Sóng Nước Biếc - Les Flots Du Danuble
Con người sinh tồn trong cõi đời, không nhiều thì ít đều có lúc tự soi bóng mình dưới giòng sông sâu. Dù cố ý hay vô tình như nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm - chim nhạn bay trên không, ảnh chìm trong sóng nước, nhạn nào muốn lưu lại ảnh, nước không để ý giữ hình. Những điều thật tự nhiên như vậy nhìn thấy rồi mất, thực hay ảo cũng như nhau. Vũ trụ không cùng dẫn đưa mỗi người về miền trí tưởng rất riêng. Ở đó là tiếng hát phiêu diêu giữa trời và đất, là những đợt sóng từ đại dương cuồn cuộn vỗ bờ tạo thành giai điệu. Giai điệu du dương theo gió mây đưa cõi người ta đến cùng trời cuối đất trong cuộc lữ hành riêng. Và cũng giống hệt như vậy, có nhiều cách để mỗi người bày tỏ, chia sẻ nỗi buồn niềm vui. Dọc đường gió bụi, bỗng một hôm cõi người ta nghe vang câu hát.
Một giòng sông sâu cuồn-cuộn sóng trôi về nơi đâu
Gió đưa buồm nâu mang tâm-hồn vào cõi u-sầu
Một vầng trăng nhô rung mình dưới muôn đợt sóng vỗ
Lá hai hàng cây khô đang gieo mình vào cõi mơ-hồ.
Sóng lớp lớp, sóng lớp lớp, sóng đem nguồn vui
Ðang chơi-vơi, đang chơi-vơi, sóng lan mọi nơi
Khi đau thương, khi yêu đương, thiết-tha vô-vàn
Sóng dâng trong lòng ta mơ-màng.
Sóng Nước Biếc - phiên bản Tiếng Việt của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, hay Waves of Danube - nguyên táccủa nhạc sĩ Iosif Ivanovici người Romania, âm vang cung bậc trầm hùng trên bước đường ngược gió của lữ khách. Sóng dâng trong lòng ta mơ màng hay sóng đang trầm tư mặc tưởng. Giữa những tàn lụi, hoang phế và băng hoại, sự cánh chung thật rất vô thường. Ngọn gió nào phiêu diêu vô định, để mười năm hai mươi năm lãng du gợi nhớ từng nỗi buồn niềm vui dư đầy trong hoài niệm. Sóng nước biếc vẫn thì thầm cùng cát trắng. Chuyện tình nào vang nhịp thở hôm qua. Giờ ngó lại sóng sau dồn sóng trước. Trường giang xa con nước ngược xuôi ngàn. Ðược mất bại thành bỗng chốc hóa hư không, chôn vùi trong sóng biếc. Sóng lớp lớp, sóng lan mọi nơi. Khi đau thương, khi yêu đương, thiết-tha vô-vàn. Sóng dâng trong lòng ta mơ-màng.
Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, bao nhiêu đại mộng phù sinh hoặc thâm trầm lặng lẽ trôi, hoặc vĩ cuồng ầm ầm tuôn đổ trên giòng sóng biếc. Có những mảnh đời thi gan cùng tuế nguyệt trong giá băng cô tịch. Có những mảnh đời cau mặt trước tang thương giữa phố thị đông người. Ngày và đêm đi không đợi. Người ngồi trong bóng trưa, nhìn sóng nước biếc bồng bềnh trôi dưới chân cầu độc mộc bắc ngang ghềnh sinh tử. Hiểm họa của biệt ly khởi từ những ý nghĩ cuồng dại si ngốc của con người, càng lúc càng đổ dồn lên giòng sóng biếc. Con nước chập chùng lên cao xuống thấp, ảo hóa thành âm vang thống thiết của ly tan cách biệt.
Rồi tình chưa phai sao vội tới thương biệt-ly
Bến xưa gặp nhau nay ai ngờ là bến ly-tan
Lệ sầu tuôn rơi pha hoà sóng mong tìm ai
Tháng năm dần trôi em trông chờ chẳng thấy ai về
Bến xưa gặp nhau nay ai ngờ là bến ly-tan
Lệ sầu tuôn rơi pha hoà sóng mong tìm ai
Tháng năm dần trôi em trông chờ chẳng thấy ai về
Ngọn gió đưa đời ta đi qua từng truông dài phiêu lãng. Nhìn hôm qua nhìn hôm nay trong chứng tích điêu tàn. Giòng sóng biếc vẫn thì thầm bên ghềnh ráng. Phách nhịp nào còn âm hưởng phím loan xưa. Từng cung bậc trầm thăng thương cảm quá. Khúc giang sâu buồn hạt nước mong manh. Người đi tìm hình bóng cũ. Ðói ân tình ta uống hư vô. Tầng không rộng như trường giang vời vợi. Trăng gầy bóng đổ hoàng hôn. Tôi làm kẻ rong chơi giữa vườn trí tưởng. Nhịp bàn chân đón thời gian vào thu. Nhìn thực mộng nhẹ trôi giữa đường nguyệt bạch. Lặng nghe...
...Ngày vui đã qua,
bờ sông riêng có ta đứng nhìn sóng tuôn về phương trời xa mịt-mờ
Xót xa, chiều nay ta tới đây để thấy trên giòng sông duyên tình tàn-phai
Trông lên tím đỏ ráng chiều. Sóng trường giang phủ đổ xiêu hôn hoàng.
Sóng Nước Biếc [Waves of Danube] -Loi Viet Phạm Đình Chương -Thanh Lan
bờ sông riêng có ta đứng nhìn sóng tuôn về phương trời xa mịt-mờ
Xót xa, chiều nay ta tới đây để thấy trên giòng sông duyên tình tàn-phai
Trông lên tím đỏ ráng chiều. Sóng trường giang phủ đổ xiêu hôn hoàng.
Sóng Nước Biếc [Waves of Danube] -Loi Viet Phạm Đình Chương -Thanh Lan
Hải Vân (baotreonline)
Comment