Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Ba Chị Em nhà họ Tống

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Chương 15

    Cuộc Xung Đột Trung, Nhật Tại Thượng Hải
    Trong thời gian giữ chức bộ trưởng tài chánh cho chính phủ Nam Kinh, Tống Tử Văn đã đắc lực giúp Tưởng Giới Thạch về tài chánh bằng cách phát hành các công khố phiếu để thu hút tiền bạc của giới thương gia. Họ Tống đã phá hủy sức mạnh của tư bản Trung hoa, biến họ thành nô lệ cho chế độ độc tài của Tưởng. Công khố phiếu thu hút hầu hết tiền bạc của giới tư bản, và do đó tiềm năng phát triển kỹ nghệ của Trung hoa bị ảnh hưởng tai hại. Khi Khổng Tường Hy lên giữ chức bộ trưởng tài chánh thay Tống Tử Văn thì tất cả công trình thuế khoá của Tống Tử Văn đều sụp đổ, và các tỉnh trở lại đường lối thu thuế cũ.
    Lúc đó không còn những vụ tống tiền một cách lộ liễu như năm 1927 nữa, nhưng vẫn còn sự ép buộc giới thương gia phải cúng tiền cho Tưởng. Tuy vậy, lợi tức thu được vẫn không đủ cho Tưởng phát động những chiến dịch tiễu trừ cộng sản. Tống Tử Văn yêu cầu tiết giảm quân phí, và đòi thành lập Ủy ban Ngân sách với sự hậu thuẫn của các nhà tư bản Thượng Hải. Tưởng đành phải thiết lập Ủy ban này, nhưng với thành phần là các sứ quân, như Tưởng, Phùng Ngọc Tường, Diêm Tích Sơn và Lý Tông Nhân. Tống Tử Văn là người dân sự duy nhất trong ủy ban. Khi quân đoàn Bắc Phạt tiến tới Bắc Kinh thì các sứ quân say men chiến thắng càng mặc sức vơ vét tiền bạc. Tưởng bắt các ngân hàng cho vay ba triệu, và bắt Tống Tử Văn phải lên Bắc Kinh gây quỹ 50 triệu cho chính phủ bằng cách bán công khố phiếu. Trung hoa hoàn toàn nằm trong tay các sứ quân tham lam, luôn luôn đòi hỏi tiền cho những lính ma và các chiến dịch ma của họ.
    Khi các nhà tư bản Thượng Hải tìm cách chống lại Tưởng thì lập tức một cuộc biểu tình tràn vào cơ sở của phòng Thương mại, cướp phá tài sản và cuối cùng phòng Thương mại được tái lập với người và đường lối của Bố già Đỗ Đại Nhĩ.
    Năm 1931 khi sứ quân Trương Tác Lâm của Mãn châu đi hàng hai, không chịu hợp tác hẳn với người Nhật thì xe lửa của họ Trương bị phe quá khích Nhật giật mìn nổ. Con trai là thống chế Trương Học Lương lên thaỵ Người Nhật ám sát Trương Tác Lâm với hy vọng Trương Học Lương sẽ hợp tác với Nhật. Nhưng khi Trương Học Lương quyết định liên kết với Nam Kinh thì Nhật chiếm những khu vực kỹ nghệ giầu tài nguyên của Mãn châu, và sát nhập vào Triều Tiên. Quần chúng Trung hoa vô cùng phẫn nộ thái độ thờ ơ của Tưởng Giới Thạch trước sự xâm lăng trắng trợn của Nhật Bản. Tưởng chỉ yêu cầu quần chúng phải "giữ một sự bình tĩnh xứng đáng."
    Quần chúng nổi loạn, phá các cơ sở thương mại Nhật Bản tại Thượng Hải, và yêu cầu chính phủ phải tuyên chiến với Nhật. Tưởng vẫn hoàn toàn im lặng. Người ta cho rằng giữa Tưởng và Nhật đã có một thỏa hiệp mật. Ngoài ra Bố già Đỗ Đại Nhĩ và gia đình Tống Mỹ Linh có liên hệ thương mại mật thiết với người Nhật. Trong những trường hợp khó khăn như vậy, Tưởng chỉ đề nghị áp dụng nguyên tắc của môn võ công Thái Cực, nghĩa là khi kẻ địch áp lực mạnh, ta chỉ nên đứng né sang một bên để kẻ địch mất đà và tự ngã.
    Lần này dường như quần chúng không chấp nhận sách lược thụ động của Tưởng, vì chờ đợi mãi kẻ thù vẫn chưa tự ngã. Quần chúng tự động đứng lên tẩy chay hàng hóa Nhật. Giữa tháng 1 năm 1932, năm nhà sư Nhật bị dân chúng Trung hoa hành hung ngoài đường phố, một người bị tử thương sau đó. Một toán dân Nhật bạo động trả thù, kết quả là một cảnh sát Trung hoa và một người Nhật thiệt mạng. Ngày 18-1, năm người Nhật bị đón đánh bên ngoài một nhà máy dệt khăn. Hai hôm sau, năm mươi thanh niên Nhật vũ trang kiếm và gậy đi trả thù. Toán người Nhật nổi lửa đốt cháy một nhà máy dệt khăn, và hai người Trung hoa tử nạn.
    Chính phủ Nhật chính thức đòi Trung hoa phải xin lỗi, trả phí tổn chữa trị cho nạn nhân Nhật, và giải tán các tổ chức bài Nhật. Tới ngày 24-1, chiến hạm Nhật tiến vào Thượng Hải. Hai ngày sau, trong lúc thị trưởng Thượng Hải chưa trả lời thì lãnh sự Nhật ra tối hậu thư, và thông báo cho các lực lượng ngoại quốc tại Thượng Hải biết quân Nhật sẽ tấn công thành phố ngày 28-1 nếu không được thị trưởng Thượng Hải trả lời thỏa đáng. Hội đồng thành phố Thượng Hải tuyên cáo tình trạng khẩn cấp. Trong hoàn cảnh đó, Tưởng Giới Thạch vẫn giữ im lặng, vẫn theo đuổi nguyên tắc của võ công Thái Cực, mặc dù quân đội của Tưởng đông hơn quân Nhật. Tưởng chỉ kêu gọi hội Quốc Liên can thiệp và dời chính phủ Nam Kinh tới một địa điểm an toàn hơn.
    Đô đốc Nhật Shiozawa tuyên bố, "Người Trung hoa chỉ biết kinh sợ sức mạnh thôi." Việc tấn công Thượng Hải có mục đích bắt người Trung hoa phải khiếp sợ và phục tùng Nhật Bản. Nhưng chính tại đây, người Nhật đã đụng phải sức kháng cự anh dũng của Lộ quân 19 dưới quyền chỉ huy của tướng Thái Đình Khải. Lộ quân 19 tự động chiến đấu bảo vệ Thượng Hải không do lệnh của Tưởng. Lộ quân 19 di chuyển từ Quảng Đông và được lệnh đóng tại Thượng Hải để phục vụ cho Bố già Đỗ Đại Nhĩ. Nhưng khi quân Nhật tấn công Thượng Hải thì mọi người kinh ngạc trước sự chiến đấu dũng cảm của lộ quân này. Tướng Thái Đình Khải tuyên bố, "Quân Nhật có tất cả sức mạnh của chiến tranh hiện đại. Họ có chiến xa, pháo binh, phi cơ và một hạm đội mạnh nhất Á Châu, trong khi chúng tôi chỉ có súng trường và súng máy. Nhưng sự kháng chiến của chúng tôi được xây dựng trên nguyên tắc căn bản: quyền của bất cứ dân tộc nào tự bảo vệ chống lại ngoại xâm, đe dọa sự sống còn của quốc gia họ. Quân sĩ thuộc Lộ quân 19 biết rất rõ điều này, và họ chiến đấu với một tinh thần rất cao."
    Lộ quân 19 có 45 ngàn binh sĩ tham dự cuộc cách mạng quốc gia năm 1926, và là lộ quân đầu tiên tại Trung hoa và gồm những quân nhân tình nguyện. Lộ quân 19 được coi là đạo quân thiện chiến nhất tại vùng hạ lưu sông Dương Tử. Khi Tưởng Giới Thạch lợi dụng thời cơ chiếm đoạt Thượng Hải thì lộ quân 19 bất mãn, nhưng vốn là những quân nhân có kỷ luật, họ tuân lệnh rút ra khỏi Thượng Hải. Khi quân Nhật tiến vào Thượng Hải thì họ quay trở lại trong quyết tâm bảo vệ Thượng Hải. Trong hai ngày đầu, toàn thể Trung hoa nức lòng ủng hộ họ, theo dõi sự chiến đấu dũng cảm của những đứa con yêu của tổ quốc. Hàng ngàn thanh niên tìm đến hỗ trợ cho Lộ quân 19.
    Cuộc chiến diễn ra dữ dội tại từng đường phố. Quân Nhật phải mất 34 ngày hành quân, huy động cả hải quân, không quân và 65 ngàn lục quân mới đẩy lui được Lộ quân 19 ra khỏi Thượng Hải. Lộ quân 19 bị thiệt hại nặng, phân nửa lực lượng bị tiêu diệt và cần phải được tăng cường gấp rút. Trong lúc Lộ quân 19 chiến đấu chống lại một lực lượng địch quá chênh lệch về sức mạnh thì quân đội gồm hai triệu người của Tưởng án binh bất động, đứng nhìn Lộ quân 19 chiến đấu và sắp tan rã. Tưởng hứa tăng cường 100 ngàn quân cho Lộ quân 19, nhưng về sau chỉ phái hai sư đoàn 87 và 88, tổng cộng chỉ có 15 ngàn quân. Hai sư đoàn này mới thành lập chưa có kinh nghiệm tác chiến, và bị tiêu diệt hai phần ba lực lượng.
    Tống Tử Văn phải tung đạo quân thu thuế 30 ngàn người của mình vào chiến trường để trợ giúp Lộ quân 19. Tuy vậy phía Trung hoa không chống lại được sức mạnh của quân Nhật có vũ khí quá tối tân. Vào lúc ngưng bắn ngày 3-3-1932 thì 600 ngàn người Thượng Hải trở thành dân tỵ nạn, sự buôn bán ngưng trệ hẳn, lợi tức suy giảm 75 phần trăm, 900 cơ xưởng kỹ nghệ và thương mại bị phá hủy, một sự thiệt hại lên tới 170 triệu.
    Đứng trước sự tàn phá khủng khiếp của trận chiến, Tống Tử Văn phải tuyên bố, "Nếu Trung hoa phải lựa chọn giữa cộng sản và quân phiệt Nhật Bản thì Trung hoa phải đi theo cộng sản." Tống Tử Văn rất căm phẫn và tủi nhục khi Trung hoa bị Nhật Bản xâm lăng, thoạt đầu là Mãn châu, và bây giờ là Thượng Hải, trong lúc đó hội Quốc Liên không hề lên tiếng can thiệp. Lời tuyên bố nẩy lửa của Tống Tử Văn đã đưa ông vào vị trí chống đối lại Tưởng Giới Thạch.
    Đối với Tưởng thì mối lo tâm phúc là cộng sản, và luôn luôn đòi tiền để chi dùng cho những chiến dịch tiễu trừ quân cộng sản. Tống Tử Văn và giới tài phiệt Thượng Hải rất bất mãn, cho rằng Tưởng đã không nhìn thấy mối nguy thực sự là Nhật Bản. Giới tài phiệt đứng lên tổ chức Phong Trào Chống Nội Chiến, và chống lại việc dùng quân sự để giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ. Tuy nhiên Phong trào này không đạt được kết quả mong muốn.
    Lộ quân 19 được quần chúng kính phục như những vị anh hùng và Tưởng Giới Thạch rất khó chịu sự kiện này. Tưởng liền ra lệnh cho Lộ quân 19 tiến vào vùng Phúc Kiến để đương đầu với quân du kích cộng sản. Khi đẩy Lộ quân 19 anh hùng ra khỏi Thượng Hải, Tưởng muốn mượn du kích cộng sản tiêu diệt dần đơn vị được quần chúng ngưỡng mộ. Tống Tử Văn bất mãn và từ chức. Nhưng Tưởng không thể để mất một cây tiền như Tống Tử Văn, và đi đến một sự dung hoà là Tống Tử Văn vẫn tiếp tục giữ bộ trưởng tài chánh, và được kiêm thêm chức phó thủ tướng, và được thực sự nắm quyền thủ tướng. Thủ tướng Uông Tinh Vệ phải tuyên bố từ chức vì lý do sức khoẻ, cần phải đi điều trị tại ngoại quốc, và Tống Tử Văn đảm nhiệm chức vụ quyền thủ tướng.
    Trong khi đó quân Nhật tại Mãn châu đang cố gắng chiếm thêm những vùng đất của tỉnh Hồ Bắc, với danh nghĩa là dẹp quân cộng sản. Tống Tử Văn cực lực chống lại sự xâm lăng của quân Nhật, và mở chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật tại khắp lãnh thổ Trung hoa, và lên án hội Quốc Liên làm ngơ trước sự xâm lăng trắng trợn của Nhật. Khi quân Nhật tấn công Hồ Bắc thì chính Tống Tử Văn đã đích thân lên Hồ Bắc để đối phó với tình thế cùng thống chế Trương Học Lương, trong lúc Tưởng Giới Thạch vẫn im lặng một cách khó hiểu.
    Tống Tử Văn trở về Thượng Hải, mở một cuộc bán công phố phiếu để tài trợ cuộc chiến đấu kháng Nhật. Nhưng Tưởng đã ra lệnh rút quân khỏi thủ phủ Hồ Bắc, bỏ mặc cho quân Nhật tiến chiếm. Đúng lúc đó, Uông Tinh Vệ được thông báo đã khỏi bệnh, và trở về nắm lại chức thủ tướng từ tay Tống Tử Văn, và ký một hiệp ước đình chiến với Đông Kinh. Hòa ước này thực ra chỉ là một sự đầu hàng và dâng tỉnh Hồ Bắc cho Nhật Bản.
    Tống Tử Văn được một nhà xuất bản Mỹ mời qua Hoa Kỳ. Tại đây Tống đã thành công gây được sự tin tưởng và vay được một ngân khoản 50 triệu mỹ kim. Tống Tử Văn hy vọng phát triển kỹ nghệ Trung hoa. Nhưng khi trở về Trung hoa thì họ Tống bị người Nhật dùng áp lực đòi Tưởng loại Tống ra khỏi chính quyền. Điều tệ hại hơn nữa cho Tống Tử Văn là trong lúc vắng nhà, Tưởng đã xài thâm thủng một số nợ lớn nữa và bắt Tống Tử Văn phải tìm cách bù đắp.
    Ngày 25-10-1933, Tống Tử Văn và Tưởng Giới Thạch bàn cãi về các biện pháp tìm thêm ngân khoản khẩn cấp. Tưởng buộc tội Tống Tử Văn đã không kiếm đủ tài chánh khiến cho các chiến dịch tiêu diệt cộng sản bị thất bại. Khi Tống Tử Văn cãi lại thì Tưởng nổi nóng, vung tay tát vào mặt họ Tống. Tống Tử Văn đứng dậy bỏ ra về và nộp đơn từ chức bộ trưởng tài chánh và phó thủ tướng. Khi trả lời báo chí, Tống Tử Văn châm biếm rằng mình "mắc bệnh" nên phải từ chức, nhưng khi nói chuyện riêng, họ Tống thú nhận làm bộ trưởng tài chánh không khác gì làm một con chó cho Tưởng Giới Thạch. Dẫu sao người Nhật đã toại nguyện khi Tống Tử Văn không còn trong chính phủ nữa.
    Khổng Tường Hy được chọn lên làm bộ trưởng tài chánh thay thế Tống Tử Văn. Trong suốt 11 năm sau đó, Khổng Tường Hy hoàn toàn làm theo lệnh của Tưởng, và hủy hoại tất cả công trình về tài chánh của Tống Tử Văn. Vào năm 1945, vật giá leo thang tới 2,500 phần trăm so với lúc Khổng Tường Hy mới đảm nhận chức bộ trưởng tài chánh. Người Trung hoa phải gánh tiền ra chợ để mua vài trái trứng. Đó là thành quả của bộ trưởng tài chánh Khổng Tường Hỵ Những thất bại của Khổng Tường Hy khiến Tưởng Giới Thạch cảm thấy cần phải có một tài năng như Tống Tử Văn. Tưởng cho mời Tống Tử Văn trở lại làm bộ trưởng tài chánh, nhưng Tống Tử Văn từ chối.
    Thực ra sau khi bị Tưởng làm nhục, Tống Tử Văn có thể bỏ đi Hương Cảng khuyếch trương việc kinh doanh và làm một đại tài chủ thế giới, nhưng Tống Tử Văn vốn còn trẻ tuổi, còn nhiều năng lực, và nhất là còn tinh thần ái quốc, nên ông vẫn nán ở lại, mong làm một cái gì cho đất nước. Tưởng Giới Thạch có quyền, nhưng không biết cách tìm ra tiền. Tống Tử Văn biết cách làm đầy túi tiền, nhưng lại không ưa nổi Tưởng, vì thế Tống chỉ nhận làm cố vấn, và muốn Khổng Tường Hy tiếp tục chức bộ trưởng tài chánh làm trái độn giữa Tưởng và họ Tống. Tống Tử Văn không muốn nhìn mặt Tưởng nữa. Sau đó là những đạo luật mới về ngân hàng, bắt các ngân hàng phải đóng một phần tư tài sản của họ vào công khố phiếu chính phủ. Một số ngân hàng lớn chống đối. Nhưng Tưởng, Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn đã hoạch định kế sách quốc hữu hóa các ngân hàng lớn, và anh em nhà họ Tống như Tống Tử Văn, Tống Tử Lương, Tống Tử An và Bố già Đỗ Đại Nhĩ được bổ nhiệm vào các chức vụ điều khiển các ngân hàng mới được quốc hữu hóa. Các ngân hàng mới này được quyền phát hành giấy bạc.
    Trong chức vụ mới, Tống Tử Văn có dịp thu đoạt được một tài sản vĩ đại. Người ta đồn Tống Tử Văn có rất nhiều cổ phần trong các công ty General Motors và Du Pont của Mỹ. Bố già Đỗ Đại Nhĩ cũng trở thành "một nhà từ thiện hay giúp đỡ kẻ nghèo" rất nổi tiếng. Số tiền giấy phát hành nhiều hơn số quý kim bảo đảm. Từ năm 1935 đến 1937, tiền giấy được gia tăng từ 453 lên 1477 triệu, mà chỉ một nửa được bảo đảm bằng quý kim như bạc. Còn lại trên 500 triệu chỉ là giấy lộn, không có giá trị gì, do chính phủ in ra để trả nợ. Sau năm 1937, người ta không biết số tiền giấy được in ra là bao nhiêu, vì đó là năm cuối cùng chính phủ Nam Kinh công bố về ngân sách và các sự chi tiêu. Và cũng từ đấy nền tài chánh của Trung hoa đi vào một giai đoạn bi thảm nhất trong lịch sử tiền tệ thế giới. Đó cũng là công trình của Tưởng Giới Thạch và Khổng Tường Hy.


    Bố Già Đỗ Đại Nhĩ
    Dưới chính quyền Tưởng Giới Thạch, Bố già Đỗ Đại Nhĩ trở thành một nhân vật "khả kính" của Thượng Hải, điều khiển nhiều ngân hàng lớn, kể cả Trung Quốc Ngân Hàng. Tại bất cứ đâu, người ta cũng thấy ảnh hưởng của Đỗ Đại Nhĩ. Tuy vậy, bản chất của Đỗ Đại Nhĩ vẫn là một người thô bạo của thế giới anh chị. Khi hội đồng tiền tệ được thành lập, Khổng Tường Hy đề nghị Đỗ Đại Nhĩ làm hội viên của hội đồng đó thì viên cố vấn Leith-Ross người Anh phản đối vì tai tiếng của Đỗ Đại Nhĩ. Khổng Tường Hy nói thẳng rằng Đỗ Đại Nhĩ là người cầm đầu giới anh chị đông hàng ngàn người sẵn sàng tuân lệnh, và có thể gây rắc rối bất cứ lúc nào.
    Những cuộc bàn cãi bí mật về tài chánh diễn ra tại nhà Khổng Tường Hy, và thường có Ái Linh tham dự, vì bà là chủ nhân. Ái Linh nghe được tin tức gì thì lập tức báo cho Đỗ Đại Nhĩ. Một lần Ái Linh cho Đỗ Đại Nhĩ biết tin tức về sự thay đổi hối xuất ngoại tệ. Đỗ Đại Nhĩ hiểu lầm nên đầu tư lầm, và bị mất 50 ngàn bảng Anh, một số tiền lớn vào thời đó. Đỗ Đại Nhĩ không chấp nhận sự thua thiệt này, và đòi Khổng Tường Hy lấy tiền của Ngân Hàng Trung Ương đền bù cho mình. Khi Khổng Tường Hy từ chối, thì ngay tối hôm đó một cỗ quan tài do sáu người phu nhà đòn khiêng đến đặt trước nhà họ Khổng, một cảnh cáo quyết liệt của Bố già. Lập tức sáng hôm sau, Khổng Tường Hy vội vã triệu tập một buổi họp tại Ngân Hàng Trung Ương, và ngân hàng đồng ý đền bồi cho một "công dân ái quốc" mới bị thua lỗ trên thị trường hối đoái.
    Dịch vụ nha phiến của Bố già Đỗ Đại Nhĩ được Tưởng Giới Thạch sử dụng như là một quốc sách. Các sứ quân và chính phủ Nam Kinh tận dụng khai thác nha phiến làm nguồn lợi tức chính yếu. Khi tổ chức độc quyền nha phiến của Nam Kinh đụng độ với khu vực của Đỗ Đại Nhĩ tại Chiết Giang và Giang Tô thì lập tức chính phủ rút lui, không dám đụng chạm tới quyền lợi của Đỗ Đại Nhĩ. Lúc đó các nhà trí thức Trung hoa và tây phương cực lực phản đối việc sử dụng nha phiến quá nhiều tại Trung hoa. Đến năm 1928 thì nha phiến xâm nhập vào mọi tầng lớp người Trung hoa. Phòng thương mại Qúi Châu còn dùng nha phiến làm đơn vị hối đoái chính thức. Tại Vân Nam, nơi trồng nhiều nha phiến, 90 phần trăm đàn ông nghiện nha phiến, và con nít sinh ra đã bắt đầu nghiện ngập, vì chúng là sự truyền giống của các bà mẹ nghiện ngập.
    Vì sự tranh chấp khu vực buôn bán va chạm nhau nên Tưởng Giới Thạch tìm gặp Đỗ Đại Nhĩ để thương lượng, và hai người đi đến một giải pháp mới. Đỗ Đại Nhĩ được giao phó nhiệm vụ đặc trách tiễu trừ cộng sản, một chức vụ giúp Đỗ Đại Nhĩ tha hồ giết bất cứ ai không ưa, chỉ cần gán cho người đó là cộng sản. Lục Hội của Đỗ Đại Nhĩ được độc quyền bán nha phiến và được chính phủ bảo vệ, ngược lại Đỗ Đại Nhĩ phải đóng thuế trước cho chính phủ Nam Kinh 6 triệu.
    Sau khi Đỗ Đại Nhĩ trả 6 triệu cho Tống Tử Văn, thì hắn lại đổi ý và đòi lại số tiền đó. Tống Tử Văn liền trả cho Đỗ Đại Nhĩ cả 6 triệu, nhưng bằng công khố phiếu chứ không phải là tiền mặt. Đỗ Đại Nhĩ hiểu rằng công khố phiếu chỉ là giấy lộn. Lập tức một cuộc ám sát Tống Tử Văn xảy ra tại một ga xe lửa. Khi Tống Tử Văn vừa bước ra khỏi sân ga thì súng nổ loạn xạ liên hồi và thuốc súng bốc lên mù mịt. Tống Tử Văn nhào xuống nấp sau một cây cột. Khi tất cả im lặng, Tống Tử Văn trông thấy viên thư ký của mình bị trúng đạn khắp người, nằm chết gục giữa đống máu, tập tài liệu trong tay viên thư ký cũng rơi tung tóe. Một điều lạ là Tống Tử Văn đứng ngay bên cạnh mà không trúng một viên đạn nào. Thực ra Đỗ Đại Nhĩ chỉ muốn cảnh cáo Tống Tử Văn không được lừa dối mình.
    Một trong những vùng sản xuất thuốc phiện giàu nhất là miền bắc Trung hoa, và khi Nhật Bản chiếm vùng này trong những năm đầu của thập niên 1930 thì Tưởng mất hẳn nguồn tài chánh lớn lao ấy. Nhật Bản dùng thuốc phiện nguyên chất của miền bắc Trung hoa để chế tạo chất bạch phiến và có lợi hơn. Tưởng liền cấm người Trung hoa dùng bạch phiến. Và cuối cùng Tưởng kết thúc một hiệp thương với người Nhật Bản, và mua thuốc phiện của Nhật Bản sản xuất tại Trung hoa trong khu vực chiếm đóng của người Nhật.
    Bạch phiến là một thứ thuốc vẫn được dùng để chữa trị cho những người muốn bỏ thuốc phiện. Năm 1931, hội Quốc Liên ấn định mức sản xuất bạch phiến, chỉ cho sản xuất dùng cho y học thôi. Cũng năm đó, Bố già Đỗ Đại Nhĩ khánh thành một nhà từ đường rất lớn, mới xây cất cho dòng họ tại Cao Châu. Lễ khánh thành rất náo nhiệt và tốn kém, kéo dài tới ba ngày, và có hàng ngàn nhân vật quan trọng trong chính phủ tới dự. Tưởng Giới Thạch trao tặng Đỗ Đại Nhĩ một bức chướng, ca ngợi sự đóng góp vĩ đại của Đỗ Đại Nhĩ cho nhân loại. Khi buổi lễ khánh thành chấm dứt thì nhà từ đường của Đỗ Đại Nhĩ trở thành một xưởng chế tạo bạch phiến lớn nhất Trung hoa. Xưởng chế tạo bạch phiến này dùng thuốc phiện mua lại của Nhật từ miền bắc Trung hoa. Nhờ công của Đỗ Đại Nhĩ, người Trung hoa được hưởng một nguồn cung cấp bạch phiến rất dồi dào. Người Trung hoa dùng bạch phiến để cai thuốc phiện, nhưng bỏ được thuốc phiện thì họ lại nghiện bạch phiến.
    Đỗ Đại Nhĩ trở thành người có nhiều tước vị nhất Thượng Hải. Khi Tưởng Giới Thạch trở thành lãnh tụ Quốc dân đảng thì Đỗ Đại Nhĩ được phong chức đại tướng. Đỗ Đại Nhĩ đã hối lộ chia phần với tổng lãnh sự và cảnh sát trưởng tại tô giới Pháp để được tự do buôn bán bạch phiến. Lần đầu tiên việc này đến tai chính phủ Ba Lệ Lập tức một đô đốc được phái sang dọn dẹp tham nhũng. Đỗ Đại Nhĩ bị loại khỏi hội đồng thành phố. Viên tổng lãnh sự và cảnh sát trưởng chuẩn bị trở về Pháp, dưỡng già với tài sản khổng lồ do Đỗ Đại Nhĩ hối lộ. Đỗ Đại Nhĩ cho rằng đã bị viên tổng lãnh sự và cảnh sát trưởng phản bội. Đỗ Đại Nhĩ liền mời hai người này dự một bữa tiệc tiễn biệt. Đỗ Đại Nhĩ sai bỏ thuốc độc vào đồ ăn, và kết quả là viên tổng lãnh sự và vài người khác chết ngay tại chỗ. Viên cảnh sát trưởng tuy thoát chết, nhưng cũng bị bệnh trong nhiều tuần lễ.
    Viên tổng lãnh sự mới tới thay thế hoảng sợ, vội cộng tác với Đỗ Đại Nhĩ, và sai cảnh sát hộ tống tất cả những chuyến giao hàng bạch phiến của Đỗ ĐạI Nhĩ. Việc làm ăn của Đỗ Đại Nhĩ lại phát đạt như cũ. Tuy nhiên bây giờ Đỗ Đại Nhĩ không thấy cần thiết khu vực Thượng Hải nhỏ hẹp nữa, trong khi Tưởng cho phép Đỗ Đại Nhĩ được buôn bán tại khắp các khu vực do Quốc dân đảng kiểm soát. Thỉnh thoảng Đỗ Đại Nhĩ cũng nhắc cho chính quyền Nam Kinh biết sự nguy hiểm của mình. Với lợi tức vô cùng lớn lao thu được nhờ dịch vụ bạch phiến, Đỗ ĐạI Nhĩ bắt đầu khuynh loát chính phủ bằng tiền ấy. Đỗ Đại Nhĩ bỏ tiền mua máy bay của Mỹ và tặng cho chính phủ Nam Kinh từng phi đội. Ngày Tưởng ăn mừng sinh nhật ngũ tuần, Đỗ Đại Nhĩ tặng Tưởng một chiếc phi cơ mới mua, có sơn một hàng chữ "Diệt Trừ Thuốc Phiện Tại Thượng Hải."
    Một ký giả Thụy Sĩ phỏng vấn Đỗ Đại Nhĩ và công nhận hắn là một người quyền lực nhất Trung hoa, một người vừa là trùm du đãng vừa là nhà tài phiệt. Đỗ Đại Nhĩ nắm tất cả mọi dịch vụ về ma túy tại Trung hoa. Các hoạt động ma túy của Đỗ Đại Nhĩ vươn tới tận Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Tất cả thư tín gửi qua bưu điện Thượng Hải đều được người của Đỗ Đại Nhĩ đọc và kiểm duyệt trước. Chiến dịch diệt trừ thuốc phiện của Tưởng Giới Thạch được coi như là một trò hề. Tất cả thuốc phiện mà chính phủ của Tưởng tịch thu được đều giao lại cho Ủy ban Diệt trừ Thuốc phiện do Đỗ Đại Nhĩ chỉ huỵ Những thuốc phiện này đáng lẽ phải được tiêu hủy đi thì lại tái xuất hiện trên thị trường.
    Năm 1936 Bố già Đỗ Đại Nhĩ xin được rửa tội theo đạo Thiên chúa. Mỹ Linh vô cùng xúc động, vì cho rằng Đỗ Đại Nhĩ trở lại đạo là nhờ những buổi đọc kinh và đọc Thánh Kinh theo giáo hội Methodist tại nhà Khổng Tường Hy và Ái Linh. Đỗ Đại Nhĩ chịu lễ rửa tội tại nhà thờ Tống Charliẹ Tống Mỹ Linh tuyên bố về Đỗ Đại Nhĩ vài tuần sau lễ rửa tội, "Ông Đỗ Nguyệt Thăng đang trở thành một tín đồ Thiên Chúa giáo đích thực, vì kể từ ngày ông được rửa tội đến nay, con số người bị bắt cóc tại Thượng Hải giảm xuống rõ rệt."

    Comment


    • #17
      Chương 16

      Vụ Bắt Cóc Tưởng Giới Thạch
      Ngay cả những người Trung hoa thân Nhật cũng phải kinh hoàng trước sự bao vây của Nhật Bản. Khi họ áp lực đòi Tưởng Giới Thạch phải có thái độ rõ rệt với Nhật Bản thì họ chỉ muốn làm dịu bớt sự căng thẳng, chứ không muốn có một sự đụng độ vũ trang với Nhật Bản. Năm 1935 vì chưa sẵn sàng một cuộc chiến tranh toàn diện với Nhật, Tưởng phải đề nghị ký một hiệp ước thân hữu với Nhật, nhượng lại tất cả quyền lợi thương mại và tô giới của các nước Âu Châu cho Nhật. Đây là một sự nhượng bộ lớn lao mà nhiều người Trung hoa yêu nước cực lực phản đối. Bộ ngoại giao Nhật Bản vội đồng ý chấp nhận ngay, nhưng lúc đó phe quân phiệt Nhật đang thắng thế và đang muốn chinh phục Trung hoa, nên bác bỏ đề nghị của Tưởng.
      Đến đó thì Tưởng biết rằng Nhật Bản sắp sửa khai chiến. Ngay từ năm 1931, một cố vấn của Tưởng đã báo động rằng Nhật Bản sẽ chiếm Mãn châu nhiều tháng trước khi sự việc này thực sự xảy ra. Lần này, Tưởng cũng không ngạc nhiên trước thái độ hung hăng của phe quân phiệt Nhật. Tưởng không thiếu vũ khí. Khổng Tường Hy đã sang tận Đức mua về một số lượng vũ khí rất lớn của hãng Krupp. Trung hoa cũng là khách hàng mua vũ khí và phi cơ quan trọng nhất của Hoa Kỳ.
      Đúng như người ta dự đoán trước, quân Nhật tấn công và chiếm Thái Nguyên và yêu cầu quân đội Quốc dân đảng rút lui khỏi tỉnh Hà Bắc. Khi quân Quốc dân đảng chịu rút lui thì Nhật Bản lập tức xáp nhập các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, và Sáp Cáp Nhĩ thành một khu tự trị dưới sự kiểm soát của quân Nhật. Quân Nhật làm chủ tất cả vùng đông bắc Trung hoa cho tới tận bên ngoài thành phố Bắc Kinh.
      Trong khi đó Mao Trạch Đông và hồng quân Trung hoa trốn khỏi căn cứ sô viết Giang Tây đã đến được Diên An sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Lực lượng cộng sản vô cùng suy yếu sau một cuộc đào tẩu gian nan kéo dài cả năm trời. Phe cộng sản lúc này rất cần thời gian để bồi dưỡng sức mạnh và phát triển. Mao rất sợ Tưởng Giới Thạch mở cuộc tấn công ngay, nên phải lôi phe quốc gia chống Nhật hợp tác, như một sự che chở trước sức mạnh của Tưởng. Người Trung hoa ái quốc đặt mục tiêu chống quân xâm lăng Nhật lên trên tất cả. Mao Trạch Đông lợi dụng được lợi điểm đó từ người quốc gia, và biến họ thành đồng minh nhất thời trong lúc lực lượng cộng sản còn quá yếu. Các sinh viên kính phục những người dám chống Nhật, và coi họ là anh hùng. Ngày 9-12-1935, hàng chục ngàn sinh viên tại Bắc Kinh biểu tình đả đảo Nhật Bản. Cuộc biểu tình được toàn quốc chú ý, và bà Khánh Linh cũng từ bỏ cuộc sống ẩn dật tại Thượng Hải, và dấn thân chiến đấu, thành lập Phong Trào Liên Minh Cứu Quốc.
      Mạc tư khoa cũng sợ Nhật Bản nên ra lệnh cho đảng cộng sản Trung hoa chấm dứt việc tuyên truyền chống Tưởng Giới Thạch, và phải kết hợp với Quốc dân đảng thành một mặt trận thống nhất. Mao Trạch Đông phản đối lệnh của Nga sô, nhưng chưa đủ mạnh để cưỡng lệnh. Mao đành phải miễn cưỡng tìm cách liên lạc với Tưởng qua thống chế Trương Học Lương. Quân của Trương Học Lương đóng tại vùng biên giới tây bắc, bên cạnh căn cứ của cộng quân.
      Trương Học Lương là một sứ quân thông minh, khác hẳn các sứ quân khác là những kẻ vừa độc ác tham lam vừa thiển cận tự tôn. Sau một tuổi trẻ trác táng tại Mãn Châu và Âu Châu, Trương Học Lương nghiện thuốc phiện. Người ta thấy có dấu hiệu những thuốc phiện của Trương Học Lương dùng đã được bào chế để hủy hoại tinh thần viên sứ quân trẻ tuổi. Trùm mật vụ Thái Lý của Tưởng Giới Thạch rất thiện nghệ đầu độc đối thủ của Tưởng bằng thuốc phiện. Sau khi thân phụ là sứ quân Trương Tác Lâm bị quân Nhật ám sát năm 1928, Trương Học Lương đã liên kết với Tưởng Giới Thạch vì lòng ái quốc bồng bột, và cũng muốn trả thù nhà. Nhưng Tưởng Giới Thạch đã ngăn cản không cho Trương Học Lương bảo vệ Mãn châu chống lại quân Nhật, và sau đó Tưởng đổ lỗi cho Trương Học Lương làm mất Mãn Châu. Sau đó Tưởng dùng Trương Học Lương làm vật tế thần mỗi khi quân Nhật chiến thắng. Trương Học Lương đành phải từ bỏ mọi chức vụ và tìm lãng quên trong khói thuốc phiện.
      Một cố vấn người Úc hết sức khuyên Trương Học Lương sang chữa trị bệnh nghiện thuốc phiện tại Âu Châu. Năm 1934, từ Âu Châu trở về, Trương Học Lương là một người hoàn toàn khác hẳn trước. Sự yếu đuối ủy mị với thuốc phiện nay được thay thế bằng một tinh thần quốc gia mãnh liệt. Trương Học Lương tin rằng phải cứu nước Trung hoa bằng cách khuyến dụ Tưởng Giới Thạch phải cứng rắn với Nhật Bản. Trương Học Lương đã bàn cãi vấn đề này với Tống Tử Văn, và hai người thấy rằng chỉ có một cuộc đảo chánh mới thay đổi được tình thế.
      Đầu năm 1936, Trương Học Lương âm thầm ra lệnh cho quân của mình tại biên giới không được tấn công quân cộng sản. Trương Học Lương tin rằng phần lớn những người đi theo cộng sản là vì Tưởng Giới Thạch và các thế lực ngoại bang đã đưa Trung hoa đến chỗ suy đồi. Trương Học Lương quyết định rằng người Trung hoa sẽ không bắn giết lẫn nhau trong khi quân ngoại xâm đang tàn phá đất nước. Thực ra bất cứ ở đâu, cộng sản Trung hoa cũng lợi dụng những tấm lòng ái quốc chân thành nhưng ngây thơ như Trương Học Lương để chiến thắng, và khi người quốc gia nhận chân được cộng sản thì thường quá trễ rồi.
      Tháng 6 năm đó, Trương Học Lương bí mật gặp Chu Ân Lai, và bàn thảo xem hai bên có thể quên được những mối bất đồng, để có thể phát triển được một chiến lược chung không. Lúc đó phe cộng sản còn quá yếu, và rất cần sự liên kết với các lực lượng quốc gia để sinh tồn, và chờ thời gian phục hồi được sức mạnh. Cả Chu Ân Lai và Trương Học Lương đều tin rằng giải pháp duy nhất là thành lập một mặt trận thống nhất. Trương Học Lương rất trọng lời hứa. Ngay lập tức Trương Học Lương ra lệnh mọi hành động quân sự chống lại cộng sản ngưng hẳn, và thiết lập một sự liên lạc giữa hai bộ tham mưu, và văn phòng của Phong Trào Liên Minh Cứu Quốc được tổ chức khắp miền tây bắc Trung hoa.
      Phe Tưởng Giới Thạch phong thanh biết được sự khác lạ của vùng biên giới tây bắc, nhưng các điệp viên của Thái Lý không biết rõ sự hợp tác của Trương Học Lương và cộng sản như thế nào. Vào đúng lúc Tưởng định tung ra chiến dịch tiêu diệt cộng sản, thì các điệp viên chỉ báo cáo cho Tưởng biết các tư lệnh của vùng tây bắc không thể tin tưởng được nữa. Mối ưu tư tâm phúc của Tưởng là cộng sản, chứ không phải là quân xâm lăng Nhật Bản. Tưởng rất nhạy cảm trong công cuộc chống cộng, và cho rằng việc Nhật Bản chiếm một phần đất Trung hoa chỉ là một sự thua thiệt nhất thời. Tưởng tin rằng trước sau gì người Trung hoa cũng đánh đuổi được quân Nhật. Nhưng hiểm họa cộng sản mới thực là lâu dài và khó chữa. Chính vì thế, Tưởng quyết định bay lên Tây An với mục đích hăm dọa Trương Học Lương phải thi hành lệnh tấn công quân cộng sản.
      Khi Tưởng Giới Thạch tới nơi, Trương Học Lương đề nghị nên bãi bỏ chiến dịch diệt cộng, và phải thành lập một mặt trận chung với phe cộng sản để chống kẻ thù chung là quân xâm lăng Nhật Bản. Trương Học Lương nhấn mạnh lúc đó là thời cơ của một cuộc chiến tranh cứu nước chứ không phải là lúc mở một cuộc nội chiến. Tưởng nổi cơn lôi đình và bỏ về tổng hành dinh Quốc dân đảng tại Lạc Dương, cách xa Tây An 300 cây số. Trương Học Lương đi theo để tranh luận thì Tưởng giận dữ mắng nhiếc Trương Học Lương là một người quá ngây thơ.
      Ngày 4-12-1936, Tưởng quay trở lại Tây An, và thông báo sẽ tiến hành chiến dịch tiêu diệt cộng sản vào ngày 12-12. Tưởng sẽ bổ nhiệm một tướng tư lệnh mới tại vùng tây bắc, và thuyên chuyển Trương Học Lương về miền nam cùng với quân đội và thuộc hạ của Trương Học Lương. Trương Học Lương và Dương Hổ Thành cố gắng trình bày những lý lẽ xin Tưởng tái xét lại quyết định trên, nhưng Tưởng tức giận bước ra khỏi phòng, và cùng vệ sĩ lái xe tới vùng suối nước nóng tại đồi Ly Sơn, cách Tây An 12 dặm. Suối nước nóng này nổi tiếng từ đồi nhà Đường. Chính tại đây Đường Minh Hoàng thường đứng dưới hàng liễu rủ để ngắm Dương Qúy Phi tắm. Cũng chính tại đây tướng An Lộc Sơn cũng thường tới tắm chung với Dương Qúy Phi, và cũng vì thế An Lộc Sơn phản loạn nhà Đường để chiếm Dương Qúy Phi, người được coi là đẹp nhất đời Đường, và là một trong Tứ Đại Mỹ Nhân của Trung hoa.
      Trương Học Lương và Dương Hổ Thành nhận thấy tình trạng nguy hiểm của họ. Nếu họ không làm gì cả thì sẽ mất địa vị hiện tại của họ và khi về miền nam, họ sẽ trở thành những người bất lực. Chính Dương Hổ Thành đã đi tới giải pháp bắt cóc Tưởng Giới Thạch để bắt buộc phe Quốc dân đảng phải nhượng bộ, không tấn công phe cộng sản nữa, và tập trung tất cả sức mạnh chống lại ngoại xâm.

      *
      Tưởng Giới Thạch có thói quen dậy sớm, và đứng khoanh tay trước cửa sổ mỗi buổi sáng. Sáng ngày 12-12 tại vùng nghỉ mát đồi Ly Sơn, Tưởng cũng dậy sớm, tháo bộ răng giả đặt lên bàn ngủ cạnh giường và đứng trước cửa sổ một giờ. Nơi cư ngụ của Tưởng được 50 vệ sĩ canh gác, do một sĩ quan nổi tiếng khát máu chỉ huỵ Đúng 5:30 sáng, Tưởng đang đứng im lặng, nhìn ra rặng núi xa, bên ngoài bức tường hoa của vườn sau, thì 4 xe vận tải lớn chở 120 binh sĩ đến trước cổng. Viên tiểu đoàn trưởng ra lệnh mở cổng. Khi người gác cổng từ chối không chịu mở cổng thì binh sĩ bên ngoài nổ súng.
      Tưởng Giới Thạch giật mình khi nghe tiếng súng nổ. Tưởng hoảng hốt tưởng là một cuộc phản loạn của binh sĩ cộng sản. Súng nổ mỗi lúc một rát hơn, rồi ba vệ sĩ thân tín chạy vào phòng yêu cầu Tưởng phải trốn. Tưởng vội vàng vùng chạy ra cửa sau, quên cả bộ răng giả trên bàn ngủ. Khi chạy tới cuối vườn, ba vệ sĩ khiêng Tưởng lên và đẩy Tưởng ra bên ngoài bức tường. Tưởng té xuống đất, xương sống bị trẹo và một bên mắt cá chân bị sưng tấy. Vùng đồi phía sau đầy sỏi và gai góc. Tưởng hoảng sợ chạy ngược lên đỉnh đồi, chân đạp cả vào gai góc. Mắt cá chân và xương sống Tưởng mỗi lúc một đau đớn hơn. Trong khi đó cuộc lục soát đi tìm kiếm Tưởng vẫn tiếp tục. Tất cả 50 vệ sĩ của Tưởng bị bắn chết từng người một, khi toán binh sĩ tiến vào lục soát các phòng. Khi biết chắc Tưởng đã bỏ chạy rồi thì toán binh sĩ bắt viên chỉ huy vệ sĩ của Tưởng về Tây An, và đóng đinh hắn lên cổng thành.
      Toán quân phản loạn biết chắc Tưởng phải chạy lên đồi, nên tiểu đoàn bao vây ngọn đồi, và dàn thành hàng ngang tiến lên lục soát. Sau hai lần lục soát, toán quân phản loạn vẫn không tìm thấy Tưởng. Họ trở lại căn nhà nghỉ mát của Tưởng và tìm thấy bộ răng giả của Tưởng, cùng với cuốn nhật ký và một số tài liệu. Phải mất bốn giờ nữa, vào khoảng 9 giờ sáng, một tiểu đội phản loạn tình cờ trông thấy Tưởng đang cố nằm nép sát vào một khe núi bên trong. Tưởng lạnh run, mệt nhoài và đau đớn vì những vết thương ở chân và xương sống. Một người lính nhảy xuống, vác Tưởng lên khỏi hang rồi cả bọn khiêng Tưởng xuống đồi. Tưởng được xe hơi chở về Tây An, và được một đội quân nhạc dàn chào. Trương Học Lương tiến ra và dẫn Tưởng vào một căn phòng ngủ, tại đó một bác sĩ đang chờ sẵn để săn sóc vết thương cho Tưởng. Cuộc phản loạn thành công hoàn toàn, và quân sĩ của tướng Dương Hổ Thành ăn mừng chiến thắng này bằng ba ngày cướp bóc dân chúng quanh vùng.
      Trương Học Lương đánh điện ra lệnh cho một lữ đoàn của mình phải chiếm phi trường Lạc Dương, nằm cách Tây An 300 cây số. Trương Học Lương sợ rằng nếu không chiếm được Lạc Dương thì Quốc dân đảng sẽ sử dụng phi trường đó để oanh tạc Tây An. Viên lữ đoàn trưởng phản đối lệnh của Trương Học Lương, và đưa bức điện tín cho viên tư lệnh Quốc dân đảng. Phi trường Lạc Dương liền được canh phòng cẩn mật, và Nam Kinh được thông báo những gì đang xảy ra tại Tây An. Quân Quốc dân đảng lập tức chiếm giữ Đông Quận, kiểm soát đèo chiến lược nằm giữa Sơn Tây và Thiểm Tây. Nhưng quân phản loạn cũng chiếm được Lan Châu, thủ đô tỉnh Cam Túc, bảo vệ được hậu phương của phe phản loạn. Trương Học Lương công bố một điện tín có chữ ký của các lãnh tụ phản loạn, yêu cầu chính phủ Nam Kinh thì hành những yêu sách sau đây: chấm dứt nội chiến, phóng thích tù chính trị, cho phép tự do biểu tình ái quốc, cho phép các cuộc tụ họp chính trị, phải thi hành tức khắc chúc thư của Tôn Dật Tiên, và triệu tập Đại Hội Cứu Quốc ngay.
      Từ lúc bị bắt, Tưởng Giới Thạch hoàn toàn khủng hoảng. Tưởng từ chối không chịu ăn, không chịu ra khỏi giường. Trương Học Lương đề nghị chuyển Tưởng tới một nơi cư ngụ sang trọng hơn, nhưng Tưởng im lặng không trả lời. Mãi tới ngày 14-12, một cố vấn người Úc đến Tây An để dàn xếp, Tưởng mới chịu chuyển sang một tư gia. Trong khi đó thì phe thân Nhật trong chính phủ Nam Kinh do bộ trưởng quốc phòng cầm đầu, phái quân đội chính phủ tiến tới bao vây Tây An, dự định dùng bộ binh, pháo binh và không quân tấn công Tây An, lấy cớ để giải thoát Tưởng, nhưng thực ra là để diệt Tưởng để lên thay Tưởng.
      Tại Thượng Hải, Tống Mỹ Linh ngất xỉu khi nghe tin chồng bị bắt cóc. Khổng Tường Hy vội nắm chức quyền thủ tướng, nhưng người ta không biết lập trường của ông ta ngả về phe nào. Phe anh chị của Bố già Đỗ Đại Nhĩ thì ủng hộ bộ trưởng quốc phòng Hà Ứng Khâm, đòi hỏi biểu dương lực lượng tiến về Tây An. Giới anh chị cũng muốn loại bỏ Tưởng để dễ kiểm soát quyền hành. Nhưng Tống Mỹ Linh đã mau lẹ tới Nam Kinh để ngăn cản bộ trưởng quốc phòng mở cuộc tấn công vào Tây An. Mỹ Linh nói với bộ trưởng quốc phòng:
      "Tôi kêu gọi các ông, không phải với tư cách một người đàn bà lo lắng cho sự an nguy của chồng, nhưng với tư cách một người công dân có một thái độ thực tế, để có được một giải pháp ít tốn kém nhất cho một vấn đề quốc gia trọng đại. Nhưng những gì quý vị đề nghị thi hành ngày hôm nay sẽ thực sự gây ra nguy hiểm cho Tưởng thống chế. Vì trong tâm hồn quần chúng cũng như trong tâm hồn tôi, sự an nguy của Tưởng thống chế không thể tách ra khỏi sự đoàn kết và sự tồn tại của quốc gia này vào giai đoạn trọng đại nhất của lịch sử, thì không nên bỏ lỡ bất cứ một cơ hội có thể tìm được sự giải cứu Tưởng thống chế bằng phương tiện hoà bình."
      Trong khi đó, Khổng Tường Hy lên đài phát thanh tuyên bố, "Chúng ta rất quan tâm tìm cách cứu Tưởng thống chế. Tuy nhiên thái độ của chúng ta là không nên để sự an nguy của một cá nhân can dự vào quốc sách." Khổng Tường Hy có thể đứng hẳn vào phe Bố già Đỗ Đại Nhĩ, hay lời tuyên bố này nhằm mục đích không cho đối phương khai thác được sự bắt cóc Tưởng. Nhưng dù lý do nào đúng thì Tưởng Giới Thạch cũng rất hoảng sợ. Tưởng sai một cộng sự viên thân tín nhất bay về Nam Kinh với mệnh lệnh cấm tấn công vào Tây An. Tuy nhiên mười một sư đoàn Quốc dân đảng đang bao vây Tây An, và tất cả phi cơ của Quốc dân đảng đều tập trung tại Lạc Dương, sẵn sàng đợi lệnh tấn công.
      Tại Tây An, Tưởng bướng bỉnh bác bỏ tất cả 8 yêu sách của phe phản loạn. Dương Hổ Thành và các tướng phản loạn khác đòi bắn chết Tưởng Giới Thạch, nhưng Trương Học Lương cố gắng ngăn cản họ. Tại tổng hành dinh cộng sản, cách Tây An 300 cây số, Mao Trạch Đông rất hồ hởi nghe tin Tưởng bị bắt cóc. Mao tuyên bố trước các cán bộ, "Kể từ ngày 12-4-1927, Tưởng Giới Thạch nợ chúng ta một món nợ máu cao hơn núi. Đây chính là lúc phải thanh toán món nợ máu này. Phải đưa Tưởng Giới Thạch về Bảo An và giao cho tòa án nhân dân xét xử."
      Chu Ân Lai thì chờ lệnh của Mạc tư khoa để về Tây An đại diên phe cộng sản. Mạc tư khoa ra lệnh cho cộng đảng Trung hoa phải hòa giải với phe Quốc dân đảng, và phải bảo vệ sinh mạng cho Tưởng Giới Thạch. Chu Ân Lai phải đạt được sự hòa giải với Quốc dân đảng. Stalin nhấn mạnh phải thả Tưởng Giới Thạch thì mới mong thành lập được mặt trận thống nhất chống Nhật, vì mối lo hàng đầu của Nga sô là quân phiệt Nhật Bản sẽ tấn công Nga sộ Các phe phái tại Trung hoa phải đoàn kết với nhau và cầm chân quân phiệt Nhật tại Trung hoa. Nếu Trung hoa thất bại, không ngăn cản được quân Nhật tại Trung hoa thì quân Nhật sẽ tiến tới biên giới Nga sộ Mao Trạch Đông rất căm phẫn chịu thua lệnh của Stalin và mất cơ hội giết Tưởng Giới Thạch để trả thù. Về phía Nhật Bản thì rất bình tĩnh và thỏa mãn, vì cả thế giới được chứng kiến sự bất lực của người Trung hoa.
      Việc bắt cóc Tưởng Giới Thạch có lẽ là âm mưu của Tống Tử Văn. Tống Tử Văn bất mãn thái độ quá mềm yếu của Tưởng đối với Nhật Bản, và cũng để trả thù cái bạt tai trước kia. Khi việc giải thoát cho Tưởng có vẻ bế tắc, thì Tống Tử Văn đứng ra giải quyết. Bộ trưởng quốc phòng Quốc dân đảng thông báo cho đại sứ Nhật biết chiến dịch trừng phạt Tây An sẽ tiến hành như đã định trước, và tức giận yêu cầu Tống Tử Văn không được xen vào công việc của chính phủ. Tống Tử Văn xác nhận có quyền can thiệp vào việc nước, và không cần phải tuân lệnh bộ trưởng quốc phòng, vì ông là một công dân chứ không phải là một người lính. Tống Mỹ Linh vội làm dịu bộ trưởng quốc phòng Hà Ứng Khâm bằng cách đồng ý không đi Tây An theo Tống Tử Văn.
      Khi Tưởng Giới Thạch thấy Tống Tử Văn đưa cho một lá thư của Mỹ Linh, trong đó chỉ vắn tắt vài dòng chữ, "Nếu trong vòng ba ngày Tống Tử Văn không trở về Nam Kinh thì em sẽ tới Tây An để sống và chết cùng với mình", thì Tưởng thống chế nổi tiếng tàn ác của Quốc dân đảng xúc động quá đến nỗi òa lên khóc nức nở. Tống Tử Văn bảo Trương Học Lương đi ra ngoài để ông nói chuyện riêng với Tưởng.
      Tưởng cho Tống Tử Văn biết quân phản loạn thay đổi thái độ với ông sau khi đọc hết cuốn nhật ký của ông. Trong nhật ký, Tưởng viết sẽ tận lực đánh đuổi quân ngoại xâm Nhật Bản, sau khi diệt xong cộng sản. Tưởng cho Tống Tử Văn biết mối nguy hiểm chính không phải là ở nhóm phản loạn, mà là phe thân Nhật trong chính phủ Nam Kinh, đang muốn tấn công tiêu diệt Tây An và giết cả Tưởng một thể.
      Đêm đó Tống Tử Văn và Trương Học Lương cùng đến bàn luận với Tưởng Giới Thạch. Tống Tử Văn cho biết phải giải quyết vấn đề gấp rút. Chính phủ Nam Kinh chỉ cho hưu chiến ba ngày. Sau đó cuộc tấn công dữ dội sẽ bắt đầu. Cuối cùng sau 24 giờ thảo luận, Tưởng đành nhượng bộ, chấp nhận toàn bộ 8 yêu sách của phe phản loạn. Tống Tử Văn vội trở về Nam Kinh và đưa Mỹ Linh cùng với trùm mật vụ Thái Lý lên Tây An. Mỹ Linh đem theo cả người đầu bếp. Mỹ Linh có thói quen không bao giờ đi xa mà không mang theo đầu bếp, không phải vì bà kén ăn, mà vì sợ bị đầu độc. Chính trường Trung hoa vào những năm 1930 đầy rẫy những vụ đầu độc đối thủ chính trị.
      Khi Mỹ Linh bước xuống phi cơ, Trương Học Lương trịnh trọng cúi gập người xuống chào Mỹ Linh. Trướng kia Trương Học Lương cũng là một trong những người muốn lấy Mỹ Linh làm vợ. Bây giờ Trương Học Lương lại là người bắt cóc chồng Mỹ Linh. Họ Trương đưa Mỹ Linh tới gặp Tưởng ngaỵ Vật đầu tiên Mỹ Linh đưa cho Tưởng là một bộ răng giả. Ngày hôm sau, Tưởng ngồi tiếp các sứ quân đến chào. Người lo lắng nhất là Dương Hổ Thành và các tướng tư lệnh trong vùng, những người trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc. Chu Ân Lai khuyên Dương Hổ Thành nhận một món tiền thật lớn của Tống Tử Văn và đem gia đình trốn sang sống tại Âu Châu.
      Chu Ân Lai tới và thương thảo với Tưởng Giới Thạch liên tiếp hai ngày. Chu Ân Lai vẫn gọi Tưởng là "Chỉ huy trưởng" như lúc còn làm việc dưới quyền Tưởng tại trường võ bị Hoàng Phố. Về sau Tưởng khen Chu Ân Lai là một người cộng sản biết điều nhất. Tống Mỹ Linh cũng rất phấn khởi khi nghe Chu Ân Lai nói, "Trong hiện tình của đất nước, không ai ngoài Tưởng thống chế có thể lãnh đạo quốc giạ" Mỹ Linh cũng đề nghị với Chu Ân Lai, "Tất cả những vấn đề nội bộ của Trung hoa nên giải quyết bằng phương tiện chính trị chứ không nên dùng vũ lực. Chúng ta cùng là người Trung hoa cả mà."
      Sau khi Tống Tử Văn trao tiền cho phe phản loạn thì Tưởng Giới Thạch được tự do tới phi trường Lạc Dương để trở về Nam Kinh. Tưởng đem theo cả thống chế Trương Học Lương về Nam Kinh để trị tội. Mấy tháng sau đó, phe Quốc dân đảng coi việc giải thoát được cho Tưởng là một chiến thắng lớn. Tuần báo Time của Mỹ bầu Tưởng và Mỹ Linh là cặp vợ chồng số một của năm 1938, và đăng hình hai người lên bìa báo.
      Hành động theo Tưởng Giới Thạch trở về Nam Kinh của Trương Học Lương được nhiều người coi là thiếu suy nghĩ. Đáng lẽ Trương Học Lương phải ở lại vùng tây bắc, và phải tránh xa Tưởng. Tuy nhiên sau này Mao Trạch Đông cho biết đó là điều kiện của Tưởng khi chấp nhận 8 yêu sách của phe phản loạn. Tưởng cần phải bắt Trương Học Lương về Nam Kinh để rửa tiếng xấu bị bắt cóc. Chính Trương Học Lương vì lòng ái quốc và đại cuộc, đã lên tiếng nhiều lần trước quần chúng, chấp nhận mọi lỗi lầm trong vụ Tây An. Trương Học Lương thoạt đầu tạm trú trong nhà Tống Tử Văn, và được nhiều người cho là đã có công lớn đối với tổ quốc, vì chính Trương Học Lương đã tạo ra Mặt trận Thống nhất để chống lại Nhật Bản. Tuy nhiên Tưởng Giới Thạch không bao giờ tha thứ cho viên thống chế trẻ tuổi và ái quốc này vì tội đã làm nhục ông, và làm hỏng kế hoạch tiêu diệt cộng sản của ông. Việc bắt cóc tại Tây An đã ám ảnh tâm trí Tưởng Giới Thạch trong nhiều năm sau đó, và đó là khởi đầu cho chiến thắng của cộng sản. Điều đáng sợ cho Tưởng là Trương Học Lương được quần chúng kính nể và là người có nhiều đức tính để trở thành một nhà lãnh đạo tối cao, thay thế Tưởng, trong khi Tưởng là một người có quá nhiều vết nhơ trước mắt quần chúng. Vì thế Trương Học Lương không thể sống tự do được. Tưởng ra lệnh quản thúc Trương Học Lương tại gia và giao cho trùm mật vụ Thái Lý canh giữ.
      Các cố gắng của bạn bè Trương Học Lương, trong đó có cả Tống Tử Văn, can thiệp xin Tưởng trả tự do cho Trương Học Lương đều thất bại. Trong lúc đó mật vụ canh giữ Trương Học Lương được lệnh bắt Trương Học Lương phải hút thuốc phiện. Trong suốt thời gian bị cầm tù, Trương Học Lương chăm chú nghiên cứu lịch sử của đời nhà Minh. Người đồng mưu với Trương Học Lương bắt cóc Tưởng Giới Thạch là tướng Dương Hổ Thành cũng bị Tưởng bắt được khi ông này ở Âu Châu lén trở về Trung hoa thăm nhà. Dương Hổ Thành không được biệt đãi như Trương Học Lương, mà bị trùm mật vụ Thái Lý hành hạ suốt mười một năm trước khi bị giết chết. Vợ của Dương Hổ Thành tuyệt thực phản kháng đòi trả tự do cho chồng. Tưởng Giới Thạch để mặc cho vợ Dương Hổ Thành nhịn đói mà chết.
      Nhiều năm sau, bà Tống Khánh Linh nói về việc bắt cóc Tưởng Giới Thạch như sau, "Việc làm của Trương Học Lương rất đúng. Nếu tôi ở địa vị của Trương Học Lương, tôi cũng sẽ làm như vậy. Điều khác duy nhất là tôi sẽ không thả Tưởng Giới Thạch."

      Comment


      • #18
        Chương 17

        Vai Trò Của Tống Mỹ Linh
        Trong biến cố Tây An, một số cộng sự thân tín của Tưởng Giới Thạch tại Nam Kinh chủ trương oanh tạc Tây An mà không đếm xỉa tới sự an nguy của Tưởng. Khi được trả tự do, Tưởng quyết định không giao phó lực lượng không quân cho những người cộng sự này nữa. Tống Mỹ Linh ngỏ ý thích điều khiển không lực Quốc dân đảng và được Tưởng đồng ý chấp thuận. Thế là cô con gái út của Tống Giáo Nhân trở thành tư lệnh của một binh chủng mới, nhưng cực kỳ quan trọng trong chiến tranh hiện đại.
        Việc đầu tiên mà bà tân tư lệnh không quân Tống Mỹ Linh làm là thuê cựu phi công Mỹ Roy Holbrook làm cố vấn. Mỹ Linh hỏi ai có khả năng giúp không lực Quốc dân đảng thì Holbrook tiến cử Claire Lee Chennault, một người có một quá trình rất sóng gió. Chennault tới Trung hoa năm 1937, và phục vụ cho Mỹ Linh trong một thời gian thật lâu dài, và được gọi là Tướng Cọp Bay.
        Lúc đó không lực Quốc dân đảng do các chuyên viên Ý huấn luyện, theo một hợp đồng với Khổng Tường Hy, và có một nhà máy Fiat hỗ trợ. Theo Holbrook thì người Ý đã thành công phá hoại không lực Trung hoa. Tại trường huấn luyện, bất cứ phi công Trung hoa nào làm cho phi cơ bay được là đủ điều kiện tốt nghiệp. Không lực có khoảng 500 phi cơ, nhưng chỉ chừng 100 phi cơ bay được. Quả thực các phi cơ Quốc dân đảng lúc đó nguy hiểm cho phi công hơn là cho quân địch.
        Hai tháng sau khi Chennault tới thì quân Nhật mở cuộc tấn công Bắc Kinh. Nhật mở rộng chiến tranh tới tận Thiên Tân và Thượng Hải. Đây là cơ hội cho Chennault xử dụng không lực mới được tổ chức lại. Các phi công Trung hoa có tinh thần cao và nhiệt tình yêu nước nhưng thiếu kinh nghiệm, nhưng đã bay những phi vụ rất can đảm. Rất ít phi công trở về được căn cứ. Mỹ Linh thấy không thể tiếp tục như thế, vì sẽ phí phạm các thanh niên ưu tú Trung hoa một cách vô ích. Bà yêu cầu Chennault thuê nhiều phi công kinh nghiệm ngoại quốc cho đến khi phi công Trung hoa được huấn luyện thành thạo.
        Thoạt đầu một số phi công Nga sang giúp quân đội của Tưởng, vì Nga sô rất sợ Nhật bản thành công tại Trung hoa. Nhưng về sau Nga sô lơi là trợ giúp Trung hoa vì phải bận tâm tới chiến tranh tại Âu Châu hơn, và chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ phương tiện trợ giúp được cho Quốc dân đảng. Mỹ Linh viết nhiều bài báo kêu gọi độc giả Mỹ hậu thuẫn cho việc viện trợ cho quân đội Trung hoa. Mỹ Linh được tờ Time hỗ trợ trong việc vận động quần chúng Mỹ.
        Khi Nhật Bản tấn công các tỉnh đông bắc Trung Hoa thì Tống Tử Văn tiên đoán trong ba tháng Nhật Bản sẽ bị phá sản và có nội loạn. Nhưng ba tháng sau, Tống Tử Văn phải yêu cầu hải quân Mỹ lén đưa ông ta ra khỏi Thượng Hải. Lúc đó Thượng Hải nằm trong tay quân Nhật. Trong lúc Hoa Thịnh Đốn đang nghiên cứu đề nghị dẫn Tống Tử Văn trốn khỏi Thượng Hải thì họ Tống nhờ nhóm anh chị Lục Hội giúp ông thoát hiểm, và dĩ nhiên phải trả công cho Lục Hội rất hậu.
        Trong năm 1938, quân Nhật đuổi Tưởng Giới Thạch và chính phủ Quốc dân đảng phải tháo chạy khỏi Nam Kinh, và tàn sát ba trăm ngàn dân chúng tại Nam Kinh. Tưởng và chính phủ Quốc dân đảng chạy tới Vũ Hán, rồi chạy một hơi thêm 500 dặm nữa, tới một nơi thật an toàn mà không một quân đội ngoại quốc nào có thể xâm nhập được. Đó là vùng núi non của Tứ Xuyên, và Tưởng thiết lập chính phủ tại Trùng Khánh, một thị trấn nhỏ bé nghèo nàn trên bờ sông Dương Tử. Trên đường chạy tới Trùng Khánh, chế độ Quốc dân đảng đã "giải phóng", "bảo hộ", và "tịch thu" rất nhiều tiền bạc của cải của mọi tổ chức tư nhân khác nhau và các nhà giàu. Nhưng đến mùa xuân năm 1940, Tưởng lại thiếu tiền, và Khổng Tường Hy lại phải in hàng trăm triệu tiền giấy tại Hương Cảng, và chở tới Trùng Khánh. Mọi người đều biết tiền giấy đó vô giá trị. Cuộc chinh phục của người Nhật đã tạm thời làm gián đoạn đường giây bạch phiến, và cắt giảm nguồn lợi tức quan trọng nhất của Tưởng, trong lúc Tưởng rất cần tiền để mua khí giới ngoại quốc, và cũng để trả cho các sứ quân với mục đích mua chuộc và giữ lòng trung thành của họ.
        Vì thế tháng 6-1940, Tống Tử Văn được cử sang Hoa kỳ để tìm cách vay tiền của người Mỹ. Nhưng Tống Tử Văn không ưa thích những điều Tưởng làm, vì thế Tống Tử Văn ở lại Hoa kỳ trên hai năm cùng với vợ con. Nhiệm vụ đầu tiên của Tống Tử Văn là lấy được số tiền ứng trước 50 triệu cho việc xuất cảng tung-ten của Trung hoa. Nhưng lúc đó mối quan tâm của Hoa Kỳ là Âu Châu và Hitler. Tống Tử Văn trình bày cho người Mỹ biết công cuộc bảo vệ Trung hoa của Tưởng Giới Thạch là một cuộc chiến đấu can trường chống lại quân Nhật man rợ, do các tướng Quốc dân đảng có khả năng và nhiệt tâm thực hiện. Tháng 4-1938, Tướng Quốc dân đảng Lý Tông Nhân đã chứng tỏ quân đội Trung hoa có thể đánh bại được quân Nhật. Trong trận này quân Nhật bị thiệt hại nặng nề, nhưng Tưởng ra lệnh cho Lý Tông Nhân không được đuổi theo quân Nhật. Điều đáng buồn là quân đội Quốc dân đảng không có nhiều tướng tài như Lý Tông Nhân.
        Tưởng Giới Thạch một lúc phải chống lại hai kẻ thù, và kẻ thù quan trọng nhất không phải là quân xâm lăng Nhật Bản, mà là quân cộng sản đang chiến đấu dưới chiêu bài ái quốc. Tưởng điều động trên một triệu quân án ngữ quân cộng sản tại vùng tây bắc. Những nạn nhân chính trong cuộc chiến tay ba này là dân chúng vô tội. Sử gia người Pháp Jean Chesneaux đã ghi lại thảm cảnh của người Trung hoa trong cơn khói lửa như sau:

        "Nỗi thống khổ gây ra bởi sự tàn ác của quân Nhật, và các tai họa do sự bất tài của Quốc dân đảng thực là kinh khủng. Một trong những cố gắng của Tưởng nhằm ngăn chặn bước tiến của quân Nhật là giật mìn phá đê sông Hoàng Hà. Vì không được báo trước nên ba tỉnh, 11 thành phố và bốn ngàn làng đã bị ngập lụt, hai triệu người mất nhà cửa và mùa màng bị phá hủy. Dầu vậy quân Nhật cũng chỉ bị chận lại chừng ba tuần lễ thôi. Việc phá đê sông Hoàng Hà có nhiều ký giả ngoại quốc chứng kiến, nhưng chính phủ của Tưởng lên tiếng đổ lỗi cho quân Nhật."
        Khi Tưởng bị bắt cóc và bắt buộc phải thành lập Mặt Trận Thống Nhất với quân cộng sản, thì quân cộng sản được tập hợp thành Bát lộ quân do Chu Đức chỉ huỵ Nhưng Bát lộ quân cố tránh né không đụng trận với quân Nhật, để bảo toàn lực lượng. Quân cộng sản chỉ dùng chiến thuật du kích để tránh thiệt hại về quân số, trong khi đó ra sức tuyển mộ thêm quân cho Bát lộ quân. Tại nhiều nơi, quân cộng sản và quân Nhật đóng gần nhau, trông thấy nhau, nhưng hai bên đều không nổ súng. Phần lớn những cuộc giao tranh dữ dội chỉ xảy ra giữa quân Nhật và quân Quốc dân đảng. Phe cộng sản chỉ lo chuẩn bị cho cuộc chiến với Quốc dân đảng sau khi quân Nhật bại trận.
        Nhiều tướng lãnh của Quốc dân đảng tỏ ra bất tài, vì thế đến năm 1940-41, khu vực của cộng sản mở rộng rất nhiều trong khi khu vực của Quốc dân đảng càng ngày càng thu hẹp lại. Trong khi đó hoạt động tội ác của Lục Hội vẫn không suy giảm vì chiến tranh. Bố già Đỗ Đại Nhĩ được phong chức tướng, và đã khôn ngoan di chuyển tới Trùng Khánh. Bản doanh của Lục Hội tại Thượng Hải được giao cho phụ tá của Đỗ Đại Nhĩ là Cố Tử Chuân. Tưởng giao tất cả trách nhiệm quân sự trong khu vực hạ lưu sông Dương Tử cho em của Cố Tử Chuân là tướng Cố Chúc Đồng.
        Lúc đó Quốc dân đảng và cộng sản thành lập Mặt Trận Thống Nhất, và một số đơn vị cộng sản chiến đấu dưới quyền chỉ huy của quân đội Quốc dân đảng. Đệ tứ quân đoàn cộng sản mới được thành lập muốn điều tra khu vực của anh em nhà họ Cố, để có thể mở cuộc tấn công quân Nhật tại Nam Kinh và Hán Khẩu. Đây là một khu vực có sự cộng tác giữa Lục Hội và quân Nhật. Lục Hội được phép buôn lậu thuốc phiện và mặc sức hoạt động tội ác, trong khi Lục Hội phải bảo vệ an ninh cho các trại lính và các cơ sở thương mại của Nhật tại lưu vực sông Dương Tử.
        Cố Chúc Đồng lập tức tham khảo với Tưởng Giới Thạch và nhận định rằng đệ tứ quân đoàn là một sự hăm dọa cho lãnh địa của họ Cố. Cố Chúc Đồng ra lệnh cho đệ tứ quân đoàn phải vượt qua sông Dương Tử tới một địa điểm về bắc ngạn con sông. Viên tư lệnh đệ tứ quân đoàn phản đối lệnh của Cố Chúc Đồng, vì nếu thi hành lệnh đó thì cả đệ tứ quân đoàn sẽ phải đi vào chỗ chết, vì bắc ngạn sông Dương Tử là nơi tập trung quân Nhật đông đảo nhất. Đệ tứ quân đoàn đề nghị rút lui theo một đường khác an toàn hơn. Khi phần lớn đệ tứ quân đoàn đã rút lui, chỉ để lại một lực lượng nhỏ chừng năm ngàn quân ở lại bảo vệ bộ tư lệnh, gồm có các cấp chỉ huy cao cấp và một số nữ cán bộ và y tá. Nhưng ngay đêm đó, Cố Chúc Đồng đem quân tới bao vây, và giết tất cả bộ tham mưu của đệ tứ quân đoàn cùng với năm ngàn quân bảo vệ. Các nữ cán bộ và y tá bị bắt hết, và bị quân lính của Cố Chúc Đồng hãm hiếp trong nhiều ngày. Họ bị giữ trong những ổ mãi dâm trong hơn một năm, ngay tại nơi xảy ra cuộc tàn sát. Nhiều người bị mắc bệnh phong tình, và một số tự tử chết.
        Cố Chúc Đồng sau được bổ nhiệm làm tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc dân đảng. Khi Tưởng Giới Thạch được phỏng vấn về vụ tàn sát này, Tưởng tuyên bố thẳng thừng, "Quân Nhật là bệnh ngoài da, còn cộng sản là bệnh trong tâm can." Tưởng Giới Thạch nhìn xa, ngay từ đầu đã nhận thấy nguy cơ cộng sản. Tưởng là một người chống cộng quyết liệt nhất cho tới lúc chết. Quốc sách chống cộng của Tưởng đã bị nhiều tướng lãnh Quốc dân đảng bất tài, hoặc chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân nên đưa đến thất bại bằng những quyết định thiếu chính trị.
        Thoạt đầu người Mỹ lạnh nhạt trước nhiệm vụ xin viện trợ của Tống Tử Văn, nhưng sau khi quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng thì người Mỹ vồ lấy người Trung hoa như một đồng minh thiết yếu nhất. Ngoại trưởng Knox tuyên bố với Tống Tử Văn, "Chúng tôi sẽ giết hết những tên da vàng khốn nạn đó." Không đầy ba tuần sau, Tống Tử Văn được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Trung hoa.
        Tháng 1-1942, Tống Tử Văn gặp tổng trưởng tài chánh Morgenthau, trình bày yêu cầu của Tưởng xin vay 500 triệu mỹ kim. Morgenthau tò mò hỏi chương trình sử dụng 500 triệu mỹ kim cần phải vay, vì hiện Trung hoa đã có 650 triệu rồi. Tống Tử Văn kiên nhẫn giải thích rằng Tưởng thống chế cần một tỷ mỹ kim, gồm có 500 triệu của người Anh và 500 triệu của người Mỹ làm quỹ dự trữ để dùng khi nào cần. Mặc dầu có một vài sự phản đối, nhưng tổng thống Roosevelt yêu cầu Quốc hội Mỹ chấp thuận cho Trung hoa vay số tiền đó. Tưởng Giới Thạch đánh điện cho Tống Tử Văn, nhấn mạnh số tiền vay đó không phải trả tiền lời, không đặt điều kiện trả, không bảo đảm và không điều kiện ràng buộc về cách sử dụng. Cuối cùng Tưởng Giới Thạch vay được tiền với điều kiện của Tưởng.
        Tưởng Giới Thạch hết sức hài lòng, và đã có được một nguồn tài nguyên vô tận hỗ trợ phía sau, nhờ trận đánh Trân Châu Cảng. Tưởng có toàn quyền chi tiêu số tiền vay mà không cần phải trả lời Quốc hội Mỹ. Tướng Stilwell đã có nhận xét về thái độ của Tưởng Giới Thạch như sau, "Tôi không bao giờ nghe Tưởng nói một lời để diễn tả lòng biết ơn đối với tổng thống và quốc gia chúng ta về sự trợ giúp to lớn mà chúng ta đã cung cấp cho ông tạ Ông ta luôn luôn đòi hỏi nhiều hơn, và luôn luôn than phiền về những số vật liệu cung cấp cho ông ta là ít ỏi... Ông ta thường phàn nàn rằng người Trung hoa đã phải chiến đấu sáu, bảy năm mà chúng ta không cung cấp cho họ gì cả. Thực là thiếu ngoại giao nếu chúng ta đi sâu vào những nỗ lực quân sự mà Tưởng Giới Thạch đã đạt được từ năm 1938. Quả thực đó chỉ là một con số không."
        Đúng ra mãi đến lúc quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng thì người Mỹ mới thực sự viện trợ cho Tưởng một cách quảng đại, vì lúc đó Tưởng đang đánh kẻ thù của người Mỹ. Năm 1942, bà Tống Mỹ Linh sửa soạn sang Hoa Kỳ để vận động sự ủng hộ của người Mỹ. Tống Tử Văn kịch liệt phản đối việc cô em gái sang Mỹ, vì Tống Tử Văn cho rằng Hoa Kỳ là khu vực hoạt động của riêng ông. Nhưng lý do Mỹ Linh phải đi cầu viện cũng bắt nguồn từ những sự lục đục trong gia đình. Cuộc tình duyên giữa Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch đã có nhiều sóng gió. Tưởng thống chế đang tìm an ủi ở một người đàn bà khác. Mỹ Linh bây giờ gọi Tưởng là "ông ta" chứ không còn gọi là "Tưởng thống chế" hoặc "Tưởng tổng thống" nữa. Có lần bà nổi giận cho biết "Ông ta" chỉ gắn hàm răng giả vào mỗi khi đi thăm "mụ đàn bà đó". Một hôm Mỹ Linh bước vào phòng ngủ của Tưởng và trông thấy một đôi giầy cao gót dưới gầm giường. Mỹ Linh liền cầm đôi giầy quăng mạnh ra ngoài cửa sổ, và trúng đầu một tên lính gác đứng bên dưới. Có lần Tưởng không tiếp được khách tới bốn ngày vì mặt Tưởng bị bầm tím, sau khi trúng một bình hoa trong một cuộc đụng độ với Mỹ Linh.
        Trong những năm 1940, Tưởng bắt đầu gặp gỡ nhiều người đàn bà khác. Năm 1942, Tưởng gặp lại vợ cũ là Trần Khiết Nhự Tưởng kết hôn với Mỹ Linh vì nhu cầu chính trị, phải vào làm rể nhà họ Tống để thừa hưởng cái gia tài chính trị của Tôn Dật Tiên để lại. Mỹ Linh là một người rất kiêu hãnh và thanh tịnh về tình dục. Vì thế Tưởng vẫn luyến tiếc người vợ rất điệu nghệ trong việc chăn gối là Trần Khiết Như, xuất thân từ các chốn thanh lâu của Thượng Hải. Năm 1927 Tưởng bỏ Trần Khiết Như và bắt nàng phải sang Hoa Kỳ để Tưởng có thể kết hôn với Tống Mỹ Linh. Sau đó Trần Khiết Như bí mật trở về Trung hoa, rồi mang thai, và sinh con năm 1944.
        Tưởng đã có tất cả và đạt tới tột đỉnh quyền lực. Bây giờ gia đình nhà họ Tống không còn là một cần thiết nữa. Tuy vậy Mỹ Linh đã trở nên một người đàn bà nổi tiếng khắp thế giới. Một yếu điểm của Mỹ Linh là không sinh con để nối giõi quyền lực của Tưởng. Hai con trai của Tưởng nay đã lớn rồi. Vĩ Quốc đã trở về sau thời gian huấn luyện quân sự tại Đức, và không hòa thuận với Mỹ Linh. Người con trai lớn là Tưởng Kinh Quốc từ Nga sô trở về năm 1937, đem theo một người vợ Nga sộ Khi ra đón con tại phi trường, Tưởng Giới Thạch chỉ vào Mỹ Linh và nói với Tưởng Kinh Quốc, "Bây giờ con lại chào thân mẫu con đị"
        Tưởng Kinh Quốc giận dữ trả lời, "Đó không phải là thân mẫu của con," rồi bỏ đi về Khê Khẩu, tại đó bà mẹ thực của Kinh Quốc đang chờ đợi. Tưởng Kinh Quốc rất chí hiếu với mẹ. Biến cố tại phi trường ngày hôm đó bắt đầu một cuộc tranh chấp quyền thừa kế địa vị lãnh đạo tối cao của Tưởng Giới Thạch giữa Mỹ Linh và Tưởng Kinh Quốc. Cuối cùng khi phải chạy ra Đài Loan, Tưởng Giới Thạch ngả hẳn về phía con trai, và Tưởng Kinh Quốc được lên kế vị tổng thống.
        Một lý do nữa khiến Mỹ Linh phải đi Hoa Kỳ là lý do sức khoẻ. Sức khoẻ của Mỹ Linh lúc đó bỗng nhiên suy đồi mau lẹ. Năm 1942, bà cảm thấy cần phải chữa trị nhiều chứng bệnh, như đau xương sườn, lưng bị trẹo, thần kinh kiệt quệ vì bị mất ngủ, bệnh đau mũi vì hút thuốc lá nhiều quá, các răng cấm bắt đầu hành, và bệnh nổi mề đay kinh niên. Ngoài ra còn các thương tích ở xương sườn và xương sống xảy ra trong lúc bà đi quan sát chiến trường chống quân Nhật năm 1937. Lần đó, trong lúc bà ngồi trong một chiếc xe bọc sắt, giữa lúc súng đạn hai bên bắn nhau rất dữ dội thì một bánh xe trúng đạn và nổ, khiến chiếc xe trượt và lộn đi. Mỹ Linh bị văng ra ngoài xe và xương sườn bị nứt và xương sống bị trật. Xương sống của bà vẫn gây khó chịu cho bà năm năm sau, mỗi khi có sự căng thẳng về tâm trí.
        Trước viễn ảnh cần thiết phải nằm điều trị trong bệnh viện lâu dài, bà không đếm xỉa gì tới sự phản đối của Tống Tử Văn. Năm đó Mỹ Linh đã 45 tuổi và Tưởng Giới Thạch hồ nghi bà bị bệnh ung thư, nên chuyến công du Hoa Kỳ cũng là một cơ hội cho bà thử nghiệm luôn thể.
        Một ngày tháng 11-1942, Mỹ Linh cùng cô cháu gái Khổng Lệnh Tuấn lên một chiếc phi cơ bốn máy do Shelton lái để đi Hoa Kỳ. Trong suốt cuộc hành trình, Mỹ Linh hoàn toàn im lặng, không trao đổi một lời với viên phi công Shelton. Về phần Shelton cũng được lệnh không được nói gì với Mỹ Linh. Có thể Mỹ Linh đang trải qua những khủng hoảng trầm trọng, và không muốn cho công chúng biết. Mỹ Linh thấy Shelton là một phi công giỏi, nên đòi hỏi Shelton là phi công riêng cho mình, mỗi khi đi ra ngoài Trung hoa. Nhưng khi Mỹ Linh biết Shelton có dự định mở một đường bay về Nam Mỹ thì bà cho Shelton vay 250 ngàn mỹ kim để thiết lập một công ty hàng không với cháu bà là Khổng Lệnh Kiệt. Người cháu kiểm soát về tài chánh và bà được chia lời 50%.
        Tại Hoa Kỳ, Mỹ Linh cho biết mục đích chính của bà đến Hoa Kỳ là chữa bệnh và nghỉ ngơi. Mỹ Linh nằm bệnh viện 11 tuần lễ. Bà đã được nhổ răng cấm, bệnh sổ mũi bớt nhiều. Bà được nhập viện một cách bí mật bằng một tên giả. Trong lúc nằm bệnh viện, Mỹ Linh nghe tin thủ tướng Anh Churchill đến Hoa Thịnh Đốn thăm tổng thống Roosevelt. Mỹ Linh liền viết thư cho Churchill, yêu cầu ông ta vào gặp bà tại bệnh viện, nhưng khi Churchill đề nghị Mỹ Linh đến ăn trưa tại tòa Bạch Cung với ông và Roosevelt, thì Mỹ Linh từ chối.
        Trong thời gian Mỹ Linh điều trị tại Mỹ, bà được tổng thống phu nhân Roosevelt săn sóc như con gái. Sau khi bình phục, Mỹ Linh được mời vào tòa Bạch Cung. Mặc dầu đã đòi giường của mình phải trải bằng khăn phủ giường bằng lụa, Mỹ Linh cũng đã cẩn thận mang theo những khăn phủ giường đó từ Trung hoa. Khăn trải giường phải thay mỗi ngày ít nhất một lần, và phải thay mỗi khi Mỹ Linh ngồi xuống giường. Theo lời một người hầu tại toà Bạch Cung thì mỗi ngày phải thay khăn trải giường cho Mỹ Linh từ bốn tới năm lần. Mỗi khi cần một người đầy tớ, Mỹ Linh không bấm chuông, trái lại bà chỉ vỗ tay theo kiểu Trung hoa. Mỹ Linh được coi là một người khách khó tính nhất của Bạch Cung.
        Khi Mỹ Linh ăn tiệc tại tòa Bạch Cung, tổng thống Roosevelt hỏi Tưởng thống chế sẽ giải quyết thế nào với cuộc đình công của thợ mỏ trong thời chiến. Mọi người hoảng sợ khi Mỹ Linh đưa một móng tay sơn đỏ của bà vạch ngang cổ bà, có nghĩa là sẽ chém đầu những thợ mỏ đình công. Bà Roosevelt nhận xét Mỹ Linh có thể nói về dân chủ rất hấp dẫn, nhưng không biết sống một cách dân chủ. Tuy thế bài diễn văn của Mỹ Linh trước Quốc hội Mỹ là một thành công lớn.
        Sau đó Mỹ Linh đi khắp nước Mỹ, ra mắt quần chúng trong một chiến dịch chinh phục cảm tình của người dân Mỹ đối với công cuộc chiến đấu của Trung hoa. Mỹ Linh ăn mặc rất xa hoa. Đôi giầy của bà gắn những viên ngọc lấy ra từ vương miện Phượng Hoàng của Từ Hy Thái Hậu. Theo vua Phổ Nghi, ông vua cuối cùng của nhà Thanh, các tay đạo tặc đã đào mả Từ Hy Thái Hậu, lôi xác bà lên, lột hết những nữ trang châu ngọc của bà, và một số ngọc được đem tặng cho Mỹ Linh. Mỹ Linh dùng một số viên ngọc gắn lên giầy của bà. Khi chuyến xe lửa của Mỹ Linh tới một thành phố nhỏ tại tiểu bang Utah, dân chúng và ngay cả học sinh có mặt tại nhà ga ngay từ lúc sáng sớm để đón tiếp bà Tưởng Giới Thạch. Khi xe lửa tới nhà ga thì Mỹ Linh còn đang ngủ saỵ Người đầy tớ gái phải mặc giả quần áo của Mỹ Linh, và ra đứng trước sân ga cúi chào một đám đông đang hồi hộp chờ đợi.
        Nơi vinh dự nhất cho Mỹ Linh là Los Angeles. Tại đây người ta thành lập Ủy ban Chào đón bà Tưởng, gồm có nhiều tài tử màn bạc thượng thặng, như Rita Hayworth, Ingrid Bergman, Marlen Dietrich và Shirley Templẹ Bà được thống đốc tiểu bang đi bên cạnh và được các tài tử danh tiếng như Spencer Tracy và Henry Fonda giới thiệu. Một bản nhạc "Tưởng Giới Thạch Phu Nhân Hành Khúc" được cấp tốc soạn ra và được ban đại hòa tấu Los Angeles chơi để chào mừng cuộc viếng thăm của Mỹ Linh. Ở đâu Mỹ Linh cũng lên tiếng tố cáo sự tàn ác dã man của quân Nhật, và ý nghĩa quan trọng của công cuộc chống Nhật của người Trung hoa.
        Chuyến viếng thăm tranh thủ nhân tâm người Mỹ của Mỹ Linh rất thành công, và có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền Hoa Kỳ. Hình ảnh Mỹ Linh được báo Time đăng lên bìa, và người ta gọi bà là "Nàng công chúa Trung hoa". Chính bộ ngoại giao dùng mật hiệu "Bạch Tuyết" để chỉ Mỹ Linh.
        Ngày 4-7-1943, Mỹ Linh lên đường trở về Trùng Khánh.

        Comment


        • #19
          hương 19

          Những Ngày Cuối Cùng Tại Trung Hoa
          Người ta phải sống tại Trùng Khánh mới cảm thấy được ảnh hưởng lớn của những nhân vật cao cấp trong Quốc dân đảng. Chính phủ kiểm duyệt gắt gao mọi tin đồn xấu xa về các tệ đoan của chính quyền, trong khi tham nhũng thối nát thì đầy rẫy khắp nơi. Người ta không còn được công khai bàn thảo những vấn đề thời sự quan trọng hàng đầu của Trung hoa, như: nạn đói, lạm phát, mối liên hệ với ngoại quốc hoặc nhân cách của những viên chức cao cấp trong chính quyền.
          Bầu không khí căng thẳng ngột ngạt của Trùng Khánh đã ảnh hưởng tới tâm thần của những người sinh sống tại đây. Tại Trung hoa có tới hai loại mật vụ. Một ngành phục vụ cho Hội đồng Quân sự Quốc gia, và một ngành trực thuộc Quốc dân đảng. Điệp viên và mật vụ của hai ngành này hiện diện khắp nơi. Người dân Trung hoa tại bất cứ đâu cũng có thể bị mật vụ bắt, ném vào trại giam hoặc trại tập trung vì bất cứ lý do gì, hoặc cũng chẳng cần lý do gì.
          Quốc dân đảng đang bị chi phối bởi một nhóm người tham nhũng, dưới quyền kiểm soát của anh em Trần Quả Phụ Quốc dân đảng đã thực sự kiểm soát được tư tưởng của quốc gia bằng sự kết hợp của mật vụ, quyền lãnh đạo, gián điệp và quyền hành chánh. Trần Quả Phu, người anh lớn, kiểm soát mọi sự gặp gỡ với Tưởng Giới Thạch. Mọi giấy tờ trước khi chuyển tới tay Tưởng đều được Trần Quả Phu kiểm soát trước. Trần Quả Phu chỉ muốn Tưởng được gặp, được đọc những gì có lợi cho anh em nhà họ Trần. Người em là Trần Lập Phu còn quan trọng hơn nữa. Trần Lập Phu là một người đẹp trai, làm việc không biết mệt. Người ta nói Trần Lập Phu cũng tạo được những thành tích văn chương rất đáng kể.
          Tưởng Giới Thạch hoàn toàn xa lìa thực tế. Một hôm Tưởng rất đỗi kinh ngạc khi nghe tin lính Quốc dân đảng chết đói ngoài đường phố Trùng Khánh. Tham nhũng đã bóc lột cả phần ăn ít ỏi của người lính. Tưởng phái người con cả là Tưởng Kinh Quốc đi điều trạ Khi Kinh Quốc xác nhận việc lính chết đói là có thực, Tưởng đòi tự mình đi để trông thấy tận mắt. Kinh Quốc cho Tưởng xem một trại tân tuyển có những người lính mới chết đói vì sự tham nhũng và tắc trách của cấp chỉ huỵ Tưởng nổi giận cầm can vụt vào mặt viên sĩ quan chỉ huy, tống viên sĩ quan ấy vào tù, và bổ nhiệm người khác thay thế. Tuy vậy lính Quốc dân đảng vẫn tiếp tục chết đói. Tháng 8-1944, người ta nhặt được 138 xác quân nhân chết đói ngoài đường phố Trùng Khánh. Con số thường dân chết đói thì rất nhiều, trong lúc các nhà quyền quý mở những bữa tiệc thật lớn, đến nỗi thực khách phải móc họng nôn đồ ăn trong bụng ra, để có thể tiếp tục ăn nữa.
          Tưởng Giới Thạch viết một cuốn sách, cuốn Định Mệnh Trung Hoa, cố tình bóp méo sự thực để minh chứng cho hành động của mình. Tưởng đổ lỗi cho các thế lực ngoại quốc đã gây nên nỗi thống khổ của người Trung hoa. Trong số những người trong gia đình nhà họ Tống thì chỉ còn một mình Tống Tử Văn còn hợp tác với Tưởng. Tống Tử Văn đại diện cho Tưởng gặp gỡ những người mà Tưởng không ưa. Họ Tống đảm nhiệm chức vụ quyền thủ tướng, và kiêm chức bộ trưởng ngoại giao. Tống Tử Văn sống một một cuộc đời cực kỳ xa hoa giữa một xã hội thượng lưu tham nhũng thối nát và hàng triệu người Trung hoa chết đói. Cuộc đời của Tống Tử Văn cứ thế lên mãi cho đến khi xảy ra vụ "Quan tiền vàng".
          Vì đồng tiền Trung hoa bị lạm phát mất giá nên Tưởng đưa ra một kế hoạch mới, đặt ra một đơn vị tiền tệ mới, có vàng bảo đảm, gọi là "quan tiền vàng". Tưởng muốn quần chúng nộp vàng cho chính phủ và đổi lấy tiền giấy bảo đảm của Tưởng. Tống Tử Văn tiết lộ tin này ra cho một số người thân tín biết, nên họ vội rút vàng trong ngân hàng ra, nếu không sẽ bị Tưởng đổi vàng lấy tiền giấy. Hôm đó là ngày Thứ Sáu. Lệnh mới của Tưởng sẽ áp dụng vào ngày Thứ Hai tuần lễ sau đó. Một số người biết tin lập tức rút vàng cất đi, và đổ xô mua thêm vàng nữa, vì tuần lễ sau đó vàng chắc chắn sẽ lên giá. Ngân hàng hôm đó phải mở cửa tới 9 giờ tối để thỏa mãn nhu cầu của người mua vàng. Cơn sốt vàng lan rộng ra nhiều thành phố khác. Tưởng nổi giận Tống Tử Văn đã biến Tưởng thành một trò hề trước quần chúng, nên yêu cầu Tống Tử Văn từ chức thủ tướng, và bổ nhiệm họ Tống vào chức tỉnh trưởng Quảng Đông. Chức vụ tỉnh trưởng Quảng Đông là một cơ hội may mắn cho Tống Tử Văn, đặt họ Tống một vị trí thuận tiện nhất để chuyển tài sản ra Hương Cảng.
          Tưởng Giới Thạch cử người con trai Tưởng Kinh Quốc vào nhiệm vụ thi hành luật lệ tiền tệ mới. Tưởng Kinh Quốc được lệnh giải quyết vùng Thượng Hải trước. Kinh Quốc đã thi hành thật đúng lệnh của Tưởng, tích cực chống lại tham nhũng, thị trường đen và áp dụng luật sắt máu mà Kinh Quốc học được từ Nga sô, như thiết lập tòa án ngoài đường phố và xử tử nạn nhân ngay tại chỗ. Biện pháp mạnh của Kinh Quốc cũng có hiệu quả một phần nào, nhưng Kinh Quốc đã phạm phải hai lỗi lầm lớn. Kinh Quốc đã bắt giam con trai của Bố già Đỗ Đại Nhĩ, vì con trai của Đỗ Đại Nhĩ đã bán hàng triệu cổ phần chứng khoán ra thị trường ngay trước khi luật lệ mới về tiền tệ có hiệu lực. Hiển nhiên Bố già Đỗ Đại Nhĩ đã ngầm báo cho con trai biết sự thay đổi của luật lệ.
          Con trai của Bố già Đỗ Đại Nhĩ tốt nhgiệp trường đại học MIT danh tiếng của Mỹ, và đã bị Kinh Quốc đem xử và kết án mau lẹ. Tuy nhiên con trai của Đỗ Đại Nhĩ chỉ bị phạt 8 tháng tù về tội bán các cổ phần chứng khoán trái luật, nhưng hắn không phải ngồi tù ngày nào, nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Bố già Đỗ ĐạI Nhĩ. Sự bắt giữ và xử tội con trai Bố già Đỗ Đại Nhĩ là dấu hiệu của một sự thay đổi mới, và Thượng Hải bây giờ không còn là Thượng Hải trước kia nữa. Có lẽ một phần vì Đỗ Đại Nhĩ đã già yếu rồi, sau nhiều năm nghiện hút, không còn nắm vững được Lục Hội như trước. Cuối cùng bị áp lực từ bên trong Lục Hội, Đỗ Đại Nhĩ bắt đầu di chuyển tài sản sang Hương Cảng, và Đỗ Đại Nhĩ phải sống chuỗi ngày tàn tại Hương Cảng.
          Lỗi lầm thứ hai của Kinh Quốc là bắt giam Khổng Lệnh Kiệt, con trai của ÁI Linh và là cháu ruột của Mỹ Linh. Kinh Quốc khám phá được nhiều hàng hóa Mỹ và Âu Châu trong kho hàng của hãng Phát Triển Dương Tử Giang. Kinh Quốc ra lệnh bắt giữ tổng giám đốc là Khổng Lệnh Kiệt. Mỹ Linh đang ở Nam Kinh thì được tin không may đó. Bà tức giận và chất vấn chính Tưởng Giới Thạch, nhưng Tưởng từ chối không trả lời vì không biết gì về nội vụ. Mỹ Linh bay ngay đến Thượng Hải và yêu cầu giao lại Khổng Lệnh Kiệt cho bà. Sau đó Mỹ Linh gửi Khổng Lệnh Kiệt đi Hương Cảng và đi thẳng Florida, Mỹ quốc. Công ty của Khổng Lệnh Kiệt đóng cửa tại Thượng Hải ngay tức khắc.
          Kinh Quốc bắt giữ Khổng Lệnh Kiệt và con trai Đỗ Đại Nhĩ có thể là do lòng nhiệt tâm muốn giữ cho luật lệ được thi hành đúng đắn, mà cũng có thể là thâm ý muốn triệt hạ uy tín địch thủ của mình là Tống Mỹ Linh. Cả Mỹ Linh và Kinh Quốc đều muốn kế vị Tưởng. Tuy nhiên sau vụ này, Kinh Quốc bị Tưởng khiển trách. Bị mất mặt, Kinh Quốc từ chức, và thua bà kế mẫu hiệp đụng độ đầu tiên.
          Tưởng Kinh Quốc có ba con trai là Tưởng Hiếu Văn, Tưởng Hiếu Vũ, Tưởng Hiếu Dũng, và một con gái là Tưởng Hiếu Chương. Đó là những đứa con chính thức với vợ cả người Ngạ Nhưng hồi năm 1938, khi được 30 tuổi, Tưởng Kinh Quốc được bổ nhiệm làm chuyên viên hành chánh khu Cán Nam. Tại đây Kinh Quốc ban hành lệnh cấm hút thuốc và cờ bạc, và mở lớp huấn luyện thanh niên cả nam và nữ để đào tạo những cán bộ có khả năng hoạt động cho các chương trình của nhà nước. Trong một lớp học, Kinh Quốc chú ý tới một thiếu nữ rất xinh đẹp, và người thiếu nữ này cũng thường nhìn Kinh Quốc một cách khâm phục trìu mến.
          Người thiếu nữ ấy là Chương Á Nhược, một người thông minh, lịch thiệp và có một nhan sắc mê hồn. Lúc ấy Kinh Quốc để vợ và các con ở lại Phụng Hóa, và sống một mình tại Cán Nam. Dần dần Chương Á Nhược và Kinh Quốc trở nên thân mật, và Á Nhược giúp Kinh Quốc rất nhiều trong cả công việc hành chánh và đời sống riêng tư của Kinh Quốc. Rồi hai người yêu nhau say đắm, và Á Nhược dọn về sống chung với Kinh Quốc. Người vợ cả của Kinh Quốc là người Nga, nên Kinh Quốc cảm thấy có sự khác biệt về văn hoá, nên khi gặp Á Nhược, một thiếu nữ Trung Hoa dịu dàng khả ái, Kinh Quốc tìm thấy hạnh phúc mà từ trước Kinh Quốc chưa bao giờ được hưởng. Nhưng Kinh Quốc không dám công khai kết hôn với Á Nhược, vì sợ tai tiếng có hại cho sự nghiệp chính trị, nhất là Kinh Quốc đang lép vế trước một Tống Mỹ Linh đầy uy quyền. Kinh Quốc khuyên Á Nhược tạm thời nhẫn nhục và tránh có thai.
          Nhưng Á Nhược vừa yêu vừa phục Kinh Quốc nên muốn có một đứa con để ràng buộc với Kinh Quốc, và tạo một địa vị trong gia đình họ Tưởng. Hai người sống chung một thời gian thì Á Nhược hân hoan báo cho Kinh Quốc biết nàng đã có thai. Kinh Quốc lo lắng gửi Á Nhược tới tạm trú tại trường lục quân Quế Lâm. Đến ngày lâm bồn, Á Nhược rất sung sướng khi sinh đôi được hai đứa con trai. Nhưng Á Nhược không sống được lâu để hưởng hạnh phúc chồng con. Chỉ vài ngày sau khi sinh con, Á Nhược chết một cách bí mật, trước khi gặp lại người tình yêu dấu. Cái chết bí ẩn của Á Nhược đã giúp Kinh Quốc vượt qua được một vụ tai tiếng chính trị, nhưng không phải là Kinh Quốc không đau lòng. Kinh Quốc đặt tên cho hai đứa con là Chương Hiếu Nghiêm và Chương Hiếu Từ. Kinh Quốc không dám cho hai con trai của Á Nhược mang họ Tưởng, và gửi chúng về cho cho người em ruột của Á Nhược là Chương Hạo Nhược nuôi nấng.
          Hiếu Nghiêm và Hiếu Từ về sau du học tại Hoa Kỳ, cùng đậu tiến sĩ và giữ những địa vị quan trọng tại Đài Loan. Tuy vậy Tưởng Kinh Quốc không dám công khai nhìn nhận hai đứa con trai ngoại hôn, vì quyền lợi chính trị. Có thể Kinh Quốc đã ngầm giúp đỡ Hiếu Nghiêm và Hiếu Từ. Mãi sau này khi Kinh Quốc chết, Tống Mỹ Linh cho phép Hiếu Nghiêm và Hiếu Từ được chính thức về chịu tang thân phụ.
          Trong thời gian còn làm chúa tể Hoa Lục, Tưởng Giới Thạch nghiêng về Tống Mỹ Linh trong cuộc tranh chấp quyền thừa kế chính trị giữa Tống Mỹ Linh và Tưởng Kinh Quốc, vì lúc đó vai trò của Tống Mỹ Linh có lợi cho Tưởng Giới Thạch hơn. Nhưng dần dần ảnh hưởng của Mỹ Linh với Tưởng Giới Thạch cũng suy giảm đi, khi mà Tưởng thấy không còn cần đến sự trợ giúp của nhà họ Tống nữa, đặc biệt là sau khi chạy ra hải đảo Đài Loan.
          Sau nột năm sống tại Hoa Kỳ, Mỹ Linh trở về Trung hoa khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Bề ngoài người ta tưởng cuộc tình duyên giữa Tưởng và Mỹ Linh vẫn tốt đẹp như trước. Khi Mỹ Linh trở về thì cũng là lúc Trần Khiết Như ra đi. Trần Khiết Như đã sinh được một con trai cho Tưởng Giới Thạch, nhưng hình như đứa bé chết yểu. Trần Khiết Như trở lại California, và cuối cùng quay về sống tại Hương Cảng cho tới lúc chết, đem theo nhiều bí ẩn về cuộc tình giữa nàng và Tưởng.

          Tình hình quân sự và chính trị của Trung hoa mỗi lúc một thêm đen tối. Lực lượng cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo ngày một tiến thêm và mạnh thêm trong khi khu vực của Tưởng ngày một thu hẹp lại. Người Mỹ cũng có một cái nhìn khác về Trung hoa. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1948, phe Tưởng liên kết với ứng cử viên cộng hòa Thomas Dewey chống lại tổng thống Truman. Nhưng cuối cùng Truman thắng cử. Truman từ chối viện trợ Ồ ạt cho Tưởng để đánh lại cộng sản. Mỹ Linh qua thủ đô Hoa kỳ yêu cầu một ngân khoản trợ cấp 3 tỷ đô la, trong lúc Quốc hội với đa số thuộc đảng Cộng Hòa chỉ chấp thuận cho Tưởng vay một tỷ đô lạ Người Mỹ cho rằng đã quá trễ để trợ giúp Tưởng.
          Trong năm 1948, viễn tượng thất bại của Tưởng đã quá rõ ràng. Đúng ngày bầu cử tổng thống Mỹ năm 1948, cộng quân mở cuộc tấn công vào đạo quân Quốc dân đảng trấn giữ vùng đồng bằng Trung hoa tại Hoài Hải. Trận đánh kéo dài hai tháng và quân Quốc dân đảng thất trận. Trong số 550 ngàn quân Quốc dân đảng tại Hoài Hải thì 325 ngàn bị cộng quân bắt làm tù binh. Trong những giây phút cuối cùng của trận đánh, Tưởng ra lệnh oanh tạc chính quân Quốc dân đảng để tránh đồ quân nhu rơi vào tay cộng sản.
          Chuyến đi cầu viện của Mỹ Linh hoàn toàn thất bại, và bà chán nản lui về sống ẩn dật trong khu dinh thự của nhà họ Khổng tại New York. Trong lúc đó tổng thống Truman nói về những con người lừa đảo trong chính phủ Trùng Khánh, và cho rằng một tỷ đô la viện trợ của Mỹ hiện đang ở ngay Hoa Kỳ, trong những trương mục của các viên chức thối nát Quốc dân đảng. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, chế độ Quốc dân đảng sụp đổ mau lẹ, như một cây cột đã bị thối mục bên trong.
          Cuộc điều tra của Hoa Kỳ cho thấy nhiều trương mục của Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn đến từ các ngân hàng của chính hai người này tại Trung hoa. Nhiều người trong nhà họ Tống làm chủ nhiều bất động sản tại khắp nước Mỹ. Tống Tử Văn và Khổng Tường Hy làm chủ nhiều chứng khoán rất lớn. Nhiều nhân viên làm việc tại sứ quán Trung hoa cuối cùng trở thành tù nhân bên trong khu dinh thự của nhà họ Khổng. Những người này không được viết thư về quê nhà, không được ra khỏi khu vực, và không được trả lương. Một số bỏ trốn, nhưng bị bắt lại. Nhà họ Khổng dạy các người dám bỏ trốn này một bài học bằng cách treo họ lên trần nhà, và đánh đập tàn nhẫn.
          Sau này trong một cuộc phỏng vấn, tổng thống Truman nhận xét về gia đình nhà họ Tống, "Tất cả họ là những tên ăn cắp, từng người một. Họ ăn cắp trên 750 triệu đô la trong số 3 tỷ 8 mà chúng ta gửi viện trợ cho Tưởng. Họ ăn cắp tiền đó và đầu tư về nhà đất tại Ba Tây và ngay tại New York."
          Tại Trung hoa, Tưởng rất bận rộn sửa soạn cho cuộc đào tẩu ra Đài Loan. Một người dám ra lệnh ném bom vào ngay quân của mình để giữ một ít đồ quân nhu khỏi rơi vào tay cộng sản, thì sẽ không bao giờ để lại tài sản của mình mà không mang theo. Tưởng đặt những người trung thành nhất vào công việc vơ vét tiền bạc tại các ngân hàng, và đồ quý vật tại các bảo tàng viện. Từ nhiều năm trước, Tưởng theo lời một cố vấn, đã cất dấu kho tàng nghệ thuật từ thời vua Càn Long, ông vua thứ tư nhà Thanh. Triều đại Càn Long là một thời kỳ vàng son của văn học nghệ thuật Trung hoa, và vua Càn Long đã thu thập nhiều tác phẩm nghệ thuật thành một bảo tàng viện đầu tiên của Trung hoa. Bây giờ Tưởng coi kho tàng này là di sản thuộc về mình. Các nhân viên của Tưởng đóng những nghệ phẩm thành từng kiện hàng, rồi di chuyển từ Bắc Kinh xuống Nam Kinh, và các tỉnh hẻo lánh, để tránh bị Nhật Bản và cộng sản chiếm được.
          Trước khi trận đánh quyết định Hoài Hải kết thúc, trên hai trăm ngàn họa phẩm, đồ sứ quý, ngọc thạch và tượng đồng được di chuyển qua Đài Bắc. Mười một ngày trước khi trận Hoài Hải chấm dứt, Tưởng từ chức tổng thống ngày 21-1-1949. Tưởng nhận thấy tình thế tuyệt vọng nên từ chức để tránh cái nhục bại trận. Nhưng tuy đã từ chức, Tưởng vẫn giữ quyền lực trong tay, vẫn có quân đội, công chức, vật liệu, phi cơ, tất cả vẫn chờ đợi lệnh Tưởng. Các tướng Quốc dân đảng vẫn mong đợi một cơ hội nắm quyền, và chức tổng thống rơi vào tay một địch thủ của Tưởng trong Quốc dân đảng là tướng Lý Tông Nhân. Việc làm đầu tiên của Lý Tông Nhân là tìm cách thương thuyết với Mao Trạch Đông. Điều kiện của Mao là phải nộp vợ chồng Tưởng Giới Thạch, Tống Tử Văn, và vợ chồng Khổng Tường Hy để xử tội. Tuy nhiên những người Mao Trạch Đông muốn bắt giữ thì đã cao chạy xa bay rồi.
          Khổng Tường Hy từ giã chính trường. Khi chiến tranh chấm dứt, Khổng đã 65 tuổi. Hai vợ chồng Khổng Tường Hy và Tống Ái Linh đã thu thập được một tài sản trị giá một tỷ đô là và đã chuyển ra nước ngoài. Năm 1946, vợ chồng Khổng Tường Hy trở lại thăm Thượng Hải một lần cuối cùng để thanh toán tài sản, và chuyển tất cả những gì có thể chuyển được sang Hương Cảng và ngoại quốc. Năm 1947, vợ chồng Khổng Tường Hy trở về thăm quê nhà tại Sơn Tây một lần cuối cùng trước khi lâu đài nhà họ Khổng bị cộng quân chiếm. Vợ chồng Khổng Tường Hy trỏ lại sống tại New York kể từ đó.
          Tống Tử Văn cũng vội vã ra đi, vì Tống biết mình bị coi là tội phạm chiến tranh hàng đầu, và có kẻ thù ở cả hai phía cộng sản và Quốc dân đảng. Phe Quốc dân đảng tố cáo Tống Tử Văn đã ăn cắp của công quỹ khá nhiều tiền, và yêu cầu Tống Tử Văn phải trả lại phân nửa tài sản cho quốc gia. Ngày 24-1-1949, Tống Tử Văn thấy thế nguy liền từ chức tỉnh trưởng Quảng Đông, và cùng vợ trốn sang Hương Cảng. Chưa bao giờ Tống Tử Văn trông chán nản như thế. Hai phe quốc gia và cộng sản đều muốn bắt Tống và Tống phải nhờ cảnh sát Anh bảo vệ tại Hương Cảng. Ngày 16-5, Tống Tử Văn sang Pháp "để chữa bệnh", và đến ngày 10-6 thì trở lại Hoa Kỳ.
          Tháng hai năm 1949, mặc dầu không còn là tổng thống nữa, Tưởng thu xếp đưa tất cả số vàng dự trữ của quốc gia sang Đài Bắc. Như vậy chính phủ của Lý Tông Nhân không có tiền để trả lương cho quân đội còn đang cầm cự với cộng quân. Khi Lý Tông Nhân thấy công quỹ hết tiền, liền nhờ đại sứ Mỹ cầu cứu chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp, để có đủ thời giờ thương thuyết với Mao Trạch Đông. Đại sứ Mỹ khuyên Lý Tông Nhân nên kêu gọi sự đóng góp ái quốc của các viên chức Quốc dân đảng đã ăn cắp hàng triệu đô la viện trợ Mỹ.
          Tưởng Giới Thạch xúi giục Tôn Khoa, con trai Tôn Dật Tiên, đứng ra lập một chính phủ độc lập tại Quảng Đông, và Tưởng sẽ giúp Tôn Khoa mở một cuộc Bắc Phạt nữa. Thoạt đầu Tôn Khoa định nghe lời khuyên của Tưởng, nhưng sau nhận ra tình thế tuyệt vọng của Quốc dân đảng, Tôn Khoa bỏ đi sang Pháp sống một cuộc đời lưu vong. Tưởng liền chuyển số quân đội trung thành còn lại qua Đài Loan. Tưởng hy vọng rằng với tài sản khổng lồ mang theo được và có đủ quân số, Tưởng có thể giữ vững được Đài Loan mãi mãi, và nuôi hy vọng chiếm lại Hoa Lục.
          Tưởng ghé Thượng Hải một lần chót vào tháng 4 để gặp Bố già Đỗ Đại Nhĩ lần cuối cùng. Lý do chính Tưởng đến Thượng Hải là muốn nhờ Lục Hội và Đỗ Đại Nhĩ giúp Tưởng cướp Ngân hàng Trung hoa. Tưởng vẫn nhắm cái kho tàng gồm sáu triệu cân vàng của Ngân hàng Trung hoa từ lâu. Phân nửa số vàng này đã đi theo Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn. Bây giờ Tưởng muốn lấy nốt phần còn lại. Quân đội của Tưởng bao vây cả khu vực ngân hàng, và hàng trăm đàn em của Đỗ Đại Nhĩ giả làm cu li lũ lượt khiêng vàng xuống tàu đậu ngay dưới bến, trước cửa Ngân hàng Trung hoa. Sau đó Bố già Đỗ Đại Nhĩ trốn sang Hương Cảng vài ngày trước khi hồng quân tiến vào thành phố ngày 25-5. Tại Hương Cảng, Đỗ Đại Nhĩ sống thêm được hai năm nữa. Đỗ Đại Nhĩ bị tê liệt và chết ngày 16-8-1951. Tưởng Giới Thạch gửi một điện tín phân ưu cái chết của Đỗ Đại Nhĩ, trong đó Tưởng ca ngợi Đỗ Đại Nhĩ để lại cho hậu thế một tấm gương trung thành và ngay thẳng.
          Đầu tháng 5-1949, Tưởng bỏ chạy sang Đài Loan. Bộ trưởng quốc phòng Trần Thành đã sửa soạn Đài Loan từ tháng 10 năm trước. Nhiều nơi hẻo lánh tại Trung hoa vẫn còn nằm trong tay quân đội Quốc dân đảng. Tháng 8-1949, Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc bay trở lại Trùng Khánh. Tại Trùng Khánh lúc đó vẫn còn một người tử tù của Tưởng là sứ quân Dương Hổ Thành, người đã cùng Trương Học Lương bắt cóc Tưởng tại Tây An. Dương Hổ Thành thoạt đầu bỏ trốn qua Pháp, nhưng ít lâu sau tìm cách trở lại Trung hoa, và bị mật vụ của Tưởng bắt được. Trong suốt 11 năm, Dương Hổ Thành cùng với người con trai, con gái và vợ chồng người thư ký trung thành, sống rên siết trong trại tập trung của trùm mật vụ Thái Lý. Bây giờ trước khi vĩnh viễn rời bỏ lục địa, Tưởng làm một chuyến đI đặc biệt để ra lệnh xử tử Dương Hổ Thành và gia đình. Toàn gia Dương Hổ Thành và vợ chồng người thư ký bị hành quyết ngay trước mắt Tưởng.
          Tháng 1-1950, bà Tống Mỹ Linh trở về Đài Loan từ New York. Dân chúng trên đảo chống lại phe Quốc dân đảng, và chính phủ của Tưởng đã phải dùng biện pháp khủng bố đàn áp. Đây là một hòn đảo rất thơ mộng và giàu tài nguyên, đủ sức tự túc về kinh tế. Nhưng khi quân đội Quốc dân đảng chạy qua thì hòn đảo trở thành một nơi máu lửa. Đã có nhiều cuộc tàn sát dã man. Trên mười ngàn người gốc Đài Loan bị quân đội tàn sát trong một cuộc nổi loạn tại thủ đô Đài Bắc. Khoảng trên hai chục ngàn người khác cũng bị giết trước khi Tưởng thiết lập được một chính phủ ổn định tại Đài Loan. Các nhà lãnh đạo gốc Đài loan phải trốn tránh, một số trốn sang Nhật Bản. Tại hòn đảo nhỏ này, mật vụ của Tưởng tỏ ra rất hữu hiệu, và mật vụ đã đối xử với dân chúng gốc Đài Loan như họ đã từng đối xử với dân Thượng Hải hồi tháng 4-1927.
          Dù những va chạm trước kia với chế độ của Tưởng Giới Thạch, bây giờ Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn cũng vẫn là những cây cầu cần thiết nối liền mối quan tâm của Hoa Kỳ với Đài Loan. Các anh chị em nhà họ Tống vẫn họp bàn để tìm cách giúp đỡ chế độ Quốc dân đảng tại Đài Loan. Mỹ Linh trở về Đài Loan năm 1950 với mục đích tranh quyền kế vị Tưởng. Nhưng trong thời gian Mỹ Linh vắng mặt, Tưởng Kinh Quốc được giao phó trọng trách phụ tá cho Tưởng Giới Thạch, và được bổ nhiệm đứng đầu phòng chính trị của bộ quốc phòng. Trong hai mươi năm sau đó, mỗi khi Mỹ Linh quay lưng đi thăm viếng Hoa Kỳ thì ở nhà Kinh Quốc lại tiến lên một nấc thang quyền hành, càng ngày càng tới gần việc thay thế Mỹ Linh để trở thành người thừa kế của Tưởng Giới Thạch. Một lần Mỹ Linh viếng thăm Hoa Kỳ một thời gian dài, từ tháng 8-1952 cho đến tháng 3-1953. Khi trở về Đài Loan Mỹ Linh được tin Tưởng Kinh Quốc được mời viếng thăm bộ ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ. Tưởng Kinh Quốc còn được mời thảo luận với tổng thống Mỹ Eisenhower, một vinh dự mà Mỹ Linh không có từ năm 1943.
          Tuy vậy Mỹ Linh vẫn thân cận Tưởng Giới Thạch, và trong nhiều trường hợp, nói thay cho Tưởng Giới Thạch. Nhiều tướng lãnh và nhân vật cao cấp Quốc dân đảng cũng không dám làm mất lòng Mỹ Linh. Ngay Tưởng Kinh Quốc cũng phải e dè Mỹ Linh, vì Mỹ Linh rất dễ nổi giận, và thường là có sự trả đủa ngay khi bà nổi giận. Tháng 4-1954, Mỹ Linh thăm viếng Hoa Kỳ sáu tháng để tranh đấu chống lại việc nhận Trung Cộng vào Liên Hiệp Quốc. Khi bà trở về Đài Loan để dự lễ thọ 67 tuổi của Tưởng Giới Thạch thì thấy quyền hành đã tuột khỏi tay bà rồi. Năm 1958, Tưởng Kinh Quốc được thăng chức một lần nữa, và Mỹ Linh tức giận bỏ sang Hoa Kỳ 14 tháng. Lúc đó bà đã 61 tuổi. Sau khi Mỹ Linh đi Hoa Kỳ được hai tháng, Tưởng Kinh Quốc được bổ nhiệm chức bộ trưởng không bộ. Mỹ Linh trở lại Đài Loan và sống tại đó luôn sáu năm nữa.
          Năm 1965 Mỹ Linh thăm viếng Hoa Kỳ cùng với Tưởng Kinh Quốc, lúc đó là bộ trưởng quốc phòng. Người Mỹ muốn quân đội của Tưởng Giới Thạch tham chiến tại Việt Nam, trong lúc họ Tưởng chỉ muốn người Mỹ hỗ trợ một cuộc đổ bộ tấn công chiếm lại Trung hoa lục địa. Mỹ từ chối giúp Tưởng vì nghĩ rằng Tưởng không có hy vọng thắng Trung Cộng, và do đó Tưởng cũng không chịu đem quân sang tham chiến tại Việt Nam. Năm 1966 Mỹ Linh mua một căn nhà sang trọng tại khu Manhattan, New York. Sức khoẻ của bà bây giờ rất suy kém, và những chuyến đi thăm Hoa Kỳ của bà chỉ là để dự tang lễ của thân nhân hoặc là để chữa bệnh.
          Trong suốt hàng chục năm, Mỹ Linh vẫn được coi là một trong số mười người đàn bà nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng vinh dự đó chấm dứt năm 1967, và những tin tức về bà chỉ xuất hiện trên các trang phụ của báo chí Mỹ.
          Khổng Tường Hy vẫn tích cực hoạt động về tài chánh khi sang sống tại Hoa Kỳ. Mãi năm 1966 Khổng Tường Hy mới từ chức giám đốc Ngân hàng Trung hoa vì sức khỏe suy kém. Tháng 8-1967, Khổng Tường Hy được đưa vào bệnh viện New York và ngày 15-8 thì từ trần, hưởng thọ 87 tuổi. Sáu năm sau Ái Linh cũng từ trần theo chồng, hưởng thọ 85 tuổi. Đây là người đàn bà giầu nhất thế giới, và tài sản của bà do chính tay bà tạo dựng lên.
          Cuộc đời lưu đầy của Tống Tử Văn lúc nào cũng đầy hoạt động, cả chính trị lẫn tài chánh. Tống Tử Văn có nhiều cơ sở thương mại tài chánh lớn, và lúc nào cũng hoạt động cho quyền lợi chính trị của chế độ Quốc dân đảng. Tuy vậy Tống Tử Văn không bao giờ dám trở về Đài Loan, mặc dầu nhiều lần được Tưởng mời. Những đảng viên Quốc dân đảng cao cấp căm thù Tống Tử Văn làm giàu phi pháp, nhưng cũng không có cách gì trả thù được, trái lại họ rồi cũng chết dần. Trùm mật vụ Thái Lý chết trong một tai nạn máy bay sau khi cuộc chiến Quốc Cộng chấm dứt, có lẽ phi cơ bị đặt bom. Kẻ thù thứ nhì của Tống Tử Văn là Trần Quả Phu thì chết tại Đài Bắc năm 1951, lúc được 60 tuổi. Khi người anh chết, Trần Lập Phu cũng từ bỏ việc điều khiển mật vụ, và về hưu tại Đài Loan.
          Tháng 4-1971, lúc được 77 tuổi, Tống Tử Văn cùng vợ đi thăm San Francisco một lần nữa để thăm họ hàng và bạn bè. Vào tối ngày 24-4, các bạn bè cũ tại Ngân hàng Trung hoa mở đại tiệc khoản đãi Tống Tử Văn. Trong bữa dạ tiệc sang trọng có nhiều món ăn ấy, Tống Tử Văn có vẻ rất vui vẻ hưởng của ngon vật lạ. Bỗng Tống Tử Văn đang ăn thì chợt ngừng lại, trông có vẻ ngơ ngác, đứng dậy ho khan rồi gục xuống. Một lát sau Tống Tử Văn tắt thở. Cuộc giải phẫu tử thi cho biết một miếng đồ ăn mắc kẹt vào ống khí quản khiến Tống Tử Văn bị chết nghẹn. Tay đại tham nhũng của Quốc dân đảng chết nghẹn vì ăn! Tổng thống Nixon và ngoại trưởng Kissinger vội đánh điện chia buồn, nhưng điện văn lại gửi cho Tưởng Giới Thạch và Mỹ Linh.
          Trong thời gian này, giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng chưa có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Hoa Kỳ đang bí mật thương thuyết với Trung Cộng trong mưu lược tách Trung Cộng ra khỏi Nga Sộ Tổng thống Nixon gửi điện văn sang Bắc Kinh, trịnh trọng mời bà Tống Khánh Linh sang Hoa Kỳ tham dự tang lễ của Tống Tử Văn. Trung Cộng trả lời bức điện văn của tổng thống Nixon như sau: "Về việc bà Tống Khánh Linh sang Hoa Kỳ dự tang lễ Tống Tử Văn: vì hai nước Hoa Kỳ và Trung Hoa chưa thiết lập quan hệ ngoại giao nên không có chuyến bay trực tiếp từ Trung Hoa sang Hoa Kỳ. Chúng tôi đã liên lạc với một công ty hàng không Anh quốc để bà Tống Khánh Linh sang Luân Đôn trước, sau đó sẽ đi từ Luân Đôn sang Hoa Kỳ."
          Đồng thời tổng thống Nixon cũng nhận được điện văn của bà Tống Ái Linh cho biết sẽ đến dự tang lễ của em bà. Lúc đó Tống Ái Linh đang sống tại Hoa Kỳ. Còn Tống Mỹ Linh cũng cho biết sẽ dùng chuyến phi cơ bay thẳng từ Đài Loan sang Hoa kỳ để tham dự tang lễ của người anh ruột. Tổng thống Nixon tin tưởng cả ba chị em nhà họ Tống đang trên đường sang Hoa Kỳ, và ông dự định lợi dụng cơ hội ba chị em nhà họ Tống hội ngộ nhau để thúc đẩy công việc bang giao với Trung Cộng.
          Nhưng khi Tống Mỹ Linh dừng chặng đầu tiên tại phi trường Honolulu, thì bà nhận được một điện tín của Tưởng Giới Thạch như sau: "Bà đang rơi vào cái thòng lọng của Trung Cộng. Hãy dừng ngay việc sang Mỹ dự tang lễ Tống Tử Văn." Ngày hôm sau gia đình Tống Tử Văn nhận được điện thoại của Tống Ái Linh cho biết Tống Ái Linh quyết định không tham dự tang lễ của Tống Tử Văn nữa. Tổng thống Nixon liền đánh điện cho Tưởng Giới Thạch xác nhận việc tang lễ của Tống Tử Văn là vấn đề riêng tư của gia đình nhà họ Tống, và không liên quan gì đến Trung Cộng.
          Hai ngày nữa trôi qua, Tống Mỹ Linh vẫn ở lại Honolulu, và không có ý định tiếp tục cuộc hành trình nữa. Khi chỉ còn một ngày trước lễ an táng của Tống Tử Văn, chính phủ Hoa Kỳ nhận được điện văn của Trung Cộng cho biết không thuê được chuyến bay thẳng, nên bà Tống Khánh Linh không sang Hoa Kỳ được. Nixon chỉ biết thở dài và thông báo cho Tưởng Giới Thạch biết không có bà Tống Khánh Linh trong tang lễ, và đề nghị hai bà Tống Ái Linh và Tống Mỹ Linh hãy vì tình ruột thịt mà sớm đến dự tang lễ của người thân.
          Mọi cố gắng của tổng thống Nixon đều thất bại. Tống Mỹ Linh sợ mắc bẫy vào ý đồ chính trị của Trung Cộng nên quay trở về Đài Loan. Tống Ái Linh cũng do dự không dám quyết định. Gia đình Tống Tử Văn vẫn mong đợi, cố kéo dài thêm nửa ngày nữa, hy vọng các chị em sẽ tới. Cuối cùng tang lễ của Tống Tử Văn phải cử hành mà không có sự tham dự của ba chị em nhà họ Tống. Tổng thống Nixon phải thốt lên: "Mối quan hệ của chị em nhà họ Tống tế nhị đến mức không sao hiểu nổi." Các báo chí New York loan tin Tống Tử Văn chết đi chỉ để lại gia tài một triệu đô la, chia cho vợ và các con. Bản tin này làm nhiều người tại các thủ đô tài chánh trên thế giới phải mỉm cười.
          Ngày 5-4-1975, Tưởng Giới Thạch từ trần, hưởng thọ 87 tuổi. Ba tuần lễ sau, Tưởng Kinh Quốc lúc đó đã là thủ tướng, trở thành chủ tịch Quốc dân đảng và tổng thống Đài Loan. Mỹ Linh bị loại ra ngoài chính trường và bà trở lại cuộc sống lưu vong tại Hoa Kỳ. Mỹ Linh sống âm thầm tại khu dinh thự của Khổng Lệnh Kiệt, và chỉ có vệ sĩ mới vào được khu vực bà cư ngụ. Mỹ Linh sống một cuộc đời âm thầm lặng lẽ tại Hoa Kỳ cho tới năm 1986 thì trở về Đài Loan. Trong những năm cuối của tuổi già, Mỹ Linh khi thì sống tại Đài Loan, khi thì tại Hoa Kỳ. Hiển nhiên bà là người thọ nhất trong ba chị em nhà họ Tống.

          Comment


          • #20
            Chương 20

            Người Ở Lại Trung Hoa
            Gia đình nhà họ Tống vẫn còn một người ở lại Trung hoa. Đó là bà Tống Khánh Linh, góa phụ của Tôn Dật Tiên. Bà thù ghét phe Tưởng Giới Thạch đến nỗi không chịu theo gia đình ra ngoại quốc hoặc Đài Loan. Chị em bà hầu hết lánh nạn tại Hoa Kỳ; người con chồng của bà là Tôn Khoa thì sang Pháp. Tháng 5-1949, quân cộng sản tiến vào Thượng Hải thì bà quyết định ở lại. Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai gửi thư riêng cho bà, mời bà lên Bắc Kinh tham dự lễ tuyên cáo thành lập tân chế độ. Thoạt đầu bà Khánh Linh từ chối, lấy lý do Bắc Kinh là nơi gợi cho bà những kỷ niệm buồn vì chồng bà chết tại đó. Cuối cùng chính quyền cộng sản phải cử bà Đặng Dĩnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai, thân hành xuống tận Thưởng Hải mời bà. Lúc đó bà mới nhận lời. Bà dùng xe lửa đi Bắc Kinh. Khi xe lửa của bà tới Bắc Kinh, bà được đông đủ lãnh tụ cộng sản cao cấp nhất ra tận sân ga đón chào, gồm có cả Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức và nhiều người khác.
            Ngày 1-10-1949, Bà đứng cạnh Mao Trạch Đông tại khán đài trên Thiên An Môn để nghe Mao Trạch Đông tuyên cáo thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, và chứng kiến hàng triệu người diễn hành. Lúc đó bà đã 57 tuổi.
            Phe cộng sản phải trọng vọng biệt đãi bà Tống Khánh Linh, và mời bà lên khán đài Thiên An Môn mặc dù bà không phải là một đảng viên cộng sản, vì bà có một uy tín rất lớn trước quảng đại quần chúng Trung hoa. Người Trung hoa vẫn tôn kính chồng bà là Tôn Dật Tiên. Kể từ lúc Tôn Dật Tiên chết, bà được coi là biểu tượng cho lý tưởng cách mạng của chồng bà và của Trung hoa. Quần chúng càng ngưỡng mộ bà hơn khi bà tỏ ra thù ghét chế độ Quốc dân đảng thối nát do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Bà không bao giờ hùa theo phe Tưởng để phe Tưởng có thể lạm dụng uy tín chính trị của bà. Không những thế, trong những năm cuối cùng của phe Tưởng tại Trùng Khánh, bà hầu như bị giam lỏng tại gia.
            Khi cuộc nội chiến Quốc Cộng chấm dứt, Khánh Linh trở về sống tại căn nhà cũ tại Thượng Hải. Khi chính phủ Trung cộng thành lập, bà được mời làm phó chủ tịch chính phủ tại Bắc Kinh, một chức vụ tượng trưng, hữu danh vô thực, vì cộng sản đang cần đến uy tín của bà. Căn nhà bà từng sống chung với Tôn Dật Tiên trên đường Molière tại Thượng Hải được biến thành một thánh tích quốc gia. Bà dọn về căn nhà cũ của thân phụ. Trong chính quyền Trung cộng, bà chỉ quý mến thân thiện với Chu Ân Lai. Bà chỉ gặp Mao Trạch Đông một vài lần, nhưng thường cố ý tránh né. Năm 1960 bà bị bệnh ung thư bạch huyết và sống bệnh tật trong hai mươi năm cuối cuộc đời bà.
            Năm 1950 cuộc chiến tại Triều Tiên bùng nổ. Trung Cộng cho rằng Mỹ muốn dùng Triều Tiên như một bàn đạp để xâm chiếm Trung hoa cho phe Tưởng Giới Thạch, nên tung mấy triệu chí nguyện quân sang chiến đấu giúp Bắc Triều Tiên. Bà Khánh Linh kịch liệt tố cáo Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc chiến tại Triều Tiên, và bà nỗ lực tranh đấu cho hòa bình thế giới. Năm 1951 bà được trao tặng giải Hòa Bình Stalin. Tháng 12-1952, bà lãnh đạo một phái đoàn Trung cộng tham dự Hội Nghị Hòa Bình Các Dân Tộc tại thủ đô nước Áo, tại đó bà ngồi ghế chủ tọa cùng với những nhân vật nổi tiếng thế giới. Bà tố cáo Hoa Kỳ dùng chiến tranh vi trùng tại Triều Tiên. Vào giữa tháng 1-1953, trên đường về nước, bà ghé qua Mạc tư khoa, và là người khách ngoại quốc cuối cùng gặp Stalin trước khi Stalin chết.
            Kể từ năm 1950, bà Khánh Linh dấn thân vào các hoạt động bảo vệ thiếu nhị Bà bị xẩy thai đứa con duy nhất của bà năm 1922, bây giờ bà dành tất cả tình thương cho mọi trẻ con trong xã hội. Địa vị của Khánh Linh vượt quá cả cái giới hạn tượng trưng mà người cộng sản dành cho bà. Năm 1957, khi Mao Trạch Đông đi Mạc tư khoa tham dự Hội nghị Cộng đảng Quốc tế, Mao mời bà Khánh Linh làm một thành viên của phái đoàn Trung cộng. Mao Trạch Đông mời bà ngồi cạnh khi Mao ký bản tuyên ngôn vào lúc bế mạc hội nghị. Là một người vừa lôi cuốn, khôn khéo và tận tình dâng hiến cho phúc lợi của quần chúng, bà Khánh Linh đã biểu tượng cho những hình ảnh đẹp nhất cho Trung hoa. Bà đã tham dự nhiều chuyến du hành thiện chí trên thế giới và đã tạo được những ấn tượng rất thuận lợi. Tại thủ đô Ấn Độ năm 1955, thủ tướng Nehru đã nói về Khánh Linh: "Trong những năm vừa qua, dù Trung Hoa trải qua bất cứ cơn bão tố nào, niềm tin của bà Tống Khánh Linh không bao giờ lung laỵ Bao giờ bà cũng lên tiếng cho hòa bình."
            Người cộng sản cũng biết ơn sự ủng hộ của bà Khánh Linh, và đã cung cấp cho bà một cuộc sống sang trọng. Nhà riêng của bà tại Bắc Kinh là một dinh thự bên trong Cấm Thành, nơi trước kia vua Phổ Nghi của nhà Thanh chào đời. Bà cũng được cung cấp một số đông đảo gia nhân. Chính cái dinh thự sang trọng dành cho bà đã khiến bà bị chỉ trích đã sống một đời xa hoa trong khi quần chúng mỗi gia đình chỉ có một phòng ngủ. Thực ra bà không có một lương tâm phạm tội. Nếu bà chọn lựa con đường vật chất tiền tài thì bà có thể sống sang trọng gấp trăm lần như thế, như các chị em của bà. Nhưng bà từ chối mọi của cải vật chất, và chỉ sống một cuộc đời thanh đạm. Bà coi của cải và sự hoang phí của quá khứ là kết quả của sự khai thác bóc lột. Chính vì thế bà thích sống trong căn nhà cũ của thân phụ tại Thượng Hải hơn là cái dinh thự nguy nga đồ sộ dành cho bà tại Bắc Kinh.
            Có một người quyền lực tại Bắc Kinh thù ghét bà Khánh Linh. Đó là Giang Thanh, vợ cuối cùng của Mao Trạch Đông. Giang Thanh rất căm giận khi Khánh Linh được coi là người phụ nữ số một của Trung hoa. Giang Thanh nghĩ rằng địa vị ấy phải là của mình. Năm 1966, khi Giang Thanh phát động cuộc Cách mạng Văn hóa, thì một trong những nạn nhân đầu tiên của Giang Thanh là bà Khánh Linh. Năm đó bà Khánh Linh đã 73 tuổi. Thoạt đầu một người vệ sĩ của bà chết một cách bí mật. Hồng vệ binh của Giang Thanh trương biểu ngữ tố cáo Khánh Linh là tư sản phản động, vì bà rất yêu thích những nghệ phẩm đẹp, vẫn để tóc dài và không chịu gia nhập đảng cộng sản. Trước đó chính quyền cộng sản cho xây một ngôi đền thờ Tôn Dật Tiên tại nơi sinh quán của Tôn Dật Tiên. Bây giờ đền thờ này bị Hồng vệ binh đập phá san bằng. Hồng vệ binh tố cáo Tôn Dật Tiên làm một cuộc cách mạng tiểu tư sản. Cuối năm 1966, mộ của song thân bà bị khai quật lên, và Hồng vệ binh gán cho vợ chồng Tống Giáo Nhân là đầu sỏ của một gia đình độc ác, đã sinh sản ra những kẻ thù của nhân dân. Bà Khánh Linh rất đau lòng khi mộ của cha mẹ bị khai quật xúc phạm đến như thế.
            Một ngày tháng 9-1966, Hồng vệ binh Thượng Hải tràn vào nhà bà Khánh Linh để đập phá đồ đạc và cướp đồ. Chúng định cắt mớ tóc dài của bà. May mắn lúc đó bà không có nhà, nhưng bà không khỏi kinh hoàng và cảm thấy có thể bị làn sóng đỏ tràn ngập. Chu Ân Lai được tin bà bị tấn công, vội vàng đứng ra can thiệp, cảnh cáo Hồng vệ binh không được đụng chạm tới bà. Chu Ân Lai ra nghiêm lệnh: "Tuyệt đối không được đụng chạm tới đồng chí Tống Khánh Linh." Ngôi mộ của song thân bà được trùng tu lại, và quân đội được phái tới canh gác tư thất của bà và ngôi mộ của song thân bà. Chu Ân Lai đã hết sức bảo vệ bà Khánh Linh. Trong buổi lễ kỷ niệm sinh nhật của Tôn Dật Tiên ngày 12-11-1966, Chu Ân Lai phải trích dẫn những bài diễn văn dài của Mao Trạch Đông ca ngợi Tôn Dật Tiên năm 1956, khi Mao xác nhận vai trò lịch sử quan trọng của Tôn Dật Tiên. Nhờ thế Giang Thanh mới chịu bỏ qua và để bà Khánh Linh được yên thân.
            Tuy bà Khánh Linh không còn bị xúc phạm trực tiếp nữa, nhưng bà vẫn sống trong sự bất ổn và lo sợ. Bà sống trong một tình trạng căng thẳng, không dám đi ra khỏi nhà và cũng không dám tiếp khách. Mọi hoạt động của bà ngừng hẳn. Nhiều người bà con bên ngoại của bà bị Hồng vệ binh tấn công vì tội có thân nhân ở ngoại quốc. Bà Khánh Linh bất lực không thể cứu giúp gia đình họ hàng được. Nhưng bà cương quyết bênh vực lý tưởng cách mạng của Tôn Dật Tiên. Bà cũng vẫn tìm cách bênh vực giúp đỡ những đảng viên cộng sản bị Giang Thanh hành hạ. Khi bà Vương Quang Mỹ, vợ của Lưu Thiếu Kỳ, bị tống giam vào ngục tối, chính bà Khánh Linh đã tìm cách giúp các con của Vương Quang Mỹ được vào thăm mẹ. Nhưng cũng phải sáu năm sau, mãi đến năm 1972, các con của Vương Quang Mỹ mới được gặp lại mẹ. Vương Quang Mỹ là một tuyệt thế giai nhân, thế mà chỉ mấy năm nằm trong tù của Giang Thanh, Vương Quang Mỹ đã trở thành một người khác hẳn, yếu đến nỗi không thể đứng dậy được, tóc rụng gần hết và ho khạc ra máu.
            Năm 1966, khi địa vị của Mao Trạch Đông được đưa lên ngang hàng với thần thánh, và tiền nhân bị chê bai, thì bà đọc một bài diễn văn rất dài trong buổi lễ kỷ niệm Tôn Dật Tiên. Bà trình bày rất chi tiết mọi hoạt động cách mạng của Tôn Dật Tiên. Bài diễn văn của bà năm đó không có những khẩu hiệu cuối diễn văn: "Vạn tuế đại lãnh tụ Mao chủ tịch!" như thường lệ. Cuộc đời bà sống với cộng sản thực ra cũng chỉ là một thứ đi đầy trong sự hào nhoáng bề ngoài. Bà không khỏi đau lòng khi thấy tên em gái là Tống Mỹ Linh bị coi là tội phạm chiến tranh số một tại Trung Cộng, và gia đình nhà họ Tống bị coi là một trong bốn gia đình tội ác nhất Trung hoa.
            Khánh Linh đã có một đời góa phụ dài nhất, suốt 56 năm kể từ năm 1925 khi Tôn Dật Tiên từ trần và bà còn rất trẻ, mới chỉ có 32 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một người đàn bà. Bà có rất nhiều người ái mộ, cả người Trung hoa và người ngoại quốc. Thủ tướng Nehru của Ấn Độ gặp bà năm 1927 tại Mạc tư khoa đã vô cùng say mê bà. Về sau này trong phòng làm việc của Nehru lúc nào cũng có treo hai tấm hình đàn bà, một tấm là hình của người vợ đã chết và một tấm là hình của Khánh Linh.
            Ngoài Nehru ra còn nhiều ký giả ngoại quốc cũng say mê bà sau khi gặp bà. Sau này người ta đồn rằng bà có một mối tình khác đối với người thư ký riêng của bà, nhưng chuyện đó có thể là sản phẩm tưởng tượng của Giang Thanh nhằm hạ uy tín của bà. Người Trung hoa thương xót bà phải sống cảnh góa bụa khi còn rất trẻ, nhưng họ cũng không muốn bà kết hôn một lần nữa. Họ muốn bà là một hình ảnh đẹp vĩnh hằng. Thực ra Khánh Linh lúc nào cũng thận trọng giữ gìn tiếng thơm của bà. Bà không phải chỉ là một góa phụ thủ tiết thờ chồng đã chết, và cũng không phải chỉ là một góa phụ đạo đức bảo vệ danh tiếng trong sạch của mình. Đúng ra bà đã kết hôn với lý tưởng của bà, và không muốn làm nguy hại đến những lý tưởng đó để kẻ thù có thể làm ô nhục bà.
            Khánh Linh không có con. Bà bị xảy thai một lần trong lúc phải chạy trốn khi dinh tổng thống tại Quảng Châu bị quân phản loạn của Trần Quýnh Minh tấn công. Trong những năm cuối cùng của bà, Khánh Linh để hết tâm trí chăm sóc hai người con gái nuôi. Khi phong trào Hồng vệ binh tan rã, và Giang Thanh bị bắt, cuộc đời bà lại trở lại bình lặng. Lần xuất hiện cuối cùng của bà trước công chúng là ngày 8-5-1981, khi bà nhận bằng tiến sĩ luật khoa danh dự tại đại học Victoria, Gia Nã Đại.
            Khánh Linh ủng hộ đường lối kinh tế thực nghiệm của Đặng Tiểu Bình. Khi nhóm Giang Thanh bị bắt, và Đặng Tiểu Bình trở lại chính quyền, bà đã hết sức vui mừng và viết trong bài "Ý Chí Nhân Dân Nhất Định Thắng": "Hôm nay tôi đã ngoài 80 tuổi. Nhưng khi tôi được chứng kiến con tàu của nước Tân Trung Hoa đi đúng đường sau khi suýt bị lật chìm, và bây giờ đang thẳng tiến một cách huy hoàng, vượt qua được mọi sóng gió, thì không lời nào diễn tả hết được niềm vui và hạnh phúc của tôi. Bây giờ chúng ta lại có hy vọng cho Trung Hoạ"
            Ngày 16-5-1981, bà Khánh Linh được Trung Cộng phong chức Tổng thống Danh dự của Trung cộng. Và tuần lễ sau đó bà bị bắt buộc gia nhập đảng cộng sản Trung hoa. Nhưng thực ra lúc ấy Khánh Linh không biết gì về việc được bầu làm tổng thống và việc gia nhập đảng cộng sản, vì bà đã hôn mê vì bệnh ung thư rồi. Ngày 19-5-1981, bà từ trần tại Bắc Kinh, hưởng thọ 88 tuổi. Các lãnh tụ lớn của Trung cộng như Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm, Đặng Dĩnh Siêu... đã tới nghiêng mình trước giường chết của bà.
            Bà Khánh Linh để lại chúc thư xin được chôn cất tại Thượng Hải, bên cạnh mộ phần của song thân, mặc dù khi còn sống, thân phụ bà là Tống Giáo Nhân đã từ bà khi bà nhất quyết kết hôn với Tôn Dật Tiên. Bà không muốn được chôn bên cạnh mộ chồng. Bà muốn chứng tỏ rằng bà cũng là một chiến sĩ độc lập tranh đấu cho đất nước Trung hoa, chứ không phải chỉ là một cái bóng mờ bên cạnh Tôn Dật Tiên.
            Bà Khánh Linh tận tụy suốt cuộc đời cho lý tưởng yêu mến nước Trung hoa của bà. Bà đã đạt được mục đích ấy khi cả nước Trung hoa kính trọng biết ơn bà, và bà là người đã làm rạng danh nhà họ Tống. Bà Tống Khánh Linh quả thực là một người phụ nữ vĩ đại nhất của Trung hoa trong thế kỷ 20. Hai người chị và em của bà là Ái Linh và Mỹ Linh cũng thỏa mãn được chí nguyện của họ. Ái Linh đã thành công về tiền bạc và là người giầu nhất nước Trung hoa. Mỹ Linh cũng đã trở thành người đàn bà uy quyền nhất Trung hoa trong địa vị một tổng thống phu nhân, vợ của nhà độc tài quân phiệt Tưởng Giới Thạch. Người Trung hoa đã nhận xét rất đúng về ba chị em nhà họ Tống, khi họ nói: "Trong ba chị em nhà họ Tống thì một người yêu tiền, một người yêu quyền và một người yêu nước Trung Hoạ"



            Hết

            Comment

            Working...
            X