Giàn mướp thơm hương ...
Mướp hương là một loại rau trái được người Việt Nam ưa chuộng, ăn đã ngon mà lại có mùi thơm ngan ngát.
Trái mướp hình bầu dục, treo lơ lửng trên giàn, với chiều dài từ 25 cm cho tới cả thước hoặc hơn thước, trông rất là … thèm và bắt mắt. Vậy mà không hiểu sao có lần Hằng thấy ông xã mình đứng nhìn giàn mướp chĩu chịt sau vườn rồi lẩm bẩm: “Hèn chi…. Cái ‘ti ti’ của bố con nhà này mà dài như vậy thì mất cả thẩm mỹ”. Nhà này lớn cả rồi, có ai ti ti nữa đâu mà ổng lảm nhảm cái gì nghe kỳ quá!
Nói vậy thôi, chứ còn khi ăn thì ổng chiếu cố dữ lắm, cứ luôn miệng khen ngon, khen thơm, làm mình thấy cái chức “nội tướng” mới đáng hãnh diện làm sao! Mà thực ra có công phu gì đâu, trồng mướp không phải là việc khó. Nếu bạn cũng muốn có những bữa cơm tràn đầy hương vị và niềm hạnh phúc ngời lên trong ánh mắt chồng con, thì cứ thử mấy cái mẹo vặt sau đây xem nhé.
Nghĩ tới việc gây dựng một giàn mướp vào lúc này là vừa rồi, để sang tháng 4 là bắt đầu gieo hạt. Chậm lắm là cuối tháng 5 thôi. Phải để thời gian mà thâu hoạch chứ. Trễ quá, giàn mướp vào mùa lạnh sẽ không còn ra trái được bao nhiêu đâu.
Ủ hạt:
Bạn có thể mua cây non về trồng. Nếu có hạt thì cần phơi hạt ra nắng nhẹ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ trước khi ươm. Hạt khô thì hút nước mạnh, sau này mới nẩy mầm tốt. Cho hạt vào túi vải lưới, ngâm trong nước sạch theo tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh trong khoảng 3 giờ. Sau đó vớt hạt lên, dùng khăn sạch vắt thật ráo nước. Gói hạt giống trong khăn cotton, rồi bỏ cả vào bao nylon cột miệng cho kín để ủ hạt dưới nhiệt độ từ 82 tới 86 độ F. Ủ như vậy cho trọn 1 ngày 24 tiếng, hoặc 2 ngày 48 tiếng là hạt sẽ nứt “nanh” nẩy mầm. Khi hạt nứt nanh thì mới mang gieo vào bầu đất.
Đất bầu:
Dùng đất cát pha đất thịt, có thêm phân hữu cơ. Sau khi trộn đều nên sàng qua một lượt để loại bỏ cục đất to và rác. Dùng que nhỏ khoét 1 lỗ nhỏ giữa mặt bầu, rồi gắp hạt giống có đầu rễ mầm hướng xuống đất và thẳng góc với mặt bầu, phía chóp hạt ngang bằng với mặt bầu, sau đó lấp một lớp đất mỏng (1 phần đất 1 phần phân). Sau cùng là tưới cho đủ nước vào bầu.
Chờ cho cây trong bầu nhú được 2, 3 lá nhám (lá thật) là bạn có thể đem trồng xuống đất ở một địa điểm có đủ ánh sáng mặt trời. Đừng để chậm trễ hơn, vì bộ rễ có thể ăn lan ra ngoài bầu, khi đem trồng cây đứt nhiều rễ làm cây lên yếu, hoặc dễ chết. Đất vườn phải là đất thịt pha cát, thoát nước tốt, với độ pH thích hợp là từ 6 tới 6,5. Bón lót bằng phân NPK (Nitrogen, Phosphorous, Potassium) theo tỷ lệ 11 vào đất trước khi trồng cây.
Khi trồng cây xuống rồi, thì phủ một lớp đất có phân hữu cơ dầy khoảng 1-2 inch chung quanh gốc. Đừng phủ sát gốc, có thể gây bệnh và ngăn cản sức phát triển của cây. Nếu có nhiều cây thì phải trồng cách nhau ít nhất 1 mét.
Tưới nước:
Tùy độ ẩm và độ thoát nước của vùng trồng mướp mà tưới nước. Có thể tưới 2 ngày một lần, hoặc 5 ngày một lần. Tưới làm sao để đất luôn luôn ẩm, nhưng không để sũng nước quá 3 tiếng đồng hồ. Bởi vì mướp rất sợ úng nước. Bắt vòi cho nước chảy thẳng xuống đất, chứ không để nước đọng trên lá dễ kéo theo côn trùng và dịch bệnh đến làm hư cây.
Bón thúc bằng phân NPK (Nitrogen, Phosphorus, và Potassium cũng gọi là Kalium) theo tỷ lệ 10-10-10 mỗi tháng một lần. Có thể theo hướng dẫn trên bao phân để sử dụng cho đúng liều lượng.
Tạo thêm rễ phụ:
Khi mướp đã có dây khoảng 2-3 m lấy kéo cắt hết đầu dây leo và cuộn thành 1-2 vòng tròn nhỏ (có đường kính 20 - 30-40cm), đặt xuống các hố được chuẩn bị sẵn ở bên cạnh, hoặc đặt ngay trên mặt hố cũ, rồi lấp một lớp đất tơi mỏng lên. Phần còn lại của dây mướp khoảng 1 mét bắt cho leo quanh cọc để bò lên giàn. Đây là bí quyết để tạo thêm hệ thống rễ phụ, nhờ đó cây phát triển mạnh, sống lâu, và cho thâu hoạch dài ngày.
Làm giàn:
Khi cây cao 20 cm phải cắm cây để mướp leo lên giàn. Có thể làm giàn trước khi cây có tua. Làm giàn mái bằng. Mái giàn làm bằng dây thép lớn để đỡ quả. Khi cây có quả phải nương quả, thả thõng quả xuống giàn cho quả thẳng, đẹp. Khi dây leo lên giàn, cần sửa dây phân bố đều, tỉa bỏ nhánh nhỏ, sâu bệnh giúp giàn thông thoáng, giảm sâu bệnh làm hại cây. Khi mướp đã lên giàn thì tỉa bỏ hết lá chân.
Nhiều lá ít trái:
Đến đây là coi như xong những công đoạn chính. Chờ khoảng 3 tháng là bạn sẽ có một giàn mướp đầy trái. À, nếu thấy giàn mướp lá xanh tốt mà lại ít trái, thì đó là do thừa chất đạm. Mình áp dụng một cái mẹo nhỏ thế này là giàn mướp sẽ hiểu ra bổn phận của nó ngay: Lấy mũi dao sạch, rạch đôi đoạn thân cách đất 50 cm, cài một miếng mảnh sành sạch vào trong; hoặc cuốc lật đất sâu 20 cm, cách gốc 1 mét, bón mỗi gốc 2 kg kali clorua, mướp sẽ bị chột, và sai hoa, nhiều quả trong 20 hoặc 30 ngày.
Cứ làm như thế là bạn sẽ có một giàn trĩu nặng những trái mướp hương dài cả thước, và trở thành “niềm ganh tỵ” của bạn bè cho mà xem.
Theo vuhang (viendongdaily)