Vào truyện- (Mai Thảo)
Một thứ tiếng động dữ dội, mang trong nó ý nghĩa một réo gọi lay tỉnh thảng thốt, lẫn với tiếng mưa đêm trên mái rì rào, từ ngoài cửa trước vọng vào. Tôi giật mình, mở mắt. Và bàng hoàng thức giấc.
Cảm giác thứ nhất của tôi là lúc này, đêm đã khuya lắm, đêm đang nằm tròn trong cái đáy cùng mịt mùng sâu thẳm của đêm. Và tôi, tắt đèn, lên giường từ chập tối, tôi đã ngủ được một giấc thật ngon. Thành phố đang bằn bặt. Mưa đan lưới cùng khắp. Chung quanh chỗ tôi nằm, biển bóng tối dầy đặc. Ai đến vào giờ này? Cái tiếng động hối hả, gấp rút vừa nghe thấy có phải là của một người vừa gọi cửa? Tôi trở mình, nhắm mắt, toan ngủ lại, thì tiếng động, đúng là một tiếng đập cửa, lại nổi lên, cùng với một tiếng gọi:
"Hoan! Hoan có nhà không?"
Hoan là tôi. Nhưng người gọi là ai! Từ ngày đến ở căn nhà gỗ trong cái ngõ hẻm sau chợ Tân Định này, tôi đã đoạn tuyệt, gần như hoàn toàn, với cuộc sống ban đêm, đám bạn hữu chơi bời biết vậy, không còn ai tới kiếm vào giờ này nữa. Tôi bực bội xuống khỏi giường, lần bước trong bóng tối, vừa tìm đường đi ra phía cửa trước, vừa hỏi lớn:
"Ai đó?"
Tiếng của người bên ngoài, lè nhè, sặc sụa:
"Viễn đây, vào được không?"
Thì ra kẻ say rượu, chờ một đêm mưa lớn đến phá vỡ giấc ngủ của tôi là Viễn, một người bạn cũ, chẳng thân thiết gì lắm, đã lâu ngày không gặp. Tôi ngẩn người, không biết Viễn đến kiếm tôi để làm gì. Và tại sao cái tiếng đập cửa của y lại nóng nảy, hoảng hốt đến như vậy. Chắc là đang giữa cơn say, còn muốn say thêm nữa, tới sáng, Viễn rủ tôi tới một quầy rượu nào đó còn mở cửa vào giờ này. À, không được. Tôi đã ra khỏi cái thế giới ban đêm, cái thế giới mù sương chuếch choáng, cái thế giới của những cơn say không còn biết trời đấy là gì. Ra khỏi. Từ lâu rồi. Và không bao giờ trở lại.
Tôi hỏi, không mở cửa, giọng nói tỏ ra khó chịu ra mặt, cho Viễn biết là tôi bực mình:
"Ngủ rồi. Mai lại chơi đi".
Một giây im lặng, làm nổi bật tiếng mưa vẫn đều trên mái. Giọng Viễn dịu xuống:
"Thì mở cửa ra".
Tôi gắt:
"Anh đến phá giấc ngủ của tôi đấy nhé. Mà tôi sẽ ngủ tiếp. Ngay bây giờ. Xin lỗi, không đi đâu với anh giờ này được hết".
Một tiếng động khác. Như của một thân người đứng không vững đến độ vừa ngả nghiêng vào thành cửa. Rồi Viễn nói vọng vào, giọng sầu thẳm làm tôi kinh ngạc:
"Tôi không đến rủ anh đi chơi".
Tôi gắt, lớn hơn:
"Vậy đến làm gì?"
"Ngủ nhờ một đêm".
Trong cái thành phố đầy đặc những sự việc lạ lùng và những hiện tượng quái đản này, một thành phố từng giờ từng phút phơi bày những cảnh tượng mà một tâm thể bình thường không còn hiểu được, có những người đàn ông như thế. Như Viễn. Đêm mưa còn lang thang như một con chó đói ngoài đường. Say rượu. Ngã vào thành cửa. Đánh thức một người bạn không lấy gì làm thân thiết lắm vào khoảng một, hai giờ sáng. Đòi mở cửa, vào ngủ nhờ một đêm. Tôi thở dài, nghĩ đến ngày trước, mình cũng đã từng có những đêm lang thang buồn rầu như vậy. Lang thang dưới trời mưa. Một mình trong đêm tối. Đành là mất ngủ một lần.
Tôi mở cửa:
"Anh vào đi".
Tiếng nói, từ sầu thảm, chuyển thành ngạc nhiên mừng rỡ:
"Được không?"
Tôi gắt gỏng trở lại:
"Đã bảo anh vào mà! Mau lên cho tôi đóng cửa lại".
"Phiền anh quá!"
Tôi chép miệng:
"Không sao. Lâu lâu mới có một lần. Nhưng đêm mai, anh còn đến phá nữa, tôi để mặc anh đứng ngoài đường suốt đêm".
Tôi bật đèn phòng khác. Từ ngoài vùng bóng tối dày đặc của con ngõ lầy lội, trên một nền mưa bay thoang thoáng, một bóng hình lảo đảo bước vào. Ánh sáng làm cho Viễn đứng lại, như ngỡ ngàng, với cơn say choáng váng bừng bừng trong da thịt.
Viễn khoác trên cái thân gầy guộc của Viễn chiếc áo mưa màu xám nhạt. Chiếc áo mưa đã cũ, hai cổ tay và gáy áo đã sờn rách. Chiếc áo ướt lướt thướt, nước từ đó chảy xuống ướt sũng nền đá hoa. Trong chiếc áo mưa tơi tả là một chiếc sơ mi để hở hết một hàng khuy trước ngực. Viễn không mang theo một cái gì, ngoài trừ cơn say điên loạn thần trí.
Tôi đứng ngây, nhìn Viễn, không thể nào tưởng tượng được người đang đứng trước mặt tôi lại là Viễn. Nhớ những lần gặp trước, ở ngoài phố, trước cửa một tiệm ăn, một rạp chiếu bóng, nếu trí nhớ tôi không lầm, Viễn không phải là gã say rượu tiều tuỵ, thiểu não này. Mà là một người đàn ông phong cách ung dung, phục sức diêm dúa, dáng điệu nhanh nhẹn, với một khuôn mặt sáng hồng và một nụ cười tưởng như không bao giờ tắt trên môi.
Viễn mà tôi vừa mở cửa cho vào, khác hẳn. Đó là Viễn của một mái tóc rũ rượi, một khuôn mặt hốc hác, hai gò má nhọn hoắt làm cho vực mắt đã sâu trũng càng sâu trũng hơn. Chừng như Viễn đã đội mưa đi lang thang hàng giờ trên những hè đường. Chừng như mưa trời, hơi lạnh, đêm tối, hết thảy đã thấm tới những chân tóc Viễn hơn. Tới máu huyết, tới da thịt Viễn. Và Viễn đứng đó, run rẩy, siêu đổ trước mặt tôi.
"Anh nhận ra tôi?"
Tôi đáp, gượng gạo, thiếu thành thật:
"Có. Có chứ. Nhưng anh cũng thay đổi nhiều. Đi đâu mà giờ này không về nhà. Mưa lạnh có thể làm cho ah đau được lắm".
Viễn trợn mắt nhìn tôi.
"Về đâu?"
Tôi đang bực mình cũng phải bật cười:
"Về nhà anh".
"Tôi không có nhà".
Viễn rũ rũ mái tóc, nói tiếp:
"Tôi biết có nhiều người trẻ tuổi, lãng mạn, điên cuồng, thích bịa đặt ra cho mình những tình huống trầm trọng, để có được cái ảo tưởng đang sống một cuộc đời ly kỳ như tiểu thuyết. Nhưng Viễn không phải là một người trẻ tuổi. Với Viễn, cái thuở điên cuồng, cái thời lãng mạn đã qua. Đêm mưa gió đầy trời, Viễn vất vưởng, Viễn cùng đường, "không một nơi nào để về" thật sao? Mà thôi băn khoăn làm gì về lời nói thiếu tỉnh táo của một người say. Chuyện riêng của Viễn! Mặc Viễn. Y lỡ độ, đến nhà ngủ nhờ một đêm thì cho y ngủ nhờ một đêm, sáng mai y về sớm.
Nghĩ vậy, tôi vẫy tay cho Viễn đi theo vào buồng ngủ.
"Vào đây. Tôi lấy quần áo cho anh thay. Sau đó, sẽ thu xếp chỗ cho anh ngủ. Sáng mai, anh có thể tự nhiên về bất cứ lúc nào".
Viễn lắc đầu. Mưa đổ lớn hơn. Nhạc mưa dữ dội, rào rào trên mái:
"Tôi chưa buồn ngủ".
Tôi nhìn đồng hồ, ôn tồn:
"Gần hai giờ sáng rồi".
Viễn vẫn đứng đó, với chiếc áo tơi mưa thùng thình trên cái thân hình gầy guộc và mái tóc rũ rượi ướt sũng:
"Nhưng tôi chưa buồn ngủ. Tôi chưa muốn ngủ".
Tôi sẵn giọng:
"Tôi buồn ngủ".
Viễn chỉ tay vào buồng trong.
Tôi bắt đầu cảm thấy hối hận để cho Viễn vào nhà. Người say nào cũng vậy. Lần khân, rắc rối, quái gở. Sự lằng nhằng của một người say rượu là một sự lằng nhằng kéo dài không biết đến bao giờ.
Tôi nghiêm mặt:
"Anh muốn gì?"
Viễn nhếch mép, cay đắng:
"Muốn chết".
Tôi phì cười:
"Cũng được. Tùy anh. Nếu anh muốn chết. Nhưng xin ở nơi khác, đừng ở nhà tôi".
Viễn ném cho tôi một cái nhìn trách móc. Như sự đau khổ, tuyệt vọng đến độ thê thảm của Viễn không nên là một đầu đề cho tôi châm biếm riễu cợt. Đoạn, cởi cái áo tơi mưa, Viễn lảo đảo ngã ngồi xuống cái ghế bành gần đó. Và, đầu ngã trên thành ghế, mặt ngửa lên nhìn trần, hai tay buông thõng, hai chân duỗi thẳng, Viễn nhắm nghiền mắt lại.
Tôi đứng lặng, ngắm nhìn người đàn ông say, nhớ lại những lần gặp Viễn ở ngoài đường. Sao Viễn có thể xuống dốc một cách thảm hại mau chóng như thế được? Đời sống là một phá huỷ, tiêu diệt người. Đã đành. Nhưng ở Viễn, sao sự huỷ diệt đó ghê gớm đến như thế được? Nhớ lại, những lần gặp trước, tôi chỉ nhớ được một người đàn ông hào hoa, phong nhã, di chuyển bằng xe Mercedes, lúc nào cũng có những người đàn bà xinh đẹp vây quanh.
Nhớ là Viễn mới ở ngoại quốc về được ba bốn năm nay. Phải, chỉ mới thế, không hơn. Người ta nói Viễn có một biệt thự lớn trên đường Công Lý, có văn phòng làm việc ở đường Nguyễn Huệ, lấy vợ đầm, về Sài Gòn, sống rất đế vương và làm ăn phấn chấn. Tôi đã nhìn thấy người đàn bà tây phương ấy một lần. Tóc vàng, mắt xanh, khêu gợi, cao lớn. Tôi còn nhìn thấy những người đàn bà khác nữa, lộng lẫy, diễm lệ, khoác tay, sánh vai với Viễn như tình nhân, như vợ chồng. Họ đâu hết? Và sao Viễn chỉ còn là một hình hài tiều tuỵ, khổ sở như thế kia?
Bỗng, Viễn mở choàng mắt:
"Nhà anh có rượu không?"
Tôi lắc đầu chán nản:
"Anh uống chưa đủ sao?"
Viễn thều thào:
"Tôi cần say. Chưa bao giờ tôi cần say như đêm nay".
Tôi mở tủ, lấy chai rượu. May là tôi đã cử rượu từ mấy tháng. Còn nguyên một chai Martell của một người bạn cho, chưa động đến. Tôi lấy ly, mở nút chai đặt nó trước mặt Viễn. Thấy rượu, Viễn ngồi thẳng lại, mắt sáng lên mừng rỡ:
"Anh không uống?"
Tôi lắc đầu:
"Không. Anh cứ tự nhiên".
Bằng những ngón tay run rẩy Viễn rót một ly rượu đầy, ngửa cổ tu thẳng một hơi, lại rót luôn một ly khác. Có rượu vào, Viễn như hồi tỉnh lại. Viễn đang tuyệt vọng, đang chán đời thật. Và men rượu, với Viễn, quả là một cần thiết.
Uống một hơi mấy ly rượu, rồi Viễn ngã đầu vào thành ghế, nhìn quanh quất.
"Anh ở một mình?"
"Phải!"
Viễn buông một tiếng, cộc lốc:
"Sướng".
Nói tiếp:
"Sống một mình như anh là nhất".
Tôi cười:
"Anh tưởng thế. Ai cũng sống như nhau mà thôi. Điệu này, anh định thức đến sáng?"
Viễn khẩn khoản:
"Anh thức với tôi một đêm được không?"
"Để làm gì?"
"Uống với tôi cho đời đỡ buồn. Mà nếu anh không uống, thì chịu cho đời đỡ buồn, chịu khó nghe tôi nói chuyện".
Tôi cười, bắt đầu bị kích thích bởi sự tò mò:
"Chuyện gì?"
Viễn vung tay, làm một cử chỉ rộng rãi:
"Tất cả. Đời tôi. Những người đàn bà tôi đã gặp, đã yêu, đã làm cho tôi điêu đứng".
Viễn ngửa cổ uống một ngụm rượu thật lớn. Cái yết hầu nhọn hoắt lộ ra dưới ánh đèn. Rượu trào khỏi mép, chảy thành một dòng vàng ánh xuống cổ. Cơn say biến đổi trạng thái. Nó không còn bê bết rũ liệt như lúc Viễn mới, đội mưa và mang theo đêm tối vào nhà. Cơn say bây giờ bừng bừng quẫy động. Rượu vào lời ra, đúng là lúc này, tôi nghĩ thầm. Quả nhiên:
"Anh cho hai chân lên ghế đi. Ngồi thoải mái. Nghe thằng Viễn kể chuyện những thăng trầm, những nổi chìm, những điêu linh, những lên voi xuống chó của nó".
Viễn vung tay:
"Căn phòng anh từ phút này nếu sáng sẽ đầy đặc những hình ảnh đàn bà. Những con vợ đê tiện, khốn nạn, ác đức của thằng Viễn, thằng đàn ông chết vì đàn bà".
Rồi Viễn cất tiếng cười. Một tiếng cười chua chát cay đắng, nửa như bất cần đời, lại nửa như của một tên đang bị cuộc đời điên đảo rượt đuổi, hành hạ. Rượt đuổi đến cùng đường. Hành hạ đến mê loạn. Lần lượt theo những tên đàn bà được gọi đến:
"Marlène. Nguyệt. Thu Hà. Cái bộ ba yêu tinh thần nữ. Những con vợ xinh đẹp giết người của thằng Viễn".
Viễn nói không phân biệt ai là người yêu, ai là nhân tình. Tất cả đều là vợ. Tôi cười, sau khi đã làm theo lời Viễn, là thu cả hai chân lên ghế:
"Là vợ hết?"
Viễn đập mạnh lòng bàn tay xuống mặt bàn, khiến cái ly rung rinh muốn đổ:
"Hết".
"Anh hơi nhiều vợ đấy".
"Con đàn bà ở với tôi dù chỉ một ngày cũng là vợ tôi. Cũng là bà Viễn hết".
Câu nói trang nghiêm mà khôi hài đến cực điểm. Những người say có hai loại. Một buồn thê thảm, tê liệt, mất hồn. Một vui điên cuồng, đập phá và làm ồn. Ngắm Viễn, tôi phân vân không biết nên xếp y vào loại tửu đồ nào. Có lẽ Viễn không có một chỗ nào hết, để về. Không có một người đàn bà nào. Chỉ có cơn say làm vợ. Tôi phát biểu ý kiến thứ nhất vào câu chuyện đang ở khúc dạo đầu dây hứng thú của người say:
"Cho nên anh mới lắm mối tối nằm không?"
Viễn gật lia lịa:
"Đúng. Anh biết Marlène không đã?"
Tôi nhớ lại người đàn bà cao lớn có một thân hình khêu gợi, dữ dội, như của một minh tinh màn bạc, người đàn bà tóc vàng ánh như một cánh đồng lúa chín, mắt xanh biếc màu đại dương, mà nghe đâu Viễn đã đem từ ngoại quốc về. Phải, tôi nhớ đã gặp người đàn bà đó, một vài lần với Viễn, trên một sàn nhảy, trước một dàn nhạc. Dư luận nghe đồn đã một thời kỳ xôn xao vì người đàn bà tây phương Viễn mang về bên kia biển rộng. Tôi gật:
"Thấy lâu rồi. Không nhớ lắm. Sao?"
"Một trong mấy vợ tôi".
Tôi hỏi:
"Sao nữa?"
"Anh biết Nguyệt, biết Thu Hà?"
Tôi xua tay:
"Làm gì biết nhiều thế được. Hồi này tôi ở nhà, không đi đâu, ít gặp ai, càng ít gặp đàn bà".
"Cũng là vợ tôi nữa".
"Anh đã nói tôi".
Ly rượu cầm trên tay, mái tóc xoã trên đài trán, Viễn ngã người trên thành ghế. Và Viễn bắt đầu kể. Tiếng mưa rào rào trên mái nhà như một điệu nhạc làm nền. Ánh đèn chiếu xuống khuôn mặt Viễn làm nổi bật những khoảng trũng, khuôn mặt đó là một vùng tàn phá, như một nửa vườn trống sau một trận bão cuồng nộ thổi qua. Giọng Viễn lúc nhanh, lúc chậm lúc buồn bã, lúc sôi nổi. Chai rượu vơi đầy. Viễn kể tới sáng. Chưa từng một lần nào trong đời tôi phải chịu trận ngồi nghe một người say kể chuyện đời y nhiều và lâu như thế. Nghe suốt một đêm không dứt. Nghe tới khi mưa ngớt, và ngoài đầu ngõ, những tiếng xe cộ thứ nhất nổi lên trong ban mai mờ mờ. Nghe tới khi Viễn ngừng lời, buông ly rượu trên tay xuống. Và gục xuống thành ghế, thiếp đi.
Chương 1
Theo ngón tay trỏ của Viễn, và qua cái khung hình tròn nhỏ xíu của chiếc máy bay dần dần hạ thấp, thoạt đầu, Marlène chỉ nhìn thấy những tảng mây trắng nõn lơ lửng giữa một vùng trời chói nắng. Người đàn bà tây phương hất mái tóc vàng ánh của nàng về phía sau gáy, nheo mày, bực bội:
"Chẳng thấy gì hết".
Viễn cười, nhấc mình khỏi lòng ghế, ôm ngang lưng vợ, âu yếm:
"Nhìn thêm nữa đi. Phía dưới những đám mây. Marlène lại nhìn. Đôi mắt xanh biếc chăm chú tìm kiếm. Nàng vẫn chỉ thấy không gian vô bờ bên ngoài phi cơ, chiếc cánh máy bay dài vút, sáng lóe dưới mặt trời nhiệt đới, một thoáng hơi nước nhẹ như một làn khói và những đám mây trắng treo lửng giữa khoảng không gian bằng những sợi dây vô hình. Marlène hỏi chồng:
"Anh thấy gì?"
Viễn trả lời, ánh mắt say mê theo dõi, khám phá những màu sắc, những hình thù nổi hình trên mặt đất dưới thấp, lúc mất đi, lúc hiện rõ giữa khoảng cách của những dải mây đang trôi nhẹ giữa một biển khơi quê hương:
"Cây cối. Ruộng đồng. Những xóm làng. Những con đường".
Chàng reo lên:
"Một dòng sông nữa. Đỏ thẫm. Và phía trái là một cây cầu. Tất cả nhỏ li ti. Nhưng anh nhận thấy rõ". Marlène không chịu nhìn theo ngón tay trỏ của Viễn nữa. Nàng tựa đầu vào thành ghế, nét mặt vắng lạnh trở lại trong một bực bội không che giấu:
"Thế là đã tới Tân Sơn Nhất chưa?"
Viễn ôn tồn lấy lòng:
"Chưa. Nhưng phi cơ đang bay trên không phận Sài Gòn".
Tân Sơn Nhất. Sài Gòn. Việt Nam. Những dải mây trắng toát trôi nổi lững lờ giữa một bầu trời chói nắng. Không khí đoán thấy hầm hập, nóng bỏng bên ngoài. Những người ở dưới đất chưa gặp, nhưng khác biệt xa lạ hoàn toàn, bởi một màu da và một ngôn ngữ bất đồng. Một thế giới, một khí hậu, những hiện tượng không quen thuộc chút nào của một xã hội, một đời sống hứa hẹn một hoà hợp khó khăn đầy miễn cưỡng. Tất cả hiện lên trong cõi đầu óc hoang mang, khó chịu của Marlène. Người đà bà tây phương bỗng cảm thấy hối hận tràn ngập vì đã chịu để cho chồng nàng thuyết phục theo chàng về quê hương đất nước của chàng. Lúc đợi máy bay ở phi trường Orly, suốt dọc đường bay giữa không gian mênh mông, qua những biển rộng qua những biên thùy, Marlène nhớ Viễn đã luôn miệng tả cho nàng nghe những cảnh đẹp của quê hương chàng, nơi chốn chàng vui mừng được trở về sau năm năm lênh đênh ở hải ngoại. Viễn đã nói đến cái nắng Sài Gòn vàng như dải lụa. Đến mưa Sài Gòn, hối hả, hân hoan. Đến những con đường thành phố xanh ngắn bóng cây. Đến những đêm mùa hè của Sài Gòn, những đêm ăm ắp nồng nàn, với nền trời sâu thẳm và lấp lánh sao dãi như một tấm áo kim tuyến lộng lẫy cùng khắp.
Viễn còn kể nhiều cái nữa. Nói đến nhiều vẻ đẹp khác nữa của cảnh vật và đời sống ở Việt Nam, nơi chốn xa lạ nghìn trùng, mà theo chồng, Marlène sẽ phải nhận như quê hương thứ hai của mình. Chàng hớn hở giọng đầy tin tưởng: "Em sẽ thích". Marlène nghi ngờ hỏi lại: "Sao anh biết trước là em sẽ thích?" "Em đã chẳng từng yêu những gì anh yêu sao?" Đúng. Viễn thích đi dạo dưới trời khuya, trên những vỉa hè đã ướt đẫm sương đêm, đọc sách buổi tối, xem phim trinh thám, cà phê, rượu mạnh. Chàng thích được sống dưới một mái nhà yên tĩnh, mỗi năm đi biển hay lên núi thay đổi không khí một vài tuần.
Marlène cũng thích như vậy. Sự phù hợp tâm tính và một số sở thích đã là một trong những nguyên nhân đưa hai người từ một cuộc tình mới đầu tưởng chỉ là chốc lát và đùa bỡn tới hôn nhân. Nhưng từ những sở thích nhỏ nhỏ đến chấp nhận sống chung, vĩnh viễn, dưới một vòm trời, trên một nơi chốn hoàn toàn trái ngược khác lạ, với Marlène lại là một chuyện khác. Nàng đã bằng lòng theo Viễn về Việt Nam.
Bây giờ người đàn bà tây phương mới bàng hoàng khám phá thấy sự ưng thuận đó là một yếu mềm, một miễn cưỡng. Hơn nữa. Gần như một lầm lẫn, một hối hận.
Mầu tóc của Marlène là màu của lúa mì chín vàng trên những cánh đồng thơ ấu, màu mắt nàng là màu biển quê hương. Đời sống, cảm nghĩ, ăn ngủ, rung động ở Marlène đều thuần tuý Thuỵ Điển. Từ thuở nhỏ, nàng chỉ biết yêu những đỉnh núi tuyết cao ngất nhìn xuống những cánh đồng tuyết bát ngát. Nàng chỉ quen sống với những đêm giáng sinh có khiêu vũ tưng bừng sau khi đi lễ ở nhà thờ.
Cuộc hành trình mệt và dài. Lê thê giữa những từng không. Miệt mài giữa những dặm biếc. Marlène lại không thích đi máy bay. Chuyến đi luôn luôn đem lại cho nàng những bực dọc nhiều mặt. Không thể chia sẻ được niềm vui trở về quê hương với chồng, Marlène nhắm mắt lại, nghĩ đến, bằng một nghĩ đến đầy luyến nhớ, vùng trời nàng đã dời bỏ. Đó là Thuỵ Điển. Thuỵ Điển, nơi Marlène ra đời. Thuỵ Điển, nơi Marlène lớn lên, và đã được sống ở đó những ngày tháng trẻ trung, tươi sáng nhất của một tuổi dậy thì dào dạt. Nàng đã sống dưới trời Thuỵ Điển, với những bạn gái mắt xanh, da trắng như nàng. Với những bầy chim én tới báo hiệu mùa xuân. Với tuyết tan trong thung lũng khi mùa nắng tới. Bây giờ, tất cả những cái đó, cái thế giới thân quen, ruột thịt, đầy đặc những kỷ niệm còn rực rỡ trong trí nhớ ấy không còn nữa. Không còn. Không bao giờ còn nữa.
Tiếng Viễn, nghe thấy lọt qua vành tai mơ hồ:
"Em mệt?"
Marlène từ từ mở mắt. Đáp gượng:
"Một chút thôi".
Nàng thở dài, nhẫn nhục:
"Bao giờ mới tới đây?"
Viễn đặt tay lên đùi người vợ ngoại quốc:
"Chịu khó một chút nữa. Sắp hạ cánh rồi".
Chàng cười:
"Em sẽ được giới thiệu với gia đình anh".
Marlène thờ thẫn gật đầu:
"Phải. Với gia đình anh".
Bên cạnh Marlène, còn Elga ngủ vùi mê mệt bằn bặt trong giấc ngủ hồn nhiên của đứa nhỏ lên bốn. Tuổi của Elga là tuổi của cuộc hôn nhân. Marlène ôm con vào lòng, dịu dàng lay gọi:
"Thức dậy, thức dậy đi con".
Nàng hôn lên mái tóc đứa nhỏ, mái tóc giống mẹ cũng vàng ánh như mật ong, như một cánh đồng lúa chín. Phút này, liên hệ đằm thắm gắn bó nhất với Marlène lại không phải là Viễn nữa. Viễn vừa có một người tình, một người vợ mới. Đó là quê hương của chàng. Đó là vòm trời sinh trưởng của chàng. Người tình nhân thù địch đó, Marlène đã thầm ước mong là Viễn đoạn tuyệt được vĩnh viễn, một đời. Nàng thất vọng lớn lao vì biết nàng đã lầm. Vì Viễn đã trở về, máy bay sắp hạ cánh. Một cuộc đời mới bắt đầu cho Marlène, hứa hẹn những va chạm dữ dằn, những thử thách khốc liệt. Marlène linh cảm thấy rõ ràng, như vậy. Ôm chặt đứa con gái bốn tuổi vào lòng, Marlène nghĩ thầm, hoang mang và buồn rầu, là nàng đang ôm trong tay một liên hệ mong manh, cuối cùng và duy nhất. Vì, trên một ý nghĩa nào đó, tuy Viễn đang ngồi bên cạnh, săn sóc nàng, và mặc dầu tình yêu của chàng vẫn tràn đầy, nguyên vẹn, chính là nàng bắt đầu mất Viễn.
Bao nhiêu lần, trong tuần lễ trước khởi hành dời bỏ những vòm trời tây phương quen thuộc, Marlène đã hỏi:
"Gia đình anh có nhìn nhận em không?"
Lần nào, Viễn cũng sôi nổi trả lời:
"Em sẽ hoà hợp vào gia đình anh. Như một người ruột thịt".
Marlène muốn tin như vậy. Nhưng lòng nàng thì phân vân và chứa đầy ngờ vực. Nàng lại hỏi:
"Còn anh?"
Viễn ôm hôn nàng, nồng nàn, đến nghẹt thở.
"Không bao giờ anh thay đổi. Anh sẽ yêu em suốt đời".
Sau chuyện đó, Marlène đã nín thinh. Viễn thề nguyền không bao giờ chàng thay đổi, chàng sẽ thuỷ chung, gắn bó đến tận cùng. Nhưng nàng? Nàng có như thế? Hay nàng sẽ thay đổi? Đó là câu hỏi Marlène không trả lời được.
Phi cơ hạ thấp hơn nữa. Trời bên ngoài quang đãng. Những phiến mây trắng biết mất. Trong tưởng tượng và đợi chờ của người đàn bà tây phương chừng như đã có những tiếng động rì rầm từ mặt đất và đời sống dưới thấp vọng lên. Đất mới tới rồi. Vĩnh biệt những đỉnh núi ngời ngời tuyết phủ, vĩnh biệt Thuỵ Điển quê hương. Marlène thấy nàng lẻ loi hơn bao giờ. Ôm con trong lòng, có chồng bên cạnh, nhưng tôi chỉ là một người lữ hành cô độc. Cuộc lữ hành bắt đầu.
Tiếng người chiêu đãi viên thánh thót, duyên dáng: "Phi cơ đã bay trên không phận Sài Gòn, tới phi trường Tân Sơn Nhất. Xin quý vị chuẩn bị" Marlène nhìn sang người chồng Việt Nam. Khuôn mặt quen thuộc của Viễn, khuôn mặt hàng ngày trầm tĩnh thư thái đã được thay thế bằng một khuôn mặt mới, đầy kích thích xúc động. Cũng dễ hiểu. Viễn đã xa nhà năm năm. Ở Thuỵ Điển, ở Pháp, ở Đức, ở những miền nghỉ mát trên núi Thuỵ Sĩ, trong những vụ hè đi tắm nắng trên những bãi biển Địa Trung Hải, không lúc nào là Viễn không nói đến ngày về.
Phi cơ đã thấp hẳn xuống. Là là mặt đất. Bên ngoài khung kính cái nắng chói loà. Thấp thoáng những ngọn cây. San sát những mái nhà. Bên ngoài khu vực phi trường xe cộ chạy như mắc cửi trên những con đường chằng chịt. Marlène thở ra một hơi dài. Nàng cố tạo cho nàng một nét mặt tươi tỉnh. Cho cuộc gặp gỡ đầu tiên với những người thân trong gia đình nhà chồng. Những người thân tới phút này, với Marlène vẫn chỉ là những người lạ mặt.
Đứng lẫn trong đám đầu người lố nhố vây bọc lấy nàng như một vòng đai ngột ngạt, Thu Hà kiễng chân, đứng chênh vênh trên đầu ngón, cố ném một cái nhìn tìm kiếm ra phi đạo chói nắng.
Căn phòng đợi thình lình trở nên chật chội. Thu Hà đứng chờ đã cả nửa tiếng đồng hồ. Hai bắp chân nàng mỏi nhừ. Thân thể bồn chồn nóng nẩy.
Buổi chiều hôm trước. Giao, người em gái của Viễn đến chơi, báo tin nhận được điện tín Viễn về bằng chuyến máy bay bốn giờ chiều hôm sau. Tin Viễn trở về bất ngờ. Phản ứng đầu tiên của Thu Hà là lặng người đi trong một bàng hoàng tê liệt. Ngày Viễn bỏ đi, nghe theo tiếng gọi giang hồ phiêu lãng, Thu Hà đã thức suốt đêm tới sáng. Nước mắt nàng đã chảy xuống đầm đìa. Chan hoà gò má. Ướt đẫm chăn gối.
Viễn lên đường một cách đột ngột. Tàn nhẫn. Chàng không thèm cho nàng gặp lại lần cuối cùng, ngoài một lá thư ngắn, với câu nói vĩnh biệt không bao giờ lặp lại: "Anh xin lỗi. Nên tìm xây dựng hạnh phúc và cuộc đời với một người đàn ông khác". Thu Hà đã xé nát lá thư thành hàng trăm mảnh nhỏ. Đã nguyền rủa Viễn. Đã oán thù chàng. Đã coi chàng như thôi, như chết hẳn. Bao nhiên đổi thay ghê gớm đã đến với đời nàng sau đó. Những người đàn ông khác xuất hiện, đẩy lui hình bóng người tình đi xa về một hậu trường quá khứ. Rồi qua những lần gặp Giao, nàng được biết Viễn đã lấy vợ, đã lập gia đình, vợ của Viễn là một người đàn bà Tây phương chàng gặp trong đổi dời và xê dịch. Viễn đã chết, lại bị coi thêm như một lần chết nữa. Và Thu Hà đào mộ chôn Viễn, đã tưởng rằng trên nấm mộ tình ái đó, chỉ còn những đời kiếp lãng quên.
Nàng lầm. Giao đến báo tin Viễn trở về, và qua phút tê liệt bàng hoàng, Thu Hà nghe thấy trái tim nàng đập, như vỡ tan lồng ngực.
Câu hỏi đầu tiên:
"Anh ấy về với ai?"
Người em gái của Viễn:
"Vợ anh ấy và đứa con gái đầu lòng. Chị ra đón anh ấy với gia đình chúng em không?"
Thu Hà đã nhún vai trả lời:
"Tất nhiên là không".
Nàng cười, ngạo mạn:
"Chị coi anh Viễn như chết rồi, từ lâu. Còn đón, còn gặp nhau làm gì nữa nhỉ?"
Câu nói hữu lý được nối liền bằng một hành động tối thậm vô lý buổi trưa ngày hôm sau. Ba giờ. Thu Hà đã thấy nàng ngồi trước bàn phấn. Vội vã trang điểm, vội vã mặc quần áo và vội vã lái xe hơi riêng ra phi trường. Viễn về đánh thức dậy ở Thu Hà mối tình cũ, thắm thiết, chỉ chôn vùi trong tâm thể mà không đuổi khỏi được cuộc sống. Yêu, nhớ, thù hận, vương vấn, ở Thu Hà lẫn lộn, cùng với sự kích thích mãnh liệt của óc tò mò muốn biết, ngay từ những giây phút trở về đầu tiên của Viễn, con người Viễn bây giờ ra sao. Nhất là người đàn bà Tây phương kia, người đàn bà đã thấp thoáng cái hình dáng thách thức khó chịu của một tình địch.
Chiếc áo dài màu cá vàng ôm sát lấy cái thân hình óng ả của Thu Hà đã lấm tấm mồ hôi. Phi đạo ngoài xa vắng ngắt dưới mặt trời lênh láng. Thu Hà quay lại, hỏi Giao đứng sau lưng:
"Có chắc máy bay sắp tới không em?"
Thay cho câu trả lời, Giao chỉ tay ra phi đạo:
"Kia rồi, chị!"
Như một con chim bạc khổng lồ, chiếc máy bay xuyên đại dương từ một đầu phi đạo không nhìn thấy, hiện ra trước tầm mắt. Đà lăn của máy chậm lại. Phi cơ tới cuối phi đạo. lượn vòng trở lại. Rồi im sững dưới nắng. Trái tim Thu Hà bắt đầu hồi hộp đập mạnh.
Marlène đứng thẳng người, trang nghiêm và chăm chú. Bồng con nhỏ Elga trên tay, đôi mắt xanh biết mở lớn, trong sự lễ độ có lẫn sự kinh ngạc, người đàn bà Tây phương yên lặng nghe chồng giới thiệu những người thân của gia đình chàng. Nàng mới chỉ biết đến họ. Qua một vài tấm hình. Bây giờ Marlène mới được nhìn thấy tận mặt. Ông lão già, gầy guộc, đeo kính cận thị dầy cộm kia là cha Viễn. Và mẹ Viễn, bà lão già nhút nhát với cái nhìn hoảng hốt và một vành khăn nhung trên mái tóc đã có nhiều sợi bạc. Và em gái Viễn là người thiếu nữ hiền lành đứng sau lưng mẹ, nhìn Marlène không rời. Marlène muốn ôm hôn từng người như nàng vẫn biểu lộ tình cảm một cách tự nhiên như thế ở Thuỵ Điển. Nhưng ai nấy chỉ gật đầu nhìn Marlène đăm đăm, như nhìn một hiện tượng lạ mắt, một con quái vật. Marlène đành chỉ đưa tay ra bắt tay từng người, sau mỗi lời giới thiệu. Những cái bắt tay gượng gạo, lạnh nhạt. Sau cuộc giới thiệu, sự xa lạ, vẫn nguyên vẹn. Cái hố cách biệt cũng vậy, chưa được lấp đầy.
Giao đánh bạo hỏi anh:
"Sau đây anh và… chị về đâu?"
Viễn đón ý Marlène bằng cái nhìn dò hỏi. Chàng trả lời:
"Khách sạn".
"Cháu kháu khỉnh quá. Tên là gì thế anh?"
"Elga".
Giao chia tay. Marlène trao con nhỏ cho cô em chồng. Elga chùn người lại, mặt mũi hốt hoảng thiếu điều muốn khóc. Viễn cười:
"Cháu còn lạ. Để quen cô dần".
Chàng hỏi mẹ:
"Thày mẹ vẫn ở nhà cũ?"
Bà mẹ chưa nhìn xong người nàng dâu mới, lớn hơn bà hẳn một cái đầu, đáp vắn tắt:
"Phải".
"Ngày mai con sẽ đưa nhà con đến thăm thày mẹ".
Và bằng một giọng thân mật, Viễn nói với em gái:
"Marlène mua cho Giao nhiều quà lắm đấy. Mai em sẽ nhận được. Thôi bây giờ mời thày mẹ ra xe về nhà. Chúng con đến thẳng khách sạn Caravelle".
Phòng đợi đã vợi người. Nhiều tiếng máy xe liên tiếp nổi lên ở bãi đậu phía trước phi trường. Cha mẹ Viễn nhìn Marlène một lần cuối cùng, gật đầu chào rất kiểu cách, rồi bỏ đi. Lúc này, Viễn mới nhìn thấy Thu Hà. Chàng kêu lên một tiếng bất ngờ, đầy kinh ngạc bối rối. Đứng khá xa, ở một góc phòng, Thu Hà đã thấy Viễn ngay từ lúc chàng tươi cười đi vào phòng đợi. Viễn thay đổi nhiều. Như phải thế, cho một đời người đàn ông chìm nổi. Chàng rắn rỏi, đứng đắn hơn, một người chồng đã thay thế cho chàng thanh niên được người tình cũ ngay từ tia nhìn đầu tiên. Nàng không giết chết được Viễn trong trí nhớ. Trí nhớ nàng chính là Viễn đó, Viễn đã trở về.
Hai mắt mở lớn, nét mặt nghiêm lặng nhưng căng thẳng, Thu Hà đứng im, hai tay buông thõng. Đám đông không còn nữa. Những khoảng trống chung quanh làm nổi bật lên sự cách biệt của nàng. Thu Hà hoang mang không biết nàng muốn gì. Gần như nàng muốn bỏ chạy. Lại gần như nàng cứ muốn đứng đó, chôn chân xuống đất. Gần như nàng thầm mong Viễn đừng nhìn thấy nàng, chàng bỏ đi với vợ con chàng mà không hề biết nàng đã ra đón. Cũng gần như nàng muốn Viễn xem thường hết. Để chạy đến với nàng, ôm hôn. Thật chặt, lên tóc, lên môi, lên cổ. Thành một trận mưa hôn. Như ngày xưa hai người yêu nhau.
Ở Viễn thì là một bất ngờ lớn lao kéo dài. Chàng đã tưởng chàng nhìn lầm. Nhưng không, Thu Hà là loại đàn bà chỉ có một, không thể có một Thu Hà khác, Chàng bảo nhỏ Marlène:
"Em nhìn thấy bến xe phía trước kia không?"
Marlène gật:
"Thấy".
"Đưa con ra đó chờ anh năm phút. Anh lấy va ly sẽ ra ngay. Thấy chiết taxi nào, lên ngồi trước kẻo nắng".
Marlène hơi cau mày nhưng rồi cũng làm theo lời chồng. Chờ cho Marlène ra khỏi phòng đợi, Viễn từ từ tiến đến trước mặt người tình cũ. Chàng vuốt tóc, hơi mỉm cười, dịu dàng:
"Hà đấy à!"
Câu trả lời của người đàn bà lập tức là một khiêu khích:
"Anh tưởng là người khác hay sao?"
Viễn ôn tồn:
"Đâu có. Nhưng anh ngạc nhiên. Em ra đây làm gì vậy?"
"Xem phong cảnh".
Thu Hà quay nhìn đi chỗ khác, nét mặt hiện đầy vẻ hờn giận oán trách. Nàng vẫn đẹp, đẹp khác thường, đẹp lạ lùng. Thời gian đã in lên khóe mắt, vừng trán, những thoáng tàn phai thứ nhất. Nhưng chính vì thế mà Viễn vừa gặp lại ở người tình cũ một vẻ đẹp riêng, não nùng và mới lạ. Thu Hà mím môi:
"Đón anh đấy. Không bằng lòng sao?"
Viễn lắc đầu:
"Đừng nói với anh như vậy. Tất nhiên anh bằng lòng".
Chàng nhắc lại:
"Rất bằng lòng".
Hất hàm ra phía bến xe, ở đó Marlène và con Elga đang chờ đợi, Viễn hỏi:
"Em thấy vợ anh?"
"Có".
"Cả con gái anh nữa?"
"Phải. Người đàn bà ấy với anh đẹp đôi lắm".
Viễn làm ngơ, như không nhận thức được ý nghĩa giễu cợt châm biếm trong câu khen ngợi. Thu Hà còn muốn gì chàng? Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua cuộc sống của hai người. Bây giờ là hai con đường riêng tây. Dư hương còn lại của cuộc tình ngày nào là chút ngậm ngùi luyến tiếc. Phải như thế. Nhưng cũng chỉ là như thế. Chuyện cũ đã chết. Kỷ niệm là đồng nghĩa với lãng quên và xa cách một đời. Viễn ôn tồn:
"Hà vẫn được mạnh".
"Phải".
"Chắc em còn giận anh".
Những câu thăm hỏi dịu dàng pha lẫn một phút buồn rầu thành thực của Viễn cuối cùng làm cho Thu Hà xúc động. Bằng một kìm giữ phi thường, Thu Hà đã cố làm ra cứng rắn. Nhưng nàng chỉ tự mâu thuẫn với mình. Cứng rắn, nàng ra phi trường đón Viễn để làm gì? Sự có mặt của nàng đã là một thú nhận. Là nàng chưa quên được Viễn. Hơn nữa, còn yêu Viễn. Giọt nước đã tràn khỏi cái ly đầy ắp. Và trào. Hai bờ vai rung lên, Thu Hà nhìn Viễn đăm đăm rồi nàng lắc đầu như tức giận và gục đầu xuống.
Tiếng Viễn bao trùm, trầm trầm:
"Anh có tội với em nhiều lắm".
Thu Hà cố giữ một giọt nước mắt khỏi chảy xuống gò má, trong khi Viễn nói tiếp:
"Anh không thể đứng lại ở đây lâu với em. Nếu như anh có làm cho em đau khổ, tha tội cho anh".
Thu Hà vùng quát lớn:
"Tôi không nghe. Tôi không nghe. Anh đi đi. Đừng đứng trước mặt tôi như thế nữa".
Viễn đứng im, không biết nên xử trí thế nào. Chàng biết chàng không thể đứng lâu hơn được, dù chỉ là một phút. Marlène đang chờ đợi và chắc đã nóng nảy. Đứng lại, chàng cũng không còn biết nói thêm với Thu Hà như thế nào. Mọi chuyện đã tan vỡ, đã lỡ dở hoàn toàn. Chàng biết chàng có tội, nhưng tội lỗi đó chắc chắn không bao giờ được tha thứ. Cố nhiên là như thế, tình yêu. Nó không phải là một tha thứ. Nó được làm bằng những đam mê bốc lửa, những thù oán một đời. Bởi vậy mà không thể bỏ qua, không thể tha thứ.
Thu Hà thấy một bàn tay đặt thật nhẹ lên vai nàng và tiếng Viễn, nhỏ, chỉ vừa đủ cho nàng nghe thấy:
"Thôi em về sau. Anh rất bằng lòng đã được gặp em ở. Cám ơn em một lần nữa".
Ngừng một giây, Viễn nói tiếp:
"Quên anh đi. Anh đã về, nhưng hãy coi anh như đã chết".
Thu Hà ngửng đầu lên và nhìn theo. Nàng thấy Viễn bước rảo ra phía bến xe, như người đi trốn, không quay nhìn trở lại. Một tiếng máy xe nổi lên. Một chiếc xe lăn bánh dời khỏi phi trường. Thu Hà đứng thật lâu, mắt đăm đăm nhìn khoảng không trước mặt. Phòng đợi chỉ còn mình nàng. Xa xa cái nắng loà chói trên phi đạo đã dịu xuống. Ngày đang ngả về chiều. Chiều thê lương, buồn bã. Một lúc thật lâu như thế rồi Thu Hà bừng tỉnh khỏi dòng mơ mộng đắm đuối. Nàng lấy khăn tay ở sắc ra, lau mắt. Nàng biết nàng sẽ phải gặp lại Viễn. Phải coi Viễn như đã chết rồi? Một ngàn lần không. Phải, Thu Hà, biết rằng thế nào nàng cũng phải gặp lại Viễn, ít nhất cũng một lần.
Chiếc taxi nhỏ chật, cũ nát, lăn từng vòng nhọc mệt, ậm ạch. Mặt nhựa nóng chảy. Không khí thả vào lòng xe những hơi lửa bỏng rát. Hai bên đường, những bức tường màu vàng, những mái ngói đỏ chói thấp thoáng sau những hàng cây đứng im. Buổi chiều nung nấu với cái nắng vẫn loà choá như khi mới tới phi trường khiến Marlène cảm thấy ngạt ngột tức thở. Da mặt nàng bừng bừng. Thái dương nhức nhối, và mồ hôi đã đầm đìa khắp cùng thân thể.
Sài Gòn hiện dần, trước cặp mắt thiếu thiện cảm của Marlène. Chiếc taxi càng đi sâu vào trung tâm thành phố Marlène càng thấy bị vây bọc bởi những cảnh tượng hoàn toàn xa lạ. Con đường trở về Thuỵ Điển đã bị lấp kín, lấp hẳn.
Viễn hỏi sang:
"Đã thấy lạ mắt chưa? Rồi anh sẽ đưa em đi chợ Bến Thành, vào Chợ Lớn. Sài Gòn có những kỳ quan khắp thế giới không đâu có".
Marlène phát biểu một nhận xét trái ngược làm Viễn cụt hứng:
"Thành phố nào cũng giống thành phố nào".
Nàng nhớ lại một lời hứa của Viễn. Và nhắc luôn cho Viễn đừng quên lời hứa đó:
"Giáng Sinh năm nay, anh cho mẹ con em trở về bên ấy đấy nhé!"
Viễn cười:
"Chưa tới nơi đã nhớ nhà rồi sao?"
Thình lình Marlène hỏi:
"Người đàn bà mặc áo dài Việt Nam màu cá vàng là ai vậy?"
Viễn làm như đã quên đứt Thu Hà:
"Người đàn bà nào?"
Marlène bĩu môi giễu cợt:
"Sao trí nhớ anh đột nhiên mất tiêu đi vậy. Anh bắt mẹ con em đợi ngoài taxi quá lâu. Để đứng lại nói chuyện với người đàn bà đó mà".
Viễn nhún vai, đáp cho qua:
"Một người bạn của em gái anh".
"Thân thiết gắn bó lắm mới ra đón tận phi trường như thế chứ?"
Viễn lại nhún vai nữa:
"Thường thôi".
"Chứ không phải là vợ cũ hay nhân tình? Đừng đánh lừa tôi. Tôi đã thấy hai người nhìn nhau đắm đuối như thế nào rồi".
Viễn cười lớn, ôm lấy người vợ đã ghen tuông, đã nghi ngờ. Tiếng cười lớn che lấp một tâm trạng lo lắng. Marlène ghen, ghen ghê gớm. Mỗi lần Marlène ghen là một lần Viễn điên đầu. Chàng còn nhớ mãi vụ "sì căng đan" ấy, trong một tiệm nhảy ở Stockhom. Chàng chỉ nhảy với người bạn gái có một bản. Ôm rất xa, nhảy rất đứng đắn. Sau đó chàng trở về bàn với Marlène ngay tức khắc, vậy mà cơn ghen của Mar-lène vẫn bùng nổ như thường. Ngay tại chỗ. Ngay lúc đó. Đêm đó, Viễn đã phải đưa ngay Marlène về nhà, trước hàng trăm cặp mắt vui thú của những người chung quanh. Về đến nhà, Marlène lại nổi cơn ghen. Nàng gào thét. Đập phá. Đòi ly dị.
Lần này sẽ còn khủng khiếp hơn những lần trước nếu Marlène biết Thu Hà là người tình cũ của chàng. Thật là tai hại. Chàng không thể ngờ Thu Hà còn nhớ. Và đã ra đón chàng tận phi trường. Đàn bà như thế. Luôn luôn đẩy người đàn ông họ ưa thích vào những trường hợp khó xử. Đàn bà đem lại hạnh phúc cho đàn ông? Không đâu. Nghìn lần không. Đàn bà là nỗi khổ tâm vô tận cho đàn ông. Viễn đã định nín thinh. Bỏ qua. Nhưng sự im lặng với Marlène chắc chắn là một thú nhận tội lỗi. Viễn đành chỉ biết nói đùa:
"Em nhiều tưởng tượng quá!"
Marlène hầm hầm:
"Mong là như thế".
Viễn ngồi im, nghĩ đến Thu Hà vừa gặp lại và còn biết bao nhiêu người khác, thân quen, xa gần, mà chàng sẽ tiếp xúc lại, dù muốn dù không, sau năm năm xa nhà. Hoà nhập trở lại đời sống quê hương, có thêm Marlène và con Elga, không phải là một hoà nhập thuận hợp, dễ dàng như chàng lầm tưởng. Thuyết phục Marlène cho tới khi nàng chấp nhận đời sống mới dưới vùng trời này, thuyết phục hứa hẹn sẽ khó khăn và muôn vàn cực nhọc. Mặt khác, chàng cũng lại phải thuyết phục gia đình chấp nhận Marlène nữa. Những cái nhìn trao đổi đầu tiên giữa người nàng dâu tây phương và bố mẹ ở phi trường cho Viễn biết là một hố thẳm cách biệt đã khơi đào giữa họ. Cuộc hôn nhân của chàng ở hải ngoại không được cha mẹ bằng lòng. Hay chỉ bằng lòng một cách miễn cưỡng, Viễn biết rõ như vậy. Chàng bắt đầu sống với cảm tưởng đầy lo âu xao xuyến là chàng đã lầm khi đưa Marlène về Việt Nam. Niềm vui mừng được hội ngộ với đất trời quê hương ở Viễn chợt như không còn toàn vẹn. Đã có một dải mây đen kéo tới giữa vòm trời xanh biếc.
Chiếc taxi chạy ngang qua nhà thờ Đức Bà. Nó chậm đà lại giữa dòng xe cộ tuôn chảy nườm nượp vào đường Tự Do. Hai bên vỉa hè, dòng người chen lấn. Những tà áo nhiều màu tha thướt. Hàng cây trên đầu xanh ngắt. Những cửa tiệm tấp nập. Viễn chỉ trỏ ra ngoài:
"Đây là đường Tự Do, đó em!"
"Con đường đẹp nhất?"
"Phải, một thứ Champs Elysées của Sài Gòn. Một thứ 5ème Avenue của Nữu Ước".
Marlène bĩu môi:
"Mà chỉ là thế này".
Viễn đập đập lên tay vợ:
"Khó tính".
Marlène nhìn thẳng, như không có một cảnh tượng nào chung quanh xứng đáng làm cho nàng để ý. Như thế, cho đến khi chiếc taxi đậu lại trước thềm khách sạn Caravelle.
Tôi ở tạm khách sạn Caravelle chừng một tháng thì đòi lại được ngôi nhà trước khi xuất ngoại, tôi cho một người bạn sử dụng trong thời gian đi xa. Lúc cho mượn nhà, thật dễ. Lúc đòi lại nhà, thật khó. Marlène tức giận, bảo bạn hữu tôi toàn là một đồ lưu manh mất dậy. Người bạn là Lưu. Trước kia, Lưu không đến nỗi nào. Tử tế, dễ chịu là đằng khác. Tôi với Lưu chơi bời với nhau khá thân. Những lần tôi đi ăn, đi khiêu vũ cùng với Thu Hà, bao giờ nàng cũng đòi rủ Lưu đi cùng. Thu Hà nói Lưu vui tính, biết làm trò hề cho đàn bà cười, nói chuyện có duyên hơn tôi nhiều lắm. Hôm tôi gọi điện thoại báo tin cho Lưu là tôi mới về, Lưu kêu lớn mừng rỡ trong ống nói, khẩn khoản mời tôi đến nhà dùng cơm tối, còn dặn thế nào cũng phải đưa Marlène tới cho Lưu được biết mặt. Tôi ngạc nhiên:
"Anh nói chúng tôi?"
Tiếng cười của Lưu trong ống nói:
"Anh chưa biết tôi đã lấy vợ?"
"Chưa. Kể cả chuyện lấy vợ của anh cùng tất cả những chuyện lớn nhỏ ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng".
"Thật không?"
Tôi xác nhận bằng một giọng văn hoa, trịnh trọng:
"Trong suốt năm năm ở nước ngoài, tôi sống đứt rời hoàn toàn với tổ quốc. Tin anh lấy vợ là một bất ngờ vui thú. Có con chưa?"
Lưu trả lời:
"Đã ba mống. Nghịch như quỷ sứ".
Tin Lưu lấy vợ, lập gia đình, khiến cho tôi băn khoăn về chuyện đòi Lưu trả lại ngôi nhà Lưu mượn. Nhưng tôi phải đòi. Bắt buộc. Lý do thứ nhất vì tôi không có chỗ ở nào khác. Lý do thứ hai, ở khách sạn Caravelle, tuy chỉ ở một căn trung bình có một phòng khách và một phòng ngủ, quá tốn. Mà tôi thì đã ở cái thế không thể tiêu xài hoang phí được nữa. Lý do thứ ba cũng là lý do bất khả kháng nhất. Marlène không chịu ở khách sạn. Chỉ sang đến tuần lễ thứ nhì, nàng đã gây chuyện với tôi sáng chiều. Nói căn buồng khách sạn nào cũng như một nhà ngục. Nói giam thân hoài trong một căn buồng bưng bít, nàng đã đau thần kinh muốn phát điên lên.
Marlène còn doạ:
"Anh không kiếm được nhà mau mau, em đưa con trở về Thuỵ Điển".
Tính Marlène lại không biết nói đùa. Nàng nói là làm. Và đã làm thì đất trời cũng không ngăn cản được. Tôi trình bày cho Lưu biết sự cần cấp phải lấy lại ngôi nhà trong nửa giờ nói chuyện với Lưu bằng điện thoại. Ở đầu dây đằng kia, một phút im lặng. Rồi giọng Lưu, cố làm ra vui vẻ như thường:
"Đương nhiên là phải trả lại nhà cho anh chứ".
Tôi nói cho rõ hơn:
"Mà anh phải trả ngay cho tôi mới được".
"Rồi. Nhưng phải lại ăn cơm đấy nhé".
Một buổi tối, hai ngày sau khi gọi điện thoại, tôi đưa Marlène đến ngôi nhà cũ. Nhớ hôm đó, tôi đòi Marlène trang điểm thật đẹp, phục sức thật lộng lẫy. Ngồi vào bàn phấn, Marlène hỏi:
"Để làm gì vậy?"
Tôi cười, cúi xuống, hôn nhẹ lên mái tóc vàng ánh của nàng, mái tóc mà nhiều lần tôi đã ngợi khen là đẹp nhất thế giới.
"Cho những người bạn Việt Nam biết anh đã lấy được một người vợ ngoại quốc tuyệt đẹp".
Marlène nhún vai:
"Bạn anh có biết thưởng thức vẻ đẹp dữ dội, nóng cháy, chan hoà sự sống của một người đàn bà Tây phương không?"
Tôi gật:
"Biết chứ".
Marlène bĩu môi:
"Chắc gì. Mấy lần đưa em đi dạo phố, anh không thấy sao, đồng bào anh quay lại nhìn em như một con quái vật. Đàn ông của cái thành phố thổ tả này nhìn đàn bà ngoại quốc bằng cái nhìn hết chỗ nói".
Lời nhận xét của Marlène hàm hồ. Hỗn xược, mất dạy là đằng khác. Nhưng tôi nhịn cho qua. Marlène theo tôi về Việt Nam, tôi coi đó là một hy sinh lớn lao của nàng, và tôi không muốn làm Marlène buồn lòng vì những cuộc cãi vã, bất hoà chừng như lúc nào cũng muốn nổ bùng giữa thời tiết Sài Gòn nóng bỏng. Thời tiết và khí hậu có những ảnh hưởng rất sâu đậm vào tâm tính Marlène. Động nóng nực một chút là Marlène bực bội, gắt gỏng, mất hẳn bình tĩnh. Ở Thuỵ Điển, ở Pháp, đâu có thế. Marlène không thích mùa hè không thích mặt trời. Bao nhiêu lần tôi đưa nàng đi nghỉ mát chỉ có lần sang Thuỵ Sĩ là Marlène hài lòng nhất. Chẳng phải vì phong cảnh Thuỵ Sĩ huyền ảo hay chuyến du lịch trữ tình, thơ mộng. Chỉ là lần đó, mùa đông thật buốt lạnh dưới vòm trời Thuỵ Sĩ và thời tiết dưới không độ thích hợp với nàng. Tôi lại trái ngược hẳn. Tôi không chịu được lạnh. Trở về Việt Nam, tôi gặp lại mùa hè như gặp lại người tình và đắm mình vào cái nắng chói lọi như cái nắng là tình yêu, là bằng hữu. Marlène thì không thế. Và để đối phó với cái nóng làm cho mặt mũi nàng lúc nào cũng đỏ gay, nhễ nhại mồ hôi, Marlène đã tạo cho nàng những thói quen mới. Chẳng hạn như ban đêm, nàng ngủ hoàn toàn khoả thân, và ban ngày, nàng vào buồng tắm dội nước ào ào ít nhất cũng ba bốn bận. Tôi chưa nói là Marlène có một thân hình tuyệt mỹ. Nở nang. Cân đối. Khêu gợi. Nồng cháy. Người ta nói nhiều đến những thân thể đàn bà gợi nghĩ đến một trái núi lửa nóng bỏng dục tình. Là trái núi lửa đó, cái khối da thịt bừng bừng dào dạt của Marlène. Biết mình có một thân hình tuyệt đẹp, Marlène có cái ý nghĩ táo bạo là thân hình đó phải được phô bầy. Nguyên cái sự ngủ khoả thân của nàng đã là một phô bầy mà tôi không ngăn cản được. Buổi tối, trong căn phòng khách sạn còn sáng trưng ánh đèn Marlène đã thản nhiên trút thoát hết quần áo. Nàng trần truồng đi đi lại lại, xem sách, nghe nhạc. Nàng loã thể trước khung cửa sổ mở rộng.
Tôi bảo nàng nhiều lần:
"Em có thể khoả thân trên giường. Khi đèn đã tắt".
Nàng ngạc nhiên.
"Đèn sáng thì sao?"
"Trông nó… lộ liễu quá".
Nàng nhún vai. Tôi chỉ tay về mấy khung cửa sổ mở thật rộng mà ở những ngôi nhà chung quanh, những cặp mắt tò mò có thể nhận thấy bằng hết, những cảnh tượng trong phòng kể cả cái cảnh tượng Marlène thoát y, phơi bầy tự nhiên những vùng bí mật mê mẩn nhất của nàng dưới ánh sáng soi chiếu:
"Người ta nhìn thấy".
Marlène lại nhún vai:
"Mặc. Nếu đóng hết mọi cánh cửa, căn phòng này là một lò lửa. Muốn em khỏi khoả thân, mọi người khỏi nhìn thấy, anh hãy làm cho cái thành phố này dịu mát đi. Hoặc đưa mẹ con em trở về Thuỵ Điển".
Gai chướng như thế đó. Tôi đành thua. Và để mặc cho Marlène muốn làm gì thì làm. Ra đường, sở dĩ nàng bị những cái nhìn làm cho nàng tức giận, chỉ bởi vì Marlène phục sức thật hở hang. Nàng chỉ mặc một chiếc áo ngoài, bên trong không có gì hết. Nghĩa là không có nịt vú cũng không có quần lót nữa. Đã thế cái áo lại thường hở cả tay cả ngực, ngắn cũn cỡn thật cao trên đùi gối. Mặc thế làm sao thiên hạ không nhìn cho được. Nhớ một buổi chiều, tôi đi dạo với Marlène trên hè đường Tự Do thì gặp một người bạn cũ. Tôi đứng lại bắt tay anh bạn, giới thiệu với Marlène. Anh bạn miệng trả lời những câu tôi hỏi, mắt thì nhìn Marlène không chớp. Lúc Marlène tới mua thuốc lá ở một quầy thuốc gần đó, anh bạn thì thầm vào tai tôi:
"Vợ anh ăn mặc quá khích hết sức".
Tôi trả lời:
"Bên Âu Châu, đàn bà như thế hết".
"Đã đành, tôi biết. Nhưng ở đây không nên. Anh đã nghe thấy dân ăn chơi ở đây đồn đại gì chưa?"
"Chưa, gì vậy?"
"Vợ anh nổi tiếng như cồn. Anh không hay biết gì hết?"
"Thành thực là không. Nổi tiếng ở điểm nào?"
"Lần đầu tiên, mãi đến hôm nay, tôi mới được giới thiệu với vợ anh. Nhưng nghe thiên hạ kháo nhau từ lâu rồi. Rằng người đàn bà phục sức hở hang, khêu gợi nhất thành phố này là vợ ông Viễn".
Tôi thuật lại câu chuyện đó cho Marlène nghe. Khi chúng tôi trở về phòng khách sạn. Nàng chỉ nhún vai không trả lời. Và lại tiếp tục ngủ khoả thân, tiếp tục đi dạo phố với những cái áo hở hang cùng mình như cũ. Quả thật là Marlène đã được chú ý đến. Đã nổi tiếng. Đã là đầu đề bàn tán của dư luận. Những phiền phức cho tôi, cũng từ đó và vì thế mà bắt đầu.
Bữa cơm tối vợ chồng Lưu đãi chúng tôi tại ngôi nhà của tôi ở đường Phan Thanh Giản khá thịnh soạn. Một vài món ăn cầu kỳ được mua về từ một tiệm Tầu danh tiếng trong Chợ Lớn. Thêm món ăn thuần tuý Việt Nam là món chả giò mà Marlène rất ưa thích, vì đã được nghe ca tụng nhiều lần. Nhưng, ngoài món chả giò và những lời thăm hỏi khách sáo, kiểu cách của Lựu khi chúng tôi đến, buổi gặp mặt xem như hư hỏng. Bầu không khí mất tự nhiên, trở thành ngột ngạt. Đôi khi gay gắt nữa. Điều thứ nhất làm cho tôi bực mình là ngôi nhà giao cho Lưu mượn, gần như không còn là ngôi nhà của tôi ngày trước nữa. Nó tiều tuỵ, nó thảm hại quá chừng. Những cánh cửa long gẫy. Những vì tường loang lổ. Nhà chứa xe đổ nát. Cả một bức tường phía sau đổ gục vì một trái hoả tiễn rớt xuống gần đó, Lưu cũng để mặc không cho xây lại. Tôi đi xem xét qua một lượt, giận đến tím mặt. Nhưng cũng đành nín thinh không dám phiền trách gì Lưu. Chỉ thầm mong Lưu trả ngay nhà lại cho tôi. Để trang hoàng và sửa sang lại.
Đã thế Lưu còn pha trò, rất vô duyên:
"Anh cho tôi mượn nhà là hên cho anh lắm đó".
Tôi ngẩn người:
"Còn hên nữa?"
Lưu thản nhiên:
"Chứ sao, âm đức nhà tôi lớn lắm. Nên nhà của anh mới còn được nguyên vẹn như thế này. Anh thử tưởng tượng xem. Trái hoả tiễn chỉ cần rớt gần hai mươi thước nữa…"
Tôi gật, nói mỉa:
"Âm đức nhà anh lớn thật. Tôi phải nhớ ơn anh suốt đời. Hôm nào anh giao nhà lại?"
Lưu nói lảng:
"Để lát nữa nói chuyện. Nhà tôi sẽ nói chuyện rõ ràng với anh chị".
Tôi vừa nghe Lưu thuật lại những đêm kinh hoàng của Sài Gòn trước trận bão lửa của những trái hoả tiễn từ những vùng ngoại ô tối tăm bắn cầu vồng vào thành phố vừa cùng Lưu trở lại phòng khách. Vợ Lưu tiếp chuyện Marlène. Ngôn ngữ bất đồng. Câu chuyện giữa hai người đàn bà xem ra chẳng đậm đà gì lắm. Marlène ngồi giữa đi-văng, chiếc mini-jupe Marlène mặc trên người, gấu váy kéo cao khỏi đầu gối. Ngực Marlène thật hở, căng phình, nhễ nhại, dưới ánh đèn. Và hai vợ chồng Lưu nhìn vợ tôi. Cái nhìn của Lưu khả ố bẩn thỉu. Cái nhìn của vợ Lưu tò mò, soi mói. Như Marlène không phải là một người mà là một con vật lạ mắt.
Chúng tôi vào bàn ăn. Marlène ghé vào tai tôi nói thầm, nàng muốn về khách sạn càng sớm chừng nào càng hay chừng nấy. Tôi cũng đồng ý với Marlène như vậy. Bữa ăn kéo dài. Điều làm tôi lạ lùng là vợ Lưu cứ đánh trống lảng sang chuyện khác mỗi khi căn nhà được đề cập tới. Cuối cùng tôi mới vỡ nhẽ ra rằng vợ chồng Lưu không có ý định trả lại ngôi nhà cho tôi một chút nào, mà muốn ở lỳ, muốn chiếm đoạt.
Cố gắng giữ bình tĩnh, tôi nói:
"Anh chị đã thấy chúng tôi đang ở tạm khách sạn Caravelle".
Vợ Lưu:
"Anh đuổi gia đình chúng tôi đi thì chúng tôi lại không có chỗ nào ở tạm hết".
Tôi kinh ngạc:
"Thế là thế nào?"
Vợ Lưu thản nhiên:
"Chừng nào tìm được nhà khác chúng tôi sẽ dọn đi ngay, xin hứa với anh như vậy".
Vợ Lưu nói tiếp, rành rọt từng tiếng:
"Và chỉ dám hứa với anh như vậy".
Mặt tôi đã nóng bừng. Tôi hối hận vô tả đã cho Lưu mượn nhà. Ngu dại thật. Biết thế cứ đóng cửa để đó. Tôi gượng cười:
"Thời gian anh chị tìm nhà là bao nhiêu lâu?"
"Thưa anh, không chừng. Cũng không nói trước được. Năm, ba tháng. Cả năm cũng nên. Anh đi xa mới về không rõ. Ở Sài Gòn lúc này tìm một căn phòng thôi, cũng đã là một chuyện khó khăn. Dù sao vợ chồng tôi cũng xin hết sức cố gắng".
Câu chuyện muốn biến thành một vụ cãi lộn đến nỗi cặp mắt của Marlène đã sáng quắc. Nàng mím môi lại, khuôn mặt bừng bừng sắc giận. Bữa ăn chấm dứt đột ngột. Cả bốn chúng tôi đều không ai muốn nó kéo dài thêm nữa. Tôi nghiêm mặt bảo vợ Lưu:
"Có lẽ chị không hiểu lúc tôi cho anh mượn nhà như thế nào. Tôi đã nhấn mạnh cho anh rõ là chỉ cho mượn trong thời gian tôi đi xa. Đúng không?"
Lưu đành gật đầu công nhận.
"Đúng".
"Tôi còn nói rõ là khi tôi về, anh phải trao lại ngôi nhà này cho tôi tức khắc, đúng thế không?"
Lưu nín thinh. Tôi nói tiếp:
"Nhà cửa của tôi, anh để hư hại, tiều tuỵ, không thèm tu bổ, không thèm sửa chữa. Tôi sẽ mất mấy trăm ngàn để sửa chữa lại. Nhưng thôi, không sao. Bây giờ tôi hỏi anh một lần cuối cùng. Bao giờ trả nhà tôi, xin cho tôi biết".
Vợ Lưu vừa toan lên tiếng, tôi đã giơ tay cản lại:
"Tôi không nói chuyện với chị. Chị không biết điều chút nào hết".
Vợ Lưu xám mặt, bỏ vào nhà trong. Cảnh tượng buổi tối hôm đó ở nhà Lưu nhớ lại thật hết sức lố bịch. Nó hệt như một màn hài kịch vậy. Lúc chúng tôi đến thì đôi bạn thân làm ra vẻ mừng rỡ được gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, không khí thay đổi, trái ngược hẳn lại. Thành một cuộc đấu khẩu quyết liệt. Thấy Lưu nín thinh tôi nạt lớn:
"Anh trả lời tôi đi".
"Tôi sẽ trả lời anh sau".
Cơn điên giận của tôi thình lình bùng cháy. Tôi không còn nhìn thấy Lưu là một người bạn nữa. Mà chỉ còn thấy Lưu như một thằng đê tiện nhất, tráo trở nhất mà tôi thấy ở trên đời. Trước kia y đâu đến nỗi này. Từ ngày lấy vợ, mới đâm ra khốn nạn, mặt dầy mày dạn như thế. Tôi đã tin ở sự ngay thẳng và tôn trọng chữ tín của bạn. Chợt thấy mình ngây thơ, khờ dài, đến một mức độ không thể tha thứ. Tôi quát:
"Anh định chiếm đoạt ngôi nhà của tôi?"
Lưu nhăn nhó:
"Đâu phải thế".
Tôi chỉ tay vào mặt Lưu:
"Không nể anh là bạn cũ, tôi đã đấm vỡ mặt anh ngay lúc này. Từ nay, tôi không thèm bè bạn với anh nữa. Còn về ngôi nhà, tôi cho anh một hạn cuối cùng là mười lăm ngày. Quá hạn, đừng trách tôi không nói trước".
"Anh sẽ làm gì?"
"Khi đó sẽ biết. Thôi, chúng mình đi về".
Tôi nắm lấy tay Marlène, kéo nàng xuống thềm, đi mau ra đường. Vụ ngôi nhà, Lưu, thằng bạn đê tiện, con vợ khốn nạn của nó làm cho đầu óc tôi u uất, bực bội mấy ngày liền. Trên đường trở về khách sạn Caravelle, tôi ngồi im, không nói một lời nào. Đã thế, Marlène còn không để cho tôi yên. Nàng giễu tôi ngu xuẩn, mù quáng, để cho kẻ khác đánh lừa dễ dàng như một đứa con nít. Marlène nói có lý. Tôi không biết cãi lại như thế nào. Về gần tới khách sạn, Marlène hỏi:
"Nếu chúng nhất định không trả nhà, anh đối phó ra sao?"
"Nhờ luật sư".
"Nếu nhờ luật sư cũng không ăn thua?"
Tôi cáu:
"Sao chưa gì em đã biết là không ăn thua?"
Marlène nhún vai:
"Anh đã nói là ở Sài Gòn này có hàng trăm hàng ngàn vụ đuổi nhà, mà kẻ thua là người có nhà. Anh khác gì những chủ nhà, chủ đất khác".
Tôi nói bừa:
"Khác".
Marlène cười nhạt:
"Để xem. Em chỉ muốn hỏi anh một câu là bạn hữu anh thằng nào cũng đê tiện như thằng cha vừa rồi sao? Thú thật, em đã chán ngấy cái không khí của những người chung quanh mà anh đang sống với họ. Em muốn trở về Thuỵ Điển".
Tôi gắt:
"Đừng lúc nào cũng nói đến chuyện doạ anh đưa con trở về Thuỵ Điển, được không?"
Marlène thản nhiên:
"Không được. Cũng không phải doạ. Chừng nào chịu đựng không được nữa em về Thuỵ Điển. Anh giữ cũng không được".
Lần đầu tiên từ ngày về nước, buổi tối hôm đó tôi đi uống rượu một mình, tới hơn một giờ mới trở về khách sạn. Rủ Marlène, nàng kêu mệt không đi. Tôi chỉ mong có thế. Tôi muốn được đi một mình, trọn một buổi tối, dìm chết nỗi buồn riêng tây vào men rượu. Lấy Marlène, con người đãng tử trong tôi một phần nào đã chết. Tôi đã quen ngủ sớm, hoà nhập vào nếp sống khá điều độ. Chỉ cần một tâm trạng u uất, một giây phút chán chường, mệt nhọc, và con người đãng tử xưa cũ trong tôi đã thức dậy. Tôi gọi xe, bảo đưa đến một quán rượu có âm nhạc. Uống vài ba ly, thấy chuếnh choáng rồi, tôi cao hứng đi ra, tìm đến một quán rượu có âm nhạc thứ hai.
Chính là ở quán hàng thứ hai này mà tôi gặp Nguyệt.
Nhớ bấy giờ đã khuya lắm. Đã gần nửa đêm. Người tài xế taxi thả tôi xuống một ngôi nhà một tầng ở đường Trần Quý Cáp. Cửa vào đóng kín. Nhưng tiếng nhạc trầm bổng ở bên trong vọng ra, thoảng tan đi trên hè đường đã lồng lộng gió đêm. Hơi rượu trong người tôi bừng bừng. Những bước chân lảo đảo. Đẩy cánh cửa dày, nặng, bước vào, tôi đứng ngỡ ngàng trong khoảnh khắc giữa một căn phòng đông đặc.
Khách ngồi kín khắp, không còn một bàn nào bỏ trống. Căn phòng mờ mờ tối. Ánh đèn từ dàn nhạc cuối phòng ném xuống một thứ ánh sáng chập chờn, xanh biếc, ma quái. Suốt hai dãy bàn kê sát tường, những cặp trai gái chụm đầu vào nhau, hôn nhau đắm đuối hay thì thầm trò chuyện. Thì ra quán hàng ca nhạc thứ hai này sở dĩ đông khách vì trước hết nó là một nơi chốn tình tự lý tưởng. Nhạc êm dịu trầm bổng, ướt đẫm tình cảm lướt thướt. Những xó góc tối hù. Người ta đến đây, tự do. Và người ta hôn nhau, ôm nhau, tự do trước mặt tôi.
Tôi vừa toan quay trở ra thì một người bồi bàn tiến lại. Y hỏi:
"Ông chưa tìm được chỗ ngồi?"
Đang say, tôi sừng sộ:
"Còn chỗ nào đâu mà tìm?"
"Vâng, đông quá. Đã hết chỗ từ mười giờ. Ông đi một mình?"
Tôi sừng sộ dữ hơn:
"Một mình hay mấy mình thì sao? Tao không có chỗ. Vẫn là tao không có chỗ".
Người bồi bàn tươi cười:
"Nếu ông đi một mình, mời ông lại quầy rượu ngồi tạm. Chừng nào có khách về, bàn trống, tôi sẽ mời ông đến".
Đêm đã khuya. Tôi đang say. Lúc đó tôi không muốn trở về khách sạn chút nào. Đã nói là con người đãng tử xưa cũ trong tôi lúc đó đã sống lại. Tôi có thể thức, tới sáng. Đi lang thang, tới sáng. Uống rượu liên miên, say ngất, tới sáng. Tôi gật:
"Được quầy rượu đâu, đưa tao tới".
Tôi đi theo người bồi bàn tới cái ghế duy nhất bỏ trống trước quầy rượu. Cái ghế cao ngất ngưởng. Tôi ngồi quay lưng lại dàn nhạc, trong cơn say chiếm đoạt. Tôi buồn rũ rượi. Chợt cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn hơn bao giờ. Phía bên kia quầy rượu, một người đàn bà đứng im nhìn tôi chăm chú. Cô ta nhỏ nhắn, nhưng duyên dáng, với đôi mắt sắc sảo và một nụ cười thật tươi tắn để lộ hàm răng óng ánh. Bộ complet đen cô ta mặc trên người có một vẻ gì khốc liệt, rất khuya, rất đêm. Đang buồn, tôi bắt chuyện, sau khi đã gọi một ly rượu:
"Tôi là Viễn".
Người đàn bà ngồi sau quầy nghiêng đầu, kiểu cách:
"Rất hân hạnh".
Tôi hỏi:
"Cô làm gì ở đây?"
"Ông coi tôi là quản lý cũng được. Tôi thay mặt ông chủ những lúc ông ta không có mặt. Như đêm nay".
Đang buồn, có một người đàn bà để nói chuyện, chuyện trên trời dưới biển, những chuyện không đầu không đuôi của một cơn say, tôi bám chặt lấy Nguyệt suốt buổi tối hôm đó. Phòng trà đông đặc. Nhưng tôi không còn nhìn thấy ai nữa, ngoài tôi và Nguyệt và những ly rượu bầy thành một hàng dài trên mặt quầy. Tôi hỏi Nguyệt bằng cái giọng chớt nhả nhất của một người say.
"Cô uống được rượu?"
Nguyệt nghiêng đầu, cười:
"Tất nhiên là được. Từ lâu rồi".
Tôi vỗ tay, mừng rỡ:
"Hay lắm. Tôi đang cần có một người bạn. Để uống rượu. Tới lúc không uống được nữa".
Cách nhau một quầy hàng, trong ánh sáng huyền ảo, ma quái, lúc đỏ chói lúc xanh biếc như sương, với tiếng nhạc trầm bổng từ sau lưng ném tới, tôi ngồi đối diện với người đàn bà mới quen, trong một cuộc rượu tuy tình cờ nhưng buông thả và sảng khoái đến cùng. Đâu như tôi đã kể cho Nguyệt nghe gần hết đời tôi. Mộng giang hồ ngày nhỏ. Chuyến xuất dương đầu đời. Những ngày lang thang qua những thủ đô Âu châu. Những đêm la cà trên những bến tầu, trong những quán rượu. Kể cả chuyện tôi gặp Marlène, đã có với Marlène một con gái nhỏ. Cuối cùng tôi cho Nguyệt biết đã trở về Sài Gòn được mấy tuần, và nhiều chuyện phiền phức nhiều mặt đã xảy ra. Như chuyện đòi lại ngôi nhà không được. Như chuyện Marlène không yêu thích đời sống mới của nàng ở Sài Gòn, luôn luôn hăm doạ mang con Elga trở về Thuỵ Điển.
Nguyệt cười:
"Cho nên anh buồn và tìm khuây trong men rượu?"
Tôi gật, cái nhìn đã lung linh, đầu óc đã quay đảo:
"Chính thế".
"Say là phải say tới sáng. Anh có dám ngồi đây tới sáng không?"
Tôi lắc đầu:
"Ngồi một mình buồn lắm".
Nguyệt gõ gõ tay xuống mặt quầy:
"Tôi ngồi lại đây với anh".
"Tới sáng?"
"Chớ sao. Rồi anh mời tôi đi ăn điểm tâm luôn. Tôi kinh ngạc nhìn Nguyệt. Nàng đã uống sang tới ly rượu thứ ba thứ tư gì đó mà không say chút nào. Nguyệt uống rượu thật giỏi. Như uống nước lã. Càng uống càng tươi thắm. Càng uống càng có duyên.
"Cô không phải về?"
Nguyệt nhìn tôi, tủm tỉm:
"Về đâu?"
"Về nhà. Nơi chồng con đang chờ đợi".
"Mấy đứa con tôi hiện đang ở với bà ngoại chúng. Chồng tôi đã ly dị với tôi từ lâu. Tôi ở một mình. Và không bắt buộc đêm nào cũng phải trở về nhà. Anh cũng vậy chứ?"
Tôi nghĩ đến Marlène. Đi một mình đã là quá đáng. Đi suốt đêm chắc là không được. Marlène sẽ la lối, sẽ gây chuyện. Đành thua:
"Không".
"Nghĩa là anh phải về".
"Vâng. Vì vợ tôi dữ lắm".
Nguyệt cau mày:
"Đàn ông phải trị vợ, không thể để cho vợ bắt nạt. Địa vị tôi là vợ, tôi để cho chồng tôi sống hoàn toàn tự do, như một người độc thân".
"Đàn bà nào cũng nói thế".
"Đến khi là vợ rồi, thì không chịu như thế nữa. Ý anh muốn nói vậy?"
"Phải".
"Tôi khác. Chồng tôi ly dị với tôi. Chính vì tôi đã để cho y được quá tự do".
Những điều Nguyệt vừa tiết lộ về đời tư của nàng làm cho tôi ngạc nhiên và thích thú. Không ngờ ở Việt Nam bây giờ cũng có loại đàn bà văn minh như thế, phóng khoáng như thế. Đúng là loại đàn bà mà tôi phải quen biết, để làm bạn trong những lúc có chuyện buồn, một đêm có Nguyệt ở bên cạnh sẽ là một đêm ngắn lắm. Đêm ngắn lại bởi ánh mắt Nguyệt tươi sáng, tinh nghịch. Bởi nụ cười lúc nào cũng nở tươi trên cặp môi hồng của Nguyệt như một đài hoa. Bởi lối nói chuyện của Nguyệt, vừa nhẹ nhõm, vừa duyên dáng. Tôi lại mời Nguyệt uống thêm với tôi một ly rượu nữa.
Lần này, nàng từ chối:
"Thôi, cám ơn anh".
Tôi cau mặt:
"Sao bảo uống đến sáng?"
"Em thì không sao? Sợ anh say".
"Đang muốn say. Đang cần say đây. Say cho quên hết những chuyện ưu phiền".
Nguyệt dịu dàng:
"Anh đang có nhiều chuyện buồn?"
Tôi gật:
"Hàng trăm. Hàng nghìn. Kể ra không hết".
"Những ai làm cho anh buồn".
Tôi nhún vai, giơ tay:
"Đủ hết. Mọi người, nhân loại này. Vợ gây chuyện. Bạn hữu thù nghịch, phản trắc".
Nguyệt ném cho tôi một cái nhìn tình tứ:
"Không phải ai cũng phản trắc, anh đừng vơ đũa cả nắm".
Tôi hỏi:
"Người nào không phản trắc. Nguyệt nói cho tôi hay".
Nguyệt chỉ tay vào ngực nàng:
"Em".
Tiếng nhạc thật lớn ở sau lưng tôi, rồi nhỏ dần. Mải nói chuyện, tôi không biết là dàn nhạc vừa dạo bài tạm biệt, phòng trà đang sửa soạn đóng cửa, những người khách cuối cùng đã lục tục đứng lên. Tôi hỏi Nguyệt:
"Đóng cửa rồi sao?"
"Tới giờ rồi, anh".
Tôi đập mạnh tay xuống mặt quầy:
"Cho một ly nữa".
Nguyệt lắc đầu với người bồi bàn, rồi dịu dàng khuyên tôi:
"Anh đừng uống nữa".
Tôi nói lớn:
"Ai dám bảo tôi như vậy".
"Em. Nghe em đi. Lần sau anh lại đây em sẽ ngồi với anh đến sáng".
Tôi chán nản:
"Lần sau nào? Không có lần sau nào biết".
Nguyệt đặt bàn tay nàng lên cánh tay tôi:
"Có. Muốn có thì nhất định có. Em tin chúng mình còn gặp lại nhau nhiều lần".
"Sáng mai Nguyệt không còn nhớ đến thằng đàn ông say rượu đêm nay là ai nữa".
Nguyệt dịu dàng:
"Em nhớ. Chỉ sợ anh quên thôi".
Nguyệt chờ tôi trả tiền xong rồi đưa tôi ra cửa. Tôi đòi đưa nàng về. Nhưng Nguyệt cười không chịu, nàng nói tôi đã say lắm, tôi cần ngủ để lần sau. Rồi bằng một dáng đi nhanh nhẹn uyển chuyển, Nguyệt bước lên một chiếc taxi đã chờ sẵn. Nguyệt vẫy tay, cười với tôi một lần nữa. Chiếc xe lăn bánh, nhỏ dần về phía cuối phố.
Tôi lững thững bỏ đi một mình trên hè đường khuya. Hơi lạnh ban đêm phà vào mặt. Chất men trong cơ thể loãng dần. Cơn say không thành. Cái vô ích của những cơn say là thế. Say đến mấy, đến nghiêng trời lệch đất, rồi đến lúc cũng phải tỉnh lại. Rượu chỉ là một lãng quên chốc lát. Không bao giờ được là một vĩnh viễn lãng quên.
Đêm hôm đó tôi đi bộ thật lâu, trước khi bước lên một chiếc taxi để trở về khách sạn. Hình ảnh những người đàn bà hiện lên. Marlène. Thu Hà. Nguyệt. Giữa những người đàn bà này, đời tôi là một khoảng trống trải lớn lao. Như cái bóng tôi cô độc trên hè đường thấp thoáng bóng lá. Đêm mênh mông chung quanh. Những con đường mở rộng trước tầm mắt, thẳng và sâu hút. Trên cao, lưng chừng những chùm lá lay động dịu dàng trong gió đêm, là những bóng đèn bất động toả xuống mặt đường thứ ánh sáng lạnh tanh và xanh biếc.
Lần đầu tiên từ ngày trở về Việt Nam mãi tới đêm nay, cái cảm giác hoang mang mới đến với tôi. Đó là cái cảm giác phân vân của một người đứng giữa một ngã ba đường. Không biết đi về đâu. Không biết chọn phương hướng nào. Ngày mai thốt mang một hình ảnh thật mịt mùng. Tưởng như quá khứ và sau lưng đã không nhìn thấy nữa, thì cái phía trước mặt cũng mù sương. Tôi về tới khách sạn khi đồng hồ đã chỉ đúng hai giờ sáng. Đèn trong phòng còn sáng, Marlène chưa ngủ. Ở trong phòng ngủ vọng ra tiếng của Elga. Từ ngày về Việt Nam con nhỏ đau luôn. Thời tiết và khí hậu ở đây chưa thích hợp cho đứa nhỏ ra đời ở xứ lạnh.
Thấy tôi bước vào Marlène hỏi ngay, bằng một giọng thật gay gắt:
"Anh đi đâu giờ này mới về?"
Tôi giơ tay mỏi mệt:
"Đã nói là đi uống một ly rượu".
Marlène chống hai tay vào cạnh sườn. Nàng nhìn tôi bằng cái nhìn của một người vợ muốn gây chuyện.
"Một ly thôi?"
Tôi ném mình xuống mặt ghế bành. Đầu óc u uất, thân thể rời ra. Hơi rượu đắng chát ở đầu lưỡi, bừng bừng trong cổ họng:
"Không nhớ. Vài ba ly gì đó".
Marlène bĩu môi:
"Vài ba ly thôi à! Trông cái bộ dạng say sưa bê bết của anh tôi thừa biết anh đã nốc hàng chai. Anh biết bây giờ là mấy giờ rồi không?"
"Biết. Khuya lắm rồi. Sao em chưa đi ngủ?" Marlène la lớn:
"Chờ anh về đây".
Tôi dịu dàng:
"Chờ anh về để làm gì? Con Elga đau hả? Sáng mai anh đưa nó đến bác sĩ".
Marlène sừng sộ:
"Anh trả lời tôi đã".
Tôi gật, chán nản và mỏi mệt đến cùng cực:
"Hỏi gì thì hỏi ngay đi".
"Anh vừa đi đâu?"
"Đến một quán rượu".
"Quán rượu nào?"
Câu hỏi ngây ngô khiến tôi bật cười:
"Quán nào em cũng không biết được. Chính anh cũng không biết, không nhớ. Anh đến một nơi có một quầy rượu, ở đó có một người bán rượu cho anh uống và trả tiền. Thế thôi".
Marlène bĩu môi:
"Chứ không phải là anh đến nhà con đó?"
Tôi giật mình, ngơ ngác:
"Con đó là con nào?"
"Cái con đàn bà Việt Nam dám ra đón anh tại phi trường. Anh đã đứng lại, nói chuyện thật lâu với nó. Hẹn hò với nó. Và tối nay đã nói dối tôi, anh đã đến nhà nó. Anh đừng tưởng tôi không biết gì hết".
Thì ra Marlène lầm tưởng tôi bỏ mẹ con nàng ở khách sạn một mình để đến với Thu Hà. Thật oan cho Thu Hà hết sức. Tôi đã quên bẵng mất Thu Hà. Marlène làm cho tôi nhớ lại người tình cũ. Mỗi lần Marlène ghen là một lần ghen tuông ghê gớm. Tôi đã có kinh nghiệm về chuyện này. Trong đầu óc tôi lại hiện lên cái cảnh tượng đêm đó, ở một sàn nhảy Paris. Tôi chỉ khiêu vũ một cách tự nhiên thân mật với một người bạn gái mà Marlène đã ghen lồng ghen lộn. Tôi dịu dàng:
"Anh đến một quán rượu. Không đến nhà một con đàn bà nào hết".
Marlène gầm lên:
"Nói dối".
Tôi gục đầu xuống, thần trí chập chờn dưới cơn say nặng trĩu:
"Đừng gây chuyện".
Lúc bình thường, tươi tỉnh, Marlène là một trong những người đàn bà khả ái nhất. Nàng có tất cả cái bề ngoài lịch sự óng chuốt của một người đàn bà văn minh. Nhưng lúc tức giận, đặc biệt là tức giận vì ghen tuông, nàng để lộ ra cái khía cạnh thô bạo, tục tằn rất đáng ghét. Trong Marlène có hai con người. Con người thứ hai hiện hình khi cái vỏ che đậy con người thứ nhất tan vỡ. Khi đó Marlène không còn là Marlène tôi đã yêu, đã lấy và muốn chung sống nữa. Tôi bỏ sang buồng ngủ. Căn buồng bừa bãi. Những đồ đạc, quần áo ném ngổn ngang cùng khắp. Marlène chưa chịu cho cuộc đấu khẩu chấm dứt. Nàng hùng hổ chạy sang, khi tôi thả buông thân thể mỏi mệt xuống mặt đệm.
"Con đàn bà ấy với anh là thế nào?"
"Một người quen cũ. Năm bảy năm về trước".
"Nó vẫn theo đuổi anh? Anh vẫn yêu thương nó?"
Tôi vùi đầu vào gối:
"Đã bảo là không. Không có chuyện gì hết". Marlène gật gù, đi đi lại lại trước mặt tôi, dáng điệu thật mất dạy:
"Anh đừng tưởng tôi ghen. Tôi không thèm ghen đâu. Nhưng nói trước cho anh biết là từ nay anh cũng không được ghen tuông lại với tôi".
Tôi vùng ngồi lên:
"Thế là thế nào?"
"Tôi sẽ bắt chước anh, đi với đàn ông cho anh coi".
Tôi quắc mắt:
"Anh làm gì mà em bắt chước?"
"Anh ngoại tình. Tôi cũng ngoại tình. Cho đồng đều cả hai vợ chồng".
Từ ngày lấy nhau, chưa từng bao giờ Marlène dám ăn nói với tôi hỗn xược như vậy. Chỉ sang Việt Nam mấy tuần, nàng đã đổi khác, một cách thật đáng lo lắng. Con người thứ hai, con người thấp kém, thô tục ở Marlène đã thức dậy. Nhưng sự hỗn xược cũng chỉ được phép tới giới hạn nào. Tôi ra khỏi giường, đến đứng trước mặt Marlène. Tôi dằn mạnh từng tiếng:
"Em vừa nói gì?"
Marlène nhún vai:
"Chuyện ngoại tình. Đàn bà bây giờ ngoại tình là chuyện thường lắm mà?"
Một cái tát như trời giáng làm cho Marlène ngã bật ngửa về phía sau. Sự kinh ngạc làm cho nàng há hốc mồm, không kêu lên được một tiếng. Đánh xong, tôi cảm thấy hối hận liền tức khắc. Tôi chưa từng có một cử chỉ vũ phu với Marlène như thế bao giờ. Đây là lần đầu. Tôi nhớ ngay được rằng, chịu đi theo tôi sang Việt Nam, Marlène đã phải hy sinh lớn lao. Nàng đã phải vất bỏ lại bên kia biển rộng những gì thương yêu và gắn bó nhất. Marlène nhịn đau, nín thinh. Tôi chạy đến, ôm lấy nàng, xin lỗi. Một lát sau, chúng tôi nằm bên nhau. Marlène nói:
"Những chuyện không hay sẽ xảy đến cho chúng ta".
Tôi bàng hoàng:
"Sao vậy được?"
"Đáng lẽ không bao giờ em nên thuận theo anh về Việt Nam".
Tôi hỏi:
"Hay là chúng mình trở về Âu châu".
Marlène lắc đầu:
"Cũng không được nữa. Em chỉ biết là tình của chúng ta đang tan vỡ".
Marlène ngừng lại một giây. Rồi nói tiếp.
"Tan vỡ mà chúng ta không làm gì được hết".
Suốt đêm hôm đó, mặc dầu say rượu và muốn ngủ, tôi cố gắng giải thích cho Marlène là tình yêu chỉ có thể tan vỡ bởi lòng người khi đã hết thương yêu. Chứ nó không thể tan vỡ vì thay đổi một vòm trời, một nếp sống, một không khí.
"Em hãy nhớ lại thời kỳ chúng mình mới gặp nhau. Chúng mình đã yêu thương, đã thể nguyền với nhau như thế nào?"
Marlène mơ màng, ánh mắt nàng xanh biếc hơn bao giờ:
"Đó là những ngày tháng thần tiên, tuyệt vời đã hết".
"Hãy giữ cho nhau lời thề nguyền đã có".
Marlène lắc đầu:
"Chính anh đã làm khác".
Tôi kinh ngạc:
"Làm khác thế nào?"
"Bấy giờ anh đâu có bảo em là một ngày em phải theo anh về Việt Nam".
"Người đàn ông lang bạt nhất thế giới cũng một ngày phải trở về quê hương, đất nước của mình. Anh cũng vậy. Anh phải trở về với gia đình".
Marlène nhấn mạnh từng tiếng:
"Gia đình anh".
Tôi kêu lên, bực bội:
"Gia đình anh cũng là gia đình em".
Marlène xua tay:
"Em đã muốn như thế. Nhưng bố mẹ, anh em anh đâu có muốn như thế".
Điều này, tôi phải công nhận là Marlène nói đúng. Tới phi trường Tân Sơn Nhất, về khách sạn Caravelle được hai ngày, tôi đã đưa Marlène về gia đình tôi. Cha mẹ và các em tôi ở một căn nhà kiểu cổ trong vùng Chợ Quán. Lần họ mới được giới thiệu với Marlène ở phi trường tôi chưa thấy gì hết. Nhưng tới lần đưa Marlène và con Elga về gia đình, tôi mới biết cuộc hôn nhân của tôi với một người đàn bà Tây phương đã không được gia đình tôi chấp nhận. Chỉ riêng Giao, con em gái tôi có vẻ quý mến Marlène thành thực. Còn hết thảy đều nhìn ngó Marlène bằng những cái nhìn thật lạnh nhạt, thiếu vắng hết mọi cảm tình. Cuộc tiếp đón hôm đó thật gượng gạo, miễn cưỡng. Quả thật là người đàn bà tây phương tóc vàng, mắt xanh là Marlène không tìm được chỗ đứng trong gia đình chúng tôi. Mẹ tôi giận tôi ra mặt. Người cáo bệnh nằm ở trong nhà. Lúc gần về, nói chuyện riêng với Giao mười lăm phút, tôi mới biết rõ nguyên nhân sự thù ghét rõ rệt mà mẹ tôi đã dành cho Marlène.
Chả là Người vẫn nuôi hy vọng lấy cho tôi một người vợ khác. Một người đàn bà Việt Nam hoàn toàn. Giao cho biết người đàn bà đó tên là Bích. Giàu có. Tuy hơi nhiều tuổi một chút. Bích có một tiệm vàng ở sau chợ Bến Thành, gia đình Bích giao du thân thiết với gia đình tôi từ rất lâu. Mẹ tôi vẫn đinh ninh là chừng nào tôi từ ngoại quốc trở về, tôi phải lấy vợ và người đó phải là Bích.
Không ngờ lại là Marlène. Bà ghét Marlène vì lẽ đó.
Mẹ tôi ghét, cha tôi cũng ghét theo. Sự lạnh nhạt này, Marlène nhận thấy ngay. Tự ái của nàng bị thương tổn nặng nề. Lúc ra về, lời đầu tiên mà Marlène nói ngay với tôi ngoài hè đường là không bao giờ nàng đặt chân trở lại nhà cha mẹ tôi nữa.
Nàng nói, có việc gì tôi về nhà tôi một mình.
"Em phải kiên nhẫn một chút".
Marlène lắc đầu:
"Tính em nóng, thẳng. Không biết kiên nhẫn đối với những người không tốt với em".
Tôi nói:
"Giao rất có cảm tình với mẹ con em".
"Thì bảo cô ấy lại chơi. Chứ anh không bằng lòng cũng mặc anh, em không gặp lại thầy mẹ anh nữa".
Lần thứ nhất đưa vợ về gia đình, với tôi, xem ra cũng là lần cuối cùng. Tôi không trách Marlène vào đâu được. Không phải là về Việt Nam, với gia đình nhà chồng, mà ở Thuỵ Điển với chính gia đình nàng cũng vậy, Marlène có một thái độ xa cách rất rõ rệt. Mái gia đình nào với Marlène cũng là tù ngục. Nàng sống tự do, một mình, từ rất sớm. Nàng chỉ biết có nàng, đứa con và tôi. Thế thôi. Trách cứ tôi về chuyện Thu Hà xong, Marlène quay sang chuyện ngôi nhà chưa đòi lại được.
"Vợ chồng thằng cha ấy không chịu trả?"
Tôi đáp:
"Mình cũng nên để cho họ một thời gian".
"Bao nhiêu lâu?"
"Hai tuần, một tháng gì đó. Như anh đã nói".
"Nếu quá hạn đó họ vẫn không chịu đi".
"Khi đó mình sẽ nhờ pháp luật can thiệp giùm".
Marlène tỏ ra nghi ngờ:
"Can thiệp là một chuyện. Điều em muốn anh cho biết là can thiệp có được không?"
Tôi đáp cho xong:
"Phải được chứ".
Marlène hậm hực:
"Cái gì anh cũng nói được. Từ ngày về đây em chưa thấy anh làm được cái gì hết".
Nàng lại bắt sang chuyện khác, toàn những chuyện tôi không muốn nghĩ đến làm gì cho mệt óc:
"Anh nhớ mỗi tháng chúng mình phải trả tiền phòng bao nhiêu không".
"Nhớ. Nhiều quá".
"Tiền gần hết rồi đó. Anh biết không?"
"Biết".
"Anh chưa tìm được công việc làm?"
Tôi gượng cười:
"Lúc nào có công việc thì biết là lúc đó có, mình có quyết định được chuyện ấy đâu".
Marlène vặn hỏi:
"Sao ở bên ấy anh nói chắc với em là về nước anh có công việc ngay".
Tôi thở dài:
"Thì anh tưởng thế".
"Lúc nào anh cũng như ở trên cung trăng. Anh không thực tế chút nào hết".
Tôi buồn rầu:
"Điều anh không ngờ là về đây, mới thấy là đời sống khó khăn hơn trước nhiều".
"Trước kia, không vậy?"
Tôi lắc đầu:
"Mấy năm trước, Sài Gòn còn được tiếng là một trong những thành phố ở đó người ta sống dễ dàng và thoải mái nhất".
"Thế nghĩa là anh đã lầm?"
Tôi nói cho Marlène yêu lòng:
"Không sao. Chỉ là vấn đề sớm hay muộn thôi. Anh giao thiệp nhiều, bạn hữu nhiều".
Marlène giễu:
"Bạn tốt như anh chàng Lưu?"
"Thằng đó là một thằng khốn nạn. Bạn anh đâu toàn là những thằng khốn nạn như vậy".
Marlène bĩu môi:
"Em cũng muốn tin như thế".
Nhớ đêm đó những lời trách móc dồn dập của Marlène đã có hiệu lực làm cho tôi tỉnh hẳn cơn say. Đèn trong phòng đã tắt. Bốn bề vắng lặng. Tôi còn nằm thao thức một mình trong bóng tối. Đầu óc tôi ngổn ngang trăm mối. Bạn hữu. Gia đình. Vợ con. Công việc. Tất cả đều không xuôi chảy tốt đẹp như tôi tưởng. Marlène nói có đúng một phần nào khi nàng chê tôi không thực tế, thơ ngây và khờ dại như một đứa con nít.
Khoản tiền tôi đưa theo được về để chi dùng cho thời kỳ đầu tiên ở Việt Nam, khoản tiền đó chẳng còn được là bao nhiêu. Mọi thứ đều đắt đỏ một cách không ngờ. Giá sinh hoạt vùn vụt leo thang. Tiêu pha dè xẻn lắm, cũng chỉ được hai tháng nữa. Đã đến lúc tôi phải tính đến chuyện đi làm. Kiếm tiền, thật nhiều, mà phải kiếm được ngay không chậm trễ. Tôi đã hứa với Marlène là trở về Việt Nam, tôi sẽ tạo cho nàng một đời sống vật chất thật đầy đủ, nếu không muốn nói là huy hoàng, lộng lẫy. Marlène là loại đàn bà không thể sống trong nghèo khổ. Với nàng, sống là phải dư thừa tiện nghi, trên tiền trên bạc. Một nếp sống khác chắc chắn sẽ bị nàng từ chối quyết liệt.
Bao nhiêu nỗi lo âu chồng chất làm tôi không tài nào nhắm mắt được. Đêm dài vô tận. Đêm sâu. Đêm sâu thăm thẳm. Thời gian lết từng bước chậm chạp. Chưa bao giờ tôi thấy tôi nhiều bổn phận, nhiều trách nhiệm với kẻ khác như vậy. Đời sống không còn cái bộ mặt rực rỡ, phơi phới của ngày trước nữa. Từ lớn lên, tôi chỉ quen ăn chơi. Sống buông thả, không bao giờ bận tâm đến những tháng ngày chưa tới. Bây giờ, không thể còn như thế nữa. Ý nghĩ này làm cho tôi buồn bã lo âu vô cùng. Đêm tàn dần. Tôi nằm nghe đêm đi. Có cảm tưởng như, cùng với sự phai tàn của đêm, những ngày tháng hồng tươi của mình cũng chết cùng tuổi trẻ.
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi ngồi ăn sáng ở gần cửa sổ. Cũng may, cơn sốt của Elga đã dịu xuống. Nó ngủ, bằn bặt. Tôi bàn với Marlène, không thấy cần phải đưa nó đi bác sĩ nữa. Sau một đêm say rượu lại mất ngủ, thân thể tôi đau nhừ từng chỗ. Tôi nhăn nhó, muốn ngủ lại không được. Đời sống gai lửa buộc tôi phải xuống đường. Marlène hỏi:
"Anh đi đâu vậy?"
Tôi nhún vai, chán nản:
"Tìm việc".
"Ở đâu?"
"Anh còn một người bạn nữa. Đêm qua nằm nghĩ mãi mới nhớ ra y. Nếu anh không lầm, y đang làm giám đốc một công ty lớn. Công ty này mới thành lập. Đang khuyếch trương mạnh và muốn mở rộng phạm vi hoạt động sang Âu châu".
Đôi mắt xanh biếc của Marlène sáng lên khi tôi nói đến Âu châu. Nàng đã nhìn thấy một cơ hội ngàn vàng để có thể theo tôi trở về vùng trời Thuỵ Điển. Marlène săn đón:
"Bây giờ anh định đến gặp ông giám đốc công ty ấy?"
"Phải".
"Tên ông bạn anh là gì?"
"Có hy vọng gì không anh?"
"Tất nhiên là có. Ngày trước Doanh nghèo túng. Anh đã giúp đỡ tiền bạc cho y nhiều lần mà không bao giờ đòi lại. Đây là một cơ hội để y giúp lại mình".
Marlène khuyên tôi:
"Anh cũng cần khéo léo một chút".
Tôi cười buồn:
"Anh không khéo léo với ai bao giờ sao?"
"Anh hay nổi nóng lắm".
Tôi càng buồn hơn:
"Anh không biết quỵ luỵ, nịnh nọt".
Marlène cãi:
"Đâu em có bắt anh thế. Nhưng khéo léo, mềm mỏng với người ta một chút thì được việc cho mình".
Tôi hỏi đùa Marlène:
"Nếu khéo léo mà cũng không được việc?"
Marlène nghiêm trang, không hưởng ứng sự đùa cợt:
"Thì anh chỉ còn là một loại người bỏ đi".
Tôi cãi:
"Xã hội hư hỏng làm cho cá nhân hư hỏng".
Cá nhân và xã hội sống với nhau bằng những ước lệ cứng nhắc. Bằng quyền lợi thấp kém, bằng bề ngoài hời hợt giả tạo. Cõi sống này đã khô cạn mọi tình nghĩa và tình bằng hữu là một danh từ vô nghĩa khác. Đó là sự thật đáng buồn mà tôi lại có thêm một bằng chứng hùng hồn buổi sáng hôm đó, khi đến kiếm Doanh người bạn cũ của tôi.
Công ty Doanh lớn thật. Trụ sở công ty là một toà nhà bốn từng tráng lệ ở đường Hàm Nghi. Phong cách và tư thế của nó không thua gì một công ty lớn của ngoại quốc. Điều thứ nhất làm tôi bực mình là Doanh bắt tôi chờ ở phòng khách hơi lâu. Đến gần nửa tiếng. Trên tấm danh thiếp đưa cho người tùy phái đưa vào tôi đã ghi rõ muốn gặp Doanh có việc cần và tôi mới ở ngoại quốc về. Vậy mà Doanh vẫn để tôi đợi. Riêng tôi, tôi ghét nhất sự chờ đợi, bất cứ là thể loại chờ nào. Chờ một chuyến tàu chưa tới, một chuyến máy bay sắp cất cánh, một tiệm hàng sắp mở cửa, đều là những điều tối kỵ với tôi. Thời kỳ Marlène và tôi còn hẹn nhau tôi luôn luôn phiền trách nàng về những lần nàng đến muộn. Tôi cau mặt, hỏi người tùy phái:
"Ông đưa danh thiếp tôi cho ông giám đốc chưa?"
Y thản nhiên:
"Rồi".
"Sao bắt tôi chờ lâu quá vậy".
Thằng tùy phái hỗn xược:
"Nhiều người còn phải chờ lâu hơn ông".
Thấy tôi tỏ vẻ nóng nẩy, y nhún vai:
"Ông chờ hoặc lúc khác đến cũng được".
Cũng may, lúc tôi sắp nổi nóng với thằng tùy phái thì Doanh mở cửa đi ra. Đi bên cạnh y là một mệnh phụ phục sức thật lộng lẫy. Người đàn bà trang điểm như sắp đến một dạ hội, đeo kim cương đầy người. Thảo nào Doanh bắt tôi chờ lâu đến thế. Doanh đưa người đàn bà đến tận thang máy. Trở vào, y niềm nở:
"Chà, anh Viễn. Lâu ngày quá. Mạnh khoẻ không?"
Tôi tạo cho tôi nụ cười tươi tắn nhất:
"Thường vậy. Nói chuyện với ông một lúc, được không?"
"Được chứ. Vào đây".
Phòng giấy của Doanh có tất cả vẻ sang trọng uy nghi, bề thế, của phòng giấy giám đốc một công ty lớn. Đồ đạc đắt tiền, bóng loáng. Doanh chỉ cho tôi một cái ghế rồi y trở về ngồi sau bàn giấy. Y hất hàm:
"Thế nào, mới ở ngoại quốc về?"
"Được vài tuần rồi".
Doanh cau may:
"Sao ông không ở luôn bên ấy. Về đây lúc này làm quái gì?"
Tôi ngạc nhiên:
"Sao vậy?"
"Nhiều lý do lắm. Trong những lý do này, có cái lý do là ở đây đời sống hồi này đã cực kỳ khó khăn".
Tôi gật đầu:
"Tôi đã nhận thấy. Cho nên phải tìm đến ông đây".
Doanh không trả lời vào câu nói của tôi. Mà hỏi:
"Nghe đâu ông đem về đây một bà đầm mắt xanh?"
Cái lối Doanh hỏi về Marlène đã làm cho tôi bực mình. Nhưng nhớ rằng Marlène đã dặn tôi phải mềm mỏng khéo léo, nhớ rằng mình đang đi tìm việc, tôi đành cười xoà:
"Ông biết tôi lấy vợ ngoại quốc?"
"Sao không biết. Dư luận đã kháo ầm lên. Đâu đâu cũng chỉ nói đến bà vợ đầm của ông Viễn".
Điều làm tôi thất vọng nhất về Doanh, là người bạn thân ngày nào ở Doanh đã biến mất. Mất hẳn, không còn một dấu vết. Người ta nói sự thành công làm thay đổi người. Với Doanh, thật đúng như vậy. Nhớ ngày trước, y nhã nhặn, dễ chịu bao nhiêu thì bây giờ y khả ố đáng ghét bấy nhiêu. Với điếu xì-gà lớn ngậm trong miệng, cái mặt phinh phính, cặp mắt ti hí mắt lươn, Doanh là điển hình cho bọn trọc phú làm giàu bằng những phương pháp mờ ám bất chính. Ở một trường hợp khác, tôi đã đứng lên, bỏ đi ngay. Nhưng tôi không quên rằng tôi đã đến gõ cửa rất nhiều nơi quen biết. Và Doanh là hy vọng, là may mắn cuối cùng. Để khỏi mất thì giờ, tôi vào thẳng vấn đề:
"Đến xem công ty anh có việc gì làm cho tôi làm với. Đang tìm việc làm. Thú thật ngay với anh như vậy".
Doanh làm bộ không tin:
"Anh mà cũng cần việc làm?"
Tôi gượng cười:
"Sao không? Cần hơn bao giờ, hơn lúc nào là đằng khác".
"Tôi lại cứ tưởng một người tốt số như anh thì cứ việc ngồi đó mà ăn chơi cho sướng đến suốt đời. Làm làm gì cho mệt!"
Tôi ngẩn người:
"Sao anh lại nói thế?"
Doanh nháy mắt:
"Vậy chứ không phải anh mới vừa đào được một mỏ vàng rất lớn ở ngoại quốc?"
Sự ngạc nhiên của tôi càng lớn hơn:
"Một mỏ vàng, mỏ vàng nào?"
Doanh cười ha hả:
"Lấy được vợ giàu mà! Cũng như đào được một mỏ vàng".
Tôi vỡ nhẽ và tôi nghiêm nét mặt lại:
"Ai nói anh như thế?"
"Mọi người. Dư luận".
Tôi nổi nóng:
"Thế là dư luận bịa đặt. Thế là mọi người ác ý".
Chỉ tay vào ngực mình, tôi hỏi lớn, rành rọt từng tiếng.
"Anh nhìn lại thằng bạn anh xem. Nhìn lại thằng Viễn này có phải là loại đàn ông đào mỏ không?"
Thấy tôi nổi nóng, Doanh giơ tay, cười xoà:
"Đừng giận! Đừng giận. Cũng là nghe thấy thiên hạ đồn thế. Không phải thì thôi, có sao đâu?"
Câu nói của Marlène trước khi tôi ra khỏi nhà lại trở lại trong đầu óc. Tự nhiên, tôi cảm thấy buồn rầu và chán nản lạ thường. Tôi hối hận đã đến tìm Doanh. Tôi hối hận đã lấy Marlène, đã lập gia đình. Tôi hối hận đã trở về Việt Nam. Để phải gặp, phải nhờ vả những thằng đê tiện như thằng bạn cũ đang ngồi trước mặt. Thế mà tôi vẫn không có quyền tức giận. Và vẫn phải tươi cười ngay:
"Tôi cũng biết anh nói đùa. Chứ đời nào anh nỡ liệt tôi vào loại đàn ông khốn nạn như thế. Thôi, bây giờ trở lại chuyện tôi muốn nói. Anh giúp được tôi không?"
"Được chứ?"
Tôi vui mừng:
"Như thế nào?"
Doanh ngã người vào thành ghế:
"Anh thích làm thế nào?"
"Tùy anh. Tôi đang cần. Thế nào cũng được, miễn tạm đủ sống là tốt".
"Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng anh chờ cho vài tháng nữa".
Vài tháng nữa? Tôi đang cần. Vài tháng nữa là bao giờ, hay là không bao giờ? Cuối cùng, sau mươi phút trò chuyện, tôi vỡ nhẽ ra là Doanh chỉ hứa mơ hồ cho qua, lời hứa không có gì chắc chắn hết. Thế là cả một buổi sáng mất công vô ích. Lúc Doanh đưa tiễn tôi ra cửa, có mấy người đàn bà khác đợi y. Cái bắt tay hời hợt nhạt nhẽo. Doanh dặn tôi trở lại. Nhưng tôi biết tôi không bao giờ trở lại nữa. Để làm gì? Vô ích lắm. Rõ ràng Doanh không muốn giúp đỡ gì tôi hết.
Tôi trở về khách sạn, mỏi mệt, chán nản hơn bao giờ. Đầu óc đầy những ý nghĩ tối đen và tương lai thì mù mịt không nhìn thấy một tia sáng hy vọng. Cho dù là một hy vọng rất mong manh. Marlène mở cửa. Cái nhìn của nàng là một dấu hỏi lớn. Tôi chán nản lắc đầu. Sự tuyệt vọng của Marlène hiện trên khuôn mặt.
"Người ta lại từ chối?"
Tôi tháo cà vạt, ném cái áo ngoài xuống mặt ghế bành:
"Cũng không hẳn là từ chối".
"Thế nghĩa là?"
"Thằng bạn bảo anh chờ vài tháng".
Marlène giậm chân la lớn:
"Chờ là chờ thế nào?"
Tôi nhún vai, buông mình ngồi xuống. Nhắm mắt lại. Đầu óc tối đen. Tâm thức u uất. Marlène đứng trước mặt. Im lặng một lát. Rồi nàng hỏi:
"Anh còn chỗ nào khác nữa không?"
"Có thể".
Marlène lại giậm chân, lại la lớn:
"Có thể là cái quái quỷ gì. Anh hãy trả lời em rằng có hay không?"
Tôi xua tay:
"Đừng làm cho anh rối óc lên. Để anh nghĩ. Hiện giờ thì những chỗ anh định đến hết rồi. Những chỗ khác, anh chưa nghĩ ra".
"Thế là không còn chỗ nào khác nữa. Cứ nói phắt như thế cho xong. Thôi, anh cũng khỏi thèm đi đâu nữa. Đã nói bạn anh toàn là một loại như thế cả. Họ chẳng giúp đỡ được anh gì hết. Để em tìm việc cho anh".
Tôi mở choàng mắt:
"Tìm việc cho anh?"
Marlène gật đầu, giọng đầy tin tưởng:
"Phải, em. Và chắc chắn là được".
Cảnh tượng lúc đó có một vẻ gì thật khôi hài khiến tôi muốn bật cười thành tiếng. Marlène vừa nói nàng sẽ tìm việc cho tôi. Nàng mới đến Sài Gòn lần đầu. Nàng chưa quen biết một ai ở thành phố này. Nàng là một người đàn bà Thuỵ Điển chưa nói được một chữ một tiếng Việt Nam nào, dù là mấy chữ "cám ơn". Vậy mà nàng nói sẽ tìm việc cho tôi. Tôi xua tay:
"Anh đang mệt. Không phải là lúc nghe em nói chuyện khôi hài. Em khôi hài cũng không có duyên lắm đâu".
Marlène quắc mắt:
"Ai bảo với anh em nói chuyện khôi hài? Ngồi đó, em cho anh xem cái này".
Marlène vào phòng ngủ, trở ra với một lá thư cầm trên tay. Nàng giơ cao lá thư trước mặt tôi:
"Em vừa nhận được sáng nay. Lúc anh vừa ra khỏi nhà".
"Thư ở đâu tới?"
"Bên nhà em gửi sáng. Anh sẽ có công ăn việc làm đàng hoàng. Đừng thèm đến nhờ vả mấy thằng bạn khốn nạn của anh nữa".
Tôi kinh ngạc đón lấy lá thư trên tay Marlène. Trong khi tôi xem thư, Marlène ngồi bên cạnh nhìn chăm chú. Người viết thư là mẹ Marlène. Sau những lời thăm hỏi thông thường bà mẹ vợ của tôi cho con gái bà biết là một người quen với Marlène sẽ đến Sài Gòn vào tuần lễ cuối tháng. Người đó sang Việt Nam để lập chi nhánh cho một hãng sản xuất lớn ở Thuỵ Điển. Cuối thư, mẹ vợ tôi cho Marlène biết là chừng nào Karl, tên người bạn của Marlène, khởi hành, Karl sẽ đánh điện cho Marlène ra đón ở phi trường.
Tôi gập thư lại, hỏi:
"Karl nào thế?"
Marlène cười, vui thú:
"Một người bạn từ hồi nhỏ. Thân lắm".
"Sao anh không biết?"
"Thời kỳ đó, Karl đi xa. Sang Hoa Kỳ. Mới trở về Âu Châu vài tháng nay. Anh biết không, ngày trước Karl mê em lắm đó. Nhưng em đã chọn anh. Và không đáp lại tình yêu của Karl".
Tôi gượng cười:
"Thế à?"
"Karl sang đây, em sẽ giới thiệu ngay với anh".
"Hay lắm".
"Anh sẽ làm việc với Karl".
Nói đến người bạn tuổi nhỏ, sau này yêu mê và theo đuổi nàng, Marlène đã nói bằng một giọng nhiệt thành sôi nổi và vui thú sung sướng. Tưởng như nàng vừa tìm lại được nguồn vui, thấy lại được lẽ sống. Marlène khen Karl đủ điều, vẽ lên chân dung Karl, như một người hoàn toàn, một loại đàn ông lý tưởng. Nàng kể lại những kỷ niệm đã có với Karl. Những lần đi chơi với Karl, những câu chuyện, những mẫu giai thoại ngộ nghĩnh, duyên dáng mà hình như chỉ có Karl là có biệt tài thuật lại. Marlène còn nói Karl tới Việt Nam nàng sẽ làm thế nào cho Karl trở thành người bạn thân thiết nhất của cả chúng tôi.
Marlène hớn hở:
"Rồi anh sẽ thích Karl".
Tôi gật, miễn cưỡng.
"Tất nhiên là như thế".
Tôi mỉm cười, hỏi Marlène:
"Karl còn mê em không?"
Marlène nghiêng đầu:
"Em cũng không rõ. Có thể. Sao?"
"Hỏi vậy cho biết. Anh sợ Karl sẽ là tình địch của anh".
Marlène cười:
"Lý do nào khiến anh nghĩ vậy?"
"Thấy em nói đến Karl một cách quá tốt đẹp. Bằng một giọng đầy cảm tình. Anh hơi ngại rồi đấy".
Marlène lăn vào tôi, ôm lấy tôi:
"Đừng nói nhảm. Anh thừa biết em chỉ yêu một mình anh, trước sau, chỉ có anh".
"Người ta khó quên được những kỷ niệm quá khứ. Nhất là những kỷ niệm đẹp".
"Karl chỉ là bạn".
Marlène hỏi tôi, buộc tôi phải trả lời:
"Anh ra đón Karl chứ?"
Tôi cười:
"Nhất định phải ra đón. Bạn thân của em mà".
Marlène lại hỏi:
"Anh bằng lòng em nói với Karl để cho anh cùng hợp tác với Karl?"
"Chờ y sang đây hãy hay".
Marlène không chịu:
"Trả lời em. Ngay bây giờ".
Tôi ngẫm nghĩ rồi nghiêm trang trả lời:
"Không".
Marlène nhíu mày:
"Tại sao?"
Tôi đáp giản dị:
"Vì anh không muốn".
Marlène vặn:
"Sao không muốn? Anh đừng quên rằng anh đang thất nghiệp, đang cần việc làm".
Tôi gật đầu, điềm đạm:
"Anh nhớ. Do đó, sáng mai anh lại phải đi tìm việc ở những chỗ khác".
"Vẫn không được thì sao?"
"Kiếm mãi, tìm mãi, cuối cùng phải được".
Marlène mím môi lại. Sự bực bội ở nàng đã rõ rệt lắm. Nàng không ngồi cạnh tôi nữa mà đứng lên đi đi lại lại. Tôi đợi chờ cơn thịnh nộ của Marlène. Lần này thì không phải chờ đợi. Phải đương đầu. Không thể né tránh không thể lùi bước. Tôi có những nguyên tắc của tôi. Những nguyên tắc tối thiểu không thể huỷ bỏ.
Nhưng Marlène không lớn tiếng. Chỉ hỏi:
"Anh không cho em giúp đỡ anh những lúc một người chồng cần một người vợ giúp đỡ?"
Tôi gật:
"Có chứ".
Rồi lắc:
"Nhưng giúp đỡ như em vừa nói thì không được. Anh bằng lòng cũng được. Nhưng thế anh không còn nhân cách, không biết tự trọng. Anh không muốn khinh anh như thế, em cũng sẽ khinh anh".
Marlène hậm hực:
"Thì thôi. Đừng nói đến chuyện đó nữa".
Tôi dỗ dành Marlène:
"Đừng giận anh. Cho tới giờ phút này anh còn nhiều hy vọng kiếm được việc làm xứng đáng. Hãy cứ để mặc anh tự mình lo lấy. Chừng nào anh không làm gì được nữa, khi đó sự tiếp tay của em là một cần thiết mà anh không từ chối. Cốt nhất là em chịu khó trong một thời gian. Em nóng ruột là anh mất hết bình tĩnh".
Những ngày sau đó, Marlène không trở lại chuyện Karl nữa. Nàng cũng bớt gây gổ với tôi hơn trước. Tôi thì ngày hai buổi đến chỗ này chỗ nọ kiếm việc làm. Mỗi lần ra đi, một lần về không. Cũng có một vài chỗ làm người ta dành cho tôi. Nhưng tôi từ chối. Công việc vất vả. Đồng lương lại ít ỏi. Tôi có khá nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, về tổ chức các công ty. Sáng kiến cũng nhiều lắm. Chỉ tiếc không có vốn lớn. Nếu có vốn riêng, tôi thành lập một hãng buôn ngay. Tôi còn có một vốn ngoại ngữ khá đầy đủ. Thừa để giao thiệp. Cho nên, kiểm điểm lại khả năng con người mình, tôi vẫn chứa chan hy vọng. Rằng một ngày nào đó, thiên hạ sẽ biết đến tài năng của thằng Viễn. Khi đó thằng Viễn sẽ được trọng dụng.
Một buổi chiều trở về khách sạn, tôi không thấy Marlène đâu mà thấy một ả sẩm trong phòng. Tôi ngạc nhiên hỏi ả sẩm:
"Chị ở đây làm gì vậy?"
Người đàn bà trả lời:
"Bà mướn tôi".
"Để làm gì?"
"Trong coi con nhỏ".
Marlène chưa hề bàn với tôi về chuyện mướn một ả sẩm để trông coi con Elga. Nàng thừa biết chúng tôi đang phải hà tiện từng đồng, từng chữ. Đây là lần đầu tiên, nàng làm một việc mà không thèm hỏi ý kiến chồng nàng.
Năm phút sau, Marlène từ dưới phố trở về. Nàng phục sức vừa diêm dúa, vừa hở hang khêu gợi, lại trang điểm nữa.
Tôi hỏi:
"Em đi đâu vậy?"
"Ra phố. Bây giờ mới thấy thành phố này cũng có những chỗ nên lui tới lắm".
"Chẳng hạn?"
"Như ở đây cũng có một hội quán rất lớn. Với đầy đủ các môn thể thao, giải trí cho phụ nữ. Em đã tạt vào xem. Nói chuyện với quản lý hội quán. Điều kiện gia nhập hội quán không ngờ dễ dàng đến thế".
Marlène lấy ở trong sắc tay ra một tờ biên lai.
"Em đã đóng tiền nhập hội. Từ nay có lẽ ngày nào em cũng đến hội quán đó. Ở đó có rất nhiều người như em. Những người đàn bà tây phương".
Tôi bực mình:
"Tốt lắm. Nhưng làm việc gì em cũng hỏi ý kiến anh trước, nếu anh nhớ không lầm".
Tôi chỉ người ả sẩm:
"Kể cả việc này nữa, em cũng không thèm hỏi ý kiến gì anh hết".
Marlène ném cái sắc tay xuống mặt bàn:
"Em không thể giam thân suốt ngày trong một căn buồng đóng kín".
"Nhưng chúng ta đang phải hà tiện từng đồng".
"Mặc anh. Hết tiền đã có anh lo mà. Anh thừa biết là sự chịu đựng nào, cũng có giới hạn. Mướn người làm trông con, em còn tính đến chuyện đi làm nữa".
Tôi hỏi:
"Làm ở đâu? Làm việc gì?"
Marlène nhún vai:
"Thiếu gì việc. Em vừa nói chuyện với mấy người ở hội quán. Họ nói nếu em muốn kiếm việc làm họ sẽ giới thiệu ngay cho. Em thấy công việc ở đây thật nhiều, thật dễ kiếm. Chẳng hiểu với anh sao lại khó quá vậy".
Tôi thở dài. Một người đàn bà có một thân hình nẩy lửa như Marlène đi tìm việc làm, dễ dàng hơn thôi là chuyện đương nhiên. Đám đàn ông thấy Marlène là tối mắt lại. Nàng muốn gì mà không có kẻ làm vừa lòng nàng ngay tức khắc.
Nghĩ đến trường hợp Marlène giao thiệp với mọi người, Marlène đi làm để kiếm thêm tiền, tôi buồn thấm thía. Tôi không muốn Marlène làm gì hết. Chỉ thích nàng ở nhà, trông coi những công việc lặt vặt trong nhà. Nuôi con. Làm một người đàn bà nội trợ theo cái ý nghĩa tốt đẹp nhất của danh từ. Marlène đi đến đâu, gợi khêu lên ở đó những ham muốn vẩn đục của đám đàn ông chắc chắn chỉ nhìn thấy Marlène như hiện thân của dục tình và dục thể. Chúng nó sẽ xúm đến. Như bướm thấy hoa. Như ruồi thấy mật. Không đề phòng cẩn thận, tôi có thể mất Marlène như chơi.
Nhìn lại Marlène, nàng vẫn phục sức hở hang như bao giờ. Hai cánh tay nhễ nhại phơi trần tới vai. Cái váy ngắn cũn cỡn thật cao trên đầu gối, để lộ hai bắp đùi tròn lẳn. Áo cũng hở ngực, vải lại mỏng tanh làm nổi hình hai đỉnh ngực nhọn hoắt.
Tôi cau mày:
"Em không có những bộ đồ kín đáo hơn?"
Marlène nhìn thứ quần áo nàng đang mặc trên người:
"Quần áo này thì làm sao?"
Tôi ấp úng:
"Người ta… nhìn".
Marlène nhìn tôi như một thứ đàn ông quê mùa. Và cổ hủ nhất thế giới.
"Đàn bà đẹp để cho mọi người nhìn ngắm. Bộ anh muốn em ăn mặc như một bà lão bảy mươi?"
Tôi tắc họng, nín thinh. Đêm ngủ, Marlène còn khoả thân mà ngủ. Ở nhà, những lúc nóng nực quá, Marlène cũng cứ khoả thân đi đi lại lại trong nhà. Nàng đã như thế từ lâu. Từ hồi chưa lấy tôi. Từ hồi còn con gái. Tôi biết không làm sao bắt Marlène thay đổi được. Thế nào, Marlène như thế mãi. Nàng là loại đàn bà không chịu thay đổi.
Trở lại vấn đề Marlène vừa đặt ra là nàng sẽ tìm lấy việc làm. Tôi nói:
"Anh không phản đối. Nhưng hãy chờ anh một tháng xem sao đã".
"Để làm gì?"
"Nếu anh có việc làm em khỏi phải tìm việc".
Marlène đồng ý:
"Nhưng một tháng mà thôi đấy nhé!"
Nàng nhún vai:
"Sau đó, em phải lo lấy cho thân em".
Marlène cho tôi một tháng. Một tháng như một điều kiện. Một tháng như thoả hiệp cuối cùng. Hạnh phúc của gia đình tôi lung lay hơn lúc nào hết. Tôi bắt đầu cảm thấy hối hận thành thực đã đưa Marlène trở về Việt Nam. Có lẽ tôi đã tính lầm chăng? Và có lẽ sự trở về của tôi là một trong những lỗi lầm lớn nhất. Điều đáng buồn là khi người ta nhận thức được lỗi lầm của mình thì bao giờ cũng đã là quá muộn.
Một tháng sau. Chúng tôi dời khỏi khách sạn Caravelle. Giằng co lần lữa mãi, kiếm cớ này cớ nọ, làm khó dễ mãi rồi vợ chồng Lưu đành chịu trả lại ngôi nhà ở đường Phan Thanh Giản. Cứ để im thì cũng chưa xong đâu. Tôi phải lui tới thêm nhiều lần nữa, lúc năn nỉ, lúc doạ nạt, Lưu mới chịu nhường bước. Lấy lại được ngôi nhà, tôi thờ phào nhẹ nhõm. Nhưng cũng mất một khoản tiền. Là tiền luật sư, tiền đưa cho Lưu để dọn nhà đi chỗ khác.
Hôm giao nhà, Lưu còn giở giọng nhân nghĩa:
"Thế là tôi tử tế quá với anh đấy nhé!"
Tôi nhếch mép:
"Cám ơn sự tử tế của anh".
Lúc Lưu bắt tay từ biệt, y hỏi:
"Chúng mình vẫn còn là bạn?"
Tôi lắc đầu:
"Nên thôi".
"Anh giận?"
Tôi quắc mắt:
"Tôi khinh anh. Muốn đánh vào cái mặt đê tiện khốn nạn của anh. Từ giờ, đừng thấy mặt nhau nữa".
Thế là lấy lại được ngôi nhà, tôi đã mất một người bạn. Tuần lễ dọn nhà là tuần lễ bận rộn nhất. Marlène đòi trang hoàng, bài trí lại hết thảy, sửa chữa lại hết thảy, từ cổng trước đến sân sau, từ phòng trong ra phòng ngoài. Ăn ở theo đúng cách phong lưu trưởng giả một người đàn bà tây phương mà! Cũng được. Cũng hay, tôi sẽ không phản đối, còn bằng lòng nữa là khác, nếu tất cả những sửa đổi, trang trí ấy không làm tiêu tan gần hết khoản tiền còn lại trong trương mục ngân hàng.
Nhìn phòng ăn phòng khách đổi mới lộng lẫy, tôi hỏi Marlène:
"Bà hoàng định mở tiếp tân hàng tuần sao vậy?"
Marlène gật:
"Đúng thế. Nhà này từ nay sẽ là nơi họp mặt của những người đàn ông, đàn bà ăn chơi và thanh lịch nhất thành phố".
Tôi hoảng hồn:
"Đùa đấy chứ?"
"Em không nói đùa".
Tôi kêu lớn:
"Chúng mình không có đủ phương tiện để duy trì và thực hiện một nếp sống xa hoa như thế".
Marlène hất hàm:
"Ai bảo với anh là không?"
"Tiền đâu?"
"Anh khỏi lo. Đến đâu hay đến đó. Anh không tìm được nhiều tiền cứ để đó em lo liệu. Cốt nhất anh đừng ngăn cấm em".
Marlène nắm lấy tay tôi, sôi nổi:
"Chúng mình phải sống cho ra sống. Anh đồng ý với em như thế chứ?"
Tôi gắng gượng:
"Đồng ý…"
Chung sống với Marlène, thêm một ngày, tôi càng khám phá được ở người vợ tây phương của tôi những nét đặc thù của một người đàn bà đắm đuối với thật nhiều ham muốn. Lửa tham vọng cháy đỏ trong tâm hồn và khát vọng của Marlène. Đời sống, theo nhân sinh quan của Marlène phải là một gồm thành của những tháng năm huy hoàng những sáng chiều lộng lẫy. Không thể khác. Hạnh phúc lệ thuộc hoàn toàn vào những điều kiện vật chất đó. Với Marlène không có thứ hạnh phúc bình thường, mà là hạnh phúc lớn. Hạnh phúc viết chữ hoa".
Tôi bênh vực quan điểm của mình, vì không thể không bênh vực:
"Anh muốn khác, cho chúng ta".
Marlène kêu lớn:
"Anh với em nhiều bất đồng quá. Anh muốn khác là muốn thế nào?"
"Một đời sống đơn giản, ấm cúng".
Tôi nói tiếp, nhấn mạnh vào chữ tôi yêu thích nhất:
"Và cách biệt".
"Thế thì anh lên rừng mà ở. Thế thì anh sống một mình. Thời đại bây giờ là thời đại văn minh".
Những tiện nghi vật chất là một cần thiết không thể thiếu vắng. Phải giao thiệp nữa. Giao thiệp càng rộng chừng nào càng tốt bấy nhiêu.
Cuộc đấu lý cuối cùng phần thua vẫn về tôi. Nhược điểm lớn lao nhất của thằng chồng vẫn là quá yêu người vợ. Thoả hiệp mãi đưa dần tới nhu nhược hèn yếu. Tôi biết như thế mà không làm sao khác được.
Marlène làm theo ý nàng, nghĩa là có bao nhiêu tiền tiêu gần hết cho sửa sang và bài trí ngôi nhà. Phải công nhận là có bàn tay Marlène ngôi nhà tồi tàn đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt. Nó đẹp, nó sáng sủa. Nó kiêu kỳ và nó rất tráng lệ. Mọi công việc vừa xong. Marlène tổ chức ngay một cuộc tiếp tân. Nói là để mừng ngôi nhà mới.
Buổi tiếp tân chiều thứ Bảy hôm đó đem lại cho tôi rất nhiều cái bất ngờ. Mọi việc tổ chức mời mọc đều do Marlène tự tay làm hết, tôi tuyệt nhiên không hay biết. Thành ra, tôi đã đờ người khi thấy ngoài số mươi người bạn của tôi, có đến sáu chục người mà tôi chưa quen, cũng chưa từng thấy mặt lần nào. Trong cái số những khuôn mặt xa lạ này, một nửa là những người ngoại quốc. Người này thì làm ở một sứ quán kia. Người kia thì là nhân viên một lãnh sự nọ. Căn phòng khách ồn ào những lời giới thiệu. Ở một góc này, người ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Ở một góc kia, những câu tiếng Anh nổi lên.
Tôi kéo Marlène ra một góc nhà, hỏi nàng, bằng một giọng hoảng hốt thành thực:
"Những ai vậy?"
Marlène nhoẻn miệng:
"Đám bạn hữu trong giới thượng lưu ở đây mà chúng mình sẽ quen, sẽ giao thiệp từ hôm nay".
Tôi tròn mắt:
"Sẽ?"
Marlène thản nhiên:
"Đúng vậy. Sẽ".
"Tức là em chưa hề quen biết họ từ trước?"
"Chưa".
Tôi lắp bắp:
"Thế là thế nào. Quái gở, quái gở thật".
Marlène nhìn tôi bằng cái nhìn thương hại ném cho một anh chồng ngờ nghệch nhất thế giới:
"Thế mà anh cũng không hiểu thì chán anh thật. Rất giản dị là em đã nhờ ông hội trưởng hội quán mời dùm chúng mình. Ông ta sẽ giới thiệu anh với quan khách. Năm phút nữa anh sẽ quen biết hết".
Tôi chưa có phản ứng thì Marlène đã kéo ông hội trưởng cái hội quán thời thượng mà nàng mới gia nhập tới gần. Đó là một người Pháp. Đã đứng tuổi, nhưng còn phong nhã, đàng điếm hết sức. Y làm dáng, chải chuốt từ đầu đến chân, y xức nước hoa thơm lừng. Y hôn tay Marlène rồi kiểu cách cúi chào tôi:
"Hân hạnh!"
Marlène thân mật kêu y là Robert. Sau đó tôi phải theo Robert đến từng người cho y giới thiệu.
Điều kỳ lạ là tôi ghét thậm tệ thứ đàn ông, đàn bà nào thì xem chừng Marlène lại thích hợp với thứ người đó. Bọn đàn bà mà Marlène mời tới phấn son lòe loẹt, cười nói vang động. Hút thuốc lá, uống rượu mạnh như đàn ông. Và đám đàn ông thì tán tỉnh, tâng bốc luôn miệng. Họ nói những câu rất táo bạo, rất khả ố. Rồi cùng ngửa cổ cười với nhau như điên. Họ xúm lại khen tặng Marlène đủ điều. Rằng Marlène huy hoàng như một nữ chúa. Rằng nàng kiêu xa, lộng lẫy, khêu gợi như một minh tinh màn bạc. Marlène thì ăn mặc hở hang đến cùng mình. Nàng không mặc thứ đồ lót nào hết. Cái áo đã mỏng dính, lại bó sát. Bao nhiêu đường cong khêu gợi nổi bật lên thành một khiêu khích sỗ sàng.
Tôi không biết làm gì hơn là gượng cười gượng nói cho qua. Tôi chỉ mong cuộc tiếp tân chấm dứt. Nhưng nó không chấm dứt mà kéo dài. Tới nửa chừng thêm một người khách tới.
Vừa thoạt thấy y, Marlène đã reo lên, chạy ra, mừng rỡ:
"Trời ơi! Karl. Không ngờ anh tới được".
Họ ôm lấy nhau hôn nhau tự nhiên. Marlène kéo người đàn ông tới chỗ tôi đứng. Y cao lớn, khá đẹp trai. Tóc vàng mắt xanh như màu mắc Marlène, dáng điệu khoẻ mạnh đầu tự tin và yêu đời.
Marlène bảo tôi:
"Anh nhớ em đã nói chuyện với anh về Karl".
Tôi bắt tay thằng đàn ông:
"Nhớ".
"Thì Karl đây, vừa từ Thuỵ Điển sang".
Karl cười:
"Việc đầu tiên của tôi là tới đây ngay. Ông may mắn hơn tôi. Ông đã chiếm được Marlène, người tôi yêu tha thiết".
Karl giơ ngón tay nói đùa:
"Chúng mình là kẻ thù, là tình địch".
Tôi nói đùa lại, bằng một câu hỏi:
"Không biết Marlène sẽ nghiêng về phía nào? Anh hay tôi".
Marlène, cũng đùa:
"Cả hai. Karl là quá khứ. Anh là hiện tại".
Sự sung sướng của Marlène khi gặp lại Karl có thể nói là không bờ bến. Trong suốt buổi tiếp tân kéo dài tới gần mười giờ đêm, nàng chạy đến với quan khách mỗi người một vài phút, rồi trở lại ngay với Karl. Sự quấn quýt ấy cũng dễ hiểu. Họ là bạn thân từ nhỏ. Họ xa cách nhau đã lâu ngày. Họ có hàng trăm hàng ngàn câu chuyện muốn trao đổi với nhau. Buổi tiếp tân kết thúc. Quan khách ra về, Marlène giữ Karl ở lại. Nàng nói cho tôi biết Karl đang ở tạm tại một khách sạn và dự tính sẽ ở Việt Nam ít nhất cũng ba bốn năm. Marlène đề nghị:
"Chúng mình phải đi ăn cái gì một chút. Em chưa ăn uống gì hết".
Karl tán thành liền:
"Tôi cũng vậy".
Riêng tôi, buổi tiếp tân đã làm cho mệt nhoài. Tôi nói đang nhức đầu, cần uống một liều thuốc, cũng chẳng thấy đói bụng. Marlène nhăn nhó:
"Bộ em cũng phải ở nhà luôn với anh?"
Tôi lắc đầu:
"Em cứ đi ăn với Karl, anh ở nhà một mình".
Karl nói với tôi:
"Tôi cần nói nhiều chuyện với anh".
"Về vấn đề hợp tác kinh doanh?"
Karl gật đầu:
"Chính vậy. Nếu chúng mình cũng làm việc chung với nhau, kết quả chắc sẽ tốt đẹp lắm".
Tôi trả lời cho xong:
"Tôi cũng tin như vậy".
Karl vui mừng:
"Tôi có thể hiểu lời anh nói như một ưng thuận?"
"Trên nguyên tắc thôi. Anh cũng phải cho tôi suy nghĩ. Vả lại, tôi cũng có nhiều việc làm riêng không biết còn thì giờ làm chung với anh không".
Karl hỏi:
"Chúng mình sẽ nói chuyện sau?"
"Đồng ý. Bao giờ cũng được hết".
Karl cười:
"Bây giờ tôi xin phép anh cho được dùng Marlène như một hướng dẫn viên. Tôi mới đến Tân Sơn Nhất chiều hôm nay. Và chưa biết một chút gì về cái thành phố này".
"Điều đó tôi cũng đồng ý nữa".
Tôi giơ cao tay, làm bộ cảnh cáo:
"Nhưmg chỉ một lần đấy nhé, ông bạn!"
Thế là Marlène và Karl lên xe đi, tôi trở lên phòng riêng một mình. Uống một viên thuốc cảm, tôi để nguyên quần áo, nằm vật xuống giường. Nghĩ đến Marlène và Karl đi ăn với nhau, họ đang gần nhau, làm những gì, nói những gì không hay biết, tôi bỗng thấy không được yên tâm lắm.
Nếu Karl không phải là một người tốt? Nếu Marlène không phải là một người đàn bà chung thuỷ với chồng? Thì tôi đã bị cắm sừng ngay buổi tối hôm đó rồi cũng nên. Thì Marlène đã ngoại tình, nếu chưa bằng hành động thì cũng đã bằng ý nghĩ. Nhưng tôi không làm thế nào khác được. Phải đặt vấn đề tin tưởng lên trước hết. Tôi luôn luôn ở bên cạnh Marlène cũng được. Canh chừng nàng. Kiểm soát nàng. Nhưng, như thể để làm gì? Thứ nhất Marlène không phải là thứ vợ chịu cho chồng canh chừng kiểm soát như vậy. Thứ hai, người ta có thể ngoại tình trong năm phút. Kiểm soát làm sao được, nếu chỉ cần năm phút để ngoại tình. Điều làm tôi bực mình hôm đó, là lúc đi với Karl, Marlène hẹn với tôi ăn xong sẽ về ngay. Vậy mà, đến gần một giờ sáng Marlène mới về. Nàng cũng không giải thích tại sao. Thay quần áo, Marlène đi ngủ liền sau đó.
Một thứ tiếng động dữ dội, mang trong nó ý nghĩa một réo gọi lay tỉnh thảng thốt, lẫn với tiếng mưa đêm trên mái rì rào, từ ngoài cửa trước vọng vào. Tôi giật mình, mở mắt. Và bàng hoàng thức giấc.
Cảm giác thứ nhất của tôi là lúc này, đêm đã khuya lắm, đêm đang nằm tròn trong cái đáy cùng mịt mùng sâu thẳm của đêm. Và tôi, tắt đèn, lên giường từ chập tối, tôi đã ngủ được một giấc thật ngon. Thành phố đang bằn bặt. Mưa đan lưới cùng khắp. Chung quanh chỗ tôi nằm, biển bóng tối dầy đặc. Ai đến vào giờ này? Cái tiếng động hối hả, gấp rút vừa nghe thấy có phải là của một người vừa gọi cửa? Tôi trở mình, nhắm mắt, toan ngủ lại, thì tiếng động, đúng là một tiếng đập cửa, lại nổi lên, cùng với một tiếng gọi:
"Hoan! Hoan có nhà không?"
Hoan là tôi. Nhưng người gọi là ai! Từ ngày đến ở căn nhà gỗ trong cái ngõ hẻm sau chợ Tân Định này, tôi đã đoạn tuyệt, gần như hoàn toàn, với cuộc sống ban đêm, đám bạn hữu chơi bời biết vậy, không còn ai tới kiếm vào giờ này nữa. Tôi bực bội xuống khỏi giường, lần bước trong bóng tối, vừa tìm đường đi ra phía cửa trước, vừa hỏi lớn:
"Ai đó?"
Tiếng của người bên ngoài, lè nhè, sặc sụa:
"Viễn đây, vào được không?"
Thì ra kẻ say rượu, chờ một đêm mưa lớn đến phá vỡ giấc ngủ của tôi là Viễn, một người bạn cũ, chẳng thân thiết gì lắm, đã lâu ngày không gặp. Tôi ngẩn người, không biết Viễn đến kiếm tôi để làm gì. Và tại sao cái tiếng đập cửa của y lại nóng nảy, hoảng hốt đến như vậy. Chắc là đang giữa cơn say, còn muốn say thêm nữa, tới sáng, Viễn rủ tôi tới một quầy rượu nào đó còn mở cửa vào giờ này. À, không được. Tôi đã ra khỏi cái thế giới ban đêm, cái thế giới mù sương chuếch choáng, cái thế giới của những cơn say không còn biết trời đấy là gì. Ra khỏi. Từ lâu rồi. Và không bao giờ trở lại.
Tôi hỏi, không mở cửa, giọng nói tỏ ra khó chịu ra mặt, cho Viễn biết là tôi bực mình:
"Ngủ rồi. Mai lại chơi đi".
Một giây im lặng, làm nổi bật tiếng mưa vẫn đều trên mái. Giọng Viễn dịu xuống:
"Thì mở cửa ra".
Tôi gắt:
"Anh đến phá giấc ngủ của tôi đấy nhé. Mà tôi sẽ ngủ tiếp. Ngay bây giờ. Xin lỗi, không đi đâu với anh giờ này được hết".
Một tiếng động khác. Như của một thân người đứng không vững đến độ vừa ngả nghiêng vào thành cửa. Rồi Viễn nói vọng vào, giọng sầu thẳm làm tôi kinh ngạc:
"Tôi không đến rủ anh đi chơi".
Tôi gắt, lớn hơn:
"Vậy đến làm gì?"
"Ngủ nhờ một đêm".
Trong cái thành phố đầy đặc những sự việc lạ lùng và những hiện tượng quái đản này, một thành phố từng giờ từng phút phơi bày những cảnh tượng mà một tâm thể bình thường không còn hiểu được, có những người đàn ông như thế. Như Viễn. Đêm mưa còn lang thang như một con chó đói ngoài đường. Say rượu. Ngã vào thành cửa. Đánh thức một người bạn không lấy gì làm thân thiết lắm vào khoảng một, hai giờ sáng. Đòi mở cửa, vào ngủ nhờ một đêm. Tôi thở dài, nghĩ đến ngày trước, mình cũng đã từng có những đêm lang thang buồn rầu như vậy. Lang thang dưới trời mưa. Một mình trong đêm tối. Đành là mất ngủ một lần.
Tôi mở cửa:
"Anh vào đi".
Tiếng nói, từ sầu thảm, chuyển thành ngạc nhiên mừng rỡ:
"Được không?"
Tôi gắt gỏng trở lại:
"Đã bảo anh vào mà! Mau lên cho tôi đóng cửa lại".
"Phiền anh quá!"
Tôi chép miệng:
"Không sao. Lâu lâu mới có một lần. Nhưng đêm mai, anh còn đến phá nữa, tôi để mặc anh đứng ngoài đường suốt đêm".
Tôi bật đèn phòng khác. Từ ngoài vùng bóng tối dày đặc của con ngõ lầy lội, trên một nền mưa bay thoang thoáng, một bóng hình lảo đảo bước vào. Ánh sáng làm cho Viễn đứng lại, như ngỡ ngàng, với cơn say choáng váng bừng bừng trong da thịt.
Viễn khoác trên cái thân gầy guộc của Viễn chiếc áo mưa màu xám nhạt. Chiếc áo mưa đã cũ, hai cổ tay và gáy áo đã sờn rách. Chiếc áo ướt lướt thướt, nước từ đó chảy xuống ướt sũng nền đá hoa. Trong chiếc áo mưa tơi tả là một chiếc sơ mi để hở hết một hàng khuy trước ngực. Viễn không mang theo một cái gì, ngoài trừ cơn say điên loạn thần trí.
Tôi đứng ngây, nhìn Viễn, không thể nào tưởng tượng được người đang đứng trước mặt tôi lại là Viễn. Nhớ những lần gặp trước, ở ngoài phố, trước cửa một tiệm ăn, một rạp chiếu bóng, nếu trí nhớ tôi không lầm, Viễn không phải là gã say rượu tiều tuỵ, thiểu não này. Mà là một người đàn ông phong cách ung dung, phục sức diêm dúa, dáng điệu nhanh nhẹn, với một khuôn mặt sáng hồng và một nụ cười tưởng như không bao giờ tắt trên môi.
Viễn mà tôi vừa mở cửa cho vào, khác hẳn. Đó là Viễn của một mái tóc rũ rượi, một khuôn mặt hốc hác, hai gò má nhọn hoắt làm cho vực mắt đã sâu trũng càng sâu trũng hơn. Chừng như Viễn đã đội mưa đi lang thang hàng giờ trên những hè đường. Chừng như mưa trời, hơi lạnh, đêm tối, hết thảy đã thấm tới những chân tóc Viễn hơn. Tới máu huyết, tới da thịt Viễn. Và Viễn đứng đó, run rẩy, siêu đổ trước mặt tôi.
"Anh nhận ra tôi?"
Tôi đáp, gượng gạo, thiếu thành thật:
"Có. Có chứ. Nhưng anh cũng thay đổi nhiều. Đi đâu mà giờ này không về nhà. Mưa lạnh có thể làm cho ah đau được lắm".
Viễn trợn mắt nhìn tôi.
"Về đâu?"
Tôi đang bực mình cũng phải bật cười:
"Về nhà anh".
"Tôi không có nhà".
Viễn rũ rũ mái tóc, nói tiếp:
"Tôi biết có nhiều người trẻ tuổi, lãng mạn, điên cuồng, thích bịa đặt ra cho mình những tình huống trầm trọng, để có được cái ảo tưởng đang sống một cuộc đời ly kỳ như tiểu thuyết. Nhưng Viễn không phải là một người trẻ tuổi. Với Viễn, cái thuở điên cuồng, cái thời lãng mạn đã qua. Đêm mưa gió đầy trời, Viễn vất vưởng, Viễn cùng đường, "không một nơi nào để về" thật sao? Mà thôi băn khoăn làm gì về lời nói thiếu tỉnh táo của một người say. Chuyện riêng của Viễn! Mặc Viễn. Y lỡ độ, đến nhà ngủ nhờ một đêm thì cho y ngủ nhờ một đêm, sáng mai y về sớm.
Nghĩ vậy, tôi vẫy tay cho Viễn đi theo vào buồng ngủ.
"Vào đây. Tôi lấy quần áo cho anh thay. Sau đó, sẽ thu xếp chỗ cho anh ngủ. Sáng mai, anh có thể tự nhiên về bất cứ lúc nào".
Viễn lắc đầu. Mưa đổ lớn hơn. Nhạc mưa dữ dội, rào rào trên mái:
"Tôi chưa buồn ngủ".
Tôi nhìn đồng hồ, ôn tồn:
"Gần hai giờ sáng rồi".
Viễn vẫn đứng đó, với chiếc áo tơi mưa thùng thình trên cái thân hình gầy guộc và mái tóc rũ rượi ướt sũng:
"Nhưng tôi chưa buồn ngủ. Tôi chưa muốn ngủ".
Tôi sẵn giọng:
"Tôi buồn ngủ".
Viễn chỉ tay vào buồng trong.
Tôi bắt đầu cảm thấy hối hận để cho Viễn vào nhà. Người say nào cũng vậy. Lần khân, rắc rối, quái gở. Sự lằng nhằng của một người say rượu là một sự lằng nhằng kéo dài không biết đến bao giờ.
Tôi nghiêm mặt:
"Anh muốn gì?"
Viễn nhếch mép, cay đắng:
"Muốn chết".
Tôi phì cười:
"Cũng được. Tùy anh. Nếu anh muốn chết. Nhưng xin ở nơi khác, đừng ở nhà tôi".
Viễn ném cho tôi một cái nhìn trách móc. Như sự đau khổ, tuyệt vọng đến độ thê thảm của Viễn không nên là một đầu đề cho tôi châm biếm riễu cợt. Đoạn, cởi cái áo tơi mưa, Viễn lảo đảo ngã ngồi xuống cái ghế bành gần đó. Và, đầu ngã trên thành ghế, mặt ngửa lên nhìn trần, hai tay buông thõng, hai chân duỗi thẳng, Viễn nhắm nghiền mắt lại.
Tôi đứng lặng, ngắm nhìn người đàn ông say, nhớ lại những lần gặp Viễn ở ngoài đường. Sao Viễn có thể xuống dốc một cách thảm hại mau chóng như thế được? Đời sống là một phá huỷ, tiêu diệt người. Đã đành. Nhưng ở Viễn, sao sự huỷ diệt đó ghê gớm đến như thế được? Nhớ lại, những lần gặp trước, tôi chỉ nhớ được một người đàn ông hào hoa, phong nhã, di chuyển bằng xe Mercedes, lúc nào cũng có những người đàn bà xinh đẹp vây quanh.
Nhớ là Viễn mới ở ngoại quốc về được ba bốn năm nay. Phải, chỉ mới thế, không hơn. Người ta nói Viễn có một biệt thự lớn trên đường Công Lý, có văn phòng làm việc ở đường Nguyễn Huệ, lấy vợ đầm, về Sài Gòn, sống rất đế vương và làm ăn phấn chấn. Tôi đã nhìn thấy người đàn bà tây phương ấy một lần. Tóc vàng, mắt xanh, khêu gợi, cao lớn. Tôi còn nhìn thấy những người đàn bà khác nữa, lộng lẫy, diễm lệ, khoác tay, sánh vai với Viễn như tình nhân, như vợ chồng. Họ đâu hết? Và sao Viễn chỉ còn là một hình hài tiều tuỵ, khổ sở như thế kia?
Bỗng, Viễn mở choàng mắt:
"Nhà anh có rượu không?"
Tôi lắc đầu chán nản:
"Anh uống chưa đủ sao?"
Viễn thều thào:
"Tôi cần say. Chưa bao giờ tôi cần say như đêm nay".
Tôi mở tủ, lấy chai rượu. May là tôi đã cử rượu từ mấy tháng. Còn nguyên một chai Martell của một người bạn cho, chưa động đến. Tôi lấy ly, mở nút chai đặt nó trước mặt Viễn. Thấy rượu, Viễn ngồi thẳng lại, mắt sáng lên mừng rỡ:
"Anh không uống?"
Tôi lắc đầu:
"Không. Anh cứ tự nhiên".
Bằng những ngón tay run rẩy Viễn rót một ly rượu đầy, ngửa cổ tu thẳng một hơi, lại rót luôn một ly khác. Có rượu vào, Viễn như hồi tỉnh lại. Viễn đang tuyệt vọng, đang chán đời thật. Và men rượu, với Viễn, quả là một cần thiết.
Uống một hơi mấy ly rượu, rồi Viễn ngã đầu vào thành ghế, nhìn quanh quất.
"Anh ở một mình?"
"Phải!"
Viễn buông một tiếng, cộc lốc:
"Sướng".
Nói tiếp:
"Sống một mình như anh là nhất".
Tôi cười:
"Anh tưởng thế. Ai cũng sống như nhau mà thôi. Điệu này, anh định thức đến sáng?"
Viễn khẩn khoản:
"Anh thức với tôi một đêm được không?"
"Để làm gì?"
"Uống với tôi cho đời đỡ buồn. Mà nếu anh không uống, thì chịu cho đời đỡ buồn, chịu khó nghe tôi nói chuyện".
Tôi cười, bắt đầu bị kích thích bởi sự tò mò:
"Chuyện gì?"
Viễn vung tay, làm một cử chỉ rộng rãi:
"Tất cả. Đời tôi. Những người đàn bà tôi đã gặp, đã yêu, đã làm cho tôi điêu đứng".
Viễn ngửa cổ uống một ngụm rượu thật lớn. Cái yết hầu nhọn hoắt lộ ra dưới ánh đèn. Rượu trào khỏi mép, chảy thành một dòng vàng ánh xuống cổ. Cơn say biến đổi trạng thái. Nó không còn bê bết rũ liệt như lúc Viễn mới, đội mưa và mang theo đêm tối vào nhà. Cơn say bây giờ bừng bừng quẫy động. Rượu vào lời ra, đúng là lúc này, tôi nghĩ thầm. Quả nhiên:
"Anh cho hai chân lên ghế đi. Ngồi thoải mái. Nghe thằng Viễn kể chuyện những thăng trầm, những nổi chìm, những điêu linh, những lên voi xuống chó của nó".
Viễn vung tay:
"Căn phòng anh từ phút này nếu sáng sẽ đầy đặc những hình ảnh đàn bà. Những con vợ đê tiện, khốn nạn, ác đức của thằng Viễn, thằng đàn ông chết vì đàn bà".
Rồi Viễn cất tiếng cười. Một tiếng cười chua chát cay đắng, nửa như bất cần đời, lại nửa như của một tên đang bị cuộc đời điên đảo rượt đuổi, hành hạ. Rượt đuổi đến cùng đường. Hành hạ đến mê loạn. Lần lượt theo những tên đàn bà được gọi đến:
"Marlène. Nguyệt. Thu Hà. Cái bộ ba yêu tinh thần nữ. Những con vợ xinh đẹp giết người của thằng Viễn".
Viễn nói không phân biệt ai là người yêu, ai là nhân tình. Tất cả đều là vợ. Tôi cười, sau khi đã làm theo lời Viễn, là thu cả hai chân lên ghế:
"Là vợ hết?"
Viễn đập mạnh lòng bàn tay xuống mặt bàn, khiến cái ly rung rinh muốn đổ:
"Hết".
"Anh hơi nhiều vợ đấy".
"Con đàn bà ở với tôi dù chỉ một ngày cũng là vợ tôi. Cũng là bà Viễn hết".
Câu nói trang nghiêm mà khôi hài đến cực điểm. Những người say có hai loại. Một buồn thê thảm, tê liệt, mất hồn. Một vui điên cuồng, đập phá và làm ồn. Ngắm Viễn, tôi phân vân không biết nên xếp y vào loại tửu đồ nào. Có lẽ Viễn không có một chỗ nào hết, để về. Không có một người đàn bà nào. Chỉ có cơn say làm vợ. Tôi phát biểu ý kiến thứ nhất vào câu chuyện đang ở khúc dạo đầu dây hứng thú của người say:
"Cho nên anh mới lắm mối tối nằm không?"
Viễn gật lia lịa:
"Đúng. Anh biết Marlène không đã?"
Tôi nhớ lại người đàn bà cao lớn có một thân hình khêu gợi, dữ dội, như của một minh tinh màn bạc, người đàn bà tóc vàng ánh như một cánh đồng lúa chín, mắt xanh biếc màu đại dương, mà nghe đâu Viễn đã đem từ ngoại quốc về. Phải, tôi nhớ đã gặp người đàn bà đó, một vài lần với Viễn, trên một sàn nhảy, trước một dàn nhạc. Dư luận nghe đồn đã một thời kỳ xôn xao vì người đàn bà tây phương Viễn mang về bên kia biển rộng. Tôi gật:
"Thấy lâu rồi. Không nhớ lắm. Sao?"
"Một trong mấy vợ tôi".
Tôi hỏi:
"Sao nữa?"
"Anh biết Nguyệt, biết Thu Hà?"
Tôi xua tay:
"Làm gì biết nhiều thế được. Hồi này tôi ở nhà, không đi đâu, ít gặp ai, càng ít gặp đàn bà".
"Cũng là vợ tôi nữa".
"Anh đã nói tôi".
Ly rượu cầm trên tay, mái tóc xoã trên đài trán, Viễn ngã người trên thành ghế. Và Viễn bắt đầu kể. Tiếng mưa rào rào trên mái nhà như một điệu nhạc làm nền. Ánh đèn chiếu xuống khuôn mặt Viễn làm nổi bật những khoảng trũng, khuôn mặt đó là một vùng tàn phá, như một nửa vườn trống sau một trận bão cuồng nộ thổi qua. Giọng Viễn lúc nhanh, lúc chậm lúc buồn bã, lúc sôi nổi. Chai rượu vơi đầy. Viễn kể tới sáng. Chưa từng một lần nào trong đời tôi phải chịu trận ngồi nghe một người say kể chuyện đời y nhiều và lâu như thế. Nghe suốt một đêm không dứt. Nghe tới khi mưa ngớt, và ngoài đầu ngõ, những tiếng xe cộ thứ nhất nổi lên trong ban mai mờ mờ. Nghe tới khi Viễn ngừng lời, buông ly rượu trên tay xuống. Và gục xuống thành ghế, thiếp đi.
Chương 1
Theo ngón tay trỏ của Viễn, và qua cái khung hình tròn nhỏ xíu của chiếc máy bay dần dần hạ thấp, thoạt đầu, Marlène chỉ nhìn thấy những tảng mây trắng nõn lơ lửng giữa một vùng trời chói nắng. Người đàn bà tây phương hất mái tóc vàng ánh của nàng về phía sau gáy, nheo mày, bực bội:
"Chẳng thấy gì hết".
Viễn cười, nhấc mình khỏi lòng ghế, ôm ngang lưng vợ, âu yếm:
"Nhìn thêm nữa đi. Phía dưới những đám mây. Marlène lại nhìn. Đôi mắt xanh biếc chăm chú tìm kiếm. Nàng vẫn chỉ thấy không gian vô bờ bên ngoài phi cơ, chiếc cánh máy bay dài vút, sáng lóe dưới mặt trời nhiệt đới, một thoáng hơi nước nhẹ như một làn khói và những đám mây trắng treo lửng giữa khoảng không gian bằng những sợi dây vô hình. Marlène hỏi chồng:
"Anh thấy gì?"
Viễn trả lời, ánh mắt say mê theo dõi, khám phá những màu sắc, những hình thù nổi hình trên mặt đất dưới thấp, lúc mất đi, lúc hiện rõ giữa khoảng cách của những dải mây đang trôi nhẹ giữa một biển khơi quê hương:
"Cây cối. Ruộng đồng. Những xóm làng. Những con đường".
Chàng reo lên:
"Một dòng sông nữa. Đỏ thẫm. Và phía trái là một cây cầu. Tất cả nhỏ li ti. Nhưng anh nhận thấy rõ". Marlène không chịu nhìn theo ngón tay trỏ của Viễn nữa. Nàng tựa đầu vào thành ghế, nét mặt vắng lạnh trở lại trong một bực bội không che giấu:
"Thế là đã tới Tân Sơn Nhất chưa?"
Viễn ôn tồn lấy lòng:
"Chưa. Nhưng phi cơ đang bay trên không phận Sài Gòn".
Tân Sơn Nhất. Sài Gòn. Việt Nam. Những dải mây trắng toát trôi nổi lững lờ giữa một bầu trời chói nắng. Không khí đoán thấy hầm hập, nóng bỏng bên ngoài. Những người ở dưới đất chưa gặp, nhưng khác biệt xa lạ hoàn toàn, bởi một màu da và một ngôn ngữ bất đồng. Một thế giới, một khí hậu, những hiện tượng không quen thuộc chút nào của một xã hội, một đời sống hứa hẹn một hoà hợp khó khăn đầy miễn cưỡng. Tất cả hiện lên trong cõi đầu óc hoang mang, khó chịu của Marlène. Người đà bà tây phương bỗng cảm thấy hối hận tràn ngập vì đã chịu để cho chồng nàng thuyết phục theo chàng về quê hương đất nước của chàng. Lúc đợi máy bay ở phi trường Orly, suốt dọc đường bay giữa không gian mênh mông, qua những biển rộng qua những biên thùy, Marlène nhớ Viễn đã luôn miệng tả cho nàng nghe những cảnh đẹp của quê hương chàng, nơi chốn chàng vui mừng được trở về sau năm năm lênh đênh ở hải ngoại. Viễn đã nói đến cái nắng Sài Gòn vàng như dải lụa. Đến mưa Sài Gòn, hối hả, hân hoan. Đến những con đường thành phố xanh ngắn bóng cây. Đến những đêm mùa hè của Sài Gòn, những đêm ăm ắp nồng nàn, với nền trời sâu thẳm và lấp lánh sao dãi như một tấm áo kim tuyến lộng lẫy cùng khắp.
Viễn còn kể nhiều cái nữa. Nói đến nhiều vẻ đẹp khác nữa của cảnh vật và đời sống ở Việt Nam, nơi chốn xa lạ nghìn trùng, mà theo chồng, Marlène sẽ phải nhận như quê hương thứ hai của mình. Chàng hớn hở giọng đầy tin tưởng: "Em sẽ thích". Marlène nghi ngờ hỏi lại: "Sao anh biết trước là em sẽ thích?" "Em đã chẳng từng yêu những gì anh yêu sao?" Đúng. Viễn thích đi dạo dưới trời khuya, trên những vỉa hè đã ướt đẫm sương đêm, đọc sách buổi tối, xem phim trinh thám, cà phê, rượu mạnh. Chàng thích được sống dưới một mái nhà yên tĩnh, mỗi năm đi biển hay lên núi thay đổi không khí một vài tuần.
Marlène cũng thích như vậy. Sự phù hợp tâm tính và một số sở thích đã là một trong những nguyên nhân đưa hai người từ một cuộc tình mới đầu tưởng chỉ là chốc lát và đùa bỡn tới hôn nhân. Nhưng từ những sở thích nhỏ nhỏ đến chấp nhận sống chung, vĩnh viễn, dưới một vòm trời, trên một nơi chốn hoàn toàn trái ngược khác lạ, với Marlène lại là một chuyện khác. Nàng đã bằng lòng theo Viễn về Việt Nam.
Bây giờ người đàn bà tây phương mới bàng hoàng khám phá thấy sự ưng thuận đó là một yếu mềm, một miễn cưỡng. Hơn nữa. Gần như một lầm lẫn, một hối hận.
Mầu tóc của Marlène là màu của lúa mì chín vàng trên những cánh đồng thơ ấu, màu mắt nàng là màu biển quê hương. Đời sống, cảm nghĩ, ăn ngủ, rung động ở Marlène đều thuần tuý Thuỵ Điển. Từ thuở nhỏ, nàng chỉ biết yêu những đỉnh núi tuyết cao ngất nhìn xuống những cánh đồng tuyết bát ngát. Nàng chỉ quen sống với những đêm giáng sinh có khiêu vũ tưng bừng sau khi đi lễ ở nhà thờ.
Cuộc hành trình mệt và dài. Lê thê giữa những từng không. Miệt mài giữa những dặm biếc. Marlène lại không thích đi máy bay. Chuyến đi luôn luôn đem lại cho nàng những bực dọc nhiều mặt. Không thể chia sẻ được niềm vui trở về quê hương với chồng, Marlène nhắm mắt lại, nghĩ đến, bằng một nghĩ đến đầy luyến nhớ, vùng trời nàng đã dời bỏ. Đó là Thuỵ Điển. Thuỵ Điển, nơi Marlène ra đời. Thuỵ Điển, nơi Marlène lớn lên, và đã được sống ở đó những ngày tháng trẻ trung, tươi sáng nhất của một tuổi dậy thì dào dạt. Nàng đã sống dưới trời Thuỵ Điển, với những bạn gái mắt xanh, da trắng như nàng. Với những bầy chim én tới báo hiệu mùa xuân. Với tuyết tan trong thung lũng khi mùa nắng tới. Bây giờ, tất cả những cái đó, cái thế giới thân quen, ruột thịt, đầy đặc những kỷ niệm còn rực rỡ trong trí nhớ ấy không còn nữa. Không còn. Không bao giờ còn nữa.
Tiếng Viễn, nghe thấy lọt qua vành tai mơ hồ:
"Em mệt?"
Marlène từ từ mở mắt. Đáp gượng:
"Một chút thôi".
Nàng thở dài, nhẫn nhục:
"Bao giờ mới tới đây?"
Viễn đặt tay lên đùi người vợ ngoại quốc:
"Chịu khó một chút nữa. Sắp hạ cánh rồi".
Chàng cười:
"Em sẽ được giới thiệu với gia đình anh".
Marlène thờ thẫn gật đầu:
"Phải. Với gia đình anh".
Bên cạnh Marlène, còn Elga ngủ vùi mê mệt bằn bặt trong giấc ngủ hồn nhiên của đứa nhỏ lên bốn. Tuổi của Elga là tuổi của cuộc hôn nhân. Marlène ôm con vào lòng, dịu dàng lay gọi:
"Thức dậy, thức dậy đi con".
Nàng hôn lên mái tóc đứa nhỏ, mái tóc giống mẹ cũng vàng ánh như mật ong, như một cánh đồng lúa chín. Phút này, liên hệ đằm thắm gắn bó nhất với Marlène lại không phải là Viễn nữa. Viễn vừa có một người tình, một người vợ mới. Đó là quê hương của chàng. Đó là vòm trời sinh trưởng của chàng. Người tình nhân thù địch đó, Marlène đã thầm ước mong là Viễn đoạn tuyệt được vĩnh viễn, một đời. Nàng thất vọng lớn lao vì biết nàng đã lầm. Vì Viễn đã trở về, máy bay sắp hạ cánh. Một cuộc đời mới bắt đầu cho Marlène, hứa hẹn những va chạm dữ dằn, những thử thách khốc liệt. Marlène linh cảm thấy rõ ràng, như vậy. Ôm chặt đứa con gái bốn tuổi vào lòng, Marlène nghĩ thầm, hoang mang và buồn rầu, là nàng đang ôm trong tay một liên hệ mong manh, cuối cùng và duy nhất. Vì, trên một ý nghĩa nào đó, tuy Viễn đang ngồi bên cạnh, săn sóc nàng, và mặc dầu tình yêu của chàng vẫn tràn đầy, nguyên vẹn, chính là nàng bắt đầu mất Viễn.
Bao nhiêu lần, trong tuần lễ trước khởi hành dời bỏ những vòm trời tây phương quen thuộc, Marlène đã hỏi:
"Gia đình anh có nhìn nhận em không?"
Lần nào, Viễn cũng sôi nổi trả lời:
"Em sẽ hoà hợp vào gia đình anh. Như một người ruột thịt".
Marlène muốn tin như vậy. Nhưng lòng nàng thì phân vân và chứa đầy ngờ vực. Nàng lại hỏi:
"Còn anh?"
Viễn ôm hôn nàng, nồng nàn, đến nghẹt thở.
"Không bao giờ anh thay đổi. Anh sẽ yêu em suốt đời".
Sau chuyện đó, Marlène đã nín thinh. Viễn thề nguyền không bao giờ chàng thay đổi, chàng sẽ thuỷ chung, gắn bó đến tận cùng. Nhưng nàng? Nàng có như thế? Hay nàng sẽ thay đổi? Đó là câu hỏi Marlène không trả lời được.
Phi cơ hạ thấp hơn nữa. Trời bên ngoài quang đãng. Những phiến mây trắng biết mất. Trong tưởng tượng và đợi chờ của người đàn bà tây phương chừng như đã có những tiếng động rì rầm từ mặt đất và đời sống dưới thấp vọng lên. Đất mới tới rồi. Vĩnh biệt những đỉnh núi ngời ngời tuyết phủ, vĩnh biệt Thuỵ Điển quê hương. Marlène thấy nàng lẻ loi hơn bao giờ. Ôm con trong lòng, có chồng bên cạnh, nhưng tôi chỉ là một người lữ hành cô độc. Cuộc lữ hành bắt đầu.
Tiếng người chiêu đãi viên thánh thót, duyên dáng: "Phi cơ đã bay trên không phận Sài Gòn, tới phi trường Tân Sơn Nhất. Xin quý vị chuẩn bị" Marlène nhìn sang người chồng Việt Nam. Khuôn mặt quen thuộc của Viễn, khuôn mặt hàng ngày trầm tĩnh thư thái đã được thay thế bằng một khuôn mặt mới, đầy kích thích xúc động. Cũng dễ hiểu. Viễn đã xa nhà năm năm. Ở Thuỵ Điển, ở Pháp, ở Đức, ở những miền nghỉ mát trên núi Thuỵ Sĩ, trong những vụ hè đi tắm nắng trên những bãi biển Địa Trung Hải, không lúc nào là Viễn không nói đến ngày về.
Phi cơ đã thấp hẳn xuống. Là là mặt đất. Bên ngoài khung kính cái nắng chói loà. Thấp thoáng những ngọn cây. San sát những mái nhà. Bên ngoài khu vực phi trường xe cộ chạy như mắc cửi trên những con đường chằng chịt. Marlène thở ra một hơi dài. Nàng cố tạo cho nàng một nét mặt tươi tỉnh. Cho cuộc gặp gỡ đầu tiên với những người thân trong gia đình nhà chồng. Những người thân tới phút này, với Marlène vẫn chỉ là những người lạ mặt.
Đứng lẫn trong đám đầu người lố nhố vây bọc lấy nàng như một vòng đai ngột ngạt, Thu Hà kiễng chân, đứng chênh vênh trên đầu ngón, cố ném một cái nhìn tìm kiếm ra phi đạo chói nắng.
Căn phòng đợi thình lình trở nên chật chội. Thu Hà đứng chờ đã cả nửa tiếng đồng hồ. Hai bắp chân nàng mỏi nhừ. Thân thể bồn chồn nóng nẩy.
Buổi chiều hôm trước. Giao, người em gái của Viễn đến chơi, báo tin nhận được điện tín Viễn về bằng chuyến máy bay bốn giờ chiều hôm sau. Tin Viễn trở về bất ngờ. Phản ứng đầu tiên của Thu Hà là lặng người đi trong một bàng hoàng tê liệt. Ngày Viễn bỏ đi, nghe theo tiếng gọi giang hồ phiêu lãng, Thu Hà đã thức suốt đêm tới sáng. Nước mắt nàng đã chảy xuống đầm đìa. Chan hoà gò má. Ướt đẫm chăn gối.
Viễn lên đường một cách đột ngột. Tàn nhẫn. Chàng không thèm cho nàng gặp lại lần cuối cùng, ngoài một lá thư ngắn, với câu nói vĩnh biệt không bao giờ lặp lại: "Anh xin lỗi. Nên tìm xây dựng hạnh phúc và cuộc đời với một người đàn ông khác". Thu Hà đã xé nát lá thư thành hàng trăm mảnh nhỏ. Đã nguyền rủa Viễn. Đã oán thù chàng. Đã coi chàng như thôi, như chết hẳn. Bao nhiên đổi thay ghê gớm đã đến với đời nàng sau đó. Những người đàn ông khác xuất hiện, đẩy lui hình bóng người tình đi xa về một hậu trường quá khứ. Rồi qua những lần gặp Giao, nàng được biết Viễn đã lấy vợ, đã lập gia đình, vợ của Viễn là một người đàn bà Tây phương chàng gặp trong đổi dời và xê dịch. Viễn đã chết, lại bị coi thêm như một lần chết nữa. Và Thu Hà đào mộ chôn Viễn, đã tưởng rằng trên nấm mộ tình ái đó, chỉ còn những đời kiếp lãng quên.
Nàng lầm. Giao đến báo tin Viễn trở về, và qua phút tê liệt bàng hoàng, Thu Hà nghe thấy trái tim nàng đập, như vỡ tan lồng ngực.
Câu hỏi đầu tiên:
"Anh ấy về với ai?"
Người em gái của Viễn:
"Vợ anh ấy và đứa con gái đầu lòng. Chị ra đón anh ấy với gia đình chúng em không?"
Thu Hà đã nhún vai trả lời:
"Tất nhiên là không".
Nàng cười, ngạo mạn:
"Chị coi anh Viễn như chết rồi, từ lâu. Còn đón, còn gặp nhau làm gì nữa nhỉ?"
Câu nói hữu lý được nối liền bằng một hành động tối thậm vô lý buổi trưa ngày hôm sau. Ba giờ. Thu Hà đã thấy nàng ngồi trước bàn phấn. Vội vã trang điểm, vội vã mặc quần áo và vội vã lái xe hơi riêng ra phi trường. Viễn về đánh thức dậy ở Thu Hà mối tình cũ, thắm thiết, chỉ chôn vùi trong tâm thể mà không đuổi khỏi được cuộc sống. Yêu, nhớ, thù hận, vương vấn, ở Thu Hà lẫn lộn, cùng với sự kích thích mãnh liệt của óc tò mò muốn biết, ngay từ những giây phút trở về đầu tiên của Viễn, con người Viễn bây giờ ra sao. Nhất là người đàn bà Tây phương kia, người đàn bà đã thấp thoáng cái hình dáng thách thức khó chịu của một tình địch.
Chiếc áo dài màu cá vàng ôm sát lấy cái thân hình óng ả của Thu Hà đã lấm tấm mồ hôi. Phi đạo ngoài xa vắng ngắt dưới mặt trời lênh láng. Thu Hà quay lại, hỏi Giao đứng sau lưng:
"Có chắc máy bay sắp tới không em?"
Thay cho câu trả lời, Giao chỉ tay ra phi đạo:
"Kia rồi, chị!"
Như một con chim bạc khổng lồ, chiếc máy bay xuyên đại dương từ một đầu phi đạo không nhìn thấy, hiện ra trước tầm mắt. Đà lăn của máy chậm lại. Phi cơ tới cuối phi đạo. lượn vòng trở lại. Rồi im sững dưới nắng. Trái tim Thu Hà bắt đầu hồi hộp đập mạnh.
Marlène đứng thẳng người, trang nghiêm và chăm chú. Bồng con nhỏ Elga trên tay, đôi mắt xanh biết mở lớn, trong sự lễ độ có lẫn sự kinh ngạc, người đàn bà Tây phương yên lặng nghe chồng giới thiệu những người thân của gia đình chàng. Nàng mới chỉ biết đến họ. Qua một vài tấm hình. Bây giờ Marlène mới được nhìn thấy tận mặt. Ông lão già, gầy guộc, đeo kính cận thị dầy cộm kia là cha Viễn. Và mẹ Viễn, bà lão già nhút nhát với cái nhìn hoảng hốt và một vành khăn nhung trên mái tóc đã có nhiều sợi bạc. Và em gái Viễn là người thiếu nữ hiền lành đứng sau lưng mẹ, nhìn Marlène không rời. Marlène muốn ôm hôn từng người như nàng vẫn biểu lộ tình cảm một cách tự nhiên như thế ở Thuỵ Điển. Nhưng ai nấy chỉ gật đầu nhìn Marlène đăm đăm, như nhìn một hiện tượng lạ mắt, một con quái vật. Marlène đành chỉ đưa tay ra bắt tay từng người, sau mỗi lời giới thiệu. Những cái bắt tay gượng gạo, lạnh nhạt. Sau cuộc giới thiệu, sự xa lạ, vẫn nguyên vẹn. Cái hố cách biệt cũng vậy, chưa được lấp đầy.
Giao đánh bạo hỏi anh:
"Sau đây anh và… chị về đâu?"
Viễn đón ý Marlène bằng cái nhìn dò hỏi. Chàng trả lời:
"Khách sạn".
"Cháu kháu khỉnh quá. Tên là gì thế anh?"
"Elga".
Giao chia tay. Marlène trao con nhỏ cho cô em chồng. Elga chùn người lại, mặt mũi hốt hoảng thiếu điều muốn khóc. Viễn cười:
"Cháu còn lạ. Để quen cô dần".
Chàng hỏi mẹ:
"Thày mẹ vẫn ở nhà cũ?"
Bà mẹ chưa nhìn xong người nàng dâu mới, lớn hơn bà hẳn một cái đầu, đáp vắn tắt:
"Phải".
"Ngày mai con sẽ đưa nhà con đến thăm thày mẹ".
Và bằng một giọng thân mật, Viễn nói với em gái:
"Marlène mua cho Giao nhiều quà lắm đấy. Mai em sẽ nhận được. Thôi bây giờ mời thày mẹ ra xe về nhà. Chúng con đến thẳng khách sạn Caravelle".
Phòng đợi đã vợi người. Nhiều tiếng máy xe liên tiếp nổi lên ở bãi đậu phía trước phi trường. Cha mẹ Viễn nhìn Marlène một lần cuối cùng, gật đầu chào rất kiểu cách, rồi bỏ đi. Lúc này, Viễn mới nhìn thấy Thu Hà. Chàng kêu lên một tiếng bất ngờ, đầy kinh ngạc bối rối. Đứng khá xa, ở một góc phòng, Thu Hà đã thấy Viễn ngay từ lúc chàng tươi cười đi vào phòng đợi. Viễn thay đổi nhiều. Như phải thế, cho một đời người đàn ông chìm nổi. Chàng rắn rỏi, đứng đắn hơn, một người chồng đã thay thế cho chàng thanh niên được người tình cũ ngay từ tia nhìn đầu tiên. Nàng không giết chết được Viễn trong trí nhớ. Trí nhớ nàng chính là Viễn đó, Viễn đã trở về.
Hai mắt mở lớn, nét mặt nghiêm lặng nhưng căng thẳng, Thu Hà đứng im, hai tay buông thõng. Đám đông không còn nữa. Những khoảng trống chung quanh làm nổi bật lên sự cách biệt của nàng. Thu Hà hoang mang không biết nàng muốn gì. Gần như nàng muốn bỏ chạy. Lại gần như nàng cứ muốn đứng đó, chôn chân xuống đất. Gần như nàng thầm mong Viễn đừng nhìn thấy nàng, chàng bỏ đi với vợ con chàng mà không hề biết nàng đã ra đón. Cũng gần như nàng muốn Viễn xem thường hết. Để chạy đến với nàng, ôm hôn. Thật chặt, lên tóc, lên môi, lên cổ. Thành một trận mưa hôn. Như ngày xưa hai người yêu nhau.
Ở Viễn thì là một bất ngờ lớn lao kéo dài. Chàng đã tưởng chàng nhìn lầm. Nhưng không, Thu Hà là loại đàn bà chỉ có một, không thể có một Thu Hà khác, Chàng bảo nhỏ Marlène:
"Em nhìn thấy bến xe phía trước kia không?"
Marlène gật:
"Thấy".
"Đưa con ra đó chờ anh năm phút. Anh lấy va ly sẽ ra ngay. Thấy chiết taxi nào, lên ngồi trước kẻo nắng".
Marlène hơi cau mày nhưng rồi cũng làm theo lời chồng. Chờ cho Marlène ra khỏi phòng đợi, Viễn từ từ tiến đến trước mặt người tình cũ. Chàng vuốt tóc, hơi mỉm cười, dịu dàng:
"Hà đấy à!"
Câu trả lời của người đàn bà lập tức là một khiêu khích:
"Anh tưởng là người khác hay sao?"
Viễn ôn tồn:
"Đâu có. Nhưng anh ngạc nhiên. Em ra đây làm gì vậy?"
"Xem phong cảnh".
Thu Hà quay nhìn đi chỗ khác, nét mặt hiện đầy vẻ hờn giận oán trách. Nàng vẫn đẹp, đẹp khác thường, đẹp lạ lùng. Thời gian đã in lên khóe mắt, vừng trán, những thoáng tàn phai thứ nhất. Nhưng chính vì thế mà Viễn vừa gặp lại ở người tình cũ một vẻ đẹp riêng, não nùng và mới lạ. Thu Hà mím môi:
"Đón anh đấy. Không bằng lòng sao?"
Viễn lắc đầu:
"Đừng nói với anh như vậy. Tất nhiên anh bằng lòng".
Chàng nhắc lại:
"Rất bằng lòng".
Hất hàm ra phía bến xe, ở đó Marlène và con Elga đang chờ đợi, Viễn hỏi:
"Em thấy vợ anh?"
"Có".
"Cả con gái anh nữa?"
"Phải. Người đàn bà ấy với anh đẹp đôi lắm".
Viễn làm ngơ, như không nhận thức được ý nghĩa giễu cợt châm biếm trong câu khen ngợi. Thu Hà còn muốn gì chàng? Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua cuộc sống của hai người. Bây giờ là hai con đường riêng tây. Dư hương còn lại của cuộc tình ngày nào là chút ngậm ngùi luyến tiếc. Phải như thế. Nhưng cũng chỉ là như thế. Chuyện cũ đã chết. Kỷ niệm là đồng nghĩa với lãng quên và xa cách một đời. Viễn ôn tồn:
"Hà vẫn được mạnh".
"Phải".
"Chắc em còn giận anh".
Những câu thăm hỏi dịu dàng pha lẫn một phút buồn rầu thành thực của Viễn cuối cùng làm cho Thu Hà xúc động. Bằng một kìm giữ phi thường, Thu Hà đã cố làm ra cứng rắn. Nhưng nàng chỉ tự mâu thuẫn với mình. Cứng rắn, nàng ra phi trường đón Viễn để làm gì? Sự có mặt của nàng đã là một thú nhận. Là nàng chưa quên được Viễn. Hơn nữa, còn yêu Viễn. Giọt nước đã tràn khỏi cái ly đầy ắp. Và trào. Hai bờ vai rung lên, Thu Hà nhìn Viễn đăm đăm rồi nàng lắc đầu như tức giận và gục đầu xuống.
Tiếng Viễn bao trùm, trầm trầm:
"Anh có tội với em nhiều lắm".
Thu Hà cố giữ một giọt nước mắt khỏi chảy xuống gò má, trong khi Viễn nói tiếp:
"Anh không thể đứng lại ở đây lâu với em. Nếu như anh có làm cho em đau khổ, tha tội cho anh".
Thu Hà vùng quát lớn:
"Tôi không nghe. Tôi không nghe. Anh đi đi. Đừng đứng trước mặt tôi như thế nữa".
Viễn đứng im, không biết nên xử trí thế nào. Chàng biết chàng không thể đứng lâu hơn được, dù chỉ là một phút. Marlène đang chờ đợi và chắc đã nóng nảy. Đứng lại, chàng cũng không còn biết nói thêm với Thu Hà như thế nào. Mọi chuyện đã tan vỡ, đã lỡ dở hoàn toàn. Chàng biết chàng có tội, nhưng tội lỗi đó chắc chắn không bao giờ được tha thứ. Cố nhiên là như thế, tình yêu. Nó không phải là một tha thứ. Nó được làm bằng những đam mê bốc lửa, những thù oán một đời. Bởi vậy mà không thể bỏ qua, không thể tha thứ.
Thu Hà thấy một bàn tay đặt thật nhẹ lên vai nàng và tiếng Viễn, nhỏ, chỉ vừa đủ cho nàng nghe thấy:
"Thôi em về sau. Anh rất bằng lòng đã được gặp em ở. Cám ơn em một lần nữa".
Ngừng một giây, Viễn nói tiếp:
"Quên anh đi. Anh đã về, nhưng hãy coi anh như đã chết".
Thu Hà ngửng đầu lên và nhìn theo. Nàng thấy Viễn bước rảo ra phía bến xe, như người đi trốn, không quay nhìn trở lại. Một tiếng máy xe nổi lên. Một chiếc xe lăn bánh dời khỏi phi trường. Thu Hà đứng thật lâu, mắt đăm đăm nhìn khoảng không trước mặt. Phòng đợi chỉ còn mình nàng. Xa xa cái nắng loà chói trên phi đạo đã dịu xuống. Ngày đang ngả về chiều. Chiều thê lương, buồn bã. Một lúc thật lâu như thế rồi Thu Hà bừng tỉnh khỏi dòng mơ mộng đắm đuối. Nàng lấy khăn tay ở sắc ra, lau mắt. Nàng biết nàng sẽ phải gặp lại Viễn. Phải coi Viễn như đã chết rồi? Một ngàn lần không. Phải, Thu Hà, biết rằng thế nào nàng cũng phải gặp lại Viễn, ít nhất cũng một lần.
Chiếc taxi nhỏ chật, cũ nát, lăn từng vòng nhọc mệt, ậm ạch. Mặt nhựa nóng chảy. Không khí thả vào lòng xe những hơi lửa bỏng rát. Hai bên đường, những bức tường màu vàng, những mái ngói đỏ chói thấp thoáng sau những hàng cây đứng im. Buổi chiều nung nấu với cái nắng vẫn loà choá như khi mới tới phi trường khiến Marlène cảm thấy ngạt ngột tức thở. Da mặt nàng bừng bừng. Thái dương nhức nhối, và mồ hôi đã đầm đìa khắp cùng thân thể.
Sài Gòn hiện dần, trước cặp mắt thiếu thiện cảm của Marlène. Chiếc taxi càng đi sâu vào trung tâm thành phố Marlène càng thấy bị vây bọc bởi những cảnh tượng hoàn toàn xa lạ. Con đường trở về Thuỵ Điển đã bị lấp kín, lấp hẳn.
Viễn hỏi sang:
"Đã thấy lạ mắt chưa? Rồi anh sẽ đưa em đi chợ Bến Thành, vào Chợ Lớn. Sài Gòn có những kỳ quan khắp thế giới không đâu có".
Marlène phát biểu một nhận xét trái ngược làm Viễn cụt hứng:
"Thành phố nào cũng giống thành phố nào".
Nàng nhớ lại một lời hứa của Viễn. Và nhắc luôn cho Viễn đừng quên lời hứa đó:
"Giáng Sinh năm nay, anh cho mẹ con em trở về bên ấy đấy nhé!"
Viễn cười:
"Chưa tới nơi đã nhớ nhà rồi sao?"
Thình lình Marlène hỏi:
"Người đàn bà mặc áo dài Việt Nam màu cá vàng là ai vậy?"
Viễn làm như đã quên đứt Thu Hà:
"Người đàn bà nào?"
Marlène bĩu môi giễu cợt:
"Sao trí nhớ anh đột nhiên mất tiêu đi vậy. Anh bắt mẹ con em đợi ngoài taxi quá lâu. Để đứng lại nói chuyện với người đàn bà đó mà".
Viễn nhún vai, đáp cho qua:
"Một người bạn của em gái anh".
"Thân thiết gắn bó lắm mới ra đón tận phi trường như thế chứ?"
Viễn lại nhún vai nữa:
"Thường thôi".
"Chứ không phải là vợ cũ hay nhân tình? Đừng đánh lừa tôi. Tôi đã thấy hai người nhìn nhau đắm đuối như thế nào rồi".
Viễn cười lớn, ôm lấy người vợ đã ghen tuông, đã nghi ngờ. Tiếng cười lớn che lấp một tâm trạng lo lắng. Marlène ghen, ghen ghê gớm. Mỗi lần Marlène ghen là một lần Viễn điên đầu. Chàng còn nhớ mãi vụ "sì căng đan" ấy, trong một tiệm nhảy ở Stockhom. Chàng chỉ nhảy với người bạn gái có một bản. Ôm rất xa, nhảy rất đứng đắn. Sau đó chàng trở về bàn với Marlène ngay tức khắc, vậy mà cơn ghen của Mar-lène vẫn bùng nổ như thường. Ngay tại chỗ. Ngay lúc đó. Đêm đó, Viễn đã phải đưa ngay Marlène về nhà, trước hàng trăm cặp mắt vui thú của những người chung quanh. Về đến nhà, Marlène lại nổi cơn ghen. Nàng gào thét. Đập phá. Đòi ly dị.
Lần này sẽ còn khủng khiếp hơn những lần trước nếu Marlène biết Thu Hà là người tình cũ của chàng. Thật là tai hại. Chàng không thể ngờ Thu Hà còn nhớ. Và đã ra đón chàng tận phi trường. Đàn bà như thế. Luôn luôn đẩy người đàn ông họ ưa thích vào những trường hợp khó xử. Đàn bà đem lại hạnh phúc cho đàn ông? Không đâu. Nghìn lần không. Đàn bà là nỗi khổ tâm vô tận cho đàn ông. Viễn đã định nín thinh. Bỏ qua. Nhưng sự im lặng với Marlène chắc chắn là một thú nhận tội lỗi. Viễn đành chỉ biết nói đùa:
"Em nhiều tưởng tượng quá!"
Marlène hầm hầm:
"Mong là như thế".
Viễn ngồi im, nghĩ đến Thu Hà vừa gặp lại và còn biết bao nhiêu người khác, thân quen, xa gần, mà chàng sẽ tiếp xúc lại, dù muốn dù không, sau năm năm xa nhà. Hoà nhập trở lại đời sống quê hương, có thêm Marlène và con Elga, không phải là một hoà nhập thuận hợp, dễ dàng như chàng lầm tưởng. Thuyết phục Marlène cho tới khi nàng chấp nhận đời sống mới dưới vùng trời này, thuyết phục hứa hẹn sẽ khó khăn và muôn vàn cực nhọc. Mặt khác, chàng cũng lại phải thuyết phục gia đình chấp nhận Marlène nữa. Những cái nhìn trao đổi đầu tiên giữa người nàng dâu tây phương và bố mẹ ở phi trường cho Viễn biết là một hố thẳm cách biệt đã khơi đào giữa họ. Cuộc hôn nhân của chàng ở hải ngoại không được cha mẹ bằng lòng. Hay chỉ bằng lòng một cách miễn cưỡng, Viễn biết rõ như vậy. Chàng bắt đầu sống với cảm tưởng đầy lo âu xao xuyến là chàng đã lầm khi đưa Marlène về Việt Nam. Niềm vui mừng được hội ngộ với đất trời quê hương ở Viễn chợt như không còn toàn vẹn. Đã có một dải mây đen kéo tới giữa vòm trời xanh biếc.
Chiếc taxi chạy ngang qua nhà thờ Đức Bà. Nó chậm đà lại giữa dòng xe cộ tuôn chảy nườm nượp vào đường Tự Do. Hai bên vỉa hè, dòng người chen lấn. Những tà áo nhiều màu tha thướt. Hàng cây trên đầu xanh ngắt. Những cửa tiệm tấp nập. Viễn chỉ trỏ ra ngoài:
"Đây là đường Tự Do, đó em!"
"Con đường đẹp nhất?"
"Phải, một thứ Champs Elysées của Sài Gòn. Một thứ 5ème Avenue của Nữu Ước".
Marlène bĩu môi:
"Mà chỉ là thế này".
Viễn đập đập lên tay vợ:
"Khó tính".
Marlène nhìn thẳng, như không có một cảnh tượng nào chung quanh xứng đáng làm cho nàng để ý. Như thế, cho đến khi chiếc taxi đậu lại trước thềm khách sạn Caravelle.
Tôi ở tạm khách sạn Caravelle chừng một tháng thì đòi lại được ngôi nhà trước khi xuất ngoại, tôi cho một người bạn sử dụng trong thời gian đi xa. Lúc cho mượn nhà, thật dễ. Lúc đòi lại nhà, thật khó. Marlène tức giận, bảo bạn hữu tôi toàn là một đồ lưu manh mất dậy. Người bạn là Lưu. Trước kia, Lưu không đến nỗi nào. Tử tế, dễ chịu là đằng khác. Tôi với Lưu chơi bời với nhau khá thân. Những lần tôi đi ăn, đi khiêu vũ cùng với Thu Hà, bao giờ nàng cũng đòi rủ Lưu đi cùng. Thu Hà nói Lưu vui tính, biết làm trò hề cho đàn bà cười, nói chuyện có duyên hơn tôi nhiều lắm. Hôm tôi gọi điện thoại báo tin cho Lưu là tôi mới về, Lưu kêu lớn mừng rỡ trong ống nói, khẩn khoản mời tôi đến nhà dùng cơm tối, còn dặn thế nào cũng phải đưa Marlène tới cho Lưu được biết mặt. Tôi ngạc nhiên:
"Anh nói chúng tôi?"
Tiếng cười của Lưu trong ống nói:
"Anh chưa biết tôi đã lấy vợ?"
"Chưa. Kể cả chuyện lấy vợ của anh cùng tất cả những chuyện lớn nhỏ ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng".
"Thật không?"
Tôi xác nhận bằng một giọng văn hoa, trịnh trọng:
"Trong suốt năm năm ở nước ngoài, tôi sống đứt rời hoàn toàn với tổ quốc. Tin anh lấy vợ là một bất ngờ vui thú. Có con chưa?"
Lưu trả lời:
"Đã ba mống. Nghịch như quỷ sứ".
Tin Lưu lấy vợ, lập gia đình, khiến cho tôi băn khoăn về chuyện đòi Lưu trả lại ngôi nhà Lưu mượn. Nhưng tôi phải đòi. Bắt buộc. Lý do thứ nhất vì tôi không có chỗ ở nào khác. Lý do thứ hai, ở khách sạn Caravelle, tuy chỉ ở một căn trung bình có một phòng khách và một phòng ngủ, quá tốn. Mà tôi thì đã ở cái thế không thể tiêu xài hoang phí được nữa. Lý do thứ ba cũng là lý do bất khả kháng nhất. Marlène không chịu ở khách sạn. Chỉ sang đến tuần lễ thứ nhì, nàng đã gây chuyện với tôi sáng chiều. Nói căn buồng khách sạn nào cũng như một nhà ngục. Nói giam thân hoài trong một căn buồng bưng bít, nàng đã đau thần kinh muốn phát điên lên.
Marlène còn doạ:
"Anh không kiếm được nhà mau mau, em đưa con trở về Thuỵ Điển".
Tính Marlène lại không biết nói đùa. Nàng nói là làm. Và đã làm thì đất trời cũng không ngăn cản được. Tôi trình bày cho Lưu biết sự cần cấp phải lấy lại ngôi nhà trong nửa giờ nói chuyện với Lưu bằng điện thoại. Ở đầu dây đằng kia, một phút im lặng. Rồi giọng Lưu, cố làm ra vui vẻ như thường:
"Đương nhiên là phải trả lại nhà cho anh chứ".
Tôi nói cho rõ hơn:
"Mà anh phải trả ngay cho tôi mới được".
"Rồi. Nhưng phải lại ăn cơm đấy nhé".
Một buổi tối, hai ngày sau khi gọi điện thoại, tôi đưa Marlène đến ngôi nhà cũ. Nhớ hôm đó, tôi đòi Marlène trang điểm thật đẹp, phục sức thật lộng lẫy. Ngồi vào bàn phấn, Marlène hỏi:
"Để làm gì vậy?"
Tôi cười, cúi xuống, hôn nhẹ lên mái tóc vàng ánh của nàng, mái tóc mà nhiều lần tôi đã ngợi khen là đẹp nhất thế giới.
"Cho những người bạn Việt Nam biết anh đã lấy được một người vợ ngoại quốc tuyệt đẹp".
Marlène nhún vai:
"Bạn anh có biết thưởng thức vẻ đẹp dữ dội, nóng cháy, chan hoà sự sống của một người đàn bà Tây phương không?"
Tôi gật:
"Biết chứ".
Marlène bĩu môi:
"Chắc gì. Mấy lần đưa em đi dạo phố, anh không thấy sao, đồng bào anh quay lại nhìn em như một con quái vật. Đàn ông của cái thành phố thổ tả này nhìn đàn bà ngoại quốc bằng cái nhìn hết chỗ nói".
Lời nhận xét của Marlène hàm hồ. Hỗn xược, mất dạy là đằng khác. Nhưng tôi nhịn cho qua. Marlène theo tôi về Việt Nam, tôi coi đó là một hy sinh lớn lao của nàng, và tôi không muốn làm Marlène buồn lòng vì những cuộc cãi vã, bất hoà chừng như lúc nào cũng muốn nổ bùng giữa thời tiết Sài Gòn nóng bỏng. Thời tiết và khí hậu có những ảnh hưởng rất sâu đậm vào tâm tính Marlène. Động nóng nực một chút là Marlène bực bội, gắt gỏng, mất hẳn bình tĩnh. Ở Thuỵ Điển, ở Pháp, đâu có thế. Marlène không thích mùa hè không thích mặt trời. Bao nhiêu lần tôi đưa nàng đi nghỉ mát chỉ có lần sang Thuỵ Sĩ là Marlène hài lòng nhất. Chẳng phải vì phong cảnh Thuỵ Sĩ huyền ảo hay chuyến du lịch trữ tình, thơ mộng. Chỉ là lần đó, mùa đông thật buốt lạnh dưới vòm trời Thuỵ Sĩ và thời tiết dưới không độ thích hợp với nàng. Tôi lại trái ngược hẳn. Tôi không chịu được lạnh. Trở về Việt Nam, tôi gặp lại mùa hè như gặp lại người tình và đắm mình vào cái nắng chói lọi như cái nắng là tình yêu, là bằng hữu. Marlène thì không thế. Và để đối phó với cái nóng làm cho mặt mũi nàng lúc nào cũng đỏ gay, nhễ nhại mồ hôi, Marlène đã tạo cho nàng những thói quen mới. Chẳng hạn như ban đêm, nàng ngủ hoàn toàn khoả thân, và ban ngày, nàng vào buồng tắm dội nước ào ào ít nhất cũng ba bốn bận. Tôi chưa nói là Marlène có một thân hình tuyệt mỹ. Nở nang. Cân đối. Khêu gợi. Nồng cháy. Người ta nói nhiều đến những thân thể đàn bà gợi nghĩ đến một trái núi lửa nóng bỏng dục tình. Là trái núi lửa đó, cái khối da thịt bừng bừng dào dạt của Marlène. Biết mình có một thân hình tuyệt đẹp, Marlène có cái ý nghĩ táo bạo là thân hình đó phải được phô bầy. Nguyên cái sự ngủ khoả thân của nàng đã là một phô bầy mà tôi không ngăn cản được. Buổi tối, trong căn phòng khách sạn còn sáng trưng ánh đèn Marlène đã thản nhiên trút thoát hết quần áo. Nàng trần truồng đi đi lại lại, xem sách, nghe nhạc. Nàng loã thể trước khung cửa sổ mở rộng.
Tôi bảo nàng nhiều lần:
"Em có thể khoả thân trên giường. Khi đèn đã tắt".
Nàng ngạc nhiên.
"Đèn sáng thì sao?"
"Trông nó… lộ liễu quá".
Nàng nhún vai. Tôi chỉ tay về mấy khung cửa sổ mở thật rộng mà ở những ngôi nhà chung quanh, những cặp mắt tò mò có thể nhận thấy bằng hết, những cảnh tượng trong phòng kể cả cái cảnh tượng Marlène thoát y, phơi bầy tự nhiên những vùng bí mật mê mẩn nhất của nàng dưới ánh sáng soi chiếu:
"Người ta nhìn thấy".
Marlène lại nhún vai:
"Mặc. Nếu đóng hết mọi cánh cửa, căn phòng này là một lò lửa. Muốn em khỏi khoả thân, mọi người khỏi nhìn thấy, anh hãy làm cho cái thành phố này dịu mát đi. Hoặc đưa mẹ con em trở về Thuỵ Điển".
Gai chướng như thế đó. Tôi đành thua. Và để mặc cho Marlène muốn làm gì thì làm. Ra đường, sở dĩ nàng bị những cái nhìn làm cho nàng tức giận, chỉ bởi vì Marlène phục sức thật hở hang. Nàng chỉ mặc một chiếc áo ngoài, bên trong không có gì hết. Nghĩa là không có nịt vú cũng không có quần lót nữa. Đã thế cái áo lại thường hở cả tay cả ngực, ngắn cũn cỡn thật cao trên đùi gối. Mặc thế làm sao thiên hạ không nhìn cho được. Nhớ một buổi chiều, tôi đi dạo với Marlène trên hè đường Tự Do thì gặp một người bạn cũ. Tôi đứng lại bắt tay anh bạn, giới thiệu với Marlène. Anh bạn miệng trả lời những câu tôi hỏi, mắt thì nhìn Marlène không chớp. Lúc Marlène tới mua thuốc lá ở một quầy thuốc gần đó, anh bạn thì thầm vào tai tôi:
"Vợ anh ăn mặc quá khích hết sức".
Tôi trả lời:
"Bên Âu Châu, đàn bà như thế hết".
"Đã đành, tôi biết. Nhưng ở đây không nên. Anh đã nghe thấy dân ăn chơi ở đây đồn đại gì chưa?"
"Chưa, gì vậy?"
"Vợ anh nổi tiếng như cồn. Anh không hay biết gì hết?"
"Thành thực là không. Nổi tiếng ở điểm nào?"
"Lần đầu tiên, mãi đến hôm nay, tôi mới được giới thiệu với vợ anh. Nhưng nghe thiên hạ kháo nhau từ lâu rồi. Rằng người đàn bà phục sức hở hang, khêu gợi nhất thành phố này là vợ ông Viễn".
Tôi thuật lại câu chuyện đó cho Marlène nghe. Khi chúng tôi trở về phòng khách sạn. Nàng chỉ nhún vai không trả lời. Và lại tiếp tục ngủ khoả thân, tiếp tục đi dạo phố với những cái áo hở hang cùng mình như cũ. Quả thật là Marlène đã được chú ý đến. Đã nổi tiếng. Đã là đầu đề bàn tán của dư luận. Những phiền phức cho tôi, cũng từ đó và vì thế mà bắt đầu.
Bữa cơm tối vợ chồng Lưu đãi chúng tôi tại ngôi nhà của tôi ở đường Phan Thanh Giản khá thịnh soạn. Một vài món ăn cầu kỳ được mua về từ một tiệm Tầu danh tiếng trong Chợ Lớn. Thêm món ăn thuần tuý Việt Nam là món chả giò mà Marlène rất ưa thích, vì đã được nghe ca tụng nhiều lần. Nhưng, ngoài món chả giò và những lời thăm hỏi khách sáo, kiểu cách của Lựu khi chúng tôi đến, buổi gặp mặt xem như hư hỏng. Bầu không khí mất tự nhiên, trở thành ngột ngạt. Đôi khi gay gắt nữa. Điều thứ nhất làm cho tôi bực mình là ngôi nhà giao cho Lưu mượn, gần như không còn là ngôi nhà của tôi ngày trước nữa. Nó tiều tuỵ, nó thảm hại quá chừng. Những cánh cửa long gẫy. Những vì tường loang lổ. Nhà chứa xe đổ nát. Cả một bức tường phía sau đổ gục vì một trái hoả tiễn rớt xuống gần đó, Lưu cũng để mặc không cho xây lại. Tôi đi xem xét qua một lượt, giận đến tím mặt. Nhưng cũng đành nín thinh không dám phiền trách gì Lưu. Chỉ thầm mong Lưu trả ngay nhà lại cho tôi. Để trang hoàng và sửa sang lại.
Đã thế Lưu còn pha trò, rất vô duyên:
"Anh cho tôi mượn nhà là hên cho anh lắm đó".
Tôi ngẩn người:
"Còn hên nữa?"
Lưu thản nhiên:
"Chứ sao, âm đức nhà tôi lớn lắm. Nên nhà của anh mới còn được nguyên vẹn như thế này. Anh thử tưởng tượng xem. Trái hoả tiễn chỉ cần rớt gần hai mươi thước nữa…"
Tôi gật, nói mỉa:
"Âm đức nhà anh lớn thật. Tôi phải nhớ ơn anh suốt đời. Hôm nào anh giao nhà lại?"
Lưu nói lảng:
"Để lát nữa nói chuyện. Nhà tôi sẽ nói chuyện rõ ràng với anh chị".
Tôi vừa nghe Lưu thuật lại những đêm kinh hoàng của Sài Gòn trước trận bão lửa của những trái hoả tiễn từ những vùng ngoại ô tối tăm bắn cầu vồng vào thành phố vừa cùng Lưu trở lại phòng khách. Vợ Lưu tiếp chuyện Marlène. Ngôn ngữ bất đồng. Câu chuyện giữa hai người đàn bà xem ra chẳng đậm đà gì lắm. Marlène ngồi giữa đi-văng, chiếc mini-jupe Marlène mặc trên người, gấu váy kéo cao khỏi đầu gối. Ngực Marlène thật hở, căng phình, nhễ nhại, dưới ánh đèn. Và hai vợ chồng Lưu nhìn vợ tôi. Cái nhìn của Lưu khả ố bẩn thỉu. Cái nhìn của vợ Lưu tò mò, soi mói. Như Marlène không phải là một người mà là một con vật lạ mắt.
Chúng tôi vào bàn ăn. Marlène ghé vào tai tôi nói thầm, nàng muốn về khách sạn càng sớm chừng nào càng hay chừng nấy. Tôi cũng đồng ý với Marlène như vậy. Bữa ăn kéo dài. Điều làm tôi lạ lùng là vợ Lưu cứ đánh trống lảng sang chuyện khác mỗi khi căn nhà được đề cập tới. Cuối cùng tôi mới vỡ nhẽ ra rằng vợ chồng Lưu không có ý định trả lại ngôi nhà cho tôi một chút nào, mà muốn ở lỳ, muốn chiếm đoạt.
Cố gắng giữ bình tĩnh, tôi nói:
"Anh chị đã thấy chúng tôi đang ở tạm khách sạn Caravelle".
Vợ Lưu:
"Anh đuổi gia đình chúng tôi đi thì chúng tôi lại không có chỗ nào ở tạm hết".
Tôi kinh ngạc:
"Thế là thế nào?"
Vợ Lưu thản nhiên:
"Chừng nào tìm được nhà khác chúng tôi sẽ dọn đi ngay, xin hứa với anh như vậy".
Vợ Lưu nói tiếp, rành rọt từng tiếng:
"Và chỉ dám hứa với anh như vậy".
Mặt tôi đã nóng bừng. Tôi hối hận vô tả đã cho Lưu mượn nhà. Ngu dại thật. Biết thế cứ đóng cửa để đó. Tôi gượng cười:
"Thời gian anh chị tìm nhà là bao nhiêu lâu?"
"Thưa anh, không chừng. Cũng không nói trước được. Năm, ba tháng. Cả năm cũng nên. Anh đi xa mới về không rõ. Ở Sài Gòn lúc này tìm một căn phòng thôi, cũng đã là một chuyện khó khăn. Dù sao vợ chồng tôi cũng xin hết sức cố gắng".
Câu chuyện muốn biến thành một vụ cãi lộn đến nỗi cặp mắt của Marlène đã sáng quắc. Nàng mím môi lại, khuôn mặt bừng bừng sắc giận. Bữa ăn chấm dứt đột ngột. Cả bốn chúng tôi đều không ai muốn nó kéo dài thêm nữa. Tôi nghiêm mặt bảo vợ Lưu:
"Có lẽ chị không hiểu lúc tôi cho anh mượn nhà như thế nào. Tôi đã nhấn mạnh cho anh rõ là chỉ cho mượn trong thời gian tôi đi xa. Đúng không?"
Lưu đành gật đầu công nhận.
"Đúng".
"Tôi còn nói rõ là khi tôi về, anh phải trao lại ngôi nhà này cho tôi tức khắc, đúng thế không?"
Lưu nín thinh. Tôi nói tiếp:
"Nhà cửa của tôi, anh để hư hại, tiều tuỵ, không thèm tu bổ, không thèm sửa chữa. Tôi sẽ mất mấy trăm ngàn để sửa chữa lại. Nhưng thôi, không sao. Bây giờ tôi hỏi anh một lần cuối cùng. Bao giờ trả nhà tôi, xin cho tôi biết".
Vợ Lưu vừa toan lên tiếng, tôi đã giơ tay cản lại:
"Tôi không nói chuyện với chị. Chị không biết điều chút nào hết".
Vợ Lưu xám mặt, bỏ vào nhà trong. Cảnh tượng buổi tối hôm đó ở nhà Lưu nhớ lại thật hết sức lố bịch. Nó hệt như một màn hài kịch vậy. Lúc chúng tôi đến thì đôi bạn thân làm ra vẻ mừng rỡ được gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, không khí thay đổi, trái ngược hẳn lại. Thành một cuộc đấu khẩu quyết liệt. Thấy Lưu nín thinh tôi nạt lớn:
"Anh trả lời tôi đi".
"Tôi sẽ trả lời anh sau".
Cơn điên giận của tôi thình lình bùng cháy. Tôi không còn nhìn thấy Lưu là một người bạn nữa. Mà chỉ còn thấy Lưu như một thằng đê tiện nhất, tráo trở nhất mà tôi thấy ở trên đời. Trước kia y đâu đến nỗi này. Từ ngày lấy vợ, mới đâm ra khốn nạn, mặt dầy mày dạn như thế. Tôi đã tin ở sự ngay thẳng và tôn trọng chữ tín của bạn. Chợt thấy mình ngây thơ, khờ dài, đến một mức độ không thể tha thứ. Tôi quát:
"Anh định chiếm đoạt ngôi nhà của tôi?"
Lưu nhăn nhó:
"Đâu phải thế".
Tôi chỉ tay vào mặt Lưu:
"Không nể anh là bạn cũ, tôi đã đấm vỡ mặt anh ngay lúc này. Từ nay, tôi không thèm bè bạn với anh nữa. Còn về ngôi nhà, tôi cho anh một hạn cuối cùng là mười lăm ngày. Quá hạn, đừng trách tôi không nói trước".
"Anh sẽ làm gì?"
"Khi đó sẽ biết. Thôi, chúng mình đi về".
Tôi nắm lấy tay Marlène, kéo nàng xuống thềm, đi mau ra đường. Vụ ngôi nhà, Lưu, thằng bạn đê tiện, con vợ khốn nạn của nó làm cho đầu óc tôi u uất, bực bội mấy ngày liền. Trên đường trở về khách sạn Caravelle, tôi ngồi im, không nói một lời nào. Đã thế, Marlène còn không để cho tôi yên. Nàng giễu tôi ngu xuẩn, mù quáng, để cho kẻ khác đánh lừa dễ dàng như một đứa con nít. Marlène nói có lý. Tôi không biết cãi lại như thế nào. Về gần tới khách sạn, Marlène hỏi:
"Nếu chúng nhất định không trả nhà, anh đối phó ra sao?"
"Nhờ luật sư".
"Nếu nhờ luật sư cũng không ăn thua?"
Tôi cáu:
"Sao chưa gì em đã biết là không ăn thua?"
Marlène nhún vai:
"Anh đã nói là ở Sài Gòn này có hàng trăm hàng ngàn vụ đuổi nhà, mà kẻ thua là người có nhà. Anh khác gì những chủ nhà, chủ đất khác".
Tôi nói bừa:
"Khác".
Marlène cười nhạt:
"Để xem. Em chỉ muốn hỏi anh một câu là bạn hữu anh thằng nào cũng đê tiện như thằng cha vừa rồi sao? Thú thật, em đã chán ngấy cái không khí của những người chung quanh mà anh đang sống với họ. Em muốn trở về Thuỵ Điển".
Tôi gắt:
"Đừng lúc nào cũng nói đến chuyện doạ anh đưa con trở về Thuỵ Điển, được không?"
Marlène thản nhiên:
"Không được. Cũng không phải doạ. Chừng nào chịu đựng không được nữa em về Thuỵ Điển. Anh giữ cũng không được".
Lần đầu tiên từ ngày về nước, buổi tối hôm đó tôi đi uống rượu một mình, tới hơn một giờ mới trở về khách sạn. Rủ Marlène, nàng kêu mệt không đi. Tôi chỉ mong có thế. Tôi muốn được đi một mình, trọn một buổi tối, dìm chết nỗi buồn riêng tây vào men rượu. Lấy Marlène, con người đãng tử trong tôi một phần nào đã chết. Tôi đã quen ngủ sớm, hoà nhập vào nếp sống khá điều độ. Chỉ cần một tâm trạng u uất, một giây phút chán chường, mệt nhọc, và con người đãng tử xưa cũ trong tôi đã thức dậy. Tôi gọi xe, bảo đưa đến một quán rượu có âm nhạc. Uống vài ba ly, thấy chuếnh choáng rồi, tôi cao hứng đi ra, tìm đến một quán rượu có âm nhạc thứ hai.
Chính là ở quán hàng thứ hai này mà tôi gặp Nguyệt.
Nhớ bấy giờ đã khuya lắm. Đã gần nửa đêm. Người tài xế taxi thả tôi xuống một ngôi nhà một tầng ở đường Trần Quý Cáp. Cửa vào đóng kín. Nhưng tiếng nhạc trầm bổng ở bên trong vọng ra, thoảng tan đi trên hè đường đã lồng lộng gió đêm. Hơi rượu trong người tôi bừng bừng. Những bước chân lảo đảo. Đẩy cánh cửa dày, nặng, bước vào, tôi đứng ngỡ ngàng trong khoảnh khắc giữa một căn phòng đông đặc.
Khách ngồi kín khắp, không còn một bàn nào bỏ trống. Căn phòng mờ mờ tối. Ánh đèn từ dàn nhạc cuối phòng ném xuống một thứ ánh sáng chập chờn, xanh biếc, ma quái. Suốt hai dãy bàn kê sát tường, những cặp trai gái chụm đầu vào nhau, hôn nhau đắm đuối hay thì thầm trò chuyện. Thì ra quán hàng ca nhạc thứ hai này sở dĩ đông khách vì trước hết nó là một nơi chốn tình tự lý tưởng. Nhạc êm dịu trầm bổng, ướt đẫm tình cảm lướt thướt. Những xó góc tối hù. Người ta đến đây, tự do. Và người ta hôn nhau, ôm nhau, tự do trước mặt tôi.
Tôi vừa toan quay trở ra thì một người bồi bàn tiến lại. Y hỏi:
"Ông chưa tìm được chỗ ngồi?"
Đang say, tôi sừng sộ:
"Còn chỗ nào đâu mà tìm?"
"Vâng, đông quá. Đã hết chỗ từ mười giờ. Ông đi một mình?"
Tôi sừng sộ dữ hơn:
"Một mình hay mấy mình thì sao? Tao không có chỗ. Vẫn là tao không có chỗ".
Người bồi bàn tươi cười:
"Nếu ông đi một mình, mời ông lại quầy rượu ngồi tạm. Chừng nào có khách về, bàn trống, tôi sẽ mời ông đến".
Đêm đã khuya. Tôi đang say. Lúc đó tôi không muốn trở về khách sạn chút nào. Đã nói là con người đãng tử xưa cũ trong tôi lúc đó đã sống lại. Tôi có thể thức, tới sáng. Đi lang thang, tới sáng. Uống rượu liên miên, say ngất, tới sáng. Tôi gật:
"Được quầy rượu đâu, đưa tao tới".
Tôi đi theo người bồi bàn tới cái ghế duy nhất bỏ trống trước quầy rượu. Cái ghế cao ngất ngưởng. Tôi ngồi quay lưng lại dàn nhạc, trong cơn say chiếm đoạt. Tôi buồn rũ rượi. Chợt cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn hơn bao giờ. Phía bên kia quầy rượu, một người đàn bà đứng im nhìn tôi chăm chú. Cô ta nhỏ nhắn, nhưng duyên dáng, với đôi mắt sắc sảo và một nụ cười thật tươi tắn để lộ hàm răng óng ánh. Bộ complet đen cô ta mặc trên người có một vẻ gì khốc liệt, rất khuya, rất đêm. Đang buồn, tôi bắt chuyện, sau khi đã gọi một ly rượu:
"Tôi là Viễn".
Người đàn bà ngồi sau quầy nghiêng đầu, kiểu cách:
"Rất hân hạnh".
Tôi hỏi:
"Cô làm gì ở đây?"
"Ông coi tôi là quản lý cũng được. Tôi thay mặt ông chủ những lúc ông ta không có mặt. Như đêm nay".
Đang buồn, có một người đàn bà để nói chuyện, chuyện trên trời dưới biển, những chuyện không đầu không đuôi của một cơn say, tôi bám chặt lấy Nguyệt suốt buổi tối hôm đó. Phòng trà đông đặc. Nhưng tôi không còn nhìn thấy ai nữa, ngoài tôi và Nguyệt và những ly rượu bầy thành một hàng dài trên mặt quầy. Tôi hỏi Nguyệt bằng cái giọng chớt nhả nhất của một người say.
"Cô uống được rượu?"
Nguyệt nghiêng đầu, cười:
"Tất nhiên là được. Từ lâu rồi".
Tôi vỗ tay, mừng rỡ:
"Hay lắm. Tôi đang cần có một người bạn. Để uống rượu. Tới lúc không uống được nữa".
Cách nhau một quầy hàng, trong ánh sáng huyền ảo, ma quái, lúc đỏ chói lúc xanh biếc như sương, với tiếng nhạc trầm bổng từ sau lưng ném tới, tôi ngồi đối diện với người đàn bà mới quen, trong một cuộc rượu tuy tình cờ nhưng buông thả và sảng khoái đến cùng. Đâu như tôi đã kể cho Nguyệt nghe gần hết đời tôi. Mộng giang hồ ngày nhỏ. Chuyến xuất dương đầu đời. Những ngày lang thang qua những thủ đô Âu châu. Những đêm la cà trên những bến tầu, trong những quán rượu. Kể cả chuyện tôi gặp Marlène, đã có với Marlène một con gái nhỏ. Cuối cùng tôi cho Nguyệt biết đã trở về Sài Gòn được mấy tuần, và nhiều chuyện phiền phức nhiều mặt đã xảy ra. Như chuyện đòi lại ngôi nhà không được. Như chuyện Marlène không yêu thích đời sống mới của nàng ở Sài Gòn, luôn luôn hăm doạ mang con Elga trở về Thuỵ Điển.
Nguyệt cười:
"Cho nên anh buồn và tìm khuây trong men rượu?"
Tôi gật, cái nhìn đã lung linh, đầu óc đã quay đảo:
"Chính thế".
"Say là phải say tới sáng. Anh có dám ngồi đây tới sáng không?"
Tôi lắc đầu:
"Ngồi một mình buồn lắm".
Nguyệt gõ gõ tay xuống mặt quầy:
"Tôi ngồi lại đây với anh".
"Tới sáng?"
"Chớ sao. Rồi anh mời tôi đi ăn điểm tâm luôn. Tôi kinh ngạc nhìn Nguyệt. Nàng đã uống sang tới ly rượu thứ ba thứ tư gì đó mà không say chút nào. Nguyệt uống rượu thật giỏi. Như uống nước lã. Càng uống càng tươi thắm. Càng uống càng có duyên.
"Cô không phải về?"
Nguyệt nhìn tôi, tủm tỉm:
"Về đâu?"
"Về nhà. Nơi chồng con đang chờ đợi".
"Mấy đứa con tôi hiện đang ở với bà ngoại chúng. Chồng tôi đã ly dị với tôi từ lâu. Tôi ở một mình. Và không bắt buộc đêm nào cũng phải trở về nhà. Anh cũng vậy chứ?"
Tôi nghĩ đến Marlène. Đi một mình đã là quá đáng. Đi suốt đêm chắc là không được. Marlène sẽ la lối, sẽ gây chuyện. Đành thua:
"Không".
"Nghĩa là anh phải về".
"Vâng. Vì vợ tôi dữ lắm".
Nguyệt cau mày:
"Đàn ông phải trị vợ, không thể để cho vợ bắt nạt. Địa vị tôi là vợ, tôi để cho chồng tôi sống hoàn toàn tự do, như một người độc thân".
"Đàn bà nào cũng nói thế".
"Đến khi là vợ rồi, thì không chịu như thế nữa. Ý anh muốn nói vậy?"
"Phải".
"Tôi khác. Chồng tôi ly dị với tôi. Chính vì tôi đã để cho y được quá tự do".
Những điều Nguyệt vừa tiết lộ về đời tư của nàng làm cho tôi ngạc nhiên và thích thú. Không ngờ ở Việt Nam bây giờ cũng có loại đàn bà văn minh như thế, phóng khoáng như thế. Đúng là loại đàn bà mà tôi phải quen biết, để làm bạn trong những lúc có chuyện buồn, một đêm có Nguyệt ở bên cạnh sẽ là một đêm ngắn lắm. Đêm ngắn lại bởi ánh mắt Nguyệt tươi sáng, tinh nghịch. Bởi nụ cười lúc nào cũng nở tươi trên cặp môi hồng của Nguyệt như một đài hoa. Bởi lối nói chuyện của Nguyệt, vừa nhẹ nhõm, vừa duyên dáng. Tôi lại mời Nguyệt uống thêm với tôi một ly rượu nữa.
Lần này, nàng từ chối:
"Thôi, cám ơn anh".
Tôi cau mặt:
"Sao bảo uống đến sáng?"
"Em thì không sao? Sợ anh say".
"Đang muốn say. Đang cần say đây. Say cho quên hết những chuyện ưu phiền".
Nguyệt dịu dàng:
"Anh đang có nhiều chuyện buồn?"
Tôi gật:
"Hàng trăm. Hàng nghìn. Kể ra không hết".
"Những ai làm cho anh buồn".
Tôi nhún vai, giơ tay:
"Đủ hết. Mọi người, nhân loại này. Vợ gây chuyện. Bạn hữu thù nghịch, phản trắc".
Nguyệt ném cho tôi một cái nhìn tình tứ:
"Không phải ai cũng phản trắc, anh đừng vơ đũa cả nắm".
Tôi hỏi:
"Người nào không phản trắc. Nguyệt nói cho tôi hay".
Nguyệt chỉ tay vào ngực nàng:
"Em".
Tiếng nhạc thật lớn ở sau lưng tôi, rồi nhỏ dần. Mải nói chuyện, tôi không biết là dàn nhạc vừa dạo bài tạm biệt, phòng trà đang sửa soạn đóng cửa, những người khách cuối cùng đã lục tục đứng lên. Tôi hỏi Nguyệt:
"Đóng cửa rồi sao?"
"Tới giờ rồi, anh".
Tôi đập mạnh tay xuống mặt quầy:
"Cho một ly nữa".
Nguyệt lắc đầu với người bồi bàn, rồi dịu dàng khuyên tôi:
"Anh đừng uống nữa".
Tôi nói lớn:
"Ai dám bảo tôi như vậy".
"Em. Nghe em đi. Lần sau anh lại đây em sẽ ngồi với anh đến sáng".
Tôi chán nản:
"Lần sau nào? Không có lần sau nào biết".
Nguyệt đặt bàn tay nàng lên cánh tay tôi:
"Có. Muốn có thì nhất định có. Em tin chúng mình còn gặp lại nhau nhiều lần".
"Sáng mai Nguyệt không còn nhớ đến thằng đàn ông say rượu đêm nay là ai nữa".
Nguyệt dịu dàng:
"Em nhớ. Chỉ sợ anh quên thôi".
Nguyệt chờ tôi trả tiền xong rồi đưa tôi ra cửa. Tôi đòi đưa nàng về. Nhưng Nguyệt cười không chịu, nàng nói tôi đã say lắm, tôi cần ngủ để lần sau. Rồi bằng một dáng đi nhanh nhẹn uyển chuyển, Nguyệt bước lên một chiếc taxi đã chờ sẵn. Nguyệt vẫy tay, cười với tôi một lần nữa. Chiếc xe lăn bánh, nhỏ dần về phía cuối phố.
Tôi lững thững bỏ đi một mình trên hè đường khuya. Hơi lạnh ban đêm phà vào mặt. Chất men trong cơ thể loãng dần. Cơn say không thành. Cái vô ích của những cơn say là thế. Say đến mấy, đến nghiêng trời lệch đất, rồi đến lúc cũng phải tỉnh lại. Rượu chỉ là một lãng quên chốc lát. Không bao giờ được là một vĩnh viễn lãng quên.
Đêm hôm đó tôi đi bộ thật lâu, trước khi bước lên một chiếc taxi để trở về khách sạn. Hình ảnh những người đàn bà hiện lên. Marlène. Thu Hà. Nguyệt. Giữa những người đàn bà này, đời tôi là một khoảng trống trải lớn lao. Như cái bóng tôi cô độc trên hè đường thấp thoáng bóng lá. Đêm mênh mông chung quanh. Những con đường mở rộng trước tầm mắt, thẳng và sâu hút. Trên cao, lưng chừng những chùm lá lay động dịu dàng trong gió đêm, là những bóng đèn bất động toả xuống mặt đường thứ ánh sáng lạnh tanh và xanh biếc.
Lần đầu tiên từ ngày trở về Việt Nam mãi tới đêm nay, cái cảm giác hoang mang mới đến với tôi. Đó là cái cảm giác phân vân của một người đứng giữa một ngã ba đường. Không biết đi về đâu. Không biết chọn phương hướng nào. Ngày mai thốt mang một hình ảnh thật mịt mùng. Tưởng như quá khứ và sau lưng đã không nhìn thấy nữa, thì cái phía trước mặt cũng mù sương. Tôi về tới khách sạn khi đồng hồ đã chỉ đúng hai giờ sáng. Đèn trong phòng còn sáng, Marlène chưa ngủ. Ở trong phòng ngủ vọng ra tiếng của Elga. Từ ngày về Việt Nam con nhỏ đau luôn. Thời tiết và khí hậu ở đây chưa thích hợp cho đứa nhỏ ra đời ở xứ lạnh.
Thấy tôi bước vào Marlène hỏi ngay, bằng một giọng thật gay gắt:
"Anh đi đâu giờ này mới về?"
Tôi giơ tay mỏi mệt:
"Đã nói là đi uống một ly rượu".
Marlène chống hai tay vào cạnh sườn. Nàng nhìn tôi bằng cái nhìn của một người vợ muốn gây chuyện.
"Một ly thôi?"
Tôi ném mình xuống mặt ghế bành. Đầu óc u uất, thân thể rời ra. Hơi rượu đắng chát ở đầu lưỡi, bừng bừng trong cổ họng:
"Không nhớ. Vài ba ly gì đó".
Marlène bĩu môi:
"Vài ba ly thôi à! Trông cái bộ dạng say sưa bê bết của anh tôi thừa biết anh đã nốc hàng chai. Anh biết bây giờ là mấy giờ rồi không?"
"Biết. Khuya lắm rồi. Sao em chưa đi ngủ?" Marlène la lớn:
"Chờ anh về đây".
Tôi dịu dàng:
"Chờ anh về để làm gì? Con Elga đau hả? Sáng mai anh đưa nó đến bác sĩ".
Marlène sừng sộ:
"Anh trả lời tôi đã".
Tôi gật, chán nản và mỏi mệt đến cùng cực:
"Hỏi gì thì hỏi ngay đi".
"Anh vừa đi đâu?"
"Đến một quán rượu".
"Quán rượu nào?"
Câu hỏi ngây ngô khiến tôi bật cười:
"Quán nào em cũng không biết được. Chính anh cũng không biết, không nhớ. Anh đến một nơi có một quầy rượu, ở đó có một người bán rượu cho anh uống và trả tiền. Thế thôi".
Marlène bĩu môi:
"Chứ không phải là anh đến nhà con đó?"
Tôi giật mình, ngơ ngác:
"Con đó là con nào?"
"Cái con đàn bà Việt Nam dám ra đón anh tại phi trường. Anh đã đứng lại, nói chuyện thật lâu với nó. Hẹn hò với nó. Và tối nay đã nói dối tôi, anh đã đến nhà nó. Anh đừng tưởng tôi không biết gì hết".
Thì ra Marlène lầm tưởng tôi bỏ mẹ con nàng ở khách sạn một mình để đến với Thu Hà. Thật oan cho Thu Hà hết sức. Tôi đã quên bẵng mất Thu Hà. Marlène làm cho tôi nhớ lại người tình cũ. Mỗi lần Marlène ghen là một lần ghen tuông ghê gớm. Tôi đã có kinh nghiệm về chuyện này. Trong đầu óc tôi lại hiện lên cái cảnh tượng đêm đó, ở một sàn nhảy Paris. Tôi chỉ khiêu vũ một cách tự nhiên thân mật với một người bạn gái mà Marlène đã ghen lồng ghen lộn. Tôi dịu dàng:
"Anh đến một quán rượu. Không đến nhà một con đàn bà nào hết".
Marlène gầm lên:
"Nói dối".
Tôi gục đầu xuống, thần trí chập chờn dưới cơn say nặng trĩu:
"Đừng gây chuyện".
Lúc bình thường, tươi tỉnh, Marlène là một trong những người đàn bà khả ái nhất. Nàng có tất cả cái bề ngoài lịch sự óng chuốt của một người đàn bà văn minh. Nhưng lúc tức giận, đặc biệt là tức giận vì ghen tuông, nàng để lộ ra cái khía cạnh thô bạo, tục tằn rất đáng ghét. Trong Marlène có hai con người. Con người thứ hai hiện hình khi cái vỏ che đậy con người thứ nhất tan vỡ. Khi đó Marlène không còn là Marlène tôi đã yêu, đã lấy và muốn chung sống nữa. Tôi bỏ sang buồng ngủ. Căn buồng bừa bãi. Những đồ đạc, quần áo ném ngổn ngang cùng khắp. Marlène chưa chịu cho cuộc đấu khẩu chấm dứt. Nàng hùng hổ chạy sang, khi tôi thả buông thân thể mỏi mệt xuống mặt đệm.
"Con đàn bà ấy với anh là thế nào?"
"Một người quen cũ. Năm bảy năm về trước".
"Nó vẫn theo đuổi anh? Anh vẫn yêu thương nó?"
Tôi vùi đầu vào gối:
"Đã bảo là không. Không có chuyện gì hết". Marlène gật gù, đi đi lại lại trước mặt tôi, dáng điệu thật mất dạy:
"Anh đừng tưởng tôi ghen. Tôi không thèm ghen đâu. Nhưng nói trước cho anh biết là từ nay anh cũng không được ghen tuông lại với tôi".
Tôi vùng ngồi lên:
"Thế là thế nào?"
"Tôi sẽ bắt chước anh, đi với đàn ông cho anh coi".
Tôi quắc mắt:
"Anh làm gì mà em bắt chước?"
"Anh ngoại tình. Tôi cũng ngoại tình. Cho đồng đều cả hai vợ chồng".
Từ ngày lấy nhau, chưa từng bao giờ Marlène dám ăn nói với tôi hỗn xược như vậy. Chỉ sang Việt Nam mấy tuần, nàng đã đổi khác, một cách thật đáng lo lắng. Con người thứ hai, con người thấp kém, thô tục ở Marlène đã thức dậy. Nhưng sự hỗn xược cũng chỉ được phép tới giới hạn nào. Tôi ra khỏi giường, đến đứng trước mặt Marlène. Tôi dằn mạnh từng tiếng:
"Em vừa nói gì?"
Marlène nhún vai:
"Chuyện ngoại tình. Đàn bà bây giờ ngoại tình là chuyện thường lắm mà?"
Một cái tát như trời giáng làm cho Marlène ngã bật ngửa về phía sau. Sự kinh ngạc làm cho nàng há hốc mồm, không kêu lên được một tiếng. Đánh xong, tôi cảm thấy hối hận liền tức khắc. Tôi chưa từng có một cử chỉ vũ phu với Marlène như thế bao giờ. Đây là lần đầu. Tôi nhớ ngay được rằng, chịu đi theo tôi sang Việt Nam, Marlène đã phải hy sinh lớn lao. Nàng đã phải vất bỏ lại bên kia biển rộng những gì thương yêu và gắn bó nhất. Marlène nhịn đau, nín thinh. Tôi chạy đến, ôm lấy nàng, xin lỗi. Một lát sau, chúng tôi nằm bên nhau. Marlène nói:
"Những chuyện không hay sẽ xảy đến cho chúng ta".
Tôi bàng hoàng:
"Sao vậy được?"
"Đáng lẽ không bao giờ em nên thuận theo anh về Việt Nam".
Tôi hỏi:
"Hay là chúng mình trở về Âu châu".
Marlène lắc đầu:
"Cũng không được nữa. Em chỉ biết là tình của chúng ta đang tan vỡ".
Marlène ngừng lại một giây. Rồi nói tiếp.
"Tan vỡ mà chúng ta không làm gì được hết".
Suốt đêm hôm đó, mặc dầu say rượu và muốn ngủ, tôi cố gắng giải thích cho Marlène là tình yêu chỉ có thể tan vỡ bởi lòng người khi đã hết thương yêu. Chứ nó không thể tan vỡ vì thay đổi một vòm trời, một nếp sống, một không khí.
"Em hãy nhớ lại thời kỳ chúng mình mới gặp nhau. Chúng mình đã yêu thương, đã thể nguyền với nhau như thế nào?"
Marlène mơ màng, ánh mắt nàng xanh biếc hơn bao giờ:
"Đó là những ngày tháng thần tiên, tuyệt vời đã hết".
"Hãy giữ cho nhau lời thề nguyền đã có".
Marlène lắc đầu:
"Chính anh đã làm khác".
Tôi kinh ngạc:
"Làm khác thế nào?"
"Bấy giờ anh đâu có bảo em là một ngày em phải theo anh về Việt Nam".
"Người đàn ông lang bạt nhất thế giới cũng một ngày phải trở về quê hương, đất nước của mình. Anh cũng vậy. Anh phải trở về với gia đình".
Marlène nhấn mạnh từng tiếng:
"Gia đình anh".
Tôi kêu lên, bực bội:
"Gia đình anh cũng là gia đình em".
Marlène xua tay:
"Em đã muốn như thế. Nhưng bố mẹ, anh em anh đâu có muốn như thế".
Điều này, tôi phải công nhận là Marlène nói đúng. Tới phi trường Tân Sơn Nhất, về khách sạn Caravelle được hai ngày, tôi đã đưa Marlène về gia đình tôi. Cha mẹ và các em tôi ở một căn nhà kiểu cổ trong vùng Chợ Quán. Lần họ mới được giới thiệu với Marlène ở phi trường tôi chưa thấy gì hết. Nhưng tới lần đưa Marlène và con Elga về gia đình, tôi mới biết cuộc hôn nhân của tôi với một người đàn bà Tây phương đã không được gia đình tôi chấp nhận. Chỉ riêng Giao, con em gái tôi có vẻ quý mến Marlène thành thực. Còn hết thảy đều nhìn ngó Marlène bằng những cái nhìn thật lạnh nhạt, thiếu vắng hết mọi cảm tình. Cuộc tiếp đón hôm đó thật gượng gạo, miễn cưỡng. Quả thật là người đàn bà tây phương tóc vàng, mắt xanh là Marlène không tìm được chỗ đứng trong gia đình chúng tôi. Mẹ tôi giận tôi ra mặt. Người cáo bệnh nằm ở trong nhà. Lúc gần về, nói chuyện riêng với Giao mười lăm phút, tôi mới biết rõ nguyên nhân sự thù ghét rõ rệt mà mẹ tôi đã dành cho Marlène.
Chả là Người vẫn nuôi hy vọng lấy cho tôi một người vợ khác. Một người đàn bà Việt Nam hoàn toàn. Giao cho biết người đàn bà đó tên là Bích. Giàu có. Tuy hơi nhiều tuổi một chút. Bích có một tiệm vàng ở sau chợ Bến Thành, gia đình Bích giao du thân thiết với gia đình tôi từ rất lâu. Mẹ tôi vẫn đinh ninh là chừng nào tôi từ ngoại quốc trở về, tôi phải lấy vợ và người đó phải là Bích.
Không ngờ lại là Marlène. Bà ghét Marlène vì lẽ đó.
Mẹ tôi ghét, cha tôi cũng ghét theo. Sự lạnh nhạt này, Marlène nhận thấy ngay. Tự ái của nàng bị thương tổn nặng nề. Lúc ra về, lời đầu tiên mà Marlène nói ngay với tôi ngoài hè đường là không bao giờ nàng đặt chân trở lại nhà cha mẹ tôi nữa.
Nàng nói, có việc gì tôi về nhà tôi một mình.
"Em phải kiên nhẫn một chút".
Marlène lắc đầu:
"Tính em nóng, thẳng. Không biết kiên nhẫn đối với những người không tốt với em".
Tôi nói:
"Giao rất có cảm tình với mẹ con em".
"Thì bảo cô ấy lại chơi. Chứ anh không bằng lòng cũng mặc anh, em không gặp lại thầy mẹ anh nữa".
Lần thứ nhất đưa vợ về gia đình, với tôi, xem ra cũng là lần cuối cùng. Tôi không trách Marlène vào đâu được. Không phải là về Việt Nam, với gia đình nhà chồng, mà ở Thuỵ Điển với chính gia đình nàng cũng vậy, Marlène có một thái độ xa cách rất rõ rệt. Mái gia đình nào với Marlène cũng là tù ngục. Nàng sống tự do, một mình, từ rất sớm. Nàng chỉ biết có nàng, đứa con và tôi. Thế thôi. Trách cứ tôi về chuyện Thu Hà xong, Marlène quay sang chuyện ngôi nhà chưa đòi lại được.
"Vợ chồng thằng cha ấy không chịu trả?"
Tôi đáp:
"Mình cũng nên để cho họ một thời gian".
"Bao nhiêu lâu?"
"Hai tuần, một tháng gì đó. Như anh đã nói".
"Nếu quá hạn đó họ vẫn không chịu đi".
"Khi đó mình sẽ nhờ pháp luật can thiệp giùm".
Marlène tỏ ra nghi ngờ:
"Can thiệp là một chuyện. Điều em muốn anh cho biết là can thiệp có được không?"
Tôi đáp cho xong:
"Phải được chứ".
Marlène hậm hực:
"Cái gì anh cũng nói được. Từ ngày về đây em chưa thấy anh làm được cái gì hết".
Nàng lại bắt sang chuyện khác, toàn những chuyện tôi không muốn nghĩ đến làm gì cho mệt óc:
"Anh nhớ mỗi tháng chúng mình phải trả tiền phòng bao nhiêu không".
"Nhớ. Nhiều quá".
"Tiền gần hết rồi đó. Anh biết không?"
"Biết".
"Anh chưa tìm được công việc làm?"
Tôi gượng cười:
"Lúc nào có công việc thì biết là lúc đó có, mình có quyết định được chuyện ấy đâu".
Marlène vặn hỏi:
"Sao ở bên ấy anh nói chắc với em là về nước anh có công việc ngay".
Tôi thở dài:
"Thì anh tưởng thế".
"Lúc nào anh cũng như ở trên cung trăng. Anh không thực tế chút nào hết".
Tôi buồn rầu:
"Điều anh không ngờ là về đây, mới thấy là đời sống khó khăn hơn trước nhiều".
"Trước kia, không vậy?"
Tôi lắc đầu:
"Mấy năm trước, Sài Gòn còn được tiếng là một trong những thành phố ở đó người ta sống dễ dàng và thoải mái nhất".
"Thế nghĩa là anh đã lầm?"
Tôi nói cho Marlène yêu lòng:
"Không sao. Chỉ là vấn đề sớm hay muộn thôi. Anh giao thiệp nhiều, bạn hữu nhiều".
Marlène giễu:
"Bạn tốt như anh chàng Lưu?"
"Thằng đó là một thằng khốn nạn. Bạn anh đâu toàn là những thằng khốn nạn như vậy".
Marlène bĩu môi:
"Em cũng muốn tin như thế".
Nhớ đêm đó những lời trách móc dồn dập của Marlène đã có hiệu lực làm cho tôi tỉnh hẳn cơn say. Đèn trong phòng đã tắt. Bốn bề vắng lặng. Tôi còn nằm thao thức một mình trong bóng tối. Đầu óc tôi ngổn ngang trăm mối. Bạn hữu. Gia đình. Vợ con. Công việc. Tất cả đều không xuôi chảy tốt đẹp như tôi tưởng. Marlène nói có đúng một phần nào khi nàng chê tôi không thực tế, thơ ngây và khờ dại như một đứa con nít.
Khoản tiền tôi đưa theo được về để chi dùng cho thời kỳ đầu tiên ở Việt Nam, khoản tiền đó chẳng còn được là bao nhiêu. Mọi thứ đều đắt đỏ một cách không ngờ. Giá sinh hoạt vùn vụt leo thang. Tiêu pha dè xẻn lắm, cũng chỉ được hai tháng nữa. Đã đến lúc tôi phải tính đến chuyện đi làm. Kiếm tiền, thật nhiều, mà phải kiếm được ngay không chậm trễ. Tôi đã hứa với Marlène là trở về Việt Nam, tôi sẽ tạo cho nàng một đời sống vật chất thật đầy đủ, nếu không muốn nói là huy hoàng, lộng lẫy. Marlène là loại đàn bà không thể sống trong nghèo khổ. Với nàng, sống là phải dư thừa tiện nghi, trên tiền trên bạc. Một nếp sống khác chắc chắn sẽ bị nàng từ chối quyết liệt.
Bao nhiêu nỗi lo âu chồng chất làm tôi không tài nào nhắm mắt được. Đêm dài vô tận. Đêm sâu. Đêm sâu thăm thẳm. Thời gian lết từng bước chậm chạp. Chưa bao giờ tôi thấy tôi nhiều bổn phận, nhiều trách nhiệm với kẻ khác như vậy. Đời sống không còn cái bộ mặt rực rỡ, phơi phới của ngày trước nữa. Từ lớn lên, tôi chỉ quen ăn chơi. Sống buông thả, không bao giờ bận tâm đến những tháng ngày chưa tới. Bây giờ, không thể còn như thế nữa. Ý nghĩ này làm cho tôi buồn bã lo âu vô cùng. Đêm tàn dần. Tôi nằm nghe đêm đi. Có cảm tưởng như, cùng với sự phai tàn của đêm, những ngày tháng hồng tươi của mình cũng chết cùng tuổi trẻ.
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi ngồi ăn sáng ở gần cửa sổ. Cũng may, cơn sốt của Elga đã dịu xuống. Nó ngủ, bằn bặt. Tôi bàn với Marlène, không thấy cần phải đưa nó đi bác sĩ nữa. Sau một đêm say rượu lại mất ngủ, thân thể tôi đau nhừ từng chỗ. Tôi nhăn nhó, muốn ngủ lại không được. Đời sống gai lửa buộc tôi phải xuống đường. Marlène hỏi:
"Anh đi đâu vậy?"
Tôi nhún vai, chán nản:
"Tìm việc".
"Ở đâu?"
"Anh còn một người bạn nữa. Đêm qua nằm nghĩ mãi mới nhớ ra y. Nếu anh không lầm, y đang làm giám đốc một công ty lớn. Công ty này mới thành lập. Đang khuyếch trương mạnh và muốn mở rộng phạm vi hoạt động sang Âu châu".
Đôi mắt xanh biếc của Marlène sáng lên khi tôi nói đến Âu châu. Nàng đã nhìn thấy một cơ hội ngàn vàng để có thể theo tôi trở về vùng trời Thuỵ Điển. Marlène săn đón:
"Bây giờ anh định đến gặp ông giám đốc công ty ấy?"
"Phải".
"Tên ông bạn anh là gì?"
"Có hy vọng gì không anh?"
"Tất nhiên là có. Ngày trước Doanh nghèo túng. Anh đã giúp đỡ tiền bạc cho y nhiều lần mà không bao giờ đòi lại. Đây là một cơ hội để y giúp lại mình".
Marlène khuyên tôi:
"Anh cũng cần khéo léo một chút".
Tôi cười buồn:
"Anh không khéo léo với ai bao giờ sao?"
"Anh hay nổi nóng lắm".
Tôi càng buồn hơn:
"Anh không biết quỵ luỵ, nịnh nọt".
Marlène cãi:
"Đâu em có bắt anh thế. Nhưng khéo léo, mềm mỏng với người ta một chút thì được việc cho mình".
Tôi hỏi đùa Marlène:
"Nếu khéo léo mà cũng không được việc?"
Marlène nghiêm trang, không hưởng ứng sự đùa cợt:
"Thì anh chỉ còn là một loại người bỏ đi".
Tôi cãi:
"Xã hội hư hỏng làm cho cá nhân hư hỏng".
Cá nhân và xã hội sống với nhau bằng những ước lệ cứng nhắc. Bằng quyền lợi thấp kém, bằng bề ngoài hời hợt giả tạo. Cõi sống này đã khô cạn mọi tình nghĩa và tình bằng hữu là một danh từ vô nghĩa khác. Đó là sự thật đáng buồn mà tôi lại có thêm một bằng chứng hùng hồn buổi sáng hôm đó, khi đến kiếm Doanh người bạn cũ của tôi.
Công ty Doanh lớn thật. Trụ sở công ty là một toà nhà bốn từng tráng lệ ở đường Hàm Nghi. Phong cách và tư thế của nó không thua gì một công ty lớn của ngoại quốc. Điều thứ nhất làm tôi bực mình là Doanh bắt tôi chờ ở phòng khách hơi lâu. Đến gần nửa tiếng. Trên tấm danh thiếp đưa cho người tùy phái đưa vào tôi đã ghi rõ muốn gặp Doanh có việc cần và tôi mới ở ngoại quốc về. Vậy mà Doanh vẫn để tôi đợi. Riêng tôi, tôi ghét nhất sự chờ đợi, bất cứ là thể loại chờ nào. Chờ một chuyến tàu chưa tới, một chuyến máy bay sắp cất cánh, một tiệm hàng sắp mở cửa, đều là những điều tối kỵ với tôi. Thời kỳ Marlène và tôi còn hẹn nhau tôi luôn luôn phiền trách nàng về những lần nàng đến muộn. Tôi cau mặt, hỏi người tùy phái:
"Ông đưa danh thiếp tôi cho ông giám đốc chưa?"
Y thản nhiên:
"Rồi".
"Sao bắt tôi chờ lâu quá vậy".
Thằng tùy phái hỗn xược:
"Nhiều người còn phải chờ lâu hơn ông".
Thấy tôi tỏ vẻ nóng nẩy, y nhún vai:
"Ông chờ hoặc lúc khác đến cũng được".
Cũng may, lúc tôi sắp nổi nóng với thằng tùy phái thì Doanh mở cửa đi ra. Đi bên cạnh y là một mệnh phụ phục sức thật lộng lẫy. Người đàn bà trang điểm như sắp đến một dạ hội, đeo kim cương đầy người. Thảo nào Doanh bắt tôi chờ lâu đến thế. Doanh đưa người đàn bà đến tận thang máy. Trở vào, y niềm nở:
"Chà, anh Viễn. Lâu ngày quá. Mạnh khoẻ không?"
Tôi tạo cho tôi nụ cười tươi tắn nhất:
"Thường vậy. Nói chuyện với ông một lúc, được không?"
"Được chứ. Vào đây".
Phòng giấy của Doanh có tất cả vẻ sang trọng uy nghi, bề thế, của phòng giấy giám đốc một công ty lớn. Đồ đạc đắt tiền, bóng loáng. Doanh chỉ cho tôi một cái ghế rồi y trở về ngồi sau bàn giấy. Y hất hàm:
"Thế nào, mới ở ngoại quốc về?"
"Được vài tuần rồi".
Doanh cau may:
"Sao ông không ở luôn bên ấy. Về đây lúc này làm quái gì?"
Tôi ngạc nhiên:
"Sao vậy?"
"Nhiều lý do lắm. Trong những lý do này, có cái lý do là ở đây đời sống hồi này đã cực kỳ khó khăn".
Tôi gật đầu:
"Tôi đã nhận thấy. Cho nên phải tìm đến ông đây".
Doanh không trả lời vào câu nói của tôi. Mà hỏi:
"Nghe đâu ông đem về đây một bà đầm mắt xanh?"
Cái lối Doanh hỏi về Marlène đã làm cho tôi bực mình. Nhưng nhớ rằng Marlène đã dặn tôi phải mềm mỏng khéo léo, nhớ rằng mình đang đi tìm việc, tôi đành cười xoà:
"Ông biết tôi lấy vợ ngoại quốc?"
"Sao không biết. Dư luận đã kháo ầm lên. Đâu đâu cũng chỉ nói đến bà vợ đầm của ông Viễn".
Điều làm tôi thất vọng nhất về Doanh, là người bạn thân ngày nào ở Doanh đã biến mất. Mất hẳn, không còn một dấu vết. Người ta nói sự thành công làm thay đổi người. Với Doanh, thật đúng như vậy. Nhớ ngày trước, y nhã nhặn, dễ chịu bao nhiêu thì bây giờ y khả ố đáng ghét bấy nhiêu. Với điếu xì-gà lớn ngậm trong miệng, cái mặt phinh phính, cặp mắt ti hí mắt lươn, Doanh là điển hình cho bọn trọc phú làm giàu bằng những phương pháp mờ ám bất chính. Ở một trường hợp khác, tôi đã đứng lên, bỏ đi ngay. Nhưng tôi không quên rằng tôi đã đến gõ cửa rất nhiều nơi quen biết. Và Doanh là hy vọng, là may mắn cuối cùng. Để khỏi mất thì giờ, tôi vào thẳng vấn đề:
"Đến xem công ty anh có việc gì làm cho tôi làm với. Đang tìm việc làm. Thú thật ngay với anh như vậy".
Doanh làm bộ không tin:
"Anh mà cũng cần việc làm?"
Tôi gượng cười:
"Sao không? Cần hơn bao giờ, hơn lúc nào là đằng khác".
"Tôi lại cứ tưởng một người tốt số như anh thì cứ việc ngồi đó mà ăn chơi cho sướng đến suốt đời. Làm làm gì cho mệt!"
Tôi ngẩn người:
"Sao anh lại nói thế?"
Doanh nháy mắt:
"Vậy chứ không phải anh mới vừa đào được một mỏ vàng rất lớn ở ngoại quốc?"
Sự ngạc nhiên của tôi càng lớn hơn:
"Một mỏ vàng, mỏ vàng nào?"
Doanh cười ha hả:
"Lấy được vợ giàu mà! Cũng như đào được một mỏ vàng".
Tôi vỡ nhẽ và tôi nghiêm nét mặt lại:
"Ai nói anh như thế?"
"Mọi người. Dư luận".
Tôi nổi nóng:
"Thế là dư luận bịa đặt. Thế là mọi người ác ý".
Chỉ tay vào ngực mình, tôi hỏi lớn, rành rọt từng tiếng.
"Anh nhìn lại thằng bạn anh xem. Nhìn lại thằng Viễn này có phải là loại đàn ông đào mỏ không?"
Thấy tôi nổi nóng, Doanh giơ tay, cười xoà:
"Đừng giận! Đừng giận. Cũng là nghe thấy thiên hạ đồn thế. Không phải thì thôi, có sao đâu?"
Câu nói của Marlène trước khi tôi ra khỏi nhà lại trở lại trong đầu óc. Tự nhiên, tôi cảm thấy buồn rầu và chán nản lạ thường. Tôi hối hận đã đến tìm Doanh. Tôi hối hận đã lấy Marlène, đã lập gia đình. Tôi hối hận đã trở về Việt Nam. Để phải gặp, phải nhờ vả những thằng đê tiện như thằng bạn cũ đang ngồi trước mặt. Thế mà tôi vẫn không có quyền tức giận. Và vẫn phải tươi cười ngay:
"Tôi cũng biết anh nói đùa. Chứ đời nào anh nỡ liệt tôi vào loại đàn ông khốn nạn như thế. Thôi, bây giờ trở lại chuyện tôi muốn nói. Anh giúp được tôi không?"
"Được chứ?"
Tôi vui mừng:
"Như thế nào?"
Doanh ngã người vào thành ghế:
"Anh thích làm thế nào?"
"Tùy anh. Tôi đang cần. Thế nào cũng được, miễn tạm đủ sống là tốt".
"Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng anh chờ cho vài tháng nữa".
Vài tháng nữa? Tôi đang cần. Vài tháng nữa là bao giờ, hay là không bao giờ? Cuối cùng, sau mươi phút trò chuyện, tôi vỡ nhẽ ra là Doanh chỉ hứa mơ hồ cho qua, lời hứa không có gì chắc chắn hết. Thế là cả một buổi sáng mất công vô ích. Lúc Doanh đưa tiễn tôi ra cửa, có mấy người đàn bà khác đợi y. Cái bắt tay hời hợt nhạt nhẽo. Doanh dặn tôi trở lại. Nhưng tôi biết tôi không bao giờ trở lại nữa. Để làm gì? Vô ích lắm. Rõ ràng Doanh không muốn giúp đỡ gì tôi hết.
Tôi trở về khách sạn, mỏi mệt, chán nản hơn bao giờ. Đầu óc đầy những ý nghĩ tối đen và tương lai thì mù mịt không nhìn thấy một tia sáng hy vọng. Cho dù là một hy vọng rất mong manh. Marlène mở cửa. Cái nhìn của nàng là một dấu hỏi lớn. Tôi chán nản lắc đầu. Sự tuyệt vọng của Marlène hiện trên khuôn mặt.
"Người ta lại từ chối?"
Tôi tháo cà vạt, ném cái áo ngoài xuống mặt ghế bành:
"Cũng không hẳn là từ chối".
"Thế nghĩa là?"
"Thằng bạn bảo anh chờ vài tháng".
Marlène giậm chân la lớn:
"Chờ là chờ thế nào?"
Tôi nhún vai, buông mình ngồi xuống. Nhắm mắt lại. Đầu óc tối đen. Tâm thức u uất. Marlène đứng trước mặt. Im lặng một lát. Rồi nàng hỏi:
"Anh còn chỗ nào khác nữa không?"
"Có thể".
Marlène lại giậm chân, lại la lớn:
"Có thể là cái quái quỷ gì. Anh hãy trả lời em rằng có hay không?"
Tôi xua tay:
"Đừng làm cho anh rối óc lên. Để anh nghĩ. Hiện giờ thì những chỗ anh định đến hết rồi. Những chỗ khác, anh chưa nghĩ ra".
"Thế là không còn chỗ nào khác nữa. Cứ nói phắt như thế cho xong. Thôi, anh cũng khỏi thèm đi đâu nữa. Đã nói bạn anh toàn là một loại như thế cả. Họ chẳng giúp đỡ được anh gì hết. Để em tìm việc cho anh".
Tôi mở choàng mắt:
"Tìm việc cho anh?"
Marlène gật đầu, giọng đầy tin tưởng:
"Phải, em. Và chắc chắn là được".
Cảnh tượng lúc đó có một vẻ gì thật khôi hài khiến tôi muốn bật cười thành tiếng. Marlène vừa nói nàng sẽ tìm việc cho tôi. Nàng mới đến Sài Gòn lần đầu. Nàng chưa quen biết một ai ở thành phố này. Nàng là một người đàn bà Thuỵ Điển chưa nói được một chữ một tiếng Việt Nam nào, dù là mấy chữ "cám ơn". Vậy mà nàng nói sẽ tìm việc cho tôi. Tôi xua tay:
"Anh đang mệt. Không phải là lúc nghe em nói chuyện khôi hài. Em khôi hài cũng không có duyên lắm đâu".
Marlène quắc mắt:
"Ai bảo với anh em nói chuyện khôi hài? Ngồi đó, em cho anh xem cái này".
Marlène vào phòng ngủ, trở ra với một lá thư cầm trên tay. Nàng giơ cao lá thư trước mặt tôi:
"Em vừa nhận được sáng nay. Lúc anh vừa ra khỏi nhà".
"Thư ở đâu tới?"
"Bên nhà em gửi sáng. Anh sẽ có công ăn việc làm đàng hoàng. Đừng thèm đến nhờ vả mấy thằng bạn khốn nạn của anh nữa".
Tôi kinh ngạc đón lấy lá thư trên tay Marlène. Trong khi tôi xem thư, Marlène ngồi bên cạnh nhìn chăm chú. Người viết thư là mẹ Marlène. Sau những lời thăm hỏi thông thường bà mẹ vợ của tôi cho con gái bà biết là một người quen với Marlène sẽ đến Sài Gòn vào tuần lễ cuối tháng. Người đó sang Việt Nam để lập chi nhánh cho một hãng sản xuất lớn ở Thuỵ Điển. Cuối thư, mẹ vợ tôi cho Marlène biết là chừng nào Karl, tên người bạn của Marlène, khởi hành, Karl sẽ đánh điện cho Marlène ra đón ở phi trường.
Tôi gập thư lại, hỏi:
"Karl nào thế?"
Marlène cười, vui thú:
"Một người bạn từ hồi nhỏ. Thân lắm".
"Sao anh không biết?"
"Thời kỳ đó, Karl đi xa. Sang Hoa Kỳ. Mới trở về Âu Châu vài tháng nay. Anh biết không, ngày trước Karl mê em lắm đó. Nhưng em đã chọn anh. Và không đáp lại tình yêu của Karl".
Tôi gượng cười:
"Thế à?"
"Karl sang đây, em sẽ giới thiệu ngay với anh".
"Hay lắm".
"Anh sẽ làm việc với Karl".
Nói đến người bạn tuổi nhỏ, sau này yêu mê và theo đuổi nàng, Marlène đã nói bằng một giọng nhiệt thành sôi nổi và vui thú sung sướng. Tưởng như nàng vừa tìm lại được nguồn vui, thấy lại được lẽ sống. Marlène khen Karl đủ điều, vẽ lên chân dung Karl, như một người hoàn toàn, một loại đàn ông lý tưởng. Nàng kể lại những kỷ niệm đã có với Karl. Những lần đi chơi với Karl, những câu chuyện, những mẫu giai thoại ngộ nghĩnh, duyên dáng mà hình như chỉ có Karl là có biệt tài thuật lại. Marlène còn nói Karl tới Việt Nam nàng sẽ làm thế nào cho Karl trở thành người bạn thân thiết nhất của cả chúng tôi.
Marlène hớn hở:
"Rồi anh sẽ thích Karl".
Tôi gật, miễn cưỡng.
"Tất nhiên là như thế".
Tôi mỉm cười, hỏi Marlène:
"Karl còn mê em không?"
Marlène nghiêng đầu:
"Em cũng không rõ. Có thể. Sao?"
"Hỏi vậy cho biết. Anh sợ Karl sẽ là tình địch của anh".
Marlène cười:
"Lý do nào khiến anh nghĩ vậy?"
"Thấy em nói đến Karl một cách quá tốt đẹp. Bằng một giọng đầy cảm tình. Anh hơi ngại rồi đấy".
Marlène lăn vào tôi, ôm lấy tôi:
"Đừng nói nhảm. Anh thừa biết em chỉ yêu một mình anh, trước sau, chỉ có anh".
"Người ta khó quên được những kỷ niệm quá khứ. Nhất là những kỷ niệm đẹp".
"Karl chỉ là bạn".
Marlène hỏi tôi, buộc tôi phải trả lời:
"Anh ra đón Karl chứ?"
Tôi cười:
"Nhất định phải ra đón. Bạn thân của em mà".
Marlène lại hỏi:
"Anh bằng lòng em nói với Karl để cho anh cùng hợp tác với Karl?"
"Chờ y sang đây hãy hay".
Marlène không chịu:
"Trả lời em. Ngay bây giờ".
Tôi ngẫm nghĩ rồi nghiêm trang trả lời:
"Không".
Marlène nhíu mày:
"Tại sao?"
Tôi đáp giản dị:
"Vì anh không muốn".
Marlène vặn:
"Sao không muốn? Anh đừng quên rằng anh đang thất nghiệp, đang cần việc làm".
Tôi gật đầu, điềm đạm:
"Anh nhớ. Do đó, sáng mai anh lại phải đi tìm việc ở những chỗ khác".
"Vẫn không được thì sao?"
"Kiếm mãi, tìm mãi, cuối cùng phải được".
Marlène mím môi lại. Sự bực bội ở nàng đã rõ rệt lắm. Nàng không ngồi cạnh tôi nữa mà đứng lên đi đi lại lại. Tôi đợi chờ cơn thịnh nộ của Marlène. Lần này thì không phải chờ đợi. Phải đương đầu. Không thể né tránh không thể lùi bước. Tôi có những nguyên tắc của tôi. Những nguyên tắc tối thiểu không thể huỷ bỏ.
Nhưng Marlène không lớn tiếng. Chỉ hỏi:
"Anh không cho em giúp đỡ anh những lúc một người chồng cần một người vợ giúp đỡ?"
Tôi gật:
"Có chứ".
Rồi lắc:
"Nhưng giúp đỡ như em vừa nói thì không được. Anh bằng lòng cũng được. Nhưng thế anh không còn nhân cách, không biết tự trọng. Anh không muốn khinh anh như thế, em cũng sẽ khinh anh".
Marlène hậm hực:
"Thì thôi. Đừng nói đến chuyện đó nữa".
Tôi dỗ dành Marlène:
"Đừng giận anh. Cho tới giờ phút này anh còn nhiều hy vọng kiếm được việc làm xứng đáng. Hãy cứ để mặc anh tự mình lo lấy. Chừng nào anh không làm gì được nữa, khi đó sự tiếp tay của em là một cần thiết mà anh không từ chối. Cốt nhất là em chịu khó trong một thời gian. Em nóng ruột là anh mất hết bình tĩnh".
Những ngày sau đó, Marlène không trở lại chuyện Karl nữa. Nàng cũng bớt gây gổ với tôi hơn trước. Tôi thì ngày hai buổi đến chỗ này chỗ nọ kiếm việc làm. Mỗi lần ra đi, một lần về không. Cũng có một vài chỗ làm người ta dành cho tôi. Nhưng tôi từ chối. Công việc vất vả. Đồng lương lại ít ỏi. Tôi có khá nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, về tổ chức các công ty. Sáng kiến cũng nhiều lắm. Chỉ tiếc không có vốn lớn. Nếu có vốn riêng, tôi thành lập một hãng buôn ngay. Tôi còn có một vốn ngoại ngữ khá đầy đủ. Thừa để giao thiệp. Cho nên, kiểm điểm lại khả năng con người mình, tôi vẫn chứa chan hy vọng. Rằng một ngày nào đó, thiên hạ sẽ biết đến tài năng của thằng Viễn. Khi đó thằng Viễn sẽ được trọng dụng.
Một buổi chiều trở về khách sạn, tôi không thấy Marlène đâu mà thấy một ả sẩm trong phòng. Tôi ngạc nhiên hỏi ả sẩm:
"Chị ở đây làm gì vậy?"
Người đàn bà trả lời:
"Bà mướn tôi".
"Để làm gì?"
"Trong coi con nhỏ".
Marlène chưa hề bàn với tôi về chuyện mướn một ả sẩm để trông coi con Elga. Nàng thừa biết chúng tôi đang phải hà tiện từng đồng, từng chữ. Đây là lần đầu tiên, nàng làm một việc mà không thèm hỏi ý kiến chồng nàng.
Năm phút sau, Marlène từ dưới phố trở về. Nàng phục sức vừa diêm dúa, vừa hở hang khêu gợi, lại trang điểm nữa.
Tôi hỏi:
"Em đi đâu vậy?"
"Ra phố. Bây giờ mới thấy thành phố này cũng có những chỗ nên lui tới lắm".
"Chẳng hạn?"
"Như ở đây cũng có một hội quán rất lớn. Với đầy đủ các môn thể thao, giải trí cho phụ nữ. Em đã tạt vào xem. Nói chuyện với quản lý hội quán. Điều kiện gia nhập hội quán không ngờ dễ dàng đến thế".
Marlène lấy ở trong sắc tay ra một tờ biên lai.
"Em đã đóng tiền nhập hội. Từ nay có lẽ ngày nào em cũng đến hội quán đó. Ở đó có rất nhiều người như em. Những người đàn bà tây phương".
Tôi bực mình:
"Tốt lắm. Nhưng làm việc gì em cũng hỏi ý kiến anh trước, nếu anh nhớ không lầm".
Tôi chỉ người ả sẩm:
"Kể cả việc này nữa, em cũng không thèm hỏi ý kiến gì anh hết".
Marlène ném cái sắc tay xuống mặt bàn:
"Em không thể giam thân suốt ngày trong một căn buồng đóng kín".
"Nhưng chúng ta đang phải hà tiện từng đồng".
"Mặc anh. Hết tiền đã có anh lo mà. Anh thừa biết là sự chịu đựng nào, cũng có giới hạn. Mướn người làm trông con, em còn tính đến chuyện đi làm nữa".
Tôi hỏi:
"Làm ở đâu? Làm việc gì?"
Marlène nhún vai:
"Thiếu gì việc. Em vừa nói chuyện với mấy người ở hội quán. Họ nói nếu em muốn kiếm việc làm họ sẽ giới thiệu ngay cho. Em thấy công việc ở đây thật nhiều, thật dễ kiếm. Chẳng hiểu với anh sao lại khó quá vậy".
Tôi thở dài. Một người đàn bà có một thân hình nẩy lửa như Marlène đi tìm việc làm, dễ dàng hơn thôi là chuyện đương nhiên. Đám đàn ông thấy Marlène là tối mắt lại. Nàng muốn gì mà không có kẻ làm vừa lòng nàng ngay tức khắc.
Nghĩ đến trường hợp Marlène giao thiệp với mọi người, Marlène đi làm để kiếm thêm tiền, tôi buồn thấm thía. Tôi không muốn Marlène làm gì hết. Chỉ thích nàng ở nhà, trông coi những công việc lặt vặt trong nhà. Nuôi con. Làm một người đàn bà nội trợ theo cái ý nghĩa tốt đẹp nhất của danh từ. Marlène đi đến đâu, gợi khêu lên ở đó những ham muốn vẩn đục của đám đàn ông chắc chắn chỉ nhìn thấy Marlène như hiện thân của dục tình và dục thể. Chúng nó sẽ xúm đến. Như bướm thấy hoa. Như ruồi thấy mật. Không đề phòng cẩn thận, tôi có thể mất Marlène như chơi.
Nhìn lại Marlène, nàng vẫn phục sức hở hang như bao giờ. Hai cánh tay nhễ nhại phơi trần tới vai. Cái váy ngắn cũn cỡn thật cao trên đầu gối, để lộ hai bắp đùi tròn lẳn. Áo cũng hở ngực, vải lại mỏng tanh làm nổi hình hai đỉnh ngực nhọn hoắt.
Tôi cau mày:
"Em không có những bộ đồ kín đáo hơn?"
Marlène nhìn thứ quần áo nàng đang mặc trên người:
"Quần áo này thì làm sao?"
Tôi ấp úng:
"Người ta… nhìn".
Marlène nhìn tôi như một thứ đàn ông quê mùa. Và cổ hủ nhất thế giới.
"Đàn bà đẹp để cho mọi người nhìn ngắm. Bộ anh muốn em ăn mặc như một bà lão bảy mươi?"
Tôi tắc họng, nín thinh. Đêm ngủ, Marlène còn khoả thân mà ngủ. Ở nhà, những lúc nóng nực quá, Marlène cũng cứ khoả thân đi đi lại lại trong nhà. Nàng đã như thế từ lâu. Từ hồi chưa lấy tôi. Từ hồi còn con gái. Tôi biết không làm sao bắt Marlène thay đổi được. Thế nào, Marlène như thế mãi. Nàng là loại đàn bà không chịu thay đổi.
Trở lại vấn đề Marlène vừa đặt ra là nàng sẽ tìm lấy việc làm. Tôi nói:
"Anh không phản đối. Nhưng hãy chờ anh một tháng xem sao đã".
"Để làm gì?"
"Nếu anh có việc làm em khỏi phải tìm việc".
Marlène đồng ý:
"Nhưng một tháng mà thôi đấy nhé!"
Nàng nhún vai:
"Sau đó, em phải lo lấy cho thân em".
Marlène cho tôi một tháng. Một tháng như một điều kiện. Một tháng như thoả hiệp cuối cùng. Hạnh phúc của gia đình tôi lung lay hơn lúc nào hết. Tôi bắt đầu cảm thấy hối hận thành thực đã đưa Marlène trở về Việt Nam. Có lẽ tôi đã tính lầm chăng? Và có lẽ sự trở về của tôi là một trong những lỗi lầm lớn nhất. Điều đáng buồn là khi người ta nhận thức được lỗi lầm của mình thì bao giờ cũng đã là quá muộn.
Một tháng sau. Chúng tôi dời khỏi khách sạn Caravelle. Giằng co lần lữa mãi, kiếm cớ này cớ nọ, làm khó dễ mãi rồi vợ chồng Lưu đành chịu trả lại ngôi nhà ở đường Phan Thanh Giản. Cứ để im thì cũng chưa xong đâu. Tôi phải lui tới thêm nhiều lần nữa, lúc năn nỉ, lúc doạ nạt, Lưu mới chịu nhường bước. Lấy lại được ngôi nhà, tôi thờ phào nhẹ nhõm. Nhưng cũng mất một khoản tiền. Là tiền luật sư, tiền đưa cho Lưu để dọn nhà đi chỗ khác.
Hôm giao nhà, Lưu còn giở giọng nhân nghĩa:
"Thế là tôi tử tế quá với anh đấy nhé!"
Tôi nhếch mép:
"Cám ơn sự tử tế của anh".
Lúc Lưu bắt tay từ biệt, y hỏi:
"Chúng mình vẫn còn là bạn?"
Tôi lắc đầu:
"Nên thôi".
"Anh giận?"
Tôi quắc mắt:
"Tôi khinh anh. Muốn đánh vào cái mặt đê tiện khốn nạn của anh. Từ giờ, đừng thấy mặt nhau nữa".
Thế là lấy lại được ngôi nhà, tôi đã mất một người bạn. Tuần lễ dọn nhà là tuần lễ bận rộn nhất. Marlène đòi trang hoàng, bài trí lại hết thảy, sửa chữa lại hết thảy, từ cổng trước đến sân sau, từ phòng trong ra phòng ngoài. Ăn ở theo đúng cách phong lưu trưởng giả một người đàn bà tây phương mà! Cũng được. Cũng hay, tôi sẽ không phản đối, còn bằng lòng nữa là khác, nếu tất cả những sửa đổi, trang trí ấy không làm tiêu tan gần hết khoản tiền còn lại trong trương mục ngân hàng.
Nhìn phòng ăn phòng khách đổi mới lộng lẫy, tôi hỏi Marlène:
"Bà hoàng định mở tiếp tân hàng tuần sao vậy?"
Marlène gật:
"Đúng thế. Nhà này từ nay sẽ là nơi họp mặt của những người đàn ông, đàn bà ăn chơi và thanh lịch nhất thành phố".
Tôi hoảng hồn:
"Đùa đấy chứ?"
"Em không nói đùa".
Tôi kêu lớn:
"Chúng mình không có đủ phương tiện để duy trì và thực hiện một nếp sống xa hoa như thế".
Marlène hất hàm:
"Ai bảo với anh là không?"
"Tiền đâu?"
"Anh khỏi lo. Đến đâu hay đến đó. Anh không tìm được nhiều tiền cứ để đó em lo liệu. Cốt nhất anh đừng ngăn cấm em".
Marlène nắm lấy tay tôi, sôi nổi:
"Chúng mình phải sống cho ra sống. Anh đồng ý với em như thế chứ?"
Tôi gắng gượng:
"Đồng ý…"
Chung sống với Marlène, thêm một ngày, tôi càng khám phá được ở người vợ tây phương của tôi những nét đặc thù của một người đàn bà đắm đuối với thật nhiều ham muốn. Lửa tham vọng cháy đỏ trong tâm hồn và khát vọng của Marlène. Đời sống, theo nhân sinh quan của Marlène phải là một gồm thành của những tháng năm huy hoàng những sáng chiều lộng lẫy. Không thể khác. Hạnh phúc lệ thuộc hoàn toàn vào những điều kiện vật chất đó. Với Marlène không có thứ hạnh phúc bình thường, mà là hạnh phúc lớn. Hạnh phúc viết chữ hoa".
Tôi bênh vực quan điểm của mình, vì không thể không bênh vực:
"Anh muốn khác, cho chúng ta".
Marlène kêu lớn:
"Anh với em nhiều bất đồng quá. Anh muốn khác là muốn thế nào?"
"Một đời sống đơn giản, ấm cúng".
Tôi nói tiếp, nhấn mạnh vào chữ tôi yêu thích nhất:
"Và cách biệt".
"Thế thì anh lên rừng mà ở. Thế thì anh sống một mình. Thời đại bây giờ là thời đại văn minh".
Những tiện nghi vật chất là một cần thiết không thể thiếu vắng. Phải giao thiệp nữa. Giao thiệp càng rộng chừng nào càng tốt bấy nhiêu.
Cuộc đấu lý cuối cùng phần thua vẫn về tôi. Nhược điểm lớn lao nhất của thằng chồng vẫn là quá yêu người vợ. Thoả hiệp mãi đưa dần tới nhu nhược hèn yếu. Tôi biết như thế mà không làm sao khác được.
Marlène làm theo ý nàng, nghĩa là có bao nhiêu tiền tiêu gần hết cho sửa sang và bài trí ngôi nhà. Phải công nhận là có bàn tay Marlène ngôi nhà tồi tàn đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt. Nó đẹp, nó sáng sủa. Nó kiêu kỳ và nó rất tráng lệ. Mọi công việc vừa xong. Marlène tổ chức ngay một cuộc tiếp tân. Nói là để mừng ngôi nhà mới.
Buổi tiếp tân chiều thứ Bảy hôm đó đem lại cho tôi rất nhiều cái bất ngờ. Mọi việc tổ chức mời mọc đều do Marlène tự tay làm hết, tôi tuyệt nhiên không hay biết. Thành ra, tôi đã đờ người khi thấy ngoài số mươi người bạn của tôi, có đến sáu chục người mà tôi chưa quen, cũng chưa từng thấy mặt lần nào. Trong cái số những khuôn mặt xa lạ này, một nửa là những người ngoại quốc. Người này thì làm ở một sứ quán kia. Người kia thì là nhân viên một lãnh sự nọ. Căn phòng khách ồn ào những lời giới thiệu. Ở một góc này, người ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Ở một góc kia, những câu tiếng Anh nổi lên.
Tôi kéo Marlène ra một góc nhà, hỏi nàng, bằng một giọng hoảng hốt thành thực:
"Những ai vậy?"
Marlène nhoẻn miệng:
"Đám bạn hữu trong giới thượng lưu ở đây mà chúng mình sẽ quen, sẽ giao thiệp từ hôm nay".
Tôi tròn mắt:
"Sẽ?"
Marlène thản nhiên:
"Đúng vậy. Sẽ".
"Tức là em chưa hề quen biết họ từ trước?"
"Chưa".
Tôi lắp bắp:
"Thế là thế nào. Quái gở, quái gở thật".
Marlène nhìn tôi bằng cái nhìn thương hại ném cho một anh chồng ngờ nghệch nhất thế giới:
"Thế mà anh cũng không hiểu thì chán anh thật. Rất giản dị là em đã nhờ ông hội trưởng hội quán mời dùm chúng mình. Ông ta sẽ giới thiệu anh với quan khách. Năm phút nữa anh sẽ quen biết hết".
Tôi chưa có phản ứng thì Marlène đã kéo ông hội trưởng cái hội quán thời thượng mà nàng mới gia nhập tới gần. Đó là một người Pháp. Đã đứng tuổi, nhưng còn phong nhã, đàng điếm hết sức. Y làm dáng, chải chuốt từ đầu đến chân, y xức nước hoa thơm lừng. Y hôn tay Marlène rồi kiểu cách cúi chào tôi:
"Hân hạnh!"
Marlène thân mật kêu y là Robert. Sau đó tôi phải theo Robert đến từng người cho y giới thiệu.
Điều kỳ lạ là tôi ghét thậm tệ thứ đàn ông, đàn bà nào thì xem chừng Marlène lại thích hợp với thứ người đó. Bọn đàn bà mà Marlène mời tới phấn son lòe loẹt, cười nói vang động. Hút thuốc lá, uống rượu mạnh như đàn ông. Và đám đàn ông thì tán tỉnh, tâng bốc luôn miệng. Họ nói những câu rất táo bạo, rất khả ố. Rồi cùng ngửa cổ cười với nhau như điên. Họ xúm lại khen tặng Marlène đủ điều. Rằng Marlène huy hoàng như một nữ chúa. Rằng nàng kiêu xa, lộng lẫy, khêu gợi như một minh tinh màn bạc. Marlène thì ăn mặc hở hang đến cùng mình. Nàng không mặc thứ đồ lót nào hết. Cái áo đã mỏng dính, lại bó sát. Bao nhiêu đường cong khêu gợi nổi bật lên thành một khiêu khích sỗ sàng.
Tôi không biết làm gì hơn là gượng cười gượng nói cho qua. Tôi chỉ mong cuộc tiếp tân chấm dứt. Nhưng nó không chấm dứt mà kéo dài. Tới nửa chừng thêm một người khách tới.
Vừa thoạt thấy y, Marlène đã reo lên, chạy ra, mừng rỡ:
"Trời ơi! Karl. Không ngờ anh tới được".
Họ ôm lấy nhau hôn nhau tự nhiên. Marlène kéo người đàn ông tới chỗ tôi đứng. Y cao lớn, khá đẹp trai. Tóc vàng mắt xanh như màu mắc Marlène, dáng điệu khoẻ mạnh đầu tự tin và yêu đời.
Marlène bảo tôi:
"Anh nhớ em đã nói chuyện với anh về Karl".
Tôi bắt tay thằng đàn ông:
"Nhớ".
"Thì Karl đây, vừa từ Thuỵ Điển sang".
Karl cười:
"Việc đầu tiên của tôi là tới đây ngay. Ông may mắn hơn tôi. Ông đã chiếm được Marlène, người tôi yêu tha thiết".
Karl giơ ngón tay nói đùa:
"Chúng mình là kẻ thù, là tình địch".
Tôi nói đùa lại, bằng một câu hỏi:
"Không biết Marlène sẽ nghiêng về phía nào? Anh hay tôi".
Marlène, cũng đùa:
"Cả hai. Karl là quá khứ. Anh là hiện tại".
Sự sung sướng của Marlène khi gặp lại Karl có thể nói là không bờ bến. Trong suốt buổi tiếp tân kéo dài tới gần mười giờ đêm, nàng chạy đến với quan khách mỗi người một vài phút, rồi trở lại ngay với Karl. Sự quấn quýt ấy cũng dễ hiểu. Họ là bạn thân từ nhỏ. Họ xa cách nhau đã lâu ngày. Họ có hàng trăm hàng ngàn câu chuyện muốn trao đổi với nhau. Buổi tiếp tân kết thúc. Quan khách ra về, Marlène giữ Karl ở lại. Nàng nói cho tôi biết Karl đang ở tạm tại một khách sạn và dự tính sẽ ở Việt Nam ít nhất cũng ba bốn năm. Marlène đề nghị:
"Chúng mình phải đi ăn cái gì một chút. Em chưa ăn uống gì hết".
Karl tán thành liền:
"Tôi cũng vậy".
Riêng tôi, buổi tiếp tân đã làm cho mệt nhoài. Tôi nói đang nhức đầu, cần uống một liều thuốc, cũng chẳng thấy đói bụng. Marlène nhăn nhó:
"Bộ em cũng phải ở nhà luôn với anh?"
Tôi lắc đầu:
"Em cứ đi ăn với Karl, anh ở nhà một mình".
Karl nói với tôi:
"Tôi cần nói nhiều chuyện với anh".
"Về vấn đề hợp tác kinh doanh?"
Karl gật đầu:
"Chính vậy. Nếu chúng mình cũng làm việc chung với nhau, kết quả chắc sẽ tốt đẹp lắm".
Tôi trả lời cho xong:
"Tôi cũng tin như vậy".
Karl vui mừng:
"Tôi có thể hiểu lời anh nói như một ưng thuận?"
"Trên nguyên tắc thôi. Anh cũng phải cho tôi suy nghĩ. Vả lại, tôi cũng có nhiều việc làm riêng không biết còn thì giờ làm chung với anh không".
Karl hỏi:
"Chúng mình sẽ nói chuyện sau?"
"Đồng ý. Bao giờ cũng được hết".
Karl cười:
"Bây giờ tôi xin phép anh cho được dùng Marlène như một hướng dẫn viên. Tôi mới đến Tân Sơn Nhất chiều hôm nay. Và chưa biết một chút gì về cái thành phố này".
"Điều đó tôi cũng đồng ý nữa".
Tôi giơ cao tay, làm bộ cảnh cáo:
"Nhưmg chỉ một lần đấy nhé, ông bạn!"
Thế là Marlène và Karl lên xe đi, tôi trở lên phòng riêng một mình. Uống một viên thuốc cảm, tôi để nguyên quần áo, nằm vật xuống giường. Nghĩ đến Marlène và Karl đi ăn với nhau, họ đang gần nhau, làm những gì, nói những gì không hay biết, tôi bỗng thấy không được yên tâm lắm.
Nếu Karl không phải là một người tốt? Nếu Marlène không phải là một người đàn bà chung thuỷ với chồng? Thì tôi đã bị cắm sừng ngay buổi tối hôm đó rồi cũng nên. Thì Marlène đã ngoại tình, nếu chưa bằng hành động thì cũng đã bằng ý nghĩ. Nhưng tôi không làm thế nào khác được. Phải đặt vấn đề tin tưởng lên trước hết. Tôi luôn luôn ở bên cạnh Marlène cũng được. Canh chừng nàng. Kiểm soát nàng. Nhưng, như thể để làm gì? Thứ nhất Marlène không phải là thứ vợ chịu cho chồng canh chừng kiểm soát như vậy. Thứ hai, người ta có thể ngoại tình trong năm phút. Kiểm soát làm sao được, nếu chỉ cần năm phút để ngoại tình. Điều làm tôi bực mình hôm đó, là lúc đi với Karl, Marlène hẹn với tôi ăn xong sẽ về ngay. Vậy mà, đến gần một giờ sáng Marlène mới về. Nàng cũng không giải thích tại sao. Thay quần áo, Marlène đi ngủ liền sau đó.
Comment