinixius, suốt ngày hôm qua chàng đã mặc giả nô lệ sục tìm Ligia khắp hang cùng ngỏ hẻm của thành phố. Song chàng không hề tìm ra một dấu vết hay một chỉ dẫn nào cả. Chàng có gặp người nhà ông Aulux, song hình như họ cũng đang tìm kiếm, điều đó càng khiến cho chàng khẳng định rằng không phải gia đình ông Aulux đánh tháo cho nàng, rằng chính họ cũng không biết điều gì đã xảy đến cho nàng. Vậy nên khi Teirezias báo cho chàng hay rằng có một kẻ dám đảm nhận việc tìm kiếm nàng, chàng liền vội vã tới ngay nhà ông Petronius, và vừa chào hỏi ông xong, chàng lập tức hỏi ngay về người đó.
                            - Chúng ta sẽ gặp y ngay bây giờ - Petronius nói - Đó là một người quen của Eunixe, cô ta sắp tới đây để sửa sang lại nếp gấp trên chiếc áo toga của cậu, và sẽ cho chúng ta biết rõ thêm về y.
                            - Có phải cái cô hôm qua cậu đã muốn ban cho cháu?
                            - Chính người mà hôm qua anh đã không thèm nhận, điều mà cậu rất biết ơn anh, vì đây là một nô tỳ phục trang giỏi nhất trong toàn thành bang
                            Quả thực, nàng nô tỳ phục trang đến ngay khi ông vừa dứt lời, và cầm chiếc áo toga gấp sẵn đặt trên chiếc ghế khảm ngà voi, cô ta mở chiếc áo ra để khoác lên vai Petronius. Mặt nàng trong sáng, thanh tĩnh, mắt nàng rạng ngời niềm vui sướng.
                            Petronius nhìn ngắm nàng và ông thấy nàng thật là xinh đẹp. Lát sau, khi nàng quấn chiếc áo toga vào người cho ông và bắt đầu sửa sang lại, những lúc nàng cúi xuống để vuốt dài các nếp gấp, ông nhận thấy tay nàng có sắc hồng phơn phớt tuyệt vời, còn khuôn ngực và bờ vai của nàng lại có ánh trắng muốt trong trong của ngọc trai hay của thạch cao tuyết hoa.
                            - Eunixe - ông nói - kẻ mà hôm qua ngươi nói với Teirezias đã có mặt hay chưa?
                            - Y đã có mặt, thưa ông chủ.
                            - Y tên là gì?
                            - Khilon Khiloniđex, thưa ông chủ.
                            - Y là ai vậy?
                            - Y là thầy thuốc, nhà thông thái và thầy tướng số, biết cách đọc số phận con người và báo trước hậu vận.
                            - Y đã đoán trước hậu vận cho nhà ngươi rồi chứ?
                            Má Eunixe đỏ ửng, đến cả tai và cổ nàng cũng hồng lên.
                            - Dạ vâng, thưa ông chủ.
                            - Y đoán thế nào?
                            - Y nói rằng em sẽ gặp cả nỗi đau đớn lẫn hạnh phúc.
                            - Nỗi đau thì hôm qua ngươi đã được nhận từ tay Teirezias rồi, hẳn là hạnh phúc cũng sẽ tới.
                            - Hạnh phúc tới rồi, thưa ông chủ
                            - Hạnh phúc nào vậy?
                            Nàng khẽ thì thầm:
                            - Em được ở lại đây.
                            Petronius đặt tay lên mái đầu màu vàng kim của nàng:
                            - Hôm nay ngươi xếp các nếp áo đẹp lắm, ta rất hài lòng vì ngươi, Eunixe.
                            Được ông chạm đến, trong một thoáng, mắt nàng như có một màn sương hạnh phúc kéo qua và ngực nàng phập phồng gấp gáp.
                            Petronius cũng như Vinixius bước sang gian chính sảnh thông thiên, nơi Khilon Khiloniđex đang đứng đợi họ, vừa trông thấy họ lão đã cúi gập người xuống thật thấp để đón chào. Chợt nhớ lại điều ước đoán của mình hôm qua rằng lão có thể là người tình của Eunixe, Petronius thoáng mỉm cười. Người đang đứng trước mặt ông không thể là nhân tình của bất kỳ ai. Trong cái thân hình kỳ dị này có cái gì đó vừa thô thiển vừa tức cười. Lão chưa già lắm, trong bộ râu cằm không lấy gì làm sạch sẽ và trong mái tóc quăn, thoáng một vài sợi bạc. Bụng lão lép kẹp, lưng khòm đến nỗi mới thoạt trông cứ ngỡ là lão có bướu, còn phía trên cái bướu ấy nhô lên một cái đầu to tướng với bộ mặt nữa khỉ nữa cáo và cái nhìn xuyên suốt xoi mói. Nước da màu vàng nhờ nhờ của lão điểm những vết sần đo đỏ, cái mũi cũng đầy những nốt đỏ ấy có thể cho thấy một sự say mê có phần thái quá đối với bia rượu. Bộ quần áo luộm thuộm gồm một chiếc áo tunica màu tối cắt từ vải len dê với một chiếc áo khoác thủng lỗ chỗ cùng loại, chứng tỏ một sự nghèo nàn thực hoặc vờ. Nhìn thấy lão, Petronius chợt nhớ đến nhân vật Terxytex của Homer, ông bèn khoát tay đáp lại cáo chào của lão và nói:
                            - Xin chào Terxytex thần thánh! Ra sao rồi hở ngươi, những cục bướu mà chàng Ulixxex tặng cho người trước thành Towrroa còn chính chàng thì lại nhận được tại chốn âm ty?
                            - Thưa ông chủ cao quý - lão Khilon Khiloniđex đáp - người thông thái nhất trong số những người đã quá cố là chàng Ulixxex nhờ tôi chuyển tới người thông thái nhất trong số những người đang sống là ngài Petronius lời chúc sức khỏe và lời thỉnh cầu ngài hãy dùng một manh áo khoác mới để phủ che những cục u bướu của tôi.
                            - Thề có nữ thần Hekate ba thân! - Petronius kêu lên - Lời đáp thật đáng giá một tấm áo choàng…
                            Song cuộc chuyện trò bị cắt ngang bởi chàng Vinixius đang số ruột, chàng hỏi độp ngay:
                            - Ngươi có biết rõ người đang nhận làm việc gì không?
                            - Nếu hai đám gia nhân trong hai ngôi nhà tuyệt vời nhất không bàn tới chuyện gì khác và nữa thành Roma lặp lại tin tức đó theo họ, thì cũng chẳng có gì khó biết - Khilon đáp - Đêm qua, người ta đánh tháo cho một trinh nữ được nuôi dạy tại nhà ngài Aulux Plauxius, tên là Ligia, hay đúng ra là Kalina, kẻ mà các nô lệ của ngài đưa từ cung điện của Hoàng đế về biệt thự của ngài, còn tôi nhận việc tìm cho ra cô ta trong thành phố, hoặc nếu như - điều này ít có khả năng xảy ra hơn - cô ta đã rời thành phố rồi, thì tôi sẽ phải chỉ cho ngài, thưa ngài hộ dân quan cao quý, cô ta chạy về đâu và ẩn trốn nơi đâu.
                            - Được! - Vinixius nói, chàng thấy thỏa mãn vì tính chặt chẽ của câu trả lời - -Ngươi có phương tiện gì để làm việc đó không?
                            Khilon mỉm cười ranh mãnh
                            - Thưa ngài, phương tiện thì ngài có, tôi đây chỉ có trí tuệ mà thôi.
                            Petronius cũng mỉm cười, ông hoàn toàn hài lòng về vị khác này.
                            “Người này có thể sẽ tìm thấy cô gái” - Ông nghĩ thầm.
                            Còn Vinixius thì lại nhíu đôi lông mày rậm rì và bảo:
                            - Kẻ hèn mọn kia, nếu ngươi lừa ta để trục lợi, ta sẽ ra lệnh đánh đòn ngươi đến chết, nghe chưa?
                            - Thưa ngài, tôi là một triết gia, mà triết gia thì không thể nào ham trục lợi, nhất là những món lợi như thứ mà ngài vừa hào phóng hứa ban cho.
                            - Ô, vậy ra nhà ngươi là triết gia sao? - Petronius hỏi - Eunixe nói với ta rằng ngươi là thầy thuốc kiêm thầy tướng số. Sao ngươi lại quen Eunixe?
                            - Cô ta đến gặp tôi cầu xin lời khuyên bảo khi ánh vinh quang của tôi đến tai cô ta.
                            - Cô ta cần lời khuyên về việc gì?
                            - Về tình yêu thưa ngài. Cô ta muốn chữa khỏi một tình yêu không được đền đáp lại.
                            - Và ngươi đã chữa khỏi cho cô ta chứ?
                            - Tôi còn làm hơn thế, thưa ngài, bởi vì tôi đã trao cho cô ta một bùa phép đảm bảo cho sự tương hỗ trong tình yêu. Ở Pafox trên đảo Sip có một đền thờ, mà thưa ngài, tại đó người ta cất giữ một chiếc dây lưng của chính nữ thần Venera. Tôi đã cho cô ta hai sợi chỉ rút từ dây lưng ấy, phong kín trong một vỏ hạnh nhân.
                            - Và ngươi bắt phải trả tiền công hậu hĩnh chứ?
                            - Không thể nào trả tiền đủ xứng với sự đồng cảm được, còn tôi, thiếu mất hai ngón ở bàn tay phải, tôi phải kiếm tiền để mua một tên nô lệ - ký lục, kẻ sẽ ghi lại những tư tưởng của tôi và lưu cái khoa học của tôi lại cho thế giới.
                            - Ngươi thuộc trường phái nào vậy, hỡi nhà triết học thiên thần?
                            - Tôi là tín đồ duy ngã, thưa ngài, bởi tôi khoác một manh áo thủng lỗ chỗ, tôi là người khắc kỷ, bởi tôi nhẫn nhục chịu đựng sự nghèo khó, tôi lại là một nhà triết du, vì không có điều kiện nên tôi phải cuốc bộ từ quán rượu nho này tới quán rượu nho khác, dọc đường tôi dạy dỗ những kẻ nào hứa sẽ trả tiền một bình rượu.
                            - Còn lúc bên bình rượu thì nhà ngươi lại thành nhà hùng biện?
                            - Heraklit có nói: “Tất thảy đều chảy”, mà thưa ngài, liệu ngài có thể phủ nhận được rượu vang không phải là chất lỏng chăng?
                            Ông ta cũng nêu lên rằng lửa là một vị thần, vị thần ấy đang cháy đỏ trên mũi nhà ngươi đó.
                            - Còn Điogenex thiêng liêng xứ Apolonia thì nêu lên rằng bản chất của mọi vật đều là không khí, nếu không khí càng ấm nóng bao nhiêu thì tạo nên vật thể càng hoàn thiện bấy nhiêu, từ thứ không khí ấm nóng nhất tạo nên linh hồn của các nhà triết học. Và bởi vì vào tiết thu những cơn lạnh thường kéo về, ergo: Mỗi nhà hiền triết chân chính đều phải hâm nóng tâm hồn mình bằng rượu nho. Vì chắc ngài cũng không thể phủ nhận được thưa ngày, rằng một bình rượu, dẫu là thứ rượu hạng bét xứ Kapui hay Telezia đều mang nhiệt truyền đi khắp mọi thứ xương cốt của cái thể xác không chút giá trị của con người?
                            - Khilon Khiloniđex này, quê hương ngươi ở đâu vậy?
                            - Thưa ở trên bờ Porte Euxyne. Tôi là người xứ Muzembria.
                            - Khilon, ngươi quả là vĩ đại.
                            - Và đã từng được người ta biết tiếng! - Nhà hiền triết nói thêm vẻ buồn buồn mơ mộng.
                            Song chàng Vinixius đã lại thấy sốt ruột. Với niềm hy vọng vừa lóe sáng, chàng những muốn lão Khilon phải lên đường ngay lập tức, còn cuộc đối thoại này đối với chàng chỉ là một sự phí thì giờ vô ích, chàng nổi cáu với ông Petronius.
                            - Khi nào ngươi mới bắt đầu tìm kiếm? - Chàng hướng về phía lão Hi Lạp hỏi.
                            - Tôi đã bắt đầu rồi đấy ạ - lão Khilon đáp - Trong lúc tôi đang đứng đây, trong khi tôi đang trả lời những câu hỏi lịch sự của ngài, chính là tôi cũng đang tìm đấy. Chỉ cần ngài hãy có chút lòng tin, thưa ngài hộ dân quan đức hạnh và xin ngài hãy biết cho rằng, nếu như ngài chỉ bị mất một sợi dây buộc giầy thì tôi đây cũng biết cách tìm lại sợi dây đó hoặc tìm ra chính kẻ nào đã đánh xoáy nó trên đường phố.
                            - Ngươi đã được dùng vào những dịch vụ tương tự bao giờ chưa? - Petronius hỏi.
                            Lão Hi Lạp ngước mắt nhìn lên trời.
                            - Thời nay người ta đánh giá quá thấp phẩm hạnh và trí tuệ đến nỗi cả đến triết gia cũng buộc phải đi tìm những phương pháp khác để kiếm sống.
                            - Phương pháp của nhà ngươi thế nào?
                            - Biết mọi chuyện và cung cấp tin tức cho những ai muốn biết.
                            - Và nếu như người ta trả tiền cho những tin tức ấy?
                            - Ôi thưa ngài, tôi cần phải mua cho được một tên ký lục! Nếu không thì sự thông thái của tôi sẽ bị mai một cùng với tấm thân tôi.
                            - Nếu như cho tới nay nhà ngươi vẫn chưa kiếm được đủ tiền để mua nổi một manh áo khoác, thì chắc những công tích của ngươi cũng chẳng phải là tuyệt vời gì lắm nhỉ?
                            - Đức khiêm tốn đã ngăn không cho tôi phô phang những công tích ấy ra. Song xin ngài hãy hiểu cho rằng, thời nay không còn đâu những người hảo tâm mà xưa kia từng đầy rẫy, những người rắc vàng lên kẻ hầu người hạ cũng dễ chịu như nuốt trọn một miếng thịt sò ngon lành xứ Puteola vậy. Không phải công tích của tôi nhỏ bé, mà lòng biết ơn của con người quá nhỏ bé. Thỉnh thoảng, khi một tên nô lệ đáng giá nào đó chạy trốn, thì ai sẽ là người đầu tiên tìm ra hắn, nếu không phải là đứa con trai duy nhất của cha tôi? Khi mà trên bức tường xuất hiện những dòng chữ đả kích hoàng hậu Poppea thần thánh, ai sẽ chỉ ra thủ phạm? Ai dò được các hiệu sách một dòng thơ chỉ trích Hoàng đế? Ai mật báo về tất cả những chuyện người ta kháo nhau trong nhà các vị nguyên lão và các hiệp sĩ? Ai chuyển giao những bức thư mà người ta không muốn trao cho bọn nô lệ mang đi? Ai rình nghe lỏm những tin tức mới bên cửa các thợ cạo kiêm thầy lang, ai thấu hiểu mọi điều bí mật của các chủ quán rượu nho và chủ các lò nướng bánh, ai được đám nô lệ tin cậy, ai biết cách nhìn xuyên suốt mỗi ngôi nhà từ gian chính sảnh thông thiên ra tới tận vườn? Ai biết hết mọi phố phường, ngõ ngách, hang ổ, ai biết những điều người ta bàn tán trong các nhà tắm công cộng, trong hý trường, trong chợ, trong các trường dạy đấu sĩ, trong các túp lều của bọn buôn bán nô lệ và thậm chí cả trên vũ đài nữa...?
                            - Thề có các vị linh thần, thôi đủ rồi, hỡi nhà hiền triết cao quý - Ông Petronius kêu lên - nếu không chúng ta đến chết ngập trong các công trạng, trong trí thông minh, phẩm hạnh và thói lắm lời của ngươi mất! Thôi đủ rồi! Chúng ta muốn biết ngươi là ai thì đã được biết rồi.
                            Song Vinixius thì lại vui mừng, vì chàng nghĩ rằng con người này như một con chó săn, khi được thả ra sẽ lần theo dấu vết và sẽ không dừng lại trước khi tìm thấy hang thú.
                            - Được lắm - chàng nói - ngươi có cần chỉ dẫn điều chi không?
                            - Tôi cần vũ khí.
                            - Loại gì? - Vinixius ngạc nhiên hỏi lại.
                            Lão Hy Lạp ngửa một bàn tay ra, tay kia làm động tác đếm tiền.
                            - Thời nay là thế đấy, thưa ngài - lão thở dài nói.
                            - Thế ra ngươi là một con lừa - Petronius nói - chỉ biết chiếm pháo đài nhờ túi tiền vàng thôi chăng?
                            - Tôi chỉ là một triết gia nghèo thưa ngài - Khilon đáp với vẻ nhẫn nhục - còn vàng thì các ngài mới có sẵn.
                            Vinixius quẳng cho lão một túi tiền vàng, lão Hy Lạp tóm gọn lấy nó ngay trong không khí mặc dù quả thực bàn tay phải của lão bị thiếu mất hai ngón.
                            Rồi lão ngẩng đầu lên và nói:
                            - Thưa ngài, tôi đã biết được nhiều điều hơn là ngài tưởng. Tôi đâu phải tới đây với hai bàn tay trắng. Tôi biết rằng không phải nhà ông Aulux bắt cóc cô gái vì tôi đã trò chuyện với gia nhân nhà họ. Tôi biết rằng cô ta không có mặt trong hoàng cung Palatyn, nơi hiện nay tất thảy mọi người đang bận bịu với Tiểu Auguxta đang ốm, thậm chí tôi còn nghĩ ra được vì sao các ngài lại nhờ tôi tìm cô gái chứ không nhờ đến bọn vigin và binh sĩ của Hoàng thượng. Tôi biết rằng một tên đầy tớ cùng quê với cô ta đã giúp cô ta chạy trốn. Hắn ta không thể nhờ bọn nô lệ giúp đỡ, vì nô lệ bao giờ cũng đoàn kết với nhau, không thể giúp hắn chống lại đồng bọn được. Giúp hắn chỉ có thể là các tín đồ của cùng giáo phái với hắn…
                            - Nghe chưa, Vinixius - Petronius xen ngang - có phải cậu đã nói với anh đúng y như thế không nào?
                            - Đó quả là điều hân hạnh cho tôi - Khilon nói - Cô trinh nữ ấy, thưa ngài - y lại quay sang nói với Vinixius - rõ ràng là cùng thờ chung một vị thần với người phụ nữ phẩm hạnh nhất trong số những người phụ nữ La Mã, một người đỡ đầu trăm năm chân chính - bà Pomponia. Tôi cũng có nghe nói là bà Pomponia từng bị xét xử trong gia tộc về chuyện tin vào các vị thần ngoại đạo nào đó, song dò hỏi gia nhân của bà, tôi vẫn chưa tìm được biết vị thần đó là vị thần nào và các tín đồ thờ vị thần đó được gọi là gì. Giá như tôi biết được điều đó, tôi sẽ tìm đến với họ, sẽ trở thành kẻ mộ đạo nhất trong bọn họ và sẽ chiếm được lòng tin của họ. Song, thưa ngài, như tôi được biết, ngài từng sống mười mấy ngày trong ngôi nhà của ngài Aulux cao quý, liệu ngài có thể cho tôi biết điều gì về chuyện ấy chăng?
                            - Ta không thể - Vinixus đáp.
                            - Các ngài đã hỏi tôi khá lâu về đủ mọi chuyện, thưa các quý ngài và tôi đã trả lời những câu hỏi ấy, vậy bây giờ xin các ngài hãy cho phép tôi được đặt vài câu hỏi. Thưa ngài hộ dân quan đức hạnh, ngài có thấy một pho tượng, một thứ lễ vật hoặc một dấu hiệu gì, một thứ bùa chú nào đó treo trên người bà Pomponia hay trên người nàng Ligia thần nữ của ngài chăng? Ngài có lúc nào thấy họ vẽ những dấu hiệu gì đó mà chỉ có họ mới hiểu được hay không?
                            - Dấu hiệu à? Khoan đã! Phải! Có một lần ta thấy Ligia vẽ lên cát một con cá.
                            - Cá ư? A a! Ô ô ô ô! Nàng chỉ vẽ một lần hay nhiều lần?
                            - Chỉ một lần thôi.
                            - Ủa, thưa ngài, ngài chắc là nàng đã vẽ… một con cá? Ô ô!
                            - Chính thế! - Vinixius đáp với một vẻ tò mò thú vị - Ngươi có đoán được cái ấy nghĩa là gì không?
                            - Tôi có đoán được không ấy ư? - Khilon kêu lên và cúi gập người xuống ra dấu chào từ biệt, lão nói thêm:
                            - Xin nữ thần tài Fortuna hãy ban phát đều các thứ ân huệ cho cả hai ngài, thưa các quý ngài!
                            - Hãy bảo cấp cho ngươi một cái áo khoác! - Petronius bảo lão khi lão đã bước lui.
                            - Chàng Ulixxex sẽ cảm ơn người thay mặt Terxytex - lão Hi Lạp đáp và cúi chào một lần nữa, lão lui ra.
                            - Anh nghĩ gì về nhà hiền triết cao quý này hả? - Petronius hỏi Vinixius.
                            - Cháu bảo rằng lão sẽ tìm ra Ligia! - Vinixius vui sướng kêu lên - Song cháu cũng sẽ nói thêm rằng, nếu như tồn tại quốc gia của bọn đểu cáng thì lão xứng đáng làm vua cái quốc gia đó.
                            - Chắc chắn là thế. Cậu phải làm quen kỹ hơn với cái lão khắc kỷ này mới được, còn bây giờ thì cậu phải ra lệnh tẩy uế gian chính sảnh cho sạch mùi lão đã.
                            Còn lão Khilon Khiloniđex, quấn mình trong tấm áo khoác mới lĩnh, lão tung tung trong lòng bàn tay thu giấu dưới tấm áo cái túi tiền vừa nhận được từ tay Vinixius và khoái chí với sức nặng cùng tiếng kêu của nó. Bước chậm rãi, ngoái lại xem từ nhà Petronius người ta có nhìn theo mình không, lão đã qua hàng hiên Liva và bước tới góc phố Clivux Virbiux, lão quành sang khu Xubur.
                            “Phải tới quán Xporux - lão nói một mình - để đổ ít rượu nho dâng thần tài Fortuna mới được! Thế là đã tìm ra cái mà từ lâu nay ta hằng tìm kiếm. Hắn trẻ trung nóng nảy, hào phóng như vùng mỏ đảo Sip và vì cái con chim xanh xứ Ligi này, hắn sẵn sàng đánh đổi một nửa gia sản. Phải, ta đã đi tìm một tay như thế suốt bấy lâu nay. Song với hắn cần phải dè chừng đấy nhé, bởi vì cái nhíu mày của hắn chẳng báo trước điều gì tốt lành cả đâu! Ôi! Lũ sói con ngày nay đang thống trị thế giới!... Ta thấy chính Petronius còn ít đáng sợ hơn. Hỡi các vị linh thần! Thời nay nghề mở nhà chứa còn đáng tiền hơn phẩm hạnh! Ha! Cô nàng vẽ cho ngươi một con cá lên mặt cát ư? Nếu ra mà biết cái đó có ý nghĩa là gì thì xin cho ta cứ chết nghẹn ngay vì một miếng pho mát dê cho rảnh nợ! Nhưng rồi ta sẽ biết. Song cá thì sống dưới nước, mà tìm kiếm dưới nước thì khó hơn trên cạn nhiều, ergo: Hắn sẽ phải trả riêng cho ra về cái khoản cá mú này! Chỉ cần một túi tiền như thế này nữa thôi là ta có thể tung hô cái nghề lẩm cẩm này và mua lấy một thằng nô lệ. Mà này, hỡi người anh em Khilon, ngươi sẽ nói sao đây, nếu như ta khuyên ngươi không mua một thằng nô lệ mà mua lấy một con nô tỳ? Ta hiểu ngươi lắm mà? Ta biết rõ là ngươi sẽ đồng ý! Nếu như ả ta lại xinh đẹp như Eunixe chẳng hạn, thì bên cạnh nàng tự ngươi sẽ trẻ hẳn lại ngay, đồng thời nhờ nàng ngươi lại có được những khoản thu nhập chắc chắn và chính đáng. Ta đã bán cho nàng Eunixe tội nghiệp ấy hai sợi chỉ rút ra từ chính áo khoác cũ của cô ta… Cô nàng thật là ngốc, nhưng giá như Petronius ban nàng cho ta, thì hẳn là ta sẽ đón nhận lấy nàng đấy… Phải, phải, hỡi ngài Khilon con trai ông Khilon ạ… Ngươi đã mất cả mẹ lẫn cha… Ngươi là kẻ mồ côi mồ cút, vậy ngươi hãy mua lấy một ả nô tỳ cho mình giải phiền. Vì ả ta phải có một nơi nào đó để ở, nên Vinixius sẽ phải thuê cho ả một căn nhà, trong đó ngươi sẽ được nương nhờ: À ta phải mặc quần áo, nên Vinixius sẽ phải trả tiền trang phục cho ả, ả phải ăn nên hắn sẽ phải nuôi sống ả. Ôi! Cuộc sống nặng nề lắm thay! Đâu rồi, cái thời mà chỉ bằng một đồng obon(1) cũng có thể mua được một số đậu nấu mỡ lợn đựng đầy trong hai bàn tay, hoặc một khúc dồi dê nhồi đấy tiết dài bằng cánh tay một đứa tiểu đồng mười hai tuổi… Nhưng mà thằng ăn trộm ấy, gã Xporux đây rồi. Trong tửu quán dễ biết được điều muốn biết hơn cả”.
                            Nói thế, gã bước vào quán rượu, bảo mang ra cho mình một bình “vang đen” và khi thấy cái nhìn đầy hồ nghi của chủ quán, lão bèn rút một đồng tiền từ trong túi tiền ra đặt lên bàn và nói:
                            - Này Xporux, hôm nay ta làm việc với ngài Xeneka suốt từ sáng sớm cho tới trưa và đây là cái mà ông bạn ta đã tặng ta để đi đường đấy.
                            Cặp mắt tròn xoe của gã Xporux lại càng tròn xoe hơn khi nhìn thấy đồng tiền và bình rượu vang lập tức hiện ra trước mặt Khilon, lão bèn nhúng một ngón tay vào rượu vẽ lên mặt bàn một con cá, rồi hỏi:
                            - Này, ngươi có biết cái này nghĩa là gì không?
                            - Cá à? Nào, cá thì là cá chứ là gì nữa!
                            Ngươi ngu lắm, mặc dù ngươi đã đổ thêm bao nhiêu nước vào rượu nho, đến nỗi cả cá cũng có thể xuất hiện ở đó nữa đấy. Đây là một ước hiệu, mà nói theo ngôn ngữ của các triết gia thì có nghĩa là: Nụ cười thần tài của Fortuna. Giá như ngươi đoán ra được ý nghĩa của nó thì có thể ngươi cũng phát tài đấy. Này ta bảo, hãy biết tôn trọng triết học bởi vì nếu không ta sẽ thay đổi quán rượu đấy, điều này ngài Petronius, bạn chí thiết của ta, từ bao lâu nay đang cố thuyết phục ta.
                            Chú thích:
                            (1) Obon: Đồng tiền cổ Hi Lạp bằng 16 đồng drachma


                            ST
                            Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                            Comment


                            • #15
                              T1 - Chương 14

                              Suốt mấy ngày sau đó, lão Khilon mất tăm mất dạng. Từ sau khi gặp Akte cho biết rằng Ligia yêu mình, Vinixius ngày càng khao khát nàng gấp trăm lần trước kia, chàng đích thân đi tìm, chàng không muốn và cũng không thể cầu xin sự giúp đỡ của Hoàng đế, người đang chìm đắm trong nỗi lo lắng trong sức khoẻ của Tiểu Auguxta.
                              Những lễ vật dâng lên các thần miếu cùng những lời cầu nguyện và các biểu vật tế hiến chẳng mang lại kết quả gì, cả nghệ thuật của ngành y lẫn mọi thứ bùa chú phù phép mà người ta đành phải vơ lấy trong cơn tuyệt vọng cũng chẳng có hiệu quả gì. Một tuần sau, đứa trẻ qua đời. Tang tóc phủ xuống cả cung đình và cả thành Roma. Hoàng đế người đã từng sung sướng như điên khi đứa trẻ ra đời, giờ đây gần như phát điên vì tuyệt vọng, tự giam mình trong nội thất, suốt hai ngày liền không ăn uống, và mặc dù cung điện nườm nượp các vị nguyên lão và quý tộc vội vã đến biểu lộ lòng tiếc thương và đồng cảm, song Hoàng đế chẳng muốn gặp mặt một ai. Viện Nguyên lão họp phiên bất thường, trong đó đứa bé vừa chết được tuyên bố là một nữ thần, người ta quyết định sẽ xây đền thờ cho cô bé và bố trí riêng một vị giáo sĩ trông nom. Còn tại các thần miếu khác người ta dâng hiến thêm các lễ vật mới cho linh hồn đứa bé vừa qua đời, người ta đúc tượng đứa bé bằng các loại kim loại quý và tang lễ là một cuộc lễ trọng thể vô chừng. Trong đó dân chúng được dịp thán phục trước những thể hiện vô hạn độ của lòng thương tiếc mà Hoàng đế biểu lộ, dân chúng cùng than khóc với Người, chìa tay ra đón những thứ quà tặng, và trên hết, vui chơi thoả sức với cảnh tượng hiếm có.
                              Cái chết ấy khiến ông Petronius lo lắng. Cả Roma đều biết rằng Poppea đổ riệt cái chết ấy do bùa bả gây nên. Lặp lại các điều ấy theo hoàng hậu có cả các thầy thuốc để biện minh cho sự bất lực của các nổ lực của mình, cả các vị tăng lữ, những kẻ mà thứ đồ tế hiến đã tỏ ra vô hiệu, cùng bọn mách mối đang run sợ cho mạng sống của mình, đồng thời cả dân chúng nữa. Giờ đây ông Petronius mừng thầm rằng Ligia đã trốn thoát, bởi vì tuy không mong muốn chuyện không lành cho nhà ông Aulux, song ông vẫn mong điều lành cả cho bản thân lẫn cho Vinixius. Vậy nên nhắc cành trắc bá đặt chắn ngang làm dấu tang trước cung điện Palatyn ra, ông đi đến dự cuộc gặp mặt được tổ chức cho các vị nguyên lão và quý tộc với mục đích xem Nerô đã để lọt vào tai bao nhiêu phần chuyện ma thuật bùa phép, đồng thời để chống lại những hậu quả có thể nảy sinh từ đó.
                              Hiểu rất rõ Nerô nên ông biết rằng, mặc dù không tin vào ma thuật, ngài cũng sẽ giả vờ tin, vừa để đánh lừa chính mình nổi đau đớn của bản thân, vừa để có cớ bào thù một kẻ nào đó, và cuối cùng, để đánh tiếng là các thần linh bắt đầu trừng phạt ngài về những tội ác mà ngài đã phạm. Petronius không hề nghĩ rằng ngài có thể yêu con chân thành và sâu sắc dẩu ngài có yêu nó cuồng nhiệt, song ông tin rằng ngài sẽ cường điệu sự đau khổ lên. Và ông đã không nhầm, Nerô nghe lời chia buồn của các vị nguyên lão và hiệp sĩ với bộ mặt bằng đá, với cặp mắt dán chặt vào một điểm, và rõ ràng là nếu như ngài có đau đớn thật đi chăng nữa thì đồng thời ngày cũng nghĩ xem nỗi đau đớn ấy đang gây ra ấn tượng như thế nào đối với những người đang có mặt, đồng thời ngài cũng cố gắng mô phỏng theo hình tượng Niobe để thể hiện nổi thương tiếc phụ tử, giống như ngài khi đóng vai hề trên sân khấu vậy. Thậm chí ngài cũng không giữ được cái hình tượng đau đớn câm lặng gần như hoá đá ấy, vì cứ chốc chốc ngài lại làm một động tác như đang vốc đất cát rắc lên đầu, chốc chốc lại rên rỉ khô khốc, và khi chợt trông thấy Petronius ngài liền bật dậy, và bằng một giọng bi thương bắt đầu kêu lên cho mọi người cùng có thể nghe thấy:
                              - Ơ hơ!... Cả ngươi nữa cũng là kẻ đã gây ra cái chết cho công chúa. Chính do lời khuyên của ngươi quỷ dữ mới lọt được vào trong những bức tường này, để rồi chỉ bằng một cái nhìn, nó đã hút kiệt sinh lực từ lồng ngực công chúa... Thương thay cho thân ta! Thà mắt ta đừng nhìn thấy ánh sáng thần Heliox nữa cho xong!... Thương thay thân ta! Ơ hơ! Ơ hơ!...
                              Ngài lên giọng mỗi lúc một cao thành một tiếng kêu tuyệt vọng, song cũng chính vào giây phút đó Petronius quyết định đặt được thua vào một lá bài, ông liền đưa tay ra giật phắt chiếc khăn lụa mà Nerô luôn đeo trên cổ che lấy miệng ngài.
                              - Tâu Hoàng thượng - ông hỏi một cách nghiêm trang - Xin hãy đốt cháy cả thành Roma và cả thế giới nữa vì đau đớn, nhưng xin Người hãy giữ gìn cho chúng thần giọng hát của Người.
                              Những người có mặt bàng hoàng, chính bản thân Nerô cũng thảng thốt mất một lúc, riêng mỗi mình Petronius là không chút xúc động. Ông hiểu rõ việc mình làm. Ông nhớ rằng Terpnox và Điodor được lệnh bịt miệng Hoàng đế nếu như người lên giọng quá cao, có thể dẩn tới một hậu quả không tốt nào đó.
                              - Tâu Hoàng thượng - ông nói tiếp cũng với vẻ trang nghiêm u buồn như thế - Chúng thần đã phải chịu đựng một tổn thất quá lớn rồi, hãy để cho kho báu còn lại này an ủi chúng thần.
                              Nét mặt Nerô rung lên, và giây lát sau, những giọt lệ tuôn ra từ đôi mắt ngài, ngài bổng tì cả hai tay lên vai Petronius và nép đầu vào ngực ông lặp đi lặp lại:
                              - Trong bấy nhiêu người chỉ có mỗi mình ngươi, mỗi một mình ngươi thôi, hỡi Petronius là nghĩ tới điều đó! Mỗi một mình ngươi thôi!
                              Tygelinux vàng người đi vì ghen tức. Petronius nói:
                              - Xin Hoàng thượng hãy đi Anxium. Chính tại nơi đó công chúa đã ra đời, chính tại nơi đó niềm sướng vui đã tràn ngập tâm hồn Hoàng thượng, hẳn nơi ấy cũng sẽ mang lại cho Người niềm an ủi. Hãy để cho không khí miền biển làm tươi mát lại cổ họng thiên thần của Người, hãy để lồng ngực người hít thở hơi ẩm mặn mà của biển. Chúng thần, những bề tôi trung thành với Người, sẽ cùng đi với Hoàng thượng tới khắp nơi, và trong khi chúng thần an ủi Người bằng tinh thần bằng hữu thì Hoàng thượng sẽ an ủi chúng thần bằng tiếng ca của Hoàng thượng.
                              - Phải rồi! - Nerô rầu rĩ đáp - Ta sẽ viết thiền ca cho công chúa và sẽ soạn nhạc cho lời ca đó.
                              - Rồi Người sẽ đi tìm mặt trời ấm áp tại Baiae.
                              - Sau đó tìm lãng quên ở Hi Lạp.
                              - Ở chính xứ sở của thi ca.
                              Và thế là bầu không khí ủ ê nặng trĩu giống như những đám mây đen che lấp mặt trời dần dần qua đi, để bắt đầu một cuộc truyện trò dường như hãy còn vương nỗi buồn, song cũng đã chứa đầy những dự kiến cho tương lai, đề cập tới những chuyến viễn du, những cuộc biểu diễn nghệ thuật và thậm chí cả những cuộc thù tiếp nữa, những cuộc thù tiếp có quan hệ với chuyến viếng thăm đã hẹn trước của Tyrydat, vua xứ Armenia. Thực ra Tygelinux hãy còn gợi lại chuyện bùa bả, song ông Petronius - đã nắm chắc phần thắng - liền thách thức trực tiếp:
                              - Tygelinux này - ông nói - ông có cho rằng ma thuật có thể phạm tới các thần linh hay chăng?
                              - Chính Hoàng thượng nói về ma thuật đấy thôi - viên cận thần đáp.
                              - Đó là nỗi đau lên tiếng chứ không phải chính Hoàng thượng, song ông nghĩ như thế nào về chuyện đó chứ?
                              - Các vị thần linh hùng mạnh đến mức không chịu tác động của ma thuật.
                              - Vậy nghĩa là ông không chấp nhận tính cách thánh linh của Hoàng thượng cùng gia đình của Người hay sao?
                              - Peractum est! - Eprius Marxelux đứng cạnh khẽ thốt ra, lặp lại tiếng kêu của công chúng khi một đấu sĩ trên đấu trường bị đánh gục ngay tại chổ đến mức không cần phải đánh thêm nữa.
                              Tygelinux cố nén giận. Đã từ lâu, giữa hắn và Petronius diễn ra cuộc tranh đua ảnh hưởng đối với Nerô, trong đó Tygelinux có được cái thế mạnh hơn là Nerô ít hoặc hoàn toàn không cần phải giữ ý tứ gì đối với hắn, song cho tới nay, bao nhiều lần chạm trán thì bấy nhiêu lần ông Petronius đánh gục hắn bằng trí tuệ và tính trào phúng của ông.
                              Lần này nữa cũng thế. Tygelinux nín lặng và chỉ khắc ghi trong trí nhớ những vị nguyên lão và hiệp sĩ nào đang xúm lại quanh Petronius khi ông lui sâu vào phòng, vì chắc họ cho rằng sau chuyện vừa xảy ra thì giờ đây ông là người được Hoàng đế sủng ái nhất.
                              Rời khỏi cung điện, Petronius đến nhà Vinixius, và sau khi thuật lại cho chàng nghe chuyện vừa xảy ra với Hoàng đế và Tygelinux, ông nói:
                              - Không những cậu đã tránh được mối hiểm hoạ cho ông Aulux Plauxins cùng bà Pomponia và cho cả ta, mà thậm chí còn cho cả Ligia nữa, bọn chúng sẽ thôi săn đuổi nàng, ít nhất thì cũng bởi vì cậu đã tán được con khỉ râu đỏ rời Anxium, rồi từ đó tới Neapolix hoặc Baiae. Và y sẽ đi, vì cho đến nay y chưa dám biểu diễn công khai tại nhà hát Roma, và cậu biết rõ ràng là đã từ lâu y có ý định đi biểu diễn ở Neapolix. Sau đó y sẽ mơ tới Hi Lạp, nơi y muốn hát tại tất cả các đô thị lớn, để rồi với những vòng hoa mà bọn Gracculi dành tặng, y sẽ ca khúc khải hoàn trở về Roma. Trong suốt thời gian đó chúng ta có thể đàng hoàng tìm kiếm Ligia và tìm cho nàng một chỗ ẩn náu an toàn. Thế sao, cho tới giờ này vị triết gia thanh cao của chúng ta vẫn chưa tới ư?
                              - Vị triết gia thanh cao của cậu chỉ là một tên lừa đảo. Không! Hắn chưa tới, chưa xuất đầu lộ diện và sẽ không bao giờ ló mặt ra nữa đâu.
                              - Ấy thế mà cậu biết rõ hơn anh - nếu không phải về sự trung thực, thì ít ra cũng là về trí óc của hắn. Hắn đã khiến cho cái túi tiền của anh chảy máu một lần thì hắn sẽ còn tới để làm nó chảy máu thêm lần nữa.
                              - Nếu vậy hắn phải coi chừng kẻo cháu sẽ làm cho chính hắn phải chảy máu đấy.
                              - Chớ có làm điều đó, hãy biết kiên nhẫn với đối với hắn, cho đến khi nào anh có bằng chứng hiển nhiên về sự lừa lọc của hắn. Cũng chớ nên đưa thêm tiền cho hắn, mà hãy hứa sẽ thưởng thật hậu nếu như hắn mang về được một tin tức chắc chắn. Về phía mình, anh hành động gì thêm nữa không?
                              - Hai nô lệ giải phóng của cháu, Nimfiđius và Đemax, đang cầm đầu sáu chục người đi tìm kiếm nàng. Tên nô lệ nào tìm thấy nàng sẽ được trở thành người tự do. Ngoài ra, cháu còn cử những kẻ nhanh nhảu về các ngả đường toả từ Roma đi để dò hỏi trong các tửu quán về gã Ligi và nàng. Còn chính cháu cũng phải ngang dọc suốt thành phố, ngày cũng như đêm, hy vọng vào một cuộc chạm trán tình cờ.
                              - Nếu biết được điều gì hãy cho cậu biết tin với nhé, cậu phải đi Anxium đây.
                              - Xin vâng.
                              - Còn nếu như một sáng mai kia thức dậy, anh tự nhủ rằng, vì một thiếu nữ không đáng phải dằn vặt vất vả ngược xuôi đến thế, thì anh hãy tới Anxium. Ở đó không thiếu chi đàn bà lẫn thú vui đâu?
                              Vinixius bắt đầu bước nhanh chân hơn, Petronius nhìn theo chàng một lát rồi nói:
                              - Hãy nói thật với cậu, không phải như một anh chàng rồ cứ nhất định tin một điều gì đó và đang cuồng cả người lên, mà với tư cách một con người có lý trí trả lời một người bạn: có phải lúc nào anh cũng khao khát cô nàng Ligia ấy như lúc nào không?
                              Vinixius dừng chân một lát, nhìn Petronius với vẻ như trước đó chưa hề nhìn thấy ông, rồi chàng lại tiếp tục bước đi. Rõ ràng chàng đang phải cố nén để không bùng lên. Rồi dường như cảm giác về sự bất lực của bản thân, sự hối tiếc, giận dữ và nỗi nhớ nhung không sao chế ngự nổi, khiến cho trong mắt chàng lớn dần lên hai giọt lệ mà đối với Petronius có sức thuyết phục mạnh hơn những lời văn hoa nhất.
                              Suy nghĩ hồi lâu, ông nói:
                              - Không phải thần Atlax mà là người đàn bà đỡ thế giới trên đôi vai mình và đôi khi đùa với nó như vờn một quả bóng vậy.
                              - Chính thế! - Vinixius nói.
                              Rồi họ bắt đầu từ biệt nhau. Song chính vào lúc ấy, một nô lệ vào báo rằng lão Khilon Khiloniđex đang đợi ở phòng ngoài và xin phép được vào yết kiến ông chủ.
                              Vinixius lệnh cho lão vào ngay lập tức, ông Petronius bèn nói:
                              - Ha! Ta đã bảo anh rồi mà. Thề có Herkulex! Nhưng hãy bình tĩnh nhé, nếu không hắn sẽ điều khiển anh chứ không phải anh điều khiển hắn đâu.
                              - Xin chúc sức khoẻ và xin chào ngài hộ dân quan quân sự tôn quý, và xin chào ngài, thưa ông chủ: - Khilon vừa bước vào vừa nói - Cầu cho hạnh phúc các ngài sánh ngang với quang vinh của các ngài còn áng vinh quang của các ngài thì vang lừng khắp thế giới, từ các cột Herkulex tới tận vùng biên giới Arxaxyđ.
                              - Xin chào con người lập pháp đầy phẩm hạnh và trí tuệ! - Petronius đáp.
                              Vinixius hỏi với vẻ bình thản giả tạo.
                              - Người mang đến điều gì vậy?
                              - Lần thứ nhất tôi mang tới niềm hy vọng, thưa ngài, còn bây giờ tôi mang tới điều đoán chắc rằng nàng thiếu nữ nhất định sẽ được tìm thấy.
                              - Nghĩa là cho tới nay nhà ngươi vẫn chưa tìm thấy nàng?
                              - Vâng, thưa ngài, nhưng tôi đã tìm ra ý nghĩ của cái dấu hiệu mà nàng đã vẽ cho ngài, tôi đã biết được ai là kẻ đã đánh tháo cho nàng, và tôi biết cần phải tìm nàng trong đám tín đồ thờ vị thần nào.
                              Vinixius muốn bật dậy khỏi ghế ngồi, song ông Petronius đặt bàn tay lên vai chàng và quay sang phía Khilon ông bảo:
                              - Ngươi cứ nói tiếp đi.
                              - Thưa ngài, ngài có chắc rằng thiếu nữ đã vạch lên mặt cát hình một con cá không?
                              - Chắc chứ! - Vinixius lại bật dậy.
                              - Nếu vậy, nàng là một tín đồ Thiên chúa giáo và chính các tín đồ Thiên chúa giáo đã đánh tháo cho nàng.
                              Bầu không khí bỗng lặng ngắt đi.
                              - Hãy nghe đây, Khilon - mãi sau ông Petronius mới cất tiếng - Cháu ta sẽ trả cho người một số tiền lớn nếu ngươi tìm được một cô gái, nhưng cũng sẽ trả ngươi một số lượng roi vọt không kém đâu nêu như ngươi muốn lừa lọc. Trong trường hợp thứ nhất ngươi có thể mua không phải chỉ một mà ba tên ký lục còn trong trường hợp thứ hai thì triết học của hết thảy vị thánh hiền, kể cả thứ triết học của nhà ngươi nữa, cũng không đủ để dùng làm thuốc dán cho ngươi đâu.
                              - Cô thiếu nữ là tín đồ Thiên chúa giáo, thưa ngài - gã Hi Lạp kêu lên.
                              - Hãy suy nghĩ kỹ lại đi, Khilon! Ngươi đâu phải là một thằng ngu. Chúng ta biết rằng nàng Junia Xylana cùng Kanvia Kryxpinilla tố cáo bà Pomponia Grexya tin theo tà đạo Thiên chúa, song chúng ta cũng biết rằng chính toà án gia tộc đã minh oan cho bà khỏi điều vu cáo kia. Thế mà giờ đây nhà ngươi lại muốn lôi câu chuyện ấy ra ư? Có phải ngươi lại muốn chúng ta tin rằng bà Pomponia và cả Ligia nữa lại có thể thuộc về bọn thù địch với loài người, bọn đánh thuốc độc các bể nước phun cùng các giếng ăn, bọn chuyên chở dầu cừu, bọn giết chóc trẻ con và bọn làm những chuyện dâm ô bẩn thỉu nhất? Hãy nghĩ lại đi Khilon, cái giả đề mà ngươi vừa nêu ra với chúng liệu có bật lại thành cái phản đề lên lưng ngươi chăng?
                              Khilon xoè hai bàn tay ra dấu: đó không phải là lỗi của lão, rồi nói.
                              - Thưa ngài! Xin ngài hãy nói bằng tiếng Hi Lạp những từ sau đây: Jexu Crixtux, Con Đức Chúa, Đấng Cứu Thế.
                              - Được thôi. Đấy, ta nói rồi!... Thế sao nữa?
                              - Bây giờ xin ngài hãy lấy chữ đầu tiên của tất cả các từ đó và sắp xếp sao cho chúng thành một từ mới.
                              - Cá! - Petronius thốt lên kinh ngạc.
                              - Dạ thưa, đó chính là lý do vì sao con cá lại trở thành biểu tượng của các tín đồ Thiên chúa giáo - Khilon đáp, giọng đầy tự hào.
                              Im lặng bao trùm. Trong những lý lẽ của lão già Hi Lạp có một cái gì đó thật đột ngột, khiến cho cả hai người không sao thoát khỏi nỗi bàng hoàng.
                              - Vinixius này - Petronius hỏi - Liệu anh có nhầm không, đúng là Ligia vẽ cho anh hình một con cá đấy chứ?
                              - Thề có tất cả các thần linh của địa ngục, có thể hoá điên lên mất - Chàng trai phẫn nộ kêu lên - Nếu nàng vẽ chim thì tôi đã bảo là chim!
                              - Vậy thì nàng là tín đồ Thiên chúa giáo - Khilon lặp lại.
                              - Nghĩa là - Petronius nói - Pomponia và Ligia đánh thuốc độc các giếng nước, giết chết bọn trẻ con mà họ tóm được trên đường phố và làm những cuộc tình dâm ô tồi bại. Ngu xuẩn! Vinixius, anh ở lâu hơn ta trong nhà họ, còn ta chỉ mới đến đó trong chốc lát thôi, nhưng ta biết rõ ông Aulux, bà Pomponia, thậm chí Ligia đến nổi ta cũng có thể nói rằng: quái quỷ và xuẩn ngốc! Nếu như con cá là biểu tượng của Thiên chúa giáo - điều mà quả thực khó bác bỏ nổi - và nếu như cả hai người phụ nữ ấy là tín đồ Thiên chúa giáo, thì thề có thần Prozerpina, chắc chắn các tín đồ Thiên chúa không phải là những kẻ như chúng ta đã quan niệm.
                              - Ngài nói cứ như chính Xocratex vậy, thưa ngài - Khilonđáp - Đã có một ai từng nghiên cứu tín đồ Thiên chúa nào chưa? Ai hiểu rõ giả thuyết của họ? Hồi ba năm trước đây, khi tôi từ Neapolix tới Roma (ôi, sao tôi không ở lại xứ đó cơ chứ!), có một người nhập vào đoàn cùng đi với tôi, đó là một thầy thuốc tên là Glaukox, kẻ mà người ta đồn rằng là một tín đồ Thiên chúa giáo, ấy vậy mà tôi lại dám cam đoan rằng đó là một con người tốt bụng và đức hạnh.
                              - Liệu có phải nhờ con người đức hạnh ấy mà bây giờ nhà ngươi biết được ý nghĩa của con cá hay chăng?
                              - Tiếc thay, thưa ngài! Dọc đường, trong một quán trọ, một kẻ nào đó đã đâm cho ông cụ tốt bụng đó một nhát dao, vợ và đứa con ông cụ thì bị bọn buôn nô lệ bắt đi, còn tôi bị mất hai ngón tay này trong khi bảo vệ họ. Nhưng, như người ta thường nói trong đám tín đồ Thiên chúa chẳng thiếu chi những chuyện thần kỳ, nên tôi vẫn hy vọng rằng rồi chúng sẽ mọc lại thôi.
                              - Sao thế? Không lẽ nhà ngươi đã trở thành tính đồ Thiên chúa rồi ư?
                              - Từ hôm qua, thưa ngài. Từ hôm qua! Chính con cá nọ đã khiến tôi trở thành dân Thiên chúa giáo. Xin hãy nhìn xem trong nó tiềm ẩn biết bao sinh lực. Chỉ trong vài ngày nữa tôi sẽ trở thành kẻ mộ đạo nhất trong những kẻ mộ đạo, để họ cho tôi được đến với tất thảy những điều bí ẩn của họ và một khi họ đã để cho tôi biết tất cả mọi điều bí mật, tôi sẽ biết được nàng trinh nữ kia đang ẩn náu nơi đâu. Khi ấy, có thể cái đạo Thiên chúa của tôi sẽ sinh lợi nhiều hơn thứ triết học của tôi cũng nên. Tôi cũng đã nguyện với thần Mercurơ rằng, nếu như thần giúp tôi tìm được cô trinh nữ, tôi sẽ hiến dâng thần hai con chiên cùng tuổi cùng cỡ, mà tôi sẽ ra lệnh dát vàng lên sừng chúng.
                              - Thế có nghĩa là cái đạo Thiên chúa ngày hôm qua của nhà ngươi cũng như thứ triết học xưa kia ngươi vẫn cho phép tin vào thần Mercurơ ư?
                              - Bao giờ tôi cũng tin vào cái cần tin, đó chính là triết lý của tôi thứ triết lý hẳn là rất hợp gu thần Mercurơ. Nhưng tiếc thay, thưa quý ngài, như các quý ngài đã biết đó là một vị thần quá chừng đa nghi. Thần không chịu tin vào lời hứa dù là lời hứa của những bậc triết gia trong sạch nhất, thần muốn trước tiên phải nhận được lũ chiên đã mà đó lại là một món chi khổng lồ. Không phải ai cũng được như Xeneka cả, tôi không thể làm nổi chuyện đó, song nếu như ngài Vinixius cao quý đây vui lòng... trong số tiền mà ngài hứa với tôi... một chút ít gì đó...
                              - Không một xu nào hết(1), Khilon! - Petronius nói - Không một xu nào hết! Lòng hào phóng của ngài Vinixius sẽ vượt qua niềm hy vọng của nhà ngươi, nhưng chỉ khi nào Ligia được tìm thấy, nghĩa là khi nào nhà ngươi chỉ cho chúng ta thấy được chổ nàng ẩn náu mà thôi. Thần Mercurơ đành phải cho ngươi tạm nợ lại hai con chiên vậy thôi, mặc dù nói thực ra, ta hoàn toàn không ngạc nhiên là thần sẽ không hề muốn chuyện ấy tí nào và ta cũng thừa nhận là trong việc ấy thần vô cùng sáng suốt.
                              - Thưa các quý ngài, xin hãy nghe tôi thưa chuyện. Điều phát hiện của tôi thật là to lớn, và mặc dù cho tới nay tôi chưa tìm ra được nàng trinh nữ, song tôi đã tìm được con đường để tìm thấy nàng. Chính các ngài đã phái bọn nô lệ và nô lệ được giải phóng đi khắp thành phố cùng làng quê, song đã có kẻ nào trong bọn chúng mang về cho các ngài chút dấu vết gì chưa? Chưa! Chỉ mỗi mình tôi là người đã mang tới cho các ngài! Tôi xin nói rõ hơn. Trong đám nô lệ của các ngài rất có thể có cả bọn tín đồ Thiên chúa giáo mà các ngài không hề hay biết, vì thứ tà giáo này đã lan tràn khắp nơi. Bọn này thay vì giúp đỡ đã phản bội các ngài. Thậm chí ngay việc bọn chúng trông thấy tôi ở đây cũng là chuyện không hay rồi, vì vậy, thưa ngài Petronius tôn kính, xin ngài hãy ra lệnh cho Eunixe im lặng, còn ngài, thưa ngài Vinixius rất đỗi thanh cao, xin ngài hãy phao tin rằng tôi đã mang đến bán cho ngài thứ dầu xoa bảo đảm là lũ ngựa được cuộc trong hý trướng..Chỉ một mình tôi tự tìm kiếm và tôi sẽ tìm ra những kẻ chạy trốn, xin các ngài hãy tin tôi và hãy biết cho, rằng nếu tôi có nhận được trước chút ít gì, thì cái đó cũng chỉ động viên tôi thêm, vì như thế tôi sẽ luôn luôn trông chờ nhiều hơn nữa, và cái đó sẽ khiến tôi càng tin chắc rằng phần thưởng được hứa sẽ không bỏ qua tôi. Ôi, chính thế đấy! Vốn là một triết gia, tôi phỉ báng đồng tiền, mặc dù đến Xeneka, thậm chí cả Muzonius hay Kornutux, cũng không hề coi rẻ chúng mà bọn họ thì không hề bị mất một ngón tay nào trong khi đứng ra bảo vệ người khác ấy vậy mà chính họ lại được viết tên mình để có thể lưu truyền lại cho cháu con. Ngoài tên nô lệ mà tôi định mua, ngoài thần Mercurơ mà tôi đã hứa dâng lũ chiên con (các ngài cũng biết là súc vật bây giờ cao giá lắm), chỉ tính riêng việc tìm kiếm thôi cũng kéo theo vô số món chi rồi. Xin các ngài hãy kiên nhẫn lắng nghe tôi. Đấy, chỉ trong vòng có mấy ngày vừa rồi thôi mà chân tôi đã bật móng vì phải đi lại liên tục. Tôi phải tới các quán rượu nho để trò chuyện với mọi người, phải tới gặp bọn chủ lò bánh, chủ lò sát sinh, đến những người bán dầu ô liu, đến gặp dân đánh cá. Tôi phải chạy quanh khắp lượt các đường phố và ngõ ngách, tôi đã tìm tới những chổ ấn náu của bọn nô lệ bỏ chủ trốn, tôi đã chịu thua gần khoảng một trăm đồng ax vào trò đoán ngón tay ăn tiền, tôi đã phải lần mò tới các nhà giặt, nhà phơi, nhà bếp, tiệm ăn, tôi đã phải gặp bọn đánh la cùng với những người điêu khắc, tôi cũng đã phải gặp các thầy lang chuyên trị bệnh phỏng rạ và nhổ răng, tôi đã phải trò chuyện với những người buôn vải khô, đã tới tận các nghĩa địa. Các ngài có biết để làm gì không? Chính là để vẽ khắp mọi nơi hình con cá, nhìn thẳng vào mắt người ta và nghe những gì người ta nói về cái dấu hiệu ấy. Suốt một thời gian dài tôi không hề nhận thấy một điều gì đáng chú ý cả, mãi cho tới khi tôi lưu ý tới một lão già nô lệ đứng bên đài nước phun, lão vừa dùng gầu kéo nước vừa khóc. Tôi bèn tiến lại gần lão và hỏi nguyên do. Và khi cùng ngồi với nhau trên các bậc thềm đá của đài nước phun, lão kể với tôi rằng suốt đời lão gom góp cóp nhóp từng xecleti hòng chuộc lại đứa con trai yêu dấu, nhưng ông chủ anh ta, một ông Panxa nào đó, khi trông thấy số tiền, liền cướp trắng của lão; còn con lão thì vẫn phải tiếp tục sống trong vòng nô lệ, “Tôi khóc - lão nói - vì mặc dù tôi cứ lặp đi lặp lại: “Xin ý muốn của Thượng Đế hãy được thực hiện”, mà tôi, kẻ có tội khốn khổ này, vẫn không sao cầm được nước mắt” Khi ấy nhờ linh cảm mách bảo, tôi bèn chấm tay vào gầu nước và vẽ lên một con cá, lão ta bèn đáp: “Tôi cũng hy vọng vào đấng Crixtx”. Tôi hỏi: “Ông có thể nhận ra tôi qua dấu hiệu này chăng!” Lãp đáp: “Chính vậy, cầu cho bằng an hằng ở cùng ngài”. Thế là tôi bắt đầu kéo lưỡi lão ta và lão già chất phác phun ra tất cả. Chủ của lão ta, cái tay Panxa nọ, lại chính là một nô lệ được giải phóng của ngài Panxa vĩ đại, chuyên vận chuyển đá theo đường sông Tyberơ tới Roma, đá này được bọn nô lệ và lũ người làm thuê khuân từ bè lên bờ, mang tới những ngôi nhà đang xây vào lúc ban đêm, để ban ngày khỏi làm cản trở việc đi lại trong thành phố. Trong bọn chúng có nhiều tín đồ Thiên chúa cùng làm việc, cả con trai của lão nữa, song đó là việc nặng quá sức người, nên lão muốn chuộc anh ta ra. Thế nhưng cái tay Panxa thì lại muốn vừa được tiền vừa được nô lệ kia. Nói thế xong lão lại khóc, còn tôi cũng hòa mình vào nước mắt của lão, điều này tôi làm được dễ dàng vì trái tim tôi vốn tốt lành và cũng vì tôi đang bị đau đớn bởi những chổ phồng rộp ở chân do đi lại quá nhiều. Tôi nói là tôi vừa từ Neapolix tới được vài ngày nay, rằng tôi không quen biết ai trong anh em họ đạo, tôi không rõ họ tụ họp ở đâu để cùng nhau cầu nguyện. Lão ta ngạc nhiên là những người Thiên chúa giáo Neapolix không gửi tôi mang thư tới cho những người anh em Roma, song tôi bảo với lão rằng tôi bị mất trộm thư ở dọc đường. Thế là lão ta bảo tôi đến đêm cứ ra sông lão sẽ giới thiệu tôi với những người anh em, họ sẽ đưa tôi đến các nhà nguyện và tới các bậc cao đạo đảm trách cụm đạo Thiên chúa ở đây. Nghe nói thế tôi mừng rỡ đến nổi đưa ngay cho lão số tiền cần thiết để lão có thể chuộc đứa con, với niềm hy vọng rằng ngài Vinixius tuyệt vời hảo tâm đây sẽ hoàn lại cho tôi gấp bội...
                              - Này Khilon - ông Petronius ngắt lời lão - trong câu chuyện của ngươi, sự dối trá nổi phềnh lên như dầu nổi váng trên mặt nước vậy. Ngươi mang tới một tin quan trọng, điều ấy ta không phủ nhận. Thậm chí ta còn xác nhận rằng một bước dài trên con đường tìm kiếm Ligia đã được thực hiện, nhưng nhà người chớ có pha chế thêm sự dối trá vào những tin tức của nhà ngươi làm chi. Thế cái lão già mà nhờ lão người biết bọn Thiên chúa giáo nhận nhau bằng dấu hiệu con cá đó tên là gì vậy?
                              - Euryxius, thưa ngài. Quả là một lão già bất hạnh đáng thương. Lão khiến cho tôi nhớ lại thấy thuốc Glaukox, người mà tôi đã bảo vệ chống lại lũ kẻ cướp, và chính điều đó khiến cho tôi động lòng.
                              - Ta tin là ngươi đã làm quen với lão và ngươi biết lợi dụng sự quen biết ấy, nhưng ngươi không cho lão ta tiền. Ngươi không cho lão một xu nào hết, ngươi hiểu ta chứ? Ngươi không cho lão ta một thứ gì cả!
                              - Nhưng tôi đã giúp lão kéo được thùng nước lên và lão đã nói về con lão với sự đồng cảm sâu sắc nhất. Vâng, thưa ngài! Có gì có thể giấu được sự tinh tường của ngài Petronius? Quả thực tôi không cho lão ta tiền nhưng chỉ trong tâm tưởng, trong ý nghỉ, điều mà có lẽ hoản toàn đủ dùng cho lão, giả như lão là một triết gia chân chính... Còn sở dĩ tôi cho lão, vì xem rằng hành động đó là có lợi và cần thiết, vì xin ngài hãy nghĩ mà xem nó có thể khiến tôi đây chiếm được ngay lập tức cảm tình của tất cả bọn Thiên chúa giáo, nó mở ra một sự khởi đầu và gây cho chúng lòng tin đến thế nào.
                              - Đúng thế - Petronius nói - lẽ ra ngươi phải thực hiện điều đó rồi mới phải chứ.
                              - Chính vì vậy tôi mới đến đây để có thể thực hiện được điều đó.
                              Petronius quay sang Vinixius:
                              - Hãy ra lệnh tính cho y năm nghìn xexlecxi, nhưng chỉ đếm trong tâm tưởng, trong ý nghỉ mà thôi,...
                              Song Vinixius đã bảo:
                              - Ta sẽ cho ngươi một tên tiểu đồng, nó sẽ mang theo số tiền cần thiết, còn ngươi thì hãy nói với Euryxius rằng thằng bé là nô lệ của ngươi, đồng thời ngươi đếm tiền giao cho lão trước mặt của thằng bé. Vì ngươi đã mang đến một tin quan trọng nên về phần mình ngươi cũng nhận được thêm đúng ngần ấy tiền nữa. Tối nay ngươi hãy tới đây nhận tiền và nhận thằng bé.
                              - Đó mới thật là một bậc đế vương! - lão Khilon kêu lên - Thưa ngài, xin ngài hãy cho phép tôi được đề tặng ngài tác phẩm của tôi, song cũng xin ngài hãy cho phép tôi tối nay chỉ tới để nhận tiền thôi, vì lão Euryxius bảo rằng người ta đã bốc hết hàng trên các bè và vài ngày nửa người ta mới kéo những chiếc bè mới từ Oxtia tới. Cầu cho bằng an hằng ở cùng các ngài! Dân Thiên chúa giáo thường từ biệt nhau như thế đấy ạ... Tôi sẽ mua cho mình một ả nô tỳ, à nghĩa là tôi muốn nói một thằng nô lệ! Cá thì cắn câu, còn bọn Thiên chúa giáo thì bám vào cá! Pax pobiscum! Pax!... Pax!... Pax!... (2)
                              Chú thích:
                              (1) Nguyên văn: Không một obon nào hết!
                              (2) Bằng an được cùng người (La tinh).


                              ST
                              Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                              Comment

                              Working...
                              X