Mẹo nấu thịt đông ngon
Hầu như bà nội trợ nào cũng biết nấu thịt đông. Nhưng để nấu cho ngon, có thể bạn cần cập nhật vài bí quyết.
Món thịt đông thành công phải đông được mà không cần cho vào tủ lạnh. Phần keo phải trong, không vữa ra ở nhiệt độ thường.
Độ dai của phần keo tùy thuộc vào lượng bì bạn cho vào ninh, càng cho nhiều da thì món thịt đông càng dễ đông, keo chắc. Tuy nhiên, không phải cứ càng dai càng tốt, điều này còn tùy thuộc vào sở thích của bạn, món thịt đông quá cứng cũng không ngon. Vì thế hãy điều chỉnh lượng bì cho hợp lý.
Khi ăn, miếng da lợn sần sật rất tuyệt nhưng nếu quá nhiều sẽ mất ngon, vì vậy để cân đối thành phần trong bát thịt mà món ăn vẫn đông như ý, phần bì thêm vào bạn nên để cả miếng to, sau đó vớt ra khi nấu xong.
Nếu muốn phần keo thật trong và thơm, bạn hãy chú ý khâu hớt bọt khi nồi thịt sôi. Nếu hớt bọt không kỹ, món ăn sẽ giảm chất lượng cả về hương vị lẫn thẩm mỹ.
Đừng sốt ruột mà để lửa to khi nấu thịt đông. Hãy đun nhỏ lửa, vừa đỡ tốn gas vừa giúp chất keo trong da lợn tiết ra dễ hơn.
Chú ý khâu nêm gia vị, đừng để mặn. Việc cho nhiều mắm muối không chỉ làm món ăn mất ngon mà còn gây khó đông.
Nếu bạn cho nấm hương vào thịt đông, hãy "bảo tồn" mùi hương của nó bằng cách đừng cho vào quá sớm. Mộc nhĩ cũng vậy, nếu cho vào sớm sẽ nhừ, mất độ giòn. Tốt nhất là hãy xào sẵn những nguyên liệu này cùng gia vị rồi vào nồi trước khi món ăn hoàn tất 10 - 15 phút. Nước ngâm nấm hương (sau khi rửa sạch) nên cho vòa nồi để tận dụng mùi thơm, nhưng cũng đừng cho sớm.
Nhiều bà nội trợ thích cho một số loại rau củ quả vào thịt đông như cà rốt, đậu hà lan... Những nguyên liệu này nếu quá nhừ sẽ mất ngon. Vì vậy bạn cũng chỉ nên cho vào đun khi sắp nấu xong, đủ thời gian cho rau củ chín.
Ngoài hạt tiêu mịn ướp thịt, tùy khẩu vị, bạn có thể cho thêm vào nồi thịt đông một ít tiêu sọ nguyên hạt hoặc chỉ giã giập, vỡ. Như vậy thì khi ăn, thỉnh thoảng bạn bắt gặp những hạt tiêu thơm, ấm áp này, rất thú vị.
Theo Báo Đất Việt