Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Giai Thoại Làng Nho

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giai Thoại Làng Nho

    Mới đây Phùng Quân đưa cho tôi coi bản thảo cuốn này và buộc viết bài tựa.

    Tôi thấy như vậy là bạn đòi hỏi sai chỗ, vì bàn về Giai thoại làng Nho, lý ưng để các vị kỳ cựu trong Làng làm mới đúng.

    Song soạn giả đã giải thích: những câu chuyện kể lại ở đây, nhiều cụ chẳng lạ gì, vả nhà Nho tất thừa hiểu nhà Nho rồi, nhưng sự cần biết đối với người sưu tập để lưu lại, là cảm tưởng của Tân học thuộc lớp người sau.

    Tôi đành chiều long Lãng Nhân, và xin chỉ bày tỏ vài nhận xét riêng, có tính cách hoàn toàn chủ quan, chớ không chắc chi được sự đồng ý của những bạn cùng trạc tuổi hoặc trẻ hơn tôi.

    Ngoài ra tôi thấy, cần dè dặt trong sự phán đoán, vì chỉ được căn cứ nguyên vào số người có tên trong sổ đoạn trường này, nên chưa dám quyết rằng các vị đó đã đủ tính cách điển hình để tiêu biểu trung thực cho cả Làng Nho. Và liệu những câu chuyện được nhắc lại trong những lúc trà dư tửu hậu, đúng hay sai chừng nào, hoặc về những điểm gì?

    Từ Bùi Ân Niên đến Vũ Phạm Hàm, các câu chuyện ngắn dài được sắp đặt và kể lại như dã sử, với những dòng thơ trích dịch và lời dẫn giải tường tận. Đôi khi tôi tưởng như đọc Nam Hải Dị Nhân, song lời lẽ ở đây gọn gàng hơn, và tuy nghiêm chỉnh, vẫn không giấu nổi ở nhiều đoạn, nụ cười hóm hỉnh mà các than hữu nhận ra ngay là của tác giả Chơi Chữ và Chuyện Vô Lý.

    Ngoài ra lắm khi các câu đối hoặc vần thơ cũng nhiều thú vị, nên tôi tự hỏi: phần chính cuốn sách này, phải chăng là sự tích kể lại, hay đúng hơn là những tài liệu thi văn mà Lãng Nhân đã cố gắng thâu lượm?

    Đành rằng cũng có một số bài cũ đã được phổ biến trước rồi, song ở đây được chú thích đúng và kỹ hơn; còn phần nhiều là những bài mới thấy trình bày lần này là đầu tiên, và công của Lãng Nhân là vớt được và ghi lại, những lời truyền khẩu đáng nghe song cũng dễ thoảng qua hay chìm mất.

    Phấn thừa hương cũ bội phần sót xa….
    Dù sao,, và đối với tôi, đáng chú trọng hơn, là ý nghĩa của các Giai thoại. Đọc một hai truyện, chưa thấy hấp dẫn mấy. Đọc tất cả và ngẫm lại, tôi đã nhận dần ra, qua cử chỉ và những lời xướng hoạ, diễu cợt, nguyền rủa hay khen chê của các nhân vật, nhiều đặc tính trái ngược của một lớp người trong thư hương thuở trước.

    Theo những truyện kể trong tập này, thì Làng Nho đã cho tôi một hình ảnh khá phức tạp, song cũng lộ ra vài dáng vẻ chung: tôi không muốn nói là hay hoặc dở, sự phê bình xin để tuỳ quan niệm của mỗi người; duy có điều không thể quên, là dù lên án hay bênh vực, tưởng cũng cần nhớ đặt lùi các nhà Nho của chúng ta vào khoảng giữa hoàn cảnh lịch sử, nghĩa là ở giữa và cuối thế kỷ XIX, nhất là trong buổi giao tranh tân cựu, khi người Pháp mới sang xâm chiếm Việt Nam.

    Làng theo nếp cũ đã lâu đời, lấy học vấn cử nghiệp làm thang giá trị, coi từ chương kỹ xảo là thước đo tài năng. Hơn người là hơn vì chữ nghĩa, và kết quả là các kỳ thi đưa lại: tự hào, tự phụ, hoặc thất vọng yếm thế, cũng do đó mà ra. Mà cũng chỉ vì thế, trong Làng hay có sự lục đục: thử thách nhau như Triệu Bích và Vũ Phạm Hàm, châm biếm nhau như Nguyễn Tư Giản và Nguyễn Khuyến, ông tú Vị Xuyên cùng ông thủ Vũ Tuân; hoặc chỉ muốn đua ganh về cờ biển cho tới lúc gần cõi chết ( Bùi Ân Niên, Đoàn Tử Quảng ) và khoa bảng gần như đã thành lẽ sống, và ngay cả khi cuộc sống bắt đầu chuyển hướng về những bước hiểm nghèo.

    Như vậy thì đâu là đạo người Quân tử đã từ Trung quốc truyền sang trải mấy ngàn năm?

    Nhưng nghĩ kỹ ra thì có chi là lạ, khi bất cứ đạo giáo nào cũng phải chịu sự biến cải tuỳ nơi cho thích hợp với đặc tính của mỗi dân tộc: đạo Cơ Đốc ở Do Thái khác với ở Đông Âu, và ở Anh khác với ở Phi Luật Tân; đạo Phật ở Tây Tạng không như ở Nhật Bản; vậy đạo Nho ở nước Lỗ sang Làng ta, tất cũng biến thể, để cho các Hoàng Cao Khải, Tôn Thọ Tường không giống các thầy Tăng Tử, Nhan Hồi….Chẳng lẽ đức Khổng Tử, khi ngài bưng mặt thốt rằng: Đạo ta hết rồi ( Ngô đạo cùng hĩ ) đã khóc lên sự thật rối sao?

    May thay đạo ngài tuy biến cho hợp lệ Làng ( mà phép ai cũng phải chịu thua ), vẫn rớt lại được khá nhiều tinh túy.

    Cuồng chữ, say chữ thật đấy, song lắm lúc bịnh cuồng say đó cũng hiện ra dưới những vẻ khả ái của thói ngông nghênh đúng chỗ, sự lien tài đặc biệt không thấy ở nước nào khác Tàu và Việt. Ngạo nghễ của nhà nho, ở nhiều trường hợp, chỉ là một trạng thái của tinh thần bất khuất. Và dẫu hỗn xược hay bần cùng đến đâu, mà đối nổi một câu đối, hoạ được một bài thơ, thì vẫn được lời khen, tiền thưởng, có khi cả vợ đẹp ( Hồ Quý Châu, Bùi Hữu Nghĩa ).

    Phú quý thì ai chẳng thích - kể cả đức Khổng – nhưng phú quý chỉ có thể nhận nếu ở trong vòng Lễ Nghĩa Liêm Sỉ: bằng không, thì thà rũ áo từ quan, lui về xóm khuất mà chịu cảnh nghèo ( Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Khuyến ) hoặc giữ thái độ cương trực ( Lê Sĩ Nghị. Ông Ích Khiêm, Nguyễn Hữu Huân ). Bên cạnh những người vào lòn ra cúi, còn có những người không chịu hàng phục như Phạm Ứng Thuần và Phan Văn Trị, hoặc vì nước mà tự tận như Nguyễn Cao, giơ cổ chịu chém như Trần Cao Vân hay Tống Duy Tân. Biết bao nhiêu người đã dấy nghĩa Văn Thân, và tiết tháo của những vị đó có thể che đậy hộ cho cả Làng những lầm lỗi những tủn mủn của hạng tiểu nhân hay chữ.

    Bởi vậy và lấy hơn bù kém, tôi gấp sách với một niềm tin tưởng: mặc dầu các vị đàn anh lần lượt di cư gần hết về bên kia lớp sương mờ cõi khác, sĩ khí ngát dư hương, vẫn còn muôn năm phảng phất….


    SàiGòn, mùa đông Quí Mão,1963.

    Đoàn Thêm.
    Một phần giai thoại trong cuốn này, viết theo di cảo của cố Cử nhân Phạm Xuân Quang tiên sinh ( với sự đồng ý của lệnh lang ông Phạm Xuân Thụ )

    Tử viết: đạo chi bất minh dã, ngã tri chi hĩ: hiền giả quá chi, bất tiếu giả bất cập giã; nhân mạc bất ẩm thực dã: tiển nămg tri vị dã.

    Khổng tử nói: Đạo mà không sáng tỏ, ta biết là vì sao: kẻ hiền thì đi quá đà, kẻ bất tiếu thì đi không kịp. Người ai chẳng ăn chẳng uống, ít người biết thế nào là ngon.


    Ngày xưa cầm kiếm giữa đường
    Ngày nay thất thế, cúng dường bằng hoa
    Tương lai nào dám nghĩ xa
    xem ra cũng chỉ, bóng ma bên đường






  • #2
    Người làng Châu cầu, tỉnh Hà Nam. Bắc Việt.
    Đỗ cử nhân trường Hà Nội, nổi tiếng hay chữ. Khoa Ất Sửu, Tự Đức 18 ( 1866 ) vào kinh thi Hội, làm xong bốn kỳ, khi kéo bảng được vào hạng chánh trúng cách (1 )
    Lệ thi Hội, hễ được phó trúng cách thì thi Đình thường đỗ ra phó bảng, ít khi đỗ lên tiến sĩ hoặc đình nguyên. Trường hợp hãn hữu, chỉ có Đỗ Đình Liêu ở Nam Định, Đặng Văn Thụy ở Nghệ An, thi Hội phó trúng cách mà thi Đình được đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Còn đã được chánh trúng cách thì thi Đình thế nào cũng đỗ tiến sĩ.
    Khoa ấy, Bùi đã chánh trúng cách, lý ưng phải đỗ tiến sĩ, vậy mà không biết vì cớ gì, lúc vào thi đình lại đỗ xuống phó bảng.
    Khi ra làm quan, vua Tự Đức rất trọng dụng, năm 1876 được cử sang sứ Trung hoa. Sau đến hồi Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết, ông cùng Nguyễn Chính ra khâm sai Bắc Việt, để cùng Hoàng Kế Viêm thương lượng việc chống Pháp.
    Trong thời gian sang sứ Tàu, qua chơi Hoàng Hạc lâu là thắng cảnh Nam Kinh, và Chương Hà, nơi mộ Tào Tháo, ông có đề thơ, và thơ ấy được truyền tụng trong giới văn học Trung hoa thời ấy.

    Đề Hoàng Hạc lâu.

    Giang lâu nhất vọng, quýnh hồng trần.
    Phác diện hương phong nhược hữu thần.
    Hoàng hạc bách vân, thiên tải hạ.
    Lục ba bích thảo, nhất giang xuân.
    Tiên nhân tống khách, lai kim tịch.
    Thi lão tiên dư, đáo kỷ thần.
    Ô yết khả lân, anh vũ trủng.
    Bằng thùy tác vũ, điếu tư nhân.

    Bản dịch của Lê quân Nhân phủ.

    Lầu bến trông ra thẳm bụi trần.
    Hương bay phảng phất thoát như thần.
    Hạc vàng mây trắng ngàn năm cũ.
    Sóng biếc cây xanh một giải xuân.
    Tiễn khách tiên ông qua mấy buổi?
    Trước ta, thi lão tới bao lần.
    Nghẹn ngào thương đến mồ Anh Vũ.
    Hận phú nhờ ai viếng cố nhân?


    Đề mộ Táo Tháo.

    Miểu miểu Chương hà, uất mãng hương.
    Lâu đài ca suý, tổng hoang lương.
    Tam phân sự nghiệp, dư hoàng thổ
    Thất thập nghi phần, bán tịch dương.
    Dã đậu phiêu linh, tài tử lệ
    Ngạn hoa tiêu táp, mỹ nhân hương.
    Chi kim phiến ngoã, dư Đổng tước.
    Bát mạc lâm ly, tả hận trường.

    Bản dịch của Nhân Phủ.

    Thăm thẳm sông Chương cỏ rợp đường.
    Lâu đài ca múa thảy vu hoang.
    Tam phân sự nghiệp trơ màu đất.
    Bảy chục nghi phần dãi bong hương.
    Xơ xác đậu đồng tài tử lệ
    Úa tàn hoa nội mỹ nhân hương.
    Còn trơ mảnh ngói đền Đổng tước.
    Mài mực lâm ly viết hận trường.

    Ông còn có bài thơ Hoàng cúc rất được tán thưởng.

    Đề Hoàng cúc.

    Toái tận hương kim tiễn tác ba.
    Ngự bào chức tựu, cống thiên gia.
    Do lai chính sắc, danh thiên hạ.
    Bất phạ hàn hương, điền tuế hoa.
    Xấu ảnh phất giai, tinh dục đạm.
    Phồn anh nhiễu thế, nguyệt sơ tà.
    Dao tri thượng uyển, hoài phương ý.
    Tinh đáo u lan, thủy nhất nha.

    Bản dịch của Nhân Phủ.

    Nghiền vụn vàng thu dệt, cổn ba.
    May thành áo ngự tiến vua cha.
    Từ xưa chính sắc vang thiên hạ.
    Nào ngại hàn hương muộn tuế hoa.
    Bóng lướt quanh thềm sao muốn lặn.
    Lá um kẽ vách nguyệt thêm tà.
    Xa xa thượng uyển hương còn thoảng.
    Chợt nhớ u lan bến nước sa….

    Vua Tự Đức phê vào câu tam, tứ:
    Trạng nguyên, Tể tướng dĩ an bài liễu.
    - Tài Trạng nguyên, tể tướng đã định sẵn rồi…

    Cuối đời Tự Đức, muốn tránh những chuyện lôi thôi, ông cáo quan về nhà. Đến vua Thành Thái lên ngôi, triều đình triệu về làm phụ đạo. Kinh lược Bắc kỳ Hoàng cao Khải có tiễn đôi câu đối:

    Tái khởi vị thương sinh, lang miếu giang hồ, lưỡng ưu ái.
    Nhất thiên phú hoàng cúc, Trạng nguyên Tể tướng dĩ an bài.
    - Ông đã về nghỉ, nay lại phải ra làm quan, ấy là vì dân: ở trong lang miếu hay ở ngoài giang hồ, đều có long ưu quân ái quốc. – Xem bài thơ hoàng cúc, tài Trạng nguyên tể tướng, vận mệnh đã định sẵn.

    Ông làm phụ đạo, vua Thành Thái rất kính trọng. Một hôm, nhân lúc nhàn hạ, vua hỏi:
    - Khanh làm quan trải ba triều, lại hưởng tuổi thọ, nay có điều gì ao ước không?
    Ông đáp:
    - Thần nhờ ơn nước như thế này là thịnh mãn lắm rồi, còn ao ước gì hơn nữa! Duy có một việc, thần vẫn thắc mắc, là khoa thi năm Ất Sửu, thần đã chánh trúng cách, mà lại trúng xuống phó bảng, không hiểu tại duyên do nào?
    Vua bèn hạ chiếu, sắc tứ cờ biển mũ áo Tiến sĩ cho ông, và lập thêm một bia Tiến sĩ vào khoa Ất Sửu khắc tên ông, trên có ghi cả bài dụ, nay bia ấy còn ở nhà Giám kinh thành Huế. Khi ông mất, Yên Đổ có câu đối viếng, lời giản mà ý thâm.

    Ngư ky cựu phố, hoa sơ lạc.
    Long bảng tân bi, thạch vị đài.
    - Bến cá bàn xưa, hoa đã rụng.
    - Bảng rồng bia mới, đá chưa rêu.

    Thì ra bao nhiêu năm phụng sự quốc gia, ông không lấy làm việc quan trọng đáng cho mình toại ý, mà đến già vẫn hậm hực về cái danh hiệu Tiến sĩ với Phó bảng. Mới biết cái nọc khoa cử khi xưa đã ăn vào cốt tủy của sĩ phu. Yên Đổ cố ý viếng hai chữ “ bia mới ” để tỏ rằng bia của mình là tranh thủ nơi trường ốc chứ không phải bia thỉnh cầu về sau. Ấy cái hơn kém chỉ là một mảnh bia ông Nghè, chứ không ở công nghiệp một đời!


    Trưởng tử họ Bùi thi Hương khoa Đinh Dậu, đời Thành Thái ( 1897 ) đỗ Cử nhân. Khoa ấy ông đương có tang mẹ. Theo lệ học trò có đại tang không được đi thi. Tính ra đến ngày mồng 5 tháng 10 ông mới hết tang, mà trường thi Nam Định xưa nay, kỳ đệ nhất mở vào ngày mồng 1 tháng 10 . Cứ kể nhật kỳ như thế ông không được phép thi; nhưng năm ấy triều đình có việc, xuống chỉ hoãn kỳ thi đến 16 tháng 10 , tức là hoãn lại 15 ngày.
    Thế là ông vừa hết tang, được vào thi, trước khi thi vài ngày lại cưới vợ; ngày ra bảng đỗ Cử nhân thứ 80.
    Khoa này cũng như trước chỉ lấy 80 Cử nhân, vậy là đỗ cuối bảng. Nhưng trong số Tú tài có Nguyễn hán Khả, vì làm việc ở phủ Thống sứ, nên được đặc ân, thành ra trường phải lấy them 2 Cử nhân nữa, cộng là 82 ông. Ông Khả đỗ thứ 81. Rốt cục ông Bùi đỗ thứ 80, đáng lẽ cuối bảng, lại đỗ trên được hai người.
    Lúc về ăn mừng, Yên Đổ có tặng câu đối:

    Thánh thượng diệc lân tài, cống viện trì lai tam ngũ nhật.
    Khuê trung ưng phá tiếu, lang quân áp đắc kỷ đa nhân?
    - Nhà vua ý thương tài, thi hoãn lại năm ba bữa ( năm ba là mười lăm ).
    - Cô Cử cười vỡ bụng, anh chàng đè được những bao người?


    1. Lệ khoa cử ngày xưa: học trò thi Hương, đậu về hạng thứ là Tú tài, đậu về hạng ưu và bình là Cử nhân.
    Đậu Cử nhân mới được thi Hội. Thi Hội đậu chánh hay phó trúng cách mới vào thi Đình, cấp bậc trúng cử chia ra như sau:
    - Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
    - Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ: Hoàng giáp.
    - Đệ tam giáp đồng tiến sĩ: Tiến sĩ.
    - Phó bảng, gọi tắt là ông Bảng.


    Ngày xưa cầm kiếm giữa đường
    Ngày nay thất thế, cúng dường bằng hoa
    Tương lai nào dám nghĩ xa
    xem ra cũng chỉ, bóng ma bên đường





    Comment


    • #3
      Hiệu Nghi Chi, người làng Long Tuyền, Bình Thủy, Cần Thơ, Nam Việt. Đỗ Giải nguyên trường hương Gia Định năm 28 tuổi ( 1835, Minh Mạng 16 ), nên thường gọi là Thủ khoa Nghĩa.
      Nhân trọ học nhà Nguyễn văn Lý, khi thi đỗ, ông này ngỏ ý muốn gả con gái đầu lòng Nguyễn thị Tồn, nhưng nhà tân khoa xin khất lại.
      Đến khi được bổ nhậm là Tri huyện Phước Long, trấn Biên Hoà, ông mới tính chuyện hôn nhân.
      Ở Biên Hoà một thời gian, ông được bổ đi trấn nhậm phủ Trà Vang ( Trà Vinh ), tỉnh Vĩnh Long, tòng sự dưới quyền Tổng đốc Trương văn Uyển và Bố chánh Truyện.
      Tính tình cương trực không chịu luồn cúi cũng không tư vị người nào. Bấy giờ có em vợ Bố chánh Truyện, thường có cử chỉ hỗn xược, có lần ông cho đánh đòn. Vì lẽ đó ông bị thượng cấp đem lòng hãm hại.
      Thưở trước, Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đuổi, lương thực thường hay thiếu hụt, ở Trà Vang có một số dân Thổ quyên giúp rất nhiều, lại thêm một số lớn tình nguyện tòng quân.
      Khi Nguyễn Ánh tức vị, nhớ ơn xưa, xuống chiếu miễn thuế thủy lợi cho dân Thổ.
      Sau đó có một người Tàu lo lót với Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyền để mua thủy lợi ấy.
      Các hương mục Thổ cùng nhau đến dinh môn Tri phủ Bùi hữu Nghĩa để kiện, Tri phủ xử rằng:
      “ Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho dân Thổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà đứng bán rạch ấy thì có chém đầu nó cũng không sao ”
      Dân Thổ được lời xử ấy bén phá đập của người Tàu, xảy ra huyết chiến, bên người Tàu bị chết mất tám người.
      Do đó nhiều dân Thổ bị bắt. Tổng đốc và Bố chánh Vĩnh Long, bắt luôn Thủ khoa Nghĩa gửi về Gia Định, rồi đệ sớ về Triều, cáo về tội lạm phép giết người.
      Đứng trước nỗi oan tình, bà thủ khoa lặn lội ra Huế minh oan cho chồng.
      Bấy giờ Phan thanh Giản đang làm Thượng thơ bộ Lại tại triều. Bà thủ khoa Nghĩa tìm ngay tới tư dinh để trình bày sự lộng quyền của các quan tỉnh Vĩnh Long, rồi chuẩn bị đến Tam pháp ty khua ba hồi trống “ kích cổ đăng văn ”
      Tam pháp ty gồm có nhân viên cao cấp của bộ Hình, Đô sát viên và Đại lý họp lại, không có định kỳ, chỉ có những phiên nhóm bất thường để xét xử những vụ đặc biệt, mỗi vụ họp theo tiếng trống của những người bị oan khuất.
      Bà thủ khoa vừa rung trống thì một viên đội chạy đến thâu tờ trạng đem vào cho trực thần, tức viên quan trực trong Nội. Ông này dâng cho vua xem. Vua giao cho Tam pháp ty xét xử và chính vua chung thẩm, bản án như sau:
      “ Tha tội tử hình cho Bùi hữu Nghĩa, xong phải tiền quân hiệu lực, đái công thục tội ”
      Bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, nghe tin này lấy làm cảm kích cho người liệt phụ đồng hương, cho mời vào, ban cho một tấm biển chạm bốn chữ vàng: “ Liệt phụ khả gia ”
      Cứu được chồng, bà từ giã kinh đô, thẳng đường về Biên Hoà, quê hương bà, rồi ít lâu sau thọ bệnh mà mất tại làng Tân Hiệp, tổng Chánh mỹ thượng.
      Khi bà mất, thủ khoa Nghĩa trấn nhậm tại Châu Đốc, an táng xong rồi ông mới về tới nơi và đọc bài văn tế có những câu sau:

      Nơi kinh quốc mấy hồi trống dóng, biện bạch này oan nọ ức; đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng.
      Chốn tỉnh đường một tiếng hét vang, hẳn hoi lẽ chánh lời nghiêm, lũ bằng đảng tai nghe đều mất vía.

      Đôi liễn thờ vợ như sau:

      “ Ngã bần khanh năng trợ; ngã oan khanh năng minh, triều quận giai xưng khanh thị phụ ”
      “ Khanh bệnh ngã bất dược, khanh tử ngã bất tang, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu ”
      - Ta nghèo mình hay giúp đỡ; ta tội mình biết kêu oan; trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là đáng vợ.
      - Mình bệnh ta không thuốc thang; mình chết ta không mai táng; non sông cùng cười ta chẳng xứng gọi là chồng.

      Sau khi được tha, Bùi hữu Nghĩa phải đổi đi làm thủ ngự Vĩnh Thông ( Châu Đốc ) và được giao phó việc tiễu trừ bọn Thổ phiến loạn.
      Được ít lâu, ông chán nản việc đời, xin từ quan, trở về quê quán tại Bình Thủy, mở trường dạy học, vui thú điền viên, thường ngày uống rượu ngâm thơ với bạn là Cử nhân Phan Văn Trị.
      Ngày 21 tháng 1 năm Nhâm Thân (1872 ), ông mất, thọ 66 tuổi.
      Là một thi sĩ có tiếng tăm ở miền Nam, Bùi hữu Nghĩa ngoài ít nhiều thơ còn để lại vở tuồng “ Kim thạch kỳ duyên ”
      Chúng tôi lựa sau đây bài thơ giải tỏ khí tiết kẻ sĩ trong những lúc gặp cảnh gian nguy.

      Hà âm mộ cảnh.

      Mịt mịt mây giăng kéo tối rầm.
      Đau long thưở nọ cảnh Hà Âm.
      Đống xương vô định sương phau trắng.
      Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm.
      Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy.
      Đèn trời leo lét dặm u lâm.
      Nôm na xin mượn vài câu điếu.
      Gắng gỏi đêm trường tiếng dế ngâm.

      Hà Âm nay là huyện Giang Thành thuộc Hà Tiên, bấy giờ Bùi nhân đi xứ Xiêm, thấy đống xương tàn của bọn thổ phỉ bị giết trong thời Minh Mạng, còn chồng chất ở nơi chiến địa, cảm khái nên lời thơ vô hạn thê lương.

      Quan Công thất thủ Hạ Bì.

      Hạ Bì ngày nọ chẳng màng nào.
      Gươm rụng thời ta rụng chước thao.
      Chén rượu anh em keo gắn chặt.
      Tấm gương tôi chúa đuốc dong cao.
      Theo rồng chẳng phụ mây trời Hán.
      Dưới ngựa đâu tham bạc đất Tào.
      Trọng đạo cương thường vai gánh nặng.
      Ngàn năm thơm để miệng người rao.

      Tuy là ca ngợi Quan Công, nhưng thực là nói chí khí mình, tận trung với nước, không vì lợi nhỏ mà bỏ cương thường.


      Ngày xưa cầm kiếm giữa đường
      Ngày nay thất thế, cúng dường bằng hoa
      Tương lai nào dám nghĩ xa
      xem ra cũng chỉ, bóng ma bên đường





      Comment


      • #4
        Diệu Điển là pháp hiệu của một người con gái Nguyễn công Trứ, một trang quốc sắc không hiểu vì sao mà giữa lúc tuổi xuân lại đến nương náu cửa Không: nhạt màu son phấn say màu đạo, mở cánh từ bi khép cánh tình.
        Bà vốn có văn tài, nên tao nhân mặc khách thường hay gửi thi văn trêu cợt. Muốn chấm dứt tình trạng này, bà làm một bài thơ toàn vần khó, để sách họa. Quả nhiên không ai hoạ được trôi chảy. Sau đó, bà lại làm một bài thơ nữa để chế diễu văn tài của các vị “ tao ông ” lúc ấy.

        Bấy lâu hì hục một vần thơ.
        Ván đã trơn lì, chiếu đã xơ….
        Lắc vế, ngâm nga câu chẳng vẹn.
        Rờ cằm, nhổ sạch bút còn trơ.
        Mực bôi thảo bản đen trăm vạch.
        Phấn rắc hoa tiên trắng một tờ.
        Nhắn nhủ tao ông ai đó tá.
        Đây là cửa Sấm, biết hay chưa?



        Bà Cao ngọc Anh, cũng là bậc tài nữ gặp cảnh huống tương tự bà Diệu Điển.
        Bà Cao ngọc Anh là con Cao xuân Dục, sớm gá nghĩa cùng Án sát Nguyễn duy Nhiếp, con Nguyễn trọng Hiệp. Cha đẻ và cha chồng đều là đại thần nức tiếng về văn học và phẩm cách.
        Nguyễn duy Nhiếp thất lộc sớm, bà ở goá trong tuổi nửa chừng xuân, mà nhan sắc lại tuyệt vời. Vì vậy, nhiều bậc thi nhân trong giới quan trường không khỏi có ý muốn lân la, lấy thơ làm mối lái.
        Bà tuyệt nhiên không trả lời ai cả.
        Một hôm, nhân nhà có giỗ, bà cho triệu các vị ấy lại uống rượu. Rồi bà mời lên cầu Hàm Rồng chơi.
        Đến nơi, bà nói:
        - Đứng trước danh sơn thắng cảnh này, dám xin các vị thi nhân mỗi vị cho một bài làm kỷ niệm.
        Một ông đáp:
        - Vâng chúng tôi đâu dám chối từ, vậy xin bà cho bài xướng trước, chúng tôi xin hoạ lại sau.
        Bà nghe vậy đọc rằng:

        Hàm Rồng nô nức tiếng đồn om.
        Rải rác nhà tranh ở mấy chòm.
        Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhổm?
        Thương cầu vì nước đứng lom khom.
        Sóng như chào khách chờn vờn nhảy.
        Nguyệt cũng yêu ta lấp ló dòm..
        Cửa động rêu phong mờ nét chữ.
        Ai người mến cảnh chút trông nom…

        Bài thơ vận khó quá, ý tứ lại tế nhị.
        Câu “ Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhổm ? ” và “ Sóng như chào khách chờn vờn nhảy ” có ý trỏ vào các vị có thơ văn gửi đến trêu bà. Câu “ Thương cầu vì nước đứng lom khom ” và “ Cửa động rêu phong mờ nét chữ ”, bày tỏ tâm sự mình, cảm thương số phận và quyết giữ tấm băng trinh.
        Các vị thi bá tần ngần nghĩ không ra vần, và cũng không dám ghẹo cợt trước thái độ đoan trang ấy, nên đứng chơi hồi lâu rồi xin lỗi chủ nhân kéo nhau về. Từ đó không ai dám múa bút với bà nữa.


        Ngày xưa cầm kiếm giữa đường
        Ngày nay thất thế, cúng dường bằng hoa
        Tương lai nào dám nghĩ xa
        xem ra cũng chỉ, bóng ma bên đường





        Comment


        • #5
          ĐỖ ĐÌNH LIÊU.
          Đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Mão, Tự Đức (1879 ), thường gọi là Hoàng giáp Liêu. Quyển văn thi Đình của ông, vua Tự Đức xem rất là ưng ý, châu phê:

          Thử quyển xác hữu học lực, từ lão, phi sơ học đạo tập giả sở năng, khâm thử.
          - Quyển này thực có sức học, lời văn già, không phải là hạng mới học theo lối viết sáo, có thể làm được.

          Liêu có câu đối viếng Đặng Toán, đương làm Tuần phủ Ninh Bình, có tiếng là thanh liêm, mới đắc chỉ về tổng đốc Nghệ Tĩnh, sắp sửa lên đường thì tạ thế:

          Phương náo Hoan chi thăng, hồ kị hạc quy, quy Thúy Hạc.
          Khởi dữ Ninh hữu ước, hưu tương hồng ấn, ấn Lam Hồng.

          - Mới nghe tin đồn ông thăng quan lên châu Hoan ( Nghệ An ) sao ông vội cưỡi hạc về, về núi Thúy Sơn, núi Hồi Hạc ( Ninh Bình )
          - Hay là với tỉnh Ninh có ước, nên không đem dấu chim Hồng in ở sông Lam Giang, núi Hồng Lĩnh ( Nghệ Tĩnh )

          Câu đối rất hay và tài, láy đi láy lại hai chữ hạc đối với hai chữ hồng.
          Hoàng giáp Liêu đã có văn chương lại có khí tiết.
          Đời vua Hàm Nghi, làm phụ đạo, ngày thường vào đọc sách và giảng nghĩa cho vua, khi về thì ở nhà Tôn thất Thuyết, dạy con ông này là Tôn thất Đạm và Tôn thất Thiệp.
          Ngày 25 – 5 Ất Dậu (1885 ), ông theo vua lên Tân Sở, nhưng đến nửa đường thì sức yếu không đi theo kịp, nên phải dừng lại rồi trốn về quê nhà.
          Khi ấy Trung và Bắc Việt vừa mới đặt cuộc bảo hộ. Triều đình muốn tìm những bậc văn nhân có danh vọng ra làm quan, để yên lòng dân. Tổng đốc Nam Định Vũ văn Báo, cho mời ông và cử nhân Phạm văn Phổ, làng Tam Quang, ý muốn để ông làm đốc học Nam Định, Phổ làm tri phủ Nghĩa Hưng. Nhưng hai ông từ chối, nên bị tống giam, bị ngâm vào bể nước, cho lính tráng đứng tắm ở bên bể, cố làm nhục hai ông.
          Hai ông ngồi trong bể làm câu đối cho đỡ buồn, một ông ra, một ông đối:

          Tại luy tiết chi trung, phi kỳ tội dã.
          Tuy khỏa trình ư trắc, yên năng nỗi tai.

          - Câu trên: Luận ngữ, thiên Công dã Tràng, điển Công dã Tràng, dẫu phải giam trói, nhưng không phải vì tội mình làm ra.
          - Câu dưới: Mạnh Tử, thiên Công tôn Sửu, điển Liễu hạ Huệ vốn có tính khoan hoà nói: kẻ khác làm bậy như là cởi áo chìa vai ở bên ta, cũng không nhơ nhuốc đến ta.

          Sau được tha về, lấy cớ là có mẹ già, xin ở nhà phụng dưỡng, nhất định không chịu ra làm quan. Được bốn năm thì mẹ mất, ông có câu đối khóc:

          Tằng tứ niên lai, quốc vận gia đình lụy lụy.
          Tài tam nguyệt nội, thần tâm tử niệm du du.

          - Đã từng bốn năm nay, vận nước tình nhà, thường gặp gian truân.
          - Vừa trong ba tháng, lòng người bầy tôi, và lòng người con cảm thấy xót xa.

          Đến ngày hết tang, tế xong đám tế buổi sáng, đến chiều ông tự nhiên từ trần, năm ấy 47 tuổi.
          Tiến sĩ Khiếu năng Tĩnh ở Trực Mỹ, có viếng câu đối.

          Hiển tang độc dị phùng tam Mão.
          Tâm sự toàn nghi đối lưỡng than.

          - Lúc hiển đạt và lúc hối tàng ( chết ) một điều lạ lùng vào ba năm Mão - đỗ thủ khoa năm Đinh Mão đời Tự Đức, đỗ Hoàng Giáp năm Kỷ Mão đời Tự Đức ( 1879 ), mất năm Tân Mão đời Thành Thái ( 1891 ).
          - Tâm sự như thế trọn đạo làm con, đối với hai thân.

          Câu đối tài, là dung chữ thân đối với chữ mão.


          Ngày xưa cầm kiếm giữa đường
          Ngày nay thất thế, cúng dường bằng hoa
          Tương lai nào dám nghĩ xa
          xem ra cũng chỉ, bóng ma bên đường





          Comment


          • #6
            HUỲNH MẪN ĐẠT.(1807 – 1883 ).
            Quán làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định, Nam Việt.
            Thuở nhỏ học Võ trường Toản. Đỗ cử nhân năm Tân Mão ( 1831, Minh Mạng 12 ). Ra làm quan triều Tự Đức giữ chức tuần phủ Hà Tiên. Khi Pháp chiếm Nam kỳ, cáo quan về ở ẩn ở Hà Tiên.
            Ông hay qua Bình Thủy ( Cần Thơ ) đàm luận văn chương với thủ khoa Bùi hữu Nghĩa, rất là thích ý.
            Có lần ông lên chơi Sài Gòn, đang thơ thẩn nơi bồn kèn trước toà Đô chính chợt thấy Tôn thọ Tường, dừng xe bên đường, đi đến ông. Ông muốn tránh, đứng núp vào gốc cây; song Tôn cứ bước lại chào. Ông không làm sao được, đành đứng ra đáp lễ bằng một bài thơ:

            Cừu mã năm ba bạn cặp kè.
            Duyên đâu giải cấu khéo đè ne!
            Đã cam bít mặt cùng trời đất.
            Đâu dám nghiêng mình với ngựa xe.
            Hớn hở, trẻ dong đường dặm liễu.
            Thẫn thờ, già náu cột cây hoè.
            Núp nom cũng hổ, chào thêm hổ.
            Thà ẩn non cao chẳng biết nghe…

            Khi Pháp đến, Huỳnh cáo quan về, Tôn bấy giờ mới ra làm quan. Trước dấy hai bên kết bạn.Nay gặp lại đây, thì Tôn đã may được cơ hội tốt, ra làm quan. Thôi thì một đằng hớn hở dong dặm liễu, nghiêng mình với ngựa xe. Còn một đằng âu đành thẫn thờ núp cội hoè, bít mặt cùng trời đất.
            Tôn nghe xong, nét mặt sượng sùng, bụng nghĩ: trong cơn hoạn nạn gặp nhau giữa đường mà cũng ngâm nga, đúng thật là phong thói nhà nho. Nhưng như thế cũng phải: làm thơ thì dễ nói hơn là đối đáp thường vì thơ nhiều ý mà ít lời, huống chi hai bên tình ý cùng nghẹn ngào cả. Bèn đọc lại mấy vần biện minh cho mình.

            Tình cờ gặp gỡ bạn tiền liêu (1)
            Thi phú ngâm nga hứng gió chiều.
            Thế cục đổi dời càng lắm lắm.
            Thiên cơ mầu nhiệm hãy nhiều nhiều.
            Nước non dường ấy, tình dường ấy.
            Xe ngựa bao nhiêu, bụi bấy nhiêu.
            Hăng hái nhạc Tây hơi thổi mạnh.
            Nghe qua, ngùi nhớ giọng tiêu thiều ( 2 )

            Ý nói thế cuộc đổi thay, đi xe ngựa thế này có sung sướng gì đâu; cũng vì nhạc Tây thổi mạnh, thế Tây đương lớn, đành phải theo chiều, nhưng lòng riêng vẫn nhớ nhạc cũ.
            Tôn ngâm dứt, Huỳnh thấy lập luận bằng hai chữ đổi dời, không chịu, lại đọc tiếp luôn, cốt cho Tôn biết: giấy rách sao không giữ lề, giỏ kia dẫu nát cũng còn lại được cái khung tre chứ.

            Ngoài tai phải quấy vẫn nhàm nghe.
            Cuộc lợi đường danh ỏi giọng ve.
            Chớ nói đổi dời, sao cốt cách?
            Xưa nay giỏ nát vẫn còn tre.

            Từ đó Huỳnh trở về Hà Tiên, tiêu dao nơi non xanh nước biếc, không còn màng gì tới việc đời nữa.
            Năm 1883, ông từ trần thọ 77 tuổi.
            Ông có làm bài ngụ ngôn Chó già để nói tâm sự mình lúc tuổi cao sức yếu.

            Tuy rằng muôn cẩu có ân ba.
            Răng rụng lâu năm nó phải già.
            Bởi đuổi hươu Tần, nên mỏi gối.
            Vì lo khỉ Sở mới chùn da ( 3 )
            Không ai chấn Bắc ngăn bầy cáo.
            Ít kẻ nhờ Tây giữ đứa tà.
            Mạnh mẽ như xưa còn xốc vác.
            Bây giờ yếu đuối hết xông pha.

            Chú thích:


            1. Tiền liêu: bạn làm quan lớp trước.
            2. Tiêu thiều: nhạc đời vua Thuấn.
            3. Đời Tần thủy Hoàng, Triệu Cao chỉ hươu nói là ngựa, thử xem có ai theo mình không - Sở bá Vương thường bị diễu là khỉ đội mũ, không xứng với ngôi cao.


            Ngày xưa cầm kiếm giữa đường
            Ngày nay thất thế, cúng dường bằng hoa
            Tương lai nào dám nghĩ xa
            xem ra cũng chỉ, bóng ma bên đường





            Comment


            • #7
              KỲ ĐỒNG.
              Kỳ Đồng vốn tên là Nguyễn văn Cẩm, người làng Trung Lập, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên. Sinh cuối đời Tự Đức, thiên tư rất là đĩnh ngộ. Lúc bé, thân phụ là một nhà nho uyên bác bắt đầu dạy sách Tam tự kinh.
              Lên mười, ngũ kinh, tứ thư đều thông, vì ông chỉ trông qua là nhớ, mỗi ngày học đến trăm trang sách.
              Năm ấy, nhân có kỳ hạch ở tỉnh Hưng Yên, để năm sau thi hương ở trường Nam Định. Khi các quan tỉnh và huấn đạo, giáo thụ, hội đồng ở Văn miếu, thấy ông còn nhỏ mà đã đi thi đều lấy làm lạ, cho gọi đến để hỏi quê quán. Ông thưa ở làng Trung Lập, phủ Tiên Hưng. Quan tỉnh ra câu đối:

              Đứng giữa làng Trung Lập.

              Ông đối ngay:

              Dấy trước phủ Tiên Hưng.

              Câu ra, chữ trung lập, nghĩa là đứng giữa.
              Ông đối chữ tiên hưng, nghĩa là dấy trước.

              Các quan tấm tắc khen hay, ra câu nữa:

              Khổng môn truyền đạo chư hiền, Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử

              Ông đối:

              Chu thất khai cơ liệt thánh, Thái vương, Vương quý, Văn vương.

              - Các đấng hiền truyền đạo lý đức Khổng, có Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử.
              - Mọi ông thánh mở cơ nghiệp nhà Chu, có Thái vương, Vương quý, Văn vương.

              Câu ra, khó và lắt léo; dùng ba chữ Tử, mà trong tên Tử tư chữ Tử ở trên. Còn tên Nhan tử, Mạnh tử hai chữ Tử đều ở dưới. Ông đối được hay, là có ba chữ Vương, Vương quý chữ Vương ở trên. Còn Thái vương, Văn vương, chữ Vương ở dưới. Hội đồng đều lấy làm khen ngợi.
              Hồi ấy, nước ta trọng văn học, các quan thấy ông còn ít tuổi mà đã có kỳ tài, bèn làm sớ trong đó biên cả hai câu đối dâng về kinh.
              Vua Tự Đức, xem thấy bèn sắc cho hai chữ Kỳ Đồng, và phê:

              Thử hệ niên khinh, vị khả lục dụng, trước giao Hưng Yên tỉnh thần giáo dục, trừ vi quốc gia tha nhật chi dụng.
              - Tên này còn ít tuổi, chưa thể thu dụng được, nay giao cho tỉnh Hưng Yên dạy bảo, dành để khi lớn lên, nhà nước sẽ dùng.

              Vì có chữ vua cho nên mọi người gọi ông là Kỳ Đồng.
              Từ đấy tiếng tăm lừng lẫy, ai ai cũng có triển vọng về ông. Cách mấy năm sau, Pháp chiếm Bắc kỳ đặt cuộc bảo hộ. Ông vốn có chí khí, lại được mọi người tin phục, bèn mộ những thanh niên suýt soát tuổi với mình, lập đạo quân kéo lên khôi phục tỉnh thành. Người Pháp thấy một đoàn thiếu sinh, cho là trò trẻ con không quan tâm, cứ để vào tỉnh rồi cho lính ra bắt. Tra hỏi thì mọi người đều khai ra Kỳ Đồng. Pháp tha mọi người về, còn giữ ông lại, sau cho sang Pháp học. Học mấy năm thi đỗ Tú tài. Nước ta đỗ Tú tài Pháp, có lẽ ông là người trước nhất.
              Ông ở Pháp mấy năm, sự học biết càng rộng, người Pháp muốn cho ông về nước làm quan. Ông từ chối:

              - Tôi về làm quan không có ích gì cho dân cả, nay xin về mở mang việc làm ruộng có lẽ hơn. Xin chính phủ cho một khu ruộng ở Bắc kỳ để khẩn hoang.

              Người Pháp chiều ý, tư về phủ thống sứ Bắc kỳ, để ông được tuỳ ý chọn khu đất nào muốn khai khẩn. Năm Đinh Dậu ( 1897 ), đời Thành Thái, ông lên Yên Thế mở đồn điền. Nhiều người theo ông, thành một phong trào di cư lập ấp. Lại tiện chỗ đồn điền gần với đất Phồn Xương, rất dễ cho ông liên lạc với Đề Thám. Pháp thấy thế có ý lo ngại, bèn bắt ông đi đầy ở Tahiti.
              Ông lập gia đình với người bản xứ, có hai người con là Paul Văn Cẩm và Thérèse Văn Cẩm.
              Ông mất năm 1928 tại Tahiti. Khi ông mất, để lại cái nón lông cốc chóp bạc ( nước ta cái nón chóp bằng lông chỉ có những bậc quí phái đương thời mới dùng )
              Thế mới biết hoa đẹp chưa ắt đã kết thành quả ngon, buổi thiếu thời thông minh mẫn tiệp như thế. Mà về sau - tiếc thay - chỉ còn để lại mấy câu thơ, một cái nón và một tên đường….


              Ngày xưa cầm kiếm giữa đường
              Ngày nay thất thế, cúng dường bằng hoa
              Tương lai nào dám nghĩ xa
              xem ra cũng chỉ, bóng ma bên đường





              Comment

              Working...
              X