Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Mẹo vặt khi nấu ăn

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mẹo vặt khi nấu ăn

    Mẹo vặt khi nấu ăn


    Mẹo nhà bếp


    Cách cán bột không bị dính

    Lúc nhào bột, cán bột để làm bánh, bột hay bị dính vào bàn rất khó chịu. Khi ấy ngoài cách rắc một lớp bột áo trên bàn, bạn có thể làm theo cách sau: để bột vào trong một cái tô, đậy một lớp nylon kín rồi cho vào tủ lạnh khoảng 1 giờ.

    Lúc cán bột làm bánh bột sẽ không bị dính nữa.

    Cách xào thịt bò

    Khi xào thịt bò muốn cho thịt mềm, sau khi ướp thịt xong, bạn hãy cho 2-3 muỗng cà phê dầu ăn vào trộn đều ướp cùng, để khoảng 20-30 phút. Lúc xào thịt hãy để lửa to đảo nhanh tay. Xào xong cho thịt ra khỏi chảo ngay. Món thịt bò xào sẽ rất mềm, vị đậm đà mà lại không dai.

    Luộc trứng không bị nứt

    Khi luộc trứng gà, trứng vịt thường hay bị nứt vỏ làm cho nước vào trong trứng gây ra mùi tanh và không đẹp. Muốn chúng không bị nứt khi luộc bạn chỉ cần cho vào nồi luộc chút muối hoặc lấy chanh xát xung quanh vỏ trứng. Trứng sẽ chín ngon và không bị nứt nữa.

    Rửa sạch bình thủy tinh

    Những bình thủy tinh có miệng bé muốn rửa sạch bên trong rất khó. Xin mách bạn một cách để làm cho bình thủy tinh sáng bóng như mới. Bạn hãy cho vào bình một nắm gạo, đổ một ít nước sôi vào đậy nắp kín đóng lại và lắc mạnh. Sau vài lần, bình thủy tinh của bạn sẽ sạch bóng dễ dàng.

    Dầu ăn trong nồi bốc lửa

    Khi bạn xào nấu với ngọn lửa to có lúc dầu ăn trong nồi bị bốc lửa. Chỉ cần đậy vung lại hoặc đắp khăn ướt lên, lửa sẽ lập tức bị dập tắt. Trong trường hợp đó, không nên cho nước vào dầu ăn nhẹ hơn nước sẽ làm lửa bùng to hơn và dầu bắn ra bốn phía.

    Cách vắt chanh được nhiều nước

    Muốn vắt được nhiều nước chanh hơn thì trước khi vắt, bạn hãy đem chanh ngâm vào nước nóng vài phút.

    Cách khử cay ở tay

    Khi bạn cắt tỉa ớt, tay bị dính sẽ rất nóng, cay. Bạn hãy khử bằng cách: Lấy một ít đường cát xoa vào tay, rồi rửa sạch; hoặc xoa vào tay một ít giấm hay rượu; bạn cũng có thể ngâm tay vào nước ấm một lát rồi rửa sạch thì tay sẽ không bị cay, nóng nữa.

    Cách làm chuối xanh không bị nát và thâm

    Khi làm món ăn với chuối xanh, bạn gọt vỏ, bổ thành miếng nhỏ, rồi ngâm vào nước có pha chanh và muối, chuối sẽ trắng, không bị nhựa, không nát mà chất chát cũng giảm rất nhiều.

    Cách chữa cơm sống

    Khi bỏ cơm ra ăn mà cơm bị sống, nhiều người đổ thêm nước vào nồi và bắc lên bếp hong lại cho đến khi chín hoặc bỏ đi. Để tránh lãng phí và mất thời gian nhưng lại hiệu quả và đơn giản, bạn hãy làm theo cách sau: Xới cơm sống cho tơi ra, rưới rượu vào nồi theo tỷ lệ cứ nửa cân gạo là một phần ba chén rượu. Đun nhỏ lửa cho đến khi rượu bốc hơi hết, cơm sẽ chín mà lại không để lại mùi rượu.

    *

    Làm Ruột Heo, Bao Tử Heo

    Ruột hoặc bao tử heo mua về lộn trái ra rồi cho một nắm bột mì vào bóp kỹ một lúc sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước lạnh sẽ sạch hết.

    Muốn luộc ruột hoặc bao tử cho trắng thì đung một nồi nước sôi, sau đó cho vào một miếng phèn chua độ nửa ngón tay, cho lòng heo vào luộc, nhớ để nước cho ngập. Khi lòng heo đã chín, vớt ra thả vào nước lạnh có pha một chút hàn the.

    *

    Cách Làm Lươn

    Lươn mua về còn sống cho vào soong hoặc thau, lấy rổ đậy kín rồi cho vào một chén giấm chua. Lươn sẽ quẫy rất mạnh vì vậy bao nhiêu nhớt sẽ theo ra hết. Khi thấy lươn yếu dần, không còn quẫy nữa thì đem ra vuốt bằng muối rồi rửa lại bằng nước lạnh vài lần sẽ sạch.

    *

    Cách Làm Ốc

    Muốn làm ốc sạch để làm ốc nhồi thì đừng đập bể trôn ốc vì khi đập bể trôn ốc, khi nhồi ốc vào hấp, nước ngọt sẽ chảy ra hết.

    Lấy dao nhỏ khẽ cạy miệng ốc ra, rồi lấy một chiếc đũa đẩy ốc thụt vào trong một lúc, cầm con ốc vẩy mạnh. Ốc sẽ rơi ra hết. Bỏ phần ốc bùn phía cuối. Phần ốc còn lại, cho vào giấm bóp kỹ rồi rửa lại bằng nước lạnh cho sạch.

    *

    Cách Làm Cá

    Cá bán ở chợ thường chưa được đánh vẩy. Muốn làm cá mà không bị vẩy văng ra tứ phía, hãy ngâm cá vào nước sôi thì việc đánh cá sẽ dễ dàng.

    *

    Chiên Cá

    Khi chiên cá, muốn không bị sát chảo, hãy lăn cá vào bột trước khi cho vào chảo dầu nóng.

    *

    Nướng Cá Không Bị Tróc Da

    Thoa một lớp dầu ăn ngoài da để da cá không bị dính vào vỉ nướng. Khi nướng, lúc đầu để lửa lớn để lớp da bên ngoài se lại ngay, như vậy sức nóng làm cho chất mỡ trong cá tan ra nhưng không thoát ra ngoài được. Do đó da cá sẽ vàng mà thịt cá vẫn thơm ngon và không bị mất đi các dưỡng chất.

    *

    Nướng Bánh Mì Lại Cho Dòn

    Bánh mì cũ, nhúng vào nước trước khi nướng, bánh sẽ dòn.

    *

    Chiên Khoai Tây

    Khoai tây ngâm trong nước có pha một chút muối và chanh hoặc giấm để khoai được trắng. Rửa sạch khoai lại rồi thái khoai thành từng lát dày độ 1 cm theo chiều dọc của củ khoai. Vớt khoai để ráo, lau khô từng miếng. Sau đó phết sơ một lớp dầu lên khoai để khi chiên, mặt khoai không bị nhăn.

    Cho khoai vào chảo dầu chiên cho vàng. Khi chiên, khoai sẽ phông lên, lấy khoai ra cho vào rổ nhôm, rắc lên một chút muối và xốc đều.

    *

    Giữ Khoai Không Rã Khi Nấu

    Rửa khoai thật sạch trước khi gọt vỏ. Gọt vỏ xong, đem ngâm trong nước có pha một chút muối để khoai không bị đen và khi nấu khoai không bị rã.

    *

    Khử Mùi Hôi Của Dầu Phộng

    Đun dầu cho thật sôi đến khi không còn nghe thấy tiếng kêu riu riu nữa. Cho vào vài củ hành tím đập dập. (Có thể dùng tỏi hay củ xả đập dập hoặc lá dứa thơm cũng được).

    *

    Khử Mùi Hôi Của Thịt Bò

    Nướng chín một củ gừng, cạo bỏ lớp vỏ cháy đen, giã gừng thật nhuyễn, rắc lên thịt.

    *

    Tẩy Mùi Hôi Lông Của Gà, Vịt

    Khi nhổ lông xong, dùng muối hoặc gừng giã nhuyễn chà xát lên mình con vịt hoặc gà, để độ 5 phút, rửa sạch lại rồi mới mổ ruột.

    *

    Tẩy Mùi Xào Nấu, Mùi Thịt Cá

    Đốt một miếng đường lên bếp. Trong khi chờ cá chín, mùi đường cháy sẽ phá tan mùi tanh của cá. Để cho mùi hôi của bắp cải chín mất đi, hãy cho vào soong đang luộc rau một miếng ruột bánh mì.

    Chậu rửa bát vừa ăn xong, dùng vỏ chanh đã vắt nước chà xát chung quanh chậu, mùi tanh của cá sẽ hết.

    *

    Tẩy Một Số Mùi Khó Bay

    Mùi hành tỏi: Dùng bã café để chà xát.

    Mùi Eau de Javel: Lấy giấm rửa tay, rửa lại bằng nước ấm và thoa lại bằng một chút dầu thơm.

    Vết vàng khói thuốc dính trên ngón tay: Rửa tay bằng Eau de Javel hơi ấm.

    Vết bút nguyên tử: Dùng Alcool.

    Các vết xám đen: Dùng chanh.

    *

    Luộc Rau Xanh Màu

    Cho vào soong nước luộc vài giọt chanh hoặc giấm, đợi nước thật sôi mới cho rau vào.

    *

    Nấu Nước Dùng Cho Trong

    Nấu nước thật sôi mới cho thịt hoặc xương vào, không được đậy vung soong. Khi nước sôi lại thì bớt lửa và vớt bọt thường xuyên. Cho vào đó một củ hành tím đã nướng chín.

    Nếu lỡ nước không trong thì dùng một khăn vải mỏng sạch lược lại, cho sang soong khác nấu sôi trở lại. Lấy một tròng trắng trứng đánh cho thật nổi đổ úp vào soong nước dùng, các bọt trong nước dùng sẽ cuốn vào trong lòng trắng trứng. Khi được, vớt tròng trắng trứng ra bỏ.

    Nếu nấu nước thật sôi rồi bỏ thịt hoặc xương vào, như vậy thì chất ngọt còn giữ lại trong thịt, xương. Nếu cho thịt vào nước lạnh rồi mới nấu thì chất ngọt của thịt và xương sẽ hoà vào nước dùng.

    *

    Đánh Trứng Gà Không Dính Vào Tô

    Trước khi đánh trứng vào tô, hãy tráng qua tô một lớp nước lã.

    *

    Muốn Trứng Chiên Được Nổi Phồng

    Cho vào trứng một chút bột nổi rồi đánh trứng cho đều, nhớ đánh theo một chiều.

    *

    Luộc Trứng Không Vỡ

    Cho vào soong nước luộc trứng một dúm muối. Khi trứng chín, muốn bóc vỏ cho dễ, vớt trứng ra bỏ ngay vào nước lạnh ngâm độ 10 phút.

    *

    Quết Tôm Cho Dai

    Rửa tôm sạch, lau khô tôm trước khi quết. Khi tôm đã được quết nhuyễn thì nêm gia vị và cho vào một tròng trắng trứng, trộn đều và quết thêm một lúc cho tôm và trứng lẫn đều nhau.

    *

    Tẩy Mùi Cơm Khê

    Nếu cơm lỡ bị khê, ta nên cho vào cơm một cục than đang cháy hồng hoặc lấy một cái ca nhôm, nhúng nước rồi úp lên soong cơm.

    *

    Hấp Cơm Nguội Cho Ngon

    Cơm nguội còn lại, không bị hư, muốn hấp lại, phải dùng tay ướt bóp cho hột cơm rời ra. Khi soong cơm mới nấu gần chín mới cho cơm nguội vào hấp (cơm nguội để hấp phải ít hơn lượng gại để nấu cơm).

    Hấp được một lúc thì xới cơm dưới lên, trộn cơm nóng và cơm nguội đều nhau rồi để trên bếp một lúc nữa cho cơm chín hẳn.

    *

    Cách Luộc Thịt

    Muốn luộc thịt cho trắng, dai, ngon thì khi bắc nước sôi, ta cho vào một muỗng soup giấm chua.

    Có nhiều loại thịt rất dai như thịt heo nái, gà, vịt đã đẻ nhiều. Muốn luộc cho mềm thì trước khi cho vào soong, nhớ lấy lá đủ đủ bọc kín.

    *

    Làm Cho Lòng Heo Được Trắng Và Giòn

    Khi luộc lòng heo, chờ nước thật sôi mới thả lòng vào. Khi lòng đã chín tới thì vớt ra đem nhúng ngay vào chậu nước có pha một chút phèn chua (nước phèn này đã được đun sôi để nguội). Làm như thế, lòng sẽ trở nên trắng trẻo, giòn.

    *

    Ram Thịt Cho Mềm Và Ngọt

    Khi ram thịt phải chờ cho chảo thật nóng, đổ dầu vào đợi cho sôi. Cho thịt vào chiên một mặt cho vàng rồi mới trở qua mặt khác. Lửa phải to và đều. Khi thấy thịt đã vàng đều thì cho lửa nhỏ dần, cho vào thịt một ít nước, đậy vung thật kín, để lửa riu riu. Khi xiên vào miếng thịt không thấy máu chảy ra là được. Làm cách này thịt sẽ ngon và mềm.

    *

    Rán Mỡ Để Được Lâu

    Khi rán mỡ, đừng để quá lâu trên bếp. Nếu để cho mỡ vàng quá, mỡ sẽ mau có mùi khét.

    *

    Rán Mỡ Không Bị Bắn Tứ Tung

    Cho một chút muối vào chảo mỡ khi rán.

    Rán cá, đậu, thịt gì cũng làm theo cách trên sẽ tránh được cảnh bị mỡ bắn phỏng tay chân, mặt mũi.

    *

    Khi Chảo Mỡ Bén Lửa Bốc Cháy

    Đừng bao giờ đổ nước lạnh để dập tắt lửa mà chỉ cần nhanh tay rút củi ra rồi đậy ngay nắp vung lên chảo.

    *

    Giữ Khoai Cho Trắng

    Khi luộc khoai, nên vắt vào vài giọt chanh trong lúc nước đang sôi để khoai không bị biến màu và có mùi vị đặc biệt. Trong lúc gọt khoai trước khi luộc, nên ngâm vào nước có vắt vài giọt chanh và tránh để khoai ngoài gió.

    *

    Để Bắp Chuối Và Chuối Xanh Không Xám

    Khi bào bắp chuối hoặc gọt chuối xanh, nên ngâm vào thau nước có vắt một trái chanh để không bị xám đen.

    *

    Xắt Hành Không Cay Mắt

    Khi xắt hành, nên để thau nước bên cạnh để tránh bị cay mắt.

    *

    Để Dao Khỏi Tanh

    Dùng một lát chanh hoặc một lát cà rốt chùi lên lưỡi dao.

    *

    Giảm Bớt Vị Mặn Của Thức Ăn

    Khi làm thức ăn, nếu lỡ bị mặn thì đừng đổ nước mà hãy thêm đường vào. Đường sẽ rút bớt chất mặn.

    *

    Nấu Món Ăn Có Pha Rượu

    Chia lượng rượu muốn cho vào thức ăn làm hai. Một phần cho vào thức ăn khi đang nấu, phần còn lại, khi thức ăn đã chín, sắp ăn mới cho vào, như vậy mới giữ được mùi thơm của rượu.

    *

    Khi Nấu Món Ăn Có Bơ

    Khi nấu không cần phải cho bơ ngay từ đầu. Khi chiên xào, ta dùng dầu hay mỡ, sau đó mới cho bơ nằm trên mặt dĩa thức ăn khi sắp ăn, như vậy mới giữ được mùi thơm của bơ.

    *

    Thử Bơ Hoặc Pho Mát

    Cắt mốt miếng bơ hay pho mát nhỏ, cho vài giọt Iode. Nếu phó mát hay bơ có pha khoai lang hay bột gạo thì nó sẽ biến thành màu xanh biếc.

    *

    Để Có Cháo Ăn Sáng Thật Mau

    Vo gạo chung với nếp để chừng 15-20 phút cho ráo nước. Đổ gạo vào bình thủy, đun nước thật sôi, chế vào đậy kỹ nước để trong một đêm. Sáng ra cháo sẽ chín nhừ. Nấu cháo đặc hay loãng tuỳ ý mà cho gạo theo ý muốn.

    *

    Giữ Sữa Tươi Không Bị Đóng Váng

    Sữa tươi để từ sáng đến chiều có thể bị đóng váng vì trong sữa có chất Acide Lactique. Muốn cho sữa khỏi bị đóng váng, hãy cho vào chai sữa bột một ít thuốc muối (Bicarbonate de Soude). Thuốc muối có đặc tính đánh tan chất Acide Lactique.

    *

    Bánh Gateâu Chưa Chín Kỹ

    Khi lỡ lấy bánh ra khỏi khuôn mà bánh chưa được chín kỹ, đừng chần chừ, hãy nhúng bánh thật nhanh vào sữa lạnh rồi đặt bánh vào trong lò hấp lại một lúc cho bánh chín.

    *

    Chữa Bột Quá Nhão

    Khi nhồi bột làm bánh, nếu lỡ bột quá nhão mà không muốn cho thêm bột khô, hãy lấy một cách khăn sạch, khô quấn bột vào đó và gói lại để khoảng 15-20 phút. Nếu bột quá nhão, bạn có thể để lâu hơn nữa hoặc có thể đem gói vào một cái khăn khác. Vì trong khi gói vào khăn, nước dư trong bột sẽ thấm vào cái khăn và bị bốc hơi bớt.

    *

    Chiên Bánh Không Bị Cháy

    Thái nhỏ một ít khoai tây chiên trước trong khi chảo mỡ (hay dầu) sau đó hãy chiên bánh.

    *

    Cắt Khoai Tây Thành Lát Không Vỡ

    Khi cắt khoai tây, hãy nhúng lưỡi dao vào nước sôi trước khi cắt.

    *

    Luộc Khoai Sọ, Khoai Môn, Khoai Mì

    Khi luộc khoai sọ, khoai môn, khoai mì nên ngâm vài giờ trước khi luộc cho các độc tố trong khoai tan hết ra nước, sau đó luộc thật kỹ, không nên nướng. Đối với khoai mì, nên cắt bỏ hai đầu rồi mới bóc vỏ đem ngâm.

    *

    Khoai Tây Chiên Không Bị Cháy

    Trước khi chiên, hãy nhúng khoai tây vào nước muối pha loãng trong vài phút. Khi sử dụng khoai tây, nên nhớ không nên ngâm lâu trong nước vì như thế sẽ làm hủy đi sinh tố C chưá trong khoai tây. Nếu để dành khoai tây quá lâu, khoai cũng mất đi sinh tố này.

    *

    Sử Dụng Khoai Lang Như Thế Nào?

    Khoai lang có nhiều sinh tố A và C. Có thể sử dụng khoai lang như khoai tây. Muốn giữ khoai lang để lâu mà không bị hư nên vùi khoai xuống cát và che mưa nắng. Khoai xắt lát, muốn để dành lâu, hãy lót khoai bằng trấu và bao quanh bằng phên tre cẩn thận.

    *

    Luộc Rau Đúng Cách

    Nấu nước sôi, cho vào một chút muối rồi thả rau vào ngay khi nước đang sôi. Nước sôi trở lại là vớt rau ra ngay, không nên luộc rau quá lâu, rau sẽ bị nhão và đỏ không ngon.

    *

    Hầm Đậu Rau Mềm


    Rửa đậu sạch và ngâm đậu trong nước. Sau đó rửa đậu lại cho sạch rồi cho vào soong, đổ nước ngập đậu rồi nấu. Lúc đầu để lửa lớn, khi sôi, đậy nắp kín, để lửa riu riu và lửa phải cháy đều. Từ đó không nên mở nắp soong hay khuấy đảo trong soong nữa.

    *

    Chiên Thức Ăn

    Khi chiên thức ăn, cần phải đun dầu (mỡ) cho thật sôi mới cho thức ăn vào để chiên. Muốn chiên giòn những món ăn có nhiều bột như cá, tôm, cua lăn bột, khoai tây... cần phải để dầu, mỡ ngập thức ăn; để lửa vừa phải.

    *

    Kho Thức Ăn

    Khi kho thức ăn nên đậy vung kín và để lửa riu riu. Khi kho cá, cần đun lâu hơn thịt.

    *

    Lột Vỏ Trái Cây Dễ Dàng

    Chỉ cần nhúng trái cây vào nước nóng và vớt ra ngay, trái cây sẽ dễ lột vô cùng.

    *

    Thử Giấm

    Lấy một chút giấm cho vào chén rồi nhúng miếng giấy thấm màu trắng vào, nếu chuyển thành màu vàng là giấm tốt.

    *

    Giữ Mỡ Lâu Hư

    Phải để mỡ trong hũ thủy tinh, đậy kỹ, không cho nước lẫn vào mỡ. Khi mỡ được đổ vào hũ, cần phải đổ đầy, đừng để có khoảng trống cho không khí len vào.

    *

    Giữ Bánh Mì Được Lâu

    Gói bánh mì vào bao nylon bọc kín rồi để vào ngăn đông lạnh của tủ lạnh. Giữ bằng cách này có thể để bánh mì lâu cả tháng.

    *

    Muốn Khế Bớt Chua

    Xắt khế thành lát ngâm vào nước muối, sau đó vớt ra, cho vào chậu nước có pha một ít bột nở. Cuối cùng, rửa khế lại nhiều lần với nước.

    *

    Giữ Cho Dưa Chuột Được Tươi Lâu

    Lấy một cái tô đựng nước rồi cắm phần cuống trái dưa xuống nước ngập độ 1/3 trái dưa. Mỗi ngày nhớ thay nước một lần.

    *

    Giữ Cam, Chanh, Bưởi Ðược Lâu

    Với các loại quả này, phải chọn quả còn cả cuống, bôi vôi lên đầu cuống và để vào chỗ thoáng mát.

    *

    Khử Mùi Hôi Của Soong, Chảo

    Soong, chảo nấu thức ăn, khi rửa sạch, vẫn thường để lại một mùi hôi. Chỉ cần dùng chanh, bã trà, bã café để chùi rửa mùi hôi sẽ hết.

    *

    Khử Mùi Hôi Của Tỏi, Hành Trong Miệng

    Ăn cơm xong, trong miệng nếu còn mùi hôi của tỏi hành rất khó chịu. Hãy nhai một ít bã trà, mùi hôi sẽ hết.

    *

    Muối Dính Dầu Hôi

    Ðem muối bỏ vào chảo để rang, dầu hôi sẽ bay hơi hết.

    *

    Ðánh Trứng Mau Nổi

    Khi đánh trứng, muốn cho mau nổi, chỉ cần cho vào một chút muối.

    *

    Chiên Bánh Phồng Tôm Cho Giòn

    Muốn chiên bánh phồng tôm cho giòn, phải để dầu thật sôi, và đợi khi gần ăn hãy chiên. Nếu chiên quá sớm phải cho vào bao nylon cột kỹ lại.

    *

    Tỏi Dùng Như Thế Nào

    Tỏi là một gia vị rất tốt, có thể làm vị thuốc cho một vài loại bệnh thông thường. Muốn sử dụng tỏi đúng cách thì nên giã nhuyễn tỏi để ăn chứ đừng nên xắt lát.

    *

    Lấy Bánh Bông Lan Sao Cho Dễ

    Muốn lấy bánh bông lan ở khuôn ra một cách dễ dàng và không làm bể bánh, bạn hãy để khuôn bánh vào nước lạnh, rồi đậy lên trên bánh một cái khăn ẩm. Khoảng 10 phút sau có thể lấy bánh ra nguyên vẹn một cách dễ dàng.

    *

    Ðể Dành Chanh Ðã Dùng

    Những trái chanh đã dùng một nửa hay một phần, muốn để dành mà không sợ bị ê hay bị khô, hãy úp mặt chanh đã bị cắt xuống một cái dĩa để sẵn một ít giấm chua, chanh sẽ lâu hư.

    *

    Ðể Dành Thịt, Jambon, Paté

    Nếu không có tủ lạnh mà muốn để dành thịt, hãy lấy một cái khăn sạch nhúng vào giấm chua cho ướt khăn, gói thật chặt miếng thịt. Ðể gói thịt vào nơi thoáng mát, miếng thịt đ để được 24 giờ.

    Nếu xúc xích mua về mà không ăn hết, muốn để dành qua ngày hôm sau, muốn cho chỗ cắt không bị khô và xám lại thì hãy áp vào đó một miếng chanh, xúc xích sẽ luôn luôn mềm mại và có màu hồng đẹp.

    *

    Giữ Cho Mứt Khỏi Mốc

    Mứt ăn dở có thể giữ được lâu hàng tuần lễ mà không bị mốc hay hư nếu phủ lên trên mặt mứt một lớp đường cát dày, mỗi khi dùng xong, nhớ phủ đường lại.

    *

    Làm Tan Dầu Ăn Bị Ðông Lại

    Nhiều khi vì thời tiết ảnh hưởng mà dầu bị đông đặc lại. Khi đó đừng nên hơ dầu trên lửa cho dầu tan ra ngay mà hãy ngâm dầu vào trong nước ấm cho dầu tan ra từ từ.

    *

    Chiên Cá Không Bị Vỡ

    Trước khi chiên, chỉ cần lấy vải lau sạch con cá cho thật khô nước.

    *

    Lựa Ðậu Hũ

    Ðậu hũ rất bổ khi còn tươi, nhưng nếu bị hư, bị chua thì ăn vào vào có hại. Muốn biết đậu hũ mới và không chua, chỉ cần xem màu đậu có trắng và mịn là được.

    *

    Giữ Cho Món Trứng Ðẹp Màu

    Có nhiều món trứng trước khi chiên hoặc hấp thường phải đánh cho nổi. Nếu đánh kỹ như vậy, không nên dùng đồ đựng bằng nhôm vì khi nấu chín, trứng sẽ có màu xám.

    Muốn trứng giữ được nguyên màu, phải dùng đồ sành hay đồ thủy tinh để đựng khi đánh.

    *

    Xàu Nấu Bông Cải Cho Ngon Và Ðẹp Mắt

    Muốn cho bông cải xào được ngon, khi xào nấu chớ đừng bao giờ đậy kín nắp soong. Làm như thế bông cải sẽ được màu sắc lúc ban đầu.

    *

    Làm Cho Trà Thêm Thơm

    Ðể trà thêm phầm thơm ngon, hãy lấy một miếng vỏ cam bỏ vào hộp trà và đậy thật kín.

    *

    Giữ Cho Trà Không Bay Hơi

    Muốn giữ hương vị đậm đà của trà không bị bay hơi, hãy để trà trong một hộp thiếc đậy kín. Ðừng để trà trong hộp thủy tinh, trà rất mau bay hơi.

    *

    Pha Trà Ngon

    Muốn pha một ấm trà thơm cho thật ngon, trước hết phải nấu nước thật sôi, tráng nước sôi cho bình được nóng đều. Cho trà vào bình, chế nước sôi vào và đổ bỏ ngay nước này đi. Sau đó rót nước sôi vào từ từ cho đến khi đầy.

    *

    Pha Café Thơm Ngon

    Muốn pha café cho thật thơm ngon, nước phải nấu thật sôi và để trong bếp lửa (không dùng nước trong bình thủy).

    Tráng filtre và ly cho nóng rồi mới cho café vào filtre. Chế nước sôi từ từ đến khi gần đầy filtre, có thể ngâm ly đang pha café vào trong một ly nước nóng khác; không nên chế hai lần nước vào một filtre café đang pha.

    *

    Giữ Hơi Nước Có Gaz Trong Chai

    Nước suối hoặc những thứ nước có hơi gaz khi dùng dang dở thường bị bay hơi. Muốn để dành những chai nước này, hãy dùng nút chai thật chặt và dựng ngược lên, dù ở tủ thường hay tủ lạnh cũng vậy, như thế ta có thể giữ được hơi trong cả tuần lễ.

    *

    Mở Nút Chai Quá Chặt

    Chai rượu để lâu ít dùng đến, nút bị dính chặt không mở ra được. Ðừng cạy hư nút chai mà hãy dùng lửa hơ trên cổ chai cho nóng. Hơi nóng sẽ làm cổ chai nở ra, nút chai sẽ được vặn ra một cách dễ dàng.

    *

    Súc Bình Nước Quá Dơ

    Muốn súc sạch một bình nước dơ hay bị mờ đục vì để lâu ngày, hãy xé vụn giấy báo nhét vào thật đầy chai và đậy kín nút chai. Ngâm như vậy trong hai, ba ngày rồi lấy hết giấy ra, súc lại bằng nước lạnh.

    *

    Giữ Gìn Khoai Tây, Bánh Mì, Bột Mì

    - Khoai tây: Cho khoai vào một cái thúng, để thúng khoai vào một cái kệ (tránh tiếp xúc với mặt đất). Cất khoai tây trong chỗ thoáng mát thì có thể để từ 1 đến 2 tháng.

    - Bánh mì: Muốn giữ được bánh mì mềm lâu ngày, người ta dùng giấy dầu và bao nylon gói thật chặt, bên trong có để một cục đường rồi để vào chỗ thoáng mát.

    - Bột mì: Muốn bột không bị mốc, ta trộn vào bột mì một ít muối theo tỉ lệ 5 gr muối cho một kg bột. Với lượng muối ít như vậy so với lượng bột nên nó sẽ không làm cho bột mặn.

    NHỮNG MẸO VẶT CẦN THIẾT TRONG CÔNG VIỆC HÀNG NGÀY

    *

    Chùi Cửa

    Những cánh cửa mới sơn đẹp mà đã bị bẩn bởi những vết tay dơ vịn vào. Muốn làm cho sạch những vết bẩn đó mau chóng, hãy lấy khoai tây cắt đôi và xoa đều lên những cánh cửa, nhớ để nguyên củ khoai, đừng lột vỏ và xoa bằng mặt mới cắt. Nếu mặt khoai tây đã chà bị đen thì cắt bỏ một lớp mỏng cho hết chỗ đen ấy. Cứ tiếp tục chùi cho đến khi nào miếng khoai tây dùng vẫn trắng sạch thì cánh cửa cũng sạch.

    *

    Khử Mùi Hôi Của Keo Lọ

    Cho một nhúm xát café vào keo, đậy chặt nút lại, một ngày sau đem súc lại cho sạch bằng nước lạnh.

    *

    Rửa Bình Trà

    Bình đựng nước trà rất khó rửa vì chất trà thường bám chặt vào miệng bình. Khi đó chỉ cần cho vào một nhúm muối, xóc kỹ trong bình và chà miệng bình bằng muối, bình trà sẽ sạch.

    *

    Chữa Tủ, Hộp Bị Mốc, Ẩm Hôi

    Cho vào tủ một chén đựng vài cục than củi rồi đóng cửa lại, than sẽ hút hết các mùi hôi và hơi ẩm.

    Trường hợp hộp làm bằng kim loại có mùi hôi, có thể đốt vài que diêm trong hộp để làm mất mùi hôi đó.

    *

    Gỡ Ðinh Bị Sét Lâu Ngày

    Ðinh vít đã đóng hay vặn vào gỗ lâu ngày bị sét thì khó gỡ ra được. Muốn gỡ đinh ra một cách dễ dàng, hãy lấy một cây sắt nung đỏ rồi đem áp vào đầu đinh vít một lát cho nóng, bạn sẽ nhổ ra được ngay.

    *

    Chữa Ngăn Kéo Khó Mở

    Các ngăn tủ, ngăn bàn, nếu bị rít, khó mở, hãy dùng phấn viết bảng hoặc xà bông thoa lên hai bên cạnh, các ngăn kéo sẽ trơn tru dễ mở.

    *

    Trừ Kiến

    Cách trừ kiến tốt nhất là pha 30gr chất Hyposulfite de soude trong 1 lít nước rồi đổ nước này vào trong ổ kiến trong vài ngày, mỗi ngày một lần. Nếu không có chất này thì có thể thay thế bằng dầu hôi hoặc xăng cũng được.

    *

    Cắt Cổ Chai Thủy Tinh

    Muốn cắt một cái cổ chai làm bằng thủy tinh thật đều mà không bị nứt hoặc mẻ, hãy đổ nước vào trong chai đến mức ta muốn cắt rồi đổ một lớp dầu lên trên. Nung một cây sắt thật đỏ. Nhúng cây sắt vào trong lớp dầu, chai sẽ bị cắt ngay chỗ muốn cắt.

    *

    Nút Chai Cứng Không Ðậy Ðược

    Nếu nút chai cứng và to hơn miệng chai không đậy được, hãy ngâm nút chai vào nước ấm, nút chai sẽ mềm và đậy được dễ dàng.

    *

    Sách Bị Gián Cắn

    Nếu sách vở bị gián cắn, hãy lấy dầu thông bôi một lớp ở phía trong tủ. Mùi dầu thông hắc lên sẽ làm cho gián sợ không dám cắn sách vở.

    *

    Ngăn Ngừa Mối Cắn Ðồ Vật

    Các đồ dùng, quần áo sách vở để ở những nơi ẩm thấp lâu ngày không dùng tới thường bị loài mối ăn hại. Ðể tránh tai nạn này, hãy đến tiệm thuốc mua một ít nụ đinh hương. Cắm những nụ đinh hương đó vào trong một trái cam tươi, để nguyên trái cam tươi đó vào những nơi có mối đang ăn hại đồ vật. Chính mùi nụ đinh hương tiết ra làm tiệt đường sinh sản của giống mối. Nến nhớ dùng cho đến khi bị khô héo thì lại tiếp tục làm như vậy.

    *

    Khi Bị Ong Và Muỗi Chích

    Nên rửa ngay vết ong hoặc muỗi chích bằng nước muối thật mặn (càng mặn càng đỡ đau), sau đó dùng bông gòn thấm nước nóng có pha muối hoặc giấm chua đắp lên chỗ bị chích.

    Bị muỗi chích, muốn hết ngứa và nổi đỏ, dùng bông gòn thấm nước Javel đắp lên chỗ bị chích.

    *

    Cách Gỡ Dằm Gai

    Khi bị dằm gai đâm vào dưới móng tay, muốn lấy dằm gai đó ra, hãy dùng xà bông đem đắp chung quanh ngón tay và băng bó lại trong vài giờ rồi gỡ băng ra, dằm gai sẽ bị xà bông lấy đi và không còn đau đớn gì nữa.

    *

    Cánh Cửa Phòng Bị Kêu

    Khi cánh cửa phòng bị kêu cót két, hãy thoa vào chỗ bản lề một chút bột viết chì trộn với vài giọt dầu đậu phộng, cửa sẽ rất êm không kêu nữa.

    *

    Công Dụng Của Nước Trà Tàu

    Khi thái ớt bị dính vào tay, mùi ớt sẽ làm cho tay có mùi nồng nồng khó chịu, đôi khi ớt cay làm cho da nóng bỏng.

    Nếu đã dùng nước rửa hoặc Alcool lau mà mùi ớt vẫn còn, hãy nhúng tay vào nước trà tàu pha đậm là mùi ớt trên tay ta sẽ hết.

    *

    Tự Nhiên Bị Mất Tiếng

    Lấy trần bì sắc lấy nước ngậm rồi nuốt dần là khỏi.

    *

    Chữa Khan Tiếng

    Khi bị khan tiếng, nếu không muốn uống thuốc, có thể làm bằng cách sau:

    Hơ một con dao sạch làm bằng sắt thường lên lửa đỏ, sau đó vắt một trái chanh chảy qua con dao đang nóng đỏ hứng nước đó vào một cái ly, rồi dùng nước này ngậm từ từ . Giọng nói sẽ trong lai, bớt khan.

    *

    Tay Bị Kẹt Bầm Tím

    Nếu lỡ tay bị kẹt bầm tím, phải mau mau lấy bông gòn nhúng vào nước nóng có pha thật nhiều giấm và đắp lên chỗ bị kẹt một lát. Làm như vậy để máu tụ ở chỗ tay bị thương sẽ tan đi và không còn bị đau đớn nữa.

    *

    Tháo Nhẫn Quá Chật Ra Khỏi Ngón Tay

    Thông thường thì dùng xà bông hay vaseline thoa vào ngón tay để tháo một chiếc nhẫn quá chật. Nhưng làm theo cách này nhiều khi cũng không tháo được chiếc nhẫn ra vì ngón tay đã bị sưng.

    Trước hết phải làm cho ngón tay hết sưng (hoặc bớt sưng) bằng cách quấn xung quanh chỗ sưng bằng một miếng vải nhỏ cho đến hết ngón tay. Kế đó giơ ngón tay lên cao để dồn máu đi rồi thử bằng xà bông hoặc vaseline.

    Làm như vậy mà vẫn chưa tháo được nhẫn thì hãy làm lại một lần nữa.

    *

    Giữ Gìn Những Trang Sách Quí

    Những quyển sách bìa đóng bằng da lâu ngày hay bị trứng sâu bọ làm dơ bẩn. Muốn chùi sạch, hãy dùng bông gòn thấm giấm mà chùi sẽ hết.

    *

    Mắt Bị Vướng Bụi Hoặc Vật Lạ

    Trong mắt bị một vật nhỏ rơi vào, nếu vật ấy không bám một chỗ trong mắt, lúc ở chỗ này, lúc dời chỗ khác, hãy vạch mi mắt, dùng một miếng vải thật sạch, xếp lại thành một đầu nhọn và khều vật ấy dính theo đó lấy ra.

    Hoặc có thể dùng nước chín để nguội trong một cái chén rồi ngâm mắt vào đó, chớp mắt nhiều lần, vật lạ sẽ trôi ra theo nước.

    Nhưng nếu vật lạ cứ ở nguyên một chỗ trong tròng con mắt thì phải thận trọng vì có thể vật ấy sắc bén và đã ghim chặt vào màng mắt. Trường hợp này không được động đậy chà xát vào mắt, vì như thế sẽ nguy hiểm hơn và tăng thêm đau đớn. Việc cần làm là đặt ngay một miếng gạc sạch lên che mắt và đi ngay đến bác sĩ.

    *

    Ðạp Nhầm Ðinh Sét

    Nếu không may có một vết thương bị tạo ra do đingh sét rỉ, phải rửa vết thương thật kỹ bằng nước chín và Alcool cho nước thấm sâu vào vết thương. Sau đó đến ngay bác sĩ để chích ngừa.

    *

    Rửa Vết Mủ Trái Cây Trên Tay

    Khi tay bị dính mủ trái cây hay mủ rau tươi, không nên rửa bằng xà bông mà hãy áp dụng phương pháp sau đây:

    Lấu muối hột, nặn chanh tươi vào rồi xát đều khắp tay. Vết mủ dù dính nhiều cũng sẽ hết ngay.

    *

    Nếu Nuốt Phải Vật Lạ


    Nếu trẻ con nuốt nhằm hột mận, viên bi hay nút áo... chớ nên lo sợ vì những thứ này thường đi thẳng qua ống tiêu hoá. Khi đó cứ cho ăn cơm bình thường để giúp vật lạ đi thẳng xuống bao tử và tìm vật đó trong phân. Nhưng nếu là vật dài và nhọn thì phải đi bác sĩ ngay, đừng nên cố gắng tìm cách tự lấy ra.

    *

    Phòng Ngừa Mối Nơi Tủ Gỗ

    Sau khi lau chùi tủ sạch sẽ trong ngoài, lấy cọ quét một lớp mỏng nhựa thông. Ðợi khô sẽ xếp đồ vào như cũ. Các đồ vật bằng gỗ khác cũng có thể quét nhựa thông nhưng phải nhớ tránh xa lửa vì nhựa thông rất dễ bén lửa.

    *

    Cách Ðóng Ðinh Cho Dễ Dàng

    Muốn giữ cho các đồ vật bằng gỗ quí không bị nứt khi đóng đinh thì trước khi đóng, tốt nhất là dùng một mũi khoan nhỏ hơn đinh, khoan trước một cái lỗ rồi hãy đóng thì gỗ không bị nứt nẻ.

    Muốn cho đinh khi đóng không bị cong quẹo nên nhúng đầu đinh vào một chút nhớt. Nếu là vách tường thì nên dùng tắc kê, vì đinh không dính chặt vào tường được.

    Muốn bắt đinh vít vào gỗ, phải luôn luôn nhớ khoan trước một lỗ bằng mũi khoan nhỏ hơn đinh vít. Khi bắt đinh vít, nên nhúng trước vào nhớt.

    *

    Làm Hết Hơi Mốc Trong Phòng

    Một căn phòng đóng cửa lâu ngày, khi mở ra sẽ có mùi mốc rất khó chịu. Muốn làm hết mùi hôi mốc này, chỉ cần nhỏ vài giọt cánh kiến trắng (Benjoin) lên một miếng sắt nung đỏ trên lửa. Mùi thơm của cánh kiến toả ra sẽ làm hết mùi mốc trong phòng.

    *

    Cầm Máu Khi Bị Chảy Máu Cam

    Trẻ con thường hay bị chảy máu cam, còn người lớn thì thỉnh thoảng xảy ra chảy máu ở mũi trong lúc người không có thương tích gì là do huyết áp cao.

    Nếu máu cứ chảy mãi thì cầm máu bằng cách để người bệnh ngồi hơi ngửa về sau và cho thở bằng miệng. Nới rộng cổ áo hay bất cứ vật gì chung quanh, đắp vải lạnh, ướt lên mũi và trán.

    Thường thường thì máu chỉ chảy một bên nên có thể ấm mạnh lỗ mũi đang chảy máu từ bốn đến năm phút để máu có dịp đông lại. Ðiều cần nhớ là không được hỉ mũi trong vài giờ. Ngoài ra còn một cách khác là dùng một miếng băng đã sát trùng nhét nhẹ vào lỗ mũi đang chảy máu, chừa một đầu ra ngoài để dễ lấy ra. Ðể người bệnh nằm yên, đầu cao hơn người.

    Trường hợp làm như thế mà không cầm máu được hay bị chảy máu cam thì phải đến bác sĩ.

    *

    Rửa Ly Cho Bóng, Sáng

    Các chiếc ly hay những đồ vật bằng thủy tinh dùng lâu ngày thường hay bám dơ làm cho bị ố vàng. Muốn cho chúng bóng, sáng lại, hãy rửa bằng nước nóng và xà bông rồi xả lại bằng nước có pha giấm.

    *

    Cẩn Thận Khi Sử Dụng Ðiện

    Trước khi bắt dây hay sửa điện trong nhà, việc đầu tiên làm là cúp điện bằng cách kéo cầu dao xuống.

    Không bao giờ cầm bằng tay ướt vào những vật đang chạy bằng điện. Lúc nhấn chuông hay mở tắt đèn cũng phải tránh điều này.

    Nếu dùng bếp điện thì nên đứng trên một miếng gỗ vì khi làm bếp, tay thường bị ướt.

    Khi cầu chì nổ, tức là chì bị chảy ra vì nó không đủ sức để chịu độ nóng của dòng điện tải qua nó, thường thì việc này xảy ra khi ta dùng quá nhiều vật bằng điện cùng một lúc. Khi thay cầu chì lại, ta không nên dùng chì có đường kính to hơn vì như vậy ta sẽ không kiểm soát được sức chịu đựng của đường dây. Và có thể sẽ không xảy ra nổ cầu chì cũ mà sẽ gây ra nổ cháy ở chỗ khác nguy hiểm hơn.

    *

    Giữ Tủ Lạnh Lâu Hư

    Muốn giữ cho tủ lạnh lâu hư, hãy sử dụng thật cẩn thận theo những chỉ dẫn sau:

    - Chỉ để vào tủ lạnh những thức ăn đã nguội hẳn. Ðừng bao giờ để vào tủ lạnh những thức ăn còn nóng hay ấm vì hơi nóng sẽ làm tủ lạnh chóng hư.

    - Không nên mở tủ lạnh thường vì mở thường, hơi lạnh sẽ thoát ra ngoài.

    - Nếu tay dính mỡ, đừng bao giờ sờ vào mép cao su của tủ lạnh vì chất mỡ sẽ làm cho sao su cứng lại, không còn mềm mại. Do đó, mép cao su không ăn khớp với tủ lạnh, sẽ có nhiều khe hở khiến tủ lạnh thoát khí ra ngoài luôn.

    - Ðừng bao giờ cho tủ lạnh ngừng chạy, dù tủ lạnh không có gì, cũng nên để tủ lạnh chạy luôn.

    - Khi vắng nhà một thời gian dài, phải tắt điện tủ lạnh. Phải lấy tất cả thức ăn, thức uống tront tủ lạnh ra, nhất là các thức ăn tươi như rau cải, trái cây, cá thịt. Sau đó, phải rửa tủ lạnh thật kỹ và lau thật khô. Ðiều cần thiết là phải mở tủ lạnh ra thật rộng trong suốt thời gian mà tủ lạnh ngừng chạy.

    - Phải rửa tủ lạnh ít nhất mỗi tháng một lần. Sau khi rửa nhớ lau tủ lạnh thật khô.

    *

    Làm Mất Mùi Hôi Trong Tủ Lạnh

    Tủ lạnh để thịt cá, rau cải nên có mùi hôi khó chịu. Muốn mất mùi hôi này có thể áp dụng một trong hai cách sau đây:

    - Sau khi rửa tủ lạnh, nên lau lại bằng nước có pha thuốc tím.

    - Ðể một soong đựng sữa vào tủ lạnh. Với cách này thì chắc chắn mùi hôi sẽ không còn tí nào nữa.

    *

    Lấy Khuôn Nước Ðá Ra Dễ Dàng

    - Trước khi để khuôn nước đá vào tủ lạnh, nên thoa vào một lớp dầu ăn dưới đáy khuôn.

    - Trước khi để vào tủ lạnh, chà nến (đèn cầy) thật kỹ và thật đều dưới đáy khuôn.

    - Ngâm cả khuôn đá có đá vào nước lạnh, đá sẽ bong ra và lấy rất dễ dàng.

    SỰ ÐA DỤNG CỦA VÀI LOẠI THỰC PHẨM

    * KHOAI TÂY:

    *

    Chữa Vết Bỏng

    Khi bị phỏng, hãy cắt một khoanh khoai tây đắp lên đấy, để yên một lúc lâu. Ðiều nên nhớ là trước khi đắp, không được rửa vết phỏng.

    *

    Chữa Phù Mặt

    Do bị bệnh gan, mặt bị phù lên, gây đau đớn khó chịu. Trong khi chờ đi bác sĩ, có thể chữa tạm thời bằng cách lấy khoai tây giã nhỏ, đựng trong miếng vải mùng, đắp lên mặt trong 30 phút, sẽ thấy dễ chịu.

    *

    Làm Mềm Những Ðôi Giày Cũ

    Giày để lâu không sử dụng sẽ bị khô cứng. Muốn làm cho da mềm lại, hãy xẻ củ khoai tây ra làm đôi, cầm nửa củ chà mạnh lên mặt da, nó sẽ mềm lại. Sau đó, đánh bóng bằng xi.

    *

    Chùi Sạch Tranh Sơn Mài

    Gọt vỏ khoai, cắt theo chiều dọc cho nó nhiều nhựa, thoa nhẹ lên bức tranh, sau đó lấy miếng giẻ mềm thấm nước, lau nhẹ lại rồi để khô, bức tranh sẽ sáng và bóng.

    *

    Chùi Ðồ Vật Bằng Kim Loại

    Các đồ dùng bằng kim loại để lâu ngày bị cũ, bị sét, muốn đánh bóng lại như mới, hãy lấy nửa củ khoai tây chà mạnh lên món đồ, sau đó dùng giẻ mềm đánh bóng lại.

    *

    Chùi Mặt Kính

    Kính tủ hay kính soi bị hơi nước ẩm ướt làm cho ố mờ, cũng lấy khoai tây chà lên rồi lau sạch lại, mặt kính sẽ sáng đẹp.

    *

    Làm Cho Mỡ Không bị Cháy Ðen

    Mỡ chiên bánh, chiên chả... thường bị cháy đen. Ðể tránh điều đó, hãy cắt nhỏ một nhúm khoai tây để vào chảo mỡ.

    * TRÁI CHANH:

    *

    Chùi Nylon Bị Mốc


    Khi vật dụng làm bằng nylon bị mốc, hãy cắt trái chanh ra làm đôi rồi chà xát lên chỗ mốc. Ðến khi hết mốc, lấy giẻ khô lau sạch lại.

    *

    Chữa Bàn Ủi Quá Nóng Bị Vàng


    Bàn ủi dùng lâu, quá nóng nên bị vàng, muốn chùi cho trắng lại, hãy cắm điện cho bàn ủi nóng rồi rút chốt điện ra, dùng nửa trái chanh chà lên chỗ vàng, sau đó chùi lại bằng giẻ sạch.

    *

    Chùi Ðồ Vật Bằng Thép

    Những đồ vật bằng thép bị ố dơ, bị sét có thể được chùi bóng lại bằng cách lấy giẻ nhúng nước cốt chanh chà xát, sau đó chùi khô lại.

    *

    Khi Nón Lá Ðã Cũ

    Nón lá xài lâu ngày đã cũ trông xấu đi, muốn làm cho đẹp lại, hãy pha một nửa nước cốt chanh với nửa nước lạnh rồi dùng miếng bọt cao su thấm nước này mà chùi. Sau đó, rắc một lớp thật mỏng phấn lưu hoàng lên mặt đó, chờ khô, dùng bàn chải chải qua một lượt.

    *

    Chữa Quần Áo Bị Dính Sét

    Lấy một lát chanh tươi gói trong một miếng vải, đặt chỗ bị lấm dơ lên đó rồi lấy bàn ủi nóng ủi lên.

    Hoặc có thể trải vải bị dính sét thẳng ra, vắt nước cốt chanh lên chỗ bẩn, rồi rắc một lớp muối mỏng lên trên, để yên trong 24 giờ rồi giặt sạch bằng xà bông.

    *

    Làm Sạch Chất Nhớt Của Xà Bông

    Khi tay bị nhớt do xà bông, hãy rửa tay bằng nước có pha giấm hay nước cốt chanh. Chất nhớt của xà bông sẽ bị khử, tay hết nhớt ngay.

    * MUỐI:

    *

    Thử Trứng

    Pha một chậu nước muối loãng, thả trứng vào, trứng còn tươi sẽ chìm. Trứng cũ, trứng hư sẽ nổi.

    *

    Muối Trứng

    Muốn để dành trứng ăn lâu dài, đơn giản nhất là pha một hũ nước muối thật đậm, thả trứng vào. Ðể khoảng 20 ngày trứng sẽ mặn ăn được. Nên nhớ là phải đè trứng cho ngập hoàn toàn dưới nước muối.

    *

    Tẩy Vết Dơ Ở Soong Chảo

    Soong chảo bị khét, có những vết dơ khó chùi rửa cho sạch. Muốn chùi rửa sạch các vết dơ đó, hãy rắc muối lên chỗ dơ, để một giờ sau, hãy cạo rửa, vết dơ sẽ tróc rất dễ dàng.

    *

    Ðể Ðèn Dầu Cháy Ðược Lâu

    Khi đốt đèn dầu, tim đèn thường bị lụn, đèn không sáng. Ðể khắc phục trường hợp này, hãy rắc vài hạt muối vào chao đèn.

    *

    Làm Mất Mùi Hôi Của Các Loại Thịt Cá

    Khi làm ruột gà, ruột vịt, ruột heo, bao tử heo... hay các loại cá có nhiều nhớt, phải dùng muối mà chà xát thì mới khử được mùi tanh hôi sẵn có.

    *

    Dùng Muối Ðể Luộc Trứng

    Khi luộc các quả trứng bị giập, trứng ung, trứng thúi... ruột trứng thường bung ra khỏi vỏ. Ðể tránh tình trạng đó, hãy cho vào soong nước luộc một ít muối.

    *

    Chụm Bếp Mau Cháy

    Ðể mồi lửa xuống dưới, chất than lên trên, rồi rắc lên than một nhúm muối ăn. Muối sẽ hút chất nước trong than và toả nhiệt, làm cho than bắt cháy dễ dàng.

    *

    Dùng Muối Ðể Sát Trùng

    Khi có vết thương hoặc ghẻ lỡ, ghẻ ngứa, pha nước muối để tắm rửa sẽ có tác dụng sát trụng rất hay.

    *

    Trị Vết Sưng

    Khi bị đánh, bị té, bị sưng, bị trặc, bị bầm ngoài da thịt... hãy lấy muối trộn với dầu hoả bóp vào chỗ đau, sẽ bớt.

    *

    Diệt Cỏ Dại

    Lựa một ngày oi bức, rắc muối lên lớp cỏ dại muốn diệt. Cỏ sẽ chết, rất lâu sau mới mọc trở lại được.

    *

    Lau Kiếng

    Kiếng soi hay cửa kiếng bị hoen ố, hãy lấy miếng giẻ bọc một nhúm muối, nhúng nước cho hơi ướt rồi chà mạnh lên kiếng. Sau đó, dùng khăn sạch lau khô lại, kiếng sẽ sáng loáng.


    Theo netfirms






Working...
X