* Nhạc : Nhật Ngân
* Ca sĩ : Thái Thanh ; Thanh Thúy
"Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn! Xin cám ơn! Người nằm xuống
Để có ngày này, có ngày này cho chúng mình
Ta lại gặp ta, còn vòng tay
Mở rộng thương mến bao la
Chuông chùa làng xa, chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu, có nương dâu
Thiên đường này mơ ước bao lâu."
"Một Mai Giã Từ Vũ Khí" là bài hát do Nhạc sĩ Nhật Ngân viết sau Hiệp Định Paris 1973. Đây là bài hát nói về mơ ước đơn sơ của 1 người lính VNCH từ giã chiến trường, trở về quê nhà làm lại cuộc đời khi hòa bình đến. Bài hát này trở thành một trong những nhạc phẩm tiêu biểu nhất về một thời chinh chiến và ưa thích trong miền Nam trong 1973-1975.
Bản nhạc gồm 3 đoạn mà ý chủ đạo là niềm mơ ước chấm dứt chiến tranh, hòa bình lặp lại và người lính sẽ từ bỏ vũ khí để trở về với cuộc sống thường ngày, với kỷ niệm tuổi thơ mà vì chiến tranh, đã bị cướp mất. Trong “Một mai giã từ vũ khí”, chúng ta không bắt gặp một từ ngữ nào về ý thức hệ, mà chỉ là sự chờ đợi đến héo hon cho “một ngày chinh chiến tàn”.
Nhạc sĩ Nhật Ngân đã nói lên mong ước tưởng chừng như rất giản đơn của cả một thế hệ trai trẻ thời chiến: một ngày được “trả súng đạn này, thôi sạch nợ sông núi” để xây dựng lại quê hương qua những hình ảnh bình dị như “nương dâu”, “con trâu”, “chiếc cầu tre”. Không hề có một chi tiết nào về “lòng thù hận” mà xuyên suốt là tính nhân văn của một người con dân tộc Việt.